Ngày 06-08-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lương thực trên đường vĩnh cửu
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
00:27 06/08/2021
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM B
LƯƠNG THỰC TRÊN ĐƯỜNG VỀ VĨNH CỬU

Akháp (875 – 853 tcn), một trong những vị vua bất tài, nhu nhược, kém lòng yêu mến Chúa cai trị Israel. Ông đã để vợ mình, hoàng hậu Ideven, một kẻ ngoại giáo lấn lướt. Bà đưa thần ngoại là thần Baan vào trong vương quốc để tôn thờ và phổ biến trong dân.

Tiên tri Êlia không chịu nổi cảnh nơi nơi đang xa dần đức tin vào Thiên Chúa Giavê. Chỉ một mình ngài nổi dậy chống lại 450 tiên tri Baan của Ideven. Dù chỉ một mình, tiên tri đã chiến thắng.

Từ sau cuộc chiến thắng, tiên tri Êlia trở thành tâm điểm của sự thù ghét mà Ideven nhắm đến. Để bảo toàn mạng sống, tiên tri phải chạy trốn người đàn bà hiểm ác kia.

Trên đường chạy trốn đến núi Khoreph, tiên tri đuối sức, mệt lã, đói và khát. Tiên tri nằm xuống giữa sa mạc chờ đợi cái chết tấn công trong nỗi khốn cùng của cảnh cháy khô da người. Chính lúc ấy, dẫu là người can đảm, tiên tri Êlia đã phải thốt lên: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (1V 19, 4).

Nhưng Chúa nhìn thấy tiên tri. Chúa nhận ra tất cả những hoàn cảnh mà tiên tri cam chịu. Chúa cứu ông. Ông nhận từ tay thiên thần của Chúa chiếc bánh lùi và bình nước uống. Bánh và nước từ trời ban mà vị tiên tri lãnh nhận đã tiếp sức cho ông, giúp ông đi hết chặng đường dài đến bốn mươi ngày đêm.

Bánh từ trời nuôi sống con người, đó là biểu lộ của tình trời cao đối với người trần thế: Thiên Chúa đã yêu thương, mãi mãi vẫn một lòng yêu thương như thế.

Các Giáo phụ nhìn 40 ngày hành trình của tiên tri Êlia như gợi lại hành trình 40 năm của dân Israel trong hoang địa tiến về đất hứa và 40 ngày chay tịnh của ông Môisê (Xh 34, 28). Những con số 40 của Cựu ước như tiên trưng việc Chúa Giêsu ăn chay 40 đêm ngày trước khi thi hành sứ vụ công khai trong Tân ước.

Nếu ngày xưa dân Chúa lữ hành tiến về đất hứa và cuộc lữ hành của tiên tri Êlia đều được nuôi dưỡng bởi của ăn đến từ trời cao, để tất cả cùng đi về đích bình an, thì trên đường lữ hành trần gian của Kitô hữu hôm nay có phần giông giống những gì thuộc về ngày xưa ấy. Chỉ khác là hôm nay, Kitô hữu hy vọng trời cao, hướng về đất hứa, không phải là “đất chảy sữa và mật”, nhưng là vùng đất vĩnh cửu.

Vì lữ hành tiến về vĩnh cửu, người Kitô hữu cũng có Của Ăn, không phải là manna và nước chảy từ đá, hay chiếc bánh lùi và bình nước của thiên thần, nhưng là lương thực vĩnh cửu, thần lương quý giá vô cùng: chính là Thịt Máu Chúa Kitô.

Chính Chúa Kitô mạc khải Mình Máu của Ngài là của ăn vĩnh cửu cho ta: “Ta là bánh bởi trời xuống, ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống”.

Đường về vĩnh cửu phải có Của Ăn vĩnh cửu. Người trần thế tiến về vĩnh cửu phải có Đấng từ vĩnh cửu đến trần thế ban Thịt Máu mình làm Của Ăn vĩnh cửu. Thánh Thể Chúa Kitô trở nên Của Ăn quý giá, Nguồng Sống cao cả và trường tồn của chúng ta.

Trường sinh bất tử là ước mơ của con người qua muôn thế hệ. Nơi Thánh Thể Chúa, trường sinh bất tử không là chuyện viễn vông, nhưng là thực tại đang triển nở từ hôm nay, trong cuộc đời này qua từng ngày sống của người tín hữu.

Bởi mỗi thánh lễ là một bàn tiệc không phải chờ đến ngày tạ thế mới nuôi dưỡng sự sống linh hồn. Nhưng Thánh Thể là chính nguồn sống mai sau, nguồn sống đời đời được bắt đầu từ hôm nay, trong mọi linh hồn con người, nếu con người biết để đức tin, đức cậy, đức mến thôi thúc mình khao khát rước lấy Thánh Thể, sống cùng Thánh Thể, và tập luyện từng ngày để trở nên Một với Đấng đã ban chính Thánh Thể Ngài cho mình.

Hãy rước lễ một cách kính cẩn sốt sắng. Thánh Thể là tặng phẩm của tình yêu Thiên Chúa ban cho con người trên hành trình tiến về vĩnh cửu với Ngài.

Hãy múc lấy nơi Thánh thể nguồn sức mạnh để vượt qua mọi thác ghềnh của cuộc đời, nhất là vượt qua tội lỗi và mọi cám dỗ của thế gian để tiến về cùng Chúa, nên một với Chúa ngay từ hôm nay. Bởi phải có Chúa hôm nay trong đời tạm này nơi tâm hồn ta, ta mới có Chúa là gia nghiệp của mình trong đời vĩnh cửu bên kia cái chết.
 
Ngày 7/8: Tình trạng đức tin của chúng ta – Suy niệm của Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
01:11 06/08/2021

PHÚC ÂM: Mt 17, 14-19 (Hl 14-20)

“Nếu các con có lòng tin, thì chẳng có gì các con không làm được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, có một người đến gần, quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu mà nói rằng: “Lạy Ngài, xin thương xót con trai tôi vì nó mắc chứng kinh phong và rất trầm trọng: nó thường ngã vào lửa và lắm lúc nó ngã xuống nước. Tôi đã đem nó đến cùng môn đệ Ngài, nhưng các ông không thể chữa nó được”. Chúa Giêsu đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng tin và hư hỏng! Ta phải ở với các ngươi đến bao giờ? Ta còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Hãy đem nó lại đây cho Ta”. Chúa Giêsu quát mắng quỷ và quỷ liền ra khỏi đứa bé. Và nó được lành ngay trong lúc ấy. Bấy giờ các môn đệ đến hỏi riêng Chúa Giêsu rằng: “Tại sao chúng con không thể trừ quỷ ấy được?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Vì các con yếu lòng tin! Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: ‘Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia’, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được”.

Đó là lời Chúa.
 
Một con người, hơn là một địa điểm
Lm. Minh Anh
02:33 06/08/2021
MỘT CON NGƯỜI, HƠN LÀ MỘT ĐỊA ĐIỂM
“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm!”.

Lord Halifax, cựu ngoại trưởng Anh, từng chia sẻ một đoạn đường sắt với hai phụ nữ đỏng đảnh. Khi sắp đến đích, đoàn tàu đi qua một đường hầm. Trong bóng tối hoàn toàn, Halifax hôn lên mu bàn tay của mình mấy lần đến ồn ào. Đoàn tàu vào ga, ông đứng dậy, nâng mũ và lịch sự nói, “Tôi có thể cảm ơn bất kỳ ai trong hai người mà tôi mang ơn vì sự cố duyên dáng trong đường hầm!”. Sau đó ông vội vàng rút lui, để lại hai phụ nữ đang trừng mắt nhìn nhau!

Kính thưa Anh Chị em,

Halifax đánh lừa hai phụ nữ một cách không thương xót; nhưng trên núi Taborê, Chúa Giêsu không đánh lừa các môn đệ, Ngài thương xót họ thật, khi Ngài hiển dung sáng láng!

Sẽ rất bất ngờ khi nói rằng, việc Chúa Giêsu Biến Hình trên núi Taborê Giáo Hội mừng kính hôm nay, không phải là một phép lạ! Nhưng đã là một phép lạ thực sự ‘kéo dài thường xuyên’ khi Chúa Giêsu ‘duy trì’ một sự xuất hiện trong dáng vẻ bình thường trên những nẻo đường Palestina trong suốt cuộc đời dương thế của Ngài! Qua đó, Ngài cho chúng ta thoáng thấy thiên đàng, chính Ngài là thiên đàng, ‘một con người, hơn là một địa điểm’.

Thật là kỳ diệu, khuôn mặt của Chúa Giêsu không bừng sáng như mặt trời khi Ngài rảo bước trên những ngọn đồi và thung lũng của Đất Thánh. Sự bình thường của Ngài, sự ‘kín kẽ’ bền vững, ‘che khuất’ thường xuyên đối với sự rạng rỡ thiêng liêng của Ngài là một phép lạ của sự khiêm nhường; phép lạ của sự thành tâm hạ mình với ơn gọi nhập thể, giảng dạy, chịu đau khổ và chết đi cho nhân loại của Ngài. Và Ngài sẽ lên trời, kéo nhân loại lên với Ngài; vì Ngài là thiên đàng.

Kitô hữu chúng ta tin vào sự sống lại của thân xác và sự sống đời đời trong thân thể biến hình đó của Chúa Giêsu. Cuộc biến hình của Ngài cho thấy sự huy hoàng của sự thật Ngài đã sống lại. Đó là một cái nhìn về cuộc sống trên trời, nơi chúng ta thấy Ngài sẽ không lột tấm da nhân loại của Ngài; nhưng Ngài sẽ đưa nhân loại lên thiên đàng và làm vinh hiển nó như chính thân xác của Ngài. Ngài cho các tông đồ thấy một sự thật, bằng cách cho họ thấy tay và chân, thân và mặt cùng với tóc của Ngài; đó là một thân xác thật. Ngài cho thấy một mục tiêu để nhắm tới; cho thấy đích đến của chúng ta là Ngài. Chúng ta khao khát thiên đàng vì xác hồn Chúa Giêsu đang ở đó; nếu Ngài không có ở đó, thì thiên đàng sẽ không phải là thiên đàng. Ngài không phải là một nơi chốn, nhưng Ngài là đích đến; điểm đến của chúng ta là ‘một con người, hơn là một địa điểm’.

Bài đọc Đaniel hôm nay cho chúng ta thoáng thấy thiên đàng; ở đó, toà cao cả của Thiên Chúa uy nghi huy hoàng. Vị Bô Lão là hình ảnh Chúa Cha, Đấng ban cho Chúa Con mọi quyền năng, vinh dự và vương quốc, “Tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay ngợi khen Chúa Cả Thiên Đàng, “Chúa là Vua Hiển Trị, là Đấng cao cả trên khắp địa cầu!”.

Trong bài đọc thứ hai, thánh Phêrô xác tín những gì ngài đã chứng kiến trên núi Taborê ngày ấy; Đức Giêsu Kitô mà Phêrô và các tông đồ rao giảng không phải là chuyện hoang đường, nhưng là một Thiên Chúa làm người hiển vinh sáng láng thật, “Chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Ngài”. Và Phêrô quả quyết đã nghe tiếng Chúa Cha trên núi ấy, “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Ngài”; Phêrô nói, “Chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn cả lời nói tiên tri!”.

Anh Chị em,

“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm!”. Sự kiện Chúa Biến Hình mang đến cho chúng ta một thông điệp hy vọng; nó mời gọi chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu, ở với Chúa Giêsu, hướng về Ngài ngay hôm nay qua những anh chị em mà chúng ta phục vụ. Việc các tông đồ lên núi Taborê dẫn chúng ta suy ngẫm về tầm quan trọng của việc đừng gắn bó với những gì quá trần tục, để thực hiện một cuộc hành trình hướng về thiên đàng và chiêm ngưỡng Chúa Giêsu đời đời, và thiên đàng chính là Ngài, ‘một con người, hơn là một địa điểm’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để con quá quyến luyến thế sự, xin cho con biết yêu mến thiên đàng ngay hôm nay; và thiên đàng không ở đâu xa, nó ở ngay trong con, bên cạnh con, thiên đàng của con là chính Chúa”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ai bánh hằng sống đây !
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:43 06/08/2021
Ai bánh hằng sống đây !

Trong đời, ai cũng muốn sống khỏe, sống lâu, sống mãi. Muốn sống vậy, người ta để ý đến ăn: không chỉ là ăn no, ăn ngon, mà là ăn có lợi cho sức khỏe. Như để đáp lại điều đó, Phúc Âm các Chúa Nhật dịp này vang lên như tiếng rao lặp đi lặp lại: Ai bánh hằng sống đây!

1. Đói khát bánh. Bài đọc 1 kể chuyện trong hành trình sứ mạng của mình, ngôn sứ Êlia đói khát buồn chán đến độ muốn xin được chết. Cũng thế, trong dịch Covid-19, nhiều người đói khát buồn chán. Hành trình theo Chúa của người môn đệ cũng không tránh khỏi những lúc chán nản xuống tinh thần.

2. Cho nhau bánh. May thay, sứ thần của Chúa đã đem bánh và nước đến mời Êlia ăn. Nhờ đó ngôn sứ có đủ sức đi suốt 40 ngày đêm tới núi của Thiên Chúa. Lúc này, Chúa cũng muốn mỗi người là những “sứ thần” đem lương thực bổ dưỡng, nâng đỡ tiếp sức cho nhau tiến bước hành trình.

3. Trở thành bánh. Bài đọc 2 thánh Phaolô mời gọi chúng ta trở thành bánh thơm hương yêu thương qua việc sống tình bác ái như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta đến độ tự nộp mình làm hy lễ ngào ngạt hương thơm dâng lên Thiên Chúa. Cụ thể, bánh ấy không có mùi cháy khét của chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay những hành vi gian ác. Trái lại, bánh ấy thơm hương yêu thương của đối xử tốt đẹp và tha thứ cho nhau.

4. Bánh hằng sống. Để có thể thỏa mãn những đói khát sâu xa nhất của con người, để có thể quảng đại cho nhau bánh ăn, để có thể dấn thân hy sinh trở thành bánh, thì chúng ta rất cần một thần lương là bánh hằng sống từ trời nuôi dưỡng, là chính Chúa Giêsu.

Trong lịch sử, nhiều khi con người giết nhau vì tranh giành bánh, còn Chúa Giêsu lại tự hiến mình thành bánh nuôi nhân loại sống muôn đời. Chúa mời gọi chúng ta ăn bánh hằng sống để có thể sống yêu thương trao ban như Ngài. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tập trung tại Tòa Giám Mục chửi bới và làm các trò dâm đảng. Tuyên bố của Tòa Giám Mục Kinshasa
Đặng Tự Do
03:57 06/08/2021


Chiều Chúa Nhật 1 tháng Tám, Tòa Tổng Giám Mục Kinshasa đã đưa ra tuyên bố sau gởi các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân.

“Chúng tôi vô cùng đau buồn báo cáo với anh chị em rằng, sáng nay Chúa Nhật ngày 1 tháng 8 năm 2021, một nhóm người, chưa được xác định danh tính, đã tập trung tại Tòa Giám Mục Tổng giáo phận Kinshasa và tại tư dinh của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Fridolin Ambongo Besungu. Họ hát những bài hát và hò reo các khẩu hiệu xúc phạm và thực hiện những hành vi dâm đãng, hạ cấp và công xúc tu sỉ”.

Thông cáo báo chí có chữ ký của Cha Georges Njila, Thư ký kiêm Chưởng ấn Tòa Giám Mục. Ngài cho biết “vô cùng đau buồn trước những hành vi này. Chúng tôi đo lường và đánh giá, ở tất cả các cấp độ, những hành vi mà chúng tôi hết sức phản đối cũng như hậu quả của chúng”.

Cha Chưởng ấn mời gọi tất cả các tín hữu Công Giáo hãy hết sức cảnh giác “ngăn chặn bất kỳ hành vi phá hoại nào, bảo vệ tài sản Giáo Hội và cẩn thận không để mình bị khiêu khích dính líu vào các hành vi bạo lực.”

Ngoài ra, tổng giáo phận cảm ơn các nhân viên Cảnh sát Quốc gia vì sự nhanh chóng của họ trong việc giải tán những kẻ tấn công này.
Source:Radio KAPI
 
Các giáo phận ở thủ đô Manila phải hủy bỏ các thánh lễ có giáo dân tham dự trong bối cảnh coronavirus lan rộng
Đặng Tự Do
03:57 06/08/2021


Tất cả các giáo phận ở thủ đô Manila đã phải đình chỉ các thánh lễ công cộng trong nhiều tuần và miễn trừ cho người Công Giáo các nghĩa vụ tham dự thánh lễ Chúa Nhật.

Từ tổng giáo phận Manila đến các giáo phận Cubao, Novaliches, Pasig, Parañaque, và Kalookan các giám mục đang khuyến khích các tín hữu ở nhà theo dõi thánh lễ trực tuyến.

Lệnh đình chỉ các thánh lễ có hiệu lực từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 20 tháng 8.

Chính phủ Phi Luật Tân hôm thứ Sáu đã đặt khu vực thủ đô vào diện kiểm dịch cộng đồng tăng cường từ ngày 6 đến ngày 20 tháng 8; việc di chuyển bị hạn chế rất nhiều và chỉ giới hạn trong việc mua các hàng hóa và dịch vụ cơ bản. Chỉ những cơ sở và ngành thiết yếu mới được phép hoạt động.

Tử vong tại Phi Luật Tân, tính đến thứ Ba 3 tháng 8, đã lên đến 28,141 người, trong số 1,612,541 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ của ngày thứ Hai 2 tháng 8, có 8,067 trường hợp nhiễm bệnh mới, và 77 trường hợp tử vong.
Source:CBCP News
 
Tập Cận Bình, mối âu lo của nhân loại
Đặng Tự Do
03:58 06/08/2021


Việc Trung Quốc xây dựng một mạng lưới hầm chứa mới để phóng đầu đạn hạt nhân, được Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ tiết lộ trong tuần này, cho thấy sự gia tốc của cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử do chế độ của Chủ tịch Tập Cận Bình phát động và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải đưa Bắc Kinh vào các cơ chế quốc tế liên quan đến việc ngăn chặn và giải trừ quân bị, trong đó cho đến nay chỉ có Hoa Kỳ và Nga là những nước được coi là cường quốc hạt nhân lớn có khả năng hủy diệt thế giới.

Nó không phải là dữ liệu đáng lo ngại duy nhất. Một cuộc điều tra khác của Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân của James Martin đã tiết lộ việc xây dựng 119 hầm chứa khác trên một vùng sa mạc của Trung Quốc. Theo ước tính hiện tại số lượng các các đầu đạn nguyên tử của Trung Quốc là từ 200 đến 350; vẫn thấp hơn nhiều so với khoảng 4,000 đầu đạn nguyên tử được lưu trữ ở Hoa Kỳ và Nga. Tuy nhiên, rõ ràng là Bắc Kinh đang đầu tư các tài nguyên đáng kể để kho vũ khí hạt nhân của nước này có một bước nhảy vọt đáng kể về phẩm và về lượng, với khát vọng không thể phủ nhận là có một tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Trung Quốc đã là một cường quốc toàn cầu trong nhiều lĩnh vực, và ngày càng trở nên một nhân tố quyết định tương lai thế giới; và giờ đây Tập Cận Bình đã quyết định đặt kho vũ khí hạt nhân của mình ngang hàng với hai cường quốc nguyên tử khác. Ngoài thực tế là việc phổ biến vũ khí hạt nhân không bao giờ có thể mang lại kết quả tích cực, thì hành động kích động mạnh mẽ của tác nhân thứ ba trong kịch bản đáng lo âu này này khiến cộng đồng quốc tế cần phải cấu hình lại hệ thống các hiệp ước nhằm kiểm soát và bảo đảm an ninh thế giới cho đến nay đã ngăn chặn sự hủy diệt hành tinh chúng ta.

Cần phải làm cho Trung Quốc thấy rằng việc chấp nhận và tham gia vào các cơ chế này là điều cần thiết bởi vì điều chắc chắn duy nhất mà chúng ta có về một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu là tất cả chúng ta sẽ là những kẻ thua cuộc.
Source:El Pais
 
Đức Hồng Y Nicaragua nói Giáo hội không thể bị bọn cầm quyền bắt nạt
Đặng Tự Do
03:58 06/08/2021


Vị Hồng Y duy nhất của Nicaragua nói rằng hàng giáo phẩm của Giáo Hội Công Giáo đã sẵn sàng đối mặt với cuộc đàn áp mà bọn cầm quyền có thể thực hiện nhằm chống lại các ngài, và rằng các ngài sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ dân chủ, mà không sợ hậu quả.

Khoảng 25 thủ lĩnh phe đối lập, bao gồm một số ứng cử viên tổng thống cho cuộc bầu cử quốc gia ngày 7 tháng 11, đã bị Tổng thống Daniel Ortega và phu nhân Phó Tổng thống Rosario Murillo bỏ tù trong tháng qua, buộc một số quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, bày tỏ quan ngại về tình trạng dân chủ của đất nước.

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng giám mục Managua, thủ đô Nicaragua, cho biết hôm thứ Bảy rằng các linh mục và toàn thể Giáo Hội Công Giáo đã sẵn sàng đối mặt với “sự trả đũa” từ bọn cầm quyền.

Ngài nói: “Cứ việc trả đũa, và chúng tôi sẽ đối phó như những năm 1980”, tức là trong nhiệm kỳ đầu tiên của Ortega, “khi xảy ra những tình huống rất khó khăn”. Ngài nhấn mạnh rằng: “Giáo hội không do con người lãnh đạo. Chúng tôi chỉ là những công cụ, Giáo hội được hoạt động và được củng cố bởi Chúa Thánh Thần. Chúng tôi tiếp tục hoàn thành sứ mệnh mà Chúa đã giao phó”.

Vị Hồng Y cũng nói rằng, bất chấp những cáo buộc của bọn cầm quyền độc tài, Giáo Hội Công Giáo không có ý định trở thành một thể chế chính trị ở Nicaragua. Ortega và Murillo đã nhiều lần cáo buộc hàng giáo phẩm địa phương đứng sau một loạt các cuộc biểu tình lớn bắt đầu từ tháng 4 năm 2018. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh, hàng nghìn người bị bỏ tù và vẫn còn bị giam giữ, và đang chờ ngày xét xử. Hàng chục ngàn người đã chạy trốn khỏi đất nước, bao gồm cả phụ tá của Đức Hồng Y Brenes, là Đức Cha Silvio Jose Baez.

“Chúng tôi không bao giờ muốn đảm nhận một vai trò chính trị tại bất cứ thời điểm nào, công việc của chúng tôi là rao giảng Tin Mừng, công việc của chúng tôi là công việc của tình yêu từ Chúa Kitô, Đấng đến để cho chúng ta có thể sống và sống dồi dào”, Đức Hồng Y Brenes nói với các phóng viên. “Giáo hội không có khả năng thù ghét, cả trong cử chỉ cũng như bằng lời nói; chúng ta cầu nguyện cho những người có thể chỉ trích chúng ta và quấy rối chúng ta, và điều này mang lại cho chúng ta sự bình an”.

Những lời của vị Hồng Y được đưa ra sau khi ngài cử hành thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Managua để đánh dấu một năm vụ tấn công đốt phá cây thánh giá bằng gỗ của nhà thờ. Bọn cầm quyền, thông qua một báo cáo của cảnh sát, tuyên bố rằng đó là một vụ tai nạn. Tuy nhiên, các nhân chứng có mặt tại chỗ đã làm chứng rằng một kẻ tấn công đã vào nhà thờ vào ngày 30 tháng 7 năm 2020, hét lên các khẩu hiệu ủng hộ bọn cầm quyền trước khi ném bom xăng vào bức ảnh.

“Chúng tôi tiếp tục khẳng định rằng đây là một cuộc tấn công,” Đức Hồng Y Brenes nói.
Source:Crux
 
Ngỡ ngàng trước bài hát Imagine của Lennon tại lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo 2020
Vũ Văn An
05:50 06/08/2021

Theo Đức Ông Charles Pope, tại lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo, có một cảnh tượng đáng buồn khi dàn hợp xướng của trẻ em hát bài hát của John Lennon, “Imagine” [Hãy tưởng tượng]. Trong khi một số người nghĩ bài hát này "hay" thì những từ ngữ đầy chất duy vô thần / duy hoàn cầu cực đoan là một cuộc tấn công trực tiếp vào những điều trọng tâm đối với sự hiện hữu của bất cứ nền văn minh nào. Lennon tưởng tượng, với sự tán thành, một thế giới không có Thiên Chúa, tôn giáo hay đất nước. Quả thực, không có lòng mộ đạo, không có lòng trung thành, và không có gì đáng chết cho. Ông cũng bác bỏ ý tưởng về thiên đường, địa ngục, và hơn thế nữa ngụ ý rằng tôn giáo, đức tin và Thiên Chúa là nguồn gốc của bạo lực, tham lam và mất đoàn kết.



Như các bạn sẽ thấy dưới đây, có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy chính John Lennon sau này đã tách mình ra khỏi nhiều quan niệm được ca tụng trong lời của bài hát.

Người ta tự hỏi liệu các trẻ em Tokyo có biết thế giới mà các em hát về thực sự trống rỗng, tăm tối, không thực tế và không đúng chỗ như thế nào không. Người ta cũng tự hỏi, liệu những người tổ chức lễ khai mạc có hiểu được sự trớ trêu của việc ca hát về một thế giới không có quốc gia, trong khi các vận động viên diễu hành dưới những lá cờ từ các quốc gia khác nhau chuẩn bị thi đấu.

Dưới đây là một số lời bài hát của Lennon:

Hãy tưởng tượng không có thiên đường Imagine there’s no heaven
Thật dễ dàng nếu bạn thử It’s easy if you try
Không có địa ngục bên dưới chúng ta No hell below us
Trên chúng ta chỉ có bầu trời Above us only sky
Hãy tưởng tượng mọi người sống cho ngày hôm nay Imagine all the people living for today
Hãy tưởng tượng không có quốc gia Imagine there’s no countries
Không khó để tưởng tượng It isn’t hard to do
Không có gì để giết hoặc chết cho Nothing to kill or die for
Và cũng không có tôn giáo And no religion too
Hãy tưởng tượng mọi người sống một cuộc sống hòa bình Imagine all the people living life in peace
Bạn, bạn có thể nói You, you may say
Tôi là một người mơ mộng, nhưng tôi không phải là người duy nhất I’m a dreamer, but I’m not the only one
Tôi hy vọng một ngày nào đó bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi I hope some day you’ll join us
Và thế giới sẽ là một And the world will be as one
Hãy tưởng tượng không có tài sản….v.v. Imagine no possessions ….etc
 
.

Thế đó, một thế giới không có đức tin, tôn giáo, Giáo hội, Đất nước, lòng mộ đạo, lòng yêu nước và nền kinh tế thị trường tự do. Bài hát đã ngầm tán thành chủ nghĩa cộng sản vô thần, hay ít nhất là chủ nghĩa xã hội trong giấc mơ “không có của cải”. "Hãy tưởng tượng" có lẽ là bài hát thế tục và cấp tiến nhất từng được viết, đầy những khinh miệt, phá vỡ cơ cấu, cách mạng và duy giản lược, một Magna Carta [đại hiến chương] cho chủ nghĩa nhân bản thế tục và chủ nghĩa cộng sản.

Tuy nhiên, xem ra John Lennon đã bác bỏ phần lớn bài hát này, hoặc, đúng hơn, không bao giờ có ý đó ngay từ lúc đầu. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1980 được thực hiện ngay trước khi ông qua đời, có lẽ là cuộc phỏng vấn cuối cùng của ông, ông nói một số điều đáng chú ý cho thấy một John Lennon rất khác so với những gì bài hát miêu tả. Cuộc phỏng vấn (được trích dẫn dưới đây trong một nguồn thứ cấp) dường như bị lãng quên phần lớn vì vụ sát hại Lennon đã thay đổi hoàn toàn trình thuật và đóng băng hình ảnh của ông như “người cấp tiến cực đoan của thập niên 60”. Có vẻ như ông rất xa với điều đó khi qua đời. Xin đơn trích một phần nhỏ của bài viết ở đây, bạn có thể đọc toàn bộ tại: https://www.theamericanconservative.com/articles/stop-imagining/

Dưới đây là các đoạn trích có liên hệ:

Trong bài hát dứt khoát của mình, “Imagine”…. [Lennon] nổi tiếng mơ về một thế giới “không có tài sản”. Lennon lúc trưởng thành minh nhiên bác bỏ các tâm tư ngây thơ như vậy:

Ông nói, "Tôi làm việc vì tiền và tôi muốn trở nên giàu có… Điều tôi quen thuộc là mặc cảm tội lỗi về tiền bạc. … Bởi vì tôi nghĩ tiền đồng nghĩa với tội lỗi. Tôi không biết. Tôi nghĩ rằng tôi đã vượt qua nó, bởi vì tôi hoặc phải tiến tới hoặc phải im miệng, ông biết đấy. Nếu tôi đi tu trong tay không có gì, thì đã đành. Còn không, nếu tôi cố gắng kiếm tiền, thì phải kiếm nó. Bản thân tiền bạc đâu phải là gốc rễ của mọi điều xấu xa".

Người nổi tiếng kêu gọi tưởng tượng ra một thế giới "Không có tôn giáo" cũng bác bỏ việc mình chống chủ nghĩa hữu thần.

Ông nói, “Người ta nghĩ tôi chống Chúa Kitô hoặc chống tôn giáo. Tôi không hề như vậy. Tôi là một người sùng đạo nhất. Tôi là người tôn giáo theo nghĩa thừa nhận có nhiều điều hơn là nhìn bằng mắt. Tôi chắc chắn không phải là người vô thần".

Thậm chí còn gây sốc hơn với ý tưởng về Lennon như một người cánh tả thế tục, hoặc một nhà tư tưởng sâu sắc, con người này đã bác bỏ thuyết biến hóa.

Ông nhấn mạnh “Nhân tiện, tôi cũng không nghĩ chúng ta phát xuất từ khỉ. Đây là một điều rác rưởi khác. Nó dựa trên cái quái gì vậy? Chúng ta không thể phát xuất từ bất cứ điều gì — có thể là cá, nhưng không phải là khỉ. Tôi không tin vào sự biến hóa của cá thành khỉ rồi thành người. Tại sao lúc này khỉ không thay đổi thành người? Đó là rác rưởi tuyệt đối".

Các cuộc phỏng vấn cuối cùng của ông cho thấy ông quan tâm đến gia đình trước nhất.

Ông nói với các người hâm mộ: “Tôi không ở đây vì các bạn. Tôi ở đây vì tôi, và [Yoko] và đứa bé". Ông kính trọng định chế hôn nhân, cho biết ông đánh giá cao xiết bao việc nhà nước chấp thuận sự kết hợp của ông với Ono. “Các nghi thức rất quan trọng, bất kể chúng ta nghĩ gì khi còn nhỏ. … Vì vậy, ngày nay hợp mốt là không nên kết hôn. Nhưng tôi không lưu ý đến việc hợp mốt".

Như thế, ở đây, nhà cách mạng, xem ra một là xét lại, hai là không bao giờ hoàn toàn chấp nhận chủ nghĩa cấp tiến triệt để của bài hát “Imagine”. Ở chỗ khác trong bài báo, ông được trích dẫn nói như sau:

“Việc hô to ‘Cách mạng’ và ‘Quyền hành cho nhân dân’ bao giờ cũng dễ dàng hơn là nhìn vào chính các bạn và cố gắng khám phá ra điều gì có thực chất, điều gì không ngay bên trong các bạn, khi các bạn tự lừa dối chính mình. Đó là điều khó khăn nhất. "

Đức Ông Pope cho rằng “tôi không đề cao John Lennon như bất cứ điều gì khác ngoài việc ông là một ca sĩ và nhà soạn nhạc, và là một người khá giỏi trong lãnh vực này. Cá nhân tôi không đồng ý khi chúng ta nâng cao các ngôi sao điện ảnh, và các nghệ sĩ giải trí lên địa vị của các chuyên gia văn hóa và chính trị. Nhưng vì sự kiện có nhiều người làm thế, nên điều đáng chú ý là một trong những thần tượng của phong trào nhân bản thế tục và cánh tả cấp tiến, đã làm một cuộc hành trình trở lại với các giá trị truyền thống, gia đình, đức tin và trách nhiệm giải trình cá nhân.

"Tôi không phê phán mọi điều Lennon nói trong bài báo, tôi chỉ ghi nhận hành trình mà ông đã thực hiện và hy vọng rằng Lennon không chết như một người vô thần cực đoan như một số người nghĩ ông như vậy. Tôi cũng cầu nguyện để nhiều người khác cũng sẽ và chịu thực hiện cuộc hành trình mà ông ấy dường như đã thực hiện”.
 
Một linh mục Dòng Tên đang trong tình trạng nghiêm trọng sau khi bị cướp bắn tại Tirúa, tỉnh Arauco, Chí Lợi
Đặng Tự Do
16:20 06/08/2021


Trong thông báo hôm Chúa Nhật 1 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Fernando Chomali Garib của tổng giáo phận Concepción cho biết một ngày trước đó một linh mục Dòng Tên đã bị thương trong một vụ cướp ở thành phố Tirúa, tỉnh Arauco, vùng Bío Bío.

Cha Daniel Fuenzalida, 48 tuổi, là nạn nhân của một vụ phục kích ở Tirúa, trên Đường P 72-S, trong khu vực Curaquidico.

Những người có vũ trang trùm đầu không rõ danh tính đã chận ngang con đường mà linh mục đang đi trên chiếc xe jeep của ngài.

Tuy nhiên, ngoài việc buộc ngài đưa chiếc xe jeep cho chúng, những kẻ cướp này đã bắn hàng loạt đạn vào cha Fuenzalida trước khi tẩu thoát trên chiếc xe của ngài.

Vị linh mục đã may mắn được người đi đường nhìn thấy và đưa đến bệnh viện Cañete, nơi ngài đang được điều trị những vết thương nghiêm trọng.

Theo quyết định của các bác sĩ trung tâm chăm sóc sức khỏe tỉnh Arauco, vị linh mục đã được chuyển đến Bệnh viện Khu vực Concepción, nơi có các thiết bị y tế thích hợp hơn.
Source:Biobio Chile
 
Đại đền thờ Thánh Gia cần thêm 374 triệu euro để hoàn thành
Đặng Tự Do
16:21 06/08/2021


Việc hoàn thiện mặt tiền của đền thờ Thánh Gia, tiếng Tây Ban Nha là Glòria de la Sagrada Familia sẽ tiêu tốn 149 triệu euro. Để nâng cao tháp Chúa Giêsu Kitô, lên mức cao nhất Tây Ban Nha sẽ tốn khoảng 44 triệu euro nữa. Việc xây dựng Tháp của các nhà truyền giáo sẽ tốn thêm 20 triệu euro. Tổng cộng, chi phí được Ban xây dựng tính toán để hoàn thành toàn bộ khu phức hợp đền thờ sẽ tốn khoảng 374 triệu euro. Đó là con số xuất hiện trong tài liệu mà Sagrada Familia đã gửi cho Hội đồng thành phố Barcelona hơn hai năm trước, và EL PAÍS hiện đã có quyền truy cập.

Tài liệu được ký bởi kiến trúc sư trưởng của Ban Xây dựng, Jordi Faulí, và được sự chấp thuận của bộ phận cấp phép xây dựng của thành phố vào ngày 6 tháng 6 năm 2019. Hoàn thiện mặt tiền đền thờ — với các nhà nguyện, tháp và các chặng đàng thánh giá mục cao nhất trong ngân sách.

Tổng số tiền 374 triệu đó là cơ sở để Hội đồng Thành phố tính số thuế Xây dựng và lệ phí cấp giấy phép xây dựng. Tỷ lệ thông thường là 3.35%, nhưng trong trường hợp của Sagrada Familia, với tư cách là cơ sở tôn giáo, mức chiết khấu 65% đã được áp dụng, vì vậy số tiền phải trả cho khoản thuế đó là 4.3 triệu euro. Lệ phí cấp phép xây dựng là 241.000 euro. Tổng cộng, Hội đồng quản trị đền thờ Thánh Gia đã trả 4,627,000 euro cho thành phố Barcelona.
Source:El Pais
 
Hội Đồng Giám Mục Puerto Rico phản đối việc áp đặt ý thức hệ giới tính trong chương trình phổ thông
Đặng Tự Do
16:22 06/08/2021


Trong một tuyên bố được ký bởi Đức Cha Rubén González Medina, giám mục giáo phận Ponce và là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Puerto Rico, các Giám Mục nước này đã chỉ ra rằng “một thành phần trong xã hội chúng ta đang quan tâm đến cách thức thúc đẩy trong các trường công lập của đất nước chúng ta bằng nhiều cách khác nhau cái gọi là chương trình giảng dạy về ý thức hệ giới tính”.

Trên hết, “cần ghi nhớ rằng đã có thông báo theo đó trong năm học tới, việc thực hiện sẽ thành hiện thực”

Theo Đức Cha Rubén, các giám mục lập luận rằng người Công Giáo “cần phải được hưởng tự do đầy đủ và các cơ sở vật chất mà Nhà nước cung cấp cho mọi công dân, vì việc là người Công Giáo không thể là cớ để chúng ta bị phân biệt đối xử, và bị coi là công dân hạng hai.”

“Vì lý do này, chúng ta có quyền và có khả năng yêu cầu các cơ quan hợp pháp của Quốc gia bảo đảm cho chúng ta quyền được sống và hành động phù hợp với niềm tin và lương tâm của chúng ta.”

Vì vậy, “các giáo dân Công Giáo, có quyền chính đáng đòi quyền lợi cho con trai và con gái của họ, được giáo dục mà không phải chịu những ý thức hệ tấn công trực tiếp vào niềm tin và sự nhạy cảm của trẻ thơ trong các trường công lập”.
Source:Presnsa Celam
 
Các Giám mục Nhật Bản kêu gọi hòa bình nhân ngày kỷ niệm 76 năm trái bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống thành phố Hiroshima
Thanh Quảng sdb
20:52 06/08/2021
Các Giám mục Nhật Bản kêu gọi hòa bình nhân ngày kỷ niệm 76 năm trái bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống thành phố Hiroshima

Đức Tổng Giám Mục Joseph Mitsuaki Takami của TGP Nagasaki nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những nỗ lực chung hướng tới hòa bình, trong khi Nhật Bản kỷ niệm 76 năm vụ trái bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki.

(Tin Vatican)

Nước Nhật đánh dấu kỷ niệm 76 năm ngày trái bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới được thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào thứ Sáu 6/8/.

Năm nay vì nạn dịch Covid-19, nên dịp kỷ niệm này được cử hành đơn giản bằng mời mọi người dành ra một phút im lặng vào lúc 8:15 sáng, giờ địa phương – là thời điểm chính xác quả bom đầu tiên được thả xuống thành phố Hiroshima cách đây 76 năm.

Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử đầu tiên này xuống thành phố Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, phá hủy thành phố và giết chết khoảng 140.000 người. Ba ngày sau, Hoa kỳ lại thả quả bom thứ hai xuống thành phố Nagasaki, giết chết 70.000 người, khiến Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, kết thúc thế chiến thứ hai.

Giáo hội phục vụ hòa bình

Trước lễ kỷ niệm ngày thứ Sáu, ký giả Andrea di Angelis của đài Vatican đã phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Joseph Mitsuaki Takami của Nagasaki, về lễ kỷ niệm này và vai trò của Giáo hội trong việc cổ súy hòa bình.

Khi nhìn lại sự tàn phá kinh khủng do bom nguyên tử gây ra, Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng những tác động được truyền lại cho các thế hệ sau, cho thấy tầm quan trọng của việc cổ súy hòa bình là quan yếu hàng đầu.

ĐTGM nhắc nhớ lại chuyến tông du Nhật Bản của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 11 năm 2019, ĐTC đã công bố một thông điệp trọng tâm là hòa bình và bảo vệ quyền được sống cho mọi sinh vật - không chỉ đời sống vật chất mà còn cả tinh thần. Đức Tổng Giám Mục Takami giải thích rằng đây cũng là sứ mệnh mà Chúa Giêsu trao cho chúng ta.

Được truyền cảm hứng từ điều này, Giáo hội không chỉ tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình, mà còn thúc đẩy Hiệp ước giải giới vũ khí hạt nhân, ước mong Hiệp ước này được mọi quốc gia cam kết và chuẩn y hầu cho thế giới chúng ta sống không còn vũ khí hạt nhân nữa!

ĐTGM còn cho hay: “Chúng ta biết rằng một thế giới không có vũ khí hạt nhân sẽ không tự động có hòa bình,” vì việc bãi bỏ vũ khí hạt nhân là một trong những thách thức mà thế giới phải đối diện trên con đường hướng tới hòa bình!

“Chúng ta còn phải nỗ lực nhiều để đổi mới, tái tạo tinh thần con người bằng cách nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc thực hành tình yêu thương mà Chúa Giêsu Kitô đã dạy và nêu gương”.

Kêu gọi giải giới vũ khí hạt nhân

Trong buổi lễ kỷ niệm được tổ chức tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, ông Thị trưởng thành phố Hiroshima là Kazumi Matsui, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân một cách nghiêm túc cũng như giải quyết đại dịch mà thế giới nhìn nhận là mối đe dọa cho nhân loại.

Ông Matsui cho hay: “Vũ khí hạt nhân, được phát minh để chiến thắng cuộc chiến, nhưng nó là mối đe dọa hủy diệt nhân loại. “Không thể có một xã hội nào còn tồn tại nếu thứ vũ khí này được chế tạo để tàn sát mọi loài...”

Thủ tướng Nhật Bản Ông Yoshihide Suga cho biết chính phủ ông sẽ tiếp tục hỗ trợ những người già sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử này, đồng thời ông mời gọi tất cả các quốc gia hãy cùng nhau hợp tác để thúc đẩy việc hủy bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Trong một thông điệp video, ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định “đảm bảo duy nhất chống lại việc xử dụng vũ khí hạt nhân là việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân” và ông bày tỏ lỗi lo ngại trong việc đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Ông Guterres nêu ra "sự ủng hộ vô song" của những người sống sót sau khi trái bom - hibakusha - mà ông mô tả là "minh chứng cho sự kiên cường của tinh thần con người." Ông nói thêm rằng họ đã dành cả cuộc đời của mình để chia sẻ kinh nghiệm và vận động hầu bảo đảm rằng không còn ai khác phải chịu số phận như họ. Trên phương diện này, ông tái khẳng định cam kết của Liên hợp quốc trong việc hướng tới mục tiêu về một thế giới không còn vũ khí hạt nhân.

Thế giới đang đổ dồn vào Nhật Bản trong những ngày này, vì Nhật Bản, một quốc gia Đông Á đang tổ chức Thế vận hội Olympic lần thứ XXXII tại Tokyo, và sẽ được kết thúc vào Chủ nhật ngày 8 tháng 8 này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Rất đỗi mong manh_ Thánh Lễ Tạ Ơn
Lm. Minh Anh
06:03 06/08/2021
BÀI GIẢNG LỄ MỞ TAY CÁC TÂN LINH MỤC GIÁO XỨ HÀ ÚC, 06/8/2021
RẤT ĐỖI MONG MANH

Kính thưa Quý Cha cùng toàn thể Anh Chị em,

Chiều thứ Tư vừa qua, hai cha mới vừa được truyền chức buổi sáng vào chào tôi, thì cảm xúc của tôi lúc ấy thật đặc biệt. Có một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ, một điều đó đầy hứa hẹn, nhưng cũng là một điều gì đó lắm thách đố! Lúc ấy tôi đang đọc bài Tin Mừng này… bỗng, tôi thoáng thấy ở hai tân linh mục và cả nơi tôi hình ảnh của Phêrô, một người vừa được Chúa Giêsu nức lời khen ngợi, nhưng chỉ một chốc sau, lại bị Ngài khiển trách! Một ý tưởng chợt đến với tôi, rằng, “Ân sủng, hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho con người, vẫn là một điều gì đó ‘rất đỗi mong manh!’”. Đó cũng là điểm nhấn chúng ta sẽ dừng lại trong vài phút nhân ngày tạ ơn hồng ân linh mục của các tân chức.

Ân sủng, nếu không hoà quyện với thập giá và giữ gìn thì quả ‘rất đỗi mong manh’! Trải nghiệm của Phêrô cũng có thể là trải nghiệm của mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu khen Phêrô vì Phêrô trả lời đúng câu hỏi “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”, “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”.

Khi Phêrô tuyên xưng thì Chúa Giêsu nói tiếp, “Con là Đá, trên đá, này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Thật thú vị, trong tiếng Hy Lạp, “Petros” là một tảng đá có thể di chuyển; nhưng “petra” là một nền đá rắn chắc không thể di chuyển. Như vậy, ‘Con là Petros, trên petra này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy!’. Chúa Giêsu cho biết, Phêrô sẽ là tảng đá, đặt trên một bàn thạch vững chắc là Ngài; trên đó, Ngài sẽ xây Hội Thánh. Cũng thế, mỗi người chúng ta trong mọi đấng bậc là Petros đã trở thành petra để Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh; đặc biệt với các tân chức hôm nay, những petra với hồng ân linh mục trọng đại Chúa ban lại phải mang một sứ vụ lớn lao biết bao! Và sứ vụ càng lớn, thì việc trết dính với bàn thạch Giêsu lại càng phải keo sơn đến ngần nào!

Thiên Chúa gọi chúng ta trở thành những petra, những pastors, những mục tử chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Đoàn chiên đó có thể là một gia đình, một cộng đoàn, một giáo xứ hay cả một Đại Chủng Viện hay cả một giáo phận… Bài đọc Êzêkiel chúng ta vừa nghe, nói đến việc Thiên Chúa sẽ sai đến một mục tử chăn dắt dân Ngài; đó là Đavít, nhưng Đavít chỉ là hình ảnh của một mục tử khác để chính Thiên Chúa có thể đích thân chăm bẵm chiên Ngài. Ngài chăn dắt chiên Ngài trong Mục Tử Giêsu, Mục Tử Nhân Lành kiểu mẫu cho mọi mục tử. Ngài là mục tử đã thí mạng vì đoàn chiên không chỉ để chiên được ra vào đồng cỏ, suối mát trong lành như bài đáp ca Thánh Vịnh 22 chúng ta vừa hát đi hát lại; nhưng Ngài còn thí mạng vì chiên đến nỗi chết trên thập giá cho đoàn chiên được ơn cứu độ. Vì thế, là những mục tử của Chúa, nếu chúng ta không nên giống Chúa Giêsu, không bắt chước Ngài, không ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta thì ơn gọi mục tử của chúng ta quả ‘rất đỗi mong manh!’. Để rồi, một ngày nào đó chúng ta trở thành ‘những đứa chăn thuê’ lúc nào không hay. Phêrô tuyên xưng Chúa Kitô, nhưng thánh nhân không chấp nhận con đường Thập Giá mà Chúa Giêsu sẽ bước qua, nên đã bị Chúa Giêsu ‘rầy’. Vì thế, hãy dính trết với Chúa Giêsu, noi gương Ngài dù phải đau khổ và thí mạng cho đoàn chiên; được như thế đời mục tử của chúng ta sẽ hạnh phúc vô cùng!

Cuối thư Côrintô chúng ta vừa nghe, thánh Phaolô nói, “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa”. Ở đây, cụm từ “Tôi có là gì” phải được hiểu một cách đúng đắn. Phaolô không nói đến chuyện Ngài được lên loong lên lá, mang dây chéo, đưa tay chúc bình an, hay mang thêm chiếc nhẫn, cần thêm chiếc gậy… Không! Khi nói điều này, Phaolô đang nói đến những gì Ngài có thể chịu đựng vì danh Chúa Giêsu Kitô, “Họ là người Hipri ư? Tôi cũng vậy! Họ là người Israel ư? Tôi cũng vậy! Họ là dòng giống Abraham ư? Tôi cũng vậy! Họ là người phục vụ Đức Kitô ư? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do Thái đánh thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ nhiều điều khác nữa!”. Tại sao Phaolô lại có thể mạnh mẽ đến thế, thưa chỉ vì ngài biết, mình mỏng giòn ‘rất đỗi mong manh’ như những chiếc bình sành; vì thế, Phaolô đã dính trết vào Chúa Giêsu đến nỗi có thể nói, “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà Chúa Kitô sống trong tôi!”.

Cha Giuse Trần Đình Phước, cha Benedicto Phạm Văn Hoàng và cha Gioakim Phạm Chiến thương mến.

Hôm nay, cộng đoàn phụng vụ và anh chúc mừng các em, tạ ơn Thiên Chúa với các em vì Chúa đã thương ban cho các em thánh chức linh mục mà ngàn người có một; gọi là “thánh chức” vì nó là “Thánh”, phát xuất từ Đấng Chí Thánh, một Giêsu Thánh. Dẫu vậy, thánh chức đó vẫn ‘rất đỗi mong manh’ nếu chúng ta không dính trết với Đức Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm mỗi ngày. Như anh đã nói với các em, theo kinh nghiệm của anh, thiên chức các em vừa lãnh nhận thật mới mẻ, đầy hứa hẹn nhưng cũng lắm thách đố. Thế nhưng, các em đừng sợ! Hãy can đảm lên! Các em có lắm đồng minh, bao nhiêu người đang cầu nguyện và hỗ trợ các em; cả triều thần thánh trên trời, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse cầu nguyện cho các em; các linh hồn đã qua đời; các linh mục đàn anh, các thầy dạy của các em; ông bà cha mẹ anh chị em bà con trong giáo xứ của các em đây; và chưa hết, bao nhiêu tâm hồn thánh thiện vô danh trên thế giới từ các em bé cho đến các cụ già đang cầu nguyện cho các em. Chúng ta ở trong mầu nhiệm Hội Thánh thông công mà!

Các em coi, các em tĩnh tâm 6 ngày để chịu chức, ba mẹ các em phải ‘tĩnh tâm’ 30 ngày; 21 ngày khi vừa xuống máy bay, 7 ngày tại nhà là 28, cọng thêm 2 ngày ở Đại Chủng Viện; như vậy, là chẵn một tháng; nghĩa là gấp 5 lần các em; đó là chưa kể 2 ngày lên đênh trên máy bay, xuống phi trường này đến phi trường khác mà không biết có đi tiếp được không! Giáo xứ suốt cả tuần nay cầu nguyện cho các em, các ông bà, cha mẹ 12 giờ trưa, 3 giờ chiều đội nắng đến nhà thờ để cầu nguyện cho các em… Và rồi đây, các em sẽ có thêm nhiều ‘thiên thần không cánh’ khác mà Chúa gửi đến từ khắp thế giới; anh nói, từ ‘khắp nơi trên thế giới’ hỗ trợ các em, không chỉ lời cầu nguyện và tinh thần nhưng cả vật chất nữa. Tin anh đi! Đừng sợ, hãy dám tiêu hao đời mình như cha thánh Gioan Maria Vianney hôm qua Giáo Hội vừa mừng kính; ngài đến nhận xứ Ars, một xứ khỉ ho cò gáy đến nỗi chính ngài cũng không biết đường và tìm không ra nhà thờ, một giáo xứ lơ là nguội lạnh; thế nhưng, trong 40 năm, Vianney đã thắp lên hai đầu ngọn nến đời mình đến nỗi không còn gì để tiêu hao! Ngài nên giống Chúa Giêsu triệt để bằng việc yêu mến Thánh Thể, chuẩn bị Thánh Lễ cách chu đáo; ngài được mệnh danh là “Tù nhân của chiếc hộp giải tội”. Đó! Bao nhiêu gương lành gương sáng cho các em, vì thế các em đừng sợ. Hãy mạnh mẽ mang balô lên đường!

Muốn đến gần Chúa Giêsu, các em hãy níu áo Mẹ Maria, hãy là ‘những chiếc bóng đổ’ của Mẹ; vì lẽ, trên tay Mẹ luôn có Chúa Giêsu. Anh nhớ, ngày kia, tại La Vang, anh đi xưng tội với cha già Giuse Trần Văn Lộc; ngài hỏi anh, “Cha có lần hạt mỗi ngày không?”, anh thưa, “Dạ có!”; ngài hỏi tiếp, “Cha có dâng mình cho Đức Mẹ không?”, anh ú ớ, “Dạ cầu nguyện với Đức Mẹ thì có, nhưng dâng mình thì không!”; ngài bảo “Hãy dâng mình cho Đức Mẹ mỗi ngày!”. Và từ đó, anh vâng lời ngài, và làm theo; quả đúng như thế, nhờ sự gắn bó với Đức Mẹ, anh cảm thấy ơn gọi của mình bớt mong manh hơn. Và tạ ơn Chúa, anh rất hạnh phúc trong ơn gọi của mình.

Anh Chị em,

Chúng ta hiệp lòng với quý tân chức, hiệp với ba mẹ, gia đình, thân nhân, họ tộc và giáo xứ để cùng tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse cho các ngài; đặc biệt, trong Năm Thánh của thánh Giuse, quan thầy của Hội Thánh, Đấng che chở kẻ giữ mình đồng trinh.

Chúng ta phó thác những người con, những người học trò, người anh em của chúng ta cho lòng thương xót Chúa. Xin Ba Đấng phù trì để quý tân chức vững bước trên đường ơn gọi trong đấng bậc của mình, một ơn gọi quá cao quý nhưng cũng ‘rất đỗi mong manh’.

Xin Quý Ông Bà Anh Chị em tiếp tục cầu nguyện cho quý tân chức để mỗi ngày, họ biết dính trết với Chúa Giêsu và bám chặt Đức Mẹ hơn. Xin Chúa chúc lành và ban bình an cho cộng đoàn, cách riêng trong những ngày nguy biến này, xin Chúa thương nâng đỡ cách này, cách khác những anh chị em đang khốn khó trong những ngày dịch bệnh”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ý Niệm Con Số 0 Thời Covid
Francisco Hiếu
08:43 06/08/2021
Có thể nói, những ngày khốn cùng của cơn cuồng phong thời covid chưa qua, chúng ta nhận thấy mọi giá trị trần thế dường như trở về con số 0. Người ta chứng kiến trên đường phố “không” một bóng người, quán café “không” ai lui tới, nơi chợ búa “không” thể nhóm họp, ngôi thánh đường “không” cầu kinh nguyện ngắm và trên cuộc đời sự giàu nghèo hơn thua “không” cần phải lưu tâm. Tuy nhiên, trong muôn vàn cái “không” ấy có một cái “không” vừa mang giá trị nhân linh vừa mang giá trị thiên linh, đó là những: siêu thị 0 đồng, chợ 0 đồng, gian hàng rau củ quả 0 đồng, quán cơm 0 đồng, bánh mỳ 0 đồng, xăng 0 đồng và chuyến xe 0 đồng…

Xem Hình

Trong toán học, nhiều lúc người ta quên mất giá trị của con số 0 trong dãy số từ 0 đến 9. Nếu số 0 mà đứng một mình thì chẳng mang giá trị, nhưng khi nó liên kết với một số nào đó, giá trị của nó thật là khủng khiếp. Lịch sử toán học thời cổ mãi cho đến thế kỷ 15, con số 0 quyền lực như ngày nay lại gây nhiều tranh cải, bởi rằng người ta nghĩ giá trị của số 0 là chẳng có giá trị. Nhà toán học Hannah Fry đã lý giải nguồn gốc của con số 0 và ông nói rằng: “Con số đầy quyền lực này đã gây nhiều tranh cãi và cũng mang lại nhiều sự ngạc nhiên đầy bất ngờ hơn bất cứ con số nào mà tôi biết. Nó cho phép chúng ta dự đoán cả tương lai”.

Lật mở những trang Kinh Thánh, chúng ta bắt gặp những con số mang nhiều ý nghĩa thần học như: dân Do Thái lưu lạc 40 năm trong sa mạc trước khi vào đất hứa, Chúa Giêsu ăn chay 40 đêm ngày, rồi 12 chi tộc Itrael, nhóm 12 tông đồ...và rất nhiều con số khác. Tuy nhiên, tìm trong Kinh Thánh, chúng ta ít khi bắt gặp con số 0 và dường như nó không thể hiện hữu, vì nhiều lý do. Trong cuốn Hiểu Để Sống Đức Tin - tập 2 - cha Phan Tấn Thành, ngài giải nghĩa các con số trong Kinh Thánh, nhưng cũng không thấy một thông tin nào về con số 0 này.

Tuy nhiên, nếu đọc những chương đầu của sách Sáng Thế, chúng ta dễ dàng nhận thấy một kiểu nói mang ý nghĩa biểu tượng về con số 0. Câu đầu tiên của sách Sách Thế nói rằng: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 1). Như vậy, Thiên Chúa sáng tạo trời đất, đất còn trống rỗng và chưa có hình dáng, có thể hiểu như là Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật từ hư vô (ex nihilo). Câu chuyện bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ trong sách Macabê quyển thứ 2, chúng ta thấy niềm xác tín vào Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn vật từ hư vô qua lời khuyên bảo của người mẹ đối với bảy người con trước khi chịu chết dưới bàn tay tàn nhẫn của vua Antiôkhô: “Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó,

mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy”(2 Mcb 7, 28).

Thật vậy, ở đây chúng ta không có ý đặt mối tương quan giữa đức tin và lý trí trong ý niệm hư vô và con số 0 theo nghĩa triết học hay một số quan niệm của các tôn giáo như Ấn giáo, Phật giáo…mà chỉ muốn trưng dẫn theo lăng kính toán học áp dụng cho đời sống, và nhất là theo nhãn quan của Kinh Thánh, để nhấn mạnh rằng: Thiên Chúa dùng lời quyền năng trong tình yêu mà sáng tạo vũ trụ từ hư vô. Ngài sáng tạo, nghĩa là làm ra muôn loài muôn vật trong trời đất “từ không ra có” với tất cả tự do, quyền năng và tình yêu của Ngài.

Trở lại với những gian hàng 0 đồng thời Covid, đặt trong mối liên hệ với ý nghĩa sáng tạo, chúng ta thấy có ít nhất 2 chiều kích cần suy gẫm: tính nhân linh và tính thiên linh tiềm ẩn trong cái gọi là 0 đồng.

Dù khó khăn trong gặp gỡ và đối thoại giữa những ngày đại dịch này, nhiều hàng quán 0 đồng luôn âm thầm hoạt động, để trợ giúp anh chị em thiếu thốn. Ngoài vấn đề dân tộc “tương thân tương ái”, con người trong đại dịch đối xử với nhau đầy tính nhân văn. Mọi thứ trước kia đều phải mua bằng một giá trị tiền bạc nào đó, nhưng trong sự khốn cùng của đại dịch, người ta có thể nhận mà chẳng nghĩ đến giá trị của đồng tiền. Tiền trong đại dịch không thể làm thỏa lòng con người, người người san sẻ yêu thương đượm mãi ấm áp nghĩa tình. Dịch Covid đặt lại giá trị trần thế, xếp lại trật tự của đồng tiền và nâng tầm tính nhân linh trong xã hội hiện đại. Như thế có thể xác tín rằng, con số 0 đồng thời Covid cho chúng ta dự đoán một tương lai rất khác sau cơn đại dịch này.

Hàng trăm chuyến xe trao gởi yêu thương từ khắp đất nước hướng về Sài gòn trong những ngày đại dịch, mới thấy tình Chúa quan phòng. Sự sáng tạo đi liền với quan phòng trong yêu thương của Thiên Chúa giúp chúng ta lo lắng nhưng không sợ hãi, buồn phiền nhưng không mất niềm hy vọng. Hành trình hồi hương của anh chị em trong thời dịch Covid bằng những chiếc xe hai bánh vượt hàng ngàn cây số, cho chúng ta thấy vẫn còn đó bao điều kỳ diệu thuộc linh nơi những trạm tiếp sức dọc theo quốc lộ 1A. Sự toàn thiện của Thiên Chúa lan tỏa khắp chốn qua nghĩa cử yêu thương và chia sẻ của tình người trong cơn dịch bệnh. Thời Covid giúp chúng ta ý thức hơn những giá trị thiêng liêng, giá trị của thiên linh; thôi thúc chúng ta hành động cho những giá trị cao diệu hơn và đặt chúng ta trong suy tư về ý nghĩa của cuộc đời. Thời Covid đánh tan sự vội vàng hấp tấp của chúng ta cho những thói tham lam và hưởng thụ, để giúp chúng ta sống chậm lại trong mối tương quan liên ngã vị với anh chị em và với Thiên Chúa. Thời Covid giúp chúng ta hướng nhìn lên Chúa với những giá trị của thời gian, hầu nhận ra ơn hoán cải Chúa đang mời gọi. Thế đó, thời Covid mời gọi chúng ta “xuất phát lại” từ con số 0 của phận người, để Thiên Chúa làm một cuộc sáng tạo mới nơi chính cuộc đời chúng ta.

Ý niệm con số 0 thời Covid cũng chỉ là ý niệm yêu thương vô vị lợi, ý niệm của lòng nhân ái và ý niệm của tình người tình Chúa trong mọi khốn cùng của phận người. Tất cả ý niệm con số 0 thời Covid đong đầy mối giao liên qua những hành động tầm thường nhưng mang một giá trị phi thường.

Francisco Hieu
 
Hạt Gạo Nghĩa Tình
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP.
18:49 06/08/2021
Hạt Gạo Nghĩa Tình

Sài Gòn đã từng được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông; là thành phố Hoa Lệ. Tuy nhiên, trong những ngày này, hòn ngọc Viễn Đông không còn là nơi mọi người muốn về và thành phố Hoa Lệ không còn thấy “Hoa” mà chỉ có “Lệ” tuôn rơi.

Cảm thương và cảm thấu nỗi đau khổ khốn cùng của bà con nghèo tại Sài Gòn đang gặp họa và trong tinh thần: “Hãy khẩn cấp ra tay. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta đang vật lộn với thực tế đầy nông nổi” và vâng lệnh Thầy Giêsu: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không” (Mt 10,8b)” (x. Thư HĐGM VN kêu gọi giúp đỡ Sài Gòn).

Cha Fx. Đinh Trọng Tự, năm nay đã 86 tuổi, ngài là người con của mảnh đất Sài Thành thân yêu. Từng tu học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn và được chịu chức LM tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn 14/5/1968, do Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đặt tay.

Sau đó, cha Tự được chuyển về miền cực nam của tổ quốc truyền giáo.

Hiện giờ ngài đang nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng Gp. Cần Thơ.

Tuy đã trọng tuổi, nhưng trong tim ngài vẫn luôn hướng về nơi mảnh đất thân yêu ấy với nhiều kỷ niệm. Nay nơi ấy đang “đau nặng”, nên Ngài đã tìm mọi cách để giúp đỡ Sài Gòn.

Cùng đồng hành chung tay với Ngài có Cha Micae Nguyễn Khắc Minh, nghĩa tử của Cha Cố Phanxicô X.

Các ngài đã chuyển 10 tấn gạo đến Toà Giám Mục Sài Gòn để nhờ Toà Giám Mục chia sẻ những hạt gạo nghĩa tình Miền Tây cho người dân Sài Gòn trong lúc đại nạn này.

Quả thật, quý lắm - hạt gạo cho Sài Gòn lúc này;

Quý lắm thay - tấm lòng những người con của Sài Gòn ngày ấy dù đã bao năm xa cách;

Quý hơn nữa - một Linh Mục hưu dưỡng, nhưng vẫn nhớ và “ Thương Lắm Sài Gòn ơi ! “

Rất cảm động và trân quý cũng như biết ơn tấm lòng của Cha Cố Phanxicô X. và Cha Micae.

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP.
 
Văn Hóa
Đọc Thánh Tôma Aquinô: Các Thánh Thi
Vũ Văn An
18:36 06/08/2021

Các thánh thi của Thánh Tôma Aquinô



1. Verbum Supernum Prodiens

Bản kinh này, Nữ tu Clark trích dẫn bản dịch theo thể thơ của Jane Wynne Saul, R.S.C.J. Chúng tôi xin trích dẫn bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ trong cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Sáng và Kinh Chiều, xuất bản năm 2004, tr. 858:

Ngôi Lời Chúa cao sang vĩnh cửu
Nắm uy quyền bên hữu Phụ Thân,
Vào thời sau hết giáng trần,
Công trình cứu độ chu toàn ý Cha.

Trước ngày tên Giuđa phản trắc
Nộp cho phường gian ác đóng đinh,
Chúa dâng tróy cả thân mình,
Để làm lương thực trường sinh cho đời.

Mình Máu Thánh nuôi người tín hữu,
Cả hai hình bánh rượu Chúa ban,
Con người trọn vẹn đôi phần
Ngày đêm sẵn có của ăn xác hồn.

Ôi Tế Phẩm nguồn ơn cứu độ
Nguyện mai sau mở cửa thiên đàng,
Giờ đây giữa cảnh gian nan
Xin hằng trợ lực bảo toàn cứu nguy.

Muôn chúc tụng dâng về Thiên Chúa
Là Ba Ngôi muôn thuở quang vinh,
Cầu mong đạt tới thiên đình,
Chúng con hưởng phúc trường sinh muôn đời
(1)

2. Pange Lingua

Nữ tu Clark cũng trích dẫn bản dịch tiếng Anh kinh này theo thể thơ của Jane Wynne Saul, R.S.C.J. Chúng tôi cũng xin trích dẫn bản dịch tiếng Việt của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ trong sách đã dẫn tr. 860:

Nào ca hát để họp mừng mầu nhiệm
Vua muôn dân đã hiến trót thân mình
Dâng máu đào làm lễ tế hy sinh
Làm giá chuộc muôn người trên thế giới.

Người tự hiến cho ta nên chẳng ngại
Sinh làm con Đức Trinh Nữ vẹn toàn,
Trót cuộc đời gieo chân lý Phúc Âm
Và kết thúc bằng điềm thiêng kỳ diệu.

Đêm dự bữa tiệc ly cùng bạn hữu,
Khi đã dùng thực phẩm luật truyền xưa,
Người trao tay cho tất cả môn đồ
Mình Máu Thánh làm thần lương mỹ vị.

Câu tuyên phán của Ngôi Lời nhập thể
Đã làm cho bánh thật nên Mình Người,
Rượu nho thành bao giọt máu hồng tươi,
Mắt chẳng thấy nhưng lòng tin vững mạnh.

Ôi bí tích thật cao vời khôn sánh,
Ta bái thờ Chúa đang ngự nơi đây,
Nghi lễ xưa đâu sánh bí tích này,
Niềm tin thế cho giác quan cảm nghiệm.

Lòng hớn hở, cùng tán dương trìu mến
Cha uy quyền và Con Một từ nhân,
Cùng tôn vinh ca ngợi Chúa Thánh Thần
Xin chúc tụng Ba Ngôi ngàn muôn thuở
(2)

3. Adoro Te Devote

Nữ tu Clark cho phổ biến bản dịch tiếng Anh theo thể thơ kinh này của Gerard Manley Hopkins. Chúng tôi xin tạm dịch bản kinh này như sau:

Con xin sốt mến thờ lạy Chúa, lạy Thiên tính giấu ẩn,
Thiên tính thực sự hiện diện dưới các hình này.
Lòng con hoàn toàn qui phục Chúa,
Vì khi chiêm ngắm Chúa, mọi cố gắng đều không đủ.

Nhìn, chạm, nếm ở đây đều lầm lẫn,
Nhưng chỉ nhờ nghe là hoàn toàn đáng tin.
Con tin tất cả những gì Con Thiên Chúa nói,
Không có gì chân thật hơn lời Chân lý này.

Trên thập giá chỉ Thần tính bị che giấu,
Ở đây cả nhân tính cũng bị giấu ẩn
Tuy nhiên, tin và tuyên xưng cả hai,
Con cầu xin những gì người ăn trộm ăn năn đã xin.

Con không kiểm tra các vết thương của Chúa như Thánh Tôma,
Tuy nhiên, con tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa của con.
Xin làm cho con ngày càng tin Chúa hơn
Hy vọng ở Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn.

Ôi việc tưởng niệm cái chết của Chúa,
Ôi bánh hằng sống ban sự sống cho con người,
Xin ban cho linh hồn con ơn sống nhờ Chúa,
Và luôn được nếm Chúa cách ngọt ngào

Lạy Chúa Giêsu, bồ nông nhân ái,
Xin làm sạch con, kẻ ô uế, bằng máu của Chúa
Máu mà chỉ cần một giọt đã có thể cứu
Cả thế giới khỏi tội ác của nó.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng mà giờ đây con thấy che giấu,
Con cầu xin Chúa làm điều con rất khát khao:
Đó là, khi được chiêm ngưỡng khuôn mặt Chúa tỏ tường,
Con sẽ hạnh phúc được thấy vinh quang của Chúa. Amen (3)

______________________________________________________
(1) Nguyên bản Latinh: Verbum Supernum Prodiens

Verbum supernum prodiens,
Nec Patris linquens dexteram,
Ad opus suum exiens,
Venit ad vitæ vesperam.

In mortem a discipulo
Suis tradendus æmulis,
Prius in vitæ ferculo
Se tradidit discipulis.

Quibus sub bina specie
Carnem dedit et sanguinem;
Ut duplicis substantiæ
Totum cibaret hominem.

Se nascens dedit socium,
Convescens in edulium,
Se moriens in pretium,
Se regnans dat in præmium.

O salutaris hostia,
Quæ cæli pandis ostium,
Bella premunt hostilia;
Da robur, fer auxilium.

Uni trinoque Domino
Sit sempiterna gloria:
Qui vitam sine termino
Nobis donet in patria


(2) Nguyên bản Latinh: Pange Lingua

Pange, lingua, gloriósi
Córporis mystérium,
Sanguinísque pretiósi,
Quem in mundi prétium

Fructus ventris generósi
Rex effúdit géntium.
Nobis datus, nobis natus
Ex intácta Vírgine,

Et in mundo conversátus,
Sparso verbi sémine,
Sui moras incolátus
Miro clausit órdine.

In suprémæ nocte coenæ
Recúmbens cum frátribus
Observáta lege plene
Cibis in legálibus,
Cibum turbæ duodénæ
Se dat suis mánibus.

Verbum caro, panem verum
Verbo carnem éfficit:
Fitque sanguis Christi merum,
Et si sensus déficit,
Ad firmándum cor sincérum
Sola fides súfficit.

Tantum ergo sacraméntum
Venerémur cérnui:
Et antíquum documéntum
Novo cedat rítui:
Præstet fides suppleméntum
Sénsuum deféctui.

Genitóri, Genitóque
Laus et jubilátio,
Salus, honor, virtus quoque
Sit et benedíctio:
Procedénti ab utróque
Compar sit laudátio
.

Amen.

Riêng 2 khổ thơ sau cùng, giáo dân Việt Nam thường hát trong giờ Chầu Thánh Thể như sau, có thể đã dựa vào bản dịch chính thức của Ủy Ban Phụng Tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:

ĐÂY NHIỆM TÍCH

Đây nhiệm tích vô cùng cao quý, nào chúng ta phục bái tôn thờ. Và dấu tích ngàn xưa lưu ký, phải kính nhường nghi lễ mới đây. Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.

Dâng về Chúa Cha và con Chúa, lời tán dương mừng chúc vang hoà, cùng vinh phúc quyền uy danh giá, tựa khói trầm bay toả ngát hương. Để tiến Chúa Thánh Linh nhân hậu, khúc tán dương cảm tạ suốt đời. AMEN
.

(3) Nguyên bản Latinh: Adoro te devote

Adoro te devote, latens Deitas,
Quæ sub his figuris vere latitas;
Tibi se cor meum totum subjicit,
Quia te contemplans totum deficit.

Visus, tactus, gustus in te fallitur,
Sed auditu solo tuto creditur.
Credo quidquid dixit Dei Filius;
Nil hoc verbo veritátis verius.

In cruce latebat sola Deitas,
At hic latet simul et Humanitas,
Ambo tamen credens atque confitens,
Peto quod petivit latro pœnitens.

Plagas, sicut Thomas, non intueor:
Deum tamen meum te confiteor.
Fac me tibi semper magis credere,
In te spem habere, te diligere.

O memoriale mortis Domini!
Panis vivus, vitam præstans homini!
Præsta meæ menti de te vívere,
Et te illi semper dulce sapere.

Pie Pelicane, Jesu Domine,
Me immundum munda tuo sanguine:
Cujus una stilla salvum facere
Totum mundum quit ab omni scelere.

Jesu, quem velatum nunc aspicio,
Oro, fiat illud quod tam sitio:
Ut te revelata cernens facie,
Visu sim beátus tuæ gloriæ. Amen

Chúng tôi xin trích dẫn Bản kinh mà chúng tôi coi là bản dịch ngày xưa sang tiếng Viêt của Adoro Te Devote, đó là Bản “Con Kính lạy Chúa Giêsu” mà Lê Đình Bảng, trong Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo Việt Nam, Miền Thơ Trong Kinh Nguyện, Phần Phụ Lục 2 nói là trích từ Các Giờ Kinh Phụng Vụ, do Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xuất bản năm 1991:

Con kính lạy Chúa Giêsu,
Thật ẩn trong hình bánh rượu;
Lòng con khâm ngưỡng nhìn xem,
Trí con kinh khủng rụng rời.

Tay cầm, miệng nếm, mắt xem,
Ba ấy đâu dầu có ngại;
Song việc tai nghe đã phải,
Một nầy tin vững lòng con.

Con tin mọi lời
Con Đức Chúa Trời đã dạy;
Không lời gì khác
Hẳn bằng lời chân thật này.

Trên Thánh Giá xưa,
Tính Chúa ẩn che có một;
Nay trong Bí-tích,
Tính Người gồm ẩn hòa hai,

Lạy Chúa, con tin,
Cùng nguyện: xưng ra hai ấy,
Dám trông phước thánh,
Ban cho kẻ trộm lành xưa.

Nay dầu không thấy Chúa con
Như thánh Tô-ma thuở trước,
Song con cũng xưng ra thật,
Chúa là thật Chúa Trời con.

Xin Chúa cho con,
Càng đặng cậy tin mến Chúa,
Cậy tin mến Chúa,
Trên hết mọi sự đừng nguôi.

Ớ phép nhiệm mầu
Nhắc lại ơn xưa Chúa chuộc!
Nầy bánh hằng sống,
Xuống nuôi khắp hết mọi người.

Lạy Chúa rất nhơn lành,
Đã nuôi con bằng Mình Thánh Chúa
Xin lấy Máu Thánh Chúa,
Mà rửa con cho sạch tội đời.

Chúa con rày ẩn nơi đây,
Nguyện sau đặng toại lòng khao khát,
Là khi hồn ra khỏi xác,
Đặng lên trời mừng Chúa chẳng cùng. Amen






 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đến Với Mẹ La Vang
Nguyễn Bá Khanh
17:10 06/08/2021
ĐẾN VỚI MẸ LA VANG
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh

Chạy đến bên Mẹ ân cần
Núp dưới bóng Mẹ, ẩn thân an toàn
(Trích thơ của P. Trần Đình Phan Tiến)
 
VietCatholic TV
Quá đáng: Tập trung tại nhà thờ chính tòa chửi bới và làm các trò dâm đảng. GH không thể bị bắt nạt
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:55 06/08/2021


1. Tập trung tại Tòa Giám Mục chửi bới và làm các trò dâm đảng. Tuyên bố của Tòa Giám Mục Kinshasa

Chiều Chúa Nhật 1 tháng Tám, Tòa Tổng Giám Mục Kinshasa đã đưa ra tuyên bố sau gởi các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân.

“Chúng tôi vô cùng đau buồn báo cáo với anh chị em rằng, sáng nay Chúa Nhật ngày 1 tháng 8 năm 2021, một nhóm người, chưa được xác định danh tính, đã tập trung tại Tòa Giám Mục Tổng giáo phận Kinshasa và tại tư dinh của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Fridolin Ambongo Besungu. Họ hát những bài hát và hò reo các khẩu hiệu xúc phạm và thực hiện những hành vi dâm đãng, hạ cấp và công xúc tu sỉ”.

Thông cáo báo chí có chữ ký của Cha Georges Njila, Thư ký kiêm Chưởng ấn Tòa Giám Mục. Ngài cho biết “vô cùng đau buồn trước những hành vi này. Chúng tôi đo lường và đánh giá, ở tất cả các cấp độ, những hành vi mà chúng tôi hết sức phản đối cũng như hậu quả của chúng”.

Cha Chưởng ấn mời gọi tất cả các tín hữu Công Giáo hãy hết sức cảnh giác “ngăn chặn bất kỳ hành vi phá hoại nào, bảo vệ tài sản Giáo Hội và cẩn thận không để mình bị khiêu khích dính líu vào các hành vi bạo lực.”

Ngoài ra, tổng giáo phận cảm ơn các nhân viên Cảnh sát Quốc gia vì sự nhanh chóng của họ trong việc giải tán những kẻ tấn công này.
Source:Radio KAPI

2. Các giáo phận ở thủ đô Manila phải hủy bỏ các thánh lễ có giáo dân tham dự trong bối cảnh coronavirus lan rộng

Tất cả các giáo phận ở thủ đô Manila đã phải đình chỉ các thánh lễ công cộng trong nhiều tuần và miễn trừ cho người Công Giáo các nghĩa vụ tham dự thánh lễ Chúa Nhật.

Từ tổng giáo phận Manila đến các giáo phận Cubao, Novaliches, Pasig, Parañaque, và Kalookan các giám mục đang khuyến khích các tín hữu ở nhà theo dõi thánh lễ trực tuyến.

Lệnh đình chỉ các thánh lễ có hiệu lực từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 20 tháng 8.

Chính phủ Phi Luật Tân hôm thứ Sáu đã đặt khu vực thủ đô vào diện kiểm dịch cộng đồng tăng cường từ ngày 6 đến ngày 20 tháng 8; việc di chuyển bị hạn chế rất nhiều và chỉ giới hạn trong việc mua các hàng hóa và dịch vụ cơ bản. Chỉ những cơ sở và ngành thiết yếu mới được phép hoạt động.

Tử vong tại Phi Luật Tân, tính đến thứ Ba 3 tháng 8, đã lên đến 28,141 người, trong số 1,612,541 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ của ngày thứ Hai 2 tháng 8, có 8,067 trường hợp nhiễm bệnh mới, và 77 trường hợp tử vong.
Source:CBCP News

3. Tập Cận Bình, mối âu lo của nhân loại

Việc Trung Quốc xây dựng một mạng lưới hầm chứa mới để phóng đầu đạn hạt nhân, được Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ tiết lộ trong tuần này, cho thấy sự gia tốc của cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử do chế độ của Chủ tịch Tập Cận Bình phát động và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải đưa Bắc Kinh vào các cơ chế quốc tế liên quan đến việc ngăn chặn và giải trừ quân bị, trong đó cho đến nay chỉ có Hoa Kỳ và Nga là những nước được coi là cường quốc hạt nhân lớn có khả năng hủy diệt thế giới.

Nó không phải là dữ liệu đáng lo ngại duy nhất. Một cuộc điều tra khác của Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân của James Martin đã tiết lộ việc xây dựng 119 hầm chứa khác trên một vùng sa mạc của Trung Quốc. Theo ước tính hiện tại số lượng các các đầu đạn nguyên tử của Trung Quốc là từ 200 đến 350; vẫn thấp hơn nhiều so với khoảng 4,000 đầu đạn nguyên tử được lưu trữ ở Hoa Kỳ và Nga. Tuy nhiên, rõ ràng là Bắc Kinh đang đầu tư các tài nguyên đáng kể để kho vũ khí hạt nhân của nước này có một bước nhảy vọt đáng kể về phẩm và về lượng, với khát vọng không thể phủ nhận là có một tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Trung Quốc đã là một cường quốc toàn cầu trong nhiều lĩnh vực, và ngày càng trở nên một nhân tố quyết định tương lai thế giới; và giờ đây Tập Cận Bình đã quyết định đặt kho vũ khí hạt nhân của mình ngang hàng với hai cường quốc nguyên tử khác. Ngoài thực tế là việc phổ biến vũ khí hạt nhân không bao giờ có thể mang lại kết quả tích cực, thì hành động kích động mạnh mẽ của tác nhân thứ ba trong kịch bản đáng lo âu này này khiến cộng đồng quốc tế cần phải cấu hình lại hệ thống các hiệp ước nhằm kiểm soát và bảo đảm an ninh thế giới cho đến nay đã ngăn chặn sự hủy diệt hành tinh chúng ta.

Cần phải làm cho Trung Quốc thấy rằng việc chấp nhận và tham gia vào các cơ chế này là điều cần thiết bởi vì điều chắc chắn duy nhất mà chúng ta có về một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu là tất cả chúng ta sẽ là những kẻ thua cuộc.
Source:El Pais

4. Đức Hồng Y Nicaragua nói Giáo hội không thể bị bọn cầm quyền bắt nạt

Vị Hồng Y duy nhất của Nicaragua nói rằng hàng giáo phẩm của Giáo Hội Công Giáo đã sẵn sàng đối mặt với cuộc đàn áp mà bọn cầm quyền có thể thực hiện nhằm chống lại các ngài, và rằng các ngài sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ dân chủ, mà không sợ hậu quả.

Khoảng 25 thủ lĩnh phe đối lập, bao gồm một số ứng cử viên tổng thống cho cuộc bầu cử quốc gia ngày 7 tháng 11, đã bị Tổng thống Daniel Ortega và phu nhân Phó Tổng thống Rosario Murillo bỏ tù trong tháng qua, buộc một số quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, bày tỏ quan ngại về tình trạng dân chủ của đất nước.

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng giám mục Managua, thủ đô Nicaragua, cho biết hôm thứ Bảy rằng các linh mục và toàn thể Giáo Hội Công Giáo đã sẵn sàng đối mặt với “sự trả đũa” từ bọn cầm quyền.

Ngài nói: “Cứ việc trả đũa, và chúng tôi sẽ đối phó như những năm 1980”, tức là trong nhiệm kỳ đầu tiên của Ortega, “khi xảy ra những tình huống rất khó khăn”. Ngài nhấn mạnh rằng: “Giáo hội không do con người lãnh đạo. Chúng tôi chỉ là những công cụ, Giáo hội được hoạt động và được củng cố bởi Chúa Thánh Thần. Chúng tôi tiếp tục hoàn thành sứ mệnh mà Chúa đã giao phó”.

Vị Hồng Y cũng nói rằng, bất chấp những cáo buộc của bọn cầm quyền độc tài, Giáo Hội Công Giáo không có ý định trở thành một thể chế chính trị ở Nicaragua. Ortega và Murillo đã nhiều lần cáo buộc hàng giáo phẩm địa phương đứng sau một loạt các cuộc biểu tình lớn bắt đầu từ tháng 4 năm 2018. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh, hàng nghìn người bị bỏ tù và vẫn còn bị giam giữ, và đang chờ ngày xét xử. Hàng chục ngàn người đã chạy trốn khỏi đất nước, bao gồm cả phụ tá của Đức Hồng Y Brenes, là Đức Cha Silvio Jose Baez.

“Chúng tôi không bao giờ muốn đảm nhận một vai trò chính trị tại bất cứ thời điểm nào, công việc của chúng tôi là rao giảng Tin Mừng, công việc của chúng tôi là công việc của tình yêu từ Chúa Kitô, Đấng đến để cho chúng ta có thể sống và sống dồi dào”, Đức Hồng Y Brenes nói với các phóng viên. “Giáo hội không có khả năng thù ghét, cả trong cử chỉ cũng như bằng lời nói; chúng ta cầu nguyện cho những người có thể chỉ trích chúng ta và quấy rối chúng ta, và điều này mang lại cho chúng ta sự bình an”.

Những lời của vị Hồng Y được đưa ra sau khi ngài cử hành thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Managua để đánh dấu một năm vụ tấn công đốt phá cây thánh giá bằng gỗ của nhà thờ. Bọn cầm quyền, thông qua một báo cáo của cảnh sát, tuyên bố rằng đó là một vụ tai nạn. Tuy nhiên, các nhân chứng có mặt tại chỗ đã làm chứng rằng một kẻ tấn công đã vào nhà thờ vào ngày 30 tháng 7 năm 2020, hét lên các khẩu hiệu ủng hộ bọn cầm quyền trước khi ném bom xăng vào bức ảnh.

“Chúng tôi tiếp tục khẳng định rằng đây là một cuộc tấn công,” Đức Hồng Y Brenes nói.
Source:Crux
 
Xin cầu cho linh mục Dòng Tên bị cướp xe, và bị bắn hàng loạt đạn đang trong tình trạng nghiêm trọng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:17 06/08/2021


1. Một linh mục Dòng Tên đang trong tình trạng nghiêm trọng sau khi bị cướp bắn tại Tirúa, tỉnh Arauco, Chí Lợi

Trong thông báo hôm Chúa Nhật 1 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Fernando Chomali Garib của tổng giáo phận Concepción cho biết một ngày trước đó một linh mục Dòng Tên đã bị thương trong một vụ cướp ở thành phố Tirúa, tỉnh Arauco, vùng Bío Bío.

Cha Daniel Fuenzalida, 48 tuổi, là nạn nhân của một vụ phục kích ở Tirúa, trên Đường P 72-S, trong khu vực Curaquidico.

Những người có vũ trang trùm đầu không rõ danh tính đã chận ngang con đường mà linh mục đang đi trên chiếc xe jeep của ngài.

Tuy nhiên, ngoài việc buộc ngài đưa chiếc xe jeep cho chúng, những kẻ cướp này đã bắn hàng loạt đạn vào cha Fuenzalida trước khi tẩu thoát trên chiếc xe của ngài.

Vị linh mục đã may mắn được người đi đường nhìn thấy và đưa đến bệnh viện Cañete, nơi ngài đang được điều trị những vết thương nghiêm trọng.

Theo quyết định của các bác sĩ trung tâm chăm sóc sức khỏe tỉnh Arauco, vị linh mục đã được chuyển đến Bệnh viện Khu vực Concepción, nơi có các thiết bị y tế thích hợp hơn.
Source:Biobio Chile

2. Đại đền thờ Thánh Gia cần thêm 374 triệu euro để hoàn thành

Việc hoàn thiện mặt tiền của đền thờ Thánh Gia, tiếng Tây Ban Nha là Glòria de la Sagrada Familia sẽ tiêu tốn 149 triệu euro. Để nâng cao tháp Chúa Giêsu Kitô, lên mức cao nhất Tây Ban Nha sẽ tốn khoảng 44 triệu euro nữa. Việc xây dựng Tháp của các nhà truyền giáo sẽ tốn thêm 20 triệu euro. Tổng cộng, chi phí được Ban xây dựng tính toán để hoàn thành toàn bộ khu phức hợp đền thờ sẽ tốn khoảng 374 triệu euro. Đó là con số xuất hiện trong tài liệu mà Sagrada Familia đã gửi cho Hội đồng thành phố Barcelona hơn hai năm trước, và EL PAÍS hiện đã có quyền truy cập.

Tài liệu được ký bởi kiến trúc sư trưởng của Ban Xây dựng, Jordi Faulí, và được sự chấp thuận của bộ phận cấp phép xây dựng của thành phố vào ngày 6 tháng 6 năm 2019. Hoàn thiện mặt tiền đền thờ — với các nhà nguyện, tháp và các chặng đàng thánh giá mục cao nhất trong ngân sách.

Tổng số tiền 374 triệu đó là cơ sở để Hội đồng Thành phố tính số thuế Xây dựng và lệ phí cấp giấy phép xây dựng. Tỷ lệ thông thường là 3.35%, nhưng trong trường hợp của Sagrada Familia, với tư cách là cơ sở tôn giáo, mức chiết khấu 65% đã được áp dụng, vì vậy số tiền phải trả cho khoản thuế đó là 4.3 triệu euro. Lệ phí cấp phép xây dựng là 241.000 euro. Tổng cộng, Hội đồng quản trị đền thờ Thánh Gia đã trả 4,627,000 euro cho thành phố Barcelona.
Source:El Pais

3. Hội Đồng Giám Mục Puerto Rico phản đối việc áp đặt ý thức hệ giới tính trong chương trình phổ thông

Trong một tuyên bố được ký bởi Đức Cha Rubén González Medina, giám mục giáo phận Ponce và là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Puerto Rico, các Giám Mục nước này đã chỉ ra rằng “một thành phần trong xã hội chúng ta đang quan tâm đến cách thức thúc đẩy trong các trường công lập của đất nước chúng ta bằng nhiều cách khác nhau cái gọi là chương trình giảng dạy về ý thức hệ giới tính”.

Trên hết, “cần ghi nhớ rằng đã có thông báo theo đó trong năm học tới, việc thực hiện sẽ thành hiện thực”

Theo Đức Cha Rubén, các giám mục lập luận rằng người Công Giáo “cần phải được hưởng tự do đầy đủ và các cơ sở vật chất mà Nhà nước cung cấp cho mọi công dân, vì việc là người Công Giáo không thể là cớ để chúng ta bị phân biệt đối xử, và bị coi là công dân hạng hai.”

“Vì lý do này, chúng ta có quyền và có khả năng yêu cầu các cơ quan hợp pháp của Quốc gia bảo đảm cho chúng ta quyền được sống và hành động phù hợp với niềm tin và lương tâm của chúng ta.”

Vì vậy, “các giáo dân Công Giáo, có quyền chính đáng đòi quyền lợi cho con trai và con gái của họ, được giáo dục mà không phải chịu những ý thức hệ tấn công trực tiếp vào niềm tin và sự nhạy cảm của trẻ thơ trong các trường công lập”.
Source:Presnsa Celam