Ngày 31-08-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30 tháng 8
Đặng Tự Do
00:07 31/08/2015
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30 tháng 8, Đức Thánh Cha đã lên án thái độ giả hình của người Pharisêu được tường thuật trong Phúc Âm theo thánh Máccô được đọc trong Chúa Nhật 22 mùa thường niên.

Có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. Họ lên tiếng phàn nàn khi thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pharisêu và các kinh sư hỏi Đức Giêsu: "Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?”

Đức Thánh Cha nói:

"Việc chấp hành giới luật theo nghĩa đen từng câu từng chữ sẽ không có kết quả nếu việc tuân giữ ấy không thay đổi con tim và không được chuyển hóa thành những thái độ cụ thể như mở rộng tân hồn mình để gặp gỡ Thiên Chúa và Lời Ngài trong lời cầu nguyện; tìm kiếm công lý và hòa bình; hỗ trợ người nghèo, người yếu, và những người bị áp bức."

Đức Thánh Cha nói tiếp:

"Chúng ta đều biết, trong các cộng đồng của chúng ta, trong các giáo xứ, trong các khu phố của chúng ta, có biết bao tác hại người ta gây ra cho Giáo Hội, bao nhiêu những tai tiếng gây ra bởi những người tự xưng là người Công Giáo và thường xuyên đi nhà thờ, nhưng sau đó, trong cuộc sống hàng ngày, họ bỏ bê gia đình, nói xấu người khác và làm ra bao nhiêu những chuyện đại loại như thế. Đây là những gì Chúa Giêsu lên án, vì đây là những dấu chỉ phản chứng của niềm tin Kitô. "

"Biên giới giữa thiện và ác không ngang qua bên ngoài chúng ta nhưng bên trong chúng ta," Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp. "Chúng ta có thể tự hỏi: ‘trái tim của tôi ở đâu?" và Chúa Giêsu trả lời: "Kho báu anh em ở đâu, thì trái tim anh em ở đó."

Vì thế, chúng ta phải tự hỏi mình kho báu của tôi là gì? Có phải là Chúa Giêsu, là giáo lý của Ngài hay không? Nếu đúng là thế chúng ta có một con tim tốt lành.

Hay kho báu của chúng ta là những điều gì khác?

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng nếu trái tim chúng ta chưa yêu mến Chúa Kitô và giáo lý của Ngài, thì con tim chúng ta phải được thanh tẩy và hoán cải.

Nếu không có một trái tim tinh khiết, anh chị em không thể có bàn tay thật sạch và môi miệng biết nói những lời chân thành của tình yêu. Điều này chỉ có nơi những trái tim chân thành và tinh khiết.

Đức Thánh Cha đã kết luận bài huấn đức của ngài trước khi đọc kinh Truyền Tin với lời nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, ban cho chúng ta một tâm hồn trong sạch, một trái tim xa lánh những thói đạo đức giả để chúng ta có thể sống theo tinh thần của lề luật và để đạt được mục đích thật sự của lề luật, đó là sự trọn hảo của đức ái.
 
Nhận định của AP về chuyến đi Hoa Kỳ sắp tới của Đức Phanxicô
Vũ Van An
21:57 31/08/2015
Viết cho Associated Press ngày 31 tháng 8, 2015, Rachel Zoll cho rằng khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt chân xuống sân bay Căn Cứ Không Quân Andrews gần Washington D.C. ngày 22 tháng 9, không những đây là lần đầu tiên ngài tới Hoa Kỳ trong tư cách giáo hoàng, mà là lần đầu tiên trong đời ngài.

Thực vậy, đức nguyên Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Buenos Aires, Argentina, chưa bao giờ theo chân rất nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo cùng phẩm trật với ngài trong việc nâng cao diện mạo cá nhân của mình đồng thời gây quĩ cho các sứ mệnh tại quê nhà, bằng cách nối kết với Giáo Hội Hoa Kỳ rất nhiều ảnh hưởng và giầu có về tài nguyên.

Lỗ trống trong tiểu sử của ngài này có thể giải thích được phần nào nhờ chính cá tính của ngài. Ngài là người quyến luyến quê hương (homebody), không ưa xa nhà và luôn cảm thấy có bổn phận phải gần gũi mọi người trong tổng giáo phận. Ngài cũng có tiếng là người chống đối việc leo cao trong bậc thang nghề nghiệp, lên án điều ngài gọi là “giám mục phi trường”, tức các vị giám mục dành nhiều thì giờ cho việc du hành lấy tiếng hay thú vui thay vì phục vụ con chiên của mình.

Tuy vậy, việc ngài thiếu trải nghiệm đầu tay về Hoa Kỳ vẫn làm nhiều người thắc mắc, nhất là những người khó chấp nhận lời chỉ trích không nể nang gì của ngài đối với các thái quá của chủ nghĩa tư bản hoàn cầu và không biết liệu vị giáo hoàng đầu tiên từ Mỹ Châu La Tinh này có âm ỉ một giận hờn nào đối với lịch sử chính sách Hoa Kỳ tại vùng quê hương của ngài hay không.

Massimo Faggioli, một nhà chuyên môn về lịch sử Giáo Hội tại Đại Học Thánh Tôma ở Minnesota, nói rằng “Chuyến đi Hoa Kỳ lần này sẽ là chuyến đi khó khăn nhất, thách thức nhất và cũng đáng lưu ý nhất vì ngài đang thăm dò một thế giới xa lạ với ngài hơn Á Châu, hơn Phi Luật Tân” nơi ngài thăm viếng hồi tháng Giêng. “Đây không chỉ là rào cản về ngôn ngữ, nó còn là rào cản về văn hóa nữa”.

Đức Cha Marcelo Sanchez Sorondo, người Argentina và là một trong các cố vấn chủ yếu của Đức Phanxicô tại Vatican, nói rằng ngài biết nhưng không đồng ý với cảm thức cho rằng Đức Phanxicô ghét Hoa Kỳ. Quan điểm của Đức Phanxicô khi cho rằng hệ thống kinh tế hoàn cầu, một hệ thống vì quá tập chú vào việc tối đa hóa lợi nhuận, nên đang triệt hạ người nghèo và môi trường, quan điểm này quả là khó nghe tại một đất nước vốn được coi là đại bản doanh của chủ nghĩa tư bản.

Nhưng Đức Cha Sanchez Sorondo nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô không chống chủ nghĩa tư bản và cho hay Đức Giáo Hoàng thán phục Hoa Kỳ vì các nguyên tắc của Các Nhà Lập Quốc, những vị đã tạo nhiều ảnh hưởng đối với phong trào giành độc lập tại quê hương Argentina của ngài. Tuy nhiên, theo Đức Cha Sanchez Soronda, quan điểm của Đức Phanxicô cũng được lên khuôn bởi một lịch sử khác trong đó, có mối liên hệ của Hoa Kỳ với các nhà độc tài Mỹ Châu La Tinh, việc Hoa Kỳ đối xử với các di dân Mễ Tây Cơ và Trung Mỹ, và chính sách quá lâu dài của Hoa Kỳ đối với Cuba. Gần đây, Đức Phanxicô đã giúp thương thảo việc phá băng giá có tính lịch sử đối với mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba, dẫn tới việc hai bên lập lại các liên hệ ngoại giao.

Trong cuộc phỏng vấn tại Rôma, Đức Cha Sanchez Sorondo nói rằng “tôi không nghĩ Đức Giáo Hoàng có bất cứ điều gì chống lại Hoa Kỳ. Điều ngài có thể có là cảm nhận các hậu quả của Mỹ Châu La Tinh”.

Điều trên quả là cơ sở hoàn toàn mới mẻ đối với cả người Công Giáo Hoa Kỳ, là những người quá quen thuộc với hai vị tiền nhiệm cận kề của Đức Phanxicô, tức các vị giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI. Cả hai vị đều đã sống qua Thế Chiến II, tức thời kỳ người Hoa Kỳ được coi như người giải phóng và ân nhân độ lượng trong việc tái thiết lục địa bị chiến tranh làm cho tan hoang này.

Khi Đức Gioan Phaolô II còn là Hồng Y Karol Wojtyla, Tổng Giám Mục Krakow, Ba Lan, ngài đã du hành cùng khắp nước Mỹ, nhất là đến thăm các cộng đồng Hoa Kỳ gốc Ba Lan. Lúc đã là giáo hoàng, ngài tìm được cơ sở chung rất lớn với người Hoa Kỳ đó là cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa cộng sản.

Đức Bênêđíctô XVI, tức đức nguyên Hồng Y Joseph Ratzinger xuất thân từ Đức, vốn là người canh giữ đức tin suốt hơn hai thập niên dưới thời Đức Gioan Phaolô II. Ngài không những đã tới thăm Hoa Kỳ, mà còn thường xuyên gặp gỡ các nhà lãnh đạo Giáo Hội Mỹ tại Rôma. Năm 2008, nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ duy nhất trong tư cách giáo hoàng, ngài chào kính Tổng Thống George W. Bush tại Tòa Bạch Ốc và kết thúc bằng câu: “God Bless America” (Thiên Chúa chúc phúc cho Hoa Kỳ). Theo Faggioli, nhiều người Âu Châu cũng như nhiều người khác cho rằng việc ấy cho thấy ngài ủng hộ ý niệm coi nước Mỹ là ngoại hạng.

Cũng theo Faggioli, “Vì gốc gác văn hóa cũng như huấn luyện của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoàn toàn khác”. Trong số các trải nghiệm của ngài là cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2001 của Argentina, một cuộc khủng hoảng gây bạo loạn, thất nghiệp gia tăng kinh khủng, và nối tiếp nhau rất nhanh các ông tổng thống với các chính phủ loay hoay tìm cách trả những món nợ khổng lồ. Đức HY Bergoglio trực tiếp tham dự vào việc cố gắng giúp người Argentina và các nhà lãnh đạo của họ thoát ra khỏi cơn bĩ, một cơn bĩ vốn được gán cho các chính sách thị trường tự do được Hoa Kỳ cổ vũ.

Linh mục Thomas Reese, một phân tích gia kỳ cựu của tờ National Catholic Reporter và là tác giả cuốn Inside the Vatican, nhận định rằng: Đáng lý ra, một sụp đổ như thế sẽ thúc đẩy ngài đi thăm Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo ngoại quốc có thói quen cử một vị Hồng Y địa phương làm sứ giả không chính thức để “bảo đảm rằng người ở Washington, và các giám mục Hoa Kỳ, hiểu rõ tác động” của các chính sách của Hoa Kỳ tại ngoại quốc.

Nhưng rõ ràng vai trò đó chưa bao giờ được Đức HY Bergoglio nghĩ tới. Ngài vốn có mối liên hệ hết sức căng thẳng với giai cấp lãnh đạo Argentina, thường thách thức họ một cách thẳng thừng tại các nghị hội quốc gia, đòi họ phải bãi bỏ tư lợi phe phái và làm nhiều hơn nữa cho người nghèo và yếu thế.

Linh mục Reese cho rằng “dường như ngài không thuận hảo với họ, để nói với họ rằng: ‘thôi được, đây là chiến lược của chúng ta. Chúng ta hãy đi vận động hậu trường ở Washington cho các vấn đề này’. Họ thường không nói chuyện được với nhau”.

Tuy nhiên, các nhà chuyên môn về Giáo Hội cho rằng niềm tin của Đức Phanxicô về việc thực ra một vị giáo phẩm trung thành phải như thế nào đã là nhân tố lớn nhất khiến ngài giữ khoảng cách đối với Hoa Kỳ.

Giống mọi tu sĩ Dòng Tên, Đức HY Bergoglio vốn đoan hứa sẽ không mưu cầu địa vị cao trong Giáo Hội. Ngài là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên trong suốt lịch sử 481 năm của Dòng trở thành giáo hoàng. Theo Austen Ivereigh, tác giả cuốn The Great Reformer: Francis and the Making of a Radical Pope, việc cử nhiệm ngài năm 1992 làm giám mục phụ tá của Buenos Aires đã là một cú sốc, cho cả ngài lẫn người Công Giáo Argentina, là những người chưa hề nghe biết về ngài.

Được xưng tụng là “vị giáo hoàng ổ chuột” do sự tận tụy của ngài đối với người nghèo, ngài dành phần lớn thì giờ của ngài trong tư cách tổng giám mục để đi thăm các khu đầm lầy nước đọng của Buenos Aires. Các kỳ nghỉ của ngài chỉ có nghĩa là ở lại tòa tổng giám mục và đọc sách. Khi đã làm giáo hoàng cũng thế, ngài thường ở lại Vatican trong các kỳ nghỉ, như kỳ nghỉ mùa Hè năm nay đã chứng tỏ.

Ngài không thích đi ngoại quốc. Ivereigh viết rằng: trong thập niên 1980, khi được gửi qua Đức ít tháng để hoàn tất luận án tiến sĩ, ngài nhớ nhà đến độ nhiều đêm thức trắng ngắm các máy bay cất cánh từ phi trường đi Argentina.

Linh mục Matt Malone, chủ bút tập san America của Dòng Tên, đặt trụ sở tại New York, cho hay: “Đối với tôi việc ngài chưa ở đây không làm tôi ngạc nhiên bao nhiêu. Cả đời ngài đã được dành cho người Argentina và Nam Mỹ”.

Trong một buổi phỏng vấn với các ký giả hồi tháng 7 vừa qua, Đức Phanxicô cho biết ngài sẽ dành vài tuần trước cuộc tông du Hoa Kỳ để “học hỏi” về chuyến đi này. Trong quá khứ, ngài từng cho biết không được ổn lắm về tiếng Anh, nhưng ngài từng đọc nhiều bài diễn văn bằng tiếng Anh một cách trôi chẩy và được nồng hậu tiếp nhận trong hai cuộc tông du khác nhau, ở Nam Hàn và ở Sri Lanka cũng như Phi Luật Tân. Ở Hoa Kỳ, ngài sẽ đọc diễn văn cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Tây Ban Nha.

Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ đầu tiên của ngài sẽ bắt đầu tại Washington, nơi ngài đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 9, sau đó, là bài diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, và Thánh Lễ ngoài trời tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia.

Nhưng trước khi vào Hoa Kỳ, ngài sẽ thăm một nơi quen thuộc với ngài hơn đó là Cuba. Trong các ngày 19 tới 22 tháng 9, ngài sẽ đánh dấu thời đại mới giữa nước này và Hoa Kỳ, rồi từ đó mới vào thẳng Hoa Kỳ.

Linh mục Reese nhận định rằng: “trái tim ngài luôn ở với thế giới đệ tam và Nam Bán Cầu, nhưng ngài cũng có cách công bố Tin Mừng sao cho lôi cuốn đối với nhân dân Hoa Kỳ. Tôi nghĩ nhân dân Hoa Kỳ sẽ có một đáp ứng mạnh mẽ dành cho ngài. Tôi nghĩ họ sẽ bị ngài mê hoặc”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang Las Vegas tĩnh tâm mừng bổn mạng các bà mẹ Công Giáo
Phan Văn Sỹ
08:42 31/08/2015
CỘNG ĐOÀN MẸ LA VANG LAS VEGAS HIỆP DÂNG THÁNH LỄ & TĨNH TÂM

I-MỤC ĐÍCH: (1)-Mừng Bổn Mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo: Cùng chia sẻ Lời Chúa qua buổi Tĩnh Tâm đến với các Hội Đoàn thuộc Đền Thánh Mẹ La Vang như: Hội Hồn Nhỏ, Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Hội Thánh Giuse, Ca Đoàn Mẹ La Vang Las Vegas.

(2)-Chuẩn Bị Tâm Hồn Cho Việc Tổ Chức Đại Hội Mẹ La Vang 2015: Hằng năm cứ trước ngày tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu La Vang tại Đền Thánh Mẹ Las Vegas, cha Giám Đốc thường có một buổi Tĩnh Tâm và mời các cha khách về giúp Tĩnh Tâm với mục đích tạo sự yêu thương, gần gũi, đoàn kết, chia sẻ sứ vụ tông đồ phục vụ Chúa và anh chị em trong ba ngày Đại Hội hầu đem lại và tạo không khí yêu thương, đầm ấm, huynh đệ qua việc làm trong ba ngày Đại Hội. Năm nay với chủ đề: “Cùng Mẹ Sống Chứng Nhân Hy Vọng” diễn tiến trong ba ngày 16,17,18-10-2015 là chủ đề nối dài từ Tông Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Năm Đời Sống Thánh Hiến” và “Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Các Giáo Xứ và Các Cộng Đoàn Sống Đời Thánh Hiến” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam qua Hội Nghị Thường Niên Kỳ II -2014.

(3)-Chủ Đề Tĩnh Tâm Năm Nay Với Đề Tài: “ Biết Nói Gì Đây”: Là tựa đề bài hát của nhạc sĩ Huỳnh Anh, nói lên thật ý nghĩa và nhiều tâm tư như tâm tình bài hát nếu biết nói khéo, khích lệ điều hay, sẽ giúp ích lẫn nhau trong Hội Đoàn, Cộng Đoàn, Giáo Xứ, gia đình sống thăng tiến về mọi mặt từ sống đạo, hy sinh công tác tông đồ giáo dân trong xứ đạo, và ngược lại gây tai hại như lời bài hát: “Bao nhiêu câu nói, thương nhau trọn đời chưa phai tháng năm…” hoặc: “Hãy nói một câu, cho vơi cạn sầu quên đi một đời…”. Phải nói đây là đề tài rất rộng để mọi người suy nghĩ, trải rộng ra theo lời nói phải cẩn trọng, suy xét của mỗi người để làm sao cho đẹp lòng Chúa và xích lại gần tha nhân.

II-MỪNG LỄ BỔN MẠNG CÁC BÀ MẸ Công Giáo, THÁNH NỮ MÔNICA “ 27-8-2015”:

(1)-Đông đảo các bà, các chị trong Hội Các Bà Mẹ Công Giáo: Trong áo dài trắng đeo huy hiệu màu xanh, màu áo của Mẹ Thánh ngồi làm nổi bật trong thánh đường, bên phải cung thánh là lá cờ hiệu của Hội Các Bà được treo lên, đánh đập vào mắt sự chú ý của mọi người. Hội Các Bà Mẹ đã làm được rất nhiều việc tông đồ cho giáo xứ như đảm trách Quán La Vang, nấu ăn giúp cho mọi người đến Đền Thánh chuẩn bị công việc cho Đại Hội, thăm viếng bệnh nhân đau yếu, an ủi người cô đơn, góa bụa, làm công tác giây đeo cho đại Hội, gửi thư mời khách hành hương…

(2)-Trong thánh lễ, sau phần Lời Chúa và bài giảng: Các tân hội viên bước lên tuyên khấn xin gia nhập hội, cha Chánh Xứ mở lời vài câu trước khi mọi người cùng tuyên khấn: “Chị em thân mến, chúng con đến đây để xin ơn gì?

-Mọi người đáp: thưa cha, chúng con đến đây để xin gia nhập Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, chính Đức Thánh Cha Pio IX đã lập và chúc lành: “Xin Thiên Chúa ban cho Giáo Hội có nhiều người mẹ thánh”.

-Chúng con có công nhận người mẹ là phản ảnh của Thiên Chúa không?

-Thưa chúng con công nhận, từ nay chúng con cố gắng thánh hóa bản thân, để truyền thông lòng mến Chúa cho con cái và đem sự tốt lành Chúa vào các tâm hồn.

-Vậy giờ đây, cha mong chúng con hãy nhớ: Người mẹ là linh mục trong gia đình, hằng ngày phải cầu nguyện cho chồng, con, hằng ngày hiến tế cho Chúa những vui buồn…Sau đó tất cả hội viên quỳ xuống lập lại lời khấn hứa với Mẹ Maria và Chúa Giêsu.

III-TĨNH TÂM CỘNG ĐOÀN: (1)-Mở đầu buổi tĩnh tâm, Cầu nguyện & Lời Chúa: Cha Hùng mời mọi người đứng hướng lên bàn thờ để dâng lời cầu nguyện: “ Lạy chúa xin cất khỏi chúng con những vướng bận của thế gian, xin tha thứ cho chúng con những điều mình nói, nghĩ, những điều người khác nói và nghĩ về con thiếu đức bác ái, xin tha thứ cho chúng con đã dành nhiều thời gian cho việc phô trương hơn là cho việc xây dựng và sửa mình về những điều Chúa mời gọi chúng con làm. Xin cho chúng con mở lòng cùng anh chị em nhờ đó Chúa có thể đến với chúng con như đến với một người bạn, và Chúa sẽ làm cho chúng con trở nên người như Chúa mong muốn trong tình yêu Chúa, vì con là con của Chúa và là anh chị em của nhau. Amen”. Sau đó cha Hùng mời mọi người nghe đoạn Phúc Âm theo thánh Mathêu: “ Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa ! Lạy Chúa! Là được vào nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: “ Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!”…” (Mt7: 21-28). Sau khi đọc xong với giọng chậm, nhẹ nhàng để đánh động tâm hồn người nghe, cha Hùng mời mọi người: Lắng nghe vừa rồi, thấy câu nào, lời nào của Chúa đánh động vào tim tôi? Hãy nhắm mắt lắng nghe, mở rộng trái tim lắng nghe để thấy câu nào, lời nào chạm đến tim óc chúng ta thì nhắc lại chậm chậm, rồi đặt câu hỏi: Chúa muốn nói với con điều gì? Rồi thì thầm nói chuyện với Chúa.

(2)-Đào Sâu Chủ Đề: “Biết Nói Gì Đây”: Cha Quang mở đầu với câu tục ngữ từ ngàn xưa ai cùng thuộc nằm lòng: “ Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”, thật vậy, lời nói là con dao hai lưỡi, lời nói có thể xây dựng gia đình, người thân, Cộng Đoàn, hội đoàn giữa người với người, nhưng cũng từ lời nói có thể mang chia rẽ gia đình, người thân, Cộng Đoàn, hội đoàn hay ngay cả có thể giết nhau vì lời nói. Chính vì thế lời nói có hai vế: Tốt và xấu, thuận tai hay chói tai. Một lời nói trong một câu văn khi dùng chấm phẩy sai trong chữ viết cũng có thể thay đổi cả câu văn, thí dụ một tấm bảng chụp được ở Việt Nam thuộc Ủy Ban Nhân Dân huyện Cổ Như có câu viết trên bảng như sau: “ Gia đình nên có 2 con vợ chồng hạnh phúc”, thay vì đánh dấu phẩy(,) ở giữa hai chữ con(,) vợ, thì lại đánh dấu phẩy(,) giữa hai chữ vợ(,) chồng hạnh phúc thành ra hiểu lầm: “ gia đình nên có 2 con vợ, chồng hạnh phúc”. Câu này hiểu một cách khác chỉ vì dấu phẩy để sai chỗ. Vì vậy lời nói cũng như dấu chấm phẩy rất quan trọng trong một câu nói.

(3)- Một câu truyện “Tuy Gần Mà Xa”: Cha Quang đưa ra một câu chuyện làm điển hình: Một nhà hiền triết hỏi đệ tử: “Tại sao trong cơn giận người ta phải hét thật to vào mặt nhau? Một đệ tử trả lời: “ Bởi vì người ta mất bình tĩnh, mất tự chủ”. Nhà hiền triết lắc đầu, ông nói: “ Nhưng tại sao phải hét lên khi cả hai đang cạnh nhau, sao không nói với âm thanh vừa phải đủ nghe ?”. cuối cùng ông giải thích: “ Khi hai người giận nhau, trái tim họ không còn ở gần nhau, thâm tâm họ có một khoảng xa cách, nếu muốn nói cho nhau nghe họ phải hét thật to. Sự giận giữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.” ngưng một chút nhà hiền triết tiếp: “ Khi hai người yêu nhau, họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, bởi vì trái tim của họ gần kề nhau, khoảng cách giữa họ rất nhỏ”. Rồi nhà hiền triết tiếp: “ Khi hai người ấy yêu nhau thật đậm đà thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến gần nhau bằng tình yêu. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không cần thiết, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau!” kết luận nhà hiền triết khuyên các đệ tử: “ Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề gì, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề bên nhau”. Lời khuyên của nhà hiền triết đáng để chúng ta suy nghĩ.

(4)-Sức Mạnh Sự sống & Sự chết Nằm Trong Cái Lưỡi: Cha Quang kể tiếp một câu truyện ví von thứ hai: “ Một đàn nhái di chuyển qua một khu rừng, có hai con bị rơi xuống hố, đàn nhái còn lại xúm quanh miệng hố, thấy hố quá sâu nên chúng nói: thôi chúng mày chịu chết đi cho rồi, hai con nhái cố gắng hết sức nhẩy lên, nhưng bày nhái trên bờ lại la to thêm: thôi nhảy làm gì, hố xâu lắm, chịu chết đi, một con nhái ngừng nhảy, bỏ cuộc, chịu chết, con kia tiếp tục nhẩy, đám nhái trên bờ lại la to: thôi chịu chết đi, nhẩy làm chi cho mệt sức. Con nhái lại tiếp tục nhẩy mạnh, lấy hết sức bình sinh nhẩy vọt lên bờ. Mấy con nhái kia ngạc nhiên hỏi nó: Mày không nghe chúng tao la hét hả? Nhái kia trả lời nó bị điếc, nên tưởng các bạn muốn khuyến khích nó: cố lên, cố lên, nên nó đã thoát chết.

Ngài kết luận: “Những lời tiêu cực đôi khi xói mòn tâm tư những người đang thất vọng, có thể dẫn họ đến sự tuyệt vọng và đẩy tới cái chết. Chính vì thế, hãy cẩn thận khi nói hay phát biểu. Sức mạnh của lời nói như dao sắc hai lưỡi. Chúng ta cũng biết rằng: Xây dựng tinh thần cần một thời gian lâu dài, nhưng phá đổ chỉ trong giây lát. Hãy nhìn đời với đôi mắt lạc quan hơn, xây dựng tình người với những lời khen tặng ích lợi hơn chê bai thiếu xây dựng.

(5)-Đến đây, Cha Hùng tiếp lời chia sẻ: Mỗi người chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho một trái tim biết lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe tiếng anh chị em như Mẹ Maria lắng nghe trong tiệc cưới Cana: Đức Mẹ lắng nghe, mở mắt quan sát, họ hết rượu rồi, rồi mẹ “ Take action”: Nói với Chúa Giêsu: “ Họ hết rượu rồi!” rồi bảo gia nhân: Ngài bảo gì làm theo, Mẹ biết nghe và đáp lại và Mẹ đã tích cực trong mọi công việc. Hành trình của Mẹ là âm thầm đi với Chúa cả cuộc đời, ôm thần khí đi trong đời, không trốn đời dù Chúa đã về trời, Mẹ lại tiếp tục đi với các môn đệ Chúa và luôn lắng nghe với trái tim từ mẫu. Trong Tháng 10 này, Cộng Đoàn chúng ta, tôi biết mọi người đang ráo riết chuẩn bị cho Đại Hội Mẹ La Vang, nghe cha Quang nói các Hội Đoàn từ các em Thiếu Nhi Thánh Thể đến các ông bà trong Hội Các Bà Mẹ hay Hội Hồn Nhỏ, Hội Thánh Giuse…đều tích cực dấn thân làm việc với nhau, cùng sắn tay áo giải quyết các vấn đề chuẩn bị cho Đại Hội với một bầu nhiệt huyết đáng khích lệ. Biết nói gì đây? Lạy Chúa Giêsu, Chúa sai các tông đồ ra đi loan báo Tin Mừng, xin Chúa ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ để chúng con làm chứng cho Chúa và làm nhân chứng tình yêu bằng chính cuộc sống đạo của chúng con.

IV-KẾT THÚC BUỔI TĨNH TÂM: Trước khi mời mọi người hát một bài dâng lời cảm tạ Chúa, cha Quang nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ II trong buổi gặp gỡ giới trẻ, ngài nói: “ Con người ngày nay không còn tin theo hay nghe theo lời thày dạy, nhưng họ tin nghe theo những “Chứng Nhân”. Chúng ta hãy là những chứng nhân của Chúa trong thế giới hôm nay.Sau đó cha Quang mời mọi người hát bài: “ Tán Tụng Hồng Ân” của nhạc sĩ Hải Linh & Vũ Đình Trác để dâng lời cảm tạ Chúa sau những giây phút có nhau, cùng nhau chia sẻ và học hỏi lời Chúa: “ xin dâng lời cảm tạ Hồng Ân Thiên Chúa bao la, xin dâng lời cảm mến, hòa theo tiếng hát dâng lên…”

Buổi tĩnh tâm kết thúc sau hai tiếng đồng hồ, do hai cha hy sinh thay nhau chia sẻ Lời Chúa và những ví dụ cụ thể để mọi người thấm nhuần những ý tưởng tuyệt vời của buổi Tĩnh Tâm về sứ vụ tông đồ cho những ngày tháng tới./.

Mừng lễ thánh Monica 27- 8-2015

Phan Văn Sỹ
 
Hội công nhân viên chức Công Giáo hạt Thuận Nghiã GP Vinh tĩnh tâm, mừng bôn mạng
Hội Nguyên
08:53 31/08/2015
HỘI CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC Công Giáo HẠT THUẬN NGHĨA - TÍNH TÂM VÀ MỪNG LỄ THÁNH QUAN THẦY

Vào chiều ngày Chúa Nhật 30/08/2015, tại Giáo xứ Cẩm Trường, hội Công nhân viên chức Công Giáo(CNVCCG) giáo hạt Thuận Nghĩa long trọng thành kính tham dự thánh lễ quan thầy của hội - Thánh Augustino, tiến sỹ Hội Thánh. Đây cũng là lần thứ 5 hội mừng lễ quan thầy. Thánh Lễ được diễn ra với sự tham dự đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ.

Chương trình bắt đầu từ 13h30 với các nghi thức tĩnh tâm, xưng tội do cha quản hạt Antôn Nguyễn Văn Đính, cha linh hướng FX. Phan Đình Giáo và quý cha trong hạt.

Giáo hạt Thuận nghĩa là một hạt lớn nhất Giáo phận, số CNVCCG hùng hậu, với gần 200 anh chị em đang công tác trong các cơ quan nhà nước, bao gồm các giáo viên, y bác sỹ, công nhân, cán bộ hành chính xã, huyện… chiếm đa số là các thầy cô giáo và y bác sỹ. Chưa kể gần 100 anh chị em chưa xin được việc làm sau khi tốt nghiệp các nghề khác nhau.

Phần chia sẻ về cuộc đời Thánh nhân của cha linh lướng thật huyền diệu, lạ lùng. Ngài đã đan xen cuộc đời của Thánh nhân liên hệ với CNVCCG, thấy hình ảnh của anh chị em phảng phất trong cuộc đời và lời cầu nguyện của Thánh quan thầy, “ Xin hãy ban cho con sự trinh bạch và tiết chế nhưng xin cứ từ từ” ( Xưng tội, VIII), đã làm cho bao anh chị em suy tư lắng đọng.

Những người CNVCCG may mắn được Thiên Chúa ban cho một chút khả năng mà nhiều khi cứ ngỡ mình tài giỏi, không nhận thấy rằng Thiên Chúa luôn hoàn hảo bao la và tuyệt đối. Vẫn không nhận ra mình còn trống rỗng và lạc lõng, sự cao ngạo luôn lên ngôi. Chúng con đã khô khan rất nhiều, giảm sút về ý chí và luân lý, không dám bảo vệ chân lý Công Giáo, ích kỷ kiêu căng và hoài nghi Lời Chúa.

Biết bao lệch lạc chất chứa mâu thuẫn, giằng xé và nổi loạn trong cuộc đời anh chị em như cuộc đời Thánh Nhân, chỉ khi nào chúng ta tìm thấy niềm vui trong Chúa và Giáo Hội thì lúc đó mới có hạnh phúc đích thực.

Phần quảng diễn lời Chúa của cha quản hạt Antôn thật sâu sắc, ngài đã đề cao về tinh thần giữ luật, giữ luật phải lấy tình yêu làm nền tảng. Ngài cũng đã trích lời của Thánh Bênadô viện phụ rằng: “ Ai giữ luật thì luật giữ mình” và lời của Thánh Grêgôriô: “Sống theo luật là sống theo Chúa”. Ngài cũng chia việc giữ đạo thành 3 thành phần: thành phần sống đạo thật, thành phần giữ đạo theo hình thức bề ngoài và thành phần có đạo nhưng sống vô kỷ luật. Ngài cũng nhấn mạnh và lên án thói kiêu ngạo- một loại tội mà ma quỷ rất thích, một mầm mống khởi đầu của các tội khác. Phần chia sẻ rất ý nghĩa nhất là đối với anh chị em GCCG sống trong xã hội đầy tục hóa ngày nay.

Thánh lễ kết thúc với niềm vui hân hoan khi Hội được cha quản hạt, cha linh hướng và quý cha trong hạt luôn dành cho sự quan tâm nâng đỡ. Bài phát biểu tri ân của đại diện hội cũng đã toát lên điều đó và hơn bao giờ hết anh chị em luôn cần phải triển nở về Đức Tin bởi không có Đức Tin thì mọi việc đều vô nghĩa, mọi cố gắng rồi cũng vô ích. Xin Thánh Bổn mạng luôn đồng hành với mọi thành viên của Hôi, để dầu sống ở môi trường nào, mỗi người đều ý thức mình là người Kitô hữu phải toả sáng Đức Tin.

Pv. Hội Nguyên
 
Lễ đặt viên đá góc tường xây dựng thánh đường giáo họ Mỹ Bổng, Thái Bình
BTT Giáo Phận Thái Bình
09:46 31/08/2015
Gp. Thái Bình: Lễ đặt viên đá góc tường Thánh đường Giáo họ Mỹ Bổng

Vào lúc 9 giờ sáng nay, ngày 31 tháng 8 năm 2015, Đức Cha Phêrô – Chủ chăn Giáo phận - đã long trọng cử hành thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, cùng với nghi thức làm phép khu đất xây dựng và đặt viên đá góc tường ngôi Thánh đường Giáo họ Mỹ Bổng.

Ngôi Nhà thờ của Giáo họ nằm trên địa bàn thôn Mỹ Bổng, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, cách họ nhà xứ Nguyệt Lãng khoảng 3 km về hướng Nam, và cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 12 km về hướng Tây Bắc; số giáo dân hiện nay là 93 nhân danh, được đặt dưới sự coi sóc của cha Vinc. Phạm Văn Sơn – chánh xứ Nguyệt Lãng.

Xem Hình

Được biết, hạt giống đức tin đã gieo vào làng Mỹ Bổng vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Năm 1939, Giáo họ Mỹ Bổng chính thức được thành lập, thuộc Giáo xứ Nguyệt Lãng, nhận Thánh Cả Giuse làm bổn mạng. Khi ấy, giáo họ dựng được một ngôi nhà nhỏ để làm nơi cầu nguyện.

Năm 1993, Giáo họ xây được ngôi Nhà thờ ba gian nhà nhỏ. Năm 1996, số nhân danh của Giáo họ đã tăng lên, Nhà thờ lúc đó được nối dài ra. Theo dòng thời gian, ngôi Nhà thờ đó đã xuống cấp trầm trọng, được phép của Bề trên, cha xứ cùng với Giáo họ quyết tâm xây dựng lại ngôi Nhà thờ mới hai tầng, tầng trệt làm nơi hội họp và sinh hoạt Giáo lý, tầng II là nơi cộng đoàn quy tụ để cầu nguyện, với chiều dài 18m, rộng 7m và tháp chuông cao 21m.

Sau 3 tháng, tính từ ngày khởi công, ngôi Nhà thờ đã dựng toàn bộ khung thô tầng II. Nay cộng đoàn Giáo họ Mỹ Bổng hân hoan đón Đức Cha Phêrô về dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa và đặt viên đá góc tường cho ngôi Nhà thờ của mình.

Đúng 8g50, bước đi trong tiếng kèn âm vang, đoàn đồng tế từ nhà ông Chủ tịch Hội đồng Giáo họ tiến vào Thánh đường để hiệp dâng thánh lễ. Đồng dâng thánh lễ với Đức Cha phêrô hôm nay, có cha Tổng Đại diện, cha xứ và quý cha, cùng với sự hiệp thông của quý khách và cộng đoàn Giáo xứ Nguyệt Lãng.

Trong phần ngỏ lời với cộng đoàn đầu thánh lễ, Đức Cha nói: chúng ta vui mừng, cầu nguyện và học hỏi niềm tin mạnh mẽ của cộng đoàn Giáo họ Mỹ Bổng, vì với số nhân danh ít ỏi mà cộng đoàn cũng đã cố gắng khởi sự công trình, như một của lễ để tiến dâng cho Đấng mà mình hằng tôn thờ. Vậy, tham dự thánh lễ đặt viên đá hôm nay, chúng ta cùng hướng lòng về Thiên Chúa như hướng về người Cha duy nhất để dâng công trình này cho Ngài, xin Ngài chúc lành cho công trình và mọi người dân trong địa bàn này.

Trong bài giảng, Đức Cha tiếp tục đề cập đến ý nghĩa về niềm tin của các tôn giáo nói chung và cách riêng là của những người Công Giáo. Đức Cha cho cộng đoàn thấy, chính Đức Giêsu đã khẳng định Trời với Ngài là một, và Ngài được Chúa Cha sai đến để tha thứ tội lỗi và mang lại sự sống đời đời cho những ai tin vào Ngài.

Kết thúc bài giảng, Đức Cha cử hành nghi thức làm phép khu đất xây dựng và viên đá góc tường, đồng thời ngài đặt viên đá đó vào nơi đã được chuẩn bị sẵn tại bức tường cuối Nhà thờ. Sau nghi thức làm phép và đặt viên đá, thánh lễ được tiếp tục trong sự nghiêm trang sốt sắng.

Cuối Thánh lễ, ông Chủ tịch Hội đồng Giáo họ thay mặt cho cộng đoàn cám ơn Đức Cha, quý cha đồng tế, các ân nhân và tất cả mọi người hiện diện.

Kết thúc thánh lễ, cộng đoàn Giáo họ Mỹ bổng đã chụp chung tấm hình lưu niệm với Đức Cha và quý cha. Sau đó, tất các các em Thiếu nhi tiến lên nhận những phần quà của Đức Cha ban tặng.

Ban Truyền thông Giáo phận
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Trung Quốc phá giá đồng nội tệ
Hà Minh Thảo
15:54 31/08/2015
TRUNG QUỐC PHÁ GIÁ ĐỒNG NỘI TỆ (tiếp theo)

II.- NHỮNG HẬU QUẢ DO SỰ PHÁ GIÁ GÂY RA.

A/. Tại Trung quốc.

1/- Hầu hết các doanh nghiệp xuất cảng được hưởng lợi do đồng yuan phá giá. Giá cổ phần tập đoàn chế tạo máy China Machinery Engineering và hãng công nghệ Lenovo đều tăng 5,9% và 2,9% trong phiên ngày 11.08.2015 tại thị trường Hồng kông, trong khi cổ phần hãng công nghệ Lenovo tăng. Hai doanh nghiệp này chiếm 65% doanh thu từ thị trường xuất cảng. Ngoài ra, xuất cảng xe hơi nước này bị đình trệ từ những năm qua do yen Nhật và won Đại hàn hạ giá và làm tăng sức cạnh tranh về giá xe hơi do hai nước này sản xuất. Do đó, việc phá giá đồng yuan tạo sự hồ hởi nơi giới xuất cảng xe Trung quốc. Các công ty hàng dệt may xuất cảng cũng sẽ hưởng lợi.

2/- Trái lại, các hãng hàng không Tàu đang vay nợ để mua phi cơ bằng mỹ kim. Nay, yuan mất giá sẽ làm tăng số nợ này bằng yuan và làm giảm lợi nhuận vì phải trả tiền lời bằng yuan. Tại thị trường Hồng kông ngày 11.08.2015, cổ phần China Southern Airlines và China Eastern Airlines đều giảm giá 18% và 16% so với hôm trước. Năm 2014, China Southern Airlines cho biết mỗi 1% giảm tỷ giá đồng yuan tạo ra mức giảm 767 triệu yuan, tức bằng 121 triệu mỹ kim, trong lợi nhuận hàng năm của hãng này.

Thí dụ :

a- Ngày 14.08.2014, công ty giả tưởng China Airlines mở khoản tín dụng 150 triệu mỹ kim tại ngân hàng First City (Hoa kỳ), đồng thuận lãi suất 6% với hạn kỳ 1 năm. Số tiền chuyển về trương mục China Airlines tại Trung quốc, với hối giá 1 mỹ kim đổi 6,11 yuan, sẽ là :

6,11 yuan x 150 triệu = 916,5 triệu yuan.

Tiền lời phải trả là : 150 triệu mỹ kim x 6% = 9 triệu mỹ kim, tức :

6,11 yuan x 9 triệu = 36,99 triệu yuan.

b - Ngày 13.08.2015, khoản vốn tín dụng đáo hạn, với hối giá 1 mỹ kim đổi 6,40 yuan, dã phải thanh toán là : 6,40 yuan x 150 triệu = 960 triệu mỹ kim ;

Tiền lời thật sự phải thanh toán là : 4,40 yuan x 9 triệu = 39,6 triệu yuan.

- Tổng kết : Do 3 lần phá giá đồng yuan vừa qua, China Airlines dự trù chi phí tài chính cho khoản tín dụng 150 triệu mỹ kim là 36,99 triệu yuan, nay số chi phí thực sự phải thanh toán thêm là :

(960 triệu - 916,5 triệu) + (39,6 triệu - 36,99 triệu) = 46,11 triệu yuan.

3- Giới trung lưu và kẻ tham nhủng Trung quốc rất ưa chuộng sản phẩm hảo hạng và xa xỉ cung cấp bởi các thương hiệu cao cấp tại các quốc gia thuộc Liên hiệp Aâu châu. Nay đồng yuan mất giá, họ phải trả nhiều đồng nội tệ hơn lúc trước khi mua xe hơi Đức, đồng hồ Thụy sĩ hay túi xách Pháp. Xin nhớ, thuế trị giá gia tăng hay thuế doanh nghiệp, nếu có, cũng sẽ gia tăng.

B/. Đối với các quốc gia khác.

Sự điều chỉnh để hạ tỷ giá đồng yuan (tổng cộng 4,69% so với ngày 10.08.2015, trong 3 lần) đã có ảnh hưởng đến nội tệ các quốc gia khác như đôla úc và Tân tây lan (Australian và New Zealand dollars), won Hàn quốc, đôla Singapore, rupiah Indonesia và ringgit Malaysia cũng giảm giá trên thị trường tài chính châu Á. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong kong tăng 1,4%. Đồng thời, PBOC khẳng định, không có cơ sở kinh tế để nói đồng yuan sẽ tiếp tục mất giá và đoan chắc dự trữ ngoại tệ Trung quốc hiện ở mức 3,65 nghìn tỷ mỹ kim và cán cân vãng lai đang thặng dư.

Tổng trưởng tài chính Hàn quốc Choi Kyung-hwan có vẻ hồ hởi khi nói việc Trung quốc phá giá yuan là tích cực đối với hàng hóa xuất cảng từ Hàn quốc sang Trung quốc, đa số dưới dạng bán thành phẩm và không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm Trung quốc.

Đồng yuan yếu không có khả năng giúp đỡ các doanh nghiệp xuất cang đang gặp khó khăn do giá lao động tăng, tuy cũng hy vọng giúp giảm bớt áp lực giảm phát, như mối quan ngại của nhiều nhà kinh tế. Giá hàng hóa sụt có thể do giá doanh nghiệp sản xuất giảm, khiến Trung quốc có nguy cơ lặp lại chu kỳ giảm phát mà Nhật bản đã gặp phải trong nhiều năm. Tăng trưởng Trung quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, đã chậm lại đáng kể trong năm nay, và dự kiến sẽ ở mức thấp nhất 25 năm qua nếu không đạt được mục tiêu 7% đã đề ra.

C/. Ảnh hưởng đến Việt Nam.

1./ Đôi dòng lịch sử Việt–Trung.

Từ khi lập quốc, tuy là một nước nhỏ và dân số ít hơn Tàu, ba lần chúng đã xâm chiếm và đô hộ nước ta :

- Lần đầu, năm 111 trước Tây lịch, chúng chiếm Giao Chỉ và cai trị hà khắc dân ta, nên Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) kêu gọi toàn dân phất Cờ Vàng đánh đuổi quân Tàu về nước năm 39 sau Tây lịch ;

- Lần hai bắt đầu năm 43. Năm 544, Tiêu Tư, thứ sử Giao châu, là kẻ tàn bạo, làm cho lòng dân oán hận, nên Lý Bôn kêu gọi toàn dân nổi dậy, lập nhà Tiền Lý ;

- Lần ba từ năm 603. Năm 938, khi Hán quân do Hoằng Tháo đến gần sông Bạch đằng, Ngô Quyền truyền lịnh quân sĩ tìm gỗ cặp sắt nhọn, cắm ngầm ở dưới lòng sông, rồi chờ địch đến lúc nước thủy triều lên, xua quân ta ra khiêu chiến, Hán quân đuổi theo. Khi nước xuống, ông phản công, địch thua chạy, các thuyền mắc vào cộc gỗ thủng nát hết, người chết quá nửa. Hoàng Tháo bị bắt và xử tử.

{Xin đặt biệt lưu ý : Muôn đời, bọn Hán bành trướng xâm lược Trung hoa vẫn nuôi tham vọng chiếm Quê hương chúng ta với ba lần Bắc thuộc :

- Cả 3 lần thắng Trung quốc, khôi phục Độc lập cho Quê hương và Tự do cho Đồng bào đều phát xuất từ Ý chí kiên quyết giữa Lãnh đạo cùng Toàn dân và tình Đoàn kết keo sơn của từng cá nhân yêu nước.

- Trước ngày 30.04.1975, ông Nguyễn Văn Thiệu dặn : ‘Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm’.

- Ngày 30.04.1975, từ khoảng đúng ngọ, người dân Sài gòn không ngớt nghe và đọc lời ông Hồ Chí Minh : ‘Không gì quý bằng Độc lập và Tự do’.

- Suy nghĩ dựa vào thực tế chế độ mới, họ chua chát kết luận : Ông Thiệu nói 10 câu chỉ đúng có 1 (là câu trên). Ông Hồ nói 10 câu chỉ sai có 1 và đồng bào sẽ chết dần mòn vì đó. Lê Duẫn thú nhận : ‘Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên xô, Trung quốc’ và bản thân chúng ta khi đi làm, sau ngày 30.04.1975, hàng tháng khi phải ghi tên danh sách công nhân viên mua nhu yếu phẩm, tôi cũng ghi mua thuốc lá, dù không hút. Không ghi thì bè bạn cùng sở cho là ngu (Đạo đức Hồ Chi Minh mà!). Thuốc lá đó tôi dùng để đổi đường ngọt cho cả nhà uống cà phê.

- Sau hội nghị Thành đô ngày 03 và 04.09.1990, hai đảng cộng sản Tàu và Việt đã xiết chặc tay nhau để bảo vệ chủ nghĩa cộng sản mà Nga và các nước Đông Âu vứt bỏ. Ngày 07.11.1991, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đã ký Hiệp định mậu dịch Trung Việt với Trung quốc tại Điếu ngư đài, Bắc kinh.

- Bản tin RFI ngày 31.08.2015 loan báo ‘Trung Quốc sẽ chiếm trọn biển Đông vào năm 2017 ’. Xin mời nghe tại : http://vi.rfi.fr/chau-a/20150831-trung-quoc-se-chiem-tron-bien-dong-vao-nam-2017 }

b./ Kinh tài Việt Nam lệ thuộc Trung quốc.

b.1./ Nhập siêu. Nhiều năm dài đã trôi qua, Việt Nam, nước láng giềng - có đảng cộng sản theo chân Trung cộng trong phương châm ’16 chữ vàng, 4 tốt’ – luôn nhập siêu rất lớn từ Trung quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập siêu 19 tỷ mỹ kim từ Trung quốc, tăng 4,5 tỷ mỹ kim so với cùng kỳ. Năm 2014, con số nhập siêu là 29 tỷ mỹ kim. Sự lệ thuộc vào kinh tế Tàu và bị nhập siêu càng nặng thêm, ước khoảng 40 tỷ, nếu tính thêm số buôn lậu, với sự đồng lõa của các chính quyền địa phương trong hệ thống mậu biên. Do đó, việc Tàu phá giá là tai họa trước mắt. Trong việc buôn bán với họ, Tàu xuất cảng rẻ hơn và Việt Nam xuất cảng mắc hơn.

Trên cả vấn đề nhập siêu và giá cả, sản phẩm Tàu cộng nhập vào Việt Nam mang nhiều tính chất độc hại, đã gây tử vong cho nhiều đồng bào. Nhiều người Việt, vì lợi nhuận và có khi được che chở bởi thẩm quyền tham nhủng, đã dùng hóa học Tàu để chế biến thức ăn, gây những độc hại chết người.

b.2./ Cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Sự phá giá đồng yuan không chỉ làm sản phẩm xuất cảng của Tàu rẻ hơn khi nhập trong quan hệ thương mại song phương Việt–Trung mà còn tạo sức cạnh tranh sản phẩm họ với hàng hoá xuất cảng từ Việt Nam.

Thí dụ : so sánh 2 bộ quần áo giống nhau, bày bán tại Hoa kỳ ngày 10.08.2015 :

- bộ sản xuất tại Trung quốc có giá :

1 mỹ kim x 50 yuan / 6,11 (tỷ giá so với mỹ kim hôm đó) = 8,18 mỹ kim

- bộ sản xuất tại Việt Nam có giá :

1 mỹ kim x 177 000 đồng / 21 673 (tỷ giá so với mỹ kim) = 8,17 mỹ kim

Ngày 20.08.2015, sau khi yuan bị phá giá 4,67% và tiền đồng mất giá 1% ngày 19.08.2015, chúng ta so sánh giá 2 bộ quần áo lần nữa :

- bộ sản xuất tại Trung quốc có giá :

1 mỹ kim x 50 yuan / 6,40 (tỷ giá mới so với mỹ kim) = 7,81 mỹ kim

- bộ sản xuất tại Việt Nam có giá :

1 mỹ kim x 177 000 đồng / 21 890 (tỷ giá mới) = 8,09 mỹ kim

Hai giá 7,81 mỹ kim và 8,09 mỹ kim cho thấy hàng Trung quốc có sức cạnh tranh hơn hàng Việt Nam.

b.3./ Vấn đề công nợ còn thê thảm hơn. Việt Nam đã vay quá nhiều và bằng mỹ kim quá rẻ, rồi làm thất thoát vào tay bọn cộng sản tham nhủng, nhất là trong các vụ Vinashin và Vinalines. Ngày nay, người dân và con cháu họ nối tiếp nhau đóng thuế ‘không làm chính trị’ để nhà nước ‘đảng cử’ hoàn trái và trả tiền lời bằng đồng tiền Việt Nam mất giá so với mỹ kim. Xin xem thí dụ tương tựa tại đoạn II.A.2 trên đây.

3./ Việt Nam đối phó.

Một ngày sau khi Trung quốc phá giá đồng yuan lần đầu, hôm 12.08.2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chống đỡ bằng mở rộng biên độ tỷ giá tiền đồng Việt Nam so với mỹ kim từ 1% lên 2%.

Ngày 14.08.2015, Chính phủ Việt Nam đã họp bàn về tác hại do Tàu phá giá đồng yuan và tìm cách đối phó. Những góp ý ít nhiều đều rất bi quan vì Việt Nam sẽ gánh chịu tác hại lớn vì đã để bị lệ thuộc họ quá nặng về mặt kinh tế : nhập siêu, hiện đã rất lớn, sẽ gia tăng và cạnh tranh thêm khốc liệt.

Ngày 19.08.2015, Ngân hàng Nhà nước công bố tăng tỷ giá thêm 1%, mở rộng biên độ đến 3%. Do đó, tỷ giá trung bình liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và mỹ kim từ mức 21 673 đồng lên 21 890 (tức tăng 1%) và nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. Tỷ giá này là tham chiếu cho các giao dịch trong hệ thống ngân hàng. Họ được phép ấn định mức mua vào, bán ra hay chuyển khoản lên xuống trong biên độ Ngân hàng Nhà nước ấn định là +/-3%, tức tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại sẽ phải nằm trong khoản 21 233 đồng và 22 547 đồng cho một mỹ kim.

Thông tin tăng tỷ giá và nới biên độ lập tức ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán và giá vàng. Vn-Index đã quay đầu đi xuống vì cổ phần ngân hàng mất giá hàng loạt. Giá vàng miếng SJC đã tăng gần một triệu đồng so với hôm trước. Ngân hàng Nhà nước giải thích phải nới biên độ tỷ giá trong ngày 12.08.2015 là để ứng phó việc đồng yuan giảm giá mạnh. Nhưng, do tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề vì lo ngại các hệ lụy việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất mỹ kim vào tháng 9 tới. Họ cam kết sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

Hà Minh Thảo
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Vài chi tiết nên xem lại trong một số thánh lễ long trọng tại Việt Nam
LM. Vinh Sơn Trần Minh Thực, PSS
09:32 31/08/2015
VÀI CHI TIẾT NÊN XEM LẠI TRONG MỘT SỐ THÁNH LỄ LONG TRỌNG TẠI VIỆT NAM

Từ khoảng mươi năm trở lại đây, các thánh lễ truyền chức linh mục và các thánh lễ tạ ơn trong các dịp khác nhau tại Việt Nam ngày càng nhiều hơn, qui mô tổ chức xem ra ngày càng rầm rộ. Vào những dịp này, cộng đồng Dân Chúa thường bày tỏ niềm vui chân thành và chính đáng của mình theo những cách rất đa dạng. Tuy nhiên, cách thức tổ chức thánh lễ vào các dịp này có một vài điểm cần xem xét lại.

Đôi điều ghi nhận từ thực tế

Các thánh lễ truyền chức cũng như tạ ơn thường được sắp đặt tương đối kĩ lưỡng. Những chi tiết trang trí cũng như sự tham gia của các hội đoàn thường giúp làm cho cuộc cử hành thêm long trọng, đồng thời cũng tô điểm cho vẻ đẹp phụng vụ của ngày lễ.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy rằng ở khá nhiều nơi, thay vì cuốn Sách Lễ Rôma, người ta dùng một chiếc kẹp tài liệu với các bản văn thánh lễ được in ra và xếp theo thứ tự. Tương tự như thế, thay vì Sách Bài Đọc và Sách Tin Mừng, người ta cũng dùng một kẹp tài liệu khác đặt sẵn ở giảng đài, với các bản văn Kinh Thánh của ngày lễ được in sẵn. Cách làm này dĩ nhiên tiện lợi, giúp tân chức cũng như những ai đọc các bài Sách Thánh không phải loay hoay bối rối.

Tuy nhiên, nhìn sâu xa hơn một chút, dường như cách làm này có điều gì đó không ổn.

So sánh với truyền thống trong Hội Thánh

Y phục, Sách Lễ, Sách Các Bài Đọc, Sách Tin Mừng và các nghi thức làm nên vẻ đẹp phụng vụ và diễn tả đức tin. Vì thế, trong truyền thống Hội Thánh, Sách Lễ, Sách Các Bài Đọc, đặc biệt là Sách Tin Mừng thường được đóng thành quyển và trang trí đặc biệt công phu cầu kì. Trong những thánh lễ trọng thể, Sách Tin Mừng thường được một thầy phó tế rước trang trọng ở đầu đoàn rước, được đặt trên bàn thờ để rồi sẽ được rước long trọng khi thầy phó tế công bố Tin Mừng. Những chi tiết này cho thấy Hội Thánh kính trọng Lời Chúa, nhất là Sách Tin Mừng một cách rất đặc biệt, và giảng đài chính là nơi mà Lời Chúa được tôn vinh một cách hết sức long trọng.



Tại Rôma, vào các dịp cử hành long trọng, liền sau Tin Mừng được công bố, Đức Giáo Hoàng thường hôn lên sách Tin Mừng, rồi dùng Sách Tin Mừng chúc lành cho cộng đoàn phụng vụ.

Chỉ cần so sánh vài hình ảnh trên đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy dường như cách thực hành của Hội Thánh tại Việt Nam còn khá xa lạ với truyền thống tôn vinh Lời Chúa, nhất là Sách Tin Mừng trong Hội Thánh hoàn vũ.

Tuy nhiên, điều đáng nói không chỉ đơn giản là sự khác biệt bên ngoài này.

“Tâm thức mì ăn liền” trong cử hành phụng vụ

Chúng tôi xin tạm gọi tên cách làm “tiện dụng” tại một số nơi ở Việt Nam vừa được nêu ra trên đây như là phản ảnh “tâm thức mì ăn liền” trong cử hành phụng vụ: mọi thứ được chuẩn bị để sử dụng cho mục đích tức thời.

Chúng tôi tự hỏi không biết người công bố Tin Mừng, hoặc vị chủ tế có cảm tưởng gì khi cung kính hôn lên bản văn Tin Mừng đặt trong kẹp tài liệu. Rồi chúng tôi lại tiếp tục tự hỏi là không biết số phận của các tờ giấy in bản văn Tin Mừng đó sẽ thế nào. Hầu chắc nó sẽ bị ném vào một xó xỉnh nào đó, thậm chí rất có thể nó bị ném vào sọt rác. Điều này có thể hàm ý rằng tất cả các nghi thức tôn vinh Lời Chúa một cách long trọng như xông hương, hôn kính trong buổi cử hành thực ra chỉ là hình thức và mang tính biểu diễn!

Một điều nữa chúng tôi cũng muốn ghi nhận ở đây, điều này có lẽ hơi mâu thuẫn với những chi tiết vừa nêu, đó là việc bài trí trong các nhà thờ và nhà nguyện tại Việt Nam: người ta cố gắng sắp xếp để có nơi đặt cuốn Kinh Thánh, thường là đối diện với Nhà Chầu. Đây có lẽ là một nỗ lực áp dụng “sát chữ” số 21 trong Hiến Chế Dei Verbum: “Giáo Hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh giống như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, ...” Trên thực tế, nơi để cuốn Kinh Thánh trở thành một “cái tủ” và hầu như cả năm, người ta chẳng buồn ngó ngàng gì tới Lời Chúa trong đó. Thực ra, số 21 khởi đầu chương IV của Hiến Chế Dei Verbum với tiêu đề “Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội” nhấn mạnh tới việc loan báo, học hỏi, nghiên cứu và diễn giải Lời Chúa nhằm “đem đến cho đoàn con của Giáo Hội sức mạnh đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn mạch tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng.” Cũng trong chương IV, số 24, Hiến Chế nói tới vai trò đặc biệt của việc công bố và diễn giải Lời Chúa trong phụng vụ: “Chính lời Thánh Kinh nuôi dưỡng cách tuyệt hảo và làm tăng triển cách trọn vẹn thừa tác vụ Lời Chúa, bao gồm việc giảng thuyết của các Chủ chăn, việc dạy giáo lý và toàn thể giáo huấn Kitô giáo, trong đó bài giảng phụng vụ có một chỗ đứng đặc biệt.” Thiết nghĩ, nơi đích thực để tôn vinh Lời Chúa trong phụng vụ là các nghi thức, là việc công bố và diễn giải Lời Chúa và cách thức cử hành phụng vụ phải làm sao cho nổi bật được điều này.

Chúng tôi xin kết thúc vài điều ghi nhận ở đây với mong muốn rằng các vị hữu trách lưu ý hơn tới những chi tiết xem ra thật nhỏ bé, nhưng lại góp phần không nhỏ tạo nên vẻ đẹp chân chính của phụng vụ Công Giáo, đồng thời vừa diễn tả đức tin, vừa góp phần giáo dục đức tin cho cộng đoàn tham dự.

Huế, 31-8-2015

Vinh-sơn Trần Minh Thực, PSS
 
Văn Hóa
Mỗi ngày là một hồng ân
Đinh Văn Tiến Hùng
15:58 31/08/2015
Mỗi Ngày Là Một HỒNG ÂN

“Trước Mặt Thiên Chúa Một Ngày cũng tựa Ngàn Năm,
Và Ngàn Năm cũng như Một Ngày” ( Lời Thánh Phêrô )


*Hồng Ân nối tiếp Hồng Ân,
Mỗi ngày ta lại đến gần quang vinh.
Hồng Ân tiếp nối Hồng Ân,
Mỗi ngày ta lại đến gần Chúa hơn.

Nhân sinh hòa nhịp bốn mùa,
Chúc mừng thêm tuổi tiếng Thu chào mừng.
Mùa Xuân trời đất tưng bừng,
Hạ về nắng ấm nghe chừng nôn nao.
Đông sang gió lạnh rì rào,
Lại một năm nữa đi vào thiên thu.
Vẳng nghe như tiếng mẹ ru,
Ngọt ngào năm tháng giấc mơ đầu đời.
Trưởng thành giờ đã lên ngôi,
Đuổi theo danh vọng tiếng cười hiên ngang,
Vượt bao vất vả gian nan,
Nuôi bao mộng đẹp muôn vàn ước mơ.
Quên đi năm tháng ngày giờ,
Bóng câu qua cửa có chờ ai đâu !
Phút giây đã bạc mái đầu,
Trăm năm cũng tựa qua cầu gió bay.
Sống được hạnh phúc mỗi ngày,
Sống thêm tuổi hạc là đây ơn trời,
Đó là diễm phúc người ơi !
Mỗi ngày đón nhận Chúa Trời ban ân.

‘Cám ơn Trời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta co thêm ngày nữa để yêu thương.’

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tiền Bạc
Đặng Đức Cương
20:58 31/08/2015
TIỀN BẠC
Ảnh của Đặng Đức Cương
Hãy từ bỏ đồng tiền đen đang cầm
Luyện tình thương, vàng bạc ắt tới đầy sân.
(Thơ của Hafiz, gs LVVịnh phóng ngữ)