Ngày 28-08-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:54 28/08/2017
HOÀ THƯỢNG ĐỔ TỘI CHO NGƯỜI
Nhà của phú hộ nọ ở sát bên chùa, có một hoà thượng nửa đêm mò qua nhà phú ông để trộm đồ, vừa đưa tay lấy trộm thì bị bắt quả tang.
Chủ nhà chạy ra đuổi theo, hoà thượng ấy sợ ông chủ lấy mạng mình nên lúc chạy thì bị té trong đống bùn nhão, cả thân toàn là bùn.
Hoà thường gấp gấp đứng dậy chạy và sợ chủ nhà nhận ra được cái đầu trọc của hoà thượng mà tố cáo, nên vội vàng lấy bùn trên tay bôi trên thân mình và vẽ ra hình dáng một đạo sĩ đang đội mũ, rồi tự nói với mình:
- “Cứ vu khống cho đạo sĩ làm là xong !”
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 100:
Cái dễ dàng đập vào mắt các tín hữu nhất là cái áo dòng hoặc cái áo chùng thâm đen của các linh mục và tu sĩ, cái làm cho người ta nhận ra đâu là một tu sĩ chân chính, chính là đời sống phục vụ trong khiêm tốn và trong yêu thương của họ.
Và cứ dấu này mà người ta cũng rất dễ dàng nhận ra đâu là một tu sĩ và linh mục ít cầu nguyện, ít suy gẫm, đó là họ có cuộc sống hưởng thụ và đua đòi và vì thế họ ít khi thân thiện với người nghèo. Bởi vì một tu sĩ luôn cầu nguyện và suy ngắm thì không thể cam tâm sống hưởng thụ được, đối với họ có cũng như không, không cần thiết; bởi vì một linh mục nhiệt tâm và có thánh đức thì không học đòi hưởng thụ xa hoa như người đời, không thích đến nhà người nghèo nhưng ngày nào cũng đợi các đại gia đem xe đến mời đi ăn nhà hàng, không thích chào hỏi người nghèo chỉ thích a-lô với những người có máu mặt, không muốn người khác làm bận rộn mình nhưng lại thích bận rộn với người giàu có...
Có một vài tu sĩ và linh mục sống xa hoa và hưởng thụ, họ chẳng khác chi tên hoà thượng lấy bùn trát lên mặt thành một người bận rộn, rồi đổ lỗi cho vì nhu cầu mục vụ...!!

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thán h
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:57 28/08/2017

33. Lời cầu nguyện của người công chính là chìa khóa mở cửa thiên đàng, khi lời cầu nguyện lên cao thì ân sủng của Thiên Chúa cũng được giáng xuống.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn t hần học tu đức"

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Làm môn đệ Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
08:28 28/08/2017
Chúa Nhật XXII Thường Niên, năm A
Mt 16, 21 – 27

Cuộc đời của người Kitô hữu là phải chấp nhận lối sống, cách sống của Thầy mình là Đức Kitô. Chúa đã nói ai muốn theo Thầy phải từ bỏ mình, vác Thập giá mà theo Thầy. Vác Thập giá là từ bỏ tất cả : của cải, ý riêng, nhưng từ bỏ vẫn là việc không phải dễ.Chính Chúa Giêsu đã có kinh nghiệm về việc từ bỏ :” Hạt giống rơi xuống đất có mục nát đi thì mới sinh hoa kết quả được “.

Muốn làm môn đệ Chúa, người ta phải có lòng khát khao Chúa như Nathanaen đã được Philipphê giới thiệu với Chúa Giêsu, trước đó Batôlômêô chưa biết Chúa, nhưng thực tế trong cõi thâm sâu của tâm hồn, ông đã có lòng ước ao muốn biết Chúa. Do đó, khi Chúa vừa thấy ông, Ngài đã nói về con người của ông, nên ông đã nhận ra Ngài, ở lại với Ngài đi theo làm môn đệ của Chúa Giêsu. Khao khát muốn biết Chúa vẫn chưa đủ bởi vì muốn làm môn đệ của Chúa, người ta phải chấp nhận những điều kiện khắt khe, những đòi hỏi tận căn của Chúa như từ bỏ của cải, ý riêng và ngay cả bản thân của mình, rồi vác Thập giá của mình mà theo chân Chúa. Từ bỏ là việc không phải ai cũng có thể làm được bởi vì ai cũng muốn bám víu, dính bén với những của cải, tiện nghi, những lợi lộc thế gian mà mình đang thụ hưởng. Vác Thập giá cũng là điều khó vì ai cũng muốn cho mình nhẹ nhàng, thanh thản chứ không muốn phải hy sinh. Cuộc đời của mỗi người là một cuộc hành trình đầy gian khổ, lắm chuân chuyên, do đó, không ai muốn vác Thập giá nặng nề mà bước cho khổ sở con người của mình. Tuy nhiên, Chúa đòi hỏi người môn đệ phải vác Thập giá mà theo Chúa. Thánh Luca lại thêm chữ “ mỗi ngày “, nghĩa là “ vác Thập giá mỗi ngày mà theo Chúa Giêsu “. Từ bỏ không có nghĩa là chối bỏ bản thân của mình vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng là để cho Chúa dẫn đường chỉ lối, để cho Chúa dẫn dắt chúng ta đi theo ý định của Ngài. Từ bỏ cũng không phải là chối bỏ tự do vì Thiên Chúa ban cho chúng ta sự tự do để biết phân định cái gì nên làm và cái gì không được làm, đồng thời để ý định của Thiên Chúa được thực hiện nơi mình.

Trong đời sống thường ngày, đời sống tự nhiên, con người ít khi để cho ý Chúa được tỏa sáng, để cho Chúa nổi bật trong cuộc đời. Con người thường hay khoe khoang, tự mãn, con người thường hay mãn nguyện với những gì mình có được, mình đang thụ đắc. Con người cứ tưởng những gì mình làm được là đã giỏi, đã quá đủ mà quên đi Thiên Chúa mới là căn nguyên của mọi sự. Nhiều việc chúng ta làm là do ý riêng của chúng ta, phát xuất từ con người của chúng ta chứ không phải theo ý Chúa. Nên, những điều chúng ta làm dù có thành công, dù có hoành tráng nhưng là để thỏa mãn tham, sân, si của chúng ta mà thôi !

Chúa muốn, Chúa đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn thánh hóa bản thân của mình và nói như thánh Phaolô :” Mặc lấy Đức Kitô “. Mặc lấy Đức Kitô nghĩa là cởi bỏ con người cũ để một lòng một ý đi theo, phục vụ và làm theo ý Chúa. Mặc lấy Đức Kitô có nghĩa là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.Một khi đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, chúng ta sẽ không sợ đau khổ, sợ Thập giá, và đặc biệt chúng ta sẽ quảng đại hiến thân cho việc đại nghĩa : công việc phục vụ cho đi mà không tính toán, cho đi mà không mong đền đáp để tất cả làm vinh danh Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con hăng say phục vụ Chúa, Giáo Hội và tha nhân vì như thánh Têrêsa
Hài Đồng Giêsu đã nói :” Trong Giáo Hội, con sẽ là Tình Yêu “.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Thập giá là gì ?
2.Chúng ta hiểu thế nào về cụm từ :” Vác Thập Giá “ ?
3.Ý Chúa là gì ? Ý của chúng ta là gì ?
4.Ông bà anh chị hiểu thế nào về hai chữ “ từ bỏ “ ?
5.Tất cả đều là vinh danh Chúa có nghĩa là sao ?
 
Theo Chúa Phải Từ Bỏ Mình Và Vác Thập Giá
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
17:46 28/08/2017
Chúa Nhật XXII thường niên năm - A

(Mt 16, 21 - 27)

Hôm nay, chúng ta nhìn ngắm, một chứng nhân vĩ đại và là thầy dạy Đức tin có tên là Phêrô. Chúng ta phải cám ơn các tác giả Tin Mừng đã mô tả cách chân thực về con người môn đệ Chúa Giêsu. Thực sự, Phêrô không phải là nhân vật lý tưởng tuyệt vời, hay là thần thánh gì hết, ông là con người bằng xương bằng thịt với những đức tính, khuyết điểm và yếu đuối như chúng ta. Có thế, ông mới gần gũi chúng ta, và giúp chúng ta nhận ra rằng, tất cả chúng ta cần phải hoàn thiện mỗi ngày, bởi không ai là hoàn hảo ngay từ khi mới sinh.

Nếu như trong đoạn Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, ông được khen là người "có phúc" (Mt 16, 16), kèm theo lời hứa : "Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời". Thì hôm nay, ông bị khiển trách nặng nề : "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người " (Mt 16, 22-23), lý do vì ông can gián Chúa và bày tỏ ý tưởng sai lạc của con người về Đấng Cứu Thế.

Quả thật, một thụ tạo sao hiểu được ý Đấng Sáng Tạo, một con người sao biết được Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa qua miệng Isaia đã quả quyết : "Ý nghĩ của Ta không phải là ý nghĩ của các ngươi, và đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi" (Is 55, 8).

Học suy nghĩ và hành động theo ý Chúa?

Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu rằng Người phải "đi Giêrusalem và chịu đau khổ nhiều vì các bô lão, các thủ lãnh các tư tế và các ký lục, bị giết chết và sống lại ngày thứ ba" (Mt 16, 21). Tất cả xem ra bị đảo lộn trong con tim của các môn đệ. Làm sao "Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16) lại có thể bị đau khổ cho tới chết được? Tông đồ Phêrô nổi loạn, không chấp nhận con đường ấy, nên mới lên tiếng : "Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp chuyện ấy" (Mt 16, 22). Ý muốn của Thiên Chúa là chấp nhận Thánh giá. Vì Thánh giá là biểu tượng cao nhất của tình yêu.

Đúng là : "Trời cao hơn đất (bao nhiêu), cũng vậy, đường lối của Ta vượt hơn đường lối của các ngươi, và ý nghĩ của Ta vượt hơn ý nghĩ của các ngươi" (Is 55, 9). Xem ra sự khác biệt giữa chương trình tình yêu của Chúa Cha và dự án, ước muốn của các môn đệ là điều hiển nhiên. Không chấp nhận thập giá là phủ nhận chương trình tình yêu của Chúa Giêsu, và hầu như ngăn cản Người thi hành ý muốn của Chúa Cha. Vì thế Chúa Giêsu mới nặng lời với Phêrô.

Khi con người thực hiện cuộc đời mình chỉ hướng tới chỗ thành công xã hội, giầu sang vật chất và kinh tế, con người gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên, không lý luận theo Thiên Chúa nữa, mà theo con người. Và khi nào chúng ta để cho những suy nghĩ, tình cảm hay lý luận nhân loại chiếm ưu thế, không để cho đức tin, hay Thiên Chúa dạy dỗ và hướng dẫn, lúc ấy chúng ta sẽ trở nên những tảng đá cản trở chương trình tình yêu của Chúa.

Học từ bỏ

Chúng ta tự hỏi: “Từ bỏ” mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?

Thật khó chấp nhận điều Chúa Giêsu đòi hỏi là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa. Chính Phêrô, chỉ sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ông mới ý thức được rằng, ông phải qua con đường ông đi và sống trong hy vọng.

Cần phải phân biệt, Chúa Giêsu không bắt chúng ta từ bỏ “điều chúng ta là”, nhưng điều “chúng ta đã trở nên”. Chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa thấy tốt đẹp sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x. St 1, 31). Điều chúng ta phải từ bỏ không phải là điều Chúa đã làm, nhưng là điều chúng ta lạm dụng quyền tự do làm, cụ thể như: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và làm biếng … là những khuynh hướng xấu, tội lỗi, phủ trên hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi ảnh biến hình này là “ảnh dưới đất”, ngược với “ảnh trên trời”, giống như Chúa Kitô. Do đó “từ bỏ chính chúng ta”, là từ bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa, hợp và giống Chúa hơn.

Kierkegaard đã lấy một ví dụ: Hai người trẻ ngôn ngữ khác biệt yêu nhau. Muốn cho tình yêu của hai người sống còn và lớn mạnh, một trong hai người phải học tiếng nói của người kia. Bằng không, họ không có khả năng truyền đạt và tình yêu của họ không bền. Và ông kết luận, điều này chỉ xảy ra giữa chúng ta và Chúa. Chúng ta nói thứ ngôn ngữ xác thịt, Chúa nói thứ ngôn ngữ thần khí; chúng ta nói ngôn ngữ tính ích kỷ, Chúa nói ngôn ngữ tình yêu.

Muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính mình là học ngôn ngữ của Chúa để chúng ta có thể giao tiếp với Chúa. Chúa đã từ bỏ chính mình trước … trở nên giống chúng ta. Chúng ta sẽ không có khả năng nói “vâng” với người khác nếu chúng ta trước hết không khả năng nói “không” với chúng ta.

Vác thập giá để theo Chúa

Thì ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Con đường “chịu mất chính mình”, để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình” là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).

Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Nếu ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16, 24). Chúa Giêsu không muốn thập giá, Người muốn tình yêu, yêu đến tận cùng. Theo Chúa là chấp nhận thập giá của mình với lòng mến. Dưới con mắt người đời, chịu mất mạng sống là một thất bại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận … chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo” (Chúa Nhật niềm vui 9/5/1975).

Khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng 14/3/2013, Đức Phanxicô nói : “Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Ðiều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Ðức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình, vác thánh giá đời chúng con mỗi ngày để theo Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi sẵn sàng giúp nạn nhân cơn bão Harvey.
Giuse Thẩm Nguyễn
07:28 28/08/2017
(EWTN News/CNA) Tin từ Washington. Ngày 27 tháng Tám, Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ là Đức Hồng Y Daniel DiNardo nói rằng “Với tư cách là Tổng Giám Mục Galveston, Houston và cơn bão đã tiến đánh vào gần nhà. Trong sự hiệp thông với các giám mục anh em của tôi trong vùng này của đất nước, tôi kêu gọi mọi người có đức tin hãy cầu nguyện cho những anh chị em bị ảnh hưởng bởi cơn bão và những người có thiện tâm hãy cùng sát cánh với nạn nhân và gia đình họ.

“Xin Thiên Chúa đầy lòng từ bi và hay thương xót bảo vệ tất cả mọi người còn đang trong cơn nguy khốn và ban sự bình an cho những người bị mất tích. Xin Chúa thương xót đặc biệt những người trở thành không nhà, hay những người không có nguồn giúp đỡ trước tai họa này.”

ĐHY nói rằng cơn bão là “một thảm họa và tàn phá” và nhiều giáo phận đã bị ảnh hưởng. Cơn bão Harvey đã đổ bộ vào đêm thứ Sáu với bão cấp 4. Đã có hai người bị chết và theo CNN đã có trên 1,000 người được cứu thoát và nhiều ngàn người bị kẹt lại trong nước.

Mặc dù cơn bão đã xuống cấp thành cơn bão nhiệt đới, Nha Khí Tượng Quốc Gia nói rằng thảm họa kế tiếp là lụt lội và không biết trước được những gì sẽ xảy ra trong những ngày tới. Lượng mưa có thể lên tới 50 inches (khoảng 1 mét 27) trong một số vùng của Texas. Một số phi trường quốc tế ở Texas và một bệnh viện ở Houston đã phải di tản sau cơn lụt vì mất điện. Thành phố Dallas cho biết họ sẽ biến trung tâm hội nghị của thành phố ra nhà tạm trú có sức chứa khoảng 5,000 ngàn người.

ĐHY DiNardo nói rằng HĐGM Hoa Kỳ đang ráo riết làm việc với các giáo phận địa phương, các hội bác ái Công Giáo Hoa Kỳ và Hội bác ái Thánh Vincent de Paul cũng như các tổ chức cứu trợ khác. HĐGM sẽ chia sẻ thông tin về cách tốt nhất để giúp các nạn nhân bão lụt.

ĐHY đã cầu nguyện và cám ơn những người đã hy sinh để đáp ứng nhu cầu trợ giúp ngay từ giờ phút đầu tiên. Ngài nói “Chúng tôi dâng ý chỉ này trong kinh nguyện mỗi ngày cho những vị anh hùng đã không quản hy sinh giúp đỡ anh chị em mình khi cần và quý anh chị em, như những người Samarita nhân lành, không thể bỏ qua một người trong nguy biến mà không đưa tay ra để trợ giúp.

Xin Thiên Chúa ban phước lành cho anh chị em và gia đình trong những ngày này và luôn mãi.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đạo trưởng Hồi giáo phái Sadrist sẽ được DHG tiếp tại Vatican?
Trần Mạnh Trác
11:21 28/08/2017


(Agenzia Fides, 28/9/2017) Ông đạo trưởng Hồi giáo phái Sadrist (Shia) là Muqtada al-Ṣadr sẽ đi công du Âu châu và sẽ viếng thăm ĐGH Phanxicô tại Vatican, theo lời tuyên bố cuả Jaafar al Mussawi, phát ngôn viên của ông al-Ṣadr.

Người phát ngôn viên cho biết rằng chủ trương cuả ông al-Ṣadr đã đạt được nhiều hậu thuẫn trên trường quốc tế trong công cuộc tái thiết các khu vực của Iraq, từng bị chiếm đóng bởi quân ISIS từ năm 2014.

Sau sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein, ông al-Sadr, con cuả một vị đạo trưởng quá cố nổi tiếng là Ayatollah Mohammed Sadeq, đã xây dựng tên tuổi cuả mình qua phong trào dân quân Mahdi mà ông tổ chức để chống lại sự hiện diện quân sự cuả Hoa Kỳ.

Nhưng đã có nhiều thay đổi trong thập kỷ qua, như trong năm 2008 ông Sadr giải tán lực lượng dân quân và giữ một lập trường độc lập, không liên kết với Iran hoặc với chính quyền Baghdad.

Muqtada al-Sadr tập trung những tranh đấu cuả mình để phá bỏ những giới hạn 'chia quyền' dựa trên giáo phái, đã được xắp xếp sau cái chết của Saddam.

Sau khi nhóm ISIS chiếm được Mosul và tuyên bố thành lập Nhà Nước Hồi Giáo (IS), ông đã trở thành một nhân tố hoà giải giữa các lực lượng đối nghịch trong nước trong cuộc tại chiếm những vùng chiếm đóng cuả nhóm ISIS.

Cuối tháng một vừa qua, một nhà chính trị Chaldean (Thiên Chúa giáo) cuả Iraq là Pascale Warda, từng giữ chức bộ trưởng di trú trong chính phủ chuyển tiếp đầu tiên sau chế độ Saddam Hussein, đã công khai bày tỏ sự hài lòng của mình với những quan điểm cuả Muqtada al Sadr, là hỗ trợ việc trả chủ quyền sở hữu bất động sản lại cho những gia đình Kitô giáo ở Baghdad, Kirkuk và ở các thành phố khác của Iraq, từng bị cướp đi một cách bất hợp pháp trong những tháng trước đó.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Chúa Nhật 27/8/2017
VietCatholic Network
16:45 28/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 27 tháng Tám.

2- Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên tuần lễ phụng vụ Italia.

3- Đức Thánh Cha gởi tin nhắn bằng hình ảnh cho các học sinh tù nhân ở Ezeiza.

4- Đức Hồng Y Pietro Parolin và Đức Thượng Phụ Kirill tuyên bố: Một giai đoạn mới trong quan hệ cuả Công Giáo và Chính Thống Giáo.

5- Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thành lập ủy ban đặc biệt chống Chủ Nghĩa Phân Biệt Chủng Tộc.

6- Đức Hồng Y Robert Sarah nói: những kẻ cách mạng mới đang cố gắng tiêu diệt các gia đình Kitô.

7- Sự kiện hiện ra ở Mễ Du (Medjugorje) có thể sẽ được Tòa Thánh công nhận trong năm nay.

8- Mùa đại hồng thủy: Nửa nước Bangladesh bị chìm; Macao cũng bị nước tràn ngập.

9- Đức Giám Mục ở Texas kêu gọi: hãy nhớ đến những người không thể chạy trốn cơn bão Harvey.

10- Tòa Thánh bổ nhiệm 2 Giám Mục Việt Nam ở Long Xuyên và Sài Gòn.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Chiều Mưa Cầu Mẹ.

Mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết:
 
Đức Hồng Y Parolin, các điều chủ yếu trong triều giáo hoàng Phanxicô: Chống nghèo đói, tạo hòa bình, và bắc cầu
Vũ Văn An
19:33 28/08/2017
Ngày 10 Tháng Năm, 2017, tại Tòa Đại Sứ Ý bên cạnh Tòa Thánh, trong một cuộc thảo luận Bàn Tròn nhân dịp phát hành số 4,000 của tạp chí La Civilta Cattolicá, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khánh Tòa Thánh, đã cho biết ba chữ chủ yếu của triều giáo hoàng hiện nay: chống nghèo đói, cả vật chất lẫn tinh thần; tạo hòa bình và bắc các cây cầu.

Vì chủ đề của số báo trên đề cập tới quan điểm của Magellan, nhà thám hiểm thế giới thế kỷ 16, nên Đức Hồng Y Parolin cho rằng “Ở nguồn cội cuộc mạo hiểm phi thường của Ferdinand Magellan, và những nhân vật tương tự mà lịch sử từng biết đến, là thái độ bắt nguồn từ lòng tín thác vào Sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Nói chung, những nhà thám hiểm mãnh liệt khát mong một điều gì đó vĩ đại hơn, tức, viết lên một trang sử mới cho cuộc mạo hiểm của nhân loại”.

Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh ba thái độ của các nhà thám hiểm nói trên: một cảm thức nôn nóng, một lòng khiêm nhu thấy mình chưa hoàn toàn và một lòng can đảm dám tưởng tượng. Ba thái độ này đem lại “sự tự do nội tâm” giúp họ “bám trụ giữa đại dương để sẵn sàng tìm hiểu căn kẽ một chân trời luôn thay đổi, chứ không chịu lui về các hải cảng an toàn vốn bảo đảm thứ thanh bình biểu kiến mà thực ra chỉ ngăn cản họ can đảm tiếp nối cuộc hành trình dài của lịch sử”.

Đó quả là một dẫn nhập tuyệt diệu để đi vào triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, một triều hoàng cũng có 3 điều chủ yếu như đã nói ở trên.

Đức Hồng Y Parolin cho rằng ngày nay, ba điều chủ yếu ấy cũng là “ba tọa độ qúy giá để hiểu thái độ và nền ngoại giao giáo hoàng của Đức Phanxicô trước các thách đố khẩn trương của thời đại ta”. Ba “yếu tố qui chiếu” này được sợi chỉ xuyên suốt nối kết, tức “luôn lưu tâm tới các tình huống khó khăn vật chất và tinh thần đang gây thương tích cho nhân loại thời nay”.

Ngài cũng đề cập tới một đặc điểm nữa là sự mẫn cảm của Đức Phanxicô, diễn tả cụ thể là thực tại luôn tốt hơn ý niệm, Ta thấy ta trong thực tại, trong một cuộc sống cụ thể, trước khi đối phó với các ý niệm và hệ thống tư tưởng khác nhau. Nói cách khác, tôi phải chấp nhận người khác, như họ là và tại nơi họ hiện hữu, thì tôi mới có thể cùng họ làm cuộc hành trình huynh đệ tiến tới sự thật và hòa giải.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh cũng phân tích khía cạnh “địa chính trị của cuộc hành trình từ ngoại vi đi vào trung tâm”. Ngài nói: “Chúng ta cũng đang mục kích một loại “cách mạng Copernicus” mới dưới ánh sáng Tin Mừng… Chúng ta biết Đức Giáo Hoàng hết sức lưu tâm tới các khu ngoại vi của thời đại ta, cả về phương diện hiện sinh lẫn phương diện địa dư. Ngài bắt đầu bằng một sự kiện đơn giản: cảnh nghèo, sự yếu đuối của con người thời nay và các yếu điểm của một xã hội phi cơ cấu và phi trung tâm, đang gây thương tích cho phẩm giá con người nhân bản”.

Chiến thuật truyền thông mới

Trên bình diện liên hệ quốc tế, Đức Hồng Y Parolin nhận xét 3 thách đố sau đây được chính Đức Phanxicô tiếp nhận: “dấn thân cho hòa bình, giải giới hạch nhân, bảo vệ môi trường”. Một loạt các viễn tượng hoàn cầu khác phát sinh từ các thách đố này là “cổ vũ nền văn minh gặp gỡ, đồng hành với hiện tượng di dân, chia sẻ của cải của trái đất và phẩm giá việc làm, nhất là đối với các thế hệ trẻ”.

Giống Magellan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng tìm cách mở ra một lối truyền thông và gặp gỡ mới, nhất là bắc những cây cầu lý tưởng giữa lục địa này và lục địa kia, giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, giữa các hệ thống và tư tưởng luật pháp thường xa cách nhau”.

Đức Hồng Y Parolin cho hay: 3 điểm chủ yếu nói trên đây “điều hướng một đường đi có tính bản thân, xã hội và hoàn cầu. Đường đi này sẽ khó khăn, nếu ta tự cầm giữ mình trong nhà tù dửng dưng; đường đi này sẽ không thể thể hiện được, nếu ta tin rằng hòa bình đơn giản chỉ là một không tưởng; nhưng đường đi này sẽ khả hữu, nếu ta chấp nhận thách thức biết tin tưởng nơi Thiên Chúa và nơi con người, và nếu ra dấn thân vào việc tái thiết một tình huynh đệ chân thực, trong khi chăm sóc Tạo Thế”.
 
Top Stories
Message de Régis Anouil, à l'occasion de son départ d'Eglises d'Asie
Eglises d'Asie
08:54 28/08/2017
Paris, le 28 août 2017

Chers amis,

A la suite du communiqué diffusé par le P. Gilles Reithinger, supérieur général des Missions Etrangères de Paris (MEP), vous n'êtes pas sans savoir que je quitte mes fonctions à Eglises d'Asie, l'agence d'information des MEP.

Tout au long de ces dernières dix-huit années, j'ai suivi, analysé l'actualité religieuse venue d'Asie et fait de mon mieux pour tenter de 'donner à voir' les réalités de l'Asie religieuse. Pour cela, j'ai bénéficié de la confiance des MEP, cette société missionnaire pluri-centenaire qui poursuit encore aujourd'hui son œuvre apostolique en Asie. J'ai toujours pu m'appuyer sur une équipe de prêtres missionnaires et de journalistes laïques, celles et ceux qui, au fil des années, ont constitué la Rédaction d'Eglises d'Asie. J'ai également toujours pu compter sur les conseils, l'aide, le soutien de tant de personnes, que ce soit dans le monde des médias, celui de l'Eglise ou tout simplement de la part de nos lecteurs. Que chacune et chacun en soit ici le plus vivement remercié.

La Société des MEP, assurément, me manquera, tant les personnalités des missionnaires qui la composent sont attachantes et inspirantes. Mais, pour ma part, à l'âge de 50 ans, il est temps de me tourner vers de nouveaux horizons professionnels ; j'aspire à ce qu'ils s'articulent autour du fruit de la vigne et du travail de l'homme !, ... dans la lignée de la voie tracée par le pape François avec Laudato Si'.

J'espère que nous resterons en contact. Pour ma part, je serai heureux de vous donner des nouvelles dans les mois ou les années à venir pour partager avec vous ce que je parviens à réaliser pour 'la sauvegarde de notre maison commune'.

D'ici là, en vous remerciant toutes et tous, je vous dis à bientôt,

Régis Anouil
 
Văn Hóa
Câu chuyện truyền giáo : Hà Lan: Hai Lúa ở Âu Châu
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
09:01 28/08/2017
Tin Mừng Chúa Nhật XXI thường niên A ngày 27 tháng 8 vừa qua Chúa Giêsu đặt ra cho mỗi người chúng ta một câu hỏi quan trọng "Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai?" (Mt 16, 15), Chúa Giêsu là ai trong cuộc đời chúng ta ? một câu hỏi rất thời sự, nhất là trong thời đại mà chúng ta đang sống với những bộn bề của công việc, của mưu sinh nhưng chúng ta cũng quên mất người từng đồng hành với chúng ta, từng quan tâm đến chúng ta. Hãy nghe lại lời tuyên xưng mộc mạc của, người Anh Cả Giáo Hội để chúng ta trở về với thực tại: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16).

Tuy nhiên, mỗi người chúng ta phải tự trả lời câu hỏi ấy chứ không thể lập lại y chang lời tuyên xưng của Thánh Phêrô vì mỗi người chúng ta là một thực thể sống động. Khi chúng ta khám phá ra Chúa Kitô, là chúng ta khám phá ra chính bản thân, và căn cội của chính mình để từ đó chúng ta mới có thể trả lời được Chúa Giêsu là ai trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Ngày 27 tháng 8 hàng năm cũng là là Giáo Hội mừng lễ thánh nữ Monica, quan thầy của các bà mẹ Công giáo. Tuy nhiên năm nay, lễ thánh Monica lại trùng vào ngày Chúa Nhật nên nhiều nơi đã cử hành lễ thánh Monica trước, và các bà mẹ Công giáo Việt Nam nghe đâu cũng được tĩnh tâm, mừng lễ cách sốt sắng dù không được cử hành chính ngày lễ. Một lần nữa, xin chúc mừng tất cả những ai được thiên chức làm mẹ, dù là một những mẹ đơn thân hay chỉ là những bà mẹ nuôi, luôn biết noi gương vị thánh bổn mạng Monica của mình để luôn là chỗ dựa vừng chắc cho gia đình.

Thấm thoát mà đã 3 tháng chúng tôi ở nơi truyền giáo mới vừa thân quen, vừa lạ lẫm và mọi sự phải làm lại từ đầu như một đứa trẻ lên 6 bắt đầu bước vào lớp 1. Nhiều người đã quên đi anh hai lúa ở Paraguay thuở nào với những bài chia sẻ truyền giáo mộc mạc và bình dị. Cuộc sống văn minh, náo nhiệt ở vùng truyền giáo mới dường như chẳng ai biết đến có một anh cù lần từng làm việc ở Paraguay đang ẩn mình ở đây.

Mà đúng mình cù lần thiệt. Ở đây cái gì cũng dùng thẻ, cũng nhấn nút, cũng dùng điều khiển từ xa mà đối với mình còn nhiều xa lạ quá. Có lẽ vì thế mà bài viết lần trước chúng tôi đã bị một anh em linh mục ở đây phê bình tơi tả và cho là quá cù lần không biết giấu giếm mà còn kể lể! Vài năm nữa là bước qua 50 rồi mà bây giờ mỗi ngày phải ê a từ vựng với một ngôn ngữ Hoà Lan quá khó. Cũng may là các giáo viên ở đây có cách dạy khá thú vị và sáng tạo nên học không thấy chán nản. Cách đây hai tuần chúng tôi được họ đưa đi tham quan một số điểm du lịch. Mình cứ tưởng là hôm nay sao họ tử tế quá nên đi cho vui. Họ hướng dẫn chúng tôi những nơi ấy khá tường tận và chúng tôi cũng được chụp hình thoải mái những nơi ấy. Khi về đến nhà thì họ bảo phải viết bài mô tả những nơi ấy để họ chấm điểm từ vựng, ngữ pháp, câu cú. Té ra mình bị lừa! Chơi mà học, học mà chơi và cứ như vậy khiến mình thấy thích thú dù hiện giờ đầu óc không còn nhanh nhẹn và thông minh như trước đây.

Có lẽ nhờ sống với các cộng đoàn quốc tế nên khả năng ngôn ngữ cũng nhạy bén hơn một tý. Trước đây ở Nam Mỹ chúng tôi rất ít dùng tiếng Anh vì bên đó họ nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tiếng địa phương Guarani. Sống ở bên này thật sự là liên hiệp quốc vì người ta nói đủ thứ tiếng, nào là tiếng Anh, tiếng Hòa Lan, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tiếng Việt nữa. Thỉnh thoảng trong cộng đoàn khi có khách người Ấn Độ hay Philippines thì họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Hindi hay tiếng Tagalog. Có khi một ngày Chúa Nhật mình tham dự 3 thánh lễ bằng 3 thứ tiếng khác nhau là tiếng Hòa Lan, tiếng Tây Ban Nhà và tiếng Việt. Nhiều khi tối về ngủ mơ màng chúng tôi không biết mình đang ở đâu và nói tiếng gì! Anh hai lúa cù lần ngày xưa ở Paraguay, nay phải lo hội nhập một lối sống mới nhưng tiến trình hội nhập lần này cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn vì một khi tuổi tác đã lớn thì không dễ gì đáp ứng ngay điều mình mong muốn được.

Âu châu cũng là nơi dễ gặp gỡ nhau nhất nếu đã từng biết nhau. Chúng tôi thật không ngờ trong những ngày vừa qua lại được gặp những bậc đàn anh cùng Dòng người Việt Nam từng làm việc ở Úc châu, Mỹ Latinh và Phi châu nhưng nay hầu hết đã trở về Mỹ làm việc ở các giáo xứ đa sắc tộc. Rất nhiều năm rồi nay mới được gặp lại các anh nhân một khóa học về nguồn tại Nhà Tổ của Dòng tại Hòa Lan. Gần 20 năm về trước các anh còn ở độ tuổi 40 rất phong trần, lãng tử nhưng nay các anh đã bước vào tuổi 60, có anh tóc đã bạc trắng và sức khỏe cũng đã xuống nhiều. Đời người là thế và mình cũng phải chấp nhận giới hạn của mình để chuẩn bị cho lớp đàn em kế thừa. Thật khâm phục các anh vì sự hiền hòa, khiêm tốn và tình huynh đệ dù trước đây các anh đã từng nắm những trọng trách quan trọng trong Dòng. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng sống nhân ái, khiêm nhường như các anh để mọi người đến với các linh mục, các nhà truyền giáo một cách gần gũi như là một người bạn, một người anh em chứ không phải trong tâm trạng sợ sệt, xa cách.

Những ngày này chúng tôi cũng tình cờ gặp được một linh mục đàn anh đến từ Canada đang là cáo thỉnh viên cho tiến trình phong thánh cho cha P. X Trương Bửu Diệp. Một người có nhiều kinh nghiệm, có bằng cấp cao nhưng lại rất bình dị và khiêm nhường trong cách sống và rất dễ gần gũi ngay từ lần đầu gặp mặt. Chúng tôi cùng nhau dâng thánh lễ cho một công đoàn người Việt dịp lễ kính Đức Mẹ Lavang và cùng nhau chia sẻ bữa cơm huynh đệ với mọi người. Đây là những dịp hiếm hoi chúng tôi gặp nhau để chia sẻ những thao thức mục vụ, những vui buồn trong cuộc sống để mong sao mỗi ngày cuộc sống được tốt hơn.

Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Augustino, một người được xem là hết thuốc chữa nhưng đã được biến đổi qua lời cầu nguyện không ngừng của người mẹ đạo đức nhưng kiên quyết là thánh nữ Monica. Đối với Chúa thì không gì là không thể (Xc. Lc 1,37). Nhiều lúc chúng tôi cảm thấy mình có tính nổi loạn, ngoan cố như Augustino. Có những lúc rất háu thắng, tham vọng và bướng bỉnh. Xin thánh Augustino giúp con biết nhìn lại con người của con và cũng như ngài cầu nguyện, con muốn lập lại: “Lạy Chúa. Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Amen.

Hoà Lan, 28 tháng 08 năm 2017- Lễ Thánh Augustino,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.