Ngày 27-08-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vinh quang phải qua đau khổ
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
08:22 27/08/2008
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 16, 21 – 27

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta gặp rất nhiều chương, nhiều đoạn nói lên cái nghịch lý của cuộc đời, của con người hay nói cách khác gợi cho con người thấy trước những nghịch cảnh mà họ phải đương đầu. Đặc biệt người môn đệ Chúa phải chấp nhận những điều kiện một cách hoàn toàn tự do, tự nguyện để theo chân Đức Kitô. Tin Mừng Matthêu hôm nay, Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ lần thứ nhất rằng Ngài phải chịu đau khổ, chịu chết và nêu lên những điều kiện cho những ai muốn làm môn đệ của Ngài: ” Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Thầy “ ( Mt 16, 21 ).

CHÚA GIÊSU LOAN BÁO SỰ KHỔ NẠN VÀ CÁI CHẾT CỦA NGÀI:

Đoạn Tin Mừng Mt 16, 21-27 được viết ngay sau việc Chúa Giêsu đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội. Chúa khen ngợi Phêrô vì lời tuyên tín của Phêrô: ” Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống “ ( Mt 16, 16 ). Lời tuyên xưng của Phêrô do Chúa Cha từ trên mạc khải. Tuyên xưng của Phêrô: Đức Kitô là Đấng Mêsia, Đấng cứu thế, Đấng giải thoát con người, loài người khỏi tội lỗi. Ngay sau lời tuyên tín của Phêrô và Chúa đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội. Chúa loan báo cho các môn đệ về sự đau khổ, về cái chết và sự sống lại của Người. Đây là khúc ngoặt của đời sống của Chúa Giêsu, khúc quanh của đời sống rao giảng của Người. Từ nay, Chúa sẽ dành nhiều thời giờ cho các môn đệ. Bởi vì, các môn đệ đã tuyên xưng: “ Người là Đức Kitô nghĩa là Đấng cứu chuộc, Đấng muôn dân hằng trông đợi, Người là Con Thiên Chúa”. Chính vì thế, Chúa phải làm cho các môn đệ hiểu được, Người phải chu toàn sứ mạng Thiên Chúa Cha trao phó qua cái chết trên thập giá của Người. Thế nhưng, Tin Mừng lại cho chúng ta thấy sau cuộc loan báo của Chúa Giêsu về sự đau khổ, cái chết và phục sinh của Người, các môn đệ chẳng hiểu gì cả đến nỗi Phêrô can gián Người: ” Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy phải chuyện ấy ! “ ( Mt 16,22 ). Qủa thực, ngay cả Phêrô còn chưa hiểu nổi con đường của Chúa phải đi, huống hồ các môn đệ khác làm sao có thể hiểu con đường thập giá của Chúa được. Và, ngay sau khi loan báo cuộc khổ hình của Chúa, Chúa Giêsu lại cho các môn đệ biết chính các ông cũng phải đi con đường thập giá như Người. Chúa đã dọn trước, đã nói trước cho các môn đệ về sứ mạng của Chúa và cũng loan báo con đường các môn đệ phải trải qua như Chúa để các môn đệ đỡ bị vấp phạm, đỡ sa ngã.

ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA:

Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” ( Mt 16, 24 ). Lời tuyên bố của Chúa Giêsu là điều kiên cho người môn đệ muốn đi theo Chúa. Đây là một đòi hỏi hoàn toàn tự do, tự nguyện và do ý chí của mỗi người. Chúa không ép ai, không cưỡng ai đi theo Người. Chúa để cho con người hoàn toàn tự do chọn lựa con đường theo Chúa và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình. Nếu đã lựa chọn đi theo Chúa, thì phải chấp nhận điều kiện Chúa đề ra: ” Ai muốn theo Thầy, thì phải chấp nhận từ bỏ mình và vác thập giá mình mà theo Thầy “. Ở đây, Chúa muốn dạy cho các môn đệ và mọi người thấy rõ hơn những gì họ tin và phải trả giá bằng sự từ bỏ, vác thập giá và hy sinh ngay cả mạng sống. Chúa muốn những ai đi theo Chúa phải đi vào con đường của Chúa đã đi. Con đường của Chúa là con đường từ bỏ mình và vác thập giá. Từ bỏ mình là từ bỏ con người yếu hèn, tội lỗi, ích kỷ, tỵ hiềm, ti tiện, nhỏ nhen, hẹp hòi, sai trái của mình, từ bỏ hết những gì con người muốn mà Chúa không muốn để tất cả dành cho một mình Chúa. Còn vác thập giá mình là chấp nhận và chịu đựng tất cả các đau khổ thể xác cũng như tinh thần của đời sống làm người của mình. Đau khổ thì ai cũng có.Đau khổ không chừa ai, ai cũng phải vác đau khổ của mình để chịu đựng, để vượt thắng. Chúa không bảo người môn đệ Chúa và những người theo Chúa phải đi tìm thập giá để vác vì làm thể đạo Kitô giáo sẽ trở thành bệnh họan, con người tự đầy đọa mình. Chúa bảo mỗi người hãy vác thập giá của mình. Chúa không bao giờ đặt trên vai ai thập giá nặng hơn đôi vai của họ.

THEO CHÚA ĐƯỢC GÌ ? :

Chúa Giêsu dạy: ” Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thây, thì sẽ tìm được mạng sống ấy “( Mt 16, 25 ). Thực tế, người môn đệ của Chúa phải liều mất đi những của cải, vật chất, danh vọng, những cái phù vân, mau qua ở đời để được lại sự sống đời đời. Các tông đồ, các môn đệ đã bỏ nhà cửa, vợ con, bỏ tất cả mọi sự để đi theo Chúa nên đã được gấp trăm ở đời này và đời sau. Các thánh tử đạo đã bỏ mạng sống ngắn ngủi ở đời này để được sống vĩnh cửu bên Chúa. Nhiều vị thánh đã bỏ mọi sự, đã chấp nhận cuộc sống khó nghèo để được lại tất cả sự giầu sang là được Nước Trời. Người Kitô hữu chấp nhận sự thiệt thòi khi không thỏa hiệp với sự dữ, khi không sống dễ dãi để được quyền lợi thế gian, họ sẽ được cái cao quí gấp bội là được Chúa hứa ban sự sống đời đời và được Chúa làm gia nghiệp.

ÁP DỤNG THỰC TẾ:

Khi đi làm mục vụ cho người Dân tộc thiểu số Kơho, tôi đã học được nhiều bài học thực tế để đời bởi vì có những người Dân tộc rất nghèo nhưng họ chấp nhận cuộc đời không tham lam, không lấy của người để sống mà hoàn toàn làm việc vất vả để sống qua ngày. Tôi đã gặp nhiều gia đình dù nghèo nhưng không muốn sống dễ dãi, thỏa hiệp để kiếm lợi nhuận bất chính.Tôi đã phát kẹo cho các em Dân tộc, mỗi em hai cái kẹo đồng đều, các em không tham lam xin thêm hoặc lấy hơn hai cái đã chia. Đó là hình ảnh thật đáng quí, đáng suy nghĩ cho những người làm môn đệ Chúa và đang làm mục vụ, làm việc truyền giáo cho anh chị em Dân tộc.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1.Chúa loan báo cuộc khổ nạn của Chúa lần thứ nhất khi nào ?

2.Tại sao Chúa lại nói: ” Ai theo Ngài phải từ bỏ ? “. Từ bỏ gì ?

3.Tại sao lại phải vác thập giá mà theo Chúa ?

4.Mất đi cái gì ? Được lại cái gì ?
 
Dây an toàn
Antôn Hoàng Đức Nhuận
09:36 27/08/2008
DÂY AN TOÀN

Tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần và cũng là những ngày kết thúc khóa học CEO, tôi trở lại Cà Mau thăm những nhân viên của mình ngày nào.

Ngồi trên xe, mình mường tuợng không biết vùng đất Mũi Cà Mau có gì thay đổi theo thời gian xa cách không. Bỗng chợt giật mình vì chiếc xe lắc mạnh, mình vội thắt dây an toàn với thói quen đã có khi qua nước ngoài. Vì thói quen thắt dây an toàn nên mình cũng vội làm theo như một tiềm thức. Tuy nhiên cái thói quen trong tiềm thức lại có tác dụng rất tốt đối với chuyến đi này.

Mình còn nhớ, ngày đầu tiên đặt chân đến sân bay Nauy, người anh rể ra đón mình, câu đầu tiên anh dặn: “cậu phải luôn nhớ rằng khi bước lên xe là phải thắt dây an toàn”. Mình bật cười vì thói quen ở Việt Nam mình có bao giờ làm vậy mỗi khi lên xe, và thậm chí lên xe cũng có dây an toàn đâu mà đeo vào, có khi để ý thấy mấy bác tài chỉ đeo dây an toàn mỗi khi thấy bóng dáng cảnh sát giao thông. Nhưng dù sao thì nhập gia phải tùy tục. Tuy nhiên, với thời gian không lâu ở bên đó, mình đã dần quen với thói quen thắt dây an toàn mỗi khi ngồi vào ghế xe.

Cũng đã lâu không đi xe, nhưng phản xạ đầu tiên, mình ngồi lên xe là đưa tay tìm dây an toàn. Thật vui vì lần này mình đi Cà Mau với chiếc xe đầy tiện nghi của hãng xe Mai Linh, nên dây an toàn đầy đủ. Xem ra thì mọi người thấy mình là người khác thường nhất trên xe, vì lên xe là thắt dây an toàn. Thế rồi cũng thiếp di cho đến lúc vào phà Cần Thơ. Như vậy là hành trình đã đươc 50%. Tranh thủ xuống phà chụp một vài tấm hình vùng sông nước Nam Bộ rồi trở lại xe với chiếc dây an toàn thắt ngang bụng. Tới chiếc cầu phân ranh giữa Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang thì mọi người hết sức hốt hoảng vì một sự cố làm cho mọi người tung lên khỏi ghế ngồi, khi bác tài cố tình đạp ga nhanh để qua mặt chiếc xe tải mà không lường được sự nguy hiểm của một hố xâu phía đầu mố cầu. Lạy Chúa, mọi người ai nấy như tim rụng ra khỏi lồng ngực. Riêng mình tương đối nhe nhàng hơn một chút vì nhờ vào sợi dây an toàn mà toàn thân không bị tung lên tới trần xe như mọi người. Ai đó lên tiếng với bác tài đề nghị chạy xe chậm lại, không cần phải nhanh đến mức như vậy…

Từ đó về đến Cà Mau, mình như dán mắt vào phía trước của đoạn đường còn lại. Trên suốt quãng đường, mình cứ suy nghĩ mãi về sợi dây an toàn đang nằm vắt ngang bụng đã phát huy tác dụng của nó, mặc dầu chẳng mấy khi nó có điều kiện để phát huy.

Mình lại suy ngẫm về cuộc đời. Cuộc đời mỗi người cũng cần phải luôn tạo ra cho mình những sợi dây an toàn, những sợi dây an toàn tưởng chừng như không cần thiết, nhưng chắc chắn sẽ có lúc sẽ giúp ta vượt qua những nguy hiểm. Sợi dây an toàn đó là gì? Phải chăng là mối quan tâm đến gia đình, cha me và mọi người thân, mối dây đó là gì? Phải chăng là một niềm tin tôn giáo? Một sự tha thứ cho ai đó đã làm mình đánh mất niềm tin vào họ. Tất cả những mối dây àn toàn đó sẽ có ngày phát huy tác dụng của nó. Bạn có tin không là tùy bạn, nhưng mình, mình vẫn tin điều đó một cách tuyệt đối. Vì chỉ có nghĩ đến gia đình, cha mẹ và người thân, thì mỗi khi có nguy cơ làm điều gì đó xấu xa hay tội lỗi, mình sẽ không dám làm vì luôn nghĩ đến mọi người thân. Nếu bạn có một niềm tin tôn giáo, liệu bạn có dám làm điều gì xấu xa hay tội lỗi trái với lương tâm và niềm tin tôn giáo không? Vì vậy, mỗi ngày mình cố gắng chăm chút cho mối dây an toàn của cuộc đời mình một thêm chắc chắn hơn, bằng việc quan tâm đến gia đình và người thân nhiều hơn như gọi điện hay gửi những dòng email thăm hỏi gia đình ở xa, gọi điện thăm bạn bè, anh chị em, hay mỗi tối trước lúc đặt lưng đi vào giấc ngủ, mình vẫn đọc kinh, cầu nguyện cho gia đình, cha mẹ và mọi người…

Mỗi chuyến đi là một cuốn sách để ta học nhiều điều. Chuyến đi này cũng như bao chuyến đi khác trong cuộc đời, mình lại học thêm được giá trị của mối dây an toàn của cuộc đời mình. Cầu mong, gia đình, cha me và mọi người thân luôn là mối dây đầy bền chắc cho cuộc đời còn lại của mình.

Cà Mau 08 – 08 - 08
 
Lời Chúa: Sức Mạnh của Giảng viên giáo lý
LM Đào Quang Chính, OP
15:54 27/08/2008
Lời Chúa: Sức Mạnh của Giảng viên giáo lý

Năm nay thượng hội đồng giám mục toàn thế giới chọn đề tài "Lời Chúa trong Đời sống và Sứ Vụ của Giáo hội." Do đó, theo tinh thần trên, thực thích hợp để các khoá tĩnh huấn giảng viên giáo lý cùng chọn chủ đề Lời Chúa là sức mạnh của ân sủng khi truyền đạt và dậy dỗ Lời Chúa.

Cụm từ "Lời Chúa" bao gồm hai chữ Lời và Chúa. Đây là lối nói trong tin mừng theo thánh Gioan. Đa số chúng ta giới hạn cụm từ Lời Chúa trong phần thứ 2 của thánh lễ, và vì vậy giới hạn việc sống cũng như nghe Lời Chúa trong các bài đọc mà thôi.

Lời Chúa là gì?

Lời có thể là lời nói của Chúa, nhưng Lời Chúa cũng có thể là chính Chúa.

Cần hiểu Lời Chúa qua 5 góc cạnh khác nhau:

• Lời là Chúa từ muôn thuở mà danh từ chuyên môn gọi là tiền-hiện-hữu (the pre-Existent Word).
• Lời cũng là lời Chúa phán khi tạo dựng
• Lời là Chúa Giêsu khi Ngôi Lời biến thành nhục thể và ở giữa chúng ta.
• Lời còn là Ngôi Lời hằng sống vàhằng hữu trong thánh kinh.
• Cuối cùng là Ngôi Lời trong đời sống của Giáo hội và của mỗi người.

Nhìn Lời Chúa qua các góc cạnh trên, chúng ta hiểu tại sao Gioan khởi đầu sách Tin mừng của ngài với lời dẫn nhập "Từ nguyên thuỷ." "Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở cùng Thiên Chúa và Ngôi Lời là Chúa" (Gioan 1:1). Những lời dậy dỗ của Gioan đã trở thành nền tảng cho tín điều một Chúa Ba ngôi trong Công giáo: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần.

Đọc lời dẫn nhập "Từ nguyên thuỷ" của Gioan, chúng ta nhớ đến Sách Sáng thế. Sách Sáng Thế bắt đầu với: "Từ nguyên thuỷ, khi Thiên Chúa dựng nên trời và đất" (Sách Sáng Thế 1:1). Còn Gioan với " Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời." Lập lại từ ngữ dùng trong Sách Sáng Thế, Gioan muốn mời gọi mọi người khi đọc tin mừng của ngài, hãy nhớ đến sự tương đồng. Sách Sáng Thế bắt đầu câu truyện tạo dựng mọi sinh vật. Khởi đầu là Lời Chúa phán hãy có ánh sáng. Tin mừng Gioan khởi sự với Ngôi Lời, với chính Chúa Giêsu -chứ không còn là lời của Chúa nữa- và Chúa Giêsu là ánh sáng của toàn thế giới.

Lời tạo dựng và Ngôi Lời nhập thể

Sách Sáng Thế, qua lời, Chúa dựng nên vũ trụ: Chúa phán "Hãy có ánh sáng", tức thì có ánh sáng. Chúa phán "Hãy có vòm trời", tức thì có vòm trời. Mỗi ngày Chúa tạo dựng qua lời. Đến ngày thứ sáu, Chúa nói "Chúng ta hãy dựng nên người giống hình ảnh ta. Chúa tạo con người theo hình ảnh Chúa, có nam, có nữ (1:26).

Trong tin mừng Gioan, Gioan viết về đức Kitô: "Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành"(Gioan 1: 3).

Tương quan giữa Lời tiền-hiện hữu và Ngôi Lời nhập thể

Chính Ngôi Lời tiền-hiện-hữu này đã nhập thể làm người giữa chúng ta: "Ngôi Lời đã trở thành phàm nhân và sống giữa chúng ta, và chúng ta đã thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa ban cho Người, là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật." Không phải Ngôi Lời đã chỉ sống với chúng ta trong một thời gian ngắn, nhưng Người còn đang hiện hữu giữa chúng ta trong các sinh hoạt và sứ vụ của Giáo hội cũng như chính trong lòng mỗi người.

Chúng ta nhận ra vinh quang và chân lý của Ngôi Lời qua Kinh thánh. Chính nhờ Kinh thánh mà con người tìm ra chân lý vĩnh cửu khi tin rằng thánh kinh là lời của Chúa được linh ứng, và Chúa thông đạt với chúng ta qua thánh kinh. Nói cách khác, Thiên Chúa là tác giả thánh kinh.

Khi nói Thiên Chúa là tác giả thánh kinh, không có nghĩa, Thiên Chúa ngồi cặm cụi viết từng chữ trong bộ Kinh thánh. Nhưng chúng ta tin, Chúa linh ứng cho tác giả viết về biến cố của đức tin, tuy nhiều khi các ngài không hiểu hết và hiểu rõ. Các biến cố của đức tin khởi sự từ Abraham, người được gọi là cha của lòng tin, cho đến vị tông đồ cuối cùng. Cao điểm mọi biến cố là giáng sinh, thương khó, chết và sống lại của Chúa Giêsu.

Theo thời gian, biến cố được rao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ cộng đoàn này sang cộng đoàn kia. Giáo hội, sau khi loại bỏ những bản thảo không hợp thức, đã kiểm chứng và tổng hợp lại trong hai bộ mà chúng ta gọi là Cựu ước và Tân ước. Lời Chúa vẫn sinh động trong thánh kinh, tức là trong Cựu và Tân ước.

Thánh kinh và Ngôi Lời

Thánh kinh, do đó được định nghĩa là câu truyện tình yêu của Chúa dành cho nhân loại. Tâm điểm của câu truyện tình yêu đó là Ngôi Lời nhập thể, tức là cuộc đời đức Kitô. Qua thánh kinh, Ngôi Lời tiếp tục ở với chúng ta, ở với thế giới và ở với Giáo hội. Lời Chúa thuật lại cuộc đời đấng cứu thế, là trung tâm điểm của đời sống và sứ vụ của Giáo hội, đồng thời cũng là của mỗi người chúng ta.

Lời Chúa được biểu lộ cách rõ ràng nơi đời sống Giáo hội qua đời sống thờ phượng. Do đó, chúng ta loan báo Lời Chúa khi cử hành các bí tích, nhất là bí tích thánh thể và phụng vụ giờ kinh.

Trong thánh lễ, chúng ta tuyên đọc cựu ước là hình bóng tiên báo trước Chúa Giêsu sẽ đến. Bài đọc tân ước cho thấy chương trình cứu chuộc toàn phần của Thiên Chúa qua Ngôi Lời, tức là đức Kitô. Chúng ta tin Ngôi Lời nhập thể làm người và đang ở giữa chúng ta, cũng đang hiện diện trong Lời được tuyên đọc. Giáo hội đưa bánh hằng sống cho người tín hữu qua Lời Chúa và qua Mình máu thánh Chúa. Khi lãnh nhận Lời Chúa và Mình Máu thánh Chúa, chúng ta đi vào giao tiếp thẳm sâu cùng Thiên Chúa.

Giáo hội loan truyền Lời Chúa.

Bổn phận của Giáo hội là thông truyền Lời Chúa cho các thế hệ. Thông truyền bằng cách rao giảng và dậy dỗ. Sứ vụ tông đồ là cốt tuỷ của Giáo hội Công giáo. Sứ vụ truyền giáo qua rao giảng, dậy dỗ và giải thích thánh kinh đã có từ thời Chúa Giêsu với các tông đồ, giáo phụ. Giám mục, linh mục, tu si nam nữ tiếp tục sứ vụ này. Từ sau công đồng Vatican II, sứ vụ truyền giáo trở nên sức mạnh lớn. Hội đồng giám mục Hoa kỳ với tài liệu "Co-Workers in the Vineyard of the Lord" "Đồng Sự làm Vườn Nho của Chúa," nhấn mạnh, người giáo dân được mời gọi như người đồng sự, cùng làm việc chung một chương trình với các tu sĩ nam nữ.

Có lẽ phải nhìn nhận, tại nhiều nơi, Giáo hội địa phương vẫn chưa xử dụng đúng tiềm năng vĩ đại và dồi dào của giáo dân, tức là của người đồng sự. Người giáo dân vẫn làm dưới hơn là làm cùng với hàng giáo phẩm. Phản ứng tiêu cực là, một số giáo dân làm ngược lại, hoặc tách ra khỏi, hoặc không cộng tác với hàng giáo phẩm. Trên thực tế, có rất nhiều giáo dân vừa nhiệt tâm, vừa có tầm hiểu biết cao, trí thức, sẵn lòng trở thành đồng sự trong vườn nho của Chúa. Nên lưu ý, giáo dân có nhu cầu và viễn kiến thực tế, đôi khi khác với viễn kiến của giáo phẩm. Họ có những tâm trạng, khao khát, dằn vặt riêng của mình. Để truyền giáo cho hữu hiệu hơn, nên thảo luận cách nghiêm chỉnh và chu đáo một chương trình chung.

Tâm điểm của những dậy dỗ này đương nhiên là lời Chúa và đức Kitô.

Truyền giáo qua Lời Chúa.

Dậy dỗ, thông truyền, giải thích Lời Chúa cho người khác là truyền giáo. Trong huấn lệnh "Erga Migrantes," Giáo hội, nhìn nhận hiện tượng giao lưu toàn thế giới đã nhắc nhở, truyền giáo không chỉ có nghĩa là đi đến một miền đất xa xôi như các nhà truyền giáo đã làm vào những thế kỷ trước. Ngày nay, những người không biết Chúa hoặc đã vô tình từ chối Chúa, đến với chúng ta ngay tại xứ sở này. Nói cách khác đi, chúng ta có thể mang danh truyền giáo ngay trên địa phương đang sống, khi dậy dỗ, thông truyền và giải thích Lời Chúa cho người chung quanh. Đi xa hơn nữa, trong viễn kiến đó, đức giáo hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi cần tái Kitô hoá những xứ sở trước đây đã từng là Kitô giáo!

Bổn phận truyền giáo là bổn phận chung của mọi người Công giáo. Đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ Người (Gioan 20: 19). Đó cũng là lời nhắc nhở của Giáo hội cho các tín hữu. Sau khi nghe Lời Chúa và lãnh nhận mình máu thánh Chúa thì hãy "Ra đi, thực thi sứ vụ của mình (Ite, Misa est). Cũng nên đề cập nơi đây cụm từ "Ite, misa est" và được dịch theo nghĩa chữ nơi tiếng Việt chúng ta là "Lễ xong, chúc anh chị em ra về bằng an." "Missa est" không chỉ nghĩa là lễ Misa đã xong và mọi người về nhà. "Missa," do động từ "mittere" nghĩa là sai đi. "Ite, missa est" còn có thể được hiểu như trong tiếng Anh là "Go, it is sent" Đó là lời mời gọi, uỷ thác của Giáo hội cho con cái, sau khi lãnh nhận lương thực và sức sống trường sinh là Chúa Giêsu, đi làm "Missio", tức là sứ vụ của mình. Nếu bản tính của Giáo hội là truyền giáo thì sự hiểu biết của "Ite, missa est" là "Hãy ra đi thi hành sứ vụ của mình" xem ra hợp lý hơn "Đi về bình an."

Khi ra đi, tấm gương nào chúng ta theo?

Mẹ Maria. Mẹ được định nghĩa là Đấng cưu mang Chúa Kitô. Chúng ta cũng phải cưu mang Lời, cưu mang con Thiên Chúa.

Giảng viên giáo lý và Lời.

Sự khác biệt lớn giữa giảng viên giáo lý và giáo sư môn học đời, là trong khi giáo sư dậy, họ không buộc phải tin những gì họ giảng; người giảng viên giáo lý suy niệm và sống những gì họ rao giảng và dậy dỗ. Họ biết khi dậy dỗ, Chúa sống trong họ như Phaolô viết "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, nhưng là Chúa sống trong tôi" (Galat 2: 20). Họ tín thác rằng việc mục vụ đang thi hành, do Chúa gọi và chọn như Phaolô đã xác tín "chính đức Kitô đã mặc khải tin mừng đó cho tôi" (Galat 1: 12; 16. 2: 2).

Giáo hội huấn luyện, dậy dỗ chúng ta rao giảng tin mừng của Chúa. Mang tâm tình đó, người giảng viên giáo lý phải tự hào vì trở thành thừa tác viên được tuyển chọn, và được giáo hội sai đi.

Như thế, điểm quan trọng nhất với người giảng viên giáo lý không chỉ là sự hiểu biết về Kinh thánh, nhưng là niềm Tin-Cảm nghiệm và Sống những tâm tình về Lời, về Chúa Kitô. Nếu chỉ dậy giáo lý mà không tin-cảm nghiệm và sống, chúng ta sẽ giống như người hướng dẫn viên du lịch bên thánh địa. Họ hiểu biết rất nhiều và rất rõ các địa danh, lịch sử, biến cố trong Cựu cũng như Tân ước, nhưng tâm tình tin vào Chúa Kitô thì hầu như không có.

Tin-Cảm nghiệm và Sống tâm tình về Lời, về Chúa Kitô đã được ghi nhận trong thư gửi Do Thái: “Lời Chúa là lời sống động, sắc bén và hữu hiệu hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu ngay cả chỗ phân cách tâm hồn và tinh thần (tâm-linh), cốt với tuỷ (cốt tuỷ). Lời đi vào tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” (Do Thái 4: 12).

Tin-Cảm nghiệm và Sống Lời Chúa.

Đôi khi, nếu không muốn nói là thường thường, chúng ta chỉ đọc lời Chúa. Cũng có lúc suy niệm lời Chúa, nhưng ít khi chúng ta cảm nghiệm lời Chúa hoặc chính Chúa. Nói cách khác, khi đọc Lời Chúa, chúng ta dùng trí óc nhiều quá, hoặc thường dùng trí óc hơn là con tim để cảm nghiệm. Sống thánh kinh không phải bao giờ cũng bằng trí óc.

Cách đây vài tuần, mọi người thấy thương tâm khi nghe tai nạn của nhóm anh chị em Legio Mariae trên đường đi hành hương đại hội thánh mẫu. Tin tức chiến sự hằng ngày tại Iraq, Afghanistan, tin lụt lội, động đất thường xuyên xẩy ra, tại sao chúng ta không thấy quan tâm như trường hợp của 55 anh chị em Legio này? Là vì chúng ta cảm nghiệm được sự tương hợp và gần gũi của họ với chúng ta. Họ là người Việt Nam(1), Công giáo (2), trong đoàn thể Công giáo tiến hành (3); đi làm việc tốt lành (4); chết gần như oan uổng vì hãng xe không theo đúng tiêu chuẩn an toàn (5). Chúng ta thấy thương cho họ và lo vì tai nạn tương tự như vậy có thể xẩy ra cho chính mình hoặc cho người thân của mình. Chúng ta thương cảm vì cảm nghiệm được nỗi đau và mất mát của họ, của gia đình họ.

Theo cùng hướng đi đó, khi đọc và nghe Lời Chúa, chúng ta cảm nghiệm gì? Cảm thấy nỗi đau hay hạnh phúc gì? Tại tiệc cưới Cana, khi gia đình cô dâu, chú rể hết rượu, chúng ta có cảm nhận nỗi lo lắng và xấu hổ của đôi hôn phối chăng? Có lẽ đó là gia đình nghèo không dự trù đủ rượu? Có thể do một vài người vui quá chén uống nhiều rượu hơn bình thường? Có thể một vài kẻ ranh mắt muốn "phá" gia đình cô dâu chú rể bằng cách uống hết rượu.. Dù thế nào đi nữa, thì đây cũng là điều làm gia chủ mất mặt. Thiếu thức ăn, thiếu rượu chứng tỏ thiếu lòng hiếu khách. Mời người khác đến nhà ăn, nhất là tiệc cưới, mà thiếu thức ăn, thức uống quả là đau lòng. Chúng ta sẽ phản ứng ra sao nếu là họ, nếu là người đi dự tiệc. Chúng ta sẽ nhìn Chúa như thế nào khi ngài làm phép lạ? Và nhất là, đã bao giờ chúng ta thấy Chúa làm phép lạ hoá nước ra rượu trong cuộc đời chúng ta chưa? Đã bao giờ trong đời sống gia đình, chúng ta nói với Chúa rằng "Lậy Chúa, chúng con đã hết rượu. Tình yêu chúng con nhạt như nước lã." Để rồi đã bao nhiêu lần chúng ta cảm ơn Chúa đã hoá nước thành rượu trong cuộc đời?

Dưới chân thập giá, chúng ta cảm nghiệm gì nếu đóng vai trò của Mẹ Maria, của Maria Magdalena, của Gioan hay một tông đồ? Chúng ta có chia sẻ niềm đau của Mẹ khi thấy con chịu chết oan uổng mà không cách nào bào chữa? Có thấy mình dám can đảm như Maria Magdalena theo chân thầy đến cùng, dù các môn đệ khác đã chạy tứ tán khắp nơi? Có thể chúng ta đóng vai trò bàng quang. Biết Chúa chịu tử nạn dù không có tội, nhưng vì sợ liên luỵ, chỉ dám yên lặng đứng nhìn? Đương nhiên, tệ hơn nữa nếu chúng ta lại đứng vào vai trò quân dữ lăng nhục, hành hạ và đóng đinh Chúa qua các tội của mình xúc phạm đến Chúa hoặc tha nhân.

Qua các biến cố cuộc đời, khi đọc Lời Chúa, nghe thánh kinh, chúng ta để Chúa đứng chỗ nào? Phải chăng chúng ta mời Chúa:

• Đứng bên cạnh, làm khán giả
• Cùng đồng hành chia sẻ vui buồn
• Khi cần thiết thì mời Chúa, khi đầy đủ vui vẻ thì. . thôi
• Hờ hững, có thì cũng được mà không thì cũng xong.

Thường thường, chúng ta nhìn Chúa như Thiên Chúa hay nhìn Chúa như bạn? Có bao giờ thấy Chúa quá xa vời không? Trong câu truyện tai nạn đi hành hương, đã bao giờ đặt vấn đề là tại sao Chúa để sự dữ xẩy ra như vậy, và nhất là xẩy ra cho người có lòng thành không? Tương giao nào chúng ta dành cho Chúa? Tương giao nào dành cho tha nhân?

Nhìn lại cuộc đời của Chúa, không ngạc nhiên gì khi Chúa có các tương giao mật thiết và trực tiếp với môn đệ "Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?" (Matthêu 16: 13-15). Chúa không hoàn toàn hài lòng với lời thưa "Kẻ thì nói thầy là ông Gioan tẩy giả, kẻ thì bảo là ông Elia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một ngôn sứ." "Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?" Phêrô luôn nhanh nhẹn hơn các anh khác đã tuyên tín "Thầy là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống." Phêrô không nói "con không biết, để con suy nghĩ" hoặc, đơn giản, "Thầy là thầy của chúng con;" nhưng Phêrô mạnh dạn tuyên xưng "Thầy là Đấng Kitô, tức là đấng được xức dầu." Tuy vậy, Phêrô trong tương giao thân mật, vẫn nhìn Chúa như bạn thiết, vì không lâu sau đó khi Chúa cho biết Người sẽ phải chịu nhiều khổ cực và chịu chết, thì "Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người 'Xin Thiên Chúa thương đừng để thầy gặp phải chuyện ấy!" Chúng ta nên lưu ý đến động từ "trách" mà Matthêu dùng, nói lên tương quan mật thiết đó (Matthêu 16: 22). Và lời Chúa nói với Phêrô không mang tính quở phạt mà chỉ là lời mắng của yêu thương (Matthêu 16: 23).

Còn bạn, bạn nói Chúa là ai?

Phải chăng bạn nhìn, và đến với Chúa như:
– Bạn thiết?
– Người đồng hành bất đắc dĩ?
– Cha-Mẹ?
– Hàng xóm?
– Vợ-chồng?
– Quan án?
– Người cản đường?
– Người lý tưởng, người hùng?
– Thầy giáo?
– Lãnh tụ giúp lật đổ bất công xã hội? Tạo lập công lý?
– Triết gia dẫn đường?
– Cố vấn?
– Thượng Đế
– ???

Tuy nhiên, trước khi nhìn rõ hơn liên hệ của mình với Chúa, nên biết mình là ai?

Mỗi sứ vụ sẽ cho chúng ta một định nghĩa khác nhau về tương quan với Chúa. Thừa tác viên thánh thể nhìn Chúa không giống như ca viên trong ca đoàn; người ca viên chúc tụng Chúa không giống như người trong ban nghi lễ chuyên tiếp rước giáo dân vào nhà thờ. Thành viên ban nghi lễ cũng không phục vụ Chúa theo cùng hình thức của thừa tác viên đọc sách.

Vậy! Giảng viên giáo lý là ai?

Sứ điệp (Redemptoris Missio) "Sứ vụ cứu chuộc" định nghĩa giảng viên giáo lý là "người làm việc chuyên biệt, nhân chứng trực tiếp, nhà truyền đạo không thể thiếu (indispensable evangelizers), là người đại diện cho sức mạnh nền tảng của cộng đoàn Kitô hữu, nhất là các giáo hội còn trẻ" (Guide For Catechists, số 3).

Tài liệu cũng nhấn mạnh rằng giảng viên giáo lý là nhà truyền giáo hoặc ít nhất cũng là người cổ võ truyền giáo "Chính người giảng viên giáo lý trở thành nhà cổ võ truyền giáo trong cộng đoàn của mình, và nếu Chúa Thánh linh kêu gọi, và khi cha xứ uỷ thác, họ sẽ đi ra khỏi biên giới của giáo xứ để rao giảng tin mừng, giúp chuẩn bị tân tòng và xây dựng các cộng đoàn gíao hội khác. Họ không phải là người thay thế vị linh mục, nhưng, dựa trên chính năng quyền, họ là nhân chứng của đức Kitô trong cộng đoàn dân Chúa, bởi vì họ làm chứng cho Chúa. Do chính tên gọi và bản chất, họ có quyền rao giảng, dậy dỗ lời Chúa.

Giáo luật diễn đạt vai trò giảng viên giáo lý trong khung cảnh truyền giáo, và nhìn đến họ là "Những giáo dân lãnh nhận một nền huấn luyện chuyên biệt, và họ nổi bật khi sống đời Kitô hữu của mình. Dưới sự hướng dẫn của nhà truyền giáo, họ trình bầy giáo huấn trong Tin Mừng, cử hành phụng vụ cũng như làm việc bác ái."

Tương tự như vậy, thánh bộ Truyền giáo cho các Dân tộc, qua tổng hội nghị vào năm 1970 đã phát biểu: "Giảng viên giáo lý là người giáo dân, đặc biệt được Giáo hội uỷ nhiệm, theo nhu cầu địa phương, giúp những ai chưa biết Chúa và ngay cả cho các giáo dân khác, nhận ra Ngài, yêu mến Ngài và theo chân Ngài. (Guide For Catechists, số 3).

Một gợi ý về danh xưng: Giảng viên giáo lý hay Nhà truyền đạo?

May mắn cho chúng ta, trong đạo Công giáo có rất nhiều mục vụ. Tất cả các mục vụ đều quy hướng về Chúa Kitô và đều trực tiếp hoặc gián tiếp truyền giáo. Tuy nhiên, giảng viên giáo lý đóng vai trò riêng biệt khi dậy và giảng Lời Chúa. Công việc dậy và giảng Lời Chúa của họ thật rõ ràng. Họ trực tiếp rao giảng Lời Chúa. Họ rao giảng những gì mình sống và tin tưởng. Vậy, có nên dùng danh từ "nhà truyền đạo" cho họ chăng?

Tuy một số giảng viên giáo lý có vẻ ngần ngại khi nghe danh xưng này. Sợ rằng "đao to búa lớn quá."Một số khác bị "dị ứng" với từ ngữ truyền đạo, nhưng, nếu chúng ta không tự hào là người dậy và giảng Lời Chúa thì tại sao chọn làm giảng viên giáo lý? Điều quan trọng là cần tìm cho chúng danh xưng phù hợp với bản chất sứ vụ tông đồ của mình, dù cho danh xưng đó mang tính cách đặc thù tôn giáo. Hãy tự hào khi mang danh hiệu "Nhà truyền đạo."

Tương quan nào với Chúa?

Sau khi biết mình là ai, bạn nhìn Chúa trong tương quan nào? Nhìn chung, chúng ta có thể thấy Chúa như Thiên Chúa, như Thượng đế, như người cha-mẹ nhân hậu, như người chăn chiên tốt lành. Có người nhìn Chúa như Đấng Tạo hoá, có người thấy Chúa như bằng hữu. Tất cả các hình ảnh đó đều đúng, và từ hình ảnh đó, phản ảnh mối tương quan chúng ta với Chúa. Đó là lựa chọn của mỗi cá nhân và không lựa chọn nào sai cả. Tuy nhiên, nơi đây, chúng tôi muốn đưa ra một gợi ý trong các tương quan này.

Đa số, chúng ta bị giằng co giữa hai thái cực: Nhìn Chúa như Chúa, và nhìn Chúa như con người. Chúa như Chúa, như Thượng đế, Tạo Hoá thì quá xa vời. Vị Thiên Chúa tuyệt vời đó khó cùng đồng hành với chúng ta. Ngài dễ thấy tội và chúng ta dễ cảm thấy mình là tội nhân. (Người Việt Nam và Á châu có khuynh hướng này). Đây là loại thần học mệnh danh là trung cổ.

Nhìn Chúa như người thì lại để Chúa xuống ngang với mình. Từ đó, dễ đồng hoá Chúa với yếu đuối của mình. Nói cách khác, Thiên Chúa bị lạm dụng qua các từ ngữ như Chúa là tình yêu, Ngài tha hết tội. Dù phạm tội thường xuyên và đến đâu đi nữa, Chúa cũng sẽ tha hết! Hoặc, Chúa biết chúng ta tội lỗi, nên, chỉ cần tin vào Chúa là đủ được cứu chuộc! Rồi đi tìm một vài đoạn trong thánh kinh, bào chữa cho lập luận của mình hơn là đọc toàn bộ Kinh thánh. (Người Au Mỹ có khuynh hướng này). Đây là loại thần học mà nhiều người gọi là "thần học ngọt" hoặc là thần học bọc đường.

Nên lưu ý: Ngài là một Thiên Chúa, nhưng nhập thể. Đừng quên Ngài đã nhập thể, và cũng đừng quên Ngài là Thiên Chúa. Chúng ta có thể coi Ngài như một người cha hiền, một người bạn tốt. Ngài không chỉ là bạn nhưng là bạn tốt. Người bạn này bảo chúng ta "những gì anh/chị làm cho một người bé nhỏ là làm cho tôi" (Mt. 25: 35-41), và "Hãy làm cho người khác những gì anh/chị muốn người khác làm cho bạn (Matthêu 7: 12)."

Nói cách khác, đừng sợ và đừng xa cách Chúa. Chúa là người bạn tốt.

Dùng trí óc để cảm nghiệm Lời Chúa

Khi biết liên hệ với Chúa rồi, mình mới dễ dàng đồng hành và sống các cảm nghiệm với Chúa.

Để Tin và Sống các cảm nghiệm này, chúng ta cần xử dụng cả trí óc cũng như trái tim. Dùng trí óc để biết và trái tim để yêu. Một số phương cách cụ thể cho trí óc là:

• Đọc kinh thánh hằng ngày. Kinh thánh là Lời Chúa. Hơn thế nữa, Kinh thánh còn là chính Chúa. Nên tập thói quen đọc một đoạn ngắn và đọc hằng ngày vào lúc nhất định. Không cần đọc dài nhưng đọc đều đặn. Điểm quan trọng nhất với những người đã quen đọc Kinh thánh là lưu tâm đến các chú giải -chú thích và giải nghĩa-. Bản Kinh thánh có giá trị là bản có những chú giải rõ ràng và chi tiết.

• Học và hiểu kinh thánh. Đi dự các lớp thánh kinh. Nên ghi nhớ, nghe một đoạn thánh kinh trong nhà thờ chưa đủ, nếu không bị coi là quá thiếu thốn. Một ngày chúng ta ăn ba bữa hoặc ít là hai, vậy mà một tuần chỉ nhấm nháp có một bữa chưa tới vài phút thì đúng là ăn "diet", "diet" Lời Chúa!

• Hiểu kinh thánh cho đúng. Ngày xưa, người giáo dân không dám tự đọc kinh thánh vì sợ cắt nghĩa sai. Bộ sách giáo lý Công giáo ngày nay là những lời giải thích rất đầy đủ và đúng về thánh kinh. Nếu có thể được, quy tụ một số người để cùng học thánh kinh. Chia phiên nhau trình bầy các đề tài hoặc đoạn, chương trong thánh kinh. Trước khi trình bầy, mình cũng đã nghiên cứu và tìm hiểu.

• Kinh thánh có nhiều câu truyện dụ ngôn rất giống với Việt Nam, rất gần với phong tục A châu, nên dễ hiểu và dễ cảm nhận. Nên ghi chú những đoạn mang tính cách Á châu trong thánh kinh. Sẽ thấy rằng Kinh thánh gần với chúng ta rất nhiều, và gần với Á châu hơn Au hoặc Mỹ châu.

• Suy niệm và cầu nguyện với Kinh thánh. Đọc một đoạn Kinh thánh, hiểu đoạn đó, rồi lắng nghe xem Chúa nói gì với chúng ta, Chúa thúc đẩy chúng ta làm gì? Nhiều sách thánh kinh in cả những đoạn hướng dẫn cầu nguyện khi đang buồn phiền, khi thất bại với tình bạn, với việc làm; khi có những khó khăn trong đời sống gia đình, với vợ, chồng, con cái; khi không thấy tương lai; tại sao có các bí tích...

• Bên cạnh việc thực tập và học hỏi phương cách trở thành giảng viên giáo lý, cần đi tham dự và cập nhật hoá tầm hiểu biết qua các lớp huấn luyện giáo lý. Giáo lý là sự giải thích, giảng dậy và áp dụng lời Chúa. Người Hoa kỳ, nhất là người gốc Au châu, nghiêm chỉnh hơn chúng ta về học thánh kinh và giáo lý nhiều. Họ xếp đặt thời giờ hầu có thể thường xuyên tham dự cách cẩn thận.

Cảm nghiệm bằng con tim

• Cùng với trí óc là trái tim. Để Tin-Cảm nghiệm và Sống Lời Chúa, chúng ta cần YÊU Chúa với tâm tình. Không chỉ đọc Kinh thánh như đọc truyện hoặc đọc triết lý. Đọc Kinh thánh với tâm tình và với niềm đam mê tin tưởng rằng trong sách thánh, tương lai, mạng sống chúng ta nằm ở đó. Đây là điểm rất quan trọng khi đọc Kinh thánh. Khi đọc nhanh vàvội vàng sẽ không đủ giờ suy niệm. Sách thánh và Lời Chúa không phải là cuốn lịch sử hoặc địa lý hoặc chính trị, đọc cho mở mang trí thức. Cũng không phải là loại sách giáo khoa, bó buộc phải học, nhưng là sách của Lời hằng sống có khả năng cứu rỗi. Đương nhiên, chúng ta không tin mù quáng, nhưng biết rằng, khi đọc sách với tâm tình yêu thương, chúng ta mở cửa cõi vĩnh hằng cho chính mình.

• Đọc thánh kinh với tâm tình của người đang yêu. Hãy đọc như đọc thư của người mình yêu và người yêu mình. Trân quý từng chữ, từng dòng, từng tư tưởng. Nên so sánh lúc đọc thánh kinh với giây phút đọc thư chồng, thư vợ từ miền xa gửi về. Chúng ta thấy vui mừng biết bao khi nhận ra những tin tức, sinh hoạt của người yêu. Do đó tại sao chúng ta gọi thánh kinh là Tin Mừng.

• Đọc thánh kinh với tâm tình của người con xem lại và trân quý di chúc của cha, mẹ gửi cho mình, hoặc bằng hữu trăn trối cho nhau. Suốt Tin mừng theo Gioan từ chương 13 cho đến cuối là những lời tâm sự của Thầy dành cho môn đệ, của bằng hữu dành cho nhau, những lời cuối của một đấng Thiên Chúa nhập thể sắp chết "Này các con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy.. Thầy để lại cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Nhờ đó mà mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy: là, các con yêu thương nhau (Gioan 13: 33-35). Sống những lời trăn trối này, chúng ta sẽ thấy, không phải qua các phép lạ, bài giảng thâm thuý, việc làm vĩ đại mà mọi người nhận biết ai là Kitô hữu, ai là Công giáo, nhưng nhờ "các con yêu thương nhau!" Thật tuyệt vời. Nếu trong chúng ta, đã có người cảm nhận được những lời cuối của cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, bạn hữu, và thấy quan trọng như thế nào khi nghe những lời này, thì nhiều đoạn trong Tân ước giúp nhận ra rõ ước mơ của Chúa với các môn đệ trước khi Người chịu chết.

• Cùng đọc thánh kinh với người khác. Người Việt chưa có thói quen đọc và chia xẻ thánh kinh trừ một vài đoàn thể Công giáo tiến hành. Người Au Mỹ thường thường bắt đầu các cuộc bàn cãi với thánh kinh. Họ xin Chúa Thánh linh soi sáng cho biết những gì nên nói, những gì cần làm. Có lẽ họ không đọc nhiều kinh bằng chúng ta nhưng chắc chắn họ đọc thánh kinh nhiều hơn chúng ta.

Chúa ở đâu? Chúa đang làm gì với mình? Chúng ta nên giao tiếp với Chúa ra sao? Giảng viên giáo lý -những người cưu mang Lời Chúa và Chúa- thấy Chúa ở đâu? Cùng nhau suy niệm đoạn thánh kinh:

"Thiên Chúa nói với Elia 'Con hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Ta.' Rồi có gió to, bão lớn, xẻ núi non, nghiền vỡ đá tảng, nhưng Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Chúa không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng gió thổi, Êlia lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang chờ Chúa." (1 Sách các vua 19: 9-13)

Thiên Chúa trong tiếng gió hiu hiu.

Hãy Tin-Cảm Nghiệm-Sống Lời Chúa và sống chính Chúa trong tiếng gió hiu hiu của cuộc đời.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:34 27/08/2008
ĐỊNH LỰC

N2T


Có một khách tham quan đến nhục mạ Phật Đà rất dữ dội, mà Phật Đà thì ngay cả cái nhíu mày cũng không động đậy, đệ tử ngấm ngầm xin chỉ bảo, bí quyết định lực ấy là ở chỗ nào ?

Phật Đà trả lời:

- “Người nọ bỏ tiền cúng lễ trước mặt con mà con không lấy, con nghĩ coi tình cảnh sẽ như thế nào ? Người nọ gởi thư cho con mà con không mở ra đọc, thì có thể bị nội dung của nó ảnh hưởng sao ? Khi bị nhục mạ mà con làm như thế thì sẽ không mất đi định lực tự nhiên.”

(Trích: Bài ca của loài ếch, phần tu đức)

Suy tư:

Con người ta không ai chịu ngồi yên để người khác nhục mạ chửi bới ông bà mồ tổ của mình, nhưng họ sẽ có phản ứng cách mảnh liệt, nhất là khi xúc phạm đến tổ tiên của mình; con người ta không ai chịu ngồi yên đưa má cho người ta đánh, đưa râu cho người ta giựt, vì đó là hành động sỉ nhục, họ sẽ phản kháng ngay...

Chỉ có người tôi tớ của Thiên Chúa mới như thế, như tiên tri I-sai-a đã tiên báo:

“Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi...” (Is 42, 2-3)mà người tôi tớ ấy không phải là Chúa Giê-su sao ?

Có các linh mục tâm không động, lực cố định là bởi vì các ngài không nghĩ đến giáo xứ lớn giáo xứ nhỏ, tiền xin lễ nhiều hay tiền xin lễ ít, và bởi vì các ngài suy nghĩ ở đâu cũng là làm việc trong vườn nho của Chúa.

Nhưng trái lại có một vài người dâng mình làm tôi tớ Chúa để được ăn sung mặc sướng, có được chút chức vụ trong cộng đoàn thì hể hả cho mình là ông lớn, trịch thượng ra vẻ ta đây, tâm lý học gọi đó là tự ti mặc cảm, vì trình độ kém cỏi nhưng nhờ phe cánh mà được bầu vào chức vụ này chức vụ nọ, đến khi thấy không đạt yêu cầu của mình thì “ăn không được thì đập bỏ”...

Tâm động đậy là vì coi vật chất lớn hơn ơn gọi của Chúa; lực không ổn định là vì lòng dạ cứ để nơi anh em chị em mà soi mói, vạch lá tìm sâu.v.v...

Thật tội nghiệp cho họ quá chừng chừng...Ai hiểu thì hiểu...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:35 27/08/2008
N2T


13. Cầu nguyện nhé, và giữ gìn hy vọng nhé ! Bởi vì Thiên Chúa là Đấng nhân từ.

(Thánh Pi-ô Năm Dấu)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Từ phò phá thai tới phò sự sống
Vũ Văn An
02:56 27/08/2008
Từ phò phá thai tới phò sự sống

Bài của Jennifer Fulwiler

Hồi còn phò phá thai, tôi đọc thấy: ở một số xã hội cổ xưa, cha mẹ có thói quen vất bỏ những đứa con mới sinh mà họ không thích, bằng cách để chúng dãi nắng dầm mưa mà chết. Tôi thấy những truyện ấy vừa gây ngỡ ngàng vừa quá khủng khiếp xiết bao. Làm thế nào những việc như thế lại có thể xẩy ra được? Tôi không bao giờ có thể hiểu được làm thế nào cả một nền văn hóa lại có thể chấp nhận được một việc tàn nhẫn hiển nhiên đến thế, làm thế nào một việc mà xã hội thời nay vốn hiểu như một tội ác tầy trời lại có thể được chấp nhận rộng rãi như thế nơi những nhóm người đông đảo kia.

Vì nỗi bất mãn sâu xa của tôi khi nghe được những tội ác chống lại nhân loại như thế, nên tôi hết sức khó chịu khi nghe phe phò sự sống gọi phá thai là “giết hài nhi”. Hiển nhiên, không ai lại ủng hộ việc giết hài nhi cả, nên nếu cho rằng những người phò phá thai chúng tôi bênh vực việc ấy thì quả là một lăng nhục đối với các hài nhi trong lịch sử từng bị các xã hội “khùng điên” kia sát hại thực sự. Chúng tôi đâu có ủng hộ việc sát hại bất cứ ai. Chúng tôi chỉ cảm thấy rằng người đàn bà có quyền ngưng diễn trình phát triển của một bào thai nếu họ phải đối diện với một cơn khủng hoảng do việc mang thai đem lại. Việc ngưng ấy có bất hạnh thật, nhưng đó là một hy sinh cần phải làm để tránh cho người đàn bà khỏi trở thành nạn nhân các vụ thai nghén mà họ không muốn có.

Hồi ấy, tôi còn vô thần và ít giao tiếp với các giới xã hội tôn giáo. Tuy nhiên, khi bắt đầu tìm kiếm Thiên Chúa và mở tâm trí ra với Kitô giáo, tôi không thể tránh né được việc càng ngày càng có dịp tiếp xúc với tư duy phò sự sống, và do đó tôi buộc phải tìm cách bênh vực quan điểm của mình. Một đêm kia, tôi thảo luận vấn đề với chồng tôi, là người lúc ấy cũng đang tái thẩm định chủ trương phò phá thai của mình. Chồng tôi đưa ra một nhận xét vừa xuất hiện trong đầu làm tôi bỡ ngỡ đến độ cũng phải xem sét lại vấn đề ấy. Chồng tôi bảo: “Anh vừa nhận ra điều này: phò sự sống là phò sự sống của người khác, trong khi ai cũng phò sự sống của chính mình”.

Càng ngày càng bất ổn

Nhận xét của chồng làm tôi hiểu ra điều này: quan điểm phò phá thai đặt tôi vào vị trí quyết đoán sự sống của ai đáng sống và cả chuyện ai mới là người. Cùng với các bác sĩ, các chính phủ và các người bênh vực phá thai, tôi quyết đoán việc phải vạch đường phân cách chủ yếu ở chỗ nào. Khi đụng tới trang mạng hay sách vở Công Giáo nào quả quyết rằng “sự sống bắt đầu lúc tượng thai”, tuy tôi đều cười chế diễu như thói quen xưa nay, nhưng càng ngày càng thấy mình bất ổn hơn trong việc chống đỡ quan điểm của mình. Tôi bắt đầu nhận ra rằng tiêu chuẩn để tôi xác định lúc nào sự sống con người bắt đầu thực ra hết sức mơ hồ, mơ hồ một cách khó chịu. Tôi cột gánh nặng chứng minh vào chính bào thai, buộc chúng phải chứng tỏ cho tôi hay chúng là người, nhưng chúng phải biết tôi là thứ quan tòa khó tính. Tôi thấy mình nhìn đi chỗ khác khi nghe thấy những chuyện như siêu âm ba chiều cho thấy hình ảnh bào thai rờ lên mặt, mỉm cười và mở mắt ngay trong giai đoạn được tôi coi là được phép phá thai. Trong khi kỹ thuật hiện đại ngày càng cho thấy bằng chứng bào thai cũng là người, thì tôi lại chỉ loay hoay với việc di chuyển cái mức phải thế nào mới được coi là người.

Có lúc, tôi bắt đầu thấy mình thực ra chỉ cương quyết trong việc tiếp tục phò phá thai hơn là trung thực phân tích xem ai là và ai không là người. Tôi cũng thấy hiện tượng đó nơi người khác thuộc phe phò phá thai nữa. Khi tìm hiểu các vấn đề như phá những bào thai đã gần đến ngày sinh (partial-birth abortion), tôi thường cảm thấy ngỡ ngàng gần như muốn bệnh khi chứng kiến mức độ tội ác mà người bình thường có thể ủng hộ. Tôi khó tin được mắt mình khi đọc thấy những nhà chuyên nghiệp có lý trí, có giáo dục mà lại bình thản biện minh cho việc sát hại trẻ sơ sinh bằng cách gọi các nạn nhân là bào thai chứ không phải trẻ sơ sinh. Chính lúc đó tâm trí tôi bắt đầu lui bước khỏi phong trào phò phá thai. Nếu đó là phò phá thai, tôi sẽ không phò phá thai nữa.

Ấy thế nhưng, tôi vẫn chưa thể coi mình là người phò sự sống.

Tôi nhìn nhận: trước đây, cả tôi nữa có lẽ cũng đã tự lừa dối mình ngõ hầu duy trì được việc mình ủng hộ phá thai. Ấy thế nhưng, vẫn có một áp lực khủng khiếp nào đó buộc tôi phải xem sét vấn đề một cách khách quan. Một cái gì rất sâu trong tâm tư tôi gào lên bảo tôi rằng không cho phép phụ nữ phá thai, ít nhất trong tam cá nguyệt đầu tiên, là bất công theo nghĩa nghiệt ngã nhất. Ngay cả khi đã thành người tôn giáo, trong tâm tư, tôi vẫn bỏ qua một bên các ý tưởng cho rằng mọi con người nhân bản đều có một linh hồn bất tử do Chúa ban cho, có phẩm giá xứng đáng cần được kính trọng. Lúc nào ta tiếp nhận được thứ linh hồn ấy thì quả là một vấn đề rắc rối, câu trả lời hiển nhiên nhất là “lúc tượng thai”, ngược với một thời điểm võ đoán nào đó trong diễn trình mang thai (gestation). Chỉ đến lúc đánh giá lại các quan điểm xã hội về việc làm tình, từng ăn sâu vào ý thức những người cùng phe với mình, tôi mới có khả năng cởi bỏ được cái áp lực nội tâm trên mà đưa ra một cái nhìn cương quyết đối với phá thai.

Làm tình và tạo sự sống

Lớn lên trong một nước Mỹ trung lưu thế tục, tôi vốn hiểu việc làm tình như một cái gì tách biệt hẳn ý niệm tạo dựng sự sống. Suốt thời thơ ấu, tôi không hề thấy một ai có anh chị em sơ sinh; và nếu các bậc phụ huynh trong khu phố có khi nào nói tới thai nghén, thì thẩy đều cho hay họ rất vui vì đã thoát được. Trong lớp dạy về tính dục ở trường, chúng tôi không được dạy rằng làm tình tạo ra trẻ sơ sinh mà là: làm tình mà không ‘phòng ngừa’ mới tạo ra trẻ sơ sinh. Ngay cả mới đây, trước khi hôn nhân của chúng tôi được chúc lành trong Giáo Hội Công Giáo, tôi và chồng tôi có tham dự một khóa học nói về việc xây dựng một hôn nhân tốt đẹp. Trong khóa học đó, có cho chiếu một loạt video do một nhóm Kitô giáo không thuộc hệ phái nào thực hiện, nhưng mục gọi là “Làm tình tốt đẹp” (Good Sex) không hề nhắc chi đến chuyện có con, dù là một lần. Trong tất cả các bài nói về gắn bó (bonding), thoa lưng và thân mật xuồng xã cũng như giữ khuôn hình cho thân xác, loạt video này chỉ xa xôi nhắc đến mối liên kết giữa làm tình và tạo sự sống này trong một ghi chú ngắn khuyên các cặp vợ chồng nên thảo luận với nhau về chủ đề ngừa thai.

Suốt đời, sứ điệp tôi nghe được một cách to tiếng và rõ ràng là: làm tình để hưởng lạc thú và để gắn bó với nhau, còn tiềm năng tạo sự sống của nó hoàn toàn chỉ là dính thêm vào (tangential), gần như đến độ không cần ghi nhớ. Cái não trạng ấy đã trở thành nền tảng cho các quan điểm của tôi về phá thai. Vì tôi thấy việc làm tình tự nó khép kín đối với khả thể có con, nên tôi nghĩ: các vụ thai nghén không tính trước cũng giống như vô tình bị sét đánh trúng khi đang đi dạo phố vậy, một điều hoàn toàn không dự đoán và không đáng bị nhưng đã xẩy tới cho những con người sống cuộc sống bình thường.

Các quan điểm phò phá thai của tôi (và theo tôi của nhiều người khác nữa) đã được cái lo lắng yêu thương động lực hóa: tôi không muốn phụ nữ phải chịu thiệt thòi, phải chịu mất giá trị khi phải đương đầu với các vụ thai nghén họ không muốn. Vì cái phần cố hữu trong thế giới quan của tôi vốn cho rằng mọi người, vâng, mọi người, chỉ trừ những ai bị “ức chế” (hang-ups), thế nào rồi cũng làm tình, và trong những hoàn cảnh bình thường, làm tình chỉ nói lên mối liên hệ giữa hai con người liên hệ, nên tôi đã rơi vào một trong những dối trá cổ xưa nhất, lớn nhất, quyến rũ nhất trong lịch sử con người. Sự dối trá ấy là: kẻ thù kia không phải là người. Trẻ sơ sinh đã trở thành kẻ thù do cái khuynh hướng bỗng đâu xuất hiện (pop up) của nó để rồi hủy hoại mọi sự; và cũng như xã hội quen thói hạ tính làm người của những đồng loại nhân bản đứng ở bên kia chiến tuyến đối lập với họ, tôi, cũng như chúng tôi trong tư cách xã hội, đã hạ tính làm người của những chủ thể bị chúng tôi coi là kẻ thù của làm tình.

Nhưng khi đọc được trọn cái hiểu của Giáo Hội Công Giáo về làm tình, hôn nhân và ngừa thai, mọi sự trong tôi đã thay đổi. Trước đây, tôi luôn cho rằng giáo huấn Công Giáo chống việc kiểm soát sinh đẻ chỉ là những ý niệm lỗi thời, có khi còn là một cố gắng ngụy trang sơ sài muốn đàn áp tín hữu nữa. Tuy nhiên, nay tôi đã nhận ra rằng các giáo huấn ấy nói lên một cái hiểu hoàn toàn khác về việc làm tình. Và khi đã khám ra điều ấy, tôi không bao giờ còn nhìn đời như trước nữa.

Gánh nặng hay ơn phúc?

Theo lối nhìn thường hằng trước đây của tôi, quảng đại quần chúng vẫn chủ trương: trẻ sơ sinh là gánh nặng, ngoại trừ rất hiếm lúc trên đời khi sự việc gì xem ra cũng đều tuyệt diệu cả, may ra mới có những bậc cha mẹ thấy việc có con là một điều tốt. Nay tôi đã thấy ra rằng trẻ sơ sinh là ơn phúc và dù tránh thai nghén vì các lý do nghiêm chỉnh là điều chính đáng, nhưng nếu đi quá đà đến độ chấp nhận “não trạng ngừa thai” (contraceptive mentality), nghĩa là cảm thấy mình có quyển hưởng khoái cảm của làm tình nhưng lại ghét bỏ các phẩm tính trao ban sự sống của nó, thì chẳng những ta không kính trọng hành vi hết sức thánh thiêng này, mà còn sai lầm coi sự sống mới là kẻ thù nữa.

Tôi đã thấy được rằng việc nền văn hóa của ta ưa dùng và chấp nhận rộng rãi việc ngừa thai có nghĩa là “não trạng ngừa thai” đối với việc làm tình nay đã trở thành thái độ không có phía bên kia (default attitude). Như một xã hội, ta đã tiến tới chỗ coi là đương nhiên việc chúng ta có quyền hưởng các khía cạnh khoan khoái và gắn bó của làm tình dù tìm cách ngăn cản sự sống mới mà hành vi kia có thể tạo ra. Giải pháp tự chế (abstaining) đối với hành vi có thể tạo ra trẻ sơ sinh này nếu ta thấy có con là một gánh nặng dường như đã bị loại khỏi từ vựng văn hóa của ta… Nếu điều đó đúng, nghĩa là nếu người ta được luân lý cho phép làm tình với não trạng tin rằng một trẻ sơ sinh mới sẽ hủy hoại cuộc sống họ, thì theo tôi, phải cho phép người ta phá thai.

Lý tưởng là: đáng lý ra, tôi phải xem sét khách quan để biết lúc nào sự sống con người bắt đầu để chỉ đặt quan điểm của mình trên căn bản đó mà thôi, nhưng vì sự dối trá kia quyến rũ quá. Tôi không muốn nghe nói quá nhiều về những nhịp tim hay linh hồn hay sinh hoạt não bộ. Chấm dứt thai nghén phải được chấp nhận, có thế thôi, vì cưu mang một bào thai cho đến mãn kỳ và trở thành bà mẹ là một thương lượng quá lớn, trong khi xã hội từng minh xác rằng làm tình đâu phải là một thương lượng quá lớn. Bao lâu tôi còn chấp nhận tiền đề cho rằng can dự vào việc làm tình với não trạng ngừa thai là điều chấp nhận được về luân lý, thì tôi không thể tiến tới chỗ coi phá thai là việc không thể chấp nhận được. Không gì bất nhân bằng bắt người đàn bà phải đương đầu với các hậu quả thay đổi cả cuộc sống mình từ một hành vi mà đáng lý ra không bắt buộc phải mang tới các hậu quả như thế.

Đối với hậu cảnh kinh nghiệm của tôi, ý niệm Công Giáo cho rằng ta phải luôn kính sợ và kính trọng hành vi làm tình, đến độ nên tự chế không làm hành vi ấy nếu ta chống lại tiềm năng trao ban sự sống của nó, quả là một sứ điệp cách mạng. Có khả năng xem sét cách trung thực lúc nào sự sống bắt đầu, biết mở rộng tâm trí đón nhận sự kỳ diệu và phẩm giá nơi những hữu thể nhỏ bé nhất trong hàng ngũ đồng loại nhân bản của mình, chỉ là điều tôi có thể làm được một cách đầy đủ khi trước nhất tôi hiểu được bản chất của hành vi vốn tạo ra các sự sống bé nhỏ ấy.

Tất cả các tư tưởng trên hiện đã thấm dần vào đầu óc tôi ít lâu nay, và càng ngày tôi càng thấy mình nhất trí với các quan điểm phò sự sống. Rồi một đêm kia, tôi bỗng trở thành phò sự sống một cách chính thức, chẳng cần đến ai phải “hộ giáo”. Tôi có dịp đọc được một trình thuật khác về các xã hội Hy Lạp trong đó người ta bỏ rơi mặc tình cho các trẻ sơ sinh chết yểu mà tự hỏi làm thế nào những con người bình thường lại có thể làm một điều như thế được, và tôi rùng mình khi khám phá ra: à mình biết biết tại sao họ làm như vậy.

Lúc ấy, tôi bỗng hiểu ra rằng những con người hoàn toàn lành mạnh, có ý hướng tốt, những con người như tôi, vẫn có thể ủng hộ những điều cực kỳ xấu xa chỉ vì sức mạnh dối trá. Căn cứ vào kinh nghiệm của chính mình, tôi biết tại sao những người Hy Lạp, những người La Mã và những người thuộc mọi quốc gia khác lại có thể du mình vào một trạng thái tâm trí trong đó họ để mặc tình cho các trẻ sơ sinh chết yểu. Chính những áp lực thực sự của cuộc sống: “chúng tôi không có khả năng có thêm đứa nữa”, “chúng tôi không thể có thêm bất cứ đứa con gái nào nữa”, “nó sẽ không thể có được cuộc sống tốt hơn”, khiến họ rơi vào cơn cám dỗ đành phải hạ tính làm người nơi những hữu thể nhân bản khác. Dù các hoàn cảnh có khác, cùng một diễn trình đã xẩy tới với tôi, với phong trào phò phá thai và với bất cứ ai khác từng bị cám dỗ phải hạ tính người nơi những hữu thể gây bất tiện cho mình.

Tôi hoài nghi rằng khi trao trẻ sơ sinh của họ cho người ta đem đi, các cha mẹ người Hy Lạp kia hẳn đã nhận xét về sự khác biệt giữa những đứa con bé nhỏ đó với những đứa con khác của họ: chúng không biết nói, chúng không biết ngồi, và chắc chắn những cái ngáp, những cái mỉm cười của chúng chỉ là những phản ứng ngoài ý muốn. Tôi cam đoan họ nói về những đứa con sơ sinh đó bằng những từ ngữ khác với những từ ngữ họ dùng để nói về những đứa con họ giữ lại. Có lẽ họ gọi chúng là những “bào thai” chăng!

Jennifer Fulwiler là một người khai triển các trang mạng, hiện sống ở Austin, Tex. với chồng và ba con. Bà từ vô thần trở lại Công Giáo năm 2007. Bài trên được đăng trên tuần san America của các cha Dòng Tên ở Mỹ, số đầu tháng Bẩy, năm 2008.
 
Thánh Lễ tưởng niệm Cha Vincent R. Capodanno - vị Linh Mục Tuyên Úy tại chiến trường Việt Nam
Anthony Lê
10:09 27/08/2008
Thánh Lễ tưởng niệm Cha Vincent R. Capodanno - vị Linh Mục Tuyên Úy tại chiến trường Việt Nam

WASHINGTON, D.C. - Một Thánh Lễ sẽ được cử hành để tôn vinh vị Linh Mục Truyền Giáo của Dòng Maryknoll và cũng là vị Linh Mục Tuyên Úy của ngành Hải Quân Hoa Kỳ tại chiến trường Việt Nam đó là Cha Vincent R. Capodanno - Thiếu Úy, USNR tại Nhà Nguyện của Hải Quân Hoa Kỳ ở Washington (Washington Navy Yard Chapel) vào ngày 4 tháng 9 sắp tới.

Ngày 4 tháng 9 năm 2008 sắp tới cũng là ngày tưởng niệm lần thứ 41 về cái chết của Cha tại chiến trường khói lửa Việt Nam vào năm 1967. Trong năm đó, Cha đã bị thiệt mạng vì hỏa lực của Cộng Sản Bắc Kỳ trong lúc Cha đang chăm sóc y tế và ban các phép Bí Tích cho các lính Thủy Quân Lục Chiến của Hoa Kỳ bị thương. Cũng sau cái chết đó, Cha Capodanno đã được trao tặng Huy Chương Danh Dự của Quốc Hội Hoa Kỳ, một phần thưởng cao quý nhất dành cho hành động cứu người anh dũng của Cha trước hỏa lực của địch thù.

Rất nhiều Nhà Nguyện, tòa nhà, cùng các đài tưởng niệm khác được đặt theo tên của Cha - Vị Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo can trường gốc Ý.

Vào năm 2006, Cha Capodanno cũng đã được Tòa Thánh chính thức công bố là "Vị Tôi Tớ của Thiên Chúa" - bước đầu tiên trong tiến trình Phong Thánh cho Cha.

Những ai muốn tham dự Thánh Lễ tưởng niệm và ghi nhớ về công ơn của Cha Cappodanno, xin vui lòng mang theo Thẻ ID (có hình ảnh), vào cổng của Navy Yard ở góc đường M và Hill Street, SE [tức đoạn giữa Đường Số 5 và Số 7] ở Washington, D.C. Sau khi vào được cổng, cứ lái xe tiếp để qua 3 tòa nhà, rồi quẹo trái. Nhà Nguyện Navy Yard Chapel tọa lạc tại khu tòa nhà ở bên trái.

Mọi thông tin liên lạc, xin gọi đến cho cựu Đại Tá Ted Bronson, Capt.,USN tại số điện thoại là: (703) 892-2891 hay email tại efbronson@aol.com.
 
Top Stories
Hanoi : les plus hautes autorités religieuses de l’Eglise catholique au Vietnam soutiennent publiquement les manifestations de prière des paroissiens de Thai Ha
Eglises d'Asie
15:04 27/08/2008
Hanoi: les plus hautes autorités religieuses de l’Eglise catholique au Vietnam soutiennent publiquement les manifestations de prière des paroissiens de Thai Ha

Deux hautes personnalités religieuses viennent d’apporter publiquement leur soutien aux manifestations pacifiques de la paroisse de Thai Ha, à Hanoi, en prière et en lutte pour la récupération d’une propriété d’Eglise accaparée par une entreprise soutenue par l’Etat. Ces manifestations, dont les premières avaient eu lieu au tout début de l’année, ont, en effet, pris un nouveau tournant et ont redoublé d’intensité au cours du mois d’août devant l’obstination du gouvernement à nier la réalité des faits. Tour à tour, l’archevêque de Hanoi, Mgr Joseph Ngô Qiang Kiêt, en voyage aux Etats-Unis, et le supérieur provincial de la congrégation des rédemptoristes, religieux en charge de la paroisse concernée, ont exprimé leur communion avec le mouvement engagé par les paroissiens et ont sollicité la solidarité des chrétiens du Vietnam avec cette lutte.

Répondant, le 22 août dernier, à une lettre du curé de la paroisse de Thai Ha l’informant des résultats décevants d’une rencontre entre les responsables de la paroisse et les responsables civils d’un arrondissement de Hanoi, l’archevêque de la capitale a proclamé sa « communion profonde » avec le mouvement de prières des pasteurs et du peuple chrétien de Thai Ha. Il prie pour que justice leur soit rendue et appelle les chrétiens à communier avec eux (1). La lecture de cette lettre à l’issue des cinq messes, célébrées le dimanche 24 août, dans la paroisse en question, a provoqué de longs applaudissements et a été suivie de cinq processions de prière sur le terrain revendiqué par la paroisse, devenu, depuis le 15 août dernier, un lieu de culte marial.

Le 24 août, une autre lettre, signée du P. Vincent Pham Trung Thanh, supérieur de la province vietnamienne des rédemptoristes, était diffusée sur Internet. Ce texte, destiné aux membres de la congrégation, après avoir exposé en détail l’historique et les raisons de la lutte pacifique des paroissiens et rapporté les faits les plus récents (3), appelle tous les religieux vietnamiens à se mobiliser et à se montrer solidaires de la lutte des paroissiens de Thai Ha. Le supérieur leur demande de sensibiliser leur entourage à cette cause et de diffuser la version authentique des faits que la presse officielle ainsi que les déclarations des autorités civiles ont totalement déformés. Le religieux, annonce qu’une célébration eucharistique sera organisée à l’église Notre-Dame du Perpétuel Secours, à Saigon, le 28 août, en union avec la paroisse de Thai Ha.

Ce soutien des autorités religieuses fait suite à la nouvelle tournure prise par les manifestations à la veille de la fête de l’Assomption. Jusque-là, les processions de prière se déroulant quotidiennement devant le terrain paroissial accaparé, les réclamations et les plaintes adressées aux autorités n’avaient pas émoussé l’obstination du gouvernement. Au contraire, le 30 juin et le 2 juillet dernier, les autorités de Hanoi avaient de nouveau repoussé les revendications de la communauté catholique, accusée de violer la loi et de troubler l’ordre public. Dans la nuit du 13 au 14 août dernier, les paroissiens ont transporté une statue de la Vierge à l’intérieur du terrain actuellement accaparé par l’entreprise Chien Thang protégée par le gouvernement. Le lendemain, on ne notait aucune réaction des forces de l’ordre alors que les fidèles se réunissaient autour de la Vierge pour prier. Le jour de l’Assomption, les paroissiens ouvraient un passage dans le mur de clôture vers l’intérieur du terrain et y apportait en procession une grande croix et une autre statue de la Vierge, plus grande.

Dans les jours qui ont suivi, en particulier à partir du 19 août, alors que de nombreux chrétiens participaient aux prières de la paroisse, la chaîne de télévision de Hanoi, un certain nombre de journaux, parmi lesquels le Ha Noi Moi, le Lao Dông (organe du syndicat), l’An Ninh Thu Do (organe de la Sûreté de la capitale), ainsi que le Nhân Dân (organe du parti communiste vietnamien), ont livré au public une version particulièrement orientée de l’affaire, niant les droits de la communauté catholique sur le terrain réclamé et l’accusant de violer la loi. De leur côté, les responsables de la paroisse de Thai Ha, dans des rapports envoyés aux autorités religieuses et des comptes-rendus adressés aux responsables civils, affirmaient leur droit et rétablissaient la version des faits mis à mal par les médias officiels. C’est à ce même type de confrontation qu’a donnée lieu la rencontre qui a eu lieu le 22 août entre les prêtres accompagnés de quelques laïcs de la paroisse de Thai Ha, et les représentants du Comité populaire de l’arrondissement Dong Da de Hanoi. Un long monologue du président du Comité populaire a repris la version des faits et les accusations déjà diffusées par la presse officielle. Même si les prêtres présents ont eu l’occasion de réfuter les arguments de leur interlocuteur, aucun dialogue véritable n’a pu avoir lieu (4).

(1) La lettre de l’archevêque de Hanoi a été publiée en vietnamien par VietCatholic News, le 23 août.
(2) La lettre du provincial des rédemptoristes a été mise en ligne sur le site Cong Giao Vietnam.
(3) La lettre du provincial reprend une grande partie du rapport publié le 18 août précédent par le curé de la paroisse de Thai Ha. La photocopie de ce rapport a été diffusée par VietCatholic News.
(4) Le compte-rendu de cette rencontre a été envoyé à l’archevêque de Hanoi et publié par VietCatholic News, le 23 août.

(Source: Eglises d'Asie, 27 août 2008)
 
Hanoi Redemptorists are prepared to go to jail for their flock and justice
J.B. An Dang
18:27 27/08/2008
Police in Hanoi have launched a criminal investigation into Catholic protests over the government's refusal to return the land of Hanoi Redemptorist monastery.

Vu Cong Long in Wednesday press briefing
In Wednesday press briefing, Vu Cong Long, a police officer from Dong Da district told reporters that the Vietnamese government is seeking legal action against Hanoi Redemptorists. They are accused of abusing their influence to incite followers to confront the Communist government, destroying state-owned properties, gathering and praying illegally in public areas, and disturbing public order.

Vu Cong Long also criticized the provincial superior of the Redemptorists in Vietnam, Fr Vincent Nguyen Trung Thanh, for his letter released on Sunday 24th August, in which he renewed the charge that the local government had illegally seized monastery land, and urged all Redemptorists of Vietnam to be in solidarity with those of Hanoi announcing a protest vigil at the Saigon Redemptorist monastery on 28 August.

In response to the threats, Hanoi Redemptorists say that they are prepared to go to jail for their flock and justice. They vow to continue protests until the justice prevails.

Catholic circle in Hanoi consider the investigation as a new form of intimidation after a campaign of threats and false accusations on state-run media.

Catholic protests at Hanoi Redemptorist monastery broke out at the beginning of 2008 when the government allowed construction to begin at the site for the Chien Thang sewing company. The dispute came to a climax just after a group of French pilgrims, returning from World Youth Day by way of Vietnam, stopped to pray on the disputed site to show their solidarity with the protestors.

Local authorities have repeatedly ordered the Hanoi Redemptorists to remove the cross and all statues of the Virgin Mary from the site, and to stop praying at the site. Demonstrators were also threatened with “extreme action” if they would not remove their camping tents.

In the last episode, last Sunday, Catholics led a peaceful demonstration at the site in an open defiance of the local government orders to free the area and disperse demonstrations.
 
Vietnam: Tausende Katholiken schützen Redemptoristen in Hanoi (Tiếng Đức)
katholisches.info
18:34 27/08/2008
Vietnam: Tausende Katholiken schützen Redemptoristen in Hanoi (Tiếng Đức)

Việt Nam: Hàng ngàn tín hữu che chở các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội

HANOI, Veröffentlicht am 26.08.2008 - Tausende Katholiken sind in Hanoi auf die Straßen gegangen, um mit ihrem friedlichen Protest gegen die Räumung eines Redemptoristenklosters und der Pfarrei von Thai Ha zu demonstrieren. Die staatlichen Behörden des kommunistisch regierten Vietnam versuchen über die Grundstücksfrage eine Verdrängung des Ordens. Der Erzbischof der vietnamesischen Hauptstadt, der sich gerade auf einem Besuch in den USA aufhält, hat in einem Schreiben den Ordensleuten und den Pfarrangehörigen seine Solidarität ausgedrückt und sie aufgefordert, „im Gebet auszuharren“ und „die Einheit untereinander“ zu bewahren.

In diesem Geist der Brüderlichkeit und der Solidarität haben sich am Sonntag Tausende Katholiken Hanois vor dem umstrittenen Grundstück versammelt und harren dort seither im Gebet aus. Ebenfalls am Sonntag wandte sich P. Vincent Nguyen Trung Thanh an alle Redemptoristen und betonte die Illegalität der staatlichen Grundenteignung. Der Orden verfüge über alle Dokumente, die „den rechtmäßigen Grundbesitz belegen“.

Der Konflikt betrifft ein Grundstück in der Hauptstadt Hanoi, das vom Redemptoristenorden 1928 gekauft worden ist. Mit der kommunistischen Machtübernahme 1954 wurde der größte Teil der Priester und Ordensleute eingesperrt oder deportiert. Nur P. Joseph Vu entging der kommunistischen Verhaftungswelle und blieb als Verwalter des Grundstückes zurück, auf dem ein Kloster und eine Pfarrei errichtet worden waren. Die lokalen Machthaber besetzten Schritt für Schritt das Grundstück. In der Zwischenzeit kehrten die Redemptoristen zurück, besiedelten das Kloster neu und betreuen die angeschlossene Pfarrei. Die staatlichen Behörden behaupten, daß die Patres das Kloster zu Unrecht bewohnen, da das Grundstück durch „Schenkung“ von P. Joseph seit Jahrzehnten in Staatsbesitz übergangen sei. P. Joseph versicherte wiederholt, nie eine solche Schenkung ausgesprochen zu haben. Laut Ordensangaben wäre eine solche ohnehin rechtlich ungültig, da laut Kirchenrecht allein der zuständige Bischof dazu befugt gewesen wäre.

Der Staat hat die Redemptoristen bereits mehrfach aufgefordert, das Kloster und die Pfarrei zu räumen. Um eine gewaltsame Vertreibung der Patres zu verhindern, bilden Tausende Katholiken ein lebendes Schutzschild.

Bereits am 19. August verhinderten Tausende Katholiken durch ihre Anwesenheit die Zerstörung von Kreuzen und Mariendarstellungen durch Behörde und Polizei, die von den Gläubigen auf einem Teil des Grundstücks angebracht worden sind. In seinem Schreiben forderte P. Nguyen alle Redemptoristen Vietnams auf, die Ordensbrüder von Hanoi zu unterstützen.

Am 28. August findet im Redemptoristenkloster von Saigon eine Gebetswache statt.

(www.katholisches.info - Magazin fuer Kirche und Kultur)(Asianews/JF)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giới hiền mẫu giáo hạt Đà Lạt mừng lễ bổn mạng thánh Monica
Tứ Linh
00:31 27/08/2008
GIỚI HIỀN MẪU GIÁO HẠT ĐÀLẠT MỪNG LỄ BỔN MẠNG
(Giáo xứ Du Sinh - 24.8.2008)

ĐÀ LẠT - Hướng về ngày lễ Kính thánh nữ Mônica, Bổn mạng của giới Hiền mẫu, Giáo hạt Đàlạt đã tổ chức ngày truyền thống dành cho các bà mẹ trong Giáo hạt tại Giáo xứ Du sinh. Đây cũng là dịp các bà mẹ có cơ hội quy tụ bên nhau để cùng dâng lời cảm tạ Chúa, để được lắng nghe, học hỏi những điều hữu ích và nhất là để nâng đỡ nhau qua những công việc của cuộc sống thường ngày.

ĐGM Phêrô nói chuyện tại tầng hầm nhà thờ Du Sinh
Đúng 9 giờ 00, Đức Cha Phêrô - Giám mục Giáo phận, Cha Tổng Đại diện Phaolô, Cha phụ trách giới Hiền mẫu Giáo hạt đã cùng đến hiện diện trong ngày truyền thống này.

Sau lời chào mừng của cha Phụ trách An-phong Nguyễn Công Minh, ofm, một đại diện của Ban Hiền mẫu giới thiệu đến Đức Cha Phêrô và Cha Tổng Đại diện Hiền mẫu của từng Giáo xứ có mặt trong ngày hôm nay, con số ước lượng gần 700 người.

Một giờ đồng hồ trước Thánh lễ, các Hiền mẫu đã nghe Đức Cha Phêrô nói chuyện về đề tài NÊN THÁNH với vai trò là những người vợ, những người mẹ trong gia đình. Nên thánh là lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Các con hãy nên thánh như Cha các con ở trên trời là Đấng Thánh”.


Dựa trên bài huấn dụ của Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 vào sáng 20.8 vừa qua, dành cho khoảng 4000 tín hữu và khách hành hương trong buổi tiếp kiến hàng tuần tại sân nhà nghỉ mát của ngài ở Castel Gandolfo. Qua bài huấn dụ này, Đức Thánh Cha đã nhắc nhiều đến việc phải nên thánh và mỗi người tín hữu đều có thể nên thánh ngay trong sứ vụ, ơn gọi của mình. Đức Cha Phêrô gợi lên một vài công việc cụ thể cần thực hành, và hơn ai hết, các bà mẹ phải là những người tiên phong trong chính gia đình của mình, đó là:

- Năng đọc Hạnh các Thánh, vì chính qua cuộc đời của mỗi vị thánh, mỗi người sẽ nhận ra những điểm tương đồng với cuộc sống của mình, của gia đình mình. Đặc biệt, nếu bà mẹ biết tự mình đọc và đọc cho con cái nghe, sẽ giúp con mình biết hướng thiện, có những ước mơ cao đẹp, biết sống xả kỷ, quên mình vì người khác.

Cũng qua chính cuộc đời của các thánh, chúng ta sẽ được nhắc nhớ và được hun đúc lòng yêu mến Chúa, yêu mến Đức Mẹ, yêu mến Giáo hội, yêu mến những người thấp kém, nghèo khổ sống chung quanh mình...

- Cầu nguyện cùng các thánh để biết sống như các ngài trong từng hoàn cảnh cụ thể, trong từng biến cố, trong những khó khăn thử thách mà chúng ta gặp phải mỗi ngày, nhất là trong đời sống gia đình.

Nền tảng cốt lõi của việc nên thánh được Đức Cha Phêrô nói rõ: “Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta được thanh luyện khỏi mọi tội lỗi, được trở nên con cái của Thiên Chúa, được mang lấy chính sự sống của Thiên Chúa, được là những người em của Trưởng Tử Giêsu, và đương nhiên, trở thành anh chị em của nhau. Cũng chính trong Bí tích Rửa tội, mỗi người đã được xức dầu, được thánh hiến để được sai đi trong sứ mạng của mình và nhất là được mời gọi để nên thánh”.

Thánh lễ tại Nhà thờ Du Sinh
Nhắc lại lời của Đức Thánh Cha: “Hãy nhớ rằng ngoài những Vị Thánh được mừng kính mỗi ngày, còn có vô vàn Vị Thánh mà tên tuổi chỉ có Thiên Chúa biết...”, Đức Cha Phêrô cho thấy: “Thế thì tại sao tôi không phải là một trong số vô vàn này !? Vì, tôi nhắc lại và chúng ta phải xác tín điều này, sự thánh thiện và ơn gọi nên thánh không dành riêng cho một ai, nhưng là dành cho mọi người đã được gọi làm con cái Chúa”.

Với kết luận của Đức Thánh Cha trong Đại hội quốc tế về gia đình lần thứ V ở Tây Ban Nha: “Khi một đứa trẻ chào đời, qua mối tương quan với cha mẹ, nó bắt đầu trở nên thành phần của một truyền thống gia đình với cội rễ lâu đời. Do đó, cha mẹ có quyền lợi và bổn phận không thể chuyển nhượng quyền dạy dỗ con cái”.

Đức Cha Phêrô khẳng định: “Chúng ta không được quên, con cái sẽ được thừa hưởng tất cả những truyền thống tốt đẹp của gia đình mình qua cha mẹ. Đứa trẻ lãnh nhận từ cha mẹ không những là hồng ân sự sống, mà còn cả một gia sản và nhiều kinh nghiệm. Những lời kinh, những câu chuyện về các thánh, những việc làm đạo đức sẽ có ảnh hưởng sâu đậm trong cả cuộc đời của mỗi đứa con. Nếu cha, và đặc biệt người mẹ, không làm những việc đó cho con cái của mình thì ai sẽ làm ???”

Kết thúc giờ chia sẻ, Đức Cha Phêrô nói: “Lời cuối của tôi là các bà mẹ hãy hiểu vai trò của mình, ơn gọi của người mẹ rất cao cả và lớn lao, ơn gọi nên thánh, ơn gọi truyền sinh, ơn gọi yêu thương, ơn gọi giáo dục, ơn gọi giữ cho được truyền thống của gia đình... Đó là những đặc quyền của cha mẹ, nhưng trên hết là nơi người mẹ. Hãy cầu nguyện để chúng ta thực hiện được sứ mạng của mình. Xin Đức Maria là Người Mẹ mẫu mực luôn cầu bầu và nâng đỡ chúng ta”.

Tiếp đó là Thánh lễ trọng thể do Đức Cha Phêrô chủ sự cùng 09 Linh mục đồng tế tại Nhà thờ Giáo xứ Du sinh.

Ngay trong lời đầu lễ, Đức Cha Phêrô mời gọi các bà mẹ hãy luôn hướng về Thiên Chúa, vì Người luôn bên cạnh, luôn thấu hiểu những tâm tư của con người, đặc biệt là của những người mẹ. Hãy chạy đến cùng Đức Maria, vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là một mẫu gương tuyệt vời cho các bà mẹ. Hãy học cùng thánh nữ Mônica để biết liên lỉ cầu nguyện, kiên nhẫn và yêu thương trong đời sống gia đình.

Với bài Tin mừng được đọc trong ngày lễ, Đức Cha gợi lên khuôn mặt dịu hiền và trái tim luôn rộng mở của Chúa Giêsu, qua câu chuyện Ngài làm phép lạ cho con trai bà góa thành Naim được sống lại. Bên cạnh đó, nhìn vào cuộc đời Thánh Nữ Mônica, một cuộc đời luôn đắm chìm trong những lời cầu nguyện và nước mắt, nhưng cũng luôn hy vọng và tin tưởng. Đức Cha Phêrô chia sẻ về ba đối tượng cụ thể trong cuộc đời Thánh nữ: Người chồng -Patriciô; Bà mẹ chồng và người con Augustinô để nhắc các bà mẹ:

1. Kiên nhẫn, khiêm tốn, tin tưởng, không vội vả loại bỏ hay kết án, mà hãy khám phá những điều tốt đẹp -bên cạnh những điều xấu, nếu có- nơi người bạn đời của mình.
2. Biết chịu đựng và đối xử cách hiền hòa sẽ chinh phục được sự khắc nghiệt và khó tánh nơi người khác.
3. Kiên trì cầu nguyện và yêu thương không biết mệt mõi sẽ hoán cải được con mình.

Đức Cha cũng không quên nhắc nhở các người mẹ: “Trước khi nên thánh ở một môi trường nào khác thì các bà được gọi nên thánh ngay trong chính gia đình, trong chính sứ mạng làm vợ và làm mẹ... Ngày hôm nay là hồng ân Chúa ban cho chúng ta, để các bà có thể cảm nghiệm được Chúa luôn gần kề, thông hiểu, an ủi và ban ơn giúp sức cho các bà”.

Cuối Thánh lễ, Đại diện các hiền mẫu đã cám ơn Đức Cha, Cha Tổng Đại diện, Cha phụ trách và quý Cha hiện diện. Với những bông hoa tươi thắm, vị đại diện nói: “chúng con luôn yêu mến và cầu nguyện cho Đức Cha, vì dù rất nhiều công việc, nhưng chúng con vẫn luôn được Đức Cha quan tâm chăm sóc, hướng dẫn, dạy dỗ. Chúng con sẽ thực hiện những gì Chúa muốn chúng con sống qua lời dạy của Đức Cha, để từ chính gia đình hạnh phúc, chúng con góp phần làm cho Giáo xứ, Giáo phận và Giáo hội cũng luôn được hạnh phúc, hiệp nhất và yêu thương...”

Đáp lời, Đức Cha nói: “Dù là Giám mục, tôi cũng là một người con, xin thay mặt các cha đồng tế và hết mọi người cám ơn các bà mẹ. Chúng tôi được sinh ra, được dạy dỗ, được nuôi nấng, được làm con Chúa, làm con của Hội thánh trong cùng một quê hương... những điều đó chúng tôi được thừa hưởng do tình thương và sự giáo dục của người mẹ. Bên cạnh đó, tôi cũng xin các bà mẹ luôn sống đúng với tên gọi không phải do các bà tự đặt cho mình, nhưng là bản chất ơn gọi của người mẹ, đó là danh xưng “hiền mẫu”, đây cũng là điều Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường...”. Cầu chúc cho các bà qua những khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt những khó khăn trong gia đình, các bà luôn đủ ơn để sống đúng vai trò hiền mẫu, là những bà mẹ đầy tình yêu thương”.

Sau giờ ăn trưa đơn sơ, các bà mẹ lại tham dự buổi văn nghệ do chính các bà hoặc những người con trong các giáo xứ, Giáo sở trình diễn. Tuy không thật sắc sảo, nhưng đã nói lên được tình cảm của mọi người dành cho các bà mẹ, vì: không ai không có một người mẹ.

Ngày vui khép lại, xin cám ơn Cha Sở và cộng đoàn Giáo xứ Du sinh, xin cám ơn mọi nỗ lực của nhiều người, và trên hết, xin cám ơn Chúa đã ban hồng ân này cho Giáo Hạt Đàlạt, để qua những người mẹ, đời sống gia đình sẽ luôn có Chúa hiện diện, cuộc đời mỗi người sẽ luôn đầy ắp tin yêu.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Báo Hà Nội Mới tố cáo: vi phạm pháp luật tại khu vực giáo xứ Thái Hà
Hà Nội Mới
00:12 27/08/2008
LTS VietCatholic: Bài báo của Hà Nội Mới hôm nay (26.8.2008) hoàn toàn xuyên tạc ý nghĩ, nội dung, và việc cầu nguyện đòi công lý của giáo dân giáo xứ Thái Hà. Trong những ngày vừa qua chúng tôi đã cung cấp những tài liệu, hình ảnh và những lời phản bác của các linh mục giáo xứ Thái Hà khi tiếp xúc với chủ tịch UBND quận Đống Đa ngày 22.8.2008, ông chủ tịch đã không trưng được bằng chứng nào! Thế mà hôm nay trên mặt báo Hà Nội Mới lại đưa ra những kết án vư vơ. Tài liệu nói là của LM Nguyễn Ngọc Bích dâng đất cho chính quyền không rõ ràng. Nếu có thì tại khi tiếp xúc với các linh mục Thái Hà chính quyền lại không đưa ra làm bằng chứng? Và hiện nay các linh mục cũng như giáo dân Thái Hà chỉ đòi hỏi cần trưng bằng chứng và phải giải quyết dựa trên pháp luật, chứ không hề đòi hỏi gì hơn. Nếu chính quyền Hà Nội hay quận Đống Đa không giải quyết được, thì cũng có thể dùng đến một Tòa Án Quốc Tế nào đó làm trung gian giải quyết để xem sự việc trắng đen sẽ đi tới kết quả ra sao. Sau đây là bài báo của Hà Nội Mới hôm nay:



Thông tin của UBND TP Hà Nội về tình hình vi phạm pháp luật tại khu vực giáo xứ Thái Hà


(HNMO) - Để phục vụ bạn đọc quan tâm đến vấn đề đang gây bức xúc dư luận xã hội xung quanh vụ việc giáo dân giáo xứ Thái Hà gây mất trật tự tại Công ty cổ phần May Chiến Thắng (phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội), Báo Hànộimới Online xin đăng nguyên văn nội dung Thông tin của UBND TP Hà Nội ngày 25/8/2008 về tình hình vi phạm pháp luật tại khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng (giáo xứ Thái Hà), thành phố Hà Nội:

Chú thích của VietCatholic: Phóng ảnh của Hà Nội mới quá nhỏ chỉ có 300pixels, mờ ảo không rõ ràng và không đọc được chi tiết!

Sáng ngày 19/8/2008, tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Thông tin - truyền thông tổ chức, đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, đại diện lãnh đạo TP Hà Nội đã thông báo những hành vi vi phạm pháp luật của giáo xứ và một số giáo dân xứ Thái Hà tại số 178 Nguyễn Lương Bằng và những chỉ đạo của UBND TP HN, đồng thời cung cấp 07 tài liệu, văn bản liên quan cho các cơ quan thông tin đại chúng dự họp báo, đề nghị các cơ quan báo chí nghiên cứu, tiến hành đăng tin, viết bài phản ánh, tạo dư luận lên án, đấu tranh mạnh mẽ đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật tại 178 Nguyễn Lương Bằng.

Được sự đồng ý của Bộ Thông tin truyền thông, UBND TP HN tiếp tục thông tin tổng hợp về tình hình vi phạm pháp luật của giáo xứ và một số giáo dân Thái Hà trong thời gian từ ngày 19/8 đến nay như sau:

1. Các hoạt động tiếp tục vi phạm pháp luật của một số giáo dân và giáo xứ Thái Hà:

- Ngày 19/8/2008, Giáo xứ Thái Hà đã có Đơn (lần thứ nhất) khiếu nại về việc báo chí xuyên tạc sự thật tại nhà thờ Thái Hà gửi Thủ tướng Chính phủ, các báo đài...Đồng thời cũng có đơn khiếu nại đề nghị trao lại quyền sử dụng đất của dòng Chúa cứu thế, giáo xứ Thái Hà gửi Nhà nước.

- Từ 19h đến 19h30, ngày 22/8/2008, giáo xứ Thái Hà tổ chức 1000 giáo dân cầu nguyện tại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng.

- Ngày 22/8/2008, ông Ngô Quang Kiệt, Tổng giám mục Hà Nội đã có thư ngắn gửi linh mục giáo xứ Thái Hà với nội dung kêu gọi mọi người hiệp thông với giáo xứ. Ngày 23/8/2008, ông Vũ Khởi Phụng, linh mục chính xứ Thái Hà đã có thư ngắn gửi ông Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt bày tỏ lòng cảm ơn và mong giải quyết vấn đề do lịch sử để lại bằng công lý và hòa bình...

- 6h30 ngày 23/8/2008, 50 giáo dân căng dây thép, 2 bạt với ý định dựng lều nhưng đã bị các lực lượng ngăn chặn; 19h cùng ngày, linh mục giáo xứ tổ chức 1000 giáo dân chia thành 3 nhóm đi vào khu đất và tổ chức cầu nguyện tại các khu vực đặt tượng Đức Mẹ và bàn thờ trái phép.

- Một số giáo dân giáo xứ dựng 2 bảng tin tại tường rào của Công ty cổ phần May Chiến Thắng để dán đơn kiến nghị và các văn bản biện minh cho hành động chiếm dụng đất của Công ty cổ phần May Chiến Thắng.

- Sáng 24/8/2008, có gần 100 giáo dân tập trung cầu nguyện. Từ 17h đến 17h30 cùng ngày, linh mục Nguyễn Văn Thật, Phó Chánh xứ giáo xứ Thái Hà dẫn khoảng 500 học sinh tiểu học và trung học cơ sở cùng gần 100 giáo dân chia làm 2 nhóm vào khu đất làm lễ (một số học sinh của các trường thuộc quận Đống Đa, Ba Đình, như: Phan Huy Chú, Quang Trung, Cát Linh...); 19h cùng ngày, linh mục Nguyễn Văn Thật tiếp tục dẫn khoảng 1000 giáo dân cầu nguyện tại khu đất của Công ty cổ phần May Chiến Thắng (178 Nguyễn Lương Bằng).

- Ngày 24/8/2008, linh mục Phạm Trung Thành, giám tỉnh dòng chúa cứu thế VN có văn bản hiệp thông với giáo xứ Thái Hà với nội dung kích động, kêu gọi ủng hộ giáo xứ Thái Hà, dòng chúa cứu thế Sài Gòn sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện đặc biệt vào lúc 19h ngày 28/8/2008 tại trụ sở dòng số 38 Kỳ Đồng, quận 3 TPHCM để hiệp thông với dòng chúa cứu thế Hà Nội tại giáo xứ Thái Hà.

- Ngày 25/8/2008, linh mục giáo xứ Thái Hà tiếp tục tổ chức cho giáo dân làm lễ cầu nguyện buổi sáng, chiều tại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng; duy trì khoảng 30 giáo dân thường xuyên túc trực trong khu vực để canh giữ.

- Trên trang báo điện tử Dòng chúa cứu thế và một số trang báo điện tử ở nước ngoài, liên tục có rất nhiều bài viết xuyên tạc nhằm kích động, ngụy biện, xúi giục giáo dân tiếp tục có những hành vi vi phạm pháp luật, nói xấu nhà nước VN, TP HN, quận Đống Đa...Trong các buổi tiếp xúc với Giám đốc công an TP và lãnh đạo UBND quận Đống Đa, linh mục giáo xứ Thái Hà tiếp tục đưa ra những lý lẽ ngụy biện cho các hành vi vi phạm pháp luật, khẳng định giáo dân đã tự ý hành động, không phải do sự chỉ đạo của giáo xứ, việc bức tường của Công ty May Chiến Thắng bị đổ là do trời mưa, đặc biệt luôn thể hiện quyết tâm đòi lại đất bằng mọi cách, đề nghị được cung cấp những tài liệu liên quan việc bàn giao khu đất sang nhà nước quản lý từ năm 1961.

Đánh giá, nhận xét:

Từ ngày 15/8/2008 đến nay, các phương tiện thông tin đại chúng trong nước đã liên tục đưa tin, bài viết phản ánh, có hiệu quả tạo dư luận rộng rãi trong việc lên án mạnh mẽ những hành động vi phạm pháp luật của giáo xứ và một số giáo dân Thái Hà tại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng của Công ty cổ phần May Chiến Thắng. Việc các cơ quan thông tin đại chúng trong nước liên tục đăng tin, bài viết, chương trình truyền hình có nội dung tố cáo, tạo dư luận rộng rãi lên án những hành vi vi phạm pháp luật tại 178 Nguyễn Lương Bằng đã tác động mạnh đối với linh mục giáo xứ Thái Hà. Từ việc từ chối, trốn tránh tiếp xúc với chính quyền các cấp, linh mục Vũ Khởi Phụng đã phải tiếp xúc với lãnh đạo các quận Đống Đa, Giám đốc Công an Thành phố.

Tuy nhiên, qua tình hình thực tế đã diễn ra từ sau ngày 19/8 đến nay, có thể khẳng định, linh mục và một số giáo dân giáo xứ Thái Hà vẫn tiếp tục kích động và có những hành vi coi thường pháp luật, thể hiện quyết tâm chiếm đất bằng mọi cách. Tiếp tục kích động giáo dân, tạo dư luận, kêu gọi sự tham gia của các đối tượng khác trong và ngoài nước ủng hộ việc chiếm đất tại 178 Nguyễn Lương Bằng. Thường xuyên tổ chức hành lễ tại khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng với số lượng hàng trăm người (số lần và số lượng người tham gia tăng lên). Riêng ngày 24/8/2008, đã 5 lần tiến hành làm lễ; đặc biệt; vào 17h chiều ngày 24/8/2008, nhà thờ đã tổ chức cho các em học sinh làm lễ và cắm hương tại những nơi có ảnh Chúa, Đức Mẹ...

2. Các hoạt động chỉ đạo của TP:

- Thường xuyên chỉ đạo trực tiếp lãnh đạo quận Đống Đa, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) cùng các cơ quan chuyên môn liên quan bám sát tình hình, kiên trì thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động, ngăn chặn các hành vi quá khích. Chỉ đạo UBND quận Đống Đa mời linh mục giáo xứ Thái Hà đến làm việc để thông báo tình hình, trao đổi, đối thoại làm rõ các vi phạm và yêu cầu giáo xứ, giáo dân phải chấm dứt ngay những hành động vi phạm pháp luật tại 178 Nguyễn Lương Bằng.

- Ngày 19/8/2008, UBND TP đã có công văn số 455/UBND-VX đề nghị ông Chủ tịch Hội đồng giám mục VN, ông Tổng giám mục Hà Nội có thái độ, việc làm nhắc nhở, yêu cầu giáo sĩ và giáo dân giáo xứ Thái Hà chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật tại 178 Nguyễn Lương Bằng; công văn số 450/UBND-ĐCNN yêu cầu linh mục giáo xứ Thái Hà và các giáo dân di chuyển tài sản, trả lại nguyên trạng mặt bằng khu đất cho Công ty cổ phần May Chiến Thắng trong thời gian Thanh tra TP kiểm tra, rà soát giải quyết đơn khiếu nại của linh mục và một số giáo dân xứ Thái Hà.

- Lãnh đạo quận Đống Đa đã chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị liên tục tổ chức các đoàn công tác tiến hành tiếp cận, vận động thuyết phục các đối tượng, sử dụng loa truyền thanh phường tuyên truyền mạnh những nội dung phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật tại 178 Nguyễn Lương Bằng.

- Sáng ngày 22/8/2008, đồng chí Giám đốc Công an TP đã tiếp linh mục Vũ Khởi Phụng, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong, Nguyễn Văn Khải tại trụ sở Công an TP. Tại buổi tiếp, đồng chí Giám đốc Công an TP đã thông báo các hành vi vi phạm pháp luật của giáo xứ và giáo dân Thái Hà, trong đó khẳng định, chứng minh rõ các linh mục giáo xứ và một số giáo dân xứ Thái Hà đã có những hành vi vi phạm pháp luật, yêu cầu phải khẩn trương, chấm dứt, tự dỡ bỏ tượng, thánh giá, lều bạt vi phạm trong khu đất của Cty cổ phần May Chiến Thắng.

- Chiều ngày 22/8/2008, lãnh đạo UBND quận Đống Đa, phường Quang Trung đã tiếp linh mục Vũ Khởi Phụng, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong, Nguyễn Văn Khải tại trụ sở UBND quận. Tại buổi tiếp, lãnh đạo UBND quận Đống Đa đã nhắc nhở và yêu cầu giáo xứ Thái Hà không được tiếp tục có những hành vi vi phạm pháp luật.

- Có văn bản số 580/UBND-ĐCNN, ngày 25/8/2008 đề nghị Tập đoàn Dệt may VN tăng cường hỗ trợ cho Cty cổ phần May Chiến Thắng, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với quận Đống Đa, phường Quang Trung trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ, chống lấn chiếm đất, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng.

- Chiều ngày 25/8/2008, đồng chí Giám đốc Công an TP tiếp tục tiếp các linh mục giáo xứ Thái Hà để tuyên truyền, vận động, phân tích làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật và công khai các tài liệu liên quan việc bàn giao khu đất tại 178 Nguyễn Lương Bằng sang Nhà nước quản lý, các văn bản pháp lý có liên quan đến quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND TP Hà Nội.

3. Một số biện pháp tiếp tục chỉ đạo của UBND TP trong thời gian tới:

- Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị quận Đống Đa, phường Quang Trung kiên trì thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động thuyết phục giáo xứ và một số giáo dân Thái Hà chấm dứt ngay các họat động vi phạm pháp luật tại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng.

- Chỉ đạo Thanh tra TP khẩn trương kiểm tra, rà soát quá trình giải quyết đơn khiếu nại của linh mục và một số giáo dân giáo xứ Thái Hà đã được UBND TP giải quyết tại Quyết định số 2476/QĐ-UBND, ngày 30/6/2008, có ý kiến kết luận báo cáo UBND TP xem xét, trả lời theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Tiến hành đối thoại, tiếp tục công khai với linh mục giáo xứ Thái Hà về các tài liệu, căn cứ pháp luật về quyền sở hữu khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cung cấp thông tin đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng đăng tin, viết bài phân tích sâu sắc, lên án mạnh mẽ đối với những hành vi vi phạm pháp luật của giáo xứ, một số giáo dân Thái Hà tại 178 Nguyễn Lương Bằng.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP làm việc với Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành, địa phương liên quan để đề nghị có sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đối với các giáo dân tại địa phương chấp hành nghiêm pháp luật nhà nước, không tham gia các hoạt động vi phạm, gây phức tạp thêm tình hình tại 178 Nguyễn Lương Bằng.

- Chỉ đạo Công an các cấp tiếp tục củng cố hồ sơ chứng cứ để phục vụ việc xem xét xử lý những người cố tình vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

(Nguồn: Hà Nội Mới, Ngày 26/08/2008 17:46 )
 
Công an ra lệnh ''khởi tố vụ án hình sự'' linh mục và giáo dân xứ Thái Hà cầu nguyện "gây rối trật tự"
PV VietCatholic
14:23 27/08/2008
HÀ NỘI - Sáng nay ngày 27.82008, Cơ quan Công an quận Đống Đa đã ra "Quyết định khởi tố vụ án hình sự" vụ Thái Hà. Thượng tá Nguyễn Văn Thành, P. Thủ Trưởng Cơ Quan Cảnh sát Điều tra quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 524 về 2 tội danh:

1. "Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" theo điều 143
2. "Tội gây rối trật tự công cộng" theo điều 245 của Bộ luật hình sự.

Trong cuộc họp báo, cơ quan công an Đống Đa cho biết giáo dân đã "dựng lều bạt, đưa tượng, thánh giá vào cầu nguyện, hát thánh ca gây mất trật tự khu vực... Các hành vi trên là vi phạm pháp luật và có dấu hiệu phạm vào một số điều của Bộ Luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Thượng tá Vũ Công Long họp báo
Thượng tá Vũ Công Long, Trưởng Công an quận Đống Đa trao đổi với báo chí, ông cho biết, linh mục và giáo dân giáo xứ Thái hà đã xâm nhập công ty cổ phần Chiến Thắng bất hợp pháp. Báo điện tử VietBao.vn tường thuật lời thượng tá này nói rằng: "Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an quận Đống Đa đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng, trưng cầu hội đồng định giá tài sản bị thiệt hại và tiến hành áp dụng một số biện pháp điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật.

Với những tài liệu, chứng cứ thu thập được, đến nay có căn cứ để xác định các hành vi nói trên phạm vào điều 143 và điều 245 của Bộ Luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định về tội hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng
".

Sau đây là lệnh khởi tố do Công An quận Đống Đa ban hành Quyết định khởi tố như sau:

 
Dù bị khủng bố và bị đe dọa truy tố hình luật, giáo dân Thái Hà vẫn tiếp tục tới cầu nguyện
PV VietCatholic
14:58 27/08/2008
HÀ NỘI - Ngày hôm nay được tin là chính quyền - qua lệnh của công an quận Đống Đa bắt đàu khởi tố nhưng người đến cầu nguyện tại khu đất Thái hà do chính quyền cho phép công ty Chiến Thắng sử dụng, cho rằng linh mục và giáo dân vi phạm "tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" và "tội gây rối trật tự công cộng" theo Bộ luật hình sự, nhưng giáo dân vẫn đến cầu nguyện và còn có các nhóm giáo dân từ xa đến để ủng hộ tinh thần.

Sáng nay, một số giáo dân đã nhận được giấy công an mời triệu tập điều tra. Kèm theo đây là giấy mời điều tra ông Lê Quang Kiện tới công an làm việc. Đây sẽ bắt đầu một chiến dịch đe dọa và khủng bố tinh thần giáo dân. Nhưng tất cả đều không sợ sệt trước bạo quyền. Họ còn hăng hái tới ký giấy đòi lại đất của Nhà thờ vào chiều hôm nay.

Tối hôm qua ngày 26.8, lúc 23h30, các ông bà già bảo nhau rằng họ nhận được tin ngầm là: "một số đối tượng sẽ được thuê và được bảo kê để thực hiện kế hoạch bê các tượng ảnh Chúa và Đức Mẹ cất vào kho của công ty may Chiến Thắng sát ngay bên cạnh linh địa vào một buổi tối nào đấy thuận tiện". Vì thế, các bà đã thay phiên nhau canh thức trước linh đài. Có động tĩnh gì thì họ chỉ cần báo nhau một tiếng...

Có ba bốn thanh niên đến xin canh thức, nhưng các bà cứ nguây nguẩy từ chối. Bị nài nỉ quá, các bà phát cáu:

- Mấy chú vào trong chỗ của mấy tay công an kia mà ngủ.
- Sao cụ lại bảo chúng con vào ngủ với công an?
- Trông mặt các anh thì chúng tôi đã biết là đối tượng nào!
- Oan tụi con lắm cụ ơi!

Hình ảnh sinh hoạt tại Thái Hà hôm nay

Sáng nay 27.8, các bà mới biết mình nhầm. Mấy anh thanh niên thật sự là người công giáo chân thành. Họ ở xa đến đây. Nghe thấy đài báo nhà nước nói dữ quá, họ đến xem anh chị em giáo dân của mình thế nào. Đúng thực là như vậy các báo Hà Nội Mới, VietBao.VN, vnmedia, v.v... đều đồng laọt đang tin "quyết định khởi tố hình sự" những người cầu nguyện ở đây, và đưa ra những lời kết án rất hàm hồ. Báo Đài Nhà nước tiếp tục tăng cường hành động bôi nhọ tu sĩ linh mục và giáo dân giáo xứ Thái Hà bằng những thông tin thất thiệt, một chiều.

Nhưng giới truyền thông nhà nước càng đi theo chiến lược ấy, thì người ta lại càng thấy có những phản ứng ngược xảy ra. Bà con công giáo cứ từng tốp 6-7 người ở các nơi rất xa kéo về linh địa Đức Bà để hiệp thông cầu nguyện với anh chị em giáo dân Thái Hà. Kể cả người bên lương cũng kéo đến tìm hiểu vấn đề thực hư thế nào.

Chính mấy anh công an chìm phát hoảng khi chứng kiến những sự bất bình của cả người công giáo lẫn người bên lương khi phải tiếp nhận những thông tin sai lệch, một chiều của báo đài nhà nước về sự kiện Thái Hà. Đã có một anh công an chìm khi đến thăm dò dư luận tại linh địa bị một bác lương dân báng bổ cho một trận:

- Đất đai tranh chấp ở đây là thế nào hả bác? – Anh công an chìm “giả nai” hỏi chuyện.
- Anh biết tỏng ra rồi, mà lại còn giả vờ - Bác lương dân phang lại liền.
- Tôi không biết, thì tôi mới hỏi, chứ giả vờ giả vịt gì đâu.
- Thôi đi anh ạ, cái anh công an mà tôi quen biết kia kìa đã giới thiệu về anh cho tôi rồi. Tôi nói thật cho anh biết, tôi sống ở đây từ nhỏ, tôi biết rõ cái đất này là đất của ai. Bà nhà tôi chưa biết. Hôm qua, tôi dẫn bà ấy vào đây để chỉ cho bà ấy thấy đâu là cái nhà bò, đâu là cái hang đá, đâu là cái hội quán, đâu là cái nhà nguyện của các ông cha trước đây. Ngay sáng nay, tôi đã phải chạy qua nhà bà cựu giám đốc của công ty may để kiểm tra cái thông tin mà Đài Truyền Hình Hà Nội tối qua đưa: “Cụ Bích đã nhận 40 triệu đồng để bàn giáo cái đất này cho công ty”. Nhưng chính bà ấy đã khẳng định với tôi là bà chẳng đưa đồng nào cho cụ Bích. Các bố đài báo chỉ được cái bốc phét!

Bị bác lương dân nói cho một thôi một hồi, viên công an chìm tìm cách lỉnh đi.

Chiều này 27.8.2008 đến lúc 19h45, sau khi đi cầu nguyện bên linh địa, bà con giáo dân kéo nhau vào hội trường của tu viện Thái Hà để ký đơn xin nhà nước giao lại đất bị chiếm dụng. Lúc này tiếng cồng chiêng của chị em dân tộc Mường vẫn vang lên trước hang đá Đức Mẹ. Trẻ con tung tăng chạy nhảy trên sân. Đám trẻ lớn hơn xúm xít vào chỗ ký đơn. Chúng cũng đòi được ký.

Khi trở ra linh địa, chúng tôi vẫn thấy đông đảo bà con giáo dân từ các xứ lân cận đến cầu nguyện. Các chiến sĩ công an ngồi vạ vật chỗ này chỗ kia, tỏ ra mệt mỏi, rã rời.
 
Trở lại Thái Hà
Lữ Giang
19:34 27/08/2008
Trở lại Thái Hà

Đêm 13 rạng ngày 14.8.2008, giáo dân thuộc giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội đã kiệu tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào khu đất của giáo xứ bị Công ty May Chiến Thắng chiếm dụng và đang định xây cất cơ sở mới.

Khoảng 12 giờ 30 ngày 15.08.2008, giáo dân lại kiệu tượng Đức Mẹ Ban Ơn đến. Đây là bức tượng khá lớn, cao khoảng 1, 8 – 2 mét, được dựng gần tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Khoảng 15 giờ 30 giáo dân lại dựng thêm cây thánh giá cao khoảng 5 mét bằng sắt, trên có tượng nhỏ Chúa Jesus chịu đóng đinh.

Lúc đầu, các nhân viên công lực đã đến khá đông, nhưng họ không làm gì để ngăn cản giáo dân dựng tượng và đứng cầu nguyện xung quanh tượng.

Sở dĩ các giáo dân Thái Hà đã hành động như vậy vì sau nửa năm xem xét, thành phố Hà Nội đã ra quyết định nói rằng “không có cơ sở để giải quyết tranh chấp” và “sẽ thu hồi khu đất để làm công trình công cộng”.

Linh mục Nguyễn Văn Khải từ dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà nói rằng đất này được các tu sĩ từ Quebec, Canada, sang mua từ đầu thế kỷ, nhưng sau đó bị chiếm dụng.

Các giáo dân giải thích thêm: Theo đề nghị của chính quyền thành phố hồi tháng giêng năm 2008, giáo xứ đã kiên nhẫn chờ đợi kết quả thanh tra và thiện chí giải quyết của chính quyền. Tuy nhiên, sau nửa năm chờ đợi, kết quả nhận được vẫn là câu trả lời của quá khứ. Ngày 30.6.2008 chính quyền thành phố đã chính thức trả lời bằng văn bản cho giáo xứ: “Không có cơ sở để giải quyết”. Đi xa hơn, ngày 2.7.2008 chính quyền còn muốn hợp pháp hoá muộn màng việc chiếm dụng khu đất nói trên bằng cách ra văn bản quyết định "thu hồi khu đất để làm công trình công cộng”.

Lúc 10 giờ 40 sáng 19.8.2008, lực lượng công an và công nhân nhà may Chiến Thắng đã đến tháo bỏ các ảnh tượng mà giáo dân đã dựng lên. Được tin này, giáo dân kéo đến đông, họ lại bỏ đi.

VÀI NÉT LỊCH SỬ

Nói đến Thái Hà ấp là phải nói đến Hoàng Cao Khải (1850–1933). Ông là một đại thần thân Pháp dưới triều vua Thành Thái. Năm 1888, ông được thăng làm Tổng đốc Hải Dương, rồi năm 1890 ông làm Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ, tước Duyên Mậu quận công. Thái Hà ấp ngày xưa là ấp riêng của ông. Ông đã về hưu và qua đời tại đây.

Năm 1926, hai linh mục Hubert Cousineau và Eugène Larouche thuộc Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) ở Canada đã đến truyền giáo tại Việt Nam và năm 1928 hai ngài đã mua một khu đất thuộc ấp Thái Hà diện tích khoảng 6 héc-ta, nằm cạnh tuyến đường Hà Nội - Hà Đông, có nhà cửa đủ để một cộng đoàn sống mấy năm đầu.

Khu của DCCT nói trên rộng khoảng 60.000 mét vuông. Ngày 7.5.1929, Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội được chính thức thành lập tại đây. Sau đó, nhà thờ, nhà đệ tử, bệnh viện, trường học và các cơ sở khác cứ được xây dần thêm. Vì giáo dân quy tụ quanh Dòng Chúa Cứu Thế quá đông, nên giáo xứ Thái Hà đã được thành lập. Địa chỉ hiện nay là 180/2 Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.

Năm 1954, khi Cộng Sản tiếp thu miền Bắc theo Hiệp Định Genève ngày 20.7.1954, Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội còn lại 5 thành viên. Năm 1960, hai linh mục bị trục xuất, hai tu sĩ bị tù và chết trong tù (Thầy Văn và Thầy Đạt), cả tu viện còn lại Linh mục Vũ Ngọc Bích.

Sau đó, nhiều cơ quan và hàng ngàn cá nhân đã được chính quyền mới cho đến chiếm dụng gần hết khu đất của giáo xứ Thái Hà mà không có một giấy tờ nào. Nhà đệ tử giao cho xí nghiệp Dệt Thảm Đống Đa. Hiện nay, ngoài một số lớn nhà dân chiếm dụng, còn có các cơ sở của nhà nước như Trạm 4, Hội Chữ Thập Đỏ, Uỷ ban nhân dân phường Quang Trung cũ và mới, Kho Bạc Nhà Nước, Trường Học, v.v. Họ chỉ dành lại cho giáo xứ khoảng 2.700 mét vuông. Giáo xứ đã nhiều lần đòi lại một phần vì nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, nhưng không được chính quyền giải quyết. Sau này xí nghiệp Dệt Thảm Đống Đa tự động bán đất Nhà Dòng cho Công ty May Chiến Thắng mà không hề có ý kiến của Linh mục Vũ Ngọc Bích. Ngày 8.8.1996 Linh mục Vũ Ngọc Bích đã gửi lá đơn đầu tiên khiến nại về việc này.

Cuối năm 2006, vì làm ăn thua lỗ, Công ty May Chiến Thắng đã bán một phần khu này cho công ty Phước Điền có trụ sở tại Miền Nam. Phần còn lại cũng đã được bán cho một cán bộ thuộc ngành công an.

Đầu năm 2007, toàn bộ các khu xưởng may đã bị phá bỏ, chỉ còn chừa lại hai căn nhà vốn là nhà của DCCT. Do đó, Dòng và giáo xứ Thái Hà đã làm đơn yêu cần chính quyền trao trả lại khu đất. Từ đó tới nay, DCCT và giáo xứ Thái Hà đã nhiều lần gởi đơn lên các cấp chính quyền xin giải quyết, nhưng chính quyền không trả lời dứt khoát.

Ngày 25.7.2007, Linh mục Vũ Khởi Phụng thuộc DCCT và là Chánh xứ Thái Hà, có làm một báo cáo trình Đức Tổng Giám Mục Hà Nội và Linh mục Bề trên Giám Tỉnh DCCT Việt Nam về vụ tranh chấp đất nói trên, trong đó có cho biết giáo dân đang cảnh giác việc Công ty May Chiến Thắng có thể bán đất của giáo xứ và đang tìm cách ngăn chận.

CUỘC ĐẤU TRANH KHỞI ĐẦU

Vì không bán đất được, đầu tháng 1 năm 2008, giáo dân phát hiện Công ty May Chiến Thắng đang chuẩn bị vật liệu để xây cất cơ sở mới.

Tối hôm 5.1.2008, khi đi cầu nguyện ở Toà Khâm Sứ, một số giáo dân phát hiện đang có sự thi công trên khu đất tranh chấp. Khoảng 20 giờ 20, giáo dân bắt đầu kéo ra phản đối. Công an yêu cầu giải tán và hứa sẽ buộc Công ty May Chiến Thắng ngừng thi công. Tin lời công an, giáo dân ra về.

Khoảng 8 giờ 30 sáng Chúa Nhật 6.1.2008, giáo dân thấy xe cảnh sát chạy náo loạn trên con đường trước khu đất, và phát hiện họ đang triển khai đội hình bảo vệ khu đất cho Công ty Chiến Thắng thi công. Ngay lập tức, giáo dân kéo ra phản đối. Hai bên bắt đầu xô xát nhau. Lúc 14 giờ, công an đến đông hơn, họ vừa đứng trong khu đất phía bên kia tường rào, vừa đứng trên con đường chạy trước mặt khu đất. Lúc 14 giờ 20 khoảng 1000 thiếu nhi trong giáo xứ đã kèo ra tham gia cầu nguyện cùng các bậc phụ huynh đang ở sẵn đó.

Khoảng 15 giờ một linh mục trong nhà thờ ra hiện trường thăm giáo dân và gặp gỡ công an. Rất nhiều người đi theo chụp ảnh quay phim.

Khoảng 18 giờ 15, giáo dân đổ đến nhà thờ ngày càng đông. Cả khu vực trước sau nhà thờ và khu vực đất bị chiếm cách nhà thờ khoảng hơn 200 mét, đều nghe thấy vang lên với giọng hoành tráng lời thánh ca: “Hãy vùng đứng! Hãy bừng sáng! Vì đêm đen bao phủ trái đất, vì đêm tối.”

Sau Thánh lễ chiều, đoàn đồng tế và cộng đoàn khoảng hơn 2000 người bắt đầu tiến bước theo thánh giá nến cao tiến sang khu đất bị chiếm, đứng trên con đường tối tăm cạnh khu đất cầu nguyện trong khoảng hơn nửa tiếng. Hầu hết nội dung cầu nguyện là hát thánh ca. Dân chúng không công giáo trong khu vực đổ ra xem rất đông. Khoảng 23 giờ chỉ còn vài chục giáo dân nằm trên con đường cạnh khu đất và trong khu bãi giữ xe của giáo xứ. Mọi người thay nhau cầu nguyện và ngủ.

Sau đó, chính quyền đề nghi giáo dân tạm ngưng tranh đấu và Công ty May Chiến Thắng ngưng xử dụng khu đất để ban Thanh Tra Liên Ngành cứu xét và giải quyết.

MỜI HỌP ĐỂ THÔNG BÁO!

Ngày 9.4.2008, Linh mục Vũ Khởi Phụng và các linh mục thuộc DCCT đang phục vụ tại giáo xứ Thái Hà được mời đến “làm việc” với Đoàn Thanh Tra Liên Ngành vào lúc 8 giờ 30 ngày 11.4.2008. Phía chính quyền có 18 người hiện diện trong phòng họp. Họ thông báo cho các đại diện giáo xứ Thái Hà biết:

(1) Việc Giáo xứ đòi lại/xin lại đất đai mà Công ty Chiến Thắng đang quản lý là không có cơ sở để giải quyết.

(2) Giáo xứ Thái Hà chiếm đất sử dụng hợp lệ mà không hợp pháp của Công ty Vật tư Xi Măng, của Sở Điện Lực - khu đất thuộc Đền Thánh Giêrađô.

(3) Giáo xứ vi phạm luật đất đai và luật giao thông khi phá tường rào bảo vệ của Công ty Chiến Thắng và dựng lều trại ở lề đường.

(4) Giáo xứ vi phạm pháp lệnh và nghị định về tín ngưỡng tôn giáo khi dựng ảnh tượng, đặt bàn thờ và đọc kinh cầu nguyện ở tường rào Công ty Chiến Thắng và lề đường thuộc ngánh 49, ngõ 64, phố Nguyễn Lương Bằng.

Ông Trưởng Đoàn Thanh tra đề nghị:

- UBND TP Hà Nội ra quyết định về việc đòi đất của Giáo xứ Thái Hà.

- UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất thuộc Công ty May Chiến Thắng đang quản lý giao cho UBND Quận Đống Đa làm công viên cây xanh để phục vụ dân cư trong khu vực.

- UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất thuộc Đến Thành Giêrađô mà báo cáo bảo là thuộc quyền quản lý của Công ty Vật tư Xi măng và thuộc Sở Điện Lực- giao cho UBND Quận Đống Đa làm tụ điểm sinh hoạt văn hoá phục vụ dân cư trong khu phố.

- Đề nghị TP giao cho Sở Giao thông Công chánh nghiên cứu xây dựng tuyến đường phía sau khu đất.

Đại diện giáo xứ Thái Hà trình bày khoảng 15 ý kiến. Nội dung khẳng định Linh mục Vũ Ngọc Bích chưa bao giờ bàn giao khu nhà đất của DCCT cho nhà nước quản lý và nhà nuớc cũng chưa bao giờ có quyết định trưng thu khu này, nên vẫn thuộc quyền của DCCT và giáo xứ Thái Hà.

Đoàn Thanh Tra nói rằng ngày 24.10.1961 Linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký giấy bàn giao đất cho nhà nước quản lý. Đại diện giáo xứ Thái Hà hỏi lại: Chính quyền nói ngày 24.10.1961 cha Bích mới giao đất cho nha nước, tại sao ngày 30.1.1961 chính quyền đã có quyết định giao đất cho Xí Nghiệp Dệt Thảm Len Đống Đa? Đại diện giáo xứ khẳng định chính quyền đã chiếm đất không có giấy tờ và giấy bàn giao do cha Vũ Ngọc Bích ký là giả mạo. Cho đến khi qua đời, cha Vũ Ngọc Bích không bao giờ ký giấy hiến phần đất này cho nhà nước.

Các đại diện giáo xứ Thái Hà cũng đã cũng phản đối nội dung xuyên tạc của các bản tin trên Đài Truyền hình Hà Nội và các bài báo trên báo Hà Nội Mới. Các đại diện hỏi thêm: “Hôm nay ông Trưởng Đoàn bảo văn bản báo cáo của Đoàn Thanh Tra chỉ là “dự thảo” chứ chưa phải kết luận, vậy tại sao tối hôm qua, 10.4.2008, đài Truyền hình Hà Nội đã chiếu văn bản ấy và bảo là các kết luận của Đoàn Thanh tra?”

Cuối cuộc họp, ông Trưởng Đoàn Thanh Tra đã phát biểu lớn tiếng, yêu cầu giáo xứ tôn trọng pháp luật. Ông đề nghị UBND quận Đống Đa tăng cường vận động giải thích tuyên truyền cho giáo dân, rằng hôm nay (buổi gặp gỡ này) là buổi tuyên truyền pháp luật!

GIAN MÀ KHÔNG NGOAN

Vì các cơ quan chính quyền nói láo nên tiền hậu bất nhất và để lộ nhiều mâu thuẫn:

(1) Trong Quyết định số 2476/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội ngày 30.6.2008 ghi rằng ngày Linh mục Vũ Ngọc Bích ký biên bản “Hội nghị bàn giao nhà thống nhất quản lý vào Nhà nước” là ngày 24.10.1961, và việc bàn giao trên là để “thực hiện Thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 73/TTg ngày 7.7.1962”.

Không lẻ việc ký kết được thực hiện trước để thi hành một thông tư có sau đó hay sao?

(2) Quyết định số 76/SQL-NĐ của Sở Quản lý Nhà đất Hà Nội nói đã “giao đất cho Xí nghiệp Thảm Len Hà Nội sử dụng khu đất và nhà sẵn có trong khu vực Nhà thờ Nam Đồng Thái – Hà diện tích 16.296 m2” thì văn bản đó lại được ký ngày 30.1.1961. Như vậy Sở này đã giao đất cho Xí nghiệp Thảm Len Hà Nội đến gần 10 tháng trước khi Linh mục Bích “bàn giao” đất?

(3) Công văn số 1784/TNMT&NĐ-CS của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội lại nói “ngày 24.11.1961 Linh mục Bích đã bàn giao khu đất Thái Hà qua nhà nước quản lý”, tức bàn giao sau ngày ghi trong Quyết Định của UBND đến một tháng!

(4) Công văn lại ghi: “Linh mục Vũ Ngọc Bích (người quản lý) đã bàn giao khu đất Thái Hà qua Nhà nước thống nhất quản lý.” Nhưng khu đất Thái Hà bao gồm cả nhà thờ, bệnh viện, dòng tu, vậy tại sao cho đến nay nhà thờ Thái Hà vẫn thuộc Dòng Chúa Cứu Thế?

Xem lại thì ngày 24.11.1961 thật ra là ngày chính phủ bắt các cơ sở tôn giáo phải kê khai tài sản của nhà thờ và các cơ sở tôn giáo. Các cơ sở tôn giáo chỉ làm tờ khai chứ không hề “hiến, tặng, bàn giao” gì cả!

(5) Chính quyền bảo căn cứ vào nhu cầu sinh hoạt tôn giáo hiện nay, giáo xứ Thái Hà có diện tích phù hợp, đã được chính quyền các cấp tạo điều kiện xây dựng khu nhà 7 tầng trong khuôn viên khu vực Nhà thờ đủ để sinh hoạt. Nhưng hiện nay số giáo dân xung quanh đến dự lễ Chúa Nhật có khi lên đến 7.000 người, sân nhà thờ không có đủ chỗ để đứng chứ đừng nói vào trong nhà thờ.

Không chứng minh được Linh mục Vũ Ngọc Bích, người quản lý tài sản của DCCT ở Hà Nội đã “bàn giao” đất, nhà cầm quyền đã đưa ra luận điệu khác để cãi chày cãi cối:

“Căn cứ vào hồ sơ lưu trữ và kết luận liên ngành ngày 3-5-2007, căn cứ vào Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 181 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, căn cứ vào Điều 1 Nghị quyết số 23 ngày 26-11-2003 của Quốc hội về nhà đất do Nhà nước quản lý và chính sách cải tạo nhà XHCN trước ngày 1-7-1991 thì: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 1-7-1991”.

Từ những quy chiếu như trên, nhà cầm quyền kết luận: “Việc Linh mục Trịnh Ngọc Hiên có đơn xin được giao lại khu đất do Công ty may Chiến Thắng đang quản lý sử dụng là không có cơ sở pháp lý để giải quyết.”

Vấn đề căn bản ở đây là nhà cầm quyền không chứng minh được đã có văn bản trung thu khu đất của DCCT, trong đó có giáo xứ Thái Hà. Khi chưa có quyết định trưng thu, khu đất đó vẫn còn thuộc DCCT.

Không cãi lý được, hôm 27.8.2008, chính quyền - qua lệnh của Công An quận Đống Đa, cho biết Công An đang làm thủ tục khởi tố nhưng người đến cầu nguyện tại khu đất Thái Hà do Công ty Chiến Thắng chiếm dụng. Họ cho rằng linh mục và giáo dân vi phạm "tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" và "tội gây rối trật tự công cộng" theo Bộ Luật Hình Sự.

Sáng 27.8.2008, một số giáo dân đã nhận được giấy công an mời triệu tập điều tra. Người đầu tiên nhận được giấy đến Công An “làm việc” là ông Lê Quang Kiện. Đây là bắt đầu một chiến dịch mới đe dọa và khủng bố tinh thần giáo dân. Nhưng tất cả đều không sợ sệt trước bạo quyền, họ vẫn đến cầu nguyện và càng ngày càng có nhiều giáo dân từ xa đến để ủng hộ tinh thần. Còn các công an ngồi vạ vật chỗ này chỗ kia, tỏ ra mệt mỏi, rã rời.

CHUYỆN CƯỜI RA NƯỚC MẮT

Trước sự phản đối của giáo dân, một mặt nhà cầm quyền huy động lực lượng để đe doạ, một mặt cho các cơ quan truyền thông nhà nước tuyên truyền xảo trá để vu khống, và mặt khác, tìm cách chiêu dụ giáo dân. Sau đây là một vài cảnh cười ra nước mắt đã xẩy ra.

Hôm 19.8.2008 tại khu đất mà giáo xứ Thái Hà đang đòi lại, có nhiều công an, quan chức nhà nước một số giáo dân giả và công nhân giả của nhà may Chiến Thắng đến gây rối. Đài truyền hình Nhà Nước đã tới bầy trò phỏng vấn hay dàn cảnh rồi quay phim.

Một ông già từ trong đám đông đi ra đứng trước ông kính và tự xưng là người Công giáo. Một số giáo dân đứng chung quanh la lên: "Ông này không phải là giáo dân đâu!” Một vài người chỉ vào ông ta và nói "Không phải giáo dân!” Mấy đừa trẻ oà lên cười.

Một bà hỏi ông: "Ông là giáo dân, vậy ông tên thánh là gì?” Ông già này ú ớ: “Tôi tên thánh là... là...” Mấy thanh niên chỉ vào mặt ông nói: "Không được nói dối! Không được nói dối!” Mặt ông tái mét, lẩn vào đám đông, rồi chuồn đâu mất.

Một chuyện khác: Khi đến cầu nguyện tại khu đất bị chiếm, người ta nghe mấy bà nhỏ to tâm sự với nhau:

- Tối qua chúng nó ra gặp tôi.

Chúng nó là đứa nào?

- Hình như là cái thằng sếp của mấy chú an ninh thì phải.

- Nó đã làm gì bà?

- Nó không làm gì cả, nó chỉ ngon ngọt khuyên nhủ tôi. Nó hỏi tôi:

- U ngủ chưa?

Tôi hỏi lại:

- Ai đấy?

Nó trả lời:

- Con đây.

Tôi gắt giọng:

- Con là thằng nào?

Hắn trả lời:

- Con ở trên quận đây mà. Sao mà u phải tự làm khổ mình như thế này, hả u! Nhà cửa đoàng hoàng u chẳng ở, u lại ra đây nằm sương nằm gió thế này. Con cháu nó biết thì nó xót lắm, u ạ! Mà con thấy u thế này, con cũng không cầm lòng được. Thôi u ngủ hết tối nay thôi, u nhá. Mai u về nhà, cho con cháu đỡ lo, u ạ!

Tôi trả lời:

- Chẳng hiểu con thương u kiểu gì mà hôm kia con để lũ đầu gấu đẩy ngã cả cái thân già, trầy hết cả tay ra đây này.

Nó phân bua:

- Thật thế hả u? Vậy mà không thấy đứa cấp dưới nào báo cáo với con sự việc của u.

Tôi cười:

- Con chỉ được cái khéo nói…!!! U cũng thương các con lắm, nhất là mấy chú cấp dưới của con. Người ta ăn ốc, bắt chúng nó đổ vỏ! Tội chúng nó lắm, con ạ. Thực sự u cũng chẳng sung sướng gì mà ra đây ngủ, con ạ. Sở dĩ u phải ra đây, vì u ngủ ở nhà cũng không được ngon giấc, con ạ?

Hắn hỏi lại:

- Sao thế hả u?

Tôi lại cười tiếp:

- Trăng mới sao gì hả con! Mảnh đất của Chúa của Mẹ, vậy mà chúng nó đang tâm giành giật, chia chác hết sạch. Chúng nó làm thế, làm sao u có thể ngủ ở nhà ngon giấc được hả con!? Vả lại, Chúa và Mẹ đã ngự trị ở đây rồi, làm sao u có thể để Chúa, để Mẹ cô quạnh một thân một mình được, con ơi!

Cụ già kể đến đấy, mấy bà ngồi vây quanh đều cười phá lên.

Trong ngày 19.8.2008, Linh mục chính xứ Vũ Khởi Phụng cùng một số linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà đã đệ đơn lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Thông tin-Truyền thông và các cơ quan hữu quan để khiếu nại việc một số báo đài đã đưa tin sai lạc và vu khống.

Kể ra cũng phải thương hại cho những người làm truyền thông trong nước. Công việc của họ là viết tin hay bài “theo đơn đặt hàng”, tức là “nói láo ăn tiền”. Nói thật có khi bị mất giấy phép hành nghề hay đi tù. Hôm 1.8.2008, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã ký quyết định thu hồi thẻ nhà báo của 4 nhà báo vì dám viết những sự thật về vụ PMU 18!

MỘT TỆ TRẠNG KHÔNG THỂ DUY TRÌ

Chuyện chiếm đất của dân hay mua với gía thấp rồi đem bán với giá cao để kiếm lời được coi như chủ trương của chính quyền các cấp, từ trung ương tới địa phương. Chính sách này đang làm phát sinh phong trào khiếu kiện nổi lên khắp nơi.

Vào tháng 7 vừa qua, các cơ quan truyền thông quốc tế đã lên tiếng báo động về một khu đất do quyền sở hữu của các nữ tu Dòng Thành Phaolô, tỉnh dòng Sài Gòn, đang dùng làm đất canh tác để nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em mồ côi và khuyết tật từ bao năm qua, nay chính quyền thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, ngang nhiên cướp bán cho nước ngoài làm sân chơi Golf. Một cuộc tranh đấu đang được phát động để bảo vệ quyền lợi của các trẻ không may mắn.

Dòng thánh Phaolô tại Vĩnh Long đã mua được một miếng đất làm tu viện và cô nhi viện từ năm 1874. Cơ sở này tọa lạc ở số 3 Nguyễn Trường Tộ, thị xã Vĩnh Long. Ngày 7.9.1977 chính quyền tỉnh đã bắt bớ, giam cầm các nữ tu và tịch thu tu viện. Các nữ tu khiếu nại, chính quyền tỉnh trả lời bằng luận điệu của đám răng đen mã tấu như sau: “Cô nhi viện đường Nguyễn Trường Tộ là một cơ sở xã hội của 1 giòng tu ngoại quốc và xây cất nên do nguồn viện trợ ngoại bang, là nơi đào tạo lớp trẻ bất hạnh trở thành lực lượng chống đối cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam” . Vì thế, tỉnh không chịu trả. Sau đó tỉnh cho Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Vĩnh Long thuê trong 50 năm, để khai thác làm khách sạn 4 sao! Việc đòi lại bất động sản này cũng đang được tiến hành.

Bộ phim “Chạy án” do hãng Mỹ Vân Films phát hành ở trong nước cũng đã nói lên phần nào tệ nạn cướp đất của dân mà chính quyền buộc lòng phải nhìn nhận và cho viết thành phim.

Trước phong trào khiếu nại của dân oan, thay vì có biện pháp giải quyết công bằng và ngăn chận sự lạm dụng, chính quyền lại thành lập những toán dân oan giả cho trà trộn vào các nhóm dân oan thật để phát hiện và bắt những người giúp dân oan khiếu kiện!

PHẢI HỦY BỎ LUẬT MAN RỢ

Trong bài “Luật ăn cướp” phổ biến ngày 21.1.2008, chúng tôi có nói: Luật Cải Cách Ruộng Đất và Luật Đất Đai của nhà cầm quyền CSVN đều thuộc vào loại mà tục dao pháp lý tiếng Latin gọi là “Lex barbara” , tức “Luật man rợ” . Chúng tôi gọi là “Luật ăn cướp” cho chính xác hơn. Tài sản của người dân, dùng luật biến thành tài sản của Đảng và đảng viên, nấp dưới danh nghĩa “thuộc sở hữu toàn dân” rồi tự do ban phát và bắt sở hữu chủ của nó phải trả tiền xử dụng... Không phải là luật man rợ hay luật ăn cướp thì là luật gì?

Trong bài này, chúng tôi cũng đã nêu lên những nguyên tắc căn bản mà các nhà làm luật phải tuân theo, chẳng hạn như “Luật là tiêu chuẩn của điều phải” (Lex est norma recti), “Luật chú ý đến sự công bằng” (Lex respicit aequitatem), v.v.

Ngày nay, Đảng CSVN không còn tiến xuống “xã hội chủ nghĩa” nữa mà đang tiến lên chủ nghĩa tư bản, tức tiến tới một xã hội văn minh, do đó cần phải sửa lại luật pháp cho phù hợp với xã hội văn minh hơn. Điều 17 của Hiến Pháp ngày 15.4.1992 là nguyên nhân của những sự bất công về đất đai hiện nay. Điều này quy định: “Đất đai, rừng núi, sông hồ... đều thuộc sở hữu toàn dân” , tức thuộc quyền sở hữu của Đảng CSVN và đảng viên. Hiện nay, không có một nước văn minh trên thế giới duy trì một điều luật man rợ như thế. Đo đó: Chính quyền chẳng những không được quy chiếu những điều luật man rợ đó để đối kháng với người dân mà còn phải hủy bỏ nó. Người dân chẳng những có quyền mà còn có trách nhiệm phải tranh đấu để thúc buộc chính quyền phải hủy bỏ các luật man rợ đó.

Đừng nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang phát động một chiến dịch thu hồi lại các tài sản đã bị tước đoạt, nếu trả nơi này nơi khác sẽ đứng lên đòi, nên nhà nước phải tìm cách bác bỏ. Đó là một suy nghĩ sai lầm. Trong bài “Con đường lựa chọn” phổ biến ngày 4.1.2008, chúng tôi có nói đến ba ưu tiên của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam như sau:

Ưu tiên một: Vì là một giáo hội có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng nên ưu tiên số một của Giáo Hội là tiếp thu hoặc xây dựng thêm các cơ sở bác ái, từ các trại cùi, các viện mồ côi, các nhà nuôi dưỡng và giáo dục những người khuyết tật, các trạm y tế, các nhà giữ trẻ... để làm giảm bớt sự đau khổ của những người không may mắn và tạo cho họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mới đây, Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã có Công văn số 941/TGCP-CP ngày 2.7.2008 cho cơ quan Caritas Việt Nam hoạt động trở lại trên tất cả 26 giáo phận. Đó là một quyết định tốt.

Ưu tiên hai: Thu hồi lại dần các chủng viện để có cơ sở đào tạo linh mục là những cán bộ rao giảng Tin Mừng. Năm nay, chính quyền mới trả thêm tiểu chủng viện Thái Bình.

Ưu tiên ba: Tiếp thu hay xây dựng các cơ sở giáo dục mới ngay khi có thể để góp phần vào việc nâng cao đời sống đức trí và dân trí của người dân.

Theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 2% dân tốt nghiệp trung học trở lên, trong khi đó, muốn trở thành một quốc gia phát triển phải có ít nhất 10% dân tốt nghiệp đại học. Chúng tôi không hiểu tại sao cho đến nay, nhà cầm quyền vẫn cố tình kềm hảm sự phát triển về giáo dục bằng cách không cho tư nhân tham gia vào lãnh vự này.

Trên đây là những chủ trương có lợi cho đất nước và sẽ góp phần đưa đất nước đi lên.

Trường hợp của giáo xứ Thái Hà hay Dòng Thánh Phaolồ ở Vĩnh Long... là trường hợp của địa phương. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mong muốn chính quyền địa phương và giáo hội địa phương thảo luận để tìm ra giải pháp hợp lý và công bằng. Hiện nay, các giáo hội địa phương cũng chỉ tranh đấu để đòi lại các cơ sở hoạt động tôn giáo và bác ái mà thôi. Đây là những nhu cầu mà chính quyền không thể không đáp ứng.

Bà Ngoại Trưởng Condoleezza Rice và Trợ lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Christopher Hill đã từng lên tiếng thúc giục Bắc Hàn và Miến Diện theo gương (example) Việt Nam vì cho rằng Đảng CSVN đã đoạn tuyệt với quá khứ. Nhưng trong thực tế, Đảng chỉ mới đoạn tuyệt với chủ trương “chống Mỹ cứu nước” để tiến qua “nhờ Mỹ cứu Đảng” mà thôi. Nhiều vấn đề căn bản lổi thời của thời đi xuống “xã hội chủ nghĩa” vẫn chưa được hủy bỏ, nhất là các luật man rợ. Bao lâu chưa dứt khoát với những thứ đã lổi thời này, đất nước không thể tiến tới một xã hội công bằng và giàu mạnh, và không thể hội nhập vào xã hội văn minh được.
 
Thư gởi Báo Sài gòn giải phóng
An Thanh, CSsR
23:24 27/08/2008
Thư gởi Báo Sài gòn giải phóng

Kính gởi: - Hội đồng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng
- các cơ quan truyền thông báo chí Việt
Nam và quốc tế.

Tối hôm qua và sáng nay, Đài truyền hình Việt Nam, báo Lao Động và báo Sài Gòn Giải Phóng (Sggp) lại tiếp tục nói về Thái Hà với những luận điệu không có gì mới hơn những tin bài trước đó. Ở đây tôi xin đối thoại với báo Sggp và phóng viên Nam Việt, người đứng tên bài: “Về vụ một số giáo dân Giáo xứ Thái Hà đục tường, chiếm đất của công ty may Chiến Thắng AI NÓI SAI SỰ THẬT?” đăng trên báo, ngày 27.08.2008, trang 3.

1. Tôi xin trích lại một số đoạn trong bài báo này của Nam Việt để xem “Ai nói sai sự thật?”

Ở cột báo thứ nhất, Nam Việt viết dựa trên Thông tư số 73/TTg, ngày 7-7-1960: “Đất cho thuê của các tôn giáo, các hội dù diện tích cho thuê nhiều hay ít, đều do Nhà nước trực tiếp quản lý. Nhà nước không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào.” Đây là văn bản thật, nhưng áp dụng cho việc tịch thu tài sản, đất đai Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội (Thái Hà) (DCCT-TH) là sai. Vì liên tục từ năm 1928 đến khi Thông tư số 73/TTg, ngày 7-7-1960 ra đời và cả cho đến hôm nay (năm 2008), Tu viện DCCT-TH chưa hề có hành động cho “thuê” “dù diện tích cho thuê nhiều hay ít”. Nên ngay từ thời điểm Thông tư mà nhà báo Nam Việt trích dẫn chứng tỏ Chính quyền Thủ đô Hà Nội không thể áp dụng để “Nhà nước trực tiếp quản lý. Nhà nước không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào.”

Sự thật là sau năm 1954, Nhà nước đã trục xuất các linh mục người Canada ra khỏi Hà Nội bằng mọi cách. Còn hai tu sĩ Văn và Đạt bị bắt nhốt vào nhà tù Hỏa Lò cho đến chết. Như vậy chỉ một mình linh mục Vũ Ngọc Bích còn ở lại cơ sở tu hành của DCCT-TH. Khi thấy chỉ còn một mình linh mục Bích, chính quyền Thủ Đô đã tự tiện phân chia khu đất 116 Nam Đồng, nay là khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Đống Đa mà không hề có một văn bản thoả thuận về việc mượn hay thu hay tự nguyện hiến tặng nào cả.

Nhà báo Nam Việt cũng dẫn nguồn tin (không có chứng cứ) để nói: “Ngày 24-10-1961, linh mục Vũ Ngọc Bích (là người quản lý nhà đất – chúng tôi in đậm) đã ký biên bản ‘Hội nghị bàn giao nhà thống nhất quản lý vào Nhà nước”, bàn giao toàn bộ nhà đất do DCCT quản lý tại 116 Nam Đồng”. Thử nêu một ví dụ thật đơn giản để phản bác luận điểm này. Ví dụ ông Tổng biên tập báo Sggp là người quản lý toàn bộ tài sản liên quan đến bản báo. Ông chỉ có hai quyền là sử dụng và phát triển thêm tài sản, chứ không bao giờ có quyền tự bán, hiến tặng cho ai cả khi chưa được Ban chấp hành đảng bộ TP. HCM nhất trí. Như vậy, là người quản lý, linh mục Bích không có quyền làm cái việc: “bàn giao toàn bộ nhà đất do DCCT quản lý tại 116 Nam Đồng” cho nhà nước quản lý như nhà báo lập luận. Lại nữa, nhiều lần DCCT yêu cầu phía Nhà nước trưng ra bút tích và chữ ký của linh mục Bích để đối chứng, vì bút tích của ngài hiện đang được lưu tại văn khố DCCT VN và Canada, nhưng nhà nước chưa bao giờ làm được điều tưởng chừng rất đơn giản này.

Như vậy cơ sở pháp lý để tịch thu tài sản chính đáng của DCCT-TH vừa không có, vừa có tính chất ngụy tạo, đánh lừa nhân dân.

Khi đọc tựa đề bài báo,… AI NÓI SAI SỰ THẬT, tôi thật sự hy vọng, với lối tác nghiệp nghiêm túc của một tờ báo lớn luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp, nhưng khi đọc xong thì hỡi ôi, thì ra các “anh hùng” báo chí chuyên viết về nội chính chỉ có mỗi một việc là nghe cơ quan chức năng nói và viết theo, mà bất chấp tính trung thực của báo chí. Hiện nay DCCT có những tư liệu gốc về chủ quyền đất đai và cả phần ghi âm xác nhận không hề có chuyện hiến tặng gì cả của cố linh mục Vũ Ngọc Bích.

2. Bây giờ thì nói về tư cách đại diện của linh mục Cao Đình Trị như cột báo thứ hai đã nhiều lần nêu lên một cách hết sức buồn cười.

Nếu một ngày nào đó, vị Tổng biên tập của quý báo đi nước ngoài công tác, thì công việc xử lý thường vụ, đối nội đối ngoại sẽ do ai đảm trách? Ai cũng biết đó sẽ là vị phó Tổng biên tập thứ nhất (hay thường trực). Ở trường hợp của linh mục Cao Đình Trị cũng thế. Tư cách Phó Giám tỉnh của linh mục Cao Đình Trị được toàn thể 279 linh mục, tu sĩ DCCT VN xác nhận qua phiếu bầu, và chắc chắn họ đã thông báo với các Giám mục, Ban tôn giáo Chính phủ và Ban tôn giáo TP.HCM, nơi Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đặt trụ sở chính. Việc đặt nghi vấn cho vấn đề này chỉ bộc lộ sự yếu kém hay lười biếng trong tác nghiệp báo chí mà thôi. Và khi linh mục Giám tỉnh vắng nhà, linh mục Cao Đình Trị hoàn toàn có tư cách đại diện ngài theo luật Dòng định. Còn việc đại diện Thái Hà thì linh mục Cao Đình Trị tự thân cũng có thể lên tiếng bảo vệ anh em của ngài và đoàn chiên họ chăm sóc. Đó là chưa nói đến chính anh chị em linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà đề nghị ngài chính thức lên tiếng. Còn mệnh đề “Giáo xứ Thái Hà, Tổng giáo phận Hà Nội, Giáo hội Công giáo Việt Nam” là chỉ cách thuộc về như thể: Chị bộ đảng A, phường B, huyện C, tỉnh D thế thôi. Nhưng điều quan trọng hơn sau khi Đơn Khiếu Nại của Dòng Chúa Cứu Thế được gởi đi, thì Đức Tổng Giám mục Hà Nội đã lên tiếng chính thức, ngày 22-08-2008, với họ như sau:

“Thưa Cha,
Tuy bận việc đi xa, nhưng tôi luôn theo dõi tình hình của Tu viện và Giáo xứ Thái hà. Tôi hiệp thông sâu xa với cha, Tu viện và giáo dân giáo xứ Thái hà trong lời cầu nguyện.
Tôi kêu gọi mọi người cùng hiệp thông với cha, với Tu viện và giáo xứ Thái hà cầu nguyện tha thiết và liên lỉ.
Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, ban cho chúng ta được hưởng nền công lý và hòa bình thực sự.

Thân ái

+ Giuse Ngô quang Kiệt
Tổng Giám mục Hà Nội”


Như vậy, về tư cách đại diện đứng Đơn Khiếu Nại của linh mục Cao Đình Trị đã được làm rõ. Nhà báo Nam Việt và cả Hội đồng Biên tập của quý báo Sggp còn điều gì chưa rõ? Sự thật dẫu có bị hàng trăm tờ báo hay đài truyền thanh, truyền hình xuyên tạc đến đâu đi nữa thì cũng vẫn là sự thật. Và các linh mục, tu sĩ DCCT sẵn sàng đối phó với mọi khó khăn để chính Chúa làm cho sự thật hiển trị trên một đất nước có quá nhiều gian dối này.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Những câu Hỏi và Trả Lời về những Lạm Dụng hiện có trong Phụng Vụ (Phần Cuối)
Anthony Lê
08:32 27/08/2008
Những câu Hỏi và Trả Lời về những Lạm Dụng hiện có trong Phụng Vụ (Phần Cuối)

G. Việc Gìn Giữ Phép Thánh Thể:

41. Nhà Tạm nên được đặt ở đâu?

Thưa, Nhà Tạm nên được đặt ngay bên trong Nhà Thờ, tại một chổ xứng đáng, cao cả, dễ nhìn thấy được bởi tất cả những người tín hữu, và rất thích hợp cho việc cầu nguyện (xem thêm Đoạn 130 của Redemptionis Sacramentum; và Đoạn 314 có trong GIRM).

Nhà Tạm không nên được đặt tại một nơi hoàn toàn cách xa Nhà Thờ, hay tại một địa điểm khác trong khuôn viên của giáo xứ (xem thêm Đoạn 315 có trong GIRM).

42. Một người đem Mình Thánh Chúa đến cho người bệnh, thì người ấy nên đi thẳng tới nhà của người bệnh ngay sau khi người ấy nhận lấy Mình Thánh Chúa từ tay của vị Chủ Tế, hay là người ấy có thể làm những chuyện khác trước đã, rồi hẳn tới nhà của bệnh nhân sau đó?

Thưa, chỉ có vị Linh Mục, Phó Tế hay vị thừa tác viên Thánh Thể mới có thể đem Mình Thánh Chúa đến cho người bệnh. Thừa tác viên Thánh Thể chỉ có thể đem Mình Thánh Chúa đến cho người bệnh trong trường hợp vị Linh Mục hay Phó Tế vắng mặt và không thể làm được chuyện đó mà thôi, và sau khi lấy Mình Thánh Chúa, thừa tác viên Thánh Thể phải trực tiếp đến thẳng nhà bệnh nhân ngay, chứ không được đi lang thang đây đó để làm những chuyện riêng tư khác, rồi mới đến nhà của bệnh nhân sau, vì rằng người đó đang cầm trong tay chính Mình Thánh của Chúa, và hành động "cà kê dê ngỗng" đó chỉ làm tổn thương đến Mình Thánh Chúa và coi thường đến Mình Thánh Chúa mà thôi, và hành động này được xem như là Tội Trọng (xem thêm Đoạn 133 của Redemptionis Sacramentum).

43. Vị Giám Mục địa phận nên làm gì đối với việc tôn kính Phép Thánh Thể?

Thưa, vị Giám Mục địa phận nên tích cực cổ võ việc chầu Thánh Thể, cho dẫu trong khoảng thời gian ngắn hay lâu dài liên tục nào đó, cùng với sự tham dự của giáo dân. Trong những năm gần đây, tại rất nhiều nơi "việc Chầu Thánh Thể chính là lối thực hành rất quan trọng mỗi ngày, và từ đó trở thành một nguồn của ơn nên thánh rất phong phú và dồi dào," mặc dầu cũng có rất nhiều chổ mà vị Giám Mục địa phận đã tỏ ra "quá thờ ơ và nguội lạnh trước việc cổ võ về chầu Thánh Thể 24 tiếng trong 1 ngày và 7 ngày trong 1 tuần," sự lãnh đạm và thờ ơ này cần phải tránh càng sớm chừng nào càng tốt chừng nấy (xem thêm Đoạn 136 của Redemptionis Sacramentum; và Đoạn 10 có trong Ecclesia de Eucharista).

Tại Hoa Kỳ, hầu như tại Giáo Phận hay Tổng Giáo Phận nào cũng đều có ít nhất trên 4 hay 5 giáo xứ có Chầu Thánh Thể 24 tiếng đồng hồ / ngày và 7 ngày trong tuần.

Riêng tại Việt Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn, Giáo Xứ Tân Định ở Quận I là có Chầu Thánh Thể liên tục như tại Hoa Kỳ và đã có rất nhiều ơn ích thánh thiện được ban xuống cho Giáo Xứ này - một Giáo Xứ đầu tiên trong cả Giáo Hội Việt Nam có Chầu Thánh Thể 24 tiếng trong ngày và 7 ngày trong tuần.

44. Có được phép Lần Chuổi Mân Côi trước Phép Thánh Thể không? Cha sở của tôi nói rằng không nên làm chuyện đó vì sẽ chia trí và làm ảnh hưởng đến việc tôn thờ Chúa Giêsu.

Thưa, trước Phép Thánh Thể, việc lần hạt Mân Côi, là điều rất đáng được ngợi khen "vì sự đơn giản và tính tôn kính cao độ," của Kinh Mân Côi dành cho Thiên Chúa đang ngự trong Phép Thánh Thể, và đó không phải là chuyện bị cấm cả. Kinh Mân Côi chính là sự suy niệm về các mầu nhiệm có liên quan đến cuộc đời của Chúa Kitô - Đấng Cứu Thế và là Đấng Chủ Thể của cả trời lẫn đất, Đấng thực hiện công cuộc cứu chuộc của Chúa Cha (xem thêm Đoạn 137 của Redemptionis Sacramentum; và Đoạn 2 có trong Rosarium Virginis Mariae).

45. Việc Chầu Thánh Thể liên tục có nên được thực hiện ở khắp mọi nơi không?

Thưa, ít ra tại các thành phố và thị trấn lớn, vị Giám Mục địa phân nên dành ra một nơi trong giáo phận có việc chầu Thánh Thể liên tục. Thánh Lễ nên được cử hành thường xuyên, thậm chí là mỗi ngày, và Mình Thánh được đặt trong Nhà Tạm để mọi người Chầu Thánh Thể, phải được thánh hóa rồi ngay trong Thánh Lễ, để tất cả mọi người đến chầu Phép Thánh Thể (xem thêm Đoạn 140 của Redemptionis Sacramentum).

H. Trách Nhiệm Đặc Biệt Của Người Giáo Dân:

46. Với tình trạng thiếu vắng Linh Mục như hiện nay tại một số quốc gia, thì liệu có nên thay thế giáo dân vào trong những trường hợp đặc biệt đó không?

Thưa, không có người giáo dân nào, kể cả các nam/nữ tu sĩ có thể thay thế chức vụ Tư Tế Linh Mục được. Nếu cộng đoàn đó thiếu vắng Linh Mục, thì giáo dân không thể nào tự động thực hiện vai trò của vị Linh Mục được (xem thêm Đoạn 146 của Redemptionis Sacramentum; và Đoạn 900 Mục 1 có trong CIC).

47. Các thừa tác viên Thánh Thể có phải được gọi là "Ministers of the Eucharist" hay "Eucharistic Ministers" không?

Thưa, không.

Người giáo dân nào thực hiện việc phân phát Mình Thánh Chúa cho cộng đoàn - sau khi đã được vị Linh Mục đào tạo và giáo huấn rất kỹ càng - được gọi là thừa tác viên Thánh Thể, hay tiếng Anh gọi là "extraordinary minister of the Holy Communion," chứ không phải là "special minister of Holy Communion," hay "extraordinary minister of the Eucharist."

Còn "Ministers of the Eucharist" hay "Eucharistic Ministers" (tức Thánh Chức Thánh Thể) chỉ được dùng cho các vị Linh Mục mà thôi - những vị "thực hiện việc Hy Tế của Phép Thánh Thể nhân danh Chúa Kitô, Vị Tư Tế Đích Thực và Duy Nhất của cả Giáo Hội" (xem thêm Đoạn 154 và 156 của Redemptionis Sacramentum; và Đoạn 900 Mục 1 có trong CIC).

Suy cho cùng, cụm từ "Eucharistic Minister" chính là một cách định nghĩa không chính xác được dùng trong Giáo Hội, nhất là khi việc dùng đến những người giáo dân trong vai trò là các thừa tác viên Thánh Thể một cách lạm dụng và sai trái (xem thêm Mục Số 10 có trong Inaestimabile Donum).

48. Thế người giáo dân nào có thể trở thành thừa tác viên Thánh Thể? Có đúng là phải có một nghi lễ đặc biệt trong Phụng Vụ để công nhận những người giáo dân vào chức vị thừa tác viên Thánh Thể không?

Thưa, nói đúng ra, người giáo dân đó phải có sự cho phép của vị Giám Mục địa phận, rồi mới được phép trở thành thừa tác viên Thánh Thể. Và dĩ nhiên, người giáo dân đó phải có đời sống đạo và đức hạnh trỗi vượt mới xứng đáng trở thành thừa tác viên Thánh Thể. Việc bổ nhiệm hay chỉ định này của vị Giám Mục địa phận không cần phải được thực hiện dưới dạng của Phụng Vụ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, thì vị Linh Mục được phép để chỉ định ra ai xứng đáng trở thành thừa tác viên Thánh Thể (xem thêm Đoạn 155 của Redemptionis Sacramentum).

49. Thế các thừa tác viên Thánh Thể này được sử dụng đến khi nào? Tôi thấy thậm chí trong Thánh Lễ, có những vị Linh Mục cùng đồng tế, hay các vị Linh Mục Phó Xứ lại không ra cho giáo dân Rước Lễ mà để cho các thừa tác viên Thánh Thể này phân phát Mình Thánh Chúa, như vậy có đúng không?

Thưa, thừa tác viên Thánh Thể chỉ được dùng đến khi thiếu vắng các Linh Mục hay các Phó Tế để cho giáo dân Rước Lễ mà thôi.

Còn nếu các Linh Mục cùng đồng tế, hay các vị Linh Mục Phó Xứ có hiện diện, nhưng vì tuổi cao sức yếu hay tật bệnh, thì khi đó mới dùng đến thừa tác viên Thánh Thể. Còn ngược lại, thì không cần dùng đến các thừa tác viên Thánh Thể.

Còn những vị Linh Mục đồng tế, và các vị Linh Mục Phó Xứ có đó mà không đứng lên hay ra để cho giáo dân Rước Lễ, thì đó chính là hình thức phạm tội, vì chây lười, và coi thường Mình Thánh Chúa (xem thêm Đoạn 157-158 của Redemptionis Sacramentum).

50. Việc dùng đến các giáo dân trong vai trò là thừa tác viên Thánh Thể hiện đang phổ biến rất rộng trong Giáo Phận của tôi. Điều này có đúng không?

Thưa, hãy để cho chính các vị Giám Mục địa phận tự xem xét lại cách thực hành cẩu thả này, nhất là trong những năm gần đây, vì đây chính là một sự lạm dụng đang có tính lan tràn mạnh, thêm vào đó, theo sự chú ý và dõi theo của riêng người viết khi đi tham dự Thánh Lễ, người viết nhận thấy có không ít những vị thừa tác viên Thánh Thể này có đời sống đạo hạnh bất chính, tham dự Thánh Lễ trễ, hay nói chuyện trong Thánh Lễ, vân vân.. .thế mà vẫn dám tiến lên bàn thờ để thi hành nhiệm vụ thừa tác viên Thánh Thể của họ.

Vị Giám Mục địa phận trong trường hợp này phải đưa ra những chuẩn tắc đặc biệt để quy định xem trong cung cách nào mà chức năng thừa tác viên Thánh Thể được thi hành theo đúng với luật lệ và truyền thống lâu đời của Giáo Hội, vì việc cho giáo dân Rước Lễ là nhiệm vụ của các Linh Mục và Phó Tế mà thôi (xem thêm Đoạn 160 của Redemptionis Sacramentum) chứ không phải của các thừa tác viên Thánh Thể.

51. Tôi thường thấy có một số thừa tác viên Thánh Thể tự động cho phép mình Rước Lễ. Điều này có đúng không?

Thưa, điều này hoàn toàn sai trái.

Bất kỳ người giáo dân nào, trong bất kỳ vai trò nào, kể cả là nữ tu hay nam tu sĩ hay là thừa tác viên Thánh Thể, cũng đều không có quyền để tự cho phép mình Rước Lễ, hay tự động ngang nhiên tiến lên Bàn Thánh, lấy Mình và Máu Thánh Chúa ngay từ Chén Thánh, và Chén Rượu Thánh. Hành động này chính là sự xúc phạm trắng trợn đến Phép Thánh Thể, và người giáo dân nào làm việc này đều phạm Tội Trọng.

Chỉ có vị Linnh Mục chủ tế cùng các vị Linh Mục đồng tế mới có quyền làm điều này, và tất cả mọi người giáo dân đều phải đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa từ chính vị Linh Mục chủ tế đó (xem thêm Mục Số 9 có trong Inaestimabile Donum).

52. Nếu vị Linh Mục vắng mặt, thì tại giáo xứ của tôi thỉnh thoảng có một việc phụng tự khác thay thế vào những ngày Chủ Nhật do chính các vì trợ tá về mục vụ của Linh Mục đó trực tiếp hướng dẫn và chủ trì. Điều này có được phép không?

Thưa, điều cần thiết là nên tránh bất kỳ sự mơ hồ nào giữa kiểu quy tụ này và việc cử hành Phép Thánh Thể. Các vị Giám Mục địa phận phải hết sức cẩn thận để suy xét xem là có nên để cho Mình Thánh Chúa được phân phát trong những kiểu quy tụ như thế này không.

Việc quy tụ này không nên do một người giáo dân nào đó chủ trì và tự trực tiếp hướng dẫn, mà phải đợi cho đến khi có vị Linh Mục hay vị Phó Tế (xem thêm Đoạn 165 của Redemptionis Sacramentum).

53. Giáo xứ của tôi có phân phát Mình Thánh Chúa (communion services) vào những ngày thường nếu như vị Linh Mục đi vắng. Điều này có được phép không?

Thưa, đặc biệt nếu Mình Thánh Chúa được phân phát trong những dịp quy tụ như thế này, thì chỉ có vị Giám Mục giáo phận mới có đủ quyền hành để quyết định về chuyện này, và vị Giám Mục đó không nên cho phép việc này được xảy ra một cách quá dễ dàng như vậy, đặc biệt là vào Chủ Nhật trước đó đã có Thánh Lễ rồi. Các vị Linh Mục do đó được khẩn thiết yêu cầu là phải bằng mọi cách cử hành Thánh Lễ mỗi ngày cho giáo dân tại một trong những Nhà Thờ nào đó mà vị ấy có trách nhiệm coi sóc đàn chiên (xem thêm Đoạn 166 của Redemptionis Sacramentum).

54. Giáo xứ của tôi có một vị là cựu Linh Mục, người thỉnh thoảng đóng nhiều vai trò khác nhau trong Thánh Lễ, chẳng hạn như đọc các Bài Đọc. Một số người phân vân tự hỏi là liệu Ông này có thể cử hành Thánh Lễ hay lắng nghe giải tội không nếu như vị Linh Mục chính thức của giáo xứ vắng mặt. Thì Giáo Hội nói gì về điều này?

Thưa, "một vị vốn đã mất đi chức thánh theo đúng luật lệ của Giáo Hội thì hoàn toàn bị cấm khỏi việc thực thi quyền hạn Linh Mục của mình." Do đó, ông ta không được phép hành động như là một vị Linh Mục (Điều 1335 trong CIC).

Những người thuộc vào loại này không được phép giảng hay thực hiện việc cử hành Hy Tế Thánh cả (xem thêm Đoạn 168 của Redemptionis Sacramentum; và Đoạn 292 có trong CIC).

Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, nghĩa là một giáo dân trong cộng đoàn tự dưng lâm vào cảnh hấp hối, sắp qua đời, thì một vị cựu Linh Mục có thể cử hành các phép Bí Tích cho người sắp hấp hối đó. Và mặc dầu, Ông này không có đủ thẩm quyền để lắng nghe giải tội, nhưng Ông ta vẫn có thể tha thứ bất kỳ tội lỗi nào mà người sắp hấp hối đó phạm phải, thậm chí ngay cả khi có sự hiện diện của vị Linh Mục chính thức nữa (xem thêm Đoạn 976 có trong CIC).

I. Các Vấn Đề Khác:

55. Giáo xứ của tôi có Thánh Lễ Chủ Nhật dành cho các bạn thanh thiếu niên (teen Mass) và trong Thánh Lễ đó, các bạn thanh thiếu niên được mời gọi để đứng chung quanh bàn thờ khi vị Linh Mục chủ tế thực hiện việc Hy Tế Thánh Thể, vốn theo như tôi biết là hoàn toàn trái ngược với luật lệ của Giáo Hội liên quan đến Phụng Vụ Thánh. Vì đây là Thánh Lễ cho một nhóm đặc biệt, do đó có phải vì thế mà không hề có sự vị phạm tới lề luật của Phụng Vụ Thánh không?

Thưa, đúng là Thánh Lễ có thể được cho phép để được cử hành cho những nhóm cụ thể nào đó theo đúng với các chuẩn tắc của luật lệ, thế nhưng những nhóm này không phải vì thế mà được miễn trừ khỏi việc tuân thủ chặt chẽ các chuẩn tắc có trong Phụng Vụ Thánh. Hay nói cách khác, việc đứng chung quanh bàn Thánh khi vị Chủ Tế diễn lại Sự Hy Tế Thánh của Chúa Kitô nơi Thập Giá là hoàn toàn sai trái, và cần phải được chấm dứt ngay (xem thêm Đoạn 114 của Redemptionis Sacramentum).

56. Các Chén Thánh có thể được làm bằng thủy tinh hay đất sét có đúng không?

Thưa, các Chén Thánh để chứa đựng Mình và Máu Thánh của Chúa Kitô phải được làm bằng các chất liệu, vốn tuân thủ một cách rất nghiêm ngặt đến những chuẩn tắc của truyền thống và của các Sách Phụng Vụ Thánh. Phải dùng bằng kim loại hay các chất liệu khác vốn không dễ dàng bị rỏ rĩ hay bị phân hóa (xem thêm Đoạn 117 của Redemptionis Sacramentum).

57. Trong giáo xứ của tôi, mọi người thường đề cập tới Thánh Lễ như là một "bữa ăn" cho cả "cộng đoàn," hay là một "bữa tiệc," mà cả cộng đoàn được mời đến để "dự tiệc." Chẳng lẽ Thánh Lễ trước và sau hết không phải là một Sự Hy Tế Thánh sao?

Thưa, Giáo Hội luôn giảng dạy rằng, bản chất của Phép Thánh Thể không chỉ là một bữa ăn, hay bữa tiệc thuần tuý, mà đó trên hết chính là một Sự Hy Tế Thánh, mà chính Chúa Giêsu trên Thập Giá đã dâng hiến lên cho Thiên Chúa Cha, và nay chúng ta cùng với Ngài thực hiện lại Hy Tế Thánh Thiện đó, do vậy người giáo dân phải luôn hết sức tích cực tham gia vào Thánh Lễ một cách trọn vẹn chứ đừng để cho tâm trí lẫn con tim, và cả tâm hồn của chính mình bị chia trí hay bi cuốn theo những dòng suy nghĩ trần tục và tội lỗi (xem thêm Đoạn 38 của Redemptionis Sacramentum).

Chính qua Thánh Lễ, công cuộc Cứu Rỗi của Chúa Giêsu dành cho chúng ta mới được hoàn tất, và chính Chúa Giêsu đã tự dâng hiến chính bản thân Ngài lên cho Chúa Cha, do đó không có gì có thể quan trọng và cao vời như Thánh Lễ được, vì qua Thánh Lễ chúng ta được dự phần trước hết vào Phụng Vụ ở trên nước thiêng đàng, vốn được cử hành tại thành Thánh Giêrusalem (xem thêm Đoạn 2, 7 và 8 có trong Tông Hiến Sacrosanctum Concilium; và Mục Số 1330, 1336, 1367 và 1368 có trong CCC).

Suy cho cùng, nếu theo đúng sự giải thích của các văn kiện kể trên và của CIC Số 897, thì Thánh Lễ không phải là một "bữa ăn," hay một "bữa tiệc," mà là một Sự Hy Tế Thánh, và đây chính là tín điều của Giáo Hội Công Giáo về Thánh Lễ.

58. Vị giám đốc đặc trách Phụng Vụ trong giáo xứ của tôi nói rằng nếu việc tự do chế biến không bị hạn chế bởi các luật lệ thì Thánh Lễ trở nên cứng nhắc và làm chán nản cả cộng đoàn mà thôi. Phải chăng những luật lệ của Giáo Hội có liên quan đến Phụng Vụ Thánh đã làm cho Thánh Lễ trở nên cứng nhắc và không được uyển chuyển cho lắm?

Thưa, sự uyển chuyển phong phú chỉ được Giáo Hội cho phép khi đó thực chất là một sự sáng tạo đúng đắn sao cho phù hợp với nhu cầu, sự hiểu biết và việc chuẩn bị nội tâm của cả cộng đoàn tín hữu, theo đúng với các chuẩn tắc đã được Giáo Hội đề ra. Việc chọn các bài hát, việc chọn các giai điệu, việc chọn các lời nguyện và các bài đọc, việc chuẩn bị lời nguyện cầu của tín hữu, việc trang trí Nhà Thờ theo từng mùa Phụng Vụ khác nhau, được Giáo Hội cho phép để làm phong phú hơn, sao cho điệp với truyền thống vốn đã có từ ngàn xưa trong Phụng Vụ Thánh, chứ không phải để đi ngược lại với truyền thống. Hãy luôn nhớ rằng: cách cử hành các nghi thức của Phụng Vụ thì không bao giờ thay đổi, mà trái lại luôn được duy trì để nhắm sâu vào Lời của Thiên Chúa và mầu nhiệm đang được cử hành (xem thêm Đoạn 39 của Redemptionis Sacramentum).

59. Vị giám đốc đặc trách Phụng Vụ trong giáo xứ của tôi chỉ muốn đặt trọng tâm và tất cả mọi chú ý vào Thánh Lễ mà thôi, còn tất cả những sự sùng kính khác đều bị loại ra và được coi như là quá lỗi thời. Thế Giáo Hội nói gì về điều này?

Thưa, để khuyến khích, cổ võ, và dưỡng nuôi đời sống nội tâm và sự hiểu biết sâu sa hơn về việc tham gia một cách trọn vẹn của người tín hữu vào trong Phụng Vụ Thánh, thì việc cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ (Liturgy of the Hours), việc dùng đến các phép bí tích và việc thực hành lòng sốt mến đạo đức Kitô Giáo liên tục và lan rộng là điều hết sức hữu ích. Những việc thực hành này "tuy không hẳn tùy thuộc vào Phụng Vụ, thế nhưng vẫn có tầm quan trọng và giá trị cụ thể đặc biệt" - và được xem như là có một sự kết nối nào đó với Phụng Vụ, nhất là khi việc sùng kính này được ca ngợi và làm chứng tá bởi các vị Giáo Hoàng, như việc sùng kính lần hạt Mân Côi chẳng hạn (xem thêm Đoạn 41 của Redemptionis Sacramentum; và Mục Số 182 có trong Mediator Dei).

60. Vị Linh Mục có thể cùng đồng tế với các vị Lãnh Đạo của các tôn giáo khác trong Thánh Lễ được không?

Thưa, vì sự nhân danh "của việc đối thoại đại kết," có một số vị Linh Mục đã cử hành Thánh Lễ đồng tế với các vị lãnh đạo của các tôn giáo khác, thì đây chính là một sự lạm dụng trắng trợn, không được phép của Giáo Hội và làm vô hiệu hóa Thánh Lễ (xem thêm Mục Số 908 của CIC).

61. Trong suốt Mùa Chay, tại giáo xứ của tôi, Cha Sở thực hiện việc rửa chân cho các trẻ em và phụ nữ trong ngày thứ Năm Tuần Thánh, thì điều này có đúng không?

Thưa, vào Thứ Năm Tuần Thánh, nghi thức Rửa Chân chỉ là một nghi thức phụ có thể có hoặc không có. Nếu nghi thức rửa chân được thực hiện, thì chỉ có những người nam mới được vị Linh Mục chủ tế rửa chân mà thôi, giống như việc Chúa Giêsu tự rửa chân cho các Môn Đệ của Ngài xưa kia vào Bữa Tiệc Ly, chứ không có chuyện rửa chân cho các trẻ em hay những người phụ nữ.

Trong Sách Bộ Lễ (Sacramentary) - cuốn sách vốn cung cấp tất cả mọi chỉ dẫn về Phụng Vụ của từng ngày, đã nêu rất rõ về điều này, và vào năm 1988 Thánh Bộ đặc trách việc Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật các Phép Bí Tích cũng đã tái khẳng định việc chỉ có người nam mới được vị Linh Mục chủ tế rửa chân mà thôi (xem thêm Mục Số 51 trong Paschales Solemnitatis).

J. Các Giải Pháp:

62. Người giáo dân có nên tham gia vào việc chỉnh đốn lại những lạm dụng hiện có trong Phụng Vụ ngày nay không, hay chỉ đơn giản làm ngơ để chuyện này cho các chuyên gia về Phụng Vụ và các Cha Sở?

Thưa, để ngăn chặn hay chỉnh đốn một sự lạm dụng, thì "cả Cha Sở lẫn giáo dân đều phải được giáo dục và đào tạo về Thánh Kinh và Phụng Vụ," để đức tin và kỷ luật của Giáo Hội có liên quan đến Phụng Vụ Thánh được hiểu rõ và được thực hiện theo đúng với truyền thống. Tuy nhiên, nếu sự lạm dụng cứ thế mà tiếp diễn, thì các biện pháp - bằng mọi cách - cần phải được đưa ra, theo đúng với các quyền và lề luật của Giáo Hội, để bảo tồn di sản đức tin của Cha-Ông (xem thêm Đoạn 170 của Redemptionis Sacramentum; và Đoạn 15 có trong Vicesimus Quintus Annus).

63. Ở cấp địa phương thì ai có nhiệm vụ chính để xử lý những vụ lạm dụng này?

Thưa, vị Vị ấy phải duy trì sự hiệp nhất với cả Giáo Hội Hoàn Vũ, nên vị Giám Mục địa phận phải có nhiệm vụ để cổ võ việc tuân hành đúng tất cả những gì có liên quan đến Phụng Vụ Thánh cho toàn thể Giáo Hội, và do đó phải là người giám sát chặt chẻ về những quy luật này của Giáo Hội. Vị đó phải luôn tỉnh thức để ngó ngàng và chú ý ngay đến những lạm dụng, vốn có sức tàn phá và hủy hoại đi đức tin đích thực và tông truyền của cả Giáo Hội, cũng như sự xúc phạm trắng trợn đến chức vụ Tư Tế Thánh, đến việc cử hành các Phép Bí Tích, đến việc phụng thờ Thiên Chúa và việc tôn kính các Thánh (xem thêm Đoạn 392 của Redemptionis Sacramentum).

64. Điều gì sẽ xảy ra khi vị Giám Mục địa phận được báo cho biết là có một sự lạm dụng đáng kể trong Phụng Vụ Thánh đang được diễn ra tại một giáo xứ nào đó?

Thưa, bất cứ vị Giám Mục địa phương hay vị Bề Trên của một Dòng Tu, khi được thông báo cho biết về sự lạm dụng này, nhất là sự lạm dụng có liên quan đến Phép Thánh Thể, thì hãy để cho Vị ấy cẩn thận xem xét, điều tra, cũng như gặp gỡ trực tiếp thân tình với vị Linh Mục có hành vi lạm dụng, để đưa ra lời chỉ báo và giáo huấn cần thiết.

Nếu sự lạm dụng đó thuộc vào tội nhẹ hay tội trọng có liên quan đến việc cử hành Phép Thánh Thể và các bí tích khác - vốn có thể làm xói mòn và bóp méo đi đức tin đích thực, thánh thiện và tông truyền của Giáo Hội - thì sự việc đó phải được trình gấp lên cho Thánh Bộ đặc trách việc Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Các Phép Bí Tích, để xem xét và kỷ luật, và nếu cần thiết Thánh Bộ sẽ rút phép thông công hay cắt bỏ đi chức Thánh của Vị đó theo đúng với các chuẩn tắc có trong lề luật của Giáo Hội.

Còn bằng không thì vị Giám Mục địa phận cứ tiến hành xử lý sự việc theo đúng với những chuẩn tắc của Bộ Giáo Luật, và các luật lệ có liên quan đến Phụng Vụ Thánh (xem thêm Mục 1326 của CIC). Còn nếu vấn đề lạm dụng trở nên trầm trọng hơn, thì vị Giám Mục địa phận hay vị Bề Trên của một Dòng Tu phải báo cáo ngay cho Thánh Bộ đặc trách việc Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Các Phép Bí Tích (xem thêm Đoạn 178 đến 180 của Redemptionis Sacramentum; và Đoạn 52 có trong Pastor Bonus).

65. Điều gì xảy ra khi Tòa Thánh nhận được báo cáo về một sự lạm dụng đang xảy ra?

Thưa, bất cứ khi nào Thánh Bộ đặc trách việc Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Các Phép Bí Tích nhận được một báo cáo hợp lệ về sự lạm dụng nhẹ hay nặng có liên quan đến Phép Thánh Thể, thì Thánh Bộ sẽ thông báo cho vị Giám Mục của địa phận đó biết để Vị ấy điều tra vấn đề. Khi vấn đề lạm dụng trở nên quá trầm trọng, thì vị Giám Mục địa phận phải tức tốc gởi lại cho Thánh Bộ bản sao của những hành động mà vị Giám Mục đó đã điều tra và kỷ luật đến vị thực hiện sự lạm dụng đó (xem thêm Đoạn 181 của Redemptionis Sacramentum).

66. Có phải giáo dân phải có quyền để đưa ra những lời than phiền có liên quan đến những vụ lạm dụng trong Phụng Vụ ngày nay không? Và giáo dân nên hướng những lời than phiền đó lên cho ai?

Thưa, bất kỳ người Công Giáo nào, cho dẫu là Linh Mục, Phó Tế hay giáo dân trong cộng đoàn tín hữu của Chúa Kitô, cũng đều có quyền (ngang nhau) bày tỏ sự than phiền hay quan ngại về những lạm dụng hiện có trong Phụng Vụ đến cho vị Giám Mục địa phận, hay Tòa Thánh - vốn là đại diện của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, nếu có thể, thì sự than phiền hay báo cáo về sự lạm dụng đó nên lễ độ gởi tới cho vị có những hành vi lạm dụng đó trước đã, rồi sau đó mới đến vị Giám Mục địa phận, và bước cuối cùng chính là Tòa Thánh. Hành động này nên được thực hiện trong tinh thần bác ái và huynh đệ của những người con trong một đại gia đình có cùng Một Cha ở trên trời (xem thêm Đoạn 184 của Redemptionis Sacramentum; Mục Số 528-2 có trong CIC; và Inaestimabile Donum).

[Người viết sẽ có bài chỉ dẫn chi tiết cách viết và trình bày những lạm dụng đó trong phạm vị của bài viết sau - NV]

67. Nếu liên lạc với Tòa Thánh thì phải liên lạc ở địa chỉ nào?

Thưa, việc này phải là giải pháp sau cùng hết, sau khi đã kiên nhẫn đợi chờ và cầu nguyện, để cho những lạm dụng không còn được tiếp diễn hay tái phạm nữa. Hãy liên lạc về địa chỉ sau:

Cardinal Francis Arinzé

Prefect

Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments

Piazza Pio XII, 10

Vatican City (Europe) 00120


68. Nói về việc lạm dụng hiện có trong Phụng Vụ Thánh, thế có mấy mức độ về sự lạm dụng này?

Thưa, có hai mức độ lạm dụng đó là: Invalid (tức không có hiệu lực, hay vô hiệu); và Illicit(tức không có hợp pháp, hay trái phép).

Hình thức lạm dụng trầm trọng nhất, vốn khiến cho Thánh Lễ trở nên "invalid," có nghĩa là việc Thánh Hóa của Mình và Máu Thánh Chúa trong Phép Thánh Thể không được diễn ra.

Nếu người giáo dân nào tham dự một Thánh Lễ "vô hiệu," thì cũng giống như việc chẳng có đi tham dự Thánh Lễ nào cả là bởi vì Chúa Giêsu thật sự không có hiện diện về mặt thể lý lẫn tâm linh qua phép lạ của việc hóa thể hay thánh hóa (transubstantiation) (xem thêm văn kiện có liên quan đến Mầu Nhiệm của Đức Tin - Mysterium Fidei - mà người viết đã đề cập đến trong bài viết vào các tuần trước).

Nếu đây là Thánh Lễ Chủ Nhật, thì cả vị Chủ Tế lẫn giáo dân đều không chu toàn bổn phận phải đi tham dự Thánh Lễ ngày Chủ Nhật của mình, và việc bỏ lễ ngày Chủ Nhật (không có lý do chính đáng theo đúng với luật lệ hiện hành của Giáo Hội) là phạm Tội Trọng (xem tiếp trong Câu 71).

Một hình thức lạm dụng khác nhẹ hơn được gọi là "illicit." Những kiểu lạm dụng này có tính chất kém trầm trọng hơn và không gây ra sự ảnh hưởng nào đến việc hóa thể. Những kiểu lạm dụng này khiến cho người giáo dân lẫn vị Chủ Tế khó có thể trở nên thánh và làm mất đi sự tôn kính vốn rất cần có trong Thánh Lễ Nhiệm Mầu. Một Thánh Lễ "trái phép" vẫn là một Thánh Lễ đúng, chứ không phải là "vô hiệu" như trường hợp kể trên.

Và hẳn nhiên, ơn ích nhận được cũng không là bao so với một Thánh Lễ được hoàn toàn cử hành hết sức đúng đắn và nghiêm ngặt theo từng nghi thức một có trong luật chữ đỏ (rubrics) và các Sách về Phụng Vụ Thánh - nghĩa là không có sự chèn vào, thêm bớt hay cắt xén nào cả của bất kỳ sự lạm dụng nào đi chăng nữa như là trong Thánh Lễ Truyền Thống được cử hành bằng tiếng La Tinh chẳng hạn. Thì Thánh Lễ như vậy mới mang về được nhiều ơn ích cho cả cộng đoàn lẫn giáo xứ, và từng người tín hữu một, kể cả vị Chủ Tế để tất cả mọi vấn nạn của trần tục - từ đó mới có thể được hóa giải hết.

Sự lạm dụng, dưới bất kỳ hình thức nào đi chăng nữa, cũng đều có thể gây ra những vụ xì-căng-đan, có nghĩa là những kiểu thực hành tùy tiện như vậy chính là những cản ngăn về đức tin của người tín hữu, hay nói cách khác, nó làm xói mòn và hư hại đi đức tin yếu ớt và mỏng dòn của người tín hữu, khiến cho đức tin của người tín hữu bị suy yếu và mai một dần đi qua dòng thời gian, nhất là trước những cám dỗ và lo lắng của thực tại đời sống lam lũ.

Như chính Chúa Giêsu trong bài giảng về Giáo Hội đã nói như thế này:

"Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã" (Máthêu 18:6-9).

Và trong văn kiện Inaestimabile Donum nó rất rõ như sau:

"Việc dùng đến các bản văn không chính thức có nghĩa là đưa đến một sự mất mát (thiệt hại) của sự kết nối cần thiết giữa the lex orandithe lex credendi" [tức giữa việc người tín hữu tin (xác tín) khi họ cầu nguyện - NV]

69. Đối với những lạm dụng trầm trọng nhất, vốn vô hiệu hóa Thánh Lễ hay làm cho Thánh Lễ trở nên vô hiệu, thì có mấy điều kiện thuộc vào loại lạm dụng trầm trọng nhất này?

Thưa, chúng ta phải cần hiểu rõ hơn về đâu là điều đã làm cho Thánh Lễ trở nên vô hiệu.

Giáo Hội định nghĩa rất rõ ràng và cụ thể về đâu là điều phải và đâu là điều không phải xảy ra để việc hóa thể được thành hiện thực. Có 4 điều kiện đòi hỏi cho việc Thánh Hóa Bánh và Rượu được trở nên hiệu lực hay được thực sự xảy ra, và 4 điều kiện này chính là tín điều (tức là điều Giáo Hội buộc chúng ta phải tin hay nói cách khác đây chính là đức tin được tông truyền xuống cho chúng ta - NV). Do đó, nếu bất kỳ ai chối từ những điều kiện này tức là họ thuộc về lạc giáo.

Điều Kiện 1: Chỉ Có Linh Mục vốn phải là Nam Giới Được Chịu Chức Đúng Đắn

Mới có thể thực hiện việc Thánh Hóa Bánh và Rượu để trở thành Mình và Máu Thánh Chúa mà thôi (tức làm cho bánh và rượu được hóa thể). Điều này được đề cập rất rõ trong các Mục 530, 834-1, 900-1 của CIC; Mục Số 28 trong Lumen Gentium; và Mục Số 4 trong Liturgicae Instaurationes mà thôi).

Có nghĩa là bất kỳ vị Phó Tế nào (kể cả Phó Tế Vĩnh Viễn) hay người giáo dân nào, lẫn bất kỳ người phụ nữ nào cho dẫu là nữ tu hay không, cũng không được phép thực hiện việc Thánh Hóa này.

Thêm vào đó, theo Notitiae (17 [1981] 186) thì vị Linh Mục chủ tế không được phép mời cả cộng đoàn cùng đứng chung quanh bàn thờ và cùng nắm tay nhau trong khi thực hiện việc Thánh Hóa Bánh và Rượu được.

Điều Kiện 2: Ý Định của vị Linh Mục

Vị Linh Mục phải có ý định hay chủ ý thực hiện những gì mà Giáo Hội ràng buộc và quy định, nghĩa là có chủ ý hay có ý làm cho Chúa Giêsu được thật sự hiện diện qua phép lạ của việc hóa thể ngay lúc đọc các lời nguyện Thánh Hóa. Công Đồng Trent - một công đồng vốn phổ biến toàn là các tín điều, đã đáp trả lại những kiểu lạc giáo của Tin Lành, vốn từ chối ý định, ý hướng hay chủ ý của vị Linh Mục chủ tế. Chính Thánh Thomas Aquinas cũng đề cập đến điều kiện nay trong Summa Theologica (Phần 3, Câu Hỏi Số 64, với Các Mục 8-10).

Điều Kiện 3: Chất Liệu của Bánh và Rượu

Đôi với quy định trong Nghi Lễ La Tinh ở Phương Tây, thì Bánh phải được làm bằng lúa mì không men, và Rượu phải là rượu nho (như đã được quy định rất rõ trong Mục 924-1, và 926 của CIC; và các Đoạn 282-285 có trong GIRM).

Do đó, những loại bánh như: bánh ngọt, cookies, vân vân.. . đều khiến cho việc hóa thể không thể nào có thể trở thành hiện thực được. Thánh Thomas Aquinas đã đề cập đến điều kiện nay trong Summa Theologica (Phần 3, Câu Hỏi Số 74, với Các Mục 1-8).

Có những trường hợp đặc biệt rất hiếm hoi nghĩa là vị Giám Mục địa phận cho phép những vị Linh Mục nào đó vốn bị dị ứng hay có vấn đề khi uống Rượu, thì vị đó được phép dùng đến loại bánh ít chất hóa học (low-gluten altar breads) hay rượu mustem (tức một dạng của nước trái nho nhưng không có lên men - NV).

Sẽ phạm Tội Trọng nếu như vị Linh Mục nào đó cử hành Thánh Lễ khi biết rõ chất liệu của Bánh và Rượu không đúng với những gì mà Giáo Hội quy định.

Điều Kiện 4: Hình Thức Đọc Lời Nguyện Thánh Hóa

Khi thực hiện việc Thánh Hóa, vị Linh Mục chủ tế phải đọc rõ ràng và đúng đắn từng câu chữ một, được quy định bởi các luật chữ đỏ hay các luật có trong các Sách Phụng Vụ Thánh, để thực sự cho thấy rằng vị Linh Mục đang thực hiện việc Thánh Hóa trong chính Con Người và Bản Tính của Chúa Kitô Thật Sự

"Hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Ta".. .... "Hãy cầm lấy mà uống, đây là chén Máu Ta. Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta."

Thánh Ambrose giải thích việc đọc ra những lời nguyện này rất kỹ càng trong Summa Theologica (Phần 3, Câu Hỏi Số 78, với Các Mục 1-6).

Việc vị Linh Mục chủ tế thay đổi các từ ngữ, hay tự động gộp chung lại những phần hiện có trong Lời Cầu Nguyện Thánh Thể, chính là Tội Trọng, và trái phép. xét về chính bản thân của vị Linh Mục chủ tế, mặc dầu hành động đó không làm vô hiệu hóa việc hóa thể miễn là câu "Đây là Mình Ta, ..." và "Đây là Máu Ta,.. ." được đọc ra.

70. Thế còn đối với những lạm dụng trái phép thì sao?

Thưa, những lạm dụng theo kiểu này chính là những lạm dụng làm cho mơ hồ, khó hiểu, lạ kỳ, hay rối loạn đức tin. Dạng này rất phổ biến tại hầu hết các giáo phận trên khắp cả thế giới.

Vào Thứ Tư - Ngày 13 Tháng 8, người viết đã giới thiệu về loại lạm dụng này rồi qua bài viết có nhan đề "Những Lạm Dụng phổ biến nhất vẫn thường thấy trong Phụng Vụ" tại địa chỉ: http://vietcatholic.net/News/Html/57383.htm.

Xin lưu ý: đối với những kiểu lạm dụng phổ biến nhất, mặc dầu chúng không làm cho Thánh Lễ trở nên vô hiệu như đã đề cập ở trên, thế nhưng xét về bản thân của vị Linh Mục chủ tế - người thực hiện những vi phạm, thì vị ấy phạm Tội Trọng, vì đã xúc phạm đến Phụng Vụ Thánh.

Nói một cách tóm tắt, những lạm dụng phổ biến nhất chính là: việc tự động thay đổi các bản văn đã được quy định của Thánh Lễ (như Mục 22 của Sacrosanctum Concilium; Mục 928 của CIC; và Mục 5 của Inaestimabile Donum); việc thay thế hay bỏ bài giảng trong Thánh Lễ ngày Chủ Nhật và các Ngày Lễ Buộc (như Mục 52 của Sacrosanctum Concilium; Mục 13 của GIRM; và Mục 767 từ 1-3 của CIC); việc cấm người giáo dân lãnh nhận Mình Thánh Chúa trên lưỡi bằng cách quỳ xuống (như Mục 912 của CIC; và Mục 11 của Inaestimabile Donum); vân vân.. ..

71. Hiểu như thế nào cho đúng về việc chu toàn bổn phận tham dự Thánh Lễ vào ngày Chủ Nhật?

Thưa, việc tham dự Thánh Lễ vào ngày Chủ Nhật là bổn phận của từng người tín hữu, và việc tham dự này chỉ được chu toàn nếu như Thánh Lễ được cử hành có "hiệu lực" (valid), mặc dầu có những lạm dụng "trái phép" (illicit), vốn tỏ ra sự bất kính đối với Thánh Lễ (xem thêm Mục Số 1247 và 1248 từ 1-2 của CIC).

Nếu như Quý Vị không biết chắc là liệu Thánh Lễ Chủ Nhật tại giáo xứ của mình có hiệu lực hay không, thì trước tiên phải đọc trọn các bài viết về chủ đề này để biết đến những lạm dụng hay sai phạm hiện có trong Phụng Vụ Thánh, kế đến là tham dự Thánh Lễ khác, hoặc tham dự Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống.

72. Thế nào là Phụng Vụ Thuần Túy hay Phụng Vụ Đúng Nghĩa Nhất?

Thưa, Phụng Vụ Thuần Túy hay Phụng Vụ Đúng Nghĩa Nhất chính là Phụng Vụ không hề có sự lạm dụng nào cả, hoàn toàn thuần túy về mặt Đức Tin Truyền Thống của Giáo Hội, là Phụng Vụ xoay quanh về các Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, Đấng đã chịu chết và sống lại, là cách mà vị Linh Mục chủ tế cử hành Thánh Lễ theo đúng với các chuẩn tắc được nêu ra trong các luật về chữ đỏ cũng như các quy luật đã được quy định sẳn trong các Sách về Phụng Vụ Thánh, và đó cũng chính là điều mà Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 luôn nhắc nhở tất cả các vị Giáo Sĩ của Giáo Hội, để ý nghĩa cao cả nhất của Thánh Lễ chính là Sự Hy Tế Thánh của Chúa Kitô luôn được diễn ra hằng ngày cho cả cộng đoàn xứ đạo.

T.B. Bài viết tuần tới sẽ có nhan đề "Những Lạm Dụng Hiện Có Trong Phụng Vụ Nơi Các Dòng Tu," kính mời Quý Vị nhớ dõi theo!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hồn Nhiên
Dominic Đức Nguyễn
00:11 27/08/2008

HỒN NHIÊN



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Hồn nhiên em bé của tôi ơi!

Ngây thơ trong trắng với cuộc đời

Em cười, em hát vui vui quá

Thế giới này đây của em tôi.

(Trích thơ của Phạm Kỉnh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền