Ngày 24-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 21 Mùa Thường Niên 25/8/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic
00:11 24/08/2019
Bài Ðọc I: Is 66, 18-21

"Chúng dẫn tất cả anh em các ngươi từ mọi dân tộc đến".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán: "Ta đã biết các việc làm và tư tưởng của chúng; Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ: chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta. Ta sẽ đặt nơi chúng một dấu lạ, Ta sẽ sai một số trong những người được giải thoát đến các dân ngoài biển, bên Phi châu và Lyđia, là những dân thiện xạ, đến Ý-đại-lợi và Hy-lạp, đến những hòn đảo xa xăm, đến với những kẻ chưa nghe nói về Ta, và chưa thấy vinh quang của Ta. Chúng sẽ rao giảng cho các dân biết vinh quang của Ta, sẽ dẫn tất cả anh em các ngươi từ mọi dân tộc đến như của lễ dâng cho Chúa, họ cỡi ngựa, đi xe, đi võng, cỡi la, cỡi lạc đà, đến núi thánh của Ta là Giêrusalem, khác nào con cái Israel mang của lễ trong chén tinh sạch vào nhà Chúa, Chúa phán như thế. Trong những dân đó, Ta sẽ chọn các tư tế, các thầy Lêvi: Chúa phán như vậy". Vì chưng lời Chúa rằng: Cũng như Ta tạo thành trời mới, đất mới đứng vững trước mặt Ta thế nào, thì dòng dõi ngươi và danh tánh các ngươi sẽ vững bền như vậy".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2

Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).

Xướng: Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người. - Ðáp.

Xướng: Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 12, 5-7, 11-13

"Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, anh em đã quên lời yên ủi tôi nói với anh em, như nói với những người con rằng: "Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con". Trong khi được sửa dạy, anh em hãy bền chí. Thiên Chúa xử sự với anh em như con cái: vì có người con nào mà cha không sửa phạt. Ngày nay, hẳn ai cũng coi việc sửa dạy là nỗi buồn khổ, hơn là nguồn vui, nhưng sau này, nó sẽ mang lại hoa quả bình an công chính cho những ai được sửa dạy. Vì thế, anh em hãy nâng đỡ những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời. Ðường anh em đi, anh em hãy bạt cho thẳng, để người què khỏi bị trẹo chân, nhưng được an lành.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 22-30

"Người ta sẽ từ đông chí tây đến dự tiệc trong nước Chúa".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi'. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu tới'. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi'. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết".

Ðó là lời Chúa.
 
Cửa hẹp : Cửa hy sinh từ bỏ mình
Lm Nguyễn Xuân Trường
04:15 24/08/2019
Con người nhờ tôn giáo để mong đạt được điều khắc khoải sâu xa nhất của lòng mình đó là mong được cứu độ. Phúc Âm tuần này Chúa Giêsu không nói đến số lượng ít hay nhiều người được cứu độ, nhưng Chúa nêu lên cách thức để được vào Nước Trời, đó là: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”. Như thế, vào Nước Trời không phải là chuyện dễ như chơi, mà cần nhiều cố gắng để vươn tới.

Trước hết, cửa hẹp ở đây là những kỉ luật, những khuôn khổ nơi các Điều Răn và các Mối Phúc mà Chúa bảo chúng ta phải tuân giữ như Lời Chúa trong bài đọc 2: “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.” Chúa yêu thương dạy dỗ kiểu này giống các cụ Việt Nam nhà mình ghê. Thực tế trong đời sống cũng cho thấy con người phải vượt qua những cửa hẹp của rèn luyện phấn đấu, phải hy sinh nhiều mồ hôi công sức mới dẫn tới vinh quang thành đạt. Người Mỹ đã bảo: “No pain, no gain” – Không có gian lao, không sao thắng lợi.

Hơn nữa, chính Chúa Giêsu là “Cửa hẹp” để ta bước vào Nước Trời. Cửa Giêsu vừa thấp vừa nhỏ. Cửa Giêsu thấp vì Ngài đích thực là Thiên Chúa nơi trời cao mà đã khiêm nhường hạ mình làm người nơi đất thấp ở giữa chúng ta. Ngài là Thầy, là Chúa mà đã khiêm nhường cúi xuống phục vụ nhân loại. Cửa Giêsu nhỏ vì Ngài là Chúa cả trời đất vũ trụ mà đã trở nên một trẻ thơ bé nhỏ. Cả đời Ngài sống với, sống cho và sống vì những con người bé nhỏ bị xã hội gạt ra ngoài lề.

Muốn đi máy bay lên bầu trời xanh chúng ta đã phải qua cửa hẹp an ninh, phải bỏ lại những hành lý lỉnh kỉnh, cồng kềnh. Cũng thế, muốn vào Nước Trời tuyệt vời hạnh phúc, chúng ta cũng phải qua cửa hẹp, phải dẹp bỏ cái tôi cồng kềnh, phải sống tinh thần siêu thoát nhẹ nhàng thì mới vào được. Amen.
 
CN 21C : Cửa hẹp là gì ? và Cửa hẹp không là gì ?
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
10:02 24/08/2019
CN 21C : Cửa hẹp là gì ? và Cửa hẹp không là gì ?

Có một cảnh tương phản ngồ ngộ xảy ra cách đây hơn 30 năm, trong thời kỳ còn bao cấp, là thời kỳ hạn chế du nhập văn hoá từ các nước “tư bản”. Lúc đó người ta cho chiếu bộ phim tình cảm Liên Xô với tựa đề “Cánh cửa mở rộng”. Mua được một chiếc vé đã là gây cấn rồi : nào là chờ chực, xếp hàng, nào là chen lấn, đẩy xô… Nhưng khi có vé rồi mà vào cửa thì cũng không dễ gì ! Tựa phim là “Cánh cửa mở rộng”, nhưng cánh cửa sắt của rạp không chịu mở rộng, mà chỉ hé mở một chút vừa đủ cho một người đi nghiêng qua để kiểm soát vé cho dễ. Quả là một cảnh tượng tương phản thú vị : chen nhau đi vào cửa hẹp để xem “Cánh cửa mở rộng !”

Cách đây nhiều năm lại có cảnh tương phản khác : cả ngàn học sinh chen chúc nhau để mua cho được một bộ đơn xin dự thi vào Đại Học Mở ở đường Võ Văn Tần, Saigon mà không được. Bộ hồ sơ dự thi đã hết. Báo chí đặt tựa đề cho cảnh này là : “Cánh cửa Đại Học Mở đã đóng”.

Vậy thì khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Nhà Cha có nhiều chỗ lắm, (chứa bao nhiêu cũng không chật), mà sao hôm nay trong bài Tin Mừng, Ngài lại nói : Hãy đi qua cửa hẹp mà vào. Phải chăng vì Nước Trời ít chỗ, cần hạn chế : Có một cái tương phản nào đó trong tư tưởng của Chúa chăng ? Chắc chắn ta phải tìm hiểu xem Chúa muốn nói gì qua hình ảnh “Cửa hẹp”. Cửa hẹp là gì ? Và Cửa hẹp không là cửa gì?

1. Cửa hẹp không phải là :

-Nơi bán vé : Trước khi đi vào rạp xem chiếu phim, trước khi vào sân vận động xem đá bóng, trước khi lên xe, người ta thường xếp hàng, thò tay vào một ô cửa hẹp để mua vé. Tùy sức chứa của rạp, của sân, của xe, mà người ta bán một số vé tương đương với sức chứa.

Sức chứa của Nước Trời thì vô tận, nên không cần phải có ô cửa hẹp để bán vé. Ta cũng không cần phải hỏi xem Nước Trời có bao nhiêu chỗ để liệu mà tìm cách mua vé vào, như đi xe ta thường hỏi xem xe bao nhiêu chỗ 4-12-15-20 chỗ…

Sở dĩ Chúa nhắc đến cửa hẹp là nhằm trả lời cho câu hỏi của một số người : “Thưa Thầy, phải chăng những người được cứu thì ít lắm phải không ? (những người vào Nước Trời thì ít ?)

Chúa không trả lời “phải, ít lắm” để rồi ta thất vọng khi nghĩ rằng chắc mình lọt sổ thôi. Chúa cũng không trả lời “nhiều lắm,” để rồi ta buông thả vì nghĩ rằng thế nào mình cũng thuộc số người được cứu.

Những người hỏi con số : số ghế số chỗ trong Nước Trời là những người không biết ất giáp gì về Nước Chúa, bởi lẽ Nước Trời đâu phải là quota, là hạn ngạch, định mức, là sức chứa, số ghế. Cứ đi vào cửa hẹp là đến Nước Trời. Nhưng cửa hẹp không phải là nơi bán vé vào Nước Trời, thì cửa hẹp cũng không phải là nơi soát vé.

-Nơi soát vé : Cũng có rất nhiều người trong chúng ta, hiện nay, vẫn nghĩ rằng mình đã nắm trong tay được vé vào Cửa Trời. Xin thưa ngay: Cửa trời không có lối đi hẹp để soát vé đâu. Những chiếc vé mà ta nghĩ rằng thánh Phêrô, kẻ giữ cửa sẽ hỏi, ta có trong tay, như : chứng chỉ Rửa tội, Thêm sức, có dấu đỏ, dấu nổi đàng hoàng… ; tờ Phép Lành Toà Thánh mà nhiều gia đình có với lời ghi chú xưa “là bảo đảm cho phần rỗi đời đời” ; Rước lễ 5 ngày thứ bảy đầu tháng với lời hứa của Đức Mẹ, 9 ngày thứ sáu đầu tháng với lời hứa của Thánh Tâm ; lại còn chuỗi Thương Xót hằng ngày… Đã ba lần bảy lượt lãnh được ơn toàn xá khi làm việc này việc nọ, khi hành hương chỗ này chỗ kia; những chiếc vé đó tốt, nhưng nên nhớ không có cửa hẹp để soát vé đó đâu, để rồi mình ỷ y như khi mua được vé xe lửa, vé xem phim, vé tàu bay là an tâm, đến giờ ta chìa vé ra để vào.

Cửa hẹp cũng chẳng phải là nơi ta chìa ra tờ lý lịch trong sạch ba đời, dòng dõi các thánh tử đạo vẻ vang… ; hay lá thư tay của những ô dù ông cha này, giám mục nọ ở trong dòng họ để rồi được cho qua. Vậy cửa hẹp mà Chúa Giêsu nói ở đây là gì ?

2. Cửa hẹp là gì ?

Xin được lấy lại cảnh tương phản về bộ phim “Cánh cửa mở rộng” nói trong mở đề để gọi Cửa hẹp mà Chúa Giêsu nói ở đây là “Cửa mở rộng.” Mở rộng tức là mở luôn luôn, mở cho mọi người. Cửa hẹp không phải là nơi để hạn chế : hạn chế thời gian (mở buổi sáng, đóng buổi chiều ; hạn chế con số (1 tỉ rưỡi thôi nhé !) ; hạn chế tầng lớp (người nghèo mới được vào)... Không phải ! Cửa hẹp là cửa mở rộng. Ai muốn vào cũng được. Vào giờ nào cũng được. Điều kiện duy nhất của nó là vì nó hẹp, nên muốn vào phải bỏ lại những hành trang cồng kềnh.

-Những hành trang cồng kềnh đó, là tội lỗi của chúng ta. Ta không bỏ lại ta không vào được cửa hẹp.

-Những hành trang cồng kềnh đó, là những thú vui trần gian. Ta không biết từ bỏ, ta không lách qua được cửa hẹp.

-Những hành trang cồng kềnh đó, là lòng tham danh lợi lộc. Ta không từ bỏ, ta không chui lọt qua khung cửa hẹp.

-Những hành trang cồng kềnh đó, là những mối thù nặng nhẹ với anh chị em trong nhà hay ngoài mái ấm gia đình. Ta không từ bỏ, khi đi qua cửa hẹp, sẽ bị vướng mắc, như chiếc áo rộng dính vào ốc này vít kia của cánh cửa hẹp, khiến ta không thể dễ dàng đi qua được trơn tru.

Có hai người lính trẻ đang nói chuyện với nhau về việc tin theo Chúa Kitô. Một người nói: “Tôi không thể nói hết cho anh biết, tin theo Chúa Kitô thì quí giá biết ngần nào.” Người kia đáp: “Tôi cũng nghĩ đến đó, nhưng tôi thấy tin theo Ngài thì phải từ bỏ nhiều quá. Quả thật tôi đang tính toán đây.” Một sĩ quan đi ngang, nghe vậy, đặt tay trên vai người lính trẻ vừa nói câu trên, mà rằng : “Anh ơi, anh tính giá của sự tin theo Chúa Kitô sao ? Thế anh có bao giờ tính giá phải trả khi không tin Chúa Giêsu không ?…

Thánh Phaolô đã tính giúp chúng ta trong Pl 3, 8-9 : “Tôi coi tất cả mọi sự là thua lỗ, bất lợi cả, trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu, Chúa tôi, vì Người tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.”

Theo Chúa vào Nước Trời là phải đi qua cửa hẹp. Cửa hẹp không phải là nơi bán vé, nơi soát vé, nhưng cửa hẹp là cửa luôn mở mọi lúc, mở với mọi người, miễn là ta biết từ bỏ hành trang cồng kềnh.

Trong lời hứa Rửa tội, Giáo Hội bắt chúng ta tuyên hứa từ bỏ trước khi tuyên xưng tin, thì chúng ta hãy từ bỏ những hành trang cồng kềnh… để ta tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Chúa chúng ta qua Kinh Tin Kính. Amen

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Từ Con Đường Hẹp Đến Đại Tiệc Nước Trời
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:07 24/08/2019
Chúa Nhật 21 Thường Niên C 2019

Ngày thứ sáu (22/8) vừa qua, có nhiều Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam long trọng cử hành đại lễ Khấn Dòng. Năm nay, 2019, Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam (26 Hội Dòng) cùng với các Hội Dòng Mến Thánh Giá hải ngoại như Dòng Mến Thánh Giá Los Angeles Hoa Kỳ, Campuchia, Lào và Thái Lan đã long trọng cử hành Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam (Bao gồm cả Đàng ngoài 1670 và Đàng Trong 1671).

Sở dĩ nhắc đến Dòng Mến Thánh Giá trong Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 21 hôm nay là vì “tên gọi” của Hội Dòng nầy – “MẾN THÁNH GIÁ”, và câu châm ngôn của họ - “Chúa Giêsu chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con” - có thể nói được là rất gần gũi với sứ điệp Tin Mừng hôm nay.

Thật vậy, Tin Mừng Luca hôm nay tường thuật cuộc hành hương tiến về Giêrusalem của Chúa Giêsu; và để trả lời cho một người chất vấn về việc “chỉ ít người được cứu độ”, Chúa Giêsu đã phát biểu : “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp…”.

Việc các nữ tu Mến Thánh Giá chọn “Chúa Giêsu chịu đóng đinh…” nào chẳng phải các chị đã chọn “con đường hẹp đó sao ?

Thế nhưng, khi đọc lại “thiên tình sử cứu độ”, hình như “câu chuyện CON ĐƯỜNG HẸP” lại là câu chuyện Thiên Chúa thích và ưa thực hiện.

- Con đường hẹp của cụ tổ Abraham, bỏ quê cha đất tổ, đi theo một tiếng gọi của “Đấng vô hình”, cúi đầu dẫn con một lên núi để dâng của lễ theo ý Đấng Toàn Năng…!

- Con đường hẹp của Mô-sê, lòng vòng với dân Ít-ra-en suốt 40 năm dài qua hoang mạc, để rồi ngẩn ngơ chôn thây ngoài hứa địa…!

- Con đường hẹp của các ngôn sứ như Ê-li-a, Giê-rê-mi-a, Gioan Tẩy Giả…, vì làm phát ngôn nhân cho Thiên Chúa, bênh vực đạo Trời…mà bị săn đuổi, bách hại, thiệt thân…

Vâng, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã diễn tả “Con Đường Hẹp” đó một cách ví von : “Thiên Chúa luôn viết thẳng trên một đường cong”.

Mà quả thật tới “phiên” Đức Kitô cũng thế !

- Sẵn sàng chọn đói khát rách nát đau thương trong khi có thể đễ dàng biến hòn đá kia thành bánh mì ngon ơ ngọt xớt !

- Sẵn sàng chọn tủi nhục thương đau, đọa đầy nhục mạ, trong khi có thể nắm gọn trong tay mọi vương quốc và quyền lực thế gian.

- Sẵn sàng vác lấy thập giá lê những bước nhọc mệt đắng cay lên đồi Canvê để chịu đóng đinh dập vùi tan nát, trong khi có thể mở tay thực hành muôn phép lạ cả thể uy quyền…

Và Ngài gọi đó chính là con đường “Phúc thật”, “Con đường hẹp”.

Xem ra con đường nầy chỉ thích hợp với những ai thuộc về Đức Kitô và chấp nhận chọn đi trên những lối “Phúc Thật” mà Ngài đã vạch ra cách đây 2000 năm !

Là người Kitô hữu, đã từng cam kết “từ bỏ những quyến rũ bất chính” và tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội, lẽ nào hôm nay lại chọn đi “con đường rộng”, là con đường chỉ thích “nhậu nhẹt ăn uống với Chúa”, chỉ thích “nghe Chúa giảng dạy ở công trường”…rồi quay lưng đi theo con đường cũ của cái tôi dục vọng của riêng mình.

Trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói chắc với những người như thế : “Ta không biết các ngươi từ đâu tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy xéo khỏi mặt ta…”.

Nói tới con đường hẹp hôm nay chợt nhớ “những nẻo đường rất hẹp” của thời bách hại mà cha ông ta đã trải qua, được cô đọng trong 2 câu của Bài Văn Tế dịp Mừng đại lễ 400 năm Loan báo Tin Mừng tại Nước Mặn - Qui Nhơn (1618-2018) :

Thời “Bách Hại” nghiệt ngã, máu đổ đầu rơi, quyết bền lòng đôi câu nghĩa hiếu.

Lúc “Phân Sáp” điêu linh, gông cùm trăng trói, đành vững dạ hai chữ tín trung…”

Riêng các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, con đường hẹp mà các chị đã chọn và đã đi còn ghi lại đầy những gương chứng nhân bi hùng trong đoạn đường dài 350 năm; trong đó, có những câu chuyện về “con đường hẹp” được kể lại như sau :

- Con đường hẹp của 40 nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Phú Hoà, Quảng Ngãi, bị sát hại thời Văn Thân năm 1885 :

“Phần lớn các nữ tu ở khoảng 40 tuổi đã bị tàn sát ngay dưới mắt cha Guégan Hoàng sau khi đã bị chúng lột sạch áo quần. Đó là do cái lòng lang dạ thú, hay đúng hơn, cái trò ma quỷ của bọn đi cắt cổ người”.

- Con đường hẹp của các nữ tu tại cô nhi viện Hoa Vông thuộc vùng truyền giáo “Nam Phú Yên”, cũng bị sát hại vào biến cố Văn Thân 1885 :

“Hồi còn là một thừa sai trẻ, năm 1888, tôi đã đến viếng đống tro tàn đổ nát của nhà dòng xinh xắn và cô nhi viện tuyệt đẹp tại Hoa Vông, hai cây cau còn nghiêng mình bên bờ giếng. Người ta bảo tôi : “Chính trên hai cây cau ấy mà chị bề trên cùng chị phụ tá đã bị treo cổ; và trong lòng giếng sâu nầy, các chị nữ tu khác đã bị xô đẩy xuống”.

Lời Chúa hôm nay gọi mời chúng tiếp tục chọn đi trên “những nẻo đường hẹp” như thế.

Thật ra, “con đường hẹp” của Tin Mừng nào đâu xa lạ !

- Con đường hẹp đó cũng là những hy sinh âm thầm của những người mẹ người cha sẵn sàng đón nhận vất vả nhọc mệt để nuôi dạy con cái trong đường ngay lẽ phải.

-Con đường hẹp đó là những an vui của những bệnh nhân biết chấp nhận bệnh hoạn tật nguyền trong tin yêu phó thác…

- Con đường hẹp đó là sự khoan dung, tha thứ đáp trả lại những người xúc phạm đến chúng ta.

- Con đường hẹp đó là sự can đảm giữ mình thanh sạch của những bạn trẻ để luôn xứng đáng đáp lại ơn gọi của Chúa dành cho hoặc trong thân phận lứa đôi hoặc trong đời thánh hiến.

- Con đường hẹp đó là sự trung thành phục vụ cộng đoàn của những “tông đồ giáo dân thầm lặng” qua các hội đoàn như chức việc, Legio, giáo lý viên, ca đoàn…

- Con đường hẹp đó là sự thuỷ chung, hiệp nhất và luôn tươi vui, đạo đức, Thánh lễ kinh nguyện hằng ngày… của các đôi vợ chồng trẻ, cho dù phải bon chen gánh nặng cơm áo gạo tiền…

Dĩ nhiên, đã là “đường hẹp” thì bao giờ cũng hứa hẹn cho khách bộ hành những lúc phải “bàn tay bủn rủn, những đầu gối rụng rời”. Nhưng đối với những người cảm nhận được tình yêu của Chúa, thì tất cả gian nan thử thách trên cõi đời nầy, chẳng qua, chỉ là “những sửa dạy, quở trách…” của người Cha đầy lòng thương xót, như cách cảm nhận của tác giả thư Do Thái trong Bài đọc 2 hôm nay :

“Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến, và đánh đòn kẻ Người chọn làm con…”.

Vâng, những “Con đường hẹp như thế đó” vẫn còn nối dài nối dài đến thiên thu bất tận để dẫn loài người đến Bàn Tiệc Nước Trời, một Bàn Tiệc mà đông vui mà sứ ngôn Isaia đã từng loan báo cách đây 2700 năm mà chúng ta vừa nghe công bố trong Bài đọc 1 :

“Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của ta..”

Như vậy, cho dù Bàn Tiệc nước Trời chưa kịp đến, thì bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay đang mở ra và sẵn sàng để mỗi người chúng ta cùng vào “chung vui đánh chén”. Nhưng hãy nhớ kỷ, đây không là cuộc “chung vui đánh chén” mang tính trần tục, bên ngoài, mà là một cử hành của Hy Tế và Tình yêu của Đấng chết và sống lại vì yêu.

Vì thế, hãy hết lòng sốt sắng và với con tim tràn đầy lửa mến, để xứng đáng “vào tiệc”.

Trương Đình Hiền.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các giám mục Châu Mỹ Latinh lên tiếng kêu gọi cứu lấy 'lá phổi của thế giới'
Trần Mạnh Trác
10:46 24/08/2019
Twitter
Bogotà (Agenzia Fides) - "Chúng tôi kêu gọi các chính phủ của khu vực Amazon, đặc biệt là Brazil và Bolivia, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế thực hiện những biện pháp nghiêm túc để cứu lấy thế giới.” Đó là lời kêu gọi tha thiết được ban điều hành của CELAM, là cơ quan điều phối các hội nghị của các giám mục Châu Mỹ Latinh (CELAM) gửi cho truyền thông cuả cơ quan truyền giáo Agenzia Fides.

“Những gì đang xảy ra ở Amazon không chỉ là vấn đề địa phương, nhưng có phạm vi toàn cầu. Nếu Amazon chịu thiệt hại, thì thế giới cũng phải thiệt hại theo, " bản tuyên bố viết tiếp.

Trong bản tuyên bố, CELAM nêu rõ: "Nhận thức rằng những đám cháy khủng khiếp đã tàn phá phần lớn hệ thực vật và động vật ở Alaska, Greenland, Siberia, Quần đảo Canary và đặc biệt là ở Amazon, các giám mục cuả Châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean rất quan tâm đến mức độ nghiêm trọng của thảm kịch này, vì nó không chỉ tác động cục bộ hay trong một khu vực, mà còn ảnh hưởng tới toàn cầu ".

"Amazon – bản tuyên bố tiếp tục - là một khu vực đa dạng về sinh học, đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo, là một tấm gương phản chiếu hình ảnh cuả nhân loại, mà trong mục đích bảo vệ sự sống, cần phải có một sự thay đổi về cấu trúc và cần tất cả mọi người cũng như các quốc gia và Giáo hội phải thay đổi nhận thức. Tình huống này vượt ra ngoài phạm vi của Giáo hội tại Amazon vì nó ảnh hưởng đến toàn thể Giáo hội và tương lai của cả hành tinh ".

Bản tuyên bố kết luận bằng những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (tháng 3 năm 2013), kêu gọi "tất cả những người có trách nhiệm trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, tất cả mọi người có thiện chí: chúng ta là những giám hộ cuả công trình sáng tạo, của những thiết kế của Thiên Chúa được khắc ghi trong thiên nhiên, chúng ta phải là những người bảo vệ môi trường, đừng cho phép những dấu hiệu hủy diệt và cái chết đi trên con đường của thế giới chúng ta ". (CE) (Fenzia Fides, 23/8/2019)
 
Nàng không thể bước đi và chàng không thể nhìn thấy, nhưng cùng với nhau họ có thể leo núi.
Giuse Thẩm Nguyễn
11:05 24/08/2019


Mục tiêu sắp tới của họ là leo lên một ngọn núi cao hơn 14,000 feet!

Melanie Knecht và Trevor Hahn là hai người bạn leo núi, cả hai cùng ở bang Colorado. Tuy nhiên, họ không phải là đội leo núi chuyên nghiệp.

Cô Knecht 29 tuổi, bị bệnh hở xương sống từ khi mới sinh; còn chàng Hahn 42 tuổi bị mù cách đây năm năm do chứng cườm mắt. Cô Knecht phải dùng xe lăn và rất khó khăn khi đi ra ngoài dù rằng cô đã cố gắng để khắc phục. Tuy vậy cô cũng đã từng đi đến Easter Island do một người bạn cõng trên lưng bằng một cái một túi đeo, được thiết kế giống như túi đeo mà các bậc cha mẹ vẫn dùng để mang em bé trên lưng. Đối với chàng, từ khi bị mù, Trevor vẫn tiếp tục leo núi nhưng phải nhờ vào những người bạn đồng hành chỉ đường cũng như tiếng kêu của một cái chuông.

Năm ngoái Knecht và Hahnment cùng tham dự buổi học thể dục để thích nghi và đã sớm trở thành đôi bạn. Niềm đam mê chung của họ về ngoại cảnh thiên nhiên và những hoạt động ngoài trời đã truyền cảm hứng để họ thành lập một cặp đôi và thực hiện những cuộc leo núi mạo hiểm với nhau. Melanie đã tâm sự với phóng viên Kathryn Miles trong một bài bào của tờ Outsite rằng “Đối với chúng tôi, cùng nhau cộng tác thế này thì cũng là lẽ thường thôi. Anh ấy là đôi chân, còn tôi là cặp mắt!”

Nhờ túi mang trên lưng được thiết kế đặc biệt mà việc “đi bộ” của Knecht có thể thực hiện bằng cách Hahn cõng cô ấy đi. Về phần mình thì Knecht lại là người chỉ đường tuyệt vời. Theo như bài báo trên tờ Outsite của Miles, cô ấy là một ca sĩ được huấn luyện chuyên nghiệp và là “ nữ hoàng với óc tưởng tượng phong phú”, do vậy mà cô là một niềm vui và hướng dẫn viên có khả năng, mô tả địa hình dưới đất và phong cảnh họ đi qua.

Knecht nói với Faith Bernstein của tờ Good Morning America rằng “Anh ấy là đôi chân, còn tôi là cặp mắt – Tuyệt vời! Cùng với nhau, chúng tôi là cặp đôi của niềm mơ.” Nó cho phép Hahn, không những niềm vui được ở trên đỉnh núi, và còn có cảm giác đạt được mục đích. Hahn nói với Bernstein rằng “phần tuyệt vời nhất là có thể làm cho cô ấy cười”. Knecht nói là cô yêu thích cảm giác tự do, tạm quên được chiếc xe lăn của mình.

Chia sẻ trách nhiệm

Họ thấy rằng sự hợp tác của họ dễ chịu hơn là phải lệ thuộc vào sự giúp đỡ của các bạn khác, bởi vì “cả hai chúng tôi đều có trách nhiệm, nếu một người ngã xuống thì người kia cũng ngã theo. Nó làm thay đổi toàn bộ ý chí từ cái cảm giác như là một gánh nặng, trở nên điều cần thiết để cho ngườ khác được trải nghiệm ngoài trời”, Hahn nói với trang mạngTrust for Public Land như vậy. Knecht nói chen vào “Thực tế là chúng ta mỗi người giúp nhau làm giảm bớp áp lực.”



Knecht nói rằng“Quả là tuyệt vời để chia sẻ câu chuyện của chúng tôi cho mọi người và tôi hy vọng nó sẽ khuyến khích người khác làm thử như chúng tôi đang làm hay cho bất cứ ai nghĩ đến việc vượt ra ngoài cái hoàn cảnh mà họ đang gặp phải. Nó chỉ cho bạn thấy rằng chúng tôi thực sự mạnh hơn khi cùng với nhau.” Knecht cho biết là cô và Han chia sẻ kinh nghiệm của họ trên Instagram và facebook và đã có nhiều cuộc phỏng vấn trên nhiều phương tiện truyển thông.

Tập chú vào những thành đạt.

Họ cũng nói với tờ Outside rằng họ không muốn được gọi là “người truyền cảm hứng.” Hahn nói rằng “Tôi luôn ghét cái kiểu như thế như khi tôi trượt tuyết và ai đó ở cầu thang la lên cho rằng tôi đang truyền cảm hứng. Đó là cảm giác bị coi thường. Bạn sẽ không bao giờ nói như thế với người leo núi có đôi mắt sáng. Knecht thổ lộ tâm tình là chỉ muốn tập chú vào “những thành đạt của cô ấy thôi”, chứ không muốn nhấn manh tới người” phụ nữ trên chiếc xe lăn”.

Có lẽ thay vì nói truyền cảm hứng, chúng ta có thể gọi họ là “thí dụ điển hình”. Tóm lại là mỗi người trong chúng ta có thể mạnh hơn ở phương diện này và yếu hơn ở những phương diện khác. Chẳng có người nào, đàn ông hay đàn bà sống mà không cần đến những người khác với mặt mạnh và mặt yếu bổ xung cho nhau. Knecht và Hahn cho chúng ta thấy rằng “cùng với nhau chúng ta mạnh mẽ hơn,” và đó là bài học không phải tại vì khuyết tật, mà vì liên quan tới điều kiện sống của con người.


Source: aleteia.org She can’t walk and he can’t see, but together, they climb mountains
 
Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên: Satan chỉ là một “thực tại biểu tượng”
Lệ Hằng, F.M.A.
17:11 24/08/2019
Nguyên bản tiếng Anh: "Jesuit superior general: Satan is a 'symbolic reality'" - "Tổng Quyền Dòng Tên: Satan chỉ là một thực tại biểu tượng". Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.

Hôm 21 tháng Tám, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên đã đưa ra nhận xét rằng ma quỷ chỉ là một biểu tượng, không phải là một hữu thể.

Cha Arturo Sosa, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên
Ma quỷ “tồn tại như một sự nhân cách hóa cái ác trong các cấu trúc khác nhau, nhưng không phải là các ngôi vị [persons], bởi vì không phải là ngôi vị là một cách để nó làm điều ác. Ma quỷ không phải là một ngôi vị như nhân vị. Đó là một cách xấu xa để hiện diện trong cuộc sống của con người,” Cha Arturo Sosa, SJ, cho biết như trên hôm thứ Tư trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Tempi của Ý.

“Thiện và ác giao chiến với nhau trong một cuộc chiến vĩnh viễn nơi lương tâm con người và chúng ta có cách để chỉ ra chúng. Chúng ta nhìn nhận Chúa là thiện, toàn thiện. Các biểu tượng là một phần của hiện thực, và ma quỷ tồn tại như một thực tại mang tính biểu tượng, không phải như một thực tại ngôi vị [personal reality]”, ngài nói thêm.

Nhận xét của Cha Sosa được đưa ra sau khi ngài tham gia vào một cuộc thảo luận của Công Giáo ở thành phố Rimini, Ý, được tổ chức bởi phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng.

Giáo lý Công Giáo dạy rằng “Satan thoạt đầu đó là một thiên thần tốt do Thiên Chúa tác tạo. Chắc chắn quỷ dữ và các thứ ma quỷ khác đều được Thiên Chúa sáng tạo với bản tính tốt lành, nhưng tự chúng đã trở nên xấu.. Việc sa ngã là do các thụ tạo thuần linh ấy đã tự do chọn lựa từ chối Thiên Chúa” (Sglcg 391)

Sách giáo lý, đoạn 330, còn nói thêm: các thiên thần là “các thụ tạo thuần linh,” “có trí năng và ý chí, là những thụ tạo có ngôi vị và bất tử”

[Như thế, khi tuyên bố “ma quỷ tồn tại như một thực tại mang tính biểu tượng, không phải như một thực tại ngôi vị”, Cha Sosa cho thấy một lập trường khác biệt triệt để với Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo - chú thích của người dịch]

Cha Sosa, 70 tuổi, được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên, năm 2016. Cha Sosa, một người Venezuela, có bằng triết học và là tiến sĩ khoa học chính trị. Ngài từng là Giám Tỉnh Dòng Tên ở Venezuela từ năm 1996 đến năm 2004, và năm 2014 đã bắt đầu đảm nhận một vai trò hành chính tại Trung ương Dòng Tên tại Rôma.

Cha Sosa đã từng đưa ra những bình luận gây tranh cãi về Satan. Năm 2017, ngài nói với tờ El Mundo rằng, “chúng ta đã chế tác ra những hình ảnh biểu tượng như Quỷ dữ để thể hiện sự xấu xa.”

Sau nhận xét gây tranh cãi của cha Sosa vào năm 2017, một phát ngôn viên của Cha Sosa đã nói với tờ Catholic Herald rằng, “giống như tất cả những người Công Giáo khác, Cha Sosa tuyên xưng và dạy bảo những gì Giáo hội tuyên xưng và dạy bảo. Ngài không giữ một tập hợp những niềm tin tách biệt với những gì có trong tín lý của Giáo Hội Công Giáo.”


Source:Catholic News Agency
 
Hiệp hội Trừ quỷ Quốc tế phản bác ý kiến của lãnh đạo dòng Tên: Ma quỷ là một thực thể không phải một biểu tượng
Lệ Hằng, F.M.A.
19:22 24/08/2019
Nguyên bản tiếng Anh: "Exorcists to Jesuit head: Satan is real" - "Các nhà trừ quỷ nói với người đứng đầu dòng Tên: Satan là có thật đấy". Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.

Hôm thứ Năm, một tổ chức quốc tế các nhà trừ quỷ Công Giáo cho biết rằng sự tồn tại của Satan như một thực thể cá vị là một chân lý của tín lý Kitô Giáo.

“Sự tồn tại thực sự của ma quỷ, với tư cách là một chủ thể cá vị biết suy nghĩ và hành động và đã đưa ra lựa chọn nổi loạn chống lại Thiên Chúa, là một chân lý đức tin và luôn là một phần của tín lý Kitô giáo,” Hiệp hội Trừ quỷ Quốc tế nói như trên trong một thông cáo báo chí đưa ra hôm 22 tháng Tám.

Tổ chức này đã đưa ra thông cáo trên để đáp lại những nhận xét gần đây về ma quỷ từ Cha Arturo Sosa, SJ, Bề Trên Tổng Quyền dòng Tên mà tổ chức này gọi là “một sai lầm nghiêm trọng và gây hoang mang”.

Các nhà trừ quỷ cho biết họ đã công bố thông báo này “để làm sáng tỏ tín lý”.

Cha Arturo Sosa, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên
Cha Sosa đã gây ra tranh cãi lớn trên các phương tiện truyền thông vào đầu tuần này khi ngài nói với tạp chí Tempi của Ý rằng “ma quỷ chỉ là một biểu tượng, không phải là một thực tại cá vị”.

Ma quỷ “tồn tại như một sự nhân cách hóa cái ác trong các cấu trúc khác nhau, nhưng không phải là các ngôi vị [persons], bởi vì không phải là ngôi vị là một cách để nó làm điều ác. Ma quỷ không phải là một ngôi vị như nhân vị. Đó là một cách xấu xa để hiện diện trong cuộc sống của con người,” Cha Arturo Sosa, SJ, nói.

Trích dẫn một lịch sử lâu dài các giáo huấn của Giáo hội về bản chất của Satan, bao gồm cả một số trích dẫn từ Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị tiền nhiệm gần đây của ngài, tổ chức trừ quỷ nói rằng người Công Giáo buộc phải xác tín rằng Satan là một thực thể cá vị, một thiên thần sa ngã.

“Giáo hội, được xây dựng trên Kinh Thánh và Tông Truyền chính thức dạy rằng ma quỷ là một loài thụ tạo và là một thực tại cá vị, và Giáo hội cảnh báo những người, như Cha Sosa, chỉ coi ma quỷ là một biểu tượng.”

Các nhận xét của Cha Sosa là “xa lạ với huấn quyền bình thường và trang trọng ngoại thường của Giáo hội”, các nhà trừ quỷ nói. [Đức Giáo Hoàng có thể thực hiện huấn quyền bất khả ngộ qua hai cách: Extraordinary Magisterium, Huấn Quyền Ngoại Thường, khi tuyên bố từ Ngai Tòa Thánh Phêrô các sắc lệnh sau một Công Đồng; Ordinary Magisterium, Huấn Quyền Bình Thường, qua các tông thư, tông huấn, tông hiến - chú thích của người dịch]

Hiệp hội trừ tà quốc tế là một “hiệp hội của các tín hữu” được chính thức chấp thuận bởi Bộ Giáo Sĩ của Vatican vào năm 2014. Trong số những người sáng lập hội này có nhà trừ quỷ nổi danh là Cha Gabrele Amorth, đã qua đời năm 2016.

Cha Sosa, 70 tuổi, được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên, năm 2016. Cha Sosa, một người Venezuela, có bằng triết học và là tiến sĩ khoa học chính trị. Ngài từng là Giám Tỉnh Dòng Tên ở Venezuela từ năm 1996 đến năm 2004, và năm 2014 đã bắt đầu đảm nhận một vai trò hành chính tại Trung ương Dòng Tên tại Rôma.

Cha Sosa đã từng đưa ra những bình luận gây tranh cãi về Satan. Năm 2017, ngài nói với tờ El Mundo rằng, “chúng ta đã chế tác ra những hình ảnh biểu tượng như Quỷ dữ để thể hiện sự xấu xa.”

Sau nhận xét gây tranh cãi của cha Sosa vào năm 2017, một phát ngôn viên của Cha Sosa đã nói với tờ Catholic Herald rằng, “giống như tất cả những người Công Giáo khác, Cha Sosa tuyên xưng và dạy bảo những gì Giáo hội tuyên xưng và dạy bảo. Ngài không giữ một tập hợp những niềm tin tách biệt với những gì có trong tín lý của Giáo Hội Công Giáo.”


Source:Catholic News Agency
 
Top Stories
The Assumption brought together more than 80,000 Catholics at the sanctuary of La Vang
Églises d'Asie
08:34 24/08/2019
Every year, the Feast of the Assumption attracts many pilgrims to the Marian Marian Shrine of La Vang, located in the central province of Quang Tri, in the archdiocese of Hue. On August 15, more than 80,000 pilgrims came to the shrine from all parts of the country to participate in the Marian festival. While La Vang is still attracting more followers, Bishop Joseph Nguyen Chi Linh, Archbishop of Hue, has hoped to see at least 200,000 pilgrims next year. The sanctuary, built in 1798 and destroyed in 1972 during the war, was rebuilt in 1998, two hundred years after the first appearances of the Virgin at La Vang.

Vietnamese Catholics still feel the joy of the August 15 celebrations, the Feast of the Assumption, which brought together more than 80,000 worshipers at the La Vang Shrine in the Archdiocese of Hue. Coming from all parts of the country, pilgrims came to celebrate the Assumption at the famous Vietnamese Marian Shrine, located in the central province of Quang Tri. The day before, a prayer vigil was held at the shrine, where several gospel choirs from across the country participated in the animation of the celebrations. For several years now, the number of pilgrims visiting the sanctuary has increased steadily, said Bishop Joseph Nguyen Chi Linh, Archbishop of Hue and President of the Conference of Bishops of Vietnam (CBCV), in his homily during the solemn Mass of August 15 in La Vang." Who am I ? " Written by Father Vinh Hanh. "Who walks with difficulty on the road of life? Who can not bear the weight of his suffering on his shoulders? Come back here to the sanctuary under the morning star, come back here to forget your difficulties. May those who have never received the warmth of the embrace of our Mother Mary and who endure alone and without reacting the days that pass, that they come here to receive his unconditional love and the abundance of his grace. May those who do not know where to go and find themselves homeless, come and take refuge here in the arms of Mary to welcome the joy and peace of Heaven. "The solemnity of the Assumption is the feast that attracts the most pilgrims to La Vang. But despite the influx of pilgrims this year, during his homily, Archbishop Linh spoke of the desire to see at least 200,000 pilgrims come to the shrine during the Marian festival next year. Bishop Joseph Nguyen Chi Linh also expressed his hope that the work will be completed in La Vang on the occasion of Hue's annual diocesan congress. Built in 1798 after the first appearances of the Virgin, the sanctuary was completely destroyed in 1972 during the Vietnamese civil war. Only the old steeple remains, restored as a historical symbol, to remind the faithful of the way in which the community has recovered despite the ruins, the sufferings and the difficulties. After 1975, the Vietnamese communist government continued to intimidate the Catholic community in an attempt to prevent worshipers from coming to the shrine. But in the end, the authorities failed in their attempt to outlaw faith in God. For their part, the Vietnamese remained very devoted to the Virgin and often pray the rosary. For them, the Mother of God represents maternal love for the poor, the afflicted and the weak. The veneration of Our Lady of La Vang not only attracts Catholics, but also Protestant and Buddhist pilgrims who come to pray to Mary for special graces. the Vietnamese have remained very devoted to the Virgin and often pray the rosary. For them, the Mother of God represents maternal love for the poor, the afflicted and the weak. The veneration of Our Lady of La Vang not only attracts Catholics, but also Protestant and Buddhist pilgrims who come to pray to Mary for special graces. the Vietnamese have remained very devoted to the Virgin and often pray the rosary. For them, the Mother of God represents maternal love for the poor, the afflicted and the weak. The veneration of Our Lady of La Vang not only attracts Catholics, but also Protestant and Buddhist pilgrims who come to pray to Mary for special graces.

(Églises d'Asie - le 24/08/2019. With Asianews, HCM City)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo khu Nữ Vương thuộc Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
06:23 24/08/2019
Melbourne, Thánh lễ chiều Thứ Bảy lúc 6 giờ Ngày 24/8/2019. Tại Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Thánh lễ đồng tế trọng thể mừng kính Đức Trinh Nữ Vương, là bổn mạng Giáo khu Nữ Vương một giáo khu lớn và kỳ cựu nhất của Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm.
Tượng Đức Trinh Nữ Vương

Xem hình

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân, Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm chủ tế. Linh mục Paul Nguyễn Công Trứ, Linh mục Trần Minh Hiếu và Thầy Phó tế Đinh Văn Bổn đồng tế. Ca đoàn Vô Nhiễm phụ trách thánh ca giúp cho buổi lễ thêm trang trọng và sốt sắng hơn.

Trước khi cử hành thánh lễ, linh mục chủ tế đã nói sơ qua về Giáo khu Nữ Vương, một giáo khu lớn và hình thành ngay từ lúc mới thành lập cộng đoàn, Giáo khu đã có công xây dựng, và đóng góp nhiều công sức trong việc phục vụ Chúa, phục vụ cộng đoàn và những sinh hoạt đoàn thể rất tích cực. Cha chủ tế cũng xin dâng lễ để cầu nguyện cho mọi người trong giáo khu được sống trong an bình hạnh phúc dưới bóng che chở của Đức Trinh Nữ Vương, và cũng cầu nguyện cho tất cả các linh hồn những người trong giáo khu đã qua đời, sớm được hưởng vinh phúc trên nước Thiên Đàng.

Trong phần chia sẻ lời Chúa qua bài Tin mừng Chúa Nhật 21 Thường niên Năm C. Lời Chúa nhắc chúng ta phải đi qua cửa hẹp để vào nước Thiên Chúa. Riêng Đức Trinh Nữ Maria. Cuộc đời Mẹ với rất nhiều gian lao khổ cực và thử thách. Mẹ Đã được Thiên Chúa thưởng cho Mẹ cả hồn lẫn xác đều được về Thiên đàng và được Chúa ban tặng vương miện và Mẹ đã được phong Nữ vương Thiên Đàng.

Mặc dù trong những ngày cuối Đông. Thời tiết chưa được ấm áp, nhưng vì lòng sốt mến, mọi người trong giáo khu với đủ mọi thành phần, nam, phụ lão, ấu đều về trung tâm để mừng lễ bổn mạng cùng cộng đoàn thật đông.

Ông Lê Hải, trưởng giáo khu, đã thay mặt giáo khu để cám ơn đến quý Cha, quý thầy, quý ban mục vụ, Ca đoàn Vô Nhiễm, cùng cộng đoàn đã về hiệp dâng thánh lễ tạ ơn cùng với giáo khu trong tình thân ái đoàn kết của cộng đoàn. Ông cũng mời mọi người cùng ở lại dự tiệc mừng cùng giáo khu trong ngày lễ bổn mạng.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, phó ban mục vụ đã thay mặt cho ban mục vụ cộng đoàn chúc mừng giáo khu nhân ngày bổn mạng. Và chúc ban chấp hành giáo khu được an bình, mạnh khỏe để luôn hăng say phục vụ Chúa dưới bóng Nữ Vương là bổn mạng của giáo khu.

Trong cái lạnh cuối Đông, mọi người quây quần bên nhau thưởng thức những món ăn nóng, tâm sự chuyện trò, hàn huyên trong tình cộng đoàn thật thắm thiết, đưa lại sự nồng ấm để xua tan cái lạnh ngoài trời mỗi lúc một lạnh hơn.
 
Văn Hóa
Monica - Hiền mẫu Gia đình
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
19:44 24/08/2019
Dù ở Châu Phi hàng ngàn năm trước

Người vẫn đầy chất Á Đông phụ nữ Việt Nam:

“Công, Dung, Ngôn, Hạnh” và “Tam tòng, Tứ đức”

Một người vợ, người mẹ đầy lòng tin

Bao la tình yêu không mỏi mệt

Luôn âm thầm hy sinh, kiên trì, chịu đựng

Trong nước mắt của nguyện cầu

Bảo vệ hạnh phúc gia đình qua tính nết hiền lành và đạo đức

Bi quyết đơn giản thôi nhưng rất nhiệm mầu.

Con biết về người qua “Tự Thú” của Augustine

Đạo đức, yêu thương tha nhân, chia sẻ với người nghèo

Lấy nguyện cầu làm hạnh phúc cho đời mình

Biến những phút giây ấy thành phút giây cứu độ

Cho chính mình và cho người khác tin theo

Luôn chứng tỏ người có Chúa ở cùng

Ở nơi người tín đức mãi giương cao

Liên lỉ nguyện cầu xin ơn cứu độ

Ròng rã suốt mười tám năm trời

Bao nhiêu giọt mặn, đắng tuôn rơi:

Cho người chồng khô khan nóng nẩy

Bà mẹ chồng ưa gắt gỏng nàng dâu

Và người con thông minh nhưng bướng bỉnh

Trở lại đường ngay tin kính Chúa Trời.

Chính những giọt nước mắt chân tình, đau khổ

Đầy tình yêu thấm đẫm những lời kinh

Chúa đã khứng nhận Đức Tin mãnh liệt

Cho mọi người trở lại Chúa cao quang

Và hơn thế - Augustine – vị đại thánh

Luôn nhiệt thành chống lạc giáo tà thần.

Việc Chúa làm thật vĩ đại dường bao!

Lạy Thánh Monica, xin người bầu cử

Cho các người vợ, người mẹ có đời sống thánh thiện,

Biết coi trọng việc giáo dục con cái mình

Bằng đời sống gương mẫu của bản thân

Hiền lành, yêu thương và nhẫn nhục

Để hướng dẫn gia đình trong tình thương Thiên Chúa.

Cầu xin Chúa cho các bà mẹ Công Giáo

Luôn có tấm lòng quảng đại, kiên nhẫn và yêu thương

Biết noi gương tinh thần đạo đức của thánh nhân

Biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa dạy

Qua giáo huấn Hội thánh Chúa Kitô.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trẻ Thơ
Sr. Huyền Trân
08:58 24/08/2019
TRẺ THƠ
Ảnh của Sr. Huyền Trân

Con nguyện hứa tôn thờ yêu Chúa
Bằng con đường riêng của trẻ thơ
Sao cao càng nhỏ và mờ
Thiên đàng lấp lánh đợi chờ trẻ thơ.
(Trích thơ của Lm. Hồng Phúc)
 
VietCatholic TV
Các tín hữu Ba Lan tấp nập đến trại tử thần Auschwitz cầu nguyện cùng Thánh Massimiliano Kolbe
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:18 24/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã quyết định thực hiện một chương trình mục vụ đặc biệt kỷ niệm cái chết và sự hy sinh anh dũng của Cha Thánh Massimiliano Maria Kolbe giữa bối cảnh Ba Lan đang trải qua một thời kỳ đặc biệt khó khăn với trào lưu đồng tính.

Trong suốt mấy tuần qua, bắt đầu từ giữa tháng Sáu, các cuộc diễn hành đồng tính nổ ra trên hầu hết các thành phố lớn của Ba Lan. Các nhà hoạt động đồng tính hô hào tự do tính dục, khoái lạc cá nhân. Họ diễn các vở kịch giễu cợt Phụng Vụ Công Giáo, công kích giáo lý Công Giáo, bỉ báng Đức Mẹ, nói những lời lộng ngôn, coi tôn giáo như một rào cản ngăn không cho con người được hưởng tự do.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh các vị trong Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đặt hoa trước trại tập trung Auschwitz I để kính nhớ Cha Thánh Massimiliano Maria Kolbe.

Trong chương trình này Kim Thúy sẽ giới thiệu với quý vị và anh chị em gương hiến mạng sống của mình cho tha nhân của Cha Thánh Massimiliano Maria Kolbe và Thụy Khanh sẽ trình bày với quý vị và anh chị em vài nét về trại tử thần Auschwitz.

Cha Thánh Massimiliano Maria Kolbe

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngày 1 tháng Chín năm 1939, Hitler xua quân tấn công vào Ba Lan. Hai ngày sau đó, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới lần thứ Hai bắt đầu.

Hitler đã cho dựng lên vô số những nhà tù trong những phần lãnh thổ do quân Đức chiếm đóng. Kinh hoàng nhất là trại tù Auschwitz ở Ba-Lan nơi 1.1 triệu người đã bị giết trong đó 90% là người Do Thái.

Một ngày cuối tháng 7 năm 1941, nơi khu 14 của trại Auschwitz, một tù nhân đã trốn khỏi trại. Theo luật của trại giam này, cứ một tù nhân vượt ngục thì 10 tù nhân khác trong cùng khu đó phải chết thay. 10 người này sẽ bị bắn bỏ hay bị đưa vào hầm và bị bỏ đói đến chết.

Thế là, 10 tù nhân trong khu 14 bị gọi tên “đền mạng”. Trong bầu khí im lặng hãi-hùng, một tiếng khóc thất vọng não nề vang lên:

- Chúa ơi, con không bao giờ còn được trông thấy mặt vợ và các con của con nữa!

Tiếng khóc não nùng ai oán đó làm bầu không khí vốn đã căng thẳng càng trở nên ghê rợn hơn.

Bổng nhiên, trong đám tù nhân khu 14, một tù nhân rời khỏi hàng ngũ, tiến về phía viên chỉ huy người Đức tên là Fritsch. Fritsch giơ cao họng súng vừa đe dọa vừa quát lớn:

- Đứng lại! Ông muốn gì?

Người tù đáp:

- Tôi là Linh Mục Công Giáo muốn chết thay tù nhân này!

Viên chỉ huy kinh ngạc hất hàm hỏi:

- Tại sao?

Tù nhân vừa giơ tay chỉ vào người đàn ông khóc lóc thảm thiết ban nãy vừa trả lời:

- Bởi vì tôi độc-thân, còn ông ta đã lập gia đình và có con cái!

Viên chỉ huy người Đức hỏi thêm:

- Ông là ai?

Tù nhân khoan thai trả lời:

- Tôi là Linh Mục Công Giáo!

Mọi người im lặng nín thở. Viên chỉ huy người Đức thật sự sững-sờ, lúng-túng. Ông tránh vội cái nhìn như bốc cháy ngọn lửa tình yêu của vị Linh Mục Công Giáo. Ông đáp cộc cốc:

- Được!

Vị Linh Mục Công Giáo đó chính là Cha Massimiliano Maria Kolbe, thuộc dòng Phanxicô Viện-Tu, người Ba Lan.

Cha được thụ phong linh mục năm 1918 và được nhiều người Ba Lan biết đến như là vị tông đồ nhiệt thành, hăng say truyền bá lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, Vô Nhiễm Nguyên Tội và Vẹn Tuyền Chí Thánh. Lúc sinh thời, có lần Cha Kolbe nói tiên tri:

- Sẽ có một ngày quý vị trông thấy bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm đứng giữa trung tâm thủ đô Mạc Tư Khoa, trên tường thành cao nhất của điện Cẩm-Linh.

Điều đó đã xảy ra, thưa quý vị và anh chị em.

Cha Kolbe cũng đã từng sang Nhật Bản trong 6 năm và thiết lập một nhà dòng, một tờ báo và một chủng viện tại Nagasaki.

Khi chiến tranh bùng nổ cha đã giúp hơn 2000 người Do Thái trốn tránh sự lùng bắt của người Đức. Vì thế, ngày 17 tháng Hai năm 1941, cha bị bắt và ngày 28 tháng Năm bị đưa vào trại Auschwitz.

Trong phòng biệt giam, cha cử hành thánh lễ cho các tù nhân khác, ban các phép bí tích cuối cùng cho họ, an ủi họ sẽ sớm được đoàn tụ với Mẹ Maria trên thiên đàng. Bất cứ khi nào lính canh kiểm tra cũng thấy cha Massimiliano Kolbe quỳ cầu nguyện. Ơn lạ của Đức Mẹ là sau hai tuần bị bỏ đói và không có nước uống, mọi người đều chết hết nhưng ngài vẫn còn sống.

Tối ngày 14 tháng 8 năm 1941, lính canh đã chích carbolic acid cho ngài chết và sáng hôm sau đã thiêu thi thể ngài đúng ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Năm đó ngài được 47 tuổi sau 23 năm linh mục.

Vài nét về trại tử thần Auschwitz

Auschwitz là một mạng lưới các trại tập trung và các trại tàn sát của Đức quốc xã trong thế chiến II. Nó bao gồm Auschwitz I, là trại đầu tiên được thành lập với mục đích là một trại tập trung; Auschwitz-Birkenau II, là trại vừa tập trung vừa tàn sát, Auschwitz III-Monowitz là trại lao động phục vụ chiến tranh, và 45 trại vệ tinh khác.

Auschwitz I đầu tiên được xây dựng để giam giữ các tù chính trị Ba Lan từ năm 1940. Tháng 9 năm 1941, Đức Quốc xã bắt đầu chính sách diệt chủng người Do Thái và Auschwitz-Birkenau II được thành lập để thực hiện “giải pháp chung cuộc của Đức Quốc xã đối với vấn nạn Do Thái”.

Từ đầu năm 1942 đến cuối năm 1944, xe lửa tấp nập vận chuyển người Do Thái tới các phòng hơi ngạt của trại Birkenau từ khắp nơi trên các lãnh thổ do Đức chiếm đóng tại châu Âu. Các tù nhân bị giết bằng thuốc trừ sâu Zyklon B. Ít nhất 1.1 triệu tù nhân chết tại trại tập trung Auschwitz, khoảng 90 phần trăm trong số họ là người Do Thái. Khoảng 1 phần 6 những người Do Thái thiệt mạng trong chính sách diệt chủng người Do Thái đã chết tại Auschwitz. Những người khác đã bị đưa đến Auschwitz bao gồm 150,000 người Ba Lan, 23,000 người Rumani, 15,000 tù binh chiến tranh Liên Xô, và hàng chục ngàn người với các quốc tịch khác nhau.

Những người không bị giết chết trong các phòng hơi ngạt thường chết vì đói, bị cưỡng bức lao động, bệnh truyền nhiễm, hành quyết, hay bị dùng làm thí nghiệm y khoa.

Trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ 2, có 7,000 thành viên của Schutzstaffel Đức, thường được gọi là quân đoàn tử thần SS, phụ trách công tác cai ngục và tàn sát các tù nhân. Cách nào đó chỉ có 12 phần trăm trong số những kẻ này bị kết án về các tội ác chiến tranh. Một số người, trong đó có chỉ huy trại là Rudolf Höss, bị xử tử. Nhưng đa số đều thoát tội và sống nhởn nhơ bên các nước Nam Mỹ.

Auschwitz là chứng tá của một ý chí có hệ thống nhằm tận diệt mạng sống con người, được diễn dịch thành những dẫy trại thẳng tắp, với hai hàng kẽm gai phân cách các mương hào do chính các tù nhân đào. Ngày nay, người ta còn thấy các khối xi măng của các lò thiêu, mà bọn Quốc Xã cho nổ tung trước khi bỏ chạy để dấu giếm tội ác của chúng. Mọi sự ở đây đều toát ra một sự khiếp đảm mà tâm trí ta khó có thể chấp nhận được, khó có thể hiểu nổi tại sao con người lại có thể làm điều ấy với đồng loại của mình.

Đứng trước nơi khiếp đảm này nhiều người tự hỏi: “Thiên Chúa đang ở nơi đâu?” Đó là câu hỏi đầu tiên mà Elie Wiesel, người lãnh giải Nobel về Hoà Bình, đã hỏi khi cho rằng: “trước khi Thiên Chúa hỏi tôi 'ngươi đang ở đâu', tôi phải hỏi Người 'Chúa ở nơi đâu khi người ta giết anh tôi, giết chị tôi, giết dân tộc tôi?'“

Chúng ta biết rằng Thiên Chúa tôn trọng tự do con người kể cả tự do chống lại Ngài. Và khi Con một Ngài phải gánh chịu một hình thức bạo lực tàn bạo là bị đóng đinh chân tay vào Thánh Giá, Thiên Chúa đã không can thiệp. Nhưng đối với nhiều người, những câu hỏi ấy vẫn là những câu hỏi không dễ dàng trả lời.

Còn đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trại tập trung Auschwitz này chính là trường dạy thánh thiện của ngài: chính tại đây, ngài tìm ra sự thật về con người, và quyết định xem chức linh mục của ngài như một lời đáp trả đối với những gì xẩy ra trong Thế Chiến II, những đau khổ lớn lao mà người khác phải trải nghiệm thay vì ngài.

Thực thế, chính trong cuộc chiến đó, Wojtyla đã quyết định trở thành linh mục và gia nhập chủng viện hầm trú do Đức Hồng Y Adam Sapieha tổ chức. Đối với ngài, là người mà từ niên thiếu đã có nhiều bạn hữu Do Thái, Auschwitz không phải chỉ là một thảm kịch trừu tượng nhưng nó tạo nên một phần đời ngài. Kinh nghiệm Auschwitz phát sinh nơi Đức Gioan Phaolô II một dấn thân mạnh bạo để tranh đấu cho phẩm giá và quyền lợi con người, cho việc tìm kiếm đối thoại giữa người Công Giáo và người Do Thái Giáo, cho cuộc gặp gỡ tại Assisi giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo để mọi người cùng hợp tác vào nền văn minh tình thương.

Năm 1965, lúc còn là một Tổng Giám Mục trẻ của Krakow, tức cũng là Tổng Giám Mục của Auschwitz, Đức Wojtyla đã tới đây cử hành Lễ Các Thánh. Trong bài giảng hôm đó, ngài nói rằng ta có thể nhìn chỗ này bằng con mắt đức tin. Dù Auschwitz là nơi cho ta thấy con người có thể trở nên độc ác đến mức nào, ta vẫn không thể để mình bị đánh qụy vì cái cảm tưởng khủng khiếp này, trái lại phải nhìn tới những dấu chỉ của đức tin, như thánh Maximilian Kolbe từng làm. Theo Đức Wojtyla, Auschwitz cũng làm chứng cho sự cao cả của con người, cho những gì con người có thể thực hiện được, đó là bước theo Thầy Chí Thánh để chinh phục sự chết nhân danh tình yêu, như Chúa Kitô từng làm.
 
New York Post - Những kẻ thù ghét Công Giáo hả hê kết án được một Hồng Y vô tội
Giáo Hội Năm Châu
17:18 24/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong ba Thẩm phán phiên phúc thẩm, Thẩm phán Weinberg, cựu Thẩm phán Tòa án Liên bang, một chuyên gia về các vụ án hình sự, cho rằng Đức Hồng Y Pell vô tội. Ông nhận xét như sau về vụ án này:

“Một đặc điểm khác thường của vụ án này là nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc chấp nhận lời khai của người khiếu nại, coi anh ta là một nhân chứng đáng tin cậy và xác thực, bất kể sự nghi ngờ hợp lý.”

Tuy nhiên, “Có những mâu thuẫn, bất nhất, và một số câu trả lời của anh ta đơn giản là vô nghĩa, và không thể loại trừ khả năng một số phần trong lời khai của người này là ‘bịa đặt’”.

“Tôi thấy khó khăn trước thực tế là tôi phải bảo lưu một ý kiến khác biệt với hai đồng nghiệp của mình, là những người mà tôi luôn rất tôn trọng”.

“Điều đó đã khiến tôi suy tư thậm chí còn cẩn thận hơn về kết quả đúng đắn của đơn kháng cáo này. Tuy nhiên, sau khi đã làm như vậy, tôi không thể, với lương tâm ngay lành của mình, có thể làm khác hơn là duy trì sự bất đồng quan điểm của tôi.”

Thẩm phán Weinberg khẳng định quyết liệt như thế cho nên việc hai thẩm phán còn lại khăng khăng buộc tội Đức Hồng Y dựa trên những lời cáo buộc vô bằng vô cớ của người khiếu nại tiếp tục gây ra các phản ứng ở khắp nơi trên thế giới.

Trong số ra ngày thứ Năm 22 tháng Tám, tờ New York Post, một tờ báo thế tục, không phải báo Công Giáo, có bài nhận định sau: “Catholic-haters have just convicted an innocent cardinal” – “Những kẻ thù ghét Công Giáo vừa kết án một Hồng Y vô tội”. Nguyên bản tiếng Anh có thể đọc ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ.


Với tỷ số 2-1, một tòa án phúc thẩm Úc trong tuần này đã bác bỏ đơn kháng cáo của Hồng Y George Pell về 5 tội danh lạm dụng tình dục trẻ em “trong quá khứ”. Đối với những người ủng hộ Hồng Y Pell, quyết định này khó có thể gây ngạc nhiên. Trước những gì đã diễn ra, một phán quyết công minh mới là lạ.

Các công tố viên cho rằng Hồng Y Pell đã gây ngạc nhiên cho hai ca viên trong dàn hợp xướng khi bất ngờ xuất hiện đúng lúc chúng đang nốc rượu lễ trong nhà thờ chính tòa Melbourne ngay sau một Thánh lễ Chúa Nhật năm 1996. Vị Hồng Y bị buộc tội đã bắt các chàng trai này thực hiện khẩu dâm trong khi ngài vẫn mặc đầy đủ phẩm phục của một vị tổng giám mục.

Các cáo buộc là hoàn toàn không thể tin được - vì một số lý do đã được các luật sư biện hộ trình bày rõ ràng tại các phiên tòa.

Trước hết là rượu lễ của nhà thờ được giữ trong một két an toàn; và Hồng Y Pell không thể rời khỏi cuộc rước sau Thánh lễ mà sự vắng mặt của ngài không ai hay biết; các nhân chứng tuyên thệ trước tòa là điều này không bao giờ xảy ra. Tương tự như vậy, các ca viên trong dàn hợp xướng không thể rời khỏi cuộc rước sau Thánh lễ mà không ai hay biết về sự vắng mặt của họ; các nhân chứng đã tuyên thệ trước tòa là điều này cũng chưa từng xảy ra bao giờ.

Thêm vào đó, phòng thánh của nhà thờ rất nhộn nhịp với các hoạt động. Như các nhân chứng xác nhận trước tòa, Hồng Y Pell không bao giờ đơn độc trong nhà thờ khi mặc áo lễ mà luôn có ít nhất một phụ tá đi cùng. Sự sắp xếp an ninh và bố trí của nhà thờ, và các vị trí tương ứng của vị Hồng Y và dàn hợp xướng, khiến cho việc lạm dụng không thể nào xảy ra như cáo buộc. Cũng không thể để lộ ra bộ phận sinh dục của một người trong khi mặc phẩm phục của một tổng giám mục.

Trước khi qua đời vào năm 2014, một trong hai chàng trai đã xác nhận rằng anh ta “chưa từng bị bất cứ ai quấy rối hay sờ mó”. Tất cả điều này đã khiến 10 trong số 12 bồi thẩm viên tại phiên tòa đầu tiên bỏ phiếu trắng án cho vị Hồng Y. Tuy nhiên, tại tòa tái thẩm, bồi thẩm đoàn đã bỏ qua sức nặng to lớn của các bằng chứng ngoại phạm và đã bỏ phiếu vào tháng 12 để kết tội ngài giữa bầu không khí cuồng loạn chống Công Giáo.

Như vị thẩm phán phúc thẩm bất đồng với hai người kia đã nhận xét, các cáo buộc hoàn toàn không bằng không cớ của người tố cáo duy nhất “chứa đựng những điểm thiếu nhất quán và những bất cập hiển nhiên”, và “thiếu giá trị để chứng minh”. Thiệt tình!

Một số linh mục và hàng giáo phẩm Công Giáo đã lạm dụng những thiếu niên và thanh niên trẻ, ở Úc và những nơi khác. Nhưng tội lỗi của một vài nhân vật gian ác mặc áo cổ côn La Mã không thể biện minh cho việc đưa một người vô tội ra làm dê tế thần – cũng không thể biện minh cho chiến dịch thông tin sai lệch và bôi nhọ ngài như ma quỷ được thực hiện bởi giới truyền thông cấp tiến và các luật gia của Úc.

“Giáo Hội Công Giáo hết thời rồi,” tờ The Independent tuyên bố ngay trước khi Hồng Y Pell bị tuyên án. Phóng viên Louise Milligan của ABC Australia đang sử dụng vụ án Hồng Y Pell để kêu gọi các nhà làm luật buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội trong các vụ lạm dụng trẻ em. Milligan là tác giả của cuốn “The Rise and Fall of George Pell” - “Sự thăng trầm của Hồng Y George Pell” một cuốn sách bán chạy nhất làm công việc búa rìu, kích động dư luận xã hội trước phiên tòa của Hồng Y Pell. Trong cuốn sách, Milligan nói công khai về về sự căm ghét của cô ta đối với lập trường Công Giáo bảo thủ của Hồng Y Pell.

Chiến dịch tuyên truyền đen lan nhanh từ sạp báo đến bàn xét xử của tòa án. Tại buổi tuyên án Hồng Y Pell năm nay, chánh phán phiên tòa bất ngờ thốt ra một cách thật lạ lùng về “sự kiêu ngạo” của Hồng Y Pell, là một chủ đề rất được ưa thích của giới truyền thông Úc. Trong nỗi ám ảnh này, người ta phát hiện sự phẫn nộ của giới tinh hoa, là những người đã thất bại trong nhiều năm để ngăn chặn sự vươn lên của Hồng Y Pell khi ngài phản đối ý thức hệ của họ.

Giới tinh hoa cấp tiến tại Úc đang mong muốn “sửa lại” văn hóa chính trị của quốc gia. Và họ cho rằng rất xấu hổ vì bất cứ điều gì họ coi là thụt lùi – Đạo Công Giáo chẳng hạn.

Họ rất nhiệt tình và khéo léo trong việc trừng phạt những người chống đối. Ủy ban Hoàng gia về Phản Ứng Của Các Định Chế đối với lạm dụng tình dục trẻ em, được bắt đầu vào năm 2013, chính thức mà nói không có một mục tiêu cụ thể nào hết. Trong thực tế, mục đích chính của nó chỉ là bắt bẻ Giáo Hội Công Giáo ở Úc và trên hết là một viên chức của Giáo Hội. Trước các chất vấn của các luật sư bào chữa, các quan chức cảnh sát đã buộc phải thừa nhận đã thực hiện một cuộc hành quân “get Pell” - “chộp cho được Pell”. Vì cảnh sát biết không có người tố cáo trong thời gian đầu, họ đã phải dùng đến việc đăng quảng cáo trên các tờ báo địa phương để tìm các nạn nhân.

Tại sao là Hồng Y Pell? Được trang bị một trí thông minh, tài năng quản lý và một cá tính mạnh mẽ, ngài đã trở nên nổi danh như cồn trong khi triệt hạ tất cả các ý kiến sai trái. Một tiếng nói bảo thủ trong các vấn đề chính trị cũng như thần học, ngài tranh luận về sự thay đổi khí hậu và phản đối hôn nhân đồng tính. Được tấn phong Hồng Y từ năm 2003, ngài đã trở thành người đứng đầu tài chính của Vatican và là thành viên trong hàng các Hồng Y thân cận nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Với việc truy tố thành công Hồng Y, giới truyền thông và chính trị cấp tiến cuối cùng đã chộp được người đàn ông mà họ ghét cay ghét đắng.


Source:New York Post
 
Vẫn còn một Thẩm Phán can đảm bênh vực Đức Hồng Y Pell giữa cơn cuồng loạn chống Công Giáo
Giáo Hội Năm Châu
17:26 24/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Vụ án Đức Hồng Y George Pell là một vụ án hết sức quái đản. Trong hội thẩm đoàn gồm ba người là Chánh án Anne Ferguson, Thẩm phán Chris Maxwell và Thẩm phán Mark Weinberg. Hai người đầu tiên tin rằng Đức Hồng Y George Pell có tội mặc dù chẳng có bất cứ một chứng cứ nào cả ngoài lời khai vô bằng vô chứng của người khiếu nại. Trong khi đó, Thẩm phán Mark Weinberg lại tuyệt đối tin rằng Đức Hồng Y George Pell vô tội. Với phán quyết này nền công lý Úc sẽ phải chịu một đòn tàn phá mất nhiều thời gian để phục hồi. Và những người suy nghĩ có tình có lý sẽ tự hỏi liệu có an toàn không khi kinh doanh hay đi du lịch ở một quốc gia nơi các phương tiện truyền thông gây sốt và những gã khổng lồ của chủ nghĩa thế tục có khả năng khuynh đảo tiến trình pháp lý, biến nó thành một bức hí họa chế giễu một nền dân chủ trưởng thành.

Tờ The Age, thường không có cảm tình với Công Giáo, thậm chí trong các phiên tòa trước cũng tấn công Đức Hồng Y Pell không kém phần ác liệt, giờ đây cũng nhận thấy bản án này thiếu thuyết phục.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây: Why Justice Mark Weinberg believed George Pell should go free. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Why Justice Mark Weinberg believed George Pell should go free

By Adam Cooper – The Age

Tại sao Thẩm phán Mark Weinberg tin rằng George Pell nên được trắng án


Một trong ba Thẩm phán Tòa phúc thẩm đã nghe kháng cáo của Hồng Y George Pell tin rằng có một “khả năng đáng kể” là vị Hồng Y không hề phạm vào tội lạm dụng tính dục mà ngài đang ngồi tù và lẽ ra ngài phải được trả tự do.

Thẩm phán Mark Weinberg nói rằng ông không cảm thấy thuyết phục trước các chứng cứ của nạn nhân và không thể loại trừ khả năng một số phần trong lời khai của người cựu ca viên trong dàn hợp xướng là “bịa đặt”.

Thẩm phán Weinberg, cựu Thẩm phán Tòa án Liên bang, là người đã chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án James Gargasoulas giết người trên đường Bourke của Melbourne, hồi năm ngoái, cho biết có cả một lô chứng cứ khiến ông “không thể chấp nhận” lời khai của người khiếu nại.

“Từ... lý chứng của người khiếu nại, có thể thấy rằng có nhiều yếu tố trong lời khai của anh ta có thể bị chỉ trích một cách hợp pháp. Có những mâu thuẫn, bất nhất, và một số câu trả lời của anh ta đơn giản là vô nghĩa”, Thẩm phán Weinberg đã viết như trên trong bản án được đưa ra vào hôm thứ Tư.

“Một đặc điểm khác thường của vụ án này là nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc chấp nhận lời khai của người khiếu nại, coi anh ta là một nhân chứng đáng tin cậy và xác thực, bất kể sự nghi ngờ hợp lý. Bồi thẩm đoàn đã được kêu gọi chấp nhận chứng cứ của anh ta mà không có bất kỳ sự hỗ trợ độc lập nào khác.”

Sau khi đánh giá các bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa xét xử Hồng Y Pell vào năm ngoái, Thẩm phán Weinberg nói rằng theo ông tòa án nên hủy bỏ năm bản án về tội phạm tình dục trẻ em gán cho Đức Hồng Y.

Nhưng Thẩm phán Weinberg chỉ là thiểu số. Hai đồng nghiệp của ông trong hội thẩm đoàn phúc thẩm - là Chánh án Anne Ferguson và Thẩm phán Chris Maxwell – cho rằng nạn nhân nói sự thật và đơn kháng cáo của Hồng Y Pell nên bị bác bỏ.

Phán quyết chiếm đa số 2-1 có nghĩa là Hồng Y Pell sẽ tiếp tục chấp hành án tù 6 năm vì tội tấn công tình dục hai ca viên trong dàn hợp xướng tại nhà thờ chính tòa St Patrick ở Đông Melbourne vào thập niên 1990, khi ngài còn là tổng giám mục Melbourne.

Người được cho là nạn nhân, hiện là một người cha ở độ tuổi 30, nói với bồi thẩm đoàn trong phiên tòa xét xử Hồng Y Pell rằng ngài đã tấn công anh ta và một ca viên khác trong nhà thờ St. Patrick vào cuối năm 1996, và cũng tấn công riêng anh ta trong một hành lang vào đầu năm sau.

Ca viên khác đã chết sau khi dùng heroin quá liều vào năm 2014, chưa bao giờ tiết lộ việc lạm dụng.

Thẩm phán Weinberg không cảm thấy thuyết phục bởi bằng chứng của nạn nhân còn sống sót, là người đã có lúc thừa nhận tại phiên tòa rằng anh ta không thể “nói dứt khoát năm nào” mà anh ta bị lạm dụng.

Thẩm phán Weinberg coi trọng lời khai của các quan chức Giáo Hội, những người tuyên bố Hồng Y Pell chưa bao giờ bị bỏ lại một mình tại Nhà thờ St Patrick và thường chào đón giáo dân ở lối ra vào khi vụ lạm dụng được cho là đã xảy ra.

“Tất cả những nhân chứng này đều quan trọng, nhưng có một số người mà lời chứng của họ rất quan yếu”, ông viết.

“Hoàn toàn có thể nói rằng lời chứng của họ, nếu được chấp nhận, chắc chắn sẽ dẫn đến sự tha bổng tức khắc.”

“Kết quả tương tự sẽ xảy ra, thậm chí khi kết luận duy nhất có thể được đưa ra là các bằng chứng của họ, liên quan đến các sự kiện được đề cập, là một lời khai 'có thể là hợp lý' về những gì đã xảy ra.”

Trong bản án dài 325 trang do Tòa phúc thẩm đưa ra, lý luận của Thẩm phán Weinberg chiếm tới 200 trang.

“Tôi thấy khó khăn trước thực tế là tôi phải bảo lưu một ý kiến khác biệt với hai đồng nghiệp của mình, là những người mà tôi luôn rất tôn trọng”, ông viết.

“Điều đó đã khiến tôi suy tư thậm chí còn cẩn thận hơn về kết quả đúng đắn của đơn kháng cáo này. Tuy nhiên, sau khi đã làm như vậy, tôi không thể, với lương tâm ngay lành của mình, có thể làm khác hơn là duy trì sự bất đồng quan điểm của tôi.”

Chánh án Tòa án phúc thẩm, Ferguson, trong bản tóm tắt phán quyết của Tòa phúc thẩm, cho biết Thẩm phán Weinberg nhận thấy rằng đôi khi nạn nhân có khuynh hướng thổi phồng các lý chứng của mình, và lời khai của anh ta có những điểm thiếu nhất quán và “những bất cập hiển nhiên”.

“Theo quan điểm của Thẩm phán Weinberg, có một khối lượng đáng kể và, trong một số trường hợp, là các bằng chứng đầy ấn tượng cho thấy rằng lời khai của người khiếu nại, theo nghĩa thực tế, là không thể chấp nhận được”.

“Theo suy nghĩ của ông ấy, có một khả năng rất lớn là vị Hồng Y không hề phạm tội.”

“Trong những trường hợp như thế, Thẩm phán Weinberg tuyên bố rằng theo quan điểm của ông, các bản án không thể đứng vững được.”

Nhưng Chánh án Ferguson và Thẩm phán Maxwell đã chấp nhận yêu cầu của công tố rằng nạn nhân còn sống sót là một nhân chứng thuyết phục, “rõ ràng không phải là kẻ dối trá”, “không phải là một kẻ giả tưởng” và là nhân chứng của sự thật.

“Trong suốt các bằng chứng của mình, người khiếu nại tỏ ra là một người đang nói sự thật”, bà Ferguson nói.


Source:The Age