Ngày 22-08-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bán bánh mì kèm theo lời an ủi khách hàng
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
00:27 22/08/2008
BÁN BÁNH MÌ KÈM THEO LỜI AN ỦI KHÁCH HÀNG

... Khách hàng bước vào tiệm bánh mì, trước tiên là để mua bánh. Thế nhưng, số đông khách hàng của tôi lại thường lợi dụng giây phút ngắn ngủi ấy để tìm kiếm chút an ủi, hoặc để chia sẻ một tin vui hoặc để bày tỏ một nỗi buồn.

Mỗi buổi sáng thức giấc, trước khi bắt đầu một ngày sống, tôi thân thưa với Chúa:

- Lạy CHA, xin cho con sức mạnh và can đảm để chu toàn công việc. Xin đặt Thánh Thần CHA trong trái tim con hầu giúp con nhìn thấy trong anh chị em con ai đang cảm thấy lạc lõng và buồn khổ, hầu con có thể nói lời an ủi, giúp họ trở ra với trái tim đổi khác.

Đối với người buôn thì làm sao bán được càng nhiều hàng càng tốt. Nhưng đối với tôi, trong tư cách tín hữu Công Giáo, tôi chú trọng lương tâm nghề nghiệp, không bao giờ lường gạt khách hàng. Tôi cố gắng bán cho khách hàng những ổ bánh mì nóng dòn, thơm ngon. Thêm vào đó, tôi luôn tỏ ra nhã nhặn, tươi vui và niềm nở đón tiếp những người bước vào tiệm bánh của tôi.

Khi trái tim và trí óc hòa hợp thì nó biểu lộ ra bên ngoài. Tôi thường giữ kín lo lắng riêng tư, bởi lẽ, không nên để cho khách hàng linh cảm những gì không ổn đang lẩn quẩn đâu đó! Tuy nhiên đôi lúc, khách hàng quen nhận ra ngay nỗi buồn dấu ẩn của tôi. Khi họ hỏi thăm, mặc dầu tôi trả lời lướt qua là mọi sự xuôi chảy, họ vẫn nhanh nhảu nói tiếp:

- Chiều nay tôi sẽ ghé thăm bà và chúng ta cùng nhau hàn huyên một chút.

Về phía khách hàng cũng thế. Đôi lúc việc đến mua một ổ bánh mì chỉ là cái cớ để chúng tôi có thể trao đổi vài tin tức, bày tỏ vài ưu tư đang đè nặng trên trái tim.

Những khách hàng mới dọn đến khu phố thường bắt đầu nói về thời tiết nắng mưa, rồi đến gia đình. Sau đó dần dần họ mới cởi mở tâm lòng, nói về sức khoẻ và những chuyện riêng tư trong đời sống hôn nhân.

Vấn đề công ăn việc làm và nhà cửa chiếm chỗ đứng quan trọng trong trao đổi trò chuyện của chúng tôi. Ngoài ra, tôi treo trong tiệm bánh mì một tấm bảng nhỏ để khách hàng có thể tự do dán lên đó những lời rao vặt như: thuê nhà, tìm việc làm, bán xe v.v.

Những mẩu rao vặt này được chiếu cố tận tình và được chuyền miệng rất nhanh trong khu phố! Đôi lúc có người bước vào tiệm bánh chỉ để liếc mắt đọc nhanh mấy cái mẩu rao vặt ấy!

Có những lúc tiệm bánh đầy người mua, xếp hàng nối đuôi nhau, khiến tôi phải hết sức chú ý, khi thối tiền đều kèm theo mấy lời như:

- Chào bạn! Chúc bạn một ngày thật đẹp!

Chiều đến, trong giờ kinh tối tôi nhớ lại những khuôn mặt đã bước vào tiệm bánh ngày hôm ấy. Tôi cám ơn Chúa cho bà Germaine được khỏi bệnh hoặc cho anh Dominique có việc làm. Tôi cũng xin Đức Chúa GIÊSU KITÔ giúp cô Marie hoặc an ủi cô Céline. Nhưng thường thì tôi thích cảm tạ THIÊN CHÚA về mọi hồng ân nhận lãnh trong ngày.

Tôi biết rõ các khách hàng quen thuộc, theo tôn giáo nào. Có khách hàng Công Giáo tôi gặp tại nhà thờ giáo xứ mỗi khi đi tham dự Thánh Lễ hoặc các buổi cử hành phụng vụ. Có khách hàng Do Thái đặt tôi làm bánh không men để cử hành lễ Vượt Qua của Do Thái giáo. Cũng có khách hàng theo đạo Hồi, nói chuyện thật cởi mở. Vào tháng chay tịnh Ramadan, thỉnh thoảng tôi hóm hỉnh hỏi một khách hàng hồi giáo:

- Bạn có giữ chay cách nghiêm chỉnh không?

Người đó hãnh diện đáp: ”Có”.

Tôi hỏi tiếp:

- Bạn có cầu nguyện không?

Người ấy đáp nhanh: ”Không”.

Tôi nói:

- Thế thì việc giữ chay của bạn vô hiệu, bởi vì, chay tịnh không đi kèm lời cầu nguyện giống như bánh không men!

Người lang thang không nhà không cửa cũng thường bước vào tiệm bánh mì để chào hỏi. Họ biết chắc thế nào tôi cũng biếu họ một ổ bánh mì ngon hoặc một miếng Pizza nóng.

Trẻ em là khách hàng dễ thương nhất của tôi. Chúng đến để mua kẹo. Tôi rất thích nói chuyện hỏi han chúng về con búp bê chúng ôm vào lòng hoặc cái xe hơi tí xíu chúng mân mê trên tay.

Tôi hãnh diện làm nghề bán bánh mì, một nghề đòi hỏi nhiều lương tâm nghề nghiệp. Tôi hy vọng rằng, dưới mắt các Kitô-hữu, bánh tôi bán không phải chỉ là “hoa trái lao công con người” nhưng còn là hồng ân THIÊN CHÚA nữa.

Chứng từ của bà Josette tín hữu Công Giáo sống tại Paris, thủ đô Pháp.

... ”THIÊN CHÚA là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh chị em gọi Người là CHA, thì anh chị em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh chị em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do Cha Ông anh chị em truyền lại. Nhưng anh chị em đã được cứu chuộc nhờ Bửu Huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích là Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Người là Đấng THIÊN CHÚA đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh chị em trong thời cuối cùng này. Nhờ Người, anh chị em tin vào THIÊN CHÚA, Đấng đã cho Người sống lại từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh chị em đặt niềm tin và hy vọng vào THIÊN CHÚA” (1 Phêrô 1,17-21)

(”Annales d'Issoudun”, Septembre/1999, trang 28-29)
 
Kiên trì trong lời cầu xin
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
00:28 22/08/2008
KIÊN TRÌ TRONG LỜI CẦU XIN

Ông Andrea - cụ già Ý liệt giường đã 5 năm - được con gái út Agata hết lòng chăm sóc giúp đỡ. Một ngày, Agata âu yếm thưa với Cha:

- Ba có muốn con đưa Ba đi hành hương Lộ Đức không?

Cụ Andrea tê liệt toàn thân nhưng miệng lưỡi cùng Đức Tin Công Giáo. .. vẫn còn tốt lành nguyên vẹn!

Sau một giây im lặng, cụ chậm rãi trả lời:

- Nếu con muốn thì Ba không từ chối. Tuy nhiên, Ba chấp nhận đề nghị của con với điều kiện: Ba không muốn trở về mà vẫn liệt giường. Nếu Ba đi hành hương Lộ Đức thì có nghĩa: hoặc được khỏi bệnh, hoặc được chết lành!

Sau một đêm di chuyển và thức trắng, hai Cha con đến Lộ Đức bằng an. Nhân viên thiện nguyện muốn đưa cụ về ngay nhà thương để cụ nghỉ ngơi trước khi tham dự các buổi cầu nguyện theo đúng tinh thần hành hương. Nhưng cụ cương quyết từ chối. Không ai có thể làm cụ thay đổi ý định. Cụ dõng dạc tuyên bố:

- Tôi đến Lộ Đức không phải để vào nằm nhà thương mà là để cầu nguyện nơi Hang Đá.

Mọi người đành chìu theo lời yêu cầu của cụ.

Cô Agata miễn cưỡng đẩy xe lăn đưa Cha già ra Hang Đá. Cụ Andrea bảo con gái để hai tay mình chắp lại trước ngực rồi nghiêm trang ra lệnh:

- Giờ thì con đi đi! Cứ để yên Ba ngồi đây. Con không phải lo lắng gì cho Ba cả!

Nói xong, cụ nhắm mắt lại và bắt đầu tha thiết cầu nguyện:

- Thưa Mẹ Rất Thánh, con sẽ ngồi lì đây bao lâu con chưa toại nguyện: hoặc chết hoặc lành bệnh. Xin Mẹ chọn và giải quyết vấn đề cho con!

Sau mấy tiếng đồng hồ, cô Agata trở ra Hang Đá Lộ Đức thăm chừng Cha già. Cô thấy Cha tiếp tục sốt sắng cầu nguyện. Khi nghe con gái hỏi xem có muốn dùng một chút gì lót lòng không, cụ Andrea vẫn nhắm nghiền mắt và trả lời:

- Ba không đến Lộ Đức để ăn!

Nghe lời khẳng định, cô Agata chỉ biết lặng lẽ ngồi cầu nguyện bên Cha.

Chiều đến, tới giờ kiệu Mình Thánh Chúa, cụ Andrea mới bằng lòng để yên cho người ta đưa cụ ra tiền đường Đền Thánh tham dự cuộc rước. Buổi rước kiệu chấm dứt, cụ nằng-nặc xin đưa trở lại Hang Đá. Cụ lập đi lập lại:

- Tôi không đến đây để ăn uống hay nghỉ ngơi!

Cô Agata đành đưa Cha trở ra Hang Đá. Khi thấy con gái tỏ ra khó chịu trước tính tình chướng kỳ của mình, cụ Andrea nhẫn nhục giải thích:

- Con à, Ba không hề có ý định đến Lộ Đức nghỉ ngơi hoặc ăn uống dưỡng sức! Vậy con cứ để yên Ba nơi Hang Đá để Ba có thời giờ tính chuyện riêng tư với Đức Mẹ! Con có hiểu rõ như vậy không?

Cô Agata đành để Cha ngồi cầu nguyện nơi Hang Đá. Phần cô, cô trở về quán trọ.

Nhưng cô không thể nào chợp mắt. Quá nửa đêm, cô Agata lần mò ra Hang Đá xem tình hình Cha già ra sao.

Đến Hang Đá, cô Agata có cảm tưởng đang mơ vì cảnh tượng trông thấy trước mắt. Cụ Andrea không ngồi trên xe lăn nhưng quỳ gối bên chiếc xe lăn, trước bức tượng Đức Mẹ, nơi Hang Đá Lộ Đức! Ngạc nhiên và vui mừng không tả xiết! Cô Agata chạy đến ôm chầm lấy Cha vừa khóc vừa kêu lên:

- Ba ơi! Ba ơi!!!

Cụ già Andrea như vừa ra khỏi giấc mơ. Cụ âu yếm mĩm cười với cô con gái thân yêu. Xong, cụ từ từ đứng dậy, ôm hôn con và nói nhỏ vào tai con:

- Chính để được khỏi bệnh mà Ba đi hành hương Lộ Đức!

Nói xong, cả hai Cha con cùng quỳ xuống để cầu nguyện và cảm tạ Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội, Chí Thánh Vẹn Tuyền. .

... Khi ấy, Đức Chúa GIÊSU lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: ”Lạy Ngài là Con Vua Đavít, xin thương xót con. Con gái con bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: ”Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: ”Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: ”Lạy Ngài, xin cứu giúp con”. Người đáp: ”Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: ”Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Bấy giờ Đức Chúa GIÊSU trả lời cùng bà ấy rằng: “NÀY BÀ, BÀ CÓ LÒNG MẠNH TIN, BÀ MUỐN SAO THÌ ĐƯỢC VẬY”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành (Matthêu 15,21-28).

(Sac. Pietro Ceccato, ”Alla Scuola della Madonna”, Centro Mariano Montfortano, 1961, trang 238-239)
 
Cêsarêa Philippi và Giêrusalem: biểu tượng cho hai ý nghĩa khác nhau
Lm Nguyễn Hữu Thy
07:48 22/08/2008
Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên/A

Cêsarêa Philippi và Giêrusalem: biểu tượng cho hai ý nghĩa khác nhau


(Mt 16,13-20)

Ðể hiểu được bài Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay một cách đầy đủ hơn, chúng ta cần phải giới thiệu nơi và hoàn cảnh đã xảy ra sự việc, được trình bày trong đoạn Tin Mừng. Thánh sử Má-thêu nêu lên câu hỏi của Ðức Giêsu: «Người ta bảo Con Người là ai?» và tiếp sau đó là câu trả lời của Phêrô: "Thầy là Ðấng Messia, là Con Thiên Chúa hằng sống!», và sau cùng là lời báo trước cuộc khổ nạn: Tất cả đều xảy ra tại miền Cê-sa-ri-a Phi-lip-pi. Chính ở đây, ở dưới chân ngọn núi cao Hermon, tiểu vương Hê-rô-đê Phi-líp-pô chọn làm thủ đô cho tiểu quốc của ông, với công trình xây dựng một đền thờ nguy nga đồ sộ để thờ kính hoàng đế Cê-sa-rê Au-gust-tô quá cố. Vì thế, thành phố đó mang tên là Cê-sa-rê-a Phi-líp-pi. Ở đây có một bức tường thành bằng đá tảng vĩ đại với những khám đục sâu vào trong bức tường để các tượng thần Pan Hy-lạp, vị thần chăn chiên, bởi vì bức tường bằng đá tảng vĩ đại được dâng kính ông thần mục đồng đó. Và từ bức tường đá đó có một cái cửa hầm tự nhiên, trông tựa như một cái miệng khổng lồ phun trào ra một trong các nguồn nước mát ngọt chảy vào sông Gio-đan.

Trong bối cảnh đó của thành phố Cê-sa-rê-a Phi-líp-pi: một nơi đủ các loại thần thánh cũng như những người phàm được dân chúng tôn thờ như những vị thần
Đức Giêsu nói cùng môn đệ Phêrô: "Thầy trao cho con chìa khóa Nước Trời"
thánh, Ðức Giêsu đã nêu lên câu hỏi: «Người ta bảo Con Người là ai?» Ðối mặt với ngọn núi đá và các vị thần ngoại đạo hùng vĩ như thế, thì lời tuyên xưng của môn đồ Phêrô mang đầy tính cách thách đố của nó: «Thầy là Ðấng Messia, là Con Thiên Chúa hằng sống!» Ở đây, trong câu nói của Phêrô, chúng ta nhận ra được sự tuyên xưng đức tin kỳ cựu của Kitô giáo thời khai nguyên. Ngược lại với đại đa số các người đồng thời và đối mặt với các thần thánh và người đồng thời tin thờ, họ đã can đảm tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Ðức Chúa và Chúa Tể cả trời đất, cả khi sự tuyên xưng đó sẽ đưa đẩy họ vào cảnh tù tội và đủ mọi đau khổ khác. Ðiều đó chứng tỏ rằng đức tin vào Ðức Giêsu của các Kitô hữu tiên khởi thật vô cùng vững vàng và mạnh mẽ, khiến họ không còn sợ hãi trước bất cứ quyền lực trần thế cũng như các thần tượng ngoại giáo nào.

Ðức Giêsu đã rời bỏ miền trung bộ xứ Ga-li-lê bằng cách vượt qua biển hồ Ga-li-lê. Cùng với các môn đệ, Người đã đi về phía bắc. Ðó là vùng của những người sùng đạo và đồng thời cũng là những kháng chiến quân Zê-lốt Do-thái. Ở trong miền núi cao hiểm trở này, những người Zê-lốt đã rút vào đó ẩn lánh sự sát hại của quân Roma và để bằng an giữ vững đức tin vào Thiên Chúa Gia-vê, đồng thời cũng từ đây họ tung ra những trận đánh du kích tiêu diệt quân Roma, hy vọng giải phóng được cho đất nước. Nhìn bên ngoài, đoàn người ngày đêm theo sát Ðức Giêsu cũng rất dễ gây cho người ta có ấn tượng là họ giống những người Zê-lốt. Và có lẽ các môn đệ Ðức Giêsu cũng đã nhìn thấy nơi Sư Phụ của họ hình ảnh một vị Thiên Sai đã được sai đến để giải thoát họ ra khỏi ách nô lệ Roma. Vì thế, lời tuyên xưng: «Thầy là Ðấng Messia của Thiên Chúa» chứa đựng hai ý nghĩa. Chắc chắn rằng nhiều người - và trong đó có cả Phêrô nữa – đã coi Ðức Giêsu như là một vị lãnh tụ về chính trị. Nhưng chính Ðức Giêsu lại không hề có khuynh hướng làm chính trị để giải thoát dân ra khỏi ách nô lệ ngoại bang. Vì thế, Người đã muốn làm sáng tỏ vấn đề tuyên nhận sứ mệnh Messia của Người, hầu để tránh đi sự hiểu lầm và những mong đợi sai lạc về Người của các môn đệ cũng như của những người đương thời. Thánh sử Mát-thêu viết tiếp: «Từ lúc đó, Ðức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại» (Mt 16,21).

Sự đối đầu với các kỳ mục và các kinh sư chỉ có thể xảy ra tại thủ đô của Do-thái, tại Giê-ru-sa-lem. Và Giê-ru-sa-lem luôn luôn có một cái gì đó khác với Ga-li-lê-a và Cê-sa-rê-a Phi-líp-pi. Vào thời Ðức Giêsu:

* Giê-ru-sa-lem gồm có đền thờ và hàng ngàn người sống nhờ vào của dâng cúng và các lợi lộc của đền thờ; những người tuy phải sống dưới ách đô hộ hà khắc của ngoại bang, nhưng vẫn có chút an ủi là họ còn có phương kế sinh nhai kiếm sống.

* Giê-ru-sa-lem là nơi có nhiều các trường đào tạo của hai hệ phái Pha-ri-sêu và Sát-đu, những người tuy mang đầy tinh thần dân tộc, nhưng vẫn không dám nổi lên chống lại quân đô hộ, vì sợ hậu quả sẽ tồi tệ hơn, mạng sống họ và các tổ chức của họ sẽ lâm vào cảnh nguy hiểm có thể bị tiêu diệt. Giữa hai cái xấu, họ đành phải chọn cái ít xấu hơn!

* Tiếp đến, Giê-ru-sa-lem là nơi với lầu đài An-tô-ni-a hùng vĩ, tổng hành dinh của viên toàn quyền Phông-xi-ô Phi-la-tô, một người nổi tiếng độc ác và - để bảo vệ chiếc ghế toàn quyền của mình – y sẽ không ngần ngại sử dụng bất cứ biện pháp nào, miễn sao không để xảy các vụ lộn xộn và bất an trên toàn lãnh thổ dưới quyền y, hầu cho hoàng đế ở Roma không can thiệp vào.

Ðó là ba thành phần sống đối mặt với nhau tại Giê-ru-sa-lem. Họ luôn xa lạ và cách biệt với nhau. Họ chỉ có nhất trí với nhau trong một điểm duy nhất là không muốn có sự nổi dậy bất an trong thủ đô.

Ðối với Ðức Giêsu, Người đã ý thức được một cách rõ ràng rằng Người không thể tránh khỏi Giê-ru-sa-lem, một nơi mang tính cách quyết định sứ mệnh của Người, nếu Người vì vâng lời Chúa Cha mà muốn chu toàn sứ mệnh đó.

Thực ra, từ xưa tới nay Giê-ru-sa-lem vẫn là nơi mang tính cách quyết định. Thung lũng Gio-sa-phát, nằm giữa thành phố và núi cây dầu, đã đóng một vai trò quan trọng nơi các vị Tiên tri. Chính ở đây, Thiên Chúa sẽ xét xử các dân tộc. Ðể biết được là người ta đã thận trọng đối với vùng đất của những định đoạt này như thế nào, thì chỉ nhìn vào việc Ma-hô-mét và đoàn quân hùng hổ của ông ta sau đó mấy trăm năm khi tới thung lũng này đã phải kính cẩn xuống ngựa. Các tín đồ Hồi Giáo xác tín rằng có một dây thừng khổng lồ được giăng qua thung lũng, nối liền núi cây dầu và thành Giê-ru-sa-lem. Tất cả mọi người đều phải đi trên dây thừng đó để vào thành. Và chỉ những ai có tay sạch lòng thanh thì mới có thể vào tới thành được, thành phố của hòa bình và của sự sống! Còn tất cả những kẻ khác phải rơi xuống vực sâu.

Vì vậy, Ðức Giêsu phải vào trong thành này. Và Người cũng cảm nhận được rằng Người sẽ không thể đi tiếp đến đó mà lại không phải đối mặt với những xung đột được. Người phải chịu rất nhiều đau khổ. Và những ai muốn đồng hành với Người cũng phải chấp nhận hoàn cảnh tương tự.

Nhưng chúng ta đừng quên rằng, cũng chính ở Cê-sa-rê-a Phi-líp-pi Ðức Giêsu đã công khai gọi Phêrô, cột trụ chính của Giáo Hội, là bức tường đá. Ðối mặt với bức tường đá hùng vĩ của thần Pan thuộc dân ngoại, Ðức Giêsu đã giới thiệu Phêrô như bức tường đá vững chắc kiên cố, đến nỗi mọi quyền lực của âm phủ cũng không sao lay chuyển nổi (x. Mt 16,18). Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Phêrô là một người yếu đuối, là một bức tường đá biết khóc. Nhưng cũng như Ðức Giêsu tiến vào Giê-ru-sa-lem không vì bất cứ sứ mệnh chính trị nào; Người chỉ muốn mang lại sư cứu rỗi cho nhân loại bằng cái chết của mình chính ở nơi đây, cũng vậy, Phêrô khi theo chân Thầy và ngay trong chính sự yếu đuối của mình, là một nhân chứng hùng hồn cho Ðức Kitô và là người mang lại niềm hy vọng cho tất cả chúng ta.
 
Đức Kitô, Ngài là ai?
Nguyễn Trung Tây, SVD
08:07 22/08/2008

Đức Kitô, Ngài là ai?

Gặp gỡ Đức Kitô, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Ngày hôm nay, Chúa đang hỏi chúng ta,
— Con nghĩ Thầy là ai?
Sống trong một xã hội, tiền bạc là trên hết, có tiền mới có nhà, có bồ, có xe hơi BMW, Mercedez, có, gần như rất nhiều, chúng ta rất dễ dàng quên đi sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bởi thế, trước câu hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?”, có thể bạn và tôi bắt đầu gãi đầu, xoa trán, lúng túng tìm kiếm câu trả lời...


Có lẽ danh từ Kitô đã trở nên quá quen thuộc, cho nên nhiều người tín hữu đã quên mất đi ý nghĩa của danh xưng này. Kitô là chữ Việt Nam hay Kristós trong tiếng cổ Hy Lạp, hay Mýh, Mêsia, trong tiếng cổ Do Thái có nghĩa là Đấng [được] Xức Dầu. Vua Saolê và vua Đavít, hai vị vua đầu tiên của dòng lịch sử ơn cứu độ cũng có thể được gọi là KitôMêsia, bởi họ đã từng được Thiên Chúa xức dầu qua bàn tay của ngôn sứ Samuel (1Samuel 9:26-27; 10:1; 16:12-13). Cho nên, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đức Kitô hay Đấng Mêsia, chúng ta đang muốn nói tôi tin rằng Đức Giêsu chính là Vua [được] Xức Dầu. Bàn về danh từ thần học Kitô, câu hỏi được đặt ra trong bài tiểu luận này là, Đức Kitô, Ngài là ai?

Do Thái vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên nằm dưới ách thống trị của đế quốc La Mã. Sống trong tình trạng nô lệ, bị kìm kẹp bởi người ngoại bang, dân Do Thái cầu nguyện và chờ đợi Giavê Thiên Chúa sẽ ra tay can thiệp, gửi tới một Đấng Thiên Sai, hay là Đấng Kitô, hay là Đấng Mêsia. Đấng Thiên Sai này sẽ lãnh đạo dân chúng đánh đuổi người La Mã ra khỏi đất của sữa và mật ong-tương tự như trong thời Cựu Ước, Giavê Thiên Chúa đã từng xức dầu phong vương cho Vua Saolê và Vua Đavít, hai vị vua này đã đánh đuổi người Philistine ra khỏi đất hứa. Sau đó cả hai đã thống nhất và xây dựng nước Do Thái, biến vùng Đất Hứa trở thành một cường quốc trong vùng Trung Đông vào thế kỷ thứ 10 và thứ 9 trước Công Nguyên.

Vào một ngày kia, trong vùng đất của dân ngoại, kế cận thành Cêsarê Phêlípphê, nằm phía đông bắc của Galilê, Đức Giêsu hỏi các môn đệ một câu hỏi bất ngờ,

— Người ta nói Thầy là ai?

Các môn đệ tranh nhau nhắc lại tên của những vị ngôn sứ trong thời Cựu Ước,

— Người ta nói Thầy là Êlia.

— Có người nói Thầy là tiên tri Giêrêmia,

— Có người nói Thầy là Gioan Tẩy Giả.

Sau khi lắng nghe các môn đệ tranh nhau tường thuật lại những điều người dân đương thời đồn đại về căn tính của mình, Đức Giêsu một lần nữa lại cất tiếng hỏi,

— Vậy [riêng các con], các con nghĩ Thầy là ai?

Phêrô khẳng khái trả lời,

— Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16:13-20).

Thật sự ra Phêrô đang tuyên xưng hai điều,

(1). Ông tin rằng Đức Giêsu chính là Đấng Xức Dầu bởi Thiên Chúa, và nhiệm vụ của Ngài là lãnh đạo dân Do Thái, đánh đuổi người La Mã, giải cứu dân chúng thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang;

(2). Điều này khá mới lạ, Phêrô tin rằng Đức Giêsu chính là Con của Thiên Chúa.

Không giống như các dân tộc lân bang thờ phượng đa thần, người Do Thái chỉ thờ phượng một Giavê Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, “Hỡi Israel, Giavê là Thiên Chúa của chúng ta, Thiên Chúa duy nhất” (Đệ Nhị Luật 6:4). Nhưng từ cửa miệng của Phêrô, một tư tưởng thần học mới đã hé nụ, đó là, Đức Giêsu Kitô chính là Con Thiên Chúa.

Phêrô là một trong những Kitô hữu đầu tiên, theo như thánh Matthêu, đã tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, đó là, Giavê Thiên Chúa có ba bản thể (essence): Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Linh. Tín điều này loài người không bao giờ hiểu được, nên được gọi là một Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Cho nên, sau lời tuyên xưng của Phêrô, Đức Giêsu đã cất tiếng khen ngợi người thủ lãnh của nhóm Mười Hai là ông đã được Thiên Chúa chúc lành, bởi chính Thiên Chúa đã mạc khải cho Phêrô biết mầu nhiệm của tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Sau đó, Đức Giêsu đổi tên Simon sang Phêrô, Kêphas, nghĩa là đá. Bắt đầu từ giây phút đó, Phêrô trở thành nền đá vững chắc trường tồn của Giáo Hội Kitô. Sau cùng, người ngư phủ Biển Hồ cũng được trao ban chìa khóa Nước Trời. Điều gì Phêrô cầm buộc, trên trời cũng sẽ cầm buộc. Điều gì Phêrô tháo cởi, trên trời cũng sẽ tháo cởi (Matt 16:19).[1]

Một vị tu sĩ kể lại, ngày kia trong khi đang dạo chơi trên những con đường tấp nập người của kinh thành Nữu Ước, ông gặp lại một người bạn cố tri từ hồi bên Việt Nam. Sau một vài câu chuyện hàn huyên tâm sự, người bạn nhìn vị tu sĩ e dè hỏi,

— Ông vẫn tin vào Thượng Đế?

Vị tu sĩ đáp,

— Vâng, tôi vẫn tin vào Thiên Chúa.

Tới phiên vị tu sĩ, ông hỏi lại người bạn,

— Còn ông thì sao, ông tin vào ai?

Người bạn móc ví, lôi ra tờ giấy 20$ đô la xanh lè, cười đáp,

— Tôi, tôi tin vào tấm hình này...

Suy Niệm
Ngày xưa, Đức Giêsu đã hỏi các người thân của mình, “Các con nghĩ Thầy là ai?”. Câu hỏi đó, ngày hôm nay, Chúa không hỏi các môn đệ của Ngài nữa, nhưng Ngài đang hỏi chúng ta,

— Con nghĩ Thầy là ai?

Sống trong một xã hội, tiền bạc là trên hết, có tiền mới có nhà, có bồ, có xe hơi BMW, Mercedez, có, gần như rất nhiều, chúng ta rất dễ dàng quên đi sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bởi thế, trước câu hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?”, có thể bạn và tôi bắt đầu gãi đầu, xoa trán, lúng túng tìm kiếm câu trả lời,

— Hình như… Hình như Thầy không còn là nơi con ẩn náu! Hình như Thầy không còn phải là Đấng con kiếm tìm. Hình như Thầy không phải là Thiên Chúa của con nữa, nhưng là tiền, như người bạn của vị tu sĩ trong câu chuyện đã từng khẳng định. Ngày hôm nay, trong một cuộc sống ngập tràn những tiện nghi vật chất, Laptop mỏng dính, iPod nhẹ tênh, hình như con không còn cảm thấy nhu cầu cần phải có sự hiện hữu của Thầy trong đời sống nữa. Trong một cuộc sống siêu hành tinh, siêu liên mạng, siêu điện tử, và siêu xa lộ, Thầy, Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã được con hạ bệ.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, một lần nữa, con lại xin lỗi Chúa bởi con đang lúng túng với chính con khi Chúa đang hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?” Xin ban lại cho con một quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con một niềm tin quyết liệt để con không còn phải lúng túng với niềm tin, với chính con trong ngày hôm nay, ngày mai và vào ngày cuối đời khi con đang đứng trước mặt Chúa.

Chú thích
[1] Thánh Phêrô được minh họa trong tay đang cầm hai chìa khóa. Một vài người thắc mắc là tại sao Phêrô lại cầm tới hai chiếc chìa khóa trong tay? Nguyên văn trong bản tiếng Koiné, thánh sử Mátthêu sử dụng chữ klêdas, có nghĩa là những chiếc chìa khóa. Như vậy, vào ngày hôm đó, Đức Kitô đã trao cho Phêrô không phải chỉ là một chiếc chìa khóa. Bao nhiêu chìa khóa? Rất tiếc, thánh Mátthêu không nhắc đến. Nhưng, có lẽ, dựa vào chi tiết của câu nói tiếp theo sau đó, “... dưới đất con cầm buộc điều gì, trên Trời cũng sẽ cầm buộc, dưới đất con tháo cởi điều gì, trên Trời cũng sẽ tháo cởi... (Matt 16:19), người họa sĩ vẽ hình Phêrô nghĩ rằng Đức Kitô đã trao cho vị Giáo Hoàng tiên khởi hai chiếc chìa khóa, một chiếc chìa khóa để cầm buộc, một chiếc chìa khóa để tháo cởi.

www.nguyentrungtay.com
 
Những Phê-rô mới cho thời đại hôm nay
LM Inhaxiô Trần Ngà
09:50 22/08/2008
Những Phê-rô mới cho thời đại hôm nay

(Chúa Nhật 21 thường niên A: Matthêu 16, 13-20)

Cũng như thánh Phê-rô hôm xưa, chúng ta có phúc nhận biết Thiên Chúa, một hồng phúc lớn lao.

Cũng như thánh Phê-rô xưa, chúng ta được chọn làm “viên đá” xây Hội Thánh. Vậy thì, cùng với thánh Phê-rô, chúng ta góp phần xây dựng hội thánh của mình.

Cũng như thánh Phê-rô hôm xưa, chúng ta có phúc nhận biết Thiên Chúa, một hồng phúc lớn lao.

“Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai ?" Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ."

Thế là cho đến lúc đó, chưa có ai trong dân Do-Thái nhận biết thiên tính của Chúa Giê-su.

Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?"

Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống."

Một câu đáp gây kinh ngạc! Si-môn Phê-rô đã thấu được căn tính của Chúa Giê-su!

Cho đến lúc đó, chỉ có Si-môn Phê-rô là người duy nhất được đặc ân nầy. Vì thế, Chúa Giê-su ca ngợi và chúc mừng:

"Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.”

Đây quả là hồng phúc lớn lao và hệ trọng.

Hôm nay, Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta hồng phúc không thua kém gì Phê-rô xưa.

Trong số 85 triệu người Việt Nam, chỉ có sáu triệu người công giáo, chiếm 7%. Như thế, cứ một trăm người Việt mới có được bảy người công giáo. Chúng ta may mắn được liệt vào con số ít ỏi nhưng đầy diễm phúc nầy.

Điều mà các vị đại ngôn sứ tầm cỡ như Ê-li-a, I-sa-i-a, Mô-sê… và ngay cả các nhà hiền triết, các khoa học gia tên tuổi… chưa từng được nghe, chưa được thấy, chưa từng biết, thì Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta từ lúc mới có trí khôn. Chính Chúa Giê-su cũng nhìn nhận đó là đại phúc:

"Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe”. (Mt 13, 16-17)

Sở dĩ đây là đại phúc vì hiểu biết Thiên Chúa là đầu mối đưa đến ơn cứu độ và hạnh phúc đời đời.

Hồng ân Chúa Cha ban cho chúng ta lớn lao quá đỗi đến nỗi Chúa Giê-su đã từng cất tiếng tạ ơn Thiên Chúa Cha thay cho chúng ta: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11, 25)

Cũng như thánh Phê-rô xưa, chúng ta được chọn làm “viên đá” xây Hội Thánh.

Bên cạnh hồng phúc nhận biết Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Si-môn Phê-rô còn được phúc thứ hai là được Chúa chọn làm Đá tảng xây Hội Thánh Chúa: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”.

Hôm nay Thiên Chúa cũng ưu ái trao ban hồng phúc đó cho mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi đến với Chúa Giê-su, liên kết với Chúa Giê-su là “viên đá đỉnh góc” (Mt 21,42), là “viên đá sống động bị người ta loại bỏ nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá” (I Pr 2,5) để cùng nhau xây lên Đền thờ Thiên Chúa.

“Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên Đền thờ thiêng liêng” (1Pr 2,5)

Phê-rô là Đá Tảng được Chúa chọn làm nền để xây dựng Hội Thánh hoàn vũ, thì chúng ta cũng là những viên đá khác được Chúa chọn để xây dựng hội thánh nhỏ là gia đình và giáo xứ chúng ta. (Giáo Hội gọi gia đình là hội thánh tại gia)

Thế là trong cương vị người cha người mẹ, người anh chị em trong gia đình, chúng ta trở thành những Phê-rô khác, những “viên đá” khác trong hội thánh tại gia. Hội Thánh toàn cầu được kiên vững nhờ được xây dựng trên Đá tảng Phê-rô thì hội thánh tại gia có được kiên vững hay không là tuỳ vào chúng ta.

Được chọn làm Đá tảng xây dựng Hội Thánh, Phê-rô không thụ động cầu an, nhưng đã anh dũng hy sinh đời mình làm chứng cho Đức Ki-tô phục sinh và làm cho niềm tin vào Người lan toả khắp nơi trên thế giới.

Được chọn làm đá tảng như Phê-rô, chúng ta hãy làm cho gia đình chúng ta, giáo xứ chúng ta, cộng đoàn ta đang sống trở thành tập thể rực sáng niềm tin vào Chúa Giê-su.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ban ơn giúp sức cho thánh Phê-rô làm tròn vai trò của người trong cương vị Đá tảng Hội Thánh thì xin Chúa cũng nâng đỡ và giúp sức để chúng con chu toàn vai trò của mình trong cương vị đá tảng của hội thánh tại gia.
 
Đá tảng thật – đá tảng dỏm
LM Anmai, CSsR
13:27 22/08/2008
Đá tảng thật – đá tảng dỏm

(Chúa nhật 21 TN A Is 22,19-23; Rm 11, 33-36; Mt 16, 13-20)

Lẽ thường tình, khi mà khoa học - kỹ thuật - công nghệ phát triển thì phẩm chất cũng tăng theo nhưng hình như ngược lại. Nói không biết có quá đáng hay không nhưng hầu hết các kết qủa của công trình thời hiện đại này đều kém chất lượng. Thử nghĩ xem từ giáo dục, y tế, xây dựng… cho đến tình người với người trong cuộc sống hiện tại nó cứ làm sao đó !

Với giáo dục thì không thể nào biết được là Việt Nam có bao nhiêu cái bằng giả và bao nhiêu cái bằng thật. Và trong cái đống bằng thật có đó nhưng chắc có mấy cái có chất lượng, mấy cái đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Theo thống kê thì chỉ có 30% sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu của các công ty, các đơn vị sử dụng lao động. Vậy thì 70% những bác sĩ, kỹ sư và thậm chí là tiến sĩ, thạc sĩ sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp, sau khi cầm bằng trong tay ? Phụ huynh ngày nay không còn đơn giản là chạy cơm chạy áo nữa mà còn phải chạy trường !

Y tế thì có ai vào bệnh viện mới hay ! Chẳng hiểu sao những ai vào bệnh viện về đều chỉ xin một điều là “xin Chúa cho tôi ra đi nhanh chóng chứ đừng để tôi phải vào bệnh viện”. Hỏi lý do thì chẳng ai chịu nói cả. Chỉ có ai vào viện mới hiểu được lý do mà thôi.

Tình người với người ngày hôm nay quả là một thực trạng thật đáng buồn thật bi đát. Người ta không còn yêu nhau, đến với nhau bằng mối tình thật nữa nhưng mà bằng tình dỏm. Nó cũng giống như con chuồn chuồn vậy: khi vui thì đậu – khi buồn thì bay. Tình yêu đôi lứa, tình cảm trong gia đình cũng thế, nó nhạt nhạt, nhẽo nhẽo làm sao đó ! Có khi nhìn bề ngoài rất đẹp nhưng mà bên trong đang đứng trước bờ vực của ly tan mà người ngoài không tài nào thấy được.

Ngoài đời là thế ! Gia đình là thế ! Còn trong nhà tu thì sao ? Thật ra nhà tu ngày nay do ảnh hưởng của tục hoá tràn ngập vào bốn bức tường của tu viện để rồi tình cảm của những người đi tu, của những người dâng hiến không còn tinh tuyền, không còn đẹp như xưa nữa. Chuyện này là chuyện hết sức tế nhị và nhạy cảm, không nên nói ra. Chỉ có mỗi người tự vấn trước mặt Chúa và trước mặt lương tâm thì mới thấy mà thôi. Và cười ra nước mắt khi nói đến chuyện Chúa và lương tâm. Hình như “gần chùa gọi bụt bằng anh” hay sao đó nên ở gần Chúa nên người ta quá xem thường Chúa và coi Chúa ngang hàng ngang lứa. Nếu có Chúa thật thì tu sĩ, linh mục đâu có cư xử như thế với anh chị em cùng đi tu với mình, cùng dâng hiến với mình như thế !

Một lãnh vực hết sức gần gũi với con người đó là chuyện xây dựng. Nhan nhản các công trình bị rút ruột, bị ăn sắt, ăn thép nên chất lượng chẳng ra làm sao cả. Có những phóng sự trình chiếu trên tivi thật nực cười: cọc bê tông nhưng ở trong thay vì cốt thép người ta làm bằng tre !

Một lần đang ngồi học trong nhà dòng, cả thầy và cả trò giật bắn người khi nghe một tiếng nổ cái “đùng”. Tưởng cái gì, hoá ra là gạch dưới nền chẳng hiểu sao bỗng nhiên bị nổ tung lên hết. Mọi người đến xem, hoá ra là ở dưới nền người ta trộn hồ toàn là cát chẳng thấy xi măng đâu cả. Ngước mắt nhìn lên toà nhà tu viện được xây trước ngày “miền Nam hoàn toàn giải phóng” sao mà nó vững chải thế, sao mà nó kiên cố thế ! Lẽ ra với máy móc hiện đại, kỹ thuật tiên tiến thì phải tốt hơn ngày xưa chưa có nhiều máy móc như bây giờ chứ !

Thì ra là ngày hôm nay, người ta đánh mất cái nền tảng, cái đá tảng của căn nhà, của tâm hồn và của cuộc đời.

Trang tin mừng khá ngắn mà Thánh Matthêu vừa thuật lại cho chúng ta thấy rõ sự chọn lựa, sự cắt đặt của Chúa cho nền tảng của Giáo Hội.

Sở dĩ Giáo hội luôn bền vững và tồn tại dù trải qua không biết bao nhiêu sóng gió, bao nhiêu bão tố là vì Thiên Chúa đã biết và đã chọn đúng nền móng cho toà nhà Giáo Hội. Thiên Chúa là một chủ đầu tư thật tuyệt vời, Chúa không phải như những nhà đầu tư trần gian đã không biết “chọn mặt gửi vàng”. Chúa nhìn người và Chúa biết người, dẫu rằng một Phêrô thật mong manh và mỏng dòn, nóng tính và vồn vập nhưng Phêrô đã sống trọn vẹn niềm tin của mình vào Chúa và vẹn tròn niềm tin của Chúa đặt nơi Ngài.

Vì sao như thế ? Vì chính Thánh Phaolô trong thư của Ngài gửi tín hữu Rôma một lần nữa minh xác cho chúng ta rằng: “Sự giàu có, sự khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được ? Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ?” (Rm 11, 33-35). Chính vì Thiên Chúa khôn ngoan và thông suốt, Ngài thấy rõ lòng của con người nên Ngài quyết định. Ngài đã ra nghị quyết nào là nghị quyết ấy thật chính xác, thật khôn ngoan chứ không phải ra rồi lại đổi. Ngài giàu lòng thương xót, chậm bất bình và giàu ân sủng. Thiên Chúa đã tin Phêrô và giao con thuyền Giáo Hội cho Phêrô. Thiên Chúa khôn và Phêrô cũng khôn. Nếu như Phêrô tự cao tự đại, tự mãn thì Phêrô không kê cuộc đời của mình vào Chúa nhưng đàng này Phêrô đã tín thác vào Chúa và để cho Chúa quan phòng cuộc đời của mình. Thật sự “đá tảng” Phêrô đã quá tuyệt vời, đã quá khôn ngoan để dựa cuộc đời mình vào cuộc đời của Chúa. “Đá tảng” Phêrô đã quá khôn ngoan để dựa vào “viên đá thợ xây loại bỏ đã trở thành đá tảng góc tường” là chính Chúa Giêsu.

Chính “viên đá thợ xây loại bỏ” mà Phêrô đặt vào là viên đá thật làm cho nền tảng Giáo hội được bình an, được vững chắc !

Nhìn lại những thực tại của xã hội, của con người chúng ta thấy đau đau làm sao đó trong cõi lòng, đau nhưng mà không nói được và có nói ra thì cũng bị người đời xỉ vả dèm pha thôi. Lý do thực tế nhất đã đưa đẩy xã hội, đưa đẩy con người, đưa đẩy người kitô hữu, đưa đẩy tu sĩ linh mục sống mất phẩm, mất chất phải chăng là đã không biết đặt cuộc đòi của mình vào tảng đá thật là chính Chúa.

Thay vì đặt vào đá tảng thật là Chúa thì con người lại đặt cuộc đời của mình vào những tảng đá như quyền lực, danh vọng, địa vị, tiền bạc … Với con người, cứ tưởng chừng đá tảng tiền bạc, địa vị, danh vọng là đá tảng thật nhưng thật ra tất cả là đá dỏm. Tin hay không tin còn ở quan niệm của mỗi người. Có ai mang được quyền lực, tiền bạc, địa vị mà bao nhiêu năm tháng đổ mồ hôi, sôi con mắt và thậm chí phải thức trắng đêm để mưu mô tính toán chiếm đoạt được của người khác xuống mộ phần chăng ?

Một câu chuyện có thật được một Cha trong Dòng kể lại sau khi đi Tây về kể lại là có an viện nọ ở bên Pháp. Chẳng hiểu sao mà du khách đến đan viện thấy cảnh trong tu viện buồn tẻ và u uất đến thế ! Thấy cảnh tượng như thế ai cũng buồn nản. Đan Viện Trưởng bắt đầu cải tổ lại đời sống trong đan viện bằng cách lấy lại đời sống thiêng liêng, đời sống đạo đức, cầu nguyện thì tình hình bắt đầu thay đổi. Từ ngày ấy các vị ẩn sĩ thay đổi đời sống, họ yêu thương nhau hơn và chính tình yêu của họ đã lan toả đến tất cả những người đến thăm đan viện.

Lý do chính để đánh mất đi cái bầu khí yêu thương hiệp nhất trong đan viện đó chính là vì các đan sĩ đã không còn bám vào Chúa nữa. Khi và chỉ khi người ta đánh mất Chúa, đánh mất đá tảng thật của mình thì mới đâm ra đố kỵ, hơn thua, tranh giành, chà đạp, nói hành nói xấu nhau. Nếu có Chúa thật ở trong mỗi đan sĩ của đan viện thì chắc có lẽ không xảy ra tình trạng bi đát trước kia.

Ngày nay đan viện ấy khá nổi tiếng với nhiều du khách khi đặt chân đến thăm viếng đan viện. Đan viện ấy không phải nổi tiếng vì sầm uất, vì hoành tráng nhưng đan viện ấy nổi tiếng vì đã có một đời sống mật thiết gắn kết với Chúa.

Là giáo dân, tu sĩ hay linh mục cũng mang trong mình cái phận người mỏng dòn, mong manh và yếu đuối như Phêrô nhưng chúng ta có biết chỗi dậy sau những lần vấp ngã, sau những lần chối Chúa như Phêrô hay không ? Chúng ta có dám thỏ thẻ với Chúa như Phêrô đã từng thỏ thẻ với Thầy: “Thầy ơi, tin con đi con yêu mến Thầy, tình con tuy phôi pha nhưng chân thành thiết tha !”.

Với Chúa, với anh chị em đồng loại cũng vậy, nếu như chúng ta sống với nhau bằng một lòng tin chân thành, một lòng tin thiết tha thì dù tình chúng ta có phôi pha đi chăng nữa nhưng cuối cùng Chúa cũng như anh chị em đồng loại sẽ tin và yêu chúng ta như Chúa vẫn tin và yêu Phêrô như vậy. Chỉ ngại chăng là chúng ta cứ theo cái thói tục của thế gian là sống không chân thành với anh chị em đồng loại đã đành mà còn không chân thành với Chúa nữa mới chết !

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt cuộc đời chúng ta vào đá thật hay đá dỏm.

Nguyện xin Thánh Phêrô giúp chúng ta biết bắt chước như Ngài là đặt cuộc đời chúng ta vào đá tảng là Thầy Chí Thánh như thánh nhân đã từng đặt.

Nguyện xin Chúa Giêsu là viên đá góc, viên đá tảng giúp mỗi người chúng ta biết đặt cuộc đời chúng ta vào đá tảng thật là Chúa.
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
17:33 22/08/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (45)

441. Hạnh phúc vì được ở trong thuyền Giáo Hội

Ở trong một thuyền mà không thể nào chìm được thì dẫu bị sóng đánh lắc lư, người ta vẫn cảm thấy hạnh phúc. Đó là tư tưởng của Pascal khi nhà bác học nầy xác tín sự hạnh phúc của mình được thuộc về Giáo Hội Công Giáo: “Ta thích thú được ở trong con tàu bị bão đánh khi ta chắc nó sẽ không chìm.”

442. Tôi yêu Giáo Hội!

Tôi yêu Giáo Hội. Vì thế, tôi quyết luôn thuộc về Giáo Hội và vâng lời Hàng Giáo Phẩm.
Tôi yêu Giáo Hội. Vì thế, tôi quyết trung thành với giáo lý, để ý và yêu thích các công việc, các tổ chức và các chiến dịch của Giáo Hội.
Tôi yêu Giáo Hội. Vì thế, tôi quyết học biết về Giáo Hội: Giáo Hội là gì, Giáo Hội tổ chức ra sao, các vần đề của Giáo Hội, sức sống của Giáo Hội, địa vị của mỗi một người trong Giáo Hội.
Tôi yêu Giáo Hội. Vì thế, tôi quyết làm một phần tử tích cực, đáp lại những lời mời gọi của Giáo Hội, giúp đỡ Giáo Hội về mọi mặt, gia nhập vào những tổ chức của Giáo Hội.
Tôi yêu Giáo Hội. Vì thế, tôi quyết làm cho mọi người biết Giáo Hội là gì, làm gì, dạy gì, đòi gì, ban phát gì, và làm cho mọi người biết hoạt động và công hiệu của Giáo Hội trong hiện tình thế giới.
Tôi yêu Giáo Hội. Vì thế, tôi tâm đắc với lời tha thiết của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu: “Tôi yêu Giáo Hội là Mẹ tôi.”

443. Giáo Hội Công Giáo trẻ mãi, không già.

Càng đi sâu và đi lâu vào thời gian, người nầy thì già yếu mất sức, cửa hàng nọ thì tàn lụi sập tiệm, tổ chức kia thì rời rạc tan rã, những ngai vàng thi nhau sập, những đảng phái thi nhau tan, trái lại, càng đi sâu và đi lâu vào thời gian, Giáo Hội Công Giáo càng vững mạnh, càng phát triển, càng trẻ trung.
Một phép lạ luôn xảy ra trước mặt mọi người: sự trường tồn của Giáo Hội Công Giáo!

444. Lời Mẹ Giáo Hội nhắn nhủ con cái mình

Đức Giám Mục Bossuet, được mệnh danh là Chim Phượng Hoàng của thành Meaux, đã đặt vào miệng Giáo Hội những lời nhắn nhủ cảm động sau đây với đoàn con mình:
“Các con yêu dấu của Ta, Ta không lấy làm lạ khi Ta phải gặp nhiều cơn chiến đấu như thế. Ta đã quen chiến đấu từ nhỏ rồi. Chính những địch thù đang tấn công Ta là những địch thù đã bắt bớ Ta từ hồi Ta còn nhỏ, nhưng chúng đã thâu lượm được gì? Cho nên, các con thân mến, các con đừng bỡ ngỡ khi thấy Ta gặp những cảnh bạo tàn như vậy: hãy nhìn xem sự già cả của Ta, hãy nhìn xem mái tóc trắng bạch của Ta… Dẫu Ta luôn bị vật ngã và đánh đập, Ta vẫn không bao giờ ngã quỵ vì Chúa Giêsu đã ban sự Thống Nhất cho Ta làm chiếc neo, đã ban sự Thánh Thiện cho Ta làm cột buồm, đã ban tính cách Công Giáo cho Ta làm chiếc buồm và đã ban tính cách Tông Đồ cho Ta làm trụ chống đỡ tất cả.”

445. Bổn phận của chúng ta đối với Giáo Hội

Trên đường lữ thứ trần gian, Giáo Hội đang đi về Giêrusalem Thiên Quốc. Đường Giáo Hội đang đi là con Đường Thập Giá.
Ngày xưa trên con đường thập giá, khuôn mặt Chúa Giêsu lấm bụi, đầy mồ hôi và máu. Giáo Hội là khuôn mặt của Chúa Giêsu. Giống như khuôn mặt của Thầy mình, khuôn mặt của Giáo Hội cũng đầy bụi bặm, mồ hôi và máu trên con đường thập giá ngày nay.
Là con cái của Giáo Hội, chúng ta hãy góp công tô điểm khuôn mặt của Mẹ Giáo Hội chúng ta cho sạch bụi bặm, cho thêm phần xinh đẹp.

446. Người cao thượng

Người cao thượng là người không bao giờ làm điều gì hoặc nói điều gì làm cho mình hạ thấp xuống hoặc để hạ thấp kẻ khác.

447. Tầm thường trở nên phi thường

Hãy yêu thích những công việc khiêm hèn, kín đáo, không ai biết, không ai để ý, không ai vổ tay, không ai đăng báo, không ai quây phim.
Đối với Chúa, những công việc nầy mới rực rỡ, sáng chói.
Một công việc tầm thường, nhưng ta làm vì lòng yêu mến Chúa, thì trở nên phi thường.

448. Hãy kiên trì làm một việc cho đến cùng

Có người đào được nhiều cái giếng nhưng không giếng nào có nước. Lý do là vì anh ta đào giếng nầy, chưa thấy nước thì đã bỏ để đi đào giếng khác.
Chúng ta hãy kiên trì, làm việc gì thì làm cho xong, làm cho đến nơi đến chốn. Như vậy, chúng ta là người có ý chí. Người có ý chí là người kiên trì làm việc cho đến cùng.

449. Hãy tìm làm những việc mà bản thân mình không thích làm.

Chúng ta thường không chịu làm những việc mà bản thân mình không thích.
Chúng ta hãy thử làm những việc mà trước đây mình không thích.
Chúng ta sẽ lấy làm lạ vì lúc đó, chúng ta có thêm được những nguồn vui mới và đời chúng ta sẽ được phong phú hơn.
Vậy khi làm việc, chúng ta không chọn những việc chúng ta thích hay không thích, nhưng chúng ta chọn những việc có ích lợi, có giá trị. Và những việc nầy, dù không thích, chúng ta cũng vẫn làm.

450. Hãy trung thành trong công việc của mình

Bạn được cấp trên giao phó một công việc. Nếu bạn làm công việc nầy một cách tài tử, qua loa, làm cho xong việc thì thế nào cấp trên cũng không tín nhiệm bạn, không trọng dụng bạn, dẫu bạn là người tài giỏi, có khả năng.
Khi bạn làm việc hết mình cho cấp trên, luôn nghĩ đến ích lợi của cấp trên, thế nào bạn cũng được cấp trên tín nhiệm và trọng dụng. Và chính điều nầy sẽ làm cho bạn được thành công trong công việc và địa vị của mình.
 
Bí Quyết Sống Tình Yêu Bằng Hữu
Phó tế GB Nguyễn Văn Định
17:49 22/08/2008
HẠNH PHÚC HÔN NHÂN # 18

Bí quyết Sống Tình yêu Bằng Hữu ( Phileo)

Tình yêu Phileo mang đến cho người bạn đời của mình một cảm giác quan tâm, chiều chuộng, săn sóc, tôn trọng ý kiến của nhau; nhưng cũng đòi hỏi nơi người bạn đời của mình cũng phải có thái độ đáp ứng lại tương tự như vậy đối với mình.

Hãy áp dụng Tình yêu Phileo vào đời sống Hôn nhân, như thế bạn mới kinh nghiệm được Tình yêu Phileo mà Chúa đã dành bạn. Sau đây là phần thực tập để xây dựng (build up) Tình yêu Phileo:

1- Bạn nhớ lại quãng thời gian trước khi hai người cưới nhau, bạn đối xử với nhau thế nào?

2- Luôn luôn có thái độ xem người bạn đời của bạn là người bạn hữu trong lúc nói chuyện. Đây là thái độ cần thiết để bạn đem tình Yêu Phileo trở lại sau ngày có đứa con đầu lòng, con thứ hai, thứ ba.., “Being a friend” với nhau.

3- Vợ hay chồng hãy bắt đầu bằng sự hy sinh sở thích của mình, để cả hai người có một sở thích chung.

4- Hãy ngồi với nhau một cách tình tứ trên so-fa trong khi xem phim, hay chia sẻ về một câu Kinh Thánh nghe trên radio, hay những sở thích của nhau như đi câu cá, đi tắm biển…

5- Hãy nói: Cám ơn, (Thank you) với người bạn đời trong mọi lúc…

6- Hãy khen hay khích lệ người bạn đời khi họ làm những điều đúng như; nấu ăn, cư xử tốt…

7- Hãy cùng nhau xem lại những bức hình chụp lúc mới quen nhau, tron ngày cưới hay những ngày nghỉ (Holiday)… để cùng chia sẻ.

Sau đó vợ chồng cùng nhau xem điều gì là chìa khóa cho việc xây dựng tình bạn và chia sẻ sự thân thiết cho tình yêu Phileo này:

• Lắng nghe nhau với cả tấm lòng như người bạn thân.

• Tôn trọng những sở thích khác biệt của nhau.

• Dành thì giờ sáng, trưa, chiều, tối cho nhau…

• Cùng nhau cầu nguyện, nói chuyện tự phát ngắn với Chúa

Những câu Kinh Thánh nói về Tình yêu Phileo:

1/ Trong Cựu Ước: Ông Đavit vừa nói với Sa-un xong thì tâm hồn ông Gio-na-than gắn bó với tâm hồn ông Đavit, và ông Gio-na-than yêu mến ông như chính mình. (1 Samuen 1, 48)

2/ Thiên Chúa cũng yêu với tình bạn Phileo: Chúa Cha yêu người Con và cho Người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho Người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa… (Gioan 5, 20)

3/ Chúa Cha yêu mến môn đệ theo Tình Phileo: Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy… ((Gioan 16, 27)

4/ Chiều chồng nuôi con: Họ sẽ dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con, biết sống chừng mực… (Titô 2, 4-5)

5/ Giữ Lời Chúa là bạn với Chúa: Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. (Gioan 15, 14)

Mời bạn đọc Tin Mừng Gioan các đoạn từ 13 đến đoạn 17 để biết thêm tình yêu Chúa như là bạn thân thiết, để ta đối xử với nhau.

Tóm lại, xin bạn thực hành những điều sau đây:

Cùng đọc Kinh Thánh và chia sẻ kinh nghiệm sống với nhau.

Cùng cầu nguyện, cùng nói, tâm sự với Chúa như người bạn.

Cùng làm chứng về Chúa cho mọi người thấy mình yêu nhau.

Cùng phục vụ người nghèo khổ, ốm đau trong và ngoài giáo xứ.

Cùng chia sẻ vui buồn với nhau trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Phó tế: GB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com

.
 
Cùng sống.. cùng chết
Sr Jean Berchmans Minh Nguyệt
19:40 22/08/2008
CÙNG SỐNG … CÙNG CHẾT

Tháng 4 năm 1945, những kinh hoàng chết chóc của thế chiến thứ hai 1939-1945 đang đi vào giai đoạn kết thúc. Nước Đức gần như hoàn toàn thất trận.

Giống như con thú dữ bị thương gần chết, Adolf Hitler (1889-1945) gồng mình gầm lên những tiếng rú dã man rợn người.. Ông trút đổ sự giận dữ tột cùng trên một số người mà ông cho là kẻ thù nguy hiểm nhất của ông.

Một toán lính được lệnh đến trại tập trung Buchenwald để áp giải một số tù nhân gồm các nhân vật tên tuổi sang Áo. Ngày 5-4-1945, trên đường lưu đày sang Áo bằng xe ca, đoàn tù binh được dừng lại tại Bavière miền Nam nước Đức. Hôm đó là Chúa Nhật. Các tù binh ước ao cầu nguyện. Trong đoàn tù có mặt mục sư Tin Lành Dietrich Bonhoeffer. Mục sư là nhà thần học nổi tiếng vì những hoạt động chính trị chống bọn đức-quốc-xã.

Các tù binh vừa Công Giáo vừa Tin Lành đề nghị mục sư chủ tọa buổi cầu nguyện. Hơi do dự, nhưng mục sư sẵn sàng, vì chính mục sư cũng thật lòng ước ao dành giờ phút rảnh rỗi quý báu nhất trong ngày để cầu nguyện. Để làm vừa lòng mọi người, mục sư chọn bài sách thánh trích từ thư thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Roma, nói về tình thương xót và lòng hy vọng. Mục sư đọc Lời Chúa rồi dẫn giải cho mọi người cùng nghe.

Buổi cầu nguyện chung trong một lớp học vừa chấm dứt, tức khắc một toán công-an-mật không hiểu từ đâu xuất hiện. Họ xông vào bắt trói mục sư Bonhoeffer lại và tống lên xe bịt kín. Họ đưa mục sư đến trại sát sinh Flossenburg. Nơi đây, vào buổi chiều Chúa Nhật cùng ngày, mục sư bị xét xử chớp nhoáng rồi bị kết án treo cổ. Án tử thi hành ngay sáng sớm hôm sau trong khoảng giữa 5 và 6 giờ sáng.

Vị bác sĩ của trại có mặt trong buổi xử treo cổ mục sư Bonhoeffer kể lại giây phút cuối đời của vị mục sư Tin Lành như sau.

Qua cánh cửa hé mở của căn phòng giam trong trại, trước khi người ta xông vào lột bỏ quần áo ngoài của mục sư, tôi thấy mục sư đang quỳ gối, chìm đắm trong cầu nguyện. Thái độ hoàn toàn chấp thuận bản án và thái độ quỳ gối cầu nguyện với trọn lòng tin tưởng phó thác của vị mục sư đáng trọng đáng mến đã gây xúc động mạnh nơi tâm hồn tôi. Tới nơi bị xử, vị mục sư còn tiếp tục cầu nguyện, một thái độ cầu nguyện thật khẩn thiết. Sau đó mục sư can đảm và bình tĩnh bước lên mấy bậc thang dẫn đến chiếc trụ treo cổ. Chỉ sau mấy giây bị treo lên, mục sư trút hơi thở cuối cùng. Trong vòng 50 năm hành nghề, tôi chưa bao giờ được hồng phúc chứng kiến cái chết nào giống như cái chết của mục sư: cái chết của người hoàn toàn phó thác trong bàn tay yêu thương của THIÊN CHÚA Quan Phòng.

Hôm đó là thứ hai mùng 6-4-1945. Mục sư Dietrich Bonhoeffer hưởng dương 39 tuổi.

Mục sư chấp nhận cái chết trong cầu nguyện. Suốt cuộc đời, mục sư không ngừng cầu nguyện và sống chết với đoàn chiên. Vào tháng 9 năm 1939, khi thế chiến thứ hai bùng nổ, mục sư Bonhoeffer đang đi một vòng diễn thuyết bên Hoa Kỳ. Thật ra mục sư đến Hoa Kỳ vì chấp thuận lời đề nghị của các vị lãnh đạo Giáo Hội Tin Lành tại Đức. Các vị này thấy trước hiểm nguy có thể đổ ập trên vị mục sư trẻ tuổi, nhưng nhiều hăng say với công tác tông đồ. Mục sư Bonhoeffer từng cương quyết chống lại các mưu đồ tiêu diệt con người của nhà độc tài khát máu Hitler. Do đó các vị muốn mục sư nên lánh đi xa. Nhưng lương tâm của vị chủ chăn không cho phép mục sư Bonhoeffer sống xa đoàn chiên.

Mục sư Bonhoeffer ghi trong tập nhật ký của mình như sau: ”Tôi đang thư thái ngồi đây, trong vườn nhà của mục sư Coffin. Tôi có nhiều giờ để suy tư về tình trạng của tôi và của dân tộc tôi. Tôi cũng có nhiều giờ để cầu nguyện và nhờ đó, tôi thấy rõ thánh ý THIÊN CHÚA muốn tôi phải làm gì. Tôi thấy mình đã phạm một lỗi thật nặng, khi rời bỏ nước Đức để sang Hoa Kỳ. Chỗ đứng của tôi không phải tại đây, nhưng là nơi quê hương tôi. Tôi phải sống và chia sẻ với các tín hữu Kitô đồng hương của tôi trong một thời buổi khó khăn của đất nước. Nếu lúc này đây, tôi không thông phần vào thử thách hiện tại, thì sau này, tôi sẽ không có quyền tham dự vào công trình tái lập cuộc sống Kitô của các tín hữu tại nước Đức, sau khi chiến tranh chấm dứt”.

... ”Cho đến bao giờ, lạy THIÊN CHÚA, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên ”Bạo Tàn” mà Ngài không cứu vớt? Sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau? Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ. Vì thế, Luật không được tuân giữ, công lý chẳng còn thấy xuất hiện, vì kẻ gian ác bủa vây người công chính nên chỉ còn thứ công lý vạy vọ” (Sách Khabarúc 1,2-4).

(”PRIER”, 3/1979, trang 7-8)
 
Xâu chuỗi Mân Côi đáng kính yêu
Sr Jean Berchmans Minh Nguyệt
19:43 22/08/2008
XÂU CHUỖI MÂN CÔI ĐÁNG KÍNH ĐÁNG YÊU

Tôi đi xe lửa từ Luxembourg sang thủ đô Bruxelles của vương quốc Bỉ. Năm ấy - 1944 - đang thời thế chiến thứ hai. Các toa xe lửa rất thô sơ và không chiếu sáng bao nhiêu.

Chiều xuống - vì không thể tiếp tục đọc sách báo - tôi rút tràng chuỗi Mân Côi ra và bắt đầu lần hạt. Lúc đó trong toa chỉ có mình tôi. Đến ga Marbehan, một phụ nữ bước vào toa. Khi thấy tôi đang lần hạt, bà nhẹ nhàng cúi đầu chào và ra dấu cho tôi hiểu bà cũng có tâm tình tôn giáo như tôi.

Sau khi ngồi xuống, bà rút tràng chuỗi Mân Côi ra và lặng lẽ lần hạt. Tôi hết sức thán phục lòng đạo đức vừa trầm tĩnh vừa hãnh diện của bà. Chúng tôi lặng lẽ lần hạt Mân Côi như thế cho đến lúc xe lửa ngừng ở ga Longlier. Tại đây, một người đàn ông cao lớn, ồn ào bước vào toa.

Thoạt nhìn đáng điệu hơi có chút ”thô-bạo” của ông, bà khách liếc mắt nhìn tôi ngầm ra dấu cho tôi hiểu bà ”không ngán” ông khách này chút nào hết! Tôi gật đầu khuyến khích bà can đảm. Nhưng rồi, chúng tôi ngạc nhiên biết bao khi thấy phản ứng khác thường của ông khách. Lúc đôi mắt ông bất ngờ trông thấy hai cỗ tràng hạt Mân Côi nơi bàn tay chúng tôi, ông giở mũ ra và nói lớn:

- Bởi vì hai ngài đang lặng lẽ lần hạt riêng, tôi xin đề nghị chúng ta cùng lần hạt Mân Côi chung và đọc to tiếng!

Chúng tôi vui vẻ chấp thuận đề nghị và sốt sắng lần hạt chung cho tới ga Jemelle thì hai khách đồng hành của tôi rời toa xe lửa.

... Chuyện trên do Ông hoàng Xavier de Bourbon-Parme kể lại. Tiếp theo là chuyện ”Cỗ Tràng Hạt của thầy Anselmo”.

Một ngày - trong thập niên đầu thế kỷ 18 - tại nhà thờ chánh tòa Vienne, thủ đô nước Áo, một bé trai đơn ca bài Thánh Ca dâng kính Đức Mẹ MARIA. Cậu bé hát với trọn tâm lòng và giọng ca cao vút cùng thanh khiết đến độ làm rúng động tâm hồn một thầy dòng đang có mặt.

Thầy không cầm được nước mắt. Thánh Lễ kết thúc thầy tìm đến gặp cậu bé và nói:

- Con hãy cầm cỗ tràng hạt này và giữ làm kỷ niệm, để nhớ đến thầy Anselmo. Con hãy lần hạt Mân Côi thường xuyên và con sẽ trở thành cao trọng trong xã hội loài người!

Cậu bé đó tên Christoph Willibald GLUCK (1714-1787). Cậu bé giơ tay đón nhận cỗ tràng hạt của thầy Anselmo và hứa sẽ làm như lời thầy dặn.

Christoph hứa và giữ lời hứa. Và quả như lời thầy Anselmo tiên báo, Christoph trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng của toàn Châu Âu. Ông sáng tác nhiều tác phẩm ca-nhạc-kịch và có công trong việc chỉnh đốn ngành ca-nhạc-kịch trong chiều hướng tự nhiên, đơn sơ và đứng đắn.

Nhạc sĩ trứ danh Gluck có một thời sống tại thủ đô Paris. Thời gian này, ông được hoàng hậu Marie-Antoinette (1755-1793) - phu nhân vua Louis XVI - (1754-1793) kính nể và mời làm nhạc sư cho bà.

Thế nhưng giữa cảnh sống xa hoa của hoàng cung hoa lệ, cứ mỗi khi chiều xuống, ông Gluck thường lui về phòng riêng, hoặc một mình bách bộ trên lối đi vắng vẻ, vừa đi vừa lần hạt Mân Côi với tràng chuỗi của thầy Anselmo trao tặng.

Năm 1793, ông Christoph Willibald Gluck trút hơi thở cuối cùng, trên tay vẫn còn nắm chặt cỗ tràng hạt của thầy Anselmo.

Hai câu chuyện trên nhắc nhớ rằng cách đây đúng 150 năm - 1858 - tại Lộ Đức, cứ mỗi lần hiện ra với thiếu nữ Bernadette Soubirous (1844-1879), Đức Mẹ MARIA đều dặn cô lần hạt hàng ngày. Bernadette khiêm tốn thổ lộ:

- Con là kẻ vô học dốt nát nhưng ít ra con biết lần hạt Mân Côi mỗi ngày.

Gần 60 năm sau - 1917 - Đức Mẹ MARIA hiện ra với ba trẻ chăn chiên tại làng Fatima. Và mỗi lần hiện ra Đức Mẹ dặn các em phải lần hạt mỗi ngày. Lần hiện ra sau cùng vào ngày 13-10-1917, Đức Mẹ tự xưng là ĐỨC BÀ MÂN CÔI.

... ”Các ngươi mưu đồ gì chống lại THIÊN CHÚA? Chính Người sẽ ra tay tiêu diệt; cơn khốn quẫn sẽ không còn xảy ra nữa. Dù có chằng chịt như bụi gai, và ngất ngư như những kẻ say khướt, chúng cũng bị thiêu rụi như đống rơm khô. . Kìa, trên các đồi núi xuất hiện người đi loan báo Tin Mừng và công bố bình an. Này hỡi Giuđa, hãy mừng lễ, hãy giữ trọn các lời khấn hứa, vì kẻ thừa hành của Satan không còn qua lại nơi ngươi nữa; nó đã bị tiêu diệt hoàn toàn” (Sách Nakhum 1,9-11/2,1).

(Albert Pfleger, ”Fioretti de la Vierge Marie”, Mambré Editeur Diffuseur, 1992, trang 117-118+55)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:58 22/08/2008
ĐẠI SƯ VÀ CÁI BÁT VÀNG

N2T


Phật môn đại sư, thân khoác da thú vân du bốn phương, nhưng cái không tương xứng là nơi tay ôm một cái bát bằng vàng lấp lánh, đó là cái bát mà đệ tự của ông ta là một vị vua tặng.

Một đêm nọ, đại sư đang ngủ trong một cái chùa miếu đã bị hư hại, thì phát hiện có người lén lút núp sau cái cột nhà.

- “Cầm lấy nè”, đại sư cầm cái bát vàng đưa qua, “Như thế sau khi ta ngủ dậy thì sẽ không bị giựt mình.”

Tên trộm đưa tay ra lấy cái bát vàng và nghênh ngang bỏ đi. Nhưng, sáng sớm hôm sau nó trở lại, trong tay cầm cái bát vàng, tiện thể đòi thêm một yêu cầu: “Tối hôm qua ông cầm cái bát vàng đưa cho tôi một cách tự tại như thế, khiến cho tôi cảm thấy mình thật là quá nghèo. Xin ngài chỉ giáo cho tôi phải làm thế nào để được sự giàu có, để có thể bất cứ lúc nào từ bỏ nó mà hoàn toàn không lấy làm khó chịu.”

(Trích: Bài ca của loài ếch, phần tu đức)

Suy tư:

Cầm cái bát vàng cho kẻ trộm mà không chút tiếc nuối thì Phật môn đại sư quả là người đã dứt khoác với vật chất của trần gian, và khi đã dứt khoác được như thế thì là lúc có sức mạnh để cảm hóa được người khác.

Có những cái không xứng hợp với tinh thần Phúc Âm của người đã dâng mình làm tôi Chúa, đó là vẫn còn bon chen danh vọng với anh em chị em, đó là vẫn còn lòng dạ ích kỷ ghen ghét với tha nhân, đó là vẫn còn chia bè kết cánh để đạt mục đích cá nhân của mình...

Phật môn đại sư không giảng đạo cho tên trộm, ngài chỉ dùng hành động khảng khái để cảm hóa nó.

Bài giảng có sức lôi cuốn nhất của linh mục là cách sống phù hợp với thiên chức linh mục của ngài; bài giáo lý hấp dẫn nhất của các tu sĩ chính là cung cách phục vụ khiêm tốn và đầy yêu thương của họ.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:00 22/08/2008
CHỦ NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 16, 13-20.

“Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời.”


Bạn thân mến,

Chắc chắn bạn đã nhìn thấy các loại chìa khóa của những người cai ngục: từ những thỏi sắt thô sơ của ngày xưa, cho đến ổ khóa bằng hệ thống điện tử và bằng cảm ứng của thời đại ngày nay, nhưng những cái khóa này chỉ có thể giam cầm thân xác của tội nhân mà thôi, chứ không thể giam cầm linh hồn họ được. Và cuộc sống của những tội nhân trong ngục tù như thế nào thì chắc bạn cũng hiểu: khổ cực, lao động như con vật, không được coi là con người khi có những cai tù bất nhân không có lương tâm, nhưng điều mà các tội nhân đau khổ nhất đó chính là mất tự do.

Chúa Giê-su đã trao chìa khóa Nước Trời cho ông Phê-rô, nhưng Ngài không cầm chìa khóa bằng thỏi sắt hay bằng i-nox và Ngài cũng không nói số mật mã của cửa ngục cho ông Phê-rô, Ngài chỉ nói với ông như thế này: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời...”

Chìa khóa Nước Trời ấy đã trao cho ông Phê-rô là mục tử của các mục tử ở trần gian này, và chính ngài đã thay mặt Chúa Giê-su trao chìa khóa này cho các giám mục và linh mục hiệp thông với ngài trong Giáo Hội Công Giáo, chìa khóa ấy chính là bí tích Giải Tội mà chúng ta thường gọi là bí tích hòa giải. Nơi bí tích hòa giải này, Giáo Hội có quyền tha tội và cầm tội của hối nhân, đó không phải là khắc nghiệt, nhưng là bởi lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi.

Bạn thân mến,

Đã có lần bạn phạm tội và đã có lần bạn ăn năn hối cãi, rồi bạn thấy tâm hồn của mình thật bằng an sau khi đã xưng tội xong. Đó chính là hiệu quả của bí tích Giải tội, bí tích của lòng thương xót Chúa và cũng là bày tò lòng yêu thương của Ngài đối với nhân loại, là chìa khóa Nước Trời mà Chúa Giê-su đã trao ban cho Giáo Hội của Ngài.

Tuy rằng Chúa Giê-su đã trao quyền tha tội cho thánh Phê-rô và các giám mục cũng như linh mục của Giáo Hội. Nhưng trong cuộc sống, bởi bí tích Rửa tội mà bạn và tôi cũng có quyền tha thứ lỗi lầm của anh chị em, bạn và tôi cũng có quyền nói với họ rằng chúng ta là anh em trong Chúa Giê-su, bởi vì khi tha thứ là khi được thứ tha, và bởi vì mỗi ngày bạn và tôi đều sốt sắng đọc kinh Lạy Cha chúng con ở trên trời...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:01 22/08/2008
N2T


8. Cầu nguyện chính là cung kính với Thiên Chúa.

(Thánh John Climacus)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tình hình xã hội tôn giáo tại Nga
Linh Tiến Khải
00:25 22/08/2008
Phỏng vấn Đức Cha Paolo Pezzi, Tổng Giám Mục giáo phận Mẹ Thiên Chúa Matscơva, về tình hình xã hội tôn giáo tại Nga

Trong những ngày vừa qua chiến tranh đã bùng nổ tại miền Nam Ossezia, Georgia và Abkazia khiến cho tình hình toàn vùng Caucase trở nên căng thẳng và ngày nào nước Nga cũng được lên trang nhất của báo chí thế giới.

Để trả đũa binh sĩ Tbilisi tiến đánh Tskhinvali, thủ đô của vùng Nam Ossezia, chính quyền Nga đã ra lệnh cho 140 xe tăng và hàng ngàn binh sĩ tràn sang Georgia, tái chiếm vùng Nam Ossezia, đánh Abkazia, và tiến sâu vào lãnh thổ Georgia cũng như bỏ bom nhiều thành phố của Goergia. Chỉ sau 5 ngày chiến tranh đã có 2000 người chết và 160 ngàn người tị nạn.

Dưới sự điều động của Caritas quốc tế, Caritas Nga đã cùng với Caritas Georgia cùng nhau phối hợp công tác cứu trợ người tị nạn.

Dưới áp lực quốc tế và nhờ lời kêu gọi của nhiều giới chức đạo đời, trong đó có Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và Đức Thượng Phụ Chính Thống Matscơva Alexis II, cũng như qua trung gian của tổng thống Sarkozy, Nga và Goergia đã ký thỏa hiệp ngưng chiến, nhưng quân Nga vẫn chưa rút lui hết khỏi Georgia.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Paolo Pezzi, Tổng Giám Mục giáo phận Mẹ Thiên Chúa Matscơva về tình hình xã hội tôn giáo tại Nga.

Đức Cha Paolo đã được Tòa Thánh chỉ định làm Tổng Giám Mục giáo phận Mẹ Thiên Chúa Matscơva thay thế Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz ngày 21-9-2007, và ngày 29-6-2008 lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô Đức Cha đã nhận dây Pallium từ tay Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Hỏi: Thưa Đức Cha Pezzi, Đức Cha có các tâm tình nào, khi được Tòa Thánh chỉ định làm Tổng Giám Mục giáo phận Mẹ Thiên Chúa tại Matscơva và Đức Cha thấy tình hình Giáo Hội tại đây ra sao?

Đáp: Tôi nhận và sống trách nhiệm này như là sự tiếp nối của ơn thánh đối với cuộc đời tôi. Theo tôi, ơn thánh và trách nhiệm luôn đi sóng đôi với nhau, bất kể đó là ơn gì Chúa ban cho chúng ta: một tài khéo, một ơn thánh, một khả năng diễn tả mà Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta theo tính tình của từng người. Tuy nhiên ơn thánh cũng nở hoa, khi chúng ta biết đáp trả lại ơn Chúa ban.

Tôi đã biết một phần tình hình Giáo Hội tại đây, nhưng khi nhìn trong nhãn quan của ơn thánh và trách nhiệm Chúa trao phó, thì thực sự nó khác. Giáo Hội Công Giáo tại Nga là một cộng đoàn bé nhỏ trong số lượng, nhưng ý nghĩa vì lòng tin của mình. Điều mà Giáo Hội Công Giáo tại Nga cần có đó là ngày càng phải ý thức hơn về ơn lòng tin và sống nó trong tinh thần truyền giáo, cống hiến vẻ đẹp của kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô cho các anh chị em khác. Tâm tình này khiến cho chúng tôi nhìn người khác vời lòng xót thương và sự chú ý, mà không lo lắng cho con số. Nó trao ban cho chúng tôi tâm tình biết ơn đối với thực tại của Giáo Hội Chính Thống hay các thực tại khác của giáo phận, chẳng hạn như vài cộng đoàn tin lành Luther. Loại thực tại xã hội mà tôi đã gặp chứng minh cho thấy một yếu tố định đoạt và là nhu cầu lớn nhất: đó là người dân Nga cần Chúa Kitô; một cách ít nhiều ý thức họ kêu gào và đòi Chúa Kitô.

Hỏi: Thưa Đức Cha đâu là các khó khăn và các vấn đề lớn mà tín hữu công giáo đang phải đương đầu tại Nga?

Đáp: Trước hết là ý thức về lòng tin và vấn đề giáo dục lòng tin để cho các tín hữu có lòng tin trưởng thành, có ý thức trách nhiệm, có khả năng lo lắng cho công ích của xã hội; để họ có thể đem lòng tin vào các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và trong các tương quan cuộc sống thường ngày. Thách đố thứ hai đó là sự tái lập và củng cố thực tại gia đình. Tôi tin rằng một người không thể lớn lên một cách lành mạnh trong mọi lãnh vực nhân bản, tinh thần, tâm lý và thể lý, nếu không có một khung cảnh ổn định. Nếu không, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong các tương quan của cuộc sống. Giáo Hội có thể đóng góp phần mình trong lãnh vực này. Thách đố thứ ba đó là ý thức về sự cần thiết của tình bác ái nhưng không đối với tha nhân. Nó không phải là hoạt động chuyên môn bù đắp cho các thiếu thốn, mà là thái độ sống yêu thương trợ giúp nhau trong mọi môi trường cuộc sống thường ngày.

Hỏi: Liên quan đến lãnh vực đối thoại đại kết và liên tôn, có dấn thân chung nào giữa các Giáo Hội Kitô hay giữa các tôn giáo hay không thưa Đức Cha?

Đáp: Vâng, tuy có các khó khăn nhưng chúng tôi đối thoại với nhau. Vì khi đối thoại chúng ta hiểu biết nhau hơn và trở thành phong phú hơn. Trước hết đối thoại để tiến tới sự hiệp nhất và hiệp thông Kitô. Điều này có nghĩa là ý thức sống là một trong Chúa Kitô và làm tất cả những gì có thể để tiến tới mục đích đó. Nếu không đặt Chúa Kitô vào chỗ nhất và dành mọi ưu tiên cho Chúa là chúng ta không sống Kitô giáo.

Có nhiều việc mà các Giáo Hội có thể cùng nhau làm được như: say mê và cùng nhau loan báo Chúa Kitô cho mọi người, tổ chức các cuộc gặp gỡ trao đổi, cùng nhau giáo dục con người liên quan tới các giá trị của gia đình, nâng đỡ gia đình và giúp gia đình thông truyền lòng tin. Sau cùng còn có việc cộng tác với nhau trong lãnh vực giáo dục bác ái, nhưng cần phải chân thành liên quan tới các mục đích và phương thế thực hiện.

Hỏi: Chuyến viếng thăm Liên Bang Nga mới đây của Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, có để lại dấu chỉ nào quan trọng cho Giáo Hội Chính Thống và Giáo Hội Công Giáo cũng như công tác tông đồ mục vụ của cá nhân Đức Cha không?

Đáp: Dấu chỉ mà Đức Hồng Y Kasper đã để lại cho tôi cũng như cho hai Giáo Hội đó là sự chú ý Đức Hồng Y dành cho Giáo Hội Chính Thống. Đức Hồng Y Kasper đã gặp giới trẻ, giới lãnh đạo và thực tại cuộc sống chính thống. Tôi cảm nhận sự kiện này như là một khiêu khích tôi cũng phải làm và tiếp tục làm như vậy. Điều thứ hai đánh động tôi đó là tuy đây là một cuộc viếng thăm có tính cách cá nhân, Đức Hồng Y Kasper đã có thể gặp gỡ nhiều giới thuộc nhiều môi trường khác nhau, và tại những nơi nào có thể, Đức Hồng Y tìm tiếp xúc trực tiếp với dân chúng và đối thoại với họ. Đức Hồng Y đã kể cho tôi nghe một cuộc đối thoại rất hay với vài sinh viên chính thống và ngài trả lời cho các câu hỏi ở chiều sâu chứng minh cho thấy các sinh viên này muốn tìm hiểu Giáo Hội Công Giáo.

Hỏi: Đức Cha nghĩ gì về một cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và Đức Thượng Phụ Alexis II của Chính Thống Giáo Nga. Công việc đối thoại đang tiến triển tốt. Cuộc gặp gỡ có nguy cơ chỉ trở thành một biến cố truyền thông không?

Đáp: Người ta đang di chuyển trong hướng này, nghĩa là không biến cuộc gặp gỡ giữa hai vị trở thành biến cố truyền thông thời đại, mà là một thời điểm ý nghĩa và xây dựng giúp tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn giữa hai Giáo Hội.

Và cuộc găp gỡ đó sẽ là một sức đẩy cho chúng tôi đi theo chiều hướng này. Đàng khác nếu cuộc gặp gỡ không được chuẩn bị một cách thích hợp, thì nó có thể khiến cho con đường đối thoại trở thành khó khăn hơn. Vì thế nên phải biết chờ đợi. Khi yêu thương nhau, thì người ta có khả năng chờ đợi nhau.

Hỏi: Thưa Đức Cha Pezzi, theo Đức Cha, khởi hành từ những điểm chung, chẳng hạn như lòng sùng kính Đức Mẹ, vốn kết hiệp các tín hữu Kitô và chính thống, có là điều ích lợi không?

Đáp: Trong tương quan với anh em chính thống lòng sùng kính Đức Mẹ là một điểm chung tốt và rất ý nghĩa. Điều cả hai bên cần chú ý, đặc biệt là phía công giáo chúng tôi đang hoạt động tại Nga, đó là đừng khiến cho một hình thức hay kiểu tôn sùng nhất định nào đó trở thành điều chống lại người khác. Chúng tôi đã phát triển bên Đông cũng như bên Tây một kiểu sùng kính sâu đậm, nhưng rất khác nhau. Vì thế các mô thức sùng kính phải gặp nhau tại ngọn nguồn của chúng.

Xem ra là điều tầm thường, nhưng đối với chúng tôi việc diễn tả Đức Mẹ bằng hình và ảnh tượng là việc bình thường và là phần của lòng tôn sùng Đức Mẹ. Nhưng đây lại là điều thiếu vắng trong Giáo Hội Chính Thống, trong đó lòng sùng kính Đức Mẹ phát triển qua hình vẽ trên gỗ gọi là icone. Điều này không có nghĩa là không dùng tượng ảnh hay icone, mà làm sao để cho lòng sùng mộ của tôi gặp gỡ lòng sùng mộ của người khác, và tháp nhập vào lòng sùng mộ của họ. Điều này bao gồm việc học hiểu sở thích và sự say mê đối với lòng tôn sùng của người khác, liên quan tới kiểu họ cầu nguyện và hướng tới Mẹ Maria. Và phải có người làm điều này. Nếu chúng ta không ước muốn học hiểu sự nhậy cảm này vốn là điều tốt lành, thì việc hướng tới Đức Mẹ cũng dễ trở thành lý do chống đối tha nhân. Và đây là điều hoàn toàn sai lầm.

Hỏi: Thưa Đức Cha Pezzi, Đức Cha là một nhà truyền giáo thuộc Huynh đoàn linh mục thánh Carlo Borromeo, là thừa sai bên Nga có nghĩa là gì? Truyền giáo cho các vùng đất như Nga và Siberia xem ra là một sự đam mê của Đức Cha ngay từ thời dọn luận án tiến sĩ. Nó có lý do đặc biệt nào không, thưa Đức Cha?

Đáp: Sự đam mê truyền giáo thuộc bản chất của Giáo Hội nói chung và của tín hữu Kitô nói riêng. Mỗi một người đã lãnh nhận bí tích rửa tội đều là một nhà truyền giáo, và nếu không truyền giáo, thì chúng ta không sống ơn của bí tích rửa tội. Chúng ta có thể nói truyền giáo là sống ơn gọi Thiên Chúa đã ban cho từng người. Tôi thấy sự đối thoại giữa ý tưởng truyền giáo được phát triển trong truyền thống la tinh và ý tưởng truyền giáo trong truyền thống đông phương rất là hay. Trong truyền thống la tinh truyền giáo là đem Chúa Giêsu đến cho tha nhân qua cuộc sống, qua cái xinh đẹp, sự thật, công bằng, và lòng yêu đời mà tín hữu đã gặp thấy nơi Chúa Kitô. Trong truyền thống đông phương truyền giáo trùng với sự hiển dung, với sự biến đổi cuộc sống của mình, nghĩa là trùng với sự thánh thiện, trùng với ơn gọi sống của mình. Đó là nét quyến rũ và lôi kéo của Kitô giáo.

Tôi đã hấp thụ được cả hai khía cạnh này của cùng một con đường, từ các thầy dậy, khiến cho Kitô giáo trở thành cái gì thích đáng với cuộc sống, hay đẹp và hấp dẫn. Vì thế trong một lúc nào đó của cuộc sống tôi chấp nhận Kitô giáo trở lại, với sự say mê làm nảy sinh ra sự say mê truyền giáo của tôi. Trái lại sự say mê đối với nước Nga chỉ là tình cờ, tôi đã không bao giờ nghĩ hay đọc nhiều sách về nước Nga một cách chuyên biệt. Trong cuộc đời tôi đã chỉ có một vài dấu chỉ dẫn đưa tôi tới sự đam mê này: như icone Chúa Cứu Thế của Rublev, nó đồng hành với sự gặp gỡ Kitô giáo của tôi, hay việc đọc một loại tác phẩm văn chương kể lại cuộc sống đạo khó khăn của các tín hữu Nga. Tất cả đã dọn đường cho câu trả lời khi người ta cho biết là đang cần một linh mục, và hỏi tôi có sẵn sàng qua làm việc tại Siberia và tại vùng Nga Âu châu hay không. Và tôi đã trả lời có. Vì trong đời mình, tôi đã chỉ biết nói có, và không biết làm nhiều chuyện khác. Và điều này đã khiến cho tôi say mê nước Nga, người dân Nga, hình thức tôn giáo, Kitô giáo như được sống trong Giáo Hội Chính Thống, thánh ca, âm mhạc và văn chương Nga. (FIDES 7-7-2008)
 
Giám mục Bắc Kinh bầy tỏ hy vọng rằng Đức Thánh Cha có thể viéng thăm Trung Quốc
Peter Trần Hoàn Chỉnh
09:53 22/08/2008
BẮC KINH 21- 08 – 2008/ (CNA). – Đức Cha Giuse Lý Sơn, Giám mục Bắc Kinh hôm thứ tư đã nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ý (RAI) rằng: “mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa Thánh đang ngày càng cải thiện và ngài bày tỏ hy vọng về một chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Trung Quốc”. Đáp lại, phía Tòa Thánh nói rằng lời mời “rất lạc quan và đáng khích lệ” nhưng vẫn còn “hơi sớm trên thực tế”.

“Chúng tôi rất hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ đến Trung Quốc. Đây là một niềm khát khao lớn và chúng tôi hy vọng sẽ trở thành hiện thực. Mối quan hệ với Tòa Thánh sẽ tiếp tục được cải thiện”, Đức Giám Mục Lý Sơn nói với RAI.

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh nói với Đài Vatican rằng việc thảo luận về chuyến viếng thăm Trung Quốc của Đức Thánh Cha hiện nay thì “hơi sớm”, nhưng lời mời của Đức Cha Lý cho thấy “lòng yêu kính và vâng phục thẩm quyền Đức Thánh Cha của tất cả các tín hữu Trung Quốc”. Thời báo Times tường thuật.

Cha Lombardi nói rằng: “vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết” trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa Thánh.

Một phát ngôn viên của Giáo hội được nhà nước công nhận đã phản ứng về lời mời này bằng lời bình luận với hãng thông tấn Pháp rằng “Chúng tôi hy vọng Ngài sẽ thăm Trung Quốc càng sớm càng tốt, vì đây là một dịp tốt đối với Giáo hội Công giáo Trung Quốc. Tuy nhiên, bước đầu tiên là phải thiết lập quan hệ ngoại giao”.

Cũng nên nhắc lại Trung Quốc luôn yêu cầu Vatican phải chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vốn đã bị cắt đứt năm 1951 sau khi chế độ cộng sản lên nắm quyền. Hơn nữa, những tranh cãi về sự quản lý của chính quyền Trung Quốc đối với Giáo hội được nhà nước công nhận vẫn còn diễn tiến. Dẫu cho chính quyền vẫn còn kiểm soát việc bổ nhiệm giám mục cho Giáo hội được nhà nước công nhận nhưng nhiều vị giám mục và cả giám mục Lý Sơn cũng đã được Vatican chấp thuận.

Cũng theo giới báo chí, Giám mục Lý rất được quý trọng tại Vatican và việc bổ nhiệm ngài được xem như là một tín hiệu tích cực trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Giáo hội Công giáo đã bị cấm tại Trung Quốc suốt thập niên 60 và 70 khi tất cả các tôn giáo đều bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Hiện tại theo ước tính có khoảng 12 đến 15 triệu tín hữu Công giáo, phần đa là thuộc giáo hội thầm lặng và thường bị bắt bớ và ngược đãi.

Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô cũng đã thực hiện nhiều cải thiện trong mối quan hệ với Trung Quốc như là một ưu tiên trong cương vị Giáo hoàng của ngài. Năm ngoái, Ngài đã gửi một lá thư đặc biệt đến các tín hữu Công giáo Trung Quốc, trong đó ngài tuyên bố là chỉ có một Giáo hội duy nhất tại Trung Quốc.
 
Bất chấp lệnh cấm của công an, giáo dân thầm lặng Trung Quốc vẫn đến tham dự thánh lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:41 22/08/2008
Zhengding (AsiaNews) - Hơn 1.000 người Công Giáo thầm lặng bất chấp sự kiểm soát của công an đã gặp nhau tại nhà thờ ở Wuqiu (Hà Bắc) để tham dự Thánh Lễ trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời với vị giám mục của họ, Đức Cha Julius Jia Zhiguo, người bị giam giữ tại gia và công an giám sát thường xuyên. Tuy nhiên, các nguồn tin cho Tin Tức Á Châu hay rằng, ngài bị cách ly nên các linh mục và chủng sinh không thể gặp gỡ riêng ngài. Đức Cha Jia là Giám Mục thầm lặng của Giáo phận Chính Định (Zhengding, Hà Bắc), với hơn 110.000 người Công Giáo, 80 linh mục và hơn 90 nữ tu.

Vì an ninh chung của Olympic, các viên chức an ninh cảnh báo người Công Giáo trong giáo phận không cử hành đại lễ ở Nhà thờ chính tòa Wuqiu. Các giám mục và linh mục đã có mặt dù bị ngăn ở nhà. Bản thân Đức Cha Jia đã bị công an giám sát suốt từ tháng Tư. Thậm chí công an còn xây một căn nhà nhỏ trước nơi trú ngụ của vị giám mục chỉ để theo dõi ngài.

Đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời là một nghi lễ Công Giáo chính ở Trung Quốc. Ít nhất 1.000 tín hữu đã đến nhà thờ trong ôn hoà ở Wuqiu bất chấp lệnh của công an. Nhà của vị giám mục thì toà lạc chỉ bên cạnh nơi thờ phượng. Để trách xung đột và các vấn đề khác, các viên chức an ninh theo dõi Nhà thờ Chính tòa đã cho phép số lượng lớn người vào nhà thờ. Các viên chức không theo họ vào nhà thờ mà chỉ giữ trật tự ở ngoài sân. Cũng vì thế mà Đức Giám Mục được cử hành Thánh lễ với tín hữu.

Cán nguồn tin ở Chính Định cho hay Đức Giám Mục vẫn bị cô lập và ngài không thể gặp các chủng sinh và linh mục của ngài. Các hoạt động mục vụ hiện do các linh mục đảm nhiệm, tuy nhiên, họ được cảnh báo phải kềm chế khi tổ chức các cuộc gặp gỡ. Ít nhất có 6 linh mục bị các viên chức an ninh ép phải “nghỉ lễ không mong muốn” trong suốt kỳ Olympic. Một phó tế lẽ ra được phong chức nhưng sẽ phải đợi cho đến tháng Mười khi mà cả Olympic và Paralympic kết thúc.

Đức Cha Jia, 73 tuổi, đã phải ngồi tù 15 năm (1963-1978). Từ năn 1989, ngài đã bị công an theo dõi sát sao và đã bị bắt rồi thả hết 11 lần. Trong quá khứ, Tòa Thánh Vatican đã thường xuyên lên tiếng bênh vực trường hợp của ngài trước nhà chức trách Trung Quốc.
 
Sứ điệp Ngày Lao Động: Các Giám Mục Hoa Kỳ nhấn mạnh đến sự sống và phẩm giá con người
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:43 22/08/2008
WASHINGTON (ZENIT) – Sứ điệp nhân Ngày Lao động hằng năm của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi tín hữu dùng Giáo huấn Xã Hội của Công Giáo để soi dẫn họ khi họ bỏ phiếu vào tháng Mười Một tới. “Truyền Thống Công Giáo Hoa Kỳ” cử hành Ngày Lao Động vào ngày 01 tháng Chín và kêu gọi “canh tân mạnh mẽ như chúng ta tìm kiếm để cùng nhau xây dựng một xã hội cho chính mình, vươn tới người nghèo và người dễ bị tổn thương, mang đến hy vọng đích thực cho tất cả mọi người”.

Đức Giám Mục William Murphy của Rockville Centre, New York, Chủ tịch Ủy Ban Phát triển Công lý và Con người của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã công bố sứ điệp, trong đó nêu bật sự cần thiết của các công nhân, sự bất bình đẳng về kinh tế và trách nhiệm của mọi công dân nhằm giúp cải thiện các điều kiện làm việc.

Nói đến cuộc bầu cử toàn quốc sắp tới, sứ điệp nhắc nhở người Công Giáo sử dụng Giáo huấn xã hội và luân lý của Giáo Hội để đánh giá các vấn đề bình đẳng kinh tế, đời sống và phẩm giá con người.

Đức Giám Mục Murphy đã trích dẫn tài liệu “Đào luyện Lương Tâm để Thành Công Dân Chân Chính” của các giám mục Hoa Kỳ và nhấn mạnh đến sự cần thiết đào luyện một lương tâm đúng đắn và là nền tảng để bỏ phiếu cho các cương lĩnh nào tôn trọng sự sống và phẩm giá con người nhất.

Sứ điệp có đoạn viết: “Một lương tâm có hiểu biết vượt ra ngoài cảm xúc cá nhân và tính cá thể phổ biến. Một lương tâm có hiểu biết xem xét các ứng viên và các vấn đề từ viễn tượng của sự sống và phẩm giá con người, giá trị đích thực của mỗi con người, giá trị đích thực của xã hội, lợi ích chung của toàn thể chúng ta ở quốc gia này cũng như trên toàn thế giới”. Sứ điệp nhắc nhở thêm: “Làm thế nào có thể có được điều đó? Đừng quên rằng sự sống con người là điều tốt đẹp cao trọng nhất trên thế gian này. Đừng bao giờ quên rằng phẩm giá con người là một loại hàng hoá có thể tiêu hủy đi nhưng nó thuộc về mọi người mà không có ngoại lệ”.

Sứ điệp cũng nói đến tiếng nói của người Công Giáo đối với xã hội và đối với cuộc bâu cử: “Mỗi ngày chúng ta phò sự sống. Mỗi ngày chúng ta đấu tranh cho phẩm giá con người. Tiếng nói của chúng ta và lá phiếu của chúng ta sẽ định hướng xã hội bằng cách mang những sự thật không lay chuyển này vào mỗi đề xuất và chương trình một cách tường tận, mỗi đề án và kế hoạch của ứng viên một cách cặn kẽ”.
 
Hai bộ mặt tự do tôn giáo tại Trung quốc trong thời gian Thế vận hội
Phụng Nghi
11:40 22/08/2008
Bắc kinh (AsiaNews) – Có hai tiêu chuẩn song hành: Trong lúc những người ngoại quốc cư ngụ trong làng Thế vận được hưởng đầy đủ (hay gần như đầy đủ) tự do tôn giáo, thì Giáo hội công khai và Giáo hội hầm trú tại Trung quốc bị đặt dưới sự canh chừng chặt chẽ của cả công an lẫn Hội Yêu nước, để “tránh các buổi tụ tập đông người” và “bảo đảm an ninh” trong thời gian Thế vận hội.

Như lời hứa của chính quyền Trung quốc, có cả một khu vực trong làng Thế vận dành riêng cho vấn đề tâm linh và cầu nguyện. Các tín hữu Công giáo và Tin lành chung nhau một khoảng không gian; cũng còn chỗ dành cho Phật tử, tín đồ Hồi giáo, Ấn giáo và Do thái giáo. Người ta còn săn sóc đến cả phẩm chất của những thực phẩm dành cho người hành đạo: đồ ăn chay, halal (thực phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo), kosher (thực phẩm theo tiêu chuẩn Do thái giáo)… Một số đoàn tham dự Thế vận hội còn có riêng vị tuyên úy để cử hành lễ nghi, gặp gỡ tín đồ, và tự do giảng dậy, v.v…

Các vị tuyên úy Trung quốc hiện diện trong khu vực cho biết còn có cả những nghi lễ được sự tham dự của người ngoại quốc và tín đồ Trung quốc. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động đó đều nằm trong phạm vi ngôi làng Thế vận khép kín, chỉ những người đã ghi danh hoặc những ai tháp tùng họ mới được vào.

Khách du lịch người nước ngoài nói chung được đối xử rất mực hào phóng, ngay cả nếu có một vài trường hợp ngoại lệ. Một nhóm người Kitô giáo Mỹ bị chặn lại tại Côn Minh (Vân nam) vì lý do mang theo 300 bản Kinh thánh. Luật lệ Trung quốc cấm nhập cảng các sách về tôn giáo quá số lượng cần thiết dành cho việc sử dụng cá nhân.

Vì có du khách người nước ngoài trong thành phố, tại Dong Tang (giáo xứ thánh Giuse) và Bei Tang (giáo xứ St. Saviour) đã có các linh mục nói tiếng mẹ đẻ dâng thánh lễ bằng tiếng Đức và tiếng Ý. Một số giáo dân Trung quốc cũng đến tham dự các nghi thức này. Cho đến nay, không rõ sự tự do này sẽ còn tiếp tục sau Thế vận hội hay không. Một linh mục Trung quốc cho AsiaNews biết chính quyền sẽ cứu xét khả năng trong tương lai về các “vấn đề an ninh”. Cho đến nay các thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ được những vị chủ tế người nước ngoài cử hành tại các sứ quán (trong những khu vực “được đặc quyền ngoại giao” ), nhưng đó là nơi người Trung quốc không được phép đến, vì công an địa phương kiểm soát và ghi thông hành của tín đồ khi họ ra vào sứ quán.

Nỗ lực tách rời tín đồ Trung quốc ra khỏi người đồng đạo nước ngoài là một phần trong kế hoạch toàn bộ của Hội Yêu nước nhằm thiết lập một giáo hội quốc doanh, tách biệt ra khỏi mọi người khác. Đó là lý do tại sao, mặc dầu đã có những chỉ trích nặng nề chính quyền Trung quốc về chính sách kiểm duyệt internet, nhiều websites với những trang viết bằng tiếng Tầu vẫn còn bị ngăn chận không cho truy cập, trong số đó có: Đài Phát thanh Vatican, AsiaNews, các mạng lưới của Giáo hội ở HongKong, Hàn quốc, Singapore…

Vấn đề “an ninh” đã từ lâu khống chế khung cảnh xã hội Trung quốc, nơi vì tham nhũng, ô nhiễm môi trường, chiếm đoạt tài sản, có từ 200 đến 300 các vụ phản kháng nổ ra mỗi ngày, nhưng thay vì truy nguyên lý do phát sinh ra các vụ đụng độ đó, chính quyền chọn cách bắt giữ người biểu tình, bắn vào đám đông, và dẹp tan các vụ tụ tập. Trong thời gian Thế vận hội, bằng quyền hành của mình, Trung quốc làm mọi cách để khoác lên một bộ mặt tân tiến và tự do, nhưng trong nỗ lực đề cao hình ảnh đó, chính quyền đã cấm đoán mọi cuộc phản kháng như biểu tình và đưa kiến nghị, cấm mọi hình thức phát biểu công khai của những tiếng nói bất đồng. Cộng đồng Thiên chúa giáo cũng phải trả giá cho sự cấm đoán đó, mặc dầu chưa có người tín hữu Thiên chúa giáo nào bị kết án có hành vi bạo động chống lại nhà nước.

Trước thời gian Thế vận hội, tất cả các giám mục và linh mục thuộc giáo hội quốc doanh đã nhận được thư và khuyến cáo không được tổ chức các cuộc tập họp và nghi lễ đặc biệt trong thời gian có các cuộc tranh tài. Nếu trước đây đã có kế hoạch tổ chức như thế thì số người tham dự không được quá 200 và thời gian phải càng ngắn càng tốt. Vì lý do này, nhiều linh mục sợ giữ giáo hữu quá lâu trong nhà thờ, đã chọn cách bỏ bớt bài giảng, ngay cả thánh lễ ngày Chủa nhật.

Theo nguồn tin AsiaNews nhận được, tình hình giáo hội chui còn tồi tệ hơn nữa: ngoài những vị giám mục đã bị mất tích từ lâu, trong các tuần lễ vừa qua, nhiều giám mục và linh mục bị giam giữ tại gia và giáo dân bị đe dọa không được tổ chức hội họp dưới bất cứ hình thức nào trong thời gian này, nếu không “sẽ có hậu quả sau thời gian Thế vận hội.”

Tại Hà bắc (Hebei) giám mục Giulio Jia Zhiguo giáo phận Zhengding bị canh chừng ngày đêm. Công an còn dựng lều ngay trước nhà ngài, thay phiên nhau kiểm soát không cho ngài được gặp bất cứ ai.

Ngay cả tại Thiên tân (Tianjin), các giám mục và linh mục cũng bị giam giữ tại gia. Các tín hữu được “kêu gọi” không đón tiếp bất cứ linh mục chui nào, nếu không sẽ bị phạt vạ nặng nề. Tại nhiều nơi, các cộng đồng thường tổ chức những khóa học hỏi giáo lý cho thanh thiếu niên vào mùa hè, nay bị bắt buộc phải hủy bỏ mọi chương trình. Các linh mục khác được công an “khuyên” đi nghỉ hè để giữ cho các vị đó cách xa cộng đoàn.

Cảm tưởng của nhiều quan sát viên là Trung quốc muốn trình bày một bộ mặt cởi mở và tự do cho thế giới bên ngoài thấy, nhưng bên trong, họ tiếp tục kiểm soát và hạn chế. Để khoa trương hình ảnh của một “thiên đường” tự do tôn giáo, tờ báo bán chính thức của nhà nước bằng Anh ngữ - China Daily – được hầu hết du khách tìm đọc, trong thời gian này đã đăng tải một loạt những bài tường trình về các thánh đường tại Bắc Kinh và lịch sử của những ngôi thánh đường đó.
 
ĐTC cám ơn chính quyền thành phố Castel Gandolfo
G. Trần Đức Anh OP
19:39 22/08/2008
CASTEL GANDOLFO. ĐTC Biển Đức 16 nhiệt liệt cám ơn chính quyền thành phố Castel Gandolfo đã trao tặng bào huynh của ngài, Đức Ông Georg Ratzinger, tước hiệu công dân danh dự của thành phố này.

Buổi lễ trao tặng đã diễn ra chiều ngày 21-8-2008 tại dinh thự mùa hè của ĐTC ở Castel Gandolfo, một thành phố này hiện có 9 ngàn dân cư cách Roma lối 25 cây số. Hiện diện tại buổi lễ, ngoài thị trưởng và chính quyền địa phương còn có Ông Gianni Letta, thứ trưởng tại phủ thủ tướng Italia và ĐHY Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, cùng nhiều chức sắc đạo đời khác. Nhiều người dân theo dõi buổi lễ từ bên ngoài qua màn hình khổng lồ.

Ứng khẩu trong dịp này, Ngài nói: ”Thật là một niềm vui sâu xa cho tôi vì anh tôi từ nay thuộc vào đoàn các công dân danh dự của thành phố tươi đẹp này. Vì thế, Castel Gandolfo càng trở nên quí hóa và gần gũi với tâm hồn tôi. Tôi xin cám ơn quí vị về cử chỉ này.. Ngay từ đầu đời tôi, anh tôi vẫn luôn không những là người bạn đồng hành nhưng còn là người hướng dẫn đáng tin cậy của tôi nữa. Anh tôi là điểm hướng dẫn và tham chiếu rõ ràng cho tôi, luôn cương quyết trong các quyết định của mình. Anh tôi luôn chỉ đường cho tôi, cả trong những hoàn cảnh khó khăn..”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Anh tôi đã nhắc đến sự kiện nay chúng tôi đã đi đến giai đoạn chót trong cuộc đời chúng tôi, đi đến tuổi già. Những ngày còn sống thu ngắn lại dần dần. Nhưng cả trong giai đoạn này, anh tôi giúp tôi chấp nhận gánh nặng của mỗi ngày trong thanh thản, trong khiêm tôn và can đảm, và tôi cám ơn anh tôi. Tôi cám ơn thành phố Castel Gandolfo về cử chỉ này, thực là điều làm tôi hài lòng”.

Chính quyền thành phố Castel Gandolfo trao tước hiệu công dân danh dự cho Đức Ông Georg Ratzinger vì hơn 30 năm hoạt động trong lãnh vực thánh ca và âm nhạc.

Đức Ông Ratzinger năm nay 84 tuổi, bắt đầu đánh phong cầm năm lên 11 tuổi, gia nhập chủng viện với em năm 1946 và cả hai cùng thụ phong LM hồi năm 1951.

Về sau Cha Georg Ratzinger điều khiển ca đoàn nổi tiếng của Nhà thờ chính tòa Regensburg bên Đức cho tới khi về hưu. Cha Ratzinger đã tham dự hàng trăm đại hội các ca đoàn quốc tế tại Hoa Kỳ, các nước Bắc Âu, Canada, Đài Loan, Nhật Bản, Ailen, Ba Lan, Hungari, Italia và Vatican, cộng thêm hằng trăm các buổi trình diễn khắp nơi trong toàn nước Đức. Cha cũng đã cho ra nhiều đĩa nhạc do các nhà sản xuất nổi tiếng thế giới phát hành.

Năm 1967 cha được phong tước Đức Ông, và như là một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng cha đã chơi đại dương cầm trong các dịp lễ lớn như lễ nhận chức TGM Munich của bào đệ TGM Joseph Ratzinger, trong các buổi viếng thăm của Nữ hoàng Elisabeth của Anh Quốc năm 1978, và của Đức Gioan Phaolo II năm 1980 và trong hội nghị thượng đỉnh của khối NATO năm 1982.

Năm 1981 Đức Ông Georg Ratzinger cũng nhận được nhiều huy chương về khoa học và âm nhạc của Đức và Áo. Từ khi ĐTC Biển Đức 16 làm Chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ đến nay năm nào hai anh em cũng nghỉ hè với nhau tại Castel Gandolfo. (SD 22-8-2008)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ khấn tại Dòng Trinh Vương giáo phận Bùi Chu
LM Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT
00:17 22/08/2008
BÙI CHU – 5 giờ sáng 22.08.2008, nhân dịp kết thúc tuần tĩnh tâm năm, nhằm ngày lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, các chị em Dòng Thừa sai Đức Mẹ Trinh Vương Bùi Chu đã tổ chức thánh lễ khấn lần đầu cho 10 tập sinh mãn Tập viện.

Xem hình ảnh lễ khấn dòng

Thánh lễ được tổ chức đơn sơ, âm thầm tại nguyện đường tu viện chính của Hội Dòng tại Liên Thuỷ. Không có các thân nhân của các khấn sinh và cũng không có khách mời tham dự. Chỉ có do Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Phụ tá Bùi Chu, chủ sự và 12 cha trong Giáo phận tới đồng tế.

Trong bài giảng, Đức Cha Phêrô mời gọi các chị em hãy chu toàn sứ mạng thừa sai của Hội Dòng là làm nổi bật ý nghĩa và giá trị của đức trinh khiết nơi Đức Maria-Trinh Nữ Vương, đồng thời vun trồng nhân đức ấy nơi bản thân mình và làm cho giới trẻ trong xã hội ngày nay biết yêu mến và sống đức trinh khiết.

Đức cha Phêrô cũng nói rằng mọi Hội Dòng đều có sứ mạng truyền giáo và tên gọi thừa sai trong danh hiệu của Hội Dòng cũng xác định sứ mạng truyền giáo của các chị em Trinh Vương. Từ đó, ngài cũng mời gọi các chị em hãy theo sát Chúa Kitô, bởi vì nếu không yêu mến Chúa Kitô thì không thể truyền giáo được.

Đức cha Phêrô còn đặt vấn đề với các chị em về bản sắc riêng của Hội Dòng và cầu chúc cho các chị em luôn được giữ bản sắc riêng ?y hầu làm phong phú đời sống của Giáo Hội và mang lại những hoá trái tông đồ tốt đẹp.

Bên lề lễ khấn, chị Maria Nguyễn Thị Thục, Tổng Phụ Trách Hội Dòng, cho biết: Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương Bùi Chu được Đức cha Giuse Phạm Năng Tĩnh thành lập năm 1969. Tuy nhiên, mãi đến đầu thập niên 1990 Hội Dòng mới có thể tuyển sinh đào tạo. Hiện tại Hội Dòng có 72 nữ tu, 13 tập sinh, 70 đệ tử.

Hầu hết các thành viên trong Hội Dòng đều đang sống và phục vụ tại tu viện Liên Thuỷ và Tu viện Tân Lý. Công việc tông đồ chủ yếu tại hai tu viện này là giúp dạy giáo lý, phụ trách các hội đoàn và nuôi dạy trẻ. Các chị em cũng phụ trách một cơ sở nuôi dưỡng người già neo đơn ở Giáo xứ Quần Cống và một phòng thuốc ở Giáo xứ Tân Bình, Bùi Chu.

Chị Tổng Phụ Trách cũng cho biết hiện tại có nhiều nơi xin các chị em của Hội Dòng đến phục vụ, nhưng Hội Dòng không đủ nhân sự đáp ứng, vì quá nửa số chị em vẫn còn trong giai đọan đào tạo căn bản. Một nửa số chị em này học thần học tại TGM Bùi Chu. Một nửa các chị em còn lại được gửi đi học thần học và nghiệp vụ chuyên môn ở Sài Gòn.

Được biết một trong những thuận lợi lớn của Hội Dòng hiện nay là vẫn có khá nhiều ơn gọi và môi trường làm việc tông đồ rộng lớn đang mở ra. Một trong những khó khăn lớn nhất là lo liệu đủ kinh phí tối thiểu cho việc đào tạo nhân sự vì hiện tại, có quá nửa số nữ tu có lời khấn còn đang đi học (40/72), chưa kể 13 tập sinh và 70 đệ tử, trong khi nguồn thu nhập kinh tế chủ yếu của Hội Dòng là làm ruộng và chăn nuôi.

Bùi Chu 22.08.2008
 
Dòng Mân Côi Trung Linh, Bùi Chu, tổ chức Lễ Khấn Dòng trọng thể
LM Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
09:47 22/08/2008
BÙI CHU - Sáng ngày 22.08.2008, tại nhà thờ Giáo xứ Trung Linh, Dòng Mân Côi Trung Linh đã tổ chức thánh lễ khấn dòng trọng thể cho 23 nữ tu trong đó có 13 nữ tu khấn lần đầu và 10 nữ tu khấn vĩnh viễn.

Thánh lễ được tổ chức vào lúc 9 giờ, ngay sau khi kết thúc lễ khấn bên Dòng Trinh Vương. Thật tiện lợi cho nhiều người, vì hai Hội Dòng, cùng xã, cùng huyện, cùng Giáo Phận, chỉ cách nhau một cánh đồng với khoảng 2 phút đi xe máy.

Xem hình Lễ Khấn Dòng

Khu vực nhà thờ và tu viện Trung Linh người đông như hội, cờ hoa, khẩu hiệu trang hoàng khắp nơi. Sân tu viện bắc rạp và sắp tiệc giống như đám cưới lớn ở vùng quê Miền Bắc. Các nữ tu trang hoàng cầu thang và phòng ốc ở tu viện để đón các chị em tân khấn giống như đón cô dâu.

Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám mục Chính Toà Bùi Chu, đã đến chủ sự thánh lễ khấn dòng. Đồng tế với ngài có khoảng 50 cha đến từ các giáo xứ của Giáo phận Bùi Chu, Hà Nội và Thái Bình.

Tham dự thánh lễ, ngoài các tín hữu thuộc giáo xứ Trung Linh, còn có rất đông các nam nữ tu sĩ trong ngoài Giáo Phận và các thân nhân, ân nhân của các khấn sinh từ các tỉnh về tham dự. Các tín hữu tràn cả ra khuôn viên xung quanh nhà thờ.

Mở đầu thánh lễ Đức Giám Mục Bùi Chu đã mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các chị em được trung thành và chung thuỷ với Đức Lang Quân của mình. Trong bài giảng ngài đề cao sự hy sinh từ bỏ của các chị em qua các lời khấn, đồng thời mời gọi các chị em sống xứng đáng với tư cách là những người đã được thánh hiến cho Chúa.

Thánh lễ diễn ra với rất nhiều nghi thức trang trọng cùng những bài hát và những lời suy niệm cảm động đi theo hay xen kẽ giữa các nghi thức. Ai tham dự thánh lễ cũng thấy đất là một thánh lễ được tổ chức công phu, hoành tráng, có trình độ phụng vụ cao, xứng đáng là một Hội Dòng kỳ cựu của Giáo Phận.

Được biết Hội Dòng Mân Côi được Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn thành lập năm 1946, là Hội Dòng đầu tiên của Bùi Chu được thành lập theo giáo luật. Năm 1954 phần lớn các chị em đã di cư vào Miền Nam lập nên Dòng Mân Côi Chí Hoà. Một số ít các chị em già yếu bệnh tật, thất học còn ở lại, vượt qua bao nhiêu gian nan khốn khó để bảo tồn sự hiện diện của Hội Dòng cho đến hôm nay.

Chị Têrêxa Maria Trần Thị Nhung, Phó Bề trên Tổng quyền cho biết: Hiện tại Hội Dòng có 207 chị em có lời khấn, 21 tập sinh, 13 tiền tập sinh, 145 đệ tử, 18 chị tận hiến không lời khấn, tổng cộng là 404 thành viên, phục vụ tại 35 cơ sở trong ngoài giáo phận Bùi Chu.

Chị Maria Vũ Thị Nguyện, Tổng Cố vấn Phụ trách Đào tạo, cho biết phần lớn các chị em trong Dòng đang trong giai đọan đào tạo (251/404). Các chị em học thần học ở TGM Bùi Chu. Một số khác học ở Sài Gòn. Hội Dòng cũng gửi vài chục chị em đi học chuyên môn khoa học, nghệ thuật, sư phạm và y tế ở Nam Định, Hà Nội và Sài Gòn. Cũng có một số chị em được gửi đi đào tạo chuyên sâu ở ngoại quốc.

Trừ các chị em đang đi học ở Sài Gòn, Hà Nội và Nam Định, các chị em còn lại đều ở nông thôn, làm ruộng và chăn nuôi và phục vụ nông dân.

Ngay tại nhà chính của Hội Dòng ở Trung Linh, khi vào bếp chúng tôi thấy chị em vẫn bùm khăn, bịt mặt, nấu ăn bằng rơm rạ, bưng những nồi cơm đen nhẻm từ trong khối tro bếp ra bên ngoài… Chỉ một hình ảnh thôi đã khiến chúng tôi cảm thấy ấn tượng, cảm động và tin tưởng vào tinh thần hy sinh phục vụ của các chị em ở đây.

Chị Phó Tổng Phụ Trách cho biết: Hiện nay Hội Dòng đang phụ trách một trại người mù ở Hải Long và một bệnh xá tại Trung Linh-Nam Định. Bệnh xá này có quy mô một bệnh viện, mỗi ngày có khoảng 100 lượt người đến khám bệnh và khu nội trú của bệnh xá thường xuyên có khoảng 50-65 bệnh nhân nội trú công giáo hoặc không công giáo đến từ nhiều tỉnh khác nhau ở Miền Bắc.

Chị Phó Tổng Phụ Trách cho biết hiện tại có khoảng 1 chục nơi mời Hội Dòng đến lập cơ sở phục vụ, nhưng Hội Dòng vẫn chưa có đủ nhân sự đáp ứng. Có lẽ vì có tinh thần hy sinh phục vụ cao như thế nên các chị em Mân Côi “đắt khách” mời chăng?
 
Ngày Lễ Đức Maria Nữ Vương đề cao sự phục vụ của Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng ở Huế
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
13:13 22/08/2008
HUẾ - "Hãy toả sáng hương thơm và phục mọi người bằng con đường truyền giáo theo gương Mẹ Maria đi viếng". Đức Tổng giám mục Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể, đã đề cao sự phục vụ của các nữ tu Con Đức Mẹ đi Viếng Huế, nhân ngày Lễ Đức Maria Nữ Vương 22/8/2008.

Lễ Đức Maria Nữ Vương tại Nhà Dòng
Theo chị Tổng thư ký hội dòng cho biết, hơn 600 người đã tham dự Thánh lễ gồm 3 giám mục, 1 đan viện phụ, gần 100 linh mục, bề trên các dòng tu, nam nữ tu sĩ, giáo dân và thân nhân của các 22 nữ tu tiên khấn, vĩnh khấn, ngân khánh và Kim cương khấn dòng.

Đức tổng chủ tế giải thích trong Thánh lễ rằng các lời khấn sẽ giúp các chị phục vụ Chúa. Vì Chúa hứa ban thưởng cho các chị gấp trăm ngàn lần.

Từ người nữ tu lớn tuổi Maria Madelene Trần Thị Hậu, mừng Kim Cương khấn dòng 70 năm, đến nữ tu mừng Tiên khấn Maria Bùi Thị Lành. Tất cả các Chị đều vâng lời bề trên, ra đi phục vụ vì lợi ích Nước Trời, tại các cộng đoàn lớn nhỏ rải rác từ Huế đến Sài Gòn.

Nữ tu Hậu 94 tuổi chịu bệnh tật trong ngay Kim cương khấn dòng
Nữ tu Jaccard Lê Thị Hoàn 83 tuổi cho biết, người Nữ tu lớn tuổi nhất của dòng hiện nay là nữ tu Maria Madelene Trần Thị Hậu 94 tuổi, bị bại liệt toàn thân do tuổi già sức yếu. Trong 70 năm qua Sơ Hậu đã phục vụ người nghèo bằng việc dạy học và thường giúp đỡ các gia đình nông dân nghèo ở các làng vùng sâu vùng xa Thừa Thiên Huế.

‘’Sơ Hậu đang dâng cho Chúa bệnh tật và tuổi già để cầu cho các linh mục’’. một nữ tu trẻ nói. Hôm nay phòng của Mệ vẫn kết hoa giăng đèn, để mừng ngày Kim Cương khấn dòng của mệ, các nữ tu trẻ tuổi trong dòng thường gọi Sơ Hậu là mệ để chỉ sự tôn kính dành cho các vị cao niên của dòng.

Nữ tu Kim Lan mừng Ngân khánh
Một nữ tu khác nói:’’ 25 năm ngân khánh của tôi là một hồng ân’’ nữ tu Maria Têrêxa Nguyễn Thị Kim Lan cho biết, chị từng được bề trên bố trí giúp các chị ở nhà hưu dưỡng, phục vụ cấp phát thuốc cho xóm dân Vạn đò Huế, thăm viếng, an ủi những bệnh nhân có nhiễm HIV, hỗ trợ cho người nghèo được mỗ mắt miễn phí.

"Mỗi sáng khi thức dậy, tôi thầm thỉ với Chúa, xin Chúa giúp con có tình yêu của Chúa, để con trở nên chứng nhân và chia sẽ những đau khổ với anh chị em đồng loại của chúng con". Chị Kim Lan nói.

Với mục đích ở giữa lương dân và đặc biệt mục vụ cho người lương dân xuất phát từ hội dòng Mến Thánh Giá. Dòng Con Đức Mẹ Đi viếng Huế, do cố linh mục Giuse Trần Văn Trang thành lập từ năm 1924 tại thôn Kim Đôi, xã Quảng Thành, huyện Quảng điền, Thừa Thiên Huế, đã được Đức cố Tổng Philipphê Nguyễn Kim Điền cho phép chuyển từ Kim Đôi lên Phú Hậu Huế và đổi tên mới: Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế.
 
Lễ khấn của các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng TGP Huế
Trương Minh Phương
13:25 22/08/2008
HUẾ - Sáng ngày 22.08.2008, nhân ngày lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế đã tổ chức trọng thể Khấn dòng cho 22 nữ tu. Trong đó có 10 khấn sinh tuyên khấn lần đầu, 9 khấn sinh khấn Trọn đời, 2 nữ tu mừng Ngân Khánh, đặc biệt nữ tu Madalena Trần Thị Hân mừng lễ Kim Cương mặc dù đã nằm liệt giường do tuổi già.

Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể chủ sự thánh lễ, cùng đồng tế có Đức Tổng Giám mục Giáo phận Đà Nẵng Giuse Châu Ngọc Tri, Đức Giám mục Phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, khoảng 100 linh mục trong và ngoài giáo phận, đông đảo tu sĩ nam nữ, bà con thân nhân, ân nhân của Hội dòng.

Huấn từ của Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế mở đầu buổi lễ nhắc lại lời mời gọi của Chúa Giêsu hãy từ bỏ vật chất để đổi lấy nước trời. Nhưng ngài buồn lòng vì lời mời gọi đó đã bị nhiều người từ chối. Ngài đã trừ quỷ ám cho nhiều người, nhưng Ngài khó chữa lành những người bị tiền của vây bọc. Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh Đức Kitô là kho tàng quý giá nhất mà các con tìm kiếm. Phúc âm là lối thoát giải tỏa mọi vướng mắc trong tâm hồn. Trong lời khấn vâng phục bề trên và sống đơn sơ phó thác đời mình trong tay Mẹ, vì chính Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi còn thiếu thốn chi. Các con nhận cuộc sống khó nghèo và đem vui mừng đến người nghèo khó.

Nghi thức tuyên khấn lần đầu, Đức Tổng Giám mục đã làm phép khăn lúp và trao cho các tân khấn sinh. Ngài cũng trao cho mỗi khấn sinh một Hiến chương của Hội dòng để rèn luyện thử thách.

Các nữ tu tuyên khấn vĩnh viễn đã lập lại lời tuyên khấn và hứa trọn đời theo chân Chúa. Đức Tổng Giám mục đã xướng Kinh cầu các Thánh để nhờ lời cầu khẩn của các Ngài cho các nữ tu can đảm trên con đường phục vụ Giáo hội.

Cuối buổi lễ, nữ tu Maria Pauline Nguyễn Thị Diệu Cảnh, Tổng bề trên Hội dòng đã cảm ơn Đức Tổng Giám mục, các Giám mục, linh mục không quản ngại mệt nhọc sau những ngày Đại hội La Vang để đến dâng thánh lễ tạ ơn mừng hông ân thánh hiến của Hội dòng, mừng cho Hội dòng có thêm nhiều chị em dấn thân phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Giáo hội. Đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với các phụ huynh là những bậc sinh thành đã không nuối tiếc phó thác con cái mình trong tay Thiên Chúa. Xin cầu nguyện cho các chị luôn trung thành với Chúa, noi gương Đức Maria luôn đem niềm vui đến cho mọi người.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thái Hà: ''Con cái của các mẹ tiến thân trên đường ngay chính và sự thật''
Tiều Phu
00:23 22/08/2008
THÁI HÀ - Sau những màn dí sát máy quay phim vào những người đến tham gia cầu nguyện tại linh địa Đức Bà, các công an chìm tìm chỗ nghỉ đêm. Các bà các cô đêm nay 21.8.2008 cũng tập trung hết về các lều trại tại linh địa, chỉ con ba bốn người canh thức trước linh đài Đức Bà. Các nhân viên an ninh cũng nằm vạ vật ở chỗ này chỗ khác. Các nhân viên bảo vệ thì không biết chuồn đâu sạch. Đêm nay tại linh địa có vẻ im ắng hơn mọi đêm.
Tảng sáng, mấy bà đạo đức lại tụm năm tụm ba tâm sự chuyện này chuyện nọ. Một chị trung tuổi đứng lên thổ lộ cho mọi người cái chuyện đêm qua một anh an ninh trẻ xin trọ đêm:

- Vào đây làm gì?
- Ơ thế các mẹ chưa ngủ à? Các mẹ thương con, cho con dựa lưng ở đây một tí.
- Ừ, mết quá thì ngồi nghỉ đi, ra dựa lưng ở gần cái quạt điện kia kìa, cho nó mát.
- Con cũng là người có đạo đấy, các mẹ ạ.
- Sao không thấy con ra đọc kinh với các mẹ để Đức Bà phù hộ cho con.
- Làm thế có mà con mất nồi cơm!
- Con có đạo mà sao chúng nó vẫn cho con làm trong ngàng cảnh sát?!
- Mình phải giấu nhẹm gốc gác của mình đi chứ. Thế các mẹ ra đây cầu nguyện không sợ ảnh hưởng tới con đường tiến thân của con cái các mẹ à?
- Con cái của các mẹ tiến thân trên đường ngay chính và sự thật, chứ không như con, con ạ.
- Vậy mà con cứ tưởng…

Huyên thuyên với mấy mẹ trẻ được một lúc, bị cụt hứng, viên an ninh trẻ tìm cách chuồn.

Các cô các bà đạo đức cho tới tận gần sáng mới hết lo, nhỡ có đám người nào đấy được bảo kê đến phá ảnh Chúa ảnh Mẹ.
 
Các Nhóm quay phim của chính quyền tiép tục đến phá rối giáo dân Thái Hà cầu nguyện
Tiều Phu
13:53 22/08/2008
Nhật ký Thái Hà ngày 22.08.2008

Linh địa Đức Bà lúc 6h15

Xem hình ảnh sinh hoạt hôm nay tại Thái hà

Hai linh mục cùng với hơn trăm giáo dân đang đọc kinh cầu nguyện. Mấy ngưòi quay phim chụp hình không rõ là của thứ đài báo nào hô hoán nhau ra khiêu khích bà con. Họ cố tình mang máy quay dí sát vào mặt giáo dân. Nhưng đã được một linh mục trong tu viện hôm trước căn dặn, nên bà con không thèm phản ứng lại cái thái độ của mấy kẻ khiêu khích. Mấy nhân viên an ninh đứng trơ mắt ra đó, kệ cho kẻ xấu xúc phạm người khác. Cầu nguyện khoảng chừng 15 phút, hai linh mục trở về tu viện, còn giáo dân ở lại đọc kinh tiếp. Những kẻ khiêu khích vẫn tiếp tục tung hoành.

Linh địa lúc 9h30

Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy lượng người đến đây cầu nguyện đông đến thế. Được biết hôm nay ba linh mục của tu viện đi gặp giám đốc công an Hà Nội, nên bà con kéo về linh địa cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ đưa tới những kết quả tốt đẹp.

Bảng tin gắn những văn bản của tu viện và giáo xứ liên quan đến đất đai vẫn là nơi thu hút đông đảo khách vãng lai. Có người ở tận Hải Phòng cũng phóng xe từ sáng sớm lên đây để xem thực hư thế nào. Bao nhiêu những chuyện hài về các đài báo nhà nước đưa tin vụ Thái Hà được những người đang có mặt tại linh địa lúc này mổ xẻ. Những tiếng cười như nắc nẻ từ trong mấy cái lều trại vang ra. Thì ra cũng lại là những chuyện bi hài về các đài báo nhà nước!

Đôi loa phóng thanh của chính quyền treo trước cửa tu viện vẫn tiếp tục khủng bố các tu sĩ. Hiện tại, chưa thấy họ phản ứng gì với cái trò khủng bố dã man kiểu ấy.

Lúc 12h trưa

Chuông nhà thờ vang lên, trên linh địa lúc này có tới 5 tu sĩ mặc áo dòng đen cổ trắng, xung quanh họ có tới cả trăm giáo dân đang cất vang lời kinh truyền tin. Vẫn thấy mấy cái tay nhà bào hay thứ công an chìm gì đó khiêu khích họ bằng cách sấn sổ đến quay phim chụp hình kiểu côn đồ.

Sau buổi kinh trưa, mấy bà đạo đức vào trong lều ngồi nghỉ. Mấy chị trẻ mang cơm ra cho mấy bà ăn trưa. Mấy tên khiêu khích theo vào trong lều. “Trời đánh còn tránh miếng ăn”, thế mà nhóm người này chẳng tránh. Họ lại cố tình dùng máy quay phim chụp hình để chọc giận các phụ nữ.

“Các cậu đáng tuổi cháu tuổi chắt mà lại có hành động mất dạy quá lẽ thế à!” – Bà cụ phản ứng.

“Kệ cho chúng nó khiêu khích, mình vâng lời cha căn dặn, bà ạ. Chúa còn phải chịu đau khổ nhục nhã hơn chúng ta nhiều cơ mà” – Một chị trung tuổi ngồi cạnh bà cụ an ủi.

Nước mắt ứa ra, bà cụ bỏ dở bát cơm, đứng dậy đi lấy nước uống.

Chiều lúc 18h 30

Quay trở lại Thái Hà lúc chập tối để xem tình hình có gì căng thẳng hơn không. Trong nhà thờ lúc này đông quá lẽ. Trên bàn thờ có tới 6 linh mục đồng tế. Lễ xong họ lại kéo nhau ra linh địa cầu nguyện. Lấy làm lạ là tối nay sau giờ cầu nguyện tại linh đài, hầu hết mọi người lập tức kéo về tu viện. Lại chuyện gì thế này? À thì ra ba bốn linh mục hôm nay đi gặp gỡ chính quyền về, sẽ thông tin lại cho bà con những gì đã được bàn bạc với chính quyền. Không biết các cụ nói gì, chỉ thấy rằng bên trong hội trường bà con thi thoảng lại nổ tràng pháo tay dòn dã. Không biết tình hình linh địa Thái Hà ngày mai sẽ khả quan hơn chăng?
 
''Đã sai trái lại còn lớnt iếng'' - Tấm danh thiếp của báo chí độc quyền
J.B. Nguyễn Hữu Vinh
17:54 22/08/2008
“ĐÃ SAI TRÁI LẠI CÒN LỚN TIẾNG” – TẤM DANH THIẾP CỦA BÁO CHÍ ĐỘC QUYỀN?

Các phương tiện truyền thông Việt Nam là công cụ dưới sự lãnh đạo của Đảng thời gian qua đã mở một chiến dịch truyền thông rầm rộ, ầm ĩ và mạnh mẽ kết tội “Linh mục, tu sĩ vào giáo dân Thái Hà đã vi phạm pháp luật”. Một số tờ báo, đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương đã tung ra một chiến dịch đàn áp thông tin bất chấp lẽ phải, bất chấp pháp luật và nhất là bất chấp sự thật.

Bất chấp lương tâm tối thiểu của người cầm bút hoặc nhân cách một con người có lương tri, họ đã cố tình biến mình thành công cụ đắc lực của kẻ cầm quyền để phục vụ những thế lực muốn biến những điều sai trái thành lẽ phải, biến sự dối trá thành chuẩn mực xã hội, bảo vệ những thế lực nhũng loạn, vùi dập những người lương thiện.

Luật pháp Việt Nam ghi rõ: Không ai có thể bị coi là có tội, khi chưa có một bản án có hiệu lực được tuyên bởi một tòa án. Tuy nhiên, đấy chỉ là luật, còn thực tế, hiện cả đất nước đang thịnh hành “luật rừng” - cái luật hoang dã bản năng theo phương ngôn “Chân lý thuộc về kẻ mạnh”, Đó cũng là cách hành xử thường thấy nhất là trên lĩnh vực thông tin của những thế chế độc tài và độc quyền.

Qua mấy ngày dồn dập đổ lên đầu các linh mục, tu sĩ và giáo dân Xứ Thái Hà những tội lỗi tự họ nghĩ ra và áp đặt. Ngày 22/8/2008, sau khi Giáo xứ Thái Hà gửi đơn khiếu nại gay gắt đến các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông… theo những quy định của pháp luật, về việc bị báo chí nhà nước vu cáo, bôi nhọ, xúc phạm danh dự và xuyên tạc sự thật, thì báo Hà Nội Mới có ngay trên trang nhất bài: “Đã sai trái lại còn lớn tiếng”. Báo VietnamNet đăng bài: “Khi giáo xứ dùng “luật rừng”” cũng như một số tờ báo khác và Đài truyền hình lớn tiếng kết tội giáo dân, giáo sĩ.

Nội dung bài báo trên tờ Hà Nội mới không có gì mới, vẫn những lời kết tội thường thấy và mục kể lể cả nước có bao nhiêu xứ đạo, bao nhiêu nhà thờ, bao nhiêu linh mục, giám mục… như thể đó là do công ơn của nhà nước và của Thành phố tạo ra? Vẫn những ý kiến của những người không địa chỉ với những lời kêu gọi của những giáo gian, của những người mà có lẽ muốn tìm họ thì cần phải nhờ vào trí tưởng tượng của người cầm bút?

Còn bài viết trên VietnamNet của tác giả Trường Minh – Vũ Hoàng, là thể hiện một sự táng tận lương tâm một cách cao độ của kẻ cầm bút. Khi mà đơn từ của Xứ Thái Hà đã đến với họ, trong đó vạch rõ những mâu thuẫn mà không cần một người có đầu óc minh mẫn cũng hiểu được những khuất tất ở những văn bản họ đã có trong tay, cả mấy cái quyết định đá nhau của Thành phố Hà Nội, sở Tài TNMT và Nhà đất cũng như cái quyết định số 76/SQL-ND được ký ngày 30/1/1961?

Vậy mà người cầm bút vẫn bịa đặt không gớm tay, con số công nhân được nâng lên 1.000 cho khủng khiếp, trong khi công nhân của Công ty May Chiến Thắng thực tế chỉ còn có mấy chục người, còn lại đã chuyển đến 22 Thành Công. Chỉ có một điều duy nhất đúng ở đó, là cái câu “Đất có chủ mà như vô chủ” câu này tiếc rằng đã đặt sai thời gian và đối tượng, đáng lẽ phải nói rằng: Tháng 1/1961, đất đai này vẫn là của Dòng Chúa Cứu Thế - Xứ Thái Hà, nghĩa là vẫn có chủ, nhưng ngày 30/1/1961 đã bị Sở nhà đất Hà Nội vô cớ phân cho Xí Nghiệp Thảm len Hà Nội. Bởi vì theo Quyết định của UBND Thành Phố Hà Nội mà họ đã nêu, cũng như của Sở TNMT và Nhà đất Hà Nội, thì tận ngày 24/10/1961 (Hoặc 24/11/1961?) mới được Linh mục Bích? “bàn giao qua nhà nước”? Vậy mới đúng là “đất có chủ” nhưng nhà nước đã hành xử “như vô chủ” mà thôi.

Âu đó cũng là cách truyền thông biến nạn nhân thành thủ phạm thường thấy.

Đọc những bài báo này, nhiều người tỏ ra khinh bỉ, bĩu môi: “ôi dào, lại cái giọng của mấy thằng lưỡi gỗ, đổ cháo vào là nó nói như máy thôi mà, chấp chúng nó làm gì, chúng nó sẽ chịu hậu quả của sự dối trá xúc phạm bổ báng tôn giáo, thần thánh mà người đời hay gọi là “bốc lửa bỏ tay người” ngay thôi. Đời nó ăn mặn, thì đời con cháu nó tha hồ mà uống nước thôi”.

Tuy vậy nhưng đọc mấy đầu đề của vài tờ báo nhà nước, tưởng cũng có vài điều cần bàn:

Phương thức báo chí kết tội thay tòa án, là một phương thức không hề lạ lùng trong làng báo chí Việt Nam dưới sự lãnh đạo thống nhất của đảng. Đó cũng là “lề đường bên phải” mà báo chí được bật đèn xanh cho đi? Cái lối mòn của báo chí độc quyền và thể chế độc tài.

Tuy nhiên, điều đó chỉ được tha hồ thao diễn với những đối tượng không vừa lòng đảng và chính phủ, những đối tượng đó là tôn giáo (là tổ chức của các công dân hạng hai), là những người đòi hỏi cho đất nước được dân chủ, công bằng, bác ái… Còn đụng tới mấy quan tham nhũng, mấy cán bộ có chức có quyền thì hãy coi chừng. Vụ PMU 18 vừa qua là một ví dụ điển hình, khi quan chức bị phanh phui, bị bắt đã được nhà nước tha bổng ra khỏi tù, thì báo chí hãy liệu cái thần hồn! Hàng loạt phóng viên bị bắt, hàng loạt lãnh đạo báo được mời nhận án, kỷ luật vì xúc phạm công dân, kết tội thay tòa… mà cả dàn mấy trăm tờ báo im tịt như thóc giống đổ bồ.

Cũng chỉ những vụ đất đai Thái Hà, đất Tòa Khâm sứ, đất đai của nhà thờ, thánh thất… thì báo chí tha hồ mà kết tội. Còn những vụ như đất đai biên giới, đất đai Hoàng Sa, Trường Sa… đã được “bàn giao qua Trung Quốc thống nhất quản lý” (nói theo cách của nhà nước) thì cả dàn báo chí mấy trăm tờ đua nhau… tịnh khẩu.

Đọc cái đầu đề “Đã sai trái lại còn lớn tiếng” mà tôi thấy thật buồn cười, nó giống như một câu khẩu hiệu, là phương châm hành động của báo chí nhà nước?

Ai sai trái ở đây?

Một bên là nhà nước, với súng đạn và chuyên chính vô sản trong tay, hàng loạt công an, cán bộ, phương tiện vũ khí, công cụ, tiền bạc không hạn chế, với phương thức của một chính quyền trên nòng súng, cố đoạt bằng được mảnh đất mà cha ông giáo dân đã tích cóp mua để sử dụng cho những lợi ích chung của xã hội, của những người nghèo…

Ai cũng biết rằng: Tất cả tài sản mình thủ đắc mà không ngay tình, không được sự đồng ý của chủ sở hữu, thì đều là sai trái, là bất hợp pháp. Mà pháp luật là chứng cứ, là văn bản, giấy tờ cụ thể, chứ không thể chỉ là câu cửa miệng “đã bàn giao qua nhà nước thống nhất quản lý” của một vài quan chức, hoặc một vài văn bản không có cơ sở dùng để bao biện, chữa cháy thế là xong. Nếu có những giấy tờ bàn giao, bán… hoặc bất cứ thứ gì phù hợp pháp luật, khi người khác khiếu nại, phải xuất trình, vậy mà giáo dân đòi đến hơn chục năm trời, trưng ra cả các loại chứng cứ với các hình thức kêu gào, vẫn không được các “công bộc của nhân dân” cho xem những chứng cứ đó.

Một bên là một nhóm giáo dân không một tấc sắt trong tay, đã phát hiện ra mảnh đất của cha ông mình với bao xương máu để có được, bổng chốc bị chiếm đoạt vô cớ. Rồi bị biến thái từ đất công thành đất tư, từ chủ này sang chủ khác, (trái với ngay chính quyết định giao đất ban đầu, vi phạm pháp luật nghiêm trọng), cuối cùng có nguy cơ bị biến thành những miếng mồi cho những quan tham, thì kiên quyết đòi lại công lý theo quy định của pháp luật. Dù pháp luật quy định có thời hạn giải quyết các khiếu nại, thế nhưng ở đây, việc khiếu nại đã có cả chục năm vẫn chưa đủ, vẫn phải chờ… pháp luật giải quyết? Khi chẳng đặng đừng, phải tiếp cận với tài sản của mình có nguy cơ bị mất trắng, thì được báo chí và các quan chức kết tội ngay là “vi phạm pháp luật”? Vậy ai sai trái ở đây và ai dùng luât rừng ở đây?

Ai lớn tiếng ở đây?

Một bên với hàng mấy trăm tờ báo, từ báo hình, báo giấy, báo mạng… hàng ngàn cái loa phường chõ vào nhà dân, trên mỗi con đường, góc phố cưỡng bức thông tin hàng ngày, hàng đêm. Đọc ra rả những bản án của phóng viên và tòa soạn kết tội đích danh từng ông linh mục, tu sĩ, từng người giáo dân. Khi đến giờ giáo dân tập trung cầu nguyện, chiếc loa mới được lắp khẩn cấp lại lải nhải đọc những lời vu cáo trên, nhằm phá rối những lời kinh, tiếng Thánh ca…

Cùng với những thủ đoạn đê hèn, dựng nhân vật ảo, chứng cứ giả, bịa đặt chuyện khẩu hiệu chống chính phủ, chuyện phát loa đến 1-2 giờ sáng, đạo diễn các giáo gian… phỏng vấn những nhân vật mà chưa bao giờ họ được tiếp xúc thông tin để mà cắt, mà xén. Cũng trên báo Hà Nội mới, với hàng loạt nhân vật được cho là giáo dân, là bạn đọc với những địa chỉ vu vơ là phường nọ phường kia với hàng vạn con người không thể xác định, có một địa chỉ như sau: “Ông Nguyễn Đức Thắng, giáo dân xứ đạo Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai: Phải xử lý nghiêm minh những hành động sai trái”. Chúng tôi gọi điện đến linh mục Nguyễn Khắc Quế, Chính xứ Thạch Bích để kiểm chứng thông tin này. Sau khi gọi cả ban hành giáo kiểm tra và thẩm định lại cả 4 họ trong xứ, Linh mục Quế khẳng định: ở Xứ Thạch Bích, không có ai là Giáo dân Nguyễn Đức Thắng, ngoại trừ có một người đã chết từ lâu lắm rồi?

Cũng mới đây có trường hợp đạo diễn giáo gian đã bị bể mánh, vạch mặt ngay trước cộng đồng giáo dân trên linh địa Đức Bà là một ví dụ điển hình… Nghĩa là bất chấp một thủ đoạn đê hèn nào miễn là nói bằng được điều muốn nói, áp đặt bằng được tội muốn áp đặt.

Một bên là mấy ông linh mục, mấy ông bà giáo dân với tờ đơn gửi đi không biết sẽ đến đâu, không có một tờ báo, không một phương tiện thông tin tối thiểu để có thể vượt tường lửa (một biện pháp ngu dân hóa) để tiếp cận thông tin. Chỉ có những lời kinh, tiếng hát nguyện cầu thì được cho là mất an ninh, trật tự… và vi phạm pháp luật.

Không hề có một bản tin, không có một tiếng loa đọc lên những lá đơn ấy… Vậy ai là kẻ lớn tiếng ở đây, không cần so sánh, người ta cũng hiểu.

Thật ra, chuyện báo chí Việt Nam là chuyện dài kỳ khi mà Việt Nam xếp hạng 178/195 trên thế giới về tự do báo chí trong khi dân số Việt Nam đứng hàng thứ 13 trên thế giới. Đó cũng là một đặc trưng của báo chí độc quyền theo đúng “lề đường bên phải” của đảng đã chỉ ra.

Ông Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông, một ông sính chơi chữ nói rằng: “Quản lý là quản có lý, bao gồm cả đạo lý và nguyên lý. Đạo lý là ủng hộ người tốt, răn đe người không tốt. Nguyên lý là tạo hành lang cho người ta hành động. Đi ngoài hành lang không được và không an toàn”.

Vậy cách báo chí dựng nhân chứng, chứng cớ giả, nhân vật ảo, kết tội thay tòa đối với những người dân lương thiện, những đối tượng bị chiếm đoạt với trò đánh hội đồng, bịt miệng nạn nhân để chửi vào tai họ, bôi xấu, hạ nhục người khác để bảo về những quan tham, phải chăng là phương thức hành động của báo chí ngày nay? là hành động đạo lý “ủng hộ người tốt, răn đe người không tốt”?

Kinh Thánh có câu rằng: “Kẻ đồng loã với tên trộm cắp - là làm hại chính bản thân mình” (Châm Ngôn - Chương 29 – câu 24).

Với những người kiếm miếng cơm bằng ngòi bút nô lệ, cũng có khi nên thông cảm cho họ, bởi tay họ cầm bút nhưng ngòi bút phải viết theo những lời lẽ của bộ máy điều khiển từ xa. Nhiều khi lòng trí họ không muốn mà vẫn phải “nhả ngọc phun châu” những lời độc địa và phản phúc.

Tuy nhiên, mọi sự đều có giá của nó, với những kẻ nô lệ, những tên lính xung kích trên mặt trận đánh phá tôn giáo, báng bổ thần thánh, sẽ có một ngày họ đối diện với tâm hồn mình, mang trên vai một món nợ không thể trả cho cuộc đời này, vì như dân ta thường nói: Trời cao nhưng Trời có mắt. Cũng như cha ông thường nói “Phúc đức tại mẫu”, họ và con cái họ sẽ được hưởng những thành quả của họ mang lại.

Lời kết: Quả là cái môn gắp lửa bỏ tay người thì mấy vị báo chí nhà nước đúng là siêu việt. Đọc cái câu “Đã sai trái lại còn lớn tiếng” trên báo Hà Nội mới và “Khi giáo xứ dùng “luật rừng”” trên báo VietnamNet hôm nay, tôi chợt nghĩ sao giống một câu quảng cáo cho báo chí và pháp luật nhà nước đúng đắn đến vậy? Và các bạn đừng nghĩ là quảng cáo chỉ là quảng cáo. Bản quảng cáo này, đã nói đúng thực chất chất lượng báo chí và pháp luật nhà nước trong những vụ này.

Hà Nội, Ngày 22 tháng 8 năm 2008
 
Cộng Sản: Mục đích biện minh cho phương tiện
Lm. Chân Tín
23:47 22/08/2008
CỘNG SẢN: MỤC ĐÍCH BIỆN MINH CHO PHƯƠNG TIỆN

Sự kiện

Cách đây hơn ba tuần lễ tôi đã ra Hà Nội để kính viếng thánh địa Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Thái Hà và ủng hộ tinh thần đấu tranh cho công lý và hoà bình của giáo xứ.

Sau khi dâng thánh lễ lúc 18 giờ 30, tôi cùng các tu sĩ DCCT và đông đảo giáo dân, tay cầm đèn miệng ca hát kính Đức Mẹ, tập trung cầu nguyện bên ngoài hàng rào mảnh đất mà cộng sản đã chiếm bất hợp pháp. Cuộc cầu kinh này được tổ chức rất trật tự, không gây trở ngại giao thông. Sau khi tôi trở lại Sài Gòn thì vào ngày 15 tháng 8, giáo dân rước kiệu như những ngày trước, nhưng lần này đã đưa tượng Đức Mẹ vào trong mảnh đất bị chiếm đóng bất hợp pháp mà DCCT Hà Nội cũng như giáo dân Thái Hà đã lâu ngày đòi lại nhưng Nhà nước không chịu giải quyết.

Sau biến cố này các báo chí truyền thanh, truyền hình trung ương và Hà Nội đã liên tục kết tội giáo dân và tu sĩ Thái Hà vi phạm luật pháp, họ bóp méo xuyên tạc sự thật. thế nhưng Nhà nước lại không đưa ra một giấy tờ nào để chứng minh là tu viện đã hiến cho Nhà nước mảnh đất mà tu viện giáo xứ định xây Nhà thờ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Các tu sĩ DCCT đã xác định: “chúng tôi có đủ bằng chứng pháp lý và nhân chứng để chứng minh rằng: tài sản đó hoàn toàn thuộc về DCCT và giáo xứ Thái Hà đã bị một số cơ quan Nhà nước chiếm đoạt một cách bất hợp pháp.” Các tu sĩ DCCT sau khi chứng minh giấy tờ hợp pháp mà các cơ quan Nhà nước cũng không đưa ra một mảnh giấy gì chứng minh Nhà Dòng đã hiến tặng. Các tu sĩ một lần nữa khẳng định: “Đất đai tài sản đến nay vẫn thuộc quyền sử dụng và sở hữu của DCCT và giáo xứ Thái Hà. Tất cả những hành động lấn chiếm, cưỡng đoạt, mua bán, chuyển nhượng mà không được sự chấp thuận của chúng tôi bằng văn bản có giá trị pháp luật đều là bất hợp pháp. Chúng tôi quyết tâm bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý và tài sản này của chúng tôi đúng như Hiến pháp và Pháp luật quy định bằng bất cứ giá nào.”

Sự thật đã rõ ràng như thế thì tạo sao các báo chí, truyền thanh, truyền hình của Nhà nước và thành phố Hà Nội còn thông tin trái ngược với sự thật, ví dụ như bịa đặt chuyện “Nhà thờ Thái Hà còn bắt loa công suất lớn thường xuyên gây ồn ào từ 20 giờ khuya đến 1-2 giờ sáng qua hệ thống loa, đồng thời các chức sắc Nhà thờ có những lời nói rất kích động thô tục khó chấp nhận. Nhà thờ còn có những biểu ngữ với nội dung sai sự thật, bôi nhọ chính quyền, nói xấu đồng bào, kích động giáo dân.” Đứng trước những lời vu cáo này, các tu sĩ DCCT khẳng định: “những lời nói trên là vu cáo, là nhục mạ đối với hàng ngũ tu sĩ, danh dự công dân và giáo dân giáo xứ Thái Hà nói riêng, toàn thể cộng đồng Công giáo nói chung. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan làm rõ vấn đề này, cung cấp đầy đủ chứng cứ về những việc đã được báo đài nêu trên trong thời gian sớm nhất. Sự vu cáo bỉ ổi nói trên chẳng lừa mị được ai lại càng làm mất lòng tin của người Công giáo cũng như không Công giáo vào hệ thống chính trị hiện nay, là đi ngược lại đường lối đoàn kết tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng phẩm giá con người trong một xã hội pháp quyền mà Nhà nước đang kêu gọi xây dựng” (đơn khiếu nại 19.08.2008).

Các tu sĩ kết thúc đơn khiếu nại bằng những lời sau đây: “với những nội dung đã nêu trên, căn cứ hiến pháp, pháp luật Việt Nam, điều 28 luật báo chí chúng tôi yêu cầu:

1- Đài truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội mới, báo Kinh Tế Đô Thị, báo An Ninh Thủ Đô phải nghiêm túc nhìn nhận sự việc một cách khách quan và tôn trọng sự thật, tổ chức điều tra và tiến hành đính chính theo quy định của pháp luật hiện hành.

2- Truy cứu trách nhiệm cá nhân, tổ chức đã cố tình xuyên tạc sự thật về những vấn đề nêu trên.

3- Trả lời chúng tôi bằng văn bản theo đúng trình tự hiện hành mà luật pháp đã quy định.


Nhận định

Qua sự việc kể trên cũng như bao vụ vu khống khác trên đất nước này, để bỏ tù, tịch thu Nhà cửa, ruộng đất của người dân, của các tôn giáo, cách riêng của Công giáo, ta nên trở về nguồn của chủ nghĩa cộng sản.

Chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa vô thần duy vật. Vô thần tức là không công nhận có Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng vũ trụ, tạo dựng con người và ban cho con người luật lương tâm để phân biệt cái tốt phải làm và cái xấu phải tránh. Duy vật, người cộng sản coi con người không phải là một chủ thể có những quyền lợi không ai cướp đoạt được. Cộng sản coi con người là những dụng cụ để phục vụ đảng cộng sản với bất cứ giá nào. Do đó, những chuyện động trời các chế độ cộng sản từ Liên Xô đến Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam tạo ra để đạt mục đích cướp tiền của, nhà cửa, ruộng đất của người dân.

Tại Liên Xô, nhà văn Alexander Solzhenitsyn vừa mới qua đời (05.08.2008) đã cho ta thấy trong tác phẩm Goulag (Quần đảo ngục tù) chế độ tàn nhẫn của Liên Xô dưới thời Staline, bắt bớ vô tội vạ, cướp của giết người. Những nhà trí thức chống đối chế độ bị đưa vào nhà điên lấy cớ là họ điên thật và chính nhà văn cũng bị bỏ tù chín năm vì chống Staline. Trong cuốn “Quần đảo ngục tù” nhà văn kể một cách chi tiết về việc lạm dụng có hệ thống của chính quyền Xô Viết trong thời gian từ 1918-1956 tại hệ thống rộng lớn các nhà tù và nhà cải tạo. Việc công bố tác phẩm đã dẫn tới một chiến dịch bạo lực chống lại nhà văn trên hệ thống báo chí Xô Viết nơi người ta gọi ông là một kẻ phản bội.

Chế độ cộng sản là như thế, họ lấy mục đích để biện minh cho các phương tiện. Ông Gorbachev đã thấy sự tàn ác vô nhân đạo của chủ nghĩa cộng sản nên ông đã can đảm đứng lên lật đổ chế độ cộng sản và thiết lập chế độ dân chủ tôn trọng con người, tôn trọng các tôn giáo như ông đã nói với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị rằng: “Chúng tôi cần những giá trị thiêng liêng, cần có một cuộc cách mạng tinh thần. Đây là con đường độc nhất đưa đến một nền văn hoá mới và một nền chính trị mới...chúng tôi đã đổi thái độ đối với một số vấn đề, ví như tôn giáo, mà chúng tôi đã cư xử một cách đơn giản. Bây giờ không những chúng tôi nhận định rằng không một ai có quyền can thiệp vào những vấn đề lương tâm cá nhân, nhưng chúng tôi còn nói rằng những giá trị luân lý mà tôn giáo đã làm nảy sinh ra và đã đúc kết trong hàng thế kỷ có thể giúp cho công việc đổi mới đất nước chúng tôi vậy. Những người thuộc về nhiều tôn giáo ở Liên Xô, tất cả đều có quyền thoả mãn nhu cầu thiêng liêng của họ.” (Time 11.12.1989).

Đề cập đến nhân quyền, Gorbachev nói: “các quyền của con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa không phải là quà tặng của Nhà nước, không phải là việc làm từ thiện của ai... Công cuộc cải tổ đã đặt ra vấn đề về các quyền chính trị của con người... Chúng ta không có quyền để cuộc cải tổ vấp phải tảng đá giáo điều và bảo thủ, vấp phải những thành kiến và những tham vọng riêng của ai đó” (Sài Gòn Giải Phóng 01.07.1988)

Được hỏi sau 70 năm cách mạng chủ nghĩa xã hội có gì thay đổi không, ông Constantine Katchev, trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã trả lời: “Có nhiều thay đổi. Thay đổi chính yếu là nay người tín hữu không còn bị coi như công dân hạng hai nữa. Điều này xảy ra một cách quá thường xuyên việc hiến pháp Liên Xô kỳ thị tín hữu và ưu đãi người vô thần phải được chấm dứt,” (La Republica 04.03.1989).

Liên Xô không còn nữa. Nòng cốt của Liên Xô là nước Nga ngày nay đã đổi mới. Có như vậy chính quyền nước Nga hiện nay đã biết tôn trọng nhân quyền căn bản của con người cách riêng, quyền tự do tôn giáo.

Sau Liên Xô, là Trung Cộng, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam đang còn chạy theo con đường cộng sản đã mang lại bao đau khổ cho người dân cách riêng cho các tôn giáo.

Ở Việt Nam, trong những năm đấu tố, con tố cha, vợ tố chồng, em tố anh. Biết bao cuộc thanh toán đẫm máu cũng vì theo nguyên tắc: mục đích biện minh cho phương tiện. Bao cuộc cướp của giết người cũng theo nguyên tắc đó.

Sau 1975, ở miền Nam Việt Nam quần đảo ngục tù đã sớm bắt đầu với những trại gọi là trại cải tạo. Quần đảo ngục tù này rải rác khắp đất nước, từ nam chí bắc, từ đồng bằng đến núi rừng. Những cuộc cướp bóc của chính quyền đối với nhân dân, đối với các tôn giáo cũng sớm bắt đầu. Vào tháng Giêng 1978, trong một đêm chính quyền đã gửi cảnh sát chiếm năm tu viện ở Thủ Đức trong đó có Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Anh Em Lasan, Dòng Đaminh, Dòng Don Bosco và Đan viện. Họ đuổi các tu sĩ ra khỏi tu viện và bỏ tù một ít người để làm cớ chiếm tu viện, họ tập trung các tu sĩ vào một phòng để họ tự do đi kiểm tra như vậy họ dễ dàng đưa truyền đơn, súng ống vào tu viện rồi đổ tội cho các tu sĩ chống cách mạng. Và từ ngày đó đến nay bao nhiêu cuộc cướp đất của các Dòng tu và của các Giáo phận trên khắp đất nước.

Trong bối cảnh đó với phương châm: Mục đích biện minh cho phương tiện, người cộng sản có biết lương tâm là gì, công lý là gì? Họ chỉ có súng đạn, có nhà tù, trại giam với một hệ thống công an đầy đặc và một hệ thống tuyên truyền làm theo ý chính quyền thì nhà nước này làm gì chẳng được đối với người dân và đối với các tôn giáo. Người dân và các tôn giáo chỉ có công lý. Vụ Thái Hà là một trong những nạn nhân của những cuộc cướp bóc có hệ thống của chế độ cộng sản Việt Nam hôm nay.

Chúng ta mong rằng trong đảng cộng sản Việt Nam hôm nay có những người yêu nước, yêu con người, có lương tâm đứng ra làm một cuộc cách mạng đổi mới ý thức chính trị như Gorbachev ở Liên Xô thì may ra đất nước này mới đem lại cho người dân một đời sống mới xứng đáng là con người, được tôn trọng như con người trong những quyền căn bản của họ như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo và tiền của của họ được bảo đảm đúng với luật pháp, đúng với công lý. Phương châm hành động của con người hôm nay không phải là mục đích biện minh cho phương tiện nhưng:

Phải có mục đích tốt và phải tìm những phương tiện tốt mới phục vụ con người và đất nước.

Lm.Chân Tín

Saigòn ngày 22.08.2008

38 Kỳ Đồng - Sài Gòn, Đt: (08) 931 6322 - 118
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chuyển biến Vô thức thành Ý thức (1)
Nguyễn Văn Thành
03:09 22/08/2008
Chuyển biến VÔ THỨC thành Ý THỨC

(hay là chuyển biến Bóng Đêm thành Ánh Sáng trong lòng cuộc đời, theo S. FREUD)

Trong mọi môi trường sinh hoạt hiện nay của Quê Hương Việt Nam, con người đang bị VÔ THỨC khống chế một cách trầm trọng. Cho nên, những khó khăn xuất hiện khắp mọi nơi, làm ô nhiễm những quan hệ giữa người với người. Bạo động trào dâng khắp tứ phía.

Nhằm nhận diện và đối diện những khó khăn ấy, đang gây nhiễu động trong nhiều lãnh vực như tôn giáo, chính trị, giáo dục…, tôi xin mao muội giới thiệu ba ý tưởng then chốt dưới hình thức ba bài chia sẽ như sau:

1.- Vô Thức là gì ?

2.- Vô Thức có một sức mạnh tàn phá hãi hùng, khi bị ức chế và giam giữ trong những hang động vòng vo, luẩn quẩn của nội tâm,

3.- Vô Thức cũng còn là một thách đố diệu vợi, nếu được phát hiện và gọi ra ánh sáng của Ý Thức, một cách khoa học, với từng bước đi lên.

***

BÀI CHIA SẺ SỐ MỘT: VÔ THỨC LÀ GÌ ?

Theo quan điểm của FREUD, nhà sáng lập Phân Tâm Học, Nội tâm bao gồm ba thành tố hay là ba cơ cấu tổ chức, khác biệt nhau, nhưng có những liên hệ mật thiết với nhau và thường xuyên tác động qua lại hai chiều trên nhau.

Cấu trúc thứ nhất là Tự Ngã,

Cấu trúc thứ hai là Siêu Ngã,

Cấu trúc thứ ba là Bản Ngã.

1.-TỰ NGÃ

Cấu trúc Tự Ngã còn mang tên là « Cái Ấy » (le Ça trong tiếng Pháp và The Id trong tiếng Anh). Cấu trúc nầy thành hình và xuất hiện rất sớm, trước hai cấu trúc kia. Xét về phương diện thứ tự thời gian, cấu trúc Tự Ngã đã có mặt, khi đứa bé đang còn là một thai sinh, trong lòng mẹ.

Nội dung của Tự Ngã bao gồm nhiều Xung Năng (Pulsion trong tiếng Pháp, hay là Urge và Drive trong tiếng Anh).

Để hiểu rõ một phần nào xung năng là gì, trong đời sống của một đứa bé sơ sinh, chúng ta cần phân biệt những yếu tố sau đây:

- Thứ nhất, xung năng là những sức ép hay là sức đẩy bật hướng đến sự sống, hoàn toàn tự nhiên và phản xạ, phát xuất từ những tầng sâu trong cơ thể của đứa bé. Khi đạt tới cao điểm, trong những chu kỳ và nhịp độ biến chuyển, xung năng sẽ tạo nên cho đứa bé, một tình trạng bực bội, khó chịu, căng thẳng... thúc ép nó đi tìm một đối tượng ở bên ngoài, để được giải tỏa, khai phóng và thỏa mãn.

- Thứ hai, trong những năm đầu tiên của cuộc sống, đứa bé còn ở trong tình trạng hoàn toàn vô thức và lệ thuộc. Các em chưa thể nhận biết xung năng của mình là gì, bắt nguồn từ đâu, hướng đến mục đích gì, đối tượng nào có thể đáp ứng và thỏa mãn. Các em chưa thể nào tự mình giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Các em chưa có khả năng dùng lời nói, để giải thích cho kẻ khác biết các em đang cảm nghiệm thế nào và đang có những nhu cầu như thế nào.

- Thứ ba, nhằm bộc lộ ra ngoài một cách khách quan, tình trạng bức xúc đang xảy ra trong nội tâm, các em chỉ có một số hành vi rất hạn chế như: khóc la, thét gào, vùng vẫy tay chân, thay đổi sắc mặt...

- Thứ bốn, lúc ban đầu duy người mẹ - hay là người thay thế mẹ - có mặt liên tục, suốt ngày đêm với đứa bé, mới có thể từ từ ý thức được nhu cầu của đứa bé và tìm cách đáp ứng, thỏa mãn những nhu cầu ấy. Chính vì lý do nầy, người mẹ được gọi là « đối tượng đầu tiên, nguyên thủy » của đứa bé mới sinh, trước tất cả mọi đối tượng khác. Đồng thời, người mẹ cũng đang đảm nhiệm vai trò « làm Siêu Ngã » cho đứa con.

- Thứ năm, trong ba năm đầu tiên của cuộc sống, nếu đứa bé không có mẹ và không có ai liên tục thay thế mẹ, trong vòng từ ba đến sáu tháng, em ấy sẽ phải chết, hay là trầm mình trong bệnh hoạn. Thể theo lối nhìn của Bác sĩ R. SPITZ, hội chứng « Thiếu Tình Thương » (carence affective hay là hospitalisme), đã bẻ gãy và vùi dập, trong đứa bé, mọi xung năng phát xuất từ sự sống và hướng đến sự sống (1). Nói cách khác, trước kia xung năng là một sức đẩy bật hướng đến sự sống. Bây giờ, vì sự sống không được đón nhận và nhìn nhận, xung năng đã đi vào con đường tàn lụi, hướng đến sự chết. Đó là Xung năng hướng đến sự chết. Lối nói được sử dụng trong tiếng Pháp là « pulsion de mort ».

2.- SIÊU NGÃ

Khi quan sát từ ngoài một đứa bé sơ sinh, trong những tháng ngày đầu tiên, chúng ta sẽ ý thức được thế nào là Tự Ngã, ở thể trạng thuần đơn, trước khi tiếp thu và hội nhập ảnh hưởng của hai cấu trúc kia là Siêu Ngã và Bản Ngã. Cuộc sống thường ngày, lúc bấy giờ, được phân chia thành 5 hoặc 6 chu kỳ. Mỗi chu kỳ bao gồm sáu giai đoạn tiếp nối nhau:

- Giai đoạn một: Giấc ngủ thâm sâu và bình lặng.

- Giai đọan hai: Giấc ngủ náo hoạt.

- Giai đoạn ba: Giai đoạn chuyển tiếp giữa ngủ và thức.

- Giai đoạn bốn: Tỉnh thức hoạt bát nhưng bình lặng.

- Giai đọan năm: Tỉnh thức náo động.

- Giai đoạn sáu: khóc la inh ỏi, trước khi trở lại giai đoạn một.

Một cách đặc biệt, vào giai đoạn Tỉnh thức hoạt bát và bình lặng (giai đoạn bốn), sau ngày sinh độ một tuần lễ, đứa bé đã bắt đầu vận dụng một cách năng động năm giác quan của mình, nhất là thị, thính và xúc giác.

Người lớn, nhất là bà mẹ, dựa vào ba giác quan chính yếu nầy, có thể kích thích đứa bé và trao đổi với em, miễn là bà biết tôn trọng một cách nghiêm chỉnh hai loại ngưỡng kích thích: không bao giờ ở dưới ngưỡng sơ khởi, không bao giờ vượt quá ngưỡng chịu đựng, còn được gọi là ngưỡng khổ đau.

Khi yếu tố kích thích ở dưới ngưỡng sơ khởi, đứa bé không phản ứng, không trả lời. Khi bà mẹ vượt quá ngưỡng chịu đựng của đứa con, tự khắc em sẽ có những phản ứng từ chối như khóc la, thét gào, rút lui, khép kín mình, ngoảnh mặt qua chỗ khác, múa động chân tay...

Trong cuốn sách « Quan Hệ Mẹ Con: bài học đầu tiên của cuộc sống », xuất bản năm 2000 (2), tôi đã trình bày và giới thiệu một số động tác cụ thể, mà bà mẹ hay là những người lớn trong gia đình có thể thực hiện, một cách dễ dàng, để tổ chức cuộc sống cho đứa bé sơ sinh, từ những ngày em mới sinh ra.

Khi tổ chức như vậy, người mẹ và những ai đang tiếp tay cho bà mẹ, đã bắt đầu đảm nhiệm « vai trò làm Siêu Ngã », nghĩa là từ từ chuyển biến Tự Ngã của đứa bé thành Bản Ngã, bằng cách cung ứng từ ngoài những khuôn khổ, những qui luật cũng như những đường hướng hoạt động.

Không có cái KHUNG « tạo an toàn » nầy, để đứa bé có thể nương tựa, qui chiếu và ngày ngày điều hướng cuộc đời, em sẽ suốt đời bơ vơ, loạn động, không có khả năng lớn lên, tăng trưởng, phát triển và trở nên người.

Sau nhiều năm quan sát, nghiên cứu, học hỏi... tác giả T.B. BRAZELTON đã đưa ra những điểm mốc sau đây (3):

- Chung quanh 3 tuổi, trẻ em cảm thấy rất quan trọng tất cả những gì mà em tự mình có thể làm ra,

- Khi trẻ em lên tới 5 tuổi, em sẽ cảm nghiệm chính con người của mình là « trung tâm » và « trọng tâm » của vũ trụ. Tất cả những điều còn lại đều là phụ thuộc, xoay vần chung quanh trung tâm ấy để phục vụ,

- Từ 6-7 tuổi trở lên, trẻ em bắt đầu có khả năng hướng mình ra bên ngoài, để học tập, tiếp thu những bài học về THỰC TẾ, và QUI LUẬT. Đây là yếu tố quyết định, cho cuộc sống thành người. Hẳn thực, bao lâu chúng ta chưa ý thức một cách rõ rệt về những khả năng và giới hạn cụ thể của mình, nghĩa là biết những gì mình làm được và những gì mình không có phép làm, chúng ta chưa thể TỰ LẬP và TRƯỞNG THÀNH, mặc dù tuổi đời đã vượt quá 20.

Để có thể thực thi và kiện toàn tiến trình xây dựng bản thân nầy, một đứa bé từ ngày sinh ra, cần bàn tay tổ chức và giúp đỡ của những người lớn trong gia đình, bắt đầu từ bà mẹ, là nhân vật gần gũi với em, hơn tất cả những người khác. Theo thuật ngữ của Phân Tâm Học, các vị ấy đang đóng vai trò làm Siêu Ngã cho đứa bé, trong suốt tiến trình học làm người.

Vai trò làm Siêu Ngã bao gồm hai chức năng trọng yếu:

- Thứ nhất là soi sáng và hướng dẫn đứa bé về tất cả những gì em có thể làm hay là không thể làm. Đó là nguyên tắc thực tế (Réalité trong tiếng Pháp).

- Thứ hai là nâng đỡ, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, để em có thể từng bước đi lên, chấp nhận những bài học về qui luật làm người, một cách dễ dàng và hứng thú. Đó là nguyên tắc vui thích (Plaisir).

Thực ra, theo lối nhìn của Freud, thực tế và vui thích là hai bộ mặt khác nhau của một nguyên tắc duy nhất, trong cuộc sống làm người. Để trẻ em có thể tiếp thu và hội nhập một cách nhuần nhuyễn một bài học, trong bất kỳ lãnh vực nào, bài học ấy phải tạo vui thích và gây hứng thú cho trẻ em. Bằng không, em sẽ khước từ hay là bỏ cuộc giữa chừng. Đồng thời, bài học ấy phải tạo nên cho em một kỹ năng tinh nhuệ, khả dĩ giúp em sống tự lập sau này. Khoa Tâm Lý Sư Phạm càng ngày càng lắng nghe, tiếp thu và ứng dụng tin tức nầy, trong hai lãnh vực giáo dục và trị liệu.

Ngôn ngữ là một minh họa có khả năng giúp chúng ta hiểu rõ về mối liên hệ mật thiết giữa hai bộ mặt của nguyên tắc vui thích và thực tế. Sở dĩ trẻ em học nói huyên thuyên suốt ngày, vì em thích bắt chước người mà em thương mến. Đồng thời, nhờ biết nói, em có thể hiểu người khác và làm cho kẻ khác hiểu mình, trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi bình thường hằng ngày.

Tuy nhiên, không phải bất cứ bà mẹ nào, khi sinh con ra, đều có khả năng làm Siêu Ngã, với những chuẩn mực quân bình và lành mạnh, như Freud đã đề xuất, nghĩa là hướng dẫn, soi sáng, thay vì áp đặt, cưỡng bức, ức chế, từ trên và từ ngoài. Thêm vào đó, để có thể hướng dẫn một cách hài hòa và hữu hiệu, bà mẹ phải học quan sát, lắng nghe đứa con của mình và tìm cách tiếp xúc, trao đổi với em. Những gì em đã bắt đầu làm được, bà mẹ sẽ khuyến khích em làm một mình, theo tốc độ của em. Không làm thay làm thế. Không bao che từ đầu chí cuối.

Có dịp quan sát cách làm của nhiều bà mẹ đem con đến khám tại phòng mạch của mình, Bác sĩ Phân Tâm D.W.WINNICOTT đã ghi nhận nhiều cách can thiệp khác nhau của các bà, sau khi họ nghe đứa con của mình khóc la, và đang có một vấn đề cần giải quyết (4).

Loại thứ nhất: bà mẹ trả lời quá sớm, trước khi đứa con có thì giờ cảm nhận hay là mơ tưởng, bằng một hình ảnh, vấn đề hiện tại của mình.

Loại thứ hai: bà mẹ trả lời quá chậm, sau khi đứa con thét gào và tỏ ra mệt mỏi, kiệt quệ, « đầu hàng », bỏ cuộc, vì không có ai lắng nghe, một cách đúng lúc và đúng tầm.

Loại thứ ba: cách thức bà mẹ trả lời không thích hợp với nhu cầu thực sự của đứa con. Ví dụ: đứa con bị ướt tã, khó chịu. Người mẹ lấy bình sữa ra, cho con bú.

Loại thứ bốn: bà mẹ trả lời theo nguyên tắc cố định, không tìm hiểu nhu cầu thực sự của đứa con nằm ở chỗ nào. Ví dụ: bây giờ là 4 giờ chiều. Theo ý của bà, bé khóc vì đòi cữ sữa thông lệ, đương khi nhu cầu thực sự của bé lúc ây là muốn đi ra chơi bên ngoài.

Loại thứ năm: bà mẹ trả lời, theo lối giải thích hoàn toàn tùy tiện và chủ quan, trước khi tìm cách kiểm chứng giả thuyết của mình. Ví dụ: theo ý của bà mẹ, bé khóc ghen, vì mẹ nói chuyện với bác sĩ... đương khi lý do thực sự là bé sợ người lạ mặt.

Lẽ đương nhiên, như trên đây tôi đã đưa ra nhận xét, vì thân phận và điều kiện làm người, không một bà mẹ nào, ngay từ ngày đầu tiên, khi đứa con sinh ra, đã biết làm Siêu Ngã, một cách hoàn hảo và tuyệt vời. Sai lầm là lẽ thường tình, tự nhiên. Điều cốt yếu là bà mẹ biết học. Biết dừng lại, khi thấy mình sai lầm. Biết lắng nghe, tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm và kỹ năng tinh nhuệ, trong lãnh vực nuôi dạy con cái. Và điều tôi muốn nhấn mạnh, trước tất cả mọi điều khác, là: Bà mẹ hãy HỌC với đứa con của mình. Chính thái độ và tác phong của em sẽ giúp chúng ta điều chỉnh những gì đã sai lệch, kiện toàn những gì đã tốt đẹp, bổ túc những gì còn thiếu sót. Và khi đứa con đã biết nói, chúng ta hãy tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe, tìm hiểu, tạo cho em một khung gian diễn tả, bộc lộ nhu cầu của mình.

Với những điều kiện hành xử như vậy, khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Thất bại hay là lầm lỡ nào cũng có thể trở thành một bài học hay là một kinh nghiệm quí hóa, trong vai trò làm Siêu Ngã hướng dẫn và giúp đỡ con cái thành người.

Hẳn thực, khi đứa con bắt đầu tỏ thái độ phản kháng, chống đối hay là bị động, lệ thuộc, chúng ta cần lập tức nêu ra câu hỏi: phải chăng tôi đang thao tác một loại Siêu Ngã quá độc tài và nguyên tắc hay là quá bao che và nương chìu, khi không cần thiết.

Trong thuật ngữ « Siêu Ngã », được Freud sử dụng, (Sur-moi trong tiếng Pháp và Super-ego trong tiếng Anh), hai từ được ghép lại với nhau. Từ thứ nhất là « Siêu », có nghĩa là « ở trên », về mặt ý thức và hiểu biết. Nói cách khác, để có thể soi sáng và hướng dẫn đứa con của mình, người mẹ cần có một lối nhìn bao quát, toàn diện, nghĩa là nhận ra những liên hệ mật thiết giữa những tầng lớp khác nhau trong nội tâm của đứa con. Ngoài ra, bà còn phải thấy được ảnh hưởng của nhiều yếu tố có mặt trong môi trường đang tác động, bằng cách nầy hay cách khác, trên cơ thể non yếu của bé.

Từ thứ hai là Ngã, nghĩa là người mẹ đã hành xử như một chủ thể, có khả năng làm chủ bản thân và cuộc sống của mình. Cho nên, bà có khả năng « đồng cảm » với đứa con. Hiểu biết em từ bên trong. Khám phá hay là phát hiện được những nhu cầu và nguyện vọng của em, mặc dù em chưa có điều kiện và phương tiện diễn tả những tình trạng nội tâm, và nhất là những xúc động buồn lo, tức giận, sợ hãi...

Những nhà Phân Tâm, thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba sau Freud, sẽ sử dụng thuật ngữ « Bản Ngã Trợ Tá », (le moi auxiliaire), để xác định vai trò của người mẹ, đối với đứa con của mình, ít nhất trong những ngày tháng đầu tiên của cuộc sống. Hẳn thực, khi người mẹ làm « Bản Ngã Trợ Tá », bà đang tạo ra cho đứa con những điều kiện thuận lợi, để đứa con từ từ trở nên một Bản Ngả tự lập. Bà mẹ là một tấm gương soi, trong đó đứa con nhận thấy con đường đi tới của mình. Ngày ngày, bà là người « bắc nhịp cầu », hay là người « làm trung gian », để đứa con có thể rời bỏ bến bờ lệ thuộc và từ từ đi qua bến bờ tự lập và hiểu biết.

Thông thường, người mẹ đảm nhận công việc nầy, với tất cả vốn liếng tự nhiên và trực giác có sẵn của mình. Trái lại, những nhà Tâm Lý Trị Liệu đặc trách về các trẻ em có những rối loạn tiếp xúc hay là những hội chứng Tự Kỷ « Autisme » (sống bít kín, không hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa), cần kinh qua hơn bốn năm học, với nhiều lý thuyết chuyên môn và thực tập, mới có khả năng làm « Bản Ngã Trợ Tá » cho những loại trẻ em nầy. Họ tìm cách « đồng hóa » với trẻ em, nhằm giúp trẻ em từ từ « ngoại hiện », nghĩa là « phóng ra ngoài » những xung năng đang bị ứ đọng và kềm kẹp, ở bên trong nội tâm. Nhờ đó, trẻ em mới có cơ may khám phá và thực tập đời sống tiếp xúc và trao đổi với những trẻ em khác cùng lứa tuổi.

Tôi cố tình nêu lên một vài nhận xét chuyên môn như vậy, để nhấn mạnh rằng: Bắc nhịp cầu trung gian hay là làm Siêu Ngã « đứng đắn và lành mạnh », để giúp kẻ khác trở thành người, trong những quan hệ tiếp xúc hằng ngày là trách nhiệm, mà mỗi người trong chúng ta cần phát huy và học tập, để phục vụ anh chị em đồng bào. Đó là một cách « dựng Nước và giữ Nước », chưa được chúng ta lưu tâm, một cách thiết thực và nghiêm chỉnh.

3.- BẢN NGÃ (le Moi hay là the Ego)

Từ ngày sinh ra cho đến lúc lìa đời, học làm người là một tiến trình không bao giờ có dứt điểm. Tuy nhiên, gần như ở khắp nơi, trên mặt địa cầu, xã hội thường ấn định hai điểm mốc quan trọng: 7 tuổi là tuổi biết suy luận và phân biệt điều nào tốt nên làm, điều nào xấu phải tránh. Chung quanh hai mươi tuổi là điểm mốc thứ hai. Từ đây, mỗi người bước vào tuổi trưởng thành, phải đảm nhận trách nhiệm, trước mặt xã hội, về tất cả những hành vi của mình.

Thế nhưng, trong thực tế, ai đã thực sự làm người trưởng thành ? Ai có thể khẳng định rằng: tôi đã trở thành một Bản Ngã, tôi đã biết mình tôi là ai, cần làm gì, có những giá trị nào. Một cách đặc biệt, những người đã chọn lựa cho mình một lý tưởng, trong tinh thần « hoàn toàn tự do và sáng suốt », phải chăng họ đã nắm vững mọi đường đi nẻo về của mình, trong lòng cuộc đời ?

Trước một thách đố lớn lao tình cờ xảy ra, ngoài mọi dự tính, tất cả chúng ta đều có nguy cơ « bị dao động, mất quân bình ». Lúc bấy giờ, chúng ta lại phải tìm cách trả lời những câu hỏi cơ bản:

- Tôi là ai ?

- Phải chăng tôi có những khả năng cần thiết, để đương đầu với những vấn đề đang xảy đến cho tôi ?

- Phải chăng tôi vẫn còn là con người có giá trị ?

- Phải chăng tôi luôn luôn là con người được yêu thương và tôn trọng, trong những quan hệ với bạn bè, người thân và những ai quen biết ?

- Trong hoàn cảnh cụ thể hiện tại, tôi phải làm điều gì ? Điều nào là ưu tiên số một, cần được tôi thực thi, không trì hoãn ?

Trong những năm được cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ trong gia đình, và suốt những tháng ngày được thầy cô và bao nhiêu người khác giáo dục, tại trường học và ngoài xã hội, phải chăng tôi đã được trang bị, một cách đầy đủ và kỹ lưỡng, để tiếp tục hiên ngang và can trường làm người, làm bản ngã ?

Cha mẹ tôi đã qua đời từ lâu, các thầy cô đã ra đi, khi nhiệm vụ hoàn tất... nhưng những « khuôn khổ », những bài học làm người, mà tôi đã tiếp thu và hội nhập với các vị, phải chăng đang còn là những vốn liếng sống động, quí báu có khả năng giúp tôi vượt qua những chặng đường gian truân ?

Nói một cách vắn gọn, phải chăng « cách họ dạy », hay là « cách họ làm Siêu Ngã » đang còn là động cơ thiết thực và hữu hiệu, ngày ngày thúc giục tôi HỌC làm bản ngã ? Ngày ngày làm kim chỉ nam, hướng dẫn tôi, trong chiều hướng học làm người ?

Sau khi QUÊN MẤT tất cả, tôi vẫn còn NHỚ được cái gì ? Điều nào đang luôn luôn sinh động cho tôi, với tôi và trong tôi, trên suốt con đường làm người, hay là làm bản ngã ?

Câu trả lời của tôi - bắt nguồn từ những bài học của Phân Tâm Học - bao gồm ba chiều hướng trọng yếu:

- Thứ nhất, làm bản ngả là BIẾT« đồng hành và chia sẻ » với bao nhiêu người khác đang chung sống hai bên cạnh. Sống làm người là một cuộc hành trình với nhiều bạn bè. Không ai là một cô đảo cô đơn, cô độc.

- Thứ hai, làm bản ngã là BIẾT « hướng dẫn và nâng đỡ » những người đang cần đến chúng ta, trong vấn đề vật chất, cũng như trên bình diện tinh thần. Ai ai trong chúng ta cũng đã thừa kế một gia tài. Đến lượt, chúng ta có trách nhiệm truyền lại gia tài ấy, cho người đến sau.

- Thứ ba, làm bản ngã là BIẾT « sống hạnh phúc » và « tạo hạnh phúc cho kẻ khác », với tất cả những vốn liếng sẵn có trong tầm tay của mình, không đứng núi nầy trông núi nọ, không chờ đợi có đủ mọi điều kiện, rồi mới bắt tay vào làm. Tạo hạnh phúc như vậy cũng là một cách « đồng hành và chia sẻ » với anh chị em đồng bào, đồng loại. Không một ai trong chúng ta là người hoàn toàn « vô sản ». Chúng ta đang có rất nhiều điều, để chia sẻ với người khác: một ánh mắt, một nụ cười, một lời yêu thương, một vành tai biết lắng nghe, một con tim « đồng cảm »...Sống hạnh phúc còn có nghĩa là « biết hóa giải hay là chuyển biến những khổ đau » thành vật liệu xây dựng bản thân và cuộc đời.

Để có thể biết vận dụng ba con đường làm người trên đây, chúng ta không thể không HỌC. Học mỗi ngày. Học với mọi người. Học ăn, học nói, học gói, học mở.

***

Cách HỌC, vừa được nêu ra trên đây, theo lối nhìn của FREUD là không ngừng chuyển biến Vô thức thành Ý thức, biến điều chưa biết thành điều biết. Khi không biết hay là chưa biết, tôi sẵn sàng đặt ra câu hỏi và yêu cầu kẻ khác trả lời. Trái lại, khi nói về chính mình, tôi cần phân biệt một cách rõ ràng và chính xác điều nào thuộc về thực tế và thực tại của tôi, điều nào chỉ là giả định, suy đoán hay là thuộc về xu thế tổng quát hóa mà thôi.

Những điều tôi vừa đề xuất, xem ra có vẽ đơn sơ, hiển nhiên, thuộc khả năng bình thường của mỗi người, trong mọi tình huống tiếp xúc và trao đổi hằng ngày giữa người với người. Trong thực tế cụ thể, những cách làm ấy đòi hỏi một mức độ ý thức rất thành khẩn và bén nhạy, kết quả của bao nhiêu ngày tháng học hỏi, thực tập và tôi luyện. Chính vì những cách làm ấy chưa được coi trọng đúng tầm, « sau bốn nghìn năm văn hiến », chúng ta vẫn còn chưa « biết học ». Chúng ta chưa rút ra những kinh nghiệm làm người, từ lịch sử đầy máu xương và các câu chuyện Huyền sử. Ngày ngày, chúng ta vẫn còn « sắp hàng thành hai phe Sơn Tinh và Thủy Tinh », trong một chiến trận « nồi da xáo thịt » hay là « gà một nhà bôi mặt đá nhau ». Chúng ta tự hào đã thắng địch thù xâm lăng từ phương Bắc, phương Tây, phương Nam và phương Đông. Nhưng chúng ta đang ngã quị trước tên địch thù đã ăn đời ở kiếp, trong cõi lòng của chúng ta. Tên địch thù ấy là VÔ THỨC, còn mang tên là VÔ MINH trong Tâm Lý Phật Giáo.

Trong bài chia sẻ kế tiếp sau đây, chúng ta sẽ nhận diện và đối diện, bằng cách « gọi tên » người địch thù muôn hình và muôn mặt ấy.

( xem tiếp Bài chia sẻ số HAI - Vô Thức: một chế độ sinh hoạt)

Tháng 8 năm 2008

CH-1694 ORSONNENS/Fr, Suisse


BÍ CHÚ:

1.- SPITZ R. - The first year of life -I.U.P N.York 1965

2.- NGUYỄN VĂN THÀNH - Quan hệ Mẹ Con - Tình Người, Lausanne 2000.

3.- BRAZELTON T.B. - Points forts II - Stock, Paris 2000

4.- WINNICOTT D.W.- The family and Invidual development- Basic Books, New York 1965.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Ban Mai Chim Hót
Thérésa Nguyễn
00:14 22/08/2008

BAN MAI CHIM HÓT



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Sớm mai chim hót trời xanh ngát

Một mảnh liềm trăng cũng gọi tình.

(nđc )

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền