Ngày 21-08-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:38 21/08/2015
MẶC NGƯỢC ÁO LÔNG ĐỂ GÁNH CỎ.
N2T

Thời xưa người ta mặc áo lông da thú, tức là áo mặc bên ngoài của các triều đại.
Một hôm, Ngụy Văn hầu đi du ngoạn bên ngoài, trên đường đi thì thấy một người gánh một gánh cỏ, người ấy mặc ngược cái áo lông thú. Văn hầu cảm thấy rất lạ, bèn hỏi:
- “Tại sao anh đem cái áo lông mặc ngược lại vậy ?”
Người ấy trả lời:
- “Tôi rất quý lông phủ trên cái áo da, vì sợ nó cọ xát mà hư, do đó mà tôi đem nó mặc ngược lại”.
Văn hầu cười nói:
- “Cỏ rơm mà anh gánh đó đã làm hư cái áo lông thú của anh rồi, anh coi lông thú dài trên áo ấy đâu cả rồi ?”
(Tân Tự)
Suy tư 2:
Không ai mặc áo ngược mà đi ra đường, càng không ai mặc áo ngược mà đi dự tiệc cưới, vì như thế người ta sẽ cười cho và chế giểu là con người luộm thuộm, cẩu thả, bừa bãi.
Tham dự tiệc cưới Nước Trời thì càng quan trọng hơn, tôi cần phải mặc chiếc áo trắng tinh tuyền của Bí Tích Rửa tội để đi tham dự, có nghĩa là tâm hồn tôi cần phải sạch tội trọng, bởi vì khi phạm tội là tôi đã đem chiếc áo trắng tinh tuyền của Bí tích Rửa tội mặc ngược lại, và lúc đó chẳng còn ai nhận ra tôi là người Ki-tô hữu nữa, bởi vì những dục vọng, kiêu căng, ghen ghét, ích kỷ, thù hận của tôi đã làm hoen ố tâm hồn –vốn rất trắng trong- đã được Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su Ki-tô rửa sạch.
Mặc ngược áo vì sợ cọ xát mà hư lông quý, nhưng lại không ngờ gánh cỏ đã làm hư hại lông thú rất nhanh; cũng vậy đem giấu danh hiệu Ki-tô hữu của mình để sống như người không phải là Ki-tô hữu, thì rất dễ bị ma quỷ và thế gian cướp mất linh hồn của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 21 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:40 21/08/2015
Chúa Nhật 21 THƯỜNG NIÊN
N2T

Tin Mừng : Ga 6, 54a.60-69
“Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.


Anh chị em thân mến,
Sau khi có một số môn đệ bỏ Chúa mà đi, vì họ nghe không “lọt tai” lời nói của Ngài: ”Ai ăn thịt và uống máu tôi thì sẽ được sống muôn đời”, nhưng không phải tất cả các môn đệ đều bỏ Ngài mà đi, bởi vì vẫn còn nhóm Mười Hai, các Ngài vẫn trung kiên theo Chúa dù các ngài cũng đã nghe được lời nói “khó nghe” ấy của Đức Chúa Giê-su.

“Bỏ” và “theo” là một sự lựa chọn của con người, của chúng ta.
Trong cuộc sống đã có biết bao lần chúng ta chọn lựa “bỏ” và giữ lại, cái chúng ta bỏ là cái mà mắt chúng ta cho là xấu xí nhìn không đẹp, tay chúng ta không dám sờ, miệng chúng ta không dám nếm, tóm lại là tại vì nó xấu, nó không đẹp; cũng vậy, cái mà chúng ta giữ lại, chúng ta theo đuổi là cái mà mắt chúng ta thấy đẹp, tay chúng ta sờ được, miệng chúng ta nếm và ăn được, đó là những cái tốt đẹp vật chất trong cuộc sống hằng ngày.

Cũng có lần trong cuộc sống chúng ta đã thưa với Chúa như thánh Phê-rô: “Lạy Chúa, bỏ Chúa thì con biết theo ai ?” nhưng rồi cũng đã nhiều lần chúng ta đã bỏ Chúa để đi theo những đam mê của thế gian và ma quỷ, chúng ta tuyên xưng Chúa là Đấng Hằng Sống ở trong nhà thờ, nhưng bên ngoài nhà thờ thì chúng ta đã từ bỏ Chúa qua cách ăn nết ở không đúng với tinh thần Phúc Âm của mình; cũng đã có nhiều lúc chúng ta nói với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa mới là Đấng có lời ban sự sống đời đời cho con”, nhưng chúng ta vẫn thích lời nói ngon ngọt của thế gian hơn Lời Chúa, chúng ta vẫn thích nghe và cố thuộc nằm lòng những câu nói đưa đến sự chết của thế gian, hơn là nghe và thực hành Lời Chúa là lời đem lại sự sống cho chúng ta.

Anh chị em thân mến,
Mỗi ngày có hai mươi bốn tiếng đồng hồ, nhưng có mấy giờ, mấy phút chúng ta ngồi đọc, ngồi nghe, hoặc ngồi suy gẫm lời của Chúa là lời đem lại sự sống đời đời cho chúng ta ?

Chúng ta có giờ ngủ, giờ học hành, giờ làm việc, giờ giải trí nhưng không có giờ cầu nguyện, mà nếu có thì chỉ vài phút, nhưng giờ cầu nguyện vài phút ấy vẫn cứ bị chúng ta xén bớt mỗi ngày, và thậm chí có khi chúng ta không thèm nhớ đến giờ cầu nguyện, giờ tham dự thánh lễ của mình nữa, bởi vì tâm hồn của chúng ta đã chọn lựa những điều mà thế gian cho là vinh quang, là phú quý và danh dự. Chúng ta lo âu buồn bả khi địa vị của mình đang lung lay, chúng ta chán nản cuộc đời vì bạn bè, người thân phản thùng phản phé, chúng ta hận đời đen bạc là vì chúng ta quá tin tưởng vào tình yêu của con người. Tất cả những thứ ấy đều chúng minh cho chúng ta thấy là: chúng ta chưa trọn vẹn theo Chúa, chưa thành tâm tìm kiếm và nương cậy vào Ngài.

Chỉ có Chúa mới là Đấng có lời ban sự sống đời đời, đó là một xác tín chắc chắn của thánh Phê-rô tông đồ; chỉ có Chúa mới là nơi chúng ta cậy trông và nương tựa, ngoài Chúa ra chúng ta sẽ không tìm được ai khác có thể làm cho chúng ta được sống đời đời, đó là chân lý, là hi vọng và là niềm vui của chúng ta, là những người Ki-tô hữu đang sống ở trần gian này.

Xin Thiên Chúa luôn chúc lành cho chúng ta.
---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Cuộc sống giả hình của Pha-ri-sêu
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
20:42 21/08/2015
Chúa Nhật XXII THƯỜNG NIÊN, năm B
Đnl 4, 1-2.6-8 ; Gc 1,17-18.21b-22.27 ; Mc 7, 1-8.14-15.21-23

CUỘC SỐNG GIẢ HÌNH CỦA PHA-RI-SÊU

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu chúng ta nhận ra hình ảnh nhân từ, nhưng cũng đầy dũng cảm, cương quyết của Chúa Giêsu. Những Kinh sư, Biệt phái và Pha-ri-sêu là những người luôn tìm cách bắt bẻ Chúa Giêsu. Họ rất quý trọng những tục lệ, những luật lệ, tuy nhiên việc quý trọng của họ trở nên bề ngoài, trở thành lố bịch khi họ tỏ ra quá tỉ mỉ với luật lệ, họ bầy ra nhiều luật lệ nhưng chỉ để chất lên vai người khác, còn chính họ lại không thực hiện.Các bài đọc Chúa Nhật XXII thường niên, năm B cho chúng ta thấy cung cách của những người Pha-ri-sêu.

Nhìn chung thái độ của những người Pha-ri-sêu là quá tỉ mỉ đến câu nệ vào những điều nhỏ nhặt khiến họ trở nên những người giả hình, kiêu căng, tự phụ.Thực tế, những Kinh sư, Biệt phái và Pha-ri-sêu rất tự mãn về lối sống của mình, coi mình là số một, là gương mẫu đạo đức cho người khác, coi mình là sành luật, thong suốt luật lệ hơn người khác, do đó, họ hay xét nét, bắt bẻ ngươi khác. Câu chuyện hôm nay khởi đi do việc các môn đệ của Chúa Giêsu không chịu rửa tay trước khi ăn.Người Pha-ri-sêu quan niệm rằng sau khi khi con người đi ra nơi đông người, đặc biệt nơi phố chợ, người ta sẽ ra ô uế, nên nếu không rửa tay đồ ăn sẽ trở nên ô uế và như thế con người cũng ra ô uế. Chúa Giêsu đã có một quan điểm khác hăn, và khẳng định của Ngài là một cuộc cách mạng :” Không có gì từ bên ngoài vào vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế “ ( Ga 7, 15 ).

Chúa Giêsu đã làm một cuộc cách mạng đối với Do Thái giáo, bởi vì Do Thái giáo bầy ra rất nhiều cấm kỵ : người ta không được ăn thịt heo, thịt thú chết ngạt; không được sờ đụng vào xác chết, vào người phong cùi; không được đồng bàn với dân ngoại giáo hay không được vào nhà những người tội lỗi vv..Họ tự đặt ra rất nhiều luật lệ, tỉ mỉ và gay gắt đến nỗi con người cảm thấy quá nặng nề vì phải đương đầu với những sự cấm đoàn, cấm kỵ ấy. Đối với người Pha-ri-sêu đụng vào, sờ vào hay ăn những đồ cấm kỵ là trở nên ô uế. Chúa Giêsu quả thực trước mắt những người Pha-ri-sêu là đã phạm vào rất nhiều cấm kỵ do họ đặt ra.

Chúa đã đem lại sự công bằng cho con người, đã phố đổ những hố ngăn cách giữa kẻ xấu kẻ tốt, giữa người giầu và nghèo, những người bị liệt kê là tội lỗi, những người bị người Do Thái đẩy ra khỏi vòng pháp luật. Chúa đã tới để làm cho những người tội lỗi nên trong sạch, những kẻ yếu đuối trở nên mạnh mẽ vv…Vấn đề rửa tay trước bữa ăn là vấn đề vệ sinh cần thiết. Nhưng Chúa chống lại việc người Pharisêu quá câu nệ, coi vấn đề rửa tay như một luật lệ bắt buộc để yên tâm bề ngoài mà quên đi con người cần phải tẩy rửa trái tim, tẩy rửa tâm hồn. Chúa Giêsu cho hay cái xấu không tự bên ngoài mà vào nhưng nó phát xuất từ bên trong, từ trái tim, từ cõi lòng của con người.

Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia nói với những người Pha-ri-sêu và dân Do Thái :” Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân “ và Ngài nói :” Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm "( Mc 7, 8 ). Chúa chỉ ra 12 thứ tội từ trong con người mà ra như tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng ( Mc 7, 21-22 ).

Chúa nói với con người hãy đổi mới, hãy thanh tẩy cõi lòng, thanh tẩy trái tim của mình. Con người phải luôn trở về, luôn sám hối nhìn lên Chúa để thấy mình còn phải cố gắng rất nhiều. Con người phải làm cho mình có cái nhìn, tư duy mới, trái tim mới, cõi lòng mới. Đổi mới cõi lòng, đổi mới trái tim là con người làm được những điều tốt. Chúa muốn con người và nhắc nhở mọi người, nhắc nhở Giáo Hội bề ngoài cũng cần, luật lệ, truyền thống cần được thực hiện, tôn trọng nhưng đừng quên điều cốt lõi của Tin Mừng là sống yêu thương.

Chúa Giêsu nhắc bảo và quả quyết :” Xin mọi người nghe tôi nói đây…”. Lời của Chúa Giêsu khi xưa nói với đám đông đi theo theo, để nghe Ngài giảng dạy cũng là lời Chúa nhắc nhở Hội Thánh và mọi người chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn gớm ghét thói giả hình để chúng con biết sống chân thật và trung thành làm theo ý Chúa. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa Giêsu dạy gì ngang qua câu chuyện rửa tay trước khi ăn ?
2.Tại sao các Pha-ri-sêu lại rửa tay trước bữa ăn ?
3.Rửa tay trước khi ăn có cần thiết không ?
4.Chúa Giêsu nói cái xấu từ đâu mà ra ?
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:44 21/08/2015
N2T

56. Tấm lòng của Đức Mẹ Ma-ri-a như là tấm gương chịu đau khổ của Đức Chúa Giê-su, có thể soi sáng cứu thế giới chịu sỉ nhục, bị đánh đau thương và các khổ hình khác.

(Thánh Laurentius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:46 21/08/2015
NGOẠI LỆ
Cha phó nói với cha sở là thánh lễ thiếu nhi hoặc giới trẻ thì cho các em dang tay khi đọc kính lạy cha hoặc khi chúc bình an thì có thể đi chúc bình an cho bạn bè để sinh động thu hút các bạn trẻ.v.v…
Cha sở nghiêm túc nói:
- “Chúng ta đừng làm gì khác ngoài quy định của phụng vụ, bởi vì thánh lễ tự nó là sinh động từ mọi cử chỉ và lòi kinh. Thu hút các bạn trẻ không phải là nhảy múa hát hò, nhưng chính sự nghiêm túc của cha chủ tế, và sự thánh thiện vốn có của thánh lễ là thu hút các bạn trẻ rồi.”
Cha sở nói thêm:
- “Dang tay khi đọc kính lạy cha là hành vi của chủ tế đại diện cộng đoàn Dân Chúa, chúc bình an trong thánh lễ không phải là cử chỉ bắt tay chào xã giao, nên không cần thiết phải rời khỏi chỗ đứng của mình để đi chúc bình an. Khi chúng ta –các linh mục- dâng lễ sốt sắng và bài giảng linh động có chiều sâu là thu hút các bạn trẻ rồi vậy.”
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
TGM Anthony Fisher: Những kẻ ủng hộ công nhận kết hiệp đồng tính đang cố làm tắt mọi tiếng nói chống đối tại Úc
Đặng Tự Do
09:57 21/08/2015
Sau thành công tại Ái Nhĩ Lan và sau đó là tại Hoa Kỳ, trào lưu đòi hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính hiện đang gõ cửa nước Úc trước sự thất vọng của các Kitô hữu.

Đức Tổng Giám mục Úc Anthony Fisher tiết lộ là "đã có những tiếng nói trong văn hóa của chúng ta không còn xem hôn nhân là cần thiết cho cuộc sống, cho sự cởi mở đón nhận con cái, và không còn xem hôn nhân là một kết hiệp chỉ dành cho một người nam và một người nữ."

Trong bài giảng thánh lễ lặp lại tuyên hứa hôn nhân thường niên tại nhà thờ Đức Bà ở Sydney, Đức Cha Fisher cho biết những người đứng sau phong trào này "chụp mũ những ai ủng hộ hôn nhân theo cách hiểu truyền thống là gian ác và mù quáng"

Ngài cảnh báo rằng "có những thế lực mạnh mẽ quyết tâm bịt miệng bất kỳ những ai có một quan điểm chính trị đúng đắn về vấn đề này. Họ bắt nạt tất cả chúng ta phải chấp nhận sự tàn phá gia đình và tái định nghĩa lại cấu trúc cơ bản này của xã hội".

Tuy Đức Tổng Giám Mục Fisher không nói trắng ra, nhưng người ta hiểu ngài đang muốn đề cập đến tổ chức Australian Marriage Equality - Bình đẳng Hôn nhân cho người Úc gọi tắt là AME.

AME tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ của 667 tổ chức, 65 dân biểu và 37 thượng nghị sĩ. Theo nhóm này, các cuộc thăm dò mới nhất, cho thấy rằng 69 phần trăm dân Úc ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Đức Cha Fisher nhấn mạng rằng hôn nhân là một "sự kết hiệp toàn diện về thân xác, tâm lý và tinh thần giữa một người nam và một người nữ, theo đó họ trở thành một xương một thịt" và từ đó hình thành nên một gia đình.

Thủ tướng Tony Abbott là một người Công Giáo và từng là một chủng sinh. Ông đang kịch liệt phản đối hôn nhân đồng tính, nhưng ông phải đối mặt với những áp lực mạnh mẽ từ phe tự do chủ nghĩa ngay trong đảng của mình.
 
Kỷ niệm 70 năm chia cách hai miền Nam Bắc, ĐHY Andrew Yeom Soo-jung kêu gọi cầu nguyện cho hòa giải
Đặng Tự Do
09:57 21/08/2015
Tờ Quan Sát Viên Rôma của Tòa Thánh số ra ngày 19 tháng 8 đã trình bày một thông điệp của Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng Giám Mục Hán Thành kêu gọi cầu nguyện cho hòa giải nhân kỷ niệm năm thứ 70 chia cắt hai miền Nam Bắc Triều Tiên.

"Là Kitô hữu, một trong những điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là cầu nguyện. Trong thời gian chia cách, chúng ta được mời gọi cầu nguyện liên liên lỉ cho hòa giải và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cũng như cho hòa bình ở châu Á, và trên thế giới. Qua lời cầu nguyện, chúng ta xin cho đất nước chúng ta có thể có một sự khởi đầu mới cho hòa bình và hòa giải, để lại sau lưng mọi nghi kỵ và hận thù."

Ngài nói thêm:

"Chúng ta cũng nên biến những lời cầu nguyện của chúng ta thành những hành động thực tế. Bằng cách cung cấp viện trợ và hỗ trợ cho những anh chị em Bắc Triều Tiên của chúng ta. Như thế là chúng ta đang gieo những hạt giống của hòa bình và thống nhất đất nước. Đây là thời gian cho cả hai chính phủ bắt đầu đối thoại về hợp tác, về những chính sách hòa bình, phi hạt nhân hóa, và thậm chí cả về sự thịnh vượng trong tương lai. "
 
Đức Thánh Cha cảm tạ Chúa vì Cộng đoàn Taizé
Lm. Trần Đức Anh OP
13:59 21/08/2015
VATICAN. ĐTC Phanxicô cảm tạ Thiên Chúa vì Cộng đoàn Taizé và biểu lộ lòng quí mến đối với mọi thành viên Cộng đoàn này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong thư gửi đến Thầy Alois Tu viện trưởng và Cộng đoàn Taizé nhân dịp kỷ niệm 3 biến cố: 75 năm thành lập, 100 năm sinh nhật của thầy Roger và 10 năm thầy qua đời.

Thư của ĐTC được ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô, tuyên đọc trong buổi lễ kỷ niệm ở Taizé ngày 16-8-2015 và được công bố tại Vatican hôm 19-8-2015. Lá thư có đoạn viết:

”Như ĐGH Biển Đức 16 đã nói với các bạn trẻ nhân dịp cuộc gặp gỡ Âu Châu do Cộng đoàn Taizé tổ chức tại Roma năm 2012, Thầy Roger là một 'chứng nhân không biết mệt mỏi của Tin Mừng hòa bình và hòa giải, được ngọn lửa đại kết thánh thiện linh hoạt' (Diễn văn 29-12-2012).

”Chính ngọn lửa ấy đã thúc đẩy Thầy thành lập một cộng đoàn có thể coi như một ”dụ ngôn đích thực về tình hiệp thông”, cho đến nay đã giữ một vai trò quan trọng để bắc những cây cầu huynh đệ giữa các tín hữu Kitô.

”Thầy Roger hăng say tìm kiếm sự hiệp nhất của Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô, Thầy cởi mở đối với những kho tàng được gìn giữ trong các truyền thống Kitô khác nhau, nhưng không vì thế mà cắt đứt quan hệ với nguồn gốc Tin Lành của Thầy. Do sự kiên trì đã chứng tỏ trong cuộc sống lâu dài, Thầy đã góp phần thay đổi những quan hệ giữa các tín hữu Kitô còn bị chia rẽ, vạch ra cho nhiều người một con đường hòa giải.

“Được nuôi dưỡng bằng Kinh Thánh, Thầy Roger cũng tham chiếu giáo huấn của các Thánh Giáo Phụ, Thầy kín múc nơi các nguồn mạch Kitô giáo và biết hiện tại hóa các nguồn ấy cho nơi giới trẻ”.

”Thầy Roger yêu mến người nghèo, những người kém may mắn, những người có vẻ không có gì đáng kể. Trong cuộc sống của Thầy và của các tu huynh, Thầy đã chứng tỏ rằng kinh nguyện đi song đối với tình liên đới giữa con người.

”Tôi cảm tạ Thiên Chúa, là Cha, Con và Thánh Linh, vì cuộc sống dâng hiến của Thầy Roger, cho đến cái chết vì bạo lực của Thầy. Ước gì Cộng đoàn Taizé luôn duy trì nồng nhiệt chứng tá mà Thầy đã làm cho Chúa Kitô phục sinh và lời kêu gọi Thầy không ngừng lập lại ”hãy chọn lựa yêu thương”

Vatican ngày 16 tháng 8 năm 2015
+ Phanxicô
 
Đức Thánh Cha không gặp các lãnh tụ phiến quân Colombia
Lm. Trần Đức Anh OP
14:00 21/08/2015
VATICAN. Phó Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, LM Ciro Benedettini, cho biết trong cuộc viếng thăm mục vụ tại Cuba từ ngày 19-9 tới đây, ĐTC sẽ không gặp các lãnh tụ phiến quân tả phái ”Mặt trận võ trang cách mạng Colombia”, gọi tắt là FARC.

Trong những ngày trước đây, các đại diện của phiến quân FARC đã thỉnh cầu được gặp ĐTC tại Cuba và xin Giáo Hội Công Giáo bổ nhiệm một đại biểu thường trực tại các cuộc hòa đàm giữa chính phủ Colombia và lực lượng FARC.

Từ lâu chính phủ Colombia và phiến quân FARC đã có những cuộc hòa đàm tại Cuba, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt tới một hiệp định chung kết. Hôm 17-8-2015, Ông Ivan Marquez, đại diện lực lượng FARC nói với giới báo chí rằng: ”Chúng tôi muốn nồng nhiệt chào mừng ĐGH Phanxicô và chúng tôi hy vọng được cơ hội này”.

Tuy nhiên, Cha Benedettini nói: ”Dĩ nhiên ĐGH vui mừng hoạt động cho hòa bình và có lẽ ngài sẽ tìm một thời điểm thuận tiện hơn để bày tỏ sự hỗ trợ của ngài đối với các cuộc hòa đàm Colombia. Tuy nhiên, không có dự trù cuộc gặp gỡ giữa ĐGH và đại diện lực lượng FARC trong cuộc viếng thăm của ngài tại Cuba”.

Phiến quân FARC chiến đấu chống chính phủ Colombia từ 50 năm nay và cuộc xung đột đã làm cho khoảng 220 ngàn người thiệt mạng. (CNS, SD 19-8-2015)
 
Đức Thánh Cha chọn đề tài Ngày Thế Giới di dân và tị nạn 2016
Lm. Trần Đức Anh OP
14:01 21/08/2015
VATICAN. ĐTC đã chọn đề tài cho Ngày Di dân và Tị Nạn sẽ được cử hành ngày 17-1 năm 2016 là ”Những người di dân và tị nạn gọi hỏi chúng ta. Câu trả lời của Tin Mừng lòng thương xót”.

Trong thông cáo về đề tài này, Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người tị nạn giải thích rằng đề tài được ĐTC chọn phải được đặt trong bối cảnh Năm Thánh đặc biệt về lòng thương xót được cử hành từ ngày 8-12 năm nay đến 20-11 năm 2016. Có hai khía cạnh được nhấn mạnh trong đề tài:

- Trước tiên, người di dân và tị nạn gọi hỏi chúng ta, muốn chúng ta chú ý đến thảm trạng của bao nhiêu người buộc lòng phải bỏ quê hương. Chẳng hạn chúng ta không được quên thảm trạng bao nhiêu người vượt biên trên biển cả.

Đứng trước nguy cơ quên lãng hiện tượng ấy, ĐTC trình bày trình trạng đau thương của người di dân và tị nạn như một thực tại đang đặt câu hỏi cho chúng ta. Trong Tông Sắc ”Misericordiae vultus” (tôn nhan Thương Xót), ngài viết: “Chúng ta đừng rơi vào thái độ dửng dưng gây tủi nhục, thái độ quá quen thuộc làm cho tâm hồn không còn nhạy cảm, ngăn cản việc khám phá điều mới mẻ, đừng rơi vào thái độ sống chết mặc bay tàn hại. Chúng ta hãy mở to đôi mắt để nhìn những lầm than của thế giới, những vết thương của bao nhiêu anh chị em bị tước mất phẩm giá, và chúng ta hãy cảm thấy bị thúc bách lắng nghe tiếng kêu cứu của họ..” (n.15)

- Phần thứ hai của đề tài là: ”Câu trả lời của Tin Mừng thương xót” muốn liên kết rõ ràng hiện tượng di dân và câu trả lời của thế giới, đặc biệt là của Giáo Hội. Trong bối cảnh này, ĐTC mời gọi dân Chúa hãy suy tư trong Năm Thánh về những việc từ thiện bác ái về thể lý và tinh thần, và không nên quên rằng chính Chúa Kitô hiện diện nơi những người bé mọn nhất, và vào cuối đời chúng ta sẽ bị phán xét về câu trả lời tình thương của chúng ta” (Xc Mt 25,31-45).

Trong tư cách là môn đệ Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn luôn được mời gọi ”loan báo sự giải thoát cho những người đang là tù nhân của những hình thức nô lệ mới trong xã hội tân thời” (Misericordiae vultus, 16), đồng thời phải đào sâu tương quan giữa công lý và từ bi, là hai khía cạnh của cùng một thực tại duy nhất (Mis. vultus 20).

Sau cùng, Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân khuyến khích các giáo phận và các cộng đoàn Kitô đề ra những sáng kiến cử hành Ngày Thế giới di dân và tị nạn cũng như những công việc bác ái trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng thương xót, không quên gây ý thức trong các cộng đoàn về hiện tượng di dân. Những điều này không phải chỉ thu hẹp trong Ngày Di dân mà thôi nhưng còn kéo dài. (SD 20-8-2015)
 
Cuộc Tông Du Hoa Kỳ: phỏng đoán về bài diễn văn cuả ĐTC đọc trước Quốc Hội Hoa Kỳ.
Trần Mạnh Trác
16:00 21/08/2015


Không như phần đông các bình luận gia cho rằng cuộc thăm viếng lịch sử cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ là một cuộc nghinh đón vĩ đại, một vài nhà bình luận thì đặt vấn đề cho rằng vì những vận động mới đây cuả Ngài về những vấn đề như di dân, công bình kinh tế, bảo vệ môi sinh, đã gây 'dị ứng' cho nhiều cấp lãnh đạo chính trị HK, cho nên cuộc đón tiếp sẽ chỉ là 'lịch sự' nếu không nói là lạnh lùng.

Kinh nghiệm về những cuộc đón tiếp như thế cho thấy rằng người Hoa Hỳ, tuy rất 'phe phái', nhưng thường sẽ sàng lọc ('choose and pick'), chì lưu ý đến những lời tuyên bố có lợi và 'lờ đi' những gì khác. Cho nên việc tiếp đón ĐGH, dù không hồ hởi, thì cũng không băng giá được đâu.

Với sự dè dặt như thế, chúng tôi xin giới thiệu một ý kiến để làm đề tài suy nghĩ. Ý kiến cuả GS Stephen Schneck, Giám đốc của Viện Nghiên cứu các Chính sách cuả trường đại học Công Giáo ở Washington DC, một giáo hoàng học viện, The Catholic University of America.

Giáo sư Schneck 'giả dụ một cách khôi hài' là ĐGH sẽ đọc một 'thông điệp' như sau trước Quốc Hội, vừa khen ngợi nhưng cũng vừa thánh thức:



Vào ngày 24 tháng 9 này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự một cuộc họp lưỡng viện tại Quốc hội; Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên được vinh dự này. Ngài sẽ đứng ở cái bục danh dự trước mặt ông Chủ Tịch Boehner (với tư cách là chủ tịch Hạ Viện) và Phó Tổng Thống Biden (với tư cách là chủ tịch Thượng Viện), trong một căn phòng đầy ắp các dân biểu nghị sĩ và chức sắc cuả chính quyền. Sau đây là những gì tôi tưởng tượng Ngài có thể phát biểu:

Kính thưa Tổng Thống, quí vị Chủ Tịch, quý quan khách, quí liệt vị trong ngành Lập Pháp.. .

"Vả lại Thiên Chuá có quyền đổ tràn ân lộc mọi thứ xuống cho anh em, để anh em vừa được luôn luôn sung túc mọi bề, vừa còn dư giả mà làm mọi việc phúc đức" (2 Cor 9: 8)

Anh chị em thân mến, đoạn thánh thư vừa trên là một trong những đoạn yêu thích nhất của tôi. Tôi mang nó đến đây như là một phước lành đổ xuống cho đất nước này và cho tất cả mọi người đang tụ tập ở đây ngày hôm nay.

Tôi khiêm tốn đứng trước căn phòng hội này, trước những nhà lập pháp của Hoa Kỳ. Đối với tôi, cả một cuộc đời, thì đất nước của quí vị đã là một ngọn hải đăng cho những người vô gia cư và cho những người tất bật, là một cánh cửa vàng cho tất cả những ai đang khao khát được thở làn không khí tự do.

Đấng Tạo Hóa đã ban cho quốc gia của quí vị một vẻ đẹp thật tuyệt vời, với nhiều tài nguyên khổng lồ và nhiều tiềm lực to lớn. Cùng với những những ân sủng đó, người dân Hoa Kỳ đã đổ thêm vào lòng can đảm và sự hy sinh, để đã nhiều lần trong quá khứ, nhận lấy những trách nhiệm to lớn đặt lên trên vai họ. Để cưỡng chống lại bóng tối và sự u mê, khi thế giới phải đối mặt với những hiểm nguy trong những cơn khủng hoảng; người dân Hoa Kỳ đã nhận lấy trách nhiệm tranh đấu cho hòa bình, cho lòng nhân từ, bác ái, và công lý. Hết lần này qua đến lần nọ, đất nước tuyệt vời của quí vị đã lắng nghe tiếng kêu gọi và đã trả lời.

Chắc hẳn quí vị còn nhớ câu chuyện cổ xưa của tiên tri Samuel. Có một tiếng đã gọi Ngài nhiều lần trong đêm. Mỗi lần, khi Ngài đặt mình xuống để giỗ giấc ngủ, thì giọng ấy lại đánh thức Ngài dậy. Cuối cùng, vị thầy cuả Ngài, là tiên tri Eli, đã khuyên bảo rằng, "Cứ nằm yên và lắng nghe. Và nếu nghe tiếng gọi nữa thì hãy nói, 'Xin Chúa cứ nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe đây. '"

Những người có đức tin thì luôn tin rằng chúng ta được kêu gọi để phục vụ. Phục vụ mọi người là anh chị em của chúng ta. Phục vụ công ích. Phục vụ cho kế hoạch của Tạo Hóa. Sách Tin Mừng đã kêu gọi mọi Kitô hữu tìm kiếm gương mặt của Chúa Kitô nơi những người nghèo, nơi kẻ tù đầy, nơi người bệnh, kẻ đói khát.

Trong hội trường này là những người phụ nữ và đàn ông, mà trong tiếng Anh, được gọi là "những tôi tớ chung" (“public servants,”) chắc chắn quí vị phải có nhiều hiểu biết về những gì là được kêu gọi để phục vụ.

Các Quốc Gia trên Thế Giới cũng được kêu gọi để phục vụ. Và Quốc Gia vĩ đại của quí vị đã trả lời tiếng gọi ấy nhiều lần.

Thưa quí vị lập pháp, thưa các anh chị em, tôi xin hỏi từng người một với tất cả chân thành và tình thương mến: Rằng có phải là đất nước tuyệt vời của quí vị hiện nay không còn được gọi nữa không? Có phải là Hoa Kỳ, trong giờ phút này, không được gọi để gánh lên một trách nhiệm nào, một lần nữa sao?

Vậy thì quí vị có tạm dừng, như tiên tri Samuel, để lắng nghe điều mà quí vị đang được gọi là gì chưa? Và quí vị sẽ trả lời ra sao?

(Một im lặng kéo dài)

Quí vị có nghe thấy tiếng kêu cứu cuả những gia đình trong số hai tỷ người nghèo khổ trên Thế Giới đang bị bầm vập vì sự bất công kinh tế không? Quí vị có nghe thấy tiếng kêu khắc khoải của những tạo vật bị tổn thương vì bị lạm dụng bởi nhiều thế hệ không?

Quí vị có nghe thấy tiếng kêu của những người tị nạn, bị ghê tởm và bị xua đuổi trên toàn cầu không? những tiếng kêu của những người bệnh, đang đau đớn vì thiếu thuốc và sự chăm sóc y tế không?

Quí vị có nghe thấy tiếng kêu của những người bị đè nén,bị phân biệt đối xử, và bị xúc phạm vì đức tin, vì giới tính hay chủng tộc không?

Quí vị có nghe thấy tiếng kêu cầu một nền hòa bình không?

Quí vị có nghe không, thưa các nhà lập pháp, tiếng kêu của những đứa trẻ còn trong bụng mẹ, đang van xin để được sống và sống một cuộc đời có nhân cách?

(Một im lặng dài nữa)

Anh chị em thân mến, xin hãy suy nghĩ về những ân sủng đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban tặng cho đất nước của anh chị em.

Hãy tự hỏi tại sao? Tại sao mà anh chị em đã được tràn đầy ân sủng với vẻ những đẹp, sự phong phú, và quyền lực như vậy? Để có mục đích gì? Thiên Chúa đang kêu gọi Nước Mỹ một thách thức nào nữa đây?

Anh chị em yêu mến của tôi, anh chị em có nghe thấy một tiếng gọi nào chưa? và định trả lời ra sao?
 
Nhật lo lắng về nạn tự tử trong giới trẻ tại nước này
Đặng Tự Do
19:34 21/08/2015
Bản tin của Asia-News, cơ quan thông tin của Pontificio Istituto Missioni Estere - Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, trong số ra ngày 20 tháng 8 trích thuật báo cáo của Văn phòng Nội Các Chính Phủ Nhật, trong đó ghi nhận 18,048 trường hợp tự tử, giữa năm 1971 và năm 2013, liên quan đến trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi từ.

Nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết các vụ tự tử xảy ra vào những ngày lễ của Nhật Bản cuối mùa xuân và mùa hè. Nghiêm trọng nhất là vụ 131 thiếu niên tự sát vào ngày 1 tháng Chín năm ngoái. Con số tự tử vào ngày 1 tháng Chín hàng năm chưa bao giờ dưới mức 100 người trong suốt một thập niên qua. Vì thế, ngày 1 tháng Chín năm nay đến trong âu lo của nhiều người.

Ngày 11 tháng Tư hàng năm cũng là một ngày khủng khiếp với con số trung bình số ca tự tử là 99 trường hợp, theo sau là ngày 8 tháng Tư, rồi ngày 02 tháng 9 và 31 tháng 8 với 95, 94 và 92 các vụ tự tử.

Trong những năm gần đây, tính trung bình mổi ngày có 49 trường hợp tự tử.

Các cuộc điều tra của chính phủ cho thấy một trong những lý do chính dẫn đến tự tử trong số các học sinh trung học và tiểu học là những hục hặc trong gia đình. Nguyên nhân tiếp theo là sự thất bại ở trường, mối quan tâm về sự lựa chọn nghề nghiệp, bệnh tâm thần và trầm cảm.

Theo cha Cazzaniga, Nhật Bản là một trong những nước có mức giáo dục cao nhất với khoảng 80 phần trăm sinh viên có được một nền giáo dục sau trung học. Tuy nhiên, "các chương trình giáo dục được thúc đẩy bởi nhu cầu của nền kinh tế quá nhấn mạnh đến các ngành khoa học tự nhiên hơn là khoa học nhân văn. Trẻ em được đào tạo để thúc đẩy sự phát triển của đất nước," ngài nói.

Hậu quả cúa nền giáo dục và kinh tế ấy là một xã hội vô thần, hiện sinh, thực dụng và tranh đua quyết liệt.

Kitô giáo đến với Nhật Bản nhờ các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, các nhà thám hiểm, và đặc biệt là các linh mục dòng Tên, chẳng hạn như Thánh Phanxicô Xaviê. Người Công Giáo đã thành lập nên thành phố Nagasaki, có thời được xem là trung tâm Kitô giáo quan trọng nhất ở vùng Viễn Đông.

Nhật Bản là đất nước đã có đến 434 vị tử đạo đã được tuyên phong, và hàng trăm ngàn các vị tử đạo chưa được biết đến; nhưng giờ đây 99% dân số là vô thần. Sau thế chiến thứ hai, đứng trước những tàn phá kinh hoàng của chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh phát triển rất mạnh.

Theo Niên Giám của Tòa Thánh năm 2011, Nhật Bản có khoảng 509,000 người Công Giáo tức là chưa tới 0.5% tổng dân số. Tuy thế, Nhật vẫn có đến 16 giáo phận, trong đó có ba tổng giáo phận với 1589 linh mục và 848 giáo xứ trong cả nước.

Đức Thánh Cha Phanxicô có một tình cảm đặc biệt với Nhật Bản, Nhiều lần ngài giải thích rằng khi còn nhỏ ngài đã muốn trở thành một nhà truyền giáo ở Nhật Bản. Hôm thứ Tư 21 tháng 8 năm 2015, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp đặc biệt dành cho 200 bạn trẻ Nhật Bản tại Vườn Damasus. Đây là một sự kiện bất thường bởi các vị Giáo Hoàng hiếm khi chào đón du khách trong tháng Tám. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã không ngần ngại gặp gỡ cá nhân với nhóm bạn trẻ này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Caritas, Doanh nhân và Tòa GM Vinh trao tặng nhà tình thương cho gia đình có hoàn cảnh đặc biệt
PVDNCG
09:58 21/08/2015
Chiều ngày 11 tháng 8 năm 2015, Caritas, Giới Doanh nhân cùng với Tòa giám mục giáo phận Vinh đã trao tặng nhà tình thương cho gia đình anh chị Phêrô Nguyễn Văn Huy và Maria Trần Thị Tâm thuộc giáo xứ Trang Nứa (xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).

Về tham dự buổi trao tặng nhà tình thương và thăm hỏi gia đình Anh Huy có Đức Cha Phaolô, cha Bênađô Trần Xuân Thuỳ - Trưởng ban Mục vụ Giới Doanh nhân Công Giáo, đại diện Caritas giáo phận, Ban Đại diện Giới Doanh nhân Công Giáo giáo phận Vinh, đại diện HĐMV giáo xứ Trang Nứa cùng với anh em và người thân của gia đình anh Huy.

Anh Phêrô Nguyễn Văn Huy năm nay 36 tuổi và Chị Maria Trần Thị Tâm 29 tuổi cưới nhau đã được 9 năm, sinh được 4 người con. Tai họa đến liên tiếp khi 2 người con của anh chị chết đuối do lũ lụt năm 2011 và năm 2014. Sự đau khổ tiếp tục xảy đến với gia đình anh Huy khi năm tháng trước anh Huy bị tai nạn giao thông quá nặng, các bệnh viện đều đã trả về, hiện tại anh phải nằm một chỗ, bố mẹ của anh Huy bị lâm trọng bệnh và bà mẹ đã qua đời. Hiện giờ cả anh Huy và bố anh không biết còn trụ lại mạng sống của mình đến lúc nào.

Sự đau khổ và mất mát quá lớn đến với gia đình, đã làm cho chị Tâm bị trầm cảm, hoảng loạn trong một thời gian dài, nay chị bắt đầu nói được và bình phục dần về tâm lý nhờ sự giúp đỡ từ Caritas Vinh, quý Sơ và người thân cùng bà con trong giáo xứ Trang Nứa. Tai họa đến càn quét gần như cả gia đình anh chị, đau khổ chồng chất, một căn nhà để nương thân cũng không có.

Trong hoàn cảnh đó, Caritas giáo Phận Vinh, Tòa giám mục và nhiều ân nhân đã đồng hành với gia đình anh chị trong việc điều trị, chạy chữa thuốc men, hiện giờ anh đang lúc tỉnh lúc mơ! Việc xây dựng một căn nhà cho gia đình cũng rất cần thiết, vì thế Caritas Vinh cùng với Giới Doanh nhân giáo phận và Tòa giám mục đã hợp tác xây dựng cho anh chị một căn nhà có tổng diện tích 90m2, có gác xép tránh lụt, nhà bếp và công trình phụ khép kín, tổng giá trị trên 120 triệu đồng.

Với tinh thần tương thân tương ái, Caritas và Giới Doanh nhân Công Giáo giáo phận Vinh đã và đang đồng hành với người nghèo khổ, bị bỏ rơi, những người tật nguyền kém may mắn. Thiết nghĩ, mỗi người trong chúng ta hãy cùng chung tay góp sức để làm vơi đi phần nào nỗi thống khổ của họ!
 
Dòng Mân Côi Bùi Chu : Hồng Ân Thánh Hiến
BTT Dòng Mân Côi
08:58 21/08/2015
DÒNG MÂN CÔI BÙI CHU – HỒNG ÂN THÁNH HIẾN

Sáng ngày 20/8/2015, Hội Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu vui mừng tạ ơn Chúa đã gọi và chọn 14 Tập sinh can đảm bước lên tuyên khấn lần đầu, 16 Khấn sinh tuyên khấn trọn đời, 6 chị mừng Ngân khánh và 4 chị mừng Kim khánh khấn dòng. Nghi thức thánh hiến được cử hành long trọng trong Thánh lễ tại nhà thờ Giáo xứ Trung Linh, do Đức Cha Giáo phận Thomas Vũ Đình Hiệu chủ tế cùng với sự hiện diện của khoảng 140 linh mục trong và ngoài Giáo phận, đông đảo tu sĩ nam nữ, quý ông bà cố, quý ân thân nhân cùng bạn bè thương mến.

Xem Hình

Đúng 8h45’, 40 chị em mừng lễ hôm nay được các chị em trong Hội Dòng, quý ông bà cố, quý Cha đồng tế làm thành một đoàn rước trang nghiêm di chuyển từ sân Đức Mẹ Mân Côi ra Thánh đường Giáo xứ Trung Linh hòa trong tiếng hát du dương của ca đoàn Nhà Dòng.

Dẫn vào Thánh lễ, một chị dẫn lễ đã mời gọi cộng đoàn phụng vụ cùng hiệp dâng trong « Thánh lễ Tạ ơn và cầu nguyện cách đặc biệt cho các chị em tuyên khấn hôm nay được luôn tin tưởng vào tình thương và lòng nhân hậu của Chúa, hăng say, nhiệt thành trong sứ vụ, và nhất là được trung kiên theo Chúa đến cùng, hầu làm vinh danh Chúa, hiển danh Mẹ, thánh hóa bản thân và cứu rỗi các linh hồn ».

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức Cha Thomas đã đưa ra mẫu gương phục vụ của Mẹ Maria “Mẹ đã hiến dâng cho Thiên Chúa bằng việc phục vụ tha nhân…Sau khi sứ thần truyền tin cho Mẹ, Mẹ đã vội vã ra đi mà không băn khoan cho chính mình…”. Đức Cha mời gọi các Khấn sinh noi gương Mẹ biết nhạy cảm với nhu cầu của Hội Dòng và với tha nhân bằng việc phục vụ. Chị em biết cộng tác chia sẻ với nhau trong công việc, biết nhìn ra hình ảnh của Chúa nơi chị em mình…vì tinh thần phục vụ là món quà đặc biệt nhất cho thế giới hôm nay.

Sau bài giảng là nghi thức tuyên khấn lần đầu cho 14 Tập sinh. Từ hôm nay, các Tập sinh bước vào một giai đoạn mới trong ơn gọi bước theo sát Chúa Kitô, thành môn đệ của Người. Qua 3 lời khấn dòng, các chị tự nguyện phó thác cuộc đời mình trong tay Chúa qua Hội Dòng và trở thành một con “người mới”. Hành trình hiến dâng của các chị không phải là thành công, thuận lợi hay vinh hoa phú quý mà là con “đường thập giá” trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Kitô qua những hy sinh, từ bỏ và những “đêm tối của Đức tin”.

Tiếp theo là nghi thức khấn trọn đời. Sau nhiều năm tìm hiểu và sống Ơn gọi Thánh hiến theo linh đạo Mân Côi. Hôm nay, 16 Khấn sinh quyết định bước vào một giai đoạn quyết định quan trọng trong hành trình hiến dâng của mình. Các chị can đảm, mạnh dạn bước lên tuyên khấn trọn đời, sống Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục, để từ nay các chị sẽ thuộc trọn về Chúa, trở nên thành viên chính thức của Dòng. Hôm nay và mãi mãi, các chị sẽ là những Nữ tu Mân Côi cách thực thụ, viên mãn và tròn đầy, để rồi qua lời khấn trọn đời, các chị sẽ hiến thân phụng sự Chúa, và phục vụ Giáo Hội cách đắc lực hơn mỗi ngày. Chiếc nhẫn mà Đức Cha xỏ vào tay các chị như là dấu chỉ, là Giao Ước vĩnh cửu mà các chị đã ký kết với Thiên Chúa. Nó sẽ nhắc nhở các chị phải sống sao xứng đáng là Hiền Thê của Chúa Kitô.

Sau cùng là nghi thức nhắc lại lời khấn của 6 chị mừng Ngân khánh và 4 chị mừng Kim khánh khấn dòng. Đây là dịp để các chị dâng lời Tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa vì biết bao ân huệ Chúa đã thương ban cho các chị trong suốt chặng đường đã qua. Đây cũng là mốc thời gian quan trọng để các chị nhìn lại hành trình dâng hiến của mình để xin lỗi Chúa vì những bất xứng với « Giao Ước của Người », để tri ân các bậc tiền nhân, ân thân nhân, những người đã quảng đại nâng đỡ và vun trồng Ơn gọi của các chị trong suốt những năm qua.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Chị Tổng phụ trách M-Ign. Nguyễn Thị Nga thay mặt Hội Dòng và các Khấn sinh dâng lời tri ân Đức Cha Thomas, quý Cha, quý tu sĩ, quý cố, quý ân thân nhân và quý cộng đoàn đã vì tình thương mến mà hiện diện trong Thánh lễ để cầu nguyện cho các chị em tuyên khấn hôm nay.

Kết thúc Thánh lễ, chị em Mân Côi sum họp với quý Đức Cha, quý Cha và quý khách trong bữa ăn huynh đệ. Đây cũng là dịp thuận tiện để mọi người tham dự và chị em được gặp gỡ, chúc mừng và hỏi thăm nhau. Tạ ơn Chúa đã thương chọn gọi các chị và giúp các chị quảng đại đáp trả tình yêu của Người. Nguyện xin Người, sự chuyển cầu của Mẹ Maria Mân Côi, giúp sức để các chị luôn can đảm sống trung tín với tình yêu Thiên Chúa.

BTT Dòng Mân Côi
 
Văn Hóa
Đi Lễ
Nguyễn Kim Ngân
21:42 21/08/2015
Đi Lễ

Cùng với nỗ lực đóng góp và hoàn thành kế hoạch xây cất ngôi thánh đường tráng lệ dâng kính Đức Mẹ Lavang (ĐMLV) vốn đang tiến triển khả quan, giáo dân Giáo Xứ ĐMLV San Jose cũng đang thực hiện ba chương trình canh tân: các hội đoàn, giới trẻ và phụng vụ, nhằm tạo nên một công trình song song là trùng tu “ngôi đền thánh tâm hồn” nơi mỗi người giáo dân. Bài viết sau đây xin được góp phần nhỏ trong tiến trình canh tân phụng vụ, và xin gửi tặng Cha Chính Xứ, Thầy Phó Tế, cùng toàn thể quý anh chị em trong Liên Ban Phụng Vụ Giáo Xứ ĐMLV San Jose. Xin Chúa và ĐMLV chúc lành cho thiện chí của tất cả chúng ta. Nguyễn Kim Ngân.

Ngày lễ Tro năm nào cũng thấy nhà thờ chật kín người. Có người đi để dự lễ mở màn cho Mùa Chay Thánh. Nhưng có người đi lễ hôm ấy chỉ để được xức tro lên đầu mong đào sâu thêm ý thức “hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro.” Điều lạ là lễ Tro không hề là một lễ trọng, càng không phải là lễ buộc. Chỉ là ngày khai mở mùa Chay, chuẩn bị cho việc cử hành Đại Lễ Chúa Phục Sinh.

Người ta đi lễ, trong trường hợp này, là vì người ta muốn đi, một cách tự nguyện, không hề bị bó buộc bởi lề luật Hội Thánh. Người ta đi lễ vì thấy có một cái gì đó đánh động mình, đem lại ý nghĩa cho đời mình. Nhưng tại sao việc đi lễ lại đang trở thành một vấn nạn, cho nhiều người, nhiều gia đình, nhất là giới trẻ? Không lẽ chỉ mỗi Thánh Lễ được cử hành trong ngày Thứ Tư Lễ Tro mới có ý nghĩa sâu sắc và đậm đà có thể đánh động được lòng người, còn các Thánh Lễ khác thì không có gì đáng nói chăng? Nếu không phải thế, thì đâu là lý do khiến người ta chán đi lễ, lười đi lễ, để rồi từ từ bỏ luôn đi lễ?

Đi Lễ: Vấn Nạn

Tại sao lại phải đi lễ? Lễ với lậy, lúc nào cũng y như thế, chẳng có gì mới lạ, không có chi hấp dẫn cả! Đi lễ sao mà nhàm chán đến phát ngấy! Ông cha thì giảng dai, giảng dài, giảng dở, cứ y như là trực thăng bay vòng vòng tìm bãi đáp mà mãi không sao tìm được! Đó là một vài vấn nạn nghe rất quen tai. Có những người trẻ lý luận thẳng thừng: vào thời buổi khoa học kỹ thuật đang trở thành chìa khóa vạn năng mở tung hết mọi cánh cửa tiện nghi vật chất cho đời sống văn minh con người, từ kinh tế tài chánh, đến an sinh xã hội, thế mà còn đọc kinh đọc sách, đi lễ Chúa Nhật thì thật là quá tụt hậu. Thế là việc đi lễ Chúa Nhật bị lơi lỏng dần, hơi tí thì bỏ lễ, viện dẫn những lý do không đâu, rồi đi đến chỗ gạt bỏ lễ ra khỏi lịch trình sinh hoạt: thật là giản tiện và gọn gàng! Được giáo dân đến hỏi ý kiến làm cách nào để đối phó với việc con cái bỏ đi lễ Chúa Nhật một cách hết sức thoải mái, một linh mục đã trả lời rằng: “Là cha mẹ, chúng ta đã cố gắng dậy dỗ, khuyên bảo con cái mình đi lễ nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện, sống đạo chân thành từ nhỏ cho tới lúc trưởng thành. Nếu bây giờ chúng nó bỏ đi lễ nhà thờ, bỏ đọc kinh cầu nguyện…thì đừng la mắng chửi rủa chúng nó làm gì, bởi chúng nó đã khôn lớn, đã có ý thức quyết định mọi sự liên quan đến đời sống của mình. Thôi thì cứ cầu nguyện và dâng hết mọi sự cho Chúa.” Tôi chợt hiểu tại sao trong các ý chỉ cầu nguyện được rao trước Thánh Lễ Chúa Nhật hằng tuần đã có rất nhiều người cầu xin cho con cái biết ăn năn trở lại, biết tăng thêm lòng kính mến Chúa, và sống đạo chân thành.

Đó là những trường hợp chán đi lễ. Tuy nhiên, ngay với những ai chịu khó đi lễ thì không phải là không có vấn đề! Này nhé: khi Linh Mục bắt đầu Thánh Lễ thì nhà thờ vẫn còn rộng rãi thênh thang, chỗ trống còn khá nhiều, ở nơi này, góc nọ. Đến khi hát Kinh Vinh Danh thì thiên hạ ùn ùn kéo vào, cho đến khi đọc bài đọc một thì nhà thờ đã không còn một chỗ trống. Người ta lại phải đứng vòng trong vòng ngoài. Thế có nghĩa là dù vẫn đi lễ đông vui thật đấy, nhưng chỉ có mỗi tội là đi…trễ, có khi trễ đến 10, 15 phút. Đi trễ thì dễ đậu xe “bất hợp lệ,” thành ra đành phải ra về…sớm. Thói quen đi trễ về sớm này có vẻ đang lan rộng ra trong số những người đi lễ thường xuyên. Nhiều người cứ coi như sau khi đã chịu lễ rồi thì có thể ra về thoải mái vì lúc đó tuy Cha chưa công bố giải tán, nhưng tới đó Thánh Lễ cũng coi như “đã đoạn” rồi! Thế là, ngay khi còn đang cho rước lễ, đã thấy hàng hàng lớp lớp lũ lượt “ra về trong hy vọng và mừng vui.” Hình như Hội Thánh chỉ dậy phải đi lễ Chúa Nhật thôi, chứ không nói gì về việc phải đi cho đúng giờ, về cho đúng lúc?

Đó là chưa kể đến các quý vị vẫn đi lễ thường xuyên, nhưng chỉ có mỗi “tội” là dự lễ “bên ngoài nhà thờ.” Trong không khí thoáng mát hữu tình ở cuối nhà thờ, các quý vị này vẫn tự nhiên hút thuốc, mở i-phone, hàn huyên tâm sự, mặc cho Thánh Lễ diễn tiến bình thường “trong bóng giáo đường.” Đây đúng là trường hợp điển hình của việc đi lễ mà không…dự lễ.

Đi Lễ và Não Trạng Thời Đại

Một trong các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đi lễ có thể là do “não trạng thời đại” khi đức tin và đạo nghĩa đang rơi sâu xuống tận đáy vực. Do hiểu sai về tự do theo nghĩa là muốn làm gì thì làm, người ta đi đến chỗ sống buông tuồng, thả lỏng. Trong khi ở bất cứ nơi đâu, kiểu sống phóng túng, tìm cầu lạc thú vật chất và xác thịt được nhìn thấy nhan nhản, đầy cám dỗ và mời mọc, được khuyến khích và quảng cáo rầm rộ, thì làm gì có chỗ cho Thiên Chúa, cho tinh thần, cho tôn giáo? Mà khi Thiên Chúa bị phớt lờ, lãng quên, thậm chí bị chối bỏ, bị gạt ra bên lề cuộc sống, thì tất nhiên lễ lậy và nhà thờ nhà thánh làm gì còn có ý nghĩa nào nữa! Cùng lắm thì đi lễ cho khỏi lỗi điều răn thứ ba để rồi phải đi xưng tội, chứ đi lễ “không thấy được một ích lợi gì cho tôi,” và “cứ nghĩ đến đi lễ cũng đã đủ khiến tôi xìu lơ” (giới trẻ bảo là “it turns me off”). Khi quan niệm tự do là “muốn làm gì tùy thích, nhất là nếu điều đó khiến ta cảm thấy vui vẻ thoải mái,” thiết tưởng cũng là điều tự nhiên khi nghe thấy những nhận định kể trên.

Đi Lễ: Niềm Hoan Lạc Tâm Linh

Quan niệm rằng cái gì vui nhộn, vui đến mức say sưa (vui say mà!), thì mới nên làm, nên tham dự là quan niệm rất phổ thông hôm nay, nhất là với giới trẻ. Đó là lý do của những buổi liên hoan, họp mặt, lễ lạc, sinh nhật, kỷ niệm này nọ. Cứ cái gì “fun” thì mới nên làm. Cái gì không “fun” thì rõ ràng là “boring,” phải dẹp ngay! Đi lễ thì có gì là “fun” cơ chứ!

Thực ra đi lễ đâu phải là đi dự một buổi liên hoan hay họp mặt, là lúc người ta đến để cùng ăn uống linh đình, tưng bừng ca hát và nhẩy nhót om xòm, lên tinh thần đến độ xuất thần, quên cả lối về. Thế nhưng, nếu quan niệm rằng con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, không phải chỉ có thân xác với những nhu cầu phàm tục, mà còn có linh hồn, nói theo Thánh Augustinô, vốn “hằng luôn thao thức cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa,” thì phải chân nhận rằng đi lễ cũng mang lại cho ta những niềm hoan lạc và bình an của tâm linh mà xác phàm không cảm nghiệm được, bởi vì tiêu chuẩn sống của xác phàm chỉ là duy vật và duy lạc thú để thoả mãn dục vọng. Nhưng không có gì bảo đảm những no thoả của dục vọng ấy có thể làm nguôi ngoai nỗi khát khao về cõi vô biên, hay khoả lấp được niềm trống vắng mênh mông trong đáy sâu tâm hồn. Con người xác phàm làm sao hiểu để có thể cất lên tiếng hát: “Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con. Con gẩy đàn dâng câu cảm tạ, lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ?” (TV 43:4) Phải, nếu chỉ sống theo dục vọng, cảm nghiệm của ta sẽ chỉ giới hạn trong cái tầm mức của giác quan, sẽ không thể trải nghiệm được niềm hân hoan của thánh ân và sự thảnh thơi khi bước vào cung thánh Chúa, vốn là những thực tại nằm trên một tầm cao khác mà giác quan con người không thể vươn tới. Chính trong niềm vui thanh khiết cao cả của ân thánh mà ta khám phá và nếm cảm được những vẻ đẹp linh thiêng hấp dẫn, niềm bình an thơ thới của một con người sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Niềm hoan lạc và bình an đó được Chúa ban xuống dồi dào cho ta qua Hội Thánh Ngài, xuyên qua con đường bí tích là những dấu chỉ hữu hình có khả năng chuyên chở đến cho ta những ân sủng vô hình.

Đi Lễ: Được Nhiều Vô Kể

Thành ra, nếu nói rằng "đi lễ chẳng được việc gì” thì rõ ràng là ta đã đặt sai vấn đề: trước hết ta đi lễ là để làm tròn bổn phận mình với Thiên Chúa, Đấng đã tác sinh ra ta, cho ta biết bao ơn lành trong một ngày sống. Tiếp đến, tiêu chuẩn “chẳng được việc gì” của ta đã được đặt sai bình diện: ông cha đâu có phát tiền khi ta đi dự lễ đâu! Ngược lại mới đúng: đi lễ bị “mất” tiền là khác; đó là tiền ta dâng cúng, hay đóng góp cho một mục tiêu chung. “Được” hay “mất” khi đi lễ theo nghĩa vật chất như thế này hoàn toàn không đúng chỗ. Thực ra, điều ta nhận được nằm ở một bình diện cao hơn, thiêng liêng và vững bền hơn: ta nhận được nhiều lắm từ Thánh Lễ, nhất là nhận được chính Mình và Máu Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng phán dậy cho ta qua Thánh Kinh, được thực sự hiện diện trong Thánh Lễ. Người trở thành của nuôi dưỡng linh hồn ta và bảo đảm cho ta được sống lại sau khi chết để được hưởng sự sống muôn đời. Đời người thọ lắm cũng chỉ ba vạn sáu ngàn ngày. Đó là chiều dài của kiếp sống thể xác nơi trần thế này. Làm sao nó có thể so sánh với sự sống vĩnh cửu khi ta đã được nuôi dưỡng bằng chính Mình và MáuThánh Chúa Kitô được!

Tóm lại, có ba điều nên nhớ khi đi dự lễ: (1) Đi lễ là tỏ lòng tôn vinh Thiên Chúa, là đáp trả lại tình yêu Ngài đã ban cho ta không biết bao nhiêu ơn lành, nhất là cảm tạ Chúa Cha đã ban Con Một Ngài để chịu nạn chịu chết cho ta (Thánh Lễ được gọi là Hiến Lễ Tạ Ơn là như thế); (2) Đi lễ chính là thực hiện nghĩa vụ công bằng: trả lại cho Chúa món nợ tình yêu. (3) Đi lễ còn là tuân theo lệnh truyền của Chúa: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.” Hội Thánh ra luật buộc đi lễ Chúa Nhật chính là để nhắc nhở ta nhớ mãi không quên lệnh truyền rõ ràng và minh bạch này. Ngoài ra, đây là câu hỏi ta nên đặt cho chính mình: “Chúa Nhật có đúng là ‘ngày của Chúa’ không? Ta làm gì để thánh hoá ngày của Chúa? Ta đã dành riêng cho Chúa bao nhiêu thì giờ ngoài khoảng hơn kém một tiếng đồng hồ đi dự Thánh Lễ?”

Đi Lễ: Dịp Gặp Gỡ Chúa Không Đâu Bằng

Có người bảo rằng: “Cần gì phải đến nhà thờ dự lễ làm chi? Chúa ở khắp mọi nơi cơ mà!” Phải, đạo tại tâm rất có lý, rất xuôi tai, bởi ta phải tôn thờ Chúa trong tinh thần và chân lý. Chúa biết tất cả, Chúa nhìn thấu lòng ta, thế nên chỉ cần Chúa và ta là đủ. Thực ra nếu “đạo tại tâm” được hiểu và được thực hành như là việc “liên lỉ kết hợp với Chúa,” thì đó chính là một thực hành lý tưởng mà không phải ai cũng có thể đạt được, ngoại trừ các bậc thần bí. Nhưng bình thường ra, nếu sống “duy tâm” như thế mãi, liệu có triển vọng tồn tại không? Hay là tới một lúc nào đó, đạo tại tâm cứ mờ nhạt dần rồi từ chỗ chỉ còn “ta với Chúa” sẽ trở thành ‘ta với ta” và “Chúa với Chúa” để rồi cuối cùng là “đạo cũng tàn mà tâm thì rỗng”!

Con người vừa là hồn vừa là xác, nghĩa là không phải thiên thần cũng chẳng là muông thú. Thực tại con người bao gồm cả những gì phàm tục lẫn những điều linh thánh. Con người vừa sống giữa thế giới vật chất hữu hình, lại vừa ngụp lặn trong những thực tại vô hình. Lại nữa, Chúa đúng là ở khắp mọi nơi và ta có thể gặp được Người bên ngoài nhà thờ, nơi những kẻ nghèo khó, neo đơn, bệnh hoạn. Chúa dựng nên muôn người, muôn vật. Tất cả đều giúp ta hướng về với Chúa. Ai chẳng thấy lòng rạo rực phấn khởi, mỗi buổi mai thức dậy, nhìn ánh bình minh đang dâng lên xua tan bóng đêm chập chùng? Ai chẳng thấy lòng chùng xuống khi nhìn ánh hoàng hôn đang nhuộm tím một buổi chiều hoang? Ai chẳng thấy lòng lâng lâng khi chiêm ngắm cảnh tượng núi đồi hùng vĩ, biển cả mênh mông với những đợt sóng dập dồn? Thiên nhiên chính là kiệt tác khiến ta tỏ lòng thán phục và ngưỡng mộ Hoá Công đầy quyền năng uy dũng. Đó là lý do Thánh Phanxicô Assisi đã viết nên những bài ca vũ trụ để ca ngợi Chúa. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng là một người rất gần với thiên nhiên, rất ham mộ thể thao. Cả khi đi tĩnh tâm, Ngài cũng không quên được trượt…tuyết. Thế nhưng, cả hai vị đại thánh này không bao giờ quên dành thì giờ cầu nguyện và tâm sự với Chúa nơi nhà chầu, trong khung cảnh của nguyện đường tĩnh lặng. (Cũng nên nhớ rằng các bậc thần bí ta nói ở trên không bao giờ “siêu” đến độ quên đi nhà thờ đâu!) Bởi vì Thiên Chúa của ta đâu chỉ là một đấng để ta thán phục và ngưỡng mộ mà thôi, Người còn là—và nhất là--một vị Thiên Chúa đầy yêu thương và bao dung từ ái, một Thiên Chúa hoá thân làm người, ở giữa ta và chết tức tưởi trên khổ giá để cứu ta. Một Thiên Chúa như thế ta chỉ bắt gặp được khi dừng bước trong thánh đường, nơi Chúa hằng ngự trị, để tham dự Hy Lễ Tạ Ơn, hiệp thông cùng với muôn vàn anh chị em khác, như là những phần tử của đoàn chiên Chúa dẫn dắt. Chính nơi Thánh Lễ, vốn tự bản chất luôn mang tính công cộng và cộng đoàn, ta gặp được Chúa một cách tỏ tường, có thể nói, bằng xương bằng thịt, qua ánh mắt đức tin, nơi Bí Tích Thánh Thể. Đến với Chúa để gặp Người bằng xương bằng thịt như thế mà vẫn cứ như còn thiếu thốn sao đó, thì nói đến cái kiểu giữ đạo tại tâm làm chi nữa!

Bài huấn dụ của ĐTC Phanxicô vào ngày Chúa Nhật 16 tháng 8 năm 2015 vừa qua là một minh hoạ thích hợp cho vấn đề này: “Nhiều khi ta nghe thấy vấn nạn này về Thánh Lễ: ‘Thưa cha, Thánh Lễ có ích gì với tôi? Tôi đi nhà thờ khi tôi cảm thấy cần, nhưng tôi thấy rằng cầu nguyện trong cô tịch tốt đẹp hơn’. Nhưng Thánh Lễ không phải là một kinh nguyện riêng tư cũng chẳng đơn giản chỉ là một kinh nghiệm thiêng liêng đẹp đẽ, không phải chỉ là gợi lại điều mà Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly. Để hiểu rõ, chúng ta phải nói rằng Thánh Thể là ‘lễ tưởng niệm’, hay là một cử chỉ hiện tại hóa và làm cho biến cố cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu hiện diện: bánh thực là Mình Chúa ban cho chúng ta, rượu thực là Máu Ngài đổ ra vì chúng ta.”

“Thánh Thể là chính Chúa Giêsu hoàn toàn hiến thân cho chúng ta. Nuôi dưỡng mình bằng Chúa và ở lại trong Ngài nhờ sự hiệp thông Thánh Thể, nếu chúng ta làm điều này với đức tin, thì nó biến đổi cuộc sống chúng ta, biến cuộc sống chúng ta thành một sự dâng hiến cho Thiên Chúa và anh chị em chúng ta. Nuôi sống mình bằng “Bánh Sự Sống” ấy có nghĩa là bước vào sự hòa hợp với con tim của Chúa Giêsu, hấp thụ những quyết định của Chúa, các tư tưởng, thái độ của Ngài. Nó có nghĩa là đi vào năng động yêu thương và trở thành những con người hòa bình, con người tha thứ, hòa giải, chia sẻ liên đới. Đó cũng chính là những điều Chúa Giêsu đã làm.”

Đi Lễ: Đi Dự Tiệc

Nếu phải dùng một hình ảnh, thì hình ảnh bữa tiệc có thể áp dụng cho Thánh Lễ, cả theo nghĩa vật chất lẫn thiêng liêng. Nếu con người chúng ta phải sống bằng các thức ăn: rau đậu, thịt cá, bánh trái…thì con người tinh thần cũng phải được nuôi dưỡng bởi lương thực thiêng liêng, vốn là Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt. 1:4). Nếu thức ăn vật chất được sửa soạn theo kinh nghiệm và tài khéo của người nội trợ trong gia đình, của đầu bếp trong nhà hàng, thì thức ăn Lời Chúa được Mẹ Giáo Hội chăm sóc kỹ lưỡng không kém. Từng bài kinh, lời cầu, từng chương sách, mỗi dòng thánh thi trong Thánh Lễ đã được các chuyên gia nghiên cứu, sưu tầm, góp nhặt từ các nguồn Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền, để cuối cùng sắp xếp lại theo chủ đề, ý nghĩa, đường hướng thần học phụng vụ và mục vụ rất mạch lạc, nhất quán và phong phú, đặt trên một dòng thời gian là niên lịch phụng vụ, với chu kỳ và các các mùa đổi thay từng nhịp.

Nhưng nếu Thánh Lễ là một bữa tiệc, chỉ việc đến mà ăn, thì tại sao người ta lại rửng rưng khi đi dự Lễ như thế? Lẽ ra đi ăn cỗ thì phải phấn khởi, phải rộn ràng tươi tắn, chứ có đâu đi trễ về sớm cho qua? Hay là tại vì ta cảm thấy như không được mời? Hoặc tự ti mặc cảm bất xứng? Hay vì quá bận rộn với những công việc phần xác đến nỗi quên cả phần hồn? Thực ra Thiên Chúa luôn là người Cha nhân lành, luôn luôn mời gọi và chờ đợi, cho dù ta như thế nào chăng nữa. Cũng có thể là do ta chưa hiểu thấu ý nghĩa và tầm quan trọng của Thánh Lễ, cho nên đi lễ chỉ do thói quen, đi cho có lệ, chẳng cần để tâm hay sửa soạn chi cả. Đi đám cưới hay liên hoan thì diện ngất trời, còn đi lễ thì ăn mặc thế nào cũng xong, chẳng mấy quan tâm. Điều này dẫn ta tới điểm sau: phải chuẩn bị thế nào để có thể cảm thấy hứng khởi và nhận được ơn ích tối đa khi đi dự lễ?

Đi Lễ: Chuẩn Bị Thế Nào?

Thánh Công Đồng Vaticanô II đã nhắc đi nhắc lại bổn phận tham dự nghi lễ phụng vụ một cách trọn vẹn, ý thức và tích cực. Thử lấy thí dụ về bộ môn túc cầu xem sao. Nếu chỉ muốn thưởng thức một trận cầu, chứ chưa nói tới việc chính mình phải ra sân bóng, ta cũng cần kiến thức tối thiểu về luật chơi bóng tròn. Càng hiểu tường tận, ta sẽ càng thấy thú vị khi nhìn trái bóng lăn trước đôi chân lành nghề của người danh thủ ta hằng ngưỡng mộ trong một trận thư hùng trên sân cỏ giữa đội “fan”của mình và đội đối phương.

Thánh Lễ cũng vậy: kiến thức của ta về Thánh Lễ ở mức độ nào? Ta hiểu Lời Chúa qua các bài đọc như thế nào? Ta có hiểu ý nghĩa cử chỉ, điệu bộ, động tác của vị linh mục chủ tế? Ta có lắng nghe và theo dõi các lời kinh, lời giảng của ngài trong Thánh Lễ chăng? Nếu không, hoặc chỉ hiểu sơ sơ thôi, thì ta có biết sẽ phải làm gì? Hẳn nhiên là phải tìm hiểu và học hỏi qua việc chuẩn bị trước khi bước đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Việc càng quan trọng, càng cần chuẩn bị kỹ. Thánh Lễ cực kỳ quan trọng đối với người tín hữu. Ta đã chuẩn bị xa, chuẩn bị gần như thế nào? Ta có tham dự các khoá học hỏi về Thánh Lễ chăng? Ta có đọc qua các đoạn Thánh Kinh sẽ được sử dụng trong Thánh Lễ Chúa Nhật này chưa? Hay là ta “gặp đâu hay đấy,” cứ đi rồi tính sau. Thực ra, không phải ai cũng có thói quen đọc trước các đoạn Thánh Kinh sẽ được trích đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật. Có chăng là các quý vị Thừa tác viên Lời Chúa, hay các ca viên cần phải tập hát chuẩn bị cho Thánh Lễ Chúa Nhật, hoặc các vị có trách nhiệm giảng dậy khai triển Lời Chúa. Nhưng nếu Thánh Lễ và Thánh Thể là trung tâm và đỉnh cao của đời sống Giáo Hội, thì dù là giáo dân thông thường, ta vẫn phải coi trọng và chuẩn bị đầy đủ để có thể tham dự Thánh Lễ một cách trọn vẹn, ý thức và linh động, như Thánh Công Đồng Vaticanô II đã dậy. Chuẩn bị xa là như thế, còn chuẩn bị gần thì sao? Ta có để ý dành riêng giờ giấc, gác bỏ hết mọi thứ gây chia trí lo ra, để cho tâm hồn lắng đọng bình an trong khoảng một thời gian hợp lý nào đó trước khi đi dự lễ chăng? Tất cả đều là vấn đề ý thức. Có dành sẵn thời gian, có lắng đọng tâm hồn thì khi đi lễ ta mới có được cảm nhận sâu xa, mới thấy được mọi sự diễn tiến nhịp nhàng và khít khao, từ việc lắng nghe Lời Chúa, chú tâm đến lời Cha giảng, cất lên lời kinh, hoà vang câu hát, cho đến lúc bước lên cung thánh để rước Mình Máu Chúa và kết hiệp với Người.

Thánh Lễ Cuộc Đời

“Ta về thôi vì Thánh Lễ đã hết, nhưng đời ta là Thánh Lễ nối dài.” Những lời hát này như nhắc nhở cho ta rằng: sau khi Thánh Lễ ở nhà thờ đã kết thúc, thì Thánh Lễ trong cuộc đời ta sẽ bắt đầu. Trong Thánh Lễ cuộc đời, chính ta sẽ đóng vai chủ tế để hiến dâng đời mình với biết bao hy sinh khó nhọc, của lao công vất vả, của lao tâm khổ trí, như là thập giá hằng ngày hiệp dâng cùng Hy Tế Thánh Giá của Chúa trên đồi xưa, tuôn xuống cho ta nguồn ơn cứu độ. Cuộc đời là một thể nhất quán, một nhịp sống liên tục và liền lạc. Một Thánh Lễ được tham dự sốt sắng, trọn vẹn, tích cực và linh động tại nhà thờ sẽ giúp đốt lên ngọn lửa ấm nồng cho Thánh Lễ cuộc đời, giúp cho đời sống này nở rộ những đoá hoa tình thương bác ái yêu Chúa yêu người.

Một vài tài liệu tham khảo:

Matthew Pinto & Chris Stephanick: Do I have to go? 101 questions about the Mass, the Eucharist and your Spiritual Life. Ascension Press, 2008

Matthew Kelly: Rediscover Catholicism. Beacon Publishing, 2010

Fr. Francis Randolph: Know Him in the Breaking of the Bread. Ignatius Press. 1998

Jonathan Robinson: The Mass and Modernity. Ignatius Press, 2005

Peter J. Kreeft: Because God is Real. Ignatius Press, 2008

Sacrosanctum Concilium—Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Công Đồng Vaticanô II)

Nhân Kỷ Niệm Đệ Nhị Bách Chu NiênSinh Nhật Cha Thánh Gioan Bosco

August 16, 1815—August 16, 2015

Nguyễn Kim Ngân
 
Thời gian
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
19:21 21/08/2015
Con người sống vui vì có định mốc thời gian. Các nhà khoa học đã giả định vũ trụ hiện hữu đã có hằng tỷ năm. Chúng ta không biết chắc chắn thời gian và nguồn cội của vũ trụ càn khôn. Trên không trung có cả triệu triệu hành tinh như những ngôi sao dọi sáng trong bầu trời. Từ ngàn xưa, địa cầu cứ tiếp tục vần xoay, mặt trăng khi tròn khi khuyết và mặt trời luôn chiếu sáng và sưởi ấm. Sự có mặt hay vắng mặt của con người chẳng liên quan gì đến sự vận hành của vũ trụ. Ngày ngày trăng sao vẫn lấp lánh, mây vẫn trôi, gió vẫn thổi, sóng biển vẫn dập dồn và cây cối vẫn trổ hoa sinh trái.

Chúng ta được sinh ra làm người là một hạnh phúc tuyệt vời. Chúng ta được chiêm ngưỡng những kỳ công vượt trên mọi trí tưởng tượng. Với khả năng được trao ban, nhân loại đã dần dần khám phá được phần nào những bí nhiệm của vũ trụ. Chúng ta cần học hỏi và tìm kiếm nhiều hơn để nhận ra ý nghĩa và cùng đích của sự hiện hữu này. Một điều kỳ lạ, có rất nhiều người ngây thơ chối bỏ căn nguyên cội rễ của vũ trụ. Họ nghĩ rằng cứ phủ nhận và chối bỏ nguyên lý nhân quả là họ được hưởng tự do. Đây chỉ là một thứ tự do ngông cuồng và vô thức. Con người có thông minh, giỏi giang và có quyền lực gì chăng nữa, cũng chỉ sống vỏn vẹn trên trần đời một thời gian ngắn dài khoảng là tám chín chục năm. Khoảng đời chẳng là gì so với tuổi của vũ trụ.

Chúng ta đều là loài thụ tạo. Sự hiện hữu là một hồng ân. Thời gian là một món qùa. Chúng ta đã chẳng làm gì để thủ đắc, đón nhận hay sở hữu thời gian. Thời gian giống như khí quyển mà chúng ta thở hít mỗi giây phút. Món quà thời gian không chỉ dành cho riêng chúng ta. Trời ban cho mọi người thời gian đồng đều. Dù khi chúng ta ngủ hay thức hoặc ý thức hay vô thức, đồng hồ thời gian vẫn cứ chạy đều. Một năm có 12 tháng, 52 tuần, 365 ngày, 8,760 giờ, 525,600 phút và 31, 536,000 giây. Người giầu kẻ nghèo, người học thức, kẻ thất học, người khỏe, kẻ yếu, đàn ông, đàn bà hay trẻ em đều lãnh nhận đủ 24 giờ một ngày.

Điều quan trọng nên nhớ là, chúng ta không thể ngừng thời gian. Cũng không thể làm cho thời gian nhanh hơn hay chậm lại và cũng không thể thay đổi. Thời gian tiếp tục đi tới. Chúng ta không thể cứu vãn thời gian đã trôi qua. Một khi đã đi qua là đã qua. Ngày qua đã đi vào dĩ vãng đời đời. Ngày hôm qua đã rời xa, ngày mai chưa tới và giây phút hiện tại là đang sống. Chúng ta có thể có những viễn tượng về tương lai xa gần, nhưng thật sự không thể bảo đảm việc gì sẽ xảy đến. Thời gian là một món qùa rất quý báu. Chúng ta đừng hoang phí, lạm dụng quá độ hoặc dùng nó cho riêng mình. Chúng ta nên đầu tư thời gian để thi hành điều gì đó tốt đẹp cho chúng ta và xã hội.

Qui luật của thời gian là sự đào thải. Mọi loài thụ tạo đều có chung một quá trình trong thời gian. Có sinh, có tử. Có trẻ, có già. Có mới, có cũ. Có lúc khởi đầu và có khi kết thúc. Có đó, rồi mất đó. Con người hãy nhớ mình là tro bụi, sẽ trở về bụi tro. Tất cả các loài thực vật, động vật và loài người đều nằm trong lẽ vô thường. Hôm nay trai trẻ khỏe mạnh, ngày sau sẽ già nua yếu bệnh. Hôm nay chúng ta cố đấu tranh để đạt quyền cao chức trọng, rồi cũng có ngày phải về vườn qui ẩn. Hôm nay chúng ta chắt chiu của cải nên giầu có, rồi cũng có lúc ra đi trắng tay. Hôm nay chúng ta đầu tư thời gian để kiếm tiền, nhưng rồi khi đã có tiền, cũng chẳng mua lại được thời gian. Luật đào thải của thời gian không chừa một ai. Thời gian sẽ đẩy lùi tất cả và có thể giải đáp mọi vấn đề.

Tấm lịch của ngày giờ năm tháng giúp chúng ta phân chia thời gian. Ai cũng có những quãng đời dài ngắn đã đi qua. Gọi là tiến trình của tuổi ấu thơ tới tuổi già. Để nhận biết rõ hơn về chính mình, chúng ta có thể phân chia cuộc đời ra nhiều giai đoạn, mỗi kỳ khoảng 10 hay 15 năm. Nhìn bức tranh cuộc đời sẽ rõ ràng. Khởi đầu tuổi thơ ấu với nhiều kỷ niệm đẹp. Thời gian tuổi thơ là vui sướng nhất. Tuổi trẻ là tuổi thần tiên. Tuổi dệt mộng đẹp nhất. Người trẻ thì tràn đầy nhựa sống và niềm hy vọng. Khi bước vào trường đời, ước mơ của tuổi trẻ với nhiều dự tính tương lai rất ấn tượng. Tương lai đang mở ra với biết bao hy vọng. Thật là sung sướng!

Mới đây, trên mạng ảo facebook, có kể câu truyện thật hư không rõ, nhưng chúng ta nên để tâm suy nghĩ một chút. Truyện kể: Có một đại gia không may bị chết sớm. Người vợ thừa kế số tiền là 19 tỉ đồng. Sau khi lo đám tang chồng, người vợ đã lấy anh tài xế của đại gia, làm chồng. Anh tài xế hân hoan phát biểu: Trước kia, tôi cứ nghĩ rằng mình làm thuê cho ông chủ, bây giờ mới biết chính ông chủ mới là người làm thuê cho tôi. Thật là xót xa. Ky cóp cho cọp nó xơi. Điển trai, danh vọng, chức vị, tiền tài chưa đủ để sống hạnh phúc dài lâu. Chúng ta cần có sức khỏe để vui sống. Ở đời chưa biết ai làm thuê cho ai.

Mỗi người có thể nhìn lại đời mình, ai ai cũng có khi trẻ lúc già. Bước vào tuổi nửa chừng xuân, chúng ta bắt đầu cảm nhận những đổi thay cả về tinh thần lẫn thể xác. Cổ nhân thường nói rằng: Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới. Đúng thế, sau những tháng năm dài miệt mài lao động kiếm sống, chúng ta cần có thời gian để suy tư. Thật vậy, nếu chúng ta không dành thời giờ và tiền bạc lo cho sức khỏe khi còn trẻ, chúng ta cũng sẽ phải dùng tiền đó lo cho sức khỏe khi về già. Nhiều người đã than phiền và lo lắng cho nửa cuộc đời về sau là sức khỏe, huyết áp, máu mỡ, bảo hiểm, của cải thừa kế…và sợ cái chết đến gần. Đừng sợ! Người trước kẻ sau, ai cũng sẽ được đi đến cùng đường. Bởi thế, dù đường đời dài hay ngắn, điều đó không quan trọng. Sự quan trọng là làm sao chúng ta sống cuộc đời cho có ý nghĩa.

Theo cách tính lịch của người Do-thái thuở xưa, sách Lêvi đã viết: “Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm…và sẽ công bố năm thứ năm mươi và gọi là năm thánh, năm toàn xá…(Lêvi 25, 8-10). Sự tuần hoàn của cơ thể con người cũng phát triển theo hướng tự nhiên. Cứ bảy năm, các tế bào trong thân thể của con người lại đổi mới theo một chu kỳ. Sau bảy lần bảy là bốn mươi chín năm, chúng ta bước vào giai đoạn mới của cuộc đời. Đây là tuổi của sự thành đạt trên đường đời và cũng là thời kỳ thách đố về sức khỏe. Như chiếc xe cũ, thân xác của chúng ta cũng sẽ thoái hóa dần. Đây là sự thật của luật đào thải. Chúng ta hãy chấp nhận những gì mình đang có và vui sống trong mọi hoàn cảnh.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được hiện hữu trên đời. Chúng con được thưởng ngắm tất cả những kỳ công tuyệt vời của của Đấng Tạo Hóa. Tất cả là hồng ân Chúa ban cách nhưng không. Chúng con cảm tạ, ca tụng và ngợi khen danh Chúa đến muôn ngàn đời.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ruộng Đồng Phì Nhiêu
Tấn Đạt
20:35 21/08/2015
RUỘNG ĐỒNG PHÌ NHIÊU
Ảnh của Tấn Đạt
Bầu không gió mát nên thơ
Màu xanh trong trẻo sương mơ nhẹ nhàng
Cánh đồng cỏ mạ thênh thang
Thiên nhiên là cả tim vàng miền quê.
(Trích thơ của Đặng Xuân Linh)