Ngày 19-08-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố của Đức Giám Mục Patrick J. McGrath Giáo phận San Jose về hành vi lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên tại bang Pennsylvania
Giáo Phận San Jose
09:03 19/08/2018
Tin tức trong tuần này về hành vi lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên tại sáu giáo phận thuộc tiểu bang Pennsylvania thật là khủng khiếp. Lòng tín nhiệm đã bị lợi dụng qua những xâm phạm đối với các trẻ em vô tội như vậy; tuy nhiên, việc che đậy có tính hệ thống cũng như việc các giám mục và bề trên tái bổ nhiệm những linh mục như thế cũng là điều không thể tha thứ được.

Như tôi đã nhiều lần tuyên bố, chúng ta – Giáo hội và các chức sắc phục vụ – phải tuân theo một tiêu chuẩn cao hơn bình thường. Chúng ta được kêu gọi bảo vệ và giữ an toàn cho các trẻ em, giới trẻ và tất cả những ai dễ bị tổn thương. Chúng ta không thể làm đại khái cho qua, và không gì có thể bào chữa cho những hành vi vô luân và tội lỗi.

Giáo phận San Jose tiếp tục cam kết bảo vệ con cái Thiên Chúa và cổ võ những môi trường an toàn nhất cho việc thờ phượng, học hỏi và sinh sống.

Tôi muốn lập lại lời các vị giám mục vùng Pennsylvania xin được tha thứ. Nhưng chúng ta biết rằng sự tha thứ không có nghĩa là các thủ phạm được giải gỡ khỏi hậu quả của những xâm phạm nghiêm trọng đối với những kẻ không có khả năng tự vệ.

Sau hết, tôi xin anh chị em cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ. Tôi cũng xin anh chị em cầu cho đại đa số các linh mục – trong quá khứ cũng như hiện tại – là những người trung thành trong tác vụ của mình. Các linh mục cũng đau buồn vì vết nhơ ghê gớm của thứ tội lỗi đã làm hại bao nhiêu người.

Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho anh chị em.

15 tháng Tám, 2018

Nguồn : https://www.dsj.org/blog/tuyen-bo-cua-duc-giam-muc-patrick-j-mcgrath-giao-phan-san-jose/
 
ĐC Kevin Vann, Giám mục GP Orange phản ảnh về những vụ lạm dụng tai tiếng gần đây
+ GM Kevin Vann
14:52 19/08/2018
ĐỨC CHA KEVIN VANN PHẢN ẢNH VỀ NHỮNG VỤ LẠM DỤNG TAI TIẾNG GẦN ĐÂY

Ngày 15 tháng 8 năm 2018

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

Tôi viết lá thư này gửi đến anh chị em với nỗi đau buồn vô hạn, trong thời điểm Giáo Hội đang trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng. Rất nhiều vị trong vai trò lãnh đạo, đặc biệt là một số giám mục, đã phụ lòng tin tưởng của giáo dân. Đây không còn là điều mơ hồ nữa.

Là một người cha tinh thần và là mục tử của Giáo Phận này, tôi đã cầu nguyện, trăn trở và suy tư rất nhiều trong những tuần qua, để quyết định xem tôi cần phục vụ anh chị em như thế nào cho tốt nhất.

Bản báo cáo của Bồi Thẩm Đoàn thuộc tiểu bang Pennylvania, được công bố ngày hôm qua, xác định rằng chúng tôi, những vị lãnh đạo trong Giáo Hội, có trách nhiệm cao cả chống lại sự tấn công của ma quỷ.

Sau khi được bổ nhiệm về Giáo Phận Orange, tôi đã bắt đầu thường xuyên tham dự những buổi họp của Ban Giám Sát. Đây là ủy ban cố vấn tôi trong những vấn đề liên quan đến những cáo buộc về tệ trạng xúc phạm tình dục các trẻ em, do các tu sĩ gây ra. Qua những kinh nghiệm đau thương đã trải qua tại giáo phận nhà Springfield, Illinois, trong nhiệm kỳ của Đức Cha Daniel Ryan, dẫn đến sự mất niềm tin trầm trọng của các tín hữu, vì thế, tôi muốn tận dụng mọi cơ hội để có thể kiến tạo một môi trường thật sự an toàn, bao gồm việc xem xét lại những cáo buộc, không những chỉ liên quan đến trẻ em mà ngay cả người lớn. Tôi thường xuyên tìm đến những thành viên trong ủy ban này để tìm hiểu thêm về những quan sát và lời khuyên của họ về nhiều vấn đề khác nhau trong Giáo Phận. Những ý kiến đóng góp vô giá này đã giúp ích rất nhiều trong việc đối phó với những sai trái của các tu sĩ và cả các giáo dân nữa. Các thành viên trong Ban Giám Sát bao gồm mười chuyên gia, một linh mục và một nữ tu. Năm nhân viên của Giáo Phận cũng nằm trong ủy ban này, trong đó có ba tu sĩ và hai giáo dân. Tôi rất biết ơn tất cả những thành viên này qua những lời khuyên chân thành và sự phục vụ nhiệt tình của họ. Ngoài ra, tôi kêu gọi bất cứ ai đã từng là nạn nhân của tệ trạng lạm dụng gây ra từ giới giáo sĩ trong Giáo Phận của chúng ta, xin hãy báo cáo bằng cách gọi vào số điện thoại miễn phí: (800) 364-3064.

Qua những gì đã xảy ra liên quan đến Đức Tổng Giám Mục McCarrick, chưa kể đến các vấn đề ở Honduras và Chile, tôi biết rằng quá trình xem xét cần được mở rộng, để bao gồm những khiếu nại đến từ các chủng sinh và linh mục, để cả họ cũng được che chở khỏi hành vi lạm dụng tình dục, do những người có chức quyền trong Giáo Hội gây ra. Ngoài ra, cùng với những vị lãnh đạo trong giáo phận, tôi sẽ xem xét lại tiến trình của chúng ta để xác định rằng, đây phải là một phương cách thực sự vững mạnh.

Giáo Luật cung ứng những tiến trình tư pháp cho việc truy tố tất cả các tu sĩ, kể cả các giám mục, bị cáo buộc vì vi phạm những tội ác theo luật của Giáo Hội. Không thể phủ nhận rằng những tội ác vi phạm tình dục, liên quan đến các tín hữu là tội phạm nghiêm trọng theo luật của Giáo Hội. Là một luật sư về giáo luật, tôi cũng biết rằng những tiến trình xét xử theo giáo luật đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô củng cố cách chặt chẽ hơn vào năm 2016. Chắc chắn cũng sẽ có những nguồn tài liệu về tố tụng dân sự và hình sự.

Tôi ghi ơn những người đã bày tỏ sự tức giận của mình cách chính đáng, đến những ai đã khiếm khuyết trong quá trình giải quyết vấn đề, và không tuân giữ những gì trách nhiệm đòi buộc. Tôi muốn cam kết với anh chị em rằng, tôi sẽ cùng với các anh em giám mục tận tình giải quyết những khiếm khuyết này. Hiện nay, một ủy ban điều tra độc lập ở cấp bực quốc gia cần phải được thành lập. Ủy ban này phải bao gồm các chuyên gia có đầy đủ khả năng xem xét và giải quyết cách thận trọng, khi những vấn đề tương tự trong Giáo Hội xảy ra. Tôi hứa sẽ hỗ trợ và trích bổ ngân quỹ của giáo phận cho mục đích này.

Cụ thể hơn, tôi sẽ cùng làm việc với các anh em giám mục, những vị đã lên tiếng xác định nguyên nhân gốc rễ làm khủng hoảng sự thánh thiện. Những chủ chăn thành tâm tìm kiếm Chúa không lạm dụng chức quyền mà Thiên Chúa chúng ta đã giao phó cho họ. Những ai lạm dụng chức thánh là phụ lòng Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài.

Trong thời điểm khó khăn này, tôi mời gọi anh chị em hãy cùng tôi cầu xin cho Hội Thánh của chúng ta được thanh tẩy, và ơn chữa lành cho tất cả những ai đã bị tổn thương do các tu sĩ gây ra, và tôi, cùng với những vị lãnh đạo trong Giáo Hội, sẽ hành động trong sự khôn ngoan, can đảm và khiêm tốn để hoàn thành chức vụ Thiên Chúa đã giao phó cho chúng tôi.

Trong ngày Lễ Kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tôi cầu xin cho Đức Mẹ được yên ủi rằng, sự thật của những bất công này đã được đem ra ánh sáng, để các con của Mẹ luôn là một phần của một Giáo Hội, xứng đáng với họ và với Chúa Giêsu, con của Mẹ.

Với lòng tri ân và tâm tình quý mến sự nâng đỡ và lời cầu nguyện liên lỉ của anh chị em dành cho tôi.

Ký tên
+ Kevin W. Vann
Giám mục Giáo phận Orange, Nam Cali



Thánh Vịnh 51
(Thánh Vịnh của Vua Davit khi ngôn sứ Nathan đến gặp vua vì vua đã đến với bà Bátseva)

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài.

Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử.
Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.
Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.
Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết
.
Xin cho con được nghe tiếng reo mừng hoan hỷ, để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng.
Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm.
Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con;
Đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.
Lạy Thiên Chúa con thờ là Thiên Chúa cứu độ, xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công chính.
Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.

Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận.
Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát dày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.
Xin rộng lòng tuôn đổ hồng phúc xuống Xion, thành luỹ Giêrusalem, xin Ngài xây dựng lại.
Bấy giờ Ngài vui nhận tế phẩm luật truyền, lễ vật toàn thiêu, lễ vật hiến tế.
Bấy giờ thiên hạ giết bò tơ dâng trên bàn thờ Chúa.
 
Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2018: Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi: Phần II, Chương III
Vũ Văn An
18:43 19/08/2018



Chương III: Tính năng động của việc biện phân ơn gọi


Yêu cầu biện phân

106. Trong cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng, một thanh niên đã nói lên rõ ràng tầm quan trọng của việc biện phân đối với cuộc sống của chúng ta: “Hôm nay, giống hàng ngàn người trẻ khác, cả các tín hữu lẫn những người không tin, tôi phải đưa ra các quyết định, đặc biệt liên quan tới sự nghiệp tương lai của tôi . Tuy nhiên, tôi do dự, mất hồn và lo lắng. […] Tôi cảm thấy như thể đang đối diện với một bức tường, khi tôi đi tìm một ý nghĩa sâu sắc cho cuộc sống của mình. Tôi nghĩ rằng tôi cần một chút biện phân khi đối diện với sự trống rỗng này ». Trong những ngày đó, câu hỏi của người trẻ này đã được xác nhận nhiều lần, được phát biểu cách tươi mới và sâu sắc hóa, làm nổi bật các khó khăn của giới trẻ: «Nhiều người trẻ, khi được hỏi ‘Ý nghĩa cuộc sống của bạn là gì?’ đã không biết trả lời như thế nào. Không phải lúc nào họ cũng tạo được sự nối kết giữa cuộc sống và sự siêu việt» (GMTHĐ 5). Người trẻ chuyển dịch khá thường xuyên giữa các cách tiếp cận cực đoan và ngây thơ: từ cảm giác họ đang tùy thuộc lòng thương xót của một số phận không thể tránh và tiền định, họ bước sang cảm quan thấy mình choáng ngợp bởi một lý tưởng cao vời trừu tượng, trong một bối cảnh đua tranh không kiềm chế, ngăn chặn. Trong tình huống này, chúng ta có thể nhận ra một cơ may cho Giáo Hội, cho dù người trẻ khó có thể coi Giáo Hội như người có khả năng giúp đỡ họ: «Nhiều người trẻ không biết cách tiến hành có ý thức quá trình biện phân ra sao; đây là một cơ may để Giáo Hội đồng hành với họ ” (GMTHĐ 9). Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhận ra điều đó: “Về điểm này, chúng ta phải nói rằng nhiều cộng đồng giáo hội không biết làm điều này cách nào hoặc họ thiếu khả năng biện phân. Đó là một trong những nan đề của chúng ta, nhưng chúng ta không nên cảm thấy sợ hãi» (Đức Phanxicô, Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng, trả lời câu hỏi số 2).

Biện phân trong ngôn ngữ thông thường và trong truyền thống Kitô giáo

107. Những người trẻ tham dự cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng cũng đề cập đến việc họ khó có thể hiểu biện phân có nghĩa gì, vì hạn từ này không phải là thành phần trong từ vựng của họ, mặc dù họ cảm nhận được nhu cầu nó đề cập đến: “Việc biện phân ơn gọi của ta có thể là một thách thức, đặc biệt dưới góc độ các quan niệm sai lầm về hạn từ này. Tuy nhiên, người trẻ sẵn sàng tiếp nhận thách thức. Việc biện phân ơn gọi của ta có thể là một cuộc phiêu lưu trong hành trình cuộc sống » (GMTHĐ 9).

108. Thực ra, hạn từ biện phân có thể chỉ nhiều điều khác nhau, các nghĩa này không xung đột nhau nhưng cũng không giống hệt như nhau. Theo một nghĩa rộng hơn, biện phân chỉ một quá trình trong đó các quyết định quan trọng được đưa ra; ý nghĩa thứ hai, một ý nghĩa đặc trưng hơn của truyền thống Kitô giáo, đề cập đến các động lực tâm linh qua đó các cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng cố gắng nhận ra và chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa trong tình huống thực tế của họ. Hơn nữa, như Tài Liệu Chuẩn Bị đã đề cập, hạn từ này áp dụng vào khá nhiều thực hành và hoàn cảnh khác nhau: «Thật vậy, một hình thức biện phân được tìm thấy trong việc đọc các dấu chỉ của thời đại có thể dẫn đến việc nhận ra sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử. Thay vào đó, sự biện phân về luân lý phân biệt điều tốt khỏi điều xấu. Lại có một hình thức khác, tức biện phân thiêng liêng, nhằm mục đích nhận ra sự cám dỗ để bác bỏ nó và tiến bước trên đường dẫn đến sự sống viên mãn. Sự chồng chéo của các ý nghĩa trong các hình thức khác nhau này là điều hiển nhiên, và chúng không bao giờ có thể tách biệt hoàn toàn với nhau (DP II, 2).

Đề xuất biện phân ơn gọi

109. Một số bình diện khác nhau cũng cần được xem xét trong các điều chuyên biệt của việc biện phân ơn gọi. Như các nhận xét của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng đã cho thấy, có một bình diện chung cho mọi người đàn ông và đàn bà: «Tất cả chúng ta đều cần sự biện phân. Đây là lý do tại sao chữ này được bao gồm trong chủ đề của Thượng Hội Đồng, không phải sao? Và khi chúng ta cảm thấy sự trống rỗng này, sự bồn chồn này, chúng ta phải biện phân rõ ràng » (Đức Phanxicô, cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng, trả lời cho câu hỏi số 2). Theo nghĩa này, Thượng Hội đồng dự định chăm sóc «mọi người trẻ, không trừ ai» ngay từ đầu (DP 2), cung cấp cho họ sự sẵn lòng đồng hành với họ trong diễn trình dẫn họ tới chỗ đạt được sự rõ ràng và sự thật về bản thân, chào đón hồng ân sự sống và tìm thấy phần đóng góp mà họ vốn được kêu gọi hiến tặng cho xã hội và thế giới. Đức Thánh Cha cũng nêu bật việc Giáo Hội đặt căn bản cho đề xuất biện phân mà Giáo Hội vốn mở rộng cho mọi người, trên niềm xác tín của đức tin: “Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta, và đích thân ngỏ lời kêu gọi tới từng người. Đó là một hồng ân mà, nếu được khám phá, sẽ làm ta tràn ngập niềm vui (xem Mt 13: 44-46). Hãy tin chắc điều này: Thiên Chúa tin tưởng các con; Người yêu các con và Người kêu gọi các con. Và sẽ không bao giờ có bất cứ thiếu sót nào về phần Người, bởi vì Người trung tín và thực sự tin tưởng vào các con » (Đức Phanxicô, Diễn Văn tại cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng, 2).

110. Đối với những tín hữu trẻ, viễn ảnh biện phân có được một chiều sâu mới, miễn là nó được đặt bên trong các động lực của mối kiên hệ bản thân với Chúa: do đó, họ công khai cố gắng khám phá những con đường có thể có để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, bằng cách tham gia, trong tư cách chi thể của Giáo Hội, vào sứ mệnh công bố và làm chứng cho Tin Mừng. Do đó, quan điểm sẽ rộng rãi hơn và có căn bản hơn so với quan điểm giản lược theo đó, như nhiều câu trả lời của nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã cho thấy, các nhà lãnh đạo Giáo Hội và nhiều tín hữu có khuynh hướng đồng nhất sự biện phân ơn gọi với con đường chọn bậc sống của bạn (kết hôn, làm linh mục, đời sống thánh hiến). Biện phân ơn gọi cũng có thể chỉ quyết định dấn thân xã hội và chính trị, hoặc một nghề nghiệp.

111. Trên hết, việc biện phân ơn gọi không kết thúc, một khi quyết định đã được đưa ra giữa nhiều phương án khác nhau, nhưng nó kéo dài theo thời gian, song hành với các bước cụ thể mà chúng ta đưa ra để thực hiện quyết định đó. Theo nghĩa này, biện phân cũng là một lối sống: «Nó cần thiết không những ở những thời điểm ngoại thường, khi chúng ta cần phải giải quyết các vấn đề nghiêm trọng và đưa ra những quyết định chủ yếu. Nó còn là một phương tiện chiến đấu thiêng liêng để giúp chúng ta bước chân theo Chúa một cách trung thành hơn. Chúng ta cần nó mọi lúc, để giúp chúng ta nhận ra thời khóa biểu của Thiên Chúa, kẻo chúng ta không lưu ý tới các thúc đẩy của ơn thánh Người và bỏ qua lời mời gọi của Người muốn chúng ta lớn lên. Sự biện phân thường được thực hiện trong những điều nhỏ mọn và dường như không có liên quan gì cả, vì sự vĩ đại của tinh thần được thể hiện trong các thực tại đơn sơ hàng ngày » (GE 169). Sự biện phân là một hồng phúc và một rủi ro, và điều này có thể khiến ta sợ hãi.

Nhìn nhận, giải thích, chọn lựa

112. Như chúng ta đã thấy, đối với Giáo Hội, khả thể biện phân đặt căn bản trên xác tín của đức tin: Thánh Thần Thiên Chúa làm việc tận thẳm sâu bên trong ta - trong “trái tim”, Thánh Kinh nói thế; trong "lương tâm", truyền thống thần học nói thế - của mọi người, bất kể họ có minh nhiên tuyên xưng đức tin Kitô giáo hay không, qua các cảm quan và mong ước của họ, do các biến cố của cuộc sống gợi lên, và có liên hệ với các ý nghĩ, hình ảnh và dự án. Ba "bước" của biện phân mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ ra trong Niềm Vui Tin Mừng số 51, được lặp lại bởi Tài Liệu Chuẩn Bị, phát xuất từ việc chú ý đến các động lực bên trong này: Nhìn nhận, giải thích, chọn lựa.

113. Nhìn nhận có nghĩa là "đặt tên" cho số lượng lớn các cảm xúc, ước muốn và cảm quan có trong mọi người chúng ta. Chúng đóng một vai trò nền tảng và ta không nên che giấu hoặc làm nản chí chúng. Đức Giáo Hoàng đề cập đến điều này: «Cởi mở mọi thứ là điều quan trọng, các cảm quan không nên giả mạo, hoặc ngụy trang. Các ý nghĩ xuất hiện nên được [đưa] vào biện phân» (Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng, trả lời cho câu hỏi số 2). Cuộc hành trình biện phân ơn gọi đòi phải chú ý nhiều tới các điều xuất hiện trong các trải nghiệm khác nhau (gia đình, học tập, việc làm, tình bạn, các liên hệ lãng mạn, việc thiện nguyện và các cam kết khác, vv), mà ngày nay, người ta rất thường có qua các nẻo đường không thẳng thừng, không luôn thẳng tiến, những hành trình nhất thiết thăng trầm với các thành công và thất bại: Ở đâu người trẻ mới cảm thấy như đang ở nhà mình? Ở đâu, anh ta hoặc chị ta mới cảm thấy "một sở thích" (tiếng Pháp: « goût ») mãnh liệt hơn? Tuy nhiên, điều này không đủ vì kinh nghiệm sống khá mơ hồ và người ta có thể mang lại cho nó nhiều lối giải thích khác nhau: nguồn gốc của ham muốn này là gì? Nó có thực sự dẫn người ta tới "niềm vui yêu thương" không? Trên cơ sở lối giải thích này, các lựa chọn có thể được đưa ra không những đơn thuần là kết quả của các thúc ép nội tâm hoặc áp lực xã hội, mà còn là một thao tác thực sự của tự do và trách nhiệm.

114. Là một hành vi của tự do con người, sự biện phân cũng có nguy cơ sai lầm. Như Tài Liệu Chuẩn Bị đã cho thấy, «trái tim con người, vì sự yếu đuối và tội lỗi của nó, thường bị phân chia vì nó bị thu hút bởi những cảm quan khác nhau và thậm chí trái ngược nhau» (DP II, 4). Do đó điều không thể miễn chước đối với những người biện phân là phải tiếp tục đào tạo cảm giới, trí hiểu và phong cách của họ.

115. Đối với những người chấp nhận và rút cảm hứng từ nó, sự khôn ngoan Kitô giáo cung cấp nhiều công cụ có giá trị như Lời Chúa, các giáo huấn của Giáo Hội và đồng hành thiêng liêng; tất cả đều là các trợ cụ để tương tác với chuẩn mực sống động là Chúa Giêsu, để tiến tới chỗ biết Người một cách thân mật đến mức “có được trái tim của Người”. Do đó, một hành trình biệc phân đích thực đòi phải có một thái độ lắng nghe và cầu nguyện, sự hiền lành đối với vị thầy của chúng ta và sự sẵn lòng đưa ra các quyết định khó khăn. Đây cũng là điều mà những người trẻ tuổi dự cuộc của Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng đã thảo luận: «Dành thời gian trong im lặng, nội suy và cầu nguyện, cũng như đọc Sách Thánh và thâm hậu hóa việc tự biết mình là những cơ hội rất ít người trẻ tập tành. Cần một dẫn nhập tốt hơn vào các lãnh vực này. Tham gia với các nhóm, phong trào lấy đức tin làm căn bản và các cộng đồng có cùng một tâm thức cũng có thể giúp người trẻ trong việc biện phân của họ» (GMTHĐ 9). Một bước căn bản theo hướng này là thực hành điều truyền thống vốn gọi là "xét mình", một cuộc kiểm tra thực sự nhằm mục đích làm cho mọi người nhận biết các dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa và giúp họ nhận ra tiếng nói của Người trong các điều thực tiễn của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Vì lý do này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị thực hành này cho mọi Kitô hữu, và thậm chí hơn thế, cho những người trẻ đang cố gắng tìm đường đi của họ: «Trong cuộc đối thoại với Chúa, Đấng yêu thương chúng ta, tôi xin mọi Kitô hữu đừng bỏ qua 'việc xét mình' thành thực hàng ngày" (GE 169). Bên trong cuộc đối thoại với Chúa Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, điều mà một Thánh Bộ Tòa Thánh mong muốn cho người trẻ thực sự có thể xảy ra: "Việc đào tạo cảm giới của họ, một việc giúp họ nối kết nhiều hơn với sự tốt lành và sự thật hơn là các tiện nghi và sở thích của họ».

Vai trò của lương tâm chúng ta

116. Lương tâm đóng một vai trò trung tâm trong việc biện phân. Như một Thánh Bộ Tòa Thánh đã nhắc nhở chúng ta, «nếu cần có việc đào tạo (và cần có thực!), nó chỉ có thể xảy ra như một nền giáo dục để có tự do và lương tâm». Trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến việc lương tâm của chúng ta “cần được dung hợp tốt hơn vào triết lý hành động Giáo Hội như thế nào (AL 303), thì các câu trả lời của các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cho thấy, trong thực tế, lương tâm thường không được lưu ý đủ. Vai trò của nó không bị giới hạn vào việc nhìn nhận các sai lầm hay tội lỗi của chúng ta: xem xét các giới hạn bản thân của chúng ta và các giới hạn trong hoàn cảnh của chúng ta, chưa kể đến mọi khó khăn trong việc tìm đường đi, lương tâm của chúng ta sẽ giúp chúng ta thấy mình có thể hiến tặng những quà phúc nào, đem đến những đóng góp nào, cả khi không hoàn toàn đạt tới tiêu chuẩn như lý tưởng của chúng ta đòi hỏi.

117. Như Công đồng Vatican II đã chỉ ra, lương tâm của chúng ta là « cốt lõi và cung thánh mầu nhiệm nhất của một con người. Ở đó, họ ở một mình với Thiên Chúa, Đấng mà tiếng nói của Người vang vọng trong thẳm sâu linh hồn họ » (GS 16). Khởi đi từ quan điểm đức tin này, xem ra điều rõ ràng là: việc thực hành lương tâm của chúng ta là một giá trị nhân học phổ quát: nó thách thức mọi người nam nữ, không phải chỉ các tín hữu mà thôi, và mọi người đều phải đáp ứng nó. Nhờ trải nghiệm họ được yêu thương như những hữu thể độc đáo trong mạng lưới quan hệ xã hội nằm bên dưới cuộc sống của họ, mọi người ai nấy đều khám phá và tiếp nhận lời kêu gọi yêu thương, và điều này thách thức lương tâm họ như một mệnh lệnh tự thiết lập thành một qui phạm. Sự nâng cao lương tâm của chúng ta này bắt nguồn từ việc chiêm niệm chính modus operandi (cách hành động) của Chúa: chính trong lương tâm của Người, Chúa Giêsu đã đưa ra các quyết định của Người, trong một cuộc đối thoại thân mật với Chúa Cha, kể cả các quyết định khó khăn nhất, như quyết định trong Vườn Diệtsimani. Người chính là qui phạm đích thực của mọi hành động Kitô giáo và ơn gọi đặc thù.

Đối diện với thực tế

118. Người trẻ cảm nghiệm được các giới hạn trong quyền tự do của họ, và do đó, trong việc họ biện phân: «Nhiều nhân tố ảnh hưởng đến khả năng của người trẻ trong việc biện phân ơn gọi của họ, chẳng hạn như: Giáo hội, các dị biệt văn hóa, các đòi hỏi của việc làm, thế giới kỹ thuật số, các kỳ vọng của gia đình, sức khỏe tâm thần và trạng thái tâm trí, tiếng ồn, áp lực của người đồng trang đồng lứa, khung cảnh chính trị, xã hội, kỹ thuật, vv...» (GMTHĐ 9). Nhưng thực tại cụ thể này – một thực tại, trước hết, là một hồng phúc và là một cái gì khác (tiếng Pháp: altérité) đi qua chúng ta - với những ràng buộc được nó áp đặt, chỉ là một phương tiện nhờ đó chúng ta tìm được sự xác nhận điều chúng ta đã dự cảm trong trái tim mình: nguyên tắc nói rằng “thực tại cao hơn ý tưởng” cũng có giá trị cho việc biện phân. Về mặt thần học, mọi thèm muốn, kể cả thèm muốn siêu phàm nhất, cũng đều được mời gọi nhập thân vào một chọn lựa cụ thể và gắn bó, nhất thiết có giới hạn, một chọn lựa mở cửa dẫn đến một loại khổ tu (ascesis) , mà không có nó, sẽ không có đường tiến tới sự thánh thiện và viên mãn của cuộc sống.

119. Dấn thân vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta có thể là một điều kích thích, nhất là khi các hoàn cảnh bắt buộc ta phần nào phải “đình hoãn” hoặc “kìm hãm” đà tiến bộ trong các mục tiêu của chúng ta. Đây là trải nghiệm người trẻ đang trải qua ở nhiều quốc gia ngày nay, hoặc do thiếu các cơ may thực sự giúp họ sử dụng tốt các kỹ năng của họ, hoặc phải mất nhiều thời gian, đôi khi rất dài, họ mới bắt đầu thành công trong đời sống chuyên nghiệp. Những tình huống này có thể mang lại nhiều hiệu quả, khi chúng buộc các cá nhân phải trải qua một giai đoạn “vỡ mộng” lành mạnh và họ nhận ra rằng không có thành đạt chuyên nghiệp nào hay mục tiêu hiện sinh nào có thể làm dịu cơn khát sống, sự viên mãn và tính vĩnh cửu mà họ luôn mang trong lòng họ. Điều này tạo ra lực đẩy khiến ta dấn thân vào một cuộc tìm kiếm sâu sắc hơn tính chân thực và ơn gọi. Một trong những vấn đề của thời ta là các hoàn cảnh thường dẫn đến việc trì hoãn giai đoạn này, đặt nó vào thời điểm người ta đã có nhiều quyết định có tính ràng buộc, ví dụ thuộc phạm vi xúc cảm, hoặc đã xác định lối sống của họ và thực hiện nhiều cam kết - bao gồm cả cam kết tài chính – mà họ khó có thể làm ngơ.

Kỳ sau: Chương IV: Nghệ thuật đồng hành
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bế mạc Khóa Giảng viên Giáo lý của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Melbourne:
Tô Tịnh
04:38 19/08/2018
Bế mạc Khóa Giảng viên Giáo lý của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Melbourne:
Các cha giảng viên và các khóa sinh trong Khóa Giảng Viện Giáo lý I Melbourne

Ngày 18/8/2018 trong thánh lễ lúc 3.30 chiều 6 linh mục trong ban giảng huấn cùng 33 khóa sinh và cộng đoàn Đức Mẹ Lavang Melbourne đã cử hành thánh lễ bế mạc Khóa Giảng viên Giáo lý I, do CĐCGVN Melbourne tổ chức. Trong sáu ngày thứ Bảy với một đội ngũ giảng viên hùng hậu bao gồm các linh mục tu sĩ phụ trách đã chia sẻ các đề tài về Sư phạm, Thánh kinh, Tín lý và Luân lý cho hơn ba chục khóa sinh... Họ đến từ nhiều cộng đoàn tại Melbourne.
Quí cha cùng dâng lễ
Cha Minh Ước giảng lễ
Cha Kim Huy phát biểu

Được biết nhu cầu giảng dậy giáo lý cho các tân tòng cũng như các em thiếu nhi là một nhu cầu cấp thiết trong nhiều cộng đoàn của Melbourne. Để đáp ứng nhu cầu này cộng đoàn cùng quí cha tuyên úy đã tổ chức Khóa Giáo Lý Viên... Và con số tham dự rất là khích lệ từ cộng đoàn và xuyên qua cha quản nhiện giới thiệu, 33 học viên đã tham dự đầy đủ các giờ lớp... Trong thánh lễ bế mạc và phát chứng chỉ, tất cả đã dâng lên Chúa những nhiệt tâm tông đồ và tuyên hứa sẵn sàng dấn thân trong lãnh vực tông đồ truyền giáo này...
Các học viên tuyên hứa dấn thân
Ông chủ tịch CĐCGVN Melbourne cám ơn

Thánh lễ do Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB chủ tế và chia sẻ lời Chúa do cha Phạm Minh Ước SJ và quí cha Thanh Bình SDB, Kim Huy SDB, Ngọc Tuyển CSsR và NHật Trường CSsR đồng tế... Sau Thánh lễ tất cả đã chụp hình lưu niệm và tham dự tiệc tà trong Hall của trung Tâm Thánh Mẫu Lavang...
 
Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta Sydney Mừng Kính Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
08:00 19/08/2018
Chiều Chúa Nhật 19/08/2018 vào lúc 2 giờ chiều các Hội Đoàn Đoàn Thể, quý Quan Khách và các Giáo Đoàn bạn đã đến nhà thờ Sacred Heart Cabramatta mừng kính Lễ Bổn Mạng Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta - Sydney.

Sau 3 hồi chiêng trống truyền thống Việt Nam, ban Tây Nhạc Cecilia thổi bài Kính Mừng Nữ Vương. Cha Phêrô Dương Thanh Liêm Chính xứ Cabramatta xông hương kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang đặt bên đài Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ và bắt đầu kiệu Thánh tượng Mẹ La Vang rước vào nhà thờ. Cuộc kiệu rất trang nghiêm và long trọng, mọi người cùng dâng lên Mẹ chuỗi Mân Côi nguyện cầu xin Mẹ chúc lành cho Gia Đình, cho Giáo Đoàn và cho Cộng Đồng.

Xem Hình

Khi kiệu Thánh tượng Đức Mẹ vào trong nhà thờ và an vị trên cung thánh. Cha Tuyên úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm Đặc trách Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta Sydney ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người đồng thời giới thiệu quý Cha Chính xứ Dương Thanh Liêm, Cha Phó Xứ Đặng Đình Nện Cha Trần Văn Trợ và Cha Nguyễn Thái Hoạch cùng hiệp dânh Thánh lễ.

Đặc biệt trong Thánh lễ các em Thiếu Nhi Thánh Thể với nghi thức trang trọng cung nghinh Lời Chúa, rước từ cuối Thánh đường và tất cả mọi người cùng hướng về sách Phúc Âm để đón nhận Lời Chúa là Lời Hằng Sống.

Trong bài giảng Cha Tuyên úy Trưởng Bủi Sơn Lâm nói về một vài mẫu truyện Đức Mẹ đã hiện ra cứu giúp mọi qua những thử thách đau khổ, đặc biệt nhất là Đức Mẹ hiện ra ở La Vang Quảng Trị quê hương Việt Nam của chúng ta vào năm 1798 để cứu chữa con dân Việt Nam bị bệnh tật và bị bắt Đạo vào thời vua Cảnh Thịnh. Hôm nay chúng ta mừng kính Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của chúng ta mà Mẹ cũng đã gắn liền với mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa qua Bánh Hằng Sống của Ngài….

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Cha Phêrô Dương Thanh Liêm Chính xứ Thánh Tâm Cabramatta ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn, Cha khen ngợi các em Thiếu Nhi và đồng thời Cha cũng thông báo về sự sửa chữa phần trước của nhà xứ cho rộng rãi khang trang hơn sau kỳ Đại Hội Gia Đình do Giáo Xứ tổ chức và cũng nhân tiện Cha mời gọi mọi người tham dự những ngày Đại Hội Gia Đình bắt đầu vào ngày 02/09/2018.

Kế tiếp anh Mai Phước Thành Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney thay mặt Cộng Đồng cũng ngỏ lời chúc mừng Lễ Quan Thầy của Giáo Đoàn, Ca Đoàn và Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Ngoài ra Giáo đoàn Cabramatta cũng đã đóng góp giúp ích cho Cộng Đồng trong nhiều thời gian qua. Đặc biệt cám ơn quý Tân Ban Mục Vụ nhiệm kỳ 2018 – 2021 đã hy sinh dấn thấn phục vụ cho Giáo Đoàn và Cộng Đồng nguyện xin Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Đức Mẹ La Vang chúc lành cho Giáo Đoàn. Tiếp đến Cha Tuyên uý Trưởng Bùi Sơn Lâm ngỏ lời cám ơn qúy Cha và mọi người đã đến đông đủ mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn ngày hôm nay, Cha cám ơn 2 Ca đoàn Thứ Bảy và Chúa Nhật đã giúp hát phụng vụ Thánh lễ thêm phần sốt sắng.

Sau cùng anh Nguyễn Ngọc Khiêm Phó Ban Mục Vụ Giáo Đoàn lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ Bổn Mạng của Giáo Đoàn, anh cũng xin cám ơn quý ân đã đóng góp trợ giúp công và của để Giáo đoàn mừng kính Bổn Mạng hôm nay được mọi sự tốt đẹp.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan trong hội trường mừng kính Bổn Mạng và thưởng lẵm văn nghệ do Ca đoàn Thánh Mẫu La Vang, Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, đặc biệt Cha Chính xứ Dương Thanh Liêm cũng giúp vui phần văn nghệ với nhạc phẩm Bờ Vai Giêsu.

Diệp Hải Dung
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 20/8/2018: hơn 50 ngàn người hát vang cầu xin ''Mẹ đoái thương xem Việt Nam'' trong kỳ Đại Hội Thánh Mẫu Missouri 2018
VietCatholic Network
15:11 19/08/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 19 tháng 8 năm 2018.

2- Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm tân Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

3- Đức Thánh Cha Phanxicô đứng về phía các nạn nhân bị lạm dụng tính dục và Giáo hội rất xấu hổ về những tội ác kinh khủng này.

4- Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ và các Giám Mục Pennsylvania lên tiếng về việc giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em.

5- Đức Hồng Y Koch bác bỏ những phê bình chống Đức Biển Đức XVI.

6- Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình Công Giáo lần thứ IX tại Dublin.

7- Hội đồng Giám mục Venezuela kêu gọi không sử dụng bạo lực.

8- Các Giám mục Canđê kêu gọi hòa bình cho Iraq.

9- Trung Quốc liên tục phá hủy nhà thờ Công Giáo.



10- Ca sĩ Andrea Bocelli: tài năng là món quà Chúa ban.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Lời Nguyện Cho Quê Hương.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết