Ngày 17-08-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:39 17/08/2013
THẦN GIỮ CỬA ĐẠI TƯỚNG QUÂN
N2T

Thừa tướng của Đường Thái Tông là Ngụy Trưng, trong giấc mơ vâng lệnh ngọc hoàng đại đế chém đầu long vương. Long vương cho rằng đó là mệnh lệnh của Đường Thái Tông, thế là quỷ hồn ngày đêm đều đến quấy rầy ông ta, thậm chí tập hợp tất cả các quỷ hồn các nơi khác đến náo loạn cung đình, cuối cùng vì cuộc sống của Đường Thái Tông bị quấy rầy nên lâm bệnh nặng, không một thái ý nào có thể chữa lành, đại tướng quân Tần Quỳnh, Úy Trì Cung tự nguyện đến trước cửa cung giữ cửa.
Tối hôm ấy quỷ hồn của long vương lại đến trước cửa cung, bị hai vị đại tướng quân mặt áo giáp sắt, tay cầm song thương và roi da lẫm liệt oai phong nên sợ mà bỏ chạy. Liên tiếp mấy ngày cung đình đều bình an vô sự, bệnh của Đường Thái Tông cũng không cần thuốc mà lành.
Từ đó về sau, có người vẽ lại hình của hai đại tướng quân Tần Quỳnh và Úy Trì Cung dán lên trước cửa nhà, và tôn họ làm thần giữ cửa đại tướng quân.
(Tống, “Tam giáo nguyên lưu sưu thần đại toàn”)

Suy tư:
Người theo tín ngưỡng dân gian thường dán trước cửa nhà mình hình của hai vị thần mặt mày đằng đằng sát khí, gọi là thần giữ cửa, để bảo vệ nhà mình khỏi bị ma quỷ vào phá phách, gây bệnh hoạn xui xẻo cho con cái. Tập tục này được thấy rõ nhất là vào ngày tết nguyên đán, hình như trước cửa nhà nào họ cũng đều có dán hình hai vị thần giữ cửa này.
Để thánh hóa tập tục này và hướng dẫn giáo dân biết “thiên thần của Chúa sẽ bảo vệ con cái của Ngài trên mọi nẻo đường đi”, nên Giáo Hội Công Giáo tại Đài Loan đã in ấn hình thiên thần hộ thủ rất đẹp để người giáo hữu dán trước cửa nhà vào dịp tết, để phân biệt với hai hình thần giữ cửa của người ngoại giáo, và là dấu chỉ cho người ta biết nhà này là gia đình Công Giáo, đó cũng là cách tuyên xưng đức tin của mình giữa một đất nước mà số giáo dân Công Giáo chỉ đếm được trên đầu ngón tay...
Người Ki-tô hữu luôn biết rằng, mỗi người đều có một thiên thần hộ thủ (thiên thần bản mệnh) Chúa sai đến để gìn giữ chăm sóc linh hồn và thân xác của họ, để đồng hành với họ trong cuộc sống hằng ngày, cho nên họ luôn yêu mến và nghe lời hướng dẫn của các thiên thần hộ thủ, để khỏi sa chước cám dỗ của ma quỷ, và được bình an xác hồn.
Đó cũng chính là bằng chứng yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại vậy.
-------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:41 17/08/2013
Chúa Nhật 20 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 12, 49-53
“Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng là đem sự chia rẻ”.


Bạn thân mến,
Có nhiều người giáo dân thắc mắc về câu nói trong bài Tin Mừng hôm nay của Đức Chúa Giê-su: Ngài đến không phải để đem hòa bình nhưng đem sự chia rẻ. Như thế là Đức Chúa Giê-su tự mâu thuẩn với lời dạy của mình, bởi vì chỉ có ma quỷ mới đem chia rẻ đến cho người ta mà thôi.

Hoà bình không phải tự nhiên mà có nhưng phải nổ lực đấu tranh và có khi mất cả mạng sống của mình.

Đức Chúa Giê-su đến, chính Ngài là sự chia rẻ giữa các dân tộc như tiên tri Si-mê-on đã loan báo: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người chống báng…” . Chia rẻ không có nghĩa là Ngài muốn thế gian chia rẻ nhau, nhưng con người ta sẽ vì tin vào Ngài mà chia rẻ nhau, và như thế “”những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra” khi chính họ tin và nhận biết Đức Chúa Giê-su chính là Cứu Chúa của họ.

Do đó, những kẻ tin vào Đức Chúa Giê-su sẽ bị người ta bách hại, người bách hại đó có khi là người thân của mình, vì họ chưa nhận ra được chân lý từ Đức Chúa Giê-su nên họ chống đối khốc liệt khi người thân của họ tin vào Ngài. Mầm chia rẻ đã chớm rõ khi trong gia đình có người tin vào Đức Chúa Giê-su và có người còn giữ đạo ông bà hay tin một tôn giáo khác, ngay cả những người tin vào Đức Chúa Giê-su đã cảm thấy sự chia rẻ ngay trong gia đình, hạnh phúc và đau khổ lẫn lộn nơi con người của họ, hạnh phúc vì đã tìm được đường đi đến sự sống đời đời, hạnh phúc vì đã tìm được Thiên Chúa của mình; đau khổ là vì những người thân trong gia đình chưa biết Thiên Chúa, đau khổ vì mình tin vào Đức Chúa Giê-su mà gia đình bất hoà chia rẻ…

Vì thế, người tín hữu cần phải phấn đấu cho niềm tin của mình, phải chiến đấu với những cám dỗ do ma quỷ và thế gian khiêu chiến, để đem lại hoà bình cho gia đình và cho mọi người, phải chiến đấu không ngơi nghỉ với hồng ân của Thiên Chúa ban cho, tức là kiên trì với đức tin và sống gương mẫu theo tinh thần Phúc Âm của Chúa.

Hoà bình không phải chỉ nói bằng miệng, nhưng là được nói bằng con tim chân thành và thể hiện nơi hành động.

Đức Chúa Giê-su đến trong thế gian, Ngài không chỉ loan báo tin vui Nước Trời mà thôi, nhưng Ngài còn hành động với quả tim yêu thương chân thành. Ngài đã kiến tạo hoà bình trong tâm hồn của những ai đến với Ngài, bằng những lời lẽ mộc mạc đơn sơ dễ hiểu với hiến chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật .

Quả thật như thế, không một ai đến với Đức Chúa Giê-su mà tâm hồn không được bình an, bởi vì khi đến với Ngài người ta chỉ thấy Ngài là con người của hoà bình và của yêu thương, người ta lũ lượt tuôn đến với Ngài như đàn chiên đi sau người mục tử nhân hậu.

Hoà bình trong tâm hồn là hồng phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Con Một của mình là Đức Chúa Giê-su, và những ai chân thành kiến tạo hoà bình thì cũng sẽ được gọi là con của Thiên Chúa, đó là lời hứa của Đức Chúa Giê-su: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” , một lời hứa được đặt vào trong hiến chương của Nước Trời là một bảo đảm cho nhân loại.

Bạn thân mến,
Lửa mà Đức Chúa Giê-su đem đến trong thế gian không phải là lửa thiêu đốt phá hoại và gây chết chóc đau khổ cho nhân loại, nhưng đó là lửa yêu mến, lửa của tình yêu được xuất phát từ quả tim yêu thương nhân loại vô bờ bến của Ngài.

Lửa yêu thương này, Đức Chúa Giê-su muốn đốt –trước hết- là trong lòng của bạn và tôi, để khi ngọn lửa ấy phát sinh hiệu quả trong mình, thì bạn và tôi sẽ châm qua cho người khác bằng chính những việc làm bác ái yêu thương và phục vụ của chính mình.

Đừng để lửa trong tâm hồn chúng ta ra nguội lạnh, nhưng mỗi giây phút trong cuộc sống, chúng ta cầu xin Đức Chúa Giê-su gia tăng lửa yêu mến, để chúng ta kiến tạo hoà bình ở những nơi mà chúng ta đến phục vụ…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
--------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:43 17/08/2013
N2T

7. Trốn tránh người phỉ báng thì giống như trốn tránh rắn độc vậy.

(Thánh Jerome)
------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:45 17/08/2013
PHÁ BỎ
Cha sở trước có thành lập một hội, gọi là hội Bác Ái, nhưng hoạt động không tích cực. Phe chống đối nói với cha sở mới giải tán hội ấy cho rồi vì không làm gì được cả.
Cha sở nói:
- “Giải tán phá bỏ thì rất dễ, nhưng thành lập xây dựng thì khó lắm. Tại sao chúng ta không giúp họ tích cực nhận ra được trách nhiệm và bổn phận làm hội viên của mình chứ ?”
----------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mùa Xuân hay Mùa Đông Ả Rập
Vũ Văn An
01:15 17/08/2013
Người lạc quan nhất về viễn tượng Hồi Giáo hẳn phải dừng lại và gãi đầu thật lâu trước các biến cố đang diễn ra tại Syria và Ai Cập. Một trong những người ấy không những chỉ gãi đầu mà mới đây có tin còn bị người Hồi Giáo sát hại, đó là linh mục Dall’Oglio, Dòng Tên, người đã lặn lội suốt 30 năm qua tại Syria để cổ vũ tình huynh đệ với “anh em” Hồi Giáo và công khai vận động lật đổ chế độ Assad và “sự thật” chế độ này không bênh vực gì Kitô Giáo cả. Tuy nhiên, khi trục xuất ngài khỏi Syria, ít nhất, chế độ Assad cũng đã duy trì mạng sống của ngài. Bí mật trở lại Syria, ngài vẫn không bị Assad giết mà là “anh em” Hồi Giáo! Kể cũng là một bài học thấm thía.

Còn tại Ai Cập, nơi mà một linh mục Dòng Tên khác là Cha Khalil, một nhà nghiên cứu Hồi Giáo lâu đời, vốn viết nhiều bài chào mừng sự thay đổi nơi Huynh Đệ Hồi Giáo đối với Kitô Giáo. Nhận định của ngài dường như không còn mấy vững trước những cuộc tấn công dã man vào nhà cửa, tiệm buôn và nơi thờ phượng của Kitô Giáo mấy ngày qua.

Thực vậy, John Rossomando của ITP News, ngày 14 tháng Tám vừa qua cho hay: “Thiểu số Kitô Giáo Coptic của Ai Cập đã trở thành mục tiêu tấn công ưa thích của các ủng hộ viên Huynh Đệ Hồi Giáo và những người Hồi Giáo quá khích khác khắp nơi trong nước”.

Ngay sau khi lực lượng an ninh của chính phủ giải tỏa các khu chiếm đóng của họ tại các công trường Nadha và Raba’a al Adiwiya, người Hồi Giáo quay qua tấn công các nhà thờ Kitô Giáo. Vào khoảng 1,000 ủng hộ viên của Huynh Đệ Hồi Giáo đã nổi lửa đốt hai nhà thờ Abraham và Đức Mẹ tại Menya.

Theo hãng tin Al-Ahram của Ai Cập, đám đông cuồng tín còn tấn công nhiều nhà thờ, tu viện và các tài sản khác của Giáo Hội tại Alexandria, Suez và một số các thành phố khác thuộc vùng Thượng Ai Cập.

Các thành viên của Huynh Đệ Hồi Giáo cũng ném bom Nhà Thờ Mar Geergisss, là nhà thờ chính của Coptic tại thành phố Sohag, phía nam Ai Cập, khiến nó cháy rụi. Trước đó, người Hồi Giáo còn kéo cờ Al-Qaeda lên nóc nhà thờ. Nhà thờ Thánh Têrêxa ở Assiut, Thượng Ai Cập, cũng bị thiêu rụi.

Cha Rafic Greiche, một phát ngôn viên của GH/CG tại Ai Cập cho rằng “Không khí ở đây là không khí bạo lực khiến người dân ai cũng sợ”

Huynh Đệ Hồi Giáo qui cho Kitô hữu Coptic tội lật đổ TT Morsi vì Giáo Chủ Coptic là Tawadros II đã ủng hộ động thái ngày 3 tháng Bẩy của quân đội nhằm lật đổ ông ta. Nhưng nếu hỏi một số lãnh tụ của Huynh Đệ Hồi Giáo (HĐHG), bạn sẽ thấy khác hẳn. Abdul Mawgoud Dardery, chẳng hạn, vốn là một chính trị gia của HĐHG, thứ Sáu tuần rồi, trong một cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí ở Hoa Thịnh Đốn, đã bác bỏ điều người ta cho là HĐHG kỳ thị Kitô Giáo.

Được hỏi về việc tra tấn và bạo lực mà HĐHG vốn nhằm vào Kitô hữu lúc Morsi còn cầm quyền, Dardery né không trả lời trực tiếp, chỉ nói chung chung rằng “chúng tôi vốn có những liên hệ tốt đẹp nhất trong 1,400 năm nay. Qúy vị hãy so sánh mối liên hệ tại Ai Cập giữa người Hồi Giáo và Kitô Giáo với nhiều quốc gia khác trên thế giới, qúy vị sẽ thấy mô thức Ai Cập là một trong những mô thức hay nhất trên mặt trái đất”.

Một năm cầm quyền của Huynh Đệ Hồi Giáo đã đem lại đủ thứ lạm dụng chống Kitô hữu. Điển hình là tra tấn người chống đối, ngăn cản Kitô hữu bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp hồi tháng Mười Hai năm ngoái; để mặc người Hồi Giáo quá khích tấn công nhà thờ chính tòa thánh thiêng nhất của Kitô Giáo hồi tháng Tư; và dẹp bỏ cuộc điều tra vụ thảm sát Maspero hồi tháng Mười năm 2011 khiến 30 Kitô hữu thiệt mạng và 500 người bị thương.

Thế giới bất lực

Nhà báo kỳ cựu của Ý là ký giả Riccardo Cristiano, vốn là bạn thân của Dall’Oglio, gần đây thắc mắc không biết ta nên lo lắng vì ai, vì Dall’Oglio hay vì ai khác. Ông ngỏ mấy lời này với vị tu sĩ Dòng Tên: “Cha Paolo rất thân mến của tôi, trong những giờ phút khó khăn này tôi tự nhiên muốn hỏi mình: ai thực sự đã chết? Một số người cho là cha, nhưng tôi tự hỏi phải chăng không thực sự là chính chúng tôi”.

Bởi thế giới hoàn toàn bất lực đứng ngó cảnh Syria đang nổ tung dưới triết lý mà ông gọi là cuộc “thanh trừng sắc tộc và ném bom trải thảm nhiều khu xóm, làng mạc, song song với chủ nghĩa khủng bố mà những tội ác tầy trời chống lại nhân loại kia đã tự nhiên sản xuất ra”.

“Cha đã không thể chấp nhận sống mà lại không có sự thật và chứng tá. Chúng tôi, mặt khác, lại chấp nhận điều ấy, ngay cả hôm nay, sẵn sàng câm lặng, lấy khăn che kín mắt, để mừng vui được nghỉ hè. Dường như chúng tôi hết khả năng nghĩ rằng với cha, tháng Tám có thể là tháng ‘làm chứng’ cho nhân phẩm”.

Về sự câm lặng của Hoa Kỳ, nhà tranh đấu cho tự do tôn giáo tại nước này là Nina Shea, hôm thứ Năm qua, cũng có bài tố cáo chính phủ Obama đã đáp ứng một cách xìu xìu ển ển đối với các cuộc tấn công tàn bạo của Huynh Đệ Hồi Giáo vào Kitô hữu Coptic tại Ai Cập, mà tin tức cho là lên tới 30 vụ nội trong tuần này, một loại tấn công “chưa từng thấy trong thời hiện đại”.

Trong diễn văn với quốc dân vào hôm thứ Năm, Obama có lên tiếng chỉ trích các cuộc tấn công này, đặc biệt có thêm câu: “kể cả các nhà thờ”, và kêu gọi phải bảo vệ nhiều hơn quyền lợi “phụ nữ và các nhóm thiểu số tôn giáo”.

Tuy nhiên, Shea cho rằng chính phủ cần đe dọa giữ lại ngân khoản 1.3 tỷ viện trợ quân sự cung cấp mỗi năm cho Ai Cập cho tới khi họ bảo đảm an toàn cho Kitô hữu tại đó.

Vai trò của Giáo Chủ Tawadros II

Như trên đã nói, để biện minh cho hành động bạo tàn của mình, HĐHG tố cáo Giáo Chủ Tawadros II đã góp tay lật đổ TT Morsi của họ. Việc giáo chủ Tawadros ủng hộ quân đội trong động thái này đã đi vào lịch sử với cuộc họp báo hồi ấy, trong đó, ngài ngồi không xa tướng Abdel Fatah al-Sisi trên diễn đàn. Ngài gọi động thái này là “giờ phút quyết định trong lịch sử dân tộc”.

Bất cứ ai theo dõi các xu hướng tôn giáo tại Ai Cập trong mấy thập niên qua cũng đều tỏ ra khó hiểu đối với sự hiện diện lộ liễu bất thường nói trên của Giáo Chủ Tawadros. Vì Kitô hữu Coptic vốn là dê tế thần rất thuận tiện cho các bạo lực quần chúng tại Ai Cập, bất kể nhà cầm quyền là ai. Sự việc càng ngày càng tồi tệ hơn dưới sự kiểm soát của HĐHG. Nhưng sự việc cũng đâu có tốt hơn gì dưới chế độ quân sự trước đây.

Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là Giáo Chủ Tawadros II không phải là người duy nhất đứng cạnh tướng al-Sisi trong cuộc họp báo để thông báo tin Morsi bị lật đổ. Cùng với ngài còn có đại giáo sĩ (Imam) của Ai Cập là Sheik Ahmed el-Tayeb. Ngoài ra, còn có lãnh tụ Đảng Lập Hiến, Mohamed el-Baradei, khôi nguyên Nobel, Mohamed El Bareidi, lãnh tụ Phong Trào Tamarod, Mohamed Badr, cố vấn của Morsi, Sekina Fouad, và nhiều người khác nữa.

Chính HĐHG cũng thấy ra điều đó, nên họ còn tố cáo giáo chủ Tawadros ủng hộ cuộc càn quét vừa qua. Họ bảo rằng ngài đã xuất hiện để cám ơn cảnh sát và binh lính trong vụ ra tay hành động chống HĐHG này. Do đó, Mamdouh Hamdi, 35 tuổi, một kế toán viên, cho rằng: “Sau cuộc tàn sát, khi giáo chủ xuất hiện để cám ơn quân đội và cảnh sát, thì đừng kết án tôi theo chủ nghĩa bè phái”.

Không có tường trình báo chí nào về hành động cám ơn này cả. Nên người ta sợ mục đích các suy diễn loại này chỉ để biện minh cho chính sách bài Kitô Giáo cố hữu của HĐHG.

Từ tranh luận chính trị qua bạo lực qui mô

John Pontifex, thuộc cơ quan Trợ Giúp Giáo Hội Thiếu Thốn, tuy hy vọng rằng số người đông đảo, khoảng 30 triệu hay hơn, từng lên tiếng chống chế độ của HĐHG và đại diện cho mọi giới của Ai Cập, sẽ thắng thế trong việc tạo ra một xã hội khoan dung, biết tôn trọng các nhóm thiểu số và bảo vệ nhân phẩm, nhưng cũng cho rằng Ai Cập đang đương đầu với tình thế khác hẳn lúc Morsi mới bị lật đổ. “Chúng ta đang chứng kiến việc thay đổi đột ngột và đầy kịch tính từ tranh luận chính trị qua bạo lực qui mô, và có người nói rằng xứ sở vĩ đại này sẽ rơi vào nội chiến”.

Những người ủng hộ và chống đối Morsi, từ trước đến nay, vốn khác nhau về ý thức hệ. Nhưng cuộc thay đổi kia cho thấy không những sự hợp tác giữa đôi bên đã không còn nữa mà sự tức giận và sợ sệt nguyên hình còn dâng cao đến độ đe dọa nền hòa bình của xứ sở.

Tuy thế, Pontifex cho thấy có nhiều dấu hiệu lạc quan về phần Kitô hữu. Giám mục Joannes Zakaria của Luxor, một trong các giáo phận bị bách hại, phát biểu “chúng tôi sung sướng được chịu đau khổ và trở thành nạn nhân bị mất nhà thờ, nhà cửa và lối sống của mình để cứu Ai Cập cho cả Kitô hữu lẫn người Hồi Giáo”. Họ biết phải trả giá cao cho cam kết của họ đối với đức tin và tự do.

Và cả về phía tín đồ Hồi Giáo nữa. Bên cạnh những hình ảnh đốt phá nhà thờ, tu viện, trường học, tiệm buôn, nhà cửa của Kitô Giáo, còn nhiều hình ảnh khác không được báo chí ghi nhận. Giám mục Kyrillos William cho Pontifex hay: nhiều người Hồi Giáo đã đẩy lui những người đồng đạo quá khích của họ khỏi tiến về phía các khu vực Kitô Giáo tại Cổ Thành Assiut. Ngài cho hay các thanh thiếu niên Hồi Giáo này không chia sẻ quan điểm thần trị của người Hồi Giáo quá khích. Họ muốn có sự phân biệt rõ rệt giữa nhà nước và tôn giáo. Theo ngài, đại đa số người Hồi Giáo thất vọng đối với các chính sách cứng rắn của HĐHG. Nhờ thế, các liên hệ với lân bang Hồi giáo vẫn tiếp tục khả quan.

Pontifex cho rằng ngoài trợ giúp vật chất để Kitô Giáo Ai Cập đóng góp cho đồng bào họ, các Kitô hữu ở đây mong Phương Tây tỉnh giấc để nhận rõ thực tại ở Ai Cập và gây áp lực với các chính phủ của họ để chấm dứt các phương thức bạo lực và áp chế ở đây.
 
Đức Thánh Cha đóng góp 10,000 Euros cho chiến dịch giúp người nghèo tại Argentina
Linh Tiến Khải
18:16 17/08/2013
Đức Thánh Cha ĐÓNG GÓP 100.000 EUROS CHO CHIẾN DỊCH QUYÊN GÓP GIÚP NGƯỜI NGHÈO TẠI ARGENTINA


VATICĂNG: Đức Thánh Cha Phanxicô đã đóng góp 100.000 Euros cho chiến dịch lạc quyên giúp người nghèo ”Người có nhiều hơn giúp kẻ có ít hơn” vào ngày mùng 8 tháng 9 tới đây tại Argentina.

Trong sứ điệp do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký ngày mùng 8-8-2013 gửi tín hữu Argentinaa trong địp này, Đức Thánh Cha thân ái gửi lời chào tất cả mọi tín hữu Công Giáo Argentina tham gia chiến dịch liên đới, do Hội Đồng Giám Mục Argentina phát động. Ngài khích lệ tất cả những ai dấn thân trong nỗ lực Kitô liên đới được gợi hứng bởi niềm tin nơi Thiên Chúa, là Đấng đã ban cho chúng ta mọi sự. Đức Thánh Cha nhắn nhủ tín hữu ngày càng trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô hơn, bằng cách vun trồng tình bạn với Chúa qua lời cầu nguyện và việc cử hành các Bí tích, để có các sức mạnh cần thiết phục vụ các người cần trợ giúp, đặc biệt là người nghèo.

Số tiền nói trên đã được trích từ qũy của Đức Thánh Cha quen gọi là ”Đồng xu của thánh Phêrô”, do tín hữu toàn thế giới đóng góp để tiếp tay Đức Thánh Cha trong việc trợ giúp các nạn nhân thiên tai, đói khát và các tai ương khác.

Năm 2012 cuộc lạc quyên bên Argentina thu được 2,9 triệu Mỹ kin. Số tiền này đã được dùng để tài trợ nhiều dự án và sáng kiến trong các giáo phận nghèo nhất Argentina (SD 8-8-2013 CNA 15-8-2013).

Linh Tiến Khải
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mạn đàm về thực trạng chà đạp tự do tôn giáo tại Việt Nam với LM. Phêrô Nguyễn Văn Khải
VietCatholic Network
03:18 17/08/2013
Lưu ý: Sau khi xem xong Phần Một, quý vị có thể xem Phần Hai ngay bên dưới, kéo xuống một chút là thấy ngay.
Phần Một
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Phần Hai
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
LTS: Chiều thứ Hai 12 /8/2013, linh mục nhạc sĩ Phaolô Văn Chi, phó Giám Đốc VietCatholic, đã có cuộc mạn đàm về thực trạng chà đạp tự do tôn giáo tại Việt Nam với linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Chân thành cám ơn VietFace TV Australia đã giúp thu hình buổi phỏng vấn này.

1. Giáo Hội Việt Nam đã có 118 vị thánh Tử Đạo được tuyên phong và có lẽ còn một con số đông đảo hơn nữa những người đã hy sinh mạng sống để minh chứng cho niềm tin Kitô. Với tư cách là một nhà nghiên cứu về giáo sử, xin cha phác họa sơ một vài nét về sự bất khoan dung tôn giáo của các nhà cầm quyền trong các triều đại vua chúa tại Việt Nam.

Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải: Từ năm 1615, khi các thừa sai Dòng Tên đến truyền giáo ở Quảng Nam, đến năm 1886, khi kết thúc cuộc bách hại của Văn Thân, có khoảng hơn một trăm nghìn người đã chịu tử đạo ở Việt Nam, trong số đó 117 vị được tuyên phong hiển thánh và 1 vị được tuyên phong á thánh. Chế độ cộng sản Việt Nam thường cho rằng Công Giáo gắn liền với tiến trình thực dân hóa ở Việt Nam và các cuộc bách hại kia xuất phát từ những nguyên nhân chính trị. Thế nhưng thực tế thì khác. Các tín hữu thời bấy giờ đã không bị kết án vì đã tham gia lật đổ chính quyền, nhưng họ bị kết án vì đã không chịu từ bỏ niềm tin tôn giáo của mình, trái lại đã tích cực tuyên xưng và loan truyền niềm tin ấy. Vua quan và giới nho sĩ đương thời vì quá thiếu hiểu biết, quá bảo thủ, quá tham lam và quá gắn bó với Nho giáo... nên đã ban hành các sắc chỉ cấm đạo; những người theo đạo hay truyền đạo bị phân sáp, bắt bớ, bỏ tù hoặc giết chết, trong khi tài sản và cở sở thờ tự của họ bị cướp phá. Tàn khốc nhất và giết nhiều người nhất là các cuộc bách hại của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và của phong trào Văn Thân trong thế kỷ XIX.

2. Đến thời kỳ cộng sản, tình hình xem ra còn tồi tệ hơn. Đâu là những nét đặc trưng nhất, thưa cha? Đặc biệt sự kiện Tòa Khâm Sứ, Giáo Xứ Thái Hà mà Cha đã chứng kiến, xin Cha cho quý khán thỉnh giả biết về những sự kiện đặc biệt này.

Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải: Vâng! Thời cộng sản thống trị Việt Nam thì tình hình tồi tệ hơn. Vì cộng sản thì duy vật và vô thần lại chủ trương bạo lực cách mạng. Chế độ cộng sản coi các tôn giáo tự bản chất là đối kháng với họ. Họ quan niệm rằng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì trước nhất phải diệt trừ tôn giáo, nếu diệt trừ chưa được thì họ cô lập, khống chế, phân hóa và làm tha hóa các tôn giáo. Để thực hiện mục đích này họ đã lập ra ngành công an tôn giáo và ban tôn giáo trong bộ máy chính quyền. Họ độc quyền sử dụng hệ thống giáo dục đào tạo và bộ máy truyền thông để xuyên tạc và tấn công các tôn giáo. Khi cần, họ huy động cả hệ thống chính trị bao gồm nhiều tổ chức chính trị, xã hội và “tôn giáo” khác nhau để bao vây, cô lập, tấn công và diệt trừ tôn giáo. Bởi thế các cuộc bách hại tôn giáo diễn ra khi trắng trợn, khi tinh vi, thường xuyên hơn và tàn bạo hơn thời phong kiến. Hơn nữa nạn nhân của các cuộc bách hại không chỉ là Công Giáo mà còn là mọi tôn giáo ở Việt Nam như Phật giáo, Hòa Hảo, Tin Lành, Cao Đài...Chưa có thời nào các tôn giáo ở Việt Nam lại bị đại nạn khủng khiếp như thời cộng sản hiện nay.

Giáo xứ Thái Hà của DCCT Việt Nam và Tòa Giám Mục Hà Nội cũng là những trường hợp điển hình. Tại hai nơi này những thập niên trước đây, đã có những giáo sĩ bị trục xuất, bị giam cầm và bị chết trong các trại cải tạo của chế độ cộng sản hiện nay. Năm 2008, chính quyền Hà Nội mưu toan chia chác khu đất của Tòa TGM Hà Nội mà trước đây dùng làm Tòa Khâm Sứ, và khu đất của giáo xứ Thái Hà, nơi từ lâu giáo xứ đã dự định xây nhà thờ, với bằng chứng giả dối rằng các linh mục phụ trách thời trước đã “bàn giao” cho nhà nước. Tòa Giám Mục Hà Nội và DCCT Hà Nội đã trưng ra những bằng chứng và viện dẫn những điều khoản của các bộ luật của nhà nước Việt Nam để bảo vệ tài sản của mình. Thế nhưng bất chấp pháp luật do mình làm ra, nhà nước VN đã dùng bạo lực cưỡng chiếm bất hợp pháp 2 khu đất này. Vì thế, các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân tập trung tại hai khu đất kia để cầu nguyện nhằm bảo vệ công lý và sự thật. Nhà nước đưa quân đội, công an, dân phòng, chó nghiệp vụ và các tổ chức chính trị xã hội đến đàn áp giáo dân và bắt gần 100 người trong đó có 8 người bị giam giữ dài ngày và truy tố ra tòa án. Điều đáng nói hơn là nhân vụ cướp bóc này, các phương tiện truyền thông của chế độ, các trường học, các tổ chức chính trị theo lệnh của nhà cầm quyền đã phát động một cuộc “chiến tranh” chống lại Công Giáo bằng những tuyên truyền, vu cáo, xuyên tạc, chụp mũ, đe dọa các giáo sĩ và giáo dân ở nhiều nơi bằng những hành động bẩn thỉu, đê hèn mà thế giới văn minh không thể tưởng tượng nổi.

3. Cha đã chứng kiến những đau thương của Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là Giáo Hội Miền Bắc từ năm 1954 tới 1975, rồi từ năm 1975 đến nay, Cha có thể cho qúy khán giả biết được những nét đặc thù như Quý Cha Chính Vinh, Quý Cha và Quý Ông Trùm bị bắt giam, và sự hạn chế Tôn Giáo thế nào?

Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải: Tôi đã thấy nhiều xóm đạo, nhiều nhà thờ, nhiều tu viện bị xóa xổ hoặc cướp phá, hoặc chiếm dụng. Tôi đã thấy nhiều hình thức bách hại đạo khác nhau, khi tinh vi, khi trắng trợn. Tôi đã thấy nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân bị sách nhiễu, bắt bớ, quản chế, giam cầm và tù đày. Bố tôi phục vụ nhà thờ bị cộng sản sách nhiễu và đe dọa thường xuyên. Bác Antôn Vinh, người đỡ đầu cho tôi, bị bắt đi tù chỉ vì tích cực phục vụ giáo xứ. Linh mục nghĩa phụ của tôi, cha Giuse Vũ Quang Điện ở làng Phúc Nhạc quê tôi cũng bị sách nhiễu và đe dọa, rồi cuối cùng còn bị bắt giam nhiều năm trời, mãi đến năm 1988 mới được trả tự do. Trong tu viện Thái Hà chúng tôi, hai cha Canada bị trục xuất, cha Giuse Vũ Ngọc Bích, bị bắt giam 6 tháng và sau đó còn bị khủng bố và mưu sát nhiều lần; thầy Marcel Văn và thầy Clemente Đạt thì bị bắt giam và bị chết trong tù cộng sản. Bao nhiêu tín hữu và các linh mục, tu sĩ ở Thái Hà trong đó có tôi đã bị đe dọa và ngăn cản sống niềm tin tôn giáo của mình. Tôi đã phải tu học kín đáo và thụ phong linh mục bí mật và đến giờ này nhà nước VN vẫn chưa công nhận tôi là linh mục.

Cha có nói đến Cha Chính Vinh ở Hà Nội. Khi tôi đến Thái Hà tu học năm 1987 thì ngài đã bị bắt và bị chết từ lâu ở trại Cổng Trời. Tôi được biết về ngài qua lời kể lại của cha Vũ Ngọc Bích, của Đức Cha Lê Đắc Trọng, của ông Kiều Duy Vĩnh, của một số tù nhân đã từng ở với ngài và của nhiều giáo dân lớn tuổi sống ở Hà Nội. Ngài đã bị đầy đọa cho đến chết trong trại Cổng Trời, địa ngục trần gian của chế độ cộng sản Việt Nam, chỉ vì ngài đã dám ngăn chặn bàn tay lông lá của bạo quyền cộng sản can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của GH. Ngài được xem như vị tử đạo điển hình ở Miền Bắc thời hiện đại, một biểu tượng của lòng trung tín sắt son với Chúa và sự bất khuất trước sự bách hại tôn giáo của chế độ cộng sản. Có bao nhiêu giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, vì đức tin đã phải trả giá bằng mạng sống mình như cha Chính Vinh? Nhiều lắm. Chưa thể thống kê được. Nhưng từ giáo xứ Tam Châu nơi tôi sinh sống thuở thiếu thời đến các giáo xứ tôi đi qua trên nẻo đường phục vụ thuộc các giáo phận khác nhau ở Miền Bắc, hầu như nơi nào cũng có giáo dân bị tù đầy hoặc bị chết vì đức tin. Có lần tôi đến Cao Mại ở Thái Bình, người dân nơi đây kể cho tôi nghe họ đã bị cộng sản phóng hỏa đốt nhà thờ và hàng trăm giáo dân đã bị tàn sát thế nào. Một số người sống sót đã cho tôi xem các vết chém còn lưu lại trên thân thể họ. Ít năm trước đây khi xây nhà thờ mới họ còn thấy hài cốt của anh em đồng đạo đã bị giết và bị vùi lấp vội vàng chôn vội bên cạnh nhà thờ. (ca dao Công Giáo nói: Đau thương Cao Mại, quằn quại Phú Ninh-Hai nơi bị cộng sản thực hiện những cuộc tàn sát diệt chủng thuộc Thái Bình và Bùi Chu). Tất cả những người này là những nạn nhân điển hình của chế độ cộng sản. Theo lời chia sẻ của của ông Kiều Duy Vĩnh, một cựu tù chính trị, khi ông gặp những người Công Giáo chúng tôi ở Hà Nội, thì các tù nhân Công Giáo bỏ mình trong các trại tù cộng sản kia là những vị thánh.

Hiện nay cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục bách hại tôn giáo bằng những hình thức và mức độ khác nhau tùy từng khu vực tín đồ cư ngụ. Các tín đồ ở các vùng sâu vùng xa, vùng tôn giáo là thiểu số thì vẫn bị bách hại nặng nề hơn. Thí dụ, tôi thấy bóng dáng của sự diệt chủng và phân sáp những bản làng Công Giáo này. Năm 2005, tôi đến một bản người Hmong ở huyện Sông Mã, Sơn La, thì được biết người dân ở đây theo đạo vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Những người nam lớn tuổi đưa đức tin về đây đều đã bị nhà cầm quyền bắt bớ với lý do “buôn thuốc phiện” rồi sau đó họ bị đánh chết trong tù dù án chỉ vài năm. Cũng ở bản đó tôi gặp những phụ nữ khóc lóc kể lể cho tôi nghe họ bị cán bộ ép lên bệnh viện và “lôi con trong bụng ra”. Bởi vậy trong bản chỉ thấy vài người nam tuổi xấp xỉ 30 mà người lớn nhất khi ấy là 35 rồi sau đó là đến con cái của họ. Có một số thiếu nữ không lấy được chồng vì những người nam cùng thời trong bản đã bị giết từ khi còn là thai nhi theo kiểu cưỡng bách trên đây. Đến năm 2010 tôi lại biết một số bản ở huyện Mộc Châu, người dân bị phân sáp và cô lập chỉ vì theo Công Giáo.

4. Ở các nước cộng sản, nhà cầm quyền thường hình thành những tổ chức trong lòng Giáo Hội để khống chế và thao túng. Hội Công Giáo Yêu Nước ở Trung quốc là một điển hình. Cha nhận định thế nào về Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam?

Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải: UB này ngày trước ở Miền Bắc mang danh là Ủy ban Liên lạc Công Giáo Yêu nước. Sau năm 1975 UB này đổi tên là UBĐKCGYN. Sau cùng vào giữa những năm 1990 thì bỏ đi hai chữ “yêu nước” cuối cùng nên có người nói là UBĐK “hết yêu nước”. Đây là một tổ chức mang danh Công Giáo do Đảng Cộng sản nhào nặn lên, nhằm mục đích lũng đoạn và thao túng GH Công Giáo, tiến tới chỗ xây dựng một GH quốc doanh độc lập với Tòa Thánh Vatican theo kiểu GH quốc doanh Trung Quốc. Ở Miền Bắc từ ban đầu cho đến những năm 1990, UB này ít có tiếng nói và ảnh hưởng, vì ngay từ khi UB mới xuất hiện, các Đức Giám Mục ở Miền Bắc khi ấy đã có thái độ rõ ràng, dứt khoát và mạnh mẽ: Rút phép thông công những linh mục, tu sĩ và giáo dân tham gia UB, rút phép thông công những giáo dân tham dự thánh lễ của các linh mục tham gia UB. Bởi thế UB Liên lạc Công Giáo Yêu nước bị tẩy chay, bị cô lập và hầu như bị vô hiệu hóa tác dụng. Ở TGP Hà Nội ngoại trừ một số giáo gian từ mấy chục năm gần đây, không có linh mục hoặc tu sĩ nào tham gia UB này. Tuy nhiên, ở Miền Nam, sau năm 1975, UBĐKCG phát triển rộng rãi ở các địa phương. Nơi UB có đại bản doanh và là nơi có các linh mục “yêu nước” xung kích trong việc chống phá GH là Sài Gòn. Hồi năm 1994 hay 1995 gì đó Bộ Truyền giáo có gửi thư cho Đức Cha Nguyễn Minh Nhật, Chủ tịch HĐGMVN, yêu cầu xử lý vấn đề các linh mục tham gia UBĐKCG. Nhưng không hiểu sao sau đó nhiều linh mục vẫn ngang nhiên tham gia UB. Mấy năm gần đây, trong số các linh mục “lãnh tụ” của UB ban này ở SG, có người chết, có người thì mất chức chính xứ, có người về già, có người thu mình lại trong bối cảnh bùng nổ thông tin và phản biện... nên hoạt động của UB này có vẻ bớt ồn ào hơn những năm trước. Nói chung trên phạm vi cả nước, UBĐKCG tuy chưa đạt được mục đích ban đầu của nó, nhưng nó cũng gây nên những hậu quả tại hại và lâu dài cho Giáo Hội, đặc biệt là tại những nơi UB này phát triển mạnh.

5. Những cuộc đàm phán giữa Tòa Thánh và nhà nước Việt Nam đã kéo dài qua rất nhiều vòng. Cha có hy vọng nào về những cuộc đàm phán này không?

Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải: Các cuộc đàm phán không mang lại cho chúng ta những kết quả mong muốn. Tòa Thánh Vatican và nhà nước Việt Nam bắt đầu đàm phán từ năm 1990. Về vấn đề quan hệ ngoại giao, sau 23 năm đàm phán, hai bên vẫn chưa bình thường hóa. Có lẽ trong lịch sử chưa bao giờ Vatican lại có một cuộc đàm phán dài ngày như thế. Tình trạng này sẽ còn kéo dài. Vì Việt Nam không không dám qua mặt Trung Quốc trong vấn đề bang giao với Vatican. Hơn nữa chế độ cộng sản Việt Nam rất kiêu ngạo, có nhiều mặc cảm và thường có những toan tính nhỏ nhen, thực dụng, thiển cận, thiếu tầm nhìn xa trông rộng. Họ không muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Vatican vì họ nghĩ họ chả được lợi lộc gì trong chuyện này.

Về vấn đề tự do tôn giáo, qua mấy chục năm đàm phán, Vatican chỉ đạt được những kết quả rất khiêm tốn, những thỏa thuận để giải quyết những vụ việc đơn lẻ, không có tính cách quyết định và không phải là nội dung căn bản của vấn đề tự do tôn giáo, trong khi đó, một cách căn bản và toàn diện, Việt Nam vẫn không có tự do tôn giáo, giáo dân và Giáo hội Việt Nam căn bản vẫn bị phân biệt đối xử, thậm chí bị đàn áp. Những gì mà nhà nước Việt Nam đồng ý đáp ứng cho Vatican thông qua đàm phán thì cũng là những cái mà các tôn giáo khác ở VN đạt được không qua đàm phán. Những gì mà nhà nước Việt Nam không đáp ứng yêu cầu của Vatican thì thường cũng là những cái các tôn giáo khác không được đáp ứng. Việt Nam có khoảng 92 triệu dân, Công Giáo chỉ chiếm hơn 7 % dân số, bởi thế tôi không tin là một mình phái đoàn ngoại giao của Vatican có thể mang lại tự do tôn giáo cho người Công Giáo VN, vì vấn đề này liên quan đến toàn thể các tôn giáo ở Việt Nam. Sống với chế độ cộng sản chúng tôi kinh nghiệm một điều là không bao giờ quyền tự do của mình được tôn trọng nếu mình không quyết liệt đấu tranh. Tất nhiên là đấu tranh bằng phương pháp hòa bình. Chỉ có người ngây ngô mới tin rằng đối với một chế độ hận thù tôn giáo, một chế độ lì lợm, vô liêm sỉ và tàn bạo như chế độ CSVN, chỉ cần một chủ thể ngoại giao như Tòa Thánh Vatican là đủ để giải quyết các vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo mà không cần sự đấu tranh của cộng đồng Công Giáo và của toàn thể các tín đồ của các tôn giáo. Việc Tòa Thánh Vatican đàm phán với nhà nước VN là cần thiết, nhưng sự đoàn kết trong một mặt trận tranh đấu chung của mọi cá nhân, tổ chức, và tôn giáo ở Việt Nam mới là quyết định mang lại tự do tôn giáo cho VN. Vì chế độ cộng sản VN luôn tin tưởng và áp dụng nguyên tắc “vừa đánh vừa đàm” và “thực tế mặt trận quyết định kết quả đàm phán” chứ không phải là ngược lại. Thực tế từ cuối năm 2006 khi Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những nước cần quan tâm về tự do tôn giáo và từ đâu năm 2007 sau những lần gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 của những người đứng đầu chế độ CSVN, thì nhà cầm quyền Việt Nam lại càng đàn áp giáo dân nói riêng và các tôn giáo nói chung một cách trắng trợn và dã man hơn những năm trước đó. Từ năm 1988 đến nay, chưa khi nào tôi thấy nhà nước Việt Nam bách hại Công Giáo và đàn áp giáo dân một cách trắng trợn và dã man như 6 năm vừa qua.
 
Đức Giám Mục Tôma Nguyễn Văn Tân qua đời
Vietcatholic
13:07 17/08/2013
Đức Giám Mục TÔMA NGUYỄN VĂN TÂN ĐỘT NGỘT QUA ĐỜI

VietCatholic vừa nhận được tin Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân (Giám mục Chánh tòa Giáo phận Vĩnh Long) đã qua đời đột ngột cách đây ít phút, lúc 21h00 tối ngày 17/08/2013, do bị đột quị, hưởng thọ 72 tuổi.

Ngài sinh ngày 27/12/1940 tại Đại Phước, Càng Long tỉnh Trà vinh thuộc họ đạo Bãi Xan, Giáo phận Vĩnh Long. Ngài được thụ phong Linh mục ngày 21/12/1969 tại Nhà thờ Chánh tòa Vĩnh Long ở tuổi 29. Sáng ngày 10/05/2000, Tòa Thánh Vatican loan báo quyết định của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục phó Giáo phận Vĩnh Long. Ngài được Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu tấn phong Giám mục tại Vĩnh Long ngày 15/08/2000 cùng 2 vị phụ phong là Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn và Đức Cha Raphael Nguyễn Văn Diệp. Ngài chọn khẩu hiệu Giám mục là "Ambulate in Dilectione" (nghĩa là: "Hành trình trong Đức Ái").

Ngày 03/07/2001 ngài kế vị theo Giáo Luật và trở thành Giám mục Chánh tòa Giáo phận Vĩnh Long.

Cũng trong sáng ngày hôm nay, Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, SDB (Giám mục Chánh tòa Giáo phận Bùi Chu) cũng qua đời vì bị nhồi máu cơ tim.

Như vậy là, trong một ngày 17/08/2013 có đến 2 vị Giám mục Chánh tòa đương chức của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã được Chúa gọi về.

Xin anh chị em, trong niềm tin tưởng vào Đức Kitô Phục Sinh, hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Đức Cha Tôma.

Chúng tôi sẽ loan tin tức thêm sau khi được thông báo.
 
Tĩnh Tâm Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney.
Diệp Hải Dung
15:57 17/08/2013
Tĩnh Tâm Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney.

Chiều thứ Sáu 16/08/2013 anh chị em thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sydney đã đến Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly tham dự 2 ngày tĩnh tâm với chủ đề “ Yêu Như Thầy Đã Yêu”

Xem Hình

Sau khi ghi danh và dùng cơm tối, tất cả mọi người tập trung trong hội trường, anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney ngỏ lời chào mừng quý Cha và quý anh chị em thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ Sydney đã đến đây tham dự 2 ngày Tĩnh Tâm và Đại Hội Đồng Mục Vụ năm 2013 với mục đích để nhắc nhở chúng ta là những con người của Chúa mang trong mình dấu ấn Giêsu, dấu ấn tình yêu. Ban Tuyên úy và Ban Thường Vụ đã chọn chủ đề “Yêu Như Thầy Đã Yêu” để làm chủ đề cho buổi Tĩnh Tâm. Chúng con cũng cám ơn Cha Remy Bùi Sơn Lâm Chánh xứ All Saint Liverpool vì yêu mến Cộng Đồnfg đã hy sinh công việc của Giáo xứ đến tham dự Tĩnh Tậm Hội Đồng Mục Vụ giúp giảng thuyết cho chúng con.

Cha Tuyên Úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn thay mặt Ban Tuyên úy ngỏ lời chào mừng các anh chị em đã hy sinh nhiều thời gian quý báu để đến đây tham dự tĩnh tâm. Cha cũng chia sẻ về vai trò của Giáo Sĩ và Giáo Dân để giúp anh chị em có thêm kiến thức tốt trong lãnh vực phục vụ. Sau đó Cha Paul Văn Chi điều hợp hướng dẫn giờ Chầu Thánh Thể Chúa Giêsu KiTô. Mọi người cùng quây quần bên Thánh Thể Chúa, đại diện 8 Giáo Đoàn và Trung Tâm Bringelly dâng lên Chúa những lời nguyện tha thiết cầu cho bản thân, cho gia đình, cho Cộng Đồng và Giáo Hội. Giờ chầu Thánh Thể kết thúc. Cha Dương Thanh Liêm thuyết giảng đề tài “Yêu Như Thầy Đã Yêu” chủ đề của buổi tĩnh tâm đồng thời Cha cũng đã chọn bài Phúc Âm của Thánh Luca Chúa Nhật 20 Thường Niên để hướng dẫn anh chị em nhận biết về sự chia rẽ mà Chúa Giêsu đã nói “Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an cho thế gian ư ?..” (Lc. 12:49 – 53) Chấm dứt giờ thuyết giảng, mọi người nghỉ đêm tại Trung Tâm.

Sáng thứ Bảy 17/08 mọi người cùng tham dự Thánh lễ và Cha Bùi Sơn Lâm thuyết giảng đề tài Tình Yêu trong Gia Đình và đề tài Tình Yêu trong Cộng Đồng. Sau đó là họp Đại Hội Đồng Mục Vụ, anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN Sydney báo cáo và tường trình về những sinh hoạt trong Cộng Đồng trong những tháng vừa qua và trình chiếu Slide Show những hình ảnh sinh hoạt trong Cộng Đồng đồng thời anh cũng thông báo những sinh hoạt kế tiếp của Cộng Đồng từ bây giờ cho đến cuối năm 2013.

Trong buổi họp các anh chị em thành viên Hội Đồng Mục Vụ cũng đóng góp nêu những ý kiến thắc mắc đã được quý Cha Tuyên úy giải đáp thỏa đáng và kết thúc bế mạc vào lúc 12.30pm. Diệp Hải Dung
 
Tin thêm về sự ra đi đột ngột của Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân GM giáo phận Vĩnh Long
Vietcatholic
18:11 17/08/2013
Như VietCatholic đã đưa tin, nay chúng tôi xin cập nhật thêm: Đức Cha Tôma đã ra đi vào khoảng 21h00 tối giờ VN, do cơn đột quị chiều nay ngày 17/08/2013.

Sự kiện Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân (Giám mục Chánh tòa Giáo phận Vĩnh Long) đột ngột qua đời đã gây ra nhiều thương tiếc và bàng hoàng cho cộng đồng giáo phận vì mới chỉ 2 ngày trước, ngài còn rất khỏe mạnh cử hành Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và kỷ niệm 13 năm Giám mục vào ngày 15/08/2013.

Ngài ra đi đột ngột để lại giáo phận Vĩnh Long bị trống tòa do chưa chọn được người kế vị.

Ngài ra đi cùng ngày và cùng một lý do với Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm (Giám mục Chánh tòa Giáo phận Bùi Chu) cũng được Chúa gọi về lúc 04h00 sáng nay 17/08/2013.

Ngài ra đi bất ngờ trong bối cảnh Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đang chuẩn bị có thay đổi rất nhiều về nhân sự.

Ngài là một người giỏi giang, nhân hậu nhưng khiêm nhường, được mọi người yêu mến.

Văn phòng Tòa Giám Mục Vĩnh Long sẽ thông báo sau về chương trình lễ tang.

Xin anh chị em khắp nơi hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn 2 Đức Cha Tôma Tân và Giuse Tiệm.

________________________________

TÓM TẮT TIỂU SỬ Đức Cha TÔMA NGUYỄN VĂN TÂN

- Sinh ngày 27-12-1940 tại Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, thuộc Họ Đạo Bãi Xan.

- Vào Tiểu Chủng viện Vĩnh Long ngày 01-09-1953.

- Từ tháng 07-1961 đến tháng 06-1970, học Triết và Thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt và tốt nghiệp tại học viện này với văn bằng Cử Nhân Thần Học.

- Ngày 21-12-1969, thụ phong Linh Mục, tại Nhà Thờ Chính Toà Vĩnh Long.

- Từ năm 1970 đến 1971: giáo sư Tiểu Chủng viện Vĩnh Long.

- Từ tháng 09-1971 đến tháng 03-1974, học tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana, Roma

và trở về quê hương với văn bằng Tiến Sĩ Thần Học.

- Từ tháng 03-1974: giáo sư Ðại Chủng Viện Vĩnh Long.

- Từ năm 1980 đến năm 2000: Phụ trách Nhà Thờ Chủng Viện.

- Từ cuối năm 1988 đến năm 2000: Giáo sư ngoại trú môn Thần Học Luân Lý tại Ðại Chủng Viện Thánh Quý, Cần Thơ. Song song đó Ngài đảm trách các lớp Tiền Ðại Chủng Viện của Giáo Phận Vĩnh Long từ 1992 đến năm 2000.

- Ngày 15-08-2000: Giám Mục phó Giáo phận Vĩnh Long.

- Ngày 03-07-2000: Giám Mục Chính Toà Giáo phận Vĩnh Long.

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ

- Phát triển đức tin. Đức Cha Tôma đã bổ nhiệm và thuyên chuyển các Linh Mục đúng chỗ và đúng việc. Để củng cố và làm phát triển đức tin các thành phần Dân Chúa trong Giáo phận, ngài thúc đẩy làm việc các Ban trực thuộc Uỷ Ban Giám Mục của Hội đồng Giám Mục Việt Nam: Giáo lý, Phụng vụ, Giới trẻ, Thiếu nhi… Ngài rất chú ý đến tình trạng đức tin của giáo dân khi họ đối diện với nếp sống mới của xã hội hiện đại, trong đó có vấn đề di dân, nghèo khó, thất nghiệp, trẻ em bỏ học. Hằng năm, ngài khuyến khích tổ chức những ngày đại hội giới trẻ, thiếu nhi, gia đình…, đặc biệt là việc tổ chức các khoá giáo lý nâng cao cho anh chị em giáo dân, hầu giúp họ có đủ khả năng truyền đạt lại cho anh chị em khác tại quê nhà, những người không có điều kiện theo học, hoặc để cộng tác với Cha sở dạy giáo lý cho các em trong các Họ Đạo.

- Phát triển và xây dựng mới các ngôi Thánh Đường cũ và xuống cấp. Tính đến thời điểm năm 2012 này, hầu hết các Nhà Thờ Công Giáo trong Giáo phận Vĩnh Long đã được xây dựng mới hoặc được sửa chữa nâng cấp, xứng hợp là nơi thờ phượng Thiên Chúa. Đức Cha cũng đã cho sửa chữa Toà Giám Mục và Tiểu Chủng viện khang trang đẹp mắt.

- Phát triển Ơn gọi Nam và Nữ. Đức Cha rất quan tâm đến việc phát triển ơn gọi bằng cách nhắc nhở các Cha sở của các Họ Đạo thuộc Giáo phận Vĩnh Long chú ý đến ơn gọi Tu sĩ nam cũng như nữ, bằng cách giúp đỡ vật chất và tinh thần cho các Chủng sinh và các dòng tu nam nữ có mặt trong Giáo phận. Ngài cộng tác rất nhiều trong công việc đào tạo Linh Mục, Tu sĩ để phục vụ cộng đoàn Dân Chúa trong Giáo phận, tổ chức các khoá huấn luyện và bồi dưỡng thường xuyên cho các Nữ tu thuộc hai Hội Dòng Mến Thánh Giá và các anh em Linh Mục. Bên cạnh đó, Đức Cha Tôma cũng rất quan tâm đến đời sống của các Cha dưỡng lão. Ngài luôn quan tâm đến vấn đề nghỉ hưu của các cha vì hiện nay chưa có chỗ ở đầy đủ và thích hợp cho các ngài. Đặc biệt, để khích lệ và an ủi những gia đình Tu sĩ có cha mẹ qua đời, chính ngài đến dâng Thánh lễ An táng. Dĩ nhiên, ngài luôn có mặt để chủ sự Thánh lễ An táng cho các Linh Mục trong Giáo phận qua đời.

- Phát triển xã hội. Ngài làm việc với các Cha và các Dì trong ban Bác Ái Xã Hội và hướng dẫn chương trình hành động cụ thể giúp đỡ người nghèo, cải thiện đời sống vật chất cho họ bằng việc khuyến khích xây dựng và sử dụng nguồn nước sạch, tạo nguồn vốn cho những người nghèo có điều kiện làm ăn sinh sống…

Có thể nói, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân đã mang đến cho Giáo phận Vĩnh Long nguồn sức sống mới, đang được từng bước củng cố và phát triển cách vững mạnh hơn...
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đối thoại đại kết về vấn nạn “Anh chị em ruột của Đức Giêsu”
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
12:36 17/08/2013
Đối thoại đại kết về vấn nạn “Anh chị em ruột của Đức Giêsu”

Lời mở

Công đồng Vaticanô II (1962-1965) đã cổ vũ việc đối thoại đại kết để hợp nhất toàn thể các Kitô hữu qua Sắc lệnh Unitatis Redintegratio (HN) ban hành ngày 21-11-1964 và mở ra Tuần lễ “Cầu nguyện cho sự hiệp nhất” hằng năm từ 18-1 đến 25-1. Thượng Hội đồng Giám mục XIII vào tháng 10-2012 tại Rôma cũng đã nhắc nhở chúng ta về việc đối thoại đại kết này ở các số 72 và 125 của Tài Liệu Làm Việc (TLLV).

Tại Việt Nam cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, người ta thấy có những cuộc tranh luận gay gắt về một số khác biệt giữa Công Giáo và các hệ phái Kitô giáo khác, nhất là về vấn nạn “Anh chị em ruột của Đức Giêsu Kitô”: “Thật vậy, tất cả đều xưng mình là môn đệ của Chúa Kitô nhưng lại cảm nghĩ và đi theo những đường lối khác nhau như thể chính Chúa Kitô bị phân rẽ vậy (x.1Cr 1,3). Quả thực sự phân rẽ này hiển nhiên vừa trái ngược với ý muốn của Chúa Kitô vừa là gương xấu cho thế giới và phương hại cho công cuộc rất thánh thiện là rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo” (CĐ.Vat. II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 1) (THĐGM, TLLV, số 125).

Trong tinh thần đối thoại để đóng góp vào công cuộc hợp nhất Kitô hữu, chúng tôi giới thiệu câu giải đáp cho vấn đề gây tranh cãi này theo sự khích lệ của THĐGM: “phải tiếp tục có những cố gắng một cách thuyết phục để chứng tỏ mọi Kitô hữu đều hợp nhất trong việc chỉ cho thế giới thấy sức mạnh tiên tri và biến đổi của sứ điệp Phúc Âm” (TLLV, số 72).

Bài này được trình bày gồm các phần chính sau đây:

1. Vấn đề anh chị em ruột của Đức Giêsu Kitô

2. Câu trả lời từ phía Giáo Hội Công Gíao

3. Lời giải đáp theo hướng đối thoại đại kết.

1. Vấn nạn về anh chị em ruột của Chúa Giêsu phát sinh từ đâu?

1.1. Xác định thời điểm vấn nạn

Khi nói vấn nạn này là một trong những chủ đề gây tranh cãi giữa tín hữu của Công Giáo và các giáo phái Tin Lành thì có lẽ chưa chính xác cho lắm. Đây chỉ là vấn đề mới phát sinh trong một hai thế kỷ gần đây, khi các sách Thánh Kinh toàn tập được in ấn và phổ biến cho quảng đại quần chúng, nhờ đó tín hữu các bên có thể đọc và so sánh các đoạn văn Thánh Kinh với nhau.

Chúng ta biết vào thời khai sáng ra các hệ phái Tin lành với Martin Luther (10/11/1483-18/2/1546) và John Calvin (10/7/1509-27/5/1564), người ta chưa biết đến vấn nạn này. Các tín hữu vẫn rất tôn kính Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Trong “95 luận đề phản chứng” của M. Luther niêm yết ngày 31-10-1515 tại cửa Thánh đường Castle ở Wittenberg, nước Đức, cũng như trong cuốn Nguyên lý Cơ đốc giáo của J.Calvin năm 1536, chúng ta không thấy kể tên vấn nạn này.

Chỉ khi các nhà nghiên cứu Thánh Kinh Tin Lành và Công Giáo so sánh các bản văn Tân Ước nói đến anh chị em ruột của Đức Giêsu, nhất là khi giải thích các khác biệt về những lời giảng dạy, phép lạ của Chúa Giêsu theo các phương pháp nghiên cứu văn chương đồng thời bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng “giải trừ huyền thoại cho Tin Mừng” của Rudolf Bultmann (20/8/1884-30/7/1976), thì vấn nạn mới trở thành chủ đề tranh cãi nặng nề.

1.2. Từ ngữ “anh chị em ruột” của Đức Giêsu trong Tân Ước

Thánh Kinh đã nhiều lần nhắc đến “anh chị em ruột” của Chúa Giêsu trong các bản văn sau đây:

- “Ông này chẳng phải là bác thợ mộc, con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông lại không ở đây với chúng ta đó sao?” (Mc 3,31-35; Mt 12,46-50; Lc 8,19-21).

- “Thưa Thầy có mẹ và anh chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy” (Mc 6,3; Mt 13, 53-58; Lc 4,16-30).

- “ Anh em Đức Giêsu nói với Người…Thật thế, anh em Người không tin vào Người” (Ga 7,2.5).

-“ Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria Thân mẫu Đức Giêsu và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1,14).

- “Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các Tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha?” (1Cr 9,5).

- “Tôi đã không gặp một vị tông đồ nào khác ngoài ông Giacôbê, người anh em của Chúa” (1Gl 1,19).

Trong tất cả các đoạn trích dẫn trên đây, Thánh Kinh Tân Ước dùng từ “anh chị em ruột”, chứ không dùng từ “anh chị em họ” để nói về mối quan hệ với Đức Giêsu. Từ “anh chị em ruột” muốn chỉ mối quan hệ máu mủ hoặc thân thiết như ruột thịt (x. Từ điển Tiếng Việt, mục từ ruột thịt). Cả hai từ “anh chị em ruột” và “anh chị em họ” là những từ riêng biệt, không thể lẫn lộn, chúng khác hẳn với loại từ thiếu xác định như từ “anh em, chị em” của tiếng Việt vì có thể hiểu là anh chị em ruột hay anh chị em họ.

1.3. Vấn nạn phát sinh từ cách dùng chữ trong Tân Ước

Nếu Đức Giêsu có các anh chị em ruột thịt khác như Thánh Kinh nhắc đến thì các nhà Thánh Kinh Tin Lành kết luận rằng Đức Maria và thánh Giuse đã sinh thêm những người con khác. Theo nhiều anh em Tin Lành, việc Đức Trinh Nữ Maria sinh Đức Giêsu, “người con đầu lòng” (x. Lc 2,7), là bởi phép Chúa Thánh Thần, không có yếu tố của người nam (x.Is 7,14; Mt 1,23). Tuy nhiên Đức Maria không trọn đời đồng trinh vì còn sinh thêm những người con khác là anh chị em ruột với Đức Giêsu. Đức Giêsu được gọi là “con đầu lòng” thay vì “con một” vì Người có nhiều anh chị em khác (x. Bài “Bà Mari có đồng trinh trọn đời không?” trong trang web: tinlanh.com, trên mạng Internet).

Hơn nữa, trong câu Phúc Âm: “ Ông Giuse không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1,25), từ “cho đến khi” được nhiều nhà Thánh Kinh Tin Lành giải thích theo nghĩa: ông Giuse chỉ không ăn ở với bà Maria trước khi sinh Đức Giêsu rồi sau đó đã ăn ở với bà Maria để sinh ra những người con khác (x. Bài “Bà Mari có đồng trinh trọn đời không?” trong trang web: tinlanh.com, trên mạng Internet).

Từ thế kỷ 20 do ảnh hưởng của phong trào giải trừ huyền thoại cho Phúc Âm, bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ duy thực, duy nghiệm, một số nhà thần học Tin Lành không tin vào việc Đức Maria thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và cho đó cũng là một trong những huyền thoại cần loại trừ vì không thể có việc một trinh nữ sinh con nếu không có sự cộng tác của nam giới theo quan điểm khoa học kỹ thuật. Như thế là người ta chối bỏ ơn đồng trinh của Đức Maria trước khi sinh con. Từ lập luận này, nhiều người đánh mất cả niềm tin vào chính Chúa Giêsu!

2. Câu trả lời từ phía Công Giáo

2.1. Lời giải đáp của Giáo Hội Công Giáo

Lời giải đáp của Giáo Hội Công Giáo được tìm thấy trong sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 500 như sau: “Hội Thánh vẫn luôn hiểu rằng những đoạn văn này không hề ám chỉ những người con khác của Đức Trinh Nữ Maria: ông Giacôbê và ông Giuse, “anh em của Chúa Giêsu” (Mt 13,56), thật ra là con của một bà Maria nào đó, là môn đệ của Đức Kitô (x. Mt 27,56), bà này được cẩn thận phân biệt là “bà Maria khác” (Mt 28,1). Đây là những người anh em bà con họ hàng gần, theo như cách nói quen dùng trong Cựu Ước (x. St 13,8; 14,16; 29,15…)”.

2.2. Nhận định về lời giải đáp này

Chúng ta phải nói thật rằng: lời giải đáp này chưa thoả đáng đối với chính những người nghiên cứu Thánh Kinh trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo và chưa thuyết phục được các anh em Tin Lành vì bản văn Thánh Kinh nhiều lần dùng từ “anh chị em ruột” của Đức Giêsu chứ không dùng từ nào khác.

Hơn nữa nếu quy chiếu những người con như Giacôbê, Giuse, Giuđa, Simon vào 1 bà “Maria nào đó” thì việc quy chiếu này có vẻ gượng ép vì thánh Matthêu nhắc đến tên bà này có thể chỉ vì muốn phân biệt với bà Maria Magđala vừa được nhắc trước đó (x. Mt 27,61) hoặc với bà Maria, mẹ của một mình ông Giacôbê (x. Lc 24,10). Còn trong nhiều câu khác có nhắc đến từ “anh em ruột của Đức Giêsu” mà không quy chiếu vào người phụ nữ nào nên không thể hiểu đó là con của bà Maria khác (Mt 28,1).

Còn việc nhắc đến các đoạn trích dẫn Thánh Kinh Cựu Ước (x. St 13,8; 14,16; 29,15…) rõ ràng gượng ép vì nguyên ngữ Do Thái cổ cho phép dịch là bà con, họ hàng trong khi nguyên ngữ Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp không cho phép hiểu như vậy.

Kiểu giải thích “anh chị em ruột” thành “anh chị em họ” còn có thể gây ra sự hiểu lầm nguy hiểm vì một từ được Chúa Thánh Thần linh hứng lại không được hiểu đúng theo nghĩa chữ của nó, và người ta có thể áp dụng kiểu giải thích “quá rộng” này cho các từ khác khiến ta có thể làm mất lòng tin vào Thánh Kinh.

Vì thế từ “anh chị em ruột” chắc chắn mang ý nghĩa sâu xa thúc đẩy ta tìm hiểu sâu rộng hơn thì mới có thể thuyết phục được anh em Tin Lành.

3. Lời giải đáp theo hướng đối thoại đại kết

3.1. Hướng giải thích mới

Trước hết chúng tôi mời gọi anh em các giáo phái Tin Lành cùng tìm hiểu thêm với chúng tôi về vấn nạn này qua các bản văn Thánh Kinh được giải thích theo hướng đại kết như sau:

- Chúng tôi đồng ý với anh em rằng những từ “anh chị em ruột” mà Tân Ước dùng là hoàn toàn chính xác vì tất cả những ai liên kết với Đức Giêsu đều thật sự là có quan hệ ruột thịt, máu mủ với Người. Điều này chúng tôi sẽ khai triển rộng hơn trong phần dưới đây.

- Tân Ước không dùng từ “con một” nhưng dùng từ “con trai đầu lòng” (Lc 2,7) vì muốn ám chỉ đến việc Đức Giêsu là người con đầu tiên mà Chúa Cha và Mẹ Maria sinh ra trong đại gia đình mới và chúng ta, tất cả những ai tin vào Đức Giêsu, đều trở thành những người em ruột của Người. Nếu dùng từ “con một” thì gia đình này sẽ không mở rộng cho tất cả chúng ta

- Từ “cho đến khi” trong câu Phúc Âm: “Ông Giuse không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1,25) còn có thể hiểu như một hành động tiếp theo việc sinh nở là đặt tên Giêsu cho người con mới sinh. Từ “và” ở đây theo văn phạm Hy Lạp có nghĩa tương đương tiếng Việt là “thì” nên câu Phúc Âm có thể dịch như sau: “Ông Giuse không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai thì ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”. Nếu hiểu theo nghĩa này thì chúng ta không thể hiểu ngầm rằng Đức Maria và ông Giuse ăn ở với nhau như những đôi vợ chồng khác sau khi sinh Chúa Giêsu vì Thánh Kinh không nói đến việc đó. Điều này chúng tôi cũng sẽ nói thêm trong phần dưới đây khi nói đến tình yêu và sứ mạng của Mẹ Maria và thánh Giuse.

3.2. Tất cả chúng ta là anh chị em ruột của Đức Giêsu

Chúng ta cùng xác tín trong đức tin Công Giáo rằng: “Chúa Giêsu là người con duy nhất của Đức Maria. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ (x. Ga 19,26-27; Kh 12,17) trải rộng cho hết mọi người đã được Chúa Giêsu đến cứu độ. Người Con mà Mẹ sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29), tức là các tín hữu, mà Mẹ đã cộng tác vào việc sinh hạ và dạy dỗ họ với tình yêu từ mẫu” (x. CĐ. Vat. II, Hiến Chế Lumen gentium, số 63; Sách GLHTCG, số 501). Chúa Giêsu được cưu mang trong lòng dạ trinh khiết của Đức Maria (x. Lc 1,35; Sách GLH TCG, số 437), “được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, không có mầm mống nam nhân” (CĐ Lateranô, năm 649, canon 3, DS 503; Sách GLHTCG, số 496).

Những người được Thánh Kinh nhắc đến như là “anh chị em ruột” của Đức Giêsu, xét về huyết thống tự nhiên, chỉ là những anh chị em họ, bà con với Người vì Mẹ Maria và thánh Giuse có những người thân thuộc sống tại Nazareth. Những người này cũng đi theo Chúa Giêsu (x. Mc 3,31-33; Mt 12,46-50; Lc 8,19-21), có người trở thành môn đệ và có địa vị trong cộng đồng Giáo Hội sơ khai (x. Gl 1,19).

Tuy nhiên, Thánh Kinh luôn dùng từ “anh chị em ruột” khi nhắc đến mối liên hệ huyết thống tự nhiên này với ý nghĩa siêu nhiên. Lý do là vì khi Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người là Đức Giêsu, đón nhận 1 thân xác như bất cứ con người nào, thì Người đã trở nên anh chị em ruột thịt của họ, để dẫn đưa họ vào sự hiệp thông với Chúa Cha trong 1 gia đình duy nhất của Thiên Chúa. Trong Đức Giêsu Kitô, mọi người đều là anh chị em ruột thịt của nhau vì cùng thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất (x. Sách GLHTCG, số 355-360). Do đó, trong Thánh Kinh cũng như trong các lời chào của thánh lễ, chúng ta đều gọi nhau là “anh chị em ruột” chứ không chỉ coi nhau là “họ hàng”.

Hơn nữa qua thể xác vật chất, Đức Giêsu còn liên kết với mọi thụ tạo trong vũ trụ này để trở thành người anh cả của chúng (x. Rm 8,29) và vì thế vạn vật cũng là những đứa em ruột thịt của con người vì “con người, nhờ chính điều kiện có thân xác của mình, quy tụ nơi mình những yếu tố của thế giới vật chất, cho nên nhờ con người, các yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và có thể tự do dâng lời ca ngợi Đấng Tạo Hoá” (x. CĐ Vat.II, HCGaudium et Spes, số 14; Sách GLHTCG, số 364). Vì thế, Người chết để cứu độ tất cả. Vũ trụ cảm nhận được điều đó nên biểu lộ sự vui mừng qua việc xuất hiện ngôi sao (x. Mt 2,2-10), sự vâng phục qua các phép lạ Người làm trên vạn vật (x. Mc 4,37-41; 6,34-44; 6,45-52, Mt, 17,24-27; Lc 5,1-11; Ga 2,1-11), sự chia sẻ khi Người chết trên thập giá (x. Mt 27,45.51-53).

Nói cho cùng, thân xác chúng ta được cấu tạo bằng những nguyên tố vật chất Carbon-Hydro-Oxy-Nitơ như những thành phần chính cho mọi người, mọi vật. Mỗi ngày, chúng ta đưa những nguyên tố đó vào trong thân thể mình qua đồ ăn, thức uống, khí thở rồi chúng ta lại thải các chất ra để tạo nên thân thể cho muôn loài. Chúng ta hợp thành một thân thể lớn lao của toàn thể vũ trụ, trở thành anh chị em ruột thịt của nhau vì hình thành nên thân xác cho nhau. Thân xác Chúa Giêsu và Mẹ Maria cũng được cấu tạo bằng những thành phần đó.

Xin cho phép tôi đưa ra một minh chứng khoa học. Nhiều người không còn nhớ nổi con số và nguyên lý của nhà bác học Amedeo Avogadro (1776-1856): “Trong cùng một điều kiện nhiệt độ và áp suất, các khí khác nhau có cùng một thể tích sẽ chứa cùng một số nguyên tử hay phân tử như nhau. Số đó là N = 6,022 x 10 . 23”. Nếu 16 gram Oxy ta thở, hay 18 gram nước ta uống, chia đều cho 7 tỷ người đang sống trên trái đất này thì mỗi người được khoảng hơn 9 ngàn tỷ nguyên tử thật hay phân tử thật trong cơ thể mình.

Quả thật, trong thân xác ta đang có những nguyên tử, phân tử vật chất của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong cuộc trao đổi sinh tồn của vạn vật từng giây phút vì qua mấy chục năm sống của Chúa và Mẹ, thân xác chúng ta đã và đang giữ những nguyên tố vật chất đã từng hình thành nên con người của Chúa và Mẹ. Vì thế chúng ta rất tự hào là anh chị em ruột của Chúa Giêsu và con cái thật sự của Mẹ Maria, không phải chỉ về mặt tinh thần mà cả thể chất nữa. Chia sẻ với mọi người điều này, nhất là với anh chị em theo các hệ phái Tin Lành, Cải Cách, chúng tôi hy vọng anh chị em sẽ tìm lại được niềm tin yêu tuyệt đối vào Chúa Giêsu Kitô và vào Người Mẹ Thánh của chúng ta.

3.3. Vai trò và sứ mạng của Đức Maria và thánh Giuse trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể

Ngày nay, nhiều tín hữu thuộc các hệ phái Tin lành càng ngày càng khám phá ra vai trò độc đáo của Đức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành Đức Giêsu Nazareth để thực hiện công trình cứu độ và hoà giải con người với Thiên Chúa. Để thực hiện công trình này, Thiên Chúa đến với con người, ban cho con người tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa và con người cũng phải tự nguyện đến với Thiên Chúa để dâng hiến tất cả những gì thuộc về mình cho Ngài. Và chỉ có như thế thì Đức Giêsu mới vừa là Thiên Chúa trọn vẹn vừa là một con người trọn vẹn.

Đức Trinh Nữ Maria đã được chọn để đại diện cho con người dâng hiến cho Thiên Chúa tất cả những gì thuộc về con người với một sự tự do đầy ý thức và một tình yêu vượt lên trên tất cả dù Đức Maria đã đính hôn với ông Giuse. Cuộc đối thoại với sứ thần trong buổi truyền tin đã nói cho chúng ta những đặc tính này (x. Lc 1,26-38). Chính khi Đức Maria mở lòng ra một cách hoàn toàn và trọn vẹn cho Thiên Chúa để Chúa Thánh Thần đến với Mẹ thì Ngôi Lời đã trở thành người (Ga 1,14). Như thế, Đức Maria không phải chỉ đóng góp trong tư cách là một người phụ nữ cho việc hình thành nên con người Giêsu mà là đại diện cho toàn thể nhân loại và vũ trụ đóng góp phần nhân tính cho Người. Vì thế, Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu trọn vẹn vừa là Thiên Chúa vừa là người.

Một số người ngày nay nghĩ rằng Đức Maria chỉ đóng góp vào việc sinh hạ Đức Giêsu trong tư cách là người nữ và họ đòi hỏi yếu tố nam nhân. Nhưng chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa có thể dựng nên mọi sự từ hư không thì Ngài cũng có thể lấy từ phần nhân tính Đức Maria đóng góp để phối hợp với thiên tính mà hình thành nên Đức Giêsu Kitô. Nếu con người nghĩ rằng Đức Giêsu cần đến yếu tố nam nhân để hình thành thì ơn cứu độ cũng không cần phải đến từ Thiên Chúa và con người có thể tự cứu thoát mình. Điều này đi ngược với lòng tin của chúng ta và cũng đi ngược với thực tế vì một thụ tạo hữu hạn, bất toàn, khả tử không thể tự làm cho mình trở thành vô hạn, vĩnh hằng, tuyệt đối, hoàn hảo như Thiên Chúa.

Người tín hữu Công Giáo luôn tin tưởng Đức Maria trọn đời đồng trinh nghĩa là Mẹ giữ mãi sự trinh khiết trước, trong và sau khi sinh Chúa Giêsu bởi vì Mẹ đã tận hiến hoàn toàn cho tình yêu Thiên Chúa khi đón nhận sứ mạng sinh ra, dưỡng nuôi, giáo dục và đi theo Chúa Giêsu cho đến khi hoàn thành sứ mạng mà Chúa Cha đã uỷ thác cho Người. Một khi dành tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho Đức Giêsu, nhất là khi đón nhận nhiệm vụ làm Mẹ của mọi tín hữu trong lời trăn trối của Chúa Giêsu trên thập giá (x. Ga 19,26-27) thì Mẹ Maria không bao giờ sao lãng nhiệm vụ này để dành tình yêu cho một người nào khác. Mẹ đã nhận mọi tín hữu là những đứa con ruột thịt của mình để muôn đời thực hiện sứ mạng làm Mẹ. Vì thế, Giáo Hội Công Giáo cũng như Chính thống giáo có lòng tôn kính đặc biệt đối với Mẹ Maria. Nhiều khi lòng tôn kính này đi quá trớn khiến cho một số anh em Tin Lành lầm tưởng đó là sự thờ kính giống như tôn thờ Thiên Chúa. Giáo Hội Công Giáo đã nhắc nhở điểm này trong nhiều giáo huấn, đặc biệt trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium của Công đồng Vaticanô II, từ số 52-69.

Hơn nữa, nếu chúng ta hiểu đức tin là cuộc gặp gỡ con người với Đức Giêsu chứ không phải chỉ là những hình thức đạo đức bên ngoài thì rất nhiều tín hữu Công Giáo lại không chú ý đến cuộc gặp gỡ này như Thượng Hội đồng tháng 10/2012 nhắc nhở nhiều lần trong văn kiện Tài liệu Làm việc (x. TLLV, số 17,18,19).

Nói đến sứ mạng và tình yêu của Đức Maria dành cho Thiên Chúa giúp cho Mẹ trọn đời đồng trinh thì chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào sự tương đồng của tình yêu giữa thánh Giuse và Đức Mẹ cũng như tình yêu trọn vẹn của thánh Giuse dành cho Thiên Chúa và Đức Giêsu Con của Ngài. Thánh Giuse đã được Thiên Chúa tuyển chọn và sai thiên thần đến mạc khải cho biết Đức Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa làm người và Đức Maria – vị hôn thê của Ngài – được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ Chúa Giêsu (x. Lc 1,19-25) để giao phó cả hai kho tàng quý giá nhất của Thiên Chúa cho Người. Vì thế, ý thức về sứ mạng cao quý tuyệt vời của mình, thánh Giuse đã dồn tất cả năng lực và tình yêu để bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong suốt cả đời mình. Do đó, thánh Giuse cũng là một vị thánh được tôn kính đặc biệt trong hàng ngũ các thánh, chỉ sau Đức Maria.

Lời kết

Chúng ta hy vọng rằng vấn nạn “anh chị em ruột của Đức Giêsu” sẽ không còn là một đề tài gây tranh cãi hay xung đột giữa các tín hữu Kitô giáo, nhưng có thể trở thành một dịp may thúc đẩy chúng ta học hỏi đề tài và phát triển tình liên đới huynh đệ trong đại gia đình Thiên Chúa. Nhờ đó, những anh chị em ngoài Kitô giáo sẽ cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc và ân sủng tràn đầy của những ai gắn bó với Đức Giêsu, và qua Người, gắn bó với toàn thân thể nhiệm mầu là Hội Thánh trên khắp thế giới.
 
Văn Hóa
Khát vọng của Chúa Giêsu
Lm. Daminh Hương Quất
21:57 17/08/2013
Lời Chúa Chúa Nhật XX TN- Năn C

KHÁT VỌNG CỦA CHÚA GIÊSU


“Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất
Và Thầy những ước mong
Cho Ngọn Lửa ấy bùng lên” (Lc 12,49)

Lửa đến xua tan đêm đen.
Lửa đến đẩy lui giá rét.
Lửa đến ngột rửa sợ hãi.
Lửa đến cho cuộc sống năng động.
Cho đồng loại thấy mình là anh em.

Đức Giêsu Kitô,
Con Thiên Chúa làm người.
Ngài chính là NGỌN LỬA TÌNH YÊU
Mở lối đường đi,
Khơi niềm hy vọng,
Đem lại sức sống dồi dào.
Ai sống trong Ánh Sáng Ngài
Tìm được hạnh phúc thật,
Bình an,
Lớn mãi…

2000 năm rồi,
NGỌN LỬA TIN MỪNG ĐỨC KITÔ
Thắp sáng thế trần
Thế sao,
Phần lớn nhân loại,
Vẫn còn sống trong đêm đen,
Lầm lạc,
Đói khổ,
Hận thù,
Khủng bố,
Chiến tranh….?

Con Người đang tự hào (hay tự hão?)
Nền văn minh phát triển như vũ bão.
Tiếc thay, nền hòa bình thịnh trị vẫn mãi ngoài tầm tay
Hiểm họa như ngàn cân treo trên sợ tóc
Chỉ chực đổ ầm xuống kiếp nhân sinh?
Nói như Đức chân Phước Gioan Phaolô II:
Nền văn minh sự chết:
Nền văn minh thiếu bóng tình thương
Nền văn minh mất dần sự sống.
Đó là nền văn minh quái thai,
sản sinh ra những quái vật, hình thù gớm ghê:
đầu càng ngày càng to- phình to
trong khi Trái Tim ngày ngày càng nhỏ- teo tóp,
Lửa con tim heo hắt cảnh xế tà.

Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất
Và Thầy những ước mong
Cho Ngọn Lửa ấy bùng lên” (Lc 12,49)
Sứ mạng Truyền giáo
Ngài trao cho Giáo Hội,
Cho từng người Kitô hữu:
“Hãy loan báo Tin Mừng khắp cõi trần gian’ (x.Mt 28,19-20)
Để tình yêu trải khắp cõi lòng…
2000 năm rồi, vẫn là những bước khởi hành,
Nhiệm vụ phải hoàn tất xem ra còn xa lắm.
(x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, số 1)

Tin Mừng Đấng Cứu độ,
Chỉ có sức sống khi mình đã sống,
Đã trải nghiệm năng động,
Đã nếm dư vị Tình yêu của Người.
Thánh Phaolô xác quyết:
“Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi”
Để rồi khám phá chân tin:
“Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”
Khốn cho tôi nếu tôi không thành điểm sáng của Ngọn Lửa Giêsu.
Khốn cho tôi nếu tôi ơ hờ việc Truyền giáo.

Lạy Chúa Giêsu,
Khát vọng ngàn năm xưa của Người
Vẫn còn thời báo.
Làm sao để con tiếp tay Người,
Thắp Ngọn Lửa Giêsu cho thế nhân?

Sống trong Ngọn Lửa của Người,
Con sẽ được ướp sáng.
Rồi sẽ trở nên đuốc sáng mini.
Ra đi,
Truyền giáo.

Lm. Đaminh Hương Quất