Ngày 15-08-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Văn Hoá Sự Sống
Lm Vũđình Tường
06:45 15/08/2013
Ngày văn hoá sự sống được cử hành hàng năm đánh dấu con người chia sẻ cho nhau sự sống thuộc các chủng tộc khác nhau. Văn hoá sự sống gắn liền với đức tin Kitô giáo bởi vì sự sống đến từ tình yêu Chúa. Bất cứ người Kitô hữu nào cũng có trách nhiệm phát triển, bảo vệ và cổ võ văn hoá sự sống vì nó là nền tảng giáo huấn của đức tin Kitô giáo. Nền tảng đó là sự sống đến từ tình yêu Thiên Chúa và một mình Ngài có quyền trên sự sống. Ngày truyền thống văn hoá sự sống là ngày cộng đồng mừng sự sống của chính mình và sự sống của tha nhân.

Con người chúng ta sống ở các địa phương khác nhau, nếp sống địa phương tạo thành con người đó. Văn hoá xóm làng trở thành một phần cấu tạo tâm tính con người và đi bất cứ đâu chúng ta cũng mang văn hoá đó trong người. Văn hoá, phong tục tập quán ảnh hưởng tới cách ăn, lối sống con người và qua đó ảnh hưởng tới cách thể hiện niềm tin Kitô. Kitô hữu không chỉ chung một đức tin nhưng chung cả cách thể hiện niềm tin qua văn hoá sự sống của các dân tộc. Cách thể hiện này không làm chúng ta xa cách truyền thống phụng vụ chung của Giáo Hội nhưng trái lại làm giầu và làm sống mạnh truyền thống chung. Mỗi dân tộc có cách thể hiện niềm tin riêng và chia sẻ cách đó chính là làm giầu cách thờ phượng trong việc thực hành niềm tin Kitô.

Trong tâm mỗi người chúng ta đều có văn hoá sự sống. Bởi vì văn hoá sự sống đến từ Thiên Chúa nên mỗi người có cách khác nhau diễn tả tâm tình tạ ơn khác nhau mà chúng ta gọi chung là cầu nguyện. Phụng vụ cộng đoàn giúp chúng ta diễn tả cách cùng nhau cầu nguyện. Cách diễn tả tốt nhất khi cách đó mang an bình và chia sẻ tình yêu Chúa đến cho tha nhân và cộng đoàn Kitô hữu. Qua cầu nguyện chung, đối thoại và sinh hoạt chung với nhau chúng ta hiểu nhiều hơn về ưu điểm cũng như khuyết điểm của các dân tộc. Nhờ những hiểu biết này mà chúng ta chọn lựa cách tốt nhất để chung sống trong cộng đoàn.

Mừng ngày truyền thống sự sống văn hoá giúp chúng ta chung dâng Chúa lời tạ ơn và cầu xin với tâm tình, cảm xúc đền từ con tim. Tâm tình, cảm xúc này chính là thực tế cuộc sống của mỗi người, dù vui buồn, lo lắng, tin tưởng phó thác hay thất vọng đều là những xúc cảm sâu thẳm trong tim ta dâng lên trước Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta dâng tất cả tâm tình đó lên Thiên Chúa bằng hai cách, vừa bằng cách cầu nguyện chung vừa bằng tâm tình cầu nguyện riêng của mỗi người. Như thế chúng ta diễn tả đức tin qua hai cách, chung trong cộng đoàn và riêng của mỗi cá nhân. Dù cầu nguyện chung với cộng đoàn tâm tình cá nhân không biến mất nhưng được cả cộng đoàn hiệp lời cầu xin cho. Niềm vui, thống khổ của mỗi cá nhân luôn là của cá nhân nhưng niềm vui, thống khổ của những thành viên khác trong cộng đoàn lại trở thành niêm vui, thống khổ của cả cộng đoàn và được cả cộng đoàn chia sẻ trong phụng vụ.

Tất cả chúng ta đều là những người lữ hành trên đường hy vọng đi về nhà Cha chung. Mỗi người cố gắng với khả năng dâng lên Chúa niềm tin nội tâm và trở thành chứng nhân cách tốt lành nhất. Ngày chung mừng văn hoá sự sống chính là mừng ngày những cánh tay tình thương sẵn sàng đón nhận những tâm tình yêu thương khác. Ngày âm thầm nói cho mọi người biết dù họ đến từ chân rời góc biển nào họ cũng được đón tiếp, đón tiếp một cách chân thành trong tinh thần cầu nguyện để xin bình an và tình yêu Chúa toàn thể nhân loại.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Lửa cháy - Sự thật tỏ bày
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:21 15/08/2013
LỬA CHÁY – SỰ THẬT TỎ BÀY

(Chúa Nhật XX TN C)

“Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Thoặt nghe những lời trên của Chúa Giêsu hẳn nhiều người giật mình. Một tôn sư lỗi lạc, một vị đại ngôn sứ, một Đấng Thiên sai mà tuyên phán những lời ấy thì thật chướng tai, khó nghe. Là người, ai cũng đều khát mong được sống trong an bình. “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết” là một sự thật hầu như hiển nhiên. Thế thì chúng ta phải hiểu nội hàm lời tuyên bố của Chúa Giêsu trên đây như thế nào?

Để hiểu đúng và tương đối chính xác lời một ai đó thì cần thiết phải xem xét ngữ cảnh khi người ấy nói. Tin mừng thánh Luca tường thuật ngữ cảnh trước đó là việc Chúa Giêsu khử trừ một tên quỷ câm ra khỏi người bị nó ám và người câm nói được (x.Lc 11,14-23). Tiếp đến Người tuyên bố rằng ai nghe và giữ lời Thiên Chúa mới là người có hạnh phúc thật. Rồi Người tự cho mình hơn cả Ngôn sứ Giona khi thẳng thắn công bố sự thật. Tiếp đến Chúa Giêsu nói về sự nhận thức như là ánh đèn dẫn lối chúng ta đi (x.Lc 11,37-36). Sau đó Người khiển trách nhiều người Pharisiêu và nhiều nhà thông luật đã sống và hướng dẫn kẻ khác trong sự lầm lạc cho dù biết họ sẽ tức tối tìm cách hảm hại Người (x.Lc 11,37-54). Rồi Người khuyến dụ các môn đệ đừng sợ và hãy can đảm công bố sự thật (x.Lc 12,1-12), đừng lo thu tích của cải đời này nhưng hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và luôn sống trong tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng là chu toàn bổn phận với nhưng người được giao phó cho mình chăm nom (x.Lc 12,13-48).

Trong ngữ cảnh này, Chúa Giêsu đã long trọng tuyên bố: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên!” (Lc 12,49). Ngọn lửa mà Chúa Giêsu đem xuống thế gian chính là ánh sáng chân lý như lời Người khẳng định với Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).

Ánh sáng chân lý đã bừng lên thì sự thật, sự giả, điều tốt, điều xấu sẽ được phân biệt rõ ràng. Ánh sáng chân lý đã chiếu soi thì sự thiện hảo nhất thời, chóng qua và hạnh phúc đích thực, vĩnh tồn sẽ được biện phân. Cảnh mập mờ của buổi thời hổn mang sẽ bị xoá dần và con người chúng ta cần phải chọn lựa dứt khoát. Chọn lựa là hy sinh. Đau đớn là chuyện thường tình khi phải bỏ cái này để chọn cái kia, nhất là khi cái này đã từng gắn bó với mình và nó chưa hẳn là xấu.

Sự xâu xé trong tâm hồn luôn có đó khi chúng ta phải chọn lựa giữa điều lành và điều dữ, giữa một điều tốt và một điều tốt hơn, giữa hạnh phúc nhất thời và hạnh phúc vĩnh cửu. Bị giằng co, bị xâu xé là một lẽ rất tự nhiên vì điều tốt hơn chưa thực sự ở trong tầm tay và hạnh phúc vĩnh cửu vẫn đang còn ở phía chân trời xa. Đây chính là sự chia rẽ mà Chúa Giêsu muốn đề cập.

Ai đến với tôi mà không từ bỏ cửa nhà, ruộng nương, cha mẹ, vợ con…và không vác thập giá mình thì không thể làm môn đệ của tôi (x.Lc 14,26-27). Dù là một lối nói kiểu so sánh nhưng Chúa Giêsu đã thẳng thừng đưa ra một đòi hỏi có tính triệt đễ rằng phải chọn Người trên hết và trước hết. Tất cả chỉ vì lý do này: Người chính là Thiên Chúa thật, nhờ Người mà mọi được tạo thành. Dĩ nhiên khi đã can đảm chịu xâu xé, chịu bắt bớ để chọn Người làm Thầy và làm Chúa của mình, chúng ta sẽ lại nhận được mọi sự như trên cách gấp bội và nhất là sự sống trường sinh (x.Mc 10,28-30).

Lửa đã cháy lên. Ánh sáng đã đến thế gian, Sự thật đã được tỏ bày. Vấn đề còn lại là sự chọn lựa của chúng ta. Chọn lựa là phải hy sinh. Thiện hảo nào cũng có giá của nó. Dù là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa ban cho, nhưng hạnh phúc vĩnh cửu dứt khoát không phải là thứ hàng hoá rẻ tiền.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Lịch phụng vụ tháng 9/2013
Linh Mục Anphong Trần Đức Phương
08:21 15/08/2013
LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 9/2013

Trong tháng này chúng ta sẽ mừng các Lễ Chúa Nhật Thường Niên (Năm C) 22, 23, 24, 25, 26. Ngoài ra chúng ta cũng sẽ mừng đặc biệt Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Lễ Thánh Matthêu (Tông Đồ, Thánh Sử).

Chúa Nhật 22 THƯỜNG NIÊN (Ngày 1 Tháng 9): Các Bài Đọc Chúa Nhật hôm nay dạy chúng ta hãy sống khiêm nhường và yêu thương phục vụ lẫn nhau. Trong Bài Phúc Âm (Luca 14:1,7-14), Chúa Giêsu khi nhận thấy trong các bữa tiệc, khách được mời thường cố gắng "chọn chỗ nhất " trong phòng tiệc, nên Ngài kể Dụ Ngôn Tiệc Cưới để dạy chúng ta bài học "Ai đưa mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên." Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta hãy phục vụ "những người nghèo khó, bịnh tật, què quặt, đui mù" và sau này chúng ta sẽ được thưởng công vào ngày sống lại. Bài Đọc 1 (Trích sách Đức Huấn Ca 3:17-18,20,28-29) cũng dạy chúng ta "Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa, vì chỉ một mình Chúa là Đấng có quyền năng cao cả." Trong Bài Đọc 2 (Thơ Do Thái 12:18-19,22-24), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta là chúng ta, các tín hữu của Chúa, chúng ta đang tiến về "Thánh Thánh trên trời, nơi Thiên Chúa là Đấng tối cao hiển trị cùng với Chúa Giêsu Kitô và các người công chính hoàn hảo."

Chúa Nhật 23 THƯỜNG NIÊN (Ngày 8 Tháng 9): Các Bài Đọc Chúa Nhật hôm nay dạy chúng ta phải từ bỏ mọi sự và chấp nhận mọi khổ đau trong cuộc sống để theo Chúa đi về cuộc sống đời đời. Trong Bài Phúc Âm (Luca 14:25-33), Chúa Giêsu nói: cuộc chinh phục Nước Trời của chúng ta là một việc rất quan trọng, chúng ta phải tính toán cho cẩn thận và phải hy sinh tất cả để có thể thành công. Nếu chúng ta muốn theo Chúa, chúng ta cũng phải từ bỏ mọi sự trần gian và vác Thánh Giá mình hằng ngày để theo Chúa, tiến về hạnh phúc Nước Trời. Bài Đọc 1 (Sách Khôn Ngoan 9: 13-18) dạy chúng ta là chúng ta còn mang xác thịt nặng nề, tâm trí tối tăm "không thể nào nhận ra được thánh ý Chúa mà vâng theo; vậy chúng ta luôn phải xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan là chính Thánh Thần của Thiên Chúa, để soi sáng mở lòng cho chúng ta nhận biết những sự đẹp lòng Chúa và thi hành, để được ơn Cứu Độ.

Trong Bài Đọc 2 (Thơ Philêmon 9-10,12-17), Thánh Phaolô, lúc đó đã già và đang bị cầm tù, gửi thư này cho ông Philêmon và xin ông hãy đón nhận người con tinh thần của Thánh Phaolô là Ônêsimô và giúp đỡ ông như đón nhận và giúp đỡ chính Thánh Phaolô vậy.

LỄ SUY TÔN THÁNH GÍA (Ngày 14 Tháng 9): Thánh Lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy năng suy ngẫm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Để cứu chuộc chúng ta, Chúa Giêsu đã phải chịu bao nhiêu đau khổ, đã phải vác Thánh Giá và chết nhục nhã trên Thánh Giá. Chúng ta cũng phải can đảm "vác Thánh Giá theo chân Chúa," phải can đảm chịu mọi sự đau khổ hằng ngày để đền bù tội lỗi chúng ta và thông phần vào công việc cứu chuộc chính chúng ta và toàn thể nhân loại.

Các Bài Đọc: Bài Đọc 1 (Sách Dân Số 21:4-9); Bài Đọc 2 (Thơ Philipphê 2:6-11); Bài Phúc Âm (Gioan 3:13-17).

Chúa Nhật 24 THƯỜNG NIÊN (Ngày 15 Tháng 9): Các Bài Đọc Chúa Nhật hôm nay nhắc nhở chúng ta là những con người dễ chiều theo tính xác thịt và thói xấu thế gian, dễ sa ngã phạm tội; nhưng Chúa là Cha nhân lành hay thương xót và tha thứ. Khi chúng ta thật lòng ăn năn hối cải và chừa bỏ tội lỗi thì Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Trái lại chính chúng ta lại hay kết án người khác và nói hành nói xấu lẫn nhau.

Trong Bài Phúc Âm (Luca 15:1-32), Chúa Giêsu đã kể Dụ Ngôn "Con Chiên Lạc", "Đồng Tiền Bị Mất", và nhất là Dụ Ngôn "Người Con Phung Phá" để đưa đến kết luận: "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn là chín mươi chín người công chính không cần hối cải." Và kết thúc Dụ Ngôn "Người con Phung Phá", người Cha Già đã nói với người con cả: "Hỡi con, con luôn ở với Cha, và mọi sự của Cha là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại; đã mất nay lại tìm thấy." Bài đọc 1 (sách Xuất Hành 32:7-11,13-14) ghi lại câu chuyện Dân Do Thái khi được Chúa dẫn dắt qua sa mạc để đi về quê hương, đã nản lòng và quay ra thờ "Bò Vàng" và coi như Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa đã định tiêu hủy họ trong sa mạc; nhưng nhờ lời khẩn cầu của ông Moisê mà Chúa đã tha thứ cho họ. Trong Bài Đọc 2 (1 Timôthê 1: 12-17), Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta là "Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian để cứu độ những ai tội lỗi" và Thánh Phalô đã nêu ra lòng thương xót của Chúa đối với chính Ngài là "kẻ đã nói phạm thượng, đã chống lại Đạo Thánh Chúa, và kiêu căng, nhưng Thiên Chúa đã thương kêu gọi Ngài ăn năn trở lại và làm cho Ngài trở nên một Tông Đồ nhiệt thành rao giảng Đạo Thánh Chúa.

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết sống khiêm tốn, nhìn nhận mình là kẻ yếu đuối dễ sa ngã phạm tội, xa tránh dịp tội, thành thật ăn năn sám hối khi trót sa ngã phạm tội, để được Chúa thương tha thứ, che chở, giữ gìn (Chúng ta hãy năng đọc Kinh Cáo Mình và Kinh Ăn Năn Tội)

LỄ THÁNH MATTHÊU TÔNG ĐỒ, THÁNH SỬ (Ngày 21 tháng 9): Thánh Matthêu là con ông Anphê và là người thu thuế. Chúa Giêsu đã gọi ông ngay khi ông đang ngồi ở bàn thu thuế (Matcô 2:14;Luca 5:27; Matthêu 9:9). Thánh Matthêu vừa là Tông Đồ, vừa là Thánh Sử. Ngài đã viết Phúc Âm Thứ Nhất. Theo truyền thống thì Thánh Matthêu đi truyền giáo ở Persia và Ethiôpia và chịu tử đạo tại Ethôpia. Các Bài Đọc: Bài Đọc 1 (Thơ Ephêsô 4:1-7,11-13); Bài Phúc Âm (Matthêu 9: 9-13).

Chúa Nhật 25 THƯỜNG NIÊN (Ngày 22 Tháng 9): Các Bài Đọc hôm nay dạy chúng ta hãy sống lương thiện, đừng hà hiếp người khác, đừng ăn gian nói dối, đừng cho vay nặng lãi để lấy lời, và đừng bóc lột người nghèo khó. Thiên Chúa sẽ không quên tất cả các việc làm bất công đó và sẽ xét xử công minh (Xin xem Bài Đọc 1: Tiên Tri Amos 8:4-7). Trong Bài Phúc Âm (Luca 16: 1-13), Chúa Giêsu kể dụ ngôn "Người Quản Lý Bất Công" để dạy chúng ta đừng chỉ khôn ngoan lo toan nhưng việc ở dưới đất; nhưng hãy lo cuộc sống đời sau, và Chúa Giêsu kết luận "Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ; vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và coi thường chủ khác. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được." Trong Bài Đọc 2 (1Timôthê 2: 1-8), Thánh Phaolô bảo chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện cho mọi người, kể cả các vua chúa và những người làm việc trong chính quyền. Xin cho mọi người được sống trong sự bằng yên, hạnh phúc, cho mọi người được ơn cứu rỗi. Chính Chúa Giêsu đã chết để chuộc tội chúng ta và làm Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người.

Chúa Nhật 26 THƯỜNG NIÊN(Ngày 29 Tháng 9): Qua Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Luca 16:19-31), Chúa Giêsu kể dụ ngôn về "Nhà phú hộ giầu có, mặc toàn quần áo lụa là và hằng ngày ăn uống linh đình; còn ông Lagiarô bịnh hoạn, nghèo khó, đói khát, sống ngay bên cổng nhà ông phú hộ." Chúa Giêsu kể dụ ngôn đó để bảo chúng ta đừng cậy dựa vào tiền của, đừng sống trong sự hào hoa, phong nhã, ăn uống quá say sưa, phung phí tiền bạc mà quên giúp đỡ những người bịnh hoạn, nghèo khó, thiếu thốn ở khắp nơi trên thế giới và có khi ở ngay bên cạnh chúng ta. Trong cuộc đời sau, Thiên Chúa sẽ xét xử công minh. Bài Đọc 1 (Tiên Tri Amos 6:1, 4-7) nói đến những kẻ giầu có, phú quý, tự cao tự đại và khinh chê những người nghèo khổ đói khát; vì thế Thiên Chúa đã đánh phạt và bắt họ phải chịu cảnh lưu đầy, khốn khó. Trong Bài Đọc 2 (1Timôthê 6:11-16), Thánh Phaolô dạy chúng ta hãy " theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức bác ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành" để có thể "đoạt được sự sống đời đời" là mục đích cuối cùng của đời sống Đức Tin của chúng ta.

Vậy chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau để mọi người chúng ta biết sống Đức Tin, thực hành Đức Bác ái, biết dùng của cải Chúa ban cho chúng ta để giúp vào công cuộc truyền giáo, giúp đỡ những người bịnh hoạn, nghèo khó; đừng chỉ biết sống ích kỷ, lo ăn mặc sung sướng mà quên những người cần sự giúp đỡ của chúng ta.

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh, xin Chúa chúc lành cho chúng ta, gia đình chúng ta và gìn giữ chúng ta trong ơn nghĩa Chúa luôn.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc canh tân của Đức Phanxicô vẫn đang diễn tiến
Vũ Văn An
03:49 15/08/2013
Giữa những câu hỏi và câu trả lời trên chuyến bay đưa Đức Phanxicô từ Rio trở lại Rôma được nhiều người chú ý nhắc đi nhắc lại và bình phẩm, ít ai chú ý tới câu hỏi liệu ngài có bị chống đối gì trong các cố gắng thay đổi ở Vatican hay không.

Với câu hỏi ấy, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới sự hiện diện của nhiều người thiện chí và trung thành. Về khía cạnh tiêu cực, ngài từ tốn cho hay phẩm chất phục vụ tại Giáo Triều có hơi xuống dốc so với thời “các nhân viên giáo triều cũ”, những người chỉ biết chu toàn nhiệm vụ. Và ngài khiêm tốn cho hay: “quả thực, tôi chưa làm được nhiều”.

Đức khiêm tốn là đức vốn nổi bật nơi Đức Phanxicô, nhưng câu trên phải chăng là một trả lời thành thực cho sự nôn nóng của một số vị, kể cả những vị hết lòng hỗ trợ ngài như Đức HY Dolan của New York? Thực vậy, ngày 24 tháng 7, tức chỉ mấy ngày trước đó, trong cuộc phỏng vấn của tờ National Catholic Reporter, vị Hồng Y này nói rằng cho đến nay, kỹ năng quản trị của Đức Phanxicô chưa được hiển nhiên bao nhiêu và ngài mong rằng “sau cảnh êm ả của mùa hè này, chúng ta sẽ được thấy nhiều dấu hiệu hơn của việc thay đổi quản trị”.

Và dù cho rằng Đức Phanxicô đã làm được rất nhiều để nâng cao uy tín của ngôi vị giáo hoàng nói riêng và của Giáo Hội Công Giáo nói chung, nhiều người vẫn mong ngài làm nhiều hơn nữa, nhất là trong một số lãnh vực cấp thiết sau đây.

Tài chánh

Theo John Allen, một chuyên viên kỳ cựu về Vatican, cứ theo suy nghĩ riêng của Đức Phanxicô, ngài sẽ không khởi đầu cuộc cải tổ quan trọng với Ngân Hàng Vatican. Tuy coi đây là một định chế quan trọng, nhưng trong một bài giảng lễ hồi tháng Sáu, ngài cho hay nó chỉ cần thiết “tới một mức nào đó”.

Tuy nhiên, hoàn cảnh mấy tháng gần đây đã biến ngân hàng này thành một thử thách lớn đối với cam kết canh tân của Đức Phanxicô. Đầu mùa hè này, hai viên chức cao cấp của ngân hàng đã từ chức nhân một cuộc điều tra rửa tiền của Ý và cảnh sát Ý đã bắt giam một kế toán gia của Vatican về tội mưu toan nhập cảnh lậu 26 triệu dollars tiền mặt vào Ý và dùng trương mục của ngân hàng Vatican để ngụy trang ngân qũy.

Trên chuyến bay từ Rio de Janeiro trở lại Rôma ngày 28 tháng 7, Đức Phanxicô phác thảo 3 giải pháp cho ngân hàng này: a) cải tiến nó thành một “ngân hàng hợp đạo đức”; b) biến nó thành một qũi bác ái; c) đóng cửa nó.

Phần lớn các quan sát viên tin rằng giải pháp c) khó có thể khả hữu, dù là giải pháp trong sạch nhất. Sự thực là các dòng tu và các cơ quan bác ái Công Giáo, hiện đang hoạt động khắp nơi trên thế giới, gặp những hoàn cảnh nhiều khi hệ thống tài chánh không được phát triển bao nhiêu, nên cần có phương tiện để bảo vệ tài sản và chuyển ngân khoản cách dễ dàng. Nếu không có ngân hàng Vatican, thì có lẽ vị giáo hoàng nào cũng bị áp lực phải lập ra một cái.

Giải pháp ngân hàng hợp đạo đức được coi là giải pháp sẽ được chọn, dù kiểu nói này nghe có vẻ hơi mơ hồ. Nói chung, các ngân hàng hợp đạo đức có chung ba đặc điểm sau đây: cam kết áp dụng các thực hành có tính trong sáng nhất, qua việc thường xuyên công bố các quyết toán và sẵn sàng tiếp nhận việc duyệt xét từ bên ngoài; sử dụng tài sản cho các mục đích có trách nhiệm về xã hội, thường thường qua việc chấp nhận các biên tế lời lãi thấp hơn các ngân hàng thương mãi bình thường; và cho các cổ đông cũng như các thành viên của cộng đồng tham dự vào việc quản trị.

Tại Ý, Banca Popolare Etica (Ngân Hàng Đạo Đức Bình Dân) vốn được trưng dẫn làm điển hình. Nó được các nhóm lao động và trang trại, các hiệp hội chủ tiệm, thậm chí cả hội Hướng Đạo Ý yểm trợ nữa.

Dấu hiệu thay đổi hiện đã ló dạng. Các viên chức của Ngân Hàng Vatican đã thuê Nhóm Promontory Financial Group có trụ sở tại Washington D.C., tiến hành cuộc duyệt xét chi tiết các trương mục, và phần lớn các quan sát viên tin rằng càng ngày càng khó cho các cá nhân sử dụng các dịch vụ của ngân hàng này. Ngân hàng này cũng vừa mở một trang mạng và xác nhận số tài sản hiện nắm là 9 tỷ 400 triệu dollars và số trương mục là 18,900.

Tuy nhiên, cải tổ một ngân hàng vốn không phải là một việc dễ, nên đây mới chỉ là những bước sơ khởi dẫn tới cuộc thách thức lớn hơn mà thôi: tức là cổ vũ sự trong sáng ở bình diện thấp hơn của Giáo Hội, nơi tập trung tiền bạc thực sự và là nơi chiến thuật đánh không trúng (hit-and-miss) đôi khi gây tai họa trầm trọng.

Sự thật trên đã được lưu ý do sự sụp đổ mới đây tại Slovenia, nơi hai vị tổng giám mục phải từ chức vì sự sụp đổ của tổng giáo phận Maribor. Sau khi nước này thoát ách Cộng Sản, các chức sắc của TGP Maribor bèn lập ra một cơ sở tài chánh khổng lồ, có lúc sở hữu tới ba công ty cổ phần mẹ (holding companies) kiểm soát hơn 50 cơ sở, trong đó có cả một đài phát thanh dây cáp chiếu phim khiêu dâm về đêm.

Các công ty cổ phần mẹ này gần đây phá sản với khoản nợ ước chừng hơn 1 tỷ dollars, tương đương với 2 phần trăm sản lượng sổi nội địa của cả nước. Song song với nhiều thản họa khác, qũy hưu với tiền tiết kiệm của khoảng 65,000 người đầu tư nhỏ đã không còn một đồng xu.

Đức Phanxicô tỏ dấu đòi người làm phải chịu trách nhiệm nên đã chấp nhận đơn từ chức của hai vị tổng giám mục này, chỉ hai năm sau vụ TGM trước của Maribor buộc phải từ chức cũng vì vai trò của ngài trong vụ bê bối này. Nhiệm vụ hiện nay là soạn thảo các chính sách và tạo ra nền văn hóa sao đó để những vụ tương tự sẽ không xẩy ra tại bất cứ nơi nào khác nữa.

Lạm dụng tình dục

Một mặt trận khác mà các nhà phê bình tin rằng Giáo Hội cần tỏ trong sáng hơn đó là việc Giáo Hội giải quyết các tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em.

Đức HY Sean O'Malley của Boston, người có hơn 20 năm kinh nghiệm đương đầu với các tai tiếng này gần đây đã đưa ra 2 ý niệm. Trong cuộc phỏng vấn của National Catholic Reporter ngày 26 thàng Bẩy vừa qua, Ngài cho biết Đức Phanxicô a) nên triệu tập các vị chủ tịch các hội đồng giám mục thế giới và cố gắng thuyết phục những vị nào chưa đưa ra các chỉ dẫn mạnh mẽ chống lại các lạm dụng này thì nên đưa ra ngay; b) nên chấp nhận là của Vatican các qui định chống lạm dụng hiện đã trở thành tiêu chuẩn tại các giáo phận và các cơ quan Công Giáo khác khắp trên thế giới, trong đó có việc rà soát và thanh lọc mọi nhân viên, huấn luyện việc giáo dục và ngăn ngừa lạm dụng, và dạy cách giải quyết các khiếu nại.

Chưa rõ liệu Đức Phanxicô có chấp nhận các ý niệm đó hay không, dù Đức HY O’Malley là người ở vị thế duy nhất có thể thúc đẩy việc này. Ngài là người Mỹ duy nhất trong số 8 vị Hồng Y được đề cử hồi tháng Tư để giúp Đức Phanxicô “cai quản toàn thể Giáo Hội”.

Đức Phanxicô đề cập đến vấn đề đáng lưu ý này trong cuộc họp báo trên không, khi phân biệt “tội lỗi” trong quá khứ của một người, là tội có thể được tha thứ và quên đi, và “tội ác” như “lạm dụng vị thành niên”, chẳng hạn, là thứ đòi một giải pháp khác hẳn.

Hiện đã có dấu hiệu tuy nhỏ nhưng khá có ý nghĩa cho thấy Đức Phanxicô có ý hướng đưa ra một đường hướng cứng rắn. Nhiều quan sát viên tin rằng một thước đo là chờ xem liệu Đức Phanxicô có nới rộng tính trách nhiệm nghiêm nhặt mà Giáo Hội hiện đặt ra cho các linh mục lạm dụng để áp dụng nó vào các giám mục không xử lý đúng đắn các khiếu nại về lạm dụng hay không. Các chức sắc cao cấp trong Giáo Hội nói với National Catholic Reporter một cách tin tưởng rằng Đức Phanxicô sẽ làm như thế, dù cho tới nay chưa có động thái rõ rệt nào về vấn đề này cả.

Tính hiệp đoàn

Về một vài phương diện, bước quan trọng nhất trong việc Đức Phanxicô cổ vũ một tính hiệp đoàn lớn hơn đã được thực hiện rồi, đó là quyết định thiết lập hội đồng 8 vị Hồng Y hồi tháng Tư. Hiệu quả là phân phối quyền hành ra khỏi Vatican, tới các vị cầm đầu các Giáo Hội địa phương.

Trong số nhiều việc khác, ta thấy có việc tỉa bớt vây cánh của Văn Phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Cơ quan này hiện đã mất một số quyền hành trong tư cách người giữ cửa (gatekeepers). Thí dụ, Đức HY O’Malley cho rằng khi ngài có câu hỏi nào hay muốn phúc trình lên Đức Giáo Hoàng, thì ngài có thể liên lạc trực tiếp với Đức Phanxicô chứ không qua Văn Phòng Quốc Vụ Khanh nữa.

Đức HY O’Malley cũng cho biết 8 vị Hồng Y muốn được coi là phát ngôn viên nói lên các quan tâm và ý kiến của các giám mục khác. Ngài đang phỏng vấn mọi Hồng Y khác ở Bắc Mỹ và đã xin ý kiến các vị này. Các vị khác cũng đang làm như thế. Đức HY Francisco Errázuriz của Chile, chẳng hạn, đã thăm dò ý kiến các thành viên của CELAM (Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh) trong một cuộc họp mới đây tại Panama.

Đức HY Oscar Rodríguez Maradiaga, phối trí viên của nhóm 8 vị Hồng Y, đã gặp Đức Phanxicô khi ngài đang ở Ba Tây chủ tọa Ngày Giới Trẻ Thế Giới hồi tháng Bẩy. Đức HY Rodríguez cho biết: ngài được chấp thuận để phối hợp soạn thảo một instrumentum laboris, hay tài liệu làm việc, nhằm phác thảo các khuyến cáo chính cho canh tân.

Một mặt trận khác xem ra sẽ được Đức Phanxicô tổ chức mau chóng đó là Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, từng được lập ra dưới thời Đức Phaolô VI như là một cơ phận quản trị có tính hiệp đoàn. Trên chuyến bay từ Rio về Rôma, Đức Phanxicô hé cho thấy nhu cầu thay đổi phương pháp làm việc của Thượng Hội Đồng, mà nhiều quan sát viên cho là quá rộng, quá kềnh càng và quá tập chú vào các chủ đề đơn độc khó dùng làm bàn đạp vững mạnh cho một vị giáo hoàng.

Hồi tháng Sáu, Đức HY George Pell của Sydney gợi ý: nên có một hội đồng giám mục nhỏ hơn, có thể gặp Đức Giáo Hoàng trong ít giờ, họp 2 hay 3 lần một năm, để thảo luận chi tiết một chủ đề chuyên biệt. Trong buổi họp báo, Đức Phanxicô cho biết 8 vị Hồng Y sẽ họp với ngài vào tháng Mười, và các ngài sẽ cân nhắc cách thay đổi hệ thống này.

Hôn nhân và ly dị

Cũng đang có dấu hiệu cho thấy Đức Phanxicô rất có thể tháo gỡ một số nút thắt lâu đời có tính mục vụ, bắt đầu với các người Công Giáo ly dị và tái hôn. Theo kỷ luật hiện hành, những người Công Giáo này không được rước lễ, một việc vốn là nguồn gây đau lòng cho nhiều tín hữu.

Trong các nhận định trong chuyến bay của ngài, Đức Phanxicô tỏ dấu lưu ý tới “nguyên tắc nhiệm cục’ (principle of economy) của truyền thống Chính Thống Giáo, theo đó, cuộc kết hợp thứ hai có thể được chúc phúc sau khi được miễn chuẩn lời hứa hôn phối.

Ngài cũng cho biết vấn đề này phải được xét trong một ngữ cảnh rộng hơn của mục vụ chăm sóc hôn nhân, một chủ đề mà ngài bảo hội đồng 8 vị Hồng Y và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới sẽ xem sét. Ngài cho hay: tập tục vô hiệu hóa hôn nhân “cần được xem sét lại”.

Chống đối

Nói chung, Đức Phanxicô xem ra cởi mở đối với việc cho phép các sáng kiến mục vụ phát xuất từ bên dưới, thay vì được đẩy từ trên xuống. Trong cuộc gặp gỡ ngày 25 tháng Bẩy với giới trẻ Á Căn Đình tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Ba Tây, ngài rõ ràng khuyến khích họ “tạo ồn ào”. Ngài bảo: “Cha muốn Giáo Hội ra đường phố. Cha muốn chúng ta chống lại những gì là thế gian, là tĩnh tụ, là thoải mái, là giáo sĩ trị, bất cứ những gì có thể làm ta tự đóng kín trong chính ta”.

Nhưng bất cứ cuộc cách mạng nào cũng có người thắng người thua, và dù Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng ngài chưa gặp chống đối nào, điều này vẫn không có nghĩa là chống đối không hề hiện hữu. Cho đến nay, có năm giới xem ra đang âm ỉ chống lại cuộc “cách mạng” của Đức Phanxicô:

a) Thứ nhất là những người bảo thủ về phụng vụ. Gần đây, họ rất khó chịu trước quyết định cấm các tu sĩ Phanxicô Vô Nhiễm không được cử hành Thánh Lễ La Tinh cũ mà không có phép chuyên biệt, một quyết định mà nhiều người cho là đi ngược lại qui định năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI cho phép sử dụng phụng vụ cũ.

b) Thứ hai, Đức Phanxicô đang nhận được những phản ứng lẫn lộn nơi một số người bảo thủ, không hẳn vì bất cứ những gì ngài nói và làm, mà đúng hơn vì họ thấy mơ hồ rằng các nhấn mạnh của ngài không phải là các nhấn mạnh của họ. Cuối tháng Bẩy, trong cuộc phỏng vấn của National Catholic Reporter, Đức TGM Charles Chaput của Philadelphia nói rằng ngài có cảm tưởng: người bảo thủ “nói chung không mấy vui” với Đức Phanxicô.

Thí dụ, những người phò sự sống, chẳng hạn, rất có thể đang âm ỉ bất mãn nếu Đức Phanxicô cứ tiếp tục không nhận định công khai về các vấn đề như phá thai và hôn nhân đồng tính. Trong chuyến bay nói trên, khi được hỏi tại sao ngài không thảo luận các vấn đề đó tại Ba Tây, một nước vừa mới nới lỏng cả hai vấn đề này, ngài cho hay “Giáo Hội đã phát biểu đầy đủ về các vấn đề này rồi” nên “không cần phải trở lại các vấn đề ấy nữa”.

c) Thứ ba, phe hữu thế tục cũng cho thấy đôi chút thất vọng. Phản ứng đối với cuộc viếng thăm hồi tháng Bẩy của ngài tại hòn đảo Lampudesa ở Địa Trung Hải, một điểm tới chính của các di dân Phi Châu và Trung Đông, các chính trị gia chống di dân ở Ý cho hay Đức Giáo Hoàng nên lo chuyện riêng của ngài.

d) Thứ tư, những người Công Giáo cấp tiến cũng có thể đang trở nên vỡ mộng nếu các hy vọng của họ đối với Đức Phanxicô không tương ứng với những gì ngài có khả năng hay ý muốn thực hiện. Một số người cổ vũ việc phong chức linh mục cho nữ giới hay tranh đấu quyền lợi cho người đồng tính đang sử dụng thế giới blog để càu nhàu về điều họ cho là bất tương xứng giữa việc Đức Giáo Hoàng nói về thương xót và chủ trương cụ thể của ngài về vấn đề này.

e) Thứ năm, một số “chiến binh cũ” ở Vatican cũng có thể chống đối khi thấy quyền hành và đặc ân cố hữu của họ đang buột khỏi tầm tay. Cho đến nay, chưa ai được người ta nhận diện thuộc nhóm này lên tiếng công khai, dù một số dường như đã để lại dấu tay trong vụ tai tiếng liên quan tới vị giáo phẩm được chính Đức Phanxicô chọn làm đại diện cho ngài trong việc cải tổ ngân hàng Vatican, tức đức ông Battista Ricca. Giữa tháng Bẩy, nhà báo ý là Sandro Magister cho đăng một bài gây chấn động nhằm chi tiết hóa các lời tố cáo cho rằng lúc còn là một nhà ngoại giao của Vatican tại Paraguay từ năm 1990 tới năm 2001, đức ông Ricca có một người yêu đồng tính sống với ngài, ngoài ra ngài còn lui tới các quán ba đồng tính và có lần bị đánh nữa, và một lần đưa một thanh niên đồng tính vào tòa sứ thần rồi cả hai bị kẹt trong thang máy cả đêm. Hiện nay, Đức Phanxicô vẫn ủng hộ người ngài đã bổ nhiệm. Trong chuyến bay trên, ngài cho hay cuộc điều tra sơ khởi không khám phá được điều gì như người ta đã gán cho ngài. Tuy nhiên, vụ Đức Ông Ricca này hiển nhiên sẽ có hậu quả dây chuyền đối với bất cứ ai được Đức Phanxicô mời thi hành cuộc cải tổ của ngài.

Một mùa thu nóng

Dù Đức Phanxicô không đi nghỉ như thường lệ vào tháng Tám này tại Castel Gandolfo, phần lớn các quan sát viên vẫn không tin là ngài khởi sự đưa ra các cải tổ lớn về cơ cấu trước mùa thu này.

Một trong các quyết định được dự đoán là ngài sẽ chọn ai làm quốc vụ khánh, một chức vụ vẫn còn nhiều quyền lực, dù đã bị giảm thiểu nhiều do khuynh hướng muốn đi ra ngoài hệ thống Vatican của ngài.

Cho đến nay, Đức Giáo Hoàng chưa tiết lộ điều gì. Nhiều quan sát viên tin rằng Đức HY người Ý Giuseppe Bertello, một nhà ngoại giao kỳ cựu và hiện đứng đầu Thị Quốc Vatican, là người có triển vọng nhất. Tuy nhiên, vì khả năng gây ngạc nhiên của Đức Phanxicô, sự hiểu biết thông thường dám không có gì bảo đảm.

Không bao lâu nữa, Đức Phanxicô sẽ phải đối diện với việc quan trọng là chọn người cầm đầu các giáo phận lớn. Tại Cologne, Đức, Đức HY Joachim Meisner đã 79 tuổi, trong khi Đức HY Antonio Rouco Varela của Madrid và Đức HY Francis George của Chicago cũng đều đã 76, quá tuổi thường phải về hưu cả rồi.

Đức Phanxicô đã cho biết rõ ngài muốn loại giám mục nào. Trong một diễn văn tại Ba Tây, ngài cho hay “Giám mục phải là mục tử, gần gũi dân, là cha và là anh em, và hiền hậu, kiên nhẫn và nhân từ”. Ngài bảo: Giám mục phải là “người yêu khó nghèo, cả khó nghèo bên trong nữa, nghĩa là tự do trước mặt Thiên Chúa, lẫn khó nghèo bên ngoài, nghĩa là sống đơn giản và khắc khổ. Là “người không nghĩ và hành xử như ông hoàng. Là người không tham vọng, là người kết hôn với Giáo Hội mà thôi chứ không để mắt tới ai khác nữa”.

Vấn đề là liệu ngài có thể tìm ra các vị giáo phẩm bằng xương bằng thịt xứng với viễn kiến trên hay không; đây là một thách thức có tính quyết định đối với một Giáo Hội trong đó nhân sự đôi khi là chính chính sách.

Khung cảnh Rôma vì thế đang được xếp đặt cho điều người Ý gọi là un autunno caldo, một mùa thu nóng. Đức Phanxicô xem ra chỉ muốn giữ cho ngọn lửa canh tân tiếp tục cháy mà không làm cho chiếc nồi quá sôi.
 
Đức Thánh Cha mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời tại Castel Gandolfo
Bùi Hữu Thư
04:34 15/08/2013

2013-08-14 Vatican Radio

Cho đến nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục cư ngụ tại Domus Santa Maria trong mùa hè – khác với các vị tiền nhiệm thông thường nghỉ hè tại Castel Gandolfo trong tháng tám.

Tuy nhiên, ngày thứ năm 15 tháng 8 này, Đức Thánh Cha sẽ bay trực thăng tới nhà nghỉ mát mùa hè, nơi ngài sẽ tham dự vào nghi thức mừng lễ Ferragosto – Lễ Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời.

Nơi ngài ghé thăm đầu tiên sẽ là nhà dòng Đức Vô Nhiễm Nguyên Tội của các sơ ẩn tu Clare nghèo khó. Đây sẽ là lần thứ hai ngài đến thăm các sơ này.

Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ được cha xứ của thành phố đón tiếp, rồi ngài sẽ dâng Thánh Lễ cho dân chúng điạ phương tại công trường Piazza della Libertà của Castel Gandalfo. Thánh Lễ sẽ kết thúc với việc đọc Kinh Truyền Tin theo truyền thống.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ở lại đây dùng bữa trưa, sau đó là một cuộc thăm viếng cách riêng tại giáo xứ Thánh Tôma thành Villanova.

Sau một ngày dài tại Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha sẽ bay trở về Vatican.
 
Thái độ và sự cải thiện đời sống
Pt Huỳnh Mai Trác
12:30 15/08/2013

“Sự bảo tồn mục vụ bao gồm trong thái độ và cải thiện đời sống . Sự thay đổi thái độ thì cần phải tích cực: “chúng ta phải đi vào trong một quá trình diển tiến mà chúng ta cần phải nhận thức khi đi theo dòng” .

“Luôn Luôn mang trong đầu một chíếc địa bàn để giử đúng phương hướng hòng khỏi phải lạc đường, đó là đặc tính Công Giáo bao gồm trong Giáo Hội .”

“Chúng ta cần nhớ lại những điều trong Cọng Đồng Vatican II: Những niềm vui và những hy vong, những nổi buồn và những lo âu của con người thời đại chúng ta, đặc biệt là những người nghèo và những người đau khổ, để đến phiên họ, họ cũng có được những niềm vui và những hy vọng, những nổi buồn bã và lo âu của những môn đệ của Chúa Kitô (cf H.C. Vui Mừng và Hy Vọng, số 1). Đó chính là căn bản để đối thọai với thế giới hiện tại .
Để trả lời những thắc mắc về hiện hữu của con người ngày nay, nhất là với những thê hệ trẻ, thì phải chú trọng đến ngôn từ của họ, bao gồm sự thay đổi phong phú mà họ phải tiến bước với sự trợ giúp của Tin Mừng ,theo như Giáo Huấn và Thông điệp về xã hội của Giáo Hội .

Trong những khung cảnh và khung trời có nhiều từng lớp . Ví dụ trong một thành phố có nhiều nhóm khác biệt tạo thành như nhiều “thành phố dị biệt”

“ Nếu chúng ta cứ ở mãi trong những khung cảnh “ văn hóa bất di bất dịch”, căn bản là một nền văn hóa thôn xã, kết quả là làm hủy họai sức mạnh của Chúa Thánh Thần . Thiên Chúa gồm nhiều phần : Chúng ta phải kám phá ra mọi hình dạng trong mọi nền văn hóa; trong mọi thực tại, trong mọi ngôn ngữ và trong mọi giai điệu khác nhau. (nguồn tin: New.va)
 
ĐTC kêu gọi cầu nguyện ho hòa bình thế giới và cho các nạn nhân bạo lực tại Ai Cập
Linh Tiến Khải
17:01 15/08/2013
Đức Thánh Cha KÊU GỌI CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH TRÊN THẾ GIỚI VÀ CHO CÁC NẠN NHÂN BẠO LỰC BÊN AI CẬP

CASTEL GANDOLFO: Lúc 10 giờ rưỡi sáng 15-8-2013 lễ trọng kính Đức Mẹ hồn xác lên Trời, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ và buổi đọc kinh Truyền Tin cho tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường Tự do, trước dinh nghỉ mát. Ngài đã kêu gọi cầu nguyện cho hòa binh trên toàn thế giới và cho tất cả các nạn nhân, gia đình họ, và các người bị thương cũng như những ai phải đau khổ bên Ai Cập.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trước khi đọc Kinh Truyền Tin với dân chúng tại Castel Gandolfo trưa 15-8-2013. Ngài nói: chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình đối thoại, hòa giải tại vùng đất thân yêu này và trên toàn thế giới. Lậy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, cầu cho chúng con. Tất cả chúng ta hãy nói: Lậy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình cầu cho chúng con.

Tín hữu Castel Gandolfo và các thành phố lân cận cũng như du khách hành hương đã đứng chật cứng quảng trường nhỏ, con đường chính và các đường phố chung quanh. Ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha cha Pietro Diletti cha sở họ đạo Thánh Toma thành Villanova, đã nhân danh các tín hữu nhiệt liệt cám ơn Đức Thánh Cha về sự hiện diện của ngài trong ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời. Cha cho biết giáo xứ đã theo dõi các sinh hoạt của Đức Thánh Cha trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio de Janeiro và lắng nghe các giáo huấn của ngài. Đáp lại lời kêu mời của Đức Thánh Cha giáo xứ cũng đã đề ra chương trình mục vụ đồng hành với giới trẻ. Giáo lý của Đức Thánh Cha là giáo lý giải thoát và giáo xứ cảm thấy phải đáp lại lời kêu mời của Đức Thánh Cha ”ra khơi” với lòng can đảm và liều lĩnh, và bắt chước tổ phụ Abraham từ bỏ tất cả mọi an ninh giả tạo và rộng mở cho các điều mới mẻ và tương lai của Thiên Chúa (SD 15-8-2013).

Linh Tiến Khải
 
Thánh lễ và buổi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha cử hành tại Castel Gandolfo
Linh Tiến Khải
17:02 15/08/2013
Thánh lễ và buổi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha cử hành tại Castel Gandolfo

Lúc 10 giờ rưỡi sáng thứ năm 15-8-2013 lễ trọng kính Đức Mẹ hồn xác lên Trời, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ và buổi đọc Kinh Truyền Tin cho tín hữu Castel Gandolfo, các thành phố lân cận và du khách hành hương.

Castel Gandolfo nằm bên bờ hồ Albano, là thành phố nhỏ có khoảng 5.000 dân cư, nơi có dinh thự nghỉ màt mùa hè của Đức Giáo Hoàng. Trong mùa hè các Đức Giáo Hoàng vẫn đến dinh thự này nghỉ mấy tháng và chỉ trở về Dinh Tông Tòa tại Roma vào đầu tháng 9. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khuyên Đức Phanxicô đi nghỉ hè ở đây. Còn Đức Phanxicô thì lại khuyên Đức Biển Đức XVI đi nghỉ hè ở Castel Gandolfo. Cuối cùng không có vị nào đi cả. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn duy trì truyền thống của các vị tiền nhiệm đến cử hành thánh lễ cho tín hữu thành phố ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Ngay từ 7 giờ sáng hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương đã tụ tập tại quảng trường Tự do, trước dinh nghỉ mát. Trong khi chờ đợi tham dự thánh lễ họ đã hát thánh ca và lần hạt kính Đức Mẹ. Một khán đài nhỏ rất đơn sơ đã được dựng ngay trước cửa vào dinh nghỉ mát.

Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có ba Hồng Y và Giám Mục trong đó có Đức Giám Mục giáo phận Albano, và 10 linh mục, gồm cả linh mục Pietro Diletti, cha sở giáo xứ thánh Toma thành Villanova Castel Gandolfo. Ca đoàn của giáo xứ đã đảm trách phần thánh ca. Các kinh Thương xót, Vinh Danh, Thánh Thánh Thánh và Lậy Chiên Thiên Chúa đã được hát bằng tiếng Latinh.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã khai triển ý nghĩa các bài đọc và tóm gọn trong ba từ chìa khóa thần học: chiến đấu, phục sinh và hy vọng. Mở đầu bài giảng ngài nói:

Vào cuối Hiến chế về Giáo Hội, Công Đồng Chung Vaticăng II đã để lại cho chúng ta một suy niệm rất đẹp về Đức Maria Rất Thánh. Tôi chỉ nhắc lại các kiểu diễn tả quy chiếu về mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay. Thứ nhất là ”Đức Trinh Nữ vô nhiễm, được giữ gìn tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ” LG 59). Thế rồi vào cuối chương còn có một kiểu nói khác nữa: ”Ngày nay Mẹ Thiên Chúa đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội phải hoàn thành đời sau; cũng thế dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến, Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành” (LG 68).

Quảng diễn thị kiến cuộc chiến đấu giữa người phụ nữ và con rồng trong bái đọc thứ nhất trích từ sách Khải Huyền, Đức Thánh Cha nói: gương mặt của người phụ nữ diễn tả Giáo Hội, một đàng vinh hiển, chiến thắng, đàng khác vẫn còn khổ đau. Đức Thánh Cha giải thích:

Thật ra Giáo Hội cũng thế: nếu từ Trời nó đã được kết hiệp với vinh quang của Chúa mình, thì trong lịch sử nó liên tục sống các thử thách và các thách đố của cuộc xung đột giữa Thiên Chúa và kẻ dữ, kẻ thù từ luôn mãi. Và trong cuộc chiến mà các môn đệ Chúa Giêsu phải đương đầu, Đức Maria không bỏ chúng ta một mình; Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội luôn luôn ở với chúng ta. Cả khi Mẹ Maria, trong một nghĩa nào đó, chia sẻ điều kiện hai mặt này với chúng ta. Dĩ nhiên Mẹ đã bước vào trong vinh quang của Trời một lần cho luôn mãi. Nhưng điều này không có nghĩa là Mẹ ở xa, tách biệt khỏi chúng ta; trái lại Đức Maria đồng hành với chúng ta, chiến đấu với chúng ta, nâng đỡ các Kitô hữu trong cuộc chiến chống lại các lực lượng của sự dữ. Lời cầu với Mẹ Maria, đặc biệt là Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi, mà tôi không biết anh chị em có lần hạt kính Đức Mẹ mỗi ngày không vậy? Có chắc thế không? Kinh Mân Côi cũng có chiều kích ”chiến đấu” này, một lời kinh nâng đỡ trận chiến chống lại kẻ dữ và các đồng bọn của nó.

Bước sang bài đọc thứ hai trích từ thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô nói về sự phục sinh, Đức Thánh Cha nói: là Kitô hữu có nghĩa là tin rằng Chúa Kitô đã sống lại tự cõi chết. Ngài giải thích thêm:

Tất cả đức tin của chúng ta dựa trên sự thật nền tảng này: nó không phải là một tư tưởng mà là một biến cố. Cả mầu nhiệm Đức Maria hồn xác lên trời cũng được viết tất cả trong sự Phuc Sinh của Chúa Kitô. Nhân tính của Mẹ đã được ”lôi kéo” bởi Con Mẹ trong việc đi qua cái chết. Chúa Giêsu đã bước vào trong cuộc sống vĩnh cửu một lần cho luôn mãi, với tất cả nhân tính của Người, nhân tính mà Người đã nhận lấy từ Mẹ Maria; như thế Mẹ là Đấng đã theo Chúa một cách trung thành trong suốt cuộc sống, đã theo Người với con tim, đã cùng với Người bước vào trong cuộc sống vĩnh cửu, mà chúng ta gọi là Trời, Thiên Đàng, Nhà Cha.

Cả Mẹ Maria cũng đã biết tới sự tử đạo của thập giá: cuộc Khổ Nạn của Con Mẹ. Mẹ đã sống nó cho tới tận cùng thẳm linh hồn. Mẹ đã hoàn toàn hiệp nhất với Người trong cái chết, và vì thế Mẹ đã nhận được ơn phục sinh. Chúa Kitô là hoa trái đầu mùa của những kẻ sống lại, và Mẹ Maria là của đầu mùa của những người được cứu rỗi, ”người đầu tiên giữa những người của Chúa Kitô”.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: bài Phúc Âm gợi lên cho chúng ta niềm hy vọng. Hy vọng là nhân đức của người tin nơi sự Sống lại của Chúa Kitô, nơi chiến thắng cảu Tình Yêu, trong khi sống kinh nghiệm xung khắc, cuộc chiến đấu thường ngày giữa sự sống và cái chết, giữa sự thiện và sự dữ. Bài Thánh thi Magnificat là thánh thi của niềm hy vọng, là thánh thi của Dân Thiên Chúa bước đi trong lịch sử. Áp dụng vào cuộc sống các thành phần dân Chúa Đức Thánh Cha nói:

Đó là bài thánh ca của biết bao nhiêu vị thánh nam nữ, một số vị nổi tiếng, các vị khác, rất nhiều vị khác vô danh, nhưng được Thiên Chúa biết rõ: các bà mẹ, các người cha, các giáo lý viên, các thừa sai, các linh mục, nữ tu, người trẻ và cả các trẻ em nữa, là những người đã đương đầu với cuộc chiến đấu của sự sống đem theo trong tim niềm hy vọng của những người bé nhỏ và khiêm tốn. ”Linh hồn tôi chúc tụng Chúa”, ngày hôm nay Giáo Hội ở khắp nơi trên thế giới cũng hát lên như thế. Bài thánh thi này đặc biệt sâu đậm nơi đâu ngày nay Thân Mình Chúa Kitô phải chịu Khổ nạn. Và Mẹ Maria ở đó gần các cộng đoàn này, gần các anh chị em này, Mẹ bước đi với họ, đau khổ với họ và cùng họ hát lên bài Magnificat của niềm hy vọng.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng như sau: anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy hiệp ý với tất cả con tim với bài thánh thi của sự kiên nhẫn và chiến thắng, chiến đấu và niềm vui, kết hiệp Giáo Hội chiến thắng với Giáo Hội lữ hành, kết hiệp đất với Trời, lịch sử với vĩnh cửu.

Trong phần lời nguyện giáo dân tín hữu đã xin Mẹ hồn xác lên Trời bầu cử và đồng hành với Giáo Hội trong công tác rao truyền Tin Mừng và thánh hóa nhân loại; cầu cho Đức Thánh Cha Phanxicô được khỏe mạnh và nhiều ơn để hướng dẫn Giáo Hội; cho các Kitô hữu gặt hái nhiều hoa trái trong Năm Đức Tin; cho giới lãnh đạo biết chăm lo cho thiện ích của mọi người; cho công lý và hòa bình và tình bác ái huynh đệ ngự trị trong con tim của mọi người.

Vào cuối lễ trước khi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã xông hương tượng Đức Mẹ. Ngỏ lời với mọi người Đức Thánh Cha nói con đường về Trời của Mẹ Maria đã bắt đầu từ tiếng ”xin vâng” tại Nagiarét, trả lời cho Sứ Thần từ trời đến báo cho Mẹ biết ý muốn của Thiên Chúa. Và thật ra đúng như thế. Mỗi một tiếng ”xin vâng” với Thiên Chúa là môt bước tiến về Trời, về cuộc sống vĩnh cửu. Bởi vì đó là điều Chúa muốn: Ngài muốn rằng tất cả mọi con cái Ngài có được sự sống dồi dào. Thiên Chúa muốn tất cả mọi người ở với Ngài trong nhà Ngài!

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại kỷ niệm 25 năm Đức Chân phước Gioan Phaolô II ban hành Tông thư ”Mulieris dignitatem” đề cao phẩm giá và ơn gọi của nữ giới. Tài liệu này có rất nhiều điểm đáng được lấy lại và khai triển. Ở nền tảng của tất cả những điều đó là gương mặt của Mẹ Maria, vì Tông thư đã được ban hành trong Năm Thánh Mẫu. Chúng ta hãy lấy lại lời cầu ở cuối Tông thư để khi suy niệm mầu nhiệm kinh thánh về nữ giới, được cô đọng nơi Mẹ Maria, tất cả mọi phụ nữ tìm thấy chính mình và ơn gọi tràn đầy của mình, và toàn Giáo Hội đào sâu và hiểu biết hơn vai trò quan trọng và vĩ đại của nữ giới.

Đức Thánh Cha đã không quên cám ơn tín hữu Castel Gandolfo cũng như các đoàn hành hương trong đó có đoàn hành hương Argentina.

Rồi ngài cất kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải
 
Ai Cập: hoà bình, đối thoại và hòa giải
Bùi Hữu Thư
18:49 15/08/2013

Lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói sau Kinh Truyền Tin tại Castelgandolfo

ROME, 15 tháng 8, 2013 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện cho nền hòa bình tại Ai Cập, cho việc đối thoại và hòa giải.

Những tranh chấp bạo tàn xẩy ra ngày thứ tư 14 tháng 8, đã khiến cho mấy trăm người thiệt mạng.

Thực vậy, cảnh sát đã xua đuổi tàn nhẫn và đẫm máu, những người biểu tình bênh vực cựu tổng thống Mohammed Morsi đã bị bắt giam: đây là một sự can thiệp đã bị cộng đồng thế giới lên án. Tình trạng khẩn cấp đã được ban hành trong một tháng và giới nghiêm ban đêm tại đây.

Những Anh Em Hồi Giáo (Les Frères musulmans), ủng hộ ông Morsi, đã kêu gọi một cuộc biểu tình khác hôm nay 15/8/2013, để chống lại những sự đàn áp, và đòi hỏi việc phục hồi tổng thống bị truất phế. Ngoài ra họ cũng còn đang kêu gọi một cuộc biểu tình mệnh danh là “biểu tình phẫn nộ” (Marche de colère) ngày thứ sáu 16/8/2013

Về phần Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài đã nhắc đến tình hình nguy hiểm này sau kinh Truyền Tin tại Castelgandolfo: "Tiếc thay, chúng ta đã nhận được những tin tức đau buồn từ Ai Cập. Tôi muốn bảo đảm với tất cả các nạn nhân bị thiệt mạng, và gia đình của họ, những người bị thương, và tất cả những ai đang chịu đau khổ, là tôi cầu nguyện cho họ."

Đức Thánh Cha đã xin cầu nguyện cho hòa bình: “Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình, cho sự đối thoại và hòa giải trên miền đất thân yêu này và trên toàn thế giới. Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, xin cầu cho chúng con. Tất cả chúng ta hãy nói: Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, xin cầu cho chúng con."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
ĐHY Phạm Minh Mẫn đã được phẫu thuật thành công
Vietcatholic
08:11 15/08/2013
ĐHY Phạm Minh Mẫn đã được phẫu thuật thành công

Ca phẫu thuật cho Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã thành công tốt đẹp. Như VietCatholic đã loan tin trước đây, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (Tổng Giám Mục Sài Gòn) và đoàn phụ tá đã rời Việt Nam chiều ngày 12/08/2013 đi Singapore để thực hiện phẫu thuật cột sống cho ngài. Sau khi đến Singapore, Đức Hồng Y đã được nhập viện tại bệnh viện hàng đầu châu Á General Hospital của nhà nước Singapore, cũng là bệnh viện lớn và lâu đời nhất tại quốc đảo sư tử, tọa lạc ngay Công viên Outram.

Sáng thứ 4 Lễ Vọng Đức Mẹ Lên Trời ngày 14/08/2013 từ lúc 9h đến 12h trưa theo giờ Việt Nam, đội ngũ y bác sĩ danh tiếng của bệnh viện đã tiến hành thành công ca phẫu thuật cho Đức Hồng Y.

Theo nguồn tin từ TGP, tháp tùng Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn nhập viện phẫu thuật còn có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm (Giám mục Phụ tá Sài Gòn), Cha Tổng Đại Diện Sài Gòn G.B. Huỳnh Công Minh, Cha Chánh văn phòng Tòa Tổng Giám Mục Ignatius Hồ Văn Xuân cùng một số linh mục và giáo dân.

Cũng theo nguồn tin, sau khi được bệnh viện báo tin cho phái đoàn rằng cuộc phẫu thuật thành công tốt đẹp, Đức Cha Nguyễn Văn Khảm được vào thăm và trò chuyện với Đức Hồng Y vào lúc 15h chiều cùng ngày 14/08. Đức Cha Khảm cho biết Đức Hồng Y rất tỉnh táo và vẫn giữ được óc vui vẻ, hài hước vốn có khi đùa với Đức Cha Khảm rằng: "Tim tôi vẫn còn đập!". Đức Hồng Y cũng ngỏ lời cảm ơn tất cả mọi anh chị em khắp nơi xa gần đã cùng hiệp ý cầu nguyện cho ngài trong những ngày qua. Sau đó phái đoàn tháp tùng Đức Hồng Y lên đường trở về Việt Nam để chuẩn bị cho đại lễ Đức Mẹ Lên Trời ngày hôm nay 15/08.

Nếu không có gì thay đổi, Đức Hồng Y sẽ trở về Việt Nam vào đầu tuần tới, cùng lúc Linh mục đoàn của Tổng Giáo Phận Sài Gòn cũng sẽ bước vào tuần tĩnh tâm thường niên 2013.
 
Giáo xứ Nghĩa Ải – Hạt Thanh Oai: Thánh Lễ Tạ ơn Tân Linh Mục
Tin Yêu
08:56 15/08/2013
Giáo xứ Nghĩa Ải – Hạt Thanh Oai: Thánh Lễ Tạ ơn Tân Linh Mục

WTGPHN - Ngày 09/8/ 2013, tại nhà thời Giáo xứ Nghĩa Ải, Hạt Thanh Oai, Giáo phận Hà Nội, tân linh mục Phanxico Cần Phạm Minh Thiết, Dòng Thiên An Huế, dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân thánh chức.

Xem hình

Hiện diện trong Thánh lễ cùng với Tân Linh Mục, có Đức Viện Phụ Thiên An Huế, có Cha Quản Hạt Phaolô Nguyễn Văn Đoàn, cha xứ Giuse Bùi Quang Tào, cha phó Antôn Nguyễn Ngọc Sáng, quý cha trong và ngoài giáo phận. Ngoài ra, còn có các tu sĩ nam nữ đại diện các Hội dòng.... và khá đông các vị ân nhân, thân nhân, và bạn hữu của gia đình và của tân Linh Mục.

Đúng 9h15, Đoàn rước bắt đầu tiến vào nhà thờ trong tiếng kèn, tiếng hát hân hoan: “Đường đi lên nhà Chúa, Chúa ơi, cung thánh Ngài ngời bao huyền diệu... Đời con Chúa ơi sao quá mọn hèn, mà Chúa đã gọi con bước lên…”. Đó chính là tâm tinh của ngày lễ.

Chia sẻ trong Thánh lễ, cha Gioan Kim Nguyễn Hữu Tuyến – GP Kontun đã chia sẻ với hai đề tài: Tạ Ơn và Con người Linh mục. Ngài mời gọi cộng đoàn phụng vụ, đặc biệt là quý thân nhân và bà con giáo dân giáo xứ có Tân Linh mục, hãy cùng với Tân Linh mục tạ ơn Chúa... Theo đó Ngài chia sẻ về con người linh mục: Chức linh mục không thuộc về con người mà thuộc về Thiên Chúa. Chức linh mục là một quà tặng quá sức tượng tượng mà Thiên Chúa ban cho con người. Vì thế, ai được làm linh mục thì quả là một hồng ân vô giá. Có thể nói được rằng “người đó là người may mắn… Ngài mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các linh mục, cho chính Ngài và đặc biệt cho Tân Linh mục.

Sau lời chúc mừng của đại diện HĐGX, một thân nhân của Tân Linh mục Phanxico Cần đã cám ơn Đức Viện Phụ Thiên An Huế, Cha Quản Hạt Phaolô, Cha xứ, Hội đồng mục vụ, quý thân nhân, ân nhân và toàn thể bà con trong giáo xứ…

Sau đó, cha xứ Giuse Bùi Quang Tào công bố sắc lệnh của Toà Thánh về việc cho phép Tân linh mục ban phép lành Toàn xá cho toàn thể cộng đoàn dân Chúa tham dự thánh lễ.

Thánh lễ tạ ơn khép lại với bài thánh ca diễn tả tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài đã thương ban: “Biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi báo đền. Hồng ân Chúa cao vời Chúa đã làm cho con…” Mọi người ra về trong niềm vui và lời cầu nguyện tha thiết cho tân linh mục được chu toàn sứ vụ mới như lòng Chúa mong ước.

Xin cầu nguyện cho các Tân Linh mục, được noi gương theo Thầy Chí Thánh là Đức Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm, để ngài luôn trung thành với sứ vụ của mình cho đến cùng, để ngài cứ bước mãi, cứ tiến mãi một cách quảng đại, hân hoan và bình an.

Tin Yêu
 
Giáo Họ Cao Bộ: Các Em Thiếu Nhi Rước Lễ Lần Đầu
Tin Yêu
09:07 15/08/2013
Giáo Họ Cao Bộ: Các Em Thiếu Nhi Rước Lễ Lần Đầu

WTGPHN – Thứ tư 14/08/2013 vọng lễ Đức Mẹ Linh hồn Và Xác Lên Trời - là ngày vui của Giáo họ Cao Bộ thuộc giáo xứ Thạch Bích - giáo hạt Thanh Oai, TGP Hà Nội, là ngày hồng ân của các em, lần đầu tiên được rước Chúa ngự vào trong tâm hồn đơn sơ bé nhỏ của mình.

Xem hình

Sau một năm học hiểu và hoàn thành chương trình giáo lý, hôm nay các em thiếu nhi đã đủ điều kiện để lãnh nhận bí tích Giải tội và bí tích Thánh Thể. Trước ngày lễ, các em được tĩnh tâm, xét mình và xưng tội.

Khoảng 15 giờ chiều, các em đã có mặt để các bà quản và anh chị giáo lý viên trang điểm trở thành những “cô dâu” tinh tuyền trong bộ trang phục màu trắng để chuẩn bị được gặp “chàng rễ” Giêsu. Nét mặt hân hoan rạng rỡ rước của các em và của quý phụ huynh cùng cộng đoàn hân hoan bước vào thánh lễ.

Thánh lễ do Cha phó An-tôn Ngô Văn Thông phó xứ Thạch Bích chủ tế.

Trong phần hiệp lễ, các em đã cùng cha hoặc mẹ, tiến lên cung thánh, để cùng đón Chúa ngự vào tâm hồn. Việc rước Chúa lần đầu tiên của các em đã diễn ra thật long trọng, sốt sắng. Từ đây, bí tích Thánh Thể sẽ trở nên thần lương nuôi dưỡng linh hồn các em.

Trước khi kết lễ, đại diện các em đã đọc lời cám ơn quý cha, cha mẹ và quý thầy cô giáo lý viên.

Trước khi chúc binh an, cha phó An-tôn khuyên các bậc phụ huynh hãy cố gắng đưa các em đến với thánh lễ hằng ngày, tạo điều kiện cho các em có dịp được kết hợp với Chúa ít nhất là tuần lễ đầu tiên.

Sau lễ, các em cùng chia sẻ niềm vui qua buổi liên hoan tại nhà hội của giáo họ.

Xin cho các em luôn giữ được lòng sốt mến và siêng năng đón rước Chúa vào lòng, để Thánh Thể Chúa bổ sức và uốn nắn các em luôn mãi.

Tin Yêu
 
Lễ Đức Mẹ Lên Trời tại La Vang và trao dây Pallium cho Đức Tổng Giám Mục Huế
BTT TGP Huế
16:40 15/08/2013
Lễ Đại Triều Đức Mẹ Lên Trời tại La Vang và Lễ trao dây Pallium cho Đức Tổng Giám Mục Huế

Tại Linh Địa La Vang, Thánh Lễ Đại Triều mừng kính trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời - 15.8.2013 và Lễ trao dây Pallium cho Đức Tổng Giám Mục Huế Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng

Xem Hình

Trong không khí của những ngày hành hương La Vang thường niên, con cái Mẹ từ muôn phương đang quay về và đang hướng lòng về Linh Địa của Mẹ, sáng nay lúc 5 giờ, cộng đoàn hành hương đã tham dự sốt sắng và nghiêm trang cuộc Rước Kiệu Đức Mẹ La Vang: tất cả cùng đi với Mẹ, tràng hạt Mân côi trên tay, qua những kinh Kính Mừng và những phần suy niệm, đoàn con của Mẹ cùng nhau ca tụng và tôn vinh Mẹ Maria La Vang.

Sau giờ rước kiệu, lúc 6 giờ, là Thánh lễ đồng tế mừng kính trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.

Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng Giám Mục TGP Huế, chủ tế Thánh lễ. Cùng đồng tế, có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam; Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể; Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám Mục Giáo Phận Thái Bình; Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám Mục Giáo Phận Đà Nẵng; Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long, Tân Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Hưng Hoá, Đức Đan Viện Phụ Thiên An, quý Cha Tổng Đại Diện, và hơn 160 Linh mục đến từ trong và ngoài Giáo Phận.

Trước khi bước vào Thánh lễ, đã diễn ra nghi thức trao dây Pallium cho Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng Giám Mục chính tòa Tổng Giáo Phận Huế.

Được biết, ngày 29.6.2013 vừa qua, Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao dây Pallium cho các vị Tân Tổng Giám Mục chính tòa trên toàn thế giới, nhưng trong dịp này, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê không thể đến Rôma và xin nhận dây này tại Tổng Giáo Phận thuộc quyền của Ngài, từ vị Đại Diện Tòa Thánh.

Dây Pallium còn được gọi là dây quàng cổ, được làm bằng lông chiên màu trắng, có thêu 5 hình Thánh Giá màu đen, kết thành hai dải trước và sau, được choàng ngoài áo lễ, biểu tượng quyền chủ chăn, quyền trưởng giáo tỉnh và thể hiện sự hiệp thông sâu xa với Đức Thánh Cha, Đấng kế vị Thánh Phêrô.

Trước khi trao dây Pallium cho Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê, Đức Tổng Leopoldo Girelli, Đại Diện Đức Thánh Cha, nói rằng: “Nhân danh Đức Thánh Cha, tôi mang đến đây dây Pallium và trao cho Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, dây Pallium thể hiện sự hiệp nhất của vị lãnh nhận với Đức Thánh Cha. Tôi xin Đức Tổng hãy tin vào Chúa Kitô và sự hiệp nhất giữa Hội Thánh của Ngài, hãy tin rằng Chúa Giêsu Kitô đang ở trong chúng ta. Ước gì dây Pallium thể hiện sức mạnh của tình yêu, lòng bác ái, sự hiệp nhất với Hội Thánh và với Đức Kitô Chúa chúng ta”.

Để đáp lời, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê nói rằng: “Trước hết, qua vị Đại Diện Đức Thánh Cha, xin cám ơn Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã thương bổ nhiệm con làm Tổng Giám Mục chính tòa Tổng Giáo Phận Huế vào ngày 18.8.2012 vừa qua. Dây Pallium này nói lên gánh nặng và trách nhiệm của người mục tử, nhưng con tin một cách xác tín rằng ách của Chúa êm ái, gánh của Chúa nhẹ nhàng cho những ai yêu mến Ngài”.

Sau đó là Thánh lễ Mừng kính trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.

Dẫn vào Thánh lễ, Đức Tổng Phanxicô Xaviê nói rằng: - “Mừng Lễ Mẹ Lên Trời Hồn Xác, chúng ta ca ngợi và chúc tụng những kỳ công Chúa đã thực hiện nơi Mẹ: Mẹ đã được Chúa gìn giữ khỏi mọi tì ố của tội lỗi ngay từ giây phút đầu thai: Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Mẹ được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Ngôi Hai giáng trần: Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ được theo sát thập giá Chúa Kitô để trở thành Đấng đồng công cứu chuộc. Việc Mẹ được trọng thưởng trên thiên đàng cả hồn lẫn xác là một kết thúc xứng đáng, hợp tình, hợp lý với những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ khi còn sống ở trần gian”.

So với Thánh lễ vọng ngày hôm trước, con số các tín hữu tham dự Thánh lễ sáng mai nay ước tính lên đến gần 18 ngàn người, đến từ khắp 26 giáo phận của Việt Nam và hải ngoại.

Trong phần diễn giải Lời Chúa, vì lý do sức khỏe, nên Đức Tân Giám Mục Anphongsô đã giảng bài giảng của Đức Tổng Phanxicô Xaviê.

Bài giảng nhấn mạnh đến ý nghĩa của Đức tin: “Nói đến Đức Tin là nói đến một sự dấn thân mù quáng và mạo hiểm, vì đối tượng của Đức Tin vượt ra ngoài sự hiểu biết và kiểm soát của lý trí con người. Chúng ta tin không phải vì chúng ta đã tự khám phá ra điều mình tin hay lý giải được tất cả mọi vấn nạn của lý trí, nhưng chúng ta tin vì Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta, vì Hội Thánh, đại diện Thiên Chúa, đã dạy cho chúng ta”.

Bài giảng cũng đề cập đến những mẫu gương Đức tin sống động trong suốt dòng lịch sử dân Thiên Chúa, đó là Đức Tin tuyệt vời của Gióp: Chỉ trong một ngày thôi, tất cả các con cái đều chết sạch, của cải trắng tay, thân xác bị phung hủi, bị vợ con dèm pha và bỏ rơi, thế mà Gióp không bị lung lạc, trái lại, vẫn vững tin vào lòng thương của Thiên Chúa. Ông lý luận: “Tại sao mình biết đón nhận những ơn lành từ Thiên Chúa, còn đau khổ và tai họa lại chối từ?”. Đức Tin vững mạnh của Tổ Phụ Apraham: “Khi ông bằng lòng rút gươm tự tay sát tế và hiến dâng đứa con trai duy nhất để bày tỏ lòng vâng phục và niềm tin vào Thiên Chúa”.

Bài giảng cũng nêu cao gương Đức Tin của Đức Mẹ Maria. Đức Maria cũng phải đối đầu với bóng tối của ngờ vực, của cám dỗ bỏ cuộc. Mẹ cũng phải trải qua thử thách trong ngày truyền tin, nhưng với tất cả lòng khiêm tốn sâu thẳm và phó thác tuyệt đối vào quyền năng và tình thương của Chúa, Mẹ mới có thể thốt lên hai tiếng xin vâng. Suốt cả cuộc đời, Mẹ vẫn phải luôn luôn vận dụng niềm tin trước bao thách đố: khi phải sinh Con Thiên Chúa trong chuồng bò, khi phải ôm con tỵ nạn nơi đất khách quê người tại Ai Cập, khi lo âu mất lạc con trong đền thánh.

Bài giảng cũng nói rằng Đức Tổng Phanxiô cũng nhắn nhủ với cộng đoàn hành hương về công trình xây dựng Vương Cung Thánh Đường đang được gấp rút hoàn thiện phần móng, xin Chúa trả công cho những ai đã hy sinh quảng đại dâng cúng tiền của cho công trình xây dựng này.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê đã ban huấn từ và cung cấp một số thông tin cho cộng đoàn hành hương. Linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền đọc thay cho Đức Tổng:

- Về Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang: đã khởi công và đang gấp rút chạy đua với thời tiết, hy vọng phần móng sẽ kết thúc trước mùa mưa này.

- Hết lòng cám ơn khách hành hương trong suốt thời gian qua đã đến với Mẹ và quảng đại dâng cúng tiền bạc cho công trình của Mẹ.

- Năm 2014 tới, chúng ta sẽ có Đại Hội La Vang lần thứ 30, hy vọng con cái Mẹ sẽ có cơ hội tái ngộ tại Linh Địa của Mẹ.

- Quanh năm, mỗi ngày thứ bảy đầu tháng, sẽ có Thánh lễ đồng tế tại Linh Đài Mẹ vào lúc 8 giờ, để cầu nguyện cho các vị ân nhân.

- Trước khi chia tay, chúng ta sốt sắng cầu xin Mẹ cho chúng ta ra về bình an, mang theo muôn phúc lành của Thiên Chúa qua sự cầu bàu của Mẹ La Vang.

Liền sau đó, Linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền, quản nhiệm Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang, thay mặt cho Ban Tổ Chức ngỏ lời cám ơn Đức Tổng Leopoldo Girelli đã đến chủ sự Thánh lễ, và thay mặt cho Đức Thánh Cha trao dây Pallium cho Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê. Linh mục Giacôbê gửi lời cám ơn đến quý Đức Tổng Giám Mục, quý Đức Cha, quý Cha Tổng Đại Diện, quý Cha đã đến tham dự và dâng Thánh lễ cho cộng đoàn hành hương. Cám ơn đến các cấp chính quyền, những ban ngành phục vụ đã cộng tác tích cực, giúp cho kỳ hành hương được diễn ra an toàn, trang nghiêm và sốt sắng.

Lại một kỳ hành hương nữa trôi qua, đoàn con cái Mẹ nay lại phải thốt lên lời chia tay, tạm biệt Mẹ chúng con ra về, mang theo trong mình những ơn lành từ Thiên Chúa qua bàn tay từ mẫu của Mẹ La Vang, chúng con đang dần xa linh địa của Mẹ nhưng xin Mẹ vẫn luôn ở gần trong trái tim của chúng con. Và đến hẹn lại lên, xin Mẹ thương dẫn dắt chúng con biết siêng năng chạy đến cùng La Vang, vùng đất bình an của Mẹ, để ở với Mẹ, cùng Mẹ học hỏi Lời Chúa.

BTT TGP Huế
 
Văn Hóa
Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện
Lê Đình Bảng
08:26 15/08/2013
Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện

Này, tôi đến và thân thưa cùng Chúa
Này, muôn kinh cầu nguyện của lời thơ
Là giọt nồng từ khăn ấm nhung tơ
Là băng giá từ cơn đau, ruột thắt,

Từ đôi mắt chưa khô, ngày gieo hạt
Giờ lên nương, ra thăm đất, thăm đồng
Ríu rít mùa về, xem nhánh trổ bông
Thèm được thảnh thơi,bình yên như cỏ

Mùi hương ấy, thoảng một lần, tôi nhớ
Rất thơm tho và dịu ngọt vô vàn
Sao đời tôi, ghềnh thác mãi riêng mang
Bằn bặt quê xa, mấy bờ lau trắng?

Với dấu tích tình yêu Ngài trao tặng
Tôi được cưu mang từ thuở đời đời
Như cánh đồng vàng hực lúa ngô phơi
Bồ câu mới ra ràng, khi mùa đến.

Tôi làm thơ, nghĩa là tôi cầu nguyện
Hồn reo vui trong từng chữ, từng lời
Trong đất mầu đang vỡ vạc sinh sôi
Trong cây lá vươn sức dài vai rộng.

Cảm ơn Ngài đã cho tôi sự sống
Từ cõi hư không, nên vóc nên hình
Ngày mỗi ngày, tôi thức với bình minh
Ô cửa mở, rực một mầu hoàng yến.

Tôi làm thơ, nghĩa là tôi cầu nguyện
Nằm chiêm bao trong vườn rợp hoa quỳ
Chim én về, nương mặt nhật ngừng đi
Miệng lưỡi tôi ra đỏ hồng than lửa

Ấy là lúc hồn thơ tôi dàn dụa
Dù thương đau như muối đổ trong lòng
Phải ngành mềm, tôi lộn cổ xuống sông
Cảm ơn Ngài vẫn để tôi được sống

Ôi bí tích từ Ngôi Lời cực trọng
Tôi phù du, tôi nước lã, người dưng
Lạy Chúa Trời, Ngài rất đỗi bao dung
Của tơ tóc, nghĩa ngàn trùng, tôi hiểu

Thơ tôi chẳng có điều chi kỳ diệu
Lời kinh buồn, hương khói tỏa chiều hôm
Cái nắng trong veo, nắng đến nao lòng
Con cá quẫy bơi giữa dòng suối cạn

Dẫu hạnh phúc có ngậm ngùi, cay đắng
Tôi mang ơn thế giới ở quanh mình
Cả những phù du, khoảnh khắc, phiêu linh
Để thanh tĩnh, u trầm như thiền viện

Tôi làm thơ, nghĩa là tôi cầu nguyện
Như chùm hoa tự trút hết hương thơm
Phải tự nghiệm sinh, để sống vô thường
Chẳng hề nghĩ, mình cho đi, nhận lại.

Lê Đình Bảng
 
Mẹ Lên Trời
Đoàn Thị
12:29 15/08/2013
Mẹ Lên Trời

Cha Trần Mục Đích có chuyên đề về Đức Mẹ, không tuần nào ngài bỏ qua chủ đề này, chuyện lớn chuyện nhỏ về Mẹ được ngài « phát thanh » dài dài. Thánh lễ do cha chủ trì bao giờ cũng kết thúc bên tượng đài Đức Mẹ ngoài sân giáo đường, giáo dân say sưa hát « Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi… », tiếng hát cao vút như vượt khỏi tàng cây xoài.
Tôi thì thầm hát theo, ngước nhìn tượng Đức Mẹ và đếm những trái xoài đu đưa trước gío, ở tuổi mười hai cách đối thoại của tôi với Đức Mẹ sao mà vô tư, vô tâm đến tội nghiệp.

Thỉnh thoảng mẹ tôi dẫn tôi ra nhà thờ Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng đi lễ, trước khi ra về mẹ ra hang đá cầu nguyện Đức Mẹ, ở đây không có cây xoài để tôi đếm trái, nhưng có quá nhiều đèn cầy để tôi lo ra.
Tôi tìm đến Đức Mẹ qua phong cảnh những quả xoài đu đưa trong khuông viên giáo đường, những ngọn nến nhảy múa bên hang đá, thế mà Mẹ không giận mà cứ lầm lũi đi theo những ước nguyện đời tôi.
Tuổi mới lớn tôi cầu xin điều gì, đơn giản thôi, học giỏi, được cha mẹ yêu, có tiền túi đi ăn hàng với bạn… những mặc hàng không xin Mẹ cũng cho, vô thưởng, vô phạt, vô tư vô số kể.

Chỉ đến năm lớp chín tôi mới bắt đầu tâm tình với Đức Mẹ, xin xỏ linh tinh, học giỏi, tìm được việc kèm trẻ tại gia, và tình bạn của tôi với nhỏ bạn thân luôn gắn bó bên nhau.
Xin cái gì cũng được, « Mẹ nào mà chả thương con », cha Đích đã phán như rứa, thế là ngoài mẹ tôi, Đức Mẹ là người tôi mè nheo, xin xỏ, ăn vạ đủ thứ.

Xin thì xin nhưng tôi phải chúi mũi học để vượt lên cấp ba, đứa mê chữ như tôi nhưng dốt toán đến giờ toán lý hóa là vật vờ như người mộng du.
Hú viá, nhờ ông em họ họp lớp 12 giảng mấy chục « cua chuyên toán » nên tôi bớt sợ mấy con số, công thức hóa học…nhưng vẫn dị ứng mấy thứ này, đến bây giờ nghe mấy môn đó tôi còn sợ xanh mặt.
Môn toán coi như tạm ổn, kèm trẻ tại gia tôi gom được hai mối trong xóm, biết ngay xin gì mà Mẹ không cho, cha Đích nói không sai.
Vậy mà chuyện tình bạn thì « mỗi năm đến hè lòng mang mác buồn…, người xưa biết đâu mà tìm… », hết lớp chín, gia đình nhỏ bạn theo ông tiá là dân không quân về đóng đô ở phi trường Trà Nóc.
Tôi hờn Đức Mẹ, sao xin cái gì cũng được, mà có chút xíu vậy Mẹ không thương làm tôi tủi thân.

Đó là chuyện trẻ con vòi quà Đức Mẹ, cứ nghĩ lần hạt mỗi ngày sốt sắng, đốt nến, quỳ gối trước tượng Mẹ van nài là muốn gì cũng được, một cuộc trao đổi sòng phẳng vừa buồn cười vừa đáng ngại.

Biến cố tháng tư đen năm 75, kẻ ngoại đạo cũng chạy đến với Đức Mẹ, nhà thờ đen nghẹt kẻ đứng người quỳ, tôi cũng chen chân như mọi người, xin cho ngày mai cộng sản biến mất khỏi miền Nam, đất nước trở lại tự do.
Xin mòn mõi mà chả thấy gì, thế là mình tự vấn, hình như mình đòi hái sao trên trời, trong khi cuộc sống của mọi người bữa đói bữa độn khoai.
Hang đá Đức Mẹ ở đường Kỳ Đồng, tượng Đức Mẹ dưới mấy gốc xoài nhà thờ Ba Chuông, sáng trưa chiều, lúc nào cũng có người đứng đó, mắt trông lên Mẹ.
Tôi đạp xe ngang qua thì thầm thanh minh, Mẹ đừng giận con tội nghiệp, con bận chạy theo ngô khoai, không còn thảnh thơi như trước để hát « Năm xưa trên cây sồi… » ca tụng Mẹ.
Mẹ không hờn mà còn nhắn nhủ, con đừng lo lúc nào Mẹ cũng ở bên con.

Cuối thập niên 80, Sàigòn chưa mở cửa, chuyện « ra đi » lúc bấy giờ là chuyện mạo hiễm chết người, lở tàu là ở tù, bể tàu ngoài khơi là mất mạng, gặp tàu cướp thì mất đủ thứ, có thứ khủng bố tin thần ta suốt đời.
Tôi chả lên tàu ra khơi, mà leo máy bay đi Tây ngon lành, không xin mà được, đúng là phép lạ.
Nói không xin là nói ngoa, dạo đó cột điện có chân cũng ra đi nói gì dân Sàigòn, tôi biết Đức Mẹ thương tôi, nên tôi « nói mát », con không dám xin sao trên trời, nhưng xin Mẹ thương gia đình con, cái kiểu giao khoáng, Mẹ tính sao miễn gia đình con « đi được » thôi.

Đến bến bờ Tự Do rồi lại xin tiếp, chạy xuống Đức Mẹ Lộ Đức xin phép mầu, nến lớn nến nhỏ đốt khói mù trời, nước suối uống cứng bụng, xếp hàng vào Hang Đá vuốt ve từng mảng tường như ve vản Mẹ, leo dốc đi đàng thánh giá để níu kéo Chúa ban ơn lành.
Làm đủ thủ tục hành hương, tôi hài lòng ra về và chờ đợi kết quả.

Ngoài sân ga, trong lúc chờ chuyến tàu đêm, tôi gặp một du khách Mỹ, thấy tôi đi một mình, bà đến bên tôi bắt chuyện.
Bà đến từ Floride, chồng bà vừa chết, trước khi ông nhắm mắt, bà hứa sẽ đi Lộ Đức thay ông.
Bà tiếp, tuy đến đây một mình nhưng tôi cảm thấy như có chồng tôi bên cạnh, nếu ông không cùng tôi đến đây thì trên trời ông cũng hiệp ý với tôi để tri ân Đức Mẹ.
Tôi tò mò, chắc ông bà nhận được nhiều hồng ân của Đức Mẹ.
Bà cười nói khẻ, nếu nói không cầu xin Đức Mẹ thì không đúng, con người ai chả ước muốn những điều tốt lành.
Nhờ Chúa thương, vợ chồng tôi đủ cơm ăn áo mặc nên chúng tôi xin « phó thác cuộc đời trong tay Mẹ » và cũng noi theo cuộc sống của Mẹ, xin vâng theo thánh ý Chúa, nếu có gặp trắc trở trong đời.

Tâm sự của bà làm tôi suy tư miêng mang, như rứa là từ thuở đếm xoài sau tượng Đúc Mẹ ở nhà thờ Ba Chuông, đếm nến ở hang đá nhà thờ Kỳ Đồng, rồi hôm nay đến thánh địa cầu nguyện, tôi không hề giao phó đời tôi trong tay Mẹ mà lại giao trọng trách Mẹ phải làm phép mầu để mọi ước mơ của tôi biến thành hiện thực.
Giời ạ, sai một ly đi một dặm, tôi đi lệch cả mấy chục năm mà Mẹ vẫn thương ban cho gia đình tôi biết bao hồng ân, câu thần chú của cha Đích ngày nào còn vang vọng, Mẹ nào chả thương con huống chi là Mẹ Thiên Chúa.
Sau chuyến hành hương đầu tiên trong đời ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã làm phép mầu để tôi sáng mắt, tình Mẹ con không thể là sự trao đổi, con lần hạt ngày đêm để Mẹ ban ơn này ơn nọ, mà là sự Tin Yêu Phó Thác.

Phép mầu Lộ Đức năm đó đã thay đổi tâm hồn tôi, và tôi tìm đến Mẹ như trở về bên Mẹ, chỉ để tâm tình, tâm sự, chia xẻ ngọt bùi cay đắng, cảm tạ và tri ân Mẹ đã lắng nghe và đồng hành với tôi trong suốt thời gian qua.
Phó thác chẳng những đời tôi mà cả gia đình con cháu, nhờ Mẹ thương yêu che chở, cái khó là nói làm sao để chúng nó tin yêu Mẹ, thời đại văn minh của các hành tinh, nói chuyện tín ngưỡng không dễ chút nào.

Tôi than thở với Đức Mẹ, mấy thằng nhỏ nhà này từng xuống Lộ Đức, vào hang núi, đốt nến, uống nước suối, biết Mẹ hiện ra ở đó nhưng chưa biết tâm tình với Mẹ, chỉ xin ơn và xin ơn, xin Mẹ mở lòng chúng nó.
Một ngày đẹp trời phép mầu đã xảy ra để rồi mỗi đứa nhận ra bàn tay Mẹ nâng đở chở che và chúng nó hiểu, không cần xin, Mẹ cũng hiểu tâm tình của con, từ đó chúng nó biết lần hạt trên đường đến trường, trên đường đến sở làm.

Hôm nay ngày Mẹ Lên Trời, thánh lễ ở nhà thờ « Đức Bà đầy ơn phúc » nơi thị trấn tôi sinh sống, giáo dân chen chúc chận kín nhà thờ. Thì ra chẳng riêng gì giáo dân của cha Đích, mà dân Tây cũng yêu Đức Mẹ ra phết, biết đâu cũng có lắm người vòi vĩnh Mẹ như tôi dạo trước, có Mẹ tội gì mà không mè nheo.

Kết lễ cha chủ tế hát bài « Kinh Kính Mừng » làm tôi nhớ đến bài « Mẹ đầy ơn phúc … Chúa ở cùng Mẹ … trên đường đời con đi gặp nhiều gian nguy Mẹ chớ quên con », câu này hơi thừa chăng, Mẹ nào quên con, mà chưa kịp quên con đã níu kéo xin xỏ Mẹ đủ thứ rồi.

Mẹ ơi, hôm nay Mẹ Lên Trời, chắc đôi vai Mẹ nặng trĩu nỗi lòng đàng con trần thế, như cha Đích từng nói, một Mẹ trăm con hay triệu con, hai tay Mẹ không bao giờ mõi mệt ôm chặt chúng con vào lòng, dù Mẹ biết rằng có những đứa con chỉ chạy đến Mẹ khi gặp khó khăn.

Xin Mẹ dạy chúng con noi gương Mẹ, một đời Xin Vâng theo thánh ý Chúa, và hãy nhớ rằng lúc vui cũng như buồn chúng con không bao giờ mồ côi vì Mẹ luôn đứng đó dõi theo chúng con.


15 Août 2013 / Đoàn Thị
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nha Trang Phố Biển
Dominic Đức Nguyễn
21:18 15/08/2013
NHA TRANG PHỐ BIỂN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Bãi biển Nha Trang mịn màng trắng trẻo
Nước trong leo lẻo, gió mát trăng thanh
Đêm đêm thơ thẩn một mình
Đố sao cho khỏi vướng tình nước mây.
(Ca dao)
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đầu tiên trong triều Giáo Hoàng của ngài.
VietCatholic Network
13:06 15/08/2013
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Sáng thứ Năm 15 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được tại Castel Gandolfo. Đây là thánh lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đầu tiên trong triều Giáo Hoàng của ngài.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến 3 từ chính là “Đấu tranh, Phục sinh và Hy Vọng”.

Đức Thánh Cha nói:

Bài trích sách Khải Huyền trình bày với chúng ta thị kiến về cuộc đấu tranh giữa người phụ nữ và con rồng. Hình ảnh người phụ nữ tiêu biểu cho Giáo Hội, vừa vinh quang và chiến thắng nhưng, nhưng mặt khác, vẫn còn sanh nặng đẻ đau. Và Giáo Hội là như thế: nếu ở trên trời, Giáo Hội được liên kết cách nào đó với vinh quang Thiên Chúa, thì trong lịch sử, Giáo Hội tiếp tục sống qua những thử thách và những thách đố trong cuộc xung đột giữa Thiên Chúa và ác thần, là kẻ thù truyền kiếp.Và trong cuộc đấu tranh mà các môn đệ phải đối đầu, Đức Maria không để họ cô đơn: Mẹ của Chúa Kitô và là Mẹ của Giáo Hội luôn luôn ở với chúng ta và cách nào đó, Đức Maria chia sẻ hoàn cảnh của Giáo Hội. Mẹ tất nhiên đã được hưởng vinh quang trên trời, một lần và tất cả. Nhưng điều này không có nghĩa là Mẹ trở nên xa xôi hoặc tách biệt khỏi chúng ta. Trái lại Đức Maria đồng hành với chúng ta, cùng chiến đấu với chúng ta, và nâng đỡ các Kitô hữu trong cuộc chiến chống lại các lực lượng của sự dữ.

Bài đọc thứ hai nói với chúng ta về sự phục sinh. Thánh Tông Đồ Phaolô khi viết cho các tín hữu Côrintô, đã nhấn mạnh rằng là Kitô hữu có nghĩa là tin rằng Chúa Kitô thực sự đã sống lại từ cõi chết. Toàn bộ niềm tin của chúng ta được dựa trên chân lý nền tảng này. Đó không phải là một ý tưởng nhưng một sự kiện. Ngay cả mầu nhiệm Đức Maria hồn xác về trời cũng được bao trùm hoàn toàn trong sự phục sinh của Chúa Kitô. Nhân tính của Mẹ được thăng hoa bởi Con Mẹ trong cuộc vượt qua từ cõi chết đến sự sống. Một lần và cho tất cả, Chúa Giêsu bước vào sự sống đời đời với tất cả nhân tính, từ Đức Maria, Mẹ Người, là người đã đi theo Ngài trung thành trong suốt cuộc đời mình, theo Ngài với trọn tâm hồn, và bước theo Ngài vào sự sống đời đời mà chúng ta gọi là trên trời, là thiên đàng, là nhà Cha. Mẹ Maria cũng trải qua những đau khổ của Thánh Giá: Mẹ sống cuộc thương khó của Con Mẹ với những chiều sâu của tâm hồn. Mẹ đã hoàn toàn hiệp nhất với Ngài trong cái chết của Con Mẹ, và vì vậy Mẹ đã nhận được hồng ân Phục sinh. Chúa Kitô là hoa quả đầu tiên từ cõi chết và Đức Maria là hoa quả đầu mùa của ơn cứu chuộc, là người đầu tiên trong "những người trong Chúa Kitô."

Tin Mừng nói với chúng ta từ thứ ba: hy vọng. Hy vọng là nhân đức của những người, trong khi trải qua cuộc xung đột giữa sự sống và cái chết, giữa thiện và ác – vẫn giữ niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô, vào sự chiến thắng của tình yêu. Kinh Magnificat là bài ca của niềm hy vọng, đó là bài hát của Dân Chúa bước đi trong lịch sử Đó là bài hát nhiều vị thánh, những người nam nữ, một số đã nổi tiếng, nhưng cũng có rất nhiều người không ai biết đến nhưng Chúa biết: đó là các bà mẹ, các ông bố, các giáo lý viên, những nhà truyền giáo, các linh mục, những người trẻ , thậm chí trẻ em, những người đã phải đối mặt với cuộc đấu tranh của cuộc sống trong khi mang trong tim mình hy vọng của những người thấp hèn và khiêm tốn. Ở khắp mọi nơi ngày hôm nay, Giáo Hội cũng hát "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa". Bài hát này đặc biệt mạnh mẽ ở những nơi Thân Thể Chúa Kitô đang chịu đau khổ trong Cuộc Thương Khó. Và Đức Maria hiện diện ở đó, giữa các cộng đồng này, đồng hành với họ, đau khổ với họ, và cất cao tiếng hát Magnificat vang dội niềm hy vọng với họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đề cập đến những "tin tức đau đớn" đến từ Ai Cập. Một ngày trước Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 23 nhà thờ Kitô Giáo đã bị tấn công, cướp phá và phóng hỏa ngay tại thủ đô Cairo.

Đức Thánh Cha đã bảo đảm về những lời cầu nguyện của ngài cho tất cả các nạn nhân và gia đình họ, những người bị thương và tất cả những người đang đau khổ.

Đức Thánh Cha nói:

"Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình, đối thoại và hòa giải tại quốc gia thân thương này và trên toàn thế giới,"
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 9/8 - 15/8/2013 - Lòng sùng mộ dành cho Thánh Phaolô xuyên suốt lịch sử
VietCatholic Network
17:16 15/08/2013
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa 11/08/2013

Tình yêu của Thiên Chúa là kho tàng đích thật của chúng ta. Đó là một tình yêu trao ban giá trị và vẻ đẹp cho tất cả mọi sự, một tình yêu trao ban sức mạnh cho gia đình, công ăn việc làm, học hành, tình bạn, nghệ thuật và mọi sinh hoạt của con người. Nó cũng trao ban ý nghĩa cho cả các kinh nghiệm tiêu cực và tội lỗi của chúng ta nữa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 11 tháng 8.

Trong huấn dụ Đức Thánh Cha đã khích lệ các tín hữu khám phá giá trị của tình yêu Thiên Chúa.

Ngài nói:

“Đó là một tình yêu trao ban sức mạnh cho gia đình, công ăn việc làm, học hành, tình bạn, nghệ thuật và mọi sinh hoạt của con người. Và nó cũng trao ban ý nghĩa cho cả các kinh nghiệm tiêu cực nữa, bởi vì tình yêu đó cho phép chúng ta đi xa hơn các cảm nhận, vượt thoát ra và không trở thành tù nhân của sự dữ, nhưng khiến cho chúng ta thăng tiến, và mở ra cho chúng ta niềm hy vọng. Tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu luôn mở ra cho chúng ta những chân trời hy vọng, vươn đến tận cùng đích của cuộc lữ hành dương thế của chúng ta. Như thế cả những mệt nhọc, và các ngã qụy cũng có một ý nghĩa. Cả các tội lỗi của chúng ta cũng tìm ra một ý nghĩa trong tình yêu của Thiên Chúa, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô luôn tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta đến độ luôn luôn tha thứ cho chúng ta.”

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha cũng đã nhắc lại lời chào đặc biệt của ngài gởi đến những người Hồi Giáo vừa kết thúc tháng chay Ramadan.

Đức Thánh Cha nói:

"Tôi muốn gửi một lời chào đến người Hồi giáo trên toàn thế giới, những anh chị em của chúng ta, những người vừa kết thúc tháng Ramadan, một tháng được dành riêng một cách đặc biệt để ăn chay, cầu nguyện và thi hành các việc từ thiện. Như tôi đã viết trong thông điệp trong dịp này, tôi mong rằng các Kitô hữu và người Hồi giáo sẽ làm việc chung để thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt là thông qua việc giáo dục thế hệ trẻ."

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người rằng Thứ Năm 15 tháng 8 là lễ trọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Cũng như các vị tiền nhiệm của mình, Đức Thánh Cha sẽ dâng thánh lễ tại Castel Gandolfo.

2. Sứ điệp ngày khánh nhật truyền giáo.

Hôm 6 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Sứ Điệp Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo năm 2013 trong đó ngài tha thiết kêu gọi tất cả các tín hữu hãy mạnh dạn công bố Tin Mừng và chống lại những tuyên truyền cho rằng việc công khai làm chứng cho Đức Kitô là vi phạm đến quyền tự do của người khác.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng

Đức tin là một hồng ân quý giá từ Thiên Chúa, Đấng mở tâm trí chúng ta để chúng ta có thể biết và yêu mến Ngài.

Và đức tin là một món quà mà người ta không thể giữ cho riêng mình, nhưng phải được chia sẻ: nếu chúng ta muốn chỉ giữ nó cho mình, khi đó chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu bị cô lập, không sinh hoa quả và bệnh tật. Không thể tách việc rao giảng Tin Mừng ra khỏi việc làm môn đệ Đức Kitô, và đó là một sự dấn thân liên tục làm cho toàn thể đời sống Hội Thánh được sinh động.

Với những ai đang chịu bách hại về đức tin, Đức Thánh Cha khích lệ như sau:

Một ý nghĩ cuối cùng về các Kitô hữu ở các vùng khác nhau của thế giới đang gặp khó khăn liên quan đến việc công khai tuyên xưng đức tin của họ và quyền được sống đức tin một cách xứng đáng. Họ là những anh em và chị em của chúng ta, những nhân chứng can đảm - còn đông hơn các vị tử đạo của những thế kỷ đầu tiên – là những người đang chịu với lòng kiên trì tông đồ nhiều hình thức bách hại đương thời khác nhau. Nhiều người thậm chí liều thân để vẫn còn trung thành với Tin Mừng của Đức Kitô. Tôi muốn đảm bảo rằng bằng lời cầu nguyện, tôi đang gần những cá nhân, những gia đình và những cộng đoàn đang chịu đựng bạo lực và sự thiếu khoan dung, và tôi nhắc lại với họ những lời an ủi của Chúa Giêsu: “Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian”

3. Phát hiện khảo cổ học mới làm sáng tỏ thêm về Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành

Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành là một trong bốn nhà thờ lớn của Rôma, được xây dựng bởi hoàng đế Constantine trên ngôi mộ của thánh Phaolô tông đồ, mà trong các thế kỷ trước, ở rất xa bức tường của thành Rôma. Đó là lý do tại sao đền thờ này được gọi là Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành.

Lần đầu tiên, Tòa Thánh đã công bố những phát hiện tại các địa điểm khảo cổ học liên quan đến cuộc sống hàng ngày của đền thờ trong thời Trung Cổ. của trang web.

Anh Umberto UTRO của Viện Bảo tàng Vatican cho biết

"Khi tiến hành xây dựng một trung tâm chào đón hiện đại cho khách hành hương, chúng tôi phát hiện ra một di tích đã được xây dựng 1,500 năm trước, bởi những người đi trước chúng tôi và có cùng một chủ đích như chúng tôi. Các Đức Giáo Hoàng đã muốn dựng lên tại đền thờ Thánh Phaolô các cơ sở có thể chứa tất cả các khách hành hương đổ xô đến ngôi mộ của vị Tông Đồ Dân Ngoại. "

Trong 1500 năm lịch sử lâu dài của nó, kiến trúc của đền thờ đã thay đổi rất nhiều, mặc dù đền thờ nguyên thủy có chứa hài cốt của Thánh Phaolô vẫn còn nằm dưới bàn thờ cao. Vào khoảng năm 1000 sau Chúa Giáng Sinh nhà thờ và đất đai xung quanh đã được giao phó cho các tu sĩ Biển Đức, những người vẫn còn cư trú ở đó cho đến ngày nay.

Trong những khám phá khảo cổ học được tìm thấy trong khu vực có ngôi 'vườn của các tu sĩ' từ thời cổ đại và các cơ sở hành hương thời Trung cổ. Đó là những gì đã được công bố trong một hội nghị chính thức quy tụ các nhà khảo cổ học.

Các khảo cổ tìm thấy trong khu vực, bao gồm khoảng sân, tiền sảnh và những mái che, tất cả đều có công dụng đón các khách hành hương thăm viếng đền thờ Thánh Phaolô từ khắp nơi trên thế giới. Nói cách khác, các cấu trúc cho thấy lòng sùng mộ dành cho Thánh Phaolô, không ngừng qua các thời đại.

Anh Umberto UTRO nói thêm

"Ngày nay, đối với chúng tôi, đây là những phát hiện vô cùng quý giá, bởi vì chúng cần phải được xem xét trong các giá trị tinh thần mà những phát hiện này cho thấy. Đó là dấu vết của lòng sùng mộ liên tục dành cho Thánh Tông Đồ Phaolô. "

4. Ứng dụng mới dành cho điện thoại di động giúp hiểu rõ hơn về Kinh Thánh

Một chương trình ứng dụng độc đáo dành cho điện thoại di động sẽ giúp người sử dụng làm quen hơn với Kinh Thánh một cách hiện đại và dễ dàng. Chương trình này dựa trên các tổng hợp của cha Hernan Pereda Bullrich trong một nghiên cứu ròng rã trong 30 năm qua. Chương trình trình bày tất cả các sách trong Kinh Thánh cùng với bối cảnh lịch sử của các sách này, nhưng phù hợp với ngôn ngữ hiện đại.

Chương trình cũng bao gồm một số bài Lectio Divina, tức là những bài vừa đọc vừa chiêm niệm bài tập tập trung vào các ơn gọi, và những bộ sưu tập những câu chuyện về tất cả các nhân vật Kinh Thánh đã được Thiên Chúa kêu gọi.

Cha RICARDO GRZONA, chủ tịch hội Ramón Pané cho biết:

"Các bài tập Lectio Divina đã được chuẩn bị đặc biệt cho thanh thiếu niên. Kinh Thánh chủ yếu là một cuốn sách cầu nguyện, giúp ta khám phá bản thân và khám phá kế hoạch của Thiên Chúa. "

Chương trình được chia thành 14 chương, từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền, và bao gồm một số lời thuyết minh từ các tác giả của mỗi đoạn trong Thánh Kinh. Lịch sử Ơn Cứu Độ được trình bày theo thứ tự thời gian, tuy nhiên, người dùng có thể quyết định bắt đầu từ đâu.

Một tính năng nổi bật của ứng dụng này là độ chính xác của bản đồ, được thiết kế để làm rõ những mô tả của Kinh Thánh. Hội Ramón Pané phải mất hơn 1,400 giờ để thiết kế tất cả.

Cha RICARDO GRZONA nói thêm:

"Để tìm hiểu thế giới Kinh Thánh tốt hơn, chúng ta phải học lịch sử của nó. Vì thế, bản đồ của chúng tôi dựa căn bản trên các bản đồ vệ tinh, là cách trung thực nhất để vẽ lại bản đồ. Với một bản đồ vệ tinh, chúng ta có thể xem chính xác nhất nói ví dụ như chuyến hành trình của Thánh Phaolô, hoặc con đường Abraham đã đi qua để đến được miền đất hứa, hoặc đất Palestine trong thời Chúa Giêsu. "

Ứng dụng này là một sáng kiến từ Hội Ramón Pané với ý hướng tập trung vào việc giáo dục thanh thiếu niên. Phần nghệ thuật trình bày do một nghệ sĩ Peru đảm trách. Ứng dụng này cài đặt miễn phí và có sẵn bằng tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Chương trình tiếng Anh sẽ sớm được ra mắt trong năm nay.

5. Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Tông Thư Tự Sắc nhằm phòng chống việc rửa tiền, tài trợ khủng bố và phát triển vũ khí tàn phá hàng loạt

Ngày mùng 8 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Tông Thư dưới dạng Tự Sắc nhằm phòng chống việc rửa tiền, tài trợ khủng bố và phát triển vũ khí tàn phá hàng loạt.

Đức Thánh Cha nêu bật rằng việc thăng tiến phát triển nhân bản toàn vẹn trên bình diện vật chất và luân lý đòi hỏi phải suy tư sâu xa về ơn gọi của các lãnh vực kinh tế và tài chánh, cũng như sự tương ứng của chúng với mục đích tối hậu là thực hiện thiện ích chung. Chính vì thế phù hợp với bản chất và sứ mệnh của mình Tòa Thánh tham gia vào các cố gắng của Cộng đồng quốc tế nhằm che chở và thăng tiến sự toàn vẹn, ổn định và trong sáng của các lãnh vực kinh tế và tài chánh, và phòng chống các hoạt động tội phạm.

Trong sự tiếp nối hoạt động của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cụ thể là việc công bố Tự sắc ngày 30 tháng 12 năm 2012, Đức Thánh Cha Phanxicô ước mong canh tân dấn thân của Tòa Thánh trong việc áp dụng các nguyên tắc và sử dụng các khí cụ do Cộng đồng quốc tế đề ra, nhằm phòng chống việc rửa tiền, tài trợ khủng bố và phát triển các vũ khí tàn phá hàng loạt.

6. Đức Thánh Cha gặp các cầu thủ đội tuyển quốc gia Ý và Á Căn Đình

Sáng thứ Ba 13 tháng 8, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các thành viên của hai đội tuyển túc cầu quốc gia Ý và Á Căn Đình. Hai đội đã đến Rôma để thi đấu hữu nghị nhằm vinh danh Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Phát biểu cả bằng tiếng Ý lẫn Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng trận đấu sẽ thực sự là một trận đấu hữu nghị. Ngài nhắc nhở các cầu thủ rằng họ là gương mẫu cho nhiều người hâm mộ túc cầu. Ngài yêu cầu các cầu thủ tăng cường "vẻ đẹp, sự hào phóng, và tình bạn thân thiết" mà thể thao có thể mang lại.

Đức Thánh Cha Francis cũng cảnh báo về nguy cơ môn thể thao này bị giản lược thành là một hình thức thương mại khổng lồ. Ngài kêu gọi các nhà quản lý "làm công việc của anh chị em theo một cách thế mà những tính cách của thể thao không bị mai một đi."

Nói bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Giáo Hoàng đã nói về những kỷ niệm của mình khi đi xem những trận túc cầu với gia đình mình như là một cậu bé ở Buenos Aires - và nói một cách trìu mến về những kỷ niệm của ngài đối với sân vận động Gasometro ở Buenos Aires. Ngài kêu gọi các cầu thủ "sống môn thể thao của anh em như một ân sủng từ Thiên Chúa, như một cơ hội không chỉ để cải thiện tài năng của mình, nhưng cũng là một trách nhiệm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc phát biểu của mình bằng cách cầu nguyện rằng các vận động viên sẽ tiếp tục theo đuổi "chức nghiệp cao quý" của thể thao - và ngài yêu cầu họ cầu nguyện cho ngài, "trong sân chơi mà Chúa đã đặt tôi, để tôi có thể chơi các trò chơi một cách trung thực và can đảm, vì lợi ích của tất cả.”

7. Đức Thánh Cha kêu gọi các gia đình Brazil thông truyền đức tin cho con cháu

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp tới những tham dự viên của Tuần Lễ gia đình quốc gia năm 2013 đang diễn ra tại Brazil. Ngài nhắc lại và cảm ơn đất nước này đã chào đón nồng nhiệt ngài tại Rio de Janeiro. Đức Thánh Cha đã hoan nghênh những người tham gia sự kiện này, với những chủ đề tập trung vào vai trò của gia đình trong giáo dục và thông truyền cho thế hệ trẻ Đức Tin Kitô giáo.

Đức Giáo Hoàng cũng khẳng định một trong những ý tưởng chính của ngài trong thông điệp đầu tiên, Lumen Fidei, rằng "trong gia đình cha mẹ được khích lệ chia sẻ và thể hiện đức tin với con cái để giúp trẻ dần dần trưởng thành trong đức tin của họ. "

8. Bom nổ rung chuyển các giáo đường tại Nigeria

Các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành tại thành phố Nigeria Kano, nơi ít nhất 53 tín hữu Công Giáo đã bị thiệt mạng trong một vụ đánh bom diễn ra hôm Chúa Nhật 4 tháng 8.

Đức Tổng Giám Mục của Lagos, Alfred Adewale Martins, đã lên án các cuộc tấn công được nhiều người tin là do nhóm khủng bố Hồi giáo, Boko Haram gây ra.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu xa của ngài về bạo lực nhắm vào các tín hữu Công Giáo. Trong thông điệp Phục Sinh Urbi et Orbi đầu tiên của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói:

Hòa bình cho châu Phi, nơi vẫn còn là sân khấu của các cuộc xung đột bạo lực. Tại Mali, xin cho thống nhất và ổn định có thể được khôi phục, tại Nigeria, nơi mà các cuộc tấn công thật đáng buồn vẫn đang tiếp tục, đang đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của nhiều người vô tội, và là nơi một con số đông đảo, kể cả trẻ em, đang bị bắt làm con tin bởi các nhóm khủng bố. Hòa bình ở phía Đông của nước Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi, nơi nhiều người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ và tiếp tục sống trong sợ hãi.

Mỗi năm, khi người Hồi Giáo kết thúc tháng chay Ramadan, Đức Hồng Y chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn thường gởi một sứ điệp cho người Hồi Giáo. Năm nay, đứng trước tình trạng bạo lực tôn giáo ngày càng leo thang tại Trung Đông và nhiều nơi trên thế giới, đích thân Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi sứ điệp này.

Lần cuối cùng đích thân vị Giáo Hoàng ký tên vào sứ điệp là vào năm 1991 với chữ ký của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

9. Đức Thánh Cha kêu gọi Hội Hiệp Sĩ Columbus góp phần bảo vệ cuộc sống và hôn nhân đích thực

Đức Thánh Cha Phanxicô ngợi khen các công trình bác ái của các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố và khuyến khích tổ chức này bảo vệ sự lành thánh của hôn nhân, phẩm giá của đời sống, sự đẹp đẽ và sự thật của tính dục con người, và quyền lợi của các tín hữu.

Tâm tình của Đức Thánh Cha được bầy tỏ trong một lá thư chào mừng các Hiệp Sĩ trong Đại Hội Thường Niên lần thứ 131, đang diễn tiến tại San Antonio.

Lá thư, được Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Cardinal Bertone gửi thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô, trình bầy sự trân quý của Đức Thánh Cha đối với các lý tưởng về đức tin và tình huynh đệ được đoàn Hiệp Sĩ ôm ấp, và sự cam kết của đoàn đối với sứ vụ của Giáo Hội, và rất nhiều công trình bác ái và chứng tá Phúc Âm đang được các hiệp sĩ trong các chi đoàn địa phương thực hiện tại các giáo xứ và cộng đồng.”

Lá thư cũng khuyến khích các hiệp sĩ tiếp tục làm chứng tá, nói rằng, “Ý thức về trách nhiệm đặc biệt của giáo dân đối với sứ vụ của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mỗi hiệp sĩ, và tất cả các chi đoàn, hãy làm nhân chứng cho bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, sự lành thánh và phẩm giá không thể xâm phạm của đời sống nhân loại, và vẻ đẹp cũng như sự thật của tính dục con người.”

Lá thư tiếp, “Trong thời đại của những thay đổi nhanh chóng về xã hội và văn hóa này, việc bảo vệ các quà tặng của Thiên Chúa không thể không bao gồm việc khẳng định và bảo vệ cho di sản cao quý của những chân lý về luân lý được Phúc Âm giảng dậy, và được xác định bởi những lý luận chân chính, được dùng như nền tảng vững chắc cho một xã hội công chính và trật tự.”

10. Nữ Ca sĩ Fafá De Belém.

Người nữ ca sĩ mà quý vị và anh chị em thấy đang hát chào mừng Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô với các bạn trẻ tại Rio De Janeiro là danh ca Fafá de Belém.

Fafá de Belém sinh ngày 09 tháng 8 năm 1956, tên thật là Maria de Fátima Palha de Figueiredo. Belém là sinh quán của cô và đã được lấy làm nghệ danh.

Bắt đầu nổi danh từ năm 1973. Cô là một trong số rất ít ca sĩ đã được trình diễn trước một vị Giáo Hoàng. Tuy nhiên, Fafá de Belém độc đáo hơn những ca sĩ khác là đã có cơ hội trình diễn trước Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 và giờ đây là Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tại bãi biển Copacabana, Fafá de Belém đã hát bài 'Eu Sou de Lá' (Tôi ở đó) trong một hoạt cảnh nói về lịch sử và văn hóa Brazil do các bạn trẻ Brazil trình bày.