Ngày 09-08-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:41 09/08/2015
THUẬN LỢI MỌI BỀ
N2T

Bên Đông Châu muốn trồng lúa nước, nhưng bên Tây Châu không mở nước, vua Đông Châu rất buồn rầu.
Tô tử bèn nói với vua bên Đông Châu:
- “Để tôi đi sứ sang Tây châu nhờ họ mở nước, được không ?”
Vua Đông Châu vui vẻ đồng ý, Tô tử đi yết kiến vua Tây Châu, nói:
- “Cách làm của ngài sai rồi, ngài không mở nước thì có thể làm giàu cho bên Đông Châu đấy. Bây giờ, dân chúng của họ đều trồng lúa mạch, chứ không trồng thứ gì khác, nếu ngài muốn làm tổn hại bên Đông Châu, thì chi bằng mở nước cho thật nhiều, ngập lụt hư cả lúc mạch của họ. Như vậy bên Đông Châu nhất định phải trồng lại lúa nước, lúc thu hoạch ngài xua quân giành lấy của chúng, thế là nhân dân Đông Châu đều qùy gối bái phục ngài, phục tùng sự thống trị của ngài.”
Nhà vua bên Tây Châu nói: “Diệu kế!”
Nói xong bèn ra lệnh mở nước, vậy là Tô tử cũng được tiền thù lao của hai nước.
(Chính Quốc sách)

Suy tư:
Bên Tây Châu chiếm thế thượng phong vì có nguồn nước, bên Đông Châu thất thế hơn vì không có nguồn nước, cho nên việc đồng án đều bị lệ thuộc bên Tây Châu, mặc dù vậy bên Đông Châu lại có thế hơn, vì Đông Châu có nhà du thuyết rất giỏi là Tô tử
Chỉ cần uốn cong ba tấc lưỡi mà Tô tử đã khiến cho vua Tây Châu mở nước để Đông Châu cày cấy; không chiến tranh, không xua quân xâm lược mà bên Đông Châu vẫn thắng.
Trong cách xử sự hằng ngày thì lời nói rất quan trọng, nó có thể làm cho ta có rất nhiều bạn bè, nhưng cũng có thể làm cho ta có nhiều kẻ thù. Sách Châm Ngôn đã chứng minh cho ta thấy điều đó:
“Người giữ lời nghiêm huấn thì đi trong sinh lộ,
kẻ khinh lời sửa dạy ắt sẽ bị lạc đường.
Môi lọc lừa che giấu lòng thù ghét,
kẻ buông lời vu cáo là đứa ngu si.
Người năng nói năng lỗi,
Ai dè giữ lời nói mới là người khôn.
Lưỡi người ngay là bạc ròng hảo hạn,
tâm kẻ dữ chẳng đáng bao nhiêu,
môi kẻ ngay nuôi sống nhiều người,
còn đứa dại, chết vì dốt nát.” ( Cn 10, 17-21)

Quả thật, lời nói của người khôn ngoan thì đem lại mát mẻ cho lòng người; và lời nói của những người ích kỷ tiểu nhân thì chỉ đem lại sự chia rẽ và thù hận mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Cộng đoàn: nơi học yêu thương
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:44 09/08/2015
CỘNG ĐOÀN: TRƯỜNG HỌC YÊU THƯƠNG
N2T

Học và hành luôn đi đôi với nhau, đó là chìa khoá cho sự thành công, có một số người trời phú cho sự thông minh học đâu thuộc đó, nhưng để sử dụng cái máy tính nhân chia số thập phân thì chẳng biết bấm nút nào cho nó đúng! Cũng có người lái xe mô tô, chạy xe hơi ào ào, nhưng khi xe không khởi động máy thì chẳng biết đường nào mà rờ, đem tới thợ coi ra sao, té ra là đã khoá…xăng ! Anh ta chưa hiểu lý thuyết vận hành của xe cộ !

Có một vài giáo dân thuộc làu làu mười điều răn Đức Chúa Trời và sáu điều luật Hội thánh; khi dự thánh lễ cha chưa giảng thì đã hiểu nội dung của bài Phúc Âm. Nhưng trong cuộc sống đời thường thì họ sống y như là người chưa biết chút gì về Lời Chúa: chửi thề, phóng túng, rượu chè, cờ bạc.v.v…họ chưa thực hành Lời Chúa, và họ bị người ta cho là “đồ vô đạo”.

Không có môi trường nào để học và thực hành đức ái tốt cho bằng trong cộng đoàn, bởi vì cộng đoàn là nơi để chúng ta học tập yêu thương, thực hành yêu thương và nuôi dưỡng yêu thương.

1. Học tập yêu thương:
Cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn dòng tu hay một cộng đoàn tu hội đời, là một gia đình mà các thành viên trong cộng đoàn “không liên hệ huyết thống” gì với nhau như gia đình thân bằng quyến thuộc của mỗi người, cho nên, khi gia nhập cộng đoàn là chúng ta tách mình ra khỏi tình cảm huyết nhục cha mẹ, anh em, chị em, để chúng ta sát nhập vào một gia đình mới, không phải cùng huyết thống, mà là liên hệ trong đức tin, đó chính là làm con cái của tổ phụ A-bra-ham.

Ở trong cộng đoàn mới nầy, chúng ta phải học tập yêu thương những người mà trước đây mình không quen biết, thương yêu để nhẫn nhục vì tính kiêu ngạo, khó chịu của chị em, anh em; học tập yêu thương để yêu thương những khuôn mặt cay cú quạu vọ của người anh em, chị em trong cộng đoàn của mình.

Bởi vì không ai tin chúng ta khi chúng ta dạy người khác phải yêu thương nhau, mà chính chúng ta lại chưa biết yêu thương người anh em, chị em trong cộng đoàn của mình.

2/ Thực hành yêu thương:
Linh mục Vincent Lebbe, người sáng lập bốn tu hội, cộng đoàn đã nói: “Thật yêu người tức là luôn luôn làm cho người ta trước, sau đó đến mình, khiến cho người ta tự mình được an ủi thật sự và ích lợi thật sự” .

Để trở thành một Ki-tô hữu chân chính, thì không những phải học yêu thương mà còn là phải thực hành yêu thương. Học tức là suy tư, biện luận, phản bác, có nghĩa là dùng lý trí để suy xét, nhưng học yêu thương thì không phản bác, không biện luận, không xét nét gì cả, mà chỉ có dùng trí khôn ngoan để tìm cách thi hành đức ái sao cho hoàn hảo nhất mà thôi.

Đức Chúa Giê-su chết trên thập giá vì yêu nhân loại tội lỗi, Ngài đã không phản bác, không biện luận, không xét nét, nhưng đã chọn cái chết khốc liệt nhất để yêu và cứu chuộc nhân loại. Cũng có nghĩa là Ngài đã làm cho nhân loại trước là được cứu chuộc; sau đó đến mình là hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại bằng sự phục sinh vinh hiển. Ngài đã thực hành yêu thương.

Nơi lý tưởng nhất để thực hành yêu thương chính là trong cộng đoàn của chúng ta.

3/ Nuôi dưỡng yêu thương:
Đi truyền giáo tức là đi đến nơi mà chúng ta chưa biết chưa quen, ở với một dân tộc hoặc một địa phương mà phải mất nhiều năm chúng ta mới thích nghi được với đời sống của họ. Tóm lại là vô cùng khó khăn, nhưng khó khăn và cảm thấy bị bỏ rơi nhất chính là khi chúng ta bị nỗi đơn dày vò, chính vì vậy mà có rất nhiều anh em, chị em đã ra đi không trở lại.

Cộng đoàn chính là nơi nuôi dưỡng yêu thương, để khi chúng ta ra đi gặt hái trên cánh đồng truyền giáo, gặp những khó khăn, đau khổ, chúng ta lại được bồi dưỡng tinh thần, giải toả những khó khăn, tìm lại được giây phút yêu thương đầm ấm ngay trong chính cộng đoàn của mình. Vì hiểu được điều ấy, mà có một số dòng tu có một nội quy rất dễ thương: các thành viên sau ba năm phục vụ ở ngoài xã hội, thì trở về nhà dòng mẹ từ ba đến bốn tháng để nghỉ ngơi, bồi dưỡng tinh thần cũng như sức khoẻ…

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nói: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho tôi, nhưng hãy hỏi tôi đã làm gì cho tổ quốc”. Nếu chúng ta chưa tìm được nơi cộng đoàn sự yêu thương, thì nên tự hỏi mình: tôi đã làm gì cho cộng đoàn của tôi để đức ái được phát triển?

Học tập yêu thương và thực hành yêu thương, chính là dấu hiệu của người môn đệ của Đức Chúa Giê-su trong thế kỷ 21 nầy vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:46 09/08/2015
N2T

49. Người nhiệt tâm cung kính Đức Mẹ Ma-ri-a thì tuyệt đối không mất linh hồn.

(Thánh Ignatius de Loyola)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
CN 19 TN B : Bóng cây kim tước và con đường trước mặt
Sơn Ca Linh
08:54 09/08/2015
BÓNG CÂY KIM TƯỚC VÀ CON ĐƯỜNG TRƯỚC MẶT
(Từ câu chuyện tấm bánh lùi của tiên tri Ê-li-a và Bánh Hằng Sống là Đức Ki-tô)

Từ khi ta bước vào đời,
Con đường thiên lý xa vời miên man.
Bao nhọc nhằn, lắm gian nan,
Đau thương thất bại tràn lan giọt buồn…
Mỗi thân phận một con đường,
Mỗi cuộc đời đếm giọt thương giọt sầu,
Bước đi từng bước dãi dầu,
Mỗi ngày là cuộc đương đầu khó nguy,
Bao giờ chân khỏi bước đi,
Bao giờ tới được biên thùy quê hương ?

Thôi thì đỗ lại bên đường,
Bóng cây kim tước chiếc giường ấm êm.
Nghìn thu một giấc êm đềm,
Giã từ gánh nặng vai êm nợ đời.
Thôi nhọc mệt khổ xa rời,
Hết đấu tranh hết một đời bôn ba…!

Nhưng rồi lại tiếng vọng xa :
“Dậy mà ăn để đi xa dặm dài”.
Tấm bánh thơm vại nước đầy,
Trời cao vẫn độ vẫn dày lo toan.
Đường xa núi thẳm miên man,
Sức cùng lực kiệt giờ đang phục hồi.
Bàn tay Cha mãi muôn đời,
Dìu ta đi tận cuối trời bao la.

Bóng cây kim tước ngày xưa,
Hay là chuyện kể Ê-li-a thuở nào.
Tấm bánh thơm, nước ngọt ngào,
Con đường trước mặt chân nào bước nhanh.

Hôm nay có Bánh Trường Sinh,
Cho ta đi suốt hành trình dương gian.
Dù đau thương, lắm gian nan,
Nuôi linh hồn “Của Ăn Đàng” là đây.
“Dậy ăn đi, Bánh thiêng nầy !”
Đường xa vạn lý từ đây ngại gì.
Có Ngài sánh bước cùng đi,
Cô đơn giã biệt yên vui ắp đầy.



 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:23 09/08/2015
VÌ NGƯỜI HIẾN THÂN
N2T

Mạnh Thường Quân đối xử rất tốt với môn khách là Hạ Hầu Chương, tặng ông ta tiền ăn của bốn năm trăm người gộp lại, nhưng Hạ Hầu Chương vẫn luôn nói xấu Mạnh Thường Quân.
Có người mách với Mạnh Thường Quân, Mạnh Thường Quân nói: “Tôi thường có những việc phải thỉnh giáo Hạ hầu công, đừng nói về chuyện ông ấy.”
Phồn Thanh đem câu chuyện này nói lại với Hạ Hầu Chương, Hạ nói:
- “Tôi không có một chút công lao nào mà Mạnh Thường Quân tặng tôi tiền ăn của bốn năm trăm người gộp lại, lại còn đối xử rất tốt với tôi, mà tôi lại còn đi nói xấu ông ấy; Mạnh Thường Quân lấy lòng quân tử đối xử với người rất khoan hậu như vậy, mà tôi thì trở thành kẻ tiểu nhân vong ân bội nghĩa, hỗn láo, như thế tôi phải lấy nhân cách và danh dự của mình vì Mạnh Thường Quân mà cống hiến sức lực, tôi không biết còn phải nói gì nữa đây?”
(Chính Quốc sách)

Suy tư:
Chúng ta chưa bao giờ nói xấu đạo của mình, nhưng chúng ta cũng rất ít khi vì tôn giáo mà lên án những bất công trong xã hội.
Chúng ta chưa làm gì để cho Chúa vui cả, mà chỉ luôn luôn lấy cái trí nhỏ nhen, đem cái tâm ích kỷ của mình để đòi hỏi nơi Chúa mà thôi.
Chúng ta chưa làm gì cho cộng đoàn của mình cả, mà chỉ vì những quyền lợi nhỏ nhen cá nhân mà đòi hỏi cộng đoàn và khích bác anh chị em trong cộng đoàn.
Chúng ta chưa làm gì cho giáo xứ của mình cả, nhưng cứ hể tới nhà thờ là chỉ trích người này người nọ, chỉ trích cái này sai cái kia chưa tốt.
Nếu Thiên Chúa cứ hể thấy chúng ta phạm tội là phạt, thì thử hỏi chúng ta sống được một giây để chỉ trích nói xấu gièm pha anh chị em nữa hay không ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:25 09/08/2015
N2T

50. Người đi hàng hải nhờ hải tinh (sao biển) mới biết phương hướng, các tín hữu trông cậy vào Đức Mẹ Ma-ri-a mới có thể đi tới thiên đàng.

(Thánh Thomas de Aquino)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC kêu gọi loại trừ vũ khi hạt nhân, tạo dựng hoà bình và sống chung huynh đệ
Linh Tiến Khải
10:50 09/08/2015
ĐTC Phanxicô kêu gọi toàn thế giới cầu nguyện và dấn thân cho hòa bình, phổ biến trên thế giới một nền luân lý của tình huynh đệ và một bầu khí chung sống thanh thản giữa các dân tộc.

ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trưa Chúa Nhật hôm qua. Ngài nói:

Cách đây 70 năm ngày mùng 6 và mùng 9 tháng 8 năm 1945 đã xảy ra các vụ bỏ bom nguyên tử kinh khủng trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Sau bao nhiêu năm biến cố thê thảm này vẫn còn dấy lên sự kinh hoàng và nhờm gớm. Nó đã trở thành biểu tượng của quyền lực tàn phá vô độ của con người, khi con người sử dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật một cách sai lạc, và nó là một lời cảnh cáo trường kỳ cho nhân loại, để nhân loại luôn luôn khước từ và bài trừ các vũ khí nguyên tử và mọi vũ khí tàn phá hàng loạt. Dịp kỷ niệm buồn thương này mời gọi chúng ta cầu nguyện và dấn thân cho hòa bình, để phổ biến trên thế giới một nền luân lý của tình huynh đệ và một bầu khí của sự sống chung thanh thản giữa các dân tộc. Ước chi từ mọi miền đều dấy lên một tiếng nói duy nhất: “Không” với chiến tranh và bạo lực và “có” với đối thoại, “có” với hòa bình.

Với chiến tranh người ta luôn luôn mất mát. Cách duy nhất để chiến thắng một cuộc chiến là đừng gây chiến tranh.

ĐTC cũng đã bầy tỏ lo âu trước các tin đến từ El Salvador nơi trong thời gian qua dân chúng đã phải chịu nhiều khó khăn vì đói kém, khủng hoảng kinh tế và các xung khắc xã hội và bạo lực gia tăng, Ngài khích lệ người dân El Salvador kiên trì hiệp nhất trong hy vọng và khuyên nhủ mọi người cầu nguyện để công lý và hòa bình nở hoa trên quê hương của chân phước Oscar Romero.

Trước đó trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa Phúc Âm Chúa Nhật ngài nói: Trong Chúa Nhật này tiếp tục bài đọc chương 6 Phúc Âm thánh Gioan, trong đó Chúa Giêsu, sau khi đã làm phép lạ cả thể hóa bánh ra nhiều, giải thích cho dân chúng ý nghĩa của “dấu chỉ” ấy.

Như Ngài đã làm trước đó với người đàn bà xứ Samaria, khởi hành tử kinh nghiệm khát và từ dấu chỉ của nước, ở đây Chúa Giêsu bắt đầu từ kinh nghiệm đói và dấu chỉ của bánh, để vén mở cho thấy Chính Ngài và mời gọi tin nơi Ngài.

Dân chúng tìm Chúa và lắng nghe Ngài, bởi vì họ hứng khởi vì phép lạ. Họ muốn tôn Ngài làm vua. Nhưng khi Chúa Giêsu khẳng định rằng bánh thật mà Thiên Chúa ban cho là chính Ngài, nhiều người coi đó là gương mù gương xấu và bắt đầu lẩm bẩm với nhau: “Cha mẹ ông chúng ta lại không biết hay sao? Vậy làm sao ông ấy lại có thể nói: “Tôi là bánh từ trời xuống được?” (Ga 6,42). Khi đó Chúa Giêsu trả lời: “Không ai có thể đến với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”, và Ngài thêm: “Ai tin thì có sự sống đời đời” (vv. 44..47). ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Lời này của Chúa khiến cho chúng ta kinh ngạc, và làm cho chúng ta suy nghĩ. “Không ai có thể đến với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”. Nó khiến cho chúng ta suy nghĩ. Lời này dẫn đưa chúng ta vào trong cái năng dộng của đức tin, là một tương quan: tương quan giữa bản vị con người – chúng ta tất cả - và Con Người của Chúa Giêsu, nơi Ngài Thiên Chúa Cha có một vai trò định đoạt, và dĩ nhiên cả Chúa Thánh Thần nữa, đuợc hiểu ngầm. Gặp gỡ Chúa Giêsu để tin nơi Ngài không đủ; đọc Thánh Kinh, đọc Tin Mừng không đủ, điều này quan trọng nhưng không đủ; cả việc chứng kiến một phép lạ, như phép lạ hóa bánh ra nhiều cũng không đủ… Có biết bao nhiêu người đã tiếp xúc chặt chẽ với Chúa Giêsu và đã không tin nơi Ngài, trái lại, họ đã khinh rẻ và lên án Chúa. Và tôi tự hỏi: tại sao vậy? Họ không được Thiên Chúa Cha lôi kéo hay sao? Không: điều này xảy ra, bởi vì trái tim của họ đã khép kín với hoạt động của Thần Khí của Thiên Chúa. Và nếu bạn có con tim khép kín, thì niềm tin không vào được. Thiên Chúa Cha luôn luôn lôi kéo chúng ta về với Chúa Giêsu: chính chúng ta mở hay đóng kín con tim mình. Trái lại, đức tin giống như một hạt giống gieo sâu trong con tim, nẩy nở, khi chúng ta để cho Thiên Chúa Cha lôi kéo đến với Chúa Giêsu và đi tới với Ngài với tâm hồn rộng mở, với con tim rộng mở, không thành kiến: Khi đó chúng ta nhận ra nơi gương mặt của Ngài Gương Mặt của Thiên Chúa và trong các lời nói của Ngài Lời của Thiên Chúa, bởi vì Chúa Thánh Thần đã làm cho chúng ta bước vào trong tương quan tình yêu và sự sống hiện hữu giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Và ở đó chúng ta nhận được ơn, món quà của đức tin.

Khi đó với thái độ này của đức tin, chúng ta cũng có thể hiểu ý nghĩa “Bánh sự sống” mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, và Ngài diễn tả như thế này: “Tôi là bánh hằng sống, từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). ĐTC giải thích thêm như sau:

Nơi Chúa Giêsu, trong “thịt” cùa Ngài – nghĩa là trong bản tính nhân loại cụ thể của Ngài – hiện diện tất cả tình yêu của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần. Ai để cho mình bị lôi cuốn bởi tình yêu này, thì đi đến với Chúa Giêsu với dức tin và nhận đuợc từ Ngài sự sống, sự sống đời đời.

Đấng đã sống kinh nghiệm này một cách gương mẫu là Đức Maria, Trinh Nữ thành Nagiarét là người đầu tiên đã tin nơi Thiên Chúa, bằng cách tiếp nhận thịt xác của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy học nơi Người, là Mẹ chúng ta, niềm vui và lòng biết ơn đối với ơn đức tin. Một món qùa không phải lả “của riêng”, nhưng là một món quà cần chia sẻ: nó là món qùa “cho sự sống của thế giới”!

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho tất cả mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau, đặc biệt là nhóm các người đi mô tô vùng San Zeno Brescia, dấn thân cho các trẻ em đang được điều trị tại Nhà Thương Nhi Đồng Chúa Giêsu ở Roma. Ngài đã chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ các thành viên Thanh Niên Thánh Thể
Đặng Tự Do
20:09 09/08/2015
“Chúng ta đang ở giữa một thế giới chiến tranh,” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với một nhóm đông đảo những người trẻ hôm 07 tháng Tám. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm “Nhưng cũng có những dấu chỉ của hy vọng và niềm vui.”

Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với 1,500 thành viên của Phong trào Thanh niên Thánh Thể, nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày thành lập tổ chức này. Theo Đức Thánh Cha, phong trào này là một trong số những dấu chỉ hy vọng cho Giáo Hội và cho tương lai. Đức Thánh Cha cũng khuyến khích anh chị em: “Hãy can đảm, và tiến về phía trước.”

Đức Thánh Cha đã trả lời một số câu hỏi được đặt ra bởi các bạn trẻ. Đáp lại một câu hỏi về những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, ngài nói rằng “một tình huống không có xung đột chỉ được tìm thấy nơi nghĩa trang”. Ngài khích lệ những người trẻ “đừng sợ xung đột”, mặc dù, ngài đặc biệt cảnh báo về tâm lý thích gây ra xung đột để mưu lợi ích riêng cho mình.

Trả lời một câu hỏi về chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo, Đức Giáo Hoàng nói rằng cùng tồn tại là chìa khóa để tiếp tục đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Đức Thánh Cha đã trích dẫn trường hợp của những người Rohingya, là những người đã bị xua đuổi khỏi Bangladesh và Myanmar và bị từ chối không cho nhập cảnh vào các nước khác trên Thái Bình Dương. Đức Thánh Cha phàn nàn rằng "Họ bị đuổi khỏi một quốc gia và lang thang từ nước này sang nước khác", trong khi chỉ trích sự miễn cưỡng tiếp nhận các thuyền nhân.

Khi được hỏi về cách thức phân định đâu là ý Chúa muốn, đâu là ý thế gian và mưu chước của ma quỷ, Đức Thánh Cha nói rằng điều đó luôn luôn là một thách đố. Ngài nhận xét rằng ma quỷ thường đưa ra những khả năng hấp dẫn, nhưng "luôn luôn có một cái bẫy trong đó ... ma quỷ là đứa dối trá." Sống cầu nguyện, kết hiệp với Chúa là cách hữu hiệu giúp ta nhận ra tiếng nói của Ngài trong thẳm sâu tâm hồn chúng ta.
 
Một tổ chức liên tôn Do Thái gây quỹ tái thiết nhà thờ Hoá Bánh và Cá ra nhiều
Đặng Tự Do
21:13 09/08/2015
Hôm 18 tháng 6, nhà thờ Hoá Bánh và Cá ra nhiều trên bờ biển Galilê đã bị đốt phá gây hư hại nghiêm trọng. Các kẻ đốt nhà thờ còn viết nguệch ngoạc những khẩu hiệu trên tường cho rằng người Công Giáo thờ cúng ngẫu tượng.

Hai thanh niên Yinon Reuveni và Yehud Asraf, đã bị truy tố về các tội ác này. Các công tố viên nhận xét rằng động lực đằng sau các cuộc tấn công này là niềm tin của họ theo đó các Kitô hữu là những người tôn thờ ngẫu tượng.

Ngay sau phiên tòa xử hai thanh niên này, một tổ chức liên tôn Israel đã gây quỹ để giúp phục hồi lại nhà thờ Công Giáo này.

“Lên án thôi thì chưa đủ; cứ lên án suông như thế sau một thời gian người Do Thái chúng ta sẽ mất uy tín của mình” Rabbi Alon Goshen-Gottstein, giám đốc Viện liên tôn Ê-li nói. Ông nhận xét rằng: “Khi người Do Thái móc bóp của họ để hỗ trợ một chuyện gì, thì người ta biết họ nghiêm chỉnh về chuyện ấy.”

Dự án đã được sự ủng hộ của phát ngôn viên Thượng Hội Đồng Do Thái Knesset và 17 giáo sĩ Do Thái Giáo Chính thống, là những người đã mô tả vụ phá hoại này “là vụ phá hoại nhãn tiền nhất cho đến nay trong một loạt các cuộc tấn công vào các địa điểm tôn giáo của các tôn giáo khác.”

Theo báo cáo của tờ Times of Israel, Rabbi Alon nói thêm: “Các chữ viết bậy bạ trên tường dựa theo văn bản từ cuốn sách cầu nguyện của người Do Thái, cho thấy đây là một cuộc tấn công mà động lực được dựa một cách rõ ràng trên niềm tin tôn giáo”.

Vụ phá hoại tại nhà thờ Tabgha là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công vào các nơi thờ phượng Công Giáo ở Israel, trong đó có các mục tiêu quan trọng như nhà thờ Truyền tin tại Nazareth và một nhà thờ gần Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem.
 
Thông điệp Laudato Sí được phát sóng tại Ý
Đặng Tự Do
21:50 09/08/2015
Đài phát thanh Vatican đã công bố kế hoạch phát sóng thông điệp Laudato Sí, là thông điệp xã hội mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong một chương trình gồm 14 phần.

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng sẽ được đọc trong một phiên bản được chuyển thể, với những hiệu ứng âm thanh được sản xuất bởi các nhân viên Đài phát thanh Vatican. Loạt phát sóng, thiết kế đặc biệt để mang thông điệp của Đức Thánh Cha đến với người mù, sẽ được phát sóng trong Ý mỗi buổi tối từ ngày 10 đến ngày 23 Tháng Tám.

Tưởng cũng nên nhắc lại là sáng thứ Năm 18 tháng Sáu vừa qua, trong phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, Đức Hồng Y Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã giới thiệu Thông điệp “Laudato Sí” của Đức Thánh Cha Phanxicô “về chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta”.

Thông điệp được đặt tên từ một lời cầu của thánh Phanxicô. 'Laudato sí, mí Signore” (Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa), trong bài ca của các thụ tạo có nhắc nhớ rằng trái đất là căn nhà chung của chúng ta, “cũng như người chị chúng ta, chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy, và như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay của mẹ”. Chính “chúng ta là đất” (Xc St 2,7). Chính thân thể chúng ta được cấu thành nhờ những yếu tố của trái đất, không khí là yếu tố mang lại cho chúng ta hơi thở và nước của trái đất làm cho chúng ta được sống và được bổ dưỡng”
 
Các Giám Mục Iraq và Syria tố cáo: Hoa Kỳ ưu tiên cho người di dân Hồi Giáo và ra mặt kỳ thị người Công Giáo
Đặng Tự Do
22:17 09/08/2015
Một vị Tổng Giám Mục Công Giáo Iraq và một vị Tổng Giám Mục Syria đã lên tiếng cáo buộc các quan chức di trú Hoa Kỳ đang phân biệt đối xử những người tị nạn Kitô Giáo từ Trung Đông.

Phát biểu tại Philadelphia trong hội nghị toàn quốc các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố, Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda của Erbil, Iraq, và Đức Tổng Giám Mục Jean-Clément Jeanbart của Aleppo cáo buộc rằng chỉ có một số lượng rất nhỏ những người tị nạn Kitô Giáo được cấp thị thực đến Hoa Kỳ trong khi những người tị nạn Hồi giáo được phê duyệt với một tốc độ nhanh hơn và với với con số cao hơn một cách đáng kể.

Đức Tổng Giám mục Warda nói:

“Những người tị nạn tại Erbil đặt câu hỏi: Tại sao chúng tôi nộp đơn xin thị thực vào Mỹ và bị từ chối mà không có những lý do chính đáng”

Hai vị tổng giám mục đều đồng ý rằng họ thích người dân của mình ở lại Syria và Iraq hơn, nếu có thể. Nhưng khi hoàn cảnh bức bách cần xin trợ giúp để sống ở nước ngoài, người Mỹ nên đối xử với các tín hữu Kitô một cách công bằng. Đức Tổng Giám mục Warda nói thêm với các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố: “Xin hãy nhớ điều này: đây là một phần di sản của anh chị em, đây là một phần của việc là một người Mỹ: đó là hãy nói thay cho những người bị đàn áp trên toàn thế giới, đặc biệt là cho các Kitô hữu ngày nay.”

Cả hai vị Tổng Giám Mục đã cảm ơn các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố về sự hỗ trợ tài chính mà tổ chức này đã trao cho các Kitô hữu tại Trung Đông. Trong hội nghị Philadelphia, Carl Anderson, nhà lãnh đạo trên toàn thế giới của các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố, đã công bố việc mở một cổng thông tin trong trang web của các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố để quyên góp cho các Kitô hữu tại Trung Đông. Các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố sẽ trang trải các chi phí hành chính để tất cả số tiền quyên góp được trao toàn bộ cho các Kitô hữu có nhu cầu.
 
Mẹ Sầu Bi, Tiếng Hát Trường Kỳ và Một Cuộc Hôn Nhân Đích Thực
Vũ Van An
22:50 09/08/2015
Ngày 9 tháng Tám, 1945, Mỹ ném bom nguyên tử lên Trường Kỳ (Nagasaki) và một cuộc hôn nhân lý tưởng, cùng với di hại phóng xạ, từ đó, đã được cả thế giới Công Giáo biết đến. Đó là cuộc hôn nhân của Takashi Nagai mà ở Việt Nam, những ai sống khoảng thập niên 1950-1960 đều biết đến dưới tên Paul Nagai, tác giả Tiếng Chuông Trường Kỳ (Les Cloches de Nagasaki), một tác phẩm nổi tiếng đến nỗi đã được biên diễn thành phim cùng tên.

Không ai không cảm động đọc câu này của Paul Nagai: “Đó là những tiếng chuông không còn được được vang lên trong các tuần lễ và năm tháng sau ngày thảm họa nữa. Trước đây, không bao giờ chúng lại không vang lên! Ước chi chúng có thể vang lên sứ điệp hòa bình này ở bình minh ngày tận cùng thế giới!”

Như đã thưa với qúi độc giả trong bài “Nhân Kỷ Niệm 70 Năm Thảm Họa Hiroshima”, phần lớn người Mỹ không quan tâm đến việc dóng lên sứ điệp hòa bình mà chỉ lo biện minh cho thảm họa này, dù nay đã 70 năm trôi qua. Tuy nhiên, Linh Mục Paul Glynn có khác. Mới đây ngài viết về cuộc đời Paul Takashi Nagai dưới tựa đề “Tiếng Hát Trường Kỳ” (A Song for Nagasaki, Ignatius Press, 2009).

Đường nhân bản dẫn vào gặp Chiên Con

K.V. Turley, khi duyệt cuốn sách này, đã trích dẫn lời Nagai nói rằng “cuộc ném bom Trường Kỳ, nhìn dưới lăng kính vĩnh cửu, trở thành một báo hiệu của Khải Huyền và do đó, nghịch lý thay, là một khúc dẫn nhập đưa ta vào ngày Con Chiên xuất hiện”.

Đôi khi các biến cố hoàn cầu chỉ được hiểu tường tận nhờ được nhìn dưới lăng kính những cuộc đời cá thể bị vướng trong đó. Với việc kỷ niệm 70 năm ném bom Trường Kỳ, cuộc đời của Paul Takashi Nagai, dưới ngòi bút của Cha Paul Glynn đã làm chính việc đó, với các biến cố ngày 9 tháng Tám, 1945: các vang dội của chúng, các hậu quả của chúng và cả ý nghĩa thiêng liêng nữa đều đã được thăm dò một cách vượt tưởng tượng.

Cha Glynn dẫn độc giả Tây Phương vào một thế giới bí ẩn đối với nhiều người trong số họ, tức xã hội Nhật Bản. Nhân vật chính của ngài, xét về một bình diện nào đó, chẳng có chi đáng chú ý. Một thanh niên lớn lên trong một gia đình trưởng giả theo truyền thống Nhật Bản. Được giáo dục và có văn hóa. Đến thời, trở thành một bác sĩ. Nhưng rồi một điều gì hết sức đáng chú ý bắt đầu xuất hiện. Chàng thanh niên này bỗng cảm thấy mình bị lôi cuốn vào Kitô Giáo, một cách không thể nào giải thích được, và sự lôi cuốn này ngày càng gia tăng. Cuối cùng, chàng bác sĩ trẻ tuổi đến trọ tại một gia đình Công Giáo ở Trường Kỳ. Thành phố này sắp trở thành địa điểm của biến đổi, và biến đổi nhiều cách hơn Nagai có thể tưởng tượng.

Một gia đình Công Giáo ở Trường Kỳ, vào lúc đó, chẳng có chi mới lạ. Đạo Công Giáo đã được các Nhà Truyền Giáo Dòng Tên mang đến đấy từ thế kỷ 16 và đã sống sót, dù hầm trú trong nhiều thế kỷ, với những năm tháng đau thương, bách hại, tra tấn, và tử đạo, nhưng nó đã sống sót. Đến thập niên 1930, thành phố đã có một nhà thờ chính tòa Công Giáo, với nhiều linh mục bản xứ trông coi một cộng đồng tín hữu ngoan đạo và tích cực. Đó chính là thế giới Nagai đã bước vào.

Hình ảnh vẽ về chàng tuổi trẻ này chẳng có chi là tâng bốc cả. Chàng là đặc trưng của lớp trẻ thuộc thế hệ và bối cảnh của mình. Bởi thế, ta càng thích thú khi đọc được cuộc gặp gỡ của chàng với một nền văn hóa quá khác lạ ngay trên mảnh đất quê hương, một nền văn hóa ta có thể tóm tắt ở việc nó vừa lôi cuốn chàng vừa làm chàng sợ hãi, y như nhau. Cảm thức này cũng là cảm thức của Nguyễn Khắc Dương, cựu khoa trưởng khoa văn của Đại Học Đà Lạt, vốn cũng là một tân tòng, trong Quia dilexit humilitatem meam. Và cũng là cảm thức của Hàn Mặc Tử trong Ave Maria: "linh hồn tôi ớn lạnh… nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến!"

Cũng như Nguyễn Khắc Dương, tại tâm điểm của sự lôi cuốn này không đơn thuần chỉ là một “lý tưởng” như của Thần Đạo hay Phật Giáo; thay vào đó, chàng bị đẩy về phía trước nhờ quan sát những cuộc đời và sự tốt lành của những người chung quanh chàng đang sống điều mà nhiều người Nhật vẫn coi như thứ đạo ngoại nhân.

Một cuộc Hôn Nhân Kitô Giáo

Với cuộc gặp gỡ này, đời chàng hoàn toàn thay đổi. Trước nhất, một cách hết sức người, bởi tình yêu nhân bản. Người đàn bà, người trở thành vợ chàng, nàng Midori, là một con người tuyệt diệu. Nàng là con gái ông chủ nhà Công Giáo, vừa duyên dáng, dịu dàng vừa xinh đẹp, tinh tế, những đặc tính mà nhiều phụ nữ đồng bào nàng cùng có chung. Nhưng nàng có một đức tính khác với hầu hết các phụ nữ khác. Nhưng, cái “đức tính” khác này là một điều chỉ thoáng nhìn được bằng “những con mắt không thể nhìn”. Nó là lòng đạo đức, chắc chắn như thế, nhưng nó còn hơn thế nữa, nó là sự thánh thiện. Một cách vô thức, Nagai bị cuốn hút vào đức tính ấy cũng như nhiều đức tính khác của nàng. Cuộc kết hợp của họ không phải chỉ là cuộc kết hợp của xác thân và tâm trí, hay cả ý chí nữa; mà là hai linh hồn gặp nhau, rồi cùng sánh bước trên nẻo đường thiêng liêng, một nẻo đường vĩnh cửu được họa đồ cho riêng hai người. Nói tắt, đó là điều tạo nên cuộc hôn nhân Kitô Giáo.

Các biến cố ngày 9 tháng Tám, 1945 như một cuồng phong tâm lý cuốn hút mọi sự vào nó, rồi ám ảnh những người nó cuốn hút mãi mãi sau đó. Điều này không đâu đúng hơn bằng chính cuộc đời Paul Takashi Nagai. Nhưng Cha Glynn không chú trọng tới việc tranh luận về cuộc ném bom này hay về Chiến Tranh Thái Bình Dương nói chung, xem ai đúng ai sai. Ngài muốn kể lại câu truyện của một linh hồn, và các biến cố rung chuyển cả địa cầu này đã biến đổi chính cái tầm thường của cuộc sống Nagai và gia đình ông ra sao, khiến tạo ra một phản ứng ngoại thường. Các điều ngài thuật lại vừa gây ngỡ ngàng vừa làm ta xúc động nhờ các chi tiết có liên quan: những điều nhỏ mọn của một gia đình, của một cặp vợ chồng, việc sẵn sàng cho “một ngày bình thường”, những lời “chào tạm biệt” thoáng qua nhưng đã trở thành cố định khi các biến cố bắt đầu tràn ngập họ một cách họ chưa bao giờ dự kiến, chưa bao giờ yêu cầu, và sẽ không bao giờ trở lui, nhưng tất cả chỉ là do một tai nạn.

Trường Kỳ, ngày ấy, không phải là mục tiêu dự tính. Các sự kiện như thế làm ta chợt bừng tỉnh: cuộc đời đôi khi tình cờ là thế. Trong trường hợp này, chỉ là tính sai, một lầm lẫn, và là một lầm lẫn đem đến cái chết cho hàng mười ngàn người và làm cuộc sống những người sống sót tả tơi đến không thể nào cứu vãn, và tất cả, chỉ trong một nháy mắt huyền nhiệm, không biết đến từ đâu. Lúc đó, Nagai, một người chồng, một người cha, một bác sĩ và một tân tòng Công Giáo đáng kính, đang có mặt ở đấy. Đời ông từ đó mãi mãi dính liền với thành phố này, một thành phố chẳng bao giờ để ông rời khỏi nữa.

Xét về nhiều phương diện, sách của Cha Glynn là bức chân dung mô tả một cuộc hôn nhân, và là một cuộc hôn nhân không hề được lý tưởng hóa. Nagai từng tranh đấu với chính lòng ích kỷ của mình; việc thăng tiến nghề nghiệp của ông diễn tiến cùng với nỗi ám ảnh khôn nguôi muốn nghiên cứu y khoa. Thoạt đầu, cái giá xúc cảm trút hết lên vai vợ con ông. Nhưng càng lớn lên trong niềm tin mới khám phá, ông càng ý thức được cái giá đắt đỏ này, và ý thức này chưa bao giờ mồn một bằng ngày ông mất vợ, tháng Tám ấy. Ngày ấy, sau khi lục lọi đống gạch vữa của căn nhà xụp đổ, ông tìm ra di hài vợ đã thành than. Vẫn nắm chặt trong tay nàng là xâu chuỗi Mân Côi: nàng đã liên lỉ dùng nó cầu nguyện cho người chồng tương lai trở lại đạo, và nó là vật cuối cùng chàng nhìn thấy nàng nắm chặt trong tay; các lời cầu nguyện của nàng cho chồng và cho các con mồ côi mẹ nay đã phải từ một nơi khác rồi.

Nagai mất quá nhiều vào mùa hè năm 1945, nhưng sau đó, ông nhận được một quà phúc vô giá: Thánh Giá. Một cách bất ngờ, Thánh Giá đã đến gặp ông, và khi nhận ra nó, ông ôm lấy nó và hôn kính nó.

Hữu Hình bọc Vô Hình

Bí quyết của cuốn sách thì chỉ người có đức tin mới biết: đời sống có một thực tại hữu hình bên ngoài dùng để bọc cái lõi sâu hơn bên trong, một cái lõi thường là dấu ẩn, cái lõi tâm linh. Trái bom nguyên tử để lại các hình ảnh “tiêu cực” khắp phố xá Trường Kỳ thế nào, thì nó cũng bật mí cho Nagai thấy hết cái “tiêu cực” của cuộc đời như thế. Mọi biến cố và thực sự mọi con người đều để lại một ý nghĩa siêu nhiên là thế. Chính sự biến đổi này, hơn bất cứ điều gì khác, từ nay khởi đầu giai đoạn chót và huyền nhiệm nhất của đời ông.

Tuy nhiên, những gì xẩy ra tiếp theo đó đã trở thành đề tài tranh cãi. Nagai cũng chủ trương rằng những gì diễn ra trong tháng Tám ấy, dù có tính hết sức bản thân, nhưng có một ý nghĩa sâu sắc hơn cho toàn thể nước Nhật. Các kinh hoàng giáng xuống lãnh thổ đó có liên hệ với các hành động trước đó và tinh thần quân phiệt mà các nhà lãnh đạo Nhật vốn cổ vũ. Tuy nhiên, đó không phải là một thứ “chúc dữ”. Trái lại, cuộc ném bom Trường Kỳ, nhìn dưới lăng kính vĩnh cửu, trở thành một báo hiệu của Khải Huyền và do đó, nghịch lý thay, là một khúc dẫn nhập đưa ta vào ngày Con Chiên xuất hiện. Nay, Nagai chỉ hiểu các biến cố này bằng các hạn từ huyền nhiệm. Các tâm tư của ông bị nhiều người chống đối, nhưng có người coi đây như bước đầu của hàn gắn, cho họ và cho cả đất nước.

Những năm cuối đời của Nagai, ít ỏi thôi, ông qua đời tháng Năm, năm 1951 (43 tuổi), là những ngày giờ của cầu nguyện, chiêm niệm và hết lòng chăm sóc con cái. Trước khi qua đời không lâu, ông chụp chung với con gái Kayano một bức hình. Mắt ông như nhìn quá sự chết thấy cả một Vô Hạn phía sau trong khi con gái mắt đầy tin tưởng và bình an dõi nhìn phía trước. Gương mặt bố con nói lên gia đình, nói lên tình yêu nhân bản và siêu nhiên, vẫn tiếp tục sống còn bất chấp những điều tồi tệ nhất mà bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng mang tới.



Điều cũng đáng nói là trái bom nguyên tử hủy diệt nhà thờ chính tòa nhưng chừa một cấu trúc: đó là tượng Đức Mẹ Sầu Bi đặt phía trước nhà thờ. Từ hiện tại nhìn trở lui quá khứ, không ai không kết luận rằng chẳng còn bức tranh nào cảm động bằng bức tranh Mẹ Thiên Chúa đứng nhìn những gì còn sót lại của Trường Kỳ: một “lũng nước mắt” theo nghĩa đen!

Tưởng cũng nên thêm: lòng đạo đức của Paul Nagai khiến ông được xưng tụng là Ông Thánh Trường Kỳ và hiện ông được Giáo Hội thừa nhận là Tôi Tớ Thiên Chúa, bước đầu tiên trong tiến trình phong thánh của Giáo Hội Công Giáo.

Trên đây, ta thấy ông được lòng đạo hạnh của vợ tương lai “quật ngã”, như Thánh Phaolô bị ngựa quật ngã trên đường Đamát. Nhưng thực ra, chính Blaise Pascal với câu nói: “con người chỉ là cây sậy, yếu ớt nhất trong thiên nhiên; nhưng là cây sậy biết suy nghĩ” đã là nam châm đầu tiên khiến ông lưu ý tới Kitô Giáo, ngay năm đầu học y khoa. Ông say mê đọc “Les Pensées”, nhờ thế khi tới với gia đình Midori, một gia đình Công Giáo ngoan đạo, ông có cảm tình ngay.

Ngày 9 tháng Sáu, 1934, ông gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Hai tháng sau, ông thành hôn với Midori. Hai ông bà sinh được 4 người con: 1 trai, 3 gái. Kayano là con gái út, qua đời năm 2008. Ông từng gặp Thánh Maximilian Kolbe khi ngài cư ngụ tại Trường Kỳ và khi đã bị tai nạn nguyên tử, chính ông đã nghe thấy “tiếng” thúc giục ông xin sự bầu cử của ngài và chứng chẩy máu của ông đã ngưng lại cách lạ lùng.

Ông từng được gặp những người nổi tiếng như Helen Keller năm 1948, Nhật Hoàng Hirohito năm 1949 và Đức HY Gilroy, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng, cùng năm.

Ông qua đời giữa lúc chờ tượng Đức Mẹ do Hội Y Sĩ Ý gửi tặng. Ông thở hơi thở cuối cùng lúc 9 giờ 50 đêm 1 tháng Năm, 1951, được an táng 2 ngày sau. Ngày 14 tháng Năm, buổi tưởng niệm ông chính thức được khai mạc, với sự tham dự của 20,000 người, thành phố Trường Kỳ dành một phút im lặng và chuông mọi cơ sở tôn giáo đều rung. Xác ông được chôn cất tại nghĩa trang quốc tế Sakamoto.
 
Cảnh sát Israel có những động thái tích cực nhằm ngăn chặn việc đốt phá các nhà thờ Kitô Giáo
Đặng Tự Do
22:45 09/08/2015
Cảnh sát Israel đã thực hiện một bước hiếm hoi khi bắt giam một thanh niên cực đoan Do Thái theo luật “bắt giữ để phòng ngừa” vì sự tham gia của thanh niên này trong các cuộc tấn công vào các nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Giêrusalem.

Mordechai Ben Gedaliah, một cư dân trong một khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, đã bị bắt giam hôm 4 tháng 8. Việc bắt giữ thanh niên này là một phần trong chiến dịch truy quét các nhóm cực đoan đã được khởi sự sau khi một bé gái sơ sinh người Palestine bị thiệt mạng khi nhà của gia đình em bị đốt cháy.

Gedaliah đã tham gia vào một loạt các vụ tấn công bao gồm cả vụ đốt nhà thờ Hoá Bánh và Cá ra nhiều trên bờ biển Galilê.

Luật “bắt giữ để phòng ngừa” đã được đưa ra cách đây 10 năm và chủ yếu dùng để bắt những người Palestine tình nghi dính líu vào các hoạt động khủng bố. Đây là lần đầu tiên luật này được viện dẫn để bắt một người Do Thái.
 
28 tháng 8 là ngày Colorado sám hối và cầu nguyện cho những tội ác đối với thai nhi của Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
23:38 09/08/2015
Các Giám Mục tại Colorado đã kêu gọi một ngày sám hối, và cầu nguyện cho Hoa Kỳ trước tội ác kinh hoàng vừa được phơi bày cho thấy cơ quan Kế Hoạch Hóa Gia Đình của Mỹ (Planned Parenthood) dính líu vào việc mua bán nội tạng những thai nhi bị phá thai.

Trong thư mục vụ gởi các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân, các Giám Mục viết:

“Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người thiện chí ở Colorado và cả những nơi khác cùng nhau cầu nguyện để những người tham gia nghiên cứu y học biết sửa chữa những quan điểm sai lạc của mình, biết nhìn nhận sự thánh thiêng của sự sống và kiềm chế không đưa sự sống con người tới chỗ phục vụ khoa học,” .

Các Giám Mục cũng đã ấn định ngày 28 tháng 8 là một ngày đặc biệt cầu nguyện và sám hối.

Lời kêu gọi cầu nguyện là một phản ứng nhanh chóng của các Giám Mục sau khi một video được kín đáo thu hình và tung ra bởi Trung tâm Tiến bộ y tế cho thấy những hoạt động mua bán nội tạng thai nhi của cơ quan Planned Parenthood ở Rockies, Denver.
 
Top Stories
Pope Francis: Revulsion of Hiroshima & Nagasaki attacks
Vatican Radio
17:30 09/08/2015
2015-08-09 Vatican - Pope Francis on Sunday recalled the 70th anniversary of the "terrible" atomic bomb attacks on the Japanese cities of Hiroshima and Nagasaki, saying this tragic event "still arouses horror and revulsion" in us many years later. The Pope said these attacks have become the symbol of the enormous destructive power of humanity when it makes a distorted use of scientific and technical progress and serves as a lasting warning to us. Turning to the situation in El Salvador, Pope Francis spoke of his deep concern for the suffering of the population there as a result of the famine, the economic crisis and growing violence.

His remarks came in an appeal following the Angelus prayer addressed to the faithful gathered in St. Peter’s Square. In his earlier Angelus address, the Pope spoke of how faith only blooms if we allow our hearts to be opened by God’s love.

Please find below a translation in English of the Pope’s appeal and a summary of his earlier Angelus address:

Dear Brothers and Sisters,

“Seventy years ago, on the 6th and the 9th of August 1945, the terrible atomic bomb attacks on Hiroshima and Nagasaki took place. Even after so many years, this tragic event still arouses horror and revulsion. This (event) has become the symbol of mankind’s enormous destructive power when it makes a distorted use of scientific and technical progress and serves as a lasting warning to humanity so that it rejects forever war and bans nuclear weapons and all arms of mass destruction. Above all, this sad anniversary urges us to pray and strive for peace, to spread brotherhood throughout the world and a climate of peaceful coexistence between peoples. May one cry rise up from every land, ‘No’ to war and violence and ‘Yes’ to dialogue and to peace. With war one always loses. The only way to win a war is never to wage it.

I am following with deep concern the news coming from El Salvador where recently the suffering of the population has worsened owing to the famine, the economic crisis, social clashes and growing violence. I encourage the beloved people of El Salvador to persevere united in hope and urge everybody to pray in order that justice and peace can flower once again in the land of the Blessed Oscar Romero.”

During his earlier Angelus address, Pope Francis said faith only blooms if we allow our hearts to be opened by God’s love. Taking his inspiration from the gospel reading of John where Jesus tells the crowd that “no one can come to me unless drawn by the Father who sent me,” the Pope said Christ’s words introduce “the dynamics of faith.” He stressed that “it’s not enough to meet Jesus to believe in Him, it’s not enough to read the Bible, the Gospel, it’s not even enough to witness a miracle.”

The Pope said many people were in close contact with Jesus and “still did not believe in him and actually even despised and condemned him.” He explained that this occurred because “their hearts were closed to the work of the Holy Spirit. Instead, faith, which is like a seed in the depths of our heart, blooms when we allow ourselves to be drawn by God towards Jesus, and we go to Him with an open mind and with no prejudices.”

Pope Francis said with “this attitude of faith” we can also understand Jesus’s words when he describes himself as the “bread of life.” Whoever is drawn by this love of God goes towards Jesus with faith and receives from him eternal life. The Pope concluded by saying the person who lived through this experience “in an exemplary fashion was Mary, the virgin of Nazareth, the first human person who believed in God by welcoming the flesh of Jesus.” "Let us learn from her example.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
200 ngày sinh của Cha Thánh Gioan Bosco: Mùa Hồng Ân
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
05:12 09/08/2015
200 Năm ngày sinh của cha thánh Gioan Bosco: Mùa Hồng ân

Ngày 16/8/2015 là ngày kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhật của cha thánh Gioan Bosco, Đấng sáng lập ra tu hội Salesian và Dòng nữ Con Cái Mẹ Phù Hộ... Đại gia đình Salesian Don Bosco trong suốt 3 năm qua đã không ngừng học hỏi và tìm về nguồn ơn đoàn sủng của cha thánh để sống tiếp nối công cuộc và sứ mệnh của cha thánh Gioan Bosco trong đời sống thánh hiến theo Chúa Giêsu, phục vụ Giáo Hội và đặc biệt thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi...

Trong những ngày kỷ niệm này khắp nơi trên 130 quốc gia mà các tu sĩ Salesian đang hoạt động có nhiều lễ hội...
Riêng tại Việt Nam và Úc Châu những ngày này cũng là mùa hồng ân với một vài lễ hội như:

I. Lễ Truyền Chúc Linh mục: Sáng thứ Sáu 7/8/2015 tại nhà thờ Tam Hải Thủ Đức thuộc tổng giáo phận Sàigòn, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giáo mục giáo phận Phú Cường đã phong chức cho 10 tân linh mục của tỉnh dòng Salesian Don Bosco Việt Nam mà Linh mục Giuse Nguyễn Văn Quang là giám tỉnh cùng với nhiều linh mục tu sĩ và khoảng 1500 người tham dự thánh lễ. Xin hòa chung tâm tình cầu nguyện và cầu chúc các tân chức nhiều hồng ân Chúa và hăng say trong sứ vụ tông đồ. ..

Hình Lễ Truyền Chức
Các tân linh mục là:
1. Pt. Đaminh Nguyễn Văn Ban
2. Pt. Micae Bùi Phúc Hòa
3. Pt. Giuse Hồ Quang Hân
4. Pt. Đaminh Phạm Văn Chỉ
5. Pt. Đaminh Lã Minh Cường
6. Pt. Vinhsơn Nguyễn Văn Dương
7. Pt. Phêrô Nguyễn Việt Quang Minh
8. Pt. Tôma Vũ Thanh Phong
9. Pt. Giuse Trần Hoàng Quân
10. Pt. Giuse Đinh Văn Triển

II. Lễ Khấn Dòng của Dòng Con Cái Mẹ Phù Hộ: Cũng trong tháng này ngày 3/8/2015 tại dòng nữ Salesian cũng gọi là Dòng Cái Cái Mẹ Phú Hộ ở Tam Hà đã diễn ra một thánh lễ mừng:
Hình lễ khấn dòng


o 16 tân khấn sinh
o 49 sơ tái khấn lại
o 12 sơ vĩnh khấn
o Và Sơ Maddalena Ngô thị Minh Châu kỷ niệm 50 năm khấn dòng
o Sơ Cecilia Nguyễn Thị Bạch Mai kỷ niệm 25 năm khấn dòng

III. Thánh lễ kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 200 năm Don Bosco tại Úc Châu: Chúa Nhật 16/8/2016 đại gia đình Salesian gồm nhiều sắc tộc Úc, Ý, Phi... Việt nam sẽ tập trung tại trường Salesian Chadstone Melbourne Úc châu để cử hành Thánh lễ mừng kính cha Thánh Gioan Bosco và kết thúc Năm thánh Salesian. Trong thanh lễ này các em huynh trưởng của Đoàn Thanh Thiếu Niên Salesian tại giáo xứ Brunswick sẽ múa bài “Live the Dream” (Sống Giấc Mơ)... Thánh lễ này sẽ được cha Bề trên đặc trách vùng Á Châu và Úc Châu là cha Klement chủ sự với các linh mục Salesian tại Úc Châu đồng tế với sự hiện của giới trẻ tại các trường và giáo xứ tại do dòng đảm trách tại Melbourne. Đây là một lễ hội vui chơi, trao đổi các nền văn hóa và cùng ngợi ca Chúa và kín múc sinh lực tinh thần của cha thánh Gioan Bosco...
Coi video "Sống Giấc Mơ"

Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB
 
Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long dâng lễ mừng bổn mạng CĐ. Thánh Benado Duệ
Trần Văn Minh
04:58 09/08/2015
Melbourne, vào lúc 12 giờ trưa Ngày 9 – 8 – 2015, tại Nhà thờ Giáo xứ Holy Eucharist Saint Albans. Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Thánh Benado Duệ đã long trọng tổ chức dâng lễ mừng kính Thánh Benado Duệ là bổn mạng Cộng đoàn.

Mời coi hình

Trước khi dâng lễ mừng kính Thánh bổn mạng, Cộng đoàn đã tổ chức rước kiệu trong khuôn viên khu Thánh đường. Tiếng trống dục dã tươi vui như tỏ lòng kính mến vị Thánh bổn mạng. Các hội đoàn như Hội các bà Mẹ Công giáo, Thiếu Nhi Thánh thể, Hội phụ nữ trong Cộng đoàn với cờ, phướn và những tà áo dài đồng phục thướt tha bay trong gió, hòa quyện vào lời kinh tiếng hát của Ca Đoàn Phanxico đi trong đoàn kiệu Thánh thật trang nghiêm sốt sắng.

Khi kiệu Thánh an vị trên gian cung Thánh, vị đại diện Cộng đoàn đã lên đọc tiểu sử Thánh Bênado Võ Văn Duệ, một vị Thánh Tử Đạo Việt Nam với lòng trung kiên, anh hùng. Dù tuổi đời đã cao 83 tuổi, nhưng Ngài đã anh dũng xưng nhận mình là một linh mục để làm chứng tá cho sự thật và vinh quang của nước Chúa, Ngài đã chịu án tử đạo ngày 01 – 08.

Thánh lễ đồng tế do Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long, Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Melbourne chủ tế cùng Linh mục Trần Minh, Chánh xứ Holy Eucharist và Linh mục Phạm Minh Ước đồng tế, Ca đoàn Thánh Linh xuất sắc với các bài Thánh ca phục vụ cho Thánh lễ thật long trọng.

Với một ngày trời mùa Đông, nhiều mây và những cơn gió lạnh nhẹ, nhưng mọi người trong Cộng đoàn đã vui mừng về dự Thánh lễ mừng kính bổn mạng của cộng đoàn thật đông, ngôi nhà Chúa đã không còn chỗ trống, nhiều người phải đứng và ngồi phần phía cuối của nhà thờ. Đây là một trong các cộng đoàn có số giáo dân đông nhất mà Đức cha Vincent Long cũng đã nhận định và ngỏ lời khen ngợi về tinh thần sốt mến sống đạo trong Cộng đoàn.

Trước khi Thánh lễ kết thúc, ông Thọ trưởng ban mục vụ cộng đoàn đã lên cám ơn Đức cha, quý cha, Ban mục vụ Cộng đồng, quý ban ngành đoàn thể trong cộng đoàn đã chung tay góp sức để tổ chức Thánh lễ mừng kính bổn mạng của cộng đoàn thật tốt đẹp. Trong dịp vui mừng của cộng đoàn, cộng đoàn có tổ chức một bữa tiệc để mọi người có dịp ngồi lại với nhau trong tình thương yêu đoàn kết, và biết ơn, thay mặt công đoàn ông ngỏ lời mời quý khách và toàn thể cộng đoàn sang hội trường nhà xứ để cùng tham dự.

Trong buổi tiệc, có phần giúp vui của các hội đoàn và ca đoàn. Với những bài hợp ca, đơn ca, song ca, múa thật sinh động làm cho buổi tiệc thật vui.
 
Giáo Đoàn Mt. Pritchard ở Sydney mừng Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
10:35 09/08/2015
Chiều Chúa Nhật 09/08/2015 Giáo đoàn Mount Pritchard Sydney đã hân hoan long trọng mừng kính Lễ Bổn Mạng Thánh Tử Đạo Việt Nam Micae Nguyễn Huy Mỹ tại nhà thờ Our Lady of Mount Carmel Mt. Pritchard, Sydney.

Hình ảnh

Đúng 1.30pm Giáo Dân và các Hội Đoàn, Đoàn Thể, Phong Trào, quý Quan Khách Úc-Việt tập trung tại khuôn viên nhà thờ và sau ba hồi chiêng trống truyền thống dân tộc Việt Nam, Cha Anthony Fregolent Chính xứ Mt. Pritchard xông hương tượng Thánh Nguyễn Huy Mỹ và kiệu cung nghinh tượng Thánh Nguyễn Huy Mỹ trong khuôn viên nhà thờ. Cuộc rước kiệu rất long trọng và trang nghiêm, mọi người cùng dâng lên Đức Mẹ Chuỗi Mân Côi Mùa Mừng cầu cho Giáo Đoàn và Cộng Đồng. Ngoài các Hội Đoàn Đoàn thể, các Giáo Đoàn bạn, còn có Hội Đoàn người Ý và Ban Mục Vụ Giáo xứ tham dự.

Sau khi tượng Thánh Nguyễn Huy Mỹ đã tiến vào nhà thờ và an vị trên cung thánh. Anh Vũ Nhuận thay mặt Giáo đoàn đọc tiểu sử về Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, Ngài đã chịu mọi sự cực hình tra tấn dã man với 500 roi đòn rướm máu nhưng vẫn kiên cường chịu đựng để Vinh Danh Chúa và cuối cùng Ngài vui vẻ chấp nhận cái chết để nêu gương cho hậu thế và làm chứng nhân cho Thiên Chúa, trong khi đó trên màn ảnh Projector cũng chiếu bản tiểu sử của Thánh Mỹ bằng Anh Ngữ để cho quan khách Úc được biết đến vị Thánh anh hùng Việt Nam mà Giáo đoàn, Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Dòng Ba Đaminh đã chọn làm Bổn Mạng

Sau khi chấm dứt phần tiểu sử, Cha Paul Văn Chi Đặc trách Giáo Đoàn ngỏ lời chúc mừng bổn mạng Giáo đoàn và giới thiệu quý Cha Chính xứ Anthony Fregolent, Cha Richard, Cha Tuyên Úy Trưởng Dương Thanh Liêm, Cha Nguyễn Hoàng Dương, Cha Trần Bạch Hổ và Cha Phan Quốc Trực. Đặc biệt có sự hiện diện tham dự cũa Hội Đồng Giáo Xứ và có bà Hiệu Trưởng Derby Hackenber người mà cách đây một năm đã đưa tượng Thánh Tử Đạo Micae Nguyễn Huy Mỹ đặt tại khuôn khuôn viên của trường học Giáo Xứ để các em học sinh cầu nguyện và biết về vị Thánh anh hùng Tử Đạo Việt Nam, đó là hồng ân Chúa ban. Sau đó qúy Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ

Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi nói về Bánh trường sinh mà Chúa Giêsu đã phán “Ta là Bánh từ trời xuống. Ai ăn Bánh này sẽ sống muôn đời..” Ngày hôm nay Giáo đoàn chúng ta mừng kính Thánh Tử Đạo Micae Nguyễn Huy Mỹ,chúng ta hãy sống trong niềm tin qua những biến cố trong cuộc đời, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống..Hãy siêng năng lãnh nhận Bánh trường sinh là Bí tích Thánh Thể trong cuộc đời..và hãy sống bác ái yêu thương và phục vụ trong gia đình trong cộng đoàn và trong đời sống xã hội..



Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Anthony Fregolent Chính xứ Mt. Pritchard lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng Giáo đoàn, Ngài khen ngợi Giáo Đoàn đã tích cực đóng góp cho Giáo xứ rất nhiều hữu ích và Ngài cũng rất hâm mộ các em Thiếu Nhi Thánh Thể trong Giáo đoàn. Kế tiếp anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney đại diện Cộng Đồng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn, Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Anh ngỏ lời khen ngợi Giáo đoàn đã phát triển lớn mạnh và đã đóng góp rất nhiều cho Cộng Đồng trong những thời gian qua. Anh cũng chúc mừng Tân Ban Mục Vụ Giáo Đoàn của nhiệm kỳ mới 2015 – 2018. Sau cùng ông Nguyễn Thiên Thiện Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Mt. Pritchard lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ, quý Quan Khách Úc-Việt, quý ân nhân, và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo Đoàn. Đặc biệt cám ơn Ca đoàn Ngôi Ba, Thiếu Nhi Thánh Thể, quý Hội Đoàn và Ban Phụng Vụ đã giúp cho Thánh lễ hôm nay được trang nghiêm long trọng. Đặc biệt Cha Chính xứ Anthony cũng giới Bà Hiệu Trưởng Mrs Derby Hackenberg ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn.

Thánh lễ kết thúc mọi người ở lại cùng tham dự buổi tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng của Giáo đoàn và thường lãm văn nghệ bên hội trường của nhà thờ do Ca đoàn Ngôi Ba Mt. Pritchard và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể cùng phối hợp trình diễn với những tiết mục Đơn Ca, Song Ca và hoạt cảnh rất đặc sắc và lồng trong phần văn nghệ có thêm phần xổ số may mắn lấy hên.
 
Văn Hóa
Bánh trường sinh
Trầm Hương Thơ
21:20 09/08/2015
BÁNH TRƯỜNG SINH

Chính Ngài là bánh trường sinh
Bởi Trời ban xuống cho mình thần lương
Linh hồn đón nhận thơm hương
Sống trong sung mãn minh tường đúng sai

Người ngu ỷ thế cậy tài
Chẳng cần Thiên Chúa chê bai mọi người
Một cơn gió thoảng tiêu đời
Xây nhà trên cát phản lời Chúa ban

Tưởng rằng ở mãi trần gian
Ngờ đâu chớp mắt đã tan kiếp đời
Trở về trình diện với Người
Mang theo tiếng tốt hay lời thị phi

Khi xưa ta đã làm gì?
Bây giờ sáng tỏ từng ly rõ ràng
Ngài cần chi thứ bạc vàng
Ngài cần phúc đức trang hoàng yêu thương

Khi xưa Ngài đã làm gương
Từ trời cao xuống chỉ đường cho ta
Hy sinh Ngài đã ban ra
Ai theo sẽ bước vào nhà Thiên Ân

"Thần Lương ban xuống ân cần
Ai ăn sẽ sống trọn phần phúc vinh".

Trầm Hương thơ
09.08.2015
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thiên Nhiên Bạt Ngàn
Nguyễn Ngọc Liên
18:16 09/08/2015
THIÊN NHIÊN BẠT NGÀN
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Những đỉnh núi cao vời,
Thể hiện quyền năng Ngài.
Ngọn cỏ gió đùa chơi,
Nói lên lòng lành Ngài.
(Trích thơ của Bùi Hữu Thư)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 4 – 10/08/2015: Hoa Kỳ là nước cần được trừ quỷ nhất
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:36 09/08/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Giáo Hội phát triển chiến dịch ngăn ngừa bạo lực và tội phạm.

Ðức Cha Gregorio Nicanor Penha Rodriquez, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục cộng hòa Dominicana, kêu gọi hoạt động ngăn ngừa nạn bạo lực và tội pham gia tăng trong nước.

Ðức Cha ghi nhận rằng chính quyền cũng đã có các hoạt động trong chiều hướng này, nhưng thưởng chỉ can thiệp sau khi tai nạn đã xảy ra.

Trái lại theo Ðức Cha, nếu chính quyền đưa ra các biện pháp phòng ngừa cụ thể với sự can thiệp của cảnh sát và quân đội, thì các tổ chức tội phạm sẽ không có đất hoạt động. Ðức Cha thấy cần phối hợp các chương trình và các hoạt động giáo dục người trẻ ngay trong các trường học, cóc nhóm, các đoàn thể, gia đình và xã hội dân sự, thì có thể tránh được điều dữ này.

Nhiều thành phần xã hội khác cũng đã xin chính quyền can thiệp để chặn đứng nạn tội phạm và bạo lực lan tràn và gia tăng trong nước, nhất là giữa giới trẻ. Ngày 26 tháng 7 năm 2015 tổng thông Cộng hoà Dominicana đã tham dự một đại hội quốc tế của tổ chức Hệ thống hội nhập Trung Mỹ, và trình bầy về nạn bạo lực và tội phạm ở Trung Mỹ, và yêu cầu các nước toàn vùng cùng nhau làm việc để đương đầu một cách hữu hiệu với các vấn đề bạo lực và bất an ninh.

2. Triển lãm: “Một phúc lành cho nhau: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và dân tộc Do Thái”.

“Một phúc lành cho nhau: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và dân tộc Do Thái” là chủ đề của cuộc triển lãm được khai mạc ngày thứ Tư 28 tháng 07 năm2 015 tại Vatican, và sẽ mở cửa đến ngày 17 tháng 09 năm 2015. Triển lãm này trước đây đã được trưng bày tại một số tiểu bang của Hoa Kỳ, và đã có hơn một triệu lượt khách đến xem. Cuộc triển lãm được thực hiện như một món quà sinh nhật cho Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II nhân dịp mừng sinh nhật thứ 85 của ngài, đã được khai trương tại Ðại học Xavier tại thành phố Cincinnati, Ohio, vào ngày 18 tháng 05 năm 2005, một tháng sau khi Ðức Gioan Phaolô II qua đời. Sau đó triển lãm được đưa đến Roma, và các nhà tổ chức cũng muốn triển lãm này có mặt tại thành phố Krakow của Ba Lan, nơi mà Ðức Hồng Y Karol Wojtyla từng là Tổng giám mục.

Tại Triển lãm “Một phúc lành cho nhau”, người xem sẽ được giới thiệu về các bước đi của Ðức Gioan Phaolô II đã thực hiện để cải thiện mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và dân tộc Do Thái, về Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vatican II, ban hành năm mươi năm trước đây; trong Tuyên ngôn này Giáo Hội Công Giáo thể hiện sự trân trọng đối với các tôn giáo khác và tái khẳng định những nguyên tắc của tình huynh đệ phổ quát, tình yêu và không phân biệt đối xử.

Triển lãm được tài trợ bởi nhiều trường đại học, các cá nhân và các cơ quan vốn nhìn nhận rằng đối thoại liên tôn là nguồn tiến bộ của nhân loại. Triển lãm thuật lại những mối tương quan giữa Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II và những người mà trong chuyến viếng thăm lịch sử đến Ðại Hội đường Do Thái ở Roma vào ngày 13 tháng 04 năm 1986, ngài đã gọi là “những người anh của chúng tôi”.

Triển lãm chia thành bốn phần với nhiều hình ảnh, âm thanh, video và các nguồn tương tác khác.

Phần đầu trình bày những năm đầu đời của Karol Wojtyla tại nơi sinh ra của ngài là Wadowice, tình bạn suốt đời của ngài với người bạn trẻ Do Thái Jerzy Kluger, và những mối quan hệ giữa người Công Giáo và người Do Thái tại Ba Lan trong thập niên từ năm 1920 đến năm 1930.

Phần thứ hai trình bày những năm Ðức giáo hoàng theo học đại học ở Krakow, và công việc của ngài ở gần những người bạn sống trong Ghetto, là những người nếm trải những kinh hoàng của nạn diệt chủng Shoah.

Phần thứ ba trình bày đời sống linh mục và giám mục của ngài, Công đồng Vatican II và sự chuyển hướng mà Công đồng thể hiện trong quan hệ giữa người Do Thái và Kitô hữu, và mối liên kết chặt chẽ giữa vị Hồng Y Tổng giám mục Krakow với cộng đồng Do Thái ở Tổng giáo phận của ngài.

Phần cuối trình bày khuôn mặt của Karol Wojtyla như người Kế vị Thánh Phêrô, chuyến viếng thăm của ngài tới Hội đường Roma, và chuyến viếng thăm Israel năm 2000 - dịp đó ngài đã để lại một lời cầu nguyện tại Bức tường Than khóc, xin Chúa tha thứ cho cách đối xử với người Do Thái trong quá khứ và tái khẳng định Giáo Hội cam kết tiếp tục bước theo con đường huynh đệ với Dân Giao Ước.

Khách tham quan triển lãm “Một phúc lành cho nhau sẽ được mời viết một lời cầu nguyện và đặt vào một phiên bản của Bức tường Than khóc. Các lời nguyện này sau đó sẽ được gom lại và đưa đến Bức tường Than khóc tại thành cổ Jerusalem.

3. Hai thanh niên Do Thái đốt nhà thờ Hoá Bánh và Cá ra nhiều bị ra hầu tòa

Một tòa án Israel đã truy tố hai thanh niên cực đoan Do Thái vì các cuộc tấn công đốt phá một nhà thờ Công Giáo cổ đại.

Hôm 18 tháng 6, nhà thờ Hoá Bánh và Cá ra nhiều trên bờ biển Galilê đã bị đốt phá gây hư hại nghiêm trọng. Các kẻ đốt nhà thờ còn viết nguệch ngoạc những khẩu hiệu trên tường cho rằng người Công Giáo thờ cúng ngẫu tượng.

Hai thanh niên Yinon Reuveni và Yehud Asraf, đã bị truy tố về các tội ác này. Các công tố viên nhận xét rằng động lực đằng sau các cuộc tấn công này là niềm tin của họ theo đó các Kitô hữu là những người tôn thờ ngẫu tượng.

Vụ phá hoại tại nhà thờ Tabgha là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công vào các nơi thờ phượng Công Giáo ở Israel, trong đó có các mục tiêu quan trọng như nhà thờ Truyền tin tại Nazareth và một nhà thờ gần Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem.

4. Lịch trình các buổi cử hành Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót tại Rôma và trên thế giới

Sáng ngày 30 tháng 7 năm 2015 Tòa Thánh đã công bố lịch trình các buổi cử hành Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót.

Những biến cố chính gồm có:

- Mùng 8 tháng 12 năm 2015 Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự lễ mở cửa Năm Thánh đền thờ thánh Phêrô.

- Ngày 13 tháng 12 năm 2015 lễ mở cửa Năm Thánh đền thờ thánh Gioan Laterano, đền thờ thánh Phaolô ngoại thành và các nhà thờ chính tòa trên toàn thế giới.

- Mùng 2 tháng 2 năm 2016 ngày cho những người sống đời thánh hiến và kết thúc Năm Ðời Thánh Hiến.

- Mùng 10 tháng 2 năm 2016 lễ nghi gửi các Thừa Sai của Lòng Thương Xót trong đền thờ thánh Phêrô.

- Ngày mùng 4-5 tháng 3 năm 2016: “24 giờ cho Chúa” với lễ nghi sám hối tại đền thờ thánh Phêrô.

- Ngày 13 tháng 11 năm 2016 lễ đóng cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại các đền thờ Roma và trong các giáo phận trên thế giới.

- Ngày 20 tháng 11 năm 2016 lễ đóng cửa Năm Thánh tại đền thờ thánh Phêrô kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót.

5. Một linh mục Ý trừ qủy từ trực thăng


Ngày 31 tháng Bẩy vừa qua ở 5-, một thị trấn vùng biển của Ý, một linh mục đã dùng trực thăng để trừ quỉ cho cả thị trấn.

Nhận thấy thị trấn này chịu nhiều ảnh hưởng tai hại khiến ngày càng đi xuống không những về tinh thần mà còn cả về kinh tế, nên một nhóm giáo dân đã yêu cầu vị linh mục thực hiện hành vi này.

Nhóm giáo dân trên cho rằng: “Nếu Satan hiện hữu, thì chắc nó đã kiểm soát được Castellammare di Stabia. Không còn cách nào khác hơn là xin trừ quỉ cho thị trấn”. Thế là việc trừ quỉ bằng trực thăng đã được thực hiện từ ngày 9 tháng Bẩy vừa qua.

Họ cho biết: khu vực này từ lâu vốn đã bị tác hại bởi bạo lực từ các nhóm tội ác có tổ chức, nhưng một loạt các vụ đánh cắp nhà thờ, phạm thánh mồ mả, lật ngược các thánh giá và liệng tượng Đức Mẹ xuống vực thẳm khiến họ tin rằng một điều gì đó tai hại hơn đang hoạt động đâu đây.

Họ tin rằng hành vi trừ quỉ này, song song với việc gia tăng lòng sùng kính nơi người địa phương, sẽ giúp xoay chuyển thị trấn hiện đang gặp suy thoái về tinh thần và kinh tế đã từ lâu nay.

6. Trừ quỷ cho cả một quốc gia

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Việc dùng trực thăng trừ quỷ trong bản tin trên là chuyện hi hữu. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên một vụ trừ quỉ được thực hiện cho cả một thị trấn hay thành phố, hoặc một quốc gia.

Hồi tháng Năm vừa qua, dân chúng ở Mễ Tây Cơ đã tụ tập nhau tham dự nghi thức trừ quỉ cho cả nước, được thực hiện âm thầm tại nhà thờ chính tòa San Luis Potosí do Đức Hồng Y Juan Sandoval Íñiguez, Tổng Giám Mục hưu trí của Guadalajara thực hiện.

Mức độ bạo lực cao, cũng như các tổ chức ma túy và phá thai trong nước, đã là động lực khiến có nghi thức trừ quỉ đặc biệt trên, mệnh danh là “Exorcismo Magno” (Cuộc Đại Trừ Quỉ). Nghi thức trừ quỉ vào ngày 20 tháng Năm này được coi là biến cố đầu tiên ở Mễ Tây Cơ.

Nhà nghiên cứu về ma quỉ và là nhà trừ quỉ người Tây Ban Nha, Cha José Antonio Fortea, có tham dự nghi thức trên. Ngài cho CNA hay: “vụ trừ quỉ tại San Luís Potosí là vụ trừ quỉ đầu tiên đã được thực hiện tại Mễ Tây Cơ trong đó các vị trừ quỉ xuất thân từ nhiều nơi khác nhau trong nước tụ tập nhau để trừ khử các quyền lực của bóng tối, không phải khỏi một người, mà là khỏi cả một đất nước”.

Ngài cũng nói tới việc cả một quốc gia bị khuấy nhiễu bởi ma quỉ ra sao, đến độ cần phải có một một vụ Exorcismo Magno. Ngài nói: “Tội lỗi ngày càng gia tăng trong nước, đến mức trở thành dễ dàng cho ma quỉ cám dỗ người ta”.

7. Hoa Kỳ là nước cần được trừ quỷ nhất

Michael Voris, một gương mặt phò sinh tại Hoa Kỳ phát biểu với 7ABC News trong cuộc biểu tình chống thờ phượng Satan tại Detroit hôm 25 tháng 7 rằng Hoa Kỳ sau biến cố Tối Cao Pháp Viện Mỹ buộc tất cả các tiểu bang phải công nhận hôn nhân đồng tính là quốc gia cần được trừ quỷ nhất trên thế giới.

Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm 25 tháng 7, một hàng dài người đã xếp hàng trước tòa nhà Lauhoff Corporation ở số 241 Chene St, Detroit, nơi chuyên bán các máy chế biến thực phẩm để tham dự buổi ra mắt một tượng Satan hình người đầu thú nặng gần một tấn và cao 2.75m.

Phát ngôn viên cảnh sát Detroit, viện dẫn quyền tự do phát biểu ý kiến, đã cô lập một nhóm những người chống đối biến cố này sang bên kia đường để ngăn chặn những xô xát có thể xảy ra.

Một ngày sau biến cố này, Jex Blackmore nói trong chương trình truyền hình 7ABC là những người tham dự biến cố này phải mua vé trước với giá vé là 25 Mỹ kim một người. Sau khi vào trong tòa nhà, mỗi người được yêu cầu phải ký một giao kèo bán linh hồn cho quỷ Satan, nếu không thì rút lui.

Khi được hỏi có người nào từ chối không ký một giao kèo như thế không, Jex Blackmore nói: “Không, không một người nào rút lui”.

Jex Blackmore là phát ngôn viên quốc gia của nhóm thờ Satan mang tên Satanic Temple tuyên bố với báo chí là có từ 666 tới 700 người đã tình nguyện bán linh hồn cho Satan trong một biến cố được cô ta mô tả là lớn nhất trong lịch sử.

Cô ta cho biết thêm những người tham dự được yêu cầu cùng hát một bài ngợi ca, chúc tụng Satan trước khi bức màn che tượng Satan được vén lên.

Jex Blackmore tuyên bố rằng mình đã từng là tín hữu Tin Lành và nhắn với các Kitô hữu rằng “Đừng phí thời giờ cầu nguyện cho chúng tôi”.

Diễn biến này đang gây âu lo cho nhiều người.

8. Mễ Tây Cơ thiếu các linh mục trừ quỷ

Tại Hội Nghị Quốc Gia về Trừ Quỷ tổ chức tại văn phòng Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ vào cuối tháng Bẩy vừa qua, các linh mục cho biết Mễ Tây Cơ đang thiếu trầm trọng các linh mục trừ quỷ vì trung bình mỗi ngày có tới cả chục vụ trừ quỷ ám tại Mễ Tây Cơ và nhiều giáo phận có không quá một linh mục trừ quỷ.

Theo các nhà nghiên cứu, số vụ trừ quỷ ám đã gia tăng kể từ thập niên 1960. Trong khu vực các tỉnh quanh Mexico, có 8 linh mục được Tòa Thánh ban cho quyền thi hành các nghi thức trừ quỷ ám để trục xuất quỷ ra khỏi các nạn nhân theo các nghi thức và chuẩn mực của Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, một số giáo phận không có linh mục chuyên trách về trừ quỷ.

Các linh mục cho biết khi một người bị quỷ ám thì cách thức người này hành động hay nói năng trở nên hung tợn hơn và có thể làm được nhiều việc sức người bình thường không thể làm được. Đó là một trong những yếu tố giúp phân biệt người bị quỷ ám và các trường hợp chấn thương tâm lý. Thông thường, "Các Đức Giám Mục gởi các chuyên gia tâm sinh lý và các bác sĩ đến chẩn đoán trước khi xác quyết một người có bị quỷ ám hay không".

9. Phi Luật Tân cũng thiếu các linh mục trừ quỷ

Nhiều nước đã lên tiếng yêu cầu có nhiều nhà trừ quỉ hơn, trong đó có Phi Luật Tân. Theo Đài Phát Thanh Công Cộng Quốc Gia (NPR), Văn Phòng Trừ Quỉ Phi Luật Tân, do Cha Jose Francisco Syquia đứng đầu, đã bắt đầu hoạt động từ năm 2006 để giải quyết con số mỗi ngày một gia tăng.

Được huấn luyện ở Rôma, vị linh mục trên cho biết: ngài từng trừ quỉ cho người ta đã 12 năm nay và trong thập niên qua, ngài thấy con số người bị tai họa này càng ngày càng gia tăng. Trong năm nay chẳng hạn, đã có tới 200 vụ.

Hiện nay tại Phi Luật Tân chỉ có 5 nhà trừ quỉ phải xoay xở mọi vụ nói trên, nên gần đây, Cha Sequia đã viết thư cho hội đồng giám mục Phi yêu cầu mỗi giáo phận trong số 86 giáo phận của cả nước phải có một nhà trừ quỉ.

Đại đa số các giáo phận Phi Luật Tân “không có các vị trừ quỉ hay nhóm trừ quỉ để đương đầu với vụ việc. Nên nhiều người Phi có khuynh hướng chạy tới nhờ các thợ huyền bí, những người chúng tôi quen gọi là ông bà lang niềm tin, thầy bà thông linh (spiritists)…”

Linh mục trên cho rằng chính những người vừa kể trên đây đã làm gia tăng số người bị quỉ ám, bởi họ đã để mặc những người này “mở cửa tâm linh” cho ma quỉ bước vào.