Ngày 05-08-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Powerpoint Chúa Nhật 19 Quanh Năm Năm A - 19th Ordinary Sunday Year A
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
02:42 05/08/2014
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:36 05/08/2014
CUỘC THI CỦA NÚI VÀ NƯỚC
N2T

Núi nói:
- “Tôi nhìn cao hơn anh”.
Nước nói:
- “Tôi đi xa hơn anh”.
Thế là, núi trơ trọi lâu dài, nước cả ngày bôn ba.
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Những tư tưởng lớn gặp nhau, hợp nhau, thì đúng là họ nói chuyện quên cả ngày giờ, thật tương đắc.
Nhưng những con người kiêu ngạo mà gặp nhau thì đúng là chiến tranh bùng nổ vì không ai biết nghe ai, ai cũng nói tài tôi cao hơn anh, trí tôi xa hơn anh.
Tài cao như núi, trí rộng như biển mà cứ kênh kênh kiệu kiệu trong mớ kiến thức của mình, thì chỉ làm người cô độc không ai muốn đến gần.
Có vấn đề cần tranh luận, thì cứ tranh luận, nhưng tranh luận trong hoà bình, nghĩa là khiêm tốn nhận ra cái lý của anh em chị em.
Trong một chương trình giải trí vui chơi trên truyền hình của các nghệ sĩ thủ đô đảo Đài Loan, người dẫn chương trình giới thiệu một đôi vợ chồng trẻ, chị bán tạp hoá, anh đang đi nghĩa vụ quân sự, hai vợ chồng đã có một em bé, người dẫn chương trình hỏi cô vợ:
- “Anh chị còn trẻ, vậy thì có lúc nào anh chị to tiếng đến nỗi động thủ với nhau không ?”
Cô vợ trả lời:
- “Hồi trước anh ấy còn ở nhà, em biết anh ấy đi làm về mệt, nên mọi việc đều tự tay làm và không để cho anh ấy mệt thêm, nên ít khi có chuyện to tiếng với nhau”.
Người chồng nói tiếp:
- “Cứ mỗi lần tôi lớn tiếng thì vợ tôi im lặng, và khi vợ tôi lớn tiếng thì tôi im lặng và bỏ đi chỗ khác”.
Cả hội trường vỗ tay ầm ầm.
Đúng là đôi vợ chồng trẻ dễ thương, bởi vì chồng không nói tôi là chồng của cô nên tôi có quyền, và vợ không nói tôi đi làm tiền lương nhiều hơn ông nên tôi có quyền...
Nếu trong cuộc sống ai cũng nhận ra mình có nhiều khuyết điểm, thì chắc chắn cuộc sống sẽ dễ chịu hơn, vui vẻ hơn, tương thân tương ái hơn...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

---------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:43 05/08/2014
N2T

38. Ai tự nguyện yêu mến Đức Chúa Giê-su và hy sinh cho tình yêu, càng thấy mình yếu đuối tội lỗi, thì càng dễ dàng được tình yêu này đốt cháy biến đổi.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch trong “Cách ngôn thần học tu đức”

---------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Đừng sợ! Thầy đây mà!
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:16 05/08/2014
Chúa Nhật XIX THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 14, 22-33

ĐỪNG SỢ ! THẦY ĐÂY MÀ

Sống ở trên đời, ai cũng có lúc phải lo âu, sợ hãi. Sợ vì gặp thử thách nguy gian.Sợ ma, hoặc sợ người hung ác,dữ tợn.Tin Mừng của thánh Matthêu hôm nay cũng cho chúng ta hiểu nỗi sợ hãi của các tông đồ khi vắng mặt Chúa Giêsu trên thuyền lúc gió to sóng lớn. Chúa Giêsu đã can thiệp kịp thời khi đi trên mặt biển mà đến với các tông đồ. Chúa lên thuyền thì làm cho sóng lặng gió yên, làm cho tâm hồn các tông đồ bình an, vững tin vào Ngài…

Chúa Giêsu giới thiệu Nước Trời và cho mọi người thấy, Nước Trời đang hiện diện với sự có mặt của Người. Ngài huấn luyện các tông đồ để các tông đồ sẽ là nền tảng vững chắc cho Giáo Hội của Chúa sau này.Thánh Matthêu qua câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt nước và làm cho sóng gió yên lặng.Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho thánh Phêrô, người sẽ làm đầu Giáo Hội và các tông đồ hãy vững tin vào Ngài, vì không có Ngài các tông đồ không thể làm gì được. Sóng gió mênh mông.Gió to biển động như muốn nhận chìm con thuyền Giáo Hội. Sức mạnh của ma quỷ, của sự dữ như muốn nuốt chửng các tông đồ. Nhưng Chúa luôn luôn hiện diện, luôn can thiệp đúng lúc, đúng thời, vẫn giơ tay nắm lấy các tông đồ để các Ngài và Giáo Hội luôn tồn tại…Chúa Giêsu cầu nguyện. Ngài vẫn thường cầu nguyện, Ngài có thói quen cầu nguyện vào ban đêm và ở nơi thanh vắng.Thánh Matthêu nhắc tới Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện như cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Môsê khác, vì Môsê vẫn lên núi để gặp Giavê. Thuyền của các tông đồ đi đánh cá trên biển hồ Tibêriat, với mặt biển rộng 12 cây số.Các tông đồ đang có mặt trên biển hồ Gênêsaret vào khoảng 3 tới 6 giờ sáng. Tin Mừng cho hay lúc đó bão táp nổi lên, các tông đồ hoang mang sợ sệt vì không có Chúa ở đó, Ngài đang cầu nguyện. Khi Chúa xuất hiện Ngài nói với các tông đồ :” Chính Thầy đây, đừng sợ “.Câu nói này làm cho chúng ta liên tường đến một kiểu nói quen thuộc của Cựu Ước để chỉ về Gia Vê Thiên Chúa.Môsê đã dùng câu nói ấy để làm cho dân Chúa an tâm, vững tin.Giờ phút này, chính Chúa Giêsu dùng từ ngữ ấy để làm cho các tông đồ bình an và vững tin vào Ngài.Trong đoạn Tin Mừng này, thánh Matthêu cũng làm nổi bật vai trò của thánh Phêrô và sự gần gũi của Ngài đối với Chúa Giêsu.Tuy rất yêu mến, nể trọng thánh Phêrô vì Ngài sẽ cầm đầu Giáo Hội, tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn nhắc bảo, sửa trị Phêrô khi Ngài có biểu hiện bất xứng để khi Phêrô trở về Ngài sẽ củng cố đức tin cho anh em Phêrô(Lc 22, 33 ).

Bài Tin Mừng hôm nay quả thực là một lời trấn an và là một đảm bảo cho mọi Kitô hữu, cho Giáo Hội. Có những lúc con thuyền Giáo Hội như đang tròng trành giữa biển khơi sóng gió. Con người chúng ta đang gặp những thử thách hoang mang.Tuy nhiên, Giáo Hội hay mỗi người chúng ta vẫn cảm thấy như Chúa vẫn im lặng.Một sự im lặng hầu như đáng sợ. Chúng ta tự hỏi:” Chúa đang ở đâu ?”. Chúa vẫn trả lời cho chúng ta :” Thầy đây mà! Đừng sợ “.Con thuyền Giáo Hội qua muôn sóng gió, bão táp, vẫn đứng nguyên vì Chúa luôn có mặt nâng tay đỡ nâng phù trì. “ Chúa có đó, nên không có gì có thể phá đổ được “ ( Mt 16, 18 ). “…Trời đất sẽ qua đi, những Lời Chúa vẫn muôn đời tồn tại “ ( Mt 5, 18 ). Để xây dựng Giáo Hội, Chúa đã mời gọi các môn đệ, các tông đồ, huấn luyện họ về lòng nhân ái và niềm tin vững mạnh nơi Chúa. Chúa lèo lái, hướng dẫn con thuyền Giáo Hội và con thuyền cuộc đời chúng ta để mỗi lúc gặp khó khăn chúng ta và cả Hội Thánh tin tưởng :” Hãy an tâm, có Thầy đây đừng sợ “.Điều phải sợ là những lúc vắng Chúa, lúc chúng ta quên khẩn cầu, quên nài van Chúa, quên kiếm tìm Chúa, những lúc chúng ta đối xử thiếu bác ái với nhau, những lúc chúng ta dựa vào quyền hành, dựa vào đồng tiền vv…Những lúc thiếu Chúa, thiếu thánh Phêrô, Giáo Hội sẽ không còn là Giáo Hội. Con người và Hội Thánh sẽ an tâm, sẽ vững bền “ Khi cả hai cùng lên thuyền “ ( Mt 14, 32 ).

Chúng ta luôn phải cảm nghiệm và vững tin, thốt lên hằng ngày :” Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa “ ( Mt 14, 33 ). Và cuộc đời mỗi người chúng ta sẽ trở lại bình thường khi gặp khó khăn, nếu chúng ta có xác tín:” Chúng ta sẽ an toàn vượt qua giông tố, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Thiên Chúa “ ( thánh Phanxicô Salêsiô ).

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết tích cực chia sẻ những góp sức của mình để đem an bình, tin tưởng cho tha nhân, cho Giáo Hội. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Câu chuyện này xảy ra ở đâu ?
2.Sóng to gió lớn, Chúa đang ở đâu ?
3.Phêrô đã làm gì khi nghe Chúa nói ?
4.Vai trò của Phêrô trong Hội Thánh ?
5.Chúa và Phêrô lên thuyền thì sao ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hàn Quốc phát hành tem đặc biệt cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng
Dũng Huy
08:44 05/08/2014
Hàn Quốc phát hành tem đặc biệt cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng

Korea 5/8/2014 - Nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 14 tháng 8, Hàn Quốc sẽ phát hành tem vào thứ sáu tuần này với ý nghĩa "Tem kỷ niệm Đức Thánh Cha Phanxicô Viếng thăm Hàn Quốc ".

Hai mệnh giá tem Giáo Hoàng trị giá 300 Won và 540 won, sẽ chứa các hình ảnh tươi cười của Đức Giáo Hoàng Phanxico, với một tờ duy nhất có chứa tổng cộng 20 tem. Công Ty Đúc Hàn Quốc và Tổng công ty in ấn bảo mật sẽ in 650.000 bản sao của mỗi con tem trong tổng số 1,3 triệu.

Những con tem tôn vinh Đức Giáo Hoàng Phanxico Hòa Bình và Hòa Giải được thiết kế bởi Mo Ji-won. Tem sẽ có sẵn để bán tại các văn phòng trên khắp đất nước và được bán Dịch vụ qua trang web ( http://www.koreastamp.go.kr/ ).

Hàn Quốc cho biết tem kỷ niệm được ban hành để vinh danh Đức Giáo Hoàng, mong muốn cho hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc và trên toàn thế giới, cùng với mong muốn rằng thông điệp của Ngài về Hòa Giải, Hòa Bình và hợp tác sẽ lây lan xa và rộng.

Dũng Huy Tổng Hợp.
 
Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Đại Hội Hướng Đạo Âu Châu
Phaolô Phạm Xuân Khôi
10:50 05/08/2014
Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Đại Hội Hướng Đạo Âu Châu ở Saint-Evroult-Notre-Dame-Du-Bois Nhân Dịp Gặp Gỡ 10 Năm từ 1 đến 10 Tháng 8 2014

Các con (bạn) thân mến, cha hân hoan chào mừng các con, trong khi các con đang họp nhau tại Đại Hội Hướng Đạo Âu Châu năm nay ở Pháp, để canh tân mối dây liên kết các con với Thiên Chúa, với tha nhân, và với mọi tạo vật.

Các con đã chọn đoạn Thánh Kinh trong đó hai môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1:38) làm chủ đề, và Chúa đã bảo họ: “Hãy đến mà xem” (1:39). Để biết Chúa Giêsu, cần phải lên đường. Trên đường đi, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa cho chúng ta gặp gỡ Ngài bằng nhiều cách khác nhau: trong vẻ đẹp của các tạo vật của Ngài, khi Ngài yêu thương can thiệp vào lịch sử của chúng ta, trong các mối liên hệ huynh đệ và việc phục vụ mà chúng ta làm cho những người lân cận.

Ở Rio de Janeiro cha đã đề ra ba bước quan trọng để đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: Hãy đi; đừng sợ; để phục vụ. Nếu chúng ta chấp nhận lời mời gọi của Chúa để đi đến với Người và cảm nghiệm được tình yêu của Người, là tình yêu đổ đầy tâm hồn chúng ta với niềm vui, sau đó Người cất đi mọi sợ hãi: sợ Thiên Chúa, sợ người khác, sợ phải đối diện với những thách đố của cuộc đời. Và Người sẽ sai chúng ta đi công bố tình yêu của Người đến tận cùng trái đất, phục vụ những người lân cận của chúng ta trong những vùng ngoại vi xa xăm nhất.

Nhưng tất cả những điều này chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta vun trồng tình bằng hữu với Chúa Giêsu, bằng cách tìm cách gặp gỡ Người nhiều hơn, đặc biệt là trong Lời của Người và trong các Bí Tích. Các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể tạo thành một biến cố cứu độ duy nhất, trong đó chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, được chết và sống lại, trở thành những tạo vật mới, những phần tử của Hội Thánh. Biết bao nhiêu thế hệ đã mắc nợ phương pháp giáo dục của Hướng Đạo trong việc lớn lên của họ trên con đường nên thánh, thực hành các nhân đức, và đặc biệt là có tâm hồn cao thượng.

Những ngày Đại Hội của các con trùng với dịp kỷ niệm một trăm năm Thế Chiến Thứ Nhất. Cha mời gọi các con hãy cầu nguyện để sự hiệp nhất và hòa bình xảy ra ở Âu châu và trên toàn thế giới. Các con đang thực sự là những diễn viên của thế giới này chứ không chỉ những khán giả! Cha khuyến khích các con đừng sợ phải đối diện với những thách đố để bảo vệ những giá trị Kitô giáo, đặc biệt là bảo vệ sự sống, sự phát triển, nhân phẩm, cuộc chiến chống nghèo đói, và nhiều cuộc chiến khác mà chúng ta được trao cho mỗi ngày.

Và mỗi khi cuộc hành trình của các con trở nên khó khăn hơn, các con sẽ nhớ rằng các con là con cái nam nữ của Hội Thánh. Hội Thánh là Mẹ các con, Hội Thánh nâng đỡ và trông cậy vào các con! Các con được mời gọi để yêu thương và phục vụ trong niềm vui và lòng quảng đại thích hơp với tuổi thanh thiếu niên của các con. Nguyện xin Mẹ Maria đồng hành với các con bằng tình yêu của Mẹ, bây giờ và trong suốt cuộc đời các con.

Từ Vaticanô, ngày 3 tháng 7 năm 2014

+ PHANXICÔ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/fr/messages/pont-messages/2014/documents/papa-francesco_20140703_messaggio-eurojamboree.html
 
Tòa Thánh chỉ thị cho người Công Giáo nên dặt dè hơn khi làm cử chỉ chúc bình an cho nhau
Bùi Hữu Thư
18:28 05/08/2014
• Tổng trưởng Bộ Phụng Tự đã gửi thư cho tất cả các giám mục trên toàn thế giới để bầy tỏ ưu tư về việc này

• Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận việc làm cho Thánh Lễ long trọng hơn

• Quyết định này cũng đã được Đức Giáo Hoàng Danh Dự Benedict XVI hỗ trợ

Việc chúc bình an xẩy ra trước khi rước lễ trong một Thánh Lễ Rôma, khi linh mục mời cộng đoàn chúc bình an cho nhau.

Tuy nhiên, điều khởi đầu chỉ là một cái bắt tay giản dị đã biến thành một sự trao đổi nồng ấm các nụ hôn hay các vòng tay ôm tại nhiều nhà thờ, và bây giờ Vatican muốn ngưng thủ tục náo nhiệt này vì làm cho thuyên giảm sự long trọng của Thánh Lễ.

Hồng Y Antonio Canizares Llovera, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Bí Tích, đã viết thư cho tất cả các giám mục trên thế giới để bầy tỏ mối ưu tư của Giáo Hội.

Trong một hành động được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận, Hồng Y Antonio Canizares Llovera đã yêu cầu các giám mục soạn thảo các hướng dẫn chặt chẽ mới, để cho cử chỉ chúc bình an có thể được thực hiện một cách giản dị hơn thay vì hơi ‘quá đáng’.

Vatican nói sẽ cung cấp ‘một vài biện pháp thực tế để trình bầy tốt hơn ý nghĩa của dấu chỉ bình an, và để giảm bớt những cử chỉ quá đáng, có thể gây ra sự rối loạn về phụng vụ trong cộng đoàn ngay khi trước khi rước lễ.’

Tòa Thánh muốn các linh mục không rời khỏi bàn Thánh để chào mừng giáo dân và tránh chúc mừng hay chia buồn với họ trong lúc chúc bình an, trong các Thánh Lễ hôn phối hay an táng.

Đức Giám Mục Jose Maria Gil Tamayo, vị giám mục người Tây Ban Nha thâm niên nhất viết như sau: ‘Nếu các tín hữu không hiểu và không bầy tỏ trong cử chỉ thông lệ này, ý nghĩa đích thực của nghi thức chúc bình an, thì họ sẽ bị yếu kém đi trong quan niệm Kitô giáo về sự bình an, và việc tham gia có hiệu quả của họ trong Thánh Lễ cũng có ảnh hưởng không tốt’.

Quyết định này cũng được Đức Giáo Hoàng Danh Dự Benedict XVI hỗ trợ. Gần đây ngài cũng đã kêu gọi ‘phải thận trọng nhiều hơn trong cử chỉ này, nếu không sẽ có những điều quá đáng xẩy ra và gây nên sự chia trí trong cộng đoàn ngay trước khi rước lễ.”
 
Đức Hồng Y Clancy, một chính nhân quân tử
Vũ Văn An
18:55 05/08/2014
Theo tin AAP ngày 3 tháng 8, Đức Hồng Y Edward Clancy đã qua đời, hưởng thọ 90 tuổi, sau nhiều năm bệnh hoạn.

Ngài là Tổng Giám Mục thứ bẩy của Thành Phố, qua đời vào sáng Chúa Nhật, 3 tháng 8, tại viện dưỡng lão ở Randwich do các Nữ Tiểu Muội Người Nghèo trông coi. Ngài ngụ tại đây từ 8 năm qua.

Đức Cha Peter Comensoli, Giám Quản Tổng Giáo Phận, cho hay tin trên gây nên “nỗi đau buồn lớn lao. Ngài là vị giáo phẩm vĩ đại và là một nhà lãnh đạo thực sự, hoàn toàn tận tụy với ơn gọi của mình. Đức Hồng Y Clancy đã thực hiện nhiều đóng góp cho Giáo Hội Úc và nhất lại ở đây, ở Sydney này, trong đời phục vụ của ngài”.

Ngài sinh tháng 12 năm 1923 tại Lithgow, giáo phận Bathurst, cha là thầy giáo John Bede Clancy, mẹ là cụ Ellen Lucy Edwards. Ngài theo học Trường Thánh Monica ở Richmond, và sau đó, tại Marist College ở Parramatta. Lúc 16 tuổi, ngài vào Học Viện Thánh Colomba ở Springwood để chuẩn bị lãnh chức linh mục.

Được Đức Hồng Y Gilroy phong chức linh mục ngày 23 tháng 7 năm 1949, ngài được cử qua Rôma năm 1952 để tiếp tục học. Đậu cử nhân thần học tại Giáo Hoàng Đại Học Urban và cử nhân Thánh Kinh tại Viện Thánh Kinh Giáo Hoàng, năm 1955, ngài trở về Úc coi sóc các giáo xứ Elizabeth Bay và Liverpool.

Tháng Hai năm 1958, ngài được cử làm giáo sư Thánh Kinh tại Học Viện Thánh Colomba ở Springfield. Năm 1961, ngài rời Úc một lần nữa để tiếp tục việc học. Đậu bằng tiến sĩ thần học, ngài được cử làm tuyên úy cho Đại Học Sydney và giáo sư Thánh Kinh tại Học Viện Thánh Patrick, Manly. Trong các năm dạy học, ngài viết và cho xuất bản một khảo luận tựa là The Bible: the Church's Book and God's Living Word to Man (Thánh Kinh: Sách Của Giáo Hội và Lời Hằng Sống Của Thiên Chúa Gửi Cho Con Người).

Ngày 25 tháng Mười năm 1973, ngài được cử nhiệm làm giám mục phụ tá của Sydney, hiệu tòa Carna. Lễ thụ phong giám mục của ngài diễn ra tại Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary của Sydney ngày 19 tháng Giêng năm 1974 do Đức HY Freeman, TGM Sydney, chủ phong.

Ngày 24 tháng Mười Một năm 1978, ngài được cử làm Tổng Giám Mục Canberra cho tới 12 tháng Hai năm 1983, khi Đức GH Gioan Phaolô II thuyên chuyển ngài về Tòa Sydney.

Từ năm 1986 tới năm 2000, ngài là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc Châu. Năm 1994, ngài là Chủ Tịch Đại Biểu tại Phiên Họp Toàn Thể của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Đời Sống Tận Hiến.

Trong cuộc mật nghị ngày 28 tháng Sáu năm 1988, ngài được Đức GH Gioan Phaolô II nâng lên hàng Hồng Y, hiệu tòa Santa Maria in Vallicella.

Ngày 26 tháng Ba năm 2001, ngài là tổng giám mục hưu trí của Sydney. Cựu TGM Melbourne, George Pell, nay là viên chức cao cấp của Vatican, nối nghiệp ngài làm TGM Sydney sau khi ngài về hưu.

Cha Brian Lucas, thư ký Hội Đồng Giám Mục Úc, từng phục vụ dưới quyền Đức HY Clancy với tư cách thư ký của TGP Sydney trong các năm 1990 tới 2001. Cha cho hay: cái chết của Đức HY Clancy hiển nhiên là một đau buồn lớn lao, nhưng cũng là một “thở phào đầy ơn phúc” sau nhiều năm chịu đau đớn. Theo cha “Ngài sẽ được tưởng nhớ không những nhờ các quyết định như thiết lập ra hai giáo phận Broken Bay và Parramatta mà còn nhờ tài lãnh đạo mạnh mẽ của ngài trong việc phong á thánh và cuối cùng phong thánh cho Mary MacKillop, vị thánh đầu tiên của Úc”.

Cha Lucas cũng tán dương phương thức “vô tư và việc xử lý các vấn đề chính trị của ngài”.

Linh mục Frank Brennan, một nhà tranh đấu xã hội, thì tưởng nhớ Đức Hồng Y Clancy như một con người thành thật, “một nhà lãnh đạo Giáo Hội tinh tế và là một chính nhân quân tử. Ngài không sợ bước ra ngoài kia và tuyên bố điều đúng theo nhận định của ngài, không bọc vàng hoa huệ, không bào chữa xin xỏ này nọ, chỉ là biện hộ cho công lý một cách đứng đắn, thực tiễn, và sẵn sàng hỗ trợ khi cần tới”.

Giám Mục Wollongong, Đức Cha Peter Ingham, từng làm việc dưới quyền Đức HY Clancy trong 7 năm, nói rằng ngài tưởng nhớ một “vị tổng giám mục đầy tinh thần cầu nguyện, tận tụy, khiêm nhường và chăm chỉ làm việc. Một người liêm chính, đầy quyết tâm, vô tư, và chu toàn các trách nhiệm của mình một cách đầy lương tâm,với một cảm thức thực sự cao độ về nhiệm vụ”.

Đức Phanxicô chia buồn

Theo tin Zenit ngày 4 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi tới Đức Cha Peter Comensoli, Giám Quản Tổng Giáo Phận Sydney, điện văn chia buồn về cái chết của Đức HY Edward Clancy, TGM Hưu Trí của Tổng Giáo Phận này.

Trong điện văn, ngài viết “Tôi đau buồn khi nghe tin cái chết của Đức HY Edward Clancy, Tổng Giám Mục Hưu Trí của Sydney, và tôi gửi lời chia buồn tự đáy lòng, cùng với lời đoan hứa cầu nguyện, tới Đức Cha và toàn thể tín hữu của tổng giáo phận. Tôi tham gia với Đức Cha trong việc phó linh hồn của đức Hồng Y quá cố cho Thiên Chúa, là Cha Từ Nhân, với lòng biết ơn về những năm tháng trong thừa tác vụ giám mục của ngài và tài lãnh đạo mục vụ khôn ngoan của ngài đối với Tổng Giáo Phận Sydney, được thấy rõ qua mối quan tâm của ngài đối với nhu cầu người nghèo, việc ngài hỗ trợ nền giáo dục Công Giáo và viễn kiến đại kết và dân chính bao quát của ngài. Với mọi người hiện diện trong Thánh Lễ An Táng và với mọi người thương tiếc Đức HY Clancy trong niềm hy vọng Phục Sinh, tôi thân ái ban phép lành tòa thánh của tôi và bảo đảm sức mạnh và an ủi trong Chúa. Giáo Hoàng Phanxicô”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đường Hội Thánh đi là đướng phó thác
Gioan Lê Quang Vinh
22:43 05/08/2014
ĐƯỜNG HỘI THÁNH ĐI LÀ ĐƯỜNG PHÓ THÁC

Trước đây chúng tôi đã viết lên những suy tư: đường Hội Thánh đi là đường vinh quang, là đường khiêm hạ, là đường Thánh Giá. Bây giờ lên đến một giáo hạt gần Tây Bắc, gặp gỡ Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, tiếp xúc với Cha Hạt trưởng hạt Tây Bắc Phú Thọ và các Cha trong vùng này, tôi nhìn thấy rõ ràng một khía cạnh khác: đường Hội Thánh đi là đường phó thác.

Chúng ta còn nhớ Cha Peter Ruston, một linh mục có vợ và ba người con (vì ngài là linh mục Anh giáo sau trở lại Công Giáo, được phép thi hành sứ vụ linh mục). Trong hoàn cảnh như thế mà ngài không được giao việc mục vụ gia đình, mà ngài lại làm linh hướng cho các nữ tu một cách thành công. Chính điều này đã làm ngài phải thốt lên: “Thiên Chúa có tính hài hước”.

Thiên Chúa không thực hiện tất cả những điều con người cầu xin, mà Ngài ban cho họ những điều hơn họ mong ước. Và lắm khi chúng ta thấy đúng như Cha Ruston nói, Chúa hài hước thật, hài hước theo nghĩa là Ngài không thực hiện như con người tưởng. Trong Hội Thánh, rất nhiều khi Ngài để cho con cái Ngài gặp những điều không như ý họ, nhưng như Đức Cha Anphong vẫn nói: “Sự quan phòng của Chúa kỳ diệu lắm”.

Tôi bắt đầu viết những dòng này sau khi chia tay với Đức Cha Anphong ngay tại đền Mẫu Âu Cơ, biên giới tỉnh Phú Thọ và Yên Bái, nơi đất Phong châu xưa, thuở mẹ Âu Cơ theo truyền thuyết dẫn 50 con đến cư ngụ. Chúng tôi chia tay với Đức Cha ở đó và ngài tiếp tục cuộc hành trình mục vụ lên miền núi Tây Bắc xa xôi trắc trở.

Tôi nói nhỏ với ngài, xin ngài giữ sức khỏe, mà thấy lòng xúc động. Hơn một năm làm Giám mục Phụ tá Hưng Hóa, ngài chia sẻ nhiều công việc với Đức Cha Giuse Maria. Công việc ở giáo phận nhiều vô kể, mà chỉ có đến nơi, quan sát và suy tư mới hiểu được.

Đức Cha Anphong đang đi đến với người nghèo ở những vùng biên giới xa xôi. Nơi đó có Giàng La Pán và những vùng nghèo đói khác mà ngài từng viết về họ: “Người ta sống trong những chỗ nhà không ra nhà, chẳng có gì để ngăn cái giá rét mùa Đông, trong nhà chẳng có gì đáng giá; những em bé ở truồng chạy chơi vô tư bên sườn đồi, da tím tái vì lạnh, chân không dép không tất; nhiều em bụng ỏng, đít teo, dơ dáy, mặt mày lấm lem do ăn bốc liếm láp, không chén bát thìa muỗng. Người anh em của tôi ở đây ăn chưa no, mặc chưa ấm, ở chưa kín”.

Ở những nơi đó người ta thiếu cơm ăn, thiếu thuốc chữa bệnh. Nhưng họ đầy niềm tin. Đức tin kiên trung của những con người ở miền cao nhiều khi là gương mẫu cho chúng ta. Có nơi giáo dân sẵn sàng không làm giấy chứng minh nhân dân để được giữ Đạo, vì khi làm giấy chứng minh, họ bị bắt phải ghi không tôn giáo, rồi khi sinh hoạt tôn giáo thì lại bị hỏi “Không có Đạo sao lại…?”

Đức Cha đi rồi, tôi lại về nhà xứ Dư Ba. Trên đường đi và khi về nhà xứ, tôi được nghe cha Phêrô Phan Kim Huấn, hạt trưởng hạt Tây Bắc Phú Thọ chia sẻ về việc mục vụ ở vùng này. Có lẽ không giáo phận nào như Hưng Hóa, địa thế hiểm trở, nhân lực thiếu thốn, giáo dân nhiều người thuộc dân tộc thiểu số, nghèo đói, các giáo xứ có giáo dân rải rác, các cha phải đi xa mỗi lần dâng Lễ!

Thế nhưng điều diệu kỳ không nằm ở khả năng con người, mà ở nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng có thể thực hiện tất cả những gì con người không dám mơ đến. Chính tinh thần phó thác làm cho các mục tử “biết buông mình cho Chúa Thánh Thần” (lời Cha Olier, linh mục Xuân Bích, được Đức Cha Anphong nhắc lại trong bài giảng Lễ Thêm Sức tại giáo xứ Dư Ba ngày 03/8/2014).

Tinh thần phó thác ấy có thể hiểu như sau:

- Để Chúa thực hiện điều Ngài muốn: con người chúng ta lắm khi tưởng là mình làm việc Chúa, nhưng lại cản trở Ngài khi chúng ta đưa ý riêng mình vào quá nhiều. Ở vùng Tây Bắc, khi các vị mục tử và dân Chúa thấy khó khăn trắc trở, là chính lúc họ nhận thấy Chúa ra tay. Những chuyện kể của Đức Cha Anphong cho tôi thấy rằng Chúa can thiệp đúng vào lúc con người tưởng như không còn hy vọng.

- Không lo lắng bối rối vì bất cứ chuyện gì: Đức Cha kể cho tôi nghe những khó khăn của giáo phận miền núi. Đó là giáo phận rộng nhất mà nghèo nhất, xa xôi nhất mà đức tin lại rất vững vàng. Đó là giáo phận ít có con cái ở phương xa để quay về giúp quê hương. Đó cũng là giáo phận có nhiều khó khăn trong việc giữ đạo, hiện nay có ba tỉnh hoàn toàn không có nhà thờ, và giáo quyền đang thương lượng để xây nhà thờ. Nhưng dù gặp khó khăn như thế, các ngài và giáo dân vẫn bình tĩnh chờ thời giờ của Chúa.

- Sẵn sàng lên đường: Các độc giả đã từng đứng trong sân nhà thờ vẫy tay chào vị Giám mục của mình khi các ngài ra đi. Hình ảnh ấy đẹp và đầy tinh thần hiệp thông. Nhưng khi các Giám Mục rời tòa của mình để đi về các xứ đạo xa xôi, chắc ít có ai lúc ấy đứng tại sân tòa Giám Mục mà suy nghĩ về những cuộc hành trình của các ngài.

Tôi đã có nhiều dịp đứng tại sân các Tòa Giám mục như thế để nhìn thấy khởi đầu của những hành trình mục tử, và hiểu rằng khi các ngài ra đi là các ngài chấp nhận lệnh truyền của Đấng đã sai phái các ngài cùng với những gian nan không phải chỉ trong chuyến đi ấy mà thôi, nhưng còn là trong cả cuộc đời mục tử của các ngài.

Lần này cũng vậy, đứng tại vùng ranh giới của hai tỉnh miền núi Tây Bắc: Phú Thọ và Yên Bái, vẫy tay chào Đức Cha Alphong khi ngài lặng lẽ tiếp tục cuộc hành trình âm thầm với chỉ một thầy lái xe, tôi thấy hình ảnh ấy đẹp vô cùng, dù xét về mặt trần thế, cũng buồn rười rượi.

Nhưng tôi nhìn thấy nơi Đức Cha Anphong cũng như những vị Giám mục mà tôi tiếp xúc trong thời gian qua, hình ảnh của Đức Kitô sẵn sàng lên đường.

Trong cảm xúc còn rất nóng, rất dạt dào về con đường Hội Thánh trên vùng non cao ấy, tôi chỉ biết kết luận bằng cách lặp lại lời Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trong bài giảng Lễ Tạ Ơn do Đức Cha Anphong chủ tế cùng với Đức Cha Phêrô, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Cha bào huynh Giuse Nguyễn Trí Dũng và các linh mục trong giáo phận Hưng Hóa tại giáo xứ Nỗ Lực một năm trước đây. Trong bài giảng, Đức Cha Phêrô nói về niềm vui của người mục tử khi tìm được con chiên lạc mất. Ngài nói: “Nó không phải là niềm vui chiếm hữu, nó không phải là niềm vui hưởng thụ, mà là niềm vui của tình yêu. Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta, từng người (…), và thiết nghĩ đó cũng chính là niềm vui của cộng đoàn chúng ta hôm nay, vui bởi vì giáo phận Hưng Hóa có một vị mục tử mang lấy tâm tư Mục Tử Giêsu, một cách cụ thể nhất là châm ngôn đời Giám mục của Đức Cha Alphongsô, bây giờ trở thành nổi tiếng: “Mang vào mình mùi chiên”.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Cha Anphong và các vị mục tử tại Việt Nam luôn đầy niềm vui và tinh thần phó thác, để các ngài can đảm bước tiếp cuộc hành trình quá nhiều vất vả, quá nhiều chông gai khi dẫn đường cho dân Chúa và đi tìm kiếm những con chiên đang đi lạc.

Gioan Lê Quang Vinh
 
Triển Lãm Mỹ Thuật Thánh Tại Hội Trường Phaolô Nguyễn Văn Bình
Dominiart
22:57 05/08/2014
Triển Lãm Mỹ Thuật Thánh Tại Hội Trường Phaolô Nguyễn Văn Bình

Vào lúc 17g30 thứ Ba, ngày 5.8.2014 Tại Hội Trường Phaolô Nguyễn Văn Bình – 43 Nguyễn Thông, Q3, Sài Gòn. Giáo Xứ Mai Khôi & Ban Mỹ Thuật Đa Minh đã tổ chức cuộc triển lãm mỹ thuật Thánh với chủ đề: “Loan Báo Tin Mừng Yêu Thương” Nhân dịp mừng kính lễ bổn mạng Thánh Phụ Đa Minh. Tiến tới chào mừng 800 năm thành lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết ( 2016) và 50 năm thành lập Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam (2017)

Xem Hình

Đến tham dự triển lãm có sự hiện diện của cha Vinh sơn Hà Viễn Lự Phụ tá bề trên tổng quyền Dòng Đa Minh vùng châu Á Thái Bình Dương

Cha Giuse Nguyễn Văn Quân quản lý dòng Phanxicô, Cha Gioan Kim Trần Văn Hương Giám Đốc Đại Chủng viện Sài Gòn, Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết Trưởng Ban Văn Hóa Tổng giáo phận Sài Gòn, Cha Anton Lê Ngọc Thanh trưởng Ban Truyền Thông dòng Chúa Cứu Thế, Cha Micae Nguyễn Văn Bắc OP chánh xứ Đa Minh Ba Chuông, cha đồng hành Dominiart PX Đào Trung Hiệu OP, Sơ Maria Madalena Trần Thị Yên cựu tổng quyền dòng Mến Thánh Giá Tân Lập, sơ Maria Trần Thị Thay dòng Mến Thánh Giá Tân Lập và cha limh hướng Ban Mỹ thuật Dominiart Giuse Phạm Hưng Thịnh OP cũng là chánh xứ giáo xứ Mai Khôi.

Triển lãm lần này với sự tham gia của 40 tác giả trong và ngoài Công Giáo từ nhiều vùng miền trong nước và hải ngoại như: Huế gồm các họa sĩ Đặng Mậu Triết, Đăng Sơn, Quốc Sơn, Tuyết Hiền, Thái Vĩnh Thành,..., Nha Trang có Điêu Khắc gia Đoàn Xuân Hùng.. từ Mỹ có Hs Lương Trường Thọ, cha Phạm Trung SJ dòng Tên... Cùng với các họa sĩ nổi tiếng trong nước như Trương Văn Ý, Lê Triều Điễn, Kim Quỳ, Điêu khắc gia Trần Quang Vinh, Phạm Tiến, Lương Văn Nghĩa cùng với các họa sĩ thành viên Dominiart. Với 117 tác phẩm sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, màu nước, xé dán giấy, chất liệu tổng hợp, điêu khắc đồng, gổ, đá và composite... và đặc biệt lần này giới thiệu bộ tranh “14 Chặng Đường Phục Sinh” của Lê Hiếu, tượng “Đôi Bạn”của Điêu Khắc Gia Trần Quang Vinh OFM, tranh “Thánh Đa Minh” của Đình Láng, và 4 tác phẩm Điêu Khắc từ phế liệu của Nguyễn Bá Văn.

Buổi khai mạc diễn ra trong bầu khi vui tươi và chan hòa lửa yêu thương. Mở màn với bài hát “ Con Đường Giêsu” ca khúc của nhóm Lửa Hồng, được ca sĩ Giuse Nguyễn Hữu Đại trình diễn cử điệu được tất cả mọi tham dự hưởng ứng... trong thời giam thưởng lãm nghệ thuật giới thưởng ngoạn được thưởng thức nhạc giao hưởng đàn giây của nhạc viện Sài Gòn do nhạc sĩ Chu Tuệ tài trợ... Ngoài các linh mục các nam nữ tu sĩ của các giáo xứ và các hội dòng trong và ngoài Giáo Phận Sài Gòn, còn có trên 200 khách thưởng lãm đến tham dự buổi khai mạc...

Nguyện xin ơn hồng ân Thiên Chúa và Thánh Phụ Đa Minh chúc phúc đến với mọi người trong ngày khai mạc triển lãm mừng lễ Bổn mạng của Dòng Đa Minh và của Ban Mỹ thuật Đa Minh.

Dominiart
 
Hội các bà mẹ CGVN tại Đức Quốc mừng lễn bổn mạng thánh Monica
Thanh Sơn
23:36 05/08/2014
Hội các bà mẹ CGVN tại Đức Quốc mừng lễn bổn mạng thánh Monica

Tôi nhận thơ mời đến tham dự thánh lễ mừng kính Thánh Monica quan thầy của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo thuộc hai giáo phận Padeborn & Essen vào lúc 10giờ ngày thứ bảy 02.08.2014, đồng thời hôm nay cũng là dịp mừng 10 năm của nhóm cầu nguyện hàng tuần cho quê hương và Giáo Hội nên đến dự thánh lễ và mừng chung luôn. Thánh lễ hôm nay khá đông người tham dự khoảng trên 200 trăm.

Xem Hình

Trong thánh lễ mừng hôm nay cũng có 4 chị với nghi thức gia nhập vào Hội Các Bà Mẹ Công Giáo.

Đây là sự việc rất đáng trân trọng nơi quê hương thứ hai Đức Quốc này. Vì ở bên đây rất ít nơi có những Hội Đoàn Công Giáo Tiến Hành như thế. Tôi phải nói thêm một chút nữa là ở trên nước Đức này chỉ có vài vùng là đã tổ chức được những đoàn thể như CBMCG. để sinh hoạt với nhau, giúp đỡ nhau trong những kinh nguyện hàng ngày, và đồng thời cũng đóng góp tích cực cho những công việc mỗi khi có những đại lễ của vùng. Đây đúng là một tầm nhìn xa của cha Phêrô cựu Tuyên Úy của vùng này, ngài là người luôn nhã nhặn và ủng hộ tất cả những hội đoàn vi những hội đoàn luôn mang lại lợi ích cho việc tông đồ và cho những sinh hoạt của Giáo Hội.

Trong bài chia sẻ Lm. Tuyên Úy Phanxicô Nguyễn Ngọc Thủy có nhắc đến một số điểm chính để xây dựng hạnh phúc dựa vào Thánh Kinh như sau:

1: Khi lập gia đình, chắc hẳn bất cứ người đàn ông nào cũng mong có được một người vợ hiền làm bạn trăm năm. Bởi theo Thánh Kinh thì “Ai tìm được vợ hiền là tìm thấy hạnh phúc, và tìm thấy được ơn Đức Chúa ban” (Cn 18,22). Do vậy, kiếm được một người vợ khôn ngoan hiền hậu, đối với người đàn ông, là có được một kho báu không gì sánh kịp.

2: Có thể nói không người chồng nào mà không mong ước vợ mình luôn thực sự là một người phụ nữ hiền lành, nết na và chung thủy. Sách Huấn ca cũng viết như sau: “Phúc thay ai cưới được vợ hiền, / tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi. Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng, / được an vui suốt cả cuộc đời. Vợ hiền là số tốt phận may, / dành cho những người kính sợ Đức Chúa…” (Hc 26, 1-3).

Bởi vậy, người phụ nữ hiền lành, nết na rất cần thiết cho hạnh phúc gia đình, bởi người mẹ ảnh hưởng việc nuôi dạy con nhiều hơn người cha, dạy dỗ chúng yêu thương và kính sợ Chúa.

2: Người vợ ngoan hiền ấy biết xây dựng mái ấm gia đình, làm cho cả nhà vui vẻ, chồng con được bảo toàn: “Phụ nữ khôn ngoan xây dựng cửa nhà, phụ nữ dại dột tự tay phá đổ” (Cn 14,1). Nếu thiếu đức tính này gia đình trở thành một địa ngục, người chồng không muốn về nhà, con cái có thể sẽ bỏ nhà ra đi.

Thường thì trong gia đình, phụ nữ nói nhiều hơn đàn ông. Vậy xin các cô, các chị, hãy noi gương thánh quan thầy Monica để biết nhẫn nại đừng vội nói to và kiên nhẫn trong cầu nguyện.

“Vợ chồng sẽ sống bình an

Nếu chàng giả điếc và nàng giả câm”

(Richard Taverner).

Những lời nguyện là những tâm tư của qúy chị dâng lên Thiên Chúa:

- Xin cho chúng con biết noi gương thánh Quan Thầy Monica để cầu nguyện hãm mình dạy dổ con cái và xây dựng gia đình hạnh phúc để xứng đáng là con cái Chúa.

- Xin cho thế giới biết sống khiêm nhường để xây dựng hòa bình.

- Xin cho Đức Giáo Hoàng được sức khỏe và ơn không ngoan của Chúa Thánh Thần để dìu dắt Giáo Hội.

Xin chó các linh hồn tiền nhân được vào hưởng Thiên Nhan Chúa. v. v...

Cuối thánh lễ có các đại diện cúa các hội đoàn lên chúc mừng. Sau đó qúy chị chụp vài tầm hình lưu niệm với hai cha cố phêrô và cha Tuyên Úy.

Sáu cùng qúy chị mời tất cả sang hội trường giáo xứ dùng một bữa cơm thịnh soạn đầy vui vẻ. Đúng là ở đâu có qúy chị và mẹ hiền thì ở đấy có ăn ngọn và đầy tình yêu thương. Xin chúc mừng thánh quan thầy của qúy chị cũng như mừng 10 năm của nhóm cầu nguyện.

Sau cùng xin kết thúc bằng bài thơ về thánh quan thầy của qúy chị.

Thanh Sơn 04.08.2014
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Bếp Hồng
Dominic Đức Nguyễn
21:14 05/08/2014
BÊN BẾP HỒNG
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Chồng người đánh Bắc dẹp Đông
Chồng em ngồi bếp giương cung bắn gà.
(Ca dao)