Ngày 02-08-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Biến hình liên lỉ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
03:01 02/08/2017
Chúa Nhật 18 Thường Niên A

1. Chúa Giêsu biến hình mấy lần?

Tin Mừng Nhất Lãm đều kể lại biến cố Chúa Giêsu biến hình (Mt 17,1-9; Mc 9,2-10; Lc 9,28-36), và cho thấy Chúa chỉ biến hình một lần duy nhất trước khi bước vào cuộc tử nạn. Cả ba tác giả đều nói đến địa điểm là trên núi, chứ không nói rõ là núi nào. Thánh Phaolô trong thư Rôma thì nói là “Núi Thánh” (Rm 12,2). Theo các nhà Kinh Thánh thì có lẽ đó là Núi Hermon chứ không phải là núi Tabor. Nhưng trong truyền thống của Giáo Hội thì cho là trên Núi Tabor.

Theo cách nhìn của thần học Đông Phương, Chúa Giêsu không chỉ có biến hình một lần mà có đến bốn lần:

- Lần thứ nhất là khi Chúa Nhập thể làm người: Chúa đã biến hình từ “địa vị Thiên Chúa, trở nên một người phàm hèn”, nói như Thánh Phaolô trong thư gởi Philipphê, Chúa đã biến mình trở nên nhỏ bé với chúng ta.

- Lần thứ hai đó là Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, tại đây Chúa cũng biến hình đó là trở nên của ăn nuôi dưỡng chúng ta.

- Lần thứ ba đó là khi Chúa bước vào cuộc Tử nạn thập giá. Chúa biến hình đến nỗi mặt người chẳng còn hình tượng người nữa. Trước mặt dân Chúng Phitatô phải thốt lên: ecce homo!!! (nầy là người). Khi nhìn lên thập giá, thánh Phêrô đã thốt lên: Anh em biết không, Người gánh lấy tội lỗi của chúng ta, nỗi sĩ nhục của chúng ta Người mang lên thập giá, Người đã chết để cứu độ chúng ta.

- Lần thứ tư đó là khi Chúa Phục sinh. Từ cõi chết, Chúa đã chỗi dậy và phục sinh vinh quang. Người bẽ gãy mọi xiềng xích sự dữ và đi vào thế giới huy hoàng của Thiên Chúa.

Đây là một cách hiểu, một cách nhìn rất sâu sắc tóm lược mầu nhiệm và cuộc đời của Đức Kitô. Và trong cái nhìn đó thì cả cuộc đời của Đức Kitô từ khi sinh ra cho đến khi chết và phục sinh là cả một kenosis, cả một sự tự hạ, tự hủy chính mình toàn vẹn, một sự “biến hình” liên lỉ vì tình yêu nhân loại và là ơn cứu độ của chúng ta. (Lm Peter Nguyễn Hương).

2. Tông Huấn “đời sống thánh hiến”

Câu chuyện Chúa biến hình trên núi Tabor được đặt làm sườn cho cả văn kiện “Tông Huấn Vita Consecrata” (đời sống thánh hiến), Thánh Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.3.1996, đúc kết những thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10.1994.

Tông Huấn trình bày vẻ đẹp của đời tu.

Con đường tu đức được ví như một cuộc đi tìm cái đẹp (số 19), hướng tới sự chiêm ngưỡng nhan Chúa, chân phúc dành cho các tâm hồn trong trắng. Các tu sĩ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa; họ mê say chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27).

Sau khi lên núi chiêm ngắm Chúa biến hình, các môn đệ được mời hãy đi xuống núi để phục vụ (số 75); họ còn phải trèo lên một núi khác đó là núi Calvariô (số 14;40).

Từ chỗ đi theo Đức Kitô (số 15;18), hoạ lại nếp sống của Ngài, đời tận hiến tiến tới chỗ “Lắng nghe tiếng Chúa, ở kề bên Chúa” và “Đồng hoá hiện thân” ( số 16) với Ngài.

Ngoài việc họa lại nếp sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục của Đức Kitô, đời thánh hiến còn diễn tả mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh của Ngài nữa (số 23-24).

Đức Kitô cần phải qua núi Calvariô để vào vinh quang thiên quốc.Trước đây, đời tu trì quen được ví với việc khắc kỷ tu thân, vác thập giá để đi theo Chúa. Nhưng đó mới chỉ là cái nhìn của truyền thống Latinh; còn truyền thống Đông phương thì muốn nêu bật sự biến dạng đổi hình từ con người phàm tục sang con người thần thiêng khi đi theo Chúa.

Thánh Gioan Phaolô II đã kết hợp cả hai cái nhìn về đời tu trong quang cảnh Chúa biến hình: chủ đề thập giá và vinh quang gắn liền với nhau trong mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô. Đức Thánh Cha còn gọi đời Thánh hiến là một Đoàn Sủng đặc biệt trong Giáo Hội, phát xuất và duy trì bởi Chúa Thánh Thần.Tu sĩ là món quà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội và là một kho báu mà Giáo Hội trân trọng giữ gìn.
Người sống đời tận hiến cũng như người tín hữu, muốn được “biến hình” liên lỉ trong đời sống cũng như muốn được trở nên “con yêu dấu” của Thiên Chúa cần phải “vâng nghe lời Người”.

3. Vâng Nghe Lời Người

Vâng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa sẽ mang đến phúc lành như trong bài đọc 1, ông Môsê nói với dân: Nếu anh em nghe, giữ và đem ra thực hành những quyết định này, thì Thiên Chúa sẽ giữ giao ước và tình thương mà Người đã thề hứa với cha ông anh em: yêu thương, chúc phúc, đất đai sinh hoa kết quả, phúc lành hơn mọi dân…

Cả ba Phúc âm đều tường trình tiếng nói từ trời cao. Lời Chúa Cha như giới thiệu, chuẩn nhận Chúa Con và là lệnh truyền cho chúng ta: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5); “ Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,6); “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Đó là lệnh truyền của Chúa Cha, là điệp khúc kết luận của tiếng nói từ trời cao. Điệp khúc quan trọng vì cả ba Phúc âm đều nói đến. Lời của Chúa Kitô chính là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Lời của Chúa Kitô là Lời Giao Ước vĩnh cửu cho con người được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”, một phán quyết long trọng và công khai của Chúa Cha. Từ nay, vâng nghe Lời Chúa Kitô, chúng ta sẽ được biến hình với Chúa Kitô, cùng được hưởng vinh quang Phục sinh với Chúa Kitô.

Chúa biến hình, tỏ cho các môn đệ nhận ra căn tính thật và vinh quang của Người và mạc khải Người là Con Thiên Chúa Cha. Vì thế, ai cũng phải vâng nghe lời Người để được chia sẻ vinh quang phục sinh của Người.

Chúa Giêsu đã cho ba môn đệ trải qua kinh nghiệm về hình ảnh vinh quang của Người để giúp họ học hỏi và sống đời sống chứng nhân sau này. Cha Emiliano Tardif chia sẻ: “Một sứ giả Tin Mừng trước tiên phải là một chứng nhân có một kinh nghiệm cá nhân về sự chết và Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô và là người truyền đạt cho kẻ khác, không chỉ là một đạo lý, mà còn là Một Đấng -Vẫn -Sống đang ban sự sống dồi dào”; “Không ai có thể trở thành sứ giả đích thực của Tin Mừng, nếu người đó không có kinh nghiệm đời sống mới mà Chúa Giêsu ban cho”. ( x. Jésus: A Fait De Moi, Un Témoin, tr 38). Những trải nghiệm ấy luôn gắn liền với việc vâng nghe và tuân giữ Lời Chúa.

Chẳng ai gặp Thiên Chúa thực sự mà lại không biến hình. Ðời sống kết hiệp thực sự với Thiên Chúa làm cho người Kitô hữu tỏa sáng rực rỡ. Biến hình không phải là trở thành cái gì khác mình,như Tôn Ngộ Không với các trò biến hoá. Biến hình là trở lại với cái tôi sâu thẳm của mình:tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa. Từ khi chịu phép Thánh Tẩy, chúng ta đã bước vào một cuộc biến hình, từ từ và liên tục

Một nhà giáo dục nổi tiếng người Pháp đã tâm sự về cuộc đời của ông như sau: Khi còn trẻ, tôi có tinh thần cách mạng và mỗi khi cầu nguyện, tôi luôn cầu xin Chúa một điều là: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế giới này"

Khi đã lớn tuổi và nhận thấy gần quá nửa đời người trôi qua mà tôi không thay đổi được một người nào hết, nên tôi đã thay đổi lời cầu nguyện của tôi như sau: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi những người trong gia đình của con.”

Giờ đây tôi đã già nua và những ngày còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên lời cầu nguyện của tôi lại được thay đổi một lần nữa như sau: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi chính mình con".

Và ông kết luận : Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này từ ngày còn trẻ thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời.

Chúa Giêsu biến hình một khoảnh khắc thoáng qua. Cuộc biến hình trọn vẹn qua mầu nhiệm Phục sinh. Đây là cuộc biến hình ngàn thu. Cuộc biến hình này là căn tính niềm tin của những người theo Chúa. Chỉ qua Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và ở trong Chúa Giêsu chúng ta sẽ được biến hình liên lỉ, mỗi ngày một đẹp hơn, thánh thiện hơn trong ân sủng dồi dào của Người.


 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:38 02/08/2017
87. CÁO ĂN TRỘM GÀ
Úc Ly Tử nhà ở trong núi, ban đêm có một con cáo đến ăn trộm gà của ông ta, ông ta đuổi theo nhưng đuổi không kịp.
Ngày hôm sau, các đầy tớ giăng một cái bẫy nơi chỗ con cáo chui vào nhà và treo một con gà lên làm mồi, quả nhiên con cáo đến và bị dây thừng quấn lại, mặc dù nó bị trói nhưng mõm và móng vuốt của nó vẫn cứ gừ gừ giữ chặt không thả con gà ra, các đầy tớ vừa đánh vừa chụp, con cáo vẫn không thả con gà, Úc Ly Tử thở dài nói:
- “Con người vì tiền tài lợi lộc mà chết, thì cũng giống như con cáo này vậy”.
(Úc Ly tử)

Suy tư 87:
Đức Chúa Giê-su nói “Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó.” (Lc 12, 34)
Có người nằm trên giường bệnh, sắp gần đất xa trời rồi mà vẫn cứ hỏi con cái về tiền bạc của mình như thế nào; có người nằm trên giường bệnh bà con bạn bè ai cũng lo lắng cho, nhưng họ thì vẫn luôn cứ nhắc đến chuyện làm ăn thua lỗ thế nào, mà không nghe nhắc đến việc đọc kinh cầu nguyện; lại có người ngay trong giấc ngủ cũng nhắc đến tiền bạc...
Con cáo bị đánh gần chết mà vẫn cứ không thả con gà ra, vì nó là con cáo thích ăn gà, thà chết chứ không bỏ mồi.
Người Ki-tô hữu là con cái Thiên Chúa nên thích ăn lương thực là Bánh Hằng Sống, cho nên tiền bạc danh vọng xác thịt của thế gian đối với họ là không quan trọng cho bằng linh hồn, và vì để có lợi cho linh hồn thì họ sẵn sàng “nhả” ngay ra những thứ không cần thiết cho cuộc sống đời đời của họ, đó chính là cái khác lạ giữa người có đức tin vào Chúa và người không có đức tin vậy.
Ma quỷ cũng sẽ dùng mồi tiền tài, xác thịt và danh vọng để chúng ta mắc bẫy của nó và mất linh hồn đời đời.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:40 02/08/2017

20. Tất cả mọi thánh nhân đều là nhờ cầu nguyện mà thành công.

(Thánh Alphonsus Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Suy Niệm Chúa Nhật XVIII Thường Niên – Năm A
Lm. Anthony Trung Thành
09:05 02/08/2017
Phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất được 4 tác giả sách Tin mừng thuật lại (x. Mt 14,13-21; Mc 6,30 -44; Lc 9,10 -17; Ga 6,1-14). Số lượng người hôm đó khoảng 5 ngàn người đàn ông không kể đàn bà và con trẻ. Nếu tính cả đàn bà và con trẻ thì có lẽ phải lên tới khoảng 15-18 ngàn người. Họ đi theo Chúa vì khát khao được lắng nghe Lời Ngài. Họ lắng nghe một cách say mê đến nỗi quên cả giờ giấc và ăn uống. Trước tâm tình của dân chúng như vậy, Đức Giêsu đã không phụ lòng họ. Trái lại, Ngài không chỉ giảng dạy để đáp ứng cơn đói khát về tinh thần, mà còn hóa bánh ra nhiều để đáp ứng cơn đói khát vật chất cho họ. Phép lạ này không chỉ nói lên quyền phép của Đức Giêsu và báo trước về việc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể sau này, mà còn cho chúng ta nhiều bài học cao quý, trong đó thiết nghĩ có ba bài học cần thiết sau đây:

1. Bài học về tình thương

Khi thấy trời đã về chiều, nơi đây lại không có làng mạc, các môn đệ đề nghị Đức Giêsu rằng: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”(Mt 14,15). Lời đề nghị này xem ra rất hợp lý. Với các môn đệ, đó là giải pháp tối ưu và an toàn nhất. Vì giúp cho dân chúng đi vào các làng mạc để kiếm thức ăn. Còn các môn đệ, khi giải tán được đám đông, họ sẽ không còn phải lo lắng, không còn phải bận tâm đến giờ cơm tối cho họ nữa. Thái độ của các môn đệ có lẽ cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta không phải vì bất lực trước nhu cầu chính đáng của anh em đồng loại, nhưng vì không muốn liên lụy, không muốn hy sinh, không muốn giúp đỡ, nên chúng ta chọn giải pháp an toàn cho bản thân mình. Cho nên, chúng ta vẫn có thái độ như các môn đệ ngày xưa. Nhưng thái độ đó của các môn đệ và của chúng ta không phù hợp với thái độ của Đức Giêsu. Ngài yêu thương đám đông dân chúng. Ngài không nỡ giải tán dân chúng khi họ còn đói. Ngài sợ khi họ đi về dọc đường có người bị chết đói chăng? Chính Ngài đã nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32). Chính vì thương nên Ngài đã đáp ứng cơn đói vật chất của họ bằng việc làm phép lạ cho năm chiếc bánh và hai con cá hóa ra nhiều. Phép lạ này thể hiện tình thương của Đức Giêsu. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải xót thương những kẻ đói khát chung quanh chúng ta. Cầu nguyện cho họ mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải giúp đỡ họ tùy theo khả năng của mình. Tiền bạc của cải chúng ta đang có là do Chúa ban và chúng ta chỉ là những người quản lý mà thôi. Vì vậy, hãy lắng tai nghe, hãy mở mắt nhìn, hãy cảm nhận những đói khát của những người chung quanh, để từ đó chúng ta ra sức an ủi, khích lệ và giúp đỡ họ.

2. Bài học về sự cộng tác

Từ không, Đức Giêsu có thể biến thành bánh và cá nhưng Ngài không làm như vậy, bởi Ngài muốn có sự cộng tác của con người. Vì thế, Ngài bảo các môn đệ rằng: “Các con hãy cho họ ăn”(Mt 14,16). Với lời đề nghị này, Ngài muốn đánh thức nơi các môn đệ tinh thần cộng tác. Cho dù các ông không thể đáp ứng được cơn đói cho đám đông nhưng các ông cần phải làm gì đó chứ không được phủi tay an phận. Thực tế chúng ta thấy, sau lời đề nghị của Đức Giêsu, các môn đệ đã tìm ra được 5 chiếc bánh và 2 con cá. Đây là phần ăn của một em bé. Dù nhỏ bé, nhưng lại là phần đóng góp quan trọng mà Đức Giêsu mong muốn. Nhờ sự đóng góp này, Đức Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn người được ăn no nê và còn dư thừa.

Ngày hôm nay, nhiều người vẫn có thái độ như các môn đệ ngày xưa, không muốn dấn thân để cứu giúp sự thiếu thốn, đói khát, nghèo nàn của anh em vì sợ liên lụy, ngại khó, ngại khổ, và sợ hy sinh. Hãy nhớ bài học về sự cộng tác mà Đức Giêsu dạy hôm nay. Một mình không thể làm gì được, nhưng nếu biết cộng tác với ơn Chúa, cộng tác với anh chị em đồng loại sẽ làm nên những phép lạ, giúp biến đổi và thăng tiến những mảnh đời đói khổ trong cuộc sống hôm nay. Chẳng hạn: tham gia vào các hội bác ái từ thiện, hội khuyến học, hội bảo trợ chủng sinh, tu sĩ…Đó là chúng ta đang“góp gió thành bão”; “một cây làm chẳng nên non ba cây chùm lại thành hòn núi cao.”

3. Bài học về tinh thần tiết kiệm

Tin mừng hôm nay cho biết, sau khi dân chúng ăn no, người ta còn thu lại được 12 thúng đầy miếng bánh vụn. Thánh Gioan còn cho biết thêm, sau khi dân chúng ăn no, Đức Giêsu đã ra lệnh cho các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi. Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng” (Ga 6,12-13). Đức Giêsu muốn dạy chúng ta bài học về tinh thần tiết kiệm. Khi no phải biết tiết kiệm để dành khi đói. Vì “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no.” Người giàu biết tiết kiệm để giúp đỡ người nghèo. Chúng ta dù giàu hay nghèo nhưng luôn phải biết tiết kiệm để có thể giúp đỡ những người đang đói khát, khổ đau. Vì trên thế giới này còn biết bao nhiêu người đang sống trong cảnh thiếu thốn. Họ phải chết đói vì không có gì để ăn.

Theo UNICEF, mỗi năm có khoảng 7,6 triệu em chết do nghèo đói, vì không có cơm bánh để ăn, và thuốc men cần thiết. Cụ thể: cứ 4 giây trôi qua là có 1 trẻ em chết; mỗi phút, có 14 trẻ em chết; một giờ có khoảng 840 em chết; mỗi ngày có khoảng 22.000 trẻ em chết. Trong khi đó, có nhiều người rất giàu có, có nhiều nơi lương thực lại dư thừa. Trong cuốn “hành trình vào đời,” linh mục Trần Quý Thiện có viết: “Hằng ngày người ta vẫn thường thấy những người ngồi ăn uống thỏa thuê với hết thùng bia này đến hết thùng bia khác, thậm chí có người nôn mửa hoặc phải móc họng cho nôn mửa bớt để vào ăn uống tiếp. Trong khi đó có biết bao trẻ em đứng chờ chực bên các tiệm ăn để tranh nhau từng bát phở thừa, từng đĩa cơm dư, canh cặn. Nhiều người nghèo phải nhặt từng củ khoai vụn, bới moi từng thùng rác để tìm những đồ ăn dư thừa. Nơi khác có những con người, có những trẻ em đang chết dần chết mòn vì đói”.

Vì thế, bài học về tinh thần tiết kiệm để chia sẻ cho những người nghèo khó mà Đức Giêsu dạy các môn đệ ngày xưa vẫn còn mang tính thời sự. Xin cho chúng ta luôn sống tinh thần tiết kiệm, không chỉ khi no chúng ta tiết kiệm để dành khi đói mà còn biết tiết kiệm để giúp đỡ những anh chị em nghèo đói, đừng để chúng ta trở thành những nhà phú hộ bên cạnh những Lazarô nghèo đói.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm được tình thương của Chúa qua phép lạ hóa bánh ra nhiều này, nhờ đó chúng con cũng biết yêu thương anh chị em mình như Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa và với nhau để dấn thân phục vụ, hầu góp phần làm cho cuộc sống này thêm tươi đẹp hơn. Xin cho chúng con có tinh thần tiết kiệm để giúp đỡ những người thiếu thốn, khổ đau. Xin cho sứ điệp Lời Chúa hôm nay khắc ghi trong lòng mỗi người chúng con, để chúng con biết đem ra thực hành trong cuộc sống của mình. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hồng Kông: Đức Cha Micae Dương Minh Chương kế vị chức giám mục Hồng Kông
Chân Phương
08:54 02/08/2017
Hồng Kông: Đức Cha Micae Dương Minh Chương kế vị chức giám mục Hồng Kông

Vào lúc 12 giờ trưa ngày 1 tháng 8 năm 2017, Văn phòng báo chí Tòa Thánh thông cáo rằng Đức Cha Micae Dương Minh Chương (Yeung Ming-cheung) nay kế vị chức giám mục Hồng Kông, sau khi Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon) từ nhiệm.

Đức Cha Dương Minh Chương năm nay 72 tuổi, được bổ nhiệm làm giám mục phó Hồng Kông vào ngày 13 tháng 11 năm ngoái. Còn Đức Hồng Y Thang Hán 79 tuổi, đã nạp đơn từ nhiệm cách đây bốn năm, nhưng Đức Giáo Hoàng đã gia hạn trách vụ của ngài cho đến năm 2017.

Đức Cha Dương Minh Chương sinh ở Thượng Hải ngày 1 tháng 12 năm 1945 trong một gia đình Công Giáo, và đến Hồng Kông khi ngài bốn tuổi. Ngài làm việc trong một công ty xuất nhập khẩu trước khi gia nhập Chủng viện Hồng Kông năm 26 tuổi và được truyền chức linh mục vào ngày 10 tháng 6 năm 1978. Ngài đã có bằng nghiên cứu về truyền thông tại Đại học Syracuse, Hoa Kỳ; triết học và giáo dục tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Kể từ tháng 8 năm 2003, ngài làm Giám đốc Caritas; và Tổng Đại diện Giáo phận Hồng Kông kể từ năm 2009. Ngài được tấn phong giám mục phụ tá vào tháng 8 năm 2014.

Một số nhà quan sát tự hỏi: liệu Đức Cha Dương Minh Chương sẽ đi theo đường lối đối thoại mềm mỏng của Đức Hồng Y Gioan Thang Hán với Trung Quốc, hay là ngài sẽ đi theo vị trí gai góc của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Zen Ze-kiun) - một người luôn bênh vực cho tự do tôn giáo và là một người bạn lớn của phong trào dân chủ tại lãnh thổ này.

Khi được bổ nhiệm làm giám mục phó, tại Thánh lễ bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Cha Dương Minh Chương đã quì gối trước Đức Hồng Y Thang Hán và sau đó là cả Đức Hồng Y Trần Nhật Quân. Ngài xem nhị vị này là "hai đại thụ mà ngài có thể đứng nép mình cậy nhờ bóng mát".

Mặc dù không ủng hộ các hành động quá khích và đơn phương của một số bạn trẻ Hồng Kông, nhưng Đức Cha Dương Minh Chương thường bày tỏ sự ủng hộ của ngài đối với các yêu cầu dân chủ cho Hồng Kông; ngài cảnh cáo Trung Quốc về việc họ quá nặng tay và vội vàng trong khi xử lý các vấn đề của lãnh thổ này, nhằm bảo vệ nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ".

Trong một cuộc họp báo sau khi được bổ nhiệm làm giám mục phó, ngài cũng giải thích quan điểm của mình về cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Tòa Thánh: ngài hài lòng với sự lạc quan của Vatican trong việc tìm kiếm sự đối thoại với Trung Quốc. "Trung Quốc là một quốc gia lớn có nhiều vấn đề", ngài nói. "Các kết quả không thể đạt được một cách nhanh chóng. Mối quan hệ này cần phải phát triển từng bước một".

Đức Cha Dương Minh Chương cũng là một người rất nhiệt thành bảo vệ các gia đình, dựa trên mối quan hệ giữa người nam và người nữ. Vì lý do này, ngài bị giới ủng hộ đồng tính ở Hồng Kông chỉ trích. (Asia News)

Chân Phương
 
Câu chuyện của một tu sĩ Dòng Tên người Phi ở tuổi 26 trên con đường phong thánh.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:42 02/08/2017
(EWTN News/CNA) Richie Fermando là một thày dòng Tên ở tuổi 26, người Phi đã bị chết vào năm 1996 để cứu những học sinh người Cam-bốt thoát khỏi trái lựu đạn ném tay.

Hiện nay thày đang trên con đường phong thánh nhờ vào một quy định được ĐGH Phanxicô ban hành vào mùa hè này nhằm tiến hành phong thánh cho tất cả những ai đã “ tự hiến cuộc đời mình vì người khác và kiên trì cho đến chết vì sự dâng hiến đó”

Cha Antoni Moreno, Giám Tỉnh Dòng Tên ở Phi Luật Tân nói với báo Rappler vào ngày 30 tháng Bẩy rằng nhà dòng đã được phép bắt đầu mở hồ sơ phong thánh cho thày Fernando.

Thày Richard (còn gọi là Richie) Fernando thuộc Dòng Tên đã đến Cam-bốt vào năm 1995 trong một tu hội Dòng Tên để phục vụ những người bị khuyết tật do bệnh tật, bom mìn hay những tai nạn khác.

Theo các tu sĩ dòng tại Hội Nghị Châu Á Thái Bình Dương, thày Richie mau chóng được sự tin tưởng quý mến của các học sinh khi thày học tiếng địa phương và dành thời gian lắng nghe những câu chuyện thương tâm.

Một trong các học sinh của thày là một trẻ mồ côi tên là Sarom đã bị bắt đi lính vào năm 16 tuổi và bị tàn phế bởi bom mìn. Ngay cả nhiều người cho rằng thái độ của Sarom gây rắc rối thì thày Richie trong một lá thư gởi cho các bạn của mình vẫn xác định rằng Sarom luôn có chỗ đứng trong trái tim mình.

Vào ngày 17 tháng Mười, 1996, Sarom đến trường học của nhà dòng gặp ban giám hiệu để xin được tiếp tục đi học sau khi em đã hoàn tất chương trình, và lời yêu cầu của em bị từ chối vì ban giám hiệu cho rằng Sarom là người đã gây nhiều rắc rối trong trường.

Tức giận vì bị từ chối, Sarom liền lấy ra một trái lựu đạn để sẵn trong túi xách và tiến đến một lớp học đang có rất nhiều học sinh. Cửa sổ của lớp học đóng kín và học sinh không có lối thoát.

Thày Richie nhanh chân bước đến phía sau Sarom và cố nắm lấy trái lựu đạn mà Sarom toan ném vào lớp học.

Sarom giằng co, “Hãy để kệ em, em không muốn giết thày đâu”. Thế rồi trái lựu đạn bất ngờ rớt xuống phía sau Sarom và thày Richie và nổ tung, giết chết vị tu sĩ dòng Tên, đang nằm đè lên mình Sarom để cứu em và mọi người trong lớp khỏi phải chết.

Totet Banaynal là một tu sĩ dòng Tên nói rằng bốn ngày trước khi chết, Richie đã viết một lá thư cho các bạn và các tu sĩ cùng dòng như sau “Tôi biết trái tim tôi hiện đang ở đâu. Tim tôi đang ở cùng Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã dành tất cả cho người nghèo, người bệnh, trẻ mồ côi… Tôi vững tin rằng Thiên Chúa không bao giờ quên dân của ngài là những anh chị em khuyết tật của chúng ta. Và tôi rất vui mừng vì Thiên Chúa đã dùng tôi để bảo đảm với anh chị em của chúng ta là Thiên Chúa yêu thương anh chị em. Tôi tin tưởng rằng đây chính là ơn gọi của tôi.”

Trong nhật ký tĩnh tâm của mình, thày Richie đã viết rằng “Tôi ước rằng khi tôi chết đi, người ta sẽ không nhớ là tôi giỏi giang, mạnh mẽ và tài năng như thế nào, nhưng nhớ đến những việc tôi phục vụ, những lời tôi nói về sự thật, tôi làm chứng cho những điều phải, tôi chân thành trong mọi công việc và hành động, nói một cách khác, tôi đã yêu và bước theo chân Chúa Giêsu.”

Vào năm 1997, cha mẹ của thày Richie đã viết thư cho Ông Hoàng Norodom Sihanouk của Cam-bốt, xin tha thứ cho Sarom. Một lần nữa, Sarom nói anh ta không muốn giết thày Richie và anh ta coi thày như một người bạn.

Phi Luật Tân là một nước đa số theo đạo Công Giáo, nhưng cho đến nay mới chỉ có hai vị tử đạo vào thế kỷ 17 được phong thánh, đó là Thánh Lerenzo Ruiz, tử đạo ở Nagasaki và Thánh Pedro Calungsod, tử đạo ở Guam.

Tuy nhiên rất nhiều hồ sơ phong thánh đã được mở ra trong những năm gần đây.

Ngày 31 tháng Bẩy là ngày lễ kính Thánh I-Nhã, vị sáng lập Dòng Tên, cha Moreno nói rằng thày Richie là một trong số các tu sĩ dòng Tên noi gương Thánh I-Nhã “tự hiến đời mình bằng việc hy sinh phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.”

Trong bản ghi nhớ của Tỉnh Dòng Tên của Phi-Luật Tân, cha Moreno ghi rằng “nhiều biểu lộ khác nhau về lòng tôn kính đối với Richie đang nở rộ và vẫn tiếp tục, không những chỉ ở Phi Luật Tân và Cam-Bốt mà còn ở nhiều nơi khác nữa.”

Một trang mạng xã hội Facebook đã vinh danh ngài được đặt tên là “Các bạn của thày Richie R. Fernando, dòng Tên.”

Bước kế tiếp trong tiến trình phong thánh của thày Richie là tìm hiểu về cuộc đời đạo hạnh của thày qua các bài viết, cuộc nói chuyện, và phỏng vấn những người đã từng biết thày và những sự việc liên quan khác.

Cha Moreno nói rằng, “Chúng ta cùng cầu nguyện, xin Chúa giúp cho tiến trình phong thánh và nếu ngài muốn, việc ấy sẽ đem lại phần ơn ích cho mọi người.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Họp mặt các anh chị em từ Nam Cali đã sang tổ chức khóa Cursillo đầu tiên tại Sydney.
Lan Nguyên
17:59 02/08/2017
Một số các anh chị em tiên phong của Phong trào Cursillo giáo phận Orange 27 năm về trước đã sang Sydney, Australia, để cùng BTU và cha Văn Chi tổ chức Khóa 3 Ngày đầu tiên ở Sydney -- chiều hôm nay mùng 1 tháng 8 -- đã đến trụ sở VietCatholic để gặp mặt cha Văn Chi, cùng hàn hàn huyên và ôn lại những kỷ niệm thân thương trong khóa đầu tiên đáng nhớ và Đại Hội Châu Á Thái Bình Dương Cursillo năm 2002 tại Sydney.

Thời gian đi qua mau, mới ngày nào còn là những người hùng trai tráng, những kiều nữ sốt sắng, nay có người đã 8 bó, trẻ nhất cũng trên 60 tuổi đời rồi. Anh chị em bảo nhau có dịp chúng ta nên gặp nhau không những vì tình thân thương chúng ta dành cho nhau, mà còn có cơ hội diện kiến dung nhan “đang vào mùa đông hết cả rồi” kẻo mai kia có khi không còn cơ hội nữa.

Buổi họp mặt tối hôm qua thật là vui! Cha Văn Chi vui quá chừng được gặp lại mọi người cứ tủm tỉm cười và luôn miệng hỏi, Oanh đâu, Huệ đâu, Long đâu…? Cha Văn Chi mặc chiếc “áo đỏ” rực rỡ có chữ Cursillo và logo trên áo, bừng sáng lên cả một góc trời như mặt trời hân hoan đón những người thân thương của Ngài.

Những anh chị em hiện diện hôm nay gồm có anh chị Mỹ Nguyệt, anh chị Tụ Lan, anh chị Điểm Long, Chị Long Trường Lãnh Đạo, anh chị Nhung Lương, anh chị Chức Tôn, chị Tuyết…. Và đặc biệt có sự hiện diện của đức ông Phạm Quốc Tuấn và Cha Trần Công Nghị, cựu Linh Hướng Cursillo Los Angeles.

Chiều hôm nay anh chị em cũng mang đến những món ăn rất đậm đà hương vị quê nhà: Chị Tuyết với nồi bún riêu độc đáo ai ăn cũng phải suýt xoa “ngon tuyệt”. Chị Điểm luộc gà thật là khéo, thịt chín vừa phải rất ngon, chấm vào muối tiêu và lá chanh thái nhỏ như tóc tiên, sao mà không ngon lành cho được! Người đẹp Chức làm món bò tái chanh rất đặc biệt. Món chả ốc của chị Long chị Nguyệt trông lôi cuốn mà cho vào miệng thì thật hương vị đậm đà. “Rượu ngon, thức ăn ngon phải có có bạn hiền” thật đúng vậy, những chai chai rượu vang của anh chị Lương Nhung đưa tới làm ấm lòng người và món ăn đậm đà hơn.

Sau cùng món nước Passion fruit, thạch chè và dâu của chị Lan rất tasty cho thời tiết này. AC Mỹ Nguyệt làm món kem tráng miệng “sầu chung” tuyệt vời, ăn một lại muốn ăn hai…

Tiếc rằng trong cuội hội ngộ hôm nay thiếu mất mấy anh chị không liên lạc được như chị Vinh, chị Oanh, anh Quyên Di, anh chị Tòan…

Cuối cùng trước khi chia tay, Chị Lan cứ thốt lên: “Cám ơn Chúa! Cám ơn các Đấng! ngày hôm nay chúng ta vẫn còn có cơ hội gặp nhau thật sung sướng và vui thay”. Thế rồi người ca sĩ bất đắc dĩ này hát thành nhiều cung điệu không giống ai, cứ thì thầm lẩm bẩm bài hát bài của Cha Văn Chi “Yêu Bằng Tình Loài Người”:

“Gần nhau, trao cho nhau yêu thương tình loài người
Gần nhau, trao cho nhau tin yêu đừng gian dối
Gần nhau, trao cho nhau ánh mắt nhân loại này
Tình yêu thương trao nhau xây đắp trên tình người.

Cho dù rừng thay lá xanh đi
Cho dù bầu trời thiếu mây bay
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi.

Cho dù đồi hay núi di đi
Cho dù biển cạn nước bao la
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi.

Cho dù mùa xuân thiếu hoa tươi
Cho dù rừng ngàn thiếu muông chim
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi...”


Kính chúc Cha Văn Chi trở lại Sydney bằng an, tĩnh dưỡng cho khỏe lại rồi giúp cho VietCatholic, nhất là để cho Cha Nghị được vui hưởng tuổi già tưới cây trồng cảnh.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đế Quốc Sự Ác sụp đổ: Reagan và Đức Gioan Phaolô II 1989 – 90
Vũ Văn An
23:52 02/08/2017
Bất cứ ai tận mắt chứng kiến các biến cố ngày 9 tháng Mười Một năm 1989, cũng sẽ không bao giờ quên được chúng. Vì ngày ấy, người Đông Đức tự tin leo lên Bức Tường Bá Linh. Làm như thế vào bất cứ ngày nào trước đó, kể từ ngày 13 tháng Tám năm 1961, là điều không ai dám nghĩ tới. Lính canh Đông Đức sẵn sàng bắn chết họ tại chỗ. Nhưng lần này, tất cả những ai leo lên Bức Tường Ấy đều an tòan.

Lý do: lần đầu tiên, các nhà cầm quyền cộng sản cho phép người dân tự do vuợt qua biên giới Đông Đức. Và Bức Tường Bá Linh đến hồi sụp đổ.

Ngày 9 tháng Mười Một năm 1989 không chỉ đánh dấu sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh. Cái rào cản vật lý này biểu lộ Bức Màn Sắt bằng dây kẽm gai cụ thể. Việc nó sụp đổ kéo lên tiếng chuông báo tử cho cả một đế quốc. Các chế độ cộng sản khắp Khối Đông Âu không lâu sau đó sẽ sụp đổ, và cuối cùng cả chính Liên Bang Xô Viết.

Đại thắng của Ronald Reagan

Ronald Reagan rất hân hoan trước các biến cố của ngày 9 tháng Mười Một năm 1989.

Trong nhiều thập niên, Ông vốn kêu gọi đạp đổ Bức Tường Bá Linh. Tuyên bố công khai đầu tiên của ông về việc này xuất hiện trong một cuộc tranh luận nổi tiếng năm 1967 với Robert F. Kennedy. Nổi tiếng hơn cả, Ông đã kêu gọi Mikhail Gorbachev “hãy đạp đổ bức tường này” năm 1987 ngay tại Brandenburg Gate.

Nay, bức tường đã đổ sụp, chỉ non một năm sau khi ông rời chức vụ tổng thống. Ông có thể an nhàn, ngồi ngắm cảnh sụp đổ tan tành của cả khối Cộng Sản to lớn với một tâm hồn sung sướng.

Ngay trước ngày rời bỏ Phòng Bầu Dục, ông có gặp Natan Sharansky. Người bất đồng Nga gốc Do Thái này từng đọc các lời cảnh cáo của Reagan về “Đế Quốc Sự Ác” lần đầu tiên trong một trại tù Xô Viết. Sharansky cảm thấy hứng khởi trước việc “nhà lãnh đạo của thế giới tự do đã nói lên sự thật”. Ông cho phổ biến tin tức liên quan tới lời tuyên bố của Reagan khắp Trại Lao Động Vĩnh Viễn số 35. Bằng cách nào? Bằng cách gõ tin nhắn của ông lên các bức tường trong phòng giam của ông. Rồi, năm 1986, Sharansky nằm trong số các tù nhân được Gorbachev phóng thích, sau khi Reagan và chính phủ ông gây áp lực mạnh mẽ.

Qua tháng Giêng năm 1989, Sharansky là khách qúy của Bạch Ốc; tại đây, Tổng Thống Reagan trao tặng ông Huy Chương Vàng Của Quốc Hội. Trong buổi lễ, Sharansky gọi Reagan ra riêng. Ông nói với vị tổng thống sắp về hưu rằng nếu có lúc nào ông nặng chĩu với “những khoảnh khắc buồn bã”, ông nên nghĩ tới “gia đình hạnh phúc” của Sharansky. Ông nên nhớ tới những con người “hiện nay đang được tự do không do thiện chí của các nhà lãnh đạo Xô Viết mà là do cuộc tranh đấu của họ và cuộc tranh đấu của ngài”.

Ba Lan tự giải phóng

Qua mùa xuân năm 1989, một điều kỳ diệu từ từ khai mở tại Ba Lan của Karol Wojtyła. Ngày 4 tháng Tư, sau hai tháng thương thảo với Phong Trào Đoàn Kết và các nhóm đối lập khác, Đảng Cộng Sản Ba Lan tán thành một điều mà trước đây họ chưa bao giờ có thể quan niệm được: tuyển cử quốc hội tự do và hợp tình hợp lý. Thỏa hiệp này bao gồm:

• Bãi bỏ chức vụ tổng bí thư để chọn chức vụ tổng thống,

• Chính thức nhìn nhận Phong Trào Đoàn Kết là một chính đảng, và

• Thiết lập một thượng viện lập pháp mà tất cả 100 ghế sẽ được tuyển cử tự do công khai.

Các cuộc tuyển cử trên đã diễn ra ngày 4 tháng Sáu, gần nửa thế kỷ sau khi Stalin hứa hẹn (cuội) các cuộc tuyển cử tự do và hợp tình hợp lý tại Ba Lan nếu nước này chịu tin tưởng vào “Bác Joe”. Trên thực tế, thỏa hiệp Ba Lan này đã giết chết chế độ cộng sản ở Warsaw.
Gần tới ngày tuyển cử ở Ba Lan, Ronald Reagan, lúc ấy đang nghỉ hưu tại California, tiêp đón một số du khách Ba Lan tại văn phòng của ông ở Century City, gần Hollywood. Chris Zawitkowski là một người thuộc sắc dân Ba Lan; sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, ông trở thành người đứng đầu Qũy Nghiên Cứu Kinh Tế và Giáo Dục Ba Lan và Hoa Kỳ. Ông mang theo một người Hoa Kỳ gốc Ba Lan khác và hai thành viên của Phong Trào Đoàn Kết, những người vượt trùng dương xa xôi tới gặp vị tổng thống anh hùng. Họ tới để bày tỏ lòng biết ơn và xin vấn kế. Zawitkowski hỏi Reagan, bậc thầy chiến dịch, xem ông có lời khôn ngoan nào cho hai thành viên Đoàn Kết không khi họ đang chuẩn bị cho các cuộc tuyển cử tháng Sáu.

Người bạn tốt nhất của Reagan

Hiển nhiên những chính nhân trên hy vọng Reagan, người từng đạt được nhiều chiến thắng chính trị lẫy lừng, sẽ cho họ một lời khuyên chính trị. Tuy nhiên, Reagan chỉ trầm tư, rất trầm tư. Trong một giọng quả quyết y hệt Đức Gioan Phaolô II, Reagan khuyên các nhà chiến dịch Ba Lan rằng “hãy lắng nghe lương tâm của qúy vị, vì đấy là nơi Chúa Thánh Thần nói với qúy vị”.

Các chính nhân trên gật đầu tán thưởng. Họ hiểu thêm một chút về con người từng giúp giải phóng quê hương họ.

Rồi vị cựu tổng thống chỉ vào bức hình của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II treo trên tường ở văn phòng ông mà nói với những người Ba Lan hiện diện “Ngài là người bạn tốt nhất của tôi. Vâng, qúy vị biết tôi là người Thệ Phản, nhưng ngài vẫn là người bạn tốt nhất của tôi”.
Một trong các vị khách của Reagan, thành viên của Đoàn Kết, Antoni Macierewicz, tặng cựu tổng thống một món quà. Giống nhiều người Ba Lan khác, Macierewicz có lần bị tống giam bởi người cộng sản. Trong khi bị giam, ông miệt mài khắc một bức tượng Đức Mẹ đặc biệt. Thành viên Đoàn Kết bị bách hại muốn Reagan có bức tượng Mẹ Chúa Kitô mà ông đã khắc dưới sự câu thúc của những kẻ làm điều ác. Reagan nhận bức tượng. Ông cầm bức tượng trong tay và nói rằng ông và Bà Nancy sẽ hãnh diện có bức tượng trong nhà.

Chiến thắng của Đoàn Kết

Reagan cũng hãnh diện về những gì những người Đoàn Kết và đồng nghiệp của họ đạt được khi trở về Ba Lan. Trong các cuộc tuyển cử tháng Sáu, các ứng viên Đoàn Kết thắng mọi ghế trong số 1 phần 3 ghế ở hạ viện lập pháp mà người Cộng Sản cho đầu phiếu. Còn ở tân thượng viện, Đoàn Kết thắng 99 trong số 100 ghế mới.

Nói tóm tắt, Đoàn Kết thắng hơn 99 phần trăm các ghế được bầu. Người Cộng Sản không chiếm được 1 ghế nào.

Tháng 12 năm 1990, Lech Wałęsa đậy nắp quan tài lên chủ nghĩa cộng sản khi trở thành tổng thống dân cử tự do của Ba Lan.

Những quân cờ đôminô sụp đổ

Cuộc bầu cử tháng Sáu năm 1989 gây tiếng vang quá bên ngoài Ba Lan. Mikhail Gorbachev sau này nói rằng khi Ba Lan tổ chức các cuộc tuyển cử trên, ông biết trò chơi cộng sản đã hết thời. Ông nắm rõ: việc xuất hiện của Đoàn Kết đe dọa không những “sự hỗn loạn ở Ba Lan” mà cả “sự tan vỡ tiếp theo của toàn bộ phe xã hội chủ nghĩa”.

Cả Ronald Reagan lẫn Đức Gioan Phaolô II coi Ba Lan như “đinh chốt trục xe trong cuộc tan rã của đế quốc Xô Viết”. Họ rất đúng. Sự tan rã bắt đầu với Ba Lan của Karol Wojtyła, chỉ cách việc sụp đổ của Bức Tường Ba Linh có vài tháng.

Và đó mới chỉ là một bắt đầu.

Ở Warsaw, Berlin, Budapest, Prague, và cả Bucharest, hàng loạt các biến cố không ai ngờ đã diễn ra trong năm 1989. Rồi, ngày 7 tháng Hai năm 1990, điều không ai nghĩ tới đã xẩy ra một lần nữa, lần này tại Mạc Tư Khoa: chính sách độc quyền của Đảng Cộng Sản chấm dứt ở Liên Bang Xô Viết.

Ngày ấy, Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản chấp nhận đề nghị của Mikhail Gorbachev hủy bỏ điều 6 khỏi Hiến Pháp Xô Viết. Điều này vốn bảo đảm bàn tay sắt quyền lực của Đảng Cộng Sản trong suốt hơn 70 năm qua. Ban lãnh đạo của đảng cũng chấp nhận kế hoạch có một hệ thống nội các và tổng thống kiểu Tây Phương. Tổng Bí Thư Gorbachev sẽ trở thành Tổng Thống Gorbachev.

Lời cầu nguyện được đáp ứng

Điều chủ yếu phải hiểu là cho tới nay, Gorbachev vẫn quả quyết rằng ông ta muốn duy trì Liên Bang Xô Viết. Ông ta muốn có một Liên Bang Xô Viết tốt hơn, nhân đạo hơn, không theo kiểu Stalin, tuy nhiên, vẫn là một Liên Bang Xô Viết toàn vẹn. Thế nhưng, khi kết liễu sự độc quyền của Đảng Cộng Sản đối với quyền lực, Gorbachev, dù biết hay không biết, thực sự đã đẩy Đế Quốc Sự Ác gần tới mộ chôn của nó hơn.

Ronald Reagan biết rõ điều đó. Ngày 5 tháng Mười Hai năm 1990, một năm sau sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh, Reagn nói chuyện ở Cambridge, Anh Quốc. Tại đấy, ông chứng tỏ một sự hiểu biết khôn khéo về điều mà vị ngọt tự do của Gorbachev sẽ mang tới. Ông nói: “như luôn luôn xẩy ra, một khi những người trước đây bị tước hết tự do căn bản nay được nếm nó một chút, họ sẽ muốn được nó trọn vẹn. Dường như Ông Gorbachev đã mở nút chai ma thuật và thần linh từ đó đã bay ra, không bao giờ có thể giam lại. Glasnost chính là vị thần này”.

Sự nổ tung của chủ nghĩa cộng sản vô thần Xô Viết đem lại niềm vui lớn cho Tổng Thống Ronald Reagan và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Chắc chắn đây là một đáp ứng cho lời cầu nguyện của họ.

Cuộc gặp gỡ cuối cùng

Hơn một thập niên trước, Ronald Reagan vốn đã coi Đức Gioan Phaolô II là “chìa khóa”. Tám năm trước, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Vatican và đã thỏa thuận với nhau rằng mạng sống của họ đã được cứu để họ kết liễu chế độ cộng sản Xô Viết. Nay, khi đế quốc Mácxít-Lêninít đã sụp đổ, Reagan lại có dịp gặp gỡ Đức Giáo Hoàng một lần nữa.

Các phóng viên lúc đó và các sử gia từ đó đã gần như hòan toàn bỏ lỡ cuộc gặp gỡ này.

Tháng Chín năm 1990, cựu tổng thống thực hiện chuyến viếng thăm cựu thế giới cộng sản, thế giới mà ông cùng với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giúp đem lại tự do.

Chuyến đi trên kéo dài 10 ngày, tới 4 quốc gia Âu Châu. Bắt đầu với Bức Tường Bá Linh. Các máy hình ghi lại hình ảnh cựu tổng thống tay cầm búa, đập nát biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản vô thần lạnh lùng, chết cứng. Ông nói với các phóng viên: “Tôi cảm thấy tuyệt vời. Càng tuyệt vời hơn khi nó sụp đổ tan tành”. Rồi ông nói thêm: “tôi không nghĩ qúi vị có thể nói quá tầm quan trọng của việc đó. Tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể cho những việc như việc này”.

Phần lớn tường trình của báo chí chỉ quanh quẩn quanh chuyến viếng thăm Bức Tường Bá Linh của ông. Thành thử, các máy hình và máy vi âm đã vắng bóng đối với cuộc gặp gỡ có lẽ còn quan trọng hơn nhiều: đó là cuộc hội ngộ của Reagan với Đức Gioan Phaolô II tại Castel Gandolfo.

Những kỷ niệm vui tươi

Cuộc gặp gỡ thứ năm giữa Reagan và Đức Giáo Hoàng này là cuộc gặp gỡ đầu tiên sau khi Reagan từ gĩa quyền hành. Đây là chuyến viếng thăm thân hữu và có tính tư riêng, không phải là một chuyến viếng thăm chính thức. USA Today là một trong các nguồn tin Tây Phương duy nhất chịu tường trình về chuyến viếng thăm. Nó chỉ viết vỏn vẹn 3 câu sau đây: “Cựu Tổng Thống Ronald Reagan và phu nhân, Nancy, đã kết thúc chuyến đi Âu Châu của họ bằng cuộc viếng thăm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại dinh mùa hè của Đức Giáo Hoàng ở bên ngoài Rôma. Vatican cho biết: Đức Giáo Hoàng kết thúc cuộc viếng thăm 30 phút bằng câu nói sau đây ‘Xin Thiên Chúa chúc lành cho Hoa Kỳ’. Không chi tiết nào khác đã được công bố”. Một tường trình của UPI viết thêm: “Ngồn tin Vatican cho biết có lẽ Reagan đã nói với Đức Giáo Hoàng các cảm tưởng thuận lợi của ông đối với các thay đổi ở Liên Bang Xô Viết”.

Nội dung các tường trình của truyền thông Tây Phương chỉ có thế. Nhưng hai thập niên sau, tức tháng Tám năm 2012, Paul Kengor, tác giả cuốn A Pope and a President: John Paul II, Ronald Reagan, and the Extraordinary Untold Story of the 20th Century (Một Giáo Hoàng và Một Tổng Thống: Đức Gioan Phaolô II, Ronald Reagan, và Câu Truyện Phi Thường Chưa Ai Kể của Thế Kỷ 20), có phỏng vấn một trong những người tháp tùng chuyến đi của vợ chồng Reagan. Joanne Drake vốn là tùy viên lâu năm của bà Reagan. Qua Drake, Kengor cũng đã phỏng vấn Bà Reagan về chuyếng viếng thăm Đức Gioan Phaolô II. Drake và Bà Reagan nhớ rằng cuộc gặp gỡ diễn ra lúc 11 giờ sáng, chỉ có sự tham dự của vợ chồng Reagan và Đức Giáo Hoàng mà thôi. Nó kéo dài chừng 1 tiếng đồng hồ.

Bà Reagan nhớ đó là một cuộc “gặp gỡ ấm áp và tuyệt vời”. Vợ chồng Reagan đến từ Bá Linh, Warsaw, Gdańsk, Leningrad và Mạc Tư Khoa, đàm luận với Lech Wałęsa và vợ chồng Gorbachev và nhiều người khác. Kengor hỏi Bà Reagan xem chồng bà và Đức Giáo Hoàng có vui mừng về việc sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và những gì diễn ra sau đó hay không. Bà nhớ họ “có thảo luận với Đức Giáo Hoàng về những người và những nơi đó”. Nhưng vì hơn hai thập niên đã trôi đi, bà không còn nhớ được các chi tiết có ý nghĩa ngoại trừ sự kiện: đây là một cuộc hội ngộ ấm áp, tư riêng, và thân hữu. Bà nhắc đi nhắc lại rằng bà chỉ có những kỷ niệm vui tươi về mọi cuộc gặp gỡ và liên hệ của họ mà thôi.

Lần gặp mặt thứ năm này giữa Reagan và Đức Gioan Phaolô II hóa ra là cuộc gặp gỡ sau cùng của họ. Điều đáng xấu hổ là gần như người ta không biết gì hay ghi nhận được điều gì về cuộc gặp gỡ này, ngoại trừ từ các ghi chép của Vatican; các ghi chép này được hoàn toàn bảo mật cho tới năm 2067.

Vinh danh Thiên Chúa

Nhờ Bà Reagan, chúng ta biết rằng hai vị đề cập tới các biến cố diễm phúc diễn ra ở Âu Châu trong năm trước đó. Chắc chắn hai vị đã nhìn nhận và cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những gì đã diễn ra kể từ ngày các vị lãnh đạn hơn chín năm về trước.

Đó hẳn là giây phút rất cảm động. Ước chi chúng ta biết nhiều hơn và ước chi hai vị biết được rằng đó là lần chót hai vị gặp nhau.

Những tiếng cười sau cùng

Nhiều quan sát viên Tây Phương cười nhạo Ronald Reagan khi ông gọi Liên Bang Xô Viết là Đế Quốc Sự Ác. Nhưng các viên chức Xô Viết cao cấp xác nhận chính điều ông nói.

Andrei Kozyrev, ngoại trưởng của Chủ Tịch Yeltsin, đã mau mắn giải thích rằng: quả là một sai lầm khi dùng danh xưng “Liên Bang Các Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết”: “đúng hơn, nó là một đế quốc sự ác, như người ta vốn nói”.

Arkady Murashev, một nhà lãnh đạo trẻ của nước Nga thời Yeltsin, nói với phóng viên David Remnick: “Ông ấy [Reagan] gọi chúng tôi là ‘Đế Quốc Sự Ác’. Như thế tại sao các ông ở Tây Phương lại cười nhạo ông ấy? Nó đúng như vậy!”

Sergei Tarasenko, trưởng phụ tá của ngoại trưởng Xô Viết Eduard Shevardnadze, cũng đưa ra một nhận định tương tự “Nên tổng thống bảo ‘nó là một đế quốc sự ác’. Đồng ý. Thực vậy, chúng tôi quả là một đế quốc sự ác”.

Genrikh Trofimenko trước đây là giám đốc Viện Nghiên Cứu Hoa Kỳ và Gia Nã Đại thuộc Hàn Lâm Viện Khoa Học Nga. Ông đề nghị nên sửa lại đôi chút kiểu phát biểu của Reagan. Ông bảo: nhãn hiệu “Đế Quốc Sự Ác” của Reagan “có lẽ quá nhẹ nhàng”.

Nhiều quan sát viên Tây Phương cũng chỉ trích Reagan cho rằng các phân tích của ông ấu trĩ. Họ cười nhạo khi ông nói rằng “cuộc diễn hành của tự do và dân chủ” sẽ “đẩy chủ nghĩa Mácxít-Lêninít vào đống tro tàn của lịch sử”.

Chỉ non chín năm sau, ông đã được chứng minh là chính xác. Chiến Tranh Lạnh đã đi vào lịch sử và cả chủ nghĩa cộng sản nữa. Cả hai đã cáo chung, bị vứt vào đống tro tàn lịch sử.

Cái vận hội ấy có lúc xem ra cũng đã trở lại với chúng ta sau 20 năm hiện tượng Reagan - Gioan Phaolô II, nhưng dường như đang thoát khỏi tầm tay chúng ta. Người cầm đầu Vatican và người cầm đầu Bạch Ốc, dù có nhiều điểm đồng thuận hết sức tốt đẹp, nhưng xem ra càng ngày càng xích ra xa nhau, nhất là sau vụ Civilta Cattolica chính thức tuyên chiến với điều họ gọi là liên minh "kỳ thị" Công Giáo Tin Lành Hoa Kỳ.

Trong cái bầu không khí trên, nhiều người Công Giáo cười nhạo bất cứ việc gì chính phủ Trump thực hiện ở Hoa Kỳ hiện nay, dù những việc này hết sức thiết thân với họ. Không những họ làm ngơ các dấu chỉ thời đại này mà còn giải thích tiêu cực về chúng nữa. Thí dụ như việc chính phủ này đề cử những người phò sự sống vào các chức vụ quan yếu hay việc các thành viên nội các, kể cả phó Tổng Thống Pence, tham dự các buổi học hỏi Thánh Kinh hàng tuần ở Tòa Bạch Ốc.

Duy nhất, có lẽ chỉ có trang mạng LifeSiteNews nhắc đến nhóm học hỏi trên, dựa vào tường thuật của Mạng Lưới Phát Tuyến Kitô Giáo (Christian Broadcasting Network).

Đây là nhóm học hỏi Thánh Kinh cấp nội các đầu tiên trong hơn 100 năm nay. Thực vậy, hơn một tá các thành viên nội các đã tham dự nhóm học hỏi hàng tuần này bắt đầu ngay từ đầu năm nay. Bộ Trưởng Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản Tom Price, Bộ Trưởng Giáo Dục Betsy DeVos, Bộ trưởng Nông Nghiệp Sonny Perdue, Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions và Giám Đốc CIA Pompeo là những người tham dự thường xuyên. Phó Tổng Thống Mike Pence hiện diện bất cứ khi nào lịch trình du hành của ông cho phép.

Ralph Drollinger, người tổ chức nhóm, cho hay: “đây là nhóm học hỏi Thánh Kinh tốt nhất xưa nay tôi từng dạy trong đời. Họ rất dễ dạy; họ rất đáng khâm phục; họ rất hiểu biết”.

Tổng Thống Trump được mời tham dự nhóm và nhận được các lời chú giải sau buổi gặp gỡ hàng tuần.

Những cuộc gặp gỡ trên và những chuyện như phát ngôn viên Spicer của Tổng Thống Trump ra họp báo vẫn giữ nguyên tro sức trên trán vào Thứ Tư Lễ Tro bị nhiều người Công Giáo coi là thủ thuật mị dân. Nhờ không sợ mang tiếng như thế, Reagan đã cùng Đức Gioan Phaolô II xô Đế Quốc Sự Ác xuống mồ chôn vĩnh viễn.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 27)
Vũ Văn An
05:26 02/08/2017
Đâu là ý kiến của giáo dân về ngừa thai?

Có lẽ chưa có việc san định nền đạo đức học tính dục Công Giáo nào lại bị nhiều chỉ trích và tranh luận thần học gây khó chịu suốt 50 năm qua hơn giáo huấn về ngừa thai. Nhà thần học luân lý người Mỹ, linh mục Charles Curran, bị gặp rắc rối lớn ở Đại Học Công Giáo America cuối thập niên 1960 vì đã nghi vấn giáo huấn của Giáo Hội về ngừa thai. Ngài thực sự bị sa thải năm 1967, và chỉ được tái bổ nhiệm sau đó nhờ có cuộc đình công của sinh viên. Tuy nhiên, ngài bị sa thải vĩnh viễn năm 1986 vì đã không chịu rút lại việc bất đồng đối với một số học lý luân lý, nổi nhất là việc ngăn cấm ngừa thai.

Cùng với nhiều nhà thần học khác, Cha Curran, người tiếp tục giảng dạy tại Đại Học Methodist Miền Nam, thách thức tính “duy thể lý” (physicalism) và tính “duy sinh lý” (biologism) trong giáo huấn chính thức của Công Giáo; ngài nói rằng: nó dành quá nhiều quan trọng cho cấu trúc thể lý của hành vi tính dục ngược với các giá trị của trật tự cao hơn như thiện ích của con người hay thiện ích của vợ chồng. Cha Curran lý luận rằng về các vấn đề luân lý khác, Giáo Hội không dành cùng một tầm quan trọng tuyệt đối như thế cho hành vi thể lý. Thí dụ, Giáo Hội phân biệt việc “giết người” với việc “tự vệ” dù hành vi thể lý lấy đi mạng sống con người y như nhau trong hai trường hợp. Cho đến nay, quan điểm này đã trở thành gần như túi khôn hợp qui ước nơi nhiều thần học gia Công Giáo, và được nhiều tín hữu giáo dân chia sẻ một cách rộng rãi.

Ở phía kia của giải liên tục Công Giáo, một số tiếng nói có tính truyền thống sâu xa không những chỉ coi việc ngừa thai nhân tạo, mà cả việc kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên, một điều được chính thức nhìn nhận, gần như là lạc giáo. Trong hình thức nhẹ hơn, lời chỉ trích này thường nhắm vào các thực hành và chính sách mục vụ hiện đại; họ cho rằng các thực hành và chính sách này khuyến khích việc kế hoạch hòa gia đình cách tự nhiên mà không lưu ý điều này: theo giáo huấn chính thức, cặp vợ chồng phải có “lý do chính đáng” mới nên dùng nó, và phải luôn “đại lượng” qua việc sẵn lòng đem con cái vào đời.

Trong hình thức mạnh hơn, phe chỉ trích duy truyền thống cho rằng việc kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên thực sự không khác gì bao cao su hay thuốc ngừa thai, ở điểm nó nguyên tuyền là chuyện kiểm soát sinh đẻ bằng phương thế khác mà thôi. Oái oăm thay, đây là chỗ ý kiến Công Giáo xoay đủ một vòng, vì một số nhà phê bình cấp tiến cũng có cùng một luận điểm như thế về giáo huấn của Giáo Hội. Richard Ibranyi, một tác giả thuộc phe “trống ngôi” (sedevacantist, nghĩa là phe cho rằng sau Đức Piô XII, tòa Phêrô trống ngôi, tất cả các vị giáo hoàng sau ngài đều là ngụy giáo hoàng), phát biểu thế này: “Tất cả những ai dùng phương pháp kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên đều phạm tội trọng cả. Trong trái tim mọi người đều có luật tự nhiên, và việc thực hành kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên đã vi phạm luật tự nhiên này. Không có ngoại lệ, cho dù linh mục hay giám mục của bạn nói rằng có thể dùng nó”.

Giáo Hội có quan điểm gì về việc phá thai?

Giáo huấn Công Giáo về phá thai đặt tiền đề trên xác tín cho rằng sự sống con người bắt đầu từ lúc thụ thai, khi các tế bào tinh trùng và trứng kết hợp với nhau. Thoạt đầu, chủ trương này bắt nguồn từ sinh học của Aristốt; nền sinh học này cho rằng bản sắc được lên khuôn nhờ việc giao thoa của chất thể và mô thức. Các nhà lãnh đạo Công Giáo ngày nay nhấn mạnh rằng chủ trương này được khoa bào thai học và khoa học di truyền hiện đại nâng đỡ; các khoa này đã chứng minh rằng bào thai mang theo nó khuôn di truyền rõ rệt ngay từ lúc thụ thai trở đi. Do đó, giáo huấn của Giáo Hội chủ trương rằng từ giây phút hiện hữu đầu tiên, hữu thể nhân bản đã có đủ quyền lợi của một ngôi vị, với quyền căn bản nhất là được sống.

Dĩ nhiên, các nhà lãnh đạo Công Giáo thừa nhận rằng bào thai, ở các giai đoạn đầu tiên, không có đủ mọi chức năng nhân bản, như hệ thần kinh hay thân não. Thế nhưng các ngài lý luận rằng các nạn nhân của tai nạn hay những người sinh ra bất thường về di truyền thường cũng không có đủ các chức năng nhân bản, nhưng điều này đâu có gây thiệt hại gì đối với nhân phẩm của họ.

Theo các số thống kê thường được trích dẫn nhiều nhất, hàng năm có tới 44 triệu vụ phá thai được tiến hành khắp thế giới, trong đó, vào khoảng từ 800,000 tới 1 triệu 2 diễn ra tại Hoa Kỳ. Nếu bạn coi mỗi vụ này là một vụ giết người vô tội, thì việc các nhà tranh đấu phò sự sống cảm thấy vấn đề phá thai khẩn trương về luân lý đến thế đâu có gì là khó hiểu.

Dù đôi khi người ta cho rằng việc Công Giáo chống đối phá thai chỉ có từ khi có phán quyết Roe v. Wade năm 1973 của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, thực ra, việc chống đối này đã có từ buổi khởi đầu của Đạo. Phá thai và sát nhi rất thường xẩy ra trong Đế Quốc Rôma cổ thời, và việc chống lại các thực hành này là đặc điểm thuộc bản sắc của Kitô Giáo tiên khởi. Một trong các bản văn Kitô Giáo cổ xưa nhất, ngoài Thánh Kinh ra, tên là Didache, được coi như chứa đựng giáo huấn trực tiếp truyền từ các tông đồ, có lời cấm này “Ngươi không được giết bào thai bằng cách phá thai và không được gây cho trẻ sơ sinh phải chết”.

Trong Bộ Giáo Luật, “cộng tác theo mô thức” vào việc phá thai bị coi như một vi phạm đặc biệt trầm trọng đến nỗi bị phạt tuyệt thông. Theo thần học luân lý Công Giáo, cộng tác theo “mô thức” (formal) có nghĩa có ý phạm một hành vi xấu. Cộng tác theo “chất thể” (material) xẩy ra khi không nhằm đối tượng vô luân trong hành vi của người khác, tuy nhiên can dự vào như một nguyên nhân gây hậu quả (causal way). Thí dụ, một bệnh viện cho một bác sĩ thuê chỗ để thực hiện một vụ phá thai, tuy không ủng hộ việc này, bị coi là cộng tác “theo chất thể” vào hành vi. Giáo huấn của Giáo Hội dạy rằng mạng sống người vô tội cũng phải được luật dân sự bảo vệ và việc bảo vệ quyền sống là thước đo căn bản nhất đối với sợi chỉ xuyên suốt của bất cứ xã hội nào. Thành thử, các nhà lãnh đạo Giáo Hội không chỉ khuyến khích người Công Giáo đừng phá thai; mục tiêu tối hậu của các ngài là được thấy nhà nước đặt thực hành này ra ngoài vòng pháp luật.

Có sự đa dạng ý kiến nào về phá thai không?

Khó mà kiếm được nhà tư tưởng hay nhà tranh đấu Công Giáo nghiêm túc nào dám ca ngợi phá thai là một sự thiện luân lý, hay nghĩ rằng một xã hội công chính phải là một xã hội thực hiện nhiều vụ phá thai hơn. Hầu như mọi nhà thần học luân lý Công Giáo, và tuyệt đại đa số người giáo dân Công Giáo đều ít nhất coi phá thai là điều đáng tiếc và đáng lo ngại, và coi việc hạn chế con số các vụ phá thai là một tiến bộ luân lý đáng kể. Bởi thế, cuộc tranh luận trong các giới Công Giáo thực sự không phải là để nói “có” hay “không” đối với việc phá thai. Mà đúng hơn, là xoay quanh 3 câu hỏi gây tranh cãi nhiều nhất sau đây:

• Giáo huấn chính thức có quá cứng rắn không khi từ chối nhìn nhận rằng trong một số trường hợp, như đe dọa tới mạng sống hay sức khỏe người mẹ, phá thai có thể ít xấu hơn trong hai cái xấu?

• Chiến dịch biến việc phá thai thành bất hợp pháp có dẫm chân lên biên giới giữa Giáo Hội và nhà nước không, nhất là trong một nền văn hóa đa nguyên trong đó, không hề có sự đồng thuận đối với vấn đề này?

• Phá thai có được quá nhấn mạnh không, đến độ gây thiệt hại cho các vấn đề khác? Lời phàn nàn thường được nghe từ giới hoạt động công bằng xã hội là: Giáo Hội nên dành cùng một lượng năng lực để bảo vệ một đứa trẻ đang chết vì đói như lúc bảo vệ một đứa trẻ chưa sinh, còn ở trong bụng mẹ.

Với mỗi người Công Giáo cho rằng hàng giáo phẩm quá cứng rắn đối với việc phá thai, thường lại có một người Công Giáo khác nghĩ rằng các ngài quá buông lỏng. Thí dụ, các người phò sự sống đầy xác tín thường phàn nàn rằng các vị giám mục không xông xáo trong việc thẳng tay đối phó với các chính trị gia Công Giáo không chịu có cùng đường hướng với các ngài về vấn đề phá thai. Đầu năm 2010, chẳng hạn, một phái đoàn Công Giáo phò sự sống, dẫn đầu bởi nhà tranh đấu Randall Terry, đã tổ chức một cuộc biểu tình tại Vatican, đòi chế tài Đức Hồng Y Donald Wuerl của Washington D.C., vì ngài đã không công khai bác bỏ quyền rước lễ của chủ tịch quốc hội Nancy Pelosi trong tổng giáo phận của ngài. (Năm 2004, một nhóm nhỏ các giám mục Hoa Kỳ tuyên bố rằng các ngài sẽ không cho ứng cử viên tổng thống John Kerry rước lễ vì chủ trương phò phá thai của ông này, làm nổ ra cuộc tranh luận về việc ai được ai không được rước lễ, một cuộc tranh luận được nhiều người nhạo gọi là “cuộc chiến bánh lễ”). Đầu thế kỷ 21, không quyết định nào của các giám mục Công Giáo ở Hoa Kỳ gây nhiều tranh cãi bằng việc cho phép một chính trị gia Công Giáo có thành tích bỏ phiếu phò phá thai được nói chuyện tại một cơ sở Công Giáo, nhận bất cứ vinh dự nào của Giáo Hội, hay rước lễ tại giáo xứ địa phương của họ.

Tại sao Giáo Hội có đường lối tiêu cực đối với việc đồng tính luyến ái?

Tại tòa án công luận ở đầu thế kỷ 21, có lẽ không có lời tố cáo nào chống lại Giáo Hội Công Giáo bị công kích bằng lời tố cáo cho rằng Giáo Hội này “bài đồng tính luyến ái”. Tri cảm này đặc biệt khiến các nhà lãnh đạo Công Giáo tức giận vì các ngài nhấn mạnh rằng các ngài không chống đối việc đồng tính luyến ái cho bằng nhiệt tâm trình bày một viễn kiến tích cực về tình yêu, về tính dục nhân bản, và về gia đình. Hơn nữa, theo các ngài, giáo huấn Công Giáo phân biệt rõ ràng giữa việc chỉ trích tác phong đồng tính về phương diện luân lý và bổn phận luân lý phải biểu lộ yêu thương đối với những người đồng tính, giống như đối với bất cứ ai khác.

Giáo huấn Công Giáo chủ trương rằng các hành động đồng tính là vô luân cách nặng, một phần dựa vào Thánh Kinh. Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo trưng dẫn chương thứ nhất thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma; chương này dạy rằng sự lệch lạc về tính dục là hậu quả của bất trung và thờ ngẫu thần: “Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông”. Ngoài ra, giáo huấn chính thức cũng coi các hành vi đồng tính trái ngược với luật tự nhiên. Nếu mọi hành vi tính dục phải mở cửa chào đón việc truyền sinh, thì các liên hệ đồng tính dĩ nhiên nằm ngoài phạm vi các tác phong được chấp nhận về luân lý. Điểm mấu chốt ở đây là: người Công Giáo đồng tính nào muốn trung thành với giáo huấn của Giáo Hội, thì cần phải sống độc thân suốt đời.

Giáo huấn Công Giáo cũng coi gia đình tự nhiên của con người, đặt căn bản trên việc kết hợp suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà và sẵn sàng chào đón con cái, là viên đá căn bản để xây dựng xã hội, đồng thời là lò luyện trong đó diễn ra việc đào tạo nền tảng về luân lý nhân bản và đức tin tôn giáo. Lòng kính trọng của Công Giáo đối với gia đình đã được chứng tỏ qua thuật ngữ “Giáo Hội tại gia” dùng để chỉ về nó. Chính vì thế, các nhà lãnh đạo Công Giáo chống lại bất cứ chính sách công nào nhằm tái định nghĩa bản chất của hôn nhân, hay coi các sắp xếp khác có giá trị như nó; điều này khiến các ngài mạnh mẽ chống lại bất cứ sự nhìn nhận pháp lý nào đối với hôn nhân đồng tính hay các cuộc kết hợp dân sự.

Xin nói rõ: việc kết án có tính luân lý của Công Giáo chỉ nhắm tác phong đồng tính, chứ không nhắm người đồng tính. Khi nói tới đồng tính luyến ái, nhiều người Công Giáo trích dẫn câu châm ngôn xưa, vốn được gán cho Thánh Augustinô: “Yêu người tội lỗi, ghét điều tội lỗi”. Sách Giáo Lý thì dạy thế này: người đồng tính “không chọn tình cảnh của họ” và “đối với phần đông họ, đây là một cơn thử thách”. Sách cũng cho hay: người đồng tính “phải được chấp nhận một cách tôn trọng, cảm thương, và nhậy cảm” và “phải tránh mọi dấu hiệu kỳ thị bất công đối với họ”. (Chữ chủ yếu ở đây là “bất công”. Tháng 7 năm 1992, Vatican cho rằng có những phạm vi trong đó không phải là kỳ thị bất công khi dựa vào xu hướng tính dục, thí dụ việc trao trẻ em làm con nuôi hay được dưỡng nuôi, tuyển dụng thầy giáo hay huấn luyện viên, và trong việc tuyển quân).

Dù giáo huấn Công Giáo không coi xu hướng đồng tính là tội lỗi, vì nó không nhất thiết được chọn lựa, điều này không có nghĩa Giáo Hội coi xu hướng này trung lập về luân lý. Trong một văn kiện được Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau đó là Đức Bênêđíctô XVI, ký năm 1996, Tòa Thánh tuyên bố rằng : “Mặc dù xu hướng đặc thù của người đồng tính không phải là một tội, nó ít nhiều vẫn là một khuynh hướng mạnh mẽ hưóng người ta về một sự xấu luân lý nội tại; và do đó, phải coi khuynh hướng này như một rối loạn khách quan”.

Còn tiếp
 
Văn Hóa
Hành Trình Đức Tin của tôi.
Giuse Nguyễn
22:34 02/08/2017
Là người Công Giáo tôi tin gì? Tôi tin vào Thiên Chúa, là Đấng trước hết và sau hết, là nguyên thủy và là tận cùng. Tôi tin Thiên Chúa là Cha, Ngôi Thứ Nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Ngôi Hai là Chúa Giêsu xuống thế làm người và Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa làm ra mọi sự…Tất cả những điều người Công Giáo tin đều được gói gọn trong kinh Tin Kính mà tôi có dịp tuyên xưng vào mỗi thánh lễ ngày Chúa Nhật.

Làm sao tôi tin như thế? Không phải tự nhiên tôi tin, nhưng được cha mẹ dạy dỗ, được học hỏi qua qua nhiều phương tiện như các lớp giáo lý, lớp thêm sức, lớp dự bị hôn nhân, lời giảng dậy của các cha, những gương sáng của các người đạo đức thánh thiện, các phương tiện truyền thông… Tất cả những việc học hỏi ấy vun đắp đức tin cho tôi.

Nhưng dường như đức tin của tôi không mấy dính dáng gì đến cuộc sống của tôi. Hồi nhỏ tôi bị ép để có thói quen đọc kinhquan thày và lần hạt mân côi trước khi đi ngủ và ngày Chúa Nhật theo cha mẹ đi lễ vì là lễ buộc, không đi thì mắc tội trọng, xa hỏa ngục đời đời. Vào tuổi thanh niên, tôi không có đủ thời gian để học hành và vui chơi cho nên chuyện đọc kinh tối tạm gác lại, chỉ còn giữ ngày lễ Chúa Nhật, nhưng cũng không trọn vẹn, tuần có tuần không.

Thế rồi vận nước nổi trôi, giống như bao sĩ quan của chế độ Sài gòn, tôi bị bắt vào chốn lao tù, có cái tên gọi rất ư làgian manh “lao động cải tạo”. Trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời, ngồi nhớ lại những ngày tháng được sống dưới mái ấm gia đình, tôi cảm nhận được sự an ủi của lời kinh đêm và có thêm niềm tin khi biết rằng mình là người có đạo.

Ra khỏi tù, nhờ thành tích là sĩ quan chế độ cũ và tù cải tạo, tôi và gia đình được may mắn định cư tại Hoa Kỳ. Tôi lại lao vào cơn xoáy tiền tài với mộng ước làm lại cuộc đời từ đầu nơi miền đất tự do. Đức tin của tôi lại một lần nữa bị thui chột, không còn kinh tối nhưng vẫn giữ ngày Chúa Nhật. Sau một thời gian học hành và làm việc cật lực, nhìn lại thì cũng chẳng đi tới đâu, giấc mơ đời của tôi vẫn còn xa quá xa.

Năm 1996, tôi được tham dự khóa Cursillo. Đây là khóa học tuy chỉ có ba ngày, nhưng đã lay động tâm hồn tôi một cách mãnh liệt. Từ đó đời sống đạo của tôi bắt đầu thay đổi và khá hơn. Chúng tôi bắt đầu lại việc đọc kinh tối trong gia đình và siêng năng hơn với các việc đạo đức khác.

Tuy nhiên, sau vài năm miệt mài với PT Cursillo, bằng nhiều cố gắng của chính mình và áp dụng những phương cách duy trì ơn thánh của PT như là hội nhóm hay Ultreya, tôi thấy mình không tiến hơn thêm trên con đường đạo đức, chỉ ở mức độ tự cho là vừa phải, nghĩa là “nóng cũng không nóng mà lạnh cũng chẳng lạnh”.Làm thế nào để mình có thể tiến xa hơn nữa trong tình yêu Chúa là điều thực sự làm tôi khắc khoải.

Một cơn bệnh chụp xuống đời tôi, tưởng chừng như phải vội vã từ giã gia đình và ban bè chốn trần gian này. Nhưng Chúa lại thương cho tôi thoát khỏi để một cơ may thứ hai lại đến với đời tôi đó là tham dự khóa Linh Thao.

Linh thao cũng bắt đầu bằng khóa cuối tuần ba ngày, những bước tiếp theo là khóa năm ngày, rồi bẩy ngày và có thể là 30 ngày. Những khóa Linh Thao này bổ túc cho khóa Cursillo cơ bản để tôi hân hoan gặp được Chúa, là Thiên Chúa của tôi, để tôi có thể cảm nhận được tiếng thì thầm an ủi của Người trong lúc gian truân và vui mừng phấn khởi ngợi ca Người mỗi ngày trong suốt cuộc đời còn lại của tôi.

Qua học hỏi và nhất là trong những giây phút thinh lặng tôi nghiệm ra điều này.

Mới đầu đức tin của tôi là loại Đức Tin Nghe Nói. Nghe nói bởi vì tôi được dạy như vậy, được hướng dẫn để tin như thế. Khuôn mặt Chúa Kitô trong tâm tưởng của tôi khi hiện khi mờ và tôi không có liên hệ gì nhiều với ngài. Giống như tôi được coi một cuốn phim hay, cảm động có thể làm tôi khóc, nhưng hết phim là hết bởi vì nó là phim, không ăn nhằm gì đến thực tế của cuộc đời tôi cả. Hoặc tôi được chứng kiến một buổi chia lìa não lòng của người cha bị bắt đi tù vào một đêm mưa gió, lời người cha dặn dò vợ con nghe thật cảm động, thương tâm lắm. Nhưng sau đó tôi lại có cuộc sống riêng của tôi, mỗi khi nghĩ đến gia đình có người cha tù tội ấy, tôi cũng thấy mủi lòng, thế thôi. Chúa của người có đức tin nghe nói là như vậy.

Ngồi nghe cha giảng trong nhà thờ tôi thấy ngài giảng hay quá, hùng hồn quá, có khi còn vui nữa. Lời cha có lý quá, đúng quá nhưng khi về nhà thì tôi quên hết vì nó chẳng ăn nhập gì đến thực tế đời tôi, có chăng còn đọng lại câu chuyện cười dí dỏm…

Đức tin nghe nói là khởi điểm để xây dựng đức tin của tôi, nhưng như thế thì chưa đủ, tôi cần một Đức Tin Cảm Nghiệm và chính các khóa Linh Thao hướng dẫn cho tôi có được kinh nghiệm đó. Tôi được gặp Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể, gặp Chúa nơi thanh vắng, gặp Chúa nơi người anhem, không phải một lần nhưng rất nhiều lần trong ngày đến nỗi tôi thấy mình cần Chúa, cảm thấy Chúa đi vào đời mình. Những khắc khoải lo âu của tôi cũng là nỗi lo của Chúa và tôi chỉ muốn làm đẹp lòng Chúa mà thôi. Giữa tôi và ngài có sự gắn bó, gần gũi. Tôi muốn được tan đi để chỉ còn Chúa suy nghĩ, làm việc trong tôi. Đức tin cảm nghiệm theo tôi hiểu là như thế ấy.

Đức tin cảm nghiệm cũng có thể được hiểu nếu tôi là đứa con có người cha bị bắt đi tù trong cái đêm mưa gió đó, thì lời nói của cha, thái độ của cha, ánh mắt của cha chắc chắn sẽ luôn mãi làm tôi đau nhói. Tôi sẽ vì thế mà thương cha nhiều hơn, tôi sẽ nỗ lực bằng mọi cách hỏi thăm tin tức của cha để đến thăm cha.

Hạnh phúc biết bao khi tôi một mình tâm sự với Cha Giêsu trong một thế giới đang quay cuồng như hôm nay. Vì được ngồi với cha, được tâm sự với cha nên tôi biết được ý ngài và tôi đã chỉ làm mọi việc theo ý ngài, vì yêu ngài thôi.

Tôi tự nghĩ rằng nếu mọi người sau khi tham dự một khóa Cursillo có dịp tham dự tiếp theo những khóa Linh Thao thì kết quả của khóa học sẽ tăng bội phần. Tìm đọc trong sách thủ bản Leader’s Manual của PT Cursillo, trang 57, chương 7: The Role Of The Cursillo Leader, phần hậu Cursillo, In The Postcursillo, tôi thấy PT có lời khuyến khích nhắc nhở các Cursillistas hàng năm nên tham dự tĩnh tâm Linh Thao (Ignatian Spiritual Exercise.). Mong lắm thay.

Nguyện Chúa chúc lành và củng cố thêm đức tin cho chúng con. Amen.

Giuse Nguyễn
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Nhỏ Tầm Thường
Richard Drysdale
18:58 02/08/2017
H0A NHỎ TẦM THƯỜNG
Ảnh của Richard Drysdale
Dù cho hoa nhỏ bên đường
Vẫn là tác phẩm phi thường Chúa ban.
(bt)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 03/08/2017: Cuộc chạy đua giành giật các linh hồn tại Nigeria
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:32 02/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tổng thống Pháp vinh danh cha Jacques Hamel

Hôm 26 tháng 7, Tổng thống Emmanuel Macron đã đến tham dự buổi lễ khánh thành “bia đá cho hòa bình và tình huynh đệ” để vinh danh Cha Jacques Hamel nhân dịp kỷ niệm một năm ngày ngài bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS giết chết.

Hai tên bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã cắt cổ họng vị linh mục 85 tuổi vào ngày 26 tháng 7 năm 2016, trong khi ngài đang cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray.

Tổng thống Macron nói: “Khi giết cha Hamel ngay tại bàn thờ, hai tên khủng bố đã tìm cách gieo rắc lòng khao khát trả thù và trả đũa nơi những người Công Giáo ở Pháp. Nhưng chúng đã thất bại.”

Macron cảm ơn những người Công Giáo Pháp vì họ “tìm kiếm nơi đức tin và lời cầu nguyện sức mạnh để tha thứ” và cảm ơn những cư dân của thành phố đã “đưa ra một tấm gương cho cả nước Pháp, khi khước từ khát vọng trả thù và trả đũa, và lựa chọn cùng nhau bước đi trên con đường hoà bình.”

Tổng thống Macron nói Pháp không phải là “vương quốc của thuyết tương đối”. Ông nhấn mạnh rằng: “Tại trung tâm của luật pháp và những luật lệ của chúng ta, có một cái gì đó không thể thương lượng được đã được hình thành bởi lịch sử của chúng ta, điều mà chúng ta không thể thỏa hiệp, là một cái gì đó thánh thiêng: là điều làm cho chúng ta trở nên những con người nhân bản, đó là tình yêu, hy vọng, sự chăm sóc người khác. Cha Hamel đã thể hiện tất cả những điều này.”

2. Dù đã chết, cha Jacques Hamel vẫn sống trong lòng người

Đức Tổng Giám Mục Dominique Lebrun của Rouen nói trong bài giảng của ngài hôm 26 thág 7 rằng “dù đã chết, cha Jacques Hamel vẫn sống trong lòng người”.

Đức Tổng Giám Mục đã nói như trên khi ngài cử hành Thánh lễ nhân kỷ niệm một năm ngày vị linh mục quá cố bị hai tên khủng bố Hồi Giáo IS sát hại.

Thánh lễ kỷ niệm được tổ chức tại giáo xứ St. Étienne du Rouvray, nơi Cha Hamel bị giết trên bàn thờ hồi năm ngoái. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã có mặt trong thánh lễ để vinh danh cha Jacques Hamel.

3. Cháu bé Charlie Gard đã qua đời

Cháu bé Charlie Gard đã qua đời vào ngày 28 tháng 7, ngay sau khi được chuyển đến một trung tâm chăm sóc dành cho những người chờ chết. Cái chết của cháu bé đã gây ra một làn sóng phản đối tại Luân Đôn. Những người biểu tình giương cao các biểu ngữ cáo buộc các quan tòa đã tuyên án tử hình cho một đứa bé vô tội khi truyền cho bệnh viện rút các dây truyền sinh.

Charlie Gard đã là trung tâm của một cuộc tranh cãi trên thế giới với một bên là cha mẹ của cháu bé, và những người ủng hộ họ trong đó có Đức Giáo Hoàng, tổng thống Donald Trump, nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác và nhiều người khác nữa; và bên kia là các bác sĩ ở bệnh viện Great Ormond Street và các quan toà ở London. Những điểm chính trong cuộc tranh cãi này là đạo đức y khoa, lời thề Hippocrates của các lương y, ai là người có quyền quyết định sự sống chết của một người khác, và xa hơn thế nào là ‘đáng sống’, thế nào là ‘gánh nặng của xã hội’.

Hôm thứ Hai 24 tháng 7, luật sư Grant Armstrong, đại diện của cha mẹ cháu bé là hai anh chị Chris Gard và Connie Yates nói với quan tòa rằng “thời gian đã hết” sau các báo cáo y tế mới nhất. Ông Armstrong nói rằng “cơn ác mộng của cha mẹ cháu bé đã được xác nhận” vì thế họ chấm dứt các tranh cãi pháp lý để cứu mạng con mình.

Cha mẹ cháu bé đã đưa ra lời kêu gọi cuối cùng cho phép họ đưa Charlie về nhà. Lời yêu cầu này cũng bị tòa án từ chối.

4. Các Giám Mục Venezuela cực lực phản đối cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến

Hôm Chúa Nhật 30 tháng 7, Tổng thống Nicolás Maduro đã tổ chức cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến nhằm viết lại hiến pháp của quốc gia này.

Chế độ xã hội chủ nghĩa này đã cấm tất cả các cuộc biểu tình từ ngày 28 tháng 7 đến ngày 1 tháng 8. Bộ trưởng tư pháp đe dọa những người biểu tình có thể bị tù từ năm đến mười năm nếu tham gia vào các cuộc tụ tập phản đối. Tuy nhiên nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng ngàn người vẫn tiếp tục diễn ra.

Ngày 27 tháng 7, các giám mục của Venezuela đã nhắc lại sự phản đối của các ngài đối với trò hề dân chủ này và kêu gọi người dân Venezuela thuộc mọi quan điểm chính trị tẩy chay cuộc bầu cử này nhưng không nên sử dụng bạo lực.

Khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Hội đồng Giám mục Venezuela đã viết trên mạng Tweeter rằng: “Nguyện xin Đức Trinh Nữ Coromoto rất thánh, là quan thầy của Venezuela, xin giải thoát đất nước chúng con khỏi nanh vuốt của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội”.

Tại biên giới Venezuela và Colombia, cha Jose David Canas, linh mục chính xứ của giáo xứ Thánh Giuse của Colombia, nằm ngay trên đừng biên giới với Venezuela đã thuê một căn nhà để làm nơi tá túc cho những người Venezuela đang lũ lượt bỏ ra nước ngoài tìm đường sống.

Cha Canas cho biết: “Ý tưởng thuê chỗ này, căn nhà này là để mang lại một chút tiện nghi tối thiểu cho những ai trên đường đến một nơi nào đó. Bất cứ ai qua đây cũng đều được tặng chút gì đó một miếng bánh mì, một ly cà phê, một bữa trưa. Họ được tặng chút gì đó vào buổi sáng. Và vì vinh quang Chúa, chúng tôi trao tặng từ 1,000 đến 1,200 bữa ăn mỗi ngày.”

5. Đức Hồng Y Pietro Parolin nói còn quá sớm để đánh giá khả năng lãnh đạo của tổng thống Trump

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nhận xét rằng còn quá sớm để đánh giá khả năng lãnh đạo của Tổng thống của Trump.

Chính quyền của tổng thống Trump có rất nhiều sự “khác biệt và độc đáo” đến nỗi cần có “thời gian để tìm ra một đánh giá cân bằng”, Đức Hồng Y đã nói như trên trong một cuộc phỏng vấn với tờ Il Regno.

“Thời gian là cần thiết để đánh giá; ta không thể vội vàng. Bất kỳ phán quyết nào vào lúc này cũng là quá vội vã, ngay cả khi sự thể hiện của tính chất bất định có thể gây ngạc nhiên đối với nhiều người.”

Đức Hồng Y đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chống lại những biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo trên thế giới và nói rằng “làm giảm sự ấm lên toàn cầu có nghĩa là cứu căn nhà chung mà tất cả chúng ta đang sống, và giảm sự bất bình đẳng và nghèo đói mà sự nóng lên của hành tinh vẫn tiếp tục gây ra.”

Đức Hồng Y Parolin sẽ thăm Nga trong tháng Tám, cũng thảo luận về tầm quan trọng của cuộc đối thoại giữa Nga và phương Tây:

Nỗ lực để hiểu nhau không có nghĩa lấy quan điểm của người khác làm quan điểm của mình. Nhưng đó là một sự kiên nhẫn, xây dựng, thẳng thắn, và đồng thời, đối thoại trong niềm tôn trọng.

6. Tổng Giám Mục Phi Luật Tân tố cáo Tổng thống Rodrigo Duterte để mặc cho nạn cờ bạc gia tăng

Đức Tổng Giám Mục Oscar Cruz, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân, đã cáo buộc chính phủ nước này thất bại trong việc hạn chế cờ bạc bất hợp pháp.

Đức Cha Oscar Cruz, là Giám Mục đã nghỉ hưu của tổng giáo phận Lingayen-Dagupan, nói rằng Tổng thống Rodrigo Duterte đã không thi hành hàng loạt những lời hứa lớn nhỏ trong chiến dịch tranh cử của mình. Ngay cả chuyện ngăn cấm cờ bạc bất hợp pháp cũng không làm nổi.

Trước những lời cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Oscar Cruz, người đứng đầu văn phòng chính phủ chịu trách nhiệm về vấn đề cờ bạc bất hợp pháp cũng thừa nhận rằng số lượng hoạt động cờ bạc bất hợp pháp vẫn tiếp tục tăng, mặc dù Duterte hứa rằng cảnh sát sẽ trấn áp cờ bạc bất hợp pháp.

7. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nói việc cải tổ hệ thống y tế tại Mỹ cần được tiếp tục

Chủ tịch Ủy Ban Công lý và Phát triển Nhân Văn của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nói rằng “nhiệm vụ cải cách hệ thống chăm sóc sức khoẻ vẫn còn phải được tiếp tục” sau khi thất bại trong nỗ lực bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng.

Đức Cha Frank Dewane của giáo phận Venice, Florida, nói: “Hệ thống y tế hiện nay không bền vững về mặt tài chính, thiếu sự bảo vệ cho người nghèo và sự bảo vệ quyền lương tâm cho các y sĩ, và nhiều người nhập cư không thể tiếp cận được.”

Đức Cha Dewane nói rằng một luật mới có thể chấp nhận được nếu nó bảo vệ quyền lợi của những người thụ hưởng Medicare, cung cấp bảo hiểm đầy đủ cho người nghèo và người nhập cư, giải quyết cuộc khủng hoảng trong thị trường bảo hiểm và bảo vệ quyền lương tâm của các y tá và bác sĩ.

Ngài kết luận rằng:

“Sự vĩ đại của đất nước chúng ta không thể được đo lường bởi sự thịnh đạt của những người giàu có nhưng phải được thể hiện qua cách chúng ta chăm sóc cho những người nghèo”.

8. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ viện trợ 4.8 triệu Mỹ Kim cho các Giáo Hội Công Giáo ở Đông Âu

Tiểu ban Trợ giúp Giáo Hội ở Trung và Đông Âu thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã trao tặng hơn 4.8 triệu đô la cho 206 dự án.

Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago, Chủ Tịch Tiểu Ban nói rằng: “Là một gia đình trong đức tin, chúng ta cùng đứng chung với những người làm việc không mệt mỏi để tái xây dựng lại Giáo Hội ở Trung và Đông Âu. Họ là những người vẫn tiếp tục đối mặt với các thách đố để vượt qua những hậu quả bi đát của hàng thập kỷ áp bức chính trị và tôn giáo.”

Khoản tài trợ này được quyên góp tại nhiều giáo phận Hoa Kỳ hôm Thứ Tư Lễ Tro. Trước đó, tiểu ban đã trao cho các Giáo Hội Đông Âu hơn $ 2.3 triệu tiền trợ cấp vào tháng Giêng năm 2017 và 4.7 triệu đô la vào tháng 6 năm 2016.

9. Lần đầu tiên người Hồi Giáo đông hơn các Kitô hữu tại Nigeria

Trong thống kê mới nhất tại Nigeria, lần đầu tiên trong lịch sử, số người Hồi Giáo đã đông hơn số tín hữu của tất cả các hệ phái Kitô. Quốc gia này có 186 triệu dân. Người Hồi giáo giờ đây chiếm đến 50%; trong khi số tín hữu Kitô chỉ có 40%. 10% dân số vẫn giữ niềm tin bản địa.

Phản ứng trước diễn biến này nhà lãnh đạo hàng đầu ở quốc gia đông dân nhất châu Phi nói rằng Kitô giáo và Hồi giáo đang tham gia vào một “cuộc chạy đua giành giật các linh hồn.”

Đức Hồng Y John Onaiyekan của thủ đô Abuja, Nigeria, đã đưa ra nhận xét như trên trong một buổi lễ tấn phong giám mục. Ngài nói rằng, sứ vụ của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. “Chính trong ánh sáng này, tôi không ngần ngại tuyên bố rằng tôi muốn 'Kitô hóa Nigeria' bằng tất cả các phương tiện thuyết phục hòa bình.”

Ngài nói tiếp rằng: “Nhưng tôi cũng biết rằng có những người khác cũng có cùng khao khát, liên quan đến đức tin của họ”. “Do đó tôi tôn trọng quyền của những người tuyên bố rằng họ muốn 'Hồi Giáo hóa Nigeria'.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng:

“Vì thế, chúng ta hãy tham gia vào cuộc chạy đua giành giật các linh hồn người Nigeria - một cuộc tranh đua hợp pháp, nhưng phải được tiến hành nghiêm chỉnh với các quy tắc liên quan đến bất bạo động, công lý, tự do và chân thành trước mặt Thiên Chúa. Điều này không chỉ có thể, mà còn cần thiết, để hòa bình ngự trị trên đất nước chúng ta.

Phúc âm hóa, truyền bá Tin Mừng không phải chỉ làm tăng các số liệu thống kê về số người Công Giáo. Chúng ta cũng phải nỗ lực để tạo ra một con số đông đảo các chứng nhân cho Chúa Kitô, cho sự thật, công lý và tình yêu; một con số đông đảo những người nam nữ có thiện chí có thể hợp tác với nhau hầu tạo ra một tác động tích cực trong xã hội chúng ta.”

10. Quốc Hội Ukraine đề nghị bắt đầu các phiên họp bằng Kinh Lạy Cha

Một số nhà lập pháp Ukarine đã đề nghị các buổi họp Quốc Hội nên được bắt đầu bằng Kinh Lạy Cha để cầu nguyện xin Chúa che chở cho quốc gia đang bị thế giới lãng quên. Ukraine đang là miếng mồi ngon cho Nga và là đối tượng cho các mặc cả quốc tế giữa các nhà lãnh đạo cường quốc và tổng thống Putin.

Trong chuyến viếng thăm Ukraine của Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương than thở rằng quốc gia ngài đang ở “vào thời điểm khi cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành một đề tài bị lãng quên, một cuộc chiến bị phản bội”.

Các nhà lãnh đạo Tin Lành và Công Giáo lên tiếng ủng hộ đề nghị này. Tuy nhiên, Giáo Hội Chính Thống thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tỏ ra không tán thành. Đức Thượng Phụ Anthony Pakanych nói: “Mong muốn của các thành viên Quốc Hội chỉ cho thấy một nhận thức thực tế là nếu không có hy vọng nơi Thiên Chúa thì chúng ta không thể thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay. Nhưng chúng ta đang sống trong một quốc gia tuyên bố giữa thái độ bình đẳng đối với các tôn giáo, do đó, chúng tôi không tán thành đề nghị này.”

11. Các linh mục Congo kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho hai linh mục bị bắt cóc

“Chúng tôi vô cùng kinh hoàng khi hai người anh em của chúng tôi bị bắt cóc và yêu cầu họ phải được phóng thích vô điều kiện”. Các linh mục triều tại giáo phận Butembo-Béni đã nói như trên trong cuộc họp báo liên quan đến vụ bắt cóc hai linh mục tại Butembo.

Cha Charles Kipasa và cha Jean Pierre Akilimali đã bị bắt cóc vào ngày Chúa Nhật 16 tháng 7. Một số những người vũ trang đã bắt giữ các ngài tại giáo xứ Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần Bunyuka ở vùng ngoại ô thành phố Butembo.

Các linh mục giáo phận Butembo-Béni đã tham dự tuần tĩnh tâm với Đức Cha Melchisédech Sikuli Paluku là Giám Mục bản quyền. Sau tuần tĩnh tâm, các ngài đã tổ chức họp báo kêu gọi những kẻ bắt cóc trả tự do cho hai linh mục, và than thở về tình trạng mất an ninh trong khu vực.

12. Hội Đồng Giám Mục Pakistan lên án vụ tấn công khủng bố tại Lahore

Trong một diễn biến bi thảm 26 người bị giết và 52 người khác bị thương trong một vụ tấn công khủng bố diễn ra hôm thứ Hai 24 tháng 7. Các nhà thờ tại thành phố Lahore đã được đặt trong tình trạng báo động cao độ sau vụ tấn công này. Các thánh lễ Chúa Nhật 30 tháng 7 đã diễn ra với đầy âu lo.

Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Pakistan đã lên án một cuộc tấn công này do bọn khủng bố Hồi Giáo Tehreek Taliban gây ra. Đa số những người bị giết là các nhân viên cảnh sát.

Kẻ tấn công, là một thiếu niên, đã lái một chiếc xe gắn máy chất đầy chất nổ lao vào một trạm kiểm soát của cảnh sát.

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục nhận xét rằng:

“Các nhóm cực đoan đang sử dụng tuổi trẻ của chúng ta để phá hoại. Chúng ta phải đoàn kết lực lượng bất chấp sự khác biệt chính trị, tôn giáo, hay văn hoá của chúng ta để cứu con cái chúng ta khỏi sự dữ nghiêm trọng này.”

13. Nữ tu Canada đầu tiên làm phép cưới

Với sự chấp thuận của giám mục bản quyền và của Vatican, chị Pierrette Thiffault, một nữ tu của Dòng Chúa Quan Phòng, đã là nữ tu đầu tiên trong Giáo Hội Canada làm phép cưới cho một đôi tân hôn. Biến cố này đã diễn ra tại giáo phận Rouryn-Norand, thuộc tỉnh Quebec vào ngày 22 tháng 7.

Bộ Giáo Luật hiện hành cho phép một giám mục chỉ định một người không có chức thánh làm phép cưới Công Giáo, với sự chấp thuận của Vatican, ở những nơi thiếu linh mục. Đức Cha Dorylas Moreau đã đề cử nữ tu Thiffault, là người đã nhận được sự cho phép chính thức từ Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Giáo phận Rouryn-Norand, nằm ở tây bắc Quebec, chỉ có 20 linh mục phục vụ một lãnh thổ trải dài hơn 23,300 cây số vuông. Nhiều linh mục phải đảm trách nhiều giáo xứ khác nhau ở các vùng nông thôn, nơi đa số dân là người Công Giáo.

14. Một nhóm nữ quyền quá khích đánh bom Tòa Nhà Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ

Một nhóm nữ quyền quá khích đã nhận trách nhiệm về vụ nổ làm rung chuyển các văn phòng của Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ ngày 25 tháng 7.

Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ đã đưa ra một tuyên bố nói rằng vụ đánh bom này là một “thông điệp thù hận”. Các giám mục cho rằng vụ nổ này tiêu biểu cho một mức độ bạo lực tổng quát trong xã hội Mễ Tây Cơ.

Đức Cha Alfonso Miranda Guardiola, Tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ, nói rằng vụ đánh bom này “mời gọi chúng ta suy nghĩ một cách triệt để về những cố gắng nhằm tái thiết xã hội chúng ta ngõ hầu có bảo đảm an ninh tốt hơn cho mọi công dân”.

15. Hội Đồng Giám Mục Chilê bày tỏ thất vọng trước việc Quốc Hội cho phép phá thai

Các giám mục Công Giáo Chilê đã bày tỏ sự thất vọng trước việc Quốc Hội nước này bỏ phiếu chấm dứt các hình phạt hình sự đối với việc phá thai. Các ngài cũng lên tiếng cam kết tiếp tục ủng hộ cho chính nghĩa phò sinh.

Hội Đồng Giám Mục Chilê đã bày tỏ mối quan tâm đặc biệt là Quốc Hội gồm đa số là những người tự nhận mình là người theo đạo Thiên Chúa lại thông qua luật cho phép giết các thai nhi vô tội. Các ngài đã nhắc nhở các chính trị gia về tuyên bố của họ vào năm 2015, trong đó họ nói rằng “chính quyền chính là người đầu tiên được kêu gọi chứng minh sự gắn bó giữa những lời lẽ đạo đức mà họ tuyên bố và chức vụ công quyền mà họ nắm giữ”.

Các giám mục khuyến khích các tín hữu cầu nguyện cho sự tôn trọng sự sống và cho việc hoán cải của những người ủng hộ phá thai. Đống thời, các Giám Mục cũng lên tiếng khích lệ anh chị em giáo dân và các tổ chức Công Giáo tích cực hỗ trợ cho các phụ nữ mang thai đang gặp hoàn cảnh kinh tế khó khăn; tham gia tích cực vào các phong trào phò sự sống; và chỉ hỗ trợ cho những ứng cử viên chính trị ủng hộ phẩm giá con người.