Ngày 01-08-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:39 01/08/2011
RƯỢU CHIA BUỒN
N2T

Ở Tô Châu khi hỏa táng người chết thì bạn bè thân thiết nhất định phải đem rượu đến an ủi hỏi han tang gia, đó gọi là rượu chia buồn.
Đứa con nọ, khi phụ thân mất thì uống rượu chia buồn, uống đến say mới về nhà. Sau khi nhìn thấy mẹ mình thì đột nhiên cười ha ha lớn tiếng, bà mẹ lớn tiếng mắng con:
- “Mày là thằng con bất hiếu, ba mày vừa mới mất, vậy mà vẫn còn có thể cười được !”
Đứa con cười trả lời:
- “Sau khi con nhìn thấy mẹ, thì bỗng nhiên chợt nhớ là mình còn có một cơ hội nữa để uống rượu chia buồn !”

Suy tư:
Làm con thì luôn nghĩ đến sức khỏe của cha mẹ mình, chứ không nghĩ đến cha mẹ lúc nào thì sẽ chết; làm con thì luôn nghĩ đến làm thế nào để cho cha mẹ có cuộc sống vui vẻ, chứ không nói những lời làm cho cha mẹ buồn; làm con thì luôn chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ già yếu, chứ không để cha mẹ lo cơm nước cho mình...
Bởi vì thời nay có những đứa con chỉ biết lo cho mình ăn no mặc đẹp, mà không biết lo cho cha mẹ; bởi vì thời nay có những đứa con chửi mắng cha mẹ như chửi mắng kẻ thù; bởi vì thời nay có những đứa con bắt cha mẹ phục vụ mình như một người ở giúp việc...
Hãy chăm sóc và giúp đỡ cha mẹ khi các ngài còn sống, chứ khôngcầu mong cho cha mẹ mau chết để hưởng gia tài, để được chầu nhậu, để rảnh “cục nợ” chăm sóc.
----------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:40 01/08/2011
N2T

3. Cùng giúp Thiên Chúa cứu các linh hồn, là bổn phận thần thánh nhất trong tất cả các bổn phận.

(Thánh Dionysius)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới và phía tối của Văn Hóa Kỹ Thuật Số: Nạn Khiêu Dâm
Vũ Văn An
00:10 01/08/2011
Theo tin Zenit, thế hệ kỹ thuật số đang lũ lượt tiến về Madrid tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ được chứng kiến một trong các phiá tối của nền văn hóa kỹ thuật số, đó là việc “đua nở” của kỹ nghệ khiêu dâm trên liên mạng.

Nhờ một cuốn phim tài liệu được giải thưởng do Anteroom Pictures thực hiện tại thành phố New York, kỹ nghệ mãi dâm sẽ được vạch trần và phân tích trước cử tọa giới trẻ. Cuốn phim tựa đề “Out of the Darkness" ( Ra khỏi bóng tối) trình bày câu truyện của Shelley Lubben, một cựu “công nhân” của kỹ nghệ tình dục và là tài tử khiêu dâm đã từ bỏ con đường cũ và trở lại Kitô Giáo.

Thứ năm tới, cuốn phim được giải thưởng Mầu Nhiệm Tình Yêu tại Đại Hội Điện Ảnh Quốc Tế Gioan Phaolô II năm 2011 tại Miami này sẽ được Morality in Media trình chiếu trên liên mạng. Sau đó, nó sẽ được đem qua Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Tây Ban Nha để trình chiếu vào ngày 17 tháng 8.

Lý do làm phim

Hãng tin Zenit tình cờ gặp được đạo diễn và nhà làm phim Sean Finnegan của cuốn phim trên và đã phỏng vấn ông về lý do thực hiện cuốn phim này. Ông cho biết ông vốn làm việc cho một công ty khác chuyên sản xuất các phim có chủ đề Kitô Giáo và Công Giáo. Một số người cho ông thấy tầm quan trọng mỗi ngày một gia tăng của nạn khiêu dâm, nên ông để ý thăm dò chủ đề này. Ông thấy khá nhiều công trình đã được đưa ra và nhiều cuốn phim cũng đã đề cập tới chủ đề này. Tuy nhiên, đa số các phim đó chỉ chú trọng tới vấn đề ghiền văn hóa khiêu dâm hoặc Tu Chính Án Thứ Nhất (tự do ngôn luận), chứ không có cuốn phim nào đề cập tới nạn nhân hàng đầu của khiêu dâm, tức người đàn bà. Ông cho rằng đấy mới là cách độc đáo để đề cập tới vấn đề khiêu dâm.

Dĩ nhiên, đối với ông, các phim thăm dò khía cạnh ghiền khiêu dâm và tự do ngôn luận đều quan trọng, nhưng ông muốn phim của ông nhắc người ta nhớ, dưới các khía cạnh ấy, ta cần nói tới những con người nhân bản, được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa. Ông muốn dùng phim, chủ yếu vốn là phương tiện kể truyện, để đặt yếu tố nhân bản vào tâm điểm câu truyện.

Ông bắt đầu tìm hiểu vấn đề, tìm gặp một ai đó từng tham dự kỹ nghệ khiêu dâm nhưng sau đó trốn thoát kỹ nghệ này. Rất may mắn, chẳng bao lâu, ông gặp được Shelley Lubben và câu truyện hết sức đáng lưu ý của cô. Ông thấy không những câu truyện của cô đáng được kể lại, mà nó còn làm nổi bật một số vấn nạn trong xã hội ta vốn có liên hệ tới văn hóa khiêu dâm, như việc tình dục hóa trẻ em, cảnh cô đơn, mất niềm tin…

Ông muốn cuốn phim "Out of the Darkness" có những người có thể đề cập đến các vấn đề nói trên và cho thấy rõ những điều kiện lịch sử cũng như tâm lý hiện có hay đã có có thể khiến văn hóa khiêu dâm “nở rộ” tại xứ sở này. Dự tính của ông đã thành công ở chỗ mời được tiến sĩ Judith Reisman, một chuyên viên nổi tiếng chuyên nghiên cứu về Alfred Kinsey, Hugh Hefner và lịch sử, sự lớn mạnh và các nguy hiểm của văn hóa khiêu dâm, và tiến sĩ Richard Fitzgibbons, một cố vấn hôn nhân Công Giáo với nhiều thập niên kinh nghiệm trong ngành. Ông cũng gặp được Mark Houck với câu truyện ghiền văn hóa khiêu dâm và cuộc đấu tranh liên tục sau đó của anh chống lại tệ nạn này.

Ông chỉ sợ cuốn phim của mình bị sa lầy vào sự kiện và các con số thống kê, nên ông cố gắng giữ cho câu truyện của mình chủ yếu tập trung vào những người liên hệ. Ông để mỗi người tự kể truyện của mình và để khán giả tự tham dự và đáp ứng về phương diện xúc cảm, nhờ thế, họ sẽ thấy rõ các câu truyện chồng chéo với nhau và liên kết chặt chẽ với nhau ra sao.

Tuy nhiên, theo ông, các tín liệu do tiến sĩ Reisman trình bày có tính cách thông sáng hơn cả. Bà đã dành nhiều thập niên để lột mặt nạ câu truyện thực của Alfred Kinsey, nhưng tiếng nói của bà bị mất hút trong nền văn hóa khoa bảng. Công trình của Kinsey đã ảnh hưởng đến quá nhiều các khía cạnh khác nhau của xã hội ta, ấy thế nhưng khá nhiều người chưa bao giờ thực sự nghiên cứu công trình của ông ta. Thay vì tập chú vào phương cách kỳ dị ông đạt tới, và có thể đã sáng chế ra, các khoa học và các nhà khoa học xã hội lại chỉ chú trọng tới các kết luận của ông và cuộc cách mạng tình dục do chúng đẻ ra.

Ít người, ngân sách nhỏ

Dù với số người ít và ngân sách nhỏ, Sean Finnegan không để những yếu tố ấy khiến ông sản xuất một cuốn phim xoàng. Nhất định hình ảnh của nó phải tốt, âm thanh phải khá và diễn tiến xuôi chẩy. Ông biết câu truyện ông muốn kể có giá trị nên không thể sản xuất một cuốn phim tầm thường được. Thực vậy tầm ý nghĩa của chủ đề đòi mọi yếu tố có giá trị bên ngoài kia không thể không có trong câu truyện của phim.

Bởi thế, ông đã phỏng vấn mỗi người tham dự hàng nhiều giờ, thu thập đủ dữ kiện để cóthể tạo ra nhiều cuốn phim tài liệu. Tuy nhiên, ông chỉ quan tâm tới các yếu tố nhân bản của mỗi người. Khó có thể nói được việc làm cuốn phim này tác động ra sao đối với người khác, nhưng đối với ông, ông thấy triết lý thực dụng về tính dục đã lan tràn rất xa và rất sâu trong xã hội. Văn hoá khiêu dâm hầu như đã tác động tới mọi người, cách này hay cách khác, đủ mọi thành phần trong đời sống. G.K. Chesterton có lần viết rằng: đôi lúc có những điều lớn quá đến độ ta không nhìn thấy nó nữa. Đó chính là điều Sean Finnegan cảm nhận về triết lý tính dục thực dụng . Nó có mặt khắp nơi. Và thiệt hại do nó đem lại sâu rộng đến nỗi người ta tiên thiên chấp nhận nó, cho rằng đó là cách thế của nền văn hóa hiện đại. Nhưng Sean Finnegan cho rằng: thái độ đó không đúng; ông muốn dùng cuốn phim của mình để làm nổi bật những câu truyện có tính bản thân của những người từng bị thái độ lầm lẫn ấy gây hại.

Một kinh nghiệm khác xẩy tới với ông khi thực hiện cuốn phim tài liệu này là: ta không nhất thiết phải chấp nhận nền văn hóa như đã được truyền lại cho ta. Thực ra, ta có thể tạo ra văn hóa và cải thiện nó; tạo ra nghệ thuật hướng người ta lên những điều cao hơn, tốt hơn. Kể một câu truyện với mọi yếu tố của sa đoạ, mất mát, tội lỗi, ơn thánh, hồi tâm, và giải thoát quả là một kinh nghiệm mở mắt và thay đổi tâm hồn ta. Ông hy vọng “Out of the Darkness” sẽ chuyên chở được điều này tới khán giả, giúp họ cũng được đánh động và thúc đẩy như các thành viên trong nhóm thực hiện cuốn phim.

Phản ứng đối với cuốn phim

Sean Finnegan cho Zenit hay vì đây là một cuốn phim tự phát hành, nên các nhà làm phim đã phải dùng cách không truyền thống giúp nó được nhiều người coi. Họ đã đưa cuốn phim tới nhiều đại hội điện ảnh, cả Kitô Giáo lẫn thế tục, và tới nhiều giáo hội, cả các nhà thờ, các nhóm thanh niên, các nhóm công dân, cả Công Giáo lẫn các hệ phái Kitô Giáo khác, các hệ thống truyền hình Công Giáo/Kitô Giáo, các trung tâm đại học và cao đẳng để trình chiếu. Đây là một diễn trình chậm chạp, rất tốn thì giờ, nhưng nhờ thế, tạo được liên hệ với các tổ chức ấy, hy vọng đạt được một chiến dịch truyền miệng giúp nhiều người biết đến cuốn phim.

Phản ứng của người xem cho tới nay khá mạnh và tích cực. Nhất là giới trẻ, họ rất xúc động đối với sứ điệp yêu thương và hy vọng của phim. Cuốn phim này, theo Sean Finnegan, xác nhận nhiều điều mà chính giới trẻ đã từng trực giác thấy: như họ đã nhận được nhiều dối trá về những hứa hẹn và tự do của phong trào giải phóng tình dục. Họ nhận ra việc sử dụng người khác trong văn hóa khiêu dâm là một diễn trình gây hại cho mọi người liên hệ.

Phần lớn cử tọa cũng đánh giá cao sự kiện đây là một cuốn phim tài liệu về khiêu dâm, nhưng không có tính chất thoả mãn thị hiếu (voyeuristic), giật gân hay khiếm nhã nào. Nhờ tập chú vào những truyện kể có tính bản thân của những người có liên hệ hay chịu ảnh hưởng bởi khiêu dâm, nên cuốn phim đã tránh được việc cần tới những tư liệu đáng trách. Thay vào đó, các người thực hiện phim đã có thể đưa được yếu tố nhân bản vào vấn đề khiêu dâm, giúp khán giả có thể can dự vào và đáp ứng xúc cảm đối với phim.

Phim nào cũng có những phản hồi tiêu cực, nên dù phim của ông nhận được gần như sự tán thưởng phổ quát của khán giả, vẫn có những người cho rằng câu truyện của Shelley thật khó tin hay ít nhất cũng khó mà không tin là nó đã được dàn dựng cho có hiệu quả. Nhưng như Austin Ruse viết khi duyệt cuốn phim này “Shelley không phải là không có kẻ thù: và đó đều là những kẻ thù đích đáng”.

Theo Sean Finnegan, câu truyện của nàng quả là một đe dọa đối với nền văn hóa sặc mùi tính dục của ta và do đó, ông thích được nghe những lời phê phán nó. Nhiều người, trái lại, cho rằng các nhà làm phim không nhấn mạnh đủ tới câu truyện ghiền và phục hồi của Mark Houck. Quả có nhiều khán giả lưu ý tới câu truyện của anh hơn hành trình của Shelley bước vào kỹ nghệ tình dục. Dù thế, các nhà làm phim vẫn muốn qua Mark Houck đưa người ta vào ý niệm này: các hình ảnh mà họ ghiền gây hại cho họ, không trên bình diện này cũng trên bình diện khác, có khi gây hại cho chính con người của họ.

Sean Finnegan cho hay: "Out of the Darkness" là phim được trình chiếu mở màn cho Đại Hội Phim Ảnh Quốc Tế Gioan Phaolô II tại Miami tháng 2 vừa qua. Khán giả rất thích sứ điệp mạnh mẽ của phim, do đó nó đã được giải thưởng “Mầu Nhiệm Tình Yêu” vì là phim diễn tả hay nhất chủ đề của đại hội. Phim cũng sẽ được chiếu như là một phần trong chương trình văn hóa của Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid vào tháng 8 này. Đây là cơ hội lớn để giới thiệu cuốn phim với một khán giả trẻ và đầy hứng khởi, biết sống cuộc sống theo Tin Mừng. Nhóm làm phim cũng sẽ cộng tác với Morality in Media để chiếu trên liên mạng vào ngày 4 tháng 8. Độc giả được mời tham gia chiến dịch “Be Aware” trên trang mạng của họ (www.moralityinmedia.org).

Sean Finnegan hy vọng rằng "Out of the Darkness" sẽ giúp lột mạt nạ sự dối trá, vốn coi văn hóa khiêu dâm như một thứ tiêu khiển vô tội. Ông ước mong các khán giả nhớ rằng con người nhân bản, cả người sử dụng lẫn người sản xuất, đều bị thương tổn thực sự bởi văn hóa khiêu dâm và triết lý thực dụng về tình dục. Dĩ nhiên, không một cuốn phim đơn độc nào có thể làm xoay chuyển tình thế, nhưng ông hy vọng một số người, sau khi coi phim sẽ nghĩ hai lần trước khi “click” con chuột, mua một tạp chí, hay sử dụng một con người nhân bản khác về phương diện tình dục mà không một chút kính trọng đối với phúc lợi của họ. Ông cũng mong nhiều người ý thức hơn đối với công trình quan trọng của Tiến Sĩ Reisman. Alfred Kinsey là một nhân vật rất quan trọng của thế kỷ 20, nhưng ít người thực sự biết ông là ai. Những năm gần đây, người ta đã chú ý nhiều hơn tới Kinsey. Nhưng chỉ khi nào ta lột mặt nạ được tác giả này và cuộc nghiên cứu của ông ta, ta mới thực sự dành lại được nền văn hóa của ta.
 
Các quan sát viên cho hay tên khủng bố chống cả Hồi giáo lẫn các tôn giáo khác
Bùi Hữu Thư
06:08 01/08/2011
Logo pagan
Hoa Thịnh Đốn (CNS) -- Phạm nhân chịu trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố ngày 22 tháng 7 tại Na Uy, Anders Behring Breivik, không chỉ chống Hồi giáo mà còn chống Do Thái giáo và Kitô giáo nữa, theo lời của một quan sát viên đã từng theo dõi lâu năm các nhóm thù hận Na Uy.

Ông Jeffrey Podoshen, một phụ tá giảng sư về môn Tiếp Thị tại Đại Học Franklin & Marshall, một đại học tại Lancaster, Pennsylvania. Ông giảng dậy các môn học về Thương Mại, Tổ Chức và Xã Hội, và các môn học về Do Thái giáo, nói: Breivik ít nhất cũng có liên hệ trên phương diện triết lý với một nhóm phụ tầng văn hóa (subculture) có tổ chức lỏng lẻo những người dân Na Uy tự coi mình là "Odinists và neo-pagans," (Đạo Scandinavia cổ xưa và đạo tân-đa thần).

Odin là một vị thần Scandinavia xưa cổ, đôi khi được biết đến nhiều hơn ngày nay là cha của một vị thần Scandinavia khác tên là Thor, nhưng trong huyền thoại Scandinavia thì có liên quan đến chiến tranh, trận chiến, thắng trận, cái chết, sự khôn ngoan, quỷ thuật, thi phú, và săn bắn.

Giáo sư Podoshen nói với cơ quan truyền thông Catholic News Service trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại ngày 26 tháng 7: "Nhóm phụ tầng văn hóa này đang coi Kitô giáo y như phương cách Breivik đang coi Hồi giáo."

Sau khi thú nhận đã tàn sát bằng súng các thanh thiếu niên trong một trại tĩnh tâm trên một hòn đảo và đánh bom ở Oslo, thủ đô của Na Uy, làm thiệt mạng 76 người, Breivik trong một phiên tòa sơ khởi ngay 25 tháng 7 đã khai mình vô tội trong các vụ khủng bố.

Giáo sư Podoshen cho hay: Breivik nói, hắn hành động để cứu Âu Châu thoát khỏi cái mà hắn mô tả là "sự đô hộ của Hồi giáo." Các hoạt động khủng bố có liên quan đến phụ tầng văn hóa tân đa thần (neo-pagan subculture) "đã tiếp diễn tại Na Uy trong vòng 20 năm qua," đa số dưới hình thức đốt phá các nhà thờ.

Nhóm tân đa thần (neo-pagans) khẳng định rằng "các nhà thờ cố tình đã được xây cất trên các thánh điạ đa thần (pagan), họ (là những người xây cất nhà thờ) đã đặt một thập giá trên nóc của một thánh điạ thờ đa thần," do đó phải bị phá hủy đi.
 
Pakistan: Các trường Công giáo không thể mừng Ngày Độc Lập
Nguyễn Trọng Đa
08:30 01/08/2011
Pakistan: Các trường Công giáo không thể mừng Ngày Độc Lập

Các cơ sở giáo dục lo ngại sự phản ứng bạo lực từ các nhóm ly khai Balochistan

Quetta, Pakistan - Các trường học Kitô giáo trong Hạt Đại diện Tông tòa Quetta sẽ không mừng ngày Độc lập (tức ngày Quốc khánh) năm nay, vì lo ngại bạo lực từ các nhóm ly khai.

Tất cả chín trường học Công giáo tại tỉnh Balochistan sẽ đóng cửa vào ngày 14-8 tới, Ngày Độc lập của Pakistan.

Linh mục Abid Saleem, người tổ chức của một khóa đào tạo kéo dài bốn ngày cho giáo viên giáo lý và giáo viên trường giáo lý Chủ nhật, vốn đã kết thúc ngày 31-7 tại tòa giám mục ở Quetta, nói: “Không có các sự kiện yêu nước đã được tổ chức hai năm qua, vì việc sợ bị tấn công là quá mạnh mẽ".

Cha nói: “Các trường Kitô có bước đi rất cẩn thận và không xúc phạm các nhóm ly khai trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi không thể hát quốc ca hoặc kéo cờ Pakistan trong các trường học của chúng tôi, kể từ khi ba nhà lãnh đạo Balochistan bị sát hại trong năm 2009".

Có nhiều nhóm vũ trang ly khai trong khu vực, trong đó có Quân đội Giải phóng Balochistan và Mặt trận Giải phóng Balochistan, đang tìm kiếm một quốc gia độc lập tách khỏi Pakistan và Iran.

Cha Saleem nói thêm, một cuộc tấn công liên tục, chống lại các nhóm này và các nhóm ly khai bộ tộc khác, cũng gây khó khăn cho các trường của Giáo Hội và trường công lập hoạt động ngày này sang ngày khác.
Nguyễn Trọng Đa

Người Công giáo trong Hạt Đại diện Tông tòa Quetta là 30.518 người vào năm 2010, trong tổng dân số là 7.834.116 người. (UCA News 1-8-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Indonesia: Tỉnh trưởng kêu gọi giáo sĩ làm ''cách mạng kinh tế”
Nguyễn Trọng Đa
08:33 01/08/2011
Indonesia: Tỉnh trưởng kêu gọi giáo sĩ làm "cách mạng kinh tế”

Tỉnh trưởng kêu gọi các giáo sĩ cùng làm việc với chính quyền để thúc đẩy sự giàu có của người Dayak

Đại hội linh mục giáo phận

Pontianak, Indonesia – Tỉnh trưởng tỉnhTây Kalimantan đã kêu gọi 110 linh mục giáo phận tập trung trên địa bàn tỉnh để dự Đại hội lần thứ mười (cứ ba năm một lần) của các vị, hãy làm việc với chính quyền địa phương để giúp cải thiện mức sống của người dân bộ tộc.

Trong bữa ăn tối ngày 31-7 tại văn phòng tỉnh trưởng ở Pontianak, Tỉnh trưởng Cornelis nói với các linh mục của Unio Indonesia, một hiệp hội các linh mục giáo phận, rằng đa số người dân địa phương Công giáo và Tin lành là người bộ tộc Dayak.

Ông nói: “Họ yêu thích khu vực này và môi trường của nó, nhưng sống cuộc sống đơn giản và sống trong nghèo đói”.

Ông nói thêm, sự nghèo đói này cũng là một thách đố của Giáo hội. Do đó, cả chính quyền địa phương và Giáo hội nên làm việc với nhau để cải thiện tình hình kinh tế của người dân.

Theo ông, Giáo Hội có thể giúp cải thiện việc này, cũng như cải thiện việc giáo dục và sức khỏe của người dân Dayak, bằng cách "sử dụng các bài giảng để nâng cao nhận thức cho họ”.

Cornelis nhìn nhận rằng sự hợp tác của Giáo Hội với chính quyền địa phương đã là tốt. Ông nói: “Nhưng chúng ta cần một cuộc cách mạng kinh tế cách nhanh chóng. Chúng ta phải giải phóng người Dayak khỏi cảnh nghèo đói ngay lập tức”.

Theo ông, qua các bài giảng, các linh mục có thể thay đổi cách suy nghĩ của người Dayak.

"Người Dayak phải thấy và nhìn vào tương lai của họ bằng cách gửi con em đến trường, vì một nền giáo dục tốt hơn và nghĩ về hiện tại".

Linh mục Stanislaus Ferry Sutrisna Wijaya, chủ tịch của Unio Indonesia, cho biết việc phục vụ người dân đã hiệp nhất các linh mục giáo phận và các quan chức chính phủ.

Cha nói: “Unio Indonesia hiện có 1.864 linh mục phục vụ tại 37 giáo phận trên khắp Indonesia. Các vị giống như công chức. Các vị phục vụ người dân”.

Hiệp hội, trong đó có hai linh mục từ Malaysia, khai mạc Đại hội của các vị ngày 1-8 tai huyện Sintang. Đại hội sẽ kết thúc vào ngày 6-8. (UCA News 1-8-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội trại Biển Phước của Cựu Phan Sinh
Nguyễn Trọng Đa
08:04 01/08/2011
Với chủ đề “Biển Phước – An vui”, Hội trại mùa hè 2011 của anh em Cựu Phan sinh (CPS, cựu chủng sinh Dòng Phanxicô Việt Nam) diễn ra thật vui vẻ và đầy ý nghĩa trong hai ngày 30 và 31-7-2011, tại Khu du lịch Kawasami dọc bờ biển, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa Vũng Tàu.

Mặc dầu thời tiết mấy ngày trước ngày trại không được thuận lợi, do ảnh hưởng bão ở miền Bắc, mưa nhiều và biển động, anh chị em CPS vẫn hăng hái tham gia hội trại, tin tưởng vào Chúa Quan phòng yêu thương và chăm sóc mọi người. Trưa ngày 30-7, nhiều xe khách do anh em thuê bao đã chở anh em và gia đình tập kết về khu du lịch. Tổng kết có 150 anh chị em và gia đình từ Nội thành Sài Gòn, Thủ Đức, Hố Nai, Bình Giã, Đồng Nai, Bảo Lộc và Đak Lak, tham dự. Gặp mặt nhau, anh em tay bắt mặt mừng, tha hồ hàn huyên sau gần một năm xa cách, do mỗi người mỗi nơi, ít khi gặp mặt.

Sau khi được phân chia khu vực lều trại và ăn trưa, anh em làm nghi thức khai mạc trại, phân chia công tác. Tất cả mọi người khởi động với nhiều bài hát tập thể, trò chơi vui, múa tập thể với nhiều động tác thật ngộ nghĩnh, mua vui cho nhau. Các em bé 6-7 tuổi cũng hăng hái tham gia, trông thật đáng yêu. Sau đó, trong khi thanh thiếu niên là con cháu của CPS thi đấu các môn vui nhộn tập thể trên bãi biển, các CPS chơi bóng chuyền rồi tắm biển. Trời không mưa, nhưng biển động, sóng biển cao liên tục đập vào bờ, nên mọi người chỉ tắm gần bờ, cách bờ khoảng chục mét là cùng. An toàn là trên hết mà!

7g tối là bắt đầu giờ đốt lửa trại. Trời mưa bay lất phất, nhưng củi vẫn cháy tốt, mọi người hát ca vui nhộn chung quanh lửa trại. Các anh CPS trẻ vừa tổ chức hội trại lần này, vừa làm hoạt náo cho đêm lửa trại, làm cho đêm văn nghệ nho nhỏ càng thêm vui, thêm tình đoàn kết với nhau. Cha Trần Khắc Du OFM đồng hành với anh em trong hội trại, đọc kinh tối với anh chị em và ban phép lành kết thúc lửa trại. Mọi người cùng hát bài ca “Kinh hòa bình”, và chúc nhau ngủ ngon. Một số anh chị em chưa chịu ngủ ngay, mà còn hát karaoke, với dàn máy cho anh Hai ở Thủ Đức mang theo; một số anh ngồi hàn huyên với nhau gần lửa trại, chuyền nhau ly rượu và thức ăn hải sản; cũng có người đi dạo dọc bờ biển vắng, hít thở không khí trong lành. Cuối cùng mọi người đều thiếp ngủ trên các chiếc ghế bố đơn giản, thiếu tiện nghi, nhưng ấm áp tình người, vì được vui với nhau mà khó ngủ một đêm cũng chẳng sao!

5g sáng 31-7: tiếng còi báo thức cho tất cả, để chuẩn bị tham dự thánh lễ chủ nhật lúc 6g. Anh Mặt trời ló dạng, chỉ sau ít phút khi anh em bắt đầu hát bài ca nhập lễ. Cha Trần Khắc Du chủ lễ và giảng lễ: Bài Tin Mừng hôm nay, chủ nhật thứ 18 A thường niên, sao mà giống với hình ảnh anh chị em đang ngồi trên bãi biển dự thánh lễ vậy. Chúa cần năm chiếc bánh và hai con cá để hóa bánh ra nhiều: xin cho anh em chúng con luôn được Chúa nuôi dưỡng như thế trong cuộc đời chúng con…Sau thánh lễ, anh em chụp ảnh chung với nhau làm kỷ niệm, và từng gia đình cũng muốn chụp ảnh với cha chủ tế nữa

Buối sáng này dành cho trò chơi lớn với sự tham gia của thanh niên bốn nhóm. Các nhóm thi đua ráo riết, qua nhiều chặng đường, ở mỗi chặng các em đều được quẹt “lọ nồi” vào má để kiểm tra (làm kiểu này không ai dám chơi ăn gian cả). Có trạm gặp một “Hồng y”, và “Hồng y” đố luật Giáo hội. Chỉ có điều các em phát hiện, thắc mắc và cười với nhau, là Hồng y sao không mặc áo đỏ mà lại mặc quần tà lỏn và áo pull! Nhưng thôi thế cũng xong. Có vài anh chị em CPS đi theo xem và cổ vũ các em chơi trò chơi, thật là khí thế. Rồi tất cả cùng tắm biển, và chơi vài trò chơi nhỏ ở bờ biển. Khoảng hơn 10g, trời đổ mưa to và gió lớn, nước hắt mạnh vào các lều trại, nhưng cũng may là anh em đã giăng màn che sẵn (do Ban giám đốc Khu du lịch cho mượn từ chiều hôm trước), nên không sao, chứ nếu mưa trong đêm thì mọi người hết chỗ ngủ luôn. Chúa lo liệu cho cả mà!

Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Mọi người dọn đồ đạc để ra về, và làm vệ sinh khu vực mình ở. Gần 2g chiều, mọi người tập họp để làm nghi thức bế mạc trại và chào từ giã nhau. Anh Nguyễn Văn Phiên, Đại diện CPS Việt Nam, Trưởng trại, nói lời nhận xét. Anh nói chúng ta tạ ơn Chúa và tạ ơn nhau: dù thời tiết không thuận tiện, Chúa đã thương ban cho mọi người dự trại được bình an, vui vẻ với nhau. Anh khen mọi người hăng hái, vui tươi, không nề hà chuyện gì. Chính sự hiện diện của từng người là món quà cho người khác, mang niềm vui cho nhau, và ai nấy đều khắc phục chuyện ngoài ý muốn; muỗi, mưa, trời lạnh…Anh cho biết rằng Ban giám đốc khu du lịch gửi lời cám ơn và khen anh chị em và các cháu, vì trong rất nhiều đoàn đã đến Khu du lịch này, đây là đoàn khá nhất, vì mọi người chấp hành kỷ luật tốt, thương yêu giúp đỡ nhau, và không hề có điều gì làm phiền Ban giám đốc cả.

Anh Đại diện cũng cám ơn cha Du đã đồng hành với anh chị em trong hội trại lần này. Sự có mặt của cha bên anh em làm ấm lòng mọi người, tưởng như cả Tỉnh Dòng Phanxicô Việt Nam cùng hợp ý hợp lòng với anh chị em, cùng cầu nguyện cho nhau. Anh cám ơn một số anh chị đã tự nguyện đóng góp thêm nhiều của ăn vật lạ cho anh em dùng tại hội trại, hoặc thêm bia cho anh em uống trong bữa ăn. Cám ơn anh em CPS trẻ đã nhận trách nhiệm tổ chức hội trại kỳ này thật chu đáo, đầy đủ, và tiết kiệm. Cám ơn anh em CPS Bình Giã (thời nay không còn ‘Xưa Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã’ nữa đâu), đã tích cực phục vụ hội trại, như làm cổng trại, đêm lửa trại và các nhu cầu khác.

Kế tiếp, anh Bắc (Bảo Lộc) công bố các đoàn và cá nhân được Ban điều hành trại quyết định trao giải thưởng. Giải nhất tập thể thuộc về nhóm Anh em CPS trẻ (anh em thôi tu Dòng Phanxicô sau năm 1975), và các đoàn khác giải nhì đồng hạng. Giải nhất trò chơi lớn thuộc về nhóm thanh thiếu niên đòan Bảo Lộc, và giải nhì đồng hạng thuộc về đoàn Thủ Đức, Bình Giã và Hố Nai. Giải cá nhân xuất sắc được trao cho con trai anh Tường, con trai anh Bắc và Nguyệt Quế, con gái anh Trúc. Giải cá nhân CPS xuất sắc thuộc về anh Thiện, một con người hăng say hoạt động Thiếu nhi Thánh Thể ở Bình Giã. Cha Du đã lần lượt trao các giải thưởng và chụp ảnh với anh chị em được trao giải.

Mọi người nắm tay nhau hát bài ca giã từ “Gặp nhau đây, rồi chia tay…Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy” (nhạc sĩ Viết Chung). Thật lưu luyến. Cha Du tạ ơn Chúa, và ban phép lành cho mọi người ra về bình an. Hội trại kết thúc với lời hô ba lần thật to của anh Phiên ‘Biển Phước’, và mọi người đáp ba lần “An vui!’.

Vâng, tên địa danh của hội trại là Phước Hải, nói cho các em nhỏ dễ hiểu là “Biển Phước”, tức biển ơn lành của Chúa ban cho mọi người, để mọi người được “an vui”. Anh em chào vẫy tay nhau lên xe ra về, sau hai ngày vui chơi thoải mái, đắm mình vào bầu khi đơn sơ, vui vẻ và tự nguyện phục vụ lẫn nhau, để trở lại công việc đời thường của mỗi người mỗi kiểu. Hẹn gặp lại, anh chị em nhé!

Nguyễn Trọng Đa
 
Lễ Bế Giảng Niên Khóa Giáo Lý 2010 - 2011 tại Giáo xứ Tuy Hòa - Qui Nhơn
Matta Trần Mộng Hằng
08:46 01/08/2011
Lễ Bế Giảng Niên Khóa Giáo Lý 2010 - 2011 tại Giáo xứ Tuy Hòa - Qui Nhơn

Cùng chung sứ mạng rao giảng Tin mừng của Giáo hội, nhờ ơn Chúa và sự quan tâm của cha sở, cha phó, quí soeurs cùng anh chị em giáo lý viên đã cố gắng góp phần trong công việc giáo dục đức tin giúp các em học hỏi tìm hiểu giáo lý và sống lời Chúa qua một năm.

Xem hình lễ bế giảng

Hôm nay, Ban huấn giáo tổ chức buổi tổng kết sinh hoạt giáo lý đánh giá việc học của các em trong niên khoá 2010 – 2011.

Giáo lý hướng về phụng vụ hòa hợp với nhịp sinh hoạt phụng vụ của dân Chúa, đặc biệt chương trình sinh hoạt giáo lý thiếu nhi vào ngày Chúa nhật gồm khối thiếu nhi từ mẫu giáo đến lớp 9 và khối thanh thiếu niên từ lớp 10 đến 12 được triển khai sau thánh lễ để múc lấy nguồn sinh lực từ chính Thánh Thể, các giờ giáo lý có chủ đích sống mầu nhiệm phụng vụ đang được Giáo hội cử hành và áp dụng. Giáo lý luôn đặt chủ đích huấn luyện đời sống chứng tá khơi lên nhiệt tâm truyền giáo, tập trung vào định hướng chung của Giáo hội khám phá ra cội nguồn của đức tin. Đây chính là thành quả của gần 500 năm hạt giống Tin mừng được gieo trồng tại Việt Nam và là chủ đề của chương trình giáo lý năm học 2010 – 2011 cùng những sinh hoạt được linh động học hỏi, đào sâu: Khám phá cội nguồn của đức tin tức là VỀ NGUỒN

· Về nguồn là nguồn cội cốt yếu của đời sống đức tin: Thiên Chúa Ba Ngôi – Công trình cứu độ của Thiên Chúa “các ngươi đừng quên lãng những kỳ công của Thiên Chúa”.

· Nguồn cội của đời sống đức tin: Hội thánh và kho tàng mạc khải được Hội thánh chuyển tải qua muôn thế hệ.

· Nguồn cội của đời sống đức tin: Gia tài đức tin của các tiền nhân xây dựng Giáo hội tại Việt Nam: “Cây có cội, nước có nguồn”.

·

Có khoảng 450 em thiếu nhi từ mẫu giáo đến lớp 9 và trên 40 em từ lớp 10 đến 12 đã ghi danh học từ đầu năm.

Kết qua được 82 em khen thưởng, bên cạnh đó các em được xếp loại giỏi, khá cũng nhiều vầ trung bình, yếu cũng không kém. Thậm chí cũngS có một số bỏ học giáo lý để lo cho việc học ở trường. Đặc biệt có 60 em thiếu nhi lãnh nhận bí tích giải tội và bí tích Thánh Thể.

Ngoài việc nổ lực học tập và thi đua các hoạt động của BGL đề ra: Giúp các em tham dự thánh lễ hằng ngày, sống tháng Mân Côi, tháng hoa trong tâm tình yêu mến Đức Me, tháng các Đẳng giúp sống hiệp thông với các linh hồn qua lời cầu nguyện. Bên cạnh đó, các em biết sống tinh thần bác ái đối với các bạn nghèo từ quĩ hy sinh quà vặt của thiếu nhi. Số tiền góp được là 2.940.000 đ, tuy ít ỏi nhưng nói lên tấm lòng biết quan tâm đến với các bạn nghèo và những gia đình tang quyến.

Để đạt được kết quả như hôm nay nhờ có sự liên kết chặt chẽ giữa Ban giáo lý và cha sở, quí soeurs cũng như sự quan tâm của Hội đồng Chức việc, nhất là sự liên lạc giữa phụ huynh và giáo lý viên.

Cầu chúc cho các em luôn biết khao khát lên đường tìm kiếm Chúa và anh chị giáo lý viên thêm tinh thần hăng say nhiệt tình trong công việc nhà Chúa.

Matta Trần Mộng Hằng
 
Chuyến đi khám bệnh từ thiện tại Tánh Linh- Bình Thuận của phòng khám đa khoa giáo xứ Tân Định
Nguyễn Xuân
09:01 01/08/2011
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA THÁNH TÂM GIÁO XỨ TÂN ĐỊNH: CHUYẾN ĐI KHÁM BỆNH TỪ THIỆN TẠI TÁNH LINH – BÌNH THUẬN

Phối hợp với công tác của Đoàn Luật sư Tp.HCM, Phòng khám Đa khoa Thánh Tâm Tân Định đã thực hiện chuyến đi khám bệnh từ thiện cho đồng bào dân tộc K’ho tại Tánh Linh, Bình Thuận vào hai ngày 30 và 31/07/2011

I/ Thành phần tham dự :

Đoàn Luật sư Tp.HCM : 139 thành viên do: Luật sư Nguyễn Đăng Trừng – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp.HCM, Trưởng đoàn. Điều phối, tổ chức : Luật sư Hoàng Cao Sang – Trưởng ban Phong trào Đoàn Luật sư Tp.HCM

Xem hình khám bệnh từ thiện tại Tánh Linh

Về phía Phòng khám đa khoa Thánh Tâm Tân Định, được sự cho phép và tạo điều kiện của Cha Sở JB.Võ Văn Anh, sự hỗ trợ về chuyên môn của Cha BS.PJM Hà Thiên Trúc, đoàn tham gia với 11 thành viên: Anh Nguyễn Hoài Lộc – Giám đốc Hành chánh – Nhân sự Phòng khám đa khoa Thánh Tâm Tân Định, trưởng đoàn, 4 Bác sĩ chuyên khoa : Nội tổng quát, Tai Mũi Họng, Chẩn đoán hình ảnh, Tiết niệu, Răng Hàm Mặt; 2 Dược sĩ, 3 Điều dưỡng (trong đó có 1 Soeur Dòng Phaolo, 1 Soeur Dòng Tiểu Muội)

II/ Thực hiện chương trình :

Ngày 30/07/2011: Mặc cho thời tiết mưa bão, từ sáng tinh mơ, đoàn đã tụ họp về Giáo xứ Tân Định, chuẩn bị hành trang lên đường. Đúng 06giờ, đoàn xe lăn bánh hướng về Tánh Linh – Bình Thuận.

10g15 : đến UBND xã Đồng Kho huyện Tánh Linh, Bình Thuận, đoàn chia thành 3 nhóm công tác (tương ứng với 3 xe) để thực hiện 3 việc :

+ Xe 1 : Đi khánh thành, bàn giao đường bêtông nhựa nông thôn cho địa phương.

+ Xe 2 : Tuyên truyền pháp luật cho quần chúng, nhân dân.

+ Xe 3 : Khám bệnh từ thiện cho đồng bào K’Ho.

Xe 3 nhanh chóng đến xã Đức Bình, huyện Tánh Linh để khám chữa bệnh và tặng quà cho đồng bào dân tộc K’Ho, với sự phối hợp làm việc của Phòng khám Đa khoa Thánh Tâm Tân Định và Đoàn Luật sư TpHCM.

Đến nơi, đông đảo bà con đã chờ sẵn. Không phụ lòng mong đợi của bà con, nhanh chóng đoàn bắt tay vào việc. Đoàn y, nha, dược được sự giúp đỡ về hành chánh của đoàn luật sư như hướng dẫn vào nơi đăng ký, vào bác sĩ khám bệnh, nhổ răng, lĩnh thuốc…do đó việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân rất thuận lợi, trật tự và nhanh chóng.

15g00 : Kết thúc công tác khám chữa bệnh cho đồng bào với tổng số gần 300 bệnh nhân (297), trong đó có 50 ca nhổ răng với 100 chiếc răng hư được nhổ ra. Đoàn làm việc với tinh thần phục vụ ân cần, tận tình. Tuy đã được báo trước nhưng vẫn có một số bệnh nhân đến muộn, do đó đoàn phải chờ cho đến hết bệnh nhân cuối cùng. Mãi lo phục vụ, đoàn không nhớ mình chưa dùng cơm trưa, giờ đây khi rảnh tay, đoàn mới cảm nhận “ kiến đang bò bụng”.

Sau đó đoàn tụ họp về dùng cơm trưa tại UBND xã Đồng Kho.

Hoàn thành công tác, thời gian còn lại là tham quan: Thác Bà, xã Đức Thuận (cách UBND xã 16km) để ngắm và tắm suối, ngâm chân thư giãn.

Sau bữa cơm tối là phần Giao lưu văn nghệ giữa Đoàn công tác và chính quyền địa phương với sự hiện diện của Đồng chí Lưu Đức Vinh – Bí thư Đảng ủy xã Đồng Kho.

- Anh Hoài Lộc cám ơn Đoàn Luật sư TpHCM, Chính quyền địa phương đã tạo cơ hội cho Phòng khám đa khoa Thánh Tâm Tân Định được phục vụ đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa và tặng quà lưu niệm các đồng chí lãnh đạo các đơn vị bạn.

- Bí thư xã Đồng Kho và Luật sư Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TpHCM cám ơn sự nhiệt tình và hiệu quả của đòan y – bác sĩ và trao quà lưu niệm cho 11 thành viên của Phòng khám đa khoa Thánh Tâm Tân Định.

Các tiết mục văn nghệ hấp dẫn của 2 đơn vị địa phương và Đoàn công tác diễn ra trong tinh thần vui tươi và thân mật..

Ngày 31/07/2011 :Sau khi dùng điểm tâm, đoàn tham quan Trung Tâm Đức Mẹ Tàpao (điểm tham quan du lịch được nhiều người biết đến của Tánh Linh; đồng thời là Trung tâm hành hương được mộ mến của người đạo Công Giáo). Tại đây, những thành viên công giáo trong đoàn được dịp kính viếng Đức Mẹ.

Sau đó đoàn tham quan đập thủy điện Đami, thôn Đami, xã La Ngâu, cách xã Đồng Kho 25km.

Sau bữa cơm trưa, đoàn chia tay chính quyền và nhân dân địa phương lên xe trở về TpHCM, kết thúc tốt đẹp chuyến đi công tác từ thiện phối hợp giữa 2 đơn vị: ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HCM VÀ PHÒNG KHÁM ĐA KHOA THÁNH TÂM GIÁO XỨ TÂN ĐỊNH).

III/ CẢM TƯỞNG VỀ CHUYẾN ĐI :

Qua 2 ngày công tác, Đoàn đã cảm nhận được niềm hạnh phúc ngọt ngào của đồng bào vùng sâu vùng xa khi họ được đến thăm, bồi dưỡng về kiến thức (tuyên truyền pháp luật), về phần vật chất (bàn giao những con đường bêtông nông thôn cho dân địa phương sử dụng) và chăm lo sức khỏe (khám chữa bệnh, cấp thuốc, tặng quà).

Tuy đây là lần đầu tiên cùng chung công tác nhưng hai đơn vị : Đoàn Luật sư TpHCM và Phòng khám Đa khoa Thánh Tâm Tân Định đã có sự phối hợp nhịp nhàng, sự chuyên nghiệp trong cung cách làm việc, sự cảm thông chia sẻ và sự cởi mở chân thành, đã nhìn nhau như những thiện nguyện viên cùng kết hiệp trong tình huynh đệ. Tuy ở 2 ngành nghề khác nhau nhưng là 1 tập thể sống cống hiến vì 1 mục đích chung : VÌ CỘNG ĐỒNG XÃ HỘI.

Chuyến đi công tác 2 ngày 1 đêm trải qua rất nhanh và đầy ý nghĩa đã để lại dấu ấn mạnh mẻ trong tâm hồn mỗi thành viên tham gia đoàn. Phía Luật sư Đoàn TpHCM phát biểu : “Đây là chuyến đi vui nhất trong các chuyến đi Mùa hè xanh của Đoàn Luật sư TpHCM”.Về phía Phòng khám Đa khoa cũng vui mừng chia sẻ “Đây là chuyến khám bệnh trật tự nhất vì có rất đông thành viên tham gia hướng dẫn cho từng khâu và cũng vì thế bệnh nhân cũng được chỉ dẫn thật tường tận.

Ban Lãnh đạo Đoàn Luật sư Tp.HCM đã cám ơn sự tận tâm và tác phong làm việc chuyên nghiệp của đoàn y – bác sĩ Phòng khám Đa khoa Thánh Tâm Tân Định và nghĩ rằng 2 đơn vị sẽ kết hợp đi công tác với nhau trong những lần sau nữa để hiểu nhau hơn và hình thành tình bạn lâu dài, cùng làm việc để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho đồng bào anh em của chúng ta.

Nguyễn Xuân
 
Phỏng vấn Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu về việc thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Long Xuyên
Maria Vũ Loan
09:38 01/08/2011
Phỏng vấn Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu về việc thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Long Xuyên

Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Giáo phận Long Xuyên, đã có ý định thành lập Hội dòng Mến Thánh Giá Long Xuyên và công việc đang được tiến hành. Chúng tôi đã gặp gỡ Ngài và trao đổi về việc này.

1. Hiện nay, tại GP Long Xuyên đã có khá nhiều tu sở của một số dòng nữ, riêng Hội dòng MTG thì khá ít. Xin ĐC cho biết ý định thành lập dòng MTG Long Xuyên có bắt nguồn từ thao thức riêng của ĐC hay từ một nhu cầu phục vụ nào của GP hay không?

ĐC GIUSE TIẾU : Hiện nay tại giáo phận Long Xuyên có các dòng nữ đang phục vụ như : Chúa Quan Phòng, Đa Minh Lạng Sơn, Đa Minh Thánh Tâm, Đa Minh Tam Hiệp, Saint Paul de Chartre Mỹ Tho, Mân Côi, Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, Nữ Tử Bác Ái. Riêng nữ tu MTG có MTG Gò Vấp, MTG Khiết Tâm, MTG Tân Việt, MTG Thủ Thiêm, . Sở dĩ có ý định thành lập MTG Long Xuyên vì tôi và ban cố vấn nghĩ rằng:

- Giáo phận Long Xuyên có rất nhiều ơn gọi nam cũng như nữ.

- Mong muốn có nhân sự phục vụ dài lâu cho giáo phận trong tương lai.

- Thành lập dòng địa phận là điều hợp lý nhất.

2. Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, GM Đại Diện Tông Tòa đã thành lập Dòng MTG tại Đàng Ngoài (1670) và Đàng Trong (1671). Đây là dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Đông, vừa chiêm niệm vừa hoạt động, có lời khấn, sống thành cộng đoàn và theo một bản luật. Khi được thành lập, dòng MTG Long Xuyên độc lập về mặt quản trị như thế nào? Có ý thức cùng chung một vị sáng lập, một tinh thần, một linh đạo như trên hay không?

ĐC GIUSE : Nói đến dòng tu là nói đến đặc sủng, mục đích, sứ mạng với lời khấn và sống thành cộng đoàn theo một tu luật đã được Giáo Hội phê chuẩn.

- Chúng tôi ý thức, và chọn lựa tinh thần và linh đạo mà Đức Cha Pierre Lambert de la Motte đã khới xướng ngay từ đầu, và được cập nhật với thời gian.

- Hiệp hội các dòng MTG tại Việt Nam đều sống chung tinh thần đó. Còn việc quản trị vật chất thì mỗi dòng tự lo.

3. Trải qua 340 năm, hiện nay tại Việt Nam đã có 24 hội dòng MTG, trong đó có 22 trên 24 Hội dòng đang theo một Hiến Chương chung. Khi đã hình thành, Hội dòng MTG Long Xuyên có hòa vào đại gia đình MTG, đang có những hình thức liên kết, chia sẻ trong phạm vi sứ vụ, huấn luyện không?

ĐC GIUSE : Như đã nói trên đây : hiện nay, các em được gửi huấn luyện tại MTG Khiết Tâm, và trong tương lai, MTG Long Xuyên sẽ hoà nhập và sống Hiến Chương mà 22 Hội Dòng cùng soạn thảo.

4. Công việc thành lập Hội dòng MTG Long Xuyên được tiến hành như thế nào? Bước đầu đã có những kết quả gì? (Linh mục có trách nhiệm trong công việc, công việc được thực hiện đến đâu?)

ĐC GIUSE : Để từng bước thành hình Dòng MTG Long Xuyên :

- Tôi và ban cố vấn nhờ 3 linh mục cùng lớp, thân thiết với nhau, đều đã đi du học là : Cha Luy Huỳnh Phước Lâm, Cha Gs Trần Đình Thụy, Cha Gs Trần Văn Toản.

- Sắc Lệnh thành lập do tôi ký ngày 01.5.2010.

- Năm 2010, kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận, chúng tôi có 03 đệ tử đầu tiên. Năm nay, 2011, chúng tôi có thêm 06 đệ tử. Chương trình huấn luyện, chúng tôi được Dòng MTG Khiết Tâm tận tình giúp đỡ.

5. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất để tạo điều kiện tốt cho việc hình thành và phát triển một Hội dòng đã được thực hiện đến đâu ạ?

ĐC GIUSE : Công việc tế nhị này tôi nhờ Cha Trần Đình Thụy thu xếp. Đến nay :

- Đã có giấy phép đăng ký hoạt động trong địa bàn TP Cần Thơ, do UBND TP Cần Thơ ký ngày 08.12.2010.

- Giáo xứ Ngọc Thạch nhượng lại cho Nhà Dòng thửa đất 20.000m2. Đơn xin hợp thức hoá đang được UBND TP Cần Thơ cứu xét, hy vọng sẽ có kết quả trong một ngày gần đây.

- Khi có Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng tu sở đầu tiên tại thửa đất trên, nằm trong địa bàn giáo xứ Ngọc Thạch, giáo hạt Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.

6. Đức Cha có kỳ vọng về điều gì khi đã có sự hiện diện của một Hội dòng MTG được hình thành tại giáo phận do chính Đức Cha thành lập? Và Hội dòng MTG Long Xuyên có đặc điểm gì khác với các Hội dòng MTG khác hay không?

ĐC GIUSE :
Chúng tôi cùng bàn hỏi và cầu nguyện để MTG Long Xuyên hình thành và phát triển tốt.

- Bản thân tôi luôn tạ ơn Chúa đã thương giáo phận ; cám ơn các cha trong ban cố vấn đã quan tâm ; đặc biệt cám ơn 3 cha đứng ra cáng đáng công việc nặng nề này.

- Tôi tin tưởng : ơn gọi càng ngày càng đông ; các chị em có điều kiện sống đời thánh hiến đồng thời cũng tiếp tay tích cực cho việc truyền giáo của giáo phận.

- Và như tôi đã trả lời: MTG Long Xuyên hoàn toàn sống theo Hiến Chương chung được ghi rõ từ điều 1 đến điều 6 của Hiến Chương thống nhất này.

- Điều mơ ước đặc biệt của chúng tôi là : ngoài việc sống và hoạt động như các Dòng MTG khác trong Hiệp Hội, các nữ tu MTG Long Xuyên sẽ còn là những người chuyên môn về sư phạm giáo lý, giáo lý viên... một công tác đòi hỏi có chương trình đầu tư lâu dài và chắc chắn sẽ có kết quả trong tương lai.

Con xin cảm ơn Đức Cha và kính chúc Đức Cha an mạnh.

ĐC GIUSE :Cám ơn chị Vũ và xin Chúa chúc lành cho chị.

Long Xuyên ngày 31.7.2011

Maria Vũ Loan
 
Hội Thi Giáo Lý Giáo Hạt Phủ Lý - Hà Nam
CTV
09:51 01/08/2011
Hội Thi Giáo Lý Giáo Hạt Phủ Lý - Hà Nam

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Giáo Lý Giáo phận Hà Nội, năm nay 2011, toàn Giáo Phận sẽ học tập và tìm hiểu về giáo lý Hội Thánh Công Giáo. Nội dung của cuốn Giáo Lý này được chia làm 8 phần và năm nay là năm khởi đầu với phần thứ nhất “ Tuyên Xưng Đức Tin”.

Xem hình hội thi giáo lý

Các giáo xứ trong Giáo hạt Phủ Lý (Hà Nam) cũng đã hưởng ứng tích cực trong việc học tập và tìm hiểu nội dung Giáo lý đức tin. Vì thế vào ngày 27/7/2011 vừa qua, được sự nhất trí của Cha Quản Hạt cũng như ban giáo lý giáo hạt đã tổ chức đợt thi giáo lý cấp giáo hạt để lựa chọn ra những đội tuyển có khả năng tiếp tục dự thi lên cấp Giáo Phận.

Toàn giáo hạt năm nay (2011) đã có 17 đơn vị đăng ký về dự thi nhiều hơn 6 đơn vị so với năm trước (2010). Vì thế, các đội về dự thi đông đúc và không thiếu tính cạnh tranh. Dù thời tiết khá oi bức nhưng tinh thần hăng say học tập và thi cử không thể làm nản chí các đội thi. Vào đúng 8h sáng (27/7/2011) Cha Quản Hạt có mặt để khai mạc ngày thi giáo lý cấp giáo hạt. Các đội về dự thi có đầy đủ năm thành phần theo qui định của ban Giáo lý: Thiếu nhi; Giới trẻ; Giáo lý viên; Gia đình và Giới trưởng thành.

Các đội tuyển đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho những gì mình đã bỏ công sau bao ngày tháng vất vả học tập giờ đây là lúc họ thể hiện những gì mình đã học. Hội thi diễn ra hết sức hồi hộp và căng thẳng, các đội đều có những cố gắng để vươn lên đạt giải nhất.

Kết thúc hội thi đã có năm giải nhất dành cho năm giới đứng vị trí hàng đầu và năm đội này sẽ đại diện cho Giáo Hạt Phủ Lý (Hà Nam) đi dự thi giáo lý cấp Giáo Phận vào trung tuần tháng 8 tới đây.

Thiếu nhi (Giáo xứ Phủ Lý)

Giới trẻ (Giáo xứ Cát Lại)

Giáo lý viên (Giáo xứ Cát Lại)

Gia đình (Giáo xứ Khoan Vĩ)

Trưởng thành ( Giáo xứ Phú Đa)

Ngày thi Giáo Lý đã kết thúc cách tốt đẹp. Mọi người đều bằng lòng với kết quả những gì mà mình đã đạt được cũng như với quyết tâm cho những gì mà mình còn chưa làm được trong năm nay và sẽ phấn đấu trong năm tới. Qua việc tham dự hội thi này đã nói lên sự đoàn kết nhất trí. Qua đó cũng thể hiện tinh thần ham học hiểu cũng như thể hiện tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội khi hưởng ứng lời kêu gọi của Bề trên Tổng Giáo Phận. Hơn nữa, còn là một sự khích lệ, động viên lớn lao cho các thế hệ trẻ hôm nay biết hăng say tìm hiểu và đào sâu về Giáo lý đức tin khi sống trong một xã hội mà niềm tin đang bị chao đảo, lung lay.

CTV
 
Phỏng vấn đức ông Trần văn Hòa về quá trình sinh hoạt của CĐCGVN tại Hòa Lan (Aug 1, 2011)
VietCatholic Network
10:08 01/08/2011
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đức Mẹ MariaTrong Bộ Giáo Lý (3)
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng
08:49 01/08/2011
ÐỨC MẸ MARIA TRONG BỘ GIÁO LÝ (3)

Trong toàn bộ giáo lý mới (Catechism of the Catholic Church), với 688 trang và 2865 tiểu đoạn, Ðức Maria chỉ chính thức được nhắc tới cách hết sức khiêm nhượng trong hai nơi: Thứ nhất là ở Ðoạn hai, Chương hai, Phần thứ nhất về Kinh Tin Kính: “Sinh bởi Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria,” trang 122-128. Thứ hai là ở Ðoạn sáu, Chương ba, cũng trong Phần thứ nhất, “Ðức Maria - Mẹ Thiên Chúa” trang 251-254. Tuy nhiên, nếu đọc hết toàn bộ cuốn giáo lý, người ta sẽ thấy giáo hội còn nhắc đến Ðức Mẹ ở nhiều nơi khác nữa. Vì vậy, khi nói đến Ðức Maria trong bộ giáo lý mới, người đọc cần chia thành những tiểu đề về cả cuộc đời của Ðức Mẹ, để qui tụ những tiểu đoạn, nơi Ðức Mẹ đã được giáo hội cung kính nhắc đến.

ÐỨC MARIA TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU CHUỘC CỦA THIÊN CHÚA

Ðể trở thành Mẹ của Ðấng Cứu Thế, Ðức Maria đã được Chúa làm “phong phú với những ơn cần thiết cho sứ mệnh của Mẹ.” Thiên Sứ Gabriel tại giây phút của cuộc truyền tin đã chào Mẹ là “đầy ơn phúc.” Thực sự, để Ðức Maria có thể được tự do nói lên sự bằng lòng trong đức tin của Mẹ vào sự loan tin về sứ mệnh của Mẹ, việc Mẹ được hoàn toàn sinh ra trong ơn sủng của Chúa là điều cần thiết. (Tiểu đoạn 490 và xem thêm trong các tiểu đoạn 2676, 2853 và 2001)

Ðức Maria đã được Chúa chọn trước từ thuở đời đời. “Chúa sai Con Trai của Ngài,” nhưng để chuẩn bị một thân xác cho Thiên Chúa Con, Ngài đã muốn sự tự do hợp tác của một thụ tạo. Về điều này, từ thuở đời đời Chúa đã chọn người Mẹ cho Con Trai của Ngài, một người nữ thuộc chủng tộc Israel, một thiếu nữ Do Thái ở làng Nazareth trong vùng Galilêa,” một trinh nữ đã “đính hôn” – betrothed – (1) với một thanh niên tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David, và tên của trinh nữ là Maria. (488) cũng tương tự trong (493) và (508).

Lần đầu tiên trong chương trình cứu rỗi, và bởi vì Thánh Linh của Ngài đã chuẩn bị Mẹ, Thiên Chúa Cha đã tìm thấy “nơi ngự trị” cho Con Trai của Ngài và Chúa Thánh Linh cũng có thể ngự giữa loài người. Trong ý nghĩa này, Truyền Thống của Giáo Hội đã thường đọc những văn bản tươi đẹp nhất về sự khôn ngoan trong tương quan với Ðức Maria. Ðức Maria đã được tung hô và trình bày trong phụng vụ như “Ngai Tòa Khôn Ngoan.” Trong Mẹ, những “mầu nhiệm của Chúa” mà Chúa Thánh Linh sẽ hoàn tất trong Ðức Kitô và Giáo Hội đã được biểu hiện.” (721 và 484).

Chúa Thánh Linh đã chuẩn bị cho Ðức Mẹ qua ơn thánh của Ngài. Thật là phù hợp khi Mẹ của Ðấng mà trong Bà “đấng thiêng liêng toàn mỹ ngự trị bằng cả thân xác của ngài” nên được “đầy ơn phúc.” Chỉ qua ơn sủng, Mẹ đã được thành thai mà không nhiễm tội truyền như một thụ tạo khiêm nhượng nhất, người có khả năng nhất để đón nhận ơn thiêng không thể diễn tả của Ðấng Toàn Năng. Thật là chính xác khi thiên sứ Gabriel chào mừng bà là “Con Gái dân Sion": “Hãy vui mừng.” Ðó là sự tạ ơn của toàn thể Dân Chúa, và vì vậy của cả Giáo Hội, mà Ðức Maria trong lời ngợi khen đã dâng lên Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần khi đang mang người Con muôn thuở trong lòng Mẹ. (722 và 489, 2676).

ÐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Qua bao thế kỷ, giáo hội đã càng ngày càng trở nên rộng hiểu rằng Ðức Maria, “đầy ơn phúc” qua Thiên Chúa đã được cứu rỗi từ giây phút thành thai của Mẹ. Ðó là tín lý của sự Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được Ðức Giáo Hoàng Piô IX công bố vào năm 1854. (491 và 411).

“Ánh quang của sự thánh thiện hoàn toàn duy nhất” theo đó Ðức Maria được làm cho “phong phú từ khoảnh khắc đầu tiên của sự thành thai của Mẹ” đến hoàn toàn từ Ðức Kitô: Mẹ đã được “cứu rỗi, trong một cách đáng ngợi khen hơn, bởi lý do của những công lênh của Con Mẹ.” Thiên Chúa Cha chúc lành cho Ðức Maria, nhiều hơn bất cứ thụ tạo nào khác, “trong Ðức Kitô với từng ơn lành thiêng liêng ở những nơi chốn thiêng liêng” và chọn Mẹ “trong Ðức Kitô trước khi thế giới được thành hình, để nên thánh và không vương tội trước (nhan thánh) Ngài trong tình yêu.” (492 và 2011, 1077).

Trong suốt thời Cựu Ước, sứ mệnh của bao nhiêu phụ nữ thánh thiện đã chuẩn bị cho sứ mệnh của Ðức Maria. Ngay từ thuở ban đầu đã có Bà Evà; mặc dù bất tuân, Bà đã nhận được lời hứa (của Thiên Chúa) cho bà một dòng dõi sẽ chiến thắng sự dữ, cũng như lời hứa rằng Bà sẽ là Mẹ của mọi loài thụ tạo. Qua hiệu lực của lời hứa này, bà Sarah (vợ tổ phụ Abraham) đã thụ thai một người con trai mặc dù đã đến tuổi gìa. Ngược với sự dự đoán loài người, Chúa chọn những người yếu kém về quyền hạn cũng như sức lực để nói lên sự trung tín trong những lời hứa của Ngài: Hannah, mẹ của Samuel; Deborah; Ruth; Judith; và Esther; cũng như bao nhiêu phụ nữ khác. Ðức Maria “nổi bật trong những kẻ nghèo và khiêm nhượng của Chúa, những người cậy tin và nhận được sự cứu rỗi từ Ngài. Sau một thời gian dài mong đợi, mọi thời đại đã hoàn thành trong Mẹ, người Con Gái được tán dương của dân Sion, và chương trình cứu rỗi mới đã được thành lập.” (489 và 722, 410, 145)).

ÐỨC MARIA VÀ GIÁO HỘI

“Trong khi giáo hội đã thực sự đạt được mức hoàn hảo trong Ðức Ðồng Trinh Phúc Lạ, bởi Mẹ hiện hữu không tì vết hay nếp nhăn, thì các tín hữu vẫn phải cố gắng khắc phục sự tội và thăng tiến trong sự thánh thiện. Và vì vậy họ hướng mắt nhìn lên Ðức Maria”: Trong Mẹ, giáo hội đã được “toàn hảo.” (829 và 1172, 972)).

Trong sự kết hợp mầu nhiệm giữa con người và Thiên Chúa, Giáo hội hiện hữu trong cả sự hữu hình lẫn siêu nhiên, đã nhận thêm một chiều kích nữa: Chiều kích Maria. “Hệ thống (của giáo hội) được hoàn toàn xếp đặt cho sự thánh thiện của các chi thể (các tín hữu) Ðức Kitô. Và sự thánh thiện được đo lường theo một ‘mầu nhiệm vĩ đại,’ theo đó nàng dâu đáp lại bằng qùa tặng tình yêu đối với qùa tặng của chàng rể.” Ðức Maria đã đi trước tất cả chúng ta trong sự thánh thiện, mà sự thánh thiện đó chính là mầu nhiệm của giáo hội như “nàng dâu không tì vết hay nếp nhăn.” Ðiều này đã giải thích tại sao chiều kích (Ðức) “Maria” của giáo hội đã đi trước chiều kích (Thánh) “Phêrô.” (773 và 671, 972).

Qua việc nói lên lời “Xin vâng” (Fiat) trong cuộc Truyền Tin và sự bằng lòng trong cuộc Nhập Thể, Ðức Maria đã chính thức hợp tác với toàn diện công trình mà Con Mẹ sẽ hoàn tất. Ngài là Mẹ bất cứ nơi nào Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Chuộc và là Thủ Lãnh của Nhiệm Thể. (973).

Từ thuở giáo hội sơ khai, sau khi Con Mẹ đã về trời, Ðức Mẹ đã “hỗ trợ giáo hội bằng những lời cầu nguyện của Mẹ.” Qua việc Mẹ kếp hợp với các thánh Tông Ðồ và nhiều phụ nữ khác, “chúng ta cũng nhìn thấy Ðức Maria qua những lời cầu nguyện của Mẹ khẩn xin ơn Chúa Thánh Thần, Ðấng đã bao trùm lấy Mẹ trong cuộc Truyền Tin.” (965).

Trong mầu nhiệm của giáo hội, vị thế của Ðức Maria đã thật tỏ tường: “Ðức Trinh Nữ Maria... được công nhận và tôn vinh thật sự là Mẹ của Thiên Chúa và của Ðấng Cứu Chuộc... Ngài tỏ tường là Mẹ của các chi thể của Chúa Kitô... Vì qua lòng từ tâm Mẹ đã hòa nhập trong việc đem đến cuộc tái sinh của những kẻ có lòng tin trong giáo hội, là những chi thể của thủ lãnh của giáo hội (Ðức Kitô).” “Ðức Maria, Mẹ của Ðức Kitô, Mẹ của Giáo Hội.” (963 và 484-507, 721-726).

Vai trò của Ðức Mẹ trong giáo hội không thể tách biệt sự kết hợp của Mẹ với Ðức Kitô và từ đó tuôn chảy. “Sự kết hợp này của Mẹ và Con trong công trình cứu chuộc đã được biểu lộ từ thuở Chúa Kitô vô nhiễm trinh thai cho đến khi Ngài chịu tử nạn.” (964 và 534, 618).

Qua sự kếp hợp của Mẹ với thánh ý của Thiên Chúa Cha, với công trình cứu chuộc của Con Mẹ, và với mọi linh ứng của Chúa Thánh Linh, Ðức Trinh Nữ Maria là gương mẫu cho giáo hội về đức tin và đức ái. Vì vậy Mẹ, là một “thành viên tuyệt hảo và... hoàn toàn đặc biệt của Giáo Hội; thực vậy, Mẹ là “gương mẫu” (typus) của Giáo Hội. (967 và 2679, 507).

Vai trò của Mẹ trong tương quan với giáo hội và toàn thể nhân loại còn đi xa hơn nữa. “Trong một cách hoàn toàn đơn thuần, Mẹ đã hợp tác qua sự vâng lời, đức tin, niềm hi vọng, và đức ái bừng cháy trong công trình của Ðấng Cứu Thế mang lại đời sống siêu nhiên cho các linh hồn. Với lý do này Mẹ là Mẹ của chúng ta trong trật tự của ân sủng. (968 và 494)).

“Thiên chức làm Mẹ của Ðức Maria trong trật tự của ân sủng tiếp tục không gián đoạn từ sự ưng thuận mà Mẹ đã tuyên xưng cách trung thành tại cuộc Truyền Tin và Mẹ vẫn kiên trung chịu đựng dưới chân thánh gía, cho đến sự hoàn thành viên mãn của mọi người được chọn. Ðược đưa lên thiên đàng, Mẹ đã không ngưng chức năng cứu rỗi này nhưng qua những lời cầu bầu, tiếp tục trao ban những ân sủng của sự cứu rỗi đời đời... Vì vậy, Ðức Trinh Nữ đã được giáo hội tuyên xưng là Ðấng Bênh Vực, Trợ Giúp, Ban Ơn, và Trung Gian.” (969 và 149, 501, 1370).

“Tác động làm Mẹ muôn người của Ðức Maria không thể làm mờ hay giảm đi sự trung gian đặc biệt của Ðức Kitô, nhưng minh chứng sức mạnh sự trung gian của Ngài. Nhưng ảnh hưởng hữu ích của Ðức Maria trên mọi người... tuôn chảy từ sự sung mãn của công trạng của Ðức Kitô, dựa trên sự trung gian của Ngài, tùy thuộc hoàn toàn vào đó, và nhận được tất cả sức mạnh từ đó.” Không tạo vật nào có thể được xếp ngang hàng với Ngôi Lời Nhập Thể và Cứu Chuộc, nhưng chỉ như thiên chức linh mục của Ðức Kitô được chia sẻ qua nhiều cách, qua các linh mục và các giáo hữu của Ngài, và như một điều từ tâm của Chúa được tỏa sáng trong nhiều cách giữa các thụ tạo của Ngài, nên cũng vậy sự trung gian đặc biệt của Ðấng Cứu Chuộc không gạt bỏ nhưng thực sự làm gia tăng một sự hợp tác bội phần một sự chia sẻ từ nguồn mạch này. (970 và 2008, 1545, 308).

“Mọi thế hệ sẽ khen tôi có phúc”: “Sự tôn kính của giáo hội đối với Ðức Maria là bản chất cho sự thờ kính Kitô giáo.” Giáo hội tôn vinh cách chính đáng “Ðức Trinh Nữ với một sự tôn kính đặc biệt. Từ những thời kỳ xa xưa nhất, Ðức Mẹ đã được tôn vinh với danh hiệu “Mẹ Thiên Chúa,” qua sự bảo vệ của Mẹ, các tín hữu vẫn tung tăng trong những hiểm nguy và nhu cầu của họ... Sự tôn kính đặc biệt này... hoàn toàn khác biệt với sự tôn thờ dành cho Ngôi Lời Nhập Thể và ngang hàng với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Thánh Thần, và khuyến khích mạnh mẽ sự tôn thờ này.” Những nghi thức phụng vụ dành cho Mẹ Thiên Chúa và lời cầu nguyện riêng về Ðức Maria, như chuỗi mân côi, một “lược yếu toàn bộ Phúc Âm,” diễn tả sự tôn kính này đối với Ðức Trinh Nữ Maria. (971 và 1172, 2678).

Sau khi đã nói về sự nguyên thủy, sứ mạng, và vận mạng của Giáo Hội, chúng ta không còn cách nào để kết luận hơn là việc nhìn vào Ðức Maria. Trong Mẹ, chúng ta suy ngắm điều giáo hội đã nằm trong mầu nhiệm của Mẹ, trên cuộc “hành hương đức tin” của chính Mẹ, và Mẹ sẽ là gì trên quê hương tại cuối cuộc hành trình của Mẹ. Ở đó, “trong vinh quang của Ðấng Cực Thánh và Bất Khả Phân Ba Ngôi Thiên Chúa,” “trong sự hiệp thông với tất cả các thánh,” Giáo Hội đang mong đợi Ðấng mà Giáo Hội tôn vinh là Mẹ của Thiên Chúa và là Mẹ của chính Giáo Hội. (972 và 773, 829).

Qua giáo hội, người Kitô hữu học được gương thánh thiện và nhận ra được gương sáng và nguồn mạch trong Ðấng toàn thánh Maria; người Kitô hữu nhận chân được điều đó qua sự minh chứng chân chính của những người đã sống điều ấy; người Kitô hữu khám phá được điều đó trong truyền thống thiêng liêng và lịch sử lâu dài của các thánh những người đã đi trước anh/chị ta và phụng vụ cử hành họ trong những âm nhịp ở mức độ chuyên biệt (hay chu kỳ nội cung - sanctoral cycle). (2030 và 828).

Ðức Maria còn là gương mẫu tối thượng của đức tin chân chính. Chỉ đức tin đó mới thấu hiểu được những phương cách nhiệm mầu của quyền năng vô tận của Thiên Chúa. Ðức Maria đã tin rằng “chẳng có sự gì mà Chúa không làm được,” và Mẹ đã có thể tán dương Thiên Chúa: “Vì Ngài là Ðấng Cao Trọng đã làm cho tôi những điều trọng đại, và danh Ngài là Thánh.” (273 và 148).

Ðiều mà đức tin Công Giáo có về Ðức Maria đặt căn bản trên sự tin tưởng vào Ðức Kitô, và điều mà giáo hội dạy về Ðức Maria sẽ trở lại làm tỏa sáng đức tin của giáo hội trong Chúa Kitô. (487 và 963).

THỤ THAI VÀ SINH CON MỘT CỦA THIÊN CHÚA

Sứ mệnh của Chúa Thánh Linh luôn luôn được liên kết và nhận lệnh từ Thiên Chúa Con. Chúa Thánh Linh, “là Chúa, Ðấng ban sự sống,” được sai đi để thánh hóa cung lòng của Ðức Trinh Nữ Maria và làm phong phú cách linh thiêng cung lòng ấy, làm cho Bà thụ thai Con Một đời đời của Thiên Chúa Cha trong một nhân tính đến từ chính Mẹ. (485 và 689, 723).

Ðức Maria thực sự là “Mẹ Thiên Chúa” vì Bà là Mẹ của Con Trai đời đời của Thiên Chúa mặc lấy tính người, Ðấng tự Ngài cũng chính là Chúa. (509).

Trong Ðức Maria, Chúa Thánh Linh hoàn tất chương trình nhân hậu thương yêu của Thiên Chúa Cha. Với và qua Chúa Thánh Linh, Ðức Thinh Nữ thụ thai và sinh Con Trai của Thiên Chúa. Bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần và đức tin của Mẹ, sự trinh nguyên của Mẹ đã trở nên đươm hoa kết trái cách độc nhất vô nhị. (723 và 485, 506).

NHỮNG TƯỚC HIỆU CỦA ÐỨC MARIA

Mẹ Ơn Thiêng: Vai trò của Ðức Maria trong tương quan với Giáo Hội và toàn thể nhân loại còn đi xa hơn vì Bà là Mẹ của ơn thiêng, đem lại mạch sống thánh thiêng cho mọi linh hồn. (xem thêm trong 968 và 494).

Ðấng Trung Gian (tuy không là nguồn mạch) của Ơn Chúa: Xin xem lại trong các tiểu đoạn 970 và 2008, 1545 ở trên.

Ðấng Bầu Cử (cho nhân loại) trước nhan Chúa qua Ðức Kitô: Trong 969 và 970. 975: “Chúng ta tin tưởng rằng Ðức Mẹ Chúa Trời, Eve mới, Mẹ của Giáo Hội, trên thiên đàng vẫn tiếp tục vai trò hiền mẫu của Mẹ nhân danh mọi chi thể của Chúa Kitô.” (ÐGH Paul VI, CPG 15).

Mẹ Giáo Hội: Vì vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm của Ðức Kitô và Chúa Thánh Linh đã được minh giải; hiện tại, thật là phù hợp để bàn tới vai trò của Mẹ trong mầu nhiệm của Giáo Hội. “Ðức Trinh Nữ Maria... được công nhận và tôn vinh thật sự là Mẹ Thiên Chúa và của Ðấng Cứu Ðộ... Ngài thật sự là Mẹ những chi thể của Chúa Kitô... Bởi vì, qua tình thương, Mẹ đã hợp tác (với Thiên Chúa) để đem lại cuộc tái sinh của các tín hữu trong Giáo Hội, những thành viên của thủ lãnh của Giáo Hội.” “Ðức Maria, Mẹ Ðức Kitô, Mẹ của Giáo Hội.” (963 và 484-507, 721-726).

“Panagia": Các thánh phụ trong truyền thống của Giáo Hội Ðông Phương đã gọi Mẹ Thiên Chúa là Ðấng “Toàn Thánh” (the All-Holy hay Panagia) và chúc tụng Mẹ là “không nhiễm bất cứ tội gì, như được làm cho thích nghi bởi Chúa Thánh Thần và tạo hình tượng như một thụ tạo mới.” Qua ơn Chúa, Ðức Maria đã tránh được mọi tội cá nhân trong suốt cuộc đời của Mẹ. (493).

Nhân Cách Hóa của Giáo Hội: Cùng một lúc là nữ trinh và là mẹ, Ðức Maria là biểu tượng và là hiện thực hoàn hảo của Giáo Hội: “Giáo Hội thực sự... qua việc nhận lãnh lời của Chúa trong đức tin đã tự trở nên một người mẹ. Trong việc rao giảng và làm phép Rửa, Giáo Hội đem lại những người con, được Ðức Chúa Thánh Thần cưu mang và sinh bởi Thiên Chúa, đến cuộc sống mới vĩnh cửu. Tự Giáo Hội cũng là trinh nữ gìn giữ trong sự hoàn toàn và trong sạch đức tin mà nàng đã đoan thệ cùng phu quân của nàng. (507 và 967, 149).

“Theotokos": Ðược các Phúc Âm gọi là “Mẹ của Chúa Giêsu,” Ðức Maria được thánh Isave (Elizabeth) tung hô qua sự linh ứng của Chúa Thánh Linh và trước khi hạ sinh con trai của Bà, là “mẹ của Chúa tôi.” Thực sự, Ðấng mà Mẹ đang cưu mang như con người qua Chúa thánh Thần, sẽ hoàn toàn trở nên Con Mẹ theo xác thể (loài người), không ai khác mà chính là Con Trai đời đời của Thiên Chúa Cha, ngôi hai của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì vậy Giáo Hội tuyên xưng rằng Ðức Maria thực sự là “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos. 495 và 466, 2677).

Ngai Tòa Khôn Ngoan: Xin xem lại các tiểu đoạn 721 và 484 ở trên.

Khuôn mẫu (typus) của Giáo Hội: Xin xem lại các tiểu đoạn 967 và 2679, 507 ở trên.

NHỮNG NHÂN ÐỨC CỦA MẸ MARIA

Sự vâng lời trong đức tin của Ðức Maria: Vâng lời, theo tiếng La tinh obaudire: lắng tai nghe, trong đức tin là tự do phục tùng lời nói đã nghe thấy, vì sự thật của lời nói đã được Chúa bảo đảm, Ðấng tự mình là Sự Thật. Ông Abraham đã là gương mẫu của sự vâng lời này mà Kinh Thánh đã cống hiến cho chúng ta. Ðức Trinh Nữ Maria là hiện thân hoàn hảo nhất của sự vâng lời này. (144 và 494, 511).

Lời cầu nguyện của Ðức Maria: Lời cầu nguyện của Ðức Maria mạc khải cho chúng ta trong buổi bình minh của thời đại hoàn hảo. Trước khi có sự nhập thể của Con Thiên Chúa, và trước khi Chúa Thánh Linh dào dạt ban ơn, lời cầu nguyện của Mẹ hợp tác trong một cách đặc biệt với chương trình yêu thương trọn vẹn của Thiên Chúa Cha: tại cuộc truyền tin, khi Chúa Kitô được thành thai, ở lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cho cuộc hình thành của Giáo Hội, nhiệm thể của Ngài. Trong đức tin của người nữ tì khiêm nhượng của Ngài, Ơn Thánh của Chúa nhận được sự ưng thuận mà Ngài đã chờ đợi từ thuở khai nguyên. Người nữ tì mà Ðấng Toàn Năng đã làm cho “đầy ơn phúc” đáp lại qua việc phó dâng hoàn toàn con người của Bà: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.” “Xin vâng” (fiat): đây là lời cầu nguyện Kitô giáo: theo thánh ý Chúa hoàn toàn, bởi vì Ngài hoàn toàn thuộc về chúng ta. (2617 và 148, 494, 490).

Sự trinh nguyên của Ðức Maria: Từ những hình thức đầu tiên của đức tin, Giáo Hội đã tuyên xưng rằng Ðức Giêsu được thụ thai hoàn toàn bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần trong cung lòng Ðức Trinh Nữ Maria, cũng xác định phương diện hữu hình của sự kiện này: Ðức Giêsu được thụ thai “bởi Chúa Thánh Linh, không bởi mầm sống của con người.” Các Thánh Phụ nhìn thấy trong sự thụ thai trinh nguyên dấu chỉ thực sự là Con Thiên Chúa đã đến trong xác phàm như thân xác của chúng ta. (496-507 và 510, 506, 502-6, 499, 497-8, 500).

ÐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI

Cuối cùng, Ðức Trinh Nữ Không Mắc Tội Truyền, được gìn giữ khỏi những tì ố của tội nguyên tổ, khi cuộc sống thế trần chấm dứt, Mẹ đã được Chúa đưa cả hồn lẫn xác lên vinh quang nước Trời và được Chúa cho vinh hiển là Nữ Vương của mọi loài, để Mẹ có thể hoàn toàn hòa hợp với Con Mẹ, Chúa các chúa và là Ðấng đã chinh phục tội lỗi và sự chết. Việc Ðức Mẹ hồn xác lên Trời là một sự tham dự đơn thuần vào cuộc Phục Sinh của Con Mẹ và đi trước việc Phục Sinh của những Kitô hữu khác. (966 và 484-507, 721-726; cũng tương tự trong 974).

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng

(1): Theo truyền thống của dân Do Thái (Israel) nghi thức “betrothal”, được dịch qua những ngôn ngữ khác, kể cả tiếng Việt là “hứa hôn.” Điều này đã gây nhiều hiểu lầm vì ý nghĩa của chữ betrothal rất khác với ý nghĩa của chữ hứa hôn (engagement) theo truyền thống Việt Nam cũng như nhiều nước khác.

Hứa hôn theo ý nghĩa chung không đòi hỏi ràng buộc nhiều, đó thực sự chỉ là một lời… hứa. Đôi trai gái có thể dễ dàng “trả nhẫn” cho nhau, nếu không muốn tiếp tục đi đến hôn nhân, mà không gặp trở ngại nào của xã hội. Khi đó, họ chưa phải là vợ chồng.

Ngược lại, betrothal trong truyền thống Do Thái vào thời của Đức Mẹ và thánh Giuse (trong thời kỳ Tamuldic, khoảng từ thế kỷ thứ I B.C. cho đến thế kỷ thứ VI A.D.), hầu như bắt buộc đôi trẻ phải đi tới hôn nhân. Nếu họ phá bỏ betrothal thì sẽ bị luật phạt. Thứ hai, sau khi betrothed hay espoused, người con trai đã có thể đưa cô gái “về nhà mình” và đã được người đời coi là vợ chồng. Đám cưới chỉ đến như một sự “chính thức hóa” đôi hôn phối. Thứ ba, khoảng thời gian của betrothal không có giới hạn, thường là một năm và một ngày, theo truyền thống Do Thái; nhưng có khi lâu hơn vì một bên còn quá nhỏ, tương tự như tục “tảo hôn” ở Việt Nam xưa; hoặc sớm hơn – chỉ một tháng - như trường hợp cả hai ông bà cùng “góa.”

Điều này đã giải thích những nghi vấn về cuộc hôn nhân giữa thánh Giuse và Đức Mẹ. Theo Phúc Âm thánh Matthêô 1:18, thì hai đấng đã “betrothed” nhưng chưa về sống chung với nhau. Tuy nhiên, theo truyền thống Do Thái, hai đấng đã được người đời coi là “vợ chồng” rồi (Matt. 1:19). Vì vậy, khi biết Đức Mẹ đã mang thai, nếu thánh Giuse tố cáo Đức Mẹ có thai mà hài nhi không phải là con của ngài, Đức Mẹ sẽ bị kết án là ngoại tình và bị xử tử, theo cách ném đá cho đến chết! Là một người chính trực, nhưng thánh Giuse đã không nhẫn tâm đến như vậy, ngài chỉ muốn “âm thầm” bỏ Đức Mẹ mà không tố cáo thêm điều gì, điều này sẽ khiến người đời nghĩ rằng con trẻ Giêsu chính là con của thánh Giuse, do đó Đức Mẹ sẽ không bị “rắc rối” gì với “làng nước.” Dĩ nhiên, sau đó Chúa đã can thiệp làm cho thánh Giuse hiểu về Hài Nhi Thánh và ngài đã đưa Đức Mẹ về nhà mình.

(Theo “JewishEncyclopedia.com và Wikipedia.com)
 
Văn Hóa
Mục Vụ Văn Thơ Công Giáo 2: Những Chia Sẻ Của Các Chủ Chăn
LM. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
09:10 01/08/2011
Mục Vụ Văn Thơ Công Giáo 2: Những Chia Sẻ Của Các Chủ Chăn

Đây là nội dung thứ hai trong 5 nội dung đã được thông báo về mục vụ văn thơ Công giáo:

I. Bản tin sự kiện: Lễ trao giải Nhánh Huệ Nước Trời tại ba Giáo tỉnh

II. Những chia sẻ của các Chủ Chăn

III. Những chia sẻ của các Câu Lạc Bộ

IV. Những chia sẻ của các tác giả

V. Những chia sẻ của Ban Tổ Chức

Sau khi phát hành nội dung thứ nhất, có ý kiến xin thêm một nội dung thứ sáu: Những chia sẻ của độc giả. Đây là một ý kiến rất hay. Ước mong quý độc giả và cả các vị tác giả chưa phát biểu trong dịp trao giải Nhánh Huệ Nước Trời tham gia đóng góp suy tư và sáng kiến cho mục vụ văn thơ Công giáo Việt Nam. Xin vui lòng gởi bài về gopnhattho@yahoo.com trước ngày 05-8-2011 để có thể kịp biên tập và phát hành vào ngày Lễ Chúa Biến Hình, 06-8-2011. Xin ghi rõ quý vị thuộc giáo phận nào. Xin chân thành cám ơn.

Nội dung thứ hai quý độc giả đang theo dõi cho thấy mục vụ văn thơ Công giáo tại Việt Nam là một bận tâm và thao thức lớn của các vị mục tử. Để nêu bật điều ấy, chúng tôi xin tập kết tại đây một số phát biểu của quý Đức Cha và quý cha đại diện các giáo phận qua ba dịp:

- Phát hành tuyển tập Kinh Trong Sương (2008)

- Cuộc thi Sen Giữa Lầy (2009-2010)

- Cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời (2010-2011).

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN SOẠN, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN QUI NHƠN

(Lời giới thiệu Tuyển tập Kinh Trong Sương, Nxb Phương Đông, 2008)

Ở một số dân tộc, người ta sinh ra và lớn lên trong dân vũ. Tại Việt Nam, chúng ta sinh ra và lớn lên trong thơ ca. Người mẹ miền Bắc ru con trong tiếng à ơi, ạ ời. Người mẹ miền Nam ru con trong tiếng ầu ơ. Thôi nghe tiếng ru, em bé học vỡ lòng đạo lý làm người bằng ca dao tục ngữ cho đến ngày khôn lớn. Đến tuổi thành nhân, người ta tìm kiếm bạn đời bằng hát ghẹo, hát ví, hát dặm… Lại cũng là thơ…

Du nhập vào Việt Nam, Kitô Giáo không phát triển ngoài nhịp sống ấy của dân tộc. Các tín hữu Kitô đã sớm có những ca dao, hò, vè, câu đố mang nội dung đức tin và luân lý Kitô Giáo. Cao cấp hơn là kinh bổn và nhiều tác phẩm văn chương bằng lục bát và các thể loại văn vần khác. Rồi từ ngày có trào lưu thơ mới, nhiều tín hữu đã dùng nó để diễn tả lòng tin Kitô….

Không ở đâu mà trong Dân Chúa thiếu người làm thơ… Để riêng rẽ, thơ ca của họ dường như là chuyện cá nhân. Giờ đây, sưu tập lại, gom lại thành một vườn hoa, ta mới thấy rằng thơ ca là một mạch sống của Dân Chúa tại Việt Nam.

Hiểu như thế, bộ Sưu Tập Thơ Công Giáo quả là một công trình cần thiết và đáng quý. Tôi xin trân trọng giới thiệu với mọi người, cả trong cũng như ngoài cộng đồng Công Giáo.

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGÔ QUANG KIỆT

Phát biểu trong đêm thơ Kinh Trong Sương, chiều 28-3-2008, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, 6B Tôn Đức Thắng, Quận I.

Tôi rất vui, sau việc họp HĐGMVN lại được dừng chân ở đây để tham dự đêm thơ, để gặp gỡ và lắng nghe tâm tình anh chị em văn nhân nghệ sĩ qua thơ và nhạc, được giao duyên khi nghe những bài thơ, bài nhạc thật hay. Như một anh em đã phát biểu lúc nãy, chợ sách, chợ văn, chợ thơ bây giờ thật ế ẩm. Thế mà vẫn có những người dấn thân, hy sinh, lao động vất vả trên cánh đồng thơ, thật đáng quý.

Riêng tôi, tham dự đêm thơ này, tôi có vài cảm nhận.

Thơ là một cái gì rất đặc biệt. Như anh Lê Đình Bảng vừa nói, tại sao có người làm thơ, có người không? Không phải ai cũng có thể làm thơ. Những người làm thơ là những người có được những cảm nghiệm đặc biệt mà kẻ phàm phu tục tử không nhận ra. Chẳng hạn, cha Xuân Ly Băng nghe tiếng chuông mà nghiệm ra lời Đức Mẹ nhắn nhủ, còn thiên hạ chỉ nghe được như một tiếng động thuần vật lý, như đàn gảy tai trâu. Rồi chẳng hạn, chúng ta, người thường, nhìn chiếc khăn tím thì chỉ thấy chiếc khăn tím, còn nhà thơ Trần Mộng Tú nhìn vuông vải tím lại cảm nghiệm ra tình yêu của Chúa chịu đóng đinh và lời mời gọi hoán cải. Như thế, nhà thơ có cái nhạy cảm đặc biệt, nằm ngoài năm giác quan của người thường. Nói được, các nhà thơ thuộc một nòi đặc biệt, nhận được một ơn đặc biệt Chúa ban cho.

Riêng đối với những người làm thơ đạo, cái nhạy cảm ấy lại còn ở một mức cao vượt hơn. Những dấu hiệu bên ngoài như tiếng chuông, ngôi thánh đường, vuông vải tím trở thành những tín hiệu của những thực tại vô hình. Nhạy cảm ấy không phải tự nhiên mà có được nhưng phải do cầu nguyện. Chẳng ai làm thơ mà không có xúc động trong tâm hồn; mà những xúc động đạo đức thì chỉ qua cầu nguyện mới có được.

Chính nhờ cảm nghiệm bén nhạy ấy câu thơ mới truyền được xúc động sang người khác. Như ban nãy anh Cao Huy Hoàng cho biết, chỉ hai câu thơ của Đông Khê: “Không phải con lên cao, nhưng vì Ngài cúi thấp” đủ khiến nhạc sĩ Lưu Văn Trung khóc mấy đêm liền.

Với người làm thơ đạo, cảm nghiệm thiêng liêng, cảm hứng thiêng liêng thật quan trọng. Cảm nghiệm ấy trước hết là do Thiên Chúa ban nhưng đồng thời cũng còn do cầu nguyện.

Cảm nhận thứ hai tôi muốn chia sẻ là về sách. Lời nói bay đi, chữ viết còn mãi. Những gì đã được viết ra, nhất là đã được in thành sách, thì không ai biết trước được con đường của nó. Ta không biết nó sẽ đi đến đâu. Nó có thể vượt đại dương, đến tận những xóm thôn hẻo lánh, chạm đến những tấm lòng nào đó, những nơi rất xa xôi. Thế nên, sách vở và các phương tiện truyền thông thật quan trọng. Đó là con đường chuyển tải tư tưởng cũng như tiếng gọi đạo đức xuyên qua các thời đại, đến với những tấm lòng mà chỉ Thiên Chúa mới biết được, còn chính các tác giả không ngờ tới.

Sách vở thật quan trọng, cách riêng là thơ. Ngày nay, lý luận nhiều khi chẳng có sức thuyết phục mấy, nhưng những tiếng nói từ trái tim lại dễ đến với những trái tim; những tiếng nói từ tấm lòng lại dễ đến với những tấm lòng. Có lẽ cũng chính nhờ con đường của tấm lòng mà Phạm Xuân Tuyển đã gặp Hàn Mạc Tử và đức tin của Hàn Mạc Tử. Như thế ta thấy thơ thật cần thiết trong cuộc sống, để chia sẻ tâm tình và chia sẻ đức tin.

Với những cảm nhận ấy, tôi không mong ước gì hơn là mong ước có thêm nhiều nhà thơ và có thêm nhiều nhà thơ đạo nữa, để giúp chúng ta cảm nhận được tất cả những vẻ đẹp trong trời đất, nhất là cảm nhận được những vẻ đẹp của Nguồn mọi vẻ đẹp là chính Thiên Chúa, để gởi những tiếng nói từ tấm lòng đến với những tấm lòng, để giúp những tấm lòng ấy rung động trước sự thiện, trước vẻ đẹp và biết đón nhận Đấng Đẹp Tuyệt Đối.

Tôi cầu mong có thêm nhiều tuyển tập thơ và nhiều đêm thơ nữa để những vẻ đẹp ấy được chuyển đi khắp nơi và nhờ đó thế giới này sẽ đầy vẻ đẹp.

Tôi cầu chúc cho có thêm nhiều sách, nhiều người làm thơ và nhất là thơ đạo.

(TTT ghi lại từ băng nhựa)

ĐỨC CHA MICAE HOÀNG ĐỨC OANH, GIÁM MỤC KONTUM

Phát biểu trong đêm thơ Kinh Trong Sương, chiều 28-3-2008, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, 6B Tôn Đức Thắng, Quận I.

Tâm tình của tôi giờ này là rất chân thành cám ơn và cám ơn. Cám ơn Ban Tổ Chức đã có nhã ý mời tôi tới tham dự đêm thơ và phát biểu trong giây phút này.

Tôi không biết hát, không biết ngâm thơ nhưng chẳng thấy lạc lõng khi tới đây, chỉ vì tôi đang được ở giữa các nhà thơ.

Ngay từ hồi còn là chủng sinh, tôi đã có ước vọng quy tụ các nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ để phục vụ Chúa. Tôi đã gầy dựng nhóm dịch thuật Hương Quê, rồi sau đó đã tiến tới thành lập nhà xuất bản Vào Đời, quy tụ các nhóm sinh hoạt văn hóa Công Giáo lúc ấy: Nhóm Niềm Vui, nhóm Tin Yêu, nhóm Niềm Tin, nhóm Thăng Tiến, tạp chí Tuổi Hoa, vv… Tiếc là sau 1975, mọi điều kiện thay đổi, tôi lại ở mãi miền núi, không sao tiếp tục được. Nay được thấy các đàn em tiếp nối những công việc ấy, tôi rất vui mừng xúc động. Xin cám ơn Ban Tổ Chức đã cho tôi được dịp sống lại những ước mơ của mình trước đây.

Bởi lẽ tôi nhận biết tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn của thơ văn và âm nhạc, của anh chị em giới sáng tác nói chung và cách riêng là giới sáng tác Công Giáo. Bản chất người Kitô hữu là được sai đi để rao giảng tình yêu thương không những qua đời sống phục vụ mà còn qua cả sứ điệp bằng lời. Trong những diễn tả bằng lời thì những lời thơ, dòng văn hoặc ý nhạc có sức truyền tải rất đặc biệt. Vì thế tôi cám ơn và rất xúc động khi nhìn thấy anh em rất tha thiết với vấn đề này và đang hy sinh nhiều cho vấn đề này.

Tôi biết thời gian qua anh em hầu như cảm thấy cô đơn. Dĩ nhiên anh em nhớ rằng tất cả các thánh đều đã cô đơn. Thế nhưng riêng bản thân tôi, với tư cách giám mục, tôi nghĩ rằng, anh em nhà văn nhà thơ từ nay khi cần tới, hãy cứ gõ cửa, và tôi hứa sẽ làm bất cứ điều gì có thể được.

Ngoài ra tôi xin chia sẻ thêm một chút về trách nhiệm của người Công Giáo đối với chữ quốc ngữ. Các vị thừa sai, cha ông của chúng ta trong đức tin, khi đến đất nước này, đã sáng nghĩ ra chừ quốc ngữ để cho con cháu chuyển tải sứ điệp Tin Mừng đến cho dân tộc Việt Nam. Thế nhưng hình như lớp con cháu, trong đó có chúng tôi, chưa biết tận dụng gia sản quý báu ấy. Đang khi đó những anh em khác đã tận dụng. Tiếc là vì không biết đến Thiên Chúa, các tác phẩm của họ nhiều khi không chuyển tải được lòng khoan dung và tinh thần phục vụ mà lại chuyển tải một sức mạnh nào đó làm tan nát cõi lòng, làm hoen ố con tim của tuổi trẻ. Thiết nghĩ sự vắng bóng những sáng tác Kitô giáo là một cái lỗi lớn mà con cháu các thừa sai, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm.

Vì thế, tôi cũng tiếp lời của Đức Tổng, cầu chúc cho có thêm nhiều nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ biết chuyển tải lời của Chúa, sứ điệp Tin Mừng, đến cho mọi người.

Chúng ta cũng có trách nhiệm phải lo cho con cháu chúng ta, cả con trai và con gái, được ăn học đến nơi đến chốn, cách riêng là trau dồi tiếng Việt, trau dồi chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ là gia sản của người Việt Nam Công Giáo. Chúng ta phải ý thức điều đó và lo cho con cháu ăn học đến nơi đến chốn để có khả năng làm thơ, viết văn, soạn nhạc, không những để làm đẹp Tin Mừng mà còn làm đẹp cho quê hương dân tộc Việt Nam.

Vì thế, tôi rất đồng cảm với anh em và cám ơn anh em một lần nữa. Xin cầu chúc như Đức Tổng đã cầu chúc, và bản thân tôi sẽ cố gắng đóng góp bằng tất cả khả năng mà Chúa cho phép. Xin cám ơn một lần nữa.

(TTT ghi lại từ băng nhựa)

ĐỨC CHA GIUSE VŨ DUY THỐNG, CHỦ TỊCH ỦY BAN VĂN HÓA

(Lời giới thiệu Tuyển tập Sen Giữa Lầy, Nxb Phương Đông, 2010)

Tôi rất vui khi nhận được tuyển tập cuộc xướng họa Sen Giữa Lầy. Hàng trăm tác giả thơ, văn, nhạc và họa cùng cất cao lời xưng tụng Mẹ Maria và tôn vinh đức khiết tịnh. Để riêng ra, giá trị của từng bài có thể còn giới hạn, nhưng góp chung lại, nó làm nên lời chứng tập thể sống động. Tôi tin rằng tuyển tập này sẽ làm dậy lên một phong trào sống Tin Mừng hào hùng nơi giới trẻ trong giai đoạn mới của Hội Thánh Việt Nam.

Xin chân thành giới thiệu đến các gia đình, đến các bạn trẻ đang hướng tới đời sống hôn nhân và các bạn trẻ đang tìm hiểu ơn gọi tận hiến. Cũng xin trân trọng giới thiệu tuyển tập này đến các nhà giáo dục để cùng chung sức động viên giới trẻ vững tiến trên nẻo đường cao cả.

Phan Thiết, ngày 28 tháng 6 năm 2010

+ Giuse Vũ Duy Thống,

Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết

Chủ Tịch UBVH-HĐGMVN

ĐỨC CHA GIUSE CHÂU NGỌC TRI, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG

(Thư khích lệ cuộc thi Sen Giữa Lầy, 2010)

Kính Quý Cha

Con vẫn theo dõi cuộc thi xướng hoạ thơ Đường luật tôn vinh Mẹ Maria, từ bài xướng đầu tiên của Cha Thi sĩ Trăng Thập Tự cho đến ngót nghét 500 bài hoạ, và rất đồng cảm đồng tình với cuộc chơi rất văn hoá và thánh thiện này. Xin chúc mừng Quý Cha về sáng kiến và sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhiều người. Kính chúc Quý Cha luôn kiên nhẫn và hăng say để tiếp tục dùng khả năng Chúa ban mà phục vụ Hội Thánh Chúa trong lãnh vực đặc biệt này, với những sáng kiến mới trong tương lai, đặc biệt hướng về Giới Trẻ.

Sắp đến Lễ Truyền Tin, và cũng là thời điểm kết thúc cuộc chơi, con xin mạo muội góp vào sân chơi một bài hoạ, và mong là bài hoạ cuối cùng, để hoà giọng cùng anh chị em mình tôn vinh Đức Nữ Đồng Trinh nhân ngày Lễ Truyền Tin. Xin Quý Cha đón nhận. Cám ơn Quý Cha.

SEN THÁNH

Trần gian tội lỗi ngập bùn đen,

Thiếu nữ Sion, một đoá sen.

Đẹp lòng Thiên Chúa, câu trinh khiết,

Thoả dạ nhân trần, lời chúc khen.

Trịnh trọng “Kính Chào”, ngôi thiên sứ,

Khiêm tốn “Xin Vâng”, phận tớ hèn.

Cõi lòng vẹn sạch nên Cung Thánh,

Duyên Đất, Tình Trời đã đan chen.

+ Giuse Châu Ngọc Tri

Giám mục Đà Nẵng.

ĐỨC CHA MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI, GIÁM MỤC PHÓ GIÁO PHẬN QUI NHƠN

(Lời giới thiệu Tuyển tập Thánh Cả Giuse, Nhánh Huệ Nước Trời, Nxb Phương Đông, 2011)

Sau khi chiêm ngắm Đức Maria như đóa SEN GIỮA LẦY, chúng ta cùng nhau tôn vinh thánh Giuse như NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI. Cả sen và huệ đều là biểu tượng của đức khiết tịnh, của nhân cách thanh cao. Nếu về sen đã có câu ca dao:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn,

thì về huệ ta cũng có thể phác họa bằng thơ:

Trong vườn đẹp nhất huệ trinh

Dáng cao hoa trắng thắm xinh ngọt ngào

Ngọt ngào hoa trắng dáng cao

Đất đen mặc đất huệ nào nhiễm lây.

Nếu đóa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” nhờ những phiến lá thật lớn trải trên mặt đầm, cách ly những đóa hoa với bùn lầy, thì Đức Maria trinh nguyên tuyệt vời nhờ biết sử dụng những tấm lá chắn ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ cùng với ơn vô nhiễm nguyên tội. Nếu nhánh huệ vẫn “hoa trắng thắm xinh ngọt ngào” trên nền đất đen nặng mùi ẩm mốc nhờ vào “dáng cao”, thì thánh Giuse cũng trong trắng thanh sạch nhờ biết cộng tác với ơn Chúa để ý chí vươn cao, vượt trên “sự thường tình” của con người xác thịt.

Dầu ở bậc sống nào, đức khiết tịnh vẫn là một ân huệ của trời cao mà con người cần phải biết ân cần gìn giữ, bằng cách làm chủ giác quan và trí tưởng tượng, bằng sự tự chủ trước mọi cám dỗ và thách đố của nền văn minh hưởng thụ và bằng nỗ lực vươn cao, thắng vượt chính mình mỗi ngày. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng vua Salômôn dù vinh hoa tột bậc cũng không mặc đẹp bằng một đóa huệ ngoài đồng (x. Mt 6,28-29), có lẽ bởi vì ông ăn mặc sang trọng nhưng thiếu tấm áo khiết tịnh (x. 1V 11,3; Hc 47,19).

Trong khu vườn nhỏ Nadaret có đóa sen và nhánh huệ cùng nở bên nhau, đó là Đức Maria và thánh Giuse. Cả hai cùng hướng lên mặt trời là Đức Giêsu. Đúng như Saint-Exupéry đã nói: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng”. Chính nhờ cùng hướng về Đức Giêsu mà Đức Maria và thánh Giuse đã thể hiện được tình yêu trong trắng tuyệt vời của mình. Đức khiết tịnh không trái nghịch với tình yêu, nhưng làm cho tình yêu được triển nở và trở nên thanh cao.

Mặt trời tô điểm muôn màu cho từng loại bông hoa, nhưng chính ánh sáng mặt trời lại mang màu trắng. Màu trắng là tổng hợp của các sắc màu. Khi chiếu xuyên qua lăng kính, ánh sáng trắng của mặt trời được tách ra thành 7 sắc màu liên tục làm nên một vòng tròn khép kín: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Màu sắc của mỗi loài hoa tùy thuộc vào việc chúng phản chiếu một vài màu nào đó trong 7 sắc màu của ánh sáng mặt trời. Trong cuộc hiển dung trên núi, khuôn mặt Đức Giêsu “chói lọi như mặt trời, và y phục của Ngài trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2). Đức Maria và thánh Giuse đã phản chiếu trọn vẹn 7 sắc của ánh sáng mặt trời là Đức Giêsu, nên cuộc đời của các ngài chỉ toàn một màu trắng tinh tuyền, được tượng trưng bằng đóa sen và nhánh huệ.

Cùng hướng về mặt trời là Đức Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse đã thể hiện 3 nhân đức đối thần: tin, cậy, mến. Đó là 3 nhân đức siêu nhiên căn bản của người kitô hữu, nền tảng của các nhân đức luân lý, trong đó có đức khiết tịnh. Không thể sống khiết tịnh nếu không đặt niềm tin vào Thiên Chúa, không hoàn toàn trông cậy vào sự trợ giúp của Chúa và không dâng hiến trọn vẹn con tim để yêu mến Chúa trên hết mọi sự.

Thánh Giuse đã luôn luôn đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, vì thế Ngài được Thánh Kinh truy tặng một biệt danh là “người công chính” (Mt 1,19), vì chính nhờ đức tin mà con người mới được nên công chính (x. Rm 4,3-4.9.11.13.21-22.24). Dáng đứng của nhánh huệ cũng là dáng đứng của người công chính sống bởi đức tin. Nhờ tin vào Thiên Chúa mà thánh Giuse sẵn sàng hy sinh chương trình riêng và chấp nhận sống cuộc đời trinh khiết để hoàn toàn hiến thân cho công cuộc của Chúa. Thánh Giuse đã hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa, chẳng những khi gặp khó khăn trong việc thi hành sứ mạng bảo vệ Con Chúa, mà còn trong việc giữ đức khiết tịnh ngay trong đời sống gia đình. Thánh Giuse đã hết lòng yêu mến Chúa, sẵn sàng thực hiện tất cả mọi ý định và mệnh lệnh của Chúa, không hề thoái thác hay quản ngại khó khăn. Cũng chính tình yêu nồng nàn đối với Chúa đã khiến Ngài có thể giữ trọn đức khiết tịnh để trái tim của Ngài luôn thuộc trọn về Chúa.

Hình dáng vươn cao của nhánh huệ cùng với màu trắng tinh tuyền của những đóa hoa tỏa hương thơm ngát một góc vườn, tương phản với màu đen và mùi ẩm mốc của đất, gợi lên hình ảnh đức khiết tịnh vươn cao tỏa ngát giữa cuộc đời đen tối và nhầy nhụa xác thịt của nền văn minh vật chất và hưởng thụ hôm nay.

Xin được họa lại bài thơ Huệ Trắng của nhà thơ Dzuy Sơn Tuyền bằng những vần thơ mang tựa đề Giuse Thánh Cả:

Giuse thánh cả, kính mừng Cha

Nhánh huệ đơm bông rực cả nhà

Thờ Chúa trọn niềm trong thử thách

Tu thân vững dạ trước phong ba

Trái tim trong trắng dâng Thiên Chúa

Thân xác tinh tuyền hiến Thánh gia

Gương sáng đời Ngài con dõi bước

Mai ngày vui hát khúc âu ca.

Người Viễn Khách

Mong sao tuyển tập THÁNH CẢ GIUSE, NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI sẽ góp phần gây ý thức và động viên mọi người giữ đức khiết tịnh trong bậc sống của mình, bằng tâm tình tin cậy mến đối với Thiên Chúa và bằng sự tự chủ đối với bản thân.

Qui Nhơn, tháng kính thánh Giuse, 2011

+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Giám mục phó Giáo phận Qui Nhơn

ĐỨC CHA VŨ DUY THỐNG, CHỦ TỊCH ỦY BAN VĂN HÓA

(Nhắn gởi Buổi trao giải Nhánh Huệ Nước Trời dành cho các tác giả thuộc giáo tỉnh Sài Gòn)

Khi được mời mời tham dự buổi trao giải hôm nay, Đức Cha rất vui mừng. Ngài cho biết vì bận lễ Phong Chức LM, không thể đến dự được, nhưng xin gửi đến Buổi Trao Giải mấy lời khích lệ sau đây:

“- Cảm ơn và hoan nghênh tất cả quí tác giả đã tham gia dự thi

- Chúc mừng quí tác giả đạt giải

- Cảm ơn Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo, quí ân nhân, và tất cả những ai đã góp phần mình vào cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời.

- Ước mong và luôn khích lệ lớn lao cho những cuộc thi Thơ Văn Công Giáo sắp tới.

- Đề nghị Ban Tổ Chức Nhánh Huệ Nước Trời tiếp tục tổ chức cuộc thi Thơ Văn Công Giáo mở rộng cho mọi thành phần tham gia nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nhà Thơ Công Giáo Hàn Mạc Tử 22-9-2012.

- Xin Chúa chúc lành và xin Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, các thánh Tử Đạo Việt Nam phù trợ cho mọi nỗ lực văn hóa, văn học công giáo của anh chị em”.

ĐỨC ÔNG XUÂN LY BĂNG, NGUYÊN TỔNG ĐẠI DIỆN GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

(Nhắn gởi Buổi trao giải Nhánh Huệ Nước Trời dành cho các tác giả thuộc giáo tỉnh Sài Gòn)

Được mời tham dự buổi lễ trao giải, Đức Ông Nhà Thơ Xuân Ly Băng từ chối vì lý do già yếu. Ngài nhờ anh Cao Huy Hoàng chuyển mấy lời sau đây:

- Hết lòng khen ngợi Ban Tổ Chức cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời đã đổ bao tâm sức cho công trình văn học Công Giáo được phát triển về hai mặt: Đức Tin và Văn Học.

- Chúc mừng tất cả các tác giả dự giải và đạt giải

- Ước mong các tác giả đã dự giải, và nhất là các tác giả đạt giải sẽ sống trọn điều mình đã suy niệm, đã viết, tạo nên một phong trào thánh hóa cuộc sống đức tin trong đời sống văn hóa nghệ thuật, làm chứng cho Chân Thiện Mỹ của Nước Thiên Chúa.

ĐỨC CHA PHANXICÔ XAVIÊ LÊ VĂN HỒNG, GIÁM MỤC PHỤ TÁ TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

(Phát biểu trong buổi trao giải NHNT tại TTMV Tgp Huế)

Trọng kính Đức Tổng Giám Mục Têphanô.

Kính thưa quý cha trong BTC

Kính thưa quý đại biểu đến từ các giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế

Kính thưa quý Ban giảng huấn của lớp huấn luyện ca trưởng

Kính thưa quý tác giả đạt giải thưởng hôm nay

Tòa Tổng Giám Mục Huế hân hoan chào đón và cám ơn tất cả quý vị về với Trung tâm mục vụ Huế để tổ chức lễ trao giải " Nhành Huệ Nước Trời", nhằm tôn vinh Thánh Cả Giuse và cổ võ đời sống khiết tịnh.

Xin cám ơn Ban tổ chức đã có những thao thức trăn trở cho việc phát triển văn học công giáo, và công việc sáng tác văn thơ mang đậm dấu ấn Tin Mừng và niềm tin kitô giáo.

Xin cám ơn các tác giả đã hăng hái tham gia cuộc thi để phát triển văn học công giáo của chúng ta.

Như chúng ta biết, từ ngày Tin Mừng được rao giảng trên đất Việt Nam, gần 400 năm nay (1615), hồn thơ của các thi sĩ công giáo đã tìm gặp thêm một nguồn cảm hứng mới không bao giờ khô cạn cho nền văn thơ và những bài viết chuyển tải Tin Mừng và niềm tin Kitô giáo.

Gần đây nhà thơ Lê Đình Bảng đã có công gom góp và hình thành bộ sách "Ở Thượng Nguồn Thơ Ca Công Giáo Việt Nam". Qua pho sách nầy, chúng ta ngỡ ngàng khi thấy rằng có rất nhiều người công giáo đã biết khai thác và múc kín cảm hứng thi ca qua Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Có thể nói Tin Mừng đã thấm đượm văn thơ, câu hò, tiếng hát và văn học mang dấu ấn Tin Mừng, có khả năng chuyển tải đến tâm hồn con người niềm tin kitô giáo.

Tuy nhiên đã có một thời giai dài, vì hoàn cảnh chiến tranh , vì thời cuộc chính trị phong trào sáng tác của các nghệ sĩ công giáo xem ra đã im hơi lặng tiếng hoặc chưa được cổ võ đúng mức. Hy vọng rằng những cuộc thi văn thơ như thế này sẽ là một điểm nhấn và là một khích lệ lớn lao cho phong trào sáng tác thơ văn Công giáo trong tương lai.

Xin chúc mừng các tác giả dự thi và nhất là các tác giả đoạt giải hôm nay.

Xin cầu chúc cho phong trào sáng tác văn thơ Công giáo phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Xin cám ơn Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo, và tất cả quý vị đã tích cực góp phần cho cuộc thi " Nhành Huệ Nước Trời" hôm nay. Mong rằng trong tương lai sẽ còn những tổ chức khác tương tự để giúp cho những tài năng trẻ có cơ hội phát triển.

Riêng về nguyện vọng mà nhà thơ Trăng Thập Tự đã nêu lên về những giải thưởng cấp Giáo tỉnh để kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, tôi hy vọng rằng UBVH /HĐGMVN và các ĐGM sẽ lưu tâm một cách nào đó để đáp ứng nguyện vọng nầy.

Xin Thiên Chúa và Mẹ La Vang chúc lành cho những nổ lực phát triển văn học công giáo Việt Nam. Xin chân thành cám ơn.

+ FX Lê Văn Hồng

Giám Mục Phụ Tá Huế

ĐỨC CHA PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN SANG, NGUYÊN GIÁM MỤC GIÁO PHẬN THÁI BÌNH

Thái Bình, ngày 13/07/2011

Kính gửi cha Võ Tá Khánh

Kính thưa Cha! Tôi rất hân hạnh được Cha chú ý gửi thư mời tới dự cuộc tuyên bố kết quả và trao giải cho các tác giả văn thơ Công giáo sẽ diễn ra tại TGM Hải Phòng. Tôi rất vui mừng được Cha cho biết cuộc thi kết quả tương đối tốt. Tôi đã được biết có cuộc thi này từ lâu, tuy rất muốn tham gia song đã lớn tuổi (ngoài 80) và hiện đã từ nhiệm nhưng vẫn còn đôi chút sức khỏe nên vẫn còn đi làm mục vụ ở các xứ họ. Đàng khác, tôi đang đầu tư thời gian vào việc viết cuốn Hồi Ký từ khi tôi làm giám mục, dự định chừng khoảng 5000 – 6000 trang,… nên không có nhiều thời giờ và phương tiện để làm những công việc văn thơ rất yêu thích. Tôi cũng rất muốn đến dự buổi trao giải thưởng song đúng ngày hôm đó tôi lên đường sang Mỹ để thăm gia đình và người thân quen… Mấy dòng thô thiển kính thăm Cha, xin Cha thông cảm và kính chúc Cha mạnh khỏe, nhiều ơn lành của Chúa để làm sáng danh Chúa và Giáo Hội trong lãnh vực văn chương. Xin Cha cầu nguyện nhiều cho tôi.

Kính thư,

F. X. Nguyễn Văn Sang

Nguyên Giám Mục Thái Bình

ĐỨC CHA COSMA HOÀNG VĂN ĐẠT, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN BẮC NINH

Xin cám ơn Ban Tổ Chức đã tạo điều kiện để có cuộc gặp gỡ này. Tôi vốn cũng thích cầm bút. Trước khi làm giám mục đã có viết lách điều này điều kia, nhưng sau khi làm giám mục, từ ba năm nay chưa viết được cái gì, cũng chưa làm được cái gì để cổ võ về văn thơ, nhất là khi mình ở Bắc Ninh là đất văn thơ, cho nên trước hết, xin có lời tạ lỗi vì sự thiếu sót.

Tiếp đến xin có một vài chia sẻ để chúng ta đừng quá bi quan về văn học Công giáo.

Có thể chúng ta cảm thấy xấu hổ khi nhìn lại những đóng góp lớn lao của những tác giả buổi đầu: Cha Alexandres de Rhode, cha Majorica; rồi tiếp đó là các ông Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, cha Trần Lục; sang thế kỷ 20 là Hàn Mạc Tử mà chúng ta sắp kỷ niệm 100 năm sinh…

Thế nhưng thật ra vẫn có nhiều người viết mà không được biết đến. Trước đây tôi có giúp một nhóm bệnh nhân phong như Hàn Mạc Tử, một số đã họp nhau lại khuyến khích nhau sáng tác, nay chỉ còn một người là Đơn Phương. Anh sáng tác nhiều, mới cho xuất bản một tập truyện thơ về Chúa Giêsu, dài hơn Truyện Kiều, tựa đề “Ngọc đàn thanh” nhưng có lẽ chưa mấy ai biết.

Có nhiều vị khác cao niên hơn như cụ Phạm Đình Khiêm, Đức ông Xuân Ly Băng, và một linh mục gốc Bắc Ninh nay đã chết, chaLê Minh Bình Dương, có lẽ cũng ít người để ý. Cha Nguyễn Xuân Văn ở Tuy Hòa viết trường thiên Sứ Điệp Tình Thương về Chúa Giêsu gần 10 ngàn câu lục bát. Một vị khác ở Thủ Thiêm, cũng viết về Chúa Giêsu, chẳng biết có ai ở đây đã đọc chưa.

Đó là chưa kể có nhiều người đã và đang viết nhưng không có điều kiện xuất bản; có thể nói theo kinh Mân Côi là ngày nay đang giấu cất để mai sau trưng bày. Ví dụ như quyển “Lời Chúa không bị xiềng xích” của cha Bùi Đức Sinh.

Cả cuộc thi hôm nay cũng là một khởi đầu mới cho văn thơ Công giáo VN, ta cần cùng nhau tiếp tay nhau xây dựng, chỉ ngồi than vãn không đi đến đâu.

Về giáo phận Bắc Ninh, thiết tưởng tôi cũng có lỗi. Bắc Ninh là đất thơ văn, hiện ngoài đời thì khá trổi trang nhưng phía Công giáo còn chậm chạp. Điều ấy, xin mọi người cũng thông cảm vì lẽ, năm 1954 những người có học đều đi vào Nam hết chỉ còn lại những người nghèo, số sót của Dân Chúa. Cần phải có thời gian để phục hồi. Trong cuộc thi lần này, Bắc Ninh cũng đã có một sinh viên dự thi nhưng chưa đạt giải. Ở Bắc Ninh cũng có một tác giả viết tiểu thuyết rất hay là Công giáo nhưng chỉ mới viết tiểu thuyết đời.

Hy vọng, qua thời gian, ba cây chụm lại sẽ thành hòn núi cao. Ta cứ bắt đầu từ những câu lạc bộ nho nhỏ, rồi Giáo hội và Dân Chúa cùng làm, dần dần ta sẽ làm được. Như một câu trong sách Nho mà tôi rất tâm đắc: Dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phù nhân. Lấy văn chương quy tụ bạn bè, rồi lấy tình bạn đề cao lòng nhân, phát huy đức ái của Chúa Kitô.

Có thể lắm người vẫn còn bi quan nhưng tôi muốn chia sẻ để tất cả chúng ta thấy vẫn còn nhiều niềm hy vọng.

(TTT ghi lại từ file mp3)

ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN ĐỆ, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN THÁI BÌNH

Cha Võ Tá Khánh và tôi là bạn học. Do đó dù không sở trường về thơ ca, khi được ngài mời, tôi đã thu xếp đi dự để hưởng ứng sáng kiến của ngài và khích lệ các cộng sự viên của ngài. Ở giáo phẩn Thái Bình chúng tôi có một cây bút gạo cội, sáng tác nhiều văn thơ và viết nhiều sách là Đức Cha Phanxicô Nguyễn Văn Sang, lại cũng có một tác giả gốc Thái Bình là nhà thơ Lê Đình Bảng đã thực hiện những công trình sưu tập đồ sộ. Cũng có những tác giả âm thầm khác. Tuy nhiên về phong trào sáng tác cho các bạn trẻ thì chưa có. Sau khi được tham dự buổi sinh hoạt hôm nay, khi về lại giáo phận, tôi sẽ cố gắng xướng xuất phong trào để cổ võ việc sáng tác thơ văn trong giáo phận.

(TTT ghi lại từ file mp3)

ĐỨC CHA GIUSE VŨ VĂN THIÊN, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG

Kính thưa Quý Đức Cha, Quý Cha, Thưa Quý Vị

Trước hết, chúng con xin chào mừng Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị đã đến với Hải Phòng. Mặc dù thời tiết giữa hè nóng bức, nhưng vì lòng yêu mến đối với văn chương - thơ ca công giáo và vì tình cảm thân thương đối với Hải Phòng, Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị đã vượt qua đường xa để đến với chúng con hôm nay.

Thưa Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị

Mặc dù tên gọi của buổi gặp gỡ hôm nay là “Lễ trao giải thưởng cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời”, nhưng với bầu khí thân thiện gần gũi, cuộc gặp gỡ này đúng hơn là một buổi tọa đàm mang tính gia đình Giáo Hội. Chúng ta gặp gỡ nhau để cùng chia sẻ những thao thức, ước mong cho văn thơ công giáo có một chỗ đứng trên diễn đàn văn học Việt Nam. Chia sẻ của Quý Đức Cha và Quý Vị là những trăn trở của hiện tại, đồng thời cũng là những hoài niệm về cội nguồn văn hoá Việt Nam, được ghi dấu bởi sự đóng góp đáng kể của nhiều tác giả công giáo. Nhắc nhớ về một quá khứ tự hào ấy đem lại cho chúng ta nguồn khích lệ, giúp chúng ta tiếp tục cộng tác làm cho ánh sáng đức tin được tỏa rạng qua nghệ thuật, văn chương và thi ca.

Như mỗi người chúng ta đã biết, văn chương, nghệ thuật và thi ca đều nhằm diễn tả cái đẹp, mà Vẻ Đẹp Tuyệt Vời chính là Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu mong cho ngày càng có nhiều tác giả công giáo đóng góp phần mình để diễn tả vẻ đẹp diệu huyền của Thiên Chúa giữa nhân gian.

Xin cám ơn Cha Phê-rô Võ Tá Khánh – Thi sĩ Trăng Thập Tự. Cha Phê-rô đã tâm huyết kêu gọi các tác giả sáng tác. Hai cuộc thi “Sen giữa lầy” và “Nhánh huệ nước Trời” là kết quả tuyệt vời của những sáng kiến quý báu đó. Những cuộc thi này đã giúp chúng ta phát hiện nhiều tài năng đủ mọi thế hệ trong Giáo Hội, tạo nguồn cảm hứng cho những sáng tác có giá trị văn hoá đặc sắc. Sự hưởng ứng đông đảo của các tác giả cho thấy niềm đam mê văn chương thi ca không thiếu trong giới công giáo Việt Nam.

Xin một lần nữa cám ơn Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị. Sự hiện diện của Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị làm cho Hải Phòng thêm yêu thơ hơn và yêu nghệ thuật hơn. Ước mong những thao thức chia sẻ của Ban tổ chức và của các tác giả hôm nay được nhiều người, nhất là những vị hữu trách trong Giáo Hội , lắng nghe và đón nhận.

Nguyện xin Thánh Giuse, bông huệ trinh khiết và Cha của mọi gia đình, luôn cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta là những người đang trải qua những gian nan cuộc sống, biết luôn tin tưởng, phó thác cậy trông nơi Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta. Xin trân trọng cám ơn.

+Gm Vũ Văn Thiên

Giám mục Hải Phòng

CHA GIUSE PHẠM VĂN QUẾ, ĐẠI DIỆN TGM THANH HÓA TẠI BUỔI TRAO GIẢI NHNT Ở HẢI PHÒNG

Nói về đời sống sinh hoạt văn hoá tinh thần của người Việt không thể không nhắc đến thơ ca. Tiếng thơ hoà quyện trong tiếng nhạc, xuất hiện trong mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trong đó có sinh hoạt Công giáo. Ai cũng từng đi qua tuổi thơ, để rồi mỗi ngày lớn lên bên lời ru ầu ơ của bà, của mẹ. Thôi nghe tiếng ru, em bé học vỡ lòng đạo lý làm người bằng ca dao tục ngữ cho đến ngày khôn lớn. Đến tuổi trưởng thành, đôi lứa yêu nhau qua những lời hát giao duyên... Có thể nói, thơ ca xuất hiện trong mọi thời khắc quan trọng của đời người.

Đạo Công Giáo từ khi du nhập vào Việt Nam cũng không phát triển ngoài nhịp sống ấy của dân tộc. Các tín hữu Kitô đã mau mắn đón nhận Tin Mừng rồi chuyển thể thành những câu ca dao, hò, vè, câu đố... nhằm chuyển tải nhanh nhất, nhiều nhất nội dung đức tin và luân lý Kitô Giáo. Trong Dân Chúa, khắp nơi và trong mọi hoàn cảnh khó khăn vẫn có những người âm thầm sáng tác thơ ca để ngợi ca Thiên Chúa.

Không ai có thể phủ nhận được ý nghĩa và tầm quan trọng của văn chương trong cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là trong đời sống hiện nay, khi con người ngày càng nghiêng nhiều hơn về lối sống thực dụng thì văn chương không còn xã hội quan tâm nhiều. Cả văn chương Công giáo, một lãnh vực mục vụ quan trọng, cũng đang bị bỏ ngỏ, nếu không muốn nói là gần như mất hút trong dòng chảy của văn minh tiêu thụ. Đây là điều đáng trăn trở và suy ngẫm.

Người Công giáo chúng ta càng yêu thơ văn hơn, đời sống tâm linh sẽ phong phú và sâu sắc hơn.

Để thực hiện được ý nghĩa “Văn là để chuyển tải Đạo”, xin hãy để sức mạnh Chúa Kitô và ngọn lửa soi sáng của Chúa Thánh Thần hun đúc nơi mỗi chúng ta một tình yêu không chỉ bằng môi miệng mà phát triển lên một tầm cao mới, thành những tác phẩm thi ca làm lay động lòng người.

Mong rằng, trong tương lai sẽ còn nhiều cuộc thi viết được tổ chức để lớp trẻ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống thơ văn Công giáo vốn đã có từ hàng trăm năm nay với nhiều nhà văn, nhà thơ đã được lịch sử ghi nhắc.

UBVH Giáo Phận Thanh hóa

Linh mục Giuse Phạm văn Quế

CHA ĐAMINH TRẦN NGỌC ĐĂNG, ĐẠI DIỆN TGM BÙI CHU TẠI BUỔI TRAO GIẢI NHNT Ở HẢI PHÒNG

Sơ lược về THƠ VĂN CÔNG GIÁO BÙI CHU

Mở: Từ dòng chảy văn thơ truyền thống

Không kể Chủng viện “chui” trên thuyền tại Phố Hiến (1666, khởi đầu với 15 thầy, do Cha Deydier tổ chức), thì Chủng viện Kẻ Bùi (Bùi Chu ngày nay) là Tiểu chủng viện đầu tiên của Địa Phận Đông Đàng Ngoài (1773, do cha Hernandez Tuấn thành lập). Năm 1791, cha chính Delgado Y mở Đại chủng viện đầu tiên tại Lục Thuỷ hạ (Liên Thuỷ, Bùi Chu ngày nay)… Năm 1930, có Đại Chủng viện Miền cho 3 giáo phận tại Khoái Đồng (Nam Định). Năm 1924 có trường Trung học Saint Thomas d’Aquin (khu Khoái Đồng, Nam Định, 3 tầng dài 70 m làm phòng học, cộng với 200 giường và thư viện, thêm ba dãy trệt làm khu ẩm thực và vui chơi). Năm 1951, Bùi Chu có trường trung học đệ nhị cấp (lúc bấy giờ miền Bắc chỉ có 4 trường đệ nhị cấp: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương). Những dữ kiện lịch sử ấy cho thấy Bùi Chu từ rất sớm đã là một chiếc nôi của văn hoá nói chung và văn hoá Nhà Đạo nói riêng.

Như thế, Bùi Chu không chỉ là chiếc nôi của công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam (1533), mà còn là một trong những chiếc nôi của văn hoá Công Giáo nói chung và văn chương, thi ca Công Giáo nói riêng. Bài viết này chỉ xin thoáng qua một vài nét lịch sử về truyền thống đó cũng như xin mạo muội rút ra một vài tiềm năng của dòng chảy thi ca đó trong hiện tại và tương lai.

Một thời vàng son và đáng tự hào của quá khứ

Bùi Chu đã rất sớm quan tâm đến văn hoá. Vài năm sau hiệp ước đình chỉ bách hại đạo (1862), Địa Phận Trung (Bùi Chu, Thái Bình ngày nay) đã thành lập một cơ sở ấn loát tại Phú Nhai, có tên là nhà in Phú Nhai Đường, và đây có thể nói là cơ sở ấn loát đầu tiên tại Đàng Ngoài, trước cả Ninh Phú Đường (Kẻ Sở) và Thiện Bản (Phát Diệm). Cơ sở này đã ấn loát hàng loạt sách đạo bằng chữ Nôm, một ít bằng chữ Nho và sau đó bằng chữ Quốc Ngữ nữa . Sau khi tách đôi giáo phận Bùi Chu và Thái Bình (1936), thì Phú Nhai Đường ngưng hoạt động do các cha Đa Minh chuyển hầu hết tài sản sang Thái Bình. Tuy nhiên, sau đó Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn lại cho mở Nhà in Thánh Gia tại Bùi Chu.

Sau đây là một vài ấn phẩm tiêu biểu liên quan đến văn hoá của Phú Nhai Đường: Hội Đồng Tứ Giáo (Castanenda Gia và Vincente Liêm, 1870), Giống má thiêng liêng (Benito Llobresols, OP, 1871, 15 tập, khổ 13,5 x19cm), Sách Ngắm sự thương khó Chúa Giêsu (1890, 80 trang, 18x15 cm), Lâm mạnh yếu quy (1891, 52 trang, 16x19cm), Sách dạy chữ Quốc ngữ cho trẻ nhỏ và người lớn (1900, 30 trang, 15 cm), Sách ngắm đứng (1910, 47 trang, 18 cm), Tập dụng thần công (thánh Ignatiô, 1914, 125 trang), Bài tập đánh vần La-tinh (Cha tràng Hạnh, 1914, 17 trang, 14 cm), Sử ký Địa phận Trung (Cha chính Trinh Manuel Moreno, 1916, 267 trang, 13x18 cm), Kinh Toàn Niên (1916, 112 trang, 18x15 cm), Ngắm Mười Lăm sự thương khó Chúa Giê-su (44 trang, 18 cm), Sách những kinh hát chầu (156 trang, 18 cm), Sách tháng Văn Côi kính Đức Bà (95 trang, 15 cm) …

Truyền thống văn hoá đó đã được tiếp nối với các sáng kiến như phong trào “Dắt nhau” (1941), Duc in Altum (D.I.A, 1942) tiền thân của Tủ sách Ra Khơi (1960-1970) và Học hội Ra Khơi (1957-1975) sau này, với hàng trăm ấn bản về tôn giáo, triết học, thần học và xã hội, cùng với hàng trăm ngàn cuốn sách giáo khoa phục vụ cho giáo dục.

Về thơ ca Công Giáo thời kỳ này có những tác phẩm đã được in ấn (ngắm, vãn, ca, truyện) và có những tác phẩm truyền khẩu (vè, truyện…). Tiêu biểu nhất là Ngắm sự thương khó, Dâng hạt, Vãn dâng hoa…

Nổi bật nhất có Đức Cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn. Trong loạt sách về văn hoá ta thấy có: “Sách mẹo Latinh” (Grammaire Latine, 472 trang), “Sách mẹo Phalangsa” (Grammaire Francaise, 192 trang – HongKong 1918), “Sách mẹo tiếng Annam” (NXB Trung Hòa, Hà Nội tái bản 1933) được giải thưởng văn học của Tòa Khâm Sứ Đông Dương 1925, “Ấu học Pháp ngữ” (Premières études de la langue Francaise – HK 1916), Số học toán Pháp (Arithmétique complète avec Figures – HK 1919), “Sách cha mẹ dạy con” (Devoirs des parents envers les enfants – HK 1917), “Pháp tự khúc ca” (NXB Qui Nhơn, 1923) , “Hán tự qui giản” (Petite Grammaire Chinoise – HK 1923), “Ngạn ngữ Kinh thư” (HK 1915), “Giáo hội chức sở tu thân” (Qui Nhơn 1924), “Hán tự liệt thường đàm” (NXB Trường An, Huế 1942), “Thường đàm nhựt dụng” (HK 1927), “Truy tầm chân đạo” (Bùi Chu 1937), “Triết nhân tri kỷ” (Phú Nhai 1936), “Tuồng bảy mối tội đầu” (Qui Nhơn 1922), “Lễ nhạc Hội thánh” (Bùi Chu 1936), “Văn chương thi phú An nam” (Littérature et Prosodie Annamite – HK 1923 và 1933), “Thận chung truy viễn” (Bùi Chu 1937), “Thư chung về thủy hỏa đạo tặc”, “Thư luân lưu” (700 trang viết tay).

Ngoài ra, Ngài còn tham gia viết bài trên các báo: Nam Kỳ địa phận, Vì Chúa, Sacerdos Indonensis, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí; lập nhà in Thánh Gia, nhà sách Đa Minh, chủ biên tạp chí Đa Minh bán nguyệt san, Thời Mới… Yêu văn hoá, ngài còn sáng tác thơ ca giáo lý, như “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, “Tu thân huấn đức”, “Ca dao về Mẹ”, “Bài ca nghĩa binh Thánh Thể” chẳng hạn.

Trong hàng trăm ấn phẩm của Tủ sách Ra Khơi, chúng ta tìm thấy rất ít tác phẩm thơ, vì các tác giả đi sâu vào nghiên cứu hơn là nghệ thuật.

Hiện tình về thơ văn Công Giáo tại Bùi Chu

Sau biến cố 1954, việc sáng tác thơ ca tại Bùi Chu (Miền Bắc) bị chững lại. Ngay cả các sách vở tài liệu cũng bị đốt cháy hoặc tiêu tán, tản mát đi.

Hiện nay việc sáng tác thơ ca vẫn còn sôi nổi, nhưng chủ yếu có tính ngẫu hứng, hoặc “theo đơn đặt hàng”. Các sáng tác đó lưu truyền trong dân gian, nhưng ít được phổ biến hoặc giới thiệu tới người khác, do không được in ấn. Vì thế, chúng ta chỉ thử kể ra đây một vài tác giả đã có tác phẩm đã được xuất bản.

1- Gm. Giuse Hoàng Văn Tiệm

Ngài có một số bài thơ được đăng tải trong các ấn phẩm của Giáo phận, nhất là hàng trăm ca khúc đượm chất thơ của tập ca khúc: “Thánh Ca Tuyệt Vời”.

2- Lm. Phaolô Nguyễn Hoà Kiên (bút danh Hát Ca [HK])

Như con ong thợ, góp nhặt và sáng tác “những ý thơ giản dị nhằm khuyên răn giáo dục thế hệ trẻ sống gương mẫu hơn, tốt đẹp hơn với cuộc đời này” , ngài đã cho chào đời một số ấn phẩm: Thơ tuyển tập (2005), Cách sống, tập 1-5 (2010), Tổng tập thơ Cách sống (Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội 2011)… Ngoài ra còn có một số sách có tính biên soạn và khảo cứu, như Toát yếu 120 bài giảng (Gm Giuse Phạm Năng Tĩnh, 2011), Lịch sử những ngày lịch sử (Nxb. Tôn Giáo 2010). Lễ Thăng Thiên 2011, ngài đã thành lập CLB “Chữ Tâm” quy tụ 15 thành viên.

3- Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng (bút hiệu Hương Kinh)

Đóng góp trong tập “Kinh Trong Sương” các bài thơ: Linh Thi, Mẹ Bảy Sự - Mẹ Sầu Bi, Chiều Emmaus, Ơn gọi tình yêu, Thánh Giá, Hương Kinh Trà Lũ, Lời kinh của mẹ.

Tập thơ “Hương Kinh Trà Lũ” đăng trên Dũng Lạc. Ngoài ra cũng cộng tác và đăng một số bài thơ trên Mạng Lưới Dũng Lạc, VietCatholic và một vài trang mạng khác.

4- Nt. Maria Madalena Nguyễn Ánh Hường (bút hiệu Nguyên Hương)

Sáng tác nhiều thơ và rất có sở trường về thơ văn. Các tập thơ đã xuất bản dưới dạng lưu hành nội bộ: Nước mắt yêu thương (2001), Màu tím mùa Chay (2001), Nước mắt nguyện cầu (2003, sau đổi tựa thành Hoa châu rơi), Tình lộng gió (2003), Mẹ yêu (2005). Giải ba cuộc thi “Viết Về Mẹ” do Chương trình Chuyên đề của BMV GĐ/TGP SG tổ chức với bài thơ “Mùa Nả”. Cộng tác viên các trang web như Đồng Xanh Thơ, Thánh Ca Việt Nam, Dũng Lạc, Chương trình Chuyên đề của BMV GD / TGP SG.

Kết: Tiềm năng và triển vọng

Như thế, xét về thơ ca và văn hoá Nhà Đạo, Bùi Chu có một quá khứ đáng tự hào và kiêu hãnh, một hiện tại đầy thao thức và trăn trở, một tương lai có nhiều lo âu nhưng cũng tràn trề hy vọng.

Còn có nhiều tác giả sáng tác thơ cách âm thầm, còn những tài năng chưa được “khai quật”, vì các tài năng đó còn đang ẩn mình, còn đang chưa có cơ hội để thể hiện mình, để toả sáng trên làng thơ hiện đại, nhất là các tài năng trẻ… Một số cây bút tiềm năng rất hy vọng, như các linh mục Bùi Trọng Khẩn (bút hiệu Trọng Khẩn), Nguyễn Văn Chân (bút hiệu Minh Chiết), Bùi Trung Thực (bút hiệu Bùi Ninh), Mai Văn Châu; các giáo hữu như Đinh Năng, Mai Năm, Minh Dung, Hữu Lợi, Tiến Lãm…

Ước mong rằng trong tương lai có thể tái lập Tủ sách Ra Khơi, thiết lập CLB Thơ Văn Công Giáo, tổ chức các giải thưởng chủ đề để thu hút mọi giới về thi ca và dùng thi ca mà “văn dĩ tải đạo”, ngõ hầu có thể làm sống lại phong trào thơ văn Công Giáo tại chính nơi vốn là chiếc nôi lớn của công cuộc loan báo Tin Mừng qua con đường “tơ lụa” văn hoá này.

Bùi Chu 18/7/2011

Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng
 
Mục Vụ Văn Thơ Công Giáo- 5: Những Chia Sẻ Của Ban Tổ Chức Giải Nhánh Huệ Nước Trời
LM. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
09:15 01/08/2011
Mục Vụ Văn Thơ Công Giáo- 5: Những Chia Sẻ Của Ban Tổ Chức Giải Nhánh Huệ Nước Trời

Đây là nội dung thứ năm trong 5 nội dung đã được thông báo về mục vụ văn thơ Công giáo:

I. Bản tin sự kiện: Lễ trao giải Nhánh Huệ Nước Trời tại ba Giáo tỉnh

II. Những chia sẻ của các Chủ Chăn

III. Những chia sẻ của các Câu Lạc Bộ

IV. Những chia sẻ của các tác giả

V. Những chia sẻ của Ban Tổ Chức

Sau khi phát hành nội dung thứ nhất, có ý kiến xin thêm một nội dung thứ sáu: Những chia sẻ của độc giả. Đây là một ý kiến rất hay. Ước mong quý độc giả và cả các vị tác giả chưa phát biểu trong dịp trao giải Nhánh Huệ Nước Trời tham gia đóng góp suy tư và sáng kiến cho mục vụ văn thơ Công giáo Việt Nam. Xin vui lòng gởi bài về gopnhattho@yahoo.com trước ngày 05-8-2011 để có thể kịp biên tập và phát hành vào ngày Lễ Chúa Biến Hình, 06-8-2011. Xin ghi rõ quý vị thuộc giáo phận nào. Xin chân thành cám ơn.

Nội dung thứ năm quý độc giả đang theo dõi gồm những phát biểu của Ban Tổ Chức Giải Nhánh Huệ Nước Trời trong các buổi trao giải tại ba Giáo tỉnh.

Cuối tệp tin này, có thêm nguyên văn lời phát biểu của Đức Cha F. X. Nguyễn Văn Hồng, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo Phận Huế (bản ghi theo mp3 đã đăng ở tài liệu số 2).

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

1. BUỔI TRAO GIẢI TẠI SAIGON

TƯỞNG NIỆM

LM ANRÊ TRẦN CAO TƯỜNG

BÀI PHÁT BIỂU

CỦA BAN TỔ CHỨC

CUỘC THI NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI

TRONG BUỔI TRAO GIẢI

DÀNH CHO CÁC TÁC GIẢ

THUỘC GIÁO TỈNH SÀI GÒN

TẠI TÒA HỘI TRƯỜNG AN PHONG DCCT

30-6-2011

Cuộc Thi Nhánh Huệ Nước Trời nhằm Tôn Vinh Thánh Cả Giuse và cổ võ Đức Khiết Tịnh, được hai trang mạng liên kết tổ chức là Mạng Lưới Dũng Lạc và Hướng Về Đại Hội Dân Chúa. Khi cuộc thi tiến hành được 3 tháng, thì Cha Giám Đốc MLDL là Anrê Trần Cao Tường đã ngã bệnh nặng và được Chúa gọi về.

Linh mục Anrê Trần Cao Tường sinh ngày 15 tháng 8 năm 1946 tại Phát Diệm, Ninh Bình

Ngày 1 tháng 9 năm 1959 cùng gia đình vào Nam. Năm 1964, nhập Tiểu Chủng Viện Phát Diệm- Phú Nhuận.

Tháng 10 năm 1967, Cha du học 6 năm tại Trường Truyền Giáo Roma, Italy.

Năm 1973 Cha tốt nghiệp và trở lại Việt Nam, chịu Chức Phó Tế và giúp xứ tại Phú Quốc.

Ngày 6 tháng 4 năm 1975, Cha Anrê Trần Cao Tường Thụ Phong Linh Mục qua việc đặt tay và xức dầu truyền chức của Đức Cố Giám Mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ tại Nhà Thờ Kim Hòa, Địa Phận Long Xuyên.

Tháng 9 năm 1975 Cha Tường cùng với 11 gia đình Việt Nam đầu tiên đến New Orleans. Cộng Đồng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được thành lập, và cũng chính từ nơi này, năm 1983 Giáo Xứ Việt Nam đầu tiên của Hoa Kỳ được thành lập dưới sự điều hành của Cha Sở là Đức Cha Dominic Mai Thanh Lương.

Cha đã có công bảo lưu và phát triển văn hóa, văn học Công Giáo Việt. Cha là một nhà văn đóng góp nhiều tác phẩm giá trị và là người đã sáng lập nên mạng lưới DungLac.org đa diện, phong phú.

Ngày 13 tháng 10 năm 2010, Cha lâm cơn bệnh hiểm nghèo: nhiễm trùng mạch máu tim.

Vào lúc 11 giờ 56 sáng Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua, 21 tháng 11 năm 2010, Linh Mục Anrê Trần Cao Tường đã được Chúa gọi về hưởng Thiên Nhan Ngài. Hưởng thọ 64 tuổi. (Theo Lm. Nghĩa tử FX. Bùi Quyết)

Chúng tôi kính mời Quý vị cùng chúng tôi dành một phút tưởng niệm và cầu nguyện cho linh hồn cố Linh Mục Anrê.

………..

Kính thưa quí vị,

Cuộc Thi Nhánh Huệ Nước Trời là một phần khá quan trọng của sinh hoạt của Mạng Lưới Dũng Lạc (MLDL). Vì thế, tôi xin trình bày đôi nét về sinh hoạt MLDL, và con đường dẫn đến những cuộc thi.

Nhờ các nhà truyền giáo, người Việt Nam đã có thể dùng chữ Quốc Ngữ thay cho chữ Hán và chữ Nôm. Chăc chắn không ai chối cãi được rằng, mục đích ban đầu và chính yếu của chữ Quốc ngữ khi được thành lập là để chuyển tải Lời Chúa đến cho mọi người.

Tiếp nối công trình các vị thừa sai, cách đây 6 năm, trên mạng lưới điện toán toàn cầu, xuất hiện một trang mới: mangluoidunglac.net, dunglac.net, rồi dunglac.org… Đây là sáng kiến độc đáo của Cha Anrê Trần Cao Tường, một người đầy tâm huyết với việc xiển dương văn học Việt Nam, nói chung và Văn Học Công Giáo VN nói riêng. Đây là một nỗ lực mới nhằm Rao Giảng Tin Mừng bằng Việt Ngữ, băng Văn Học VN, và bằng Hội Nhập Văn Hóa VN

Trong một thời gian ngắn, MLDL đã tập hợp được một lực lượng cộng tác viên đáng kể với đủ mọi thành phần dân Chúa, những người chuyên nghiên các vấn đề thần học, tâm linh tôn giáo, văn hóa biên khảo, văn học nghệ thuật … đã làm trang mạng khởi sắc độc đáo càng ngày càng thu hút được nhiều độc giả Việt Nam trong và ngoài nước, giáo cũng như lương.

Cha Anrê Trần Cao Tường, Giám Đốc Mạng Lưới Dũng Lạc, đã ưu ái hình thành rất sớm hai chuyên mục về Thơ Văn Công Giáo là

Đồng Xanh Thơ, anh Cao Huy Hoàng phụ trách,

Vườn Ô Liu, anh Lê Hồng Bảo phụ trách,

với mục đích tập hợp các cây bút, những cây bút công giáo đang tản mác khắp nơi, hoặc đang ẩn mình âm thầm làm men trong bột, làm muối giữa đời, hoặc đang lạc loài không biết sẻ chia những chứng từ trong cuộc sống đức tin của mình hay muốn trình bày một hành trình gieo vãi trên ruộng đời, cho ai, ở đâu.

Sau hơn 5 năm cố gắng, hai chuyên trang ấy đã qui tụ được một số đáng kể những cây viết công giáo trong và ngoài nước, với những tác phẩm giá trị. Trong đó, có hơn 100 tác giả vẫn thường xuyên cộng tác với chuyên trang Đồng Xanh Thơ Dũng lạc, qua 59 số đã giới thiệu bạn đọc, với chuyên trang Vườn Ô Liu qua 24 số.

Từ những trang thơ đầu tiên của MLDL, nay đã có một số tác giả khẳng định được con đường ca tụng Thiên Chúa qua Thi Ca. Có thể điển hình như hai anh em khiếm thị, anh Cù Mè và cô Vũ Thủy. Những bài thơ của 2 tác giả khiếm thị nầy đã được Nhạc sĩ Phạm Trung (Canada) ưu ái phổ nhạc và thực hiện 10 ca khúc phổ thơ trong CD “Cô gái mù bên ly càphê trắng”, và gửi đến quí vị như một quà tặng trong ngày lễ trao giải nầy. CD này được thực hiện với ước mơ chia sẻ nỗi đau của những người khuyết tật, và mong nhận được sự hỗ trợ tinh thần vật chất cho những mái ấm.

…..

Và hơn thế nữa, qua hai kỳ họp mặt các nhà thơ, nhà văn công giáo tại Phan Thiết cùng ngày 20-1 lần 1 năm 2008 và lần 2, năm 2010, hai chuyên trang Đồng Xanh Thơ và Vườn Ô Liu cũng đã thành lập được những câu lạc bộ (CLB) những người sáng tác thơ văn công giáo với mục đích nâng đỡ và cố xúy việc viết thơ văn công giáo nhiều hơn đối với thành phần trẻ, sinh viên học sinh, trong giai đoạn việt ngữ đang hồi báo động mai một.

CLB Thơ Văn Tâm Nguyện, Hải Phòng, thuộc Giáo tỉnh Hà Nội.

CLB Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn, cha Trăng Thập Tự linh hướng, đang làm công tác sưu tập và phát hành Thơ Văn Công Giáo.

CLB Chút Tâm Tình Đà Nẵng, Cha Phê-rô Trần Đức Cường linh hướng, sinh hoạt tâm linh và văn học mỗi tối thứ sáu đầu tháng. Bài vở đăng đàn trên trang mạng “5 phút Lời Chúa”.

CLB Đồng Xanh Thơ SG, Cha Phạm Quốc Văn linh hướng, đã đăng đàn Dũng Lạc được 12 số, rồi gián đoạn. Ước mong sẽ tiếp tục.

CLB Đồng Xanh Thơ Nha Trang, Cha Mai Tích linh hướng, đã đăng đàn Dũng Lạc được 3 số, và sẽ tiếp tục số 4 trong tháng tới.

Song song với việc thành lập các câu lạc bộ, việc tổ chức các cuộc thi nhằm tạo nên một cơ hội để các tác giả có sức phấn khích viết nên những tác phẩm mới, đồng thời, là cơ hội để Ban Tổ Chức tìm gặp những nhân tố mới, nhân tố trẻ trung cho thế hệ kế thừa. Vì thế, sau cuộc thi Sen Giữa Lầy thành công, Ban Tổ Chức đã sốt sắng thực hiện ngay cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời. Nhìn lại cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời, có thể thấy được những điểm son:

+ Điểm son thứ nhất của cuộc thi Nhánh Huệ Nước phải kể đến là cuộc thi đã được Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch UB Văn Hóa, Trực thuộc HĐGM VN chuẩn thuận, ký giới thiệu, ký chứng nhận đạt giải.

+ Điểm son thứ hai của cuộc thi là chủ hướng “Cổ Võ Đức Khiết Tịnh” của trang mạng Hướng Về Đại Hội Dân Chúa và Cha Lê Quang Uy, đã được các tác giả suy tư phong phú và sâu sắc, góp phần sẻ chia một linh đạo về Đức trinh khiết theo gương Mẹ Maria trong Sen Giữa Lầy, và theo gương Thánh cả Giuse trong Nhánh Huệ Nước Trời.

+ Điểm son thứ ba của cuộc thi là đã thu hút sự ưu ái quan tâm đặc biệt của nhiều Giám Mục Việt Nam, của các chủng viện, linh mục tu sĩ, cộng đồng dân Chúa trong và ngoài nước, và đón nhận được sự hổ trợ tinh thần, vật chất lớn lao từ nhiều ân nhân.

+ Điểm son thứ tư của cuộc thi là sự hỗ trợ nhiệt tình của Cha Phạm Tuệ, Tân Giám Đốc MLDL, sự làm việc hiệp nhất của anh em Ban Tổ Chức, và sự đóng góp nhiều công sức quý báu của một Ban Giám Khảo làm việc đầy tính trách nhiệm từ sơ khảo đến chung khảo.

+ Và điểm son cuối cùng của cuộc thi là cuộc thi đã được những kết quả nhất định:

- Một số tác phẩm văn học có nội dung và hình thức khá xứng đáng với ý nguyện Tôn Vinh Thánh Cả Giu-se và Cổ võ Đức Khiết Tịnh, đã được Ban Tổ Chức tuyển chọn in thành tập sách “Thánh Cả Giuse, Nhánh Huệ Nước Trời” và phát hành ngay hôm nay.

- Một số tác giả mới xuất hiện trong cuộc thi, để Ban Tổ Chức có thể tuyển chọn ghi danh vào danh sách những cây bút Công giáo Việt Nam.

- Một số CLB được hình thành sau cuộc thi, như:

CLB Đồng Xanh Thơ Xuân Lộc, đã hội tụ được một số thành viên đáng kể, được Lm Tạ Duy Tuyền nhận giúp linh hướng, và theo ước mong của anh xem Xuân Lộc, thì hôm nay, 30-6, xin công bố thành lập nhóm thơ văn công giáo Xuân Lộc với tên gọi: Đồng Xanh Thơ Xuân Lộc.

Để chính thức đi vào sinh hoạt, xin đề cử Nhà Thơ Mic. Cao Danh Viện làm chủ nhiệm cho đến khi có cuộc họp bầu Ban Chủ Nhiệm mới.

Một sinh hoạt đáng kể nữa là Đồng Xanh Thơ đã thử nghiệm trang Thi Ca Cầu Nguyện, dùng thơ văn của các tác giả Đồng Xanh Thơ, Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật. Nay đã thực hiện được 19 tuần, 19 số với sự tham gia góp bài của khoảng 20 tác giả gồm có cả linh mục, nữ tu và giáo dân. Thi Ca Cầu Nguyện được phát hành hằng tuần vào mỗi thứ bảy, gởi đến 11.000 địa chỉ mail trong và ngoài nước, và được đăng tải trên dunglac.org và tamlinhvaodoi.net hằng tuần. Sinh hoạt nầy đã được Đức Cha Giuse Chủ Tịch UBVH-HĐGMVN, Đức Ông XLB, đồng thuận và khích lệ. Và cũng theo nguyện vọng của quí tác giả, hôm nay chúng tôi chính thức giới thiệu CLB Thi Ca Cầu Nguyện với Cha linh Hướng là Lm. Phaolô Hoàng Kim Tốt và biên tập là anh Mặc Trầm Cung.

Và những Câu Lạc Bộ Thơ Văn Công Giáo khác đang chuẩn bị hình thành, trong đó có CLB Đồng Xanh ThơPhan Thiết, đã được Lm. Giuse Nguyễn Hữu An nhận làm Linh Hướng.

Hy vọng rằng những thành quả của cuộc thi và những nỗ lực của chúng ta hôm nay, đã là hoa trái của những cố gắng mà Cha Trần Cao Tường đã gieo vãi trên Mạng Lưới Dũng Lạc.

Thêm vào đó, cũng từ kết quả của cuộc thi, một số sinh hoạt văn học Ban Tổ Chức đã có thể nhắm tới:

-Chuyên trang Đồng Xanh Thơ và Vườn Ô Liu dự kiến sẽ in một tuyển tập nhân giỗ đầu của Cha Anrê Trần Cao Tường, tháng 11-2011.

- Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh HMT 22-9-2012 Chuyên trang Đồng Xanh Thơ và CLB Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn phối hợp chuẩn bị phát hành bộ sưu tập giới thiệu 100 nhà thơ công giáo sau HMT

-Phối hợp và cổ võ các CLB tổ chức các cuộc thi viết, các trại sáng tác trong phạm vi nhỏ để có thể tìm được những tác giả mới, những tác giả kế thừa.

Chúng tôi xin tri ân tất cả quí vị, quí ân nhân, quí trang mạng công giáo, đã hy sinh lớn lao vào công cuộc xiển dương văn hóa, văn học Công Giáo Việt Nam, qua cuộc thi và qua những sinh hoạt của mạng lưới Dũng lạc.

Để kết thúc, chúng tôi xin chuyển đến quí vị tâm tình của Đức Ông Xuân Ly Băng, và của Đức Cha Giu-se Vũ Duy Thống, Chủ Tịch UB VH trực thuộc HĐGM VN:

Được mời tham dự buổi lễ trao giải, Đức Ông Nhà Thơ Xuân Ly Băng từ chối vì lý do già yếu. Ngài nhờ chúng tôi chuyển mấy lời sau đây:

- Hết lòng khen ngợi Ban Tổ Chức cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời đã đổ bao tâm sức cho công trình văn học Công Giáo được phát triển về hai mặt: Đức Tin và Văn Học.

- Chúc mừng tất cả các tác giả dự giải và đạt giải

- Ước mong các tác giả đã dự giải, và nhất là các tác giả đạt giải sẽ sống trọn điều mình đã suy niệm, đã viết, tạo nên một phong trào thánh hóa cuộc sống đức tin trong đời sống văn hóa nghệ thuật, làm chứng cho Chân Thiện Mỹ của Nước Thiên Chúa.

Và với Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, chủ tịch UB VH trực thuộc HĐGMVN,

Khi tôi trình Đức Cha Giuse ký giấy chứng nhận đạt giải, và mời Đức Cha tham dự buổi trao giải hôm nay, Đức Cha rất vui mừng. Ngài cho biết vì bận lễ Phong Chức LM, không thể đến dự được, nhưng xin gửi đến Buổi Trao Giải mấy lời khích lệ sau đây:

“- Cảm ơn và hoan nghênh tất cả quí tác giả đã tham gia dự thi

- Chúc mừng quí tác giả đạt giải

- Cảm ơn Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo, quí ân nhân, và tất cả những ai đã góp phần mình vào cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời.

- Ước mong và luôn khích lệ lớn lao cho những cuộc thi Thơ Văn Công Giáo sắp tới.

- Đề nghị Ban Tổ Chức Nhánh Huệ Nước Trời tiếp tục tổ chức cuộc thi Thơ Văn Công Giáo mở rộng cho mọi thành phần tham gia nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nhà Thơ Công Giáo Hàn Mạc Tử 22-9-2012.

- Xin Chúa chúc lành và xin Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, các thánh Tử Đạo Việt Nam phù trợ cho mọi nỗ lực văn hóa, văn học công giáo của anh chị em”.

Xin trân trọng kính chào quí vị.

Tm. Ban Tổ Chức

PM. Cao Huy Hoàng

Sài gòn ngày 30-6-2011

2. BUỔI TRAO GIẢI TẠI HUẾ

LỜI CHÀO MỪNG CỦA ĐẠI DIỆN BAN TỔ CHỨC

Trọng kính Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế,

Trọng kính Đức Cha Phanxicô,

Quý Cha, quý Thầy, quý Chị,

Cùng quý bạn thơ, bạn văn và bạn nhạc thân mến,

Anh em nhóm tổ chức giải Nhánh Huệ Nước Trời hết sức vui mừng được Đức Tổng Stêphanô ưu ái cho phép và chúc lành, được Đức Cha Phụ tá TGP Huế, cha Giám đốc TTMV và cha Trưởng ban Thánh nhạc của TGP đã nhiệt tình tạo những điều kiện thuận lợi nhất để đại biểu giới cầm bút của cả 6 giáo phận thuộc giáo tỉnh Huế có thể gặp nhau ngày hôm nay và hơn nữa được triển khai lễ trao giải cho các tác giả thuộc giáo tỉnh Huế trong bầu khí trọng thể, đầy hiệp thông và hứa hẹn, với sự tham dự của đông đảo anh chị em ca trưởng từ khắp Tổng giáo phận về đây.

Quả là một ơn lành lớn lao Thiên Chúa ban xuống để an ủi giới cầm bút Công giáo nói chung và những người làm tông đồ cho lãnh vực văn thơ nói riêng. Hai mươi năm qua, đã có một nỗ lực âm thầm tìm liên kết các anh chị em giới cầm bút Công giáo để nâng đỡ lẫn nhau, giúp nhau phát huy và chia sẻ đoàn sủng ngôn sứ cho người khác. Đã lắm lúc chúng con tưởng phải nản lòng bỏ cuộc thế nhưng mấy năm gần đây chân trời hy vọng mỗi lúc một sáng sủa. Nhờ mạng internet, sự liên kết các tác giả trong nước và hải ngoại càng lúc càng rộng rãi. Phương tiện internet không những giúp thông tin mà còn giúp định hướng và đào tạo. Từ chỗ quy tụ trên mạng, đến chỗ gặp gỡ tay bắt mặt mừng, dần dần anh chị em cầm bút tại một số giáo phận đã liên kết thành những Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn, hữu hiệu, và được Đấng Bản Quyền khích lệ.

Buổi trao giải cho các tác giả thuộc giáo tỉnh Huế hôm nay là một xác nhận cụ thể về sự nâng đỡ ấy và cũng là một cơ hội quý báu để chúng con đệ đạt lên Đức Tổng Giám Mục và Quý Đức Cha trong Giáo tỉnh một nguyện vọng nhỏ: Ước mong Đức Tổng và Quý Đức Cha cho tổ chức một giải văn thơ cho các bạn trẻ trong Giáo tỉnh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Hàn Mạc Tử, ngày 22-9-2012 tới đây. Chúng con đệ đạt nguyện vọng này, không riêng cho Giáo tỉnh Huế mà cho cả ba Giáo tỉnh.

Một giải văn thơ chính thức ở cấp Giáo tỉnh sẽ là một sức bật đẩy mạnh mục vụ văn hóa ở tất cả các giáo phận trong Giáo tỉnh. Như thế, việc tưởng niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Công giáo tiền phong sẽ không chỉ là một cử hành mang tính tình cảm, biểu lộ sự trân trọng quý mến, nhưng còn là một động lực để nhiều người trong Dân Chúa noi gương tiếp bước nhà thơ, đáp lại và phát huy một đoàn sủng hết sức hữu ích cho sứ vụ Hội Thánh hiện nay.

Thiết tưởng, dịp kỷ niệm này là một cơ hội ân sủng cho văn học Công giáo Việt Nam. Để nổi rõ điểm này hơn, con xin giới thiệu anh Tađêô Nguyễn Thanh Xuân, chủ nhiệm câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn trình bày một dự án khác hiện đang tiến hành.

Linh mục Trăng Thập Tự

100 NĂM NGÀY SINH HÀN MẠC TỬ

100 NHÀ THƠ CÔNG GIÁO MỚ

BÀI PHÁT BIỂU

CỦA ANH NGUYỄN THANH XUÂN,

TRONG BAN TỔ CHỨC

CUỘC THI NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI

TRONG BUỔI TRAO GIẢI

DÀNH CHO CÁC TÁC GIẢ

THUỘC GIÁO TỈNH HUẾ

TẠI TRUNG TÂM MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

15-7-2011

Kính thưa Quý Đức Cha, Quý Cha và tất cả Anh Chị Em,

Kết thúc cuộc thi viết Nhánh Huệ Nước Trời, Ban Tổ Chức nhận ra rằng cuộc thi có duyên nợ với Hàn Mạc Tử, nhà thơ tài hoa của văn học Việt Nam nói chung và của giới Công giáo nói riêng. Cuộc thi khởi đầu năm 2010, trùng với kỷ niệm 70 năm Hàn Mạc Tử qua đời, 11/11/2010, và kết thúc năm 2011 khi chúng ta chuẩn bị mừng 100 năm sinh nhật của anh, 22/9/2012.

Chúng con muốn đề cập tới Hàn Mạc Tử trong buổi trao giải dành cho các tác giả thuộc giáo tỉnh miền Trung này vì anh vốn gắn liền với miền Trung. Anh sinh tại Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình ngày 22/9/1912. Năm 12 tuổi, học tiểu học tại Quảng Ngãi, 14 tuổi học tại Qui Nhơn, 16 tuổi học tại Huế - rồi 18 tuổi làm công chức tại Qui Nhơn và sau một thời gian làm báo ở Sài Gòn, khi biết mình mắc bạo bệnh, anh quay về Qui Nhơn tìm phương chữa trị. Cuối cùng, anh từ giã cõi đời tại bệnh viện phong Qui Hòa, Qui Nhơn, ngày 11/11/1940.

Trong năm 2000, giới Công giáo Việt Nam đã có một số sinh hoạt kỷ niệm 70 năm anh qua đời. Hai cụ Phạm Đình Khiêm và Võ Long Tê cho xuất bản quyển Như Hương Trầm Bay Lên, công bố một tài liệu nhiều chục năm qua vẫn ở trong vòng thầm lặng. Tài liệu cho thấy nhà thơ trẻ tuổi này là một Kitô hữu rất thánh thiện. Cùng lúc với tập tài liệu ấy về sự thánh thiện của Hàn Mạc Tử, linh mục Trăng Thập Tự viết một tập mỏng, Hàn Mạc Tử - người Kitô hữu trẻ trên đường vào nội tâm, dựa vào giáo thuyết dòng Cát Minh để trình bày bước nhảy vọt trên hành trình tâm linh của Hàn Mạc Tử, trả lời cho câu hỏi bí ẩn: tại sao trước khi biết mình mắc bệnh phong, Hàn Mạc Tử làm thơ hay và sau khi biết, anh lại làm thơ cực hay? Tại sao trước đó hầu như anh chỉ làm thơ đời mà sau đó anh lại làm thơ đạo là chính.

Bài viết đã được tác giả chia sẻ trong ngày sinh hoạt tưởng niệm 70 năm Hàn Mạc Tử, tại khu điều trị phong Qui Hòa. Đây là một ngày sinh hoạt đặc biệt, từ sáng tới chiều ngày 06/11/2010, quy tụ gần 130 người, chủ yếu là sinh viên Công giáo, buổi sáng nghe thuyết trình, thảo luận, dâng lễ; buổi chiều dành cho thơ nhạc Hàn Mạc Tử và viếng mộ nhà thơ tại Ghềnh Ráng.

Việc tưởng niệm Hàn Mạc Tử còn được thực hiện tại Xã Đoài chính ngày 11/11/2010 với những bài nói chuyện của Linh mục Trăng Thập Tự dành cho cộng đồng linh mục, cho các chủng sinh và cho các nữ tu dòng Mến Thánh Giá. Sau đó một tuần, có thánh lễ cầu nguyện và đêm thơ Hàn Mạc Tử tại hội trường An Phong DCCT Sài Gòn.

Nối dài những tưởng niệm ấy, Ban Tổ chức cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời muốn nhân cơ hội này công bố một cố gắng đang được thực hiện hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử. Đó là bộ sưu tập mang tên “100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử - 100 nhà thơ Công giáo mới”. Như lời Chúa Kitô, từ một hạt giống mục nát đã nẩy nở hàng trăm. Công việc sẽ do chuyên san Đồng Xanh Thơ của Mạng Lưới Dũng Lạc và CLB Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn hợp tác thực hiện.

Trong dịp trao giải Nhánh Huệ Nước Trời tại Sài Gòn, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa HĐGMVN, đã ngỏ ý mong Ban Tổ chức cuộc thi chúng con tiến hành tổ chức một cuộc thi viết kỷ niệm 100 năm Hàn Mạc Tử. Thế nhưng vì phải dành nội lực cho việc thực hiện bộ sưu tập, thay vì tự mình tổ chức, chúng con sẽ đạo đạt nguyện vọng lên Hàng Giáo Phẩm xin tổ chức giải thưởng ấy ở quy mô các Giáo tỉnh, mỗi Giáo tỉnh có một Ban Tổ chức riêng. Như thế sẽ dễ bề thúc đẩy hoạt động của các CLB văn thơ các giáo phận.

Bộ sưu tập sẽ gồm 4 quyển. Quyển đầu dành 2/3 số trang cho Hàn Mạc Tử và 1/3 còn lại cho mười tác giả khác. Ba quyển sau, mỗi quyển giới thiệu 30 tác giả. Mỗi tác giả sẽ có từ 5 đến 15 bài thơ, ảnh chân dung, tiểu sử và bài cảm nghiệm đức tin. Ban sưu tập không làm công việc bình thơ. Thay vào đó, mỗi tác giả sẽ tự chia sẻ về cảm nghiệm đức tin của mình, để giúp độc giả dễ cảm nhận thông điệp Kitô giáo của tác giả.

Cho đến nay, chúng con đã chọn được tác phẩm và thu thập các thông tin cá nhân nói trên của 30 tác giả. 40 tác giả khác đã được chọn bài xong và đang thu thập thông tin cần thiết.

Chắc hẳn chìm ẩn trong lòng các giáo xứ và các dòng tu còn có nhiều nhà thơ đáng chú ý. Chúng con ước mong được quý Ban mục vụ Văn hóa các giáo phận cũng như các Dòng tu tiếp tay giúp cho công cuộc sưu tập sớm hoàn thành. Với sự giúp đỡ của nhiều người, chúng con hy vọng sẽ có được tác phẩm của trên 130 tác giả. Chúng con sẽ chọn 100 tác giả đầu tiên có đủ thông tin cá nhân để giới thiệu trong dịp này. Chúng con cũng ước mong có thể dành ưu tiên cho 10 tác giả dưới 28 tuổi, tuổi của Hàn Mạc Tử. Ước mong quý vị hữu trách nhiệt tình cổ võ giúp chúng con để bộ sưu tập sớm hoàn thành và phong phú giá trị.

Huế, ngày 15-7-2011

Tm Ban Tổ Chức

Tađêô Nguyễn Thanh Xuân

Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn

LỜI CẢM TẠ

Trọng kính quý Đức Cha, Quý Cha và tất cả Anh Chị Em,

Kết thúc lễ trao giải là lúc để chúng con chân thành thốt lên tâm tình biết ơn Thiên Chúa và Hội Thánh. Chúng con biết ơn Đức Tổng mặc dù sức khỏe không cho phép vẫn ưu ái hiện diện với chúng con suốt buổi trao giải. Chúng con biết ơn Đức Cha Phụ tá đã yêu thương nâng đỡ chúng con, biết ơn Cha Giám đốc TTMV và cha Trưởng Ban Thánh Nhạc Tổng giáo phận Huế/ cùng các cộng sự viên của hai cha/ đã nhiệt tình và vất vả hy sinh/ để tổ chức cuộc lễ cho chúng con. Chúng con xin chân thành cám ơn Cha Tổng Đại Diện, quý Cha và quý khách đã bỏ thời giờ đến hiệp thông với chúng con. Xin cám ơn quý đại diện các giáo phận, các tác giả đạt giải cũng như các tác giả khác, đã vượt đường xa đến tham dự buổi gặp gỡ và lễ trao giải.

Với tư cách trưởng đoàn giáo phận Qui Nhơn, con còn phải có một lời cám ơn riêng trước tình thương mà Đức Tổng, Đức Cha Phụ tá, cha Giám đốc TTMV và cha Trưởng ban Thánh nhạc dành cho cá mầm non văn thơ của giáo phận chúng con.

Để tỏ lòng biết ơn, tất cả anh chị em bạn thơ và bạn văn chúng con, lớn cũng như nhỏ, nguyện hứa sống tinh thần Hội Thánh mà hai cuộc thi Sen Giữa Lầy và Nhánh Huệ Nước Trời gợi hứng cho chúng con.

Hai cuộc thi đều bắt đầu từ việc xướng họa thơ Đường. việc xướng họa dạy ta một cách sống rất đẹp trong Hội Thánh và cho Hội Thánh. Với Đức Kitô là Đầu, chúng ta sống tâm tình phu xướng phụ tùy. Còn giữa mọi anh chị em trong Hội Thánh, chúng ta sống cái tương kính của việc xướng họa. Không “thách họa” để chơi nhau chí tử như nhiều trường hợp ở đời nhưng “mời họa” với tấm lòng ưu ái và trân trọng, vừa tôn trọng cái khác biệt vừa phát huy nét độc sáng, tạo nên cảnh vừa hài hòa vừa phong phú. Luật khắc lục không cho phép ta lười lĩnh dẫm chân lên nhau nhưng phải không ngừng sáng tạo.

Đi xa hơn kinh nghiệm xướng họa, diễn tiến cuộc thi cũng gợi hứng về tinh thần Hội Thánh. Chúng con không thực hiện sáng kiến mình cách riêng lẻ nhưng đã đặt nó dưới sự chuẩn thuận của vị Giám mục có trách nhiệm và xin sự hỗ trợ của nhiều Giám mục khác. Diễn tiến ấy dạy chúng con bài học tìm kiếm sự hài hòa giữa đoàn sủng và cơ cấu, phát huy sáng kiến của mình nhưng luôn bước đi trong sự hiệp thông và vâng phục các Chủ chăn và trong niềm đồng cảm mạnh mẽ với Hội Thánh.

Với tinh thần ấy, một lần nữa, chúng con chân thành cảm tạ và xin kính mời tất cả chúng ta cùng kết thúc buổi lễ trao giải này với lời kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô.

Linh mục Trăng Thập Tự

3. BUỔI TRAO GIẢI TẠI HẢI PHÒNG

VÀI KINH NGHIỆM KHẢ THI VỀ

MỤC VỤ VĂN THƠ CÔNG GIÁO

BÀI PHÁT BIỂU

CỦA BAN TỔ CHỨC

CUỘC THI NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI

TRONG BUỔI TRAO GIẢI

DÀNH CHO CÁC TÁC GIẢ

THUỘC GIÁO TỈNH HÀ NỘI

TẠI TÒA GIÁM MỤC HẢI PHÒNG

19-7-2011

Con xin được kính chào Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Nữ tu và tất cả Anh Chị Em,

Anh em Ban Tổ Chức giải Nhánh Huệ Nước Trời hết sức vui mừng khi được Đức Cha Giuse cho phép và, hơn nữa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để có thể tổ chức buổi trao giải dành cho các tác giả Giáo tỉnh Hà Nội tại Tòa Giám Mục Hải Phòng này. Chúng con nghĩ tới Hải Phòng chứ không phải nơi khác, vì ở đây đã có một câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo, Câu lạc bộ Tâm Nguyện Hải Phòng, mà chúng con đã được quen biết từ vài năm qua.

Kính thưa Quý Đức Cha, Quý Cha và tất cả Anh Chị Em,

Năm 2000 có một cuộc gặp gỡ khoảng 10 người giới cầm bút Công giáo tại nhà cụ Phạm Đình Khiêm ở Sài Gòn. Năm 2006, một cuộc gặp gỡ khác đông hơn, cũng tại Sài Gòn, ở hoa viên Hiệp Nhất, giữa những người quan tâm tới thơ văn Công giáo Việt Nam. Ghi nhận chung của cả hai lần ấy là sự thiếu vắng trầm trọng những người cầm bút Công giáo có thực lực, cách riêng nơi lớp trẻ, cả ở hàng ngũ giáo dân lẫn linh mục và tu sĩ.

Giới Công giáo đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ nhưng tới nay, trên diễn đàn văn học mới, chúng ta chỉ có sự đóng góp duy nhất của một người là nhà thơ Hàn Mạc Tử. Sự vắng mặt này thật đáng lo ngại cho tương lai việc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam. Những công cuộc vận động đổi mới về chính trị, xã hội và văn hóa xưa nay từ Tây sang Đông, sở dĩ thành công, đều nhờ đã có những tác giả nêu cao được một lý tưởng có sức thuyết phục dân chúng. Mức độ thấm nhuần của một giáo thuyết nơi một dân tộc cũng được đo lường qua những tác phẩm văn học nghệ thuật nó gợi hứng cho dân tộc ấy.

Như thế, nếu không sớm có một nỗ lực rộng lớn để khắc phục sự thiếu vắng người cầm bút, e rằng Đạo Chúa tại Việt Nam khó ăn sâu vào lòng dân tộc và khó tiếp nối được đà phát triển của những thế kỷ mới bắt đầu truyền giáo.

Cùng lúc với những bận tâm của anh em trong nước, năm 2005 tại Mỹ, cha Anrê Dũng Lạc Trần Cao Tường (1946-2010) đã có sáng kiến quy tụ các tác giả Công giáo trên một trang mạng truyền thông có tên là: MẠNG LƯỚI DŨNG LẠC. Công việc của ngài rất có kết quả. Năm 2006, khi ngài về thăm Việt Nam, một vài anh em chúng con đã đề nghị ngài dành vài góc trên mạng cho các tác giả Công giáo trẻ. Từ đó đã có một chuyên san về thơ, mang tên Đồng Xanh Thơ, và một chuyên san về văn, tên là Vườn Ôliu. Nhờ đó, chúng con đã có được hai cuộc gặp gỡ các tác giả tại Tòa Giám Mục Phan Thiết, ngày 20-1-2008 và 20-1-2010. Hai cuộc gặp gỡ này đã đưa ra định hướng tổ chức các cuộc thi viết và vận động xây dựng các câu lạc bộ sáng tác từ cấp giáo xứ đến giáo phận để các tác giả giúp nhau nâng cao tay nghề và cùng nhau chăm sóc cho những mầm non văn chương trong giáo phận hoặc giáo xứ.

Hai cuộc thi Sen Giữa Lầy (2010) và Nhánh Huệ Nước Trời (2011) cùng với chương trình Chương trình Góp nhặt thơ đã giúp chúng con bắt liên lạc được với một số tác giả giáo tỉnh Ha Nội, đưa đến cuộc gặp gỡ hôm nay.

Về việc xây dựng các Câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo, đã lần lượt đã đời các Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn, Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn, Đồng Xanh Thơ Nha Trang, Chút Tâm Tình Đà Nẵng rồi Đồng Xanh Thơ Xuân Lộc, và trong tháng qua vừa mới có thêm Câu lạc bộ Thi Ca Cầu Nguyện… Câu lạc bộ Xuân Lộc khởi đầu với ba thành viên giáo dân, đều ở những giáo xứ miền quê, thế nhưng đã tổ chức được một cuộc thi cho các em Juniores của Legio Mariae. Câu lạc bộ Qui Nhơn đã tổ chức được hai cuộc thi mang tên “Giải văn thơ linh mục Đặng Đức Tuấn” dành cho các em học sinh giáo lý, một vào năm 2010 và một vào năm nay, 2011.

Các cuộc thi ở Qui Nhơn cũng như hai cuộc thi Sen Giữa Lầy và Nhánh Huệ Nước Trời do một vài linh mục xướng xuất, dù sao vẫn có sự thuận lợi và dễ được hỗ trợ. Còn cuộc thi của Câu lạc bộ Xuân Lộc là sáng kiến của một nhóm nhỏ giáo dân nông thôn. Họ biết rõ khả năng mình hạn hẹp, tuổi tác đang cao dần, nhưng không thể ngồi yên trước nhu cầu khẩn cấp phải gây ý thức cho lớp con cháu trau dồi tiếng Việt. Họ đủ nhiệt tình và sự tận tụy để tổ chức cuộc thi nhưng thiếu một chỗ dựa, chưa kể là thiếu tiền bạc. May thay, có một linh mục đồng cảm đã nhận làm linh hướng đỡ đầu để cuộc thi có đủ thế giá. Tiếp đó, họ đã vận động xin từng quyển sách làm phần thưởng cho các em. Cuộc thi đã đạt một kết quả đáng khích lệ không ngờ.

Những cuộc thi văn thơ cho học sinh giáo lý là một phương tiện tốt để gieo trồng và đào tạo ơn gọi. Cả những em không theo ơn gọi sống đời thánh hiến cũng dễ trở thành những tín hữu nhiệt thành và giàu khả năng cho Nước Chúa.

Nhiệt tình của những người tổ chức các cuộc thi nhỏ là tín hiệu ứa lệ cho thấy khoảng trống về việc đào tạo nhân sự cho Hội Thánh tại Việt Nam thật đáng sợ. Chúng ta đang dùng những kinh phí khổng lồ cho việc xây dựng các cơ sở vật chất, còn việc đào tạo nhân sự đang có nguy cơ bị bỏ quên. Chỉ cần can đảm trích 2% số tiền xây nhà cửa để dùng vào việc đào tạo giáo dân, tương lai của Hội Thánh Việt Nam sẽ sáng sủa hơn.

Nỗ lực của những người tổ chức các cuộc thi nhỏ rất đáng suy nghĩ. Nếu mỗi giáo xứ, giáo hạt, giáo phận và cả giáo tỉnh chính thức đứng ra lo việc cổ võ học tiếng Việt, từ những cuộc thi viết, những hội thi đọc sách, mở thư quán tại giáo xứ, mở đại lý sách Công giáo tại các giáo hạt, đến việc thi đua làm nội san bằng vi tính, xây dựng Câu lạc bộ sáng tác tới tận các họ đạo hẻo lánh… chắc hẳn chúng ta sẽ có rất nhiều ơn gọi được chuẩn bị tốt để cung ứng cho cánh đồng truyền giáo năm châu. Thật vậy, việc quan tâm rèn luyện tiếng Việt – từ chỉnh sửa nét chữ, viết chính tả đúng, dùng từ đúng, đặt câu đúng, sắp đặt ý tưởng mạch lạc – sẽ giúp định hướng và đào tạo nền móng cho việc xây dựng nhân cách và các đức tính nhân bản.

Do hậu quả của văn hóa nghe nhìn và các tiện nghi dễ dãi, việc nói tiếng mẹ đẻ không chuẩn, viết sai chính tả, đặt câu sai, diễn ý mơ hồ và lạc đề,… là tình trạng chung của cả nước, thậm chí của nhiều nước. Trong các lãnh vực xã hội, việc suy thoái văn hóa đọc và văn hóa viết không ngăn cản đà tiến của khoa học và kinh tế, mọi sự được thay thế bằng ngôn ngữ tin học… Thế nhưng đối với người Kitô hữu, sự suy thoái ngôn ngữ hết sức đáng ngại, bởi lẽ chúng ta chịu trách nhiệm về Lời mạc khải của Thiên Chúa. Các con cái Thiên Chúa, từ linh mục đến giáo dân, cần phải được trang bị khả năng hiểu đúng, nói đúng và viết đúng tiếng mẹ đẻ - rồi thêm một bước nữa, nói hay và viết hay… thì mới có thể hoàn thành chức năng ngôn sứ mà hai bí tích Rửa tội và Thêm sức đã trao tặng.

Qua những năm làm tông đồ trong lãnh vực này, chúng con thấy có bốn kinh nghiệm khả thi:

- Kinh nghiệm thứ nhất là quy tụ và đào tạo bằng Internet. Chúng ta hiện thiếu vắng những trường ốc có bài bản để đào tạo nhân sự về văn học nghệ thuật. Internet quả là một lợi khí để bù lấp sự thiếu vắng ấy. Sáu năm qua, công việc của chúng con chỉ là một công việc có tính văn nghệ, do sáng kiến của một vài linh mục và giáo dân, mà đã thu hoạch một số kết quả đáng kể. Nếu một công việc như thế được chính Hàng Giáo Phẩm chủ trương, định hướng và ủy nhiệm nhân sự điều hành, chúng ta có thể nghĩ tới một chương trình đào tạo có hệ thống…

- Kinh nghiệm thứ hai là sự quy tụ thành các câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo. Sự gặp gỡ giữa những anh chị em cùng chí hướng giúp người cầm bút vững tin, không còn thấy lẻ loi; họ có thể trao đổi với nhau kinh nghiệm sáng tác, sự hiểu biết, kinh nghiệm cầu nguyện, nỗi thao thức Nước Trời để giúp nhau trở thành những ngôn sứ, biết nói và dám nói theo quan điểm của Chúa Kitô và Hội Thánh Ngài. Các câu lạc bộ cũng có thể tùy khả năng mà đóng góp chuyên môn của mình cho việc chăm sóc các mầm non văn chương ở cấp giáo xứ, giáo hạt và giáo phận. Câu lạc bộ cũng giúp vun trồng tinh thần Hội Thánh, mở lòng lo cho Hội Thánh; thay vì loay hoay tự hào chăm chút mảnh vườn riêng nho nhỏ, đắc ý với những khen tặng của khách thăm vườn, họ sẽ quên mình để dấn thân lo cho cánh đồng của Chúa.

- Kinh nghiệm thứ ba là các cuộc thi. Cho đến nay, ngoài hai cuộc thi dành cho học sinh giáo lý tại Qui Nhơn được ban mục vụ Văn hóa của Giáo phận chính thức tổ chức, tất cả những cuộc thi khác – trong đó có hai cuộc thi giàu kết quả của Chương trình Chuyên đề tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn, đều là do sáng kiến riêng của một số người tâm huyết. Một mặt sự kiện ấy nêu lên nguyện vọng sớm có những cuộc thi do các Bề Trên cấp cao trong Giáo Hội khởi xướng, và mặt khác, đang khi chờ đợi những cuộc thi chính thức từ các ban ngành cấp toàn quốc, giáo tỉnh hoặc giáo phận, sự kiện ấy cũng động viên các Câu lạc bộ mạnh dạn tổ chức những cuộc thi trong phạm vi của mình. Cụ thể là những cuộc thi nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử. Thiết tưởng đây sẽ là một cơ hội tốt để các Câu lạc bộ cùng giáo tỉnh liên kết với nhau và liên kết với các vị phụ trách mục vụ văn hóa trong khu vực để đẩy mạnh việc chăm sóc các mầm non văn chương của mình.

- Kinh nghiệm thứ tư là nguồn sinh lực phát xuất từ sự quan tâm. Những năm 1990, bắt đầu dấn thân làm tông đồ trong lãnh vực này, chúng con tìm đến tận nhà những anh chị em có năng khiếu thì đa số đã ném bút để cầm cuốc cầm cày. Thế rồi sự quan tâm của một linh mục đã lại đánh thức họ dậy. Khi tiến hành tổ chức cuộc thi, những giáo dân Câu lạc bộ Xuân Lộc cũng muốn gởi đến các cháu có khiếu văn chương lời nhắn nhủ rằng các cháu đang được ai đó quan tâm. Bởi lẽ kinh nghiệm bản thân đã cho họ thấy chỉ một chút quan tâm bé nhỏ nào đó từ phía Giáo Hội đã là một nguồn động viên lớn thúc đẩy họ rèn luyện ngòi bút phục vụ Thiên Chúa.

Qua cuộc thi viết lần thứ nhất, Sen Giữa Lầy, cả Ban Tổ Chức và các tác giả dự thi đều thấy ấm lòng vì những tín hiệu quan tâm của các Mục tử cấp cao. Với cuộc thi lần thứ hai, Nhánh Huệ Nước Trời, sự quan tâm ấy càng nổi rõ. Đức Cha Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa HĐGMVN đã xem cuộc thi như một sinh hoạt trực thuộc Ủy Ban. Đức Cha Micae Giám mục Giáo phận Kontum đã giúp chúng con rất nhiều về kinh phí. Đức Cha Vinh Sơn Giám mục giáo phận Ban Mê Thuột đã bỏ giờ đọc bài và lượng giá chung khảo. Đức Cha Matthêô Giám mục phó Giáo phận Quy Nhơn đã viết bài giới thiệu cho Tuyển tập của cuộc thi. Đức Tổng Giám Mục Stêphanô và Đức Cha Phanxicô Phụ tá của Ngài đã giúp chúng con có điều kiện tổ chức trao giảo tại Huế. Chính hôm nay, Đức Cha Giuse của Giáo phận Hải Phòng này/ đang là chỗ dựa cho chúng con tổ chức việc trao giải dành cho các tác giả thuộc giáo tỉnh Hà Nội, đồng thời sự hiện diện của Đức Tổng Phêrô và quý Đức Cha… Tất cả đã và đang nói lên sự quan tâm ưu ái. Bên cạnh đó còn có một sự quan tâm âm thầm nhưng hữu hiệu: Quý Cha Giám đốc và Giám học của các Đại chủng viện Nha Trang, Huế và Hà Nội đã cho phép và khuyến khích anh em chủng sinh tham gia cuộc thi, nhờ đó, giờ đây tại cả hai giáo tỉnh Huế và Hà Nội đã nổi rõ lên một số khuôn mặt những linh mục tương lai nhiệt tình với mục vụ văn học nghệ thuật…

Chúng con xin chân thành cảm tạ và ước mong những quan tâm ưu ái như thế sẽ ngày càng tăng tốc thật nhanh để lỗ hổng khủng khiếp nói trên sớm được lấp đầy.

Chúng con xin hết lời.

Tm Ban Tổ Chức

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

LỜI CÁM ƠN

Trọng kính Quý Đức Cha, Quý Cha và tất cả Anh Chị Em,

Kết thúc lễ trao giải là lúc để chúng con chân thành thốt lên tâm tình biết ơn Thiên Chúa và Hội Thánh.

Chúng con xin ngợi khen và cảm tạ tình thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Từng bước trong hành trình cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời lần này cũng như cuộc thi Sen Giữa Lầy lần trước, chúng con như sờ đụng được ơn an ủi, dạy dỗ và nâng đỡ của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha nhân lành đã gởi đến để chúng con học hành động vì Chúa Kitô với lòng yêu mến. Chúng con xin cảm tạ Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Trong âm thầm lặng lẽ, Đức Trinh Nữ và Đấng Che Chở giữ gìn đức khiết tịnh đã nhắc bảo, dìu dắt và phù trợ để cả hai cuộc thi Sen Giữa Lầy và Nhánh Huệ Nước Trời không những về văn chương nghệ thuật nhưng nhất là về mục vụ văn hóa.

Xin chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa vì những ơn lành đã ban trên cuộc gặp gỡ sáng nay.

Chúng con xin chân thành cám ơn quý Đức Cha, quý Cha và quý khách đã bỏ thời giờ đến hiệp thông với chúng con. Mặc dù chúng con gửi thư mời khá muộn màng, quý Đức Cha, quý Cha và quý vị vẫn sẵn lòng gác bỏ công việc để đến tham dự. Cả những Đức Cha không đến được cũng đã bày tỏ niềm đồng cảm, sự động viên và gửi các Cha đại diện đến tham dự. Sự hiện diện tích cực và năng động của quý Đức Cha và quý Cha đại diện quả là một sự khẳng định đầy hứa hẹn cho tương lai của văn học nghệ thuật Công giáo Việt Nam.

Cách riêng chúng con chân thành cảm tạ Đức Cha Giuse đã thương đón nhận chúng con, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để chúng con có được buổi trao giải và gặp gỡ dành cho các tác giả giáo tỉnh Hà Nội. Đức Cha đã tận tình chia sẻ và gợi cho chúng con những ý tưởng chính xác rất quý báu cho việc tổ chức, hơn nữa, giờ đây Đức Cha còn giúp chúng đúc kết buổi thảo luận trao đổi và cho chúng con những định hướng tốt lành.

Chúng con xin cám ơn cha Quản Lý giáo phận và anh chị CLB Tâm Nguyện Hải Phòng đã nhiệt tình giúp đỡ trong những việc tổ chức cụ thể.

Xin cám ơn các tác giả đạt giải cũng như các tác giả khác, đã vượt đường xa đến tham dự buổi gặp gỡ và lễ trao giải.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý vị giám khảo, quý ân nhân đã giúp đỡ tinh thần và vật chất, tiền bạc cũng như phương tiện truyền thông. Xin cám ơn các tác giả đã gởi bài dự thi, các tác giả đã viết bài, làm thơ, dệt nhạc và họa tranh ủng hộ cuộc thi. Chúng tôi cũng không quên cám ơn quý độc giả đã, đang và sẽ hưởng ứng thông điệp của cả hai cuộc thi: tôn vinh Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse đồng thời noi gương các ngài trên đường khiết tịnh cũng như các nhân đức khác.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho cộng đồng Dân Chúa Việt Nam tại quê nhà cũng như hải ngoại để chúng ta tích cực làm chứng cho Chúa Kitô và các giá trị Tin Mừng trong thời buổi đầy thách đố này.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban đầy ân sủng và bình an cho mỗi người chúng ta để tất cả cùng góp phần xây dựng hữu hiệu cho một nền văn minh của tình thương và sự sống.

Trong tâm tình biết ơn và quyết tâm sống Tin Mừng, và để kết thúc buổi lễ trao giải cũng như kết thúc cuộc thi, xin kính mời quý Đức Cha, quý Cha và tất cả anh chị em cùng nguyện kinh Thánh Cả Giuse và dâng lên Thiên Chúa lời kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô.

Linh mục Trăng Thập Tự

NGUYÊN VĂN LỜI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC CHA F. X. LÊ VĂN HỒNG, GIÁM MỤC PHỤ TÁ TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

Trong tài liệu: MỤC VỤ VĂN THƠ CÔNG GIÁO 2: NHỮNG CHIA SẺ CỦA CÁC CHỦ CHĂN – chúng con đã đăng lời phát biểu của Đức Cha F. X. Lê Văn Hồng, được ghi lại từ file mp3. Trong file mp3 thiếu mất câu đầu tiên, và có một vài chỗ âm thanh bị nhiễu, không được rõ. Nay chúng con đã xin được chính bản văn của Đức Cha, chúng con đã thay lại nội dung này vào tài liệu số 2 lưu trên Vietcatholic, đồng thời xin đăng lại ở đây để độc giả tiện tham khảo. Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha.

Lm Trăng Thập Tự

Trọng kính Đức Tổng Giám Mục Têphanô.

Kính thưa quý cha trong BTC

Kính thưa quý đại biểu đến từ các giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế

Kính thưa quý Ban giảng huấn của lớp huấn luyện ca trưởng

Kính thưa quý tác giả đạt giải thưởng hôm nay

Tòa Tổng Giám Mục Huế hân hoan chào đón và cám ơn tất cả quý vị về với Trung tâm mục vụ Huế để tổ chức lễ trao giải " Nhành Huệ Nước Trời", nhằm tôn vinh Thánh Cả Giuse và cổ võ đời sống khiết tịnh.

Xin cám ơn Ban tổ chức đã có những thao thức trăn trở cho việc phát triển văn học công giáo, và công việc sáng tác văn thơ mang đậm dấu ấn Tin Mừng và niềm tin kitô giáo.

Xin cám ơn các tác giả đã hăng hái tham gia cuộc thi để phát triển văn học công giáo của chúng ta.

Như chúng ta biết, từ ngày Tin Mừng được rao giảng trên đất Việt Nam, gần 400 năm nay (1615), hồn thơ của các thi sĩ công giáo đã tìm gặp thêm một nguồn cảm hứng mới không bao giờ khô cạn cho nền văn thơ và những bài viết chuyển tải Tin Mừng và niềm tin Kitô giáo.

Gần đây nhà thơ Lê Đình Bảng đã có công gom góp và hình thành bộ sách "Ở Thượng Nguồn Thơ Ca Công Giáo Việt Nam". Qua pho sách nầy, chúng ta ngỡ ngàng khi thấy rằng có rất nhiều người công giáo đã biết khai thác và múc kín cảm hứng thi ca qua Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Có thể nói Tin Mừng đã thấm đượm văn thơ, câu hò, tiếng hát và văn học mang dấu ấn Tin Mừng, có khả năng chuyển tải đến tâm hồn con người niềm tin kitô giáo.

Tuy nhiên đã có một thời giai dài, vì hoàn cảnh chiến tranh , vì thời cuộc chính trị phong trào sáng tác của các nghệ sĩ công giáo xem ra đã im hơi lặng tiếng hoặc chưa được cổ võ đúng mức. Hy vọng rằng những cuộc thi văn thơ như thế này sẽ là một điểm nhấn và là một khích lệ lớn lao cho phong trào sáng tác thơ văn Công giáo trong tương lai.

Xin chúc mừng các tác giả dự thi và nhất là các tác giả đoạt giải hôm nay.

Xin cầu chúc cho phong trào sáng tác văn thơ Công giáo phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Xin cám ơn Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo, và tất cả quý vị đã tích cực góp phần cho cuộc thi " Nhành Huệ Nước Trời" hôm nay. Mong rằng trong tương lai sẽ còn những tổ chức khác tương tự để giúp cho những tài năng trẻ có cơ hội phát triển.

Riêng về nguyện vọng mà nhà thơ Trăng Thập Tự đã nêu lên về những giải thưởng cấp Giáo tỉnh để kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, tôi hy vọng rằng UBVH /HĐGMVN và các ĐGM sẽ lưu tâm một cách nào đó để đáp ứng nguyện vọng nầy.

Xin Thiên Chúa và Mẹ La Vang chúc lành cho những nổ lực phát triển văn học công giáo Việt Nam. Xin chân thành cám ơn.

+ FX Lê Văn Hồng

Giám Mục Phụ Tá Huế
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Công Viên Mù Sương
Nguyễn Ngọc Liên
21:59 01/08/2011
CÔNG VIÊN MÙ SƯƠNG
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Anh trở lại công viên ngày tháng cũ.
Tượng đá gầy còn đó đứng ngẩn ngơ;
Cội thông già nay vắng bóng ai chờ.
Bờ liễu rũ tương tư buồn cúi mặt;
(Trích thơ của Bạch Loan)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền