Ngày 01-07-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:33 01/07/2011
VIỆC KHẨN CẤP
N2T

Có một công văn cần gởi gấp đến huyện phủ, do đó mà giao cho lịnh sứ phi mã đưa đi gấp, nhưng lịnh sứ lại không biết cưỡi ngựa nên dắt ngựa đi. Có người hỏi anh ta:
- “Đây là việc khẩn cấp tại sao anh không cưỡi ngựa ?”
Lịnh sứ trả lời:
- “Tôi nghĩ sáu cái chân cùng đi thì nhanh hơn bốn chân !”

Suy tư:
Có những việc mà có nhiều người cùng làm thì làm rất nhanh, chẳng hạn như xây dựng công trình, nếu chỉ một vài người thôi thì công trình không nhanh được, đó là nhờ sự đồng nhịp, gọi nôm na là đoàn kết; có những việc mà không cần nhiều người làm, như việc lãnh đạo, bởi vì trong cộng đoàn nếu có nhiều người lãnh đạo thì loạn xà ngầu, không nhất quán, gọi nôm na là chia rẻ.
Giáo Hội Công Giáo có một đặc tính quan trọng nhất đó là sự duy nhất: duy nhất trong hiệp thông, duy nhất trong giáo lý, duy nhất trong phụng vụ, duy nhất trong đức tin, bởi vì họ chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một Phép Rửa, bởi vì họ ăn cùng một tấm Bánh và uống cùng một Chén thánh (Mình Máu Thánh Chúa Giê-su)…
Con ngựa có bốn chân, là khối duy nhất, nghĩa là đoàn kết nên chạy rất nhanh; nhưng nếu con ngựa cộng thêm với con người cùng đi hai chân là sáu chân thì lại đi rất chậm, vì là hai khối, là chia rẻ.
Ai hiểu thì hiểu…
-------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 14 TN A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:34 01/07/2011
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 11, 25-30
“Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”.


Anh chị em thân mến,
Ở đời ai cũng có những gánh nặng và nhẹ phải gánh trên vai của mình, những gánh nặng và nhẹ ấy chúng ta –những người Kitô hữu- gọi là thánh giá. Chúa Giê-su trong bài tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài, hãy đem tất cả những gánh nặng ấy trao vào tay Ngài, xin Ngài thánh hóa và ban ơn cho chúng ta.

Có gánh nặng là có hiến tế, hiến tế này không phải là hoa quả đầu mùa của Abel, cũng không phải là chiên non của các tổ phụ, nhưng là hiến tế chính mình như Chúa Giê-su đã hiến tế làm của lễ chuộc tội nhân loại.

Phần đông nhân loại, khi thấy gánh nặng mà mình phải mang phải vác, thì đem gánh nặng này vứt trong ly rượu ly bia, để rồi gánh nặng càng nặng hơn; có người đem gánh nặng của mình bỏ vào những cuộc vui đen đỏ đến tan gia bại sản, để rồi gánh nặng chỉ như tảng đá kia lại trở thành sức nặng của hòn núi đè trên lưng mình...

Thế nhưng người Ki-tô hữu thì lại khác, họ biết làm cho gánh nặng của mình nhẹ hơn khi họ thấm nhuần lời dạy của Chúa Giê-su: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” . (Mt 11, 28).

Gánh nặng của cha mẹ là khi con cái không nghe lời răn dạy của mình, đem gánh nặng này dâng cho Thiên Chúa với tất cả niêm tin; gánh nặng của vợ là khi chồng vô công rỗi việc thì nhậu nhẹt say sưa, đem gánh nặng này dâng cho Thiên Chúa với tất cả lòng mến và biết ơn; gánh nặng của chồng là khi vợ không biết lo cho gia đình con cái, đem gánh nặng này dâng lên Thiên Chúa với tất cả tâm tình của người con hiếu thảo.
Và còn biết bao nhiêu là gánh nặng trong cuộc đời của mỗi người, mà chỉ có người Ki-tô hữu mới biết làm cho gánh nặng này trở nên nhẹ nhàng khi dâng lên cho Thiên Chúa mà thôi.

Anh chị em thân mến,
Không phải Chúa Giê-su bốc đồng khi nói lên lời mời gọi những ai khó nhọc và gánh nặng hãy đến với Ngài, nhưng câu này được thốt ra từ miệng Ngài sau khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” .(Mt 11, 25-26) Lời cầu nguyện này của Chúa Giê-su là một lời tôn vinh chúc tụng, vì những điều mà Cha đã thực hiện –qua Chúa Giê-su- để cứu chuộc nhân loại.

Chúng ta cứ an tâm tin tưởng và phó thác gánh nặng của mình trong cuộc sống cho Thiên Chúa, để vui vẻ làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình trong đời sống thường ngày, đó chính là đức tin của người Ki-tô hữu vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Bài học thiết thực từ Thầu Giêsu
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
07:42 01/07/2011
Chúa Nhật 14 Thường Niên

Trong những năm gần đây, một trong những vấn đề được xã hội cũng như Giáo hội quan tâm nhiều đó là vấn đề giáo dục. Và điều khiến cho nhiều người bức xúc nhất đó là chương trình dạy và học quá tải. Càng cải cách thì chương trình càng nặng. Số môn học và lượng bài tập, bài học cứ thế mỗi năm mỗi tăng. Chiếc cặp học sinh càng ngày càng to càng nặng, có khi nặng hơn cả trọng lượng của các em. Hậu quả là cả thầy và trò, cả người học lẫn người dạy đều phải vật vả thương đau.

Trong cuộc họp báo đầu tiên của Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc, Chu Tế, phóng viên nhí Lý Gia Hy, 12 tuổi, của kênh thiếu nhi Đài CCTV, đã chất vấn ông Bộ trưởng của mình : "Cháu được biết ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng trong việc giảm nhẹ cặp sách đến trường cho học sinh, nhưng tại sao đến nay cặp của chúng cháu vẫn còn rất nặng ? Câu hỏi thứ hai là các bạn đều nói không đủ thời gian để ngủ, bác bộ trưởng có cách nào để chúng cháu được ngủ nhiều hơn không ?". Một câu cật vấn nhẹ nhàng, nhưng làm cho người nghe nhói lòng! Trong một lá thư gởi Chúa Hài đồng nhân dịp Giáng sinh, một em học lớp 4 đã than thở với Chúa Hài Đồng : “Con ước mong sao chương trình học ở trường nhẹ hơn, dễ hơi để con có thời gian học Giáo Lý và sinh hoạt Phong trào Thiếu Nhi”. Là những người có trách nhiệm, khi đọc lá thư, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Quả đúng như vậy, vì đa phần các em phải học sáng học chiều. Chưa đủ các em còn phải tranh thủ học đêm; học chính khoá, học phụ đạo, học thêm, học bồi dưỡng, học nâng cao…. Cả thời gian nghỉ hè cũng bị bớt trước xén sau. Tệ hại hơn nữa là nhiều em Thiếu nhi Công giáo bỏ cả việc học giáo lý, bỏ cả lễ ngày Chúa Nhật để đi học thêm cho kịp chương trình ở trường. Tất cả chỉ vì chương trình học ở trường quá nặng, quá ôm đồm.

Tuy nhiên, có một trường mà ở đó chương trình học rất nhẹ nhàng, rất thoải mái, trường đó mang tên là Trường Dạy Đức Tin. Vị Thầy Số Một làm hiệu trưởng ngôi trường đó là Thầy Giêsu. Ai học ở trường này chẳng phải đóng một khoản học phí hay lệ phí nào hết. Vả lại những bài học mà Thầy Giêsu đưa ra lại rất thiết thực và sống động, chứ không nặng tính lý thuyết, và từ chương như ở các trường học khác. Cụ thể hôm nay một trong những bài học rất dễ thuộc mà Chúa Giêsu dạy các môn sinh của Ngài đó là bài học hiền lành và khiêm nhường : “Hãy học với Ta, vì TA hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Một bài học hoàn toàn không mang tính lý thuyết tí nào. Vì chính Chúa Giêsu đã sống, đã thực hành một cách trọn hảo trước khi Ngài dạy chúng ta.

Thật vậy, trong suốt cuộc đời của mình, từ khi nhập thể làm người cho đến khi chết thân treo thập giá, Chúa Giêsu đã nêu gương hiền lành khiêm nhường sâu thẳm. Thánh Phaolô đã tóm tắt gương sống này trong một đoạn thư ngắn gọn : “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 7-8).

Như thế lòng hiền lành khiêm nhường của Chúa Giêsu, Đấng đã “không nỡ lòng bẻ gãy cây sậy bị dập và dập tắt tim đèn còn khói”, đã trở thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Bởi vì nếu Chúa Giêsu chỉ là một vị Thiên Chúa muôn đời muốn cao sang thì Ngài khó có thể biết cảm thông với những đau khổ của phận người. Ngài đã tự hạ để nâng con người tội lỗi lên địa vị làm con cái Thiên Chúa và được thừa hưởng phần gia nghiệp Nước trời mai sau.

Người ta vẫn thường nói : “Thầy nào trò ấy”. Là người học trò, người môn đệ của Thầy Giêsu, chúng ta đã nên giống Thầy mình chút nào chưa ? Nếu Vị Thầy của chúng ta là Đấng hiền lành khiêm nhường, thì chúng ta, người môn sinh của Ngài, phải trở nên thế nào, hiền lành hay dữ tợn; khiêm nhường hay kiêu căng tự mãn ? Bài học đã có sẵn, nhưng chúng ta đã đem ra thực hành chưa ? Và thực hành như thế nào ?
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:37 01/07/2011
N2T

16. Đừng nói chết là có ngày tháng, nhưng khi con không chuẩn bị thì nó đến.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:38 01/07/2011
LỄ NHANH
Ngài làm lễ rất nhanh, nhanh như xe chạy trên đường cao tốc hơn một trăm cây số giờ, chỉ có khoảng mười lăm phút là xong một thánh lễ, gồm cả giảng sau Phúc Âm.
Giáo dân nói cha bận đi bán chợ trời.
-------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC giải thích: ‘L'Osservatore Romano, một nhật báo của ý tưởng và huấn luyện’
Phạm Kim An
08:00 01/07/2011
ĐTC giải thích: ‘L'Osservatore Romano, một nhật báo của ý tưởng và huấn luyện’

’Nhật báo của ĐTC’ mừng 150 năm ngày thành lập

ROMA – ĐTC Biển Đức XVI đã gọi tờ L'Osservatore Romano là một nhật báo ‘rất đặc biệt’, vì ngoài thông tin, nhật báo này còn tự giới thiệu như một ‘nhật báo của các ý tưởng’ và ‘một cơ quan huấn luyện’.

Nhân kỷ niệm 150 năm ngày thành lập ‘nhật báo của ĐTC’, ngày 1-7-1861, ĐTC Biển Đức XVI đã gửi một thông điệp tới tổng biên tập nhật báo, Giovanni Maria Vian.

Trong thông điệp dài đề ngày 24-6, ĐTC Biển Đức XVI đã đưa ra vài suy nghĩ về lịch sử và vai trò của tờ báo này, mà từ một thế kỷ rưỡi qua, "đã làm cho người ta biết đến Huấn Quyền của các ĐTC, và là một công cụ quan trọng phục vụ Tòa Thánh và Giáo Hội".

ĐTC Biển Đức XVI giải thích: “Được thành lập theo sáng kiến tư nhân với sự hỗ trợ của Tòa thánh, nhật báo buổi tối này tự định nghĩa là 'tôn giáo-chính trị’, đề xuất mục tiêu của mình là bảo vệ nguyên tắc công lý, trong niềm xác tín, dựa vào lời của Chúa Kitô, rằng sự dữ sẽ không có tiếng nói cuối cùng". Năm 1885, Tòa Thánh quyết định mua tài sản của nhật báo.

Trong suốt thế kỷ 20, tờ báo "biết đưa tin tức với sự trung thực và tự do, hỗ trợ hoạt động can đảm của ĐTC Biển Đức XV, ĐTC Piô XI và ĐTC Piô XII trong việc bảo vệ sự thật và công lý, nền tảng duy nhất của hòa bình". Và việc này được thực hiện trong giai đoạn bi thảm của chiến tranh thế giới thứ nhất, vốn "đã tàn phá châu Âu", "sự khẳng định của các chế độ độc tài, với các ý thức hệ nguy hiểm, đã phủ nhận sự thật và đàn áp con người”, và "các sự khủng khiếp của cuộc tiêu diệt người Do Thái và Chiến tranh thế giới thứ hai", nhưng cũng trong “thời kỳ chiến tranh lạnh, và cuộc đàn áp chống Kitô giáo được các chế độ Cộng sản tiến hành ở nhiều nước".

ĐTC Biển Đức XVI nói thêm rằng tờ L'Osservatore Romano "đã ngẩng cao đầu đi ra khỏi chiến tranh thế giới thứ hai, như nhiều nhân vật thế tục đã nhìn nhận”.

Sau đó, đến thời kỳ phát hành trong nhiều ngôn ngữ khác nhau và trên khắp thế giới, từ hậu bán thế kỷ 20, với các phiên bản hàng tuần bằng tiếng Pháp (1949), Ý (1950), Anh (1968), Tây Ban Nha (1969), Bồ Đào Nha (1970), Đức (1971) và một ấn bản hàng tháng bằng tiếng Ba Lan (1980).

Một tạp chí của những ý tưởng

ĐTC Biển Đức XVI nói: “Là một nhật báo ‘rất đặc biệt’ với các đặc điểm độc đáo của nó, L'Osservatore Romano đã quan tâm cho việc phục vụ sự thật và sự hiệp thông Công Giáo, về phía Đấng kế vị thánh Phêrô".

"Trong một thời đại có đặc điểm là thiếu các điểm qui chiếu và sự loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi chân trời của nhiều xã hội, thậm chí của truyền thống Kitô giáo cổ xưa, nhật báo của Tòa Thánh tự giới thiệu như một ‘nhật báo của ý tưởng’, như một cơ quan huấn luyện chứ không chỉ là thông tin”.

ĐTC Biển Đức XVI nói thêm: “Chính vì vậy, nhật báo phải biết trung thành duy trì bổn phận đã chu toàn trong một thế kỷ rưỡi, với sự quan tâm về Đông phương Kitô giáo, sự dấn thân đại kết không thể đảo ngược của các Giáo hội khác nhau và Cộng đồng Giáo hội khác nhau, sự tìm kiếm liên tục tình bạn và sự hợp tác với Do Thái giáo và các tôn giáo khác, sự tranh luận và đối đầu văn hóa, bênh vực tiếng nói của phụ nữ, các vấn đề đạo đức sinh học, vốn đặt ra nhiều câu hỏi quyết định cho mọi người”.

"Bằng cách mở cửa cho nhiều người viết bài mới - bao gồm cả một số lượng ngày càng tăng của các cộng tác viên - và bằng cách nhấn mạnh chiều kích và hơi thở quốc tế đã hiện diện từ thuở đầu của nhật báo, sau 150 năm lịch sử đáng tự hào, nhật báo L 'Osservatore Romano cũng cần biết thể hiện tình hữu nghị thân tình của Tòa Thánh đối với nhân loại của thời đại chúng ta, bảo vệ con người được tạo ra theo hình ảnh Chúa và giống Chúa, và được Chúa Kitô cứu chuộc". (Zenit 30-6-2011)

Phạm Kim An
 
Tòa thánh yêu cầu nghiêm túc về năng lượng hạt nhân
Nguyễn Trọng Đa
08:02 01/07/2011
Tòa thánh yêu cầu có sự suy tư nghiêm túc về năng lượng hạt nhân

ROMA - Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật sau trận động đất hồi tháng Ba là "một vấn đề toàn cầu", theo nhận định của Tòa Thánh. Tòa thánh mong muốn "có sự suy tư nghiêm túc" về chủ đề hạt nhân, và "sự minh bạch lớn nhất" về phía các Cơ quan liên quan đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Đây là nội dung bài phát biểu ngày 21-6 nhân danh Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Thư ký Tòa thánh về các Quan hệ với các Quốc gia (tức Ngoại trưởng Tòa thánh), tại hội nghị cấp bộ trưởng của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về an toàn hạt nhân.

Kể từ ngày 11-3, Nhật đối mặt với "thảm kịch lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai". Tòa Thánh nhận định: “Nhu cầu năng lượng gia tăng ổn định trên toàn thế giới, đòi hỏi sự suy tư nghiêm túc về vai trò của năng lượng hạt nhân, và tầm quan trọng của an toàn hạt nhân".

"Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima là một vấn đề toàn cầu. Nó cho thấy rằng thế giới bị phơi bày trước các nguy cơ thực sự và có hệ thống, và không chỉ là giả thuyết mà thôi, với chi phí không thể tính toán được, và đòi hỏi phát triển một sự phối hợp chính sách quốc tế chưa từng có”. "Trong bối cảnh này, các cơ quan liên quan trong cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima được mời gọi hãy có sự minh bạch lớn nhất, và tiến hành hợp tác chặt chẽ với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế”.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi. "Có hợp pháp không, khi duy trì các lò phản ứng hạt nhân hoạt động trên các vùng lãnh thổ có nguy cơ bị động đất lớn? Điều gì sẽ xảy ra với các vật liệu hạt nhân? Vấn đề chất thải phóng xạ có ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai không?".

Đối với Tòa Thánh, "các mối đe dọa cho sự an toàn xuất phát từ thái độ và hành động thù địch với bản chất con người. Vì vậy, ở cấp độ con người chúng ta cần phải hành động, trên bình diện văn hóa và đạo đức”. "Do đó, cần phải thiết lập ‘các chương trình đào tạo’ để phổ biến ‘một nền văn hóa an toàn’ trong lĩnh vực hạt nhân, cũng như trong ý thức của cộng đồng nói chung". "Sự an toàn phụ thuộc vào Nhà nước, nhưng nhất là ý thức trách nhiệm của mọi người".

Trong bài phát biểu của mình, Tòa Thánh nhắc lại "cơ hội lớn lao" mà khu vực hạt nhân có thể trình bày trong tương lai.

"Điều này giải thích ‘sự phục hưng hạt nhân’ trên bình diện thế giới. Sự phục hưng này dường như đóng các chân trời của sự phát triển và thịnh vượng. Đồng thời, nếu không có một ‘sự phục hưng đạo đức và văn hóa’, nó có thể giảm thiểu đến ảo tưởng". "Sự sung túc vật chất đơn thuần không loại trừ các rủi ro gắn liền với nghèo đói văn hóa và đạo đức của mọi người, cũng như các cuộc xung đột liên quan đến sự khốn khổ văn hóa và đạo đức". (Zenit 30-6-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Đức Thánh Cha chúc mừng 150 năm thành lập Tờ Quan Sát Viên Rôma
Lã Thụ Nhân
08:04 01/07/2011
Đức Thánh Cha chúc mừng 150 năm thành lập Tờ Quan Sát Viên Rôma

Vatican (CatholicCulture) - Tờ Quan Sát Viên Rôma (L'Osservatore Romano) phải hoạt động như "tờ báo của ý tưởng, một cơ quan đào tạo chứ không chỉ là cơ quan thông tin", Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho hay như trên trong một bức thư gửi Giám Đốc của tờ báo, Giovanni Maria Vian, khi tờ báo của Vatican chuẩn bị kỷ niệm 150 năm thành lập.

Ấn bản đầu tiên của tờ Quan Sát Viên Rôma xuất hiện vào ngày 01 tháng Bảy năm 1861. Đức Thánh Cha Bênêđctô XVI nhận xét rằng thời gian đó là giai đoạn đầy sóng gió đối với triều giáo hoàng, và là thời điểm mà các thế lực chính trị của thế giới dường như được dàn trận để chống lại Vatican. Trong bức thư chúc mừng, Đức Thánh Cha lưu ý rằng ngay từ đầu, tờ báo đã được hướng dẫn bởi thiện ý nắm bắt các ý kiến khác nhau và quyết tâm duy trì chân lý Công Giáo. Đức Giáo Hoàng kêu gọi chú ý đến hai phương châm đã xuất hiện trên nhan đề của tờ báo: Unicuique suum (mỗi riêng mình Ngài) và Non praevalebunt (chúng sẽ không thắng nổi).

Đức Giáo Hoàng cho hay thêm trong suốt 150 năm tồn tại của tờ báo, "thế giới đã thay đổi sâu sắc, nhất là trong lĩnh vực truyền thông và thông tin". Nhưng Quan Sát Viên Rôma vẫn là một tiếng nói rõ ràng của Giáo Hội. Ngài viết thêm rằng sự phục vụ đó có giá trị đặc biệt trong suốt thời gian chiến tranh và bất ổn của thế kỷ 20, khi mà sự xung đột các ý thức hệ và hoạt động tuyên truyền gây ra sự hỗn loạn ran rộng. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trích lời của Đức Hồng Y Giovanni Montini vào năm 1961, hai năm trước khi ngài được bầu chọn trở thành Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: Nó giống như những gì xảy ra khi mọi ngọn đèn trong một căn phòng bị tắt đi và chỉ còn để lại một cái đèn: ánh mắt nhìn của mọi người hướng đến cái đèn còn lại; và may mắn thay đây là ánh sáng của Vatican, ánh sáng điềm tĩnh chói lọi được nuôi dưỡng bởi nguồn sáng tông đồ của Phêrô.

Đức Thánh Cha viết thêm rằng ngày nay Quan Sát Viên Rôma phải tiếp tục phục vụ như thế trong kỷ nguyên "thường bị đánh dấu bởi việc thiếu những điểm tham chiếu và loại bỏ Thiên Chúa khỏi tầm nhận thức của nhiều xã hội, ngay cả những xã hội có truyền thống Kitô giáo cổ xưa". Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dẫn ra một số mảng cụ thể mà việc đưa tin của tờ báo là cần thiết, ngài kêu gọi chú ý đến "Kitô giáo Đông Phương, việc dấn thân đại kết không thể thay đổi của các giáo hội và cộng đoàn giáo hội khác nhau, việc tìm kiếm không ngừng nghỉ tình huynh đệ và hợp tác với Do Thái giáo và các tôn giáo khác, việc thảo luận và giao lưu văn hóa, tiếng nói của phụ nữ và các chủ đề đạo đức sinh học vốn làm nảy sinh các vấn đề quan trọng đối với tất cả chúng ta".

Lã Thụ Nhân
 
Lời cám ơn của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 60 năm thụ phong linh mục
Lã Thụ Nhân
08:05 01/07/2011
Lời cám ơn của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 60 năm thụ phong linh mục

Vatican (VIS) – Khi kết thúc Thánh Lễ sáng hôm 29/06, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã xuất hiện tại cửa sổ phòng đọc của ngài để đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu đang tụ họp tại quảng trường Thánh Phêrô bên dưới.

Trước khi đọc kinh cầu Đức Maria, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI xin lỗi khách hành hương vì ngài đến trể do "Thánh Lễ trọng kính Hai Thánh Phêrô và Phaolô dài và trang trọng. Hãy để suy nghĩ của chúng ta hướng đến bài thánh ca hay của Giáo Hội Rôma được bắt đầu: 'O! Roma felix'. Hôm nay, vào ngày lễ các thánh bổn mạng của thành phố này, chúng ta hát: ‘Mừng vui lên, Rôma’, vì anh chị em đã được nhuộm bằng máu châu báu của các Hoàng tử vĩ đại. Không vì sự ca ngợi của anh chị em nhưng vì sự xứng đáng của họ đã vượt qua mọi vẻ đẹp".

"Chứng tá tình yêu và sự trung thành của hai Thánh Phêrô và Phaolô soi chiếu cho các vị chủ chăn của Giáo Hội, dẫn đưa con người hướng đến chân lý và đào tạo họ trong đức tin vào Chúa Kitô. Đặc biệt Thánh Phêrô đại diện cho sự hiệp nhất của tông đồ đoàn. Vì lý do này, trong cử hành phụng vụ sáng nay ở Vương cung Thánh Đường Vatican, cha đã trao dây pallium cho 40 Tổng Giám Mục chính tòa, như là biểu hiện của sự hiệp thông với vị Giám Mục Rôma trong sứ mạng dẫn dắt Dân Chúa đến với ơn cứu độ".

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho hay: "Đức tin công khai của Thánh Phêrô là nền tảng của Giáo Hội". Địa vị đứng đầu của Phêrô là do sự ưu ái của Thiên Chúa, cũng như là ơn gọi linh mục: Chúa Giêsu nói rằng 'Nhục thể đã không mạc khải điều này với anh em, nhưng là Cha ta ở trên trời mạc khải điều đó'. Điều này cũng xảy ra cho những người quyết định đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa bằng tất cả đời sống của mình. Hôm nay, cha hạnh phúc nhắc lại điều này khi kỷ niệm sáu mươi năm được phong chức linh mục.

Đức Thánh Cha nói thêm: "Cảm ơn vì sự hiện diện của anh chị em và lời cầu nguyện của anh chị em. Cha biết ơn anh chị em. Trên hết, cha biết ơn Chúa vì lời kêu gọi của Ngài và sứ vụ mà Ngài trao phó cho cha. Cha cảm ơn tất cả mọi người nhân dịp này đã bày tỏ sự nâng đỡ cho sứ mạng của cha trong lời cầu nguyện, lời cầu nguyện không ngừng được dâng lên Thiên Chúa từ tất cả các cộng đoàn giáo hội, và trở nên lòng sùng kính Thánh Thể Chúa Kitô, tăng thêm sức mạnh và sự tự do để công bố Tin Mừng".

Đức Thánh Cha kết thúc huấn dụ của mình bằng cách một lần nữa chào mừng "phái đoàn từ Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople, hiện diện tại Rôma theo phong tục đầy ý nghĩa kính hai Thánh Phêrô và Phaolô và chia sẻ hy vọng của tôi trong sự hiệp nhất các Kitô hữu, như Chúa mong muốn. Chúng ta tin tưởng khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Thánh Tông Đồ, rằng tất cả những người đã được rửa tội có thể trở nên 'viên đá sống động' để xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa".

Lã Thụ Nhân
 
Đức tin đúng đắn dẫn dắt lý trí gợi mở chính mình cho Thiên Chúa
Lã Thụ Nhân
08:06 01/07/2011
Đức tin đúng đắn dẫn dắt lý trí gợi mở chính mình cho Thiên Chúa

VATICAN (VIS) - Sáng 30/06/2011, tại sảnh đường Clêmentê của Dinh Tông Tòa Vatican, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã trao tặng "Giải thưởng Ratzinger" đầu tiên, giải thưởng được lập bởi "Quỹ Vatican: Joseph Ratzinger - Bênêđictô XVI". Những người đạt giải là: Manlio Simonetti, một giáo dân người Ý và là học giả về văn học Kitô giáo cổ đại và nghiên cứu các tác phẩm của các tông đồ; Olegario Cardedal de Gonzalez, một linh mục Tây Ban Nha và là giáo sư thần học hệ thống, và Maximilian Heim, một đan sĩ Xitô Đức, Viện phụ của Đan viện Heiligenkreuz ở Áo và là giáo sư thần học căn bản và tín lý.

Sau lời chào mừng của Đức Ông Giuseppe Antonio Scotti, Chủ tịch của Quỹ. Đức Thánh Cha đã ban huấn từ của ngài.

Đức Thánh Cha cho hay "Theo truyền thống, thần học là khoa học của đức tin. Tuy nhiên, nếu nền tảng của thần học - nghĩa là đức tin - không đồng thời trở thành trọng tâm của tư duy, nếu thực hành thần học chỉ đề cập chính nó hay nếu nó đứng riêng ra vay mượn từ những đặc tính của con người, thì nó trở nên trống rỗng và vô căn cứ".

"Thần Học mời gọi đi vào câu hỏi của vấn đề sự thật, đây là nền tảng tối hậu và thiết yếu của nó. Sự diễn đạt này được sử dụng bởi Tertullian có thể giúp chúng ta thực hiện một bước tiến: Chúa Kitô đã không nói: Ta là phong tục, nhưng ngài nói: Ta là sự thật". Đức Thánh Cha cho hay các tôn giáo ngoài Kitô giáo "dựa theo phong tục thông thường của tự nhiên... Họ quan sát các hình thức văn hóa truyền thống, hy vọng bằng cách đó có thể duy trì mối quan hệ đúng với thế giới bí ẩn của Thiên Chúa. Khía cạnh cách mạng của Kitô giáo trong thời cổ là hoàn toàn phá vỡ 'phong tục' bằng tình yêu dành cho sự thật". Tin Mừng Thánh Gioan "chứa đựng cách giải thích cơ bản khác về đức tin Kitô giáo: xác định Chúa Kitô là Lời. Nếu Chúa Kitô là Lời, là sự thật, thì con người phải tương ứng với Ngài bằng lời của chính con người, đó là lý trí con người".

"Từ đây chúng ta có thể hiểu rằng, tự trong bản chất, đức tin Kitô giáo đã tạo ra nền thần học. Nó tự hỏi về tính hợp lý của đức tin... Vì vậy, mặc dù mối ràng buộc cơ bản giữa sự thật, Lời và đức tin đã luôn luôn rõ ràng trong Kitô giáo, nhưng hình thức cụ thể mối ràng buộc đó đã nảy sinh và tiếp tục nảy sinh những câu hỏi mới... Thánh Bonaventura ... đã nói đến việc sử dụng kép của lý trí: một đàng là cách sử dụng không thể hòa giải với bản chất của đức tin, và đàng khác là cách sử dụng phụ thuộc vào bản chất của đức tin".

Đối với Thánh Bonaventura, có một "chế độ chuyên quyền của lý trí, khi nó trở thành thẩm phán tối cao của mọi thứ. Cách sử dụng lý trí này chắc chắn không thể là bối cảnh của đức tin" bởi vì nó tìm cách đệ trình Thiên Chúa "một tiến trình thử nghiệm thực nghiệm". Ngài cho biết thêm trong thời đại của chính chúng ta "lý trí thực nghiệm xuất hiện như là hình thức tuyên bố khoa học duy nhất hợp lý... Nó đã dẫn đến thành tựu to lớn, và không ai muốn phủ nhận rằng nó là đúng đắn và cần thiết như là một cách để hiểu bản chất và luật lệ của tự nhiên. Tuy nhiên có một giới hạn để sử dụng lý trí. Thiên Chúa không phải là một đối tượng thử nghiệm của con người. Ngài là Chủ thể và bày tỏ Bản Thân Ngài chỉ trong mối quan hệ giữa người này và người khác".

"Trong bối cảnh này, Thánh Bonaventura đề cập đến một cách sử dụng lý trí khác: Trong phạm vi 'cá nhân', trong những câu hỏi lớn được nêu ra bởi thực tế của con người. Tình yêu muốn có một kiến thức tốt hơn về được yêu mến. Tình yêu, tình yêu đích thực, thì không làm cho chúng ta mù quáng nhưng làm cho chúng ta thấy được và một phần của điều này là khao khát sự hiểu biết, khao khát sự hiểu biết đích thực về người khác. Vì lý do này các Giáo Phụ của Giáo Hội tìm thấy tiền thân của Kitô giáo (ngoài thế giới của sự mặc khải cho Israel ) không nằm trong lĩnh vực tôn giáo thông thường,... nhưng trong "các triết gia", trong những người khao khát chân lý và vì vậy trên con đường hướng đến Thiên Chúa. Khi thiếu sử dụng lý trí, thì câu hỏi lớn của nhân loại rơi ra ngoài lĩnh vực của lý trí và bị bỏ rơi đến mức phi lý. Đây là lý do tại sao thần học đích thực là rất quan trọng. Đức tin đúng đắn dẫn dắt lý trí mở chính mình ra cho Thiên Chúa, được hướng dẫn bởi tình yêu đối với sự thật, nó có thể đạt được sự hiểu biết gần gũi hơn về Thiên Chúa".
 
L’Osservatore Romano, một tờ báo của tư tưởng và giáo huấn
Bùi Hữu Thư
08:40 01/07/2011
‘Tờ báo của Đức Thánh Cha’ kỷ niệm 150 năm

ROME, Thứ Năm 30 tháng Sáu, 2011 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nhắc đến L’Osservatore Romano như một nhật báo “rất đặc biệt”, ngoài tin tức, còn thể hiện như một “tờ báo của tư tưởng”, và một “dụng cụ để giáo huấn.”

Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành lập “Tờ Báo của Đức Thánh Cha” ngày 1 tháng 7 năm 1861, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã gửi một điện văn cho giám đốc tờ nhật báo là ông Giovanni Maria Vian.

Trong điện văn dài được thảo ngày 24 tháng 6, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã gửi gấm một vài suy tư về lịch sử và vai trò của tờ nhật báo này. Một tờ báo đã qua một thế kỷ rưỡi “quảng bá Giáo Triều của các Đức Thánh Cha và là một trong những công cụ ưu tú đang phục vụ Tòa Thánh và Giáo Hội.”

Đức Thánh Cha giải thích: “Được thành lập do sáng kiến tư nhân với sự yểm trợ của giáo triều, tờ nhật báo phát hành mỗi buổi chiều tự xác định là có tính cách ‘chính trị-tôn giáo’, và lấy mục tiêu là việc bảo vệ cho nguyên tắc của công lý, trong niềm tin, dựa trên Lời Chúa Kitô, là sữ dữ sẽ không bao giờ thắng.” Vào năm 1885, Tòa Thánh đã quyết định sang tên để làm chủ tờ báo.

Trong suốt thế kỷ 10, nhật báo “đã biết thông tin một cách chân thực và tự do, yểm trợ công trình can đảm của các Đức Thánh Cha Benedict XV, Piô XI và Piô XII để bảo vệ cho chân lý và sự công chính, là những nền tảng độc đáo của hòa bình.” Và đã làm việc này trong thời kỳ bi thảm của Thế Chiến thứ Nhất “đã tàn phá Âu Châu”, “đã khẳng định là chính sách độc tài với các chủ thuyết độc hại đã chối bỏ sự thật và đàn áp con người” và “nêu lên những kinh hoàng của vụ diệt chủng Holocaust của Thế Chiến Thứ Hai,” và những bạo tàn xẩy ra trong thời kỳ có chiến tranh lạnh và những vụ đàn áp người Kitô giáo do các chính quyền Cộng Sản trong nhiều quốc gia.”

Đức Thánh Cha tiếp: L’Osservatore Romano “đã có thể ngẩng đầu cao vào cuối Thế Chiến Thứ Hai, theo những lời bình của nhiều giáo dân.”

Rồi đến lúc có sự phổ biến bằng nhiều ngôn ngữ và trên toàn thế giới, bắt đầu vào hậu bán thế kỷ 20, với các ấn bản hàng tuần bằng tiếng Pháp (1949), Ý (1950), Anh (1968), Tây Ban Nha (1969), Bồ Đào Nha (1970), Đức (1971) và một nguyệt san bằng tiếng Ba Lan (1980).

Một tờ báo về tư tưởng

Đức Thánh Cha tiếp: “Một nhật báo ‘rất đặc biệt’ với các đặc tính độc đáo, L’Osservatore Romano trên hết đã trình bầy được công trình của Giáo Triều của các người Kế Vị Thánh Phêrô là đã đóng góp cho sự hiệp nhất Công Giáo.”

“Trong một thời đại thường bị đánh dấu bởi sự thiếu sót các chiếu điểm và bởi sự loại trừ Thiên Chúa ra khỏi chân trời của nhiều xã hội, và loại bỏ ngay cả những truyền thống Kitô giáo xưa cổ, tờ nhật báo của Tòa Thánh đã biểu hiệu như một ‘tờ báo về tư tưởng’, như một công cụ để giáo huấn thay vì chỉ có tính cách thông tin.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Vì vậy tờ báo phải biết trung thành duy trì trách vụ đã hoàn tất trong một thế kỷ rưỡi, với sự chú tâm đến các Kitô hữu Đông Phương, đến sự đại kết không thể tách rời của các Giáo Hội và Cộng Đồng giáo hội, đến việc tìm kiếm không ngừng tình thân hữu và hợp tác với Do Thái giáo và các tôn giáo khác, đến việc tranh luận và đối chất văn hóa, đến tiếng nói của phụ nữ, đến các chủ đề về đạo đức sinh học là những điều đã nêu lên cho tất cả mọi người những vấn nạn khó khăn.”

“Trong khi gia tăng con số những độc giả mới – và một con số gia tăng các cộng sự viên – và nhấn mạnh được chiều kích của ước nguyện hoàn vũ ngay từ khi khởi sự nhật báo, sau 150 năm lịch sử, tờ báo phải hãnh diện, vì L’Osservatore Romano đã biết trình bầy tình thân hữu mật thiết của Tòa Thánh đối với nhân loại vào thời đại chúng ta, và đã bảo vệ con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được Chúa Kitô cứu chuộc.”
 
Ý: phát hiện một bức họa Thánh Phaolô trong hầm mộ
Tiền Hô
11:38 01/07/2011
Ý: phát hiện một bức họa Thánh Phaolô trong hầm mộ

Rôma (Ý), 30 Tháng Sáu 2011 (UCANEWS) - Một bức họa trên tường vẽ Thánh Phaolô với niên đại 1.400 năm đã được phát hiện trong một căn hầm La Mã cổ đại.

Tờ Telegraph của Anh cho biết, mảnh tranh này được các chuyên gia thuộc Ủy Ban Giáo Hoàng Về Nghệ Thuật Thánh tìm thấy khi đang tiến hành khôi phục Hầm mộ San Gennaro (Thánh Januarius) tại thành phố cảng Naples miền nam nước Ý.

Thông báo này đã được đưa ra vào ngày lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, vốn là một ngày lễ truyền thống trọng đại ở Rôma. Các thông tin chi tiết về cuộc phát hiện này đã được công bố trên tờ Quan Sát Viên Rôma (L'Osservatore Romano) - tờ báo chính thức của Vatican.

Một bức ảnh chụp do Vatican công bố cho thấy Thánh Phaolô - vị Thánh nổi tiếng của Kitô giáo - với cái cổ cao, nước da hơi hồng, mái tóc mỏng, bộ râu và đôi mắt lớn làm cho khuôn mặt ngài mang "chất linh thánh".

Năm ngoái, một bức họa khác về Thánh Phaolô cũng đã được tìm thấy trong một căn hầm ở Rôma. Với niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 4, đó là bức họa được cho là cổ xưa nhất đang còn tồn tại vẽ về Thánh Phaolô.

Tiền Hô
 
Chính Quyền Obama đang ngầm phá họai các quốc gia Công Giáo
Trần Mạnh Trác
16:00 01/07/2011
Trong khi còn e dè tại quốc nội vì sợ những hệ lụy bầu cử, tại quốc ngọai, là nơi có thể dùng viện trợ và ngọai giao để gây áp lực, chính quyền Obama đã thực hiện nhiều chương trình táo bạo nhằm thúc đẩy những chủ trương cấp tiến của họ.

Mới đây bà ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã khoe khoang thành quả của Bộ Ngoại giao là đã hổ trợ quyền "LGBT" (những người đồng tính) bằng cách trợ giúp cuộc tuần hành Gay Pride và buổi hòa nhạc của Lady Gaga tại Roma.

Hai nhân vật có thế giá đã phê bình những vận động đó của Hoa Kỳ là "đi ra ngòai dòng chính" và có mục đích chia rẽ Giáo hội với xã hội ở các quốc gia Công Giáo.

"Chính quyền đã đưa các chương trình nghị sự LGBT lên thành nền tảng của chính sách đối ngoại", ông Austin Ruse, giám đốc viện nghiên cứu Công Giáo về Gia đình và Nhân Quyền cho biết trong một tuyên bố ngày 28 tháng 6, "Chính quyền đã chỉ đạo các đại sứ quán khắp nơi là phải theo dõi và hỗ trợ các phong trào đồng tính cho dù nước chủ nhà và người dân của họ có chấp nhận nó hay không."

"Hoa kỳ vốn là quốc gia hùng mạnh và có nhiều khà năng ép buộc các chính phủ khác phải nương theo chính sách xã hội của nó," Ông Ruse cho biết thêm.

Bà Rebecca Marchinda, giám đốc vận động cho các chương trình Thanh Thiếu niên Thế giới của Liên Hợp Quốc, cảnh báo rằng các hoạt động của Mỹ, ở các nước đặc biệt là Công giáo, có thể dẫn đến việc tạo ra sự chống đối Giáo Hội "trên các lĩnh vực công cộng và trên cuộc tranh luận về những vấn đề (LGBT) này."

"Thay vì chấp nhận rằng mọi quốc gia có lý do chính đáng để công nhận hôn nhân và gia đình như là những thể chế (chứ không đơn thuần chỉ là những thỏa thuận xã hội), Mỹ sẽ đào sâu thêm hố cách biệt giữa Giáo Hội Công Giáo và xã hội dân sự với chủ trương cho rằng bất cứ khác biệt nào với Hoa Kỳ chỉ là những ý tưởng lỗi thời dựa trên nền tảng tôn giáo. "

Thực ra trong nhiều ý tưởng khác biệt với Hoa Kỳ đó, đã có trước khi tôn giáo tồn tại và luôn chính đáng vì phát huy phẩm giá và lợi ích chung.

Bà Ngoại trưởng Clinton đã đề cập đến vai trò của chính quyền Mỹ trong việc tuyên truyền vận động cho đồng tính tại một lễ kỷ niệm vào ngày 27 Tháng 6, gọi là 'tháng LGBT Pride', đây là buổi lễ được tổ chức do Bộ Ngoại giao và các người đồng tính làm việc trong các cơ quan Ngoại giao.

Bà Clinton nói: "Đại sứ quán Mỹ tại Rome đã đóng một "vai trò quan trọng" trong việc đưa Lady Gaga xuất hiện tại Ý trong buổi hòa nhạc EuroPride. Ban tổ chức đã "ước ao" muốn có ngôi sao âm nhạc này và một lá thư của Đại sứ David Thorne gửi cho Lady Gaga đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ký kết hợp đồng."

"Hơn một triệu người đã tham dự sự kiện trên, hô to những khẩu hiệu hỗ trợ cho bình đẳng và công lý," bà Clinton nói.

Lady Gaga, một người ủng hộ các chương trình chính trị cho người đồng tính, cũng là người đã xuất bản nhiều video dâm dục trong đó có sự lạm dụng nhiều biểu tượng tôn giáo của Công giáo.

Paola Concia, một dân biểu đồng tính của Đảng Dân chủ Ý, nói với tờ báo Ý Il Fatto Quotidiano rằng sự can thiệp của Đại sứ Thorne "chắc chắn" là vì ảnh hưởng của tình hình chính trị tại Ý - là quốc gia duy nhất của Liên minh Âu châu chưa có luật gọi là quyền đồng tính.

Ông Đại sứ đã thường xuyên nhắc nhở tới cụm từ của Ngoại trưởng Clinton rằng "quyền đồng tính là nhân quyền và nhân quyền là quyền đồng tính."

Cũng trong buổi lễ ngày 27 tháng 6, bà Ngoại trưởng Clinton nói thêm rằng các nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Slovakia đã "làm thêm giờ" để giúp cho cuộc diễu hành Pride tại quốc gia đó được thành công, sau khi cuộc diễu hành đầu tiên trước đó đã đưa tới bạo lực.

Các nhân viên sứ quán đã cổ động thêm 20 chữ ký của các trưởng phái đoàn từ các quốc gia khác, công khai hỗ trợ cuộc diễu hành và cuộc tranh luận trong sự "tôn trọng và có kết quả về quyền LGBT".

"Và trong ngày diễu hành, đại sứ của chúng ta đã đi bộ trong tình đoàn kết ngay bên cạnh thị trưởng thành phố Bratislava," bà nói.

Bà Clinton cho biết Bộ Ngoại giao cũng tham gia vào việc ủng hộ quyền LGBT ở Honduras, Uganda, Malawi, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và ở những nơi khác.

Bà nhắc lại những "nỗ lực lớn" của Hoa Kỳ tại Ủy ban Nhân quyền ở Geneva để hỗ trợ một tuyên bố nhằm chấm dứt bạo lực và tội ác chống lại các "khuynh hướng tình dục và giới tính." 'Văn phòng Ngoại giao của Hoa Kỳ ở phương Tây và những nhiệm sở thường trực của Hoa Kỳ tại Tổ chức các nước châu Mỹ đã giúp tạo ra một chức vụ quan sát viên đặc biệt cho quyền LGBT trong Ủy ban Liên Mỹ về Nhân quyền.

Ông Ruse phê bình rằng những hành động như vậy không chỉ là đơn giản vận động cho những người đồng tính mà thôi.

"Họ đang có ý định ép buộc hôn nhân đồng tính và cho phép người đồng tính nhận con nuôi tại các nước đang cảm thấy bị xúc phạm bởi những thứ như vậy. Họ có ý định dùng khuynh hướng tình dục và bản sắc giới tính để tạo ra một tội phân biệt đối xử mới, để chà đạp quyền của các tín hữu tôn giáo.

"Về vấn đề này, chính quyền này đã đi ra ngòai dòng chính", ông Ruse nói.

Ông cho biết rằng hầu hết mọi người trên thế giới vẫn hiểu đồng tính luyến ái là "bên ngoài sự tự nhiên" và là "cái gì đó cần tránh và chắc chắn không được chấp thuận."

"Hầu hết mọi người công nhận rằng, lối sống đồng tính có hại cho sức khỏe và đạo đức. Hiệu quả của chính sách của Obama là xúc phạm đến hàng tỷ người và gây khó khăn cho các chính phủ miễn cưỡng khác. Điều này đặc biệt gây phản cảm tại hầu hết các quốc gia Kitô giáo và Hồi giáo.Trong thực tế, Kitô giáo và Hồi giáo là những trở ngại chính của chương trình nghị sự và chính sách này."

Còn bà Marchinda thì cho rằng bà Clinton đã "hiểu lầm" về bản chất của cuộc tranh luận LGBT và hiểu lầm về quan hệ giữa tranh luận và chủ quyền quốc gia và về nhân quyền nói chung.

"Thật là đáng lo ngại khi thấy rằng Mỹ đã không còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của tất cả mọi người và cưỡng đoạt nền tư pháp của các nước thành viên (Liên hiệp quốc) liên quan đến hôn nhân và những quy định địa phương liên quan đến diễu hành và các sự kiện khác."

"Các tuyên truyền của Mỹ về các vấn đề này đã thúc đẩy một định nghĩa mới về quyền con người mà không nơi nào chấp nhận được. Đó là một định nghĩa từ phương Tây mà Hoa Kỳ sử dụng để thúc đẩy lợi ích của mình ở nước ngoài và dùng định nghĩa này để quyết định viện trợ cho các nước đang phát triển."

Bà Marchinda lưu ý rằng hiện nay những từ ngữ như "khuynh hướng tình dục", "LGBT," hoặc "giới tính" không được quốc tế chấp nhận, tuy thế Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng những ngôn ngữ này khi đề cập đến nhân quyền.

"Điều này gây ra hiểu lầm giữa các quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc và nhất là trong những quốc gia đang phải nhận những viện trợ có ràng buộc của Mỹ."
 
Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2011: Bài 2 – Ý Nghĩa Thần Học của Bí Tích Thánh Thể
Phaolô Phạm Xuân Khôi
16:30 01/07/2011
Một vấn đề được đặt ra cho nhiều người Công Giáo là chúng ta tham dự Thánh Lễ và rước Thánh Thể thường xuyên mà tại sao không thấy con người mình thay đổi gì cả. Phần lớn chúng ta tham dự Thánh Lễ vì bị bắt bộc hay vì thói quen mà không thật sự ý thức về sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể như thế nào. Chính vì thế mà Thánh Lễ và Bí Tích Thánh Thể không đem lại sự thay đổi trong cuộc sống chúng ta. Trong phạm vi bài này chúng ta sẽ bàn về việc Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể như thế nào, hay ý nghĩa thần học của Bí Tích Thánh Thể. Trong bài sau chúng ta sẽ bàn về ý nghĩa tâm linh và thực dụng của Bí Tích Thánh Thể. Một khi hiểu được những ý nghĩa này, chúng ta sẽ tham dự Thánh Lễ một cách tích cực hơn cùng quỳ trước Thánh Thể một cách thành khẩn và sốt sáng hơn.

Khi bắt đầu thích ai thì chúng ta muốn biết thêm về người ấy để có thể phát triển mối liên hệ với người ấy. Cũng thế, nếu chúng ta hiểu một cách rõ ràng hơn về Bí Tích Thánh Thể thì chúng ta dễ mở rộng tâm hồn ra để đón nhận một liên hệ mật thiết và cá nhân hơn với Chúa Giêsu là Đấng đã hiến mạng sống Mình cho chúng ta trong Bí Tích này. Sự liên hệ này với Chúa Giêsu là một Giao Ứớc trong Máu Người với tất cả chúng ta, cùng với mỗi người trong chúng ta một cách cá nhân và mật thiết. Qua cái chết, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết của chúng ta vì chúng ta kết hợp với Người trong nhân tính của mình. Qua việc sống lại, Người khôi phục sự sống cho chúng ta. Và khi gánh lấy tội lỗi của chúng ta, hy lễ của Người tẩy sạch tội lỗi của tất cả mọi người, kẻ sống cũng như kẻ chết. Trong Thần Khí mà Người thở ra khi Người sinh thì, Chúa Con hòa giải chúng ta với Chúa Cha. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ lãnh nhận hồng ân này bằng cách rửa chân các ông, và Người kết luận bằng việc truyền cho các ông, “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cor 11:24). Trong bài này chúng ta sẽ bàn về ý nghĩa thần học của Bí Tích Thánh Thể theo nghĩa bữa tiệc, hy lễ, tưởng niệm và hiện diện.

Ý Nghĩa Thần Học của Bữa Tiệc Thánh Thể

Một bữa tiệc, nhất là một bữa tiệc với gia đình và bạn bè, đặc biệt là trong những dịp gỗi chạp hay mừng lễ, là một dịp để đào sâu tình thân hữu và liên hệ họ hàng, để cảm thông và chia sẻ vui buồn, và để kết hợp với nhau một cách chặt chẽ hơn. Bữa tiệc này khác hẳn với một bữa ăn một mình hay với những người xa lạ, hoặc trong lúc gia đình có sự căng thẳng hay bất hòa. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Bí Tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta không những ăn uống với vị đãi tiệc, mà còn ăn chính Bánh Thánh và Rượu Thánh là vị đãi tiệc chúng ta, là Đấng ban hồng ân, và chúng ta trở nên một với nhau như chúng ta trở nên một trong Đức Chúa Giêsu Kitô.

Những người yêu nhau thường bày tỏ một ước muốn được tha thiết được kết hợp với nhau, được ở trong nhau. Một số trong chúng ta chắc còn nhớ lại khi còn bé, cha mẹ yêu thương chúng ta quá đỗi đến nỗi muốn cắn hay ăn thịt chúng ta. Trong Bí Tích Thánh Thể cũng thế, Chúa quá yêu chúng ta đến nỗi Người muốn chúng ta ăn thị Người, uống Máu Người để trở nên một với Người, bằng cách biến bánh và rượu thành Mình và Máu Người, để thỏa mãn ao ước tha thiết được nên một với Người của chúng ta.

Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu được cử hành trong Lễ Vượt Qua. Trong Lễ này dân Israel được trở thành Dân riêng của Thiên Chúa khi họ ăn Chiên Vượt Qua trước khi từ bỏ Ai Cập để về Đất Hứa. Bữa ăn hy tế này được đặt nền tảng trên một liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Nó đã làm cho họ có một căn tính là Dân Thiên Chúa và được củng cố bằng giao ước với Ngài. Chúa Giêsu thiết lập một Giao Ứớc Mới, một liên hệ mới với chúng ta, bằng cách hiến tế chính Mình Người, Chiên Thiên Chúa, chứ không phải chỉ một con chiên thường, để xóa tội trần gian. Khi chúng ta làm việc này để nhớ đến Người, chúng ta cũng làm trong một bữa ăn, Bữa Tiệc Vượt Qua mới, bữa tiệc này cho chúng ta được thông phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Phục Sinh của Đức Chúa Giêsu Kitô. Trong Bữa Tiệc này, chúng ta ăn Thịt và uống Máu Người, Chiên Vượt Qua của chúng ta.

Chúa Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể bằng cách rửa chân các ông. Vào thời Chúa Giêsu, nghi thức này được cử hành trước tất cả thực khách trước khi vào bàn tiệc, và Chúa Giêsu truyền cho các Tông Đồ rằng nếu Người là Thầy mà Người đã làm điều ấy cho các ông, thì các ông cũng phải làm cho nhau như thế. Ý nghĩa của việc làm này còn hơn một việc bác ái, như Chúa Giêsu bảo Thánh Phêrô, “Nếu Thầy không rửa chân con, thì con sẽ không được hưởng gia nghiệp với Thầy” (Ga 13:8).

Hy Tế

Chúng ta đã trình bày rằng Bữa Tiệc Thánh Thể là một bữa tiệc hy tế. Tất cả những hy tế khác được dâng cho Thiên Chúa hay các thần minh đều phải được lập lại nhiều lần. Nhưng trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã tự hiến một lần là đủ. Hy Lễ Thánh Thể được lập lại mỗi ngày khắp nơi trên thế giới không phải là những hy lễ riêng biệt hay những hy tế mới, nhưng là một sự tham dự vào Hy Lễ Duy Nhất của Đức Kitô trên Thánh Giá. Theo nghĩa này thì Thánh Lễ là một cuộc tưởng niệm.

“Không ai có tình yêu cao trọng hơn tình yêu này, là hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Trong Thánh Lễ, vị tư tế cũng là lễ vật, Đấng dâng của lễ cũng là lễ vật hy sinh, Chúa Chiên Lành cũng là con chiên, Chiên Thiên Chúa, con chiên đã bị giết. Bố thí cho người nghèo túng là một điều, làm việc để giúp một người cần mình giúp đỡ là một điều khác, nhưng điều cao cả nhất là hy sinh chính mình cho những người cần đến mình. Đức Kitô, Vị Thượng Tế Cao Cả (x. Dt 8), đã hiến tế Chính Mình một lần là đủ, để rồi từ đó, tất cả mọi hy lễ đều được dâng lên trong Hy Lễ của Người. Thực vậy, mỗi Thánh Lễ được các linh mục dâng là một hy lễ không đổ máu thông phần vào Hy Lễ Duy Nhất của Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Giây phút và thời gian mà chúng ta cử hành Thánh Lễ và rước Lễ được đưa lên thông phần vào thời gian vĩnh cửu của Thiên Chúa khi Chúa Giêsu tự hiến trong Mầu Nhiệm Vượt Qua.

Đối với một Kitô hữu, không có một hy sinh hay của lễ nào là bé nhỏ cả, vì chúng được đưa lên kết hợp với Hy Lễ Duy Nhất của Đức Kitô.

Tưởng Niệm

Trong khi cử hành Thánh Lễ và rước Lễ, chúng ta tham dự vào bữa tiệc Vượt Qua Mới, mà trong đó chúng ta được thông phần vào hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, và cũng được chia sẻ vào cái chết và sự phục sinh của Người. Như chúng ta đã thấy, qua lời cầu xin Thánh Thần (epiclesis), Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được tham dự vào chính những giờ phút của Bữa Tiệc Ly, Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, và việc hiến dâng Chúa Con cho Chúa Cha. Trong giây phút ấy, thời gian của chúng ta không còn là thời gian của thế gian nữa mà được tham gia vào thời gian của cõi vĩnh hằng. Chúa Thánh Thần thực sự đưa chúng ta đến tham dự vào chính những giây phút hiện tại của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Trong Thánh Lễ, Hội Thánh chũng “xin Chúa nhân từ ban cho tất cả những ai sẽ thông phần cùng một bánh và chén này, được Chúa Thánh Thần quy tụ tất cả thành một thân thể, trở nên hiến lễ sống động trong Đức Kitô để ca tụng vinh quang Chúa.” (Lời Nguyện Thánh Thể IV). Đây là ý nghĩa sâu xa của Bí Tích Thánh Thể cùng của mệnh lệnh mà Chúa Giêsu truyền cho các Tông Đồ và những người kế vị các Ngài phải thực hiện để cho chúng ta được thông phần vào Hy Lễ của Người.

“Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Trong những đám giỗ của những người thân yêu, của tổ tiên, hay những dịp tường nhớ các vị anh hùng liệt sĩ, chúng ta nhớ đến những người ấy với một lòng thương tiếc và mến yêu. Chúng ta nhớ đến họ như họ đang còn sống và nhắc lại những việc làm tốt lành hay hào hùng của họ.

Nhưng việc tưởng niệm Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể còn hơn thế nữa vì việc tưởng nhớ này cũng chính là sự hiện diện thật của Người. Từ “anamnesis” trong tiếng Hy Lạp có một ý nghĩa đầy đủ hơn tưởng niệm hay tưởng nhớ. Như trong Tin Mừng Thánh Luca 23:39-43, khi người trộm lành trên thập giá thưa Chúa Giêsu: “Thưa ông Giêsu, xin nhớ đến tôi khi Ông vào Vương Quốc của Ông”, Chúa Giêsu đã trả lời”Quả thật, Tôi bảo anh, hôm nay anh sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi”. Câu trả lời của Chúa Giêsu vượt trên việc bảo anh rằng Người sẽ không bao giờ quên anh, nhưng nói rõ rằng anh sẽ được ở cùng Người.

Câu trả lời này của Chúa Giêsu cho thấy sự trọn vẹn của việc Người nhớ đến chúng ta và hiện diện với chúng ta thế nào trong Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu hứa với người trộm lành là Người sẽ nhớ đến anh theo nghĩa anamnesis, và như thế chúng ta hiểu được rằng huấn lệnh của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” cũng có nghĩa là “Từ nay trở đi, mỗi khi các con làm việc này, tức là cử hành Thánh Lễ, Thầy sẽ ở với các con”. Và đó chính là sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.

Hiện Diện

Khi chúng ta nhớ đến ai trong một đám giỗ, hy sinh bỏ tiền vào quỹ từ thiện để tưởng nhớ đến ai, thì người được tưởng nhớ dường như đang một cách nào đó hiện diện với chúng ta. Người Việt Nam còn có tục để trái cây và thức ăn trên bàn thờ gia tiên, như gia tiên có thể về dùng những thức ăn ấy. Việc tưởng nhớ đến Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể còn hơn thế nữa, vì Đức Kitô thật sự hiện diện trong Bí Tích này.

Sự hiện diện của Đức Kitô là sự hiện diện theo bản thể, và bản thể của bánh và rược được biến đổi. Bản thể là sự sống và thực tại của một người hay một vật nào, và chính thực tại của Chúa Giêsu – Mình, Máu, linh hồn và thiên tính (CĐ Trentô, DS 1640; 1651) – hiện diện thật trong Bí Tích Thánh Thể. Hầu hết chúng ta quen thuộc với từ “biến thể - transubstantiation” là từ diễn tả việc biến đổi (trans) bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Kitô. Dù bề ngoài vẫn còn dưới hình bánh và rượu, nhưng thực chất thì đã biến đổi thành con người Đức Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Hữu, Đấng chia sẻ bản tính nhân loại với chúng ta.

Đó thật sự là Chúa Giêsu như xưa kia khi Người còn sống trên thế gian, vừa là Thiên Chúa vừa là người thật, nhưng còn hơn nữa: chính là Chúa Giêsu trên Thánh Giá, Đấng đã chịu chết, đã sống lại, và đã đi vào vinh quang, thật sự đang hiện diện với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.

Kết Luận

Ngày nay, Hội Thánh khắp nơi, nhất là ở Âu Mỹ đang xuống dốc, các chủ thuyết thế tục và tương đối đang làn tràn khắp nơi, vì một số rất lớn người Công Giáo không còn tin vào sự hiện diện thật của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể không chỉ là biểu hiệu của Đức Kitô, một dấu chỉ về Người, cũng không phải là một ẩn dụ gợi lại Chúa Giêsu qua những gì giống như Người hay liên quan đến Người. Nhưng Bí Tích Thánh Thể làm tái hiện diện thực tại của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể không phải chỉ bằng Mình và Máu Người, nhưng còn cả linh hồn và thiên tính Người nữa. Người thời đại cần sự hiện diện thật của Chúa Giêsu giữa họ. Nếu chúng ta biết kết hợp với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, biết để cho Người uốn nắn và biến đổi con người của mình để mỗi ngày một nên giống Người hơn, thì chắc chắn thế gian sẽ thay đổi vì mỗi người chúng ta sẽ làm cho những người chung quanh nhận ra sự hiện diện thật của Chúa Giêsu giữa họ qua cách sống của chúng ta, là cách sống được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể.

Viết Theo Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2011 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

http://giaoly.org/vn
 
Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI dành cho GiớiTrẻ ở San Marino-Montefeltro
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
17:24 01/07/2011
PENNABILLI, thứ hai 20 tháng 6, 2011 (ZENIT.org) - Sau đây là bài huấn từ của ĐTC Benedict XVI nói với giới trẻ ở San Marino-Montefeltro, người đã gặp nhau tại quảng trường của nhà thờ chính tòa Pennabilli (Rimini) chiều chủ nhật 19/6/2011.

* * *


Các bạn trẻ thân mến!

Cha rất sung sướng được ở giữa các bạn hôm nay! Cha cảm nhận được tất cả niềm vui và nhiệt tình của các bạn là những gì đặc trưng cho tuổi của các bạn. Cha kính chào và cám ơn đức giám mục của các bạn, Đức Cha Luigi Negri, vì những lời chào mừng thân mật của ngài, và người bạn của các bạn là người đã bày tỏ những suy nghĩ và cảm giác của tất cả các bạn, và bày tỏ một số điều trong đó một cách rất nghiêm trọng và quan hệ. Cha hy vọng rằng các bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho những vấn đề này trong bài trình bày của cha. Cha cũng chào mừng các linh mục, các sơ, các huynh trưởng đang chia sẻ với các bạn cuộc hành trình đức tin và tình bằng hữu, và tất nhiên là cha mẹ các bạn, những người vui mừng khi nhìn thấy các bạn lớn mạnh trong điều lành.

Cuộc gặp gỡ của chúng ta ở đây tại Pennabilli, trước nhà thờ chính toà này, là trung tâm của giáo phận, và tại quảng trường này, làm cho chúng ta liên tưởng đến nhiều cuộc gặp gỡ khác nhau của Chúa Giêsu mà Tin Mừng kể lại cho chúng ta. Hôm nay cha muốn gợi lại những cảnh nổi tiếng, trong đó Chúa đang trên đường đi có một người thanh niên đã chạy lên và quỳ xuống và hỏi Người: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" (Mc 10:17). Thời nay có lẽ chúng ta sẽ không nói như thế, nhưng ý nghĩa của câu hỏi thì thật chính xác; tôi phải làm gì, tôi phải sống thế nào cho đáng sống, để tìm được sự sống?

Như thế, chúng ta có thể thấy câu hỏi này chứa đựng kinh nghiệm nhân bản rộng rãi và đa dạng, là điều mở ra trong việc tìm ý nghĩa và cảm thức thâm sâu về cuộc đời: Sống thế nào? Tại sao lại sống? Thực ra, "sự sống đời đời" mà người thanh niên trong Tin Mừng đề cập đến không chỉ là sự sống sau khi chết, anh ta không chỉ muốn được lên thiên đàng. Anh muốn biết mình phải sống như thế nào lúc này để có thể được sự sống đời đời. Vì vậy, trong câu hỏi này người thanh niên cho thấy nhu cầu cần phải coi ý nghĩa, sự phong phú và chân lý như một phần của cuộc sống hàng ngày của anh.

Con người không thể sống mà không có tìm kiếm sự thật về chính mình – tôi là ai, và tại sao tôi phải sống - một sự thật thúc đẩy người ta mở chân trời ra và vượt trên những gì là vật chất, không chạy trốn thực tế, nhưng sống một cách trung thực hơn, đầy đủ ý nghĩa và hy vọng hơn, nhưng không chỉ bề ngoài. Và cha nghĩ rằng điều này - cha đã thấy và đã nghe được trong lời của người bạn của các bạn - và cũng là kinh nghiệm của các bạn. Những thắc mắc lớn mà chúng ta có trong người vẫn luôn còn đó, chúng luôn được tái sinh: Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta sống để làm gì?

Và những câu hỏi này là một dấu chỉ cao nhất của tính siêu việt của con người và khả năng của chúng ta không dừng lại ở bề mặt của sự vật. Chính bằng cách nhìn vào chính mình với sự thật, với lòng chân thành và lòng can đảm mà chúng ta cảm nhận được không những chỉ vẻ đẹp, mà còn sự mỏng manh của cuộc sống, và chúng ta cảm thấy không hài lòng, một thao thức mà không có gì cụ thể có thể làm cho khuây khỏa. Cuối cùng, tất cả những lời hứa thường chứng tỏ là không đủ.

Các bạn thân mến, cha mời các bạn ý thức về mối quan tâm lành mạnh và tích cực này, đừng sợ tự hỏi mình những câu hỏi cơ bản về ý nghĩa và giá trị của cuộc đời. Đừng thỏa mãn với những câu trả lời lưng chừng, lập tức, chắc chắn là những câu trả lời dễ dàng và thoải mái hơn vào lúc đó, có thể cung cấp một số giây phút sung sướng, cao hứng và say sưa, nhưng chúng không cho chúng ta một niềm vui thực sự của cuộc đời, một niềm vui phát sinh cho những người xây nhà - như Chúa Giêsu nói - không phải trên cát, nhưng trên đá vững vàng. Vì thế các bạn hãy học cách suy nghĩ, để đọc không phải một cách hời hợt, nhưng cách sâu xa kinh nghiệm nhân bản của mình: các bạn sẽ khám phá ra với sự kinh ngạc và niềm vui, rằng trái tim của bạn là một cửa sổ mở cho sự vô cùng!

Đây là sự vĩ đại của con người và cũng là sự khó khăn của họ. Một trong những ảo tưởng được tạo ra trong suốt dòng lịch sử là ý nghĩ rằng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, bằng một cách tuyệt đối, có thể đưa ra những câu trả lời và những giải pháp cho mọi vấn đề của nhân loại. Và chúng ta thấy rằng không phải như thế. Thực ra, ngay cả nếu điều ấy có thể đạt được, thì không có gì và không ai có thể tẩy xóa được những thắc mắc sâu thẳm nhất về ý nghĩa của cuộc đời và của cái chết, ý nghĩa của đau khổ, của mọi sự, bởi vì những thắc mắc này được ghi khắc trong tâm hồn con người, trong quả tim chúng ta, và vượt ra ngoài phạm vi nhu cầu. Con người, ngay cả trong thời đại khoa học và kỹ thuật tiến bộ - là thời đại đã cho chúng ta quá nhiều - vẫn còn có người muốn nhiều hơn, nhiều hơn sự thoải mái và hạnh phúc, và người ấy tiếp tục là con người mở lòng ra cho toàn bộ chân lý về cuộc đời của mình. Người đó thể không ngừng lại ở vật chất, nhưng mở lòng ra cho một chân trời rộng lớn hơn nhiều.

Tất cả điều này bạn sẽ tiếp tục cảm nghiệm mỗi lần bạn tự hỏi: Nhưng tại sao? Khi bạn chiêm ngắm một buổi hoàng hôn, hay khi âm nhạc làm lòng trí bạn rung động; khi bạn cảm nghiệm được rằng yêu thương thực sự có ý nghĩa gì; khi bạn cảm thấy có một ý thức mạnh mẽ về công lý và chân lý, và khi bạn cảm thấy thiếu công lý, chân lý và hạnh phúc.

Các bạn trẻ thân mến, kinh nghiệm của con người là một thực tế kết hợp tất cả chúng ta lại với nhau, nhưng sự kết hợp này có nhiều mức độ ý nghĩa khác nhau. Đây là nơi mà người ta quyết định làm thế cách nào để định hướng đời mình, cùng chọn ai để trao phó đời mình. Nguy cơ là vẫn luôn bị cầm tù trong thế giới của sự vật, của điều trước mắt, của sự tương đối và tiện dụng, làm mất sự nhạy cảm đối với những gì liên hệ đến chiều kích tâm linh của chúng ta. Đó không phải là coi thường việc sử dụng lý trí hoặc chối bỏ tiến bộ khoa học. Nhưng thay vào đó là để hiểu biết rằng mỗi người chúng ta không chỉ được tao dựng theo chiều "ngang", nhưng cũng bao gồm cả "chiều dọc". Các dữ kiện khoa học và kỹ thuật không thể thay thế thế giới đời sống, những chân trời ý nghĩa và tự do, sự phong phú của những liên hệ bằng hữu và yêu thương.

Các bạn trẻ thân mến, chính trong việc mở lòng ra cho toàn bộ sự thật về bản thân chúng ta và về thế gian mà chúng ta cảm nhận được sáng kiến của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài đến để gặp mỗi người và làm cho họ biết mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Trong Chúa Giêsu. Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta và đã ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng được trở nên người dự phần vào chính đời sống của Thiên Chúa; chúng ta thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Trong Người, trong Đức Kitô, bạn có thể tìm thấy những câu trả lời cho những thắc mắc đang cùng đi trên đường của bạn, không phải trong một cách hời hợt, dễ dàng, nhưng cùng đi với Chúa Giêsu, cùng sống với Chúa Giêsu. Cuộc gặp gỡ Đức Kitô không được giải quyết bằng cách trung thành với một học thuyết, một triết lý, nhưng điều mà Người đề nghị với bạn là chia sẻ chính đời sống của Người, và cách học cách sống, cách tìm hiểu con người là ai, tôi là ai. Đối với người tanh niên ấy, là người đã hỏi anh phải làm gì để được sự sống đời đời, nghĩa là, thật sự sống, Chúa Giêsu trả lời, bằng cách mời anh ta đừng vương vấn của cải của anh và nói thêm: "Hãy đến mà theo Thầy" (Mc 10:21).

Lời của Đức Kitô cho thấy rằng cuộc đời của chúng ta chỉ có ý nghĩa trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu: một Tình Yêu đòi hỏi, sâu sắc, vượt trên vẻ hời hợt bề ngoài. Đời bạn sẽ ra sao nếu không có Tình Yêu ấy? Thiên Chúa chăm sóc cho con người từ khi tạo dựng cho đến tận thế, khi Ngài đem kế hoạch cứu độ của Ngài đến hoàn thành. Trong Chúa Phục Sinh, chúng tôi có sự chắc chắn về niềm hy vọng của mình. Chính Đức Kitô, người đã đi xuống hố thẳm của sự chết và sống lại, là hiện thân của niềm hy vọng, là Lời dứt khoát được công bố về lịch sử của chúng ta. Người là một lời tích cực.

Đừng sợ phải đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn, những giây phút khủng hoảng, những thử thách của cuộc đời, bởi vì Chúa đồng hành với các bạn, Người ở cùng các bạn. Cha khuyến khích các bạn hãy lớn lên trong tình bằng hữu với Người bằng cách thường xuyên đọc Tin Mừng và toàn bộ Thánh Kinh, trung thành tham dự Thánh Lễ như là một cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô, dấn thân trong cộng đồng hội thánh, là đường đi của các bạn với một vị linh hướng vững vàng. Được biến đổi bởi Chúa Thánh Thần các bạn sẽ có thể cảm nghiệm sự tự do đích thực, khi sự tự do này được định hướng về điều thiện. Bằng cách này, đời sống của các bạn, được linh hoạt hóa bởi việc tiếp tục tìm kiếm Dung Nhan của Chúa và bởi một ước muốn chân thành hiến thân, sẽ trở thành một dấu chỉ cho nhiều đồng bạn của bạn, một lời kêu gọi hùng hồn để làm cho ao ước được viên mãn, là điều ở trong tất cả chúng ta cuối cùng được thể hiện trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Hãy để cho mầu nhiệm Đức Kitô soi sáng toàn thể con người bạn!

Rồi các bạn sẽ có khả năng mang vào các môi trường khác nhau sự mới lạ ấy, là điều có thể thay đổi những quan hệ, những cơ cấu và những tổ chức để xây dựng một thế giới công bằng và đoàn kết hơn, được thúc đẩy bởi việc tìm kiếm công ích. Đừng chịu thua những luận điệu của chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ. Chớ gì các bạn được an ủi bởi chứng từ của biết bao người trẻ đã đạt được cùng đích nên thánh: Hãy nghĩ đến Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Thánh Đôminicô Saviô, Thánh Maria Gôretti, Á Thánh Giorgiô Frassati, Á Thánh Albert Marvelli – là người của vùng đất này – và biết bao người khác mà chúng ta không biết, nhưng đã sống cuộc đời của họ trong ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng, và đã tìm thấy câu trả lời: sống thế nào, tôi phải làm gì để được sống.

Để kết thúc cuộc họp mặt này, cha muốn dâng mỗi người trong các bạn cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh. Giống như Mẹ, các bạn cũng có thể nói lên và nhắc lại lời “xin vâng” của các bạn, và luôn luôn công bố sự cao cả của Chúa bằng đời sống của mình, bởi vì Người cho bạn những lời ban sự sống đời đời. Cho nên, cha khuyến khích các bạn thân yêu, trong cuộc hành trình đức tin và đời sống Kitô hữu. Cha cũng luôn gần gũi các bạn và đồng hành với các bạn bằng phép lành của cha.

Cảm ơn các bạn vì sự chú ý của các bạn!

http://giaoly.org/vn
 
Sudan: Giám mục giáo phận El Obeid kêu gọi chấm dứt ngay xung đột
Phạm Kim An
07:59 01/07/2011
Sudan: Giám mục giáo phận El Obeid kêu gọi chấm dứt ngay xung đột

Hơn 60.000 người buộc phải rời nhà ở, theo Caritas

ROMA – Đức Giám mục Michael Didi Adgum Mangoria, Giám mục phó giáo phận El Obeid, ở Sudan, tuyên bố: “Cuộc chiến này phải chấm dứt ngay lập tức. Cộng đồng quốc tế phải làm hết sức mình để cổ vũ sự trở lại một giải pháp hòa bình đã thỏa thuận”.

Giáo phận của Đức Giám Mục Didi bao gồm các khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất của các cuộc xung đột. Ngài giải thích: “Những người có khả năng đã cố gắng trốn thoát cuộc chiến này".

Hội Caritas, lo ngại rằng "một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang tăng lên nhanh chóng do cuộc xung đột, và những người cứu trợ chưa tiếp cận được số người bị ảnh hưởng", báo cáo rằng hơn 60.000 người đã buộc phải từ bỏ nhà cửa của họ ở miền Nam Kordofan, trong khu vực biên giới giữa miền Bắc Sudan và nước Cộng hoà Nam Sudan sắp ra đời.

Sau nhiều ngày sống ngoài trời không lương thực và nước uống, sức khỏe của những người chạy trốn bắt đầu suy giảm. Xung đột sắc tộc chống lại chính quyền ngăn trở họ trở về nhà mình.

Hội Caritas yêu cầu mỗi bên hãy "bảo vệ thường dân", và "mọi lạm dụng phải được điều tra và các thủ phạm phải đưa ra trước công lý".

Tại Kadugli, hơn 70% dân số đã bỏ chạy khi thành phố bắt đầu bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến bằng vũ khí hạng nặng, và cộng đồng nhân đạo bị giới hạn trong khu vực của Phái bộ LHQ tại Sudan (MINUS). Các nhà cứu trợ không thể di chuyển do tình hình an ninh, và không thể tiếp cận các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Đức Giám mục Didi đưa ra lời kêu gọi nhiệt tình, xin mọi người và mọi tôn giáo hãy cầu nguyện cho tình hình Sudan. (Zenit 30-6-2011)

Phạm Kim An
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại hội Phó Tế Việt Nam tại Houston
Pt Nguyễn Hoà Phú
08:00 01/07/2011
Houston ngày 30 tháng 6, 2011 - Đại Hội kỳ IV - Phó Tế Việt Nam đã chính thức khai mạc với chủ đề “Gia Đình Phó Tế Trong Hội Thánh Công Giáo”. Những tháng ngày vừa qua, Ban Tổ Chức đã cầu nguyện và làm việc liên tục để gia đình PTVN có cơ hội họp mặt và nhất là theo BTC đây là dịp để các Phó tế:

Xem hình ảnh

-Chia sẻ các ưu tư
-Cảm thông các thách đố
-Trau dồi tâm linh.

Tiếp xúc với Trưởng Ban Tổ Chức, Phó tế Nguyễn Kim Khánh, chúng tôi được biết – đây là kỳ đại hội có các phó tế về họp mặt đông đảo nhất. Một trong các thành tố của cuộc họp mặt thành công là tình tự quê hương dân tộc và cảm nghiệm hồng ân “ơn gọi phục vụ” của Cộng Đồng PTVN. Cũng theo Thầy Khánh, các thành viên trong đại gia đình PT đã về từ các Tiểu Bang: Alabama, California¸ Colorado, Florida, Georgia, Kansas, Louisiana, Michigan, Missouri, New Jersey, Oklahama, Pennsylvania, Texas …

Đây cũng là dịp để các hậu sinh (Tân Phó Tế) có dịp gặp gỡ các bậc tiền bối; đại thụ Nguyễn Mạnh San chịu chức 31/3/1979 và tân chức Lê Văn Rõ chịu chức 12/2/2011.

Nếu theo phẩm trật trong Giáo Hội Công Giáo, các đấng bậc trên dưới dựa theo ngày được truyền chức, thì tuổi niên tuế ngoài đời cũng là nét đặc trưng trong dịp Đại Hội kỳ IV. Phó tế Nguyễn Sĩ Bạch (Phó BTC) cho biết: PT cao niên nhất trong dịp này là Thầy Giuse Lê Văn Tâm (CO), năm nay 90 tuổi. Còn “baby deacon” là Thầy Cao Hữu Đắc mới 48 tuổi tròn.

Công việc mục vụ của các Phó tế tại điạ phương khá bận rộn, nhất là tại các cộng đoàn có giáo dân đông đảo; do đó muốn về dự đại hội, các thành viên phải thu xếp trước, nhiều khi từ 3 đến 6 tháng. BTC cho biết thêm dịp Đại Hội Koinonia IV, có trường hợp PT mãi đến tuần cuối cùng, mới thu xếp được để về dự đại hội, mặc dù chi phí phương tiện di chuyển phải trả khá cao. Nhưng 2 năm một lần anh em có dịp thư giãn hàn huyên, nên có tốn kém cũng chả ngại. Hoan hô tinh thần các thầy “cầm cờ đỏ” song không bỏ cuộc chơi.

Theo tinh thần các thông báo tiền đại hội, đây là dịp các thầy cô trao đổi những nụ cười vui tươi, những xiết tay thân ái, những nâng đỡ chân tình của những người sẵn sàng phục vụ theo gương Chúa Giêsu Kitô, Thầy Chí Thánh. Dựa theo tinh thần này, chương trình đại hội khá hấp dẫn, như: Du ngoạn thăm NASA, thắng cảnh địa phương, dạ tiệc, văn nghệ và hát cho nhau nghe. Nhưng chương trình từ giờ bắt đầu đến giờ kết thúc của 3 ngày đại hội vẫn là “Giờ Kinh Thần Vụ”.

Và cũng trong ngày gặp gỡ đầu tiên, Ban Tổ Chức cho biết, ngoài Phó tế Giuse Nguyễn Ánh, Chủ tịch đương nhiệm và Ban Điều Hành CĐPTVN-HK, còn có các diễn giả nổi tiếng cũng sẽ hiện diện trong dịp đại hội, đó là: Pt Gerald Dupont, Chairman Exec. Comm. NA/DD; Tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt; LM Hoàng Đạt; LM Vũ Thành; GM Vincent M. Rizzotto.

Trong tâm tình tri ân và cảm tạ, chúng ta cùng hiệp thông và cầu nguyện cho Đại Hội kỳ IV, Phó tế VN được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần và thành công.
 
Thánh lễ truyền chức Phó tế tại giáo phận Thái Bình
Văn Chiến
07:41 01/07/2011
THÁI BÌNH - Hôm nay 01/07/2011, tại Nhà thờ Chính Toà, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đã cử hành Thánh lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu – Quan thầy Giáo phận Thái Bình. Cũng trong Thánh lễ này, Đức Giám mục Giáo phận Truyền chức phó tế cho 9 thầy thuộc khoá 2004 – 2011, đã hoàn thành chương trình đào luyện tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội.

Đây là một hồng ân cao quí mà Thánh Tâm Chúa Giêsu trao ban cách nhưng không cho Giáo phận, cách riêng cho các tân chức và thân nhân của họ.

Cùng hiệp thông trong Thánh lễ này có Đức cha F.X. Nguyễn Văn Sang – nguyên Giám mục Chính toà Thái Bình, các cha trong Giáo phận, chủng sinh, tu sỹ và nhiều giáo dân đến từ các giáo xứ trong Giáo phận.

Cũng cần nói thêm, trước khi cử hành Thánh lễ, Đoàn đồng tế khởi hành từ Toà Giám mục tiến ra nhà thờ Chính toà và tại đây, Đức cha Phêrô cùng với mọi thành phần dân Chúa chầu Thánh Thể, dâng Giáo phận cho Trái Tim cực Thánh Chúa Giêsu. Truyền thống linh thiêng này muốn bày tỏ rằng, Giáo phận Thái Bình trong gần 75 năm thành lập đã ghi đậm dấu ấn của Hồng ân Trái Tim Chúa. Sự gia tăng con số hàng giáo sỹ cho thấy, hạt giống Tin mừng đang dần nảy nở trên vùng đất thuần nông nghiệp.

Trong bài giảng của mình, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh tới mục đích, ý nghĩa và vai trò của phó tế trong đời sống Giáo Hội. Ngài nói: “các phó tế nên như những đầy tớ tồn tại để phục vụ mọi người; các thầy công bố lời Chúa không chỉ trong nhà thờ, nhưng còn ở ngoài nhà thờ bằng chính đời sống thánh thiện của các thầy… Đó là những việc thuộc bản chất tình yêu của những người hiến dâng cho Thiên Chúa”.

Thánh lễ kết thúc trong niềm vui khôn tả của cộng đoàn dân Chúa và gia đình các tân chức. Nhìn gương mặt rạng ngời của các tân phó tế, mọi người thêm hy vọng vào sự đổi mới của Giáo phận Thái Bình giống như ơn Chúa Thánh Thần đã, đang và vẫn sẽ đổi mới các tân chức.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Một cuộc cách mạng mới của kỹ thuật nhiếp ảnh? 'ảnh sống'
Trần Mạnh Trác
09:40 01/07/2011
Có khi nào bạn chụp một tấm hình, mà khi xem lại thì thấy đối tượng đã bị mờ?

Và có trường hợp khi đã có ảnh rồi bạn bỗng ước mong có thể coi rõ thêm chi tiết của một đối thượng lu mờ ở đằng xa?

Những thất vọng như vậy là chuyện thường xảy ra, dù là với giới chuyên nghiệp hay với người tài tử. Có vẻ như một tấm hình rõ nét 'đúng chỗ theo ý muốn' là một vấn đề không đơn giản trong thực tế sinh động.

Những vấn đề như thế đã được nghiên cứu từ lâu và đã từng được biết tới với một tên là kỹ thuật "plenoptics" (quang hội phẳng.)

Các máy ảnh Plenoptic sử dụng nhiều ống kính, mỗi ống kính tập trung vào một tâm điểm để có thể bao gồm mọi ánh sáng từ mọi góc độ của một cảnh. Một máy ảnh như thế có thể có hàng trăm hoặc trong trường hợp của máy có tên là Raytrix R11 có 40.000 ống kính.

Vì tất cả các tia sáng của một cảnh đã được ghi nhận, cho nên nhiếp ảnh gia có khả năng thay đổi bố cục của bức hình sau khi chụp. Người chụp ảnh không cần phải lo tìm tâm điểm và chỉnh cho rõ nét trước khi nháy máy. Hình ảnh sẽ hòan tòan rõ nét ở bất kỳ vị trí nào, mãi mãi trong tương lai.

Khi coi hình, người ta sử dụng software chạy trên máy super computer để điều chỉnh tâm điểm (focus) theo ý muốn. Mỗi khi chỉnh lại focus, người xem có thể phát hiện ra những chi tiết bất ngờ và phong phú mới và làm mờ đi những chi tiết muốn lọai bỏ, và như thế có thể trình bày bố cục của tấm hình với một ý nghĩa hòan tòan mới. Một hình như thế còn có nhiều khả năng sử dụng cho kỹ thuật Ba Chiều (3D.)

Người ta đặt tên những hình như thế là ' ảnh sống' (living pictures, living photos.)

Nhưng một máy Raytrix R11 có một giá tiền không thân thiện là $30,000.00. Để cho kỹ thuật này trở thành thông dụng, người ta cần có một mặt hàng với giá bình dân hơn. Một giải pháp là giảm bớt số ống kính xuống, vừa đủ để 'focus' tất cả những 'nền' thông dụng.

Lytro, một hãng mới thành lập ở Mountain View, California đã tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề với một kỹ thuật mới gọi là Light Field technology (Ánh Sáng Nền.)

Kỹ thuật này là lãnh vực nghiên cứu của một thanh niên trẻ 31 tuổi người Đài Loan gốc Quảng Đông, mang quốc tịch Úc và có học vị tiến sĩ tại Đại học Stanford tên là Ren Ng (Ngô Ren.)

Danh từ Light Field được định nghĩa là tất cả các ánh sáng ở mọi hướng của một cảnh, từ nền phía trước tới nền phía sau và tất cả mọi thứ ở giữa.

Ren Ngô đã nghiên cứu lãnh vực công nghệ ánh sáng từ năm 2004, luận án tiến sĩ năm 2006 của ông đạt giải danh dự là luận án hay nhất trong lãnh vực khoa học vi tính và kỹ thuật. (http://graphics.stanford.edu/papers/lfcamera/lfcamera-150dpi.pdf)

Các máy thử (prototype) của hãng Lytro trao cho một số nhỏ chuyên viên điện ảnh vẫn còn được giấu kín, tuy nhiên vài nguồn tin hé lộ cho biết những máy đợt đầu sẽ là một lọai bỏ túi và bộ ống kính là một hợp quần của khỏang 100 kính li ti, phỏng theo mô hình mà nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Ren Ngô đã dùng trước đây.

Giá cả của máy và software chỉ có vài trăm đô la, bán trên Mạng qua hệ thống bán lẻ trực tuyến như Amazon.com và website của Lytro.

Trong tương lai gần, sẽ có thêm ứng dụng để dùng trong những cộng đồng Mạng như Facebook.

Kỹ thuật Light Field nếu thành công và thông dụng thì có thể làm cho các máy ảnh đang được sử dụng trở thành lỗi thời mau chóng.

Bạn có thể vào Website sau đây để thí nghiêm một vài ảnh sống: http://www.lytro.com/picture_gallery
 
Văn Hóa
Trái đắng
Lm Vũđình Tường
07:32 01/07/2011
Buổi trưa tháng bảy, trời nắng thật gắt. Cái nắng giao mùa, tranh chấp giữa thần nắng và thần mưa. Ba mẹ con Hùng ngồi trên chiếc chõng tre ngó ra ngoài sân. Hùng, đứa anh lớn nhất cứ đưa mắt theo dõi những hạt bụi li ti lẩn quẩn trong không khí. Chúng bị cuốn đi bởi những cơn gió, cứ tung lên lại rớt xuống, lại bị tung lên, chập chờn trong cánh gió. Trước mặt Hùng lúc này là cả một bầu trời đom đóm. Hàng triệu đom đóm sao từ từ dâng lên từ mặt sân, cứ cao độ vài thước là chúng nổ tan tành như những đốm nhỏ của cái pháo bông. Hùng đang chăm chú theo dõi những hạt đom đóm sao đó, tiếng bà cụ mẹ Hùng nhắc:

‘Thôi hai anh em con đưa lúa đi chà rỗi có không kịp đâu, từ nhà ra đến đó cũng phải hơn tiếng đồng hồ chứ ít gì.'

Bà cụ chép miệng tiếp:

‘Tội nghiệp hai thằng bé nắng chang chang thế này mà cũng phải đi.’

Hùng vẫn ngồi yên, chàng vẫn còn mãi mê chăm chú theo dõi những hạt đom đóm trưa hè. Bà cụ lại phải nhắc thêm một lần nữa. Hùng uể oải, vươn vai đứng dậy, chàng vừa ngáp vừa hỏi:

‘Thằng Huy đâu rồi mẹ?’

Bà cụ trả lời bâng quơ:

‘Thì con đi gọi nó xem, nó vừa ngồi đây với mẹ và con, chắc nó chưa đi đâu xa đâu.’

Hùng ngáp dài:

‘Con chẳng muốn đi tí nào cả, hay để mai đi có được không mẹ?’

‘Mai nhà máy đâu có làm việc, hơn nữa mẹ đã nói với người ta rồi, không đi thì họ chờ chết, vả lại, nếu con không đi thì chiều nay lấy gạo đâu ra mà nấu cơm. Thôi, mẹ bảo ngoan, hai anh em đi rỗi, đi sớm thì về sớm con ạ.’

Bà cụ trả lời.

Hùng và Huy, hai anh em lệ khệ khiêng mấy bao lúa xuống thuyền. Chiếc ghe tam bản tròng trành trên giòng nước đục ngầu, hai anh em chèo thành thạo khiến con thuyền đi thật nhẹ nhàng. Bà mẹ đứng trên bờ nhìn con đi khuất trước khi quay vào. Hùng và Huy cứ lẳng lặng chèo, hai cánh tay đưa đi đưa lại thật đều nhịp, thường thì hai anh em nói chuyện vui vẻ lắm, nhưng hôm nay trời nắng chẳng ai chịu nói cả, thỉnh thoảng Huy lại giơ tay đấm ngang để lau mồ hôi trên trán. Một cơn mây kéo đến che rợp cả bầu trời. Hùng kêu lên:

‘Chết, không mang vải mưa đi, trời mà mưa lấy gì che được.’

Huy nói có vẻ quả quyết:

‘Mưa làm sao được mà mưa, mùa này ít mưa lắm, chẳng còn mấy chốc nữa là đến nơi, lúc đó tha hồ mà mưa.’

Hùng dục em:

‘Chèo khoẻ đi một tí nữa thì thế nào cũng tránh được mưa.’

Chiếc cầu ao của nhà máy chà đã lộ ra trước mắt. Huy reo lên:

‘Tới rồi kìa, em trông thấy chiếc cầu ao rồi đấy, em nói mà, đâu có mưa.’

Hùng có vẻ mệt mỏi, chàng trả lời cộc lốc: ’Ừ’

Con thuyền từ từ được cặp vào bến. Huy nhanh nhẹn phóng ngay lên trên cầu ao, tay kia cầm sẵn chiếc dây cột vào cộc cầu ao. Hùng bảo Huy vào lấy xe đẩy ra để đẩy lúa lên đem đi chà, còn chàng ngồi canh chừng nhỡ có chiếc canô nào đi ngang đánh chìm thuyền chăng. Huy kéo chiếc xe đẩy ra, chàng chẳng thể nào kéo qua được cái con dốc. Huy hai tay cầm chặt lấy cần kéo của chiếc xe, quay ngược người cố kéo nhưng chiếc xe chẳng nhúc nhích. Chàng ghì gà ghì gẵng mãi. Hùng thấy thế, chàng nhón nhén bước qua những bao lúa để đi lên giúp em. Thấy anh lên tới, Huy mừng rỡ, hai anh em túm lại kéo, chiếc xe trườn lên khiến cả hai anh em chúi nhào về phía trước. Tới bờ sông, chiếc xe được chêm cứng lại bằng hai hòn gạch thẻ đặt ở bánh xe. Hai anh em lại ì à ì ạch khiêng lúa chất lên xe. Sau khi đã chất xong xuôi, ông thợ vác lúa đi ra để giúp hai anh em kéo xe lúa vào.

‘Hai anh em giỏi thật, trời nắng thế này mà đi xay lúa giúp mẹ được, ngoan lắm, thôi để cho chú, chú kéo vào cho.’

Hùng hỏi:

‘Chừng nào thì xong hả chú?’

Chắc hôm nay không lâu lắm đâu, vì có ít khách, hơn nữa mẹ cháu có dặn trước rồi. Chú tưởng các cháu không đi nên chú vừa mới xay lúa của người ta xong, sau lần này thì đến phiên cháu.’

Hùng đáp:

‘Cháu định không đi ấy chứ, trời nắng quá, nhưng mẹ cháu bảo đã lỡ hứa với chú rồi nên chúng cháu phải đi.’

Hùng và Huy để lúa cho chủ máy muốn lo sao thì lo, chúng lững thững đi quanh quẩn máy xem một chút rồi bỏ đi ra. Hai anh em rủ nhau ra cầu ao ngồi nghỉ mát. Hùng trông thấy cây táo đầy những quả, chàng quay hỏi em:

‘Huy có ăn táo không?’

Huy tán đồng ngay. Hai anh em bẻ đầy hai túi táo ngồi cạnh cầu ao nhai. Ánh nắng đã dịu lại, vài con cá lên ngớp nước quậy cái đuôi để lại một xoáy nước trông thật đẹp. Hùng nói:

‘Cái ao này mà được câu thì sướng biết mấy.’

Huy cãi lại:

‘Nó chẳng cắn đâu, ở đây cá ăn cám cũng no.’

Hai anh em còn đang chuyện trò vui vẻ. Có tiếng hỏi:

‘Hai con làm gì đấy?’

Cả hai cùng một lượt quay lại, ông cha xứ tay cầm ghi đông xe đạp đứng đó tự bao giờ. Cả hai cùng thưa:

‘Chào cha ạ.’

Ông cha xứ hỏi:

‘Ăn gì cho cha ăn có được không?’

Hùng trả lời:

‘Chúng con đang ăn táo’

Chàng tiếp:

‘Cha ăn táo dai không?’

Ông cha xứ trả lời:

‘Không, cha không ăn đâu, các con ăn đi’

Liền ngay lúc đó hai, ba bà lão vừa tới nhà máy chờ xay lúa. Các bà rủ nhau ra chào cha xứ. Các bà nghe loáng thoáng cuộc đối thoại giữa ba cha con. Lúa đã chà xong, được chất xuống ghe cẩn thận, ông chủ nhà máy gọi hai anh em Hùng chèo thuyền về, ông còn dặn với lại:

‘Chèo cẩn thận có thuyền chìm vừa ướt gạo, vừa chết đuối đấy, còn tiền bạc thì để chú tính lại với mẹ cháu.’

Hùng và Huy cám ơn ông chủ nhà máy chà xong, xuống thuyền chèo về. Bà mẹ mừng rỡ đón con về, bà giúp mang gạo lên, ân cần hỏi han, mẹ con có vẻ đầm ấm lắm.

Hùng đi học về đến nhà gần ba giờ chiều, trời nắng chang chang. Hùng cảm thấy bụng đói nhưng vì uống nước nhiều quá chàng cảm thấy bụng anh ách. Hùngvừa nói:

‘Thưa mẹ con đi học về’

Chàng được nghe một giọng hằn hộc của mẹ:

‘Về đây rồi tao bảo’

Hùng chẳng hiểu ất giáp gì cả, chàng chỉ thấy mẹ hôm nay có vẻ hơi khác, có vẻ nóng nảy, bực tức điều gì trong lòng. Đợi Hùng cất cặp xong, bà mẹ ra lệnh:

‘Hùng, lên giường nằm.’

Bà chẳng hỏi han gì, kéo ngay cái roi trúc mà bà đã chặt sẵn từ bao giờ, ba cái roi được chập lại làm một, bà giơ thẳng cánh quất. Hùng đau điếng người, chàng chẳng còn đủ bình tĩnh để suy đoán xem mình đã làm gì để đến nỗi phải ăn đòn như thế. Hả cơn giận, bà ngồi xuống cạnh giường thở, điệu bộ thật thiễu não, mệt mỏi. Chàng vẫn còn nằm úp mặt xuống giường nhưng đôi mắt ngó mẹ cho vững bụng. Mỗi lần bà cụ nhúc nhích, Hùng lại có cảm tưởng đau đớn, hình như một cái roi vô hình nào đó đang chực quật xuống cơ thể chàng. Bà cụ thì mồ hôi rướm ra trên da mặt sạm nắng, hai con mắt đỏ, buồn không thèm chớp, cái roi trúc vẫn tênh hênh giữa giường trông chẳng khác nào cây roi tử thần mà chàng đọc trong chuyện “Họa kiếp sau’.

Bình thường Hùng thấy mẹ thật hiền, nhưng hôm nay thấy bà dữ dằn làm sao ấy, cái vẻ hiền từ biến mất hẳn trên khuôn mặt; một vẻ hằn học lộ hẳn trên cặp mắt bốc lửa kia. Hùng nằm yên bất động, nhưng trong đầu chàng nghĩ vẩn vơ vô cùng. Những trò chơi với chúng bạn hiện rõ trong đầu, từng thứ một, mạch lạc, hẳn hoi, tên những đứa bạn thân hiện rõ ràng. Càng nghĩ, chàng càng thấy rõ những thú vui đang chào đón, nếu chàng được thong dong đi chơi với chúng. Bình thường như mọi ngày, giờ này chàng cũng đang hò hét, hay chơi một vào trò chơi, nhưng hôm nay thì.. . Bà cụ ra lệnh tha. Hai tiếng ‘tha cho’ ban ra, Hùng nhận lãnh có vẻ chậm chạp làm sao ấy. Chàng nghĩ thầm trong bụng, đánh mệt rồi tha chứ đâu có thương tiếc gì. Bà cụ gằn giọng:

‘Tao tha cho rồi mà còn cứ nằm đó mãi à, có dậy rửa mặt đi không, nhưng mà cấm không cho ăn chiều nay.’

Hùng mệt mỏi bò dậy, chàng khoanh tay thưa:

‘Thưa mẹ, từ.. . nay... con chừa...con không... dám... vậy... nữa, mẹ... tha... cho... con !’

Bà cụ lẩm bẩm:

‘Lần sau còn vậy nữa thì tao giết, chứ không tha nữa’

Hùng khoanh tay khập khiễng bước ra phía cầu ao, tới nơi thay vì rửa mặt, chàng ngồi phịch xuống, có vẻ đau đớn, những vết roi hồi nãy vẫn còn hành hạ chàng. Hùng đưa tay ra sau rờ những chỗ bị quật thấy chúng nổi lên từng cục, từng cục, chàng bật khóc một mình.

Bà cụ sau khi đánh con, trong lòng cũng còn bực vì cái lỗi hỗn hào của con. Càng nghĩ càng bực, phải như nó nói với người ngoài thì còn đi xin lỗi họ dễ dàng, đàng này nó lại nói với ông cha xứ. Bây giờ nói làm sao cho ông ấy hiểu được, thật khó quá chừng, từ nay còn mặt mũi nào mà ngó ông ấy nữa. Bà định bụng kiếm món quà gì rồi dẫn Hùng đến để hai mẹ con cùng xin lỗi. Nghĩ mãi không ra được cách nào hay cả. Mỗi lần có việc phải nói với người trên hay với đám đông, bà thường suy nghĩ kỹ lắm, định nói những gì bà đã lập đi, lập lại nhiều lần hầu như thuộc, thế mà đến khi phải nói thì nó quên sạch, nhớ chẳng được bao nhiêu. Lần này thì còn khó gấp bội, cuối cùng bà tìm ra giải pháp, để mình thằng Hùng nói, bà sẽ dạy nó học thuộc lòng ở nhà trước, đến đó nó chỉ việc lập lại những gì nó đã học thuộc thế là xong. Bà tạm yên trí. Cái nắng trưa hè cộng với cái mệt lúc đánh con khiến bà thiu thỉu ngủ lúc nào chẳng biết, đến khi tỉnh dậy trời đã về chiều. Bà sửa soạn đi nấu cơm chiều, lúc đó mới phát giác ra là Hùng chưa ăn cơm trưa. Tô canh rau đay và miếng cá kho để cho con vẫn còn nguyên vẹn, chén cơm thì đầy kiến. Bà ra cửa gọi Hùng để cho vài cái bánh quy. Gọi mãi chẳng thấy con đâu, bà yên trí Hùng đi chơi với chúng bạn, Hùng vẫn có tiếng là nhịn đói giỏi, chơi cũng đủ no với lũ trẻ, chúng chẳng cần ăn chỉ thích vui chơi. Mặc dầu đánh con vậy, nhưng trong lòng bà cũng thương con lắm. Bà thầm nghĩ: người mẹ nào cũng muốn cho con mình trở nên ngoan, chẳng ai muốn con mình ngu cả, tất cả các bà mẹ đều thương con, nhưng tất cả các bà mẹ cũng có lúc tức tối vì con, nếu các ông chồng bực bội đổ cái giận dữ lên đầu vợ, thì các con cũng là chỗ mẹ có thể dùng để làm nguôi cơn giận. Nó không phải luôn luôn xảy ra như thế nhưng trong đời ai chả không một lần làm điều đó.

Cơm chiều đã sắp sẵn, bà sửa soạn vào mâm cơm, Huy cũng đang chờ mẹ làm dấu là cả nhà cùng ăn. Chàng có vẻ rụt rè hơn mọi khi, cũng may mà lúc trưa Huy được tha, không bị roi nào cả, chỉ bị đe mấy câu thôi. Trông thấy Hùng bị đòn, Huy cảm thấy ớn da gà, chàng đứng phía cửa bếp ngó lên thấy anh đau đớn, giẫy dụa dưới những ngọn roi tới tấp. Huy giờ vẫn còn sợ. Bà cụ ngó quanh quẩn không thấy Hùng đâu, bà cao giọng:

‘Trận đòn lúc trưa thế mà vẫn chưa chừa, giờ này mà còn chưa về ăn cơm thì hỏi có đáng đánh không kia chứ.’

Bà quay sang hỏi Huy:

‘Thằng Hùng đâu?’

Huy thấy mẹ quay sang hỏi chàng sợ quá, líu lưỡi đáp:

‘Con, con không biết, con không có đi chơi với anh ấy.’

Bà cụ ra lệnh:

‘Đi gọi thằng Hùng về ăn cơm.’

Lệnh ban ra, thằng Huy nhảy tọt xuống khỏi ghế phóng ra sân mất; từ trong nhà bà nghe rõ tiếng thằng Huy gọi anh. Một lúc sau Huy chạy về thưa:

‘Con gọi mãi mà chẳng thấy anh ấy đâu cả.’

Hai mẹ con ngồi vào mâm cơm. Huy hôm nay ăn có vẻ từ tốn, rụt rè, chậm chạp. Nó ăn ít hơn mọi khi. Huy bỏ chén đũa xuống thưa:

‘Thưa mẹ con ăn xong.’

Bà mẹ bảo Huy:

‘Con đi gọi anh Hùng về đây mẹ bảo.’

Huy ‘vâng’ rồi chạy đi, trong lòng Huy cố tìm cách nói sao để cho anh Hùng bớt sợ. Nó nhẩm tên mấy người bạn của anh, rồi ù chạy một mạch, từ nhà này sang nhà kia. Chẳng nhà nào sót cả, tin tức thằng Hùng vẫn bằn bặt. Trên đường về nó vừa chạy miệng vừa gọi:

‘Hùng ơi.’

Về đến nhà, Huy vội nói:

‘Con tìm hết mọi nhà quen rồi mà chẳng thấy anh ấy đâu cả.’

Bà cụ đâm nghi ngờ, bà chửi Huy:

‘Cho mày ăn tốn cơm.’

Bà ra đi tìm những đứa Hùng thường đi chơi chung. Chẳng đứa nào biết tin tức Hùng, bà rảo bước về giục Huy đi tìm anh, tuy ngoài miệng bà mạnh bạo nhưng trong bụng cũng hơi run, không biết Hùng đi đâu. Lúc đầu thì chỉ tìm ở những chỗ Hùng thường lui tới chơi, giờ thì tìm ở nhà người quen, không ai biết tin tức Hùng. Cái tin mất Hùng thực sự làm bà lo lắng. Trời tối rồi mà tìm con vẫn chưa thấy. Chưa bao giờ Hùng đi chới đến giờ này cả, dù có vui mấy chăng nữa thì Hùng cũng về trước giờ cơm tối. Hôm nay thì cơm nước đã xong mà Hùng vẫn chưa về, hẳn là có chuyện gì xảy ra. Càng lúc bà càng thấy nôn nao, nỗi lo lắng càng lúc càng tăng, nó tăng theo màn đêm, trời tối sụp xuống cũng là nỗi lo lắng của bà. Bà cầu trời tối chậm lại một chút. Bây giờ làm sao tìm ra Hùng, bà thì phải ở nhà coi nhà, còn Huy thì đi tìm Hùng. Bà mượn cho Huy cái xe đạp chạy khắp đầu trên xóm dưới để tìm Hùng, chẳng thấy đâu cả. Trời tối quá, Huy trở về nhà lấy cái đèn chai mắc vào ghi đông xe đạp đi tiếp. Tìm làng trong không có, Huy chạy ra xóm ngoài. Mấy lần cái đèn chai bị tắt, Huy phải ngừng xe để thắp lại đèn. Chân đạp xe nhưng trong lòng thì không biết phải đi đâu, đi để cầu may, may ra gặp Hùng ở dọc đường, trời tối không thấy gì thì hy vọng gì tìm thấy Hùng. Huy mấy lần định đạp xe về nhưng suy đi nghĩ lại, có về cũng không ngủ được, mà đi thì không biết đi đâu. Công việc chẳng thể nào để đến mai. Linh tính báo cho Huy biết điềm chẳng lành. Huy cứ lưỡng lự mãi, đi hay về. Cuối cùng Huy quyết định đạp xe chậm chậm vừa đỡ mệt, vừa nghe ngóng những tiếng ồn ào, hay tiếng chó sủa từ đàng xa vọng lại. Tít đàng xa trước mắt có ánh đèn lấp lánh, không phải một mà là năm bảy. Huy không đặt hy vọng mấy phần vì mệt, phần vì ở quê, đêm đi ra ngoài dân chúng phải mang đèn để nói rằng mình là người lương thiện. Gần tới nơi, tiếng ồn ào, huyên náo nghe chẳng rõ chi, cứ như là một đám đánh nhau hay chửi nhau gì đó. Đến nơi, Huy dò hỏi tin tức được biết là có một đừa trẻ bị bịnh nằm ở vệ đường được một người bồng vào nhà chăm sóc. Vào đến nơi, Huy nhận ra ngay Hùng. Hùng lên cơn sốt gần như bất tỉnh nhân sự, chẳng còn biết ai vào với ai nữa. Huy luống cuống không biết xử trí ra sao. Bà chủ nhà mừng rỡ ra mặt, chỉ sợ thằng bé con nhà ai chết trong nhà mình thì rõ thật là khốn, may mà em nó đến kịp thời. Mấy người đề nghị chở đi nhà thương; làm sao được bây giờ, Huy thì chỉ có một chiếc xe đạp, Hùng thì không ngồi xe được làm sao mà chở. Vài người đề nghị thuê đò. Bà chủ nhà sợ thằng bé chết trong nhà nên sẵn đò nhà chở đi dùm, một là tránh được đám ma trong nhà, hai là làm phước. Hùng được bồng ra đò, chiếc xe đạp cũng được bỏ xuống. Sau khi nhập viện, người lái đò chào từ giã. Huy chỉ kịp nói tiếng cám ơn rồi theo xe đẩy đi vào phòng cấp cứu. Giờ Huy cảm thấy an tâm hơn; dọc đường thỉnh thoảng Hùng lại rống lên thở ra như những hơi thở của kẻ hấp hối, lâu lâu chàng lại rên lên ừ ừ. Cứ mỗi lần như thế Huy lại nín thở như cố gắng nghe tiếng tim đập của Hùng. Tiếng đò át tiếng tim đập, nó tạo nên những âm thanh nghe rợn tóc gáy. Tiếng canô xé nước trong đêm vang lại những âm điệu mê hồn. Hùng thở dốc rồi lại thở nhẹ rồi lại thở dốc. Chàng đang chiến đấu với thần chết.

Hùng ra cầu ao ngồi, chàng cứ rấm rức khóc mãi, cố tình nín nhưng không làm sao cầm giữ được, những cơn nấc cục vì đau đớn. Hùng có cảm tưởng, chàng bị bỏ rơi như anh chàng trong chuyện bị dì ghẻ hành hạ đến nỗi phải bỏ nhà ra đi. Sau này làm lớn trở về dì ghẻ không dám đánh nữa, lại được cả làng kính phục. Những ý tưởng này cứ lởn vởn trong đầu óc non nớt của chàng trai trẻ, nó cứ hiện ẩn, hiện ẩn, mạnh dần và cuối cùng Hùng quyết định bỏ đi. Chàng lẩm bẩm đọc đi, đọc lại hai chữ ‘đi trốn’. Chàng vịn tay vào cây mía đứng dậy, gượng gượng mãi mới đứng thẳng được, xuống cầu ao rửa mặt, vuốt lại mái tóc, nhìn bóng mình trong nước ao. Chàng thấy mình là một chàng trai lực lưỡng, chỉ tội hơi lùn. Nước lạnh làm chàng tỉnh hẳn, chàng đứng lên quyết định ra đi. Ra khỏi ngõ. Hùng sờ lại những nốt lươn bị quật lúc nãy, đầu ngón tay trỏ bị dính tí nước dẻo dẻo, chỗ bị sờ sót hẳn lên. Điều này chứng tỏ một chỗ nào đó bị rách da vì nốt quất. Hùng cắn răng chịu đựng, lầm lũi bước đi, nhất định không quay đầu lại nhìn bất cứ vật gì nữa, mặc dù chàng rất luyến tiếc những cảnh cũ. Cái ý tưởng ra đi mạnh hơn những cảnh này nhiều. Hùng cũng để tâm suy nghĩ về những roi đòn hồi chiều, vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ, vừa đặt kế hoạch cho những ngày sắp tới, chàng sẽ phải làm lớn, thành công, lúc đó chàng sẽ trở về, sẽ không bị mẹ đánh nữa. Chàng nhất định không thua những người trong chuyện mà chàng đã đọc. Hình trong bóng nước ao lúc chiều cho thấy chàng lớn lắm rồi, lực lưỡng nữa; lùn cũng chẳng sao, lùn mà giỏi thì họ cũng phải sợ, phải kính nể. Nhất định chàng sẽ trở về trong vinh quang.

Ánh nắng vàng vọt của buổi trưa hè đã gần tàn, những cơn gió chiều đã đến, chúng mang theo những làn gió mát rất dễ chịu, Hùng cảm thấy mỏi chân, chàng ngồi phịch xuống đám cỏ gà lan man tìm vài con cỏ gà, gió mát lùa vào mặt. Hùng nhìn mông lung môt chút rồi nghĩ đến bữa cơm chiều, giờ này ở nhà đang ăn cơm, nghĩ đến cơm, chàng thấy đói, biết ăn gì bây giờ, lấy đâu ra mà ăn. Chàng nhớ lại trong câu chuyện xem họ kiếm cơm ăn như thế nào, nhớ mãi không ra. Phải rồi, họ gặp ông tiên đến giúp, dạy học và nuôi ăn. Hùng vươn vai thở dài hai ba lượt rồi lững thững đứng dậy, buổi chiều tàn. Hùng cất tiếng hát nho nhỏ:

‘... buổi hoàng hôn mang lại sức sống của một ngày, thì ánh chiều tà cũng mang lại những nỗi lo lắng cho khách lỡ độ đường.’

Hùng suy nghĩ, hôm nay mình là nạn nhân của buổi chiều tà. Hùng gắng bước đi thêm một lúc nữa. Nỗi lo càng lúc càng tăng với cái tối của màn đêm, ánh nắng gần như mất hẳn, chỉ còn dọi lại vài tia yếu ớt rất là hiu hắt, vắt ngang chân trời. Hùng cảm thấy ruột gan bị cồn cào, chân tay run lẩy bẩy không làm sao đứng vững được nữa, cổ thì khát, chàng gượng gạo xuống bờ sông, nằm soài ra lấy tay vụm nước uống ngon lành, xong xuôi chàng khạc mãi nhổ ra một cục nước miếng dẻo kẹo. Hùng lảo đảo, đứng lên đi lại vệ đường chàng ngồi phịch xuống, tâm trí còn tỉnh táo lắm, nhưng toàn thân thì hầu như là không còn sinh lực bao nhiêu. Mấy lần chàng gượng để đứng lên đi tiếp, nhưng cái mệt đến kịp sau mỗi lần cố gắng đứng dậy, chàng lại ngồi xuống. Chàng định bụng nghỉ thêm một chút nữa rồi lấy sức đi tiếp.

Khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên giường, cạnh đó Huy ngồi trên ghế, trên đầu giường là một chai nước treo lủng lẳng được chuyền qua một sợi dây, những giọt nước biển nhễu xuống đều đặn. Phía trước mặt là bức hình một vị lương y, hai tai có kẹp ống nghe, cạnh bên kia là tấm giấy ghi đậm chữ ‘người lịch sự không khạc nhổ bậy’. Hùng giơ tay định dụi mắt nhưng Huy kịp thời ngăn lại, lúc này chàng mới nhận ra là mình đang được chuyền nước biển, một cái kim thật to được ghim vào tay trái, phía trên, cái kim được giữ lại bằng một miếng băng keo trắng, chàng bật khóc, Huy vội lấy tay để trấn an, miệng lẩm bẩm gì chàng nghe không rõ. Hùng run lên vì dùng mình, hai cánh tay nổi gai ốc, Huy thấy vậy đứng dậy chạy gọi cô y tá. Cô nữ y tá không chuyền nước biển nữa, rồi cho Hùng uống vài viên thuốc gì nhỏ xíu, cô dặn:

‘Nếu thấy có gì khác phải báo cho bác sĩ ngay.’

Hùng nằm ngủ chẳng được, nửa tỉnh nửa mê, chàng không thèm để ý đến cuộc đàm thoại của bà cụ với Huy. Bà cụ ngồi cạnh đầu giường cháu trên chiếc ghế dựa, hai con mắt để vào cháu nhưng cái miệng thì hình như ở cái giường bên kia, chỗ Huy ngồi. Huy thì cứ ậm à ậm ực cho xong câu chuyện vì ông thấy mấy cô y tá tỏ vẻ khó chịu làm sao ấy. Trong bệnh viện, bệnh nhân cần tịnh dưỡng mà bà cụ thì cứ một giọng oang oang như là ngoài đồng trống thế này thì làm sao họ nghỉ được. Một cô y tá không nhịn được nữa, lấy ngay cái bảng ghi:

‘Xin giữ yên tĩnh’

Và một cái bảng khác có ghi:

‘Bệnh viện, đừng bóp còi’

Treo gần chỗ cửa ra vào cạnh phía giường bà cụ. Bà cụ quay sang hỏi Huy:

‘Họ treo bảng gì vậy?’

Huy ngượng quá chẳng biết trả lời sao cho phải, anh chớp chớp mắt vài lần đáp nhỏ:

‘Bảng chữ đỏ như vậy là cấm cản gì ấy mà’

Bà cụ than:

‘Lão già rồi mắt lẻm kẻm, đọc chẳng được, chữ với nghĩa có ai đọc được đâu mà treo với móc.’

Huy liếc mắt nhìn Hùng, thấy chàng ngủ ngon, Huy nhân cơ hội này xin phép bà để đi ra ngoài, ngụ ý tránh cái kiểu nói chuyện của bà cụ. Bà không hiểu ý dặn với:

‘Đi đâu thì đi, để đấy cho lão, lão coi cho.’

Huy cảm ơn rồi bước ra khỏi cửa. Huy định nhắn tin về nhà cho mẹ nhưng chưa tìm được ai quen, làm sao để nhắn tin về nhà, chắc chắn rằng ở nhà giờ này mẹ đứng ngồi không yên, ai mà ngồi yên được khi gia đình có biến như thế, chuyện mất con đâu phải là chuyện thường. Huy ngồi canh chừng con, nhưng trong lòng bồn chồn lắm, tâm trí lúc nào cũng ưu tư, lo lắng. Phần thì sợ anh chết, phần thì lo lắng việc bệnh viện đòi tiền thuốc. Lấy tiền đâu mà trả cho bệnh viện. Giờ này Hùng ngủ yên, lại được bà cụ hứa coi sóc dùm nên Huy tạm yên trí đi tìm người quen nhắn tin về nhà. Huy nghĩ mãi để tìm cách nhắn tin về cho mẹ, chẳng tìm được cách nào khác hơn là ra bến chợ may ra tìm được người quen. Huy khiễng chân ngó qua tấm cửa kính của bệnh viện, thấy Hùng vẫn còn ngủ, bà cụ vẫn còn ngồi cạnh đó trông chừng, Huy cảm thấy yên tâm hơn. Đi ra bến đò chợ tìm người quen. Huy đứng dáo dác ngoài bến đò, người đi lại tấp nập, chen chúc nhau mà đi, chẳng một ai quen, thường thì thứ hai người trong xóm đi chợ bán gà, vịt, heo nhưng hôm nay thứ ba chẳng ma nào đi cả, có chăng phải đợi đến cuối tuần. Hai người cảnh sát nãy giờ đứng ngó Huy, họ đâm nghi xét giấy tờ, Huy chẳng có giấy tờ tuỳ thân càng bị nghi hơn, cuối cùng Huy phải dẫn họ về bệnh viện để làm bằng chứng cho những gì Huy đã khai. Nhân viên bệnh viện phải xác nhận và Huy phải ký tên vào tờ cam đoan là người ngay. Mặc dầu được tha nhưng trong bụng Huy vẫn tức làm sao ấy, một phần vì đang buồn bực mẹ nghe lời đồn thổi của mấy bà buôn điều, đánh con mà đến nỗi ra nông nỗi này, phần khác vì đang lo tìm cách nhắn tin về nhà mà chưa tìm được người quen, rồi thì bệnh tình anh làm sao chưa ngã ngũ, ôi thôi trăm thứ đổ lên đầu, chẳng có ai giúp đỡ, khuyên bảo lấy một câu, được bà cụ già, bà tuy tốt thật nhưng cái miệng lép xép quá khiến Huy chuyển từ có cảm tình lúc đầu, giờ sang ghét. Nói là ghét thì không đúng lắm nhưng mà không ưa mấy. Huy ức nhất là việc bị cảnh sát bắt ký tên vào tờ cam đoan, cái câu ‘tình ngay, lý gian’ làm Huy giận bắn người. Từ hồi nào đến giờ không làm gì đụng chạm đến luật pháp, thành ra Huy đâu có quen với cái lối làm việc của cơ quan dân quyền. Giấy tờ xong xuôi, Huy được trả tự do, đứng trầm ngâm một chút; Huy bước ra khỏi cửa với hai chữ ‘cám ơn’, thật sự hai chữ ‘cám ơn’ đối với Huy lúc này chẳng mang một ý nghĩa gì cả, nó chỉ là lịch sự mà thôi. Mấy người làm việc ở cửa công cũng quá quen với cái lối cám ơn ấy nhưng tự nhiên hôm nay họ thấy khác hẳn, bình thường thì những người được giúp đỡ công việc gì họ cám ơn ríu rít năm lần, bảy lượt, nhưng hôm nay thằng nhỏ này chỉ đáp lại hai tiếng ‘cám ơn’ tẻ nhạt. Người cảnh sát liếc nhìn cô y tá, anh ta nhún vai, không nói gì cả. Ai chả hiểu ơn với nghĩa gì ở cửa công, nhiều khi thì ngoài mặt vui vẻ nhưng trong lòng thì đầy căm thù. Đúng là ‘ngoài mặt thì vồn vã, trong tâm thì đào cả tông ti’. Huy đi ra đến nửa ngõ lại đổi ý đi vào, anh định đi vào nhìn Hùng trước khi nhắn tin về. Vừa chân trong chân ngoài, không nhìn thấy Hùng đâu, anh nghi là đi lộn phòng. Dừng một chút để định vị trí, đúng rồi, đúng căn phòng này, hai tấm bảng cô y tá treo vẫn còn kia, cháu bà cụ còn nằm kia, bà cụ thì không có, Hùng cũng không. Chàng đưa mắt liếc chiếc bàn xem có giấy tờ gì không, chẳng có gì khác, cái bảng treo đầu giường đề tên tuổi Hùng, ngày nhập viện và các chi tiết khác vẫn còn nguyên, Hùng đâu? chàng xớn xác, ngó quanh quẩn chẳng thấy anh đâu, Huy vội vã chạy trở lại văn phòng. Cô y tá và anh cảnh sát vẫn còn ngồi đấy. Huy xuất hiện đột ngột quá làm cả hai sững sờ, không để mất thời giờ, Huy hỏi trống không ‘anh Hùng tôi đâu mất rồi’. Cô y tá đứng bật dậy trở lại bàn làm việc, tay cầm chiếc bút chì nguyên tử để trên cuốn sổ rà nhanh một lượt từ trên xuống dưới, cô cất tiếng: ‘Anh cháu tên gì vậy’. Hùng, Hùng, anh Hùng. Cô y tá dò lại lần nữa, rồi ghi chữ thập cạnh tên Hùng, ‘cậu cứ yên trí, tôi tìm cô y tá trực phụ trách khu nội khoa cho thì ra ngay’. Anh cảnh sát viên nãy giờ đứng xớ rớ chẳng biết làm gì, anh ta với cái mũ đội lên đầu, dùng tay búng kêu cái tách để chào cô y tá rồi đi ra. Cô y tá ngẩng lên nhoẻn miệng cười không nói chi cả, rồi cúi xuống làm việc. Cô nhanh nhẹn cầm ống điện thoại lên quay hai số. Vài giây sau cô quay ra bảo:

‘Cậu cứ yên trí, không sao đâu, Hùng được chuyển sang phòng cấp cứu có bác sĩ chăm sóc thường trực, đừng lo gì cả’

Không đợi cho huy hỏi han gì, cô tiếp:

‘Khu vực đó người ngoài không được vào.’

Huy vội bào chữa:

‘Tôi là em nó mà.’

Cô y tá hiểu ý vội giải thích:

‘Người ngoài đây có nghĩa là ngoại trừ bác sĩ và nhân viên làm việc ra thì không ai được vào cả.’

‘Sao khó thế hả cô? Vậy anh Hùng bệnh nặng lắm à?’

Huy chán nản, biết là nài nỉ cũng vô ích, chàng bỏ ra chợ lần nữa để nhắn tin về nhà. Gặp lại người cảnh sát lúc nãy ông cúi mặt lảng tránh. Huy đi rảo chung quanh chợ nhưng chẳng thấy ai quen, đảo lại vòng thứ hai nhưng cũng chẳng có gì hơn. Huy thở dài chán nản, định leo lên chiếc xích lô ngồi. Huy còn đang lưỡng lự thì một chiếc xích lô khác rề tới, trên xe lố nhố chẳng nhìn rõ, phia đàng sau xe là một đám quang gánh, sọt treo lủng lẳng. Huy bước thêm vài bước để nhìn rõ hơn. Một tiếng gọi lớn vọng lại từ trong đám đông, Huy chẳng rõ là ai gọi, gọi anh hay gọi người khác, tuy nhiên bụng cũng hơi mừng. Chỉ còn độ ba thước nữa là tới chiếc xích lô, Huy vẫn chưa nhìn thấy ai cả, nửa mừng nửa thất vọng, cái phần hy vọng nhiều hơn. Huy cố gắng nhận từng khuôn mặt, cố moi trong trí óc những khuôn mặt người quen. Chẳng có ai quen cả. Nỗi thất vọng tràn trề, một tiếng thở dài nữa phát ra. Huy đánh bạo cất tiếng hỏi ‘lúc nãy ai gọi tôi đấy ?’ Mấy người trong xe ngơ ngác ngó nhau, quay ngang, quay dọc để tìm xem ai đã gọi. Cuối cùng một chị trông vẫn còn trẻ, ngồi gần phía giữa xe xin lỗi vì chị nhìn lầm. Anh lên tiếng, hỏi đại: ‘Có ai về xóm Thượng Chi không nhỉ?’ Đợi một chút chẳng có ai trả lời, một chị thấy thế sốt ruột đáp:

‘Không có ai ở xóm đó cả.’

Chị khác vội nói:

‘Xe này không có ai chứ xe sau thì có, tôi có chị bạn ở xóm Thượng Chi. Tôi gặp chị ấy ở chợ trên, chúng tôi cùng với nhau ra xe nhưng vì xe này chật nên chị ấy phải đi xe sau, cháu đón chuyến xe sau thì sẽ gặp.’

Huy cám ơn rồi bước vội ra phía đầu bến xe, vừa lúc đó chiếc xích lô từ chợ trên trề tới, người lái xích lô không ngừng mà lại chạy đi luôn. Huy vội chạy theo, chân chạy, miệng gọi ầm ỹ lên. Chiếc xe nhanh hơn người, chỉ một thoáng khoảng cách giữa chàng và xe xa tít. Chạy được một quãng Huy dừng lại, mặt cúi gầm xuống đất, thở dốc. Trong ánh mắt hình chiếc xích lô đầy luyền tiếc. Chàng mặt mũi nhợt nhạt, thở dốc, thật mệt mỏi, mồ hôi lăn dài trên trán xuống gò má sạm nắng. Chiếc xích lô mà Huy đuổi theo giờ dừng lại ở trước mắt như có ý chờ, Huy chạy tiếp để đến kịp thời. Tới nơi, con mắt đã hoa chẳng còn nhìn rõ ai vào ai, mấy người trên xe hỏi, Huy trả lời với giọng mệt lả, đứt quãng:

‘Cháu đi tìm người quen ở xóm Thượng Chi để nhắn tin.’

Mọi người ngó nhau, chẳng ai trả lời Huy, một chị nói:

‘Chúng tôi ở làng khác, không có ai ở làng cậu cả.’

Huy cảm thấy chán nản đến tột độ, chàng chán cho kiếp đời đen bạc, toàn bất trắc, khổ đau. Chàng không nói gì, quay đi trong thất vọng, lững thững về bệnh viện. Chàng có ý định, nếu bệnh viện đòi tiền thuốc chắc chàng phải mang chiếc xe đạp đi cầm. Chàng có lần được ông hàng xóm kể cho biết lịch sử chiếc xe. Chiếc xe đạp là một vật quý mà ông hang xóm mang từ Bắc vào Nam, nó là vật kỷ niệm duy nhất còn sót lại. Chiếc xe đạp đã từng giúp gia đình ông kiếm sống trong những ngày đầu di cư. Hàng ngày ông chở võng đay lên tỉnh bán kiếm lời nuôi gia đình, nên chiếc xe đạp gắn liền với quãng đời của ông, ông chẳng cho ai mượn, nhưng cho mẹ Huy mượn vì dùng nó để đi tìm người lạc. Trong hoàn cảnh túng thế quá Huy định tâm làm liều. Câu hỏi lấy tiền đâu mà thuốc thang cho Hùng, lấy tiền đâu mà mua thức ăn trong thời gian chờ cho Hùng khỏi bệnh, rồi thì tiền thuốc. Huy suy đi nghĩ lại mãi, hay là để Hùng nằm đây đạp xe về nhà báo cho mẹ biết để mẹ lo. Huy đi thẳng vào phòng y tá trực để biết thêm chi tiết về con trước khi đạp xe về nhà báo tin. Người y tá trực cho biết Hùng sẽ phải nằm trong phòng cấp cứu chậm nhất vài ba ngày trước khi được chuyển sang khu điều dưỡng. Huy cám ơn rồi ra thẳng chỗ chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp được khóa cẩn thận vào gốc cây trứng cá sau hè nhà thương, giờ chỉ còn lại cái khung và bánh sau, bánh trước đã biến mất tự bao giờ.Vừa trông thấy thế, Huy bủn rủn chân tay, sững sờ trong ngạc nhiên, vừa tức vừa tiếc. Huy nói với chính mình:

‘Quân tệ thật, chiếc xe đạp đã khóa cẩn thận thế mà gỡ mất bánh trước, lại cái lũ trẻ con ranh chứ người lớn ai lại làm những điều tai ác như thế.’

Giờ đâu còn xe để về báo tin nữa. Huy đứng ngó quanh quất để tìm họa may nó vất đâu chăng, ngó mãi chẳng thấy gì, Huy buông xõng hai tiếng:

‘Đi cầm.’

Huy vác chiếc xe không bánh ra tiệm cầm đồ bình dân để cầm. Người chủ tiệm từ chối không chịu nhận, mượn cớ là chiếc xe không dùng được nữa, nó chỉ có thể bán cho tiệm sửa xe đạp mà thôi. Huy đứng giải thích mãi họ cũng chẳng chịu, cuối cùng người chủ tiệm đồng ý cầm với giá rẻ và với điều kiện Huy phải cam kết không phải là đồ ăn cắp và phải chuộc lại chiếc xe trong vòng một tuần. Huy căm giận lắm vì bị chủ tiệm nghi chàng thuộc loại trộm cắp trong xóm. Họ nghi là chính đáng vì chàng không có giấy tờ của chiếc xe. Ngay cả chàng cũng không có giấy tờ tuỳ thân. Chỉ có một điều chứng minh được là hai ba ngày qua chàng thường trực tại bệnh viện. Thực sự ý Huy chẳng muốn cầm chiếc xe đạp chút nào. Huy chỉ muốn cầm thế một thời gian rồi sẽ kiếm tiền chuộc lại sớm chứng nào hay chừng ấy. Lại một cái tức nữa, đồ của mình mang đi cầm rẻ như đồ phế thải, thế mà lại phải mang ơn với nghĩa. Huy nghĩ thầm trong bụng quân ở chợ đểu thật, đã dèm pha để mua rẻ mà còn làm ra như là ân nghĩa lắm. Không trách gì người ta gọi là ‘thế gian’. Gian dối mà còn có thế để gian. Đời quả lắm gian dối.

Cầm tiền trong tay, Huy ra thẳng bến xích lô đi về, trong lòng cầu mong làm sao về kịp đò chợ để khỏi phải đi bộ.Chiếc xích lô vừa trề tới thì cũng là lúc chiếc đò chợ rời bến, Huy phải vội vã lắm mới kịp được chuyến đò. Leo lên đò, toàn người quen, Huy mừng thầm ‘may thật, giá chậm tí nữa thì mất chuyến đò’. Vài người hỏi thăm, Huy kể đầu đuôi câu chuyện rồi kết luận. ‘Sau này cháu nhất định không ở gần chợ, ở như thế hư người đi.’

Bà mẹ Hùng cũng đau khổ không ít, suốt mấy đêm qua bà chẳng làm sao chợp mắt được, tin tức của Hùng chẳng thấy đâu, cho Huy đi kiếm thì mất cả Huy. Bà vừa lo lắng cho Hùng, vừa lo lắng cho Huy. Cứ mỗi lần chó sủa đâu đó trong xóm bà lại mừng, nỗi mừng đó dần dần đi vào trong đêm tối, tan dần theo tiếng văng vẳng trong đêm. Có thức đêm mới thấy đêm dài, có thức đêm mới thấy con người yếu đuối, bóng tối quả đáng sợ, nó chính là kẻ thù của con người, trong đêm tối con người có thể vẽ ra được vô số những sợ hãi, kinh hoàng. Một mình trong căn nhà vắng bà chẳng biết kêu cầu ai, Huy thì ban ngày nghịch ngợm, ban đêm thì Huy nhát như gián ngày. Huy còn nhỏ nhưng cũng đủ khôn để cảm thấy có một cái gì không ổn trong gia đình, con mắt ngây thơ của tuổi xuân dễ để lộ vẻ sợ hãi, những điệu bộ rụt rè của trẻ làm cho người yếu bóng vía sợ lây. Những tiếng kêu rả rích của dế mèn, tiếng gió thổi đập vào vách lá kêu rè rè, và tiếng chim quạ ăn đêm buông những tiếng dài não nuột nghe thật ghê rợn, ban đêm mọi thứ âm thanh đều có mãnh lực, mỗi thứ có mãnh lực riêng của nó, tiếng chuột chạy trên mái rơm ban đêm cũng đủ làm cho người trong nhà ngó trước ngó sau, tiếng nói mơ của con cũng đủ làm cho các bà mẹ nghe rõ tiếng đập của tim mình. Có những lúc bà nghe rõ ràng tiếng mạch máu chạy lên đầu, mỗi lần máu chạy qua thái dương bà nghe rõ, bà cảm nghiệm được rõ, xa xa vọng lại tiếng đại bác cứ ình ình nổ khiến bà hình dung ra được cái cảnh chết chóc của những nạn nhân nơi trận mạc, chính bà từng là nạn nhân nên bà chẳng lấy làm lạ khi nhìn thấy trong đầu những cảnh đó. Những hình ảnh tưởng tượng trong đầu hành hạ bà không ít. Ôi ! đêm dài, đêm của âm u, tịch mịch, đêm của những kinh hoàng, đêm của thần chết, tối tăm, đêm của hận thù chém giết, đêm của tranh chấp, đêm là mầm móng của hầu hết những sự dữ trên đời, bao nhiêu kẻ đã được sinh ra trong đêm dài, cũng bao kẻ đã được dẫn đi trong đêm đen. Màn đêm còn bao phủ biết bao nhiêu điều bí ẩn, đêm nay, đêm của gia đình bà. Bà bị giam trong chính căn nhà của mình, ngoài kia, đêm đang che dấu tăm tích của hai đứa con yêu. Đêm nay quả thực dài hơn mọi khi, bà đã từng bao nhiêu đêm mất ngủ vì con, bà đâu có cảm thấy đêm nào dài như đêm nay, tiếng gà gáy đêm nghe rõ mồn một, nó không đáng sợ cho bằng nghe tiếng tích ta tích tắc của chiếc đồng hồ để bàn, cứ nghe nó gõ từng tích tắc một cũng đủ chán, sáu mươi lần gõ mới được một tiếng, bà nghe đến sốt cả ruột, mấy lần bà định tắt cái tiếng kêu đều đều quái đản kia nhưng rồi lại thôi. Nằm ngủ không được cứ phải đi viếng ‘lăng bác’ hoài chán quá, bà cứ nằm xuống rồi lại bò dậy, ngủ không được nên cảm thấy mỏi lưng, cứ phải xoay bên phải rồi lại bên trái, ngồi dậy lại nằm xuống không biết bao nhiêu lần mà kể, cuối cùng bà lấy quần áo cũ ra vá, dưới ánh đèn dầu bà phải khó khăn lắm mới xỏ được cái lỗ kim. Bà loay hoay vá mãi đến khi xong, trải áo xuống giường lúc đó mới phát giác ra là bà đã vá lộn, chỗ vá không vá lại vá chỗ không. Bà chép miệng

‘Rõ thật công dã tràng.’

Đêm đã gần tàn, tiếng đò đưa người đi chợ đã nổ dòn ở cuối xóm, trên đường tuy còn yên ắng nhưng tiếng canô chạy cũng đã khiến bà yên tâm lắm, rồi thì đêm tối sẽ qua đi, ngày sẽ đến. Bà vẫn phân vân không biết làm cách nào để tìm được con. Suốt đêm qua bà vẽ ra biết bao nhiêu là kế hoạch để đi tìm con, bây giờ ánh sáng đến làm tan tất cả những gì đã vẽ trong đêm. Bao nhiêu câu hỏi trong đêm qua nay chẳng được giải đáp nhưng tự nó cũng tan biến không còn sót một di tích nào cả. Tiếng đò chợ gần hơn, tiếng chó sủa cũng nhiều hơn, tiếng gà thi nhau gáy cũng nổ dòn hơn, tất cả cái mãnh lực trong đêm của những tiếng đó giờ chẳng còn gì cả, nó chỉ mang một dấu hiệu không hơn không kém, nó báo hiệu một ngày sắp tới.

Mọi ngày bà dậy nấu cơm sáng để Hùng, Huy còn ăn rồi đi học nhưng hôm nay thì không cần. Cả hai đều không có ở nhà. Trời sáng hẳn bà đi mượn tiền ở những nhà hàng xóm quen biết. Bà định mượn đủ tiền sẽ thuê người đi tìm con. Bây giờ biết trông cậy vào ai. Hàng xóm thì chỉ nhờ họ làm những việc gần đây chứ làm những việc phải đi vài ba ngày đàng thì làm sao mà dám nhờ. Bà không nghĩ là Hùng còn ở gần đây vì nếu ở gần đây chắc chắn Hùng đã về, chỉ có một điều bà nghi ngờ là Hùng đi chơi xa quá không biết đường trở về, đi càng xa, càng lạc. Bà định thuê hai người chạy xe đạp, một ra xóm ngoài, một vào làng trong tìm thì thế nào cũng thấy. Tiền đã có trong tay, còn người thì chưa thuê ai được. Bà còn đang luống cuống thì Huy về đến nhà. Trông thấy Huy, bà mừng như muốn điên lên được, cái tin Hùng bị bịnh đang nằm trong phòng cấp cứu không làm bà hoảng sợ bao nhiêu, vì dù sao đi nữa ít nhất cũng có người chia sẻ, an ủi cái nỗi lo. Huy giục bà nấu cơm ăn rồi chuẩn bị đi nuôi Hùng, mọi việc để đó sau này hãy tính. Cơm nước xong xuôi, hai mẹ con xuống canô đi ra bệnh viện với Hùng. Câu chuyện được kể dọc đường. Hùng có ý định bỏ nhà ra đi, nhưng vì quá mệt hay bị bịnh chi đó Hùng nằm bất tỉnh ở bờ đê được một gia đình kia thương tình giúp đỡ, giờ thì Hùng còn đang nằm trong khu điều trị đặc biệt. Huy kể miên man đến chỗ xe đạp bị ăn cắp, rồi bị cảnh sát xét giấy, chỗ đi cầm thế xe đạp lấy tiền về báo tin...

Hùng được chuyển ra khu dưỡng bịnh chỉ vài giờ trước khi mẹ và Huy tới, chàng tỉnh táo hơn, nước da xanh nhưng cặp mắt vẫn còn tinh anh lắm. Hùng đang nằm quay ra phía sân, thấy mẹ bước vào chàng sụt sùi khóc rồi quay mặt trở vô không nhìn mẹ nữa. Bà thấy con nằm, xanh xao, nhợt nhạt không làm sao cầm được nước mắt, bà cố nín để khỏi khóc thành tiếng, hai giọt nước mắt lăn dài trên má nhăn nheo đủ chứng tỏ bà thương con và đau đớn đến chừng nào, ở tuổi bà mà phải khóc thì không phải là việc thường. Bà hỏi han con một lúc lâu, Hùng nghe những lời ngọt ngào của mẹ chàng bớt giận, chàng mừng nhất là có Huy, Huy kể cho nghe tất cả những gì xảy ra từ hai ba ngày qua. Tin tức của Huy ngoài vụ cầm xe đạp thì chẳng có gì là quan trọng, nó chỉ là những vụ đá gà, bắt dế, thằng này chửi thằng kia. Bà nghe thì chán nhưng Hùng có vẻ thích thú, chàng lắng nghe rất cẩn thận.

Hùng bị bịnh là vì ăn nhiều trái cây xanh trong người, rồi bị đói, dìm người trong nước sông cộng với cái nắng làm cơ thể chịu không nổi. Ngoài ra những vết bầm và trầy da trên người bị nước làm nhiễm trùng. Cơ thể không chịu quá sức nên phản ứng. Những nguyên nhân này dẫn đến chứng bịnh mà Hùng đang mắc. Bà nghe thấy rằng một trong những nguyên nhân gây bịnh là vì trận đòn, bà cảm thấy ngượng lắm, chỉ sợ ông bác sĩ nhắc đến thì thật là xấu hổ chết được. Đánh con mà đến nỗi phải đi nằm nhà thương thì mang tiếng hết đời chứ không phải chơi. Có một điều bà phải thú nhận là chưa bao giờ bà đánh con mạnh tay như hôm đó, những lần trước có đánh thì cũng chỉ là để răn đe chứ đâu có đánh dữ tợn như thế. Bà thầm tạ ơn trời khi thấy ông bác sĩ quay đi mà không hề đá động, khuyên lơn đừng đánh con như thế nữa. Bà hối hận lắm, từ trong thâm tâm bà hứa sẽ chẳng bao giờ đánh con thêm một roi nữa, nếu chúng có hư thì kiên nhẫn bảo nó, cứ nhìn cái kiểu kể chuyện của thằng Huy đủ biết là chúng ưa ngọt hơn là roi vọt. Sau lần này bà học được bài học. Dạy con bằng roi vọt không phải là cách tốt nhất để dạy con nữa, đánh con chỉ là cách đẩy chúng đi vào con đường tội lỗi mau hơn, nếu Hùng không bị bịnh mà lại được một bọn trẻ con ở chợ dạy dỗ thì thật Hùng sẽ trở thành lưu manh trước tuổi, cái lỗi đó có phải do đánh con mà ra không. Tất nhiên đánh con thì không làm chúng lưu manh nhưng hậu quả của đánh con sẽ dẫn chúng đến tìm cách tránh đòn, và hậu quả đó không ai có thể lường được. Bà đau lòng nhất khi thấy Hùng quay lưng đi để tránh nhìn lại mẹ, chỉ một cử chỉ nhỏ đó đủ cho thấy những roi đòn không mang chúng lại gần mà lại đẩy chúng ra xa hơn. Những roi đòn kia không có mãnh lực mạnh như những lời nói của Huy. Những lời nói của Huy quả thực có mãnh lực vô cùng, nó mang đến những nụ cười tươi, hồn nhiên, thoải mái cho hai anh em. Giờ nghĩ lại bà mới thấy thái độ của Huy suốt từ ngày đó đến nay, lúc nào nó cũng gờm gờm mẹ, làm gì nó cũng để ý đến mẹ, tuy không dám nhìn thẳng nhưng lúc nào nó cũng để ý liếc trộm. Giờ bà mới tìm ra nguyên do tại sao thằng Huy có vẻ sợ sệt đến như thế. Mấy ngày qua, nó có vẻ ngoan nhưng cái ngoan đó chứa đựng sự rụt rè, bẽn lẽn. Bà thầm nói với chính bà ‘hai con ơi từ nay hai con sẽ không bị đòn nữa đâu’.

Lm Vũđình Tường (viết xong ngày 21 tháng 11 năm 1984. Campion College, Studley Park Road, Kew, Victoria, Australia)

TiengChuong.org
 
Nguồn suối Thánh Tâm
Trầm Thiên Thu
07:35 01/07/2011
Xin thương ban xuống ơn lành
Giúp con giữ trọn tâm thành sớm khuya
Cho lòng con cạn âu lo
Nhẹ vơi mọi nỗi ưu tư muộn phiền
Trọn đời cảm tạ Hồng ân
Bao la khôn ví, đầy tràn, không vơi
Chúa là chân lý muôn đời
Nguồn yêu chan chứa cho đời con nương
Xin thương dạy dỗ con luôn
Biết làm việc thiện, yêu thương trọn niềm
Đời con đầy ắp muộn phiền
Tâm can trĩu nặng lo toan tháng ngày
Chân chồn, gối mỏi, mệt nhoài
Con đây chỉ biết xin Ngài xót thương
Thánh Tâm Chúa, suối linh thiêng
Con xin tắm gội cho lòng bình an.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Giây Phút Nghỉ Chân
Giuse Nguyễn Cao Hoàn (ĐCV Hànội)
21:37 01/07/2011
GIÂY PHÚT NGHỈ CHÂN
Ảnh của Giuse Nguyễn Cao Hoàn (ĐCV Hànội)
Mặc cho ai hát ai ca
Riêng ta vẫn mãi tránh xa bụi trần
Tránh tham tránh si tránh sân
Tránh dục tránh vọng tránh gần tránh xa
Tránh cho hết kiếp ta bà…
(Trích thơ của James Jee)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền