Ngày 29-07-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:34 29/07/2014
RÙA THỎ CHẠY THI
N2T

Con rùa chạy thi với con thỏ, (rùa) say mê trong chiến thắng.
Ngày hôm ấy, nó lại hẹn với thỏ chạy thi từ điểm xuất phát cả hai cùng chạy về phía trước, rùa bò đến nửa đường nhưng nó không thấy thỏ ngủ gục ở đây, trong lòng nó có chút buồn bực: “Cái ông anh này không phải xưa nay thích ngủ giữa đường sao, tại sao hôm nay không thấy bóng dáng đâu cả nhỉ ?”
Con rùa chậm chạp bò dáng mệt nhọc, thật không dễ dàng, khi bò tới điểm cuối thì đã thấy thỏ ta đã ở đó rồi và đang ngồi nghỉ ngơi vừa ăn uống vừa đợi nó.
Rùa buồn thiu nói:
- “Thường ngày không phải anh ngủ giữa đường hay sao, làm thế nào mà khi về thì lại mau như thế chứ, báo hại tôi bị thua rồi.”
Thỏ cười to ha ha:
- “Ông anh này, thiên hạ làm gì có chuyện nhất thành bất biến chứ…”
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Chuyện thỏ và rùa chạy thi thì ai cũng biết là thỏ bị thua và rùa thắng. Thỏ thua là vì ham chơi, rùa thắng là vì ăn gian.
Thời Đông Chu liệt quốc, quân nước Tấn đánh thắng quân nước Tề, đuổi tới tận đất Viên, vua nước Tề sợ quá mới sai thuộc hạ là Quốc Tá đi cầu hoà. Nguyên soái nước Tấn là Khước Quắc đã từ chối giảng hòa, Quốc Tá nói:
_ “Nguyên soái chớ có khinh nước Tề tôi thái quá, nước tôi dẫu bị thua một trận nhưng chưa lấy gì làm tổn hại cho lắm, nếu nguyên soái không cho hoà thì chúng tôi sẽ thu thập binh mã cùng nguyên soái quyết chiến một trận. Một trận không được thì hai trận, hai trận không được thì ba trận, nếu ba trận cũng không được thì bấy giờ cả nước Tề tôi là của nước Tấn…”
Quốc Tá nói xong liền lui ra, Quí Tôn Hàng Phủ và Tôn Lương Phu ở màn sau nghe nói, chạy ra bảo Khước Quắc rằng:
- “Làm như thế thì nước Tề giận ta quá lắm tất cố sức mà đánh, không lẽ ta thắng mãi, chi bằng ta theo lời cho giảng hoà thì hơn.”
Trong cái chết có cái sống.
Quân đội nước Tề quyết chiến vì biết trước đánh cũng thua, không đánh cũng thua, thà thua trong vinh quang.
Nước Tấn có hai người hiểu thời cơ nên đã ngăn cản kịp thời cuộc chiến đổ máu.
Hôm nay anh thắng, ngày mai tôi thắng, thắng bại là chuyện thường tình, nhưng cái “đạo lý” của nó là ở chỗ: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.” Rùa đã thua cách đau đớn, vì nó đã quên mất hai yếu tố trên:
Nó quên rằng nó bò rất chậm, nó không biết mình.
Nó cũng quên rằng thỏ chạy rất nhanh, nó không biết người.
Lại còn yếu tố phụ nữa là nó tự mãn, say men chiến thắng trước đó…
Con người ta thường chết trong chiến thắng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:37 29/07/2014
N2T

33. Yêu Thiên Chúa thì phải từ bỏ chính mình, yêu chính mình thì phải từ bỏ Thiên Chúa.

(Thánh Augustinus)
------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô và mười bí quyết hạnh phúc
Vũ Văn An
11:51 29/07/2014
Theo tin Zenit ngày 28 tháng 7, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Viva, Á Căn Đình, để đánh dấu 500 ngày lên ngôi giáo hoàng, Đức Phanxicô đã đề cập đến nhiều vấn đề từ tuổi trẻ của ngài tới di dân. Điều lý thú là nhân dịp này, ngài đưa ra mười bí quyết để hạnh phúc.

Bí quyết thứ nhất nói lên khiếu ngoại giao của vị giáo hoàng người Á Căn Đình này: với tờ báo mang tên Viva (chắc chắn có liên hệ tới sự sống), ngài nhấn mạnh tới câu phương ngôn của người Ý: “ ‘campa et lascia campà’: Hãy sống và hãy để (người ta) sống. Đó là bước đầu tiên tiến tới bình an và hạnh phúc”

Sau đó, ngài nói thêm chín bí quyết khác. Bí quyết tiếp theo là “hiến mình cho người khác”. Ngài bảo: “khi mệt mỏi, người ta có nguy cơ trở nên ích kỷ. Và nước đọng là nước đầu tiên bị ô nhiễm”.

Thứ ba, ngài đề nghị ta “nên chuyển động êm đềm’ và ngài trích dẫn cuốn tiểu thuyết Á Căn Đình tựa là "Don Segundo Sombra", do Ricardo Güiraldes viết. Ngài bảo: “trong ‘Don Segundo Sombra', có một điều rất đẹp: người đàn ông nhìn trở lui đời mình. Hồi còn trẻ, ông ta là dòng suối chẩy qua đá, bất chấp mọi sự, nhưng lúc có tuổi hơn, ông trở thành con sông lững lờ và 'êm đềm thanh thản' xuôi chẩy". Đức Giáo Hoàng nói rằng người cao niên có sự khôn ngoan để chuyển động một cách “hiền từ và khiêm nhường” và đời các ngài hết sức thanh thản. Ngài nhắc lại quan tâm của ngài đối với những người không chịu chăm sóc người cao niên của họ: “họ không có tương lai”.

Thứ tư, Đức Phanxicô cổ vũ việc vui chơi với trẻ em và tầm quan trọng của nền văn hóa nhàn tản, đọc sách và thưởng ngoạn nghệ thuật lành mạnh. Ngài nói: “chủ nghĩa tiêu thụ dẫn ta tới niềm lo sợ bị mất mát” nền văn hóa này.

Nhân tiện, ngài nhắc lại hồi còn ở Buenes Aires, ngài có thói quen hỏi các bà me trẻ xem họ có năng vui chơi với con cái họ hay không. Ngài bảo: “đây là một câu hỏi bất ngờ. Khó trả lời. Cha mẹ thường phải đi làm và khi về nhà thì con cái đã ngủ”.

Thứ năm, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc chia sẻ ngày Chúa Nhật với gia đình. Ngài nhớ lại dịp thăm Campobasso, miền nam nước Ý, gần đây, các công nhân, ai nấy, đều không muốn làm việc vào các ngày Chúa Nhật.

Thứ sáu, ngài cho rằng giúp người trẻ tìm được việc làm là chìa khóa dẫn tới hạnh phúc. Ngài bảo: điều quan trọng là phải có tính thần sáng tạo vì nếu thiếu cơ hội, “họ sẽ rơi vào ma túy”. Theo ngài, tỷ lệ tự tử “rất cao nơi các người trẻ không có việc làm”.

Ngài nói thêm: “hôm nọ, tôi có đọc, nhưng tôi không cho đó là một sự kiện khoa học, là có tới 75 triệu người trẻ dưới 25 tuổi hiện đang thất nghiệp”. Ngài đề nghị nên dạy họ một tay nghề, giúp họ “phẩm giá đem cơm áo về gia đình”.

Các chìa khóa khác dẫn tới hạnh phúc được Đức Phanxicô đưa ra bao gồm: chăm sóc thiên nhiên, mau chóng quên những điều tiêu cực, tôn trọng những ai nghĩ khác với mình, và tích cực tìm kiếm hòa bình.

Dấn thân cho hòa bình và môi sinh

Quay qua tình hình thế giới, Đức Phanxicô lưu ý tới con số gia tăng các vụ tranh chấp và các cuộc chiến tranh hoàn cầu. Ngài nói: “chiến tranh phá hủy và chúng ta phải lớn tiếng kêu gọi hòa bình. Đôi khi hòa bình cho ta ý niệm yên tĩnh, nhưng thực ra không phải là yên tĩnh mà phải là một nền hòa bình tích cực”.

Ngài nói thêm: “theo tôi, mọi người phải dấn thân trong vấn đề hòa bình, phải làm mọi sự có thể làm, mọi sự tôi có thể làm từ chốn này. Hòa bình là ngôn từ ta cần phải nói”.

Đức Thánh Cha cũng đề cập tới những người đang trốn chạy các khủng khiếp của chiến tranh và nhiều tai ương khác, và các quốc gia đã không độ lượng ra sao trong việc giúp đỡ người tị nạn. Ngài bảo: Âu Châu sợ không dám nói tới di dân, nhưng ngài ca tụng Thụy Điển về các chính sách của họ, bằng cách nhận định rằng người Thụy Điển đã nhận vào 800,000 di dân trong khi dân số của họ chỉ có 25 triệu 3 trăm ngàn người.

Ngoài ra, ngài còn nói tới các vấn đề môi trường và việc nhân loại vẫn tiếp tục ra sao trong việc phí phạm sự hào phóng của Thiên Chúa. Hình như ngài tỏ ý chống lại “fracking”, tức phương pháp hút khí đốt đang gây tranh cãi, bị nhiều người cho là làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước (1).

Ngài nói rằng “khi qúy vị muốn sử dụng một phương pháp đào mỏ dầu có thể lấy được nhiều dầu hơn các phương pháp khác, nhưng nó ô nhiễm nguồn nước, bạn cũng bất cần chẳng hạn. Thì cứ như thế họ tiếp tục làm ô nhiễm thiên nhiên. Theo tôi, đây là vấn đề chúng ta chưa chịu đối diện: khi sử dụng bừa bãi và đối xử tàn bạo với thiên nhiên, nhân loại há không đang tự vẫn đó sao?”

Trong cuộc phỏng vấn lần này, Đức Phanxicô nhắc lại rằng Giáo Hội lớn mạnh nhờ lôi cuốn chứ không nhờ cải đạo (proselytizing). Ngài nói: “điều tệ nhất qúy vị có thể làm là cải đạo, nó làm tê liệt”.

Được người phỏng vấn hỏi về khả năng trúng giải Nobel về hòa bình, Đức Phanxicô nói rằng ngài không nghĩ tới điều đó và cho biết thêm: theo đuổi giải thưởng và các bằng tiến sĩ không phải là thành phần trong nghị trình hành động của ngài.

Người phỏng vấn tiết lộ rằng Đức Phanxicô sẽ trở về Á Căn Đình vào năm 2016 để mừng 200 năm độc lập của quốc gia.

________________________________________________________________________________________________________________________

(1) Việc sản xuất dầu hiện nay tại Hoa Kỳ thay đổi nhiều hơn cả là do việc lấy dầu từ đá gọi là shale oil. Dưới đáy của những mỏ dầu đã bơm ra gần cạn từ đầu thế kỷ 20 đến giờ, là những mỏ đá shale oil chứa dầu nằm lẫn trong đá. Dầu hỏa nằm trong đá này trước giờ không lấy ra được vì không chảy và không bơm lên được, gọi là dầu chặt, tight oils. Dung lượng của những mỏ dầu nằm trong shale oil còn nhiều hơn những mỏ dầu bơm lên dễ dàng trước kia, nhưng nay đã bơm cạn. Kỹ thuật mới hiện tại... là dùng cách đào ngang, horizontal drilling, để tiến sâu vào những mỏ đá shale oil. Sau đó hàng ngàn gallons nước được bơm thẳng vào những vết nứt của mỏ đá shale oil này với áp suất cực mạnh. Dầu và khí đốt nằm trong đá được hút ra sau khi được nước bơm vào giải tỏa và được bơm thẳng lên trên mặt đất. Kỹ thuật này gọi là hydraulic fracturing, thường gọi tắt là fracking và hiện đang được áp dụng tại ba vùng có mỏ dầu shale oil lớn nhất Hoa Kỳ. Đó là vùng Bakken tại tiểu bang North Dakota, vùng Permian Basin gần Midland, Texas và vùng Eagle Ford tại phía Nam Texas (Theo tài liệu của Nguyễn Đình Phùng: Chiến Lược Dầu Hỏa).
 
ĐGH Phanxicô tông du Sri Lanka và Phi Luật Tân đầu năm 2015
Nguyễn Long Thao
13:08 29/07/2014
VATICAN CITY 29/7/2014.-Tòa thánh Vatican hôm nay xác nhận ĐGH Phanxicô sẽ tông du Á Châu trong vòng 1 tuần lễ kể từ ngày 12 đến 19 tháng Giêng 2015

Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết ĐGH sẽ viếng thăm Sri Lanka từ ngày 12 đến 15, sau đó Ngài sẽ thăm viếng Phi Luật Tân. Chương trình chi tiết chuyến thăm viếng của ĐTC tại hai nơi sẽ được công bố sau.

Giới quan sát tại Vatican nhận định công cuộc truyền giáo tại lục điạ Á Châu là một trong những ưu tiên của Giáo Hội Công Giáo. Lục địa này chỉ có 3.2% dân số là người Công Giáo. Tuy nhiên, số tín hữu mỗi ngày một gia tăng, ơn kêu gọi làm làm linh mục và tu sĩ nam nữ cũng gia tăng đáng khích lệ. Do vậy ĐGH Phanxicô đã dành hai chuyến tông du đến lục điạ này. Một là cuộc thăm viếng Nam Hàn trong các ngày 14 đến 18 tháng 8 năm 2014. Hai là đến Phi Luật Tân và Sri Lanka từ ngày 12 -19 tháng Giêng 2015.

Chuyến viếng thăm Sri Lanka của ĐGH là nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa hai nhóm chủng tộc Sinhalese và Tamil vì cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1983-2009 có nguy cơ làm tan vỡ sự thống nhất khối Công Giáo ở Sri Lanka chiếm 7% dân số.

Tại Phi Luật Tân nơi có 90 triệu người, tức 83% dân số, là người Công Giáo, ĐGH sẽ viếng thăm vùng bị tàn phá nặng nề do cơn bão Yolanda vào năm 2013.

Nguyễn Long Thao
 
Dân biểu Hoa Kỳ lên tiếng về số phận Kitô Giáo tại Iraq
Vũ Văn An
22:10 29/07/2014
Theo tin Zenit ngày 29 tháng 7, Dân Biểu Cộng Hòa Mỹ, Frank Wolf, một lần nữa lên tiếng tại Hạ Viện về các Kitô hữu và nhiều nhóm thiểu số tôn giáo khác đang bị đe dọa diệt chủng tại Iraq. Ông nói:

Tôi muốn đọc mẩu tin sau đây đăng trên NBCNews.com vào ngày hôm qua. Tựa đề là "Phải chăng người Kitô hữu cuối cùng đã rời thành phố Mosul của Iraq sau 2,000 năm?".

Việc trên đã bắt đầu như thế này: Samer Kamil Yacub chỉ có một mình khi bốn chiến binh duy Hồi Giáo mang súng AK-47 tới trước cửa nhà cụ và ra lệnh cho cụ phải rời bỏ thành phố. Người Kitô hữu 70 tuổi này đã không tuân theo sắc lệnh do Quốc Gia Hồi Giáo Iraq và Syria (ISIS) ban hành. Thành phố Mosul quê hương của cụ Yacub từng tự hào có một cộng đồng Kitô Giáo đã gần 2,000 năm nay. Nhưng rồi các chiến binh, theo khuynh hướng al-Quaeda xúi giục, tràn ngập thành phố vào tháng trước, đã đưa cho các Kitô hữu một tối hậu thư.

Họ có thể ở lại bằng cách trả một khỏan thuế hay phải trở lại Hồi Giáo hoặc bi giết. Cụ Yacub, 70 tuổi, là một trong số ít Kitô hữu còn ở lại sau hạn chót vào trưa Thứ Bẩy tuần qua. Có lẽ cụ là người sống sót duy nhất còn lại, nay ra đi. Một chiến binh bảo cụ: "tôi có lệnh giết ông ngay bây giờ". Cụ Yacub kể lại chỉ ít giờ sau khi những người cực đoan Sunni xông vào nhà cụ lúc 11 giờ sáng Thứ Hai. "Mọi người thuộc khu tôi ở đều theo Hồi Giáo. Họ tới giúp tôi, khoảng 20 người tất cả, ngay ở cửa trước nhà tôi. Họ cố gắng thuyết phục ISIS đừng giết tôi".

Các phiến loạn tha cho cụ Yacub nhưng liệng cụ ra ngoài thành phố nơi cụ từng sống suốt đời. Chúng cũng tước thẻ căn cước Iraq của cụ trước khi cho cụ hay chúng sẽ trao nhà cụ cho mấy phụ nữ có tuổi.

Kính thưa ông chủ tịch, đây chỉ là một điển hình của những gì đang diễn ra tại Iraq ngay trước mắt chúng ta. Tận cùng của Kitô Giáo như chúng ta vốn biết đang diễn ra tại Iraq.

Đây là lần thứ năm trong tuần vừa qua tôi phải đứng giữa phòng (Hạ Viện) để cố gắng lưu ý mọi người tới những gì đang diễn ra. Để nói về nạn diệt chủng. Đây là một cuộc diệt chủng. Vâng, diệt chủng: tận diệt có hệ thống một dân tộc có đức tin bởi những tên cực đoan đầy bạo lực đang tiếm quyền trong vùng.

Các nhà thờ và đan viện đang bị chiếm giữ. Nhiều tòa nhà trong số này bị cướp bóc rồi thiêu rụi. Tuần trước, có nhiều phúc trình cho rằng ISIS đã cho nổ tung ngôi mộ của Tiên Tri Giôna. Các Kitô hữu, bị đe dọa mạng sống nếu không chịu rời bỏ vùng này, đang bị cướp bóc ngay trên đường rời bỏ mảnh đất họ từng sống đã hơn 2,000 năm qua.

Ngoại trừ Isarel, Thánh Kinh nhắc tới các thành phố, các vùng và các dân tộc của Iraq cổ xưa hơn bất cứ quốc gia nào khác. Tổ phụ Ápraham xuất thân từ một thành phố của Iraq gọi là Ur. Nàng dâu của Ixaác, là Rêbécca, xuất thân từ tây bắc Iraq. Giacóp sống 20 năm ại Iraq, và các on trai của ngài, tức 12 chi tộc Israel, sinh tại tây bắc Iraq. Các biến cố trong Sách Étte diễn ra tại Iraq, cũng như trình thuật Đanien trong hang sư tử. Nhiều Kitô hữu Iraq vẫn còn nói tiếng Aramaic, tiếng của chính Chúa Giêsu.

Đức Giáo Hoàng đã lên tiếng.Thượng Phụ Ignatius Ephrem Joseph III Younan, giám sát các người Công Giáo Syriac khắp thế giới đã lên tiếng. Đức Cha Angaelos, Giám Mục của Giáo Hội Chính Thống Coptic tại Vương Quốc Thống Nhất, đã lên tiếng. Đức Cha Justin Welby, TGM Canturbury và là nhà lãnh đạo của 80 triệu người Anh Giáo, đã lên tiếng. Russell Moore, nhà lãnh đạo chính của Công Ước Baptist Miền Nam, đã lên tiếng.

Bất kể những nhà lãnh đạo Kitô Giáo nói trên đang lớn tiếng nói về cuộc tận diệt có hệ thống người Kitô hữu tại Iraq, sự im lặng tại thành phố này quả là chói tai. Đến cả quan tâm, liệu Washington còn có hay không?

Chính Phủ Obama ở đâu cả rồi? Tổng thống đã thất bại.

Quốc Hội ở cả đâu rồi? Quốc Hội đã thất bại.

Thời gian không còn nữa. Các Kitô hữu và các nhóm thiểu số tôn giáo khác tại Iraq đang bị nhắm để tận diệt. Họ cần chúng ta giúp đỡ.

Quả thực, trong thời đại của mình, chúng ta đang chứng kiến ngày tận cùng của Kitô Giáo ở ngay nơi nó đã bắt đầu.
 
Nhà Trắng vinh danh một linh mục Dòng Tên là “Nhà vô địch về sự thay đổi”
Chỉnh Trần, S.J.
22:53 29/07/2014
Nhà Trắng vinh danh một linh mục Dòng Tên là “Nhà vô địch về sự thay đổi”

Cha Greg Boyle, một linh mục dòng Tên vừa được Nhà Trắng công nhận là một “Nhà vô địch về sự thay đổi” vì những nỗ lực của ngài qua chương trình giúp đỡ những người đã từng dính líu tới Băng đảng ở Los Angeles có tên gọi là Homeboy Industries. Ngày 30.06 vừa qua, tại thủ đô Washington, D.C., cha Boyle đã nhận được một giải thưởng vì công việc của ngài với Homeboy, một chương trình đã được thành lập cách đây 25 năm.

Thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho hay, có 14 người khác cũng được vinh danh dịp này với cha Boyle vì những nỗ lực của họ trong việc “giúp đỡ những người phạm pháp tái hòa nhập xã hội với trọn vẹn phẩm giá và những cơ hội việc làm.”

Cha Boyle là người sáng lập và là giám đốc điều hành của Homeboy Industries (“HomeBoy” là từ mà những thành viên băng đảng thường dùng. Nó có nghĩa gì đó như là “bạn bè” hoặc “anh em”), chương trình tái hòa nhập và cải tạo giáo dục lớn nhất Hoa Kỳ dành cho những cựu thành viên của các băng đảng.

Lần đầu tiên ngài nhận ra nhu cầu giúp đỡ những cựu thành viên của các băng đảng là khi ngài làm cha xứ của nhà thờ Dolores từ năm 1986 đến năm 1992. Homeboy Industries hiện nay đang tạo công ăn việc làm và đào tạo nghề cho hơn 300 cựu thành viên băng đảng mỗi năm trong các cơ sở gồm một nhà hàng, một tiệm bánh và một cơ sở may-thêu.

Ngoài ra, tổ chức còn cung cấp những dịch vụ giúp các cựu thành viên băng đảng cải tạo và tái hòa nhập xã hội như tẩy hình xăm, tư vấn cho 12,000 người mỗi năm.

“Chẳng có đứa trẻ nào tham gia một băng đảng để tìm điều gì đó. Đơn giản là nó luôn muốn chạy trốn điều gì đó mà thôi. Điều duy nhất phải làm để giải quyết vấn đề này là phải giúp chúng giải quyết những nỗi tuyệt vọng trong tâm hồn, những chấn thương tâm lý và cung ứng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho chúng,” cha Boyle khuyên.

Trong khuôn khổ chuyến thăm thủ đô Washington, D.C., cha Boyle đã nói chuyện về đề tài: “Hãy bảo vệ giới trẻ và chấm dứt vòng tù tội” tại Đồi Capitol. Cha Boyle đã thuật lại những câu chuyện cuộc đời của các cựu thành viên băng đảng và kể về những điều ngài đã làm và chưa làm được khi điều hành tổ chức phi lợi nhuận này.

Vị linh mục dòng Tên cũng cho biết thêm rằng Homeboy Industries có ảnh hưởng rất tốt đến các cựu thành viên băng đảng và tổ chức này là một cộng đồng luôn mở rộng chào đón những ai muốn làm lại cuộc đời.

Để biết thêm thông tin về Homeboy Industries, vui lòng truy cập www.homeboyindustries.org

Chỉnh Trần, S.J.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội ngộ cựu chủnh sinh Huế lần thứ II
Trương Trí
19:29 29/07/2014
HỘI NGỘ CỰU CHỦNG SINH HUẾ LẦN THỨ II

Cựu Chủng sinh Huế gồm cả 3 nhà An Ninh, Phú Xuân và Hoan Thiện vừa tổ chức Hội ngộ lần thứ II tại Trung tâm thánh mẫu La vang trong suốt 3 ngày 22, 23, 24/7 vừa qua.

Hơn 300 anh chị em cùng con cháu thuộc Gia đình Cựu Chủng sinh Huế từ khắp nơi trên mọi miền tổ quốc và hải ngoại vui mừng gặp lại nhau trong tình huynh đệ nồng nàn, là những người con không chỉ cùng một Cha trên trời, mà còn là những con người đã từng ăn cơm Nhà Chúa và cùng nhau nếm trải cuộc sống trong chủng viện.

Xem Hình

Những con người đã từng cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt trong một môi trường thánh thiện suốt bao năm, đầy ắp những kỷ niệm vui buồn. Thế nhưng Chúa chỉ chọn những con người xuất sắc để lên hàng tư tế.

Những ngày hội ngộ, từ các linh mục đồng môn, các niên trưởng đã trên 80 tuổi xuất thân từ Chủng viện An Ninh trong những niên khoá thập niên 40 của thế kỷ trước. Có những niên trưởng từng là bạn đồng môn với Đức tổng Stêphanô, cũng có những niên trưởng là đồng môn với Đức Tổng Phanxicô Xaviê đương nhiệm. Tuy nhiên tất cả đều hoà chung một tâm tình là anh em đồng môn của Nhà Chúa.

Tất cả cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm thuở học trò, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa. Tuổi già hầu như mất đi mà chỉ còn ký ức của một thời thiên thiếu, ai ai cũng cảm thấy mình như trẻ lại.

Cha G.B. Lê Quang Quý, Hạt trưởng hạt Quảng Trị, quản xứ Trí Bưu dù bận rộn biết bao công việc, nhưng Ngài vẫn hết sức năng nổ, lo lắng đón tiếp và ổn định nơi ăn chốn ở cho anh em. Cha Quản nhiệm La Vang rất phấn khởi khi được gia đình Cựu Chủng sinh tín nhiệm chọn La Vang làm nơi hội ngộ, ngài ưu ái sắp xếp chổ ở cho các đoàn thật chu đáo.

Hội ngộ không chỉ là vui chơi, mà còn là dịp để mọi người cùng nhau trao đổi về ý thức của đời sống gia đình, đặc biệt là năm phúc âm hoá gia đình này.

Tối 22/7, Cha G.B. Lê Quang Quý đã chủ sự phiên chầu Thánh Thể trọng thể tại Linh đài Đức Mẹ, rất nhiều đoàn hành hương cùng tham dự và lấy làm cảm phục trước tinh thần đoàn kết yêu thương của gia đình Cựu chủng sinh Huế. Ngài chia sẻ: “Hôm nay, chúng con gồm những cựu chủng sinh Giáo phận Huế từ khắp nơi trên mọi miền đất nước cũng như hải ngoại, chúng con có những người đã trên 80 tuổi, có những người tàn tật phải ngồi xe lăn, có những người mang trong mình bệnh tật, có người mang theo cả gia đình con cháu. Tất cả cùng nhau hội ngộ về bên Mẹ La Vang, để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm dưới mái trường chủng viện. Trước Linh đài Mẹ, chúng con dâng lên Mẹ tất cả những anh em có mặt cũng như vắng mặt, những anh em già cả tật nguyền, xin Mẹ gìn giữ chúng con, nhất là trong năm phúc âm hoá gia đình này, để chúng con biết phát triển Đức Tin cho con cháu sau này.”

Sáng 23/7, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê đã đến thăm và dự buổi sinh hoạt với anh em. Ngài chúc mừng sự hiện diện của các niên trưởng dù đã cao tuổi nhưng vẫn rất nhiệt thành với gia đình cựu chủng sinh Huế, đặc biệt những anh em tàn tật phải ngồi trên xe lăn hoặc chống nạng vẫn không ngại khó khăn vất vả, đường sá xa xôi mà về hội ngộ với nhau. Ngài cũng cảm ơn gia đình cựu chủng sinh đã năng nổ đáp ứng lời mời gọi của Giáo phận để giúp đỡ các công trình xây dựng, nhất là công trình nhà ở của Đại Chủng viện sắp hoàn thành. Ngài nói hiện nay công trình nhà ở Tiền Chủng viện cũng đang xây dựng, rất cần đến sự hỗ trợ của anh em.

Cha Phêrô trần Văn Quí, Tổng Đặc trách Cựu Chủng sinh Huế tham khảo ý kiến mọi người về việc tổ chức hội ngộ, hầu hết mọi người đều tán thành việc 3 năm tổ chức một lần, vì nó cũng là niềm vui trong cuộc sống, là thang thuốc bổ cho tuổi đời còn lại,

Thánh lễ đồng tế do Đức Tổng Giám mục chủ tế thật long trọng với các linh mục đồng tế là những cựu chủng sinh xuất thân từ Giáo phận Huế hiện đang mục vụ trong nước và hải ngoại.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục chia sẻ: “Hôm nay, từ nhiều vùng đất khác nhau, anh chị em qui tụ về đây, bên Hiền mẫu La vang không chỉ tâm tình kỷ niệm mà còn cùng nhau chia sẻ cuộc sống, đặc biệt trong năm Phúc âm hoá gia đình. Chúng ta là những con người được thừa hưởng một gia tài chung của các bậc tiền nhân là các Thánh tử đạo, trong đó có Thánh Tô ma Thiện vừa là người anh cả, vừa là bổn mạng của anh em.

Về với hội ngộ hôm nay, gặp lại những gương mặt thân quen, ôn lại những kỷ niệm một thời học trò nghịch ngợm. Rời chủng viện, mỗi người một hoàn cảnh nhưng không quên những dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời chủng viện, đó là những nén bạc mà Chúa muốn chúng ta phải làm sao cho nó được phát triển. Mẹ Maria cũng vậy, Mẹ luôn muốn rằng chúng ta phải là những người loan báo Tin Mừng.

Niên trưởng Lê Thiện Sĩ, xuất thân từ Chủng viện An Ninh niên khoá 1947, cùng lớp với Đức Tổng Stêphanô, thay mặt gia đình cựu chủng sinh trong và ngoài nước trong tâm tình thật đầy tràn xúc động cảm ơn sự yêu thương của Đức Tổng và luôn quan tâm đến cựu chủng sinh Huế, Đức Tổng luôn gắn bó với gia đình cựu chủng sinh. Sự hiện diện của các cha ở những vùng đất xa xôi chính là sự động viên tinh thần cho gia đình cựu chủng sinh. Thật xúc động trước sự hiện diện của những anh em tật nguyền phải ngồi trên những chiếc xe lăn vẫn không ngần ngại khó khăn để cùng hội ngộ bên Mẹ hiền La Vang với nhau.

Sáng 24/7, Tất cả mọi người chia tay Mẹ La Vang để đến thăm và dự Thánh lễ tại Đền Thánh Tô Ma Thiện tại Nhan Biều, dâng hương và tưởng nhớ người anh cả của Gia đình Cựu Chủng sinh Huế đã anh dũng chấp nhận cái chết để bảo vệ Đức Tin.

Tại Nghĩa trang Linh mục Giáo phận Huế tại Thiên Thai, Gia đình Cựu Chủng sinh cũng đã thắp nén hương tưởng nhớ các vị ân sư, những anh em đồng môn là linh mục đã về với Chúa.

Buổi hội ngộ chia tay tại Đại Chủng viện Huế, đồng thời tham quan ngôi nhà mới với sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình cựu chủng sinh Huế.

Cha Giuse Hồ Thứ, Giám đốc Đại chủng viện, là đồng môn chủng viện Hoan Thiện đã ngõ lời cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của gia đình Cựu Chủng sinh Huế, nhờ đó công trình sớm hoàn thành để các Đại chủng sinh có thể ở trong năm học sắp đến này.

Bữa cơm thân mật hoà với những tiết mục đơn ca do anh em và các cha trình bày tạo bầu khí sôi động hẳn.

Chia tay nhau trong bùi ngùi, bịn rịn, không biết dịp hội ngộ lần sau có còn được hiện diện hay không, khi tuổi đời của anh em đã gần đất xa trời. Tất cả đều tin tưởng phó thác mọi sự trong Chúa và Mẹ La Vang an bài.

Trương Trí
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Câu ''Xin Chúa tặng thêm điều chúng con chẳng dám cầu xin'' được hiểu thế nào?
Nguyễn Trọng Đa
19:32 29/07/2014
Giải đáp phụng vụ: Câu "Xin Chúa tặng thêm điều chúng con chẳng dám cầu xin" được hiểu thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Nhiều người chúng con hơi bối rối với bản dịch Sách Lễ Rôma về lời nguyện nhập lễ của Chúa Nhật 27 mùa Thường niên, nhất là về ý nghĩa của câu "Xin Chúa đổ tràn trên chúng con lòng thương xót của Chúa, để tha thứ những gì lương tâm chúng con áy náy lo sợ, và tặng thêm điều chúng con chẳng dám cầu xin". Thưa cha, ý nghĩa chính xác của “điều chúng con chẳng dám cầu xin” là gì? Người ta tự hỏi liệu đó có phải là một bản dịch chính xác của văn bản Latinh không, và nếu như vậy, câu ấy được hiểu thế nào. Con thấy rằng, lời nguyện nhập lễ này dường như ít liên quan đến các bản dịch "tương đương năng động" của một trong các lời nguyện của Chúa Nhật 27 này, trong bản dịch trước đó. - S. C., Chambersburg, Pennsylvania, Mỹ.


Đáp: Bản dịch đầy đủ của Lời nguyện nhập lễ này là: "Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, lượng từ ái hải hà của Chúa vượt quá công phúc và ước mơ của những kẻ kêu cầu. Xin Chúa đổ tràn trên chúng con lòng thương xót của Chúa, để tha thứ những gì lương tâm chúng con áy náy lo sợ, và tặng thêm điều chúng con chẳng dám cầu xin. Chúng cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô con Chúa là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời” (Bản dịch của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam).

Lời nguyện này là rất cổ xưa và được tìm thấy ở hầu hết các bản thảo đầu tiên của Lễ Rôma, mặc dù vào các ngày Chúa Nhật và các mùa khác nhau.

Bản gốc Latinh của lời nguyện này là: "Omnipotens sempiterne Deus qui abundantia pietatis tuae et merita supplicum excedis et vota; effunde super nos misericordiam tuam, ut dimittas quae conscientia metuit, et adicias quod oratio non praesumit...”.

Mối quan tâm của bạn đọc này bắt nguồn từ cách dịch câu "quod oratio non praesumit".

Bởi vì lời nguyện này cũng được Anh giáo sử dụng trong cuốn “Sách Kinh Anh giáo” (the Book of Common Prayer), nó có nhiều bản dịch theo thời gian. Năm 1549, nó được dịch là "xin ban điều chúng con chẳng dám cầu xin”. Năm 1662, bản dịch trở thành “xin ban cho chúng con những điều tốt lành mà chúng con không xứng đáng cầu xin, nhưng nhờ công nghiệp và trung gian của Chúa Giêsu Kitô..." Bản dịch thứ hai này đi hơi xa bản gốc Latinh một chút.

Bản dịch của ‘Ủy ban Quốc tế về bản dịch tiếng Anh trong phụng vụ’ (ICEL) năm 1973 là ít giống với bản gốc Latinh: "Lạy Cha, tình yêu của Cha vượt quá tất cả các hy vọng và mong ước của chúng con. Xin tha thứ mọi thiếu sót của chúng con, xin giữ chúng con trong an bình của Cha, và dẫn chúng con vào con đường cứu độ..."

Vì vậy, bản dịch này chắc chắn không là một bản dịch chính xác, mặc dù người ta có thể lập luận rằng Phiên bản Anh giáo năm 1549 ("chẳng dám cầu xin") nắm bắt tốt hơn ý nghĩa ban đầu.

Về việc giải thích, chúng tôi phải suy tư rằng lời kinh phụng vụ là một trường cầu nguyện đích thực cho mọi người Công Giáo, nhưng được soạn thảo trong đặc tính súc tích của truyền thống La Mã. Lời nguyện trên chắc chắn là hoa quả của việc suy niệm sâu lắng và kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng, và việc rút ra ý nghĩa đầy đủ của nó cũng có thể là kết quả của sự suy tư thân tình và kinh nghiệm cá nhân trong cách thức cầu nguyện.

Trước hết, lời nguyện nhắc nhớ rằng sự tiến bộ đường thiêng liêng là chủ yếu sáng kiến của Thiên Chúa; sự dồi dào tình thương mến của Chúa "vượt quá các công nghiệp và ước muốn của những người cầu xin Chúa". Sự siêu vượt của Chúa là chìa khóa giải thích cho hai lời khẩn cầu trên.

"Xin tha thứ những gì lương tâm chúng con áy náy lo sợ". Tất cả chúng ta có thể có các lĩnh vực mà chúng ta không nhìn vào thật sát sao – đó là các điều về bản thân mà chúng ta thấy khó đối mặt. Tuy nhiên, chúng ta có thể xin Thiên Chúa tha thứ ngay cả các khía cạnh đau đớn của cuộc đời chúng ta, và bởi vì Chúa vượt quá các công nghiệp và ước muốn của chúng ta, Chúa sẽ dìu dắt chúng ta để cuối cùng chúng ta thách thức chúng và thắng vượt chúng.

"Xin tặng thêm điều chúng con chẳng dám cầu xin". Về mặt thuyết, không có điều gì tốt mà chúng ta không thể cầu xin khi cầu nguyện. Tuy nhiên, đời sống con người không được sống trong lý thuyết. Thánh Âutinh vật lộn rất nhiều với các dục vọng của ngài, và ngài cầu nguyện để sống khiết tịnh và tiết dục...”nhưng chưa được”! Cuối cùng, ngài qui phục Chúa qua ân sủng Chúa.

Nhiều linh hồn không dám cầu nguyện cho đủ thứ chuyện, chẳng hạn, cho ơn đi theo một ơn gọi, cho ơn từ bỏ một số tật xấu nguy hiểm, cho ơn phục tùng ý Chúa trong mọi sự. Chúng ta không dám cầu xin bởi vì chúng ta lo sợ rằng Chúa có thể thực sự đáp trả lời cầu xin của chúng ta. Một lần nữa, lòng thương xót của Chúa vượt quá các ước muốn và công nghiệp của những ai kêu xin Chúa.

Thật là táo bạo để nghĩ rằng tôi đã nói hết mọi khả năng của lời cầu xin ngắn gọn nhưng tuyệt vời này, vì vậy tôi dành phần cho bạn đọc của chúng tôi khám phá sự phong phú mà phụng vụ đã cung cấp. (Zenit.org 29-7-2014)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Một thoáng về tình yêu
Giuse Thẩm Nguyễn
22:56 29/07/2014
Một Thoáng về Tình Yêu

Tình yêu là một đề tài muôn thuở trong văn chương, trong nghệ thuật và nhất là trong đời sống thường nhật của con người. Dù bạn là ai, địa vị sang hèn trong xã hội, bạn là người dễ thương hay là người khó tính, bạn là người đàng hoàng hay tráo trở, tất cả mọi người đều cảm nhận tình yêu là một cái gì đó rất quyến rũ và không thể thiếu trong cuộc sống. Những ông vua, bà chúa dù uy quyền bao nhiêu, dù gian ác hay nghiêm minh cương quyết thế nào cũng vẫn phải mềm nhũn vì tình yêu. Những tay anh chị khét tiếng hung dữ, máu lạnh, máu đông cũng phải quỳ xuống vì tình yêu. Không một tác phẩm văn chương lưu truyền hậu thế nào mà không viết về tình yêu. Không một bài thơ nào được cho là hay nhất thế gian lại không thêu dệt những vần thơ về tình yêu. Không một bản nhạc vượt không gian và thời gian nào mà không ca ngợi tình yêu. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng, từ xưa đến nay, không có chủ đề nào hay hơn là chủ đề tình yêu.

Vậy tình yêu là gì? Đã bao người định nghĩa tình yêu, nhưng không một định nghĩa nào diễn tả đầy đủ về tình yêu. Theo Tự Điển Bách Khoa Việt Nam thì "Tình yêu là một khái niệm đa nghĩa trong cách diễn đạt và cách hiểu của mọi người, nhưng theo nghĩa chung nhất, tình yêu là trạng thái tình cảm của chủ thể này đối với một chủ thể khác ở mức cao hơn sự thích thú và phải nảy sinh ý muốn được gắn kết với chủ thể đó ở một khía cạnh hay mức độ nhất định. Tình yêu được cho là loại cảm xúc mạnh mẽ nhất, đẹp đẽ nhất nhưng cũng khó nắm bắt, định nghĩa nhất, ngay cả khi đem ra so sánh với các loại cảm xúc khác.

Chủ thể của tình yêu, ngoại trừ một số trường hợp được nhân cách hóa, còn lại đều là con người. Còn chủ thể tác động của tình yêu thì rất đa dạng, có thể là bất kỳ thứ gì, từ đơn giản đến phức tạp, từ nhỏ bé đến vĩ đại, từ hữu hình đến vô hình,..."

Còn theo Tự Điển của Merriam-Webster thì " Tình yêu là một cảm giác tình cảm mạnh hay liên tục về một người; sự thu hút bao gồm cả ước muốn tình dục, cảm giác mạnh bởi những người có quan hệ lãng mạn; cảm giác về một người đang yêu..."

Những định nghĩa trên xem ra cũng mông lung và không đầy đủ. Chỉ đi tìm định nghĩa về tình yêu thôi, con người đã mất bao thời gian, bao công sức, giấy mực và cuối cùng chúng ta vẫn không có một định nghĩa nào làm tiêu chuẩn và được sự chấp nhận của nhiều người.

Trên đây là chúng ta chỉ nói đến tình yêu trong phạm vi loài người. Là người Công Giáo, tin vào Chúa Giê-su, thì tình yêu của Thiên Chúa còn là một thứ tình yêu tuyệt vời hơn nữa. Đó là Tình Yêu Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa dành cho con người là loài thụ tạo.

Trong đời một người trưởng thành, chắc là ai cũng đã trải nghiệm được thế nào là tình yêu theo cảm xúc của riêng mình. Nhưng tình yêu nhân loại thì không trọn vẹn, không hoàn hảo. Ngay chính trong tình yêu đã mang nhiều dáng dấp phản lại tình yêu như ghen tương, hiểu lầm, đau khổ và chia ly. Khi chúc mừng cho đôi vợ chồng mới cưới, người ta chúc cho họ trăm năm hạnh phúc chứ không chúc hạnh phúc muôn đời vì ai cũng biết rằng con người sẽ phải chết, và khi chết thì tình yêu cũng chết theo, dù rằng có người còn nuối tiếc xin hẹn kiếp sau??

Chúng ta đang sống và cuộc sống của chúng ta cứ theo dòng thời gian và đến một lúc nào đó thì cuộc sống sẽ phải chấm dứt. Trong cái xoay vần của cuộc sống, tình yêu đóng một vai trò rất quan trọng tựa như nguồn hạnh phúc vậy, nhưng tình yêu cũng không bao giờ trọn vẹn. Người ta đổ lỗi cho nhau khi tình yêu tan vỡ. Có nhiều khi chẳng phải tại anh hay tại em, chẳng phải tại vợ hay tại chồng, chẳng phải tại ai cả. Tình yêu bao giờ cũng có vị cay của ghen tương, cho nên đã có người bảo vì yêu mới ghen đó thôi. Tình yêu luôn thấp thoáng của đau khổ vì yêu là chết trong lòng một tí cơ mà. Tình yêu cũng gói ghém cả hận thù vì yêu nhau nhiều thì cắn nhau đau và nhất là tình yêu vẫn đâu đó có sự đe dọa của chia ly, của tử thần vì cái mong manh và giới hạn của kiếp người.

Tình yêu nhân loại sẽ không bao giờ thỏa mãn được lòng khao khát của con người. Sự vui qua sự sầu lại kế, hạnh phúc chen lẫn với khổ đau, cười và khóc là nốt nhạc, cung đàn trong cõi nhân sinh. Chính vì thế mà Thánh Augustino đã nói “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa và lòng chúng con những khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ yên trong Ngài”.

Như vậy, chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới lấp đầy khoảng trống khắc khoải trong tâm hồn ta và cũng chỉ có tình yêu ấy mới trọn vẹn, sung mãn và mới là cho chúng ta được hạnh phúc, hoan lạc mà thôi.

Thiên Chúa là Tình Yêu. Đây chính là sự tỏ lộ của Thiên Chúa cho loài người qua thư thứ nhất của Thánh Gioan (4:16). Tình yêu của Thiên Chúa là "Thiên Chúa yêu thế gian đến ban Con Một mình, để ai tin vào Con thì không phải chết song được sự sống đời đời" (Jn.3:16).

Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, Ngài dựng nên con người theo hình ảnh Ngài (St2:27) và cho con người ngôi vị làm con Thiên Chúa( (Ep1:5), được làm chủ muôn loài thụ tạo (ST2:28) và nhất là được đồng thừa hưởng vinh quang của Ngài. (2 Pr 1,4).

Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người thì chắc chắn là những người tin Chúa đều có ít nhiều cảm nghiệm, nhất là những giờ phút cầu nguyện, suy niệm. Những khi gặp đau khổ, chúng ta thấy Thiên Chúa hiện diện để an ủi, khi an vui chúng ta thấy được sự ôm ấp yêu thương của Chúa dành cho mình.

Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người luôn đổ xuống chan hòa, nhưng chúng ta có cảm nhận được hay không là do chúng ta. Nếu chúng ta mở rộng tâm hồn với lòng khao khát đón Chúa, dành một khoảng trống trong tim cho Chúa ngự thì chắc chắn chúng ta sẽ cảm nghiệm được tình yêu Chúa dành cho mình. Tình yêu Chúa ban là một tình yêu trọn vẹn, tuyệt đối, như suối mạch tuôn trào không bao giờ khô cạn.

Một khi chúng ta được ngụp lặn trong tình yêu của Chúa, chúng ta mới có thể chuyển thông tình yêu ấy cho tha nhân và làm cho thế giới này tràn ngập hạnh phúc. Lúc ấy tình yêu nhân loại nơi chúng ta sẽ được thánh hóa và hướng về tình yêu bất diệt của Đức Kitô. Những đau khổ, ghen tương, hận thù, những vất và buồn phiền, những trái ngang,bế tắc, những nghèo đói, khinh chê, những hiểu lầm nếu có, sẽ biến thành những đóa hoa thiêng trang điểm cho cuộc hành trình của chúng ta về nhà Cha và dĩ nhiên, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc thật ngay từ bây giờ, ngay khi chúng ta còn dang sống hôm nay.

Lạy Chúa, xin cho con biết khao khát Chúa, biết dành cho Chúa một vị trí trong tâm hồn con, biết dành cho Chúa chút thời gian mỗi ngày để con sẵn sàng đón nhận niềm hạnh phúc tuyệt vời mà Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu hằng tuôn đổ xuống cho con. Amen.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phút Riêng
Diệp Hải Dung
21:34 29/07/2014
PHÚT RIÊNG
Ảnh của Diệp Hải Dung
Thiếu dáng em, anh tìm khói thuốc
Thiếu ân tình, anh tìm vị đắng mùi bia
Thuốc lá thơm, mùi bia cần đắng
Nhưng sao bằng vị đắng của tình yêu..
(dhd)