Ngày 26-07-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:14 26/07/2024

31. Thiên Chúa muốn người thế gian phải cùng nhau cầu nguyện để chuyển thông ân điển từ trời cao.

(Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:18 26/07/2024
17. NHỜ AI MÀ SỐNG

Phú ông có một con trai đã ba mươi tuổi, nhưng việc gì cũng không hiểu, cũng không biết, chỉ ỷ vào phụ thân ngớ nga ngớ ngẩn sống qua ngày.

Một ngày nọ, phụ thân mời một nhà tướng số đến coi tướng cho nó, phụ thân của hắn ta là năm mươi tuổi, thầy tướng bấm đốt tay đoán số nói có thể sống đến tám mươi tuổi.

Sau đó lại coi tướng cho hắn nói hắn có thể sống đến sáu mươi hai tuổi, hắn ta bèn đấm ngực khóc lớn tiếng.

Người coi tướng nói:

- “Sáu mươi hai tuổi thì cũng là thọ vậy !”

Hắn trả lời:

- “Không phải tôi khóc chuyện ấy, tôi khóc là ba tôi chỉ có thể sống được tám mươi tuổi, như vậy thì sau khi tôi được sáu mươi tuổi, hai năm còn lại ai sẽ nuôi tôi chứ?”

(Nhã Ngược)

Suy tư 17:

Thời nay, có người ba mưoi tuổi đã thành danh có sự nghiệp và có chức quyền; thời nay, cũng có người ba mươi tuổi nhưng vẫn còn tay trắng nên một mảnh tình còm kiếm cũng không ra; thời nay, ba mưoi tuổi được coi là tuổi lý tưởng để phát triển nghề nghiệp và xây dựng sự nghiệp lớn, nhưng vẫn còn có rất nhiều người đã ba mươi tuổi mà vẫn còn đang thất nghiệp...

Đức Chúa Giê-su từ giã gia đình để công khai rao giảng tin mừng Nước Trời cũng vào tuổi ba mươi, như thế cũng đủ cho chúng ta nghiệm thấy rằng, tuổi ba mươi là tuổi trưởng thành và chín chắn trong ngôn từ và hành động.

Có những người Ki-tô hữu đã ba mươi năm chưa đến tòa cáo giải để làm hòa với Thiên Chúa; có những người Ki-tô hữu đã sống qua ba mươi mùa phục sinh, ba mươi mùa giáng sinh, nhưng vẫn chưa sửa đổi được một tật xấu của mình, cái đó thật đáng trách vì họ không còn có cảm giác mình là người Ki-tô hữu nữa.

Ba mươi tuổi mà vẫn còn ỷ lại vào tài sản của cha mẹ để hưởng thụ thì thật tội nghiệp cho họ; nhưng người Ki-tô hữu đã ba mươi tuổi mà vẫn luôn làm cho đức tin, đức cậy, đức mến của mình bám chặt vào Thiên Chúa thì thật là người có phúc vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 27/07: Nước Trời và Sự Dữ– Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
03:12 26/07/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?’ Ông đáp: ‘Kẻ thù đã làm đó!’ Đầy tớ nói: ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?’ Ông đáp: ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”

Đó là lời Chúa
 
Tặng phẫm trong tay Chúa
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:03 26/07/2024
TẶNG PHẨM TRONG TAY CHÚA
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Đọc câu chuyện Chúa làm phép lạ hóa nên nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá làm lương thực nuôi, chỉ với số lượng đàn ông thôi, đã có đến năm ngàn người, người ta hay chú ý đến:
Sự động lòng yêu thương của Chúa Giêsu, nên ban lương thực cho đám đông đang đói;
hay lời của thánh Anrê giới thiệu một em bé có trong tay bánh và cá;
hay sự cộng tác của con người khi trao bánh và cá để Chúa làm phép lạ;
hay Chúa đưa các môn đi vào mối bận tâm của Chúa khi hỏi: “Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”…

Nhưng ít có ai nói đến chính sự TỰ HIẾN MÌNH của năm chiếc bánh và của hai con cá để, nhờ chúng mà phép lạ diễn ra.

Đành rằng, sự hiến dâng, cũng chính là sự hy sinh của em bé đã góp phần làm nên phép lạ. Nhưng chính bánh và cá mới thực là chất thể của phép lạ. Bánh và cá (chứ không phải bản thân em bé) mới thực sự làm cho phép lạ nên hiện thực.

Trong quyển “Năm chiếc bánh và hai con cá” (xuất bản năm 1998), Đức Cố Hồng Y Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận đã không nhìn phép lạ của Chúa Giêsu nuôi hơn năm ngàn người ăn chỉ là phép lạ của quá khứ.

Bằng tất cả nỗ lực thánh hóa mọi giây phút sống, mọi biến cố, mọi hoàn cảnh… xảy ra trong đời mình, Đức Hồng Y nhìn thấy phép lạ của Chúa trên chính cuộc đời và trong chính sự sống, trong từng nhịp thở của bản thân.

Bằng tất cả sự hiến dâng mọi giây phút sống, mọi biến cố, mọi hoàn cảnh…, Đức Hồng Y biến mình thành “bánh” và “cá” trong tay Chúa. Vì thế, Đức Hồng Y nhìn thấy cuộc đời mình là một cuộc đời phép lạ.

Bằng cách thánh hiến mọi giây phút sống, mọi biến cố, mọi hoàn cảnh…, Đức Hồng Y đã nhận ra sự cao cả trong tình yêu của Chúa khôn xiết: vừa lạ lùng bởi không thể hiểu nổi, nhưng cũng quá đỗi thân quen bởi nó chạm đến chính mình; vừa nhiệm mầu bởi biết rằng nó đến từ Chúa, nhưng cũng gần gũi quá đỗi bởi cũng cảm nhận nó là chính mình…

Đức Hồng Y thấy Chúa thăng hoa đời mình chẳng khác “năm chiếc bánh và hai con cá” trong tay Chúa năm xưa: rất ít nhưng lại hóa nên rất nhiều.

Vì sao nhìn lại chính mình, Đức Hồng Y lại có thể thấy phép lạ của Chúa? Bởi Đức Hồng Y hoàn toàn đặt mình trong tay Chúa: ngài chính là tặng phẩm chính mình dâng lên Chúa, tặng phẩm chính mình dành cho Chúa.

Đối với người đuợc tặng quà, một khi đã có tặng phẩm trong tay mình, người chủ của món quà ấy sẽ thể hiện ý mình, thể hiện cách sử dụng của mình trên món quà.

Nếu cuộc đời, sự sống và tình yêu của Đức Hồng Y đã là của Chúa Giêsu, đã là quà tặng dành cho Chúa Giêsu, đã thuộc về Chúa, đã nằm trong bàn tay Chúa, thì Chúa Giêsu có quyền có mọi sáng kiến trên tặng phẩm ấy.
Và sáng kiến của Chúa được thể hiện nơi tặng phẩm của chính Chúa, một tặng phẩm mang tên Hồng Y Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận, đó là:
- Tất cả ân ban ôm trọn cuộc đời Đức Hồng Y;
- Tất cả tình thương kỳ diệu, tình thương vừa nhiệm mầu, nhưng cũng vừa cụ thể mà Đức Hồng Y cảm nghiệm trên tất cả mọi thử thách, dẫu những thử thách ấy rát buốt nhất, thương đau nhất trong suốt đời mình;
- Tất cả niềm hy vọng sáng chói vọt lên giữa cảnh đời đen bạc, giữa những hận thù, những tăm tối và ác độc nhất của lòng người…;
- Tất cả niềm tin vào Đấng đã khởi sự tốt đẹp, thì Người sẽ hoàn tất tốt đẹp giữa cái vô lý cực độ của một tù nhân không bản án, hay những năm tháng lưu vong, hay chính nỗi niềm xót xa vô hạn về sự vắng mặt của mình trong vai trò là mục tử giữa đàn chiên mà mình được trao phó;
- Tất cả lòng tha thứ, không gợn một chút oán hận nào trong trái tim của một con người chất chứa đầy tâm tư, trăn trở, nghĩ ngợi. Nhất là những tâm tư, trăn trở, nghĩ ngợi đó không phải vì chính mình, mà vì trách nhiệm, vì đoàn chiên, vì lòng yêu mến cả những người đang ngày đêm thù hằn và cư xử độc ác với mình;
- Tất cả sự chiến thắng trên chính hoàn cảnh. Dẫu đó là hoàn cảnh bế tắc nhất, mất hy vọng nhất, để sống cách tuyệt hảo phút hiện tại mà Chúa ban và nỗ lực làm việc không mệt mỏi, không để cho sự bị giam cầm có thể giam cầm tâm trí, giam cầm nhiệt huyết, giam cầm ý chí. Nhưng luôn vươn tới, luôn biến mình thành người tự do để hoàn thành cách xuất sắc nhất giây phút hiện tại mà Chúa ban;
- Tất cả hồng ân của hy tế thập giá trong từng thánh lễ. Nhất là những thánh lễ được cử hành với ba giọt rượu và một giọt nước, cùng với Mình Thánh Chúa là những chiếc bánh lễ được xé nhỏ nằm gọn trong chiếc túi nylon nhỏ xíu. Những hy tế hằng ngày được hiến dâng ấy đã tạo nên sức mạnh vô song để cây thập giá đời mình tháp nhập vào thánh giá Chúa Kitô tuyệt đẹp;
- Tất cả niềm hoan hỷ lớn lao khi Mình Thánh Chúa được kiệu khắp nơi giam cầm, trên chính ngực áo của những con người tưởng chừng mất tự do, và những giờ Thánh trong đêm tối tĩnh mịch để cùng nhau nhận lãnh Phép Lành Mình Thánh Chúa. Chúa Giêsu trở nên người bạn sớt chia nỗi nhục nhằn của những con người đau khổ. Ôi, niềm vui Chúa ban sao quá thiêng liêng nhưng lại ấm áp cách lạ thường! Hồng Ân Thánh Thể làm nên nghị lực quật cường nơi những con người tưởng chừng đã bị tiêu diệt tận cùng;
- Tất cả niềm bình an lớn lao trong những giây phút chìm đắm cầu nguyện. Không phải bằng lời, nhưng bằng đời cầu nguyện. Cầu nguyện giữa những hoang mang trong thương đau, lẫn niềm vui trong trách nhiệm mà Hội Thánh đặt lên vai mình. Đó là sáng kiến ngoạn mục mà Chúa Giêsu tạo nên trong lòng một con người. Con người đó là con người của niềm hy vọng và bình an.
- Tất cả sự khải hoàn của một tâm hồn rao giảng Tin Mừng ở mọi nơi mọi lúc. Nhất là những lúc đưa được những anh em đồng đạo và đang đồng phận khổ đau với mình thoát khỏi tình trạng đức tin nguội lạnh; hay những lúc rửa tội lén lút cho những anh em tân tòng để họ trở về với Chúa Kitô; hoặc hoán cải lòng những anh em đối nghịch với mình, những anh em canh gác mình, những anh em nghi ngờ mình… để họ nhận biết Hội Thánh là Hội Thánh của Chúa Kitô, luôn tha thứ cho tất cả mọi người, tha thứ cho cả những kẻ bách hại mình;
- Tất cả lòng yêu mến đối với Đức Trinh Nữ cách tuyệt diệu. Với một tràng chuỗi Mân Côi trong túi, để lên đường vác thánh giá trong chính ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Người Con của Đức Mẹ trở thành dáng đứng kiêu sa và tấm gương soi chiếu trên tất cả Hội Thánh, để giữa những cùng khốn nhất, những người con của Hội Thánh cũng hãy biết để Đức Mẹ đứng cạnh mình, như xưa Đức Mẹ đã từng đứng cạnh Thánh Giá Chúa Giêsu trong giờ Chúa lâm tử;
- Tất cả tình yêu thông hiệp với Hội Thánh Chúa Kitô. Đó là tấm lòng canh cánh nặng trĩu với sứ mạng Giám mục mà đoàn chiên đang trông chờ giữa thời buổi khó khăn gay gắt. Đó là lời cầu nguyện liên lỷ cho Đức Thánh Cha. Đó là niềm ý thức không bao giờ phai: mình là Giám mục của Hội Thánh Chúa Kitô. Đó là sự sốt sắng cầu nguyện bằng Lời Chúa, bằng các nhạc phẩm của Hội Thánh. Đó là những cử hành thánh lễ theo ý hướng của Hội Thánh…

Nhiều lắm những sáng kiến mà Chúa đã tạo nên nơi tặng phẩm của Chúa. Chắc chúng ta không thể kể hết trong một vài con chữ. Tuy nhiên, bấy nhiêu cũng đủ để chứng minh rằng, chỉ cần chúng ta hiến dâng chính mình như “con cá”, như “tấm bánh” trong tay Chúa Giêsu, để nên tặng phẩm của Chúa, thì Chúa sẽ có những sáng kiến độc đáo, những sáng kiến có một không hai trên chính cuộc đời của ta, đến mức ta không thể hiểu hết, không thể ngờ nổi…

Hiến dâng Chúa đời mình như những chiếc bánh, như những chú cá năm xưa, Đức Hồng Y đã nằm gọn trong tay Chúa, để Chúa bẻ mình ra phân phát, trao ban cho con người, cho nhân loại mọi thời, mọi nơi.

Cuộc “bẻ mình” nào mà không đau đớn, không để lại những dấu tích của thánh giá! Chúa Giêsu tự hiến chính mình, Chúa trở thành tấm bánh bẻ ra cho muôn người, thì cuộc hiến tế chính mình để thành tấm bánh bẻ ra, cũng đã đòi Chúa Giêsu phải chấp nhận hy sinh, chấp nhận nát tan, chấp nhận mọi đớn đau, chấp nhận cả cái chết đầy tủi nhục.

“Hai chữ "thập giá" đã gợi lên, cho mọi người thời Chúa Giêsu, một cây khổ giá trần trụi với hình ảnh một người quằn quại, tuyệt vọng trong đau đớn và nhục nhã ê chề, lơ lửng giữa trời và đất, giữa sống và chết, trước những cái nhìn thù ghét và khinh bỉ, trước những con mắt tò mò và dửng dưng. Thế mà, Ðức Kitô, con Thiên Chúa, đã chọn "thập giá” để hiến thân trọn vẹn, ban chính mạng sống mình đến tận cùng cho đến độ chịu đóng đinh trên thập giá, nơi đó Ngài gánh tất cả tội lỗi của trần gian. Mặc dù "vô tội” (Mt 27, 4), là "người công chính” (1 Pr 3,18), Ngài đã chấp nhận trở nên giống như người tội lỗi” (Hà Minh Thảo – Kính nhớ Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận – Radio Veritas Asia, Philippines).

Làm tặng phẩm cho Chúa để tùy nghi Chúa sử dụng, Đức Hồng Y Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận biến mình trở thành “tấm bánh”, thành “con cá” mang lại sự hữu ích cho sáng danh Chúa và mở rộng Nước Trời.

Sự “bẻ mình” trong tay Chúa giúp Đức Hồng Y cả một đời làm Giám mục, bước theo Chúa đến mức vẹn toàn, đến trọn con đường thập giá. Con đường thập giá đó chính là một đời với một dòng họ quyền quý, nhưng sau đó đã vội tan tác. Con đường thập giá đó cũng là định mệnh nghiệt ngã đã đưa Đức Hồng Y qua mọi thăng – trầm, được – mất, sống – chết, bình an – tủi nhục, hạnh phúc – cô đơn, hy vọng – đau khổ, sức khỏe – bệnh tật…

Chính tặng phẩm là hiến tế đời mình mà Đức Hồng Y dâng lên Chúa như năm chiếc bánh và hai con cá trong tay Chúa, đã thổi bùng lên một linh đạo mà tất cả chúng ta đều có thể bước theo, có thể noi gương.

Chúng ta hãy bắt chước mà sống theo linh đạo của Đức Hồng Y Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận: hiến tế đời mình qua từng ngày sống, thành tặng phẩm dâng lên Chúa, để tùy sáng kiến mà Chúa muốn thực hiện đúng theo thánh ý của Người trên chính cuộc đời và sự sống của ta. Tặng phẩm như những chiếc bánh, những con cá trong tay Chúa:

- Chiếc bánh thứ nhất: Sống phút hiện tại. Sử dụng cách tối đa giây phút mà tôi đang có đây để làm được bất cứ điều gì cho sáng danh Chúa, cho tình yêu Hội Thánh, cho Nước Trời, tôi sẽ thực hành ngay, không chần chừ.
- Chiếc bánh thứ hai: Phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa. Chúng ta hay bị cám dỗ lao vào công việc. Lắm lúc mất ăn, mất ngủ vì công việc. Đến khi phải chuyển công tác, ta lại cảm thấy thất vọng, muốn buông xuôi.
Sự năng động ấy tốt, nhưng đó không phải chính Chúa. Thậm chí, nhiều lúc lao vào công ciệc, dễ làm ta kiêu ngạo. Vì thế, điều quan trọng trong đời ta là vâng theo Thánh ý Chúa. Ta cần tìm chính Chúa, khám phá Chúa trong mọi hoàn cảnh, mọi thái độ vâng phục của mình. Chúa muốn ta tìm chính Chúa chứ không phải tìm việc của Chúa.
- Chiếc bánh thứ ba: Một bí quyết: Cầu nguyện. Hãy cầu nguyện. Hãy chuyện trò với Chúa để Chúa soi sáng, Chúa dạy dỗ từ trong nội tâm. Cầu nguyện sẽ mang lại niềm bình an vô song, sẽ bù đắp tất cả những gì thiếu thốn nơi con người mỏng dòn của ta.
- Chiếc bánh thứ tư: Sức mạnh duy nhất: Phép Thánh Thể. Sống và kết hợp với Thánh Thể Chúa phải là việc đạo đức hàng đầu, không bao giờ quên. Thánh Thể Chúa sẽ là sức mạnh huyền diệu giúp ta vững vàng trong mọi nguy biến. Thánh Thể Chúa sẽ tăng lực để ta đạp dưới chân mình mọi đá sỏi gai góc nhất. Thánh Thể Chúa là liều thuốc cực mạnh đưa ta đến bến bờ bình an.
- Chiếc bánh thứ năm: Yêu thương đến hiệp nhất. Chúc thư Chúa Giêsu. Như Chúa Giêsu yêu thương hết mọi người, chúng ta yêu thương không phân biệt bất cứ người ngay, kẻ gian. Như Chúa Giêsu tha thứ cho hết mọi người, chúng ta tha thứ cho cả những địch thù, cả những kẻ sát hại ta. Như Chúa Giêsu cầu nguyện cho hết mọi người. Chúng ta cầu nguyện cho cả những người không thiện cảm với mình. Như Chúa Giêsu hiến mình cho hết mọi người. Chúng ta không chối từ hy sinh, nếu hy sinh ấy cứu được linh hồn hay sự sống của đồng loại quanh mình…

Tình yêu là sợi dây xiết chặt mọi trái tim con người. Tình yêu sẽ biến đổi thù hận thành bạn bè. Tình yêu sẽ mang lại tươi vui, bình an. Tình yêu khiến cuộc đời này đáng sống, đáng phục vụ.

- Con cá thứ nhất: mối tình đầu của tôi: Mẹ Maria vô nhiễm. Đức Mẹ đã từng hạnh phúc và đau khổ khi đồng hành cùng thánh ý Chúa trong cuộc đời. Hạnh phúc và đau khổ đan xen suốt cuộc đời Đức Mẹ từ khi Người được Chúa Chọn làm mẹ của Chúa, trải dài trong mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm Ẩn Dật, mầu nhiệm Công Khai, mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, đến tận cùng cuộc đời dương thế của Đức Mẹ.
Đức Mẹ hiểu chúng ta. Trong vui – buồn – sướng – khổ của đời mình, hãy chạy đến Đức Mẹ để được Đức Mẹ cùng đồng hành, cùng sớt chia, cùng hiến dâng và cùng chấp nhận.
- Con cá thứ hai: Tôi chọn Chúa. Chúa là giá trị độc nhất vô nhị trong đời tôi. Chỉ có Chúa và chỉ vì Chúa mà tôi yêu; tôi hoạt động; tôi thao thức; tôi suy tư; tôi cảm thông; tôi vui; tôi làm việc; tôi có tương quan với mọi người, với thiên nhiên, với muôn vật, với mọi cảnh huống…; tôi cầu nguyện cho tôi, cho con người, cho sự vật…; tôi học tập; tôi rao giảng; tôi truyền giáo… Chúa là khởi và đích của tôi, để trong tất cả, tôi ra đi từ Chúa và quay về với Chúa.

Với hình ảnh “năm chiếc bánh và hai con cá” trong trình thuật Tin Mừng của thánh Gioan (Ga 6,1-15), qua tấm gương và những gợi ý của Đức Hồng Y Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta cùng nhau bước theo Chúa Giêsu, dâng chính đời mình trong tay Chúa.
Xin Chúa làm cho chúng ta như đã làm cho “năm chiếc bánh và hai con cá” sinh lợi ích cho chính Chúa, cho Hội Thánh của Chúa, cho linh hồn mỗi người và cho cả vũ trụ này.

CON NGƯỜI CHÚNGTA – BÁNH VÀ CÁ MỚI: TẶNG PHẨM MỚI ĐÁNG YÊU TRONG TAY CHÚA!!
 
Chúa thương rộng mở tay ban
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:37 26/07/2024
CHÚA THƯƠNG RỘNG MỞ TAY BAN

Lời Chúa tuần này nhấn mạnh chuyện ăn: không chỉ là chuyện lo kiếm ăn nuôi mình, mà còn là chuyện lo cho người khác ăn, và nhất là chuyện ăn ở đối xử tử tế với nhau.

1. Kiếm ăn. Trước đám đông hàng ngàn người, các môn đệ lo lắng làm sao kiếm bánh cho họ ăn. Trong mỗi gia đình bố mẹ cũng lo tìm cách kiếm tiền nuôi nấng cả nhà ăn uống đầy đủ. Rồi toàn xã hội người ta tất tả ngược xuôi tìm kế sinh nhai. Ai cũng phải lo kiếm ăn để sinh sống.

2. Cho ăn. Thấu được nỗi lo kiếm ăn của con người, Chúa đã quảng đại nuôi dưỡng nhân loại như lời Đáp Ca: “Chúa thương rộng mở tay ban, đoàn con hết thảy muôn vàn thỏa thuê.” Trời sinh Trời dưỡng. Chúa tạo dựng và Chúa quan phòng. Chúa cho mưa gió, ánh sáng, khí trời để từ đất trổ sinh mùa màng hoa trái, từ nước sinh tôm cá cho muôn loài hưởng dùng. Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông khởi đi từ lòng quảng đại của em bé cho bánh cá của mình. Thế nên, Chúa mời gọi chúng ta hãy mở lòng quảng đại cho nhau ăn. Thế giới này không thiếu đồ ăn, chỉ lo thiếu lòng quảng đại cho ăn.

3. Ăn ở. Người ta quảng đại cho nhau ăn khi họ ăn ở có tình có nghĩa với nhau. Bài Đọc 2 thánh Phaolô mời gọi chúng ta ăn ở thuận hoà, yêu thương gắn bó với nhau. Mọi người coi nhau như anh em cùng một mái nhà có Chúa là Cha. Ăn ở tình nghĩa như thế thì mọi người già trẻ lớn bé, sang hèn giàu nghèo đều vui vẻ cùng ngồi ăn chung những tấm bánh Chúa thương ban, làm nên bữa tiệc tình thương, bàn tiệc Nước Trời!

Một đàng chúng ta cần ăn cho no lòng mình, đàng khác rất cần mở lòng quảng đại cho nhau ăn. Ăn ở như thế thì mọi người sẽ hài lòng mãn nguyện. Chúa không chỉ cho chúng ta ăn bánh, những tuần kế tiếp Chúa sẽ còn cho chúng ta ăn chính Mình Máu Ngài. Amen.
 
Ôm lấy nó
Lm. Minh Anh
15:31 26/07/2024
ÔM LẤY NÓ!
“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt!”.

“We Are the World”, “Chúng Ta là Thế Giới”, một ca khúc Michael Jackson và Lionel Richie viết. Một đĩa đơn “thu hút sự chú ý chưa từng có của quốc tế về châu Phi” ghi âm năm 1985 với sự góp giọng của hơn 45 siêu ca sĩ; đạt doanh số hơn 20 triệu bản, thu hơn 75 triệu dollars quỹ giúp châu Phi. “Chúng ta là thế giới, hãy học biết chia sẻ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nói rằng “Chúng ta là thế giới, hãy học biết chia sẻ!”, khác nào nói, hãy ‘Ôm lấy thế giới!’. Vậy mà, Lời Chúa hôm nay cảnh báo, đó là một thế giới ‘đầy cỏ!’; một thực tế vừa xót xa vừa đáng mừng! Tại sao? Cỏ ở khắp mọi nơi, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa còn nhiều hơn cỏ; nó bao phủ cả thế giới! Quan trọng hơn, bạn và tôi được kêu gọi để ‘ôm lấy nó’ và cho phép Thiên Chúa ‘ôm nó’ qua chính mình!

Nếu coi lúa tốt là tất cả những gì Chúa Kitô dạy thì thế giới ngày nay có rất nhiều điều trái nghịch Kitô giáo; nói cách khác, lắm cỏ! Cỏ thậm chí sinh sôi nhiều hơn và dễ thấy hơn lúa. Vậy không lẽ Chủ Mùa cho phép cỏ át lúa? Không đâu! Chúa Giêsu nói, “Cha trên trời cho mặt trời mọc trên kẻ xấu và người tốt!”. Vì thế, khi thấy cỏ hầu như ở khắp mọi nơi, chúng ta không nản chí; trái lại, cứ ‘ôm lấy nó’, để Vương Quốc Đức Kitô hiện diện trong đó, ít nữa là ‘thế giới quanh mình!’.

Cần nhớ, cỏ luôn luôn có và nó sẽ có cho đến tận thế! Tập trung vào lúa, đừng tập trung vào cỏ! Tập trung vào cỏ, chúng ta có thể rơi vào phê phán hoặc rút lui khỏi những tương tác với ai không nhìn mọi thứ như chúng ta nhìn; và như thế, trở nên tiêu cực, đánh mất hy vọng và niềm vui. Không! Tình yêu kêu gọi chúng ta không chỉ thấy ‘những gì đang có’ nhưng còn mời gọi chúng ta thấy ‘những gì có thể!’. Mẹ Têrêsa nói, “Tôi tin rằng, Thiên Chúa yêu thương thế giới qua chúng ta!”. Vậy tôi có cho phép Thiên Chúa yêu nó qua tôi, và tôi có cùng Ngài ‘ôm lấy nó’, một thế giới đáng thương?

Thật trùng hợp, điều chúng ta được mời gọi cũng là điều Giêrêmia đã sống! - bài đọc một. Giêrêmia không nguyền rủa dân, một Israel phản nghịch; trái lại, ông ôm lấy dân! Đúng hơn, Giêrêmia cho phép Thiên Chúa qua ông, ôm lấy Israel, “Hãy cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này!”. “Nơi” của Chúa là ‘đất Hứa’, là đền thờ, là “Cung điện khả ái” như Thánh Vịnh đáp ca hoài niệm.

Anh Chị em,

“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt!”. “Mùa gặt” là ‘mùa xót thương!’. Với Chủ Mùa, ‘cỏ thành lúa’ vẫn là điều có thể. Lòng thương xót là nguồn gốc và động lực của mọi cuộc hoán cải. “Lòng thương xót là gì nếu không phải là tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, Đấng đã đương đầu với tội lỗi của con người, kiềm chế xung năng của công lý nghiêm khắc, và để cho mình ‘bị lay động’ bởi sự khốn khổ của các tạo vật vốn thúc đẩy đến toàn bộ, đến nỗi trao cả món quà của bản thân, Con Một, trên thập giá!” - Gioan Phaolô II. Cả chúng ta, hãy ước ao thật nhiều về một kinh nghiệm tái tạo của lòng thương xót, để có thể cùng Chúa ‘ôm lấy nó’, một thế giới đáng thương hơn là đáng ghét!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể ôm lấy một thế giới ‘ít lúa, lắm cỏ’, tiên vàn, xin ân sủng Chúa hoán cải tâm hồn con; nhờ đó, nó ‘đầy Chúa’ và ‘sạch cỏ!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 17 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:18 26/07/2024
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Gn 6, 1-15

“Đức Chúa Giê-su cầm lấy bánh, rồi phân phát cho những người hiện diện, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý”.


Anh chị em thân mến,

Đức Chúa Giê-su là Đấng hay thương xót, Ngài chạnh lòng thương vì thấy dân chúng đói khát khi đi theo nghe Ngài giảng dạy, với năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, Ngài đã nuôi hơn năm ngàn người ăn, một phép lạ với một ý nghĩa đặc biệt mà Đức Chúa Giê-su đã làm, để hướng dẫn chúng ta đến phép lạ vĩ đại hơn: phép lạ của bí tích Thánh Thể.

1. Lương thực phần xác.

Ngày hôm nay Đức Chúa Giê-su không hiện diện bằng thân xác để dạy dỗ và làm các phép lạ, nhưng Ngài đã trao quyền này lại cho các tông đồ, và các tông đồ đã trao quyền này lại cho các giám mục và các linh mục, quyền thay mặt Ngài để giáo huấn, cai quản và thánh hóa; Ngài không hiện diện bằng thể lý để làm phép lạ cho người đói ăn người khát uống, nhưng Ngài hiện diện trong chính chúng ta, thúc đẩy chúng ta thực hành đức ái với tha nhân...

Con người ta ai cũng có một quả tim bằng thịt, bởi vì bằng thịt nên nó biết chạnh lòng trước những đau khổ của tha nhân và của anh chị em; quả tim này biết xót xa trước những cảnh trái ngang cuộc đời của con người; quả tim này, bởi vì nó được cấu tạo bằng thịt và máu, cho nên nhịp đập của nó càng nhanh hơn khi đứng trước những cảnh đói nghèo của tha nhân.

Một em bé, năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ là hình ảnh rất sống động cho đức tin của chúng ta, và cho tình thương bác ái của chúng ta đối với anh chị em đang sống trong nổi bất hạnh nghèo đói. Chỉ là một em bé nhưng lòng quảng đại thì rất lớn biết chia sẻ với mọi người, chỉ năm chiếc bánh và hai con cá nhưng đã biến thành hơn năm ngàn khẩu phần cho hơn năm ngàn người ăn no nê.

Ngày hôm nay tinh thần quảng đại của em bé vẫn ở trong chúng ta khi chúng ta “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống”, mỗi một người trong chúng ta đều trở nên một em bé ngày xưa ấy, đem khẩu phần ăn mà mình có được chia sẻ với tha nhân, với người nghèo bất hạnh, thì phép lạ bánh hoá nhiều sẽ tái diễn ngay trong xã hội này. Chỉ cần mỗi người một tấm lòng bác ái, mỗi ngừơi một chén cơm, mỗi người một đồng bạc, cả thế giới đều như thế thì không những chỉ có năm ngàn người ăn mà là cả triệu triệu người được ăn no nê. Đó chính là phép lạ của tình yêu liên đới trong Đức Chúa Giê-su, đó là phép lạ giữa tình người với nhau, và hơn nữa đó chính là Đức Chúa Giê-su hoá thân trở thành chúng ta để chăm lo cho mọi người.

2. Lương thực phần hồn

Mỗi ngày phép lạ bánh hoá nhiều đều diễn ra trong thánh lễ trên bàn thờ, chỉ một tấm Bánh nhưng nuôi sống linh hồn cả tỉ người trên mặt đất, một phép lạ vĩ đại làm cho các thiên thần hết sức cung kính và thờ lạy khi linh mục đọc lời truyền phép “Này là Mình Thầy...Này là Máu Thầy...”

Càng kinh khiếp hơn khi phép lạ này được thực hiện bởi tay người phàm, bởi tay những con người tội lỗi bất toàn, đó là các linh mục của Đức Chúa Giê-su.

Mỗi ngày chúng ta đều được ăn no nê bánh bởi trời, bánh này là do hoa màu ruộng đất, do lao công của con người mà có, nhưng nhờ sự chết và sống lại của Đức Chúa Giê-su, nhờ quyền năng Thánh Thần, đã trở nên lễ vật hiến tế tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa Cha và trở nên của ăn uống nuôi sống linh hồn chúng ta. Nơi bí tích này, chúng ta được bồi dưỡng thân thể và linh hồn, để chúng ta tiếp tục sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho mỗi người chúng ta là “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống”.

Ai coi thường bí tích Thánh Thể và ai không muốn tham dự Bánh Hằng Sống thì không có sự sống của Đức Chúa Giê-su trong mình, và đương nhiên họ cũng không thể nào nhìn thấy Ngài trong người anh em bất hạnh, và càng không thể trở thành người thay mặt Chúa mà ban phát cóm bánh cho tha nhân, cho người bất hạnh.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang sống trong một xã hội phồn vinh về vật chất, nhưng tinh thần Ki-tô giáo thì quá nghèo, cho nên chúng ta chưa thấy chạnh lòng trước những đau khổ của tha nhân, trong thánh lễ này, xin Chúa ban cho chúng ta có tâm hồn quảng đại để sống như Chúa dạy: yêu tha nhân như chính mình, để mỗi lần chúng ta tham dự tiệc thánh thiên quốc, đều nhìn thấy rõ những nhu cầu của tha nhân mà giúp đỡ.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Chúa Nhật Thứ 17 Mùa Quanh Năm 28/7 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
20:53 26/07/2024

BÀI ĐỌC 1  2V 4:42-44

Bài trích sách các Vua quyển thứ hai.

Hồi ấy, trong miền có nạn đói. Có một người từ Ba-an Sa-li-sa đến, đem bánh đầu mùa biếu người của Thiên Chúa: hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị.

Ông Ê-li-sa nói: “Phát cho người ta ăn.”

Nhưng tiểu đồng hỏi ông: “Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?”

Ông bảo: “Cứ phát cho người ta ăn! Vì Đức Chúa phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư.”

Tiểu đồng phát cho người ta. Họ đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời Đức Chúa phán.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Ep 4,1-6

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Thưa anh em, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.

Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.

Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  

Alleluia, Alleluia!
Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.

Alleluia

TIN MỪNG  Ga 6:1-15

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi là biển hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”

Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”

Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.

Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.

Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Đó là Lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hiệp hội Thể thao Vatican kêu gọi ngưng bắn dịp Thế Vận Hội khi Thế Vận Hội Paris bắt đầu
Vũ Văn An
14:47 26/07/2024

Các vòng tròn Olympic được dựng lên tại quảng trường Trocadero nhìn ra Tháp Eiffel ở Paris vào ngày 14 tháng 9 năm 2017. (Credit: Michel Euler/AP.)


Elise Ann Allen, trên tạp chí Crux, ngày 26 tháng 7 năm 2024, viết rằng khi Thế vận hội Olympic mùa hè năm nay khai mạc tại Paris, bộ phận thể thao của Vatican kêu gọi chấm dứt mọi xung đột và chiến tranh hoàn cầu trong suốt thời gian diễn ra sự kiện và kêu gọi những người tham gia thúc đẩy sự hòa nhập và tình anh em.

Trong một bức thư ngỏ gửi đến các vận động viên Olympic có ngày và được công bố vào ngày 24 tháng 7, Athletica Vaticana, hiệp hội thể thao chính thức của Vatican, lưu ý rằng Thế vận hội năm nay khai mạc trong bối cảnh của "chiến tranh, căng thẳng và bất công - ngay cả những đốm sáng đều tắt - trên phạm vi hoàn cầu".

Họ viết, "Đề xuất đình chiến Olympic... và sự tham gia vào cuộc đua của Đội tuyển người tị nạn là hai đề xuất hòa bình mà tất cả chúng ta, một gia đình thể thao vĩ đại, nhắc lại trong thời kỳ đen tối của nhân loại".

Vào thời cổ đại, “Đình chiến Olympic” có nguồn gốc như một phương tiện cho phép tất cả các vận động viên và khán giả từ các thị quốc Hy Lạp tham gia các trò chơi một cách an toàn, vì họ liên tục xung đột với nhau.

Vào những năm 1990, Ủy ban Olympic quốc tế đã hồi sinh khái niệm đình chiến Olympic nhằm bảo vệ lợi ích của cả thể thao và các vận động viên tham gia, cũng như một phương tiện thúc đẩy thể thao như một cách tạo điều kiện cho hòa bình, đối thoại và hòa giải.

Thế vận hội Olympic năm nay đang diễn ra tại Paris và sẽ kéo dài từ ngày 26 tháng 7 đến ngày 11 tháng 8, trong khi Thế vận hội dành cho người khuyết tật diễn ra từ ngày 28 tháng 8 đến ngày 8 tháng 9.

Trong bài phát biểu lúc đọc kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật ngày 21 tháng 7, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng kêu gọi ngừng bắn cho tất cả các cuộc xung đột hoàn cầu trong suốt thời gian diễn ra các trò chơi, ngài nói rằng, “Theo truyền thống cổ xưa, mong rằng Thế vận hội sẽ là cơ hội để thiết lập một cuộc đình chiến trong chiến tranh, thể hiện một ý chí chân thành vì hòa bình.”

“Thể thao cũng có sức mạnh xã hội to lớn, có khả năng đoàn kết hòa bình mọi người từ các nền văn hóa khác nhau”, ngài nói, và bày tỏ hy vọng rằng các trò chơi sẽ là “dấu hiệu của thế giới hòa nhập mà chúng ta và các vận động viên muốn xây dựng”.

“[Mong rằng] các vận động viên, với chứng ngôn thể thao của họ, sẽ là sứ giả của hòa bình và là hình mẫu có giá trị cho giới trẻ”, ngài nói.

Trong bức thư của mình, Athletica Vaticana lưu ý rằng các vận động viên tham gia Thế vận hội và Thế vận hội dành cho người khuyết tật là những người đàn ông và đàn bà không thể tự mình ngăn chặn những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là “chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh”.

Tuy nhiên, những gì các vận động viên có thể làm là thúc đẩy “khả năng của một nhân loại anh em hơn. Thông qua ngôn ngữ của đối thoại thể thao, phổ biến và dễ hiểu đối với tất cả mọi người”, bức thư viết.

“Tại Paris, những ngày này, mọi người đều cố gắng hiện thân cho các giá trị thực sự của thể thao: đam mê, hòa nhập, tình anh em, tinh thần đồng đội, lòng trung thành, sự cứu chuộc, cam kết và hy sinh. Mỗi buổi tập luyện, mỗi thử thách vượt qua, mỗi khoảnh khắc khó khăn đối mặt với lòng dũng cảm, đã đưa các bạn đến với Thế vận hội Olympic”, bức thư viết.

Các vận động viên, theo bức thư, đã tập luyện và vượt qua vô số thử thách với nhận thức rằng "thể thao không chỉ là chiến thắng hay thất bại, thể thao là hành trình trong cuộc sống không bao giờ diễn ra một mình".

Bức thư nhắc lại cách Đức Giáo Hoàng Phanxicô định nghĩa thể thao là một "cuộc chạy tiếp sức trong cuộc chạy marathon của cuộc đời với cây gậy được truyền từ tay này sang tay khác, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại một mình. Điều chỉnh tốc độ của mình theo tốc độ của người cuối cùng".

Bằng cách thiết lập tốc độ của người tụt hậu xa nhất, thể thao và thế giới trở nên thân thiết hơn giữa những khó khăn, chiến tranh, nghèo đói, bất công, căng thẳng và sợ hãi của cuộc sống hàng ngày.

Thông qua thể thao, các vận động viên kể câu chuyện về sự cứu chuộc, hy vọng, hòa nhập, bức thư cho biết, và với tinh thần này, nhắc lại lời kêu gọi tuân thủ cuộc ngừng bắn Olympic.

Athletica Vaticana nhắc lại rằng vào năm 2021, Ủy ban Olympic quốc tế đã thêm từ "cùng nhau" vào khẩu hiệu chính thức của Thế vận hội, "nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn", biến khẩu hiệu thành "Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn - Cùng nhau".

“Tại Paris, Thế vận hội Olympic và Paralympic sẽ diễn ra theo phong cách ‘cùng nhau’”, bức thư cho biết, lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước đây đã gọi “gần gũi” là từ khóa cho thể thao.

Hiệp hội cho biết lời mời gần gũi này từ “huấn luyện viên” Phanxicô của họ là lời mời nên định nghĩa cho các trò chơi của năm nay.

“Can đảm lên! Không ai đơn độc trong trải nghiệm và cử chỉ của thể thao: luôn có một đội, một gia đình, một cộng đồng”, bức thư cho biết.

Lưu ý rằng nhiều vận động viên đã mơ ước được tham gia Thế vận hội Olympic từ khi còn nhỏ, đã tập luyện, lên kế hoạch, chuẩn bị và chờ đợi với sự hy sinh và mong đợi lớn lao, Athletica Vaticana gọi các trò chơi là “Một cơ hội không nên lãng phí, một cách nhân đạo hoặc thể thao”.

“Ngay cả ở bình diện thể thao cao nhất, vâng, ngay cả tại Thế vận hội, việc duy trì tinh thần ‘nghiệp dư’ của tính cho không, phong cách giản dị đó sẽ kìm hãm việc theo đuổi tiền bạc và thành công ‘bằng mọi giá’”, họ cho biết, đồng thời cảnh báo các vận động viên không nên lạc lối trong tiền bạc và danh tiếng đi kèm với việc thi đua.

Đầu óc lợi nhuận, bức thư cho biết, có nguy cơ “lấn át mọi thứ nhân danh lợi nhuận, làm mất đi niềm vui thu hút từ khi còn nhỏ trong niềm đam mê thể thao”.

“Với vẻ đẹp và lòng trung thành trong cử chỉ thể thao của mỗi người, và không bao giờ dùng đến những lối tắt – một thất bại sạch sẽ luôn tốt hơn một chiến thắng bẩn thỉu – Thế vận hội có thể là cơ hội hy vọng, trong những vấn đề nhỏ và lớn của mỗi người và nhân loại”, bức thư cho biết.

Bức thư kết thúc bằng cách nhấn mạnh rằng Thế vận hội Olympic và Paralympic “có thể là chiến lược hòa bình và là liều thuốc giải cho các trò chơi chiến tranh. Cùng nhau giành được huy chương của tình anh em”.
 
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gặp Tổng thống Ukraine Zelenskiy
Đặng Tự Do
19:18 26/07/2024


Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào hôm Thứ Ba, 23 Tháng Bẩy, khi kết thúc chuyến thăm ngoại giao tới nước này.

Zelenskiy cho biết trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Ba, 23 Tháng Bẩy, rằng ông đã có “một cuộc gặp ý nghĩa” với Parolin và “biết ơn vì sự hỗ trợ của Đức Hồng Y đối với đất nước và con người chúng ta”.

Trước đó cùng ngày, Đức Hồng Y Parolin đã đi thăm Bệnh viện Nhi đồng Okhmatdyt ở Kyiv và gặp một số bệnh nhân trẻ tuổi tại đây.

Bệnh viện nhi lớn nhất nước này đã mở cửa trở lại một phần vào đầu tuần trước, một tuần sau khi bị hư hại nghiêm trọng trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào ngày 9 Tháng Bẩy.

Nga đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công, khiến hàng chục trẻ em bị thương đang được điều trị tại bệnh viện.

Theo Zelenskiy, ông và Đức Hồng Y Parolin chủ yếu thảo luận về các quyết định của hội nghị thượng đỉnh quốc tế về hòa bình ở Ukraine được tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 6 và vai trò của Vatican trong việc tạo điều kiện cho hòa bình.

Zelenskiy cũng cho biết hai vị đã nói về các cuộc tấn công trên không đang diễn ra của Nga và tình hình nhân đạo ở nước này cũng như kết quả cuộc gặp của tổng thống với Đức Thánh Cha Phanxicô tại G7 ở Ý vào tháng trước.

Ông cho biết thêm, Đức Hồng Y “đã nhắc lại sự gần gũi và cam kết của Đức Giáo Hoàng trong việc tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

Trước đó, Đức Hồng Y Parolin cũng đã gặp thủ tướng Ukraine, Denys Shmyhal, và chủ tịch Quốc hội, Ruslan Stefanchuk, vào hôm thứ Hai.

Thứ Ba đánh dấu ngày cuối cùng trong chuyến đi từ ngày 19 đến ngày 24 tháng 7 của Đức Hồng Y Parolin tới Ukraine. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tới đất nước này kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022.

Ngài cũng cử hành Thánh lễ cho người Công Giáo Ukraine theo nghi thức Latinh tại đền thánh Đức Mẹ Berdychiv vào hôm Chúa Nhật, đi đến thành phố cảng Odesa bị tàn phá nặng nề, và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Công Giáo và Chính thống giáo, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo hội Đông Phương Ukraine.


Source:Catholic News Agency

 
Tiến sĩ George Weigel: Những lời nhắc nhở về Ukraine
Đặng Tự Do
19:19 26/07/2024


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ National Catholic Register với nhan đề “‘Reminders’ About Ukraine”, nghĩa là “'Những lời nhắc nhở' về Ukraine”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo Ukraine và đức tin của người dân nước này đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì cuộc đấu tranh của Đa-vít ở đất nước Ukraine đang gặp khó khăn chống lại Goliath Nga.

Samuel Johnson, người sáng tạo ra những câu cách ngôn vĩ đại, quả quyết rằng “mọi người cần được nhắc nhở thường xuyên hơn là được hướng dẫn”. Theo tinh thần đó của Johnson, đây là một số lời nhắc nhở về những gì đã và đang xảy ra ở Ukraine, dành cho Thượng nghị sĩ JD Vance và những người khác, những người vẫn nuôi dưỡng và gieo rắc những nhầm lẫn nhất định về tình hình và những tác động của nó.

NATO không gây ra chiến tranh ở Ukraine bằng cách “tiến tới biên giới Nga”.

NATO là một liên minh phòng thủ và luôn luôn như vậy; như tổng thư ký đầu tiên của tổ chức này, Ngài Hastings Ismay, đã từng nói, mục đích của NATO là “giữ người Mỹ ở lại, người Đức trong vòng cương tỏa và người Nga ở ngoài”. Các nền dân chủ mới ở Trung và Đông Âu nóng lòng muốn gia nhập NATO vào những năm 1990, không phải vì họ muốn xâm chiếm Nga mà vì họ sợ một nước Nga theo chủ nghĩa phục thù muốn tái thuộc địa hóa họ. Mối lo ngại tương tự về ý định của Nga đã thúc đẩy hai thành viên mới tìm cách gia nhập liên minh NATO là Phần Lan và Thụy Điển, là những nước yêu chuộng hòa bình, không hề mang tiếng là hiếu chiến trong những thế kỷ gần đây.

Tuyên bố NATO đe dọa Nga là tuyên truyền của Nga, bắt nguồn từ sự hoang tưởng về nước Nga trong lịch sử. Không có người nghiêm chỉnh nào lại đi coi trọng tuyên bố đó.

Hãy nhớ rằng: Việc Nga xâm chiếm Ukraine không phải là vấn đề giải quyết những bất bình của những người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Nếu đúng như vậy, tại sao nhiều người nói tiếng Nga trong quân đội Ukraine lại chiến đấu anh dũng đến vậy để ngăn chặn cuộc tấn công dữ dội ban đầu của Nga? Vladimir Putin, một nhà độc tài hoàn toàn độc ác, người duy trì quyền lực thông qua sự kết hợp kiểu Orwellian giữa Lời nói dối lớn gắn liền với Kẻ khủng bố lớn, đã thể hiện rõ ý định của mình vài ngày trước cuộc xâm lược vào năm 2022: Ông ta có ý định tiêu diệt Ukraine với tư cách là một quốc gia, một dân tộc và một nền văn hoá. Ý định diệt chủng đó tạo nên sự man rợ mà tay sai của Putin đã tiến hành chiến tranh theo kiểu Thành Cát Tư Hãn, giết người, hãm hiếp, cướp bóc, bắt cóc trẻ em và vô cớ phá hủy các cơ sở phi quân sự, bao gồm cả bệnh viện và trường mẫu giáo. Putin, người từng mô tả sự sụp đổ của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ”, đang tìm cách đảo ngược phán quyết của lịch sử về Chiến tranh Lạnh, khi Ukraine bị trở thành nước đầu tiên trong hành trình báo thù của Putin.

Hãy nhớ rằng: Hoa Kỳ có đủ khả năng để hỗ trợ Ukraine.

Như Mark Helprin đã viết trên tạp chí The Claremont Review of Books số mùa xuân, “Sự tan rã và suy thoái trong nước của chúng ta là do đạo đức và trí tuệ chứ không hề có nguồn gốc tài chính, vì cho đến nay chúng ta vẫn là quốc gia giàu nhất thế giới. … Một quốc gia tin rằng mình không thể giải quyết đồng thời các vấn đề bên trong và bên ngoài là một quốc gia không thể tồn tại lâu dài.” Nhận xét ấy hoàn toàn đúng, và những người sẽ lãnh đạo chúng ta, trên mọi lĩnh vực chính trị, phải thừa nhận điều đó.

Hãy nhớ rằng: Niềm tin tôn giáo vẫn là quan trọng trong các vấn đề thế giới; vấn đề là liệu niềm tin tôn giáo đang được đề cập đến là niềm tin dành cho Thiên Chúa thật hay cho các vị thần giả.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo Ukraine và đức tin của người dân nước này đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì cuộc đấu tranh kiểu David của quốc gia đang gặp khó khăn này chống lại Goliath của Nga. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, người bị ám sát bởi lực lượng xâm lược Nga đã bị chặn lại cách nhà ông vài km, đã đặc biệt có ấn tượng mạnh khi thường xuyên nói chuyện với người dân của mình thông qua các thông điệp video về đức tin, hy vọng và bác ái huynh đệ.. Ngược lại, Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga đã củng cố sự dối trá và hung hăng của Putin bằng những tuyên bố chỉ có thể được coi là báng bổ - và khi làm như vậy, Kirill đã khiến cho phe đối lập trong nước của Nga đối với chế độ độc tài của Putin càng khó hình thành hơn. Tay Putin dính nhiều máu hơn, nhưng tay Kirill không sạch, và sự bội giáo của ông đã có tác dụng. Chứng tá Kitô giáo cao quý của Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cũng đang có tác dụng mạnh, nhưng là những tác dụng tích cực.

Hãy nhớ rằng: Signor Ferrari đã đúng trong “Casablanca”.

Dành cho những ai đã quên lời thoại trong bộ phim hay nhất Hollywood từng thực hiện: Ferrari, do Sidney Greenstreet thủ vai, muốn mua Café Américain từ Rick Blaine, do Humphrey Bogart đóng, hoặc hợp tác với anh ta. Khi người chủ quán rượu người Mỹ xa xứ từ chối, Ferrari nói: “Rick thân yêu của tôi, khi nào anh mới nhận ra rằng, trên thế giới này, chủ nghĩa biệt lập không còn là một chính sách thực tế nữa?” Mark Helprin giải thích lý do:

“Không quốc gia nào an toàn mãi mãi, không có sự an toàn trong sự cô lập, và lập luận ủng hộ chủ nghĩa biệt lập rằng lựa chọn thay thế của nó là việc sử dụng vũ lực một cách sai lầm và tai hại chỉ có thể là đúng nếu người ta tuyệt vọng về khả năng có thể có những hành vi thích đáng, những quyết định chính xác, đúng mực và sự lựa chọn khôn ngoan. Sự mất đi niềm tin và lòng can đảm như vậy sẽ hoàn toàn có nghĩa là nền văn minh sẽ bị đình trệ và sự thất bại không thể tránh khỏi của nó. Vì nền văn minh phải được bảo vệ, như mọi khi, một cách tích cực. Và, như mọi khi, trước những nguy cơ.”

Cần phải có những lời nói khôn ngoan, đặc biệt là những lời nhắc nhở


Source:First things
 
VietCatholic TV
Kyiv tự làm hỏa tiễn tấn công Nga. Sợ đảo chính, bạo chúa bắt thêm. Leopard 2 lũ lượt đến Ukraine
VietCatholic Media
03:17 26/07/2024


1. Zelenskiy nói: Ukraine phát triển hỏa tiễn riêng để tấn công Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Developing Its Own Missiles to Strike Russia, Zelensky Says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine đang phát triển hỏa tiễn tầm xa của riêng mình để tấn công lãnh thổ Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm Thứ Tư, 24 Tháng Bẩy.

Trong bài phát biểu gởi quốc dân đồng bào, ông nói:

“Chương trình hỏa tiễn của chúng ta đang cho thấy động lực tốt và mặc dù đây là một nhiệm vụ đầy thách thức, chúng ta đang dần tiếp cận khả năng sử dụng hỏa tiễn của riêng mình chứ không chỉ dựa vào hỏa tiễn do các đối tác cung cấp”.

Zelenskiy từ lâu đã kêu gọi cho phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu ở Nga, nói rằng đó là chìa khóa để củng cố khả năng phòng thủ của đất nước ông trong cuộc chiến đang diễn ra, do Putin phát động vào tháng 2 năm 2022.

Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã miễn cưỡng cho phép quân đội Kyiv sử dụng vũ khí của họ để tiến hành các cuộc tấn công trên đất Nga vì lo ngại điều này có thể dẫn đến bị lôi kéo vào cuộc xung đột.

Vào tháng 5, Tổng thống Joe Biden đã cấp phép cho Ukraine sử dụng một số vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga, nhưng có những cảnh báo lớn. Các quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề này nói với các phương tiện truyền thông vào thời điểm đó rằng Kyiv chỉ có thể sử dụng vũ khí trên lãnh thổ Nga giáp với phía đông bắc Ukraine với mục đích bảo vệ khu vực Kharkiv và việc sử dụng các hỏa tiễn tầm xa như ATACMS bị cấm trên đất Nga.

Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu qua video rằng nhiệm vụ của quân đội ông “là bảo đảm quân đội Nga bị đánh bại hiệu quả và liên tục, hậu cần của họ, các vị trí quan trọng của họ không chỉ trên tiền tuyến mà còn ở mọi chiều sâu sẵn có bằng mọi phương pháp và bằng tất cả sức mạnh của chúng tôi”.

Ông nói Ukraine cuối cùng sẽ đạt được “sự độc lập về quốc phòng ở mức tối đa”.

Zelenskiy nói với The Guardian trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5 rằng lực lượng của ông cần có khả năng sử dụng vũ khí tầm xa “mạnh mẽ” để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, kêu gọi Mỹ “tin tưởng vào chúng tôi nhiều hơn”.

“Tôi nghĩ thật vô lý khi sở hữu vũ khí phương Tây và nhìn thấy những kẻ sát nhân, những kẻ khủng bố đang giết hại chúng tôi từ phía Nga. Tôi nghĩ đôi khi người Nga đang cười nhạo tình huống này”, Zelenskiy nói. “Họ hiểu rằng chúng tôi có thể nhìn thấy họ nhưng chúng tôi không thể tiếp cận được họ”.

Tổng thống Biden nói với các phóng viên vào ngày 11 tháng 7 rằng sẽ không “có ý nghĩa” nếu Zelenskiy tấn công Điện Cẩm Linh, nếu ông ta “có khả năng tấn công Mạc Tư Khoa”.

“Câu hỏi là: Cách sử dụng tốt nhất vũ khí mà anh ta có và vũ khí chúng ta cung cấp cho anh ta là gì?” Tổng thống Mỹ cho biết.

2. Putin tăng cường thanh trừng giới quân nhân với việc bắt giữ quan chức thứ sáu

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ramps Up Military Purge With Arrest of Sixth Official”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Tuần này Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục thanh trừng các quan chức quân sự hàng đầu với việc bắt giữ Andrei Belkov, giám đốc Công ty Xây dựng Quân sự của Bộ Quốc phòng.

Hôm Thứ Năm, 25 Tháng Bẩy, báo Kommersant của Nga dẫn nguồn tin cơ quan an ninh đưa tin Belkov, 46 tuổi, bị cáo buộc lạm dụng quyền lực trong việc thực thi mệnh lệnh quốc phòng. Anh ta bị giam vì mua máy chụp cắt lớp với giá quá cao khi đang là người đứng đầu một tổ chức quân sự khác trực thuộc bộ quốc phòng, là Tổng cục Xây dựng Quân sự Chính cho các Cơ sở Đặc biệt.

Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga, cho biết: “Một vụ án hình sự đã được mở chống lại Andrei Belkov vì tội lạm dụng quyền lực trong việc thực thi các lệnh của Bộ Quốc Phòng. Vụ việc đang được Bộ Nội vụ Nga xử lý”.

Công việc của Belkov được giám sát bởi cựu Thứ trưởng Quốc phòng Timur Ivanov, người bị bắt hôm 23 Tháng Tư vì tình nghi nhận hối lộ. Kể từ khi Ivanov bị bắt, 5 quan chức cấp cao khác của Bộ Quốc Phòng và Bộ Tổng Tham Mưu, đã bị chính quyền bắt giữ. Belkov là người thứ sáu bị câu lưu.

“Có một cuộc dọn dẹp quyết liệt đang được tiến hành”, một nguồn tin thân cận với Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng nói với hãng tin độc lập Moscow Times vào tháng 5. “Vẫn còn một chặng đường dài trước khi cuộc thanh trừng kết thúc. Nhiều vụ bắt giữ khác đang chờ chúng tôi.”

Agentstvo, một trang web điều tra của Nga, hôm thứ Năm cho biết vụ bắt giữ Belkov cho thấy cuộc thanh trừng giới quân nhân của Putin vẫn chưa kết thúc.

Vụ bắt giữ gần đây nhất một quan chức Bộ Quốc phòng diễn ra vào ngày 24 Tháng Năm, khi Vladimir Verteletsky bị buộc tội lạm dụng quyền lực. Ủy ban Điều tra Nga cho biết ông bị buộc tội nhận hối lộ liên quan đến “công việc không được thực hiện” theo hợp đồng với chính phủ vào năm 2022.

Kommersant đưa tin vào thời điểm đó, Vadim Shamarin, phó tổng tham mưu trưởng Nga, cũng bị bắt giữ vào tháng 5 “vì liên quan đến cáo buộc gian lận”. Ông được cho là trợ lý hàng đầu của tướng hàng đầu Nga, Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, và giữ chức phó tổng tham mưu trưởng Nga từ năm 2021.

Tướng Yury Kuznetsov, người đứng đầu cơ quan nhân sự của Bộ Quốc phòng Nga, cũng bị bắt hồi tháng 5 vì tình nghi nhận hối lộ.

Thiếu tướng Ivan Popov, người từng đứng đầu Quân đoàn 58 của Nga, đã “bị bắt vì nghi ngờ lừa đảo”, hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin vào ngày 21 Tháng Năm. Ông từng chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga không cung cấp đủ hỗ trợ cho quân đội của mình.

Kommersant đưa tin, một cuộc điều tra kỹ lưỡng đang được tiến hành đối với các hợp đồng được ký kết dưới thời Belkov làm lãnh đạo Công ty Xây dựng Quân sự của Bộ Quốc phòng, cũng như thu nhập cá nhân và các mối quan hệ không chính thức của ông.

Theo nhà hoạt động Nga Mikhail Khodorkovsky, không viên chức nào trong hàng lãnh đạo chóp bu của Nga không ăn hối lộ hay tham nhũng. Putin để mặc cho họ có cơ hội tham nhũng ngõ hầu có thể tập hợp một lực lượng những kẻ thân tín ngoan ngoãn nghe lời và bảo vệ cho mình. Thành ra, chiêu bài chống tham nhũng là hoàn toàn vô nghĩa. Việc bắt giữ một số người cũng là một cách để dằn mặt những người chưa bị bắt rằng mọi kế hoạch phản bội sẽ nhanh chóng bị phanh phui, và họ cần phải chứng minh mạnh mẽ hơn và tỏ tường hơn lòng trung thành với tên bạo chúa.

Mikhail Khodorkovsky, từng là người giàu nhất nước Nga trước khi lên tiếng chống lại Vladimir Putin và thành lập nhóm Open Russia, nghĩa là nước Nga cởi mở, với chủ trương thân phương Tây. Ông bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù từ năm 2003 cho đến khi được Putin ân xá vào này 20 Tháng Mười Hai, 2013, sau một thập niên tù tội. Ông hiện đang sống lưu vong ở Luân Đôn và thành lập Trung tâm Dossier nhằm điều tra các nguồn tài sản của Putin, không do Putin trực tiếp đứng tên nhưng do các tình nhân của ông ta đứng tên.

3. Nga được tường trình đang củng cố cầu Kerch ở Crimea bị tạm chiếm

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia reportedly fortifies Kerch Bridge in occupied Crimea”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Nga đang gia cố cầu Kerch ở Crimea bị tạm chiếm, Krym Realii đưa tin hôm 24 Tháng Bẩy, dẫn lời các nhân chứng.

Cây cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea bị Nga tạm chiếm và từ lâu đã trở thành tuyến đường tiếp tế quan trọng cho quân đội Nga ở Ukraine.

Việc xây dựng cây cầu dài 19 km bắt đầu sau khi Crimea xâm lược bất hợp pháp vào năm 2014 và hoàn thành vào năm 2018.

Cây cầu bị hư hại nặng nề do các cuộc tấn công của Ukraine vào tháng 10 năm 2022 và tháng 7 năm 2023. Sau các cuộc tấn công này, lực lượng ủy nhiệm của Nga đã củng cố thêm cây cầu bằng các rào chắn dưới nước.

Một cần cẩu xây dựng nổi đã được phát hiện ở eo biển Kerch và số lượng sà lan để bảo vệ cây cầu khỏi thuyền điều khiển từ xa của hải quân Ukraine đã tăng lên, các phương tiện truyền thông đưa tin.

Chính quyền ủy quyền của Nga ở Crimea bị tạm chiếm thường xuyên đóng cửa giao thông trên cầu trong bối cảnh có báo cáo về các vụ nổ và các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa.

Theo Hải quân Ukraine, việc phá hủy cầu Kerch ở Crimea hiện đang bị tạm chiếm sẽ không còn tác dụng tương tự như một năm trước vì Nga hầu như không còn sử dụng nó cho mục đích quân sự nữa. Tuy nhiên, Vasyl Maliuk, nhà lãnh đạo Cơ quan An ninh Ukraine không loại trừ khả năng Nga có thể cố gắng sử dụng lại cơ sở này để cung cấp vũ khí sau khi nó được khôi phục hoàn toàn.

Giám đốc tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov cho biết, giải pháp thay thế cầu Kerch, bằng tuyến hỏa xa nối thành phố cảng Rostov-on-Don của Nga và Crimea bị tạm chiếm đi qua thành phố Mariupol, có thể là một “vấn đề nghiêm trọng” đối với Kyiv.

4. Nga có thể mất '1,8 triệu quân' để chiếm 4 khu vực của Ukraine trong 5 năm

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Could Lose '1.8m' Troops Taking Four Ukraine Regions in 5 Years: UK”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nhà lãnh đạo Quân đội Anh cho biết, Nga có thể phải mất nhiều năm để giành quyền kiểm soát 4 khu vực sáp nhập ở phía đông lục địa Ukraine mà nước này đã tuyên bố chủ quyền và có thể Mạc Tư Khoa sẽ phải chịu tổn thất lên tới 1,8 triệu thương vong khi làm như vậy.

Tướng Sir Tony Radakin, tư lệnh quân đội mới của Anh, cho biết trong Hội nghị chiến tranh trên bộ của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, gọi tắt là RUSI: “Nếu họ tiếp tục như hiện tại, có lẽ người Nga sẽ phải mất 5 năm để đạt được các mục tiêu tối thiểu của họ ở 4 tỉnh”.

Nga đã sáp nhập 4 vùng hoặc tỉnh phía đông Ukraine, mặc dù nước này không kiểm soát toàn bộ Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia. Mạc Tư Khoa cũng kiểm soát Crimea, bán đảo ở phía nam đất liền Ukraine mà nước này đã sáp nhập vào năm 2014. Quyền kiểm soát của Nga đối với các khu vực này không được quốc tế công nhận và Kyiv tuyên bố sẽ đòi lại các vùng lãnh thổ bị sáp nhập.

Radakin nói: “Với tốc độ tiêu hao số người chết và bị thương hiện nay, điều đó có thể khiến họ phải chịu tới 1,5 triệu thương vong để đạt được điều đó, chưa kể hàng tỷ thiết bị bị mất”. “Có nhiều điều khiến Nga phải lo lắng hơn là mất đi phần lớn dân số từ 1,5 đến 1,8 triệu người vì một phần Ukraine”.

Nga đã đạt được những tiến bộ chậm ở miền đông Ukraine với cái giá rất lớn về nhân lực quân sự của mình. Mặc dù rất khó để xác định con số thương vong chính xác, quân đội Ukraine cho biết số thương vong cao nhất của Nga xảy ra trong những tháng gần đây khi lực lượng của nước này tấn công lực lượng phòng thủ của Ukraine ở phía đông, đồng thời tiến hành một cuộc tấn công xuyên biên giới vào khu vực đông bắc Kharkiv.

Mạc Tư Khoa đang tiến hành cái gọi là cuộc chiến tiêu hao và các chuyên gia cho rằng Điện Cẩm Linh hy vọng có thể vượt qua hệ thống phòng thủ của Ukraine. Kyiv có ít tân binh tiềm năng hơn để bổ sung lực lượng vũ trang và phụ thuộc nhiều vào viện trợ quân sự của phương Tây về trang thiết bị và đạn dược.

Nhà lãnh đạo lực lượng quốc phòng Anh, cho biết quân đội Nga hiện đã chịu khoảng 550.000 thương vong trong gần hai năm rưỡi chiến tranh toàn diện ở Ukraine.

Số liệu của Kyiv, tính đến sáng thứ Tư theo giờ địa phương, đưa tổng số thương vong của Nga kể từ tháng 2 năm 2022 là 570.120, trong đó có 1.140 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương trong 24 giờ qua.

Ban tiếng Nga của BBC và cơ quan truyền thông độc lập của Nga Mediazona cho biết hồi đầu tháng này rằng họ đã xác nhận danh tính của gần 60.000 quân nhân Nga thiệt mạng ở Ukraine tính đến giữa tháng 7.

Ukraine cho biết Nga có thể bổ sung tới 30.000 binh sĩ mới mỗi tháng vào hàng ngũ của mình. Số liệu của Kyiv cho thấy Mạc Tư Khoa đang phải chịu thương vong nhiều hơn con số này mỗi tháng một chút.

Radakin nói: “Đánh giá của chúng tôi là Putin sẽ phải mất 5 năm để tái thiết quân đội Nga như thời điểm tháng 2 năm 2022”.

5. Ukraine sẽ nhận 14 xe tăng Leopard 2 do Hòa Lan, Đan Mạch cam kết vào mùa hè này

Bộ Quốc phòng Hòa Lan ngày 25 Tháng Bẩy thông báo 14 xe tăng Leopard 2A4 đã được Hòa Lan và Đan Mạch mua và cam kết với Ukraine sẽ được giao vào mùa hè này.

Các báo cáo đầu tiên về kế hoạch mua hàng xuất hiện vào mùa xuân năm 2023, trong khi ước tính ban đầu về việc giao hàng trước đó được ấn định là “đầu năm 2024”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hòa Lan Ruben Brekelmans cho biết trong một thông cáo báo chí: “Trong những tháng gần đây, xe tăng chiến đấu đã được tân trang và thử nghiệm.

Công ty vũ khí Rheinmetall của Đức đã tiến hành tân trang 12 chiếc trong số đó đã sẵn sàng để giao hàng, trong khi 2 chiếc cuối cùng đang trải qua các cuộc kiểm tra cuối cùng vào ngày 24 và 25 Tháng Bẩy.

Bộ Quốc phòng cho biết tất cả 14 chiếc xe sẽ được giao đồng thời “trước khi kết thúc mùa hè”.

“Ukraine cần khẩn cấp có thêm sự hỗ trợ quân sự trong bối cảnh giao tranh ác liệt trên chiến trường. Những chiếc xe tăng này có thể đóng vai trò quan trọng để quân đội Ukraine tự vệ trước quân Nga”, Brekelmans nhận xét.

“Hòa Lan, cùng với các đồng minh và đối tác, sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine không ngừng nghỉ, miễn là cần thiết.”

Ukraine bắt đầu nhận được hàng chục xe tăng Leopard 2 với nhiều biến thể khác nhau do Đức sản xuất vào năm 2023, trong đó nhiều chiếc đã tham gia chiến đấu. Gần đây nhất, Tây Ban Nha đã phái 10 chiếc Leopard 2A4 tân trang để hỗ trợ quân đội Kyiv vào đầu tháng này.

6. Anh và Đức hợp tác phòng thủ khi lo ngại cựu Tổng thống Trump sẽ bỏ rơi Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Britain and Germany team up on defense as fears grow Trump will ditch Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Hai nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Âu Châu cho Ukraine - Đức và Anh - đang hợp tác trong một hiệp ước quốc phòng khi lo ngại ngày càng tăng rằng chiến thắng của Ông Donald Trump trong cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 có thể gây ra thảm họa cho an ninh Âu Châu.

Những lo ngại rằng Washington có thể hạn chế đáng kể sự hỗ trợ cho Ukraine vào năm tới đã tăng lên đáng kể khi ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump chọn JD Vance làm ứng cử viên phó tổng thống. Vance liên tục nhấn mạnh sự phản đối của ông đối với việc Mỹ viết điều mà ông gọi là “chi phiếu trống” để giúp Kyiv chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Vương Quốc Anh là quốc gia ủng hộ nhiệt thành cho Ukraine và điều đó sẽ tiếp tục dưới sự lãnh đạo của chính phủ Lao động trung tả mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Keir Starmer, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử áp đảo trong tháng này.

Chính phủ Lao động mới của nước này nhiệt tình hơn trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng sâu sắc với các đồng minh Âu Châu so với người tiền nhiệm thuộc Đảng Bảo thủ và đã nhanh chóng ký một thỏa thuận hợp tác với Đức vào hôm Thứ Tư, 24 Tháng Bẩy.

Là một phần của chuyến công du vòng quanh Âu Châu, bao gồm Pháp, Ba Lan và Estonia trong 48 giờ trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey đã ký kết hiệp ước với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tại khu phức hợp Bendlerblock ở Berlin.

“Chúng tôi chiến đấu cùng nhau, tập luyện cùng nhau, uống bia cùng nhau,” Healey nói trong cuộc họp báo cùng Pistorius ở Berlin.

Thỏa thuận này cam kết cả hai bên sẽ tăng cường phối hợp công nghiệp và hoạt động chung đồng thời còn tiến xa hơn nữa. Healey cho biết trong một tuyên bố: “Những chuyến thăm này gửi một thông điệp rõ ràng rằng an ninh Âu Châu sẽ là ưu tiên quốc phòng và đối ngoại hàng đầu của chính phủ này”.

“Chúng tôi muốn củng cố ngành công nghiệp vũ khí của mình,” Pistorius nói khi đứng cạnh Healey. “Chúng tôi muốn hợp tác chặt chẽ hơn với nhau trong việc phát triển, sản xuất và mua sắm vũ khí và đạn dược.”

Mặc dù thỏa thuận này không đánh dấu sự thay đổi ngay lập tức trong mối quan hệ giữa quân đội và bộ quốc phòng hai nước, nhưng nó cam kết cả hai bên sẽ bắt đầu tiêu chuẩn hóa hệ thống vũ khí và đạn dược của mình.

Cuộc chiến ở Ukraine và sự khác biệt về vũ khí được viện trợ cho đất nước bị chiến tranh tàn phá này đã cho thấy mức độ rạn nứt của ngành công nghiệp quốc phòng Âu Châu.

Điều đó đã thúc đẩy các nước lớn của Âu Châu cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với nhau, và chính phủ mới của Vương Quốc Anh đã cho thấy rằng họ sẵn sàng tham gia trực tiếp vào các chương trình đó.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Anh và Đức là hai nước Âu Châu đóng góp hàng đầu cho Ukraine về viện trợ quân sự và là các nước chi tiêu lớn nhất cho quốc phòng, cam kết lần lượt là 74,9 tỷ euro và 66,8 tỷ euro vào năm 2023.

Ba tuần sau khi giữ chức Bộ trưởng, Healey cho biết hiệp ước mới sẽ “khởi động một mối quan hệ quốc phòng mới và sâu sắc”.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “ Các mục tiêu được đặt ra trong tuyên bố chung hôm thứ Tư... bao gồm củng cố các ngành công nghiệp quốc phòng của Anh và Đức, củng cố an ninh Âu Châu-Đại Tây Dương, nâng cao hiệu quả của các hoạt động chung, đối mặt với những thách thức an ninh ngày càng gia tăng như lĩnh vực mạng và hỗ trợ Ukraine”.

Hồi tháng 12, Healey nói với POLITICO rằng một thỏa thuận quốc phòng song phương với Đức - cùng với các hiệp ước riêng biệt với Pháp và Liên Hiệp Âu Châu - là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Lao động trong tương lai.

7. Quốc gia NATO đặt 'Răng rồng' để chống lại Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO Country Lays 'Dragon's Teeth' to Defend Against Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quốc gia thành viên NATO Latvia đang lắp đặt các kim tự tháp bê tông chống tăng, được gọi là “răng rồng”, dọc biên giới với Nga như một phần trong nỗ lực bảo vệ đất nước này khi căng thẳng gia tăng vì cuộc chiến ở Ukraine, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội xuất hiện để hiển thị.

“Latvia đã bắt đầu lắp đặt các hàng rào phòng thủ ở biên giới với Nga. Cái gọi là 'răng rồng' được phát hiện gần thị trấn Zilupe ở cực đông Latvia”, Anton Gerashchenko, cựu cố vấn của Bộ trưởng nội vụ Ukraine, cho biết trên X

Răng rồng, lần đầu tiên được sử dụng trong Thế chiến thứ hai, được làm bằng bê tông cốt thép và được dùng để cản trở bước tiến của xe tăng và bộ binh cơ giới.

Căng thẳng giữa Nga và NATO vẫn ở mức cao trong suốt thời gian Putin tiến hành xâm lược Ukraine. Mạc Tư Khoa cáo buộc liên minh này tham gia vào cuộc chiến bằng cách cung cấp cho Kyiv hỗ trợ quân sự và vũ khí.

Các quan chức Nga thường xuyên đưa ra khả năng Nga có thể tấn công các thành viên NATO để đáp trả viện trợ mà họ đã cung cấp cho Ukraine.

Vào tháng Giêng, các quốc gia vùng Baltic – Latvia, Lithuania và Estonia – đã ký một thỏa thuận tại thủ đô Riga của Latvia để tạo ra một tuyến phòng thủ chung với “các yếu tố cơ sở hạ tầng chống di chuyển” nhằm củng cố biên giới phía đông của NATO với Nga và đồng minh của Putin, Belarus.

Bộ Quốc phòng Latvia nói với Newsweek rằng các vật cản chống di chuyển đang được “mua và vận chuyển đến các khu vực lưu trữ tạm thời gần biên giới phía đông của Latvia” theo Kế hoạch chống di động và củng cố biên giới phía Đông, đã được chính phủ Latvia phê duyệt vào ngày 5 tháng 3.

Bộ cho biết: “Những trở ngại sẽ được đặt ra ở biên giới theo kế hoạch đã đề cập”.

“Từ góc độ quân sự, sáng kiến này sẽ tăng cường đáng kể khả năng bảo vệ biên giới của chúng ta ở cấp quốc gia; chúng tôi sẽ có thể làm chậm và ngăn chặn sự di chuyển của những kẻ xâm lược tiềm tàng một cách hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Sprūds cho biết trong một tuyên bố hồi tháng Giêng.

Sprūds nói thêm: “Đây là một dự án chung của các nước vùng Baltic, dự án này cũng sẽ thúc đẩy khả năng phòng thủ tập thể của NATO.”

Cơ quan truyền thông địa phương tv3.lv đưa tin vào tháng 3, trích dẫn Bộ Quốc phòng nước này, rằng tuyến phòng thủ sẽ bao gồm các điểm hỗ trợ cho các đơn vị Lực lượng Vũ trang Quốc gia dọc biên giới; vị trí phòng thủ cho binh lính và vị trí phòng thủ kiên cố; những trở ngại khác nhau; mương chống tăng; kho đạn dược và mìn.

Vào tháng 4, Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild của Đức rằng ông “sẽ không ngạc nhiên chút nào” nếu Nga tấn công đất nước của ông. Ông nói thêm: “Nga đã tấn công Ba Lan nhiều lần trong 500 năm lịch sử của chúng tôi”.

Sikorski nói: “Tuy nhiên, trong kịch bản này, Nga sẽ thua, bởi vì chúng tôi, phương Tây, mạnh hơn Nga rất nhiều”.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić hôm thứ Hai cho biết ông tin rằng các quốc gia thành viên NATO đang nhanh chóng chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng với Nga.

“Bây giờ họ chưa sẵn sàng, nhưng tôi nghĩ họ sẽ sẵn sàng. Họ đã chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Liên bang Nga và đang chuẩn bị nhanh hơn nhiều so với những gì một số người muốn thấy, theo mọi nghĩa”, Vučić nói với kênh truyền hình Pink của Serbia, theo hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga.

“Chúng tôi biết điều này từ sự chuẩn bị quân sự. Chúng tôi biết chúng đang được tiến hành như thế nào. Và tôi muốn nói với bạn, họ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự”, Vučić nói.

8. Mỹ, Canada chặn máy bay Trung Quốc, Nga gần Alaska trong trường hợp đầu tiên như vậy

Theo tuyên bố của Bộ Tư lệnh Phòng không Vũ trụ Bắc Mỹ, gọi tắt là NORAD, không quân Hoa Kỳ đã chặn hai máy bay ném bom quân sự Tu-95 của Nga và hai máy bay ném bom quân sự H-6 của Trung Quốc hoạt động trong vùng nhận dạng phòng không Alaska hôm Thứ Tư, 24 Tháng Bẩy.

Máy bay ném bom của Nga và Trung Quốc đã bị các chiến đấu cơ F-16 và F-35 của Mỹ cũng như chiến đấu cơ CF-18 của Canada đánh chặn trong không gian quốc tế. Theo CNN, máy bay hỗ trợ cũng tham gia vào hoạt động này.

Các máy bay ném bom bị phát hiện đã không xâm phạm không phận chủ quyền của Hoa Kỳ hay Canada và “không được coi là mối đe dọa”. NORAD sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động của Nga và Trung Quốc gần Bắc Mỹ

Đây không phải là lần đầu tiên Nga thực hiện các chuyến bay ở vùng lân cận Alaska. Hồi tháng 5, 4 máy bay Nga đã bay qua vùng vùng nhận dạng phòng không. Theo NORAD, điều này “xảy ra thường xuyên”.

CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng cho biết, máy bay ném bom quân sự H-6 của Trung Quốc, biến thể từ các máy bay cũ của Liên Xô, lần đầu tiên đã tiến vào vùng Vùng nhận dạng phòng không của Alaska.

Vào tháng 3, Tướng Gregory Guillot, nhà lãnh đạo Bộ Tư lệnh miền Bắc Hoa Kỳ, cho biết Trung Quốc đang tiến xa hơn về phía bắc vào Bắc Cực. Guillot dự kiến sẽ thấy máy bay ở đó “có thể trong năm nay”.

Vị tướng này cũng bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của máy bay Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc tự gọi mình là quốc gia “gần Bắc Cực” và đang cố gắng mở rộng sự hiện diện ở phía bắc, đặc biệt với sự giúp đỡ của Nga.

Bắc Kinh đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mạc Tư Khoa trong thời gian chiến tranh, tăng cường hợp tác kinh tế và phá vỡ các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga.

Thương mại mở rộng với Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cho phép Mạc Tư Khoa duy trì nền kinh tế và phát triển ngành công nghiệp quân sự bất chấp áp lực kinh tế của phương Tây.

Vào tháng 5, Mỹ đã bổ sung 37 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen thương mại vì lý do an ninh, trong đó có 11 thực thể bị cáo buộc có liên quan đến vụ gián điệp năm ngoái.

Chính quyền Tổng thống Biden áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Bắc Kinh sau khi một khinh khí cầu do thám trôi dạt từ Alaska đến Nam Carolina vào tháng 2/2023, gây phẫn nộ ở Washington và khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phải hủy chuyến đi tới Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đó là một khinh khí cầu thời tiết bị thổi bay khỏi đường bay.

9. Zelenskiy nói :Trung Quốc xác nhận sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga

Trung Quốc khẳng định sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu tối 24 Tháng Bẩy.

Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Dmytro Kuleba hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Quảng Châu. Đây là chuyến đi đầu tiên của Kuleba tới Trung Quốc kể từ khi cuộc chiến tranh toàn diện ở Nga bùng nổ.

“Có một tín hiệu rõ ràng rằng Trung Quốc ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine. Điều mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với tôi cũng được xác nhận - rằng Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga”, ông Zelenskiy nói.

Bắc Kinh tự coi mình là quốc gia trung lập nhưng đồng thời tăng cường quan hệ kinh tế với Mạc Tư Khoa và ủng hộ Nga chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nó cũng đã trở thành nguồn hàng hóa lưỡng dụng hàng đầu của Nga để cung cấp cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Trung Quốc phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine, trong khi Mỹ nói rằng Bắc Kinh dành cho Nga “mọi sự hỗ trợ đằng sau hậu trường”, đe dọa áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với nước này.

Kyiv đã nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Mạc Tư Khoa để giúp chấm dứt chiến tranh, nhưng những nỗ lực này phần lớn không thành công, khi quốc gia Đông Á này từ chối hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu vào tháng 6 ở Thụy Sĩ.

Zelenskiy chỉ trích Trung Quốc được cho là đang cố gắng phá hoại các nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh, khiến Bắc Kinh chỉ trích.

Trung Quốc đề xuất kế hoạch hòa bình thay thế của riêng mình, trong đó sẽ bao gồm một hội nghị được cả Kyiv và Mạc Tư Khoa công nhận.

Trong chuyến thăm, Kuleba nói rằng Kyiv sẵn sàng lôi kéo Nga vào quá trình đàm phán ở một giai đoạn nhất định, khi Mạc Tư Khoa sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán “với thiện chí”, đồng thời nói thêm rằng hiện tại phía Nga không thấy có sự sẵn sàng nào như vậy.

10. Tòa án Nga tuyên án vắng mặt nhà báo lưu vong Mikhail Zygar

Một tòa án ở Mạc Tư Khoa đã kết án vắng mặt nhà báo Nga lưu vong Mikhail Zygar 8 năm rưỡi tù giam vì phát tán “tin tức giả” về quân đội Nga. Phán quyết này là một phần trong chiến dịch tăng cường đàn áp của Nga đối với các phương tiện truyền thông đối lập.

Theo tuyên bố được tòa án chia sẻ, Zygar bị buộc tội “phổ biến công khai thông tin sai lệch có chủ ý về việc sử dụng lực lượng vũ trang của Liên bang Nga”.

Các cáo buộc dựa trên một bài đăng trên Instagram từ tháng 4 năm 2022, trong đó Zygar cáo buộc lực lượng Nga phạm tội ác chiến tranh ở Bucha, Ukraine.

Bucha, vùng ngoại ô phía tây bắc Kyiv, đã bị quân đội Nga xâm lược ngay sau khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Sau khi thành phố được giải phóng vào cuối tháng 3 năm 2022, những ngôi mộ tập thể có thường dân được phát hiện và hàng ngàn tội ác chiến tranh đã được ghi lại, khiến Bucha trở thành biểu tượng cho sự tàn bạo của Nga ở Ukraine.

Văn phòng Tổng công tố cho biết vào tháng 3 năm 2023 rằng hơn 1.400 thường dân đã thiệt mạng ở Quận Bucha, trong đó có 637 người ở thành phố Bucha, nhiều người trong số họ bị chết do đạn bắn. Con số này bao gồm 37 trẻ em bị quân Nga sát hại.

Zygar được chỉ định là “đặc vụ nước ngoài” vào năm 2022 và bản án của anh ta sẽ bắt đầu sau khi bị dẫn độ về Nga. Tuy nhiên, Nga đã không dẫn độ thành công bất kỳ nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nào kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022.

Những cáo buộc chống lại Zygar được đưa ra ngay sau khi một tòa án Nga vào ngày 19 tháng 7 kết án phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal 16 năm tù vì tội được nhiều người coi là cáo buộc gián điệp bịa đặt.

Ngoài ra, nhà báo Masha A. Gessen của chuyên mục quan điểm của New York Times đã bị tòa án Mạc Tư Khoa kết án vắng mặt vào ngày 15 tháng 7 với mức án 8 năm tù vì những bình luận mà Gessen đưa ra về tội ác chiến tranh của Nga đã gây ra ở Ukraine.
 
Đoán được, Nga vẫn không đỡ được: S400 bất lực trước ATACMS, phi trường Saky chìm trong biển lửa
VietCatholic Media
17:37 26/07/2024


1. Nga chịu tổn thất nghiêm trọng trong cuộc tấn công lớn bị đẩy lui

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Suffers Massive Losses in Thwarted Mega-Assault”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các báo cáo và đoạn video đăng trên mạng xã hội, lực lượng Nga đã chịu tổn thất nặng nề về binh lính và trang thiết bị trong một cuộc tấn công lớn ở Novomykhailivka trong khu vực Donetsk vào hôm Thứ Năm, 25 Tháng Bẩy.

Novomykhailivka bị Nga chiếm hôm 28 Tháng Tư sau cuộc giao tranh ác liệt trong đó lực lượng Mạc Tư Khoa được tường trình đã mất hơn 300 xe quân sự và thương vong 13.000 người. Vào thời điểm đó, Lữ đoàn Dù số 79 của Ukraine, đơn vị chiến đấu ở đó, mô tả khu vực này là “một trong những nghĩa trang lớn nhất của thiết bị Nga”.

Từ hôm Thứ Năm, 25 Tháng Bẩy, Nga đã mở các cuộc tấn công cơ giới hóa quy mô lớn giữa Novomykhailivka và phía đông Vuhledar, nằm cách đó khoảng 23 km về phía đông nam.

Đoạn video dài 82 giây được chia sẻ trên nền tảng truyền thông NOEL REPORTS, chuyên đưa tin về cuộc chiến ở Ukraine cho thấy lính Dù Ukraine đã mở một loạt các cuộc tấn công vào các phương tiện quân sự của Nga trên một bãi đất trống và khói cuồn cuộn bay lên không trung.

“Nga hành quân kiểu này thật điên rồ. NOEL REPORTS cho biết Lữ đoàn Dù số 79 đã đẩy lùi một trong những cuộc tấn công lớn nhất của Nga từ nhiều hướng”, NOEL REPORTS cho biết thêm rằng cuộc tấn công có sự tham gia của 11 xe tăng, 45 xe chở quân có vũ trang, một chiếc BMP-T “Kẻ hủy diệt” và một phương tiện chiến đấu vũ trang, hàng chục xe gắn máy và khoảng 1 tiểu đoàn bộ binh Nga.

Lữ đoàn Ukraine “đáp trả bằng hỏa lực pháo binh hạng nặng, hỏa tiễn chống tăng dẫn đường và các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa. Sau khi mất 13 xe thiết giáp, và hơn một nửa số xe tăng những kẻ tấn công đã rút lui và bộ binh đang chạy trốn đã bị những người điều khiển UAV nhắm tới.”

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 26 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, xác nhận trong trận này, Nga đã mất 6 xe tăng, 7 xe chiến đấu bọc thép BMP cùng bộ binh và hàng chục xe gắn máy. Có 40 lính Nga bị thiệt mạng, 37 người bị thương, và hàng chục lính Nga bị bắt làm tù binh.

Jürgen Nauditt, một người dùng X thân Ukraine, đã cung cấp thêm thông tin chi tiết trong một bài đăng cho biết “sau khi hạ gục những chiếc xe tăng và xe thiết giáp đầu tiên, những phương tiện khác vội vã bỏ chạy khỏi chiến trường. Bộ binh không được yểm trợ tháo chạy trong hoảng loạn về nhiều hướng khác nhau đã bị các phi công kết liễu”.

2. Ukraine đánh lớn ở Crimea: Những vụ nổ long trời, và hỏa hoạn tại căn cứ không quân Saky

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Explosions, fire reported at airfield in occupied Crimea”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Kênh Telegram Crimea Wind đưa tin rạng sáng Thứ Sáu, 26 Tháng Bẩy sau những tiếng nổ long trời làm rung chuyển khu vực Novofedorivka, là tiếng hú thất thanh của còi báo động, tiếng còi xe cứu hỏa, tiếng chân chạy rầm rập của lính tráng. Trong khi đó, khói bốc lên cao bằng một tòa nhà 5 tầng tại phi trường quân sự Saky ở thị trấn phía tây Novofedorivka thuộc bán đảo Crimea bị tạm chiếm.

Theo Crimea Wind, vụ hỏa hoạn và những tiếng nổ long trời kéo dài suốt buổi sáng được cho là do một cuộc tấn công vào kho đạn ở phi trường.

Trước đó trong đêm, khoảng 1 giờ sáng giờ địa phương, nhiều vụ nổ đã được người dân ở các cộng đồng phía tây Dobrushino, Novoozerne, cũng như ở thành phố Yevpatoria, báo cáo. Người ta cũng nghe thấy tiếng nổ ở thành phố phía nam Simferopol.

Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, cho biết máy bay điều khiển từ xa của quân Ukraine đã tấn công 5 địa điểm khác nhau gần như đồng thời, bắt đầu từ lúc 1 giờ sáng và chấm dứt lúc 5h30. Số lượng máy bay điều khiển từ xa tham gia các vụ tấn công nhiều đến mức người dân cho biết đã tận mắt nhìn thấy máy bay điều khiển từ xa đang lao xuống các khu vực xảy ra các vụ tấn công, trong khi các loại súng phòng không và cả tiểu liên bắn loạn xạ lên bầu trời.

Thống Đốc khu vực Sevastopol, Mikhail Razvozhayev, do Nga bổ nhiệm, cũng báo cáo về việc có máy bay điều khiển từ xa của Ukraine bay trên không, cũng như mối đe dọa về hỏa tiễn đạn đạo trong khu vực. Ông yêu cầu dân chúng không được đưa video và hình ảnh lên các mạng xã hội vì cho rằng các hình ảnh này có thể giúp quân Ukraine “điều chỉnh hỏa lực”.

Bán đảo bị tạm chiếm đã nhiều lần trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hải quân của Ukraine, buộc lực lượng Nga phải rút phần lớn sức mạnh hải quân và tăng cường phòng không.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, một cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea bị tạm chiếm vào ngày 23 Tháng Bẩy đã khiến một chiếc phà được lực lượng Nga sử dụng để vận chuyển thiết bị quân sự bị “hư hỏng nghiêm trọng”. Các thợ lặn đang được điều động đến khu vực để cố gắng trục vớt các khí tài chiến tranh và đạn dược bị chìm dưới lòng biển.

3. Cố vấn cũ của Clinton cho biết cựu Tổng thống Donald Trump có thể loại bỏ JD Vance để chọn Nikki Haley

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Donald Trump May Drop JD Vance for Nikki Haley, Ex-Clinton Adviser Says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một cố vấn cũ của cựu Tổng thống Bill Clinton đã dự đoán rằng cựu tổng thống Donald Trump sẽ loại Thượng nghị sĩ JD Vance khỏi danh sách ứng cử viên phó tổng thống của mình.

Tin đồn về việc cựu Tổng thống Trump hối hận sau khi chọn Vance làm ứng cử viên phó tổng thống năm 2024 đã lan truyền nhanh chóng kể từ khi Tổng thống Joe Biden rút lui khỏi cuộc đua và ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris là ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng Dân chủ.

Dù cựu Tổng thống Trump đã công khai khẳng định rằng ông hài lòng với Vance, nói rằng thượng nghị sĩ này “làm một công việc tuyệt vời” và được công chúng “đón nhận rất nồng nhiệt” trong một cuộc phỏng vấn của Fox News; vẫn đang có những lo ngại ngày càng gia tăng rằng thượng nghị sĩ Ohio này có thể trở thành gánh nặng cho đảng Cộng hòa vào tháng 11.

Paul Begala, người từng là cố vấn Tòa Bạch Ốc và chiến lược gia trưởng trong chiến dịch tranh cử thành công năm 1992 của Clinton, đã gợi ý trong một lần xuất hiện trên CNN vào tối thứ năm rằng Ông Trump có thể quyết định loại bỏ Vance để ủng hộ cựu Đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, một người phụ nữ được nhiều người ủng hộ.

Begala cho biết trong một cuộc thảo luận nhóm về cuộc phỏng vấn của Jake Tapper với Haley, được phát sóng vài phút trước đó, rằng cựu đại sứ đang “vận động” cho vị trí Phó Tổng thống và rằng đảng Dân chủ đã “tạo ra tiền lệ” bằng cách thay đổi danh sách ứng cử viên của họ.

“Có khả năng là đảng Cộng hòa sẽ loại ứng cử viên phó tổng thống của họ khỏi danh sách ứng cử viên”, Begala nói. “Vance là một kẻ vô dụng. Ông ấy là ứng cử viên phó tổng thống tệ hại nhất kể từ năm 1980, bắt đầu với tỷ lệ ủng hộ quá thấp”.

“Vance không giỏi trong việc vận động tranh cử. Tôi không thích Ông Trump nhưng ông ấy thực sự có sức lôi cuốn... Vance cho đến nay, chỉ là nhàm chán”.

Begala cho rằng “cuộc đua sẽ khác biệt rất xa nếu Ông Trump chọn Haley thay vì Vance”. 51% số cử tri ở Mỹ là phụ nữ. Ông cho rằng nếu Nikki Haley được chọn, phần thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 nghiêng hẳn về phía cựu Tổng thống Trump.

Đáp lại yêu cầu bình luận của Newsweek về dự đoán của Begala, phát ngôn nhân chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump, Steven Cheung mỉa mai rằng “có lý do khiến Paul Beluga không còn được trả tiền cho những lời khuyên chính trị của mình nữa.” Tuy nhiên, nhiều đảng viên Đảng Cộng Hòa đồng ý với ý kiến của Begala.

Tưởng cũng nên biết thêm: James David Vance là người theo chủ nghĩa biệt lập có lập trường khác xa với đa số các đảng viên Đảng Cộng Hòa. Trước đây, ông ta từng gọi cựu Tổng thống Trump là “Hitler của Mỹ”. Do đó, việc cựu Tổng thống Trump chọn ông ấy là ứng cử viên phó tổng thống khiến nhiều người bỡ ngỡ.

4. Đơn vị đặc nhiệm của GRU tuyển dụng những kẻ phá hoại thông qua mạng xã hội

Một đơn vị đặc nhiệm của cơ quan tình báo quân sự Nga, gọi tắt là GRU, đang tuyển dụng các cá nhân để thực hiện các hoạt động phá hoại bên trong Âu Châu thông qua Telegram và TikTok, dự án chống tham nhũng độc lập của Nga Dossier Center đưa tin hôm Thứ Năm, 25 Tháng Bẩy.

Các quan chức tình báo phương Tây được cho là đã cảnh báo về việc gia tăng các hoạt động phá hoại của Nga trên khắp Âu Châu.

Theo báo cáo của Dossier, đơn vị này chịu trách nhiệm về một số hành vi phá hoại trên toàn khu vực.

Đầu năm nay, đơn vị này đã tuyển dụng một người đàn ông ở Latvia thông qua Telegram, người này, theo chỉ dẫn của họ, đã ném một quả bom xăng tự chế vào Bảo tàng Nghề nghiệp ở Riga.

Đơn vị GRU này cũng được cho là chịu trách nhiệm kích động các hành động chống chủ nghĩa bài Do Thái, bao gồm một vụ việc xảy ra vào năm 2023 khi một nhóm công dân Moldova vẽ các ngôi sao David trên các tòa nhà trên khắp Paris trong bối cảnh căng thẳng xung quanh cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Báo cáo cho biết những kẻ phá hoại đã được tuyển dụng thông qua TikTok.

Báo cáo cũng tìm thấy bằng chứng về việc đơn vị này hoạt động để tổ chức các cuộc biểu tình chống NATO của cánh tả trên khắp các thành phố Âu Châu dưới các khẩu hiệu như “không lôi kéo đất nước chúng ta vào chiến tranh” hay “NATO là kẻ thù chung của chúng ta”.

Văn phòng Công tố Liên bang Đức hồi tháng 4 thông báo rằng hai công dân Nga gốc Đức đã bị bắt sau khi bị tình nghi âm mưu thực hiện các vụ tấn công bằng chất nổ và đốt phá ở nước này, bao gồm cả các căn cứ quân sự của Mỹ.

Theo Bộ Nội vụ Ba Lan, trong 6 tháng qua, chính quyền Ba Lan đã bắt giữ 18 người vì tình nghi theo đuổi các hoạt động thù địch hoặc phá hoại phối hợp với Nga hoặc Belarus.

Một số nghi phạm khác đã bị bắt trong năm qua ở Đức, Áo, Đan Mạch, Estonia và các quốc gia khác vì bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga hoặc các hình thức hợp tác khác với tình báo Nga.

5. Tổng thống Zelenskiy cho biết nghi phạm ám sát cựu nghị sĩ Farion bị giam giữ ở Dnipro

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Năm, 25 Tháng Bẩy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko cho biết nghi phạm trong vụ sát hại cựu nghị sĩ và nhà ngôn ngữ học Ukraine Iryna Farion đã bị giam giữ tại Dnipro.

Tổng thống Zelenskiy cho biết nghi phạm bị bắt giữ là một thanh niên 18 tuổi. Cuộc điều tra đang diễn ra.

Một người đàn ông không rõ danh tính đã nổ súng vào Farion, 60 tuổi, trên con phố bên ngoài nhà bà ở Lviv vào tối ngày 19 tháng 7. Bà đã trải qua một cuộc phẫu thuật nhưng được xác định đã chết vào cuối đêm đó.

“Nhiệm vụ bắt giữ nghi phạm là một thách thức. Trong vài ngày qua, hàng trăm chuyên gia từ Cảnh sát Quốc gia Ukraine, Cơ quan An ninh Ukraine và các cơ quan khác đã làm việc để giải quyết vụ giết người”, Tổng thống Zelenskiy cho biết.

Bộ trưởng Nội Vụ Ukraine, Klymenko, cho biết hoạt động tìm kiếm kéo dài 139 giờ. Các cơ quan thực thi pháp luật đã kiểm tra khoảng 100 ha rừng và cuối cùng đã truy tìm được nghi phạm xả súng ở Dnipro.

Klymenko nói: “Với bức ảnh của anh ta, vấn đề chỉ là thời gian: camera giám sát thông minh đã 'bắt' anh ta ở mọi nơi.

Theo Bộ trưởng, nghi phạm 18 tuổi là cư dân của Dnipro. Trong thời gian chuẩn bị gây án, anh ta thuê ít nhất 3 căn nhà ở Lviv.

Một ngày trước đó, một đoạn video được cho là ghi lại cảnh sát hại Farion bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Nga.

Kênh Telegram ủng hộ Điện Cẩm Linh Readovka tuyên bố rằng nhóm NS/WP (Chủ nghĩa xã hội quốc gia/Quyền lực da trắng) đã nhận trách nhiệm về vụ sát hại Farion. Readovka cũng mô tả NS/WP là “phát xít mới”.

Phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết cảnh sát Ukraine đang xem xét các tuyên bố được công bố trên mạng xã hội Nga.

Các cơ quan thực thi pháp luật trước đây cho biết họ không loại trừ sự liên quan của các gián điệp Nga trong vụ sát hại cựu nhà lập pháp và nhà ngôn ngữ học.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Iryna Farion, người nổi tiếng với những tuyên bố gây tranh cãi về việc sử dụng tiếng Nga ở Ukraine, đã gia nhập đảng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Svoboda vào năm 2005 và giữ chức thành viên quốc hội từ năm 2012 đến năm 2014. Cô thúc đẩy ý tưởng cấm sử dụng tiếng Nga trên toàn cõi Ukraine.

Cô được phục hồi chức vụ giáo sư tại khoa ngôn ngữ tiếng Ukraine tại Đại học Bách khoa Lviv vào tháng 6 năm 2024 ngay sau khi bị sa thải. Farion đã gây ra sự phẫn nộ khi cô nói vào ngày 6 tháng 11 rằng cô không thể gọi binh lính Ukraine là người Ukraine nếu họ nói tiếng Nga.

6. Nổ tại mỏ khí đốt Bắc Cực của Nga khiến ít nhất 2 người thiệt mạng, 8 người bị thương

Một vụ nổ tại mỏ dầu và khí đốt Urengoyskoe East ở khu vực Bắc Cực Yamal-Nenets của Nga đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 8 người khác bị thương, hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin hôm Thứ Sáu, 26 Tháng Bẩy, dẫn lời Rosneft, công ty dầu khí nhà nước Nga. vận hành cơ sở đó.

Sau báo cáo ban đầu cho biết 20 người thiệt mạng và 17 người bị thương, hãng truyền thông nhà nước TASS đã cập nhật số người thương vong vào lúc 10h26 sáng giờ địa phương, và khẳng định chỉ có 2 người thiệt mạng và 8 người khác bị thương.

Những người thương vong được cho là công nhân tại mỏ dầu khí. Thống đốc khu vực Dmitry Artyukhov cho biết 4 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện, và 4 người khác được điều trị tại chỗ.

RIA Novosti cho biết các nhà chức trách đã mở một vụ án hình sự sơ bộ về khả năng vi phạm các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe công nghiệp.

Vào thời điểm công bố này, không có dấu hiệu nào cho thấy vụ nổ được cố ý gây ra hoặc có bất kỳ sự liên quan nào đến Ukraine hoặc một nước nào khác.

Ukraine đã gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga, làm giảm một cách hiệu quả năng lực giải quyết của nhiều cơ sở.

Trong khi Ukraine đã tiến hành thành công các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga thì mỏ dầu và khí đốt Urengoyskoe East nằm cách biên giới Ukraine khoảng 4.000 km về phía đông bắc, quá xa để Ukraine có thể đánh tới.

7. Ngũ Giác Đài phát hiện lỗi kế toán trị giá 2 tỷ Mỹ Kim viện trợ cho Ukraine

Trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm, 25 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Thiếu Tướng Pat Ryder, cho biết báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ, gọi tắt là GAO, tiết lộ hôm 25 Tháng Bẩy, rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định thêm sai sót kế toán trị giá 2 tỷ Mỹ Kim trong ước tính viện trợ quân sự gửi tới Ukraine.

Ngũ Giác Đài thông báo vào ngày 21 tháng 6 năm 2023 rằng họ đã đánh giá quá cao giá trị vũ khí gửi đến Ukraine trong hai năm qua là 6,2 tỷ Mỹ Kim. Giờ đây, việc phát hiện thêm các lỗi khác nâng tổng số tiền chưa chi tiêu lên tới 8,2 tỷ Mỹ Kim.

Báo cáo của GAO cho biết Ngũ Giác Đài đã gặp khó khăn trong việc ước tính chính xác chi phí của các vật phẩm quốc phòng được chuyển đến Ukraine.

Cơ quan rút vốn của Tổng thống Hoa Kỳ, gọi tắt là PDA, cho phép tổng thống phân bổ thiết bị từ kho dự trữ của Hoa Kỳ, chẳng hạn như đạn dược, phương tiện và thiết bị y tế, để ứng phó với các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài. PDA phát sinh từ Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài năm 1961.

Theo GAO, “những nỗ lực của Ngũ Giác Đài nhằm định giá hợp lý các mặt hàng quốc phòng để rút quân bị cản trở do Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài không xác định rõ ràng một số điều khoản nhất định và Bộ Quốc phòng thiếu hướng dẫn định giá cụ thể cho PDA”.

Do sai sót, Bộ Quốc phòng có thể gửi thêm 2 tỷ Mỹ Kim vũ khí cho Ukraine để trang trải số tiền đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3 Tháng Bẩy công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 150 triệu Mỹ Kim cho Ukraine. Sự hỗ trợ này bao gồm các máy bay đánh chặn phòng không, đạn dược cho các hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, đạn pháo và các vũ khí quan trọng khác được lấy từ kho dự trữ của Mỹ.

8. Nga lặng lẽ rút khỏi dự án hàng không chung của Trung Quốc

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Quietly Quits China Joint Airline Project”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga không còn tham gia vào việc phát triển chung máy bay chở khách đường dài với Trung Quốc.

Một đại diện của công ty hàng không vũ trụ nhà nước, Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc, gọi tắt là COMAC, đã xác nhận với BBC rằng Nga hiện không tham gia vào việc phát triển máy bay C929.

BBC đưa tin hôm Thứ Tư, 24 Tháng Bẩy, rằng các cuộc thảo luận về máy bay này đã bắt đầu từ những năm 2010, với việc Putin và COMAC đồng ý tiếp tục dự án trong chuyến thăm Trung Quốc của ông vào năm 2014.

Năm 2018, COMAC và đối tác Nga, Tập đoàn Máy bay Thống nhất, gọi tắt là UAC, thuộc sở hữu nhà nước, tuyên bố họ đã thống nhất về kích thước, đặc điểm vật lý và cách bố trí của máy bay. Năm sau, một mô hình kích thước thật của sàn đáp và cabin của nó đã được trưng bày tại triển lãm hàng không MAKS của Nga.

Vào thời điểm đó, dự án được gọi là CR929, với CR là viết tắt của China Russia. Chữ R kể từ đó đã bị xóa khỏi các tài liệu tham khảo gần đây về máy bay.

Việc đề cập đến sự tham gia của Nga vào dự án đã không được đề cập đến tại gian hàng của COMAC tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough đang diễn ra ở Hampshire, Anh, và các nhân viên từ chối bình luận về vấn đề này. Tương tự như vậy, không có sự đề cập nào đến Nga trên gian hàng của công ty tại Triển lãm hàng không Paris năm ngoái.

Công việc chế tạo chiếc máy bay mới đã bắt đầu khi Vladimir Putin phát động cuộc tấn công Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Sau các lệnh trừng phạt quốc tế, bao gồm cả các bộ phận máy bay của phương Tây, Bộ trưởng Thương mại Nga khi đó là Denis Manturov vào tháng 6 năm đó đã công bố những thay đổi: việc sản xuất sẽ chỉ được tiến hành với các nhà sản xuất Trung Quốc và Nga. Ông cho biết các đường cung cấp mới sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2022.

Báo Kommersant của Nga dẫn lời chuyên gia hàng không Vladimir Karnozov cho biết, Nga chủ yếu được giao nhiệm vụ thiết kế máy bay vì nước này có nhiều kinh nghiệm hơn trong vai trò này và Trung Quốc sẽ đảm nhận phần sản xuất.

Dự án này rất quan trọng đối với Bắc Kinh do dân số đông.

Máy bay chở khách đường dài đã đóng một vai trò quan trọng trong giao thông vận tải của Nga, kết nối các thành phố lớn như Mạc Tư Khoa và St. Petersburg với các vùng xa xôi như Viễn Đông của đất nước.

Theo tổ chức tư vấn Wilson Center có trụ sở tại Washington, DC, tính đến năm 2022, máy bay do nước ngoài sản xuất chiếm hơn 80% trong số 20 đội bay của các hãng hàng không hàng đầu Nga. Việc cắt đứt quan hệ với các công ty phương Tây như Boeing và Airbus và hậu quả là ảnh hưởng đến các bộ phận và hoạt động bảo trì đã đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với ngành du lịch hàng không Nga.

COMAC cho biết trên trang web của mình rằng C929 là máy bay thân rộng tầm xa đầu tiên của Trung Quốc được phát triển độc lập theo tiêu chuẩn đủ điều kiện bay quốc tế.

Phiên bản cơ bản của C929 được trang bị 280 chỗ ngồi và có tầm bay lên tới 12.000 km, gần gấp ba lần so với C919, bắt đầu hoạt động thương mại vào tháng 5 năm 2019.

Công ty cũng sản xuất ARJ21, máy bay chở khách động cơ phản lực cánh quạt được phát triển độc lập đầu tiên của Trung Quốc, có khả năng bay quãng đường từ 2200 km đến 3700 km.

9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến vụ tấn công vào bến phà Crimea.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Vào ngày 23 tháng 7 năm 2024, các lực lượng Ukraine đã làm hư hỏng phà hỏa xa vận chuyển các toa xe lửa Slavyanin ở Cảng Kavkaz, của Nga. Cuộc tấn công gần như chắc chắn sẽ khiến Nga gặp thêm nhiều vấn đề hậu cần trong việc cung cấp cho lực lượng xâm lược ở miền nam Ukraine và xuất khẩu khí đốt hóa lỏng, gọi tắt là LPG, trong khu vực.

Slavyanin có công suất lớn nhất trong ba tuyến hỏa xa bằng tàu thủy đi qua eo biển Kerch giữa Nga và Bán đảo Crimea. Sau cuộc tấn công thành công của hỏa tiễn Ukraine làm hư hỏng hai phà hỏa xa khác vào ngày 29 tháng 5 năm 2024, Slavyanin đã được đưa vào hoạt động trở lại với tư cách là chiếc phà hỏa xa duy nhất. Trước ngày 29 tháng 5, Slavyanin rất có thể đang vận chuyển LPG cho khách hàng ở Hắc Hải.

Việc ngừng hoạt động các phà hỏa xa, thậm chí là tạm thời, giúp giảm chi phí gia tăng cũng như giảm tính linh hoạt của Nga trong việc vận chuyển nhiên liệu, đạn dược và thiết bị qua eo biển Kerch.

Vì những cuộc tấn công này, Nga rất có thể đã buộc phải thay đổi các thủ tục an ninh và mạo hiểm di chuyển các đoàn tàu chở nhiên liệu qua cầu Kerch, là điều mà nước này đã cố gắng tránh thực hiện kể từ cuộc tấn công đầu tiên vào cầu vào tháng 10 năm 2022.

10. Ukraine tìm cách trao đổi cộng tác viên thân Nga lấy con tin dân sự theo sáng kiến mới

Các cơ quan tình báo Ukraine hôm 25 Tháng Bẩy đã khởi động một dự án nhằm giải cứu các con tin dân sự Ukraine bị Nga bắt giữ để đổi lấy những kẻ cộng tác thân Nga bị kết án.

Dự án có tên là “Tôi muốn đến với người dân của mình” là một sáng kiến nhân đạo được phát triển bởi Trụ sở Điều phối Đối xử với Tù binh Chiến tranh, tình báo quân sự, Cơ quan An ninh Ukraine và văn phòng Thanh tra.

Thông tin về các điệp viên, kẻ phản bội và cộng tác viên người Nga bị kết án đã giúp đỡ Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến chống Ukraine sẽ chỉ được công bố trên trang web khi có sự đồng ý của họ.

“Chúng ta đang nói về những người không coi Ukraine, các giá trị dân chủ Âu Châu hay hiến pháp nhà nước của chúng ta là của họ mà coi nhà nước xâm lược Nga là đất nước của họ. Và họ muốn đạt được điều đó”, phát ngôn nhân của HUR Andrii Yusov nói trong cuộc họp báo ở Kyiv với sự tham dự của phóng viên Kyiv Independent.

Artem Dekhtiarenko, phát ngôn nhân của SBU cho biết, kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa, SBU đã mở hơn 7.400 thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến sự hợp tác và hỗ trợ Nga. Ông cho biết thêm, hơn 1.000 người đã bị kết án trong những trường hợp như vậy.

Theo Dekhtiarenko, khoảng 500 tù nhân đã đồng ý trao đổi theo chương trình này.

“Chúng ta muốn gì hơn nữa: một hình phạt công bằng cho kẻ phản bội hay giải cứu công dân của chúng ta? Trong dự án này, chúng tôi chọn cứu công dân của mình”, Yusov nói.

Người Ukraine có thể điền ẩn danh vào biểu mẫu để báo cáo những người cộng tác với Nga, biểu mẫu này sẽ được SBU xác minh.

Tổng cộng có 3.405 người Ukraine, trong đó có 161 dân thường, đã được thả khỏi sự giam cầm của Nga tính đến ngày 25 Tháng Bẩy.

Kyiv đặt mục tiêu tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân toàn diện, vốn là một trong những chủ đề tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình của Ukraine ở Thụy Sĩ vào giữa tháng 6.

Con số chính xác về quân đội và dân thường Ukraine bị Nga bắt giữ vẫn chưa được công bố. Vào cuối tháng 6, Chánh thanh tra Ukraine Dmytro Lubinets báo cáo có hơn 14.000 dân thường.

Trong số ba loại người Ukraine bị Nga giam giữ – trẻ em, tù nhân chiến tranh và thường dân – việc trao trả thường dân là “phức tạp nhất”
 
Chuyến thăm Ukraine của ĐHY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. George Weigel: Những lời nhắc nhở JD Vance
VietCatholic Media
19:10 26/07/2024


1. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gặp Tổng thống Ukraine Zelenskiy

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào hôm Thứ Ba, 23 Tháng Bẩy, khi kết thúc chuyến thăm ngoại giao tới nước này.

Zelenskiy cho biết trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Ba, 23 Tháng Bẩy, rằng ông đã có “một cuộc gặp ý nghĩa” với Parolin và “biết ơn vì sự hỗ trợ của Đức Hồng Y đối với đất nước và con người chúng ta”.

Trước đó cùng ngày, Đức Hồng Y Parolin đã đi thăm Bệnh viện Nhi đồng Okhmatdyt ở Kyiv và gặp một số bệnh nhân trẻ tuổi tại đây.

Bệnh viện nhi lớn nhất nước này đã mở cửa trở lại một phần vào đầu tuần trước, một tuần sau khi bị hư hại nghiêm trọng trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào ngày 9 Tháng Bẩy.

Nga đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công, khiến hàng chục trẻ em bị thương đang được điều trị tại bệnh viện.

Theo Zelenskiy, ông và Đức Hồng Y Parolin chủ yếu thảo luận về các quyết định của hội nghị thượng đỉnh quốc tế về hòa bình ở Ukraine được tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 6 và vai trò của Vatican trong việc tạo điều kiện cho hòa bình.

Zelenskiy cũng cho biết hai vị đã nói về các cuộc tấn công trên không đang diễn ra của Nga và tình hình nhân đạo ở nước này cũng như kết quả cuộc gặp của tổng thống với Đức Thánh Cha Phanxicô tại G7 ở Ý vào tháng trước.

Ông cho biết thêm, Đức Hồng Y “đã nhắc lại sự gần gũi và cam kết của Đức Giáo Hoàng trong việc tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

Trước đó, Đức Hồng Y Parolin cũng đã gặp thủ tướng Ukraine, Denys Shmyhal, và chủ tịch Quốc hội, Ruslan Stefanchuk, vào hôm thứ Hai.

Thứ Ba đánh dấu ngày cuối cùng trong chuyến đi từ ngày 19 đến ngày 24 tháng 7 của Đức Hồng Y Parolin tới Ukraine. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tới đất nước này kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022.

Ngài cũng cử hành Thánh lễ cho người Công Giáo Ukraine theo nghi thức Latinh tại đền thánh Đức Mẹ Berdychiv vào hôm Chúa Nhật, đi đến thành phố cảng Odesa bị tàn phá nặng nề, và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Công Giáo và Chính thống giáo, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo hội Đông Phương Ukraine.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh viếng thăm chính quyền và các tôn giáo bạn

Sau khi chủ sự thánh lễ, sáng Chúa nhật, ngày 21 tháng Bảy vừa qua, kết thúc cuộc hành hương của các tín hữu Công Giáo Latinh Ukraine, tại Đền thánh Berdychiv, Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã viếng thăm Trụ sở Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, ở thủ đô Kyiv.

Tại đây, Đức Hồng Y đã gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, và trong dịp này, ngài tái khẳng định sự gần gũi của Đức Thánh Cha, được người bày tỏ rất nhiều lần trong những năm qua, gần gũi và cầu nguyện cho “Ukraine đau thương”. Đức Hồng Y nói: “Sự hiện diện của tôi hôm nay muốn nói lên một cách sinh động sự gần gũi ấy của Đức Thánh Cha. Người chia sẻ đau khổ với nhân dân Ukraine, nhưng nhất là muốn giúp tìm ra những con đường để giải quyết cuộc chiến tranh này”.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh cũng nhận xét có nhiều tiến bộ lớn, kể từ lần viếng thăm trước đây, hồi năm 2016, tức là trong tám năm qua.

Hôm thứ Hai, ngày 22 tháng Bảy vừa rồi, Đức Hồng Y Parolin gặp dành để gặp gỡ chính quyền dân sự tại Ukraine, đặc biệt là với Thủ tướng Denus Schmyhal. Trong dịp này, ông đã đề cao sự trợ giúp nhân đạo Tòa Thánh dành cho Ukraine và ông nhấn mạnh sự tham gia rất tích cực của Tòa Thánh vào những cố gắng hồi hương các trẻ em Ukraine bị bắt đưa sang Nga, cũng như việc trao đổi các tù binh chiến tranh.

Một đề tài cũng được đề cập đến trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Hồng Y Quốc vụ khanh và Thủ tướng Ukraine, là kiến tạo một nền hòa bình công chính cho nước này và an ninh lương thực. Thủ tướng Schmyhal cám ơn Đức Hồng Y Parolin vì đã tham dự Diễn đàn về hòa bình Ukraine, hồi tháng Sáu vừa qua, tại Thụy Sĩ và đã giúp đỡ Ukraine trong vấn đề các trẻ em nước này trở thành nạn nhân cuộc xâm lăng của Nga. Thủ tướng cũng hy vọng Tòa Thánh sẽ góp phần tái thiết cơ cấu hạ tầng về y tế của Ukraine.

Sau khi gặp thủ tướng, Đức Hồng Y Parolin còn gặp Chủ tịch Quốc hội Ukraine, ông Ruslan Stefanchuk và ông cũng đánh giá cao, đồng thời cám ơn Tòa Thánh về những trợ giúp nhân đạo và hỗ trợ cho nhân dân Ukraine.

Đức Hồng Y Parolin đã kết thúc cuộc viếng thăm tại Ukraine hôm Thứ Tư, 24 Tháng Bẩy.

3. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh viếng thăm Odessa

Hôm thứ Bảy, ngày 20 tháng Bảy vừa qua, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã viếng thăm cộng đoàn Công Giáo tại thành phố cảng Odessa, miền nam Ukraine, một trong những nơi bị tấn công nhiều nhất trong cuộc xung đột từ gần hai năm rưỡi nay, giữa Nga và Ukraine.

Tại đây, Đức Hồng Y đã cầu nguyện cho các nạn nhân, xin Chúa ban một nền hòa bình công chính và lâu bền. Ngài gặp cộng đoàn tại nhà thờ Đức Mẹ Mông Triệu của Công Giáo Latinh và cám ơn mọi người về sự tiếp đón. Đồng thời, Đức Hồng Y khích lệ các tín hữu: “Tôi tin rằng, với tư cách là Kitô hữu, chúng ta không được mất hy vọng, niềm hy vọng, nhờ ơn Chúa, đánh động được cả những con tim chai đá nhất. Tôi cũng cầu mong rằng với thiện chí của bao nhiêu người, người ta có thể tìm được một con đường để tiến tới một nền hòa bình công chính”. Trong chiều hướng đó, Đức Hồng Y cũng nhắc đến những cố gắng và dấn thân của ngành ngoại giao Tòa Thánh. Đức Hồng Y Parolin đặc biệt chào thăm Đức Giám Mục và các tín hữu hiện diện, cũng như đại diện Giáo hội Chính thống Ukraine, các giáo dân cũng như đại diện chính quyền. Ngài không quên bày tỏ sự gần gũi và chuyển phép lành của Đức Thánh Cha Phanxicô, người rất quan tâm và âu lo theo dõi tình hình của dân chúng và các tín hữu tại Ukraine.

Đức Hồng Y kể rằng ngài được biết có rất nhiều người bị tàn phế. Đức Hồng Y cảm thông với đau khổ của những người đang khóc thương vì sự tàn phá tài sản của họ, của những người đã phải ra đi và tị nạn nơi khác, đau khổ của những người một cách nào đó can dự vào cuộc chiến tranh kinh khủng này”.

4. 'Những lời nhắc nhở' về Ukraine

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ National Catholic Register với nhan đề “‘Reminders’ About Ukraine”, nghĩa là “'Những lời nhắc nhở' về Ukraine”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo Ukraine và đức tin của người dân nước này đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì cuộc đấu tranh của Đa-vít ở đất nước Ukraine đang gặp khó khăn chống lại Goliath Nga.

Samuel Johnson, người sáng tạo ra những câu cách ngôn vĩ đại, quả quyết rằng “mọi người cần được nhắc nhở thường xuyên hơn là được hướng dẫn”. Theo tinh thần đó của Johnson, đây là một số lời nhắc nhở về những gì đã và đang xảy ra ở Ukraine, dành cho Thượng nghị sĩ JD Vance và những người khác, những người vẫn nuôi dưỡng và gieo rắc những nhầm lẫn nhất định về tình hình và những tác động của nó.

NATO không gây ra chiến tranh ở Ukraine bằng cách “tiến tới biên giới Nga”.

NATO là một liên minh phòng thủ và luôn luôn như vậy; như tổng thư ký đầu tiên của tổ chức này, Ngài Hastings Ismay, đã từng nói, mục đích của NATO là “giữ người Mỹ ở lại, người Đức trong vòng cương tỏa và người Nga ở ngoài”. Các nền dân chủ mới ở Trung và Đông Âu nóng lòng muốn gia nhập NATO vào những năm 1990, không phải vì họ muốn xâm chiếm Nga mà vì họ sợ một nước Nga theo chủ nghĩa phục thù muốn tái thuộc địa hóa họ. Mối lo ngại tương tự về ý định của Nga đã thúc đẩy hai thành viên mới tìm cách gia nhập liên minh NATO là Phần Lan và Thụy Điển, là những nước yêu chuộng hòa bình, không hề mang tiếng là hiếu chiến trong những thế kỷ gần đây.

Tuyên bố NATO đe dọa Nga là tuyên truyền của Nga, bắt nguồn từ sự hoang tưởng về nước Nga trong lịch sử. Không có người nghiêm chỉnh nào lại đi coi trọng tuyên bố đó.

Hãy nhớ rằng: Việc Nga xâm chiếm Ukraine không phải là vấn đề giải quyết những bất bình của những người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Nếu đúng như vậy, tại sao nhiều người nói tiếng Nga trong quân đội Ukraine lại chiến đấu anh dũng đến vậy để ngăn chặn cuộc tấn công dữ dội ban đầu của Nga? Vladimir Putin, một nhà độc tài hoàn toàn độc ác, người duy trì quyền lực thông qua sự kết hợp kiểu Orwellian giữa Lời nói dối lớn gắn liền với Kẻ khủng bố lớn, đã thể hiện rõ ý định của mình vài ngày trước cuộc xâm lược vào năm 2022: Ông ta có ý định tiêu diệt Ukraine với tư cách là một quốc gia, một dân tộc và một nền văn hoá. Ý định diệt chủng đó tạo nên sự man rợ mà tay sai của Putin đã tiến hành chiến tranh theo kiểu Thành Cát Tư Hãn, giết người, hãm hiếp, cướp bóc, bắt cóc trẻ em và vô cớ phá hủy các cơ sở phi quân sự, bao gồm cả bệnh viện và trường mẫu giáo. Putin, người từng mô tả sự sụp đổ của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ”, đang tìm cách đảo ngược phán quyết của lịch sử về Chiến tranh Lạnh, khi Ukraine bị trở thành nước đầu tiên trong hành trình báo thù của Putin.

Hãy nhớ rằng: Hoa Kỳ có đủ khả năng để hỗ trợ Ukraine.

Như Mark Helprin đã viết trên tạp chí The Claremont Review of Books số mùa xuân, “Sự tan rã và suy thoái trong nước của chúng ta là do đạo đức và trí tuệ chứ không hề có nguồn gốc tài chính, vì cho đến nay chúng ta vẫn là quốc gia giàu nhất thế giới. … Một quốc gia tin rằng mình không thể giải quyết đồng thời các vấn đề bên trong và bên ngoài là một quốc gia không thể tồn tại lâu dài.” Nhận xét ấy hoàn toàn đúng, và những người sẽ lãnh đạo chúng ta, trên mọi lĩnh vực chính trị, phải thừa nhận điều đó.

Hãy nhớ rằng: Niềm tin tôn giáo vẫn là quan trọng trong các vấn đề thế giới; vấn đề là liệu niềm tin tôn giáo đang được đề cập đến là niềm tin dành cho Thiên Chúa thật hay cho các vị thần giả.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo Ukraine và đức tin của người dân nước này đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì cuộc đấu tranh kiểu David của quốc gia đang gặp khó khăn này chống lại Goliath của Nga. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, người bị ám sát bởi lực lượng xâm lược Nga đã bị chặn lại cách nhà ông vài km, đã đặc biệt có ấn tượng mạnh khi thường xuyên nói chuyện với người dân của mình thông qua các thông điệp video về đức tin, hy vọng và bác ái huynh đệ.. Ngược lại, Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga đã củng cố sự dối trá và hung hăng của Putin bằng những tuyên bố chỉ có thể được coi là báng bổ - và khi làm như vậy, Kirill đã khiến cho phe đối lập trong nước của Nga đối với chế độ độc tài của Putin càng khó hình thành hơn. Tay Putin dính nhiều máu hơn, nhưng tay Kirill không sạch, và sự bội giáo của ông đã có tác dụng. Chứng tá Kitô giáo cao quý của Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cũng đang có tác dụng mạnh, nhưng là những tác dụng tích cực.

Hãy nhớ rằng: Signor Ferrari đã đúng trong “Casablanca”.

Dành cho những ai đã quên lời thoại trong bộ phim hay nhất Hollywood từng thực hiện: Ferrari, do Sidney Greenstreet thủ vai, muốn mua Café Américain từ Rick Blaine, do Humphrey Bogart đóng, hoặc hợp tác với anh ta. Khi người chủ quán rượu người Mỹ xa xứ từ chối, Ferrari nói: “Rick thân yêu của tôi, khi nào anh mới nhận ra rằng, trên thế giới này, chủ nghĩa biệt lập không còn là một chính sách thực tế nữa?” Mark Helprin giải thích lý do:

“Không quốc gia nào an toàn mãi mãi, không có sự an toàn trong sự cô lập, và lập luận ủng hộ chủ nghĩa biệt lập rằng lựa chọn thay thế của nó là việc sử dụng vũ lực một cách sai lầm và tai hại chỉ có thể là đúng nếu người ta tuyệt vọng về khả năng có thể có những hành vi thích đáng, những quyết định chính xác, đúng mực và sự lựa chọn khôn ngoan. Sự mất đi niềm tin và lòng can đảm như vậy sẽ hoàn toàn có nghĩa là nền văn minh sẽ bị đình trệ và sự thất bại không thể tránh khỏi của nó. Vì nền văn minh phải được bảo vệ, như mọi khi, một cách tích cực. Và, như mọi khi, trước những nguy cơ.”

Cần phải có những lời nói khôn ngoan, đặc biệt là những lời nhắc nhở


Source:First things