Ngày 25-07-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm lễ thánh Gioakim và thánh Anna
Lm. Anthony Trung Thành
11:29 25/07/2016
Suy Niệm LỄ THÁNH GIOAKIM VÀ THÁNH ANNA

Thánh Gioakim và Thánh Anna là song thân của Đức Maria và là ông bà ngoại của Chúa Giêsu. Đây là một cặp vợ chồng hoàn hảo. Bởi vì, cả hai đã nên thánh. Đây cũng là một gia đình hoàn hảo. Bởi vì, không chỉ cha mẹ nên thánh mà người con các ngài sinh ra cũng nên thánh và được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Đấng Cứu Thế, đó là Đức Maria.

Sách vở không nói nhiều về Thánh Gioakim và Thánh Anna, nhưng chúng ta có thể dựa vào nguyên tắc sau đây để suy đoán về đời sống và nhân đức của các Ngài. Thánh Tôma nói: “Một vật càng tiến gần gốc của nó, thì càng tham gia và chịu ảnh hưởng bởi gốc đó.” Vậy mà ai được gần Chúa bằng Đức Maria là Mẹ Chúa, và ai được gần Mẹ Chúa bằng Thánh Gioakim và Thánh Anna?

Người Việt Nam chúng ta cũng có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Cũng dựa vào nguyện tắc trên, Thánh Gioan Đamát đã ca ngợi hai Đấng bằng những lời vô cùng đẹp đẽ như sau: “Lạy Thánh Gioakim và Thánh Anna là đôi bạn diễm phúc và rất trong sạch, thiên hạ hiểu biết các Ngài nhờ chính hoa quả của lòng các Ngài, như có nơi Chúa nói : cứ xem quả thì biết cây. Các Ngài đã có nếp sống đẹp lòng Thiên Chúa và xứng đáng với Đấng sẽ sinh ra bởi lòng các Ngài. Nhờ cách ăn ở thánh thiện trong sạch, các Ngài đã sinh ra được hạt ngọc quý về đức trinh khiết; Ngài là Đấng đồng trinh trước khi sinh và sau khi sinh con, là Đấng duy nhất luôn luôn trinh khiết trong tâm hồn, trong tâm trí và ngay cả trong thân thể.”

Ở đời, có được cha mẹ mẫu mực là niềm vinh dự và tự hào cho con cái. Chắc chắn, Đức Maria rất tự hào vì có một người cha người mẹ như thế. Có thể nói, nhờ hai Đấng, mà Đức Maria mới được diễm phúc làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Cha ông ta thường nói: “Cha mẹ hiền lành để đức cho con.” Bài đọc thứ nhất cũng nói lên điều đó rằng: “Những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen” (Hc 44, 10-15).

Có lẽ con cái của chúng ta cũng đang trông mong có được những người cha người mẹ mẫu mực như Thánh Gioakim và bà Thánh Anna. Vậy, để trở thành một người cha người mẹ Công Giáo mẫu mực cần phải làm gì?

Trước hết, cần phải chu toàn bổn phận vợ chồng: đó là yêu thương chung thuỷ với nhau, sẵn sàng đón nhận con cái mà Chúa ban và cùng giúp nhau nên thánh. Bổn phận này đã được hai người thề hứa trước mặt linh mục và cộng đoàn trong ngày lãnh nhận bí tích hôn phối: “Anh (em) là...nhận em (anh) làm vợ (chồng) của anh (em) và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em).”

Thứ đến, cần phải chu toàn bổn phận làm cha làm mẹ, đặc biệt là bổn phận giáo dục con cái. Cha mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái nên người và nên thánh. Công đồng Vatican II mời gọi:“Cùng với lúc lãnh nhận sứ mệnh cộng tác tạo dựng với Thiên Chúa, cha mẹ đương nhiên lãnh nhận trách nhiệm giáo dục con cái, nhất là về phương diện tôn giáo” (x. GS 48). Vì vậy, cha mẹ phải giáo dục con cái theo từng giai đoạn và về mọi phương diện: đức dục, trí dục và thể dục. Nhờ đó, khi lớn lên, con cái mới có thể trở thành những con người hoàn thiện, có ích cho Giáo Hội và xã hội. Nhưng để việc giáo dục con cái có hiệu quả, cha mẹ luôn phải làm gương sáng cho con cái: để dạy con cái sống đức tin, cha mẹ phải siêng năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích; để dạy con cái sống yêu thương, cha mẹ không được ghen ghét ai; để dạy con cái sống hiếu thảo, cha mẹ không được đối xử tệ với ông bà; để dạy con cái sống thật thà, cha mẹ không được lừa dối ai; để dạy con cái làm việc bác ái, cha mẹ phải biết chia sẻ giúp đỡ những nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật...Nghĩa là, cha mẹ luôn phải làm gương trước khi nói.

Nhìn vào Đức Maria chúng ta đoán được rằng, Thánh Gioakim và Thánh Anna không chỉ dạy bảo Mẹ bằng lời nói mà còn bằng gương sáng. Vì nhờ gương sáng của các Ngài nên nơi Đức Maria mới có được các nhân đức và một đời sống đức tin mạnh mẽ như vậy. Mẹ đã gắn bó với Chúa một cách mật thiết qua đời sống cầu nguyện: Ba tuổi Mẹ đã dâng mình cho Chúa trong đền thờ; khi sứ thần Truyền tin, chính là lúc Mẹ đang quỳ cầu nguyện; khi bà Êlizabet cất lời ca tụng Mẹ, Mẹ đã hát bài Magnificat. Tất cả những điều đó chứng minh cho chúng ta biết, tâm hồn Mẹ luôn gắn bó với Lời Chúa và với Chúa qua đời sống cầu nguyện.

Nhìn vào các gia đình hôm nay, chúng ta thấy có nhiều gia đình biết chu toàn bổn phận vợ chồng, bổn phận cha mẹ, nhất là bổn phận giáo dục con cái. Nhờ vậy, không những họ nên thánh mà con cái của họ cũng nên người và nên thánh. Vào ngày 18 tháng 10 năm 2015, Đức Thánh Cha đã phong thánh cho ông Louis và bà Zélie, là song thân của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Chắc chắn sẽ còn nhiều gia đình giống như thế, ước mong mỗi gia đình chúng ta cũng được như vậy.

Nhưng vẫn không thiếu những người chồng người vợ sống vô trách nhiệm, không quan tâm đến nhau, không quan tâm đến bổn phận giáo dục con cái, không làm gương sáng cho con cái. Thậm chí, lời nói và hành động của họ lại làm cớ cho con cái vấp phạm. Vì thế, một số giới trẻ vẫn sa vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, xì ke, ma tuý, và các trào lưu xấu lùng bắt và giết chết. Đó cũng là hậu quả của một thói quen xấu, một nền giáo dục căn bản thiếu định hướng.

Xin cho các bậc cha mẹ luôn biết nhìn lên mẫu gương của Thánh Gioakim và Thánh Anna để biết sửa đổi những sai sót của mình. Đồng thời, xin các Ngài bầu cử để các bậc làm cha mẹ luôn biết chu toàn bổn phận làm cha làm chồng, làm vợ làm mẹ. Nhờ đó, mọi thành viên trong các gia đình chúng ta đều nên người và nên thánh. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow là Đại Hội “hi-tech” nhất cho đến nay
Đặng Tự Do
05:47 25/07/2016
Các nhà tổ chức tin rằng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow sẽ là WYD “hi-tech” nhất cho đến nay, với ít nhất là hàng chục triệu người có thể theo dõi các sự kiện ở Krakow không chỉ thông qua TV, nhưng đặc biệt là qua các mạng xã hội như YouTube, Twitter, Facebook và Snapchat với những người bạn đang có mặt tại hiện trường.

Internet speed tiêu biểu tại Australia
Năm 2011, công ty Orange, chuyên cung cấp các dịch vụ Internet và điện thoại, của Ba Lan, tung ra công nghệ HSPA+ DC (High Speed Packet Acces+ Dual Carrier), đẩy tốc độ download lên 42Mbps (megabits per second) và upload lên 11Mbps. Để so sánh, bạn có thể vào đây http://www.speedtest.net/ để biết Internet của bạn nhanh chậm thế nào. Nếu bạn ở Mỹ hay ở Úc và thấy ở nhà bạn tốc độ upload lên tới 1Mbps (nghĩa là 11 lần chậm hơn Ba Lan) thì chúc mừng bạn, như vậy là nhanh lắm rồi đó. Tại WYD 2008 tổ chức ở Sydney, trung tâm báo chí Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới chỉ có thể cho bạn upload tối đa là 0.1Mbps, nghĩa là 110 lần chậm hơn tốc độ upload tại nhà dân ở Krakow.

Theo thống kê năm 2016, trong tổng số 38,593,161 dân, 27,922,152 người Ba Lan thường xuyên dùng Internet (72.4%).

Chính vì thế, tuy Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016 chưa bắt đầu, hàng chục ngàn videos đã được tung lên Internet. Chỉ cần đánh các keywords chẳng hạn như #WYDChallenge, #WYDKarkow, #WYD2016.. bạn sẽ thấy hằng hà sa số các videos high quality.

Tại trung tâm báo chí Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, người ta setup hệ thống WebCast để tường thuật trực tiếp các biến cố bằng 9 thứ tiếng Ba Lan, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Ukraine, Đức, Bồ Đào Nha, và tiếng Nga.

Nếu có Ipad hay smart phone, bạn cũng có thể cài đặt một ứng dụng tên là Pilgrim, dùng được trên iOS, Android và Windows. Pilgrim cung cấp tất cả mọi chi tiết từ bản đồ của các thành phố, giao thông vận tải, dạy giáo lý, cầu nguyện, bài diễn từ của Đức Thánh Cha, thông tin du lịch, địa chỉ liên lạc khẩn cấp, dự báo thời biết và hình ảnh cũng như videos cho các phương tiện truyền thông.

Pilgrim còn có cả một trò chơi video gọi là Run WYD để chơi cho đỡ buồn nữa.

Ban tổ chức khích lệ những người hành hương không thông thạo tiếng Ba Lan hay tiếng Ý nên mang theo một radio xách tay nhỏ với tai nghe, vì một nhóm các tình nguyện viên sẽ có mặt để dịch đồng thời các bài phát biểu và Bài Giảng của Đức Giáo Hoàng thành chín ngôn ngữ.

Riêng VietCatholic cũng đã có sẵn một đội ngũ đông đảo các linh mục, tu sĩ và anh chị em cộng tác viên tích cực hoạt động để cống hiến những tin tức sốt dẻo và nhanh chóng tới qúi khánh thính giả về Đại hội giới Trẻ lần này. VietCatholic với tất cả 6 studios: 3 ở Úc châu (1 ở Perth, 1 ở Melbourne, 1 ở Sydney) và 3 studios ở Hoa Kỳ (2 ở Los Angeles và 1 ở Orange Nam Cali) và một nhóm thiện nguyện viên trực tiếp từ Ba Lan đang thực hiện các videos và chương trình TV về Đại Hội.

Để đáp ứng cụ thể và thực hiện các chương trình TV hiệu lực, VietCatholic chúng tôi hãnh diện có nhiều anh chị em dịch thuật các bài phóng sự, các xướng ngôn viên, các chuyên viên kỹ thuật Truyền hình, chuyên viên điện toán... đang hết mình cộng tác với TV Vatican và Ban tổ chức WYD 2016 để hàng ngày đưa lên các phóng sự videos và chương trình TV như qúi vị đang thấy trong những ngày qua.
 
Phóng sự WYD: ĐHY Gerhard Muller cử hành thánh lễ cho các tình nguyện viên
VietCatholic Network
04:14 25/07/2016
Chiều thứ Bẩy 23 tháng 7 năm 2016, Đức Hồng Y Gerhard Muller, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã chủ sự thánh lễ tại nhà thờ Thánh Faustina Kowalska tại quận Lagiewniki. Đây là thánh lễ Chúa Nhật thứ 17 quanh năm dành cho các tình nguyện viên Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, đặc biệt để tưởng nhớ đến anh Maciej Simon Carpenter.

Đây là đền thánh dành riêng cho việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa, và cũng là nơi an nghỉ của nữ tu Faustina Kowalska, được tuyên thánh ngày 30 tháng Tư, năm 2000.

Nhà thờ mới được xây dựng từ năm 1999 và được hoàn tất vào năm 2002, nằm ở quận Lagiewniki số 3 đường Siostry Faustyny. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ ba đến thăm đền thờ này. Mỗi năm hàng triệu khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tấp nập đến kính viếng đền thánh này.

Cùng đồng tế với ngài có đông đảo các Giám Mục Ba Lan và hàng trăm linh mục.

Đức Cha Janusz Stepnowskiego, Giám Mục Lomza, đã giảng trong thánh lễ. Ngài nói rằng những đóng góp của các tình nguyện viên Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là vô giá và nêu bật tấm gương của anh Maciej Simon Carpenter, một tình nguyện viên Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Maciej Simon Carpenter học thiết kế đồ họa. Sau khi xây dựng một sự nghiệp đầy hứa hẹn, vào năm 2014, anh bỏ công việc của mình để làm việc toàn thời gian như một tình nguyện viên cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Một trong những cái anh đã giúp thiết kế là các biểu ngữ được giăng mắc đầy thành phố Krakow quảng bá cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Anh cũng giúp thiết kế tập sách hướng dẫn mỗi khách hành hương và tình nguyện viên sẽ nhận được, và giúp xây dựng trang web www.krakow2016.com. Trước khi tham gia vào ban tổ chức tại địa phương như là một tình nguyện viên, anh đã từng có thời gian mất niềm tin vào Giáo Hội.

Monika Rybczyńska, người làm việc trong bộ phận thiết kế cho biết Carpenter là một "ân sủng" Chúa ban cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Ba Lan, là người đã giúp những người còn lại trong số các tình nguyện viên ở bộ phận thiết kế đồ họa hiểu rõ rằng: "Có những điều quan trọng còn quan trọng hơn là những thiết kế. "

Carpenter đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào cuối tháng Mười Một vừa qua, và sau khi cố gắng mọi điều trị có thể, các bác sĩ đã phải cắt bỏ chân anh vào đầu năm nay.

Tháng Năm vừa qua, trước khi mất chân của mình, anh đã viết trên Facebook của mình: "Cuộc sống và những ưu tiên thay đổi chóng vánh biết là ngần nào! Và những ước mơ của chúng ta khác nhau biết bao ... có những người mơ ước sự nghiệp và danh vọng, đề bạt, một công việc mới, hoặc của cải; và có những người mơ ước Ngày Giới Trẻ Thế Giới được thành công. Đối với 150 ngày qua, tôi đã mơ ước một điều duy nhất: Tôi muốn sống. Không có gì khác."

Carpenter qua đời vào ngày 02 tháng 7, ba tuần trước khi bắt đầu sự kiện anh đã giúp tổ chức cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.
 
Kinh Truyền Tin : Đức Thánh Cha diễn giải về sự cầu nguyện
VietCatholic Network
04:27 25/07/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 24-7-2016, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng chứa đựng giáo huấn của Chúa Giêsu về sự cầu nguyện.

Trong bài huấn dụ ngắn trước 20 ngàn tín hữu, trong đó có nhiều bạn trẻ từ các nước đang trên đường đi Ba Lan dự Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Cracovia, ĐTC nói:

Tin Mừng hôm nay (Lc 11,1-13) mở đầu với cảnh tượng Chúa Giêsu cầu nguyện một mình, ở một nơi riêng; khi Ngài cầu nguyện xong, các môn đệ hỏi: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện) (v.1); và Chúa đáp: ”Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ”Lạy Cha..” (v.2). Lời này là ”bí quyết” kinh nguyện của Chúa Giêsu, là chìa khóa mà chính Ngài ban cho chúng ta để chúng ta cũng có thể đi vào quan hệ đối thoại thân mật với Chúa Cha, Đấng đã đồng hành và nâng đỡ trọn cuộc sống của Ngài.

Chúa Giêsu liên kết lời thưa ”Lạy Cha” với hai lời cầu xin: ”xin cho danh Cha được cả sáng, nước Cha trị đến” (v.2). Kinh nguyện của Chúa Giêsu, và vì thế cũng là kinh nguyện của Kitô giáo, trước tiên là dành chỗ cho Thiên Chúa, để cho Chúa biểu lộ sự thánh thiện của Ngài nơi chúng ta và làm cho Nước Chúa trị đến, bắt đầu từ khả thể thực hiện chủ quyền thương yêu của Chúa trong đời sống chúng ta”.

Các lời cầu xin khác bổ túc lời nguyện mà Chúa Giêsu dạy chúng ta, Kinh Lạy Cha. 3 lời cầu xin biểu lộ những nhu cầu cơ bản của chúng ta: bánh, ơn tha thứ và sự trợ giúp trong cơn cám dỗ (Xc vv.3-4). Ta không thể sống mà không có bánh, không thể sống nếu không được tha thứ, và không thể sống nếu không có ơn phù trợ của Chúa trong những cơn cám dỗ. Bánh mà Chúa Giêsu dạy chúng ta xin là điều cần thiết, chứ không phải điều thừa thãi; đó là bánh của những người lữ hành, người công chính, một thứ bánh người ta không tích trữ và không được phí phạm, không làm cho bước tiến của chúng ta trở nên nặng nề. Ơn tha thứ, trước tiên là điều chính chúng ta nhận được từ Thiên Chúa: chỉ khi nào ý thức mình là người tội lỗi được tha thứ nhờ lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể thực thi những cử chỉ cụ thể hòa giải với anh em. Nếu một người không cảm thấy mình là người tội lỗi được tha thứ, thì không bao giờ có thể thực hiện một cử chỉ tha thứ hoặc hòa giải. Chúng ta bắt đầu từ con tim nơi chúng ta cảm thấy mình là người tội lỗi được thứ tha. Lời cầu xin cuối cùng, ”xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, biểu lộ ý thức về thân phận của chúng ta, luôn luôn gặp phải những cạm bẫy của sự ác và hư hỏng. Tất cả chúng ta đều biết thế nào là một sự cám dỗ!

ĐTC nói thêm rằng:

Giáo huấn của Chúa Giêsu về việc cầu nguyện tiếp tục với 2 dụ ngôn, qua đó Chúa lấy ví dụ thái độ của một người bạn này đối với người bạn khác và thái độ của một người cha đối với con mình (Xc vv.5-12). Cả hai dụ ngôn muốn dạy chúng ta hãy hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa là Cha. Chúa biết rõ hơn chúng ta về những gì chúng ta đang cần, nhưng Chúa muốn chúng ta trình bày với Ngài một cách táo bạo và khẩn khoản về những nhu cầu ấy, vì đó là cách thức chúng ta tham gia vào hoạt động cứu độ. Kinh nguyện là dụng cụ làm việc đầu tiên và chính yếu trong tay chúng ta! Nài nỉ với Thiên Chúa không phải để thuyết phục Ngài, nhưng để củng cố niềm tin và sự kiên nhẫn của chúng ta, nghĩa là khả năng cùng Thiên Chúa chiến đấu cho những điều thực sự là quan trọng và cần thiết. Trong kinh nguyện chúng ta có hai: Thiên Chúa và tôi cùng chiến đấu cho những điều quan trọng.

Trong số những điều ấy, có một điều quan trọng mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay, mà hầu như chúng ta không bao giờ xin, đó là Thánh Linh; ”xin ban cho con Thánh Thần!”. Và Chúa Giêsu nói rõ điều đó: ”Nếu các con là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những điều tốt đẹp, thì Cha các con ở trên trời lại chẳng ban Thánh Thần cho những kẻ xin Ngài sao!” (v. 13). Chúa Thánh Linh! Chúng ta phải cầu xin Chúa Thánh Linh đến trong chúng ta. Nhưng Thánh Linh có ích gì? Thưa Ngài giúp chúng ta sống tốt lành, sống khôn ngoan và yêu thương, thi hành thánh ý Chúa. Trong tuần này, kinh nguyện thật là đẹp dường nào khi mỗi người chúng ta cầu xin Chúa Cha: ”Lạy Cha xin ban cho con Thánh Thần Chúa!”. Mẹ Maria chứng tỏ điều đó qua cuộc sống của Mẹ, hoàn toàn được Thánh Linh của Chúa linh hoạt. Xin Mẹ giúp chúng ta cầu xin Chúa Cha, hiệp với Chúa Giêsu, để sống không phải theo thói thế gian, nhưng theo Tin Mừng, được Thánh Linh hướng dẫn.

Chào thăm

Sau phép lành, ĐTC nhắc đến những biến cố bạo lực gần đây và nói rằng: ”Trong những giờ này tâm hồn chúng ta còn bị giao động vì những tin buồn về những hành vi khủng bố và bạo lực đáng lên án, gây đau thương và chết chóc. Tôi nghĩ đến những biến cố thê thảm tại Munich bên Đức và tại Kabul bên Afganistan, nơi mà nhiều người vô tội bị thiệt mạng.

Tôi gần gũi với thân nhân của các nạn nhân và những người bị thương. Tôi mời gọi anh chị em hiệp với tôi cầu nguyện, xin Chúa soi sáng cho mọi người những quyết tâm làm điều thiện và sống huynh đệ. Hễ những khó khăn càng có vẻ không thể vượt qua được và những viễn tượng an ninh và hòa bình càng đen tối, thì kinh nguyện của chúng ta càng phải trở nên tha thiết hơn.

ĐTC cũng nhắc đến sự kiện bao nhiêu người trẻ đang đến Cracovia để tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 31 và chính ngài cũng sẽ đến đó vào thứ tư tới đây, để gặp gỡ các bạn trẻ nam nữ và cùng với họ cử hành Năm Thánh Lòng Thương xót, nhờ sự chuyển cầu của thánh Gioan Phaolô 2. Ngài xin các tín hữu tháp tùng ngài và các bạn trẻ bằng lời cầu nguyện, và ngay từ bây giờ, ngài chào thăm và cám ơn tất cả những người đang hoạt động để đón tiếp các bạn trẻ hành hương, cùng với nhiều GM, LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Ngài nói thêm rằng: ”Tôi cũng đặc biệt nghĩ đến rất nhiều bạn trẻ đồng lứa của họ, không thể đích thân hiện diện, nhưng sẽ theo dõi Ngày Quốc Tế giới trẻ qua các phương tiện truyền thông. Tất cả chúng ta sẽ hiệp nhau trong kinh nguyện!”.
 
Đức Thánh Cha hủy bỏ bài diễn văn chính thức với các Giám Mục Ba Lan
Đặng Tự Do
18:43 25/07/2016
Theo chương trình ban đầu lúc 14:00h ngày thứ Tư 27 tháng Bẩy, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ra phi trường Fiumicino của Rôma để đáp máy bay sang Ba Lan. Sau hai giờ bay, ngài đến phi trường quốc tế Balice của Krakow. Sau đó, Đức Thánh Cha lên xe đến cố đô Wawel nơi các lễ nghi đón tiếp được diễn ra long trọng tại hoàng cung Wawel; và ngài sẽ đọc một diễn từ trước tổng thống, các nhà lãnh đạo dân sự và ngoại giao đoàn.

Sau cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo dân sự và ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha hội kiến với tổng thống Ba Lan là ông Andrzej Duda, trước khi gặp gỡ các Giám Mục Công Giáo Ba Lan tại nhà thờ chính tòa Wawel.

Phát biểu với đài phát thanh Vatican, Cha Federico Lombardi, SJ, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha sẽ không đọc diễn văn trước các Giám Mục như dự trù vì ngài muốn dùng dịp này như một thời điểm để lắng nghe và trả lời các giám mục. Ngài muốn các Giám Mục được thoải mái và tự do trao đổi ý kiến và đặt câu hỏi; cho nên, sẽ không có truyền hình trực tiếp cuộc gặp gỡ này.

Theo cha Lombardi, điều này trên thực tế không nên được xem như một sự thay đổi lịch trình chuyến tông du. Đúng hơn, Đức Giáo Hoàng muốn nói rõ công thức mà ngài thích trong dịp này - và đó cũng là một trong những lựa chọn của ngài trong các chuyến tông du. Ngài thích một “cuộc gặp gỡ thân quen và đối thoại.”

Do đó, cha Lombardi cho biết thêm, Đức Thánh Cha Phanxicô không có ý định trình bày một bài diễn văn dài với các giám mục; nhưng muốn nói chuyện với các ngài, lắng nghe những gì các ngài nói và có thể trả lời những câu hỏi mà các ngài sẽ đặt ra trong một bầu khí thanh thản tuyệt đối.

Đây là lý do giải thích quyết định sẽ không phát sóng truyền hình trực tiếp sự kiện được tiến hành trong một bầu không khí huynh đệ như thế.

Trong những ngày qua các phương tiện truyền thông Tây phương dự đoán rằng sẽ có một sự cách biệt trong quan điểm của Đức Thánh Cha và các Giám Mục Ba Lan về vấn đề di dân. Có lẽ thấy trước giới truyền thông sẽ cho rằng vì lý do đó nên cuộc gặp gỡ không được truyền hình trực tiếp; nên cha Lombardi nhắc lại rằng Đức Giáo Hoàng đã có một lựa chọn tương tự trong chuyến thăm của ngài đến Hoa Kỳ, Mexico, các nước châu Phi và Mỹ Latin, và thậm chí cả trong một số cuộc gặp gỡ với các Giám Mục anh em trong Hội Đồng Giám Mục Ý.

Cuối cùng, cha Lombardi chỉ ra rằng “vấn đề không phải là ngài sợ các phương tiện truyền thông; Chúng ta biết chắc chắn điều này! Tất cả chúng ta có thể thấy cách ngài sẵn sàng để nói chuyện với các nhà báo, thậm chí trên máy bay ...”

Cha Lombardi kết luận rằng “Khi Đức Thánh Cha muốn một môi trường thân quen, khi ngài muốn bảo đảm các tham dự viên được thoải mái, ngài thích gặp gỡ họ trong sự vắng mặt của các phương tiện truyền thông.”

Cuộc gặp gỡ với các Giám Mục Ba Lan sẽ được tường thuật như các thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta, nghĩa là sau khi biến cố xảy ra.
 
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, vấn đề di dân và sự thay đổi trong cuộc gặp gỡ các giám mục Ba Lan
Vũ Văn An
19:10 25/07/2016
Theo Đài Phát Thanh Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa quyết định không đọc bài diễn văn chính thức với các giám mục Ba Lan trong ngày đầu tiên của cuộc tông du tại đây của ngài. Thay vào đó, là cuộc gặp gỡ riêng tư trong đó, Đức Giáo Hoàng và các vị giám mục sẽ có thể lắng nghe nhau và tự do chuyện trò thân mật.

Nói với Đài Phát Thánh Vatican, Cha Federico Lombardi S.J., phát ngôn viên của Tòa Thánh giải thích: Đức Giáo Hoàng muốn có dịp được tự phát và chân thực bao nhiêu có thể, nghĩa là có giờ để ngài và các vị giám mục Ba Lan thoải mái và tự do trao đổi ý kiến và đặt câu hỏi. Ngài muốn nói với các vị, lắng nghe những điều các ngài muốn nói và muốn hỏi trong một bầu không khí thanh thản. Do đó, cũng sẽ không có trực tiếp truyền hình buổi gặp gỡ.

Tuy nhiên, Cha Lombardi không cho đây thực sự là một thay đổi đối với chương trình đã định. Vì trong căn bản, chỉ là thay đổi “công thức” mà thôi, thực chất vẫn là một cuộc “gặp gỡ và đối thoại thân quen”, một điều ngài từng làm khi gặp các vị giám mục Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh. Cũng không phải ngài sợ truyền thông, “điều chúng ta chắc chắn đã biết”.

Thực ra, đàng sau sự thay đổi trên, có thể là vấn đề di dân và cuộc khủng hoảng tỵ nạn hiện nay. Thực vậy, Hãng Tin A.P. vừa có bài tựa là “Đức Phanxicô và Ba Lan khác nhau về di dân trước cuộc tông du của ngài”.

Trong bài báo trên, ký giả Frances D’Emilio cho hay: Đức Phanxicô coi việc chào đón di dân và người tỵ nạn là dấu chỉ chủ yếu của các giá trị Kitô Giáo, nhưng chính phủ cánh hữu hiện nay của Ba Lan lại chủ trương giữ họ ở bên ngoài lãnh thổ là điều cần thiết để duy trì các giá trị này. Điều đáng nói, không thiếu các nhân vật quan trọng trong Giáo Hội Ba Lan, nếu không ủng hộ ra mặt, thì cũng giữ im lặng trước chủ trương này.

Thực vậy, A.P. cho rằng: “các nhân vật Công Giáo ở Ba Lan phần lớn được coi là muốn tăng cường các quan điểm duy quốc gia của chính phủ. Giáo Sư Piotr Kosicki của Đại Học Maryland, Hoa Kỳ, kể lại chuyện một linh mục Ba Lan gần đây đã xỉ vả người Hồi Giáo, Do Thái Giáo và “cánh tả” cực lực như thế nào trong một bài diễn văn nhân Ngày Độc Lập ở Warsaw. Giáo Sư Kosicki cho rằng vị linh mục này, Cha Jacek Miedlar, đại diện “cho phong trào phục hung duy quốc gia, một phong trào coi việc làm người Công Giáo và làm người Ba Lan cũng hàm nghĩa làm người phản Âu Châu, phản đa nguyên và phản tự do”.

Một số giới trong Giáo Hội rất ngỡ ngàng khi thấy chủ trương phản di dân của Ba Lan hiện đang được đồng hóa với việc bảo vệ căn tính Ba Lan và căn tính Công Giáo của xứ sở. Cha Leon Wisniewski, một linh mục dòng Đa Minh, trên tuần báo trí thức Công Giáo Tygodnik Powszechny, viết rằng: “Quay lưng đối với người tỵ nạn có lẽ sẽ không được chấp nhận dễ dàng trong xã hội ta nếu nó không được thực hiện nhân danh việc bảo vệ Kitô Giáo và căn tính Ba Lan”.

Ở Vatican, phát ngôn viên của hội đồng giám mục Ba Lan, là Cha Pawel Rytel-Andrianik, khi được A.P. hỏi về việc Ba Lan và Giáo Hội Ba Lan có phản ứng gì trước sự nhấn mạnh của Đức Phanxicô đối với việc nghinh đón di dân, đã nói rằng: “Đây không hẳn là một vấn đề trắng và đen”. Và cho hay: Ba Lan có tiếp nhận người tỵ nạn, nhưng phần đông xuất thân từ các nước Kitô Giáo và hội đồng giám mục Ba Lan có ra thông báo thúc giục Kitô hữu giúp đỡ các gia đình tỵ nạn.

Quả thực, phần lớn người tỵ nạn ở Ba Lan xuất thân từ Nga, Ukraine và các lân bang thuộc Liên Sô cũ, chứ không xuất thân từ Syria, Afghanistan, Iraq hay Phi Châu vốn là những người đang ồ ạt tràn vào Âu Châu. Chính phủ cánh hữu của Ba Lan, vừa được bầu hồi tháng Mười, đã bác bỏ không tuân hành thỏa hiệp của phần lớn các quốc gia Âu Châu về việc chia nhau gánh nặng tiếp cư hàng ngàn người tầm trú đang bị kẹt tại Ý và Hy Lạp.

Các phân tích gia nhìn thấy một hố phân cách khá lớn trong thái độ của người Ba Lan đối với Đức Phanxicô và đối với Đức Gioan Phaolô II. Nhiều người Ba Lan không ủng hộ các quan điểm của Đức Đương Kim Giáo Hoàng. Kosicki nói với AP rằng “Bản chất điều ngài nói không đáng kể đối với đại đa số người Ba Lan”.

Trong khi đó, Monika Scislowska, ngày 25 tháng Bẩy, tường trình từ Warsaw cho hãng tin Zenit thì cho rằng “hiện tượng di dân nói chung là điều mới mẻ, khác biệt và xa lạ đối với người Ba Lan trung bình”.

Câu nói trên trích từ phúc trình của Cha Pawel Rytel-Andrianik, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan. Cha giải thích: “Ba Lan không nằm trên đường di dân chính ở Âu Châu. Hiện không có nối kết trực tiếp nào với các lộ trình di dân chính hướng tới Âu Châu (cả Đông, lẫn Trung và Tây Địa Trung Hải) mà lại băng qua Ba Lan. Hiện có lộ trình gọi là Lộ Trình Đông Âu nhưng không hoạt động nhiều và chỉ có tác động địa phương. Năm 2015, có 12,325 đơn xin tầm trú tại Ba Lan. Phần lớn các đơn này là của các công dân của Liên Bang Nga (Chechens), 7,989 đơn, Ukraine, 2,305 đơn và các nước khác như Georgia, 394 đơn, Syria chỉ có 295 đơn và Armenia, 195 đơn. Các vấn đề không so sánh được với các vấn đề mà phần đông các thành viên của Liên Hiệp Âu Châu đang trải nghiệm”.

Cha cho biết thêm: trong năm 2016, đã có 2,627 đơn xin tầm trú. Ngoài các quốc tịch đã nhắc trên đây, còn có người từ Thổ Nhĩ Kỳ (người Kurds) và Tajikistan (khoảng 300 người).

Cha Andrianik để lộ một chi tiết đáng lưu ý, khi cho rằng “Ba Lan là một nước thuần nhất về sắc tộc” nên họ thấy “Hiện tượng di dân nói chung là điều mới mẻ, khác biệt và xa lạ đối với người Ba Lan trung bình. Vì thế, dù các số thống kê chính thức về các công dân ngoại quốc ngụ cư hợp pháp ở Ba Lan cho thấy họ chỉ chiếm 0.4 phần trăm tổng dân số, nhưng nhiều sợ sệt lớn lao vẫn đang có đó. Lý do có thể là thiếu các cuộc tranh luận công cộng, nội dung phức tạp của luật lệ và thủ tục di dân cũng như thiếu sự can dự của các cơ quan cai trị công cộng, các tổ chức phi chính phủ v.v… Hiện không có chương trình có hệ thống nào nhằm dạy dân chúng Ba Lan về tính đa nguyên dựa trên tôn giáo, chủng tộc, văn hóa v.v… ngoài các chương trình ở cấp địa phương hay chỉ chú trọng các nhóm chuyên biệt như cảnh sát biên giới”.

Tuy cha Andrianik có nhắc đến “lòng quảng đại của người Công Giáo Ba Lan” đối với người tỵ nạn, nhưng lòng quảng đại này phần lớn liên hệ tới việc quyên góp. Việc trực tiếp nghinh đón giòng người tỵ nạn đang tràn vào Âu Châu ít được chứng minh bằng con số cụ thể.

Nhưng đó mới là điều được Đức Phanxicô chú trọng, khi ngài kêu gọi các gia đình tín hữu mở cửa nghinh đón những đối tượng này và chính ngài, trên đường từ Lesbos trở về Rôma đã mang theo nhiều gia đình tỵ nạn với ngài về Tòa Thánh. Phải chăng, cuộc gặp gỡ không có báo chí lần này với các Giám Mục Ba Lan là để ngài trực tiếp thúc đẩy các ngài mạnh dạn xa lìa chính sách duy quốc gia của chính phủ Ba Lan hiện hữu.
 
Chiếc Pope Mobile lăn bánh trên đường phố Krakow
Đặng Tự Do
19:17 25/07/2016
Hôm thứ Hai 25 tháng Bẩy, chiếc Pope Mobile đã đáp xuống sân bay Gioan Phaolô II của thành phố Krakow. Buổi tối cùng ngày, chiếc Pope Mobile đã lăn bánh trên các con đường của thành phố để các lực lượng an ninh Vatican kiểm tra các biện pháp an ninh trước khi Đức Thánh Cha đến.

Chiếc Pope Mobile là một chiếc xe nhỏ màu trắng được thiết kế đặc biệt để làm cho mọi người có thể nhìn thấy khi ngài đi qua.

Sau vụ ám sát Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, các chiếc Pope Mobiles đã được xây dựng để bảo đảm an ninh tối đa cho các vị Giáo Hoàng. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô là thiết kế cho ngài một chiếc Pope Mobile thông thoáng hơn để giúp ngài có thể gần gũi hơn với dân chúng.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã giảm đáng kể lực lượng hộ tống ngài. Mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô là được gần gũi với mọi người, ngay cả có thể phải trả giá cho an nguy của chính mình.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo dân Phú Yên Song Ngọc biểu tình đòi csVN phản đối Formosa và cầu nguyện cho Công Lý và Hòa bình
Amen TV
08:49 25/07/2016
Khoảng 200 xe máy với hơn 500 người đã tham gia cuộc diễu hành trên đoạn đường hơn 10 km yêu cầu Formosa cút khỏi VN và phản đối đường lưỡi bò phi pháp của Trung Cộng vào sáng ngày 24.07.2016.

Cao điểm là lúc đoàn tuần hành từ giáo xứ Phú Yên tụ hội với khoảng 2000 giáo dân xứ Song Ngọc cũng đang biểu tình và cùng nhau dâng thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cách riêng các ngư dân Miền Trung.

Người biểu tình đã đồng thanh hô vang “Formosa: cút; Đường lưỡi bò: cắt” dọc trên đường cũng như khi tập hợp tại bến thuyền.

Rất nhiều khẩu hiệu bày tỏ sự bất bình về cách đảng cộng sản xử lý thảm họa môi trường do Formosa gây nên khiến đời sống người dân điêu đứng.

Nhà cầm quyền chọn Formosa hay Việt Nam?

Khoảng 6 giờ sáng cuộc biểu tình lớn đã xuất phát từ nhà thờ giáo xứ Phú Yên ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An sang tới tận giáo họ Văn Thai thuộc giáo xứ Song Ngọc trên địa bàn xã Quỳnh Ngọc, cũng trong huyện Quỳnh Lưu.

Cha Antôn Đặng Hữu Nam cùng cầu nguyện với cộng đoàn trước khi biểu tình và là người đi sau trong đoàn xe tuần hành.

Cha Antôn chia sẻ mục đích chuyến biểu tình này với mọi người: “Là người Ki tô hữu chúng ta phải liên đới với anh chị em mình. Cộng đoàn ta có bổn phận qua thăm và đồng hành với những người bị thiệt hại do thảm họa môi trường Formosa ở xứ Song Ngọc, cũng là anh chị em chúng ta. Đồng thời là để cầu nguyện cho mình vì xứ Phú Yên cũng là nạn nhân của Formosa. Giải pháp để trấn an lòng dân của cộng sản bây giờ từ bỏ formosa, đuổi chúng về nước và quay về với dân tộc Việt Nam.”

Đoàn người biểu tình cầm nhiều bảng hiệu như: “Formosa: công cụ bá quyền”, “Formosa là thảm họa của dân Việt”…

Trước ngày biểu tình công an xã, huyện và cả tỉnh đã đến để “khuyên” cha Anton Đặng Hữu Nam đừng tổ chức biểu tình. Hôm nay nhiều công an chìm nổi đã theo dõi sát cuộc tuần hành nhưng không ra tay phá phách.

Đoàn người biểu tình đi trong trật tự và ôn hòa. Người dân hai bên đường đã ra để xem cảnh tượng này và bày tỏ lòng mến phục.

Đoàn tuần hành đã hội ngộ với hơn 2000 giáo dân xứ Song Ngọc đang chờ đợi.

Cầu nguyện cho nhà chức trách tôn trọng quyền con người

Khoảng 7 giờ thánh lễ cầu nguyện cho công lý, hoà bình, Cầu nguyện cho quê hương đất nước, cho môi trường biển Miền Trung, và các nhà lãnh đạo Việt Nam khôn ngoan sáng suốt dẫn đưa đất nước phát triển, đem hoà bình-công lý, đem nhân quyền, nhân phẩm đến cho người dân.

Trong bài Tin mừng theo Thánh Luca (Lc: 11, 1-13), cha Antôn Đặng Hữu Nam chia sẻ: “Ngài chỉ cho mọi người bí quyết để đất nước thay đổi là kiên trì và kiên nhẫn xin – tìm – gõ tức hành động cho lý tưởng của mình và vì công ích chung.”

Sau thánh lễ là giờ chầu và hát vang kinh hòa bình.

Đặc biệt mọi người đi ra khu vực bến thuyền và tập trung phản đối formosa. Cha Đặng Hữu Nam và cha Trần Đình Tề cùng với giáo dân hai giáo xứ đã hô to: Formosa cút, formosa cút, cút…

Người dân tỏ bày quan điểm ôn hoà bằng các biểu ngữ: “500 triệu đô không đủ mua quan tài cho dân việt”, “Formosa cút”, “VTV vua tin vịt”, “Fomosa nhận lỗi, đảng nhận tiền, nhân dân nhận thảm hoạ”, “Dân tộc hay Formosa”, “Formosa sản phẩm độc hại”, “Formosa thảm hoạ dân việt”, … .ủng hộ phán quyết của tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hague, ngày 12/7/2016. Bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Cộng trên Biển Đông đối với Philippines.

Bạn Quân, một trong những giáo dân chia sẻ cảm xúc khi tham gia cuộc biểu tình: “Biển Miền Trung bị ô nhiễm, ngư trường cũng bị Trung Cộng thâu tóm, người dân đi biển thì bị tàu kiểm ngư của Trung Cộng rượt đuổi. Là một người trẻ mình sẽ làm hết sức mình có thể để bảo vệ môi trường và cầu nguyện cho quê hương đất nước mau chóng thoát khỏi ách Trung Cộng.”

Cha Trần Đình Tề đã bày tỏ sự vui mừng khi giáo dân xứ Phú Yên đến đồng hành và chia sẻ với xứ Song Ngọc. Cha Tề tán đồng việc mọi người hô lên tiếng kêu của những người thấp cố bẻ miệng và đòi minh bạch trong điều hành chính phủ cũng như trừng trị những kẻ đã gây thiệt hại cho đất nước.

(Nguồn: Amen TV, Pv.GNsP và Tin Vui cho người nghèo)

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đêm Thắp Nến Cho Việt Nam
Mỹ Lê
21:57 25/07/2016
ĐÊM THẮP NẾN CHO VIỆT NAM
Ảnh của Mỹ Lê
Đất Nam là của người Nam
Biển Nam cũng thuộc giang san quê mình
Làm sao cá chết tội tình?
Làm sao dân Việt lặng thinh cho đành?
Phải làm cho rõ ngọn ngành…
(Trích thơ của Quang Dương)