Ngày 24-07-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
14:18 24/07/2017
Chúa Nhật XVII Thường Niên, năm A
1 V 3,5.7-12 Rm 8, 28 – 38 Mt 13, 44 – 52

Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa

Mầu nhiệm nước Thiên Chúa hay nói nôm na mầu nhiệm nước trời là mục đích chính của người Kitô hữu tìm kiếm và đạt được. Theo Chúa, làm môn đệ của Người, nước trời là báu vật, người môn đệ phải tìm và tậu được. Do đó, mọi Kitô hữu mặc dầu sống giữa trần gian, giữa biển đời với nhiều sóng gió, đều luôn một mực tín thác vào Chúa và đặt dưới sự quan phòng của Người. Bài Tin Mừng của thánh Matthêu hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người thương gia đi tìm viên ngọc quý để nói về mầu nhiệm nước trời.Đoạn Tin Mừng này cho hay khi phát hiện ra viên ngọc quý, người thương gia liền bán hết tài sản của mình để mua cho bằng được viên ngọc quý này…

Người ta đưa ra rất nhiều ví dụ để so sánh việc muốn đạt được thành công thì tất cả mọi người đều phải cố gắng, hy sinh, quảng đại và đặc biệt là miệt mài chăm chỉ làm việc. Chẳng hạn một sinh viên y khoa muốn trở thành bác sĩ thì phải cố gắng, phấn đấu, hy sinh, miệt mài học hành với bao nhiêu công sức, vất vả, với biết bao năm học hành, thực tập mới mong cầm trong tay bằng tốt nghiệp bác sĩ. Người sinh viên luật cũng vậy, người sinh viên kiến trúc cũng vậy vv và vv…Tất cả muốn có một bằng cấp, muốn có một địa vị, một việc làm, tất cả đều phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mới mong được thành công. Một vận động viên muốn đạt huy chương cũng phải luyện tập ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác mới mong đạt được kết quả tốt đẹp cho mình, cho tập thể của mình và cho đất nước của mình. Người linh mục hay tu sĩ cũng vậy thôi, ngoài việc Chúa chọn, cá nhân của mỗi người cũng phải tu tập, học hành, và nỗ lực nhiều tháng, nhiều năm mới mong có ngày vinh quang. Tin Mừng cho chúng ta thấy nước trời là viên ngọc quý đến nỗi khi tìm thấy rồi, người thương gia hay tất cả chúng ta phải tìm mọi cách : bán tài sản, miệt mài, nỗ lực bán tài sản, tìm cách nào tốt nhất, thuận tiện nhất để mua cho được viên quý giá ấy. Người Kitô hữu cũng giống một tay buôn ngọc hay một vận động viên trong một cuộc tỷ thí, trong Sea games hay Olympic. Tất cả đòi sự dâng hiến và dấn thân trọn vẹn. Tuy nhiên, vẫn có một sự khác biệt giữa chọn lựa của một Kitô hữu hay một vận động viên bơi lội, chạy đua vv…Vận động viên mong đạt được huy chương vàng trong một cuộc tranh tài, tranh sức, nhưng huy chương vàng rồi cũng mau qua. Còn người Kitô hữu khi chọn nước trời là báu vật cao quý, không ten sét, không hư nát và có giá trị vĩnh cửu, tồn tại đời đời. Thánh Phaolô đã nêu rõ sự khác biệt này trong thư gửi tín hữu Côrintô :” Mọi vận động viên trong thời kỳ tập luyện, đều phải tuân theo một kỷ luật nghiêm khắc, chỉ để được khoác lên đầu vòng hoa vinh quang chóng tàn lụi, còn chúng ta chịu gian khổ là để đoạt được vòng hoa vinh quang tồn tại muôn đời “ ( 1 Co 9, 25 ).

Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra mục đích rất quan trọng : “ Không có gì trên thế gian này dù địa vị, giầu sang, phú quý, thú vui xác thịt có thể ưu tiên thay thế Nước Thiên Chúa mà chúng ta đang dong duổi, tìm kiếm và mong chiếm lấy. Điều quan trọng nhất mà Tin Mừng chỉ ra là không phải sau khi chết chúng ta đã để lại gia tài lớn lao, hay chúng ta để lại bao nhiêu nhà máy, bao nhiêu cây vàng, bao nhiêu mẫu đất, nhưng là chúng ta trở nên như thế nào.Nghĩa là :

Chúng ta đã lắng nghe lời Chúa và thực hiện lời Chúa thế nào ?
Chúng ta có yêu mến người nghèo và giúp đỡ họ không ?
Chúng ta có an ủi kẻ sa cơ thất thế, những kẻ thấp cổ bé họng không ?
Chúng ta có can đảm nói lên sự thật để bảo vệ những người nhỏ bé, những người gặp thử thách gian nan không ?
Chúng ta có cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách rưới ăn mặc ?
Chúng ta có thăm viếng cô nhi quả phụ ?
Chúng ta có thăm những kẻ tù tội, những kẻ bị áp bức không ?
Chúng ta có sẵn sàng sẻ chia cơm bánh cho những kẻ ăn xin, lỡ đường, túng quẩn không ?

Vâng mỗi người chúng ta cũng phải khao khát nước trời, tìm kiếm nước trời bằng sự hy sinh, quả cảm, hiến thân xả kỷ, chia sẻ cơm bánh và sẵn sàng quảng đại hy sinh giúp đỡ tha nhân bằng chính những hành động bác ái, những cử chỉ yêu thương để tìm được nước trời là nơi ở vĩnh viễn cho chính đời sống mai sau của chúng ta không ?

Chúng ta hãy nghe lời thánh Phaolô dạy bảo :” Chúng ta luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân phận mỏng giòn của chúng ta.Thật vậy, đang sống nhưng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Chúa Giêsu, để cái chết của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác hay chết của chúng ta “ .

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ơn kiên vững để chúng con luôn giữ vững kho tàng đức tin, giữ vững và làm triển nở ân sủng Chúa đã ban cho chúng con. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Người thương gia tìm được viên ngọc quý, ông đã làm gì ?
2.Viên ngọc quý tượng trưng cho cái gì ?
3.Nước trời là gì ?
4.Muốn tìm được và tận hưởng nước trời, chúng ta phải làm gì ?
5.Những cái có được ở trần gian có giá trị vĩnh viễn không ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Chúa Nhật 23/7/2017
VietCatholic Network
14:51 24/07/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 23 tháng Bảy.

2- Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Tổng Thư Ký bộ Giáo Lý Đức Tin.

3- Đức Thánh Cha gọi điện thoại cho người nhặt rác bị cụt hai chân trong một tai nạn.

4- Đức Thánh Cha tặng 25,000 Euros để giúp cứu đói ở Đông Phi.

5- Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ gặp gỡ với Tổng thống Putin.

6- Ðức Tổng Giám mục Georg Gänswein nói: Đức Bênêđictô XVI không có ý phê phán tình trạng Giáo Hội dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô.

7- Đức Hồng Y Quốc vụ khanh liên đới với Đức Hồng Y Sabino của Venezuela.

8- Các Giám Mục Mỹ thỉnh cầu chính phủ nhận thêm người tị nạn.

9- Các Giám mục kêu cứu cho hai linh mục bị bắt cóc ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo.

10- Cuộc tranh luận giữa Công Giáo và Tin Lành về việc rửa tội giữa sông.

11- Tại sao Kitô hữu tị nạn Iraq không dám quay về cố hương?

12- Đức Ông Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa bút hiệu Xuân Ly Băng cộng tác viên VietCatholic đã từ trần.

13- Liên đoàn Công Giáo Việt Nam Miền Tây Nam Hoa Kỳ học hỏi về vai trò Hội đồng Mục vụ, Hội đồng Tài chánh trong giáo xứ đa văn hóa.

14- Giới thiệu Thánh Ca: Khúc Cảm Tạ.

Xin mời quý vị xem phần tin chi tiết:
 
Một phái đoàn Tòa Thánh đi Santiago, Temuco và Iquique
Bùi Hữu Thư
15:48 24/07/2017
Một phái đoàn Tòa Thánh đi Santiago, Temuco và Iquique

Để chuẩn bị cho chuyến đi của Đức Thánh Cha

Vatican ngày 24 tháng 7, 2017: Để chuẩn bị cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Chili, dự trù từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 1, 2018, một phái đoàn Tòa Thánh đã đến quốc gia này từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 7, 2017. Theo tin của Blog Tòa Thánh Il Sismografo, họ đã viếng thăm các thị trấn nơi Đức Thánh Cha sẽ dừng chân: thủ dô Santiago, thành phố Temuco và Iquique.

Trong chuyến di chuẩn bị này phái đoàn có sự tháp tùng của Đức Giám Mục phụ tá Santiago và phối hợp viên toàn quốc của Ủy Ban Tổ Chức, là Đức Cha Fernando Ramos Pérez. Họ đã nghiên cứu việc tiếp vận và an ninh tại các nơi Đức Thánh Cha sẽ thăm viếng.

Lịch trình chính thức của chuyến tông du – bao gồm cả nước Péru từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 1 – vẫn chưa được phổ biến. Tại Péru, Đức Thánh Cha sẽ tới thăm ba địa điểm: Lima, Puerto Maldonado trong miền Amazon và Trujillo.

Đây là chuyến tông du thứ tư của Đức Thánh Cha người Argentine tới Châu Mỹ La Tinh, theo chân Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là người đã đến Chili năm 1987 và Péru hai lần vào năm 1985 và 1988.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Châu Mỹ La Tinh 3 lần từ khi nhậm chức giáo hoàng: tháng 2, 2015 tại Cuba, và Mễ Tây Cơ vào tháng 7, 2015 từ ngày 6 đến 12, ngài như đã làm một cuộc chạy đua marathon trong một tuần qua các nước Equator, Bolivia và Paraguay; ngài cũng đã tới Brazil ngay sau khi được bầu lên năm 2013 để tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro.
 
Cộng Hòa Liên Bang Nigeria có sự chênh lệch nhất về lợi tức và quyền lợi.
Giuse Thẩm Nguyễn
17:33 24/07/2017
Cộng Hòa Liên Bang Nigeria - một trong những quốc gia Châu Phi có sự chênh lệch nhất về lợi tức và quyền lợi.

(NEWS.VA) Tin từ Lagos. Nigeria là quốc gia có sự chênh lệch về lợi tức trầm trọng nhất và là một đề tài ít được nhắc đến. Một cuộc nghiên cứu của Tổ Chức Từ Thiện Quốc Tế Oxfam và nhóm Phát Triển Tài Chánh Thế Giới đã xếp nước này vào quốc gia tồi tệ nhất trong bảng danh sách 152 quốc gia mà họ cố gắng “cam kết để giảm bớt bất bình đẳng”. Ngân khoản quốc gia Nigeria dành cho sức khỏe, giáo dục và bảo vệ xã hội đã tụt tới mức “thật đáng hổ thẹn “ và “ nó phản ánh một sự bảo vệ xã hội quá tồi dành cho người dân.” Theo thông tin của cơ quan truyền thông Vatican (Fides) số người phải sống trong cảnh bần cùng đã tăng lên, từ con số 69 triệu người vào năm 2004 đã lên đến 112 triệu người vào năm 2010, dù rằng quốc gia này đã có mức tăng trưởng ghi nhận là 7%. Trong cùng thời gian đó, con số những nhà tỉ phú cũng đã tăng 44%.

Vào khoảng 86 triệu người sống trong cảnh vô cùng túng quẫn. Người ta nói rằng kẻ giàu nhất trong nước đã kiếm được mỗi ngày gấp 8,000 lần hơn số tiền một người dân nghèo dùng để chi tiêu cho những nhu cầu căn bản trong vòng một năm. Theo Liên Hiệp Quốc, có trên 4.7 tỉ người đang sống trong cảnh bất ổn, bữa no bữa đói trong vùng này và có tới 49% những người trẻ không có việc làm hay có việc làm cầm chừng hay làm bán thời gian. Năm ngoái, Nigeria bị xếp hạng thứ 118 trong số 144 quốc gia trong bản tường trình của Global Gender Gap (Khoảng Cách Giới Tính Toàn Cầu của World Economic Forum). Những khó khăn về kinh tế và giáo dục đối với phụ nữ Nigeria lại càng bi đát hơn: họ là những người trong thành phần nghèo nhất của xã hội, 75% phụ nữ không được đến trường và ngay cả ở thành thị, con số phụ nữ không đi học là 51%- hầu như gấp đôi so với nam giới.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Văn Hóa
Thánh Gioakim & Anna : Song Thân Mẹ Maria
Đinh Văn Tiến Hùng
14:26 24/07/2017
Thánh Gioakim & Anna : Song Thân Mẹ Maria
( Lễ kính 26/7 )

“ Xem quả thì biết cây, cây xấu không thể sinh quả tốt, nhưng chỉ cây lành mới sinh được quả tốt. “

( Mt. 8 : 17 )

Chúng ta mừng ngày Hiền Mẫu nhớ ơn mẹ và ngày Từ Phụ ghi công ơn cha. Nhưng ta không có ngày Song Thân ghi ơn sinh thành, nuôi nấng, giáo dục của cha mẹ, có lẽ vì ít khi thấy cả hai đều trọn hảo, nhất là trong xã hội ngày nay cuộc sống hôn nhân đang bị băng rã trầm trọng. Chính vì thế mà ĐTC Gioan Phao-lô II đã đặc biệt dành một Năm Thánh Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình, kêu gọi chấn chỉnh lại cuộc sống hôn nhân ( Đại hội Gia đình Thế giới được tổ chức 3 năm l lần thay đổi tại nhiều quốc gia, gần đây Đại hội thứ 8 được diễn ra tại Philadelphia, Hoa Kỳ từ 22-27/9/15 )

Trong một số giáo xứ thường tổ chức rất ý nghĩa và trang trọng Lễ kỷ niệm ngày kết hôn sau một thời gian dài chung sống : 25 năm (ngân khánh)- 50 năm (kim khánh)- 6o năm trở lên (ngọc khánh),hay linh động cho những những đôi hôn nhân trẻ hơn sau 5, 10, 15, 20 năm kết hôn, để ôn lại vui buồn và thành đạt hay thất bại đã qua, đồng thời dự liệu những tháng ngày tốt đẹp hơn trong tương lai.

Mới đây, ngày 18/10/15 Song Thân Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là Louis Martin và Zelie Guerin

được ĐTC Phanxicô phong Hiển Thánh, một mẫu gương sáng chói cho các đôi hôn nhân noi theo.

Nhưng có một tấm gương cao cả vĩ đại mà loài người phải cúi đầu kính phục đội ơn là Thánh Gioankim và Anna sinh hạ Trinh Nữ Maria- Người mà sau này sẽ là Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc nhân loại.

Trong Tân Ước không nói đến Song Thân Đức Mẹ, cũng như 2 Thánh Sử Mátthêu và Luca trong giả phả không nhắc đến dòng họ ngoại Chúa Giêsu. Nhưng theo Thánh truyền Giáo Hội Công Giáo, Hai Thánh

Gioakim và Thánh Anna chính là nhịp cầu nối kết giữa Cựu Ước với Tân Ước, được Thiên Chúa chúc lành

tuyển chọn, nhận diễm phúc trọng đại, sinh hạ Đức Maria, Thánh Mẫu Đức Kitô, con Thiên Chúa nhập thế làm người.

*Thánh Gioakim : xuất thân là người chăn chiên thuộc dòng tộc Giuđa, miền Nazareth, Galilêa , người công chính, liêm khiết, yêu mến Thiên Chúa, trông đợi Chúa Cứu Thế đến giải cứu dân Ngài.

Ông kết hôn với Anna , một thiếu nữ đạo đức đoan trang. Nhưng Thiên Chúa đã thử thách hai ông bà. Dù sống với nhau luôn tôn giữ luật Chúa và làm việc bác ái, sau 20 năm vẫn chưa có con nên bị người đời khinh chê cho là vô phúc, đến nỗi các vị tư tế trong đền thờ không chấp nhận cho ông dâng của lễ, vì cho là không được Thiên Chúa chúc lành. Ông bà vẫn bền vững tin vào Thánh ý Chúa, ăn chay cầu nguyện, giúp người nghèo khó. Cuối cùng, Chúa đã nhận lời, một ngày kia Thiên Thần đến báo tin : ‘Chúa đã nhận lời ông, Chúa sẽ ban cho bạn ông sinh một con gái, ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Maria, ngay lúc còn thơ sẽ được hiến dâng cho Thiên Chúa và tràn đầy ơn Thánh Linh.’

*Thánh Anna : con gái vị tư tế Matthan gia đình trung lưu thuộc chi tộc Lêvi tại Belem, sống tuổi thơ

Khôn ngoan đạo hạnh. Năm 20 tuổi cô kết hôn với Gioakim. Hai người sống trong mái nhà đầm ấm luôn vâng lời kính sợ Chúa và yêu thương mọi người, nhưng bị người đời chê cười vì không có con cái. Cũng

như ông bà cầu nguyện, vững lòng tin tưởng vào Chúa Quan Phòng mọi sự. Rồi một ngày, Thiên Thần đến đem tin vui cho bà :

‘ Bà đừng sợ ! Đó là dự định của Thiên Chúa ! Do quyền năng của Người, một ngày kia bà sẽ sinh con.

Con bà sẽ là gương sáng cho muôn thế hệ về sau. ‘

Rồi một người con gái được sinh ra trong gia đình thánh thiện, hưởng tình thương đầm ấm và săn sóc chu đáo của cha mẹ, khi lên 3 tuôi được dâng vào đền thánh để phụng sự Thiên Chúa chờ đợi lãnh nhận thiên chức trọng đại- Người con gái đó chính là Trinh Nữ Maria sau sẽ là Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa.

Sau khi dâng cho Chúa Người Con Gái thân yêu độc nhất, hai ông bà sống đạo đức đầm ấm bên nhau trong tuổi già đến cuối đời, ông hưởng thọ 80 tuổi và bà 79 tuổi.

Trong tác phẩm được Chúa mặc khải qua thị kiến tựa đề ‘ Tin Mừng như đã mặc khải cho tôi ‘

Maria Valtorta đã ghi lại Thánh Anna loan báo thiên chức làm mẹ Trinh Nữ Maria qua bài Thánh vịnh

Huyền nhiệm như sau :

“Vinh danh Chúa toàn năng đã yêu thương con cháu Đa-vít !

Vinh danh Chúa từ trời, ơn huệ của Ngài đã viếng thăm con !

Cây cằn cỗi đã mọc ra cành non, và con sung sướng.

Hy vọng đã vãi hạt giống vào dịp lễ Ánh Sáng.

Không khí thơm tho của tháng Nissan, thấy nó nảy mầm.

Vào mùa xuân, thân xác tôi sẽ như cây hoa đào đầy hoa.

Vào buổi chiều cuộc đời, thấy nó sinh trái.

Trên cành cây là một bông hồng, một trái cây dịu ngọt nhất.

Một Ngôi Sao lấp lánh, một sự sống thơ ngây trẻ trung.

Đó là niềm vui của gia đình, của vợ chồng.

Ngợi khen Chúa là Thiên Chúa đã thương con !

Ánh Sáng của Người đã loan báo cho con, một Vì Sao sẽ đến với ngươi.

Vinh quang ! Vinh quang ! Trái cây này sẽ thuộc về Ngài, trái đầu tiên và sau cùng,

Thánh thiện và trong sạch như ân huệ của Chúa.

Nó sẽ thuộc về Ngài và bởi nó niềm vui và bình an sẽ đến trên trái đất. “

Song Thân Đức Mẹ để lại cho chúng ta tấm gương sáng chói trong đời sống hôn nhân :

-Nêu cao gương mẫu làm cha mẹ cho các vợ chồng Kitô giáo.

-Nêu cao gương sáng cho con cái qua lời cầu nguyện và việc làm đạo đức.

-Dâng con cái trong niềm tin vững mạnh vào Thánh ý Chúa.

“Kính lạy Hai Thánh Gioakim và Anna !

Xin cầu bầu cho chúng con là những người làm cha mẹ trong gia đình, biết nuôi nấng và dạy dỗ con cái sống làm người Kitô hữu tốt lành

Xin dạy cho chúng con là những người dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, để phục vụ Ngài trong tha nhân, biết quảng đại hy sinh tất cả, để trở thành công cụ loan truyền tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi người- Amen “

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chuông
Nguyễn Trung Tây, Lm (SVD)
18:45 24/07/2017
CHUÔNG
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Em cõi hồng trần mỏi bước chân,
Hàng chuông mở lối dẫn em về!
(NTT)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 24/07/2017: Những phát hiện mới chung quanh tấm khăn liệm thành Turin
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:12 24/07/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Các nhà khoa học tuyên bố khăn liệm của Turin nhuốm máu của một nạn nhân bị tra tấn.

Các nhà nghiên cứu ở Italia cho biết tấm vải liệm xác Chúa Giêsu sau khi Ngài bị đóng đinh, đã chứa “các hạt nano” máu, thường thấy nơi những người đã trải qua những chấn thương dữ dội.

Elvio Carlino, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Tinh thể học ở Bari, Italia cho hay các hạt này cho thấy Chúa đã trải qua những “đau khổ rất lớn”.

Giáo sư Giulio Fanti của Đại học Padua nói thêm rằng các hạt này có cấu trúc, kích cỡ và phân bố đặc biệt, và tỷ lệ creatinine và ferritin cao, thường gặp ở những bệnh nhân bị chấn thương như bị tra tấn chẳng hạn.

Giáo sư Fanti cho biết: “Sự hiện diện của các hạt nano sinh học tìm thấy trong các thí nghiệm của chúng tôi đã chỉ ra cái chết tàn khốc cho người được gói trong tấm vải liệm Turin.”

Ông nói thêm các hạt này “không thể do con người thêm thắt vào trên vải của khăn liệm”.

Các phát hiện này xuất hiện trong một bài viết có tiêu đề “Bằng chứng sinh học mới từ việc nghiên cứu độ phân giải nguyên tử trên tấm vải liệm thành Turin”, được xuất bản trên tạp chí khoa học Hoa Kỳ PlosOne.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp mới được phát triển gần đây trong lĩnh vực kính hiển vi điện tử để phân tích khăn liệm.

Carlino cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên về “các tính chất nano của một sợi nguyên chất lấy từ khăn liệm thành Turin”

2. Nhà thờ chính tòa kính nhớ Thánh Têrêxa thành Calcutta sắp được khánh thành tại Kosovo

Một nhà thờ dành để kính nhớ Thánh Têrêxa Calcutta sẽ được thánh hiến vào ngày 5 tháng 9, kỷ niệm 20 năm ngày qua đời của thánh nhân.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Ernest Simoni làm đặc sứ của ngài trong thánh lễ diễn ra tại Pristina, thủ đô của quốc gia Kosovo, được một số nước nhìn nhận là một quốc gia độc lập.

Đây không phải là thánh đường mới được xây dựng. Thật vậy, sau ngày cộng sản bị sụp đổ, Giáo Hội Công Giáo được hồi sinh tại quốc gia này, các tín hữu Công Giáo đã xây dựng được nhiều nhà thờ trong đó có ngôi nhà thờ này, được thánh hiến vào năm 2010. Tuy nhiên, nhà thờ này sẽ được chính thức dành để kính nhớ Mẹ Têrêsa sau buổi lễ vào tháng 9.

Nhà thờ được cất theo kiểu Ý đã được khởi công xây dựng từ năm 2007 và vẫn còn chưa hoàn thành. Khi hoàn thành, nhà thờ sẽ có hai tháp chuông, mỗi tháp cao 70m, như thế nhà thờ này sẽ là một trong những tòa nhà cao nhất của thành phố.

Các thiết kế trên các cửa sổ kính màu miêu tả của Thánh Têrêxa với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI.

Có khoảng 65,000 người Công Giáo ở Kosovo, trong tổng số khoảng hai triệu người. Hầu hết cư dân Kosovo là người Albani, như Mẹ Teresa. Gần 95 phần trăm dân số theo Hồi giáo.

Toà Thánh không công nhận Kosovo là một quốc gia có chủ quyền.

3. Tiền nợ học phí Đại Học cản trở gần một nửa những người muốn đi tu tại Hoa Kỳ

Theo thống kê của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trong 546 tân linh mục được thụ phong tại Mỹ trong năm 2016, 59% đã tốt nghiệp Đại Học trước khi bước vào chủng viện. Vì thế, số tuổi trung bình của các tân linh mục tại Hoa Kỳ rất cao trên thế giới, là 35 tuổi.

Đối với những người muốn đi tu sau khi đã tốt nghiệp Đại Học, trở ngại lớn nhất là món nợ học phí Đại Học trong thời sinh viên. Tuy thiếu những ứng sinh, hầu hết các dòng tu nam nữ đều từ chối những ai mắc nợ Đại Học.

Hiệp hội Laboure, một tổ chức phi lợi nhuận, chuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn muốn đi tu nhưng không được vì những khoản nợ nần này, cho biết 42 phần trăm các ứng sinh tại Hoa Kỳ, cuối cùng đã không được đào tạo. Những ai bền chí đều phải trải qua một thời gian làm việc kiếm tiền trả dứt nợ Đại Học rồi mới có thể đi tu.

Theo các nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong công tác tông đồ tại Đại học Georgetown, gọi tắt là CARA, một phần ba những người muốn đi tu tại Mỹ đang mắc nợ Đại Học, với số tiền trung bình khoảng 28,000 đô la.

Một nghiên cứu năm 2012 của CARA cho biết 70% các cộng đoàn tu trì từ chối những ai mắc nợ Đại Học. Trong cùng một nghiên cứu, 80% các cộng đoàn này đã yêu cầu ứng sinh trì hoãn nộp đơn cho tới khi trả dứt nợ rồi hãy quay lại.

4. Tòa án Vatican mở phiên xử hai cựu giám đốc điều hành bệnh viện Bambino Gesu về tội tham ô

Phiên tòa của Vatican xét xử hai cựu giám đốc điều hành của bệnh viện Bambino Gesu về tội tham ô đã bắt đầu hôm 18 tháng Bẩy.

Giuseppe Profiti, nguyên giám đốc, và Massimo Spina, thủ quỹ, của Bệnh viện Gesu Bambino, hay thường được gọi là bệnh viện Đức Giáo Hoàng đã bị buộc tội lấy 422,000 Euros, tức là khoảng 481,000 Mỹ Kim, từ quỹ của bệnh viện để chi trả cho việc tân trang căn nhà của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone. Toàn bộ việc chi tiêu trái phép diễn ra từ tháng 11 năm 2013 đến ngày 28 tháng 5 năm 2014. Đức Hồng Y Tarcisio Bertone đã là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh từ ngày 15 tháng 9 năm 2006 đến ngày 15 tháng 10 năm 2013.

Đức Hồng Y Tarcisio Bertone tuyên bố ngài đã trả 300,000 Euros tiền riêng của mình cho việc tân trang nhà và không hay biết là tổng chi phí đã lên đến 722,000 Euros.

Giuseppe Profiti và Massimo Spina là những cá nhân đầu tiên bị truy tố theo các luật mới của Vatican về quản lý tài chính. Họ đã bị truy tố ngay sau một cuộc điều tra của Associated Press được công bố với những bằng chứng về việc quản lý yếu kém và việc chăm sóc y tế kém phẩm chất tại bệnh viện Bambino Gesu dưới sự lãnh đạo của Profiti. Profiti đã từ chức giám đốc vào năm 2015. Sau khi vụ việc đổ bể, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone có tặng cho bệnh viện 150,000 Euros cho việc nghiên cứu. Cho đến nay, ngài không bị truy tố và cũng không bị tòa án Vatican triệu tập.

Các viên chức Vatican nói rằng các vấn đề tại bệnh viện đã được giải quyết. Tuy nhiên, danh tiếng của Giáo Hội bị bôi nhọ trầm trọng trong vụ tham ô số tiền đáng lẽ ra phải được dùng cho các trẻ em chứ không phải để tân trang nhà cửa.

Ngày 7 tháng 9, và 8 và 9 tòa án sẽ tái tục vụ xử này.

5. Dân chúng Venezuela trốn trong nhà thờ sau khi cảnh sát bắn chết người

Hôm 16 tháng 7, người dân Venezuela đã tham gia vào một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức liên quan đến đề nghị của tổng thống Nicolas Maduro nhằm triệu tập một Quốc Hội lập hiến để viết lại hiến pháp quốc gia. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang gia tăng và lo ngại về một chế độ độc tài Marxist trong tương lai, hơn bảy triệu người Venezuela đã tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý không chính thức này.

Cuộc bầu cử đầy biểu tượng này được tổ chức bởi đảng đối lập đang nắm giữ đa số ghế tại Quốc Hội Venezuela. Hơn 98% số người tham gia đã bỏ phiếu chống lại đề nghị thay đổi hiến pháp.

Các giám mục Venezuela tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý này là “hoàn toàn hợp pháp”, và trên web site của Hội Đồng Giám Mục Venezuela, người ta cũng thấy hình ảnh chính các giám mục đi bỏ phiếu.

Sau khi Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino cử hành Thánh lễ tại nhà thờ Đức Mẹ Núi Carmelô ở Catia, những người ủng hộ Maduro đã bắn vào đám đông cử tri bên ngoài nhà thờ, giết chết một người và làm bị thương nhiều người khác. Hàng trăm người đã lánh nạn trong nhà thờ cho đến khi Đức Hồng Y gặp gỡ cảnh sát và yêu cầu họ cho anh chị em giáo dân ra về an toàn.

6. Đức Hồng Y Leonardo Sandri than thở về sự im lặng của thế giới đối với số phận người Ukraine

Theo lời mời của Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine, Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Bộ Các Giáo Hội Đông phương, đã viếng thăm quốc gia này để thể hiện sự liên đới của Vatican với các tín hữu.

Đức Hồng Y Leonardo Sandri đã cầu nguyện tại Euromaidan nơi đã xảy ra các cuộc biểu tình trong hai năm 2013 và 2014, dẫn đến việc bãi nhiệm Tổng thống Nga Viktor Yanukovych, cũng như tại lăng mộ của Đức Hồng Y Lubomyr Husar, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine từ năm 2001 đến năm 2011 .

Đức Hồng Y Sandri đã than thở trước sự im lặng của quốc tế về cuộc chiến tại Donbass, trong đó các phiến quân ly khai thân Nga, với sự trợ giúp của quân đội Nga, đã chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine trong mưu toan sát nhập miền này vào Nga như đã từng xảy ra tại bán đảo Crimea.

Đức Hồng Y Sandri nhận xét rằng rằng “trên cả hai bình diện nhân bản và Kitô, lòng yêu mến sự thật mà các tông đồ ủy thác cho chúng ta cấm chúng ta chấp nhận sự im lặng trong cuộc xung đột ở Ukraine và trước sự đau khổ vô biên đã xảy ra cho hàng chục ngàn người”.

Đức Hồng Y đã cầu nguyện tại hai thành phố ở miền đông Ukraine, nơi đã từng bị các lực lượng ly khai chiếm và sau đó được các lực lượng Ukraine tái chiếm gần đây. Ngài cũng thăm viếng một trung tâm Caritas, nơi đang nuôi các trẻ em mồ côi vì cuộc chiến này.

Chuyến đi kéo dài một tuần của Đức Hồng Y Sandri đã kết thúc vào ngày 17 tháng 7. Đức

7. Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Tổng Thư Ký bộ Giáo Lý Đức Tin

Hôm thứ Ba, 18 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức ông Giacomo Morandi làm Thư ký của Bộ Giáo lý Đức Tin và nâng ngài lên hàng Tổng Giám Mục.

Tân Tổng Giám Mục Morandi, nguyên là phó Tổng Thư Ký bộ Giáo Lý Đức Tin từ năm 2015, đã thay thế Đức Tổng Giám Mục Luis Ladaria Ferrer, là vị được bổ nhiệm làm tổng trưởng bộ này vào ngày 1 tháng 7 vừa qua.

Sinh năm 1965, và được thụ phong linh mục tại Tổng Giáo phận Modena-Nonantola năm 1990, Đức Tân Tổng Giám Mục Morandi có bằng đại học về nghiên cứu Kinh Thánh tại Đại Học Biblicum (1992) và bằng cử nhân, sau đó là tiến sĩ về thần học Kinh Thánh tại Đại học Giáo Hoàng Gregorian (2008).

Ngài đã từng làm linh mục tổng đại diện của tổng giáo phận Modena-Nonantola và là một giảng viên về các bài diễn văn của giáo hoàng tại Học Viện Đông Phương.

8. Đức Hồng Y Bechara Rai nói người tị nạn Syria đang là một gánh nặng cho nền kinh tế Li Băng

Đức Hồng Y Bechara Rai là Thượng Phụ Công Giáo Maronite đã cảnh báo rằng sự có mặt của 2 triệu người tị nạn Syria ở Li Băng đang ngày càng trở thành một gánh nặng của đất nước này.

Đức Hồng Y nói:

“Mặc dù chúng ta hoàn toàn đoàn kết với những người tị nạn, người Li Băng vẫn hy vọng rằng quá trình đảm bảo cho họ hồi hương an toàn sớm được xảy ra”.

Giảng trong một thánh lễ có sự tham dự của tổng thống Li Băng là ông Michel Aoun, Đức Thượng Phụ ca ngợi “ý định tốt” của chính phủ trong việc chào đón người tị nạn, nhưng nhận xét rằng rằng chi phí cho những người tị nạn đang ảnh hưởng mạnh đến dân chúng Li Băng, gây khó khăn về kinh tế và thúc đẩy nhiều người Li Băng di cư ra nước ngoài.

Đức Hồng Y đã lên tiếng trong bối cảnh quân đội Li Băng bắt đầu các hoạt động an ninh tại các trại tị nạn, nhằm giải giới các phe nhóm Syria đang bắt đầu tổ chức và tự trang bị cho mình trong các trại tị nạn.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Chúa Nhật 23/7/2017
VietCatholic Network
14:55 24/07/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 23 tháng Bảy.

2- Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Tổng Thư Ký bộ Giáo Lý Đức Tin.

3- Đức Thánh Cha gọi điện thoại cho người nhặt rác bị cụt hai chân trong một tai nạn.

4- Đức Thánh Cha tặng 25,000 Euros để giúp cứu đói ở Đông Phi.

5- Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ gặp gỡ với Tổng thống Putin.

6- Ðức Tổng Giám mục Georg Gänswein nói: Đức Bênêđictô XVI không có ý phê phán tình trạng Giáo Hội dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô.

7- Đức Hồng Y Quốc vụ khanh liên đới với Đức Hồng Y Sabino của Venezuela.

8- Các Giám Mục Mỹ thỉnh cầu chính phủ nhận thêm người tị nạn.

9- Các Giám mục kêu cứu cho hai linh mục bị bắt cóc ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo.

10- Cuộc tranh luận giữa Công Giáo và Tin Lành về việc rửa tội giữa sông.

11- Tại sao Kitô hữu tị nạn Iraq không dám quay về cố hương?

12- Đức Ông Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa bút hiệu Xuân Ly Băng cộng tác viên VietCatholic đã từ trần.

13- Liên đoàn Công Giáo Việt Nam Miền Tây Nam Hoa Kỳ học hỏi về vai trò Hội đồng Mục vụ, Hội đồng Tài chánh trong giáo xứ đa văn hóa.

14- Giới thiệu Thánh Ca: Khúc Cảm Tạ.

Xin mời quý vị xem phần tin chi tiết: