Ngày 22-07-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tri ân là vẻ đẹp của Kitô giáo
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
06:02 22/07/2010
... Cám Ơn là công thức lễ độ và là tiếng nói tri ân đầu tiên tôi luôn luôn thông truyền cho con cái tôi. Đối với tôi, đó là chiều kích chính yếu của nền giáo dục Công Giáo. Tiếng ”Cám Ơn” được diễn tả với trọn lòng chân thành thì cũng thật đẹp y như một món quà trao tặng hoặc nhận lãnh. Gia đình chúng tôi luôn luôn có thói quen bày tỏ lòng tri ân đối với các giáo sư, các trưởng hướng đạo và các vị phụ trách các sinh hoạt chung, các trại hè v.v.

Cám Ơn không phải chỉ thuần túy là hình thức lịch sự xã giao. Không! Tôi muốn đi xa hơn. Khi bắt đầu dạy cho các con biết nói hai tiếng Cám Ơn tôi cũng chú ý giáo dục các con biết nhạy cảm hướng đến một chiều kích cao cả hơn. Đó là tâm tình cảm tạ tri ân THIÊN CHÚA. Cám Ơn THIÊN CHÚA trong mọi nơi mọi lúc về tất cả các ơn lành chúng ta nhận lãnh trong đời sống thường ngày. Và nhất là vào những biến cố trọng đại. Luôn luôn hướng lòng lên cao và chúc tụng ngợi khen THIÊN CHÚA.

Đúng như thế. Tâm tình tri ân nằm giữa lòng Đức Tin Công Giáo. Lời kinh cảm tạ trải dài rải rác trong hầu hết các Thánh Vịnh. Tâm tình tri ân đạt cao điểm trong bí tích Thánh Thể. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết: Thánh Thể là hy lễ tri ân cảm tạ dâng lên THIÊN CHÚA CHA, một lời chúc tụng qua đó Giáo Hội bày tỏ lòng tri ân đối với THIÊN CHÚA về mọi ơn lành Ngài ban cho chúng ta, về những gì Ngài hoàn tất qua công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa. Thánh Thể có nghĩa trước tiên là Chúc Tụng Tạ Ơn.

Nếu Kitô Giáo dành một chỗ quan trọng chính yếu cho tâm tình cảm tạ tri ân chính là vì tâm tình này có mối liên hệ mật thiết với THIÊN CHÚA và giữa loài người là anh chị em với nhau. Nói lời Cám Ơn hàm chứa việc nối kết mối giây thân tình với tha nhân. Chính tâm tình tri ân làm nên vẻ đẹp của Kitô Giáo. Cho dầu đôi lúc bị bắt buộc phải nói lời Cám Ơn đi nữa thì điều này cũng không thể ngăn cản người nói lời Cám Ơn với trọn tấm lòng chân thành. Thông thường lời Cám Ơn đi kèm với cử chỉ chân thật, không giả dối. Một lời Cám Ơn máy móc thì không phải là lời Cám Ơn đúng nghĩa.

Người ta tự hỏi: Làm thế nào để lời Cám Ơn có giá trị? Phải chăng chính Đức Tin làm cho tín hữu Công Giáo trở nên nhạy cảm đối với tha nhân và dẫn đưa các tín hữu đến chỗ biết diễn tả lòng ghi ơn chân thành? Hay là bởi vì khi tín hữu trang trọng nói lời Cám Ơn tha nhân mà tín hữu khám phá ra sự hiện diện của THIÊN CHÚA? Đúng ra đó là hành động hai chiều. Tín hữu Công Giáo không thể bước theo Đức Chúa GIÊSU KITÔ mà lại không quan tâm chú ý đến anh chị em đồng loại. Ngược lại, chính nhờ sự hiện diện của THIÊN CHÚA trong cuộc sống mà các tín hữu Công Giáo có thể thoát ra khỏi chính mình, giũ bỏ cái tôi ích kỷ để nghĩ đến người khác, quan tâm săn sóc tha nhân. Khi một người biết luôn luôn nói lời Cám Ơn thì cũng giúp người ấy tiến đến gần THIÊN CHÚA hơn.

Người ta thường lầm tưởng rằng mối liên hệ với THIÊN CHÚA thật là xa vời. Vậy thì, chính lời Cám Ơn nhắc nhở tín hữu Công Giáo về chiều kích đơn sơ giản dị của Đức Tin Công Giáo. Nói Cám Ơn tức là ý thức về những gì chúng ta nhận lãnh và tự đặt mình sẵn sàng tiếp nhận Lời Chúa. Thật tuyệt đẹp! Hãy luôn nói Cám Ơn và mãi mãi nói Cám Ơn chân thành không dối trá!

Chứng từ của bà Marie - tín hữu Công Giáo Pháp 48 tuổi - có 3 đứa con. Gia đình bà sống tại Havre ở Seine-Maritime nằm về phía bắc thủ đô Paris.

... ”Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp THIÊN CHÚA. Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa, hết lòng hết dạ kiếm tìm Người. . Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo Lời Chúa dạy. Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài, xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa. Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ, để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung. Lạy Chúa, con dâng lời ca tụng, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con. Môi con hằng nhẩm đi nhắc lại, các quyết định miệng Ngài phán ra. Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể. Con sẽ gẫm suy huấn lệnh Chúa truyền, đưa mắt nhìn theo đường lối Chúa. Con vui thú với thánh chỉ Ngài chẳng quên Lời Ngài phán” (Thánh Vịnh 119(118) 1-2/9-16).

(”Pèlerin”, L'Hebdo Du Quotidien, n. 6648 - Jeudi 29 Avril 2010 - trang 41)
 
Lễ kính thánh Maria Madalena
Tiền Hô
06:10 22/07/2010
Thứ Năm hôm nay (22/7), Giáo Hội cử hành lễ nhớ Thánh Maria Madalena, ngài là một trong những phụ nữ được đề cập đến trong Tân Ước.

Tên của thánh nhân xuất phát từ tên của thị trấn nguyên quán là Mácđala (Magdala), xứ Galilê.

- Kinh Thánh giới thiệu thánh nhân như là một trong những người phụ nữ đã được Chúa Giêsu trừ quỷ và chữa bệnh. “Đó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ”. (Lc 8:2).

- Một số học giả xác định Maria Madalena là người phụ nữ tội lỗi đã xức dầu lên chân của Chúa Kitô ngay tại nhà của ông Simon người Pharisiêu (Lc 7:36-50).

- Có một nhân vật khác tên là Maria, người em gái của Mácta và Ladarô (Lc 10:38-42, Ga 11).

Như thế, một số người tin rằng, ba người tên Maria mà Tân Ước đề cập, đó chỉ là một người, trong khi lại có người cho rằng, họ là ba nhân vật khác nhau.

Những gì mà Kinh Thánh quả quyết về Maria Magdalena là: cô là một người đã đi theo Chúa Kitô và đồng hành trong hoạt động sứ vụ của Ngài (Lc 8:2-3). Phúc Âm còn ghi chép Maria Madalena như là một trong những phụ nữ hiện diện tại nơi Chúa Kitô bị đóng đinh vào thập giá.

Ngoài ra, cô là người đầu tiên chứng kiến sự Phục Sinh của Chúa. Bốn Tin Mừng đều mô tả Maria Madalena là người đi đến mộ vào rạng sáng ngày Chúa Phục Sinh. Khi cô nhìn thấy ngôi mộ trống không, cô đã đứng bên ngoài và khóc lóc. Chúa Giêsu hiện ra với cô và hỏi, ""Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?" (Ga 20:15). Cô không nhận ra Người mà nghĩ rằng đó là người làm vườn, cho đến khi Người gọi tên cô: “Maria!” (Ga 20:16). Khi nghe thấy vậy, Maria đã nhận Người. Cô quay trở về nơi các môn đệ đau buồn thông báo cho họ thông điệp Phục Sinh.

Ngày 23 tháng 7 năm 2006, Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã nói về Maria Madalena trong thông điệp của mình trước Kinh Truyền Tin. Ngài gọi thánh nữ là "một môn đệ của Chúa, đã đóng vai trò hàng đầu trong các sách Phúc Âm".

Đức Giáo hoàng tưởng nhớ lại sự hiện diện của Maria Madalena “dưới chân Thập giá” vào Thứ Sáu Tuần Thánh, cũng như cách mà “cô đã khám phá ra ngôi mộ trống" vào rạng sáng Phục Sinh.

"Câu chuyện của Maria thành Mácđala nhắc nhở tất cả chúng ta một sự thật hiện hữu", Đức Giáo hoàng Benedict nói. "Thánh nữ là một trong những môn đệ của Chúa Kitô, trong kinh nghiệm yếu đuối của con người, ngài đã khiêm nhường cầu xin Chúa thương xót, và đã được Chúa tha thứ, để rồi tiếp tục đi theo Chúa mà trở thành một nhân chứng về điều này: tình thương xót của Chúa mạnh hơn tội lỗi và sự chết".

(Nguồn: http://www.catholicnewsagency.com/news/faithful-prepare-to-celebrate-feast-of-mary-magdalene/)
 
Cầu nguyện - Sức sống của Giáo hội
Lm. Jude Siciliano OP
06:21 22/07/2010
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN-C

Sáng thế ký 18: 20-32; Tv 138: 2-5; Côlôsê 2: 12-14; Luca 11: 1-13

Thiên Chúa của tổ tiên dân Do Thái làm thế nào để một người phàm như Abraham xin Ngài “thay lòng đổi ý” về chương trình Ngài đã định từ trước? Làm thế nào một người phàm như thế lại có thể cố gắng xin Thiên Chúa đổi ý không huỷ diệt hai thành phố Sodom và Gomorra xa hoa trụy lạc vô cùng? Ông Abraham là ai mà dám xin Đức Chúa đừng nổi giận? Các tổ tiên người Do Thái đã vui vẻ kể lại cho nhau những câu chuyện giữa Đức Chúa và ông Abraham phải không? Họ đã hoan hỷ và ngợi khen sự táo bạo của tổ tiên họ? Họ nói “Tổ phụ Abraham chúng ta đã kỳ kèo được với Đức Chúa tối cao để xin Ngài thương xót đến người ngoại đạo”.

Thật ra thì người Do Thái không kể chuyện Đức Chúa nói với tổ phụ Abraham như những người buôn bán mặc cả với khách hàng ở chợ? Một người nói giá là 50, rồi hạ xuống còn 45, rồi xuống còn 30, rồi đến 10. Nếu Đức Chúa là người bán hàng, sao lại để ông Abraham mặc cả được giá như thế? “Có lẽ tìm ở đó ra được 10 người”.

Có lẽ Thiên Chúa chịu thua trong việc mặc cả với ông Abraham về thành Sodom và Gomorra, mặc dù đầy tội lỗi, họ vẫn còn được Chúa đoái thương hơn là được Abraham nghĩ đến họ mà mặc cả với Chúa thay cho họ. Hình như trong việc mặc cả này Đức Chúa muốn để mình thua; Đức Chúa thật sự muốn để Abraham thắng. “Ta sẽ không huỷ diệt vì mười người ấy”. Các tổ phụ Do Thái không những vui trong lúc kể chuyện này, mà họ còn khâm phục nữa. Họ nói “Thật Thiên Chúa chúng ta luôn sẵn sàng tha thứ cho cả dân tộc của hai thành phố Sodom và Gomorra chỉ vì một ít người”. Đây là Đức Chúa mà người Do Thái tôn thờ và kính phục với cả tấm lòng trong niềm tin tưởng tuyệt đối. Đó là Đức Chúa với đầy lòng nhân từ luôn nghĩ đến những người chạy đến cùng Ngài. Trong tiệc Thánh Thể hôm nay chúng ta hãy tỏ lòng khiêm tín tôn thờ vì Đức Chúa của chúng ta đầy lòng nhân hậu, với tất cả lòng cảm mến và tôn phục.

Hãy chú ý là Abraham không xin Đức Chúa cho thì giở để những người có tội chạy trốn, nhưng ông ta xin Chúa tha cho tất cả dân trong hai thành phố vì những người vô tội. Thử xem ông Abraham tính toán thế nào: 10 người tốt ngang bằng tội lỗi của những người khác? Ông Abraham thật táo bạo quá thể, ông ta lý luận sao lạ vậy? Ông ta dựa vào điều gì để xin Thiên Chúa việc ấy? Ông ta đưa lý luận dựa vào bản tính của Đức Chúa “thử hỏi các thẩm phán trên thế gian này nếu điều đó có làm đúng theo công lý không?” không xét xử công bằng phải không? Đối với tôi “Thẩm phán của thế gian” như thế là nhân từ thật. Đây không phải là loại công lý của loài người; nhưng đây là câu chuyện một Đấng toàn năng đầy lòng nhân từ quá sự mong đợi và tính toán của chúng ta. Vậy chúng ta hãy để Thiên Chúa xử theo công lý của Ngài và chúng ta là người được thụ hưởng.

Tất cả chúng ta; người trung thành và cả người tội lỗi đã xa Chúa đang nghe; đều cảm thấy thích câu chuyện này. Tất cả chúng ta đều được khuyến khích chân thành cầu xin sự nhân từ, mặc dù chúng ta không biết cách nào để trình bày lời cầu xin trong kinh nguyện. Câu chuyện này nói lên: “hãy kêu xin, hãy bạo dạn và táo bạo lên, Thiên Chúa đang lắng nghe và sẵn sàng giúp bạn”. Biết bao nhiên lần Thiên Chúa trong Cựu Ước được xem như là Đấng công chính phẫn nộ “trên cao” xa thẳm. Nhưng Thiên Chúa của Abraham cuối xuống đến giúp đỡ người cầu xin, đến để lắng nghe lời cầu khẩn với lòng từ bi. Bài đọc này rất hợp với bài phúc âm của thánh Luca nói về Thiên Chúa của sự cầu nguyện và lòng nhân từ là yếu tố chính.

Chúa Giêsu vừa đi lên Jêrusalem vừa giảng dạy các tông đồ. Với tất cả tình thương yêu, Ngài dạy các ông tập hy sinh. Tập lắng nghe lời Thiên Chúa, và làm theo Lời Chúa. (Hãy nhớ lại bài phúc âm tuần vừa qua, về hai phụ nữa Martha và Maria, và tuần trước đó về người Samaritano?). Tuần này chú trọng đến lời cầu nguyện. Nếu ông Abraham cầu nguyện được cho hai thành Sodom và Gomorra, thì thử hỏi chúng ta có thể từ bỏ không cầu nguyện xin điều gì, nơi nào, tôn giáo nào, dân tộc nào hay người nào không? Chúng ta là ai mà dám đặt điều kiện ấy, và dám cả gan nói “tôi không cầu nguyện nữa… tôi buông tay cầu xin cho họ, hay cho bạn” trong khi Thiên Chúa chúng ta là đấng dịu dàng và kiên nhẫn? Cũng như ông Abraham, thánh Luca viết dụ ngôn về người bạn kiên nhẫn để khuyến khích sự kiên nhẫn, sự táo bạo và sự tin tưởng trong lời cầu nguyện của chúng ta. Thật vậy, Đấng đang ngự trong lòng chúng ta là một “bạn”. Vì thế chúng ta hãy liên tục gõ cửa cho dù lúc đầu chưa thấy hồi âm, hoặc có cảm tưởng như chúng ta bị bỏ quên.

Lời cầu nguyện là một đề tài xuyên suốt trong phúc âm thánh Luca. Ngoại trừ bài Chúa Giêsu dạy về cầu nguyện hôm nay, thánh Luca cho chúng ta thấy Chúa Giêsu thường hay cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện nhất là trước mỗi khi Ngài làm một việc qun trọng trong sứ vụ của Ngài (như 3:12; 6:12; 8:18; 9:28 v.v.) chúng ta được khuyên hãy năng cầu nguyện, vì cầu nguyện là biết tín thác vào “Chúa Cha” (Abba: diễn tả Chúa Cha) hiện giờ và trong tương lai.

Quý Cha không cần phải giảng bài phúc âm hôm nay như một đề tài riêng biệt. Trong các phúc âm khác đề tài cầu nguyện được trình bày nhiều chỗ khác nhau, nhưng thánh Luca chỉ trình bày một chỗ này thôi. Vì thế để cho đề tài được đơn giản và rõ ràng, tôi sẽ chú trọng đến một phần của câu chuyện trong “Kinh Chúa Giêsu dạy”, dụ ngôn về lời cầu nguyện hay là bài dạy ngắn gọn ở phần cuối.

Nếu các Cha chọn giảng về “lời cầu nguyện Chúa Giêsu dạy” thì hãy nên để ý đến tính cơ bản là lời cầu nguyện chung. Lời cầu nguyện nói “chúng con”. “Xin cho chúng con” “Xin tha tội cho chúng con” và “như chúng con”. Một cộng đoàn đang lo đón Chúa trở lại để dâng lời cầu nguyện này. Trong khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện chúng ta “kiên nhẫn” trong khi cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy. Giữa những thách đố và cám dỗ chúng ta “cố gắng kiên trì”. Trong lúc này Giáo Hội chúng ta đang gặp nhiều thử thách, chúng ta cố gắng giữ vững đức tin là Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta. Ngài không buông thả chúng ta và một ngày nào đó Ngài sẽ trở lại. Trong lời cầu nguyện của cộng đoàn hãy cùng nhau cầu xin cho chúng ta đừng sa vào “thử thách”, đừng mệt mỏi hay chán nản khi bị cám dỗ lôi kéo, để chờ đợi ngày Chúa Kitô trở lại.

Lời cầu xin “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày” là lời cầu xin của người nghèo. Trong suốt phúc âm thánh Luca, người nghèo có địa vị quan trọng. Người nghèo hàng ngày đáp ứng lời Thiên Chúa, và dựa vào Thiên Chúa trong lương thực hàng ngày. Nhưng đây cũng là lời cầu nguyện mà cộng đoàn nên chia xẻ với nhau. Nếu cộng đoàn làm được như vậy thì cộng đoàn sẽ không còn có người nghèo. Các Cha nên nói đến những người đói kém chung quanh chúng ta và cộng đoàn chúng ta có thể giúp được những gì cho họ.

Trong thời buổi này sự giúp đỡ người nghèo thường không có kết quả. Vì kinh tế khủng hoảng, tiều trợ cấp bị cắt giảm. Người vô gia cư càng ngày càng tăng. “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày” Chúng ta nghe lời người nghèo kêu lên cùng Thiên Chúa, xin Thiên Chúa giúp đỡ, và chúng ta là cộng đoàn Kitô Hữu phải giúp đỡ thế nào. Trong lúc kinh tế khủng hoảng, các Giám mục ở tiểu bang North Carolina kêu gọi “chúng ta hãy làm sao giúp đỡ những người nghèo. Vì số người nghèo quá nhiều, và sự giúp đỡ tài chánh không được bao nhiêu. Cộng đoàn Kitô Hữu kêu gọi tất cả chúng ta hãy đặt sự giúp đỡ người nghèo trên hết tất cả. Nên chú trọng đến kiếm việc làm cho họ, đây là cách để họ sinh sống” cho phù hợp với nền kinh tế hiện nay.

Chúng ta cũng cầu xin cho đủ lương thực hàng ngày để đáp lại lời Chúa Giêsu mời gọi làm môn đệ (9:23), và theo Ngài: hãy từ bỏ mình để theo lối sống của Ngài. Chúng ta hiểu rõ chúng ta cần lương thực hàng ngày để nên như môn đệ trung thành. Hàng ngày chúng ta luôn gặp thử thách trong cuộc sống và chúng ta cần lương thực hàng ngày. Chúng ta cần bí tích Thánh Thể một cách đặc biệt trong ngày hôm; đó chính là lương thực giúp chúng ta khỏi bị sa ngã trong đường đi của cuộc sống. Chúng ta tạm dừng lại trên đường đi với Chúa Giêsu, và bước tới đưa tay ra để xin lương thực, lương thực giúp chúng ta phấn khởi và đó là lý do khiến chúng ta hân hoan mừng đón nhận bí tích Thánh Thể.

Lời cầu nguyện để xin “lương thực hàng ngày” là điều cần thiết và quan trọng nuôi dưỡng chúng ta. Thế giới hiện đang thiếu đói vì những gì? Đói khát vì không được thoả mãn, mặc dù chúng ta có dư thừa của ăn. Cầu xin lương thực hàng ngày từ sự ban phát của Chúa Cha nghĩa là chúng ta tín thác vào sự săn sóc của Thiên Chúa cho những nhu cầu chính đáng của đời sống mà chúng ta không tự lo cho chúng ta được. Cầu xin lương thực ngày hôm nay và biết thoả mãn bởi lương thực đó, nghĩa là cầu xin cho chúng ta biết bỏ qua những gì chúng ta đang thụ đắc mà không đem đến cho chúng ta sự sống. Có rất nhiều cách thụ đắc: Như qua tiền của, quyền uy, giúp chúng ta bớt đói khát. Nhưng duy chỉ có Thiên Chúa mới làm chúng ta thoả mãn những đói khát trầm trọng. Chúng ta cầu xin của ăn trong bí tích Thánh Thể hôm nay giúp chúng ta đặt các giá trị cuộc sống theo đúng nấc thang, giúp từ bỏ những điều dư thừa, hình thức bề ngoài có thể tác hại đến sức sống của Chúa Giêsu trong chúng ta. Với bàn tay thanh sạch mà chúng ta lãnh nhận “lương thực hàng ngày” hôm nay, đó chính là lương thực không thể hư mất được, dù cho chúng ta phải gặp “thử thách” gian nan đến thế nào đi nữa.

Chuyển ngữ: Fx Trọng Yên, OP
 
Thiên Chúa ban cho chúng ta cơ hội lần thứ hai
Jos. Tú Nạc, NMS
08:58 22/07/2010
Chúa Nhật XVII Thường Nien – Năm C (Genesis 18: 20-32; Psalm 138;Colossians 2: 12-14; Luke 11; 1-13)

Chúng ta ai nấy đều quen thuộc với câu chuyện lửa và lưu huỳnh của Sodom – có lẽ một số ít đa quá quen thuộc. Câu chuyện này có nhiều hàm ý xa lạ. Trên hết, mặc dù sai lầm nghiêm trong được viện cớ cho tội lỗi của họ, Thiên Chúa mơ hồ khó hiểu đã xuống để tự Người kiểm tra lại những sự việc – không bao giờ lưu tâm bản tính toàn trị của Người.

Abraham đứng trước Thiên Chúa nhu thể đang đứng trước một sự sống con người. Sau đó có những trả giá và thương lượng mà ông đưa ra định giá. Hầu như nghe có vẻ giống như một người điều khiển đấu giá! Và trong quá trình mặc cả của mình ông đã quở trách Thiên Chúa và làm Người “hổ thẹn” trong cách ứng xử mà Người nên thực hiện! Chúng ta có thể hỏi nếu đó là chính xác để Thiên Chúa thiêu hủy toàn bộ một thành phố vì những thiếu xót lỗi lầm của các cư dân.

Có nhiều điều gây sự khó chịu đối với tính nhạy cảm của thần học hiện đại, vì đối với Thiên Chúa câu chuyện này là tô điểm lại một lần nữa với cách cư xử mang tính văn hóa dân gian và sự hình thành những xúc cảm vô thức thuộc tính con người. Những tội lỗi của Sodom là gì? Nhưng cội nguồn cổ đại đã vẽ một chân dung của sự vô thần và tội lỗi mà trong đó vô đạo đức giới tính chỉ là một khía cạnh trong vô vàn tội lỗi. Trong Jeremiah 24:14 nói về sự ngoại tình, dối trá và phe phái bao gồm những tội ác của họ chọc giận chống lại Thiên Chúa. Ezekiel 16: 49 đã đề cập đến sự phát đạt thịnh vượng ngông cuồng và không có thiện chí giúp đỡ người cùng khổ và thiếu thốn. trong 3 Maccabees 2: 5 thì kiêu ngạo là nguyên nhân sụp đổ của họ. Trong khi chỉ có Jude 1: 7 đã chú ý đến sự vô đạo đức tình dục. Những nguồn thuật lại Do Thái chẳng hạn như Mishnah cũng như Josephus tập trung vào sự bất công kinh tế, báng bổ, đổ máu và của cải dư thừa. Ngoài ra còn có dẫn chứng về lòng thù hận của những người bên ngoài mà đã được biểu thị bằng sự vi phạm lăng mạ và tồi tệ về lòng mến khách đã thuật lại trong câu chuyện. Đây không phải là những phản ảnh hiện đại mà đó là những gì thuộc tính truyền thống – cả hai người Do Thái và Ki-tô giáo – đã kể cho chúng ta biết về tội lỗi của Sodom chống lại Thiên Chúa.

Rõ ràng rằng những người dân Sodom cũng chẳng tử tế tốt lành gì. Tội lỗi của họ tràn lan trên một phạm vi rộng, bao gồm hầu hết mọi phạm vi hoạt động của con người và điều này cảnh báo chúng ta về việc tạo ra những bản án không suy tính hoặc tập trung vào vấn đề đơn độc trả lời trước những hoàn cảnh con người. Điểm chính của câu chuyện chỉ thiểu số những người sùng đạo và công chính có thể giữ vững toàn thành phố và chúng ta sẽ không nghĩ rằng những nỗ lực của chúng ta là vô ích. Tâm đức, chuẩn mực, công bình và sự thánh thiện tập hợp lại nhiều năng lượng tích cực. Chúng ta không bao giờ bất lực hoặc vô hiệu như chúng ta sợ hãi – nhìn xung quanh – có rất nhiều công việc chúng ta phải thực hiện.

Thiên Chúa đã hiện diện trong Colossians không sợ bị đe dọa hủy diệt. Thiên Chúa luôn cung cấp một lối đi thoát khỏi hầm hố mà chúng ta tạo ra cho chính bản thân. Con người có thể không bao giờ vượt qua những gánh nặng của tội lỗi chất chồng nhưng quyền lực của Thiên Chúa có thể. Trong Đức Ki-tô chúng ta được cung cấp cơ hội thứ hai qua thần khí sự sống mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta nhưng tinh thần đó phải được ấp ủ trong trái tim – tâm hồn.

Tin Mừng của Thánh Lu-ca là một kho tàng châu báu của những đoạn trích về sự cầu nguyện. Duy nhất đây là Tin Mừng mà Chúa Giê-su đã dừng lại trên đường đến Jerusalem để dành cho những môn đệ của Người một sự giáo huấn mở rộng kiến thức về việc cầu nguyện. Chủ đề mà xuyên suốt trong những câu chuyện khá vui này – và họ có ý định để được tiêu khiển – là kiên trì. Vậy thường cách tiếp cận mà mọi người phải cầu nguyện là mô hình “máy bán hang tự động”. Lồng vào việc cầu nguyện, tạo một sự lựa chọn và sau đó đợi chờ sự yêu cầu để nhỏ vào lòng của con người. Nhưng Chúa Giê-su quả quyết rằng như thế là không đủ - chúng ta phải trở nên những người thích châm chọc hay những động vật có hại đập cửa thiên đàng cho đến lúc lời cầu nguyện của chúng ta được chấp nhận. Những câu chuyện ấy là cách nói hoàn toàn bình dị rằng cầu nguyện là một chủ trương hợp tác. Chúng ta mở ra một kênh khi chúng ta tham gia năng lượng tâm linh của chính chúng ta với tinh thần của Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Lượng năng lượng, sự cống hiến và lòng chân thành mà chúng ta gửi gắm vào lời cầu nguyện tạo ra một sự khác biệt. Vậy điều gì nếu 50, 40, 30 hoặc thậm chí 10 người trong câu chuyện của Sodom đã tha thiết thành khẩn nguyện cầu cho sự thịnh vượng và sự cải đạo thuộc những công dân liên đới của họ? Có bao nhiêu người công bằng và chân chính trong cộng dồng hoặc thành phố của chính chúng ta? Và chúng ta có phải là người trong số họ không? Nhiệt thành và sự cầu nguyện kiên trì về việc bảo vệ thế giới của chúng ta là món quà cao quí nhất chúng ta có thể ban phát.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Hiệu quả của lời cầu xin
Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc
09:50 22/07/2010
Đời sống của Đức Giê-su luôn chìm đắm trong ân sủng của cầu nguyện, từ sáng sớm cho đến lúc chiều về, Ngài luôn cầu nguyện và dạy các Tông đồ của mình cũng hãy làm như vậy. Bản kinh Lạy Cha được ra đời trong hoàn cảnh: “ Lần kia, Ngài cầu nguyện ở một nơi nọ; Ngài xong rồi thì một môn đồ thưa Ngài: “ Lạy Thầy, xin dạy chúng tôi cầu nguyện, như Gioan đã dạy các môn đồ của ông”

(Lc 11, 1). Chẳng phải người môn đồ của Đức Ki-tô, vì chiêm ngưỡng Thầy mình cầu nguyện trước, rồi khao khát cầu nguyện đó sao?

Cầu nguyện là gì?

Có nhiều cách để định nghĩa về điều này, nhưng như Thánh Gioan Đamascênô: “ Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay là cầu xin Thiên Chúa ban cho những điều xứng hợp”, còn Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su thì: “ cầu nguyện là sự hướng lòng lên, là cái nhìn đơn sơ hướng về Trời, là tiếng kêu tri ân và yêu mến cả trong cơn thử thách lẫn trong lúc vui mừng”. Và trong cả những lúc: “ Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26), thì Thiên Chúa vẫn luôn đáp lời và sẵn sàng đón nhận những lời cầu xin “ Từ vực thẳm” (Tv 130. 1), của mỗi chúng ta.

Tổ phụ Abraham cầu nguyện

Thiên Chúa muốn phạt và tiêu diệt dân thành Sô-đôm và Gomora, vì tội lỗi của họ. Abraham muốn cứu dân khỏi tội chết. Ông cầu xin cùng Thiên Chúa, với lời cầu nguyện thống thiết, nài nỉ và kiên trì. Con số năm mươi người công chính có mặt trong thành, rồi từ từ hạ xuống với con số là mười người. nhờ lời cầu bàu của Abraham, Thiên Chúa đã không hủy diệt các dân trong thành.

“ Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp; hãy gõ thì sẽ mở cho”(Lc 11, 9). Sống cầu nguyện là sống tin, cậy và mến Chúa một cách trọn vẹn. Sự tín thác vào Chúa quan phòng sẽ giúp con người thoát khỏi mọi ràng buộc trên bước đường trần thế, và chỉ để cuộc đời mình được dẫn dắt bởi bàn tay của Thiên Chúa đầy lòng từ bi.
 
Lậy Cha Chúng Con Ở Trên Trời!
Tuyết Mai
09:52 22/07/2010
Trước kia khi tôi còn rất trẻ, đang sống trong tội, việc đầu tiên của tôi là tìm cách lẩn trốn và sống xa Chúa. Tôi bỏ đạo bỏ cả nhà thờ vì nghĩ rằng tội của tôi Thiên Chúa sẽ không bao giờ tha cho tôi cả! Ngay cả việc đi xưng tội. Đi xưng tội làm gì vì biết rằng sau đó mình lại phạm lại?. Tôi thiết nghĩ sự suy nghĩ thật nông cạn này rất thường xẩy ra cho tuổi trẻ sống thiếu đạo đức và thiếu sự sống mẫu mực của mọi người lớn trong gia đình, nhất là bậc làm cha mẹ. Phải tình thật mà nói vì cuộc sống quá khó khăn chăng, nên sự thiếu vắng hay cha mẹ bỏ không đi nhà thờ thường xuyên, đã làm gương xấu cho con trẻ. Thời nào cũng vậy! Cũng có nhiều thành phần sống rất hờ hững trong việc thờ phượng Chúa. Thường xẩy ra cho những gia đình mà có cha mẹ ly dị hay ly thân, khi mà họ bất chấp luật giáo hội và luật của Chúa. Tội nhất là cho con cái của họ. Chắc đó cũng là chuyện bình thường mà thôi! Hay chúng ta đổ cho số phận đã an bài như thế! Và rồi tình đời là thế! Là bội bạc và là bội phản!?. Đàn ông hay đàn bà một nách nuôi 3,4 đứa con, không nổi thì gởi con vào hội dục mỹ, để tìm kế mà mưu sinh, lo cho chính mình và một đàn con thơ?. Đứa thì tạm gởi để có nơi có chỗ cho chúng ăn học? Đứa thì theo mẹ hay cha để chứng kiến cuộc đời của họ khi tuổi các con rất còn non nớt. Nhưng ít nhất đứa nào may mắn thì được ở trong hội còn có người lo cho miếng ăn, học hành, và học đạo. Được các Sơ chăm sóc, còn hơn là cái đứa cứ phải theo cha hay mẹ, lúc thì bị gởi cho những nơi mà con trẻ của mình như chiên non sống cạnh sói dữ. Đói nhiều hơn no, và bị đời dậy cho những chuyện mà một đứa con nít không nên biết.

Chứng kiến đời ở tuổi còn rất ngây thơ trong trắng, sống chung với những thành phần bất hảo, thì đâu là gương lành gương sáng cho chúng chứ!? Ngay cả cha hay mẹ của chúng cũng thật hờ hững và thờ ơ, khi làm gương xấu gương mù cho chúng, nghĩ rằng chúng con nít chẳng biết gì!? Nào ngờ sự trong trắng của chúng đã mất tự đời nào rồi!. Vâng, chỉ tội cho những đứa trẻ, chúng chỉ biết sống từng ngày một, trong sợ hãi, trong lo âu vì không biết cuộc sống ngày lại ngày trong sự thiếu thốn đủ mọi thứ, sẽ kéo dài đến bao lâu?. Sau này khi tôi lập gia đình trong tình cảnh cũng thật éo le thật cam go và thật không trôi chảy. Người đời thì cho đó là hạnh phúc vì cả hai yêu nhau và đã đến được với nhau, hạnh phúc như quý vị xem được một phim chuyện tình cảm ướt át, mà sau cùng là họ được chung sống với nhau. Nhưng dưới mắt của Chúa thì tất cả là tình yêu thương. Chúa đã đến trong tôi và ở lại trong tôi trong một dịp không phải là tình cờ mà là có sự sắp xếp thật tuyệt mỹ và là thánh ý của Ngài.

Hình như ai có đến với Canh Tân Đặc Sủng thì cũng tất cả đều nhận được Ơn của Chúa Thánh Linh trong rất nhiều Ơn khác nhau. Nhưng đối với tôi Chúa đã ban cho tôi rất nhiều ơn mà tôi có thể kể hết ra đây để anh chị em thấy rằng khi được Ơn của Chúa thì moị thứ mọn hèn, ngu dốt, thiếu khả năng, thất học trong ta, Chúa đều có thể làm được hết. Chúa biến đổi chúng ta trở thành khí cụ của Chúa, để danh Chúa luôn được cả sáng, và để tất cả trở về với Chúa qua khí cụ hợp với những gì mà chúng ta có thể làm. Điển hình là Chúa đã ban Ơn riêng cho tôi qua tất cả những bài viết, bài thơ, bài hát, được đăng trên những Web. chính của Công Giáo mà tự chính tôi sẽ chẳng bao giờ làm được thưa quý anh chị em. Sao có thể được chứ khi mà học lực của tôi chẳng đến đâu!?. Ngoài tất cả những Ơn trên Chúa còn rất để ý đến gia đình và cuộc sống của chúng tôi nữa!. Thật hạnh phúc và diễm phúc thay, Chúa đã lo liệu và sắp xếp hết tất cả những gì chúng tôi cần cho cuộc sống ngày lại ngày này!. Chúa giúp chúng tôi biết mở con mắt đức tin ra mà nhìn đời và nhìn người. Giúp chúng tôi biết sống phó thác sau khi chúng tôi làm tất cả những gì có thể. Gia đình chúng tôi bây giờ sống rất gần với Chúa vì Chúa Ngài rất nhân lành và toàn năng và hằng hữu. Sao không chạy đến với Chúa cho được chứ!? Vì nhìn thử trên trời và tất cả những gì chung quanh chúng ta xem! Ngài quyền năng vô cùng. Ngài tạo dựng nên chúng ta, thì Ngài cũng chính Ngài sẽ đem chúng ta ra khỏi cuộc đời này!. Xin đừng dựa vào khí thế của một ai khác, vì họ cũng sẽ chết mà thôi! Và của cải là thứ đem cho chúng ta phiền phức rà rất bội bạc. Hãy sống thanh sạch, hãy tìm Thiên Chúa là Đấng ban cho chúng ta sự sống muôn đời trên Nước Trời.

Nhờ Ơn Chúa mạc khải cho tôi hiểu điều thiết yếu để sống trên trần gian này là những gì chúng ta làm cho mục đích tối quan trọng là làm sao để được lên Trời, đó là tất cả những gì dù là nhỏ mọn đến đâu nhưng có lòng mến, khiêm nhường, nhịn nhục, bác ái trên môi trên miệng, trên lời nói, ngòi bút, đôi mắt, đôi bàn tay, đôi bàn chân, và sự hết lòng của mình. Bác ái dâng lên Chúa tất cả lời nguyện cầu cho sự hòa bình của toàn thế giới. Dâng lên Chúa lời nguyện cầu ban cho của ăn nuôi thân xác của những người khèo khổ khắp toàn thế giới. Dâng lên Chúa thân xác bệnh tật của tất cả mọi người trên khắp toàn thế giới, và sau cùng là dâng lên Chúa lời nguyện kinh cho tất cả mọi linh hồn còn đang trong luyện ngục, sớm về Thiên Đàng hưởng mọi phước hạnh cùng với Thiên Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.

Lậy Cha chúng con ở trên Trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
 
Kinh Lạy Cha - Lời kinh của mọi thời đại
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
10:05 22/07/2010
Chúa Nhật Thứ 17 Mùa Thường Niên - Năm C

Thấy Chúa Giêsu cầu nguyện sốt sắng, thánh thiện và chuyện trò thân mật với Thiên Chúa Cha, các môn đệ bị đánh động sâu xa. Lòng khao khát thúc đẩy các ông mong có được “bí kíp cầu nguyện” của Thầy mình, như các môn đệ của Gioan Tẩy Giả: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như Gioan đã dạy môn đệ của ông”. Và thế là lời kinh của mọi thời đại, lời kinh khuôn mẫu của mọi lời kinh ra đời. Đó chính là Kinh Lạy Cha mà chúng ta vẫn đọc hằng ngày. Gọi là lời kinh của mọi thời đại vì Kinh Lạy Cha là lời kinh mang ba cái nhất.

1. Kinh Lạy Cha - Lời Kinh trọng nhất:

Trọng nhất, vì sao ? Dựa vào đâu mà khẳng định đây là Lời Kinh trọng nhất ? Đơn giản vì đây là lời Kinh do chính Chúa Giêsu dạy. Nếu tất cả các lời Kinh của Giáo hội đều do con người đặt ra (dĩ nhiên là vẫn dựa trên nền tảng Kinh Thánh và truyền thống của Giáo hội), thì Kinh Lạy Cha không phải do con người nghĩ ra, sáng tác ra, mà do chính Chúa Giêsu trực tiếp truyền dạy, như chúng ta vẫn thường nghe đọc trong Thánh Lễ: “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy...”. Như vậy Kinh Lạy Cha rõ ràng không phải là lời Kinh đến từ con người nhưng đến từ Thiên Chúa, không phải lời Kinh của đất thấp mà là lời Kinh của trời cao.

Hơn nữa vì đây là lời Kinh chứa đựng những mạc khải lớn lao trong đạo. Khi dạy các môn đệ cầu nguyện gọi Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu đã đưa con người đi vào một mối tương quan hoàn toàn mới mẻ. Qua Kinh này, Người thông ban cho các môn đệ và những ai tin vào Người quyền gọi Thiên Chúa là Cha như Người. Con người được trở nên con cái, đồng thừa tự với Chúa Giêsu, con Một Chúa. Đây là một mạc khải hoàn toàn không có trong các tôn giáo khác. Và khi đựơc gọi Thiên Chúa là Cha thì đồng thời được nối kết với mọi người để trở nên anh chị em với nhau. Nếu Cựu Ước không dám gọi Thiên Chúa là Cha và con người là Con, vì cho đó là phạm thượng, thì trong Tân Ước, qua Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã cho phép con người gọi Thiên Chúa là “Abba” nghĩa là lạy Cha. Còn mạc khải nào cao trọng hơn thế nữa ?

2. Kinh Lạy Cha - Lời Kinh đẹp nhất:

Đẹp nhất ở chỗ nào ? Trước hết lời Kinh đẹp là đẹp ở giai điệu nhẹ nhàng đơn sơ, nhưng nội dung thiết tha và sâu lắng. Lời Kinh như nối kết đất với trời gần nhau đến độ thành một với nhau. Tương quan con người với Thiên Chúa không còn là tương quan của những tôi tớ hay nô lệ với các vị thần minh nghìn trùng xa cách, mà là tương quan phụ - tử, tương quan Cha với con. Còn tương quan nào đẹp bằng ! Con người chỉ là thụ tạo thấp hèn mà được diễm phúc gọi Thiên Chúa là Cha, là cội nguồn, là sự sống, là động lực đỡ nâng, là hồng ân che chở.

Lời Kinh còn đẹp ở chỗ nó nối kết hết thảy con người với nhau trong tình huynh đệ. Tha nhân dù là Á Châu, Âu Châu, Phi Châu hay Mỹ Châu; dù là da trắng, da đen hay da vàng; dù là ngôn ngữ tiếng nói nào đi nữa thì cũng là anh em. Bởi đó trong Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu không dạy ta cầu nguyện: “Lạy Cha của con” mà người dạy: “Lạy Cha chúng con... Xin cha cho chúng con”. Nghĩa là mọi người có cùng một Cha, mọi người đều thuộc về một gia đình Thiên Chúa.

Lời Kinh đẹp còn là vì gói gọn tâm tình sống của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, đó là tâm tình tin tưởng, phó thác và cậy trông hoàn toàn vào Chúa Cha. Thao thức lớn nhất của Chúa Giêsu là mong cho danh Cha được cả sáng, Nứơc Cha được trị đến. Khao khát lớn nhất của Chúa Giêsu là muốn cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Hoài bão lớn nhất là cho con người được hàng ngày dùng đủ, đựơc ơn tha thứ và được giữ gìn khỏi sa chước cám dỗ. Thử hỏi còn lời Kinh nào đẹp bằng, hoàn hảo bằng ?

3. Kinh Lạy Cha - Lời Kinh được đọc nhiều nơi nhất:

Kinh Kính mừng dù được đọc nhiều nhưng thường chỉ đọc khi lần chuỗi Mân Côi. Trong khi Kinh Lạy Cha được cất lên mọi nơi, mọi lúc: trước các bữa ăn, trong mỗi chục Kinh Mân Côi, trong các Giờ Kinh Phụng Vụ sáng - chiều, trong các buổi cử hành phụng vụ Lời Chúa, phụng vụ các Bí Tích, Á Bí Tích và nhất là trong Thánh Lễ. Kinh Lạy Cha được cất cao như là lời tổng nguyện, thâu tóm tất cả các lời nguyện và các kinh nguyện khác. Người ta có thể đọc hay hát lúc đi đường, lúc ra đồng, lúc lên rừng lên núi, lúc đi xuống biển khơi. .. vì là lời Kinh dễ đọc, lại thân thương và sâu lắng.

Tắt một lời, còn lời kinh nào trọng hơn, đẹp hơn, sâu lắng hơn và huyền nhiệm hơn Kinh Lạy Cha. Thế nhưng, chúng ta có thể khiêm tốn tự hỏi lòng mình: Tôi có năng đọc Kinh Lạy Cha hay không ? Mỗi ngày tôi đọc bao nhiêu lần ? Và khi tôi đọc, tôi có ý thức được ý nghĩa cao sâu của nói không ? Nhất là tôi có đặt vào đó tâm tình của người con thảo đối với vị Cha trên trời hay không ? Đồng thời liên đới với anh chị em mình trong tình hiệp thông của những người con Chúa không ? Tâm tình đó là gì nếu không phải là tin tưởng, cậy trông, phó thác và yêu mến hết lòng. Tuy nhiên, thực tế vì lý do quá quen đọc thuộc lòng, nên ý nghĩa của lời kinh trọng đại này không được chúng ta để ý lưu tâm, và cũng vì thế ta đọc mà thiếu đi những tâm tình bên trong.

Ước gì chúng ta ngày ngày càng yêu mến Kinh Lạy Cha và năng đọc mỗi ngày và đọc với tất cả lòng yêu mến để lời kinh luôn là sức sống nối kết chúng ta với Chúa và nối kết chúng ta lại với nhau trong tình Chúa tình người. Amen.
 
Đẹp thay lời nguyện xin
Lm. Anmai, CSsR
21:21 22/07/2010
Chúa Nhật Thứ17 Mùa Thường Niên, Năm C - St 19, 2-32; Cl 2, 12-14; Lc 11, 1-13

Không ai là một hòn đảo ! Sống trên đời này, mọi người đều có một mối liên hệ này hay liên hệ khác với nhau để rồi nay người này nhờ người kia và mai người kia nhờ người này. Con người, dù muốn dù không vẫn chỉ giúp cho anh chị em đồng loại của mình ở một mức độ cho phép mà thôi.

Khi con người đối diện với những vấn đề ngoài tầm tay thì con người lại chạy đến với những vị thần linh, thần thánh mà mình tôn thờ. Chúa Giêsu khi mặc lấy phận người Ngài cũng phải đương đầu, đối diện với tất cả những khó khăn, những hạn chế của phận người để rồi Ngài lại chạy đến với Chúa Cha mà cầu nguyện.

Với thánh Luca, Ngài thường dành một vị trí hết sức đặc biệt cho lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Thánh Luca thường mở đầu bằng lời cầu nguyện của người Do Thái trong Đền Thờ và kết thúc bằng lời cầu nguyện của cộng đoàn các môn đệ "không ngừng chúc tụng Thiên Chúa trong Đền Thờ".

Để ghi dấu tất cả những thời điểm quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu, Thánh Luca đã ghi lại lời cầu nguyện khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan.

Lời nguyện xin hết sức đơn sơ và thân thiết của trẻ thơ khi thốt lên: "Abba", nghĩa là: "Lạy Cha".

Các môn đệ đã chứng kiến lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha không chỉ bằng mắt thấy, mà còn bằng tai nghe. Các môn đệ đã phải nghe Chúa Giêsu cầu nguyện lớn tiếng, và chính trong các biến cố quan trọng, mà các ông đã có thể hình thành cho mình một ý tưởng cầu nguyện riêng. Chúa Giêsu đã muốn người ta nghe Người cầu nguyện, Người rõ muốn xác định lời cầu nguyện của chúng ta bắt nguồn từ lời nguyện của Người.

Thánh Matthêu lại khác với Luca, Mátthêu thuật việc truyền lại kinh Lạy Cha.

Thánh Luca trong khuôn khổ Bài Giảng trên núi thì lại đặt chữ "Lạy Cha" trong khuôn khổ của cuộc hành trình về Giêrusalem, thành phố mà nơi đó, Chúa Giêsu sẽ trút hơi thở cuối cùng trong lời nguyện sau cùng. Chúa Giêsu, "ở một nơi nào đó", "đang cầu nguyện", và, khi Người đã cầu nguyện xong, một trong các môn đệ xin Người: "Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện". Đây không phải là vấn đề cầu nguyện chung chung, mà là lời cầu nguyện, thêm vào những lời cầu nguyện chính thức của niềm tin Do thái, sẽ nêu rõ nét đặc trưng nhóm các môn đệ của Người, theo cách thức - mà chúng ta không biết - mà "Gioan Tẩy Giả dạy các môn đệ ông". Một lời cầu nguyện tập trung vào điểm chính yếu của sứ điệp Người và xây dựng cộng đoàn các môn đệ chung quanh Người.

Chúa Giêsu đáp lại lời cầu xin của ông bằng một lời cầu nguyện kiểu mẫu. Một lời cầu nguyện mà từ nay, căn cứ vào đó, tất cả các lời cầu nguyện kitô giáo sẽ phải rập theo, cách này hay cách khác: đó là kinh "Lạy Cha".

Những hoàn cảnh, trong đó lời cầu nguyện kiểu mẫu được phát biểu rất đặc biệt. Chúng giúp các kitô-hữu hiểu rằng, lời cầu nguyện của họ là sự nối dài lời cầu nguyện của Chúa Giêsu; lời cầu nguyện đó phải là sự bắt chước, phản ảnh…Các môn đệ đã nhìn thấy Chúa cầu nguyện, nên đã xin Người hướng dẫn họ cầu nguyện; nói khác đi, đưa dẫn họ vào lời cầu nguyện của Người. Chúa Giêsu đồng ý, bằng cách công bố kinh Lạy Cha. Khi cầu nguyện bằng kinh nầy, và khi hiểu thấu những tình cảm hay ý hướng nó diễn tả, các kitô hữu cầu nguyện như Chúa Giêsu: "Nhờ Người, với Người, trong Người" là một công thức về sau sẽ diễn tả điều mà thánh Luca gợi ý".

"Kinh Lạy Cha" của thánh Luca ngắn hơn của thánh Matthêu, bao gồm một lời cầu khẩn, hai ước nguyện và ba lời xin ơn.

Một lời cầu khẩn. Để thưa với Thiên Chúa, kinh này lấy lại từ ngữ mà Chúa Giêsu, ngôi Con, dùng trong lời nguyện của riêng ngài: "Lạy Cha" ("Lạy Cha chúng con" trong thánh Mátthêu). Lập tức, lời này mạc khải cho chúng ta chiều sâu của mối liên hệ giữa Chúa Giêsu Kitô và Thiên Chúa.

Lời cầu nguyện kitô giáo, giúp môn đệ Chúa Giêsu bước vào sự thân mật duy nhất liên kết Chúa Con với Chúa Cha. Trong lời cầu nguyện của người con thảo, người kitô hữu có thể lấy lại lời cầu khẩn này của Đức Kitô: "Lạy Cha" (Gl. 4, 6; Rm 8,15 ). Tiếng kêu Cha đó có tính cách riêng biệt, cá nhân. Nó diển tả một sắc thái thân mật và cũng muốn nhấn mạnh là, mối liên hệ duy nhất và đặc biệt mà Chúa Con có với Chúa Cha cũng là mối liên hệ nối kết tất cả các kitô hữu với Thiên Chúa."

Với hai ước nguyện cùng hiện diện song song trong lời nguyện của người Do Thái.

Sự thánh hóa Danh Thiên Chúa: chớ gì Thiên Chúa can thiệp và tỏ rõ mình là Thiên Chúa, ước mong Người được mọi người nhận biết!

Nước Ngài trị đến: chớ gì Thiên Chúa đích thân ngự đến và tỏ lộ ra sự hiện diện cao cả và năng động của ngài !

"Lạy Cha, xin ngự đến" đã được làm thành công thức dưới hai hình thức khác nhau; Thiên Chúa là "đối tượng" duy nhất của lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa"

Ba lời xin ơn, được diễn tả, không phải ở ngôi thứ nhất số ít: "Con", nhưng ở ngôi thứ nhất số nhiều: "Chúng con", các môn đệ thân thưa với Thiên Chúa cho chính họ với tư cách là một cộng đoàn.

Để tiếp tục cuộc hành trình lữ thứ trần gian, lời xin ơn thứ nhất hướng về "cơm bánh mà chúng con cần mỗi ngày". "Trước hết ở đó, có sự ám chỉ đến manna, bánh từ trời đã hồi phục dân Thiên Chúa trong thời kỳ Xuất Hành, và, theo sự mong đợi của dân Do Thái, bánh này sẽ lại được trao ban như là lương thực cho cộng đoàn của thời sau hết. Nơi thánh Luca, các tín hữu được mời gọi cầu xin Bánh hằng sống nầy hằng ngày"

"Sự tha thứ tội lỗi của chúng con" đó là điều hai mà lời xin nhắm đến. Ơn tha thứ là ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa. Nếu đã trót phạm tội với Chúa mà không có ơn tha thứ, chúng ta sẽ không thể nào sống trong tình thân với Thiên Chúa, vì chúng ta là những con nợ chẳng có gì để mà trả được cả. Ơn tha thứ đó cần thiết cho chúng ta còn hơn là cơm bánh. Hơn nữa, chúng ta còn phải tha thứ cho các con nợ của chúng ta, nếu không, Thiên Chúa sẽ không thứ tha cho chúng ta.

Với con người, vốn mỏng dòn yếu đuối, luôn phải đối diện với những cơn cám dỗ thì lời xin ơn thứ ba, lời xin sau cùng liên hệ đến sự trợ giúp trong "cơn cám dỗ". Chúng ta không xin cho chúng ta được miễn trừ khỏi cơn cám dỗ hay thử thách: Chính Chúa Giêsu đã được Thánh Thần đưa đến hoang địa để chịu ma quỉ cám dỗ trước khi lên đường thực thi sứ vụ công khai loan báo Tin mừng của Ngài. Chúng ta cầu xin đừng sa chước cám dỗ, theo ý nghĩa của lời cầu cho Phêrô, trong chương 22 câu 32: "Thầy cầu nguyện cho con, để con không mất đức tin". Chúng ta cầu xin cho thử thách không làm chúng ta ngã quị, cho chúng ta đừng sa vào kế hoạch của Tên Cám Dỗ.

Với lời nguyện tin tưởng và kiên trì. Chúa Giêsu tiếp nối bằng một dụ ngôn và những lời cắt nghĩa cho dụ ngôn được rõ hơn.

Dụ ngôn là dụ ngôn người bạn quấy rầy, nhân danh tình bạn, không sợ làm phiền một trong những người bạn của mình, ngay "lúc giữa đêm", và không ngại nằn nỉ đến độ "sỗ sàng", để giúp đỡ một người bạn khác, đường xa mới đến.

Cũng chính với sự tin tưởng, sự kiên trì, táo bạo, làm nền tảng cho tình yêu của Người mà chúng ta dám thân thưa với Thiên Chúa: "Chúa Giêsu nhấn mạnh, các con hãy xin, thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ thấy; hãy gõ, thì cửa sẽ mở cho các con. .."

Vốn dĩ là một người cha nhân hậu, người cha tốt lành, Thiên Chúa chẳng lẽ không lắng nghe lời cầu nguyện của con cái Người. Tốt lành hơn mọi người cha trên trái đất, Chúa Cha trên trời sẽ trao ban cho những ai cầu xin Người ơn huệ tuyệt hảo: Chúa Thánh Thần.

Các nay hai tuần, khi đọc dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Hậu, chúng ta biết rằng, để đi theo Chúa Giêsu lên Giêrusalem, chúng ta phải bước qua con đường tình yêu tha nhân, một tình yêu vượt trên tất cả mọi thứ lề luật. Chúa Nhật vừa qua, trong nhà của Mátta và Maria, chúng ta khám phá ra rằng con đường này là con đường lắng nghe Lời Chúa. Hôm nay, chúng ta được báo cho biết, con đường nầy cũng là "con đường của lời cầu nguyện khiêm nhường, tin tưởng và kiên trì, con đường trao ban Thánh Thần và sẽ được Người tác động".

Xin cho mỗi người chúng ta học nơi gương của Chúa Giêsu luôn kiên trì, luôn khiêm tốn chạy đến với Cha là Thiên Chúa giàu lòng thương xót để Ngài ban những ơn lành cần thiết cho chúng ta để chúng ta vượt qua tất cả những khó khăn thử thách của cuộc đời.
 
Suy Niệm Kinh Lạy Cha
Dominic Diệp Hải Dung
21:30 22/07/2010
Bất cứ người Công Giáo nào cũng đều biết Kinh Lạy Cha do Chúa Giêsu dạy cho các Tông Đồ và các Ngài truyền dạy cho chúng ta để cầu nguyện. Nhưng có mấy ai “DÁM ĐỌC” hay không ? Chữ DÁM ĐỌC ở đây xin viết hoa và đóng ngoặc kép. Nếu đọc thuộc lòng hàng ngày thì cũng giống như học trò đứng lên trả bài cho Thầy Giáo, miễn sao đọc thuộc thì giỏi, còn ý nghĩa thế nào thì hậu xét. Chúa phán: Khi cầu nguyện, các con đừng kể lể như thói người ngoại giáo. Họ nghĩ rằng cần phải nhiều lời mới được chấp nhận. Nhưng các con chớ bắt chước họ, vì Cha các con đã biết trước các con cần gì trước khi các con cầu xin.. (Mt. 6: 7-8) Ý Chúa muốn dạy: Người ngoại giáo chỉ nghĩ đến hình thức bên ngoài thôi. Họ lầm tưởng phải nói nhiều mới được việc, nói nhiều dường như một nguyên nhân sinh công hiệu. Nhưng các con đừng lầm tưởng thế. Cầu nguyện tệ hại nhất là ở lòng thành thật và tin cậy kính mến. Những tâm tình này sâu xa nồng nhiệt, Lời Kinh càng dễ được chấp nhận. Vậy khi cầu nguyện các con hãy tận tình tín nhiệm phó thác vào Cha của các con. Đấng ngự trên trời đã biết trước mọi sự. Chúa biết khi cầu nguyện, người ta thường hay xin ơn nọ ơn kia và rất ít nghĩ đến vinh danh và công việc của Chúa. Xin ơn, đành là một điều tốt thật, nhưng nó cũng có tính cách vị kỷ làm cho người ta dần dần chỉ nghĩ đến mình và không lo đến việc của Chúa. Đó là một thái độ thiếu cao thượng và ít đẹp đẽ. Vì thế Chúa lại dạy các Tông Đồ một thể thức cầu nguyện, một thể thức rất ý nghĩa, nâng linh hồn lên cao, để người ta nghĩ đến Chúa trước rồi trình bày những nhu cầu sau. Lạy Cha chúng con ở trên Trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời….. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ Amen.

Theo Cha Giuse Lâm Quang Trọng Giáo sư Thần Học thì Kinh Lạy Cha có 2 quan niệm. Quan niệm thứ nhất: Phải xin cho Thánh danh Thiên Chúa được thiên hạ nhận biết mến yêu và phụng sự, phải xin cho Nước Cha tức là Uy quyền của Chúa hay là Giáo Hội Ngài thành lập được lan rộng khắp nơi., được thống trị trong cả thế giới nhất là trong các linh hồn; phải xin cho thánh ý Cha được mọi người ở dưới đất tuân phục cách hoàn hảo cũng như các Thánh ở trên trời hằng tuân phục. Quan niệm thứ hai: Sau khi hướng tâm hồn về Chúa, người ta có thể xin ơn nọ ơn kia cho mình theo thứ tự như sau: Xin cho được đủ của để nuôi mình hằng ngày; xin Chúa tha nợ tội lỗi, cái nợ tội lỗi đã làm phiền lòng Chúa; xin Chúa cứu khỏi những chước cám dỗ bất kỳ bởi đâu và cả những sự dữ, những tai ương ở trần gian nữa. Hai quan niệm ở trên đây phải luôn luôn được dinh dưỡng bằng những tâm tình tin cậy yêu mến của người con đối với người Cha. Nên người cầu nguyện phải coi Thiên Chúa là Cha, một người Cha trên hết các người Cha. Vì thế để làm sống lại những tâm tình đó, mỗi người khi cầu nguyện, người ta phải kính cẩn và vui mừng đọc lên những lời kinh rất ý nghĩa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.......” Ngoài hai điều kiện rất cần cho việc cầu nguyện như đã nói trên, lại còn một điều khẩn thiết nữa, ấy là phải kiên tâm nhẫn nại và chờ đợi, đừng có nản lòng, đừng có nóng nảy bắt Chúa phải nhận lời ngay… Như đã nói ở phần trên là DÁM ĐỌC có nghĩa là chúng ta đọc có hướng hết tâm hồn về Chúa để chúc tụng vinh danh Chúa không ? Hay chỉ là đọc cho suông sẻ ? Cái khó nhất là câu kế tiếp, mình xin Chúa tha nợ cho mình, nhưng mình có sẵn sàng tha nợ cho người khác hay không ? Chữ nợ ở đây có nhiều ý nghĩa, nhưng nghĩa chính mà Chúa muốn nói đến là tội lỗi. Xin Chúa tha tội cho mình mà mình không tha thứ cho người khác thì đọc hàng ngàn hàng vạn Kinh Lạy Cha cũng chẳng được ơn ích gì ! Kinh Lạy Cha chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu thôi, nhưng rất là tuyệt mỹ bao hàm hết tất cả tinh túy của sự khôn ngoan trong vũ trụ. Chúng ta đọc mà tâm hồn hướng dâng về Chúa suy niệm Lời Kinh và thực hành theo đúng Lời Kinh thì rất là lợi ích giá trị, Chúa muốn chúng ta đến với Chúa bằng tâm hồn và trí khôn, chứ Chúa không muốn chúng ta đến với bằng những lời đọc suông hàng ngày chiếu lệ. Bởi thế đâu có mấy ai “DÁM ĐỌC” một cách trọn vẹn. Cũng may là Chúa Giêsu chỉ dạy có một Kinh, nếu Ngài dạy thêm vài Kinh nữa thì chẳng ai DÁM ĐỌC.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Benedict XVI là một trong 10 vị giáo hoàng cao niên nhất tính từ năm 1400
Phụng Nghi
06:35 22/07/2010
Rome, Italy (CNA/EWTN News).- Theo một nhà thống kê người Mỹ, thì Benedict XVI nay đứng thứ bẩy trong những vị giáo hoàng cao niên nhất kể từ khi hồ sơ khả tín được bắt đầu thâu thập vào năm 1400.

Tuy nhiên theo chính lời của vị đương kim giáo hoàng thì tuổi tác không quan trọng bắng đức khôn ngoan.

Anura Guruge, một chuyên viên về các hệ thống thông tin của hãng IBM đồng thời là một tham vấn cho hãnh IT, cũng như rõ rệt là người hâm mộ lịch sử các giáo hoàng, hôm thứ Hai vừa qua đã trình bầy một danh sách liệt kê các vị giáo tông cao niên nhất trong lịch sử trên trang mạng của ông (www.popes-and-papacy.com). Cũng chính vào hôm đó Benedict XVI bước vào thứ tự đứng hàng thứ bẩy trong các vị giáo hoàng cao niên, liền sau Gioan Phaolô II qua đời ở tuổi 84.

Không phải tất cả các giáo hoàng trong lịch sử đều được xem xét trong cuộc nghiên cứu của ông, theo lời giải thích của Guruge, bởi vì những ngày tháng trong hồ sơ được ghi trước năm 1400 thì “hoặc thiếu sót hoặc bất khả tín, và do đó không thực tiễn cho một cuộc phân tích đầy đủ ý nghĩa.”

Theo những dữ kiện ông thu thập được, thì ở tuổi 83 hiện nay Benedict XVI đứng hàng thứ bẩy trong các vị giáo hoàng cao niên nhất, và giả dụ ngài còn ngồi trên ngai tòa Thánh Phêrô cho đến năm 2015 thì ngài sẽ vượt qua được giáo hoàng Clemente XII, hiện đang đứng hàng thứ nhì khi qua đời ở tuổi 87. Đứng đầu danh sách các giáo hoàng cao tuổi nhất là Leo XIII, mất năm 1903 thọ 93 tuổi.

Dữ liệu trước đó trên cùng trang mạng này cho biết, kể từ năm 1400, Joseph Ratzinger là người cao niên đứng hàng thứ năm vào đúng ngày được tuyển chọn làm giáo hoàng, và cao tuổi hơn bất cứ vị giáo hoàng nào kể từ 274 năm trước đó. Chỉ ba hôm trước ngày được bầu chọn, ngài đã buớc vào tuổi 78.

Bảng liệt kê của Guruge cũng còn trình bầy số năm trị vì của mỗi vị trong số 11 giáo hoàng cao niên nhất, và tỷ lệ cuộc đời các ngài sống trong vai trò người Kế nhiệm Thánh Phêrô.

Đài Phát thanh Vatican, trong một bài đề cập đến tin tức hàng đầu đó, đã bình luận rằng đây là một thống kê “khác thường” nhưng gợi nên một suy tư sâu xa, nếu chúng ta nhìn với một mức độ khác hơn chỉ là một chuyện lạ “mùa hè”.

“Nó gợi nên đặc tính tâm linh trong sứ vụ của người kế nhiệm Thánh Phêrô gắn liền với giá trị tương đối của tuổi thọ”. Đài phát thanh của Tòa thánh nhấn mạnh rằng chính Giáo hoàng Benedict đã đưa ra một nhận định trong bài giảng thánh lễ cầu cho các hồng y và giám mục qua cố hồi tháng 11 năm 2008.

Suy niệm về một đoạn trong Sách Khôn ngoan, Benedict XVI nói: “Quả thực, tuổi già đáng kính không chỉ là một bước tiến xa về tuổi tác, nhưng là khôn ngoan và một cuộc sống thuần khiết, không ác tâm… Thế gian cho rằng người sống thọ là được may mắn, nhưng Thiên Chúa lại nhìn vào tâm hồn chính trực hơn là vào tuổi tác. Thế gian khen ngợi người “khôn ngoan” và người “học thức” nhưng Thiên Chúa lại ưa thích “kẻ bé mọn.”

“Thiên Chúa – khẳng định của Đức giáo hoàng hôm đó – là sự khôn ngoan đích thực không có tuổi tác; Người là sự giầu có chân chính không hư hoại; Người là hạnh phúc mà tâm hồn mọi con người khao khát sâu xa."

Bảng liệt kê các giáo hoàng cao niên tính đến ngày 19 tháng 7 năm 2010
 
Battambang, Campuchia: Giáo dục và giáo lý là ưu tiên của một Giáo Hội đang phát triển
Nguyễn Hoàng Thương
07:58 22/07/2010
Battambang, Campuchia: Giáo dục và giáo lý là ưu tiên của một Giáo Hội đang phát triển

Phnom Penh (AsiaNews / Cơ quan) – Trong một cuộc phỏng vấn của website Giáo Hội Công Giáo Campuchia, Đức Cha Enrique Figaredo Alvargonzales, Giám Mục Dòng Tên người Tây Ban Nha, người đã 10 năm đứng đầu Hạt Phủ Doãn Tông Tòa Battambang cho hay:"Tôi thấy rằng ở Campuchia mọi người cần được giáo dục, vì vậy đây là ưu tiên của chúng tôi"

Giáo hội Campuchia có khoảng 19.000 tín hữu và ba địa hạt: Khu Tông Tòa Phnom Penh, Hạt Phủ Doãn Tông Tòa Kompong Cham và Battambang. Chế độ cộng sản Pol Pot từ năm 1975 đến 1979 đã xóa đi sổ sự hiện diện của Giáo Hội, phá hủy tất cả các kiến trúc thánh và ngăn chặn mọi thực hành tôn giáo. Với sự sụp đổ của Khmer Đỏ, tự do tôn giáo đã trở lại đất nước này. Sự hiện diện mang tính tổ chức của Giáo Hội có từ năm 1992 khi Đức Cha Yves Ramousse trở thành Giám Quảng Tông Tòa của Phnom Penh.

Đức Cha Alvargonzales cho hay: "Trong mười năm, chúng tôi tập trung vào việc giáo dục trẻ em nghèo từ mẫu giáo đến tiểu học. Ít nhất chúng có thể học để đọc và tính toán. Nhưng chúng tôi cũng tài trợ một số người trẻ để họ có thể học trung học và đại học. Bên cạnh đó thăng tiến nền văn hóa truyền thống như các điệu múa Khmer ".

Một trăm người trưởng thành được rửa tội mỗi năm ở Hạt Phủ Doãn Tông Tòa Battambang, nhưng hiện cần nhiều giáo lý viên hơn, ngài cho biết thêm: "Trong năm 2010, chúng tôi đã rửa tội 200 người nhưng chúng tôi cần giáo lý viên. Tôi muốn xây dựng một trường học để giáo dục họ, vấn đề là chúng tôi không có tiền để trả cho họ. Người dân ở đây chủ yếu là nông dân nghèo kiếm được rất ít tiền".

Bên cạnh giáo dục, Giáo Hội tại Battambang dấn thân hỗ trợ các tầng lới bị thiệt thòi nhất của xã hội: "Chúng tôi đã mở trường học cho trẻ em khuyết tật, để dạy phụ nữ may và mở các bệnh viện để hỗ trợ các bệnh nhân. Một số người Công Giáo, gồm cả cựu tù nhân, làm việc trong các ruộng lúa của Giáo Hội. Điều này giúp ngăn chặn họ ra nước ngoài tìm việc làm".

Đối với Đức Cha Alvargonzales, thành tích của 10 năm qua là thỏa đáng: "Chúng ta phải làm nhiều hơn, tôi cần phải nói là đến nay chúng tôi thành công 50%. Tôi muốn những người Công Giáo đã kết hôn dành tâm trí cho đời sống Giáo Hội hơn nữa, giống như những người trẻ đã thực hiện".
 
Người phụ nữ trong đồng hành thiêng liêng
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
15:07 22/07/2010
ROMA - Tờ báo Osservatore Romano số ra hôm nay 22/07/10 công bố một vài chia sẻ của bà Flaminia Giovanelli, nhân vật số ba trong Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình với chức danh Phó Tổng Thư Ký, về vai trò của phụ nữ trong đồng hành thiêng liêng.

Theo bà, hình ảnh sinh động nhất về Giáo Hội đó là hình ảnh Cố Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Mẹ Têrêsa đang cầm tay nhau.

Minh họa tiếp về hình ảnh này, người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí hàng đầu trong cơ quan Tòa Thánh cho rằng các nữ tu trong hội dòng của mình ở mọi cấp bậc khác nhau đều có những vai trò phi thường không những trong việc thực hành bác ái, mà còn trong quản lý những di sản, tổ chức học đường và bệnh viện, đặc biệt là trong đồng hành thiêng liêng.

Bà nhận thấy rằng có mối liên hệ mật thiết giữa đồng hành thiêng liêng và bí tích giao hòa trong đời sống Kitô giáo: « Nếu việc lãnh nhận bí tích hòa giải là căn tính của Kitô hữu vì được giao hòa với Thiên Chúa, thì đồng hành thiêng liêng lại có tầm quan trọng nền tảng trong đời sống… ».

Flaminia Giovanelli cũng thuyết phục rằng chúng ta vốn cần sự giúp đỡ của một người để « nhận biết và làm cho vững chắc thêm kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta ». Sự trợ giúp này thường hay đến từ phụ nữ vì « sự nhạy bén và cảm tính là đặc thù của người nữ ».

Đánh giá về vai trò của người phụ nữ trong Phủ Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong qua khứ đã đề cập đến vấn đề này. Về phần mình, bản thân làm việc tại Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình từ năm 1974 đến nay, nữ chuyên viên Flaminia Giovanelli nhấn mạnh: « Trong công việc, tôi đã luôn có cảm giác rằng những ý kiến của tôi thường được chú ý tới, bởi vì đó là những ý kiến của một phụ nữ, mang tính bổ túc và cần thiết cho việc phán đoán khách quan về những câu hỏi mà tôi đã được chất vấn ».

Flaminia Giovanelli sinh ngày 24 tháng Năm năm 1948 tại Roma. Bà có văn bằng về Khoa Học Chính Trị của trường đại học Roma và văn bằng Khoa Học Tôn Giáo của Đại Học Gregorio.
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI, Giáo Hoàng đứng thứ bẩy trong số các vị già nhất trong lịch sử
Bùi Hữu Thư
19:47 22/07/2010
Các dữ kiện do ông Anura Gurugé, một chuyên gia về lịch sử các giáo hoàng trình bầy

Rôma, Thứ Năm 22 tháng Bẩy, 2010 (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha Benedict XVI trở nên vị Giáo Hoàng già nhất đứng thứ bẩy trong lịch sử của các giáo hoàng trong sáu thể kỷ vừa qua.

Dữ kiện này được phổ biến trong blog “Popes-and-papacy.com”, cho hay ngài đã lớn tuổi hơn Đức Giáo Hoàng Gregory XIII (1572 - 1585), qua đời năm 83 tuổi.

Ông Anura Gurugé, chuyên viên về lịch sử các giáo hoàng, là tác giả của blog này, đã giải thích là các các dữ kiện về tuổi của các giáo hoàng chỉ có giá trị tương đối, vì đối với những vị sống vào 14 thế kỷ trước đây, khó có thể xác định chắc chắn.

Theo ông Anura Gurugé, vị giáo hoàng già nhất trong lịch sử là Đức Thánh Cha Léon XIII, qua đời năm 93 tuổi. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, qua đời năm 84 tuổi, đứng trên Đức Thánh Cha Benedict XVI một bậc.

Đương kim giáo hoàng có thể có tuổi vượt trên vị tiền nhiệm của ngài ngày 29 tháng 2, năm 2012, và sẽ là vị giáo hoàng già nhất đứng thứ sáu trong lịch sử.

Trong blog này, tác giả trình bầy một vài điều thích thú như tên được các giáo hoàng lựa chọn, một vài lời tuyên bố quan trọng của họ, và số phần trăm cuộc đời của họ được dành cho sứ vụ của Thánh Phêrô. Trong blog này cũng trình bầy những sai lầm trong lịch sử, và những cuốn sách về cuộc đời các giáo hoàng.

Một phần của blog được dành cho Hồng Y Đoàn và các Hồng Y đương nhiệm. Ông Anura Gurugé đã cập nhật hóa trong trang này tuổi tác các hồng y và cho biết sinh nhật năm thứ 80 của các vị này, là ngày họ bị mất khả năng để được bầu làm người kế vị Thánh Phêrô.

Ông Anura Gurugé cũng là tác giả một số sách như “Vị Giáo Hoàng kế tiếp” (The next Pope), trong đó ông trình bầy 10 hồng y có thể kế vị Đức Thánh Cha Benedict XVI. Ông cũng trình bầy nội dung các buổi họp bầu các giáo hoàng trước đây và lịch sử của các vị giáo hoàng tiền nhiệm, cũng như những trách vụ họ đã nắm giữ trước khi được bầu lên.

Blog này cũng trình bầy những điạ điểm chôn cất các vị giáo hoàng khác nhau. Theo chuyên gia này, có khoảng từ 137 đến 139 giáo hoàng được mai tang trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô; các vị khác tại các nơi khác nhau như Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô, Thánh Laurent ngoại thành hay trong các thánh đường như Thánh Salvatore ở Lauro, Thánh Suzanne và Thánh Praxède.
 
Tác động của khủng hoảng kinh tế đối với gia đình
Vũ Văn An
21:46 22/07/2010
Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay rất có thể có tác động tích cực đối với hôn nhân. Vì tại Mỹ, năm 2008, ly dị giảm 4% xuống 16.9 vụ ly dị cho mỗi 1,000 phụ nữ có gia đình, sau khi từ 16.4 năm 2005 tăng lên 17.5 năm 2007.

Đó là một trong các điểm được nhấn mạnh trong phúc trình hàng năm của Dự Án Hôn Nhân Quốc Gia tại Đại Học Virginia và Trung Tâm Hôn Nhân và Gia Đình tại Viện Các Giá Trị Hoa Kỳ về tình trạng hôn nhân được công bố hồi tháng 12 năm ngoái. Bản phúc trình có tên “Tình Trạng Liên Bang Của Ta, Hôn Nhân Tại Hoa Kỳ năm 2009: Tiền Bạc và Hôn Nhân” này cũng xác nhận rằng người Hoa Kỳ tiếp tục trì hoãn việc lập gia đình hay bỏ qua nó hoàn toàn.

Một phần của việc giảm thiểu này phát sinh từ việc đình hoãn cuộc hôn nhân đầu tiên: tuổi trung bình kết hôn lần đầu tăng từ 20 đối với phụ nữ và 23 đối với nam giới vào năm 1960 lần lượt lên tới 26 và 28 vào năm 2007. Một yếu tố quan trọng khác là sự gia tăng hiện tượng sống chung trước hôn nhân.

Song song với các dữ kiện về hôn nhân và ly dị, bản phúc trình cũng trình bày một loạt các tiểu luận bàn tới các hệ luận của những con số thống kê mới nhất. Nói đến tác động của suy thoái kinh tế đối với hôn nhân, W. Bradford Wilcox, giáo sư xã hội học và giám đốc Dự Án Hôn Nhân Quốc Gia, ghi nhận rằng đây không phải là lần thứ nhất có sự liên quan qua lại giữa khủng hoảng kinh tế và việc giảm thiểu ly dị.

Điều ấy cũng đã xẩy ra trong Vụ Đại Suy Thoái của thập niên 1930. Một phần, sự giảm thiểu là do các yếu tố kinh tế khiến các cặp vợ chồng tạm thời trì hoãn việc ly dị. Tuy nhiên, theo Cox, cũng có một yếu tố khác có tính năng động và lâu bền hơn. Trong một ít thập niên qua, người Hoa Kỳ càng ngày càng tiến đến chỗ biết xem sét, coi hôn nhân chủ yếu là mối tương quan bằng hữu trong tâm hồn. Do đó, sự thân mật về xúc cảm, sự thoả mãn về tính dục, và hạnh phúc cá nhân đã được coi là các khát vọng đệ nhất đẳng của hôn nhân.

Wilcox nhận định rằng: “Cuộc suy thoái nhắc ta nhớ rằng hôn nhân không phải chỉ là một liên hệ xúc cảm; nó còn là một hùn hạp kinh tế (economic partenrship) và cái lưới an toàn về xã hội nữa”. Do đó, mất việc, thấy qũy hưu bổng mất giá, hay biết đánh giá tốt hơn nhu cầu cần tới hai thu nhập, đã khích lệ nhiều cặp vợ chồng tiếp tục ở lại với nhau.

Bất lợi

Wilcox nhìn nhận rằng các áp lực kinh tế cũng có điều bất lợi. Các khó khăn kinh tế có thể mang theo nạn nghiện ngập, trầm cảm và gia tăng các căng thẳng giữa vợ chồng với nhau, trong một số trường hợp còn dẫn tới ly dị nữa. Tuy nhiên, xét chung, đa số các cặp vợ chồng không đáp ứng khủng hoảng kinh tế bằng việc chọn ly dị.

Nhưng Wilcox cảnh cáo rằng tác động của khủng hoảng kinh tế có thể đè nặng trên những người ít học hơn. Nạn thất nghiệp thường xẩy ra một cách nặng nề nhất với những người không có bằng cấp đại học. Thực vậy, hơn 75% vụ mất việc tập trung trong nhóm này. Tư liệu trong tháng 9 năm 2009 của Văn Phòng Thống Kê Lao Động ghi nhận 4.9% phụ nữ có bằng đại học và 5% đàn ông cùng loại đã bị thất nghiệp. Ngược lại, trong số những người chỉ có trình độ trung học, 8.6% phụ nữ và 11.1% nam giới đã thất nghiệp. Wilcox tiếp tục trích dẫn các nghiên cứu do ông thực hiện để cho thấy: các ông chồng là những người ít hạnh phúc đáng kể trong cuộc hôn nhân của họ, và là những người có khuynh hướng toan tính ly dị, trong khi ấy, các bà vợ đang dẫn đầu việc kiếm cơm kiếm áo cho gia đình.

Xét trong hiện trạng, Wilcox cho hay hiện đang có sự phân chia về hôn nhân giữa những người Hoa Kỳ có bằng cấp đại học và những người Hoa Kỳ không có bằng cấp ấy, một sự phân chia trong đó những người không có nền giáo dục cao hơn thường có tỷ lệ cao về ly dị. Tỷ lệ gia tăng thất nghiệp trong số những người đàn ông thuộc giai cấp lao động cũng có thể gây hại thêm cho tình thế hôn nhân trong nhóm kinh tế xã hội này.

Các phụ bản thống kê đính kèm phúc trình này cung cấp nhiều tín liệu hơn nữa về khuynh hướng đáng lo ngại này. Các phụ nữ có bằng cấp đại học hiện lập gia đình với tỷ lệ cao hơn những người đồng trang lứa với họ. Không những thế, tỷ lệ ly dị giữa những phụ nữ này cũng tương đối thấp và đang giảm đi. Bản phúc trình nói thêm: “Thực vậy, các phụ nữ có giáo dục cao đẳng, có thời từng dẫn đầu cuộc cách mạng ly dị, nay đang có một cái nhìn về ly dị có tính giới hạn nhiều hơn là các phụ nữ ít giáo dục hơn”.

Mặt khác, trong số các phụ nữ trì hoãn hôn nhân đến quá tuổi 30, các phụ nữ có giáo dục cao đẳng là các phụ nữ duy nhất có khuynh hướng có con sau khi lập gia đình, hơn là trước đó. Khuynh hướng tích cực này bị bù trừ bởi sự kiện: người Hoa Kỳ có giáo dục cao đẳng với một gia đình hạnh phúc và ổn định thường lại không có đủ số con để thay thế chúng. Năm 2004, 24% phụ nữ trong hạn tuổi 40 tới 44 có bằng đại học không có con, so sánh với 15% phụ nữ cùng lớp tuổi ấy nhưng không có bằng đại học.

Giảm nợ

Jeffrey Dew, một giáo sư phụ tá tại Đại Học Tiểu Bang Utah, nhân khi nói tới khía cạnh tích cực, cũng nhấn mạnh rằng cuộc suy thoái kinh tế có nghĩa: người Hoa Kỳ đang cố gắng chấm dứt cơn ghiền dùng thẻ tín dụng. Đến tháng 12 năm 2008, người tiêu thụ Hoa Kỳ đã tích lũy một khoản nợ tín dụng khổng lồ lên đến 988 tỷ dollars, nhưng năm 2009 họ đã giảm 90 tỷ dollars khỏi món nợ này.

Dew cũng trích dẫn những cuộc nghiên cứu cho thấy món nợ của người tiêu thụ đóng một vai trò quan trọng trong việc sói mòn phẩm chất đời sống vợ chồng. Các nghiên cứu này chứng tỏ rằng các cặp mới lấy nhau nào nặng nợ tiêu thụ thì càng ngày càng trở nên bất hạnh hơn trong cuộc sống hôn nhân của họ. Ngược lại, những cặp nào trả hết các món nợ họ từng đem vào cuộc sống hôn nhân hay mắc phải vào lúc đầu cuộc hôn nhân ấy thì càng ngày càng hạn chế được đà đi xuống của phẩm chất cuộc sống lứa đôi của họ.

Trong một nghiên cứu, việc cảm thấy người phối ngẫu tiêu tiền một cách điên dại đã gia tăng khả thể ly dị tới 45% cho cả đàn ông lẫn đàn bà. Chỉ ngoại tình lăng nhăng và ghiền rượu với ma túy mới vượt qua bách phân ly dị trên.

Cuộc nghiên cứu của Dew cũng đưa ra một điều đáng lưu ý liên quan đến đời sống vợ chồng. Các cặp duy vật chất cũng là những cặp dễ gặp các vấn đề khó khăn đôi lứa. Vì các cặp này đặt phần lớn hạnh phúc của họ cũng như giá trị bản thân của mình trên việc sở hữu vật chất mà họ tích lũy được. Bởi thế, khi các vấn đề tài chánh xẩy ra, người ta thấy họ gặp nhiều tranh chấp hơn trong cuộc hôn nhân của họ.

Ích lợi tài chánh

Alex Roberts, một học giả tại Viện Các Giá Trị Hoa Kỳ, khi trích dẫn các dữ kiện của Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản, đã chứng tỏ rằng: một lần nữa, cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy: khi vợ chồng ly dị, nhiều ích lợi về tài chánh mất hẳn đi. Ông chứng minh rằng: một gia đình gồm ba người, tức gồm cha mẹ và một đứa con, cần một thu nhập khoảng 18,311 dollars, mới được coi là ở trên mức nghèo. Nếu cha mẹ ly dị và do đó phải duy trì hai gia hộ tách biệt, thì tổng số thu nhập cần để giữ cho 3 người ở trên mức nghèo phải lên tới 25,401 dollars.

Bởi thế, nếu cha mẹ sống tách biệt, họ phải kiếm thêm 7,090 dollars nữa (tăng 39%) mới tránh được mức nghèo. Roberts nhận định: "Xem ra hôn nhân vẫn còn giá trị trong việc sản sinh ra các nền kinh tế có qui mô, nhất là với những người có thu nhập thấp”.

Hôn nhân cũng có một hiệu quả tích cực trong việc tạo ra giầu có. Roberts nhắc tới cuộc nghiên cứu của các nhà kinh tế học Joseph Lupton và James P. Smith. Hai nhà kinh tế học này theo dõi thu nhập và tài sản của 7,608 người chủ gia hộ giữa các năm 1984 và 1989. Họ thấy rằng với những người có gia đình thì thu nhập gia tăng từ 50% tới 100%, còn tài sản thuần thì gia tăng từ 400% tới 600%. Tính trung bình, các gia hộ liên tục sống trong hôn nhân có thu nhập hai lần cao hơn và có tài sản thuần bốn lần cao hơn những gia hộ ly dị hoặc chưa bao giờ kết hôn.

Đàng sau lợi điểm do hôn nhân mang lại này, ta thấy điều gì? Roberts trả lời: một phần có thể vì những người kiếm ra tiền, dành dụm nhiều có khuynh hướng muốn kết hôn. Mà cũng có thể vì những người có gia đình thường chịu khó làm việc và do đó kiếm được nhiều tiền hơn những người đồng trang lứa không lập gia đình.

Roberts cũng cho biết: các nhà nghiên cứu thấy rằng hôn nhân thường khuyến khích người ta sống theo kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, kể cả trách nhiệm tài chánh. Điều này rõ ràng khích lệ các cặp vợ chồng biết khôn ngoan sử dụng các tài nguyên của mình. Hậu quả này không tìm thấy nơi các cặp sống chung (cohab) là những người ít chịu gộp chung các tài nguyên và do đó cũng ít được khuyến khích dành dụm và chi tiêu khôn ngoan. Roberts nhìn nhận rằng ta không thể rút gọn hôn nhân vào những yếu tố chỉ có tính kinh tế như trên. Nhưng xã hội chắc chắn sẽ được lợi nhiều nếu biết đánh giá đúng các ích lợi tài chánh của hôn nhân. Các nhà hoạch định chính sách và các chính trị gia nên để ý tới điều đó.
 
Top Stories
Coree du Sud: Des responsables religieux viennent au secours de la population nord-coréenne, au bord de la famine
Eglises d'Asie
15:08 22/07/2010
Des leaders de différentes religions de Corée du Sud s’apprêtent à envoyer une aide humanitaire d’urgence à leur voisin du Nord, malgré l’aggravation récente de la crise entre les deux pays et les sanctions prises par la communauté internationale à l’encontre de Pyongyang.
Religious Solidarity for Reconciliation and Peace of Korea, un rassemblement interreligieux, a annoncé lors d’une conférence de presse le 19 juillet, qu’il avait l’intention de traverser la frontière et de distribuer le 26 juillet prochain, 300 tonnes de farine en Corée du Nord (1).
Ce projet se met en place alors que la tension entre les deux Corées est encore montée d’un cran ce 22 juillet, avec les dernières menaces de Pyongyang à l’encontre de Séoul et de Washington qui doivent débuter ensemble ce week-end des manoeuvres militaires en mer Jaune et mer du Japon. Cet exercice militaire commun est présenté par les deux pays comme un « message fort » envoyé à la Corée du Nord. Il s'inscrit également dans le cadre des sanctions exercées à l’encontre du pays stalinien depuis le torpillage le 26 mars dernier d’une corvette sud-coréenne, dont la responsabilité a été imputée à Pyongyang, deux mois plus tard, par une enquête internationale. La Corée du Nord qui nie toute implication dans l’affaire, menace de riposter militairement en réponse à ces « accusations mensongères » (2).
A la suite de cet incident, l’un des plus graves survenus entre les deux Corées depuis l’armistice de 1953, Séoul avait annoncé la suspension de la majeure partie de ses aides humanitaires apportées à la Corée du Nord (avec une exception pour celles destinées aux enfants).
De précédentes sanctions économiques et financières avaient déjà été prises par le gouvernement de Lee Myung-bak qui, depuis son arrivée au pouvoir en 2008, s’était toujours montré partisan d’une politique de fermeté envers Pyongyang. A plusieurs reprises, il avait rencontré sur ce sujet, l’opposition de l’Eglise catholique et de divers mouvements religieux et humanitaires qui avaient fait part de leur crainte que les populations civiles ne soient les principales victimes du conflit politique.
Religious Solidarity for Reconciliation and Peace of Korea (RSRPK) qui a annoncé le 19 juillet son intention d’apporter une aide alimentaire d’urgence en Corée du Nord n’en est pas à sa première démarche. Ce rassemblement interreligieux de bouddhistes, catholiques, protestants, adeptes du Cheondo-gyo (3) et du bouddhisme won - deux religions autochtones-, avait déjà demandé en juin dernier au gouvernement sud-coréen de renoncer aux sanctions économiques prises contre la Corée du Nord (4). Il avait rappelé l’issue dramatique prévisible que représenterait pour la population nord-coréenne, sous-alimentée depuis des années, l’arrêt d'une aide humanitaire dont elle était totalement dépendante.
Le 15 juillet dernier, Amnesty International a rendu un rapport accablant sur le système de santé du régime de Pyongyang et sur la lutte que doivent mener les Nord-Coréens pour leur survie (5). Selon les témoignages recueillis, plusieurs milliers de personnes seraient mortes de faim cet hiver, et ce dans une seule province. Depuis les années 1990, le gouvernement, incapable de résoudre la crise alimentaire mais refusant l’aide internationale, incite la population à se nourrir de plantes sauvages (racines, écorces, herbes), malgré le fait que bon nombre de ces plantes se révèlent toxiques et que leur consommation entraîne une augmentation des décès.
Pour son convoi d’aide alimentaire, le RSRPK a obtenu l’accord, indispensable, de son gouvernement. La distribution des sacs de farine devrait se faire à Kaesong, le complexe industriel commun aux deux pays et situé sur le territoire de la Corée du Nord, proche de la frontière. « Nous avons l’approbation du ministre de l’Unification », a déclaré à l’agence Ucanews le P. John Kim Hun-il, l’un des membres du groupe interreligieux. « Mais je regrette que notre gouvernement, qui dit chercher la réunification de la Corée, ait limité le nombre de ceux d’entre nous qui pourraient accompagner le convoi ». Le ministre a en effet refusé d’envoyer à Kaesong la trentaine de religieux qu'avait demandé le RSRPK pour distribuer l’aide alimentaire, préférant un accompagnement plus discret de 5 ou 6 responsables seulement.

« La route vers le Nord est bloquée. Tout ce que nous voulons, c’est distribuer notre farine et jouer un rôle dans la relance du dialogue et de la coopération avec le Nord », conclut le P. Kim Hun-il.

(1) Ucanews, 21 juillet 2010
(2) Le torpillage du Cheonan, corvette sud-coréenne le 26 mars 2010 a fait 46 morts et déclanché une crise diplomatique grave. La Corée du Sud et les Etats-Unis, s’appuyant sur les conclusions d’une enquête internationale rendue en mai dernier, ont accusé la Corée du Nord d’être responsable du tir de missile à l’origine du naufrage. Pyongyang qui nie toujours toute implication dans l’incident, a menacé la communauté internationale de « guerre totale » si les Nations Unies prenaient des sanctions à son encontre. Le 9 juillet dernier, le Conseil de sécurité de l’ONU s’est contenté de condamner « l’attaque » sans nommer directement les responsables.
(3) Le Cheondo-gyo (ou Chodo-gyo) est une religion syncrétique locale à tendance patriotique et nationaliste. Elle serait inspirée d’une révolte paysanne qui a éclaté à la fin du XIXe contre le régime féodal.
(4) Voir EDA 532
(5) Ce rapport intitulé The crumbling State of Health Care in North Korea, s’appuie sur des témoignages récents de réfugiés et des entretiens avec des professionnels de santé qui ont fui la Corée du Nord. Alors que Pyongyang continue d’affirmer que les soins sont gratuits et parfaitement adapté aux besoins de la population, l’ONG décrit un système « à l’agonie », propice à « la propagation des épidémies » et rongé par la corruption. Amputations sans anesthésie, seringues non stérilisées, refus de soin, pénurie de médicaments, sont quelques-uns des exemples donnés par Amnesty International pour décrire les conditions sanitaires et médicales en Corée du Nord.

(Source: Eglises d'Asie, 22 juillet 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Suy đồi đạo đức trong cán bộ chính quyền gia tăng
Trung Thiên
08:00 22/07/2010
Suy đồi đạo đức trong cán bộ chính quyền gia tăng

Sài Gòn (AsiaNews) – Chủ nghĩa tiêu thụ đang dẫn dắt một số lớn cán bộ, nhân viên chính quyền tại Việt Nam đi đến suy đồi đạo đức. Vì thế, các cán bộ Đảng Cộng Sản xem quan hệ ngoài hôn nhân là chuyện "bình thường". Đây là tiết lộ của một khảo sát gần đây được thực hiện bởi Madame Trinh, người đã phỏng vấn khoảng 100 đảng viên làm việc tại quận Phú Nhuận, nêu bật các trường hợp dính vào cưỡng dâm, thường dính dáng đến gái mại dâm và ngoại tình là phổ biến trong mọi "tầng lớp".

Văn phòng Thống Kê quận Phú Nhuận tiết lộ cho AsiaNews hay: "trong những năm gần đây, so với 18.420 cặp vợ chồng đã kết hôn, đã có 3.518 cặp vợ chồng đã ly hôn, 19,08% trong số đó là các cặp vợ chồng trẻ. Lý do chính cho việc chia tay là có các mối quan hệ ngoài hôn nhân".

Bà Nguyễn Thị L, một nhà tư vấn ở quận Phú Nhuận cho hay: "Tình hình thực tế là trong các văn phòng chính quyền tại TPHCM, ngày càng trở nên phổ biến chuyện có quan hệ hệ ngoài hôn nhân với công chức nhà nước khác hoặc cấp quản lý".

Ông H. cho AsiaNews hay: "Tại thời điểm này, có khoảng ba triệu đảng viên Đảng Cộng Sản, nhưng đảng viên tốt là rất ít, họ thường là người nghèo và không có nhiệm vụ quan trọng. Những người tốt đã làm việc với người dân và cho người dân, cho đất nước".

Vì lý do này, các tôn giáo nên tham gia vào giáo dục, tâm linh và hoạt động xã hội để giảm thiểu chuyện "thiếu đạo đức và các tệ nạn xã hội trong cơ cấu xã hội".
 
Lễ Cung Hiến Thánh Đường và mừng Kim khánh Giáo Xứ Buôn Hô
Anh Thư
08:57 22/07/2010
Ban Mê Thuột - Từ 7giờ sáng ngày 21. 7. 2010, đoàn người tuôn đổ về Giáo xứ Buôn Hô càng lúc càng đông, khuôn viên trước thánh đường không còn chỗ đứng - Hôm nay thật là ngày hội lớn đối với bà con giáo dân Giáo xứ Buôn Hô.

Hình ảnh khánh thành nhà thờ

Đúng 8g30, đoàn rước hai Giám mục và quý cha đồng tế cung nghinh hài cốt 12 Thánh Tử Đạo Việt Nam từ nhà xứ tiến về tiền đường nhà thờ.

Đức Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột làm phép chuông, cắt băng khánh thành tân thánh đường trong tiếng chuông vang dội hòa lẫn tiếng cồng chiêng tạo nên âm thanh nức lòng mọi người. Tiến vào nhà thờ, ĐGM Vinh sơn chủ tế Thánh lễ Tạ ơn cung hiến thánh đường và mừng Kim khánh Giáo xứ Buôn Hô. Cùng dâng thánh lễ có Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên Giám quản Tông tòa Giáo phận Ban Mê Thuột, cha Tổng Đại diện Đaminh Hà Duy Khâm, quý cha Hạt truởng, khoảng 70 linh mục trong và ngoài Giáo phận, đông đảo tu sỹ nam nữ, trên 3000 giáo dân và ân nhân đến chung lời tạ ơn. Ngoài ra còn có sự hiện diện của quý vị đại diện các tôn giáo bạn,các cấp chính quyền tỉnh Daklak, thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Buk.

Thánh lễ được trực tiếp truyền qua 4 màn hình bên ngoài nhà thờ để bà con dễ dàng tham dự.

Trong bài giảng ĐGM chủ tế nhấn mạnh việc thờ phượng Thiên Chúa: “Những kẻ tôn thờ đích thực sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý” (Lc 4, 19-26). Nêu ý nghĩa về sự hiện diện của ngôi thánh đường, biểu tượng của niềm tin, sự đoàn kết và hiệp nhất, ngài mời gọi mọi người sống đức tin và thể hiện niềm tin ấy trong đời sống hằng ngày.... ĐGM cầu chúc Giáo xứ tiếp tục phát triển tình yêu thương, hiệp nhất trong một cộng đoàn truyền giáo…

Quá trình hình thành và phát triển Giáo xứ Buôn Hô là cả một chặng đường dài 50 năm: Vào những năm 1958 đến năm 1960, chính phủ Ngô Đình Diệm di dời một số gia đình thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định gốc Giáo phận Quy Nhơn đến quận Buôn Hô tỉnh Darlac để thành lập các dinh điền như Đạt Hiếu, Hụê An, Buôn Hô Cung Kiệm. Tòa Giám mục Kontum đã thiết lập mỗi dinh điền có một giáo xứ. Từ năm 1965, chiến tranh trở nên khốc liệt, bà con giáo dân ở các dinh điền xa dồn về quận Buôn Hô để lánh nạn, cộng thêm một số ít giáo dân từ các nơi cũng về ở chung quanh quận Buôn Hô.

Cha FX. Nguyễn Đức Hạnh (quản xứ giáo xứ Đạt Hiếu) và giáo dân Đạt Hiếu cũng di tản về Buôn Hô, nhưng không có nhà thờ, cha đã đề nghị giáo dân dỡ nhà thờ Đạt Hiếu mang về dựng tạm tại Buôn Hô với diện tích 100mét vuông. Cha FX. Nguyễn Đức Hạnh được đề cử làm cha sở ngôi nhà thờ này, bà con giáo dân xem ngài như là cha xứ tiên khởi của giáo xứ Buôn Hô với số giáo dân khoảng 1.500 người, nhận Thánh Giuse làm bổn mạng, lễ kính ngày 19.3 hằng năm.

Buôn Hô nguyên gốc địa danh là Buôn Ea Hô, theo tiếng dân tộc có nghĩa “làng có nước chảy ra từ cái hồ”, dần dần người Kinh đọc gọn là Buôn Hô (tên hành chánh là Buôn Hồ)

Năm 1967 Tòa Thánh thiết lập Giáo phận Ban Mê Thuột. Lễ Phục sinh năm 1970, Đức cha Phê rô Nguyễn Huy Mai đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường Buôn Hô, cha Giuse Phạm Minh Đức đã hoàn thành vào ngày 21. 11. 1971 bằng những vật liệu của thời chiến tranh. Gần bốn mươi sau nhà thờ đã xuống cấp trầm trọng!

Năm 2000, Giáo xứ Buôn Hô có ý định xây lại nhà thờ, Được sự điều động của cha sở Phêrô Trương Văn Khoa, HĐGX và bà con giáo dân đã họp và lập một ban “vận động xây nhà thờ mới”. Với sự đóng góp của bà con giáo dân trong tám năm ròng rã tích lũy và nhờ sự giúp đỡ của các ân nhân trong và ngoài nước, đến ngày 06. 5. 2008 giáo xứ mới bắt đầu khởi công xây dựng. Ngày 24.7. 2008, Đức Giám quản Phaolô Nguyễn Văn Hòa dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên. Sau hai năm thi công với sự đoàn kết nhất trí của bà con giáo dân, Giáo xứ Buôn Hồ đã có một ngôi thánh đường theo kiểu gô-tích uy nghi, bề thế - diện tích khoảng 1.260 mét vuông với hai tháp chuông cao vút giữa bầu trời trong xanh, ngôi thánh đường được đánh giá vào bậc nhất 5 tỉnh Tây nguyên.

Từ khi thành lập, Giáo xứ Buôn Hồ đã trải qua các đời các cha quản xứ: FX. Nguyễn Đức Hạnh, Giuse Phạm Minh Đức, Giuse Nguyễn Văn Niệm, FX. Nguyễn Kim Long và từ năm 1994 cha Phê rô Trương Văn Khoa được bổ nhiệm làm quản xứ đến nay...

Ở cực Bắc của Giáo phận Banmêthuột, Giáo xứ Buôn Hô có 12 giáo họ, (8giáo họ có nhà thờ) trải dài trên 80 km theo trục quốc lộ 14, gồm các sắc tộc Êđê, Jrai, Bana mới theo đạo…và sau năm 1975 một số người gốc Vinh, Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình cũng đến đây lập nghiệp, nên số giáo dân hiện nay gần 20.000 người. Địa bàn rộng, giáo dân đông, Cha sở và ba cha phó Phê rô Nguyễn Đức Tuyên, Giuse Nguyễn Hoàng Sơn, Giuse Nguyễn Văn Quỳnh đã không ngại gian khổ ngày đêm, mưa nắng để đến từng thôn buôn làm công việc mục vụ, chăm sóc đời sống tinh thần bà con giáo dân. Giáo xứ được 5 cộng đoàn nữ tu cộng tác trong việc dạy giáo lý và công tác phục vụ việc bác ái xã hội.

Cuộc hành trình Đức tin 50 năm của Giáo xứ Buôn Hô đầy cam go nay đánh dấu bằng ngôi thánh đường mới to, đẹp làm nên một nét rất đặc thù của xứ đạo giữa núi rừng Tây nguyên, Ngôi thánh đường mới là biểu tượng của một cộng đoàn Đức tin sống động, nhờ sự hiệp nhất yêu thương xứ đạo Buôn Hô càng ngày càng phát triển...

Trong dịp khánh thành nhà thờ mới, đêm 19. 7.2010 Giáo xứ Buôn Hô và 12 Giáo họ đã có một đêm diễn nguyện thật hoành tráng trang nghiêm và sốt sắng.
 
Lộ Đức, giảng đường Tình Yêu
Justin Tường Vũ
14:41 22/07/2010
LỘ ĐỨC 20.7.2010 - Theo định luật tự nhiện, bốn mùa Xuân, Hạ, Thu và Đông cứ nối tiếp nhau xoay vần. Tháng Bảy, Xuân tàn, con người và vạn vật hân hoan chào đón mùa hè vui tươi với tiết trời nắng ấm, hoa cỏ xanh tươi đầy màu sắc. Tâm hồn hớn hở tung tăng theo tiếng hót líu lo của những chú chim đang nhảy nhót chuyền cành. Bên bờ suối những dòng nước mát róc rách chảy; những chú ong, chị bướm đang vui đùa bên những cánh hoa rực rỡ. Những hình ảnh, âm thanh ấy đã họa lên một bức tranh thật xinh đẹp và sống động.

Xem hình ảnh hành hương

Sau một năm học khá bận rộn và mùa thi căng thẳng, sinh viên chúng tôi lưu luyến chia tay nhau trong nhớ thương tình bạn. Người thì về thăm gia đình, người thân bạn bè, kẻ thì leo núi tiêu khiển; người thì đi thăm những danh lam thắng cảnh của thế giới, kẻ thì tắm biển phơi nắng. Riêng tôi, tôi chọn trung tâm hành hương Đức Mẹ Lộ-Đức (Pháp Quốc) làm nơi kính viếng, nghỉ ngơi và học hỏi: Kính viếng Hiền Mẫu Maria; nghỉ ngơi bên Chúa Giêsu; và học hỏi nơi chị thánh nhỏ Bernadette.

Lộ-Đức được phiên âm ra từ tiếng Pháp Lourdes. Đây là một thành phố nhỏ nằm trong dã núi Medi-Pyrénées thuộc miền Tây Nam nước Pháp, gần ranh giới với nước Tây Ban Nha. Lộ-Đức có diện tích 36,94 km², và dân số khoảng 15.254 (1. 1. 2007). Lộ-Đức là nơi Đức Mẹ Maria hiện ra với cô bé chăn chiên Bernadette; nó cũng là một trong những trung tâm hành hương lớn của người công giáo.

Theo sử sách ghi lại, Đức Maria đã hiện ra với thiếu nữ Bernadette mười tám lần trong một hang đá nhỏ, bên dòng suối mát - lần đầu tiên ngày 11 tháng Giêng năm 1858, và lần cuối cùng vào ngày 16 tháng Bảy trong năm - lúc đó cô bé 14 tuổi.

Đã từ lâu, tôi vẫn thường nghĩ rằng, Lô-Đức cũng là một trung tâm hành hương như bao trung tâm hành hương khác mà tôi cũng như mọi người từng đặt chân đến. Nhưng từ sân bay Lộ-Đức về đến trung tâm khoảng 20 phút xe Bus, tôi tận mắt nhìn thấy hai bên đường còn rất nhiều ngôi nhà thô xơ, nhỏ bé. Tôi chợt nghĩ, ngôi làng này đã như thế nào cách đây hơn 150 năm về trước. Con người chắc hẳn lắm khổ cực và vất vả trăm bề trong vùng hẻo lánh, khỉ ho cò gấy này. Chắc cũng vì lẽ đó mà Thiên Chúa đã đoái thương, nói cách khác Đức Mẹ Maria đã hiện ra với những con người ngèo khổ, đơn sơ, chất phát, đầy lòng thành tín, yêu mến nhau và yêu mến Thiên Chúa.

Dừng chân ngay cổng chính trung tâm, khách hành hương sẽ nhìn thấy tổng quát một quảng trường rộng lớn, ở giữa là tượng Đức Mẹ đứng chấp tay, mĩm cười nhìn đoàn con từ khắp năm châu, bốn bể về bên Mẹ. Bên ngọn đồi xanh là Vương Cung Thánh Đường Mân-Côi với nền kiến trúc hiện đại, với ba tháp cao chót vót lên tận trời xanh. Đặc biệt, bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường được xây trên hang đá, nơi Đức Mẹ đã hiện ra. Hai bên hông Vương Cung Thánh Đường là hai cầu thang chạy từ cao xuống thấp, tựa như hai cánh tay của Mẹ hiền dang rộng ôm ấp đoàn con yêu dấu của mình. Tại quảng trường này, vào lúc 21 giờ mỗi tối, đều diễn ra cuộc rước nến trọng thể, trong lúc mọi tín hữu vừa rước, vừa đọc kinh Mân-Côi bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Đông đảo như một đạo binh, nhưng rất trật tự, nghiêm trang, sốt sắng và linh thiêng. Ánh lung linh của hàng ngàn ngọn nến đã góp lại tạo thành một biển lửa giữa màng đêm tối. Sau khi các Giám mục, Linh mục ban phép lành kết thúc cuộc rước kiệu, mọi người bắt tay nhau siết chặt tình thân ái, trao ban tình yêu mến và cầu chúc bình an.

Phía bên trái con đường chính là đại Vương Cung Thánh Đường Pio X, ngôi thánh đường này được kiến trúc một cách đặc biệt dưới lòng đất, có thể chứa khoảng 25 000 người. Nơi đây, vào lúc 17 giờ mỗi ngày đều diễn ra cuộc rước và tôn vinh Thánh Thể. Cuộc rước bắt đầu từ bàn thờ ngoài trời, gần nhà nguyện Bernadette, bên kia bờ suối đối diện với Vương Cung Thánh Đường Mân-Côi. Hàng ngàn tín hữu sốt sắng tham gia đoàn rước. Thật cảm động khi nhìn thấy những bạn trẻ thiện nguyện viên giúp kéo và đẩy xe cho các bệnh nhân. Bàn thờ được thiết kế cao nằm ngay giữa lòng nhà thờ, để mọi người có thể nhìn thấy rõ và tôn thờ Thánh Thể với lòng kính mến trong điệu nhạc du dương của tiếng đàn đại dương cầm. Tại đây, vào mỗi Chúa Nhật cũng diễn ra Thánh Lễ quốc tế. Ngôn ngữ chính của phụng vụ là tiếng La Tinh; các bài đọc Thánh thư, Tin Mừng và lời nguyện được đọc và công bố bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Khách hành hương quá đông, nên ngày đó nhiều người đã không có chỗ ngồi, phải đứng trên các hành lang. Thánh Lễ qui tụ mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới, với nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ khác nhau. Tại đây chúng tôi được liên kết lại với nhau như anh em trong một đại gia đình Giáo hội yêu thương. Vì mọi người cùng ăn một tấm bánh Thánh Thể, và cùng uống một chén Máu Thánh Chúa Kitô.

Điểm chính của trung tâm hành hương, không gì khác đó là hang núi Đức Mẹ Lộ-Đức, nơi Đức Maria đã hiện ra với Bernadette năm xưa. Tại đây được đặt một tượng Đức Maria hiền dịu, chắp tay mĩm cười nhìn đoàn con qui tụ và cầu nguyện bên Mẹ. Suốt ngày lẫn đêm, không lúc nào không có người quì gối hay ngồi trước nhan Mẹ. Mỗi người đến đây, dù họ là ai, giàu sang phú quí hay quyền cao chức trọng, hay là những con người bần cùng đói khổ, bệnh tật, đều mang trong lòng, trong trái tim những tâm tình, nỗi niềm riêng muốn chia sẻ, dâng hiến và cầu xin nơi Mẹ. Thật cảm động khi nhìn thấy những con người đơn sơ, đầy lòng thành tín và mến yêu. Họ là những người đến từ khắp nơi trên thế giới; họ là những con người đau khổ, bệnh tật về thể xác phải ngồi xe lăn, sức khỏe không đủ thốt lên một lời, nhưng trái tim họ đã rung động và nói thay cho miệng lưỡi họ; họ là những người yếu đuối và tật nguyền về tâm linh, họ thinh lặng trước sự trong trắng, thánh thiện của Mẹ Maria và chị thánh Bernadette, để tâm hồn được bình an, thanh thản. Tại hang đá này, vào lúc 23 giờ mỗi đêm đều diễn ra Thánh Lễ cho các tín hữu hành hương. Trong đêm khuya tĩnh mịch, tôi thinh lặng nhìn ngắm dung nhan Mẹ và Chúa Giêsu qua những con người đau khổ, bần cùng, đói rách. Qua Mẹ tôi dâng những con người bất hạnh như của lễ cao quí trên bàn thờ lên Thiên Chúa Tình Yêu; tôi cũng dâng lên Ngài những người thân, bạn bè cùng những ước mơ và công việc của họ. Nhìn xung quanh tôi bắt gặp những khuôn mặt bình an và trầm lắng, có lẽ họ cũng cùng một ước mơ là: „BÌNH AN“.

Bên cạnh Vương Cung Thánh Đường Mân-Côi và trước hang Đức Mẹ Maria có một dòng suối cạn, nước mát trong xanh cứ suôi chảy róc rách về một nơi xa xăm nào đó. Hai bên bờ là những con đường nhựa râm bóng cây, thật là bình an và thi vị khi bách bộ trên những con đường này. Ngồi dưới gốc cây sát mép nước, bạn có thể nhìn thấy những viên đá cụi sáng óng ánh dưới lòng suối. Tôi tự nghĩ, nếu chúng ta có thể để cho những gánh nặng, đau khổ, bất hạnh và cả tội lỗi cùng xuôi theo dòng nước, thì chúng ta có thể trở nên trong xanh, tươi mát và hiền hoà như dòng suối nhỏ này. Và từ đó sự sống của Bình An và Tình Yêu sẽ vươn lên và râm mát cho đời. Ước mong cho điều ấy thành hiện thực!

Bên phải Vương Cung Thánh Đường Mân-Côi là một ngọn núi vừa đủ cao, nơi đây có Chặng đàng Thánh giá với những bức tượng cao to hơn người thường. Vẽ mỹ thuật đầy ấn tượng diễn tả sống động những tâm tình, tình cảm và ngay cả hành động qua từng khuôn mặt và hình dáng của từng nhân vật. Khách hành hương sẽ bước đi trên con đường đất đá lõm chõm, dốc lên xuống. Chặng đường dài đủ làm cho sức trẻ mệt thở dốc, người cao niên và bệnh tật thì thật khó khăn trong những bước chân, tất cả mời gọi chúng ta thông hiệp vào cuộc khổ nạn và chịu chết của Chúa Giêsu. Cuối con đường là chặng thứ mười lăm, một phiến đá tròn lớn được lăn ra khỏi cửa mộ, bên trong là ngôi mộ trống, Chúa Giêsu đã phục sinh từ cõi chết.

Một hình ảnh đã làm tôi xúc động mạnh từ khi mới đặt chân đến Lộ-Đức, đó là hình ảnh những thiện nguyện viện. Họ là những người thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau đến từ khắp nơi trên thế giới. Họ tự nguyện đến đây để phục vụ khách hành hương trong nhiều công việc khác nhau: nghi lễ, trật tự, hướng dẫn và giúp các đoàn hành hương tìm hiểu và sống tâm linh, đưa đón các bệnh nhân từ phi trường cũng như sân ga, giúp chăm sóc các bệnh nhân liệt không thể đi được phải nằm hoặc ngồi trên xe lăn. Nhìn các bạn trẻ tuổi mười chín đôi mươi hì hục kéo và đẩy những chiếc xe bệnh nhân trên những con đường dốc, mồ hôi nhảy nhụa giữa trưa hè nắng chói chang, nhưng gương mặt họ luôn tươi với nụ cười trên môi. Lòng tôi cảm phục họ. Tôi cảm phục và biết ơn các bạn, vì các bạn đã tự nguyện phục vụ những người bệnh tật và đau khổ. Các bạn đã dạy cho tôi bài học Tình Yêu vô vị lợi. Các bạn chính là lời chứng hùng hồn nhất cho Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Đấng đau khổ, chịu chết và phục sinh để cứu độ con người. Các bạn không nói một lời nào, nhưng tin mừng ấy sẽ thấp nhập một cách mạnh mẽ vào lòng của con người, tin mừng ấy sẽ vang rộng khắp nơi trong mọi thời đại.

Những ngày hành hương kính viếng Đức Mẹ Maria, Hiền Mẫu của Giáo hội, Hiền Mẫu của từng người tín hữu, cũng kết thúc theo chương trình, tôi phải trở về với cuộc sống thường ngày nơi mình đang sống và công việc mình làm. Rời trung tâm hành hương mà lòng đầy lưu luyến. Ra đi và tạm biệt Lộ-Đức, nhưng đó chỉ là tạm xa cách trong không gian và thời gian. Một cách văn chương hơn „tuy xa mà gần, tuy gần mà xa“. Có một điều cao cả hơn là tâm hồn tôi vẫn hiện diện tại nơi đất thánh này. Nói cách khác, tôi mang theo tình yêu của Thiên Chúa qua Mẹ Maria; tình yêu phục vụ của những thiện nguyện viên nhiệt tình dễ mến; mang theo cả những nỗi đau về thể xác cũng như tâm linh của mọi người. Tôi mang theo báu vật quí giá đó là „NỤ CƯỜI“, bài học đầu tiên mà Mẹ Maria đã dạy cho chị Bernadette. „Mĩm cười“ như một quà tặng dành cho những người xung quanh, nhất là những con người đau khổ: Mĩm cười trước những thách đố và khó khăn của cuộc sống. Hãy cười, bạn sẽ thấy được sức mạnh và nhiệm mầu cứu chữa tâm hồn và thể xác. Tạm biệt Giảng Đường Yêu Thương và hẹn gặp lại!

Lộ-Đức, 15-20. 7. 2010
 
Văn Hóa
Từ câu chuyện “Cậu bé yêu nước thành Padua”
Nguyễn Mỹ Linh
16:23 22/07/2010
Chuyện kể rằng:

Một chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước vừa rời bến cảng Barcelona, một thành phố ở Tây Ban Nha, để đi đến hải cảng Genoa (thuộc Ý Đại Lợi). Trên tàu có đủ loại hành khách bao gồm người Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Trong đám đó có một cậu bé đơn độc khoảng 11 tuổi, phục sức nghèo nàn. Biết phận mình, cậu bé luôn tách biệt khỏi đám đông. Như một con thú hoang, cậu đăm đăm nhìn mọi người với ánh mắt u sầu. Cậu có lý do chính đáng để biện minh cho lối nhìn mọi người đầy nghiêm khắc đó. Cách đây hai năm, cha mẹ cậu, hai người nông dân ở vùng lân cận thành Padua của nước Ý, vì quá nghèo nên đã vô tình bán cậu cho một bọn người lừa bịp. Sau khi bỏ đói và thực hiện những màn đấm đá dã man, bọn này đã dạy và buộc cậu làm trò để kiếm tiền. Rồi họ mang cậu đi khắp nước Pháp và Tây Ban Nha để biểu diễn. Cậu luôn bị bọn chúng đánh đập và không cho ăn uống đầy đủ. Khi bọn họ đưa cậu đến Barcelona, cậu đã bỏ trốn vì không thể tiếp tục chịu đựng thêm nữa sự hành hạ nhẫn tâm và những cơn đói triền miên đã làm cậu vô cùng khốn khổ.

Cậu đã tìm đến lãnh sự quán Ý để xin được bảo vệ. Với lòng từ tâm, viên Lãnh Sự đã mua vé cho cậu đi trên chiếc tàu thủy này để đến Genoa. Ông không quên kèm theo một lá thư giới thiệu cậu với ngài thủ quỹ thành phố Genoa để xin giúp đỡ đưa cậu về lại với cha mẹ ở Padua, hai người đã nhẫn tâm bán cậu như bán một con thú. Với vết thương lòng đau như cắt, cậu bé khốn khổ và yếu đuối ngồi lặng yên trong buồng tàu hạng hai. Nhiều người cũng đăm đăm nhìn cậu. Cũng có kẻ lên tiếng dò hỏi thân thế cậu nhưng cậu không trả lời. Nỗi thống khổ và túng quẫn dường như đã làm cậu căm giận và oán ghét tất cả mọi người.

Tuy vậy nhưng vẫn có được ba người hành khách do kiên nhẫn hỏi chuyện với cậu nên đã thành công trong việc làm cho cậu mở miệng. Bằng những lời nói vụng về pha trộn vừa tiếng Pháp, vừa tiếng Tây Ban Nha và thổ ngữ thành Venice, cậu bắt đầu kể chuyện về mình. Ba người hành khách kia tuy không phải là người Ý nhưng cũng tỏ ra thông cảm với cậu, phần vì lòng từ tâm, phần vì đang ngà ngà say rượu. Họ cho cậu những đồng tiền vàng trong lúc bông đùa và khuyến khích cậu kể thêm nhiều chuyện khác nữa. Nhân lúc đó có nhiều người đàn bà ngó vào bàn chỗ họ đang nghe cậu kể chuyện, ba người hành khách kia muốn “lấy điểm” với quý bà nên càng mạnh tay tặng thêm cho cậu những đồng tiền vàng sáng nhóa rổn rảng thảy lên trên bàn và nói to với cậu: “Này lấy thêm, cứ lấy thêm nữa này”.

Cậu bé bỏ tất cả những đồng tiền vào túi. Vẫn trong dáng điệu khó thân thiện được với ai, cậu lí nhí cảm ơn ba người khách. Tuy vậy lần đầu tiên ánh mắt của cậu đã lộ lên tia nhìn reo vui và thân ái.

Thế rồi cậu leo vào chỗ giường ngủ của mình, kín đáo hạ xuống tấm rèm che, và nhẹ nhàng nằm xuống lặng yên suy nghĩ về những chuyện cậu sẽ làm sắp tới. Với số tiền vừa kiếm được này, cậu có thể mua thức ăn ngon trên tàu, cho bõ những ngày tháng đau khổ vì thiếu ăn suốt hai năm qua. Cậu có thể mua một chiếc áo khoác tốt khi tàu cập bến Genoa, cho bõ những ngày tháng dài lang thang trong những bộ cánh giẻ rách mà cậu đang mặc. Số tiền còn lại sẽ giúp cho cậu có được một sự tiếp đón nồng hậu khi về đến nhà cha mẹ, ắt hẵn phải tốt nhiều hơn là về nhà với hai túi áo trống rỗng, cậu tự nhủ. Số tiền này thật là một gia tài đối với cậu. Điều này làm cậu cảm thấy thật dễ chịu và sung sướng biết bao đang khi vẫn nằm dài trên giường, khuất sau tấm rèm.

Ngoài kia, ba vị khách đã cho cậu tiền lúc ban nãy vẫn còn ngồi quanh chiếc bàn ăn tối hăng hái bàn cãi những chuyện chẳng đâu vào đâu. Họ uống rượu và kể cho nhau nghe những chuyện mắt thấy tai nghe trong các chuyến du lịch đó đây của mình và về những đất nước mà họ đã đặt chân tới. Thế rồi câu chuyện của họ chuyển qua đề tài về nước Ý. Một người trong bọn ba người bắt đầu than phiền về những quán trọ ở Ý. Người khác phàn nàn về đường xe lửa. Trong lúc bốc đồng đó, cả bọn nhao nhao tranh nhau nói xấu hết tất cả về nước Ý. Người thì bảo anh thà đi du lịch đến xứ Lapland còn hơn là đến Ý. Kẻ khác hùng hổ tuyên bố anh chẳng gặp ai hơn là một bọn lừa đảo và đầu trộm đuôi cướp ở Ý. Người còn lại lớn tiếng kêu ca là những nhân viên nhà nước của Ý hoàn toàn mù chữ, không biết đọc. Họ cao giọng bình phẩm:

- “Đó là một dân tộc ngu dốt !”, người thứ nhất bảo.

- “Một đất nước thật bẩn thỉu tồi tệ !”, kẻ thứ hai chen vào.

- “……..một bọn cứ.... !”, người thứ ba chưa kịp dứt lời chữ “cướp” vì bị ngắt lời bởi một trận mưa tiền cắc đang được ném xối xả vào đầu và vai của cả bọn. Những đồng tiền vàng rơi loảng xoảng đầy trên bàn rồi bắn lên rớt xuống sàn tàu.

Cả bọn ba người đều bật đứng lên giận dữ ngó quanh. Nhưng chưa hết, họ tiếp tục nhận thêm một nắm tiền cắc khác chọi vào mặt họ.

- “Hãy nhận lại tiền của các người !”, cậu bé Ý nghèo khổ của thành Padua đang thò đầu ra khỏi màn ngủ và tiếp tục quát lớn với giọng đầy khinh bỉ: “Tôi không nhận của bố thí từ những người nhục mạ đất nước của tôi”.

Bạn thân mến,

Tôi đã đọc câu chuyện vừa kể trên trong sách Quốc Văn lớp ba ở Sàigòn năm tôi vừa mới lên 8 tuổi. Câu chuyện được trích lại từ trong cuốn truyện “Tâm Hồn Cao Thượng” do cụ Hà Mai Anh dịch ra từ Pháp ngữ, nhưng nguyên bản được viết bằng tiếng Ý. Tôi còn nhớ cuốn Quốc Văn lớp ba đó bao gồm khá nhiều những mẫu chuyện nhỏ khác cũng được chọn lọc trích ra từ cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” mà sau đó một người bạn của ba tôi, cô Dung, đã ưu ái mua tặng cho tôi. Tôi nhớ mình đã say mê đọc hết cuốn sách từ đầu tới cuối chỉ trong vòng vài ba đêm. Trái tim non nớt của một đứa bé lên tám đã xao xuyến rung động khi đọc lại câu chuyện của cậu bé yêu nước người Ý ở thành Padua. Mối thương tâm và lòng quả cảm thật đơn sơ của cậu bé khốn khổ đã để lại những dấu ấn thật tốt đẹp về lòng yêu nước trong tâm hồn rất non trẻ của tôi từ dạo đó. Tương tự như vậy, rất nhiều câu chuyện nhỏ khác trong cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” đã gieo vào hồn tôi những bài học đức dục thật cơ bản mà vô hình chung, những câu chuyện ngắn và đơn sơ đó đã trở thành kim chỉ nam cho một đời người. Cuốn sách đã bị bọn Việt Cộng ngu xuẩn tịch thu trong các đợt “kiểm tra văn hóa đồi trụy” sau năm 1975.

Bao năm nay ở hải ngoại thỉnh thoảng tôi vẫn để mắt tìm kiếm cuốn sách này khi có dịp vào tiệm sách Việt Nam. Nếu kiếm được tôi sẽ không ngần ngại mua ngay làm quà cho các con của tôi. Nhưng tôi đã không kiếm ra.

Tôi lại loay hoay lật tìm trong những cuốn sách dạy tiếng Việt cho các con tôi ở các trường Việt Ngữ, nhưng cũng không kiếm ra dẫu chỉ một chuyện ngắn như câu chuyện của cậu bé yêu nước thành Padua. Hình như những câu chuyện đức dục thật đơn giản và ý nhị đó không được chú trọng tới. Trong các buổi thi “Đố Vui Để Học” tôi nghe các em được hỏi về các thành phần nguyên liệu để làm bánh này bánh kia, và tôi thở dài. Ở trong nước các em bị “nhồi sọ” học những bài thơ đai loại “đêm qua em mơ gặp bác Hồ” và những bài toán cộng xem anh “giải phóng” đã bắn được bao nhiêu “tên giặc lái Mỹ”. Khi các em theo gia đình sang đây trong các chương trình bảo trợ thân nhân hoặc đoàn tụ gia đình, chúng ta gộp chung các em lại với những em khác sinh ra ở hải ngoại và lo sợ chúng sẽ mất gốc, thích ăn hamburger hơn bánh chưng, bánh tét nên cần phải biết các nguyên liệu làm bánh này bánh kia chăng ?

Chúng ta than phiền rằng nền giáo dục và đạo đức trong nước đang suy đồi trầm trọng chỉ mới sau nửa thế kỷ (chưa tới một trăm năm) “trồng người” của Việt Cộng. Thế nhưng chúng ta có để ý gì tới những bài đức dục thật căn bản về tinh thần quốc gia và lòng tự trọng dân tộc của con em chúng ta ở hải ngoại không ?

Tệ hơn nữa, tôi “khám phá” ra rằng ngay cả người lớn và các bậc trưởng thượng cũng đang cần phải được “nhắc” lại câu chuyện “Cậu bé yêu nước thành Padua”. Dường như những năm tháng sống chung với Việt Cộng trong tinh thần “hữu nghị anh em”, “quốc tế cộng sản”, “thế giới đại đồng” và “môi hở răng lạnh” đã làm cho chúng ta “nhụt” đi phần nào tinh thần quốc gia, lòng ái quốc và tự trọng dân tộc, cho nên dẫu bị “răng bập xuống cắn dập nát môi” (như Trung Cộng đã đối xử với Việt Cộng) chúng ta vẫn không nhận ra được những hành động cần phải làm, dù đơn sơ và thẳng thắn như hành động quăng trả lại tiền vào mặt kẻ đã sĩ nhục dân tộc mình như cậu bé nghèo khổ thành Padua đã làm ?

Tôi nói thế vì trong cuộc sống hằng ngày tôi vẫn bắt gặp những mẫu chuyện đại loại như:

- Sao không mua vé China Airlines cho nó rẻ ?

- Ăn “dim sum” ở cái nhà hàng Tàu đó ngon lắm !

- Chị mới đi du lịch Trung Quốc về. Ăn uống và đồ mua bên đó rẻ lắm !

Một cụ còn “tỏ lòng ước ao” được đi thăm “Vạn Lý Trường Thành” trước khi chết, cứ như thể cụ không thể nhắm mắt an nghĩ và linh hồn cụ sẽ không được siêu thoát nếu như cụ không đến được Vạn Lý Trường Thành cho “thỏa chí tang bồng”. Hoàng Sa, Trường Sa ư ? Xa xôi quá, hai cái quần đảo nhỏ xíu đó có gì mà phải nghĩ tới ? Ải Nam Quan ư ? Cũng xa quá, đó chỉ là một địa danh thỉnh thoảng đọc thấy trong sử & địa lý Việt Nam, có gì là đặc biệt đâu ? Bauxite Việt Nam ư ? Ừ thì có vào tay Trung Cộng hay ở lại với Việt Cộng cũng đâu có khác bao nhiêu ? Đằng nào thì cũng đã mất rồi ! Suy nghĩ thật an nhiên và tự tại …

Mới đây một chị bạn kể lại cho tôi nghe chuyện chị đi tham dự biểu tình chống Trung Cộng. Ban tổ chức phát cờ vàng của VNCH cho tất cả mọi người tham dự. Ai cũng hăng hái phất cờ vàng trong lúc biểu tình. Lúc về nhà chị mới khám phá ra là trên cán cờ có khắc hàng chữ “Made in China” làm chị tức lộn ruột ! Ban tổ chức vô tình không để ý đến khía cạnh tế nhị này, hay vì tài chánh eo hẹp nên phải bấm bụng “ủng hộ” kinh tế cho China một chút ?

Đã từ lâu, tôi có thói quen khi đi mua sắm là nhìn cho rõ trên nhãn hiệu xem có “Made in China” không. Nếu có, tôi sẽ không ngần ngại bỏ ngay không chọn. Tôi thà mua đồ “Made in Thailand” hay “Made in Phillippines” (dĩ nhiên tốt nhất vẫn là “Made in USA” nhưng thực tế cho thấy điều này không dễ kiếm). Tôi xem đó là một hành động rất bình thường và đơn giản mà tôi đã bắt chước cậu bé yêu nước thành Padua. Tôi nhớ có lần tôi đã đi dọc suốt hàng bún khô trong siêu thị Việt Nam, cầm hết hiệu này đến hiệu kia mà hiệu nào cũng “Made in China” cả. Hôm đó gia đình tôi ăn bánh mì với cà-ri gà, thay vì ăn bún gà cà-ri. Vẫn ngon chán ! Tôi định bụng sẽ viết thơ than phiền với ban giám đốc siêu thị về điều này. Cũng may về sau tôi tìm được một siêu thị khác có bán bún khô “Made in Thailand” và “Made in Vietnam”, nên tôi chưa phải thực hiện ý định viết lá thư đó.

Nghĩ lại tôi thấy mình chỉ “bắt chước” được một chút thôi chứ vẫn còn thua cậu bé khốn khổ thành Padua xa lắc xa lơ. Vì sao? Cậu bé can đảm ấy đã quẳng trả lại cả một gia tài có khả năng làm thay đổi cuộc đời mình. Còn tôi, khi tôi không chọn đồ “Made in China”, không đi China Airlines hoặc không đi du lịch China thì cũng chỉ là một sự giảm đi tiện nghi trong cái xứ sở thừa mứa vật chất này. Ngoài China Airlines, có bao nhiêu hãng hàng không khác cho tôi lựa chọn ? Có thiếu gì kỳ quan trên thế giới tôi có thể nhìn thấy ? Không đi Vạn Lý Trường Thành thì đi xem Kim Tự Tháp Ai Cập. Không ăn bún thì ăn phở, ăn bánh mì. Đó là chưa kể không thiếu gì các món ăn ngon khác. Nếu có phải không ăn bún cả phần đời còn lại thì cũng chỉ là một sự chia sẻ nhỏ nhoi so với nỗi thống khổ của những gia đình ngư phủ bị Trung Cộng giết hại ngay trong lãnh hải Việt Nam. Đó là chia sẻ nỗi đau thương của dân tộc.

Tại sao chúng ta lại dùng đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt của chính mình để đi làm giàu cho kẻ đã nhục mạ quê hương, dân tộc mình qua những hành vi xâm lược và đánh giết người trắng trợn ? Tại sao chúng ta không biết “quăng” vào mặt họ một bài học đanh thép như cậu bé thành Padua đã làm đối với những kẻ đã sĩ nhục đất nước cậu ?

“Của Ceasar. Hãy trả lại cho Ceasar”. Chúng ta hãy quăng trả lại cho China tất cả những hàng hóa và dịch vụ “Made in China” cũng giống như cậu bé thành Padua đã kiêu hãnh quăng trả lại những đồng tiền của kẻ đã nhục mạ quê hương cậu. Và ngược lại, chúng ta đòi China hãy trả lại cho Việt Nam những gì thuộc về Việt Nam !

Rất có thể gã khổng lồ Trung Cộng chẳng bị thiệt hại kinh tế là bao nhiêu (cũng như ba ông khách kia chẳng bị thiệt hại là bao trong câu chuyện Cậu Bé Yêu Nước thành Padua). Nhưng đó vẫn là một điều quan trọng cần phải làm để cho họ biết là chúng ta có sĩ diện, có tinh thần quốc gia và lòng tự trọng của một dân tộc, chứ không phải là một bọn “man” (di) như tổ tiên của họ đã gán ghép gọi dân tộc Việt Nam, lại càng không phải là thứ “đồng chí, đồng rận” trong cái gọi là “tình hữu nghị” năm sáu chữ vàng gì đó mà bọn nịnh thần Việt Cộng bán nước vẫn trơ tráo tâng bốc kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta. Bạn đồng ý với tôi chứ ?

Nếu thế thì phải tập “bắt chước” cậu bé thành Padua ngay từ ngày hôm nay, bạn nhé ! Hy vọng bạn sẽ không quên mang câu chuyện “Cậu bé yêu nước thành Padua” kể lại cho con cháu cùng nghe. Mong rằng các thày cô trong các lớp Việt Ngữ cũng sẽ không quên kể lại cho học trò mình. Dẫu muộn còn hơn không bao giờ !

T.B. Vì không tìm được cuốn sách “Tâm Hồn Cao Thượng” của dịch giả Hà Mai Anh, tôi đã mạn phép dịch lại câu chuyện “Cậu bé yêu nước thành Padua” từ bản tiếng Anh sang tiếng Việt. Nếu bản dịch của tôi không được hay và hoàn hảo như bản dịch của cụ Hà Mai Anh, xin vui lòng lượng thứ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều Vương Trên Ghế Vắng
Lm. Vũ Đình Huyến
22:25 22/07/2010

CHIỀU VƯƠNG TRÊN GHẾ VẮNG



Ảnh của Lm. Vũ Đình Huyến, CMC.

Chiều về nắng tắt bên sông

Xa nghe bìm bịp não nùng khóc than

Sương giăng lãng đãng cuối làng

Trời xa con nhạn lẻ đàn bơ vơ.

(Trích thơ của Bảo Cường)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền