Ngày 21-07-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lòng kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa
Lm Đan Vinh
01:26 21/07/2017
Chúa Nhật 16 Thường niên A
Kn 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43

Lòng kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 13,24-43.

(24) Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình”. (25) Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. (26) Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. (27) Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ? (28) Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó !” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?” (29) Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. (30) Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. (31) Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. (32) Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống. Nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất: Nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được”. (33) Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”. (34) Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn nói với đám đông, và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, (35) hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: “Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa”. (36) bấy giờ Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. (37) Người đáp: “kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. (38) Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái ác thần. (39) Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. (40) vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. (41) Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu, và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người. (42) Rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (43) Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay về ba dụ ngôn diễn tả lòng kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa trong việc ban ơn cứu độ loài người như sau: Dụ Ngôn Cỏ Lùng (24-30), cho thấy trong Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập vẫn có kẻ xấu xen lẫn với người tốt. Thiên Chúa không phạt kẻ xấu ngay mà luôn chờ họ hồi tâm sám hối (x. 2 Pr 3, 15). Qua dụ ngôn Hạt Cải và Men trong thúng bột (31-33), Đức Giê-su cho biết về sức tăng trưởng của Nước Trời ban ơn cứu độ cả về số lượng và phẩm chất: Nước Trời do Đức Giê-su tập là Hội Thánh ban đầu chỉ như hạt cải nhỏ bé, nhưng về sau sẽ phát triển thành cây rau to lớn. Về phẩm chất: những ai gia nhập Nước Trời có sứ mệnh như nắm men nhỏ bé hòa trong ba đấu bột xã hội, để làm cho xã hội dậy lên men tình yêu.

3. CHÚ THÍCH:

- C 24-25: + Nước Trời ví như chuyện: Ở đây không cố ý so sánh Nước Trời với người gieo giống. Nhưng muốn mượn công việc gieo giống của người nông dân, để diễn tả ý nghĩa của mầu nhiệm Nước Trời. Nước Trời hiện tại đang có kẻ lành người dữ sống chung, nhưng đến ngày tận thế, Đức Giê-su Thẩm Phán sẽ phân định rõ ràng chiên với dê, lành với dữ. + Người kia gieo giống tốt trong ruộng mình: Những gì Thiên Chúa thực hiện đều tốt đẹp, như tác giả sách Sáng Thế viết như sau: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (x. St 1, 10.12.18.21.25.31).+ Khi mọi người đang ngủ: Ngủ là lúc người ta dễ mất cảnh giác, và kẻ thù là ma quỷ sẽ thừa cơ lợi dụng để gieo cỏ lùng vào giữa lúa tốt. Cỏ lùng là thứ cỏ dại, rất dễ mọc lên và rễ của nó có thể làm hại cây lúa. Ma quỷ xảo quyệt chuyên đi cám dỗ loài người. Chúng gieo vào đầu người ta những tư tưởng hoài nghi và xúi giục họ không vâng phục Thiên Chúa, như xưa chúng đã cám dỗ nguyên tổ A-đam Eva phạm tội tổ tông (x. St 3, 1-7). + Rồi đi mất: ma quỷ có đặc tính vô hình và luôn khôn ngoan làm việc âm thầm không để lại dấu vết, khiến người ta khó lòng nhận biết sự hiện diện của chúng để đề phòng.
- C 26-28: + Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện: Người tốt kẻ xấu luôn sống đan xen vào nhau, nên rất khó phân biệt ai tốt ai xấu. + Đầy tớ: ám chỉ những người rao giảng Tin Mừng. + Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?: Đầy tớ phát hiện ra có cỏ lùng xen lẫn với lúa tốt, nên thắc mắc với ông chủ nguyên nhân xuất hiện cỏ lùng, đang khi ông chỉ cho thợ gieo toàn lúa tốt trong ruộng ? + “Kẻ thù đã làm đó”: Ma quỷ chính là kẻ đang gieo rắc sự hận thù ganh ghét trong lòng người ta. + “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?”: một số người công chính muốn tiêu diệt kẻ ác ngay. Nhưng điều này trái với tình thương bao dung của Thiên Chúa.
- C 29-30: + Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa: Ông chủ là Thiên Chúa luôn kiên nhẫn, muốn dành cho kẻ dữ có thời gian hồi tâm sám hối (x. Lc 13,8-9). Thực tế cũng có nhiều kẻ tuy nhất thời làm điều ác, nhưng bản chất vốn lương thiện, nên hy vọng sau này họ sẽ sám hối trở về với Chúa, giống như đứa con hoang đàng trở về nhà cha (x. Lc15,17-20). Thiên Chúa luôn giàu lòng thương xót không muốn cho kẻ dữ phải chết. Nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sông. + Mùa gặt: Trong Thánh Kinh, mùa gặt là hình ảnh diễn tả về ngày cánh chung hay tận thế, lúc Thiên Chúa cho thu gom lúa tốt và loại bỏ đi rơm rạ (x. Is 17,5 ; Kh 14,14-20). Ngoài ra, câu này còn cho thấy Chúa để người tốt sống chung với kẻ xấu là để thử thách lòng tin của họ. + Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi: Sở dĩ ông chủ là Thiên Chúa muốn đợi đến ngày tận thế mới phân lọai người lành với kẻ dữ là để cho kẻ dữ có thêm thời gian ăn năn sám hối.
- C 31-32: + Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải: Hạt cải là một thứ hạt được dùng làm đồ gia vị (moutarde). + loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống: Người Do thái thường hay ví: “nhỏ như hạt cải”. Hạt cải tuy nhỏ, nhưng lại có sức sống dồi dào, và sẽ trở thành cây rau cải to lớn, đến nỗi chim trời có thể bay đến làm tổ trên cành của nó. Dụ ngôn này nhằm nói lên sự tương phản giữa hai tình trạng của Nước Trời: Lúc khởi đầu nhỏ bé ít người, nhưng khi kết thúc sẽ trở nên to lớn đông đảo. + Chim trời tới làm tổ trên cành được: Cựu Ước thường dùng hình ảnh một cây to lớn có chim trời đến đậu, để chỉ một vương quốc hùng mạnh, có khả năng che chở thần dân của mình (x. Ed 31, 5-7; Đn 4,18). Hình ảnh này ám chỉ Hội Thánh như một cây to lớn, có khả năng thu nhận chim trời là dân ngoại, đến xin gia nhập.
- C 33: + Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men: Men là một chất bột phụ gia, có sức biến đổi cả khối bột pha trộn với nó. + Ba đấu bột: là một khối lượng khá lớn khoảng trên 39 lít, nghĩa là khoảng 60-70 kí-lô. Con số ba thúng bột này có lẽ lấy từ câu chuyện của tổ phụ Áp-ra-ham đã dùng ba thùng tinh bột làm bánh để đãi Đức Chúa, khi Người hiện ra với ông tại cụm sồi Mam-rê (x. St 18,6). + cho đến khi tất cả bột dậy men: Dụ ngôn này không so sánh Nước Trời với “Men”, nhưng muốn đề cao sức mạnh thánh hóa của Nước Trời như men: tuy chỉ là số người ít oi như một nắm men, nhưng lại có sức biến đổi cả nhân loại có số lượng vô cùng lớn lao. Tin Mừng được rao giảng đến đâu thì sẽ có sức cảm hóa, biến người ta từ gian ác nên hiền hòa, từ tội lỗi nên thánh thiện. Ngoài ra, ý nghĩa này cũng gián tiếp đề cập đến Bữa Tiệc Cánh Chung vào ngày tận thế do Đức Chúa khoản đãi (x. Is 25, 6-8).
- C 34-35: + Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn: Thực ra nhiều lần Đức Giê-su đã giảng mà không dùng dụ ngôn. Do đó câu này chỉ nhắm đề cập đến các bài giảng về mầu nhiệm Nước Trời mà thôi. Vì Đức Giê-su muốn tránh cho người nghe khỏi hiểu lầm về Nước Trời do Người thiết lập khác với một đất nước mang tính thế tục theo kiểu Thiên Sai chủ nghĩa. + Hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Thực ra đây là lời Thánh vịnh do A-saph viết. Sở dĩ Tin Mừng Mát-thêu gọi lời trích dẫn trên là lời ngôn sứ, có lẽ vì ông coi A-saph là ngôn sứ. Thánh vịnh cũng là Lời Chúa và có giá trị ngang hàng với lời sấm của các ngôn sứ.
- C 36-43: + Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe: Về ý nghĩa của dụ ngôn Cỏ Lùng đã được Đức Giê-su giải thich chi tiết trong đoạn Tin Mừng. Ở đây, chỉ xin nêu ra mấy điều cần biết như sau: + Con cái Nước Trời… con cái ác thần: Cách phân chia nhân loại thành hai loại người đối lập nhau rất thông dụng trong Do Thái giáo. Người ta thường đọc thấy lời phân chia đó trong các văn bản được khai quật ở Cum-ran (Qumrân). chỉ khác một điều là: đối với Cum-ran thì mọi người lành đều ở trong giáo phái của họ, phân biệt với những kẻ gian ác ở ngoài giáo phái này. Còn trong Tin Mừng hôm nay, cả kẻ lành và người dữ đều sống lẫn lộn bên nhau và các môn đệ không được tách riêng họ ra trước thời hạn. + Như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào…: Trong dụ ngôn Cỏ Lùng (24-30), Đức Giê-su nhấn mạnh đến sự sống chung hiện tại giữa người lành và kẻ dữ, còn trong phần giải nghĩa dụ ngôn (36-43) Đức Giê-su lại nói nhiều đến ngày phán xét và sự thưởng phạt, nghĩa là nói đến tương lai. Có lẽ Mát-thêu khai triển thêm điều này để nhắn nhủ các tín hữu thời đó đừng thỏa mãn khi được gia nhập Hội Thánh. Nhưng điều quan trọng là phải sống thế nào để khỏi sa hỏa ngục trong ngày phán xét. + Rồi quăng chúng vào lò lửa: Sách Đa-ni-en cho thấy một sự trừng phạt bằng cách ném kẻ bị phạt vào đống lửa đang cháy phừng phực (x. Đn 3,5-6). Đức Giê-su cũng dùng hình ảnh “lò lửa”, như là nơi các kẻ gian ác sẽ bị trừng trị. + Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng: Đây là hình ảnh sự đau đớn do hình phạt thể xác khi còn sống, để diễn tả hình phạt thiêng liêng trong hỏa ngục đời sau. Kiểu nói “Bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” được sử dụng nhiều lần trong Tin Mừng Mát-thêu (x. Mt 8,12; 22,13; 24,51; 25,30). “khóc lóc nghiến răng” ám chỉ tình trạng những người bị giam trong hỏa ngục. Họ sẽ chịu đau khổ, thể hiện qua sự khóc lóc, và lòng thù hận Thiên Chúa thể hiện qua sự nghiến răng. + Người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của cha họ: Kiểu so sánh này nhiều lần được dùng trong Thánh kinh. Chẳng hạn: “Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ. Những ai làm cho người ta nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (1 Cr 15,42-44).

4. CÂU HỎI:

1) Ba dụ ngôn trình bày về Nước Trời trong Tin Mừng hôm nay là gì ?
2) Tại sao trong Hội Thánh vẫn có hai hạng người xấu kẻ tốt sống lẫn lộn ?
3)Vai trò của ma quỷ thế nào ?
4) Tại sao Chúa không tiêu diệt kẻ xấu ngay khi phạm tội và khi nào họ mới bị phạt ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy thu gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi. Còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30).

2. CÂU CHUYỆN:

1) RƯỢU LÀM MẤT LÝ TRÍ VÀ DỄ PHẠM TỘI:

Con người hơn mọi tạo vật khác biết phân biệt điều thiện điều ác, biết chọn lựa điều nên làm hay nên tránh, nên chỉ con người mới phải nhận trách nhiệm về các hành vi của mình. Câu chuyện ngụ ngôn sau đây cho thấy lý do khiến con người dễ sa ngã phạm tội như sau:
Một hôm Satan muốn cám dỗ một người kia vốn bản tính tốt phạm tội. Nó đã hiện hình thành người và lệnh cho anh ta phải làm một trong ba điều, nếu không làm sẽ bị chết: Một là anh ta phải giết bố đẻ, hai là đánh đập em trai và ba là uống rượu. Bấy giờ anh ta liền suy nghĩ: giết bố và đánh đập em trai là điều trái với đạo lý nên anh không thể làm được. Riêng việc uống rượu theo anh nghĩ vô hại, nên anh đã bằng lòng uống rượu.
Lúc đầu khi mới uống vài ba chén, thì anh cảm thấy tâm trí lâng lâng sảng khoái và tỉnh táo biết phân biệt phải quấy lợi hại. Nhưng khi uống tới chén thứ sáu thì anh bị say túy lúy, tâm trí bất định và không làm chủ được bản thân. Cha anh đến khuyên bảo thì anh nổi nóng và nói hỗn với cha. Rồi khi anh bị cha cho một bạt tai thì anh tức giận cầm dao đâm chết cha. Đứa em trai mở miệng can ngăn cũng bị anh đánh đập tàn nhẫn. Anh còn đập phá đồ đạc và miệng luôn la hét như người điên và nằm ra giường ngủ. Thế là từ việc ban đầu chỉ uống vài ly rượu xem ra vô hại, nhưng sau đó đã dẫn đến chỗ say sỉn không làm chủ được bản thân nên đã liên tiếp phạm hai trọng tội là đánh đập em tàn nhẫn và ra tay giết chết cha, đúng ý đồ của ma quỷ cám dỗ.

2) TÌNH THƯƠNG BAO DUNG ĐÃ BIẾN HÓA TỘI NHÂN THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT:

“Con đường đau khổ” là tựa đề một tác phẩm nổi tiếng của văn hào Vích-to Huy-gô (Victor Hugo), tường thuật câu chuyện về cuộc đời của Văn Giang (Han Valjean), một tên cướp của giết người đã từng bị ở tù 19 năm.
Khi vừa được thả ra khỏi nhà tù, Văn Giang đã phải nếm mùi bị mọi người khinh dể xa lánh: Bước vào tiệm ăn, anh liền bị chủ tiệm xua đuổi; Vào trong nhà trọ thì người gác cửa đóng sập cửa ngay trước mặt; Đi qua ổ chó, thấy bộ dạng nhếch nhác râu ria của anh, chúng liền thi nhau sủa inh ỏi... Chỉ khi bước vào nhà Đức Giám Mục My-ri-ê, anh mới được ngài tiếp đãi nồng hậu như một con người: Anh được ăn một bữa tối thật ngon, được nằm trên một chiếc giường êm ấm. Nhưng rồi đêm hôm ấy, nhìn thấy các chân đèn bằng bạc quí giá, anh không cưỡng nổi lòng tham, nhẹ nhàng lấy năm cái chân đèn cho vào bao rồi chuồn mất. Khi cảnh sát nhìn thấy bộ dạng khả nghi của anh, liền xét hỏi và khi mở chiếc túi vải anh đang vác trên vai, họ thấy mấy cái chân đèn bằng bạc nghi là của tòa giám mục. Anh liền bị giải đến trước mặt vị giám mục để làm rõ. Nhưng khi đối chất, Đức Giám Mục không những không kết tội Văn Giang, mà còn nhận là đã tặng cho anh ta mấy cái chân đèn bằng bạc kia. Hơn nữa, ngài còn tặng thêm cho anh hai chân đèn nữa cho đủ bộ và nói nhỏ vào tai anh: "Ta không kết tội con đâu, nhưng con phải sám hối để làm lại cuộc đời". Sau khi được thả, anh luôn suy nghĩ về những lời nhắn nhủ của vị giám mục và xúc động trước tình thương bao dung của ngài. Anh quyết tâm sám hối và sau đó đã trở thành một người lương thiện, luôn quên mình để nghĩ đến người khác.
Nhiều năm sau, Văn Giang đã chinh phục được tình cảm của mọi người trong thành phố và còn được dân chúng tín nhiệm bầu làm thị trưởng của thành phố. Sở dĩ Văn Giang từ một tên tội phạm trở thành một người lương thiện và được mọi người kính nể là do cảm nghiệm được tình thương bao dung của vị giám mục My-ri-ê.

3) SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA TÌNH THƯƠNG BAO DUNG :

Một buổi sáng nọ, khi vừa thức dậy, một số tu sinh phát hiện đã bị mất cắp một vài vật dụng cá nhân. Họ bàn nhau rình rập và đã bắt được quả tang một chú tu sinh mới đến đang ăn cắp đồ của họ. Họ liền bắt giữ và giải lên cho thầy bề trên. Nhưng khi nghe xong, thầy bề trên không nói lời nào mà tha cho chú tu sinh kia trở về phòng.
Ít lâu sau đó, chú tu sinh lại bị phát giác đang ăn trộm lần thứ hai, và lại bị các tu sinh dẫn đến với thầy bề trên. Lần này cũng như lần trước, thầy bề trên vẫn không nói năng gì, chỉ ra hiệu cho chú phạm lỗi trở về phòng. Mọi người chứng kiến đều cảm thấy bực bội về cách xử lý quá rộng lượng của thầy bề trên.
Đến lần thứ ba, chú tu sinh có tật ăn cắp vặt kia lại tái phạm. Tất cả các tu sinh đều tập trung lại nhà hội. Họ yêu cầu thầy bề trên trừng phạt thích đáng kẻ phạm lỗi và đưa ra yêu cầu như sau:
- Thưa thầy, xin thầy chọn một trong hai: hoặc là anh tu sinh phạm lỗi này, hoặc là tất cả chúng con. Nếu thầy không đuổi anh tu sinh này thì tất cả chúng con xin rời bỏ tu viện này !
Sau một lát im lặng, thầy bề trên đã điềm đạm trả lời:
- Thầy thấy mọi người chúng con đều đã là người tốt. Nhưng riêng chú bé này thì chưa tốt như chúng con. Thầy muốn chú ấy ở lại đây tu luyện thêm một thời gian. Còn tất cả các con đều đã là người tốt nên không cần ở lại đây lâu hơn. Bây giờ các con hãy về phòng dọn đồ ra khỏi tu viện được rồi đó !
Mọi người đều chưng hửng, cúi đầu nhận lỗi. Họ lặng lẽ trở về phòng mình và không ai dám nói thêm điều gì nữa. Riêng chú tu sinh phạm lỗi kia vẫn quì lại, đôi giòng lệ sám hối lăn dài trên gò má. Từ đó trở đi cậu ta thành tâm sửa đổi thói hư và đã trở thành một tu sinh tốt.

4) LỜI NÓI VIỆC LÀM CỦA CHA MẸ LUÔN CÓ ẢNH HƯỞNG LỚN ĐỐI VỚI CON CÁI:

Một bé trai 5 tuổi được mẹ dẫn đến thăm ông nội vào dịp cuối tuần. Ông nội thấy cháu chơi giỡn với mấy đứa bạn rất hăng say, nhưng hễ mở miệng ra là văng tục. Ông nội liền gọi cháu cưng lại và trách: “Cháu học kiểu ăn nói tục tĩu của ai vậy? Từ nay trở đi ông cấm cháu không được chơi với những đứa nào ăn nói tục tĩu như thế nghe chưa.”
Đứa cháu liền hỏi: “Nếu thế thì chẳng lẽ từ nay cháu phải nghỉ chơi với bố cháu hay sao?”
Thì ra nó học được kiểu ăn nói văng tục ra là từ chính ông bố của nó.
Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài để gieo vào gia đình, cộng đoàn, và những người chung quanh những hạt giống tốt là lời nói và hành động tốt lành yêu thương. Có thể những lời nói việc làm của chúng ta bé nhỏ như hạt cải, nhưng nó lại phát sinh hiệu quả rất lớn. Điều cần là chúng ta phải gieo những hạt giống tốt là lời nói yêu thương chân thật, trung tín và quảng đại thứ tha… Chắc chắn những hạt giống ấy sẽ mang lại hoa trái tốt đẹp cho con em chúng ta.

3. SUY NIỆM:

Trong cuộc sống, chúng ta thắc mắc hoặc được nghe những lời chất vấn của nhiều người chung quanh như: “Tại sao Thiên Chúa lại để cho kẻ dữ tồn tại và sống lẫn lộn với người lành?”; hay : “Tại sao kẻ ác lại gặp được may mắn, còn người tốt lại gặp tai nạn bệnh tật và thất bại?”. Vậy trước thực trạng đó, chúng ta cần có thái độ thế nào? Chúng ta có nên tiêu diệt và xua trừ kẻ dữ ra khỏi Hội Thánh để làm trong sạch Hội Thánh không?”.
Hôm nay, Đức Giê-su đã cho chúng ta câu trả lời cho những vấn nạn nói trên qua ba dụ ngôn về Nước Trời là Cỏ lùng, Hạt cải và Men trong thúng bột.

1) SỰ DỮ VẪN TỒN TẠI VÀ KHÔNG NGỪNG GIA TĂNG :

Gần đây bên Hoa Kỳ, một học sinh 15 tuổi đã mang súng tiểu liên cưa nòng vào nhà trường, nhắm bắn bừa bãi vào các thầy cô và các bạn học làm chết và bị thương nhiều người. Ở sở thú ĐI-TROI (Detroit) người ta phải thuê thêm 4 nhân viên để bảo vệ các thú vật khỏi bị các khách tham quan quậy phá. Một con Kan-gu-ru Úc còn nhỏ lạc mất mẹ, đã bị đám con nít trêu chọc và ném đá đến chết. Tại hồ nuôi cá sấu, nhiều người lớn đã ném những mẩu điếu xì gà còn cháy dở vào những chú cá sấu đang nằm tắm nắng và thích thú reo lên khi thấy tro lửa làm phỏng da khiến loài bò sát này phải quằn quại đau đớn. Tại nhiều gia đình, có những em nhỏ khi thấy con chó hay con mèo đang nằm ngủ trên sàn, đã đá mạnh vào bụng, khiến chúng kêu rú lên và các em cười lên khóai trá... Những điều điên rồ đáng kinh tởm đó khiến chúng ta phải tự hỏi: Tại sao sự gian ác vẫn tồn tại trong xã hội và trên thế giới ? Phải làm gì để biến đổi sự gian ác thành lương thiện ? Qua ba dụ ngôn Nước Trời trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã trả lời cho biết nguyên nhân sự dữ và biện pháp khắc phục như sau :

2) NGUYÊN NHÂN PHÁT SINH SỰ DỮ :

Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ nhưng đã lớn lên thành Hội Thánh to lớn khắp hoàn cầu gồm nhiều dân tộc trên thế giới, thấm nhập tính nhân văn công bình nhân ái, bình đẳng vào nền văn minh của nhân loại…
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực đó, vẫn còn những tiêu cực là tội lỗi nơi các cá nhân và tập thể Ki-tô giáo khiến nhiều người phê phán. Trong dụ ngôn Cỏ Lùng, các đầy tớ cũng thắc mắc với ông chủ như sau : “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ? » Ông chủ đáp: “Kẻ thù đã làm đó !”.
Qua câu trả lời của ông chủ trong dụ ngôn, Đức Giê-su đã cho biết : Chính ma quỷ đã kết hiệp với thế gian và sự cộng tác của tính xác thịt nơi con người đã làm cho nhiều người trở nên hư hỏng. Ma quỷ và các người xấu đã gieo sự gian ác xấu xa vào lòng con người, khiến họ phạm tội, trở thành tay sai của chúng chống lại với Thiên Chúa. Vậy chúng ta cần làm gì để chống trả?

3) MỘT SỐ BIỆN PHÁP DÙNG ĐỂ KHẮC PHỤC SỰ DỮ:

- Cần tránh sử dụng bạo lực tru diệt kẻ xấu ngay như đề nghị của các đầy tớ : ”Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ“(Mt 13, 27). Ông chủ ám chỉ Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót không muốn cho kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống nên đã trả lời : ”Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng ».
- Đối diện với kẻ ác, thái độ của các môn đệ Chúa Giê-su là phải chấp nhận sống chung với kẻ xấu như lời ông chủ trong dụ ngôn : « Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta” (Mt 13, 29-30).
Như vậy, các tín hữu chúng ta cần phải gieo trong lòng chúng ta và môi trường chung quanh chúng ta nhiều hạt giống tốt và thực hiện từng bước để gìn giữ các hạt giống tốt cho đến mùa thu hoạch như cầu nguyện, tĩnh tâm, làm việc lành phúc đức, giúp đỡ tha nhân…
Tiếp đến là phải hành động với sự khôn ngoan, thận trọng khi đối đầu với sự ác, đồng thời cầu xin Chúa Thánh Thần giúp sức vì: “Thánh Thần sẽ nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta” (Rm 8, 26).
Cần chinh phục cái ác bằng việc làm tốt, như thánh Tông đồ Phaolô dạy: “Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ” (Rm 12, 21).

4) CỤ THỂ CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ?

+ Trước hết phải ghét bỏ ma quỷ và mọi điều gian ác, nhưng lại phải thương yêu các tội nhân và giúp những ai sa ngã phạm tội quay trở về với Chúa.
+ Cần tỏ lòng khoan dung với tội nhân và kiên nhẫn chịu đựng họ noi gương Thiên Chúa, hy vọng nhờ đó, họ sẽ có ngày hồi tâm sám hối. Nhưng nếu kẻ ác lợi dụng sự khoan dung để ngày càng dấn sâu hơn trong vệc làm hại bản thân hay người khác, thì ta phải dùng thêm các biện pháp hữu hiệu để khắc phục.
+ Cộng đoàn và gia đình cũng là “thửa ruộng” có “lúa tốt xen lẫn cỏ lùng”, có người tốt sống chung với kẻ xấu. Khi người cha không lo làm việc mà tối ngày ăn nhậu say sưa, lại thường văng tục chửi thề… là ông ta đang trở thành tay sai của ma quỷ để gieo cỏ lùng làm hại con mình.
Khi người mẹ ham mê bài bạc, lười biếng làm việc nhà, không quan tâm đến việc giáo dục con cái… là bà đang trở thành tay sai của ma quỷ để gieo cỏ lùng làm hư con cái. Khi những người lớn trong gia đình làm ăn buôn bán gian dối, sản xuất ra các thực phẩm độc hại… nhằm thu lợi bất chính là họ đang làm tay sai cho ma quỷ để làm hại bản thân gia đình và xã hội mình đang sống.
+ Mỗi người hãy năng cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi được sớm hồi tâm, và xin Chúa ban ơn soi sáng giúp đỡ họ mau trở về. Vì: “Lời cầu nguyện có sức mạnh đem lại nhiều sự tốt lành hơn cả những điều người ta dám mơ ước”.
+ Mỗi ngày chúng ta hãy quyết tâm làm một việc cụ thể để chống lại ma quỷ và sự ác như: giúp một người mù chữ biết đọc biết viết, gia nhập một Hội đoàn Tông đồ Giáo dân hay hội Chữ thập đỏ để đi làm công tác xã hội, phục vụ bệnh nhân phong, bệnh nhân bị nhiễm HIV-AIDS, hay những người khuyết tật, trẻ mồ côi, những cụ già cô đơn không nơi nương tựa... Mỗi ngày quyết tâm làm một việc tốt giúp ích cho một người, như nhặt giúp một vật bị rơi, dắt một cụ già sang qua đường, giúp một người tàn tật có bữa cơm ăn…

4. THẢO LUẬN:

1)Trong những việc làm kể trên thì việc nào bạn thấy hợp với khả năng của bạn và quyết tâm làm trong thời gian sắp tới ?
2) Bạn thích lời nào trong các lời nguyện tắt được ghi trong Tin Mừng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”, “Lạy Chúa, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết”, “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì “ ?… Tại sao bạn thích lời cầu nguyện ấy ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin biến đổi con trở nên một người tốt và nên con hiếu thảo của Chúa Cha noi gương Chúa xưa. Xin hãy biến đổi đôi mắt con khi thấy lỗi lầm của anh em giống như cái nhìn từ bi bao dung của Chúa đối với Tông đồ Phê-rô sau khi ông phạm tội. Xin hãy biến đổi tai con để sẵn sàng lắng nghe những lời kêu cứu của anh em như Chúa đã nghe thấu lời người mù kêu xin và đã chữa cho anh ta được sáng mắt. Xin biến đổi lòng trí con để con nhận ra thánh ý Chúa Cha như xưa Chúa đã cầu nguyện vâng theo ý Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu. Xin biến đổi tình cảm của con để con mỗi ngày một thêm lòng mến Chúa yêu người. Mỗi lần rước Chúa vào lòng trong Thánh lễ, xin hãy thánh hóa môi miệng con, biến đổi tâm tư tình cảm và toàn thể con người con, để con trở thành người mang Chúa là tình yêu thương đến chia sẻ cho mọi người.
- LẠY CHÚA. Thế giới hôm nay không cần những Ki-tô hữu buồn chán thất vọng. Xin Chúa hãy biến đổi khuôn mặt của con nên ngời sáng giống như tổ phụ Mô-sê sau khi được gặp Đức Chúa trên núi. Xin giúp nụ cười của con luôn rạng ngời nét hồn nhiên vui vẻ và hiền hòa của Chúa. Xin cho lời nói của con luôn chân thật, khiêm nhu và dịu dàng dễ thương, nhất là những khi con giúp anh em con sửa lỗi. Ước chi người đời khi thấy con là thấy Chúa đang hiện diện trong con. Ước chi con luôn can đảm vác thập giá đời con và bước theo chân Chúa. Vì con biết rằng khi con cùng chết với Chúa, con cũng sẽ cùng được sống lại với Chúa sau này.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.


 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:43 21/07/2017
81. NGƯỜI NƯỚC TRỊNH HỌC NGHỀ
Có một người nước Trịnh muốn học một nghề gì đó cho chắc, bèn đi học làm ô dù, ba năm sau tài nghệ đã học thành, sư phụ tặng cho anh ta một bộ đồ nghề làm ô dù để anh ta tự mình tìm kế mưu sinh. Nhưng gặp lúc trời đại hạn, ngay cả người hỏi giá ô dù cũng không có, người nước Trịnh xuống khí thế, tinh thần không vui, bèn đem tất cả đồ nghề vứt đi.
Về sau, anh ta nhìn thấy nghề bán xe đạp nước rất thịnh vượng, bèn đổi hướng đi học nghề làm xe đạp nước, ba năm học đã thành tài, nhưng ai mà biết được, tự nhiên trời âm u và mưa liên tục, nước sông dâng cao, không ai dùng xe đạp nước. Thế là anh ta lại bắt đầu làm lại các công cụ may ô dù, nhưng khi anh ta chuẩn bị xong các công cụ thì trời lại trong xanh.
Không lâu sau đó, nước Trịnh có nạn trộm cắp hoành hành náo loạn, nhà nhà đều chuẩn bị vũ khí để đề phòng trộm cướp, người nước Trịnh này lại muốn đi học nghề thợ rèn, nhưng tuổi tác đã cao và ông ta không còn vung nổi tay búa nữa, chỉ có nước ngồi mà thở dài thườn thượt.
(Úc Ly tử)

Suy tư 81:
Có những người đi tu nhưng không chịu đựng được đời sống tu trì, nên đã “nhảy” qua rất nhiều dòng tu và tu hội, từ dòng nhiệm nhặt cho đến dòng...thoải mái, mà đi tu thì làm gì có dòng thoải mái, cho nên cuối cùng thì họ vẫn cứ lông bông giữa đường đời như thuyền không lái bồng bềnh trên biển cả, tu không được mà lập gia đình cũng không xong.
Thiên Chúa ban cho chúng ta mỗi người có một đức tin và một khối óc, để chúng ta biết chọn lựa và hiểu ra thánh ý Chúa muốn chúng ta phải làm gì trong cuộc sống đời này, đừng gượng ép đi theo cái mà mình không thích hoặc làm theo ý hướng của người khác chỉ vẻ cho mình, nhưng hãy can đảm đi theo con đường mà Chúa chỉ cho mình qua các biến cố hoàn cảnh.
Có người vì sợ “mất mặt” khi bị nhà dòng cho hoàn tục, nên đã gượng ép “thử” dòng này dòng nọ rồi cuối cùng bai bai ơn gọi; có người sợ bố mẹ buồn nên “cực chẳng đã” ở trong một dòng tu mà giống như ở trong nhà tù, rồi cũng được “đỗ” làm cha, nhưng cuộc sống thì không như một linh mục; có người rất muốn đi tu, nhưng vẫn cứ thích làm người thoải mái, nên rốt cuộc đời sống tu đức của họ là một gương xấu và gánh nặng cho họ...
Thiên Chúa không bắt buộc tất cả mọi người đều phải “đi tu”, nhưng Ngài muốn tất cả mọi người đều phải phụng thờ Ngài và làm sáng danh Ngài trong bổn phận của mình.
Ơn gọi là một sáng kiến đầy yêu thương của Thiên Chúa, do đó ơn gọi cần phải được đáp trả bằng yêu thương, bền chí và sự chân thành, bằng không thì sẽ giống như người nước Trịnh học nghề vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:45 21/07/2017

14. Vua chúa trần gian thì người thường không thể tùy tiện nói chuyện với họ được, nhưng Thiên Chúa vinh quang thì bất kỳ lúc nào giờ nào, chúng ta cũng đều có thể nói chuyện với Ngài được.

(Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:43 21/07/2017
82. CHÍN ĐẦU GIÀNH ĂN
Ở vùng Nghiệt Dao có một con chim rất quái dị, nó có chín cái đầu, mỗi khi có một cái đầu được thức ăn thì tám cái đầu kia đều giành giựt để ăn, chúng nó cùng nhau quấn quanh cái cổ để cướp thức ăn, cho đến khi lông rụng máu chảy, sức lực suy tàn mới chịu nghỉ, náo loạn như thế nhưng rốt cuộc là không ăn được gì.
Có con vịt nước thấy như vậy mới có hảo ý khuyên chúng nó không nên giành nhau thức ăn, con chim chín đầu không nghe, vẫn cứ không nhường nhau, cuối cùng bị đói mà chết.
(Úc Ly tử)

Suy tư 82:
Một con chim nhưng có chín cái đầu, mà cái đầu nào cũng “độc lập” muốn thức ăn riêng cho mình, đúng là một con chim quái dị.
Người Ki-tô hữu chỉ có một “cái đầu” duy nhất là Đức Chúa Ki-tô, một “thân mình duy nhất là Hội Thánh”, một “quả” tim duy nhất là Chúa Thánh Thần, ba cái duy nhất này làm cho người Ki-tô hữu trở thành anh em chị em với nhau và được trở nên sáng giá trước mặt Cha trên trời.
Nhưng cũng có một vài Ki-tô hữu trở thành “quái dị” không giống với những Ki-tô hữu khác:
- Họ quái dị khi thấy người anh em thành đạt nên có lòng ghen ghét.
- Họ quái dị khi thấy người khác hơn mình nên không muốn cộng tác.
- Họ quái dị khi thấy con cái người ta hơn con cái của mình nên gièm pha nói xấu.
- Họ càng quái dị hơn khi một người nào đó nói với họ rằng chúng ta là anh em chị em với nhau.

Người Ki-tô hữu tuy sống độc lập, nhưng không trở thành một ốc đảo riêng biệt, mà là liên kết với nhau trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su bằng bí tích Thánh Thể, bằng chuổi Mân Côi, bằng các bí tích và bằng lời cầu nguyện.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 16 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:46 21/07/2017
Chúa Nhật XVI THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 13, 24-43
“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt.”


Bạn thân mến,
Câu chuyện dụ ngôn lúa và cỏ lùng mà chúng ta nghe hôm nay là do Đức Chúa Giê-su kể, qua lời tường thuật của thánh sử Mát-thêu, bạn nghe xong chắc hẳn khen ngợi Đức Chúa Giê-su thật tài giỏi, vì biết lấy hoàn cảnh thực tế của cuộc sống để dạy dỗ và hướng dẫn dân chúng hiểu được Nước Trời, nhưng tầm quan trọng của dụ ngôn lúa và cỏ lùng là ở chỗ này, bạn thử cùng tôi suy tư xem sao:

Tâm hồn chúng ta là mảnh đất mà Đức Chúa Giê-su gieo hạt giống vào đó, Ngài chỉ gieo hạt giống tốt tức là lời của Ngài để nảy sinh những cây lúa tốt tươi là những nhân đức. Ma quỷ cũng thấy tâm hồn chúng ta có thể gieo cỏ lùng vào để trở nên hang ổ sào huyệt của tội lỗi. Lúa là những nhân đức mà chúng ta học hỏi nơi Lời Chúa để tâm hồn của chúng ta trở nên cánh đồng lúa tốt tươi, đem lại nhiều lợi ích cho mọi người; cỏ lùng chính là những thói hư tật xấu, những ích kỷ hưởng thụ, những đam mê danh vọng.v.v...mà ma quỷ đã gieo vào trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta.

Tình yêu của Thiên Chúa được thể rõ ràng nhất qua thời gian sống của mỗi người chúng ta: lúa tốt và cỏ lùng chính là nhân đức và tội lỗi đang tồn tại trong con người chúng ta. Thiên Chúa không sai các thiên thần lập tức đi diệt cỏ lùng, nhưng đợi đến ngày thu hoạch lúa tức là ngày phán xét mới thực hiện. Điều này cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta, yêu thương dẫn đến nhẫn nại, nhẫn nại đưa đến tha thứ, nhưng nếu chúng ta không nhận ra được tình yêu, nhẫn nại và tha thứ của Thiên Chúa mà không sửa đổi cuộc sống của mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm, thì sẽ có ngày, Thiên Chúa sẽ liệt chúng ta vào hàng cỏ lùng và đem bỏ vào trong lửa hỏa ngục đời đời.

Bạn thân mến,
Cuộc sống của bạn và tôi và của tất cả mọi người đều có ngày kết thúc, sự công bằng của Thiên Chúa lúc ấy sẽ tỏ hiện thật rõ ràng qua việc phán xét công và tội của mỗi người. Trong cuộc sống, bạn và tôi đều mong muốn tâm hồn mình luôn đón nhận Lời Chúa và mong muốn thực hành lời hằng sống ấy trong cuộc sống của mình. Nhưng cũng có rất nhiều lần, tâm hồn bạn và tôi đều đồng thời cảm thấy như có một sức mạnh của cám dỗ làm cho lòng mình không muốn thực hành Lời Chúa, mà chỉ muốn sống hưởng thụ thoài mái thân xác, đó chính là kẻ thường đối kháng với Đức Chúa Giê-su là ma quỷ đang gieo cỏ lùng (tội lỗi) vào trong tâm hồn chúng ta đó, hãy cẩn thận để phân biệt điều tốt đẹp từ nơi Thiên Chúa trong tâm hồn của mình.

Ruộng lúa nào cũng có cỏ dại chen lẫn với cây lúa, nhưng nếu chúng ta siêng năng tỉnh táo nhổ nó mỗi ngày bằng bí tích Giải Tội, bí tích Thánh Thể, lần hạt Mân Côi và các phương tiện mà Giáo Hội đã chỉ dẩn cho chúng ta, thì chắc chắn cỏ lùng sẽ không thể vượt qua và che kín cây lúa được.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:50 21/07/2017

15. Nếu anh không thiếu sự cầu nguyện, thì sẽ không thiếu lòng nhân từ của Thiên Chúa.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hoa Kỳ: Ông Sessions dự trù tiếp tục giữ chức vụ Bộ Trưởng Tư Pháp “để phục vụ lợi ích quốc gia”.
Giuse Thẩm Nguyễn
07:03 21/07/2017
Hoa Kỳ: Ông Sessions dự trù tiếp tục giữ chức vụ Bộ Trưởng Tư Pháp “để phục vụ lợi ích quốc gia”.

(CNSNews.com) Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions và Thứ Trưởng Rod Rossenstein của Hoa Kỳ nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng họ thích công việc của họ và không có ý định từ chức.

Họ đã nói như thế sau một ngày Tổng Thống Trump lớn tiếng khiển trách cả hai trong một cuộc phỏng vấn dành cho New York Times và nói rằng lẽ ra ông không nên đề cử Sessions làm Bộ Trưởng Tư Pháp nếu biết rằng Sessions sẽ tự rút lui trong việc điều tra về Liên Bang Nga. Tổng Thống gọi sự rút lui của Sessions “quả là không công bằng cho tổng thống.”

Vào hôm thứ Năm khi được hỏi là liệu ông có ý định từ chức không, Jeff Sessions đã tuyên bố rằng “Chúng tôi trong Bộ Tư Pháp sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ mỗi ngày để phục vụ cho quyền lợi của quốc gia (ông nhấn mạnh đến từ quốc gia) và chúng tôi thực tâm tham gia vào những ưu tiên của Thống Thống Trump. Chúng tôi yêu thích công việc này, chúng tôi yêu bộ Tư Pháp này và tôi dự định sẽ tiếp tục công việc cho tới bao lâu tôi nghĩ mình còn thích hợp.”

“Tổng Thống Trump đã đưa ra cho chúng tôi một số chỉ thị và một trong các chỉ thị ấy là bãi bỏ các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và đây cũng là điều chúng tôi công bố hôm nay.”

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Times, Tổng Thống Trump đã xem Rosenstein không phải là người từ Baltimore, phê bình ông đã cất nhắc Robert Mueller lên làm một cố vấn đặc biệt và những vấn đề khác.

Khi được hỏi ông nghĩ sao về những phê bình của TT Trump, Rosentein nói với các phóng viên rằng:

“Với tư cách là Thứ Trưởng của bộ, chúng tôi làm việc ở đây mỗi ngày đề tiến hành những ưu tiên của Bộ Tư Pháp cũng như tham gia điều hành. Tôi rất hãnh diện đã làm việc ở đây hôm qua, tôi hãnh diện đang làm việc ở đây hôm nay và tôi sẽ hãnh diện để được làm việc ở đây ngày mai. Chúng tôi chắt chiu từng phút làm việc để thăng tiến lợi ích của bộ này.”

Trong cuộc phỏng vấn, TT Trump đã đặt câu hỏi “Làm sao ông (Sessions) nhận việc rồi lại tự mình rút lui là thế nào? Nếu ông đã tự rút lui khỏi công việc thì tôi sẽ nói “Cám ơn Jeff, nhưng tôi không thể, như ông biết đấy, tôi sẽ không đề cử ông.” Quả là không công bằng chút nào khi ông tự rút lui.

“Người thứ hai tôi phải đối phó là Rosenstein, là Thứ Trưởng. Chắc là Jeff không biết ông ta đến từ Baltimore và hình như có rất ít Đảng viên Cộng Hòa ở Balimore, nếu có.”

TT Trump nói với các phóng viên rằng Rosenstein cũng ở trong phòng khi Trump phỏng vấn Robert Mueller để giao chức giám đốc FBI thay thế cho James Comey.

“Sau đó Rosenstein rời văn phòng. Ngày hôm sau, Rosenstein chỉ định Mueller là cố vấn đặc biệt. Như thế là thế quái nào khi nói về những xung khắc quyền lợi?

TT Trumg cũng nói rằng Rosenstein “đã rất giận dữ” về việc Comey làm chứng trước Quốc Hội vào tháng Năm, khi Comey giải thích là tại sao ông ta lại tổ chức một cuộc họp báo năm ngoái để lên án gay gắt Hillary Clinton .. và rồi sau đó lại tuyên bố không tìm ra bằng cớ nào để buộc tội bà ta.

“Và Rosenstein đưa cho tôi một lá thư nói về Comey. O.K. Đó là một lá thư lên án mạnh mẽ. Có lẽ đằng nào tôi cũng phải cho Comey thôi việc và lá thư cũng chẳng có ảnh hưởng gì. Nhưng ông ta đã đưa lá thư mạnh mẽ ấy cho tôi nghĩa là ông ấy có liên quan đến vụ việc. Đấy, như thế là xung khắc quyền lợi.” Sau đó TT Trumg hỏi “các bạn có biết là có bao nhiêu vụ việc xung khắc quyền lợi không?

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Hồng Y Quốc vụ khanh liên đới với ĐHY Sabino, Venezuela
LM. Trần Đức Anh OP
08:01 21/07/2017
VATICAN. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã gửi điện liên đới với ĐHY Jorge Urosa Sabino, TGM Caracas thủ đô Venezuela, nạn nhân của bạo lực.

Chúa Nhật 16-7-2017, những người tham dự cuộc trưng cầu dân ý ở Caracas đã bị một nhóm dân quân theo phe tổng thống Nicola Maduro tấn công và họ phải chạy vào tị nạn trong một thánh đường nơi ĐHY Savino đang cử hành thánh lễ. Cuộc tấn công đã làm cho 1 người chết và nhiều người bị thương.

Sau vụ đó, Tổng thống Maduro tố cáo các ”GM là làm tôi cho tư bản và sự đồi bại trên thế giới, cũng như làm cho bạo lực gia tăng”. Hồi tháng 4 năm nay, một thánh lễ do ĐHY Urosa Sabino cử hành cũng bị những thành phần ủng hộ tổng thống Maduro phá rối.

Điện văn của ĐHY Parolin hôm 17-7-2017 gửi ĐHY có đoạn viết: ”Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với ĐHY, với các LM, phó tế và toàn thể giáo dân đã bị tấn công tại Nhà thờ Đức Mẹ Camêlo di Catia, và quyết liệt lên án cuộc bao vây và hành hung tại đây. Ngày 16-7, tôi đã cầu nguyện thật nhiều xin Đức Mẹ Camêlô, rất được tôn kính tại Venezuela, xin Chúa Con của Mẹ một giải pháp hòa bình và dân chủ cho đất nước này, và để chính quyền lắng nghe tiếng kêu của dân chúng đang đòi tự do, hòa giải, hòa bình và an sinh vật chất cũng như tinh thần cho tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ nhất và bị gạt ra ngoài lề”.

Hôm 18-7-2017, trang thông tin trực tuyến 2001.com.ve ở Venezuela khẳng định rằng tổng thống Maduro đã cam đoan là ”Venezuela sẽ không theo lệnh của ĐHY Parolin”.

Ăn chay cầu nguyện

Mặt khác, thứ sáu 21-7-2017, các tín hữu Công Giáo và những người thiện chí ở Venezuela cử hành ngày ăn chay và cầu nguyện theo lời mời gọi HĐGM nước này đưa ra hôm 12-7 vừa qua, sau khi kết thúc khóa họp khoáng đại.

Các GM kêu gọi mọi người ”cầu xin Chúa chúc lành cho mọi nỗ lực của nhân dân Venezuela để đạt được tự do, công lý và hòa bình, và được Thánh Linh soi sáng, cũng như nhờ sự bảo vệ hiền mẫu của Đức Mẹ Coromoto bổn mạng đất nước, họ tiếp tục xây dựng hòa bình và sự sống chung huynh đệ tại đất nước này”.

HĐGM Venezuela tuyên bố hỗ trợ ”tiếng kêu của những người đang bị đói, không được những bảo đảm về săn sóc sức khỏe, không tìm được thuốc men và phải chịu tình trạng bất an trong mọi lãnh vực”. Các vị kêu gọi tôn trọng ước muốn của nhân dân, chiếu theo luật pháp và hiến pháp quốc gia, để nhân dân Venezuela được sống trong hòa hợp, an bình, tự do và phát triển nhân bản”.

Sáng kiến trên đây của HĐGM Venezuela đã từng được thực hiện ngày 2-8 năm ngoái và ngày 21-5 năm nay. Ngoài ra, tại mỗi giáo phận, từ nhiều tháng nay, hàng ngàn tín hữu đã biểu lộ đức tin của các cuộc rước, các buổi canh thức và các buổi lễ khác để xin ơn phù trợ của Chúa trong giai đoạn quan trọng đất nước Venezuela đang trải qua. (imedia 19-7-2017)
 
Phát ngôn viên báo chí Tòa Bạch Ốc Sean Spicer từ chức
Giuse Thẩm Nguyễn
12:41 21/07/2017
Ông Spicer từ nhiệm chức vụ Phát Ngôn Viên Báo Chí tại Tòa Bạch Ốc.

(CNSNews.com) Phát Ngôn Viên Báo Chí Tòa Bạch Ốc Sean Spicer đã báo cáo từ nhiệm sau khi ông Anthony Scaramucci, một cựu nhân viên gây quỹ chiến dịch tranh cử của TT Trump, vừa được bổ nhiệm đảm trách chức vụ Giám Đốc Thông Tin của Tòa Bạch Ốc.

Ông Spicer đã đảm trách cùng lúc hai nhiệm vụ là phát ngôn viên báo chí và giám đốc thông tin trong thời gian ông làm việc tại tòa Bạch Ốc.

Hiện nay chưa biết ai sẽ là người thay thế ông Spicer để đảm nhận chức vụ phát ngôn viên báo chí.

Bà Sarah Huckabee Sanders đã đảm nhiệm nhiệm vụ phát ngôn viên báo chí trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc sáng nay.
 
Truyền thông Mỹ dành 55% thời gian nói về liên hệ Nga -Mỹ trong khi chỉ 6% dân Hoa Kỳ quan tâm vấn đề này.
Giuse Thẩm Nguyễn
15:32 21/07/2017
Hệ thống truyền thông dành 55% thời gian để nói về chủ đề Liên Bang Nga – Trump, nhưng chỉ có 6% người dân Hoa Kỳ cho đề tài này là đáng quan tâm.

(CNSNews.com) Một cuộc thăm dò Bloomberg cho thấy đề tài chăm sóc sức khỏe là đề tài mà người dân Hoa Kỳ quan tâm nhất, trong khi các mạng truyền thông cứ nhai đi nhai lại mãi đến phát ngấy việc đảng Dân Chủ cáo buộc mối quan hệ giữa Liên Bang Nga và Tổng Thống Donald Trump.

Theo Bloomberg National Poll thì 35% dân chúng Hoa Kỳ quan tâm nhất về “Chăm Sóc Sức Khỏe”, gần ba lần nhiều hơn 13% người quan tâm đến “Thất Nghiệp/Việc làm.”

Chỉ có 6% quan tâm nhất đến đề tài “Liên hệ với Liên Bang Nga”.

Media Research Center (MRC) tạm dịch là Trung Tâm Nghiên Cứu Truyền Thông phân tích cho thấy hệ thống tin tức dành hơn một nửa thời gian phát sóng để nói về đề tài Liên Bang Nga – Trump nhiều hơn những đề tài mà dân chúng Hoa Kỳ muốn nghe. Trong vòng năm tuần lễ từ khi ông Rober Mueller được cử làm cố vấn đặc biệt (từ 17 tháng Năm đến 20 tháng Sáu) hệ thống mạng đã dành ra 353 phút trong tổng số 640 phút phát sóng (55%) cho đề tài điều tra Liên Bang Nga-Trump.

Vì thế, mặc dầu “Chăm Sóc Sức Khỏe” là đề tài quan tâm nhất của người dân Hoa Kỳ gấp gần sáu lần hơn, thì hệ thống thông tin mạng đã dùng 20 lần thời gian hơn để nói về Liên Bang Nga. Năm đề tài quan tâm nhất khác của người dân Hoa Kỳ gần gấp hai lần so với đề tài Liên Bang Nga. Tuy nhiên, hệ thống thông tin mạng đã dùng tới 71 lần thời gian hơn để nói về Liên Bang Nga

Dưới đây là năm đề tài hàng đầu “quan trọng nhất” mà người dân Hoa Kỳ quan tâm theo thăm dò của Bloomberg, so với đề tài Liên Bang Nga- Trump.

Thứ Nhất: Chăm Sóc Sức Khỏe 35%

- 5.8 lần người dân quan tâm đến đến đề tài Chăm Sóc Sức Khỏe hơn đề tài Liên Bang Nga (35%-6%)

- Mạng truyền thông dùng 20.8 lần để nói về Liên Bang Nga hơn đề tài Chăm Sóc Sức Khỏe (353-17 phút)

Thứ Hai: Thất Nghiệp/Việc Làm 13%

- 2.2 lần người dân quan tâm đến đến đề tài Thất Nghiệp/Việc Làm hơn đề tài Liên Bang Nga (13%-6%)

- Mạng truyền thông dùng 70.6 lần để nói về Liên Bang Nga hơn đề tài Thất Nghiệp/Việc Làm (353-5 phút)

Thứ Ba: Khủng Bố 11%

- 1.8 lần người dân quan tâm đến đến đề tài Khủng Bố hơn đề tài Liên Bang Nga (11%-6%)

- Mạng truyền thông dùng 12.2 lần để nói về Liên Bang Nga hơn đề tài Khủng Bố (353-29 phút)

Thứ Bốn: Di Dân 10%

- 1.7 lần người dân quan tâm đến đến đề tài Di Dân hơn đề tài Liên Bang Nga (10%-6%)

- Mạng truyền thông dùng 70.6 lần để nói về Liên Bang Nga hơn đề tài Di Dân (353-5 phút)

Thứ Năm: Thay Đổi Khí Hậu 10%

- 1.7 lần người dân quan tâm đến đến đề tài Thay Đổi Khí Hậu hơn đề tài Liên Bang Nga (10%-6%)

- Mạng truyền thông dùng 7.5 lần để nói về Liên Bang Nga hơn đề tài Thay Đổi Khí Hậu (353-47 phút)

Trung Tâm Nghiên Cứu Truyền Thông (MRC) đã khảo sát về khoảng cách giữa những gì người dân Hoa Kỳ muốn nghe và những gì hệ thống truyền thông đưa tin và đưa ra lời giải thích rằng niềm tin của quần chúng vào truyền thông đã giảm sút vì sự thiên vị, không trung thực của hệ thống truyền thông.
 
Cuộc tranh luận giữa Công Giáo và Tin Lành về việc rửa tội giữa sông
Đặng Tự Do
17:14 21/07/2017
Cha Wilybard Lagho, Tổng Đại Diện Tổng Giáo phận Mombasa ở Kenya, nói việc rửa tội giữa sông là quá nguy hiểm. Tuy nhiên, các mục sư Tin Lành nói họ cần phải thực thi đúng nghi thức bắt nguồn từ thời Chúa Giêsu, khi Thánh Gioan làm phép rửa cho Ngài trên sông Jordan. Cuộc tranh luận đã nổ ra trong tuần qua sau khi các Kitô hữu ở quốc gia Đông Phi này phải chứng kiến lễ nghi trung tâm của đức tin của họ trở nên các thảm kịch ở miền bắc Tanzania.

Hai nông dân Tin Lành, 30 tuổi và 47 tuổi, đã chết khi mục sư của họ cố gắng làm phép rửa cho họ giữa dòng sông Ungwasi đang chảy xiết ở huyện Rombo miền Kilimanjaro.

Lễ nghi được tổ chức bởi Giáo Hội Tin Lành Shalom, một hệ phái Tin Lành đang thu hút được nhiều tín hữu tại Kenya và Tanzania.

Tháng trước, cảnh sát Tanzania đã bắt giữ một mục sư có liên quan đến cái chết của hai người. Các bản tin địa phương cho biết cảnh sát trưởng Kilimanjaro Hamis Selemani đã cảnh báo các mục sư không được sử dụng các con sông cho các hoạt động như vậy.

Cha Wilybard Lagho, nói các mục sư cần phải thận trọng: “Nếu họ chọn việc rửa tội giữa dòng sông, họ phải xem xét cẩn thận để tránh gây nguy hiểm cho mạng sống các tín hữu.”

Năm ngoái, sáu trẻ em đã chết ở tỉnh Mashonaland ở Zimbabwe, trong buổi lễ rửa tội vào sáng sớm.

Và vào tháng Giêng năm 2015, hai vị mục sư cũng bị chết đuối tại sông Mutshedzi ở tỉnh Limpopo ở Nam Phi, khi đang cố làm phép rửa tội cho bốn người lớn.
 
Ðức TGM Georg Gänswein nói Đức Bênêđictô XVI không có ý phê phán tình trạng Giáo Hội dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
18:09 21/07/2017
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Joachim Meisner
Đức Hồng Y Joachim Meisner đã qua đời trong đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 tháng Bẩy. Buổi chiều ngày mùng 4, ngài còn nói chuyện qua điện thoại với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và với Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên Tổng Trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin, bị bãi nhiệm vài ngày trước đó. Cái chết đột ngột của ngài đã gây ra nhiều đồn đoán.

Đức Hồng Y Meisner cũng là một trong 4 vị Hồng Y đã nêu lên 5 điểm hồ nghi liên quan đến Tông Huấn Amoris Laetitia, nhưng không được Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời.

Trong tang lễ của Đức Hồng Y hôm 15 tháng Bẩy, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, là thư ký riêng của Đức Bênêđíctô thứ 16 đã đọc một lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự. Trong thư có đoạn viết như sau:

“Tuy nhiên, điều gây ấn tượng mạnh hơn đối với tôi là trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời mình, ngài đã học cách buông ra, và ngày càng sống trong sự tín thác rằng Chúa không bỏ rơi Giáo Hội của Ngài, cho dù đôi khi con tàu gần như ngập đầy nước đến mức sắp chìm.”

Cụm từ “con tàu gần như ngập đầy nước đến mức sắp chìm” được nhiều người diễn giải là Đức Bênêđíctô thứ 16 muốn phê phán tình trạng hỗn loạn trong Giáo Hội theo sau Tông Huấn Amoris Laetitia.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Il Giornale của Ý sau khi ở Đức về, Đức Tổng Giám Mục Gänswein xác nhận Đức Bênêđíctô XVI đã đích thân viết lá thư được ngài đọc trong tang lễ của Đức Hồng Y Meisner, “từ chữ đầu tiên cho đến chữ cuối cùng, không cần nhờ ai giúp cả.”

Tuy nhiên, Ðức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nhấn mạnh rằng Đức Bênêđíctô thứ 16 không có ý phê phán tình trạng Giáo Hội dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô. Ðức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, là thư ký riêng của Đức Bênêđíctô thứ 16, cũng là chủ tịch Phủ Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lo ngại rằng nhiều người “đang cố gắng sử dụng Đức Giáo Hoàng danh dự trong một luận điệu chống lại Đức Thánh Cha Phanxicô.”

Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói: “Vị Giáo Hoàng danh dự đã bị khai thác một cách có chủ ý, ngài không ám chỉ bất cứ điều gì cụ thể với cụm từ đó, nhưng nói về tình hình của Giáo Hội ngày nay cũng như trong quá khứ như một chiếc thuyền đang đi giữa một dòng nước không tĩnh lặng. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng từng nói như vậy.”

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã sử dụng hình ảnh này trong Bài Suy Niệm Chặng Đàng Thánh Giá Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở hí trường Côlôsêô vào năm 2005, khi ngài vẫn còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, tổng trưởng bộ Giáo lý Đức Tin. Trong chặng thứ Chín, ngài viết:

“Lạy Chúa, Giáo Hội Chúa thường giống như một chiếc thuyền sắp chìm, nước tràn vào từ mọi phía.”

“Trong cánh đồng của Chúa, chúng con thấy nhiều cỏ dại hơn lúa mì. Khuôn mặt nhếch nhác và áo quần dơ bẩn của Giáo Hội ném chúng con vào tình trạng hoang mang. Tuy nhiên, chính chúng con cũng là những người đã làm vấy bẩn! Chính chúng con cũng đã phản bội Chúa nhiều lần, sau bao nhiêu những lời nói thật cao cả và những cử chỉ thật hùng hồn của chúng con.”

ĐTGM Georg Gänswein đọc thư của Đức Bênêđíctô thứ 16 trong tang lễ ĐHY Meisner
 
Trắng đen phân minh hay cả trắng lẫn đen
Vũ Văn An
20:18 21/07/2017
Đọc tin tức và bình luận thời sự hiện nay, kể cả tin tức và bình luận tôn giáo, ít khi có biến cố nào trắng đen phân minh, phần lớn có cả đen lẫn trắng. Hai câu truyện trong những ngày qua làm nổi bật viễn ảnh vừa nói.

Hàng giáo phẩm ca ngợi mẹ đẻ của đạo luật phá thai

Thomas D. William, một cựu linh mục Công Giáo, ngày 21 tháng 7, viết trên tờ Crux rằng khi nghe tin Simone Veil qua đời ngày 30 tháng Sáu, 2017, Hội Đồng Giám Mục Pháp gửi đi một thông điệp trên Twitter, nói rằng “Chúng tôi chào kính sự vĩ đại của bà như một nữ lưu của quốc gia, ý chí của bà, trong cuộc đấu tranh cho một Âu Châu huynh đệ, xác tín của bà tin rằng phá thai là một bi kịch”.

Thông điệp trên khiến nhiều quan sát viên ngỡ ngàng vì không thấy nói chi tới những mạng sống vô tội bị sát hại vì đạo luật phá thai của bà, đạo luật mà người Pháp hiện nay vẫn gọi là “Loi Veil” (Đạo Luật Veil).

Thực vậy, Simone Veil chính là tác giả của đạo luật hợp pháp hóa việc phá thai ở Pháp, tiếp theo phán quyết Roe v. Wade của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Và đạo diễn của vở kịch này chính là Tổng Thống Giscard d’Estaing, người, vào năm 1974, đã khôn khéo đẩy Simone Veil đang tương đối từ trong bóng tối ra ánh sáng chính trị và cử làm tổng trưởng y tế, đứng ở tuyến đầu của mặt trận hợp pháp hóa phá thai.

Theo một bình luận gia lúc đó, “bất cứ ai chống đối bà đều bị coi là đáng ghét nếu không muốn nói là vô luân” vì lúc đó, truyền thông đã biến bà thành “một thần tượng không ai dám đụng tới”.

Đạo Luật Veil được thông qua dễ dàng năm 1975 và dù không triệt để như luật lệ phá thai của Mỹ, hiện nay, hàng năm ở Pháp, ít nhất diễn ra 200,000 vụ phá thai. Veil coi chiến thắng này là thành tựu đáng tự hào nhất của bà.

Dư luận Pháp nói chung cũng phản ảnh sự hãnh diện đó, nên tờ Guardian gọi bà là “lương tâm của Nước Pháp”. Trong một tuyên bố, tân tổng thống Macron cho rằng đời bà là một gợi hứng điển hình vì đã quan tâm tới những thành phần yếu kém nhất của xã hội (?).

Chính vì thế, lễ an táng của bà đã được tổ chức tại Les Invalides, nơi có mộ của hoàng đế Napoléon, với đầy đủ lễ nghi quân cách, với cờ Pháp có tua đen và cờ Âu Châu kéo nửa chừng. Ở đấy, tổng thống Macron ca ngợi tinh thần bất khuất của bà.

Trong một tuyên bố, ông viết: “chủ nghĩa nhân bản bất nhân nhượng của bà, được tạo nên từ các kinh hoàng của trại tập trung, biến bà thành đồng minh vĩnh viễn của những người yếu kém nhất, và là kẻ thù không đội trời chung của bất cứ thỏa hiệp chính trị nào với phe cực hữu”.

Có lẽ để tránh bị coi là cực hữu, nên Hội Đồng Giám Mục Pháp đã không một lời chỉ trích thành tích của Simone Veil bất chấp sự kiện, vì Đạo Luật Veil, hàng năm, ít nhất 200,000 trẻ chưa sinh đã không bao giờ được thấy ánh sáng mặt trời, dù các em thuộc những người yếu kém nhất trần gian.

Chưa hết, dư luận Pháp mến mộ bà đến nỗi đã yêu cầu để bà được chôn tại Pantheon, nơi dành để chôn các bậc thượng trí của Pháp như Voltaire, Jean-Jack Rousseau, Victor Hugo, Alexandre Dumas, Marie Curie và Louis Braille. Bà là người đàn bà thứ năm được chôn ở đây, cạnh 76 người đàn ông.

Thực ra, Simone Veil có cả đen lẫn trắng. Trắng có thể nhiều hơn đen. Bà vốn là người sống sót thảm họa Diệt Chủng Do Thái của Đức Quốc Xã, suốt đời đấu tranh cho công bằng xã hội. Bởi thế, Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger, Tổng Giám Mục Paris trong các năm 1981 và 2005, một người vốn cũng gốc Do Thái và có mẹ chết tại trại tập trung Auschwitz, “chưa bao giờ trách cứ bà về các đạo luật phá thai và ngừa thai”.

Dù là tác giả Đạo Luật Phá Thai, Veil vẫn tin rằng phá thai là biện pháp cuối cùng. Bà nói: “Phá thai luôn phải là một trường hợp trừ, phương thuốc cuối cùng đối với các tình huống tuyệt vọng”.

Đạo luật của bà đòi nhiều giới hạn hơn là các phán quyết Roe v. Wade Doe v. Bolton của Hoa Kỳ: chỉ được tiến hành lúc thai nhi được 10 tuần, chứ không sau đó; các bác sĩ buộc phải cho các bà mẹ biết các nguy cơ của việc này đối với sức khỏe và các lần thai nghén sau của họ cũng như cung cấp cho họ tên và danh sách những nơi nhận con nuôi .

Đức Phanxicô không minh nhiên nhắc đến Simone Veil, nhưng ngài nói đến một nhân vật tương tự như bà ở Ý đó là Emma Bonino, một người cũng ở tuyến đầu tranh đấu cho phá thai được hợp pháp hóa trong thập niên 1970 và sau đó được bổ nhiệm làm ngoại trưởng và giữ chức Tổng Ủy Viên cấp Âu Châu.

Tháng Hai năm 2016, ngài ca ngợi bà này như một “người vĩ đại bị bỏ quên” của Ý, so sánh bà với các nhân vật lịch sử như Konrad Adenauer và Robert Schuman. Một cách trùng hợp, một ờ báo cho chạy hàng tít nói tới việc Bonino được đưa vào “Pantheon của Đức Giáo Hoàng”.

Biết rõ Bonino là một nhân vật gây tranh cãi, nên Đức Phanxicô cho rằng bà cho ta nhiều lời khuyên tốt đẹp về việc Ý phải học hỏi Châu Phi. Còn về việc bà này suy nghĩ khác với Giáo Hội, Đức Phanxicô cho biết: “đúng thế, nhưng không hệ gì. Chúng ta phải nhìn vào con người, vào những điều họ làm”.

Đức Phanxicô ve vãn Putin

Chủ trương trên đang được phản ảnh rõ nét trong chuyến đi sắp tới của Đức Hồng Y Parolin tới Nga. Theo Claire Giangravè, viết trên tờ Crux cùng ngày 21 tháng Bẩy, Đức Hồng Y Parolin đang chuẩn bị cho chuyến đi Nga vào tháng Tám tới. Và chuyến đi này “cho thấy bước chủ yếu trong việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô ve vãn Tổng Thống Putin, với một mắt hướng về các khả thể đại kết đầy tham vọng với Giáo Hội Chính Thống và mắt kia hướng về Trung Đông”.

Trong một phim tài liệu ngắn chiếu trên Đài RAI của Ý về chuyến đi này, Đức Hồng Y Parolin nói tới “nền ngoại giao biết xem xét các nhân tố có thực trên thực tế”. Còn Lucio Caracciolo, giám đốc tập san Limes của Ý, thì gọi Đức Phanxicô là “vị giáo hoàng của địa chính trị” (geopolitical pope).

Về chiểu tự, địa chính trị nói tới ảnh hưởng của địa lý đối với nền chính trị và các liên hệ quốc tế. Nhưng trên thực tế, thuật ngữ này bao trùm khá nhiều ý niệm đi từ các liên hệ quốc tế, các hiện tượng xã hội, chính trị và lịch sử tới một thứ định mệnh thuyết lịch sử và địa lý nào đó.

Hình như cái định mệnh thuyết này nay đã chuyển dịch khỏi Hoa Kỳ mà hướng về Nga mất rồi, nên gần đây, người tâm huyết của Đức Phanxicô là linh mục Sparado, Dòng Tên, không ngần ngại vạch mặt chỉ tên Hoa Kỳ đang đi theo đường lối “đại kết hận thù”.

Giangravè cho rằng đại kết trên khiến vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình quay mặt khỏi phía Tây mà nhìn về phía Đông, về phía Nga và Trung Hoa. Với ngài, trực giác dường như cho rằng các thay đổi đang diễn ra tại các thành trì xưa của chủ nghĩa Cộng Sản có thể đem lại một mảnh đất mầu mỡ cho đối thoại và sự lớn mạnh của Kitô Giáo trong bối cảnh một Tây Phương càng ngày càng duy tục và cá nhân chủ nghĩa.

Bất chấp chính sách nội trị và ngoại giao có tính độc tài, nếu không muốn nói là hoàn toàn gây hấn, của Putin, Đức Hồng Y Parolin mong gặp được một người sẵn lòng lắng nghe ở nơi ông ta, vì dù gì, ông ta cũng là người tự cho mình là quán quân của luân lý và là người bênh vực các Kitô hữu bị bách hại tại Trung Đông.

Thực ra, Đức Phanxicô nhìn thấy cả đen lẫn trắng nơi ông Putin, cũng như nơi Bonino. Và trong thế giới đời thực, thế giới đa nguyên, ít ai có thể làm gì được nếu không liên minh với những “nhân tố có thực trên thực tế”.

Một trong các nhân tố ấy là ông Assad. Cả thế giới Tây Phương lên án Assad và cho rằng ông ta đáng bị loại trừ vì đã dùng vũ khí hóa học sát hại dân mình. Đức Phanxicô không minh nhiên đề cập đến việc này, nhưng với ngài, Assad là một nhân tố mình phải đối thoại với nếu muốn giải quyết cuộc đổ máu vô nghĩa tại Syria.

Không phải ngài tin vào “định mệnh thuyết” mà dựa vào các cộng đồng Kitô Giáo Syria và vùng phụ cận, những người này tin rằng Assad đỡ nguy hiểm hơn những người mưu toan lật đổ ông ta.

Về điểm này, Đức Phanxicô quả ăn ý với Putin. Nhưng khi đụng tới Ukraine, Đức Phanxicô biết rõ nanh vuốt của Putin. Tuy không công khai chỉ trích, ngài đã gửi tới Ukraine 12 triệu dollars viện trợ, một ngân khoản không nhỏ đối với một quốc gia, tức Tòa Thánh, mà tổng ngân sách hàng năm, theo ký giả John Allen, chỉ là 300 triệu dollars.

Không công khai chỉ trích không hẳn là không có duyên do. Vì chính nhờ thế, mà có cuộc gặp mặt lịch sử tại Cuba giữa Đức Phanxicô và Thượng Phụ Kirill, sau 1000 năm phân cách. Cuộc viếng thăm Nga sắp tới của Đức Hồng Y Parolin có thể đem lại khả thể một cuộc viếng thăm Nga chính thức của Đức Phanxicô không chừng.

Dù gì, Đức Phanxicô cũng là nhà lãnh đạo của 1 tỷ 200 triệu người Công Giáo, mà một số đang lao đao vì bị bách hại tàn nhẫn và đại đa số vẫn mong sao mọi người tin Chúa Giêsu trở thành một đoàn chiên duy nhất. Khi một vị giáo hoàng nỗ lực làm điều này, thì nói như ông Đặng Tiểu Bình, mèo đen hay mèo trắng không thành vấn đề, miễn là bắt được chuột.
 
Kosovo xây dựng Nhà thờ chính tòa dâng kính Mẹ Têrêsa thành Calcutta
Chân Phương
21:51 21/07/2017
Kosovo xây dựng Nhà thờ chính tòa dâng kính Mẹ Têrêsa thành Calcutta

KOSOVO - Một nhà thờ chính tòa dâng kính Thánh Têrêsa thành Calcutta sẽ được cung hiến vào ngày 5 tháng 9 sắp tới để tưởng niệm 20 năm ngày mất của vị thánh nữ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Ernest Simoni làm đại diện của ngài tại thánh địa Pristina, thủ đô của Kosovo - một quốc gia mới chỉ được công nhận hạn chế.

Mặc dù nhà thờ này đã trở thành nơi thờ phượng của người Công Giáo từ năm 2010, nhưng nó sẽ chính thức được dâng kính Mẹ Têrêsa khi cung hiến.

Nhà thờ được xây theo phong cách Ý từ năm 2007 và vẫn chưa xong. Khi hoàn thành, nó sẽ có hai tháp chuông, mỗi cái cao 230 feet, làm cho nó trở thành một trong những tòa nhà cao nhất trong thành phố.

Các ô cửa sổ kính màu của nhà thờ miêu tả cảnh Thánh Têrêsa với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI ôm Đức Thánh Cha Phanxicô.
Khi hoàn thành, đây cũng sẽ trở thành nhà thờ của vị Giám quản Tông Tòa Prizren, chức vụ giáo sĩ cao nhất của Giáo Hội Công Giáo tại lãnh thổ Kosovo.

Kosovo có khoảng 65.000 người Công Giáo trong tổng dân số khoảng hai triệu người. Hầu hết người dân Kosovo đều là những người gốc Albani, giống như Mẹ Têrêsa nhưng gần 95% theo Hồi giáo.

Tòa Thánh không công nhận Kosovo là một quốc gia có chủ quyền. (Catholic Herald)

Chân Phương

 
Đức Hồng Y Quốc vụ khanh sẽ viếng thăm Nga vào tháng 8
Chân Phương
21:52 21/07/2017
Đức Hồng Y Quốc vụ khanh sẽ viếng thăm Nga vào tháng 8

Đức Hồng Y Pietro Parolin nói rằng: "Tôi đến Nga với tư cách là người cộng sự viên của Đức Thánh Cha, ngài muốn xây dựng cầu nối để tăng cường khả năng thấu hiểu và đối thoại với nhau”.

Đức Hồng Y Ngoại trưởng Vatican đã cho biết như thế về chuyến đi sắp tới của ngài đến Nga, dự kiến diễn ra vào tháng 8.

Trong khi ngày cụ thể của chuyến đi vẫn chưa được công bố, nhưng sẽ có một cuộc hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chương trình.

Tòa Thánh và Liên bang Nga thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào tháng 12 năm 2009, ở cấp độ Tòa Sứ Thần và Đại Sứ Quán.

Tổng thống Vladimir Putin đã hội kiến với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào ngày 10 tháng 6 năm 2015. Trước đó, ông cũng từng đến hội kiến Đức Gioan Phaolô II tại Vatican vào ngày 5 tháng 6 năm 2000 và Đức Bênêđictô XVI năm 2003 và 2007.

Vào ngày 16 tháng 6 năm 2015 và 10 tháng 12 năm 2016 tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Giám mục đô trưởng Hilarion của Volokolamsk, Chủ tịch Bộ Quan hệ với các Giáo Hội Ngoại vi của Tòa Thượng Phụ Moskva, và là một trong những cộng sự viên thân cận nhất của Thượng phụ Cyril Chính Thống giáo Nga.

Chuyến thăm Nga gần đây nhất mà một viên chức cấp cao của Vatican thực hiện là vào năm 1988, khi Đức Hồng Y Agostino Casaroli đến Moskva tham dự lễ kỷ niệm một nghìn năm nước Nga đón nhận phép rửa. Ngài đại diện cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và được Tổng thống Nga Mikhail Gorbachev tiếp đón.

"Tôi trông cậy Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt tôi", Đức Hồng Y Parolin phát biểu như vậy trong một cuộc phỏng vấn cho chương trình đặc biệt "Phanxicô, vị Giáo hoàng của Đối thoại" do truyền hình Rai Vatican thực hiện nhân chuyến tông du quốc tế lần 19 của Đức Giáo Hoàng.

"Trong trường hợp với nước Nga, việc xây dựng cầu nối bao gồm việc chia sẻ mối quan hệ song phương đã có, và liên quan đến hoạt động của Giáo Hội Công Giáo đối thoại với các Giáo Hội Chính Thống giáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh các hoạt động quốc tế mà Nga có sự hiện diện tích cực, ví dụ như vấn đề Trung Đông, Syria hay Ukraina - quốc gia mà tôi đã viếng thăm hồi năm ngoái - thì không thể giải quyết được", nhân vật “số 2” của Vatican giải thích.

Chuyến đi Nga của Đức Hồng Y Parolin tiếp nối cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng Phụ Chính Thống giáo Nga Sergei Cyril hồi tháng 2 năm 2016 tại Cuba. Đó là một cuộc gặp lịch sử mà Đức Thánh Cha đã mô tả là một "hồng ân của Thiên Chúa" và "ngày của ân sủng".

Trong cuộc phỏng vấn nói trên, Đức Hồng Y Parolin cũng đã phản ánh về hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại. "Đối thoại là sự gặp gỡ, hiểu biết và cảm thông. Đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu quan điểm của họ. Để tìm ra những điểm chung và cộng tác", ngài nói.

"Đức Thánh Cha đã tìm cách mở ra con đường mới của tình huynh đệ. Ngài chạm vào trái tim của người khác, nhấn mạnh đến việc hoán cải cá nhân và ý nghĩa của lòng thương xót, đó cũng có thể là một giải pháp ứng biến trong mối quan hệ giữa các dân tộc và các quốc gia", Đức Hồng Y giải thích.

"Để phá dỡ đi các bức tường lạnh lùng”, Đức Giáo Hoàng hy vọng "tạo ra những nơi chốn mới để gặp gỡ và hợp tác phát triển, bắt đầu lại từ điểm đã kết thúc, từ những tình huống phàn nàn về vật chất và tinh thần", Đức Hồng Y nhận định. (Zenit)

Chân Phương
 
Văn Hóa
Tưởng niệm Lm Xuân Ly Băng 1926-2017
Lm Giuse Võ Tá Khánh
07:15 21/07/2017
XUÂN LY BĂNG

LỜI NGỎ CHO ĐÊM THƠ

Đức Ông Nhà thơ Xuân Ly Băng về với Chúa khi đã 92 trong tâm tình thương nhớ của biết bao người, cách riêng là của những người cầm bút Công Giáo.

Ngày 25-8-1988, tại Học viện Salesian Đà Lạt, tôi được ngài nhận trả lời những câu hỏi về cuộc đời và cõi lòng của ngài. Bài phỏng vấn ghi âm sau đó đã được anh Lâm Viên Lê Hữu Phước ghi lại, với tựa đề: “Xuân Ly Băng, hồn thơ và tấm lòng mục tử” (http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20090608/924). Câu hỏi cuối cùng của tôi là: “Có những điều gì Cha muốn nói với chúng con nhưng tình cờ con chưa hỏi tới?”. Ngài đáp:

“Đây là lời của người sắp chết nói với những người sẽ chết (cười). Tôi muốn nói với những người thuộc lớp tuổi của Cha, sinh sau tôi vài thập niên trong lãnh vực thi ca. Cha và nhiều anh em khác được Chúa ban tài năng. Tôi hy vọng Cha sẽ phát triển tài năng ấy và phát triển trong quỹ đạo của đời linh mục, trong đức ái, đức tin đối với Chúa. Cần trau giồi kỹ năng và phải viết ngay, đừng lần lữa. Bên cạnh đó, Cha phải tìm kiếm những mầm non trong Hội Thánh để nối dõi tông đường: Liên lạc gặp gỡ nhau, vun trồng, nâng đỡ nhau về thi ca và về đức tin. Có thế ta mới làm tròn nhiệm vụ Chúa trao phó và đáp ứng điều Hội Thánh chờ đợi.”

Đã gần 30 năm rồi. Nhìn lại, tôi đã phần nào thực hiện được lời căn dặn của người Thầy và người đàn anh giờ đây đã ra đi: “Tìm kiếm những mầm non trong Hội Thánh để nối dõi tông đường: Liên lạc gặp gỡ nhau, vun trồng, nâng đỡ nhau về thi ca và về đức tin.” Tôi tin rằng trên trời, ngài sẽ tiếp tục phù trì nâng đỡ để con cháu có thể nối nghiệp cha ông.

Không riêng tôi, có những anh chị em khác cũng đã và đang thực hiện lời nhắn nhủ ấy. Năm 2008, sau hai năm phụ trách trang Đồng Xanh Thơ trên Mạng Lưới Dũng Lạc, anh Cao Huy Hoàng đã thực hiện cuộc họp mặt lịch sử của văn thơ Công Giáo, tại Tòa Giám mục Phan Thiết, ngày 20-01-2008, với khoảng 60 tham dự viên, trong đó một nửa là các cộng tác viên của Đồng Xanh Thơ. Một trong những lý do khiến cuộc họp mặt diễn ra tại Tòa Giám mục Phan Thiết dịp ấy chính là vì nhà thơ lão thành Xuân Ly Băng đang sống ở đó.

Dưới đây là bài chia sẻ “Cùng sống cuộc sống đức tin văn hóa” của Đức ông Nhà thơ kết thúc ngày họp mặt và tiếp nối là “lời ngỏ cho đêm thơ”, nhân đêm thơ Xuân Ly Băng tại Tòa Giám mục Phan Thiết, 22/3/2008. Chúng ta cùng đọc lại một vài bài thơ để tưởng nhớ Đức Ông.

Linh mục Trăng Thập Tự

NIÊN BIỂU

• Tên thật: Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa,

• sinh ngày 23-4-1926, tại làng Phú Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

• Rửa tội năm 1926 tại họ Hiệu Lân, xứ Xuân Phong, giáo phận Vinh

• theo học Tiểu Chủng Viện Xã Đoài (1938-1949), Đại Chủng Viện Xuân Bích, Hà Nội (1953) Sàigòn (1954), Đại Chủng Viện Lê Bảo Tịnh (1955-1959).

• Thụ phong linh mục ngày 19-7-1959.

• Dạy Việt văn tại các Tiểu Chủng Viện Chân Phước Tự (Thủ Đức) và Sao Biển (Nha Trang) từ 1959-1965.

• Chính xứ Vinh Hưng, Vinh Thuỷ, Phan Thiết (1965).

• Quản Hạt Bình Tuy (1972).

• Đại Diện Giám Mục (1975)

• Tổng Đại Diện Giáo Phận Phan Thiết 1987.

• Giám chức danh dự do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban tặng ngày 25-01-1998.

• Được Chúa gọi về lúc 22g10, Thứ Tư ngày 19 tháng 7 năm 2017 tại nhà Hưu dưỡng Giáo phận Phan Thiết, hưởng thọ 92 tuổi, 58 năm linh mục.

Đã xuất bản: Thơ kinh, Hương kinh, Trầm tư, Nỗi niềm, Bài ca thương khó, Dụ ngôn Phúc âm, Như trầm hương, Kinh trong thời gian, Khúc hát ân tình, Một vùng châu lệ, Kinh sầu trên quê hương.

CÙNG SỐNG CUỘC SỐNG ĐỨC TIN VĂN HÓA

Ba thuyết trình viên đã khẳng định cho thơ ca Công Giáo Việt Nam những nền móng quan trọng: Lê Đình Bảng đặt một nền móng lịch sử, Trăng Thập Tự nêu rõ nền móng tâm linh và Nguyễn Thiên Cung một nền móng thần học.

Góp phần đúc kết và tiếp nối những điều ấy, tôi xin chia sẻ thêm đôi điều về kinh nghiệm thơ.

Người ta thường bảo ngôn ngữ thơ ca là ngôn ngữ thầm kín, ngôn ngữ của trực giác, không dễ gì lấy triết lý mà hiểu được, vì ngôn ngữ thơ trước hết là ngôn ngữ của trái tim. “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu được” (Pascal). Chẳng hạn hình ảnh cô gái mù với ly cà phê trắng Vũ Thuỷ. Ngay cả thi sĩ, làm thơ rồi, có khi chẳng hiểu hết thơ của mình, đang lúc nhà phê bình có thể tìm hiểu và nhận ra được. Cho nên không thể soi mói thơ bằng các hệ thống lý luận triết học hay thần học.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà thơ là cái gì dễ dãi. Người ta có nói, mỗi tài năng đều gồm 1% do bẩm sinh và 99% do đào luyện. Một phần trăm của thiên tài không thể thiếu. Nếu thiếu, dù có làm cả trăm bài văn vần cũng chẳng ra thơ. Thế nhưng chỉ một phần trăm ấy thôi chưa đủ, cần phải dụng công, phải khổ luyện.

Nhà thơ Giả Đảo có ghi lại một kinh nghiệm:

Nhị cú tam niên đắc

Ngâm thành song lệ lưu,

Được Trăng Thập Tự dịch là:

Ba năm tìm được hai câu,

Ngâm lên nhỏ lụy tuôn châu đôi dòng.

Người Pháp có nói: “Phải luyện tay nghề hai mươi lần, tác phẩm của bạn mới ra hồn” (Vingt fois sur le métier, reprenez votre ouvrage).

Làm thơ là sáng tạo. Khi Xuân Diệu viết: “Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm”, Tản Đà đòi lôi ra chém vì Xuân Diệu dám bảo mặt trời đi ngủ. Thế nhưng làm thơ là phải vậy, phải sáng tạo.

Cùng một mặt trăng nhưng với óc tưởng tượng, mỗi tác giả nhìn một khác: Trăng cười, trăng khóc, trăng rỉ máu, trăng có thể là người thiếu nữ nằm lả lơi cợt nhả mà trăng cũng có thể là Đức Mẹ.

Ngôn ngữ thơ phải sinh động, biết cười, biết khóc, biết nhảy múa. Phải biết chọn từ, đảo ngữ. Phải có nhịp điệu và nhạc điệu theo luật bằng trắc của âm thanh.

Bài thơ tả cục phân mà hay thì vẫn là thơ; còn tả cô công chúa tuyệt trần mà không hay thì cũng chẳng phải là thơ. Bài thơ ví được như một bầu trời. Bài thơ dở, đọc lên như bầu trời im lìm bất động. Bài thơ hay thì nhiều câu, nhiều chữ rực lên như trăng sao chớp nháy. Bầu trời thơ Nguyễn Du góc nào cũng chớp nháy, câu nào, chữ nào cũng hay.

Người làm thơ cần đọc thơ của nhiều tác giả, đọc những tác phẩm giá trị, để thấy những nét tân kỳ và độc sáng trong hình ảnh và ngôn ngữ.

Cần học thêm những phong cách mới của thơ Pháp, thơ Anh, thơ chữ Hán, để làm giàu cho hồn thơ. Cần đọc những sách chuyên môn về thơ để trau giồi kiến thức và kỹ năng thơ.

Cần giao lưu nhiều với các tác giả thơ, nhạc, hoạ… để làm cho tâm hồn luôn tươi mới, tránh khỏi bị “cô lậu quả văn”, nghĩa là “hẹp hòi, tầm thường, không đẹp”.

Nhất là phải đọc, nghiền ngẫm và thuộc lòng Thánh Kinh, cách riêng là các Thánh vịnh, sách Diễm ca, Tin mừng Gioan.

Bước vào chức linh mục, thấy mình được gọi rao giảng Tin Mừng bằng thơ ca, tôi đã chăm chú học làm nghệ thuật, nghiền ngẫm quyển “Lý thuyết về văn chương và các nghệ thuật” bằng tiếng Pháp (không còn nhớ tên sách và tên tác giả). Tôi đã đọc rất nhiều thơ, từ Kiều, Chinh Phụ, Cung Oán, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương cho đến Tản Đà rồi các nhà thơ mới. Có những bài thơ tôi thuộc nằm lòng. Gặp sách chuyên môn về văn chương là tôi đọc. Có những quyển tầm thường nhưng vẫn gặt hái được đôi điều, đôi dòng đáng nhớ. Cũng phải học lại tiếng Việt. Tôi vẫn thường xuyên tra cứu Hán Việt Từ Điển của Nguyễn Văn Khôn.

Người làm thơ phải đau khổ. Alfred de Musset có nói: “Cứ đánh vào tim tôi, thiên tài sẽ trào vọt”. Hàn Mạc Tử: “Không rên siết là thơ vô nghĩa lý!” Một tác giả khác: “Mà câu tuyệt vọng là câu tuyệt vời”. Một tác giả thơ Đường: “Đản thị thi nhân đa bạc mệnh” (Thôi Hiệu hay Lý Bạch?)

Đừng tự ti mặc cảm. Cứ viết, cứ đăng báo, cứ in, trong sự khôn ngoan dè dặt.

Cuối cùng, cần hai chữ thành thực và khiêm nhường, đừng tự tôn vinh mình. Thời gian sẽ sàng lọc và đào thải những gì không phải là thơ.

Chúc anh chị em về ăn tết vui.

LỜI NGỎ CHO ĐÊM THƠ

Không kể những bậc kỳ tài, người trọng tuổi không nên nói nhiều và cũng không thể nói nhiều. Nhưng cũng không nên vì thế mà không nói (cũng có nghĩa là không viết) Đức Khổng Tử có lời dạy: Khi còn sống muốn nói gì với con cháu thì nói đi, kẻo chết rồi muốn nói cũng không nói được nữa.

Tôi đã trên 80 tuổi, một đời làm Linh mục, một đời làm thơ, biết nói gì - dù rất ngắn gọn - để lưu lại cho lớp hậu sinh rất khả uý. Lớp người này rất đáng trân trọng vì đặc biệt họ yêu thơ, họ sáng tác thơ. Hơn nữa, họ là những người làm “nghệ thuật” dưới bóng cây Thánh giá và Ánh Sáng Phục Sinh của Đức Kitô.

Tôi nhớ hồi 1959, sau lãnh chức Linh mục, về dạy học tại Chủng viện Chân Phước Tự, Thủ Đức, có mấy chủng sinh hỏi tôi sáng tác thơ từ ngọn nguồn nào. Nhân đó, tôi viết một bài đăng trong nội san Chủng viện, tôi chỉ nhớ mang máng là Nguồn thơ lấy từ Thánh Kinh và tứ thơ lấy từ lời Cầu Nguyện. Lời ấy, cách đây nửa thế kỷ liệu còn thích hợp nhắc lại ở đây để tặng lớp hậu sinh yêu thơ và sáng tác thơ nữa không?

Vườn thơ Thánh Kinh rộng mênh mông như trời biển, kỳ diệu và phong phú vô cùng, chứa đựng toàn Chân Thiện Mỹ. “ Thủ nhi bất cấm, dụng nhi bất tận.”

Phan Thiết, ngày 22/3/2008

MỐI TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA

H. Xin Cha cho biết tình yêu của Cha đối với Thiên Chúa đã qua những bước phát triển nào? Có những thăng trầm nào? Đâu là điều xuyên suốt?

Đ. Điều này đơn giản thôi. Tình yêu của tôi đối với Thiên Chúa tương đối bình lặng, không có vấn đề nào đáng kể. Có thể nói là liên tục. Chỉ có một thời gian hơi sóng gió là các năm 1946-1949, chủng viện đóng cửa, tôi phải sống ở ngoài. Tuy nhiên tôi vẫn hoạt động tông đồ, ham thể thao, thể dục, lại thích đàn, sáo, đánh cờ, vv… Chính những sở thích ấy đã thu hút tôi, giữ cho tình yêu tôi luôn được trung thành với Chúa, không bị cạnh tranh vì tình yêu nhân thế. Cho nên, có thể nói, Chúa đã giữ cho tình yêu của tôi đối với Ngài được êm đềm, không bị khủng hoảng.

H. Còn mối tương quan của Cha đối với Chúa thì đã phát triển thế nào?

Đ. Khi tôi còn nhỏ, tình yêu đối với Chúa nặng phần tình cảm bình thường, nhưng càng lớn lên, tình yêu càng đi vào chiều sâu. Càng về sau, nhờ học hỏi, đọc sách, nhất là đọc và suy gẫm Kinh Thánh, đức tin và tình yêu tôi ngày càng đổi mới và sâu đậm. Tôi đã không có cơ may trải qua những đêm tối tâm hồn như Thánh Nữ Têrêxa Avila hoặc Thánh Gioan Thánh Giá. Nơi tôi, mọi sự có vẻ diễn tiến cách tự nhiên, bình thường. Tôi chỉ gặp Chúa cách đơn giản trong vạn vật, trong thiên nhiên, qua con người, cỏ cây, bông hoa, tiếng gió, ánh mặt trời, vv… Vâng, đó là một ân huệ Thiên Chúa ban cho tôi mà tôi luôn luôn cảm tạ.

H. Sau 29 năm đời linh mục, đoạn Tin Mừng nào ăn sâu vào lòng Cha nhất?

Đ. Đánh động nhất là những câu Tin Mừng mà Chúa đòi mình phải kết hợp sâu xa với Chúa: “Thầy là cây nho, các con là cành”, “Các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con”, “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, “Ai yêu mến Thầy và giữ lời Thầy, Thầy sẽ tỏ mình cho người ấy”. Tôi đã thấy rõ Chúa đã tỏ mình cho tôi qua các biến cố trong cuộc sống. Chúa luôn luôn yêu thương tôi và hiện diện với tôi.

H. Điều gì nơi Chúa Giêsu thu hút Cha nhất?

Đ. Ở tuổi 62 của tôi hiện nay, Đức Giêsu không phải là huyền thoại, không phải là một tình cảm bên ngoài. Đức Giêsu là một thực tại, vừa thần linh vừa lịch sử, là sự sống của mỗi Kitô hữu, cho nên mọi sự nơi Chúa, từ con mắt, trái tim, cuộc sống, lời nói và tóm lại là cả cuộc sống của Chúa đều thu hút tôi. Có điều là làm sao để diễn tả tất cả những điều ấy thành thơ. Cách đây mấy tuần, có người hỏi tôi: “Chưa thấy Cha khai thác đề tài bí tích Thánh Thể?” Câu hỏi khiến tôi suy nghĩ nhiều. Quả thật, để làm thơ về bí tích Thánh Thể rất khó. Cũng như, làm thơ về Hội Thánh không dễ chút nào. Vì làm sao để Hội Thánh trở thành một hình ảnh gợi cảm? Cũng như làm sao để chút bánh chút rượu đã trở nên Mình Máu Chúa có thể biến thành lời thơ? Quả là khó! Điều đó đòi sự sống mình phải có cường độ thật cao, nghệ thuật thật lớn,… Tôi hy vọng những năm cuối đời hiện nay sẽ thực hiện đôi phần.

H. “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Xuân Diệu đã viết câu ấy theo suy nghĩ của ông, nhưng nếu đọc theo ngôn ngữ Kinh Thánh, ta cũng có thể thấy ở đó tình cờ hội đủ các biểu tượng Kitô giáo liên hệ đến hồn thơ Kitô hữu: Gió khiến liên tưởng đến Thánh Thần, Trăng nhắc đến Đức Trinh Nữ, Mây nhắc đến sự hiện diện của Thiên Chúa, như mây phủ trên khám Giao Ước. Xin Cha cho biết thêm kinh nghiệm bản thân trong việc chiêm niệm qua thiên nhiên.

Đ. Trong câu hỏi đã hàm chứa câu trả lời, nhưng tôi muốn lưu ý để khỏi dừng lại ở bề mặt. Ta thấy Thiên Chúa, nhưng thấy thế nào, có rõ nét không? Thấy rồi có cảm mến, con tim có rung động không? Làm sao để đem Chúa từ trong ánh trăng, từ gió vào trong khối óc, trái tim, rồi từ đó trào ra nơi ngọn bút? Tôi còn nhớ một câu thơ Đức: “Gió đập vào cửa sổ và nói với tôi về Thiên Chúa Tình Yêu”.

H. Cha làm nhiều thơ về Đức Mẹ. Xin cho biết tại sao? Điều gì nơi Đức Mẹ gây cảm hứng nhiều nhất? Lòng yêu mến Đức Mẹ bắt nguồn từ đâu?

Đ. Nói về Mẹ Maria là nói đến cả một trời yêu, vì Maria có nghĩa là biển, có nghĩa là cay đắng. Lòng yêu mến Đức Mẹ cũng do bẩm sinh, có thể do đức tin của người mẹ và huyết thống của gia đình. Rất có thể từ khi còn trong bụng mẹ, tôi đã cảm được lòng yêu mến Đức Mẹ. Trong bài Nhớ Xưa, tôi đã nói đến điều đó. Còn hỏi điều gì nơi Đức Mẹ gây cảm hứng nhiều nhất, thì phải nói rằng toàn thể Đức Mẹ đều gây cảm hứng dạt dào cho tôi, từ khuôn mặt, ánh mắt, đến tấm lòng từ mẫu…

(Trích phỏng vấn của Trăng Thập Tự ngày 25-8-1988)

THƠ XUÂN LY BĂNG

TRONG TIẾNG CHUÔNG CHIỀU

“Car tu nous a fais pour Toi et notre

coeur est sans repos jusqu`à tant

qu`il repose en Toi”

(St.Augustin)

“Con người chưa được vô biên

Là còn thổn thức ưu phiền tháng năm”

(Xuân ly băng)

Chiều lắng phủ không gian buồn ý chết,

Mây thê lương chở lệ về phương mô?

Gió lạnh lùng run rẩy lá cành khô

Chim từng chiếc qua sương chiều lặng lẽ. ..

Không gian ơi! chiều nay tan thành lệ

Chảy trong lòng người viễn khách cô đơn.

Nhớ nhung chi khi trời xuống hoàng hôn

Để buồn ngấm uất hồn, ai nức nở. ..

Người bâng khuâng khi trời chiều tắt thở,

Bỗng chuông vàng trong xóm giáo ngân nga.

Tiếng êm êm dìu dịu nhẹ lan ra

Qua gió chiều lên hương buồn ly biệt

Tiếng tôn giáo cùng người, ôi tha thiết!

Viễn khách ơi!

Viễn khách ơi!

Chiều nay cảm thấy lạnh rồi phải không?

Ý đời rét buốt mênh mông

Đường đời cô quạnh trong không gian buồn!

Tình đời đen bạc mười phương

Men đời không dậy trong sương gió đời!

Viễn khách ơi!

Viễn khách ơi!

Giờ đây cảm thấy lạnh rồi phải không?

Này nghe tiếng nhạc chuông trong

Lời AI VĨNH VIỄN nói cùng THỜI GIAN:

Tìm chi hoa nội trăng ngàn

Tìm chi hạnh phúc dương gian mà tìm?

Con người chưa được VÔ BIÊN

Là còn thổn thức ưu phiền tháng năm.

Này người viễn khách bâng khuâng

Đường lên ánh sáng đã gần không xa!

SUY NGHĨ CÚI ĐẦU

Trái tim con nhỏ bé,

Tình yêu Chúa bao la,

Lòng Chúa như trời bể,

Đời con giọt mưa sa. ..

Chúa là trời ánh sáng,

Con ngọn đèn hắt hiu,

Chúa quang minh vô hạn,

Con một tia nắng chiều. ..

Chúa chính là hiện hữu,

Không có thủy có chung,

Đời con một chút xíu,

Như giọt nước miệng thùng. ..

Chúa chính là tồn tại

Tuyệt đối và vô biên

Kỳ dư là tương đối

Chuyển dịch và biến thiên

Đá vàng, ai hỏi tuổi?

Núi sông tự bao giờ?

Nhìn sao mỗi đêm tối,

Thân con thật bé thơ. ..

Rồi ra biến dịch hết:

Biển cả thành nương dâu.

Sinh ly và tử biệt

Con suy nghĩ cúi đầu. ..

Xin nhận con, lạy Chúa,

Vào thế giới Vĩnh Hằng

Thanh bình trăm muôn thuở,

Là Vương Quốc Thánh Tâm.

BÀI CA TÌNH ÁI

Trong ánh dương vàng mỗi buổi mai,

Khi đám sương lam phủ ngọn đồi,

Và lúc trên cành chim đua hót,

Lòng con mến Chúa lắm, Chúa ôi!

Dưới ánh trăng vàng dệt nhớ thương,

Đất trời say đắm mộng sầu vương,

Chúa ơi, con mến trong đêm vắng

Tình Chúa mênh mang suốt canh trường…

Vườn nhà những độ hoa đâm bông,

Hương ngát trời mai, sắc thắm hồng,

Trong cánh bướm vàng bay nhỏ nhẻ,

Hương tình mến Chúa thoảng trên không…

Những buổi giao mùa, gió lê thê,

Thổi sầu oán hận khắp sơn khê,

Lạy Chúa con nghe trong tiếng gió

Lời ca tình ái khóc tỉ tê…

Tháp cũ chiều hôm nhả tiếng đồng,

Ngân nga dìu dịu vút trên không.

Chuông ơi, ta gửi lời yêu mến

Theo gió bay về tận thiên cung…

Mỗi lần con ngắm trời mây gió,

Lạy Chúa, làm sao hồn đê mê!

Ôi hình ảnh Chúa sao sáng tỏ

Trong núi rừng và khắp cả sơn khê!

CHUÔNG CHIỀU

Chiều tàn trên bến cô liêu

Đò ngang thưa chuyến, quán chiều vắng tanh

Gió đưa hiu hắt trên cành

Đồng không sương bủa buồn tanh chim về

Hồn chiều lên ý não nề

Buồn ơi! xa vắng đê mê là buồn

Bỗng nghe một tiếng chuông buông

Xa xôi tự tháp thánh đường nào đây!

Vang lên cao vút tầng mây

Rồi ngân nhè nhẹ như ngây ngất lòng

Tiếng êm nhạc gió rừng thông

Ru như tiếng trúc dịu trong chiều vàng

Rồi tan trong gió mênh mang

Những âm thanh đã nhịp nhàng trong tôi

Bắc cầu nối ý xa khơi

Hồn tôi với lại nước trời xa xăm

CỦI MỤC

Khi vớt lên một cành củi mục

Và bắt về chiếc lá vàng trôi

Ta sẽ nghe tiếng hồn ai thổn thức

Lệ trào tuôn than khóc ngậm ngùi

Phải chăng xưa một cành đào diễm lệ

Chỗ vương môn mơn trớn vạn bàn tay

Phải chăng xưa một bông hồng áo não

Che mặt người hoa, đẹp chốn lầu Tây

Chiếc lá trôi chẳng phải là ngọc diệp

Đã từng nghe chuyện tài tử giai nhân

Đã từng ghi những lời tình thống thiết

Chỗ sang giàu của những Mạnh thường quân

Nhưng than ôi gió thời gian quét sạch

Hồn thảo thu man mác bóng tà dương

Khiến bao nhiêu cành vàng cùng lá ngọc

Dạt về đâu trên mặt đất vô thường

Hình hài có biến, hồn không tan

Khắp mặt đất này đi lang thang

Vương vào cây cỏ vào sông nước

Khiến tiếng chèo khuya nghe tiếng bẽ bàng

Và người nghệ sĩ những chiều hôm

Ngắm bóng non xa bỗng thấy buồn

Trời không mưa gió không tiễn biệt

Mà thấy trong lòng giọt lệ tuôn

Thôi đừng khóc nữa lá cành ôi

Có khóc đời cũng thế mà thôi

Vì trong thời gian có vĩnh cửu

Trong ly rượu nồng có mùi ngải cứu

Vị đắng đót sẽ còn lại muôn năm

Là lộc trời để nhắc nhở xa xăm.

LÂU ĐÀI ĐÊM TỐI

Trước ngưỡng cửa lâu đài đêm tối

Lá hoa buồn khép vội bờ mi

Côn trùng rỉ rả âm i

Trời cao đã mọc một vì sao hôm

Gửi vào Chúa tâm hồn tín thác

Đêm linh hồn man mác tình yêu

Có bình minh sáng thật nhiều

Có hiu hiu gió mỗi chiều mơn man

Gửi vào Chúa muôn vàn giọt lệ

Đêm linh hồn xiết kể hân hoan

Du dương tiếng sáo tiếng đàn

Giữa cô liêu ấy chứa chan ân tình

Gửi về Chúa hoa cành hương thảo

Đêm linh hồn sáng đạo tình duyên

Có rừng thánh, có suối tiên

Có chiên con đứng dịu hiền trong mơ…

Đêm thời gian không mờ đêm thánh

Đèn Ba Ngôi chiếu sáng thần linh

Xuân về trên dãy trường sinh

Muôn vàn trinh nữ cầm cành huệ tươi.

VÀO SA MẠC

Thời gian vào sa mạc

Sỏi đá hóa tâm tình

Hoa cỏ mặc tâm linh

Mây trời ca tình tự

Mưa rơi toàn ân tứ

Gió thổi rặt tình yêu

Từ sáng tới ban chiều

Không gian đầy thánh sủng

Ai bước vào thung lũng

Ai leo lên núi đồi

Đều gặp thấy Ngôi Lời

Và Chúa Cha hằng hữu

Với tình yêu vĩnh cửu

Của Ngôi Ba Thánh Thần

Cả một trời thiên ân

Một đại dương ánh sáng

Một nguồn suối hy vọng

Một biển sóng vĩnh hằng

Đang vây phủ toàn thân

Của người vào cô tịch

Miễn là chịu tiêu diệt

Con người cũ A-dam

Và mặc lấy huy hoàng

Vinh quang con người mới.

HÁI HOA TÌNH YÊU

Đi vào miền cô tịch

Hái bông hoa tình yêu

Lượm những viên ngọc bích

Có khắc tên người yêu

Người yêu trên mây trời

Dù ta không thấy rõ

Người yêu trong ngọn gió

Dù chẳng động cành cây

Người yêu trong tiếng chim

Dù chim bay về núi

Em chẳng phải đi tìm

Hơi người còn nóng hổi

Người yêu trong hoa rơi

Người yêu trong lá đổ

Người yêu dưới chân trời

Người yêu trong cửa sổ

Hãy vào miền cô tịch

Hái bông hoa tình yêu

Mặc tình em thỏa thích

Chỉ có yêu và yêu.

ĐÀN VỌNG CỐ HƯƠNG

Đàn lòng kết bởi muôn dây

Nhưng dây hạnh phúc còn gầy đàn ơi

Đêm đêm hướng mắt lên trời

Ôm đàn ta khóc mãi đời trích tiên

Đàn ta sầu thảm ưu phiền

Nghẹn ngào nức nở nhớ miền Trời xa

Trời xa mới chính quê ta

Muôn muôn hạnh phúc bao la phỉ nguyền

Suối thơ rừng nhạc vô biên

Trăng thanh bình tỏa sáng miền ái ân

Muôn hoa cỏ lạ vô ngần

Sắc hương ngào ngạt tuyệt trần thanh cao

Lưu ly đàn khóc nghẹn ngào

Sầu nơi dương thế ngày nào mới vơi

Kiếp đày ải chốn xa vời

Chìm trong bể khổ lệ đời mênh mang

Ai xin tôi một cung đàn

Đàn tôi viễn xứ muôn vàn chua cay

Vì đàn kết bởi muôn dây

Nhưng dây hạnh phúc còn gầy đàn ơi

Đêm đêm khóc nước trên trời.

MỘT MẢNG CHIỀU

Mẹ cho con một mảng chiều

Có mây giăng tím chở nhiều nhớ nhung

Có đàn sáo lượn bên sông

Lưng trâu có chú mục đồng thổi tiêu

Hoàng hôn lá rụng thật nhiều

Khói lam tỏa nhạt xóm nghèo bơ vơ

Mẹ cho con một trời thơ

Trong chuông nhật một nhà thờ xa xa.

VÀO THU

Bông dưng sầu ứ không gian

Thuyền mây trôi xám gió vàng hắt hiu!

Đồng quê đọng nước tiêu điều

Ba con cò trắng tiếng kêu não nùng!

Hơi buồn bao tỏa núi sông

Cỏ cây mây nước mênh mông là buồn!

Ai về khuất nẻo cô thôn

Suối tre chảy lá chuông buồn ngân nga!

Trời, mây, nước với mình ta

Nghe chuông nhắc lễ Đức Bà sang thu!

SAY NOEL

Đêm nay Noel về

Hồn hỡi lắng tai nghe

Đàn muôn cung réo rắt

Dồn dập khắp sơn khê

Đêm nay Hài Đồng đến

Đem hoan lạc trời cao

Đêm nay thơ kính mến

Sẽ say ngã lao đao

Ôi Noel đêm trời nhiệm mầu

Rượu nồng ta không nếm

Sao lòng trí ngất ngư?

Ta say muôn ánh nến

Ngời rạng vạn hào quang

Ta say tiếng chuông vàng

Trong gió trời hổn hển

Từng trận đổ vang vang…

Ta say muôn lời kính

Thơm như hoa thiên đình

Êm như dòng suối nhạc

Đẹp như lệ đồng trinh

Ôi Noel! Đêm trời nhiệm mầu

Nhạc an hòa, thơ kính mến

Hương phượng thờ đang ngào ngạt dâng lên

Ban cho lòng người đau khổ trần gian

Hiểu ý nghĩa Noel miền cao cả.

TRÁI THÁNH KINH

Buồn lòng không, hỡi người trinh nữ

Chờ đón tân lang trễ một giờ

(Mt 25, 1-3)

Ai có đêm nay nghe tiếng khóc

Năm người trinh nữ đứng bơ vơ

Sương trời ướt cả mùi son phấn

Lỡ chuyện trăm năm chậm một giờ

Ai có đêm nay nghe tiếng khóc

Giá buốt một trời gió mênh mông

Năm người trinh nữ buồn run rẩy

Xiêm áo không che nỗi lạnh lùng

Ai có đêm nay nghe tiếng khóc

Sượng sùng trinh nữ đứng cô đơn

Lá rụng cành gầy cơn gió lốc

Tan tành giấc mộng tối tân hôn

Ai có đêm nay nghe tiếng khóc

Mịt mù canh vắng dếgiun than

Năm người trinh nữ buồn lai láng

Văng vẳng từ xa có tiếng đàn

Văng vẳng từ xa có tiếng đàn

Ôi còn đâu nữa bóng tân lang

Năm người trinh nữ sầu tuyệt vọng

Cửa đóng then cài… bước lang thang

Cửa đóng then cài… bước lang thang

Ôm đèn không đỏ dạ mang mang

Đường khuya trở gót lòng hiu quạnh

Dầu mỡ than ôi, chuyện đá vàng

Dầu mỡ than ôi, chuyện đá vàng

Biết chăng chẳng biết chàng hỡi chàng

Ai vào phòng tiệc xin nhắn gởi

Có kẻ ngoài này đứng khóc than.

BAO GIỜ CHO HẾT THU

Có một mùa thu, thu rất thu

Mưa gió….hanh hao đẫm sa mù

Mẹ hỡi chính là mùa thu ấy

Khi mẹ lìa đời, con khóc hu

Con thấy cô đơn lạnh cuộc đời

Ra vào vắng mẹ lệ ròng rơi

Mùa thu từ đó ôi sầu thảm

Như tiếng vạc kêu cuối chân trời

Rồi cũng mùa thu con ly hương

Lá vàng theo gió bay bốn phương

Mây sầu giăng mắc lòng lãng tử

Chiếc én chân trời phận thảm thương….

Mẹ hỡi bao giờ cho hết thu?

Hết gió, hết mưa, hết sa mù?

Để dòng thơ con thôi sầu thảm

Con tóc bạc rồi, mẹ ở mô?

Mẹ trách con rằng: hỏi vẩn vơ

Mẹ ở trên trời chứ ở mô

Con ơi, hãy nhìn về phương ấy

Rồi hãy cầu nguyện để làm thơ:

TRONG TIẾNG CHUÔNG

Lặng nghe chuông đổ mỗi chiều

Lá vàng tuôn rụng hắt hiu vườn nhà

Tiếng chuông trong gió ngân nga

Âm thanh rút ngắn đời ta dần dần

Rồi đây chuông vẫn còn ngân

Thân em khuất dạng khỏi sân khấu đời

Tìm về với Chúa em ơi!

Linh mục Xuân Ly Băng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Miền Quê Hiền Hòa
Tấn Đạt
22:05 21/07/2017
MIỀN QUÊ HIỀN HÒA
Ảnh của Tấn Đạt
Hỡi người qua cảnh bể dâu
Hỡi ai hết muốn qua cầu lợi danh
Về quê sống chuỗi ngày lành
Với dòng suối bạc, cây xanh, hoa vàng
(Trích thơ của Nguyễn Gia Linh)