Ngày 17-07-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:42 17/07/2016
THỊT TRÂU KHO.
Có một người thích ăn thịt trâu kho. Những người tin Phật khuyên anh ta:
- “Anh lúc còn sống mà ăn thịt trâu, thì sau khi chết trâu sẽ tính sổ với anh đó !” người ấy cười cười, vẫn ăn như cũ.
Vào một đêm nọ, anh ta nằm mộng thấy mình chết, bị lũ quỷ lôi đến địa phủ của âm phủ, quan của địa phủ đều là loại quái vật đầu trâu mặt ngựa đang làm quan tòa xét xữ.
Vừa lúc đó có tên quỷ đầu trâu đứng bên cạnh, anh ta không những không sợ hãi, mà còn đưa tay ra sờ đầu nó, lòng vui phơi phới nói:
- “Ha ha, con trâu này sao mà béo, nấu kho rất thích hợp !”
Con trâu nghe xong thì kinh hãi, chỉ biết cười khổ mà đem anh ta trở lại dương gian mà thôi.
(Đại Đường truyền tải)

Suy tư 77:
Tôi có một đứa cháu gái con bà chị ruột, nó “mê” ăn thịt chó từ hồi còn nhỏ, tôi còn nhớ có một lần –vào buổi tối- trong nhà ba tôi đang “hạ cầy tơ”, đã hơn mười giờ rồi mà nó vẫn chưa đi ngủ, ngồi bên ông ngoại gần lò bếp, đợi ăn một miếng thịt chó rồi mới đi ngủ.
Thịt chó, có lẽ vì nó ngon quá cho nên có nhiều quốc gia ra luật: ăn thịt chó là ở tù, như ở đảo quốc Đài Loan, nếu như ở Việt Nam mà cấm thịt chó như thế thì chắc dân chúng ở ngã ba Ông Tạ, ở miệt Hòa Hưng hay ở khu Đồng Tiến-Nguyễn Trãi đi ra tận thủ đô Hà Nội để biểu tình phản đối...
Thế mới biết, chỗ này thì cho nhậu cầy tơ, nơi kia thì cấm ngặt, nhưng cấm gì thì cấm, khi muốn nhậu cầy tơ thì người ta vẫn có cách để nhậu.
Thịt chó, thịt heo, thịt bò, thịt trâu, hay bất cứ thịt loài động vật gì chăng nữa, con người đều có thể ăn, trừ thịt người, vì Thiên Chúa đã ban cho con cái loài người hưởng dùng, ăn được hay không là do mỗi người bị “dị ứng”...thịt mà thôi.
Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ cho nên chính Ngài cũng là Đấng phán xét tội lỗi của loài người, và cũng là Đấng đem các thần dữ nhốt trong hỏa ngục âm ty, cho nên không phải sợ loài đầu trâu mặt ngựa trong hỏa ngục mà đừng ăn thịt trâu, nhưng phải sợ khi mình ăn thịt quá nhiều mà quên mất người đói rách cần ăn, và phải sợ Đấng phán xét là Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta về đức ái đối với tha nhân...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:00 17/07/2016

8. Nếu chỉ từ bỏ tiền tài thôi thì chưa đủ quý, người ngoại giáo cũng có thể làm như thế; hoàn toàn dâng hiến mình cho Thiên Chúa, cắt đứt ý riêng để theo mệnh lệnh, thì đó mới là công việc của người tuân theo lời dạy.

(Thánh Hieronymus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Ngôi nhà Bêtania
Lm. Vinh Sơn scj
08:43 17/07/2016
Chúa Nhật XVI Thường Niên C

NGÔI NHÀ BÊTANIA

St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42

Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo Hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học.

Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère.

Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.

Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:

- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?

Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:

- Thưa thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép thầy cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!

Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:

- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm?

Chàng sinh viên liền hỏi:

- Thưa thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?

Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy xúc cảm, ông trả lời:

- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!

Nhà bác học Ampère trở nên vĩ đại với công trình nghiên cứu về điện tử học, về nam châm điện đã đem lại biết bao lợi ích cho nhân loại. Thế nhưng, với ông, đó không là việc vĩ đại. Vĩ đại với ông như ông xác tín: “…Chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi”. Cầu nguyện để lắng nghe tiếng Chúa nói với ta biết phải làm gì…

Như Maria ngồi bên chân Chúa lắng nghe Lời Thầy…

Cả ba chi em Martha Maria và Ladarô ở làng Bêtania rất thân thiết với Chúa Giêsu Thánh Gioan trong một câu ngắn ngủi đã ghi lại trong Tin mừng thứ tư: “Đức Giêsu quý mến cô Martha, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô” (Ga 11,5). Làng Bêtania nằm bên sườn núi Ôliu cách Giêrusalem gần ba cây số về phía đông... Mỗi khi Chúa Giêsu và các môn đệ lên Giêrusalem đều ghé qua nhà của ba chị em ở Bêtania để nghỉ ngơi (x. Mt 21,17; Mc 11,11; Lc 10,38-42; 21,37; Ga 11,11,17; 12,1). Martha là chị cả và tiếp theo là Maria chị của Lagiarô. Và có lẽ chính Maria này cũng là người phụ nữ xức dầu thơm cam tùng hảo hạng để xức chân Chúa Giêsu (Mt 26,6-7; Mc 14,3-9; Ga 12,3) trước ngày Người bước vào cuộc thương khó. Ladarô người đã chết được Chúa Giêsu cho sống lại sau khi Martha tuyên xưng niềm tin phục sinh vào Ngài (x. Ga 11, 1-45)

Chúa đến thăm nhà Bêtania, Martha lo làm bếp tiếp thầy. Còn Maria ngồi lắng nghe lời Lời Thầy. Ngồi là tư thế của người môn sinh lắng nghe lời giáo huấn của thầy (x.8,35; Cv 22,3); Chúa Giêsu đã đánh giá tư thế “nghe” của Maria là phần tốt nhất.

Martha hối thúc Maria giúp cô làm bếp, học giả Rachel Conrad Wehberg giải thích cắt nghĩa thái độ của Martha: Người ta phải suy luận rằng đây là công việc trong bếp hai người đã quen làm. Maria vẫn thường phụ giúp Martha. Nếu họ đã phân chia công tác: Martha nấu ăn, Maria tiếp khách, thì chẳng có vấn đề gì, vì mỗi người đều chấp nhận và kính trọng nhau. Nhưng ở đây, theo thói quen, cả hai chị em cùng làm công việc nấu nướng. Nếu cả hai cùng làm, sẽ mau có bữa ăn hơn, và cả hai chị em đều có cơ hội ngồi tâm sự với Chúa lâu giờ hơn. Do đó, Martha than phiền không phải vì bà chỉ bận tâm đến việc ăn uống, cũng không phải vì ghen tương, nhưng vì trái tim bà hối thúc muốn được cùng lắng nghe Lời Chúa, cùng ở bên Chúa với Maria. Đó là lý do Martha đã than phiền (Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa Năm C)

Thật thế, người môn đệ có lúc “tất bật” trong phục vụ, nhưng cũng cần có thời gian chuẩn bị để “lắng nghe” ý Chúa. Không thể có hoạt động, phục vụ tốt nếu không lắng nghe, để biết ý Chúa. Maria đã chọn lựa và làm tốt: ngồi dưới chân Đức Giêsu và lắng nghe. Một thái độ không thể thiếu của một môn đệ: toàn tâm chú ý vào Chúa và lời Ngài. Đó là việc làm cần thiết đầu tiên khi bước vào sứ vụ, phục vụ và lao động. Chính Chúa Giêsu gọi và chọn các môn sinh ra đi phục vụ, nhưng trước tiên Ngài mời họ đến xem và ở với Ngài (x. Ga 1,35-39). Chính khi gặp gỡ, lắng nghe trao đổi, sống mầu nhiệm trong lời mời: “Hãy lưu lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9), một khi có sức mạnh của thầy, theo lời mời gọi của thầy: “anh em ra đi và sinh nhiều hoa trái”.

Cuộc sống ngày hôm nay luôn vội vã, tất bật, làm chúng ta chạy theo muốn hụt hơi, càng cố tiến bước, càng thấy mệt mỏi. Công việc phục vụ trong một môi trường đầy khốc liệt như thế cũng làm chúng ta luôn vội vã… Trong ý nghỉa của nhà Bêtania mà Maria ngồi bên chân Chúa, chúng ta nên học biết dừng lại và nghỉ ngơi bên Chúa trong việc chiêm niệm: Luôn hướng nhìn về Chúa và hằng lắng nghe Lời Ngài trong hành trình phục vụ. Biết lắng nghe và hiệp nhất với Thiên Chúa trong công việc, sứ mạng phục vụ con người…

Nhịp sống hằng ngày luôn có sự liên kết giữa cầu nguyện và làm việc. Cho nên P. Graef nói: “Hoạt động mà không có cầu nguyện là thiếu nguyên tắc căn bản, cầu nguyện mà không có hoạt động là thiếu đất gieo hạt”…

Hãy mở cửa đón Chúa và ngồi bên chân Ngài để lắng nghe tiếng Chúa, đó chính là sức mạnh của tiến trình phục vụ…Như Thánh Augustinô thổn thức kêu lên:

“Lạy Chúa, Chúa tạo dựng con cho Ngài, lòng con không hề yên nghỉ bao lâu con chưa nghỉ ngơi trong Chúa”.

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn- Nam Định 16/07/2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lịch sử Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Đặng Tự Do
15:50 17/07/2016
Nguồn gốc của Đại hội Giới Trẻ thế giới gắn liền với hai sự kiện đặc trưng trong đó tuổi trẻ là những nhân vật chính. Đó là Năm Thánh năm 1984 và Năm Thanh niên Quốc tế năm 1985.

Sự đáp ứng của những người trẻ trước lời mời của Đức Thánh Cha rất ngoại thường. Đức Thánh Cha đã trao cho giới trẻ Thánh Giá, là một biểu tượng của Năm Thánh. Thánh giá này đã trở thành Thánh Giá của thanh niên, Thánh giá của Đại hội Giới Trẻ thế giới.

WYD 1986 là Đại hội Giới Trẻ thế giới đầu tiên sau khi biến cố này chính thức được thiết lập trong Giáo Hội và đã được tổ chức ở cấp giáo phận với chủ đề “Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về Niềm Hy Vọng của anh em” (1 Pr 3,15)

Một năm sau đó, năm 1987, Đại hội Giới Trẻ thế giới đầu tiên bên ngoài Rôma đã diễn ra vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá tại Buenos Aires, Á Căn Đình với chủ đề: “Chúng ta đã nhận biết Tình Yêu Thiên Chúa nơi chúng ta và chúng ta đã tin vào Tình Yêu ấy” (1 Ga 4,16). Đây là Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới cấp quốc tế đầu tiên quy tụ giới trẻ ở Buenos Aires để gặp gỡ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Ngài phát biểu như sau: “Cha nhắc lại điều mà các con đã biết. Cha đã từng nói kể từ ngày đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của cha rằng: các con là niềm hy vọng của Giáo Hội”. Đại hội Giới Trẻ thế giới đầu tiên này đã thu hút hơn một triệu thanh niên.

Tiếp theo, Đại hội Giới Trẻ thế giới đã diễn ra tại Santiago de Compostela vào năm 1989 với chủ đề “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Đại hội Giới Trẻ thế giới này đưa ra một chương trình được cấu trúc thành ba phần rõ rệt: học giáo lý, đêm Canh Thức và Thánh Lễ Bế Mạc với các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới.

Sau đó đến lượt một đền thờ khác là Częstochowa. Lần này, là một đền thánh Đức Mẹ, là địa điểm của nhiều cuộc hành hương. Trên bình diện lịch sử, đây là Đại hội Giới Trẻ thế giới đầu tiên bao gồm các thanh thiếu niên từ hai khu vực trước đây thù địch với nhau. Thật vậy, đại hội này đã diễn ra ngay sau sự sụp đổ của bức tường Berlin. Chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần này là “Chúa Thánh Thần làm cho anh em trở nên con cái Chúa” (Rm 8,15). Thành phố Czestochowa của Ba Lan - quê hương Đức Gioan Phaolô II đón nhận 1.5 triệu bạn trẻ tham gia Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ Sáu này.

Đại hội Giới Trẻ thế giới tiếp theo diễn ra tại Denver, Hoa Kỳ, với chủ đề “Ta đến để đoàn chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Đó là một cuộc hành hương đến một thành phố hiện đại, thay vì một đền thờ. Đó là một đô thị hiện đại, nơi đó các người tham gia đã mang sự hiện diện của Chúa Kitô đến với cuộc sống, qua những chứng tá cho Ngài.

Đức Thánh Cha khích lệ các bạn trẻ rằng: “Đừng xóa bỏ lương tâm của các con! Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa... Đừng sợ đi ra đường phố, ra nơi công cộng... Lúc này không phải là lúc phải hổ thẹn về Phúc Âm (x.Rm 1:16)

...Đừng sợ phải lìa bỏ lối sống thoải mái tiện nghi, hãy nếm trải những thử thách khi làm cho Chúa Kitô được biết đến trong “đô thị” hiện đại.

Sau đó, Đại hội Giới Trẻ thế giới diễn ra ở Manila, Phi Luật Tân với chủ đề: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.” (Ga 20,21). Đây là Đại hội Giới Trẻ thế giới lớn nhất trong lịch sử, với khoảng 4 triệu người trẻ tham gia. Đây là lần đầu tiên có quá đông người trẻ qui tụ chung quanh Đấng kế vị thánh Phêrô. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khích lệ hơn 4 triệu bạn trẻ như sau: “Các con có sẵn sàng dâng hiến chính bản thân các con, sức mạnh của các con và tài năng của các con vì lợi ích của những người xung quanh? Các con có sẵn sàng yêu thương? Có, các con hoàn toàn có thể. Giáo Hội và xã hội đang đặt những hy vọng lớn trên mỗi người chúng con.”

Tiếp theo là Đại hội ở Pháp vào năm 1997 với chủ đề: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Hãy đến mà xem.” (Ga 1,38-39). Trong số các phát triển mới khác, Pháp đưa thêm việc Đi Đàng Thánh Giá, và chuyến thăm các giáo phận của nước này.

Gần một triệu bạn trẻ đã quy tụ chung quanh Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Dịp này, ngài khích lệ họ: “Các bạn trẻ thân mến, con đường chúng con đi không dừng lại nơi đây. Thời gian không dừng lại hôm nay. Hãy ra đi trên khắp nẻo đường thế giới, trên mọi nẻo đường của nhân loại, và sống hiệp nhất với nhau trong Giáo Hội của Chúa Kitô!”.

Kế đó là Đại Năm Thánh năm 2000. Hơn 2 triệu thanh niên tụ tập trong thời điểm thuận lợi, thời gian linh thánh, thời thuận lợi của Năm Thánh tuyệt vời với chủ đề “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ ở giữa chúng ta.” (Ga 1,14)

Đức Thánh Cha mời gọi tất cả các bạn trẻ “hãy luôn gắn chặt niềm tin và sự quảng đại của các con trong việc phục vụ tha nhân, sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa và người thợ dệt nên hòa bình.”

Một lần nữa, chúng ta tụ tập ở một thành phố hiện đại, đó là Toronto trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2002 với chủ đề “Các con là Muối cho đời… Các con là Ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13-14).

Đây là Đại Hội cuối cùng do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chủ sự. Đức Thánh Cha đã đề cao sức mạnh của tuổi trẻ như sau: “Hỡi tinh thần của tuổi trẻ, tinh thần của tuổi trẻ! Mặc dù cha đã từng sống giữa bóng tối, dưới chế độ độc tài toàn trị khắc nghiệt, nhưng cha vẫn có đủ lý trí tự thuyết phục chính bản thân mình một cách vững vàng mà không chùn bước hay sợ hãi khi hoàn toàn tin tưởng rằng niềm hy vọng luôn chảy tràn trong trái tim các bạn trẻ mà không bị bóp nghẹt.”

Thành phố Cologne vào năm 2005 đã đi vào lịch sử như là Đại hội Giới Trẻ thế giới của hai Đức Thánh Cha: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, người triệu tập đại hội, đã chọn Cologne, và chuẩn bị sẵn sàng cho Đại hội, và Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tham dự Đại hội này.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô đã hoàn toàn đồng ý với chương trình này do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đề xuất, để truyền giáo cho người trẻ. Chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới này là: “Chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2,2) trong tinh thần của các nhà chiêm tinh xưa để tìm gặp Chúa Giêsu.

Sau Cologne là Sydney. Mặc dù chỉ có 20% dân số là Công Giáo, nhưng việc tiếp đón thật là tuyệt vời. Chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 là “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi người ngự xuống trên anh em và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy.” (Cv 1,8)

Tại kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23 này, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 chào đón các bạn trẻ đến thành phố Sydney với lời mời gọi “để hiểu được sứ mạng của Giáo Hội, chúng ta cần quay trở lại Phòng Tiệc Ly, nơi các môn đệ đã tụ họp nhau.”

Tây Ban Nha tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ hai vào năm 2011 tại Madrid. Số lượng người tham dự vượt quá mong đợi. Ước tính có khoảng một triệu bạn trẻ tại sân bay Cuatro Vientos lúc 7:00 tối trong Đêm Canh Thức. Đây là cuộc tụ họp của người Công Giáo lớn nhất đã diễn ra tại Tây Ban Nha. Nhiều người hành hương đã đi bộ từ trung tâm Madrid đến sây bay trên quảng đười dài đến 12.6 km, mặc dù giao thông công cộng đã được cung cấp thêm.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro vào năm 2013 với chủ đề “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:29) đã đi vào lịch sử như là Đại Hội thứ nhất do Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giáo Hoàng Nam Mỹ đầu tiên, chủ sự. Hơn 3 triệu người đã tham dự thánh lễ bế mạc tại bãi biển Copacabana của Rio de Janeiro. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi họ hãy “Hãy ra đi, không sợ hãi, để phục vụ. Đừng sợ! Khi chúng ta ra đi loan báo Chúa Kitô, chính Ngài đi trước, hướng dẫn chúng ta. Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Chúa đã hứa: ‘Thầy ở với các on mọi ngày’ (Mt 28,20). Và điều này cũng được áp dụng cho chúng ta! Chúa Giêsu không để chúng ta lẻ loi, Ngài không bao giờ để các bạn lẻ loi! Chúa luôn tháp tùng các bạn.”

Và giờ đây chúng ta đang chờ đón Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 31 với chủ đề “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5:7) diễn ra tại Krakow, Ba Lan, quê hương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là vị sáng lập ra Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Đây là Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới thứ hai được tổ chức tại Ba Lan và là Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới thứ Ba được tổ chức tại khu vực Trung Âu.
 
Tuổi trẻ Mỹ và Úc tham dự Đại Hội Giới Trẻ Krakow
Vũ Văn An
20:07 17/07/2016
Khoảng 30,000 khách hành hương Hoa Kỳ sẽ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Krakow cùng với khoảng 2 triệu rưỡi khách hành hương năm châu. Họ được khuyến cáo “chuẩn bị tâm hồn bằng cách cầu nguyện thường xuyên và ngoan ngoãn, xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn và mở tâm hồn đón nhận các hồng ân của Người”.

Càng gần tới ngày Đại Hội, tuổi trẻ Hoa Kỳ càng được cung cấp nhiều chỉ dẫn về phương diện hậu cần, thiêng liêng và cả kỹ thuật số nữa. Con số 30,000 người trẻ Hoa Kỳ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế giới ở bên ngoài Bắc Mỹ lần này được kể là con số cao nhất xưa nay.

Đức Cha Frank J. Caggiano của giáo phận Bridgeport, tiểu bang Connecticut, liên lạc viên hàng giám mục của các giám mục Hoa Kỳ, trong cuộc họp báo ngày 7 tháng 7 vừa qua, cho biết bất chấp các lo ngại về an ninh tại Liên Hiệp Âu Châu hiện nay, “không có chứng cớ nào về một đe dọa có thể có”.

Paul Jarzembowski, phối trí viên Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới toàn quốc, nói rằng văn phòng của ông đang làm việc với Tòa Đại Sứ Ba Lan ở Washington D.C., cùng với các chính phủ Mỹ và Ba Lan, để bảo đảm sự an toàn cho khách hành hương Mỹ.

Tại cuộc họp báo, ông khuyến khích các tham dự viên Đại Hội đọc trang mạng Đại Hội của Bộ Ngoại Giao và ký tham gia Chuơng Trình Ghi Danh Làm Người Du Lịch Thông Minh, một chương trình cung cấp các cấp báo và cảnh giác du lịch cho người Mỹ ở ngoại quốc.

Nhóm Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới cũng khuyến khích khách hành hương hoàn tất việc đăng ký nếu họ chưa làm. Ngoài số 30,000 người đã đăng ký đầy đủ, khoảng 10,000 người nữa vẫn chưa hoàn tất việc đăng ký và chưa trả tiền.

Đức Cha Caggiano nhắc nhở các tham dự viên thông báo cho ngân hàng của họ biết việc họ sẽ lên đường, mang theo đủ thuốc men, nghỉ ngơi đàng hoàng trước khi lên đường và đừng để mất nước tại Ba Lan.

Về phương diện thiêng liêng, ngài nói: người hành hương nên chuẩn bị tâm hồn bằng cách cầu nguyện thường xuyên và ngoan ngoãn, xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn và mở tâm hồn đón nhận các hồng ân của Người.

Đức Cha nhận định rằng “không một ai bị đứng ngoài cuộc hành hương”. Những người ở nhà vẫn có thể theo dõi trên các phương tiện truyền thông xã hội hoặc qua các áp dụng điện tử của Đại Hội sẽ có nay mai.

Matt Palmer, chuyên viên truyền thông xã hội tại Phòng Công Vụ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cũng công bố rằng một video 360 độ sẽ được dùng để ghi một số biến cố của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Jarzembowski khuyến khích những người ở nhà dành giờ theo dõi các áp dụng điện tử hoặc tham dự các buổi tụ họp nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức khắp nức Mỹ, kể cả Washington, Connecticut và Detroit.

Tuổi trẻ Úc

Tuổi trẻ Úc tham gia Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần này chỉ vào khoảng 1 phần 10 của tuổi trẻ Mỹ. Tuy nhiên, sự hăng say của họ không hẳn kém.

Dù chưa bình phục khỏi chứng bệnh lạ về miễn nhiễm thần kinh, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, O.P., giám mục đặc trách việc tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2008 tại Sydney, một đại hội không lớn bằng đại hội năm 2005 tại Cologne, nhưng về phương diện tổ chức có phần chu đáo hơn, ít nhất cũng về phương diện kỹ thuật, cũng đang hiện diện tại Krakow để tham dự Đại Hội 2016 tại đây.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây tại Krakow, Đức Tổng Giám Mục Fisher cho hay: ngài tha thiết cầu nguyện cho các nhà tổ chức ở Ba Lan, vì ngài biết họ phải kinh qua những gì: giống như 5 phút cuối cùng phải soạn xong bữa ăn Tạ Ơn hoặc bữa ăn Giáng Sinh, cứ gọi là cuống cuồng cả lên. Làm sao để các địa điểm được sẵn sàng, các biến cố được tập dượt và nhiều chuyện khác phải diễn ra cách này cách khác: nuôi ăn gần 2 triệu rưỡi người, làm thế nào họ không bị chia trí khỏi mục đích thiêng liêng của cuộc hành hương là Đại Hội Giới Trẻ Thế giới!

Ngài tin người Ba Lan sẽ thành công, vì họ là nước trước đây vốn tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đầu tiên ở bên ngoài Rôma. Họ cũng đã tham dự nhiều Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đại qui mô ở nhiều nơi khác. Lần này, sự thành công của họ sẽ tuyệt vời vì Đại Hội lần này được tổ chức tại thành phố của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Cha Đẻ của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới và đô thị vĩ đại của Lòng Thương Xót Chúa trong Năm Thánh Thương Xót.

Đối với giới trẻ Sydney, chỉ khoảng một ngàn người sẽ tham gia Đại Hội. Đây là con số đáng kể vì Sydney ở mút tận cùng xa xôi so với Krakow. Đức Tổng Giám Mục Fisher nghĩ rằng đây là dịp may hiếm có không những để họ gặp gỡ Chúa Kitô, qua đại diện của Người là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, gặp gỡ giới trẻ thế giới, mà còn được làm thế trên quê hương của Đức Gioan Phaolô II. Họ tới đây qua ngả Đất Thánh và nhiều đền thánh dâng kính Đức Mẹ cũng như qua ngả nhiều thành phố khác của Ba Lan.

Tuổi trẻ Úc, theo Đức Tổng Giám Mục Fisher, trên đường du hành như thế, đã được cung cấp nhiều tín liệu và trải nghiệm để chuẩn bị cho họ, giống như cày bừa thửa đất tâm hồn họ để tiếp nhận hạt giống của Đại Hội mong sao chúng bén rễ và sinh hoa kết trái trong những năm sau đó.

Ngài cho hay: “Chúng tôi cũng đặt kế hoạch cho những điều chúng tôi có thể làm với người trẻ khi họ trở về. Chúng tôi muốn đảm bảo sẽ thực sự có việc theo dõi tốt đẹp. Một số lớn người từ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới trở về đã rực lửa đức tin, mong muốn được học hỏi hơn nữa và được nói lên đức tin của mình cách mới mẻ. Chúng tôi mong có khả năng nắm bắt họ khi họ trở về với sự hăng say đó và dành chỗ để họ bầy tỏ năng lực của họ”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher cho rằng sau mỗi Đại Hội Giới Trẻ Thế giới, ơn gọi làm linh mục và tu sĩ đều gia tăng tại Úc. Ngài không có con số thống kê chính xác, nhưng có tớỉ phần tư những người dự tu làm linh mục và tu sĩ nhắc tới Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, coi nó như một chủ điểm trong hành trình ơn gọi của họ.

Về ơn gọi hôn nhân cũng thế. Đức Tổng Giám Mục Fisher cho rằng ngài cũng không có con số thống kê chính xác, nhưng ngài quen nghe người ta nói rằng chính tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, họ thường suy nghĩ chín chắn về việc Thiên Chúa đứng ở đâu trong kế hoạch của đời họ và họ thường cầu xin Người giúp họ biết rõ kế hoạch đời họ. Đại Hội Giới Trẻ cũng thường là nơi họ gặp được một ai đó kết cục trở thành người phối ngẫu của họ hoặc ít nhất biện phân được cách rõ ràng họ được mời gọi vào cuộc sống hôn nhân.

Ngài tin trong lãnh vực ơn gọi, Úc, và nhất là Sydney, rõ ràng đã được hưởng lợi ích lớn lao do việc tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney năm 2008. Một lợi ích rõ ràng khác là thừa tác vụ tuổi trẻ. Trước Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2008, Sydney chỉ có khoảng 30 hay 40 nhóm tuổi trẻ trong cả ba giáo phận. Nhưng hiện nay, con số này lên tới 200 nhóm. Nhờ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, và dĩ nhiên Chúa Thánh Thần!

Đại Hội loại này phát sinh thật nhiều năng lực và Đức Tổng Giám Mục rất biết ơn khi được chuẩn bị và đăng cai nó. Đối với nhiều người trong các nhóm trên, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới cách nay 8 năm có thể không để lại hoài niệm gì, nhưng hiệu quả của nó thì rõ ràng còn đó, sau 8 năm!

Đối với các thế hệ lớn tuổi hơn, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là khúc rẽ quan trọng khiến ta lưu ý tới các nhu cầu và ơn phúc của tuổi trẻ. Nó làm ta thay đổi cách suy nghĩ của ta về Giáo Hội và vai trò của Giáo Hội trong thế giới. Nó khiến ta ý thức rõ hơn rằng ta cần nối kết tốt hơn với tuổi trẻ và họ không phải chỉ là những người thụ động tiếp nhận những điều ta cung cấp cho họ, mà chính họ là các tác nhân của việc phúc âm hóa. Họ đem lại thật nhiều ơn phúc.

Theo Đức Tổng Giám Mục Fisher, tất cả các điều trên, ta đều đã biết trong lý thuyết, nhưng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới biến những điều ấy thành sờ mó được: ta nhìn rõ niềm vui, sinh lực, và lòng tốt của tuổi trẻ trên đường phố, trong phụng vụ, trong mọi sinh hoạt và cách những điều này cải đổi tâm hồn các giám mục, các linh mục và các tín hữu có tuổi, cứng lòng trở thành tươi mới trở lại như thế nào!

Nhân dịp này, Đức Tổng Giám Mục Fisher cho biết cảm nghĩ của ngài đối với Giáo Hội tại Sydney và tại Úc. Theo ngài, Úc là một xứ rất thế tục, thế tục hơn cả Hoa Kỳ, nhưng có thể kém hơn Âu Châu. Ngài nói: “chúng tôi đang đương đầu với những câu hỏi lớn: có nên tiếp tục thế tục hóa và đẩy Thiên Chúa qua bên lề trong các cộng đồng và trong đời sống cá nhân của chúng tôi hay nên thực sự tái khám phá sự quan trọng của Thiên Chúa trong cả cuộc sống cá nhân lẫn trong các cộng đồng của chúng tôi?

“Tôi rất phấn khích được có dịp trình bầy Tin Mừng cho những người khao khát nó. Không hẳn họ có những trải nghiệm xấu về Giáo Hội hoặc họ bác bỏ Tin Mừng. Nhiều người chưa bao giờ được nghe nói về những điều này. Thành thử khi được nghe, những người này đã tiếp nhận chúng một cách nồng ấm và công khai, họ không tới với những chuyện tức giận đối với Giáo Hội hoặc những chuyện phân cực tả hữu mà một số người trong Giáo Hội thường có, hoặc những tiên kiến khiến họ bị chủng ngừa chống lại Giáo Hội”.

“Phần lớn họ rất, rất cởi mở và hỏi những câu hỏi ngây thơ, gần như tiếu lâm về Kitô Giáo. Và nếu bạn trình bầy Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và truyền thống của các tông đồ cách khéo léo với sự hăng say và vui tươi, với chút hiểu biết trí thức thực sự, họ thường tỏ ra thích thú và sẵn sàng trở thành thành phần của chúng”.

Còn về lo âu, Giáo Hội Úc chỉ lo mình lỡ cơ hội. Lúc này đây, chúng ta đang ở trong một vận hội mới: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang làm nhiều người xa cách Giáo Hội bỗng lắng nghe và nay lưu tâm. Đức Tổng Giám Mục chỉ sợ các thế hệ tương lai sẽ trách cứ “sao qúy ngài lại để lỡ vận hội ấy đến thế!”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ thêm sức tại giáo xứ Bắc Hải
Giuse Khổng Hữu Nguồn
08:55 17/07/2016
THÁNH LỄ THÊM SỨC TẠI GIÁO XỨ BẮC HẢI

Trong niềm hân hoan vui mừng, sáng Chúa Nhật 17-7-2016, Cộng đoàn Giáo xứ Bắc Hải, hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc đón mừng Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận về viếng thăm mục vụ và ban Bí tích Thêm Sức cho 258 em thiếu nhi trong giáo xứ.

Xem Hình

Đến tham dự thánh lễ hôm nay có quý cha trong giáo hạt cùng dâng thánh lễ đồng tế với Đức Giám Mục để cầu nguyện cho các em và cho giáo xứ.

Từ rất sớm, nơi khuôn viên Thánh Đường, các em với đồng phục đẹp mắt, cùng với cha mẹ của mình sung sướng tiến về nhà Chúa, như ngày hội niềm vui rạng rỡ hòa với tiếng hát thánh ca vang xa từ các loa phóng thanh trên tháp nhà thờ, tiếng kèn đồng hoành tráng vang lên những khúc hoan ca tình Chúa tình người.

Trước thánh lễ, Đức Cha gặp gỡ quý chức Ban hành giáo và đại diện các đoàn thể trong giáo xứ. Trong dịp này, Ngài vui mừng đánh gía cao những việc làm của giáo xứ trong thời gian qua, và Ngài mời gọi mọi người hãy tiếp tục hiệp nhất với Cha xứ, Cha phó và quý Tu sĩ trong giáo xứ để cho Lòng Thương Xót của Chúa có thể đến được với mọi người.

Đúng 9 giờ thánh lễ bắt đầu với cuộc rước đoàn đồng tế từ nhà từ nhà xứ tiến lên Thánh Đường.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha Giáo phận ngỏ lời chào mừng quý cha, quý phụ huynh, các em thiếu nhi và cộng đoàn. Ngài mời gọi mọi người hãy sốt sắng dâng thánh lễ để cầu nguyện cho các em hôm nay lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần và cầu nguyện cho những người đang đau khổ cả hồn lẫn xác, những người già yếu và đau bệnh…

Trong bài giảng, Đức Cha chia sẻ với cộng đoàn đoạn Tin Mừng “Thần khí Chúa ngự trên tôi” (Lc 4,16-22a). Và Ngài ân cần nói với các em thiếu nhi hôm nay được lãnh nhận Chúa Thánh Thần thì các con phải sống như Chúa Giêsu, dám hy sinh, chịu thiệt thòi vì Chúa để có hạnh phúc nơi Chúa, để trở nên chứng nhân cho Chúa giữa bè bạn và tất cả mọi người chúng con gặp gỡ hàng ngày.

Sau bài giảng, Đức Cha ban Bí tích Thêm Sức cho các em. Nghi thức diễn ra nghiêm trang sốt mến, Ca đoàn hát rất hay, giúp cho buổi lễ trang trọng thánh thiện.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Cha trao phần thưởng cho một số em chăm ngoan và đạt kết quả xuất sắc trong việc học hỏi giáo lý.

Kế đến là vị Đại diện Ban hành giáo thay lời Cộng đoàn lên bày tỏ lòng tri ơn đến Đức Cha, Cha xứ, Cha phó, quý Cha đồng tế, quý Dì, các anh chị Giáo lý viên, cùng với bó hoa tươi thắm dâng lên Đức Cha và Cha xứ, hòa vang tiếng pháo tay của cộng đoàn hiện diện.

Sau lời huấn từ của Đức Cha Giáo phận dành cho các em thiếu nhi, cho các thành phần trong Cộng đoàn Giáo xứ, Ngài cầu chúc cho mọi người sống hiệp nhất yêu thương để Lòng Thương Xót của Chúa được thể hiện nơi mọi người, nhất là những người bất hạnh, những người đang sống trong cảnh khổ đau phần hồn phần xác, những anh chị em chưa biết Chúa…

Trong dịp này, Đức Cha trao cho các em thiếu nhi, các anh chị giáo lý viên, mỗi người một cỗ tràng hạt và mong muốn các em siêng lăng lần hạt mân côi theo gương Đức Mẹ.

Nhận phép lành cuối lễ, cộng đoàn cùng với Đức Cha và quý cha hướng về Đức Mẹ đồng thanh hát ca tạ ơn Mẹ.

Các em vui sướng ra về với phần quà hộp bánh trên tay cùng với gia đình chụp hình lưu niệm.

Cầu xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt và ban ơn thêm sức cho các em, để các em luôn sống xứng đáng là con Thiên Chúa. Chúc các em trở nên người tông đồ nhiệt thành ra đi rao giảng làm chứng cho Chúa Giêsu trong môi trường gia đình, Giáo Hội và xã hội.

Giuse Khổng Hữu Nguồn

Truyền Thông Hố Nai
 
Giáo xứ Thịnh Lạc chầu lượt và tổng kết năm học giáo lý
Dom Tiến Khởi
09:29 17/07/2016
"Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".Mt 11,28-30

Sau những niềm vui, những dư âm còn đọng lại như một bản hùng ca vang mãi của ngày đại lễ Khánh thành và cung hiến Ngôi Thánh đường mới, một dịp Đại lễ được tổ chức quy mô, hoành tráng và được đánh giá là “Có một không hai” nơi miền sơn cước huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Sáng nay, ngày 17/7/2016 Thánh lễ Cao điểm tuần chầu Đền tạ của giáo xứ đã diễn ra trong không khí hân hoan, phấn khởi của niềm tin, niềm tri ân cảm mến và trong tinh thần hiệp thông, cậy trông và phó thác. Thánh lễ được bắt đầu lúc 7 giờ 30 phút do Cha quản Hạt Ngàn sâu G.B Nguyễn Huy Tuấn chủ tế cùng với sự hiệp thông đồng tế của đông đảo Quý Cha trong và ngoài giáo hạt. Đây được coi là Tuần chầu lượt long trọng nhất, vui nhất, hoành tráng nhất kể từ trước đến nay, bởi tuần chầu năm nay mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu một móc son lịch sử trong sự hình thành và phát triển của giáo xứ.

Đặc biệt trong Thánh lễ này cũng là dịp Giáo Hạt Ngàn Sâu tổng kết và trao giải thưởng Giáo lý cho các cá nhân, tập thể có thành tích cao trong năm học giáo lý vừa qua. Với Giải Nhất tập thể thuộc về Giáo xứ Tràng Lưu, Giải Nhì thuộc về Giáo xứ Tân Hội và Giải ba thuộc về Giáo xứ Ninh Cường.

Trong lời mở đầu Thánh lễ, Cha G.B Nguyễn Huy Tuấn cũng đã nhấn mạnh rằng; “Hôm nay chúng ta đang vui trong niềm vui chung của giáo xứ Thịnh Lạc, vui vì giáo xứ đã có ngôi Thánh đường mới, vui vì đây là tuần chầu Đền tạ Thánh thể rất đặc biệt và có một ý nghĩa to lớn, là tuần chầu lượt đầu tiên trong ngôi Thánh đường nguy nga, lộng lẫy này…Tôi tin và hy vọng rằng, sau khi xây dựng ngôi Thánh đường mang tước hiệu Đền Thánh Mẹ Thiên Chúa nguy nga lộng lẫy này, giáo dân xứ Thịnh Lạc sẽ tiếp tục xây dựng những ngôi Đền thờ Chúa Thánh Thần nguy nga hơn, lộng lẫy hơn. Niềm tin, lòng Tín thác và tinh thần sống đạo của bà con giáo xứ Thịnh Lạc nói riêng và của mọi Kt tô hữu nói chung ngày càng bền vững hơn, mạnh mẽ hơn…”.

Tuần chầu đền tạ và Thánh lễ cao điểm của tuần chầu, Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa hôm nay quá là rất đặc biệt đối với Giáo xứ Thịnh Lạc, bởi đây chính là Thánh lễ Cao điểm đầu tiên, tuần chầu Đền tạ Thánh Thể đầu tiên được tổ chức trong ngôi Thánh đường nguy nga lộng lẫy, ngôi Thánh đường mà con cái giáo xứ đã dày công xây dựng trong suốt 4 năm ròng, ngôi Thánh đường được đánh giá là to, đẹp nhất miền bán địa của Giáo phận Vinh (bao gồm cả Nghệ an, Hà Tĩnh và Quảng Bình)

Chia sẻ trong bài giảng tại Thánh lễ, Cha G.B Nguyễn Huy Tuấn đã làm nổi bật vai trò và ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể, của Mầu nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa. Mầu nhiệm của tình yêu thương và hiệp thông để rồi Ngài khơi dậy đời sống Đức tin, khơi dậy ý thức trong việc tôn thờ, sùng kính Thánh Thể Chúa cho mọi người. Ngài nói; “Bí tích Thánh Thể là Bí tích của tình yêu, là dấu chỉ hiệp nhất, là mối dây bác ái.. Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã lấy chính Thịt và Máu Ngài làm của ăn, của uống để nuôi sống chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: Chính Ngài là của ăn và của uống để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. “Ai ăn Bánh này sẽ được sống đời đời”.

Công Đồng Vat. II đã xác quyết: “Bí Tích Thánh Thể là món quà Đích Thân của Tình Yêu, mà chính Thiên Chúa đã cho đi chính Mình trong nhiệm tích lễ Vượt Qua của Đức Kitô để cho thế gian được sống; là bí tích tuyệt diệu nhất, chứa đựng toàn thể mầu nhiệm cứu độ, là nguồn mạch và tột đỉnh của hành động và đời sống của Hội Thánh, để đưa chúng ta vào sự sống đời đời” (SC 8).

Cũng trong bài chia sẻ lời Chúa, Cha G.B Nguyễn Huy Tuấn đã có lời mời gọi đời sống hiệp thông và bày tỏ niềm vui, lòng cảm kích và sự khích lệ đối với bà con giáo dân xứ Thịnh Lạc, nhất là anh em Hội đồng Hương Thịnh Lạc xa quê.

Giáo xứ Thịnh Lạc là thế, con người Thịnh Lạc là thế “Đạo hạnh, hiếu khách” “Kiên vững niềm tin, hi sinh phó thác”. Đúng như lời Đức Cha Phao lô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận từng nói; “Thịnh Lạc ở đây không phải là lạc lỏng hay lạc hướng mà đây chính là “Thịnh vượng và an bần lạc đạo”. Giáo xứ Thịnh Lạc, một giáo xứ còn rất non trẻ với chưa đầy 10 năm thành lập, số giáo dân chưa đầy 2.800 người, sống trên vùng đất nghèo với “trăm cái thiếu” nhưng cái sức trẻ đó, cái tinh thần đó là cả một tầm vóc lớn. Đặc biệt giáo xứ được coi sóc bởi Linh mục Giu se Phan Đình Trung, đạo đức, tài năng, nhiệt huyết và có tầm nhìn sâu rộng như đã chắp thêm cho giáo xứ Thịnh Lạc một đôi cách để bay cao, bay xa mà không biết mệt mỏi.

Hi vọng rằng; Tinh thần đó, ý thức đó sẽ được triển nở ngày càng sâu rộng hơn. Từ Thánh lễ cao điểm Tuần Chầu Đền tạ này, từ mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể được liên đới trong Thánh lễ hôm nay sẽ là động lực, là chí hướng cho đời sống mỗi Ki tô hữu trong ngày main

Dom Tiến Khởi
 
Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn mừng lễ Chúa Cứu Thế
Người Giồng Trôm
11:30 17/07/2016
ĐỀN ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP SÀIGÒN MỪNG LỄ CHÚA CỨU THẾ

Hôm nay, Chúa Nhật thứ 3 trong tháng 7, Dòng Chúa Cứu Thế trên toàn thế giới mừng Lễ Chúa Cứu Thế. Trong tâm tình vui mừng và hiệp thông với niềm vui chung của toàn thể Hội Dòng, Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng dâng Thánh Lễ Chúa Cứu Thế.

17 g 00, Thánh Lễ đồng tế mừng Lễ Chúa Cứu Thế được cử hành. Cha chủ tế trong Thánh Lễ tạ ơn chiều nay là Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích chủ tế.

Xem Hình

Trong lời dẫn vào Thánh Lễ, Cha Giuse mời gọi cộng đoàn cùng với nhà dòng mừng Lễ Chúa Cứu Thế. Cha Giuse gợi lên ý nghĩa của Lễ kính Chúa Cứu Thế - tước hiệu của Dòng Chúa Cứu Thế. Lễ Chúa Cứu Thế nhắc nhở mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa đã ban Con Một để hiến mình cứu độ con người. Xin cho chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ của Chúa. ..và Cha Giuse cũng xin cộng đoàn cầu nguyện cho anh em tu sĩ linh mục dòng Chúa Cứu Thế.

Trong bài chia sẻ, Cha Giuse mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lại nguồn gốc của Lễ Chúa Cứu Thế. .. tội làm cho con người ta không thể thoát ra những điều xấu xa. Nhiều nước trên thế giới muốn dùng vũ khí để tiêu diệt người khủng bố. ..Ngày nào người ta đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa thì mới giải thoát con người ta được. Để cứu độ con người, Thiên Chúa dùng cách của Ngài. Ở giữa thế gian này, chúng ta tìm cách loại trừ sự dữ bằng bạo lực thì không được. Chỉ có một cách là Thiên Chúa cứu con người. .. Chúng ta mừng Lễ Chúa Cứu Thế là mừng mầu nhiệm Thiên Chúa trao ban con của Ngài để vào trần gian. Chúng ta nhìn lên Đức Kitô đã yêu thương thế gian để chính Ngài đã chết vì con người. .. Có khám phá ra lòng yêu thương đó chúng ta mới ra khỏi con người của mình và để cho tình yêu đó lan truyền khắp thế gian thì chúng ta mới tìm thấy hạnh phúc đích thực. Chúng ta than phiền về thế thái nhân tình. .. Ta thấy tội lỗi tràn ngập thế gian. Chúng ta cố gắng xây dựng bằng sự tốt lành của mình cũng như không. Ngày nào người ta nhìn Chúa Giêsu và ra khỏi những điều xấu xa của mình thì khi đó chúng ta mới có hạnh phúc đích thực. Khi ta nói Chúa la Đấng cứu chuộc chúng ta thì chúng ta hành động. Hành động mà ngày hôm nay Tin Mừng nói: Ai tin vào Con của Người thì được cứu. Chúng ta có tin thật trong lòng hay không ? Ngày hôm nay người ta không cần Chúa và khi không cần Chúa thì con người ta sẽ bị hủy hoại. Chúng ta có ý thức tội lỗi là gì đó đang hủy diệt nhân loại. ..

Để kết, Cha Giuse mời gọi cộng đoàn đến và tin và sống với Chúa Giêsu. Chúng ta để ánh sáng Giêsu hoạt động trong đời ta. .. chúng ta không gieo những lời nói, những chuyện nói xấu lẫn nhau, bàn tán. .. gây thảm họa cho con người. Hãy từ bỏ con đường xấu và đến với Đức Giêsu để ân sủng của Ngài đem lại ơn giải thoát. Ân sủng của Chúa đưa chúng ta vào trong thế giới của Thiên Chúa. Hãy để Đức Giêsu đến và giải thoát từ Chúa Giêsu. Xin Chúa Giêsu cho chúng ta hưởng trọn vẹn ơn cứu độ chan chứ ấy.

Trước khi ban phép lành cuối Lễ, Cha Giám Tỉnh mời gọi cộng đoàn cùng cầu nguyện cho anh em Dòng Chúa Cứu Thế biết hiến mình vì anh chị em, vì ơn cứu độ. Cha cũng không quên ngỏ lời cảm ơn cộng đoàn.

Nguyện xin Chúa Cứu Thế tuôn đổ muôn phúc lành trên quý tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế để các Ngài ngày mỗi ngày là máng chuyển thông ơn cứu độ chan chứa nơi Người đến cho anh chị em nghèo khổ tất bạt.
 
Thống báo: Địa điểm và ngày giờ tổ chức Giáo Lý Việt ngữ tại WYD 2016 ở Ba Lan
Lm Trần Công Nghị
11:27 17/07/2016
Quý Cha, Qúy Tu sĩ và Bạn trẻ sẽ tham gia Đại Hội Giới Trẻ tại Kraków thân mến,

Ban tổ chức vừa gửi địa chỉ của nơi tổ chức giáo lý Việt ngữ như sau (có kèm bản đồ):
1.04.6.1 św. Szczepana
ul. Sienkiewicza 19, 30-033 Kraków
Nhấn vào đây xem bản đồ hay xem ở phía dưới đây

Các bài giáo lý sẽ diễn ra vào những ngày sau đây:
  • Thứ tư ngày 27 tháng 7
  • Thurday 28 tháng bảy
  • Thứ Sáu ngày 29 tháng 7
Xin lưu ý rằng đã có một sự thay đổi trong lịch trình thời gian: Các giờ của giáo lý là 09:00 giờ sáng tới 12:00 giờ trưa. Ban Tổ chức Krakow đã rút ngắn thời gian để các phiên họp sẽ kết thúc vào lúc 12 giờ trưa thay vì lúc 13:00 giờ sau trưa.

Sự thay đổi giờ là để đảm bảo rằng các bạn trẻ sẽ có thời gian sau khi dạy giáo lý có thể tới được địa điểm cho các sự kiện buổi chiều.

 
Giáo Xứ Nhượng Nghĩa, Đà Nẵng phát thưởng năm học giáo lý 2015-2016
Toma Trương Văn Ân
11:38 17/07/2016
Giáo Xứ Nhượng Nghĩa Phát Thưởng Năm Học Giáo lý 2015-2016

Cuối lễ chiều Chúa Nhật ( 17. 7. 2016), tại nhà thờ Giáo xứ Nhượng Nghĩa, Cha Phê-rô Lê Hưng- Quản xứ, Quý Sơ và Ban Giáo lý Giáo xứ đã tổng kết năm học Giáo lý 2015-2016, phát thưởng cho các em Thiếu nhi có thành tích xuất sắc, khá giỏi trong năm học Giáo lý, chuyên chăm các việc đạo đức và rèn luyện nhân bản.

Xem Hình

Có 27 em được phần thưởng và Bằng khen của Cha Quản xứ và Ban Giáo lý trao tặng.

Giáo xứ hiện có hơn 180 em Thiếu nhi đang theo học trong 9 lớp ( lớp Vườn Hồng nhỏ nhất, khoảng 5 tuổi và lớp Dự Trưởng lớn nhất, khoảng 20 tuổi )

Giáo xứ có 30 Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, vừa là Giáo lý viên. Các anh chị rất nhiệt tâm dạy Giáo lý, hướng dẫn các kỹ năng sinh hoạt đoàn thể, làm việc nhóm…. Và dạy nhân bản cho các em. Hằng tuần, các anh chị chọn 1 ngày, đi đến các gia đình Giáo dân trong Giáo xứ để xin phế liệu, ve chai…. Nhằm gây quỹ cho đoàn Thiếu nhi. Chính từ ngân quỹ này mà tất cả các em của Đoàn Thiếu nhi Giáo xứ đều được phát đồng phục, khăn quàng và sách học Giáo lý miễn phí.

Mùa Chay và Mùa Vọng, các em thiếu nhi tham gia chương trình “ Áo ấm tặng bạn nghèo”, “ Nuôi heo đất, giúp bạn “, và dành nhiều quan tâm đặc biệt đến các bạn có hoàn cảnh khó nhăn.

Cha Quản xứ và Ban Giáo lý chú trọng giáo dục nhân bản cho các em song song với việc dạy giáo lý. Các chương trình hành hương, viếng mộ, thăm bệnh… có sẵn trong chương trình năm học Giáo lý.

Trong dịp nghĩ hè, các em được du lịch dã ngoại, tạo niềm vui, sự liên kết chia sẻ yêu thương nhau…như tiếp thêm động lực mới cho năm học sắp đến.

Tương lai của Giáo xứ, được bắt đầu từ các em Thiếu nhi hôm nay !

Toma Trương Văn Ân
 
Hội Dòng Mến Thánh Gía Đà Lạt/ Portland, Oregon : Thánh Lễ Tạ Ơn và Lập Lại lời Tuyên Khấn
Lê Quang Uyên
16:34 17/07/2016
Hội Dòng Mến Thánh Gía Đà Lạt/ Portland, Oregon: Thánh Lễ Tạ Ơn và Lập Lại lời Tuyên Khấn

Hằng năm, sau ngày Đại Hội Hành Hương tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon vào đầu tháng 7 thì Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt/Miền Portland, OR đều tổ chức tuần Tĩnh Tâm cho chị em ở Tu viện Hội Dòng trụ sở tại 7408 SE Alder St Portland. Sau tuần Tĩnh Tâm, Hội Dòng luôn có Thánh Lễ Tạ Ơn và Nghi thức Tuyên Khấn cho những chị em được khấn trong năm đó.

Xem Hình

Năm nay, Thánh Lễ Tạ Ơn và Lập Lại lời Tuyên Khấn được cử hành lúc 10 giờ sáng thứ Bảy ngày 16 tháng 7 năm 2016 tại Thánh Đường Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon do Đức Cha Kenneth D. Steiner Cựu Phụ Tá Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Chủ Tế, cùng Đồng Tế có Đức Ông Phạm Văn Ninh cựu Chánh Xứ Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, quý Cha Phó Xứ, quý Cha Tu Đoàn Nhà Chúa và quý Cha khách được mời, cùng có sự tham dự của Bà Chưởng Ấn Mary Jo Tully. Đông đủ quý Sơ Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt tại Hải Ngoại ở 3 cơ sở gồm Portland Oregon, Fairfax Virgina và Sacramento California, quý Cha Mẹ và gia đình các Sơ tuyên khấn cùng đông đủ hội viên Hội Bảo Trợ của Nhà Dòng cũng như giáo dân giáo xứ.

Trong bài giảng, Đức Cha có ý muốn chia sẻ cùng quý Sơ như trong bài Phúc âm mà chúng ta vừa nghe: Chúa đã nói với những môn đệ của Người “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (12: 49-50). Vậy hôm nay, không chỉ 6 chị em sẽ lập lại lời Tuyên Khấn, mà cùng tất cả các chị em đây đều lập lại lờiTuyên Khấn ấy và giữ lời hứa, để đi theo Chúa hầu thi hành ý muốn của Chúa và phục vụ tốt theo tinh thần linh đạo của Hội Dòng.

Sau bài giảng của Đức Cha, đặc biệt có nghi thức Lập Lại lời Tuyên Khấn cho 6 Nữ Tu gồm:

Nữ Tu Anna Nguyễn Linh Tuyền, MTG

Nữ Tu Maria Đặng Quỳnh Như, MTG

Nữ Tu Brigitta Vũ Nhật Minh Trâm, MTG

Nữ Tu Elizabeth Trần Thanh Lý, MTG

Nữ Tu Mary Trần Thu Huyền Wendy, MTG

Nữ Tu Ann Nguyễn Trang, MTG

Trước khi Đức Cha chủ tế ban phép lành kết thúc Thánh Lễ, Soeur Phụ Trách Maria Nguyễn Thị Trinh đã ngỏ lời cám ơn Đức Cha, quý Đức Ông quý Cha quý Tu Sĩ Nam Nữ và cộng đoàn giáo xứ đã dâng Thánh Lễ Tạ ơn và nghi thức Tuyên Khấn của các chị em Hội Dòng, đồng thời cũng xin được giới thiệu Soeur Tân Phụ Trách Hội Dòng Mary Bùi Kim Chi. Sau cùng, kính xin Đức Cha, quý Cha và quý cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện thêm cho chị em được ơn bền đổ, sau hết, kính mời Đức Cha, quý Cha và quý cộng đòan ở lại dùng buổi tiệc thân mật cùng Hội Dòng tại Hội Trường của Giáo Xứ.

Được biết, với nhu cầu thăng tiến cần có, nâng cao trình độ cũng là điều cần thiết của Hội Dòng. Nên ngày 9 tháng 3 năm 1972, Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt Việt Nam đã cử Sr. Agatha Trần Thúy Hằng và Sr. Mary Nguyễn Thanh Miền đi du học tại Hoa Kỳ. Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 các Sơ đành kẹt lại tại Hoa Kỳ. Và sau đó, được thư mời của Đức Giám Mục Địa Phận Arlington, Virginia, các chị lãnh nhận sứ vụ săn sóc các em ký nhi và chương trình giáo lý cho các em Việt Nam mới đến định cư tại Giáo Phận Arlington. Mãi đến khi được Cha Vincent Cao Đăng Minh, C.Ss.R phụ trách cộng đoàn Công Giáo tỵ nạn tại Portland OR thời bấy giờ mời về cộng tác, cũng như đáp lời Cha Morton Park, và thư mời của Đức Cha Phụ tá Paul E. Waldschmitz, thuộc Tổng Giáo Phận Portland Oregon, chị Marie Kim Phượng và chị Agatha Thuý Hằng qua Porltand trong dịp tết năm 1979. Với tinh thần phục vụ không biết mỏi mệt, một lần nữa, các chị đã đến Portland Oregon ngày 25 tháng 03 năm 1979, nữ tu Mary Nguyễn Thanh Miền, tiên phong đến nhận công tác phục vụ người Việt tại Tổng Giáo Phận Portland. Chị là nữ tu Việt Nam đầu tiên hiện diện tại đây. Chỉ một tháng sau, ngày 30 tháng 4 năm 1979, nữ tu Mary Nguyễn Thị Kim Phượng lên đường tiếp sức với Sr Thanh Miền.

Còn tại Virginia, nữ tu Agatha Trần Thuý Hằng, một mình tiếp tục công việc ký nhi, Giáo lý của Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đây là Giáo Xứ Việt Nam được thành lập tại nước Mỹ.

Năm đầu tiên 1979, tại Portland được có các đệ tử, người đã là đệ tử tại Việt Nam, người thì mới vào tu, năm nào Hội Dòng cũng có thêm các đệ tử, đồng thời một số nữ tu của Dòng cùng đi với gia đình bằng vượt biên, hay đoàn tụ, cứ thế mà nhân số được nhân lên hằng năm.

Với sự phát triển mạnh mẽ đó, ngày 24 tháng 2 năm 1993, Đức Cha Waldschmitz, Phụ Trách Dòng Tu của Địa Phận, ban sắc lệnh lập Tập Viện chính thức của Dòng.Tưởng cũng nên biết, trước đây các Tập Sinh được gởi huấn luyện tại các Dòng Mỹ trong Địa Phận. Và từ năm 1995 đến nay, liên tiếp năm nào cũng có khấn dòng. Hiện nay Hội Dòng có trên 30 nữ tu cùng một số Tập Sinh và Đệ Tử.

Đối với Giáo xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon chị em Hội Dòng đã sát cánh và đóng một vai trò rất quan trọng trong các công cuộc xây dựng cả hai phương diện đức tin và cơ sở, Hội Dòng đã có mặt từ khi tiền thân của Giáo Xứ là Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á chưa hình thành, cho đến khi được hình thành do Cha Vincent Cao Đăng Minh C.Ss.R làm Giám Đốc và sau nầy trở thành Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang một giáo xứ Việt Nam độc lập tại Địa Phận. Tính đến nay đã 37 năm Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt Miền Portland Oregon đã có mặt và hoạt động tại Portland, và 41 năm tại Hoa Kỳ./.

Lê Quang Uyên/ GXĐMLV
 
Giáo Đoàn Revesby - Sydney Mừng Kính Lễ Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
20:47 17/07/2016
Giáo Đoàn Revesby - Sydney Mừng Kính Lễ Bổn Mạng

Sáng Chúa Nhật 24/7/2011 Giáo đoàn Revesby đã long trọng mừng kính Lễ Thánh Tử Đạo Andrê Phú Yên Quan Thầy của Giáo đoàn tại nhà thờ St. Luke Revesby, Sydney

Xem Hình

Đúng 10 giờ 45 tất cả mọi người tập trung tại khuôn viên trường học nhà thờ St Luke Revesby và sau 3 hồi chiêng trống cổ truyền VN, Cha Tuyên úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm Chính xông hương tượng Thánh Tử đạo Andrê Phú Yên kế tiếp kiệu tượng Thánh Andrê Phú Yên rước vào trong nhà thờ. Cuộc kiệu rất nghiêm trang và long trọng, các Hội Đoàn, Đoàn Thể trong Cộng Đồng, các Giáo đoàn bạn và quan khách Úc đều đến tham dự đông đủ.

Khi kiệu tiến vào trong nhà thờ và an vị trên cung Thánh. Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người và chúc mừng bổn mạng của Giáo Đoàn, đồng thời Cha giới thiệu Cha Trần Bạch Hổ và Cha Nguyễn Hoàng Việt cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn

Trong bài giảng, Cha Bùi Sơn Lâm nói về bài Phúc Âm hôm nay mà bà Maria đã chọn phần tốt nhất, cũng như Thánh Tử Đạo Anrê cũng đã chọn phần tốt nhất là lắng nghe Lời Chúa đem Lời Chúa rao giảng cho mọi người, và Thánh Anrê Phú Yên đã cảm tạ Thiên Chúa với tấm lòng “ Tình yêu đáp trả tình yêu. Mạng sống đáp đền mạng sống”…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Phạm Văn Khang Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney đại diện Cộng Đồng lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng của Giáo đoàn. Kế tiếp anh Daniel đại diện Hội Đồng Giáo Xứ Revesby chúc mừng Bổn Mạng của Giáo Đoàn, Sau cùng ông Giuse Phạm Ngọc Huynh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Revesby thay mặt Giáo Đoàn ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và toàn thể mọi người đã đến tham dự Lễ mừng kính Quan Thầy của Giáo Đoàn hôm nay và kính xin mọi người hãy cầu nguyện cho Giáo Đoàn luôn được thăng tiến trong Cộng Đồng, Giáo xứ và Giáo Phận.

Sau khi kết thúc Thánh lễ mọi người ở lại cùng chung vui bữa tiệc thân mật trong khuôn viên trường học nhà thờ và thưởng lãm Văn Nghệ bỏ túi cây nhà lá vườn do Ca đoàn Revesby phối hợp với ban nhạc Giới Trẻ cùng trình diễn và kèm theo phần xổ số may mắn lấy hên.

Diệp Hải Dung
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Hạ Sen Hồng
Đặng Đức Cương
18:11 17/07/2016
NẮNG HẠ SEN HỒNG
Ảnh của Đặng Đức Cương
Xanh xanh lá thắm, vàng thơm nhụy
Hạ đỏ sen hồng, mãi đắm say.
(Trích thơ của Thanh Nguyễn)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 12–18/07/2016: Tại sao người ta bỏ đạo để theo đạo Hồi?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:17 17/07/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chiến dịch của Caritas cho hòa bình tại Syria đồng thời lên án sự tài trợ võ khí nuôi chiến tranh tại đây.

Trong sứ điệp Video phổ biến hôm 5-7-2016, Đức Thánh Cha bày tỏ đau buồn vì chiến tranh tại Syria nay đã bước sang năm thứ 5. “Đó là một tình trạng đau khổ khôn tả, nạn nhân là những người dân Syria phải sống dưới bom đạn hoặc tìm đường trốn chạy ra nước ngoài: bỏ lại nhà cửa và mọi sự..” Đức Thánh Cha nói: “Tôi cũng nghĩ đến các cộng đoàn Kitô mà tôi hoàn toàn hỗ trợ vì những kỳ thị mà họ đang phải chịu”.

“Tôi muốn ngỏ lời với tất cả các tín hữu và những người, cùng với Caritas, đang dấn thân trong việc xây dựng một xã hội công chính hơn. Trong khi dân chúng chịu đau khổ, thì số lượng tiền bạc không thể tưởng tượng nổi được chi phí cho việc cung cấp võ khí cho những người đang đánh nhau. Và một số nước cung cấp các võ khí ấy, cũng thuộc vào số những nước nói về hòa bình. Làm sao ta có thể tin những người tay phải thì vuốt ve bạn, còn tay trái thì đánh bạn”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Tôi khuyến khích tất cả mọi người, người lớn và người trẻ, hãy hăng hãi sống Năm Lòng Thương Xót này để khắc phục sự dửng dưng lãnh đạo và mạnh mẽ tuyên bố rằng hòa bình ở Syria là điều có thể!”

“Tôi mời gọi cầu nguyện cho hòa bình ở Syria và cho nhân dân nước này nhân dịp những buổi canh thức cầu nguyện, các sáng kiến gây ý thức nơi các nhóm, trong các giáo xứ và các cộng đoàn, để phổ biến một sứ điệp hòa bình, hiệp nhất và hy vọng”.

“Kèm theo lời cầu nguyện là những hoạt động cho hòa bình - Đức Thánh Cha nói - Tôi mời gọi anh chị em hãy ngỏ lời với những người can dự vào các cuộc hòa đàm để họ coi trọng các hiệp định và dấn thân làm sao để các đồ cứu trợ nhân đạo được đưa tới cho các nạn nhân một cách dễ dàng.

“Tất cả phải nhìn nhận rằng không có một giải pháp quân sự cho Syria, nhưng chỉ có một giải pháp chính trị. Vì thế cộng đồng quốc tế phải hỗ trợ các cuộc hòa đàm, tiến tới việc thiết lập một chính phủ đoàn kết quốc gia.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy liên kết mọi nỗ lực, trên mọi cấp độ, để hòa bình trở thanh điều có thể trên đất nước Syria yêu quí. Đây sẽ là một ví dụ hùng hồn về lòng thương xót và tình yêu được sống thực sể mưu ích cho toàn thể cộng đồng quốc tế”

2. Báo Quan Sát Viên Rôma: Tại sao người ta bỏ đạo để theo đạo Hồi?

Hồi Giáo thường được gắn liền với tai ương khủng bố đang gây âu lo trên thế giới. Quan điểm của Hồi Giáo về phẩm giá thứ cấp của phụ nữ trong gia đình và xã hội thường bị phê phán tại phương Tây. Bất chấp những điều đó, số người tự nguyện bỏ đạo để theo Hồi Giáo đã tăng đáng kể đến mức Báo Quan Sát Viên Rôma của Tòa Thánh đã đăng một bài ngay trên trang nhất trình bày những lý do khiến người ta bỏ đạo để theo Hồi Giáo.

Trong số báo ra ngày thứ Sáu 8 tháng Bẩy, sử gia Lucetta Scaraffia đã tóm lược một nghiên cứu gần đây của nhà báo Virginie Riva về trường hợp theo đạo Hồi của 11 phụ nữ Pháp trong độ tuổi từ 25 đến 35, tốt nghiệp đại học, và không hề bị thu hút bởi chủ nghĩa khủng bố.

Trong bài “L’attrazione della testimonianza”, nghĩa là “Hấp lực của chứng tá”, Lucetta Scaraffia cho biết những phụ nữ đến với Hồi giáo thông qua tình bạn của họ với các sinh viên Hồi giáo, là những người sống niềm tin tôn giáo của họ. Chứng tá của các sinh viên Hồi Giáo này mạnh đến mức đã khiến các phụ nữ đón nhận việc nghiên cứu Kinh Qur'an, và xem nhẹ những phiền toái phát sinh từ quan điểm của Hồi Giáo về phẩm giá thứ cấp của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Khi chấp nhận lời mời đến với những bữa ăn chay Ramadan, những phụ nữ có cha mẹ ly dị, đặc biệt bị thu hút bởi sự ấm áp của cuộc sống gia đình và lòng hiếu khách. Trong Hồi giáo, những người cải đạo cũng tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi của họ đôi khi khá “đau khổ” về ý nghĩa của cuộc sống và cái chết.

Những câu chuyện này, Scaraffia viết, là những thực hành đã từng rất phổ biến trong người Công Giáo Pháp, như lòng hiếu khách của các gia đình vào đêm Giáng sinh và việc đọc kinh Mân Côi chung với nhau trong gia đình. Tiếc rằng, những thực hành như thế đã nhanh chóng mai một trong thời hậu hiện đại khi con người quá bận rộn với công ăn việc làm.

Scaraffia nhận xét: “Sự ấm áp của con người, chứ không phải là những kế hoạch mục vụ quan liêu, là rất quan trọng.” Chính vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn “tạo ra một cộng đồng ấm áp và chào đón, như một chứng tá sống động cho sự khiêm nhường và sự kiên trì trong đức tin của chúng ta.”

3. Lời khuyên của Đức Giám Mục Phụ Tá Los Angeles cho những người hoạt động trong lãnh vực truyền thông Công Giáo

Đức Cha Robert Barron, giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Los Angeles, có hơn 900,000 người theo dõi ngài trên Twitter, và gần 830,000 liên kết trên Facebook. Với những con số thống kê đó, ngài là người Công Giáo nổi bật thứ nhì trên các phương tiện truyền thông xã hội, chỉ sau một người duy nhất là Đức Thánh Cha Phanxicô.

Vì thế, khi Đức Cha Barron đưa ra những lời khuyên về cách thức truyền giáo trên các phương tiện truyền thông xã hội, người ta không thể xem nhẹ.

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên Rome Reports hôm thứ Bẩy 9 tháng Bẩy, 2016, Đức Cha Barron nói:

“Cứ làm đi. Cứ thử đi. Tôi bắt đầu với những bài bình luận về văn hóa, chứ không phải với những điều nặng về ‘nhà thờ’. Chúng ta hãy bắt đầu với một bộ phim, chúng ta hãy bắt đầu với một cuốn sách, chúng ta hãy bắt đầu với những gì mọi người đang bàn tán. Tin tức có chuyện gì đang xảy ra nào? Hãy bắt đầu với những điều đó và sau đó tìm thấy ở đó những gì các nghị phụ trong Giáo Hội gọi là ‘hạt giống của Lời Chúa’, vang vọng từ từ Lời Chúa mà bạn thấy phù hợp.”

Đức Cha Barron gọi những gợi ý liên quan đến Tin Mừng như thế là “đôi mắt Kinh Thánh”, cho phép chúng ta diễn giải các sự kiện trong thế giới sống động này thông qua một quan điểm Công Giáo. Bạn đừng ảo tưởng có được kỹ năng ấy ngay lập tức, nhưng chính ngài đã phải rèn luyện trong nhiều năm.

Đức Cha cho biết ngài tham gia vào các phương tiện truyền thông sau khi bị thách thức bởi một linh mục là hãy làm cho tiếng nói chúng ta được nghe, thay vì phàn nàn về các tình huống hiện nay trong xã hội. Ban đầu, ngài làm đài phát thanh, rồi chuyển qua truyền hình và cuối cùng là một thiết lập trang web tên là “Word on Fire”.

Đức Cha Barron nhận xét rằng với các tài nguyên sẵn có hiện nay, chúng ta không có lý do gì để thoái thác rao giảng Tin Mừng trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Ngài nói:

“Chúng ta tất cả đều có máy ảnh độ phân giải cao trong túi của chúng ta như iPhone, chẳng hạn. Chúng ta tất cả đều có thể truy cập vào những công cụ mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông. Bạn có thể bắt đầu một trang web khá dễ dàng, tung một cái gì đó trên YouTube dễ ợt, vì vậy tôi nghĩ rằng mọi người đều có thể làm điều đó.”

Mặc dù trong những bước đầu, những cố gắng của ngài trên Youtube bị nhiều người cố gắng dập tắt qua những ý kiến tiêu cực, nhưng bây giờ ngài tỏ ra thích thú với những ý kiến đó. Theo Đức Cha, chấp nhận phê bình là cơ hội để mở tung cửa của Giáo Hội Công Giáo. Trong thực tế, nhiều người nói rằng các cuộc thảo luận theo sau một video clip đôi khi còn hấp dẫn người xem hơn là chính cái video đó.

Đức Cha Barron tâm sự,

“Tôi cố gắng làm một cái gì đó, có tính sáng tạo, có tính đột phát. Nếu không được, tôi thử cái gì đó khác. Chúng ta cần một sự linh hoạt và phóng khoáng khi rao giảng Tin Mừng.”

Đức Cha khuyến khích những ai thông minh, với một quan điểm sáng tạo hãy đi sâu vào truyền thông Công Giáo và đừng để mình bị đe dọa bởi những cạnh tranh. Khi ngài bắt đầu làm video, có 300 người xem ngài đã rất vui mừng. Bây giờ, khi đã là một giám mục, 19 triệu người đã từng xem các videos của ngài. Bất cứ điều gì cũng là có thể trong thế giới của các phương tiện truyền thông xã hội!

4. Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô gởi người dân Á Căn Đình nhân 200 năm ngày độc lập

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự gần gũi, liên đới và lời cầu nguyện của ngài với và cho toàn dân Argentina nhân dịp nước này kỷ niêm 200 năm độc lập.

Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong thư gửi cho Đức Cha José Maria Arancedo, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Argentina, nhân kỷ niệm 200 năm độc lập ngày mùng 9 tháng 7 hôm qua. Đức Thánh Cha nói ngài đặc biệt gần gũi những ai đau khổ; người bệnh, người sống trong cảnh nghèo nàn, người bị tù, người cô đơn, người không công ăn việc làm, người chịu mọi loại thiếu thốn, các nạn nhân của nạn buôn người và khai thác bóc lột, các trẻ vị thành niên nạn nhân của lạm dụng và biết bao người trẻ khổ đau vì nạn nghiện ma tuý. Họ là những người con bị đâm thâu nhất của quê hương.

Đức Thánh Cha nhắc lại các bài học trong trường dậy học sinh yêu Mẹ quê hương và tinh thần ái quốc. Đối với người không có lương tri người ta thường nói “Người này có thể bán mẹ mình lắm”. Nhưng chúng ta biết là không thể bán mẹ, kể cả Mẹ quê hương, Lễ kỷ niệm 200 năm con đường cùa một Quê hương trong các ước mong và ngưỡng vọng tình huynh đệ, dự phóng vượt các biên giới để hướng tới một Quê hương vĩ đại mà San Martin và Bolivar đã mơ ước.

Đức Thánh Cha khích lệ mọi người cầu nguyện xin Chúa giữ gìn nó, khiến cho nó mạnh mẽ hơn, huynh đệ hơn và bảo vệ nó khỏi mọi loại thực dân. Ngài cũng xin các thế hệ già, là ký ức của quốc gia và lịch sử, thắng vượt nền văn hóa gạt bỏ, có can đảm mơ mộng. Ngài xin người trẻ đừng sống trong sự bất động bàn giấy, nhưng biết chấp nhận các đề nghị sống anh hùng, có óc sáng tạo và tiên tri những điều cao cả. Khi đó quê hương sẽ tự do. Đức Thánh Cha xin Thiên Chúa chúc lành cho quê hương Argentina và gìn giữ nó trên lộ trình tiến tới qua lời bầu cử của Đức Bà Luján.

5. Tiến trình hoà bình Colombia tiến triển tốt đẹp

Tiến trình hoà bình giữa chính quyền và tổ chức FARC đang trên đường tiến triển tốt. Nhưng cần phải giải thích cho người dân hiểu các thoả hiệp với một thứ ngôn ngữ đơn sơ rõ ràng.

Đức Cha Luis Augusto Castro Quiroga, Tổng Giám Mục Tunja, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia, đã cho giới báo chí biết như trên hôm mùng 6 tháng 7 vừa qua. Theo Đức Cha chính quyền đã thiếu sót sư phạm trong việc giải thích cho toàn dân biết tất cả mọi sự của tiến trình hoà bình mới ký kết. Liên quan tới cuộc trưng cầu dân ý chập thuận các thoả hiệp hoà bình Đức Cha nêu bật rằng tốt nhất là tất cả mọi người đều đi bỏ phiếu, không phải chỉ cho sự tin tưởng mà thôi, nhưng với một lá phiếu có ly do và hiểu biết tại sao có tiến trình hòa bình, nghĩa là một lá phiếu có ý thức.

Hôm mùng 8 tháng 7 các Giám Mục Colombia đã có cuộc họp tại thủ đô Bogotà và trong các đề tài thảo luận có việc thiết định Giáo Hội Công Giáo cần làm gì để ủng hộ nền hoà bình trong các vùng sẽ được chính quyền nhường cho các cựu phiến quân FARC sinh sống. Đây không phải là một đề tài dễ, vì đa số dân chúng còn đang sống niềm đau đã mất người thân trong gia đình, nạn nhân của cuộc nội chiến đã kéo dài 52 năm.

6. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ liên đới với Giáo Hội Colombia

Trong những ngày vừa qua Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã bầy tỏ liên đới với Giáo Hội Colombia và khích lệ tiến trình hoà bình, hòa giải và tái thiết tại nước này.

Trong thư gửi cho Đức Cha Luis Augusto Castro Quiroga, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia, Đức Cha Oscar Cantù, chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hoà Bình của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã bầy tỏ các tâm tình trên đây. Đức Cha bảo đảm sự hỗ trợ và tình thân hữu của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ với Giáo Hội và nhân dân Colombia trong thời điểm hy vọng này của nền hoà bình được vãn hồi sau hơn 50 năm nội chiến. Liên quan đến thoả hiệp đạt được ký kết tại La Habana sau 4 năm thương thuyết giữa chính quyền Colombia và phiến quân FARC, Đức Cha Cantù khẳng định chỉ khi tiếp tục mạnh mẽ làm việc cho hoà giải và đối thoại, loại trừ các vũ khí và dụng cụ bạo lực, hoà bình mới có thể được bảo đảm. Các điểm chính của thoả hiệp là ngưng chiến và giao nộp vũ khí từ phía phiến quân.

Đức Cha Cantù cũng cho biết vào cuối tháng 8 này sẽ có một phái đoàn các Giám Mục Hoa Kỳ viếng thăm Colombia để cùng các Giám Mục sở tại suy tư về những điều cần làm giúp đương đầu với các vấn đề khó khăn hơn trong giai đoạn mới này. Ngài khích lệ các Giám Mục Colombia tiếp tục sứ vụ chủ chăn và là những người xây dựng hòa bình.

Mặt khác Đức Cha Cantù cũng viết thư cho ngoại trưởng John Kerry yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ góp phần vào việc trợ giứp Colombia phát triển, trước hêt bằng cách giảm số vũ khí cung cấp cho Colombia trong thời gian chuyển tiếp hòa bình tế nhị này. Đức Cha khẳng định rằng Hoa Kỳ có một trách nhiệm luân lý đặc biệt trong việc bảo vệ sự sống, phẩm giá và tương lai của tất cả các anh chị em Colombia. Nhân danh Giáo Hội Đức Cha thỉnh cầu chính quyền Hoa Kỳ tiếp tục thăng tiến hoà bình tại Colombia.

7. Giáo Hội Công Giáo toàn Á châu đau buồn trước các vụ khủng bố giết người xảy ra trong các ngày qua và liên đới với các nạn nhân và gia đình họ.

Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Mumbai bên Ấn Độ kiêm chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu đã tuyên bố như trên, nhân lễ Eid al-Fitr chấm dứt tháng chay tịnh Ramadan của tín hữu Hồi.

Đức Hồng Y đặc biệt nhắc đến các nạn nhân vụ khủng bố tại Dacca bên Bangladesh do các kẻ khủng bố Hồi Giáo chủ mưu. Đức Hồng Y nói trước bạo lực đạt điểm tột đỉnh chúng ta kiếm tìm sức mạnh từ lòng thương xót của Thiên Chúa và được mời gọi đương đầu với các thách đố với tình liên đới hòa bình của mọi ngưòi thiện chí. Như là anh chị em với nhau chúng ta phải thăng tiến tình thần huynh đệ và liên đới. Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy nguy hiểm lớn nhưng cũng đầy cơ may cho nhân loại và thế giới, và cũng là một thời đại đầy trách nhiệm đối với tất cả chúng ta. Thật là điều cần thiết và cấp bách, các vị lãnh đạo tôn giáo, các chính quyền và cộng đoàn cùng nhau làm việc để xây dựng các cây cầu hoà bình và thăng tiến hoà giải.m Đức Hồng Y Gracias khích lệ mọi người đừng nhượng bộ thất vọng và các lực lượng và quyền bính nguy hiểm. Các chiều kích của hiện tượng khủng bố sát hại này khiến cho chúng ta kinh hoàng, nhưng chúng ta phải cầu nguyện và hoạt động cho hoà giải, công lý, hoà bình và phát triển. Giáo Hội muốn tiếp tục xây dựng các cây cầu của tình bằng hữu với tín hữu của mọi tôn giáo khác để kiếm tìm thiện ích đích thật cho mọi người và cho toàn xã hội. Ước chi tình bạn giữa các tín hữu kitô và hồi giáo gợi hứng cho tất cả chúng ta cộng tác với nhau trong việc đối phó với các thách đố này để bảo đảm rằng các tôn giáo có thể là các cây cầu của sự hài hoà cho thiện ích của xã hội và toàn gia đình nhân loại.

8. Tuyên bố của Đức Giám Mục giáo phận Dallas về vụ nổ súng giết các viên chức cảnh sát

Đức Cha Kevin Farrell, Giám mục giáo phận Dallas, Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố sau vụ nổ súng giết chết năm nhân viên cảnh sát và làm bị thương chín người khác trong thành phố. Ngài nói rằng “mức độ bạo lực ở trung tâm thành phố Dallas vào đêm thứ Năm 7 tháng Bẩy là đáng sững sờ.”

Ngài nói thêm, “mối quan tâm đầu tiên của chúng tôi hướng đến những gia đình đã mất người thân trong vụ tấn công thảm khốc này”. Đức Cha nhấn mạnh rằng: “Tất cả mạng sống đều có giá trị, dù là người da đen, hay da trắng, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, hay Ấn Độ giáo. Chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và tất cả cuộc sống con người đều là quý giá “.

Năm viên chức cảnh sát đã thiệt mạng, bảy nhân viên khác và hai thường dân bị thương trong một loạt các vụ bắn tỉa lúc kết thúc một cuộc diễu hành rất ôn hòa nhằm phản đối vụ giết những người da đen gần đây tại Baton Rouge và Minneapolis.

Theo Đức Cha, “vụ nổ súng này nhắc nhở chúng ta về sự nguy hiểm mà các nhân viên công lực, những người bảo vệ chúng ta, phải đối diện.”

“Chúng ta đã bị cuốn vào một vòng xoáy bạo lực không ngừng leo thang mà giờ đây đã chạm đến chúng ta sau khi đã hoành hành trên khắp đất nước này và trên thế giới.”

Đức Cha Kevin Farrell nói thêm:

“Chúng ta không thể đánh mất sự tôn trọng lẫn nhau và chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo dân sự của chúng ta phải thảo luận với nhau và làm việc cùng nhau để đi đến một giải pháp hợp lý nhằm chấm dứt tình trạng leo thang bạo lực này. Chúng ta hãy cầu xin Chúa là Cha trên trời soi sáng tâm trí và trái tim của tất cả mọi người để họ biết làm việc cùng nhau cho hòa bình và sự hiểu biết.

Chúng ta hãy nhớ lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Xin Thiên Chúa của hòa bình khơi dậy một khát vọng đích thực cho đối thoại và hòa giải. Bạo lực không thể được khắc phục bằng bạo lực. Bạo lực phải được khắc phục bằng hòa bình.”

9. Nhà nước Trung Quốc tịch thu mọi khoản tiền quyên góp của các nhà thờ

Chính quyền tỉnh Chiết Giang, miền duyên hải của Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà thờ phải giao nộp cho chính phủ mọi khoản tiền có được, kể cả tiền dâng cúng của tín hữu. Đây là một phần trong việc áp dụng các chính sách mới của nhà cầm quyền.

Kể từ năm ngoái, Trung Quốc đã gây áp lực buộc các nhà thờ phải thực hiện “5 điều cải cách”, bao gồm: “bản địa hóa tôn giáo, tức là áp dụng các phong cách kiến trúc địa phương cho nhà thờ, quản lý nhất quán thần học chắt lọc bằng những bài giảng định hướng, minh bạch tài chính và cải tạo các Kitô hữu, nhằm trói buộc Kitô giáo vào khuôn khổ của một tổ chức đi theo những mục tiêu của Đảng Cộng sản. Kết quả là chính phủ đã thiết lập các văn phòng chiếm không gian ngay trong các nhà thờ và cử cán bộ đến để quản lý chặt chẽ các nhà thờ.

Chính quyền vừa triển khai thực hiện quy định mới này tại các nhà thờ ở huyện Bình Dương, tỉnh Ôn Châu, trong đó, các giáo xứ phải nộp toàn bộ số tiền quyên góp được cho chính quyền.

Một Kitô hữu địa phương nói rằng: “... chính quyền sẽ can thiệp vào các công chuyện của giáo xứ, họ quản lý tiền dâng cúng của chúng tôi và một số dự án quy mô lớn. Khi chúng tôi muốn mua máy móc thiết bị hoặc đồ trang trí cho nhà thờ thì chúng tôi phải được chính phủ chấp thuận. Chúng tôi cũng phải xin phép nếu chi trả bất kỳ khoản tiền nào nhiều hơn một vài ngàn nhân dân tệ”.

Hồi tháng 7 năm 2015, chính quyền địa phương đã bắt đầu cử cán bộ đến nói chuyện tại các nhà thờ và sắp đặt bàn làm việc của cán bộ ngay trong nhà thờ. Ngày 30 tháng 8 cùng năm, chính quyền ra lệnh rằng cán bộ nhà nước sẽ giám sát tất cả các nhà thờ ở Ôn Châu.

Theo một báo cáo chưa được xác nhận, chính quyền địa phương bây giờ còn đòi các nhà thờ phải treo quốc kỳ Trung Quốc trên đỉnh mái, ngay tại chỗ cây Thánh Giá đã bị phá bỏ trong một chiến dịch trước đây, và đặt quốc kỳ ở cả bục giảng lễ nữa.