Ngày 16-07-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chị Em Nhà Martha: Nghịch Lý Và Nghịch Nhĩ
Nguyễn Trung Tây
00:40 16/07/2016
□ Nguyễn Trung Tây
Chị Em Nhà Martha: Nghịch Lý Và Nghịch Nhĩ


Câu chuyện chị em nhà Marta và Maria đón Chúa là một câu chuyện Tin Mừng nổi tiếng, nổi tiếng bởi sự nghịch lý và nghịch nhĩ của câu chuyện. Văn hóa Việt Nam có câu, “Khách đến nhà không gà thì vịt”. Ngay trong văn hóa Do Thái, văn hóa của bốn bản Tin Mừng, một nền văn hóa hiếu khách, thông thường khách đến nhà, người ăn kẻ ở nhanh nhanh chạy ra cúi xuống rửa chân cho khách… Nhưng lạ thay, theo như Tin Mừng Luca của ngày hôm nay (Luke 10:38-42), trong khi cô em Maria được minh họa như một người lười biếng, trốn việc, cô chị Martha ngược lại thân cò lặn lội trong bếp, một tay nấu cơm, một tay chiên cá, mồ hôi có lẽ nhỏ xuống đọng thành từng giọt trên sàn nhà. Nhưng thật là nghịch lý và nghịch nhĩ, khi cô chị cất tiếng càm ràm, “Ơ Thầy, em con để con một mình trong bếp…”, thay vì an ủi cô chị, Đức Giêsu lại cất tiếng oang oang khen ngợi người lười biếng, còn người quần quật nấu nướng bị Chúa cất nhời mắng cho mấy mắng, “Martha, Martha, con lo lắng nhiều chuyện quá…”

Bạn hỏi tôi,

— Chịu, chịu thua! Lời Chúa sâu sa, khó hiểu quá! Tớ người trần mắt thịt, đầu hàng chịu thua.

Tôi cự nự,

— Ơ hay! Chịu thua? Mà chịu thua cái gì?

Bạn nói ngay,

— Ông thần nước mặn, điếc hả? Chịu thua chẳng hiểu Chúa muốn nói điều gì khi Chúa mở miệng mắng cô chị… Xin lỗi, nếu tôi có nói quá nhời, xin ông bỏ qua, ông bà mình đã từng dậy, “Khách đến nhà…"

Tôi nóng nảy cắt ngang,

— Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Bạn kiên nhẫn giải thích,

— Thì đấy, thế mà Chúa lỡ lòng nào mắng người siêng năng cơm nước cho mình mấy mắng. Chịu thua…

Nhìn người rao bán từng gánh than khắp cùng thiên hạ, tôi chợt hiểu điều người bán than đang than thở,

I see

Tôi gật đầu, nở một nụ cười, bàn chuyện quả thật quả giả,

— Ông nói đúng, quả thật Chúa có “mắng” cô chị mấy mắng, “Con lo lắng nhiều chuyện quá”. Nhưng Chúa đâu có dừng lại, lặng yên sau câu nói đó đâu. Chúa tiếp tục nói mà… Có đúng không?

Bạn nghi ngờ, cộ mắt nhìn tôi,

— Ông thần nước mặn, muốn nói điều gì thì cứ nói huệch toẹt ra cho rồi... Ấm a ấm ớ, nửa kín nửa hở… Ai mà hiểu…

Tới phiên tôi kiên nhẫn như trai đang tán tỉnh,

— Thì Chúa nói, “Martha con lo lắng nhiều chuyện quá. Chỉ có một phần tốt nhất mà Maria đã chọn…”

Bạn nhìn tôi,

Yes… Please continue… Làm ơn tiếp tục…giảng…

Tôi cười,

— Điều mà cô em đã chọn đó là Lời Chúa. Chúa trong bài Tin Mừng đang nói với cô chị, “Martha, Martha, con đang làm bếp, nhưng em con ngoài đây đang dự tiệc Nước Trời. Bởi Lời Chúa là cơm trắng Nàng Hương cho linh hồn, là cá rô chiên dòn chấm mắm ớt và rau muống sào dòn trộn tỏi nuôi sống tâm linh. Lời Chúa là lương thực nuôi sống linh hồn. Con không ăn cơm con không chết, nhưng không có Lời Chúa, linh hồn con trở nên héo úa xanh xao, ngày rồi cũng tới, con trở thành người chết bước đi, dead man walking…"

Câu chuyện Tin Mừng thoạt tiên nghe nghịch lý và nghịch nhĩ, nhưng thật ra thánh sử Luca đang vẽ một bức tranh hai căn phòng, một phòng khách, một nhà bếp. Trong khi chị Martha trong nhà bếp đang chuẩn bị lương thực nuôi sống thân xác, cô em Maria đang ngồi trong phòng khách, dự tiệc nuôi sống linh hồn. Thức ăn trong phòng khách đã được dọn bởi chính đôi tay của Con Trời, đặc biệt nhất lương thực trong phòng khách chính là Đức Giêsu, Lời Chúa, lương thực linh hồn.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
 
Hãy là cả hai : Matta và Maria
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
07:57 16/07/2016
CN 16C : Hãy là cả hai : Matta và Maria

Một cha sở miền quê có bà bếp tên là Matta. Mỗi lần bà nghe bài Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe, bà lại lẩm bẩm : “Phải rồi, Maria đúng. Matta sai. Nhưng ai đã lau nhà, nấu ăn, rửa chén. Ai đã đi chợ, giặt giũ, quét sân… Nếu tôi không làm, ai làm đây? Nếu tôi chỉ việc ngồi, nghĩ, bàn những điều thiêng liêng rồi vào nhà thờ cầu nguyện riêng thì cứ đến giờ ăn mà đói meo ?” Ý nghĩ của bà Matta nào đó lại không phải là ý nghĩ của nhiều người trong chúng ta sao ? Phải giải thích thế nào cho bà Matta đó, khi bà nghe đoạn Lời Chúa hôm nay ?

A- Những giải thích trước đây (dựa theo truyền thống):

1. Con lo lắng nhiều quá. Chỉ cần một mà thôi.

Chúa trách Matta lo phục vụ nhiều quá. Chúa chỉ cần… đơn giản và thanh đạm, phù hợp với thói quen và lời chúc phúc “nghèo khó” của Ngài. Tóm lại, đơn giản thôi, đừng bày vẽ gì nhiều. Cũng trong chiều hướng này, có bản dịch đã chuyển ngữ cách nói của Chúa như sau: Con lo nhiều món quá, chỉ cần một món là đủ. Cơm canh là đủ. Vậy thì mình con làm được rồi. Đâu cần gọi thêm Maria.

2. Tượng trưng cho hai đời sống

Nhưng chắc chắn bài học của Chúa đâu chỉ giản đơn như vậy. Vì sau khi phê phán Matta, Chúa Giêsu còn nêu Maria như mẫu gương phải theo : “Cô ta chọn phần tốt nhất”. Bởi thế Origène (185-245) đã giải thích như sau (và lời giải thích này ảnh hưởng trên truyền thống tu đức của Tây Phương đến bây giờ) : Matta tượng trưng cho đời hoạt động. Maria tượng trưng cho đời chiêm niệm. Mầu nhiệm Tình yêu không còn trong đời sống hoạt động nữa, nếu lời dạy và huấn đức không đưa tới việc chiêm niệm … Đối với Origène, hai chị em tượng trưng cho hai thái độ mà một môn đệ trọn lành không thể tách rời. Nhưng hoạt động phải hướng về chiêm niệm, cầu nguyện. Chúng ta sẽ phải trở lại với lời giải thích của Origène.

3. Thánh Augustino giải thích bằng cách ví von : Matta và Maria đón Chúa trong nhà mình, nhà như là Giáo Hội. Matta là Giáo Hội chiến đấu. Maria là Giáo Hội khải hoàn. Giống hệt như Augustinô giải thích về Phêrô và Gioan tông đồ.

B- Giải thích cho hôm nay

Lời giải thích của Origène vẫn còn giá trị. Tức là :

1. Hoạt động, phục vụ vẫn có giá trị.

-Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng hiểu như vậy. Nếu bài đọc I trong các Chúa Nhật Thường Niên thường dùng để giải thích cho Bài Tin Mừng, thì Bài đọc I hôm nay Giáo Hội cho đọc sách Sáng Thế thuật chuyện Abraham đón tiếp khách: mời khách vào nhà, lấy bột làm bánh, bắt dê làm thịt, đứng hầu quạt khách. Một thái độ phục vụ chẳng khác gì Matta. Nếu xem chỉ chiêm niệm là giá trị thì Bài Đọc I phải là bài Elia lên núi Khoreb gặp Chúa chứ ! Rồi không phải chỉ Abraham. Chính Chúa Giêsu cũng nêu gương phục vụ: Ngài hoá bánh ra nhiều, chữa lành bệnh tật, dẹp yên bão tố, xua trừ ma quỉ…, tất cả đều là phục vụ, chứ đâu phải suốt ngày lên núi cầu nguyện một mình. Vì thế phục vụ vẫn có giá trị của nó.

-Một cha xứ kia ghi nhận trên Tờ Thông Tin : Mỗi xứ đạo chỉ cần một Matta thôi sao ? Phải thay đổi điều này. Cần 100 Matta. Phải xắn tay áo lên và hãy sẵn sàng. Nhờ có những Matta mà ngân sách của họ đạo ổn định, nhà thờ nhà xứ được sửa sang, sạch sẽ…, trẻ em bò trên nền nhà vẫn không dơ bẩn. Bạn không nhớ ơn những Matta cho đến khi Matta biến mất, và nhà thờ chỉ còn lại những Maria đọc kinh. Bấy giờ các Maria sẽ bắt đầu rối lên đi tìm chìa khoá, chổi quét, khăn lau, tắt đèn, tắt quạt. Phải. Những Matta là những người năng nổ của xứ Đạo. Họ giữ cho xứ Đạo sinh hoạt sống động mỗi ngày.

Nhưng Matta cũng phải có lúc là Maria : đó là lúc cầu nguyện, lúc nghỉ ngơi.

2. Nhưng trên phục vụ, phải là cầu nguyện: cầu nguyện trên hết.

-Một sĩ quan Pháp trong trận giao tranh trên đất Phi Châu, bị bắt làm tù binh. Mỗi lần nhìn viên sĩ quan Pháp này, người cai Ả Rập luôn mắng chửi thô lỗ : “Đồ con chó !” Một hôm, chịu không nổi, viên sĩ quan cãi lại: Tại sao gọi tôi là đồ chó ? Tôi là tù nhân của ông. Đúng, nhưng tôi cũng là người như ông vậy.

–Mày, mày mà là con người ư ? Mày là tù nhân của tao từ sáu tháng nay thế mà tao chưa thấy mày cầu nguyện bao giờ. Làm sao tao gọi mày là người được. Mày chỉ là một con chó.

Đúng thế, viên sĩ quan tù binh này thức dậy, ăn, hùng hục làm, đầu cúi xuống, không ngước nhìn trời, sao không giống con chó được ?

Cầu nguyện là trên hết. Chính vì thế trong bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu nói: Maria đã chọn phần tốt nhất, không ai cướp lấy được.

3. Vậy chúng ta xử lý ra sao

Phục vụ thì tốt. Ngồi bên Chúa và nghe lời Ngài thì tốt hơn. Nhưng giải thích của chúng ta không phải là chọn cái này, bỏ cái kia, mà là chọn cả hai. Cả phục vụ, cả nguyện cầu, và cho việc cầu nguyện chỉ huy.

Thực tế cuộc sống của chúng ta rất bận rộn. Ta không có thời giờ đâu để ngồi lâu dưới chân Chúa, thì hãy để Chúa ngồi lâu trong đầu mình. Không ngồi lâu dưới chân Chúa được thì để Chúa ngồi lâu trong đầu mình bằng các cách sau đây:

-Lặp đi lặp lại những lời nguyện tắt : “Lạy Cha” “Lạy Chúa xin thương xót con” “Giêsu, con yêu mến Chúa” v.v…

-Khởi đầu một ngày mới hãy dâng lên Chúa trọn cả ngày: lời Kinh Dâng Mình vẫn đọc “mọi sự con nài xin, mọi việc con làm, mọi sự khó con chịu trong ngày hôm nay” là một khởi đầu tốt. Ý hướng đầu ngày là ý hướng chỉ huy (chỉ huy là không làm gì hết mà làm hết mọi sự). Rồi trong ngày những tiếng nói âm thanh, những bóng dáng của Chúa đi qua lại nhắc ta nhớ tới Chúa. Những tiếng nói âm thanh, như tiếng chuông, tiếng còi cứu thương, tiếng kêu “Chúa ơi” của ai đó…. Những bóng dáng như tháp chuông, thánh giá ai đó mang trên ngực, trên vành tai. Những khi ăn khi uống ta làm dấu… nhất nhất đều nhắc ta nhớ đến Chúa. Như thế không phải là để Chúa ngồi lâu trong đầu mình sao ? Thánh Phaolô thì nói : Dù khi anh em ăn, dù khi anh em ngủ, khi anh làm việc, hãy làm vì danh Chúa Giêsu (x. Cl 3,17).

Các vị thánh là những người bận rộn; với các ngài cái búa, cái cưa, cái mai, cái xẻng, cây chổi, giẻ lau... cũng được dâng hiến như chén thánh trên bàn thờ. Thánh Bênêdictô ra luật cho các thầy dòng phụ trách các dụng cụ lao động phải gìn giữ cẩn thận các dụng cụ đó như các bình thánh trên bàn thờ. Tại sao vậy ? Vì các dụng cụ đó là những dụng cụ để các môn sinh của người tôn vinh Thiên Chúa. Điều chính yếu trong đời sống thiêng liêng là có tinh thần phục vụ Chúa “mọi nơi và mọi lúc” như chúng ta cầu xin trong lời nhập để của kinh tiền tụng.

Xin Chúa giúp chúng con nhớ đến Chúa khi làm việc phục vụ, hoặc tệ lắm thì thức dậy dâng ngay cả ngày cho Chúa, để khi không ngồi lâu dưới chân Chúa được, thì để Chúa ngồi lâu trong đầu mình.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Những hành vi của lòng thương xót
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
21:20 16/07/2016
NHỮNG HÀNH VI CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

(Chúa Nhật 16 Thường niên năm C 2016)

Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 16 thường niên chu kỳ năm C, một cách nào đó, đang nhắc nhở chúng ta “tái khám phá những hành vi của lòng thương xót”, theo như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên dạy trong Tông sắc Dung nhan lòng thương xót :

“Chúng ta hãy tái khám phá những hành vi thương xót, chẳng hạn Thương xác bảy mối, đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà,…” (DNLTX số 15)

Thật vậy, câu chuyện viếng thăm nhà cụ Tổ Abraham của ba Vị khách lạ, đâu phải là chuyện “ghé ngang tình cờ” nhưng là chính là cuộc “viếng thăm của lòng thương xót”. Bởi chưng, ngang qua cuộc viếng thăm đặc biệt nầy, Thiên Chúa đã chính thức viết thành hiện thực “tiến trình lịch sử cứu độ”, lời hứa cứu độ đã bắt đầu mở ra một chương mới : “Độ nầy sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khỏe, và Sara bạn ông sẽ được một con trai” (Bđ 1 : St 18,1-10).

Điều nầy càng được biểu lộ rõ nét qua sứ điệp của Tin Mừng Luca, trình thuật lại câu chuyện “viếng thăm gia đình Bêtania của Chúa Giêsu”, một địa chỉ thuộc đích ngắm ngàn đời của Thiên Chúa : những kẻ nghèo của Gia-vê, những thân phận thuộc “nhóm nhỏ” mà trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa hằng để mắt đoái thương và như chính Đức Ki-tô đã thể hiện : Ngài đến thăm căn nhà của những tên thu thuế như Matthêô, Giakêu để đổi mới tâm hồn, đến tang gia của ông Giairô, để mang lại niềm vui phục sinh, gặp gỡ, đối diện với bao thân phận con người bệnh hoạn tật nguyền để chữa lành…

Vâng, chính Thiên Chúa, chính Đức Ki-tô là kẻ đi đầu trong việc thực hành “Thương người có 14 mối”.

Riêng đối với việc “cho khách đổ nhà”, “cho kẻ đói ăn” của hai nhân vật điển hình hôm nay, Abraham và Matta, Lời Chúa rất tinh tế gọi mời chúng ta hãy thực thi cụ thể hành vi thương xót đối với tha nhân.

Nhưng làm sao để khám phá những hành vi thương xót của Thiên Chúa và đồng thời trở nên tông đồ rao giảng và thực thi thương xót đới với tha nhân ?

Lời Chúa hôm nay lại là một giải đáp tuyệt vời ! Phải trân trọng hiếu khách như Abraham ở cây sồi Mambrê, như Matta ở Bêtania và nhất là phải biết đón nhận, lắng nghe như cô Maria “chọn phần tốt nhất” là “ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Lời Ngài”.

Thật cần thiết biết bao những thái độ trên đối với các gia đình Kitô hữu trong thế giới hôm nay, một thế giới đang xô đẩy con người “đóng cửa cài then” để sống chủ nghĩa cá nhân, và không màng chi đến sự hiện hữu của tha nhân để sẻ chia, gặp gỡ, phục vụ và yêu thương ; và vì thế không làm sao nghe được “tiếng gõ cửa của Thiên Chúa” (Kh 4,20).

Và một khi con người đóng cửa không tiếp nhận Thiên Chúa, không muốn “chọn phần tốt nhất là ở bên chân Ngài”, nghĩa là không cò biết cầu nguyện thì, bi đát làm sao, sẽ trở nên bệnh hoạn và tầm thường, như cách cảm nhận của Mẹ Têrêsa Calcutta : “Thế giới ngày nay là một thế giới bệnh hoạn. Bệnh hoạn vì thiếu yêu thương. Thiếu yêu thương vì không cầu nguyện” ; và chúng ta cũng đừng quên : một trong những phương thế cần thiết và bắt buộc để các người môn sinh của mẹ thánh ra đi phục vụ người nghèo cách hiệu quả nhất, chính là trước khi ra đi phục vụ, mỗi người phải cầu nguyện trước Thánh Thể trọn một tiếng đồng hồ.

Chính nhà bác học Ampère, cũng đã xác nhận : “Người ta chỉ trở nên vĩ đại khi người ta cầu nguyện”.

Như vậy, để trở nên “người phục vụ Hội Thánh” cách trọn hảo như Thánh Phaolô (Xem Bđ 2), hay để trở nên Tông đồ rao giảng và thực thi lòng thương xót, thì ngay từ hôm nay, chúng ta hãy mau mắn, trân trọng mở lòng đón tiếp Chúa Kitô qua biết bao cuộc viếng thăm mà Ngài thực hiện hôm nay trong Hội Thánh : Thánh lễ, tòa giải tội, các giờ kinh nguyện, các buổi học hỏi Lời Chúa, giáo lý, các công tác mục vụ tông đồ… ; và dĩ nhiên, điều quan trọng nhất ở giữa bao nhiêu công việc đó, chính là “ở bên chân Chúa để đón nhận và lắng nghe”. Nếu không dành ưu tiên cho việc quan trọng nầy, CẦU NGUYỆN, chúng ta dễ rơi vào nguy cơ không tìm Chúa mà chỉ tìm mình, không gặp Chúa hay tha nhân để yêu thương phục vụ mà chỉ là để gặp cái tôi bên ngoài và hợm hĩnh.

Vì thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay quả là cơ hội thích hợp để chúng ta cùng tái khám phá những hành vi của lòng thương xót nơi Thiên Chúa, để từ đó, ra đi thực thi hành vi thương xót đối với tha nhân cách cụ thể và hiệu quả hơn.

LM. Giuse Trương Đình Hiền

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhà tù từng giam giữ Thánh Phêrô mở cửa lại cho khách tham quan
Chân Phương
10:55 16/07/2016
Nhà tù từng giam giữ Thánh Phêrô mở cửa lại cho khách tham quan

RÔMA - Một nhà tù La Mã cổ đại - nơi được cho là đã từng giam giữ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô - vừa được mở cửa lại cho công chúng vào tham quan sau một thời gian dài trùng tu.

Nhà tù Carcer Tullianum (còn gọi là nhà tù Mamertine) có niên đại 3.000 năm, nhưng hiện nay nó nằm dưới nền nhà thờ San Giuseppe dei Falegnami (Nhà thờ Thánh Giuse Thợ, xây từ thế kỷ 16) nhìn ra Công trường La Mã (Roman Forum). Hơn một năm qua, nhà tù này đóng cửa để các nhà khảo cổ có thể nghiên cứu thêm về khu đất này và thiết lập một lộ trình tham quan đa phương tiện (multimedia itinerary) mới cho du khách.

Ông Francesco Prosperetti - giám đốc khảo cổ của thành phố Rôma nói rằng: "Việc mở cửa lại Carcer Tullianum là một thời điểm quan trọng đối với đời sống văn hóa của thành phố. Lộ trình tham quan mới này sẽ giúp thành phố lịch sử này kể lại câu chuyện phi thường của nhà tù bằng nhiều cách thức".

Giờ đây, công nghệ mới vừa được thiết lập sẽ mang đến cho du khách cơ hội khám phá khu đất lịch sử đó qua việc sử dụng máy tính bảng (tablet compters), bằng cách giữ màn hình quanh các cột mốc (landmarks) bên trong nhà tù cổ này để nhận thêm nhiều thông tin và nhìn toàn cảnh nó bằng phương thức tái tạo hình ảnh 3D.

Trong thời kỳ hoàng kim của mình, nhà tù này là nơi giam giữ một số tù nhân rất nổi tiếng, chẳng hạn như Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Các Kitô hữu tin rằng các ngài đã bị Hoàng đế Nero truyền lệnh đóng đinh ở Rôma hồi thế kỷ thứ nhất vì đã rao giảng Phúc Âm cho dân ngoại của thành Rôma.

Đức Ông Liberio Andreatta - Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Rôma cho biết: "Các Kitô hữu kể rằng, Thánh Phêrô đã thực hiện một phép lạ khi bị giam ở đây. Lúc đó, ngài đã làm ra một khe suối nước ngọt để lấy mà rửa tội cho các tù nhân. Khe suối này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay".

Chân Phương
 
Toà Thánh tố giác tình trạng vi phạm các quyền con người trên thế giới
Linh Tiến Khải
12:18 16/07/2016


Đức Giáo Hoàng

Hoạt động

16/07/2016 16:53

ĐTC gửi diện tín chia buồn về vụ khủng bố tại Nice

ĐTC gửi điện tín chia buồn về vụ khủng bố tại Nice

15/07/2016 19:36

ĐTC chia buồn với các nạn nhân vụ khủng bố tại Nice và toàn dân Pháp

14/07/2016 19:04

ĐTC bất thình lình tới thăm Ủy ban Toà Thánh đặc trách về chau Mỹ Latinh

14/07/2016 18:49

ĐTC gửi điện tín chia buồn về cái chết của ĐTGM Zygmunt Zimowski

13/07/2016 18:00

ĐTC gửi điện tín chia buồn với các nạn nhân tai nạn xe lửa

danh sách các bài viết

Vatican

Hoạt động

16/07/2016 16:59

Toà Thánh tố giác tình trạng vi phạm các quyền con người trên thế giới

Toà Thánh tố giác tình trạng vi phạm các quyền con người trên thế giới

13/07/2016 18:08

Tòa Thánh kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý tới tình hình thê thảm tại Trung Đông

09/07/2016 17:23

ĐTC gần gũi toàn dân Argentina trong dịp kỷ niệm 200 năm độc lập

09/07/2016 17:05

Bộ Phong Thánh công bố các sặc lệnh liên quan tới 9 Tân chân phước và 6 Đấng đáng kính

08/07/2016 16:23

Toà Án Vaticăng phán quyết chung kết vê vụ Vatileaks 2

danh sách các bài viết

Giáo Hội và Huấn luyện

Đời sống Giáo Hội

Thánh Mẫu học

Thần học Kinh Thánh

Đức tin

02/07/2016 12:29

Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Đại hội ”Cùng nhau cho Âu Châu”

VATICAN. ĐTC tố giác hiện tượng nhiều loại bức tường được dựng lên tại Âu Châu và ngài kêu gọi can đảm thay đổi, tận dụng gia sản phong phú của mình.

01/07/2016 10:43

Khóa huấn luyện nhân viên Giáo Hội ở Syria đối phó với khủng hoảng nhân đạo

27/06/2016 16:00

Một số nhận đinh về chuyến viếng thăm Armeni của Đức Thánh Cha Phanxicô

23/06/2016 10:40

Ngày Quốc tế giới trẻ là một hành trình thiêng liêng cho các bạn trẻ

21/06/2016 12:34

Khoảng 1500 bạn trẻ Philippin tham dự ngày Quốc tế Giới trẻ tại Cracovia

danh sách các bài viết

Linh đạo

Chứng từ

Suy niệm

15/07/2016 19:53

Ủy ban Công Lý và Hoà Bình Nam Phi kêu gọi bầu cử tự do và công bằng

Ủy ban Công Lý và Hoà Bình Nam Phi kêu gọi bầu cử tự do và công bằng

15/07/2016 19:50

Giáo Hội Anh sẽ mở thêm 125 trường học mới

15/07/2016 19:46

HĐGM Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền bảo đảm tự do tôn giáo

14/07/2016 19:17

HĐGM Hoa Kỳ lên án nạn bạo lực và kỳ thị chủng tộc gia tăng

14/07/2016 19:12

Các Giáo Hội Kitô Đức kêu gọi hạn chế xuất cảng vũ khí

NEW YORK: ĐTGM Bernardito Auza, quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc bên New York, mạnh mẽ tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng trên thế giới.

Phát biểu trong phiên họp thảo luận về nhân quyền hôm 13 tháng 7 vừa qua ĐTGM Auza đã ca ngợi các nỗ lực và thành qủa Liên HIệp Quốc đã đạt đưọc kể từ khi thành lập cách đây 70 năm, và kể từ khi Bản tuyên ngôn nhân quyền ra đời cách đây 50 năm. Tuyên ngôn này là lời nhắc nhở muôn đời nhân bản tính và tình liên đới của gia đình nhân loại. Nó là gia tài cao quý cần phải tôn trọng, tuân hành và là kim chỉ nam cho cung cách hành xử của các câ nhân, xã hội và quốc gia. Nhưng rất tiếc trong thời đại nhiều biến động ngày nay, người ta đang chứng kiến cảnh các quyền con người bị khước từ, huỷ bỏ và vi phạm trong nhiều cách thế trên thế giới: thường dân bị sát hại trong chiến tranh và các xung đột vũ trang, con người bị bán như nô lệ của lao công, tính dục, lấy cơ phận, các nhóm chủng tộc và tôn giáo thiểu số bị bách hại hay tiêu diệt, con người bị coi như vô dụng hay không được ưóc muốn nên bị gạt bỏ, hàng triệu người phải chạy trốn vì bị bách hại hay vì qúa nghèo túng, biết bao nhiêu người là nạn nhân của kỳ thị. Những người bị bỏ rơi đàng sau hay bị thiệt thòi ấy chứng minh cho thấy sự thất bại trong việc trân trọng phẩm giá của họ.

Phẩm giá con người bắt nguồn từ chính bản chất nhân loại của từng người và là một quyền bẩm sinh ngày từ lúc mới được thụ thai. Nó không phải là một chính phục khi con người đạt được chiều kích thể lý nào đó, hay sự khéo léo tâm thần hay tuổi tác, cũng không phải là một loại ân huê đưọc nhà nuớc ban cho hay lấy đi như chuyện chính trị. Các quyền con người là bất khả xâm phạm, phải được tôn trọng và thăng tiến một cách đại đồng. Việc thực thi các quyền con người có trách nhiệm cũng bao gồm các bổn phận tương xứng. Bổn phận và trách nhiệm phải được áp dụng trên bình diện cuộc sống cá nhân cũng như trong tương quan của quyền bính dân sự, lập pháp, tư pháp với các công dân và cơ cấu xã hội dân sự và các nhóm. Mục đích của Liên Hiệp Quốc là thăng tiến và bảo vệ các quyền con người, đặc biệt của những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. Do đó, cần tiếp tục thăng tiến và củng cố nền văn hóa tôn trọng các quyền con nguời và tạo điều kiện cho các thề hệ tương lại tiếp nhận, che chở, quý mên và phát huy nhân quyền (SD 15-7-2016).
 
HĐGM Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền bảo đảm tự do tôn giáo
Linh Tiến Khải
16:16 16/07/2016
SAN FRANCISCO: Các Giám Mục Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền bảo đảm tự do tôn giáo và tự do lương tâm của mọi người dân.

Thỉnh cầu này đã được đưa ra trong một thông cáo mang chữ ký của ĐC Salvatore Joseph Cordileone, TGM San Francisco, chủ tịch Tiểu ban thăng tiến và bảo vệ hôn nhân của HĐGM Hoa Kỳ và ĐC William Edward Lori, TGM Baltimore, chủ tịch Uỷ ban tự do tôn giáo. Các Giám Mục nhấn mạnh rằng cần phải ủng hộ việc tu chính Hiến Pháp đang liên quan tới việc bảo đảm tự do tôn giáo và tụ do lương tâm cho tất cả mọi người. Tu chính này đang được Quốc hội thảo luận liên quan tới quyền tự do tôn giáo, tự do lương tâm, tự do phát biểu và tự do thông tin, tự do hội họp một cách hoà bình và kêu lên chính quyền chống lại các sai trái phải chịu. Ngoài ra nó còn cấm Quốc Hội không được đưa ra các luật lệ chính thức thừa nhận bất kỳ tôn giáo nào gây thiệt hại cho những người khác.

HĐGM Hoa Kỳ đã luôn luôn ủng hộ luật bảo đảm các biện pháp che chở tự do tôn giáo trên bình diện liên bang. Theo các Giám Mục tu chính thứ nhất liên quan tới việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho tín hữu của mọi tôn giáo cũng như những người không có niềm tin tôn giáo và hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là điều quan trọng. Việc tu chính quan trọng và nòng cốt giúp bảo vệ công ích, vì sự bất khoan nhượng đối với niềm tin tôn giáo và các hành xử cụ thể sai trái gia tăng. Không được để cho các trường học và cơ sở do các tu sĩ điều khiển, mất giấy phép hay các quyền đã chiếm được chỉ vì có quan điểm hôn nhân khác với các cơ sở khác. Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ được ủng hộ một cách đại đồng từ bao thế kỷ không dính dáng gì tới việc thiếu tôn trọng người khác, nó cũng không tuỳ thuộc niềm tin tôn giáo. Đúng hơn nó được xây dựng trên sự thật về bản vị con người, cũng có thể hiểu dược qua lý trí. Giáo Hội sẽ tiếp tục ủng hộ khả thể của tất cả mọi người thực thi các xác tín tôn giáo và luân lý của mình và làm chứng cho sự thật trong lãnh vực công cộng, mà không sợ hãi (SD 14-7-2016)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Truyền hình và phát thanh VN ca ngợi các lớp học hè tại giáo xứ Rạch Súc Cần Thơ.
Giáo xứ Rach Súc
07:43 16/07/2016
Truyền hình và phát thanh VN ca ngợi các lớp học hè tại giáo xứ Rạch Súc Cần Thơ.

Mấy năm nay, cứ đến hè là khuôn viên nhà thờ Rạch Súc, phường Long Hòa, quận Bình Thủy lại trở nên đông đúc và nhộn nhịp hơn vì các em học sinh đến tham gia sinh hoạt hè, với đội ngũ giáo viên là các sinh viên tình nguyện đến từ các trường đại học, cao đẳng trong TP Cần Thơ. Lớp học này trở thành nơi để ôn luyện kiến thức và vui chơi bổ ích cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Hoạt động từ năm 2011 đến nay, lớp học thiện nguyện tại nhà thờ Rạch Súc đã tổ chức được hơn 30 lớp, thu hút trên 1000 học sinh với nhiều lứa tuổi và trình độ khác nhau. Các em tham gia chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn, thế nên các lớp học hè đều tổ chức hoàn toàn miễn phí.

Linh mục Nguyễn Khắc Minh, nhà thờ Rạch Súc, quận Bình Thủy, TP Cần thơ cho biết: “ Xung quanh đây các em nghèo lắm, cứ mỗi hè các em đi lang thang, sợ các em té xuống sông hồ và không ai dạy dỗ. Nên lúc đấy mình tổ chức giảng dạy 1, 2 em thôi, sau đó các phụ huynh thấy hay cứ gửi con em mình đến, rồi từ từ số lượng tăng lên. Chương trình thành công như thế này, là do sinh viên các trường đại học đến đây tổ chức sinh hoạt, ôn tập và vui chơi với các em”

Ngoài việc ôn tập các kiến thức, các em còn được học đàn, trống, ca hát và tham gia các cuộc thi như The Voice Rạch Súc, Rạch Súc’s got Talent,…Ngoài ra còn chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em, dạy các em phải biết lễ phép với cha mẹ, thầy cô, giúp đỡ, hòa đồng với bạn bè.

Dù cơ sở học tập còn thiếu thốn, đôi khi các em phải ngồi học trên chiếc giường châm cứu hay là bàn ăn, nhưng các em đều rất thích thú vì được vui chơi học tập, được Cha và các anh chị tình nguyện viên quan tâm chăm sóc.

Em Nguyễn Ngọc Trinh và em Nguyễn Hoàng Huy, Khu vực Bình Trung, phường Long Hòa chia sẽ:

“Con thấy rất vui, con được các thầy cô dạy nhiều kiến thức mới. Các thầy cô cho con học bổng, cho con tập, sách,…”

“Con được Cha và các thầy cô quan tâm, yêu thương và giúp đỡ, con rất vui, con được bồi bổ nhiều kiến thức để bắt đầu năm học mới”

Chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, phụ huynh em Nguyễn Ngọc Trinh nói:

“Không cần phải lo sợ người xấu dụ dỗ bé khi bé ra ngoài chơi, Cha và thầy cô quan tâm, quản lí các bé rất chặc chẽ và các bé còn được học nhiều kiến thức hay”

Đồng hành cùng lớp học thiện nguyện, và lực lượng sinh viên tình nguyện có trách nhiệm, tinh thần nhiệt huyết cao. Trong suốt thời gian hoạt động, số lượng sinh viên tăng lên liên tục, từ vài chục đến nay gần 400 sinh viên. Có những bạn chỉ mới tham gia lần đầu, có những bạn đã tham gia nhiều lần, và có những bạn đã tốt nghiệp, nhưng mỗi dịp hè vẫn trở về tham gia dạy học.

Bạn Hoàng Thị Mỹ Nhung, sinh viên trường Cao đẳng Cần Thơ và bạn Nguyễn Hoàng Tỷ sinh viên trường Đại Học Cần Thơ bày tỏ:

“ Là một cô giáo, ở đây là môi trường cho em thực tập tốt hơn và mang lại nhiều kiến thức cho mấy bé. Ở đây đa số là những bé yếu kém, thầy cô giúp các bé củng cố kiến thức tốt hơn”

“Đây là lần đầu tiên em tham gia, em cảm thấy rất bất ngờ vì khóa học này tổ chức với hơn 1000 học sinh đến từ khắp nơi, rất ý nghĩa. Một phần là giúp đỡ các em về kiến thức, em, vào đây em tập cho mình biết sống dâng hiến, biết sống hi sinh cho xã hội, đóng góp một phần công sức và nhiệt huyết của mình cho xã hội”

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng để cổ vũ tinh thần học tập, đồng thời giảm bớt gánh nặng học phí trong năm học mới, các Cha cố gắng vận động mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trao tặng tập sách, học bổng cho các em học sinh đặc biệt khó khăn, để các em yên tâm cắp sách đến trường.

Linh mục Nguyễn Khắc Minh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy chia sẽ:

“Tất cả quy về con người, các em là chính, nên mình chỉ ước ao làm sao có được cơ sở vật chất tốt hơn, để các em đừng bị mưa dột, bàn ghế được khang trang ngay ngắn hơn một chút. Nên mình cũng mong có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ phần nào”

Có thể nói, việc tổ chức các lớp học thiện nguyện không chỉ tạo sân chơi cho các em có hoàn cảnh khó khăn, mà còn là môi trường giúp các sinh viên tình nguyện rèn luyện nhân cách, trao dồi kiến thức. Hi vọng lớp học luôn nhận được sự chung tay giúp sức từ các nhà hảo tâm, để các em có cơ hội học tập, đào tạo ra những công dân tốt cho xã hội.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm vào Quốc vụ viện Truyền thông
Minh Đức
08:39 16/07/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm vào Quốc vụ viện Truyền thông

Ngày 13 tháng Bảy 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm các thành viên cho Quốc vụ viện Truyền thông – đã được ngài thành lập ngày 27-06-2015

Trong số các thành viên mới, có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho;

Các thành viên khác:

– Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai (Thượng phụ Công Giáo Antiokia, Liban - nghi lễ Maronite);

– Đức Hồng Y John Njue, Tổng giám mục Nairobi, Kenya;

– Đức Hồng Y Chibly Langlios, Giám mục Les Cayes, Haiti;

– Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon, Myanmar;

– Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Bộ trưởng Bộ các Giáo Hội Đông phương;

– Đức Hồng Y Beniamino Stella, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ;

– Đức Tổng giám mục Diarmuid Martin, Tổng giám mục Dublin, Ireland;

– Đức Tổng giám mục Gintaras Grušas, Tổng giám mục Vilnius, Lithuania;

– Đức Giám Mục Marcello Semeraro, Giám mục Albano, Italia;

– Đức Giám Mục Stanislas Lalanne, Giám mục Pontoise, Pháp;

– Đức Giám Mục Gines Ramón García Gines Beltrán, Giám mục Guadix, Tây Ban Nha;

– Đức Giám Mục Nuno Brás da Silva Martins, Giám mục phụ tá giáo phận Lisbon, Bồ Đào Nha;

Và ba giáo dân:

– Tiến sĩ Markus Schachter, giáo sư môn đạo đức truyền thông và xã hội thuộc phân khoa triết học của Dòng Tên tại München, Đức;

– Tiến sĩ Leticia Soberón Mainero, nhà tâm lý học và chuyên gia về truyền thông, trước đây là cố vấn của Hội đồngToà thánh về Truyền thông Xã hội (Mexico và Tây Ban Nha).

– Tiến sĩ Kim Daniels, nữ giáo dân người Mỹ, cố vấn cho Uỷ ban tự do tôn giáo của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông hiện nay là Đức ông Dario Edoardo Viganò. Quốc vụ viện Truyền thông đặt trụ sở tại số 5 đường Hoà Giải và chính thức hoạt động từ ngày 29 tháng Sáu 2015.

Nguồn: WHĐ, Minh Đức
 
ĐGM Giáo phận Vinh viếng thăm và trao quà cứu trợ giáo dân 2 giáo xứ Cồn Sẻ và Chợ Sàng
Lâm Nguyên
11:08 16/07/2016
Giáo xứ Cồn Sẻ (thuộc giáo hạt Hòa Ninh) nằm trên địa bàn phường Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, do linh mục Phêrô Maria Hoàng Anh Ngợi quản xứ.

Hình ảnh

Với 814 hộ gia đình, 3.565 giáo dân, cộng đoàn giáo xứ Cồn Sẻ sinh sống trên một cồn cát rộng chưa đầy 3km2 được bao bọc bởi một chi lưu của sông Gianh về phía trái và một nhánh sông nhỏ về phía phải. Từ xưa tới nay, người dân Cồn Sẻ từ khi chào đời cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay, họ chỉ biết gắn bó với những vạt lưới, con thuyền. Sông, biển, con thuyền, vạt lưới chính là cuộc sống của họ. Nếu không thể đánh bắt thủy hải sản, thì người dân nơi đây không còn nghề nào để có thể kiếm kế sinh nhai.

Kể từ khi thảm họa ô nhiễm môi trường biển do Cty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả chất thải cực độc dẫn đến cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung, người dân Cồn Sẻ rơi vào cảnh điêu đứng, mất kế sinh nhai và hoang mang vì sợ nhiễm độc. Một người giáo dân ở giáo xứ Cồn Sẻ cho biết: “Đã hơn 3 tháng kể từ ngày biển bị ô nhiễm, những vạt lưới đã nằm im trong những góc nhà, những con tàu được neo đậu kiên cố bên bờ sông, những con thuyền nằm phơi mình trên những bãi cạn. Tàu thuyền không ra khơi, không có nguồn thu nhập, bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống đang đè nặng trên vai chúng tôi. Những chi phí cho sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là những khoản nợ hàng trăm tỉ đầu tư cho đóng thuyền, mua sắm chài lưới... đang bủa vây chúng tôi. Biển đã chết và cuộc sống chúng tôi dường như đang bị bao trùm bởi một nỗi hoang mang và chết chóc”.

Trước tình cảnh bi đát đó, thật dễ hiểu khi sự phẫn uất của người dân nơi đây bộc phát vì được biết CtyTNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm chính gây nên thảm trạng ô nhiễm môi trường biển. Ngày 07.7.2016 vừa qua hàng ngàn người dân Cồn Sẻ đã xuống đường ôn hòa, yêu cầu đóng cửa nhà máy Formosa và trả lại biển sạch cho ngư dân. Thế nhưng cuộc xuống đường đòi công lý và quyền lợi chính đáng của người dân Cồn Sẻ đã bị chính quyền Quảng Bình thẳng tay đàn áp, gây ra những hậu quả đáng tiếc đối với sức khỏe và lòng tin của người dân nơi đây.

Cảm thông và muốn chia sẻ nỗi đau của những người dân Cồn Sẻ, sáng ngày 13.7.2016, ĐGM Phaolô đã viếng thăm giáo xứ. Ngài mang theo tâm tình của người mục tử, với sự khích lệ tinh thần, sẻ chia vật chất. Đặc biệt, sự hiện diện của vị chủ chăn giáo phận tại nơi đây như muốn nói lên rằng, giáo phận luôn sát cánh cùng với người giáo dân Cồn Sẻ để cùng lên tiếng đòi lại công lý và những quyền lợi chính đáng cho người dân hôm nay cũng như các thế hệ con cháu trong tương lai.

Đúng 9h sáng, thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình do Đức Cha Phaolô chủ sự đã diễn ra tại nhà thờ giáo xứ Cồn Sẻ. Cùng đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có qúy cha trong và ngoài giáo hạt Hòa Ninh, qúy thầy, quý sơ cùng đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ Cồn Sẻ.

Giảng trong thánh lễ, Đức Cha Phaolô nói: “Từ thuở xa xưa tới nay, cuộc sống người dân Cồn Sẻ vốn bình dị và an hòa trong tình Chúa và tình người. Tuy nhiên, nếp sống bình yên đó đang bị đảo lộn và bần cùng hóa do thảm họa ô nhiễm môi trường biển. Những năm gần đây, thảm họa ô nhiễm môi trường đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng có hai sự khác biệt mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, đó là: thứ nhất, chưa nơi nào thảm họa ô nhiễm biển lớn như ở miền Trung Việt Nam chúng ta vừa qua; và thứ hai là ở các nước khác, biến cố ô nhiễm môi trường luôn được giải quyết nhanh chóng và triệt để, nhưng ở nước ta, thảm họa ô nhiễm lại bị trì hoãn khắc phục, bưng bít thông tin, tìm mọi cách để che đậy thủ phạm và lãng tránh công bố nguyên nhân của những người có trách nhiệm điều hành đất nước. Đã có những quan chức dám khẳng định thảm họa ô nhiễm môi trường biển không phải là do nhà máy Formosa gây ra. Tệ hại hơn là trước và sau khi công bố nguyên nhân cá chết, chính quyền còn thẳng tay đàn áp những người dân bày tỏ cách ôn hòa quan điểm chính đáng của họ”.

Đức Cha mời gọi mọi người hãy hành động để công lý và hòa bình ngự trị trên đất nước chúng ta, ngài nói: “Đất nước chúng ta hiện nay đang bước đi trong thảm cảnh đen tối, nhân quyền, nhân phẩm và công lý chưa được tôn trọng bởi những con người có chức có quyền. Trong hoàn cảnh đó, mỗi người dân chúng ta cần nói lên tiếng nói chính đáng của mình, và đòi buộc các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải thực thi công lý. Chúng ta hãy hành động không chỉ vì cuộc sống, vì môi trường chúng ta hôm nay, mà còn để xây dựng môi trường lành mạnh cho các thế hệ tương lai”.

Cuối cùng, qua câu chuyện bó đũa, Đức Cha mời gọi người giáo dân giáo xứ Cồn Sẻ trong hoàn cảnh hiện nay cần biết hiệp nhất, đoàn kết, đừng để cho cái ác, sự dữ từ bên ngoài xâm chiếm, phân hóa cộng đoàn.

Cuối thánh lễ, cha quản xứ Cồn Sẻ đã cảm ơn cuộc viếng thăm và liên đới, hiệp thông của Đức Cha cùng qúy cha, quý thầy, quý sơ với giáo xứ. Cha quản xứ cũng đã trình bày những khó khăn mà giáo dân Cồn Sẻ đang phải gánh chịu, đặc biệt là khoản nợ ngân hàng lên tới trên 280 tỷ đồng mà các ngư dân nơi đây đã vay để đóng thuyền và trang bị ngư cụ. Cha cho biết mong muốn của người dân Cồn Sẻ hiện nay:“Thứ nhất là yêu cầu đóng cửa nhà máy Formosa, đây chính là công ty gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung. Thứ hai là buộc tổ chức gây ra ô nhiễm phải bồi thường thiệt hại và trả lại môi trường biển sạch cho ngư dân. Thứ ba là yêu cầu Nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp ngư dân sớm ổn định cuộc sống, tiếp tục ra khơi đánh bắt khai thác thủy hải sản”.

Sau thánh lễ, Đức Cha Phaolô đã trao 314 suất quà, mỗi suất 50kg gạo, cho 314 gia đình trong giáo xứ Cồn Sẻ có hoàn cảnh khó khăn và có thuyền đánh bắt thủy hải sản gần bờ. Bên cạnh đó, đoàn đã tặng tập vở và bút viết cho 700 em học sinh trong giáo xứ. Trong cuộc viếng thăm này, Đức Cha cũng trao cho ông Phêrô Nguyễn Văn Đức – giáo dân Cồn Sẻ đã bị thương nặng trong đợt xuống đường ôn hòa ngày 07/07 (hiện đang được điều trị ở Huế) 20 triệu đồng và 3 người bị thương nhẹ mỗi người 2 triệu đồng.

Tiếp đó, vào buổi chiều cùng ngày, Đức Cha Phaolô và đoàn đã viếng thăm giáo xứ Chợ Sàng, thuộc xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình do cha Phêrô Nguyễn Hữu Sáng (CM) quản xứ. Đây cũng là một giáo xứ còn nhiều khó khăn và có một số gia đình phải gánh chịu ảnh hưởng từ thảm họa ô nhiễm môi trường biển trong thời gian qua. Tại đây, đoàn đã trao cho 66 hộ nghèo và 169 hộ gia đình đánh bắt thủy hải sản gần bờ, mỗi hộ 50kg gạo, trao tặng tập vở và bút viết cho 300 em học sinh. Cũng tại Chợ Sàng, Đức Cha cũng quyết định xây tặng nhà tình thương cho một gia đình có hoàn cảnh khó khăn với hai người khuyết tật. Tổng chi phí cho đợt cứu trợ này lên đến gần 600 triệu đồng.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đạp Thánh Giá, Cộng Sản muốn gì ?
Đường Thẳng
08:35 16/07/2016
ĐẠP THÁNH GIÁ, CỘNG SẢN MUỐN GÌ ?


1. Ôi Thánh giá Chúa Trời khôn sánh,
Thật Ngôi Hai Đấng Thánh thiên sai.
Vua Trời đầu đội mão gai,
Hơi tàn thân nát chẳng hoài vì yêu!

2. Nay kẻ dữ thâm liều độc ác,
Để sai nha tung tác bậy càn.
Xô Ngài đập nát long nhan,
Nhục thân cứu thế nay tan hình hài!

3. Nơi Đan viện Thiên An xứ Huế, (1)
Chốn Đồng Chiêm núi Chẽ địa linh. (2)
Giặc sai lớp lớp quan binh,
Đạp xô Thánh giá, đập hình chẳng sai!

4. Quân đốn mạt lũ loài gian ác,
Đám đểu cáng nhục mặt vô nhân.
Khốn cho loài giống vô thần,
Không quì sám hối, vô ngần thảm thương!

5. Sao hiếu chiến hỡi phường cộng sản,
Ngươi muốn gì, xua cản nhân dân?
Nay ra mặt lũ bất nhân,
Cướp rồi ắt sẽ lãnh phần tai ương!

6. Giỏi sao chẳng chặn đường “tàu lạ”,
Hay nào không đuổi đám “khựa điên”,
Đánh đâm ngư phủ thường xuyên,
Tuyên truyền xấc láo liên miên coi thường! (3)

7. Sẽ tới lúc cùng đường mạt lộ,
Ắt có ngày tận số tiêu vong.
Mau đền bồi, kẻo chớ xong,
Lưới trời lồng lộng chẳng hòng trốn thâu!

8. Hãy cúi xuống khẩn cầu tha thứ,
Biết ăn năn tỏ sự khiêm cung.
Chúa nhân hậu sẽ khoan dung,
Còn mong đường sống, ải cùng được qua!

Thứ hai, 11. 07. 2016
Đường Thẳng.

Chú thích:
(1): Tháng 6/2016, nhà cầm quyền cs đã công khai cướp đất và giẫm đạp Thánh giá tại Đan viện Thiên An (Huế).
(2): ngày 06/01/2010, nhà cầm quyền cs đã triệt hạ Thánh giá trong khu nghĩa địa của giáo dân trên Núi Chẽ (Đồng Chiêm – Hà Tây)
(3): Những năm gần đây, du khách trung cộng (tàu khựa) kéo sang Việt Nam rất đông (nhất là ở Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc…). Chúng thường xuyên có những hành vi gây rối, xử sự vô văn hóa: tục tĩu, mất vệ sinh, thô lỗ, bần tiện, đốt tiền Việt, mua hàng đòi trả bằng đồng nhân dân tệ… (đây được coi như lời báo trước về một thảm họa du lịch! bởi số khách tây nay giảm đi rất nhiều). Lại có những “hướng dẫn viên chui”. Bọn này rất lộng hành dám cả tiếng tuyên truyền rằng: người Việt, nước Việt vốn xưa là thuộc tàu, đã được thống nhất bởi Tần thủy hoàng, sau ly khai (?). Nay sắp được thu hồi về đoàn tụ với cố quốc (?)…
 
Văn Hóa
Lá thư Paraguay : Mùa Đông vùng Nam Mỹ
Lm Antôn Trần Xuân Sang, SVD
08:13 16/07/2016
PARAGUAY – MÙA ĐÔNG VÙNG NAM MỸ 2016

Trong khi các nước Á châu, Âu châu và Bắc Mỹ đang bước vào cao điểm của những ngày mùa Hè nắng nóng thì Paraguay, các nước Nam Mỹ và Úc châunbước vào mùa Đông. Mùa Đông ở Paraguay giống như những cô cậu đang ở tuổi dậy thì, có ngày thì lạnh thấu xương nhưng có ngày nhiệt độ lại nắng nóng nên rất dễ ngã bệnh nếu không biết đề phòng.

Cúp châu Âu vừa mới kết thúc với chức vô địch thuộc về nước Bồ Đào Nha, một quốc gia chỉ vỏn vẹn gần 11 triệu người (bằng dân số thành phố Sài Gòn hiện nay) và diện tích chỉ 92.391 km² . Điều này muốn nói lên rằng chất lượng không chỉ nằm ở con số mà chính là ở phẩm chất và sự cố gắng của từng thành viên trong một cuộc chơi sòng phẳng và fairplay.

Chúng tôi còn nhớ cách đây 5 năm khi còn học ở Roma, một linh mục cùng khóa người Togo đang làm việc tại Bồ Đào Nha kể với chúng tôi rằng ở đất nước nhỏ bé Bồ Đào Nha người ta sống với 3 chữ ”F” giống như Việt Nam mình sống bằng 4 chữ COCC (Con-Ông-Cháu-Cha!!!). Chữ F đầu tiên nói về Fatima (ở đây ám chỉ đến Đức Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917 mà năm tới đây sẽ mừng Bách Chu Niên sự kiện này). Ngườ dân ở đây dù Công Giáo hay không nhưng họ rất sùng kính Đức Mẹ Maria. Họ tôn sùng Đức Mẹ như là một nữ thần, và đối với một số người đó cũng là một dấu hiệu chứng tỏ tổ tiên của người Bồ Đào Nha trước khi theo Công Giáo trước hết là thờ những nữ thần. Chữ F thứ hai la “Futebol” (Tiếng Bồ Đào Nha nghĩa là bóng đá). Bóng đá là bộ môn thể thao phổ biến nhất, được ưa chuộng nhất và cũng là bộ môn thể thao được chơi nhiều nhất ở Bồ Đào Nha. Nền bóng đá Bồ Đào Nha đã mang lại nhiều cầu thủ có tầm cỡ thế giới như Cristiano Ronaldo, Luis Nani, Eusébio, Manuel Rui Costa,Nuno Gomes hay Luís Figo. Và chữ F thứ ba là “Festa” (Tiệc tùng hay lễ hội). Những ngày cuối tuần họ thường bày ra các buổi tiệc tùng linh đình và nhất là khi họ thắng các giải lớn trên thế giới như chức vô địch bóng đá châu Âu Chúa Nhật 10 tháng 7 vừa qua thì họ ăn mừng chiến thắng từ ngày này qua ngày khác. Đó là những nét văn hóa đặc sắc của từng vùng, miền mà chúng tôi có dịp thưởng thức và chứng kiến dười cái nhìn của một người nghiên cứu về nhân chủng.

Hai tuần nghỉ đông

Ở Paraguay và các quốc gia vùng Nam Mỹ có hai tuần nghỉ Đông giữa tháng 7 là thời điểm lạnh nhất trong năm sau khi kết thúc học kỳ I. Lẽ ra chúng tôi cũng tranh thủ nghỉ những ngày này để lấy lạc sức nhưng vì do điều hành một trường Tư thục Công Giáo lớn và bị đòi hỏi rất cao nên chúng tôi phải tranh thủ lo điều hành sửa chữa, tu bổ trường học để khi học sinh và giáo viên trở lại học kỳ II họ cảm thấy phấn chấn như bước vào năm học mới, vì nếu các yêu cầu chính đáng của phụ huynh không được đáp ứng thì người ta sẽ kiện trường.

Những ngày nghỉ Đông này Liên Tu Sĩ Toàn quốc tại Paraguay cũng tổ chức Đại Hội lân thứ 57 cho tất cả những nam nữ tu sĩ không phân biệt bề trên hay bề dưới đều có quyền tham dự nếu họ sắp xếp được công việc trong cộng đoàn mình. Đây cũng được xem như là những ngày thường huấn cho giới tu sĩ để mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Chủ đề năm nay là "Salgamos aprisa al encuentro de la vida - Ñasẽke pya'e ñahuguitĩ tekove" (tạm dịch: Hãy mau mắn nhập cuộc với đời). Các tu sĩ xem những ngày này là những ngày hội ngộ và có dịp hàn huyên sau những giờ giải lao. Vị Sứ Thần Tòa Thánh được mời đã chia sẻ những tâm tình trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha năm ngoái ở Paraguay và ngài rất vui khi chuẩn bị trình lên Đức Thánh Cha những sinh hoạt tôn giáo mà giới tu sĩ Paraguay đã thực hiện trong năm đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha. Ngài cũng nhắn nhủ với những tham dự viên rằng hãy luôn đồng hành và sống gần gũi với những người bị bỏ rơi, những người khốn khó trong Năm Thánh về Lòng Chúa Thương Xót.

Những diễn giả được mời thuyết trình trong những ngày này là những người giàu kinh nghiệm sống ngoài những bằng cấp chuyên môn. Vì đây là khóa thường huấn nên tu sĩ được dịp học hỏi và cập nhật những thông tin về tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, chính trị và khoa học kỹ thuật. Người tu trì không làm chính trị nhưng không ai cấm họ không được biết và được nghe về tình hình chính trị trong nước và quốc tế. Chúng tôi thật tâm phục khẩu phục khi hai diễn giả, một là nhà báo quốc tế kỳ cựu và một nữ phân tích chính trị tài ba đã giúp chúng tôi có một cái nhìn đa chiều và đúng đắn về chính trị. Những nhà phân tích thời cuộc ấy không thuộc một nhóm chính trị hay đảng phái nào nên họ có một cái nhìn khách quan trong việc nhận định, họ cũng đề cập đến vai trò của Giáo Hội Công Giáo và những vị lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội trong việc hướng dẫn, đồng hành với người dân chống lại những áp bức, bất công xã hội. Họ cũng thẳng thừng phê bình một số giáo sĩ sống lập trường nước đôi hay trạng thái ù lì, thờ ơi trước những thực trạng xã hội đang diễn ra. Những vị giám mục và các bề trên thượng cấp tham dự lắng nghe một cách chăm chú và chúng tôi thú thật rằng đất nước nhỏ bé như Paraguay họ có tinh thần dân chủ không chỉ trong xã hội mà ngay cả trong Giáo Hội. Phải nói rằng nền dân chủ ở quốc gia nhỏ bé này mỗi ngày môt phát triển dù trình độ dân trí so với dân Việt mình còn kém xa, họ biết đấu tranh cho công lý và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình nếu pháp luật không thực thi điều đó.

Cũng trong những ngày này giới tu sĩ chúng tôi cũng đồng hành với những người dân để tuần hành đòi chính quyền thực thi công lý cho vụ thảm sát đẫm máu xảy ra cách đây 4 năm làm cho 6 nhân viên cảnh sát và 11 nông dân thiệt mạng.khiến lưỡng viện quốc hội ngày ấy triệu tập cuộc họp khẩn cấp và truất phế tổng thống Lugo cùng nội các của ông về tội thiếu trách nhiệm với tổ quốc và nhân dân. Vị tổng thống bị truất phế ngày ấy từng là cựu giám mục Công Giáo, không thuộc đảng phái nào nên ông đành chấp nhận rút lui để tránh đổ máu dù người dân xuống đường ủng hộ ông. Một số tài phiệt chính trị đứng đằng sau vụ thảm sát ấy đã dùng tiền và quyền lực của họ để kết án những người dân mà họ cho là nổi loạn giết cảnh sát, và vì thế người dân đã tức giận đứng lên đòi hỏi công lý qua những cuộc biểu tình rầm rộ trong nhiều năm. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi cùng với cả ngàn nam nữ tu sĩ toàn quốc, những nghị sĩ quốc hội có lương tri cùng tham gia với đoàn biểu tình trước Tòa Án Tối Cao để yêu cầu nhà cầm quyền trả lại công lý cho người dân vô tội. Cảnh sát chống bạo động được điều động rất đông nhưng không hề có một cuộc trấn áp nào. Chúng tôi cũng cảm thấy lo vì trong đoàn biểu tình ấy có một số phần tử quá khích muốn làm loạn, nhưng may thay những người có trách nhiệm trong đoàn biểu tình đã trấn an những cái đầu nóng đó và những phần tử cơ hội nên cuộc biểu tình diễn ra rất hòa bình và văn minh. Chúng tôi đứng hàng giờ trước Tòa Công Lý để chứng kiến quang cảnh biểu tình mà thấy thương cho người dân Việt mình không biết bao giờ mới có được quyền tự do tối thiểu như vậy.

Hôm nay là lễ Đức Mẹ Núi Cát-minh, một ngày đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc sống của chúng tôi vì ngày này cách đây hơn 20 năm về trước chúng tôi chính thức trở thành một tu sĩ truyền giáo khi long trọn tuyên khấn giữ Ba Lời Khuyên Phúc Âm. Còn nhớ ngày ấy chúng tôi còn non choẹt, đọc lời khấn còn rung cầm cập và thằng cháu con bà chị mới 3 hay 4 tuổi đi dự lễ Khấn của cậu nó nhưng nó chẳng biết gì cả. Vậy mà bây giờ mình sắp mừng ngân khánh thì hôm nay nó lại Tuyên Khấn Lần Đầu cùng Dòng với mình. Chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên trong chuyến về phép cách đây mấy năm về trước thì chính đứa cháu này gặp chúng tôi và nó nói muốn vào Dòng của cậu là Dòng SVD (Ngôi Lời). Chúng tôi có khuyên nó là tài năng của con có thể hợp với Dòng SDB (Don Bosco) hơn sao con không đi mà lại thích đi Dòng của cậu. Nó trả lời là nó thích Dòng Sợ-Vợ-Đánh (SVD) hơn là Dòng Sợ-Dợ-Bỏ (SDB). Tôi cũng chiều ý nó và mong nó luôn trung thành với lý tưởng mà ơn gọi nó theo đuổi vì chính nó mới có thể giải quyết vấn đề của riêng nó. Vậy là hôm nay nó cũng khấn trở thành tu sĩ truyền giáo như tôi, ông cậu hai lúa của nó. Nhìn lại tấm hình mấy mươi năm về trước khi ba má tôi lúc ấy chuẩn bị bước sang tuổi lục tuần mà bây giờ má tôi không còn nữa và ba tôi thì đang nằm một chỗ khiến tôi cảm thấy nhói lòng. Cuộc sống là thế đó. Có ai đó đã từng nói có ba điều trong cuộc đời mỗi người nếu đi qua sẽ không lấy lai được: thời gian, lời nói và cơ hội. Thật chí lí về điều này. Nếu chúng ta sáng suốt, chủ động sử dụng thời gian vào những việc có ích cho mình và cho cộng đồng; biết dùng những lời nói hợp tình trong giao tiếp, ứng xử và biết nắm bắt cơ hội hoặc chủ động tìm kiếm, tạo thời cơ cho bản thân thì khả năng dẫn tới thành công là rất lớn. Dù hơi hối tiếc những gì đã qua vì lắm lúc bản thân không biết tận dụng thời gian của Chúa ban tặng, trong lời nói còn bộp chộp khiến phật lòng một số người trong đó có người thân yêu và lắm lúc chúng tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đến với mình, có một điều là tôi vẫn cảm thấy an tâm là Chúa và Mẹ Maria luôn đồng hành, che chở dù tôi bất xứng.

Thế giới đầy dẫy những biến động, khủng bố xảy ra hàng ngày khiến con người bất an. Tối thứ năm 14 tháng 7 là ngày quốc khánh nước Pháp nhưng lại là ngày thảm họa cho người dân thành Nice khi gần hàng trăm người vô tội thiệt mạng bởi vụ tấn công điên rồ của nhóm quá khích hồi giáo. Rồi ngày sau đó có cuộc đão chính tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến tình hình đất nước đang bị đe doa. Chính con người đã làm hại con người khi chống lại Thiên Chúa..

Lạy Chúa, hôm nay là ngày kỷ niệm Khấn Dòng của con và cũng là ngày đứa cháu ruột của con Tuyên Khấn Lần Đầu. Chúa biết rõ con hơn ai hết- một người tội lỗi, một người có cá tính. Nhiều lúc con tưởng con ngã quỵ hay đầu hàng trước cuộc sống với biết bao cạm bẫy, bão táp xảy ra trong đời con. Xin tăng thêm sức mạnh của Chúa để cậu cháu con luôn có sức để kháng theo Chúa đến cùng. Amen.

16/07/2016 – Kỷ niệm ngày Khấn Dòng

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.