Ngày 15-07-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 15 Mùa Quanh Năm 16/7 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:31 15/07/2023

BÀI ĐỌC 1  Is 55:10-11

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Đây lời Đức Chúa phán:

“Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Rm 5:18-23

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  x Mt 11:25

Alleluia. Alleluia.

Hạt giống là lời Thiên Chúa, người gieo giống là Đức Ki-tô. Ai tuân giữ lời Người, sẽ muôn đời tồn tại.

Alleluia.

TIN MỪNG  Mt 13:1-23

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”

Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe. Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nông nổi nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt Lời, khiến Lời không sinh hoa kết quả. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

Đó là Lời Chúa.
 
Lời Và Điều Chỉnh LạI Cánh Buồm CuộC Sống
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:16 15/07/2023
Lời Và “ĐiềU ChỉNh LạI CáNh BuồM CuộC SốNg”

(CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN A 2023)

Chúa Giêsu đã từng khẳng định với các môn sinh của mình: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6,63); và cũng để biểu lộ “dáng đứng của Thần khí” sau khi từ cõi chết sống lại, Ngài đã “thổi hơi”: Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Như vậy, có thể nói được rằng, Lời Chúa, Thần Khí có liên hệ mật thiết với nhau và với sự sống đức tin của mỗi người. Không đón nhận Lời cũng có nghĩ chối từ Thần Khí; và một tâm hồn không Thần Khí là “mảnh đất hoang toàn không giọt nước”. Vì thế, sứ điệp Lời Chúa của phụng vụ Chúa Nhật 15 TN A muốn nói với chúng ta về “thái độ trước Lời Chúa”, vừa trong tư thế “đón nhận hạt giống Lời”; vừa trong thái độ “mang Lời đi gieo” !

Khi nói đến ý nghĩa nầy, tôi chợt nhớ đến một câu châm ngôn về “gió” (cũng là biểu tượng của Thần Khí) mang tính ngụ ngôn của William Arthur Ward: Người bi quan phàn nàn về cơn gió. Người lạc quan chờ đợi nó đổi chiều. Người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm.

Chúng ta có thể thêm vào đằng sau chữ “người” hai chữ “tín hữu” và thay “chữ “gió” bằng chữ Lời, thì chúng có ngay câu tục ngữ mang chiều kích đức tin: “Người tín hữu bi quan thì phàn nàn về hiệu quả của Lời. Người tín hữu lạc quan thì chờ đợi Lời thay đổi thế giới. Người tín hữu thực tế điều chỉnh lại cánh buồm cuộc đời mình”.

Trước hết, Lời Chúa phải được chúng ta tin nhận đó là Lời Hành Động, Lời hiệu quả, Lời mang lại ơn cứu độ, chứ không bao giờ là một lời của gió thoảng mây bay, lời của hoang vu trống rỗng.

Để khẳng định chân lý nầy, chúng ta hãy nhớ lại lời của sứ ngôn Isaia trong Bài đọc 1 vừa được công bố: “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác”.

Và không chỉ “xuất phát từ miệng Ta” như một âm thanh, như một tiếng nói, cho dù là tiếng nói sáng tạo: “Thiên Chúa phán: - Phải có ánh sáng. Liền có ánh sáng” (St 1,3), hay tiếng nói tình tự vỗ về của người yêu: "Bởi thế, nầy Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc để cùng nó thổ lộ tâm tình" (Hs 2,16), mà là một sự “xuất phát”, một cuộc lên đường, nhập thế, tự hạ… để “Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta...” (Ga 1,14).

Với cuộc mặc khải tối hậu nầy, quả thật Lời Chúa đã cô đọng thành xương, thành thịt, thành người, thành “ngôi vị” và là Đấng tái tạo, Đấng Cứu độ thế giới.

Đức Kitô chính là Ngôi Lời Nhập Thể, là Lời vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người, là Lời loan báo Tin Mừng bình an, là Lời Chân lý, là Lời đem lại sự sống đời đời. Ngài là Lời nhưng Ngài cũng chính là người đi rao giảng Lời, là Người công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa, là Người mang hạt giống chân lý tình yêu và cứu độ gieo vào mảnh đất trần gian. Ý nghĩa đầu tiên mà Chúa Giêsu muốn nhắm tới trong dụ ngôn “Gieo Giống” phải chăng là muốn cho dân Ít-ra-en ngày xưa và chúng ta hôm nay xác tín rằng: Nước Trời chắc chắn sẽ đến và “Lời loan báo về Nước Trời” chắc chắn sẽ sinh hoa kết trái, cho dù phải kinh qua khó khăn thử thách, vất vả hiểm nguy, chẳng khác nào người gieo giống phải đối diện với những “sỏi đá khô cằn, những bụi bờ gai góc, tưởng đâu hạt giống sẽ bị vùi dập, nghiền nát, và người gieo phải thất bại trắng tay. Nhưng rồi, mùa gặt bội thu lại đến mang theo rạng rỡ vui mừng, “hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi…”

Thế nhưng, chúng ta có quyền tự hỏi: lẽ nào điều Chúa Giêsu muốn ngụ ý trong dụ ngôn nầy là chính cuộc đời và sứ vụ của mình? Cũng có thể lắm đấy chứ ! Ngay từ phút giây Nhập Thể vào mảnh đất trần gian, Lời Thiên Chúa đã chẳng đụng ngay con đường Bêlem sỏi đá, khô chồi đến độ, mọi cánh cửa nơi đó đều khép chặt để Ngài phải sinh hạ trong chuồng lừa máng cỏ đó sao ! Và rồi, trái tim nhân loại đâu có phải lúc nào cũng trỗ hoa để mỉm cười đón đợi Đấng Cứu Thế. Hêrôđê, Philatô, những người biệt phái, các ông tư tế của đền thờ không chỉ là những thế lực có thể bóp nát chính bản thân Ngài, nhưng còn có đủ quyền uy để bóp ngặt không để cho một mầm mống nào của chân lý do Ngài rao giảng được tồn tại, phát sinh. Trong suốt ba năm dãi dầu sương gió, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ duyên hải Biển Hồ đến giữa lòng hoang mạc… Ngài đã cất công tung gieo hạt giống Lời Chúa. Nhưng kìa, tất cả gần như sụp đổ tan tành vào buổi trưa thứ Sáu: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó đi… Xin tha Baraba, đóng đinh Giêsu vào thập giá…”. Vâng, có lẽ do áp lực của miếng cơm manh áo, của vị thế chính trị, của nhưng “lo toan vặt vãnh đời thường”, mà gai góc đã phủ kín mảnh đất tâm hồn của đám dân vô tội ấy để Lời chân lý họ đã nghe và thán phục hôm nào “Người nầy dạy như Đấng có uy quyền”, đã “đội nón ra đi”, đã bị bóp nghẹt từ trong trứng nước ! Phải chăng bi kịch thập giá là điểm hội tụ của tất cả những gì bi đát nhất của thân phận người gieo giống, của cuộc đời làm ngôn sứ của Chúa Giêsu...

Nhưng tiếng nói cuối cùng lại không là sự chết và đích điểm của Nước Trời lại không phải nấm mồ. Hạt giống Nước trời mà Chúa Giêsu gieo vào giữa lòng thế giới đã mục nát đi cùng với 33 năm cuộc đời nhập thể, với cái chết đau thương của Ngài, đã không luống công vô ích. Vào bình minh ngày Thứ Nhất Trong tuần, “hạt giống bị vùi dập Kitô” đã oai hùng chỗi dậy đánh bại thần chết và tội lỗi để mang nhân loại đi lên một lộ trình mới: lộ trình của phục sinh, tin yêu và hy vọng. Tất cả đã từ từ vươn dậy. Để rồi xuyên qua bao thăng trầm dâu bể của lịch sử, hôm nay đã có một mùa lúa tốt tươi trên cánh đồng thế giới và hứa hẹn sẽ vàng đồng đầy kho nứt lẫm trong ngày thế mạt.

Đây cũng là niềm xác tín mà Thánh Phaolô muốn chuyển tải cho cộng đoàn tín hữu Rôma trong những ngày dầu sôi lửa bỏng của bách hại thương đau: “Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta” (Bđ 2)

Và đó là con đường của Lời suốt 2000 năm nay, kể từ khi Hạt Giống Ngôi Lời chấp nhận chịu mục nát trên đồi Can-vê và muôn thế hệ Tông Đồ, chứng nhân nối tiếp cùng chấp nhận theo Đức Ki-tô làm “hạt lúa mì” mục nát đi trên cánh đồng thế giới. Để đức tin, để ơn cứu độ được đến với muôn người, muôn dân tộc, cần có những con người gieo giống tốt lành và những hạt giống tốt được gieo.

Vì thế, nếu Lời Chúa hôm nay không cho phép chúng ta đánh mất niềm tin yêu và hy vọng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, thì đồng thời, Lời Chúa cũng tra vấn chúng ta, thách thức chúng ta: Chính bản thân tôi đã đón nhận Lời Chúa thế nào? Lời Chúa đã thật sự phát sinh hiệu quả ra sao trong mảnh đất của đời tôi? Bởi vì Lời Thiên Chúa là Lời sống động kia mà ! Lời không chỉ là ngôn từ mà còn phải trở thành ngôn ngữ của cuộc sống.

Trong Tông sắc Aperuit Illis (Ngài đã mở trí cho họ) để thiết lập Chúa Nhật Lời Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lưu ý: “Chính Chúa Giê-su khẳng định điều đó một cách rõ ràng lúc khởi đầu sứ vụ: “Hôm nay đã hoàn thành đoạn Kinh Thánh mà anh chị em vừa nghe” (Lc 4, 21). Kẻ được nuôi dưỡng mỗi ngày bằng Lời Chúa, cũng giống như Chúa Giê-su, làm cho mình trở thành người đồng thời với những con người mà mình gặp gỡ; nó không bị cám dỗ rơi vào những nỗi nhớ khô cằn của quá khứ, cũng như những ảo vọng không tưởng hướng về tương lai.” (Số 12)

Nói cách khác, phải biến cuộc sống trở nên lời chứng sống động của Lời Chúa. Phải cất đi những góc gai sỏi đá và cày xới liên tục bằng hy sinh nguyện cầu để biến cuộc đời thành mảnh đất mở màu cho Lời Chúa kết trái đơm hoa; hay như “ngụ ngôn về gió” của William Arthur Ward… “điều chỉnh lại cánh buồm cuộc đời mình”. Vâng, chỉ như thế, thì như Đức Phanxicô khẳng định trong “Aperuit Illis”: Lời Chúa không còn là “nỗi nhớ khô cằn của quá khứ” hay “ảo vọng không tưởng của tương lai”, mà Lời Chúa chính là hôm nay và bây giờ. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Thái Độ Lắng Nghe Lời Chúa Của Tôi Như Thế Nào?
LM. Phaolô Phạm Trọng Phương
10:20 15/07/2023
Thái Độ Lắng Nghe Lời Chúa Của Tôi Như Thế Nào?

(Suy niệm Chúa nhật 15 Thường niên A)

Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ. Chị thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quày hàng đặc biệt, người ta chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu đứng bán ở quày hàng này.

Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?

Chúa trả lời: Ta bán mọi sự con đang ước muốn trong trái tim con.

Chị nói liền một hồi: Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng, cho con và cho những người thân yêu của con nữa.

Chúa mỉm cười và nói: hỡi con yêu dấu, ở đây, Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi. (Anthony de Mello).

Có lẽ sau những ngày tháng giảng dạy công khai tại nhiều nơi, nhiều miền và cho đủ thứ hạng người, Đức Giê-su đã cảm nhận được cung cách lắng nghe Lời Ngài truyền dạy của họ. Cho nên, thiết tưởng Đức Giê-su phải đưa ra ‘dụ ngôn người gieo giống’ này để nói lên thái độ đón nhận Lời Chúa của con người lúc bấy giờ và ngay cả hôm nay. Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến sự phong phú của ơn Chúa. Tất cả mọi đất tốt, xấu đều được đón nhận hạt giống. Thế nhưng tuỳ theo thái độ của người đón nhận, của đám đất mà có những kết quả khác nhau. Lời Chúa cũng làm cho chúng ta phải suy nghĩ: chúng ta thuộc những loại người nào? Chúng ta có thật tâm nghe Lời Chúa và đem ra thực hành cách trọn hảo không? Hay chỉ nghe qua mà không đem lại cho chúng ta một cách sống nào cho có kết quả.

Sự quảng đại của Chúa:

Người gieo chính là Thiên Chúa. Hạt giống chính là Lời Chúa hay nói rõ hơn chính là Đức Giê-su Ki-tô. Thế gian và con người là thửa đất, nhưng có thể là vệ đường, có thể là sỏi đá, có thể là bụi gai và có thể là đất tốt và phì nhiêu. Quả thật, Thiên Chúa là Đấng yêu thương và quảng đại vô cùng. Người đã sáng tạo nên muôn loài muôn vật, và con người là đỉnh cao của công trình này. Người đã luôn yêu thương con người dẫu con người đôi khi đi lạc đường lạc nẻo. Trong mọi nơi và mọi lúc và đối với mọi người, Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước để tìm gặp và thông chia niềm vui cũng như bình an. Thiên Chúa đã gieo Lời của Ngài ngang qua các ngôn sứ, tiên tri và những ai được sai đi để hầu giúp dân Chúa biết lắng nghe và đón nhận mà thay đổi đời sống của mình. Hạt giống Lời Chúa được trao ban cách thiết thực và rõ ràng cho loài người đó là Lời, đó là Ngôi Lời Nhập Thể, là Ánh sáng thế gian,…Những ai đón nhận Ngôi Lời thì sẽ được sống và sống muôn đời. Những ai tiếp rước Ngôi Lời sẽ được ơn cứu độ. Có thể nói ngay rằng Hạt Giống Ngôi Lời mà Thiên Chúa gieo xuống trần gian là không phân biệt một ai cho nhưng tất cả mọi người có niềm tin. Một sự quảng đại đầy yêu thương và có sức đem lại ơn cứu độ cho con người đối với Thiên Chúa.

Sự cộng tác của con người:

Tuy nhiên, hạt giống mà Thiên Chúa gieo vào mảnh đất tâm hồn của con người còn tuỳ thuộc vào sự cộng tác của con người. Đúng như thánh Augustino đã nói: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”. Hạt giống Lời Chúa vẫn cứ gieo, vẫn cứ vãi luôn luôn trong từng giây phút của cuộc đời, thế nhưng đôi khi lòng người của chúng ta lại ơ hờ, lạnh nhạt và vô tâm. Đôi khi chúng ta chỉ hời hợt mà không có để ý khi lắng nghe Lời Chúa như kiểu hạt giống rơi trên vệ đường. Nhiều lúc chúng ta chai lì, cứng đầu cứng cổ, nông cạn khi tiếp cận và lắng nghe Lời Chúa như hạt giống rơi trên sỏi đá. Cũng nhiều lần tâm hồn chúng ta chất chứa đủ thứ lo toan về của cải vật chất, về vui thú trần gian và lo lắng sự đời dẫn đến hạt giống Lời Chúa không thể nào sinh hoa kết trái như kiểu hạt giống rơi vào bui gai. Tuy nhiên, cũng có những mảnh đất tâm hồn thật sự tốt lành và thánh thiện vì đã sẵn sàng để cho hạt giống Lời Chúa thấm sâu và biến đổi mọi tư tưởng, lời nói và việc làm.

Cũng phải nói ngay rằng nhiều khi chúng ta đã nghe Lời Chúa như kiểu đi du lịch, nghe cho qua mà không đọng lại được chút gì, mà quên mất rằng chúng ta đang tham dự ‘bữa tiệc’ Lời Chúa và Thánh Thể ngay trong thánh lễ. Chúng ta nghe tai này nhưng để ra tai khác. Chúng ta nghe cách thụ động và nhiều khi không muốn đón nhận Lời Chúa vì sợ biến đổi, sợ phải từ bỏ, sợ phải dứt khoát với những thói quen tội lỗi, sợ phải sống sự thật trong khi đang thích lừa lọc và dối gian.

Nơi bài đọc I, (Is 55, 10-11) chúng ta được mời gọi đón nhận Lời thì phải để Lời thấm vào tâm hồn và sinh hoa kết trái. Trong thời gian Lời sinh hoa kết trái, con người phải đối diện với nhiều chiến đấu, với nhiều cố gắng nỗ lực đôi khi phải chịu thiệt thòi vì Lời, vì Chúa, vì thiên đàng mai sau. Đó cũng là ý của bài đọc II mà Thánh Phao lô mời gọi chúng ta: “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” (Rm 8,18). Quả thật, để có vinh quang thì ắt phải trải qua đau khổ. Để có một mùa gặt bội thu, đương nhiên chúng ta phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để xới đất, chuẩn bị nước, gieo hạt, bón phân và chăm sóc,... Nỗ lực là của con người, sự cộng tác là của con người, còn việc lớn lên là của Chúa. Đúng như Thánh Phaolo đã nói: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.” (1Cr 3,6)

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Thường Niên XV, năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: nếu chúng ta đang lầm đường lạc lối, thì xin ánh sáng chân lý Chúa dẫn ta về nẻo chính đường ngay, còn phần mình, chúng ta phải xa tránh những gì bất toàn để sống xứng hợp với danh xưng Kitô hữu của mình. Để sống đúng là người Kitô hữu, người mang danh Đức Kitô, có Đức Kitô, thuộc về Đức Kitô, và làm chứng cho Đức Kitô, chắc chắn, chúng ta phải đi trong ánh sáng của Lời Chúa, bởi vì, Lời Chúa chính là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta đi.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Nâng cả thế giới
Lm. Minh Anh
15:45 15/07/2023

NÂNG CẢ THẾ GIỚI
“Người gieo giống đi ra gieo giống”.

Sau 3 năm thất bại với hàng trăm bức ảnh, cuối cùng, nhiếp ảnh gia Leonardo Sens, thành công. Anh đã chụp được bức ảnh ‘Chúa Cứu Thế Nâng Mặt Trăng’ hoàn hảo, lúc 06:28, Chúa Nhật 04/6/2023, từ Niterói, nơi cách bức tượng gần 7 dặm. Hãy thưởng lãm tác phẩm! Kìa, Chúa Kitô không chỉ nâng mặt trăng, Ngài còn nâng cả địa cầu, ‘nâng cả thế giới!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Woodberry nói, “Thất bại không phải là ‘thất bại’ tồi tệ nhất. Không cố gắng mới là thất bại thực sự!”. Người gieo giống trong dụ ngôn Chúa Nhật hôm nay gặp cả thất bại lẫn thành công; nhưng cuối cùng, mùa về, vụ lúa vẫn mang một tầm vóc và ý nghĩa ‘nâng cả thế giới!’.

Phần lớn những gì người gieo tung vãi trên đất đều lãng phí. Đủ loại trở ngại ngăn cản công việc của anh: chim chóc, sỏi đá, gai góc. Với chúng, anh chỉ có thể làm rất ít! Thế nhưng, chúng chỉ ở đó; chúng là một phần trong thế giới của anh. Anh biết, anh phải cung cấp hạt giống cho đất, cho cả chúng, và chúng không cản được anh. Anh tin rằng, dẫu thất bại không thể tránh khỏi, thì vẫn có hạt bén rễ, lớn lên, và cuối cùng sẽ có vụ thu hoạch lớn.

Kể dụ ngôn này, Chúa Giêsu đang nói về Ngài và công việc của Ngài. Ngài là người gieo hạt lời Chúa. Phần lớn những gì Ngài nói và làm đều nhận được rất ít, hoặc không có phản hồi tốt từ mọi người. Lời Ngài thường bị bỏ ngoài tai; việc Ngài làm bị hiểu lầm, thậm chí đến mức một số người buộc tội Ngài mặc lấy quyền lực Satan. Cả những môn đệ thân tín nhất cũng thường khiến Ngài thất vọng; nhiều lần họ tỏ ra kém tin. Tuy nhiên, qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu tiết lộ một điều, bất chấp những trở ngại và thất bại, Ngài vẫn sẽ tiếp tục công việc của Chúa Cha. Và Ngài sẽ tiếp tục gieo Lời bất chấp những điều không thuận lợi; bởi Ngài biết, cuối cùng, mùa gặt vẫn sẽ bội thu, và Ngài sẽ ‘nâng cả thế giới!’.

Bài đọc thứ nhất hôm nay tiên báo thành quả đó, “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống, không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu…; cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả”. Chúa Giêsu không trắng tay! Vì dẫu thế nào đi nữa, vẫn có những “Hạt giống rơi vào đất tốt, và sinh hoa kết quả” như xác quyết của Thánh Vịnh đáp ca. Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô cũng nói đến một cuộc sinh nở mới được chờ đợi trong Thánh Thần, dù chúng ta đang đau đớn quằn quại.

Anh Chị em,

“Người gieo giống đi ra gieo giống”. Trong cuộc sống, bạn và tôi phải tiếp tục gieo hạt cả khi đối mặt với những bất lợi. Đây là con đường Chúa Giêsu đã đi và chúng ta sẽ đi! Điều này không có nghĩa là chúng ta được kêu gọi tiếp tục đập đầu vào bức tường đá vô thời hạn. Có những tình huống mà khôn ngoan là rút lui; có những làng mạc Chúa Giêsu phải bỏ đi. Tuy nhiên, có những lúc Ngài phải tiếp tục làm bất cứ điều gì tốt có thể, cả khi những trở ngại dường như không thể vượt qua. Thập giá là một bằng chứng! Không có thập giá, không có ơn cứu độ; và Chúa Kitô không thể ‘nâng cả thế giới!’. Nhiều phiên bản khác nhau của chim trời, sỏi đá và gai góc có thể đe doạ khiến chúng ta kiệt sức. Trước những hoàn cảnh đó, chúng ta vẫn trung thành với những việc lành đang làm. Mẹ Têrêsa nói, “Chúa không đòi hỏi chúng ta phải thành công, Ngài đòi chúng ta trung thành!”. Và việc trung thành của bạn và tôi sẽ không để chúng ta trắng tay. Nó mang ý nghĩa cứu độ, ‘nâng cả thế giới!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không cố gắng mới là thất bại thực sự. Cho con can đảm gieo, bất chấp những phiên bản khác nhau của các trở ngại. Vì kìa, mùa về, và con ‘nâng cả thế giới!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Sao được lời lãi chứ đừng lỗ
Lm. Nguyễn Xuân Trường
17:45 15/07/2023
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐHY Parolin: Đức Thánh Cha bổ nhiệm giám mục Thượng Hải vì lợi ích của giáo phận và việc đối thoại
Thanh Quảng sdb
17:53 15/07/2023
ĐHY Parolin: Đức Thánh Cha bổ nhiệm giám mục Thượng Hải vì lợi ích của giáo phận và việc đối thoại

Trong một cuộc phỏng vấn với Truyền thông Vatican, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh giải thích lý do việc bổ nhiệm Giám mục Shen Bin, “một mục tử đáng kính” và nhắc lại mong muốn đối thoại của Giáo Hội Công Giáo, hy vọng mở văn phòng liên lạc thường trực của Tòa thánh tại Trung Quốc.

(Tin Vatican)

Trong cuộc phỏng vấn với đài Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin đưa ra quan điểm về mối quan hệ giữa Tòa thánh và Trung Quốc liên quan đến Thỏa thuận tạm thời kể từ tháng 9 năm 2018, và sau đó được gia hạn vào năm 2020 và 2022, quy định việc bổ nhiệm và thuyên chuyển các giám mục ở quốc gia châu Á này. ĐHY nhắc lại “nguyên tắc cơ bản” phải được tôn trọng, đó là “các quyết định được đưa ra trong sự đồng thuận”. ĐHY mô tả đây là con đường phức tạp mà “những trở ngại” có thể làm sa sút “niềm tin và sáng kiến tích cực”. Nhưng đồng thời, ĐHY lưu ý, đó là “một con đường đòi buộc để ”vượt qua những khó khăn để có “lý do mà đối thoại”.

Sự kiện gần đây

Trong cái nhìn tổng quan của mình, ĐHY Quốc vụ khanh bắt đầu từ trường hợp của Giám mục Joseph Shen Bin của Thượng Hải, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm hôm nay, người mà chính quyền Trung Quốc trên thực tế đã thuyên chuyển đến chức vụ này từ Giáo phận Hải Môn trước đây, mà không có thỏa thuận với Tòa thánh như Thỏa thuận đã quy định. Điều này xảy ra khoảng một tháng sau khi gia hạn Thỏa thuận gần đây nhất! Bắc Kinh cũng đã bổ nhiệm Giám mục Yujiang, John Peng Weizhao, làm Phụ tá Giáo phận Giang Tây, giáo phận không được Tòa thánh công nhận, tin này là tin "bất ngờ và đáng tiếc”.

Vấn đề đang chờ để được giải quyết

Mô tả Giám mục Shen Bin là một “mục tử đáng kính”, trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Parolin giải thích rằng Đức Thánh Cha “tuy đã hợp thức hóa trường hợp bất thường này về giáo luật” vì “lợi ích lớn hơn của giáo phận.” Tuy nhiên, ĐHY Ngoại trưởng lưu ý, cách hành xử này “dường như coi thường tinh thần đối thoại và hợp tác đã được thiết lập giữa Vatican và Trung Quốc trong nhiều năm và được đề cập đến trong Thỏa thuận.” Ví dụ, có những “vấn đề đang chờ xử lý” khác liên quan đến hai Giám Mục Phụ Tá - Thaddeus Ma Daqin, vẫn bị treo, và Joseph Xing Wenzhi, đã nghỉ hưu - đòi hỏi một “giải pháp công bằng và khôn ngoan”.

Đồng thuận để tránh những bất đồng

Trong câu trả lời của mình cho năm câu phỏng vấn, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh tới sự cần thiết của “đối thoại cởi mở” và “gặp gỡ một cách tôn trọng về phía Trung Quốc.” Nếu việc thuyên chuyển là một phần “quyền của Giáo hội,” và không thấy có trở ngại nào cho việc này được diễn ra ở Trung Quốc, thì vấn đề, Đức Hồng Y Parolin nhắc lại, “sẽ phát sinh nếu chúng được tiến hành một cách không có sự đồng thuận,” trong khi “việc áp dụng đúng Hiệp ước giúp tránh được những khó khăn như vậy.” Do đó, điều “không thể thiếu” là “tất cả việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc, bao gồm cả việc thuyên chuyển, phải được thực hiện trên cơ sở đồng thuận, như đã thỏa thuận, và để duy trì tinh thần đối thoại giữa hai Bên. Cùng nhau, chúng ta phải tránh những tình huống bất hòa tạo ra những bất đồng và hiểu lầm.”

Ba vấn đề cấp bách

Sau đó, Đức Hồng Y Parolin tập trung vào một số vấn đề mà theo ý kiến của ngài “cần phải được giải quyết khẩn cấp”.

ĐHY nêu ra ba vấn đề: Hội đồng Giám mục, sự liên lạc của các giám mục Trung Quốc với Đức Giáo Hoàng, và truyền giáo. Ngài nhấn mạnh, việc thành lập một Hội đồng Giám mục sẽ giúp thực hiện những mong muốn của Tòa Thánh “để giúp phát triển trong trách vụ của các Giám mục trong việc lãnh đạo Giáo hội ở Trung Quốc”.

Trong bối cảnh này, ngài nói tiếp, “cần có sự giao tiếp thường xuyên của các Giám mục Trung Quốc với Giám mục Rôma, điều không thể thiếu để hiệp thông hiệu quả, dẫu biết rằng tất cả những điều này thuộc về cấu trúc và giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, điều mà chính quyền Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng họ không muốn thay đổi.” Bất chấp “nhiều cảnh giác” có thể “làm chậm lại và cản trở công việc rao giảng Tin Mừng,” người Công Giáo Trung Quốc, “ngay cả những người được cho là ‘bí mật’, cũng đáng được tin tưởng,” Đức Hồng Y Parolin khẳng định, “bởi vì họ chân thành muốn trở thành những công dân trung thành và được tôn trọng trong lương tâm và đức tin của họ.” Do đó, cần phải vượt qua “sự ngờ vực đối với Công Giáo, vốn không phải là một tôn giáo bị coi là xa lạ, chứ đừng nói đến việc đi ngược lại với nền văn hóa của dân tộc”.

Văn phòng liên lạc tại Trung Quốc

Đức Hồng Y Parolin nói ngài muốn thực hiện cuộc phỏng vấn này, “bởi vì các tín hữu Công Giáo, không chỉ ở Trung Quốc, có quyền được thông tin chính xác.” ĐHY thừa nhận “những trở ngại được đặt ra đã làm xói mòn niềm tin và giảm sút tình hữu nghị, nhưng những lý do để đối thoại còn mạnh mẽ hơn.” Và để giúp cho việc đối thoại giữa hai bên “trôi chảy và hiệu quả hơn”, Đức Hồng Y Parolin đề xuất “việc mở một văn phòng liên lạc phải được thành lập tại Trung Quốc,” văn phòng này “không chỉ giúp cho việc đối thoại với chính quyền dân sự, mà còn góp phần vào sự hòa giải hoàn toàn giữa Giáo hội Trung Quốc và hành trình hướng tới một sự bình thường hóa.”

Để kết luận, ĐHY lưu ý "chúng ta đã ký một Thỏa thuận có thể nói là có tính cách lịch sử, tuy nhiên, nó cần được áp dụng toàn bộ và đúng đắn nhất có thể." ĐHY đảm bảo rằng Tòa thánh “quyết tâm thực hiện phần việc của mình để đảm bảo rằng cuộc hành trình vẫn được tiếp tục.”
 
Đạo luật FACE buộc tội sinh viên đại học trong vụ tấn công trung tâm mang thai Ohio
Đặng Tự Do
18:32 15/07/2023


Các cáo buộc liên bang đã được đệ trình chống lại một sinh viên đại học 20 tuổi ở Ohio vì bị cáo buộc phá hoại một trung tâm mang thai phò sự sống vào tháng 4 bằng hình vẽ graffiti bao gồm việc kêu gọi ủng hộ nhóm phá thai “Jane's Revenge.”

Một sinh viên tại Đại học Bang Bowling Green, Whitney Durant - người có tên Soren Monroe - đã bị buộc tội theo Đạo luật Tự do Tiếp cận Phòng khám, văn phòng Biện lý Hoa Kỳ cho Quận phía Bắc Ohio cho biết ngày 5 tháng 7.

Đạo luật Tự do Tiếp cận Phòng khám, được gọi là Đạo luật FACE, nghiêm cấm “hành vi bạo lực, đe dọa, gây tổn hại và cản trở nhằm gây thương tích, đe dọa hoặc can thiệp vào quyền tìm kiếm, nhận hoặc cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản.”

Hành động phá hoại Trung tâm trợ giúp mang thai Bowling Green, còn được gọi là HerChoice, nằm ở Bowling Green bao gồm những khẩu hiệu bài bác tôn giáo và những ngôn từ tục tĩu.

Trung tâm mang thai cách khuôn viên trường khoảng hai phút đi bộ.

“Jane's Revenge” đã trở thành chiêu bài của hàng chục kẻ phá hoại ủng hộ phá thai sau khi rò rỉ ý kiến dự thảo vào tháng 5 năm 2022 từ Tòa án Tối cao chỉ ra rằng các thẩm phán đã sẵn sàng lật ngược phán quyết Roe kiện Wade, là vụ án mang tính bước ngoặt năm 1973 đã hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.

Văn phòng luật sư Hoa Kỳ cho biết: “Durant đã cố ý làm hư hỏng tài sản của HerChoice, một trung tâm chăm sóc các phụ nữ mang thai ở Bowling Green, Ohio, bằng cách bôi sơn xịt lên tòa nhà của phòng khám vì phòng khám cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản”.

Nếu bị kết tội, Durant, người đã không nhận tội vào ngày 7 tháng 7 và được trả tự do với số tiền thế chân 10.000 đô la, có thể phải ngồi tù tối đa một năm, nhưng bản án sẽ do tòa án quyết định.

Theo nhóm ủng hộ sự sống Sinh viên vì Sự sống của Hoa Kỳ, gọi tắt là SFLA, Durant có tiền sử “tích cực bắt nạt” Falcons for Life, một nhóm ủng hộ sự sống tại Đại học Bowling Green State có liên kết với SFLA.

“Thông qua việc đe dọa trực tiếp - bằng cách hét lên những lời tục tĩu cũng như bắt nạt và phỉ báng trực tuyến trên mạng, Durant và nhóm cấp tiến mà cô ấy lãnh đạo trong khuôn viên trường đã khiến việc phò sự sống trở nên khó khăn. Tuy nhiên, họ vẫn chưa bỏ cuộc. Tổ chức Falcons for Life hiện đang nhận được sự giúp đỡ từ cố vấn pháp lý của SFLA về vấn đề này và đã gửi thư yêu cầu đến ban giám hiệu nhà trường.

Đã có hơn 60 cuộc tấn công ủng hộ phá thai vào các trung tâm mang thai vì sự sống kể từ tháng 5 năm 2022.


Source:Catholic News Agency
 
Giáo Hội Tin Lành Giám Lý mất 20% số giáo xứ ở Hoa Kỳ trong cuộc ly giáo đang diễn ra
Đặng Tự Do
18:33 15/07/2023


Giáo hội Giám lý Thống nhất đã chứng kiến hơn 6.000 giáo xứ ra đi kể từ năm 2019, với nhiều sự ra đi dự kiến vào năm 2023.

Trong hơn một thập kỷ, các nhà lãnh đạo của Giáo hội Giám lý Thống nhất, gọi tắt là UMC, đã tranh luận về hôn nhân đồng giới và việc phong chức cho những người ủng hộ lối sống LGBTQ. Trong bối cảnh này, các cộng đồng đã rời khỏi UMC với số lượng kỷ lục.

Theo Associated Press, ước tính khoảng 1/5 các giáo xứ của UMC ở Hoa Kỳ đã tìm kiếm và nhận được sự cho phép ra đi. Những cuộc xuất hành này bắt đầu chậm chạp vào năm 2019, nhưng nhiều người khác đã rời đi kể từ đó, với 4.172 giáo xứ được cho là đã rời khỏi UMC chỉ riêng vào năm 2023. Tổng cộng, 6.182 giáo xứ đã không hài lòng với UMC kể từ năm 2019.

Một lý do khiến sự thay đổi này mất nhiều thời gian đến vậy mới được tiết lộ có thể là do các giáo xứ rời đi không chắc chắn về nơi họ sẽ hạ cánh khi không còn trong UMC nữa. Cho đến khi Giáo hội Giám lý Toàn cầu, gọi tắt là GMC, được thành lập vào năm 2022. Nhiều giáo xứ đã từ bỏ UMC đang ghi danh tham gia giáo phái mới này, được thành lập bởi các thành viên cũ của UMC, nhưng những giáo xứ khác sẽ độc lập hoặc thậm chí tham gia các nhóm Tin lành khác. GMC đã tuyên bố rằng họ đã ghi danh 3.000 giáo xứ.

Với rất nhiều giáo xứ rời đi - và nhiều giáo xứ khác dự kiến sẽ rời đi sau hội nghị thường niên của UMC vào cuối năm nay - các quan chức của UMC đang phải nghĩ đến việc cắt giảm ngân sách vào năm 2024. Nhiều cộng đồng đã rời bỏ giáo phái là khá lớn và các khoản đóng góp của họ đã tài trợ cho nhiều cộng đồng của UMC làm việc cả ở Mỹ và nước ngoài. Cần lưu ý rằng các giáo xứ quyết định rời khỏi UMC trước tiên phải bồi thường cho tổ chức về tài sản của giáo xứ và các nghĩa vụ tài chính trước đó.

AP lưu ý rằng những sự ra đi này dự kiến sẽ để lại những người cấp tiến nắm quyền lãnh đạo UMC, những người dự kiến sẽ đề xuất những thay đổi đối với luật Giáo Hội cho phép hôn nhân đồng giới và phong chức LGBTQ. Tuy nhiên, những nỗ lực này có thể bị chặn bởi các thành viên nước ngoài của UMC. AP lưu ý rằng trong khi ước tính có khoảng 6,5 triệu tín hữu Giám lý ở Hoa Kỳ, thì ít nhất cũng có nhiều người như vậy ở Phi Châu.

Từ năm 2014, Aleteia đã báo cáo về việc Giáo Hội Giám lý ở Phi Châu trung thành với giáo huấn truyền thống của Kitô giáo về hành vi tình dục, trong đó, hôn nhân chỉ được công nhận là sự kết hợp giữa một nam và một nữ. Mục sư Jay Therrell, chủ tịch Hiệp hội Giao ước Wesleyan, gợi ý rằng Đại hội đồng năm 2024 sẽ bao gồm cuộc trò chuyện về việc cung cấp cho các nhà thờ hải ngoại một phương tiện để tách khỏi UMC.


Source:Aleteia
 
Chế độ độc tài ở Nicaragua tịch thu tu viện của các nữ tu, và trục xuất các sơ
Đặng Tự Do
18:34 15/07/2023


Trong một cuộc tấn công mới chống lại Giáo Hội Công Giáo, chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega ở Nicaragua đã hủy bỏ tư cách pháp nhân và tịch thu tài sản của một hội dòng các nữ tu.

Các thành viên của cảnh sát Sandinista “như những tên tội phạm đã đột nhập vào nhà của các Nữ tu thuộc Huynh đệ đoàn những người nghèo của Chúa Giêsu Kitô vào lúc nửa đêm ngày hôm qua; các chị sẽ sớm rời khỏi đất nước,” Martha Patrica Molina cho biết như trên.

Molina là một luật sư và nhà nghiên cứu người Nicaragua, là tác giả của báo cáo “Nicaragua: một Giáo hội bị bức hại?”, trong đó nêu chi tiết hơn 500 cuộc tấn công chống lại Giáo hội của chế độ.

Cơ quan truyền thông Nicaragua Article 66 đưa tin rằng Bộ Nội vụ đã áp dụng biện pháp này vào ngày 4 tháng 7 và các nữ tu sẽ rời Nicaragua vào tuần tới vì chính quyền chưa gia hạn giấy phép cư trú của họ.

Hai nữ tu sau đó đã tweet rằng các sơ đã đến El Salvador để tiếp tục sứ mệnh phục vụ người nghèo.

Lý do căn bản được sử dụng cho quyết định tịch thu tu viện là hội dòng “không tuân thủ các nghĩa vụ của mình” khi không báo cáo báo cáo tài chính mới nhất và vì nhiệm kỳ của ban giám đốc đã hết vào tháng 2 năm 2021.

Bộ Nội Vụ Ukraine nói rằng bây giờ văn phòng tổng chưởng lý có trách nhiệm chuyển giao tài sản của hội dòng, bao gồm cả tu viện, cho tiểu bang.

Molina than thở: “Biện pháp được áp dụng đối với hai chị em là tùy tiện, giờ đây họ còn bổ sung thêm việc tịch thu bất động sản của họ.

Trong một tuyên bố với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, Molina lưu ý rằng “Hiến pháp chính trị của Nicaragua nghiêm cấm tịch thu, nhưng nó đã trở thành thông lệ dưới chế độ độc tài, giống như trong những năm 1980.”

Các nữ tu của Huynh đệ đoàn những người nghèo của Chúa Giêsu Kitô đã đến Nicaragua vào năm 2016 từ Brazil, nơi các sơ được thành lập bởi Cha Gilson Sobreiro. Các sơ cũng có mặt ở Costa Rica, Guatemala và El Salvador.

Cuộc tấn công mới này của chế độ độc tài Ortega chống lại các nữ tu diễn ra một năm sau khi chế độ trục xuất một nhóm Thừa sai Bác ái, hội dòng do Mẹ Teresa Calcutta thành lập.

Các nữ tu đã được Giáo phận Tilarán-Liberia ở nước láng giềng Costa Rica tiếp nhận.


Source:Catholic News Agency
 
Trung Quốc sẵn sàng cho một thế giới hỗn loạn
Vũ Văn An
20:26 15/07/2023

Mark Leonard, trên tạp chí Foreign Affairs số Tháng 7/8 năm 2023 (https://www.foreignaffairs.com/united-states/china-ready-world-disorder?check_logged_in=1) thuật lại rằng: Hồi tháng 3, khi kết thúc chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đứng trước cửa Điện Kremlin để từ biệt người bạn của mình. Ông Tập nói với người đối tác Nga: “Ngay bây giờ, có những thay đổi—những thay đổi mà chúng ta chưa từng thấy trong 100 năm qua—và chúng ta là những người cùng nhau thúc đẩy những thay đổi này.” Putin, mỉm cười, trả lời, "Tôi đồng ý."



Giọng điệu không trang trọng, nhưng đây không phải là một cuộc trao đổi ngẫu hứng: “Những thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ” đã trở thành một trong những khẩu hiệu yêu thích của ông Tập kể từ khi ông đặt ra nó vào tháng 12 năm 2017. Mặc dù nó có vẻ chung chung, nhưng nó gói gọn một cách gọn gàng lối suy nghĩ của người Trung Quốc đương thời về trật tự hoàn cầu đang hình thành – hay đúng hơn là sự rối loạn. Khi sức mạnh của Trung Quốc tăng lên, các nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích phương Tây đã cố gắng xác định loại thế giới mà Trung Quốc muốn và loại trật tự hoàn cầu mà Bắc Kinh muốn xây dựng bằng sức mạnh của mình. Nhưng rõ ràng là thay vì cố gắng sửa đổi toàn diện trật tự hiện tại hoặc thay thế nó bằng một điều gì đó khác, các chiến lược gia Trung Quốc đã bắt đầu lợi dụng tốt nhất như nó hiện là - hoặc sẽ sớm là.

Trong khi hầu hết các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách phương Tây cố gắng duy trì trật tự quốc tế hiện thời dựa trên luật lệ, có lẽ cập nhật các đặc điểm chính và kết hợp thêm các bên tham gia, thì các chiến lược gia Trung Quốc ngày càng xác định mục tiêu của họ là sống còn trong một thế giới không có trật tự. Giới lãnh đạo Trung Quốc, từ Tập Cận Bình trở xuống, tin rằng cấu trúc hoàn cầu được dựng lên sau Thế chiến II đang trở nên không phù hợp và những nỗ lực bảo tồn nó là vô ích. Thay vì tìm cách cứu hệ thống, Bắc Kinh đang chuẩn bị cho thất bại của nó.

Phản ứng rất khác nhau của Trung Quốc và Hoa Kỳ đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga cho thấy sự khác biệt trong suy nghĩ của Bắc Kinh và Washington. Ở Washington, quan điểm chủ đạo là các hành động của Nga là một thách thức đối với trật tự dựa trên luật lệ, trật tự này phải được củng cố để đáp trả. Tại Bắc Kinh, ý kiến chủ yếu cho rằng cuộc xung đột cho thấy thế giới đang bước vào thời kỳ hỗn loạn, các quốc gia sẽ cần phải thực hiện các bước để chống chọi.

Quan điểm của Trung Quốc được nhiều quốc gia chia sẻ, đặc biệt là ở Nam bán cầu, nơi phương Tây tuyên bố ủng hộ một trật tự dựa trên luật lệ thiếu độ tin cậy. Không chỉ đơn giản là nhiều chính phủ không có tiếng nói trong việc tạo ra các quy tắc này và do đó coi chúng là bất hợp pháp. Vấn đề sâu xa hơn: các quốc gia này cũng tin rằng phương Tây đã áp dụng các quy tắc của mình một cách có chọn lọc và sửa đổi chúng thường xuyên để phù hợp với lợi ích của mình hoặc, như Hoa Kỳ đã làm khi xâm chiếm Iraq năm 2003, đơn giản là phớt lờ chúng. Đối với nhiều người bên ngoài phương Tây, việc nói về một trật tự dựa trên luật lệ từ lâu đã là một mánh lới che đậy của các cường quốc phương Tây. Những người chỉ trích này cho rằng điều tự nhiên là giờ đây khi quyền lực của phương Tây đang suy giảm, trật tự này nên được sửa đổi để trao quyền cho các quốc gia khác.

Do đó, Tập tuyên bố rằng “những thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ” sắp diễn ra. Nhận xét này là một trong những nguyên tắc chỉ đạo của “Tư tưởng Tập Cận Bình”, vốn đã trở thành hệ tư tưởng chính thức của Trung Quốc. Ông Tập coi những thay đổi này là một phần của xu hướng không thể đảo ngược hướng tới đa cực khi phương Đông trỗi dậy và phương Tây suy tàn, được đẩy nhanh bởi sự thay đổi về kỹ thuật và nhân khẩu học. Cái nhìn sâu sắc cốt lõi của Tập là thế giới ngày càng được xác định bởi sự hỗn loạn hơn là trật tự, một tình huống mà theo quan điểm của ông bắt nguồn từ thế kỷ 19, một thời đại khác được đặc trưng bởi sự bất ổn hoàn cầu và các mối đe dọa hiện hữu đối với Trung Quốc. Trong những thập niên sau khi Trung Quốc bị các cường quốc phương Tây đánh bại trong Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất vào năm 1839, các nhà tư tưởng Trung Quốc, trong đó có nhà ngoại giao Lý Hồng Chương—đôi khi được gọi là “Bismarck của Trung Quốc”—đã viết về “những thay đổi lớn chưa từng thấy trong hơn 3000 năm qua”. Những nhà tư tưởng này đã quan sát với sự lo lắng về ưu thế kỹ thuật và địa chính trị của các đối thủ nước ngoài của họ, điều đã mở đầu cho những gì Trung Quốc hiện coi là một thế kỷ của sự sỉ nhục. Ngày nay, Tập coi các vai trò đã được đảo ngược. Giờ đây, chính phương Tây thấy mình đang ở sai phía của những thay đổi định mệnh và Trung Quốc có cơ hội nổi lên như một cường quốc mạnh mẽ và ổn định.

Những ý tưởng khác có nguồn gốc từ thế kỷ 19 cũng đã trải qua thời kỳ phục hưng ở Trung Quốc đương thời, trong số đó có thuyết Darwin xã hội, áp dụng khái niệm “sự sống còn của kẻ mạnh nhất” của Charles Darwin vào xã hội loài người và quan hệ quốc tế. Chẳng hạn, vào năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu Quan điểm Toàn diện về An ninh Quốc gia, một cơ quan được chính phủ hậu thuẫn có liên kết với Bộ An ninh Trung Quốc, đã xuất bản An ninh Quốc gia trong Sự trỗi dậy và Sụp đổ của các Cường quốc, do nhà kinh tế Yuncheng Zhang biên tập. Cuốn sách, một phần trong loạt bài giải thích luật an ninh quốc gia mới, tuyên bố rằng nhà nước giống như một cơ thể sinh học phải tiến hóa hoặc chết—và thách thức của Trung Quốc là sống còn. Và dòng suy nghĩ này đã được giữ vững. Một học giả Trung Quốc nói với tôi rằng địa chính trị ngày nay là một “cuộc đấu tranh sinh tồn” giữa các siêu cường mong manh và hướng nội—khác xa với tầm nhìn mở rộng và biến đổi của các siêu cường thời Chiến tranh Lạnh. Tập Cận Bình đã áp dụng khuôn khổ này, và các tuyên bố của chính phủ Trung Quốc chứa đầy những tham chiếu đến “đấu tranh”, một ý tưởng được tìm thấy trong luận điệu cộng sản cũng như trong các bài viết xã hội học của Darwin.

Khái niệm sinh tồn trong một thế giới đầy nguy hiểm này đòi phải phát triển điều mà Tập Cận Bình mô tả là “một cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh quốc gia”. Trái ngược với khái niệm truyền thống về “an ninh quân sự”, vốn chỉ giới hạn trong việc chống lại các mối đe dọa từ đất liền, trên không, trên biển và không gian, cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh nhằm mục đích chống lại mọi thách thức, cho dù là kỹ thuật, văn hóa hay sinh học. Trong thời đại trừng phạt, tách rời kinh tế và các mối đe dọa trên mạng, Tập Cận Bình tin rằng mọi thứ đều có thể được vũ khí hóa. Kết quả là, an ninh không thể được đảm bảo bởi các liên minh hoặc thể chế đa phương. Do đó, các quốc gia phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ người dân của mình. Để đạt được mục tiêu đó, vào năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã ủng hộ việc thành lập một trung tâm nghiên cứu mới dành riêng cho phương pháp tiếp cận toàn diện này, giao nhiệm vụ cho trung tâm này xem xét tất cả các khía cạnh trong chiến lược an ninh của Trung Quốc. Dưới thời Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng được coi là lá chắn chống lại sự hỗn loạn.

NHỮNG TẦM NHÌN XUNG ĐỘT

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi Hoa Kỳ là mối đe dọa chính đối với sự sống còn của họ và đã phát triển một giả thuyết để giải thích hành động của đối thủ của họ. Bắc Kinh tin rằng Washington đang đáp ứng sự phân cực trong nước và việc mất đi quyền lực hoàn cầu bằng cách tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, theo suy nghĩ này, đã quyết định rằng việc Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn Hoa Kỳ chỉ còn là vấn đề thời gian, đó là lý do tại sao Washington đang cố gắng đặt Bắc Kinh ở thế chống lại toàn bộ thế giới dân chủ. Do đó, các trí thức Trung Quốc đang nói tới sự thay đổi của Hoa Kỳ từ can dự và ngăn chặn một phần sang “cạnh tranh toàn diện”, bao gồm chính trị, kinh tế, an ninh, hệ tư tưởng và ảnh hưởng hoàn cầu.

Các chiến lược gia Trung Quốc vốn theo dõi Hoa Kỳ trong việc cố gắng sử dụng cuộc chiến ở Ukraine để củng cố sự chia rẽ giữa các nền dân chủ và các chế độ chuyên chế. Washington đã tập hợp các đối tác của mình trong G-7 và NATO, mời các đồng minh Đông Á tham gia cuộc họp của NATO tại Madrid và củng cố các mối quan hệ đối tác an ninh mới, bao gồm AUKUS, một hiệp ước ba bên giữa Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, và Quad (Đối thoại An ninh Tứ giác), liên kết Úc, Ấn Độ và Nhật Bản với Hoa Kỳ. Bắc Kinh đặc biệt lo ngại rằng sự can dự của Washington vào Ukraine sẽ khiến nước này trở nên quyết đoán hơn đối với Đài Loan. Một học giả cho biết ông sợ rằng Washington đang dần đánh đổi chính sách “một Trung Quốc” của mình—theo đó Hoa Kỳ đồng ý coi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Đài Loan và đại lục—để lấy một cách tiếp cận mới mà một người đối thoại của Trung Quốc gọi là “một Trung Quốc và một Đài Loan.” Kiểu định chế hóa mới này các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đối tác của họ, nhằm mục đích kiềm chế Bắc Kinh một cách ngầm hoặc rõ ràng, được Trung Quốc coi là một nỗ lực mới của Hoa Kỳ trong việc xây dựng liên minh nhằm đưa các đối tác Đại Tây Dương và châu Âu vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng đây là một thí dụ khác về niềm tin sai lầm của Hoa Kỳ rằng thế giới một lần nữa đang tự chia thành các khối.

Chỉ với Triều Tiên là đồng minh chính thức, Trung Quốc không thể thắng trong trận chiến liên minh. Thay vào đó, nó đã tìm cách tận dụng lợi thế của sự cô lập tương đối của mình và khai thác xu hướng hoàn cầu đang phát triển hướng tới sự không liên kết giữa các cường quốc bậc trung và các nền kinh tế mới nổi. Mặc dù các chính phủ phương Tây tự hào về việc 141 quốc gia đã ủng hộ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án cuộc chiến ở Ukraine, nhưng các nhà tư tưởng về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, bao gồm cả giáo sư quan hệ quốc tế và nhà bình luận truyền thông Chu Shulong, cho rằng số lượng các quốc gia thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga là dấu hiệu nhiều hơn cho thấy sức mạnh của phương Tây. Theo số liệu đó, ông tính toán rằng khối phương Tây chỉ bao gồm 33 quốc gia, với 167 quốc gia từ chối tham gia vào nỗ lực cô lập Nga. Nhiều quốc gia trong số này có những ký ức tồi tệ về Chiến tranh Lạnh, thời kỳ mà chủ quyền của họ bị các siêu cường cạnh tranh siết chặt. Như một nhà chiến lược chính sách đối ngoại nổi tiếng của Trung Quốc đã giải thích với tôi, “Hoa Kỳ không suy tàn, nhưng họ chỉ giỏi đàm phán với các nước phương Tây. Sự khác biệt lớn giữa bây giờ và Chiến tranh Lạnh là [khi đó] phương Tây đã rất hiệu quả trong việc huy động các nước đang phát triển chống lại [Liên Xô] ở Trung Đông, Bắc Phi, Đông Nam Á và Châu Phi.”

Để tận dụng ảnh hưởng đang suy yếu của Hoa Kỳ ở những khu vực này, Trung Quốc đã tìm cách chứng tỏ sự ủng hộ của mình đối với các quốc gia ở Nam bán cầu. Trái ngược với Washington, nơi mà Bắc Kinh coi là đang bắt nạt các quốc gia phải chọn phe, cách tiếp cận của Trung Quốc với thế giới đang phát triển là ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nó đã làm như vậy thông qua các sáng kiến quốc tế, một số trong đó đã phát triển một phần. Chúng bao gồm Sáng kiến Vành đai và Con đường và Sáng kiến Phát triển Hoàn cầu, vốn đầu tư hàng tỷ đô la tiền của khu vực tư nhân và nhà nước vào cơ sở hạ tầng và phát triển của các quốc gia khác. Những sáng kiến khác tương đối mới, bao gồm Sáng kiến An ninh Hoàn cầu, mà Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2022 để thách thức sự thống trị của Hoa Kỳ. Bắc Kinh cũng đang làm việc để mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một nhóm an ninh, quốc phòng và kinh tế tập hợp những tay chơi lớn ở Âu Á, bao gồm Ấn Độ, Pakistan và Nga và đang trong quá trình kết nạp Iran.



BỊ MẮC KẸT TRONG QUÁ KHỨ?

Trung Quốc tự tin rằng Hoa Kỳ đã sai lầm khi cho rằng một cuộc chiến tranh lạnh mới đã nổ ra. Theo đó, họ đang tìm cách vượt ra khỏi những chia rẽ kiểu Chiến tranh Lạnh. Như Wang Honggang, một quan chức cấp cao tại một nhóm chuyên gia cố vấn trực thuộc Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, đã nói, thế giới đang rời xa “cấu trúc trung tâm-ngoại vi đối với nền kinh tế và an ninh hoàn cầu và hướng tới một thời kỳ cạnh tranh đa trung tâm và cùng hoạt động." Wang và các học giả cùng chí hướng không phủ nhận rằng Trung Quốc cũng đang cố gắng trở thành một trung tâm của riêng mình, nhưng họ lập luận rằng vì thế giới đang thoát khỏi thời kỳ bá quyền của phương Tây, nên việc thành lập một trung tâm Trung Quốc mới sẽ thực sự dẫn đến một đa nguyên lớn hơn về ý tưởng hơn là một trật tự thế giới Trung Quốc. Nhiều nhà tư tưởng Trung Quốc liên kết niềm tin này với lời hứa về một tương lai “hiện đại đa dạng”. Nỗ lực tạo ra một lý thuyết thay thế về tính hiện đại, trái ngược với công thức sau Chiến tranh Lạnh về nền dân chủ tự do và thị trường tự do như mẫu mực của sự phát triển hiện đại, là cốt lõi của Sáng kiến Văn minh Hoàn cầu của Tập Cận Bình. Dự án nổi tiếng này nhằm mục đích báo hiệu rằng không giống như Hoa Kỳ và các nước châu Âu, nơi giảng dạy những người khác về các chủ đề như biến đổi khí hậu và quyền LGBTQ, Trung Quốc tôn trọng chủ quyền và nền văn minh của các cường quốc khác.

Trong nhiều thập niên, sự can dự của Trung Quốc với thế giới chủ yếu là kinh tế. Ngày nay, chính sách ngoại giao của Trung Quốc vượt xa các vấn đề về thương mại và phát triển. Một trong những thí dụ ấn tượng và mang tính hướng dẫn nhất về sự thay đổi này là vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông và Bắc Phi. Khu vực này trước đây do Hoa Kỳ thống trị, nhưng khi Washington lùi bước, Bắc Kinh đã nhảy vào. Vào tháng 3, Trung Quốc đã thực hiện một cuộc đảo chính ngoại giao lớn bằng cách môi giới cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa Iran và Ả Rập Saudi. Trong khi sự tham gia của Trung Quốc vào khu vực từng bị giới hạn ở vị thế là người tiêu thụ hydrocarbon và đối tác kinh tế, thì Bắc Kinh hiện là một nhà kiến tạo hòa bình, bận rộn xây dựng các mối quan hệ ngoại giao và thậm chí cả quân sự với các bên tham gia chủ chốt. Một số học giả Trung Quốc coi Trung Đông ngày nay là “phòng thí nghiệm cho một thế giới hậu Mỹ”. Nói cách khác, họ tin rằng khu vực này chính là hình ảnh toàn thế giới sẽ như thế nào trong vài thập niên tới: một nơi mà khi Hoa Kỳ suy tàn, các cường quốc hoàn cầu khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, sẽ tranh giành ảnh hưởng, và các cường quốc tầm trung, chẳng hạn như Iran, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ, phô diễn sức mạnh của họ.

Nhiều người ở phương Tây nghi ngờ khả năng đạt được mục tiêu này của Trung Quốc, chủ yếu là do Bắc Kinh đã phải vật lộn để giành được các đối tác tiềm năng. Ở Đông Á, Hàn Quốc đang xích lại gần Hoa Kỳ; ở Đông Nam Á, Philippines đang phát triển quan hệ gần gũi hơn với Washington để bảo vệ mình trước Bắc Kinh; và đã có một phản ứng dữ dội chống Trung Quốc ở nhiều nước châu Phi, nơi có đầy rẫy những lời phàn nàn về hành vi thực dân của Bắc Kinh. Mặc dù một số quốc gia, bao gồm cả Ảrập Saudi, muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc, nhưng ít nhất một phần họ bị thúc đẩy bởi mong muốn Hoa Kỳ tái can dự với họ. Nhưng những thí dụ này không nên che giấu xu hướng rộng lớn hơn: Bắc Kinh đang trở nên năng động hơn và ngày càng tham vọng hơn.

CÁC BÁNH XE DỰ PHÒNG VÀ KHÓA THÂN THỂ

Cạnh tranh kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng ngày càng gia tăng. Nhiều nhà tư tưởng Trung Quốc dự đoán rằng việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đắc cử vào năm 2020 sẽ dẫn đến cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, nhưng họ đã thất vọng: chính quyền Biden đã gây hấn với Trung Quốc nhiều hơn họ mong đợi. Một nhà kinh tế cấp cao của Trung Quốc đã ví chiến dịch gây áp lực của Biden đối với lĩnh vực kỹ thuật Trung Quốc, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với các công ty kỹ thuật và công ty sản xuất chip của Trung Quốc, giống như các hành động của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với Iran. Nhiều nhà bình luận Trung Quốc đã lập luận rằng mong muốn của Biden nhằm ngăn chặn sự phát triển kỹ thuật của Bắc Kinh để duy trì lợi thế của Hoa Kỳ không khác gì những nỗ lực của Trump nhằm ngăn chặn sự phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran. Một sự đồng thuận đã hình thành ở Bắc Kinh rằng mục tiêu của Washington không phải là bắt Trung Quốc phải chơi theo luật; đó là ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc.

Điều này không chính xác: cả Washington lẫn Liên minh châu Âu đều nói rõ rằng họ không có ý định loại Trung Quốc ra khỏi nền kinh tế hoàn cầu. Họ cũng không muốn tách rời hoàn toàn nền kinh tế của họ khỏi Trung Quốc. Thay vào đó, họ tìm kiếm đảm bảo rằng các doanh nghiệp của họ không chia sẻ các kỹ thuật nhạy cảm với Bắc Kinh và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng, bao gồm viễn thông, cơ sở hạ tầng và nguyên liệu thô. Do đó, các chính phủ phương Tây ngày càng nói nhiều hơn tới việc sản xuất theo kiểu đưa nó trở về với nước nguyên thủy của công ty (“reshoring”) và có sự chống đỡ của bạn bè (“friend shoring”) trong các lĩnh vực như vậy hoặc ít nhất là đa dạng hóa chuỗi cung cấp bằng cách khuyến khích các công ty đặt cơ sở sản xuất tại các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan.

Phản ứng của Tập Cận Bình là điều được ông gọi là “lưu hành kép” [dual circulation]. Thay vì coi Trung Quốc là một nền kinh tế duy nhất liên kết với thế giới thông qua thương mại và đầu tư, Bắc Kinh đã đi tiên phong trong ý tưởng về một nền kinh tế phân nhánh. Một nửa nền kinh tế—được thúc đẩy bởi nhu cầu, vốn và ý tưởng trong nước —là về “lưu hành nội bộ”, giúp Trung Quốc tự chủ hơn về tiêu dùng, kỹ thuật và các quy định. Nửa còn lại—“lưu thông bên ngoài”—là về những liên hệ có chọn lọc của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Đồng thời, ngay cả khi giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước khác, Bắc Kinh muốn tăng cường sự phụ thuộc của các bên chơi khác vào Trung Quốc để họ có thể sử dụng các liên kết này để tăng sức mạnh và gây áp lực. Những ý tưởng này có tiềm năng định hình lại nền kinh tế hoàn cầu.



Nhà kinh tế học có ảnh hưởng của Trung Quốc Yu Yongding đã giải thích khái niệm lưu hành kép bằng hai khái niệm mới: “bánh xe dự phòng” và “khóa thân thể”. Theo khái niệm “bánh xe dự phòng”, Trung Quốc nên chuẩn bị sẵn các phương án thay thế nếu nước này mất khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, linh kiện và kỹ thuật quan trọng. Ý tưởng này được đưa ra để đáp lại việc sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp trừng phạt của phương Tây, điều mà Bắc Kinh đã quan tâm theo dõi. Chính phủ Trung Quốc hiện đang làm việc để tự bảo vệ mình khỏi mọi nỗ lực cắt đứt nó trong trường hợp xảy ra xung đột bằng cách đầu tư rất lớn vào các kỹ thuật quan trọng, bao gồm trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn. Nhưng Bắc Kinh cũng đang cố gắng khai thác thực tại mới để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế hoàn cầu vào nhu cầu kinh tế phương Tây và hệ thống tài chính do Hoa Kỳ lãnh đạo. Ở trong nước, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang thúc đẩy việc chuyển dịch từ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang tăng trưởng dựa vào nhu cầu trong nước; ở những nơi khác, nó đang thúc đẩy đồng nhân dân tệ như một thay thế cho đồng đô la. Theo đó, người Nga đang tăng cường nắm giữ dự trữ đồng nhân dân tệ và Moscow không còn sử dụng đồng đô la khi giao dịch với Trung Quốc. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải gần đây đã đồng ý sử dụng tiền tệ quốc gia, thay vì chỉ sử dụng đồng đô la, cho thương mại giữa các quốc gia thành viên. Mặc dù những bước phát triển này còn hạn chế, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng việc vũ khí hóa hệ thống tài chính của Hoa Kỳ và các biện pháp trừng phạt khổng lồ đối với Nga sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn hơn nữa và làm tăng sự sẵn sàng của các quốc gia khác trong việc chống lại sự thống trị của đồng đô la.

"Khóa thân thể” là một phép ẩn dụ của môn đấu vật. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh nên khiến các công ty phương Tây phụ thuộc vào Trung Quốc, do đó khiến việc tách rời trở nên khó khăn hơn. Đó là lý do tại sao nó đang nỗ lực để ràng buộc càng nhiều quốc gia càng tốt vào các hệ thống, quy tắc và tiêu chuẩn của Trung Quốc. Trong quá khứ, phương Tây đã đấu tranh để khiến Trung Quốc chấp nhận các quy tắc của họ. Giờ đây, Trung Quốc quyết tâm khiến các nước khác phải tuân theo các quy tắc của mình và họ đã đầu tư rất nhiều vào việc nâng cao tiếng nói của mình trong các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế khác nhau. Bắc Kinh cũng đang sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường và Phát triển Hoàn cầu để xuất khẩu mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước bao cấp và các tiêu chuẩn của Trung Quốc tới càng nhiều quốc gia càng tốt. Trong khi mục tiêu của Trung Quốc đã từng là hội nhập vào thị trường toàn cầu, thì sự sụp đổ của trật tự quốc tế sau Chiến tranh Lạnh và sự trở lại của tình trạng rối loạn kiểu thế kỷ 19 đã làm thay đổi cách tiếp cận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Do đó, Tập Cận Bình đã đầu tư rất nhiều vào sự tự lực. Nhưng như nhiều trí thức Trung Quốc chỉ ra, những thay đổi trong thái độ của Trung Quốc đối với việc hoàn cầu hóa đã được thúc đẩy bởi những thách thức kinh tế trong nước cũng như căng thẳng với Hoa Kỳ. Trong quá khứ, lực lượng lao động lớn, trẻ và rẻ của Trung Quốc là động lực chính cho sự tăng trưởng của đất nước. Giờ đây, dân số của nó đang già đi nhanh chóng và nó cần một mô hình kinh tế mới, một mô hình được xây dựng dựa trên việc thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, như nhà kinh tế học George Magnus đã chỉ ra, làm như vậy đòi hỏi phải tăng lương và theo đuổi các cải cách cơ cấu có thể làm đảo lộn cán cân quyền lực xã hội mong manh của Trung Quốc. Chẳng hạn, việc gia tăng dân số trở lại sẽ đòi hỏi phải nâng cấp đáng kể hệ thống an sinh xã hội kém phát triển của đất nước, do đó sẽ phải trả giá bằng việc tăng thuế không được lòng dân. Thúc đẩy đổi mới sẽ đòi hỏi phải giảm bớt vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, điều đi ngược lại với bản năng của Tập Cận Bình. Những thay đổi như vậy là khó tưởng tượng trong hoàn cảnh hiện tại.

MỘT THẾ GIỚI BỊ CHIA RẼ?

Giữa năm 1945 và 1989, quá trình phi thực dân hóa và sự phân chia giữa các cường quốc phương Tây và khối Xô Viết đã định hình thế giới. Các đế chế tan rã thành hàng chục quốc gia, thường là kết quả của các cuộc chiến tranh nhỏ. Nhưng mặc dù quá trình phi thực dân hóa đã thay đổi bản đồ, nhưng lực lượng mạnh mẽ hơn là sự cạnh tranh về ý thức hệ của Chiến tranh Lạnh. Sau khi giành được độc lập, hầu hết các quốc gia đều nhanh chóng liên kết với khối dân chủ hoặc khối cộng sản. Ngay cả những quốc gia không muốn chọn phe vẫn xác định bản sắc của họ liên quan đến Chiến tranh Lạnh, tạo thành một “phong trào phi liên kết”.

Ngày nay, cả hai xu hướng đều đang được chứng minh và Hoa Kỳ tin rằng lịch sử này đang lặp lại khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng hồi sinh chiến lược đã thành công chống lại Liên Xô. Do đó, nó đang chia rẽ thế giới và huy động các đồng minh của mình. Bắc Kinh không đồng ý, và họ đang theo đuổi các chính sách phù hợp với sự đánh cuộc của họ rằng thế giới đang bước vào một kỷ nguyên trong đó quyền tự quyết và đa liên kết sẽ vượt qua xung đột ý thức hệ.

Nhận định của Bắc Kinh có nhiều khả năng chính xác hơn vì thời đại hiện nay khác với thời kỳ Chiến tranh Lạnh ở ba điểm căn bản. Đầu tiên, hệ tư tưởng ngày nay yếu hơn nhiều. Sau năm 1945, cả Hoa Kỳ và Liên Xô đều đưa ra những tầm nhìn lạc quan và hấp dẫn về tương lai thu hút giới tinh hoa và người lao động trên toàn thế giới. Trung Quốc đương thời không có thông điệp như vậy, và tầm nhìn truyền thống của Hoa Kỳ về nền dân chủ tự do đã bị suy giảm đáng kể bởi cuộc chiến tranh Iraq, cuộc khủng hoảng tài chính hoàn cầu năm 2008 và nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, tất cả những điều này khiến Hoa Kỳ dường như kém thành công hơn, kém hào phóng hơn, và kém đáng tin hơn. Hơn nữa, thay vì đưa ra các hệ tư tưởng hoàn toàn khác biệt và đối lập, Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng giống nhau về các vấn đề từ chính sách kỹ nghệ và thương mại đến kỹ thuật và chính sách đối ngoại. Không có các thông điệp ý thức hệ có khả năng tạo ra các liên minh quốc tế, các khối kiểu Chiến tranh Lạnh không thể hình thành.

Thứ hai, Bắc Kinh và Washington không được hưởng sự thống trị hoàn cầu giống như Liên Xô và Hoa Kỳ đã làm sau năm 1945. Năm 1950, Hoa Kỳ và các đồng minh lớn của họ (các nước NATO, Úc và Nhật Bản) và thế giới cộng sản (Liên Xô, Trung Quốc và khối phía Đông) cùng nhau chiếm 88% GDP hoàn cầu. Nhưng ngày nay, các nhóm nước này cộng lại chỉ chiếm 57% GDP hoàn cầu. Trong khi chi tiêu quốc phòng của các quốc gia không liên kết là không đáng kể vào cuối những năm 1960 (khoảng 1% tổng số hoàn cầu), thì hiện nay chúng ở mức 15% và đang tăng nhanh.

Thứ ba, thế giới ngày nay vô cùng phụ thuộc lẫn nhau. Vào đầu Chiến tranh Lạnh, có rất ít liên kết kinh tế giữa phương Tây và các quốc gia phía sau Bức màn sắt. Tình hình ngày nay không thể khác hơn. Trong khi thương mại giữa Hoa Kỳ và Liên Xô vẫn ở mức khoảng 1% tổng thương mại của cả hai nước trong những năm 1970 và 1980, thương mại với Trung Quốc ngày nay chiếm gần 16% tổng cán cân thương mại của cả Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu Châu. Sự phụ thuộc lẫn nhau này ngăn cản sự hình thành sự liên kết ổn định của các khối vốn là đặc trưng của Chiến tranh Lạnh. Điều có nhiều khả năng xảy ra hơn là tình trạng căng thẳng thường trực và lòng trung thành đang thay đổi.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện một cuộc đánh cuộc chiến lược táo bạo bằng cách chuẩn bị cho một thế giới bị chia cắt. Đảng Cộng Sản Trung Quốc tin rằng thế giới đang hướng tới một trật tự hậu phương Tây không phải vì phương Tây đã tan rã mà vì sự hợp nhất của phương Tây đã khiến nhiều quốc gia khác xa lánh. Trong thời điểm thay đổi này, có thể việc Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng cho phép các quốc gia khác phô trương sức mạnh của họ có thể khiến Bắc Kinh trở thành một đối tác hấp dẫn hơn so với Washington, với yêu cầu liên kết ngày càng chặt chẽ hơn. Nếu thế giới thực sự đang bước vào giai đoạn hỗn loạn, Trung Quốc có thể là nơi tốt nhất để thịnh vượng.
 
Tiến sĩ George Weigel: Sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng ở Mạc Tư Khoa bị hướng dẫn sai lầm
J.B. Đặng Minh An dịch
20:49 15/07/2023
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trên tờ Wall Street Journal, ông vừa có bài viết nhan đề “A Misguided Papal Mission in Moscow”, nghĩa là “Một sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng ở Mạc Tư Khoa bị hướng dẫn sai lầm”, với tiểu tựa “Một nền hòa bình công bằng không thể đạt được bằng cách coi hai bên trong cuộc chiến này là như nhau về mặt đạo đức.” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Vào tháng Tư, khi được hỏi về cuộc chiến ở Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một số thông tin: Vatican đang thực hiện một “sứ mệnh hòa bình” bí mật. Ngay sau đó, Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Matteo Zuppi của Bologna—một ứng cử viên trong mơ của Đức Giáo Hoàng về những người Công Giáo cấp tiến—làm đặc sứ của ngài cho dự án này. Mặc dù mục tiêu của sáng kiến đó chưa bao giờ được làm rõ, nhưng một buổi giới thiệu sách gần đây ở Rôma, cũng như cuộc gặp đầu tiên của Đức Hồng Y Zuppi ở Mạc Tư Khoa, đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về những ý tưởng thông báo cho ý định đó và những tác động có thể có của nó.

Sự kiện ngày 4 tháng 7 đã tôn vinh Andrea Riccardi, một nhà sử học, ứng cử viên tổng thống đầu tiên của Ý và là tác giả của một cuốn sách mới, “Tiếng kêu của hòa bình.” Ông Riccardi là người sáng lập Cộng đồng Sant'Egidio, một nhóm Công Giáo, chủ yếu là giáo dân, được biết đến với công việc giúp đỡ người nghèo, niềm đam mê đối với các cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn và những bước đột phá của nhóm vào chính trị toàn cầu. Có mặt để phát biểu trong dịp này là Donatella Di Cesare: một nhân vật quen thuộc trên truyền hình Ý và là người truyền tin trung thành cho tuyên truyền của Mạc Tư Khoa, người đã tuyên bố rằng vụ đánh bom một bệnh viện nhi của Nga “chưa bao giờ xảy ra” và vụ thảm sát trong rạp hát là “một trò lừa bịp”. Vừa trở về từ chuyến đi đến Mạc Tư Khoa, Đức Hồng Y Zuppi cũng đã phát biểu, chắc chắn là do mối quan hệ lâu năm của ngài với Sant'Egidio và mối quan hệ với các nhà lãnh đạo của nó.

Trong suốt buổi thuyết trình, nhóm đã đưa ra một số chủ đề mang tính hướng dẫn và đáng chú ý là tránh những chủ đề khác. Họ phản đối “chủ nghĩa dân tộc” dưới bất kỳ hình thức nào và tuyên bố những khái niệm như bản sắc dân tộc và biên giới là có thể thay thế được. Nói về bản sắc dân tộc và biên giới được mô tả là một sự khiêu khích đối với những người hàng xóm. Người ta nói rằng chiến tranh luôn là sự tàn sát vô nghĩa và không bao giờ dẫn đến giải pháp. Ngược lại, không có sự lên án đạo đức nào đối với cuộc tấn công vô cớ của Nga vào Ukraine cũng như những hành động chiến tranh tàn bạo của nước này trong 16 tháng sau đó. Không ai nói bất cứ điều gì về nghĩa vụ đạo đức chính đáng của một quốc gia phải bảo vệ công dân của mình chống lại một kẻ xâm lược nguy hiểm.

Đức Hồng Y Zuppi đã nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha không bổ nhiệm ngài làm “người hòa giải” giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, những nhận xét của ngài về lịch sử như một “phòng thí nghiệm phức hợp” và sự phản đối của các diễn giả khác đối với các phân tích địa chính trị “một chiều” cho thấy rằng cả ngài và ông Riccardi và cộng đồng Sant'Egidio đều không nắm bắt được bản chất địa chính trị hoặc đạo đức của cuộc chiến.

Sant'Egidio từ lâu đã mong muốn trở thành một cơ quan phụ trợ phi chính phủ hoặc thậm chí là một sự thay thế cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về phương diện ngoại giao của Đức Giáo Hoàng. Cộng đồng đã làm công việc hữu ích ở Mozambique vào đầu những năm 1990, khi làm trung gian giải quyết xung đột vũ trang giữa các đối thủ chính trị. Tuy nhiên, tình hình ở Ukraine lại hoàn toàn khác.

Cuộc tấn công của Vladimir Putin là một cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa mới. Ukraine có quyền bảo vệ chủ quyền và bản sắc dân tộc của mình, là những điều mà người Nga đã đe dọa xóa sổ. Khi sứ mệnh hòa bình của Đức Giáo Hoàng được triển khai cho đến nay, Sant'Egidio dường như đã áp đặt khái niệm giải quyết xung đột—là đối thoại giữa hai bên đối xứng về mặt chính trị và đạo đức, với Sant'Egidio là người hòa giải—vào một tình huống mà đường lối đó không thể thành công. Hơn nữa, một trong những rủi ro lớn của nó là nó củng cố vị thế chính trị quốc tế của ông Putin bằng cách làm cho những tuyên bố của ông ta có vẻ hợp lý.

Cuộc gặp gỡ của Đức Hồng Y Zuppi với Đức Thượng phụ Kirill được diễn ra theo vở kịch Sant'Egidio về cuộc đối thoại đại kết sền sệt. Thượng phụ người Nga nói rằng ông “rất vui” với sự xuất hiện của Đức Hồng Y và mô tả cuộc gặp gỡ là một trong những cuộc gặp gỡ “anh em”. Tuy nhiên, một năm rưỡi qua đã chứng minh rõ ràng rằng cựu nhân viên KGB này không phải là một nhà lãnh đạo tôn giáo mà là một công cụ vô đạo đức của Điện Cẩm Linh. Thượng phụ Kirill đã tuyên bố một cuộc chiến tranh phi nghĩa, hứa hẹn phần thưởng trên trời cho những người lính Nga chết trận ở Ukraine, và làm mọi thứ trong khả năng của mình để củng cố quyền lực của ông Putin ở Nga. Đức Thánh Cha Phanxicô từng cảnh báo Thượng phụ Kirill đừng trở thành “cậu bé giúp lễ” của ông Putin. Nhưng kể từ đó, ông ta đã vượt qua chế độ thần quyền để phục vụ với tư cách là người hỗ trợ tôn giáo cho nhà độc tài Nga.

Vậy thì tại sao phái đoàn hòa bình của Vatican lại đối xử với một người đã chúc lành cho cuộc chiến tranh diệt chủng như thể ông ta là một giáo sĩ thực sự? Làm thế nào mà việc tham gia vào lời dối trá đó có thể thúc đẩy sự nghiệp hòa bình? Hãy tưởng tượng một “sứ mệnh hòa bình” của Giáo hoàng trong Thế chiến II tới Berlin tham gia đối thoại với Reichsbischof của Deutsche Christen do Đức Quốc xã tài trợ. Làm thế nào lịch sử có thể đánh giá một sáng kiến như vậy?

Cam kết của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với việc kiến tạo hòa bình là đáng ngưỡng mộ, và sứ mệnh của ngài vẫn có thể thực hiện công việc nhân đạo quan trọng—ví dụ, bằng cách đàm phán thả hàng trăm thường dân Ukraine bị quân xâm lược bắt làm con tin hoặc bằng cách dàn xếp việc trao trả trẻ em Ukraine bị quân đội Nga bắt cóc. Thật vậy, Vatican đã tuyên bố một số tiến bộ về điểm này. Nhưng chừng nào khái niệm kiến tạo hòa bình của cộng đồng Sant'Egidio như một cuộc đối thoại giữa các bên đối xứng về mặt chính trị và đạo đức là khuôn khổ chiến lược của Giáo hội để đối phó với chiến tranh, thì sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng không thể đóng góp cho một nền hòa bình công bằng.


Source:Wall Street Journal
 
VietCatholic TV
Võ sư Ukraine sang Nga hành thích Tư Lệnh Chiến Hạm. Thụy Điển vào NATO: Ác mộng của Hạm đội Baltic
VietCatholic Media
02:57 15/07/2023


1. Võ sư karate nổi tiếng của Ukraine tấn công chỉ huy Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Karate Master Killed Russian Commander, Police Say”, nghĩa là “Cảnh sát nói võ sư karate Ukraine đã giết chỉ huy Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Truyền thông Nga đưa tin, người đàn ông bị bắt vì liên quan đến vụ sát hại một chỉ huy quân đội Nga, là một nhân vật nổi bật trong giới võ thuật Ukraine.

Các nhà chức trách ở Nga đã mở một cuộc điều tra giết người sau khi Stanislav Rzhitsky, 42 tuổi, được phát hiện đã chết với những vết thương do súng ở thành phố Krasnodar phía nam hôm thứ Hai.

Ủy ban Điều tra của Nga cho biết Serhiy Denysenko, sinh năm 1959 và đến từ thành phố Sumy của Ukraine, đã bị bắt vì tội giết người. Anh ta bị bắt tại thị trấn Tuapse, cách Krasnodar khoảng 120 dặm.

Newsweek đã liên hệ với Ủy ban Điều tra của Nga—là cơ quan điều tra liên bang chính của đất nước—qua email để biết thêm thông tin.

Hãng tin tiếng Nga Politika Strani, chuyên đưa tin về cuộc chiến ở Ukraine, đã đăng video trên Telegram nói rằng đó là một vụ bắt giữ, mặc dù khuôn mặt của nghi phạm đã bị làm mờ. Các nhà chức trách nói rằng một khẩu súng lục và ống giảm thanh đã được tìm thấy tại khách sạn và một cuộc kiểm tra đạn đạo đang được tiến hành.

Một số kênh Telegram của Nga cho hay, Denysenko từng là nhà lãnh đạo Liên đoàn Shotokan Karate-Do Ukraine và có đai đen môn võ này. Anh ta được cho là đã gây quỹ một cách thường xuyên để giúp đỡ các lực lượng vũ trang của Ukraine.

Rzhitsky từng là thuyền trưởng tàu ngầm Hạm đội Hắc Hải Krasnodar thuộc Hải quân Nga, được trang bị hỏa tiễn hành trình Kalibr.

Truyền thông Ukraine cho biết Rzhitsky nằm trong số thuyền trưởng tàu ngầm Nga tham gia thực hiện vụ tấn công tàu Vinnytsia ở Ukraine ngày 14/7/2022 khiến 27 người thiệt mạng. Kyiv cho biết cuộc tấn công đến từ hỏa tiễn hành trình Kalibr phóng từ một tàu ngầm ở Hắc Hải.

Baza, một kênh Telegram của Nga có quan hệ với cảnh sát Nga, cho biết kẻ sát nhân có thể đã theo dõi quá trình chạy bộ của Rzhitsky trên ứng dụng thể dục Strava vì anh ta thường xuyên đi theo cùng một lộ trình khi chạy. Người ta tìm thấy Rzhitsky bị bắn bốn phát vào lưng và ngực gần trung tâm thể thao Olimp, và chết tại hiện trường.

BBC đưa tin rằng địa chỉ và chi tiết cá nhân của Rzhitsky đã được tải lên trang web Ukraine Myrotvorets, nghĩa là Người kiến tạo hòa bình, đây là cơ sở dữ liệu không chính thức về những người được coi là đối phương của Ukraine.

Không rõ liệu Rzhitsky có còn trong hải quân Nga vào thời điểm ông qua đời hay không. Tuy nhiên, Baza dẫn lời cha của Rzhitsky nói rằng con trai ông đã rời lực lượng vũ trang Nga vào tháng 12 năm 2021 trước khi Mạc Tư Khoa xâm chiếm Ukraine.

Ông từng là phó trưởng ban động viên địa phương ở Krasnodar, cơ quan được giao nhiệm vụ tuyển mộ những người đàn ông Nga tham gia chiến đấu trong cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa.

Các trung tâm nhập ngũ trên khắp nước Nga đã phải đối mặt với các cuộc tấn công đốt phá kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố huy động một phần cho cuộc xâm lược của ông vào tháng 9 năm 2022.

2. Ngoại trưởng Phần Lan tuyên bố rằng viện trợ cho Ukraine không phải là chuyện làm từ thiện vì Ukraine đang chiến đấu cho chúng ta

Ngoại trưởng Phần Lan, Elina Valtonen, đã nói trong với các phóng viên báo chí rằng “chúng ta ở phương Tây cần hiểu rằng rõ ràng, đây không phải là bác ái vì Ukraine đang chiến đấu cho chúng ta. Họ đang chiến đấu vì tự do của chúng ta, và kiến trúc an ninh Âu Châu.”

Cô ấy nói rằng phương Tây vẫn cam kết hỗ trợ Ukraine, đồng thời nói thêm rằng “Tôi không thấy có bất kỳ sự mệt mỏi nào, và tôi hy vọng sẽ không bao giờ có chuyện đó”.

3. Thụy Điển gia nhập NATO là cơn ác mộng đối với Hạm đội biển Baltic của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Sweden Joining NATO Is a Nightmare for Russia's Baltic Sea Fleet”, nghĩa là “Việc Thụy Điển gia nhập NATO là cơn ác mộng đối với Hạm đội biển Baltic của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các chuyên gia nói với Newsweek rằng hạm đội biển Baltic của Nga đang gặp phải “vấn đề nghiêm trọng” khi NATO chuẩn bị mở rộng sang Thụy Điển.

Sự thống trị của NATO ở Biển Baltic, bao quanh các căn cứ hải quân của Mạc Tư Khoa ở vùng đất Kaliningrad của Nga và ở thành phố lớn thứ hai của đất nước, St Petersburg, sẽ được tăng cường với việc Thụy Điển gia nhập liên minh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc bổ sung NATO sắp trở thành thách thức quân sự đối với các lực lượng Nga ở Baltic, khi Mạc Tư Khoa nhìn chằm chằm vào cái được mệnh danh là “cái hồ của NATO”.

Được thúc đẩy bởi cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Phần Lan đã gia nhập NATO vào tháng 4 năm 2023, Thụy Điển dự kiến sẽ sớm theo sau. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã lên tiếng phản đối việc cả Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, cảnh báo về “những hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng”.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã từ bỏ việc phản đối Stockholm trở thành thành viên NATO để đổi lấy cơ hội gia nhập Liên minh Âu Châu của Thổ Nhĩ Kỳ được hồi sinh, đánh dấu bước tiếp theo đối với việc gia nhập liên minh quân sự của Thụy Điển.

Frederik Mertens, một nhà phân tích chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague nói với Newsweek, NATO sẽ có nhiều khả năng thống trị Biển Baltic hơn không chỉ trên và dưới mặt nước mà còn thông qua sức mạnh không quân. “Trong lĩnh vực này, NATO đã có lợi thế áp đảo,” ông nói và cho biết thêm: “Hạm đội Baltic của Nga đang gặp một vấn đề nghiêm trọng”.

Ông lập luận rằng đối mặt với sức mạnh không quân của NATO, được hỗ trợ bởi Thụy Điển, các tàu nổi của Nga sẽ cần phải dựa vào hệ thống phòng không trên mặt đất.

Không chỉ vậy, khả năng của NATO trong việc kiểm soát môi trường ở Biển Baltic có nghĩa là “hầu như không có một vị trí nào trên biển Baltic mà một tàu nổi của Nga có thể tránh được một cuộc tấn công sắp xảy ra trước một hỏa tiễn lướt biển tiên tiến,” Mertens nói.

Theo Dmitry Gorenburg, một nhà khoa học nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Phân tích Hải quân, một khi Thụy Điển là thành viên, Stockholm sẽ được tích hợp chặt chẽ hơn vào NATO theo nhiều cách, bao gồm thông qua chia sẻ thông tin và tình báo. Ông nói với Newsweek rằng Nga có thể sẽ lo ngại rằng quân đội nước ngoài, đặc biệt là lính Mỹ, có thể đặt các căn cứ của NATO ở nước này.

Mertens cho biết thêm, bản thân Thụy Điển cũng mang đến lực lượng đáng kể của riêng mình cho liên minh, đặc biệt là thông qua hạm đội tàu ngầm. Hải quân Thụy Điển “sẽ mang lại một lượng lớn khả năng hoạt động trên mặt nước cho chúng tôi ở Biển Baltic,” Tướng Christopher Cavoli, nhà lãnh đạo lực lượng Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu, nói với các nhà lập pháp vào tháng 5 năm 2022. “Họ cũng có khả năng hoạt động dưới nước cũng sẽ giúp ích cho chúng tôi,” Cavoli nói.

Nhưng các nước NATO cũng có thể sử dụng thủy lôi để bao vây các tàu của Nga và sẽ là vũ khí chính chống lại Mạc Tư Khoa trong khu vực trong trường hợp xảy ra xung đột. Theo Mertens, khả năng của Nga trong việc ngăn chặn hoặc kiểm soát cách thức các lực lượng NATO triển khai các nguồn lực ở Baltic, cũng như các lực lượng trên bộ và không quân của Mạc Tư Khoa trong khu vực, có lẽ đang bị đe dọa nhiều hơn so với hạm đội Baltic.

Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna gần đây nói với Newsweek rằng ông không thể “thấy bất kỳ lập luận nghiêm túc nào chống lại tư cách thành viên NATO của Thụy Điển,” nói thêm rằng “điều rất quan trọng về mặt chính trị là bạn có các nước láng giềng lớn như Phần Lan và Thụy Điển, và hùng mạnh như họ trong cùng một liên minh.”

Ông nói: “Điều cực kỳ quan trọng là Biển Baltic hiện là 'cái hồ của NATO'. Tsakhna nói: “Tất cả những ai hiểu bất cứ điều gì về quốc phòng đều hiểu rằng điều này đang thay đổi rất nhiều về mặt chiến lược.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.

4. Ngoại trưởng Nga tuyên bố Ukraine nhận F-16 sẽ là mối đe dọa trong “lĩnh vực hạt nhân”

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Mạc Tư Khoa sẽ coi bất kỳ chiến đấu cơ F-16 nào do các đồng minh NATO cung cấp cho Kyiv là “mối đe dọa của phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân”.

“Chúng tôi đã thông báo với các cường quốc hạt nhân - Mỹ, Anh và Pháp - rằng Nga không thể bỏ qua khả năng mang vũ khí hạt nhân của những chiếc máy bay này”, ông Lavrov nói.

“Quân đội của chúng tôi không thể biết liệu từng chiếc máy bay riêng lẻ loại này có được trang bị để vận chuyển vũ khí hạt nhân hay không. Việc loại hệ thống này xuất hiện trong Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ bị chúng tôi coi là mối đe dọa của phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân”.

Cho đến nay, không có chính phủ nào cam kết cung cấp cho Ukraine máy bay do Mỹ sản xuất. Nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Tư sau cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte rằng hai quốc gia đã “đồng ý bắt đầu đào tạo phi công vào tháng 8”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết hôm thứ Năm rằng sẽ mất “nhiều tháng” trước khi Ukraine có khả năng triển khai F-16, lưu ý rằng bên cạnh việc đào tạo phi công, khả năng bảo trì phải được thực hiện và các sân bay phải được nâng cấp để tiếp nhận máy bay.

Một số bối cảnh: F-16 là máy bay đa năng và có thể được cấu hình để mang vũ khí hạt nhân chiến thuật. Lực lượng không quân Hoa Kỳ, Bỉ và Hà Lan có F-16 với nhiệm vụ đó, hai quốc gia sau được giao nhiệm vụ mang vũ khí hạt nhân từ kho vũ khí của Hoa Kỳ ở Âu Châu, theo Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử. Nhưng bất kỳ chiếc F-16 nào có thể được chuyển giao cho Ukraine sẽ không có khả năng hạt nhân, Hans Kristensen, giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, nói với Business Insider vào tháng trước.

5. Tổng thống Biden đảo ngược lập trường về triển vọng Putin sử dụng vũ khí hạt nhân

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Biden Reverses Stance on Prospect of Putin Using Nukes”, nghĩa là “Tổng thống Biden đảo ngược lập trường về triển vọng Putin sử dụng vũ khí hạt nhân.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm cho biết ông không tin rằng có nguy cơ thực sự về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine.

Tuyên bố của ông về chủ đề này theo sau những nhận xét trái ngược được đưa ra cách đây chưa đầy một tháng, khi ông nói rằng mối đe dọa về việc Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là “có thật”.

Những bình luận gần đây nhất của tổng thống về Nga và vũ khí hạt nhân diễn ra trong cuộc họp báo ở Helsinki với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö.

Một phóng viên đã hỏi Biden rằng liệu tình trạng bất ổn trong nước gần đây ở Nga - cụ thể là cuộc nổi dậy thất bại của Nhóm lính đánh thuê Wagner chống lại Mạc Tư Khoa vào tháng trước và việc một tướng Nga công bố thông điệp chỉ trích bộ quốc phòng của nước ông hôm thứ Tư - có làm dấy lên lo ngại về việc Putin “có khả năng hành động quyết liệt hơn không” bằng “những thứ khác” chẳng hạn như sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine hoặc can thiệp vào các cuộc bầu cử chính trị của Hoa Kỳ.

“Trước hết, họ đã can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ. Vì vậy, đó sẽ không phải là điều gì mới mẻ,” Biden nói.

“Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ triển vọng thực sự nào – mặc dù bạn không bao giờ biết được – về việc Putin sử dụng vũ khí hạt nhân,” ông tiếp tục. “Không chỉ phương Tây, mà cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đã nói: 'Đừng đi đến mức đó.'“

Newsweek đã liên hệ với Tòa Bạch Ốc qua email để bình luận.

Reuters trước đây đã đưa tin rằng Biden đã nói vào tháng trước rằng Putin sử dụng vũ khí hạt nhân là một khả năng.

Trong khi nói chuyện với một nhóm các nhà tài trợ ở California vào ngày 19 tháng 6, Biden được cho là đã gọi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus của Putin là “hoàn toàn vô trách nhiệm” trước khi ám chỉ rằng Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Khi tôi ra đây khoảng hai năm trước và nói rằng tôi lo lắng về việc sông Colorado sẽ cạn kiệt, mọi người nhìn tôi như thể tôi bị điên,” ông nói, theo Reuters. “Họ cũng nhìn tôi như thế khi tôi nói rằng tôi lo lắng về việc Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Nhưng đó là sự thật.”

Khi được hỏi về những bình luận gần đây của Biden, Jason Jay Smart - một cố vấn chính trị về chính trị quốc tế và thời hậu Xô Viết - nói với Newsweek rằng ông tin rằng “Putin có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu ông ấy cảm thấy đó là cách duy nhất để ngăn chặn sự sụp đổ của mình hoặc một sự kiện mà có thể kích hoạt sự kết thúc của mình.”

“Hãy nhớ rằng, Putin không hành động vì lợi ích tốt nhất của Nga: Ông ấy hành động vì lợi ích tốt nhất của Putin. Vì vậy, mặc dù việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây ra phản ứng gay gắt từ phương Tây, mối quan tâm thực sự duy nhất của Putin là nó sẽ ảnh hưởng đến ông ấy như thế nào,” Smart nói.

Ông nói thêm: “Có thể nói, hiện tại, dường như không có điều kiện nào có thể khiến Putin thử nghiệm kho vũ khí hạt nhân của mình”.

6. Một cuộc thăm dò dư luận sẽ được tổ chức để quyết định phải làm gì với phù hiệu Liên Xô bằng kim loại sắp bị dỡ bỏ khỏi tượng đài của Ki díp

Các cơ quan truyền thông Ukraine báo cáo rằng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Oleksandr Tkachenko, cho biết: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tiến hành một cuộc khảo sát về những việc cần làm với quốc huy của Liên Xô. Tôi nghĩ rằng sử dụng nó để bảo vệ đất nước của chúng ta là dễ dàng nhất. Nếu không có một cuộc khảo sát quy mô, thì ít nhất cũng phải tham khảo ý kiến của công chúng về việc phải làm gì với một lượng nhỏ kilôgam thép này của quốc huy Liên Xô”.

Bộ trưởng đã thông báo rằng biểu tượng Liên Xô sẽ được thay thế bằng quốc huy Ukraine trước ngày 24 tháng 8, là ngày độc lập của Ukraine.

7. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng phản ứng 'im lặng' của Nga trước thành quả của Hội Nghị Thượng Đỉnh NATO mâu thuẫn với thực tế của những thất bại

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's 'Muted' NATO Response Contradicts Reality of Setbacks: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng phản ứng 'im lặng' của Nga liên quan đến NATO mâu thuẫn với thực tế của những thất bại.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, phản ứng “im lặng” của Nga đối với những diễn biến ủng hộ Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO tuần này có thể có nghĩa là “Điện Cẩm Linh đã chôn kín trong lòng” những thất bại phải gánh chịu trong chiến tranh.

Các nhà lãnh đạo NATO “tái khẳng định Ukraine sẽ trở thành thành viên” của liên minh trong Hội Nghị Thượng Đỉnh ở Vilnius, Lithuania, tuần này. Mặc dù thời gian cụ thể cho việc gia nhập NATO của Ukraine không được công bố, nhưng Kyiv cũng đã nhận được một loạt cam kết viện trợ và hỗ trợ quân sự mới từ NATO và các đồng minh G7 trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày.

Một báo cáo của ISW được công bố hôm thứ Tư ghi nhận phản ứng yếu ớt đối với những diễn biến từ các quan chức Nga và các blogger quân sự thân Nga. Nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ cho rằng giọng điệu của các phản ứng có nghĩa là Mạc Tư Khoa muốn “tránh bị đắm chìm” trong những thất bại kể từ khi chiến tranh bắt đầu, đặc biệt là liên quan đến NATO.

ISW chỉ ra rằng một trong những vấn đề chính dẫn đến chiến tranh Nga-Ukraine là sự mở rộng về phía đông của NATO. Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Kyiv cam kết không bao giờ gia nhập liên minh trước khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2/2022.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Ukraine đã tiến gần hơn đến việc gia nhập NATO, trong khi nước láng giềng của Nga là Phần Lan đã trở thành thành viên mới của liên minh vào đầu năm nay và Thụy Điển đang trên đường gia nhập – đó là những diễn biến mà ISW cho biết là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nga đã thất bại trong mục tiêu đã đề ra là ngăn chặn sự mở rộng của NATO.

Báo cáo của ISW nêu rõ: “Phản ứng im lặng của Nga phủ nhận thực tế rằng hội nghị thượng đỉnh đã chứng minh mức độ mà cuộc xâm lược của Nga năm 2022 đã đẩy lùi các mục tiêu mà Điện Cẩm Linh đã tuyên bố khi họ phát động cuộc chiến”. “Mục đích ngăn chặn sự mở rộng của NATO và đẩy lùi NATO ra xa biên giới Nga là một trong những yêu cầu đã nêu của Điện Cẩm Linh trước cuộc xâm lược.”

“Việc không có sự phản đối chung trong không gian thông tin của Nga liên quan đến các diễn biến tại hội nghị thượng đỉnh NATO, cũng như việc Phần Lan gia nhập NATO và thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ về việc chuyển tiếp giao thức gia nhập của Thụy Điển, có thể cho thấy rằng Điện Cẩm Linh đã chôn kín trong lòng những thất bại này và muốn tránh chìm đắm trong chúng.”

Báo cáo của ISW nói tiếp rằng các nguồn tin của Nga đang “đưa tin về hội nghị thượng đỉnh NATO một cách thờ ơ và im lặng không tương xứng với thất bại rộng lớn hơn mà hội nghị thượng đỉnh thực sự đại diện cho các mục tiêu trước chiến tranh của Nga”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận vào thứ Tư.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đưa ra phản ứng với hội nghị thượng đỉnh ngay sau khi nó kết thúc hôm thứ Tư. Bộ Ngoại Giao Nga đưa ra một tuyên bố lập luận rằng NATO “cuối cùng đã quay trở lại các kế hoạch thời Chiến tranh Lạnh” và thề sẽ “tiếp tục củng cố” quân đội của Nga để đáp trả.

“NATO tiếp tục chính sách bành trướng đầy khiêu khích của mình,” tuyên bố viết. “Kết quả của hội nghị thượng đỉnh Vilnius sẽ được phân tích cẩn thận. Có tính đến những thách thức và mối đe dọa đã được xác định đối với an ninh và lợi ích của Nga, chúng tôi sẽ phản ứng kịp thời và phù hợp bằng mọi phương tiện và phương pháp mà chúng tôi có”.

8. Cựu giám đốc CIA nói rằng Putin 'Làm cho NATO vĩ đại trở lại'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin 'Made NATO Great Again': Former CIA Chief”, nghĩa là “Cựu giám đốc CIA nói rằng Putin 'Làm cho NATO vĩ đại trở lại'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo cựu Giám đốc CIA David Petraeus, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine đã “làm cho NATO vĩ đại trở lại”.

Trước khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Putin yêu cầu Kyiv cam kết không bao giờ gia nhập NATO, đồng thời cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến việc mở rộng liên minh. Tổng thống Nga cho đến nay đã thất bại một cách ngoạn mục trong việc đạt được các mục tiêu chống NATO của mình.

Nước láng giềng của Nga là Phần Lan đã gia nhập NATO trong năm nay và Thụy Điển đang trên tiến trình này. Ukraine cũng đang tiến gần hơn bao giờ hết tới việc gia nhập liên minh này, sau khi đã nhận được sự bảo đảm về tư cách thành viên trong tương lai tại hội nghị thượng đỉnh NATO tuần này ở Lithuania.

Petraeus, người từng có thời gian ngắn làm giám đốc CIA dưới chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama sau một thời gian dài phục vụ trong Quân đội, cho rằng Putin “phủ nhận” tình hình thực tế trong cuộc phỏng vấn với Jake Tapper của CNN hôm thứ Năm.

Tapper yêu cầu Petraeus thử cân nhắc vấn đề trong tư cách một Giám đốc CIA xem những gì có thể đã “đi qua tâm trí của Putin” sau khi nghe tin Tổng thống Joe Biden nói rằng Putin “đã thua” trong cuộc chiến ở Ukraine trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö diễn ra trước đó trong ngày.

“Tất nhiên, Putin vẫn phủ nhận,” Petraeus nói. “Ông ấy vẫn chưa nhìn vào gương và thấy một nhà lãnh đạo đã đưa ra một quyết định tồi tệ thảm khốc cho đất nước của mình – ông ấy đã không làm cho nước Nga vĩ đại trở lại nhưng thực sự đã làm cho NATO vĩ đại trở lại.”

“Và, tất nhiên, bây giờ chúng ta sẽ chứng kiến một thành viên khác của NATO tham gia—đó là Thụy Điển và trước đó là Phần Lan, đã tham gia do cuộc xâm lược của Nga”

Petraeus nói tiếp rằng ý nghĩ về việc Nga không thể chiến thắng Ukraine và các đồng minh của họ có lẽ “đã len lỏi vào” tâm trí của Putin, khi ông lưu ý đến thương vong “kinh hoàng” của Nga ở Ukraine, các vấn đề cấp tổ chức trong quân đội và căng thẳng đối với nền kinh tế ở Nga.

“Đây không phải là những dấu hiệu đáng mừng nếu bạn đang giám sát hoạt động này từ điện Cẩm Linh.

Newsweek đã đưa ra bình luận cho Đại sứ quán Nga ở Washington, DC, qua email vào thứ Năm.

Văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã phản ứng với những diễn biến tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngay sau khi nó kết thúc vào thứ Tư, nói trong một tuyên bố rằng “chính sách mở rộng khiêu khích” của liên minh sẽ bị đáp trả “một cách kịp thời và thích hợp bằng mọi phương tiện và phương pháp theo ý của chúng tôi.”

Putin nói rằng việc Ukraine trở thành một quốc gia thành viên NATO “sẽ không tăng cường an ninh cho Ukraine và nó sẽ khiến thế giới nói chung dễ bị tổn thương hơn và dẫn đến căng thẳng thêm trên trường quốc tế” trong một bình luận trên truyền hình nhà nước Nga hôm thứ Năm, theo tờ Financial Times.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết trong một báo cáo được công bố vào tối thứ Tư rằng phản ứng “im lặng” của Nga đối với những diễn biến ủng hộ Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO có thể chỉ ra rằng “Điện Cẩm Linh đã chôn kín trong lòng”, nói cách khác, đã tìm cách che dấu các thất bại phải chịu trong chiến tranh.

ISW cho biết: “Đẩy lùi NATO khỏi biên giới Nga là một trong những yêu cầu đã nêu của Điện Cẩm Linh trước cuộc xâm lược. Việc không có sự phản đối kịch liệt trong không gian thông tin của Nga có khả năng cho thấy rằng Điện Cẩm Linh đã nội bộ hóa những thất bại này và muốn tránh chìm đắm trong các thất bại đó.”

9. Nga báo cáo hàng loạt các vụ tấn công xuyên biên giới

Roman Starovoit, nhà lãnh đạo khu vực Kursk ở Nga, đã báo cáo rằng một máy bay không người lái của Ukraine đã rơi xuống thành phố Kurchatov.

Ông ta nói rằng không có thương tích nào, và “các cơ sở hạ tầng quan trọng không bị hư hại”. Ông đã báo cáo thiệt hại một phần cho một tòa nhà chung cư.

Nổ xe ở thành phố Belgorod, 3 người bị thương. Một vụ nổ xe hơi đã làm ba người bị thương tại một khu dân cư ở thành phố Belgorod của Nga.

Thống đốc Vyacheslav Gladkov cho biết như sau: Thật không may, có ba nạn nhân: một người đàn ông ngồi trong xe vào thời điểm xảy ra vụ nổ, và hai người chứng kiến – một bà mẹ có con nhỏ. Tất cả các nạn nhân đã được đưa đến bệnh viện thành phố với những vết thương do mảnh đạn ở chi dưới. Các bác sĩ đánh giá tình trạng của họ ở mức trung bình.

Gladkov nhấn mạnh rằng tình hình đã được kiểm soát, và cho biết: “Không có mối đe dọa nào đối với cư dân của những ngôi nhà, và căn hộ lân cận. Dịch vụ khẩn cấp đang ở hiện trường. Cơ quan điều tra đang tiến hành mọi biện pháp để làm rõ nguyên nhân vụ việc”.

Hãng thông tấn Interfax đưa tin rằng ba máy bay không người lái của Ukrainein đã bị chặn ở vùng Voronezh.

Thống đốc Alexander Gusev của Voronezh cho biết “Hôm qua, cách Voronezh vài km, các hệ thống phòng không đã phát hiện, và tiêu diệt ba máy bay không người lái. Không có nạn nhân, không có thương tích, không có thiệt hại.”

Voronezh nằm ở phía đông của vùng Kharkiv ở Ukraine. Các tuyên bố đã không được xác minh độc lập.

10. Tướng Nga bị sa thải nên được tiếp tục phục vụ trong quân đội, ủy ban quốc phòng nói

Thiếu tướng Ivan Popov, cựu chỉ huy của Tập Đoàn Quân 58, người đã bị sa thải sau khi chỉ trích quân đội Nga, là một “tướng quân đầy triển vọng” và “nên phục vụ trong quân đội”, nhà lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Năm.

Khi được hỏi về khả năng tái bổ nhiệm của Popov, Andrey Kartapolov, cựu chỉ huy của Tập đoàn quân 58, nói với các nhà báo hôm thứ Năm rằng hãy chờ đợi những diễn biến tiếp theo.

Trước đó, ông Kartapolov bày tỏ tin tưởng Bộ Quốc phòng Nga sẽ giải quyết các vấn đề mà ông Popov nêu ra, cho rằng khả năng lãnh đạo hiệu quả liên quan đến việc nhìn nhận vấn đề và lắng nghe cấp dưới.

Các nhà phân tích nói rằng việc sa thải công khai một sĩ quan cao cấp như vậy trong một cuộc tranh cãi công khai về việc tiến hành chiến dịch của Nga là chưa từng có, càng làm tăng thêm tầm mức nghiêm trọng của tình hình.

Thiếu Tướng Ivan Popov cho rằng Trung Tướng Oleg Tsokov và hàng chục sĩ quan cấp tá lẽ ra vẫn còn sống. Trung Tướng Oleg Tsokov là Tư lệnh Phó Quân khu phía Nam và đang là Tư Lệnh Tập Đoàn Quân 20 đã phải kiêm nhiệm Tập Đoàn Quân 58 sau khi Popov bị Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cách chức và sa thải khỏi quân đội.

Trung Tướng Oleg Tsokov đã tập hợp các sĩ quan sư đoàn và trung đoàn tại Khách sạn Dune tại khu nghỉ mát biển Azov Berdiansk. Một quả hỏa tiễn Storm Shadow đã được không quân Ukraine phóng vào. Theo các cư dân địa phương báo cáo, khách sạn bị san thành bình địa và có lẽ không còn ai sống sót. Việc dọn dẹp và lôi ra các thi thể bị chôn vùi cho đến nay vẫn chưa xong.

Các cáo buộc của Thiếu Tướng Ivan Popov tuy nghiêm trọng, nhưng các quan sát viên cảnh giác rằng chuyện này không thể gây khó khăn cho Putin, không thể so sánh với cuộc binh biến của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin. Putin đơn giản là phục chức cho Thiếu Tướng Ivan Popov là hết chuyện.

11. Giám đốc hạt nhân Nga phủ nhận tuyên bố Mạc Tư Khoa âm mưu cho nổ tung nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Nhà lãnh đạo cơ quan hạt nhân của Nga đã bác bỏ những khẳng định của Ukraine rằng Mạc Tư Khoa đã âm mưu cho nổ tung một nhà máy điện hạt nhân mà Nga đang kiểm soát, nói rằng không có bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố này và rằng chỉ có “một thằng ngốc hoàn toàn” mới làm điều liều lĩnh như vậy, Reuters đưa tin.

Kyiv đã nhiều lần nói rằng các lực lượng Nga đã lên kế hoạch cho nổ tung nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói rằng các lực lượng Nga đã gài mìn trên mái nhà của một số lò phản ứng tại nhà máy lớn nhất Âu Châu mà họ đã chiếm giữ ngay sau khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, cho biết hôm thứ Tư rằng họ không thấy bất kỳ quả mìn hay chất nổ nào trong quá trình kiểm tra nhà máy, mặc dù họ cho biết họ đang chờ tiếp cận mái nhà của các lò phản ứng số 3 và số 4.

Alexei Likhachev, tổng giám đốc tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga, Rosatom, nói với đài truyền hình nhà nước, trích dẫn các quan sát của IAEA: “Những kẻ muốn dàn xếp một số hành động khiêu khích ở đó đã bị vạch trần.”

Ông nói rằng những tuyên bố của Ukraine về ý định được cho là của Nga tại nhà máy là một phần của cuộc chiến thông tin chống lại Mạc Tư Khoa.

“Bạn phải hoàn toàn là một thằng ngốc mới có thể cho nổ tung một nhà máy điện hạt nhân nơi có 3500 người làm việc, trong đó có một số lượng rất lớn người dân từ khắp nước Nga,” Likhachev nói.

Likhachev cho biết tình báo Nga và thông tin từ các tù nhân Ukraine bị bắt cho thấy Ukraine trên thực tế đã có kế hoạch tấn công nhà máy điện hạt nhân trong khi liên tục đổ lỗi cho Nga về vụ tấn công.

Reuters đã không thể xác minh tuyên bố của cả hai bên. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau đe dọa sự an toàn của nhà máy.

IAEA đã nhiều lần nói rằng nhà máy này không nên được sử dụng để cất giữ hoặc làm căn cứ cho vũ khí hạng nặng. Nó cũng cho biết nhà máy có đủ nước - được sử dụng để làm mát các lò phản ứng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng - trong vài tháng mặc dù đập Nova Kakhovka gần đó đã bị phá hủy.
 
Tai họa: Nổ nhà máy hạt nhân Nga. Kremlin tung ảnh nóng của Prigozhin để hạ nhục. Kyiv sắp có ATACM
VietCatholic Media
18:26 15/07/2023


1. Nga công bố một bức ảnh cũ của Prigozhin để làm nhục anh ta giữa các tin đồn cho rằng trùm Wagner đã qua đời

Hai ký giả Nick Parker và Taryn Pedler của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “VLAD TO SEE YOU Russia publishes ‘first pic’ of Wagner boss Prigozhin since coup in his PANTS amid rumours Putin’s enemy is dead”, nghĩa là “Putin sẽ gặp anh. Nga công bố bức ảnh đầu tiên của trùm Wagner Prigozhin kể từ cuộc binh biến chỉ mặc quần đùi giữa các tin đồn cho rằng anh ta đã chết.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thủ lĩnh phiến quân NGA Yevgeny Prigozhin ngày hôm qua còn bị sỉ nhục nhiều hơn khi những bức ảnh chụp anh ta chỉ mặc quần đùi bị rò rỉ.

Vladimir Putin được cho là đã chủ mưu một chiến dịch nhằm sỉ nhục ông chủ Wagner - người đã hành quân đến trong vòng 120 dặm từ Mạc Tư Khoa trong một cuộc đảo chính bị hủy bỏ.

Chiến dịch này bắt đầu vào tuần trước khi các bức ảnh cho thấy lãnh chúa hói đầu và thường xuyên tức giận đội một loạt tóc giả, đeo kính gọng dày và để râu giả sau khi nhà của anh ta bị lục soát.

Nhưng một bức ảnh khác xuất hiện trên mạng ngày hôm qua cho thấy người đàn ông 62 tuổi mặc quần đùi ngồi trên chiếc giường trại tồi tàn - khi có tin đồn rằng ông đã bị bỏ tù hoặc bị giết.

Prigozhin được nhìn thấy đang mặc một chiếc áo thun trắng và một số thứ khác khi anh ta giơ tay về phía nhiếp ảnh gia trong bức ảnh - điều này dường như đã được lan truyền để phá vỡ hình ảnh người đàn ông cứng rắn của anh ta và làm cho có vẻ như anh ta vẫn còn sống và khỏe mạnh.

Nhưng những nghi ngờ xung quanh ngày chính xác khi bức ảnh được chụp đã xuất hiện trên mạng sau khi Noel Reports viết rằng “Siêu dữ liệu từ bức ảnh gốc cho biết bức ảnh này được chụp vào sáng sớm ngày 12 tháng 6”, tức là trước cuộc binh biến gần nửa tháng.

Vladimir Putin hôm qua đã kể về việc ông đã bị thách thức như thế nào trong cuộc gặp đối đầu với lãnh chúa phiến quân Yevgeny Prigozhin - người mà các chuyên gia hiện tin rằng chúng ta “sẽ không bao giờ gặp lại”.

Putin suy yếu đã đề nghị với 35 chỉ huy quân đội Wagner của Prigozhin một thỏa thuận để tiếp tục chiến đấu dưới quyền của một chỉ huy khác.

Nhưng Prigozhin đã dám từ chối lời đề nghị khiến Putin tuyên bố: “Wagner không tồn tại”.

Và không có dấu vết nào của chỉ huy quân đội đầu hói bị kết án kể từ đó - giữa các báo cáo rằng anh ta có thể đã chết hoặc đang ở trong tù.

Putin đã kể lại chi tiết cuộc gặp - được cho là xảy ra năm ngày sau cuộc nổi dậy kéo dài 36 giờ vào tháng trước - với các phóng viên báo chí hôm qua.

Putin nói rằng ông ta đã đưa ra một số lời đề nghị - bao gồm cả việc cho các chiến binh cơ hội chiến đấu cùng nhau dưới quyền của chỉ huy Wagner, Andrei Trochev, thường được gọi là “Tóc xám”.

Putin nói với nhật báo Kommersant của Nga: “Tất cả bọn họ lẽ ra có thể tập trung ở một nơi và tiếp tục phục vụ và sẽ không có gì thay đổi.

“Họ sẽ được dẫn dắt bởi cùng một người đã từng là chỉ huy thực sự của họ trong suốt thời gian đó. Nhiều người trong số họ gật đầu khi tôi nói điều này.

“Prigozhin nói sau khi nghe: 'Không, các chàng trai sẽ không đồng ý với quyết định như vậy'.”

Putin nói thêm: “Wagner không tồn tại. Không có luật về các tổ chức quân sự tư nhân. Nó không tồn tại.”

Những nhà lãnh đạo Ngũ Giác Đài của Mỹ giờ đây tin rằng lực lượng Wagner giờ đây không còn tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine - giáng một đòn nặng nề vào chiến dịch đang sụp đổ của Putin.

Prigozhin, 62 tuổi, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ sau cuộc binh biến kéo dài 36 giờ của ông kết thúc vào ngày 24 tháng Sáu.

Tướng về hưu Robert Abrams, người trước đây từng là Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, cho biết: “Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ bị làm cho mất tích hoặc bị đưa vào tù hoặc bị giải quyết theo một cách nào đó, nhưng tôi nghi ngờ rằng chúng ta sẽ không bao giờ gặp được ông ấy nữa.”

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng anh ta còn sống hay không, Tướng Abrams nói thêm: “Cá nhân tôi không nghĩ rằng anh ta còn sống, và nếu có thì anh ta đang ở trong một nhà tù nào đó”.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã châm biếm rằng thủ lĩnh lính đánh thuê có thể bị đầu độc khi các giả thuyết xoay quanh số phận của ông ta.

Biden nói: “Nếu tôi là anh ta, tôi sẽ cẩn thận với những gì mình ăn. Tôi sẽ để mắt đến thực đơn của mình.”

“Anh ta phải gạt tất cả những trò đùa sang một bên, ai biết được chuyện gì sẽ đến? Tôi không biết. Tôi không nghĩ rằng bất kỳ ai trong chúng ta biết chắc tương lai của Prigozhin ở Nga sẽ ra sao.”

Prigozhin, người bạn cũ đầy quyền lực của Putin đã biến mất sau nhiều tháng dùng những lời tục tĩu thô tục nhắm vào các chỉ huy hàng đầu của Nga ở Ukraine trong chiến dịch thảm khốc của họ.

Những người trong điện Cẩm Linh kể từ đó tuyên bố ông đã trải qua “nhiều năm điều trị tích cực” vì bệnh ung thư dạ dày và “không còn gì để mất” khi thực hiện cuộc đảo chính.

2. Tổng thống Hàn Quốc, Doãn Tích Duyệt đã đến thăm Ukraine lần đầu tiên vào hôm thứ Bảy để hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn từ văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết.

Chuyến đi bất ngờ diễn ra sau khi ông Yoon tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Lithuania và thăm Ba Lan trong tuần này, nơi ông bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine và tìm cách hỗ trợ cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược của Nga, Reuters đưa tin.

Là một đồng minh của Hoa Kỳ và là nhà xuất khẩu vũ khí đang lên, Hàn Quốc phải đối mặt với áp lực mới phải cung cấp vũ khí cho Ukraine, điều mà chính quyền của Tổng thống Doãn đã phản đối chỉ muốn ủng hộ viện trợ nhân đạo và tài chính, vì cảnh giác với ảnh hưởng của Nga đối với Triều Tiên.

Tổng thống Doãn và đệ nhất phu nhân Kim Kiến Hi đã đến Ukraine từ Ba Lan, theo thư ký cấp cao của tổng thống về các vấn đề báo chí.

“Tổng thống Doãn đã đến thăm địa điểm xảy ra các vụ giết người hàng loạt ở Bucha, gần Kyiv, trước khi đến thăm Irpin, một khu dân cư dân sự từng là mục tiêu của các cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn,”

3. Tai nạn nổ nhà máy hạt nhân Novouralsk của Nga gây âu lo cho thế giới khi người Nga vội vã đến bệnh viện

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Novouralsk Nuclear Plant Blast—What We Know as Russians Rushed to Hospital”, nghĩa là “Vụ nổ nhà máy hạt nhân Novouralsk—Những gì chúng ta biết khi người Nga vội vã đến bệnh viện.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hơn 100 người đã phải nhập viện và một người thiệt mạng sau vụ nổ tại nhà máy làm giàu uranium ở vùng Urals của Nga – là nhà máy lớn nhất thế giới thuộc loại này - theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương.

Tập đoàn hạt nhân nhà nước của Nga, Rosatom, công ty sở hữu tổ hợp điện hóa Ural ở Novouralsk, cho biết một xi lanh chứa uranium hexaflorua đã cạn kiệt đã bị “giảm áp suất” vào khoảng 9 giờ sáng giờ địa phương ngày thứ Sáu 14 Tháng Bẩy.

Các phương tiện truyền thông Nga thường sử dụng cách nói uyển chuyển như “tiếng nổ lớn” hoặc “giảm áp suất” thay vì “vụ nổ”, được cho là để tránh gây hoang mang và duy trì bối cảnh thông tin thuận lợi.

Hơn 100 người đã phải nhập viện và một người thiệt mạng sau vụ nổ tại tổ hợp điện hóa Ural ở Novouralsk, thuộc Nga.

Trong một tuyên bố, Rosatom bảo đảm rằng sự việc đã “được khoanh vùng nhanh chóng”, rằng không có rủi ro đối với những người sống gần đó và bức xạ nền tại nhà máy “tương ứng với các giá trị tự nhiên”.

Cơ quan truyền thông địa phương E1 đã báo cáo rằng xi lanh đã bị rơi. Người dân địa phương được cho là đã được yêu cầu ở nhà, trong khi Vyacheslav Tyumentsev, nhà lãnh đạo Novouralsk, yêu cầu người dân không hoảng sợ và cho biết tình hình “đang được kiểm soát”.

Một người, một “kỹ thuật viên bảo trì thiết bị chuyên dụng” 65 tuổi, đã thiệt mạng trong “sự việc bi thảm” tại nhà máy, Rosatom nói với Newsweek trong một tuyên bố.

“Tổng Giám đốc Nhà máy Điện hóa Ural, Alexander Dudin, cùng với toàn bộ tập thể nhà máy và Tập đoàn Nhà nước 'Rosatom', bày tỏ lời chia buồn chân thành tới gia đình và những người thân yêu của những người đã khuất vì sự mất mát to lớn của họ,” thông cáo viết.

Hơn 100 công nhân của nhà máy đã được đưa đến bệnh viện gần đó để kiểm tra và có khả năng không bị thương, theo hãng tin E1 của Nga, đồng thời cho biết thêm rằng các bác sĩ đang trong kỳ nghỉ và không làm việc đã được gọi đến “khẩn cấp”.

Rosatom cho biết những công nhân khác có mặt vào thời điểm xảy ra vụ việc “đã được kiểm tra y tế tại Bệnh viện Lâm sàng Trung ương số 31 của Cơ quan Y-Sinh học Liên bang Nga ở Novouralsk”.

“Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi báo cáo rằng hầu hết các công nhân đã được xuất viện sau khi trải qua các quy trình khử nhiễm, tính mạng và sức khỏe của họ không gặp nguy hiểm”, tuyên bố cho biết.

Rosatom cho biết họ đã thành lập một “ủy ban chuyên trách” để tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ việc. “Ưu tiên của chúng tôi là xác định nguyên nhân gốc rễ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ để loại bỏ bất kỳ cơ hội tái diễn nào,” nó nói.

Tổ hợp điện hóa Urals cho biết họ làm giàu uranium để sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân và là tổ hợp lớn nhất thuộc loại này trên thế giới.

Uranium Hexaflorua đã cạn kiệt là gì?

Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, uranium hexaflorua cạn kiệt được tạo ra trong quá trình làm giàu uranium, chứa 0,2% đến 0,4% đồng vị hiếm uranium-235 và thường được lưu trữ dưới dạng chất rắn trong các bình thép.

Rosatom cho biết trong tuyên bố của mình với Newsweek rằng uranium hexaflorua cạn kiệt “ít phóng xạ hơn 1,7 lần so với uranium tự nhiên và không gây ra mối đe dọa nào đối với sức khỏe con người”.

Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Hoa Kỳ, gọi tắt là URNC, lưu ý rằng khi DUF6 tiếp xúc với độ ẩm trong không khí, nó sẽ phản ứng tạo thành khí uranyl florua và hydro florua, là một loại axit ăn mòn có thể “rất nguy hiểm nếu hít phải”.

URNC lưu ý: “Uranium là một kim loại nặng có thể gây độc cho thận khi được đưa vào cơ thể.

Nhà máy nằm ở đâu?

Tổ hợp Điện hóa Ural nằm ở Novouralsk thuộc vùng Sverdlovsk của Nga—cách Mạc Tư Khoa khoảng 1.800 km.

Nó đã hoạt động từ năm 1945 và là nhà máy làm giàu uranium lớn nhất thế giới. Nó sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy điện hạt nhân và giải quyết nhiên liệu đã qua sử dụng.

Trong thời kỳ Xô Viết, Novouralsk là một trong số hàng chục thị trấn và thành phố bị đóng cửa của Nga, công chúng không được đến gần do họ tham gia vào nghiên cứu vũ khí và người dân chỉ có thể tiếp cận nếu họ có việc làm ở đó hoặc nếu là người thân của cư dân có thẻ ra vào thường xuyên.

Vào thời điểm đó, phần còn lại của thế giới không biết tên và vị trí của các thị trấn hoặc thành phố, và cư dân của những thị trấn bị đóng cửa này phải ký vào các văn bản nói rằng họ sẽ không tiết lộ thông tin này.

Các cơ sở này được chính phủ Liên Xô đặt tên dựa trên các thành phố mà chúng ở gần. Novouralsk, trước đây gọi là Sverdlovsk-44, được đổi tên vào năm 1954 và được giữ bí mật cho đến năm 1994.

4. Trợ lý của Zelenskiy nói rằng Mỹ đang tiến rất gần đến quyết định cung cấp hỏa tiễn dẫn đường cho Ukraine.

Một trong những trợ lý cấp cao nhất của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bày tỏ sự lạc quan rằng Kyiv có thể sớm nhận được Hệ thống Hỏa tiễn Chiến thuật Lục quân, gọi tắt là ATACM, vào kho vũ khí của mình. Hỏa tiễn dẫn đường do Mỹ sản xuất có tầm bắn lên tới 300 km.

Andriy Yermak nói với các nhà báo ở Kyiv rằng ông tin rằng chính quyền Biden “rất gần” với việc đưa ra quyết định phê chuẩn việc chuyển giao hỏa tiễn cho Ukraine, mặc dù ông nhấn mạnh rằng quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.

Các nhà lãnh đạo Ukraine đã đưa ra ATACM gần như hàng đầu trong danh sách mong muốn của họ kể từ những tháng đầu của cuộc chiến. Tầm bắn xa hơn của hỏa tiễn sẽ đưa nhiều mục tiêu của Nga vào tầm ngắm hơn, bao gồm một số mục tiêu ở Crimea bị tạm chiếm, cũng như ở chính nước Nga, một thực tế khiến Mỹ lo lắng.

Trọng điểm trong số các mục tiêu của Nga mà Ukraine đang tìm cách tấn công là các bãi chứa đạn dược và kho nhiên liệu, các căn cứ không quân, cũng như các tòa nhà có binh lính Nga ở xa phía sau tiền tuyến.

Trong những tháng gần đây, Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công này trong giai đoạn được mô tả là các hoạt động định hình, nhằm phá vỡ và làm suy yếu các tuyến tiếp tế của đối phương trước các cuộc tấn công trên bộ. Các báo cáo cho thấy Ukraine đã bắt đầu sử dụng hiệu quả các hỏa tiễn Storm Shadow, được Anh tặng vào tháng 5 và có tầm bắn khoảng 250 km. Khác biệt cơ bản của ATACM và Storm Shadow không chỉ đơn giản là tầm bắn xa hơn. Storm Shadow phải được phóng từ trên máy bay. ATACM phóng từ các bệ phóng gắn trên xe, nghĩa là linh hoạt hơn.

Bình luận của Yermak được đưa ra sau một bài báo trên The New York Times mô tả một “cuộc tranh luận thầm lặng” bên trong chính quyền Biden về việc có nên gửi hỏa tiễn tới Ukraine hay không, qua đó đảo ngược quan điểm của Hoa Kỳ rằng Ukraine không cần chúng.

5. Cựu Tướng Hoa Kỳ cho rằng Ukraine có thể giải phóng Crimea vào cuối mùa hè

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Could Free Crimea by End of Summer: Ex-U.S. General”, nghĩa là “Cựu Tướng Hoa Kỳ cho rằng Ukraine có thể giải phóng Crimea vào cuối mùa hè.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Quân đội Ukraine - nếu được hỗ trợ đầy đủ với viện trợ quân sự mở rộng của phương Tây - có thể chọc thủng phòng tuyến của Nga và tiến tới Bán đảo Crimea bị tạm chiếm vào cuối mùa hè, cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại Âu Châu Ben Hodges nói với Newsweek.

Giữa những lo ngại về tốc độ chậm và tổn thất ngày càng tăng của cuộc phản công non trẻ của Ukraine ở phía nam và phía đông của đất nước được phát động vào đầu tháng 6, Hodges kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh cam kết của mình đối với chiến thắng của Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí tiên tiến như Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật Lục Quân MGM-140- thường được gọi là ATACMS – mà cho đến nay Biden đã từ chối Kyiv vì sợ kích động sự trả đũa của Nga.

“Lời cảnh báo chính của tôi vẫn là nếu Hoa Kỳ cung cấp những gì Ukraine cần, thì Ukraine thực sự vẫn có thể giải phóng Crimea vào cuối mùa hè này,” Hodges nói trong một cuộc phỏng vấn về tiến độ và triển vọng của nỗ lực được chờ đợi từ lâu của Ukraine.

Kyiv đã báo cáo tiến bộ đáng kể theo nhiều hướng kể từ khi chuyển sang các hoạt động tấn công vào đầu tháng này. Giao tranh ác liệt nhất cho đến nay là ở phía đông Donetsk xung quanh thành phố Bakhmut bị tàn phá và ở mặt trận phía nam Zaporizhzhia. Các trận chiến khác đang tiếp tục dọc theo giới tuyến dài 800 dặm, với các lực lượng Nga được cho là đang tấn công ở vùng đông bắc Luhansk.

Các quan chức Ukraine cho biết các cuộc tấn công thăm dò ban đầu liên quan đến cuộc giao tranh gian khổ nhưng hiệu quả khi quân đội Kyiv tiến vào các tuyến phòng thủ đã được chuẩn bị từ lâu của Nga. Trong khi đó, Mạc Tư Khoa đã nhiều lần tuyên bố đã đánh bại các cuộc phản công của Ukraine và nói rằng quân đội Ukraine đã phải chịu tổn thất lớn về nhân sự và thiết bị. Các nhà tuyên truyền Nga – và những người bị cáo buộc là “những kẻ ngốc hữu ích” của Nga ở phương Tây - đã khuếch đại những báo cáo như vậy.

Hodges cho biết còn quá sớm để đánh giá thành công hay thất bại trong cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine, mặc dù ông nhấn mạnh rằng ông vẫn lạc quan về triển vọng của Kyiv.

“Đây sẽ không phải là 'Pac Man'; Hodges nói, lưu ý rằng hầu hết các đội hình thiết giáp hạng nặng của Ukraine vẫn chưa tham gia chiến đấu. Tôi không chắc khi nào và ở đâu, nhưng đến một lúc nào đó, bạn vượt qua được những lớp phòng thủ này và khi đó toàn bộ động lực và bản chất của mọi thứ có thể thay đổi.”

“Nhưng để làm được điều đó, họ cần vũ khí chính xác tầm xa,” Hodges nói thêm, liệt kê ATACMS, máy bay không người lái Grey Eagle, “hoặc các hệ thống vũ khí khác có thể vươn xa hơn những gì họ có thể vươn tới ngay bây giờ.”

Hodges nói thêm: “Điều đó sẽ cho phép họ biến Crimea thành bất khả xâm phạm. Và đó là chìa khóa: khiến Hạm đội Hắc Hải phải rời khỏi Sevastopol, là điều sẽ xảy ra nếu Ukraine có thể bắn ATACMS vào bên trong bến cảng đó. Những con tàu đó không thể chỉ ngồi đó, tất cả cơ sở vật chất sẽ bị phá hủy. Căn cứ không quân ở Saki và các cơ sở khác cũng vậy.”

“Nếu Ukraine phải dàn xếp chấp nhận cho Nga giữ lại Crimea, vì áp lực từ phía chúng ta, hay vì một kết quả nào đó mà Nga có thể giữ lại Crimea, thì trong hai năm nữa, bạn và tôi sẽ có cùng một cuộc trò chuyện như hiện nay,” Tướng Hodges nói.

“Người Nga sẽ đợi chúng ta mất hứng thú. Họ sẽ có thể tiến hành các cuộc tấn công từ Crimea, Ukraine sẽ không bao giờ có thể xây dựng lại nền kinh tế của mình vì hải quân Nga sẽ phong tỏa Biển Azov cũng như Odesa và Mykolaiv,” ông nói. “Ukraine sẽ có một nền kinh tế như thế nào? Nó không tốt cho bất cứ ai ở Âu Châu.”

Tòa Bạch Ốc đã do dự trong việc cung cấp cho Kyiv các loại vũ khí tầm xa nhất, vì lo ngại rằng các cuộc tấn công của Ukraine sâu bên trong lãnh thổ Nga có thể kích động sự leo thang của điện Cẩm Linh, thậm chí có thể là một cuộc tấn công hạt nhân.

Một trong những vũ khí mong muốn nhất của Kyiv là ATACMS, hỏa tiễn có tầm bắn 190 dặm được bắn từ hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. ATACMS vượt xa bất kỳ hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt nào được cung cấp cho Ukraine cho đến nay và sẽ đưa các vị trí của Nga trên khắp Ukraine và Crimea bị tạm chiếm vào tầm ngắm của Kyiv.

Các quan chức chính quyền Biden đã tranh luận về nhu cầu của Ukraine đối với ATACMS, đồng thời cảnh báo rằng việc cung cấp đạn dược có thể làm leo thang xung đột và khiến lượng dự trữ ATACMS của chính Mỹ ở mức thấp một cách nguy hiểm.

Tuy nhiên, trong tháng này, Biden đã nói rằng triển vọng ATACMS dành cho Ukraine “vẫn đang diễn ra” và đặc phái viên của Kyiv tại Hoa Kỳ đã nói rằng giọng điệu của Tòa Bạch Ốc về vấn đề này đang thay đổi và không có trở ngại nào đối với việc cung cấp vũ khí cuối cùng. Nhưng khi cuộc tấn công liều lĩnh của Ukraine bắt đầu, Kyiv vẫn đang chờ đèn xanh.

“Tôi nghĩ chính quyền đã không trung thực,” Hodges nói về cuộc tranh luận ATACMS. “Họ không muốn làm điều đó, vì vậy họ liên tục viện cớ rằng chúng tôi không có đủ. Đó không phải sự thật. Chúng ta đang bán ATACMS cho Ba Lan. Ngành công nghiệp quốc phòng không phải là một tổ chức bác ái.”

Hoa Kỳ và các đồng minh NATO của họ đang gấp rút mở rộng khả năng sản xuất quân sự vốn đã suy yếu—đặc biệt là ở Âu Châu—trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, với những thập kỷ gần đây chủ yếu là các hoạt động can thiệp chống nổi dậy cường độ thấp ở nước ngoài. Nỗ lực này bao gồm việc mở rộng dây chuyền sản xuất ATACMS của Lockheed Martin tại Mỹ.

Nhưng Hodges cho biết sự do dự về việc gửi cho Ukraine vũ khí mạnh nhất của phương Tây nói lên một vấn đề chính trị.

Ông giải thích: “Ý chí chính trị được thể hiện dưới dạng tiền bạc, nhằm xây dựng và cung cấp năng lực. Bất cứ khi nào ai đó từ chính quyền nói, 'Chà, chúng tôi không có đủ ATACMS.' Tôi nói rằng, bạn nói đúng, chúng ta không có đủ, nhưng là vì bạn không yêu cầu ngành công nghiệp làm ra nhiều hơn.”

“Bất cứ khi nào tôi nghe ai đó từ chính quyền nói, 'Chà, họ không thực sự cần F-16'; Chuyên gia quân sự nào dám nói rằng họ không thực sự cần một chiếc máy bay phẩm chất cao để hỗ trợ một cuộc tấn công, với tất cả những chức năng khác nhau mà một chiếc F-16 có thể làm, cho dù đó là hỗ trợ mặt đất, ngăn chặn trên không hay để chống lại máy bay Nga?”

“Làm thế nào trên thế giới lại có một người có giáo dục quân sự hơn một tuần lại dám nghĩ rằng họ không cần ATACMS? Có người lại nói: 'Chà, xe tăng Abrams, nó đốt quá nhiều nhiên liệu' và thế này thế khác. Vậy thì tại sao chúng ta lại có Abrams nếu nó là một chiếc xe tăng khủng khiếp như vậy?”

Ukraine đã dần dần thuyết phục được các đối tác nước ngoài về nhu cầu sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của phương Tây, từ vũ khí chống tăng vác vai cho đến chiến đấu cơ. Tuy nhiên, các quan chức ở Kyiv đã tỏ ra thất vọng trước bước nhảy chính trị chậm chạp cần thiết trước khi mỗi hệ thống mới có thể được thông qua. Hodges cũng cho rằng phương Tây vẫn còn quá do dự.

“Thông báo rằng phải mất vài tháng nữa các phi công F-16 mới có thể sẵn sàng — tôi không hiểu điều này,” ông nói. “Tôi không hiểu tại sao chính quyền không thể nói rằng chúng tôi muốn Ukraine giành chiến thắng và chúng tôi sẽ giúp họ giành chiến thắng vì điều này tốt cho Hoa Kỳ, tốt cho Âu Châu, tốt cho tất cả chúng ta, cho tất cả những lý do mà chúng ta đã nói đến.”

“Nếu họ không thể hiểu rõ ràng về mục tiêu, thì kết quả là việc ra quyết định ngày càng gia chậm chạp. Và tôi nghĩ nếu nó không trung thực, thì đó là một chính sách không mạch lạc.”

Các mối đe dọa hạt nhân lặp đi lặp lại của Mạc Tư Khoa - vốn ngày càng ít bị che đậy hơn khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài và sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kyiv ngày càng mở rộng - vẫn còn lờ mờ trong cuộc đối thoại rộng lớn hơn giữa Ukraine và các đối tác phương Tây.

Các nhà quan sát đặc biệt lo lắng rằng việc Ukraine tiến vào Crimea có thể gây ra phản ứng cực đoan của Nga, vì việc mất quyền kiểm soát bán đảo có thể gây bất ổn cho chế độ kleptocracy của Putin.

Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác đã thể hiện rõ ưu tiên của họ là ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột trực tiếp nào giữa NATO và Nga và các cuộc trao đổi hạt nhân qua lại giữa hai bên sau đó. Hodges nằm trong số những người tin rằng Tổng thống Vladimir Putin đang bịp bợm.

Ông nói: “Chúng tôi tiếp tục tự hù dọa chính mình. Nga biết rằng tất cả những gì họ phải làm là đề cập đến hạt nhân mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn, và điều đó khiến chúng ta dừng lại. Chúng ta đang bị tống tiền. Và tôi nghĩ đây là một tiền lệ khủng khiếp cho tương lai.”

6. Quân Ukraine đang đánh bật quân xâm lược Nga ra khỏi miền Nam Ukraine một cách có hệ thống.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Bẩy 15 tháng Bẩy, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết tại mặt trận phía Nam, quân Ukraine đã tập trung vào việc chiếm các ngôi làng ở phía đông nam trên con đường tiến tới Biển Azov và các khu vực gần thành phố Bakhmut phía đông, bị lực lượng Nga chiếm giữ hồi tháng 5 sau nhiều tháng giao tranh dữ dội.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu qua video hàng đêm sau khi chủ trì cuộc họp với các chỉ huy hàng đầu vào hôm thứ Sáu rằng

“Tất cả chúng ta phải hiểu rất rõ ràng, càng rõ ràng càng tốt, rằng các lực lượng Nga ở vùng đất phía nam và phía đông của chúng ta đang làm mọi thứ có thể để ngăn chặn binh lính của chúng ta. Và mỗi ngàn thước ta tiến lên, mỗi chiến công của mỗi lữ đoàn đều đáng được chúng ta tri ân.”

Nhà phân tích quân sự Serhiy Hrabskyi nói với đài phát thanh NV của Ukraine rằng ở phía nam, “tình hình rất khó khăn trong việc tiến về Berdiansk”, ám chỉ một cảng trên Biển Azov. Các lực lượng Ukraine hy vọng sẽ cắt đứt một cây cầu trên đất liền mà lực lượng Nga đã thiết lập với bán đảo Crimea bị sáp nhập.

Trong 24 giờ qua, 590 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 5 xe tăng, 11 xe thiết giáp, 14 hệ thống pháo, 2 hệ thống phòng không, và 17 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 15 Tháng Bẩy, khoảng 237.180 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.102 xe tăng, 8.019 xe thiết giáp, 4.463 hệ thống pháo, 680 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 425 hệ thống phòng không, 315 máy bay, 310 máy bay trực thăng, 3.807 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 1.273 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 7.036 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 664 đơn vị thiết bị đặc biệt.

7. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Nga thường xuyên sa thải các chỉ huy kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, nhưng việc loại bỏ Thiếu tướng Ivan Popov của Tập Đoàn Quân liên hợp số 58 là điều đáng chú ý.

Trong một đoạn video bị rò rỉ dành cho quân đội của mình, Popov đã công kích gay gắt giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga, người mà anh ta cáo buộc, “đánh chúng ta từ phía sau, chặt đầu Quân đội một cách dã man vào thời điểm khó khăn và căng thẳng nhất”.

Những bình luận của Popov thu hút sự chú ý đến sự bất mãn nghiêm trọng mà nhiều sĩ quan có thể nuôi dưỡng đối với giới lãnh đạo quân sự cấp cao. Những lời phàn nàn phần lớn lặp lại những lời phàn nàn của chủ sở hữu Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin trước cuộc binh biến vào tháng 6 năm 2023 của anh ta.

Chỉ trích trực tiếp từ cấp dưới có khả năng trở thành vấn đề ngày càng gia tăng đối với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Gerasimov.

8. Giám đốc hạt nhân Nga phủ nhận tuyên bố Mạc Tư Khoa âm mưu cho nổ tung nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Nhà lãnh đạo cơ quan hạt nhân của Nga đã bác bỏ những khẳng định của Ukraine rằng Mạc Tư Khoa đã âm mưu cho nổ tung một nhà máy điện hạt nhân mà Nga đang kiểm soát, nói rằng không có bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố này và rằng chỉ có “một thằng ngốc hoàn toàn” mới làm điều liều lĩnh như vậy, Reuters đưa tin.

Kyiv đã nhiều lần nói rằng các lực lượng Nga đã lên kế hoạch cho nổ tung nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói rằng các lực lượng Nga đã gài mìn trên mái nhà của một số lò phản ứng tại nhà máy lớn nhất Âu Châu mà họ đã chiếm giữ ngay sau khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, cho biết hôm thứ Tư rằng họ không thấy bất kỳ quả mìn hay chất nổ nào trong quá trình kiểm tra nhà máy, mặc dù họ cho biết họ đang chờ tiếp cận mái nhà của các lò phản ứng số 3 và số 4.

Alexei Likhachev, tổng giám đốc tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga, Rosatom, nói với đài truyền hình nhà nước, trích dẫn các quan sát của IAEA: “Những kẻ muốn dàn xếp một số hành động khiêu khích ở đó đã bị vạch trần.”

Ông nói rằng những tuyên bố của Ukraine về ý định được cho là của Nga tại nhà máy là một phần của cuộc chiến thông tin chống lại Mạc Tư Khoa.

“Bạn phải hoàn toàn là một thằng ngốc mới có thể cho nổ tung một nhà máy điện hạt nhân nơi có 3500 người làm việc, trong đó có một số lượng rất lớn người dân từ khắp nước Nga,” Likhachev nói.

Likhachev cho biết tình báo Nga và thông tin từ các tù nhân Ukraine bị bắt cho thấy Ukraine trên thực tế đã có kế hoạch tấn công nhà máy điện hạt nhân trong khi liên tục đổ lỗi cho Nga về vụ tấn công.

Reuters đã không thể xác minh tuyên bố của cả hai bên. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau đe dọa sự an toàn của nhà máy.

IAEA đã nhiều lần nói rằng nhà máy này không nên được sử dụng để cất giữ hoặc làm căn cứ cho vũ khí hạng nặng. Nó cũng cho biết nhà máy có đủ nước - được sử dụng để làm mát các lò phản ứng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng - trong vài tháng mặc dù đập Nova Kakhovka gần đó đã bị phá hủy.
 
Án tù một năm cho nữ sinh hung dữ tấn công các tổ chức phò sinh. Độc tài Nicaragua tiếp tục bách hại
VietCatholic Media
18:30 15/07/2023

1. Đạo luật FACE buộc tội sinh viên đại học trong vụ tấn công trung tâm mang thai Ohio

Các cáo buộc liên bang đã được đệ trình chống lại một sinh viên đại học 20 tuổi ở Ohio vì bị cáo buộc phá hoại một trung tâm mang thai phò sự sống vào tháng 4 bằng hình vẽ graffiti bao gồm việc kêu gọi ủng hộ nhóm phá thai “Jane's Revenge.”

Một sinh viên tại Đại học Bang Bowling Green, Whitney Durant - người có tên Soren Monroe - đã bị buộc tội theo Đạo luật Tự do Tiếp cận Phòng khám, văn phòng Biện lý Hoa Kỳ cho Quận phía Bắc Ohio cho biết ngày 5 tháng 7.

Đạo luật Tự do Tiếp cận Phòng khám, được gọi là Đạo luật FACE, nghiêm cấm “hành vi bạo lực, đe dọa, gây tổn hại và cản trở nhằm gây thương tích, đe dọa hoặc can thiệp vào quyền tìm kiếm, nhận hoặc cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản.”

Hành động phá hoại Trung tâm trợ giúp mang thai Bowling Green, còn được gọi là HerChoice, nằm ở Bowling Green bao gồm những khẩu hiệu bài bác tôn giáo và những ngôn từ tục tĩu.

Trung tâm mang thai cách khuôn viên trường khoảng hai phút đi bộ.

“Jane's Revenge” đã trở thành chiêu bài của hàng chục kẻ phá hoại ủng hộ phá thai sau khi rò rỉ ý kiến dự thảo vào tháng 5 năm 2022 từ Tòa án Tối cao chỉ ra rằng các thẩm phán đã sẵn sàng lật ngược phán quyết Roe kiện Wade, là vụ án mang tính bước ngoặt năm 1973 đã hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.

Văn phòng luật sư Hoa Kỳ cho biết: “Durant đã cố ý làm hư hỏng tài sản của HerChoice, một trung tâm chăm sóc các phụ nữ mang thai ở Bowling Green, Ohio, bằng cách bôi sơn xịt lên tòa nhà của phòng khám vì phòng khám cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản”.

Nếu bị kết tội, Durant, người đã không nhận tội vào ngày 7 tháng 7 và được trả tự do với số tiền thế chân 10.000 đô la, có thể phải ngồi tù tối đa một năm, nhưng bản án sẽ do tòa án quyết định.

Theo nhóm ủng hộ sự sống Sinh viên vì Sự sống của Hoa Kỳ, gọi tắt là SFLA, Durant có tiền sử “tích cực bắt nạt” Falcons for Life, một nhóm ủng hộ sự sống tại Đại học Bowling Green State có liên kết với SFLA.

“Thông qua việc đe dọa trực tiếp - bằng cách hét lên những lời tục tĩu cũng như bắt nạt và phỉ báng trực tuyến trên mạng, Durant và nhóm cấp tiến mà cô ấy lãnh đạo trong khuôn viên trường đã khiến việc phò sự sống trở nên khó khăn. Tuy nhiên, họ vẫn chưa bỏ cuộc. Tổ chức Falcons for Life hiện đang nhận được sự giúp đỡ từ cố vấn pháp lý của SFLA về vấn đề này và đã gửi thư yêu cầu đến ban giám hiệu nhà trường.

Đã có hơn 60 cuộc tấn công ủng hộ phá thai vào các trung tâm mang thai vì sự sống kể từ tháng 5 năm 2022.


Source:Catholic News Agency

2. Giáo Hội Tin Lành Giám Lý mất 20% số giáo xứ ở Hoa Kỳ trong cuộc ly giáo đang diễn ra

Giáo hội Giám lý Thống nhất đã chứng kiến hơn 6.000 giáo xứ ra đi kể từ năm 2019, với nhiều sự ra đi dự kiến vào năm 2023.

Trong hơn một thập kỷ, các nhà lãnh đạo của Giáo hội Giám lý Thống nhất, gọi tắt là UMC, đã tranh luận về hôn nhân đồng giới và việc phong chức cho những người ủng hộ lối sống LGBTQ. Trong bối cảnh này, các cộng đồng đã rời khỏi UMC với số lượng kỷ lục.

Theo Associated Press, ước tính khoảng 1/5 các giáo xứ của UMC ở Hoa Kỳ đã tìm kiếm và nhận được sự cho phép ra đi. Những cuộc xuất hành này bắt đầu chậm chạp vào năm 2019, nhưng nhiều người khác đã rời đi kể từ đó, với 4.172 giáo xứ được cho là đã rời khỏi UMC chỉ riêng vào năm 2023. Tổng cộng, 6.182 giáo xứ đã không hài lòng với UMC kể từ năm 2019.

Một lý do khiến sự thay đổi này mất nhiều thời gian đến vậy mới được tiết lộ có thể là do các giáo xứ rời đi không chắc chắn về nơi họ sẽ hạ cánh khi không còn trong UMC nữa. Cho đến khi Giáo hội Giám lý Toàn cầu, gọi tắt là GMC, được thành lập vào năm 2022. Nhiều giáo xứ đã từ bỏ UMC đang ghi danh tham gia giáo phái mới này, được thành lập bởi các thành viên cũ của UMC, nhưng những giáo xứ khác sẽ độc lập hoặc thậm chí tham gia các nhóm Tin lành khác. GMC đã tuyên bố rằng họ đã ghi danh 3.000 giáo xứ.

Với rất nhiều giáo xứ rời đi - và nhiều giáo xứ khác dự kiến sẽ rời đi sau hội nghị thường niên của UMC vào cuối năm nay - các quan chức của UMC đang phải nghĩ đến việc cắt giảm ngân sách vào năm 2024. Nhiều cộng đồng đã rời bỏ giáo phái là khá lớn và các khoản đóng góp của họ đã tài trợ cho nhiều cộng đồng của UMC làm việc cả ở Mỹ và nước ngoài. Cần lưu ý rằng các giáo xứ quyết định rời khỏi UMC trước tiên phải bồi thường cho tổ chức về tài sản của giáo xứ và các nghĩa vụ tài chính trước đó.

AP lưu ý rằng những sự ra đi này dự kiến sẽ để lại những người cấp tiến nắm quyền lãnh đạo UMC, những người dự kiến sẽ đề xuất những thay đổi đối với luật Giáo Hội cho phép hôn nhân đồng giới và phong chức LGBTQ. Tuy nhiên, những nỗ lực này có thể bị chặn bởi các thành viên nước ngoài của UMC. AP lưu ý rằng trong khi ước tính có khoảng 6,5 triệu tín hữu Giám lý ở Hoa Kỳ, thì ít nhất cũng có nhiều người như vậy ở Phi Châu.

Từ năm 2014, Aleteia đã báo cáo về việc Giáo Hội Giám lý ở Phi Châu trung thành với giáo huấn truyền thống của Kitô giáo về hành vi tình dục, trong đó, hôn nhân chỉ được công nhận là sự kết hợp giữa một nam và một nữ. Mục sư Jay Therrell, chủ tịch Hiệp hội Giao ước Wesleyan, gợi ý rằng Đại hội đồng năm 2024 sẽ bao gồm cuộc trò chuyện về việc cung cấp cho các nhà thờ hải ngoại một phương tiện để tách khỏi UMC.


Source:Aleteia

3. Chế độ độc tài ở Nicaragua tịch thu tu viện của các nữ tu, và trục xuất các sơ

Trong một cuộc tấn công mới chống lại Giáo Hội Công Giáo, chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega ở Nicaragua đã hủy bỏ tư cách pháp nhân và tịch thu tài sản của một hội dòng các nữ tu.

Các thành viên của cảnh sát Sandinista “như những tên tội phạm đã đột nhập vào nhà của các Nữ tu thuộc Huynh đệ đoàn những người nghèo của Chúa Giêsu Kitô vào lúc nửa đêm ngày hôm qua; các chị sẽ sớm rời khỏi đất nước,” Martha Patrica Molina cho biết như trên.

Molina là một luật sư và nhà nghiên cứu người Nicaragua, là tác giả của báo cáo “Nicaragua: một Giáo hội bị bức hại?”, trong đó nêu chi tiết hơn 500 cuộc tấn công chống lại Giáo hội của chế độ.

Cơ quan truyền thông Nicaragua Article 66 đưa tin rằng Bộ Nội vụ đã áp dụng biện pháp này vào ngày 4 tháng 7 và các nữ tu sẽ rời Nicaragua vào tuần tới vì chính quyền chưa gia hạn giấy phép cư trú của họ.

Hai nữ tu sau đó đã tweet rằng các sơ đã đến El Salvador để tiếp tục sứ mệnh phục vụ người nghèo.

Lý do căn bản được sử dụng cho quyết định tịch thu tu viện là hội dòng “không tuân thủ các nghĩa vụ của mình” khi không báo cáo báo cáo tài chính mới nhất và vì nhiệm kỳ của ban giám đốc đã hết vào tháng 2 năm 2021.

Bộ Nội Vụ Ukraine nói rằng bây giờ văn phòng tổng chưởng lý có trách nhiệm chuyển giao tài sản của hội dòng, bao gồm cả tu viện, cho tiểu bang.

Molina than thở: “Biện pháp được áp dụng đối với hai chị em là tùy tiện, giờ đây họ còn bổ sung thêm việc tịch thu bất động sản của họ.

Trong một tuyên bố với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, Molina lưu ý rằng “Hiến pháp chính trị của Nicaragua nghiêm cấm tịch thu, nhưng nó đã trở thành thông lệ dưới chế độ độc tài, giống như trong những năm 1980.”

Các nữ tu của Huynh đệ đoàn những người nghèo của Chúa Giêsu Kitô đã đến Nicaragua vào năm 2016 từ Brazil, nơi các sơ được thành lập bởi Cha Gilson Sobreiro. Các sơ cũng có mặt ở Costa Rica, Guatemala và El Salvador.

Cuộc tấn công mới này của chế độ độc tài Ortega chống lại các nữ tu diễn ra một năm sau khi chế độ trục xuất một nhóm Thừa sai Bác ái, hội dòng do Mẹ Teresa Calcutta thành lập.

Các nữ tu đã được Giáo phận Tilarán-Liberia ở nước láng giềng Costa Rica tiếp nhận.


Source:Catholic News Agency