Ngày 14-07-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bốn điều đáng nói khi người nào đó khao khát qua đời
Jos. Tú Nạc, NMS
05:19 14/07/2010
Khép lại cuộc sống đối với một người nào đó không phải là dễ. Nó có thể làm cho người ta không cảm thấy thoải mái. Để biết nói điều gì quả là khó khăn. Vậy người ta nên nói gì trước giờ phút lâm chung?

Tiến sỹ Ira Byock đã dành nhiều năm làm việc với những người đang khao khát qua đời. Ông đã viết một cuốn sách với nhan đề “The Four Things that Matter Most.” Trong đó ông đã viết rằng có bốn điều chúng ta cần phải nói cho những người đang chờ cái chết. Những điều đó là: Xin tha thứ cho tôi. Tôi tha thứ cho bạn. Cám ơn. Và, tôi yêu bạn. Chúng ta cùng đi vào cụ thể từng điều.

Điều thứ nhất nói với người nào đó khi đang hấp hối là:

Xin tha thứ cho tôi.

Mọi người đều thực hiện những việc mà họ mong muốn họ đã không thực hiện. Hoặc họ đã không thực hiện những việc mà họ mong muốn họ đã thực hiện. Chúng ta tất cả đã làm tổn thương người khác. Người Ki-tô giáo gọi điều này là “phạm tội.” Và tội lỗi có thể làm đổ vỡ những mối quan hệ của chúng ta với những người khác. Việc xin lỗi là cách mà để chúng ta xây dựng lại những mối quan hệ đổ vỡ này.

Nhưng sự tha thứ không chỉ là một ý tưởng Ki-tô giáo. Sự tha thứ quan trọng đối với nhiều tôn giáo. Hồi giáo dạy rằng Thiên Chúa là khởi điểm của mọi sự tha thứ. Những tín đồ Phật Giáo tha thứ để tự giải thoát họ khỏi những đau khổ. Và Do Thái giáo kỷ niệm Yom Kippur (Jewish holiday on which people fast and pray to atone their sins) tất cả đều xin được thứ tha tội lỗi.

Khi một người nào đó làm một điều gì sai trái, họ có thể cảm thấy xấu xa. Đôi khi họ dằn vặt, hổ thẹn hàng nhiều năm, dù rằng không ai biết điều mình đã làm. Nhưng người ta không ai muốn mang theo những lỗi lầm của mình trong giờ phút lâm chung. Họ muốn nói tất cả những gì mà họ đã gây ra trước đó, nó là việc quá trễ. Khi một người thú nhận lỗi lầm và nói, “Xin tha thứ cho tôi,” điều đó có thể như đã giúp họ trút bỏ một gánh nặng.

Yêu cầu sự tha thứ có thể là khó. Nhưng một người nào đó được tha thứ cũng có thể cảm thấy áy náy khó có thể. Nhưng đây là điều thứ hai chúng ta nói với người nào đó trước phút lâm chung.

Tôi tha thứ cho bạn

Mọi người đã làm tổn thương người khác. Nhưng mọi người cũng đã bị người khác làm tổn thương. Những sự việc này có thể là nhỏ nhặt mà chúng ta có thể bỏ qua. Nhưng họ cũng có thể phải sống những sự kiện biến đổi hàng bao năm. Những điều này có thể như viên đá trong chiếc giày. Mỗi bước đi mang theo sự đau đớn. Sự tha thứ có thể làm cho viên đá ấy mất đi.

Đối với những Ki-tô hữu, việc tha thứ con người là yêu cầu bắt buộc. Kinh Thánh Ki-tô giáo đã dạy, “ Nếu con tha thứ cho những người khi họ xúc phạm đến con, Thiên Chúa cũng sẽ tha thứ cho con. Nhưng nếu con không tha thứ tội lỗi của họ, Thiên Chúa không thứ tha tội lỗi của con.” 1 Corinthians 13: 13

Câu nói, “Tôi tha thứ cho bạn,” khi một người nào đó đang hấp hối tác động hai việc. Đối với người đang hấp hối, nó có thể giải thoát họ khỏi sự đau khổ. Họ có thể cảm thấy dằn vặt, mà không biết cách nào để xin được tha thứ. Nhưng câu nói, “Tôi tha thứ cho bạn” cũng có thể sự biểu hiện khoan dung của người cất lên câu nói đó. Nó có thể giải phóng những ký ức muộn phiền, trăn trở và khổ đau. Nó sẽ không làm người ta lãng quên những gì đã xảy ra. Nhưng nó có thể bắt đầu tiến trình hàn gắn vết thương lòng.

Để nói, “Xin tha lỗi cho tôi” quả là khó. Để nói, “Tôi tha thứ cho bạn” cũng thật là khó. Nhưng nói điều sau đây chắc là dễ hơn nhiều.

Cảm ơn

Tất cả mọi người ai cũng muốn nhận lời cảm ơn khi thực hiện một việc gì đó. Người ta muốn biết rằng cuộc đời mình có ý nghĩa. Khi một người cận kề cái chết, họ tự vấn, “Đời mình đã thực hiện điều gì có ý nghĩa?” Khi người ta nói, “Cảm ơn,” tức họ trả lời cho câu hỏi này. Họ đang trả lời, “Vâng, bạn đã tạo cho tôi một dấu ấn đối với cuộc đời của tôi.”

Khi một người nào đó đang hấp hối, chỉ dễ dàng nhìn thấy thời gian hiện tại. và cái chết có thể tạo cho chúng ta quên đi những điều lành của cuộc sống. Bằng câu nói, “Cảm ơn,” chúng ta nhớ rằng mỗi người những ngày cuối cùng của họ quan trong hơn nhiều. Không ai là người hoàn thiện. Những mọi người đã thực hiện một điều gì đó xứng đáng cảm ơn.

Điều cuối cùng có thể là điều dễ nhất để nói. Nhưng nó cũng có thể là điều khó nói.

Tôi yêu bạn

Câu nói, “Tôi yêu bạn” là cách bày tỏ những mối quan hệ có tính quan trọng. Những mối kết giao mà con người phải dành cho nhau là những gì làm cho cuộc sống phong phú. Kinh Thánh Ki-tô giáo nói rằng khi chúng ta đối diện với cái chết tồn tại ba thứ này: đức tin, hy vọng, và bác ái. Nhưng quan trọng nhất là yêu thương.”

Chẳng ai bộc lộ yêu thương giống ai. Một số người ôm hôn và vuốt ve và cùng nhau than khóc. Những người khác thì trầm lặng hơn. Một người nọ, tên là Gunter tương tự như vậy. Cha anh luôn là một người thâm trầm. Ông không bao giờ tỏ ra yêu thương bằng cử chỉ vuốt ve trìu mến. Nhưng khi ông đang chờ chết vì bệnh ung thư. Gunter không biết cách nào để nói, “Con yêu bố.”

Rồi một hôm, bố anh đã nói với anh, “Con cạo mặt cho bố được chứ?” Gunter biết rằng đây là lời yêu cầu đặc biệt. Bố của anh đã kiệt sức. Nhưng gunter cận thận và nhẹ nhàng. Anh đã có thể vuốt ve mặt bố mình. Khi anh làm xong, bố anh nói, “Cảm ơn con, việc làm đó đã làm cho bố cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.” Đây là cách mà một gia đình tìm thấy con đường để chia sẻ yêu thương. Nó không phải là vấn đề làm thế nào để bộc lộ tình yêu. Mà quan trọng duy nhất đó là bạn bộc lộ nó.

Như bạn có thể thấy, Bốn Điều này thật đơn giản. Họ nói ra điều quan trọng trong cuộc đời. Và chúng ta chẳng phải đợi ai đó đang nằm chờ chết mới dùng đến chúng. Tiến sỹ Byock giải thích:

“Bốn câu đơn giản này là những công cụ mãnh liệt dành cho việc cải thiện cuộc đời của bạn. Tôi đã chỉ dẫn hàng trăm bệnh nhân những người mà đang đối diện với cài chết để nói bốn câu này. Nhưng Bốn Điều này có thể dùng bất cứ lúc nào. Chúng chỉ có mười một từ. Nhưng bốn câu ngắn ngủi này hàm súc sự khôn ngoan. Đó là những gì quan trọng nhất trong đời sống.

Trong cuộc đời của bạn có ai đó mà bạn cần nói những câu này không? Bạn đã cần ai để yêu cầu, “Xin tha thứ cho tôi.” Có ai cần để bạn nói, “Tôi tha thứ cho ban” không? Có ai cần để bạn cảm ơn không? Hôm nay bạn có thể tìm một người nào đó để nói, “Tôi yêu bạn” không? Hãy thực hiện nó ngay từ hôm nay. Không một ai biết rằng ngày mai sẽ đem đến điều gì.
 
Chiệm niệm và hoạt động
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
07:23 14/07/2010
Chúa nhật XVI thường niên C

Trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia, 1999) khi nói về bổn phận phải rao giảng Tin mừng của mọi tín hữu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, gợi lên một cái nhìn mới cho chúng ta: Muốn có một đời sống Kitô hữu đích thực, mọi người cần xác tín rằng: việc truyền giáo (còn gọi là Phúc Âm hóa) vừa là một hoạt động có chiêm niệm (nghĩa là hoạt động đã được chiệm niệm, cầu nguyện và thi hành trong tinh thần cầu nguyện), vừa là một chiêm niệm có hoạt động (nghĩa là không phải chỉ chiêm niệm cầu nguyện suông mà thôi, nhưng là chiêm niệm và cầu nguyện về hoạt động và hướng tới hoạt động (số 23).

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng diễn tả: “cầu nguyện thế nào thì sống như vậy” (số 2725).

Chiêm niệm và hoạt động.

Có những người dựa vào đoạn Tin mừng Chúa nhật hôm nay để chứng minh có hai lối sống khác nhau trong cuộc đời người tông đồ. Lối sống hoạt động với cuộc sống nhập thế, dấn thân phục vụ con người, nhất là những người nghèo đói khổ đau và lối sống chiêm niệm dành cho những người xuất thế, ẩn dật trong bốn bức tường tu viện, vui với những tiếng hát lời kinh tối sáng. Đối với họ hai lối sống này không chỉ tách biệt nhau mà còn đối lập nhau nữa. Và luôn kèm theo nhận định: đời sống cầu nguyện chiêm niệm luôn quan trọng hơn vì Chúa đã nói rõ: “Em con đã chọn phần tốt nhất”.

Chị em Matta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu, mỗi người mỗi cách. Maria thì giữ chân Chúa bằng việc ngồi bên chân Người với tâm thế lắng nghe. Cô không làm gì, không nói gì, chỉ ngồi nghe. Cô đón tiếp Chúa Giêsu với một phong cách tốt nhất. Matta thì khác, cô giữ chân Chúa bằng những việc bếp núc, ăn uống. Có lẽ Matta ganh tị với em nên khiếu nại với Chúa: "Thưa Thầy, em con để một mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay". Matta trách em, nhưng cũng là một cách kể công và khoe mình quan trọng và có thể coi đó như một lời trách khéo đối với Chúa Giêsu.

Nhưng Chúa nhẹ nhàng đáp lại: "Matta, Matta ơi, con lo lắng bận rộn nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất ". Chúa đã khen Maria biết chọn phần tốt nhất. Chọn phần tốt nhất không phải là phải chọn làm nhiều, nhưng là biết nghe, hiểu, và làm theo ý Chúa.

Mỗi người phục vụ theo cách của mình, theo khả năng của mình. Maria thích trầm lắng, Matta hoạt bát, năng nổ, Simon thì dùng sức lực vác đỡ thập giá Chúa, bà Vêrônica trao khăn cho Chúa lau mặt, ông Giuse an táng Chúa. Cách phục vụ nào cũng tốt cả miễn là người ta làm nhiệm vụ mình cách khiêm nhường, quảng đại, vô vị lợi, và có lòng yêu mến.

Chúa Giêsu đón nhận sự phục vụ của Matta cũng như Người đã từng chấp nhận việc tiếp đón của những người Biệt Phái (Mt 7,36; 11,37; 14,1), đã từng đón nhận việc đón tiếp của Giakêu (Mt 19,5) và đã từng dạy phải đón tiếp các sứ giả Tin Mừng (Mt 9,4; 10,5-9). Nhưng Người đưa ra một bậc thang giá trị cần luôn để ý: người môn đệ đích thực phải coi trọng Lời Chúa trên hết. Vì đó chính là “phần” của họ như Thánh vịnh 119 đã viết “Lạy Chúa, con đã nói: phần của con là tuân giữ Lời Ngài ” (c.57). Sống như thế ta sẽ được kể là người xứng đáng cư ngụ trên núi thánh Chúa (Đáp ca TV 14).

Trong tập sách “Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá”, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận kể lại khoảng thời gian bị giam cầm trong tù ngục, ngài quẫn trí hoang mang về công việc tông đồ mà ngài đang hoạt động bị đình trệ. Lúc này tiếng Chúa đã nói lên từ đáy lòng ngài và chỉ cho ngài biết là cần phân biệt và chọn Chúa, thánh ý Chúa, chứ không phải công việc của Chúa. Ngài đã tìm lại bình an và hoạt động tông đồ giúp ích cho nhiều tù nhân.

Người ta thường giải thích câu nói của Chúa Giêsu như một sự đề cao việc chiêm niệm trên sự hoạt động. Theo cách giải thích này thì Matta tiêu biểu cho đời sống hoạt động và Maria tiêu biểu cho đời sống chiêm niệm. Trên thiên đàng người ta sẽ chẳng còn hoạt động gì nữa mà chỉ còn chiêm ngắm Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc vĩnh cữu vô biên mà thôi. Như thế Maria đã đạt tới cùng đích của đời sống Kitô hữu, cho dù chỉ là trong chốc lát ngắn ngủi giữa cuộc hành hương dưới thế này. "Phần hơn" của cô là ở chỗ đó. Có Chúa rồi, "chiếm hữu" được Chúa rồi thì còn gì hơn nữa.

Trong cuộc sống, hai khía cạnh tâm linh và thể chất liên quan đến nhau, hỗ trợ nhau. Hai khía cạnh ấy của sự sống cần phải được quan tâm một cách điều hòa và quân bình. Cũng tương tự như thế, cần phải có sự điều hòa và quân bình giữa sự cầu nguyện và hành động. Cầu nguyện nhiều mà không cảm thấy có sức mạnh nào thúc đẩy mình đi đến hành động thực tế, thì sự cầu nguyện ấy hẳn nhiên không phải là cầu nguyện đích thực, không thật sự gặp gỡ Thiên Chúa. Rất nhiều Kitô hữu hiện nay ở trong tình trạng này. Họ cảm thấy an tâm, tự cho mình là người đạo đức, chỉ vì họ đã dành rất nhiều thì giờ để cầu nguyện. Nhưng sự cầu nguyện của họ chẳng dẫn họ đến hành động để thể hiện cụ thể tình yêu thương mà đáng lẽ họ phải đạt được khi cầu nguyện đích thực.

Tuy nhiên, năng hành động mà không năng cầu nguyện thì ta dễ đi đến chỗ hành động chỉ vì lợi ích riêng của mình. Hành động như thế xét về mặt tâm linh thì không mấy giá trị và ít đem lại lợi ích thiêng liêng. Người hành động nhiều mà không cầu nguyện giống như người hành trình vào một vùng đất lạ, chỉ biết đi tới mà không biết phải lâu lâu dừng lại xem bản đồ để biết mình đang ở đâu, và biết phải đi đường nào để tới nơi mình muốn. Vì thế, có rất nhiều khả năng là họ sẽ lạc đường.

Cầu nguyện và hành động đều rất cần thiết cho đời sống Kitô hữu. Cần thực hiện cách quân bình và điều hòa trong cuộc sống hàng ngày.

Điều Ưu Tiên

Đối với Chúa Giêsu, cả hai cách phục vụ, cả hai lối sống của Matta và Maria đều cần thiết và bổ túc cho nhau trong điều kiện đời sống hiện tại ở trần gian. Ðiều Chúa muốn nhắc cho Matta ở đây là: việc cốt yếu nhất đối với người môn đệ là nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Muốn làm gì thì cứ làm; thích làm thật nhiều thì cứ làm cho nhiều nhưng đừng bao giờ vì lo lắng bận rộn công việc mà quên đi Ðấng là trung tâm của đời mình, Đấng mà mình phải vâng nghe và tôn vinh trong mọi sự. Chính Chúa sẽ mang lại cho đời sống và hoạt động của ta ý nghĩa và tính thống nhất cao cả nhất. "Mọi sự thuộc về anh em, còn anh em thuộc về Ðức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa" (1 Cr 3,22-23). Trong nhiều đoạn Phúc âm, Chúa Giêsu cũng nói tới điều quan trọng nhất, cần thiết nhất:"Phúc cho ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 11,28); "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8,21. x.Mt 12, 46-50; Mc 3, 31-35);"Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho" (Mt 6, 25.33).

Tính ưu tiên ở đây không phải là ưu tiên về thời gian (làm cái này trước rồi làm cái kia sau) hay số lượng (làm "việc Chúa" nhiều, làm "việc đời" ít)... nhưng ưu tiên về giá trị. Khi làm việc gì, nếu ta tận tình làm việc cho đẹp lòng Chúa, như Chúa muốn, thì ta vẫn đang chọn phần tốt nhất như cô Maria bởi vì ta vẫn đang qui chiếu về Chúa, đang lắng nghe lời Chúa và thi hành thánh ý Chúa về đời mình. Thánh Phaolô dạy: "Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa" (1 Cr 10,31). Hoạt động là tốt, nhưng ai cũng biết hoạt động có thể làm cho ta phân tâm, phân tán, quên mất cái cốt yếu, và hời hợt. Matta đã muốn làm việc phục vụ Chúa nhưng vào một lúc nào đó, cô để cho công việc thu hút đến nỗi hầu như quên mất đối tượng của công việc mình.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

Với Lời Chúa hôm nay, chúng con hiểu rằng không thể có lòng đạo đức nếu không quí trọng những giây phút “ngồi bên Chúa” như cô Maria.

Xin giúp chúng con biết xây dựng cho mình một cuộc sống luôn gắn kết hoạt động với chiêm niệm: một hoạt động có chiêm niệm và một chiêm niệm có hoạt động.

Xin giúp chúng con biết quí trọng việc cầu nguyện tối sáng, siêng năng tham dự Thánh Lễ để lòng Tin Cậy Mến nơi chúng con được củng cố và chúng con hăng say hoạt động góp phần vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh. Amen
 
Chọn điều tốt nhất
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
11:06 14/07/2010
Chúa Nhật XVI Thường niên C

Cứ mỗi lần nghe trích đọc bài Tin Mừng thánh sử Luca kể chuyện hai chị em nhà Bêtania, thì người ta dễ liên tưởng đến việc so sánh hơn kém giữa đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động. Mọi sự thường có nguyên do. Đã một thời các nhà tu đức căn cứ vào đoạn tin mừng này để đề cao đời sống chiêm niệm. Không riêng gì Kitô hữu mà anh chị em lương dân và bà con khác đạo vốn kính trọng những con người như là “xuất thế” trong các đan viện. Chính vì thế ít có ai thắc mắc khi hình ảnh cô Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu để nghe Người tâm sự được ví với đời sống chiêm niệm thì được đề cao hơn đời sống hoạt động qua hình ảnh cô Matta bận rộn với chuyện nấu nướng.

Thế nhưng nếu đọc kỷ lời Chúa Giêsu nói với Matta thì chúng ta sẽ thấy lối so sánh và áp dụng ở trên có phần khập khiểng và khiên cưỡng cách nào đó. “Matta! Matta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42). Khi khẳng định rằng Maria đã chọn phần tốt nhất thì Chúa Giêsu cũng hàm ý rằng cô chị Matta cũng chọn phần tốt nhưng chưa tốt nhất, mà nói nôm na là tốt nhì, tốt ba hay tốt tư…

Chọn điều tốt để cho mình hay để dâng? Câu hỏi dường như đã có câu trả lời cụ thể qua hành vi của cô chị Matta. Matta chọn điều tốt không phải cho mình mà để dâng cho Chúa Giêsu. Đó là các món thức ăn mà chị đang tất bật nấu nướng. Và có thể nói rằng đó không chỉ là món ngon mà còn nhiều đến nỗi cô chị phải cầu cứu Chúa Giêsu biểu cô em phụ giúp một tay. Chọn các món ăn để kính dâng Chúa là một hành vi tốt đẹp. Dâng trao cho ai đó cái mà chúng ta có, tuy tốt đẹp nhưng vẫn còn hạn chế, vì những cái chúng ta có, nếu làm bản liệt kê thì quá nhiều không sao kể xiết và có lẽ chúng ta không thể dâng tất cả được. Trái lại khi dâng trao cái chúng ta là, thì chúng ta đã dâng trao trọn vẹn con người chúng ta.

Matta dù cố gắng đến bao nhiêu cũng không thể kính dâng tất cả những gì cô có cho Chúa Giêsu. Bằng chứng là mới chỉ có chuyện cơm nước, cô đã tất bật đủ bề mà vẫn như chẳng xuể. Một nhận định thực tế, đó là những gì Matta chọn để dâng cho Chúa Giêsu thì “sẽ bị những ai đó lấy mất”, nghĩa là Chúa Giêsu không thể tự mình dùng tất cả những thức ăn Matta dâng. Xin đừng quên sự hiện diện của các tông đồ. Trái lại phần của Maria dâng cho Chúa Giêsu thì sẽ không bị ai lấy mất vì Maria đã dâng cho Thầy Chí thánh cái mình là, đó là con người của chị. Khi ta thật tình chăm chú lắng nghe một ai đó tâm sự, thì một cách nào đó ta đã dâng trao trọn tấm lòng của mình cho người ấy.

Một nghịch lý của tình yêu: Chính khi trao ban là lúc lãnh nhận và có thể lãnh nhận lại gấp bội so với phần đã hiến dâng. Bài đọc thứ nhất trích Sách Sáng Thế tường thuật tấm lòng hiếu khách của Abraham dành cho ba sứ thần của Thiên Chúa đã được đền đáp. Một chút nước để các vị rửa chân, một ít bánh, chút thịt bê cũng như chút sữa chua kính dâng các vị ấy dùng có thấm vào đâu với phần mà Abraham lãnh nhận lại. “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xara vợ ông sẽ có một con trai” (St 18,10). Chắc hẳn Abraham và bà Sara phải rất đỗi kinh ngạc trước phần mình sẽ lãnh nhận. Có được một đứa con trai làm người thừa tự trong cảnh hai ông bà đã cao niên mà còn son sẻ quả là một hạnh phúc vượt quá mọi niềm mơ ước.

Khi Maria dâng trao cho Thầy Giêsu tấm lòng của mình như là một người môn đệ ngồi dưới chân Người mà lắng nghe thì Maria đâu có ngờ rằng cô không chỉ được đón nhận một vị Thầy, một Vị Chúa mà còn đón nhận được một người bạn. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho anh em biết”(Ga 15,15). Chúng ta có thể đoán chắc rằng trong cuộc nói chuyện hôm ấy, Chúa Giêsu ít nhiều đã tỏ cho cô Maria biết về hành trình lên Giêrusalem của Người cũng như cuộc khổ nạn Người sắp chịu. Tin Mừng thánh Gioan tường thuật sự kiện cô Maria đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá mà xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau, cả nhà nức mùi thơm khiến cho ông Giuđa Iscariô phải chép miệng tiếc rẻ. Và chính Chúa Giêsu đã phân minh cho cô Maria rằng cô ấy đã dùng số dầu thơm hảo hạng ấy để làm trước việc mai táng mình (x.Ga 12,1-8).

Chuyện kể rằng có một vị vua thuộc hàng “minh quân lẫn thánh quân” trong một lần kia đi thị sát vương quốc mình bỗng gặp một ông lão hành khất ngồi bên vệ đường. Xuống xa giá, vua đến bên người hành khất. Người hành khất kia khấp khởi mừng, chìa bàn tay ra trong im lặng và chờ đợi ân lộc vua ban. Nhưng người hành khất kinh ngạc vì đức vua không ban gì mà lại ngửa bàn tay trước mặt mình. Hai bên nhìn nhau một lúc, người hành khất cho tay vào bị lấy ra ba hạt lúa bỏ vào bàn tay đức vua. Đức vua nắm tay lại, cám ơn, rồi lên xa giá tiếp tục hành trình. Dù lẩm bẩm kêu trách “sự keo kiệt” của vị vua vốn được dân tôn xưng là minh quân, thánh quân”, người hành khất vẫn tiếp tục việc ăn xin. Ngày hôm ấy cũng có nhiều người hảo tâm đổ vào bị ông ta nhiều bát lúa. Tối đến, người ăn xin đổ bị lúa ăn xin ra để đong đếm thành quả. Bỗng nhiên ông thấy lấp lánh ba hạt lúa bằng vàng to bằng đầu ngón tay ở giữa nhúm lúa ăn xin hôm ấy. Nhớ lại chuyện gặp đức vua hôm nay, ông lão hành khất đoán ra sự việc và cười sung sướng. Bỗng nhiên ông ta lại khóc to tiếng với lời rủa thầm trong lòng: tiếc quá, giá như sáng nay mình dâng cho đức vua hết cả bị lúa này.

“Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38).

Biết lấy gì để dâng lên Thiên Chúa, vì mọi sự đều là của Người. Thiên Chúa không cần chúng ta dâng gì cho Người, nhưng Người lại muốn chúng ta trao dâng cho nhau, nhất là cho những người anh em bé mọn những gì tốt nhất của mình. Chắc hẳn cái tốt nhất của chúng ta, cái mà không ai có thể lấy mất được đó chính là con người chúng ta, tấm lòng của chúng ta, một tấm lòng huynh đệ thủ túc, một tấm lòng bằng hữu nghĩa thiết. Và dù nhiều khi chúng ta không biết thì Thiên Chúa vẫn nhận đó là đã làm cho chính Người (x.Mt 25,31-46).
 
Gương yêu người
+ Gm. Gioan B. Bùi Tuần
16:28 14/07/2010
GƯƠNG YÊU NGƯỜI

Cứ mỗi lần nghĩ tới dụ ngôn Chúa nói về gương yêu người, tôi lại buồn.

Có một cái gì như mỉa mai làm tôi hổ thẹn. Có một cái gì cay đắng làm tôi bứt rứt.

Tôi tưởng rằng khi đưa ra gương bác ái, Chúa sẽ bảo: Hãy bắt chước thầy cả này, người giáo hữu kia. Nhưng Chúa lại bảo: Hãy bắt chước gương người ngoại đạo!

Không những thế, Chúa còn đem ra đối chiếu ba thái độ: Một của thầy cả, một của người quý chức trong đạo và một người ngoại giáo. So sánh lại càng thấy rõ hai vị cao cấp trong tôn giáo kia thua kém xa người ngoại đạo!

Đây dụ ngôn Chúa kể cho một luật sĩ: “Người kia đi từ Giêrusalem đến Giêricô dọc đường bị sa vào ổ cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh nhừ tử, rồi bỏ mặc người nửa chết nửa sống mà đi. Tình cờ một thầy cả nọ cũng xuống theo con đường ấy, thấy người kia, ông liền tránh một bên và đi qua. Cũng một thầy Lêvi đến nơi, thấy thế cũng tránh một bên và đi qua. Song một người Samari đi đường đến gần thấy vậy, liền động lòng thương người ấy. Ông liền lấy dầu và rượu xoa rịt vết thương, lại đặt lên ngựa mình đem về nhà quán mà chăm sóc. Hôm sau, ông trao cho chủ quán hai tiền mà dặn rằng: “Xin săn sóc người này, có tốn kém thêm thì lúc về tôi sẽ trả thêm.’’ Trong ba người đó ông nghĩ ai là kẻ thân cận với kẻ bị cướp? Luât sĩ thưa: Chính kẻ đã thương giúp nạn nhân. Chúa Giêsu phán: “ông hãy bắt chước như thế.’’ (Lc 10, 29-3).

Càng suy càng thấy đau xót.

Vị thầy cả chuyên giảng luật Chúa. Nhưng luật căn bản của Chúa là luật bác ái thì Ngài lại không giữ.

Thầy Lêvi thuộc hạng người thế giá, lại chuyên lo việc đạo, nhưng điều răn chính của đạo là yêu thương thì họ lại không thực hành.

Còn người Samari mà người Do Thái kể là kẻ ngoại, không nên đi lại tiếp xúc, thì lại thực sự yêu người.

Ông thực sự yêu người, bởi vì ông đã thực sự cho đi. Yêu thương là cho đi. Ông đã cho đi thời giờ, tiền của, công lao khó nhọc của ông, bàn tay săn sóc của ông, những lời an ủi của ông, những lo lắng của ông đối với nạn nhân chứng tỏ ông đã cho đi rộng rãi tấm lòng yêu thương chân thành của ông. Ông đã cho đi nhiều, nên ông đã yêu thương nhiều.

Còn hai vị kia có cho gì đâu để đáng gọi là yêu thương!

Tất nhiên dụ ngôn nhắc lại đạo cũ. Các người trong chuyện đều đã qua rồi.

Nhưng tôi tự hỏi: Nếu hôm nay Chúa đến đất nước này, hay đến miền này để giảng lại dụ ngôn bác ái, Chúa sẽ đem ai ra làm gương? Biết đâu Chúa sẽ nói y nguyên dụ ngôn trên với những danh từ mới.

Nghĩ tới đây tôi buồn kinh khủng.

Tôi buồn vì thấy nhiều khi chúng tôi giống hệt mấy người lãnh đạo tôn giáo xưa. Họ đi đâu cũng đeo luật Chúa trước ngực, nhưng trong lòng thì độc ác. Cũng thế, đi đâu chúng tôi cũng mang theo danh hiệu của đoàn thể bác ái này, tổ chức đạo đức kia, mở miệng ra là khuyên yêu thương bác ái, nhưng, lòng chúng tôi chứa đầy ghanh ghét, hành động vẫn ác nghiệt, lời nói xấu như mũi tên độc bắn lén trong đêm. Đôi khi chúng tôi có làm được ít việc bác ái, nhưng bao lần làm để trình diễn hơn là thực sự bác ái.

Tôi buồn vì thấy nhiều khi chúng tôi hành động giống hệt những người Do Thái xưa. Họ không dám vào phủ đường của Philatô, nại lý do nhà Philatô là nhà ngoại đạo, kẻ có đạo vào đó sẽ mắc dơ. (Gn 18, 28) Nhưng chính lúc đó, họ không ngại cáo gian và xin lên án giết một người cực Thánh là Chúa Giêsu. Cũng thế, nhiều khi chúng tôi cặn kẽ với một vài hình thức đạo đức bề ngoài, nhưng lại coi thường các tội tày trời lỗi đức yêu thương, như cứng cỏi với nhà nghèo nàn, khinh dể kẻ yếu đuối, tàn nhẫn với người đau khổ, nói xấu bỏ vạ v.v...

Tôi lo sợ chúng tôi cũng bị Chúa trách mắng như ký lục và biệt phái xưa:

“Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi ngốn cả nhà cửa các bà góa mà còn làm bộ cầu nguyện lâu dài...

“Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình các ngươi đi nộp thuế thập phân về bạc hà, rau ngò, rau húng, nhưng lại bỏ rơi nhiều điều quan trọng hơn hết của lề luật là lòng chính trực, lòng nhân nghĩa, lòng thành tín. Các ngươi gạn lọc con muỗi nhưng lại nuốt trôi con lạc đà!

“Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi rửa sạch chén đĩa, nhưng trong lòng thì đầy tham ô vô độ.’’ (Mt 18, 33-35).

Tôi có vào số những người đó không?

Tôi biết rằng: Đạo tôi là yêu thương và yêu thương là biết cho đi.

Tôi cũng biết rằng: Lịch sử đạo tôi không thiếu những gương yêu thương.

Nhưng nơi khác có, mà có thể đây là không có. Trước có, mà có thể hôm nay không có.

Nếu thực sự hôm nay và ở đây không có, thì không gì đau xót bằng.

Là thành phần của đoàn thể, của ho đạo, của địa phận, của Giáo Hội, tôi có trách nhiệm về sự thiếu xót đó.

Tôi đừng xét đoán ai. Tôi đừng trách ai. Tôi hãy tự xét mình và trách mình trước.

Lạy Chúa Giêsu nhân từ, con xin Chúa thương cho con nhìn rõ bổn phận yêu thương. Xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm của con. Xin Chúa ban cho cộng đồng của con được nhiều gương bác ái, để gương lành của họ nâng đỡ dìu dắt sự yếu đuối của con. Chúa là tình yêu, xin làm cho trái tim con trở nên giống trái tim Chúa.
 
Đối thoại
Lm Giuse Trần Việt Hùng
16:59 14/07/2010
"Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người." (Mt. 17:3)

1. Nối Kết Đất Trời

Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa muốn chia sẻ tình thương yêu của Ngài với con người. Ngài đã mở cửa trời mặc khải cho loài người về mầu nhiệm của tình yêu. Thiên Chúa đã đối thoại với con người qua nhiều cách thế: Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử (Dt. 1:1-2). Thánh Tử Giêsu đã hiện thân làm người và giữa chúng ta. Ngài chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Qua Ngài, mọi sự được tạo thành, hữu hình và vô hình. Chính Ngài đã mặc khải cho chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi qua con đường đối thoại.

Đối thoại được diễn tả qua nhiều cách như: đàm đạo, đàm phán, hòa đàm, chia sẻ, họp bàn, nói truyện, tâm sự, gặp gỡ và giao lưu… Đối thoại có thể trực tiếp mặt đối mặt hoặc đối thoại gián tiếp qua thư từ, gọi phôn, điện thư hay tin nhắn…Đối thoại sẽ dẫn đến hòa giải, hòa đồng và giao hòa với nhau. Đối thoại là con đường ngắn nhất giúp con người đến gần với nhau. Đối thoại có nghĩa là dám mở cửa để đón nhận ý kiến của người khác. Đối thoại là bày tỏ ý hướng và lập trường để đàm phán, để giao dịch và tìm sự thỏa thuận giữa đôi bên. Dám mở cửa là dám chấp nhận những khác biệt và đối nghịch. Con đường đối thoại là con đường an toàn và đưa tới hòa bình. Đối thoại phải có sự chân thành và tôn trọng lẫn nhau. Trong sự đối thoại không nên có thái độ áp chế hay gạt bỏ. Muốn có sự đối thoại thành công, cần phải biết lắng nghe.

2. Sự Khác Biệt

Mỗi người đều được sinh ra ở một nơi chốn, sống tại một địa chỉ và mang một quốc tịch. Trên thế giới có trên sáu tỷ người. Mỗi người đều có một cá tính riêng biệt và không ai giống ai hoàn toàn. Mỗi người có một định mệnh riêng phải hoàn tất. Không ai là một hòn đảo riêng rẽ, chúng ta sống là phải đồng hành với người khác. Muốn đồng hành tốt, chúng ta phải đồng hướng và thông hiểu nhau. Thông hiểu nhau qua sự trao đổi và chia sẻ tâm tình.

Trong thế giới đại đồng, chúng ta có thể cùng sống chung trong một nước, hưởng một nền văn hóa, giữ một truyền thống và theo một đạo giáo. Nhưng có nhiều yếu tố cuộc sống làm cho chúng ta nên khác nhau. Chính của ăn thức uống là một trong những cơ bản làm nên con người khác biệt. Người ăn lông ở lỗ sẽ khác với người ăn cơm gạo. Người ăn cơm gạo suy nghĩ khác người ăn bánh mì. Người ăn bánh mì suy tư khác với người ăn đỗ đậu. Người ăn chay quan niệm khác với người ăn mặn. Người ăn nước mắm hành xử khác với người ăn muối. Thức ăn sẽ biến đổi và tạo nên những giá trị đặc thù văn hóa của mỗi nhóm người. Con người tuy khác nhau nhưng không đối lập nhau mà là bổ túc cho nhau để xây dựng một xã hội tốt đẹp.

3. Cầu Thông Cảm

Làm sao con người có thể hiểu, cảm thông và liên kết với nhau. Chúng ta cần bắc một chiếc cầu, gọi là cầu thông cảm. Chúng ta biết rằng tất cả mọi thứ bế tắc đều có lối thoát. Bĩ cực thái lai. Mọi vấn đề dù rắc rối đến đâu, nếu chúng ta biết mở cửa ngõ đối thoại, chúng ta sẽ tìm được lối ra. Khi chúng ta tự đóng khung mình, chúng ta sẽ đối diện với ngõ cụt. Ngõ đi vào cô đơn và tù đọng. Chỉ những dòng nước tiếp tục chảy là dòng nước trong sạch. Nước tù, ao đọng là nước dơ bẩn và ô nhiễm.

Ngôn ngữ chính là phương tiện giúp con người xích lại gần nhau hơn. Trong thế giới chúng ta đang sinh sống, không biết có bao nhiêu thứ ngôn ngữ. Qua ngôn ngữ, con người có thể đối thoại với nhau và truyền thông hiểu biết cho nhau. Từ xa xưa, con người đã giao lưu với nhau qua ngôn ngữ và chữ viết. Như khi các nhà truyền giáo đến các nước xa xôi để truyền đạo, các ngài đã phải từng bước học hỏi về văn hóa và ngôn ngữ giúp truyền đạt chân lý đức tin. Các ngài cũng phải khổ học để thấu đạt mọi vấn đề qua việc đối thoại. Chúng ta phải khâm phục những vị tiên phong đã giáp chạm với các nền văn hóa khác. Không những học hỏi mà còn truyền rao đạo giáo và cả những kiến thức văn minh khoa học của xã hội.

4. Cầu Ngôn Ngữ

Ngày nay, chúng ta thấy ngay tại quê hương thân yêu Việt Nam, các em học sinh đã muốn học thêm các sinh ngữ khác để mở mang kiến thức của thế giới bên ngoài. Tại Sàigon, đi dọc theo tất cả mọi con đường lớn trong thành phố, đâu đâu cũng thấy nhan nhản những bảng hiệu học sinh ngữ, học thêm, học kèm ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Đại Hàn, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức… Chúng ta nhớ rằng càng biết nhiều ngôn ngữ, càng có cơ hội học biết thêm kiến thức. Ngôn ngữ là cửa ngõ dẫn chúng ta vào tìm hiểu kho tàng văn hóa của con người. Qua ngôn ngữ, chúng ta có thể đối thoại với nhiều nhóm người khác.

Không người nào có thể hiểu hết được các ngôn ngữ riêng biệt của từng nước, từng thổ dân và bộ lạc. Khi con người chưa hiểu nhau, họ cần có những người thông ngôn. Có nghĩa là phải có người thông thạo ngôn ngữ đôi bên để làm nhịp cầu thông cảm. Tuy nhiên, chúng ta biết loài người còn có một thứ ngôn ngữ vô hình. Một thứ ngôn ngữ không cần dùng miệng lưỡi mà họ vẫn có thể hiểu nhau, đó là ngôn ngữ của tình yêu. Qua ngôn ngữ tình yêu con người có thể hiểu nhau, yêu nhau và sống đời với nhau.

5. Cầu Ngoại Giao

Để tạo nhịp cầu thông cảm và hiểu biết lẫn nhau trên thế giới, mỗi quốc gia có các tòa Đại Sứ, tòa Lãnh Sự hay đại diện thường trực để liên hệ ngoại giao. Muốn cộng tác xây dựng hòa bình, cần phải có ngoại giao. Ngoại giao là đối thoại để giải quyết những khác biệt. Chấp nhận sự khác biệt của nhau để bổ túc và giải trừ những mâu thuẫn và đố kỵ. Ngoại giao chính là sự đối thoại. Càng biết đối thoại, chúng ta càng hiểu nhau và thông cảm lẫn nhau. Đối thoại kịp thời sẽ tránh được nhiều đổ vỡ và thiệt hại. Muốn có sự đối thoại thành công, cần có thái độ nhún nhường và hài hòa. Có qua có lại, mới toại lòng nhau chứ. Khi đối thoại là có bước tiến, bước lùi. Trong cuộc đối thoại thì có được, có mất và có nhường, có nhịn. Nếu đối thoại chỉ mong có thắng, đối thoại đó sẽ trở thành độc tài.

Trên trường Quốc Tế, chúng ta biết cũng có những Nước đứng trung lập giúp mở cuộc đối thoại chung cho các nước đang gặp khó khăn. Đây là một Quốc gia không thiên vị hay đứng về một phe phái nào. Nước đó có thể giúp hòa giải các vụ xung đột lớn trên chính trường quốc tế. Như mới đây, tại Vienne, Austria, nơi diễn ra cụôc trao đổi những người điệp viên của Hoa Kỳ và Nga đã bị phát hiện và bị bắt. Hai Nước đã tráo đổi các tội phạm điệp viên với nhau qua cuộc đàm phán ngoại giao. Sự giải quyết êm đẹp đã dẫn đến một thỏa hiệp tích cực xây dựng nền hòa bình chung.

6. Đối Thoại Liên Tôn

Các Tôn Giáo cũng cần có sự đối thoại. Hiện nay Giáo Hội Công Giáo có Ủy Ban đặc trách về Đối Thoại Liên Tôn. Tôn giáo ảnh hưởng đến niềm tin của mỗi người. Tôn giáo là lý tưởng có một sức mạnh vô song. Niềm tin Tôn giáo cũng có thể xây dựng hoặc phá đổ. Biết bao cuộc chiến đã xảy ra vì vấn đề tranh chấp tôn giáo. Khác biệt niềm tin là một khác biệt sâu xa nhất. Con người có thể sống chết với nhau vì niềm tin của mình. Các tôn giáo cần đối thoại để tìm ra một hướng chung. Cùng đích của tất cả mọi tôn giáo là mưu cầu hạnh phúc cho con người ở đời này và đời sau. Cái chung của các tôn giáo đều qui về một mối, đó là tình yêu. Chỉ tình yêu mới có thể nối kết mọi người đối thoại với nhau. Thế giới của tình yêu là thế giới không có biên cương lãnh thổ.

Trong đời sống giáo hội, xã hội hay cộng đoàn, các nhà lãnh đạo cũng cần lắng nghe. Lắng nghe phải là một nhân đức. Trong thời gian qua, chúng ta thấy có nhiều người lên tiếng về sự thông tin bất cập và đối thoại một chiều. Đã đến lúc chúng ta phải lắng nghe. Các nhà lãnh đạo chính quyền phải lắng nghe dân chúng, vì ý dân là ý trời mà. Các vị đại diện các tôn giáo cũng cần lắng nghe các thành viên trong giáo hội của mình. Dù rằng trăm người trăm ý, nhưng không phải mọi ý kiến đều vô ích. Không ai là sự phụ cho tất cả mọi vấn đề. Chúng ta cần có những người chuyên môn góp ý và xây dựng. Biết lắng nghe, chúng ta mới có thể mở mắt nhìn vấn đề một cách khách quan và định hướng đúng đắn hơn.

7. Sự Quan Hệ

Đối thoại là con đường giải thoát. Đối thoại bao giờ cũng có thể giải quyết được vấn đề. Đặc biệt là trong những gia đình đang gặp khó khăn trong cuộc sống hôn nhân. Đối thoại là cách tốt nhất để xây dựng hạnh phúc gia đình. Đã có biết bao nhiêu gia đình đã tan vỡ vì thiếu sự thông cảm hiểu biết. Nếu mỗi người khư khư giữ cái thiên kiến và định kiến về người khác, vợ chồng sẽ đi đến bế tắc. Đôi khi vợ chồng hiểu lầm nhau vì sự xen vào của một nhân vật thứ ba. Sự chia sẻ và cảm thông sẽ loại trừ nguy cơ đổ vỡ. Chúng ta nhớ rằng mọi sự đều sẽ cùng tắc biến, biến tắc thông. Vợ chồng thông cảm được với nhau, gia đình sẽ tìm thấy nụ cười hạnh phúc. Phải thông thì giòng mới giọt.

Khi gia đình hai họ có sự kết giao hôn nhân của con cái thì gọi là thông gia. Thông gia nối kết hai họ nên một trong quan hệ mới. Trong gia đình sẽ có con dâu, con rể và ông xui bà xui. Cha mẹ trở thành cha mẹ chồng và cha mẹ vợ. Làm cha mẹ của con dâu, con rể phải rất tế nhị. Câu truyện không vui kể rằng sau khi con dâu, con rể tương lai đã qua mọi diễn tiến thủ tục để cưới xin. Ngày lễ Ăn Hỏi, hai gia đình nhóm họ và mở tiệc tùng ăn uống vui vẻ. Bỗng dưng bố vợ lên tiếng kẻ cả phát biểu dạy dỗ con rể. Hình như bố vợ dậy dỗ không đúng lúc, chàng rể tương lai quá tự ái và đã phản bác bố vợ tại bàn tiệc. Rồi chú rể bỏ ra về không nương tiếc, quan viên hai họ ngồi ngẩn ngơ. Tội nghiệp cho cô con gái năn nỉ hết nước mắt cũng không xong. Chú rể dứt khoát bỏ cuộc. Cô con gái buồn tình bỏ nhà ra đi và không trở về. Lỗi tại ai bây giờ? Sự việc đã rồi. Thật tội nghiệp cho đôi trẻ. Thiếu đối thoại và sự thông cảm đã gây biết bao đau buồn. Phải có cảm thông mới tìm ra được chân lý hoặc có sự đồng thuận. Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn.

8. Sự Thông Hiểu

Làm thế nào chúng ta có thẻ đối thoại với lớp trẻ bây giờ. Con cháu thuộc đời thứ hai hoặc thứ ba đã lớn lên giữa nền văn hóa chú trọng nhiều về cá nhân chủ nghĩa. Quan niệm đời sống của tuổi trẻ cũng đã khác nhiều. Giữa hai nền văn hóa và giữa hai thế hệ hiểu nhau sao được nếu không có sự đối thoại. Bạn tôi kể câu truyện: Dịp kỷ niệm 25 năm thành hôn của vợ chồng bạn. Trong tập sách nhỏ của thánh lễ tạ ơn mừng Ngân khánh, ở cuối trang có in những lời cám ơn cha chủ tế, cha mẹ, anh em bạn bè và qúy khách… Đứa con gái 17 tuổi của bạn đọc qua, vừa cười vừa nói: Ba má cám ơn hết mọi người nhưng con cái thì lại không. Câu nói của cháu không phải để trách cứ nhưng làm cho vợ chồng bạn phải sửng sốt và suy nghĩ. Đúng vậy, đây là những thiếu xót không ngờ, cháu gái thật có lý.

Cũng có những sự hiểu lầm do văn hóa khác biệt và môi trường sống thay đổi. Những truyện nho nhỏ xảy ra trong nhà nhưng hậu qủa lại không ngờ. Truyện là một cháu nhỏ thấy ông ngoại cắt tiết con vịt. Cháu thấy lạ và khiếp quá, gọi bạn bè đến xem. Bạn của cháu là những chú Mỹ con, thấy con vịt bị ông cắt tiết thì nghĩ là ông dùng bạo lực với thú vật. Một chú bé về nhà kể cho mẹ nghe, mẹ em liền gọi cảnh sát đến, thế là ông ngoại bị còng tay và bỏ vào tù. Khi được thả về, ông chỉ còn biết chắp tay vái đứa cháu nhỏ: Tôi lạy ông thôi, tôi không dám đụng đến ông nữa đâu!

Nói tóm lại, Thiên Chúa ban cho chúng ta môi miệng để nói lời êm dịu, để cảm thông, để trao đổi và liên kết với nhau. Các loài hoang thú cũng có những ngôn ngữ riêng để thông tin và đến gần với nhau. Con người là tạo vật ưu tuyển trên hết mọi loài, chúng ta hãy dùng ân huệ này để sinh hoa kết quả tốt trong việc xây dựng tình liên đới với nhau. Không có sự gì nặng nề và ngột ngạt cho bằng người bạn đồng hành giữ thái độ im lặng và mặt lạnh như tiền. Hãy học nơi Chúa Giêsu, Ngài rất muốn được chia sẻ và lắng nghe. Thánh Luca diễn tả sự quan trọng của việc đối thoại: Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ.... Chúa đáp: "Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." (Lc 10: 39-42).

Bronx, New York
 
Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh - Từ 16 Đến 31 - 7 - 2010
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
23:15 14/07/2010
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ ngày 16 đến 31-7-2010

Ngày 16-7-10: Về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng.(1Tx 4,13) * Phaolô muốn tôi có một niềm tin tưởng vào sự Phục sinh của Chúa. Tôi luôn hy vọng sống lại, vì là sức sống của Kitô hữu.

Ngày 17-7-10: Vì chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng với Người. (1 TX 4, 14) * Sống lại đây là chỗi dậy trong Thần Khí, vì đã chết trong Đức Kitô. Khi tôi đang chết đi cho tội, là tôi đang sống cho Đức Chúa Trời.

Ngày 18-7-10: Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa từ trời ngự xuống, và những người chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên. (1 Tx 4, 16) * Trên đây là những hình ảnh trong sách Khải huyền về ngày tận thế. Tôi mỗi ngày không phạm tội, là để sống lại với Chúa.

Ngày 19-7-10: Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì đứng có ăn. (2 Tx 3, 10).

* Thời nào cũng có người hay sống bám báo người khác. Tôi không lười biếng, nhưng siêng năng, cần mẫn làm việc cho mình&gia đình.

Ngày 20-7-10: Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. (2 Tx 3, 11) * Phaolô muốn cảnh cáo nhiều kẻ chính họ phải làm việc, nhưng lại cản trở công việc của người khác. Tôi luôn ý thức bổn phận mình, không làm phiền ai, mà phải chịu khó, tự lực cánh sinh.

Ngày 21-7-10: Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí.! (2 Tx 3, 13) * Làm việc thiện đây là làm ăn ngay thẳng, lương thiện, không gian dối, lừa đảo. Tôi cần mẫn làm việc bằng sức khỏe Chúa ban, để đời sống mình thăng tiến và phục vụ gia đình, xã hội.

Ngày 22-7-10: Đừng nặng lời với cụ già, hãy coi các cụ như cha, hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch. (1 Tm 5, 1-2)

* Bạn và tôi nhớ thực tập các lời khuyên trên mỗi ngày khi ra ngoài.

Ngày 23-7-10: Anh hãy kính trọng các bà goá, những bà goá đích thực. (1 Tm 5, 3) * Có nhiều bà goá sống rất thánh thiện, thủ tiết, kính chồng, nuôi con cháu. Tôi kính nể, học hỏi, và bắt chuớc các bà.

Ngày 24-7-10: Các bà goá đích thực, sống một thân một mình, thì đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa và ngày đêm kiên trì đọc kinh cầu nguyện. (1 Tm 5, 5) * Các bà goá này cần Hội Thánh là mọi tín hữu, các hội đoàn trong giáo xứ tổ chức khích lệ, và giúp đỡ… Ngày 25-7-10: Cũng như Gian-nê và Giam-rê xưa chống lại ông Mô-sê, thì nay họ cũng chống lại chân lý; họ là hạng người đầu óc lệch lạc, lòng tin không có gì vững chắc. (2 Tm 3, 8) * Hai ông này là nhóm phù thủy Ai cập, thi thố cùng chống lại ông Mô-sê. Tôi luôn lấy Kinh Thánh là Lời Chân Lý để có Thánh Linh dẫn đường chỉ lối.

Ngày 26-7-10: Vả lại, những ai muốn sống đạo đức trong Đức Giêsu, đều sẽ bị bắt bớ. (2 Tm 3, 12) * Phaolô muốn cho ông Ti-mô-thê biết, nếu thực tâm theo Chúa đều chịu khổ cực. Ngày nay, cũng biết bao vụ bắt bớ tù đày, hành hạ những người quyết tâm theo Chúa.

Ngày 27-7-10: Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc. Anh biết, anh đã học với những ai. (2 Tm 3, 14).

* Phaolô khuyên ông Ti-môthê cũng như tôi hôm nay, hãy đem Lời Chúa ra thực hành. Vì chúng ta cần nghe mà còn phải đem áp dụng.

Ngày 28-7-10: Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người…để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. (Dt 5, 1) * Trong Cựu Ứớc Thượng Tế là Người Nhà của Chúa, được phép tới gần Đấng Tôi Cao. Chúa Giêsu là Thượng Tế. Thầy tế lễ hôm nay yếu đuối, nhiều tội, cần được tẩy sạch để xứng đáng dâng lễ đền tội mình và của dân chúng..

Ngày 29-7-10: Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối.(Dt 5, 2)

Tôi cần có đức tính trên để xứng đáng với chức vụ Chúa trao phó.

Ngày 30-7-10: Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy; nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi. (Dt 5, 4)

Người làm Thượng tế phải luôn ở khiêm nhường trước mặt Chúa và mọi người. Nếu tôi sống không xứng đáng sẽ bị Thiên Chúa loại bỏ.

Ngày 31-7-10: Cũng vậy, không phải Đức Kitô đã tự tôn mình làm Thượng Tế; nhưng là Đấng đã nói với Ngưòi: Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con. (Dt 5, 5) * Đức Giêsu Kitô không tự tôn vinh mình làm Thầy tế lễ Thương Phẩm; nhưng được Thiên Chúa bổ nhiệm vào chức vụ ấy. Tôi làm gì để xứng đáng với lòng thương xót của của Ngài, trong chức vụ hiện tại cao qúy này.?

Phó tế: GB Maria Nguyễn Định * Johndvn@yahoo.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo hội Anh không chấp nhận thỏa hiệp với vấn đề các giám mục nữ; 70 giáo sĩ Anh Giáo đã gặp với một giám mục Công Giáo
Paul Minh Nhật
04:46 14/07/2010
LONDON - Dọn đường cho việc truyền chức cho các giám mục nữ giới với đầy đủ các quyền quản trị, Bộ Giáo Sĩ của Giáo Hội Anh đã bác bỏ một đề xuất thỏa hiệp đặt ra với đức TGM Rowan Williams, tổng giám mục của giáo hội Anh, người đã cho phép các giáo xứ truyền thống được quản trị bởi một vị giám mục nam giới.

Bảy mươi vị giáo sĩ Anh Giáo đã gặp gỡ với giám mục Công Giáo Malcolm McMahon giáo phận Nottingham vào ngày 10 tháng bảy để thảo luận về khả năng trở lại Đạo Công Giáo dưới cơ chế dự trù của bản Tông Hiến của ĐTC Benedict Anglicanorum Coetibus(Các Nhóm Tín Hữu Anh Giáo). Một giáo sĩ Anh Giáo đã ước tính rằng có khoảng 200 giáo sĩ Anh Giáo đang cân nhắc trở lại.

(Source: http://www.catholicculture.org/news/headlines/index.cfm?storyid=6911)
 
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới có khả năng được tổ chức tại châu Phi không?
Tiền Hô
05:42 14/07/2010
Roma, Italy, ngày 13 tháng 7 năm 2010 (CNA) - Sau thành công của World Cup lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi, một hiệp hội Công giáo tiến hành quốc tế đang mường tượng về khả năng châu lục này còn có thể tổ chức thêm vài sự kiện Công giáo lớn.

FIFA World Cup 2010 khép lại hôm Chúa nhật tại Johannesburg, Nam Phi với việc Tây Ban Nha vượt qua Hà Lan với tỷ số 1-0 trong trận chung kết.

Học viện Giáo hoàng về Thừa sai Ngoại quốc (PIME) đặt vấn đề trên trang web của mình: "giờ đây, châu Phi. .. đã cho thấy họ có thể tổ chức một sự kiện quốc tế lớn, xử lý được trật tự công cộng, vậy tại sao Giáo Hội không ủy thác cho châu lục này tổ chức các chương trình tập hợp lớn toàn thế giới, điều mà cho đến nay vẫn chưa bao giờ xảy ra?"

Thông qua trang web www.missionline.org, tác gia Gerolamo Fazzini thay mặt cho học viện đề xuất, châu Phi cần được xem xét để tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day) lần tiếp theo, hoặc Hội Ngộ Gia Đình Thế Giới (World Family Encounter) vào năm 2012. Với lý luận, châu lục này có tỷ lệ phần trăm giới trẻ lớn nhất trong Giáo Hội và tỷ lệ gia tăng Kitô hữu cũng nhiều nhất, ông đề nghị rằng, “sức sống" của người Công giáo châu Phi cần được tán thưởng. Ông Fazzini còn gọi là Châu Phi "ứng cử viên đương nhiên" cho một hội nghị tầm lục địa với “gia đình Giáo hội" như tính chất tiêu điểm của nó.

"Bên cạnh đó là một dấu hiệu đáng trân quý về một chính sách quan trọng, sự phân bổ một sự kiện lớn của Giáo hội đến với Châu Phi sẽ mang lại một dấu hiệu cụ thể về sự phổ quát của Giáo hội đối với người nghèo và những tiềm lực của họ".

(nguồn: http://www.catholicnewsagency.com/news/church-missions-institute-proposes-possibility-of-wyd-in-africa/)
 
Tòa Thánh kêu gọi cầu nguyện cho hơn 1.5 triệu công nhân nghề biển
Linh Tiến Khải
07:51 14/07/2010
VATICAN: Trong sứ điệp gửi ”Ngày quốc tế nghề biển” 11-7-2010, Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động kêu gọi bênh vực quyền lợi của 1,5 triệu người sống về nghề biển và các gia đình họ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng Đức Tổng Giám Mục Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động cho biết ”Chúa Nhật của Biển” là một truyền thống được khởi đầu từ năm 1975, khi ủy ban Tông Đồ Biển của Giáo Hội công giáo và Ủy ban truyền giáo cho người sống về nghề biển của Anh giáo và Hội Thủy Thủ của Giáo Hội tự do quyết định chọn một ngày trong lịch của các Giáo Hội Kitô để cầu nguyện cho các người sống về nghề biển và gia đình họ cũng như những người trợ giúp họ. Và ngày được chọn là Chúa Nhật thứ hai của tháng 7, đặc biệt để tỏ lòng biết ơn phần đóng góp của các anh chị em này cho nền kinh tế và cuộc sống xã hội của mọi quốc gia trên thế giới.

Ngày này cũng có chiều kích đại kết, vì tại các hải cảng khắp nơi trên thế giới các Giáo Hội Kitô đều tổ chức các thánh lễ, các buổi cầu nguyện và các sinh hoạt khác nhau để gây ý thức cho mọi người đối với các điều kiện làm việc của các anh chị em sống về nghề biển.

Nhắc đến năm 2010 cũng là ”Năm Nghề Biển” do tổ chức nghề biển quốc tế phát động, Đức Tổng Giám Mục Antonio Maria Vegliò, cho biết năm nay cũng là dịp kỷ niệm 90 năm thành lập tổ chức ”Tông đồ biển”. Tổ chức này đã nảy sinh tại Glasgow bên Anh quốc ngày 4 tháng 10 năm 1920, do sáng kiến của một nhóm giáo dân và linh mục chú ý tới tình trạng bị bỏ rơi của các người sống về nghề biển. Trong 90 năm qua sinh hoạt này đã gia tăng với phần đóng góp của hàng ngàn tuyên úy và nhân viên mục vụ.

Các người sống về nghề biển phải đương đầu với nhiều thách đố trong đó nguy hiểm nhất là nạn cướp biển. Hiện có 20 tầu với 400 nhân viên bị cướp biển bắt giữ trong vịnh Aden. Tình trạng này để lại ảnh hưởng rất tiêu cực trên tâm lý của họ và gia đình họ. Tổ chức Tông Đồ Biển và các tổ chức kitô khác cũng trợ giúp họ phục hồi sau khi được trả tự do. Đa số họ thuộc các quốc gia nghèo đang trên đường phát triển. Vì sợ mất chỗ làm việc nên họ thường im lặng chịu các thiệt thòi, bị khai thác và lạm dụng. Ngoài ra còn có thảm cảnh bị giới chủ nhân vu khống, kết tội và bị các tầu kéo bỏ rơi. Tổ chức Tông Đồ Biển cũng can thiệp với các hải cảng, cảnh sát biên phòng và các tổ chức quốc gia trợ giúp họ. Một trong các ưu tiên hiện nay là công tác mục vụ cho các người sống về nghề đánh cá. Tổ chức Tông Đồ Biển kêu gọi các HĐGM và Giáo Hội địa phương gia tăng mục vụ cho các anh chị em này và gia đình họ qua sự hiện diện của các linh mục tuyên úy. Trong các năm qua số các tầu chở khách du lịch gia tăng và càng ngày càng có khả năng lớn có khi chở tới 2 hay 3 ngàn hành khách, và cần có sự hiện diện của các linh mục tuyên úy để bảo đảm mục vụ cho họ (RG 11-7-2010)
 
Ngân qũy Tòa Thánh thiếu hụt hơn 4 triệu Euro
Linh Tiến Khải
07:52 14/07/2010
VATICAN - Trong thông cáo công bố ngày 10-7-2010 Hội đồng các Hồng Y đặc trách nghiên cứu về các vấn đề tổ chức và kinh tế của Tòa Thánh cho biết ngân qũy 2009 của Tòa Thánh thiếu hụt 4.102.156 Euros.

Phiên họp thứ 45 của Hội Đồng Hồng Y do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chủ sự, đã diễn ra ở nội thành Vaticăng trong các ngày 7-9 tháng 7. Cùng tham dự phiên họp có các giới chức Sở tài chính Tòa Thánh, Phủ Thống Đốc quốc gia thành Vaticăng và Ủy ban quản trị tài sản Tòa Thánh Vaticăng.

Đức Tổng Giám Mục Velasio De Paolis, Chủ tịch sở tài chính của Tòa Thánh đã tường trình ngân sách chi thu và cho biết trong năm 2009 Tòa Thánh đã thu được 250.182.364 Euros và chi ra 254.284.520 Euros. Số tiền chi ra là để trả lương cho nhân viên thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh trợ giúp Đức Thánh Cha trong mọi hoạt động lo cho Giáo Hội hoàn vũ, bao gồm toàn hệ thống truyền thông, đặc biệt là đài phát thanh Vaticăng. Số nhân viên của Tòa Thánh là 2.762 người trong đó có 766 linh mục, 344 nam nữ tu sĩ, 1.652 nam nữ giáo dân.

Tiếp đến Đức Tổng Giám Mục De Paolis đã tường trình ngân sách chi tiêu của Phủ Thống Đốc thành phố quốc gia Vaticăng và cho biết trong năm nay Tòa Thánh Vaticăng cũng bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoàng kinh tế tài chánh trên toàn thế giới, nên thiếu hụt 7.815.183 Euros. Sinh hoạt của Phủ Thống Đốc độc lập vời các đóng góp đến từ Tòa Thánh hay từ các cơ quan khác, do đó ban quản trị có phương thế độc lập để đối phó với tình trạng này.

Phủ Thống Đốc thành phố quốc gia Vaticăng có 1.891 nhân viên trong đó có 38 tu sĩ, 27 nữ tu, 1.543 nam giáo dân và 283 nữ giáo dân.

Các chi phí liên quan tới việc bảo quản và tu sửa gia tài nghệ thuật của Tòa Thánh, bao gồm việc tu sửa hai dẫy hành lang có cột của quảng trường thánh Phêrô, đền thờ thánh Gioan Laterano, đền thờ thánh Phaolô ngoại thành và đền thờ Đức Bà Cả. Ngoài ra cũng có các chi phí cho dịch vụ an ninh bên trong thành phố quốc gia Vaticăng và công tác tu sửa Thư Viện của Tòa Thánh sẽ được mở cửa trở lại vào tháng 9 tới này.

Đức Tổng Giám Mục De Paolis cũng cho biết tình hình qũy tiền hưu để trả cho 4.587 nhân viên là 31.122.009 Euros.

Liên quan tới Đồng tiền thánh Phêrô do các Giáo Hội địa phương đóng góp trợ giúp Đức Thánh Cha năm 2009 đã thu được 82.529.417 mỹ kim, đa số do các tín hữu công giáo Hoa Kỳ, Italia và Pháp dâng cúng. Ngoài ra cũng có sự đóng góp ý nghĩa của các tín hữu công giáo Nam Hàn và Nhật Bản.

Sau cùng còn có các dâng cúng của các Hiệp hội khác, trong đó có Hiệp hội cho các công tác tôn giáo IOR, tức nhà băng Vaticăng. Tổ chức này đã dâng cúng 50 triệu mỹ kim cho các hoạt đông tôn giáo của Đức Thánh Cha. Hội Đồng các Hồng Y không quên bầy tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những ai đã quảng đại nâng đỡ sứ vụ tông đồ và bác ái của Đức Thánh Cha trong việc phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.

Tưởng cũng nên nhắc lại là toàn ngân sách của Tòa Thánh để phục vụ Giáo Hội hoàn vũ không bằng ngân sách của một giáo phận lớn tại Hoa Kỳ hay một vài nước Âu châu như Đức (SD RG 10-7-2010)
 
ĐTC: Người Samari nhân hậu, mẫu gương của kẻ đã trở nên thân cận đối với những ai đang cần giúp đõ
Bình Hòa
07:55 14/07/2010
Kinh Truyền tin chúa nhựt 11-7

Từ chiều thứ 4 tuần qua, Đức Thánh Cha đã về biệt thự Castel Gandolfo, cách Rôm khoảng 30 cây số để nghi hè. Chúa nhật hôam qua là lần ra mắt công cộng lần đầu tiên tại nơi này. Vì thế những lời mở đầu bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin là chào thăm dân cư địa phương cũng như các khách hành hương, có thể đến gần bao lơn hơn là tại quảng trường thánh Phêrô. Chủ đề của bài suy niệm dựa theo bài Tin mừng chúa nhựt XV thường niên, về dụ ngôn người Samari nhân hậu, mẫu gương của kẻ đã trở nên thân cận đối với những ai đang cần giúp đõ, dù là kẻ vô danh tiểu tốt. Trong phần thứ hai của bài huấn dụ, đức Bênêđictô XVI cũng nhắc đến lễ kính vị thánh được chọn làm bổn mạng. Trong tiếng Việt, tên của vị thánh được dịch là Bênêđictô theo lối phiên âm Latinh Benedictus, theo nguyên ngữ có nghĩa là kẻ được Chúa chúc phúc. Trong quá khứ, thánh nhân được nhìn nhận như là tổ phụ của đời đan tu bên Tây phương, bởi vì suốt thời Trung cổ, các đan viện đều giử bản luật của ngài, còn các cộng đoàn giáo sĩ thì giữ luật thánh Augustinô. Vào năm 1964, sau khi đức thánh cha Phaolô VI đặt người làm bổn mạng của châu Âu, người ta đã đánh giá công trình của các đan sĩ trong việc bảo vệ văn minh châu Âu khỏi sự tàn phá của dân man di. Tuy nhiên ngày nay, đức đương kim Giáo hoàng muốn nêu bật việc kiến tạo một châu Âu thống nhất cần phải dựa trên một nền luân lý đạo đức, mà thánh Biển đức đã vạch ra. Sau đây là nguyên văn bài suy niệm

Anh chị em thân mến

Như anh chị em thấy, từ mấy bữa nay, tôi đã rời Rôma và đến nghỉ ở Castel Gandolfo. Tôi xin cám ơn Chúa đã ban cho tôi có dịp để nghỉ ngơi. Tôi xin gửi lời chào thăm đồng bào tại đây, nơi mà tôi rất thích thú được trở lại. Bài Tin mừng chúa nhựt hôm nay mở đầu với một thắc mắc do một luật gia đặt ra cho Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để thừa hưởng đời sống vĩnh cửu?" (Lc 10,25). Biết rằng ông ta là một chuyên gia về Kinh thánh, Chúa yêu cầu ông ta hãy tự tìm câu giải đáp. Thực vậy, ông ta đã trình bày rất chính xác khi tóm lược hai giới răn chính: Mến Chúa hết lòng, hết trí, hết sức và mến người thân cận như bản thân. Thế rồi ra như để tự biện minh, luật gia hỏi thêm: "Ai là người thân cận của tôi?" (Lc 10,29). Lần này Chúa Giêsu trả lời với dụ ngôn thời danh về người Samari nhân hậu (xc Lc 10,30-37), để chỉ cho chúng ta biết cách trở nên "thân cận" đối với bất cứ ai đang cần được giúp đỡ. Thực vậy, người Samari đã quan tâm đến thân phận của một kẻ vô danh đã bị quân cướp bỏ rơi nửa sống nửa chết bên vệ đường, đang khi một tư tế và một thầy cúng đã tránh né, có lẽ bởi vì họ sợ sẽ bị ô uế khi chạm đến máu me, dựa theo điều luật Mosê. Vì thế dụ ngôn này thôi thúc chúng ta hãy biến đổi não trạng của mình cho phù hợp với lý luận của Chúa Kitô, tức là lý luận của tình yêu: Thiên Chúa là tình yêu, và phụng thờ Chúa có nghĩa là phục vụ anh em với lòng yêu thương chân thành và quảng đại.

Trình thuật Tin mừng hôm nay cung cấp một "tiêu chuẩn đo lường", nghĩa là "tinh yêu đại đồng dành cho người túng thiếu mà ta gặp cách tình cờ" (xc Lc 10,31), bất cứ họ là ai (Thông điệp Deus caritas est số 25). Bên cạnh quy luật phổ quát đó còn có một yêu sách của Giáo hội nữa, đó là "trong Giáo hội, xét là một gia đình, không ai phải chịu đau khổ do sự túng thiếu". Chương trình của một người Kitô hữu, được đào tạo từ lời dạy của Chúa Giêsu, là "một trái tim biết mở đôi mắt" nhìn thấy ở đâu đang cần tình thương, và theo đó mà hành động.

Các bạn thân mến, tôi muốn nhắc nhớ rằng hôm nay Giáo hội kính nhớ thánh Bênêđictô Norcia - thánh Bổn mạng của triều giáo hoàng của tôi - là tổ phụ và nhà lập pháp của các đan sĩ Tây Phương. Thánh Grêgôriô Cả mô tả Người như là "một con người có cuộc đời thánh thiện do tên gọi và nhờ ơn thánh". Người đã viết một bản luật cho các đan sĩ, như tấm gương phản chiếu lời dạy phát ra từ con người của mình: thực vậy vị thánh không dạy điều gì khác với điều mà mình đã sống". Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố thánh Bênêđictô làm bổn mạng châu Âu ngày 24 tháng 10 năm 1964, nhìn nhận công trình to tác của Người đối với việc đào nặn văn minh châu Âu.

Chúng ta hãy ký thác cho đức Trinh nữ Maria con đường lữ hành đức tin, đặc biệt là trong thời gian nghỉ ngơi này, ngõ hầu tấm lòng chúng ta đừng bao giờ bỏ qua Lời của Chúa và những anh em đang túng thiếu.
 
Truyền thống Công giáo cổ kính đang được hồi sinh tại Scandinavia
Phụng Nghi
08:30 14/07/2010
New York (National Catholic Register) - Scandinavia (khu vực gồm các nước Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển) có thể không phải là địa danh đầu tiên bạn nghĩ đến khi đề cập tới Giáo hội Công giáo. Thế nhưng, những quốc gia vùng bắc châu Âu này đã có một truyền thống Công giáo dài lâu, một truyền thống được ghi chép để lưu giữ làm tài liệu suốt 100 năm qua trong những ấn bản của Bản Tin được điều hành do hiệp hội người Công giáo vùng Scandinavia có trụ sở đặt tại New York.

Bản đồ vùng Scandinavia
Những làn sóng di dân mới đây đã làm tăng thêm dân số Công giáo cho Giáo hội vùng Scandinavia này.

The St. Ansgar’s Bulletin là Bản Tin duy nhất bằng Anh ngữ về Giáo hội Công giáo tại Scandinavia, hiện ngưng xuất bản sau 100 năm lưu hành. Bản Tin này được phát hành do Liên đoàn Công giáo Scandinavia tại New York mang tên Thánh Ansgar.

Ngày 28 tháng 5 vừa qua, ông Viggo Rambusch đã trình bầy giá trị suốt thế kỷ của Bản Tin và một CD ghi các dữ liệu lưu trữ của những ấn bản do hiệp hội Thánh Ansgar xuất bản, tất cả được trao tặng cho Biblioteca Apostolica Vaticana, tức là Thư viện của Toà thánh.

Bản Tin được bắt đầu phát hành từ năm 1910 do Frode Rambusch, là ông nội của Viggo Rambusch. Ông Frode Rambusch lúc đó là một di dân người Hòa lan và cải đạo theo Công giáo, đã cùng với ba người bạn thành lập Liên đoàn Thánh Ansgar người Công giáo Scandinavia, theo lời yêu cầu của vị tổng giám mục New York bấy giờ là Hồng y John Farley.

Ông Frode Rambusch cũng thành lập công ty trang trí mang tên Rambusch Decorating Co., mà người cháu của ông là Viggo nay đang là chủ tịch danh dự và trưởng giám đốc về dự án. Công ty này đã họa kiểu nhiều ngôi thánh đường và trụ sở công cộng.

Trải qua bao nhiêu năm tháng, Bản Tin Thánh Ansgar đã mang đến cho người đọc lịch sử quan trọng của Giáo hội Công giáo vùng Scandinavia, các vị thánh và những nhân vật tên tuổi từ thế kỷ thứ 9 trở về sau, chẳng hạn như các bài viết về vị thánh bảo trợ nước Na Uy là Thánh Olaf, cũng như về Thánh Bridget nước Thụy điển, người gần như hàng ngày nhận lãnh được những mạc khải từ Chúa và Đức Mẹ.

Quan trọng không kém, là Bản Tin đã duy trì cho độc giả được biết những tin tức về sự phát triển tại Đan mạch, Thụy điển, Na uy, Phần lan và Iceland, cũng như những sự tăng trưởng mới đây của Giáo hội Công giáo trong những quốc gia này, là nơi đã thế tục hóa và có đa số người theo đạo Tin lành.

Truyền thống Công giáo

Ông Viggo Rambusch, giữ chức vụ thủ quỹ của Liên đoàn, giải thích như sau: “Tại Scandinavia đã có một truyền thống Công giáo phong phú kể từ lúc nước Đan mạch trở lại theo Công giáo cho đến khoảng năm 1540, là năm hoàng đế nước Thụy điển muốn chiếm đoạt các tài sản tích lũy trong những tu viện và các nhà thờ chính tòa.”

Vì thế đạo Công giáo bị cấm cách, những tu viện và nhà thờ chính tòa bị tịch thu, còn các giám mục thì phải chết vì đạo.

Nhưng một khúc quanh bắt đầu xảy ra vào năm 1850, khi việc hành đạo Công giáo lại được cho phép tại Scandinavia. Sau Thế chiến thứ II, Tòa thánh Vatican thiết lập các giáo phận ở mỗi quốc gia trong vùng.

“Đạo Công giáo lại đang phát triển, không giống những vùng đất khác (ở châu Âu)”, ông Rambusch nhận định như thế và cho rằng sự lớn mạnh đó tại Scandinavia chính yếu là do tình trạng di dân. Theo lời ông, ở vùng phía nam Stockholm (thủ đô của Thụy điển) có tới 20 ngàn người Công giáo theo nghi lễ Can-đê vì lý do nhiều người Iraq tỵ nạn hiện định cư tại Thụy điển.

Những người này mua lại các nhà thờ cũ và biến cải thành thánh đường Công giáo.

Ông Rambusch giải thích thêm rằng các nhóm di dân Công giáo khác cũng là những yếu tố tạo ra sự lớn mạnh của Giáo hội tại Scandinavia. Nhiều người tỵ nạn Việt nam hiện sinh sống tại Na uy, chỉ nguyên giáo xứ chính tòa Công giáo Na uy thôi cũng đã có tới 400 người Việt. Ở đây đã có một linh mục Việt nam được thụ phong và nhiều chủng sinh.

Còn người Phi luật tân đã bắt đầu tới đây mấy năm trước, cũng như nhiều người Ba lan. Theo ông Rambusch cho biết, ngay Giám mục Czeslaw Kozon ở Copenhagen (thủ đô Đan mạch), tuy sinh trưởng và học hành tại Đan mạch, nhưng gia đình phía bên mẹ đã di cư đến từ Ba lan, và cha ngài là một người Ba lan tỵ nạn sau Thế chiến II.

Năm 2009, tại Na uy tổng số người Công giáo ghi danh là 230 ngàn, chiếm khoảng 5% dân số toàn quốc. Những con số từ năm 2008 cho thấy những người Công giáo ghi danh tại Na uy không thôi cũng đã có tới 29.500 người sinh đẻ tại Ba lan.

Số người Công giáo tại Thụy điển chiếm 2% dân số, thế nhưng quốc gia đã tục hóa này lại có một trong những Giáo hội Công giáo tăng trưởng mau chóng nhất tại châu Âu. Ở đây, trong tổng số khoảng 200 ngàn người Công giáo của Thụy điển, người Ba lan là nhóm lớn nhất. Gần một phần ba các linh mục ở đây đến từ Ba lan.

Tinh thần của Thánh Ansgar, người của thế kỷ thứ 9, là thánh bảo trợ Scandinavia và là vị thừa sai Công giáo đầu tiên của vùng đất này, dường như nay đã được hồi sinh. Vào ngày lễ kính ngài cử hành hôm 3 tháng 2, Liên đoàn Thánh Ansgar người Công giáo Scandinavia đã tổ chức Thánh lễ hàng năm tại Nhà thờ chính tòa Thánh Patrick ở thành phố New York.

Tuy Bản Tin nay không còn được phát hành nữa, nhưng Liên đoàn vẫn sẽ tiếp tục công tác của mình và gửi tất cả những dâng cúng nhận được cho Giáo hội tại Scandinavia.
 
Tin thêm về vụ sa thải GS Công Giáo: Đại học Illinois đang gài số dze trước sự phẫn nộ trên tòan quốc?
Trần Mạnh Trác
14:49 14/07/2010
Champaign, Illinois - Chưởng Ấn Robert Easter của chi nhánh Đại học Illinois tại Urbana-Champaign đã yêu cầu 'Ban Giám Hiệu về Tự Do Học Thuật và Bổ Nhiệm’ (Senate Committee on Academic Freedom and Tenure) xác định lại trường hợp vi phạm quyền tự do học thuật và quyền tự do ngôn luận của giáo sư phụ khảo tiến sĩ Kenneth Howell.

Trong khi đó Viện Trưởng Michael Hogan của viện ĐH Illimois cũng đã gửi thư trấn an đến những người phản đối, nội dung như sau:

“Hãy cho tôi bắt đầu bằng việc cảm ơn quí vị đã thể hiện mối quan tâm của quí vị. Sự Tự Do Học Thuật là cốt lõi của việc giảng dạy và nghiên cứu của chúng tôi. Sự Tự Do đó là tối quan trọng để chúng ta khám phá ra những ý tưởng mới, để giáo dục sinh viên, và để thúc đẩy việc trao đổi cách tự do và lịch sự những quan điểm mới trong một nền dân chủ.

Tôi đã được thông báo về hành động này của trường Đại học Illinois Urbana-Champaign (UIUC) vào cuối tuần qua và ngay lập tức đã yêu cầu Chưởng Ấn Robert Easter, là người giám sát khuôn viên trường, cung cấp cho tôi những chi tiết tường tận về vấn đề này. Tôi xin đảm bảo với quí vị rằng ban quản trị viện Đại Học cũng chia sẻ những quyềt tâm của tôi về nguyên tắc tự do học thuật. Đồng thời, chúng tôi tin rằng điều quan trọng là phải điều tra đầy đủ tất cả các chi tiết liên quan đến tình trạng này. Tôi tin rằng quí vị cũng nhận thức được là đôi khi các tin tức công cộng có thể truyền tải chỉ có một phần của câu chuyện. Vì thế tôi nghĩ rằng chúng ta không nên vội kết án cho đến khi tôi có tất cả các sự kiện và tôi hy vọng quí vị sẽ đồng ý.

Chúng tôi đã yêu cầu ‘Ban Giám Hiệu của UIUC về về Tự Do Học Thuật và Bổ Nhiệm’ ngay lập tức xem xét lại hành động này. Đây là cơ chế của viện mà những vấn đề như thế này được hiệu đính. Chúng tôi hy vọng việc duyệt xét này sẽ được hoàn thành rất sớm. Bằng cách sử dụng các đường lối quản trị và kiểm tra từng được chia sẻ rộng rãi của chúng tôi, chúng tôi đang ở một vị trí tốt nhất để thực hiện các quyết định công bằng cho tất cả mọi người.

Một lần nữa, tôi rất biết ơn đã được nghe quí vị và nhiều người khác về việc này và tôi biết ơn cơ hội trả lời cho quí vị. Việc này sẽ tái khẳng định những kỳ vọng của nhiều người về đại học và nền giáo dục cao cấp công lập và sẽ đảm bảo rằng viện Đại học Illinois sẽ tiếp tục là một ngọn đèn sáng chói, cho tiểu bang, cho quốc gia, và cho thế giới.”

Riêng Chưởng Ấn Easter thì cho biết ông muốn có một phán quyết từ Ban Giám Hiệu trước khóa mùa thu, sẽ bắt đầu ngày 23 tháng Tám.

"Chúng tôi cần phải giải quyết vấn đề này trong vòng một khỏang thời gian hợp lý," ông nói.

Theo tờ báo The News-Gazette của thành phố Champaign thì Giáo sư Jeff Dawson, chủ tịch bế nhiệm của Ban Giám Hiệu, sẽ họp ngày thứ Ba để thảo luận về tình hình với Giáo sư Matt Finkin, vị chủ tịch kế nhiệm mà nhiệm kỳ bắt đầu từ ngày 16 tháng 8.

GS Finkin cho biết vụ án sẽ được đặt vào chương trình nghị sự của cuộc họp tiếp theo. Thời điểm của cuộc họp chưa được quyết định vì có nhiều giảng viên đang đi xa.

Nhắc lại GS Howell, từng dạy môn Tôn giáo từ năm 2001, đã bị bãi nhiệm vì giải thích trong một lớp học về Giáo hội Công giáo rằng hành vi đồng tính vi phạm luật tự nhiên vì hành vi luyến ái chỉ hợp lý cho những vật ‘bổ túc’ chứ không cho những vật ‘giống nhau’. Một người bạn của một sinh viên giấu tên đã phàn nàn rằng lời giải thích của ông về giáo lý Công Giáo liên hệ đến đồng tính luyến ái là "có ngôn ngữ gây thù hận."

E-mail khiếu nại đã được lưu hành giữa các quản trị viên đại học và gửi đến Tiến sĩ Robert McKim, khoa trưởng khoa tôn giáo. Howell đã được thông báo rằng ông sẽ không còn được phép dạy cho trường Đại học Illinois nữa, vì ông đã "vi phạm tiêu chuẩn hòa hợp của trường đại học (university standards of inclusivity.)"

"Giảng dạy về những giáo lý của tôn giáo là một điều, nhưng cho rằng hành vi đồng tính vi phạm luật tự nhiên của con người là một điều khác.” e-mail khiếu nại lập luận.

E-mail này cũng lập luận rằng "đây là một trường đại học công cộng và do đó nên không ưu đãi một tôn giáo nào."

GS Howell đã nói rằng ông chỉ đơn giản trình bày những giảng dạy đạo đức của Công Giáo về đồng tính luyến ái, dựa trên luật tự nhiên. Ông nói rằng ông đã rất rõ ràng là sinh viên của mình không bắt buộc phải đồng ý với giáo lý Công giáo để thành công trong lớp.

Một số câu hỏi được đặt ra liên quan đến mối quan hệ tài chính giữa Tiến sĩ Howell với trường Đại học Illinois cũng như với tổ chức St John's Newman Center. Tiến sĩ Howell giảng dạy cả hai nơi và đã bị bãi nhiệm ở cả hai nơi cùng một lúc. Một số nhà bình luận cho rằng sự bãi nhiệm ở trường ĐH là hợp lý vì đây là một trường ĐH công lập, các lớp học với chủ đề tôn giáo không nên dùng thuế của dân Illinois. Còn một số người khác thì bày tỏ sự thất vọng ở Trung tâm Newman's vì sự thiếu đoàn kết với nhân viên cũ của họ.

Thực tế của vấn đề là tiền lương của tiến sĩ Howell được thanh toán thông qua Trung tâm Newman của Giáo phận Công giáo Peoria. Không có công quỹ được sử dụng để hỗ trợ việc giảng dạy của môn học về Công Giáo. Khi vị trí của GS Howell tại trường đại học bị mất, thì giáo phận cũng rút kinh phí hỗ trợ tài chính cho một nhiệm vụ mà hiện nay không còn tồn tại nữa.

Giáo phận Peoria cho biết họ quan ngại sâu sắc về cách cư xử của trường ĐH UI với GS Howell, và các viên chức của giáo phận sẽ gặp các quản trị viên của nhà trường vào thứ năm này.

Theo tờ The News-Gazette thì giáo sư Nicholas Burbules, giáo sư nghiên cứu về chính sách giáo dục ở các trường đại học và là thành viên của Ban Giám Hiệu, nói rằng vụ án không chỉ là "về một e-mail hoặc về các vấn đề đồng tính luyến ái"

"sự hiểu biết của tôi là một ranh giới đã bị vượt qua từ lâu, và nhiều lần," Burbules nói.

Ông nói thêm rằng "một chương trình nghiên cứu tôn giáo không phải là một chương trình của một chủng viện. Có một sự khác biệt giữa giảng dạy về tôn giáo và việc dạy giáo lý."

Nhưng ông Robin Kaler, phó chưởng ấn đặc trách ngọai vụ, thì nói rằng trường đại học "hoàn toàn cam kết giảng dạy lý thuyết về đạo Thiên chúa, nhưng để tùy các phân khoa chọn người giảng dạy."

Theo ông Travis Barham, tư vấn pháp luật của Quỹ Liên minh phòng vệ Pháp Lý (Alliance Defense Fund, ADF), thì ông khẳng định rằng những gì đang bị đe dọa là sự tự do ngôn luận. "Theo tiền lệ của Tòa án tối cao đã có hằng thập kỷ, thì các Đại học đơn giản không thể sa thải TS Howell vì bài giảng của mình chỉ vì có một người thứ ba cảm ứng với bài giảng ấy," Barham nói. " Trong nhiều thập kỷ, Tòa án Tối cao đã liên tục phán quyết rằng các trường đại học 'không được đặc miễn khỏi những đòi hỏi của Tu Chánh Án Thứ Nhất.'"

Nhấn mạnh rằng trường ĐH đã vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do học thuật, Barham kêu gọi Đại học Illinois khôi phục vị trí giảng dạy trước đây cho tiến sĩ Howell ngay lập tức.

Nếu trường đại học không đáp ứng với bức thư của họ vào ngày 16 Tháng Bảy này, thì quỹ pháp lý ADF cho biết họ sẽ tư vấn cho GS Howell nộp đơn kiện.
 
Cầu thủ ghi bàn thắng đoạt Cúp Vô Địch Bóng Đá Thế giới 2010 hứa thực hiện cuộc hành hương
Dominic David Trần
19:38 14/07/2010
Madrid, Tây Ban Nha, ngày 14/7/2010 / 06:05 pm theo tin Thông Tấn Xã Công giáo (CNA).- Andres Iniesta, cầu thủ bóng đá Tây Ban Nha người đã ghi bàn thắng duy nhất giúp Đội Tuyển Tây Ban Nha đoạt Cúp Vô Địch Bóng Đá Thế giới năm 2010 tại Nam Phi, đã hứa thực hiện một cuộc Hành hương đến Santiago de Compostela đến Đền Thánh Giacôbê Tông Đồ.

Andrés Iniesta hứa thực hiện cuộc hành hương
Con Đường Hành Hương của Thánh Giacôbê Tông Đồ là một lộ trình hành hương được thực hiện qua hàng bao nhiêu thế kỷ đã đưa các tín hữu từ khắp nẻo đường Âu Châu đi đến Thành phố Santiago de Compostela; là nơi hài cốt của Thánh Giacôbê Tông Đồ đã được tôn kính tại Đại Thánh Đường của Thành phố này.

Theo như Nhật báo Marca của Tây Ban Nha tường thuật là vào khoảng mấy tháng trước khi Giải Vô Địch Bóng Đá Thế giới 2010 được chính thức thi đấu; các thành viên của Đội Tuyển Bóng Đá Tây Ban Nha đã gởi đến cho Nhật Báo Marca những phong thơ đã đưọc niêm kín với những lời hứa sẽ được Đội Tuyển Bóng Đá Tây Ban Nha thực hiện nếu họ đoạt được Cúp Vàng Vô Địch.

Sau khi chứng kiến thắng lợi lịch sử của Tây Ban Nha trong trận chung kết đoạt Cúp Vàng Vô Địch trong ngày Chúa Nhật 11 tháng Bảy vừa rồi: Nhật Báo Marca cho mở tất cả phong bì niêm kín đã được gởi đến trước đây - và Nhật Báo đã tìm thấy lời hứa của cầu thủ Andres Iniesta, cùng với các cầu thủ cùng đội tuyển là Fernando Torres và Carlos Marchena ghi trong thư ấy tuyên bố rằng họ sẽ thực hiện cuộc Hành hương Thánh Giacôbê Tông Đồ khi họ đoạt Cúp.

Inieta cũng đã tiết lộ lời hứa của anh ta trong một cuộc phỏng vấn truớc khi Giải Vô Địch Bóng Đá Thế giới mở màn. Phát biểu trên Đài Vô Tuyến Truyền Hình Tây Ban Nha; Iniesta nói rằng " Hình như... Tôi sẽ thực hiện lời hứa đó dù sao đi nữa tôi phải đi Hành hương!". Người bạn cùng Đội Tuyển là Sergio Busquests lúc ấy ngồi cạnh Iniesta và cùng tham gia cuộc phỏng vấn, cũng đã hứa một lời tương tự như vậy.

Hệ thống truyền thông của Tây Ban Nha hiện đang nhắc nhở các cầu thủ này về những lời hứa nêu trên. Dù cho chưa có một chương trình Hành hương đến Đền Thánh Giacôbê Tông Đồ của các cầu thủ này đưọc chính thức đưa ra, thế nhưng các phóng viên tin rằng sẽ có rất nhiều cổ động viên của họ sẽ cùng tham gia và chia xẻ Cuộc Hành Hương với các cầu thủ nói trên.

Được biết là ngày Lễ Trọng Kính Thánh Giacôbê Tông Đồ năm nay sẽ được cử hành vào ngày Chúa Nhật 25 tháng Bảy. Đại Lễ Năm Thánh kỷ niệm Thánh Giacôbê Tông Đồ (The Year of St James) lần tới sẽ được thực hiện vào năm 2021.
 
Nhật Bản phải xem xét lại qúa khứ và hãy ăn năn sám hối; lời Đức Cha Chủ Tịch HĐGMCG Nhật Bản.
Dominic David Trần
20:54 14/07/2010
OSAKA, Nhật Bản, ngày 14/07/2010 theo bản tin của Thông Tấn Xã Công Giáo CWN News; kỷ niệm 100 Năm sau ngày nước Nhật đã chiếm đóng và sát nhập Hàn Quốc vào nước Nhật; Đức Cha lãnh đạo Hàng Giám Mục Công Giáo Nhật Bản đã lên tiếng kêu gọi dân tộc của ngài nên thực hiện một cuộc kiểm soát lại về lịch sử qúa khứ của dân tộc và đất nước Nhật Bản một cách thành thật.

Đức Cha Leo Jun Ikenaga, Tổng Giám Mục TGP Osaka kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nhật Bản đã tuyên bố rằng;

" Thật là điều tối quan trọng khi tất cả chúng ta cùng xem xét lại một lần nữa mọi điều có liên quan đến chủ nghĩa Thực Dân của Nhật Bản, bao gồm cả trách nhiệm của Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản, ở một thời điểm quan trọng và mang tính quyết định trong lịch sử Nhật; như hiện nay."

" Trước Thiên Chúa - hãy can đảm ăn năn xưng thú mọi tội lỗi của nước Nhật chúng ta và thành khẩn cầu xin Sự Tha Thứ của Thiên Chúa: Đó không phải là một hành động làm mất danh dự hoặc tự làm mất phẩm gía của chúng ta, nhưng cao đẹp hơn nữa Hành động ấy là một con đường cho người Nhật của chúng ta trở nên thực sự là con người nhân bản theo cách thế Thiên Chúa đã đòi buộc chúng ta thực hiện.
 
Top Stories
Philippines: L’Eglise catholique lance un jeu vidéo d’évangélisation pour les adolescents
Eglises d'Asie
04:39 14/07/2010
Eglises d’Asie, 12 juillet 2010 – L’inventeur du « Voyage de Paolo », un jeu vidéo destiné à enseigner le catéchisme de façon ludique, est un prêtre catholique philippin, le P. Maximo Villanueva, du diocèse de Balanga, dans le nord de l’archipel. Les principes du jeu ont été élaborés à partir du Compendium de la doctrine sociale de l’Eglise, dans sa dernière version enrichie de l’encyclique Caritas in Veritate (2009) de Benoît XV, laquelle met l’accent sur les questions économiques, sociales et environnementale posées par la modernité (1).

Le concept graphique et l’élaboration du jeu ont été réalisés gratuitement par Secret 6 (2), une agence spécialisée dans l’animation en images de synthèse. « Dès que l’idée m’est venue, j’ai écrit tout de suite à quelques studios d’animation », a expliqué le prêtre lors du lancement officiel du jeu vidéo le 8 juillet dernier au siège de la Conférence des évêques catholiques de Philippines (CBCP) à Manille. « Ronald Schaffner, président de Secret 6, en Californie, m’a envoyé un e-mail et offert gracieusement ses services (...), raconte le P. Villanueva. J’ai d’abord cru que c’était une blague. Les autres sociétés que j’avais consultées avaient évalué le coût de la conception du jeu entre 25 000 à 50 000 dollars. Mais M. Schaffner m’a écrit de nouveau pour m’expliquer que sa femme était originaire des Philippines et que Secret 6 avait son bureau de production près de Manille avec lequel on pouvait développer le projet. »

Ciblant les jeunes de plus de 12 ans, « le Voyage de Paolo » est un jeu d’aventure, mettant en scène un jeune garçon qui se perd dans la forêt en cherchant son chat et tombe dans une grotte profonde et mystérieuse (une introduction qui n’est pas sans rappeler Alice au pays des merveilles...). Un ange explique alors à Paolo qu’il doit récupérer trois clefs pour sortir de la grotte. Le jeu consiste à répondre à des questions sur les sacrements, les dix commandements et la vie chrétienne, afin de récupérer, l’une après l’autre, les clefs qui permettront au joueur de quitter le monde souterrain. Il y a différents niveaux de difficultés avec des séries de questions en anglais, philippin (tagalog), espagnol, portugais ou encore italien. « Le Voyage de Paolo représente la quête des jeunes qui cherchent un sens à leur vie. Je veux dire aux jeunes que le seul sens qu’ils peuvent trouver à leur vie, et qui est éternel, c’est l’amour du Christ », explique encore le P. Villanueva (3).

Mgr Socrates Villegas, évêque de Lingayen-Dagupan, qui dirige la Commission de la catéchèse et de l’éducation catholique de la CBCP, a déclaré lors du lancement du jeu que la Conférence des évêques catholiques des Philippines avait décidé de donner dix CD à chaque diocèse, afin qu’ils soient distribués dans les écoles. Les évêques catholiques philippins, réunis actuellement à Manille pour leur assemblée plénière, ont reçu déjà chacun une copie du jeu vidéo d’évangélisation.

Le prélat a également raconté qu’alors qu’il était à la tête du diocèse de Balanga (de 2004 à 2009), il avait envoyé le P. Villanueva aux Etats-Unis, étudier l’animation en images de synthèse à la New York Film Academy, une école de cinéma réputée (4), afin de pouvoir importer aux Philippines « la technologie [nécessaire à] la nouvelle évangélisation ». Pendant son séjour, le jeune prêtre, passionné par les techniques de l’image de synthèse, avait également fait des stages dans les célèbres studios de film d’animation Pixar et sur la chaîne pour enfants Nickelodeon.

Le lancement d’un « catéchisme - vidéo game » s’inscrit dans le contexte d’une Eglise catholique des Philippines qui mise beaucoup sur l’utilisation des nouvelles technologies et de l’outil Internet pour l’évangélisation des jeunes. Au récent congrès annuel des catéchistes de la Communication Foundation for Asia (CFA) à Manille en mai dernier, les participants avaient ainsi appris à participer à des réseaux de socialisation comme Facebook et à créer des sites Internet ludo-éducatifs. Religieux, catéchistes laïcs, enseignants avaient été invités à se rapprocher de l’univers dans lequel évoluaient leurs étudiants et à rendre leurs enseignements plus attrayants par des jeux et des cours interactifs. « Enseigner ou partager sa foi ne doit jamais être ennuyeux », a insisté le P. Cuyos, l’un des intervenants de la session, ajoutant: « Les seules limites à votre évangélisation ne doivent être que celles de votre imagination » (5).

(1) Ucanews, 12 juillet 2010
(2) Secret 6, agence américaine qui a son siège à San Francisco et son équipe de production à Manille, est un studio d’animation spécialisé dans la conception d’univers virtuels en 3 D pour jeux vidéos, films publicitaires, et programmes divers en images de synthèse.
(3) Manila Bulletin, 9 juillet 2010; The Philippine Star, 11 juillet 2010.
(4) Malgré sa création récente, il y a une dizaine d’années, la New York Film Academy est devenue rapidement l’un des viviers d’Hollywood. L’école, établie à New York, propose des formations d’acteurs, de réalisateurs, de producteurs et des différents métiers du cinéma.
(5) Ucanews, 24 mai 2010.

(Source: Eglises d'Asie, 12 juillet 2010)
 
Chine: Zhejiang: ordination d’un évêque « officiel » pour le siège épiscopal de Taizhou, vacant depuis 48 ans
Eglises d'Asie
11:04 14/07/2010
Eglises d’Asie, 14 juillet 2010 – C’est à l’âge où le droit canon spécifie que tout évêque est tenu de présenter sa démission au Saint-Père que le nouvel évêque de Taizhou a été élevé à l’épiscopat. Le 10 juillet dernier, en la cathédrale du Sacré-Cœur de Jésus à Taizhou, le P. Anthony Xu Jiwei a été ordonné évêque de ce diocèse du Zhejiang. Agé de 75 ans, il assumait la fonction d’administrateur diocésain de Taizhou depuis 1999.

Mgr Anthony Xu a été consacré évêque « officiel » de Taizhou, son mandat épiscopal ayant été approuvé par le Saint-Siège et validé par les autorités chinoises. Il a été ordonné par quatre évêques « officiels » en communion avec Rome: Mgr Joseph Li Mingshu, évêque de Qingdao (province du Shandong), qui présidait la cérémonie, Mgr Joseph Zhao Fengchang, de Liaocheng (Shandong), Mgr Joseph Xu Honggen, de Suzhou (Jiangsu), et Mgr Joseph Han Yingjin, de Sanyuan (Shaanxi), ce dernier ayant été ordonné évêque quinze jours plus tôt (1).

Ce mercredi 14 juillet, le Saint-Siège a rendu compte de la consécration de Mgr Xu Jiwei. Le communiqué est ainsi libellé: « La salle de presse du Saint-Siège confirme que, samedi dernier, le Père Antoine Xu Jiwei (75 ans, 25 ans de sacerdoce) a été consacré évêque de Taizhou (Chine populaire), diocèse dont il était l’administrateur depuis 1999. Le Saint-Siège le destinait à ce siège et, récemment, le gouvernement chinois a approuvé cette consécration. (…) » Depuis le début de cette année 2010, quatre ordinations ou installation d’évêques ont été organisées au sein de l’Eglise de Chine, mais, contrairement à celle de Mgr Xu Jiwei, elles n’ont pas donné lieu à publication d’un communiqué officiel du Saint-Siège (2).

Situé dans une région confiée autrefois aux lazaristes, le diocèse de Taizhou présente la particularité de compter au nombre des six premiers diocèses à avoir été dotés d’un évêque chinois. C’est en effet en octobre 1926 que le pape Pie XI lança le mouvement qui allait conduire l’Eglise de Chine à être entièrement confiée à un clergé autochtone. En 1926, Taizhou (ou Taichow), qui était alors un vicariat apostolique détaché du vicariat apostolique de Ningbo, était confié au lazariste Joseph Hou Jo-shan (Hu Jo-shan) qui en assuma la direction jusqu’à sa mort, en 1962 (3).

Le diocèse de Taizhou n’a pas été épargné par la répression antireligieuse du régime communiste. Avant la prise du pouvoir par Mao Zedong, en 1949, le vicariat apostolique de Taizhou, érigé en diocèse en 1946, était dynamique et avait vu le nombre de ses prêtres passer de sept en 1926 à 21 quelques années plus tard. La persécution culmina en 1957, année où toutes les églises du diocèse furent fermées et les prêtres arrêtés. Mgr Hou Jo-shan partit en prison et ne fut libéré qu’en 1962, très affaibli par la maladie, pour mourir quelques mois plus tard.

Si le nouvel évêque de Taizhou n’a pas directement connu la persécution de la communauté catholique de Taizhou, il a traversé des épreuves similaires. Né en 1935, il est entré au petit séminaire de Ningbo en 1948, un an avant la prise du pouvoir par les communistes. Envoyé ensuite au grand séminaire de Xujiahui, à Shanghai, il en sort en 1958, période où les campagnes anticatholiques se succèdent les unes aux autres. En 1960, il est arrêté, condamné à cinq ans de prison, suivis de 20 années de camps de travail. Un travail souvent très pénible, parfois moins, comme durant les six dernières années de sa détention où il est affecté comme enseignant dans un lycée. En 1985, il est libéré et envoyé à Shanghai, où il fait partie du premier groupe de séminaristes réadmis au séminaire de Sheshan. Après quelques mois d’études, il est ordonné prêtre pour le diocèse de Ningbo, mais reste à Sheshan où il enseigne à ses pairs, qui, comme lui, sont pour la plupart d’anciens séminaristes chassés du séminaire dans les années 1950-1960 et qui reprennent leur formation après des années de camps. Ce n’est qu’en 1987 qu’il commence un ministère pastoral, à Ningbo d’abord, puis à Taizhou en 1999, où il est nommé administrateur diocésain. A cette date, Taizhou ne compte plus que deux prêtres et tout est à reconstruire.

De cette vie passablement heurtée mais semblable à celle de toute la frange âgée du clergé chinois, Mgr Xu Jiwei ne veut retenir que le fait que ces années de privation de liberté lui ont permis de « renforcer sa foi ». A l’agence AsiaNews, il déclare: « Durant ce temps d’épreuve, j’ai prié chaque jour. J’ai compris que Dieu m’aimait profondément et qu’Il était avec moi chaque jour. »

Aujourd’hui, le diocèse de Taizhou compte 3 500 catholiques, soit moins que les quelque 6 000 catholiques recensés en 1957. Le nombre des prêtres est de cinq et celui des religieuses de neuf, dont les Sœurs de la Charité Servantes de Sainte Thérèse, une congrégation féminine diocésaine fondée en 1999 par Mgr Xu Jiwei (4). « Le diocèse a pu récupérer 25 églises et chapelles », précise le nouvel évêque. Tout en espérant que les diocèses de Ningbo et Shanghai pourront l’aider à former ses séminaristes et les novices candidates à la vie religieuse, Mgr Xu Jiwei se dit optimiste quant à la reprise de l’évangélisation dans son diocèse et la croissance de la communauté catholique.

(1) Voir EDA 532

(2) Contrairement à l’usage, le communiqué du Saint-Siège concernant l’ordination n’a pas été publié à la rubrique ‘Autres actes pontificaux’, mais sous le titre particulier de ‘Consécration d’un évêque en Chine’. La veille, 13 juillet, Vatican Information Service (VIS) avait fait mention de la réaction du cardinal Ivan Dias, préfet de la Congrégation pour l’évangélisation des peuples, à l’annonce de la libération de Mgr Julius Jia Zhiguo, évêque « clandestin » de Zhengding (Hebei) (voir dépêche ci-dessus).

La salle de presse du Saint-Siège publie peu de communiqués ayant trait à la Chine. Mises à part les mentions récentes concernant la réunion à Rome de la Commission pour l’Eglise en Chine, la dernière fois où VIS a évoqué la Chine remonte au 8 septembre 2005, lorsque Benoît XVI avait invité quatre évêques de Chine continentale à participer au Synode sur l’eucharistie. Ces derniers n’avaient finalement pas pu obtenir l’autorisation de se rendre à Rome pour ce synode (voir EDA 425, 426).

(3) Voir EDA 452

(4) Dans son communiqué du 14 juillet, le Saint-Siège cite les chiffres de 25 églises, 6.000 fidèles, une quinzaine de prêtres et une dizaine de religieuses.

(Source: Eglises d'Asie, 14 juillet 2010)
 
Bangladesh: La coutume de la dot, toujours pratiquée malgré son interdiction, inquiète l’Eglise catholique qui lutte pour son éradication
Eglises d'Asie
11:05 14/07/2010
Eglises d’Asie, 14 juillet 2010 – La persistance de la coutume de la dot ainsi que les graves problèmes qui en découlent ont été au cœur des préoccupations exprimées le 8 juillet dernier lors d’un grand rassemblement de catholiques dans le nord-ouest du pays. Cette région, proche de l’Inde et peuplée majoritairement d’ethnies aborigènes, est particulièrement touchée par le phénomène qui, loin d’être jugulé par les récentes campagnes gouvernementales sur la question, ne fait qu’augmenter ces années.

« Le mois dernier, j’ai refusé de célébrer un mariage pour lequel la famille du fiancé exigeait une dot exorbitante, rapporte le P. Anthony Sen, de la paroisse de Thakurgaon. Ce n’est que lorsque le futur marié a renoncé à la dot que j’ai célébré le mariage » (1).

La pratique de la dot, illégale au Bangladesh comme en Inde ou au Pakistan où elle fait également des ravages, consiste en une importante somme d’argent et en cadeaux coûteux (scooter, téléviseur, bijoux, terres, bétail, etc.), offerts par la famille de la future mariée aux parents du fiancé. Malgré les longues négociations qui précèdent l’accord entre les parents du couple, le versement de la dot endette parfois la famille de la mariée sur plusieurs générations. L’une des conséquences directes des exigences des belles-familles – qui, selon les statistiques, sont en augmentation proportionnelle à l’intrusion de la modernité, surtout en zone rurale – est que le nombre d’infanticides et d’avortements d’enfants de sexe féminin se multiplie au Bangladesh.

« Je connais des parents qui ont dû vendre toutes leurs terres et leur bétail afin de payer la dot de leurs filles », raconte Bharati Das, l’une des représentantes de sa paroisse de Ruhea au rassemblement catholique. « Leurs conditions de vie sont devenues misérables aujourd’hui ».

Mais plus dramatique encore est le sort des femmes dont la dot n’a pas été jugée suffisante ou dont les parents n’ont pu s’acquitter du paiement. Au Bangladesh, ce n’est que récemment que les médias ont commencé à parler de la fréquence alarmante des « attaques à l’acide », des violences conjugales, des tortures, et bien souvent des meurtres, commis par un mari ou une belle-famille insatisfaits de la dot de l’épouse.

Selon l’ONG bangladaise Acid Survivors Foundation (ASF), la plupart des victimes d’attaques à l’acide, dont le nombre est difficile à évaluer car peu d’entre elles portent plainte, sont des femmes de moins de 18 ans, vivant surtout en région rurale. La victime est aspergée par son mari ou sa belle-famille d’acide nitrique ou sulfurique; celui-ci lui brûle la chair et les os et, s’il ne la tue pas, la défigure gravement et définitivement. Pour les survivantes, au-delà du traumatisme, la réinsertion est presque impossible et de nombreuses associations locales et internationales tentent aujourd’hui d’offrir à ces femmes une nouvelle vie ainsi qu’une rééducation, certaines ayant perdu la vue ou l’usage d’un membre dans le drame.

Le rapport de l’IRIN (2) de 2009 n’est guère optimiste quant à l’évolution de la situation au Bangladesh concernant la pratique de la dot et les drames domestiques qui en découlent. En 1980, le pays avait pourtant interdit la dot qui est désormais sanctionnée par des amendes et des peines de prison. D’autres lois avaient suivi au début des années 2000, visant à protéger les femmes ayant subi des violences, législation qui, selon les ONG présentes sur le terrain, ne sont pas appliquées en raison de la corruption des fonctionnaires et de la police locale, ainsi que de la loi du silence qui prévaut dans les communautés rurales. Ces dernières années, le Bangladesh a été classé aussi bien par les Nations Unies que par les différentes ONG de défense des droits de l’homme, parmi les pays où les femmes subissaient le plus de violences.

Face à la persistance tenace de la pratique de la dot, les communautés et organismes catholiques tentent de sensibiliser la population, en particulier les jeunes générations, plus à même de rejeter le carcan des traditions. « Nous expliquons aux gens combien le système de la dot est mauvais et qu’ils doivent l’abandonner pour toujours », affirme le P. Sen et, avec lui, tous les autres prêtres présents à la réunion du 8 juillet.

Dans ces villages du nord-ouest du pays, la Caritas Bangladesh organise, quant à elle, des représentations de Gambhira, un spectacle mêlant danse et musique folkloriques, afin de mieux « faire passer le message » auprès d’un public majoritairement illettré. Le Gambhira, sorte de théâtre dansé, est très populaire dans le Rajshahi, région occidentale du pays, proche du Bengale d’où il est originaire. Les représentations, de style burlesque mais à portée didactique et morale, mettent en scène deux acteurs principaux, incarnant un grand-père (nana) répondant aux questions de son petit-fils (nati). Alternant dialogues, danses et chansons accompagnés par une demi-douzaine de musiciens, ils abordent différentes questions morales, politiques et sociales.

« Avant, nous essayions de sensibiliser les gens par des séminaires ou des réunions, mais ça ne marchait pas », explique Suklesh George Costa, chargé du programme Caritas dans la partie nord-ouest du pays (3). Cette nouvelle approche semble avoir fonctionné, puisque, selon la Caritas, la pratique de la dot a disparu dans les villages (près d’un millier) qui ont bénéficié de ce programme.

(1) Ucanews, 13 juillet 2010.
(2) L’IRIN (Integrated Regional Information Networks) est rattaché au Bureau de la coordination des Affaires humanitaires des Nations Unies (OCHA).
(3) Ucanews, 4 novembre 2009.

(Source: Eglises d'Asie, 14 juillet 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm Bông Hồng Xanh thăm một họ đạo nhỏ vùng sâu vùng xa
Maria Vũ Loan
04:32 14/07/2010
Nhóm Bông Hồng Xanh lại vừa có chuyến đi thăm một họ đạo nhỏ vùng sâu vùng xa. Đó là giáo họ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, thuộc giáo xứ Thừa Đức, giáo phận Xuân Lộc, để giao lưu với Thiếu Nhi Thánh Thể ở đây và đi qua một lòng hồ, gọi là Suối Quýt, để tiếp nhận căn nhà tình thương thứ 10.

Hình ảnh chuyến thăm viếng

Con đường dài gần 100 km đến ấp 8, xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai trở nên gần khi đoàn công tác của chúng tôi có đến chín người, đa số còn trẻ và nhiệt tình, cười nói liên miên rất vui.

Chúng tôi vừa đến nơi thì thánh lễ duy nhất trong tuần lúc 8 giờ 30 sáng Chúa nhật cũng vừa tan. Chúng tôi bước vào ngôi nhà nguyện ba bề không vách để làm quen với các em Thiếu Nhi Thánh Thể ở đây. Thế là cùng hát, cùng múa và sổ số vui. Các cháu ở đây có khoảng 100 em. Nhà các em ở sâu trong rẫy nên đường đến nhà thờ thật khó khăn vì chật hẹp, vòng vèo, lởm chởm những đá là đá, lên dốc xuống dốc đến chóng cả mặt, vắng tanh bóng người, mùa nắng còn dễ dàng, mùa mưa đi rất khổ cực. Đặc biệt là 15 phần học bổng được trao cho các em học sinh khó khăn. Thật ra, ở đây phải trao tặng đến ba, bốn chục phần mới đúng nhưng vì chưa có đủ nên chúng tôi đành có bao nhiêu trao bấy nhiêu.

Đầu năm học 2010 – 2011 này, nhóm Bông Hồng Xanh đang cần 200 phần học bổng để cho một số nơi ở Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Lâm Đồng. Tùy theo cấp học mà chúng tôi phân chia: cấp 1 là 10 Usd, cấp 2 là 20 Usd, cấp 3 là 30 Usd. Nhóm chúng tôi đang mong có nhiều vị chung tay giúp sức. Xin liên hệ yeutrehepho@yahoo.com

Giáo họ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở gần Suối Quýt. Gọi là suối Quýt vì trước kia ở nơi này có nhiều quýt dại mọc tràn lan, gần đó có một con suối rất thơ mộng. Ngày nay, người ta chặn con suối, biến suối thành một cái hồ lớn, có bờ kè, gọi là hồ Cầu Mới, có một lô cốt, bên trong có bộ phận vận hành, cung cấp nước cho vùng Nhơn Trạch, Đồng Nai. Giáo họ này được thành lập từ năm 2000. Giáo dân từ các nơi đổ về lập nghiệp có đủ miền Bắc, Trung, Nam. Có 100 gia đình giáo dân với khoảng 400 nhân khẩu Công giáo. Từ trước tới nay, chưa một hộ nghèo nào ở đây được gạo hay tiền gì cả. Mỗi lần Đức Cha về cho thêm sức thì họ đạo cho các em ở đây ra giáo xứ Thừa Đức nhận bí tích. Hằng năm, Ban Hành Giáo không hề được đi tham quan đâu cả, vì gạo còn không đủ mà ăn thì còn đi đâu. Vào dịp tết Trung Thu, chỉ có một số bánh kẹo để thiếu nhi chung vui, còn các dịp khác không có gì cả.

Thanh niên trong họ đạo phải đi đến thành phố làm ăn không nhiều, vì muốn đi cũng phải có điều kiện, nếu đi mà chỉ làm công nhân phổ thông hay đi làm mướn thì cũng chẳng đủ sống.

Vùng này người ta trồng tiêu, điều và hoa màu trên rẫy như đậu que, khổ qua, mướp, đậu…thương lái vào tận nơi mua, nhưng vì vận chuyển khó khăn nên thương lái thường hay ép giá.

Đi ngang một khu vườn kia, chúng tôi thấy những “hộp” gỗ, ông trùm xứ đạo giải thích, đó là nhà của những con ong. Để nuôi ong lấy mật, người ta mua ong chúa làm giống, ong chúa đẻ ra ong thợ, cứ một lứa là 8 tháng, đến tháng thứ 9 là phải tách bầy. Cái hộp gỗ nuôi ong đó chỉ 30 cm x 60 cm, vì thế người nuôi phải đóng nhiều hộp như thế. Hằng năm, tới mùa hoa là ong cho mật, cứ 200 thùng gỗ thu được một tấn mật thô, lấy làm 3 đợt. Nếu không phải mùa hoa thì người nuôi phải cho ong ….ăn đường! Tức là lấy đường cát vàng hoặc đường thẻ pha lỏng cho ong ăn. Thế nên, vào mùa hoa nở, mật thô có giá là 40.000 đồng 1 kg (2 Usd), còn mùa không có hoa, mật ong không ngon lắm thì chỉ có 20.000 đồng một kg (1 Usd), nghĩa là giảm còn 1 nửa. Tuổi thọ của ong thợ là 40 ngày, còn ong chúa là hơn một năm. Khi con ong chúa nào ít đẻ thì các con khác cùng hè nhau giết chết nó. Thì ra loài ong cũng tàn nhẫn, độc ác đấy chứ! Cho người đời sự ngon ngọt nhưng lại giết nhau không thương tiếc!

Ngồi trong thuyền nhỏ, dạo quanh hồ lòng hồ, chúng tôi thấy phong cảnh ở đây thơ mộng, thanh bình làm sao!

Trong dịp Tết Canh Dần vừa qua, khi chúng tôi đến tặng quà tại huyện Cẩm Mỹ, gặp một gia đình ngoại giáo, hai vợ chồng và bốn đứa con sống căn nhà bằng tre và bạt nhỏ xíu, vá chằng vá đụp. ( http://www.youtube.com/watch?v=1RtXjFwJaF0 )

Họ nói với chúng tôi rằng gia đình mong có chút tiền làm căn nhà cho tốt hơn để ở. Người chồng nói: “Tui làm thợ hồ, ngày nào cũng đi xây nhà cho người ta mà nhà mình thấy ớn! Tối nào hai đứa con gái lớn cũng sang ngủ nhờ nhà ông ngoại, cũng bằng lá thôi nhưng nhà tui hẹp quá, để được có một cái giường!”

Chạnh lòng thương, chúng tôi vận động và căn nhà tình thương thứ mười hình thành. Gọi là thứ mười vì Bông Hồng Xanh đến nay là giúp được mười cái. Chúng tôi nhờ ông trùm họ đạo ở Suối Quýt sắp xếp mua vật liệu để gia đình tự xây. Một ông trùm họ đạo ứng tiền cho chúng tôi, rồi nay nhóm trở lại tiếp nhận nhà và thanh toán tiền. Công việc này làm chúng tôi nhớ tới câu chuyện ngày xưa Chúa Giêsu giảng về câu chuyện người Samari nhân hậu cứu người bị cướp đánh gần chết, ông cũng nhờ người chăm sóc cho người kia được sống, rồi mới trở lại thanh toán tiền. Không biết chúng tôi có đủ mức nhân hậu như người Samari trong ví dụ của Chúa không?

Đoàn chúng tôi bước vào nhà, vài người hàng xóm bước qua, bà nội và ông ngoại của con anh chị Sơn ở gần đó cũng có mặt. Nói chung là họ rất vui và ngạc nhiên vì sao mà mấy người “bên đạo” lại giúp gia đình họ tận tình như thế. Nhất là bà vợ, cứ đứng bên cạnh chúng tôi mà cảm ơn “miết”. Nhìn họ vui mà chúng tôi cũng hạnh phúc trong lòng. Với 800 Usd, sáu con người có chỗ ở đỡ khổ thì khá rẻ, nhưng so sánh làm sao với ý nghĩa của sự yêu thương trong từng trường hợp khi chia sẻ cho người khốn cùng.

Xem hình ảnh Youtube

Ở vùng này, khi xây nhà thì chỉ việc đào sâu xuống một chút là có thể xây lên bình thường, nhanh gọn. Nhưng ở vùng sông nước, nếu xây nhà trên đất ruộng thì phải đổ nền rất nhiều, nếu không có điều kiện gia cố móng mà cứ xây gạch lên cao thì chỉ hai năm là bị lún, nứt. Như hai căn nhà, của bà Mù và ông Ba, có “thiết kế” khác hẳn căn nhà này. Xin đừng ai so sánh một căn nhà tình thương của nhóm Bông Hồng Xanh với căn nhà tình thương của chương trình nào khác nhé vì việc làm của nhóm chúng tôi be bé thôi, song tình người thì vừa tràn lại vừa đầy lắm đó!

Thật ra, hôm nay chúng tôi đến vùng này với một công đôi chuyện nhưng tiếp nhận căn nhà này là chính. Xe công cộng ở vùng này không có vào sâu bên trong nên chúng tôi phải thuê xe mà đi. Ngoài mầu xanh tươi của cây lá, ở đây mật độ dân cư thưa thớt nên chung quanh chẳng có quán xá gì, chúng tôi phải để bụng trống mà về Sài Gòn. Thế mà trên đường về các bạn vẫn đùa giỡn, ca cải lương…nhưng chỉ được một lát thì ỉu xìu.

Trời sẩm tối, đèn Sài Gòn xanh xanh đỏ đỏ nhưng lòng chúng tôi chỉ tòan là màu xanh khi nhớ lại nụ cười trên khuôn mặt các em thiếu nhi và sự phấn khởi vuimừng của một gia đình khi nhận căn nhà mới.
 
Thánh lễ Tạ ơn của Tân Linh Mục tại giáo xứ Phú Hòa Saigòn
Đỗ Trí thức
05:00 14/07/2010
SAIGÒN - Vào lúc 17g00 Chúa Nhật, ngày 11.07.2010, tại thánh đường Giáo Xứ Phú Hòa, đã tổ chức Thánh lễ Tạ ơn mừng tân linh mục Phêrô Trần Anh Tú, được cử hành hết sức trang trọng. Cùng đồng tế với vị tân Linh mục, có cha chánh xứ Phú Hòa và cũng là nghĩa phụ của Cha Phêrô.

Xem hình ảnh

Thánh lễ hôm nay có rất đông cộng đoàn dân Chúa tham dư, ngoài ra còn có ban đại diện HĐMV Giáo Xứ Lạc Quang cùng hiệp ý. Trước thánh lễ, Cha Antôn nghĩa phụ đã giới thiệu với cộng đoàn Giáo Xứ đôi nét về Cha Phêrô. Và nhân đây Cha Phêrô cũng cám ơn đến qúi Cha cùng đồng tế, và gửi lời chào mừng đến tất cả mọi người đã đến hiệp thông, và dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa.

Trong bài giảng lễ, Cha Phêrô nhấm mạnh về lòng yêu thương, chỉ có yêu thương thì mới dám hy sinh tất cả cho người mình yêu. Như Thiên Chúa đã yêu thương nhân lọai đến nỗỉ, đã ban con một xuống thế làm người để cứu chuộc nhân lọai. Và khi Chúa Giêsu về trời, Ngài vẫn thương nhân lọai, và ban ơn Thiên Triệu thông qua Chúa Thánh Thần, để kêu gọi tất cả mọi người quay về với Chúa, đặc biệt là các Quí Tu Sĩ, ngoài tu hành còn phải dẫn thân rao giảng tin mừng. Và Cha Phêrô cũng xin mọi người cầu nguyện hơn nữa, để công tác mục tử ngày càng phát triển hơn. Mà Chúa Giêsu đã trao ban, cách riêng cho Cha Phêrô.

Qua Thánh lễ hôm nay, chúng ta càng phải cầu nguyện nhiều hơn nữa. Vì “ Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít” để Thiên Chúa ban cho Giáo Hội được nhiều ơn Thiên Triệu. Ngoài cầu nguyện ra, chúng ta cũng phải tích cực tham gia hoạt động của Giáo Hội và Giáo Xứ.
 
Thánh lễ đặt viên đá xây dựng nhà nguyện xứ đạo Bà Râu, GP Nha Trang, sau 36 năm đợi chờ
Maria Hoài An
05:28 14/07/2010
NHA TRANG - Thánh lễ đặt viên đá xây dựng Nhà Nguyện Bà Râu thật là món quà ân phúc Chúa tặng ban cho Giáo Phận Nha Trang trong Năm Thánh Giáo hội Việt Nam.

QUÝ VỊ PHẢI ĐÁNH LỜI THIỆU VÀO ĐÂY

Sau 36 năm, một Thánh lễ được cử hành trọng thể và chính thức trên mảnh đất Bà Râu. Sau 36 năm, những mong mỏi đợi chờ, ước mơ có nơi thờ phượng, được Chúa ngự trị giữa làng đang dần dần trở nên hiện thực.

Lần đầu tiên kể từ ngày lập xứ, dòng xe cộ, dòng người tấp nập đổ về Bà Râu đèo heo hút gió để hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn, cầu nguyện, chia sẻ niềm vui và hỗ trợ xây dựng.

Vào lúc 08:30 sáng ngày 10.07.2010, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục GP Nha Trang, đến chủ tế Thánh lễ đặt viên đá xây dựng Nhà Nguyện Bà Râu. Đồng tế với ngài có khoảng 50 linh mục với sự tham dự đông đảo của quan khách đến từ các giáo xứ trong và ngoài giáo phận, và nhất là anh chị em Raglai lớn bé trẻ già tề tựu từ sáng sớm.

Bà Râu là một làng quê hẻo lánh, xứ sở của anh chị em dân tộc Raglai, xứ sở của cỏ gai - xương rồng và heo gà lon ton khắp chốn. Bà Râu cách trung tâm Phan Rang, Ninh Thuận chừng 20 cây số, mà khoảng cách mức sống dường như quá xa.

Cha Ignatiô Trương Đình Phương trẻ trung, năng động, đặc trách xứ đạo Bà Râu, sát cánh cùng bà con giáo dân ngày đêm góp công góp sức san đất, đặt móng dựng xây Nhà Chúa.

Nhìn ông từ (người Raglai) giữ kho xây dựng đang gom củi, một linh mục hỏi:

- Cha Phương có trả lương cho ông mấy tháng nay không?
- Nhà thờ của mình sao lại trả tiền!
- Củi này ông bán kiếm ít đồng?
- Củi nhà thờ là để xây nhà thờ chớ!

Thương lắm Bà Râu !

Không thương sao, những khuôn mặt sạm màu gió sương mà rạng rỡ vui mừng trong những bộ cánh sặc sỡ muôn màu, bởi sau bao năm cầu nguyện, đợi chờ, ước mơ đang dần dần hiện thực.

Không thương sao, khi những ánh mắt ngây thơ với mái đầu cháy sém vàng hoe vui vẻ hò reo khi được vài viên kẹo sau đại lễ.

Không thương sao, khi mà đại lễ kết thúc, cha con, quan khách vui vẻ chuyện trò, tha hồ chụp ảnh lưu niệm mà không phải lo chuyện tiệc tùng, vì giáo xứ quyết tâm dành dụm dựng xây Nhà Chúa.

Không thương sao, khi từng anh chị em Raglai chắt chiu những cành củi, viên gạch dựng xây Nhà Chúa.

Đôi dòng lược sử: Bà Râu, một cộng đoàn đức tin kỳ diệu

Bà Râu (cách nói trại của người Kinh từ tiếng Raglai B’rau) là một xứ đạo truyền giáo, được Đức Cha Marcel Piquet Lợi, Giám mục tiên khởi của Giáo phận Nha Trang, thành lập từ năm 1960 và bổ nhiệm linh mục Thừa sai Donatien Béliard (cố Phước) đến làm quản xứ.

Cố Phước cùng với các dì phước Phaolô và sau là các nữ tu Khiết Tâm Đức Mẹ, đã miệt mài lặn lội khắp các thôn làng Bà Râu dạy đạo, dạy chữ, dạy kinh và trợ giúp của ăn, thuốc uống cho anh em dân tộc Raglai nghèo khó…

Năm 1970, Giáo xứ Bà Râu được ghi nhận có 215 giáo dân, chủ yếu là người Kinh ở ven quốc lộ I (Kỷ Yếu GPNT năm 1972). Nhiều người Raglai cũng siêng đi lễ, hát kinh, làm kịch vũ Giáng Sinh dù chưa nhập đạo.

Sau 14 năm gieo vãi hạt giống đức tin và vun trồng cây đức ái giữa vùng đất Bà Râu nắng cháy, năm 1974, cố Phước đã yên nghỉ bên đàn chiên chưa thuộc về ràn. Phần mộ ngài nằm giữa miền truyền giáo thân yêu của ngài như hạt lúa mì chịu mục nát, chờ ngày trổ sinh bông hạt gấp trăm, gấp ngàn…

Chiến tranh, nhà nguyện nhà xứ bị đổ nát. Sau năm 1975, các nữ tu Khiết Tâm cũng bị buộc rời khỏi Bà Râu.

Số tín hữu Raglai tại các làng ấp Bà Râu vẫn mong manh. Không còn bóng dáng các nhà truyền giáo, nhiều anh chị em Raglai dù chưa nhập đạo, vẫn theo gương các bà phước tiếp tục dạy đạo cho trẻ em, rửa tội cho trẻ nguy tử trong làng…

Bà Râu được tháp nhập vào các giáo xứ lân cận (Gò Đền rồi Gò Sạn) trong quãng thời gian dài không chủ chăn. Thời buổi khó khăn, các linh mục, tu sĩ ít có cơ hội thâm nhập cộng đồng Raglai. Thế nhưng, hằng năm, con số tân tòng người lớn và trẻ em thật đông đúc, từ vài chục cho đến hơn cả trăm, trong khi việc dạy đạo ban đầu khởi đi từ những giáo lý viên Raglai nằm làng, chỉ biết vài con chữ hoặc thất học mà thuộc kinh làu làu ! Dù bị cản ngăn, cấm cách, họ vẫn nhiệt thành dạy kinh, dạy hát cho con em trong làng ca tụng Chúa, rồi đem đến các Cha, các Soeurs đặc trách khảo kinh, dạy thêm giáo lý trước khi nhận phép Rửa hoặc xưng tội vỡ lòng…

Cho đến hôm nay, 36 năm trôi qua, những cậu bé Raglai từng giúp lễ, bưng đèn theo cố Phước đi kẻ liệt ngày nào, những cô bé ca đoàn mấy chục năm truớc, nay tiếp tục là những tông đồ nhiệt thành dựng xây Nhà Chúa.

Thật là, “Phaolô trồng, Appôlô tưới, Thiên Chúa mới cho mọc lên” (1 Cr 3,6)

Xứ đạo Bà Râu hôm nay có khoảng 2.000 tín hữu mà hơn 90% là anh em dân tộc Raglai. Dù nghèo khó, vất vả sớm hôm nhưng Bà Râu quả là một cộng đoàn đức tin sống động, đơn sơ và mạnh mẽ diệu kỳ.

Xin tạm kết bằng lời cám ơn của vị đại diện Bà Râu sau Thánh lễ: Xin dâng lên Chúa lời ngợi ca cảm tạ đã đoái thương đến phận hèn bé nhỏ Bà Râu; xin tri ân vị Cha chung Giáo phận đã đặc biệt ưu ái, quan tâm hỗ trợ và kêu mời thiện chí đóng góp khắp nơi; xin cám ơn quý Cha, quý tu sĩ, quý quan khách tận tình giúp đỡ…Chúng con thấu hiểu sự đồng cam cộng khổ của cha quản xứ, nhất là cha đặc trách Bà Râu, cùng chúng con ngày đêm trăn trở cho công việc xây dựng sắp tới, và đang mong chờ lòng quảng đại của quý ân nhân gần xa cho ngôi nhà Chúa sớm hoàn thành…
 
Họp mặt các Đại Diện trống kèn giáo phận Thái Bình
Tín Trung
05:33 14/07/2010
THÁI BÌNH - Sáng nay, 13/07/2010, tại nhà hội Tòa giám mục Thái Bình, Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Đệ có buổi gặp mặt các vị trưởng đoàn trống, kèn nam và kèn nữ toàn giáo phận.

Trong buổi gặp gỡ và trao đổi này, có sự hiện diện của cha Thomas Đoàn Xuân Thỏa – đặc trách hội trống, kèn của giáo phận và 156 thành viên đại diện.

Tính đến thời điểm này giáo phận Thái Bình có 112 đội kèn nam, 26 đội kèn nữ và 20 đội trống trắc. Từ nhiều năm nay giáo phận Thái Bình chỉ có vài chục đội kèn nam và một số đội trống trắc, nhưng khoảng mười năm trở lại đây, các xứ cũng như các họ đạo đã mua sắm và thành lập thêm nhiều đội kèn, nâng số kèn nam lên 112 đội. Đặc biệt có các đội kèn nữ như: Giáo xứ Phương Xá, Cam Châu, Tân Mỹ, An Lạc, Thuận Nghiệp, Quỳnh Lang… và mới đây là Bồng Tiên, hiện nay con số lên tới 26 đội. Song song với việc phát triển về số lượng, các đội kèn cũng tích cực học hỏi, trau dồi và nâng cao cho mình thêm kiến thức chuyên môn, để bảo đảm chất lượng phục vụ trong phụng vụ, các ngày lễ lớn của giáo xứ, giáo phận và cả ngoài xã hội, cũng như ma chay khi có yêu cầu. Chị Maria Vũ Thị Na, trưởng đội kèn giáo xứ Phương Xá cho biết, đội kèn của chị ra đời từ năm 2002, không chỉ phục vụ các lễ lớn của giáo phận, giáo xứ, các chị còn được mời đi phục vụ tại La Vang, giáo phận Huế (2 lần), Lạng Sơn và các xứ thuộc giáo phận Bùi Chu, Hải Phòng. Ngoài ra các chị còn được mời đi phục vụ trong các dịp lễ hội của tỉnh Thái Bình và huyện Đông Hưng…

Trong buổi gặp mặt và trao đổi giữa Đức giám mục và các đại diện sáng nay với hai mục đích chính, đó là:

Thành lập các đội kèn và trống trắc là để: Tôn vinh, chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ Chúa Cha nhân lành và loan báo Chúa Cha - Tình thương Tạo dựng; Chúa Con - Tình thương Cứu chuộc và Chúa Thánh Thần - Thánh hóa. Đồng thời loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người và đưa mọi người về với Chúa, bằng những phương tiện do chính bàn tay con người làm ra và dệt nên những bài ca.

Đức cha nhấn mạnh đến vai trò phục vụ, tức là phục vụ trong tinh thần vô vị lợi, nhiệt tình và sốt sáng, tránh kiểu “phục vụ vì phục vụ” mà không tham dự trọn vẹn thánh lễ. Điều cần tránh nữa là không làm “tục hóa” nội dung các bản nhạc: Không đưa những bản nhạc “đời” vào trong phụng vụ, thánh lễ và ngược lại, không đưa nhạc thánh phục vụ những nơi không thích hợp, bất xứng hay trần tục.

Công việc vụ thể: Thứ nhất, hội nghị quyết định chọn các thánh Tử Đạo quê hương Thái Bình làm đấng bảo trợ cho hội, sẽ được mừng kính vào tháng 11. Thứ hai, có một ngày hội diễn dành riêng cho các đội kèn nam và nữ cấp giáo phận, dự kiến sẽ tổ chức tại Tòa giám mục, vào thứ Năm (18/11/2010). Nội dung gồm có: học hỏi, tham dự thánh lễ và hội thi (đội suất sắc nhất của mỗi giáo hạt). Thứ ba, đội trống sẽ đi phục vụ dịp lễ bế mạc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, được tổ chức tại Tổng giáo phận Huế, ngày 06/01/2011. Sau khi giải lao, hội nghị đã bầu ra ban chấp hành lâm thời của mỗi giáo hạt và toàn giáo phận.

Kết thúc hội nghị, các đại biểu cùng dùng cơm trưa với Đức cha và các cha, các thày, tại hội trường nhà vòm Tòa giám mục.
 
Mừng lễ kính chân phước Anrê Phú Yên tại Mằng Lăng
JB Hữu Quang
05:39 14/07/2010
QUI NHƠN - Sáng nay 13 tháng 7 năm 2010, ĐGM Ban mê thuột và ĐGM phó Qui nhơn cùng đồng tế với 15 linh mục với tham dự của hơn 200 CCS GP Qui nhơn và thân nhân tại thánh đường giáo xứ Mằng Lăng dâng kính chân phước An rê Phú yên.

Hình ảnh lễ mừng

Đây là sinh hoạt ngày thứ nhất trong chương trình VỀ NGUỒN 2010 của Cựu chủng sinh Giáo phận Qui nhơn (CCS GP QN) khai mạc vào chiều tối hôm qua tại chủng viện Qui nhơn. CCS GP QN sinh sồng hải ngoại từ Hoa kỳ, Châu Âu, Úc châu và trong nước từ Sài gòn, Khánh Hòa Cam ranh đến Đà nẵng và các vùng Miền Tây, Tây nguyên vẫn họp mặt 2 năm một lần vảo trung tuần tháng 7 dịp lễ thánh Anrê Kim Thông. Năm nay, CCS GP QN khởi đầu họp mặt bằng cuộc hành hương về Mầng lăng quê hương thánh tử đạo AN RÊ PHÚ YÊN, người chứng thứ nhất của Giáo hội Đàng Trong.

Cha Nguyễn Cấp, chánh xứ Mằng lăng sơ lược lịch sử ngôi thánh đường đã được xây dựng trên 100 năm và hầu như giữ nguyên vẹn kiến trúc đầu tiên, măc dầu qua hai lần tu sửa.. Cha chánh xứ cùng với giáo hội tôn vinh Chân phước An rê Phú yên qua 3 tước hiệu:

1. Thánh tử Đạo tiên khởi.
2. Bổn mạng giáo lý viên
3. Mẫu gương Niềm Tin của giới trẻ.

Cha chánh xứ cũng nhắc đến công trình Đền thánh AN RÊ vưa được hoàn thành vào năm 2006 và hiện nay rất nhiều đoàn hành hương từ trong Nam đến hành hương. Đền thánh Tử đạo là một công trình kiến trúc như một hang động nhỏ, trước sân thánh đường Mằng Lăng, có phòng trưng bày hiện vật và hình ảnh tử đạo của thánh An rê. Ngoài ra, nguyện đưởng trong hang còn lưu giữ một nhúm tóc của thánh và còn cả quyển Phép Giảng tám ngày của cha Đắc lộ, là cuốn sách in bằng chử quốc ngữ đầu tiên vào năm 1652. ĐGM Vinh sơn Bản GP Ban mê thuột làm thuyết trình viên cho anh em CCS tham quan đền thánh An rê, ngài tiết lộ là đã sống tại giáo xứ Mằng lăng 11 năm. Anh em CCS cũng thân mật nêu vài câu hỏi về công tác mục vụ của GM Vinh sơn trong GP Ban mê thuột. Ngài cho biết hôm nay ngài về tham dự họp mặt CCS với tư cách là CCS GP Qui nhơn.

Sau khi thăm Đền thánh, 2 ĐGM và các cha cùng dâng thánh lễ tạ ơn. Trong hàng linh mục đống tế, đặc biệt có một linh mục nguyên là cha giáo của 2 ĐGM và một phó tế vỉnh viễn của GP Florida, Hoa kỳ, nguyên là CCS GP QN. Mọi người đều biết cha Khổng năng Bao là cha giáo, khi hai vị GM đang là “chú” trong chủng viện. Trong bài giảng ĐGM Vinh sơn, GP Ban mê thuột tin tưởng rằng anh em CCS GP QN sống theo gương thánh An rê Phú yên với châm ngôn: ”Tình yêu đáp trả tình yêu”

Sau thánh lễ, anh em CCS GP QN được giáo xứ Mằng lăng khoản đải bửa cơm thân mật, trong không khí hòa đồng và vui tươi giữa giám mục, linh mục và giáo dân CCS.

Trên đường về lại Chủng viện Qui nhơn, anh em CCS GP QN đã ghé thăm các xơ trại phong Qui hòa và thăm linh mục GX Ghềnh ráng. Đoàn CCS cũng không quên vào nhà hưu dưỡng quí nữ tu Mến Thánh giá GPQN, như một cử chỉ tri ân đối với những nữ tu đã góp không ít cho anh em trong thời gian được tu học tại chủng viện ngày trước.
 
24 Thầy đại chủng sinh Thanh Hóa được trao thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ
Nguyễn Lê
07:16 14/07/2010
THANH HÓA - Sáng 11/07/2010 - Chúa nhật XV thường niên, tại nhà thờ Chính Toà Thanh hoá, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã chủ tế Thánh lễ và cử hành nghi thức dấn thân cho 24 Thầy Đại Chủng sinh trong giáo phận (8 Chủng sinh khoá VIII - học tại Đại Chủng viện (ĐCV) Vinh - Thanh, đã mãn trường vào cuối tháng 05 vừa qua; 2 Chủng sinh đã hoàn thành chương trình học tại ĐCV Sao Biển Nha Trang; 14 Chủng sinh khoá IX thuộc ĐCV Vinh - Thanh, chuẩn bị kết thúc năm thực tập giúp xứ). Cũng trong Thánh lễ, Đức Cha còn cử hành nghi thức trao thừa tác vụ đọc sách cho 4 Chủng sinh ĐCV Lorraine, thuộc Giáo phận Metz - Giáo Hội Pháp Quốc, trong đó có 3 Chủng sinh Thanh hoá đang theo học tại đây và 1 Chủng sinh thuộc Giáo phận Metz.

Xem hình ảnh

Cùng đồng tế trong Thánh lễ với Đức Giám mục Giáo phận có Cha Bề Trên và quý Cha giáo thuộc ĐCV Lorraine; Cha Chủ tịch UB ơn gọi và quý Cha trong giáo phận Thanh hoá; Quý Thầy, Quý Sơ, Quý Chú và đông đảo bà con giáo dân.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha cho rằng: cam kết đi theo Chúa cho đến cùng trong ơn gọi tận hiến cuộc đời cho Chúa là ý nghĩa của nghi thức dấn thân. Lời hứa của các thầy là một sự tuyên xưng lòng trung thành của mình đối với ơn gọi linh mục sẽ còn nhiều chặng tiếp theo nữa, nhưng hôm nay là chặng đầu tiên. Ai trong chúng ta cũng đều không thích hình ảnh một linh mục yếu đuối xa ngã vì đã không có một quá trình trung thành với ơn gọi lúc còn là chủng sinh. Chúng ta muốn thấy những linh mục sống trọn vẹn trong cuộc đời linh mục của mình và muốn được như thế thì các thầy phải trau dồi nhân đức, phải tập luyện và nhất là phải luôn luôn tâm niệm rằng mình đã thuộc trọn về Chúa, mình đã hứa với Chúa, hứa với Giáo Hội, hứa với cộng đoàn là sẽ đi theo Chúa cho tới cùng con đường đã chọn, qua chức linh mục cùng tế lễ với Chúa Giêsu linh mục đời đời.

Đức Cha cũng nhắn nhủ: Không thể nghe được Tin Mừng nếu không có ai rao giảng như lời Thánh Phaolô đã nói. Linh mục là ngôn sứ của Chúa Giêsu, các ứng viên lên hàng linh mục cũng phải bắt đầu thi hành nghĩa vụ công bố và rao giảng Lời Chúa. Đó là ý nghĩa thừa tác vụ đọc sách mà 4 Thầy Đại chủng sinh lãnh nhận hôm nay.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các ứng sinh được tiếp nhận trong nghi thức dấn thân luôn trung thành với lời cam kết của mình, cho các Thầy lãnh nhận thừa tác vụ đọc sách luôn biết trân trọng Lời Chúa trong sứ mệnh rao giảng và đem Tin Mừng cho cộng đoàn, cho dân tộc của mình.
 
Sa Mạc Huấn luyện Huynh trưởng cấp I Vươn Lên I, tại Giáo phận Long Xuyên.
Nguyễn Xuân
09:05 14/07/2010
Sa Mạc Huấn luyện Huynh trưởng cấp I Vươn Lên I, tại Giáo phận Long Xuyên.

Tiếp tục công tác đào luyện thành phần nòng cốt cho việc tái thành lập phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, vào 2 ngày 12&13/07/2010, tại giáo xứ Thạnh An, Giáo phận Long Xuyên, Ban Mục vụ Thiếu nhi giáo phận đã tổ chức Sa Mạc Huấn Luyện Huynh Trưởng cấp I “Vươn Lên – Mạnh Tiến ” đợt I, dành cho các dự trưởng và huynh trưởng giáo lý viên đang làm việc tại các giáo xứ trong giáo phận. Sa mạc được tổ chức thành hai đợt, mỗi đợt hai ngày.

Điều kiện để nhận chứng chỉ khả năng huynh trưởng cấp I, Sa mạc sinh (SMS) phải tham dự tron vẹn hai đợt sa mạc, làm đủ bài thu hoạch hậu sa mạc, tiếp tục công tác tại giáo xứ và tham dự Thánh lễ Tuyên hứa do Liên đoàn tổ chức…

Xem hình sa mạc huấn luyện huynh trưởng TNTT tại Long Xuyên

Từ sáng sớm, các Sa Mạc Sinh (SMS) được chở đến bằng nhiều phương tiện. Nhanh chóng các SMS ghi danh, nhận áo, khăn quàng dự trưởng và chia về góc đội, dựng lều. Dù đang là mùa lúa nhưng các xứ đã cố gắng sắp xếp gửi các em tham dự sa mạc. Số SMS hiện diện (364 em) đông hơn con số các cha dự trù, được chia thành ba tiểu sa mạc: Bê-lem, Na-da-rét và Đa-mát.

Vào lúc 9giờ sáng ngày 12/07/2010, cha Sa mạc trưởng Phêrô Trần Văn Quắn, trưởng ban Nghiên huấn Liên đoàn Ê-ma-nu-ên Phụng giáo phận Long Xuyên đã chính thức khai mạc sa mạc Vươn Lên I, đợt I. Tham dự nghi thức khai mạc có sự hiện diện của cha Vinh- Sơn Phao-lô Phạm Thế Hòa, tuyên úy liên đoàn đồng thời là tuyên úy sa mạc, các cha tuyên úy hiệp đoàn, các thầy trợ úy và các huynh trưởng trong giáo phận. Đặc biệt các huấn luyện viên liên đoàn Anrê Phú Yên đã không ngại đường xa cũng hiện diện để đồng hành với liên đoàn bạn.

Tuy bận công tác mục vụ, Đức giám mục không đến thăm sa mạc nhưng ngài luôn quan tâm đến chương trình và thành quả công tác huấn luyện. Ngài gửi lời thăm và chúc lành cho sa mạc đạt kết quả tốt.

Các SMS hăm hở bước vào sa mạc với những bài khóa lý thuyết, những giờ sinh hoạt chung, những giờ tinh thần: Lãnh nhận Lời Chúa, Chầu Thánh Thể, Thánh lễ … Nhưng điều mới lạ mà các Huấn luyện viên và SMS phải khắc phục để vượt qua có lẽ là khóa nghiêm tập và phương pháp hàng đội. Dù đã được chia đội nhưng các SMS vẫn có thói quen tìm về giáo xứ của mình khi có giờ nghỉ giải lao. Do đó, nhiều lúc đội trưởng sẽ phải khó khăn tìm các đội viên của mình khi tập họp, và rồi còn phải nhanh nhẹn, trật tự và im lặng xem ra đó là những điều khó thực hiện…

Nhưng, khó khăn mấy các SMS cũng phải nỗ lực hy sinh. Khi các đội trưởng biết phát huy vai trò của mình, biết phân công cho các đôi viên và phát huy tinh thần đồng đội, qua hai ngày sa mạc, SMS đã tiến bộ hơn và đạt nhiều thành quả trong thi đua học tập.

Người huynh trưởng hôm nay khi dấn thân phục vụ các thiếu nhi phải ý thức rằng: Mình không độc quyền trong việc tông đồ mà phải xây dựng Nước Chúa với toàn thể Giáo Hội. Do đó, các Huynh trưởng cần phải biết vâng phục Bề trên và hợp tác rộng rãi với mọi thành phần phần của Giáo Hội một cách quảng đại. Những bải học trong sa mạc: nhanh nhẹn tập họp khi có hiệu còi, cùng nhau đoàn kết thực hiện những chương trình thi đua do sa mạc đề ra hôm nay chính là nhưng bài học nhỏ, những thói quen tốt giúp các huynh trưởng học biết: Nhanh chóng vâng phục, rèn luyện tinh thần tập thể, tinh thần kỷ luật, biết làm việc chung với các huynh trưởng bạn cũng như những thành phần trong giáo xứ.

Chúc các bạn không ngừng nỗ lực thánh hóa bản thân để xứng đáng là một “huynh trưởng”, người anh, người chị dẫn dắt các em thiếu nhi đến gặp gỡ Chúa Giêsu.

Sau những thủ tục nhập sa mạc và dựng lều, vào lúc 16g30 ngày 09/07/2010, trước sự hiên diện của cha Phêrô Phan Khắc Triển, Tuyên úy sa mạc và các Huấn luyện viên liên đoàn Anrê Phú Yên, cha Giuse Nguyễn Minh Đức, Sa mạc trưởng tuyên bố khai mạc sa mạc Vươn lên 42.

Sa mạc qui tụ hơn 70 sa mạc sinh (SMS), là các dự trưởng đã được học khóa giáo lý viên cấp 1, tại giáo xứ hoặc giáo hạt đang phục vụ.

Những giây phút đầu ở sa mạc, xem ra các SMS chưa quen với những kỷ luật của sa mạc, trong những giờ nghiêm tập SMS vẫn chưa im lặng và trật tự. Nhưng dần dần các khóa lý thuyết giúp các bạn ngộ ra: ơn gọi và sứ mạng một huynh trưởng. Các bạn phải là mẫu gương cho các em noi theo. Các bạn cần phải nắm vững chương trình thăng tiến đoàn sinh, phải trau dồi kiến thức cần thiết và rèn luyện bản thân trước khi bắt tay vào việc đào luyện các em thành những con người kiện toàn và những Kitô hữu hoàn hảo theo như mục đích của phong trào.

Vào sa mạc không chỉ để luyện thêm những kỹ năng chuyên môn, những sinh hoạt vui. Thật ra, vào sa mạc còn là lúc các bạn tạm xa những sinh hoạt thường ngày, lắng đọng tâm hồn để gặp gỡ Chúa, nghe Chúa bảo ban dạy dỗ như Dân Chúa ngày xưa trong sa mạc.

Nơi đây khi kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong Thánh lễ, trong những giờ Chầu Thánh Thể, những giây phút Sưởi Thánh Thể, các bạn tìm thấy sự bình an, tăng thêm tình yêu và sức mạnh để can đảm dấn thân theo Chúa.

Trong nghi thức sai đi, khi nhận lãnh chiếc khăn huynh trrưởng, các bạn cảm nhận được tiếng Chúa “sai” các bạn: ”Hãy đi và làm như thế”. Có nghĩa là hãy ra đi với trái tim người Samari nhân hậu. Trái tim nhạy bén có thể nghe những ước mơ nguyện vọng của các em, có thể cảm nhận những niềm vui nỗi buồn của các em, để cảm thông và chia sẻ. Trái tim quan tâm không dừng lại ở những cảm xúc suông, mà còn phải hành động không ngại khó.

Rồi đây, các huynh trưởng sẽ phải hy sinh thời giờ ngay cả danh lợi để đến với các em, cùng đồng hành, dạy dỗ và dẫn dắt các em đến gặp gỡ Chúa Giêsu.

Theo Chúa, huynh trưởng sẽ phải chọn lựa và hy sinh. Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể là Huynh Trưởng Tối Cao giúp các huynh trưởng biết chọn lựa sự sống vĩnh cửu hơn là những vinh hoa phù du của cuộc sống tạm bợ nầy.
 
Tháng 7: Hành hương Đức Mẹ Tàpao
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:59 14/07/2010
TAPAO - Tháng 7 mưa ngâu, những cơn mưa đem đến sự trong lành tươi mát tắm gội núi đồi Tàpao để rừng cây thẩm xanh, ruộng vườn ngát lên màu lá mới.

Hàng ngàn khách hành hương ngày 13 đáp lại ước hẹn của Đức Mẹ TàPao, cùng về bên Mẹ để dâng lên Mẹ lời cảm tạ vì những hồng ân đã lãnh nhận.

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Ông JB Lê Xuân Hoa cùng 20 linh mục, hiệp dâng thánh lễ tạ ơn cùng cộng đoàn hành hương.

Đức cha Giuse chia sẽ với cộng đoàn di ngôn của Chúa Giêsu trên thánh giá: Này là con Bà, này là mẹ con.

Phúc Âm Ga 19, 26-27, là một trong bảy lời Chúa Giêsu phán ra từ đỉnh cao thập giá. Đây chính là lời vàng được cất lên giữa chiều tím. Đấng chịu đóng đinh thốt lên với mẹ Người, và người môn đệ Ngài yêu quý. Để khởi đi từ lời này, xác lược một mối liên hệ giữa trần thế và Đức Trinh nữ Maria, xác lược một mối liên hệ mật thiết giữa người dưng nước lã là chính chúng ta với Đức Trinh Nữ Maria bỗng dưng trở nên máu mủ ruột rà. Phải nói đây là lời ứng nghiệm và cũng là lời được ứng nghiệm dọc dài trong đời sống đức tin. Với cộng đoàn hành hương hôm nay, xin được chia sẻ vài ghi nhận về lời của Chúa Giêsu trên thánh giá này: Này là con Bà, này là mẹ con.

Hình ảnh hành hương Tapao

1. Lời trăn trối của người ra đi dành cho kẻ ở lại.

Lời cuối cùng trong những lời Chúa Giêsu thốt lên giữa cuộc đời trần thế và là lời Ngài dành cho tình thân trong nhịp sống nhân loại với thế giới thiêng đàng. Ngài rút ruột ra mà nói. Lời ngắn mà tình thật dài. Ngài trối thánh Gioan cho Đức Mẹ. Ngài cũng trối Đức Mẹ lại cho thánh Gioan. Thường thì những lời tâm huyết nhất người ta thốt ra trong lúc hấp hối. Ở đây, chính khi xa lìa cuộc sống nhân thế, Chúa Giêsu cũng để lại những lời tâm huyết của Ngài. Ngài trăn trối. Ta có thể đặt câu hỏi tại sao Đức Mẹ và thánh Gioan đã thân thiết nhau từ lâu, từ thuở tiệc cưới Cana thế mà phải đợi tới giờ này, Chúa Giêsu mới nói ra, mới xác lập một tình liên kết gắn bó? Và nhiều khi chúng ta nghĩ không biết có cần nói ra không, khi mà theo tinh thần tôn sư trọng đạo đương nhiên trò phải yêu lấy thầy, phải yêu lấy mọi người nhà của thầy mình. Có thể không cần phải những lời trăn trối này, nhưng bởi vì là những điều Chúa Giêsu đã tâm huyết và ngài cũng muốn xác lập công khai, cũng như được thánh hóa bởi chính mầu nhiệm cứu độ thập giá, nên lời của người ra đi là chính Ngài đã trao gởi, đã trăn trối và chuẩn nhận tình cảm tự nhiên cũng như lẽ đương nhiên của các môn đệ Chúa Giêsu với Đức Trinh nữa Maria mà đại diện ở đây chính là thánh Gioan yêu dấu. Quả là một lời tâm huyết nhưng lại được công bố lên vào phút giờ linh thiêng, chính trong giờ cứu độ khi Ngài giang tay chịu thập hình để rồi trong mối dây liên kết này, một chiều kích đặc biệt linh thánh không phải chỉ thuộc về trật tự tự nhiên mà một cách nào đó đã trở thành thành phần thuộc về ơn cứu độ. Muốn được cứu độ, thì tất cả mọi người chúng ta đều phải thuộc về Chúa Kitô. Mà nếu thuộc về Chúa Kitô thì một cách nào đó minh nhiên hoặc mặc nhiên chúng ta đã trở nên thân thuộc với Đức Maria. Rõ ràng là khởi đi từ lời tâm huyết vào phút giờ linh thiêng này lời trăn trối của Chúa Giêsu đã trở thành một lời rất đặc biệt nối kết chúng ta trong tình thân với Đức Trinh nữ Maria.

2. Lời khai sinh của tình mẫu tử thiêng liêng.

Cộng đoàn chúng ta thoáng nghe mà cũng cần nhớ kỹ trong lòng rằng, lời “này là con bà, này là mẹ con” có hai vế là một lời nối kết song phương như là một cuộc kết ước vậy. Qua Đấng cứu độ, Đấng chịu treo trên thánh giá chứng giám, nên lời kết ước này đã mang lấy tính vĩnh cửu. Chỉ một lần Chúa Giêsu thốt lên là có giá trị đến ngàn sau. Vào chính giờ tử nạn tưởng như kết thúc tất cả, hủy diệt tất cả, thì Đấng Cứu Thế đã vượt qua để khai mào cuộc sống mới. Người khai sinh trong gia đình mới những anh chị em trong đức tin. Quả là một lời kết ước rất đậm đà vào những phút giờ cứu độ. Qua người môn đệ yêu dấu là Gioan, tình mẫu tử đã được thiết lập với tất cả các môn đệ. Chúa Giêsu chết trên thánh giá để đem lại sự sống cho muôn người. Người chết cho những kẻ mình thương mến. Ngài chọn một người trong muôn người được thương mến ấy có biệt danh là người môn đệ yêu dấu để thay Người mà yêu mến và chăm sóc mẹ Người. Yêu thương là tình cảm lạ lùng. Nó không bị hao mòn nhưng luôn luôn là cấp số cộng, tăng lên mãi. Nó không mang tính phân tán nhưng luôn luôn quy tụ. Vì thế, tất cả tình yêu có giá trị cho thánh Gioan trong giờ trăn trối bỗng dưng trở thành một lời có giá trị khai sinh cho tất cả mọi kẻ tin vào danh Chúa Giêsu. Ở đây, trong chính giờ tử nạn, lời trăn trối đã trở thành lời khai sinh của tình mẫu tử thiêng liêng, để mỗi người chúng ta mỗi lần nghe lại trang tin mừng này còn đọng lại, nhất là còn đọng lại trong bối cảnh của ngày hành hương như ngày 13 tháng 7 hôm nay, bỗng dưng cảm thấy ấm áp tình mẹ con với Đức Trinh Nữ Maria.

3. Lời khai sinh hiệu quả không bao giờ cạn vơi.

Lời trăn trối của Chúa Giêsu khai sinh một hiệu quả không bao giờ vơi cạn trong đời sống tín hữu cũng như trong tình thân thương với Đức Trinh nữ Maria là mẹ của mỗi người. Sau lời trăn trối vào giờ tử nạn cứu độ, mọi người gặp thấy mình trong môn đệ Gioan, và nếu như Gioan sau đó đã ân cần đón rước Đức Mẹ về nhà mình để giữ chủ quyền chăng, để chăm sóc dưỡng nuôi chăng? Chắc không phải thế, mà đúng ra là để có Mẹ ở trong nhà tâm hồn của mình, ở trong gia đình mình, ở giữa cộng đoàn của mình để được lâng lâng niềm hạnh phúc. Mỗi người tín hữu chúng ta chắc đã nhận ra hiệu quả muôn đời của lời ấy trong chính nhịp sống cá nhân hoặc là trong đời sống gia đình cũng như cộng đoàn của mình. “Rước Mẹ về nhà mình”. Đó là một lời mô tả rất vắn gọn nhưng cũng chính là nẻo đường mở ra cho chúng ta. Hành hương về trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, chúng ta tìm đến với Mẹ nhận lấy lời trăn trối của Chúa, nhận lấy lời khai sinh tình mẫu tử từ thánh giá để rồi mẹ mẹ - con con vướng vít với nhau trong niềm tin kính cũng như trong niềm cầu khấn. Và điều quan trọng còn lại là mỗi người hãy đón rước Mẹ mình về chính gia đình mình, gia đình cận thân nhất chính là gia đình tâm hồn của mình rồi ân cần làm theo những lời Mẹ chỉ dạy để có được niềm hạnh phúc. Hạnh phúc hôm nay trong nhịp sống đời thường hay là hạnh phúc mai sau bên Mẹ. Nếu như thiếu vắng mẹ trong đời sống của một con người là một nỗi bất hạnh thì có Mẹ Maria, người mẹ chung trong đời sống của chúng ta lại là một niềm cao dâng hạnh phúc. Theo như ý của lời trong ca khúc “Bông hồng cài áo”, chúng ta cũng có thể họa lại để thưa với Đức Mẹ rằng, hôm nay khi về nhà chúng ta cũng sẽ chạy về bên Mẹ, chạy đến gần với Mẹ và thì thầm bên tai Mẹ rằng: “Mẹ ơi, Mẹ có biết là con yêu mến Mẹ nhiều không”. Và thiết nghĩ, chỉ một lời nói đơn giản của tâm hồn trẻ thơ ấy dành cho Đức Trinh nữ Maria, chúng ta cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc, bởi vì được xúm xít, được quấn quýt bên Mẹ và có Mẹ là chúng ta có tất cả bí quyết của hạnh phúc. Mẹ sẽ dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu.

Thưa cộng đoàn, hiệu quả lời trăn trối là song phương kết ước giữa Đức Trinh nữ Maria và thánh Gioan hay là giữa Đức Trinh nữ Maria và toàn thể nhân loại, chúng ta được nối kết tâm tình mẫu tử với Đức Maria. Nhờ đó ta gặp thấy Đức Mẹ yêu Chúa Giêsu nơi mỗi người chúng ta, và ta cũng được thực hiện tình yêu dành cho Đức Giêsu nhờ lời chỉ dạy của Đức Mẹ. Nói một cách giản đơn là ta trông cậy vào Mẹ và Mẹ sẽ chuyển cầu cho những ý nguyện của chúng ta. Ta đến với Mẹ. Mẹ không giữ chúng ta lại đâu. Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Đó là nền tảng của lòng Đức Mẹ yêu thương chúng ta và lòng cậy trông của chúng ta kêu cầu đến Đức Mẹ. Cứ tha thiết cầu khấn rồi sẽ thấy Mẹ chẳng bao giờ để ta một mình vật lộn với sóng gió, cho dù sóng gió trong cuộc sống đức tin hay là sóng gió trong cuộc sống vất vả hằng ngày. Và lạ lùng làm sao, Mẹ với tính nhẹ nhàng kín đáo từ muôn thuở sẽ ra tay cứu giúp, hay giả như ta được như ý sau mỗi lần cầu khấn đi nữa Mẹ cũng sẽ tế nhị nâng đỡ chúng ta bằng cách để cho chúng ta được nếm trải niềm bình an ngay trong cuộc sống hôm nay. Lúc nãy cộng đoàn cũng đã cùng tham dự với nhau trong những lời khấn nguyện. Đó là những ý chúng tôi tuyển chọn từ những ý khấn quí vị đã nhẹ nhàng gửi gắm nơi trung tâm Thánh Mẫu Tàpao này. Cầu cho tâm hồn của mình được thênh thang thánh đức, cầu cho gia đình mình được bình an, cầu cho những nhu cầu trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống hằng ngày của mình được Mẹ quan tâm. Các sinh viên học sinh mong được học hành tấn tới, các gia đình có những người mới ra đi cũng xin Mẹ nhớ đến các linh hồn của họ, và ngay cả chúng ta ngày hôm nay ở trên triền thất vọng cũng đến với Mẹ để sẽ nhận được những sự nâng đỡ cần thiết. Đó là tất cả ý nguyện rất chân thành của quí ông bà anh chị em cũng như của chúng tôi, xin gửi gắm Đức Trinh Nữ Maria, cách riêng tại trung tâm Thánh Mẫu Tàpao này. Xin nhờ lời chuyển cầu của Mẹ và xin vì tình mẫu tử đã kết ước do chính Chúa Giêsu trên thánh giá, Mẹ cũng luôn luôn nâng đỡ tất cả mọi người chúng ta. Và đó cũng là tâm tình của chúng ta trong ngày 13 tháng 7 này. Xin được cùng với quí ông bà anh chị em dâng lên niềm tin, niềm cậy cũng như niềm cảm mến để những tháng ngày tiếp theo đây chúng ta sẽ được như ý Mẹ nhắn gửi và cũng là để niềm hạnh phúc Mẹ trao ban cho chúng ta của những hạt mầm giữa những cơn mưa tháng 7 sẽ được mọc lên một cách xanh tốt. Với những ơn lành ấy, đời sống của mỗi người chúng ta cũng được trải ra trong bình an.

Về đây bên Mẹ Tà Pao
Mọi người hãy nhẹ quên bao muộn phiền
Chắp tay khấn Mẹ nhân hiền
Cho vơi sầu khổ, cho thêm an hòa.

Vần thơ bày tỏ tâm tình của cộng đoàn hành hương, xin chân thành kính dâng Đức Mẹ và nhân danh tình mẫu tử, xin Đức Mẹ cũng chuyển cầu cho tất cả chúng con. Amen.
 
Văn Hóa
Kinh Đêm
Nguyễn Huy Hoàng
05:01 14/07/2010
Người môi đắng lời kinh
Ôm nỗi buồn thánh thiện
Ứ đầy đôi tay nghẹn
Mắt với trời cao xa

Chuyện nhân gian buồn lắm
Nỗi đau hề nỗi đau
Yêu một lần sâu thẳm
Vực nào đong hết sầu?

Nguyện đường tam cấp mỏi
Thấm mệt áo dòng thâm
Chuỗi tràng châu đếm tới
Bao nhiêu nỗi lòng câm?

Đâu ánh sáng thiên thần
Đâu kêu la qũy dữ
Ôi cả cơn cám dỗ
Bỏ người trong nỗi đau!

Vọc tay vào niềm tin
Nghe hư không một cõi
Mạc khải chưa đến tìm
Ru hời cơn mê muội.
 
Cứ như thế…
Lykhách
07:17 14/07/2010
Cứ như thế chừng vài năm nữa
Chắc Việt-Nam sẽ thừa mứa nợ nần
Quan côn đồ mãi đục khoét của dân
Nước độc đảng sẽ cầm phần vận nhục

Cứ nín lặng hoặc qua loa bức xúc
Ác ôn quan to chỉ kỷ luật phê bình
Nhìn khổ dân, nước nát cứ làm thinh
Kẻ hiểu biết nên tự mình thấy nhục

Hỡi những kẻ cao sang chẳng nghe tiếng khóc
Con mắt gian tham chỉ thấy riêng lợi lộc
Mở miệng cáo gian hùa im lặng nọc độc
Đang lùa dân đen oan ức tới chân tường

Có những thứ tha chẳng cao thượng
Có những lặng thinh đầy bất lương
Như làm lơ nhau để chia hưởng
Những của tham cướp đoạt đoạn trường

Có những vòng vo lý luận nghe đầy ấn tượng
Nhưng vì lợi, danh, quyền, tiền…đem lương tri thuê mướn!

Cứ mãi thế rồi Việt-Nam cùng đường
Mất rừng, mất đất, mất đại dương
Trái tim người cũng mất dần độ lượng
Muốn yêu thương cũng phải vái tứ phương

Vì muốn yêu thì trước cần tránh hận
Muốn tránh hận phải tránh bất nhân
Muốn tránh bất nhân cần tránh bất công
Muốn tránh bất công, phải nghe tiếng dân
Phải đau xót, phải chia phần khốn khổ

Cứ mãi thế năm vài năm lần lữa
Lời tiên tri có đoán cũng bằng thừa:
Vận nước tương lai sẽ là chọn lựa
Của đám tham quan luôn đục khoét bán mua

Cứ câm nín chừng vài năm nữa
Rồi giả nhân, giả nghĩa phân bua
Những thầy tu giảng rao lời Phật, Chúa
Nhưng sống rất xa lời môi miệng đẩy đưa

Phật bỏ ngai vàng, cao sang, tiền của
Thoát cõi vô thường dục vọng dây dưa
Chúa bỏ ngôi trời nhập thế chọn lựa:
Yêu là cho đến mạng sống chẳng chừa!

Hỡi những kẻ cao rao nhân ái
Ưa giảng những lời vĩ đại cao siêu
Đến kẻ mù còn thấy điều ngang trái
Kẻ không sống thực làm sao yêu?

Ôi dân ta, một giống dân thống khổ
Oằn vai gánh nặng, gồng cổ bạo quyền
Ngập ngụa nhân danh giả trá đảo điên
Giữa thời thế quyền-tiền ngôi vua chúa

Sao vận nước mãi tối đen đến thế
Sao dân đen mãi cơ khổ không cùng
Đã trải qua thời chiến chinh máu lệ
Mà lòng người chưa thể thấm đau chung!

Cứ mãi thế chừng mươi năm nữa
Người cạn tình chẳng thể tin nhau
Chí dân tộc rã rời từng chiếc đũa
Bị bẽ gãy trong nô lệ của mưu Tàu

Cứ áo thụng mà vái nhau trên dưới
Bao che nhau những hào nhoáng nhân danh
Lũ bán nước cầu vinh, bọn buôn thần bán thánh
Sẽ đưa dân tộc đến tan tành!

Cứ như thế mà nhìn, cứ như thế
Chút sót còn là rẻ rúng trước sau
Khi trái tim người khô khốc lệ
Sẽ chẳng thấy gì ngoài dã thú nơi nhau!