Ngày 12-07-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 13/07: Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
02:09 12/07/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn. “Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơ-đôm và Gô-mô-ra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:09 12/07/2023

7. Tu viện là một học viện có tu thân và yêu thương, ở đây mọi người được học tập chính tâm và tu thân; do đó có thể thu được hiệu quả của “ánh sáng do sự cọ xát” thì việc kết hợp với Thiên Chúa càng kiên cố hơn.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:15 12/07/2023
100. BA QUYỂN SÁCH CÓ GIÁ TRỊ NHẤT

Một ông lão rất thành kính sống cô độc ở trong một ngôi nhà tranh rách nát cũ. Ông ta là một người rất nổi tiếng, mọi người đều nể phục học vấn và những lời khuyên cho mọi người của ông ta.

Một hôm, có người giàu học thức đặc biệt đến thăm ông ta thì rất kinh ngạc làm sao mà ông ta có học vấn cao thâm như vậy, lời nói thái độ rất là khôn ngoan, thế là thỉnh giáo ông ta:

- “Học thức của ngài là từ đâu mà có vậy? Tôi thấy trong căn nhà này tìm không tới mười quyển sách ! Ngài học ở đâu mà có rất nhiều thứ đẹp như vậy?

Ông lão trả lời:

- “Tôi có ba quyển sách hay nhất thế gian, do đó mà mỗi ngày có thể đọc được một vài thứ có ý nghĩa. Ba quyển sách đó là “Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ”, “lương tâm của tôi” và quyển “Thánh Kinh”.

“Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ” chính là thiên đàng và thế giới, nó là một quyển sách rất lớn mở ra trước mặt chúng ta, để chúng ta biết Cha ở trên trời là toàn năng, toàn trí và hoàn hảo thiện mỹ.”

“Lương tâm của tôi” nói với tôi, tôi nên làm những gì, tôi không nên làm những gì.”

“Mà “Thánh Kinh” là một quyển sách vĩ đại trong tất cả các sách, nó miêu tả chi tiết lúc bấy giờ Thiên Chúa sáng tạo con người như thế nào, Thánh Tử - Chúa Ki-tô Đấng cứu độ của chúng ta làm thế nào mà đến trong thế gian, Ngài cho chúng ta giới răn và bảo đảm. Vì để chúng ta được sống hạnh phúc mãi mãi nên Ngài càng trả giá nhiều hơn, bản thân chịu biết bao là đau khổ.”


(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 100:

Người hiểu việc thì hiểu người khác, người thông minh thì nhận biết mình, mà người khôn ngoan thì biết thế nào là thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

Vũ trụ vạn vật bao la dạy cho chúng ta biết có một Thiên Chúa là Đấng toàn năng, lương tâm ngay lành dạy cho chúng ta biết nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa trong tâm hồn của mình, và Thánh Kinh thì nói cho chúng ta biết về thượng trí khôn ngoan của Thiên Chúa là Đấng Ki-tô đã yêu thương và cứu chuộc nhân loại như thế nào !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Nụ Cười Hay Nước Mắt Để Theo Ngài
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
09:46 12/07/2023
Nụ Cười Hay Nước Mắt Để Theo Ngài

(Bài giảng lễ Khấn Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương ngày 13.7.2023)

Tôi đã từng đi tham dự Thánh lễ Khấn Dòng của các nữ tu nhiều lần và tôi thường thấy có hai hình ảnh rất đặc biệt và tương phản nhau: Đó là nước mắt và nụ cười của các nữ tu; và đôi khi, không chỉ của các nữ tu Khấn, mà của cả những người tham dự Thánh lễ; nhất là của những người cha mẹ của các chị.

Trước hết, tôi muốn dừng lại một chút về “câu chuyện nước mắt”. Vâng, nước mắt, thường là sự biểu hiện, là dấu chỉ của niềm đau, của tiếc xót, của chia ly, của giã từ, của hy sinh, của chết chóc điêu linh… như cách diễn tả mang tính ngụ ngôn trong ca khúc “Giọt nước mắt quê hương” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong thời chiến tranh.
Giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa rừng
Giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang
Giọt nước mắt thương em, trên vận nước điêu linh
Giọt nước mắt không tên, xin để lại quê hương…

Vì thế, chúng ta không không lấy làm lạ câu chuyện vừa được nghe trong trình thuật sách Thủ Lãnh nơi Bài đọc 1: lời van xin “khóc tuổi thanh xuân” của người con gái một duy nhất của vị Thủ Lãnh Yeptê, sau khi biết mình là của lễ hy sinh mà người cha đã khấn với Thiên Chúa: "Con chỉ xin cha điều này: xin cha cho con hai tháng, để con cùng các bạn con đi quanh núi đồi mà than khóc tuổi thanh xuân của con". Riêng người cha Yeptê, vì lời nguyền, lời khấn với Thiên Chúa, đã sẵn sàng hiến tế người đầu tiên gặp mặt khi thắng trận trở về…! Oái ăm thay ! Người đó lại là đứa con gái một ! Cho nên, mặc dù Kinh Thánh không nói ông khóc, nhưng đã dùng từ “xé áo mình ra”: Khi thấy đứa con gái, ông liền xé áo mình ra mà kêu lên rằng: "Con ơi, con làm khổ cha, con cũng khổ nữa, vì cha đã khấn hứa cùng Chúa, và cha không thể làm gì khác được". “Xé áo ra” ! Vâng một biểu hiện, một dấu chỉ tan nát, khổ tâm có lẽ còn hơn những giọt nước mắt…khi chính mình ra tay sát tế đứa con gái một yêu dấu !

Ai dám bảo rằng những người nữ tu khấn lần đầu hay khấn trọn hôm nay hoàn toàn thanh thản vui tươi mà trong lòng không vương vấn một chút xót xa nào, quặn thắt nào ! Nếu người con gái của ông Quan Án Yeptê dành hai tháng để “khóc cho tuổi thanh xuân” của mình trước khi chịu sát tế, thì tôi cho rằng, nếu tính từ khi lìa mái ấm để bước vào viện tu, các chị khấn hôm nay, nếu Khấn Trọn cũng ngót nghét 10 năm, khấn lần đầu cũng tròm trèm 5 năm đã nhiều đêm “thút thít cho tuổi thanh xuân của mình” trước khi nói lời cam kết thuộc trọn về Chúa và Hội Dòng, thuộc trọn về tình yêu và sứ vụ trong Lễ Khấn hôm nay ! Vì thế, nếu các chị cảm động thổn thức khi tuyên khấn cũng là chuyện đương nhiên; và nếu không thấy những giọt nước mắt trên gương mặt thì chắc chắn, không ít thì nhiều, họ đã khóc trong lòng ! Có thể nói được, nước mắt của người nữ tu khấn hôm nay phần nào giống với những giọt nước mắt của người thiếu nữ sắp lìa xa mái nhà thân yêu, chia ly cha mẹ để bước lên xe hoa vĩnh viễn theo chồng, như câu đối của nữ sĩ Hồ Xuân Hương: Khấp như nữ tử vu quy nhật…

Riêng những bậc làm cha, mẹ của những người con khấn dòng hôm nay cũng vậy ! Ai không muốn đứa con mình rứt ruột đẻ ra, cho bú mớm, dạy dỗ dưỡng nuôi, chịu thương chịu khó… sẽ lớn lên ở bên cạnh để phụng dưỡng chăm sóc thương yêu mình ! Thế nhưng, với tâm nguyện, với tình yêu và niềm tin để cọng tác với Thiên Chúa, để góp phần cho công trình cứu độ của Ngài, cho dù phải “đánh mất đứa con khỏi mái ấm gia đình”, cho dù “sẽ không được có đứa con gái yêu bên cạnh trong những lúc tối lửa tắt đèn, ốm đau bệnh tật để chăm nom phụng dưỡng…, các vị cũng phải “cắn răng xin vâng”, chẳng khác nào như Thủ lãnh Yeptê “xé áo mình ra” để sát tế con gái một hay như Đức Mẹ đã “cắn răng đứng dưới chân thập giá” để hiến dâng Người Con một dấu yêu cho Thiên Chúa. Xin cảm ơn các người cha, người mẹ vì những hy sinh to lớn nầy; xin cảm ơn các gia đình vì những của lễ quý báu là những người con, người cháu hôm nay thuộc trọn về Chúa và Hội Thánh !

Thế nhưng, như tôi đã nói ban đầu: trong lễ Khấn không những có nước mắt mà còn có nụ cười. Thật vậy, kể từ sau bài ca tạ ơn kết thúc Thánh Lễ, tất cả chúng ta, các chị khấn dòng cũng như mọi người thân nhân, toàn thể cộng đoàn như òa vỡ trong những nụ cười tươi. Đố mà tìm được tấm hình nào các chị chụp hình sau lễ khấn mà mếu máo khóc. Phải cười thôi, vui thôi, hạnh phúc thôi ! Và dĩ nhiên, đây không là những “nụ cười gượng gạo” để che lấp nỗi bực dọc, buồn nãn, thất bại theo kiểu nụ cười của kẻ học trò thi rớt, như thi hào Chiêu Hổ đối lại Hồ Xuân Hương: “Tiếu tợ thư sinh lạc đệ thì”, nhưng là “nụ cười hạnh phúc” của những người sau bao vất vả truân chuyên “bán đi nhiều thửa ruộng”, vất đi nhiều hành trang của cải… để cuối cùng “tìm được viên ngọc quý”, “tìm thấy kho tàng” ! Vâng đó là “nụ cười hạnh phúc” của cô Maria ở Bêtania sẵn sàng “đập bể bình dầu quý” để xức chân cho Thầy Chí Thánh, là nụ cười mãn nguyện của một bà góa nghèo vừa dâng một “đồng xu ten” để đóng góp cho đền thờ; là nỗi vui của ông ty trưởng thuế vụ Giakêu khi gặp được Thầy Giêsu; là lòng hân hoan phấn khởi của một Lêvi bỏ bàn tiền thu thuế để cất bước theo Thầy… Hay nói theo ngôn ngữ của Chúa Giêsu trong bài giảng Bát Phúc (mà chúng ta vừa nghe công bố), thì đó là nụ cười của những người hạnh phúc vì nghèo khó mà có được Nước Trời, vì hiền lành mà được cơ nghiệp của Chúa, vì đau buồn mà được ủi an, vì khát khao mà được no thỏa, vì xót thương mà được thương xót, vì lòng trong sạch mà được thấy Chúa, vì sống thuận hòa mà được Chúa chọn làm con, vì cam lòng chịu bách hại thương đau nên được ban thưởng hồng ân Nước Chúa…

Và không chỉ hôm nay, giờ phút nầy, mới có những nữ tu khấn dòng hạnh phúc mà suốt 2000 năm nay đã có biết bao nhiêu “kẻ nghèo có phúc”, như Anê, Cê-ci-li-a, Au-gus-ti-nô, Mo-ni-ca, Tê-rê-xa hài đồng, Phan-xi-cô As-si-si…; như cha thánh Maximilien Kolbe, như Mẹ Thánh Têrêxa thành Calcutta, như Á Thánh An-rê Phú Yên, Các Thánh Tử đạo Việt Nam… Vâng, hằng ngày, khắp nơi, có biết bao nhiêu thanh niên nam nữ tiếp tục “đập bể bình dầu thơm quí giá cuộc đời”, tiếp tục “bán đi những thửa ruộng màu mỡ cuộc sống” để phục vụ Đức Kitô trong đời thánh hiến, trong chức linh mục, trong vai trò giáo lý viên, tông đồ giáo dân…; trong thân phận của những người cha người mẹ sẵn sàng dâng hiến những đứa con cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội mà không mong một chút đáp đền, một tia lợi lộc…

Trước mặt người đời, trong bậc thang xã hội hoặc hoặc với sinh mệnh chính trị, có thể họ là những kẻ thấp cổ bé miệng, những người bị trù dập coi thường, những thứ “rác rưởi bỏ đi”, nhưng, trước mặt Chúa thì hoàn toàn khác, như lời Thánh Phaolô trong Bài Đọc II hôm nay: “Điều mà thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ; điều mà thế gian cho là yếu hèn, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những gì là mạnh mẽ phải hổ ngươi. Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian, những điều bị khinh chê, những điều không không, để phá huỷ những điều hiện hữu, hầu mọi xác thịt không thể vinh vang trước mặt Người”…

Những lời Thánh Phaolô nói đó phải chăng cũng chỉ là sự cắt nghĩa rộng hơn những lời khen tặng của Chúa Giêsu dành cho việc “đập bể bình dầu cam tùng xức chân Chúa” của bà Maria ở Bêtania trước thái độ hẹp hòi ích kỷ của Giuđa “tiếc nuối 300 đồng bạc” mà Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã tóm lại trong tông huấn Đời sống thánh hiến: “điều mà mắt người đời coi là phung phí lại là một cách đáp trả tất nhiên cho một mối tình, một niềm tri ân phấn khởi vì được chọn một cách đặc biệt để được biết Chúa Con và được chia sẻ sứ mạng của Người trong thế giới” (ĐSTH 104). Riêng đối với chị Nữ Tỳ, thì ý nghĩa và nội dung trên, có thể nói được, đã cô đọng thành một câu châm ngôn sống và hành động: “Chọn ngồi vào chỗ cuối” !

Nhưng, hình như thế giới hôm nay “hơi bị nhiều” những chàng Giuđa như thế, những chàng thanh niên, những cô thiếu nữ chấp nhận quay đi và chọn cuộc đời có nhiều của cải với nét mặt u buồn, thay vì “bán tất cả” nở nụ cười tươi đi tới để chọn theo Đức Kitô. Vì thế, tất cả chúng ta, không chỉ cầu nguyện cho các chị khấn dòng hôm nay luôn trung thành mỉm cười cam kết chọn Đức Kitô, chọn ngồi vào chỗ cuối, chọn làm người thiếu nữ con của Thủ lãnh Yeptê sẵn sàng hy sinh tuổi xuân vì một lời cam kết thánh thiện…; hay đơn giản như lời nguyện của đại thi hào Tagore trong bài thơ cầu nguyện “Chỉ mong Ngài hãy lấy đi”. Xin được trích đôi câu:\

Chỉ mong Ngài lấy đi
Mong chẳng còn gì thuộc về con…
Chỉ mong Ngài xoá đi
Mong chẳng còn gì để chiếm hữu…
Chỉ mong Ngài cất đi
Mong chẳng còn gì để nắm giữ…
Để con chỉ biết yêu
Yêu một mình Ngài trọn đời con
Con nhìn nhận Chúa chính Nguồn Tình Yêu.

Chúc cho các chị Khấn hôm nay và cho tất cả những ai góp phần làm nên những ơn gọi thánh hiến luôn giữ mãi nụ cười cho cuộc sống – Nụ cười hạnh phúc vì đã gặp được chính Chúa là Tình yêu.

Trương Đình Hiền
 
Hãy là đất tốt, để hạt giống Lời Chúa sinh nhiều bông hạt
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:48 12/07/2023
Hãy là đất tốt, để hạt giống Lời Chúa sinh nhiều bông hạt

Suy niệm Chúa nhật XV thường niên – năm A

(Mt 13,1-23)

Cho đến bây giờ, "mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta " (Rm 8, 22-23). Hỏi ai trong chúng ta lại không có kinh nghiệm sống ở đời về tương phản giữa khổ đau trong đời sống thường ngày và vinh quang cũng như hy vọng mà Thánh Phaolô nói đến trong thư gửi giáo đoàn Rôma (Rm 8 18-23)? Giữa "những đau khổ trong hiện tại " chúng ta mang trên mình, và "vinh quang mà Thiên Chúa sẽ tỏ lộ trong tương lai "(Rm 8, 18). Hiện tại chúng ta chưa có kinh nghiệm nhiều, nên chúng ta muốn nói như Đức Maria : " Việc đó xảy ra thế nào được? " (Lc 1, 34) Phụng vụ hôm nay sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Mặc khải cho biết, khổ đau đi vào thế giới như là hậu quả của tội lỗi "không thể tránh khỏi"; cũng như trái cấm trong vườn Êđen, vì một lời nói dối, khiến con người chống lại Lời sáng tạo, gây nên sự hỗn loạn, sau cùng cả và nhân loại bị hủy diệt. Chỉ có Thiên Chúa, Lời sáng tạo, mới có thể can thiệp để cứu chuộc con người (x. Rm 8) và tái lập trật tự hài hòa đã được thiết lập ngay từ thuở ban đầu. Chúa phán: " lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác "(Is 55, 11).

Hỏi : Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra là gì vậy?

Thưa : Là chính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Con một Ngài, Thiên Chúa như người gieo giống gieo Lời ( Con Ngài) vào thế giới chúng ta, "Người cho ứ nước luống cày, Mô đất đặt xuống phẳng phiu, Người cho mưa rào đảo nhuyễn, chúc lành cho giống trổ mầm" (Tv 64, 11); "Như mưa tuyết từ trời rơi xuống … làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn" (Is 55, 10). Nước ở đây là nước Thánh Thần tưới lên chúng ta để chúng ta sinh được gấp trăm. Chính nơi Chúa Giêsu phục sinh mà nhân loại được cứu, Người là "Đấng cứu chuộc thế gian ! nơi Ngài đã được mạc khải một cách mới mẻ và kỳ diệu hơn chân lý căn bản về thế giới thụ tạo, điều mà sách Sáng thế xác nhận khi lặp đi lặp lại nhiều lần: "Thiên Chúa thấy như thế là tốt lành" (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đấng Cứu Chuộc con người, số 8. Ngày 4/3/1979).

Nhưng nếu Chúa Giêsu là Đầu đã đạt đến chặng cuối của hành trình, thì Thân mình là " mọi tạo vật rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con " (Rm 8, 22) cũng được như vậy. Tuy nhiên, tiền đề sự phục sinh của Chúa Giêsu đã được trao ban : hạt giống sự sống đời đời đã ẩn tàng trong tâm hồn các tín hữu từ ngày họ chịu phép Rửa tội; Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Lời tái tạo và biến đổi chúng ta. Thật hạnh phúc biết bao khi có Thiên Chúa là Cha vô cùng nhân hậu; Ngài biết lòng dạ con người phức tạp và yếu đuối. Vì thế, Ngài gieo cách hào phóng, kể cả vệ đường, nơi bụi gai và sỏi đá. Chim trời sẽ đến ăn mất, nhưng đặt hy vọng vào hạt rơi vào đất tốt sinh hoa kết quả dồi dào, "có hạt được một trăm"(Mt 13, 23).

Thiên Chúa rất đỗi khoan dung, không những mạc khải cho chúng ta tình yêu của Ngài bằng cách hòa giải với chúng ta nhờ sự chết của Con Ngài khi chúng ta còn là kẻ thù (x. Rm 5, 10), Ngài gieo Lời cứu độ là chính Con Ngài xuống trên chúng ta, bất kể chúng ta thờ ơ, từ chối, nhưng chắc chắn sẽ có hạt đâm rễ và mọc lên.

Dụ ngôn này thật an ủi cho những kẻ cứng đầu cứng cổ như chúng ta, và cũng là lời khuyên an ủi những ai đang chịu trách nhiệm dạy giáo lý cho thiếu nhi và giới thành niên.

Còn nỗi khổ nào hơn đối với các bậc làm cha mẹ khi thấy con cái mình từ bỏ đức tin ! Nhưng đức tin không thể được truyền theo nhiễm sắc thể hay dòng sữa của mẹ nuôi con, chúng ta có thể trình bày cho trẻ em về tình bạn của Chúa Giêsu, nhưng không thể áp đặt đức tin cho chúng.

Thiên Chúa không đòi hỏi nơi chúng ta những điều không thể : chúng ta hãy vui lòng làm như Ngài, gieo cách hào phóng bằng lời nói và gương sáng, ngay cả trong sự khác biệt; hãy tin rằng sẽ luôn có cái gì đó thúc đẩy hạt giống mọc lên đúng thời vụ; bởi vì Lời từ miệng Chúa phán ra sẽ không trở lại với Chúa nhưng theo ý Chúa mà sinh kết quả (x. Is 55, 10-11).

Chúng ta cần chuẩn bị một thửa đất tốt để đón nhận hạt giống, và chăm sóc để nó có thể đơm hoa kết trái. Có người không muốn mình bị thử thách hay gặp khó khăn, người ấy sẽ có ngàn lý do để từ chối. Nhưng ai " nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả "(Mt 13, 23).

Tất cả đều nghe dụ ngôn, nhưng người hiểu được là người mang nó về nhà, trân trọng như một tài sản quý giá. Chúng ta sẽ hạnh phúc nếu chúng ta nghe những gì Chúa nói và nghiêm túc hoán cải theo tiếng Chúa gọi : Ngài sẽ chữa lành và làm cho chúng ta được sống, " giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa" (Rm 8, 21), chúng ta sẽ đơm hoa kết trái.

Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria như bậc thầy của việc lắng nghe Lời Thiên Chúa cách sâu đậm và kiên trì. Xin Mẹ giúp chúng ta theo gương Mẹ, là "đất tốt", nơi hạt gống Lời Chúa có thể đem lại nhiều bông hạt. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Giá phải trả
Lm. Minh Anh
15:51 12/07/2023

GIÁ PHẢI TRẢ
“Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không!”.

Tháng 10/1971, Iran kỷ niệm 2.500 năm thành lập đế quốc Ba Tư. Để chứng tỏ Iran là một cường quốc hiện đại, hoàng đế Reza Pahlavi đã tổ chức một đại lễ “ngông cuồng” ngoài sức tưởng tượng! 600 quốc khách được mời từ 69 nước; tiệc tùng xa hoa đến 4 ngày, với ‘giá phải trả’ lên đến 100 triệu dollars. Điều đáng nói, chỉ 8 năm sau, ông bị lật đổ, lưu đày!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến ‘giá phải trả!’. Giá con cái Giacóp phải trả khi xuôi về Nam mua lương thực; giá các môn đệ phải trả khi ‘nhận’ và ‘trao’ Tin Mừng. Tuy nhiên, không ai trả đồng nào! Chúa Giêsu nói, “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không!”.

Câu chuyện Sáng Thế tiếp tục khi con cái Giacóp, vốn phải đem theo một số tiền đáng kể, để xuống Ai Cập mua lúa thóc; nhưng xem ra, họ không phải trả đồng nào. Vì lẽ, khi không thể tiếp tục dồn nén cảm xúc, Giuse đã tự tỏ mình, “Tôi là Giuse, em các anh đây!”. Giuse coi đây là sự quan phòng kỳ diệu của Chúa; Thánh Vịnh đáp ca khéo nhắc, “Hãy nhớ lại những kỳ công Chúa thực hiện!”. Quả vậy, các con Giacóp không phải mở đãy, không ai đòi họ làm thế; trái lại là khác, có lẽ cùng với lương thực, họ được tặng không nhiều vàng bạc. Vì rồi đây, Giuse sẽ thắng xe của vua để ra ngoài đón cha già và cháu chắt.

Với bài Phúc Âm, ‘giá phải trả’ cho Tin Mừng là gì? Chúa Giêsu cho biết có đến hai giá: giá nhận và giá trao! Giá nhận, phải trả bao nhiêu để một người có được Tin Mừng? Câu trả lời là ‘không thể trả nổi’, vì Tin Mừng vô giá; không mua được bằng tiền! Thứ đến, cần bao nhiêu để Tin Mừng có thể được ‘trao’ cho người khác? Câu trả lời vẫn là ‘không thể trả nổi’; vì lẽ, không ai có quyền tính phí bất cứ điều gì họ không sở hữu. Tin Mừng thuộc về Chúa Kitô, Ngài tặng không, nên không ai đòi phải trả cho mình cái không thuộc về họ!

“Hãy cho nhưng không!”. Điều này cho biết, chúng ta phải cung cấp Tin Mừng cho người khác vô điều kiện; và còn hơn thế, việc cung cấp này còn mang theo nó ‘một đòi hỏi tiềm tàng’. Đúng thế, nó đòi hỏi chúng ta phải hiến mình; nghĩa là, hiến dâng toàn thân, linh hồn, và trái tim một cách triệt để. Lý do cho sự đòi hỏi tự hiến này là vì mọi điều chúng ta nhận được đều ‘miễn phí’. Tin Mừng không thuộc vật chất; thật tuyệt vời, nó là ‘một con người’, Đức Giêsu Kitô. Ngài tự hiến miễn phí; bạn và tôi cũng tự hiến miễn phí cho người khác!
Anh Chị em,

“Hãy cho nhưng không!”. Mỗi ngày, trên bàn thờ Thánh Thể và bàn tiệc Lời Chúa, Con Thiên Chúa cho không; bên cạnh đó, bao hồng ân xác hồn Ngài ban. Phaolô nói, “Trong Chúa Kitô, chúng ta lãnh nhận từ ơn này đến ơn khác”; “Trong Ngài, chúng ta không thiếu một ơn nào!”. Ấy thế, đáp lại sự quảng đại và yêu thương, Ngài chỉ nhận lại những bất xứng, bất công và xúc phạm. Lời Chúa mời gọi chúng ta quay về, sống niềm tri ân, thống hối; đồng thời, ý thức hơn sứ mệnh mở rộng Vương Quốc, trao tặng Tin Mừng mà không đòi hỏi một ‘giá phải trả’ nào. Bởi lẽ, Chúa Giêsu đã trả hết, Ngài trả bằng cả mạng sống Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, những gì ‘con có’, những gì ‘con là’ đều miễn phí. Đừng bao giờ để con kỳ kèo với Chúa, với anh em, về bất cứ điều gì… hầu Phúc Âm được biết, được sống!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Hai khu vườn
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
22:01 12/07/2023


Có hai khu vườn nằm cạnh nhau, tuy cũng thuộc dạng đất như nhau và cùng được gieo trồng bằng những hạt giống như nhau… Thế mà chúng lại tương phản nhau.

Vườn anh Nam thì đầy hoa thơm trái tốt, thu hút nhiều du khách đến xem: Họ đua nhau chụp hình bên những luống hoa xinh đẹp; họ trầm trồ khen ngợi những cành cây trĩu trái, họ thưởng thức những trái cây ngon lành…

Trong khi đó, vườn chị Nữ bên cạnh thì đầy gai góc, cỏ dại và sỏi đá… chẳng ai để mắt nhìn.

Chị rất buồn vì thấy vườn anh Nam tốt đẹp hấp dẫn đến thế, còn khu vườn của chị tệ hại như vườn hoang. Cùng được gieo trồng bằng những hạt giống như nhau, thế thì tại sao kết quả lại hoàn toàn trái ngược nhau?

Sở dĩ có sự khác biệt đáng tiếc nầy là vì anh Nam đã dọn sạch sỏi đá, cỏ dại và mọi thứ gai góc trong vườn trước khi gieo hạt; còn chị Nữ thì phạm phải một sai lầm tai hại là bỏ qua công việc hệ trọng nầy.

Hình ảnh hai khu vườn minh hoạ cho Lời Chúa Giê-su trong Tin mừng Mát-thêu được trích đọc hôm nay:

Người kia ra đi gieo giống. “Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không nhiều; nó mọc ngay… nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13, 4-7).

Tâm hồn chúng ta cũng như một khu vườn và Lời Chúa là những hạt giống tuyệt vời được Chúa Giê-su mang từ trời xuống gieo vãi trong tâm hồn chúng ta và Ngài mong sao cho hạt giống Ngài gieo được sinh hoa kết quả dồi dào. Tuy nhiên, nếu chúng ta không dọn sạch gai góc, cỏ dại và sỏi đá khỏi khu vườn tâm hồn mình thì Lời Chúa không thể nào bén rễ được.

Khi lời Chúa Giê-su dạy: Các con chia cơm, sớt bánh cho người đói khát là làm cho chính Ta… được gieo vào tâm hồn người ích kỷ thì lòng ích kỷ của người đó như những tảng đá lớn, làm chết nghẹt Lời Chúa ngay từ đầu.

Khi lời Chúa Giê-su dạy: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì” được gieo vào tâm hồn người tham lam, thì lòng tham nơi người đó y như những bụi gai rậm rạp, sẽ làm lụi tàn Lời Chúa ngay.

Như thế thì ích kỷ, tham lam, đam mê lạc thú… là những cụm gai lớn, là những đống sỏi đá ngổn ngang… sẽ chèn ép Lời Chúa ngay từ đầu, không để cho Lời Chúa mọc lên và bén rễ. Thế rồi, chỉ còn những cụm gai là thói hư tật xấu, những cây hoang dại là đam mê tội lỗi… sẽ chen chúc mọc lên, xâm chiếm hết thửa đất tâm hồn, biến tâm hồn ta thành bãi đất hoang phế.

Lạy Chúa Giê-su,

Thật là điều rất đáng buồn và đáng tiếc nếu tâm hồn chúng con trở nên như bãi đất hoang có nhiều cụm gai và ngổn ngang sỏi đá khiến nhiều người khinh chê, xa lánh.

Và thật là điều đáng mừng nếu tâm hồn chúng con trổ sinh nhiều hoa đẹp trái ngon nhờ có nhiều đức tính tốt, trở nên như khu vườn xinh đẹp được nhiều người yêu thích.

Xin cho chúng con không ngừng loại bỏ mọi thứ “sỏi đá gai góc” ra khỏi tâm hồn, tích cực vun xới cho hạt giống Tin mừng đâm chồi và tăng trưởng để làm cho cuộc đời nở hoa, tức làm cho mình trở thành người có văn hoá, có đạo đức và phẩm chất cao đẹp.
 
Hạt giống Lời Chúa
Lm. Thái Nguyên
23:22 12/07/2023


HẠT GIỐNG LỜI CHÚA
Chúa Nhật 15 Thường Niên : Mt 13, 1-23

Suy niệm

Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ. Chị thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quày hàng đặc biệt, người ta chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu đứng bán ở quày hàng này. Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?
Chúa trả lời: Ta bán mọi sự con đang ước muốn trong trái tim con.
Chị nói liền một hồi: Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng, cho con và cho những người thân yêu của con nữa.
Chúa mỉm cười và nói: Hỡi con yêu dấu, ở đây,Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi. (Anthony de Mello).

Trong dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay, Chúa không bán hạt giống, mà gieo hạt giống là Lời Thiên Chúa. Đây là dụ ngôn nói lên niềm hy vọng và sự hào phóng của Thiên Chúa đối với con người. Hạt giống Lời Ngài đã được tung gieo cho hết mọi thế nhân, từ mảnh đất của những tâm hồn tốt lành đến những mảnh đất của những tâm hồn khô khan nguội lạnh. Dù là người tốt hay kẻ xấu, tất cả đều được Chúa yêu thương, đều được đón nhận hạt giống của Lời hằng sống, là chính Đức Kitô, niềm vui ơn cứu độ cho những ai đón nhận Ngài.

Chúa không chỉ là người gieo vãi hạt giống tốt nhưng Ngài còn sửa sang, dọn dẹp, chỉnh trang lại mọi mảnh đất tâm hồn. Thánh vịnh 64 đã nói lên điều này: “Chúa tưới từng luống, san từng mô đất, khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm. Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi”. Dù biết rằng có những tâm hồn như những mảnh đất hoang cày lên sỏi đá, nhưng Thiên Chúa không hề thất vọng về bất cứ một ai. Người vẫn luôn chờ đợi và hy vọng nơi loài thụ tạo của mình, đến nỗi hy sinh Con Một Người để cứu vớt mọi sinh linh. Điều này ngoài sức tưởng tượng của con người và vượt trên mọi kinh nghiệm tôn giáo. Tình yêu Thiên Chúa không chỉ là phổ quát cho mọi con người nhưng còn là tình yêu rất riêng cho mỗi tâm hồn.

Thiên Chúa quả thật là Đấng vô cùng tốt lành và đại độ trong cuộc đời của mỗi con người. Kinh nghiệm sống cho tôi thấy rằng có những lúc tôi không dám tin vào mình, và cũng nhiều khi tôi đã thất vọng về chính mình, nhưng Thiên Chúa lại dám tin tưởng và hy vọng vào tôi. Điều đó đã cho tôi một sức mạnh kiên cường để phấn đấu vươn lên và cải tạo tâm hồn của mình thành mảnh đất mầu mỡ, để hạt giống Lời Chúa có thể trổ sinh hoa trái dồi dào, làm đẹp cho cuộc sống con người.

Cũng vậy, điều Thiên Chúa hy vọng nơi tôi làm chấn động tâm hồn tôi, khiến tôi hoàn toàn đặt hy vọng vào chính Chúa, và đồng thời mời gọi tôi tiếp tục hy vọng vào đời sống của anh chị em mình, cho dù nhiều phen họ đã làm cho tôi thất vọng và đau khổ, cũng như tôi đã nhiều lúc làm cho những người khác phải thất vọng và khổ đau. Nhưng chính trong đau khổ mà tôi lại được lớn lên hơn trong niềm tin yêu và hy vọng vào Chúa, là Đấng đang kết dệt nên cuộc đời tôi và đang làm tươi mới cuộc đời anh chị em tôi từ những khó khăn và trắc trở.
Sứ điệp của dụ ngôn gửi đến mọi người tín hữu, để thấy mình vừa được cảnh giác vừa được trấn an: được cảnh giác hãy trở nên đất tốt và sinh hoa quả tối đa; được trấn an vì ta biết Chúa Giêsu hoàn toàn làm chủ tình thế: Ngài có thể gặp thất bại, nhưng các thất bại này được tiên liệu trong chương trình của Thiên Chúa. Dù sao, dụ ngôn cũng cho thấy đời sống Kitô hữu sẽ gặp vô số nguy hiểm, đó là sự lôi kéo của Satan, gian nan, thử thách, bách hại, các lo lắng sự đời, và bã vinh hoa phú quý. Cần phải có sức mạnh và lòng can đảm để thắng vượt chúng, bằng sự kết hợp mật thiết với Đức Kitô và kín múc ân ban từ Thánh Thể Ngài. Chỉ với ơn thánh Chúa, chúng ta mới có thể làm cho tâm hồn mình trở nên mảnh đất phì nhiêu bằng một tình yêu cao độ.

Quả thật, Chúa đang mong đợi và vui mừng về một mùa bội thu, khi đã gieo vãi Lời Ngài vào mỗi tâm hồn chúng ta. Hãy kiên trì cải tạo vùng đất tâm hồn mình để mỗi ngày sinh hoa kết quả dồi dào hơn: trước tiên là trong sạch hóa bản thân để sống cuộc đời ngay chính; tiếp đến là nỗ lực Phúc Âm hóa môi trường mà chúng ta có mặt, nghĩa là đem Lời Chúa, tinh thần của Chúa thấm nhập vào lối sống của những người chung quanh. Trong tin yêu và hy vọng, chúng ta hân hoan chờ ngày Chúa đến, để dâng Ngài một cuộc đời đầy hoa trái của tình yêu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Đấng đã gieo Lời Chúa khắp mọi nơi,
để ban cho con người sự sống mới,
là niềm vui ân phúc của cõi Trời.
Nhưng Lời Chúa đòi con phải xét mình,
với cả tấm chân tình và đoan chính,
xem bao nhiêu hạt giống gieo vào lòng,
có được như tim Ngài vẫn khát mong?
Có hạt rơi như rơi trên vệ đường,
văng ra ngoài không đi vào tâm tưởng,
bởi Lời Chúa đòi con phải đổi hướng,
mà đời con còn những nỗi lụy vương.
Có hạt rơi như rơi trên sỏi đá,
con vui mừng vội vã đón lấy ngay,
nhưng vì sống cạn cợt nên sa sẩy,
thiếu rễ sâu nên mưa gió dập vùi,
có thể vì lòng con còn cứng cỏi,
nên Lời Chúa không thể đến chiếu soi.
Có hạt rơi như rơi vào bụi gai,
vì chuyện đời và đam mê của cải,
gai bóp nghẹt làm cây không sinh trái,
khiến đời con phải sống kiếp u hoài.
Nhưng có hạt đã rơi vào đất tốt,
vì con sống Lời Chúa thật say mê,
nên cây đời nhiều hoa quả xum xuê,
khiến cho ơn ơn thánh Chúa đổ tràn trề.
Hôm nay Chúa sai con đi gieo hạt,
hạt giống Tin Mừng hạt giống tình thương,
xin cho con luôn vững chí can trường,
dám đi trong đau thương và thử thách,
để ngày về tâm hồn con vui sướng,
tới miền quê hạnh phúc cõi thiên đường. Amen.






 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Cha David, người bảo vệ các nạn nhân trong chiến tranh ma túy, tái đắc cử chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân
Đặng Tự Do
17:50 12/07/2023


Đức Giám Mục Pablo Virgilio David, một vị Giám Mục thẳng thắn phê bình nhà độc tài Rodrigo Duterte, được biết đến với việc bảo vệ các nạn nhân chiến tranh ma túy, đã tái đắc cử chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân, gọi tắt là CBCP, vào hôm thứ Bảy, 8 tháng 7.

Đức Cha David, 64 tuổi, sẽ phục vụ nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng với tư cách là chủ tịch CBCP. Theo truyền thống, CBCP bầu lại chủ tịch và phó chủ tịch cho nhiệm kỳ thứ hai.

Đức Cha Pasig Mylo Hubert Vergara, 60 tuổi, cũng tái đắc cử phó chủ tịch CBCP.

Hai Đức Cha David và Vergara lần đầu tiên được bầu làm chủ tịch và phó chủ tịch vào năm 2021.

Các giám mục đã bầu lại David và Vergara trong cuộc họp khoáng đại lần thứ 126 của CBCP bắt đầu vào thứ Bảy tại Kalibo, Aklan, một trong những lần hiếm hoi được tổ chức bên ngoài Manila. Hội nghị toàn thể CBCP, cơ quan ra quyết định cao nhất của hội nghị, quy tụ khoảng 80 giám mục và kéo dài đến Thứ Hai, ngày 10 tháng Bảy.

Đức Cha David là một trong những học giả Kinh thánh hàng đầu của Phi Luật Tân, có bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Công Giáo Louvain, Bỉ. Ngài là linh mục từ năm 1983 và là giám mục từ năm 2006.

Đức Cha từng là chủng sinh tại Chủng viện San Jose, một học viện do Dòng Tên điều hành đã đào tạo ra ít nhất ba Hồng Y người Phi Luật Tân, trong đó có Hồng Y Luis Antonio Tagle.

Đức Cha David là giám mục của Giáo phận Kalookan kể từ Tháng Giêng năm 2016.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của Duterte, giáo phận của Đức Cha David là điểm nóng của các vụ giết người liên quan đến ma túy, khiến ngài phải lên tiếng phản đối sự lạm quyền của cảnh sát. Vụ án gây chấn động đầu tiên trong giáo phận của ngài là vụ sát hại một cậu bé 17 tuổi, Kian Lloyd delos Santos, vào năm 2017. Đức Cha David lên án cái chết của Delos Santos và bảo vệ các nhân chứng.

Cũng liên quan đến Phi Luật Tân một thần học gia phụ nữ là bà Estela Padilla nói với thông tấn xã Rapler: “Tôi cảm thấy vinh dự được là một phần của tiếng nói Á Châu trước thượng hội đồng,” sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô trao cho bà quyền bỏ phiếu tại Thượng hội đồng Giám mục vào tháng 10 tới đây.
Source:Rappler
 
5 năm sau vụ thảm sát, độc tài Nicaragua bắt một linh mục, chặn đường trở về của một vị khác
Đặng Tự Do
17:52 12/07/2023


Năm năm sau khi chế độ độc tài của Daniel Ortega tàn sát những người biểu tình ở khu vực Carazo của Nicaragua vào năm 2018, chế độ này đã bắt giữ một linh mục khi ngài đang rời khỏi Thánh lễ và ngăn cản một linh mục khác trở về nước.

Félix Maradiaga, chủ tịch của Tổ chức vì Tự do Nicaragua và là cựu ứng cử viên tổng thống, cáo buộc rằng vào Chúa Nhật, ngày 9 tháng 7, Cha Fernando Zamora Silva, chưởng ấn của Giáo phận Siuna, đã bị “bắt giữ tùy tiện” tại thành phố Managua nơi ngài đến thăm.

Vụ bắt giữ xảy ra gần Giáo xứ St. Louis Gonzaga khi vị linh mục đang rời khỏi một Thánh lễ mà ngài đã đồng tế với tư cách khách mời trong một buổi cử hành tôn giáo do Hồng Y Leopoldo Brenes chủ trì. “Cho đến nay, không có cáo buộc cụ thể nào chống lại vị linh mục,” cựu tù nhân chính trị cho biết trong một bức thư gửi từ Hoa Kỳ, nơi ông đang sống lưu vong.

“Thật không may, vụ bắt giữ tùy tiện này là một phần của cuộc đàn áp mà chế độ độc tài Ortega đang thực hiện chống lại Giáo Hội Công Giáo. Bốn linh mục khác, bao gồm cả Giám mục Rolando Álvarez của Giáo phận Matagalpa, cũng bị giam giữ tùy tiện,” Maradiaga nói.

Trong những ngày gần đây, người ta biết rằng Đức Cha Álvarez đã được trả tự do trong một thời gian ngắn khỏi nhà tù “La Modelo”, nơi các tù nhân chính trị được cho là đã bị tra tấn, mặc dù ngài vẫn bị cảnh sát giam giữ. Thật không may, các cuộc đàm phán để ngài được tự do đã thất bại và ngài bị đưa trở lại nhà tù.

Sau khi yêu cầu các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin về vụ bắt giữ Cha Zamora, Maradiaga đã kêu gọi “cộng đồng quốc tế quan tâm đến tình hình đàn áp nghiêm trọng này đối với Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua.”

Chế độ độc tài ngăn cản sự trở lại của một linh mục khác

Martha Patricia Molina, nhà nghiên cứu và tác giả của báo cáo “Nicaragua: Một Giáo hội bị bách hại?”, báo cáo rằng chế độ độc tài Ortega đã ngăn cản Cha Juan Carlos Sánchez, cha sở của Giáo xứ Thánh Phanxicô Assisi ở Managua, trở về nước.

Molina đã báo cáo vào ngày 8 tháng 7 rằng cô ấy có “thông tin rằng chế độ độc tài Sandinista đã cấm Cha Sánchez nhập cảnh vào đất nước”. Ngài là cha sở một giáo xứ nằm ở Bolonia, Managua.

Tổng cục Di cư và Người nước ngoài là một phương tiện khác được chế độ độc tài sử dụng để đàn áp Giáo Hội Công Giáo bằng cách từ chối các thành viên của hàng giáo sĩ trở về nước hoặc bằng cách trục xuất các ngài khỏi đất nước.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Fernandez với nạn lạm dụng và việc bị Bộ Giáo Lý Đức Tin điều tra
Vũ Văn An
19:03 12/07/2023

Ngoài việc ngài bị chỉ trích về cuốn sách dạy hôn, Đức Tổng Giám Mục Fernandez cũng bị nhóm BishopAccountability.org, một tổ chức ở Hoa Kỳ chuyên theo dõi nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục ở Hoa kỳ, chỉ trích. Thực vậy, trong một bản tuyên bố, đồng giám đốc của tổ chức này, Anne Barrett Doyle, nói rằng Đức Tổng Giám Mục Fernández “công khai bênh vực” và hỗ trợ linh mục của giáo phận La Plata là cha Eduardo Lorenzo bị đương đầu với năm tố cáo về lạm dụng tình dục năm 2019. Doyle nói rằng Đức Tổng Giám Mục Fernandez tiếp tục ủng hộ cha Lorenzo cả sau khi một lệnh bắt giam đã được công bố và vị linh mục này đã tự sát.



Vào hôm thứ Hai, Doyle nói với hãng tin CNA rằng lối xử lý của Fernandez khiến bà rất quan tâm: “Ngài giữ linh mục này ở thừa tác vụ giáo xứ, ngay cả trong lúc có nhiều nạn nhân hơn lên tiếng. Ngài tỏ ra sẵn lòng ác tâm đánh bạc với sự an toàn của trẻ em. Ngài tỏ ra khinh miệt các người được coi là nạn nhân. Nếu đáp ứng của ngài đối với vụ này nói lên thái độ của ngài đối với các lời tố cáo, chắc chắn ngài sẽ gây thiệt hại ghê gớm trong tư cách bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin”.

Tuy nhiên, trong một email gửi cho CNA, Tổng giáo phận La Plata bác bỏ các lời chỉ trích trên đây. Email cho rằng “Đức Tổng Giám Mục không bao giờ nói rằng ngài không tin các nạn nhân, như các blogs đưa ý kiến tự do nói. Khi được các nhà báo hỏi, ngài rõ ràng trả lời rằng ‘khi một ai đó trình bầy một lời tố cáo loại này, trên nguyên tắc, họ luôn lập tức được tin theo, nhưng ngoài việc này ra, một cuộc điều tra và một diễn trình đúng thủ tục là điều cần thiết vì luật pháp đã thiết định như thế”.

Email viết thêm, “khi các chứng từ mới xuất hiện, Đức Tổng Giám Mục đều đưa ra các biện pháp mới, bắt đầu bằng việc cấm vị linh mục này được làm bất cứ hoạt động nào với các vị thành niên cho trước khi hạn chế ngài tại cơ quan Caritas”.

Tuy nhiên, trong một trao đổi ngày 9 tháng 7 với hãng tin A.P. (https://apnews.com/article/vatican-pope-argentina-fernandez-abuse-case), Đức Tổng Giám Mục thừa nhận ngài mắc sai lầm trong vụ việc này. Ngài nói: “hôm nay, chắc chắn tôi sẽ hành động rất khác và lối hành xử cũ của tôi chắc chắn không đầy đủ”.

A.P. nhắc lại lời tố cáo của nhóm BishopAccountability.org, cho rằng Đức Tổng Giám Mục Fernandez “không chịu tin các lời tố cáo của các vị thành niên, những em đã tố cáo Eduardo Lorenzo lạm dụng các em. Cũng như với Catholic World News, trong cuộc tiếp xúc với A.P., Đức Tổng Giám Mục bác bỏ lời tố giác này; ngài cho hay: chưa bao giờ ngài nói ngài không tin các lời tố cáo và đã tách vị linh mục này cách xa các nạn nhân.

Và, vũng theo A.P., dịp này, Đức Tổng Giám Mục tự phê bình ngài nhiều hơn về các hành động của ngài, điều ngài gán cho việc tới tổng giáo phận La Plata năm 2018 mà “không có bất cứ kinh nghiệm nào”. Ngài nói các thủ tục của Giáo Hội trong việc xử lý các lời tố cáo lạm dụng lúc đó “không rõ ràng lắm”. Ngài nói với A.P., “tôi không thể nói tôi đã phạm một tội ác hay một điều chống lại những gì đã được thiết định lúc đó, nhưng đáng lẽ tôi nên là một người cha tốt hơn thế, một mục tử tốt và hửu hiệu hơn thế. Dĩ nhiên, tôi thừa nhận điều đó”.

Ngài nói thêm: “với mọi điều tôi nói, rõ ràng là tôi đã không hành động cách tốt nhất”. Ngài cho biết ngài nên “đối xử với các nạn nhân cách gần gũi hơn’ và hành động “sớm sủa hơn” trong việc loại bỏ Lorenzo khỏi các bổn phận linh mục trong khi ông ta bị điều tra.

Anne Barrett Doyle tỏ ý không tin vào lời lẽ của Đức Tổng Giám Mục. Bà nói: “ngài tự tuyên bố lấy làm ngạc nhiên, nhưng ngài là người tinh vi và có học... cho rằng mình không biết là điều không thể tin được”.

Bà cho rằng Đức Tổng Giám Mục “liên tiếp” biểu lộ sự hỗ trợ đối với vị linh mục. Bà nói: “Nếu Đức Tổng Giám Mục Fernandez hối tiếc việc ngài xử lý vụ này, tại sao ngài không bao giờ tiếp xúc với các nạn nhân của Lorenzo?”

Về khía cạnh trên, Catholic World News cho hay: trong một lá thư công bố hồi tháng Hai năm 2019 trên El Dia có trụ sở tại La Plata, Đức Tổng Giám Mục Fernandez chất vấn động lực của các cha mẹ và những người khác nêu lo ngại đối với cha Lorenzo, người bị tố cáo lạm dụng vào năm 2008, mặc dù lúc đó, công tố viên địa phương đã xác định không đủ chứng cớ để kết tội cha Lorenzo, nhưng các cha mẹ vẫn nêu lo ngại cả một thập niên sau về việc vị linh mục này được cử làm mục tử cho một giáo xứ có trường học.

Bức thư trên thực sự gửi cho chính linh mục Lorenzo. Ngài viết: “tôi không biết làm thế nào họ ráng làm cho chủ đề này hiện diện dai dẳng như thế trên các phương tiện truyền thông”. Ngài còn xin lỗi cha Lorenzo, “Tôi xin lỗi nếu tôi mắc sai lầm đã chường cha ra cho đau khổ và nhục nhã công khai vào lúc này”.

Về vấn đề này, theo CNA, Đức Tổng Giám Mục Fernandez nói với InfoVaticana “vấn đề này phức tạp vì trong nguyên tắc, người ta phải tin tưởng những người trình bầy các lời tố cáo lạm dụng trẻ em, bạn phải tin tưởng họ, và mặt khác bạn không thể kết án vị linh mục mà không có diễn trình phải có, một diễn trình đòi thời gian.Và trong lúc đó, mọi khiếu nại xuất hiện mà người ta phải đáp ứng bằng cách nói càng ít càng tốt để không can thiệp vào. Lúc ấy, tôi để mình được hướng dẫn bởi các nhà giáo luật học và tôi học hỏi, nhưng với nhiều đau đớn nặng nề vì sợ bất công với bên này hay bên kia.”

Nỗi sợ ấy được Ed. Condon của The Pillar thông cảm khi nhấn mạnh rằng “trong những vụ lạm dụng vị thành niên rõ ràng đã được chứng minh, người ta dễ thông cảm với sự mất kiên nhẫn của người Công Giáo địa phương và những người bênh vực các nạn nhân đối với các giáo phận tỏ ra quá chậm chạp trong việc hành động một cách cương quyết do tôn trọng thủ tục phải có của giáo luật. Đồng thời, việc một số giáo phận vội vàng công bố các lời tố cáo các linh mục và loại các ngài khỏi thừa tác vụ, trước bất cứ diễn trình nào đạt tới kết luận, đã góp phần vào việc hủy diệt lòng tin giữa hàng giáo sĩ địa phương và vị Giám Mục của các ngài.

Ed.Condon cũng cho hay chính hướng dẫn của Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng cảnh cáo các Giám Mục đừng biến các giai đoạn khởi đầu khi mới nhận và điều tra một đơn tố cáo thành một loại phán đoán tiền kết (summary judgment) chống vị linh mục bị tố cáo: “các phát biểu (về đơn tố cáo) nên vắn gọn và súc tích, tránh những tuyên bố ầm ĩ, hạn chế hoàn toàn bất cứ phán đoán quá sớm nào về tôị lỗi hoặc vô tội của người bị tố cáo”

Dù thế nào, thì vấn đề xử lý nạn lạm dụng tình dục đã ám ảnh Đức Tổng Giám Mục Fernandez từ lâu, khiến ngài do dự chấp nhận việc đề cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, vì phần lớn công việc của bộ này là lo giải quyết các vụ lạm dụng tình dục. Theo Catholic World News, trong một đăng tải trên Facebook ngay khi được bổ nhiệm, ngài cho hay ngài đã từ khước việc bổ nhiệm này một lần rồi vì “nhiệm vụ của bộ trưởng bao gồm vấn đề lạm dụng trẻ em, và tôi cảm thấy không sẵng sàng cũng như được huấn luyện cho những vấn đề này”.

Chính vì thế, trong lá thư gửi cho ngài ngày 1 tháng 7, Đức Phanxicô bảo đảm với ngài rằng “các nhà chuyên nghiệp có khả năng” thuộc phân bộ kỷ luật của Bộ sẽ lo phụ trách các vấn đề này, ngài chỉ phải lo phần vụ liên quan đến tín lý Công Giáo. Phân bộ kỷ luật này, từ tháng Hai năm 2022, đã được Đức Phanxicô, nhân một cuộc cải tổ, tách biệt với phân bộ tín lý, đặt dưới quyền một tổng thư ký riêng biệt song hành với một tổng thư ký khác phụ trách phân bộ tín lý.

Về lý thuyết, việc này đã vô hiệu hóa lời phàn nàn cho rằng Đức Tổng Giám Mục không đủ tư cách lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin khi vai trò này đòi người đảm nhận phải thông thạo các vấn đề thuộc giáo luật để giải quyết phần lớn công việc của bộ hiện nay thuộc phạm vi kỷ luật, trong khi, theo lời thú nhận của chính ngài, Đức Tổng Giám Mục Fernandez không thông thạo các vấn đề luật học. Ngài nói với InfoVaticana của Tây Ban Nha mới đây rằng: “Lần đầu tiên [Đức Giáo Hoàng Phanxicô] đề nghị với tôi chức vụ này, tôi đã trả lời không, trước nhất vì tôi coi mình không thích đáng lãnh đạo công việc của lãnh vực kỷ luật này. Tôi vốn không phải là một nhà giáo luật học, và thực tế, khi tôi tới [tổng giáo phận] La Plata, tôi có rất ít ý nghĩ phải đương đầu ra sao với các vấn đề này”.

Theo Ed Condon của The Pillar, thông thường vị bộ trưởng không bị đòi phải là người cuối cùng quyết định vụ việc của phân bộ này. Khi bộ phải đưa ra quyết định sau cùng thì thường vụ việc sẽ được bỏ phiếu giữa các vị Hồng Y thành viên của bộ hay qua sự can thiệp của Tòa án tông tòa đặc biệt. Thành thử như một qui định, các vị bộ trưởng của bộ này chỉ là các nhà thần học, không phải giáo luật học. Các tiền nhiệm của Đức Tổng Giám Mục Fernandez như Ladaria, Müller, Levada, Ratzinger, và Šeper đều không phải là các giáo luật gia. Vị duy nhất là giáo luật gia đã qua đời từ năm 1968, Đức Hồng Y Ottaviani.

Chỉ phiền là dù sao ngài vẫn phải chịu trách nhiệm về công việc của phân bộ kỷ luật vì nó vẫn là một bộ phận thuộc bộ ngài đảm nhận. Người ta khó hình dung vai trò của tân bộ trưởng trong việc giám sát, phối hợp công việc nói chung của cả bộ. Trong cuộc phỏng vấn của Alise Ann Allen của Crux, ngài đơn giản cho hay: sẽ hết lòng yểm trợ phân bộ kỷ luật nhưng không đụng đến khía cạnh chuyên môn của họ. Nói thì dễ làm không hẳn dễ. Hiệu năng của bộ chắc chắn chịu ảnh hưởng.

Có hồ sơ tại Bộ Giáo Lý Đức Tin

Nhiều người khác lưu ý đến việc Đức Tổng Giám Mục Fernandez từng bị điều tra bởi Bộ Giáo Lý Đức Tin, bộ mà ngài sẽ đảm nhận chính thức từ tháng Chín này. Thực vậy, theo Edward Pentin của National Catholic Register, Đức Hồng Y Gerhard Müller xác nhận rằng tại Bộ Giáo Lý Đức Tin có một hồ sơ cho thấy các lo ngại về thần học đối với Đức Tổng Giám Mục Victor Manuel Fernández.

Đức Hồng Y Müller, vốn là bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin từ năm 2012 đến năm 2017, ngày 4 tháng 7, 2023, nói với tờ National Catholic Register rằng hồ sơ này được thành lập vào thập niên 2000 bởi Đức Tổng Giám Mục Jean-Louis Bruguès, Thư ký của Bộ Giáo dục lúc ấy, sau khi Đức Hồng Y Bergoglio đề cử Fernandez, lúc ấy còn là một linh mục, làm viện trưởng Đại Học Công Giáo Á Căn Đình năm 2009.

Mục đích của hồ sơ là cung cấp thông tin cho Bộ Giáo Lý Đức Tin để bộ này có thể cấp hoặc bác bỏ Nihil Obstat (không trở ngại) cho việc đề cử này, một đòi hỏi đối với bất cứ viện trưởng Đại Học Công Giáo nào.

Theo Đức Hồng Y Müller, Bộ Giáo Lý Đức Tin luôn can dự vào việc có tiếng nói sau cùng. Bộ Giáo dục, do đó, buộc phải xin Nihil Obstat của Bộ Giáo Lý Đức Tin để ban tiếng “yes” chính thức, ngõ hầu Giáo Hội tuyệt đối biết chắc không có vấn đề nào trong việc đề cử này.

Vì nội dung của hồ sơ, Bộ Giáo Lý Đức Tin, lúc đó dưới quyền Đức Hồng Y William Levada, đã triển hạn việc ban hành Nihil Obstat cho tới khi nội dung được giải quyết. Thành thử Cha Fernandez không thể tuyên thệ nhậm chức cho tới tháng 5 năm 2011, 2 năm rưỡi sau khi được bổ nhiệm không chính thức, do mối quan tâm kéo dài nêu lên trong hồ sơ liên quan đến một số quan điểm thần học của ngài.

Trong nhận định của ngài ngày 5 tháng 7 với National Catholic Register , Đức Tổng Giám Mục Fernandez không coi nội dung của hồ sơ là quan trọng, cho biết Vatican quan tâm tới một số tố giác căn cứ vào một số bài viết của ngài và sau việc trao đổi một số thư từ với các viên chức Vatican, trong đó, ngài “minh xác suy nghĩ đích thực của ngài, mọi việc đã được giải quyết thanh thỏa."

Phần Đức Hồng Y Müller thì cho rằng có thể Cha Fernandez đã gửi cho Bộ Giáo Lý Đức Tin “cam kết sẽ làm tốt hơn”, một việc “luôn là chiến thuật dành cho những sự việc này, để diệt mọi nghi ngờ”.

Theo National Catholic Register , dường như Đức Tổng Giám Mục Fernandez đã theo chiến lược trên. Ngài nói với National Catholic Register rằng sau việc ngài được đề cử làm viện trưởng năm 2009, một số bài viết của ngài đã tới Rôma và từ đó trở đi, trao đổi thư từ bắt đầu diễn ra, trong đó ngài minh xác ‘sư suy nghĩ chân thực của tôi và mọi sự đã được giải quyết thanh thỏa”.

Ngài nói: “Phải mất hơn một năm với tốc độ làm việc của Rôma, nhưng tôi muốn nói rõ rằng những lời buộc tội không có trọng lượng lớn. Chẳng hạn, họ đặt câu hỏi về nửa trang tôi đã viết trên một tờ báo nhỏ ở thành phố của tôi, trong nội địa Á Căn Đình. Trong đó, tôi giải thích rằng các linh mục chúng tôi không thể chúc phúc cho các cuộc kết hợp đồng tính vì chúng tôi có một quan niệm nhất định về hôn nhân. Tuy nhiên, chúng tôi đã không phán xét hay lên án người ta.”

Đức Tổng Giám Mục Fernández nói tiếp, “Những người buộc tội tôi nói rằng tôi đã không giải thích đầy đủ sự hiểu biết của Giáo hội về hôn nhân. Tin hay không tùy bạn, nhưng việc này đã mất vài tháng thời gian của tôi.”

Ngài nói thêm rằng việc ngài công bố một bài báo đính chính về vấn đề này được coi là “không cần thiết hoặc phù hợp” vì ngài giải thích rằng ngài “không phải là chuyên gia về chủ đề này”. Ngài nói, nói chung, “các nhà thần học cố gắng viết các bài báo về các chủ đề mà chúng tôi có thể chuyên môn hóa”.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 3 tháng 7 với Perfil, một đài phát thanh của Á Căn Đình, Đức Tổng Giám Mục Fernández đã suy tư về trải nghiệm này, nhắc lại rằng Bộ Giáo lý Đức tin từng là Văn phòng thánh của Toà án dị giáo và nói rằng họ “thậm chí còn điều tra cả tôi”. Ngài nói rằng quá trình này "thực sự rất khó chịu" và ngài đã "mất hàng tháng trời cho những điều vô nghĩa" để tự biện minh cho mình.

Đức Tổng Giám Mục Fernández tiếp tục cân nhắc về chủ đề gây tranh cãi về việc chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái. Ngài nói với trang web Công Giáo Tây Ban Nha Infovaticana vào ngày 5 tháng 7 rằng không gì có thể so sánh với “hôn nhân” theo “nghĩa chặt chẽ” giữa một người nam và một người nữ, và “điều quan trọng nhất cần được thực hiện là tránh các nghi thức hoặc phép lành có thể gây ra sự nhầm lẫn đó.” Nhưng ngài nói thêm: “Bây giờ, nếu một phước lành được ban theo cách mà nó không gây ra sự nhầm lẫn đó, nó sẽ phải được khảo sát và xác minh. Như bạn sẽ thấy, có một điểm trong đó chúng ta rời khỏi cuộc thảo luận thần học thuần túy và chuyển sang một vấn đề có tính khôn ngoan thận trọng và kỷ luật hơn.”

Rrong cuộc phỏng vấn trên, ngài cũng nói rằng mặc dù tín lý của Giáo hội không thể thay đổi, nhưng “sự hiểu biết của chúng ta” về tín lý có thể thay đổi, “và trên thực tế, nó đã thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi.”

Đức Tổng Giám Mục Fernández cho biết những lo ngại của Vatican đã bị loại bỏ không phải do bất cứ áp lực nào từ Đức Hồng Y Bergoglio. “ngài tự tin rằng, nếu tôi trả lời những câu hỏi được gửi đến cho tôi thì sớm muộn gì mọi chuyện cũng sẽ được giải quyết”.

Tuy nhiên, có vẻ như đã có những hậu quả đối với Đức Tổng Giám Mục Bruguès. Điều đáng chú ý là Đức Giáo Hoàng Phanxicô chưa bao giờ phong vị giáo phẩm người Pháp này làm Hồng Y, mặc dù ngài phục vụ với tư cách là văn khố viên và quản thủ thư viện của Thánh Giáo Hội Rôma từ năm 2012 đến 2018, một vị trí danh giá vốn được lãnh đạo bởi một Hồng Y kể từ thế kỷ 18.

Hai tháng sau khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã nâng Cha Fernández lên làm tổng giám mục, nhưng không thông báo cho Bộ Giáo lý Đức tin, lúc đó do Hồng Y Müller đứng đầu. Mặc dù các giáo hoàng không có nghĩa vụ phải yêu cầu Bộ Giáo lý Đức tin cung cấp một nihil obstat trước khi bổ nhiệm một giám mục, nhưng Đức Hồng Y Müller cho biết họ thường làm như vậy để chắc chắn rằng ứng viên vững chãi về tín lý.

Trong lá thư gửi Đức Tổng Giám Mục Fernández nhân dịp được bổ nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô dường như gợi ý rằng Bộ Giáo lý Đức tin dưới thời Đức Tổng Giám Mục Fernàndez sẽ không còn xem xét kỹ lưỡng tính chính thống của các nhà thần học ở mức độ mà chính Đức Tổng Giám Mục Fernández đã phải chịu.

Đức Phanxicô viết “Bộ mà Đức Cha sẽ chủ trì trong những thời điểm khác đã sử dụng các phương pháp vô đạo đức. Đó là những thời điểm mà thay vì thúc đẩy kiến thức thần học, người ta lại theo đuổi những sai lầm có thể có về giáo lý. Những gì tôi mong đợi từ Đức Cha chắc chắn là một điều gì đó rất khác”.

Trong một tuyên bố vào ngày 1 tháng 7 về việc bổ nhiệm của mình, Đức Tổng Giám Mục Fernández cho biết bộ trong quá khứ “là nỗi kinh hoàng của nhiều người, bởi vì nó chuyên tố cáo những sai lầm, bách hại những kẻ dị giáo, kiểm soát mọi thứ, thậm chí tra tấn và giết chóc.

Ngài nói tiếp, “Không phải mọi thứ đều như vậy, nhưng đây là một phần của sự thật. Đức Phanxicô đã viết cho tôi rằng cách tốt nhất để quan tâm đến giáo lý đức tin là tăng cường sự hiểu biết của chúng ta về nó, bởi vì 'sự phát triển hài hòa này sẽ bảo tồn giáo lý Kitô giáo hiệu quả hơn bất kỳ cơ chế kiểm soát nào', đặc biệt nếu chúng ta biết cách trình bày một Thiên Chúa là Đấng yêu thương, giải thoát, nâng đỡ, ban sức mạnh cho con người.”
 
VietCatholic TV
Tư Lệnh tầu ngầm Hắc Hải pháo kích dân lành đền tội. Blinken: Tuồng Putin-Prigozhin chưa đến hồi kết
VietCatholic Media
03:24 12/07/2023

1. Tư lệnh tàu ngầm Nga bị ám sát khi đang chạy bộ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Submarine Commander Assassinated While Jogging”, nghĩa là “Tư lệnh tàu ngầm Nga bị ám sát khi đang chạy bộ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Stanislav Rzhitsky, cựu thuyền trưởng tàu ngầm Hạm đội Hắc Hải, được tìm thấy bị bắn chết ở thành phố Krasnodar, miền nam nước Nga, truyền thông Nga đưa tin hôm thứ Hai.

Rzhitsky, 42 tuổi, là phó trưởng ban vận động địa phương ở Krasnodar. Cơ thể của anh ta được tìm thấy với những vết thương do đạn bắn gần phố Beregovaya vào sáng thứ Hai, hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin. Anh ta được cho là đang chạy bộ trong khu vực.

Ủy ban Điều tra Nga đã mở cuộc điều tra về cái chết của anh ta.

“Cuộc điều tra được giao cho bộ phận đầu tiên đối với các trường hợp rất quan trọng tại văn phòng khu vực của Ủy ban Điều tra Nga,” một tuyên bố từ ủy ban cho biết.

Newsweek đã liên hệ với dịch vụ báo chí của chính quyền Krasnodar qua email để nhận xét.

Bộ phận động viên ở Krasnodar nơi Rzhitsky làm việc được giao nhiệm vụ tuyển mộ những người đàn ông Nga tham chiến ở Ukraine. Các báo cáo về các cuộc tấn công đốt phá nhằm vào các trung tâm nhập ngũ tăng lên sau mùa thu năm 2022, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố lệnh động viên một phần.

Rzhitsky chỉ huy tàu ngầm Krasnodar trong Hải quân Nga, tàu này được trang bị hỏa tiễn hành trình Kalibr. Theo Bộ Quốc phòng Nga, tàu Krasnodar được chế tạo cho Hạm đội Hắc Hải và được thiết kế để “chống lại tàu nổi và tàu ngầm, rải thủy lôi và tiến hành trinh sát”.

Theo một trang web của chính quyền khu vực, tàu ngầm Krasnodar đã đi vào hoạt động trong Hải quân Nga vào năm 2015 và Rzhitsky đã chỉ huy thủy thủ đoàn của tàu ngầm kể từ tháng 12/2016.

Ông cũng chỉ huy tàu ngầm B-871 Alrosa của Nga, Bộ Quốc phòng đưa tin vào năm 2015.

Không rõ liệu Rzhitsky có rời hẳn hạm đội tàu ngầm hay chưa.

Truyền thông Ukraine cho rằng Rzhitsky nằm trong số những thuyền trưởng tàu ngầm Nga tham gia thực hiện vụ tấn công vào Vinnytsia ở Ukraine vào ngày 14/7/2022 khiến 27 người thiệt mạng.

Theo kênh SHOT Telegram, Rzhitsky đã bị bắn bốn phát vào lưng và ngực khi đang chạy bộ buổi sáng gần một cơ sở thể thao địa phương vào sáng thứ Hai, và anh ta đã chết tại hiện trường. Kẻ tấn công sau đó đã bỏ trốn.

Kênh Telegram Baza đưa tin rằng kẻ tấn công đã theo dõi Rzhitsky trong một “thời gian dài” và đã quen thuộc với thói quen hàng ngày của anh ta. Kẻ tấn công được cho là đã chọn bắn người đàn ông 42 tuổi ở một địa điểm không có camera giám sát.

Ông viết: “Hôm nay tại Krasnodar, Stanislav Rzhitsky, phó trưởng phòng phụ trách công tác huy động của chính quyền thành phố, đã bị bắn vào lưng.

“Tôi biết anh ta với tư cách là chỉ huy tàu ngầm Krasnodar. Tại văn phòng thị trưởng, chúng tôi duy trì mối quan hệ thân thiết với chỉ huy và thủy thủ đoàn của anh ấy, chúng tôi gặp nhau thường xuyên. Xin gửi lời chia buồn tới gia đình và toàn thể người thân... ông ấy là một người yêu nước thực sự, một người đàn ông tốt và một người cha yêu thương”, Pervyshov nói thêm

2. Tổng thống Tiệp nói Ukraine có sáu tháng then chốt để chiếm lại lãnh thổ của mình

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Has Six Pivotal Months To Retake Its Territory: Czech President”, nghĩa là “Tổng thống Tiệp nói Ukraine có sáu tháng then chốt để chiếm lại lãnh thổ của mình.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Tiệp Petr Pavel đã cảnh báo rằng Ukraine - và những người ủng hộ NATO - có thời hạn đến cuối năm 2023 để giải phóng càng nhiều lãnh thổ càng tốt, trước khi thời tiết mùa đông và một loạt các cuộc bầu cử quan trọng tạo ra một thời gian tạm lắng quân sự, trong đó triển vọng đàm phán với Mạc Tư Khoa sẽ lại nảy sinh.

Phát biểu tại sự kiện Diễn đàn Công khai của NATO bên lề hội nghị thượng đỉnh liên minh ở Vilnius, Lithuania, hôm thứ Ba, Pavel—một cựu tướng từng là Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO—nói với những người tham dự rằng “bất cứ điều gì đạt được vào cuối năm nay sẽ là cơ sở cho đàm phán.”

Các lực lượng của Kyiv đang tiến hành một cuộc phản công lớn ở miền nam và miền đông Ukraine với hy vọng giành được những chiến thắng mới trên chiến trường có thể so sánh với các chiến dịch năm 2022 đã giải phóng hàng chục nghìn dặm vuông. Tốc độ chậm, và thương vong cao đã được báo cáo. Các nhà lãnh đạo Ukraine và các nhà phân tích nước ngoài đã nhiều lần kêu gọi sự kiên nhẫn, nhưng Kyiv đang chịu áp lực phải đạt được kết quả sau khi nhận được một loạt vũ khí mới của phương Tây.

Pavel cho biết hôm thứ Ba rằng chiến dịch đang tiến triển, nhưng cũng nhấn mạnh áp lực về thời gian mà các lực lượng của Kyiv phải đối mặt.

Ông Pavel nói: “Những gì chúng ta thấy bây giờ là Ukraine đang dần lấy lại được vị thế, họ có thể vẫn đang tìm kiếm những điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga, họ vẫn chưa triển khai các lực lượng lớn mà họ đã chuẩn bị cho cuộc phản công”. “Vì vậy, chúng ta sẽ thấy nhiều việc được thực hiện hơn trong mùa hè.”

Tổng thống nói thêm: “Thực tế, chúng ta cũng phải nhìn thấy cánh cửa cơ hội ít nhiều sẽ đóng lại vào cuối năm nay. Không chỉ vì điều kiện mùa đông, mà còn vì các cuộc bầu cử sắp tới ở Ukraine, Nga, Hoa Kỳ.”

“Chúng ta cũng sẽ chứng kiến một sự suy giảm khác về sự sẵn sàng hỗ trợ ồ ạt cho Ukraine với nhiều vũ khí hơn. Vì vậy, tất cả những điều kiện này có thể sẽ dẫn đến một kết luận rằng bất cứ điều gì đạt được vào cuối năm nay, sẽ là cơ sở để đàm phán.”

“Rõ ràng, tôi mong muốn những người bạn Ukraine của chúng ta có giải pháp tốt nhất có thể; điều đó có nghĩa là khôi phục hoàn toàn lãnh thổ của họ bị tạm chiếm ngay cả trong năm 2014,” Pavel nói thêm, đề cập đến toàn bộ 20% Ukraine vẫn bị lực lượng Nga xâm lược. “Nhưng thực tế có lẽ sẽ khác.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuần trước nói với ABC News rằng Tổng thống Nga “sẽ buộc phải tìm kiếm đối thoại” nếu lực lượng của Kyiv tiến đến biên giới hành chính với Crimea bị tạm chiếm ở phía nam đất nước. Zelenskiy và các quan chức hàng đầu của ông đã nhiều lần thể hiện rõ ràng cam kết giải phóng toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Crimea và Donbas bị tạm chiếm.

Pavel cho biết tiến trình như vậy “có thể đạt được trong một số điều kiện.” Ông nói thêm: “Chúng ta sẽ xem thực tế sẽ như thế nào.”

Pavel và các nhà lãnh đạo quốc gia khác đang gặp nhau trong tuần này tại Vilnius cho hội nghị thượng đỉnh NATO, dưới áp lực từ Kyiv nhằm mở rộng hỗ trợ quân sự thiết thực cho quân đội của mình và đưa ra một kế hoạch cụ thể cho tư cách thành viên NATO của Ukraine vượt xa các cam kết tích cực nhưng mơ hồ trước đó.

Nhiều nhà lãnh đạo NATO — bao gồm cả Tổng thống Joe Biden — đã nói rõ rằng Kyiv sẽ không nhận được lời mời tham gia trong khi cuộc chiến nóng bỏng với Mạc Tư Khoa vẫn tiếp diễn. Nhưng các cuộc đàm phán đang diễn ra cho các thỏa thuận an ninh tạm thời với các quốc gia NATO lớn.

Pavel nói: “Tôi nghĩ những gì Ukraine cần – ngoài thiết bị, đạn dược, tiền bạc – là sự khích lệ và bảo đảm. Bởi vì điều này sẽ duy trì tinh thần cao của các lực lượng Ukraine. Họ cần nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, họ cần nhìn thấy và cảm nhận động lực.”

“Họ cũng phải cảm thấy rằng một ngày nào đó họ sẽ được chào đón trong gia đình của chúng ta, và chúng ta có thể bảo đảm với họ như vậy bằng cách nói đơn giản: 'Khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi sẽ bắt đầu quá trình gia nhập.' Đây là những gì họ muốn nghe. Và đây là những gì tôi ước họ sẽ nghe thấy.”

Khi được hỏi liệu quan điểm này có phản ánh sự đồng thuận của đồng minh hay không, Pavel trả lời: “Tôi đã thấy một số do dự từ một số quốc gia, thậm chí cho đến gần đây. Chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra trong hai ngày này.”

3. Điện Cẩm Linh cho biết có chi phí bảo đảm an toàn giao thông trên cầu Crimea

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết, có “những chi phí nhất định” trong việc bảo đảm an toàn giao thông trên cây cầu nối Crimea với Nga.

Theo các quan chức Nga, bình luận của ông Peskov hôm thứ Hai được đưa ra một ngày sau khi giao thông trên cầu bị đình chỉ khi lực lượng phòng không trong khu vực bắn hạ một hỏa tiễn hành trình được cho là của Ukraine.

“Việc bảo đảm an toàn cho tuyến huyết mạch giao thông quan trọng này có tính chất sống còn. Tuy bảo đảm an toàn nhưng không thể để giao thông mất kiểm soát hoàn toàn. Vì vậy, vâng, có và sẽ có những chi phí nhất định,” Peskov nói.

Theo các bản đồ giao thông và video trên mạng xã hội, đã có tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng trên các lối tiếp cận cây cầu vào hôm Chúa Nhật và cả ngày thứ Hai.

Peskov cho biết: “Các biện pháp đang được thực hiện để giảm thiểu những chi phí này và cung cấp tất cả các tiện nghi cho người dân và khách du lịch sử dụng phương tiện giao thông đường bộ cho các chuyến du lịch.

“Chúng tôi thấy rằng những vụ tắc đường này không phải là vĩnh viễn. Chúng có thể tồn tại trong một hoặc hai ngày rồi biến mất.”

4. Hàn Quốc cung cấp thêm viện trợ phi sát thương cho Ukraine

Hàn Quốc đã cung cấp thêm viện trợ phi sát thương cho Ukraine, Bộ Quốc phòng nước này nói với CNN hôm thứ Hai, mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Đầu ngày hôm nay, Associated Press đưa tin rằng Tổng thống Hàn Quốc Doãn Tích Duyệt đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng Hàn Quốc sẽ hỗ trợ nhân đạo và tài chính hơn nữa cho Ukraine, bao gồm cả thiết bị rà phá bom mìn và xe cứu thương.

Hàn Quốc đã nhiều lần duy trì lập trường không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga.

5. Nga nói Thổ Nhĩ Kỳ đang biến thành “quốc gia không thân thiện” sau hàng loạt “quyết định khiêu khích”

Một quan chức quốc phòng Nga nói với truyền thông nhà nước Nga rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang biến thành một “quốc gia không thân thiện” sau một loạt “quyết định khiêu khích”.

Viktor Bondarev, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga, nói với truyền thông nhà nước: “Thật không may, những sự kiện trong những tuần qua chứng minh rõ ràng rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang dần dần chuyển từ một quốc gia trung lập thành một quốc gia không thân thiện”.

Một loạt “quyết định khiêu khích” được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm thứ Sáu, ông nói, khi chỉ ra rằng Ankara tán thành nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine và trả tự do cho các nhà lãnh đạo cuộc cầm cự ở nhà máy thép Azovstal, bất chấp thỏa thuận về việc họ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Zelenskiy cho biết hôm thứ Bảy rằng năm sĩ quan, một phần của lực lượng phòng thủ Azovstal bảo vệ Mariupol sau cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022, đang trở về Ukraine từ Thổ Nhĩ Kỳ. Năm sĩ quan Ukraine này đã bị bắt sau khi Mariupol thất thủ.

Sau khi được thả khỏi sự giam cầm của Nga, họ được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ như một phần của cuộc trao đổi tù nhân vào tháng 9, nơi họ có nghĩa vụ ở lại cho đến khi chiến tranh kết thúc, theo các điều khoản của cuộc trao đổi.

“Hành vi như vậy không thể được gọi là gì khác hơn là một cú đâm sau lưng,” ông nói, gọi “bước đi không thân thiện” là kết quả của áp lực từ NATO.

Bondarev nói rằng lý do duy nhất NATO cần Thổ Nhĩ Kỳ là “để kiểm soát eo biển Hắc Hải và ổn định hoặc gây bất ổn cho khu vực Trung Đông”, đồng thời cho biết Thổ Nhĩ Kỳ nên nghĩ đến việc “rời khỏi NATO và thành lập liên minh với Nga”.

6. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ bày tỏ sự dè dặt về việc Hoa Kỳ bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, vẫn phản đối việc bán chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, ngay cả sau khi nước này tuyên bố hôm thứ Hai rằng họ từ bỏ việc phản đối Thụy Điển gia nhập liên minh NATO.

Ông cho biết hôm thứ Hai: “Tôi tiếp tục bảo lưu những chiếc F-16,” đồng thời cho biết thêm rằng ông cần sự bảo đảm từ chính quyền Biden rằng Ankara sẽ không hành động hiếu chiến chống lại các thành viên NATO khác, đặc biệt là nước láng giềng Hy Lạp.

Menendez từ lâu đã phản đối việc bán máy bay phản lực cho Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do là sự lãnh đạo chuyên quyền của Tổng thống Recip Tayyib Erdogan. Vào Tháng Giêng, CNN đã báo cáo rằng Đảng Dân chủ New Jersey cho biết, “Cho đến khi Erdogan ngừng đe dọa, cải thiện thành tích nhân quyền của mình ở trong nước - bao gồm cả việc thả các nhà báo và phe đối lập chính trị - và bắt đầu hành động như một đồng minh đáng tin cậy, tôi sẽ không chấp thuận việc buôn bán này.”

Menendez cho biết ông có thể đưa ra kết luận về khả năng bán F-16 “trong tuần tới”.

Thông tin cơ bản khác: Việc bán vũ khí đã được Quốc hội phê duyệt và sau khi chính quyền chính thức thông báo cho Quốc hội về ý định bán vũ khí, các nhà lập pháp có 30 ngày để ngăn chặn thỏa thuận này, họ có thể thực hiện điều này bằng cách thông qua một nghị quyết chung về việc không chấp thuận.

Trong khi đó, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer, nói rằng quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ phản đối việc Thụy Điển gia nhập là “tin tuyệt vời cho phương Tây”.

“Nó củng cố đáng kể liên minh phương Tây và cho ông Putin thấy rằng phương Tây mạnh mẽ, đoàn kết và ngày càng mạnh mẽ hơn trước sự xâm lược của ông ta ở Ukraine. Bất kỳ suy nghĩ nào cho rằng phương Tây đang từ bỏ, bất kỳ suy nghĩ nào cho rằng phương Tây đang bị chia rẽ, đều bị chứng minh là sai lầm bởi diễn biến ngày hôm nay về việc Thụy Điển gia nhập NATO và việc Thổ Nhĩ Kỳ nhượng bộ,” ông nói.

7. Các chi tiết về đoàn tầu siêu sang trọng của Putin cho thấy sự hoang tưởng của Putin

CNN có bài tường trình nhan đề “Leaked details of Putin's secret luxury train expose Russian leader's ‘paranoia’”, nghĩa là “Các chi tiết về đoàn tầu siêu sang trọng của Putin cho thấy sự hoang tưởng của nhà lãnh đạo Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ngày 5 tháng 8 năm 2022 là một ngày như bao ngày khác ở Ukraine. Ánh sáng đầu tiên cho thấy sự tàn phá sau một đêm ném bom của Nga.

Các cuộc tấn công của Nga vào một khu dân cư của Mykolaiv sáng hôm đó đã gây ra “sự tàn phá đáng kể”, thống đốc của khu vực cho biết vào thời điểm đó, làm bị thương ít nhất 10 người.

Cùng ngày hôm đó, tại Mạc Tư Khoa, các quan chức trong văn phòng của Tổng thống Vladimir Putin đang bận tâm về một vấn đề khác xa với cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine.

Một quan chức Điện Cẩm Linh báo cáo rằng

“Cục Quản lý Giao thông vận tải đã nhận được lệnh về việc cần lắp đặt thiết bị tập thể dục Hoist HD-3800 và Hoist HD-3200 thay vì Abductor-Standard và Abductor-Technogym trong toa xe thể thao-sức khỏe số 021- 78630.”

Các tài liệu bị rò rỉ gần đây cho thấy “toa xe thể thao-sức khỏe” được sử dụng bởi không ai khác ngoài chính Putin.

Theo Dossier Center, hay Trung tâm Hồ sơ, là tổ chức thu thập các dữ liệu liên quan đến tình trạng tham nhũng tại Nga, trong số các bộ phận của đoàn tàu có toa số 021-78630, với phòng tập thể dục và phòng tắm hơi dành cho Putin.

Đáng chú ý là rất ít thông tin về cuộc sống riêng tư của Putin được công khai trên các phương tiện truyền thông Nga. Hình ảnh trước công chúng của ông được trau chuốt cẩn thận, điều này đã được thể hiện rõ ràng trong những ngày sau cuộc binh biến ngắn ngủi của Yevgeny Prigozhin. Nhưng một kho tài liệu và hình ảnh được thu thập độc quyền bởi nhóm điều tra Nga có trụ sở tại Luân Đôn,, gọi tắt là Trung tâm Hồ sơ, và được chia sẻ với CNN, Süddeutsche Zeitung, và đài truyền hình công cộng Đức NDR và WDR, tiết lộ chi tiết về việc Điện Cẩm Linh che giấu công chúng, và mức độ mà sự hoang tưởng của Putin trong một sự tồn tại khép kín.

Trung tâm Hồ sơ được hỗ trợ bởi Mikhail Khodorkovsky, một cựu trùm dầu mỏ Nga lưu vong đã trở thành người chỉ trích Điện Cẩm Linh.

Việc Putin sử dụng tàu hỏa đã được nhiều người biết đến. Chính Điện Cẩm Linh đã công bố những hình ảnh về các cuộc họp được tổ chức trên tàu, trong một phòng họp được trang hoàng lộng lẫy. Tuy nhiên, nội dung của 20 toa khác của đoàn tàu là một bí mật quốc gia được bảo vệ chặt chẽ.

Trung tâm Hồ sơ cho biết các tài liệu bị rò rỉ đến từ một người trong cuộc tại Zircon Service, một công ty của Nga được giao các nhiệm vụ trang bị những chiếc xe dành cho văn phòng của tổng thống Nga. Zircon Service hiệu quả dưới sự điều động của Hoả Xa Nga, là nhà điều hành đường sắt thuộc sở hữu nhà nước,

Trong số các bộ phận của đoàn tàu có toa số 021-78630. Trung tâm Hồ sơ cho biết một tập quảng cáo bóng bẩy do chính Zircon thực hiện cho thấy một phòng tập thể dục và spa sang trọng trên bánh xe được thiết kế cho Putin.

8. Dân biểu Nga thừa nhận tài trợ cho cuộc chiến Ukraine dẫn đến sự sụp đổ của đồng rúp

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian MP Admits Funding Ukraine War Led to Ruble's Collapse”, nghĩa là “Dân biểu Nga thừa nhận tài trợ cho cuộc chiến Ukraine dẫn đến sự sụp đổ của đồng rúp”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một thành viên của Hạ viện Nga, thường được gọi là Duma Quốc gia, nói rằng sự sụp đổ tạm thời của đồng rúp vào tuần trước một phần là do nhu cầu bơm tiền vào các khu vực của Ukraine đã bị Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập bất hợp pháp vào mùa thu năm ngoái.

Anatoly Aksakov, Chủ tịch Ủy ban Thị trường Tài chính Duma, đã đưa ra nhận xét này vài ngày sau khi đồng tiền của Nga giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2022 vào ngày 26 tháng 6, trước khi được vực lại sau một số tổn thất.

Đồng rúp xuống mức thấp nhất trong 15 tháng so với đồng đô la Mỹ sau một ngày cuối tuần bất ổn chứng kiến cuộc nổi dậy thất bại của ông chủ Tập đoàn Wagner, Yevegny Prigozhin ở thủ đô nước Nga. Tuy nhiên, theo Aksakov, nỗ lực hành quân đến Mạc Tư Khoa không phải là nguồn gốc của sự sụp đổ của đồng rúp.

Phát biểu bên lề Đại hội tài chính của Ngân hàng Nga ngày 6/7, ông Aksakov cho biết giá dầu của Nga ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của đồng rúp, nhưng chi phí chi tiêu ở “các vùng lãnh thổ mới” cũng đóng một vai trò nào đó,” hãng thông tấn Interfax đưa tin.

Nhà lập pháp đã đề cập đến bốn khu vực sáp nhập vào Nga của Ukraine vào năm ngoái: Donetsk và Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia. Nga không hoàn toàn kiểm soát bất kỳ khu vực nào trong bốn khu vực và các chính phủ nước ngoài, bao gồm cả Hoa Kỳ, cho biết động thái này là bất hợp pháp.

Đồng tiền của Nga đã sụt giảm trong bối cảnh Liên minh Âu Châu, Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây khác áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine của Putin vào tháng 2 năm 2022.

Nga đã bị loại khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu SWIFT, trong khi các quốc gia phương Tây đóng băng quyền tiếp cận của Nga đối với một số nguồn dự trữ ngoại hối của nước này. Âu Châu cũng đóng băng việc mua dầu và khí đốt của Nga. Và vào tháng 12 năm 2022, G7 đã đồng ý về mức giá trần đối với các sản phẩm dầu thô và tinh chế của Nga, gây áp lực lên đồng rúp.

Trung tâm Wilson, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết con đường phục hồi của Nga đã trở nên khó khăn hơn đáng kể bởi luận điệu chống phương Tây và chủ nghĩa biệt lập của nước này.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên vào ngày 6 tháng 7 rằng đồng rúp đang trải qua những biến động.

“Không có vấn đề gì về sự ổn định kinh tế ở đây,” Peskov nói. “Chúng tôi thực sự thấy những biến động—tỷ giá hối đoái đang tăng lên, đồng rúp đang giảm giá, nhưng hãy nhớ rằng chúng ta đã chứng kiến điều này nhiều lần và đã có những đợt phục hồi.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

9. Quân đội Ukraine cho biết các lực lượng đang đạt được tiến bộ ở phía nam

Quân đội Ukraine cho biết họ đang đạt được tiến bộ ở mặt trận phía nam và đã “tiến hành cả các hoạt động tấn công và phòng thủ hiệu quả”.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 11 tháng Bẩy, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết người Nga đã buộc phải “tăng lực lượng dự bị do cuộc tấn công dữ dội của các đơn vị tấn công của chúng ta”.

Cô cho biết các đơn vị khác của Ukraine tiếp tục “củng cố vị trí của họ, tiến hành rà phá bom mìn và ở trạng thái sẵn sàng tiếp tục các cuộc tấn công.”

Các quan chức Ukraine đã nói rõ rằng ưu tiên hàng đầu của họ là giảm thiểu tổn thất khi họ cố gắng phá vỡ hệ thống phòng thủ phức tạp của Nga đã được phát triển trong nhiều tháng qua.

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết, ở phía đông, các cuộc tấn công của Nga tiếp tục diễn ra xung quanh Marinka và Avdiivka. “Chúng tôi đang chiến đấu trở lại và giữ vững phòng tuyến của mình. Trong ngày qua, 18 trận giao tranh đã diễn ra ở đây, hầu hết trong số đó ở khu vực Marinka.”

Cô tuyên bố chỉ riêng ở mặt trận này đã có 74 quân Nga thiệt mạng, 85 người bị thương và 19 người đầu hàng.

Trong 24 giờ qua, 540 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 4 xe tăng, 17 xe thiết giáp, 14 hệ thống pháo, 4 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một máy bay trực thăng và 29 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 11 Tháng Bẩy, 235.020 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.089 xe tăng, 7.983 xe thiết giáp, 4.385 hệ thống pháo, 672 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 414 hệ thống tác chiến phòng không, 315 máy bay, 310 trực thăng, 3.693 máy bay không người lái, 1.271 hỏa tiễn hành trình 18 tàu chiến, 6.966 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 640 đơn vị thiết bị đặc biệt.

10. Phòng không Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công ở khu vực Kyiv trong đêm thứ hai liên tiếp

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 12 tháng Bẩy, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết Nga đã tiến hành các cuộc không kích vào khu vực Kyiv trong đêm thứ hai liên tiếp vào đầu giờ thứ Tư (giờ địa phương), nhưng các hệ thống phòng không của Ukraine đã đẩy lùi cuộc tấn công. 11 rong số 15 máy bay không người lái kamikaze do Iran sản xuất đã bị bắn hạ.

Các cuộc tấn công diễn ra sau một cuộc tấn công trong đêm hôm thứ Hai, trong đó các máy bay không người lái do Nga phóng đã bị lực lượng phòng không của Ukraine bắn hạ.

11. Vương quốc Anh công bố gói tài trợ lớn cho Ukraine - bao gồm 65 triệu đô la để sửa chữa thiết bị

Vương quốc Anh dự kiến sẽ công bố gói tài trợ lớn mới cho Ukraine, trong đó sẽ bao gồm thêm đạn dược và phương tiện chiến đấu, cũng như 50 triệu bảng Anh hay 64,7 triệu USD để hỗ trợ sửa chữa thiết bị và thành lập trung tâm phục hồi quân sự mới.

Vương quốc Anh cũng cho biết các đối tác G7 dự kiến sẽ đồng ý với một khuôn khổ quốc tế cho các thỏa thuận an ninh dài hạn của Ukraine vào thứ Tư, trong đó “sẽ đặt ra cách các đồng minh sẽ hỗ trợ Ukraine trong những năm tới để chấm dứt chiến tranh, ngăn chặn và đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai”..”

“Đây là lần đầu tiên nhiều quốc gia này đồng ý với một quốc gia khác về một thỏa thuận an ninh dài hạn toàn diện kiểu này với một quốc gia khác”

Sau tuyên bố chung hôm thứ Tư, các đối tác G7 “sẽ cung cấp thêm thiết bị quốc phòng, tăng cường và đẩy nhanh việc chia sẻ thông tin tình báo, tăng cường hỗ trợ phòng thủ các mối đe dọa mạng và hỗn hợp, mở rộng các chương trình đào tạo và diễn tập quân sự, đồng thời phát triển cơ sở công nghiệp của Ukraine”, tuyên bố cho biết.

Gói tài trợ mới nhất của chính phủ Anh sẽ bao gồm: Các viên đạn Challenger 2 bổ sung.

Hơn 70 phương tiện chiến đấu và hậu cần, bao gồm cả phương tiện chiến đấu trinh sát theo dõi.

Vương quốc Anh cũng sẽ cung cấp kinh phí cho một trung tâm phục hồi chức năng để hỗ trợ các binh sĩ Ukraine bị thương trong chiến đấu.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết: “Khi Ukraine đạt được tiến bộ chiến lược trong cuộc phản công của họ và sự xuống cấp của các lực lượng Nga bắt đầu ảnh hưởng đến tiền tuyến của Putin, chúng tôi đang đẩy mạnh các thỏa thuận chính thức để bảo vệ Ukraine lâu dài”.

“ Việc ủng hộ tiến trình của Ukraine trên con đường trở thành thành viên NATO, cùng với các thỏa thuận chính thức, đa phương và song phương cũng như sự ủng hộ áp đảo của các thành viên NATO sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Tổng thống Putin và trả lại hòa bình cho Âu Châu”.

12. “Tương lai của Ukraine là ở NATO,” các thành viên liên minh tái khẳng định trong tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh

Các đồng minh NATO hôm thứ Ba đã tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với việc Ukraine trở thành thành viên của liên minh, theo tuyên bố cuối cùng được đưa ra bởi nhóm 31 thành viên tại một hội nghị thượng đỉnh ở Lithuania.

“Tương lai của Ukraine là ở NATO,” tuyên bố viết.

“Chúng tôi sẽ sẵn sàng gửi lời mời tới Ukraine tham gia liên minh khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng,” tuyên bố cho biết thêm.

Các đồng minh NATO cũng nhắc lại sự lên án của họ “bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất việc Nga vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như các cam kết và nguyên tắc của tổ chức hợp tác và an ninh Âu Châu”.

“Chúng tôi không và sẽ không bao giờ công nhận sự sáp nhập bất hợp pháp và vô lý của Nga, bao gồm cả Crimea”

“Không thể miễn trừ tội ác chiến tranh của Nga và các hành động tàn ác khác, chẳng hạn như tấn công dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự khiến hàng triệu người Ukraine không được hưởng các dịch vụ cơ bản của con người”

13. Ngoại trưởng Mỹ: “Tôi không nghĩ chúng ta đã xem đến chương cuối” trong vở kịch Putin-Prigozhin

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hôm thứ Ba rằng ông không tin rằng “chúng ta đã chứng kiến lần cuối cùng” những diễn biến liên quan đến giám đốc Wagner, Yevgeny Prigozhin.

“Tôi không nghĩ chúng ta đã xem đến chương cuối của bộ phim này,” Blinken nói.

“Putin rõ ràng đang cố gắng vượt qua điều gì đó. Nhưng đây là một thách thức trực tiếp đối với quyền lực của ông ấy, một thách thức trực tiếp đối với những tiền đề cơ bản của cuộc chiến mà ông ấy đã vạch ra. Và tôi không nghĩ rằng chúng ta đã nhìn thấy chương cuối cùng của nó.”

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ nhắc lại rằng cuộc nổi dậy là vấn đề nội bộ của Nga, nhưng gọi đó là “điều thực sự phi thường”.

“Chúng ta đang ở vị trí mà 16 tháng trước, nơi Nga ở ngưỡng cửa Kyiv, thủ đô của Ukraine. Và bây giờ, chỉ vài tuần trước, những người lính đánh thuê do chính Putin tạo ra đã ở ngưỡng cửa Mạc Tư Khoa,” ông nói.

Một số bối cảnh khác: Putin đã gặp Prizgozhin vài ngày sau cuộc nổi loạn ngắn ngủi của ông vào tháng trước, Điện Cẩm Linh tuyên bố hôm thứ Hai, làm sáng tỏ một số nhầm lẫn về nơi ở của thủ lĩnh Wagner nhưng làm tăng thêm bí ẩn về mối đe dọa lớn nhất đối với sự cai trị của Putin.
 
Trung Tướng Tư Lệnh Tập Đoàn Quân Nga tử trận. Bại ở Bakhmut, cả ngàn quân Kadyrov chỉ còn vài người
VietCatholic Media
16:13 12/07/2023
1. Trung Tướng Nga thân thiết với Putin trúng hỏa tiễn Anh, tử trận

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 12 tháng Bẩy, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, xác nhận không quân nước này đã phóng một hỏa tiễn Storm Shadow từ trên máy bay vào sở chỉ huy của Tập đoàn quân 58 ở vùng Berdianska. Một Trung Tướng Nga đã thiệt mạng, cùng với toàn bộ những người có mặt.

Hai ký giả Will Stewart và James Reynolds của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Russian general known personally by Putin is killed 'by British-supplied Storm Shadow missile'“, nghĩa là “Vị tướng quen biết thân tình với Putin bĩ giết bởi hỏa tiễn Storm Shadow do Anh cung cấp”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy

Vladmir Putin đã mất thêm một vị tướng hàng đầu 'trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn Storm Shadow do Anh cung cấp'.

Trung tướng Oleg Tsokov, 51 tuổi, quen biết thân tình với nhà độc tài và đã bị Anh và Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt vì vai trò của ông trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Một tuyên bố của Ukraine hôm nay cho biết rằng viên chỉ huy đã bị 'thanh lý'. Tuyên bố này sau đó đã được hỗ trợ bởi các kênh của Nga có liên kết quân sự quan trọng.

Kênh Telegram Nga ủng hộ chiến tranh Voenkory Russkoy Vesny thừa nhận rằng 'do cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình Storm Shadow vào sở chỉ huy của Tập đoàn quân 58 ở vùng Berdianska, Trung tướng Oleg Tsokov đã thiệt mạng.'

'Các đồng nghiệp nói về Tsokov như một sĩ quan có năng lực và một chỉ huy giỏi.'

Trung tướng Oleg Tsokov là Phó Tư lệnh Quân khu phía Nam.

Hãng tin VChK-OGPU của Nga cũng cho biết ông đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào sở chỉ huy của Tập đoàn quân 58 ở Berdianska.

Trước đó, một quan chức Ukraine cũng cho biết tướng Nga đã bị lực lượng vũ trang Kyiv 'thanh lý' quanh Berdianska mà không nói rõ ông ta bị giết như thế nào.

Berdianska, một cảng quan trọng chiến lược trên Biển Azov ở vùng Zaporizhzhia, đã bị tấn công trong những tuần gần đây khi Ukraine triển khai hỏa tiễn Storm Shadow do Anh cung cấp.

Các hỏa tiễn này có tầm bắn 155 dặm hay 250km, xa hơn các loại vũ khí khác do phương Tây cung cấp trong tay Ukraine.

Các vụ nổ mới đã được báo cáo hôm nay với khói bốc lên bao trùm thành phố, là một điểm tiếp cận quan trọng để bảo vệ bán đảo Crimea

Cơ quan truyền thông Readovka của Nga đã báo cáo đây là các cuộc tấn công Storm Shadow mới, nhưng không có xác nhận ngay lập tức các chi tiết về thương vong.

Các cuộc tấn công được hiển thị trên video là sau cái chết của vị tướng.

Thời điểm chính xác của cuộc tấn công giết chết Tsokov vẫn chưa rõ ràng nhưng có lẽ xảy ra trong buổi sáng ngày thứ Tư 12 Tháng Bẩy.

Việc cung cấp hỏa tiễn Storm Stream cho Ukraine đã được chính phủ Vương quốc Anh - nơi nắm giữ khoảng 700 đến 1.000 hỏa tiễn - xác nhận vào tháng 5 năm 2023.

Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace xác nhận các hỏa tiễn đã được Ukraine sử dụng vào ngày 18 tháng 5 - nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Các hỏa tiễn trị giá 2,2 triệu bảng mỗi đơn vị sẽ cho phép các lực lượng Ukraine tấn công sâu hơn vào lãnh thổ do Nga nắm giữ.

Chúng bị nghi ngờ đã được sử dụng khi nghị sĩ Nga Viktor Vodolatsky bị thương sau một cuộc tấn công vào ngày 15 tháng Năm.

Tướng Tsokov trước đó bị thương ở Luhansk vào tháng 9 năm 2022 nhưng đã trở lại mặt trận.

Tsokov là chỉ huy của sư đoàn súng trường cơ giới thứ 144 của quân đoàn vũ trang hỗn hợp thứ 20 của Vladimir Putin.

Một tháng trước, có thông tin cho rằng Thiếu tướng Sergey Goryachev, 52 tuổi, đã chết trong một cuộc tấn công ở cùng khu vực Zaporizhzhia.

Thiếu tướng Sergey Goryachev là Tham mưu trưởng của Quân đoàn vũ trang liên hợp thứ 35 của Nga.

Với cái chết của Tsokov, Putin đã mất tới hàng chục tướng lĩnh.

Anh ta bị Anh trừng phạt vào tháng 12 năm 2022 trong số một nhóm hàng chục sĩ quan hàng đầu 'có liên quan đến các cuộc tấn công vào các thành phố của Ukraine'.

Một đoạn video cho thấy vị tướng nói chuyện với Putin tại một buổi lễ ở Điện Cẩm Linh vào năm 2021.

Ông cảm ơn Putin vì 'sự quan tâm...sát sao của cá nhân' đã giúp cỗ máy chiến tranh của Nga 'làm chủ các loại đạn dược và thiết bị quân sự hiện đại nhất'.

Tsokov đã kết hôn và là cha của hai đứa con.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Vào ngày 10 tháng 7 năm 2023, Tổng tham mưu trưởng Nga Valery Gerasimov lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình kể từ cuộc binh biến Wagner bị hủy bỏ vào ngày 24 tháng 6 năm 2023.

Người ta nhìn thấy Gerasimov đang được Tham mưu trưởng Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga, Thượng Tướng Viktor Afzalov, thông báo tóm tắt qua liên kết video. Afzalov đã tại vị ít nhất bốn năm, nhưng đây có lẽ là lần xuất hiện công khai đầu tiên của ông với Gerasimov.

Afzalov làm Phó cho Tổng Tư lệnh Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, Tướng Sergei Surovikin. Sự hiện diện công khai ngày càng tăng của Afzalov, trong khi nơi ở của Surovikin vẫn chưa rõ ràng, càng làm tăng thêm sức nặng cho giả thuyết rằng Surovikin đã bị gạt sang một bên sau cuộc binh biến.

3. Ukraine chưa nhận được lời mời gia nhập NATO

Volodymyr Zelenskiy đã thất bại trong nỗ lực cuối cùng để giành được lời mời gia nhập NATO sau khi các nhà lãnh đạo của 31 quốc gia ký vào một tuyên bố không đưa ra thời gian biểu chắc chắn hoặc các điều kiện rõ ràng cho Ukraine về tư cách thành viên cuối cùng.

Tổng thống Ukraine thất vọng đã cáo buộc Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác có mặt tại một hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Vilnius của Lithuania, tỏ ra thiếu tôn trọng và phàn nàn rằng “không sẵn sàng “ để mời nước ông tham gia.

Nhưng sự can thiệp đầy kịch tính của ông vào giờ ăn trưa không có tác động đến thông cáo chung cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh, được đưa ra vài giờ sau đó. Thông cáo chung nói rằng trong khi “tương lai của Ukraine là ở Nato”, liên minh sẽ chỉ “mở rộng lời mời tới Ukraine” khi Kyiv đã hoàn thành một số “cải cách về dân chủ và an ninh”.

Zelenskiy cho biết trong một tuyên bố được đưa ra sau thông cáo chung rằng ông muốn “niềm tin vào một NATO mạnh mẽ” của mình trở thành sự tự tin. “Hôm nay tôi bắt đầu chuyến đi tới đây với niềm tin vào các quyết định, với niềm tin vào các đối tác, với niềm tin vào một NATO mạnh mẽ. Trong một NATO không ngần ngại, không lãng phí thời gian và không nhìn lại bất kỳ kẻ xâm lược nào… Và tôi muốn niềm tin này trở thành sự tự tin.”

Ngôn ngữ của thông cáo phản ánh sự phản đối của Đức và Mỹ rằng một cam kết quá chắc chắn về khả năng gia nhập NATO của Ukraine có thể dẫn đến sự leo thang từ phía Nga và nếu Ukraine được phép tham gia liên minh trong khi xung đột vẫn tiếp diễn, thì cuối cùng điều đó có thể đưa NATO vào cuộc chiến chống lại Mạc Tư Khoa.

4. Zelenskiy chuẩn bị gặp các nhà lãnh đạo chủ chốt của NATO

Zelenskiy đã tổ chức một loạt cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo NATO hôm thứ Tư, sau khi họ tuyên bố tương lai của đất nước ông nằm trong liên minh nhưng từ chối lời kêu gọi của ông về thời gian trở thành thành viên.

Zelenskiy sẽ tham gia cùng các nhà lãnh đạo Nato vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius cho phiên khai mạc của hội đồng Nato-Ukraine, một cơ quan được thành lập để nâng cấp quan hệ giữa Kyiv và liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương gồm 31 thành viên.

Ông cũng sẽ gặp riêng với Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, khi ông tìm kiếm thêm vũ khí và đạn dược từ Hoa Kỳ và các quốc gia NATO khác để chống lại cuộc chiến do Nga phát động vào tháng 2 năm ngoái.

Theo các quan chức, Mỹ, Anh, Pháp và Đức dự kiến sẽ bảo đảm hỗ trợ an ninh lâu dài cho Kyiv dưới dạng vũ khí tiên tiến, đào tạo và viện trợ quân sự khác, có thể ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc.

5. Tư cách thành viên của liên minh luôn là “dựa trên điều kiện”

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cho biết tư cách thành viên của liên minh luôn “dựa trên các điều kiện” để đáp lại lời chỉ trích của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy rằng sẽ là “vô lý” nếu các nhà lãnh đạo NATO không đưa ra khung thời gian để nước ông tham gia. liên minh.

Ông Stoltenberg cho biết: “Chưa bao giờ có một thông điệp mạnh mẽ hơn từ Nato vào bất kỳ thời điểm nào, cả khi nói đến thông điệp chính trị về con đường phía trước để trở thành thành viên và sự hỗ trợ cụ thể từ các đồng minh của NATO.”

Ông cho biết những lần gia nhập liên minh trước đây không có mốc thời gian cụ thể.

“Nếu bạn nhìn vào tất cả các quy trình thành viên, sẽ không có mốc thời gian cho các quy trình đó. Chúng dựa trên điều kiện, luôn luôn như vậy.”

6. Đức gửi thêm bệ phóng và hỏa tiễn Patriot tới Ukraine

Volodymyr Zelenskiy đã cảm ơn Đức trên kênh Telegram của mình vì đã đồng ý gửi thêm bệ phóng và hỏa tiễn Patriot tới Ukraine sau khi nói chuyện với thủ tướng Olaf Scholz tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius. Tổng thống Zelenskiy nói:

Chúng tôi tiếp tục cuộc trò chuyện về bảo đảm an ninh cho Ukraine trên đường đến NATO với Thủ tướng Scholz. Cảm ơn sự hỗ trợ của bạn!

Có một thỏa thuận về các bệ phóng và hỏa tiễn Patriot bổ sung cho chúng từ Đức. Điều này rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống ở Ukraine khỏi sự khủng bố của Nga!

Tôi biết ơn sự sẵn sàng của Đức trong việc hỗ trợ lâu dài cho Ukraine và bảo vệ tự do của chúng tôi. Các chương trình hỗ trợ dài hạn là tín hiệu tốt nhất cho mọi người trên thế giới rằng Âu Châu của chúng ta sẽ vẫn là một không gian an ninh và hòa bình.

7. Một liên minh gồm 11 quốc gia sẽ bắt đầu huấn luyện phi công Ukraine lái chiến đấu cơ F-16 vào tháng 8 tại Đan Mạch

Reuters đưa tin rằng một liên minh gồm 11 quốc gia sẽ bắt đầu huấn luyện các phi công Ukraine lái chiến đấu cơ F-16 vào tháng 8 tại Đan Mạch, và một trung tâm huấn luyện sẽ được thành lập ở Rumani, các quan chức cho biết hôm thứ Ba bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania.

Các thành viên NATO là Đan Mạch và Hà Lan đã dẫn đầu các nỗ lực quốc tế để đào tạo phi công cũng như nhân viên hỗ trợ, bảo trì máy bay và cuối cùng là cung cấp F-16 cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch, Troels Lund Poulsen, nói với các phóng viên sau lễ ký kết: “Hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể thấy kết quả vào đầu năm tới.”

Cho đến nay, không có quốc gia nào cam kết gửi F-16 tới Ukraine, mặc dù Ba Lan và Slovakia đã cung cấp 27 chiếc MiG-29 để bổ sung cho phi đội chiến đấu cơ của Ukraine.

Ukraine, quốc gia đã phát động một cuộc phản công chống lại các lực lượng Nga, đã nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây cung cấp máy bay và đào tạo phi công lái chúng, nhằm chống lại ưu thế trên không của Mạc Tư Khoa.

“Chúng tôi phải bảo vệ dân thường, cơ sở hạ tầng, các đối tượng quan trọng, trường học, trường đại học của chúng tôi. Đó là lý do tại sao đối với chúng tôi, việc thành lập liên minh chiến đấu cơ này là rất quan trọng”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói với các phóng viên.

8. Các lực lượng Ukraine một lần nữa giành được một số tiến bộ gần thành phố Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 12 tháng Bẩy, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết các lực lượng vũ trang Ukraine đã đạt được một số tiến bộ gần Bakhmut trong cuộc giao tranh ở khu vực Donetsk, đồng thời tuyên bố đã bắn hạ 11 máy bay không người lái trong đêm.

Lực lượng phòng vệ Ukraine tiếp tục tiến hành các chiến dịch tấn công ở các hướng Bakhmut, Melitopol và Berdianska.

Trên hướng Bakhmut, quân Ukraine tiếp tục tiến công ở phía bắc và phía nam thành phố Bakhmut. Các hướng Bila Hora-Andriivka và Bila Gora-Kurdyumivka đều đã thành công. Họ đang cố thủ ở ranh giới đạt được

Vào đêm ngày 12 tháng 7 năm 2023, Nga đã tấn công Ukraine từ hướng đông bắc, từ Kursk bằng máy bay không người lái cảm tử loại “Shahed” do Iran sản xuất.

Tổng cộng có 15 máy bay không người lái kamikaze đã tham gia vào cuộc tấn công. 11 trong số đó đã bị phá hủy.

Trong 24 giờ qua, 510 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với một xe tăng, 7 xe thiết giáp, 17 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 1 hệ thống phòng không, và 12 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 12 Tháng Bẩy, khoảng 235.530 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.090 xe tăng, 7.990 xe thiết giáp, 4.402 hệ thống pháo, 674 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 415 hệ thống phòng không, 315 máy bay, 310 trực thăng, 3.726 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 1.271 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.978 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 647 đơn vị thiết bị đặc biệt.

9. Ukraine cho biết quân đội của Kadyrov bị 'nghiền nát' bằng HIMARS gần Bakhmut

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kadyrov's Troops 'Crushed' with HIMARS Near Bakhmut—Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết quân đội của Kadyrov bị 'nghiền nát' bằng HIMARS gần Bakhmut.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy

Một số binh sĩ Chechnya chiến đấu cho Mạc Tư Khoa tại thành phố Bakhmut đang tranh chấp quyết liệt đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của HIMARS, theo kênh truyền hình Kanal 24 của Ukraine.

Trong một video được xuất bản bởi cơ quan truyền thông này và được lưu hành trên Telegram bởi Sergei Sternenko, có thể nhìn thấy nhiều xác chết xung quanh một chiếc xe quân sự. Sau đó trong clip, người điều khiển máy quay, nói tiếng Chechnya và tiếng Nga, cho biết có những vết máu bên trong một cấu trúc bằng gỗ gần các thi thể.

Atesh, một nhóm quân sự do người Ukraine và người Tatar Crimea lãnh đạo, tuyên bố hôm thứ Hai rằng lực lượng Chechnya và Nga đã bị “đè bẹp” ở Bakhmut. Nhóm này viết trên mạng xã hội rằng hàng chục chiến binh đã “chết hàng loạt”.

Maksym Zhorin, cựu chỉ huy của Tiểu đoàn Azov, cho biết các chiến binh Chechnya đã ở gần Bakhmut, nhưng “không lâu.”

Newsweek đã gửi email cho Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

HIMARS, hay Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, đã đến Ukraine vào mùa hè năm 2022. Đến nay, Mỹ đã cung cấp 38 HIMARS cho Ukraine, cùng với đạn dược.

Những người lính Chechnya đã có mặt ở Ukraine từ những ngày đầu của cuộc xung đột. Các chuyên gia cho rằng các chiến binh Chechnya được sử dụng như một lực lượng thanh trừng hoặc quân cảnh, phần nào bị loại khỏi tiền tuyến, nhưng lực lượng Akhmat được cho là gần đây đã được triển khai tới Bakhmut để thay thế các chiến binh Wagner đang rút lui.

Kadyrov, nhà lãnh đạo nước cộng hòa Chechnya ở miền nam nước Nga, được coi là vừa trung thành vừa phụ thuộc vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một cơ quan cố vấn của Hoa Kỳ, cho biết hôm thứ Hai rằng lực lượng Akhmat “không có khả năng tạo ra tác động đáng kể về mặt chiến thuật khi được triển khai tới khu vực Bakhmut”.

Kadyrov có thể đang thúc đẩy sự tham gia của lực lượng Akhmat để nịnh bợ cả Điện Cẩm Linh và Bộ Quốc phòng Nga. Tổ chức tư vấn cho biết trong phân tích mới nhất của mình.

Hôm thứ Hai, Kadyrov đã lên Telegram để ca ngợi những nỗ lực của Chechnya ở Bakhmut, phủ nhận các báo cáo rằng lực lượng Akhmat không ở trong thành phố bị phá hủy. Anh ta cũng tuyên bố rằng các lực lượng Chechnya đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến giành thành phố Marinka của Donetsk.

ISW cho biết: “Lực lượng Akhmat được cho là đã chiến đấu ở Marinka trong hơn một tháng và vẫn chưa tạo được bước đột phá quan trọng như họ đã hứa”.

Hôm thứ Hai, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết lực lượng của Kyiv đã thiết lập quyền kiểm soát hỏa lực đối với Bakhmut “trong vài ngày”.

“Đối phương đã bị mắc kẹt, thành phố nằm dưới sự kiểm soát hỏa lực của Lực lượng Phòng vệ”, Đại tá Oleskandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine, cũng cho biết trên mạng xã hội.

ISW đánh giá các báo cáo từ các nguồn Ukraine và Nga cho rằng các hành động phản công “có thể đe dọa đáng kể đến việc Nga nắm giữ Bakhmut, mặc dù còn quá sớm để dự đoán việc giải phóng thành phố”.

Hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng Ukraine “tiếp tục không thành công” trong các cuộc tấn công ở Donetsk, bao gồm Bakhmut.

Bakhmut, trong khi không có ý nghĩa chiến lược, là một khu định cư mang tính biểu tượng quan trọng đối với cả Nga và Ukraine. Cuộc chiến gay gắt để giành lấy thành phố đã phải trả giá đắt cho cả hai bên, với khu định cư hiện đã bị san phẳng và được dán nhãn “máy xay thịt”.

10. Mạc Tư Khoa sẽ buộc phải sử dụng “vũ khí tương tự” để chống lại lực lượng Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, cho biết hôm thứ Ba rằng nếu Mỹ cung cấp bom chùm cho Ukraine, Mạc Tư Khoa sẽ buộc phải sử dụng “vũ khí tương tự” để chống lại lực lượng Ukraine.

“Trong trường hợp Mỹ cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine, lực lượng vũ trang Nga sẽ buộc phải sử dụng vũ khí tương tự để đáp trả lực lượng vũ trang Ukraine,” ông Shoigu cho biết hôm thứ Ba.

Ông nói thêm: “Cần lưu ý rằng Nga có bom, đạn chùm trong mọi trường hợp. Chúng hiệu quả hơn nhiều so với bom, đạn chùm của Mỹ”.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine các loại bom, đạn chùm bị cấm rộng rãi để nước này phản công lại các lực lượng Nga.

Phản ứng trước diễn biến này Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Zelenskiy cho rằng ngay từ ngày đầu tiên Nga đã sử dụng bom chùm trong chiến trường Ukraine và vẫn luôn làm như vậy.

11. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích Bộ Trưởng Ngoại Giao Ukraine

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, đã chỉ trích Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, về những bình luận của ông liên quan đến khả năng Ukraine trở thành thành viên của Nato, và mỉa mai đề nghị ông nên tham gia chương trình giáo dục từ xa của học viện ngoại giao của Bộ Ngoại giao Nga.

Bà ta đề cập đến những bình luận của Kuleba về các bước tiếp theo không rõ ràng trong việc Ukraine gia nhập liên minh. Bà ta nói:

Đồ ngu. Bạn cần học các quy tắc trước khi trò chơi bắt đầu chứ không phải sau đó.

Vì vậy, được rồi, tôi sẽ nói với bạn. Đây là “trật tự thế giới dựa trên quy tắc” do người phương Tây phát minh ra. Những người thông minh nhất không tham gia vào nó, vì không có quy tắc nào, chúng được phát minh ra khi đang di chuyển và thay đổi nếu trò chơi không mang lại kết quả mong muốn. Giải pháp thay thế là luật pháp quốc tế, vốn được đa số những người lành mạnh ủng hộ.

Tất cả những điều này được giảng dạy tại học viện ngoại giao của Bộ Ngoại giao Nga, chương trình giáo dục từ xa sẽ giúp Kuleba hiểu được điều đó.

Meduza, cơ quan truyền thông Nga độc lập chê trách Maria Zakharova là phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao nhưng nói năng thiếu ngoại giao. Luật pháp quốc tế mà bà ta đề cập đến cũng chẳng được chính Nga tôn trọng khi xâm lược nước láng giềng.
 
Vị GM can trường tái đắc cử chủ tịch HDGM Phi. Độc tài Nicaragua bắt một LM, cấm về nước một LM khác
VietCatholic Media
17:49 12/07/2023


1. Đức Cha David, người bảo vệ các nạn nhân trong chiến tranh ma túy, tái đắc cử chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân

Đức Giám Mục Pablo Virgilio David, một vị Giám Mục thẳng thắn phê bình nhà độc tài Rodrigo Duterte, được biết đến với việc bảo vệ các nạn nhân chiến tranh ma túy, đã tái đắc cử chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân, gọi tắt là CBCP, vào hôm thứ Bảy, 8 tháng 7.

Đức Cha David, 64 tuổi, sẽ phục vụ nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng với tư cách là chủ tịch CBCP. Theo truyền thống, CBCP bầu lại chủ tịch và phó chủ tịch cho nhiệm kỳ thứ hai.

Đức Cha Pasig Mylo Hubert Vergara, 60 tuổi, cũng tái đắc cử phó chủ tịch CBCP.

Hai Đức Cha David và Vergara lần đầu tiên được bầu làm chủ tịch và phó chủ tịch vào năm 2021.

Các giám mục đã bầu lại David và Vergara trong cuộc họp khoáng đại lần thứ 126 của CBCP bắt đầu vào thứ Bảy tại Kalibo, Aklan, một trong những lần hiếm hoi được tổ chức bên ngoài Manila. Hội nghị toàn thể CBCP, cơ quan ra quyết định cao nhất của hội nghị, quy tụ khoảng 80 giám mục và kéo dài đến Thứ Hai, ngày 10 tháng Bảy.

Đức Cha David là một trong những học giả Kinh thánh hàng đầu của Phi Luật Tân, có bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Công Giáo Louvain, Bỉ. Ngài là linh mục từ năm 1983 và là giám mục từ năm 2006.

Đức Cha từng là chủng sinh tại Chủng viện San Jose, một học viện do Dòng Tên điều hành đã đào tạo ra ít nhất ba Hồng Y người Phi Luật Tân, trong đó có Hồng Y Luis Antonio Tagle.

Đức Cha David là giám mục của Giáo phận Kalookan kể từ Tháng Giêng năm 2016.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của Duterte, giáo phận của Đức Cha David là điểm nóng của các vụ giết người liên quan đến ma túy, khiến ngài phải lên tiếng phản đối sự lạm quyền của cảnh sát. Vụ án gây chấn động đầu tiên trong giáo phận của ngài là vụ sát hại một cậu bé 17 tuổi, Kian Lloyd delos Santos, vào năm 2017. Đức Cha David lên án cái chết của Delos Santos và bảo vệ các nhân chứng.

Cũng liên quan đến Phi Luật Tân một thần học gia phụ nữ là bà Estela Padilla nói với thông tấn xã Rapler: “Tôi cảm thấy vinh dự được là một phần của tiếng nói Á Châu trước thượng hội đồng,” sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô trao cho bà quyền bỏ phiếu tại Thượng hội đồng Giám mục vào tháng 10 tới đây.
Source:Rappler

2. 5 năm sau vụ thảm sát, độc tài Nicaragua bắt một linh mục, chặn đường trở về của một vị khác

Năm năm sau khi chế độ độc tài của Daniel Ortega tàn sát những người biểu tình ở khu vực Carazo của Nicaragua vào năm 2018, chế độ này đã bắt giữ một linh mục khi ngài đang rời khỏi Thánh lễ và ngăn cản một linh mục khác trở về nước.

Félix Maradiaga, chủ tịch của Tổ chức vì Tự do Nicaragua và là cựu ứng cử viên tổng thống, cáo buộc rằng vào Chúa Nhật, ngày 9 tháng 7, Cha Fernando Zamora Silva, chưởng ấn của Giáo phận Siuna, đã bị “bắt giữ tùy tiện” tại thành phố Managua nơi ngài đến thăm.

Vụ bắt giữ xảy ra gần Giáo xứ St. Louis Gonzaga khi vị linh mục đang rời khỏi một Thánh lễ mà ngài đã đồng tế với tư cách khách mời trong một buổi cử hành tôn giáo do Hồng Y Leopoldo Brenes chủ trì. “Cho đến nay, không có cáo buộc cụ thể nào chống lại vị linh mục,” cựu tù nhân chính trị cho biết trong một bức thư gửi từ Hoa Kỳ, nơi ông đang sống lưu vong.

“Thật không may, vụ bắt giữ tùy tiện này là một phần của cuộc đàn áp mà chế độ độc tài Ortega đang thực hiện chống lại Giáo Hội Công Giáo. Bốn linh mục khác, bao gồm cả Giám mục Rolando Álvarez của Giáo phận Matagalpa, cũng bị giam giữ tùy tiện,” Maradiaga nói.

Trong những ngày gần đây, người ta biết rằng Đức Cha Álvarez đã được trả tự do trong một thời gian ngắn khỏi nhà tù “La Modelo”, nơi các tù nhân chính trị được cho là đã bị tra tấn, mặc dù ngài vẫn bị cảnh sát giam giữ. Thật không may, các cuộc đàm phán để ngài được tự do đã thất bại và ngài bị đưa trở lại nhà tù.

Sau khi yêu cầu các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin về vụ bắt giữ Cha Zamora, Maradiaga đã kêu gọi “cộng đồng quốc tế quan tâm đến tình hình đàn áp nghiêm trọng này đối với Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua.”

Chế độ độc tài ngăn cản sự trở lại của một linh mục khác

Martha Patricia Molina, nhà nghiên cứu và tác giả của báo cáo “Nicaragua: Một Giáo hội bị bách hại?”, báo cáo rằng chế độ độc tài Ortega đã ngăn cản Cha Juan Carlos Sánchez, cha sở của Giáo xứ Thánh Phanxicô Assisi ở Managua, trở về nước.

Molina đã báo cáo vào ngày 8 tháng 7 rằng cô ấy có “thông tin rằng chế độ độc tài Sandinista đã cấm Cha Sánchez nhập cảnh vào đất nước”. Ngài là cha sở một giáo xứ nằm ở Bolonia, Managua.

Tổng cục Di cư và Người nước ngoài là một phương tiện khác được chế độ độc tài sử dụng để đàn áp Giáo Hội Công Giáo bằng cách từ chối các thành viên của hàng giáo sĩ trở về nước hoặc bằng cách trục xuất các ngài khỏi đất nước.


Source:Catholic News Agency

3. Sẽ có hơn 25.000 người từ Ba Lan đi Lisbon dự Ngày Quốc tế Giới trẻ

Hôm 05 tháng Bảy vừa qua, bà Magdalena Siekierka, thuộc Văn phòng toàn quốc Ba Lan về Ngày Quốc tế Giới trẻ, cho biết đã hết hạn ghi danh qua Văn phòng của Ba Lan, vì thế những ai muốn tham dự, nay cần phải ghi danh trực tiếp với Văn phòng ở Lisbon cho tới ngày 26 tháng Bảy.

Trong số 25.000 người Ba Lan dự Ngày Quốc tế Giới trẻ, có 17.000 ghi danh qua Văn phòng ở Ba Lan, trong số này đông nhất là từ Tổng giáo phận Cracovia, với 1.970 người, tiếp đến là Tổng giáo phận thủ đô Varsava 1.200 người, và Giáo phận Varsava-Praga 800 người. Các bạn trẻ sẽ được 365 linh mục và 21 giám mục Ba Lan cùng đi.

Bà Siekierka nói rằng: “Chúng tôi làm mọi sự để các tham dự viên có thể thực hiện chuyến đi an toàn. Chúng tôi đã liên hệ với đại sứ quán Ba Lan ở Lisbon về các vấn đề chúng tôi hy vọng được giúp đỡ, như trường hợp bị mất hộ chiếu hoặc giấy tờ”.

Bà cũng cho biết phần lớn các tham dự viên là những người trẻ Ba Lan trên 16 tuổi, nhiều trẻ vị thành niên có người giám hộ cùng đi, và cũng có nhiều sinh viên, với tuổi tối đa trên lý thuyết là 30. Nhiều tham dự viên là thành viên của Hiệp hội Giới trẻ Công Giáo, các phong trào và các cộng đoàn hoạt động ở cấp giáo phận. Nói chung, số bạn trẻ Ba Lan tham dự đứng thứ tư hoặc thứ năm so với các nước khác. Những người thiện nguyện cũng giữ một vai trò quan trọng, họ đã được tuyển mộ từ năm ngoái. Có 350 người Ba Lan thuộc vào số này.

Về phương diện di chuyển, có 89 nhóm đi bằng xe bus, 271 nhóm bằng máy bay và hai nhóm đi bằng xe đạp. Sau cùng là 86 nhóm đi bằng những phương tiện chuyên chở riêng.

Phí tốn ăn ở hai tuần lễ ở Bồ Đào Nha, kể cả chi phí tham dự trong những ngày viếng thăm và sinh hoạt ở các giáo phận, rồi sau đó tại Lisbon, cộng với tiền máy bay, vào khoảng 4.000 đồng zloty của Ba Lan, tương đương với 980 Mỹ kim mỗi người. Các tham dự viên được trợ giúp nhờ các cuộc lạc quyên trong các giáo xứ. Một số bạn trẻ nhận được tài trợ của chính quyền địa phương hoặc Tòa giám mục liên hệ.

4. Đức Thánh Cha thiết lập Ủy ban các vị Tử đạo mới

Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập “Ủy ban các vị Tử đạo mới - chứng nhân đức tin” tại Bộ Phong thánh, để soạn thảo danh mục tất cả những người đã đổ máu đào để tuyên xưng Chúa Kitô và làm chứng về Tin mừng.

Tông thư ký ngày 03 tháng Bảy và được công bố hôm 05 tháng Bảy, cho biết Đức Thánh Cha thành lập Ủy ban này đứng trước viễn tượng Năm Thánh 2025, đón tiếp chúng ta như những “người lữ hành hy vọng” và ngài khẳng định rằng:

“Các vị tử đạo trong Giáo hội là những chứng nhân về niềm hy vọng xuất phát từ niềm tin nơi Chúa Kitô và khích lệ đức bác ái chân thực. Niềm hy vọng duy trì sinh động xác tín sâu xa, theo đó sự thiện mạnh hơn sự ác, vì Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ủy ban này sẽ tiếp tục công cuộc tìm kiếm, đã được khởi sự nhân dịp Đại Năm Thánh 2000, để xác định các Chứng nhân Đức tin trong một phần tư đầu tiên của thế kỷ này và rồi sẽ tiếp tục trong tương lai”.

“Thực vậy, qua mọi thời đại, các vị tử đạo đã đồng hành trong cuộc sống của Giáo hội và triển nở như những “hoa trái tuyệt hảo trong vườn nho của Chúa” và cả ngày nay nữa. Như tôi đã nói nhiều lần, ngày nay “các vị tử đạo đông đảo hơn nhiều so với những thế kỷ đầu tiên”. Họ là các giám mục, linh mục, những người thánh hiến nam nữ, giáo dân và các gia đình, tại các nước trên thế giới, khi hiến mạng sống, đã nêu một bằng chứng tột đỉnh về tình yêu (Xc LC 42). Như thánh Gioan Phaolô II, trong Tông thư “Ngàn Năm Thứ Ba đang tới” (Tertio millennio adveniente), đã viết; cần làm tất cả để gia sản của đông đảo các “chiến sĩ vô danh của đại chính nghĩa Thiên Chúa” (37), không bị mai một. Ngày 07 tháng Năm năm 2000, các vị đã được nhắc nhớ trong một buổi cử hành tại Hý trường Colosseo, trước sự hiện diện của đại diện của các cộng đồng Kitô đến từ các nơi trên thế giới, để cùng với Giám mục Roma, gợi lại sự phong phú của điều mà sau đó chính tôi đã định nghĩa là “Phong trào đại kết bằng máu”. Trong Năm Thánh sắp tới, chúng ta cũng sẽ họp nhau để cử hành buổi tưởng niệm tương tự”.

Ý nghĩa việc làm của Ủy ban

Đức Thánh Cha minh xác rằng: “Sáng kiến này không có ý thiết lập các tiêu chuẩn mới, theo giáo luật, về kiểm chứng sự tử đạo, nhưng tiếp tục tìm kiếm những người ngày nay vẫn còn bị giết chỉ vì họ là Kitô hữu”.

“Vì thế, vấn đề ở đây là tiếp tục việc khảo sát lịch sử để thu thập những chứng tá cuộc sống, cho đến độ đổ máu đào, của các anh chị em chúng ta, để ký ức của họ nổi bật, như kho tàng mà cộng đoàn Kitô gìn giữ”. Sự nghiên cứu này không phải chỉ liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, nhưng nới rộng tới tất cả các hệ phái Kitô. Cả thời nay, với những thay đổi sâu rộng, các tín hữu Kitô tiếp tục chứng tỏ sức sinh động của bí tích rửa tội, liên kết chúng ta, trong bối cảnh có rủi ro lớn. Thực vậy, không thiếu những tín hữu, tuy biết những nguy hiểm, nhưng vẫn biểu lộ đức tin hoặc tham dự thánh lễ Chúa nhật. Những người khác bị giết trong lúc trợ giúp, vì tình bác ái, những người nghèo, chăm sóc những người bị gạt bỏ khỏi xã hội, gìn giữ và thăng tiến hồng ân hòa bình và sức mạnh của sự tha thứ. Có những tín hữu khác là những nạn nhân âm thầm, riêng rẽ hoặc trong nhóm, của những đảo lộn lịch sử. Chúng ta mắc nợ lớn đối với tất cả những người ấy và chúng ta không thể quên họ”.

“Công việc của Ủy ban sẽ giúp thiết lập, cạnh những vị tử đạo được Giáo hội chính thức công nhận, những chứng tá có bằng chứng và những anh chị em ấy của chúng ta, giữa một toàn cảnh rộng lớn trong đó, vang dội một tiếng nói duy nhất của các vị tử đạo Kitô”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha cho biết Ủy ban mới được thiết lập cần sử dụng sự đóng góp tích cực của các Giáo hội địa phương liên hệ, các dòng tu và tất cả các thực tại Kitô, theo những tiêu chuẩn mà chính Ủy ban sẽ đề ra”.