Ngày 12-07-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:37 12/07/2014
CHẾT HOẶC KHÔNG CHẾT
N2T

Mùa xuân hỏi:
- “Có cái gì so với cái chết lại càng đau khổ hơn không?”
Đấng tạo hóa đáp:
- “Giữa chết và không chết”.
- “Nghĩa là sao?”
- “Thể xác sống, mà tâm hồn thì đã chết rồi”.

(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Người ta thường dùng câu này để thoá mạ những người sống thất nhân ác đức: “Cái thằng cha (con mẹ) vô lương tâm”.
Vô lương tâm tức là không có lương tâm.
Nói vậy thì thật oan cho họ bởi vì ai cũng có lương tâm cả, chẳng qua là vì họ không được ai dạy dỗ chỉ bảo cho mà thôi, hoặc là vì đi theo bạn bè xấu, hoặc là sống trong hoàn cảnh mà hằng ngày bắt buộc phải tiếp xúc với những con người xấu, cho nên lương tâm họ dần dần trở nên chai lì, xơ cứng…
Có những người họ biết như thế là không tốt, nhưng không còn cách gì khác, họ tự cho mình là đồ phế bỏ của xã hội.
Có những người không còn lương tâm nữa, nên hành động của họ gây căm tức, phẩn uất cho mọi người.
Họ đau khổ đã đành, nhưng những người có lương tâm thì đau khổ hơn, nhất là những bạn bè và những người thân yêu của họ.
Người thân xác còn sống nhưng tâm hồn đã chết thì đáng sợ hơn cọp dữ, bởi vì họ sống và hành động theo ích kỷ của mình; họ gây đau khổ cho người khác hơn cả sự chết, bởi vì chết chỉ có một lần, nhưng đau khổ do người vô lương tâm gây ra thì xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của họ.
Thật đáng thương hại thay cho những người đã chết lương tâm !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 15 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:39 12/07/2014
Chúa Nhật 15 THƯỜNG NIÊN
N2T

Tin mừng : Mt 13, 1-23
“Người gieo giống ra đi gieo giống”.


Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe…”

Cuộc sống của con người, không gì hạnh phúc cho bằng được đi đây đi đó để nhìn những kỳ tích, những danh lam thắng cảnh của năm châu bốn bể, cũng tương tự như vậy, người không bị điếc thì nghe được những bài hát, nghe được những lời nói yêu thương của người thân, của bạn bè…

Người Ki-tô hữu là người có phúc vì được thấy những điều mà người khác không thấy, đó là thấy được Đức Chúa Giê-su đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, thấy Đức Chúa Giê-su đang đồng hành với mình trong cuộc sống làm người, thấy Đức Chúa Giê-su đang chia sẻ với mình những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống đời thường, và còn thấy rất nhiều những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa làm cho con người. Tất cả những cái thấy ấy, được thấy bằng con mắt xác thịt và xác tín bằng con mắt đức tin mà Thiên Chúa –vì tình yêu- đã ban cho những kẻ tin vào Đức Chúa Giê-su là Con Một của Ngài và là Đấng cứu độ của loài người...

Người Ki-tô hữu là người có phúc vì họ được nghe những lời hằng sống nói ra từ miệng Đấng Cứu Thế là Đức Chúa Giê-su trong các sách Tin Mừng, họ nghe được lời của Thiên Chúa trong mọi biến cố xảy ra cho họ cũng như cho thế giới chung quanh họ.

- Lời Chúa thì thầm trong tâm hồn khi họ vui hoặc khi họ buồn thì họ nghe được để chia sẻ niềm vui này với mọi người.
- Lời Chúa rên siết nơi người đau khổ, họ cũng nghe được, để chia sẻ đau khổ với họ.
- Lời Chúa vang vọng trong thánh lễ họ cũng nghe được, để ca ngợi, cảm tạ và xin ơn.
- Lời Chúa đang mời gọi mọi người hãy sống bác ái với nhau và phục vụ nhau thì họ cũng nghe được, bởi vì họ chính là những môn đệ của Chúa.
- Lời Chúa kêu mời họ hy sinh vác thập giá để theo Ngài, họ đều nghe được, do đó mà họ cảm thấy vui vẻ khi được thông phần đau khổ với Đức Chúa Giê-su.


Người Ki-tô hữu luôn nghe được Lời Hằng Sống mà những người khác không thể nghe được, đó là một hạnh phúc lớn lao và là một điều vinh dự cho chúng ta.

Anh chị em thân mến,
Ai cũng có hai con mắt để nhìn và hai lổ tai để nghe, nhưng không phải ai cũng thấy được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ, không phải ai cũng nghe được Lời của Thiên Chúa nói với họ. Chúng ta là những Ki-tô hữu vì thế chúng ta là những người có phúc nhất, vì chúng ta thấy được Đức Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, và chúng ta vui sướng nghe được lời của Ngài dạy dỗ chúng ta mỗi ngày, qua bài Tin Mừng và qua cuộc sống vui buồn nơi mỗi biến cố xảy ra.

Nhưng, thấy mà không tin và không cảm nhận được điều mà Thiên Chúa đã làm cho mình thì là vô phúc; nghe mà không thực hành, không sống cho đúng lời dạy của Ngài thì là một đại họa...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:42 12/07/2014
N2T

21. Chỉ có tình yêu mới có thể vui vẻ trong cung lòng của Thiên Chúa, cho nên tôi lấy ái tình làm kho tàng độc nhất của tôi.

(Thánh Terese of Lisieux)
-------------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:43 12/07/2014
MẮC CỞ
Cha sở vừa trong nhà thờ bước ra, thì nghe tiếng nói lớn của một em bé nói với bạn:
- “Ngày mai Chúa Nhật lễ thiếu nhi, bạn nhớ mặc áo quần đẹp và mang giày đi lễ nhé !”
Cha sở cảm thấy mắc cở vì mỗi khi cử hành thánh lễ, dù là ngày thường hay Chúa Nhật hoặc lễ trọng, thì ngài thường mang đôi giày săn đan cũ mèm, hoặc đôi dép lẹp xẹp để dâng lễ…
---------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Xạ Lúa
Lm Vũđình Tường
05:54 12/07/2014
Hạt giống: những ai từng gieo lúa, vãi lúa, hay rắc lúa đều đoán tiết trời oi bức vào mùa gieo lúa sẽ có mưa to ướt đất, người quăng hạt thóc xuống đất mong chúng mọc lên. Điểm lợi là đất ẩm ướt giúp hạt nảy mầm, sống mọc lên tốt. Hai nữa là mưa làm tan đất vùi lấp hạt thóc nên tránh bị chim trời tha mất. Thực ra dân miền Tây có phân biệt đôi chút về gieo hay vãi, hay xạ lúa. Thông thường hay nghe nói đến gieo mạ, vãi phân nhưng khi rắc lúa vào ruộng người ta lại dùng từ xạ lúa. Gieo lúa thường gieo rất dầy hạt và dùng để dặm chỗ lúa thất, nên có tình trạng gieo mạ. Từ thông thường dân miền Tây quen dùng là xạ lúa. Xạ lúa là trước ngực đeo thúng lúa hai chân bước đều và hai tay nắm hạt thóc vãi vung ra. Bao lâu hạt thóc còn trong tay bấy lâu người gieo lúa còn kiểm soát được hạt thóc nhưng khi vung tay xạ lúa người đó không còn thể điều khiển được hạt thóc, nó vung vãi đâu đành chấp nhận mà không kiểm soát được vì thế mới có tình trạng hạt rơi vào bụi gai, hạt vào đất sỏi, hạt vào kẽ đá, hạt vào đất tốt. Điều này cũng nói lên tính rộng rãi, hào sảng của người gieo giống. Trong tâm người đó không kì thị, coi thường, khinh rẻ đất tốt, đất xấu mà quí trọng đất, công bằng trong việc đối xử với đất.

Đất tốt có thể biến thành đất xấu và đất xấu có thể biến thành đất tốt. Kinh thánh ghi lại 4 loại đất khác nhau: đất sỏi đá, đất vệ đường, đất cỏ gai mọc và đất tốt. Để biến đất cỏ gai mọc thì cần phải nhổ cỏ đất đó sẽ biến thành đất tốt hoặc đất sỏi đá nhặt bớt sỏi biến thành đất tốt. Như thế người ta có thể cải tạo đất xấu thành đất tốt. Đất vệ đường cũng không phải là vô dụng, bỏ đi vì đất dẫn người ta đến nơi muốn đến. Đất tốt nếu để liều không chăm sóc sẽ biến thành đất xấu vì bị cỏ dại, cỏ gai xâm lấn. Nếu chúng ta ví trái tim mình là thửa đất cho Lời Chúa thì bốn loại đất Kinh thánh nói đến chính là những xúc cảm, tình cảm biến đổi của con tim con người. Con tim tốt lành, thánh thiện hay con tim chai đá, sỏi sạn. Con tim đi đúng đường hay con tim lầm đường lạc lối. Con tim biết cảm thông với thống khổ của đồng loại hay con tim khô cằn, mất cảm xúc thương tâm, làm ngơ không đáp trả tiếng kêu cứu của đồng loại. Cảm xức, biến đổi của con tim dẫn đến kết quả tùy theo trạng thái biến đổi. Vì thế chúng ta cần siêng năng chăm sóc con tim mình, biến nó thành thửa ruộng tốt mang lợi ích cho tha nhân. Xã hội nhận được phúc lộc hay tai họa là do trạng thái của con tim, thửa đất gieo trồng lòng nhân hay là trung tâm gieo tang thương. Con tim thay đổi từ tốt sang xấu ai hưởng lợi hơn cả. Thiên Chúa không hưởng chi. Cá nhân người đó chưa chắc đã có lợi mà kẻ thu lợi nhiều nhất chính là ma quỉ, satan.

Thiếu cộng tác với Thiên Chúa chúng ta sẽ phí phạm tài năng Chúa ban. Phí phạm tài năng dưới nhiều dạng thức khác nhau. Phí phạm thời giờ trong việc cãi cọ nhau, tranh giành ảnh hưởng hay giận hờn vô bổ. Phí phạm sức khỏe khi xử dụng những hóa chất có hại cho sức khỏe. Phí phạm cơ hội làm việc lành phúc đức, phí phạm tuổi đời trong việc rong ruổi điều xấu, phí phạm cơ hội làm chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh. Những phí phạm đó đều đến từ thuở đất xấu.

Một điểm nữa chúng ta cũng cần lưu í đó là yếu tố không kiểm soát được trong việc gieo trồng. Hạt lúa gieo vãi khỏi tay ta không thể kiểm soát được nữa. Hạt lúa trổ bông sinh trái cũng ngoài vòng kiểm soát của con người vì thế nên mới có hạt sinh 30, hạt 50 hạt 100. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào thiên nhiên, hay Thiên Chúa. Chúng ta làm hết khả năng và trao phó thành quả cuối cùng cho Thiên Chúa, mà không so bì hơn thiệt về thành quả vì nó ngoài khả năng kiểm soát của con người. Điều chúng ta có thể làm được là thái độ cộng tác của ta đối với Lời Chúa. Thành quả của Lời Chúa tùy thuộc và ảnh hưởng nhiều đến thái độ cộng tác của ta. Cộng tác nhiều, tích cực và siêng năng sẽ gặt hái thành quả mĩ mãn; cộng tác ít hơn, đáp trả qua loa dẫn đến hậu quả ít hiệu lực hơn.

Chúng ta xin ơn biết mở rộng tâm hồn đón nhận lời Chúa. Để hạt giống gieo trồng sinh hoa kết trái tốt đẹp.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo hội Nam Hàn sinh động và lôi cuốn nhiều người theo đạo
Linh Tiến Khải
06:47 12/07/2014
SEOUL: Sức sinh động của Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn khiến cho nhiều người muốn tìm hiểu và gia nhập đạo.

Đức Tổng Giám Mục Mario Toso, Tổng thư ký Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, đã cho biết như trên sau chuyến viếng thăm Nam Hàn trong các ngày 16 đến 21 tháng 6 vừa qua. Đức Cha Toso đến Nam Hàn để thuyết trình về Tông huấn “Niềm vui Phúc Âm” của Đức Thanh Cha Phanxicô trong ba tổng giáo phận Kwangju, Daegu và Seoul. Đức Cha cho biết ngài rất bị đánh động bởi gương của các linh mục Nam Hàn bệnh vực những người yếu đuối nhất, và chia sẻ các khổ đau của họ trong các bối cảnh xã hội khác nhau. Đây là bằng chứng cho thấy các Linh Mục Nam Hàn đang thực thi lời Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các linh mục phải “đi ra các vùng ngoại biên và có mùi của chiên”.

Đức Cha Toso cho biết ngài thấy Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn là gậy chống đỡ cho người nghèo và người thất nghiệp.

Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn chiếm 12% tổng số dân. Tuy là một thiểu số nhưng Giáo Hội là một cộng đoàn mạnh mẽ có tới 30 dân biểu trong Quốc Hội. Báo chí đời cho Giáo Hội Nam Hàn là bảo thủ và đi với người giầuu. Nhưng Đức Cha thấy Giáo Hội rất dấn thân trong việc loan báo Chúa Giêsu và Tin Mừng trong nền văn hóa thống trị bởi chủ thuyết duy vật và chủ nghĩa tiêu thụ trong đó tôn thờ tiền bạc và quyền bính và coi những người yếu đuối là vô dụng.

Trong nhiều thập niên qua Giáo Hội liên đới với dân nghèo trong các thời điểm xã hội khó khăn. Đức Cha Toso cũng có dịp dâng thánh lễ cho những người thất nghiệp và cũng có nhiều người vô thần tham dự. Ngài có cảm tưởng dân chúng tìm kiếm Giáo Hội vì Giáo Hội gần gũi người dân. Và đó là lý do giải thích tai sao trong các năm qua có nhiều người xin gia nhập đạo Công Giáo. Chuyến viếng thăm của Đức Cha Thư ký Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hòa Bình cũng là một kiểu chuẩn bị cho chuyến công du Nam Hàn của Đức Thánh Cha trong các ngày 13 tới 18 tháng 8 tới đây.

Năm 1949 Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn chỉ chiếm 0,6% tổng số dân, nhưng năm 2010 đã tăng lên 10,9%. Và các Giám Mục Nam Hàn nhắm tới 20% trong năm 2020
 
Sứ điệp Ngày Quốc Tế Du Lịch 27-9
Linh Tiến Khải
14:24 12/07/2014
VATICAN: Hôm 11 tháng 7, Tòa Thánh đã công bố sứ điệp Ngày Quốc Tế Du Lịch 27 tháng 9, và khẳng định rằng ngành du lịch phải mưu ích cho các cộng đoàn địa phương trên bình diện kinh tế, xã hội, văn hóa và tâm linh.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Hồng Y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về người di cư và lưu động, nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành du lịch trong thế giới toàn cầu hiện nay. Giáo Hội muốn đồng hành với các sinh hoạt này trong giới hạn của mình, vì đây cũng là dịp tốt để rao truyền Tin Mừng. Trong Bộ luật luân lý đạo đức quốc tế, tổ chức Du lịch quốc tế nhấn mạnh rằng du lịch phải là một sinh hoạt đem lại lợi ích cho các cộng đoàn đia phương, với sự tham dự tích cực của các dân tộc vào các thiện ích kinh tế, xã hội và văn hóa một cách công bằng cũng như tạo công ăn việc làm cho dân. Điều này có nghĩa là phải có tương quan hai chiều làm giầu cho nhau. Ý niệm phát triển cộng đoàn cũng là phần của giáo huấn xã hội của Hội Thánh liên quan tới sự phát triển con người toàn diện. Trong Thông điệp “Phát triển các dân tôc” Đức Phaolô Đệ Lục minh xác rằng “sự phát triển đích thật phải toàn diện, nghĩa là nhắm tới việc thămg tiến con người và toàn con người”

Sứ điệp nêu bật rằng du lịch có thể góp phần vào việc phát triển con người toàn diện, khi nó chú ý tới lãnh vực kinh tế, môi sinh, xã hội và văn hóa. Các thống kê cho thấy lợi nhuận du lịch chiếm 3-5% tổng sản lượng quốc gia, 7-8% công ăn việc làm, và 30% các dịch vụ xuất cảng. Trong tình hình hiện nay mọi nơi trên trái đất đều có thể trở thành một mục tiêu có tiềm năng du lịch. Vì thế kỹ nghệ du lịch là một trong các lựa chọn có thể thực hiện được, giúp giảm cảnh nghèo túng trong những vùng chậm tiến nhất. Nếu được phát triển một cách thích hợp, nó có thể trở thành một dụng cụ phát triển qúy báu, tạo công ăn việc làm, phát triển các cơ cấu hạ tầng và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong tình trạng thất nghiệp gia tăng trầm trọng hiện nay trên thế giới. Trong viễn tượng đó đu lịch là sinh hoạt giúp thăng tiến cuộc sống của các giai tầng xã hội thường bi thiệt thòi nhiều nhất như phụ nữ, giới trẻ và các nhóm thiểu số.

Tuy nhiên, việc sử dụng các tài nguyện và nhân lực địa phương cho các sinh hoạt khác nhau cần tôn trọng các tiêu chuẩn luân lý đạo đức đối với các cá nhân cũng như với các cộng đoàn địa phương, với mục đích thăng tiến cuộc sống và thiện ích của người dân trong công bằng, chứ không phải để mưu lợi ích kỷ. Ngoài ra du lịch cũng cần chú ý tới nhiều khía cạnh quan trọng khác nữa như: sự phong phú văn hóa, cơ may gặp gỡ nhân bản, việc xây dựng các tương quan thiện ích, phát huy sư tôn trọng lẫn nhau, sự khoan nhượng và cộng tác giữa các hiệp hội, tổ chức và cơ cấu nhằm củng cố các tiềm năng xã hội và thăng tiến các điều kiện kinh tế xã hội, đào tạo nghề nghiệp cho giới trẻ….

Giáo huấn xã hội của Hội Thánh và cái nhìn đức tin Kitô có thể góp phần tích cực cho việc phát triển toàn vẹn con người và cộng đoàn trong tất cả mọi chiều kích sinh hoạt của ngành du lịch (SD 11-7-2014).
 
Đức Giám Mục giáo phận Oppido-Palmi cấm tất cả các cuộc rước kiệu Công Giáo trong vùng
Đặng Tự Do
02:15 12/07/2014
Một giám mục trong khu vực Calabria của Ý đã ra lệnh cấm tất cả các cuộc rước kiệu trên đường phố vô thời hạn. Ngài đã phải đưa ra biện pháp đau lòng này sau khi một đoàn rước đã khiêng kiệu Đức Mẹ đến nhà một tên trùm Mafia hôm 6 tháng 7 vừa qua.

Hôm 21 tháng 6, Đức Thánh Cha đã đến thăm vùng này và trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án nhóm bất lương mafia Ndrangheta đang hoành hành trong vùng. Đức Thánh Cha nói: “Mafia Ndrangheta nghĩa là: tôn thờ cái ác và khinh bỉ công ích. Cái ác này phải bị đánh bại, phải bị trục xuất… Những kẻ này bị tuyệt thông”.

Hai tuần sau đó, trong một đám rước của giáo xứ Công Giáo Oppido Mamertina, đoàn rước đã bất ngờ rẽ sang một lộ trình không được trù liệu lúc ban đầu để khiêng kiệu Đức Mẹ đến nhà một tên trùm Mafia Ndrangheta là Peppe Mazzagatti, đang bị quản thúc tại gia sau khi bị khởi tố về tội giết người. Cử chỉ này được nhiều người xem như một hành vi khiêu khích Đức Giáo Hoàng của những kẻ chủ mưu đưa đoàn kiệu đến nhà tên tội phạm.

Uất hận trước cử chỉ này Đức Cha Nunzio Galantino của giáo phận Cassano allo Ionio của giáo phận lân cận nhận xét: "Đừng bắt Đức Mẹ phải kính chào bọn côn đồ."

Ba nhân viên cảnh sát đi kèm với đoàn rước đã bỏ đi để phản đối sự kính trọng dành cho một tên tội phạm. Bộ trưởng Nội vụ Italia là ông Angelino Alfano hoan nghênh hành động của họ, nói rằng cử chỉ tôn vinh tên trùm tội phạm này thật là "tồi tệ và kinh tởm."

Trước những diễn biến này, Đức Giám Mục Francesco Milito của Oppido-Palmi đã ban hành lệnh cấm tất cả các cuộc rước kiệu trên đường phố vô thời hạn cho đến khi có lệnh mới.
 
Hồi Giáo quá khích tấn công một tu viện tại Bangladesh
Đặng Tự Do
04:09 12/07/2014
Đức Giám Mục Sebastian Tudu của giáo phận Dinajpur, ở Bangladesh nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là từ 50 đến 60 người đàn ông thuộc một nhóm Hồi Giáo quá khích đã tấn công vào một tu viện Công Giáo hôm 7 tháng 7 và mưu toan hãm hiếp các nữ tu.

Đức Cha Sebastian Tudu nói rằng:

"Chuyện bi đát như thế chưa từng xảy ra vì các nữ tu được đánh giá cao ở Bangladesh,"

Đức Cha cho biết các nữ tu bị đánh đập và đã có những trường hợp bị toan tính hiếp dâm nhưng cảnh sát đến kịp và đã bắt giữ 12 người Hồi giáo có liên quan đến vụ việc.

Những kẻ tấn công đã mưu toan cướp phá tu viện và cả những bằng khoán đất đai mà những người nghèo và mù chữ tại địa phương nhờ các nữ tu trông nom.
 
Bác sĩ Ba Lan bị sa thải vì từ chối phá thai
Đặng Tự Do
04:24 12/07/2014
Một bác sĩ Công Giáo tại một bệnh viện công tại thủ đô Ba Lan đã bị sa thải vì từ chối không chịu phá thai cho một phụ nữ và cũng không giới thiệu người phụ nữ này đến một bác sĩ phá thai.

Bác sĩ Bogdan Chazan cung cấp chăm sóc y tế miễn phí cho người mẹ của một đứa trẻ được chẩn đoán có những dấu hiệu bất thường nghiêm trọng, nhưng ông không khuyên người phụ nữ này nên phá thai. Vì thế, bệnh viện đã sa thải ông. Quyết định sa thải này đã gây nên một làn sóng bất bình nơi người Công Giáo và những người phò sinh.

Giải thích về quyết định sa thải này, thị trưởng của Warsaw là Hanna Gronkiewicz-Waltz nói rằng bác sĩ Chazan lẽ ra phải giới thiệu người phụ nữ này đến một bác sĩ phá thai. Theo quan điểm của ông này: "Một bác sĩ có thể từ chối thực hiện việc phá thai vì lý do đạo đức, nhưng một bệnh viện công thì không thể hành động như thế".

Đức Hồng Y Kazimierz Ncyz, Tổng Giám Mục Koszalin-Kolobrzeg và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho rằng hành động chống lại bác sĩ Chazan đặt ra một tiền lệ nguy hiểm.

Ngài nói: "Các chính trị gia không thể buộc các bác sĩ hành động trái với lương tâm của họ".

Tiến sĩ Chazan là một trong 3,000 bác sĩ đã ký "Tuyên bố của Đức Tin," nói rằng họ sẽ từ chối thực hiện những phẫu thuật vô đạo đức như phá thai, an tử, và sinh con trong ống nghiệm. Những người ký tên đã tuyên bố rằng luật luân lý cao trọng hơn luật quốc gia.
 
36 ca sĩ Hàn quốc hát chào mừng Đức Thánh Cha
Nguyễn Việt Nam
04:44 12/07/2014
Bài hát chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Á Châu tại thành phố Đại Điền (Daejeon) từ 13/8 đến 18/8 là bài "Koinonia”. Koinonia là một từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là hiệp thông. Lời bài hát Hàn Quốc nói về mối quan hệ giữa Giáo Hội trên toàn thế giới và Thiên Chúa.

36 ca sĩ trẻ của Hàn quốc đã gặp nhau tại nhà thờ chánh toà Minh Đổng (Myeongdong) của thủ đô Hán Thành để thu hình bài hát này như một lời chào mừng của giới nghệ sĩ Hàn quốc gởi tới Đức Thánh Cha.

Tổng giáo phận Hán Thành đã cho phát hình bài hát này để nói với người dân Hàn quốc rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô là một hồng ân của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo Hoàng thứ Ba đến thăm Hàn quốc.

Theo dự trù, Đức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 4 giờ chiều ngày thứ tư, 13 tháng 8 và bay tới căn cứ không quân ở thủ đô Hán Thành lúc 10 giờ rưỡi sáng ngày hôm sau, 14 tháng 8.
 
Kitô hữu Iraq bỏ chạy không kịp mang theo thứ gì
Nguyễn Việt Nam
05:12 12/07/2014
Đối với đông đảo người dân miền Bắc Iraq, cuộc sống thay đổi trong nháy mắt. Bọn khủng bố Hồi Giáo tấn công ào ạt. Binh lính Iraq kinh hoàng bỏ chạy, dân chúng cũng hốt hoảng chạy theo. Họ thường không kịp mang theo thứ gì ngoài bộ quần áo đang mặc trên người.

Patrick Nicholson của Caritas Quốc tế nói:

"Những gì Caritas đang cố gắng làm là cung cấp cho họ giường, chăn màn, thức ăn. Và sau đó huấn luyện cấp tốc các tình nguyện viên để họ có thể cung cấp các trợ giúp y tế."

Tình hình cũng vô cùng gian nan đối với những người đã chọn ở lại. Người dân tại các thành phố, như Mosul, giờ đây phải trông cậy vào lòng thương xót của các chiến binh Hồi Giáo khét tiếng là tàn nhẫn.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo nghi lễ Chanđê nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là ngài chưa bao giờ thấy một cái gì đó như thế này: Một thành phố lớn như Mosul lại bị quân đội bỏ rơi, và người dân bị cầm tù trong một nhà tù hỗn loạn. Quân khủng bố Hồi Giáo cướp phá và đặt mìn nổ tung nhiều nhà thờ Kitô Giáo trong thành phố, và cả những đền thờ Hồi Giáo nguy nga của người Hồi Giáo Shiite, là phía đối nghịch với người Hồi Giáo Sunni.

Patrick Nicholson nói thêm:

“Đến nay chúng tôi đã lo cho 200 gia đình có nơi chốn tạm trú và đang lo tiếp cho gần 1000 gia đình nữa”.

Những báo cáo cho thấy quân khủng bố Hồi Giáo ISIS đã đóng đinh các tín hữu Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài đã bật khóc khi nghe những báo cáo như thế được gởi về Tòa Thánh qua thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Marta Petrosillo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ nói:

"Chúng tôi biết nhiều cuộc tấn công và nhiều tội ác chống các tín hữu Kitô tại Syria và Iraq còn tàn ác hơn như chặt đầu, cưỡng hiếp tập thể rồi giết đi.”

Theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, khoảng nửa triệu người Iraq đã trốn sang Syria khi bạo lực leo thang tại quê hương họ. Sau đó, cuộc chiến tại Syria trở nên khốc liệt buộc họ phải quay trở lại Iraq. Bây giờ, họ lại phải là nạn nhân một lần nữa trong một cuộc chiến đẫm máu khác.
 
Khủng bố Hồi Giáo Séléka tấn công nhà thờ chánh tòa của thành phố Bambari
Nguyễn Việt Nam
05:41 12/07/2014
Xác người nằm la liệt tại nhà thờ Thánh Giuse, là nhà thờ chánh tòa của thành phố Bambari. Đó là cảnh tượng diễn ra vào chiều ngày 7 tháng 7 khi quân khủng bố Séléka tấn công vào nhà thờ này lúc 3 giờ chiều, theo giờ địa phương.

Ít nhất 20 người chết, hàng chục người bị thương. Họ là một phần trong số hơn 4000 người đang tạm cư trong khuôn viên nhà thờ.

Đức Cha Eduard Mathos, Giám Mục giáo phận Bambari cho biết đây là cuộc tấn công thứ hai nhắm vào một nhà thờ Công Giáo trong vùng nơi có đông đảo những người tị nạn. Ngài đau buồn nhận xét rằng cuộc tấn công đã diễn ra bất chấp sự có mặt của đông đảo quân Pháp và quân Liên Hiệp Quốc trong vùng.

Bambari nằm cách thủ đô Bangui 380km về phiá Tây Bắc. Cuộc tấn công đã diễn ra chỉ một ngày trước khi Bộ trưởng quốc phòng Pháp là Jean-Yves Le Drian đến thăm khu vực này.

Cha Jesus Martial Dembele, tổng đại diện của giáo phận Bambari cáo buộc quân Pháp đã chậm chạp phản ứng trước cuộc tấn công. Phát ngôn viên của quân Pháp nói binh sĩ Pháp đồn trú trong vùng đã đến nơi lúc 4h, tức là một giờ sau khi cuộc tấn công của quân khủng bố Hồi Giáo bắt đầu.

Lawrence D. Wohlers, Đại diện của Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc cho biết:

"Dân chúng Hồi giáo và Kitô giáo, đã chung sống với nhau trong sự hòa hợp tốt đẹp trong nhiều năm, giờ đây bạo lực gia tăng đã buộc hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa của họ trong tháng vừa qua. Chúng tôi ước tính rằng khoảng 12,000 người Kitô hữu cũng như người Hồi Giáo đang tìm nơi trú ẩn trong các nhà thờ Công Giáo”.
 
Nhận xét của một linh mục về cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và các nạn nhân bị lạm dụng tính dục.
Nguyễn Việt Nam
06:20 12/07/2014
Theo cha Hans Zollner, Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành tại nhà nguyện Santa Marta cho các nạn nhân của lạm dụng tính dục, và các cuộc họp kéo dài mặt đối mặt với các nạn nhân để lại những ấn tượng sâu xa với những nạn nhân và với Đức Giáo Hoàng.

Cha Hans Zollner, một linh mục dòng Tên người Đức, là thành viên trong Ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên nói:

"Các cuộc họp này có một chiều kích nhân bản và tâm linh thực sự là sâu xa, chắc chắn đã gây ra những ảnh hưởng mạnh mẽ trên các nạn nhân và chúng ta có thể nói rằng chúng cũng tác động mạnh đến Đức Thánh Cha."

Cha Hans Zollner đã được hai trong số sáu nạn nhân yêu cầu giúp thông dịch cho họ trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha. Ông cho biết Đức Giáo Hoàng nói ngắn gọn, và lắng nghe cặn kẽ câu chuyện của các nạn nhân. Gần cuối, một trong những nạn nhân đã yêu cầu Đức Thánh Cha đừng bao giờ quên những gì ngài vừa nghe.

Cha Hans Zollner nhận xét:

"Nổi bật nhất là bầu không khí. Đó là một bầu không khí được một trong số những nạn nhân mô tả là nhạy cảm, lắng nghe và tôn trọng tuyệt vời."

Bầu không khí này đã bắt đầu từ đêm hôm trước, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô chào đón các nạn nhân và gia đình họ trong bữa ăn tối tại nhà trọ Santa Marta.

Cha Hans Zollner giải thích:

"Trong bữa ăn, Đức Thánh Cha đã đi khắp quanh bàn để nói chuyện thân mật với các nạn nhân, và các thành viên trong Ủy ban.”

Bình luận về phản ứng của các nạn nhân, cha Hans Zollner nói:

“Một trong số họ nói với tôi, chẳng hạn ‘từ thời điểm được yêu cầu tham dự buổi họp này, tôi đã chấp nhận và một cái gì đó đã xảy ra trong tôi, thực sự là xúc động.’ Nghe những lời như thế, thấy sự xúc động của họ ngay cả từ giai đoạn chuẩn bị, tôi thực sự thấy rằng - được tham dự buổi gặp gỡ này là một món quà tuyệt vời đối với tôi. "

Sau cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với sáu nạn nhân, Ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên đã tái nhóm với các phản hồi tích cực xung quanh cuộc họp này. Một trong những đề xuất của họ là mở rộng Ủy ban từ 8 lên đến 15 thành viên, và bao gồm đại diện từ châu Á, Châu Đại Dương và Châu Phi.
 
Đức Giáo Hoàng mời các ngôi sao túc cầu tham dự trận đấu “liên tôn vì hòa bình” ở Rome
Đặng Tự Do
07:11 12/07/2014
Các tên tuổi lớn trong làng túc cầu thế giới sẽ gặp nhau tại sân vận động Olympic Rôma vào tháng Chín tới đây trong một "trận đấu liên tôn vì hòa bình." Ý tưởng này là một phần trong dự án Scholas Occurentes của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đã giao nhiệm vụ tổ chức trận đấu này cho cựu đội trưởng đội tuyển quốc gia Á Căn Đình là danh thủ Javier Zanetti.

Theo dự trù trận đấu sẽ diễn ra vào ngày 01 tháng 9, tại sân vận động Olympic của Rôma, không xa Vatican bao nhiêu. Danh thủ Zanetti sẽ không chỉ là người điều phối, anh cũng sẽ tham gia thi đấu, cùng với siêu sao Messi của Á Căn Đình, Zinadine Zidane của Pháp, Gianluigi Buffon và Francesco Totti của Ý, và những ngôi sao túc cầu khác.

Danh thủ Zanetti giải thích rằng:

“Mục đích của trận đấu là để thúc đẩy đối thoại và đề cao việc chung sống hoà bình giữa các tôn giáo”.

Giáo hoàng Học viện Khoa học xã hội cũng tham gia vào việc tổ chức sự kiện này. Đến nay, vẫn chưa rõ là Đức Giáo Hoàng Phanxicô có tham dự trận đấu này hay không.

Năm ngoái, cả Messi và Buffon đã đá trên sân vận động Olympic trong một trận đấu để vinh danh Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong trận này, Á Căn Đình thắng Ý 2-1.

Đức Giáo Hoàng đã không ngừng ca ngợi khả năng của túc cầu trong việc đưa mọi người lại với nhau và xây dựng các mối quan hệ hữu nghị.
 
Các phương tiện truyền thông của Vatican dự kiến sẽ trải qua một số thay đổi sâu rộng.
Đặng Tự Do
16:31 12/07/2014
Một ủy ban mới của các chuyên gia đã được thiết lập để đề xuất cách thức các phương tiện truyền thông của Vatican có thể tiếp cận với nhiều người hơn với những chi phí hoạt động thấp hơn.

Vatican Radio, với đội ngũ nhân viên hơn 400 nhân viên, là đối tượng được nhắm đến trước hết.

Trong cuộc họp báo hôm 9 tháng 7, Đức Hồng Y George Pell, Tổng Trưởng Kinh Tế nói:

"Tình hình bây giờ rất khác với năm 1931 khi Đài phát thanh Vatican được thiết lập. Ngày nay, ở hầu hết các nơi trên thế giới, người ta rất ít nghe đài phát thanh."

Vatican có một đội ngũ hùng hậu các phương tiện truyền thông, từ đài phát thanh Vatican, đến báo Quan Sát Viên Rôma, đài truyền hình trung ương Vatican, và trang web Vatican.

Trong số tất cả các phương tiện truyền thông này, trang web của Vatican, news.va, tài khoản Twitter và chương trình điện thoại ứng dụng của Đức Giáo Hoàng, được xem là có hiệu quả nhất vì tiếp cận được nhiều người và chi phí quản lý là quá rẻ chưa đến năm phần trăm của ngân sách. Chi phí cao hơn rất nhiều được trang trải cho Vatican Radio và tờ Quan Sát Viên Rôma, nhưng lại tiếp cận ít hơn với độc giả và khán thính giả.

Đức Hồng Y George Pell nói:

"Các mô hình chi tiêu của Vatican không tương thích với số lượng người được đạt tới. Mục tiêu của chúng tôi là với sự nhạy cảm và bền bỉ, chúng ta sẽ có cách tiết kiệm kinh phí rất đáng kể."

Ủy ban sẽ được dẫn dắt bởi Lord Christopher Patten, một Chưởng Nghi của Đại học Oxford và là cựu Chủ tịch BBC Trust. Lord Christopher Patten cũng là một chính trị gia và đã từng là toàn quyền Hồng Kông từ 1992 đến 1997.

Ủy ban cũng sẽ bao gồm các chuyên gia từ Đức, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha và Singapore. Năm nhân viên Vatican cũng được mời tham gia.

Đức Hồng Y George Pell nói:

"Trước hết, chúng ta cố gắng duy trì số người Công Giáo đang tiếp cận được với các phương tiện truyền thông Vatican. Ước tính là khoảng mười phần trăm của người Công Giáo trên khắp thế giới đang tiếp cận được một cách nào đó với các phương tiện truyền thông của Tòa Thánh."

Các khuyến nghị của Ủy ban được dự kiến đưa ra trong vòng 12 tháng tới. Tuy nhiên, một số những thay đổi, có thể được thực hiện ngay trong năm nay.
 
HĐGM Hoa Kỳ tài trợ 46 Chương trình Mục vụ cho các Giáo hội Phi châu
Linh Tiến Khải
18:02 12/07/2014
NEW ORLEANS: Trong một cuộc họp mới đây tại New Orleans, Hội Đồng Giam Mục Hoa Kỳ đã quyết định dnh ngân khoản 1.260.571 mỹ kim để tài trợ 46 chương trình mục vụ của các Giáo Hội Phi châu.

Đức Hồng Y Theodor McCarrick, nguyên Tổng Giám Mục Washington và là chủ tịch tiểu ban đặc trách Giáo Hội tại Phi châu cho biết ”nhu cầu của Giáo Hội tại Phi Châu thay đổi tùy theo từng vùng: Giáo Hội tại Phi châu đang lớn nhanh, nhưng cũng đang phải đương đầu với những thách đố quan trọng để đáp ứng nhu cầu của các thành viên và của xã hội chung quanh. Trọng tâm của các hoạt động mục vụ được tài trợ là các chương trình huấn nghệ, phát triển các tiềm năng doanh nghiệp và đào tạo giới lãnh đạo xã hội, kinh tế và mục vụ, cùng các sáng kiến thăng tiến công lý và hòa bình. Chẳng hạn một ngân khoản 30 ngàn mỹ kim được dành để tài trợ việc giúp đỡ và hỗ trợ về mặt pháp lý cho các phụ nữ bị lạm dụng tính dục và bạo hành tại Nam Phi, Botswana và Swaziland. Một ngân khoản 24 ngàn mỹ kim khác được dành cho Hội Đồng Giám Mục Etiopia để đào sâu và quảng bá tông huấn Niềm vui Phúc Âm (EVANGELII GAUDIUM) của Đức Giáp Hoàng Phanxicô, nhất là để dịch, in và phổ biến tông huấn trong ngôn ngữ amarico địa phương. Tại Etiopia số tín hữu Công Giáo chưa đầy 1% tổng số dân trong nước. Ngoài ra, hàng giáo sĩ Etiopia cũng sẽ được trợ giúp và đào luyện bằng những khóa học hỏi trên bình diện quốc gia ngõ hầu có thể mang sứ điệp của Đức Thánh Cha đến các giáo xứ và cộng đoàn.

Đức Hồng Y McCarrick nhận định chung kết như sau: Tại nhiều nơi, Giáo Hội Phi Châu đang nỗ lực tiến tới chỗ tự lập. Sự hỗ trợ của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ có một thành quả vô cùng sâu rộng cho các Giáo Hội địa phương, đồng thời đây là dịp để tín hữu Mỹ góp phần vào công cuộc truyền giáo cho các miền ngoại biên của thế giới, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi (ZENIT 100714).
 
200 Vị Lãnh đạo Tôn giáo dấn thân thực hiện Chương trình Phát triển sau năm 2015
Linh Tiến Khải
18:03 12/07/2014
KAMPALA: Trong hội nghị nhóm tại Kampala thủ đô Uganda những ngày vừa qua khoảng 200 vị lãnh đạo tôn giáo nhiều nước Phi châu đã cương quyết dấn thân thực hiện chương trình phát triển đại lục này sau năm 2015.

Các vị lãnh đạo nói trên thuộc các Giáo Hội Kitô, Hồi giáo, các các tôn giáo cổ truyền Phi châu, đạo Bahai và các đạo khác. Các vị quyết dấn thận thăng tiến hòa bình hòa giải trong các nước có chiến tranh xung khắc, cũng như phát huy đối thoại giữa các tôn giáo, cộng tác ngằn ngừa không để cho tôn giáo trở thành cớ gây căng thẳng và bạo lực, thành lập các cơ cấu thăng tiến phát triển cho các giai tầng đã hội bị thiệt thòi nhất.
Dự án pht triển Phi châu sau năm 2015 đã do Liện Hiệp Quốc đề ra, sau dự án năm 2000 nhằm mục đích đạt các mục tiêu phát triển của Ngàn năm mới trong lãnh vực y tế, giáo duc, và kinh tế tại các quốc gia nghèo nhất thế giới. Dự án phát triển Ngàn năm thứ ba đề ra 8 mục tiêu: tiêu diệt nạn nghèo đói cùng cực, giáo dục tiểu học dại đồng, thăng tiến binh đẳng giữa nam nữ và sự độc lập của nữ giới, giảm số tử vong của trẻ em, cải tiến sức khỏe cho các bà mẹ, chống bệnh liệt kháng AIDS, sốt rét rừng và các bệnh tật khác, bảo vệ môi sinh và liên đới phát triển quốc tế (FIDES 11-7-2014)
 
Chiến dịch ''Một lúc thinh lặng cho Hòa bình'' trên thế giới và vùng Trung Đông
Linh Tiến Khải
18:04 12/07/2014
VATICAN - Hội Đồng Tòa Thánh Văn Hóa phát động chiến dịch ”một lúc thinh lặng cho hòa bình” trong trận đấu chung kết cảu giải túc cầu quốc tế 2014, để cầu nguyện cho hòa bình tại nhiều miền trên thế giới và vùng Trung Đông.

Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi đã phát động chiến dịch trên địa chỉ Twitter và qua thông cáo công bố sámg 11 tháng 7 vừa qua. ”Có ai đó ước mong một lúc thinh lặng trong trận đấu. Tất cả ước mong thôi đổ máu trong nhiều miền của trái đất đang là sân khấu của các xung đột trong những ngày này”.

Đức ông Melchor Sanchez de Toca y Alameda, phó th ký cảu Hội Đồng đã giải thích sáng kiến này, và cho biết ngay từ thời các vận hội Olympic người Hy lạp đã có thói quen này. Các cuộc tranh tài thể theo nảy sinh trong bối cảnh của việc biểu lộ tôn giáo. Các biến cố thể thao đã là các thời điểm của hòa bình, khi người ta ngưng chiến tranh để tham dự các cuộc tranh tài thể thao. Vì thế tại sao chúng ta lại không làm đối với Giải túc cầu quốc tế, để dành một chút thinh lặng cho hòa bình? (ZENIT 11-7-2014)
 
Thiết kế mới của chương trình ''Pope App'' dành cho điện thoại di động
Sr. Maria Nguyễn Thị Minh Du
23:08 12/07/2014
Vatican đã phát hành một phiên bản mới "Pope App" để bất cứ ai có một điện thoại di động đều có thể bắt nhịp với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Chương trình được thiết kế lại để làm cho việc đọc những bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chương trình thậm chí còn cho phép người sử dụng làm nổi bật một số văn bản, chia sẻ hoặc lưu những đoạn đó để đọc sau này.

Tất cả mọi thứ từ các tweets và các bài giảng của của Đức Giáo Hoàng đều có sẵn. Người ta cũng có thể tải hình ảnh sống động, chẳng hạn như các buổi triều kiến chung của Đức Giáo Hoàng hoặc các buổi đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật tại quảng trường Thánh Phêrô.

Chương trình cũng kết nối với sáu webcam của Vatican bao gồm cả ngôi mộ của Thánh Gioan Phaolô II và các góc cạnh khác xung quanh Quảng trường Thánh Phêrô.

Ứng dụng này có giao diện bằng năm thứ tiếng: Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Bồ Đào Nha.
 
Văn Hóa
Trên sân cỏ đời sống
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:45 12/07/2014
Trên sân cỏ đời sống

Trong đời sống ai cũng đã sống trải qua những giai đoạn, những biến cố vui buồn, thành công cũng như thất bại.

Những đội tuyển bóng đá tham dự tranh tài World cup 2014 bên Brazil đã và đang sống trải qua những biến cố bất ngờ hân hoan chiến thắng có và thất vọng thua trận phải cuốn gói trở về nhà sớm có.

Những điều đó không phải chỉ là bất ngờ ngoài dự liệu mong muốn, nhưng còn có ý nghĩa chứa đựng sứ điệp, lời nhắc bảo cho đời sống nữa. Nhưng không phải lúc nào, và ai cũng đọc hiểu được sứ điệp lời nhắc bảo qua biến cố mà mình đã trải qua. Vì thế mỗi người đọc hiểu biến cố đã sống trải qua cách khác nhau.

Khi sự việc, biến cố xảy ra trong đời sống, có người không hiểu nhìn ra đó là một biến cố, nhưng cho đó là ảo tưởng, là bị làm cho choáng mắt thôi.

Có người không ngần ngại chối bỏ phủ nhận, cho đó là mơ mộng.

Có người qúa sốt sắng, như thành điên loạn, luôn loan báo rộng rãi cho mọi người khác điều mình hiểu, và cho đó là sứ điệp quan trọng. Hễ ai chê cười thì bị nguyền rủa xỉ vả.

Có người thinh lặng suy nghĩ biến cố sự việc đã xảy ra mang ý nghĩa tích cực gì cho đời sống mình. Và họ còn ghi chép lại thành bài vở như kinh nghiệm qúy báu cho đời sống.

Biến cố bóng đá World Cup 2014 đang diễn ra ở Brazil. Trên sân cỏ trái banh được hai đội tranh giành nhau dẫn lừa đá tung lưới khung thành đội đối thủ đoạt dành chiến thắng cho đội mình.

Hàng trăm triệu người trên khắp thế giới từ hôm 12.06. đến 13.07. 2014 đã và đang chú tâm theo dõi những trận tranh tài biến cố bóng đá World Cup 2014 sôi nổi qua màn ảnh truyền hình. Nhưng họ có những cách thế phản ứng khác nhau.

Có người không màng quan tâm tới cho đó là trò chơi ảo ảnh vô bổ.

Có người chối bỏ không chấp nhận trò chơi đó, cho là mơ mộng điên lọan.

Có người cuồng nhiệt to tiếng ca ngợi đủ mọi cách, hễ ai chê thì bị chê bai nguyền rủa là người không biết gì hết.
Có người bình tĩnh hơn, vui vẻ hơn không coi đó chỉ là trò chơi môn thể thao. Nhưng hiểu nhận ra cùng rút ra bài học về cung cách sống trong tương quan với người khác trên sân cỏ cuộc đời như tình liên đới đồng đội qua cùng chơi cùng làm việc chung, lòng khiêm nhượng chia xẻ tình người với nhau. Thắng thua là chuyện thường tình trong đời sống, có lên cũng có xuống, không ai mãi mãi ở trên đỉnh cao của thành công chiến thắng, cũng như không ai mất tất cả và mãi mãi bị thất bại.

Bốn thái độ cung cách sống cũng giống tựa như bốn trường hợp trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói về người gieo giống tung vãi hạt lúa trên nền đất.

Hạt rơi xuống vệ đường bị chim trời đến mổ nhạt ăn mất.
Hạt rơi trên sỏi đá nơi không có đất nhiều, khi nắng nóng lên, cây lúa chết khô héo ngay.
Hạt rơi chỗ bụi gai cây cỏ mọc um tùm làm cho bị nghẹt, không có ánh sáng chiếu vào, thiếu khí trời nên cũng chết.
Hạt rơi xuống nền đất đồng ruộng tốt nó mọc lên cây lúa tươi tốt mang lại hoa trái nhiều bông hạt lúa mới.

Sự kiện biến cố nào xảy ra trên sân cỏ đời sống cũng đều ẩn chứa sứ điệp của Đấng Tạo Hóa gửi cho con người.

Sứ điệp của Ngài không mang tính chất đe dọa phạt vạ, nhưng mang sâu đậm khía cạnh đào tạo giáo dục cho đời sống con người.

Mùa World Cup 2014
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long