Ngày 10-07-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Gọi và sai đi
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
14:46 10/07/2018
Chúa Nhật 15 Thường niên B

Chúa Giêsu lập Nhóm Mười Hai. Ngài cho các ông sống bên cạnh mình. Ngài trực tiếp huấn luyện, bằng cách cho các môn đệ được nghe những lời Ngài giảng, được xem những việc Ngài làm. Sau đó, Ngài sai các môn đệ ra đi thực tập truyền giáo. Hai động từ "gọi, sai đi" diễn tả rõ rệt ơn gọi của các Tông đồ. Trước khi các học trò lên đường, Chúa Giêsu căn dặn nhiều điều như là hành trang cần thiết cho sứ vụ tông đồ. M. Quesnel ví những lời đó như "một loại thủ bản, một cẩm nang cho một nhà truyền giáo hoàn hảo" ("Comment lire un évangile?", Seuil, trang 103).

1. Hành trang người tông đồ

a. Hành trang đi đường: cây gậy, đôi dép, không mang hai áo. Ý nghĩa ở đây là những kẻ được sai đi phải là những con người thanh thoát, không cồng kềnh nặng nề với của cải vật chất để có thể luôn sẵn sàng lên đường ra đi cho sứ vụ.
Các môn đệ được tham dự vào ba chức năng tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Giêsu. Cây gậy của vương đế, đôi dép của tiên tri, và tấm áo của tư tế.

- Cây gậy

Cây gậy trong tay biểu trưng cho sức mạnh của Thiên Chúa thông ban cho người thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ra đi với niềm tin vào năng quyền của Thiên Chúa trao ban: công bố Tin mừng cứu độ của Đức Kitô, chữa lành và thánh hoá nhằm cải thiện đời sống, xua trừ ma quỷ hầu chế ngự và đẩy lui các thế lực sự dữ.

- Đôi dép

Đôi dép là hình ảnh luôn lên đường. Truyền giáo là ra đi. Đi để mang sứ điệp Tin mừng đến với muôn dân. Sứ vụ sai đi khởi phát từ Chúa Cha "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em".

- Tấm áo

Người ra đi mang áo là mặc lấy tâm tình Chúa Giêsu. Nhờ đó, các môn đệ làm cho cuộc đời mình trở nên của lễ hiến dâng hợp với hiến lễ Chúa Kitô.
Chúa Giêsu trao cho các môn đệ những quyền năng Ngài có: quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ. Đó là hành trang quan trọng hàng đầu. Mọi hành trang khác chỉ là phụ thuộc: một chiếc áo đang mặc, một cây gậy và đôi dép khi đi đường.Với những hành trang như thế, Chúa Giêsu muốn tỏ cho thấy sự thành công trong hoạt động tông đồ không do tài lực của con người nhưng là do quyền năng Thiên Chúa.

b. Phương tiện sinh sống: không được mang lương thực, bao bị, tiền bạc. Hành trình như vậy đặt các người được sai đi trong tư thế tuỳ thuộc. Gói hành trang chỉ gồm những chữ “không” và chữ “đừng”: “Đừng mang gì, …, không mang bị, mang bánh, không mang tiền trong túi, …, đừng mặc hai áo”. Một gói hành trang lạ thường. Nhờ vậy nên không vướng víu, không "mọc rễ" bất cứ đâu để nhẹ nhàng ra đi nơi đâu Chúa muốn.

c. Tương lai bấp bênh. Chúa Giêsu cũng không giấu diếm họ điều gì. Con đường truyền giáo là con đường đầy chông gai, lắm gian khó. Cũng như Ngài, họ đón nhận sự rủi ro bị từ chối, bị xua đuổi. Cần phải hy sinh bản thân. Đó là thân phận kẻ được gọi, được sai đi. Ra đi mà không gì bảo đảm, ra đi mà không mảy may dính bén. Sẵn sàng đến mà cũng sẵn sàng đi. Thành công cũng không thụ hưởng mà thất bại cũng chẳng đắng cay. Bởi lẽ như lời Thánh Phaolô nói: Tôi trồng, Apollô tưới, Chúa cho mọc lên.
Người truyền giáo luôn bị cám dỗ định cư, tìm an toàn bảo đảm bản thân, an nghĩ trong những thành công tạm bợ...và không muốn ra đi. Càng gắn bó, lúc cách xa càng luyến nhớ. Sâu đậm bao nhiêu, lúc giã biệt sẽ nuối tiếc bấy nhiêu. Vì vậy, Chúa muốn các môn đệ luôn sẵn sàng ra đi. Lên đường bao giờ cũng đẹp. Hạnh phúc chỉ dành cho ai dám lên đường tìm kiếm.

2. Phương thức hoạt động:"từng hai người một"

Khi sai đi "từng hai người một ", Chúa Giêsu mong các ông hợp tác và liên đới với nhau, khích lệ và bàn hỏi nhau khi gặp khó khăn "Hai người có giá trị hơn một, nếu họ ngã, người này đỡ người kia dậy" (Gv 4,9). Hai người làm việc chung, nâng đỡ nhau biểu lộ tình yêu thương nhau như một dấu chỉ đặc trưng của môn đệ của Chúa (x. Ga 13,35). Dấu chỉ này là một chứng từ sống động và lôi cuốn người khác.

Trong Công vụ Tông đồ, các nhà truyền giáo thường lên đường với nhau "từng hai người một”: Phêrô đi với Gioan (Cv 3,1; 4,13); Phaolô với Banabê (Cv 1 3,2); Giuđa và Sila (Cv 15,22)… Hoạt động tông đồ luôn là tạo thành nhóm. Nếp sống huynh đệ là một bài giảng về tình yêu. Chứng tá Kitô hữu phải nhắm đến một hình thức cộng đoàn trong Giáo Hội. Cuộc sống yêu thương trong cộng đoàn vừa là dấu hiệu của người môn đệ Chúa Giêsu, vừa là lời rao giảng sống động, hùng hồn nhất về Tin Mừng.

3. Tinh thần tông đồ là ra đi

Trao "Sứ vụ” cho các môn đệ, Chúa Giêsu không bảo các ông “phải giảng điều gì". Ngài chỉ căn dặn các ông những chi tiết "phải sống". Đối với Chúa Giêsu, ra đi làm chứng tá bằng cuộc sống quan trọng hơn chứng tá bằng lời nói.

Suốt mấy năm ra mặt với đời để thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu không ngừng đi rày đây mai đó. Ngài luôn ngang dọc trên mọi nẻo đường đất nước để truyền giáo. Từ hội đường này đến hội đường khác (Mt 4,23). Đôi khi ở ngoài trời, ở ngoài đường. Trên một sườn núi cũng có (Mt 5,1), bên một bờ hồ hiu quạnh cũng có (Mc 6,30-34). Có khi "mệt mỏi vì đường sá", một mình ngồi trên thành giếng nói chuyện với người phụ nữ đến kín nước (Ga 4,6). Có lúc vì dân chúng chen lấn xung quanh đông đảo quá thì "Ngài mới lên một chiếc thuyền, thuyền của Simon và xin ông ấy chèo ra xa bờ một tí. Ngài ngồi xuống rồi từ ngoài thuyền nói vào mà giảng dạy dân chúng" (Lc 5,3). Chúa Giêsu thực hiện một cuộc hành trình liên miên. Theo ngôn ngữ của Phúc âm Maccô chương 1: Ngài bỏ Nazareth để đến gặp Gioan bên sông Giođan, rồi đến Galilê, dọc theo bờ biển Galilê, và Ngài đi rao giảng trong các hội đường khắp xứ Galilê. Trong chương 2: ít lâu sau, Ngài lại về Capharnaum... Ngài ngang qua đồng lúa ... Cứ đi và đi như vậy mãi.

Chính giữa khung cảnh đường dài trời rộng thênh thang ấy mà lời giảng dạy của Chúa bao giờ cũng khởi hứng từ một hoàn cảnh cuộc sống. Các hình ảnh cuộc sống đời thường gần gũi tràn ngập trong lời rao giảng. Cánh huệ mọc ngoài đồng. Đàn chim sẻ đang bay. Một đám ruộng lúa chín vàng mở rộng đến chân trời. Một mẻ cá lớn bên biển hồ. Những hạt giống người nông phu gieo vương vãi trên đường mòn,giữa bụi gai, trên sỏi đá. Một đàn cừu người chăn lùa về buổi chiều tối. Từng tảng đá, từng hạt sạn người ta nhặt từ một đống muối rồi vất đi. Từng con còng người đánh cá nhặt ra bỏ lại bên bờ sau một mẻ cá...

Việc thu thập môn đệ, Ngài cũng vừa đi, vừa gọi, vừa nhận... Như các môn đệ đầu tiên (Mc 1,16-20). Chúa Giêsu không dừng lại, yên nghĩ, hưởng thụ hay cũng cố vị trí người ta dành sẵn cho mình. Sau một ngày thành công rực rỡ ở Capharnaum chẳng hạn: "Sáng đến, Ngài ra đi vào nơi hoang vắng. Dân chúng đi tìm Ngài và đến nơi Ngài,họ cố giữ Ngài lại, không để Ngài đi khỏi chỗ họ. Nhưng Ngài bảo họ: Ta còn phải đem Tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa" (Lc 4,42-43).

Như thế, suốt đời Chúa Giêsu đã không hề có trụ sở, không hề có nhà thờ. Ngài đi khắp mọi nẻo đường trên thế giới Ngài đang sống.

Chúa Giêsu bị bắt lúc đang cầu nguyện giữa vườn Giệtsêmani hoang vắng. Bị điệu đến Hanna rồi Caipha. Từ toà đạo qua toà đời. Hết bị điệu đến dinh Philatô lại bị gửi qua dinh Hêrôđê, rồi bị đưa trả về cho Philatô. Không đầy một ngày một đêm mà kẻ tử tù đã phải đi không biết bao nhiêu dặm đường trên con đường "công lý" của loài người.

Bị kết án thập hình. Hai tay dang rộng, bị đóng đinh trên thập giá. Tảng đá lấp cửa mồ (Mc 14,32 -15,47). "Lính canh phòng cẩn mật, niêm phong tảng đá lại" (Mt 27,62-66).Thế nhưng, Chúa Giêsu đã không dừng chân cả trong cái chết. Ngày thứ ba Ngài sống lại, vượt cái chết qua sự sống bất diệt.

Sau khi phục sinh, Ngài cũng đi nhiều nơi, đến với với các môn đệ, cũng cố lòng tin và sai họ ra đi loan báo Tin mừng.

Hoàn thành sứ mạng, "Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha" (Mc 16,19) và luôn đồng hành cùng Giáo hội "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". (Mt 28,20).

Chúa Giêsu gọi các môn đệ và "thiết lập Nhóm Mười Hai" để họ ở với Ngài và để Ngài sai đi. Các môn đệ luôn tin tưởng, phó thác vì biết mình đã tin vào ai. Tin yêu dù biết rằng mình chẳng là gì, chẳng có khả năng gì, chỉ là một mục đồng bé nhỏ như Amos, chỉ là một ngư phủ ít học như Phêrô, nhưng lại được chính Thiên Chúa nắm lấy và bảo hãy đi (bài đọc I). Lên đường với trọn niềm tín thác, người môn đệ dành cả đời mình cho sứ vụ, bởi biết mình đã được Chúa Giêsu kêu gọi, được Chúa Cha tuyển chọn và được Chúa Thánh Thần đóng ấn, được ủy thác sứ mạng hoàn tất ý định yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa, muốn qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô (bài đọc II).

Giáo hội tiếp nối sứ vụ được sai đi, ra đi đến với muôn dân. Ra đi là dấn thân đi đến gặp gỡ mọi người với tinh thần đơn sơ, từ bỏ và tự do, để loan báo tin vui và mang đến cho họ ơn cứu độ.

Cuộc đời người Kitô hữu cứ phải ra đi không ngơi nghĩ. Ra khỏi cái cũ và đi tới cái mới. Ra khỏi cái đang có để đi tới cái chưa có. Ra khỏi cái mình đang là để đi tới cái mình phải là. Như thế, hành trình xa xăm nhất lại chính là hành trình của con tim.

“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi.
Nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ra đi từ trời cao xuống đất thấp, mang Tin mừng chiếu soi nhân trần. Xin sai chúng con ra đi nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin Chúa giúp chúng con chỉ biết cậy dựa vào Chúa. Chỉ mình Chúa là đủ cho chúng con. Amen.







 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới và sầu buồn với các nạn nhân lũ lụt ở Nhật Bản.
Thanh Quảng sdb
00:06 10/07/2018
Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới và sầu buồn với các nạn nhân lũ lụt ở Nhật Bản



Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới và sầu buồn với 119 các nạn nhân lũ lụt ở Nhật Bản. Đây là một thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất xảy đến cho miền tây nước Nhật trong 35 năm qua.

Trong bức điện thư do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Ngoại trưởng Vatican ký thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô, ĐTC bày tỏ nỗi buồn về sự mất mát nhiều sinh mạng cùng những tổn hại nặng nề do cơn lũ lụt gây ra.

Đức Thánh Cha cũng “động viên các cơ quan dân sự và những ai có thể tham gia vào công cuộc tìm kiếm và cứu nạn các nạn nhân của thảm họa này” và ĐTC gửi tới tất cả “phép lành đặc biệt”.



Cơ quan Khí tượng cảnh báo rằng mưa gió vẫn còn kéo dài khiến sạt lở đất và lũ lụt thêm nhiều nguy hiểm và số thương vong có thể sẽ tăng thêm.

Nhiều người bị kẹt trong nhà của họ, khi nhiều đường xá đã bị xụp lở vì lũ lụt.

Tính đến sáng thứ Hai 9/7/2018 đã có khoảng 23.000 người đến được các trung tâm tạm dung, và Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu một đơn vị đặc biệt hầu ứng phó với thảm họa này, đơn vị đó gồm có 73.000 người, đó là "nỗ lực hầu cứu sống các nạn nhân…"

Ngài thủ tướng Abe cũng hủy bỏ chuyến viếng thăm châu Âu và Trung Đông của ông hầu có thể hiện diện đẩy mạnh các hoạt động cứu trợ, và đến địa bàn để có thể ủy lạo dân chúng đang bị lũ lụt và sạt lở hoàng hành...
 
Tại sao người Công Giáo nắm đa số trổi vượt tại Tòa Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ?
Lm Trần Công Nghị
10:19 10/07/2018
Từ trước tới nay Hoa Kỳ duy nhất chỉ có một vị Tổng thống Công Giáo và người Công Giáo càng ngày càng giảm sút trong dân số Hoa Kỳ, nhưng họ đang nắm giữ đa số mạnh mẽ trong Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.

Khi Tổng thống Donald Trump cử Brett Kavanaugh vào Tòa án tối cao tối hôm thứ Ba (9/7), ông Kavanaugh đã mô tả đức tin Công Giáo và tầm quan trọng của Giáo hội trong cuộc đời sống của mình - từ thời học trường trung học Công Giáo tới các đội bóng rổ và Hội Thanh niên Công Giáo do ông hướng dẫn.

Nếu được Thượng viện bỏ phiếu thuận xác nhận, ông Kavanaugh sẽ thay thế Thẩm phán Anthony Kennedy, người Công Giáo. Ứng cử viên khác của TT Trump, nay là Tư pháp Neil Gorsuch, thay thế Thẩm phán Antonin Scalia cũng người Công Giáo. Ông Gorsuch hiện là tín hữu hội thánh Episcopal, nhưng đã được lớn lên trong gia đình Công Giáo. Nhà bình luận Daniel Burke của CNN đã viết rằng về đức tin của Thẩm phán Gorsuch, mà ông ta giữ bí mật, thì nó là một vấn đề phức tạp.

Tất cả các Thẩm phán tối cao do đảng Cộng hòa bổ nhiệm vào Tòa án tối cao đều là người Công Giáo. Bà Sonia Sotomayor được bổ nhiệm bởi đảng Dân chủ là người đã được giáo dục và lớn lên trong gia đình Công Giáo và trong tiến trình được đề cử, bà mô tả mình là người thuộc "Văn hóa Công Giáo”.

Điều đó có nghĩa là 6 trong 9 Thẩm phán, hai phần ba, có một nền tảng Công Giáo.

Sức mạnh của người Công Giáo trên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ thật mạnh mẽ, nhưng số người Công Giáo ở Mỹ đang suy giảm.

Chỉ dưới một phần tư (tức 23,9%) dân số Hoa Kỳ là Công Giáo vào năm 2007 và đến năm 2014 con số đó đã giảm xuống còn 20%, theo một nghiên cứu rộng rãi của Pew. (Đáng chú ý, chỉ có 1,9% người Mỹ là người Do Thái trong cuộc khảo sát Pew 2015, nhưng có ba Thẩm phán Tòa án Tối cao người Do Thái.)

Nhưng nghiên cứu hãng Pew cũng cho thấy người Công Giáo ở Mỹ ngày càng không phải là thành phần da trắng, phần lớn số người Công Giáo là người gốc Tây Ban Nha (34% trong năm 2014). Số người Công Giáo không-phải-là-da-trắng cũng đang trội vượt tại Mỹ. Có chừng 35% người không da trắng trong năm 2007 và 41% người da trắng vào năm 2014. Tại Tối Cao Pháp Viện, hai Thẩm phán Clarence Thomas và Sotomayor, là hai người không phải da trắng duy nhất, đều là người Công Giáo.

Cộng đồng người Công Giáo tại Mỹ cũng bao gồm nhiều người nhập cư hơn các cộng đồng người Mỹ khác. Hơn một phần tư người Công Giáo Hoa Kỳ (27%) được sinh ra bên ngoài Hoa Kỳ, mặc dù hầu hết các Thẩm phán Tòa án tối cao đã được sinh ra hoặc lớn lên ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Năm mươi bảy phần trăm (57%) người Công Giáo trong nghiên cứu này được sinh ra ở Hoa Kỳ. Hơn thế nữa - 74% người Mỹ nói chung - được sinh ra ở Mỹ.

Nhận xét trên về nhân khẩu học xem ra rất thú vị, nhưng chúng không trả lời câu hỏi tại sao có rất nhiều người Công Giáo đã leo lên được tới tòa án tối cao và như vậy: Liệu đức tin của họ có ảnh hưởng đến các quyết định của họ hay không?.

Các ứng cử viên tư pháp trong những ngày này rất bận rộn lo trả lời cách họ sẽ bỏ phiếu về các trường hợp khác nhau hoặc cách họ cảm nghiệm như thế nào về các vấn đề, đặc biệt là phá thai, nó trở thành vấn đề quan trọng trong việc đề cử ông Kavanaugh vì ông sẽ thay thế Thẩm phán Kennedy, một thẩm phán đã bỏ phiếu bỏ phiếu bảo vệ tiền lệ pháp lý vụ Roe v. Wade (cho phép phá thai).

Công chúng Mỹ nói chung (57%) ủng hộ phá thai hợp pháp trong một cuộc khảo sát Pew năm 2017, cho rằng phá thai là hợp pháp trong tất cả hoặc hầu hết các trường hợp. Người Công Giáo không mấy hỗ trợ ý kiến như vậy, nhưng đa số họ (53%) cho biết vào thời điểm đó cần phải hợp pháp.

Nhưng có một nhận thức rằng người Công Giáo phái nam trên tòa án có nhiều khả năng bỏ phiếu chống phá thai và có lẽ điều đó đóng một vai trò quan trọng trong số những người bảo thủ tìm cách đánh bại Roe (luật phá thai).

Thường thì các ứng cử viên Thẩm phán tối cao sẽ im lặng không trả lời về vấn đề nêu trên, nhưng các thượng nghị sĩ khi phải bỏ phiếu để xác nhận các thẩm phán này, họ cũng muốn bảo vệ các ưu tiên như quyền phá thai sẽ phải được truy ra.

Thượng nghị sĩ Dân chủ California Dianne Feinstein đã đường đầu với bà thẩm phán Amy Coney Barrett, về đức tin của bà trong phiên điều trần xác nhận năm 2017. Bà Barrett là người trong danh sách chốt của Tòa án tối cao của TT Trump. TNS Feinstein nói với bà Barrett: "Tại sao nhiều người trong chúng ta ở bên này (Đảng Dân Chủ) lại có cảm giác rất khó chịu – Bà biết điều ấy mà – tín điều và luật pháp là hai điều khác nhau. Và tôi nghĩ trong trường hợp của bà, thưa giáo sư, khi bà đọc bài phát biểu của bà, kết luận rút ra là tín điều sống động rõ ràng nơi bà, và đó là mối quan tâm khi bà phải quyết định những vấn đề lớn mà nhiều người (Hoa Kỳ) đã chiến đấu trong nhiều năm ở đất nước này."

Một tiên đoán tương tự về ông Kavanaugh và suy nghĩ của ông về phá thai đã đang được tiến hành, đặc biệt là sự bất đồng của ông với một phán quyết cho phép một thiếu niên không có giấy tờ (di trú) bị giam giữ ở biên giới có quyền được phá thai.

Thầm phán Kavanaugh đã viết: "Phía đa trong phán quyết này dường như nghĩ rằng Chính phủ phải cho phép trẻ vị thành niên nhập cư bất hợp pháp được phá thai ngay lập tức theo yêu cầu".

Ông cũng đã viết trong cùng ý kiến bất đồng đó rằng tất cả các thẩm phán đã công nhận Roe và các tiền lệ phải được tuân theo. Là một Thẩm phán Tòa án tối cao, ông có thể ở trong một vị trí để thay đổi tiền lệ như vậy.

Tôn giáo của Thẩm phán không phải là vấn đề và không nên là vấn đề. Nhưng tôn giáo chắc chắn khơi sự tò mò chính trị hiện đại vì sao mà các thẩm phán Công Giáo và Do Thái đã thành công như vậy.

Thật khó để tìm thấy dữ kiện thông tin nhân khẩu học về cơ quan tư pháp liên bang ở mức độ lớn để xem liệu những người Công Giáo có đóng vai trò ảnh hưởng ngoại cỡ ở các cấp tòa án thấp hơn hay không. Dữ kiện Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội chỉ cung cấp tóm lược nhân khẩu học của các tòa án, nhưng không bao gồm yếu tố tôn giáo.

Trong cuộc khảo sát Pew từ năm 2014, nhóm tôn giáo phát triển nhanh nhất là những người nói mình "không liên kết" với tôn giáo nào, tăng từ 16,1% năm 2007 lên 22,8%, làm lu mờ Công Giáo ở Mỹ trong quá trình này.

(Nguồn: Why do Catholics hold a strong majority on the Supreme Court? by Zach Wolf, CNN https://edition.cnn.com/2018/07/10/politics/catholic-justices/index.html)
 
Các giám mục Phi Luật Tân kêu gọi ba ngày ăn chay sau khi Tổng Thống nước này có những lời nói xúc phạm tới Thiên Chúa
Giuse Thẩm Nguyễn
17:11 10/07/2018
(Tên ngạo mạng Duterte, dám phỉ báng Thiên Chúa)


Trong một cuộc tấn công nhẹ nhàng có ý nhắm vào tên ngạo mạng là Tổng Thống Duterte, các Giám Mục đã lên án “những kẻ dám phỉ báng Danh Thánh Thiên Chúa.”

Các giám mục Công Giáo Phi Luật Tân quan ngại về việc gia tăng bạo lực và phản ứng của cảnh sát đối với tội phạm, đã công bố một ngày cầu nguyện và sám hối, ngày 16 tháng Bẩy và ba ngày ăn chay, cầu nguyện và sám hối từ 17-19 tháng Bẩy.

Các giám mục nói rằng các ngài muốn “kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa và công lý cho những kẻ dám phỉ báng Danh Thánh Thiên Chúa, những kẻ vu khống và làm chứng gian và những kẻ giết người hay biện minh cho tội giết người như một phương tiện chống lại tội phạm trong đất nước của chúng ta.”

Trong một thư mục vụ, các giám mục đã đề cập đến “ cái giá phải trả cho việc làm chứng cho Đức Kitô” và “ sự đau khổ của những người nghèo” như là một phần của động lực để ăn chay, cầu nguyện và sám hối.

Trong số những đau khổ, các giám mục liệt kê ra gồm “tiếng khóc của những người nghèo ở những khu ổ chuột bị bắt tù vì “lang thang”… sự đau khổ của những con nghiện bị coi như không phải là con người, những người bị đẩy vào nhà tù quá chật chội như cá mòi đóng hộp” và “cộng đồng bị buộc phải bỏ nhà ra đi.”

Các giám mục cũng nêu ra sự đau khổ vì là Kitô hữu, rằng có những sự chia rẽ, nhạo báng, bách hại và ngay cả tử đạo chưa từng có trong lịch sử của Giáo Hội.

Thư mục vụ đặt câu hỏi “Có gì mới về việc các linh mục bị giết vì làm chứng cho Đức Kitô? Có gì mới về những tiên tri của thời đại bị câm lặng bởi những viên đạn sát thủ phản bội?

Vào ngày 10 tháng Sáu, một tay súng đã bắn cha Richmond Villaflor Nilo khi ngài sắp dâng lễ trong một nhà nguyện của một ngôi làng. Cha là vị linh mục thứ ba bị sát hại ở Phi Luật Tân trong vòng sáu tháng qua.

Tổng Thống Phi Luật Tân, một tên ngạo mạng, là Duterte đã đưa ra những nhận xét chống lại Kitô giáo khi nói chuyện vào ngày 22 tháng Sáu, rằng “Khi Adam đã ăn trái cấm, thì sự gian ác được sinh ra. Thiên Chúa ngu ngốc này là ai? Nếu đúng như thế.”

Sau đó một số giám mục đã lên án lời nói mất dạy này. Giám mục Arturo Baster của Sorsogon nói rằng lời phát biểu và những hành động của tên Duterte là “không thể chấp nhận được đối với một con người bình thường, đầu óc sáng suốt,” và Giám Mục Ruperto Santo của Balanga nói rằng những nhận xét của hắn đã vượt qua một “lằn đỏ”.

Trong lá thư vào tháng Bẩy, các giám mục đề cập đến “những người lên án chúng tôi tham gia vào những động thái chính trị để gây bất ổn cho nhà cầm quyền.” Các giám mục nói rằng sự quan tâm của các ngài không nhắm vào những nhà cầm quyền nơi thế gian này, chúng “mau đến và chóng đi” thôi. Các ngài nói, “Chúng tôi chỉ làm việc cho vương quốc của Thiên Chúa, một vương quốc không thuộc về thế gian này.”

“Khi chúng tôi lên tiếng về những vấn đề nào đó, thì luôn luôn từ quan điểm đức tin và đạo đức, nhất là những nguyên tắc về công bằng xã hội, chứ không bao giờ có bất cứ một chương trình chính trị hay ý thức hệ nào cả.”

“Chúng tôi không chiến đấu trong cuộc chiến với súng đạn… những cuộc chiến của chúng tôi là tinh thần.”

Các giám mục đã chọn ngày 16 tháng Bẩy vì đó là ngày lễ kính Đức Mẹ Núi Carmel, “ một ngọn núi gắn liền với sự thách thực mạnh mẽ của tiên tri Elijah trong việc bảo vệ Thiên Chúa.”

Cám giám mục kêu gọi tín hữu Phi Luật Tân cùng cầu nguyện với Mẹ Maria.

“và khi chúng con ngã lòng trong lúc đối diện với cơn bách hại, xin cho chúng con được cùng Mẹ đứng dưới chân thánh giá và lấy lại được sức mạnh từ máu và nước chảy ra từ vết thương cạnh sườn của Con yêu dấu Mẹ, Chúa của chúng con và Đấng Cứu Chuộc, Đức Giê-su Kitô.”


Source: Catholic Herald Philippine bishops call for three days fasting after president calls God "stupid"
 
Lễ truyền chức Linh mục Vincent Nguyễn Quốc Bảo SDB, một nhà truyền giáo tại Paraguay Nam Mỹ
Thanh Quảng sdb
17:12 10/07/2018
Lễ truyền chức Linh mục Vincent Nguyễn Quốc Bảo SDB, một nhà truyền giáo tại Paraguay Nam Mỹ
Tân Lm Vincent Quốc Bảo SDB

Tại Asunción, Paraguay, ngày 7 tháng 7 năm 2018 - Giáo xứ Virgen del Carmen đã tưng bừng cử hành một lễ hội, mừng ngày thụ phong Linh mục của thầy Salesian Vincent Nguyễn Quốc Bảo, một người Việt Nam truyền giáo. Đức cha Gabriel Escobar SDB, Giám mục Giáo phận Tông Tòa Chaco Paraguayo chủ phong.
Hiện diện trong Thánh lễ có khoảng 200 tín hữu và đông đảo các sơ Salesian FMA, và nhiều thanh niên nam nữ.
Các tu sĩ hiện diện trong Thánh lễ
Quang cảnh Thánh lễ Truey62n chức

Các tu sĩ Salesian đã hiện diện ở Chaco từ năm 1917 và năm 1948 giáo điểm này được nâng lên là Giáo Phận Tông Tòa, là một trong 6 lãnh thổ truyền giáo được giao phó cho Tu Hội Salesian đảm trách tại Châu Mỹ Latinh. Dân số của Tông tòa này chỉ có 19.000 người (6000 trong số đó là người dân bản địa): Gồm 16.500 là người Công Giáo, 1.500 là các giáo phái Kitô giáo khác và 1000 người không phải là Công Giáo. Lãnh thổ của Tông tòa này trải rộng trêm một phạm vi 96.030 km2, với mật độ rất thấp 0,2 người/km2 và chưa có đường trải nhựa nào cả.
Trong số các giáo sĩ của Tông tòa này có 4 vị truyền giáo đến từ vùng Á Châu: 3 từ Việt Nam và một từ Indonesia, tất cả được cha Bề trên cả Artime sai đến vào năm 2010.
Cha Vincent Bảo (37 tuổi) là một trong những thành viên của chuyến Truyền giáo lần thứ 139, sau khi thầy hoàn thành tất chương trình Triết học tại Học viện Don Rua Đà Lạt, Việt Nam.
 
Một tay súng bị bắn chết ngay trong Tòa Giám Mục ở Phi Luật Tân
Đặng Tự Do
19:19 10/07/2018
Trong một diễn biến vô tiền khoáng hậu, một tay súng đã bị bắn chết ngay trong Tòa Giám Mục tổng giáo phận Cebu, miền Trung Phi Luật Tân hôm 10 tháng 7.

Các nhà chức trách đã xác định tay súng tên là Jeffrey Mendoza Canedo từ bằng lái xe được tìm thấy sau khi người này bị bắn chết.

Ông Remegio Debuayan, là người bảo vệ Tòa Giám Mục, cho biết Canedo đi trên một chiếc xe gắn máy, đội mũ bảo hiểm và trùm kín mặt đã xông vào Tòa Giám Mục.

Y lùng kiếm Đức Tổng Giám Mục Jose Palma của Cebu và hỏi một số người xem Đức Tổng Giám Mục ở đâu vì y muốn nói chuyện với ngài.

Cảnh sát được gọi đến hiện trường và yêu cầu Canedo giơ tay đầu hàng nhưng người đàn ông này đã rút súng chống trả, nên bị cảnh sát bắn chết.

Không ai trong Tòa Giám Mục bị thương. Đức Tổng Giám Mục Jose Palma đang ở Manila khi xảy ra vụ việc.

Trong một tuyên bố, Tổng giáo phận Cebu cho biết Đức Cha Jose Palma “không nhận được lời đe dọa nào trước đó” nên không rõ động cơ của người vừa bị giết. Tuyên bố nói thêm rằng cảnh sát đã chính thức điều tra vụ việc này.

Vụ nổ súng xảy ra sau một loạt các cuộc tấn công bằng súng gần đây vào các linh mục ở Phi Luật Tân đã khiến ba linh mục bị thiệt mạng và một vị khác bị thương nặng

Vụ việc xảy ra một ngày sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Rodrigo Duterte và Đức Tổng Giám Mục Romulo Valles của Davao, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân.
Source : UCANews Gunman shot dead at bishop's residence in Cebu
 
Thư ngỏ của Đức Hồng Y Daniel DiNardo gởi Thượng Viện Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
20:25 10/07/2018
Tổng thống Donald Trump, đã đề cử chánh án Brett Kavanaugh vào chức vụ thẩm phán của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ để thay thế cho Thẩm Phán Anthony Kennedy tuyên bố nghỉ hưu vào ngày 27 tháng 6 năm 2018. Việc bổ nhiệm của tổng thống Trump còn phải được sự phê chuẩn của Thượng Viện Hoa Kỳ.

Việc phê chuẩn này chắc chắn là rất khó khăn vì ứng viên Cavanaugh là một người Công Giáo ngoan đạo, nổi tiếng chống lại phán quyết cho phép phá thai, thường được gọi là phán quyết Roe chống Wade, của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Các phương tiện truyền thông thế tục cho rằng một khi được bổ nhiệm vào Tòa Án Tối Cao, ông Cavanaugh và những vị Thẩm Phán khác sẽ hình thành khối đa số và sẽ tìm cách lật lại vụ Roe chống Wade.

Thấy trước việc phê chuẩn này sẽ rất là khó khăn, Đức Hồng Y Daniel DiNardo N. Galveston-Houston, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã viết thư cho các thành viên của Thượng Viện vào ngày 6 tháng 7, thúc giục họ đừng coi việc ủng hộ phán quyết Roe chống Wade như là một điều kiện tiên quyết để phê chuẩn một ứng viên Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

Bức thư nói rõ rằng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ “không hỗ trợ hoặc chống lại việc xác nhận một ứng cử viên nào do tổng thống chỉ định.” Thay vào đó, bức thư bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng về quá trình xác nhận ... bị bóp méo một cách hiển nhiên bởi các nỗ lực nhằm khống chế các Thẩm Phán được đề cử phải ủng hộ Roe, mà hậu quả là những ai được đề cử mà có lập trường phản đối việc cố ý giết chết một mạng người vô tội thì cách nào đó lại bị coi là không thích hợp với Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ”.

Đức Hồng Y nói thêm rằng “Dầu sao đi nữa việc hỗ trợ cho Roe là một tiêu chuẩn quá nghèo nàn để đánh giá khả năng của một Thẩm Phán. Trong bốn mươi lăm năm qua, phán quyết Roe đã làm dấy lên nhiều chỉ trích và chống đối trong công chúng hơn bất kỳ phán quyết nào khác vào cuối thế kỷ 20”.

Thư của Đức Hồng Y cũng tham chiếu đến các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng hầu hết người Mỹ phản đối chính sách phá thai không giới hạn trong vụ Roe, và ngày càng có nhiều cơ quan lập pháp tiểu bang thông qua những luật phò sự sống, phù hợp với y học chính thống là không ủng hộ phá thai, và nhiều học giả pháp lý kể cả những người hỗ trợ phá thai cũng thừa nhận rằng phán quyết Roe không đặt cơ sở nơi Hiến pháp Hoa Kỳ.

“Nếu một phán quyết của Tòa án Tối cao đã là một quyết định sai trái, bị công luận chống đối rộng rãi, có quá nhiều khuyết điểm về luân lý, và gây hại cho xã hội, và được cả nhiều người ủng hộ nó coi là không có cơ sở trong Hiến pháp, thì hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để xem việc ủng hộ nó như là một điều kiện tiên quyết cho một Thẩm phán tương lai. Hơn nữa, đức tin của một ứng cử viên không nên là cớ cho đương sự bị phân biệt đối xử. Trong việc phê chuẩn một chức vụ công quyền, bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa trên niềm tin tôn giáo đều là bất công và vi hiến.” Đức Hồng Y nhấn mạnh.
Source : USCCB President of U.S. Bishops’ Conference to Senate: Support for Roe v. Wade Should Not Be Used as a Litmus Test for Judicial Nominees
 
Chính sách phò gia đình của chính phủ Hung Gia Lợi đã làm dân số gia tăng nhanh chóng
Đặng Tự Do
20:45 10/07/2018
Năm 2015, chính phủ Hung Gia Lợi công bố một chính sách quan trọng về gia đình. Các gia đình ổn định và đông con được hưởng các khoản trợ cấp rất hào phóng.

Chương trình "Trợ cấp Gia cư cho gia đình", hoặc Csók tài trợ $36,000 Mỹ Kim cho các gia đình có từ ba con trở lên muốn mua căn nhà đầu tiên. Bên cạnh đó lãi suất ngân hàng được khống chế để giúp họ có thể trả nhanh tiền nợ ngân hàng. Thuế má cũng được chiết giảm.

Những lợi ích và sự chiết giảm thuế này có thể trị giá khoảng 15,000 đến 50,000 đô la cho mỗi gia đình, tùy thuộc vào giá trị ngôi nhà họ mua và các điều khoản tín dụng.

Những người có ít con hơn cũng được tài trợ nhưng ít hơn rất nhiều so với các gia đình 3 con trở lên.

Sau 3 năm thực hiện chương trình này con số phá thai tại Hung Gia Lợi đã giảm rất đáng kể. Hiện nay, phụ nữ ở tuổi sinh sản có bình quân 1.5 con. Con số này được tin là sẽ tăng nhanh trong thập niên sắp đến.
Source : Institute for Family Studies Is Hungary Experiencing a Policy-Induced Baby Boom?
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Video Dòng MTG Khiết Tâm lễ khấn năm 2018
Minh Thiên
09:00 10/07/2018
 
Video Lễ khấn năm 2018 tại Đan Viện Xitô Phước Hải
Minh Thiên
17:19 10/07/2018
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Văn kiện mới của Tòa Thánh về Kinh Tế và Tài Chánh: III. Một số soi sáng đối với bối cảnh hiện nay
Vũ Văn An
19:12 10/07/2018
III. Một số soi sáng đối với bối cảnh hiện nay

18. Để cung cấp một số định hướng cụ thể và chuyên biệt cho kế hoạch đạo đức đối với các tác nhân kinh tế và tài chánh, những người ngày càng mong muốn có chúng, chúng tôi xin đưa ra một số minh xác để biện phân nhằm mở đường cho những gì sẽ nhân bản hóa con người thực sự và ngăn cản họ gây thiệt hại cho phẩm giá họ và ích chung [35].

19. Nhờ các tiến bộ của việc hoàn cầu hóa và kỹ thuật số hóa, ta có thể so sánh thị trường với một sinh vật khổng lồ, mà trong huyết quản đang lưu chuyển một lượng tư bản mênh mông, giống như bạch huyết (lymphe) mang sức sống. Khi mượn so sánh này, ta cũng có thể nói đến “sức khỏe” của sinh vật này, lúc các phương tiện và cơ cấu của nó bảo đảm cho hệ thống một sự vận hành tốt đẹp, nơi việc gia tăng và phân phối thịnh vượng luôn đi đôi với nhau. Sức khỏe của hệ thống này tùy thuộc sức khỏe của các hành động cá nhân cộng tác vào công trình. Khi sinh vật là thị trường hưởng được một sức khỏe tốt, thì phẩm giá con người cũng như ích chung sẽ dễ dàng được tôn trọng và cổ vũ.

Một cách có liên hệ, người ta cũng có thể nói tới việc “đầu độc” cơ thể này mỗi khi người ta du nhập và truyền bá các khí cụ tài chánh và kinh tế ít đáng tin cậy gây hại trầm trọng cho việc phát triển và phân phối sự thịnh vượng, và cũng tạo ra các khó khăn và nguy cơ có hệ thống.



Bởi thế, ngày nay, hơn bao giờ hết, người ta hiểu sự cần thiết phải dẫn khởi việc các nhà cầm quyền dân sự thừa nhận mọi sản phẩm của cuộc cải tiến tài chánh, ngõ hầu sự lành mạnh của hệ thống được duy trì và ngăn ngừa được các hiệu quả phụ thuộc (callatéral) có hại.

Khuyến khích sự lành mạnh và ngăn ngừa sự thối nát, ngay trên quan điểm kinh tế, cũng đã là một mệnh lệnh luân lý không thể tránh được đối với mọi tác nhân liên hệ tới thị trường. Sự cần thiết này cũng cho thấy sự cấp thiết phải có sự phối hợp siêu quốc gia giữa các thành tố khác nhau của hệ thống tài chánh địa phương [36].

20. Một phúc lợi như vậy tự nuôi dưỡng mình trên vô số các tài nguyên đa dạng, vốn tạo nên một loại "đa dạng sinh học" (biodiversity) về kinh tế và tài chánh. Sự đa dạng sinh học này nói lên một giá trị gia tăng đối với hệ thống kinh tế và cần được kích thích và bảo vệ thông qua các chính sách tài chính - kinh tế thỏa đáng, nhằm bảo đảm cho thị trường sự hiện diện của những con người đa dạng và các dụng cụ lành mạnh với các đặc điểm phong phú và đa dạng. Điều này xẩy đến theo cả quan điểm tích cực, qua việc nâng đỡ hành động của họ lẫn theo quan điểm tiêu cực, bằng cách ngăn cản tất cả những ai, trái lại, làm hại chức năng của hệ thống sản xuất và phân phối thịnh vượng.

Về vấn đề này, cần lưu ý rằng nhiệm vụ sản xuất giá trị gia tăng bên trong các thị trường một cách lành mạnh chỉ được thực hiện bằng chức năng hợp tác mà thôi. Một hiệp lực (synergy) trung tín và thâm hậu giữa các tác nhân dễ dàng đạt được giá trị thặng dư đó, một thặng dư mà mọi thành tựu kinh tế đều nhắm đến [37].

Khi con người nhân bản nhận ra tình liên đới căn bản vốn kết hợp họ với toàn thể nhân loại, họ hiểu ra rằng họ không thể chỉ giữ cho riêng mình các thiện ích họ đang sở hữu. Khi một người nào đó quen sống trong tình liên đới, thì các thiện ích họ sở hữu đều được sử dụng không những cho nhu cầu riêng của họ mà còn tự nhân thừa lên, tạo ra nhiều hoa trái bất ngờ cho người khác nữa [38]. Ở đây, chúng ta nhận thấy rõ rằng việc chia sẻ có thể không chỉ là “sự phân phối mà còn là sự nhân thừa hàng hóa, tạo ra bánh ăn mới, hàng hóa mới, Sự Thiện viết hoa mới nữa [39].

21. Kinh nghiệm và bằng chứng trong những thập niên qua đã cho thấy, một đàng, niềm tin vào sự cho là tự cung tự cấp của thị trường, độc lập đối với bất cứ nền đạo đức nào là một điều hết sức ngây thơ, và đàng khác, sự cần thiết bó buộc phải có một quy định thích đáng, một qui định cùng một lúc phải hợp nhất sự tự do và việc bảo vệ mọi người, và vận hành để tạo ra các tương tác lành mạnh và thích đáng, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương hơn. Theo nghĩa này, các quyền lực chính trị và kinh tế - tài chính phải duy trì khoảng cách và tính độc lập, mà không có bất cứ tổn hại cận kề nào, đồng thời nhắm tới việc thực hiện một thiện ích chung cho mọi người xét trong căn bản chứ không dành riêng cho một số ít người có đặc quyền [40].

Một quy định như thế càng cần thiết hơn nữa do sự kiện này: trong số các nguyên nhân chính tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây nhất là hành vi vô luân của các tác nhân trong thế giới tài chánh, nơi mà chiều kích siêu quốc gia của hệ thống kinh tế tự làm dễ dàng việc qua mặt các quy định của các quốc gia riêng rẽ. Hơn nữa, tính bất ổn định và tính di động quá đáng của các cuộc đầu tư vốn trong thế giới tài chánh đã cho phép những người kiểm soát chúng hoạt động dễ dàng vượt quá mọi qui tắc không nhằm lợi nhuận tức khắc, thường bằng cách sử dụng chức vụ nổi bật của họ để gây áp lực, thậm chí lên cả quyền lực chính trị hiện hành.

Do đó, điều rõ ràng là các thị trường cần tới các phương hướng vững chắc và mạnh mẽ, có tính mềm dẻo khôn ngoan hết mực (macro-prudential) hơn là có tính quy phạm, chung chia hơn là độc dạng; cũng cần các quy định liên tục được cập nhật hóa, có thể đáp ứng với sự trồi sụt của thị trường. Các phương hướng tương tự phải bảo đảm việc nghiêm chỉnh kiểm soát phẩm chất và độ tin cậy của mọi sản phẩm tài chính - kinh tế, đặc biệt là các sản phẩm được cấu trúc nhiều hơn. Ngoài ra, khi vận tốc các diễn trình cải tiến tạo ra các rủi ro quá mức một cách có hệ thống, các nhà điều hành kinh tế phải chấp nhận các nghĩa vụ và giới hạn do ích chung đòi hỏi, mà không mưu toan qua mặt hoặc giảm bớt mục đích của chúng.

Việc hoàn cầu hóa hiện thời đối với hệ thống tài chính đòi phải có sự phối hợp ổn định, rõ ràng và hữu hiệu giữa các cơ quan qui định quốc gia, với khả thể, và đôi khi, sự cần thiết, phải chia sẻ các quyết định có tính ràng buộc ngay khi được yêu cầu, trước các đe dọa đối với ích chung. Các cơ quan có tính qui định như vậy phải luôn độc lập và bị ràng buộc bởi các đòi hỏi công bằng và lợi ích công cộng. Về phương diện này, các khó khăn dễ hiểu không nên ngăn cản việc tìm kiếm và áp đặt các hệ thống quy định như thế. Các hệ thống này phải được sự đồng thuận giữa các quốc gia khác nhau, nhưng với phạm vi hữu hiệu siêu quốc gia [41].

Các quy định phải làm dễ dàng sự minh bạch hoàn toàn liên quan tới bất cứ điều gì được giao thương để loại bỏ mọi hình thức bất công và bất bình đẳng, do đó bảo đảm được sự công bằng lớn nhất có thể trong việc trao đổi. Tương tự như vậy, sự tập trung bất cân xứng về thông tin và quyền lực có xu hướng tăng cường các tác nhân kinh tế mạnh hơn và do đó tạo ra các bá quyền có khả năng ảnh hưởng đơn phương không những các thị trường mà còn cả các hệ thống chính trị và pháp lý nữa. Hơn nữa, nơi nào, việc bãi bỏ quy định hàng loạt được thực hành, thì kết quả hiển nhiên sẽ là khoảng chân không về quy định và thể chế vốn tạo không gian không những cho nguy cơ luân lý và tham ô, mà còn tạo dịp cho việc xuất hiện cảnh sum sê vô lý của thị trường, tiếp theo trước hết là các nghiệp vụ đầu cơ, và sau đó sự sụp đổ bất ngờ, có tính phá hoại và các khủng hoảng có tính hệ thống [42].

22. Cuộc khủng hoảng có hệ thống có thể tránh được một cách hữu hiệu hơn nữa nếu có một định nghĩa và sự tách biệt rõ ràng giữa các trách nhiệm ngân hàng đối với việc quản lý tín dụng, quản lý tín dụng hàng ngày, tiết kiệm đầu tư và kinh doanh đơn thuần [43]. Điều này được dự tính càng nhiều càng tốt để tránh các tình huống bất ổn tài chánh.

Một hệ thống tài chánh lành mạnh cũng đòi một số lượng thông tin tối đa, bao nhiêu có thể, để mọi tác nhân có thể bảo vệ lợi ích của họ một cách đầy đủ, và với sự tự do hoàn toàn. Thực thế, điều quan trọng là phải biết liệu vốn của người ta có được sử dụng cho các mục đích đầu cơ hay không, và cũng phải biết mức độ rủi ro và giá thỏa đáng của các sản phẩm tài chánh mà người ta đã đặt mua. Hơn các khoản tiết kiệm thông thường thuộc loại quen thuộc, bảo vệ và tìm cách tối thiểu hóa các rủi ro bất lợi là một thiện ích công cộng. Chính việc tiết kiệm, khi ủy thác vào bàn tay chuyên môn của các cố vấn tài chánh, cần phải được quản lý tốt, chứ không phải chỉ quản lý mà thôi.

Trong số các hoạt động đáng nghi ngờ về luân lý của các cố vấn tài chánh trong việc quản lý các khoản tiết kiệm, những điều sau đây cần phải được xem xét: sự chuyển động quá mức của danh mục đầu tư thường nhằm tăng doanh thu từ hoa hồng dành cho ngân hàng hoặc trung gian tài chánh khác; sự thiếu vô tư phải có trong việc cung cấp các công cụ tiết kiệm, trong đó, so với một số ngân hàng, sản phẩm của những người khác có thể phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng; thiếu chuyên cần thoả đáng hoặc thậm chí sơ suất ác ý về phía các cố vấn tài chánh liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi liên hệ đối với danh mục đầu tư của khách hàng; việc cấp một khoản vay của một ngân hàng trung gian, tùy thuộc vào việc đặt mua song song với các sản phẩm tài chính khác do cùng ngân hàng này cung cấp, nhưng cuối cùng không thuận lợi cho khách hàng.

23. Mỗi doanh nghiệp tạo ra một mạng lưới liên hệ quan trọng và theo đại diện một cách độc đáo cho một bộ phận xã hội trung gian thực sự với một nền văn hóa và thực hành riêng. Nền văn hóa và thực hành này, trong khi xác định ra tổ chức nội bộ của doanh nghiệp, cũng ảnh hưởng đến cấu trúc xã hội, trong đó, nó hoạt động. Ở bình diện này, Giáo Hội nhắc lại sự quan trọng về trách nhiệm xã hội của mỗi xí nghiệp [44], một trách nhiệm đối với cả bên ngoài (ad extra) lẫn lẫn bên trong (ad intra) cơ cấu, cùng một lúc.

Trong ý nghĩa này, bất cứ nơi nào chỉ có lợi nhuận mới được đặt ở tột đỉnh văn hóa của một xí nghiệp tài chánh, mà quên khuấy các đòi hỏi thực sự của ích chung, thì mọi chủ trương đạo đức thực sự bị coi là bất liên quan. Ngày nay, điều này được báo cáo là một sự kiện thực tế và hết sức phổ biến ngay trong các trường kinh doanh nổi tiếng. Mọi điển hình đạo đức, trên thực tế, đều bị coi là ngoại lai và chỉ nằm bên cạnh hoạt động kinh doanh. Điều này càng được nhấn mạnh hơn nữa do sự kiện này là, trong luận lý học tổ chức của họ, những người không thích ứng với các mục tiêu kinh doanh thuộc loại này đều bị phạt cả ở bình diện trả công (rémunération) lẫn ở bình diện nhìn nhận nghề nghiệp. Trong các trường hợp này, mục tiêu lợi nhuận mà thôi dễ dàng tạo ra một luận lý học tai ác (perverse) và lọc lựa (selective) thường có lợi cho sự tiến thân của các nhà lãnh đạo kinh doanh có khả năng, nhưng tham lam và cẩu thả, và mối liên hệ của họ với người khác thường chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi nhuận bản thân đầy ích kỷ.

Ngoài ra, một luận lý học như vậy thường thúc đẩy ban quản trị thiết lập ra các chính sách kinh tế nhằm không làm tăng sự lành mạnh kinh tế của các công ty được họ phục vụ, mà chỉ vì lợi ích của các cổ đông, do đó, gây hại đến lợi ích hợp pháp của những người gánh vác mọi công việc và dịch vụ có lợi cho cùng công ty này, cũng như những người tiêu thụ và các cộng đồng địa phương khác nhau (các bên có liên quan).

Thường được khuyến khích bằng một khoản thù lao đáng kể tỷ lệ thuận với kết quả tức khắc của việc quản trị, nhưng không cân đối như thế bằng một trừng phạt tương đương, trong trường hợp không đạt được các mục tiêu, các luận lý học này, những thứ luận lý này, trong đoản kỳ, bảo đảm lợi nhuận cao hơn cho các nhà quản lý và tác nhân, nhưng kết cục buộc phải chấp nhận các mạo hiểm quá mức, khiến các công ty yếu đi và thiếu các nguồn năng lượng kinh tế có thể bảo đảm cho họ nhiều triển vọng cho tương lai.

Tất cả những điều trên dễ dàng tạo ra và khuếch tán một nền văn hóa phi đạo đức sâu xa - trong đó người ta thường không ngần ngại phạm tội ác khi lợi ích dự kiến vượt quá mức phạt dự kiến. Tác phong này gây ô nhiễm nặng nề cho sức khỏe của mọi hệ thống kinh tế và xã hội. Nó gây nguy hiểm cho tính chức năng và làm tổn hại nghiêm trọng đến việc thực hiện hiệu quả lợi ích chung mà trên đó, mọi hình thức của đời sống xã hội nhất thiết phải dựa vào.

Thành thử, điều khẩn thiết bó buộc là một tự phê thành thực và đảo ngược xu hướng, thay vào đó, phải ủng hộ một nền văn hóa kinh doanh và tài chánh biết lưu ý tới mọi nhân tố tạo nên ích chung. Chẳng hạn, điều này có nghĩa đặt một cách rõ ràng con người nhân bản và phẩm chất các mối tương quan giữa họ với nhau ở tâm điểm nền văn hóa của doanh nghiệp, sao cho mỗi cơ cấu thực hành một hình thức trách nhiệm xã hội không những ngẫu nhiên hoặc nằm bên lề, nhưng còn điều hướng nó và sinh động hóa mọi hành động từ bên trong, điều hướng nó theo kế hoạch xã hội.

Tính luân chuyển tự nhiên vốn có giữa lợi nhuận, một nhân tố cố hữu đối với mọi hệ thống kinh tế, và trách nhiệm xã hội, một yếu tố chủ yếu đối với sự tồn tại của bất cứ hình thức sống chung dân sự nào, được kêu gọi biểu lộ sự phong phú trọn vẹn của nó; nó cũng cho thấy sự nối kết keo sơn, một sự nối kết mà tội lỗi có xu hướng che dấu, giữa nền đạo đức biết tôn trọng con người và ích chung, và tính chức năng hiện thực của mọi hệ thống kinh tế tài chánh. Chẳng hạn, tính luân chuyển hợp đạo đức như vậy được đánh giá cao, khi theo đuổi việc giảm nguy cơ xung đột với các bên liên quan, cũng như khi khuyến khích một sự động viên nội tại lớn hơn đối với các nhân viên của công ty.

Ở đây, việc tạo ra giá trị gia tăng, một việc vốn là mục tiêu chính của hệ thống kinh tế tài chánh, phải chứng minh một cách đầy đủ tính thực tiễn của mình bên trong một hệ thống đạo đức vững chắc, xây dựng trên việc chân thành mưu cầu ích chung. Chỉ nhờ việc nhìn nhận, và thực thi sự nối kết nội tại vốn có giữa động lực kinh tế và lý luận đạo đức này, mới nẩy sinh một thiện ích dành cho mọi người [45]. Vì, để vận hành đúng, thị trường phải tự dựa vào các điều kiện tiên quyết về nhân học và đạo đức, những điều kiện họ không có khả năng tự cấp cho mình, hay tự ý sản xuất ra.

24. Nếu, một mặt, sự đáng tin về tín dụng đòi một diễn trình lựa chọn thận trọng để nhận diện những người thụ hưởng thực sự xứng đáng, có khả năng đổi mới, được bảo vệ khỏi những thông đồng không lành mạnh, thì, mặt khác, để chịu được một cách hữu hiệu các rủi ro gặp phải, các ngân hàng phải có một sự quản lý tài sản thích hợp, để một sự phân chia cuối cùng các khoản lỗ có thể bị giới hạn ở mức lớn hơn và có thể, trước hết, qui cho những người thực sự chịu trách nhiệm về các tổn thất này.

Chắc chắn, việc quản lý tinh vi các khoản tiết kiệm, ngoài việc quy định pháp lý thích đáng, đòi phải có các mô hình (paradigms) văn hóa thỏa đáng, cùng với việc thực hành việc tái xét cẩn thận, theo quan điểm đạo đức, mối liên hệ giữa ngân hàng và khách hàng, cũng như bảo vệ liên tục tính hợp pháp của mọi giao dịch có liên quan.

Dọc theo các đường hướng trên, một gợi ý thú vị đáng được thử nghiệm, là việc lập ra các Ủy ban Đạo đức trong các ngân hàng, để hỗ trợ các Hội đồng Quản trị. Cho đến nay, điều này được thực hiện khi các ngân hàng được giúp đỡ không chỉ để bảo vệ bảng quyết toán (balance) của họ khỏi các hậu quả đau lòng và thua lỗ, và hướng tới một sự gắn bó hữu hiệu giữa sứ mệnh tập thể và các thực hành tài chánh, mà còn để nâng đỡ thoả đáng nền kinh tế thực.

25. Việc tạo ra các chứng khoán tín dụng với rủi ro cao, một việc trên thực tế tạo ra một giá trị ảo (fictive) mà không có sự kiểm soát thỏa đáng về phẩm chất hoặc đánh giá tín dụng đúng đắn, có thể làm giầu thêm cho các trung gian, nhưng dễ dàng tạo ra khả năng không chi trả được, có hại cho những người sau đó phải thu hồi các chứng khoán này. Điều này càng đúng hơn nếu gánh nặng phê phán các chứng khoán này được chuyển từ định chế phát hành chúng sang cho thị trường nhờ đó chúng được lan truyền và khuếch tán (như sự thanh toán các khoản vay dưới chuẩn [subprime mortages = tức loại cho vay mà người vay rất tồi về uy tín tín dụng – chú thích của người dịch]). Thực hành này tạo ra nhiều độc hại tổng quát, và nhiều khó khăn có tiềm năng xâm hại cả hệ thống. Sự thao túng thị trường như vậy mâu thuẫn với sự lành mạnh của hệ thống kinh tế - tài chánh, và không thể chấp nhận được theo quan điểm đạo đức biết tôn trọng ích chung.

Mỗi cổ phiếu tín dụng phải tương ứng với một giá trị có thể có thực chất, chứ không phải chỉ là một giá trị được cho là khó xác minh. Theo nghĩa này, việc cần phải có sự quy định công cộng và sự đánh giá vô tư (super partes) về công trình của cơ quan xếp hạng tín dụng, trở nên càng cấp bách hơn, với các công cụ pháp lý giúp có thể chế tài các hành động bị bóp méo và ngăn chặn việc tạo ra sự hoạt quyền (oligopoly) nguy hiểm về phía một thiểu số. Điều này thậm chí càng đúng hơn nữa trước sự hiện hữu của hệ thống môi giới tín dụng, trong đó trách nhiệm của tín dụng được cấp được chuyển từ người cho vay ban đầu sang những người cho vay trung gian sau đó.

26. Một số sản phẩm tài chính, trong đó có điều được gọi là “phái sinh” (derivative), được tạo ra nhằm cung cấp bảo hiểm chống các rủi ro cố hữu của một số giao dịch thường chứa một cuộc đánh cuộc dựa trên cơ sở giá trị được giả định gán cho các rủi ro này. Nằm ở nền các công cụ tài chính như thế thường là các hợp đồng trong đó các bên vẫn có thể đánh giá một cách hợp lý sự rủi ro căn bản mà họ muốn bảo hiểm.

Tuy nhiên, trong một số loại sản phẩm phái sinh, (đặc biệt các sản phẩm có tên là chứng khoán hóa (securizations), cần chú ý điều này: bắt đầu với các cấu trúc ban đầu, và được liên kết với các khoản đầu tư tài chính có thể nhận dạng được, càng ngày, các cấu trúc phức tạp hơn càng được xây dựng (chứng khoán hóa của các chứng khoán hóa) trong đó, sau nhiều giao dịch gần như không thể có, ngày càng khó khăn mới có thể ổn định đuợc giá trị đích thực của chúng một cách hợp lý và công bằng. Điều này có nghĩa: ở mỗi đoạn trong việc bán các cổ phần này, vượt quá ý muốn của các bên, đều thực sự diễn ra một sự bóp méo giá trị hiện thực của các rủi ro mà các công cụ này có nhiệm vụ phải bảo vệ. Tất cả những điều này khuyến khích sự xuất hiện của các ổ (bubbles) đầu cơ, vốn là nguyên nhân quan trọng góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng tài chánh gần đây.

Điều rõ ràng là sự không chắc chắn xung quanh các sản phẩm này, chẳng hạn như sự suy giảm đều đặn tính minh bạch của các sản phẩm được đảm bảo, vẫn không xuất hiện trong hoạt động ban đầu, khiến chúng liên tục kém được chấp nhận theo quan điểm đạo đức biết tôn trọng sự thật và lợi ích chung, vì nó biến chúng thành một quả bom nổ chậm, sớm hay muộn, sẵn sàng phát nổ, đầu độc sự lành mạnh của thị trường. Cần lưu ý rằng có một khoảng trống đạo đức, một khoảng trống sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi các sản phẩm này được thương lượng trên các điều được mệnh danh là thị trường ít được quy định hơn (over the counter = bán qua quầy) và bị chường nhiều hơn cho các thị trường được qui định một cách ngẫu nhiên, nếu không do gian lận, và do đó lấy đi các huyết mạch và đầu tư quan trọng cho nền kinh tế thực.

Một đánh giá đạo đức tương tự cũng có thể được áp dụng cho những việc sử dụng hoán đổi tín dụng mất khả năng chi trả (Credit Default Swap: chúng là các hợp đồng bảo hiểm cụ thể cho nguy cơ phá sản) cho phép đánh cuộc trên nguy cơ phá sản của bên thứ ba, ngay cả đối với những người, trước đó, chưa có bất cứ rủi ro tín dụng nào như vậy, và thực sự lặp lại các nghiệp vụ như vậy trên cùng một biến cố, một điều tuyệt đối không được thỏa thuận bởi công ước hoặc bảo hiểm thông thường.

Thị trường hoán đổi tín dụng mất khả năng chi trả(CDS), tiếp theo cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007, đã gây ấn tượng mạnh mẽ đủ để đại biểu cho một qui mô lớn gần như tương đương với Tổng Sản Phẩm Nội Địa (GDP) của toàn thế giới. Việc phổ biến loại hợp đồng như vậy, mà không định giới hạn thích hợp, đã khuyến khích sự phát triển thứ tài chánh cơ hội, và đánh cuộc trên sự thất bại của người khác, một điều không thể chấp nhận được theo quan điểm đạo đức.

Thực thế, diễn trình thu mua các dụng cụ này, bởi những người không có bất cứ rủi ro tín dụng nào, đã tạo ra một trường hợp độc đáo trong đó người ta bắt đầu nuôi dưỡng ý muốn hủy hoại các thực thể kinh tế khác và thậm chí còn có thể quyết tâm làm như thế.

Rõ ràng một khả năng như vậy, một mặt, đại biểu cho một sự kiện đặc biệt đáng trách theo quan điểm đạo đức, vì tác nhân làm như vậy theo quan điểm ăn thịt người về kinh tế, và, mặt khác, kết cục phá hoại niềm tin căn bản cần thiết mà không có nó, hệ thống kinh tế kết cục sẽ tự ngăn chặn chính nó. Trong trường hợp này, chúng ta cũng có thể nhận thấy, theo quan điểm đạo đức, một biến cố tiêu cực sẽ gây hại như thế nào cho sự vận hành lành mạnh của hệ thống kinh tế.

Do đó, cần phải lưu ý rằng, khi từ một cuộc đánh cuộc như vậy, có thể phát sinh sự thiệt hại to lớn cho toàn bộ quốc gia và hàng triệu gia đình, chúng ta phải đương đầu với những hành động cực kỳ vô luân, xem ra điều cần là mở rộng các răn đe (deterrents), vốn có ở một số quốc gia, đối với loại nghiệp vụ ấy, xử phạt các vi phạm với mức độ nghiêm trọng tối đa.

Kỳ sau: III. Một số soi sáng đối với bối cảnh hiện nay tiếp theo
 
Giải đáp phụng vụ: Có quy chề cho các thừa tác viên ngoại thường không?.
Nguyễn Trọng Đa
21:22 10/07/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liệu các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ là dành cho các hoàn cảnh đặc biệt, hay họ có thể phục vụ tại mọi Thánh Lễ chăng? - W. B., Dallas, Texas, Hoa Kỳ.


Đáp: Các Giám mục, linh mục và phó tế là các thừa tác viên thông thường duy nhất cho Rước lễ và, trừ khi họ bị suy yếu bởi một lý do nghiêm trọng, chẳng hạn sức khỏe giảm sút nhiều, họ phải luôn luôn cho Rước lễ trong Thánh Lễ, trước khi bất kỳ thừa tác viên bổ sung nào được sử dụng. Các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ chỉ là người bổ sung, do đó chức năng của họ vẫn là sự bổ sung. Nếu chủ tế có thể dễ dàng cho mọi người Rước lễ, mà không gây ra sự chậm trễ quá mức, thì các thừa tác viên ngoại thường không nên được sử dụng.

Tuy nhiên, đôi khi, các yếu tố khác, chứ không phải số lượng đông người, có thể đóng một vai trò trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ, như khi linh mục già yếu, hoặc trong các trường hợp đã được chấp thuận, để cho rước Máu Thánh, hoặc các Thánh lễ ngày thường, mà người dân hy sinh thì giờ để tham dự Thánh lễ trước khi đi làm việc, và thậm chí một vài phút trễ hơn có thể tạo nên sự khác biệt.

Các người phục vụ như là các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ nên luôn luôn ý thức được rằng đây là một đặc quyền, chứ không bao giờ có thể được xem là một quyền lợi. Ngay cả khi có sẵn một danh sách trong giáo xứ, không ai có thể nói đứng đắn “Giờ đến phiên tôi”, như thể tuyên bố điều gì đó phải dành cho họ, nhưng luôn luôn tạ ơn vì phúc lành được kêu gọi phục vụ, như một thừa tác viên của Mình và Máu Chúa Kitô.

Do số lượng lớn thư của bạn đọc gửi về sau khi tôi trả lời như trên, hình như câu trả lời của tôi về các thừa tác viên ngoại thường vẫn làm nhiều người rất thắc mắc…Nhiều thư giúp xác nhận rằng nhiều người Công Giáo cảm nhận sự sử dụng thái quá các thừa tác viên ngoại thường. Tuy nhiên, một số câu hỏi của họ cho phép tôi mở rộng câu trả lời gốc của mình, mặc dù tôi không thể trả lời tất cả các vấn nạn.

Như đã nói ở trên, các linh mục và phó tế, trừ khi bị suy yếu về sức khỏe, không nên ngồi xuống và không thực hiện việc cho Rước lễ. Họ có thể được trợ giúp, nhưng không được thay thế, bởi các thừa tác viên khác.

Các thừa tác viên ngoại thường này, theo Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 162 “không đến bàn thờ trước khi vị tư tế rước lễ và luôn luôn nhận các bình đựng Mình Máu Thánh, để cho tín hữu rước từ tay vị chủ tế. ..Trong trường hợp cấp bách, chủ tế có thể cử những tín hữu xứng đáng” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Một bạn đọc ở Rôma đã hỏi liệu một thầy giúp lễ có tác vụ là không phải một thừa tác viên thông thường chăng. Nói thật đúng, thầy không phải là một thừa tác viên thông thường, nhưng thầy có quyền ưu tiên, và theo nghĩa này, là một thừa tác viên ngoại thường, nên thầy được mời gọi trước bất kì ai khác. Ngoài ra, trong trường hợp không có thầy phó tế, thầy giúp lễ có thể tráng chén, và việc này không được phép cho các thừa tác viên ngoại thường (mặc dù Hoa Kỳ đã nhận được đặc ân là cho phép các thừa tác viên này giúp tráng chén trong các trường hợp cần thiết).

Sau một thầy giúp lễ có tác vụ, thứ tự ưu tiên thông thường để chỉ định các thừa tác viên ngoại thường là trước tiên chọn thầy đọc sách có tác vụ, một đại chủng sinh, một nam tu sĩ hay nữ tu, một giáo lý viên, và một giáo dân nam hay nữ (xem huấn thị "Immensae Caritatis").

Một bạn đọc Hoa Kỳ hỏi ai có thẩm quyền chỉ định các thừa tác viên ngoại thường và điều kiện nào vể trí tuệ và đạo đức được yêu cầu cho họ. Trong các trường hợp đặc biệt (thí dụ, một căn bệnh bất ngờ của thừa tác viên được dự kiến), chủ tế có thể chỉ định một tín hữu nổi tiếng cho việc cử hành chính xác ấy.

Trong hoàn cảnh bình thường, câu hỏi về các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ rơi vào sự giám sát của Giám mục, vỉ Ngài thiết lập các điều kiện, và ban quyền cho việc chấp nhận các thừa tác viên ngoại thường. Điều này thường được thực hiện thông qua các cha xứ hoặc bề trên Dòng tu. Thí dụ, ở Rôma, ngoài việc được cha xứ đề nghị, ứng viên phải tham gia một khóa học cụ thể kéo dài từ vài tháng đến một năm, trước khi được cho phép phục vụ.

Một bạn đọc người Anh hỏi vể sự đồng nhất của cử động và sự di chuyển. Các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ cần được huấn luyện đúng cách trong chữ đỏ, và cha xứ phải đảm bảo rằng tất cả các người này đều tuân thủ cùng các thủ tục tương tự đối với việc di chuyển, rửa tay, vv, phù hợp với các quy chế tổng quát và cấu trúc cụ thể của nhà thờ.

Về mặt đạo đức, trong khi không nhất thiết phải là một ứng viên thật thánh thiện, thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ phải là một tín đồ Công Giáo mộ đạo trong tình trạng tốt. Như đã nêu trong huấn thị "Immensae Caritatis" (ngày 29-1-1973), sự lựa chọn một thừa tác viên ngoại thường "không bao giờ nên rơi vào một người, mà sự chỉ định có thể gây ra sự kinh ngạc lớn cho các tín hữu". Một người không tuân thủ đầy đủ, và không cố gắng sống theo giáo lý Công Giáo, hoặc theo học thuyết hay luân lý, không nên thực hiện hoặc không được nhận vào thừa tác này. Tương tự như vậy, nếu một người không thể Rước lễ vì phạm tội, người ấy trước tiên phải xưng tội, trước khi thực hiện thừa tác.

Thay vì nhìn việc này như cách nào đó nổi bật khỏi các tín hữu, việc xin nghỉ khỏi thừa tác, nếu đời sống và niềm tin của mình thiếu sự phù hợp với đức tin Công Giáo, là một hành động thành thực đối với Chúa Kitô trong Thánh Thể, và các thành viên khác của tín hữu. Sẽ có thêm ân sủng và sức mạnh đến từ việc kiềm chế phục vụ trong lĩnh vực này, hơn là sống dối trá là một nhân chứng công khai cho một đức tin, mà không hoàn toàn là của chính mình.

Một số bạn đọc hỏi phải làm gì nếu họ tin rằng có quá nhiều thừa tác viên ngoại thường, một số thậm chí còn cho rằng họ cần hạn chế không Rước lễ từ các thừa tác viên ấy. Như chúng tôi đã giải thích trong phần trước (ngày 14-10-2003), có thể có lý do chính đáng để sử dụng họ, vốn là không rõ ràng ngay lập tức, vì vậy người ta luôn sẵn lòng cung cấp cho cha xứ lợi ích của sự nghi ngờ. Người ta có thể gặp cha xứ và lịch sự xin ngài làm sáng tỏ bất kỳ nghi ngờ nào có thể có. Trong các trường hợp lạm dụng nghiêm trọng, người ta có thể trình bày cho Giám mục.

Ngay cả khi người ta có các nghi ngờ nghiêm trọng về việc sử dụng các thừa tác viên ngoại thường, trong một trường hợp cụ thể, thì hồng ân Rước lễ là một điều tốt đẹp hơn và không bao giờ nên được từ chối. Trong một ý nghĩa rất thực tế, chúng ta luôn Rước lễ từ các bàn tay bất xứng bất kể thừa tác viên là thánh thiện đến mấy chăng nữa, bởi vì không ai hoàn toàn xứng đáng để chạm vào Mình Thánh của Chúa Kitô.

Cuối cùng, có một lưu ý ngữ nghĩa, khi ở một số nơi các thừa tác viên ngoại thường được gọi là "thừa tác viên đặc biệt, special minister". "Đặc biệt, special" có thể không phải là chữ dịch sát chữ nhất, mặc dù từ ngữ này đôi khi được sử dụng theo nghĩa này, như trong "vị đại diện đặc biệt, special representative", nhưng cuối cùng thì vấn đề là không quan trọng, khi họ được gọi là "ngoại thường, extraordinary", "đặc biệt, special", "bổ sung, supplementary", hoặc bất kỳ tên gọi nào khác vì điều này không làm thay đổi quy chế giáo luật, liên quan việc sử dụng các thừa tác viên ngoại thường. (Zenit.org ngày 14 và 28-10-2003)

Nguyễn Trọng Đa