Ngày 03-06-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Thánh Linh: Chân Dung & Nhiệm Vụ
Nguyễn Trung Tây
00:13 03/06/2017
□ Nguyễn Trung Tây
Chúa Thánh Linh: Chân Dung & Nhiệm Vụ


Hồi nhỏ tôi khờ trâng, giờ nghĩ lại vẫn còn thấy mắc cở cho một thời hay bị Mai Sơ dạy Rước Lễ phạt quỳ vì tội không phân biệt được sự khác nhau giữa hai danh từ: Chúa Thánh Thần và Thiên Thần. Rõ khổ! Có lẽ bởi chữ “thần” xuất hiện trong cả hai danh từ vừa được nhắc tới, đối với cái đầu óc bé tí ti của tuổi lên tám, ăn chưa no, lo chưa tới, Chúa Thánh Thần đối với tôi chỉ là những Thiên Thần tóc bạch kim, môi đỏ hồng, đẹp như tây, có cánh bay bay chung quanh hang đá vào mùa Giáng Sinh.

Lớn lên một chút, vào cái thời kỳ tham gia sinh hoạt trong Ban Giáo Lý của xứ đạo, lúc đó tôi mới “đủ sức đủ trí khôn” để mà phân biệt được sự khác nhau giữa Ngôi Ba Thiên Chúa-Chúa Thánh Thần và Thiên Thần. Nhớn thêm một chút, vượt biên qua Mỹ, cuối tuần tham gia sinh hoạt xứ đạo San Jose, dạy Giáo Lý cho những học sinh trung học, cho những tân tòng RCIA, và ngay cả trong những lần sơ đàm với một số người quen biết, lúc đó tôi mới nhận ra trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh là Đấng bị lãng quên nhiều nhất trong đời sống đức tin của người tín hữu.

Khi bắt đầu gõ cửa đại chủng viện St. Francis của San Diego, được học hỏi về Kinh Thánh, Thần Học, tôi nhận ra Chúa Thánh Linh hay bị lãng quên trong dòng đời ngược xuôi bận rộn. Bởi thế, chân dung và nhiệm vụ của Ngôi Ba Thiên Chúa thông thường là hai khái niệm khá sương mờ đối với một số người tín hữu Công Giáo. Trong tinh thần học hỏi về niềm tin, qua bài tham luận ngắn ngủi này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về Ngôi Ba Thiên Chúa dưới hai lăng kiếng: Chân dung và Nhiệm vụ.

Luận bàn về chân dung của Chúa Thánh Linh, trong khi Thiên Chúa Ngôi Cha thường được minh họa qua nhân dạng của một cụ già Tây Phương, với râu dài, tóc bạc trắng như cước (Sách Sấm Truyền Cũ là một thí dụ điển hình), Thiên Chúa Ngôi Con thì khác. Bởi Đức Kitô là một nhân vật lịch sử, nhân dạng của Ngài, do đó, là diện mạo của một người đàn ông Do Thái vào thế kỷ thứ Nhất Tây Lịch. Nhưng Thiên Chúa Ngôi Ba, Chúa Thánh Linh thì hoàn toàn khác. Ngài không được nhân họa bởi họa sĩ như Thiên Chúa Cha, hoặc xuất hiện trong nhân dạng như Thiên Chúa Con, nhưng Chúa Thánh Linh xuất hiện qua hai hình ảnh: Chim Bồ Câu và Lưỡi Lửa.

Thật ra, cả hai hình ảnh tượng trưng cho Chúa Thánh Linh đều không bắt nguồn tự sự tưởng tượng của bất cứ một người họa sĩ nào, nhưng bắt nguồn từ trong Kinh Thánh. Theo như thánh sử Máccô, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giôđan, trời xanh tự nhiên mở ra, và Thần Khí tương tự như hình bồ câu ngự xuống trên Ngài (Máccô 1:9). Hình ảnh của Lưỡi Lửa bắt nguồn sách Tông Đồ Công Vụ. Theo như Tông Đồ Công Vụ 2:1-4, vào ngày Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, trong khi các môn đệ của Đức Giêsu đang quây quần hội họp trong căn phòng kín, bỗng nhiên từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào căn nhà. Và Chúa Thánh Linh xuất hiện trong hình dạng của những lưỡi lửa ngự xuống trên người của các người môn đệ.

Bên cạnh chim bồ câu và lưỡi lửa, Chúa Thánh Linh cũng được ví như cơn gió, Ngài thổi từ hướng nào và thổi về đâu, không ai hay chẳng ai biết. Tương tự như lưỡi lửa, hình ảnh gió cũng bắt nguồn từ Tông Đồ Công Vụ 2:1-4.

Dòng lịch sử ơn cứu độ được phân chia ra làm ba giai đoạn khác nhau với ba diện mạo của một Thiên Chúa:

(1). Giai đoạn thứ nhất thuộc về dòng lịch sử Cựu Ước với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Cha, một vị Thiên Chúa của công bằng, từ bi, và vị tha.

(2). Giai đoạn thứ hai thuộc về dòng lịch sử Tân Ước với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Con, một vị Thiên Chúa của yêu thương, nhân hậu, và tha thứ.

(3). Giai đoạn thứ ba bắt đầu từ ngày Lễ Hiện Xuống cho tới ngày cánh chung, với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh, một vị Thiên Chúa của hướng dẫn, an ủi, và đổi mới.

Luận bàn về nhiệm vụ của Chúa Thánh Linh, Giáo Hội tin rằng con thuyền Hội Thánh đang được chính bàn tay của thuyền trưởng Chúa Thánh Linh lèo lái và hướng dẫn. Bởi thế, Giáo Hội tin rằng Chúa Thánh Linh chính là tác giả bốn bản Phúc Âm được viết bởi bốn thánh sử: Máccô, Mátthêu, Luca, và Gioan. Bởi thế, khi Hồng Y Đoàn vô phòng kín cầu nguyện, hội họp để bầu cử ra một vị Giáo Hoàng mới, Giáo Hội tin rằng các vị Hồng Y đã được chính Chúa Thánh Linh soi sáng và hướng dẫn để bầu ra vị tân giáo hoàng.

Ngoài công việc hướng dẫn, Chúa Thánh Linh còn là Đấng An Ủi những người tín hữu trên hành trình đức tin. Bởi Ngài là Đấng Ủi An, Chúa Thánh Linh ủi an anh hùng tử đạo khi các ngài gông cùm xiềng xích nặng nề mang vác trên vai như thánh Dũng Lạc, hoặc khi các ngài bị giam cầm bỏ đói lãng quên trong ngục tù lạnh lẽo như nữ thánh Đê. Một cách tương tự, những khi đang lao đao với đời sống chứng nhân tin mừng (tử đạo) của chính mình, chúng ta tin rằng mình không cô độc một mình một bóng với gian nan thử thách. Vào những giây phút của tứ bề thọ địch hoặc ba đào sóng dữ, chúng ta tin rằng Đấng An Ủi sẽ xuất hiện, để ủi an vỗ về và ân cần nâng đỡ chúng ta can trường tiếp tục bước qua những đoạn đường nhọc nhằn và gian truân.

Ngoài hướng dẫn và an ủi, Chúa Thánh Linh cũng còn chính là Đấng “vẩy đũa thần” làm mới bộ mặt của quả địa cầu và tâm hồn của người tín hữu. Ngày hôm nay, với trình độ tiến bộ vượt bực của khoa học, người ta có những cây đũa thần có khả năng thay đổi bộ mặt thua kém biến sang mặn mà, bình thường hóa thành sắc sảo. Đối với những người có lớp da bị thời gian tàn phá, ngành thẩm mỹ có thể lột bỏ, thay thế làn da cằn cỗi bằng những tế bào hồng hào, mịn màng, và tươi sáng. Nhưng, bên cạnh làn da thể xác, người tín hữu cũng còn có một làn da khác, đó là làn da linh hồn. Theo dòng thời gian trôi nổi bập bềnh, làn da của cả thể xác và của linh hồn đều sẽ trở nên cằn cỗi hoặc đôi khi biến dạng khiến nhiều người không còn khả năng nhận ra nhân dạng của chính mình.

Khi thể xác mệt mỏi hoặc muốn giữ gìn sức khỏe, nhiều người đi tập thể dục, người trẻ ghi tên tham gia vào những trung tâm thể dục thẩm mỹ, người lớn tuổi sáng sáng gặp gỡ nhau nơi công cộng tập Tài Chi. Những khi khám phá ra làn da thể xác không còn hồng hào, căng mịn, người ta tới gặp bác sĩ thẩm mỹ để được giúp đỡ. Một cách tương tự, những khi tâm hồn mệt mỏi, tinh thần kiệt quệ khiến làn da của linh hồn không được nghỉ ngơi, từ từ trở nên cằn cỗi, người tín hữu sẽ làm chi để khuôn mặt linh hồn của chúng ta thôi không còn cằn cỗi?

Suy Niệm

Bạn,

Vào những giây phút khám phá ra khuôn mặt và làn da của linh hồn đang trở nên lốm đốm tàn nhang, bạn cần đến sự can thiệp của một vị bác sĩ thẫm mỹ lừng danh: Bác Sĩ Thẩm Mỹ Chúa Thánh Linh, bởi Ngài chính là Đấng đã và đang đổi mới bộ mặt quả địa cầu và trần gian.

Ngày xưa, trước khi có Chúa Thánh Linh ngự xuống trên người qua hình dạng lưỡi lửa, Phêrô cũng như tất cả những người môn đệ của Đức Giêsu, đêm ngày chỉ dám thập thò đi ra đi vào trong căn phòng đóng kín cửa. Nhưng khi Gió của Chúa Thánh Linh thổi ngập tràn căn phòng và Lửa của Ngài ngự xuống trên người, làn da linh hồn của những người môn đệ của Đức Giêsu đã được đổi mới. Khi Chúa Thánh Linh xuất hiện, làn da cằn cỗi lấm chấm đồi mồi của nhát sợ, bối rối, và phiền muộn của Phêrô và của những người môn đệ đã được thay đổi, biến sang làn da linh hồn của hai mươi tuổi căng tràn nhựa sống. Khi làn da linh hồn được đổi mới, Phêrô thôi, không còn nhát sợ nữa, nhưng hiên ngang đứng dậy, mở tung cánh cửa căn phòng, hùng hồn cất lời rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh giữa ban ngày, khiến nhiều người Do Thái tưởng rằng người cựu ngư phủ Biển Hồ đang say rượu. Thực sự ra, Phêrô không say, nhưng bởi Chúa Thánh Linh đã đụng “đũa thần” vào khuôn mặt và tâm hồn của Phêrô, cho nên nhiều người ngỡ ngàng không còn nhận ra được đó chính là Phêrô của một thời già lão, nhát sợ, chối bỏ Thầy ba lần trên sân Tòa Án Công Nghị của người Do Thái.

Một cách tương tự, vào những lúc khám phá ra làn da linh hồn đang dần dần trở nên cằn cỗi, hoặc linh hồn đang mệt mỏi, xao xuyến, trằn trọc, và băn khoăn với những muộn phiền do trần thế mang lại, mời bạn hướng về Ngôi Ba Thiên Chúa, mở miệng cầu xin với Ngài,

Lời Nguyện

Lạy Chúa Thánh Linh, xin hãy đốt cháy ngọn lửa của Ngài, để lòng con không còn nguội lạnh, nhưng bừng lên ánh lửa nhiệt thành của sống chứng nhân Tin Mừng. Lạy Ngôi Ba Thiên Chúa, xin hãy đến nâng đỡ, ủi an những khi con cô độc, muộn phiền, và thất vọng với đời sống niềm tin. Xin hãy đến vỗ về, băng bó chữa lành những vết thương đang mưng mủ, đang tấy sưng trong tâm hồn con. Lạy Chúa Thánh Linh, xin Ngài hãy đến, ngự xuống, đổi mới làn da nhân loại và bộ mặt địa cầu.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com

 
Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống 04/6/2017 dành cho người đau yếu
VietCatholic Network
03:58 03/06/2017
Bài Đọc Chúa Nhật – Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Năm A – 04/06/2017

Bài đọc 1: Cv 2,1-11
Ai nấy đều được tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng.
Bài trích sách Công Vụ Tông Đồ.
Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi-a, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Ca-pa-đô-ki-a, Pon-tô, vàA-xi-a, có người là dân Phy-gi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Kê-ta hay người A-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!”

Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 103,1ab và 24ac.29bc-30.31 và 34
Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới, và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.
Chúc tụng Chúa đi hồn tôi hỡi!
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!
Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng!
Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất. Đ

Ngài lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay,
mà trở về cát bụi.
Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này. Đ

Vinh hiển Chúa, nguyện muôn năm tồn tại,
công trình Chúa làm Chúa được hân hoan.
Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả,
đối với tôi, niềm vui là chính Chúa. Đ

Bài đọc 2: 1 Cr 12,3b-7.12-13
Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một thần khí để trở nên một thân thể.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, không ai có thể nói rằng: “Đức Giê-su là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí.

Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.

Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.

Đó là lời Chúa.

Ca tiếp liên:
Muôn lạy Chúa Thánh Thần,
Xin ngự đến trần gian,
Tự trời cao gửi xuống
Nguồn ánh sáng toả lan.

Lạy Cha kẻ bần hàn,
Đấng tặng ban ân điển
Và soi dẫn nhân tâm,
Cúi xin Ngài ngự đến!

Đấng ủi an tuyệt diệu
Thượng khách của tâm hồn
Oâi ngọt ngào êm dịu
Dòng suối mát chảy tuôn!

Khi vất vả lao công,
Ngài là nơi an nghỉ,
gió mát đuổi cơn nồng,
Tay hiền lau giọt lệ.

Hỡi hào quang linh diệu,
Xin chiếu giãi ánh hồng
Vào tâm hồn tín hữu
Cho rực rỡ trinh trong.

Không thần lực phù trì
Kẻ phàm nhân cát bụi,
Thật chẳng có điều chi
Mà không là tội lỗi.

Hết những gì nhơ bẩn,
Xin rửa cho sạch trong,
Tưới gội nơi khô cạn,
Chữa lành mọi vết thương.

Cứng cỏi uốn cho mềm,
Lạnh lùng xin sưởi ấm,
Những đường nẻo sai lầm,
Sửa sang cho ngay thẳng.

Những ai hằng tin tưởng
Trông cậy Chúa vững vàng,
Dám xin Ngài rộng lượng
Bảy ơn thánh tặng ban.

Nguyện xin Chúa thưởng công
Cuộc đời dày đức độ,
Ban niềm vui muôn thuở
Sau giờ phút lâm chung.

A-men. Allêluia.

Tung hô Tin Mừng
Allêluia. Allêluia. Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, cho tâm hồn tín hữu được nhuần thấm muôn ơn, và cháy lửa yêu mến Ngài. Allêluia.

Tin Mừng Ga 20,19-23
Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Venezuela: Đã thấy quan tài vẫn chưa đổ lệ
Đặng Tự Do
06:48 03/06/2017
Đám đông ủng hộ "Bác Maduro" tiến lên xã hội chủ nghĩa
Sau một phiên khoáng đại bất thường ở Caracas, hôm 17 tháng 5, các giám mục Venezuela đã ra một tuyên bố về tình trạng khẩn trương của đất nước trong đó ghi nhận rằng cuộc khủng hoảng tại quốc gia này ngày tồi tệ hơn bao giờ. Tình trạng khan hiếm thực phẩm và thuốc men đã khiến nhiều người phải bươi thùng rác kiếm thức ăn trong khi nhiều bệnh nhân chết vì không có các loại dược phẩm.

Các Giám Mục đã kêu gọi tất cả các giáo xứ cử hành ngày Chúa Nhật 21 tháng 5 là một ngày cầu nguyện, ăn chay và liên đới với các nạn nhân của một chế độ độc tài tàn bạo.

Các Giám Mục cũng lên tiếng với anh em binh sĩ và cảnh sát tố cáo “nhiều cái chết của các công dân Venezuela” khi họ bày tỏ thái độ đối với tình hình đất nước. Các ngài khuyên anh em binh sĩ và cảnh sát đừng lạm sát người vô tội và đừng bênh vực cho một chế độ độc tài thối nát.

Chỉ một tuần sau ngày ăn chay và cầu nguyện cho đất nước, bất chấp thực tế bi đát của đất nước, hàng ngàn người dân Venezuela vẫn xuống đường bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối cho chế độ của Nicolás Maduro.

Nói chuyện với đám đông dân chúng, Nicolás Maduro, một kẻ vô thần, thất học, nguyên là một tài xế xe buýt tuyên bố “đại tu hiến pháp”.

Ông ta nói: “Quốc hội lập hiến là một phép lạ Chúa ban cho chúng ta sẽ được khởi động trong vòng 72 tiếng đồng hồ nữa theo sau việc công bố các thành viên của Quốc Hội này. Tôi đang mang lại cho các bạn một vũ khí hòa bình: đó là Quốc hội lập hiến, một công cụ vĩ đại, một vũ khí xây dựng hòa bình hợp hiến”.

Một người ủng hộ Maduro nói: “Tôi ủng hộ tiến trình cách mạng này: Chúng tôi tuyên bố mình là những người chống đế quốc, chống khủng bố và cuộc tuần hành này chứng tỏ tinh thần hòa bình của người dân Venezuela, những người mong mỏi hòa bình, an sinh xã hội và thịnh vượng. Chúng tôi ở đây để đồng hành với tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa.”

Quốc gia Nam Mỹ với 30.9 triệu dân này có đến 96% là người Công Giáo nhưng đã đi theo con đường xã hội chủ nghĩa dưới thời Hugo Chavéz. Y luôn tuyên bố mình là người Công Giáo, có chủ trương cải cách xã hội và chủ trương không phá thai. Tuy nhiên, các Giám Mục nước này đã cảnh giác dân chúng và mạnh mẽ chống lại bản dự thảo hiến pháp dành quá nhiều quyền cho Chavez, cũng như đường lối đưa đất nước vào con đường xã hội chủ nghĩa của y.

Nổi bật nhất là bản tuyên bố hôm 16/7/2005, trong đó Hội Đồng Giám Mục Venezuela đã cảnh cáo toàn dân đừng đi vào con đường xã hội chủ nghĩa lỗi thời, đừng để cho hệ thống tư pháp nước này “áp đặt quyền hạn bất chính và sự trừng phạt đối với những người đối lập”. Bản tuyên bố cũng cảnh cáo quốc hội đang thông qua những luật lệ mà không lý gì đến các kết quả điều tra dư luận và xu hướng phát triển trên thế giới.
 
Đức Cha Jean-Marie Benoit Balla bị giết tại Cameroon
Đặng Tự Do
08:38 03/06/2017
Xác của một giám mục Cameroon đã được một ngư dân tìm thấy ba ngày sau khi có tin ngài bị mất tích.

Giáo phận Bafia tuyên bố Đức Cha Jean-Marie Benoit Balla bị mất tích vào sáng sớm ngày thứ Tư 31 tháng 5 sau khi người ta tìm thấy chiếc xe của ngài gần sông Sanaha. Một tờ giấy tìm thấy trong xe viết: “Đừng tìm kiếm tôi! Tôi đã nhảy xuống sông.”

Theo tờ La Croix chính quyền hiện đang điều tra xem những dòng chữ này có phải là của vị giám mục quá cố hay không.

Cameroon đã chứng kiến nhiều vụ giết các linh mục Công Giáo chưa được giải quyết trong những năm gần đây. Bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram là thủ phạm chính trong các vụ bắt cóc và thủ tiêu các linh mục và nữ tu tại quốc gia này.

Đức Tổng Giám Mục Jean Mbarga của tổng giáo phận Yaounde và chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Cameroon là Đức Tổng Giám Mục Samuel Kleda đã có mặt tại hiện trường khi người ta đưa xác ngài vào bờ. Cả hai vị đều không tin rằng Đức Cha Balla đã “tự tử”.

Đức Cha Jean-Marie Benoit Balla sinh ngày 5 tháng 5 năm 1959. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1987 và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục vào năm 2003. Ngài đã coi sóc giáo phận Bafia từ đó cho đến ngày 31 tháng 5 vừa qua.
 
Đức Thánh Cha cổ võ cử hành tháng đặc biệt về truyền giáo
LM Trần Đức Anh OP
10:11 03/06/2017
VATICAN. ĐTC kêu gọi toàn thể Giáo Hội chuẩn bị và cử hành tháng đặc biệt về truyền giáo sẽ tiến hành vào tháng 10 năm 2019.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 3-6-2017, dành cho 170 tham dự viên Đại hội của các Hội Giáo Hoàng truyền giáo kết thúc hôm qua sau 6 ngày tiến hành tại Roma. Phần lớn các vị tham dự là Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo ở các nước, trong số này có Cha Đa Minh Ngô Quang Tuyên từ Việt Nam.

ĐTC cho biết ngài quan tâm về các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, nhiều khi bị biến thành một tổ chức chỉ quyên góp và phân phối nhân danh ĐGH tài trợ kinh tế cho các Giáo Hội túng thiếu. Vì thế ngài khuyến khích các Hội này tìm những con đường mới và phương thế thích hợp hơn, có tính chất Giáo Hội hơn, để chu toàn công tác phục vụ sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.

ĐTC đặc biệt hài lòng và hoàn toàn hỗ trợ đề nghị của các Hội Giáo Hội truyền giáo dành tháng 10 năm 2019 làm tháng đặc biệt suy tư và đào sâu sứ mạng truyền giáo, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum illud của ĐGH Biển Đức 15. ĐTC nói: ”Trong văn kiện giáo huấn rất quan trọng này, ĐGH Biển Đức 15 nhắc nhớ rằng đời sống thánh thiện là điều rất cần thiết cho hiệu năng của việc tông đồ, và thế Người cổ võ một sự kết hiệp ngày càng mạnh mẽ hơn với Chúa Kitô, và dấn thân đầy xác tín và vui mừng vào sự hăng say loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, thi hành lòng thương xót với mọi người.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Tháng đặc biệt cầu nguyện và suy tư về truyền giáo như công tác rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại sẽ giúp canh tân đức tin Giáo Hội, để sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất luôn hiện diện và hoạt động nơi con tim của Giáo Hội”. (SD 3-6-2016)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Họp mặt giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Pháp
Nhóm Ephata tường trình
09:12 03/06/2017
Họp mặt giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Pháp

Orsay, 25-28/05/2017 Vào cuối tuần dịp lễ Thăng Thiên từ 25-28/05/2017, tại trung tâm Clarté Dieu thuộc dòng Phanxicô (thành phố Orsay, ngoại ô Paris), giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Pháp đã cùng nhau họp mặt lần thứ 13. Trong lần họp mặt này, có 110 bạn trẻ tham dự : 6 bạn đến từ Lyon, 5 bạn từ Saint-Étienne, 2 bạn từ Valence 1 bạn từ Aix en Provence, 1 bạn từ Strasbourg, 1 bạn từ Luân Đôn và số còn lại đến từ Ile de France (Paris). Trong dịp này, thật may mắn có đến 8 linh mục đồng hành và hướng dẫn các bạn.

Xem Hình

Đề tài của cuộc gặp gỡ lần này là : Tôi là ai ? Cha tuyên úy giới trẻ, Gioan Vũ Minh Sinh, mời cha Jacques de Longeaux, tiến sĩ thần học, cử nhân triết học, chủ tịch khoa thần học trường Bernadins, đến nói chuyện và chia sẻ đề tài : thần học thân xác.

Các bạn trẻ rất hưởng ứng cuộc hội thảo. Dựa theo Kinh Thánh và tín lý của Giáo Hội, cha De Longeaux đưa ra những nguyên tắc liên quan đến việc cần tôn trọng con người trọn vẹn. Trong những lần thảo luận nhóm, các bạn đã nêu ra các vấn đề thực tại : sống trước hôn nhân, đồng tính, đổi giới tính, bình đẳng nam nữ, phá thai... Cha De Longeaux rất ngạc nhiên về khả năng nhận thức và suy nghĩ của các bạn trẻ. Về phần mình, các bạn đã khám phá ra những giải đáp từ Giáo Hội, cho dù vẫn còn đó nhiều câu hỏi phức tạp chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Cuộc hội thảo mang lại nhiều kiến thức và gợi lên cho các bạn nhiều suy tư. Trong xã hội hôm nay, người trẻ thật khó sống đức tin, cảm thấy bị chơi vơi hụt hẫng vì trong thâm tâm muốn sống là một kitô hữu nhưng môi trường lại không hề giúp họ. Họ phải đương đầu với những cái nhìn phê phán về tôn giáo. Nhất là họ luôn cảm thấy không được hiểu, hay bị hiểu lầm vì họ cảm nhận như thể Giáo Hội Công Giáo là một tôn giáo xem thường thân xác, khắt khe và quá lý thuyết...

Sự thực không phải vậy. Kitô Giáo không hề xem nhẹ thân xác, mà là tôn giáo của thân xác. Trong niềm tin Kitô Giáo, Thiên Chúa đã tạo dựng thân xác và thần khí. Con người được kết hợp bởi thân xác và thần khí. Con người là một thân xác đầy thần khí, không thể tách rời. Trong chương trình cứu chuộc con người, Thiên Chúa cũng đã mang lấy thân phận con người. Vì vậy, con người được kêu gọi giữ gìn và quý trọng thân xác của mình. Về vấn đề đồng tính, Giáo Hội không công nhận vì nó không quy chiếu về sự kết hợp giữa nam và nữ mà Chúa đã thiết lập để bảo đảm hậu thế. Đối với hôn nhân, đạo Công Giáo luôn nhìn đến hạnh phúc lâu dài và sự bình đẳng giữa hai vợ chồng. Giáo Hội mời gọi hai người chú trọng đến tình yêu đích thực, chứ không phải chỉ có đam mê hay thỏa mãn nhất thời.

Ngoài những buổi thảo luận sôi nổi, các bạn cùng nhau ca ngợi Thiên Chúa qua những bài hát vui tươi, sống động và cùng nhau bên Chúa, bên nhau qua giờ chầu canh thức và thánh lễ.

Các trò chơi lớn nhỏ, văn nghệ, lửa trại, đố vui về Kinh Thánh, văn hóa... Những bữa ăn ban ngày và cả nướng thịt ban đêm đã gắn chặt tình thân huynh đệ. Nhất là chương trình họp mặt không bao giờ thiếu màn văn nghệ đặc sắc đầy hài hước vào đêm thứ Bảy.

Cuối buổi họp mặt, các bạn trẻ có vẻ mệt, nhưng là một cái mệt đầy hữu ích. Các bạn hài lòng đã chia sẻ những giây phút thân tình với nhau, những suy nghĩ về đề tài con người và đã có những kỷ niệm khó quên. Tình huynh đệ được nối kết. Mọi con tim đều mong đợi gặp lại nhau trong kì họp mặt giới trẻ tới.


Nhóm Ephata tường trình
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
DNA Hội Thánh Chúa Kitô
LM Đaminh Nguyễn Ngọc Long
16:34 03/06/2017
DNA Hội Thánh Chúa Kitô

DNA = deoxyribonucleic acid

Năm 1944 bác sĩ Oswald Avery, người Canada, đã nghiên cứu và đưa ra nhận định: DNA của sinh vật chứa đựng thông tin về di sản nguồn gốc và xác định sự thành hình phát triển của sự sống, nơi con người cùng sinh động vật.

Phương pháp nghiên cứu phân tích tìm hiểu DNA được áp dụng vào ngành y khoa để điều trị chữa bệnh, nhận diện xác định phân loại một người, một sinh động vật và cả trong những ngành khác nữa.

Như khi một Manager có suy nghĩ nói:“ Định hướng theo nhu cầu khách hàng thuộc về DNA của hãng thương mại chúng tôi!“. Qua đó vị Manager muốn nói: Ý thích của người tiêu thụ là mục tiêu trung tâm điểm của hãng chúng tôi. Vì thế chúng tôi luôn luôn cố gắng đi theo hướng đó, và đó chính là tương lai phát triển của hãng chúng tôi!.

Có thể nói được, DNA trở thành dấu hiệu của viên đá nền tảng căn bản cho một hệ thống, như một tổ chức mà không có viên đá nền tảng DNA là điều không thể tưởng tượng hình dung ra được.

Theo ý nghĩ đó người ta có thể nói đến DNA của Hội Thánh Công Giáo được không?

Thông tin về di sản nơi Cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi của các người theo Chúa Giêsu Kitô trong ngày lễ Ngũ Tuần, lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngày Hội Thánh Chúa được khai sinh, có phải là DNA Cộng đoàn Hội Thánh Chúa không?

1. Cộng đoàn với nhiều ngôn ngữ khác nhau

Theo Kinh Thánh thuật lại từ ngày con người mưu toan xây tháp Babel vươn tới tầng trời cao như muốn thách thức Thiên Chúa ( St 11,1-9), Thiên Chúa đã phá hủy ý định đó bằng cách làm cho con người không còn thông hiểu nhau nữa qua nhiều ngôn ngữ tiếng nói khác biệt nhau.

Trái lại ngày lễ Ngũ Tuần năm xưa khi Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống ở Giêrusalem, theo Kinh Thánh thuật lại (Cv 2,1-11) các Môn đệ Chúa Giêsu đứng ra trước dân chúng rao giảng. Nhưng ai nấy mọi người đều nghe hiểu được ngôn ngữ của vùng đất nước mình, họ nghĩ tưởng rằng các Tông đồ nói ngôn ngữ của triêng họ. Và không còn cảnh ngôn ngữ hỗn loạn không ai hiểu ai như khi xưa lúc xây tòa tháp Babel nữa.

Ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống năm xưa diễn xảy ra không phải mọi người chỉ nói một ngôn ngữ. Các ngôn ngữ khác nhau của mọi dân tộc khác nhau được duy trì vẫn còn đó, nhưng mọi người đều hiểu các môn đệ Chúa Giêsu nói.

Hội Thánh Chúa Giêsu từ ngày được khai sinh vào ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống không trên một ngôn ngữ tiếng nói, và trên một văn hóa cùng tầm nhìn nhất định.

Trung tâm của Hội Thánh là sứ điệp Chúa Giêsu mang xuống trần gian, và phải trải rộng cùng được diễn dịch sang nhiều ngôn ngữ, cùng nơi các nền văn hóa khác nhau của con người. Như người tín hữu Công Giáo bên Việt Nam có cung cách cùng tâm tình sống đức tin vào Chúa khác với người tín hữu Chúa Giêsu bên các nước ở Châu Phi, hay ở nước Phi luật Tân bên Châu Á, hay một xứ đạo nơi người Công Giáo là thiểu số như bên Nauy, Thụy Điển, Đanmạch …

Hội Thánh Công Giáo là một cộng đoàn bao gồm nhiều khác biệt. Đức tin vào Chúa cũng thể hiện dưới nhiều khác biệt về ngôn ngữ, về cách thức diễn tả theo văn hóa đa diện.

DNA của Hội Thánh không cản trở phân biệt ngôn ngữ, cung cách diễn tả đức tin vào Chúa.

2. Cộng đoàn đối thoại

Kinh Thánh nơi sách Tông đồ công vụ thuật lại, khi Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ, họ không còn sợ hãi nữa. Nhưng mạnh dạn ra trước công chúng nói rao giảng về Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại. Họ là nhân chứng cho Chúa Giêsu.

Các Tồng đồ từ lúc đó không còn lo sợ lẩn trốn trong nhà đóng cửa kín lại nữa. Nhưng các Ông tìm đến đến thoại với người Do Thái, với người Hy lạp, trả lời những vấn nạn họ nêu ra về Chúa Giêsu Kitô.

Khi Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, Hội Thánh Chúa không còn thu mình lại chống lại những tôn giáo khác, quay lưng lại với những nhãn quan khác về vũ trụ thế giới. Nhưng sẵn sàng nói chuyện trong tinh thần đối thoại về khoa học và về văn hóa, có khi cả về chính trị nữa, để loan truyền và thuyết phục nơi xã hội cho sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô.

Cởi mở sẵn sàng thuộc về DNA của Hội Thánh Chúa để nói lên ý kiến lập trường của mình và cùng tranh luận đối thoại.

3. Cộng đoàn gìn giữ không để rơi vào suy yếu cô đơn.

Đức Chúa Thánh Thần là di sản cao cả của Hội Thánh. Mỗi người tín hữu Chúa Giêsu Kitô từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức đều đã lãnh nhận ơn Đức Chúa Thánh Thần cho đời sống đức tin. Tiếng lương tâm là tiếng nói của Đức Chúa Thắnh Thần trong nội tâm nơi mỗi con người. Tiếng nói lương tâm chỉ dậy hướng dẫn thúc đẩy cho biết phân biệt phải trái đúng sai.

Trong cộng đoàn Hội Thánh mỗi người tín hữu là một thành viên của Hội Thánh, có cách sống, cách suy nghĩ cách thực hành đức tin khác nhau. Nhưng họ có thể trao đổi, học hỏi nơi nhau., không ai là hoàn toàn biết tất cả , vàkhông ai phải sống cô đơn riêng lẻ một mình. Không ai giữ đức tin một mình.

Sống đức tin chung hợp và cùng nâng đỡ nhau sống đức tin là thuộc về DNA của Hội Thánh Chúa.

4. Cộng đoàn liên kết giữa sống và chết

Trong Kinh Tin kính chúng ta đọc tuyên xưng: „ Tôi tin Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh cùng thông còn.“

Hội Thánh Chúa là một Cộng đoàn mà sự chết không phá huỷ tiêu tan được. Thuộc về Hội Thánh không chỉ người còn đang sống trên trần gian, nhưng cả những tín hữu Chúa đã qua đời. Hai thế giới người sống và người chết cùng liên lạc chung hợp với nhau qua cùng bằng lời cầu nguyện.

Hội Thánh Chúa tuyên tín rằng, như Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống laị, con người được Thiên Chúa tạo dựng cứu chuộc, sau khi quãng thời gian trên đường dương thế qua đi, cũng sẽ được Thiên Chúa cứu độ cho phục sinh sống lại trong nước Chúa. Đó là niềm hy vọng của con người.

DNA của Hội Thánh Chúa Kitô là niềm tin người sống và người đã qua đời vẫn liên kết thuộc về nhau trong Hội Thánh Chúa.

Đức tin vào Chúa, niềm hy vọng nơi Chúa và tình yêu Chúa cùng con người trong công trình tạo dựng thiên nhiên của Chúa là DNA của người tín hữu Chúa Kitô trong hội Thánh Chúa ở trần gian.

Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đồi Xuân Khoác Áo Hoa Vàng
Dominic Đức Nguyễn
09:59 03/06/2017
ĐỒI XUÂN KHOÁC ÁO HOA VÀNG

Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Đồi xuân khoác áo hoa vàng

Tạ ơn Thương đế thương ban loài người.

(bt)