Ngày 27-06-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Canh tân sư phạm giáo lý: Giáo lý gắn liền với lời Chúa (bài 3)
Gioan Lê Quang Vinh
06:09 27/06/2009
CANH TÂN SƯ PHẠM GIÁO LÝ (bài 3):

GIÁO LÝ CẦN GẮN LIỀN VỚI LỜI CHÚA

Hiến chế Mục Vụ Lời Thiên Chúa Verbum Deum dạy: “Việc dạy Giáo Lý, một hình thức của thừa tác vụ Lời Chúa, phải được nuôi dưỡng và thăng tiến trong sự thánh thiện nhờ Lời Chúa trong Thánh Kinh” (số 12). Dạy giáo lý chính là dạy Lời Chúa. Nhưng dường như lâu nay ở nhiều nơi, Thánh Kinh chỉ có một chỗ đứng trong giáo lý. Đó là việc đọc một đoạn Tin Mừng vào đầu giờ giáo lý, và lắm khi sau giờ giáo lý là các em quên mất. Điều quan trọng trong giáo lý là phải làm sao cho Lời Chúa thấm sâu vào cuộc đời các em và cuộc đời giáo lý viên, như hạt giống đi vào lòng đất và sinh sôi nẩy nở.

A. TẠI SAO CẦN ĐƯA THÁNH KINH VÀO LỚP GIÁO LÝ NHIỀU HƠN?

1. Lời Chúa nuôi dưỡng Đức Tin các em và giáo lý viên.

Lịch sử dân Thiên Chúa cho thấy cứ mỗi lần dân thánh bất trung, phản bội hay dao động trong lòng tin thì các ngôn sứ lại đứng lên nói cho dân Lời của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu cũng nhiều lần củng cố đức tin và đời sống luân lý của các Tông đồ và của dân chúng bằng Lời Người.

Như vậy Lời Chúa là lương thực và là thần dược cho đời sống đức tin và luân lý. Trong việc dạy giáo lý, giáo lý viên là người thừa hành của Chúa Giêsu và của Giáo Hội, giúp loan báo Lời Chúa đến với các em. Nhưng chắc chắn tự mình, giáo lý viên không đủ sức để củng cố đức tin cho các em và cho chính mình. Chỉ có Lời Chúa mới làm cho anh chị và các em vững tin và hăng say sống đức tin.

2. Giúp các em hiểu thêm về Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa. Do đó càng đọc và nói Lời Tin Mừng thì các em càng hiểu về Chúa Giêsu hơn. Trong Tin Mừng, các em gặp Chúa Giêsu hằng sống, nghe Lời Người rao giảng và cùng bước đi với Người trên mọi nẻo đường xứ Palestine.

Do đó, cần giúp các em tiếp xúc với Tin Mừng. Chỉ bằng cách này giáo lý viên mới làm cho các em hiểu và cảm về Đức Giêsu một cách đầy đủ trọn vẹn.

3. Làm cho lớp giáo lý sống động

Một trong những ưu tư của giáo lý viên là làm sao cho lớp giáo lý sống động để các em không thấy chán ngán giờ giáo lý. Những trò chơi, lời nói hài hước được sử dụng tối đa. Nhưng cần phải nhớ chính Chúa Giêsu mới là sự thu hút đầy sức mạnh bền bĩ.

Lời Chúa dạy có sức sống mãnh liệt, phù hợp với con người ở mọi thời đại và mọi hoàn cảnh khác nhau. Lối giảng dạy đầy hình tượng của Chúa Giêsu thật thi vị, dễ nhớ và rất ấn tượng. Do đó, khi nói như Chúa Giêsu nói, chắc chắn giáo lý viên sẽ đem đến cho lớp giáo lý bầu khí vui tươi và đầy hy vọng.

B. ĐEM THÁNH KINH VÀO GIÁO LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Có bốn điều các giáo lý viên nên thực hiện:

1. Đọc Thánh Kinh sốt sắng trong giờ học:

Điều này hầu như lớp giáo lý nào cũng đã từng áp dụng. Có khi giáo lý viên đọc Lời Chúa, có khi một em đọc. Nhưng vấn đề là tại sao các em không nhớ Lời Chúa nhiều? Phải chăng chúng ta chỉ đọc lướt, đọc sơ sài và không gửi hết tâm hồn vào Lời Chúa? Nhiều giáo lý viên có thói quen nói: “Mở sách Tân Ước trang 71” chẳng hạn, thay vì sách Tin Mừng nào, chương và câu thứ mấy. Cần giúp các em quen với việc mở sách Kinh Thánh đúng cách, nhanh chóng, dễ nhớ.

2. Kể chuyện Thánh Kinh, nhất là Tin Mừng:

Khi dạy giáo lý, rất cần giải thích, nhưng tối kỵ dài dòng, rườm rà. Cách dạy giáo lý hay nhất là kể chuyện Tin Mừng. Ví dụ khi dạy về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, nếu chúng ta cố gắng giải thích theo ý riêng thì chẳng đi đến đâu. Cách hay nhất là kể cho các em nghe câu chuyện thiên thần truyền tin cho Đức Maria, Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Jordan v.v… rồi có vài giải thích ngắn gọn để đi đến kết luận cho bài giảng. Như thế các em sẽ nhớ và sẽ sống gắn bó với Thiên Chúa Ba Ngôi.

3. Cho các em học thuộc lòng Lời Chúa:

Một giáo lý viên đã từng hỏi chúng tôi trong buổi hội thảo về sư phạm giáo lý: “Tông huấn Catechesi nhấn mạnh đến việc dạy Lời Chúa, nhưng cũng nhấn mạnh đến việc học thuộc lòng, vậy cần chú ý điều nào hơn?”. Chúng tôi thấy không có gì mâu thuẫn cả. Cần giúp các em thuộc lòng Lời Chúa trước tiên.

Con cái càng nhớ lời cha mẹ thì càng sống tốt, đó là điều hiển nhiên. Chúng tôi sẽ lại nói đến việc “học thuộc lòng trong giáo lý” trong một bài sau, nhưng chắc chắn Lời Chúa là điều mà các em phải nhớ nhất để làm hành trang cần thiết đi vào đời.

d. Thực hành cụ thể.

Tông huấn Catechesi Tradendae dạy: “Trong việc dạy Giáo Lý, điều quan trọng là dạy về những quyết tâm cá nhân trong lãnh vực luân lý để sống theo Tin Mừng”. Cần phải hướng dẫn các em có những quyết tâm thực hành mang tính cá nhân và cụ thể để các em ngày càng nên giống Chúa Giêsu.

Nên tránh những quyết tâm chung chung cho cả lớp, chẳng hạn tuần này em quyết tâm sẽ vâng lời mẹ em ba lần. Vâng lời trong việc gì, các em có thể nói cụ thể cho chính mình. Nói chung như vậy thì sẽ thế nào nếu các em đã vâng lời mẹ nhiều lần (chứ không chỉ ba lần), và đối với những em không sống với mẹ thì sao? Do đó hãy hướng dẫn rõ ràng để các em tự quyết tâm với Chúa.

Để kết luận, xin mời các bạn, đặc biệt các huynh trưởng và giáo lý viên, chúng ta hãy cùng đọc Tin Mừng Gio-an (2:1-5) và lắng nghe tiếng Chúa Giêsu nói với chúng ta: “1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su.2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: "Họ hết rượu rồi."4 Đức Giê-su đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến."5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo."

Gioan Lê Quang Vinh

samuelvpn@gmail.com
 
Sống Đức Tin
LmVũđình Tường
08:15 27/06/2009
Để sống đức tin cần có đức tin. Tuỳ theo mức độ tin, lòng tin mà người đó thể hiện đời sống đức tin. Đức tin mạnh, có chiều sâu, thực hành đạo mang lại Vinh Danh Chúa nhiều hơn. Đức tin mang lại sự sống trường sinh. Sự sống này được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa Hằng Sống.

Mức độ tin khác nhau.

Thời Đức Kitô kẻ nghe Ngài tin ở những mức độ khác nhau.

1. Nhóm thứ nhất tin theo Đức Kitô vì lời giảng dậy thì mới mẻ và Người dậy như một Đấng đầy quyền năng (Mt 7,28).

Họ tin theo vì:

a/ Giáo lí Ngài dậy mới mẻ và sâu sắc, gần gũi, thực tế với cuộc sống.

b/Lời giảng đầy quyền năng. Không phải là người xưa nói, hay nghe nói, nghe giải thích rằng. Ngài luôn nói Thầy bảo anh em.

c/ Nơi giảng tuỳ thuộc hoàn cảnh, không toà giảng, lễ đài, khi trên đất, trên thuyền, cạnh sườn đồi hay khu đất trống.

d/ Dụ ngôn Ngài dùng như cây nho và cành nho, bông hoa ngoài đồng, sợi tóc, đồng xu của bà goá, người tá điền, người cha nhân hậu- người con hoang đàng, mồ mả tô vôi. Tất cả các hình ảnh rất gần, thực tế, dễ hiểu và phổ thông trong đại chúng.

2. Nhóm người thứ hai tin theo Đức Kitô vì họ thích chạy theo phép lạ và mong ăn miễn phí. Sau dụ ngôn Chúa hoá bánh ra nhiều, dân chúng lũ lượt đi theo Ngài với mục đích được nuôi ăn. Chúa Kitô than phiền việc này khi Ngài nói:

‘Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Gn 6, 26.

Con người đi tìm của ăn nuôi thân. Chúa muốn hướng dẫn con người về của ăn nuôi linh hồn. Chúa nói bánh trường sinh là bánh không hề hư nát, bánh mang lại sự sống vĩnh cửu. Ngài nhấn mạnh đến hai điểm.

a/ Về phương diện đức tin, Đức Kitô chính là bánh trường sinh.

‘Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói. Ai đến với tôi, chẳng khát bao giờ’ 6,35. ‘Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời’ 6,51.

b/ Về phương diện Bí Tích, Đức Kitô chính là bánh trường sinh qua Bí Tích Thánh Thể làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn.

‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy’. ‘Anh em hãy uống chén này... máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội’ Mt 26, 27

3. Số khác tin Đức Kitô là Đấng mang lại sự sống trường sinh. Đại diện là trưởng hội đường Jairus và bà goá bệnh loạn huyết. Jairus quì trước mặt Đức Kitô nài van.

‘Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu thoát và được sống’. Mc 5,23

Trên đường đến nhà ông Jairus, một phụ nữ vô danh, mang chứng loạn huyết nhiều năm tự nghĩ, chỉ cần sờ vào áo Đức Kitô, bà sẽ được chữa lành. Đúng như lòng mong ước. Bà sờ áo Ngài. Đức Kitô hỏi các môn đệ. Ai đã sờ vào áo tôi?.

Đám đông chen lấn, biết ai sờ ai. Bị bại lộ bà quì tự thú. Chúa bảo.

‘Lòng tin của con đã cứu chữa con... về bình an và khỏi hẳn bệnh’.c 34

Cùng lúc đó người nhà ông Jairus báo

‘Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa.

Đức Kitô lên tiếng ‘Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi’ c. 36

Người ta bảo em đã chết. Chúa bảo không. Người ta nhạo cười Chúa. Ngài đến cầm tay em ra lệnh. Em chỗi dậy đi lại trước mặt họ.

Người ta kinh ngạc sững sờ c.42

Các Tông đồ tin Đức Kitô Đấng duy nhất ban sự sống trường sinh. Chúng ta nghe lời Phêrô tự thú.

‘Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa’ Gn 7,68-69

Đức Kitô ban sự sống và đức tin cho mọi người, không phân biệt giai cấp, mầu da. Bất cứ ai có lòng tin vào Ngài đều được đối xử như con cái trong đại gia đình Chúa.

Ngày nay.

Hãy tự xét mình tìm nguyên do biến ta thành môn đệ Đức Kitô? Tin vì phép lạ, lời giảng hay, muốn vào thiên đàng, sợ hoả ngục, sanh ra trong gia đình công giáo, có cảm nghiệm Chúa hiện diện trong đời.

Niềm tin ảnh hưởng đến việc sống đức tin, chứng nhân đức tin và sự sống trường sinh.

Jairus và người phụ nữ tin và được Chúa ban thêm đức tin cho. Chúng ta xin ơn khôn ngoan. Xin Chúa ban thêm đức tin. Xin biết luôn cậy trông, sống tinh thần phó thác vào Chúa nhất là khi cuộc đời gặp khốn khó, gian truân.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Thánh Phero và ơn kêu gọi tư tế
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:06 27/06/2009
Thánh Phero và ơn kêu gọi tư tế

Hằng năm Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Phero, vị Tông đồ và Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội Chúa Giêsu.

Đây là niềm vui mừng cùng cần thiết hữu ích cho đời sống đức tin.

Nhưng đâu là ý nghĩa ngày lễ mừng kính trong năm linh mục ? Hay đúng hơn, khi mừng lễ Thánh Phero có thể tìm học hỏi được gì về đời sống ơn kêu gọi linh mục ?

1. Được kêu gọi đào tạo

Trong lịch sử Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian, Thánh Phero là Tông đồ trưởng trong nhóm 12 học trò tiên khởi của Chúa Giêsu. Rồi Ông còn được Chúa Giêsu truyền chức Linh mục cùng bổ nhiệm là đức giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo ở trần gian.

Trong văn hóa nghệ thuật người ta vẽ chân dung Thánh Phero với ba đặc điểm: một tay cầm chiếc chìa khóa, một tay cầm cuốn sách Kinh Thánh và hình con gà đỗ xa xa ở đàng sau.

Trong dòng thời gian là Giáo hoàng của Giáo Hội Chúa Giêsu, Thánh Phero đã mở ra trường lớp đức tin, như ngày xưa Chúa Giêsu đã làm. Bản thân ông đã từng là học trò, là tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu. Giờ đây được Chúa trao nhiệm vụ đứng đầu Giáo Hội có nhiệm vụ gìn giữ cùng làm chứng rao truyền đức tin vào Chúa tiếp tục ở trần gian, Thánh nhân cũng tuyển chọn học trò, đào tạo chỉ dạy cho họ về nếp sống đàng tu đức cùng sai họ đi rao giảng Tin Mừng vào Chúa cho mọi người.

Theo sử sách còn để lại, người học trò đầu tiên trong trường học, hay có thể gọi là chủng viện của Thánh Phero, là Thánh Marco.

Thánh Marco, người viết sách Phúc âm Chúa Giêsu (năm 70) theo những gì Thánh Phero thuật lại về Chúa, và chính Phero đã viết giới thiệu Marco là người con của mình (1 Phero 5,13). Có tương truyền Thánh Phero đã truyền chức Giám Mục cho Marco, và sai đến Alexandria cai quản Giáo phận tại đó tới lúc chết tử vì đạo.

Cũng theo tương truyền Thánh Maternus là học trò của trường Thánh Phero ở Roma, và Ông là Giám Mục tiên khởi của Tổng Giáo Phận Colonia ( 313/314).

Thánh Phero đã nói gì về ơn kêu gọi Tư tế tông đồ cho Chúa Giêsu?

2. Viên gạch cát bụi đời sống

„Anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá.5 Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô.“( 1 Phero 2,4-5)

Người ta xưa nay vẫn dùng đá thiên nhiên lấy ở núi, hay gạch nung chín, xây tường vách nhà cửa chắn mưa gió, nóng lạnh. Xây căn nhà, dinh thự hay đền thờ mà dùng toàn đá thiên nhiên thì lấy đâu ra đá cho đủ cùng rất đắt tiền tốn công sức. Nên thay vào đó, đại đa số dùng gạch nung.

Viên gạch nào cũng được thành hình qua qúa trình nhào nặn bằng bùn đất với nước rồi nung đốt cho chín kỹ trong lò đốt nóng cả ngàn độ. Có thế viên gạch mới khô cứng rắn chắc chịu đựng được sức nặng xây đè xếp chồng lên nhau, cùng đứng thẳng vững vàng không thấm nước nghiêng đổ. Và viên gạch sau khi nung đốt ra khỏi lò có hình dáng mầu đỏ. Mà mầu đỏ là mầu diễn tả chỉ về tình yêu mến và về ánh lửa.

Như thế theo Thánh Phero, ơn kêu gọi của Chúa gieo truyền nơi những viên gạch con người sống động cũng được tạo thành từ bụi đất ( St 2,7).

Trên những viên gạch con người sống động với cơ quan thân xác sức khoẻ giới hạn, với khả năng tinh thần cùng trái tim tình cảm hạn chế thay đổi bất thường cùng khác nhau, Thiên Chúa xây ngôi nhà nước Chúa ở trần gian.

Những viên gạch sống động được tạo thành từ đất cát trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Và Ngài đã biến cải chúng thành dụng cụ mang lại lợi ích trong xây dựng Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Những viên gạch sống động đó được kêu gọi phải nối liền liên kết với viên gạch góc tường là Chúa Giêsu Kitô, xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng, ngôi nhà Giáo Hội, đầy nhiệt tâm nóng cháy cùng tình yêu mến.

Ơn kêu gọi vào làm tư tế trong Giáo Hội của Chúa không chỉ cất nhắc viên gạch con người lên làm linh mục trong khu vườn đức tin Gíao Hội, nhưng còn nhắc nhở đến thân phận căn tính đời sống của những viên gạch sống động đó: Từ bụi đất con đã được tạo thành. Và sau cùng con sẽ trở về với bụi đất. ( St 3,19).

3. Nếp sống của linh mục

Xưa nay có nhiều ý kiến phác họa ra cách thức như kim chỉ nam cho nếp sống của hàng linh mục trong Giáo Hội.

Có ý kiến nghĩ Linh mục là người làm dâu trăm họ, nên phải sống đối xử sao cho vừa lòng mọi người, và cũng khó làm vừa lòng được tất cả mọi lớp người!

Có ý kiến đưa ra muốn sao Linh mục có đời sống gần gũi với mọi người. Vì linh mục cũng là người từ lòng dân đi ra.

Có ý kiến đưa ra muốn linh mục cần có đời sống học vấn văn hóa sao cho tương xứng với xã hội ngày hôm nay. Vì nhiệm vụ của linh mục là người lãnh đạo hướng dẫn.

Có ý kiến đưa ra nhắm kêu gọi linh mục phải có đời sống thánh thiện. Vì linh mục có chức thánh, gìn giữ ban phát kho tàng ân thánh của Chúa là các Bí tích.

Có ý kiến khẳng định rằng linh mục không phải là một công chức, nhưng là người được Chúa chọn sai đi làm việc rao giảng làm chứng cho Chúa Giêsu trên cánh đồng đức tin.

Đức Giáo hoàng Benedicto thứ 16. hôm 24.06.2009 đã phác họa cung cách nếp sống rao giảng lời Chúa của Linh mục trong bối cảnh tu đức thần học:“ Các Linh mục cần phải nhiều hơn nữa trở về với Lời của Chúa Giêsu làm nền tảng cho rao giảng. Họ phải sẵn sàng sống tự nguyện cùng tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa Giêsu, như lễ hiến tế sống động làm đẹp lòng Thiên Chúa. (Rm 12,1)“.

Bên Âu châu càng ngày càng ít linh mục. Vì thế một linh mục chính xứ phải cùng với những anh em linh mục khác cai quản nhiều nhà thờ họ đạo. Đời sống của linh mục chính xứ trở nên bận rộn với việc mục vụ, với việc hội đoàn, kể cả việc hành chánh nhiều hơn. Có những linh mục chính xứ than rằng tôi được huấn luyện đào tạo làm việc mục vụ, nhưng bây giờ tôi phải làm việc của một „ manager - người quản trị“ các nhân viên làm việc trong các nhà thờ, hội đoàn, nhà cửa, tài sản trong cụm xứ đạo!

Một linh mục bên Việtnam nói thế này: ngoài việc mục vụ các Bí Tích trong xứ đạo, tôi còn phải lo đi kiếm tiền xây cất sửa sang nhà thờ, nhà xứ, xây nhà dạy giáo lý, chỉnh trang nghĩa địa đất thánh, và nuôi ăn chính mình, có khi phải lo giúp những người nghèo túng trong xứ đạo nữa!

Hai hình ảnh công việc mục vụ của hai mẫu linh mục ở hai xã hội đông tây vẽ lên cung cách sống làm việc khác biệt nhau!

Cho dù có khác biệt, nhưng cùng nói lên nếp sống hy sinh phục vụ của một người làm việc tông đồ cho Thiên Chúa, cùng cho con người.

Thánh Phero đã nói về nếp sống một linh mục trong tương quan hai chiều hướng thượng với Thiên Chúa và chiều ngang với con người trần thế:

„Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai.2 Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ.“ ( 1 Phero 5,1-2)

Thiết tưởng sâu xa chân tình cùng đạo đức hơn nữa, khó có thể diễn tả phác họa hơn được.

***************

Linh mục là những viên gạch sống động đượcThiên Chúa tuyển chọn dùng xây dựng ngôi đền thờ Giáo Hội ở trần gian.

Dẫu vậy, Linh mục trước sau vẫn còn là con người được tạo dựng từ bụi đất. Thế nên linh mục phải có nếp sống làm người với tâm hồn đạo đức cùng văn hóa: „Chính vì thế, anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết,6 có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức,7 có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái.“ ( 2 Phero 1,5-7).

Chúc mừng ngày kỷ niệm đệ nhất thập chu niên chức Giám Mục, 1999-29.06.-2009

Đức Giám mục Giuse Trần xuân Tiếu, Longxuyên
Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô quang Kiệt, Hànội
Năm Linh mục 2009-2010
 
Khẽ chạm vào Chúa Giêsu
Pm Cao Huy Hoàng
16:13 27/06/2009
KHẼ CHẠM VÀO CHÚA GIÊSU

Suy niệm CN 13 TN B. (Mc 5,25-34)

“Tôi mà sờ vào được áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa” (Mc 5,28)

Đó là xác tín của “người đàn bà bị băng huyết 12 năm khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc, đến tán gia bại sản”. Và bà đã thực hiện điều bà đã xác tín.

Cái khẽ chạm của người đàn bà bị băng huyết, chỉ nơi gấu áo choàng của Chúa Giêsu, cũng đủ làm cho Người phát hiện một năng lực đang tiêu hao, đang xuất phát. Vì cái khẽ chạm ấy bắt nguồn từ một ước muốn ngay lành và niềm tin mãnh liệt.

Ước muốn ngay lành

Ước muốn ngay lành là ước muốn được trở nên tinh tuyền, không còn ô uế, không còn phải xấu hổ vì sự ô uế của mình trước mặt thiên hạ. Thánh Marcô cho biết “bao năm chạy thầy chạy thuốc đến tán gia bại sản” đủ cho thấy ước muốn ấy, đã đến mức thành khẩn biết bao! Một ước muốn ngay lành. Một khao khát chính đáng. Ước muốn sống động của một con người khôn ngoan không chấp nhận đầu hàng trước số phận nghiệt ngã. Khao khát cháy bỏng nhưng tế nhị biết người biết ta trong quan hệ tương giao vừa đủ. Bởi bà biết mình là ai, bà biết mình cần gì. Bà cũng biết Đức Giêsu là ai, và bà biết tránh cho Đức Giêsu khỏi bị lây nhiễm cái ô uế oan nghiệt của cuộc đời. Bà biết nghĩ đến Chúa Giêsu, biết giữ gìn cho danh giá Con Thiên Chúa. Từ ước muốn ngay lành và khôn ngoan của bà, đã điều phối mọi cử chỉ, theo với niềm tin mãnh liệt.

Niềm tin mãnh liệt

Niềm tin mãnh liệt là một khẳng định “có một không hai”- không ai khác ngoài Chúa Giêsu mới có thể cứu chữa bà: “Tôi mà sờ vào được áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa”. Niềm tin ấy đơn sơ mộc mạc, không cầu kỳ, không vênh vang, nhưng âm thầm lặng lẽ. Niềm tin của người đau khổ. Niềm tin của người bé nhỏ, thấp kém. Niềm tin mãnh liệt nhưng thể hiện khiêm tốn: “bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người và sờ vào áo choàng của Người”. Giữa một đám đông chen lấn như thế, thì việc đụng chạm vào Chúa Giêsu là điều không tránh khỏi. Có biết bao nhiêu cái chạm vào Chúa Giêsu, nhưng chỉ có cái khẽ chạm phát xuất từ niềm tin và khao khát hoàn thiện của bà băng huyết ấy, mới có sức làm tiêu hao năng lực Chúa Giêsu mà thôi, mới có sức lôi kéo sự sống, sự toàn thiện của Chúa Giêsu về làm sự sống, sự toàn thiện cho mình.

Còn chúng ta?

Trong số những người chen lấn, đụng chạm vào Chúa Giêsu có cả tôi và bạn đấy chứ? Có cả chúng ta? Có cả những người đương thời, đương chung sống với chúng ta đấy chứ? Có cả những người mang danh là tín hữu, có cả những người vô thần… Nhưng có năng lực nào đã xuất phát từ Đức Giêsu về phía chúng ta không? Sự sống và sự toàn thiện của Ngài sao không xuất phát ra để chúng ta khỏi trầm mình trong bóng tối sự chết, trong cõi mê lầm, lung lạc?

Hẳn là vì chúng ta đang chen lấn, đụng chạm vào Chúa Giêsu để ghi tên vào danh sách những người đi theo Chúa Giêsu mà không hề có một ước muốn hoàn thiện, một đức tin được chữa lành. Hoặc có người đang đụng chạm vào Chúa Giêsu như một xúc phạm để làm cho danh giá của Ngài bị vùi dập trước mặt người đời.

Nếu chúng ta không thực sự khẽ chạm vào Chúa Giêsu với niềm tin mãnh liệt để chính mình được nên toàn thiện với Ngài, thì việc rao giảng về Chúa Giêsu Kitô, việc dạy giáo lý về Chúa Giêsu Kitô, cũng không khác gì việc truyền bá một mớ vốn liếng kiến thức của các kinh sư ngày ấy. Càng không thể lay chuyển hay mời gọi ai đến chạm vào Chúa Giêsu khi căn bệnh trầm kha trong đời mình chưa chữa khỏi: căn bệnh “không ước muốn hoàn thiện”.

Sự cần thiết của ước muốn hoàn thiện…

Ôi sự cần thiết của ước muốn hoàn thiện đang trở nên cấp bách dường nào trong tình thế, trong môi trường truyền giáo của chúng ta hôm nay.

Chúng ta đang sống trong một đất nước xã hội chủ nghĩa với những người cộng sản vô thần. Họ đang mang căn bệnh trầm kha “không ước muốn hoàn thiện” theo ý của Thiên Chúa. Và tư tưởng ấy, căn bệnh ấy, đang là một chủ trương cuốn hút nhiều người sa đà theo cách sống hoàn thiện vật chất “ăn ngon, mặc đẹp” là đủ ý nghĩa cuộc đời!

Thách thức mới trong thời đại chúng ta là chúng ta phải thực sự trở nên toàn thiện nhờ múc lấy năng lực của Chúa Giêsu mới có thể thực hiện ước mơ biến đổi não trạng của những người vô thần. Họ là bà con, là anh em, là đồng bào của chúng ta. Họ cũng được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam thân yêu thắm đẫm máu các thánh Tử Vì Đạo. Họ cũng là những công trình thượng đẳng của Thiên Chúa. Tiếc là, họ không tin nhận Thiên Chúa. Và vì không có «đấng trên đầu trên cổ » nên họ đã sa vào bao lầm lạc. Người công giáo Việt Nam, không xem họ là kẻ thù. Kẻ thù chính yếu là những lầm lạc của satan trong lòng họ. « Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai. Kẻ thù ta tên nó là gian ác… » (Phạm Duy).

Trong những ngày nầy, có thể đang có những giằng xé tận thâm tâm của những người cộng sản nắm giữ vận mạng đất nước, về sự tồn vong của tổ quốc của dân tộc Việt nam ! Người công giáo Việt Nam khắp nơi đang thắp nến cầu nguyện công khai, đang âm thầm cầu nguyện nơi các nhà thờ, các gia đình, cầu cho giới lãnh đạo khôn ngoan nhận ra con đường phải đi, việc phải làm vì lợi ích chung cho dân tộc; cầu cho họ « có ước muốn hoàn thiện » để sửa chữa khẩn cấp những chủ trương có thể nguy hại cho vận mệnh đất nước. Việc đạo đức ấy, chính là việc làm phát xuất từ Ước Muốn Hoàn Thiện và Đức Tin Mãnh Liệt của « bà băng huyết 12 năm khổ sở chạy thầy chạy thuốc đến tán gia bại sản ». Việc đạo đức ấy chính là việc khẽ chạm vào gấu áo Chúa Giêsu, với lòng tin Ngài sẽ tuôn sức sống nơi Ngài xuống cho mình và cho cả cộng đồng dân tộc. Việc đạo đức ấy cũng có thể nói là phù hợp với đường hướng của những chủ chăn Việt Nam như lời Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc trong bài giảng tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ngày 23-6-2009 nhân chuyến Ad limina của HĐGM Việt Nam:

« Nếu có ai không thích cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ. Chúa chỉ đòi hỏi chúng tôi “can đảm nói sự thật khi cần”, dù phải trả giá bằng mạng sống. Chúng tôi không thể vừa căm ghét người khác, vừa rao giảng tin mừng Tình Yêu cho họ, vì như thế là tự mâu thuẫn. Những người “ngoại giáo mới” thuộc thời đại chúng ta, trong đó có người cộng sản, cũng là một trong những đối tượng mà Thiên Chúa muốn chinh phục bằng tình yêu.

Có người sẽ nói rằng, đó là ảo tưởng, là điều không thể được, giống như việc bà Elisabeth, vợ của thầy tư tế Zacaria sẽ sinh con trai, tuy tuổi đã già! Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể được. Sứ thần của Chúa đã nói với Zacaria: “Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỉ hoan ngày con trẻ chào đời!”

Ứơc gì niềm tin của quí Đức Cha Việt Nam: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể được”, cũng là niềm tin của mọi thành phần dân Chúa.

Và việc cần làm ngay là mỗi người phải nhận ra mình đang lâm trọng bệnh, cần có ước muốn hoàn thiện nhờ lòng tin mãnh liệt vào Chúa Giêsu, Đấng duy nhất có thể, không chỉ cứu chữa mà còn tuôn tràn sức sống, sự toàn thiện của Ngài để chúng ta có sức chu toàn ơn gọi yêu thương và giới thiệu Chúa cho mọi người.

Một cái khẽ chạm vào chân lý, sẽ ngộ ra ngay mình lầm lạc bấy nay…

Lạy Chúa Giêsu, không cần phải báo cáo, Chúa cũng đang biết có bao nhiêu người Việt Nam đang thành tâm khẽ chạm vào gấu áo Ngài… Xin tuôn tràn sức sống của Chúa cho chúng con. A men.
 
Đức tin đem chúng ta đến gần Chúa
Lm. Jude Siciliano, OP
22:07 27/06/2009
ĐỨC TIN ĐEM CHÚNG TA ĐẾN GẦN CHÚA

Anh chị em thân mến,

Bài đọc 2 hôm nay không tiếp tục trích tuần tự theo thư thánh Phaolô đọc trong Chúa Nhật tuần trước. Mà nhảy qua cách bài tuần trước 3 chương. Để anh chị em dễ hiểu, tôi sẽ sử dụng vài từ cũ trong bài đọc tuần trước để diễn giảng bài hôm nay.

Thánh Phaolô khen giáo hữu thành Cô-rin-tô, vì, tuy họ vừa đủ sống, nhưng họ cũng rộng rãi giúp đỡ những Kitô hữu thiếu thốn. Thánh Phaolô không phải là người dùng lời ngoại giao để lạc quyên, trái lại, ông khen đức tin của họ. Giáo hữu thành Cô-rin-tô được nhiều ơn qua đức tin của họ. Ai cũng biết được những ơn như: tài ăn nói, chữa lành bệnh tật, khôn ngoan và hiểu biết v.v...

Và bây giờ, Phaolô muốn họ dùng những ân sủng đang có để giúp các anh em giáo hữu khác. Phaolô dựa vào sự tự hiến của Chúa Giêsu để khuyến khích họ: “anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr,9). Chúng ta đã trở nên giàu có với những ân thánh sủng. Vì thế, Thánh Phaolô khuyến khích giáo hữu thành Cô-rin-tô nên theo gương Chúa Giêsu để chia sẻ những gì họ có nhiều hơn cho kẻ túng thiếu.

Giáo Hội không gồm những cộng đoàn độc lập, giữ đức tin riêng biệt cho cộng đoàn mình. Trái lại, máu thánh Chúa Giêsu hòa hợp chúng ta lại với nhau, vì vậy, chúng ta không thể quên sự thiếu thốn của anh em trong các cộng đoàn khác. Bởi thế, bên nước El Salvador, các cộng đoàn ở thành phố nhận giúp đỡ các cộng đoàn ở vùng quê. Họ không những gom tiền cho cộng đoàn họ giúp đỡ, mà còn kêu gọi người tình nguyện đến giúp đỡ trực tiếp vào mỗi mùa xuân như đến để sửa sang nhà thờ, sửa sang các nhà bị ngập lụt, và đào giếng cho dân chúng cả vùng.

Phaolô nói, giúp đỡ người nghèo không chỉ có một chiều, chính người nghèo cũng giúp đỡ lại chúng ta. Một nhóm sinh viên đến nước Honduras ở Trung Mỹ đã nhận thấy như vậy khi họ giúp đỡ một làng ở Honduras trong mười ngày vào dịp lễ Phục Sinh. Họ đã xác nhận điều đó với cộng đoàn Giáo Hội trong đại học hôm Chúa Nhật sau khi họ ở Honduras về. Họ đã học hỏi được nhiều điều trong lúc giúp đỡ: Học cách đón tiếp của người trong làng, về giá trị của gia đình, về sự làm ăn cần mẫn, về lòng hy sinh và về đức tin của dân làng.

Hôm nay có thể là Chúa Nhật mà ban tổ chức công tác xã hội trong cộng đoàn Giáo Hội chúng ta có thể làm bảng tổng kết về những việc đã làm, như hô hào các sinh viên, học sinh giúp xây nhà ở; chương trình phát của ăn cho người thiếu thốn v.v… “Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự quân bình.” (2Cr 8,14)

Trong Phúc Âm hôm nay, người phụ nữ bị bệnh băng huyết lâu năm không còn hy vọng gì nữa. Thánh Mác-cô đã cho biết, bà ta đã bị bệnh từ 12 năm rồi “…chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản,…” Bệnh đã làm cho bà trở nên người không sạch, và bị loại ra khỏi cộng đoàn. Bà ta đau đớn về thể xác, và khó nghèo do bị khánh kiệt, lại còn bị loại ra khỏi cộng đoàn tôn giáo nữa. Và hơn thế nữa là nếu bà sờ vào ai thì người đó cũng trở nên không sạch sẽ, vậy nếu bà sờ và Chúa Giêsu, bà sẽ làm cho Ngài không sạch sẽ. Như thế cả hai người sẽ cùng bị cộng đoàn, tôn giáo và xã hội ruồng bỏ.

Câu chuyện người phụ nữ này rất nổi bật trong Phúc âm thánh Mác-cô. Thường một phép lạ xảy ra nhấn mạnh vào Chúa Giêsu. Nhưng phép lạ này nhấn mạnh đến người phụ nữ “Có một bà kia…” Rồi Thánh Mác-cô kể chi tiết bệnh tình của người phụ nữ ấy. Trong Phúc âm, có chuyện một người phụ nữ khác, người gốc Phê-ni-xi (Mc7:24-30) có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám. Thánh Mác-cô tả danh tính hai người phụ nữa ấy và câu chuyện của họ liên quan đến Chúa Giêsu. Cả hai đều rất cần sự giúp đỡ. Trong câu chuyện người phụ nữ hôm nay, bà ta “nói hết sự thật với Chúa Giêsu”.

Trong Kinh Thánh, chỉ toàn chuyện của nam giới. Mỗi khi người phụ nữ lập gia đình, thì người đó rời gia đình họ, gia nhập vào gia đình nhà chồng và sống dưới quyền nhà chồng. Người đàn ông có toàn quyền trong gia đình, trên vợ và con cái. Nhưng cũng có nhiều câu chuyện nhắc đến phụ nữđó là những người phụ nữ theo Chúa Giêsu, và trong các cộng đoàn giáo hữu đầu tiên cũng có nhiều phụ nữ giúp đỡ. Như trong thơ Phaolô gởi giáo hữu thành Roma, có chị Pơ-rít-ca (Rm 16:3), chị Phê-bê nữ trợ tá Hội Thánh Ken-khơ-rê(Rm 16:1) và Maria (Rm 16:6)

Người phụ nữ trong Phúc Âm hôm nay đã trở nên gương mẫu cho các phụ nữ trong các cộng đoàn giáo hữu đầu tiên. Bà ta bước ra khỏi sự áp chế của xã hội thời bấy giờ. Bà đã tự động chen qua đám đông quần chúng để đến sờ vào áo Chúa Giêsu. Bà ta ở trong tình huống ngặt nghèo chỉ hy vọng duy nhất vào sự giúp đỡ của Chúa Giêsu. Bà ta không những vượt qua sự ngăn cản của xã hội mà cả sự ngăn cản của tôn giáo nữa. Bà tin Chúa Giêsu sẽ giúp cho bà, mặc dù những người khác không suy nghĩ như vậy.

Người phụ nữ ấy không những là gương mẫu cho các phụ nữ khác đang bị ràng buộc bởi giai cấp xã hội, bởi giới doanh nhân, mà còn là gương mẫu cho các phụ nữ đã bị tôn giáo khai trừ, hay coi thường những tài năng của họ. Nhưng họ vẫn dấn thân trong cộng đoàn để lãnh nhận những phần việc phục vụ gia đình và cộng đoàn, dạy dỗ con trẻ, làm việc trong cộng đoàn, giúp những gia đình thiếu thốn, đọc sách và kiệu Mình Thánh Chúa, cố vấn những người khác v.v…

Sau khi người phụ nữ trong Phúc Âm được chữa lành, Chúa Giêsu gọi bà ta là ‘con’. “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con…” Bà được trở lại với cộng đoàn con cái Chúa, không còn bị xã hội và tôn giáo ruồng bỏ nữa. “Lòng tin của con đã cứu chữa con” nghĩa là gì? Bà đã bị ruồng bỏ, nhưng bây giờ Chúa Giêsu thấy bà cần được giúp đỡ nên đã chữa lành cho bà. Lời của Giêsu dẫn đưa người ngoại vào cộng đoàn và được Chúa chữa lành. Điều gì đưa chúng ta đến Thánh lễ ngày hôm nay? Có phải chúng ta đến đây để sờ vào Chúa Giêsu và để được Chúa sờ vào chúng ta chăng? Nếu quả thật như vậy, thì đời sống chúng ta sẽ được thay đổi như thế nào? Sự liên kết trong cộng đoàn chúng ta có khắng khít hơn không? Và chúng ta có mời gọi nhau cùng đến để sờ và được sờ về thể xác và về tâm hồn không?

Câu chuyện người Gia-ia có con gái gần chết, bị gián đoạn vì câu chuyện người phụ nữ bị bệnh băng huyết. Thật ra, hai câu chuyện đều nói về hai người phụ nữ cần được giúp đỡ. Con của ông Gia-ia chỉ có 12 tuổi, nhưng đó là tuổi có thể được lập gia đình. Vừa đến tuổi trưởng thành, lập gia đình, thì sự chết của cô ta làm cho cha mẹ muốn chết theo.

Khi Chúa Giêsu vào phòng người con gái đã chết, thì đó là lúc Chúa Giêsu bước qua bên kia bờ, không phải là bước lên thuyền để qua bờ bên kia, nhưng là Chúa Giêsu bước qua bên phía người bị loại bỏ, không sạch nữa. Lòng thương yêu của Chúa Giêsu làm cho Ngài bước qua sự cấm đoán của xã hội và tôn giáo để giúp những trường hợp cần đến Ngài. Khi Chúa đã truyền người con gái đứng dậy, Ngài bảo phải cho cô đồ ăn. Cô gái đó và cả gia đình đều được chữa lành. Chúa Giêsu đã thắng sự chết, và cộng đoàn đã được bình ổn. Đó là việc xảy ra mỗi khi chúng ta đến dự Tiệc Thánh nhờ đó chúng ta được lành lại, vì Chúa Giêsu đã đưa tay kéo chúng ta đứng dậy và Ngài nói “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi”. (Mc 5,41).

Lm. Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sự gần gũi ngày càng gia tăng của Nhật Bản và Tòa Thánh
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
09:20 27/06/2009
Phỏng vấn Đại Sứ Kagefumi Ueno

ROME (Zenit.org ).- Toà Thánh và Nhật Bản đã thiết lập bang giao trong năm 1942. Sau đó lối 67 năm qua mà không có quan chức cao cấp Vatican thăm viếng chính thức quốc gia Á châu này. Nhưng tháng 3 Tổng Giám Mục Dominique Mamberti đã thay đổi điều này. Và đại sứ Nhật Bản bên cạnh toà thánh khẳng định cuộc thăm viếng của ngài đã rút ngắn “cảm giác xa cách” giữa hai quốc gia.

ZENIT đã nói chuyện với Kagefumi Ueno về cuộc viếng thăm của Tổng Giám Mục Mamberti, Bộ Trưởng Ngoại Giao Vatican, và về một biến cố lớn khác đối với Giáo Hội tại Nhật Bản: việc phong chân phước cho 188 vị tử đạo tháng 11 vừa qua.

ZENIT: Chúng tôi đã cử hành việc phong chân phươc cho 188 vị tử đạo Nhạt Bản tại Nagasaki tháng 11 vừa qua. Điều đó có xem ra là một nghi lễ kỳ dị đối với văn hoá Nhật Bản không?

Ueno: Tôi đã đích thân chứng kiến tại Ngagasaki: nghi lễ phong chân phước 188 vị tử đạo Nhật Bản bị xử tử đã 4 thế kỷ, xảy ra rất long trọng và cách cung kính, [và nghi lễ] được đa số người Công Giáo Nhật Bản đánh giá thành công.

Ngoài ra, trong thuật ngữ đáp lại của xã hội Nhật Bản nói chung, tôi có ấn tượng là nhìn chung các tin tức và những tường thuật cuộc phong chân phước được tiếp nhận nồng hậu và an bình. Nói rõ hơn, tôi muốn chỉ rõ bốn hiện tượng tích cực sau đây đáng ghi nhớ:

Thứ nhất, những nhóm tôn giáo địa phương lớn như những nhóm Phật tử và Shinto, là những nhóm làm thành tuyệt đại đa số trong xã hội Nhật Bản, đã gởỉ đại diện tới nghi lễ tỏ lòng kính trọng, cũng như những người Kitô hữu không-Công Giáo đã làm, như các giáo hội Tin lành và Episcopal. Nói rõ hơn, tất cả các nhóm tôn giáo lớn của Nhật Bản đã tỏ tình liên đới với Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản.

Hai là, việc phong chân phước năm qua mang tính công khai cả thể nhờ những phương tiện quốc gia và địa phương—báo chí và Truyền Hình. Nhờ vậy, trong mọi góc xứ sở, những công dân Nhật Bản có ý thức về những sự cố lịch sủ, và dĩ nhiên cũng tốt như tại Nagasaki, nơi có 15% người Công Giáo Nhật Bản.

Trên chóp đỉnh điều này, tại 11 tỉnh mà các vị tử đạo bị xử tử, báo chí địa phương đăng những tường thuật đặc biệt về những truyện của các vị tử đạo, do đó làm cho dân chúng lưu ý tới lịch sử địa phương đã 4 thế kỷ qua.

Như là một hậu quả của điều nói trên, nhiều người Nhật Bản có cơ hội xem xét ý nghĩa của lòng sùng đạo và nhân phẩm, cũng như ý nghĩa của sự hiến mình cho kẻ khác, qua suy tư về thảm cảnh của bốn thế kỷ qua.

Bốn là, không nên bỏ qua sự kiện là nhiều người Công Giáo tơi Nagasaki từ một số nước làng giềng châu Á. Tôi bị ấn tượng, cách riêng, do những nhận xét sau đây của một người tham gia từ Ấn Độ:

“Nghi lễ chứng tỏ cách hùng hồn rằng Giáo Hội [Công Giáo] không thuộc hẳn về châu Âu, nhưng về thế giới. Cách thức những vị tử đạo Nhật Bản gắn bó với đức tin của họ cho chúng ta sức mạnh, sự khích lệ và niềm hy vọng.”

ZENIT: Đại sứ nghĩ sao về cuộc hợp thượng đỉnh G-8 sẽ sớm được tổ chức tại Italy về nạn nghèo và sự thay đổi khí hậu?

Ueno: Tại cuộc hợp thượng đỉnh G-8 trong tháng Bảy, hai vấn đề sẽ xuất hiện là quan trọng đặc biệt, mà Nhật Bản và các nước 8-G khác sẽ tập trung về cách đặc biệt. Một sẽ là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Châu Phi. Vấn đề kia là sẽ là sự thay đổi khí hậu. Tôi tóm tắt đề cập tới những cố gắng hiện giờ được Nhật Bản dồn hết sức trong phương diện này:

Thứ nhất, vì những nước châu Phi đang kinh nghiệm những ảnh hưởng nghiêm trọng và tiêu cực như một hậu quả sự suy thoái đột ngột trong nền kinh tế thế giới, phải nhấn mạnh rằng Nhật Bản chia sẻ với Toà Thánh quan niệm rằng những nước nghèo nhất tại châu Phi sẽ không bao giờ là nạn nhân cuộc khủng hoảng hiện nay, cuộc khủng hoảng mà họ không gánh trách nhiệm.

Hai là, trong bối cảnh này, Nhật Bản đã đăng cai tổ chức Hội Nghi Quốc Tế Tokyo lần thứ bốn về sự Phát triển châu Phi (TICAD IV) năm ngoái và đã công bố nhiều sáng kiến khác nhau, gòm có việc nhân đôi sự trợ giúp phát triển chính thức của Nhật Bản cho châu Phi trong năm 2012 và cung cấp sự nâng đở nhân đôi cuộc đầu tư riêng cho châu Phi. Nhật bản sẽ trung thành làm trọn những cam kết này.

Ba là, Nhật Bản đã đồng đăng cai tổ chức cuộc hợp đầu tiên của một bộ máy tiếp theo TICAD tại Botswana trong tháng March, ở đó chúng tôi đã bàn cãi ảnh hưởng nạn khủng hoảng kinh tế tại châu Phi và làm sao chúng tôi có thể chiến thắng nó. Về sau tại thượng đỉnh các nước G-20 ở London trong tháng April, Nhật Bản đã làm hết sức mình hầu giới thiệu những quan tâm châu Phi được diễn tả tại Botswana.

ZENIT: Và sự thay đổi khí hậu cũng là một quan tâm

Ueno: Ngăm ngoái, với tư cách chủ tich thượng đỉnh G-8, Nhật Bản đã chứng tỏ quyền lãnh dạo của mình bằng cách hình thành một sự đồng thuận giảm thiểu sự phát khi nhà kính toàn cầu ít nhất vào giữa năm 2050.

Năm nay là năm mà chúng tôi những nước G-8 quyết định những hành động cụ thể. Công đồng quốc tế sẽ chia sẻ sự hiểu biết rằng vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết trừ phi tất cả các nước chia sẽ công bằng gánh nặng trong việc giữ những trách nhiệm tương ứng của mình.

ZENIT: Sau gần 70 năm, một quan chức Vatican đã thăm viếng Nhật Bản

Ueno: Giữa tháng 3-- từ ngày 15 tới ngày 20 -- Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Bộ trưởng Ngoại Giao Vatican, đã thực hiện một cuộc thăm viếng 6 ngày tới Nhật Bản với tư cách người khách chính thức của Bộ Ngại Giáo Nhật Bản. Tôi đã tham gia hầu hết toàn diện chương trình chính thức tai Nhật Bản. À này, tổng giám mục là nhà ngoại giao cao cấp nhất Vatican thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đó trong lịch sử 67 năm của những tương quan song phương được thiết lập trong năm 1942.

Trước hết, [cho tôi] tóm tắt về cuộc hợp bộ trưởng ngoại giao đã xảy ra ngày 17/3 tại Tokyo giữa Tổng Giám Mục Mamberti và Bộ trưởng Ngoại giao Hirofumi Nakasone, là điểm nỗi bật nhất trong cuộc lưu trú của tổng giám mục tại Nhật Bản. Trong cuộc đối thoại 150 phút, hai vị bộ trưởng đã bàn bạt một chuỗi rộng các vấn đề, xếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng của nó trên những nước nghèo, đặc biệt những nước tại châu Phi, cho tới những tình huống vùng như Bắc Triều Tiên, Trung Hoa và Trung Đông, chó tới những tương quan song phương.

Về Bắc triều Tiên, đáp lại những quan tâm do Nakasone tỏ bày về sự có thể phóng tên lửa đạn đạo cùng với những vấn đề con tin, Tổng Giám Mục Mamberti đáp lại rằng ngài thông cảm với Nhật bản về những vấn đề này, bằng cách đánh giá những cố gắng của các nước liên quan đến việc mang lại sự an bình cho vùng, và bày tỏ sự ươc muốn các con tin được cho về tại một cơ hội sớm nhất. Tôi thấy chính sách đối thoại song phương là phong phú, xúc tích và sâu sắc, nghĩa là một sự thành công.

Hai là, chuyến thăm viếng Nagasaki hai ngày của Tổng Giám Mục Mamberti là một thành công khác trong vụ này, thứ nhất, lúc kỷ niệm trái bom nguyên tử, ngài đã gởi những sứ điệp thiện cảm và hoà bình tới các công dân của vùng, và, hai là, với những sứ điệp từ Đức Giáo Hoàng, ngài đã gây ấn tượng và thúc đẩy nhiều người Công Giáo địa phương đón tiếp ngài. cách nồng hậu

Khi hợp mặt với thổng đốc quận Nagasaki và thị trưởng thánh phố Nagasaki, kẻ đã qui chiếu về ý muốn của họ là những nhà thờ lịch sử ở đó phải được UNESCO công nhận như những Di Sản Thế Giới, tổng giám mục đáp lại bằng cách bày tỏ sự đồng thuận của ngài với sở thích của họ. Sau khi ngài tiếp tục tới Tokyo, ngài đã có một cuộc hợp chân tình với các đại diện Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản.

Ba là, Tổng Giám Mục Mamberti có những lúc được dẫn vào nền văn hóa Nhật Bản và lòng đạo tại nhà trà Urasenke Tea Chapter cũng như tại Đền Meiji tại Shintoism. Tại đền này, Sư Trưởng Ngài Đáng Kính Nakajima tiếp rước ngài cách thân tình, trình bày về những cuộc đối thoại vị này đã thực thi với các linh mục Công Giáo trong những thập niên qua.

Nói chung, tôi càng chắc hơn là chuyến thăm viếng thành công của Tổng Giám Mục Mamberti tại Nhật Bản giúp làm ngắn bớt một cảm giác xa cách tồn tại giữa hai nườc.
 
Đức Giáo Hoàng ghi nhận mục tiêu của Ngài cho năm Linh Mục
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
09:24 27/06/2009
Đức Thánh Cha suy tư về những ưu tiên cho thừa tác vụ

VATICAN (Zenit,org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói một linh mục là một người nô lệ của Chúa Giêsu, chính Người đã trở thành một người nô lệ khi Người mặc lấy bản tính nhân loại.

Hôm Thứ Tư 24/6 trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, Đức Giáo Hoàng suy tư về vai trò của linh mục và về ơn gọi của linh mục phải đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Ngài dành suy niệm của ngài cho Năm Linh Mục, mà ngài đã khai mạc hôm thứ Sáu vừa qua.

Đức Thánh Cha đã ghi chú làm sao Thánh Gioan Vianney, quan thầy các linh mục và gương mẫu cho năm thánh này, được đồng hoá với thừa tác vụ linh mục của ngài,

Ngài tiếp tục quan sát thừa tác vụ này, quan sát những yếu tố thỉnh thoảng đối nghịch của sự hy sinh và sự rao giảng.

Không có sự đối nghịch giữa sự đề cao tính ưu việt của Thánh Thể và sư hy sinh, và tính ưu việt của việc rao giảng lời, Đức Thánh Cha giải thích. Cả hai yếu tố liên kết trong con người Chúa Kitô, và sẽ cũng tốt trong linh mục.

“Chúa Giêsu nói về sự rao giảng Nước Thiên Chúa như là mục tiêu thật cho sự Người đến trong thế gian, và sự rao giảng của Người không hẳn lả một ‘ bài diễn thuyết.’ Sự rao giảng bao hàm, đồng thời, những hành động của Người: Những dấu và những phép lạ của Người chỉ rõ rằng Vương Quốc hiện diện bây giờ trong thế gian, vương quốc cuối cùng đồng nhất với chính Người. Theo nghĩa này, người ta phải nhớ rằng cả trong ý niệm này về tính ‘ưu việt’ của sự rao giảng, lời và dấu không phân biệt”.

Linh mục không rao giảng những lời, nhưng “Lời,” ngài nói tiếp, “và sự rao giảng trùng với chính con nguời Chúa Kitô, về bản thể mở ra cho sự tương quan với Chúa Cha và vâng phục ý muốn của Người. Do đó, việc phục vụ đích thực cho Lời đòi hỏi từ linh mục phải ra sức từ bỏ chính mình, cho tới khi có khả năng nói với Tông Đồ, ‘không phải tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi.’”

Như Gioan Tẩy Giả, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định, linh mục được kêu làm tôi tớ của Lời, “tiếng nói “ của Người.

Như vậy bây giờ, làm ‘tiếng nói’ của Lời không phải tạo thành cho linh mục một yếu tố thực dụng mà thôi,’ ngài nói tiếp. “Ngược lại, điều ấy tiền giả định một sự mất mạng lớn lao trong Chúa Kitô, bằng cách tham gia trong mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Người với tất cả những gì thuộc về minh: trí khôn, tự do, ý muốn, và sự hiến dâng thân xác mình như là một của lễ sống động.”

Đức Giáo Hoàng đã nói rằng một linh mục được “hiệp nhất thâm sâu với Lời của Cha, Đấng khi nhập thể, đã lấy hình dáng một tên nô lệ, đã biến mình thành một tên nô lệ. Linh mục là một tên nô lệ của Chúa Kitô theo nghĩa là sự hiện hữu của linh mục, về mặt hữu thể đồng dạng với Chúa Kitô, nhận lấy một đặc tính tương quan thiết yếu. Linh mục ở trong Chúa Kitô, nhờ Chúa Kitô, và với Chúa Kitô để phục vụ con người. Chính vì linh mục tùy thuộc vào Chúa Kitô, linh mục phải triệt để phục vụ mọi người.”

Mong sao Năm Linh Mục này đưa tất cả các linh mục tới chỗ đồng hoá mình hoàn toàn với Chúa Giêsu, chịu đóng đinh và phục sinh, ngõ hầu bắt chước Thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta muốn bị ‘hạ xuống’ để Người được cất lên; ngõ hầu, theo gương Cha Sở họ Ars, các linh mục mãi mãi và sâu sắc hiểu biết trách nhiệm của sứ vụ mình, là dấu chỉ và sự hiện diện của tình thương xót vô biên của Chúa,” Đức Giáo Hoàng kết luận. “Chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho Đức Trinh Nữ, Mẹ Giáo Hội, Năm Linh Mục này vừa bắt đầu và tất cả các linh mục thế giới.”
 
Hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô
Pt Huỳnh Mai Trác
14:27 27/06/2009
Ngày 24 tháng 6, ngày kết thúc Năm Thánh thánh Phao lồ và cũng vào thời gian khai mạc Năm Thánh Linh Mục, Đức Gíáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh đến điểm tương đồng giữa vị Tông đồ của Toàn Cầu và Cha sở của một làng nhỏ ở nước Pháp là “Sự hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô.”

Trong cuộc triều kiến chung tại Công Trường thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nhắc lại ngày khai mạc Năm Thánh Linh Mục vào thứ sáu vừa qua và Ngày Cầu Nguyện thánh hóa các linh mục, ngài nhắc nhở đến Cha sở Curé d’Ars là đấng bảo trợ cho Năm Thánh đặc biệt này..

Thật ra, đây là một linh mục bên ngoài chẳng có gì là lạ lùng cả. “Thiên Chúa đã tạo dựng thành một khuôn mẫu giống như thánh Phao lồ “ mặc dù có một khoảng dị biệt rất lớn giữa đời sống của các ngài, nhưng “một điều căn bản đã liên kết và tạo nên sự thuần nhất là công việc mục vụ và sự kết hợp cùng Chúa Kitô.. . Mục đích của Năm Thánh Linh Mục là đem lại một nguồn cảm hứng linh thiêng cùng đem lại tinh thần toàn thiện cho các linh mục, phần lớn nhờ vào hiệu quả của mục vụ. Sáng kiến này giúp các linh mục và các tín hữu khác tăng cưòng về sự hiểu biết các ân sủng lạ lùng, do chức vụ linh mục mà nhận được, cũng như cho Giáo Hội và toàn thế giới. “ Ân sủng này cũng trở thành vô ích, nếu Thiên Chúa không hiện diện”.

Nếu ở trong một môi trưòng xã hội khác biệt với xã hội của thánh Jean Marie Vianney, “thì tự hỏi những linh mục ngày nay làm sao để noi theo và thực hành đúng đắn sứ vụ của mình trong một xã hội được toàn cầu hóa”.Trong một thế giới mà sư thánh thiện càng lúc càng không còn được nhận biết mà chỉ còn lại phương tiện như là cứu cánh., “quan niệm công giáo về chức vụ linh mục dường như đã mất đi ý nghĩa tự nhiên lúc khởi nguồn, điều này cũng xẩy ra trong hàng giáo sĩ.

Đức Thánh Cha ghi nhận có hai quan niệm về chức vụ linh mục tuy không trái ngược nhau nhưng. . . ”quan niệm về xã hội là phương tiện phục vụ và một thực tế về phụng vụ và bản tính mà chức vụ này là một ân huệ của Thiên Chúa nhận được từ đường nét của Giáo Hội mang hình thái tinh tuyền về bí tích.”

Nhắc đến việc truyền giáo của những linh mục và diều mà ngài loan truyền, ngài cũng nhắc nhở “loan truyềnTin Mừng thích hợp với Chúa Kitô. . . và người linh mục tự xem như là tôi tớ của Ngôi Lời.. . Riêng chỉ sự tham gia vào phụng vụ về hy tế của Chúa Kitô.. . và sự vâng lời luật lệ của Giáo Hội mới làm cho lời loan truyền này có giá trị. Mọi người linh mục là toi tớ của Chúa Kitô mà do đời sống và bản thể của chính mình được phát họa, và cũng trong là hành động trong Chua Kitô và với Chúa Kitô để phục vụ anh em của mình. Người linh mục không phục vụ cho chính mình bởi vì thuộc về Chúa Kitô.”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI kết luận là hy vọng Năm Thánh Linh Mục này sẽ “thúc đẩy mỗi linh mục tự hòa mình hoàn toàn với Chúa Kitô bị đóng đinh, sống lại và noi theo gương thánh Gioan Tẩy Giả mà hôm nay là ngày Sinh nhật, nghĩa là tự hạ mình xưống để Chúa lớn lên cũng như hành động của Cha sờ Curé d’Ars là luôn ý thức về trách nhiệm và về sứ vụ của mình như một dấu chỉ vô biên về lòng thương xót của Thiên Chúa”. (nguồn tin VIS).
 
Linh mục Tuyên Úy Timothy Vakoc bị thương tại Iraq đã từ trần.
Ngọc Loan
19:40 27/06/2009
ST. PAUL, Minn – Linh Mục Timothy Vakoc, vị Linh Mục Tuyên Úy tại Iraq mang quân hàm thiếu tá bị thương nặng hồi năm 2004, đã được Thiên Chúa gọi về nhà Cha vào ngày 20/6 và Thánh Lễ an táng đã được cử hành sáng hôm nay 26/6 lúc 10 giờ tại nhà thờ Chánh Tòa Thánh Phaolô (St Paul) ở bang Minnesota do Đức Tổng Giám Mục chủ tế.

Trong Thánh Lễ an táng, các cựu chiến binh cầm cờ và Đoàn Hiệp Sĩ Columbus đứng dàn chào dọc trước thềm nhà thờ Chánh Tòa St Paul, trong lúc các Linh Mục hát bài “Salve Regina” khi cỗ quan của Cha Timothy Vakoc phủ với lá quốc kỳ được đưa vào nhà thờ.

Ngồi hàng ghế đầu là gia đình và các chiến hữu, các linh mục trong Tổng Giáo Phận, các Thầy Dòng Phan Sinh Hòa Bình là những người đã thường viếng và cầu nguyện cùng với Cha và ước độ có khoảng 1200 giáo dân tham dự Thánh Lễ an táng tiễn đưa Cha đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong Thánh Lễ, Linh Mục Stan Mader là bạn chủng sinh cùng lớp và cùng được thụ phong Linh Mục vào năm 1992, đã ban bài giảng kể lại những kinh nghiệm sống và chia sẻ đến cuộc đời của Cha Vakoc khì còn học chung dưới mái Đại Chủng Viện.

Cha Mader đã nói Cha Vakoc là một “người thu góp các đồ cũ và đồ điện” và để tích trữ trong nhà xứ của Cha Mader một thời gian.

“Khi tôi gặp trong chủng viện, Cha hoàn toàn không giống một người thích hợp cho quân đội và một linh mục. Thế nhưng Cha Vakoc đã được lôi kéo để mạo hiểm đi xa và phục vụ cho các chiến sĩ”.

“Tim đã tới Iraq, không phải cho chiến tranh nhưng là để lo liệu cho một sự khả thi hòa bình” tới những người mà Cha đến phục vụ.

Khi Cha Vakoc bị thương, Cha Mader nói ngài đã phải chết đi nhiều thứ, nhưng được mọc lên một đời sống mới và một mục vụ cầu nguyện, một sự chuyển cầu, lắng nghe đến những người chăm sóc.

Cha Mader giảng tiếp “đến giờ để Tim được ra đi “ khỏi chiếc giường được coi đó như là một bàn thánh hy sinh của ngài.

“Một chốn cao cả cho ngài là được theo ý Chúa, và đó là nơi mà giờ đây Cha đang hiện diện”.

Sau Thánh Lễ an táng, cỗ quan được đưa tới nghĩa trang quốc gia Fort Snelling ở Minneapolis trong buổi lễ tiễn biệt theo nghi thức quân kỷ.

Người anh ruột của Cha Vakoc là ông Jeff Vakoc, bày tỏ hy vọng rằng người em của mình sẽ được nhớ mãi là một linh mục đã hy sinh cuộc đời phục vụ cho người Kitô hữu.

Ông Jeff nói “Cha đã mạnh mẽ tin tưởng vào những gì Cha đã làm mục vụ Tuyên Úy trong quân đội”.

Cha Vakoc, linh mục tuyên úy trong quân đội đã bị thương nặng trong khi thi hành nhiệm vụ đã qua đời với sự hiện diện của thân nhân gia đình và bạn bè.

Cha Vakoc, hưởng dương 49 tuổi đã sống tại Trung Tâm Săn Sóc St Terese tại New Hope. Cha đã bị mù một con mắt và chấn thương sọ não khi xe của Cha trúng phải mìn vào ngày 29/5/2004 trên con đường trở về doanh trại sau khi cử hành Thánh Lễ cho binh sĩ Mỹ tại Iraq.

Sau khi bị thương nặng, Cha Vakoc đã được tải thương từ Iraq về Đức và từ đó Cha đã được chuyển về Tổng Y Viện Quân Đội Walter Reed tại Washington và Cha đã phải nằm viện tại đây trong 4 tháng. Sau đó trong tình trạng bán hôn mê, Cha đã được chuyển về Trung Tâm Y Tế Cựu Quân Nhân tại quê quán của Ngài ở Minneapolis vào tháng 10/2004

Trong những năm gần đây, tình trạng sức khoẻ của ngài khả quan hơn nhưng phải ngồi trên xe lăn.

Đức Tổng Giám Mục John C. Nienstedt tại St Pau và Minneapolis đã đưa ra một thông tư sau khi hay tin Cha Vakoc qua đời: “Tòan thể chúng ta trong tổng giáo phận Công Giáo này tiếc thương cùng với gia đình Cha Vakoc. Chúng tôi cùng hiệp với sự khóc thương của những anh chị em mà Cha đã phục vụ họ trong cương vị tuyên úy và tới những ai đã chứng kiến đến sự can đảm cả thể của ngài tại Bệnh Viện Walter Reed và tại bệnh viện Cựu Chiến Binh của chúng ta ở đây”.

Trên trang mạng CaringBridge nói về Cha đã đưa tin rằng Cha đã tham dự cùng với gia đình và thân hữu trong một Thánh Lễ đặc biệt vào ngày 10/6 đánh dấu 17 năm thụ phong linh mục và 5 năm trong cuộc sống bị thương tật và cám ơn tới những ai đã chia sẻ trong việc săn sóc cho Cha.

Đức Tổng Giám Mục Nienstedt đã gọi Cha Vakoc là “một người cho hòa bình. Cha đã chọn để cam chịu sự ghê tởm của chiến tranh hầu mang an bình của Đức Kitô tới những người nam và nữ đang chiến đấu cho Hoa Kỳ. Cha là một niềm cảm kích cho tất cả chúng ta và tất cả chúng ta sẽ nhớ mãi đến ngài.

Đức Tổng Giám Mục thêm rằng “Chúng tôi kêu gọi mọi người nhớ đến Cha trong kinh nguyện”

Linh Mục Vakoc thụ phong vào năm 1992 cho Tổng Giáo Phận St Paul và Minneapolis, phục vụ giáo xứ 2 năm trước khi gia nhập làm việc mục vụ cho quân đội vào năm 1996.

Cha đã phục vụ tại Đức, Bosnia và Triều Tiên, được điều động làm việc tại căn cứ quân sự Fort Lewis, Washington trước khi được phái tới Iraq vào năm 2003.

Theo tờ báo National Catholic Register, có tường trình câu truyện một tháng trước khi Cha bị thương, ghi lại Cha Vakoc đã cấp tốc bay đến bệnh viện dã chiến để hiện diện bên cạnh 2 binh sĩ Mỹ vừa bị thương trúng mìn trong lúc 2 binh sĩ khác đã tử trận, trên đường tới bệnh viện thì một binh sĩ đã trút hơi thở cuối cùng.

Cha đã cầu nguyện cho các chiến sĩ tử trận và cho các binh sĩ bị thương và cầu nguyện với các chiến sĩ trong cùng lực lượng hộ tống không bị thương tích nhưng “trong tình trạng bị sốc”.

Công việc mục vụ của Cha với cương vị Tuyên Úy, cũng phải kể tới Thánh Lễ tưởng niệm cho một binh sĩ trẻ tử trận vì mìn, mà anh ta đã gặp Cha trước đó một ngày chia sẻ với Cha về đức tin và tham dự Thánh Lễ.

“Điều chủ yếu trong việc giúp đỡ các binh sĩ là hiện diện và đồng hành với họ”. Cha Vakoc đã nói với tờ Register qua điện thư email “Tôi đã cầu nguyện cho các chiến sĩ tử trận. Tôi mang bí tích, ánh sáng và tình yêu Đức Kitô tới những tình huống đen tối nhất”

Cha Vakoc đã nói công việc mục vụ của Ngài là “sự cố tâm hiện diện”. Thêm vào đó là cố vấn tinh thần cho các binh sĩ, bao gồm cả việc đến với những người Công Giáo và những binh sĩ của tất cả tôn giáo khác, đi bên cạnh xác những binh sĩ đã nằm xuống, thăm hỏi ủi an tới gia đình binh sĩ và nâng đỡ tinh thần họ.

Cha đã được trao huân chương Purple Hear, Anh Dũng Bội Tinh ngôi sao đồng và nhiều bằng tưởng thưởng.

Người anh của Cha là Jeff Vakoc đã thú nhận rằng ông đã cải hóa và đức tin của ông đã triển nở trong thời gian 5 năm khi Cha Vakoc nằm bệnh viện.Ông đã đến thăm mỗi tuần chăm sóc cho người em.

Các Thầy Dòng Anh Em Phan Sinh Hoà Bình cũng thường viếng thăm Cha Vakoc, và Cha cũng đã hiệp thông với họ qua lời cầu nguyện và Cha đã chép môi đọc theo từng chữ.

Những ai đã biết Cha Vakoc trước khi Cha bị thương đều diễn tả Cha là người có óc khôi hài và khuynh hướng đến với người khác. Những đức tính như thế vẫn còn rõ ràng sau khi Cha bị thương, mà Thầy Paul O'Donnell đã kể lại khi Cha nói khôi hài với các Thầy.

Cùng với gia đình, các Thầy đã vận động để Cha Vakoc được tiếp tục phương pháp vật lý trị liệu. Thầy Paul đã nói “Ân sủng cao quý nhất của Cha là chấp nhận thánh giá Chúa ban cho ngài, và đối với bất kỳ ai trong chúng tôi, nó sẽ là một sự thử thách thật kinh khủng, thế nhưng Cha đã chấp nhận. Hẳn nhiên Cha đã có một ý chí thật kiên cường để sống”.

Thầy Paul còn thêm rằng Cha Vakoc đã dạy cho người khác biết về giá trị và sự thánh thiên của đời sống. “Chúng tôi có thể học từ nơi Cha Tim để ôm lấy những thánh giá đến trên con đuờng chúng ta. Đó không phải là chặng cuối của cuộc sống chúng ta... nhưng có thể là một bước khởi đầu mới”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hồng ân thánh hiến
LM. Anmai. CSsR
06:14 27/06/2009
HỒNG ÂN THÁNH HIẾN

Vài năm trở lại đây, đến hẹn lại lên, cứ đến ngày 27 tháng 6, Dòng Chúa Cứu Thế lại hân hoan vui mừng đón những tập sinh mãn khoá Tập Viện để tuyên lời khấn lần đầu cũng như vui mừng đón những anh em sau một thời gian tu học tuyên lời vĩnh khấn trong Dòng Thánh. Trời hôm nay đẹp hơn mọi ngày như muốn hoà chung niềm vui với Dòng Thánh nhân ngày lễ của Mẹ: Mẹ Hằng Cứu Giúp và lễ tuyên khấn của một số anh em.

Niềm vui ấy được bắt đầu với tâm tình hết sức dễ thương của linh mục nhạc sĩ Thành Tâm qua cộng đoàn dân Thánh từ muôn phương về với Đền Mẹ Hằng Cứu Giúp dâng Thánh Lễ: “Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường đường đưa ta đi lên Đền Chúa ta. Lòng hân hoan ta hoà chung tiếng hát nhịp nhàng vui hát mừng danh Chúa cứu độ ta…”. Lời đầu tiên trong Thánh Lễ Mẹ Hằng Cứu Giúp – Thánh Lễ tuyên khấn hôm nay, Cha Giám Tỉnh đại diện cho toàn thể anh em trong Dòng chào mừng tất cả các linh mục quản xứ, các linh mục nghĩa phụ, mọi người thân quen, thân nhân, ân nhân, bạn hữu xa gần. Cha Giám Tỉnh cũng mời gọi cộng đoàn tạ ơn vì muôn vàn hồng ân, muôn vàn tình thương Thiên Chúa đã tuôn đổ trên Nhà Dòng, cách riêng những anh em tuyên khấn sáng hôm nay.
Tình thương Thiên Chúa ấy đã được một thầy tuyên khấn ngày hôm nay cất lên trong bài đáp ca rất ý nghĩa của Cha Thành Tâm: “Tình thương của Chúa, con sẽ ca tụng hoài, tình thương của Chúa đến muôn đời vững bền. Tình thương Chúa chẳng bao giờ phôi phai, tình thương của Chúa sẽ vững bền trường niên …”

Để có được ngày hồng ân hôm nay, để can đảm tiến lên để tuyên lời khấn vĩnh viễn không phải là chuyện đơn giản. Các khấn sinh phải trải qua một thời gian tu luyện phải nói là khá chặt. Với tiến trình đào tạo mà Ban Đào Tạo cùng với Ban Giám Đốc Học Viện đưa ra quả là điều chẳng mấy là đơn giản nếu như đi sát với tiến trình ấy. Các thầy tuyên lời khấn vĩnh viễn hôm nay không chỉ được Ban Giám Đốc trau dồi về tri thức, nhân bản mà còn đặc biệt quan tâm về đời sống tâm linh. Nhờ ơn Chúa, hôm nay quý thầy:

Vinhsơn Vũ Văn Bằng
Giuse Vũ Văn Tiến
Giuse Nguyễn Công Minh
Antôn Nguyễn Tấn Hùng
Micaen Phạm Gia Lâm
Đaminh Nguyễn Văn Huyến
Phêrô Nguyễn Lương Bằng
Giuse Nguyễn Mạnh Thường

Với anh em tập sinh ngày hôm nay cũng vậy. Tạ ơn Chúa đã ban cho Nhà Dòng một vị tập sư hêt sức tuyệt vời. Ngài đã hy sinh cả đời mình để tập trung vào việc lo đời sống tu trì của những anh em được gửi đến cho Ngài. Đặc biệt, Cha Tập sư, trong thời gian Tập Viện đã “dẫn” anh em vào đời sống chiêm niệm, gắn kết với Chúa và nhận ra ơn gọi của mình. Qua những ngày tháng dày công tập luyện hôm nay các thầy tập sinh:

Giuse Lê Hữu Tú
Saviô Lại Văn Sử
Giuse Ngô Đức Thiện
Giuse Nguyễn Đắc Thịnh
Phaolô Nguyễn Đình Tộ
Giuse Maria Lê Thanh Thiện Đạt

Bài chia sẻ trong Thánh lễ sáng hôm nay, Cha giảng mời gọi cộng đoàn tham dự Thánh Lễ hôm nay cùng với các khấn sinh nhìn lại ơn gọi theo Chúa của mình. Cha gợi ý hình anh chàng thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu về việc theo Chúa. Chúa Giêsu đã cho anh câu trả lời về điều kiện để theo Chúa đó chính là thái độ dứt khoát với mọi quyến rũ của thế gian. Cha giảng cũng không quên xin Chúa, đặc biệt qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp trong ngày lễ của Mẹ hôm nay gìn giữ anh em khấn sinh cũng như mọi người luôn ban ơn gìn giữ mỗi người trong tay Chúa. Tất cả là hồng ân. Ngày hôm nay, với tâm tình bài hát hiệp Lễ đã nhắc nhở cho các khấn sinh, cho cộng đoàn dân Thánh rằng dù làm gì, dù đi đâu, dù cuộc sống có thăng trầm thế nào đi chăng nữa nhưng luôn có Chúa cùng đi. Chỉ những ai cảm nhận và xác tín điều ấy mới có thể lên đường theo Chúa một cách bình an được:

Trên con đường đời Chúa ơi
Trên con đường Ngài dẫn con đi
Qua bao nẻo đường Chúa ơi
Qua bao nẻo đường Ngài đã đưa con
Trong suốt cuộc đời Chúa ơi
Trong suốt cuộc đời Người đã thương con
Thương con ngàn lần Chúa ơi
thương con vạn lần Ngài đã thương con (Hoàng Đức)

Trước khi ban phép lành cuối Lễ, Cha Giám Tỉnh cảm ơn quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý thân hữu của khấn sinh ngày hôm nay đã về đây từ khắp nơi trên đất nước. Ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho Nhà Dòng để nhà Dòng hoàn thành sứ mạng loan báo Tin mừng cho người nghèo khó như ý nguyện của Thánh Anphongsô - Đấng sáng lập Dòng.
Thánh Lễ tuyên khấn ngày hôm nay đã khép lại mọi người sẽ ra về. Trước khi ra về, những người thân quen của các khấn sinh nán ở lại một chút để uống ly nước, chia vui cái bánh ngọt hay là chụp chung tấm hình kỷ niệm. Điều này rất bình thường và rất quý nhưng quý hơn là mọi người thân quen phải thêm lời cầu nguyện để các khấn sinh ngày hôm nay mạnh dạn bước theo chân Chúa hơn và sống đời tu một cách quyết liệt hơn.
 
Men Phục Sinh tại giáo phận Thanh Hóa đã dậy Men Đức Tin
Thanh Minh
15:24 27/06/2009
“MEN PHỤC SINH ĐÃ DẬY MEN ĐỨC TIN”

Kể từ ngày 04 tháng 08 năm 2004, giáo phận Thanh hoá có vị chủ chăn thứ tư, là Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, sau 3 đấng tiền nhiệm: Đức Cha Louis de Cooman Hành, Đức cha Phêrô Phạm Tần, Đức Cha Bartholomeo Nguyễn Sơn Lâm.

Mang trên mình trọng trách dìu dắt con thuyền giáo phận vượt qua biển đời trần ai, với muôn vàn nhiễu nhương thế sự, cùng với vốn kiến thức đã thu thập trong suốt mấy chục năm, nhất là hơn 8 năm tại nước Pháp, và cả những kinh nghiệm về một giáo hội Pháp hôm nay, Đức cha Giuse đã ôm ấp mộng ước canh tân việc “đào tạo” mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận về mọi phương diện. Nhưng để bắt đầu, ngoài việc lo xây Tiểu chủng viên Lê Bảo Tịnh để đào tạo ơn gọi linh mục cho giáo phận, Đức cha Giuse đã chọn đối tượng thứ hai, tuy khiêm tốn nhưng rất đỗi quan trọng trong việc gìn giữ kho tàng đức tin thế hệ mầm non, cũng là tương lai của giáo phận, đó là đội ngũ giáo lý viên và ca trưởng.

Với mục tiêu đào tạo đội ngũ giáo lý viên ngày thêm đông đảo và có khả năng truyền giảng Tin Mừng cho giáo phận, cũng như nhắm tới đích sự cộng tác - khả năng làm việc chung giữa hàng ngũ linh mục, chủng sinh và quý xơ dòng Mến Thánh Giá trong giáo phận, Đức cha Giuse đã khai mở chương trình huấn luyện giáo lý viên – ca trưởng thường niên vào mỗi dịp hè, với tên gọi “CHIẾN DỊCH MEN PHỤC SINH”. Chiến dịch men phục sinh đầu tiên được khai mạc vào dịp hè năm 2006, và năm nay là năm thứ tư của chiến dịch này.

Trải qua 4 mùa hè men phục sinh được gieo trên khắp giáo phận Thanh hoá thân yêu, “MEN TIN MỪNG” đã bừng dậy nơi mỗi tâm hồn người tín hữu xứ Thanh, nhất là nơi các bạn giáo lý viên, ca trưởng, và quý chủng sinh - nữ tu, những người trực tiếp tham gia đào tạo các em và tự đào tạo cho chính mình. “MEN TÌNH YÊU” đã nở rộ và nối kết muôn tâm hồn lại với nhau làm nên một hình ảnh giáo hội hiệp nhất và yêu thương. Gia đình giáo phận Thanh hoá trở nên đầm ấm và tràn đầy sức sống. Bài ca MEN PHỤC SINH mà mỗi người giáo lý viên ca trưởng cất vang mỗi khi gặp nhau trong mùa hè yêu thương, đã thành thông điệp gửi tới tất cả mọi người trong toàn thể giáo phận Thanh hoá chúng ta:

Men phục sinh đến, đưa chúng ta xích lại gần nhau.

Men phục sinh đến, gợi trong ta biết bao kỷ niệm.

Men phục sinh đến, ôi chứa chan biết bao tình người,

Ơn Chúa ban xuống trên mọi miền, trên giáo phận Thanh hoá thân yêu.

Thắp sáng, sáng mãi mùa Men Phục Sinh.

Thắp sáng, sáng mãi mùa men ân tình.

Thắp sáng, sáng mãi mùa men hy vọng.

Thắp sáng, sáng mãi mùa men yêu thương.

Vâng, men phục sinh thật sự đã là chất xúc tác làm dậy lên đức Tin, đức Cậy, đức Mến nơi muôn cõi lòng người dân Công Giáo xứ Thanh hôm nay, đặc biệt là nơi các điểm tổ chức chiến dịch MEN PHỤC SINH. Giáo xứ Tam tổng là một trong những địa điểm tổ chức như vậy từ khi có chiến dịch MEN PHỤC SINH tới nay.

Xứ đạo Tam Tổng là một giáo xứ đứng hàng thứ 2 trong giáo phận về số lượng người tín hữu, với sấp sỉ 10,000 người. Đây cũng là xứ đạo có truyền thống về bề dày lịch sử phát triển sự đạo nơi giáo phận Thanh hoá. Nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ cũng xuất thân từ mảnh đất thân yêu này, lại cũng có nhiều người giáo dân nhiệt thành với Nhà Chúa ra đi từ cái nôi tình thương này. Vì hiện nay, giáo xứ chỉ còn một nhà thờ duy nhất, nên mọi sinh hoạt trong xứ đạo đều tập trung tại khuôn viên nhà thờ với diện tích gần 16,000 m2. Ngoài 4 giới theo lứa tuổi như: Thiếu Nhi, Giới Trẻ, Hiền Mẫu, Gia Trưởng; xứ đạo còn có 2 ca đoàn gồm các thanh niên nam nữ với độ tuổi từ 16 – 30 và 1 ca đoàn gồm những người đã lập gia đình trong độ tuổi từ 25-40. Bên cạnh đó, xứ đạo có thêm các Hội Mân Côi, Hội Thánh Thể, Hội Legio Mariae, Gia đình Khôi Bình. Ngoài ra, không thể không nhắc tới đội ngũ giáo lý viên-huynh trưởng thiếu nhi Thánh Thể nơi xứ đạo này.

Mỗi khi mùa men về, lòng người giáo dân Tam tổng lại hồ hỡi đón chào những người con ưu tú của giáo phận, đó là Quý Chủng Sinh Đại Chủng Viện Vinh Thanh, Quý Ứng Sinh Tiểu Chủng Viện Lê Bảo Tịnh và Quý Xơ Dòng Mến Thánh Giá, cũng như sửa soạn nhà cửa để đón tiếp các em giáo lý viên đến từ 9 giáo xứ trong giáo hạt Nga Sơn của mình.

Quan sát từng nơi ăn chốn ở của ban huấn luyện và các em giáo lý viên, không ai không hài lòng về sự hiếu khách của người dân xứ đạo Tam tổng. Không những thế, người dân xứ đạo nơi đây còn rộng lòng dâng cúng tiền của, gạo thóc, rau cua, cá thịt cho những người tham dự khoá huấn luyện này. Đúng như khẩu hiệu được trưng lên tại phòng ăn giáo xứ: GỌN GÀNG, SẠCH SẼ, VUI VẺ, HIẾU KHÁCH, đã có từ bao đời các vị mục tử tới nay.

Nhìn vào các buổi sinh hoạt giáo lý và tham dự thánh lễ của hơn 1000 em thiếu nhi, tại khuôn viên nhà thờ giáo xứ Tam tổng vào các chiều ngày thường trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, với sự hướng dẫn của Quý Thầy- Quý Xơ cùng các em giáo lý viên đang tham dự khoá huấn luyện, ai cũng lạc quan về một tương lai tươi sáng của Giáo Hội tại nơi đây. Vì mầm non thế hệ tương lai đã được đào tạo bài bản và kỹ lưỡng hơn những thế hệ cha anh đi trước do thời cuộc thế sự nhiễu nhương đem lại.

Mùa men năm nay đã tạm khép lại với đêm diễn nguyện, cầu nguyện theo hình thức của cộng đoàn Taizé. Buổi cầu nguyện đã mang lại tinh thần – bầu khí mới nơi việc cầu nguyện, sự bình an và ơn thánh Chúa, nhất là giúp mọi người tham dự có thể gặp được Đức Kitô Phục Sinh là lẽ sống và niềm hy vọng của muôn người. Trong buổi cầu nguyện đặc biệt hôm nay, tất cả cộng đoàn đã dâng lời cầu nguyện cho các linh mục được ơn trung thành. Và thánh lễ cầu cho việc rao giảng Tin Mừng với nghi thức sai đi, do cha hạt trưởng Giuse Trần xuân Mạnh chủ sự, cùng quý cha trong giáo hạt Nga sơn đồng tế, với sự tham dự của Quý Thầy – Quý Xơ – Quý Chú Ứng Sinh, 156 em giáo lý viên và đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ Tam tổng, như là một món quà và là sứ điệp gửi tới tất cả các bạn giáo lý viên cũng như cho chính mỗi người tham dự buổi phụng vụ đặc biệt hôm nay. Bữa ăn chia tay do một số gia đình hảo tâm trong giáo xứ khoản đãi các em và quý thầy, quý xơ cùng ban ẩm thực và đại diện giáo xứ, đã khắc ghi dấu ấn tình thương mùa men 2009.

Quả thật, MEN PHỤC SINH đã dậy “MEN ĐỨC TIN” nơi mỗi tâm hồn tín hữu xứ đạo Tam tổng thân yêu, và cách riêng cho 156 em giáo lý viên trong giáo hạt Nga Sơn. Các em ra đi vào đời với một sức sống mới, quyết tâm mới là cùng nhau rao truyền Chúa Kitô cho mọi người. Quý Thầy và Quý Xơ cảm nhận được đời dâng hiến thật hạnh phúc và ý nghĩa khi được cùng nhau đi vào đời để yêu thương – phục vụ tha nhân.

Tạ ơn Chúa, tri ân Đức Cha Giuse, Ban giáo lý giáo phận, cám ơn Quý Thầy – Quý Xơ – Quý Chú Ứng Sinh và tất cả những ai đã hợp tác trong công cuộc gieo vãi MEN TIN MỪNG” của Đức Giêsu Chúa chúng ta. Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh ban muôn ơn lành hồn xác cho tất cả mọi người con dân xứ Thanh chúng ta. Và ước mong sao cho “MEN PHỤC SINH” tiếp tục được triển nở trên cánh đồng giáo phận Thanh hoá thân yêu.

Tam Tổng, ngày kết thúc chiến dịch MEN PHỤC SINH 27-06- 2009
 
Sức khỏe Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực đang trong tình trạng cấp cứu
GP. Ban Mê Thuột
16:37 27/06/2009
Sức khỏe Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực đang trong tình trạng cấp cứu

Ban Mê Thuột 27.06.2009- 12:02. Theo nguồn tin chính thức từ văn phòng Tòa Giám mục Giáo phận BMT cho biết:

ĐGM Giuse Trịnh Chính Trực
Lúc 17 giờ ngày 24/6/2009, ĐGM già Giuse Trịnh Chính Trực trở bệnh tim và phổi nặng, được đưa cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Daklak.

Sáng ngày 25/6/2009 Đức Cha già đã được cha Tổng Đại diện xức dầu và ngài trong tình trạng hôn mê. Theo ý kiến của các bác sỹ bệnh viện tỉnh Daklak, lúc 5g45 chiều 26/6 Đức Cha già được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nơi lúc gần nửa đêm, ngài được chuyển ngay vào phòng chăm sóc đặc biệt. Cùng theo Đức Cha già có 2 bác sỹ bệnh viện, 2 y tá dòng Nữ Vương Hòa Bình, 2 ứng sinh và cha JB. Phạm Thế Truyền.

Lúa 5g00 sáng ngày 27/6/2009, cha Truyền cho biết Đức Cha già vẫn hôn mê, tim, phổi đều phải nhờ thiết bị y khoa hổ trợ.

Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận BMT đang ở Rôma đã nhận được tin và thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh của Đức Cha già.

Chiều 26/6 Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức đã về thăm Đức Cha già tại bệnh viện tỉnh Daklak.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đôi
Diệp Hải Dung
07:23 27/06/2009

ĐÔI



Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia

Đôi ta vẫn cứ đôi ta

Đừng thêm ai nữa mà ra ba người.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Gilead - Grad
Nguyễn Trọng Đa
01:51 27/06/2009
Gilead
Gilead, ông Ga-la-át. 1. Là thân phụ của ông Jephthah anh hùng (Gíp-tác, Tl 11:1), người đã dẫn dắt người Do Thái chiến thắng trong các trận đánh với người Ammonite (Am-mon) và người Ephraimite (Ép-ra-im); 2. là phần lãnh thổ được Moses (Mô-sê) trao cho ông Gad (Gát) làm gia nghiệp, khi đất nước được phân chia cho các chi tộc Do Thái. Đây là vùng trồng trọt tốt trong thung lũng Jordan (Gio-đan) nằm giữa các con sông Yarmuk and Arnon (Ác-nôn) (Gd 13:24-25).
Gl
Gl, Gloria – Vinh danh Chúa; gloria patri (Vinh danh Cha).
Gladness
Sự vui sướng, sự hân hoan, sự vui mừng. Là kết quả của hạnh phúc nội tâm, được diễn tả trong dáng vẻ bề ngòai và trên nét mặt nữa. Sự mừng rỡ là tỏ lộ tình cảm của người đang hạnh phúc và khỏe mạnh.
Glastonbury
Tu viện Glastonbury. Là một tu viện và đền thánh đã hư hỏng nặng tại Hạt Somerset, miền tây nam nước Anh, và là một trong các trung tâm đầu tiên của đức tin Kitô giáo ở miền Anh Celtic. Năm 1184 tu viện nổi tiếng này đã đạt đỉnh cao về vinh quang kiến trúc. Hiện nay tu viện đã đổ nát, ngọai trừ nhà bếp, được xây dựng năm 1437, thu hút nhiều người đến xem. Người ta cho rằng thánh Patrick đã xây dựng nhà thờ thường trực ở đây vào năm 432. Vua Arthur và hòang hậu được an táng gần đó; mộ của họ được phát hiện mới đây. Năm 943 hay năm 944, Vua Edmund cử thánh Dunstan làm tu viện trưởng tu viện này. Kể từ đó, tu viện được tổ chức theo luật sống Biển Đức. Có một lịch sử phong phú về phép lạ tại Glastonbury. Năm 1539 các kẻ thù của người công giáo đã cướp đọat tài sản, lấy cắp bàn thờ bằng ngọc bích, vốn là quà tặng của thánh David, và giết chết tu viện trưởng Biển Đức Richard Whiting (1460-1539). Ngài đã được phong thánh.
Glebe
Đất nhà chung. Là mảnh đất thuộc sở hữu của giáo xứ. Nhà ở đất nhà chung là nhà cha xứ hay nhà mục sư.
Gloria
Gloria, Vinh danh. Là phần thứ nhì của Thánh lễ Công giáo; một thánh vịnh hay một thánh thi chúc tụng Chúa được hát bằng tiếng Latinh hay tiếng địa phương; gloria là chữ đầu của vinh tụng ca lớn (Kinh Vinh Danh) và nhỏ (Kinh Sánh danh).
Gloria In Excelsis
Gloria In Excelsis, Kinh “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời”, Kinh Vinh Danh. Là vinh tụng ca lớn trong Thánh lễ, sau Nghi thức sám hối và Kinh Xin Chúa thương xót. Kinh này được hát hay đọc bởi cả cộng đòan, hay bởi cộng đòan và ca đòan hát xen kẽ, hay bởi chỉ ca đòan mà thôi. Kinh Vinh Danh được sử dụng trong các chủ nhật ngòai mùa Vọng và Mùa Chay, trong các lễ trọng, lễ buộc và trong các buổi cử hành phụng vụ long trọng đặc biệt.
Gloria Patri
Gloria Patri, Kinh Sáng Danh. Là Vinh tụng ca nhỏ, có lẽ là họa theo lời chúc tụng của người Do Thái dâng lên Chúa, như được tìm thấy trong Tân Ước (Rm 16:27; Pl 4:20; Kh 5:23). Hình thức của Kinh Sáng Danh hiện nay chịu ảnh hưởng của công thức Rửa tội nói đến Chúa Ba Ngôi (Mt 28:19). Người Thanh giáo ở Anh Quốc cấm sử dụng kinh này vì cho là không đúng theo Kinh thánh. Bản kinh Latinh là: "Gloria Patri, et Filio, et Spiritui Sancto. Sicut erat in principio, et nunc, et semper, et in saecula saeculorum. Amen." và trong tiếng Việt: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen."
Glorified Body
Thân xác vinh hiển, thể xác vinh hóa. Là thân xác con người sau khi sống lại và kết hiệp với linh hồn, vốn nhìn ngắm thánh nhan Chúa. Sự nhìn ngắm này là nguồn gốc của sự vinh hiển nơi thân xác, như thánh Phaolô đã miêu tả (I Cr 15:42-44).
Glorious Mysteries
Năm sự Mừng. Là năm mầu nhiệm của chuỗi Mân Côi về vinh quang của Chúa Kitô và Đức Mẹ. Đó là: Chúa Kitô sống lại từ kẻ chết, Chúa Kitô lên Trời, Chúa Thánh Thần Hiện xuống, Chúa cho Đức Bà lên Trời, Chúa thưởng Đức mẹ trên Trời.
Glory
Vinh danh, tôn vinh, vinh quang. Là sự công nhận và khen ngợi việc xuất sắc của một người. Áp dụng cho Chúa, vinh quang thiên linh (nội tại) là sự thiện vô cùng mà Ba Ngôi trong Một Chúa liên lỉ chiêm ngắm và chúc tụng lẫn nhau. Vinh quang ngọai tại trước tiên là sự chia sẻ cho tạo vật sự thiện vô cùng của Chúa. Đôi khi được gọi là vinh danh khách quan, là sự tôn vinh Chúa của mọi tạo vật, qua sự hiện hữu thuần túy của tạo vật, vì chúng phản chiếu các sự hòan thiện của Chúa. Còn sự vinh danh chính thức là được các thụ tạo có lý trí dâng lên Chúa, khi họ nhận biết sự thiện thiên linh và ca tụng Chúa, vì Chúa là Đấng tự hữu và vì những gì Chúa đã thông ban cho thế giới. (Từ nguyên Latinh gloria, vinh quang, huy hòang.)
Glossalalia
Glossalalia, ơn nói tiếng lạ, ơn nói tiếng địa phương (Từ nguyên Hi Lạp gl_ssa, ngôn ngữ, tiếng lạ + lalia, nói.).
Gloves
Bao tay Giám mục. Một lễ phục Giám mục, được làm phép cho vị giám mục và mang vào tay ngài trong lễ tấn phong giám mục. Tập tục Giám mục mang bao tay khi cử hành phụng vụ đã có từ thế kỷ 11. Bao tay chỉ được mang trong thánh lễ đại triều, và chỉ dành cho việc rửa tay. Chúng được làm bằng tơ lụa đan và trang trí ở phần lưng bàn tay với một thánh giá. Chúng có màu thay đổi tùy theo thánh lể cử hành, nhưng không dùng trong lễ cầu hồn.
Gluttony
Ăn phàm, háu ăn, ăn tham. Là tham muốn bất thường cho khóai lạc đi kèm với thức ăn thức uống. Thèm muốn này sinh ra tội bằng nhiều cách: bởi ăn và uống thái quá, quá mức cơ thể cần; bởi ăn tham một số thức ăn mà biết là không có lợi cho sức khỏe; bởi dung túng sự thèm ăn một vài món hay thức uống thái quá, nhất là khi vượt qua khả năng của mình trong việc dọn bữa ăn quá thịnh soạn; bởi ăn hay uống quá tham lam, có nghĩa là như thể chết đói; bởi uống rượu đến độ mất khả năng làm chủ hòan tòan sự lý luận của mình. Tình trạng say làm cho mất hòan tòan lý trí là một tội trọng, nếu không lý do biện minh được, chẳng hạn vì lý do y tế. (Từ nguyên Latinh glutire, ăn tham.)
Gnosis
Tri thức, trực tri, ngộ giác ngộ đạo. Là sự hiểu biết tinh thần. Trong một nghĩa hợp lý, đó là sự hiểu biết các mầu nhiệm thiên linh vốn đã có trong cuộc đời này, mặc dầu còn mù mờ và gọi là “khôn ngoan nhiệm mầu” (I Cr 2:6-16). Trong ý nghĩa lạc giáo, đó là sự sai lầm của những người cho rằng họ hiểu biết các điều thiên linh từ kinh nghiệm tôn giao riêng của họ, dù các sự ấy là đi ngược lại với huấn quyền của Giáo hội. (Từ nguyên Hi Lạp gn_sis, tri thức.)
Gnosticism
Ngộ đạo thuyết. Là thuyết về cứu độ bằng sự hiểu biết. Trong thế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên Kitô giáo, đã có những người theo thuyết Ngộ đạo, cho rằng họ biết các mầu nhiệm của vũ trụ. Họ là đồ đệ của nhiều phái phiếm thần, vốn xuất hiện trước Chúa Kitô nữa. Những người Ngộ đạo thuyết vay mượn những gì phù hợp với mục đích của họ từ Tin Mừng, viết tin mừng mới cho riêng họ, và nói chung họ đề nghị một hệ thống niềm tin nhị nguyên. Vật chất được cho là thù địch với tinh thần, và vũ trụ được cho là sự suy đồi của Chúa. Mặc dầu không còn là một tôn giáo có tổ chức, Ngộ đạo thuyết là một yếu tố bất biến trong bất cứ lạc giáo lớn nào, do sự phủ nhận một mặc khải khách quan, vốn đã được hòan tất trong thời các thánh Tông đồ, và do họ không chấp nhận rằng Chúa Kitô đã thiết lập trong Giáo hội một huấn quyền để giải thích một cách quyết định ý nghĩa của lời Chúa được mặc khải.
Godhead
Thần tính, bản tính Thiên Chúa, Chúa. Khi dùng không có định mức, từ ngữ này qui chiếu đến yếu tính hay bản tính thiên linh, với sự nhấn mạnh vào siêu việt tính hoàn tòan của Chúa trên mọi tạo vật.
Godparents
Cha mẹ đỡ đầu. Là người đỡ đầu cho một người đang rửa tội tuyên xưng đức tin. Lễ rửa tội trọng thể đòi hỏi có cha mẹ đỡ đầu. Người đỡ đầu thực hiện nghĩa vụ giáo huấn đứa trẻ khi lâm tử hay do thiếu sự dạy dỗ của cha mẹ ruột, để chu tòan lời hứa rửa tội. Việc làm người đỡ đầu tạo nên mối quan hệ thiêng liêng, được luật Giáo hội công nhận.
God The Father
Chúa Cha, Thiên Chúa Cha, Đức Chúa Cha. Là Ngôi thứ Nhất của Ba Ngôi, không được sinh ra nhưng sinh ra Chúa Con từ thuở đời đời; từ Chúa Cha và từ Chúa Con nhiệm xuất Chúa Thánh Thần. Công việc Tạo dựng được gán cho Chúa Cha.
God The Holy Spirit
Chúa Thánh Thần, Đức Chúa Thánh Thần. Là Ngôi thứ Ba của Ba Ngôi, là Đấng nhiệm xuất từ thuở đời đời từ Chúa Cha và Chúa Con, và phân biệt rõ ràng từ Hai Ngôi, mặc dầu là bình đẳng với Hai Ngôi như là Chúa. Mọi công việc của Chúa Ba Ngôi liên quan đến sự thánh hóa nhân lọai được gán cho Chúa Thánh Thần.
God The Son
Chúa Con, Đức Chúa Con. Là Ngôi thứ Hai của Ba Ngôi, Đấng được Chúa Cha sinh ra từ thuở đời đời. Chúa Con là riêng biệt với Chúa Cha, đồng vĩnh cửu với Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Qua Chúa Con mọi sự được tạo dựng. Chúa Con nhập thể trong lòng Trinh Nữ bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, và được gọi tên là Chúa Giêsu Kitô.
Golden Calf
Con bê bằng vàng. Là hình ảnh của Chúa mà ông Aaron (A-ha-ron) thực hiện tại chân núi Sinai (Xi-nai) để làm hài lòng người Do Thái, khi họ mệt mỏi chờ ông Moses (Mô-sê) đang khi ông còn ở trên núi (Xh 32). Thậm chí nếu người Do Thái không thờ con bê vàng như một ngẫu tượng, họ bị cấm trình bày bất cứ biểu tượng nào của Đức Chúa (Xh 20). Hơn nữa, hình ảnh con bê vàng có dính dáng tới sự tà dâm. Do đó, khi từ trên núi đi xuống, ông Moses đã nổi giận với người dân và ông bảo họ: “Anh em đã phạm một tội lớn” (Xh 32:30).
Golden Legend
Kim sử, Hạnh các thánh. Cuốn sách được chính tác giả là Chân Phước Voragine gọi là “Truyện các Thánh”. Đây là một sưu tập nổi tiếng các biên niên sử, tiểu sử, truyện kể về các thánh, có tính lịch sử đáng ngờ nhưng rất đáng đọc như một sách đạo đức. Ngụy Tin Mừng về việc Đức Mẹ chào đời, Ngụy Tin mừng Mátthêu, và Tin mừng Tiên khởi của thánh Giacôbê được chép lại trong cuốn sách này.
Golden Number
Số vàng. Là tên gọi của mỗi 19 con số tượng trưng cho chu kỳ âm lịch, được Meton (432 trước Công nguyên) chia ra lịch. Ông phát hiện rằng sau khi 19 năm dương lịch qua đi, trăng mới sẽ xuất hiện vào đúng ngày trong các năm được các số y hệt biểu thị. Các số này được gọi là số vàng, do số của mỗi năm được ghi trên cây cột của một đền thờ ở Athens. Các Số Vàng đã được chọn trong lịch Giáo hội từ thời thánh Hippolytus (170-236).
Golden Rose
Hoa hồng vàng. Là một cành hoa hồng bằng vàng, được Đức Giáo hòang làm phép vào chủ nhật thứ Tư của Mùa Chay, và gửi tặng như một sự tôn vinh đặc biệt cho một người hoặc một cơ sở nổi tiếng. Nó được tặng vì sự phục vụ đặc biệt hay lòng trung thành với Tòa thánh của một người hay một cơ sở. Ở giữa hoa hồng chính có một ly nhỏ có nắp trong đó người ta đặt xạ hương và nhựa thơm. Hoa Hồng vàng là một biểu tượng của niềm vui thiêng liêng.
Golden Rule
Luật vàng, khuôn vàng thước ngọc. Là nguyên tắc luân lý để đối xử với người khác khi mình muốn họ đối xử ra sao với mình. Luật này được Chúa Kitô diễn tả trong bài giảng trên Núi: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó" (Mt 7:12).
Golden Sequence
Ca tiếp liên vàng. Là tên gọi áp dụng cho thánh thi “Veni, Sancte Spiritus, et emitte coelitus (Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!), được hát vào Chủ nhật Hiện Xuống.
Golgotha
Golgotha, đồi Gôn-gô-tha. (Từ nguyên Aramaic gulgulta, sọ người.).
Goliath
Goliath, ông Go-li-át. Là tên của một chiến binh Philistine (Phi-li-tinh) khổng lồ ở thành Gath (Gát), cao khỏang ba thước. Giữa trận tuyến dàn quân đối nhau giữa người Philistines và người Do Thái, ông thách thức người Do thái gửi một chiến binh đại diện và chiến đấu tay đôi với ông. Một người chăn chiên trẻ tuổi, David (Đa-vít), tình nguyện đáp trả lời thách thức trên, và Vua Saul (Sa-un) miễn cưỡng đồng ý. Không mang áo giáp và chỉ trang bị một dây phóng đá và năm hòn đá cuội, David tiến tới gặp Goliath đáng sợ. Chỉ một cú dây phóng đã đã dàn xếp cuộc đấu; hòn đá cuội cắm sâu vào trán người khổng lồ, và David lấy gươm của Goliath và chặt đầu y. Được cảm hứng với chiến công này, người Do thái đuổi toàn bộ quân địch trở lui về Gath (I Sm 17).
Gomer
Gomer, ông Gô-me, bà Gô-me. Là con trai của Japheth (Gia-phét) và cháu nội của ông Noah (Nô-ê, St 10:2). Ông là tổ phụ của một dân tộc cổ được ngôn sứ Ezekiel (Ê-dê-ki-en) nhắc đến như là các chiến binh chống lại God (Gốc), Vua của Magog (Ma-gốc, Ed 38:6). Bà Gô-me là người vợ ngọai đạo của ngôn sứ Hosea (Hô-sê), và tình yêu ông dành cho bà tượng trưng tình yêu của Đức Chúa đối với dân Do Thái, mặc dầu dân phạm nhiều tội lỗi.
Good
Thiện, tốt lành, hay, tốt, sự thiện, lương thiện. Nói chung, là điều gì thích hợp hoặc thích ứng cho một người hoặc một vật. Tuy nhiên trong thực tế đó là điều mà mọi vật đều nhắm tới hoặc ước muốn. Sự thiện là sự đáng mong muốn, do đó là đối tượng của nhu cầu hay xu hướng tự nhiên (hay siêu nhiên) của một hữu thể.
Good Friday
Thứ Sáu Tuần Thánh. Là ngày thứ Sáu của Tuần Thánh, tưởng niệm ngày Chúa Kitô chịu chết trên cây Thánh giá, và là một ngày ăn chay và kiêng thịt ngay từ thời đầu của Kitô giáo. Lễ phục đen được linh mục mặc, và không có Thánh lễ, ngọai trừ cái được gọi là Phụng vụ Rước lễ Thứ Sáu Tuần Thánh. Một bánh thánh truyền phép ngày trước đó được vị Linh mục rước lễ một mình, mặc dầu của ăn đàng được phép trao cho tín hữu. Trong phụng vụ mới, kể từ Công đồng chung Vatican II, lễ nghi gồm có bài Thương khó theo thánh Gioan, các lời cầu đặc biệt cho Giáo hội và người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội, hôn kính Thánh giá và phụng vụ Rước lễ cho mọi người tham dự. Nghi thức Phụng vụ Trọng thể được chọn cử hành từ khỏang trưa đến 9 giờ tối. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh là ngày duy nhất trong năm không có Thánh lễ theo lễ điển Roma.
Good, Highest
Chí thiện. Còn gọi là tối cao, tối thượng, summum bonum. Là sự thiện vượt mọi sự thiện và bao trùm sự thiện. Trên Trái đất này, đó là sự vâng theo ý Chúa và phục vụ Chúa trong tin yêu; trên Trời, đó là sự sở hữu Chúa trong việc chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa.
Good News
Tin Mừng, Phúc Âm. The Gospel, có nghĩa đen là “tin tức tốt lành” hoặc “tin vui”, từ chữ evangelion trong Tân Ước. Đây là toàn bộ giáo huấn của Kitô giáo, mà những kẻ có lòng tin chấp nhận giáo huấn này với tâm trí của mình và cố gắng đem ra thực hành. Gọi là “tin tức” bởi vì điều Chúa Kitô mặc khải đã được che giấu từ khi tạo thành thế giới; và gọi là “tin mừng” vì nó mặc khải sự thiện vô biên của Chúa, Chúa đã trở nên con người, và bởi vì qua Chúa Kitô mọi lợi ích của ơn Chúa đều được ban cho lòai người sa ngã.
Good Shepherd
Mục tử nhân lành, Người chăn chiên lành. Là danh hiệu của Chúa Kitô, được chính Chúa ban cho Chúa, trong nhiều lần và trong Dụ ngôn người Chăn chiên lành (Ga 10:17-18; Lc 15:3-7). Chủ đề này được lấy lại sau đó trong Tân Ước (Dt 13:20; I Pr 2:25, 5:4). Trong danh hiệu này có hàm ý về lòng nhân từ của Chúa đối với người tội lỗi và sự quan tâm của Chúa với người yếu đuối và thấp kém. Trong các hang tọai đạo, Đấng Cứu Thế cũng thường được vẽ như vị Mục tử Nhân lành.
Good Thief
Người trộm lành. Truyền thống thường gán người trộm lành cho Dismas, một trong hai tên trộm cùng đóng đinh với Chúa Kitô. Ông quở trách tên trộm kia vì xin Chúa cứu họ khỏi chết, ông cầu nguyện xin Chúa cho ông về trời với Chúa, và ông được Chúa bảo đảm sự cứu độ. Một phần thập giá mà người trộm lành chết trên đó đã được tôn kính trong Nhà nguyện Thánh tích của Nhà thờ Santa Croce (Thánh Giá) tại Gerusalemme, Rome. Người trộm lành là bổn mạng của những người bị kết án tử hình.
Good Works
Việc thiện, việc lành, làm phúc. Là những việc tốt về luân lý, khi được thực hiện trong tình trạng ân sủng, xứng đáng nhận phần thưởng siêu nhiên. Từ ngữ này được tranh cãi nhiều trong thời Cải Cách, khi các nhà lãnh đạo Tin Lành, nhất là Martin Luther (1483-1546), cho rằng chỉ có đức tin công chính hóa, chứ không phải các việc lành công chính hóa. Mặc nhiên trong giáo lý Công giáo về việc lành là niềm tin nói rằng bản tính con người đã không hư hỏng hòan tòan bởi lý do sự sa ngã của ông Adam. Con người được tự do cộng tác với ân sủng để làm việc lành. Sự tự do này là không hòan tòan bị tội lỗi nô dịch hóa.
Gorgias
Gorgias, ông Goóc-ghi-át. Là một viên chỉ huy quân sự trong quân đội Syrian (Xy-ri), được lệnh xâm chiếm Judah (Giu-đa) và tiêu diệt nó (I Mcb 3:38-39). Ông Judas Maccabeus (Giu-đa Ma-ca-bê) tập hợp một đội quân và chạm trán với quân Syrian ở Emmaus (Em-mau), đánh bại họ một cách quyết liệt (I Mcb 4:8-25). Tuy nhiên Gorgias chiếm lại sáng kiến, khi ông đánh bại quân Do Thái trong trận đánh gần Jamnia (Giam-ni-a). Sau đó ông trở thành tổng trấn miền Idumaea (I-đu-mê) và một lần nữa đụng độ với ông Judas (Giu-đa). Ông bị đánh bại nhưng thóat bị bắt giữ (II Mcb 12:32-37).
Gospel
Tin Mừng, Phúc Âm. Là một trong bốn trình thuật trung thực về đời sống, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, mà Giáo hội dạy là được Chúa linh hứng. Đó là các Tin mừng theo thánh Mátthêu, Marcô, Luca và Gioan. Nhiều giai đọan trong việc sử dụng từ ngữ “Tin Mừng, Phúc Âm” có thể được phân biệt. Trong Cựu Ước là lời tiên báo về “Tin mừng Cứu độ" của Đấng Thiên Sai (Is 40:9, 41:27, 61:1). Chính các sách Phúc Âm tự nói về “Tin Mừng” từ sứ điệp của thiên thần ở Bethlehem (Bê-lem, Lc 2:10) đến việc ủy thác sau cùng cho các thánh Tông đồ (Mc 16:15). Ngoài bốn sách Tin mừng này, tòan bộ Tân Ước nói nhiều, nói rộng, và với nhiều sắc thái khác nhau về “Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”. Trước các sách Tin Mừng gốc đã có “Tin Mừng truyền khẩu”, hay truyền thống, và các trình thuật viết tay dựa vào đó. Và sau khi các sách Tin Mừng qui điển đã thành hình, nhiều sách Tin Mừng ngụy thư cũng đã được viết ra. Người ta thống kê có 21 Tin mừng ngụy thư như vậy. (Từ nguyên Anglo-Saxon g_dspel: tốt lành + spel, truyện kể.)
Gospels, Apocryphal
Ngụy Phúc Âm, Tin Mừng ngụy thư. Là các trình thuật không xác thực về cuộc đời Chúa Kitô, được viết ra vào khỏang giữa thế kỷ thứ nhất và thế kỷ thứ ba. Nhiều Tin Mừng Ngụy thư xuất hiện, và một số bản mới được phát hiện vào thế kỷ 20. Tin Mừng Ngụy thư có nhiều lọai. Một số thể hiện ít nhất một ít bài truyền khẩu đáng tin cậy, chẳng hạn Tin Mừng theo thánh Phêrô, Tin mừng theo người Do Thái. Một số Tin Mừng Ngụy thư là lạc giáo công khai và tìm cách trình bày các quan điểm sai lầm, nhất là quan điểm Ngộ giáo thuyết, chẳng hạn Tin mừng theo thánh Tôma, Tin Mừng theo Marcion, theo 12 Tông đồ, và theo Philipphê. Một nhóm thứ ba các bài viết là truyện đạo đức, được viết ra để thỏa mãn sự hiếu kỳ của người dân, và kể chủ yếu về thời niên thiếu của Chúa Giêsu Kitô; chẳng hạn Tin Mừng niên thiếu theo thánh Tôma, Truyện thánh Giuse làm Thợ mộc, và cái chết của Đức Mẹ. Tổng kết có 21 Tin Mừng Ngụy thư, trong đó một số có đầy đủ bản viết.
Gossip
Chuyện mách lẻo, chuyện ngồi lê đôi mách. Là chuyện mách lẻo, nhất là nói về người khác. Luân lý tính của chuyện mách lẻo được xác định tùy theo mức độ về thời gian phung phí cho chuyện trò vô ích này, theo sự vi phạm công bằng và bác ái đối với người khác, và theo sự thiệt hại gây cho thanh danh người khác bởi người ngồi lê đôi mách.
Gothic Architecture
Kiến trúc Gothic. Nguyên thủy đây là kiến trúc liên quan đến người Goths; nó phát triển khắp châu Âu từ khỏang năm 1200 đến năm 1500. Đặc điểm của kiến trúc này là các khung vòm nhọn, vòm chống đỡ, giàn chống tòa nhà, và các nét kiến trúc chưa từng có trước đó trong các tòa nhà của Giáo hội. Người Ý thời Phục hưng xem kiến trúc này như một dấu chỉ của sự khinh rẻ do tình trạng man dã của nó. Nó có thể được gọi là “phong cách Công giáo”, bởi vì nó diễn đạt nền văn minh mới của người Franks, Normans, Anglo-Saxons, và người Teutonic, là những người trở nên Kitô hữu sau khi dấu tranh với ngọai giáo. Và hiện nay kiến trúc Gothic vẫn là thành quả nghệ thuật cao nhất của các nền văn minh ấy.
Gothic Vestments
Lễ phục Gothic. Là tên gọi chung dành cho lễ phục phụng vụ có dáng vẻ đặc trưng thời Trung cổ, với dây các phép dài, áo lễ gần như có hình tròn nếu trải rộng ra.
Government
Chính quyền, cai trị, thống trị. Theo triết học kinh viện, đây là chính quyền cai trị người dân, đòi hỏi họ sử dụng một số biện pháp quy định để thực thi kế họach có sẵn vì lợi ích chung. Điều quan trọng cho khái niệm chính quyền, là quyền bính được trao cho một số người được chỉ định; việc quản lý là nhằm cho công ích; có kế họach chính thức về sự cần phải làm để thăng tiến phúc lợi xã hội; có luật lệ diễn tả ý nguyện của người cầm quyền liên quan việc thăng tiến công ích; có hình phạt áp đặt cho những ai không tuân giữ luật lệ. (Từ nguyên Latinh gubernare, hướng dẫn, điều hành, cai trị.)
Gr
Gr, Gratia – ân sủng, ơn.
Grace At Meals
Kinh ăn cơm. Là kinh khẩn nguyện trước khi ăn cơm và tạ ơn Chúa sau khi ăn cơm, nhìn nhận lòng nhân lành của Chúa và nhận biết rằng mình lệ thuộc hòan tòan, ngay cả về thức ăn thức uống, vào Chúa.
Grace Of Christ
Ân sủng của Chúa Kitô. Là đời sống và phúc lành siêu nhiên mà Chúa đã ban và tiếp tục ban cho nhân lọai xét vì công nghiệp của Chúa Cứu Thế. Nó vượt quá ân sủng của Chúa bởi vì, ngòai việc nâng con người lên đời sống thiên linh, nó còn chữa lành các thương tích do tội gây ra nữa.
Grace Of God
Ân sủng của Chúa, ơn Chúa. Là đời sống siêu nhiên được trao cho các thiên thần và nguyên tổ chúng ta trong Thiên Đàng. Đó là ân sủng bởi vì được trao vì lòng Chúa yêu thương mà thôi, bỏ qua một bên vấn đề công nghiệp của Chúa Kitô. Các thiên thần không cần được cứu chuộc, và nguyên tổ của chúng ta trước khi Sa ngã, không đáng nhận lãnh ân sủng một cách tiêu cực.
Grace Of Sanctification
Ơn thánh hóa. Là ơn siêu nhiên với mục đích là thánh hóa bản thân cho người nhận lãnh ơn ấy. Nó được gọi là ân sủng, bởi vì nó là ơn làm vui lòng (gratia gratum faciens) Chúa, hoặc bằng cách làm cho người ta nên thánh thiện (thánh sủng), hoặc chuẩn bị cho người ta được thánh hóa, hoặc gìn giữ hay gia tăng sự thánh hóa (hiện sủng) cho người ta.
Grad
Grad, Gradus – Cấp, bậc, mức, độ, trật, hạng, lớp, tầng lớp, đẳng cấp.