Ngày 26-06-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Tâm biểu lộ Tình Yêu Thiên Chúa
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
01:40 26/06/2019
Không có từ ngữ nào diễn tả tình cảm được người ta dùng nhiều cho bằng hai chữ “tình yêu”. Chính vì quá quen thuộc, nên cũng không có từ ngữ nào bị lạm dụng cho bằng hai tiếng ấy.

Người ta nhân danh tình yêu để cho cụ già sắp chết một mũi thuốc mà họ gọi là “chết êm dịu” mà mặt trái là nhằm khử đi một gánh nặng. Người ta cũng nhân danh lòng thương xót hủy diệt một bào thai vì sợ phải nuôi kẻ tật nguyền. Hủy diệt một nền văn hóa của thổ dân bản địa, người ta cũng cao rao tình yêu. Hay đôi lứa yêu nhau vì muốn chiếm đoạt sắc đẹp, của cải của nhau, đôi lứa ấy cũng nhân danh tình yêu...

Tình yêu phát xuất từ con người có khi đáng sợ như vậy. Còn Thiên Chúa, tình yêu của Người là tự hủy, là hiến mình, là cứu độ, là trung thành, là trở nên mạch sống...

Chúa Giêsu, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, đã làm nổi bật nơi chính cuộc đời và sự sống của Người tất cả nỗi yêu thương tràn đầy và tuyệt đối ấy. Từ những trang Tin Mừng, chúng ta không thể kể hết những lần Chúa tỏ tình yêu xót thương đối với con người.

Một đời từ lúc vâng lệnh Chúa Cha, Chúa Giêsu nhập thể, sống nơi trần gian, chết cay đắng, đến khi sống lại vinh quang, vinh thăng trên trời… đều là tình yêu tự nguyện của Chúa Ngôi Hai dành cho chúng ta, một tình yêu không thể chứa đựng nơi mọi mỹ từ, vượt trên tất cả mọi ý tưởng của loài người, khi phải diễn tả tình yêu ấy.

- Tình yêu dẫn đến cái chết cho người mình yêu đã lớn. Một tình yêu tự nguyện ném mình vào cái chết càng lớn lao khôn xiết. “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là lệnh của Chúa Cha mà tôi đã nhận được” (Ga 10, 17-18).

- Vì lòng xót thương, trên thánh giá, lời Chúa Kitô “xin Cha tha cho chúng…” (Lc 23, 34), đâu chỉ là lời dành cho những kẻ đang đùng đùng sát khí dưới chân thánh giá. Nếu nhập thể là để cứu độ, và bây giờ, vinh thăng trên trời, ngự bên hữu Chúa Cha là để chuyển cầu cho ta, để đưa ơn cứu độ của ta đạt đến vĩnh cửu, thì lời “xin Cha tha cho chúng” là, và phải là lời muôn đời Chúa Kitô chuyển cầu cho tất cả chúng ta.

- Vì tình yêu thương xót, Chúa Kitô đã trút bỏ hoàn toàn. Trút bỏ cả cuộc đời, trút bỏ cả mạng sống vẫn chưa làm đủ. Đến lúc trao hơi thở sau hết, lại còn tiếp tục trao dâng cả đến giọt máu cuối cùng, khi “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 34).

Trái Tim mở ra là để nhân loại hạnh phúc ngụp lặn trong biển tình yêu vời vợi ấy. Dòng máu cứu chuộc trở thành nguồn sự sống và sức sống cho tất cả mọi người thiết tha tìm đến. Trái Tim của Thiên Chúa làm người không đòi cho mình bất cứ điều gì, bây giờ lại thuộc về chúng ta tất cả. Chúa thương xót chúng ta.

- Nhưng không dừng ở đó. Trái Tim Chúa Kitô mở ra, không chỉ cho thấy sự mạnh mẽ, dữ dội của tình yêu nơi Chúa Kitô dành cho loài người. Hình ảnh Trái Tim mở ra, gợi lại cho ta lời tiên tri Hôsê từ xa xưa: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11, 8) để mạc khải tình yêu muôn đời bền vững của Thiên Chúa.

Lòng Thiên Chúa chứa đầy yêu thương. Thiên Chúa đã yêu. Mãi mãi cứ yêu. Ngàn đời tình yêu Thiên Chúa vẫn không cùng. Vì thế, Trái Tim Chúa Kitô vừa khắc sâu tình yêu của Thiên Chúa, vừa bộc lộ đến vô cùng tình yêu chan chứa, thấm đẫm trong Trái Tim Thiên Chúa.

Làm sao có thể nói hết tình yêu thương xót của Thiên Chúa và của Chúa Kitô. Chỉ xin được nhìn ngắm bài học của lòng thương yêu ấy, để chúng ta cũng sống tình người bằng lòng bác ái, vị tha, đón nhận, cảm thông… giữa người cho nhau, vì nhau trong cõi đời này…

Chúng ta cùng nhìn lên Thánh Tâm Con Thiên Chúa. Hãy đến với Thánh Tâm, hãy học cùng Thánh Tâm. Đến và học cùng Thánh Tâm, chắc chắn loài người sẽ làm cho xã hội tốt hơn, tha nhân quanh mình bớt đau khổ, cuộc sống của chính mình hạnh phúc hơn…

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con Trái Tim Con Chúa. Trái Tim của Người là Trái Tim rộng mở đón nhận hết mọi người và ôm trọn cả loài người chúng con.

Nơi Trái Tim Con Chúa, kẻ lao nhọc và gánh nặng tìm được chốn nghỉ an, kẻ bất hạnh tìm được niềm vui, kẻ yếu đuối tìm được chỗ dựa vững chắc, kẻ khốn cùng tìm được nguồn an ủi, kẻ cô độc tìm được một người bạn chân thành.

Chúng con tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu, nơi biểu lộ của tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con có một trái tim rộng mở như Trái Tim Chúa Giêsu để đừng bao giờ loại trừ ai ngoài trái tim thịt mềm của chúng con. Amen.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:12 26/06/2019

17. Nếu con người ta chỉ muốn sở trường của mình mà quên đi sở đoản của mình, thì khó mà tránh khỏi kiêu ngạo.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:20 26/06/2019
55. MẶC CẢM CÂM ĐIẾC

Có hai người câm và điếc, đi đâu cũng mặc cảm cái nhược điểm của mình.

Một hôm, anh điếc thành khẩn mời anh câm hát, anh câm biết anh ta bị điếc không nghe được, bèn nhóp nhép cái miệng giống như hát lại còn dùng tay đánh nhịp phách.

Anh điếc làm bộ tịch giống như rất chú ý nghe hát, nghiêng tai nghe rất lâu, thấy miệng anh câm ngưng, liền nói:

- “Lâu rồi mới nghe được âm giai như thế, hôm nay rất có tiến bộ !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 55:

Câm và điếc có thể nói là hai nỗi khổ của con người, và do đó mà người câm điếc thường bị mặc cảm...

Con người ta ai cũng động lòng trắc ẩn trước người tàn tật dù họ giàu hay nghèo, nhưng trong thực tế vẫn có những người tàn tật không làm cho người khác động lòng, bởi vì có người câm nhưng rất kiêu ngạo, có người điếc nhưng lại muốn mình nghe rõ hơn mọi người...

Câm và điếc thì không thể trò chuyện “khơi thông” với người khác được, bởi vì người nói được thì không nghe được và người nghe được thì không nói được.

Cũng vậy, người nóng nảy và người kiêu ngạo thì giống như câm và điếc, họ không bao giờ hợp tác được với ai bởi vì họ không “nghe” được lòng thành của đối phương, họ cũng không “nói” được thiện chí của mình, bởi vì tính nóng nảy làm cho trí óc họ bị “câm” mất rồi vậy.

Chỉ có người biết khiêm tốn và chậm nóng giận thì mới chữa được bệnh câm điếc của tâm hồn mình mà thôi, như thế thì không những họ nhận được lòng thương xót của Chúa mà còn được mọi người mến thương hơn.

Thật phúc thay vì họ không còn cô đơn nữa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Dẩn Nhập và Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ 13 Quanh Năm C 30.6.2019
Lm Francis Lý văn Ca
15:24 26/06/2019
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Trong các bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta cách thức theo Ngài. Hay nói một cách khác, Ngài mời gọi chúng ta đáp lại tiếng gọi của trời cao, theo Chúa phải có tinh thần từ bỏ, không điều kiện như bài Tin Mừng chúng ta sẽ nghe hôm nay. Đồng thời phải vác thập giá nữa.

Chúa không khắt khe cũng như để cho chúng ta bị thiệt thòi khi Ngài đòi hỏi chúng ta theo Ngài: "Phàm ai từ bỏ mọi sự.... sẽ được hưởng gấp trăm và được sự sống đời đời làm cơ nghiệp".

Vậy, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta biết hy sinh từ bỏ những gì cản bước tiến chúng ta đi theo Ngài và làm cho đời sống đạo của chúng ta thêm vướng vít, bận bịu...

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Êlisê được Chúa kêu gọi làm tiên tri. Nhưng trước khi đi ông đã xin Thiên Chúa Giavê về hôn, từ giã cha già và ăn bữa cuối cùng với người thân. Thiên Chúa đã chìu ý ông.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô khyên dân thành Galata, hãy sống trọn vẹn tinh thần yêu thương mà phép rửa tội đã nối kết họ nên một Dân Thánh. Nếu không khôn ngoan, mà cứ cắn xé nhau, thì họ sẽ bị hủy diệt. Đây cũng là bài học cho những cộng đoàn xứ đạo hôm nay.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Chúa Giêsu trong bài Tn Mừng hôm nay cho chúng ta thấy tư tưởng kêu gọi của Ngài khác với bài đọc thứ I. Ngài không chìu ý, nhưng còn mạnh dạn trong cách nói: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết". Nhưng phần thưởng rất bội hậu, như Ngài hứa trong đoạn cuối của bài Tin Mừng mà chúng ta sắp nghe sau đây.


Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Trong thế giới hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi nhân loại bước theo Ngài, để rao giảng Tin Mừng. Chúng ta cầu xin Chúa cho nhân loại biết đáp lại tiếng gọi của trời cao:

1. Trên bước đường theo Chúa, đôi lúc chúng ta dừng chân, lùi bước, ngoảnh mặt lại phía sau, với những hối tiếc. Xin Chúa giúp chúng ta can đảm, nhìn lên Chúa, là lý tưởng tuyệt hảo của cuộc đời và tiếp tục dấn bước trên con đường theo Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho chúng ta biết từ bỏ tính ích kỷ, kiêu căng, biết thắng lướt những đam mê, để vượt qua sa mạc cá nhân chủ nghĩa, đến với anh chị em trong cảm thông và tha thứ. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Trên con đường theo Chúa, chúng ta sẽ gặp nhiều anh chị em thiếu thốn tình thương, bị xã hội khinh chê, ruồng bỏ. Xin cho chúng ta biết dừng chân, để ủi an, chia sẻ những bất hạnh của anh chị em kém may mắn. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Qua bài Tin Mừng hôm nay, xin cho chúng ta biết nâng đỡ những thanh niên nam nữ dâng mình cho Chúa, đáp lại tiếng gọi của trời cao. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin Chúa tiếp tục ban ơn cho các linh mục, tu sĩ nam nữ luôn đủ nghị lực và ơn thánh để trung thành với ơn gọi. Với sự nâng đỡ của cộng đoàn dân Chúa, các Ngài được an ủi va an vui trong phục vụ hoặc trong đời sống hiến dâng. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

6. Xin cho các tín hữu đã qua đời, những linh hồn mồ côi, qua lời cầu nguyện và thánh lễ dâng tiến các ngài được hưởng kiến nhan thánh Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, xin sai Thần Linh Chúa đến hướng dẫn Giáo Hội, luôn bước đi trong đường lối Chúa. Với sức mạnh của Thánh Linh giúp đỡ, chúng con sẽ trung thành trong ơn gọi của người tín hữu trong xã hội trần thế. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Con đường theo Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
18:11 26/06/2019
Chúa Nhật XIII Thường Niên, năm C
Lc 9,51-62

Đức Giêsu được Chúa Cha sai tới trần gian, Người đã chấp nhận con đường hẹp bởi vì đường hẹp là đường khổ giá, đường từ bỏ ý riêng để theo ý Chúa Cha.

Tin Mừng đã có lần thuật lại khi các môn đệ đi với Chúa Giêsu lên Giêrusalem, các môn đệ tranh luận với nhau xem ai làm lớn trong Vương Quốc của Đức Giêsu. Các môn đệ cứ tưởng Nước của Chúa là nước trần gian, nước mà các Vua Chúa vẫn thiết lập một nội các theo ý của họ. Các môn đệ không hiểu được “ Nước của Chúa không thuộc về thế gian này “. Lên Giêrusalem là từ bỏ ý riêng, là chấp cái chết để cứu độ nhân loại…

Đọc đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay, chúng ta như ngầm thấy có một sự giằng co nào đó, một sự đối kháng nội tâm giữa chọn lựa theo ý riêng và ý Chúa Cha. Sự trăn trở giữa hai con đường : con đường hẹp và con đường rộng.

Chúa Giêsu đã cương quyết lên Giêrusalem vì lên Giêrusalem là chấp nhận ý Chúa Cha. Một sự tuân hành tuyệt đối ý Chúa Cha. Và ý của Cha Ngài là cứu rỗi nhân loại,cứu vớt con người.

Đường của Chúa là đường hẹp, đường tự hủy ra không để chấp nhận ý Thiên Chúa Cha. Ngài cho mọi biết theo Ngài là phải từ bỏ, phải vác Thập giá mỗi ngày mà theo Ngài.

Đường theo Ngài đòi hy sinh,vượt thắng, kiên quyết. Chúa Giêsu đã đưa ra các tiêu chuẩn cho những người muốn đi theo Ngài…Ngài cho biết cuộc đời của Ngài rày đây mai đó, Ngài không có chỗ ở :” Chồn có hang, Chim có tổ. Còn Con người không có nơi gối đầu “.

Tất cả những ai muốn làm việc, muốn cộng tác với Ngài trong việc cứu thế thì phải cương quyết, một mực theo Ngài không còn tháo lui nữa, thậm chí còn phải hy sinh những tình cảm, cắt đức mối dây gia đình thân thương.

Chính vì vậy, trên đường đi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đã gặp nhiều hạng người trên đường muốn đi theo Ngài.

Người thứ nhất muốn đi theo Chúa, nhưng Chúa nói Ngài không có nhà, không có của vv…Chúa nói Chúa sống khó nghèo.Tin Mừng không cho biết anh có chấp hay không chấp nhận đi theo Chúa !

Người thứ hai cũng xin đi theo Chúa, nhưng trước khi đi với Chúa, anh ta xin cho được về chôn cất bố của anh mới mất. Chúa thẳng thừng ra điều kiện :” Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa “. Tin Mừng cũng không cho biết anh có đi theo Chúa hay khước từ đi theo Ngài.

Người thứ ba cũng xin theo Chúa, nhưng lại xin phép Chúa cho từ biệt gia đình trước đã. Chúa Giêsu trả lời ngay là ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lui thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa. Đúng là một lời dứt khoát, cương quyết, rất quyết liệt của Chúa Giêsu đối với những ai muốn làm môn đệ của Ngài.

Chính vì thế, người Kitô hữu tin rằng dù họ có yếu hèn, tội lỗi, hay phản nghịch cùng Chúa, nhưng nếu họ thật lòng ăn năn sám hối, cải tà qui chánh, thay đổi đời sống, quyết tâm quay trở về với Chúa, chắc chắn Chúa sẽ tha thứ tội lỗi, ban sức mạnh, bình an và ban ơn cứu độ cho họ.

Chúa đòi hỏi người môn đệ của Chúa nhiều điều kiện. Chúa đã nói :” Ai muốn theo Ta. Phải từ bỏ mình, vác Thập giá mỗi ngày mà theo Chúa “. Chúa đòi hỏi người môn đệ phải dứt khoát từ bỏ tội lỗi, những tính hư tật xấu, những điều tiêu cực, từ bỏ gương mù, gương xấu vv…

Và để bỏ được những điều nói trên, người môn đệ phải có ơn Chúa, phải nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần, phải dứt khoát, mau mắn thực hiện các điều kiện của Chúa đề ra…

Đi theo Đức Giêsu là dứt khoát từ bỏ chính mình, bước trên con đường hẹp, từ bỏ những vướng víu nặng nề , cản bước để mang Tin Mừng cứu độ đến cho mọi người ở khắp nơi, đặc biệt những người nghèo, neo đơn, cơ nhỡ, những người bị áp bức, bị xã hội ruồng bỏ.

Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con mau mắn, nhiệt tâm loan báo Tin Mừng để Danh Chúa được cả sáng và Lời của Chúa đến với mọi người dù có gặp những trắc trở, những nghịch cảnh lao đao, vất vả, khó khăn. Amen.
 
Trái Tim Mục Tử
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
22:01 26/06/2019
Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta đặc biệt suy tôn Tình Yêu của Chúa Giêsu đã thể hiện qua trái tim của Người. Phụng vụ Lời Chúa năm C không có một từ nào nói về trái tim Chúa Giêsu, nhưng lại nói đến Tình Yêu của một Thiên Chúa là Cha qua hình ảnh của một người mục tử hết mình yêu thương đàn chiên.

Cùng với khẩu hiệu ”Thương Xót như Chúa Cha” (Lc 6,36), huy hiệu Năm Thánh Lòng Thương Xót (do Cha Marko I. Rupknik SJ sáng tác) trình bày người Cha đang vác người con lầm lạc trên vai. Một hình ảnh rất được Giáo Hội cổ kính quí chuộng, vì diễn tả tình thương của Chúa Kitô hoàn tất mầu nhiệm nhập thể của Người bằng công trình cứu chuộc. Hình của huy hiệu làm nổi bật sự kiện Vị Mục Tử nhân lành đi sâu vào thân thể con người, với tình thương yêu đến độ thay đổi cuộc sống của con người.

Ngoài ra, một sự kiện này không thể bỏ qua, đó là Vị Mục Tử nhân lành, với lòng thương xót tột độ, vác nhân loại trên vai, nhưng đôi mắt của Vị Mục Tử hoàn toàn giống như đôi mắt của con người. Chúa Kitô nhìn với con mắt của Ađam và Ađam nhìn với con mắt của Chúa Kitô. Như thế mỗi người nhận ra nơi Chúa Kitô là Ađam mới, chính nhân tính của mình và tương lai đang chờ đợi mình, khi chiêm ngắm, trong cái nhìn của Chúa Kitô, tình thương của Chúa Cha. (theo vi.radiovaticana.va)

Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã mạc khải cho dân Do Thái qua ngôn sứ Êdêkien về một thời đại mới mà chính Thiên Chúa sẽ là mục tử chăn dắt dân của Người. Vị mục tử sẽ tìm kiếm những con chiên bị tản mác khắp nơi, tập hợp và đưa chúng vào đất của chúng. Chăn dắt trong những đồng cỏ tươi tốt, màu mỡ trên các núi cao, các thung lũng Ít-ra-en và tại mọi nơi trong xứ có thể được. Con nào bị mất, Người sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Người sẽ đưa về; con nào bị thương, Người sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Người sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Người sẽ canh chừng. Người sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng. (x. Ed 34,11-16)

Trong những ngày nắng hạn khô cằn, vị mục tử là Thiên Chúa sẽ dẫn đưa đàn chiên chúng ta đến nơi đồng cỏ xanh tươi, chỗ suối nước mát lành để chúng ta được no nê bổ sức và yên tâm nghỉ ngơi. Không còn những lo lắng, buồn phiền, mệt mỏi …. vì “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” Và rồi bình an trong vòng tay yêu thương chăm sóc, chúng ta tin tưởng khẳng định: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Người bảo vệ, con vững dạ an tâm.”

Đối với Thiên Chúa, chúng ta là những người con yêu dấu. Trong đôi mắt Người, từng người chúng ta thật quý giá không trừ một ai. Tình Yêu xuất phát từ trái tim Người đã che chở chúng ta, đem lại cho chúng ta sự bình an. Thương lắm, quý lắm nên Thiên Chúa mới xức dầu thơm lên đầu chúng ta, châm rượu vào ly cuộc đời chúng ta với bao ân tình thương quý. “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa”. (TV 23,1-6)

Đức Giêsu chính là Vị Mục Tử Nhân Lành mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân và chính Người cũng xác nhận “Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành. Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Không chỉ chăm sóc, bảo vệ, tình yêu của Đức Giêsu đối với chúng ta còn lên đến tột đỉnh khi Người hiến mạng sống mình cho chúng ta, như lời Thánh Phaolô: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,5-11)

Tình yêu của Vị Mục Tử Nhân Lành không dừng lại ở việc chăm sóc, giữ gìn chúng ta. Dụ ngôn con chiên lạc là một trong ba dụ ngôn Đức Giêsu nói đến lòng thương xót của Thiên Chúa không bỏ rơi con người tội lỗi. Sự lo lắng của vị mục tử này xuất phát từ việc trống vắng con chiên lạc trong trái tim ông. Ông dám liều lĩnh bỏ 99 con trong hoang địa và chấp nhận tất cả những rủi ro sẽ xảy đến cho bản thân để cất bước lên đường tìm 1 con. Khi tìm được con chiên lạc, ông mừng rỡ ôm nó vào lòng, vác trên vai đưa nó trở và mời bạn hữu đến chia vui “vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên đã bị mất”. Vui mừng không phải vì con số 100 tròn đầy mà là vì con chiên lạc đã được tìm thấy!

Đức Giêsu còn nhấn mạnh: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”. Cần phải hiểu bối cảnh của dụ ngôn là sự bàn tán, xầm xì của những người Pha-ri-sêu và các kinh sư khi thấy những người thu thuế và tội lỗi lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng dậy (x. Lc 15,1-7). Điều đó cho ta thấy sự khác nhau giữa lý luận của trí óc và cái lý lẽ của con tim. Chúa Giêsu muốn chúng ta phải nghe Lời Người bằng trái tim, để có thể hiểu được những hành động Người đã dành cho những người tội lỗi. Hơn thế, Người còn cho thấy, nếu một khi để cho trái tim thúc đẩy, thì ai cũng sẽ làm như Người đã làm.

Muốn cảm nghiệm được tình yêu, chúng ta cần phải biết nghe bằng trái tim, và để cho trái tim rung đập theo nhịp riêng của nó. Hãy suy ngẫm và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, để rồi nghe theo sự mách bảo của trái tim, chúng ta hãy sống sao cho xứng đáng với tình yêu hy sinh quảng đại Thiên Chúa đã dành cho mỗi người. Hãy mang lấy trái tim và cách cư xứ của Chúa đến cho anh chị em chung quanh để bất cứ ai khi tìm đến với những Kitô hữu như chúng ta, đều tìm được một ốc đảo từ bi thương xót. (ĐTC Phanxicô)

Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu tuôn đổ Tình Yêu của Người vào trong trái tim của để chúng con luôn biết lấy Tình Yêu đáp trả Tình Yêu, luôn nhìn đời với ánh mắt yêu thương, biết cảm thông trước những nỗi khổ của tha nhân. Luôn biết tìm đến với những người đang cần chúng con cho đi dù chỉ là một lời cầu nguyện, một chút yêu thương, một chút chia sẻ.

Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa bằng con tim rộng mở, để qua lời rao giảng của các vị mục tử chúng con kín múc được những nguồn mạch thâm sâu của Tin Mừng. Cho chúng con có một trái tim khiêm nhường để biết mở lòng mình ra đón nhận những phê bình, sai sót của anh em. Biết từ bỏ cái tôi để tiếp thu những điều chưa hay, chưa biết thay vì tranh cãi, lí luận đủ điều để bảo vệ những thiếu sót, khiếm khuyết của mình.

Xin Trái tim nhân từ của Chúa Giêsu giúp con biết cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ và cư xử với những người trong gia đình, những người cùng làm việc trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày bằng sự hiền từ và tha thứ để cuộc sống ngày càng thêm thăng hoa và trổ sinh trái ngọt. Và khi trái tim con đã được đong đầy Tình Yêu Thiên Chúa, xin cho con vững bước đi làm chứng nhân cho cội nguồn Tình Yêu là Thánh Tâm Chúa Giêsu giữa lòng xã hội và thế giới hôm nay. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Án lệnh buộc phá thai của tòa án Anh Quốc bị đảo ngược.
Giuse Thẩm Nguyễn
14:31 26/06/2019


Một án lệnh bắt buộc một phụ nữ tâm thần phải phá thai ngược lại với ước muốn của cô đã bị đảo ngược tại tòa kháng án.

Một tòa kháng án đã lật ngược quyết định gây nhiều tranh cãi của tòa án Anh Quốc khi tòa này bắt buộc một phụ nữ bị tâm thần phải phá thai ngược với ước muốn của cô.

Chánh án Nathalie Lieven, đã quyết định trao quyền cho các bác sĩ tiến hành việc phá thai đối với một phụ nữ đang mang thai vào thai kỳ 22 tuần, dù rằng người phụ nữ này không bằng lòng.

Cả hai người mang thai và mẹ của cô, đều là người Công Giáo, gốc Nigeria. Người mẹ của phụ nữ mang thai nói rằng bà sẵn sàng chăm sóc đứa bé.

Chánh án Nathalie Lieven viết trong án lệnh ban đầu của bà tại Tòa Bảo Vệ Người Tâm Thần vào ngày 21 thánh Sáu rằng bà làm như vậy là vì “ lợi ích tốt nhất “ cho người phụ nữ mang thai, dù bà cũng nhận thức rõ ràng là việc ra lệnh cho người phụ nữ phải chấm dứt một thai nhi ngược với ý muốn của cô ấy là một sư can thiệp quá sâu vào đời tư của người dân.

Quyết định của Tòa kháng án Anh Quốc hôm nay ghi nhận rằng đây là trường hợp “ đặt biệt” và rằng sẽ có sự giải thích đầy đủ lý do để lật ngược án lệnh vào cuối ngày.

Quyết định ban đầu của tòa án cấp dưới đã bị chống đối bởi những người phò sự sống, bao gồm hội Quyền Được Sống Anh Quốc, với 77,000 chữ ký trên mạng yêu cầu chính quyền can thiệp và tránh việc bắt buộc phá thai.

Đức Giám Mục John Sherrington, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Anh Quốc và Wales, đã lên án quyết định ban đầu này với lý do vi phạm quyền phụ nữ và quyền của thai nhi chưa sinh, vi phạm nhân quyền.

ĐGM nói rằng “Bắt buộc một phụ nữ phá thai trái ngược với ý muốn của cô và những người thân trong gia đình cô ấy là vi phạm nhân quyền của cô ấy, không kể chi quyền được sống của em bé chưa sinh trong một gia đình đã cam kết chăm sóc cho em. Trong một xã hội tự do như của chúng ta có một sự cân bằng tinh tế giữa các quyền cá nhân và quyền hành của nhà nước.”


Source: aleteia.org BREAKING NEWS: UK’s court-ordered abortion ruling is overturned
 
Phản ứng đối với “Hãy bãi bỏ chức linh mục” của James Carroll
Vũ Văn An
20:30 26/06/2019


B. Phản ứng đối với “Hãy bãi bỏ chức linh mục” của James Carroll



I.Không hiểu gì về chức linh mục

Tóm lại, với James Carroll, một “sử gia” lên mặt dạy đời mà đời đây là một Giáo Hội, chẳng gì, cũng do Chúa Kitô thiết lập và duy trì cho đến ngày tận thế, chủ nghĩa giáo sĩ trị, theo nghĩa của ông, là căn cội của lực lượng đang tàn phá Giáo Hội đến độ vô phương cứu chữa nếu không bãi bỏ chức linh mục.

Tiến sĩ J.D. Flynn, tổng biên tập hãng tin CNA, cho rằng James Carroll không hiểu gì về chức linh mục, mặc dù ông là một cựu linh mục (xem “What The Atlantic doesn’t understand about the priesthood”, CNA, 23/5/2019).

Thực ra, James Carroll không hiểu chi về bản chất con người, dù tự hào là một sử gia. Vì theo Flynn, “Bất cứ ai với một tí ti ý thức về chính mình hẳn biết rằng đồi bại (wickedness) vốn là chuyện cố hữu trong thân phận làm người. Với phần lớn chúng ta, thật dễ trở thành ích kỷ, giận dữ, thèm muốn hay say mê quyền lực; xu hướng ngả theo cái ác hình như là thân phận vĩnh viễn của chúng ta, và hành động theo xu hướng ấy hình như đến rất tự nhiên.

Flynn nhận định rằng: “cũng không ai trong chúng ta ngạc nhiên trước bất công lý, bất công bằng, tự bảo vệ mình có hệ thống hay sự thiếu khả năng trong hàng lãnh đạo Giáo Hội. Bất cứ ai sống một thời gian trong bất cứ cộng đồng nhân bản nào hẳn đều biết rằng các cộng đồng này nhường chỗ rất nhanh cho những chuyện tầm phào ngồi lê đôi mách, đánh đấm lẫn nhau, tranh quyền và lo tự bảo vệ. Giống nòi chúng ta không phải là một chế độ tự nhiên cai trị bằng công lao (meritocracy), càng không phải là một chế độ cai trị bằng nhân đức (virtuecracy). Phần lớn chúng ta nhận ra rằng chiếm một địa vị lãnh đạo đâu có gì bảo đảm thích hợp với việc lãnh đạo – trên thực tế, kinh nghiệm của chúng ta dạy chúng ta điều ngược lại hẳn”.

Theo Flynn, Giáo Hội Công Giáo không bao giờ bác bỏ các thực tại trên đây, nó còn dựa vào chúng nữa. Vì tiền đề nền tảng của Đạo Công Giáo dạy rằng con người là kẻ sa ngã và không một lượng cố gắng nào của họ, tự nó, đủ để nâng họ hoàn toàn vượt lên trên sự đồi bại của chính họ. Đạo Công Giáo dựa trên ý niệm: nhân loại cần một Đấng Cứu Rỗi mới có thể vượt lên trên đống phân hữu thể mình và không một kẻ tử sinh nào xứng với nhiệm vụ này.

“Hãy Bãi bỏ Chức Linh mục”, một tiểu luận của James Carroll đã quên khuấy điều đó. Flynn gọi bài báo này là “công trình của chủ nghĩa xét lại lịch sử” (historical revisionism), giống như công trình phản chiến của một tội đồ chiến tranh là Howard Zinn (người ném bom bình địa thành phố Royan, miền Nam nước Pháp, năm 1945, sau sống nhờ các chủ trương phản chiến, vô chính phủ). Vì ông ta đã trình bầy một phiên bản nhàm chán về lịch sử Giáo Hội Công Giáo, trong đó, vấn đề không phải là tội lệ con người mà là chiến tranh giai cấp, áp bức người ta bởi những tên hoạt đầu (oligarchs), và bác bỏ sứ điệp Tin Mừng bởi những tên vô lại nhất của lịch sử: những tên đàn ông độc thân!

Giống con ngựa bị bịt hẳn một bên mắt để chỉ nhìn thấy một phía, Flynn cho rằng “để làm lịch sử của ông có giá trị, Carroll đã phải vứt bỏ bất cứ sự kiện nào bị ông coi là bất tiện, quên khuấy vai trò của học thuyết Công Giáo trong 2,000 năm nay trong việc đánh phá chủ trương thù ghét phụ nữ (mysogyny), trong việc khẳng nhận phẩm giá người nghèo và liên đới với người bị áp bức. Carroll đã phải dệt sự kiện vào hư cấu nhằm làm cho chức linh mục bí tích của Giáo Hội thành một lực lượng cưỡng bức, thống trị và áp chế độc dạng đồi bại”.

Flynn cho rằng “lịch sử thay thế của Carroll, lật nhào hay bãi bỏ giai cấp giáo sĩ của Giáo Hội sẽ dẫn đến một mùa bừng nở bình đẳng, đại lượng, hòa bình và hoà hợp”. Nhưng “bất cứ ai nghĩ điều này nghe có lý nên đọc một trình thuật bất cứ nào về Cuộc Cách Mạng Pháp hay một hồi ký ở Khối Đông Âu. Bất cứ ai nghĩ rằng bãi bỏ giai cấp giáo sĩ của Giáo Hội sẽ dẫn tới một sự hợp nhất Kitô Giáo lớn hơn nên xem lại lịch sử của 5 thế kỷ phong trào Thệ Phản”.

Lịch sử của Carroll là lịch sử viết bởi con ngựa bị bịt một bên mắt. Thực vậy, theo Flynn, vấn đề trong quan điểm của Carroll là “nó định vị tội lỗi duy nhất nơi một giai cấp. Nó quên việc tội lỗi đã làm tổ sâu xa xiết bao trong mọi trái tim con người. Nó cũng quên thuốc giải độc tội lỗi”.

Vì một lẽ đơn giản là “nếu chúng ta muốn cải tổ Giáo Hội, mà mọi người chúng ta đều muốn, thì chúng ta không thể làm thế nếu không có ơn thánh mà chúng ta nhận được qua trung gian của chức linh mục bí tích. Vị linh mục, người dâng lễ hy sinh của Chúa Giêsu trên bàn thờ, thực tế không nhân đức gì hơn bất cứ ai trong chúng ta, không khôn ngoan gì hay ít tội lệ gì hơn. Nhưng ngài được để riêng ra. Ngài chuyên chú mục vào việc dâng lễ hy sinh của Chúa Cứu Thế, Đấng có thể giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi. Ngài làm trung gian để ta nhận được ơn thánh cứu rỗi ấy trong Bí Tích Giải Tội. Ngài dẫn nhập chúng ta vào các mầu nhiệm, và ngài ban phát các mầu nhiệm ấy – không phải vì ngài tốt lành gì hơn bất cứ ai trong chúng ta, nhưng vì Chúa Kitô đã đặt ngài riêng ra vì chúng ta”.

Flynn khẳng định điều mà tất cả chúng ta đều đã thuộc lòng từ lúc bặp bẹ bài giáo lý đầu tiên: “Vị linh mục – già hay trẻ, cấp tiến hay bảo thủ, thánh thiện hay vấy bùn tội lệ - trong thừa tác vụ của ngài, đều cung hiến cây cầu giữa nhân tính sa ngã của chúng ta và vinh quang phục sinh của Chúa Kitô. Ơn thánh của lễ hy sinh do các linh mục dâng là chìa khóa đưa chúng ta vào giải phóng khỏi áp chế thực sự, vốn phát sinh từ tội lỗi”.

Thành thử, thái độ đúng đắn trước nỗi đau do một số giáo sĩ gây nên cho nhiệm thể Chúa Kitô, là “Chúng ta nên hy vọng, và làm việc, để cải tổ Giáo Hội. Chúng ta nên nhổ tận rễ chủ nghĩa giáo sĩ trị. Chúng ta nên trừng phạt sự lạm dụng và cưỡng bức. Chúng ta nên nhìn nhận tội lỗi bản thân và cơ cấu, buộc kẻ phạm tội phải giải trình, và làm việc cho một điều tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm thế nhờ ơn thánh. Bãi bỏ chức linh mục của Chúa Giêsu Kitô ư? Chỉ thế khi chúng ta sẵn sàng từ bỏ hy vọng”.

II.Một giáo hội không có linh mục đơn giản không phải là Giáo Hội Công Giáo

Robert Sirico, một linh mục Công Giáo, và là chủ tịch và sáng lập viên của Viện Acton, chuyên nghiên cứu về tôn giáo và tự do trong bài “A Priestless Church Simply Isn’t Catholic”, thì cho rằng không những Carroll không hiểu gì về chức linh mục, ông ta còn hiểu rất sai bản chất Đạo Công Giáo khi kêu gọi bãi bỏ chức linh mục.

Linh mục Sirico cho rằng Carroll vốn có tiếng là người chua cay phê phán Giáo Hội Công Giáo. Với việc từ bỏ chức linh mục riêng của chính ông nhiều năm trước đây, một việc từ bỏ được ông cung cấp nhiều tài liệu, nay ông bồi thêm nhiều đòn khác mà đòn chí tử cho rằng chức linh mục Công Giáo, tự bản chất, được cột chặt một cách vô phương tháo gỡ khỏi chủ nghĩa giáo sĩ trị và do đó vào “việc sùng bái bí mật, chủ nghĩa bài phụ nữ về thần học, tính ức chế về tình dục, và quyền lực phẩm trật của nó dựa trên các đe dọa về một đời sau đầy bất hạnh”.

Xa hơn nữa, Carroll còn quả quyết rằng Kitô giáo, trong các thế kỷ đầu hết sức trong sáng của nó, không hề có chức linh mục và phẩm trật, và do đó, có tính bình đẳng gấp bội hiện nay.

Cha Sirico cho rằng đọc Carroll, ngài không hẳn thấy một lòng thù hận chức linh mục hay Giáo Hội nói chung, mà đúng hơn là một sự hiểu lầm Đạo Công Giáo đưa đến một tình yêu đầy trái ngược suốt cuộc đời ông.

Cái hiểu lầm ấy được Carroll phát biểu khi nhắc lại lúc ông được thụ phong linh mục “Khi tôi trở thành linh mục, tôi đặt hai tay tôi vào giữa hai tay vị giám mục truyền chức cho tôi – một cử chỉ phong kiến phát xuất từ kẻ bầy tôi đối với chúa chủ mình... Tôi hiến lòng trung thành của tôi cho ngài, chứ không cho một bộ nguyên tắc hay lý tưởng, hay cả cho Giáo Hội”.

Phải nói ngay đây là một cách nhìn “nhìn mà không thấy” vì vị giám mục ở đây hành động nhân danh Chúa Kitô. Chứ bản thân ngài không đáng giá một đồng xu trong ngữ cảnh này. Hình như Carroll chưa bao giờ chứng kiến cảnh vị giám mục chủ phong sau đó qùy gối trước tân linh mục để lãnh phép lành của ngài, như câu chuyện cảm động của Đức Cha Marek Solarchot, chủ phong, và tân linh mục Michael Los của Ba Lan, mà Youtube vừa phổ biến: không những qùy gối bên giường bệnh của người mình vừa tấn phong để cung kính lãnh phép lành của ngài mà còn với tay qua đầu ôm lấy bàn tay ban phép ấy. Ai là chư hầu và ai là chúa chủ?

Cha Sorico thì cho điều ấy, cũng như phần lớn các điều khác trong tiểu luận, đúng nhưng không đúng toàn diện. Điều Carroll không nhắc đến là hai lời thề hứa khác trước khi đặt tay mình vào tay vị chủ phong: quyết tâm thi hành xứng đáng thừa tác vụ Lời Chúa, quyết tâm cử hành cách trung thành và cung kính các mầu nhiệm của Chúa Kitô, nhất là lễ hy sinh Thánh Thể và bí tích Hòa Giải, để vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa dân Kitô giáo.

Đấy không phải là lời thề của kẻ chư hầu với chúa chủ! Tiếc thay, nhiều linh mục trong các thập niên 1960 và 1970 đã làm nản lòng Giáo Hội, chính họ và gia đình họ, thậm chí cả Thiên Chúa nữa vì những giả thuyết và định nghĩa sai lầm của họ ngay từ lúc ban đầu.

Họ cũng sai lầm, theo cha Sirico, trong việc đọc Vatican II, khi cho rằng có một sự gián đoạn với quá khứ và nhất là Vatican II muốn thay thế phẩm trật bằng một loại dân chủ cấp tiến nào đó.

Carroll bảo theo lịch sử, có một hình thức Kitô giáo trong sáng hơn, độc đáo hơn, trong đó, không có chức linh mục, không có phẩm trật quyền bính, và không có thù ghét đàn bà và ức chế tình dục. Thế rồi mấy thế kỷ sau, lòi ra cái ông Augustinô đốn mạt, đem đến cái ý niệm quái gở từ bỏ minh như đường tiến tới hạnh phúc.

Trong khi, thực sự, chính Đức Giêsu yêu cầu người ta từ bỏ mình, kể cả mạng sống mình, để được hạnh phúc thực sự! Thế còn Sách Công Vụ thì sao: sách nói rõ việc các Tông Đồ tổ chức các thừa tác vụ khác nhau và lập ra chức phó tế dưới sự hướng dẫn của các ngài?

Carroll trích dẫn nguồn ngoại đạo là Josephus nhưng lại quên không trích dẫn 11 lá thư của người cùng thời với Josephus là Thánh Inhaxiô thành Antiokia viết cho các giáo hội khắp vùng Địa Trung Hải trên đường chịu tử đạo. Trong đó, ngài tỉ mỉ mô tả một phẩm trật hiện có, có thứ bậc cao và phức tạp với ba bậc của chức linh mục (phó tế, linh mục hay trưởng lão [presbyter], và giám mục) đặt căn bản trên chức giám mục quân chủ. Mặt khác, theo Cha Sirico, trước Constantinô lâu, Thánh Giustinô Tử Đạo đã cung cấp cho ta một mô tả chi tiết về việc cử hành Thánh Thể, viết vào khoảng năm 153 CN: một buổi phụng vụ có thứ tự cấp cao với người chủ tọa là một nam linh mục.

Ai cũng biết Carroll từng đoạt giải thưởng vì viết về Do Thái giáo, nhưng Cha Sirico làm nổi bật sự nghịch lý của Carroll khi ông nhấn mạnh đến khúc quanh diễn ra tại Vatican II trong việc thừa nhận Do Thái Giáo mà lại không nhắc gì đến ảnh hưởng của Do Thái Giáo đối với việc thờ phượng Công Giáo và phẩm trật linh mục của nó. Đúng lý ra, ông phải tấn công một cách cũng kịch liệt như thế cái phẩm trật đền thờ Do Thái trước Kitô Giáo chứ, cái phẩm trật ấy há không toàn nam đó ư và do đó không đáng bị bãi bỏ sao?

Thực ra, trong các thế kỷ qua, Giáo Hội Công Giáo và chức linh mục thừa tác đã kinh qua nhiều thay đổi và phát triển. Vẫn duy trì bản chất của đức tin Công Giáo, Giáo Hội đề ra nhiều cách mới để phát biểu đức tin ấy. Nhưng đấy không phải là điều Carroll lưu ý. Ông muốn quăng bỏ không những “thứ đế chế giam hãm Giáo Hội 1,700 năm trước đây” mà còn chính cả Giáo Hội nữa. Mặc dù ông cho rằng ông muốn phục hồi Tin Mừng, nhưng thực ra ông muốn đề ra một Tin Mừng mới, hoàn toàn không ăn có gì với Tin Mừng do Chúa Kitô công bố.

Cái Giáo Hội mới do ông đề nghị có nòng cốt là những người ông gọi là lưu đầy, không phải các linh mục. Nhưng chắc chắn, chẳng bao lâu sau, những người cốt lõi này sẽ trở thành cơ quan điều khiển trung ương, điều mà chính ông bất đồng. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.

Điều nghịch lý nữa là các mô tả của Carroll về Giáo Hội Công Giáo hiện nay: một cộng đồng hoàn cầu gồm hơn một tỷ người, “định chế duy nhất vượt trên mọi biên giới và thời gian; có đến 200,000 trường Công Giáo và 40,000 bệnh viện Công Giáo; và Giáo Hội là tổ chức phi chính phủ lớn nhất và là tòa án công lý”. Nhưng ông ta lại không cho đó là công phúc xây dựng của một phẩm trật có hàng giáo sĩ thừa tác.

Đã đành hàng giáo sĩ ấy cần canh tân, nhưng kêu gọi bãi bỏ nó là kêu gọi bãi bỏ chính Giáo Hội. Không thể giản lược Giáo Hội vào hàng linh mục nhưng đạo Công Giáo không phải là Giáo Hội nếu không có các linh mục.



III. Hợp tác hòa nhập

Susan Bigelow Raynolds, phụ tá giáo sư môn Công Giáo Học tại Trường Thần Học thuộc Đại Học Emory University Candler, là một người trước đây từng quản trị một giáo xứ không có linh mục, sống trong một nhà xứ, lo mọi việc của giáo xứ. Điều đáng nói là giáo xứ này thành công trong việc không bị hủy bỏ hay sát nhập nhân dịp tổng giáo phận Boston tổ chức lại các giáo xứ. Nhưng bà không cho rằng luận điểm của Carroll có giá trị. Dĩ nhiên chủ nghĩa giáo sĩ trị là điều xấu xa, gây tại họa, nhưng kinh nghiệm của bà cho hay điều chủ yếu là sự hiệp thông. Tinh thần này phải thẩm thấu vào các cơ cấu Giáo Hội. Giáo Xứ của bà thành công chính là ở chỗ hiệp thông mọi người kể cả với các giáo sĩ.

Lý do giản dị là giải quyết nạn kỳ thị chủng tộc không phải là hủy bỏ các dị biệt mà là thay đổi luật lệ và thực hành và cả các chuyện kể đề cao tính thượng tôn da trắng. Cũng thế, giải pháp cho chủ nghĩa giáo sĩ trị không là và không nên là bãi bỏ hàng linh mục. Đúng hơn phải là công trình gian khổ hơn nhằm biến đổi các cơ cấu Giáo Hội từng phát sinh và nâng đỡ cái hiểu bệnh hoạn về tính thượng tôn của giáo sĩ.

Thành thử bà buồn cười khi Carroll cho rằng nạn giáo sĩ trị sẽ chấm dứt khi giáo dân chỉ cần quyết định trở thành “người Công Giáo theo các điều kiện của chúng tôi”. Nhưng được mấy người!

Ở giáo xứ mà bà từng quản trị, nền văn hóa hợp tác hoà nhập dần dần đâm rễ khi giáo dân và giáo sĩ hợp tác để thúc đẩy sức mạnh định chế của Giáo Hội phục vụ những thành viên bị hắt hủi hơn cả trong cộng đồng địa phương. Nghĩa là phải trao cho người giáo dân tiếng nói mạnh mẽ hơn ở mọi bình diện của việc cai quản Giáo Hội.

IV. Bãi bỏ chức linh mục không cứu được Giáo Hội Công Giáo

Linh mục Thomas Reese, Dòng Tên, cho rằng giống nhiều người trước ông, Carroll coi các Kitô hữu tiên khởi như thành viên của một cộng đồng tinh ròng, đầy yêu thương, không có phẩm trật, sau đó bị hủ hóa bởi việc nó liên minh với Hoàng Đế Constantinô và vì thế chủ nghĩa giáo sĩ trị đã phát sinh.

Dù có một chút sự thật trong lý thuyết đó, nhưng chủ nghĩa giáo sĩ trị có những gốc rễ sâu xa và sớm sủa hơn trong chính thân phận làm người. Cha Rees trưng dẫn tình tiết trong Mátthêu 20: trong đó, mẹ của Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu cho hai con bà, người “ngự” bên hữu, người “ngự” bên tả Chúa Giêsu trong nước của Người. Mà không riêng bà đâu, khi các tông đồ khác nghe thấy thế, họ rất bất bình với hai anh em. Tại sao lại bất bình nếu không phải vì ghen tương?

Còn chuyện các tông đồ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất trong số họ (Mc 9) nữa. Giáo sĩ trị vốn đã ngự trị giữa các tông đồ trước Constantinô nhiều. Ngay cả biến cố Ngũ Tuần cũng vẫn chưa chữa được nạn này. Thực vậy, theo Công Vụ 6, các phó tế được lập ra vì 12 tông đồ nghĩ họ ở trên việc phục vụ bàn ăn: “Không đúng để chúng tôi lãng quên lời Chúa mà phục vụ tại bàn ăn”.

Giáo sĩ trị chỉ là 1 biểu hiện trong Giáo Hội các cơn cám dỗ của con người hiện diện trong mọi tổ chức: tham vọng, kiêu hãnh, cao ngạo và lạm quyền. Chúng ta chỉ ngỡ ngàng khi thấy nó ở trong Giáo Hội.

Thành thử bãi bỏ chức linh mục sẽ không cứu được Giáo Hội. Cha Reese cũng đưa ra hai nhận xét: những người tin rằng các thủ tục dân chủ sẽ bẻ gẫy được cái vòng luẩn quẩn là chưa tham dự các buổi hội họp đầy tranh cãi ở các giáo xứ và họ cũng không giải thích được tại sao chế độ dân chủ, hiện đang hết sức tồi tệ ở Hoa Kỳ, lại có thể thành công một cách ma thuật trong Giáo Hội.

V. Tự qui chiếu vào chính mình

Michael Sean Winters của tờ National Catholic Reporter, một tờ báo cấp tiến, coi lập luận của Carroll là thiếu khả năng, sai lầm về lịch sử, tự qui chiếu vào chính mình (self-referential).

Winters cho rằng nền thần học của Carroll hoàn toàn có tính cơ hội chủ nghĩa. Thực vậy, như trên đã nói: việc hãm mình ép xác, khuyến khích người chưa lập gia đình giữ khiết tịnh đâu phải mới có từ lúc Thánh Augustinô đưa ra quan điểm của ngài trong việc hạ giá điều ông gọi là “sexual restlessness” (khắc khoải náo nức tính dục) đi ngược lại lối sống cởi mở tiền Constantinô. Những việc ấy vốn đã được Tin Mừng lên khuôn.

Theo Winters, Carroll sai lầm trong nhận định lịch sử khi cho rằng việc Giáo Hội thích ứng với nền văn hóa Rôma là kết quả của áp đặt đế quốc và lòng thèm muốn quyền lực của hàng giáo sĩ. Thực ra, Kitô hữu thời ấy cũng như mọi thời, lúc nào cũng tìm cách làm cho việc Thiên Chúa tự mặc khải Người nơi Chúa Giêsu Kitô trở thành có ý nghĩa. Muốn thế, họ phải lợi dụng các phạm trù, ý niệm và kinh nghiệm họ biết được. Nếu các dinh thự Rôma nói lên cảm thức thán phục và cái đẹp thì tại sao lại không mô phỏng chúng để tạo ra các vương cung thánh đường? Điều nghịch thường là chính Carroll mừng vui vì “Giáo Hội, định chế từng bảo trợ các công trình dân quyền của tôi và thúc giục tôi dấn thân vào phong trào chống đối chiến tranh, đã biến tôi thành người cấp tiến”. Ông đã thích ứng với các phạm trù hiện đại, tại sao Kitô hữu thế kỷ thứ 4 lại không được phép thích ứng với các phạm trù thời họ?

Hình như cái tôi của Carroll quá lớn. Khiến ông có những dòng như “Tôi là tuyên úy Công Giáo tại Đại Học Boston, làm việc với những người cưỡng và chống đối lệnh động viên, và chẳng bao lâu, tôi thấy mình mâu thuẫn với hàng giáo phẩm Công Giáo bảo thủ. Chỉ từ từ tôi mới nhận ra có một thiếu sót đầy thảm họa sâu xa bên trong định chế tôi đã hiến thân cho, và điều đó có liên hệ đến chính chức linh mục. Chức linh mục của tôi”. Winters đặt câu hỏi: chức linh mục của ai? Chức linh mục của Kitô hữu, nghĩa là của hàng giáo sĩ và của những người đã chịu phép rửa, đều là việc tham dự vào chức linh mục của Chúa Giêsu Kitô. Thành thử có thể nói: chủ nghĩa giáo sĩ trị có thể là gốc rễ gây ra cuộc khủng hoảng lạm dụng, nhưng ý niệm coi nó như một vết nhơ không thể tẩy xóa là một ý niệm ông không đưa ra được một luận điểm nào mà không có đại danh từ số ít “Tôi”!

Theo Winters, việc Carroll tấn công Đức Phanxicô quả là một điều ngu dốt, khi cho rằng hội nghị thượng đỉnh vừa rồi về việc bảo vệ trẻ vị thành niên giống như “đặt các lãnh chúa Mafia đứng đầu ủy ban điều tra tội ác”. Thực sự hội nghị ấy có hiệu quả, hết sức nhanh chóng đem lại nhiều chính sách và thủ tục mới buộc các giám mục thế giới phải giải trình. Các vị như Hồng Y Sean O'Malley, Blase Cupich, Tổng Giám Mục Charles Scicluna có phải là những tên tội phạm hay không?

Tóm lại trong Giáo Hội Công Giáo hiện thời không ai bằng Carroll. Theo Winters, ông ta muốn mọi người nên như ông, bước vào “lưu đầy nội bộ” (đúng hơn phải nói: nội thù). Ông ta muốn Giáo Hội giảng dạy không phải Chúa Giêsu Kitô, nhất là Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh mà là James Carroll và là James Carroll bất mãn! Winters gọi đây là một thứ đập phá hình tượng kiểu con nít (puerile iconoclasm), một thứ duy ngã luận (solipsism): chức linh mục không hay đối với ông, vậy thì chức linh mục là vấn đề và cần được bãi bỏ!

VI. Chức linh mục không là một phát triển dần từ bên ngoài

Từng là linh mục ít nhất 5 năm, Carroll dường như không hiểu bản chất đích thực của chức linh mục. Linh mục Francis X. Clooney, Dòng Tên, hiện là Giáo Sư thực thụ tại Phân khoa Thần Học của Đại Học Harvard và là Phó Chủ Tịch Hội Thần Học Công Giáo Hoa Kỳ ( https://www.americamagazine.org/faith/2019/06/19/dont-abolish-priesthood-redeem-it), cho rằng “Chức linh mục quả có một lịch sử, và nó thay đổi với thời gian; chắc chắn nó cũng sẽ tiếp tục thay đổi trong tương lai. Nhưng nó không phải là một sự phát triển dần dần từ bên ngoài (extrinsic accretion) nghịch với Kitô giáo “đích thực”. Các giáo sĩ thời Trung Cổ không tìm ra các bí tích chỉ để gia tăng quyền lực của họ hay bóp nghẹt thể thánh thiêng ở một số nơi, thời, sự vật”. Chức linh mục không phải là một sai lầm áp đặt lên một cộng đồng tinh ròng và nguyên thủy tưởng tượng. Đúng hơn, nó là một phần trong việc cộng đồng này học hỏi để trở thành cộng đồng thánh thiện của Thiên Chúa, Nhiệm Thể Chúa Kitô, trong nhiều thế kỷ”.

Cha Clooney giải thích thêm “Lời đoan hứa về hiện diện thực sự lâu dài và được lặp đi lặp lại của Chúa Kitô trong việc bẻ bánh đã thúc đẩy Giáo Hội tìm phương cách hướng tới chức linh mục”. Cha cho rằng “việc Giáo Hội khám phá ra chức năng linh mục, theo nghĩa thực sự của nó, là một tái khẳng định nguồn gốc của chúng ta trong một Do Thái Giáo không ai lầm lẫn được nhờ có hàng tư tế. Việc cả chúng ta cũng có các tư tế đánh dấu cơ sở chung với các tôn giáo vĩ đại khác như Ấn Giáo, hết sức phong phú về đền thờ, nghi lễ và cả việc làm của các tư tế nữa”.

Cha Clooney phê phán việc Carroll dùng nhãn hiệu “cựu linh mục” để đòi bãi bỏ chức linh mục xem ra để chứng minh rằng mình hiểu việc mình làm. Nhưng theo Cha, việc ấy càng chứng tỏ những người như Carroll không nhìn thấy thực tại. Theo lời cha, họ “làm ngơ đức tin liên tục của người Công Giáo, một đức tin được thuật lại trong vô vàn câu truyện của những người cũng giận dữ và bị chướng tai gai mắt nhưng vẫn nhìn ra giá trị của Giáo Hội Công Giáo, tìm thấy trong sinh hoạt bí tích của Giáo Hội một điều gì đó sâu sắc hơn và lâu bền hơn các cao ngạo của hàng giáo phẩm và sự tồi bại của một số giáo sĩ. Như tôi thấy trong giáo xứ của tôi vào ngày cuối tuần và tại khuôn viên Havard, người ta vẫn tới nhà thờ, không phải chỉ vì thói quen, cũng chẳng phải vì cảm quan bổn phận đã lỗi thời, hay vì vô cảm đối với cuộc khủng hoảng. Họ tới vì họ vẫn tìm thấy giá trị của các bí tích, vẫn thấy Thiên Chúa hiện diện trong việc thờ phượng này, vẫn tôn kính sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô trong Phép Thánh Thể và vâng, họ vẫn còn có thể thấy linh mục của họ rất khác với phường lạm dụng và những người giúp chúng phạm tội. Người ta tới vì họ vẫn tìm được Thiên Chúa trong thánh lễ và vẫn có thể cầu nguyện bên cạnh một vị linh mục khiêm tốn đủ để hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện và thờ phượng. Và vâng, còn rất nhiều linh mục vẫn đang làm công việc của các ngài, cử hành các bí tích, giảng giải Tin Mừng liên tục, giữ các lời khấn của các ngài”.

Carroll tự hào nhìn ra sự thực. Nhưng theo Cha Carroll, ngài cũng như ông ta “sống trong cùng một thế giới thực... mà vẫn còn là một linh mục (suốt 40 năm qua). Tôi thấy cùng những sự việc như họ, nhưng tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện với cộng đồng vào Chúa Nhật và đôi khi trong tuần...”. Về các phẩm tính nhân bản, Cha không khác gì Carroll: “tôi cũng viết các sách học thuật. Tôi cũng ngồi ở ghế giáo sư...tôi vẫn là một tín hữu đích thực”.

Tóm lại, đọc Carroll người ta thấy một cao ngạo ngất trời đến coi trời bằng vung. Thực vậy, đối với ông ta, mọi đầu óc từng tạo ra gia tài Công Giáo đồ sộ trong hơn 20 thế kỷ qua đều là đồ bỏ. Kể cả Đức Bênêđíctô XVI uyên bác và Đức Phanxicô mục vụ cũng bị ông chê không tiếc lời.Với ông, một nạn nhân không đối chất trong phúc trình của Đại Bồi Thẩm Đoàn Pensylvania có giá trị tuyệt đối, hơn hẳn tất cả phẩm trật Công Giáo cộng lại. Một người như thế mà dám vẽ ra cả một sơ đồ tổ chức cho một khối người hơn 1 tỷ hiện nay trên thế giới.

Carroll rất hãnh diện về khối người này. Ông nghĩ ông có thể thuyết phục khối người ấy, vốn đại đa số không phải là giáo sĩ, đi theo quan điểm của ông. Nhưng ông có biết chỉ một việc cử hành thánh lễ bằng ngôn ngữ bình dân, một việc xem ra hết sức hợp lý, mà đã có cả một khối người đông đảo phản đối, đến tách rời khỏi Giáo Hội. Phương chi là việc bãi bỏ luật độc thân linh mục và nhất là bãi bỏ chức linh mục, và do đó, bãi bỏ thánh lễ, để chỉ còn nghi thức bẻ bánh. Không gì hoang tưởng bằng.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhìn tuổi trẻ Hồng Kông. Tuôi trẻ Việt Nam nghĩ gì ?
Đinh Văn Tiến Hùng
19:55 26/06/2019
*Nhìn tuổi trẻ Hồng Kông lòng ngưỡng phục,
Hai triệu người cuộn lớp sóng dâng trào,
Đầy hào khí quật cường đẹp biết bao,
Họ tranh đấu tự do đầy ước vọng ! .

Cha ông họ trước kia quyết chống Cộng,
Gạt lệ sầu khi phải sống tha phương,
Đến đất mới gây dựng lại quê hương,
Để sống tự do công bằng no ấm.

Từ phong trào Dù Vàng còn dấu ấn,
Hoàng chí Phong mười bảy tuổi dẫn đầu,
Đòi phải được quyền ứng cử đi bầu,
Không chấp nhận Bắc Kinh đặt lãnh đạo.

Rồi mới đây trước mưu đồ gian xảo,
Với Luật Dẫn Độ của bọn Bắc quyền,
Tuổi trẻ Hồng Kông quật khởi vùng lên,
Tranh đấu để được hoàn toàn tự trị.

*Nhìn bọn trẻ Việt Nam không biết nhục,
Hồng Kông hai triệu tuổi trẻ kiên cường,
Việt Nam năm mươi triệu trẻ coi thường,
Cứ nhởn nhơ dong chơi qua ngày tháng !

Vẫn mơ hàng hiệu xế xịn bóng láng,
Say sưa bia rượu nhảy nhót suốt ngày,
Thần tượng sao Hàn, bóng đá ngất ngây,
Biến mất dòng máu anh hùng tuổi trẻ !

Gương xưa Nhị Trưng, Triệu Trinh, Quốc Toản,
Thái Học, Hồng Thái, Cô Bắc, Cô Giang…
Dâng tuổi trẻ cho Dân Tộc Giang San,
Còn ghi nét vàng son trong Sử Việt.

Hãy noi theo bao anh hùng nữ kiệt,
Hãy thức tỉnh đừng sống vội cuồng điên,
Đừng đuổi theo những ảo mộng triền miên,
Khi Việt Nam sắp đến ngày mất Nước !

Đinh văn Tiến Hùng

(*)Ghi chú : Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) mang nửa dòng máu Việt quật cường, có mẹ là Gracia Nguyễn và cha là Hoàng Vĩ Minh Mục sư Tin Lành tại Hồng Kông.
 
Ồn ào như ong vỡ tổ
Phạm Trần
19:59 26/06/2019
Mỗi năm, cứ đến tháng Sáu, Ban Tuyên giáo đảng Cộng sản Việt Nam và Hội Nhà báo lại ồn ào kỷ niệm cái gọi là Ngày Báo chí Cách mạng 21/06/1925, nhưng càng nhắc càng thấy cái ngày trơ trẽn ấy không giống ai của tờ Thanh Niên do Hồ Chí Minh tự chế để tuyên truyền.

Vì vậy, Nhà văn Phạm Đình Trọng mới viết:” Tờ Thanh Niên chỉ là tài liệu tuyên truyền những điều sơ đẳng về cách mạng vô sản trong nội bộ tổ chức cộng sản thời manh nha, nhỏ bé, bất hợp pháp. Không làm chức năng thông tin về đời sống xã hội của một tờ báo. Không được in ấn công nghiệp. Không có thị trường phát hành. Tờ rơi Thanh Niên chưa thể gọi là báo.” (từ Internet)

Đại tá Quân đội CSVN nghỉ hưu Phạm Đình Trọng nhận xét rằng :”Công việc chế tác tờ Thanh Niên rất thủ công, thô sơ, do một mình Nguyễn Ái Quốc thực hiện: Viết bài. Chép lại bài viết bằng que nhọn trên giấy sáp. Lăn mực in ra khoảng 100 tờ. Giao tờ rơi Thanh Niên cho người của tổ chức Thanh Niên Cách mạng Đồng chí Hội làm việc trên tàu biển chạy tuyến Quảng Châu – Hải Phòng lén lút đưa về cảng Hải Phòng, rồi bí mật chuyển đến các tổ chức cộng sản trong thợ thuyền ở Hải Phòng, ở mỏ than Hồng Quảng.”

Sưu tầm của Nhà văn Phạm Đình Trọng viết tiếp:”Tháng Tư năm 1927 quân đội Tưởng Giới Thạch mở chiến dịch tấn công quyết liệt vào lực lượng cộng sản, Nguyễn Ái Quốc phải rời Quảng Châu, lại bắt đầu một thời kỳ lang bạt. Đi Vũ Hán. Băng qua sa mạc Gô bi sang Liên bang Xô Viết. Tờ Thanh Niên kết thúc ở số 88 năm 1927.”

Do đó ông Trọng đã lưu ý những ai trong đảng có tham vọng “cầm nhầm” hãy tỉnh ngộ:”Coi ngày 21.6 là ngày Báo chí Việt Nam thì thảm hại, thì tủi nhục cho nền báo chí Việt Nam quá! Trong khi từ hơn nửa thế kỷ trước Việt Nam đã có nền công nghiệp báo chí với những tờ báo được xuất bản bằng dây chuyền công nghiệp, tạo ra sản phẩm không thể thiếu của đời sống văn hóa đất nước, tạo ra thị trường báo chí trên cả nước. Tờ báo xuất bản bằng dây chuyền công nghiệp sớm nhất là tờ Gia Định Báo ra số đầu tiên ngày 15.4.1868 và tồn tại tới 44 năm, đã mở ra ngành công nghiệp báo chí. Vì vậy ngày Báo chí Việt Nam đích thực phải là ngày 15.4.”

Nhà văn Phạm Đình Trọng, hiện sống ở Sài Gòn, đã tự ý ra khỏi đảng từ ngày 20 tháng 11 năm 2009. Ông tuyên bố trong thư gửi đảng cơ sở: “Tôi là Phạm Đình Trọng, nhà văn, là đảng viên Cộng sản lớp Hồ Chí Minh từ 19.5.1970. Đến nay, 20.11.2009, tôi tự thấy đảng Cộng sản không còn phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và giá trị nhân văn mà tôi theo đuổi nên tôi tự rút ra khỏi đảng.”

BÁO ĐẢNG MÀ NGOÀI ĐẢNG

Lý do bỏ đảng của ông Trọng vì đảng “không còn phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và giá trị nhân văn” cũng phản ảnh bản lĩnh bây giờ của báo chí chỉ biết ưu tiên phục vụ quyền lợi đảng, bất kể có phản dân hay hại nước.

Đó là lý do tại sao ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã xác nhận:”Thông tin trên Báo Nhân Dân luôn bảo đảm tính thời sự, tính chiến đấu, tính định hướng dư luận xã hội, không để xảy ra sai sót về quan điểm, đường lối của Đảng; tiếp tục dòng chủ lưu phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội, các thế lực thù địch...

“…Ban Biên tập xác định, về công tác thông tin tuyên truyền, Báo Nhân Dân giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ, mục đích của báo Đảng.” (trích Diễn văn tại lễ mít-tinh kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2019) tại Trụ sở Báo Nhân Dân, Hà Nội)

Nhưng quan điểm của Thuận Hữu có phản chiếu hình ảnh của tất cả 844 cơ quan báo in (184 báo, 660 tạp chí), 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập và 67 đài phát thanh, truyền hình của Việt Nam ?

Tài liệu chính thức cũng cho biết “số nhà báo được cấp Thẻ phóng viên là 19.166 người, số hội viên Hội Nhà báo là 23.893 người”, nhưng một bài viết trên báo Nhân Dân của ông Thuận Hữu đã phê bình rằng:”Tuy đông về số lượng nhưng phải nói rằng chất lượng một số báo chí, cũng như trình độ nghiệp vụ của một số nhà báo đang có những vấn đề khiến dư luận lo ngại. Bên cạnh đó, không thể không kể đến những bất cập trong hoạt động chuyên môn và công tác quản lý tại nhiều cơ quan báo chí đòi hỏi sớm được tháo gỡ.” (theo báo Nhân Dân, ngày 11/06/2019)

Vậy những hạn chế này là gì ?

Bài viết trên Nhân Dân trả lời:”Các hạn chế này đã được thẳng thắn chỉ ra tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Bộ TT-TT và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 28-12-2018 tại Hà Nội. Ðó là: tình trạng một số báo, tạp chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, xa rời thực tiễn đời sống; đưa thông tin một chiều, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, trái thuần phong mỹ tục; một số cơ quan báo chí và phóng viên có biểu hiện trục lợi, vi phạm đạo đức nghề báo... Ðây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sai phạm trong lĩnh vực báo chí có chiều hướng gia tăng, làm xói mòn niềm tin vào người làm báo và một số cơ quan truyền thông.”

Báo của cơ quan, các tổ chức đảng được nhà nước nuôi ăn bằng tiền của dân toàn phần hay một phần lớn mà dám “xa rời tôn chỉ mục đích, xa rời thực tiễn đời sống; đưa thông tin một chiều, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân” mà Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo và Bộ Thông tin và Truyền thông không làm gì được thì lâm nguy không nhỏ.

Nhưng tại sao lại có tình trạng báo chí xé rào, coi thường lãnh đạo và tự do thông tin theo ý muốn ? Hay là họ không còn biết sợ trước những đe dọa cắt nồi cơm để viết ra sự thật mặt trái của xã hội, hay dám công khai hóa che đậy của lợi ích nhóm của tập quyền lãnh đạo ?

Và khi báo chí bị lên án đưa tin “không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân” thì có phải họ đã đi ngược lại với quyền lợi của đảng trong khi thực tế nhân dân đã bị lợi dụng làm bình phong cho để che giấu xấu xa cho lãnh đạo ?

LOẠN XÀ NGẦU

Dù kịch bản nào, tốt hay xấu của tập thể báo chí mệnh danh “ cách mạng” thì họ cũng đã “cách miệng” hơi nhiều nên mới loạn xà ngầu như bây giờ.

Vì vậy không ngạc nhiên ta thấy tại Hội nghị Báo chí toàn quốc ngày 28/12/2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã chỉ thị cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo phải:”Tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong hoạt động báo chí; chấn chỉnh những sơ hở trong tổ chức, quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, sử dụng cộng tác viên. Đối với công việc này, phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu lực hơn nữa, tránh chung chung, trong đó, cần nêu cao trách nhiệm của chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí.”

Ông Thưởng nói:”Những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng nghề báo cao quý để trục lợi một cách bất lương cần phải được ngăn chặn với những biện pháp nghiêm khắc nhất; có chế tài, quy định chặt chẽ để những cán bộ báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhiều lần nghiêm trọng phải bị tẩy chay, không còn cơ hội len lỏi vào các cơ quan báo chí.”

Lạ chưa ? Tại sao có cán bộ báo chí “vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhiều lần nghiêm trọng” mà vẫn khơi khơi nơi này nơi kia kiếm cơm ngon lành, trong khi tình trạng kinh tế của nhiều báo đang phải sống dở, chết dở ?

Báo Tiền Phong online ngày 28/12/2018 viết:”Tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2017 đã đề cập, thảo luận về vấn đề kinh tế báo chí, đưa vấn đề này vào chương trình công tác của năm 2018 với sự phối hợp với các nhà nghiên cứu báo chí, truyền thông cùng các ban, ngành liên quan. Theo ông Thưởng, sau một năm, nghiêm túc nhìn nhận, có thể thấy công việc chưa thực sự tiến triển.

Trong khi mạng xã hội, nhất là các tập đoàn công nghệ thông tin – truyền thông đang ngày càng xâm lấn, nắm giữ thị trường; quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số ngày càng chứng tỏ là xu hướng chủ đạo, thì nhiều cơ quan báo chí nước ta không những tiếp tục khó khăn mà còn khó khăn nhiều hơn nữa.”

Theo lời ông Võ Văn Thưởng:”Lẽ ra phải trăn trở, tìm lời giải nghiêm túc, khoa học cho bài toán kinh tế, thì trong thực tế, không ít cơ quan báo chí lại coi 'câu view' với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác như hù dọa, tống tiền, gây sức ép để doanh nghiệp “hỗ trợ, hợp tác truyền thông”.

Báo Nhân Dân đã “tát nước theo mưa” với ông Thưởng trong loạt bài ngày 11/06/2019 rằng:”Trong hàng loạt sai phạm của báo chí hiện nay, nổi lên và gây bức xúc là hiện tượng một số phóng viên lợi dụng danh nghĩa nghề nghiệp, lợi dụng uy tín tòa soạn để hạch sách, nhũng nhiễu, mưu lợi từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Chiếm số lượng đáng kể trong đó là một số phóng viên thường trú ở địa phương. Tranh thủ sự thiếu kiểm soát của cơ quan chủ quản, các phóng viên này sử dụng Thẻ nhà báo như “giấy thông hành” thực hiện hành vi sai phạm với nhiều chiêu thức khác nhau. Cách thức phổ biến nhất là săn tìm, phát hiện sai phạm của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để đe dọa, mặc cả..”

QUY HOẠCH HAY BÓP NGHẸT ?

Nhưng việc báo Nhân Dân và một số quan tai to mặt lớn trong đảng đột nhiên hạch tội báo chí để cổ võ cho Dự án “ Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” nhằm mục đích gì trước thềm Đại hội Đàng khóa XIII, diễn ra vào tháng 01/2021 ?

Trước hết, Quy hoạch khẳng định:”Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Thứ nhì, Quy hoạch xác nhận:”Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.”

Như thế rõ ràng Quy hoạch báo chí, hay sắp xếp cho tinh gọn, chỉ nhằm giúp đảng kiểm soát tuyệt đối và độc quyền hơn để kéo dài lãnh đạo độc tôn và độc tài. Những chữ son phấn như “diễn đàn của nhân dân” và “nhu cầu thông tin của nhân dân” chẵng qua chỉ để lèo bịp dư luận và thế giới. Nhân dân, từ bao lâu nay làm gì có quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng như Hiến pháp quy định ? Chỉ mỗi việc đảng độc quyền ra báo để tuyên truyền cho chủ trương và chính sách của đảng độc quyền lãnh đạo cũng đủ vạch mặt hành vi gian trá của ngôn từ trong Quy hoạch.

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI

Căn cứ theo Quy hoạch thì :”Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản. Báo Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Đến năm 2020, mỗi ban đảng Trung ương có không quá 01 tạp chí in; khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử.

Sau năm 2020, trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện.”

Cũng theo kế hoạch thì :”Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước mỗi cơ quan có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in. Bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp thì được có tối đa 02 cơ quan báo nhưng chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo).”

Đối với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân, Quy hoạch ấn định được “ thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.”

Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) có một cơ quan tạp chí. Quân khu, quân chủng có 01 cơ quan báo hoặc 01 cơ quan tạp chí.

Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan tạp chí.

Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Bộ Công an hoàn thành sắp xếp báo của công an 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành ấn phẩm của Báo Công an nhân dân trong năm 2020.

“Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành. Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan báo chí.

Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 05 cơ quan báo (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo); đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo).

Cuối cùng, Quy hoạch ấn định:”Mỗi tổ chức chính trị - xã hội trung ương có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 01 cơ quan báo trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên. Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có 01 cơ quan tạp chí.

Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2019, các tổ chức ở trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Riêng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 03 cơ quan báo; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo).

AI XUYÊN TẠC AI ?

Như vậy, dù báo nhiều như bây giờ, hay báo ít sau Quy hoạch thì cách nào cũng do đảng kiểm soát và làm chủ. Chỉ có nhân dân là tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

Nếu Quy hoạch giúp đảng tiết kiệm được đồng tiền thì sẽ có hàng ngàn cán bộ báo chí mất việc. Với số báo hàng hà sa số hiện nay, có 19.166 phóng viên có thẻ hành nghề và 23.893 Hội viên Hội Nhà báo có cơm ăn.

Không ai biết sẽ có bao nhiêu người trong số này thất nghiệp hay sẽ đổi nghề bằng cách nào ? Do đó, đã có nhiều người và tổ chức ở trong và ngoài Việt Nam phản ứng bất lợi cho quyết định Quy hoạch Báo chí.

Phản ứng về việc này, báo Nhân Dân đã cương cổ lên bênh đảng :”Việc một số tổ chức, cá nhân sử dụng thủ đoạn xuyên tạc, suy diễn để phản đối bản Quy hoạch báo chí mà Việt Nam ban hành không chỉ thể hiện thái độ thiếu thiện chí của họ, mà còn cho thấy họ đã tự đặt liêm sỉ sang một bên để thực hiện ý đồ xấu. Và xét đến cùng, những ý kiến phản đối, xuyên tạc đó vẫn là tiếp tục cố tình dấn sâu hơn trên con đường tiến công vào nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến công đường lối và các chủ trương, chính sách ích nước lợi dân của chế độ xã hội, làm băng hoại hệ thống giá trị văn hóa, làm tha hóa con người, làm chệch hướng của Việt Nam trên con đường đi lên phía trước.” (Nhân Dân, ngày 18/06/2019)

Nhưng dường như Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Viện Minh Triết Việt Nam đã có câu trả lời cho đảng CSVN. Ông viết:”Đông Kinh Nghĩa Thục là một phong trào canh tân đất nước đầu thế kỷ XX, nói: Chính phủ chẳng qua cũng là người dân nắm quyền. Ý nói hôm qua họ là dân, đựơc bầu lên, trở thành nhà cầm quyền. Vậy nếu không có tự do báo chí làm sao xã hội giám sát được họ? Ở điểm này, những người cộng sản hành xử như những kẻ lừa mỵ và mâu thuẫn. Họ nêu khẩu hiệu tự do, hạnh phúc, họ nêu khẩu hiệu xây dựng đảng trong sạch, đạo đức. Nhưng họ không muốn có tự do báo chí để nâng cao đạo đức và nhận thức của họ. Nên mọi chuyện rồi chỉ như con kiến leo vào leo ra mà thôi.”

“Mác nói: Ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí. Các anh không thể mãi mãi đặt vòng kim cô trên đầu của nhân dân được. Dự định đưa đất nước tiến lên hiện đại với tiêu chí: giàu mạnh, văn minh, dân chủ, công bằng mà để nền báo chí được xếp hạng kém tự do nhất hành tinh.” (Trích: Tự do báo chí – Nhu cầu tinh thần hiện đại của Việt Nam” ngày 16/06/”2019)

Cũng nên biết, đảng CSVN đã tiếp tục bôi nhọ đất nước và con người Việt Nam khi để cho Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và các Tổ chức Nhân quyền, Tôn giáo và Báo chí trên Thế giới đặt tên nước Việt Nam vào hàng các nước có số điểm tồi tệ nhất về Tự do và Nhân quyền.

Riêng Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới ( Reporters Without Borders,RSF), trong báo cáo năm 2019, đã xếp Việt Nam hạng 176/180 nước có nền báo chí kém tự do nhất.

Như vậy thì có vẻ vang gì mà ồn ào như ong vỡ tổ về ngày Báo chí gọi là cách mạng lần thứ 94 (21/06/1925 – 21/06/2019) ?

Phạm Trần

(06/019)
 
VietCatholic TV
Cả giáo xứ còn nguyên sau trận cháy rừng kinh hoàng Chuckegg Creek
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:41 26/06/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trận cháy rừng kinh hoàng Chuckegg Creek được kể là trận cháy rừng lớn thứ 29 trong các trận cháy rừng kinh hoàng nhất trong lịch sử của Canada. Nó phá hủy hàng ngàn dặm vuông và khiến cho 10,000 cư dân trong vùng phải bỏ nhà cửa lánh nạn. Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này, ngọn lửa vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn.

Tuy nhiên, tờ Crux của Công Giáo Hoa Kỳ đã tường thuật một sự kiện thật phi thường. Cả một xóm đạo người Ba Lan của Canada tại giáo xứ Our Lady of Good Counsel Church, nghĩa là Đức Bà Chỉ Bảo Đàng Lành, ở High Level phía Bắc Alberta, đã được giữ gần như nguyên vẹn trong trận cháy rừng kinh hoàng này.

Trận cháy rừng kinh hoàng Chuckegg Creek diễn ra vào ngày 20 tháng Năm vừa qua. Cũng như nhiều cư dân trong vùng, Cha Harry Kiggundu, chánh xứ Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, đã không chú ý đến các lời cảnh cáo được phát liên tục trên làn sóng điện, truyền hình và Internet vì vùng này chưa bao giờ phải gánh chịu tai họa này.

Sáng hôm đó, ngài đã rời nhà xứ đi dâng lễ tại giáo xứ Chúa Kitô Vua tại Paddle Prairie, cũng thuộc trách nhiệm mục vụ của ngài.

Trong khi ngài đang dâng lễ, cảnh sát yêu cầu ngài ngưng thánh lễ và bỏ chạy ngay trước khi ngọn lửa ập đến. Ngài định quay về nhà xứ nhưng đường xá đã bị phong tỏa.

Cùng với những người khác ngài phóng xe trên xa lộ hướng về thành phố Slave Lake. Ngọn lửa tiến quá nhanh, chẳng mấy chốc xa lộ đầy khói, tầm nhìn bị hạn chế, xe chỉ có thể chạy khoảng 20 dặm một giờ trong khi ngọn lửa tiến ít nhất là 30 dặm một giờ. Một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trên xa lộ khi những người bị kẹt có thể nghe thấy cả tiếng gầm rú kinh hoàng của ngọn lửa.

Trong đoạn video này, quý vị và anh chị em có thể thấy cảnh sát đã phải dùng trực thăng bốc những người bị kẹt đến một sân bay gần đó đưa lên một vận tải cơ đưa đến thành phố Slave Lake.

Chạy được đến Slave Lake, tưởng đã yên thân, nào ngờ hôm 30 tháng Năm, cảnh sát lại yêu cầu mọi người chạy tiếp vì trận cháy rừng kinh hoàng Chuckegg Creek đang ập đến.

Khi Cha Harry Kiggundu di tản đến giáo xứ Thánh Henry ở Fort Vermilion, ngài thầm nghĩ rằng tất cả tài sản của ngài và ngôi nhà thờ thân yêu ở giáo xứ Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành chắc không bao giờ còn có thể nhìn thấy được như xưa.

Thật là lạ lùng. Trận cháy rừng giờ đây đã được khống chế. Một số anh chị em giáo dân gan dạ đã về trước xem tình hình nhà cửa ra sao. Họ gọi điện cho ngài thông báo rằng trong tổng số 544 ngôi nhà của họ chỉ có 16 căn bị cháy. Hầu hết vẫn còn nguyên vẹn, kể cả ngôi nhà thờ và nhà xứ của ngài.

Nhận được tin Cha Harry Kiggundu quỳ sụp xuống tạ ơn Đức Mẹ.

Cha Charles Lavoie, tổng đại diện của Tổng giáo phận Grouard-McLennan, Alberta, bao gồm các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận cháy rừng thì nói lời cầu nguyện là điều cần thiết trong các tình huống bi thảm như vậy.

“Đó là thiên nhiên đang mở ra trong sự tự do của nó như sự tự do Chúa đã ban cho chúng ta. Đây không phải là Thiên Chúa trừng phạt chúng ta. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục cầu nguyện, kể cả những người hiện nay vẫn còn bị di dời. Hãy đặt chuyện này trong tay Chúa. Chúa vẫn đang làm việc với dân Người, ngay cả trong tình huống này.”
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 27/6/2019: Giáo Hội Mexico gặp thử thách cam go
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
10:10 26/06/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Chi phí tu sửa nhà thờ chính tòa Notre Dame de Paris hiện nay hầu hết là từ các công dân Mỹ, các nhà tài trợ chưa chi ra.

Phần lớn tiền tài trợ để xây dựng lại nhà thờ chính tòa Notre Dame de Paris đã đến từ những đóng góp nhỏ, đặc biệt là từ người Mỹ, tổng giáo phận Paris cho biết.

“Các nhà tài trợ lớn chưa đóng đồng nào. Một xu cũng chẳng có,” André Finot một phát ngôn nhân của nhà thờ chính tòa nói với hãng tin AP. “Họ muốn biết chính xác số tiền của họ được sử dụng vào việc gì và liệu họ có đồng ý với nó trước khi trao ra hay không. Họ không muốn số tiền của họ chỉ được dùng để trả lương cho nhân viên.”

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit nói ngài không cảm thấy lo lắng: “Vấn đề là các nhà tài trợ muốn tổng giáo phận ký kết các khế ước thể hiện đúng ý nguyện của họ. Mọi sự sẽ ổn thỏa thôi.”

Theo tờ Forbes, một số sự miễn cưỡng có thể đến từ một cuộc tranh cãi xung quanh việc xây dựng lại nhà thờ chính tòa. Các quan chức nhà thờ muốn xây dựng lại như một sự tái tạo trung thành với những gì đã mất trong vụ cháy. Trong khi những người khác, bao gồm cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hy vọng việc xây dựng sẽ tạo ra một điều gì đó mới mẻ, một liên minh giữa truyền thống và hiện đại, một sự táo bạo đáng được tôn trọng.

54% những người Pháp được hỏi ý kiến nói với tờ Forbes rằng họ muốn nhà thờ chính tòa được tái tạo như cũ.

Tổ chức Ái Hữu Nhà Thờ Chính Tòa Notre Dame Paris ước tính rằng 90 phần trăm số tiền quyên góp mà họ đã nhận được đến từ Hoa Kỳ.

“Người Mỹ rất hào phóng đối với nhà thờ Đức Bà và ngôi nhà thờ này rất được yêu thích ở Mỹ,” ông Michel Picaud, chủ tịch Hội Ái Hữu Nhà Thờ Chính Tòa Notre Dame Paris, nói với hãng tin AP. “Sáu trong số 11 thành viên hội đồng quản trị của chúng tôi là cư dân tại Hoa Kỳ.”

Khoảng 4,1 triệu đô la đã được chuyển đến nhà thờ vào tuần trước để tài trợ việc trả lương cho 150 nhân viên và khởi động các nỗ lực tái thiết. Công việc đưa nhà thờ trở lại thời kỳ huy hoàng trước đây đã không ngừng nghỉ kể từ vụ cháy.

Gần 1 tỷ đô la đã được một số cư dân giàu nhất nước Pháp cam kết.

Vụ hỏa hoạn ngày 15 tháng 4, đã tàn phá 2/3 mái nhà thờ và phá hủy ngọn tháp biểu tượng. Sau vụ hỏa hoạn, Tổng thống Macron tuyên bố sẽ xây dựng lại nhà thờ chính tòa Paris trong vòng năm năm, trùng với Thế vận hội Olympic 2024, được tổ chức tại Paris.

2. Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna: Tôi là chứng nhân cho quyết tâm bảo vệ trẻ em của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

“Tôi là một nhân chứng mắt thấy tai nghe về quyết tâm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc chống lại tội lỗi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên ngay từ khi những trường hợp như vậy bắt đầu được chú ý. Tôi tin rằng những người đặt câu hỏi về năng lực hoặc quyết tâm của Thánh Gioan Phaolô II trong việc điều trị hiện tượng này nên rà soát lại kiến thức về lịch sử của họ,” Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta, Đồng Tổng Thư Ký của Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết như trên, trong một cuộc phỏng vấn với Cơ quan Thông tấn Công Giáo Ba Lan KAI, được thực hiện trong khuôn khổ chuyến viếng thăm của ngài tại quốc gia này.

Trong cuộc phỏng vấn với KAI, Đức Tổng Giám Mục đã nói về cách tiếp cận của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đối với tội lỗi lạm dụng trẻ vị thành niên và nhấn mạnh rằng “Tôi tin rằng Ba Lan nên tự hào về Đức Gioan Phaolô II, một vị Giáo Hoàng tuyệt vời. Tôi là một nhân chứng mắt thấy tai nghe về quyết tâm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc chống lại tội lỗi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên ngay từ khi những trường hợp như vậy bắt đầu được dư luận chú ý đến.”

Trả lời câu hỏi của KAI về vai trò của Thánh Gioan Phaolô II trong việc chống lại những tội ác như vậy, Đức Tổng Giám Mục Malta nhắc nhớ mọi người rằng vào tháng 10 năm 2002, chính Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài vào chức vụ Chưởng Lý trong Bộ Giáo Lý Đức Tin, do Đức Hồng Y Ratzinger lãnh đạo, để điều tra các trường hợp lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Ngài cho biết: “Tôi đã làm công việc đó trong suốt triều đại của Đức Bênêđíctô XVI, cho đến tháng 10 năm 2012, tức là trong mười năm. Một số trong những năm tháng này là trong triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II. Vào thời điểm đó, mỗi Thứ Sáu Đức Hồng Y Joseph Ratzinger sẽ đến thăm Đức Thánh Cha để báo cáo cho ngài các trường hợp lạm dụng tình dục. Vị Thánh Giáo Hoàng, với sự tận tụy và quyết tâm cao nhất, luôn coi trọng ý kiến của Bộ Giáo Lý Đức Tin,” Đức Tổng Giám Mục Scicluna nói.

Đức Tổng Giám Mục đã nhắc lại những lời của Đức Gioan Phaolô II vào ngày 23 tháng 10 năm 2002, trong một cuộc gặp gỡ với các Hồng Y đến từ Hoa Kỳ: “Không có chỗ trong đời sống linh mục và tu trì cho những người làm hại đến những người trẻ.” Theo Đức Tổng Giám Mục Scicluna, những lời này của Đức Gioan Phaolô II là câu nói quan trọng nhất mà người Công Giáo ở Ba Lan và các nơi khác nên biết và thực hiện trên toàn thế giới. Do đó, tôi nghĩ rằng những người nghi ngờ về năng lực hoặc quyết tâm của Thánh Đức Gioan Phaolô II trong việc điều trị hiện tượng này nên rà soát lại kiến thức về lịch sử của họ,” Đức Tổng Giám Mục Scicluna nhấn mạnh.

Nhận lời mời của các giám mục Ba Lan, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna đã tham dự ngày thứ hai của cuộc họp toàn thể của Hội đồng Giám mục Ba Lan, vào ngày 14 tháng Sáu. Trong dịp này, Đức Tổng Giám Mục đã chia sẻ kinh nghiệm của mình về việc bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trong Giáo hội.

3. Xung đột giữa người Công Giáo và cảnh sát tại Kerala

Thông tấn xã UCANews cho biết người Công Giáo tại bang Kerala của Ấn Độ đã biểu tình phản kháng một quyết định của Bộ Văn Hóa bang này trao giải thưởng cho một bức tranh hí họa xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của họ.

Các cuộc phản kháng của người Công Giáo tại bang Kerala của Ấn Độ đã bùng lên sau khi Bộ Văn Hóa bang này trao giải thưởng cho Subhash về một bức tranh trong đó mô tả Đức Giám Mục Franco Mulakkal của giáo phận Jalandhar mặt người nhưng thân hình là một con gà trống, đang cắp trong nách cây gậy Giám Mục. Trên đầu cây gậy thì vì là thánh giá thì là một chiếc quần lót của phụ nữ.

Trong phiên họp hôm 11 tháng Sáu, các Giám Mục tại bang Kerala đã lên án quyết định này.

Các cuộc phản kháng của anh chị em giáo dân đã được đáp trả bằng bạo lực của cảnh sát.

Tuy vẫn chỉ là một thiểu số, Kerala được coi là cứ điểm của Công Giáo tại Ấn với một truyền thống lâu đời. Thánh Tôma Tông Đồ, người đòi được tận mắt nhìn thấy Chúa Giêsu Phục sinh thì mới tin, đã hình thành cộng đoàn Công Giáo tại đây.

56% dân số trong này theo Ấn Giáo, và người Hồi Giáo chiếm 25%. 19% còn lại là các tín hữu Kitô, trong đó 55% là người Công Giáo nghi lễ Đông phương và nghi lễ Syro-Malaba.

Hôm 23 tháng Năm vừa qua, lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của đảng Bharatiya Janata (BJP) đã thắng cử làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.

Các cuộc biểu tình đã liên tục nổ ra vì chính sách cực đoan của Modi. Trong một diễn biến bi thảm, ba thân nhân của một bệnh nhân đã xúm lại đánh trọng thương một nhóm bác sĩ sau khi người thân của họ qua đời tại bệnh viện.

Những thân nhân này nói các bác sĩ không tận tình cứu chữa cho người thân của họ. Trong khi các bác sĩ cho biết họ tất bật cứu chữa cho 78 người bị cảnh sát đánh trọng thương trong các cuộc biểu tình.

Biểu tình lớn chưa từng có của giới y khoa đã nổ ra trong nhiều ngày sau biến cố này. Tất cả các bệnh viện tại nhiều thành phố lớn đã bị tê liệt.

Dân số Ấn Độ hiện nay là 1.3 tỷ. 80% dân theo Ấn giáo. 20% còn lại bao gồm Hồi giáo 14%, Kitô hữu 2.3%, Sikh 1.7% và 2% theo các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Jains và Zoroastrians.

Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị coi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo coi là tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.

4. Giáo Hội Công Giáo Ai Cập lên tiếng sau cái chết “tế nhị” của Mohamed Morsi

Trong phiên tòa hôm thứ Hai ngày 17 tháng Sáu vừa qua, Mohamed Morsi, đã xin phép được nói với tòa án vài lời cuối cùng trong phiên tòa xử ông ta về tội phản quốc. Nói được mấy câu, Morsi đã gục xuống và không bao giờ tỉnh dậy.

Mohamed Morsi, 67 tuổi, từng là lãnh đạo của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, một tổ chức khủng bố đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật tại Ai Cập. Sau khi tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ vào tháng Hai 2011, Mohamed Morsi đã được bầu lên làm tổng thống thứ 5 của Ai Cập và đảm nhận trách vụ này từ ngày 30 tháng Sáu, 2012 đến ngày 3 tháng Bẩy, 2013 thì bị quân đội Ai Cập đảo chính và bắt giam.

Các phiên tòa xét xử Mohamed Morsi luôn diễn ra trong tình trạng an ninh tối đa. Ông ta bị nhốt trong cũi sắt ngay trong tòa án để đề phòng cướp tòa.

Trong một diễn văn được phát trên truyền hình, Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã đổ lỗi cho tổng thống Al-Sisi của Ai Cập, mà ông ta gọi là “bạo chúa” về cái chết của Morsi.

“Lịch sử sẽ không bao giờ quên những tên bạo chúa đã đưa đến cái chết của anh ấy bằng cách tống vào tù và đe dọa xử tử anh ấy”, Erdogan, một đồng minh thân cận của Morsi, nói trong bài phát biểu trên truyền hình Istanbul.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ gọi cựu tổng thống Ai Cập là “một vị tử đạo”.

Trong thế giới Hồi Giáo, nhiều buổi tưởng niệm kèm theo những lời thề trả thù đã dấy lên một bầu không khí căng thẳng đùng đùng sát khí.

Cảnh sát và quân đội đã lập tức được tăng cường xung quanh các nhà thờ Công Giáo Ai Cập trong khi anh chị em giáo dân chuẩn bị mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa – Corpus Christi. Tất cả mọi cuộc rước sách truyền thống đều bị bãi bỏ trong năm nay.

Nhận định về diễn biến đáng lo ngại này, Cha Rafic Greiche, chủ tịch Ủy ban Truyền thông của Hội đồng Giám Mục Công Giáo Ai Cập, nói với thông tấn xã Công Giáo AsiaNews có trụ sở tại Rôma như sau:

“Ông Mohamed Morsi đã đau yếu và có một khối u trong não trước khi được bầu làm tổng thống. Sức khỏe của ông ta rất mong manh và sự căng thẳng từ phiên tòa có thể còn làm suy yếu tình trạng của ông ta hơn nữa. Không có yếu tố nào khác ngoại trừ sức khỏe đã gây ra cái chết này.”

“Gần đây tôi đã đọc tin tức trên các phương tiện truyền thông phương Tây, đặc biệt là tiếng Pháp, về những nghi ngờ xung quanh cái chết của ông ta hoặc cho rằng ông ta có thể đã bị giết, nhưng điều đó không đúng đâu. Trong những năm tù vừa qua, ông ta đã phải nhập viện ba hoặc bốn lần trong các bệnh viện tốt nhất. Chính phủ đã làm mọi thứ để bảo đảm sự chăm sóc tốt nhất cho ông ta.”

Mohamed Morsi đã được chôn cất tại thành phố Nasr, phía đông Cairo, trong bối cảnh an ninh chặt chẽ. Chỉ có vài thành viên trong gia đình và một vài người khác có mặt tại buổi lễ.

Con trai ông Ahmed nói với Reuters rằng chính quyền Ai Cập từ chối yêu cầu tổ chức tang lễ công khai ở quê nhà, vì sợ biểu tình. Chính phủ đã tuyên bố tình trạng cảnh báo tối đa và tăng cường các biện pháp an ninh vì lo ngại các cuộc tấn công hoặc các cuộc biểu tình trên đường phố có thể xảy ra.

Tổng thống Al-Sisi đang ở nước ngoài, tại Belarus, trong một chuyến thăm chính thức. Ông quyết định “không quay về Ai Cập” để cho thấy rằng tình hình đã được kiểm soát.

Cha Rafic Greiche nhận định: “Người Ai Cập đã mệt mỏi với nhóm Huynh đệ Hồi giáo. Có rất nhiều những hô hào trả thù ở nước ngoài, ở Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn, nhưng ở đây không ai buồn nhắc đến.” Tất nhiên, “vẫn có những nguy cơ là ai đó có thể cố gắng tấn công vào các nhà thờ, các nơi thờ phượng, doanh trại cảnh sát hoặc các địa điểm nhạy cảm khác để khuấy động căng thẳng hoặc trả thù, nhưng đối với nhiều người chúng tôi, ông ta đã thuộc về quá khứ.”

Trên bình diện nhân bản, “chúng tôi chia buồn trước cái chết của ông ta và thông cảm với gia đình ông, bất chấp sự bất đồng triệt để về cách thức ông ta cai trị đất nước này trong một năm, một thời gian thật thảm khốc đối với chúng tôi”.

“Nhiều người, đặc biệt là ở phương Tây, nhớ đến ông với tư cách là tổng thống được bầu cử đầu tiên một cách dân chủ và nói về những vi phạm nhân quyền vân vân. Nhưng cần phải nói rằng ông ta là người đầu tiên bẻ cong Hiến pháp vào tháng 11 năm 2012, với một sắc lệnh tập trung quyền lực vào tay ông ta và trong thực tế đã vi phạm hiến pháp và các nguyên tắc của luật pháp nhằm áp đặt luật Hồi Giáo Sharia.”

5. Kế hoạch Trung Quốc hoá Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa trong vòng 5 năm

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một phần trong chính sách mới của bọn cầm quyền Trung Quốc nhằm tìm cách Trung Hoa hóa nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội, và loại bỏ các ảnh hưởng của phương Tây.

Các phụ nữ Trung Quốc ngày nay được khuyến khích để ăn mặc theo lối xưa, mà ta vẫn thường thấy trong các phim kiếm hiệp, mặc dù ăn mặc theo lối này rất là bất tiện trong một xã hội công nghiệp, và đặc biệt trong một bầu không khí ô nhiễm nặng ở các thành phố của Trung Quốc.

Trong đời sống tôn giáo, Hiệp hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc và cái gọi là Hội đồng Giám mục Trung Quốc đã phát động “Kế hoạch ngũ niên Trung Quốc hoá Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa”. Kế hoạch đã được chấp thuận thông qua một cuộc biểu quyết giơ tay trong cuộc họp phối hợp lần thứ tư của hai tổ chức này, được tổ chức vào cuối tháng Năm năm ngoái 2018.

Một phần trong kế hoạch này là tăng cường đồng hóa văn hóa Trung Quốc vào các biểu hiện tôn giáo, loại bỏ các “ảnh hưởng từ nước ngoài”. Nhiều pho tượng Chúa, Đức Mẹ, và các thánh bị loại bỏ khỏi các nhà thờ với lý do “nhìn có vẻ Tây phương quá”.

Theo thông tấn xã Asia News có trụ sở tại Rôma, bọn cầm quyền đang có ý muốn “viết lại Kinh Thánh” hay ít nhất là mua chuộc các chức sắc tôn giáo để diễn dịch lại thông điệp Tin Mừng qua lăng kính của các tư tưởng cộng sản.

6. Giáo Hội vừa mất đi một nhà truyền thông xuất sắc

Cha Thomas Rosica, thuộc dòng Thánh Basilô, viết tắt là CSB, đã từ chức Giám đốc điều hành của đài truyền hình Salt and Light Media Foundation, bốn tháng sau khi các báo cáo rộ lên rằng ngài đã đạo văn các phần trong các bài giảng, các bài xã luận, các giáo trình đại học và các bài viết khác.

“Sau 16 năm làm Giám đốc điều hành sáng lập, tôi đã đệ đơn từ chức lên Hội đồng quản trị của Tổ chức truyền thông Công Giáo Salt và Light có hiệu lực ngày hôm nay,” cha Rosica cho biết như trên trong một tuyên bố đưa ra hôm ngày 17 tháng 6. Cha Rosica, là người lãnh đạo mạng lưới Salt and Light kể từ khi ra mắt năm 2003, đã được nghỉ phép từ tháng 3 vừa qua.

Cha Rosica cũng xin lỗi vì hành vi đạo văn của mình.

“Tôi cầu xin sự tha thứ cho những lỗi phạm của mình trong việc không công nhận một cách đúng đắn bản quyền của các cá nhân và các nguồn đóng góp trong các tác phẩm của tôi,” ngài nói.

Ngài nói thêm: “Tôi phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự thiếu kiểm soát của mình và không đổ lỗi cho bất kỳ ai khác ngoài bản thân mình.”

Cha Rosica từng làm phụ tá cho tiếng Anh và tiếng Pháp cho Phòng Báo Chí Tòa Thánh trong các Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Ngài nổi tiếng là hiền lành và chân thành. Cho đến nay, ngài là ký giả phỏng vấn nhiều vị Hồng Y và Giám Mục nhất trong giới truyền thông Công Giáo.

Trong một tuyên bố khác được đưa ra vào ngày 17 tháng Sáu, Hội đồng quản trị của Tổ chức truyền thông Công Giáo Salt và Light nói rằng: “Cha Rosica đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập và phát triển mạng lưới này trong 16 năm qua. Sự tham gia của nhiều người nam nữ trẻ tuổi vào các hoạt động truyền thông đa dạng của chúng tôi đã tạo ra sự khác biệt tích cực trong cuộc sống của nhiều người trên khắp thế giới. Chúng tôi rất biết ơn Cha Rosica vì sự lãnh đạo của ngài.”
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, ngày 27/6/2019: Khóa họp thứ 30 của Hội đồng các Hồng Y cố vấn
VietCatholic Network
21:05 26/06/2019


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, Thứ Tư ngày 26/6/2019.

2- Tòa Thánh đóng góp 40 ngàn dollars cho Quỹ trợ giúp Palestine.

3- Phái đoàn Tòa Thượng Phụ Constantinople đến Roma dự lễ hai thánh Phêrô và Phaolô.

4- Khóa họp thứ 30 của Hội đồng các Hồng Y cố vấn.

5- Sách mới giải thích tước hiệu của Đức nguyên Giáo Hoàng Benedicto XVI.

6- Các Giám mục Venezuela gặp gỡ với Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

7- Các Giám Mục Anh phản đối tòa án buộc một thai phụ phá thai ngoài ý muốn.

8- Giáo hội Indonesia, những cơ hội và thách đố.

9- Cuộc diễn hành ở Ecuador chống phá thai, hôn nhân đồng tính.

10- Đài Vatican News phỏng vấn một người trẻ Việt Nam về Diễn đàn Giới trẻ Thế giới.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Yêu Thương Cho Người.

Sau đây là phần tin chi tiết: