Ngày 26-06-2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn Văn của Đức Thượng Phụ Tối Cao Karekin II, và của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tại Buổi Gặp Gỡ vì Hòa Bình ở Yerevan, Armenia
Vũ Văn An
02:11 26/06/2016
Ngày thứ Bẩy, 25 tháng Sáu, sau khi viếng đài kỷ niệm diệt chủng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đáp máy bay tới Gyumri và ở đây, ngài cử hành Thánh Lễ đầu tiên của ngài tại Armenia. Sau đó, vào buổi chiều, sau khi viếng hai nhà thờ chính toà của Gyumri, một của Chính Thống Giáo, một của Công Giáo, ngài lại đáp máy bay trở lại Yerevan và ở đây, ngài đã cùng Đức Thượng Phụ Tối Cao Karekin II của Giáo Hội Tông Truyền Armenia cử hành nghi thức đại kết cầu nguyện cho hòa bình tại Công Viên Thành Phố.

Diễn văn của Đức Karekin II

Trong nghi thức trên, Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II đã đọc bài diễn văn sau đây do chính Tòa Thánh công bố, một điều khá đặc biệt, vì Tòa Thánh thường chỉ phổ biến các bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng mà thôi:

“Phúc thay những người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9)

Kính thưa Đức Thánh Cha, người anh em thân mến trong Chúa Kitô,
Kính Thưa Tổng Thống Cộng Hòa Armenia,
Kính thưa anh em thiêng liêng đầy ơn thánh và các tín hữu thân mến

Với lời ca ngợi thánh danh Thiên Chúa Tối Cao trên môi miệng, hôm nay, tại trung tâm thủ đô Yerevan này, dưới cái nhìn diễm phúc của Núi Ararat có ý nghĩa thánh kinh, chúng ta đã tụ họp nhau để cầu nguyện chung. Từ lãnh thổ của Nôê mà từ đó Thiên Chúa đã cho mọc lên cầu vồng hòa bình, chúng ta cất cao lời khẩn nguyện của chúng ta lên trời cùng với người anh em thân yêu của chúng ta trong Chúa Kitô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cầu cho việc thiết lập hòa bình trên thế giới và cho cuộc sống an ninh và thịnh vượng. Chúng ta xúc động khi thấy cầu nguyện với chúng ta tại công viên này còn có các nạn nhân chiến tranh, nạn nhân khủng bố, và nạn nhân bạo lực vốn là người tị nạn từ Azerbaijan cũng như từ Syria, và Iraq. Với niềm hy vọng vào Thiên Chúa, họ đang chờ những ngày hòa bình để có thể trở về quê cha đất tổ của họ.

Thực vậy, một thập niên rưỡi trước đây, chúng ta đã chào mừng thiên niên kỷ thứ ba với niềm hy vọng rằng nó sẽ khởi đầu cho việc sống chung trong tình liên đới giữa các dân tộc và sự hợp tác tốt đẹp giữa các quốc gia để tạo ra một thế giới hòa bình và công lý. Ây thế mà, ngày nào, ta cũng nghe thấy các tin tức gây bối rối về các cuộc chiến tranh gia tăng, các hành vi khủng bố, các đau đớn khôn tả, các mất mát không thể nào thay thế được. Trẻ em, thiếu niên, phụ nữ, và người già tại nhiều nơi trên thế giới, thuộc các quốc tịch, các tôn giáo và tuyên tín khác nhau, đang trở thành nạn nhân của vũ khí giết người và bạo lực dã man, hoặc buộc phải chọn con đường tị nạn, vượt qua các khó khăn không thể nào giải thích được, mong tìm được nơi trú ẩn an toàn.

Đúng một thế kỷ trước đây, quốc gia chúng ta cũng đã phải bước cùng một con đường đó, cũng rơi vào một tình thế nguy kịch, trong đó, do cuộc Diệt Chủng Người Armenia, quốc gia chúng ta đã mất đa số lãnh thổ quê hương và sau khi chịu con số 1 triệu rưỡi tử đạo, đã chiến đấu đòi quyền hiện hữu. Cả hôm nay nữa, quốc gia chúng ta lại phải sống trong tình thế khó khăn của một cuộc chiến tranh không tuyên chiến, phải bảo vệ hoà bình ngay trong biên giới quê hương mình với một giá cao và quyền của người dân Nagorno-Karabakh được sống tự do trong nôi mẹ của mình. Các làng mạc Armenia từng bị đánh bom và tàn phá, binh sĩ bảo vệ hòa bình cũng như trẻ em đang độ đến trường bị giết và bị thương, các dân thường yêu hòa bình và không vũ trang từng bị tra tấn.

Khi đương đầu với các khó khăn này, nhân dân chúng ta vẫn có lòng tương cảm, đối với các đổ nát và mất mát đang liên tiếp diễn ra tại Cận Đông, đối với các hành vi khủng bố đã và đang diễn ra tại các thành phố lớn của Âu Châu, tại Nga, tại Hiệp Chúng Quốc, tại Á Châu và Phi Châu, và đối với các di sản tôn giáo và văn hóa đang bị phá hoại cách tàn nhẫn trong các vùng có tranh chấp. Biết bao địa điểm thánh thiêng đã bị xúc phạm và biết bao nghệ phẩm giá trị bị tiêu hủy tại Syria, Iraq, và tại các quốc gia Đông Phương và Phi Châu? Biết bao cây thập giá bằng đá đã bị tiêu hủy ở Azerbaijan? Vùi sâu dưới những hoang tàn, đau đớn vì mất mát và thiếu thốn ấy, là những giá trị và xúc cảm của linh hồn con người.

Trong những tình huống như thế, sứ mệnh của các Giáo Hội Kitô và của các nhà lãnh đạo tôn giáo không thể chỉ tự giới hạn vào việc giúp đỡ các nạn nhân, an ủi họ, và chăm sóc mục vụ cho họ. Các biện pháp thực tế hơn cần được sử dụng trên đường tìm kiếm hòa bình bằng cách củng cố các cố gắng của chúng ta nhằm ngăn chặn sự ác, bằng cách phát huy tinh thần yêu thương, liên đới và hợp tác trong các xã hội qua cuộc đối thoại đại kết và liên tôn, phù hợp với mệnh lệnh của Thiên Chúa, “phúc cho những người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5:9).

Kính thưa Đức Thánh Cha, hiển nhiên, việc phục vụ của ngài quả đang phản ảnh sự tận tụy hết lòng của ngài đối với mệnh lệnh của Thiên Chúa về hòa bình trên thế giới và hòa giải giữa các dân tộc. Một trong các chứng từ về điều này là Thánh Lễ long trọng của ngài, cử hành năm ngoái tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, nhân dịp một trăm năm Cuộc Diệt Chủng Armenia để tưởng niệm các nạn nhân vô tội của chúng tôi, khi, trong sứ điệp của ngài, ngài đã nói lên sự cấp thiết phải lập lại công lý và ngài đã quả quyết “Che đậy và bác bỏ tội ác là như để một vết thương cứ tiếp tục chẩy máu mà không chịu băng bó nó!”.

Năm ngoái, được hướng dẫn bởi cùng nguyên tắc trên, nhiều quốc gia và tổ chức mới, một lần dứt khoát, đã kết án cuộc Diệt Chủng Armenia, trong đó có Đức Quốc vốn là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ thời Thế Chiến I; nước này trong những ngày gần đây đã nhìn nhận cuộc Diệt Chủng chống lại người Armenia.

Nhân dân chúng tôi biết ơn Đức Thánh Cha và mọi người bênh vực và bảo vệ công lý, và kỳ vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ, nghe theo sứ điệp của ngài và lời kêu gọi của nhiều nước cũng như nhiều định chế quốc tế, sẽ chứng tỏ đủ can đảm để giáp mặt với lịch sử, chấm dứt việc phong tỏa Armenia một cách phi pháp và ngưng hẳn việc hỗ trợ các vụ khiêu khích quân phiệt của Azerbaijan nhắm chống lại quyền của người Nagorno-Karabakh được sống trong tự do và hòa bình.

Quả thực, hoà bình sẽ không thể nào thực hiện được nếu không có công lý, mạng sống con người không thể trở thành đề tài cho các suy đoán và không thể bị làm ngơ. Như Thánh Tông Đồ nói, “Thiên Chúa không tỏ đầu óc phe phái, nhưng ở mọi quốc gia, bất cứ ai kính sợ Người và làm điều đúng đều được Người chấp nhận” (Cv 10:34-35). Chỉ có thứ công lý biết bám rễ trong việc bảo vệ các quyền lợi của các cá nhân và của các dân tộc, mới có thể trở thành nền tảng vững chắc để ngăn ngừa tội ác chống nhân loại mà thôi, và mới là con đường thành công nhất dẫn đến một giải pháp toàn diện cho cuộc tranh chấp.

Với một trái tim tha thiết, chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa để mục tiêu trên được thực hiện, ngõ hầu Người nghe thấy lời cầu nguyện của chúng ta và khi hậu hĩnh đổ tràn các ơn của Chúa Thánh Thần xuống, Người sẽ đội triều thiên cho tình thương huynh đệ và sự hợp tác của các Giáo Hội bằng nhiều thành quả phong phú. Xin Chúa hay thương xót của chúng ta tẩy rửa thế giới khỏi các thảm kịch sự ác và ban hoà bình và che chở, và như lời tiên tri từng quả quyết, người ta sẽ rèn gươm của họ thành lưỡi cày, giáo của họ thành lưỡi liềm, nước này sẽ không tuốt gươm chống lại nước kia, cả hai không còn học chiến tranh nữa (Is 2:4).

Với những trái tim tràn đầy niềm vui thiêng liêng của cuộc gặp gỡ giữa chúng ta, vốn do Chúa nhân lành ban cho chúng ta, chúng tôi van nài Chúa Cứu Thế của chúng ta ban ơn thánh và bằng an của Người cho mọi người chúng ta, và xin kính mời ngài, người anh em thân yêu của chúng tôi trong Chúa Kitô, ban sứ điệp của ngài và ban phúc lành dư tràn của ngài cho hàng ngàn tín hữu đang tụ họp tại đây.

Diễn văn của Đức Phanxicô

Kính thưa người anh em đáng kính và thân yêu, Đức Thượng Phụ Tối Cao của mọi người Armenia,
Kính thưa Tổng Thống,
Anh chị em thân mến,

Nguyện chúc phúc lành của Thiên Chúa và hòa bình ở cùng tất cả qúy vị!

Tôi vốn rất muốn viếng thăm lãnh thổ thân yêu này, quê hương của qúy vị, trước nhất để ôm hôn đức tin Kitô Giáo. Quả là một ơn phúc đối với tôi được ở đây trên các vùng cao này, nơi, dưới bóng Núi Ararat, chính sự im lặng dường như cũng đang lên tiếng. Ở đây, các khatchkar – các thập giá bằng đá– đang thuật lại lịch sử độc đáo được bảo bọc bằng một đức tin gian khổ và đau thương vô vàn, một lịch sử đầy các chứng từ tuyệt vời đối với Tin Mừng, một lịch sử mà qúy vị là người thừa hưởng. Tôi tới đây như một người hành hương từ Rôma để hiện diện với qúy vị và để nói lên tình âu yếm tận đáy lòng tôi: tình âu yếm của người anh em của qúy vị, và cái ôm huynh đệ của toàn thể Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội rất qúy mến qúy vị và gần gũi với qúy vị.

Trong mấy năm gần đây, các cuộc thăm viếng và gặp gỡ giữa các Giáo Hội chúng ta, luôn luôn thân ái và thường đáng ghi nhớ, đã gia tăng nhờ ơn Thiên Chúa. Vào ngày kính Các Thánh Tông Đồ của Chúa Kitô này, Chúa Quan Phòng muốn chúng ta gặp nhau một lần nữa để củng cố sự hiệp thông tông truyền giữa chúng ta. Tôi hết lòng cảm tạ Thiên Chúa vì “sự hợp nhất có thực chất và sâu xa” giữa các Giáo Hội chúng ta (xem Đức Gioan Phaolô II, Buổi Cử Hành Đại Kết, Yerevan, 26 tháng Chín, 2001: Insegnamenti XXIV/2 [2001], 466), và tôi cám ơn qúy vị về lòng trung thành thường có tính anh hùng của qúy vị đối với Tin Mừng, vốn là một ơn phúc vô giá đối với mọi Kitô hữu. Sự hiện diện của chúng ta ở đây không phải là một trao đổi tư tưởng, mà là trao đổi ơn phúc (xem Đã Dẫn, Ut Unum Sint, 28): chúng ta đang gặt hái những gì Chúa Thánh Thần đã gieo trong ta như ơn phúc cho nhau (xem Evangelii Gaudium, 246). Với niềm vui lớn lao, chúng ta đã cùng nhau tiến bước trên một hành trình từng đưa ta đi khá xa, và chúng ta tin tưởng mong tới ngày nhờ ơn phù trợ của Thiên Chúa, ta sẽ được hợp nhất chung quan bàn hy tế của Chúa Kitô trong sự viên mãn của hiệp thông Thánh Thể. Nhờ theo đuổi mục tiêu rất đáng ước ao này, chúng ta kết hợp với nhau trong một cuộc hành hương chung; chúng ta bước đi với nhau trong “một niềm tín thác thành thực đối với những người cùng hành hương, đặt qua một bên mọi nghi ngờ và bất tín” (đã dẫn, 244).

Trên hành trình này, chúng ta đã được đi trước và cùng được đi với nhiều chứng nhân, nhất là các vị tử đạo từng niêm ấn cho đức tin chung vào Chúa Kitô của chúng ta bằng chính máu đào của họ. Các vị là những vì sao của chúng ta ở trên trời, chiếu sáng chúng ta ở dưới thế này và chỉ đường để ta tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn. Trong số các giáo phụ vĩ đại, tôi muốn nhắc đến Thượng Phụ Tối Cao thánh thiện Nerses Shnorhali. Ngài biểu lộ một tình yêu phi thường đối với dân của ngài và các truyền thống của họ, cũng như một quan tâm sinh động đối với các Giáo Hội khác. Không mệt mỏi tìm kiếm sự hợp nhất, ngài đã tìm cách hoàn thành ý của Chúa Kitô muốn những ai tin “sẽ trở nên một” (Ga 17:21). Hợp nhất không liên hệ gì tới việc chiếm ưu thế chiến lược dựa trên tư lợi. Đúng hơn, nó là điều Chúa đòi nơi chúng ta và là điều chính ta phải cố gắng đạt cho được bằng thiện chí, bằng cố gắng khôn nguôi và chứng tá nhất quán, chu toàn sứ mệnh của ta trong việc đem Tin Mừng đến cho thế giới.

Để thể hiện được sự hợp nhất cần thiết này, Thánh Nerses nói với ta rằng trong Giáo Hội, điều cần không phải chỉ là thiện chí của một ít người: mà mọi người cần phải cầu nguyện. Thành thử điều đẹp đẽ là chúng ta tụ họp ở đây để cầu nguyện cho nhau và với nhau. Trên hết, chính ơn phúc cầu nguyện mà tôi tới đây tối nay để xin qúy vị. Về phần tôi, tôi bảo đảm với qúy vị rằng khi dâng bánh và rượu trên bàn thờ, tôi sẽ không quên dâng lên Chúa Giáo Hội Armenia và nhân dân thân yêu của qúy vị.

Thánh Nerses nói đến việc cần phải lớn lên trong tình yêu hỗ tương, vì một mình đức ái đủ chữa lành ký ức và băng bó các vết thương. Một mình ký ức xóa nhòa mọi thiên kiến và giúp ta nhìn thấy rằng cởi mở với anh chị em ta sẽ tinh lọc và nâng cao các xác tín của ta. Đối với vị Thượng Phụ Tối Cao đã được phong thánh, hành trình tiến tới hợp nhất nhất thiết bao gồm việc bắt chước tình yêu của Chúa Kitô, Đấng, “dù giầu có” (2Cr 8:9), “đã hạ mình xuống” (Pl 2:8). Theo gương Chúa Kitô, ta được kêu gọi tìm được can đảm cần thiết để từ bỏ các ý kiến cứng ngắc và các tư lợi bản thân nhân danh mối tình từng cúi xuống và tự hiến mình, nhân danh tình yêu khiêm hạ vốn là chất dầu phước hạnh của đời sống Kitô giáo, chất dầu thiêng liêng qúy giá có khả năng chữa lành, tăng sức và thánh hóa. “Ta hãy đền bù các thiếu sót của ta trong việc sống hoà hợp và yêu thương”, Thánh Nerses viết như thế (Lettere del Signore Nerses Shnorhali, Catholicos degli Armeni, Venice, 1873, 316), và thậm chí, ngài còn gợi ý, phải có lòng dịu dàng yêu thương, một lòng yêu thương có khả năng làm dịu bất sự cứng cỏi nào trong tâm hồn các Kitô Hữu, vì cả họ nữa cũng thường chỉ biết quan tâm tới chính mình và các lợi thế của riêng mình mà thôi. Tình yêu khiêm hạ và đại lượng, chứ không phải tính toán lợi điểm, sẽ lôi kéo được lòng thương xót của Thiên Chúa, sự chúc phúc của Chúa Kitô và sự tuôn tràn của Chúa Thánh Thần. Nhờ cầu nguyện và “yêu thương nhau sâu xa từ trong tâm hồn” (xem 1Pr 1:22), một cách khiêm nhường và tinh thần cởi mở, ta mới sẵn sàng nhận lãnh ơn hợp nhất của Thiên Chúa. Ta hãy theo đuổi cuộc hành trình của ta một cách quyết tâm; quả thực, ta hãy thi đua hướng tới việc hiệp thông trọn vẹn!

“Ta ban cho chúng con sự bình an. Ta ban nó cho chúng con không như thế gian ban” (Ga 14:27). Chúng ta đã từng nghe những lời này trong Tin Mừng; chúng mời gọi ta khẩn thiết nài xin Thiên Chúa ban cho ta sự bình an đó, sự bình an mà thế giới đang lao đao cố gắng đạt cho được. Ngày nay, biết bao trở ngại tìm thấy trên con đường hòa bình, và các hậu quả của chiến tranh thật thảm khốc biết chừng nào! Tôi nghĩ tới mọi người bị cưỡng bức bỏ lại mọi sự, nhất là ở Trung Đông, nơi, quá nhiều anh chị em chúng ta chịu bạo lực và bách hại vì hận thù và tranh chấp khôn nguôi. Những cuộc tranh chấp này được cung cấp nhiên liệu bởi việc lan tràn và buôn bán vũ khí, bởi cơn cám dỗ muốn dùng vũ lực và bởi việc thiếu tôn trọng con người nhân bản, nhất là những người yếu đuối, người nghèo và những người chỉ mưu cầu một cuộc sống có phẩm giá.

Tôi cũng không thể không nghĩ tới các thử thách khủng khiếp mà dân tộc qúy vị đã kinh qua. Một thế kỷ đã vừa qua đi kể từ khi “Tai Ương Vĩ Đại” giáng xuống trên qúy vị. “Cuộc thảm sát lớn lao và vô nghĩa” này (Lời Chào Mừng, trong Thánh Lễ Cho Tín Hữu Nghi Lễ Armenia, 12 tháng Tư, 2015), màu nhiệm bi thảm của tội ác mà dân tộc qúy vị phải chịu trong thân xác họ, vẫn còn in hằn trong ký ức chúng ta và thiêu đốt tâm hồn chúng ta. Ở đây, tôi muốn tuyên bố một lần nữa rằng các đau khổ của qúy vị là các đau khổ của chúng tôi: “chúng là các đau khổ của các chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô” (Đức Gioan Phaolô II, Tông Thư nhân dịp Kỷ Niệm lần thứ 1,700 Phép Rửa của Nhân Dân Armenia, 4: Insegnamenti XXIV/1 [2001], 275). Không quên họ không những là một điều đúng mà còn là một bổn phận nữa. Ước chi họ là lời cảnh cáo muôn đời kẻo thế giới lại sa vào cơn lốc kinh hoàng tương tự một lần nữa!

Đồng thời, tôi cũng thán phục nhớ lại việc đức tin Kitô Giáo “ngay trong các giờ phút bi thảm nhất của lịch sử Armenia, đã là lực đẩy như thế nào trong việc khởi đầu cuộc hồi sinh của dân tộc đầy đau thương của qúy vị” (Đã dẫn, 276). Đó chính là sức mạnh thực sự của qúy vị, giúp qúy vị cởi mở đối với con đường Phục Sinh đầy mầu nhiệm và có tính cứu rỗi. Các vết thương vẫn còn đó, gây ra bởi hận thù dữ dằn và vô nghĩa, nhưng một cách nào đó, có thể đồng hình đồng dạng với các vết thương của Chúa Kitô phục sinh, những vết thương từng gây ra cho Người và thậm chí hiện nay Người vẫn còn mang nguyên trên thân xác Người. Người từng biểu lộ các vết thương vinh hiển này cho các môn đệ của Người vào tối ngày Phục Sinh (xem Ga 20:20). Các vết thương khủng khiếp, đau đớn chịu trên thập giá này, được tình yêu biến cải, đã trở nên nguồn suối tha thứ và bình an. Ngay nỗi đau lớn lao nhất, được biến cải bởi sức mạnh cứu rỗi của thập giá, điều mà người Armenia vốn là sứ giả và nhân chứng, cũng có thể trở thành hạt giống gieo hòa bình cho tương lai.

Ký ức, được tình yêu thấm nhiễm, có khả năng tạo ra những nẻo đường mới và bất ngờ, trên đó, các kế sách hận thù sẽ trở thành các dự án hòa giải, trên đó, hy vọng sẽ vươn lên đối với một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người, trên đó, “phúc thay những người kiến tạo hòa bình” (Mt 5:9). Tất cả chúng ta đều có lợi từ các cố gắng nhằm đặt nền cho một tương lai biết chống lại việc để mình bị cuốn hút vào quyền lực trả thù đầy tính ảo tưởng, một tương lai không ngừng cố gắng tạo ra các điều kiện thuận lợi cho hòa bình, như: việc làm xứng đáng cho mọi người, săn sóc những người túng thiếu nhất, và không ngừng tranh đấu loại bỏ tham nhũng.

Các bạn trẻ thân mến, tương lai này thuộc các bạn. Các bạn hãy trân qúy túi khôn vĩ đại của các bậc trưởng thượng và cố gắng làm những người kiến tạo hòa bình: không bằng lòng với hiện trạng, nhưng tích cực dấn thân vào việc xây dựng nền văn hóa gặp gỡ và hòa giải. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tương lai của qúy vị và “ban cho nhân dân Armenia và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nối con đường hòa giải và xin cho hoà bình cũng bừng lên tại Nagorno Karabakh (Sứ Điệp Gửi Người Armenia, 12 tháng Tư, 2015).

Sau cùng, trong viễn ảnh trên, tôi muốn nhắc đến một chứng nhân vĩ đại nữa và là người kiến tạo hòa bình của Chúa Kitô, Thánh Grêgôriô thành Narek, vị thánh mà tôi đã nâng lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài cũng được xác định là “Tiến Sĩ Hòa Bình”. Vì ngài đã viết trong cuốn sách phi thường mà tôi thích coi như “hiến pháp thiêng liêng của Nhân Dân Armenia” rằng: “[Lạy Chúa], xin Chúa cũng nhớ cả những người trong nhân loại là kẻ thù của chúng con nữa, và vì ích lợi của họ, xin ban cho họ sự tha thứ và thương xót… Xin Chúa đừng tiêu diệt những người bách hại chúng con, nhưng xin Chúa sửa đổi họ; xin Chúa phá tận gốc mọi con đường của sự ác trên thế gian này, và trồng cây điều tốt trong con và trong họ” (Book of Lamentations, 83, 1-2). Thánh Narek, nhờ “ý thức sâu xa việc chia sẻ mọi nhu cầu” (đã dẫn, 3, 2) nên cũng đã tìm cách đồng hóa ngài với những người yếu đuối và tội lỗi mọi thời và mọi nơi để cầu bầu cho tất cả (xem đã dẫn 31, 3; 32, 1; 47, 2). Ngài đã trở nên “người cầu bầu cho toàn thế giới” (đã dẫn, 28, 2). Tình liên đới phổ quát với nhân loại của ngài chính là sứ điệp hòa bình vĩ đại của Kitô Giáo, lời van vỉ tận đáy lòng xin sự thương xót cho mọi người. Người Armenia đang hiện diện tại rất nhiều quốc gia trên thế giới; từ nơi đây, tôi muốn được ôm hôn mọi người trong tình anh em. Tôi khích lệ tất cả qúy vị, ở mọi nơi, lên tiếng cho ước nguyện hiệp thông này, trở thành “các đại sứ của hòa bình” (Đức Gioan Phaolô II, Tông Thư nhân dịp Kỷ Niệm Lần Thứ 1,700 Phép Rửa của Nhân Dân Armenia,7: Insegnamenti XXIV/1 [2001], 278). Toàn thế giới cần sứ điệp này, nó cần sự hiện diện của qúy vị, nó cần các chứng tá tinh ròng nhất của qúy vị. Bình an cho qúy vị!
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha trong Phụng Vụ Thánh của Giáo Hội Armenia Tông Truyền sáng Chúa Nhật 26/6
J.B. Đặng Minh An dịch
09:02 26/06/2016


Chúa Nhật 26 tháng Sáu là ngày cuối trong chuyến viếng thăm 3 ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Armenia.

Lúc 9h15 sáng, Đức Thánh Cha đã có buổi gặp gỡ với các Giám Mục Công Giáo Armenia tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Etchmiadzin.

Sau đó, lúc 10:00, Đức Thánh Cha đã tham dự Phụng Vụ Thánh tại nhà thờ chính tòa của Giáo Hội Armenia Tông Truyền.

Sau bài giảng của Đức Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có bài chia sẻ như sau:

Thưa Anh Chị Em,

Vào cuối chuyến viếng thăm hết lòng ao ước này, một chuyến viếng thăm đã là không thể nào quên được đối với tôi, tôi hiệp ý dâng lên Chúa lòng biết ơn của tôi trong những bài thánh ca ngợi khen và tán tụng tuyệt vời được dâng lên từ bàn thờ này. Thưa Đức Thượng Phụ, trong những ngày này ngài đã mở rộng cửa đón tiếp tôi, và chúng ta đã cảm nghiệm được “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau,” (Tv 133: 1). Chúng ta đã gặp nhau, đã ôm lấy nhau như anh em, chúng ta đã cầu nguyện với nhau và chia sẻ những hồng ân, những hy vọng và những mối quan tâm cho Giáo Hội của Chúa Kitô. Chúng ta đã cùng cảm thấy như nhau nhịp đập con tim của Giáo Hội, và chúng ta tin tưởng và cảm nghiệm rằng Giáo Hội là một. “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4: 4-6). Với niềm vui lớn lao, chính chúng ta đã có thể thực hiện những lời của Thánh Tông Đồ Phaolô! Cuộc gặp gỡ của chúng ta được sự bảo trợ của các thánh Tông Đồ là các vị chúng ta đã biết đến. Thánh Bartholômêô và Thánh Tađêô là những người đầu tiên công bố Tin Mừng trong vùng đất này, và Thánh Phêrô và Phaolô là những vị đã hiến mạng sống mình cho Chúa ở Rôma và bây giờ đang ngự trị cùng Chúa Kitô ở trên trời, các vị chắc chắn vui mừng chứng kiến tình cảm của chúng ta và lòng khao khát tỏ tường của chúng ta cho sự hiệp thông trọn vẹn. Vì tất cả những điều này, tôi cảm ơn Chúa, vì hiền huynh và cùng với hiền huynh: Park astutsò! (Vinh danh Thiên Chúa!).

Trong Phụng Vụ Thánh này, bài ca vịnh trọng thể Trisagion được dâng lên trời cao, tán dương sự thánh thiện của Thiên Chúa. Cầu xin phước lành của Đấng Tối Cao tuôn đổ dư dật đầy mặt đất nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, các vị Đại Thánh và các Tiến sĩ Hội Thánh, các vị tử đạo, đặc biệt là đông đảo các vị mà hiền huynh đã tuyên thánh vào năm ngoái ở nơi này. Cầu xin “Đấng Tự Hữu Duy Nhất đã xuống trần” ban phước lành cho cuộc hành trình của chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần biến đổi tất cả các tín hữu nên một lòng một trí; xin Ngài đến để thiết lập lại sự hiệp nhất trong chúng ta. Về điều này, một lần nữa tôi khẩn cầu Chúa Thánh Thần, xin mượn những từ ngữ huy hoàng trong Phụng Vụ của hiền huynh: Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng “khẩn cầu với những tiếng thở dài không ngừng lên Chúa Cha đầy lòng thương xót, Đấng giữ gìn các thánh và thanh tẩy những kẻ tội lỗi,” xin ban cho chúng con ngọn lửa tình yêu và hiệp nhất, và “xin cho nguyên do gây ra tai tiếng của chúng con được tan biến trong tình yêu thương này” (Thánh Gregory Narek, Sách Ai Ca, 33, 5) trên tất cả là tai tiếng chia rẽ trong các môn đệ của Chúa Kitô.

Cầu xin cho Giáo Hội Armenia được tiến bước trong hòa bình và xin cho sự hiệp thông giữa chúng ta được trọn vẹn. Xin cho một mong muốn mãnh liệt cho sự hiệp nhất được tăng lên trong lòng chúng ta, một sự hiệp nhất không phải là “tùng phục nhau, hoặc đồng hóa nhau, trái lại là sự chấp nhận tất cả những ân sủng Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta. Điều này sẽ cho toàn bộ thế giới thấy mầu nhiệm lớn lao của ơn cứu rỗi đã được hoàn tất nơi Chúa Kitô qua Chúa Thánh Thần “(Lời chào mừng trong Phụng Vụ Thánh tại nhà thờ Thánh George, ở Istanbul, ngày 30 Tháng 11 2014).

Chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của các thánh, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của những người khiêm nhường và nghèo hèn, của đông đảo các nạn nhân của hận thù, là những người đã thí mạng sống vì đức tin. Chúng ta phải chú trọng đến thế hệ trẻ, những người đang tìm kiếm một tương lai không có những chia rẽ trong quá khứ. Từ thánh điện này, xin cho ánh sáng rạng rỡ được tỏa sáng một lần nữa, và cho ánh sáng của đức tin, đã từng soi sáng mảnh đất này từ thời Thánh Gregôriô, là Người Cha của anh chị em trong Tin Mừng, có thể hiệp cùng ánh sáng của tình yêu để đem lại ơn tha thứ và hòa giải.

Như các tông đồ vào buổi sáng lễ Phục sinh, với tất cả những do dự và hoang mang của các ngài, đã chạy đến ngôi mộ Chúa Phục sinh khi được thu hút bởi bình minh của niềm hy vọng mới (x Jn 20: 3-4); cầu xin cho trong ngày Chúa Nhật thánh này, chúng ta cũng vội vã theo tiếng gọi của Chúa để hiệp thông đầy đủ với nhau và chạy nhanh về hướng đó.

Bây giờ, thưa hiền huynh, trong danh Thiên Chúa, xin ban phép lành cho tôi, và cho Giáo Hội Công Giáo, và ban phép lành cho con đường hướng tới hiệp nhất trọn vẹn này của chúng ta.
 
Tân Đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh trình quốc thư, kết thúc một bế tắc ngoại giao
Chân Phương
08:03 26/06/2016
Tân Đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh trình quốc thư, kết thúc một bế tắc ngoại giao

Hôm 24 tháng 6 năm 2016, Ngài Philippe Zeller - Tân đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh đã trình quốc thư ngoại giao của ông lên cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Hành động này đã kết thúc một thời gian dài bế tắc về việc bổ nhiệm người đại diện cho nước Pháp tại Vatican.

Hồi Tháng Tư vừa qua, sau hơn một năm bế tắc ngoại giao, cuối cùng, chính phủ Pháp cũng đã từ bỏ nỗ lực thuyết phục Vatican chấp nhận việc bổ nhiệm ông Laurent Stefanini.

Vatican đã từ chối nhận ông Stefanini làm đại sứ mà không đưa ra một lời giải thích nào, dù đó chỉ là tiến trình ngoại giao cơ bản. Nhưng giới báo chí nước Pháp cho rằng, sở dĩ Vatican đã không chào đón ông Stefanini vì ông là người đồng tính (homosexual), mặc dù phía ngoại giao Pháp không muốn xác định một người có thiên hướng đồng tính, hoặc phát ngôn về trường hợp như vậy.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng hội kiến riêng với ông Stefanini vào Tháng Tư vừa qua: đây là một động thái rất bất thường.

Cả phía Vatican cũng như phía nước Pháp đều không bình luận gì về cuộc gặp gỡ này.

Cuối cùng, sau nhiều tháng im hơi lặng tiếng, nước Pháp đã bổ nhiệm ông Stefanini làm đặc phái viên của họ tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), còn ông Zeller được đề cử và chấp thuận làm Đại sứ của Pháp cạnh Tòa Thánh.

Chân phương
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha trong Phụng Vụ Thánh Armenia sáng Chúa Nhật 26/6
VietCatholic Network
09:04 26/06/2016
Chúa Nhật 26 tháng Sáu là ngày cuối trong chuyến viếng thăm 3 ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Armenia.

Lúc 9h15 sáng, Đức Thánh Cha đã có buổi gặp gỡ với các Giám Mục Công Giáo Armenia tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Etchmiadzin.

Sau đó, lúc 10:00, Đức Thánh Cha đã tham dự Phụng Vụ Thánh tại nhà thờ chính tòa của Giáo Hội Armenia Tông Truyền.

Sau bài giảng của Đức Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có bài chia sẻ như sau:

Thưa Anh Chị Em,

Vào cuối chuyến viếng thăm hết lòng ao ước này, một chuyến viếng thăm đã là không thể nào quên được đối với tôi, tôi hiệp ý dâng lên Chúa lòng biết ơn của tôi trong những bài thánh ca ngợi khen và tán tụng tuyệt vời được dâng lên từ bàn thờ này. Thưa Đức Thượng Phụ, trong những ngày này ngài đã mở rộng cửa đón tiếp tôi, và chúng ta đã cảm nghiệm được “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau,” (Tv 133: 1). Chúng ta đã gặp nhau, đã ôm lấy nhau như anh em, chúng ta đã cầu nguyện với nhau và chia sẻ những hồng ân, những hy vọng và những mối quan tâm cho Giáo Hội của Chúa Kitô. Chúng ta đã cùng cảm thấy như nhau nhịp đập con tim của Giáo Hội, và chúng ta tin tưởng và cảm nghiệm rằng Giáo Hội là một. “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4 : 4-6). Với niềm vui lớn lao, chính chúng ta đã có thể thực hiện những lời của Thánh Tông Đồ Phaolô! Cuộc gặp gỡ của chúng ta được sự bảo trợ của các thánh Tông Đồ là các vị chúng ta đã biết đến. Thánh Bartholômêô và Thánh Tađêô là những người đầu tiên công bố Tin Mừng trong vùng đất này, và Thánh Phêrô và Phaolô là những vị đã hiến mạng sống mình cho Chúa ở Rôma và bây giờ đang ngự trị cùng Chúa Kitô ở trên trời, các vị chắc chắn vui mừng chứng kiến tình cảm của chúng ta và lòng khao khát tỏ tường của chúng ta cho sự hiệp thông trọn vẹn. Vì tất cả những điều này, tôi cảm ơn Chúa, vì hiền huynh và cùng với hiền huynh: Park astutsò! (Vinh danh Thiên Chúa!).

Trong Phụng Vụ Thánh này, bài ca vịnh trọng thể Trisagion được dâng lên trời cao, tán dương sự thánh thiện của Thiên Chúa. Cầu xin phước lành của Đấng Tối Cao tuôn đổ dư dật đầy mặt đất nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, các vị Đại Thánh và các Tiến sĩ Hội Thánh, các vị tử đạo, đặc biệt là đông đảo các vị mà hiền huynh đã tuyên thánh vào năm ngoái ở nơi này. Cầu xin “Đấng Tự Hữu Duy Nhất đã xuống trần” ban phước lành cho cuộc hành trình của chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần biến đổi tất cả các tín hữu nên một lòng một trí; xin Ngài đến để thiết lập lại sự hiệp nhất trong chúng ta. Về điều này, một lần nữa tôi khẩn cầu Chúa Thánh Thần, xin mượn những từ ngữ huy hoàng trong Phụng Vụ của hiền huynh: Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng “khẩn cầu với những tiếng thở dài không ngừng lên Chúa Cha đầy lòng thương xót, Đấng giữ gìn các thánh và thanh tẩy những kẻ tội lỗi,” xin ban cho chúng con ngọn lửa tình yêu và hiệp nhất, và “xin cho nguyên do gây ra tai tiếng của chúng con được tan biến trong tình yêu thương này” (Thánh Gregory Narek, Sách Ai Ca, 33, 5) trên tất cả là tai tiếng chia rẽ trong các môn đệ của Chúa Kitô.

Cầu xin cho Giáo Hội Armenia được tiến bước trong hòa bình và xin cho sự hiệp thông giữa chúng ta được trọn vẹn. Xin cho một mong muốn mãnh liệt cho sự hiệp nhất được tăng lên trong lòng chúng ta, một sự hiệp nhất không phải là “tùng phục nhau, hoặc đồng hóa nhau, trái lại là sự chấp nhận tất cả những ân sủng Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta. Điều này sẽ cho toàn bộ thế giới thấy mầu nhiệm lớn lao của ơn cứu rỗi đã được hoàn tất nơi Chúa Kitô qua Chúa Thánh Thần “(Lời chào mừng trong Phụng Vụ Thánh tại nhà thờ Thánh George, ở Istanbul, ngày 30 Tháng 11 2014).

Chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của các thánh, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của những người khiêm nhường và nghèo hèn, của đông đảo các nạn nhân của hận thù, là những người đã thí mạng sống vì đức tin. Chúng ta phải chú trọng đến thế hệ trẻ, những người đang tìm kiếm một tương lai không có những chia rẽ trong quá khứ. Từ thánh điện này, xin cho ánh sáng rạng rỡ được tỏa sáng một lần nữa, và cho ánh sáng của đức tin, đã từng soi sáng mảnh đất này từ thời Thánh Gregôriô, là Người Cha của anh chị em trong Tin Mừng, có thể hiệp cùng ánh sáng của tình yêu để đem lại ơn tha thứ và hòa giải.

Như các tông đồ vào buổi sáng lễ Phục sinh, với tất cả những do dự và hoang mang của các ngài, đã chạy đến ngôi mộ Chúa Phục sinh khi được thu hút bởi bình minh của niềm hy vọng mới (x Jn 20: 3-4); cầu xin cho trong ngày Chúa Nhật thánh này, chúng ta cũng vội vã theo tiếng gọi của Chúa để hiệp thông đầy đủ với nhau và chạy nhanh về hướng đó.

Bây giờ, thưa hiền huynh, trong danh Thiên Chúa, xin ban phép lành cho tôi, và cho Giáo Hội Công Giáo, và ban phép lành cho con đường hướng tới hiệp nhất trọn vẹn này của chúng ta.
 
Armenia lưu luyến tiễn Đức Thánh Cha Phanxicô về lại Rôma.
VietCatholic Network
19:33 26/06/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chuyến viếng thăm 3 ngày của Đức Thánh Cha tại Armenia đã hết sức thành công. Theo báo chí địa phương, cũng như các vị tiền nhiệm của ngài là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chiếm trọn con tim của người dân Armenia, một dân tộc đã phải trải qua hơn một trăm năm đi tìm công lý trong vô vọng; giữa sự ngoảnh mặt làm ngơ, giả câm, giả điếc của các siêu cường trên thế giới.

Như chúng tôi đã tường thuật, Chúa Nhật 26 tháng Sáu là ngày cuối trong chuyến viếng thăm 3 ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Armenia.

Lúc 9h15 sáng, Đức Thánh Cha đã có buổi gặp gỡ với các Giám Mục Công Giáo Armenia tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Etchmiadzin.

Sau đó, lúc 10:00, Đức Thánh Cha đã tham dự Phụng Vụ Thánh tại nhà thờ chính tòa của Giáo Hội Armenia Tông Truyền.

Lúc gần 1 giờ trưa Đức Thánh Cha đã dùng bữa trưa với Đức Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị, các Giám Mục của Giáo Hội Armenia Tông Truyền cũng như các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Armenia và đoàn tuỳ tùng của Đức Thánh Cha.

Lúc gần 4 giờ chiều Đức Thánh Cha gặp gỡ các đại biểu và ân nhân của Giáo Hội Tông Truyền Armenia. Sau đó ngài đi thăm đan viện Khor Virap cách Yerevan 41 cây số rồi ra phi trường đáp máy bay trở về Roma.

Tổng thống Cộng hòa Armenia, Ông Serzb Sargsyan, cùng với phu nhân, Đức Tổng Thượng phụ Karekin II và Đức Thượng Phụ Công Giáo Armenia Grégoire Pierre cùng đông đảo các Giám Mục thuộc Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đã lưu luyến tiễn Đức Thánh Cha Phanxicô về lại Rôma.
 
Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo Armenia tại Gyumri
VietCatholic Network
20:04 26/06/2016
Thứ Bẩy 25 tháng 6 là ngày thứ hai Đức Thánh Cha viếng thăm mục vụ tại Armenia. Ban sáng Đức Thánh Cha có ba sinh hoạt chính là viếng thăm Đài tưởng niệm cuộc diệt chủng người Armenia tại Etchmiadzin, chủ sự thánh lễ tại Gyumri, và thăm tu viện Đức Bà Armeni. Vào ban chiều sau khi viếng thăm nhà thờ chính toà Armeni Tông truyền và nhà thờ chính toà Công Giáo Armeni tại Gyumri, Đức Thánh Cha đáp máy bay trở về Yerevan để tham dự buổi gặp gỡ đại kết cầu nguyện cho hoà bình tại quảng trường Cộng hoà trước dinh chính quyền.

Chúng tôi đã có video tường thuật chi tiết cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Đài tưởng niệm cuộc diệt chủng người Armenia tại Etchmiadzin. Trong chương trình này, chúng tôi sẽ tường thuật với quý vị và anh chị em thánh lễ kính Lòng Thương Xót tại Gyumri.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Rời Đài tưỏng niệm Đức Thánh Cha đã đi xe tới phi trường Yerevan cách đó 19 cây số để đáp máy bay đi Gyumri cách đó 80 cây số.

Đón tiếp Đức Thánh Cha tại phi trường quốc tế Gyumri có ông thị trưởng, Đức Tổng Giám Mục Raphael François Minassian của Giáo Hội Công Giáo Armenia Đông Âu, và Đức Giám Mục Giáo Hội Tông truyền sở tại. Cũng có một nhóm trẻ em mồ côi và một ca đoàn.

Gyumri là thành phố nằm trên độ cao hơn 1,500 mét, có 146,000 dân, là thành phố lớn và đông dân thứ hai của Armenia, và là thủ phủ tây bắc vùng Shirak, có người ở ngay từ hồi năm 3.000 trước Chúa Giáng Sinh. Vài nhà khảo cổ cho rằng thành phố bị các người Hy lạp chiếm đóng hồi thế kỷ thứ V hay thế kỷ thứ VIII trước Chúa Giáng Sinh, hồi đó thành phố tên là Kumayri. Sau đó nó lần lượt bị người Ba Tư, A rập và Mông Cổ chiếm đóng. Năm 1837 nó bị Nga hoàng Nicolas I chiếm đóng và đổi tên là “Alessandropoli” theo tên hoàng hậu Alessandra. Sau đó thành phố được gọi là “Leninakan” khi Lenin qua đời năm 1924. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1990 thành phố lấy lại tên Gyumri như hiện nay, và nổi tiếng là “thành phố của thủ công nghệ và các nghệ thuật”. Nó cũng nổi tiếng là thành phố của các học viện giáo dục và các nhà hát. Gyumri hãnh diện là thành phố đầu tiên có một đoàn hát năm 1865, nhà hát năm 1923, cũng như là thành phố tổ chức các buổi vũ cổ điển năm 1924, một nhà hát văn xuôi năm 1929. Gyumri cũng là trung tâm giáo dục chính của miền bắc Armenia, và là thành phố kỹ nghệ hoá nhất nước. Nhưng năm 1988 đã xảy ra một trận động đất lớn khiến cho thành phố bị hư hại nhiều và dân chúng phải sống trong các thùng tiền chế nhiều năm sau đó. Thế giới đã tỏ tình liên đới với dân chúng, và danh ca Pháp gốc Armenia Charles Aznavour đã phát động phong trào quyên góp trợ giúp các nạn nhân. Thành phố đã dựng tuợng ghi ơn ông sau đó.

Đức Cha Raphael François Minassian, Tổng Giám Mục đặc trách tín hữu Công Giáo vùng Đông Âu châu từ năm 1991, hiện trông coi 600,000 tín hữu. Giáo phận có 44 giáo xứ với 11 linh mục giáo phận và 11 linh mục dòng, 10 tu huynh, 20 nữ tu và 4 đại chủng sinh. Giáo Hội điều khiển 1 học viện và 29 trung tâm bác ái.

Sau lễ nghi tiếp đón đơn sơ tại phi trường Đức Thánh Cha đã đi xe tới quảng trường Vartanànts cách đó hơn 6 cây số để chủ sự thánh lễ cho tín hữu. Thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa đã được cử hành bằng tiếng Latinh, Ý và Armenia. Tham dự thánh lễ cũng có Đức Thượng Phụ Catholicos Karekin II, cũng như tổng thống, các giới chức đạo đời và mấy chục ngàn tín hữu. Một ca đoàn hùng hậu gồm mấy trăm ca viên đảm trách phần thánh ca trong thánh lễ.

Bài đọc 1: (Is 61, 1- 9)

Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi,

vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi,

sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn,

băng bó những tấm lòng tan nát,

công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,

ngày phóng thích cho những tù nhân,

công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA,

một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta;

Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than,

tặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on

tấm khăn đại lễ thay tro bụi,

dầu thơm hoan lạc thay tang chế,

áo ngày hội thay tâm thần sầu não.

Người ta sẽ gọi họ là cây thánh rừng thiêng,

là vườn cây ĐỨC CHÚA trồng để làm cho Người được vinh hiển.

Họ sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa,

sẽ dựng lại những hoang tàn thuở trước,

tu bổ những thành bị bỏ hoang,

những chốn hoang tàn từ bao thế hệ.

Người ngoại bang sẽ đứng sẵn để chăn chiên cừu cho anh em,

con cái khách ngoại kiều sẽ cày ruộng

và làm vườn nho cho anh em.

Còn anh em, anh em sẽ được gọi là “tư tế của ĐỨC CHÚA”,

người ta sẽ gọi anh em là “người phụng sự Thiên Chúa chúng ta.”

Của cải chư dân, anh em sẽ được dùng,

phú quý vinh hoa của chúng, anh em sẽ được hưởng.

Anh em đã lãnh gấp đôi phần tủi nhục,

đã chuốc vào thân sự nhục nhằn phỉ báng;

bù vào đó, anh em sẽ được lãnh gấp đôi

phần gia nghiệp trên đất chúng, và sẽ được niềm vui vĩnh cửu.

Vì Ta, ĐỨC CHÚA, Ta chuộng lẽ công minh,

ghét chuyện cướp bóc gian tà, nên Ta sẽ theo lòng thành tín

mà ban phần thưởng cho các ngươi,

và sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu.

Dòng dõi các ngươi sẽ nức tiếng giữa chư dân,

và giống nòi các ngươi sẽ lừng danh giữa muôn nước.

Tất cả những ai thấy các ngươi sẽ biết rằng

các ngươi là một dòng dõi được ĐỨC CHÚA ban phúc lành.

Bài Phúc Âm: (Lc 1, 68-78)

Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:

“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en

đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.

Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,

Người đã cho xuất hiện

Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,

như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ

mà phán hứa tự ngàn xưa:

sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,

thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;

sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên

và nhớ lại lời xưa giao ước;

Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham

rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,

và cho ta chẳng còn sợ hãi,

để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,

mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.

Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu

là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:

con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,

bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ

là tha cho họ hết mọi tội khiên.

Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,

cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,

soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối

và trong bóng tử thần,

dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Để xây dựng và tái thiết cuộc sống cần duy trì và phục hồi ký ức, sống đức tin vững mạnh cụ thể và thực thi tình yêu thương xót Chúng ta được mời gọi trước hết xây dựng và tái thiết các con đường của sự hiệp thông, mà không mệt mỏi, xây dựng các cây cầu hiệp nhất và thắng vượt các hàng rào phân cách. Cần có các kitô hữu không để cho mệt mỏi đánh ngã, và không nản chí trước các đối nghịch, nhưng sẵn sàng và cởi mở, sẵn sàng phục vụ. Cần có những người thiện chí trợ giúp các anh chị em gặp khó khăn không phải chỉ bằng lời nói nhưng với cả việc làm. Cần có các xã hội công bằng hơn, trong đó mỗi người có thể có một cuộc sống xứng đáng hơn và nhất là một công việc làm được trả lương công bằng.

Ngài đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc lồng khung trong lịch sử của dân nước Armenia. Lấy lại lời ngôn sứ Isaia ngài nói: “Chúng sẽ xây lại các đổ nát cổ xưa; chúng sẽ tái thiết các thành phố hoang tàn” (Is 61,4). Có thể nói rằng các lời này của ngôn sứ đã được thực hiện. Sau các tàn phá kinh khủng của cuộc động đất hôm nay chúng ta cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những gì đã được tái thiết. Nhưng chúng ta cũng có thể hỏi Chúa mời gọi chúng ta tái thiết cái gì trong cuộc sống hôm nay, và nhất là xây dựng cuộc sống chúng ta trên cái gì? Đức Thánh Cha đã đề nghị ba nền tảng vững chắc giúp xây dựng và tái xây dựng cuộc sống kitô không mệt mỏi: đó là ký ức, đức tin và tình yêu thương xót.

Biết phục hồi ký ức là một ơn cần xin Chúa ban cho chúng ta: ký ức liên quan tới những gì Thiên Chúa đã thành toàn nơi chúng ta và cho chúng ta. Nhớ lại rằng Chúa đã không quên chúng ta nhưng nhớ tới chúng ta (Lc 1,72). Ngài đã yêu thương chúng ta, tuyển chọn chúng ta, mời gọi chúng ta và tha thứ cho chúng ta. Có các biến cố trong lịch sử tình yêu của chúng ta với Chúa cần được hồi sinh trong tâm trí từng người, nhưng cũng có ký ức của dân tộc. Đức Thánh Cha nhấn mạnh điểm này như sau:

Và ký ức của dân tộc anh chị em rất cổ xưa và quý báu. Trong tiếng nói của anh chị em vang lên tiếng nói của các thánh khôn ngoan trong quá khứ; trong các lời nói của anh chị em vang vọng tiếng của người đã chế ra mẫu tự của anh chị em để loan báo Lời Chúa; trong các thánh ca của anh chị em tan hoà các khóc than và niềm vui của lịch sử của anh chị em. Duyệt xét lại tất cả những điều đó chắc chắn anh chị em có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa: Ngài đã không bỏ anh chị em cô đơn. Ngài đã viếng thăm dân tộc của anh chị em, nhớ tới sự trung thành của tất cả những người đã làm chứng, cả với máu của mình, rằng tình yêu của Thiên Chúa giá trị hơn sự sống. Thật là hay đẹp khi nhớ lại với lòng biết ơn đức tin kitô đã trở thành hơi thở của dân tộc anh chị em và con tim ký ức của nó.

Nền tảng vững chắc thứ hai là đức tin. Nó cũng là niềm hy vọng cho tương lai của anh chị em, là ánh sáng trên con đường cuộc sống. Nhưng cũng luôn luôn có nguy cơ làm lu mờ đức tin vì cám dỗ giản lược nó thành một cái gì của quá khứ, quan trọng nhưng thuộc các thời đại khác, như một cuốn sách được gìn giữ trong viện bảo tàng. Thật ra, đức tin là sức mạnh, là vẻ đẹp và sự rộng mở đối với tất cả mọi người; nó nảy sinh và tái sinh từ cuộc gặp gỡ sống động với Chúa Giêsu, từ kinh nghiệm về lòng thương xót của Ngài trao ban ánh sáng cho mọi trạng huống cuộc sống. Cần làm sống dậy mỗi ngày cuộc gặp gỡ này của chúng ta với Chúa, đọc và suy gẫm Lời Ngài trong thinh lặng để nhóm lên niềm vui trong con tim, một niềm vui lớn hơn sự buồn phiền, một niềm vui kháng cự lại khổ đau và biến thành an bình. Tất cả canh tân cuộc sống và khiến cho nó tự do và ngoan ngoãn đối với các ngạc nhiên, sẵn sàng với Chúa và với tha nhân. Chúa cũng có thể mời gọi chúng ta theo Ngài gần hơn, và dâng hiến cuộc sống cho Ngài và cho các anh chị em khác. Khi Ngài gọi anh chị em, đặc biệt là các người trẻ, đừng sợ hãi, nhưng hãy nói lên tiếng “có” để giãi sáng tình yêu và tiếp tục lịch sử rao truyền Tin Mừng, mà Giáo Hội và thế giới ngày nay cần đến.

Nền tảng thứ ba là tình yêu thương xót. Nó là đá tảng cho cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu. Tình yêu cụ thể là tấm cạc có tên và địa chỉ của kitô hữu. Các kiểu giới thiệu khác có thể sai lạc và cả đến vô ích, vì mọi người sẽ nhận biết chúng ta khi chúng ta yêu thương nhau. Chúng ta được mời gọi trước hết xây dựng và tái thiết các con đường của sự hiệp thông, mà không mệt mỏi, xây dựng các cây cầu hiệp nhất và thắng vượt các hàng rào phân cách.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha khẳng định rằng:

Thiên Chúa ở trong con tim của kẻ yêu mến: Thiên Chúa ở nơi đâu người ta yêu thương, đặc biệt nơi đâu người ta lo lắng cho người yếu đuối và nghèo nàn với lòng can đảm và thương xót. Điều này cần thiết biết bao: cần có các kitô hữu không để cho mệt mỏi đánh ngã, và không nản chí trước các đối nghịch, nhưng sẵn sàng và cởi mở, sẵn sàng phục vụ. Cần có những người thiện chí trợ giúp các anh chị em gặp khó khăn không phải chỉ bằng lời nói nhưng với cả việc làm. Cần có các xã hội công bằng hơn, trong đó mỗi người có thể có một cuộc sống xứng đáng hơn và nhất là một công việc làm được trả lương công bằng.

Đức Thánh Cha đã nhắc tới gương của thánh Gregorio thành Narek, là tiếng nói của dân nước Armenia, là người luôn đặt để trong sự đối thoại các bần cùng của con người với lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh nhân là tiếng nói ủi an, khích lệ, dịu hiền, từ bi, thương xót của Chúa.

Trước khi ban phép lành cuối lễ Đức Thánh Cha đã cám ơn Đức Thuợng Phụ Catholicos Karekin II và Đức Tổng Giám Mục Minassian cũng như Đức Thưọng Phu Ghabroyan, các Giám Mục, linh mục và các giới chức chính quyền cũng như toàn thể tín hữu tham dự thánh lễ, dến từ nhiều miền, kể cả Cộng hoà Georgia. Ngài cũng cám ơn các người quảng đại trợ giúp dân nghèo, các nhân viên nhà thương Ashotsk, cộng đoàn Công Giáo địa phương, các nữ tu Armenia Vô nhiễm nguyên tội và các nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta.

Sau thánh lễ Đức Thánh Cha đã đi một vòng quảng trường để chào tín hữu, rồi đến thăm tu viện “Đức Bà Armenia”, cách đó 5 cây số. Mẹ bề trên tu viện các nữ tu Armenia Vô nhiễm nguyên tội đã tiếp đón Đức Thánh Cha tại lối vào viện mồ côi “Đức Bà Armenia – Trung tâm giáo dục Boghossian”, trong đó có 60 trẻ em mồ côi. Trong tu viện cũng có “Trường huấn nghệ Diramayr”. Các học sinh đảm trách việc tiếp đón Đức Thánh Cha và phái đoàn Toà Thánh. Đức Thánh Cha đã dùng bữa trưa trong tu viện của các nữ tu.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ cao điểm đại hội giới trẻ giáo hạt Cửa Lò
Giáo hạt Cửa Lò
00:33 26/06/2016
Thánh lễ cao điểm đại hội giới trẻ giáo hạt Cửa Lò

Kết thúc tuần rước Thánh Giá

Sáng ngày 22 tháng 6. Đức Cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên, cùng đông đảo quý cha trong và ngoài giáo hạt Cửa Lò về dâng thánh lễ cao điểm tuần chầu, cắt băng khánh thành quảng trường Đức Mẹ La Vang và đền thánh cha thánh Phêrô Lê Tùy. Đặc biệt cũng là thánh lễ cao điểm bế mạc đại hội giới trẻ và tuần cung nghênh Thánh Giá của giáo hạt Cửa Lò.

Xem Hình

6h30′ hàng nghìn bạn trẻ và giáo dân trong giáo hạt đã tề tịu về quảng trường Đức Mẹ La Vang giáo xứ Lập Thạch để hiệp dâng thánh lễ tạ ơn.

sau khi nhận Thánh Giá tại giáo hạt Cầu Rầm về hạt Cửa Lò, Thánh Giá được luân lưu trong các giáo xứ: Làng Anh – Trang Cảnh – Cửa Lò – Tân Lộc – Lộc Mỹ – Đồng Vông và ngày 18/6 Thánh Giá được giới trẻ rước về giáo xứ Lập Thạch để tập trung giới trẻ về dự đại hội 2 ngày 19 và 20/6. Đêm diễn nguyện được các bạn trẻ 7 giáo xứ canh thức và tôn vinh Mẹ La Vang trước quảng trường Đức Mẹ.

Trước thánh lễ Đức Cha phụ tá cắt băng khánh thành, làm phép quảng trường Đức Mẹ La Vang và đền Thánh Phêrô Lê Tùy, phải nói một không gian hoành tráng có một không hai trên bình diện gáo xứ trong giáo phận, giáo dân và cha xứ nơi đây đầy nhiệt huyết ngày đêm xây dựng cho công trình nên hoàn thiện.

Nhìn lại một nét lịch sử

hôm nay, chúng ta quy tụ nơi đây trong niềm vui hân hoan của ngày cao điểm tuần chầu lượt và đại hội giới trẻ giáo hạt Cửa Lò, để tham dự nghi thức Cắt băng khánh thành và làm phép Quảng Trường Đức Mẹ La Vang và Đền cha thánh Phêrô Lê Tùy, đồng thời tham dự Thánh lễ cao điểm của Tuần đền tạ Chúa Giêsu Thánh thể của giáo xứ Lập Thạch và Đại hội giới trẻ hạt Cửa Lò.

Về với mảnh đất linh thánh này, có lẽ thiết nghĩ chúng ta cùng nhìn lại trang sử hào hùng của Giáo xứ suốt hơn 100 năm qua. Qua đó, chúng ta có thể tự hào về truyền thống lịch sử của Giáo xứ, để từ đây, mỗi người ý thức mà tiếp tục phát huy những giá trị cao đẹp mà các bậc tiên tổ đã để lại.

Theo các cụ kể lại thì Lập Thạch ngày xưa nguyên là gốc của thôn Xuân Đình. Về sau, nhờ sự đấu tranh của những người có quyền thế, và sự đồng tình của dân trong Giáp, Lập Thạch được tách ra khỏi thôn Xuân Đình.

Vào đầu thế kỷ 19, Linh mục Phêrô Lê Tùy vào miếng đất Nghệ An-Hà Tĩnh -Quảng Bình, tiếp tục củng cố đức tin và gia tăng phát triển dân Chúa. Giữa lúc thế lực vua quan nhà Nguyễn ráo riết cấm cách, bắt bớ, tàn sát những người theo đạo Công Giáo. Núi Đá Dựng (Tức Lập Thạch ngày nay) đã trở nên chỗ ẩn náu của Thánh Lê-Tùy trong suốt thời gian ngài bị bắt đạo.

Vì thế, nhiều lần khi ngài trở về thôn Đá Dựng để hoạt động mục vụ. Ngài đã phải lẩn trốn tại lùm cây trạm móng ngựa Mồ Tran là nơi chúng ta đang đứng đây. Ngài đã nhiều lần dâng lễ tại Núi Đá Dựng này. Với khí phách anh hùng một lòng trung thành với đạo Chúa. Thà chịu bắt bớ tù đày hay án tử, chứ ngài đã không chịu để mất thời cơ mưu ích cho phần rỗi các linh hồn. Ngài chịu tử vì đạo tại thôn Quán Bàu tỉnh Nghệ An.

Với mục đích khôi phục lại dấu tích mà cha thánh Phêrô Lê Tùy đã để lại, đồng thời gìn giữ đức tin – là quà tặng vô giá mà cha thánh đã truyền lại cho giáo dân nơi đây, cha quản xứ đương nhiệm cùng với bà con giáo dân đã đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực để thực hiện công trình này. Mặc dầu gặp nhiều khó khăn: về thời thế, về vật chất, về tinh thần. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, qua lời bầu cử của cha thánh và sự nỗ lực không quản ngày đêm của cha quản xứ và bà con giáo dân, sự giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần của các ân thân nhân.Sau hơn 2 năm khởi công và xây dựng, công trình đã hoàn thành.

Chúng ta thật vui mừng vì hôm nay, Đức Giám Mục phụ tá Phêrô sẽ cắt băng khánh thành và làm phép khu vực này. Từ nay, đây sẽ là khu vực thánh, là nơi để cử hành các nghi lễ thánh, đồng thời cũng là nơi để mọi người đến đây để thực hành những hoạt động tâm linh, là nơi để các bạn trẻ trong và ngoài giáo hạt gặp gỡ, giao lưu học hỏi lẫn nhau.

Thật là hồng ân nối tiếp hồng ân, ngày hôm nay là một mốc son lịch sử trong trang sứ hào hùng của giáo xứ, khi giáo xứ được đón Đức Cha, quý cha, quý quan khách và đặc biệt là hơn 1 nghìn bạn trẻ trong giáo hạt đã hiện diện nơi đây trong ngày Cao điểm tuần Chầu lượt của giáo xứ, Cắt băng khánh thành và làm phép Quảng trường Đức Mẹ La Vang đồng thời đại hội giới trẻ giáo hạt Cửa Lò. Chắc chắn từng con tim của người dân giáo xứ Lập Thạch sẽ mãi khắc ghi ngày trọng đại này.

Để có được như ngày hôm nay, giáo xứ đã nhận được biết bao sự giúp đỡ và lời cầu nguyện của Đức Cha, quý cha trong và ngoài giáo hạt, lòng quảng đại của các ân thân nhân trong và ngoài nước, sự nhiệt tình và hy sinh của bà con trong giáo xứ. Trong tâm tình tri ân, chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì đã đồng hành với giáo xứ chúng ta suốt dọc dài lịch sử, tri ân tất cả ân thân nhân, đồng thời cùng hiệp ý trong thánh lễ này, để cầu nguyện cho giáo xứ, cho các bạn trẻ, cho mỗi gia đình và cho mỗi người chúng ta

Cám ơn Chúa, cám ơn Mẹ nhất là cám ơn cha thánh tử đạo Phêrô Lê Tùy. Xin Chúa luôn đồng hành và ở cùng chúng con.

Giáo hạt Cửa Lò
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Theo Chân Mẹ Maria
Mỹ Lê
18:08 26/06/2016
THEO CHÂN MẸ MARIA
Ảnh của Mỹ Lê
Theo chân Mẹ con phục vụ Giêsu
Đấng Chí Thánh và hằng có đời đời
Hy sinh vì con thơ nên quên mình
Chịu đóng đinh giữa thập giá nhiệm mầu.
(Trích thơ của Thanh Kiều)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 21–27/06/2016: Công Đồng Liên Chính Thống Giáo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:43 26/06/2016
1. Đức Thánh Cha chuẩn y án tuyên thánh cho 5 vị Chân Phước

Trong công nghị Hồng Y ngày 20 tháng Sáu, bao gồm các vị Hồng Y đang có mặt tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y án tuyên thánh cho 5 vị Chân Phước. 5 vị tân thánh của Giáo Hội Công Giáo là:

• Chân Phước tử đạo Solomon (William Nicholas) Leclercq (1745- 1792), người Pháp, là thành viên của Dòng Các Sư Huynh Trường Công Giáo.
• Chân Phước Giám Mục Manuel Gonzalez Garcia (1877-1940), là một giám mục Tây Ban Nha và đấng sáng lập phong trào Thiếu Nhi Phạt Tạ và Tu hội Thừa Sai Thánh Thể Nazareth;
• Chân Phước Linh Mục Ludovico Pavoni, 1784-1849, một linh mục người Ý và là đấng sáng lập Dòng Nam Tử của Mẹ Maria
• Chân Phước Linh Mục Alfonso Maria Fusco (1784- 1849), một linh mục người Ý và là đấng sáng lập Dòng Nữ Tử Thánh Gioan Tiền Hô.
• Chân Phước Nữ Tu Elisabeth (Catez) của Thiên Chúa Ba Ngôi (1880- 1906), một nữ tu dòng Camêlô Pháp.

Đức Thánh Cha truyền rằng các vị Chân Phước trên sẽ được ghi tên vào sổ bộ các thánh vào ngày 16 tháng 10 năm 2016.

2. Bốn vị Hồng Y được nâng lên hàng Hồng Y đẳng linh mục

Trong công nghị Hồng Y ngày 20 tháng Sáu, bao gồm các vị Hồng Y đang có mặt tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng 4 vị Hồng Y đẳng phó tế lên hàng Hồng Y đẳng linh mục.

Cả bốn vị tân Hồng Y đẳng linh mục đã là Hồng Y đẳng phó tế trong mười năm qua, sau khi nhận mũ đỏ từ tay Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào tháng 3 năm 2006. Tất cả các vị hiện nay đã trên 80 tuổi và vậy không đủ điều kiện để tham gia trong một mật nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng.

Bốn vị tân Hồng Y đẳng linh mục là:

Đức Hồng Y William Levada, nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và trước đó, là Tổng Giám Mục San Francisco, Hoa Kỳ.

Đức Hồng Y Franc Rode, nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Tu Sĩ và Đời Sống Thánh Hiến và, trước đó, Đức Tổng Giám mục của Ljubljana, Slovenia.

Đức Hồng Y Andrea Cordero di Montezemolo, linh mục trưởng Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành và trước đó từng là một nhà ngoại giao lỗi lạc của Tòa Thánh.

Đức Hồng Y Albert Vanhoye, linh mục Dòng Tên người Pháp, nguyên là hiệu trưởng Học viện Giáo Hoàng về Kinh Thánh.

Hồng Y Đoàn bao gồm 3 đẳng là đẳng Giám Mục, Linh Mục, và Phó Tế. Sự phân biệt chỉ có tính chất nghi lễ. Thông thường, khi Đức Giáo Hoàng nâng một vị giám mục giáo phận (hoặc, thường hơn, một tổng giám mục) lên hàng Hồng Y, vị tân Hồng Y ấy sẽ là Hồng Y đẳng Linh Mục. Các vị giám mục là các thành viên của Giáo Triều Rôma thường được nhận đẳng Hồng Y phó tế. Sau mười năm, một Hồng Y đẳng Phó Tế, có thể thỉnh cầu Đức Thánh Cha xin nâng lên Hồng Y đẳng linh mục trong trường hợp bốn vị Hồng Y nêu trên.

Hiện nay, trong toàn Giáo Hội có 9 Hồng Y đẳng Giám Mục (trong đó có 3 Đức Thượng Phụ của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương), 168 Hồng Y đẳng Linh mục, và 36 Hồng Y đẳng Phó tế.

3. Đức Thượng Phụ Chính thống Syria thoát chết trong một vụ nổ bom tự sát

Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Syria là Đức Ignatius II Efrem Karim của thành Damascus sống sót sau một cuộc tấn công đánh bom tự sát vào sáng ngày Chúa Nhật 19 Tháng Sáu.

Bốn người, bao gồm cả kẻ đánh bom bị giết chết trong vụ nổ.

Cuộc tấn công diễn ra khi Đức Thượng Phụ cử hành một buổi lễ tưởng niệm cho các nạn nhân của chiến dịch diệt chủng của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào người Armenia và các Kitô hữu Assyriô.

Quả bom phát nổ bên ngoài nhà thờ của thành phố Qamishi, Syria, nơi Đức Thượng Phụ đang làm phép một đài tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng.

Trách nhiệm về vụ tấn công này vẫn còn trong vòng nghi ngờ. Tuy nhiên, khả năng cao nhất là do bọn khủng bố Hồi Giáo IS gây ra. Kế đó là tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.

4. Đại Học Notre Dame Hoa Kỳ mở phân khoa Đức Tin và Lý Trí tại Dublin, Ái Nhĩ Lan

Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Dublin đã công bố việc thành lập một Trung tâm mới có tên là phân khoa Đức Tin và Lý, do trường Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ, trực tiếp điều hành.

Phân khoa mới sẽ được mở tại Đại học Dublin, là ngôi trường đã được xây dựng bởi Chân Phước John Henry Newman khi ngài là Hiệu trưởng của trường Cao Đẳng Dublin.

Đức Tổng Giám mục Martin cho biết: “Tôi thấy việc thành lập Trung tâm Notre Dame-Newman Đức Tin và Lý Trí là một cơ hội cho trường Đại học của Giáo Hội trở về với ơn gọi ban đầu của mình như là là đầu mối để suy tư về đức tin và lý trí.”

Cha John Jenkins, hiệu trưởng Đại Học Notre Dame, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rất hân hạnh được Đức Tổng Giám mục Martin mời mở rộng sự hiện diện của trường tại Dublin.”

Chương trình học tại cơ sở mới này sẽ bắt đầu trước khi cuối năm 2016.

5. Tổng thống Bashar Assad gặp các nhà lãnh đạo Công Giáo Syria

Tổng thống Syria là Bashar Assad đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syriac nước này, và loan báo rằng hiến pháp mới sẽ đảm bảo quyền của các tôn giáo thiểu số. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết như trên.

Tổng thống Assad đã gặp Đức Thượng Phụ Ignace Youssif III, và sáu Giám Mục của Công Giáo nghi lễ Syriac. Đây là Giáo Hội hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh.

Trong buổi gặp gỡ hôm 13 tháng 6, Tổng thống Assad tóm tắt cho các vị kế hoạch của ông nhằm chuẩn bị cho hiến pháp mới. Ông nói đó ông dự định biến Syria thành một quốc gia thế tục loại bỏ tất cả các tham chiếu đến Hồi Giáo.

Ông cũng với Đức Thượng Phụ và các Giám Mục về quyết tâm của ông chống lại sự xâm lược của Nhà nước Hồi giáo, và nói rằng tất cả các nhà lãnh đạo Hồi Giáo tại Trung Đông nên phản đối tư tưởng thánh chiến và những trào lưu Hồi Giáo quá khích.

6. Vatican nhận thêm 9 người tị nạn Syria

Vatican đã nhận thêm 9 người tị nạn Syria thêm vào con số mười hai người đã tháp tùng Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài trở về sau chuyến thăm hòn đảo Lesbos của Hy Lạp vào tháng Tư vừa qua.

Cũng như mười hai người trước họ, chín người tị nạn này cũng sống trong một trại tị nạn trên đảo Lesbos. Cộng đồng Thánh Egidio tại Rome đã đồng ý cung cấp cho họ thực phẩm và nhà ở, như mười hai người đầu tiên.

Chín người tị nạn Syria đã đến Rôma vào ngày 16 Tháng 6 bao gồm hai Kitô hữu. Trong số 12 người đầu tiên, không có ai là Kitô hữu.

7. Chính thống Nga không tham dự Công Đồng Liên Chính Thống Giáo

Đức Thượng Phụ Chính thống Nga Kirill đã gửi một thông điệp khuyến khích các giám mục Chính thống đang nhóm họp tại Crete để tham dự Công Đồng Liên Chính Thống Giáo khai mạc vào ngày Chúa Nhật 19 tháng 6, nhân lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống theo lịch Julian .

Dù Giáo Hội Chính Thống Nga đã tuyên bố không tham gia vào cuộc họp, Thượng phụ Kirill viết rằng các tranh cãi giữa các Giáo Hội Chính thống không nên mang “đến sự chia rẽ và hoang mang trong hàng ngũ chúng ta.”

Ngài kêu gọi tôn trọng các quyết định của tất cả các nhà lãnh đạo Giáo Hội, dù có tham gia hay không vào công đồng này.

Theo Đức Thượng Phụ Kirill, cuộc họp ở Crete “có thể trở thành một bước quan trọng hướng đến việc vượt qua những khác biệt hiện nay.”

Ngài nhận định rằng cuộc họp tại Crete có thể giúp trong “việc chuẩn bị cho một Thánh Công Đồng qui tụ và đoàn kết tất cả các Giáo Hội địa phương không trừ một Giáo Hội nào. Đức Thượng Phụ nhắc lại quan điểm của Chính Thống Giáo Nga và một số Giáo Hội Chính Thống Giáo khác không có mặt trong cuộc họp ở Crete, là cuộc họp này chỉ nên được xem như là một khúc dạo đầu cho một Công Đồng Liên Chính Thống; và không nên coi cuộc họp này tự nó là một Công Đồng.

8. Đức sứ thần tại Venezuela nói: Quan tâm đầu tiên của Giáo Hội là hòa bình

Trong cuộc viếng thăm Guanare, thủ phủ của miền Portuguesa vào ngày 18/6, nhân dịp giáo xứ Thánh Tâm Chúa Giê-su được nâng lên thành Đền thánh Đức Tổng Giám mục Aldo Giordano, sứ thần Tòa Thánh tại Venzuela đã chủ sự Thánh lễ. Cùng hiện diện trong Thánh lễ có Đức Tổng Giám mục Manuel Díaz Sánchez, của Calabôz và Đức Cha Jose de la Trinidad Valera Angulo của Guanare.

Đức Tổng Giám mục Aldo Giordano đã nhấn mạnh là nhiệm vụ của Giáo hôi là tìm kiếm đối thoại trong đất nước này, một cuộc đối thoại cho hòa bình và đáp ứng những nhu cầu của dân chúng. Đức Cha nói:”Quan tâm đầu tiên là hòa bình, làm sao để tránh bạo lực, làm sao để hữu ích khi có căng thẳng, làm sao để đạt được hòa giải”.

Được biết những căng thẳng gia tăng ở Venezuela và trong những ngày tới các cuộc tuần hành nhân danh phe đối lập chống lại chương trình của chính quyền sẽ được tổ chức, để yêu cầu việc tổ chức trưng cầu dân ý về việc luận tội Tổng thống Maduro. Một số cuộc biểu tình đã được tổ chức vì Ủy ban bầu cử quốc gia đã hủy bỏ hiệu lực của 600 ngàn chữ ký được phe đối lập thu tập trong cuộc trưng cầu dân ý lần cuối cùng.

9. Các Ki-tô hữu và tín hữu Hồi giáo được mời gọi theo gương lòng thương xót của Thiên Chúa

Nhân dịp tháng Ramadan và lễ hội ‘Id al-Fitr, kết thúc tháng chay tịnh Ramadan của người Hồi giáo, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên tôn đã gửi một sứ điệp với những lời chúc mừng đến cho các tín hữu Hồi giáo. Ngài cầu chúc các anh chị em Hồi giáo toàn thế giới sự chay tịnh phong phú về tinh thần, được trợ giúp bởi các việc làm tốt và một lễ hội vui tươi.

Sứ điệp của Đức Hồng Y có tựa đề “Ki-tô hữu và tín hữu Hồi giáo - người lãnh nhận và khí cụ của lòng thương xót của Thiên Chúa”, đặt trọng tâm vào niềm tin chung vào một Thiên Chúa thương xót. Đức Hồng Y nói: “Lòng thương xót của Thiên Chúa được bày tỏ cách đặc biệt qua việc Ngài tha thứ các lỗi lầm của chúng ta”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh: “Chúng ta, Các Ki-tô hữu và tín hữu Hồi giáo được mời gọi cố gắng bắt chước lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài yêu cầu các Ki-tô hữu và tín hữu Hồi giáo có lòng thương xót và cảm thông đối với ngừơi khác, đặc biệt những người đang đau khổ dưới bất cứ hình thức nào. Thiên Chúa cũng kêu gọi chúng ta tha thứ cho người khác.”

Nhìn vào nhân loại ngày nay, chúng ta đau buồn nhìn thấy qua nhiều nạn nhân của tấn kích và bạo lực, đặc biệt các người già, trẻ em và phụ nữ, cũng như nạn nhân của các vụ buôn người, những người đau khổ vì nghèo khổ, bịnh tật, các thiên tai tự nhiên và thất nghiệp. Chúng ta không thể nhắm mắt trươc các thực tại này hay quay đi trước các đau thương này. Đúng là thực tế thì phức tạp và nhiều khi vượt quá khả năng của chúng ta. Do đó điều quan trọng là chúng ta cùng nhau hành động trong việc trợ giúp các người đau khổ. Thật là một nguồm hy vọng khi chúng ta thấy các Ki-tô hữu và tín hữu Hồi giáo nắm tay nhau giúp đỡ những người đau khổ. Khi nắm tay nhau cùng làm việc, chúng ta thực hiện lệnh truyền của Thiên Chúa chứng tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa và như thế cung cấp một chứng từ đáng tin cậy hơn, cách cá nhân và cộng đoàn, cho niềm tin của chúng ta”.

Đức Hồng Y cầu xin Chúa giúp chúng ta tiến bước trên con đường của sự tốt lành và cảm thông.