Ngày 26-06-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:30 26/06/2014
SỰ NGHI NGỜ CỦA CHIM CÁNH CỤT
N2T

Chim cánh cụt hỏi Đấng tạo hóa:
- “Cái gì là lòng tin?”
Đấng tạo hóa trả lời:
- “Đối với sự việc mong đợi thì có thể nắm vững; đối với sự việc chưa nhìn thấy thì có thể xác định”.
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
“Tô-ma vì đã thấy Thầy, nên anh tin, phúc cho những người không thấy mà tin” (Ga 19, 29).
Tin là phó thác: tôi tin vào Thiên Chúa, tôi phó thác đời sống tôi cho Ngài, không nghi ngờ gì cả.
Tin là yêu: tôi tin Thiên Chúa, cho nên tôi yêu mến Ngài.
Tôi không thấy Ngài, nhưng tôi tin, tôi yêu và tôi hy vọng vào Ngài, bởi vì Giáo Hội dạy tôi như thế, vũ trụ vạn vật đã “nói” như thế và trí óc tôi bảo như thế, và nhất là chính Đức Chúa Giê-su đã dạy tôi như thế.
Vợ tin chồng, nhưng không vững bền vì chồng cũng là con người, cho nên cũng có lúc không đáng tin như tin Thiên Chúa.
Bạn bè tin tưởng nhau, nhưng cũng không được bảo đảm vì cũng có lúc bạn bè lừa dối nhau vì lợi danh, chỉ có Thiên Chúa là Đấng không hề lừa dối ai.
Tin là yêu chứ không phải để lợi dụng, tin là hy vọng chứ không phải nại nhiều lý do để rồi thất vọng, tin là phó thác chứ không phải nghi ngờ vào Đấng đã vì yêu mà chết thay cho tôi và nhân loại, Đấng đó chính là Đức Chúa Giê-su, là Thiên Chúa làm người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Lễ Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:33 26/06/2014
LỄ THÁNH TÂM ĐỨC ĐỨC CHÚA GIÊ-SU
N2T

Tin mừng : Mt 11, 25-30.
“Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”


Anh chị em thân mến,
Truyền thống tốt đẹp nhất của phần đông giáo dân Việt Nam chúng ta là dâng gia đình cho Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su, và hình như trong gia đình nào cũng có bàn thờ với tượng Trái Tim Đức Chúa Giê-su rất đẹp, oai nghiêm, hiền từ và nhân hậu, và cũng là để nói lên cho mọi người biết rằng gia dình này đã dâng cho Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su, nghĩa là Ngài đang làm chủ nhà này.

Đức Chúa Giê-su là chủ của gia đình tôi.
Ở đời cái mà người ta khinh thường nhất là làm bù nhìn, tức là có tiếng mà không có miếng, chẳng hạn như: tổng thống bù nhìn, bộ trưởng bù nhìn, chức kia ghế nọ chỉ là bù nhìn bởi vì đã có người khác chỉ huy sai khiến...

Đức Chúa Giê-su là chủ của gia đình tôi, nhưng Ngài giống như một người bù nhìn, khi tôi đặt Ngài lên trên cao nhưng không thèm hỏi ý kiến Ngài khi gia đình bất hòa, khi con cái hư thân mất nết, khi gia đình tan nát...

Đức Chúa Giê-su là chủ của gia đình tôi, nhưng tượng thánh của Ngài đặt trên cao kia giống như hình nộm dơ bẩn, xấu xí, lại còn đem các hình ảnh bất xứng để chung ngang hàng với tượng thánh Đức Chúa Giê-su, cho nên dễ làm cớ vấp phạm cho những người ngoại giáo, và gây sự bất kính nơi con cái trong gia đình khi nhìn lên bàn thờ Chúa với nhiều hình ảnh minh tinh màn bạc dán chung quanh.

Đức Chúa Giê-su là chủ tâm hồn tôi.
Hình ảnh tượng Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su rất rõ ràng và dễ gây xúc động cho mọi người, đó là hình một quả tim với ngọn lửa cháy phầng phầng trước ngực Chúa. Đây không phải là ý nghĩa tượng trưng nhưng là hình ảnh sống động mà thánh nữ Ma-ga-ri-ta Ma-ri-a đã thấy khi Đức Chúa Giê-su hiện ra cho bà nhìn thấy và biết rằng Ngài rất yêu thương nhân loại, tình yêu này nóng như muốn đốt cháy những tâm hồn lạnh tanh của nhân loại...

Đức Chúa Giê-su là chủ tâm hồn của tôi, chính Ngài đã độc quyền trên tâm hồn và thân xác của tôi khi tôi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để ban ơn, để nung nấu tâm hồn tôi trở thành nơi yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, để mỗi lời nói, mỗi việc làm của tôi đều cháy sáng lên một tình yêu phục vụ và hiến dâng.

Anh chị em thân mến,
Mừng kính lễ Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su không phải chỉ là một ngày hôm nay rồi thôi, nhưng mỗi ngày trong cuộc sống, khi chúng ta sống và làm việc với một trái tim yêu thương được bắt nguồn từ Trái Tim của Đức Chúa Giê-su, thì chính cuộc sống ấy của chúng ta mới thật có ý nghĩa.

Đức Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy trái tim Ngài yêu thương nhân loại quá đổi đến không tiếc một thứ gì, kể cả mạng sống, thì chúng ta cũng phải có bổn phận làm cho mọi người biết rằng, chúng ta cũng có một quả tim biết yêu thương và phục vụ, biết thông cảm và tha thứ, biết hoan hỉ với người vui và ưu buồn với người ưu buồn, có như thế tượng thánh Trái Tim của Đức Chúa Giê-su trong gia đình chúng ta mới thật có ý nghĩa, và nói lên rằng Ngài chính là Thiên Chúa thật của chúng ta, là chủ gia đình của chúng ta chứ không phải chỉ là bù nhìn chỉ có cái “mác” cho đẹp như người ta triển lãm tranh ảnh...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:35 26/06/2014
N2T

10. Đức ái thì hướng dẫn người ta đến trước tòa Thiên Chúa, rất cao siêu và là con đường chắc chắn.

(Thánh Terese of Lisieux)
---------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Cột trụ Giáo Hội
Lm Vũđình Tường
06:29 26/06/2014
Cả hai thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô được ví như cột trụ Giáo Hội trong những ngày sơ khai. Nhờ hai cột trụ này mà cả hai mặt đối nội cũng như đối ngoại đều được kiện toàn. Đối nội, điều hành do thánh Phêrô cầm cân, nảy mực; đối ngoại do thánh Phaolô khởi xướng. Cả hai đều là những chiến sĩ đức tin tiền phong ưu tú của Giáo Hội thời sơ khai.

Việc đối thoại giữa con người với con người sẽ dễ hơn nếu biết ít nhiều về con người mình đang đối thoại. Thứ nhất hiểu biết này giúp tránh câu nói vô tình nhưng có thể tạo cho người nghe thẹn chín người hoặc chính mình mặt tái xanh, mắc cở đến bỏng tai. Thứ hai hiểu biết này giúp cho hai người xích lại gần nhau, rút ngắn khoảng cách xa cách. Rất nhiều trường hợp dù đứng gần nhau nhưng lòng xa cách ngàn trùng vì xa lạ, không biết nhau. Thứ ba hiểu biết này giúp ta biết phải ứng xử thế nào cho thích hợp, đáp lễ đúng cương vị người đó. Thánh Phaolô rất thành công khi áp dụng nguyên tắc này trong việc rao giảng Tin Mừng với các dân tộc. Chính Đức Kitô cũng muốn biết về thính giả nhận biết Ngài là ai. Đức Kitô hỏi Phêrô người ta nghĩ gì về Ngài. Phêrô cho Ngài biết nhận định khác nhau của các nhóm. Đức Kitô hỏi về chính kiến của Phêrô. Còn anh, anh nghĩ thế nào về Thầy. Đức Kitô rất hài lòng với câu trả lời của Phêrô. Mục đích Ngài hỏi không phải là muốn tìm hiểu Phêrô nhưng Ngài muốn xác tín Thánh Thần Chúa tác động thế nào trên Phêrô. Vì thế Đức Kitô mới nói với Phêrô những điều anh biết đó không phải do sự khôn ngoan của riêng anh mà do Thánh Thần Chúa mặc khải cho anh biết vì thế Đức Kitô báo cho Phêrô biết ông sẽ là đá của Giáo Hội tiên khởi. Lúc này Phêrô là đá mới, đá non, cần thời gian để đá non trưởng thành thành đá tảng, đá già, cứng rắn như hoa cương.

Thánh Phaolô trước khi trở lại Thiên Chúa giáo đã là sĩ quan có trách nhiệm chống phá đạo. Trên đường đi Damascus lùng giết các Kitô hữu ông bị sét đánh, té ngựa và mắt trở nên loà. Phaolô nghe tiếng nói trừ trời cao hỏi ông sao lại đi lùng giết Đức Kitô. Phaolô hỏi Ngài là ai. Đây chính là câu hỏi Đức Kitô đã hỏi Phêrô, hôm nay lại chính Phaolô hỏi Đức Kitô cùng câu hỏi đó. Sau khi nghe trả lời Phaolô nhận ra Đức Kitô đồng hoá mình với những tín hữu Kitô khác. Bởi đồng hoá mình với các Kitô hữu nên chẳng khi nào có thể giết hết được Đức Kitô nơi trần thế, ngoại trừ giết hết các Kitô hữu trên toàn thế giới.

Cả hai thánh tông đồ đều có cá tính riêng biệt, khác nhau. Cả hai cùng làm việc truyền giáo nhưng mỗi người mỗi cách, mỗi người trách nhiệm cánh đồng truyền giáo riêng. Cả hai đều cảm nghiệm sâu đậm ơn tha thứ. Cả hai đều tin lòng Chúa xót thương. Cả hai đều biết một khi thống hối ân sủng Chúa tẩy sạch tội đời. Phêrô ba lần chối không biết Đức Kirô và cũng ba lần xác tín yêu Chúa hơn hết anh em. Phaolô là sĩ quan được toàn quyền sinh sát các Kitô hữu. Ông đã tin theo Đức Kitô và không ngừng nhắc lại biến cố ngã ngựa tại Damascus. Chúa cải hoá cả hai bằng tình thương tha thứ, lòng nhân hậu hải hà. Cả hai đều học thứ tha từ Đức Kitô để tha cho những người bách hại các Ngài trên hành trình truyền giáo. Cả hai đều nhận biết yếu đuối của con người và cần sức mạnh Thánh Thần trong cuộc sống, việc làm và củng cố đức tin của chính mình và của các tân tòng Kitô hữu. Cả hai đều vứt bỏ quá khứ bước theo con đường mới. Phêrô bỏ cả thuyền bè lẫn chài lưới tin theo; Phaolô bỏ chức tước, tài lộc để tin theo.

Cánh đồng truyền giáo của Phêrô là những đồng hương trong khi Phaolô vươn ra cho dân ngoại kêu gọi họ từ bỏ thờ các thần khác nhau. Đức Kitô ban cho Phêrô tên mới có nghĩa là Đá. Đây là loại đá mới, đá non, cần thời gian biến thành hoa cương cứng rắn. Phêrô sinh hoạt những xóm làng quen thuộc; Phaolô thích mạo hiểm đến những nơi xa lạ. Bởi chân luôn bước trên bước đường rao giảng nên Phaolô liên lạc với an hem bằng cách viết và viết rất nhiều để hướng dẫn cộng đoàn non trẻ; Phêrô trái lại viết rất ít nhưng Phêrô có trí nhớ tốt và có tài thuật truyện cho thính giả về việc làm và lời rao giảng của Đức Kitô. Phaolô có trí phán đoán vững chắc, suy luận rõ ràng, mạch lạc, có tài hùng biện, lí luận vừa hợp lí vừa chính xác. Cả hai đều vui lòng chấp nhận bị hành hạ vì Đức Kitô. Cả hai đều tử vì đạo, đổ máu đào ra làm chứng cho đức tin mình rao giảng.

Truớc khi gặp được Đức Kitô Phục Sinh đức tin của Phêrô lay chuyển như ngọn đèn trước gió. Lúc tỏ ra vững tin; khi khác lại tỏ ra mập mờ, nghi ngờ và lo ngại. Sau khi gặp lại Đức Kitô Phục Sinh Phêrô trở thành đá tảng, vững chắc, không gì lay chuyển, kể cả cái chết thảm thương đầy nước mắt vẫn không lay chuyển đức tin vững chắc. Cả hai đều xây đức tin trên đá Kitô Phục Sinh. Cả hai đều nhìn thấy Chúa Cha qua Đức Kitô.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 14 mùa Thường niên năm A 06.7.2014
Mai Tá
20:01 26/06/2014
Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 14 mùa Thường niên năm A 06.7.2014

“Đàn Nguyệt Dạ hương đêm bay lạc,”
Gì buồn hơn tiếng vạc lưng chừng?”
(Dẫn từ thơ Lưu Trọng Lư)
Mt 11: 25-30

Nhà thơ đã thấy buồn, vì những chuyện cỏn con, còn vương vấn. Nhà Đạo vẫn cứ vui, dù có trở về với sự thể thông thường của mùa nguyện cầu, rất quanh năm.
Trình thuật đọc vào các ngày lễ quanh năm, được thánh Mát-thêu ghi lại chuyện thường-tình ở chốn dân-gian tình thường. Chuyện tình thường, mà dân thường trong Đạo vẫn thường nói, lại là những chuyện cỏn con mà ta gọi là chuện của “nó”, về “nó”. “Nó” đây, là: sự việc bình thường nhưng không tầm-thường hoặc bất-thường vì có liên-quan đến sự sống của con người, cả người đi Đạo, cũng thế.
Chuyện thường-tình mọi người nói đến, đôi lúc mang ý-nghĩa chỉ như “sự thể” hay “sự việc” hoặc “công chuyện” dùng thay cho “nó”. Tỉ như, khi người người chào hỏi nhau: “Mọi việc nay ra sao?” “công chuyện độ này thế nào?” tức: cũng để nói lên cùng một sự việc rất bình-thường, theo kiểu “một ngày như mọi ngày”, hoặc “ngày nào cũng như nhau”, mà thôi.
Về sự việc thông-thường hoặc bình-thường ở đời, nhiều người lại chỉ thích nói về sự sống. Như hỏi rằng: “Cuộc sống anh/chị độ rày đã khá, chứ hả?” “Có tất bật, cật lực lắm không?” “Chớ có mà chào thua đấy nhé!”, “Hãy tin vào cuộc sống, rồi ra sẽ khá”, vv… Vậy thì, cuộc sống hay SỰ SỐNG có nghĩa gì? Nội chữ “Sống”, có nói lên điều gì không?
Nay, là lúc ta vào với mùa lễ thường-niên để nói lên vài điều về những gì mình gọi đó bằng chữ “nó” rất gọn nhẹ; hoặc về “sự việc”, “công chuyện”, về “cuộc sống” hay “sự sống”, mỗi thế thôi. Sở dĩ, ta cần làm thế, vì: trình-thuật hôm nay thánh Mát-thêu tìm cách kể cho ta nghe đôi điều giống như thế.
Vâng, dù chỉ là đôi điều tầm-thường về “sự việc” hoặc “sự thể” đơn giản chỉ nói về “nó” hoặc “cái đó” thôi cũng là điều tốt, bởi Thiên-Chúa tạo-dựng theo cách như thể để cho ta và Ngài chúc lành cho tất cả, bằng cả đặc-tính tích-cực của Ngài, nữa. Quả là, Thiên-Chúa vui-thích những thứ “đó” và Ngài muốn ta cũng vui-hưởng mọi điều ở trong “đó”. Theo cách này, ta sẽ cảm-nghiệm rằng: ta đang thực-sự triển-nở và đó chính là ý-định của Thiên-Chúa đối với ta, để ta sống.
Thật thế sao?
Thật ra, thánh Mát-thêu biết rằng: có những điều và nhiều điểm không được tốt cho lắm, nhiều lúc còn tồi tệ nữa là đằng khác. Và, cũng có sự việc thật cũng đáng chán như chiếc máy rửa chén. Mọi người đều biết thế, nên vẫn chấp-nhận sống với “nó”. Thế nhưng, thánh-sử Mát-thêu lại để Đức Giêsu kể huỵch-toẹt cho ta biết rằng: ngay vào lúc và nơi chốn có sự thể đáng chán ngán, lại thấy nảy-sinh những khoảnh-khắc rất đáng yêu. Thành thử, ta cũng nên tìm-hiểu xem để biết “nó” như thế nào, mà cảm-kích và vui-thích rồi cảm-tạ ơn Chúa về những thứ Ngài ban cho ta.
Đọc Tin Mừng thánh Mát-thêu viết, đôi lúc ta vẫn thấy ra như tác-giả cũng rất thích âm-nhạc. Thánh-nhân từng viết về thứ âm-nhạc rền-vang lời vãn-than, trổi lên cùng lúc với nhạc nền của cuộc đời ta đang sống. Và, thánh-nhân lại nhấn mạnh rằng, cùng với Đức Giêsu, vẫn xảy đến các khoảnh-khắc đích-thực có loại nhạc rất trữ-tình. Đó là lúc ta nghiệm ra thế nào là đến với người khác, hăng say/tử-tế, chữa lành nhiều việc. Và Thiên-Chúa vẫn luôn có mặt để hỗ-trợ ta. Và, khi hoạt-động hăng say/năng-nổ, thì đó là lúc ta quên hết những gì đáng chán ở phần nền.
Thế đó, “nó” mới hay. Thế đó, là “sự việc” rất tuyệt-vời. Thế thì, cuộc sống mới đáng sống. Và, Thiên-Chúa cũng thế. Ngài cũng giống như ta, nghĩa là Ngài rất phấn-kích khi ta vui sống. Và, ta vẫn đang sống với và sống cùng Ngài, theo kiểu ấy.
Ở Tin Mừng ta đọc hôm nay, thánh Mát-thêu viết về bốn thứ nhạc tuyêt-vời nơi Đức Giêsu.
Thứ nhất, Chúa nói đến nhạc-điệu an-vui trong đó có: người mù được thấy, người què đi được, người phung được sạch, người điếc nghe được, và người nghèo đói/ thấp hèn được nghe/biết Tin Vui An Bình. Đức Giêsu mừng kính sự sống giống như thế, ở Galilê. Đó là thứ âm-nhạc tuyệt-cú ta gặp được nơi “sự việc” yêu thương người nghèo-khó, có nhu-cầu.
Loại nhạc thứ hai, Chúa có thưa: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi-khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn-ngoan thông-thái biết những điều này, nhưng lại mặc-khải cho những người bé-mọn” (Mt 11: 25). Xem thế thì, Đức Giêsu mừng kính sự sống an-lạc cho người bình-thường sống bên dưới những người mà chẳng ai đoái-hoài nhìn ngó, ngoại trừ Chúa. Chúa cũng nói: cuộc sống, thật ra là làn gió mát cho những người như thế, cả khi bị các cấp ở bên trên đối-xử với mình thật không phải. Và, họ nhận ra sự tử-tế, giống Chúa, nằm khuất ở bên dưới, mọi “sự việc”.
Loại nhạc thứ ba, là khi Chúa bảo: “Những ai đang vất-vả mang gánh nặng-nề hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ-ngơi, bồi dưỡng” (Mt 11: 28). Nói thế, tức là: Ngài rất bén-nhạy cảm-thông với mọi người và tạo cho họ khả-năng sống cuộc-sống của chính mình, cho thật sống. Chúa mừng kính sự tốt-lành Ngài tạo ban cho những người vẫn lây-lất kéo dài cuộc đời từ ngày này qua tháng nọ, nhưng không chán: bởi nơi đó, có giòng nhạc xuất-phát từ nhạc-bản tươi-vui, an-hoà.
Và giòng nhạc cuối, có Chúa nói: “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền-hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ-ngơi, bồi-dưỡng. Vì ách tôi êm-ái, và gánh tôi nhẹ-nhàng" (Mt 11: 29-30). Nói thế, còn có nghĩa: Chúa trân-trọng mừng sự gần-cận với những ai cùng mang “ách” dịu-hiền của Ngài. Mọi người sẽ thấy được niềm an-vui trong tháng ngày dài cuộc đời gặp đầy phiền-toái, oan khiên.
Vâng. Chính thế. Giữa giòng nhạc tươi-vui/êm-đềm, Lời Chúa nói, vẫn có tiếng trống làm nền cho thứ âm-nhạc dịu-nhẹ, hoà-vang, êm-ái. Những người cùng khổ/cật-lực cần được ta đến cảm-kích niềm vui chung. Và, mỗi khi ai đó trổi nhạc vui rồi múa nhảy, hẳn cũng có những người không buồn dời gót ngọc để chung vui với người đó. Một số người sống như thế, cũng chẳng buồn đáp-ứng lại giòng nhạc buồn vào buổi tiễn-đưa người quá-cố, nữa.
Lại có người, vẫn cứ chê-bai chỉ-trích ta, là những người dễ kích-động khi khám-phá ra rằng: cuộc sống cũng tốt đẹp như khi Đức Giêsu và tác-giả Tin Mừng thánh Mát-thêu từng công-nhận như thế. Ta cứ đặt để những lời như thế vào hậu-trường cuộc sống sẽ rất mừng, là: những điều như thế chỉ xuất-hiện ở hậu-trường, mà thôi. Vì, sự thể an-vui/tươi-tắn thực ra ở đâu đó, và những người như thế cũng chẳng thể nào lấy khỏi nơi ta niềm an vui, hài-hoà được.
Đến đây, tưởng cũng nên nói thêm, rằng: khi ta bảo: trong đời, có những sự và những việc vẫn suy-tưởng về Chúa và với Chúa. Tựa hồ như, khi Đức Giêsu trả lời câu hỏi “ai đó” của thánh Phêrô những tưởng Ngài là “ma trơi”, thì Ngài nói: “Đó là tôi!” Và, khi ta thưa với Chúa: Có những sự và những việc con muốn sẻ-san với Ngài, ôi lạy Chúa!, là có ý nói: ta cũng sẻ-san những sự và những việc rất tầm-thường với Đức Chúa.
Thế nên, khi ta nói: cuộc sống có nghĩ về Thần-Tính-An-Vui, là Thánh Thần đem lại sự sống tràn đầy, đến cho ta, là ta hỏi: Chúa nay thế nào rồi? Sự việc Chúa đến với ta, rày ra sao? Thì đó là lúc ta nên vui-hưởng cuộc sống tràn đầy Đức Kitô. Cuộc sống rất “Kitô”, là như thế.
Cuối cùng thì, thánh Mát-thêu thấy những “chuyện” và “sự việc” bình-thường và tầm-thường như thế nơi sự việc đơn-giản của những người sống rất giản-đơn/bình-thường, ở trong đời. Và, tinh-thần của Tin Mừng hôm nay, thánh-sử Mát-thêu lại đem đến cho ta thứ tình vui sống từ những người bình-thường rất tầm-thường, ở trong đời.
Và Chúa đến, như lời thánh-sử Gioan từng viết, là để những người bình thường và tầm-thường có được cuộc sống tràn đầy. Đầy tình-thương từ nơi Chúa, cũng giản-đơn như họ, thôi.
Trong cảm-nghiệm “sực việc” tầm-thường ở cuộc sống bình-thường, ta lại ngâm lên lời thơ rất thong-thường mà hát, rằng:

“Đàn Nguyệt Dạ hương đêm bay lạc,”
Gì buồn hơn tiếng vạc lưng chừng?”
Phép gì khỏi nhớ đừng trông,
Mắt em bỏ túi, vắng lòng đêm soi.”
(Lưu Trọng Lư – Đôi Mắt)

Mắt nhà thơ, tưởng chừng như không-thường là thế. Không nhớ, cũng chẳng trông những “vắng lòng đêm soi”. Nhưng, mắt nhà Đạo nay vẫn nhìn về Đức Chúa rất ngóng trông. Trông ngóng, mọi người sống cuộc sống bình-thường nhưng vẫn vui-tươi với mọi người. Chí ít, là những người bình-dị thân-thương sống ở đời, suốt một đời.

Lm Kevin O’Shea CSsR
Mai Tá lược dịch.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh phát hành tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng về Gia Đình
Vũ Văn An
22:47 26/06/2014
Theo tin Zenit ngày 26 tháng 6, Tòa Thánh vừa phát hành tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) của THĐ Giám Mục ngoại thường sắp tới về “Các Thánh Đố của Gia Đình trong Ngữ Cảnh Tân Phúc Âm Hóa”. Đây là tài liệu chính thức của Tòa Thánh, một bản tóm lược các câu trả lời cho một bản câu hỏi mà Giáo Hội đã gửi tới các Giáo Hội địa phương vào mùa thu qua.

Romereports.com gọi tài liệu này là tài liệu thực tiễn và đầy tính lạc quan. Nhân dịp này, Đức Phanxicô tin rằng tương lai của thế giới và của Giáo Hội tùy thuộc hai cơ chế này xử lý ra sao các thách đố mà các gia đình ngày nay đang gặp phải. Ngài cũng cho hay ngài ý thức rõ: đề xuất của Giáo Hội Công Giáo chỉ là một “áp đặt tinh thần” chứ không phải một dự án cuồng nhiệt.

Để trao đổi các nhận định và tìm ra giải pháp, ngài đã triệu tập một “thượng hội đồng ngoại thường” vào tháng 10 tới. Chủ tịch mọi hội đồng giám mục thế giới đều được mời tham dự THĐ này.

Tài Liệu Làm Việc, được phát hành hôm nay, là bản tóm lược các chủ đề sẽ được đem ra thảo luận. Trong số các chủ đề này là vấn đề cô đơn của trẻ em và ấn tượng hiện rất phổ quát cho rằng chúng là trở ngại cho hạnh phúc của người ta. Chủ đề khác nữa là con số các cuộc hôn nhân càng ngày càng sa sút và việc xuất hiện các “gia đình mở rộng” gồm cha mẹ, ông bà nhưng hiện đang ly thân hay đang ly dị.

Điều đáng lưu ý là Tài Liệu tuyên bố rằng những ai đang kinh qua các hoàn cảnh tế nhị nên cảm nhận điều này: Giáo Hội luôn đồng hành với họ, chứ không phê phán họ. Hơn nữa, nên coi giáo huấn của Giáo Hội về gia đình như là một lối sống, chứ không phải chỉ là một hướng dẫn đối với luân lý tính dục mà thôi.

Tài liệu nhấn mạnh thêm: Giáo Hội không phải là một quan tòa kết án mà là một bà mẹ luôn giang tay ôm ẵm con cái mình và băng bó các vết thương của chúng. Do đó, mục vụ phải khẩn trương tập chú vào việc giúp đỡ tất cả những ai đang kinh qua các hoàn cảnh tế nhị.

Ngoài ra, Tài Liệu nhấn mạnh việc người Công Giáo phải kính trọng các cặp đồng tính, dù “điều này không có nghĩa tín hữu phải dành cho nó cùng một địa vị pháp lý bình đẳng như các cuộc hôn nhân dị tính”.

Trong phần Giới Thiệu, Đức HY Baldisseri, TTK thượng hội đồng cho hay: “Tài Liệu Làm Việc dựa trên các câu trả lời cho các câu hỏi của Tài Liệu Chuẩn Bị là tài liệu được chia thành 8 nhóm câu hỏi về hôn nhân và gia đình. Sau khi được phát hành vào tháng 11 năm 2013, tài liệu (chuẩn bị) này được phân phối trên toàn thế giới. Phần lớn các câu trả lời chi tiết cho các câu hỏi được đệ nạp bởi các công đồng của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương tự trị, các hội đồng giám mục, các bộ trong Giáo Triều và liên hiệp Các Bề Trên Cả. Còn các câu trả lời khác, được xếp vào loại Nhận Xét, được gửi thẳng tới Văn Phòng TTK bởi nhiều giáo phận, giáo xứ, phong trào, nhóm, hiệp hội và cả các gia đình nữa, ấy là chưa kề các định chế học thuật, các nhà chuyên môn, cả Công Giáo lẫn không Công Giáo.

Tài Liệu Làm Việc được chia thành 3 phần, phản ảnh 8 chủ đề chính trong bản câu hỏi. Phần thứ nhất, dành cho Tin Mừng Gia Đình, nói tới kế hoạch của Thiên Chúa và ơn gọi của con người nơi Chúa Kitô. Trong viễn tượng này, tài liệu đưa ra các định mức, cả tích cực lẫn tiêu cực, cho thấy sự hiểu biết và sự chấp nhận của tín hữu đối với các giáo huấn liên hệ tới gia đình trong Thánh Kinh và trong huấn quyền Giáo Hội, đồng thời cái hiểu của họ về luật tự nhiên. Phần thứ hai nói tới các thách đố khác nhau và hiện trạng của việc chăm sóc mục vụ cho gia đình. Phần thứ ba dành cho chủ đề chào đón sự sống và trách nhiệm của cha mẹ trong việc dưỡng dục con cái, vốn được coi là các đặc điểm của cuộc hôn nhân giữa 1 người đàn ông và 1 người đàn bà, đặc biệt thảo luận các hoàn cảnh khó khăn về mục vụ.

Ngài còn cho hay: các câu trả lời cho câu hỏi 9 của Tài Liệu Chuẩn Bị, tức câu hỏi Linh Tinh, không được kể vào đây, mà sẽ được THĐ Thường Lệ năm 2015 bàn luận.

Lòng xót thương mời gọi hồi hướng và tái sinh liên tục

Trong Lời Nói Đầu, Đức HY Baldisseri cho hay: việc công bố Tin Mừng Gia Đình vốn là phần chủ yếu trong sứ mệnh của Giáo Hội vì mạc khải Thiên Chúa vốn dõi ánh sáng lên mối tương quan giữa 1 người đàn ông và một người đàn bà, lên tình yêu hỗ tương của họ và lên tính phong phú của mối tương quan này. Thời ta, cuộc khủng hoảng lớn lao về văn hóa, xã hội và tâm linh đang đặt ra một thách đố cho Giáo Hội trong việc phúc âm hóa gia đình, vốn là hạt nhân sinh tử của xã hội và của cộng đồng Giáo Hội…

Đức HY cho rằng THĐ Ngoại Thường kỳ này ý thức rất rõ rằng “Thánh Truyền, phát sinh cùng với các Tông Đồ, luôn diễn tiến trong Giáo Hội với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần (Dei Verbum, số 8)” được mời gọi suy nghĩ về con đường phải theo để thông truyền cho mọi người sự thật về tình yêu vợ chồng và gia đình và đáp ứng nhiều thách đố của nó (xem Evangelii Gaudium, số 66). Trong sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội, gia đình là nguồn và là suối bất tận của sự sống. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội là công bố vẻ đẹp của ơn gọi tình yêu vốn đem theo tiềm năng lớn lao cho xã hội và cho Giáo Hội. Để đương đầu với tình thế khẩn trương này, hàng giám mục khắp thế giới được mời gọi, cum et sub Petro (cùng với Phêrô và dưới quyền Phêrô), khiêm hạ lắng nghe Chúa Thánh Thần và suy nghĩ các thách đố mục vụ hiện nay.

Đức HY lạc quan nhắc tới việc: đời sống gia đình không phải được xác định bằng khó khăn và người ta không phải chỉ có các nan đề mà thôi. Nên Giáo Hội hân hoan thừa nhận các cố gắng, chủ yếu của giới trẻ, trong việc tạo ra một mùa xuân mới cho gia đình. Điều này thấy rõ qua các chứng từ cảm động tại nhiều cuộc gặp gỡ trong Giáo Hội trong đó, các tham dự viên biểu lộ ước muốn được kết hôn và sống cuộc sống gia đình. Dưới ánh sáng ước muốn này, Giáo Hội được mời gọi cung cấp sự trợ giúp và hướng dẫn, bất cứ tại nơi đâu, trong lòng trung thành với mệnh lệnh của Chúa là công bố vẻ đẹp của tình yêu gia đình. Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người nhìn tương lai một cách hy vọng và đề nghị phương cách hành động nhằm duy trì và phát huy tình yêu trong gia đình bằng cách ăn nói dịu dàng với nhau như “anh (em) làm điều này nhá?”, “cám ơn em (anh)”, “xin lỗi em (anh)” và không bao giờ để mặt trời lặn mà chưa giải quyết các cãi vã hay hiểu lầm nhau hay chưa để “lòng khiêm nhường xin được tha thứ”.

Cuối cùng, Đức HY nhắc tới một chủ đề có lẽ sẽ hướng dẫn trọn bộ cuộc thảo luận sắp tới, là lòng từ nhân thương xót. Ngài nói: “Từ lúc khởi đầu triều giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô luôn nhấn mạnh rằng ‘Chúa không bao giờ mỏi mệt trong việc tha thứ: không bao giờ! Chỉ có ta mới mỏi mệt không xin tha thứ mà thôi' (Kinh Truyền Tin, 17 tháng 3 năm 2013). Cái âm sắc của lòng từ nhân xót thương này đã tác động rất mạnh cả trong các vấn đề liên quan tới hôn nhân và gia đình, theo nghĩa, khác hẳn với bất cứ hình thức mô phạm duy luân lý nào, nó xác nhận quan điểm của Kitô Giáo về cuộc đời và mở ra nhiều khả thể mới cho tương lai, bất chấp mọi hạn chế và tội phạm bản thân. Lòng thương xót của Chúa là cửa ngõ mời gọi ta không ngừng hồi hướng và tiếp tục tái sinh”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Chính Tòa Thanh Hóa khai giảng khóa tiếng Anh hè 2014
PV. Thanh Hóa
07:55 26/06/2014
Giáo xứ Chính Tòa Thanh Hóa khai giảng Khóa Tiếng Anh hè 2014

Vào lúc 8h00 sáng, ngày 23/6/2014, tại nhà thờ Chính Tòa Thanh Hóa đã diễn ra lễ khai giảng khóa học Anh Văn. Hiện diện trong lễ khai giảng có quý Cha Chính Tòa, quý Cha Tòa Giám Mục, quý thầy, quý cô. Đặc biệt trong năm nay, hiện diện trong buổi lễ có Cô Tuệ Phương là thành viên Hội từ thiện “ENGLISH EDUCATION FOR THE POOR” và các giáo viên đến từ Mỹ Quốc và sự có mặt đông đủ của quý phụ huynh học sinh cũng làm cho lễ khai giảng thêm phần ý nghĩa.

Xem Hình

Các học viên đến từ ca đoàn Hài Đồng đã mở đầu chương trình với điệu vũ chào mừng như những vũ công chuyên nghiệp trên sân khấu, làm cho không khí thêm sôi động và hào hứng.

Đại diện ban giảng huấn, thầy Francis Nguyễn Quốc Cường đã thông báo tới phụ huynh học sinh về chương trình học trong hè này. Cho đến thời điểm này, con số học viên đã lên tới hơn 500 em và được phân chia ra thành 14 lớp theo 3 trình độ căn bản: Sơ cấp ( 8 lớp), Trung cấp(4 lớp) và nâng cao (2 lớp). Vì điều kiện cơ sở vật chất và phòng học có giới hạn, 14 lớp được chia theo 2 buổi, có 7 lớp học buổi sáng, và 7 lớp học buổi chiều.

Thành phần ban giảng huấn năm nay gồm có quý thầy du học tại Canada và có chút đặc biệt hơn mọi năm đó là sự hiện diện của 5 giảng viên đến từ Mỹ Quốc, cùng các sinh viên đã tốt nghiệp tại các trường chuyên ngữ trong nước.

Có lẽ trong quá khứ, chưa từng có ai nghĩ rằng, trong xã hội hiện đại thời nay, Tiếng Anh là một yếu tố quan trọng mà chúng ta cần để vươn tới tương lai. Trong bối cảnh thời mở cửa, có ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sang thị trường Việt Nam, mang lại rất nhiều cơ hội việc làm cho các lao động trẻ. Tuy vậy, nếu không có trình độ Tiếng Anh nhất định, người trẻ Việt khó có thể giành lấy cơ hội ngàn vàng này. Vì thế đầu tư vào Anh Văn luôn mang lại nhiều lợi nhuận cho người trẻ ngày nay. Ý thức được tầm quan trọng của bộ môn này, trong 2 năm trở lại đây, được sự quan tâm ưu ái của Đức Cha giáo phận Giuse Nguyễn Chí Linh, Cha Thường Vụ và quý Cha phó giáo xứ Chính Tòa, khóa học Anh Văn đã được tổ chức trong các dịp hè cùng với sự hỗ trợ đặc biệt của các thiện nguyện viên trong Hội “ENGLISH EDUCATION FOR THE POOR” từ Mỹ Quốc, để giúp cho tất cả các bạn trẻ đang độ tuổi đến trường có cơ hội được làm quen, được học hỏi và được giao tiếp với người bản xứ. Khóa học bắt đầu ngay sau buổi khai giảng 23/6/2014 và kết thúc vào ngày 23/7/2014.

Tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ cũng được Cha Giuse Vũ Thanh Long, Bề trên Tiểu Chủng Viện Lê Bảo Tịnh nhấn mạnh một lần nữa trong bài phát biểu của mình. Cha nhắn nhủ các con em mình phải luôn cố gắng trau dồi thêm sinh ngữ để có một nguồn vốn quý giá cho tương lai. Cha cũng nhấn mạnh “việc học một ngoại ngữ mới là không phải dễ dàng, cần các em phải cố gắng thực hành hằng ngày. Sự hiện diện của các thầy cô ngoại quốc là một cơ hội tốt để các em dễ dàng nâng cao vốn ngoại ngữ của mình”.

Đại diện của Hội thiện nguyện viên EFTP, Cô Tuệ Phương cũng phát biểu: Là một Việt Kiều Mỹ, Cô luôn lo lắng cho thế hệ trẻ trên đất nước mình, “Giới trẻ là những người phải đuổi kịp tới tiến bộ của thế giới để đưa đất nước tiến lên. Anh văn là phương tiện giúp các em đạt đến mục tiêu này. Ứơc mong các em biết tận dụng 5 tuần lễ để học hỏi anh văn, dù chỉ là 5 tuần ngắn ngủi thôi nhưng các thầy cô sẽ giúp cac em khai thông những khó khăn để chuẩn bị cho bước nhảy xa hơn”. Cô luôn luôn tìm kiếm những nhân tài Mỹ Quốc để về tình nguyện mùa hè tại Việt Nam. Vì thế, 5 giảng viên ngoại quốc về Thanh Hóa là những người xuất sắc nhất được tuyển chọn kỹ lưỡng qua các vòng phỏng vấn gắt gao của Hội EFTP.

Các thiện nguyện viên ngoại quốc lần lượt cũng gửi những lời chào thân ái tới các học viên. Vũ điệu “kangnam style” từ các thiện nguyện viên Mỹ làm cho tình thầy trò triển nở tốt đẹp và không khí nơi nguyện đường thêm phần vui tươi, hứng khởi.

Thay mặt cho Ban hành giáo xứ Chính Tòa, quý phụ huynh cũng đã nói lên những lời cảm ơn sâu sắc tới Đức Cha giáo phận, tới quý Cha cùng quý thầy cô và những lời khích lệ động viên tới các học viên.

Tục ngữ có câu “ when in Rome, do as the Romans do” có nghĩa “nhập gia tùy tục”, vì thế dù ở bất kỳ môi trường học tập nào cũng đều có các nội quy học tập như đi học đúng giờ, không được nói chuyện trong giờ học, chú ý nghe giảng, không được tự ý chuyển đổi lớp…… Đây là những điều mà Cha phó Giuse Nguyễn Văn Qúy nhắc nhở các học sinh trước khi bước vào giờ học.

Đại diện cho hơn 500 học viên, một em học sinh đã nói lên những lời quyết tâm., lời hứa cố gắng học tập chăm chỉ và nghiêm túc, để không phụ ơn và lòng mong đợi của Đức Cha, quý Cha và quý thầy cô.

Hiện diện trong buổi lễ khai giảng ngày hôm nay, ngoài các quý phụ huynh và học viên công giáo còn có một lượng lớn học viên ngoại đạo. Tin tưởng rằng, các em đến không phải vì một khóa học miễn phí,mà đây là một sân chơi lành mạnh và bổ ích để các em hoàn thiện khả năng sinh ngữ của mình. Hơn nữa,mong ước của Đức Cha giáo phận và Ban tổ chức là muốn xây dựng một bầu khí thân thiện, đoàn kết, hiểu biết và tương trợ học tập giữa các em học sinh lương cũng như giáo. Dù ở xa, không thể hiện diện trong ngày đầu tiên của khóa học, Đức Cha Giuse luôn trăn trở, lo lắng cho công việc ở giáo phận. Ngài mong ước cho khóa học diễn ra tốt đẹp và hiệu quả, mong cho tình liên đới lương-giáo triển nở trong tình yêu Chúa.

Lễ khai giảng khóa học Tiếng Anh hè 2014 kết thúc trong cái ôm trao nhau, cái bắt tay yêu thương xen lẫn trong sự hồi hộp, lo lắng. Hi vọng rằng, khóa học sẽ mang lại nhiều niềm vui mới, tình cảm mới và gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp hơn mong đợi.
 
Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc tới Roma lãnh Pallium
Lm Gioan Trần Mạnh Duyệt
22:07 26/06/2014
ROMA - Đức Tổng Giám Mục Phaolo Bùi Văn Đọc đã đến Roma ngày 25/6/2014 cùng phái đoàn gồm Cha Cựu Tổng Đại Diện Huỳnh Công Minh, Cha Tân Tổng Đại Diện Hồ Văn Xuân, Cha Clemente Minh Trung, Cha Phaolô Phạm Đăng Thiện và Bà Bùi Thị Hữu là Chị ruột của ngài. Đức Tổng đến Roma để chuẩn bị lãnh dây Pallium do Đức Giáo Hoàng Phanxicô trao ban ngày 29/6/2014.

Vào dịp này cũng có thêm 5 linh mục và 25 giáo dân Sài Gòn cùng một số bổn đạo khác từ Mỹ cũng đã đến Roma hành hương và đang nghỉ tại Foyer Phát Diệm.

Nhân dịp này chúng tôi giải thích vắn gọn về ý nghĩa của dây Pallium.

Pallium là giải băng hẹp như dây Stola mà ĐGH bận quanh cổ, có thêu 4 hình thánh giá nhỏ, với một giải ngắn thả về phía ngực và một giải khác rủ xuống phía lưng, cũng có thêu hình thánh giá nữa và kết thúc bằng cái tua rua. Và làm bằng len (lông chiên) để biểu hiệu cho người mục tử vác chiên trên vai mình.

Dây Pallium thuộc phẩm phục chính yếu của ĐGH từ thế kỷ thứ VI. Sang thời trung cổ, ĐGH cũng ban pallium cho các vị chủ chăn quan trọng trong Giáo Hội như các Đại Diện Tông Tòa đặc biệt và các Tổng Giám Mục Chính Tòa.

Ngày nay thì hàng năm vào lễ kính trọng thể Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô ngày 29 tháng 6, ĐGH ban dây này cho các tân Tổng Giám Mục Chính Tòa trên toàn thế giới đã được bổ nhiệm từ một năm nay.

Trước khi trao ban, Pallium phải được đặt trên mộ Thánh Phêrô ở Vatican để, nhờ tiếp xúc với xương thánh, được thánh hóa bởi chính ĐGH Tiên Khởi cố ý nói lên sự gắn bó chặt chẽ với Vị Kế Ngiệp của Phêrô: nhấn mạnh sự trung tín tuyệt đối với Đức Giáo Hoàng.

Nói cách khác, tương tự chiếc nhẫn giám mục biểu hiệu sự gắn bó của Giám mục với Đấng Chủ Chiên Tối Cao, Pallium với hình dáng vòng kiềng lớn đeo quanh cổ, nói lên rõ ràng đặc điểm tín trung gắn bó, điều tối quan trọng trong việc chăn dắt đoàn chiên duy nhất của Chúa Kitô.

Riêng Tổng Giáo Phận Sai Gòn mà Đức Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc lãnh đạo gồm có như sau: Theo Niên Giám 2005 có: 607.884 giáo dân trên dân số 5.454.298 người; linh mục Công Giáo 492; nam tu 1.011; nữ tu 3.302; giáo lý viên 5.286; hoạt động trong 15 giáo hạt.

Xét về Tổng Giáo Phận hoặc Giáo Tỉnh, nghĩa là gộp cả thêm 9 giáo phận phụ cận - tức Cần Thơ, Vĩnh Long, Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên, Phú Cường, Xuân Lộc, Phan Thiết và Bà Rịa Vũng Tàu - thì con số giáo dân tới 2.779.301 sống trong 1.039 giáo xứ.

Với sứ mệnh Tổng Giám Mục, chủ chăn của một đoàn chiên như thế, có thể sánh ví như cái nốt cây, chỗ nối chắc cành vào thân để tạo thành một cây vẹn toàn.

Trong vụ việc này, nhà Foyer Phát Diệm Roma tiếp đón và phục vụ Đức Tổng Giám Mục Sai Gòn cùng phái đoàn - tuy nhỏ nhưng rất tượng trưng - cảm thấy rất hãnh diện, cũng như nhiều lần trước đây được đón tiếp Hội Đồng Giám Mục VN, các Đức Hồng Y và các Giám Mục cả Nước, vì được phục vụ Hội Thánh Chúa như vậy.
 
Khai giảng khóa học Anh Văn mùa hè 2014 tại giáo xứ Tiếp Võ, GP Vinh
Joseph Trần
17:09 26/06/2014
Khai giảng khóa học Anh Văn mùa hè 2014 tại giáo xứ Tiếp Võ, GP Vinh

“Education for the Poor” – Giáo dục cho người nghèo, một cái tên rất đổi thân thương - quen thuộc với các bạn trẻ trong và giáo xứ Tiếp Võ nói riêng, mà còn được biết đến trên nhiều vùng miền của đất nước Việt Nam nói chung.

Xem hình

Trong niềm vui được chia sẽ và phục vụ, nhiều bạn trẻ đến từ một đất nước được biết đến với một nền kinh tế và nền giáo dục đứng hàng đầu trên thế giới, đất nước “Hoa Kỳ.” Tuy họ được sinh ra, lớn lên và học tập tại đất nước này, nhưng họ luôn ấp ủ ước nguyện được quay về quê hương - đất nước Việt Nam thân yêu để được chia sẽ trong khả năng của mình cho các bạn trẻ, không chỉ về kiến thức Anh Ngữ, nhưng họ còn mang đến để truyền đạt nhiều kiến thức bổ ích khác.

Đến với mùa hè năm nay (2014) tại giáo xứ Tiếp Võ (giáo hạt Can Lộc – Giáo Phận Vinh), đây là lần thứ 2, giáo xứ rất vinh dự và may mắn được đón tiếp quý Thiện Nguyện Viên trong Hội “Education for the Poor” về giúp các em trong thời gian 5 tuần. Thực sự, đây là một cơ hội rất tốt, để các bạn trẻ trong và ngoài giáo xứ tận dụng, trau dồi và phát huy hơn trong vốn kiến thức sinh ngữ của mình.

Trong niềm vui đó, được sự cho phép, hướng dẫn và lòng nhiệt huyết trong sự chuẩn bị rất chu đáo của Cha quản xứ, Phê-rô Nguyễn Huy Hoàng, Hội đồng mục vụ giáo xứ (HĐMV), ban điều hành giới trẻ, và đoàn thiếu nhi Thánh Thể.

Sau 2 ngày của dịp mừng đại lễ kết thúc năm thánh 100 năm thành lập giáo xứ. Sáng ngày 25/ 06/ 2014, gần 500 các bạn trẻ trong và ngoài giáo xứ Tiếp Võ, đã tề tựu trong ngôi thánh đường của giáo xứ để tham dự ngày khai mạc khóa học hè lần thứ 2 trong năm 2014, trong sự hiện diện của Cha quản xứ, HĐMV, quý Tu Sĩ nam nữ, quý Thiện Nguyện Viên trong hội và nhiều ban nghành trong giáo xứ.

Trong phần khai mạc của chương trình, MC Hương Cài đã giới thiều về các thành phần tham dự, tiếp đó là lời khai mạc và huấn từ của Cha quản xứ, lời phát biểu của chủ tịch HĐMV: Đặng Ngọc Sỹ, lời chia sẽ của Thầy: Anthony Trần Công Chính (hiện đang tu học tại Phillippin), lời chia sẽ và giới thiệu của quý Thiện Nguyện Viên: Cô Chín, và lời hứa – cam kết của một đại diện các em học sinh.

Sau phần khai mạc, các Thầy Cô giáo và các em học sinh được sắp xếp và triển khai cho buổi học đầu tiên tại các phòng học đã được chuẩn bị trong khuôn viên của giáo xứ.

Hồng ân – hồng ân, tất cả là hồng ân. Hy vọng và luôn cầu chúc quý thiện nguyện viên và các em sẽ thu lượm và gặt hái được nhiều thành quả tốt trong khóa học hè năm nay.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đảng rối loạn - Quốc hội loạn ngôn
Phạm Trần
17:11 26/06/2014
ĐẢNG RỐI LỌAN, QUỐC HỘI LỌAN NGÔN

Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đã bị “rối lọan thần kinh” và Quốc hội mắc chứng “loạn ngôn” trước xâm lược Biển Đông của Trung Cộng.

Tình trạng này đã xẩy ra trong ngày họp cuối cùng 24/06/2014 của Kỳ họp 7 Quốc hội Khóa XIII khi cơ chế có quyền cao nhất nước chỉ “đẻ” ra được một Thông cáo để “khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.”

Thông cáo cũng nhắc lại chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” rằng: “ Hành động của Trung Cộng là “vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam-Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.”

Tuy nhiên, Quốc hội của “đảng cử dân bầu” này chỉ dám: “Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam”, thay vì phải cương quyết và dứt khoát “đòi hỏi” Trung Cộng phải “rút ngay lập tức” dàn khoan và các tầu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Trước ngày bế mạc, đã có một số Đại biểu yêu cầu Quốc hội công bố một Nghị quyết để khẳng định sự “đồng thuận và chính thức” của những người thay mặt cho 90 triệu dân lên án hành động xâm lăng của Trung Cộng.

Quốc hội đã bỏ ngòai tai yêu cầu chính đáng này để không ra Nghị quyết và cũng không ra nổi một Tuyên bố khiến dư luận trong nước thất vọng.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại biện minh tại cuộc họp báo (24/06/014) rằng: “ Thông cáo này được xem như Tuyên bố của Quốc hội thể hiện quan điểm, thái độ trước hành động sai trái của Trung Quốc. ”(Thời báo Kinh tế Việt Nam, 24/6/2014 )

Ông Phúc còn nói với báo chí : “Dù là tuyên bố hay nghị quyết thì nội dung bên trong đều thể hiện rất rõ sự phản đối của Quốc hội Việt Nam với sự vi phạm của Trung Quốc.”

Ông còn tự biên tự diễn thêm: “Dư luận cử tri cho rằng, Thông cáo số 2 của Quốc hội đã góp phần giải tỏa, an lòng nhân dân trước hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc; đồng thời, góp phần thể hiện ý chí quyết tâm, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước."

SỰ THẬT Ở ĐÂU ?

Trước hết , ở Việt Nam không có Viện thăm dò dư luận độc lập, dù của tư nhân hay nhà nước mà chỉ có báo đài chịu sự kiểm soát của Ban Tuyên giáo Trung ương hay cán bộ đảng được chỉ định làm việc này để to son điểm phấn cho chủ trương và chính sách của nhà nước.

Vì vậy, đối với bản Thông cáo số 2 về tình hình Biển Đông, dù có ba đầu sáu tay, ông Phúc cũng “không thể nào” có được kết qủa của “dư luận cử tri” trong thời gian ông họp báo, “ngay sau khi Quốc hội bế mạc”, hôm 24/06/2014.

Nhưng khi ông Phúc vẫn cố gắng nói quanh: “ Tại phiên bế mạc hôm nay, Chủ tịch Quốc hội cũng đã tuyên bố, thể hiện quan điểm của Việt Nam về biển Đông” .

Vậy Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nói gì ?

Ông Hùng nói : “Quốc hội khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); vi phạm Thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển Đông; làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị, đoàn kết, láng giềng của nhân dân 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.”

Quan điểm của ông Hùng không mới vì ông chỉ lập lại gần như nguyên văn Điểm 2 của Thông cáo số 1 của Quốc hội ra ngày 21/05/2014, sau khi nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông và thảo luận tại phiên họp tổ (họp kín giữa các đòan Đại biểu của địa phương), thay vì thảo luận công khai tại hội trường.

Điểm này viết :” (2). QH khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.”

Tuy nhiên cần phải minh bạch về tư cách “đại diện” của ông Nguyên Sinh Hùng khi ông nói “Quốc hội khẳng định…” , do đó không thể đồng thời “thể hiện quan điểm của Việt Nam về biển Đông” như lối nói “lạm dụng danh nghĩa” của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Theo hệ thống lãnh đạo Nhà nước thì chỉ có ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch, mới có tư cách thay mặt cho Nhà nước Cộng hòa Xã hội Việt Nam.

Nhiệm vụ này đã quy định trong Điều 86 của Hiến pháp mới (2013): “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.”

TUYÊN BỐ CHỐNG THÔNG CÁO

Như vậy rõ ràng ông Phúc đã “rất mù mờ” về sự khác biệt ý nghĩa giữa “Nghị Quyết” với “Tuyên bố” và giữa “Tuyên bố” với “Thông cáo” là điều dễ hiểu.

Theo Đại từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Văn hoá-Thông tin năm 1998 thì:

-Nghị quyết là “văn bản quyết định về những vấn đề cơ bản sau khi được hội nghị bàn bạc và nhất trì thông qua.”

-Tuyên bố có ý nghĩa “trịnh trọng và chính thức nói cho mọi người biết.” (Tỷ dụ như :Bản tuyên bố của Bộ, Chính phủ v.v..).

-Thông cáo: “Văn bản do các tổ chức, cơ quan nhà nước ban bố để cho mọi người biết tình hình, sự việc có tầm quan trọng nào.”

Như vậy rõ ràng Thông cáo của Quốc hội, dù nói về lập trường của Quốc hội với hành động sai trái của Trung Cộng ở Biển Đông không thể “được xem như Tuyên bố của Quốc hội” vì không ” trịnh trọng và chính thức “.

Vậy tại sao Quốc hội đã tìm mọi cách để né tránh đưa ra Nghị quyết hay Tuyên bố ?

Ai cũng biết, từ khi Trung Cộng đặt gìan khoan Hải dương 981 vào sâu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày 02/05/2014, Bộ chính trị 16 người, nhóm quyết định tòan diện đường lối và chính sách của đảng và chính phủ CSVN chưa hề “chính thức” lên tiếng về hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Cộng.

Nhóm “độc tài 16” này, đứng đầu bởi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người bị nhiều cựu viên chức cao cấp trong Đảng, kể cả nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cáo buộc “thân Trung Cộng ra mặt”, cũng chưa dám quyết định kiện Trung Cộng ra tòa án Quốc tế dù Bắc Kinh đã ngang ngược xâm lăng biển của Việt Nam, sau khi đem quân chiếm Hòang Sa năm 1974 và đánh chiếm đá Gạc Ma và 7 đảo khác trong quần đảo Trường Sa năm 1988.

“Nhóm 16 người” cũng không có bất cứ động thái nào, sau khi Trung Cộng biến các khu đá,đảo chiếm bất hợp pháp ở Trường Sa thành các căn cứ quân sự và xây đảo nhân tạo để kiểm soát an ninh và “hợp thức hoá chủ quyền” của đuờng lưỡi Bò tự chế chiếm ¾ của tổng diện tích khỏang 3.5 triệu cây số vuông Biển Đông.

Vì vậy, không ai ngạc nhiên khi thấy Thông cáo ngày 24/06/2014 của Quốc hội viết rằng: “Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.”

Tất nhiên, cũng ít ai ngạc nhiên khi nghe người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Trung Cộng cho biết: "Cục Hàng hải Trung Quốc đã công bố toạ độ cụ thể, mời phóng viên nhẫn nại tra rà trên bản đồ sẽ rõ ngay, không cần thiết suy đoán và liên tưởng thái quá đối với hoạt động bình thường" , khi được hỏi về quyết định mới đây của Bắc Kinh cho lệnh di chuyển thêm nhiều giàn khoan dầu xuống Biển Đông.

Theo trang web Cục Hàng hải Trung Quốc thì từ ngày 13/6 đến ngày 12/8, các giàn khoan "Nam Hải 5", "Nam Hải 2" và "Nam Hải 4" sẽ tiến hành tác nghiệp trên vùng biển liên quan ở Nam Hải (Biển Đông). Giàn khoan "Nam Hải 9" đã di chuyển đến khu vực tiếp ranh phân định Vịnh Bắc Bộ, đối diện với hai tỉng Qủang Bình và Hà Tĩnh của Việt Nam.

Ngòai ra, các Chính phủ ở Châu Á cũng đang theo dõi tin Trung Cộng đang đóng thêm 3 giàn khoan lớn Hải Dương - 982, 943 và 944 với tổng trị giá lên tới 1 tỉ Dollars) để đưa vào hoạt động ở Biển Đông trong một tương lai không xa.

Song song với hành động chiếm biển công khai, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng Dương Khiết Trì còn khẳng định Trung Cộng “cương quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ" .

Ông nói:"Chúng tôi sẽ không bao giờ đổi chác các lợi ích cốt lõi của mình, hoặc ngậm trái đắng làm suy yếu chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển."

Chủ tịch Nhà nước, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Cộng Tập Cận Bình cũng từng tuyên bố ngày 28/01/2013: “Không một quốc gia nào có thể nuôi hy vọng Trung Quốc sẽ thương lượng các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình, cũng không nên nuôi hy vọng rằng Trung Quốc có thể chấp nhận quả đắng trong việc làm tổn hại lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển của Trung Quốc”. (Báo điện tử Biển Đông, 6/3/013)

Dương Khiết Trì đã lập lại lập trường “không thay đổi” của Bắc Kinh từ thời Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình còn sống, sau chuyến sang Hà Nội ngày 18/06/2014 để thảo luận vụ giàn khoan Hải dương 981 với 3 viên chức lãnh đạo CSVN gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng, Bộ trường Ngọai goa Phạm Bình Minh.

Trong cuộc tiếp xúc với ông Minh, Dương Khiết Trì đã nói như ra lệnh cho Việt Nam:“Đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan.”

Họ Dương còn đòi Việt Nam phải : “Đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung Quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồng, gây ra tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả vụ bạo lực đánh đập, cướp bóc và thiêu đốt xảy ra tại Việt Nam cách đây không lâu, đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Việt Nam. Mong Việt Nam xuất phát từ đại cục, cùng với Trung Quốc hành động theo một hướng, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển lên phía trước theo quỹ đạo đúng đắn.”

Như vậy thì bản Thông cáo số 2 của Quốc Hội Việt Nam chỉ có nội dung kiểu “quân tử Tầu” nhưng lại “không dám sờ đến chân lông của Trung Cộng” thì liệu có “đánh thức được con tim chai đá và lươn lẹo” của Lãnh đạo Trung Cộng không, hay đã rối loạn thần kinh mà mất khôn ?

Phạm Trần

(06/014)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Linh đạo hôn phối: Tình yêu vợ chống : Một bài phụng ca
Trần Văn Cảnh
18:40 26/06/2014
LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ

LTS- « LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để « Kỷ niệm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được tuyên phong Hiển Thánh, 27.04.2014 » và để « Kỷ niệm 20 năm sinh hoạt của Ban Mục Vụ Gia Đình, 1995-2015 ». Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.

Xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban phúc lành cho những người góp phần thực hiện tác phẩm này, cũng như cho quí độc giả thân thương. Tất cả để vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các gia đình.

Bài được phổ biến :

1. LỜI MỞ, ngày 17.04.2014

2. Thần học Thân xác và Linh đạo Hôn phối của Lm Mai Đức Vinh, ngày 24.04.2014

3. Hôn nhân trong ánh sáng Hôn lễ của Đức Kytô và Giáo Hội, của Lm Mai Đức Vinh, ngày 01.05.2014

4. Duyên lành và thánh thiện của cặp vợ chồng của Ptvv Phạm Bá Nha, ngày 08.05.2014.

5. Để Hôn nhân trở nên một ơn gọi của C. Micheline Kim Chi, ngày 15.05.2014.

6. Hạnh phúc hôn nhân của AC Phạm Hòa Hiệp, ngày 22.05.2014

7. Làm sao để vợ chồng sống hạnh phúc của ÔB Phan Hữu Lộc, ngày 05.06.2014

8. Trưởng thành của tình yêu của AC Nguyễn Long Hằng, ngày 12.06.2014

9. Niềm vui trao ban » của AC Đoàn Quốc Khánh, ngày 19.06.2014

10. Hôm nay, ngày 26.06.2014, xin giới thiệu bài 10 «Tình yêu vợ chồng : một bài phụng ca » của Gs Trần Văn Cảnh.


TÌNH YÊU VỢ CHỒNG: MỘT BÀI PHỤNG CA

"Hai vợ chồng dần dần cảm thấy giảm bớt về dục vọng, nhưng gia tăng về tự do hiến thân cho nhau, kết hợp với nhau theo nam tính và nữ tính, trong ý nghĩa vợ chồng đích thực của thân xác… Như vậy, đời sống vợ chồng, theo một nghĩa nào đó, trở thành lời phụng ca…" (Đức Gioan Phaolô II, triều yết 04.07.1984).

Trong các đề tài của đời sống con người, có lẽ "tình yêu" là đề tài được nói đến nhiều nhất, trong khắp các thời đại, ở khắp các lục địa, qua khắp các thể loại nghệ thuật và văn chương. Đã là người, ai mà chẳng yêu. Nhưng yêu là gì? Vì sao yêu? Yêu do động lực nào? Yêu vì mục đích nào? Yêu thế nào? Yêu ở đâu? Yêu khi nào? Ai yêu? Yêu ai? Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã lưu ý chúng ta phải "nhớ đến sự đa dạng ý nghĩa của thuật ngữ ‘tình yêu’: chúng ta nói đến tình yêu tổ quốc, tình yêu nghề nghiệp, tình yêu bạn bè, yêu thích việc làm, tình yêu giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em và thân bằng quyến thuộc, tình yêu tha nhân và tình yêu đối với Thiên Chúa" [1].

Dưới khía cạnh tình yêu vợ chồng, có ba ơn gọi chính: ơn gọi sống khiết tịnh, ơn gọi sống tình yêu vợ chồng và ơn gọi sống góa. Bản thân là một người đã chọn sống ơn gọi tình yêu vợ chồng, muốn tìm hiểu hơn về ơn gọi này hầu giúp mình và giúp những người mình có trách nhiệm phải giúp, trong bài này, người viết chỉ muốn đề cập đến ơn gọi thứ hai là ơn gọi sống tình yêu vợ chồng. Và xin khởi đầu với ba câu hỏi căn bản: Văn hóa Việt Nam ghi khắc gì về tình yêu vợ chồng? Đức tin Công Giáo trao cho tình yêu vợ chồng sứ mệnh gì? Tuyệt đỉnh của sứ mệnh tình yêu vợ chồng Công Giáo đưa về đâu?

1. Tu là cõi phúc, tình là giây oan

Văn chương bình dân Việt nam có một kho tàng phong phú về hấp lực yêu thương, tình ái trai gái.

Bài hát quan họ Bắc Ninh: "Yêu nhau cởi áo ối à cho nhau, về nhà dối rằng cha dối mẹ a..à..a..á..a, rằng a ối a qua cầu (x2), tình tình tình gió bay (x2). Yêu nhau cởi nhẫn ối a cho nhau, về nhà dối rằng cha dối mẹ a..à..a..á..a, rằng a ối a qua cầu, rằng a ối a qua cầu (x2), tình tình tình đánh rơi (x2). Yêu nhau cởi nón ối à cho nhau, về nhà dối rằng cha dối mẹ a..à..a..á..a, rằng a ối a qua cầu (x2), tình tình tình gió bay (x2)".

Ca dao bình dân:

"Anh về, em chẳng cho về.

Em nắm vạt áo, em đề tặng anh.

Câu thơ ba chữ rành rành:

Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba.

Chữ trung thì để phần cha,

Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình".

Nhưng về tình yêu vợ chồng, thì chữ tình, chữ yêu lại ít được dùng đến, mà hay dùng những chữ khác, như nghĩa tào khang, chồng hòa, vợ thuận, nhà thường:

"Vợ chồng là nghĩa tào khang,

Chồng hòa, vợ thuận, nhà thường yên vui,

Sinh con mới ra thân người

Làm ăn thịnh vượng, đời đời ấm no".

Dường như về tình yêu vợ chồng, văn chương bình dân, phát xuất từ tâm tình bột phát, của sức sống tự nhiên, đã đè nén cái hấp lực yêu thương tình ái trai gái để khép mình vào khuôn khổ lễ nghi, thuần phong, mỹ tục của văn chương bác học, qua những tư tưởng hướng đạo của ba tôn giáo Phật, Lão, Khổng, mà truyền thống dân tộc đã chịu ảnh hưởng sâu xa.

Đạo Phật do đức Phật Thích Ca Mâu Ni (-623-543) sáng lập, mà nền tảng xây trên Tứ Diệu Đế.

Khổ đế (chân lý về khổ): đời là bể khổ; khổ vì đau khổ, như sinh lão bệnh tử; khổ vì sự thay đổi và khổ vì duyên sinh.

Tập khổ đế (chân lý về nguồn gốc của khổ): nguồn gốc của đau khổ là vô minh, ham muốn.

Diệt khổ đế (chân lý về diệt khổ): muốn diệt khổ phải thắng được vô minh, ham muốn.

Đạo đế (chân lý về con đường thoát khổ): con đường thắng vô minh, ham muốn là con đường tu, là chiêm niệm, từ bi, thờ ơ với phúc họa, để ra khỏi vòng luân hồi của cõi vô thường, tới được niết bàn là nơi thinh không, thanh tịnh không còn ham muốn.

Chữ tình ái, được nói đến trong thập nhị nhân duyên, ở duyên thứ 8 (thụ sinh ái: cảm nhận với thế giới bên ngoài sinh ham muốn) và thứ 9 (ái sinh thủ: ham muốn sinh ra chiếm đoạt), là một trong thập nhị nhân duyên lôi cuốn con người vào vòng luân hồi "vô thường".

"Tu là cõi phúc, tình là giây oan" là câu thơ mà Nguyễn Du đã dùng để diễn tả xác tín Phật giáo của văn hóa Việt Nam rằng con đường tu bát chánh đạo là con đường chân chính đưa vào cõi phúc Niết bàn, nhờ xa lánh trần tục, nuôi tâm dưỡng tính; Còn tình lưu luyến trai gái chỉ là giây oan, vì nó là một ham muốn mãnh liệt, là sợi dây oan nghiệt trói buộc con người vào ham muốn, vô minh, đau khổ.

Đạo Lão do Lão Tử (-604-531) sáng lập, mà những điều căn bản đã được ghi chép trong "Lão Tử - Đạo Đức Kinh". Lão tử bác bỏ thuyết trời sinh ra vạn vật, mà có cái gì khác sinh ra vũ trụ, có trước thượng đế. Cái đó, ông không biết tên là gì, tạm đặt tên cho nó là "đạo" Đạo là "mẹ của vạn vật" (Đạo Đức Kinh, ch.25). Đạo bất biến, vô danh, vô vi. "Đạo sinh ra vạn vật, đức bao bọc, bồi dưỡng, nuôi lớn tới thành thục, che chở mỗi vật (…); vật chất khiến cho mỗi vật thành hình; hoàn cảnh [khí hậu, thủy thổ] hoàn thành mỗi vật" (Chương 51).

Đạo có ba tính chất là mộc mạc, tự nhiên và quay trở về. "Đạo vĩnh cửu thì không làm gì (vô vi - vì là tự nhiên) mà không gì không làm (vô bất vi - vì vạn vật nhờ nó mà sinh, mà lớn); bậc vua chúa giữ được đạo thì vạn vật sẽ tự biến hóa (sinh, lớn). Trong quá trình biến hóa, tư dục của chúng phát ra thì ta dùng cái mộc mạc vô danh (tính cách, bản chất của đạo)mà trấn áp hiện tượng đó, khiến cho vạn vật không còn tư dục nữa. Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định" (Chương 37). [Đạo] lớn (vô cùng) thì lưu hành (không ngừng), lưu hành (không ngừng) thì đi xa, đi xa thì trở về) (Chương 5).

Đạo có cái gì tương đối và tương phản. "Cái gì hoàn toàn thì dường như khiếm khuyết mà công dụng lại không bao giờ hết; cái gì cực đầy thì dường như hư không mà công dụng lại vô cùng; cực thẳng thì dường như cong, cực khéo thì dường như vụng, ăn nói cực khéo thì dường như ấp úng" (Chương 45). "Đạo trời giống như buộc dây cung vào cung chăng? Dây cung ở cao quá thì hạ nó xuống, ở thấp quá thì đưa nó lên; dài quá thì bỏ bớt đi, ngắn quá thì thêm vào. Đạo trời bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu" (ch.77). "Đạo người thì không vậy [thói thường ở đời thì không như đạo trời], bớt chỗ thiếu mà cấp thêm cho chỗ dư. Ai là người có dư mà cung cấp cho những người thiếu thốn trong thiên hạ? Chỉ có người đắc đạo mới làm được như vậy” (ch.77).

Vấn đề tình yêu trai gái hay vợ chồng không phải là đề tài quan trọng và hầu như không được đề cập đến trong Đạo Đức Kinh. Ông chê những đức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, và trung hiếu của đạo Khổng. "Cho nên đạo mất rồi, sau mới có đức. Đức mất rồi sau mới có nhân, nhân mất rồi sau mới có nghĩa, nghĩa mất rồi sau mới có lễ. Lễ là sự biểu hiện của sự suy vi của sự trung hậu thành tín, là đầu mối của hỗn loạn. Dùng trí tuệ mà tính toán trước thì chỉ là cái loè loẹt của đạo, mà là nguồn gốc của ngu muội" (ch.38). Và có một câu gián tiếp nói về gia đình: "Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa; trí xảo xuất hiện rồi mới có trá ngụy; gia đình (cha mẹ, anh em, vợ chồng) bất hòa rồi mới sinh ra hiếu, từ; nước nhà rối loạn mới có tôi trung" (Chương 18).

Đạo Khổng do Khổng Tử (-551-479) sáng lập, có kỳ vọng đảm bảo sự hài hòa tương quan tam tài "thiên, địa, nhân", đặc biệt chú trọng đến trật tự, nề nếp xã hội, dựa vào ngũ luân, ngũ thường. Ngũ luân là năm tương quan: Cha con có tình thân (Phụ tử hữu Thân), Vua tôi có nghĩa (Quân thần hữu Nghĩa), Chồng vợ có sự phân biệt (Phu phụ hữu Biệt), người lớn người nhỏ (anh em) có thứ tự (Trưởng ấu hữu Tự), bằng hữu có lòng tin (Bằng hữu hữu Tín); Ngũ thường là năm nguyên tắc cư xử ở đời: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Qua ngũ luân, ngũ thường, lý tưởng là đạt được chữ trung dung, quân bình giữa hai lực đẩy và hai sức hút, là âm dương. Kinh Dịch viết: "Âm dương giả, thiên địa chi đạo giả, vạn vật chi cương kỷ", nghĩa là "Âm dương là đạo của trời đất, là cương kỷ của vạn vật". Rộng hơn và cụ thể hơn, thì âm dương phải phối hợp mới có trời đất. Khí âm hay sinh, nhưng phải có khí dương mới sinh được; Khí dương hay nuôi vật, nhưng nếu không có khí âm, thì không lớn được. Cho nên, theo luật tự nhiên của trời đất, đã có khí âm, khí dương, ắt phải có đôi lứa vợ chồng. Trai phải có vợ; Gái phải có chồng; Phải phối hợp âm dương thì mới có thể sinh trưởng được. Như vậy, theo Khổng giáo, đời sống vợ chồng là lẽ tự nhiên của trời đất, nguồn gốc đến từ hấp lực đực cái, giống như các sinh vật khác, nhưng được giáo hóa đi vào khuôn khổ luân thường.

Có một tâm hồn thấm nhuần sâu xa tư tưởng âm dương Khổng giáo, Ôn Như Hầu đã viết trong "Cung oán ngâm khúc", từ câu 125 đến 128 về tình yêu vợ chồng rằng:

"Kìa điểu thú là loài vạn vật

Dẫu vô tri cũng bắt đèo bòng

Có âm dương có vợ chồng

Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê".

2. Yêu là cõi phúc, đền nghì tình Ai

Đức tin Công Giáo đã đưa cho tình yêu vợ chồng một ý nghĩa và một vai trò rất cao cả. Thi sĩ bác sĩ Công Giáo Vân Uyên Nguyễn Văn Ái đã tóm gọn rất khéo rằng: "Chữ yêu trong tình nam nữ và vợ chồng, theo Thánh kinh, bắt nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu. Thiên ý mong muốn con người bắt đầu được hưởng cõi phúc ngay tại đời này, qua kiếp sống phu thê và sẽ còn nối tiếp đời đời trong tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa là như vậy. Con người lấy gì đền đáp lại? Chỉ có yêu mới đền đáp được tình yêu. Đó là nguồn thi hứng dẫn đến câu thơ Yêu là cõi phúc, đền nghì tình Ai" [2].

Nhưng Thánh kinh đã viết gì về tình yêu nam nữ và vợ chồng? Bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái trả lời qua một bài trình bày như sau [3]:

Trong Cựu Ước theo sách Sáng Thế, ngay từ khi tạo dựng ra trời đất và con người, Thiên Chúa đã chúc phúc cho sự kết hợp nam nữ được coi như có một giá trị tôn giáo độc đáo. Cả nam lẫn nữ, con người được tạo dựng theo hình ảnh giống như Thiên Chúa.

Người nam khi thấy người nữ đã kêu lên: "Đây là xương thịt của tôi". Do đó người nam từ bỏ cha mẹ, lưu luyến người nữ, và cả hai trở thành "nhất thể" (Gn, 1-2), một thân xác (une seule chair).

Nhiều đấng Tiên Tri trong Cựu Ước, như Osée (1,2+), Jérémie (18,1+), Isaïe (1,21), Ezéchiel (16,23),… khi đề cập tới mối liên quan giữa Thiên Chúa và Dân Cựu Do Thái (Israel) đã xử dụng hình ảnh tình yêu nam nữ.

Các tiên tri coi tình yêu của Thiên Chúa đối với dân được chọn (Israel) cũng như tình của người nam. Một người nam vừa hiền từ chung thủy, vừa đòi hỏi, ghen tương. Các tiên tri cũng nói về những phản bội, chối bỏ, tà đạo của dân cựu do thái (Israel) được coi như người nữ bất trung. Có khi còn dùng cả danh từ nặng hơn chữ bất trung.

Nhưng dù vậy, tình của Thiên Chúa cũng không dập tắt, vì Thiên Chúa yêu cho đến cùng (Jn 13, 1)

Khi nói đến tình yêu nam nữ trong Cựu Ước không thể nào không nói tới bài Diễm ca (Cantique des Cantiques), một điệp khúc nói về tình yêu nam nữ thắm thiết và chung thủy.

Lời thơ là lời của người nữ được yêu (la bien aimée) nói về tình yêu của người yêu đối với mình. Theo truyền thuyết, tác giả bài này là vua Salômông. Đây là một bài thơ ngụ ngôn ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Israel, giống như tình yêu nam nữ.

Bài Diễm Ca được trình bày và sắp xếp theo những đoạn đường trở lại và những hy vọng của dân Israel, gồm có 5 bài ca, một phần mở đầu và một phần kết, xen lẫn (theo kiểu kịch thuật Hy Lạp) một vài đoạn đồng ca hoặc song ca đối đáp với người nữ.

Nhiều nhà thần học coi bài Diễm Ca như một bài thánh ca thánh nhất trong các bài thánh ca. Theo tôi, bài Diễm Ca là một bài tình ca tình nhất trong các bài tình ca. Đây chỉ là một cách nói, vì theo đạo của chúng ta, thánh và tình là một, thánh là yêu mà tình cũng là yêu.

Xin nêu làm thí dụ ba câu đầu lời nói của người nữ được yêu (la bien aimée), để có một ý niệm về tính chất diễm tình của bài Diễm ca diễn tả mối tình đắm say cả hồn lẫn xác; ba câu này trích trong cuốn Bible de Jérusalem viết bằng pháp ngữ:

"Qu’il me baise des baisers de sa bouche

Tes amours sont plus délicieuses que le vin

L’arôme de tes parfums est exquis" (Ct, 1, 2-3)

Theo ấn bản Kinh Thánh mới nhất vừa được Tòa Tổng Giám Mục Sài gòn thực hiện năm 1998 (trang 1231) ba câu này được dịch như sau:

"Ước gì chàng hôn ta những nụ hôn chính môi miệng chàng

Ân ái của anh còn ngọt ngào hơn rượu

Mùi hương anh thơm ngát".

Minh châu dịch:

"Môi tìm môi đón nụ hôn tình ái

Ngây ngất say hơn hẳn rượu ngọt bùi

Hương ai tỏa xác hồn xao xuyến mãi".

Vân Uyên dịch:

"Đợi môi âu yếm đến hôn em

kết tình dịu ngọt hơn bồ tửu

Ngây ngất hương người thật ấm êm".

Điểm lạ lùng của chữ yêu trong Cựu Ước là tình yêu nam nữ cả hồn lẫn xác được đặt tận đỉnh cao của tình thiên tính.

Theo Tân Ước, tình yêu nam nữ chỉ tìm thấy toàn vẹn ý nghĩa và đạt tới sự thật, khi qua hôn nhân bí tích trở thành tình yêu vợ chồng.

Trong thơ gửi tín hữu Ephêsô, thánh Phaolô gọi tình yêu vợ chồng là "huyền nhiệm lớn" (grand mystère). Huyền nhiệm đã kỳ lạ. Huyền nhiệm lớn là kỳ lạ trên sự kỳ lạ (Ep 5,32).

Tình yêu vợ chồng được thánh Phaolô so sánh với tình của Chúa Kytô đối với Giáo Hội. Tình yêu vợ chồng, mà thường tình cho là trần tục, trở thành "kỳ lạ trên sự kỳ lạ" vì được coi như mối tình mầu nhiệm không bao giờ phai, kéo dài vô tận trong thời gian, của "Thiên Chúa làm người", kết hợp với "nhiệm thể" của mình là Giáo Hội (Ep 5, 23-25).

Như vậy, tình yêu vợ chồng trở thành như một trong những trung tâm điểm của đức tin. Nói cách khác, tình yêu vợ chồng khi đạt tới mức "yêu" cũng là một con đường dẫn tới Thiên Chúa, dẫn tới cõi phúc.

Theo Tân Ước, nhiều lần Chúa Kytô đã ví nước Trời như một Tiệc Cưới và tự ví mình như chàng rể (Mt 9,15; 22,1-14; 25,1-13; Ga 3,29).

Chúa Kitô đã giảng về tính chung thủy gắn bó, không có gì có thể phân chia của tình vợ chồng trong hôn nhân bí tích. Theo Phúc Âm của thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã nói: "Vợ chồng không còn là hai mà là một. Những người Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được chia rẽ" (Mat 19,6).

Đối với người đời xưa cũng như đời nay, những lời nói này thật không phải dễ hiểu và dễ chấp nhận. Chính những môn đệ của Chúa Kytô cũng đã thốt lên: "Nếu số phận của người nam phải đối xử với vợ như vậy, thà đừng kết hôn còn hơn". Và Chúa Kytô đã trả lời « Không phải ai cũng hiểu được. Chỉ có kẻ Chúa cho hiểu mới hiểu" (Mat 19, 10-11).

3. Yêu người yêu Chúa, phụng ca một bài

"Thiên Chúa là Tình yêu", thông điệp của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI ban hành tại Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 25.12.2005, có lẽ đã là cách Chúa cho chúng ta hiểu hơn về tình yêu hôn nhân (eros) toàn vẹn cả hồn lẫn xác, có thể dẫn tới tình yêu bác ái (agape) của Giáo Hội mà đưa ta tới Thiên Chúa, tới cõi phúc.

Yêu chồng, yêu vợ mặn mà

Yêu người yêu Chúa, cùng là bài ca.

Vợ chồng "nhất thể" đôi ta

Yêu người yêu Chúa, phụng ca một bài

Thông điệp được chia làm hai phần. Phần I nói về "Sự thống nhất của tình yêu trong sáng tạo và lịch sử cứu độ". Phần II nói về "tình yêu bác ái và hoạt động bác ái của Hội Thánh như là một cộng đoàn của tình yêu". Đức ông Giuse Mai Đức Vinh đã tóm tắt thông điệp như sau cho khóa Gặp Gỡ Huấn Luyện Giới Trưởng Thành lần thứ XIII, từ 21 đến 24, tháng 05, năm 2009 tại Orsay, ngoại ô Paris [4]:

Phần I: Đức Thánh Cha xác định một số dữ kiện thiết yếu liên quan đến tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một cách huyền nhiệm và nhưng không. Những dữ kiện đó là:

1. 'Tình yêu' bộc lộ dưới nhiều hình dạng (yêu nước, yêu nghề, yêu bạn bè… yêu Chúa). Nhưng mọi hình dạng đều quy về một tình yêu duy nhất và hoàn toàn trổi vượt, đó là Tình Yêu nơi Thiên Chúa (số 2).

2. Ba hình dạng chính yếu của tình yêu là (số 3):

- ‘tình ái’ (eros): tức là tình yêu giữa một người nam và một người nữ. Trong Tân Ước ít nói đến dạng thức tình yêu này

- ‘tình bạn’ (Philia): tức tình yêu bằng hữu giữa người này với người khác. Trong Tân Ước, đặc biệt trong Tin Mừng Thánh Gioan nói đến một cách sâu sắc về tình yêu bạn hữu giữa Chúa Giêsu và các môn đệ (x Ga 15 tt).

- ‘tình bác ái’ (Agape): tức là tình yêu có phẩm tính sâu sắc, phổ quát, siêu nhiên, vị tha… Các Tân Ước đều dùng nhiều dạng thức tình yêu này.

3. Đức Thánh Cha nói riêng về ‘tình ái’ (Eros) (số 4-5): Văn hóa Hy lạp đề cao dạng tình yêu này, coi tình yêu này là mãnh lực mạnh nhất (Omnia vincit amor, et nos cedamus amori). Nhiều tôn giáo ‘suy tôn khả năng sinh sản’, ‘tục mại dâm thiêng liêng trong các đền thờ’ đều coi tình ái như một thứ quyền lực thiêng liêng, ngang hàng với Thiên Chúa. Cựu Ước cực lực chống lại chủ trương trên đây của tôn giáo này, coi đó là tiêu biểu cho một cám dỗ chống lại đức tin độc thần và chống lại nó như một hình thái sa đọa tôn giáo. Tuy nhiên Cựu Ước không hề loại bỏ tình ái (eros) đúng nghĩa… Vì khi được uốn nắn và thanh luyện, tình ái dẫn con người đến gần với Thiên Chúa… Khi nói về tình ái (eros), người ta nghĩ đến thân xác, đến dục tính… và người ta chỉ trích Kitô Giáo trong quá khứ, đã coi thường và khinh bỉ thân xác và dục tính... Tuy nhiên, phải khẳng định: lối tôn sùng thân xác ngày nay là một sai lầm, vì nó đã biến thân xác và tình dục thành đồ vật mua bán, và chính con người cũng trở thành ‘món hàng’ thương mại (số 4-5).

4. Ngài cũng nói riêng về ‘tình bác ái’ (Agape) tiêu biểu cho ý niệm tình yêu trong Thánh Kinh. Tình bác ái (agape) và tình ái (eros) không tách rời nhau hoàn toàn, nhưng tình bác ái (agape) vượt lên trên tình ái (eros), thay vì tình ái ích kỷ, chỉ đi kiếm ‘điều lợi cho mình’, thì tình bác ái (agape) lo tìm điều tốt, điều lợi cho người mình yêu, nó sẵn sàng từ bỏ và chấp nhận hy sinh. Nói cách khác, tình ái (eros) là tình yêu ‘trần thế’ (mondain), còn tình bác ái (agape) là tình yêu lấy đức tin làm cơ sở. Tình ái (eros) thì hẹp hòi, tạm bợ, còn tình bác ái (agape) rộng mở và lâu bền. Tình bác ái (agape) chính là tình ái (eros) được siêu nhiên hóa, nhân bản hóa, được mở rộng cho mọi người và đến với mọi người… như giáo huấn của thánh Phaolô: "Ai kết hợp với Chúa Giêsu (eros), thì trở nên cùng một thần trí với Ngài (agape)" (1Cr6,17). Sau cùng tình bác ái (agape) diễn tả huyền nhiệm của bí tích Thánh Thể, trong đó Chúa Giêsu hoàn toàn hiến thân (agape) cho nhân loại… (số 6-11)

5. Chúa Giêsu, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa: ‘Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa yêu chúng ta trước và đã ban Đức Giêsu, con chí ái của Ngài cho chúng ta. Do đó, Chúa Giêsu là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa giữa chúng ta (tam cùng với chúng ta): cùng sống, cùng hoạt động và cùng yêu với chúng ta… Và như vậy, Thiên Chúa gia tăng niềm vui, Thiên Chúa trở thành niềm vui cho chúng ta… Niềm vui này chúng ta có thể múc lấy mỗi ngày nơi Bí Tích thánh Thể… và như vậy, vì yêu chúng ta, ‘Thiên Chúa trở nên tất cả trong mọi sự’ (1Cr 15,28) cho chúng ta. Đó là tình yêu Agape tuyệt hảo! (số 12-18)

Phần II: Đức Thánh Cha nói về những thể hiện tình bác ái (agape) cụ thể trong Hội Thánh, theo giới răn ‘yêu thương người ta như chính mình’ (Mc 15, 31). Dĩ nhiên không thể nói hết, Đức Thánh Cha chỉ ‘nói đến một số yếu tố căn bản để khơi dậy trong thế giới một năng động mới mẻ mà con người hay chính Giáo Hội phải thực hiện hầu đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa’. Vì thế, Giáo Hội là một Cộng đồng yêu thương, thể hiện tình yêu. Đức Thánh Cha nêu bật những điểm sau đây:

1. Hoạt động bác ái của Hội Thánh là thể hiện tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi: Vì thế thánh Aucơtinh viết: "Tìm thấy tình bác ái (agape) là nhìn thấy Thiên Chúa Ba Ngôi" (19).

2. Bác ái là nhiệm vụ của Hội Thánh (20-25):

- Bác ái là nhiệm vụ của mỗi tín hữu, nhưng cũng là nhiệm vụ của toàn thể cộng đoàn Giáo Hội, từ cộng đoàn địa phương, đến Giáo Hội địa phương, và đến Giáo Hội hoàn vũ. Giáo Hội đã ý thức nhiệm vụ này ngay từ buổi đầu: ‘Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, để mọi sự làm của chung… (Cv 2,44-45). Theo thánh Luca, những yếu tố cấu thành của Hội Thánh bấy giờ là: Lời rao giảng của các tông đồ, hiệp thông, bẻ bánh, cầu nguyện (số 20).

- Hoạt động bác ái đòi hỏi những thừa tác mới: chức phó tế (diaconia) (Cv 6,5-6) phụ tá các tông đồ trong việc ‘phục vụ việc cầu nguyện, phục vụ Lời Chúa, phục vụ bàn ăn’ (Cv 6,1-6) (21).

- Ba hoạt động, ba nhiệm vụ: Tiệc Thánh Thể – Tiệc lời Chúa – Hoạt động bác ái (agape): lo cho quả phụ, trẻ mồ côi, bệnh nhân, tù đầy… (số 22). Nói cách khác, bản tính xâu xa nhất của Hội Thánh được diễn tả qua ba nhiệm vụ: Loan báo lời của Thiên Chúa (Kerygma-martyria), cử hành các Bí tích (leitourgia), và thi hành tác vụ bác ái (diakonia) (số 23-24).

- Ba nhiệm vụ bổ túc cho nhau, gắn liền với nhau làm cho Hội Thánh trở thành gia đình của Thiên Chúa, đại gia đình đức tin (Gl 6,10) (số 25).

3. Bác ái không đủ, còn phải có công bằng: từ thế kỷ XIX, người ta chống lại hoạt động bác ái của Hội Thánh, nhất là thuyết Maxít, người ta bảo: người nghèo không cần đến bác ái nhưng cần công bằng…

- Vì thế Giáo Hội ra các thông điệp xã hội: Đức Lêo ‘Rerum Novarum’961), (1891), Piô XI ‘Quadragesimo Anno’ (1931), Gioan XXIII ‘Mater et Magistra’, Phaolô VI ‘Populorum’ (1967), Octogesima Adveniens’ (1971), Gioan Phaolô II ‘Laborem Exercens’ (1981), ‘Sollicitudo Rei Socialis’ (1987). Hội Đồng Công Lý Hòa Bình ‘Cuốn tóm lược giáo huấn xã hội của Hội Thánh’ (2004).

- a) Công bằng (justitia): Nguyên tắc ‘Công bằng xã hội’: Của Xêsa trả cho Xêsa, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa (Mt 22,21). Giáo Hội và Quốc Gia vừa tách biệt vừa tương quan với nhau… theo những xác định của Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Mục Vụ (GS 74, 68, 42) (số 28).

- Về ‘công bằng xã hội’, Hội Thánh không thay thế chính trị hay chính quyền, nhưng Hội Thánh không đứng ngoài lề cuộc đấu tranh cho công bằng.

- b) Tình yêu (Caritas) luôn là cốt lõi của xã hội, dù là xã hội công bằng nhất. Vì thế một xã hội, một quốc gia hay một khuynh hướng muốn loại bỏ tình yêu,… là loại bỏ chính con người. Con người không chỉ sống bằng cơm bánh… Phục vụ con người không phải chỉ chăm lo về thân xác, nhưng còn cả về tinh thần, bồi dưỡng con người không chỉ bằng những yếu tố vật chất, nhưng còn bằng những yếu tố tinh thần… Vật chất hay tinh thần đều sắc đọng trong TÌNH YÊU.

- Tuy nhiên việc hình thành các cơ cấu công bằng không trực tiếp là nhiệm vụ của Hội Thánh, nhưng thuộc lãnh vực chính trị, lãnh vực Quốc gia hay Nhà Nước (luật pháp, kinh tế, xã hội, hành chánh, nghiệp đoàn…). Với tư cách công dân, người tín hữu có bổn phận hợp tác và tuân thủ đúng đắn…

- Mặt khác các tổ chức bác ái của Hội Thánh làm thành một công trình riêng (opus proprium), và hoạt động ngay giữa lòng quốc gia, xã hội. Hội Thánh không bao giờ được miễn trừ hoạt động bác ái, trong mọi hoàn cảnh, việc bác ái của người tín hữu luôn là cần thiết (số 29).

4. Nhiều cơ cấu bác ái trong xã hội hiện nay: Vài nét tổng quát của cuộc tranh đấu công bằng và tình yêu hiện nay trên thế giới:

a) Phương tiện truyền thông thu hẹp trái đất, dù có hiểu lầm và căng thẳng, nhưng tin tức mau lẹ, giúp đỡ liên đới mau chóng (động đất, tai uơng…). Một bằng chứng tích cực về tiến trình toàn cầu hóa: Nhờ phương tiện truyền thông, khoảng cách giữa con người không còn nữa, những hoạt động bác ái có thể và phải bao gồm mọi người và mọi nhu cầu.

b) Bối cảnh xã hội và chính trị hiện nay đã khai sinh và tăng trưởng nhiều hình thức thiện nguyện (quốc gia, Giáo Hội, tư nhân) và nhiều hình thức cộng tác giữa các Quốc gia và các cơ quan từ thiện của Giáo Hội với dồi dào kết quả. Với sứ mệnh làm chứng về Tình Yêu Thiên Chúa, tổ chức bác ái của Giáo Hội đem phẩm tính Kitô giáo cho các tổ chức của chính phủ hay của tư nhân, ngược lại các tổ chức của quốc gia giúp tổ chức của Hội Thánh có thêm phương tiện và hiệu lực…

5. Khía cạnh riêng biệt của hoạt động bác ái của Hội Thánh (31).

- Nguồn gốc: Thiên Chúa là tình yêu… (1Ga 4,8); Yêu thương người khác như chính mình… (Mc 12,31). Tám mối phúc thật… (Mt 4,3-12). Xét xử theo luật bác ái (Mt 25,31).

- Tổ chức Caritas quốc tế hiện nay… quy tụ cơ cấu, tài lực, nhân sự, phương án…

- Hoạt động bác ái Kitô giáo phải độc lập với các phe nhóm và ý thức hệ… Hoạt động bác ái phải thể hiện tình liên đới và hiệp nhất giữa cá nhân, trong cộng đoàn, ngoài xã hội…

- Hoạt động bác ái không được xử dụng như kế hoạch chiêu dụ tín đồ… (31)

6. Những ngưòi chịu trách nhiệm về hoạt động bác ái của Hội Thánh.

- Là chính Hội Thánh, cụ thể từ thời Đức Phaolô VI là Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm (Cor Unum). (x. Giáo luật Đ 394). Luôn nhân danh Giáo Hội, luôn phải có sự phối hợp theo cấp bậc hoạt động (32).

- Không lấy cảm hứng từ các ý thức hệ với mục tiêu là cải tiến trần gian, nhưng luôn luôn ‘tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta’ (2Cr5,14) (33).

- Không thể không cộng tác với các tổ chức khác… tuy nhiên luôn giữ vững căn tính ‘tình yêu Chúa thúc đẩy chúng ta…’ (34)

- Phải phục vụ trong khiêm tốn… ‘chúng ta chỉ là đầy tớ vô dụng’ (Lc 17,10) (35).

- Cần giữ quân bình giữa hai cực đoan: - tham vọng muốn làm hết, làm ngay, không đo sức mình… - cám dỗ đầu hàng, khoanh tay… (36)

- Yếu tố giúp giữ quân bình: lòng đạo đức, việc cầu nguyện (gương chân phước Têrêsa Calcutta) (số 36-37). Cầu nguyện để ‘giải tỏa’ những thắc mắc theo kiểu ông Gióp (xG 23,3+5-6+15-16), lời than của chính Chúa Giêsu trên Thánh Giá (Mt 27,46), lời sách Khải Huyền (kh 6,10)… và để giữ vững niềm tin, đức cậy và lòng bác ái (số 38-39).

LỜI KẾT

Văn hóa Việt Nam ghi khắc gì về tình yêu vợ chồng? Đức tin Công Giáo trao cho tình yêu vợ chồng sứ mệnh gì? Tuyệt đỉnh của sứ mệnh tình yêu vợ chồng Công Giáo đưa về đâu?

Về câu hỏi thứ nhất, chúng ta đã tìm được câu trả lời của văn hào Nguyễn Du rằng: "Tu là cõi phúc, tình là giây oan". Văn chương bình dân Việt Nam rất phong phú về tình yêu trai gái và tình yêu thân xác. Văn chương truyền thống tam giáo Lão, Phật, Khổng, thì hoặc là không nói đến tình yêu vợ chồng, hoặc là nói đến như một nhân duyên của cõi vô thường, hoặc nói đến những ngũ luân ngũ thường như những luật lệ để đối xử với nhau, hầu giữ gìn tôn ti trật tự trong gia đình và ngoài xã hội; còn tình yêu vợ chồng, thì đó chỉ là lẽ tự nhiên của trời đất, nguồn gốc đến từ hấp lực đực cái, giống như các sinh vật khác, nhưng phải được giáo hóa để đi vào khuôn khổ luân thường.

Về câu hỏi thứ hai, bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái đã trả lời thay cho chúng ta rằng: "Yêu là cõi phúc, đền nghì tình Ai", vì tình yêu vợ chồng là một bí tích trao truyền lại cho thế giới hữu hình cái mầu nhiệm vô hình được che đậy nơi Thiên Chúa từ đời đời. Đó là mầu nhiệm về chân lý và về tình yêu, mầu nhiệm của cuộc sống thiên tính, mà loài người được thực sự chia phần. Mầu nhiệm đó là mầu nhiệm "Thiên Chúa là Tình Yêu", yêu bất chấp sự đau khổ và sự chết. Tình yêu vợ chồng, khi đạt tới mức yêu, cũng là một con đường dẫn tới cõi phúc, yêu để đền nghì tình Chúa yêu ta (Ai là Thiên Chúa).

Trả lời câu hỏi thứ ba, chúng ta đã tìm được cánh cửa đức tin mở lối qua thông điệp "Thiên Chúa là Tình yêu" của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, giúp ta hiểu rằng tuyệt đỉnh của sứ mệnh tình yêu đầy đủ hồn xác của bí tích vợ chồng Công Giáo đưa ta từ tình yêu người bạn đời đến tình yêu mọi người và đến đáp trả tình yêu Thiên Chúa, mà chúng ta tóm gọn trong bốn câu thơ:

Yêu chồng, yêu vợ mặn mà

Yêu người yêu Chúa, cùng là bài ca.

Vợ chồng "nhất thể" đôi ta

Yêu người yêu Chúa, phụng ca một bài

Tình yêu vợ chồng, đầy đủ hồn xác, đưa ta đến hạnh phúc, đến tình yêu bác ái với mọi người và đến tình yêu Thiên Chúa. Điều này cũng dễ hiểu, vì tình yêu vợ chồng đầy đủ hồn xác là một tình yêu toàn diện, là một dâng hiến về thân xác, một hiệp thông về tình cảm, một tha thứ chịu đựng theo lý trí, một hòa thuận theo ý chí và một tâm tình kính yêu của con tim. Tất cả tình yêu vợ chồng toàn diện này, cũng như tất cả các tình yêu bác ái với mọi người, tình yêu với Thiên Chúa đều là bài ca, một bài ca phụng tự. Tình yêu vợ chồng toàn diện này, nói theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là "Bí tích các thân xác", "bí tích trọng đại", "không chia cắt điều Chúa đã nối kết" và là "Ơn gọi các thân xác" [5].

Paris, ngày 30 tháng 03 năm 2014

Ghi chú:

1. ĐGH Bênêđictô XVI, Thiên Chúa là Tình yêu, 2005, số 2.

2. Nguyễn Văn Ái: Chữ tình và chữ yêu; trong "Đường vào tình yêu", Giáo Xứ Việt Nam Paris, 2000, tr. 255-265).

3. Ibidem.

4. Lm Mai Đức Vinh: Tìm hiểu thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu; trong Trần Văn Cảnh: Công Giáo Việt Nam tại Pháp, 226 năm hành trình Đức Tin, 1784-2010; 2011, tr. 164-170

5. Yves Semen, La Spiritualité conjugale selon Jean-Paul II, Ed. Presse de la Renaissance, Paris 2010, pp. 55-67.



 
Cứu-Chuộc - Nhờ tình Thương-yêu Công-chính
Mai Tá
19:59 26/06/2014
Chương Bốn: Cứu-Chuộc nhờ tình Thương-yêu Công-chính
(bài 21)

Phần 2: Ơn Cứu-Chuộc và lời cầu Chúa xót thương

Tham dự Tiệc Thánh, ta thường dâng lên Chúa lời kinh mai như sau:

“Lạy Chúa, xin dủ tình thương xót chúng con,
“Lạy Đức Kitô, xin dủ tình thương xót chúng con.”

Với từ-điển Oxford khổ nhỏ, lòng xót thương đã được định nghĩa, như sau:

“Xót thương là: lòng trắc-ẩn độ-lượng vẫn phú ban cho người không quyền-lực, đặc biệt là những người phạm lỗi, hoặc ai đó, tuy không đòi hỏi nhưng vẫn được đối-xử tử-tế tốt-lành, cả vào trường-hợp có sự cung-kính rất trông mong.”

Vì trông mong, nên người người vẫn tự đặt mình luôn sẵn-sàng hứng-nhận lòng từ-bi, trắc-ẩn từ Đức Chúa với lòng tin-tưởng vượt bực, như kẻ phạm lỗi trước phiên toà xét xử về sự công-bằng nơi nhân-loại. Từ-vựng “Mercy” bên tiếng Anh, xem ra như còn đề-nghị nhiều điều vượt cả sự công-minh/chính-trực, vượt lằn ranh giới-hạn tình xót-thương bình-thường, nữa. Nơi phụng-vụ, ta còn nghe biết lời cầu Chúa xót-thương, như ở câu: “Lạy Thánh-Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con!” Thương xót đây, mang ý-nghĩa một đợi-trông rất cẩn-trọng. Cẩn-trọng để Chúa xót-thương những người cầu-khấn được miễn-chuẩn, không đòi phải sống tốt đạo/đẹp đời, mới được thế.

Ở Sách-Thánh, từ-vựng “xót thương”, cũng ít thấy. Đúng hơn, ta chỉ thấy sự tin-tưởng trọn-vẹn vào Đức Chúa, là Đấng thương-yêu con người vẫn rất mực. Và, Ngài sẽ còn yêu-thương ta mãi đến muôn thuở, muôn đời. Với Thánh vịnh 25, người cầu-khấn vẫn đưa vào lời kinh đêm, những câu nói thân thương, như sau:

“Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài từng biểu-lộ từ muôn thuở muôn đời.” (Tv 25: 6)

Xem thế thì, đây là chuyện Chúa vẫn gần cận, thân thương với con người. Ngài vẫn tỏ lòng từ-ái thủy-chung với họ từ ngàn đời; và lòng nhân-ái ấy sẽ còn kéo dài mãi đến thiên-thu. Nơi lời kinh đêm hôm trước, người người lại vẫn dâng lên Chúa lời cầu-khấn thân-thương, như sau:

“Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng” (Tv 25: 7).
Lầm lỡ/trót dại thời son trẻ, thật ra chỉ là đốm sáng hiện trên màn hình của thời bé bỏng đã qua trong dĩ-vãng, không thể nào khiến Chúa bận-tâm chia-trí, hoặc lo ra được. Bởi thế nên, lời kinh hôm nào lại vẫn nhắc:

“Xin Ngài đừng nhớ đến những lỗi/tội con trót phạm,
nhưng hãy lấy tình thương-yêu mà nhớ đến con cùng.”

Tình thương đây, tiếng Do-thái gọi là “hesed”, tức lòng từ-ái, mẫn-cảm kéo dài đến thiên-thu, vạn-đại. Tiếng Aram xưa, gọi đó là “rahamim”. Còn tiếng La-tinh, lại dịch là lòng mẫn-cảm đầy thương-xót. Sách thánh bản Vulgata có chữ “Douai” ý nói lòng trắc-ẩn, độ-lượng. Tiếng Do-thái sử-dụng từ-vựng này ở số nhiều, là do từ thuở ban-sơ thời nguyên-thủy đã có từ-vựng mang nhiều nghĩa, như: tình dịu hiền êm ả, sự tử-tế tốt-lành, lòng mến-thương độ-lượng, nhiều trắc-ẩn. Thế nên, từ-vựng “Mercy” ở tiếng Anh không bao-hàm nhiều nghĩa đến độ thế.

Một số dịch-giả Kinh thánh bản 70, khi xưa cũng tìm cách dịch chữ “oiktimoi” ở tiếng Hy-Lạp cho đúng văn-bản gốc, nhưng bản dịch chính lại ghi là “lòng dạ đầy trắc-ẩn”. Thánh-vịnh lại có câu: “Hãy đem nó vào lòng dạ xót-thương đầy trắc-ẩn”. Tác-giả Tyndale gọi đó là “lòng trắc-ẩn dịu êm”. Còn, thánh Giacôbê khi trước, lại nói đến đặc-tính cảm-thông từ Đức Chúa. Nên hỏi rằng, thật ra thì lời kinh hôm dâng Chúa ở Tiệc Thánh như câu: Kyrie Eleison, Christe Eleison thật ra mang ý-nghĩa gì?


Tình-yêu
Qua kinh-nghiệm chú-giải
của Lm Christian Duquoc, o.p.

Những điều nhắc đến ở trên, có nói về tình thương-yêu cách chung chung, hoặc có bàn về loại-hình mến-mộ Chúa vẫn tỏ-lộ cho con người, chứ? Phải chăng, ta có nói cho nhiều, cũng diễn-tả không đủ tình Chúa thương-yêu con người và sự công-minh Ngài vẫn có, đúng thật là một, ư? Nhưng vấn-đề là hỏi rằng: làm sao lại như thế?

Lm Christian Duquoc o.p. cũng từng đặt câu hỏi: Đức Giêsu là Ai? Ngài thương-yêu con người đến độ nào?

Đức Giêsu xưa vẫn phán: thời buổi đã mãn. Thế nên, ngay từ đầu, Ngài cũng không đặt nặng những gì tuỳ-thuộc vào “thời buổi” theo hướng cơm-áo-gạo-tiền, hoặc theo nghĩa chính-trị và quyền-bính nơi đạo-giáo -như trình-thuật cơn cám-dỗ đầu lúc Chúa khởi sự cuộc sống công-khai đời rao giảng. Buổi đầu đời, Ngài không nhấn mạnh đến những gì khả dĩ khiến ta làm lại cuộc sống; hoặc: cải-thiện lịch-sử cách triệt-để, nào hết. Ngài cũng chẳng nối-kết với bất cứ đường-lối diễn-giải lịch-sử nào hết. Giả như ta nhận ra những điều như thế về Đức Giêsu, hẳn ta cũng không còn cách nào sử-dụng viễn-ảnh lịch-sử như đường lối chính-thức để hiểu rõ Ngài. Ta cũng chẳng tài nào hiểu được ý-nghĩa của sự việc giải-phóng hoặc chính đạo-giáo nữa. Điều này có ý bảo: Đức Giêsu đã tách rời khỏi mọi thứ đạo-giáo, hoặc theo cung-cách lịch-sử từng nhận-thức và thực-hiện, cho đến nay. Các phòng-trào này/khác ở lịch-sử hoặc đạo-giáo, vẫn chỉ tương-đối, thôi. Tương-đối, cả về thành-quả lẫn thất bại. Thiên-Chúa là Đấng siêu-việt, Ngài khác hẳn mọi thứ như thế. Do khác biệt, nên Ngài có khả-năng ở với nhân-loại cả vào lúc con người thành-công lẫn thất-bại. Mà, Ngài cũng chẳng cần dựa vào thành-quả hoặc thất-bại để đánh-giá con người. Ngài ở với con người, cả trong bản-chất rất thường tình của họ, chẳng cần họ thành-công hay thất-bại.

Đức Giêsu lâu nay sống-thực bằng nhận-thức rằng: tất cả những gì diễn-tiến trong lịch-sử và cuộc sống con người, và Ngài coi đó như những “mảnh vụn nhỏ”, tức một thứ gì đó không hoàn-tất. Ta nói thế, vì con người không biết đó là thứ gì, bởi ta không thấy và cũng chẳng nắm bắt được phần tổng-thể của những thứ như thế. Trong khi đó, Chúa lại trực-tiếp có cảm-quan về một Thiên-Chúa rất khác-biệt. Ngài có trực-cảm là ta phải làm sao để các mảnh vụn vẫn cứ là mảnh vụn. Ta không có khả năng tạo quan-niệm hoặc hoàn-tất “tổng-thể” ấy hầu để nó ăn khớp với những mảnh vụn như thế; và làm như thế mới tạo được ý-nghĩa cho mọi sự. Ta phải sống sao không cần đến những đó. Và, ta còn phải từ-bỏ lối sống kết-tụ không-tưởng đầy ngẫu-hứng giống như thế.

Đức Giêsu, thật ra, Ngài không muốn áp-đặt bất cứ hình-thức xã-hội hoặc mẫu-mực nào về chính-trị, đạo-giáo hoặc loại hình biến-đổi thiên-nhiên, hết. Bởi làm như thế, tức là ta đã chống lại nhận-thức về “mảnh vụn”.

Đức Giêsu từng học hỏi kinh-nghiệm sống tình-yêu bí-nhiệm ở trong và về các “mảnh vụn” thấp-hèn và thô-thiển, vốn dĩ không thể trở thành tổng-thể hoặc thành-phần tổng-thể ấy. Đó chính là “tình yêu” đơn thuần, bởi chỉ có tình-yêu mới tôn-trọng bản-chất đích-thực của “mảnh vụn nhỏ”. Đây, rõ ràng là sự độ-lượng nơi Tình Chúa thương-yêu ta.

Hồng-phúc an-lạc, diễn-tả uy-lực biến-đổi đang gần cận bên ta –nơi thế-giới gồm những “mảnh vụn nhỏ” có sự độ-lượng được kề-cận Chúa- vốn dĩ gắn liền vào sự thấp-hèn và thô-thiển. Lịch-sử cần gần-cận, chứ thật ra không là diễn-giải, phát xuất từ điểm tới của những yếu kém này.

Chính các “nơi” này, đích-thực là nơi dấy lên một sự sống vượt khỏi mọi khinh-miệt và bao-lực từ hệ-thống quyền-lực. Chính bằng việc tham-gia vào sự thể như thế, nên các cộng-đoàn tín-hữu của Chúa Kitô có thể gia-nhập Vương-Quốc Nước Trời như Lời Ngài diễn-tả ở Tin Mừng hoặc gia-nhập vào công-cuộc Tạo-dựng mới, như thánh Phaolô từng xác-quyết.

Là tín-hữu Đức Kitô, không có nghĩa là sống thụ-động, mà là khẳng-định một cách chủ-động niềm tin của mình rằng mỗi biến-cố lịch-sử đã trở thành thời-điểm cho niềm hy-vọng có sự hiện-diện của Chúa ở trong và ở với những gì là thô-thiển, thấp hèn. Theo nghĩa Chúa diễn-tả, thì những gì cần được bênh-vực/biện hộ không là lối ra từ thế-giới có nền lịch-sử và chính-trị thực-thụ, mà là sự gián-đoạn khỏi tầm nhìn của chính nó.

Ơn Cứu-Chuộc thành-toàn không phải chỉ nhờ duy có sự Thương khó mà thôi –mà sự Thương-khó của Đức Giêsu là thành-phần phải có trong điều-kiện thống-khổ của nhân-loại- và ngang qua lịch-sử cũng như tất cả những thứ đó có tác-dụng cứu-chuộc con người. Tác-giả Duquoc rất thích cái tiêu-đề do ông chọn khi viết về Ơn Cứu-Chuộc, bởi nó đem lại cho toàn thể lịch-sử cái-gọi-là “Bản Giao-hưởng được diễn tả cách chầm chậm”.

Chú-thích quan trọng:

Tôi vẫn nghĩ: ý-niệm về những “mảnh vụn nhỏ” nói ở trên chợt đến từ triết-học lãng-mạn. Từ cội nguồn, ý-niệm này được sử-dụng theo nghĩa của “Ánh lửa thần-thánh”, sau đó đã trải dài cách rộng rãi. Thoạt đầu, ý-niệm này được bắt gặp từ tư-tưởng đặc-biệt của Kierkegaard, sau đó có Nietzsche và đến thời Simone Weil nó càng hiện rõ hơn chí ít với lập-trường/quan-điểm của Walter Benjamin, nữa. Tác giả Benjamin đây lại cũng nói rằng các “mảnh vụn” lại đã “bão hoà” và “rực sáng” là yếu tố đảm-trách sự vô cùng/vô tận; và niềm hy-vọng thần-thánh về một cứu-chuộc không được “xác-định cho rõ”. Ở đây, tôi thấy có sự kết-nối tư-tưởng với tác giả T.S.Eliot, với Joyce, Kafka, vv...


Phần phụ thêm:

Năm 1999, Lm. Christian Duquoc, o.p. cũng viết một cuốn sách khác có đề-tựa: “Je crois en l’Eglse. Précarie institutionelle de Dieu, Paris, Cerf.

Ở đây nữa, tác-giả vẫn nhấn mạnh lên một điều là: tất cả mọi cơ sở -bất kể họ có tìm cách thực-hiện mọi sự việc tích-cực hay không- đều ra điêu-đứng/khổ sở về hoạt-động khác-thường của các thể-chế, vì họ cố duy-trì tính chính-thống của riêng mình. Điều này được lối biện-luận về chính-kiến mà ta gọi là thần-học, vẫn quan-tâm chứ? Tuy nhiên, sự việc tỏ cho ta thấy Thiên-Chúa hiện-diện ở thế-giới là do Ngài tự quyết-định như thế, và qua đó Ngài xoá bỏ chính mình Ngài nên như vậy. Thể-chế Giáo-hội lại cứ tuyên-bố: mình là chứng-nhân của một Thiên-Chúa như thế. Đúng ra, chỉ có Lời Chúa rất khác-biệt và không tinh-giản được, mới là nguồn-gốc và bảo-chứng cho việc thực sự mở lòng mình ra để trở thành quà-tặng của Thánh Thần Chúa, thôi. Chuyện đạo-đức, nơi Đạo Chúa, không có gì là lạ-lùng hết, nhưng không là trọng-tâm cho các sự-thể ra như thế.



Đức Bênêđíchtô 16
và tông thư Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu

Lâu nay, nhiều người vẫn cố xác-định xem ý-nghĩa xác-thực của ngôn-từ khi định-nghĩa Tình Thương-yêu, như từ-vựng: đức mến thương, tình bằng-hữu, ái-tình, lòng bác-ái, vv.. Thánh Kinh, thường tập-trung vào lời kinh Shema ở sách luật Torah Do-thái trong đó ghi rõ giới-lệnh đầu: “Người phải yêu thương Đức Chúa...” và ở thư thứ nhất chương 13 thánh Phaolô gửi tín-hữu thành Côrintô cũng như thư thứ nhất thánh-sử Gioan đều đề-cập đến Tình-Yêu, như thế.

Qua tông-thư này, Đức Bênêđíchtô 16 bàn về sự khác-biệt từ ngàn xưa giữa từ-vựng Hy-Lạp Eros (Ái-tình) và Agapè (lòng mến-mộ). Eros, là thứ Ái-tình thấy rõ nơi tình yêu-thương nam-nữ đầy dục-tính, cứ vươn cao vươn cao mãi để đạt toại-nguyện cho bằng được. Trong khi đó, Agapè lại trầm xuống, quyết ra ngoài để đến với mọi người, cũng tựa như sự tách-bạch giữa tình-yêu đầy chiếm-hữu với tình thương-yêu mang tính dâng hiến. Từ-vựng Eros, tập-trung vào chính con người mình, còn Agapè lại là thứ tình mến-mộ hướng về người khác, tức tha-nhân. Agapè có đặc-điểm không đòi điều-kiện, là thứ tình thiêng-liêng, vô kỷ.

Đức Bênêđíchtô 16 khẳng-định rằng: bao lâu Eros và Agapè còn kiếm-tìm sự kết-hợp đúng cách nơi thực-thể là tình-yêu đích-thực, thì khi đó bản-chất thực-thụ của tình-yêu mới thành hiện-thực. Các tầm-kích này đều thẩm-nhập vào nhau. Tình-yêu là thực-tại đơn-thuần gồm cả hai tầm-kích như thế.

Agapè tiếng Hy-Lạp, tương đương với từ-vựng “Ahaba” tiếng Do-thái, cả hai đều có nghĩa như một khám-phá thực-thụ về phía bên kia, biết quan-tâm chăm sóc lẫn nhau, vẫn kiếm-tìm sự tốt lành của phía bên kia, tức: của người mình yêu mến. Đó là nhận-định, không theo nghĩa cảm-giác mãnh-liệt, nhưng theo nghĩa cứ xuất-hành về phiá trước mà cho đi và cho mãi để đến với người khác. Chúa thương-yêu chúng ta, là Ngài thương và yêu cùng một kiểu, rất tương-tự. Ở đây, ta lại nhớ về sự-kiện khi xưa triết-gia Aristotle không bao giờ nghĩ là: động-lực ban đầu hoặc nguyên-nhân tiên-quyết dẫn đến việc yêu-thương ta. Người Do-thái dư biết Chúa thương-yêu ta bằng tình-yêu rất “con người”. Ngài thương-yêu ta rất mực, nên Tình-yêu của Ngài còn được gọi là Eros và tình-yêu Ngài hoàn toàn mang tính-chất rất Agapè, nữa. Chúa có mối tình rất nồng-nàn với con dân Ngài. Tình Eros của Chúa đối với con người hoàn-toàn là Agapè. Chúa là người yêu vẫn có nơi Ngài trọn vẹn sự đam-mê của tình-yêu rất thực.

Với tôi, nói thế như thể bảo rằng: việc tháp-nhập tình-yêu đầy tính-chất đam-mê vẫn đi vào tình mến-mộ Agapè của Thiên-Chúa, ít ra là đã cho ta thấy sự công-minh/chính-trực được tháp-ghép vào tình yêu-thương thần-thánh của Thiên-Chúa.

---------------(còn tiếp)
 
Thông Báo
Mời tham dự Triển lãm: ''Mỹ thuật Nhân văn'' tại Saigòn
DominiArt
20:40 26/06/2014
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bông Súng Ao Hạ
Nguyễn Đức Cung
21:32 26/06/2014
BÔNG SÚNG AO HẠ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông súng, nấu chè hột sen.
Anh đi anh nhớ Tháp Mười,
Nhớ kinh Vĩnh Tế, Vía Bà núi Sam.
Nhớ canh bông súng, nhớ nụ cười Mỹ An.
(Ca dao)