Ngày 25-06-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa là sự sống
Jos. Tú Nạc, NMS
06:12 25/06/2009
THIÊN CHÚA LÀ SỰ SỐNG

Chúa Nhật XIII Thường Niên – Năm B (Wisdom 1: 13-15; 2: 23-24; Psalm 30; 2 Corinthians 8: 7, 9, 13-15; Mark 5: 21-43)

Đừng quy trách Thiên Chúa về sự chết. Đó không phải là ý tưởng của Người. Hoặc là vì tác giả Sách Khôn Ngoan đã khẳng định. Đó là một huyển bí hoàn toàn xa lạ, vì mọi sự sống cuối cùng đều phải chết. Đời sống sinh học trải qua trạng thái căn bản của tính chất không đổi của khí trơ và cuối cùng trở về với cát bụi trần gian.

Nhưng thay vì mang đến cho chúng ta một lời khuyên sinh học, Sách Khôn Ngoan biểu đạt điều gì đó quan trọng về Thiên Chúa và sự sống loài người. Nội dung đầu tiên là sự huyền bí vô cùng – sự chết – và sự tác động tiêu cực rằng nó có kế hoạch theo nhận thức của chúng ta. Tại sao một số sự sống lại quá ngắn ngủi và đau thương? Phải chăng có điều gì đó ẩn bên kia cái chết? Cuộc đời có một giai đoạn nhất định của nó?

Sách Khôn Ngoan nhấn mạnh rằng Thiên Chúa thuộc về sự sống và là sự sống duy nhất. Chúng ta không nên suy nghĩ Thiên Chúa bằng những thuật ngữ của chết chóc hoặc cũng không nên coi thế gian được tạo dựng bằng cách đầy sợ hãi hay đối lập. Tất cả những tạo dựng, bao gồm sự sống loài người, đều hoàn thiện. Sự chết không phải là điều gì đó được sáng tạo bởi Thiên Chúa để gây đau khổ và trừng phạt chúng ta. Cái chết mà chúng ta trải qua không phải là định thái bởi Thiên Chúa đối với chúng ta và cũng không phải là cái gì đó mà Thiên Chúa mong muốn. Ý định của Thiên Chúa là sự sống của con người được chia sẻ bằng những phẩm chất thiêng liêng, cao quí, đặc biệt những gì là bất diệt. Để lãnh nhận điều này, Thiên Chúa đã tạo dựng loài người trong một hình ảnh thiêng liêng và giống như Người. Sự tồn tại đích thực là sống trong sự hiện diện bất biến cùng sự nhận thức về Thiên Chúa.

“Ma quỷ” là địch thủ gây trở ngại điều này: sợ hãi, vị kỷ, ao ước của chúng ta đối với quyền năng, ý thức hiệp thông với tha nhân và Thiên Chúa. Chúng ta bị ngăn cản với sự nhận thức trong sáng bản tính đích thực của chúng ta và sự kết thúc được định trước của Thiên Chúa đối với chúng ta nên chúng ta vẫn sống trong sợ hãi của cái chết theo khái niệm sinh học và tuyệt vọng. Sách Khôn Ngoan mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn vượt qua những trải nghiệm thiển cận của riêng mình để hướng tới chân trời xa xôi nơi duy nhất của sự sống – Thiên Chúa – được tìm thấy. Thiên Chúa đã hoạch định những những việc vĩ đại, cao cả cho chúng ta vượt lên trên cái chết.

Không có gì mới mẻ về sự tăng trưởng nguồn tài chính thuộc giáo hội mà thánh Phaolô đã tham gia một cách sành sỏi. Ông phát động ngân sách từ cộng đồng Corintô để ủng hộ giáo hội ở Jerusalem. Đó là một ý tưởng thú vị mà ông đã sử dụng những nguyên tắc tinh thần để đưa ra những cuộc quyên góp trong đám cử tọa của mình. Việc này thể hiện sự quan tâm đến sự cân bằng và chia sẻ, ông cố gắng, và điển hình hoàn thiện bao dung như vậy là hiện thân của Chúa Giêsu. Người sẵn sang đặt sang một bên mọi thứ vì sự thịnh vượng của tha nhân, và các môn đệ của Người cũng vậy. Lòng tự nguyện nhiệt thành chia sẻ với tha nhân sự độ lượng và yêu mến là cách để chúng ta noi gương và phản hồi hình ảnh Thiên Chúa. Giữa lúc những khó khăn kinh tế của chúng ta thì đây là ý tưởng tinh thần đạo đức đề bước theo. Những khó khăn trong thời đại của chúng ta là một thử thách, một cuộc thử nghiệm sức chịu đựng tinh thần.

Những câu chuyện trong Tin Mừng đã chứng minh một cách cụ thể về những giá trị ban sự sống của Thiên Chúa và chúng được biểu thị đầy quyền năng trong con người cùng sự cứu giúp của Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu khởi đầu một sứ vụ chữa lành bệnh trên đường tới nhà của Jairus, chuyến đi của Người bị gián đoạn bởi bất ngờ gặp một phụ nữ bị băng huyết kinh niên. Nệ hình thức, bà bị coi là một người dơ bẩn. Và sự dơ bẩn này, khi bà sờ vào bất cứ thứ gì thì đều bị người ta thay đổi. Nhưng bà không nản lòng bởi sự sợ hãi chê bai, khinh tởm của văn hóa, xã hội, và những tập tục tôn giáo của bà, và sợ hãi sự từ chối của Chúa Giêsu. Với đức tin và hy vọng tràn đầy, bà chỉ cố gắng để được sờ vào gấu áo khoác của Người – đó sẽ là đủ để lành bệnh. Chiếc áo của Thiên Chúa không có một phép thuật nào. Đó là niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa của bà đã cho bà khỏi bệnh. Nhẫn nại, hy vọng và đức tin là ấn tượng hữu hiệu.

Người tới nhà Jairus thì đứa con gái đã chết. Chúa Giêsu bị vây quanh bởi những tiếng than khóc. Quả quyết của Người rằng cô bé chỉ đang ngủ liền được chào đón bằng những lời nhạo báng, gièm pha. Họ không có đức tin và lúc này cô bé cũng không ở vị trí biểu lộ đức tin nên Chúa Giêsu đã phải giải thích bằng cách đầy ấn tượng rằng Thiên Chúa duy nhất quan tâm đến sự sống. Một cái nắm tay và một lời thỉnh cầu đủ để kéo cô bé trở lại vùng đất của sự sống.

Duy có sự hiện diện của Thiên Chúa đủ để làm dịu bớt nỗi đau và bỏ qua ẩn khuất của sự chết. Nỗi thống khổ của nhân loại không phải do ý định của Thiên Chúa. Đức tin và tính can đảm có thể liên kết chúng ta với sự sống của Thiên Chúa, trong lúc sự ngờ vực, thiếu đức tin là những yếu tố dẫn đến thất bại, bất thành.

Nguồn: Regis College – The School of Theology
 
Đức Kitô là nguồn sống
Đinh Lập Liễm
10:35 25/06/2009
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN B

ĐỨC KITÔ LÀ NGUỒN SỐNG

+++

A. DẪN NHẬP

Sách Thánh dạy chúng ta: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài” để con người được tham dự vào sự sống vĩnh cửu, nhưng chương trình ấy đã bị phá vỡ bởi tội lỗi con người, và từ đó sự chết đã nhập vào thế gian khiến con người phải chết (Kn 1,13-15). Ngoài ra, con người còn phải chịu nhiều đau khổ như bệnh tật, thiên tai, hận thù, chiến tranh, chém giết nhau... Chúng rình rập chúng ta như săn đuổi con mồi, hòng chộp bắt chúng ta, đánh qụy chúng ta và sớm đẩy chúng ta xuống mồ.

Nhưng sách Khôn ngoan hôm nay dạy chúng ta: ”Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi kẻ sống phải chết”(Kn 1,13). Ngài muốn cứu sống chúng ta, đem lại hạnh phúc và bình an cho chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta biết tin tưởng và kêu cầu Ngài thì được Ngài cứu sống (Đáp ca: Tv 29).

Chúa sẽ nghe lời chúng ta kêu cầu nhưng đòi hỏi chúng ta phải đặt hết niềm tin vào Ngài và cộng tác với ơn Ngài theo gương người đàn bà băng huyết và ông trưởng hội đường Giairô trong bài Tin mừng hôm nay. Ngoài ra, chúng ta cần có thái độ tích cực và khôn ngoan trước những đau khổ, trước những gian nan thử thách mà Chúa gửi đến cho chúng ta: ”Ông đừng sợ, hãy vững tin”(Mc 5,36).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Kn 1,13-15; 2,23-24

Sách Khôn ngoan được soạn vào khoảng thế kỷ I trước công nguyên. Tác giả là một người rất ư lạc quan. Dưới con mắt của ông, Tạo hoá mong muốn mọi sự tồn tại và danh dự của Ngài không cho phép cái chết thắng sự sống. Mọi sự có lẽ sẽ hài hoà nếu tội lỗi không xen vào chương trình sáng tạo để làm nó bị lạc hướng và dẫn nó đến cái chết, bởi vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, để cho loài người được sống vĩnh viễn.

Để giải quyết vấn đề do cái chết đặt ra, tác giả bèn liên kết cái chết thể xác với cái chết tinh thần: sở dĩ có sự chết là do tội lỗi mà ra. Tuy nhiên, cái chết thể xác nằm trong viễn tượng Phục sinh, vì nó sẽ khai mở tới sự sống đời đời.

+ Bài đọc 2: 2Cr 8,7-9.13-15.

Lúc ấy cộng đoàn Giêrusalem đang gặp nạn đói, thánh Phaolô đang tổ chức một cuộc lạc quyên để giúp đỡ cộng đoàn này. Để thuyết phục tín hữu tích cực tham gia đóng góp, Ngài đã đưa ra gương sáng của Đức Giêsu Kitô, Đấng giầu sang vô cùng, đã tự ý trở nên nghèo khó để làm cho loài người được nên giầu có.

Cuộc lạc quyên này sẽ chứng tỏ sự bình đẳng giữa người Do thái và Hy lạp: người Do thái đã chia sẻ cho người Hy lạp những đặc ân tinh thần, thì cũng là điều bình thường khi người Hy lạp chia sẻ cho người Do thái những may mắn của họ về vật chất trong lúc này. Như thế, sự dư dả của người này bù đáp sự thiếu thốn của người kia. Có như thế,”Kẻ được nhiều cũng không dư, mà kẻ có ít thì cũng không thiếu”.

+ Bài Tin mừng: Mc 5,21-43

Thánh Marcô thuật lại cho chúng ta hai phép lạ có liên quan đến nhau: phép lạ làm cho con gái ông trưởng hội đường Giairô sống lại và phép lạ làm cho người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm được khỏi. Hai phép lạ này gợi cho chúng ta hai điều:

1. Trước hết, hai phép lạ này mạc khải cho chúng ta về lòng nhân hậu của Đức Kitô, khiến không bao giờ cho Ngài được dửng dưng trước đau khổ của người khác. Đồng thời cũng hé mở cho chúng ta về quyền năng phát xuất từ Đức Giêsu: Ngài có thể làm cho khỏi bệnh dễ dàng nhất là làm cho kẻ chết sống lại.

2. Những phép lạ này đòi hỏi đức tin nơi người muốn kêu xin. Đức tin cần thiết biết bao: ”Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”(Mc 5,36). Đức tin của ông Giairô và người đàn bà băng huyết rất lớn: đặt hết tin tưởng vào Đức Kitô. Ngài dùng quyền năng cứu chữa và ban sự sống Ngài mang trong mình cho những ai, dù bề ngoài thất bại cách nào đi nữa, xin thì sẽ được như ý.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Sống trong niềm tin và hy vọng

I. TIN THÌ ĐƯỢC SỐNG

Bài đọc 1 hôm nay nhắc cho chúng ta tư tưởng lạc quan về cuộc sống. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, để con người được tham dự vào sự sống vĩnh cửu, được hạnh phúc đời đời, nhưng con người đã phá vỡ kế hoạch của Thiên Chúa vì phạm tội. Tuy nhiên, Thiên Chúa giầu lòng thương xót sẽ nhận lời những ai thành khẩn kêu xin Ngài (Đáp ca:Tv 29). Tư tưởng này được minh chứng bằng hai phép lạ dưới đây:

1. Chữa người đàn bà băng huyết

Bỏ địa hạt Cêsarê, Đức Giêsu lại trở về Capharnaum. Thấy Ngài trở lại, dân chúng đến đón Ngài rất đông để được nghe giảng và xin phép lạ. Trong số đó, ông trưởng hội đường Giairô có đứa con gái bệnh nặng gần chết. Ông đến xin Ngài đến chữa cho con ông. Ngài nhận lời đi ngay.

Đang trên đường đi đến nhà ông Giairô thì dọc đường có một người đàn bà bị bệnh băng huyết đã 12 năm, không dám đến gần Ngài một cách công khai vì luật lệ cấm ky, vì bệnh băng huyết là một thứ bệnh nhơ nhớp, bệnh nhân không được công khai giao thiệp với dân chúng. Bà lén lút đến đàng sau Đức Giêsu với ý nghĩ rằng miễn sao chạm được vào gấu áo Ngài là khỏi bệnh ngay. Bà đã sờ vào được gấu áo Chúa nên bà cảm thấy lập tức trong mình đã được khỏi bệnh. Đức Giêsu biết rõ sự việc đã xẩy ra và hỏi xem ai đã động đến gấu áo Ngài ? Bà thành thật thú nhận việc đã làm, Đức Giêsu đã yên ủi và khích lệ bà:”Hỡi con, đức tin của con đã chữa con”.

2. Cứu sống con gái ông Giairô

Vừa chữa bệnh cho một người đàn bà bị băng huyết, Đức Giêsu vừa tiếp tục đi tới nhà ông Giairô. Tình cờ người nhà ông đến báo tin con ông đã chết rồi, đừng phiền đến Thầy nữa. Nhưng Đức Giêsu khích lệ ông: ”Đừng sợ, hãy cứ tin”.

Quang cảnh nhà đứa bé thật nhộn nhịp: tiếng khóc của thân nhân cũng như của những người khóc mướn, tiếng trống tiếng kèn, cùng với lời báo tin của người nhà cũng như thái độ cười nhạo của những người chung quanh không tin vào quyền năng của Đức Giêsu cho thấy cô bé đã chết thật. Nhưng ở đây Đức Giêsu lại bảo:”Cô bé không chết đâu, nó ngủ đấy”. Ngài nói thế là vì Ngài muốn tỏ ra rằng Ngài làm cho kẻ chết sống lại dễ dàng như người ngủ thức dậy, để người khó tin được dễ hiểu.

Trước mặt 5 nhân chứng là cha mẹ cô bé và 3 môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan, Đức Giêsu cầm lấy tay cô bé và nói:”Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy”. Và em bé chỗi dậy mạnh khỏe. Ở đây Đức Giêsu tỏ ra có quyền trên sự chết và sự sống. Ngài làm chủ của kẻ sống và kẻ chết.

II. THIÊN CHÚA MUỐN ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA

1. Phép lạ và đức tin

Tất cả các phép lạ Đức Giêsu làm đều có ý khơi dậy lòng tin cho người ta. Không ai có thể chối cãi được những phép lạ Ngài đã làm như chữa bệnh, trừ qủi, dẹp yên sóng gió, làm cho kẻ chết sống lại... Vì những phép lạ này làm công khai trước mặt nhiều người và làm ngay tức khắc nên mọi người phải công nhận. Khi chữa bệnh xong, Đức Giêsu hay nói với bệnh nhân: ”Đức tin của con đã chữa con”.

Còn những nơi người ta không tin Ngài thì Ngài không làm phép lạ, như trường hợp ở quê hương Ngài vì “gần chùa gọi bụt bằng anh”; còn đối với những Luật sĩ và Biệt phái chống đối Ngài thì Ngài cũng không làm phép lạ cho họ. Họ không thật lòng xin Ngài làm phép lạ mà chỉ thách thức Ngài thôi. Nếu không tin, không kêu xin Ngài thì làm gì có phép lạ ?

Người đàn bà bị băng huyết này không dám công khai trực tiếp xin Chúa chữa bệnh cho bà, nhưng bà tự nhủ: ”Tôi chỉ cần sờ vào gấu áo Ngài thì tôi sẽ được khỏi”. Nghĩ thế và bà đã dám làm, bất chấp luật lệ cấm đoán phiền phức và khắt khe. Điều đó chứng tỏ bà đã có đức tin vững mạnh, và thúc đẩy Chúa làm phép lạ. Kết quả là bà đã được như ý khi Chúa nói với bà:”Đức tin của con đã chữa con”.

Trường hợp ông trưởng hội đường Giairô cũng thế. Ông là một người có địa vị và thế giá trong dân. Điều này nói lên việc ông làm có ý thức và có thế giá. Thái độ khiêm nhường của ông trước mặt Đức Giêsu diễn tả niềm tin sâu xa của ông, ông đã qùy mọp xuống dưới chân Chúa và khẩn khoản van xin:”Con bé nhà tôi gần chết rồi, xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống”. Như vậy ông này phải tin Đức Giêsu là ai, có quyền phép thế nào ông ta mới có cử chỉ và thái độ khiêm nhường và kêu xin như thế. Qua thái độ tin tưởng và lời cầu xin ấy, ông đã được toại nguyện.

2. Phép lạ có còn hợp thời không ?

Đứng trước những dữ kiện “phép lạ” Chúa làm mà Tin mừng kể lại, (1/3 của Tin mừng Marcô) chúng ta thấy ngày nay có hai khuynh hướng trái ngược nhau. Một số khoa học gia cho rằng phép lạ chỉ gây rắc rối cho đức tin, dần dần khoa học sẽ giải quyết nhiều bệnh lý. Trái lại, ngày nay, phong trào Thánh Linh đang phát triển mạnh làm cho người ta tin tưởng rằng trong một cộng đoàn có Chúa Thánh Thần hoạt động, phép lạ không còn là một sự phi thường. Kinh nghiệm bản thân và sự quan sát khách quan đã minh chứng điều đó (Theo Sr Briege Mckenna, O.S.C, Des Miracles d’Aujourd’hui).

Sống trong không khí thực nghiệm và duy vật, người ngày nay, cả trong Kitô hữu, có khi là cả tu sĩ hay giáo sĩ, có khuynh hướng muốn phủ nhận phép lạ và chối bỏ các điều mầu nhiệm của đạo.

- Đối với phép lạ, họ cho là nghịch công lệ tự nhiên, trái với sự bất di dịch của Thiên Chúa. Không nghịch, không trái gì hết. Tin phép lạ là tin Thiên Chúa có thể làm được những việc mà không loài thọ tạo nào tự sức mình có thể làm được. Ta hãy nghe nhà văn hào J.J Rousseau nói:”Thiên Chúa có làm được phép lạ không ? Nghĩa là Ngài có thể làm khác với các định luật Ngài lập không? Câu hỏi ấy mà có ý đặt ra thực, thì quả là ngạo mạn, nếu không là vô lý. Đối với kẻ trả lời rằng không, thì phạt nó còn là quá hân hạnh cho nó, hạng ấy cứ giam vào ngục là xong”.

- Đối với các mầu nhiệm, họ bảo người tin có mầu nhiệm nghĩa là tin cái không hiểu được, là mê tín. Không phải là mê tín. Tin mầu nhiệm chỉ là công nhận rằng sự thông minh của Thiên Chúa vượt hẳn trí khôn ta. Ông Charles Nicolle, một bác học có hạng, khi trở lại Công giáo nói:”May mà còn có những mầu nhiệm của tôn giáo ! Nếu không, thì thật là khả nghi, vì tôi sợ rằng đó chỉ là sản phẩm giả tạo của trí óc loài người. Mầu nhiệm của tôn giáo làm tôi an tâm. Nó là biểu hiệu của Thiên Chúa” (Trần văn Khả, Phúc âm Chúa nhật năm B, tr 151-152).

Truyện: Phải chăng là phép lạ ?

Trong chương trình “The Extraordinary” có kể câu chuyện lạ, xẩy ra tại Melbourne. Australia vào năm 1987. Buổi sáng đẹp trời, một bà bẹ chở đứa con gái 7 tuổi đến trường. Đang lúc mẹ con trò chuyện vui vẻ, bất chợt một chiếc xe trọng tải đâm thẳng vào hông xe, nơi em bé ngồi. Em bé bị ngất xỉu. Sau khi cứu sống, hội đồng bác sĩ cho biết là em sẽ không bao giờ có thể đi lại được nữa ! Em sống, nhưng mất nhiều khả năng tri giác và cảm xúc. Thật là tin buồn cho người mẹ. Tuy nhiên bà ngoại vẫn điềm tĩnh và có linh cảm rằng cháu của bà sẽ được ơn đặc biệt. Bà thường đến bệnh viện thăm và giúp cháu đọc kinh và cầu nguyện. Những ai thấy bệnh trạng của em bé đều thương hại cho em. Nhiều người ngạc nhiên là trên khuôn mặt của em luôn hiện lên sự bình an từ trong tâm hồn và niềm vui siêu nhiên. Sau khi rời bệnh viện, dần dần em đi học lại và theo kịp các bạn cùng lớp (Hà ngọc Đoài).

Câu chuyện em bé hôm nay và con gái ông trưởng hội đường hôm xưa cũng tương tự. Xưa và nay cũng chỉ là một Thiên Chúa. Ngài luôn tươi trẻ với thời gian và luôn gần gũi trong không gian để an ủi và nâng đỗ những ai tìm đến Ngài.

III. ĐỨC TIN VÀ HÀNH ĐỘNG

1. Phải cộng tác với Chúa

Thánh Giacôbê đã khẳng định về sự cần thiết của việc làm song song với đức tin:”Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không có hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin”(Gc 2,17-18).

Tin là cộng tác với ơn Chúa, và muốn sống đời đời cũng phải đồng hành với Chúa như người đàn bà băng huyết, bà nghĩ mình phải làm cái gì đó chứ không chỉ tin suông, nên bà đã đến với Chúa chớ không chờ Chúa đến với mình. Ông Giairô cũng vậy, ông tin Đức Giêsu có thể cứu sống con ông, ông vội vã đến với Chúa. Cả hai đều tin tưởng vào Chúa và nỗ lực cộng tác với Ngài. Vì thế, chúng ta không thể cứ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy xử dụng hết những phương tiện Chúa ban, còn phần kia tùy Chúa định liệu.

Truyện: Hãy tự cứu mình trước

Câu chuyện xẩy ra vào mùa xuân, có một vùng quê bị một trận lụt dữ dội tàn phá, khiến cho một bà già bị kẹt trong căn nhà bà. Đang khi bà ta đứng tựa cửa sổ nhà bếp nhìn ra thì một chiếc thuyền xuất hiện, người lái thuyền bảo bà:”Hãy leo lên thuyền để thoát nạn”. Bà lão đáp lại:”Không, cám ơn, tôi tin vào Chúa, Ngài sẽ cứu tôi”. Người lái thuyền lắc đầu rồi bỏ đi.

Ngày hôm sau, cơn lụt dâng cao đến tầng hai của căn nhà. Đang lúc bà lão đứng tựa cửa sổ tầng hai ngắm nhìn con nước thì một chiếc thuyền khác lại xuất hiện. Người lái thuyền bảo bà:”Hãy lên thuyền để thoát nạn”. Bà già đáp lại:”Không, cảm ơn, tôi tin vào Chúa. Ngài sẽ cứu tôi”. Người lái thuyền lắc đầu rồi bỏ đi.

Ngày kế tiếp cơn nước dâng lên tận nóc nhà. Đang khi bà lão ngồi trên nóc nhà nhìn con nước dâng, một chiếc trực thăng lại hiện ra. Viên phi công dùng loa gọi vọng xuống: ”Tôi sẽ thả một chiếc thang dây cho bà, hãy leo lên và bà sẽ thoát nạn”. Bà già lại nói:”Không, cảm ơn, tôi tin vào Chúa, Ngài sẽ cứu thoát tôi”. Viên phi công nhìn bà lắc đầu, rồi bỏ đi.

Ngày sau đó, cơn lụt nhận chìm ngôi nhà và bà lão bị chết đuối. Khi được đưa về trời, bà ta nói với thánh Phêrô:”Trước khi vào đây, tôi xin được phàn nàn một điều. Tôi đã tin chắc Chúa sẽ cứu tôi thoát khỏi trận lụt, thế mà Ngài lại để tôi bị chết chìm”. Thánh Phêrô bối rối nhìn bà lão đoạn lên tiếng:”Tôi chả hiểu Chúa có thể làm thêm điều gì được cho bà nữa, vì Ngài đã gửi tới cho bà những hai chiếc thuyền và một chiếc trực thăng rồi còn gì” (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 254-255) ?

Bà lão trong trận lụt này quá lầm lẫn. Bà quên rằng Chúa thường hoạt động trong đời sống chúng ta xuyên qua những phương tiện bình thường. Bà quên rằng chúng ta phải làm hết phận vụ mình và hợp tác với Chúa bằng cách xử dụng những phương tiện bình thường Ngài ban cho ta. Nói cách khác, chúng ta không thể ngồi thụ động chờ Chúa làm phép lạ, mà phải dùng tất cả mọi phương tiện thông thường Chúa ban để tự giúp mình trước đã.

Tục ngữ Việt nam đã nói lên chân lý này: ”Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”: con người phải bắt đầu làm đã, còn thành bại thế nào thì sẽ do Trời định liệu.. Nhưng về phía Trời thì chắc chắn: ”Thiên thượng bất phụ hảo tâm nhân”, Trời sẽ giúp cho những ai biết cố gắng dùng mọi phương tiện Chúa đã ban cho, đúng như tục ngữ Pháp nói: Aide-toi, le Ciel t’aidera: anh hãy giúp mình trước, Trời sẽ giúp mình sau.

2. Xét lại đức tin của mình

Qua thái độ của người đàn bà băng huyết và của ông trưởng hội đường Giairô, ta thử xét lại đức tin của chúng ta xem sao: Tin khi đời sống bình an, thuận buồm xuôi gió thì chưa hẳn là đức tin thật, nó phải được tôi luyện trong đau khổ, trong khó khăn, trong gian nan thử thách mà vẫn kiên trì, thì đức tin ấy mới có thể làm nên phép lạ. Hay nói đúng hơn, lúc ấy Thiên Chúa mới trợ giúp, mới cứu chữa, vì khi đó chúng ta không tin vào sức riêng mình mà tin vào Chúa, thì Chúa phải thực hiện thôi. Như Abraham xưa, như Phêrô đi trên mặt biển, như người đàn bà và ông Giairô trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy tin tưởng.

Cuộc đời của chúng ta không bao giờ hết đau khổ. Chúng ta có thể cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa cả trong đau khổ. Sự hiện diện của Thiên Chúa không nhất thiết lấy đi đau khổ, nhưng cho chúng ta năng lực chuyển hoá đau khổ. Chúng ta cần Thiên Chúa giúp đỡ để linh hồn chúng ta không bị thu hẹp vào sự thụ động hoàn toàn, gần giống như những đồ vật, bị tác động nhưng không bao giờ hoạt động. Thấu hiểu chân lý này, ông Francois Mauriac đã phát biểu:”Ngài đến không phải để cất sự đau khổ mà để hiện diện với đau khổ”. Như vậy nghĩa là Ngài đến ban đức tin cho chúng ta để chúng ta biết chịu đựng đau khổ, biết chuyển hoá đau khổ, biến nó thành phương tiện để đạt tới ơn cứu độ. Bằng không thì chúng ta chịu đau khổ một cách vô ích và những đau khổ trở nên vô nghĩa.

Những ai không có đức tin thì gặp nhiều bất lợi trước đau khổ. Họ chịu đựng đau khổ gấp ba lần: họ chịu đựng bệnh tật, họ chịu đựng sự vô nghĩa của bệnh tật (vì đối với họ, bệnh tật chỉ là phiền toái, kết quả của một số phận mù quáng) và họ chịu đựng đau khổ vì cuộc sống của họ bị ngưng trệ. Họ coi bệnh tật của họ như một việc phải chịu đựng thay vì một việc phải sống. Đời sống của họ như bị giữ chặt lại vì họ chờ đợi thụ động cho đến khi mọi việc trở lại bình thường để họ có thể bắt đầu cuộc sống trở lại.

Mặt khác, các bệnh nhân có đức tin ở trong một tình thế tốt hơn. Dù đức tin không giải thoát họ khỏi bệnh tật, hoặc làm giảm bớt đau khổ do bệnh tật gây ra, người có đức tin tiếp tục sống một cách mãnh liệt như trước đây, có khi còn mãnh liệt hơn. Họ có thể tìm thấy Thiên Chúa trong bệnh tật cũng như trong lúc khỏe mạnh, và bệnh tật của họ có thể sinh ra kinh nghiệm có lợi là họ sẽ xin Chúa chữa lành cho bệnh tật ấy (Flor McCarthy).

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ 29.6
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
12:32 25/06/2009
“ST” Nghĩa Là Sự Thánh Thiện

Người ta kể rằng: tại một vùng miền quê nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói khổ, nghèo nàn đã trở thành kẻ “bần cùng sinh đạo tặc”. Họ rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự “ST”, có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ stealer).

Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống để mong chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng, anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa này.

Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: “Tôi cần phải lấy lại lòng tin của những người xung quanh và của chính tôi”. Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Anh lao động bằng đôi tay của mình. Anh dành một phần hoa lợi để giúp đỡ người nghèo. Anh sống chan hoà tình yêu thương với mọi cư dân trong vùng. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán anh. Nhưng chẳng mấy ai để ý đến ý nghĩa hai chữ ST trên vầng trán của anh.

Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (saint)”.

Hôm nay lễ kính thánh Phêrô và Phaolô, các ngài trở thành thánh nhân cao cả là nhờ biết khép lại quá khứ để chỉ lo tìm kiếm ý Chúa và thực thi trong hiện tại và suốt cuộc đời. Các ngài cũng có một quá khứ lầm lỗi, một quá khứ tưởng chừng như đã làm cho hai ngài suốt đời sống trong ân hận và tủi nhục. Phêrô đã có lần bị Chúa quở là satan. Lầm lỗi lớn nhất trong cuộc đời ông là ba lần chối mình không phải là môn đệ của Thầy Giêsu. Phaolô đã năm lần bảy lượt đi lùng bắt và giết chết những ai mang danh kytô hữu. Chính Phaolô đã can dự vào việc ném đá Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội. Nhưng mẫu số chung của hai ông chính là biết đứng lên sau những lần vấp ngã và chuộc lại lỗi lầm bằng cuộc sống đổi mới con người theo như lòng Chúa mong ước.

Thực vậy, sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô. Ánh mắt Thầy vẫn trìu mến thân thương như gởi đến ông sứ điệp: “Phêrô, sao con lại chối Ta. Ơn nghĩa Thầy trò ba năm gắn bó chẳng lẽ không còn một chút vương vẫn hay sao?”. Lại thêm tiếng gà gáy đêm khuya đã giúp lương tâm ông tỉnh ngộ và nhớ lại lời Thầy đã tiên báo: “trước khi gà gáy con đã chối Ta ba lần”. Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trĩu nặng, một cái gì đó đã chết trong ông. Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào, tự tin quá mức. Ông chỉ là cát bụi, ông biết mình chỉ là cát bụi, yếu hèn và rất dễ sa ngã. Mới hôm qua ông còn tuyên bố rằng: “dù mọi người bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ”. Thế mà, miệng gan hùm đã không còn khi đối diện trước nguy nan. Ông đã hèn nhát chối Thầy đến ba lần. Nhưng đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã "đổi mới" tâm hồn Phêrô. Lòng ăn năn bộc phát và lòng khiêm nhường chân thành đã biến Phêrô thành người thuyền trưởng trên con tàu Giáo hội.

Phaolô, sau lần ngã ngựa đớn đau bởi một luồng sáng chói loà hôm ấy. Mắt ông không còn thấy gì nữa, ông như kẻ bị mù trong ba ngày. Con mắt thể xác ông bị đóng lại, nhưng con mắt tâm hồn ông lại được sáng tỏ. Ông đã thấy Giêsu, người mà ông tưởng đã chết, thế mà, Người đã Sống lại thật, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Người đang nói với ông: “Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm giết”. Bao lâu nay ông không tin có sự sống lại. Ông đang hăm hở tiêu diệt những ai loan báo về sự sống lại của một tử tội Giêsu. Giờ đây, ông đã tin. Sự sống của Chúa Phục sinh đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Và kể từ nay, ông đã trở thành một tông đồ ra đi đổi mới cả thế giới.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta đôi khi cũng có những yếu đuối, có những bước đi bị vấp té bởi cạm bẫy của tham sân si. Vì thế, có ai đó đã từng nói rằng: “lầm lỗi là của con người”, nhưng đứng lên làm lại cuộc đời đó là của “thánh nhân”. Thánh Phêrô và thánh Phaolô đã nhìn quá khứ như một hồng ân của Thiên Chúa dành cho các ngài. Chúa không trách phạt các ngài mà còn tin tưởng trao phó sứ mạng mở mang nước Chúa đến tận cùng trái đất. Với ơn trời cao cả đó, thánh Phaolô đã từng thốt lên: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng tin mừng”. Còn thánh Phêrô thì không còn sợ cường quyền ức hiệp, ngài đã mạnh dạn nói rằng: “phải nghe lời Thiên Chúa hơn là lời của con người”. Và hôm nay, Chúa vẫn không trách phạt chúng ta theo như chúng ta đáng tội, Ngài vẫn khoan dung tha thứ và hằng mời gọi chúng ta hãy làm lại cuộc đời, hãy dùng ơn Chúa để hoàn thiện mình và nhất là hãy nói về tình yêu Chúa cho anh em, cho bạn bè, cho mọi người mà chúng ta gặp gỡ thân quen.

Ước gì cuộc đời các ngài soi sáng cho cuộc đời chúng ta để chúng ta không bao giờ thất vọng về lỗi lầm của mình, nhưng qua những yếu đuối bản thân, chúng ta càng nhận ra tình thương bao la của Chúa và cũng biết noi gương các ngài trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa thế gian. Amen
 
Đức tin một nhân đức của con người
Lm Giacôbê Tạ Chúc
15:25 25/06/2009
ĐỨC TIN MỘT NHÂN ĐỨC CỦA CON NGƯỜI

Sống với nhau trong cuộc đời, con người cần có lòng tin tưởng ở nhau. Sẽ rất bực bội khi một ai đó thiếu tôn trọng lời kết ước của mình, “một lần thất tín, vạn lần thất tin”, sự đời nó là vậy. Phương chi là Chúa, Chúa cần và đòi hỏi con người phải có niềm tin tưởng tuỵệt đối, tín thác cuộc đời mình trong sự yêu thương của Ngài.

Các phép lạ xảy ra, bao giờ cũng đi kèm theo một điều kiện của nó, Chúa Giêsu chỉ thực hiện phép lạ khi con người biết vượt qua những giới hạn bình thường của mình và đạt đến một sự siêu nhiên cao độ. Hai hình ảnh trong Tin mừng của Chúa nhật XIII hôm nay thật ấn tượng cho mỗi một người. Đầu tiên là ông trưởng Hội đường Yairô. Người con của ông lâm bệnh thập tử nhất sinh, chắc hẳn ông cũng đã tìm thầy chạy thuốc cho cô bé, nhưng tất cả chỉ là vô vọng. Ông tìm đến với Đức Giêsu bằng tất cả niềm tin và lòng khâm phục của mình:”Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thóat và được sống”(Mc 5, 23). Chính nhờ một niềm xác tín và tin tưởng một cách dứt khóat mà cô con gái ông đã được cứu sống,”Talitha kum”, một lời đầy quyền năng Đức Giêsu đã phục sinh người con của ông Yairô. Chi tiết này gợi lên hình ảnh bất động của tổ tiên con người trong vườn địa đàng, và cũng bằng lời, Ngài đã thổi sinh khí vào lỗ mũi con người để làm cho họ được sống. Nếu như ông trưởng Hội đường cầu xin với Đức Giêsu một cách đầy cương trực thì người phụ nữ bị bệnh lọan huyết cũng không thua kém gì. Người đàn bà này có một đức tin thật lạ lùng. Trong khi ông Yairô trực tiếp đến với Chúa Giêsu và cầu khẩn Ngài. Còn bà, bà đến từ phía đằng sau Ngài. Suy nghĩ của bà cũng rất lạ:”Nghe đồn về Đức Giêsu, bà đến đằng sau trong đám đông, rờ áo chòang của Ngài. Vì bà nói:”dẫu tôi chỉ rờ được áo chòang của Ngài, tôi cũng sẽ được cứu chữa”(Mc 5, 27-28). Một người phụ nữ bệnh tật, nhưng tâm hồn và niềm tin của bà thật đáng khâm phục. Chúa Giêsu không thể từ chối để cứu chữa con người có lòng tin mạnh mẽ như bà này. Hai con người khác nhau, hai hòan cảnh cũng khác nhau. Thế nhưng họ giống nhau một điều: đó là sự can đảm và lòng tín thác vào lời cầu xin của mình. Trong những cảnh ngộ khó khăn, họ biết tìm đến với Chúa để xin Ngài ra tay giúp đỡ.

Trong cuộc đời giữ đạo, có biết bao lần con người lâm vào những tình cảnh éo le: bệnh tật không cứu chữa được, rủi ro khốn khó, nợ nần chồng chất, con cái học hành không đỗ đạt, công ăn việc làm gặp thất bại…Thay vì đến với Chúa như ông Yairô hay như người phụ nữ trong Tin mừng. Chúng ta thường kêu trách Chúa, và có khi thất vọng và mất niềm tin. Hãy can đảm lên, nếu như không thể đến trước mặt Chúa được thì ta hãy như người đàn bà mắc bệnh lọan huyết. Từ từ đưa bàn tay ra và chạm nhẹ phía sau áo của Ngài, sức mạnh cảm thông sẽ làm Chúa Giêsu quay lại, lúc đó điều kỳ diệu sẽ xảy ra cho cuộc đời chúng ta.
 
Giáo huấn của Hội Thánh về Giáo Lý (2)
Gioan Lê Quang Vinh
16:44 25/06/2009
CANH TÂN SƯ PHẠM GIÁO LÝ (bài 2):
GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH VỀ GIÁO LÝ

Thi hành sứ mạng làm ngôn sứ, Giáo Hội không những giảng dạy dân Chúa trong các nghi thức phụng vụ, nhưng Giáo Hội còn ý thức trách nhiệm loan truyền ơn cứu độ qua các lớp giáo lý dưới nhiều hình thức khác nhau. Qua dòng thời gian, các đấng có thẩm quyền trong Giáo Hội, với quyền giáo huấn của mình, đã khuyên dạy và hướng dẫn các giáo lý viên về cách thức dạy giáo lý sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. Ở thời đại này, giáo lý viên cần đọc kỹ cũng như nghiền ngẫm bản Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo và Tông huấn Catechesi Tradendae để nắm vững những điều mình phải làm trong khi thi hành công cuộc rao giảng cao cả của mình.

I. HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO VÀ GIÁO LÝ

1. Học Thuyết Xã Hội Công Giáo là gì ?

Tin Mừng rõ ràng trình bày cho chúng ta công cuộc cứu độ toàn diện của Đức Kytô, Ngôi Lời nhập thể. Người không chỉ cứu rỗi phần linh hồn con người, nhưng giáo lý của Người còn nhấn mạnh đến thực tại trần gian khi Người giải thoát con người khỏi những ưu tư, buồn khổ và bệnh tật. Giáo Hội theo bước chân Thầy của mình cũng rao giảng giáo lý ơn cứu độ toàn diện ấy. Nhưng có một thời, vì nhiều lý do, Giáo Hội có vẻ chăm chú vào sự sống đời sau mà thôi. Những người chống đối Giáo Hội có cớ để chỉ trích Giáo Hội cách này cách khác. Ở Việt nam cũng có một “thợ làm thơ” đã viết những lời châm biếm đại khái chuông nhà thờ ru ngủ con người. Thật ra, vào thế kỷ 18, 19, khi công nghiệp kỹ thuật phát triển và xã hội thay đổi nhanh chóng, bao vấn đề về con người nảy sinh, thì Giáo Hội đã lên tiếng mạnh mẽ hơn về các vấn đề xã hội, như Đức Hồng y Angelo Sodano, Bộ Trưởng Ngoại giao Toà Thánh đã viết: “Suốt dòng lịch sử Giáo Hội và đặc biệt trong mấy thế kỷ gần đây, Giáo Hội – theo lời Đức Lêô XIII – đã không ngừng nói lên tiếng nói của mình về những câu hỏi liên quan đến cuộc sống trong xã hội. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tiếp tục công bố và cập nhật di sản về Học thuyết Xã hội Công giáo. Về phần mình, ngài đã công bố ba thông điệp quan trọng – Laborem Exercens, Sollicitudo Rei Socialis và Centesimus Annus – trình bày những bước cơ bản của tư tưởng Công giáo trong lĩnh vực này.”

Để giới thiệu Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, Đức Hồng y Angelo Sodano viết tiếp: “Nhiều giám mục trên toàn thế giới trong giai đoạn gần đây đã đóng góp những hiểu biết sâu xa hơn về Học thuyết Xã hội Công giáo qua các công trình của họ. Vô số những học giả trên các lục địa cũng vẫn đang làm như vậy. Vì thế, chúng ta hy vọng rằng một bản tóm lược thu thập tất cả các chất liệu trên và trình bày một cách hệ thống, sẽ giới thiệu những điều cơ bản của Học thuyết Xã hội Công giáo. Thật đáng ca ngợi khi Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình (*) đã đảm nhận nhiệm vụ này và đã cố gắng hết sức mình cho công trình trong những năm gần đây. Tôi rất vui mừng khi thấy cuốn “Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo” được xuất bản, và cùng chia sẻ với Đức Hồng y (*) niềm vui mừng được trao gửi tập sách đến tất cả tín hữu và những người thiện chí như một thứ lương thực cần thiết để phát triển nhân cách và tinh thần, cho mọi cá nhân và mọi cộng đồng. »

Ghi chú (*) Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình, đã có sáng kiến đưa ra bản Tóm Lược này.

2. Học Thuyết Xã Hội Công Giáo nói gì về việc dạy giáo lý ?

Học Thuyết Xã Hội Công Giáo trình bày chiều kích xã hội của giáo lý Đức Kytô. Trong viễn tượng này, giáo lý phải đào tạo các tín hữu thành những con người yêu mến Đức Kytô và biết góp phần xây dựng xã hội trần thế. Khi áp dụng Học Thuyết vào việc giảng dạy, giáo lý viên sẽ khơi mở cho người học cách sống Lời Chúa cụ thể với tinh thần trách nhiệm và biết liên đới trong đời sống mình. Một ví dụ cụ thể: Khi dạy về đức công bằng, giáo lý viên nhắc “không được trộm cắp” và “nếu ăn cắp vật gì của ai thì phải xưng tội và phải trả lại mới được tha tội”. Nhưng Học Thuyết Xã Hội dạy rằng công bằng còn là chia sẻ cái mình đang có cho người thiếu thốn. Như vậy, chia sẻ là nghĩa vụ công bằng trước khi là hành động bác ái. Hơn nữa, nếu chúng ta không chia sẻ của cải, để cho người khác chết đói, là chúng ta phạm tội giết người. (cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Giáo Hội trong Thế Giới Hôm Nay, số 65). Còn nhiều những lời dạy khác của Hội Thánh mà giáo lý viên không chú ý và như vậy, không hoàn tất lời giảng của mình.

Huấn quyền Hội Thánh nhấn mạnh các điểm sau đây về việc áp dụng Học Thuyết Xã Hội Công Giáo vào giáo lý:

- “Cần phải tham khảo học thuyết xã hội của Giáo Hội để đào tạo Kitô hữu biết hội nhập trọn vẹn.” (chương XII, khoản 528)

- “Giá trị đào tạo của học thuyết xã hội của Giáo Hội cần được quan tâm hơn trong việc dạy giáo lý. Giáo lý là việc giảng dạy có hệ thống về toàn bộ học thuyết Kitô giáo, nhằm dẫn dắt các tín hữu sống trọn vẹn Tin Mừng. Mục đích cuối cùng của giáo lý “là đưa con người không chỉ tiếp cận được mà còn hiệp thông mật thiết được với Đức Giêsu Kitô”. Theo đường hướng này, người ta có thể nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần, là Đấng ban tặng đời sống mới trong Đức Kitô.” (chương XII, khoản 529)

- “Trong bối cảnh của việc dạy giáo lý, điều quan trọng trên hết là phải giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo Hội thế nào để thôi thúc người học làm cho các thực tại trần thế thấm nhuần Tin Mừng và mang tính nhân bản.”(chương XII, khoản 530)

II. TÔNG HUẤN CATECHESI TRADENDAE

1. Tông huấn Catechesi Tradendae là gì ?

Từ ngày 30/9 đến ngày 29/10/1977, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, triều đại Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã nhóm họp lần thứ 4 với chủ đề « Việc Giảng dạy Giáo lý trong Thời đại Chúng ta » và ban hành Tông huấn Catechesi Tradendae, kim chỉ nam cho việc dạy giáo lý thời đại mới. Tông huấn gồm có chín chương, nêu rõ các nguyên tắc: tầm quan trọng của việc dạy Giáo Lý trong Hội Thánh, Đức Giêsu Kytô là Thầy, nguồn mạch Thánh Kinh, phương tiện giảng dạy Giáo Lý v.v…

2. Tông huấn Catechesi Tradendae dạy gì ?

Chúng tôi xin lược trích vài điểm chính yếu nhất trong Tông huấn như sau đây. (Xin đọc toàn văn Tông huấn trên các website của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ Ban Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ, hay của Giáo Phận Nha Trang…)

- “ Hội Thánh luôn luôn coi việc dạy Giáo Lý là một trong những công tác chính của mình, bởi vì trước khi lên cùng Cha Người sau khi phục sinh, Đức Kitô đã ban cho các tông đồ một mệnh lệnh cuối cùng, là hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ, và dạy họ tuân giữ tất cả những gì Người đã truyền.”

- “ Mục đích chính và thiết yếu của việc dạy Giáo Lý, theo cách diễn tả mà Thánh Phaolô, cũng như môn thần học hiện đại thích nhất, là “Mầu Nhiệm Đức Kitô”. Dạy Giáo Lý là một cách dẫn dắt một người để họ học tất cả các khía cạnh của mầu nhiệm này: “để làm cho mọi người thấy chương trình mầu nhiệm… hiểu biết cùng với các thánh cái gì là chiều rộng, chiều dài, chiều cao cùng chiều sâu… biết rằng tình yêu của Đức Kitô vượt trên mọi kiến thức… (và được đổ đầy) bằng tất cả sự sung mãn của Thiên Chúa.”

- “Chúng ta phải nói rằng trong việc dạy Giáo Lý, chúng ta giảng dạy về chính Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể và Con Thiên Chúa, - mọi điều khác đều được dạy qui chiếu vể Người – và cũng chỉ có một mình Đức Kitô là Đấng giảng dạy - người nào khác giảng dạy cũng chỉ vì người ấy là phát ngôn viên của Đức Kitô, để Đức Kitô dùng môi miệng mình mà giảng dạy. Dầu ở mức độ trách nhiệm nào đi nữa trong Hội Thánh, mọi Giáo Lý viên phải luôn cố gắng truyền thụ bằng lời giảng dạy và cách sống của mình giáo huấn và đời sống của Chúa Giêsu”.

- “Chúa Giêsu đã dạy. Chính những chứng từ mà Người làm cho chính mình: “Hằng ngày Tôi đã ngồi giảng dạy trong đền thờ.” [16] Chính những quan sát đầy ngưỡng mộ của các Thánh Sử, ngạc nhiên khi thấy Người dạy khắp nơi và mọi lúc, dạy bằng một cách thế và với một uy quyền mà chưa ai từng biết đến. (…)Đấng giảng dạy cách này đáng được tôn phong bằng một tước hiệu “Thầy”.độc đáo. Trong toàn thể Tân Ước, nhất là trong các sách Tin Mừng, biết bao nhiêu lần người ta đã gọi Người là Thầy!”

- “Đối với Kitô hữu, Thánh Giá là một trong những hình ảnh siêu phàm và phổ thông nhất của Đức Kitô là Thầy. Tất cả những suy nghĩ này, là những suy nghĩ theo các truyền thống vĩ đại của Hội Thánh, và tất cả củng cố lòng nhiệt thành của chúng ta đối với Đức Kitô, là Vị Thầy tỏ lộ Thiên Chúa cho loài người và con người cho chính họ, vị Thầy vừa cứu chữa, vừa thánh hoá và hướng dẫn, là Đấng vừa sống, vừa nói, vừa khích lệ, di chuyển, sửa sai, xét xử, tha thứ, và đồng hành với chúng ta mỗi ngày trên đường lịch sử, là vị Thầy đang đến và sẽ đến trong vinh quang. Chỉ nhờ kết hợp mật thiết với Người mà các Giáo Lý viên có thể tìm thấy ánh sáng và sức mạnh cho một canh tân Giáo Lý chính hiệu và đáng mong ước.”

- “Các hoạt động Giáo Lý có thể được thực hiện trong các hoàn cảnh thuận tiện đúng chỗ và đúng lúc, và phải có thể sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng và những dụng cụ thích hợp (…) Tôi mạnh mẽ cùng các Nghị Phụ trong Thượng Hội Đồng lên tiếng phản đối tất cả mọi kỳ thị trong lãnh vực dạy Giáo Lý, đồng thời cũng khẩn thiết kêu gọi các nhà cầm quyền hãy chấm dứt hoàn toàn những sự kiềm chế tự do con người nói chung, và tự do tôn giáo nói riêng.”

- “Phải là một sự giảng dạy có hệ thống, không tùy hứng, nhưng phải có chương trình để đạt đến một mục đích rõ ràng;”

- “Việc dạy Giáo Lý chân chính luôn luôn là một sự dẫn nhập có thứ tự và hệ thống vào mặc khải, là Thiên Chúa đã ban Chính Mình cho nhân loại trong Đức Chúa Giêsu Kitô, một mặc khải được khắc ghi sâu đậm trong ký ức Hội Thánh và trong Thánh Kinh, cùng được liên tục thông truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng một truyền thống sống động và linh hoạt. Tuy thế, mặc khải này không được tách ra khỏi đời sống, hay chỉ được đặt cách nhân tạo cạnh đời sống.”

- “Việc dạy Giáo Lý tự bản chất được nối kết với toàn thể hoạt động phụng vụ và bí tích, vì chính trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, mà Đức Chúa Giêsu Kitô hoạt động một cách viên mãn cho việc biến đổi con người.”

- “Việc dạy Giáo Lý còn mở ra cho động lực truyền giáo. Nếu việc dạy Giáo Lý được thực thi tốt đẹp, các Kitô hữu sẽ hăng say làm chứng cho Đức Tin của họ, truyền thụ Đức Tin ấy cho trẻ em, làm cho người khác biết đến nó, và phục vụ cộng đồng nhân loại bằng mọi cách.”

“Trong việc dạy Giáo Lý, điều quan trọng là dạy về những quyết tâm cá nhân trong lãnh vực luân lý để sống theo Tin Mừng, và những thái độ Kitô, dù anh hùng hay rất đơn giản trước cuộc đời hay trước thế gian - điều mà chúng ta gọi là các nhân đức của Phúc Âm.”

- “Nên nhấn mạnh đến vần đề cuối cùng về phương pháp đã được Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn luận khá nhiều, đó là học thuộc lòng. Việc dạy Giáo Lý Kitô trong những thời gian đầu tiên, trùng hợp với nền văn hoá đặc biệt truyền khẩu, nên dùng đến trí nhớ rất nhiều. Từ đó việc học Giáo Lý được biết là có một truyền thống học các chân lý căn bản bằng phương pháp thuộc lòng. Tất cả chúng ta đều ý thức rằng phương pháp này có thể có một số bất lợi, ít là nó đưa đến việc thiếu hiểu biết hay không hiểu biết gì cả; nó biến tất cả mọi kiến thức thành công thức được lập đi lập lại mà không hiểu chính xác. Các bất lợi này và những đặc tính khác của nền văn hoá mà chúng ta có ở vài nơi đưa đến việc hoàn toàn loại bỏ – theo một số người là dứt khoát phải loại bỏ - việc học thuộc lòng trong môn Giáo Lý. Nhưng trong Đại Hội của Thượng Hội Đồng Giám Mục, chúng ta nghe được một số tiếng nói có thẩm quyền kêu gọi phục hồi một sự cân bằng cách thận trọng giữa sự suy nghĩ và bộc phát, giữa đối thoại và im lặng, giữa việc viết và việc học thuộc lòng. Hơn nữa một số nền văn hoá còn rất tôn trọng việc học thuộc lòng.”

- “Tôi muốn gieo thật nhiều can đảm, hy vọng và sự hăng say trong lòng tất cả những người khác nhau có nhiệm vụ dạy về tôn giáo và huấn luyện về đời sống qua việc làm theo Tin Mừng.”

-“Khi thi hành sứ vụ dạy Giáo Lý, Hội Thánh - cũng như mỗi cá nhân Kitô hữu hiến thân cho sứ vụ ấy trong Hội Thánh và nhân danh Hội Thánh - phải ý thức rõ ràng rằng mình hành động như một công cụ sống động và mềm dẻo của Chúa Thánh Thần. Phải cầu khẩn Thánh Thần này không ngơi, hiệp thông với Ngài, cố gắng hiểu biết những gì Ngài thật sự linh hứng, đó phải là thái độ của Hội Thánh và của mỗi Giáo Lý viên.”

“Đức Mẹ Maria, Mẹ và Mẫu Gương của Môn Đệ. Khi Chúa Giêsu ngồi trong lòng Mẹ, và sau này khi Người nghe lời Mẹ trong suốt đời ẩn dật tại Nadareth, người Con này, là “Con Một từ Chúa Cha”, “đầy ân sủng và chân lý”, được Mẹ đào luyện kiến thức nhân loại về Thánh Kinh và lịch sử của chương trình Thiên Chúa dành cho dân Ngài, và trong sự tôn thờ Đức Chúa Cha. Còn Mẹ lại là môn đệ đầu tiên của Chúa. Mẹ là môn đệ đầu tiên trong thời gian, bởi vì ngay cả khi Mẹ tìm thấy người con còn niên thiếu của Mẹ trong đền thờ Mẹ đã học được của Người bài học mà Mẹ giữ kín trong lòng. Mẹ là môn đệ đầu tiên trên những người khác vì không ai đã “được Thiên Chúa dạy” Ở một chiều sâu như thế. Mẹ “vừa là Mẹ vừa là môn đệ” như Thánh Augustinô đã nói về Mẹ, mà còn dám nói thêm rằng đối với Mẹ, việc làm môn đệ của Mẹ quan trọng hơn làm Mẹ. Cho nên không phải là vô lý khi trong Thượng Hội Đồng có những tôn vinh Mẹ là “một sách Giáo Lý sống” và là “Mẹ và gương mẫu của các Giáo Lý viên”.

III. KẾT LUẬN

Dạy giáo lý là giảng về Đức Kytô, Ngôi Lời nhập thể bằng chính Lời của Người. Giáo Hội được Chúa giao sứ vụ cai quản các kho tàng mầu nhiệm và ơn phúc, cho nên Giáo Hội có thẩm quyền và có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cách thức giảng dạy giáo lý. Khi đọc kỹ các văn kiện Toà Thánh liên quan đến việc giảng dạy này, giáo lý viên đã có đầy đủ những nét sư phạm chính yếu cho công việc của mình. Việc dạy giáo lý không đơn giản như truyền giảng những kiến thức khác ở đời, mà là chiếu toả ánh sáng Đức Kytô, do đó giáo lý viên phải gắn bó với Người qua Thánh Thần của Người, qua Giáo Hội do Người sáng lập và gìn giữ, và qua Mẹ Maria Đấng đã được tôn vinh là có phúc vì đã vâng giữ Lời Người. Nhà thơ Xuân Diệu khi viếng đồi Bửu Châu, Trà Kiệu đã viết vào sổ vàng kỷ niệm ngày 20/5/1983:

"Trưa hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ,
Giữa đáy trưa, trong lòng Mẹ vô cùng.
Con là sáo, Mẹ là ngàn vạn gió,
Mẹ là trời, con là hạt sương rung.. ."

Giáo lý viên là nhà thơ ca ngợi kỳ công Thiên Chúa, chỉ thành công khi có Mẹ là “ngàn vạn gió” làm tiếng sáo vang lên.
 
Con có yêu mến Thầy không?
Pm. Cao Huy Hoàng
19:36 25/06/2009
Phúc âm theo Thánh Gioan (21-14-19)

1. Yêu mến Chúa Giêsu là tin nhận Đấng Phục Sinh từ cõi chết

Chúa Giêsu hỏi Thánh Phêrô đến ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?”

Là Thiên Chúa, Chúa Giêsu quá rõ lòng dạ con người, nhất là lòng dạ của mỗi môn đệ mình. Vì thế, trong lòng yêu hay không yêu, yêu vì người hay yêu vì mình, yêu đến mức độ nào, có yêu Ngài hơn mọi sự không… Ngài hiểu thấu tất cả. Thánh Phêrô - người tông đồ đã từng được Ngài gọi là Đá, trên đá nầy Ngài sẽ xây dựng Hội Thánh của Ngài, thì chắc hẳn Ngài phải hiểu rõ hơn và tín nhiệm hơn nhiều đấy chứ. Nhưng câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh các tông đồ vừa trải qua một thử thách lớn lao, một biến cố kinh hoàng: Thầy Giêsu của mình đã bị bắt, bị tra tấn, bị đóng đinh trên thập giá cho đến chết; và bây giờ, nghe tin Người đã sống lại. Câu hỏi được đặt ngay sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh và các tông đồ vừa dùng bữa ăn chung hội ngộ sau những ngày vắng Thầy. Chúa biết rõ lòng con người bán tín bán nghi về sự phục sinh của Chúa. Chúa chọn Phêrô đặt câu hỏi để Phêrô trả lời thay cho anh em. Nhưng ngài không hỏi về Đức Tin Phục sinh, mà Ngài hỏi về Đức Mến: ” Con có yêu mến Thầy không” – “Có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”. Trả lời rằng “yêu mến Thầy” đồng nghĩa với việc tin nhận Thầy đã sống lại. Vì rõ ràng là thầy đã chết, mà bây giờ đây Thầy đang sống, đang dùng bữa, và đang trò chuyện. Nếu không tin là Thầy đang sống lại, thì tình cảm dành cho Thầy như một thương tiếc cho người đã ra đi hơn là một tình yêu thực sự. Yêu mến Thầy là xác tín Thầy đang sống thật trước mặt mọi người. Hỏi công khai để có một tuyên tín công khai trước mặt anh em. Hỏi đến ba lần, để lời tuyên tín ấy thật sự là đảm bảo. Và hỏi đến ba lần, để Phêrô có cơ hội chuộc lại lầm lỗi của mình trong cuộc thương khó. Ba lần chối rằng không biết Thầy, được đền lại bằng ba lần “ Thầy biết con yêu mến Thầy”.

2. Yêu mến Chúa Giêsu là chấp nhận trở nên giống Chúa Giêsu cách hoàn toàn

Khi trả lời “con yêu mến Thầy” là chấp nhận trở nên giống Chúa Giêsu hoàn toàn vì được thuộc về Chúa Giêsu, được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, được tháp nhập vào mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong tình yêu Thiên Chúa, trong tình yêu Chúa Giêsu Kitô, thánh Phêrô hoàn toàn trở nên con người mới của Thiên Chúa. Lòng nghi hoặc trên biển hôm nào, không biết thầy hay là ma, hôm nay không còn nữa. Lòng nhát đảm ngăn cản Thầy đi chịu chết và chối là môn đệ Thầy ngày xưa không còn nữa… Thay vào đó, hiện giờ, là lòng tin vững chắc về một thầy Giêsu phải chịu chết và phục sinh để ơn cứu chuộc hoàn tất. “Con yêu mến Thầy” là lời xác tín lại, minh định lại mọi điều về Thầy mình, mà trước đó Thánh Phêrô đã từng xác tín bằng một đức tin còn mơ hồ, còn non dại, hay có thể nói còn sai lệch vì nghĩ thầy mình sẽ khôi phục giang san như lòng mình mong muốn. Ba lần “con yêu mến Thầy” để trưởng thành hóa niềm xác tín “Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống”. Cũng vậy, nếu ngày ấy, việc nên giống Chúa Kitô còn mơ hồ thì hôm nay, việc nên giống Chúa Kitô là điều quyết tâm phát xuất từ lòng yêu mến đích thực.

Câu trả lời khiêm tốn “Thầy biết rõ mọi sự” và thành khẩn bày tỏ lòng yêu của mình: “Thầy biết con yêu mến Thầy” xứng đáng là câu trả lời của người nhận sứ vụ tiếp nối sứ vụ của Ngôi Con Thiên Chúa. Yêu mến Chúa Kitô là mặc lấy trí khôn chấp nhận ngu dại của Ngài, mặc lấy sức mạnh đành chịu yếu đuối của Ngài, mặc lấy lòng thương vô vị lợi của Ngài mà tiếp tục công trình cứu thế Ngài để lại.

3. Yêu mến Chúa Giêsu là tiêu chuẩn, khởi điểm và kim chỉ nam sứ vụ tông đồ: chăn dắt đoàn chiên

“Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy”. Việc giao phó đoàn chiên cho Phêrô chăm sóc chăn dẫn được thực hiện ngay sau phần thẩm vấn lòng yêu mến của đương sự. Câu nói “Thầy biết con yêu mến Thầy” trở thành tiêu chuẩn quan trọng vô cùng để được Chúa Giêsu ủy thác cho công việc lớn lao như thế. Chúa Giêsu không đòi hỏi tiêu chuẩn nào khác. Ngài biết yêu mến là kết hiệp. Như Ngài đã yêu mến Cha và kết hiệp với Cha thế nào, thì Thánh Phêrô cũng sẽ yêu mến và kết hiệp với Ngài như vậy. Và khi đã kết hiệp thì lòng trí của Phêrô, sẽ ngập tràn tâm tư, tình cảm, và ý định của Thiên Chúa: cứu rỗi nhân loại.

Như thế, yêu mến Chúa Giêsu Kitô và hoàn toàn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, có thể nói, vừa là tiêu chuẩn nhận sứ vụ, vừa là khởi điểm cho sứ vụ, và là kim chỉ nam cho sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa Giêsu. Vì tình yêu của Chúa Giêsu không ngừng xuyên suốt cuộc hành trình dương thế của Ngài, trên từng bước đi, trong từng lời nói, với từng con người, ở bất kỳ không gian thời gian nào… tình yêu Ngài luôn hiện diện. Tình yêu ấy là động lực dẫn đến việc hy sinh quên mình, không tìm lợi lộc cho mình nhưng luôn tìm phần lợi lộc ấy cho nhân loại. Tình yêu ấy mới có sức cuốn hút, mới có một hấp lực toàn hảo lôi kéo con người về với Thiên Chúa. Tình yêu thương xuyên suốt cuộc đời cứu thế của Chúa Giêsu là kim chỉ nam cho Thánh Phêrô vậy. Tình yêu ấy chắc chắn sẽ dẫn đến cuộc tự hiến như Chúa Giêsu.

Vì thế, thánh Gioan tường thuật kết thúc và giải thích: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn."19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy." Thánh Phêrô đã yêu mến Thầy, theo Thầy, và kết thúc sứ vụ tông đồ bằng hy tế chính cuộc đời mình.

Suy niệm bài phúc âm hôm nay, trong những ngày toàn thể Giáo Hội đang bước vào năm Thánh Hóa các Linh Mục của Chúa.

Chúng ta cùng nguyện xin cho các Linh Mục yêu mến Chúa Giêsu nồng nàn hơn, kết hiệp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh mật thiết hơn.

Đã đến giai đoạn mà giáo dân quí trọng chức Linh Mục không vì phẩm chức hay uy quyền nữa, mà vì nhận ra các Linh Mục yêu mến Chúa Giêsu hơn ai hết, và hướng dẫn họ đến với Chúa Giêsu để họ múc lấy muôn vàn ơn thiêng cao trọng cho cuộc đời hôm nay và mai ngày.

Phần chúng ta, mỗi tín hữu, dù đã nhận ấn tín phép rửa tội, nhận ơn linh mục cộng đồng, Chúa Giêsu mỗi ngày vẫn đặt câu hỏi “con có yêu mến Thầy không”, “con có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”. Và Chúa cũng chờ ta đáp lời: “Lạy Thầy con yêu mến Thầy”.

Ngài muốn chúng ta tháp nhập vào Ngài để sống sức sống của Ngài, để chia sẻ sức sống ấy cho đoàn chiên nhỏ bé của ta ở mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn.

Trong khi cầu nguyện cho các Linh Mục, theo gương Thánh Phêrô tuyên tín bằng lời và bằng đời sống hy tế của mình, mỗi tín hữu cũng đón nhận niềm vui “yêu mến Chúa Giêsu” và chia sẻ sứ vụ “chăn dắt đoàn chiên” của Chúa ngay trong gia đình mình.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:36 25/06/2009
NHÂN VIÊN CẤP CỨU

N2T


Một nhân viên cấp cứu của đội cứu hộ đang ứng trực trên bờ.

Anh ta chú ý mấy chai rỗng đang vứt bừa bãi ở nơi chỗ có nhiều cỏ, thì trong lòng nghĩ rằng du khách không cẩn thận nếu đạp nhầm thì sẽ bị thương tích. Do đó lấy lấy túi cứu hộ mang trên người xuống, đi nhặt từng cái chai rỗng.

Có cụ già nhìn thấy có người đi nhặt chai, thì kinh ngạc và nhất thời không chú ý, giẫm lên túi cấp cứu thế là bị thương.

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Nhân viên cấp cứu là làm công việc cứu người bị nạn, cho nên họ phải cẩn thận trong từng động tác khi thi hành nhiệm vụ, dù nhiệm vụ đó là đang trực ban hoặc đang cứu giúp người bị nạn.

Linh mục là những nhân viên cứu hộ các linh hồn, các ngài nhìn thấy rất rõ ràng những nguy hiểm chết người do thế gian và ma quỷ đem đến, để nhắc nhở cảnh báo cho các bậc phụ huynh và những người có trách nhiệm trong xã hội, nhất là các thầy cô giáo: đó là những tiệm hớt tóc và cà phê mại dâm trá hình, đó là những tiến bộ của khoa học internet với những phương tiện khiêu dâm.v.v...

Nếu các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo không làm nhân viên cứu hộ tâm hồn của con em mình, thì ngay từ bây giờ chúng nó sẽ tố cáo cha mẹ và thầy cô của chúng nó trước tòa án đời, vì đã không dạy dỗ chúng nó.

Nếu các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo không làm nhân viên cứu hộ tâm hồn cho con em mình, thì đời sau -ngày phán xét- chúng nó sẽ lên án cha mẹ và các thầy cô trước mặt Thiên Chúa, vì đã không ngăn cản, khi chúng nó phạm tội, không dạy dỗ chúng nó biết giữ điều răn của Thiên Chúa.

Lúc đó thì không những khốn nạn cho con cái mà còn cho cả cha mẹ và thầy cô của chúng nó nữa.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:38 25/06/2009
N2T


22. Người kiêu ngạo vô đức nhưng thấy mình có đức; người kiêu ngạo làm việc ác lớn, nhưng thấy mình không ác.

(Thánh Basil)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:39 25/06/2009
N2T


155. Nghệ thuật tinh túy đẹp nhất vừa khó tinh thông nhất, chính là nghệ thuật sống.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một linh mục hiện đại: Thomas Merton (2)
Vũ Văn An
08:51 25/06/2009
Di sản Merton

Merton để lại ít nhất cũng hơn 70 tác phẩm, chưa kể rất nhiều thư từ liên lạc. Cho đến nay các sách và bài vở viết về ông có đến hàng trăm, đủ cho thấy ảnh hưởng của ông sâu rộng ra sao. Từ ngày ông qua đời, ảnh hưởng ấy càng lớn mạnh hơn và ông được mọi người nhìn nhận là một nhà huyền nhiệm và tư tưởng Công Giáo quan trọng của thế kỷ 20. Việc lưu ý tới các công trình của ông đã góp phần vào việc gia tăng sự tìm kiếm tâm linh bắt đầu từ hai thập niên 1960 và 1970 tại Hoa Kỳ. Các thư từ và nhật ký của ông cho thấy lòng say mê cao độ của ông đối với các vấn đề công bằng xã hội, gồm cả các phong trào dân quyền và việc phổ biến vũ khí nguyên tử. Thêm vào đó, các trước tác của ông cũng gây nên phong trào học hỏi tư tưởng, thực hành Công Giáo và ơn gọi vào Dòng Xi Tô.

Để ghi nhận sự gần gũi giữa Merton và Đại Học Bellarmine ở Louisville, Kentucky, trường này đã cho thiết lập một địa điểm lưu giữ chính thức các văn khố về Merton tại Trung Tâm Thomas Merton. Paul Pearson, giám đốc trung tâm này, cho hay: yếu tính nền linh đạo của Merton là tính người của nó. Ông thực sự có khả năng nói với người thông thường. Không có gì mới lạ trong đó cả. Ông chỉ diễn tả các nhà cổ điển vĩ đại của nền linh đạo Kitô Giáo bằng một ngôn ngữ mà người bình dân có thể hiểu được và sống được. Pearson cho đó là một đóng góp lớn vì vào hai thập niên 1940 và 1950, nền linh đạo ấy chưa được một người bình dân nào nghe nói tới cả. Nó chỉ thuộc phạm vi của các tu sĩ, linh mục và giám mục. Người giáo dân thường thì lần chuỗi môi khôi ngay trong thánh lễ

Cũng theo Pearson, thoạt đầu xem ra Merton muốn quay lưng với thế giới tội lỗi ở bên ngoài đan viện. Nhưng càng sống kinh nghiệm đan viện, và sau sự thành công của cuốn tự truyện Núi Bẩy Tầng và rất nhiều thư từ nhận được sau đó cũng như việc giao tiếp với giới trẻ mà ông giảng dạy ngay bên trong đan viện khiến ông nghĩ rằng ông không thể để thế giới lại phía sau cổng đan viện, mà thực sự ông vào đan viện là vì chính cái thế giới ấy. Thế là nền linh đạo của ông thay đổi để bao hàm cả việc phải đối đầu với các vấn đề đang được mọi người trong thế giới quan tâm. Pearson gọi đó là nền linh đạo biết phối hợp cả chiêm niệm lẫn hành động. Các vấn đề ấy gồm: chiến tranh lạnh, thi đua vũ khí hạch nhân, chiến tranh và hòa bình, bất bạo động, rồi chiến tranh Việt Nam, dân quyền, nữ quyền, lạm dụng kỹ thuật, hiệu quả của truyền thông, sinh thái. Ông là người đầu tiên cho duyệt lại cuốn Silent Spring của Rachel Carson (20) và còn cho đọc nó tại phòng cơm đan viện, cũng như khuyên các đan sĩ phải lưu tâm đến vấn đề tái sinh rừng ngay trong đan viện.

Nhưng theo Pearson, khi quyết định không đơn thuần chỉ viết về linh đạo, Merton đã gây ra nhiều tranh cãi. Người ta vẫn chỉ muốn ông viết về linh đạo. Vì một đan sĩ, sống sau bốn bức tường đan viện, phỏng biết được bao nhiều về những chuyện ở đời, nhất là “đời” lúc ấy lại đang do một tổng thống Công Giáo đầu tiên cai trị. Chỉ trích chính phủ và Giáo Hội lúc ấy xem ra không hợp thời.

Nhận định về các tìm tòi đối với nền đan viện Đông Phương của Merton, Pearson cho rằng đó cũng là một đóng góp lớn, vào một thời điểm (thập niên 1960), ít người làm thế. Trước đó, trong thập niên 1950, Merton từng đã bắt đầu làm việc với các sinh viên thuộc các giáo phái khác như các chủng sinh của giáo phái Luthêrô tại Louisville hay các chủng sinh Baptist. Họ tới gặp để đối thoại với Merton và các đan sĩ khác của đan viện Gethsemani. Điều ấy không xẩy ra nhiều trước Vatican II. Sau đó, ông mở rộng, trước bằng thư từ, sau bằng tiếp xúc trực tiếp với người thuộc các tôn giáo khác, còn mời họ nói truyện với các tập sinh của đan viện và cả đan viện nữa.

Một số người, trong đó, có nhiều vị giáo phẩm, coi Merton như một thứ Tân Đại (New Age) nhợt nhạt. Tuy nhiên, theo Pearson, Merton quả đi trước cả thời gian, nhưng lại luôn bám trụ vào thánh truyền, nhất là các giáo phụ sa mạc, những người tuy ‘xa lánh’ thế gian, nhưng vua chúa thế gian vẫn lui tới vấn kiến.

Thầy Paul Quenon của Đan Viện Gethsemai, từng được “Cha Louis”, tên quen thuộc của Merton trong đan viện, linh hướng, cho hay: đối với Merton cầu nguyện cũng giống như cuộc vật lộn của Giacóp với Thiên Chúa. Khi ta gặp gỡ Thiên Chúa, Người không phải là một sự vật. Như thế có thể nói Thiên Chúa giống như không là gì cả. Và do đó, khi bạn buớc vào cầu nguyện sâu sắc, là bạn bước vào cõi không (nothingness). Theo thầy, điều ấy là chủ yếu trong nền linh đạo của Merton. Nghe như có cung giọng Thiền rõ rệt.

Tuy nhiên sau đó, thầy Quenon nhấn mạnh rằng tìm kiếm Thiên Chúa trong cô tịch chính là cốt lõi nền linh đạo của Merton và cũng là cốt lõi thẳm sâu của bản ngã ta. Merton cho hay chiêm niệm là trả lời một mời gọi, một mời gọi của Đấng không có tiếng nói nhưng lại nói trong mọi sự, nhất là trong thẳm sâu hữu thể ta. Do đó, theo Merton, có một mầu nhiệm về bản ngã, một mầu nhiệm giống như mầu nhiệm về Thiên Chúa. Cả hai đều là một mầu nhiệm duy nhất đối với ta. Chính trong diễn trình biết mình, ta biết được Thiên Chúa, hay đúng hơn, đạt được sự hiểu biết Thiên Chúa một cách trực tiếp là cách duy nhất ta biết được chính mình.

Không đề cập nhiều tới các trước tác không phải là linh đạo, thầy Quenon cho rằng Merton đã gây tác động tích cực lên lối sống đan viện. “Chúng tôi đã có được một tầm nhìn rộng lớn hơn về cuộc đời […]. Chúng tôi biết đánh giá tốt hơn nhiều ơn gọi khác nhau của cuộc sống đan viện. Chúng tôi đã khai triển được việc biết đánh giá cuộc sống đơn tu của nhà ẩn tu cũng như biết đánh giá các thách đố trí thức gặp thấy trong cuộc sống đơn tu, những thách đố mà trước đây các đan sĩ vốn bị coi là không nên ước ao. Nhưng rõ ràng Merton là một điển hình cho thấy điều người ta có thể làm trong bối cảnh đời sống đơn tu”.

Thầy cũng cho rằng cả các cố gắng trong việc bắt tay với các tôn giáo Đông Phương của Merton cũng là một điển hình cho cuộc sống đơn tu. Các đan sĩ tại Gethsemai đã tìm thấy một thứ tình họ hàng với các tu sĩ Phật Giáo. Họ tới đây từng nhóm nhỏ trong nhiều dịp khác nhau, cả Matthieu Ricard cũng tới đây, ông ta vốn làm việc với Đức Dalai Lama trong 17 năm nay. Theo thầy, các đan sĩ biết đánh giá phổ quát tính tốt hơn trước rất nhiều.

Viết về chức linh mục

Xem như thế, cuộc hiện sinh của một linh mục thời hiện đại đa dạng và nhiều khía cạnh phức tạp hơn trước nhiều lắm. Nhu cầu mục vụ càng ngày càng mang tới nhiều mẫu sống linh mục hết sức độc đáo và nhiều rủi ro. Điều ấy càng khiến Giáo Hội quan tâm nhiều hơn tới hàng ngũ linh mục, những người luôn ở hàng tiền đạo của mình. Sứ mệnh của Giáo Hội tùy thuộc phần lớn vào hàng ngũ này. Cầu nguyện cho hàng linh mục vì thế phải là hình thức hỗ trợ cần thiết nhất và cũng hữu hiệu nhất trong thời đại này.

Thomas Merton không phải chỉ chứng tỏ tính phức tạp và đầy thách đố của cuộc sống linh mục bằng chính cuộc sống mình, mà ông còn dùng ngòi bút trực tiếp nói lên các khía cạnh đó. Chúng tôi tạm trích 4 đoạn nhật ký của ông (21) viết vào bốn thời điểm khác nhau về chủ đề vừa nói:

1. Thứ ba tuần thánh, 17 tháng Hai năm 1953:

“Nhìn lên tượng chịu nạn treo trên bức tường trắng tại Nhà Thờ Thánh Anna, bỗng nhiên tràn ngập cả cõi lòng khi nhận ra mình là một linh mục, ơn này được ban cho mình để mình biết Thánh Giá có nghĩa gì, và nhà thờ Thánh Anna là một phần hết sức đặc biệt đối với ơn gọi linh mục của mình: sự im lặng của nó, các bụi cây, ánh sáng mặt trời, bóng tối, hình Chúa Giêsu, hình Đức Bà Cobre và thiên thần bé nhỏ trong tranh thiên đàng của Fra Angelico. Thế là mình đang là một linh mục với thế giới làm giáo xứ. Hay đó là một cơn cám dỗ, khi chỉ cần nghĩ như thế? Có lẽ mình không cần nhớ tới tính hoa trái tông đồ của sự im lặng này. Mình chỉ cần không là gì cả và sẵn sàng chờ đợi sự mạc khải của Chúa Kitô: bình an, khó nghèo và im lặng nơi một thế giới, trong đó mầu nhiệm sự ác cũng đang hành động và là nơi không còn sự mạc khải nào khác. Không, tại nhà thờ Thánh Anna, có sự bình an đến độ chắc chắn nó trở thành trung tâm của một trận chiến thiêng liêng đang được chiến đấu trong im lặng. Tôi, kẻ đang ngồi đây, đang cầu nguyện, đang suy tư và đang sống, tôi quả không là gì cả, và cũng không cần phải biết điều gì đang xẩy ra. Tôi chỉ cần hy vọng vào Chúa Kitô để nghe được tiếng chuông vọng sâu thật lớn đang bắt đầu rung lên và gửi âm vang thánh của nó tới tôi qua hàng bách tùng bé nhỏ”.

2. Ngày 19 tháng Giêng năm 1961:

“Cần phải thoát khỏi mọi can dự - đối với mọi phía. Cần cố gắng giữ thanh tĩnh mà mình vốn có nhiệm vụ rao giảng: không phải như một thứ xa xỉ mà như một điều cần thiết. Trong mấy năm qua, mình đã thay đổi không biết bao nhiêu ý niệm về vấn đề này. Không còn phải là vấn đề ‘thánh hóa’ nữa nhưng chỉ là chuyện sống còn, sống còn trong toàn vẹn tính mà Thiên Chúa đã ban cho mình.

Cần biết lúc nào, cách nào và với ai để nói chữ ‘không’. Nhiều rắc rối và khó khăn lắm ạ. Đừng có muốn làm ai thương tổn, chắc hẳn rồi, nhưng cũng đừng quá lo lắng làm vui lòng họ.

Người ta không ngừng tìm cách lợi dụng bạn trong việc giúp họ tạo ra một ảo tưởng để họ sống. Nhất là các ảo tưởng tập thể hết sức đa dạng. Vì lầm lỗi của chính tôi, tôi đã trở nên thành phần của quá nhiều ảo tưởng tập thể, tôi đã muốn trở nên như thế.

Trong lãnh vực yêu thương, cần có sự phân biệt. Tôi từng thoả mãn khi được nhiều người ‘nghĩ tốt’ về mình và mình nghĩ tốt về họ. Một thứ lòng tốt đầy ảo tưởng vốn giúp hết thẩy chúng ta cảm thấy an ổn.

Tôi phải hy sinh cái hào quang ảo tưởng của lòng tốt ấy và chỉ nên chú ý tới việc quan tâm chân chính đối với các cá nhân được Thiên Chúa dẫn tới với tôi mà thôi. Việc chăm sóc này là một can dự và là một can dự có tính sinh tử. Nhưng can dự ấy tốt và đúng, vì nó đặc thù, có tính bản thân. Nó không phải là một ‘phong trào’. Nó không tản mạn, mù xương, hao tốn, phi lý.

Vấn đề viết lách: nhất định là phải cắt giảm hoặc thay đổi.

Có người tố cáo tôi muốn làm ‘linh mục thượng phẩm’ của óc sáng tạo. Hoặc ít ra cũng để cho người ta coi tôi như vậy. Việc ấy có lẽ đúng.

Tội là muốn làm linh mục thượng phẩm (pontiff), muốn được người ta nghe, muốn có người cải đạo, muốn có đồ đệ. Vì ở trong tu viện kín, tôi nghĩ tôi không muốn điều ấy. Nhưng dĩ nhiên, tôi muốn thế, và ai cũng biết vậy.

Sách Nguyện tối nay nói rằng Thánh William, lúc gần chết, đã gỡ bỏ hết phẩm phục giám mục (không thể tưởng tượng được việc tại sao ngài lại phải mặc thứ phẩm phục đó ở trên giường bệnh!) và đã ráng hết sức bước xuống sàn nhà để qua đời ở đấy.

Tôi cũng như ngài, đang đội mũ tế (mitre) trên giường. Tôi sẽ phải làm gì với nó đây?

Một điều tôi phải thoát khỏi là hình ảnh về người Công Giáo nổi tiếng ở nước này. Tôi không hề là thứ người Công Giáo ấy, và tại sao tôi lại nên đem lại cho những người ấy cái ý niệm tôi là người gợi hứng đối với họ? Tôi không gợi hứng cho ai hết. Các giáo sĩ từng chống đối tôi sẽ hiểu ra điều ấy. Giữa họ và tôi có cả một hố thẳm.

Đồng thời lại có thứ cám dỗ tinh tế hơn, cơn cám dỗ làm người Công Giáo tiên phong kiểu Pháp, muốn có liên hệ tốt đẹp với giai cấp vô sản cánh tả. Muốn trở nên một ‘thành phần của tương lai’. Nhưng đó chỉ là một thứ huyền thoại khác. Và ở nhiều phương diện, còn là một thứ huyền thoại tệ hơn nhiều. Cơn cám dỗ ấy có tính thực tiễn, vì có cơ hội thành công hơn nhiều.

Tôi phải giáp mặt với sự kiện này là ở trong tôi, hiện đang có sự thèm muốn được sống còn trong tư cách linh mục thượng phẩm, tiên tri, và nhà văn, và thèm muốn ấy cần bị từ bỏ trước khi tựu chung, tôi có thể là chính mình.

3. Ngày 23 tháng Mười năm 1961:

Có lẽ tôi đang ở khúc quanh trong cuộc sống thiêng liêng của mình: có lẽ đang từ từ tiến tới điểm chín mùi, giải quyết được các nghi ngại và quên đi mọi sợ sệt. Đang bước vào một trận chiến được biết đến và có tính dứt khoát. Xin Chúa gìn giữ tôi trong trận chiến đấu ấy. Tờ Catholic Worker (22) vừa phát hành một thông cáo báo chí về bài viết của tôi, một vài viết rất có thể gây ra nhiều phản ứng, mà cũng có thể chả có phản ứng nào. Dù sao, xem ra tôi là một trong số ít các linh mục tại nước này dám không mơ hồ dấn thân vào một cuộc đấu tranh hoàn toàn không khoan nhượng cho việc bãi bỏ chiến tranh, cho việc dùng các phương thế bất bạo động để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Từ đó, nó hàm ý không những chống lại việc dùng bom, chống lại việc thử hạch nhân, chống lại các tầu ngầm Polaris, mà còn chống mọi hình thức bạo lực. Điều ấy, tôi nhất thiết phải giải thích đầy đủ khi có dịp. Hành động bất bạo động chứ không phải là đơn thuần thụ động. Nhưng làm thế nào để có thể kịp thời giải thích và bênh vực được một quan điểm dứt khoát khi, một bài báo ngắn cũng cần đến hai,ba tháng, mới có thể vượt qua được các nhà kiểm duyệt của Dòng. Đó là vấn đề tôi không dám đưa ra câu trả lời.

Tôi nghĩ: xét về một phương diện nào đó, quan điểm của Dòng thực ra không thực tế chút nào mà còn vô lý nữa. (Quan điểm ấy cho rằng) Vào thời điểm như hiện nay, hình như không một ai trong Dòng nên quan tâm một cách thực tiễn tới các thực tại của tình hình thế giới, các đan sĩ nói chung, ngay cả các đan sĩ Biển Đức có thể lên tiếng một cách trọn vẹn, cũng chỉ nên chuyên chăm tới các vấn đề có tính bác học liên quan tới các nhà văn trung cổ và những bản văn ít quan trọng hơn đối với các học giả, một quan điểm như thế ngay trong thời điểm có cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng nhất trong lịch sử con người, theo tôi là điều không thể hiểu nổi. Nhất là chính sách dứt khoát của Dòng Xi Tô chính thức chặn đứng hay ngăn cản bất cứ phát biểu quan tâm nào, bất cứ ý kiến dưới hình thức viết nào nhắc đến cuộc khủng hoảng kia. Điều ấy đối với tôi hết sức nghiêm trọng. Cho nên nêu vấn đề và tìm cách giải quyết vấn đề ấy hiển nhiên là điều vô dụng. Tôi từng nói truyện với Cha Clément de Bourmont, thư ký của Cha Bề Trên Cả, về vấn đề trên, và xem ra như nói truyện với một bức tường. Hoàn toàn không có hiểu biết và thiếu thiện cảm. Chính Cha Bề Trên Cả lại hiểu biết hơn và Dom James có đôi chút nhìn ra vấn đề (một cách đầy ngạc nhiên, các ngài đã cho phép bài Original Child Bomb (23) được phép công bố sau khi bị các vị kiểm duyệt khác cấm cản).

Các tu sĩ Dòng Tên không những ủng hộ, mà còn khuyến khích nữa, việc ngồi tại hầm tránh đạn với súng máy cầm tay để đuổi người khác đi khỏi! Xem ra đấy mới là điều tốt nhất mà nền thần học Công Giáo có nhiệm vụ phải cung hiến cho đất nước này.

Ít nhất, tôi cũng cảm thấy mình vô tội chưa tuyên bố quan điểm nào mới thực sự là quan điểm Công Giáo. Không phải quan điểm coi tự vệ là không chính đáng, nhưng còn có những viễn tượng bao quát hơn thế mà ta có nhiệm vụ phải xem sét. Không thể giải quyết các vấn đề của ta dựa vào căn bản ‘mọi người vì chính mình’ và phải cứu lấy da thịt mình bằng cách giết chết ngay người đầu hết đe dọa đến da thịt ấy.

Tôi vui mừng thấy mình đã bước một bước ngoặt, có lẽ là bước ngoặt cuối cùng của đời mình. Cảm thức từ bỏ và niềm vui về nhà, lòng yêu thương dành cho các tập sinh, những người tôi thấy như đang ngụ cư trong ánh sáng và phúc lành của Thiên Chúa khi cùng nhau về nhà. Ý tưởng ấy không tiêu cực cũng không phá hoại chút nào: nó hoàn toàn thoả mãn. Bất cứ điều gì xẩy ra cho thế giới, điệu vũ hiển linh muôn mầu muôn vẻ của nó vẫn tiếp diễn, hay có lẽ đang kết cục được biến hình hay hoàn thiện vĩnh viễn.

4. Ngày 26 tháng Năm năm 1963:

Hôm nay kỷ niệm năm thứ 14 ngày tôi thụ phong linh mục.

Ước chi tôi có thể nói rằng chúng là 14 năm thoả mãn, trật tự và hòa nhập mỗi ngày một hơn. Chẳng may, sự việc không đúng như thế. Bề mặt, chúng là những năm tương đối hạnh phúc và nhiều năng xuất, nhưng nay mỗi ngày tôi mỗi hiểu rõ hơn cái sâu xa trong nỗi thất vọng và tính chung cuộc rõ ràng trong thất bại của mình. Chắc chắn tôi không thích hợp với cái khuôn ước lệ hay truyền thống. Có lẽ đó là điều tốt. Tôi không phải là một nhân vật của J.F. Powers (24). Ấy thế nhưng nỗi thất vọng thì vẫn vậy. (Tôi không biết liệu mình có phải là một nhân vật của George Bernanos hay không. Nhưng nhất định không phải là một nhân vật của Graham Greene) (25). Nhưng cái việc thất bại kia thì quả có đó và xét theo một phương diện nào đó, tôi thấy có lẽ nó vĩnh viễn. Như thể, phần nào đó, cuộc đời linh mục của tôi đáng buồn và vô ích, là một bại trận và thất bại trong cuộc sống đan sĩ. (Có lẽ thôi. Vì dù sao, tôi cũng làm sao biết được?)

Tôi có được cảm thức rất chân thực này là cuộc đời ấy chỉ là một thứ nói dối, một trò đố chữ. Với mọi cố gắng đầy lầm lỗi ngớ ngẩn của tôi để được thành thực, tôi thực sự đã không làm gì để thay đổi được tình huống trên.

Chắc chắn tôi không phải là mẫu mực của đức hạnh linh mục. Tuy hình như tôi không cố ý phạm tội trong các vấn đề nghiêm trọng, nghĩa là không phạm tội với đầy đủ ý thức. Nhưng quả có những thất bại liên tiếp, những thất bại không đếm xuể, giống như những lỗ thủng xuất hiện chằng chịt trên tấm áo cũ. Không gì có thể vá lại một cách hữu hiệu được. Những con mối đã gậm nhắm trọn bản thân tôi trong khi tôi mù mờ ráng bám lấy điều đối với tôi xem ra có giá trị, quan trọng hay cần thiết để sinh tồn.

Từng có một nỗi thất vọng choáng váng trong các cố gắng bán ý thức muốn duy trì căn tính của tôi, trong khi tôi bị sói mòn bởi tính vô dụng, cứ đổi mới hàng ngày, của một cuộc hiện sinh chỉ đạt năng xuất nửa vời.

Tôi không luôn luôn điều độ. Nếu ra phố và có ai đó mời uống, tôi khó mà cưỡng được việc uống ly thứ hai hay ngay cả ly thứ ba. Và có khi tôi còn đi quá cả cái trivium perfectum, ‘cái ly thứ ba hoàn hảo’. Một đan sĩ mà như thế sao?

Có lẽ sự yếu đuối chính là thiếu can đảm thực sự để có thể chống đỡ được các áp lực của cuộc sống đan sĩ và linh mục. Dù gì, tôi cũng đã mỏi mệt. Tôi rất dễ bị ngã lòng. Các cơn trầm cảm mỗi ngày một sâu xa thêm, mỗi ngày một thường có hơn. Tôi đã gần 50. Người ta nghĩ tôi hẳn phải hạnh phúc.

Thánh Lễ của tôi vào mỗi buổi sáng chắc chắn là niềm vui lớn, và tôi nghiêm chỉnh tham dự Thánh Lễ ấy. Trong nó, đôi lúc tôi thấy một ý nghĩa cao cả mà lại giản đơn, cao cả hơn điều tôi có thể hiểu. Nhưng đôi khi cũng có những giây phút âu lo căng thẳng không tài nào nói ra được.

Cuối cùng theo tôi, điều tôi loay hoay xưa nay là chống lại việc cưỡng đặt một hình thức linh mục có sẵn, một khuôn mẫu đơn tu có sẵn. Tôi ương ngạnh nhất định tránh cho bằng được việc bị hấp thụ (absorbed) hòan toàn vào chức linh mục, và tôi không rõ liệu đó có phải là hèn nhát hay chính trực. Hình như không có cách gì thực sự giúp tôi trả lời rõ được điều đó.

Chú Thích

(20) Mùa Xuân Im Lặng; một nhà hải sinh vật học người Mỹ. Cuốn này, xuất bản năm 1962, đã gây ra một quan tâm sinh thái chưa từng thấy tại Hoa Kỳ, lật ngược lại chính sách diệt côn trùng hiện có, đưa đến việc hủy bỏ thuốc DDT.

(21) Trích trong The Intimate Merton, His Life from his Journal, A Lion Book, 1999.

(22) Thợ Thuyền Công Giáo của Dorothy Day

(23) Trái Bom Nguyên Sinh

(24) James Farl Powers, 1917-1999, là một tiểu thuyết gia Công Giáo người Mỹ, rất nổi tiếng về các nghiên cứu đối với các linh mục Công Giáo miền trung tây, từng phản đối Thế Chiến II

(25) Georges Bernanos 1888-1948, là một tác giả Công Giáo người Pháp nổi tiếng với các tác phẩm Journal d'un curé de campagne [nhật ký một cha xứ nhà quê] 1936, Dialogues des carmélites [Các đối thoại của nữ tu Các-men] 1949; Henry Graham Greene,1904 –1991, một tác giả, theo chính ông, là người Anh theo đạo Công Giáo; các thể tài Công Giáo giữ vai chủ chốt trong các sáng tác của ông, nhất là trong 4 tác phẩm lớn Brighton Rock, The Heart of the Matter, The End of the Affair và The Power and the Glory. Năm 1953, Thánh Bộ Tín Lý thông báo cho ông hay: cuốn The Power and the Glory gây nguy hại cho danh tiếng hàng linh mục; nhưng sau đó, ông được chính Đức Phaolô VI, trong một buổi triều yết riêng, cho hay: dù một phần tiểu thuyết của ông xúc phạm đến một số người Công Giáo, ông không nên quan tâm đến các lời chỉ trích.
 
Top Stories
Pere Laurent Quynh: «C’est l’âme chrétienne des Vietnamiens qu’il faut reconstruire»
Yves Kerihuel / La Croix
14:38 25/06/2009
Les évêques vietnamiens ont commencé lundi 22 juin leur visite ad limina à Rome. Le P. Laurent Quynh, 83 ans, ancien condisciple et ami du cardinal Lustiger, souligne les défis qui attendent l’Église du nord du Vietnam

Comment avez-vous vécu les terribles années à partir de 1954 ?

P. Quynh: J’ai pu tenir jusqu’en 1960, car je connaissais Ho Chi Minh. Ensuite, le Parti a placé ses membres dans les paroisses, et les catholiques qui résistaient ont été arrêtés. Pour le seul diocèse de Haïphong, 2 000 prêtres et laïcs ont été emprisonnés, si bien qu’il ne restait plus que trois prêtres. Il faut dire que, plus d’un million de personnes s’étant réfugiées à Haïphong pour embarquer vers le Sud, la région était devenue le dernier carré de résistance.

Ici, on a connu des persécutions atroces. En 1960, j’ai été séquestré dans un hameau: c’était pire que la prison où les prêtres pouvaient se soutenir. Je suis resté totalement isolé pendant vingt-huit ans. Cela m’a permis de lire tout Lénine et tout Marx ! (Rires.) On m’avait cependant autorisé à garder mon bréviaire et ma Bible. Toutes les nuits, je disais la messe à la lueur d’une bougie, et il y avait toujours deux ou trois chrétiens des environs qui y venaient en cachette.

En 1988, du fait des changements d’orientation politique, ma séquestration a cessé. En fait, les cadres que le Parti avait nommés à la gestion des paroisses ont fini par comprendre qu’ils allaient à l’échec. Pendant ces vingt-huit ans de captivité, je n’ai jamais éprouvé de haine contre les communistes.

Comment avez-vous fait ?

J’ai essayé d’être un vrai prêtre du Christ devant ses ennemis. Mes gardiens sont devenus des amis. Certains d’ailleurs continuent de venir me voir ici… Dans la région, il y avait une centaine de chrétiens devenus membres du Parti; aujourd’hui, ils sont tous revenus à la foi et viennent à la messe tous les dimanches. À Pâques, à Noël ou pour la fête du Têt, des dizaines d’autres viennent m’offrir des friandises. Je crois que les responsables locaux ont compris qu’en coopérant avec l’Église, ils avaient plus à gagner qu’en la terrorisant. De fait, partout, les relations entre le Parti et l’Église sont devenues plus cordiales, sauf à la paroisse de Thaï Ha, à Hanoï, où les tensions restent vives.

Vous étiez un ami du cardinal Jean-Marie Lustiger. Comment l’aviez-vous connu ?

Nous étions ensemble au séminaire parisien des Carmes, où j’ai été ordonné en 1952. Je l’ai revu en France en 1989, puis en 2006, un an avant sa mort. Je lui avais demandé comment il avait fait, en vingt-cinq ans, pour « remonter » le diocèse de Paris. Il m’a répondu que ce diocèse avait cessé de chuter, mais « ne remontait pas encore ». Et il m’a mis en garde sur le fait que, malgré son aspect florissant, l’Église au Vietnam était elle aussi en train de s’affaiblir. « D’ici une trentaine d’années, Saïgon, Hanoï et Haïphong seront comme Paris », m’avait-il dit.

Selon lui, ce n’était pas le communisme qui ferait disparaître la foi chrétienne, mais le consumérisme. Lorsqu’un peuple pauvre s’ouvre à la civilisation des loisirs et de la consommation, l’esprit religieux se perd. Le cardinal Lustiger m’a encouragé à agir pour éviter que l’Église au Vietnam ne s’affaiblisse.

Ce n’est pas l’impression qu’elle donne, pour le moment…

Certes, nos paroisses sont pleines, mais la majorité des fidèles ont plus de 50 ans. Certes, nous avons beaucoup de séminaristes, mais depuis quelques années ils se raréfient. Certes, nos célébrations rurales à Noël ou Pâques avec processions et fanfares attirent 3 000 à 4 000 personnes, mais ces formes de christianisme de village n’attirent plus les jeunes. Il faut retenir les jeunes générations et, pour cela, ce n’est ni d’argent ni de terrains que nous avons besoin, mais d’éducation et de formation religieuse. De l’étranger, on nous aide à reconstruire nos églises, mais c’est notre âme chrétienne qu’il faut nous aider à reconstruire.

Comment enrayer la perte de la foi chez les Vietnamiens ?

D’abord en priant et en instruisant. L’évangélisation passe par la formation. Pendant plus de trente ans, du fait de la fermeture des séminaires, le niveau intellectuel du clergé et des chrétiens a baissé. Depuis une dizaine d’années, nos évêques sont mieux formés, parce qu’ils ont pu étudier à l’étranger, mais il faudra attendre encore une dizaine d’années pour qu’ils puissent faire leur travail d’évêque. Quant aux prêtres, ils restent dans leur ensemble insuffisamment formés, ne serait-ce que parce qu’ils négligent la littérature et la culture du pays. Il est donc important que la nouvelle génération de prêtres acquière des bases solides en théologie et en philosophie. La plupart des évêques l’ont compris et s’efforcent d’envoyer des séminaristes à Paris, à Rome ou aux États-Unis.

Cela suffira-t-il pour éviter à l’Église au Vietnam les difficultés de l’Occident ?

Depuis un siècle, la proportion des catholiques au Vietnam n’a pas progressé: elle était de 6,5 % en 1886 (650 000 catholiques sur 10 millions d’habitants) et de 6,5 % en 2000 (5 millions de catholiques sur 77 millions d’habitants). Et ce, parce que l’on continue de prêcher un christianisme occidental. Ici, l’Église a jeté le discrédit sur le bouddhisme, le confucianisme, le culte des ancêtres… Il faut davantage faire coller la foi multiséculaire de l’Église à la pensée vietnamienne et aux traditions ancestrales.

Avec son exhortation apostolique post-synodale Ecclesia in Asia (1999), Jean-Paul II a encouragé à travailler en ce sens, patiemment et prudemment. Et c’est ce que je m’efforce de faire ici depuis douze ans. Chaque semaine, une soixantaine d’hommes et de femmes que je forme moi-même partent dans les villages alentour pour évangéliser. Résultat: déjà 8 000 conversions et baptêmes (hors mariages mixtes). Dans un village à 5 km d’ici, nous allons construire une église pour 800 fidèles, alors qu’il y a douze ans on n’y comptait que quatre catholiques.

Recueilli par Yves Kerihuel, à Haïphong

(Source: http://www.la-croix.com/article/index.jsp?docId=2378650&rubId=4078)
 
PHILIPPINES: L’Eglise catholique dénonce la reconduction par le Congrès d’une loi sur la réforme agraire vidée de sa substance
Eglises d'Asie
16:24 25/06/2009
PHILIPPINES: L’Eglise catholique dénonce la reconduction par le Congrès d’une loi sur la réforme agraire vidée de sa substance

Selon Mgr Broderick Pabillo, évêque auxiliaire de Manille et président de la Commission pour l’Action sociale, la Justice et la Paix de la Conférence des évêques catholiques des Philippines, la reconduction de la loi sur la réforme agraire par le Congrès philippin appelle à tout sauf à se réjouir. Le texte de loi, voté par le Sénat le 1er juin puis par la Chambre des représentants le 4 juin, reconduit pour cinq années supplémentaires le CARP (Comprehensive Agrarian Reform Program) en y attachant un budget de 100 milliards de pesos (1,5 milliard d’euros), mais les différentes dispositions que le texte prévoit permettent en réalité d’en vider la substance et de repousser à un horizon hypothétique la réalisation de son objet initial, à savoir la redistribution des terres des grands propriétaires aux paysans sans terre. C’est ce qu’a expliqué l’évêque dans un communiqué, publié le 4 juin dernier, par CBCP News, le service d’information de la Conférence épiscopale.

La réforme agraire est un des projets politiques qui a suscité les plus grands espoirs et les plus fortes déceptions aux Philippines. Dans un pays où une petite élite de propriétaires fonciers détient le pouvoir économique et politique, les premiers programmes de réforme agraire ont vu le jour dès les années 1950, sans toutefois provoquer beaucoup de changements dans les campagnes. Après 1986 et la première révolution du « People Power », la nouvelle présidente Corazon Aquino a initié une réforme agraire; en 1988, les autorités philippines lançaient le CARP, fortement soutenu par les organisations paysannes et promettant de profonds changements. Toutefois, sous la pression des propriétaires fonciers, le Parlement vidait les textes de leur substance en y introduisant de nombreux amendements. Durant toute la présidence Aquino (1986-1992), la confrontation avec les propriétaires fonciers fut soigneusement évitée et la plupart des terres redistribuées étaient en fait des propriétés publiques ou des terrains proposés via des programmes très avantageux financièrement pour les propriétaires fonciers. Souvent, il s’agissait de terres peu productives et la période a été marquée par de nombreux scandales de corruption.

Dans les années 1990, sous la présidence de Fidel Ramos (1992-1998), l’influence des idées néo-libérales et les préconisations de la Banque mondiale ont amené à l’abandon des achats imposés; la réforme agraire s’est poursuivi uniquement selon le principe du « willing seller - willing buyer », principe selon lequel les transferts de propriété se font seulement sur la base du volontariat et non de la contrainte publique. Faute de moyens financiers, la mise en œuvre du CARP a été ralentie et, lorsqu’arriva 1998, terme de la réforme fixé par la loi, il fut décidé, devant le maigre bilan atteint, de la reconduire pour dix années supplémentaires, mais, là encore, la lenteur du processus et les multiples clauses d’exception du programme ont permis aux propriétaires fonciers d’éviter la réforme agraire. Une des méthodes utilisées par les autorités locales, traditionnellement bien contrôlées par l’élite foncière, a consisté à changer l’affectation des terrains agricoles, en les faisant passer sous le régime des terrains non agricoles.

Dans les campagnes, les tensions provoquées par les impasses dans lesquelles s’enlisait le CARP sont allées crescendo. Les propriétaires fonciers ont de plus en plus recouru à des moyens légaux et illégaux pour intimider les paysans. Leurs milices ont empêché ces derniers d’accéder aux terres qui leur étaient malgré tout allouées ou les en ont chassés. Les malversations, le recours à l’intimidation et à des procédures plus ou moins légales sont devenues monnaie courante et, sous la présidence Arroyo, la violence à l’égard des paysans et de leurs leaders a considérablement augmenté. Ces personnes ont été les principales victimes d’une vague d’assassinats politiques qui a déferlé sur les Philippines à partir de 2001 (1).

Face à ce bilan plutôt mitigé, tous les acteurs de la scène politique philippine sont aujourd’hui d’accord pour déclarer que le CARP doit être adapté mais divergent sur la nature des changements à apporter. En décembre 2008, lorsque le programme est arrivé à expiration, les propriétaires fonciers et leurs relais au Congrès, notamment au Sénat, se sont mobilisés pour maintenir les clauses leur permettant d’échapper à la vente forcée de leurs terres. Les organisations paysannes ont milité pour l’abandon du CARP, estimant que ce texte n’avait fait que renforcer le pouvoir des grands propriétaires fonciers; elles ont proposé un nouveau texte, la Genuine Agrarian Reform Bill, qui n’a finalement pas été retenu. De leur côté, les évêques ont réaffirmé leur volonté de voir mise en place une vraie réforme agraire dans le pays. Le 18 mai 2008, le président de la Conférence épiscopale, Mgr Angel Lagdameo, écrivait que les évêques s’opposaient « dans les termes les plus forts » aux manœuvres des sénateurs et des représentants visant à « émasculer de fait les objectifs et les réalisations du CARPer » (CARP with extension and reform, le projet de loi rédigé pour prendre la suite du CARP arrivé à expiration en décembre 2008). L’Eglise catholique défendait une reconduction du CARP, sous une forme revue et corrigée, pour une durée de dix années supplémentaires et un investissement public de 147 milliards de pesos.

Aujourd’hui, selon Mgr Broderick Pabillo, le vote par les deux Chambres du Congrès du CARPer ne résout rien. L’attention de l’opinion publique est mobilisée par la polémique du « cha-cha » (pour Charter change), un changement constitutionnel qui permettrait à la présidente Arroyo de se maintenir au pouvoir au-delà de la fin théorique de son mandat, en 2010. Le Congrès doit se réunir en Assemblée constituante pour valider ou non ce changement constitutionnel et, le 4 juin dernier, Mgr Pabillo a mis en garde contre toute tentative, de la part des sénateurs et des représentants, de profiter de cette opportunité pour introduire dans la Constitution philippine des dispositions affaiblissant la réforme agraire qui vient d’être votée. L’évêque a appelé « tous les Philippins, et pas seulement les paysans et les partisans de la réforme agraire », à se montrer « très vigilants ».

(1) Voir dépêche diffusée le 11 juin 2009 par EDA.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Năm Thánh Các Linh Mục - Phỏng vấn Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài
Thúy Dung
00:29 25/06/2009
Nhân biến cố Đức Thánh Cha khai mạc Năm Thánh Các Linh Mục như một cơ hội để toàn thể Giáo Hội suy tư về những khía cạnh khác nhau của thiên chức linh mục, và công việc mục vụ của các ngài, chúng tôi xin giới thiệu đến quý cha và anh chị em một linh mục đã rất nhiều năm hoạt động trong lãnh vực rất chuyên biệt trong đời sống Giáo Hội, đó là lãnh vực Truyền Thông Công Giáo.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu với quý cha và anh chị em Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Giám Đốc Đài Chân Lý Á Châu và là chủ tịch Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam.

Vài nét về Ðài Chân lý Á Châu

Ðài Chân lý Á Châu (Radio Veritas Asia) là tiếng nói của Công Giáo Á Châu được điều hành từ Philippines phát sóng về Việt Nam, và tất cả các nước trong phạm vi Đông và Nam Á.

Lịch sử hình thành của RVA bắt nguồn từ cuộc hội nghị tại Manila năm 1958 khi các phái đoàn giám mục từ Ðông Nam Á quyết định "thành lập một đài phát thanh có vai trò như một trung tâm thông tin nhằm phục vụ cho các nước Ðông Nam Á" với sự giúp đỡ đáng kể của Hội đồng Giám mục Ðức và sự hợp tác của Tổng giáo phận Manila, khu liên hợp các phòng phát thanh ở thành phố Quezon và các điểm phát sóng (transmitter sites) tại Palauig và Malolos (miền Bắc Philippines), được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến năm 1969.

Mục tiêu của Ðài Chân lý Á Châu là:

1. Phổ biến những nguyên lý nền tảng về tự do và nhân quyền.
2. Tuyên truyền, loan báo thông tin đúng sự thật.
3. Góp phần vào công cuộc phát triển văn hoá trên cả hai phương diện khoa học và nghệ thuật.
4. Ðóng góp cho hoạt động vì hoà bình và thăng tiến cho các dân tộc tại lục địa châu Á.
5. Mang đến cho hàng triệu người dịp giải trí và thư giãn, đặc biệt với các chương trình ca nhạc và thẩm định âm nhạc.

Ðài RVA phát thanh với 17 ngôn ngữ bao gồm tiếng Bengali (ngôn ngữ vùng Bengal, Ấn Ðộ), tiếng Miến Ðiện (Burmese - Burma), tiếng Hindi (ngôn ngữ của Ấn Ðộ), tiếng Hmong (của một dân tộc miền núi Việt Nam), tiếng Bahasa Indonesia (thổ ngữ của Indonesia), tiếng Kachin, Karen, tiếng Hoa (Mandarin: tiêng Quan thoại thay Bắc Kinh - tiếng tiêu chuẩn chính thức của Trung Quốc), tiếng Pilipino (tiếng thổ ngữ của người dân Philippines), tiếng Nga, tiếng Sinhala, tiếng Tamil (thổ ngữ của tộc Tamil-Ấn Ðộ), tiếng Telugu, tiếng Urdu, tiếng Việt (Việt Nam), tiếng Zomi-chin (tiếng Nhật), trong 22 giờ mỗi ngày tại châu Á và Ðông Âu. Riêng các chương trình bằng tiếng Nga và tiếng Zomi-chin (Nhật ngữ) được thực hiện bên ngoài Philippines.

Chương trình phát bằng tiếng Quan thoại của Ðài Vatican 40 phút mỗi ngày cũng được tiếp sóng cho người dân Trung Hoa đại lục nghe đài. Những chương trình khác được chính người địa phương - người Indo, Ấn Ðộ và Sri Lanka thực hiện tại cơ sở của RVA ở thủ đô Manila.

Nội dung tổng thể của các chương trình gồm:

- Giáo lý và các chương trình giúp thăng tiến tâm trí, chiếm 58%.
- Các chương trình văn hoá xã hội và giải trí chiếm 22%.
- Các chương trình chính trị, kinh tế và tin tức, chiếm 20%.

Ðịa chỉ: Radio Veritas Asia
- Buick Street, Fairview Park
- P.O. Box 2642, Quezon City 1166, Philippines
- Tel: (+632) 939 4692 hoặc 939 0011 đến 14
- Fax: (+632) 938 1940

 
Nhật ký Ad limina HĐGMVN họp tại Vatican
BTT HĐGMVN
01:42 25/06/2009
NHẬT KÝ AD LIMINA 2009 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Thứ ba 23.06.2009: HỌP VỚI BỘ GIÁO SĨ VÀ BỘ ĐỨC TIN

Hôm qua có hai cuộc họp với hai Hội đồng, hôm nay là hai cuộc họp với hai Bộ. Hai cơ quan này cùng ở toà nhà ngay sát Đền Thánh Phêrô, nên các giám mục đi bộ khoảng 10 phút là đến.

Xem hình ảnh

Bộ Giáo sĩ

Tại Bộ Giáo sĩ, chính Đức Hồng y Bộ trưởng Claudio Hummes tiếp đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam. Không giống những lần khác, hôm nay thay vì một bản trình bày của Đức cha Chủ tịch Uỷ ban Giáo sĩ-Chủng sinh, 7 Đức Cha đã liên tiếp phát biểu về các linh mục trong giáo phận mình. Tuy mỗi nơi mỗi khác, nhưng các điểm chung là hầu hết các linh mục hăng say và tận tụy với sứ mạng, thường phải làm việc quá sức, và cần được thường huấn. Các Đức cha cũng thấy không có vấn đề đáng quan ngại về đời sống đức tin và tuân phục của các linh mục. Có Đức cha hãnh diện vì các linh mục giáo phận mình. Tuy nhiên, có mấy Đức cha băn khoăn về đời sống cầu nguyện, đời sống nghèo khó, đời sống độc thân của các linh mục. Đức Hồng y Bộ trưởng cho biết Giáo Hội Việt Nam đã trải qua nhiều thử thách nhưng vẫn có nhiều ơn gọi linh mục, đó là do ơn Chúa.

Ngài nhấn mạnh 3 điều cần thiết cho các linh mục:
(1) tinh thần thừa sai giúp các linh mục dâng mình cho Chúa và tận tụy phục vụ chương trình cứu độ;
(2) thường huấn với nội dung thần học, tu đức hay mục vụ, giúp các linh mục luôn thích ứng với hoàn cảnh mới;
(3) linh đạo giúp các linh mục luôn khởi đầu mọi sự với Đức Kitô và tiến bước theo Đức Kitô. Theo ngài, trong Năm Linh mục này, mỗi giáo phận nên có một chương trình cụ thể nhằm các mục tiêu trên.

Riêng về đời sống độc thân, các giám mục cần nhân từ nhưng cũng phải kiên quyết đối với những linh mục lỗi phạm. Trong phần trao đổi, một vài Đức cha nêu lên tình trạng có nơi thiếu linh mục trong khi nơi khác các linh mục lại thiếu việc làm. Có Đức cha cho biết các dòng tu ở Việt Nam hiện đã gửi khá nhiều linh mục và tu sĩ đi truyền giáo ở nước ngoài. Đức cha phụ trách linh mục và chủng sinh của Hội đồng Giám mục cho biết Bản Qui chế đào tạo linh mục (Ratio) sắp hoàn tất sẽ giúp việc đào tạo trong các chủng viện vừa hoàn thiện hơn vừa thống nhất hơn. Đức Hồng y Bộ trưởng đã ân cần chia sẻ những suy nghĩ của ngài về những câu hỏi được đặt ra. Và để kết luận, ngài cho rằng các linh mục tận tụy với sứ mạng sẽ tìm được sự hăng say trong thiên chức.

Bộ Giáo lý Đức tin

Tại văn phòng của Bộ Giáo lý Đức tin, tiếp đoàn có Đức Tổng Giám mục Tổng thư ký Ladaria và hai Đức ông. Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc trình bày về cơ cấu tổ chức và những công việc của Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Ủy ban đã duyệt lại một số bản văn căn bản của Hội Thánh như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, các văn kiện Công đồng Vaticanô II, một số thông điệp và tông huấn. Ủy ban cũng soạn bản đề cương “Giáo Hội: Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ” để toàn Giáo Hội Việt Nam cùng suy nghĩ, học hỏi và góp ý nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm 50 thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Ủy ban cũng đang soạn quyển Từ Vị các thuật ngữ giáo lý, thần học để giúp mọi người hiểu về giáo lý và đức tin, đồng thời thống nhất các thuật ngữ trong ngôn ngữ Việt Nam. Ở Việt Nam không có những vấn đề về tín lý, nhưng gặp nhiều vấn nạn về luân lý, đặc biệt về đạo đức sinh học. Việc thế tục hóa cũng ảnh hưởng đáng kể đến Giáo Hội Việt Nam, nhất là giới trẻ. Trước những thách đố, Giáo Hội phải tăng cường nỗ lực rao giảng Tin Mừng và đào sâu đức tin, trong khi đặt tin tưởng trọn vẹn nơi Thiên Chúa.

Tiếp đó, Đức cha Giuse Võ Đức Minh trình bày về công việc của Ủy ban Thánh kinh mới được tách ra từ Ủy ban Giáo lý Đức tin. Ngài cho biết trong thập niên qua, đã có 250 ngàn quyển Kinh Thánh trọn bộ và 2 triệu bản Tân Ước được phát hành. Như thế, trung bình mỗi gia đình Công giáo đều có một quyển Tân Ước. Ủy ban Thánh kinh cũng dùng internet để phổ biến Lời Chúa dưới nhiều dạng như suy niệm, chia sẻ, chứng từ… Ba giám mục Việt Nam đã tích cực tham dự Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua về Lời Chúa trong đời sống của Hội Thánh. Đức Tổng Giám mục Tổng thư ký rất vui mừng về đời sống đức tin của giáo dân Việt Nam, tạ ơn Chúa vì không có những sai lạc về tín lý, còn những vấn đề về luân lý là thập giá chung của thời đại này mà mọi Giáo Hội địa phương đều phải cố gắng thắng vượt.

Lúc 17g30, các Đức cha có mặt ở Đền thánh Phaolô Ngoại Thành để dâng lễ và viếng mộ ngài. Thánh lễ do Đức Tổng Giám mục Huế chủ sự. Có hơn 30 Đức ông và linh mục Việt Nam đang làm việc hay học ở Rôma đồng tế, cùng với hơn 100 nữ tu và giáo dân Việt Nam tham dự. Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc của ngày lễ, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc nêu lên sứ mạng người tông đồ là rao giảng Đức Kitô là Đấng Cứu Độ cho mọi người. Ở Việt Nam, Giáo Hội nỗ lực chu toàn và cố gắng trung thành với sứ mạng ấy kể cả việc loan báo Tin Mừng cho người cộng sản. Giáo Hội không đứng về phe phái chính trị nào, nhưng trung thành và can đảm rao giảng Tin Mừng, và nếu cần thì sẵn sàng hy sinh cả mạng sống. Các giám mục nhận sứ mạng ấy nhưng như Giêrêmia, các ngài cảm thấy mình “chỉ là trẻ con, không biết nói năng”. Dầu vậy các giám mục tin tưởng không có gì Thiên Chúa không làm được. Đức cha kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa một lòng với các giám mục và khích lệ các giám mục trong sứ mạng tông đồ. Sau thánh lễ, toàn thể các Đức cha cùng với các linh mục, tu sĩ và giáo dân đến cầu nguyện trước mộ thánh Phaolô.

Có thể nói hôm nay là một ngày các Đức cha ý thức sứ mạng khó khăn của Giáo Hội, nhưng tuyên xưng lòng trung thành với Đức Kitô và Hội Thánh, đồng thời hiệp thông với các linh mục và toàn thể Dân Chúa ở Việt Nam, tha thiết nguyện xin và dấn thân làm chứng cho Đức Kitô theo gương thánh Phaolô.

Thứ hai 22.06.2009: GIÁO DÂN VÀ GIA ĐÌNH

Do chênh lệch giờ giữa Việt Nam và Italia, nhiều Đức cha chỉ ngủ được vài ba giờ, nhưng tất cả các giám mục đã khởi đầu ngày thứ nhất với thánh lễ đồng tế sốt sắng lúc 6 giờ sáng, do Đức Hồng y Gioan Baotixita chủ sự.

Xem hình ảnh

Hôm nay toàn thể các Đức cha đi gặp 2 Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân và về Gia đình. Hai cơ quan này ở chung một tòa nhà nên không phải đi lại nhiều.

Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân

Tiếp đoàn tại trụ sở Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân là Đức ông Clemens, người Đức, và 8 chuyên viên, trong đó có 2 phụ nữ. Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, chủ tịch Ủy ban Giáo dân thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày về đời sống và vai trò của giáo dân trong Giáo Hội Việt Nam, nhấn mạnh đến đức tin và lòng đạo của người giáo dân Việt Nam, siêng năng cầu nguyện và tham dự thánh lễ, hăng hái tham gia sinh hoạt giáo xứ.

Tiếp đến, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, chủ tịch Ủy ban Giới trẻ thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày về một giới trẻ năng động và quảng đại, nêu đặc biệt Đại hội Giới trẻ hằng năm của Giáo tỉnh Hà Nội với con số tham gia ngày càng tăng, nay đã lên đến trên dưới 15 ngàn. Đức ông thư ký Hội Đồng nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần của giáo dân Việt Nam nói chung và của giới trẻ nói riêng.

Giáo sư Cariquiry, phó thư ký, cho biết đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Giáo dân Châu Á tại Hàn Quốc và đề nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi một đoàn đông đảo giáo dân đi tham dự.

Đức ông thư ký nói: “Chúng tôi nghĩ nhiều về Châu Á, và đặt nhiều hy vọng ở Châu Á.” Cha Jacquinet cho biết Việt Nam đã tham dự ngày càng tích cực và đông đảo vào Đại hội Giới trẻ Thế giới. Đây là cơ hội tốt để giới trẻ sống kinh nghiệm về Đức Kitô trong Hội Thánh, dịp để giới trẻ gặp gỡ trực tiếp các vị lãnh đạo Hội Thánh và chia sẻ với nhau. Trước mỗi Đại hội Giới trẻ Thế giới, Giáo Hội tại quốc gia tổ chức Đại hội nhận cây Thánh giá như sứ mạng trao cho giới trẻ sống và loan báo mầu nhiệm Đức Kitô cho nhân loại, và cây Thánh giá đó đã được chuyển đến nhiều quốc gia trên thế giới. Đó cũng có thể là khuôn mẫu cho các Đại hội Giới trẻ ở các cấp độ địa phương.

Giáo sư Carriquiry nêu lên 3 tiêu chí về căn tính Công Giáo so với anh em Tin Lành: lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, lòng sùng kính Đức Mẹ và sự gắn bó với Đức Thánh Cha.

Cả ba điều ấy đều nổi bật nơi giáo dân Việt Nam. Đức ông thư ký cũng lưu ý các giám mục tổ chức các khóa đào tạo giáo dân để họ tham gia tích cực và lãnh trách nhiệm nhiều hơn nữa trong các giáo xứ cũng như ở những bình diện rộng lớn hơn. Kết thúc buổi gặp gỡ và làm việc rất sinh động, Đức ông thư ký ca ngợi và cám ơn giáo dân Việt Nam đang nêu gương cho Giáo Hội Châu Á nói riêng và Hội Thánh toàn cầu nói chung.

Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình

Tại trụ sở Hội đồng Toà Thánh về Gia đình, tiếp đoàn là Đức Hồng y Enio Antonelli, chủ tịch Hội Đồng, và 4 chuyên viên.

Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, chủ tịch Ủy ban Gia đình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày về gia đình truyền thống Việt Nam rất phù hợp với giáo lý Công Giáo, đặc biệt về lòng hiếu thảo, nếp sống đại gia đình, lễ nghĩa gia phong, quan hệ họ hàng thân thuộc gắn bó. Tinh thần ấy có thể áp dụng vào Hội Thánh như gia đình Thiên Chúa trong đó mọi người sống với Thiên Chúa theo tình con thảo và với tha nhân như anh em thân thuộc. Tuy nhiên hiện nay có hai trào lưu đang tác động vào gia đình truyền thống ấy là việc đô thị hóa và toàn cầu hóa. Trào lưu trước khiến nhiều người phải xa gia đình đi làm việc ở các đô thị. Trào lưu sau đem nếp sống tây phương vào xã hội Việt Nam. Khuynh hướng gia đình nhỏ đang dần dần thay thế đại gia đình. Những hiện tượng tiêu cực như sự ích kỷ, đề cao vật chất, thiếu sự chăm sóc và dạy dỗ con cái, nhất là về đời sống đức tin, nạn nam nữ sống chung không kết hôn, nạn ly dị, nạn phá thai… đang đe dọa những giá trị văn hóa truyền thống và đức tin của gia đình công giáo. Trong những năm gần đây, Hội đồng Giám mục đã nhiều lần nhắc nhở giáo dân về những giá trị vĩnh cửu của gia đình theo tinh thần Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh cần phải được bảo vệ và phát huy. Hơn lúc nào hết, Giáo Hội Việt Nam cần một nền mục vụ gia đình để hướng dẫn và giúp đỡ các gia đình, nhất là những gia đình trẻ.

Ông Simon, phó thư ký, ghi nhận 3 điểm quan trọng nêu trong bản phúc trình: (1) giáo dục Công giáo trong gia đình; (2) chương trình giáo dục những người sắp kết hôn và giúp đỡ những gia đình trẻ; (3) đạo đức sinh học: sự sống phải được đón nhận với tinh thần trách nhiệm trong gia đình. Một chuyên viên giới thiệu các tài liệu Hội đồng đã soạn thảo và phát hành có thể giúp các giám mục Việt Nam trong mục vụ gia đình. Đức Hồng y chủ tịch đề nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi thêm người đi học chuyên biệt về mục vụ gia đình, đồng thời hứa sẽ giúp các giám mục khi có những chương trình cụ thể.

Sau khi thảo luận một vài vấn đề mục vụ về ngừa thai và phá thai, Đức Hồng y chủ tịch nhấn mạnh tầm quan trọng của trách nhiệm giáo dục con cái trong gia đình, việc cầu nguyện trong gia đình dựa trên Lời Chúa và được kiểm nghiệm trong đời sống, và kết luận: Cần giúp mọi người ý thức và xác tín “gia đình không chỉ là đối tượng nhưng còn là chủ thể của mục vụ”.

Chúa nhật 21.06.2009: MỌI CON ĐƯỜNG ĐỀU DẪN ĐẾN ROMA

Theo giáo luật, cứ 5 năm một lần, các giám mục của các giáo phận trên toàn thế giới phải về Rôma để: (1) viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vì các giám mục là những người kế nhiệm các thánh tông đồ; (2) gặp Đức Thánh Cha, Đấng kế vị thánh Phêrô và là vị đại diện Chúa Kitô ở trần gian; (3) làm việc với các Bộ thuộc Toà Thánh. Tất cả đều nhằm mục đích liên kết các giám mục với Đức Thánh Cha, liên kết các giáo hội địa phương với Giáo Hội phổ quát, như ước nguyện của Chúa Giêsu: “Xin cho mọi người nên một”.

Xem hình ảnh

Trong truyền thống đó, các giám mục Việt Nam đã cùng lên đường sang Rôma vào ngày thứ bảy 20-06-2009. Lúc 20g00, các giám mục thuộc giáo tỉnh miền Trung và miền Nam đã có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất. Hai giờ sau, các giám mục thuộc giáo tỉnh miền Bắc cũng có mặt đông đủ. Sau đó, lúc 23g00, chuyến bay cất cánh đưa các giám mục sang Paris, tiếp đó đến Rôma lúc 9g00 sáng Chúa nhật 21-06-2009.

Tính cho đến tối Chúa nhật 21-06-2009, trừ các Đức cha nghỉ hưu, 29 Đức cha trực tiếp từ Việt Nam hay đang ở các nơi khác đã tề tựu tại Domus Romana Sacerdotalis (Nhà Linh mục) gần Đền Thánh Phêrô ở Rôma. Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, giáo phận Quy Nhơn, và Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận, giáo phận Cần Thơ, vì đau yếu không đến đươc. Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, giáo phận Kontum, chưa đến được vì đang chữa bệnh, nhưng hy vọng sẽ đến.

Các Đức cha đã cùng dâng Thánh Lễ đầu tiên do Đức cha Chủ tịch HĐGMVN chủ sự. Trong bài chia sẻ, Đức cha Chủ tịch đã nói lên niềm vui của các giám mục Việt Nam được đến Kinh thành muôn thuở của Giáo Hội, lại không đến một mình nhưng đến cùng với tất cả anh em trong HĐGM, và đến để sống mầu nhiệm hiệp thông cách hữu hình và cụ thể qua việc gặp gỡ Đức Thánh Cha và làm việc với các Bộ thuộc giáo triều Rôma.

Ngài mời gọi các giám mục dâng những ngày này lên Chúa Kitô, Đấng mà Tin Mừng Marcô Chúa nhật 12 thường niên mô tả là Người hiện diện bên các tông đồ giữa cảnh phong ba bão táp và mang lại bình an cho các ông.

Sau thánh lễ đồng tế các Đức cha đã trao đổi về chương trình làm việc trong những ngày tới. Ngày đầu tiên, thứ hai 22.6, các Đức cha sẽ gặp Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân và Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình.

Trong tâm tình hiệp thông, xin toàn thể cộng đồng Dân Chúa trong nước cũng như ở hải ngoại cầu nguyện cho cuộc viếng thăm Ad Limina năm nay thu được nhiều hoa trái thiêng liêng.

(Nguồn: http://hdgmvietnam.org/)
 
Báo Tòa Thánh phỏng vấn Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM Việt Nam
Báo Osservatore Romano
17:02 25/06/2009
ROMA. Trong những ngày này, 29 Giám mục Việt Nam, thiếu Đức Cha Kontum và Qui Nhơn, đang hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh, theo qui định của Giáo Luật. Các Giám mục đã cử hành thánh lễ tại Mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô, và hôm 25-6-2009 bắt đầu lần lượt được Đức Thánh Cha tiếp kiến riêng. Ngoài ra, các vị cũng chia chia thành đoàn gặp gỡ để gặp các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Trong những ngày qua, các Giám mục Việt Nam đã gặp Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, gia đình, bộ giáo sĩ, bộ giáo lý đức tin, Bộ truyền giáo. Sáng hôm qua, các vị gặp Bộ Phong thánh, Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn. Thứ sáu 26-6-2009 theo chương trình các GM Việt Nam sẽ gặp Bộ các dòng tu. Ban chiều các vị gặp Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động và Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình.

Báo Osservatore Romano (Quan sát viên Roma của Tòa Thánh), trong số ra ngày 24-6-2009 đã đăng một bài phỏng vấn do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, GM Đà lạt, Chủ tịch Hội đồng GM Việt Nam dành cho ký giả Nicola Gori của báo này.

H. Cuộc viếng thăm quan trọng của Phái đoàn Tòa Thánh tại Việt Nam hồi tháng 3 năm 2007 có góp phần vào việc cải tiến quan hệ giữa nhà nước và Giáo Hội tại Việt Nam không, thưa Đức Cha?

Đức Cha Nhơn: Tin Mừng của Chúa Kitô đã được gieo vào lòng đất Việt Nam từ năm 1533. Hàng giáo phẩm Việt Nam đã được thành lập năm 1960 trong một thời kỳ Việt Nam bị chia đôi về chính trị. Chỉ từ năm 1980, sau khi hai miền đất nước thống nhất hồi năm 1975, mới có HĐGM cho toàn nước Việt Nam. Biến cố này - sẽ được chúng tôi mừng kỷ niệm vào năm tới 2010, đã được đánh dấu với việc soạn thảo thư chung đầu tiên của HĐGM Việt Nam ngày 1-5-1980, để mời gọi toàn thể Dân Chúa hãy để cho Tin Mừng hướng dẫn trong cuộc sống thường nhật và trong sự dấn thân phục vụ công ích.

Cuộc viếng thăm của Phái đoàn Tòa Thánh hồi năm 1989 do ĐHY Roger Etchegaray hướng dẫn đã đánh dấu một khúc quanh lịch sử đối với Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam. Từ ngày ấy, Tòa Thánh đã có thể gửi hầu như hằng năm một phái đoàn đến Việt Nam để đối thoại với chính phủ và viếng thăm các giáo phận chúng tôi. Các cuộc viếng thăm mục vụ này, đặc biệt là cuộc viếng thăm của Phái đoàn Tòa Thánh từ ngày 5 đến 11 tháng 3 năm 2007, do Đức ông Pietro Parolin, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, làm trưởng đoàn, hướng dẫn - sau cuộc gặp gỡ ý nghĩa ngày 25-1-2007 giữa thủ tướng Việt Nam và ĐTC Biển Đức 16 tại Vatican - luôn mang lại cho chúng tôi ánh sáng và những lý do để hy vọng, củng cố đức tin của dân Kitô giáo. Chắc chắn là cuộc viếng thăm năm 2007 của Phái đoàn Tòa Thánh đã góp phần cải tiến quan hệ giữa Nhà nước và Giáo Hội Công Giáo: trong cuộc viếng thăm đó hai bên đã nói về hành trình tích cực tiến về quan hệ ngoại giao. Chúng tôi cầu mong rằng trong tương lai gần đây quan hệ ngoại giao ấy sẽ trở thành thực tại. Chúng tôi nồng nhiệt mong ước có sự hiện diện thường trực của Tòa Thánh, đại diện ĐGH tại Việt Nam. Đối với chúng tôi đó sẽ là dấu chỉ hữu hình của ĐGH và của Giáo Hội hoàn vũ giữa lòng đất nước Việt Nam. Đàng khác sự hiện diện thường trực này của Tòa Thánh sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho các cuộc gặp gỡ và đối thoại với chính quyền dân sự để làm chứng tá bác ái và Tin Mừng của Chúa Kitô tại đất nước chúng tôi.

H. Sự phát triển kinh tế và sự cởi mở về thương mại của Việt Nam có mang lại những lại những lợi ích và thay đổi đáng kể cho cuộc sống của dân chúng hay không, thưa Đức Cha?

Đức Cha Nhơn: Sự tiến triển kinh tế và thương mại của đất nước Việt Nam đã mang lại những lợi ích và góp phần thay đổi điều kiện sống của dân chúng, nhất là tại các thành thị. Nhưng phần lớn dân Việt Nam sống tại nông thôn và một phần đáng kể thuộc các nhóm dân tộc thiểu số sống rải rác tại các miền rừng núi bắc Việt, miền trung nguyên cũng như bình nguyên sông Cửu Long. Đây là những thành phần nghèo nhất trong xã hội. Với sự phát triển kinh tế và cởi mở về thương mại của Việt Nam đã có những ảnh hưởng tích cực đối với dân chúng, nhưng cũng có một số thiếu sót trong những lãnh vực khác liên quan đến đời sống gia đình, luân lý và xã hội. Hố chia cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu rộng hơn.

H. Trong một nước có đại đa số dân theo Phật Giáo, cuộc đối thoại liên tôn ở mức độ nào và đâu là những bước tiến đang được thực hiện, thưa Đức Cha?

Đức Cha Nhơn: Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam có quan hệ tốt với các tôn giáo và tín ngưỡng khác, đặc biệt là với Phật giáo. Không có căng thẳng giữa các tôn giáo và những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau. Có một hình thức "cảm thông từ bi” giữa tất cả những người Việt Nam theo một tôn giáo - dù là Phật giáo, Công Giáo, Tin Lành hay bất kỳ tôn giáo nào khác ở địa phương, vì chúng tôi hầu như cùng chia sẻ những khó khăn và hy vọng.

Về vấn đề đối thoại liên tôn, chúng tôi đang thực hiện những cố gắng, nhưng điều này tùy theo miền. Nói chung, chúng tôi viếng thăm các chùa Phật giáo vào dịp lễ Phật Đản (Vesak) và chúng tôi cũng nhận được những cuộc viếng thăm vào dịp Tết Nguyên Đán. Có một sự tôn trọng lẫn nhau trong lãnh vực các nguyên tắc tín ngưỡng và thực hành tôn giáo, nhưng vẫn còn thiếu những quan hệ trên bình diện nghiên cứu về linh đạo và trí thức.

H. Có sự chênh lệc giữa miền bắc và miền nam Việt Nam về vấn đề truyền giảng Tin Mừng và sự hiện diện của các Linh muc không, thưa Đức Cha?

Đức Cha Nhơn: Do hiệp định Geneve năm 1954, đất nước Việt Nam bị chia thành hai phần: Bắc Việt và Nam Việt. Phần lớn các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân từ miền Bắc di cư xuống miền nam, để lại cho Giáo Hội tại miền Bắc tình trạng thiếu nhân sự và đủ mọi khó khăn: họ cũng không thể tham gia Công đồng chung Vatican II. Sau khi đất nước thống nhất hồi năm 1975 - và nhất là sau khi thành lập HĐGM Việt Nam năm 1980 - đã có những cuộc gặp gỡ, trao đổi, thảo luận, những hình thức chia sẻ trong các lãnh vực khác nhau giữa Giáo Hội ở miền Bắc và Giáo Hội tại miền Nam. Những thuyên chuyển và bổ nhiệm Giám Mục từ phía Tòa Thánh đã tạo điều kiện cho sự trao đổi nhân sự giữa miền Nam và miền Bắc. Với việc mở Đại chủng viện ở Hà Nội và Vinh ở miền Bắc, và tại Sàigòn, Cần Thơ, Huế, Nha Trang, Xuân Lộc ở miền Nam, cũng như các học viện của các dòng tu, đời sống Giáo Hội tại Việt Nam trở nên đồng nhất hơn trong việc rao giảng Tin Mừng và sự hiện diện của các Linh Mục.

H. Đâu là những đóng góp mà các tu sĩ nam nữ có thể mang lại cho các hoạt động từ thiện, giáo dục và mục vụ của Giáo Hội, thưa Đức cha Chủ tịch?

Đức Cha Nhơn: Đây là một ưu điểm của Giáo Hội tại Việt Nam. Chúng tôi có đông đảo các tu sĩ nam nữ, nói chung, họ có khả năng và được huấn luyện thích hợp để hoạt động giáo dục, mục vụ và từ thiện bác ái. Sự đóng góp và phục vụ của họ thật là quí giá đối với Giáo Hội, nhưng họ vẫn chưa được Nhà Nước nhìn nhận cho đủ.

H. Đâu là những ưu tiên mục vụ của Giáo Hội trong lãnh vực hoạt động thể thăng tiến công bằng xã hội tại Việt Nam, thưa Đức cha?

Đức Cha Nhơn: Trước năm 1975, Giáo Hội tại miền Nam Việt Nam đã suy tư và đề ra những dấn thân rõ rệt cho công bằng xã hội. Tại hầu hết các giáo phận đều có những khóa làm việc về các đề tài công lý và hòa bình. Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, bấy giờ là Giám mục giáo phận Nha Trang, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, sau này làm Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và hòa bình, đã tổ chức nhiều khóa dành cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Hiện nay chúng tôi đang tìm cách thực hành giáo huấn xã hội của Hội Thánh, bao nhiêu có thể, bắt đầu bằng cách nâng đỡ những người nghèo khổ túng thiếu nhất: những người bị phong cùi và HIV, các nhóm dân thiểu số, những người dân sống tại các khu xóm nghèo, v.v...

H. Vậy Giáo Hội có được tự do thi hành sứ vụ của mình tại Việt Nam không, thưa Đức Cha?

Đức Cha Nhơn: Mỗi ngày chúng tôi càng cảm thấy có một sự cởi mở hơn, nhưng tất cả còn tùy thuộc tình hình cụ thể tại mỗi miền. Dầu sao đi nữa, Chúa Thánh Linh hướng dẫn Giáo Hội trong các hoạt động và làm cho Giáo Hội của Chúa Kitô ngày càng tự do trong việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc. Chúng tôi xác tín điều đó.

(Nguồn: Báo Osservatore Romano, ngày 24-6-2009; LM Trần Đức Anh, OP., chuyển ý)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Công an yêu cầu LS Lê Trần Luật nhận tội?
Thiện Giao / RFA
01:53 25/06/2009
Ngày 23 tháng Sáu vừa qua, luật sư Lê Trần Luật bị công an bắt, nhưng không đọc lệnh bắt, tại một quán cà phê ở Sài Gòn.

Công an yêu cầu luật sư Lê Trần Luật thừa nhận đã “lợi dụng phiên tòa tuyên truyền chống Nhà Nước Việt Nam.” Ông Luật từ chối yêu cầu này, và bị đe dọa sẽ bị bắt và khởi tố.

Sang ngày hôm sau, ông Luật lại bị công an làm việc với cùng yêu cầu, là “lợi dụng phiên tòa để tuyên truyền.” Biên tập viên Thiện Giao hỏi chuyện Luật sư Lê Trần Luật.

Bắt không cần lệnh

Thiện Giao: Vài ngày qua có tin tức nhiều nơi mà không ai xác định được, là anh bị bắt. Xin hỏi, mấy ngày qua có chuyện gì xảy ra cho anh không?

LS Lê Trần Luật: Cách đây vài hôm, họ yêu cầu tôi lên làm việc. Tôi nói không có lý do gì khiến tôi phải làm việc cả. Sáng hôm qua, họ mời lên làm việc tiếp, tôi nói tôi cương quyết ở nhà, không đi làm việc với ai.

Họ bảo họ sẽ đến nhà, tôi nói tôi không tiếp. Tôi đóng cửa và khóa lại.

Đến 10 giờ sáng, tôi quyết định đi uống cà phê ở một quán gần nhà. Mới bước vào quán cà phê, tôi thấy họ có sẵn xe cảnh sát, có công an. Họ bảo tôi phải về công an làm việc. Tôi từ chối và đòi giấy tờ mời làm việc. Họ nói là họ có lệnh bắt. Tôi hỏi về lệnh bắt, họ bảo họ không đọc lệnh bắt tại đây, mà chỉ đọc ở công an.

Lúc đó tôi đang mặc quần short, tôi yêu cầu để tôi về nhà mặc quần dài. Họ không chịu, và bảo tôi kêu người nhà mang quần dài ra xe.

Tại công an, nội dung làm việc là họ muốn tôi xác nhận những bài bào chữa của tôi là lợi dụng phiên tòa tuyên truyền chống Nhà Nước Việt Nam. Họ nói nếu tôi xác nhận thì họ không khởi tố và không bắt. Nếu không thì trong buổi chiều họ sẽ bắt, lệnh khởi tố đã có sẵn.

Tôi trả lời nếu muốn bắt thì cứ bắt chứ tôi không xác nhận như họ yêu cầu. Tôi không xác nhận lời bào chữa của tôi là chống Nhà Nước. Tôi không chống Nhà Nước, tôi chỉ bảo vệ thân chủ. Tài liệu đã được đọc công khai tại tòa, tôi không tuyên truyền chống ai.

Họ tiếp tục đe dọa, rồi thuyết phục là sẽ không khởi tố, bắt giam. Tôi nói các anh cứ bắt giam tôi đi, chứ yêu cầu của các anh tôi sẽ không làm.

Hai bên dằng co đến 4:30 chiều. Tôi nói các anh có mang tôi xuống mồ thì tôi vẫn tin rằng những chuyện tôi làm là đúng.

Năm giờ chiều họ đưa tôi về nhà. Sáng nay họ lại đưa tôi lên công an. Vẫn nội dung cũ: tôi phải xác nhận những bài bào chữa của tôi là chống chính quyền.

Tôi từ chối. Họ nói là nếu không công nhận thì xem như tôi chấp nhận một cuộc chơi đối đầu với Nhà Nước. Như thế thì công an sẽ có biện pháp khác.

Tôi nói các anh cứ áp dụng biện pháp của các anh. Còn tôi vẫn luôn tin những việc làm của tôi là không có gì sai trái.

Tội “lợi dụng phiên toà…”

Thiện Giao: Anh có nói họ có sẵn máy quay phim, chụp hình. Thưa anh, tại sao lại có chuyện như ngày hôm qua xảy ra đối với anh vào lúc này?

LS Lê Trần Luật: Thực sự thì tôi cũng không biết chính quyền muốn gì thông qua các động thái này.

Họ yêu cầu tôi lên, tôi đã từ chối. Sau đó là xe công an, là công an, là yêu cầu gia đình chuẩn bị quần áo sẵn cho tôi.

Còn tôi thì tôi thực sự không hiểu họ muốn cái gì.

Thiện Giao: Họ có nói nếu anh không thừa nhận những điều họ yêu cầu, thì họ sẽ bắt và khởi tố anh. Qua cách trả lời của anh, anh có chuẩn bị tinh thần cho một quyết định bắt và khởi tố đối với mình?

LS Lê Trần Luật: Tôi sẵn sàng cho điều đó.

Tôi tin rằng những bài bào chữa của tôi không phải là lợi dụng phiên tòa để chống Nhà Nước. Đó là quan điểm bào chữa, dựa trên hồ sơ, chứng cứ, và trên lập luận. Tôi không tuyên truyền chống Nhà Nước.

Thiện Giao: Câu hỏi cuối, gần đây không thấy anh có nhiều hoạt động nghề nghiệp. Vậy thì công ăn việc làm của anh hiện ra sao?

LS Lê Trần Luật: Họ đã rút giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của văn phòng. Tôi đang ở trong tình trạng thất nghiệp. Còn về chứng chỉ hành nghề luật sư, tôi vẫn tiếp tục làm việc trong tư cách luật sư tự do. Hiện tại tôi vẫn còn là luật sư.

Thiện Giao: Xin cảm ơn thời gian của anh.

(Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lawyer-defended-ThaiHa-parish-has-been-forced-by-police-TGiao-06242009121323.html)
 
Đang có một chiến dịch đập phá các đài Đức Mẹ tại tư gia ở Gia Kiệm - Đồng Nai?
CTV CSsR
08:27 25/06/2009
GIA KIỆM, LONG KHÁNH - Chúng tôi có mặt tại giáo xứ Kim Thượng, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai lúc 14h ngày 23 tháng 06 năm 2009. Cái nắng cháy da cháy thịt làm chúng tôi thấm mệt sau một đoạn đường dài khi đến nơi đây. Tiếp xúc một số gia đình đang gặp khó khăn trước áp lực của chính quyền địa phương, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về tình trạng tự do tôn giáo tại một khu vực toàn tòng Công Giáo như khu vực Dốc Mơ – Gia Kiệm này.

Gia đình đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là gia đình anh Nguyễn Văn Long. Anh năm nay chừng 40 tuổi, nhưng nhìn khuôn mặt anh có vẻ sương gió và mệt mỏi. Hỏi chuyện, chúng tôi được biết, gần đây nhất anh đã khấn xin Đức Mẹ La Vang một ơn đặc biệt và anh đã được nhậm lời. Bày tỏ lòng biết ơn Đức Mẹ, anh đã quyết định tiến hành xây dựng trụ thiên Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên gia đình mình để sớm tối gia đình cầu nguyện với Đức Mẹ. Anh chia sẻ ý nguyện của mình: “Tôi thấy dân miền Nam, nhà nào cũng có bàn thờ Thiên trước cửa nhà, và tôi đã nảy ra ý tưởng làm một bàn thờ Chúa Kitô Vua trước cửa nhà. Nhưng sau rồi được ơn của Đức Mẹ La Vang, nên tôi quyết đình làm “trụ thiên Đức Mẹ” thay vì trụ thiên Chúa Kitô Vua.”

Tuy nhiên, ý tưởng tốt đẹp và việc làm hữu lý của anh Long dù phù hợp với quyền tự do tôn giáo mà nhà nước xã hội chủ nghĩa nói rằng bảo đảm cho mọi công dân, nhưng đã không được toại nguyện. Công việc xây dựng trụ thiên Đức Mẹ sắp hoàn thành thì anh bị chính quyền xã hạch hỏi, ngăn cản cách bất hợp pháp. Anh Long liên tục bị chính quyền gọi lên làm việc. Cách đây 7 ngày, ông Nguyễn Quang, chủ tịch xã Gia Kiệm đã huy động người đến gây áp lực với anh Long và đập phá trụ thiên Đức Mẹ. Gần đây nhất, sáng ngày 23/06/2009, anh Long tiếp tục bị triệu tập để làm việc với chính quyền. Ông chủ tịch Nguyễn Quang tuyên bố thẳng thừng với anh Long: “Trước sau gì thì tao cũng cho mày vào tù cho mày nhớ đời”. Được biết, ông Quang cũng thông báo cho anh Long hay, tới đây ông sẽ huy động lực lượng đem máy ủi đến để san bằng trụ thiên Đức Mẹ, mà nếu anh Long ngăn cản thì san ủi luôn ngôi nhà của anh.

Rời nhà anh Nguyễn Văn Long, chúng tôi sang gặp gia đình cụ Giuse Phạm Văn Toàn. Cụ năm nay đã hơn 80 tuổi. Gia đình cụ cũng đang có “vấn đề” với chính quyền xã. Cả gia đình con cháu đang lo lắng sợ cụ ông cụ bà dù đã lớn tuổi nhưng không chừng cũng bị bỏ tù vì tội xây cái đài Đức Mẹ nho nhỏ trước của nhà mình. Cụ Toàn cho biết, để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ, hai cụ đã kêu con cháu xây cho mình cái đài Đức Mẹ nho nhỏ trước cửa nhà để hai cụ sớm tối vui vầy với câu kinh câu kệ cùng Đức Mẹ.

Đài Đức Mẹ vừa hoàn thành thì chính quyền xã đến hạch sách hai cụ. Những ngày này, ngoài những lần bị gọi lên xã làm việc như anh Long, gia đình cụ còn bị chính quyền đến “thăm” liên tục. Họ thúc giục gia đình cụ phải đập phá tượng đài, bằng không họ sẽ có biện pháp cứng rắn. Cụ Toàn khẳng khái bày tỏ: “Cho dù ngồi tù, cho dù có chết tôi cũng không phá bỏ đài Đức Mẹ được. Việc làm của tôi có gì là sai trái với đường lối chính sách đâu cơ chứ. Đến cái tuổi này rồi mà tôi phản Chúa, phản Mẹ thì có mà trời sập!”

Ngoài gia đình anh Long và cụ Toàn, chúng tôi còn viếng thăm một số gia đình khác cũng vì xây đài Đức Mẹ trong khuôn viên nhà mình mà bị chính quyền gây khó dễ bằng mọi cách. Đã có nhiều tượng đài Đức Mẹ tại tư gia khu vực này đã bị chính quyền bắt đập phá. Một cụ già ghé vào tai chúng tôi nói nhỏ: “Gia đình nào muốn xây tượng đài Đức Mẹ tại cư gia mà không muốn bị hạch hỏi thì phải biết cách bồi dưỡng cho họ một tí. Có thế thì mới êm chuyện á”.

Chúng tôi rời Dốc Mơ – Gia Kiệm lúc trời nhá nhem tối. Đèn điện hai bên đường chiếu dọi một màu đỏ quạch. Những cơn gió cuốn theo bụi bẩn tạt vào các ngôi nhà ở hai bên đường. Chẳng biết có phải do bụi chui vào hay không mà mắt tôi cay sè. Ghé vào tai anh bạn, tôi hỏi nhỏ: Liệu những người như cụ Toàn, anh Long không chịu bồi dưỡng cho cán bộ địa phương thì có phải ngồi tù như ông chủ tịch đã tuyên bố hay không?

(Nguồn: dcctvn.net)
 
Nixon ép TT Nguyễn văn Thiệu ký hòa đàm năm 1973
BBC
17:19 25/06/2009
Nixon ép Sài Gòn ký hòa đàm 1973

Các cuốn băng ghi âm từ năm 1973 được giải mật cho thấy Tổng thống Nixon đã muốn đạt được thỏa thuận tại Hòa đàm Paris với Hà Nội bằng mọi giá và gây sức ép rất lớn đối với Sài Gòn.

Một đoạn băng trong số 150 giờ thu âm và 30 nghìn trang tài liệu được Thư viện Nixon công bố hôm thứ Ba vừa qua có lời của Tổng thống Nixon nói với Cố vấn An ninh Henry A. Kissinger về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Nixon nói để bắt Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ký vào hòa đàm, ông sẵn sàng "cắt đầu y nếu cần thiết" (cut off his head if necessary).

Bài của Shaun Tandon trên AFP hôm 23/06 thì mô tả ông Nixon đã yêu cầu ông Kissinger nói với Tổng thống Việt Nam Cộng hòa rằng Quốc hội Mỹ sẽ cắt viện trợ nếu Sài Gòn không đồng ý với kết quả hòa đàm.

Nhưng có vẻ như ông Nixon sẵn sàng làm mạnh hơn nếu lời đe dọa cắt viện trợ không đạt mục đích.

Các đoạn băng cũng cho thấy một thứ ngôn ngữ rất 'Kissinger' mà Cố vấn An ninh của Tổng thống Hoa Kỳ dùng để nói về đồng minh.

Ông Kissinger nói với Tổng thống về Ngoại trưởng Trần Văn Lắm của Nam Việt Nam, người có mặt khi đó tại Paris để dự họp.

Dùng từ tục để gọi ông Lắm là 'an ass', ông Kissinger nói " Y cũng chẳng làm được gì cả đâu".

Cũng chỉ tháng trước, ông Nixon đã tiếp Ngoại trưởng Nam Việt Nam và hứa sẽ "làm tất cả để giúp Nam Việt Nam" và "nền độc lập" của nước này.

Ông Nixon còn nói: "Điều chính yếu là cần phải nhớ: chúng tôi biết ai là những người bạn thực thụ".

Nhà nghiên cứu về Nixon, ông Ken Hughes từ đại học Virginia nói ông bị chấn động khi nghe đoạn ghi âm mà ông Nixon nói về ông Thiệu.

Báo New York Times 23/06/2009 trích lời ông Hughes, người nghiên cứu các băng ghi âm của nhiều tổng thống Mỹ, nói cuộc đàm thoại trên càng làm ông tin tưởng vào quan điểm rằng cả ông Nixon, ông Thiệu và ông Kissinger đều biết trước rằng cuộc ngưng bắn không thể duy trì nổi.

Đó cũng chẳng phải là "hòa bình trong danh dự" như ông Nixon mô tả, mà chẳng qua chỉ là cách để Hoa Kỳ rút khỏi cuộc chiến mà "không mất mặt".

Vẫn các báo Mỹ trích lời Ken Hughes tin rằng các nhân vật trong cuộc biết rằng Bắc Việt Nam sẽ vi phạm thỏa thuận ngưng bắn và tiến chiếm miền Nam.

Quan điểm Nixon

Các đoạn băng cũng cho thấy một nhân vật Nixon tiếp tục tạo ra các tranh cãi.

Giới quan sát chú ý cả quan điểm của Tổng thống Hoa Kỳ khi ấy về sắc tộc, về người Do Thái và tất nhiên là về vụ Watergate.

Ông Nixon, qua lời thu âm và tài liệu nay được đưa ra ánh sáng dư luận, có quan điểm rằng phá thai là cần thiết nếu quan hệ nam nữ là khác chủng tộc hay thai nhi là hậu quả của hiếp dâm.

Ông nói: "Có những khi phá thai là cần thiết. Tôi biết. Như khi có quan hệ giữa một người đen và một người da trắng. Hay là trong trường hợp hiếp dâm".

Còn về người Do Thái tại Mỹ, ông cũng chia sẻ phần nào quan điểm của một số giới bảo thủ Hoa Kỳ.

Trong cuộc điện đàm tháng 2/1973 giữa ông và nhà truyền giáo Billy Graham, người ta nay nghe được lời ông Graham than phiền về các lãnh đạo Mỹ gốc Do Thái "chống lại nỗ lực truyền đạo của Cơ đốc giáo".

Hai người đã đồng ý với nhau rằng các nhân vật Do Thái "có nguy cơ làm khuấy động thái độ bài Do Thái".

Tổng thống Nixon còn nói, "Ông cũng biết rằng đã có vấn đề với những người bạn Do Thái của chúng ta từ hàng thế kỷ nay".

Các đoạn băng được ghi bằng các microphone mật đặt trong Phòng Bầu Dục từ tháng 1 đến tháng 2/1973.

Theo New York Times, các cuốn băng rọi thêm ánh sáng vào một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Mỹ, gồm cả lễ đăng quang lần thứ nhì của Tổng thống Nixon, cuộc ngưng bắn tại Việt Nam, vụ xử bảy người đột nhập vào trụ sở đảng Dân chủ tại khu nhà Watergate.

(Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/06/090624_nixon_tapes_vn.shtml)