Ngày 24-06-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 12 Mùa Quanh Năm 25/6 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
00:45 24/06/2023

BÀI ĐỌC 1  Gr 20:10-13

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

Ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói: Lạy Đức Chúa, con nghe biết bao người vu cáo: “Kìa, lão ‘Tứ phía kinh hoàng!’, hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!”

Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.

Họ nói: “Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!”

Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con.

Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.

Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.

Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Rm 5:12-15

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm. A-đam là hình ảnh Đấng sẽ tới.

Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  Ga15:26-27

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Thần khí sự thật sẽ làm chứng về Thầy.

Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy.

Alleluia.

TIN MỪNG  Mt 10:26-33

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

Đó là Lời Chúa.
 
Thuộc về đức Kitô thì can chi phải sợ !
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:08 24/06/2023
THUỘC VỀ ĐỨC KITÔ THÌ CAN CHI PHẢI SỢ !

(Chúa Nhật 12 TN A 2023)

Bất cứ sứ vụ nào cũng đi kèm với những thách đố; vì thế, bất cứ ai thi hành sứ vụ cũng phải đối diện với lắng lo, xao xuyến hay sợ hãi...

Vì thế, chẳng lạ gì, trong thời gian nầy, có rất nhiều thanh niên Nga bỏ trốn ra nước ngoài, trốn nghĩa vụ quân sự, vì họ sợ phải tan thây trên chiến trường ác liệt tại Ukraina...

Cũng vậy, trường hợp của ngôn sứ Giêrêmia trong Cựu ước là không ngoại lệ: đứng trước sứ vụ ngôn sứ đầy nghiệt ngã đắng cay, khi phải đứng ra vạch trần tội lỗi của dân và loan báo sự đe phạt của Thiên Chúa; và dĩ nhiên, sau đó phải “lãnh đủ” kết quả không mong muốn là sự ghét bỏ, hiềm thù và hãm hại của mọi người, nên nhà ngôn sứ đâm ra sợ hãi, đã từng có ý định đào ngủ, thối lui, như chính ngài từng thú nhận: Có lần con tự nhủ: "Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa." (Gr 20,9).

Tuy nhiên, Giêrêmia đã vượt qua nỗi sợ hãi nầy vì một niềm xác tín chắc nịch: “Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng”; và không chỉ đặt niềm trông cậy vào một Thiên Chúa là “người lính chiến hùng dũng”, mà, như chính ngài từng cảm nhận và sẻ chia như chúng ta vừa nghe qua Bài Đọc 1 hôm nay, còn là một Thiên Chúa, “Đấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can..., đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.”.

Từ ý nghĩa đầu tiên mà sách ngôn sứ Giêrêmia khơi gợi, chúng ta có thể nói được rằng: sứ điệp lời Chúa của Chúa Nhật 12 TN A chính là sứ mệnh ngôn sứ và hành trang Đức Cậy.

Thật vậy, nối tiếp sứ mệnh ngôn sứ và niềm cậy trông của Giêrêmia trong Cựu ước, Chúa Giêsu cũng không làm gì khác hơn đó là trao cho các môn sinh, khi Ngài sai họ ra đi loan báo Tin Mừng, một phương thế, một hành trang mang tên “Trông Cậy” nhưng được Ngài thể hiện ra như một mệnh lệnh: “Đừng Sợ”: “Các con đừng sợ những người đó… Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn… Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần…”. (Mt 10,26-33).

Nhờ Nhiệm Tích Thanh Tẩy và Thêm Sức, mọi người tín hữu đều được gọi vào tham gia sứ mệnh Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế của Đức Kitô, tùy theo ơn gọi và điều kiện thích hợp. Cách riêng với sứ mệnh Ngôn sứ, nhất là trong một thế giới mà trào lưu tục hóa đang tràn lan khắp nơi, khắp chốn, người Kitô hữu hôm nay luôn phải đối diện với những nghiệt ngã và thách đố, mà đôi khi, đã làm cho nhiều người sợ hãi đầu hàng, thối lui và bỏ cuộc.

Vì thế, kinh nghiệm “vượt qua sợ hãi” của ngôn sứ Giêrêmia hay mệnh lệnh “đừng sợ” của Đức Kitô vẫn luôn là hành trang quý giá và mang tính thời sự cho mỗi người chúng ta hôm nay. Vâng, người mang sứ mệnh Ngôn sứ hay kẻ lãnh sứ vụ Tông đồ, không có nghĩa là tìm kiếm cuộc sống an bình thư thái, không có những gian nguy thử thách để lắng lo đối diện, những bão táp phong ba để lo sợ và chiến đấu…; nhưng là biết bình tâm để chiến đấu và chiến thắng sợ hãi, biết khôn ngoan và can đảm để vượt qua thử thách gian nan.

Nếu điểm tựa đã giúp cho ngôn sứ Giêrêmia vững vàng trong sứ vụ là “Vị Thiên Chúa, như Trang Dũng Sĩ uy hùng”, thì điểm tựa, sức mạnh để Đức Kitô bảo đảm cho các môn sinh của Ngài “đừng sợ” lại chính là một “Thiên Chúa Cha quyền năng và nhân ái chăm sóc từng con chim sẻ, đếm từng sợi tóc trên đầu”. Và để minh họa cho ý nghĩa về niềm trông cậy trên, người ta hay kể cho nhau nghe câu chuyện về một em bé con ông thuyền trưởng:

Người ta kể rằng, trên một con tàu xuyên đại dương, tất cả mọi hành khách đều nhốn nháo hoang mang lo sợ khi tàu phải đối diện với một cơn bão lớn. Trong khi đó, tại phòng lái của viên thuyền trưởng, có một em bé vẫn bình thản, vui chơi, như không cảm thấy sự gì xảy ra. Có người thấy vậy mới buột miệng hỏi em:

– Sao đang đứng trước phong ba bão táp như thế mà cháu vẫn bình tâm vô sự?

Em bé tươi tỉnh trả lời:

– Bố tôi đang lái tàu mà, tôi có gì mà phải sợ !

Thì ra em bé không hoang mang lo sợ không phải vì chính mình hay vì những bảo đảm chung quanh, mà giản đơn, chỉ vì một điểm tựa duy nhất: “BỐ TÔI ĐANG LÁI TÀU”. Quả thật, con người sẽ không còn hoang mang lo sợ bất cứ điều gì khi sống tâm tình tin yêu phó thác của một em thơ đối với Thiên Chúa là “Người Bố đang lái tàu”. Phải chăng, cũng vì lẽ đó mà Chúa Giêsu đã từng dạy bảo chúng ta “Hãy đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn của một trẻ em” (Lc 18,17).

Trên cuộc lữ hành về vĩnh cửu, nếu ai cả gan cho mình không biết sợ hãi chi thì chắc đó chỉ là người bất bình thường. Chính Con Một Thiên Chúa còn phải lâm cơn sợ hãi khi đối diện với khổ hình thập giá đến độ “đổ mồ hôi máu” trong vườn Cây Dầu (Lc 22,44). Thánh Phêrô thời bạo chúa Nerô bách hại, theo truyền thuyết, đã từng sợ hãi, bỏ đoàn chiên lại Rôma để đi trốn ra ngoại thành (Truyền thuyết Quo Vadis). Nhiều vị Thánh Tử Đạo, trước khi hoàn tất lời chứng đức tin với máu đào hy lễ, đã trầy trật chối đạo khi phải chịu hình khổ đớn đau (Thánh Phan Viết Huy, thánh Bùi Đức Thể...).

Vâng, Chúa không buồn vì chúng ta sợ hãi; nhưng Chúa sẵn sàng ban ơn trợ lực giúp chúng ta vượt qua khi biết khiêm hạ và dễ thương đặt trót niềm trông cậy nơi Ngài. Dĩ nhiên, để có được niềm trông cậy quý báu và cần thiết nầy thì Chúa Kitô đã liệu định cho chúng ta một con đường, một phương thế hay hành trang tối hảo: Thánh Thể. Khi được kết hợp với Chúa Kitô Thánh Thể thì “sự chết cũng không làm gì được chúng ta”; và đây chính là ơn huệ tuyệt vời nhất để chúng ta kiên vững trong Đức Tin, vững vàng trong Đức Cậy và bền đổ trong Đức Mến để chiến thắng cả sự chết, như cảm nhận của Thánh Tông Đồ Phaolô (Bđ 2): “vì nếu do tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Ðức Giêsu Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần”.

Vâng, được thuộc về Đức Kitô thì can chi phải sợ ! Bởi vì, “Thầy đã thắng thế gian”.

Trương Đình Hiền
 
Đàn hát trong các lễ nghi phụng vụ
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế O.P.
16:11 24/06/2023
Đàn hát trong các lễ nghi phụng vụ

1. Hát lúc nào

1,1 Khi cử hành thánh lễ


Lễ có giáo dân tham dự, nhất là những ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, Lễ Kính, Phụng Vụ khuyến khích nên hết sức coi trọng hình thức hát lễ, dù lễ được cử hành nhiều lần trong ngày {HT TN số 27). Như thế, rõ ràng là phải cố gắng cử hành mọi thánh lễ có kèm theo ca hát, dù phải phân biệt lễ trọng, lễ hát và lễ đọc. Vậy phải hát những gì trong thánh lễ? Huấn thị De musica in sacra liturgia số 29, 30, 31 phân biệt ba cấp bậc tham gia lễ hát, đó là :

Bậc nhất gồm lời chào của chủ tế và lời đáp của giáo dân, lời nguyện, các câu tung hô Tin Mừng, lời nguyện tiến lễ, kinh Tiền Tụng cùng những câu đối đáp với kinh Thánh, Thánh, Thánh, lời tụng ca kết thúc kinh tạ ơn, kinh Lạy Cha với câu nhắn nhủ, lời chúc bình an, lời nguyện hiệp lễ, những công thức kết lễ.

Bậc hai gồm kinh Xin Chúa Thương Xót, kinh Vinh Danh, kinh Tin Kính và Lạy Chiên Thiên Chúa, lời nguyện giáo dân.

Bậc ba gồm những bài hát lúc Nhập lễ và Rước lễ, bài Đáp Ca sau bài đọc, Ha-lê-lui-a, bài hát Tiến Lễ.

Các bậc tham gia được qui định như sau : bậc nhất có thể dùng riêng một mình, bậc hai và bậc ba được dùng tất cả hay một phần chung với bậc nhất. Như vậy, giáo dân sẽ luôn luôn được khuyến khích dự phần ca hát một cách đầy đủ (HT TN số 28). Ngoài ra, Huấn Thị còn có những chỉ dẫn rõ ràng và cụ thể về việc hát các bài trong phần Thường Lễ như sau : đối với phần Thường Lễ, cộng đoàn tín hữu nên tham gia một cách tích cực và đồng bộ chứ không nên “khoán” tất cả cho ca đoàn. Lúc đó, những bài trong phần này có thể chia cho ca đoàn và giáo dân hát tiếp theo nhau từng câu hoặc từng phần trong toàn thể bài hát (HT TN số 33). Đặc biệt, nếu là những bài ca tạ ơn, có thể giao cho ca đoàn (HT TN số 33).

1, 2 Hát khi cử hành Bí tích và Á Bí Tích

Bí tích và á bí tích có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống Ki-tô hữu, vì thế nên hết sức cử hành kèm theo ca hát. Tính cách lễ lạt của các lễ Thêm Sức, Truyền Chức Thánh, Hôn Phối, Cung Hiến Thánh Đường hay Bàn Thờ, lễ An Táng v.v… sẽ giúp cho công việc mục vụ thêm lợi ích.

Huấn Thị Thánh Nhạc số 44 khuyên nên soạn những cung điệu thích hợp để dùng khi cử hành những bí tích này, cũng như những lễ nghi đặc biệt khác trong Năm Phụng Vụ, miễn là phù hợp với các chỉ định của Giáo Quyền và lưu ý đến khả năng của mỗi cộng đoàn. Ngay cả trong những buổi tĩnh tâm, giờ thánh, suy tôn Lời Chúa, Thánh Nhạc cũng rất hữu ích để nuôi dưỡng lòng đạo đức của các tín hữu. Đặc biệt vào những lúc này nên dùng các bài ca tôn giáo bình dân, đàn đại quản cầm và các nhạc khí khác đã được phép để phụ hoạ.

1,3 Hát Các Giờ Kinh Phụng Vụ


Hát Các Giờ Kinh Phụng Vụ là hình thức thích hợp nhất đối với bản tính của kinh này. Huấn thị Thánh Nhạc khuyên các linh mục, giáo sĩ, tu sĩ hát kinh Phụng Vụ, ít là vào những giờ chính, như Kinh Sáng và Kinh Chiều hay vào Chúa Nhật và những ngày lễ (HT TN số 36), đặc biệt nên hát những phần tự bản chất đòi phải hát như Xướng Đáp, Thánh Thi, Thánh Ca. Huấn thị cũng khuyên những người có trách nhiệm thúc đẩy các tín hữu đọc chung một vài giờ kinh phụng vụ vào những ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, đặc biệt Kinh Sáng và Kinh Chiều.

2. Ngôn ngữ ca hát

2,1. Hát tiếng la-tinh


Phải ưu tiên dùng bình ca trong những lễ nghi phụng vụ có ca hát bằng tiếng la-tinh (HT TN số 49a). Ngay cả những nơi dùng tiếng bản quốc trong khi cử hành thánh lễ, thỉnh thoảng các cha sở cũng có thể cho hát bằng tiếng la-tinh một vài bài trong phần thường lễ, đặc biệt trong lễ hát (HCPV số 54).

Việc hát các bài thánh ca la-tinh trong các lễ nghi phụng vụ cử hành bằng tiếng bản quốc không có gì ngăn trở cả, bởi vì theo Huấn Thị, trong cùng một buổi cử hành phụng vụ vẫn có thể hát một vài bài bằng ngôn ngữ khác (ibid. số 56).

2,2. Tiếng bản quốc


Trong HCPV số 36, Công Đồng đã mở ra một kỷ nguyên mới khi cho phép các Giáo Hội Địa Phương dùng tiếng bản quốc trong các lễ nghi phụng vụ, dồng thời cho phép sử dụng những cung điệu soạn cho những bản văn bằng tiếng bản quốc.

Tuy nhiên, phải tuân hành các quy luật của Thánh Nhạc và phải được thẩm quyền địa phương chấp thuận. Ngoài ra, lại phải tham khảo các cung điệu cổ truyền của Phụng Vụ La-Tinh, phải nghiên cứu, khảo sát các hình thể thánh ca la-tinh để rút ra những gì còn phù hợp với nhu cầu mới của Phụng Vụ.

3. Các hình thể thánh ca trong Phụng Vụ


Như trên đã nói, cho dù Giáo Hội cho phép dùng những cung điệu mới soạn cho các bản văn bằng tiếng bản quốc trong các lễ nghi phụng vụ, nhưng vẫn phải tham khảo các hình thể thánh ca la-tinh khi sáng tác những cung điệu mới, bởi vì các hình thức này đã đạt tới mức độ hoàn chỉnh và hoà hợp một cách tuyệt vời với các động tác phụng vụ. Đặc biệt, thánh lễ được tiến hành như một vở kịch với các vai chủ tế, phó tế, giáo dân, người đọc sách, ca xướng viên, ca đoàn, lúc đọc, lúc hát, lúc ngâm vịnh, lúc độc tấu, lúc hợp xướng, lúc đối đáp với các hình thể hoàn chỉnh.

4. Sử dụng nhạc khí



Phụng vụ la tinh vẫn coi trọng đại quản cầm. Ngoài ra nói chung, Giáo Hội cho phép dùng các loại nhạc khí khác trong phụng vụ, kể cả các nhạc khí đặc biệt của các dân tộc, miễn là chúng thích hợp để có thể dùng vào việc thánh hay hợp với vẻ trang trọng của nhà thờ và thực sự giúp các tín hữu tăng thêm lòng đạo đức sốt sắng.

Các nhạc khí được dùng để đệm theo tiếng hát, nhưng không được lấn át tiếng hát. Có thể độc tấu nhạc khí hay dàn nhạc trước khi linh mục tiến vào nhà thờ hay ra bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ. Nhưng không được tấu nhạc trong Mùa Vọng, Mùa Chay, Tam Nhật Vượt Qua và giờ kinh lễ cầu hồn.

Kết luận

Trên đây là những luật lệ chỉ định và hướng dẫn việc đàn hát trong các lễ nghi phụng vụ ở nhà thờ, để làm cho công việc thờ phượng vừa trang nghiêm sốt sắng, vừa có những vẻ đẹp của nghệ thuật ca hát khả dĩ lôi cuốn lòng người. Người “đi lễ” cũng như người “hành lễ” đều đã bỏ công sức và thời giờ ra để làm công việc này. Ước mong công sức và thời giờ đó được mọi người tận dụng để vừa mưu ích cho mình, vừa giúp người khác hoàn chỉnh việc thờ phượng, hầu thánh hoá bản thân và tôn vinh Thiên Chúa bằng lời kinh và tiếng đàn ca.

Lm. An-rê Đõ Xuân Quế o.p.
 
Không an tĩnh nhưng an bình
Lm. Minh Anh
22:08 24/06/2023

KHÔNG AN TĨNH NHƯNG AN BÌNH
“Đừng sợ người ta!”.

Đức Phanxicô nói, “Không một sứ mệnh Kitô nào được đánh dấu bằng sự ‘an tĩnh!’. Khổ đau là một phần của việc loan báo Tin Mừng. Ơn gọi của chúng ta là tìm trong đó cơ hội để xác thực đức tin và mối quan hệ của mình với Chúa Giêsu. Đó là lý do để sở hữu bình an. Họ ‘không an tĩnh nhưng an bình!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Không an tĩnh nhưng an bình!’. Xác tín của vị Cha Chung được chứng thực qua Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay; đặc biệt với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu trấn an, “Đừng sợ người ta!”.

Cuộc sống của người môn đệ, dĩ nhiên, không bao giờ an tĩnh! Và sợ hãi là một trong những kẻ thù khủng khiếp nhất của họ. Chúa Giêsu dạy, “Đừng sợ!”. Thâm tín được điều này, người môn đệ bình an! Ngài mô tả ba tình huống cụ thể mà người môn đệ phải đối mặt. Trước hết là sự thù địch của những người ‘bóp nghẹt’ Lời Chúa, ‘bọc đường’ Lời Chúa, và ‘pha loãng’ Lời Chúa; họ những muốn ‘bịt miệng’ những ai công bố Lời Chúa. Khó khăn thứ hai là mối đe dọa về thể xác, tức là sự ngược đãi trực tiếp đối với cá nhân các môn đệ, đến mức bị giết. Đó là một thực tế đau buồn, nhưng nó chứng tỏ lòng trung thành của các chứng nhân. Biết bao Kitô hữu bị bách hại trên thế giới ngày nay! Họ đau khổ vì Tin Mừng, họ là những vị tử đạo của thời đại. Thử thách thứ ba, lớn nhất, các môn đệ phải đối diện là cảm giác mà một số người có thể cảm nhận, chính Thiên Chúa bỏ rơi họ, xa cách và im lặng!

Trước tất cả những điều ấy, Chúa Giêsu trấn an, “Đừng sợ!”, vì ngay cả khi trải qua những hầm bẫy này đến hầm bẫy khác, mạng sống người môn đệ vẫn nằm trọn trong tay Chúa, Đấng yêu thương và chăm sóc. Sự thật này thật hiển nhiên ở mọi thời. Bài đọc thứ nhất cho biết, Giêrêmia thưa lên, “Lạy Chúa, con nghe biết bao người vu cáo!”; nhưng “Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng”. Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi!”. Giêrêmia ‘không an tĩnh nhưng an bình!’.

Sợ hãi có thể tiêu diệt người môn đệ Chúa Giêsu khi họ thiếu niềm tin vào sự chăm sóc của Ngài, họ để cho sự sợ hãi và lắng lo xâm chiếm. Thế nhưng, một khi có thể dán mắt vào Chúa Giêsu, chúng ta xua tan mọi công kích gặp phải, tin tưởng vào lẽ thật của Chúa và không bị những lời dối trá làm nhụt chí. Có thể bạn và tôi ‘không an tĩnh nhưng an bình!’.

Anh Chị em,

“Đừng sợ người ta!”. Khi nói với các môn đệ “Đừng sợ!”, Chúa Giêsu không cố gắng giảm thiểu sự chống đối mà chúng ta sẽ gặp khi rao giảng Tin Mừng. Ngài không nói với các môn đệ hay với chúng ta, ‘Đừng sợ vì không có gì phải sợ!’. Không! Trái lại, Ngài muốn nói, ‘Môn đệ sẽ không bao giờ an tĩnh!’. Đó là một thực tế lạnh lùng mà người môn đệ mọi thời phải chịu; nhưng, điều quan trọng là Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta về các giá trị của mình. “Các con đáng giá hơn muôn vàn con chim sẻ’. Chúng ta biết mình là ai, con trai, con gái của Cha trên trời; chúng ta có giá trị vô giá. Ngài là ‘Đấng Đếm Tóc’ hằng ở với chúng ta! Nếu thực sự đánh giá đúng giá trị của mình, thì đó đã là một chặng đường dài giúp bạn và tôi bớt sợ hãi hơn trong đời chứng nhân. ‘Không an tĩnh nhưng an bình’ là vậy!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con đừng mơ một cuộc sống luôn ‘an tĩnh’, và không bao giờ xao động; nhưng biết phó dâng toàn thân trong tay Chúa, để luôn ‘an bình’ đứng dậy và đi tới!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nữ Đại sứ Úc tại Tòa thánh
Thanh Quảng sdb
17:43 24/06/2023
.

Con số các nhà ngoại giao nữ làm việc tại Vatican gia tăng một cách đặc biệt!
Nữ Đại sứ Úc tại Tòa thánh
Đánh dấu Ngày Quốc tế Phụ nữ, Chiara Porro, Đại sứ Úc tại Tòa thánh, nói về những thách thức và phần thưởng của công việc cũng như quan điểm mà phụ nữ mang lại các mối quan hệ quốc tế.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

“Thật tuyệt vời khi được tôn vinh phụ nữ trong ngành ngoại giao hàng năm”, Chiara Porro, Đại sứ Úc tại Tòa thánh, cho biết thật là tuyệt vời khi được nhìn nhận những đóng góp vào “Ngành Ngoại Giao” trong vai trò nữ giới, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 hàng năm. Cô lưu ý rằng ngành ngoại giao có truyền thống thường do nam giới đảm trách; cô nhớ lại ngày đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao ở Úc, "đi dọc hành lang chỉ thấy hình của các đấng mài râu nam giới".

Tuy nhiên, cô cho hay Bộ Ngoại giao Úc là cơ quan đã trực tiếp thay đổi nhãn quan này và trong sáu năm qua đã có một "sự thay đổi rất nhiều là nữ giới nắm quyền lãnh đạo". Các số liệu cho thấy cách đây 5 hoặc 6 năm, phụ nữ chỉ chiếm 20% trong số các đại biểu, nhưng nay "nữ giới chiếm hơn 40% tổng số đại sứ trên khắp thế giới."

“Tôi tự hào là một trong những nữ đại diện cho nước Úc.”

Chiara Porro nói rằng nam và nữ làm việc cùng nhau mang lại sự đa dạng. Cô lưu ý rằng phụ nữ rõ ràng có thể mang đến một quan điểm khác, dựa trên giới tính của họ, nhưng tầm quan trọng là hiệu năng công việc. Cô cho hay "Dù Chúng ta không giống nhau, nhưng Chúng ta cùng hoàn tất công việc như nhau".

Trong ngoại giao, "chúng tôi đại diện cho bộ mặt của đất nước chúng tôi và điều cực kỳ quan trọng là chúng tôi cũng đại diện cho sự đa dạng của nó", Đại sứ Porro nói. Về vấn đề này, cô ấy tiếp tục, "phụ nữ cho phép chúng tôi tiếp cận các bộ phận của xã hội trên khắp thế giới mà nam giới không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận được".

Đại sứ Porro nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đa dạng khi giải quyết các vấn đề xung đột và phát triển. "Chúng tôi biết rằng phụ nữ luôn là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong các cuộc xung đột, thảm họa nhân đạo", và vì vậy "việc có phụ nữ làm việc trong lĩnh vực ngoại giao, hướng các nỗ lực ngoại giao là vô cùng quan trọng để có thể tiếp cận tới những người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong những tình huống này".

Đại diện cho những người thuộc cấp trong nước, Đại diện cho bộ mặt đa dạng của quốc gia với tư cách là Đại sứ, ở Úc, có nghĩa là đại diện cho tiếng nói của nhiều Dân tộc trong nước.

Đại sứ Porro lưu ý rằng Úc là nơi có nền văn hóa sống lâu đời nhất trên thế giới, đồng thời "chúng tôi vô cùng tự hào về truyền thống và văn hóa này".

Cô Porro cho hay: "Điều đó trở thành một phần trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chúng tôi để đảm bảo rằng di sản và văn hóa của các chủng tộc được gìn giữ và lưu truyền trên toàn thế giới. Điều đó tạo nên con người của chúng ta và việc đưa những tiếng nói bản địa này lên sân khấu thế giới là vô cùng quan trọng."

Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng và rất tích cực trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài về việc bảo tồn và bảo vệ quyền của người bản địa trên khắp thế giới.

Tòa thánh và Australia hợp tác rất tốt với nhau về vấn đề này và Đại sứ Porro lưu ý rằng chỉ vài tuần trước, một trưởng lão thổ dân nữ đã đến Vatican và gặp Đức Thánh Cha Phanxicô, người mà bà đã nói về “nền văn hóa của thổ dân cống hiến, kinh nghiệm của bà trong giáo dục, kinh nghiệm của bà ấy trong nghệ thuật bản địa, nỗ lực việc vượt qua các rào cản, tạo cầu nối giữa các cộng đồng khác nhau ở Úc".
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, Chương Mười Ba: Bằng chứng những lần hiện ra 2
Vũ Văn An
18:42 24/06/2023

Chứng từ của các sách Tin Mừng

Tôi bắt đầu dòng điều tra này bằng cách yêu cầu Habermas mô tả các lần hiện ra sau Phục sinh trong các Tin Mừng Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan.

Ông mở đầu, "Có một số lần hiện ra khác nhau với rất nhiều người khác nhau trong các sách Tin Mừng và Công vụ-một số từng cá nhân, một số trong các nhóm, đôi khi trong nhà, đôi khi ngoài trời, cho những người có thiện cảm như Gioan và những người hoài nghi như Tôma".

Đôi khi họ chạm vào Chúa Giêsu hoặc ăn uống với Người, có những bản văn dạy rằng Người đã có mặt về phương diện thể lý. Việc hiện ra diễn tiến trong vài tuần. Và có những lý do chính đáng để tin tưởng các trình thuật này-thí dụ, chúng không có nhiều khuynh hướng thần thoại điển hình."



"Ông có thể liệt kê những lần hiện ra này cho tôi không?"

Từ ký ức, Habermas đã lần lượt mô tả chúng. Chúa Giêsu đã hiện ra

* với Maria Mađalêna, trong Gioan 20: 10-18;
* với các phụ nữ khác, trong Mátthêu 28: 8-10;
* với Cleopas và một môn đệ khác trên đường đi Emmaus, trong Luca 24: 13-32;
* với mười một môn đệ và những người khác, trong Luca 24: 33-49;
* với mười tông đồ và những người khác, khi Tôma vắng mặt, trong Gioan 20: 1923;
* với Tôma và các tông đồ khác, trong Gioan 20: 26-30;
* với bảy tông đồ, trong Gioan 21: 1-14;
* với các môn đệ, trong Mátthêu 28: 16-20.
* và Người đã ở với các tông đồ trên Núi Cây Dầu trước khi Thăng thiên, trong Luca 24: 50-52 và Công vụ 1: 4-9.

Habermas nói thêm, "Điều đặc biệt đáng lưu ý là C. H. Dodd, học giả của Đại học Cambridge, đã phân tích cẩn thận những lần hiện ra này và kết luận rằng một số trong chúng đặc biệt dựa trên tài liệu rất sớm, bao gồm cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các phụ nữ, trong Mátthêu 28: 8-10; Cuộc gặp gỡ của Người với mười một tông đồ, trong đó Người đã trao cho họ sứ mệnh lớn lao, trong Mátthêu 28: 16-20; và cuộc gặp gỡ của Người với các môn đệ, trong Gioan 20: 19-23, trong đó Người cho họ thấy tay và cạnh sườn."

Một lần nữa, đây là một số rất nhiều những lần người ta nhìn thấy Chúa Giêsu. Đây không phải chỉ là một sự quan sát thoáng qua một hình bóng mờ nhạt bởi một hoặc hai người. Có nhiều lần hiện ra với nhiều người, một số lần hiện ra được xác nhận trong hơn một Tin Mừng hoặc bởi kinh tin kính của thư 1Côrintô 15.

Tôi hỏi, "Có bất cứ sự chứng thực nào nữa không?".

"Ông hãy xem Công vụ," Habermas trả lời như thế, ý muốn nói đến Cuốn sách Tân Ước ghi lại sự ra mắt của Giáo Hội. Không những các lần hiện ra của Chúa Giêsu được đề cập thường xuyên, nhưng các chi tiết đã được cung cấp và chủ đề các môn đệ làm chứng cho các điều này đã được tìm thấy trong hầu hết mọi bối cảnh.

Habermas nói, Chìa khóa, "là một số trình thuật trong Công vụ 1-5, 10 và 13 cũng bao gồm một số tín điều, giống như tín điều trong 1 Côrintô 15, tường trình một số dữ kiện rất sớm liên quan đến Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu."

Nói thế, Habermas đã lấy một cuốn sách và đọc kết luận của học giả John Drane.

“Bằng chứng sớm nhất chúng ta có về sự phục sinh gần như chắc chắn đã có từ ngay sau biến cố Phục sinh được cho là đã diễn ra. Đây là bằng chứng chứa trong các bài giảng tiên khởi trong Công vụ của các Tông đồ... Điều chắc chắn là trong một vài chương đầu tiên của Công vụ, tác giả đã bảo tồn tài liệu từ các nguồn rất sớm." (7)

Thật vậy, Công vụ tràn ngập các tài liệu tham khảo về các lần hiện ra của Chúa Giêsu. Tông đồ Phêrô đặc biệt kiên quyết về nó. Ngài nói trong Công vụ 2:32, " Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng." Trong Công vụ 3:15 ngài lặp lại, "Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng." Ngài xác nhận với Corneliô trong Công vụ 10:41 rằng ngài và những người khác "đã ăn và uống với Người sau khi Người trỗi dậy từ cõi chết."

Không chịu thua kém, Thánh Phaolô nói trong một bài phát biểu được ghi lại trong Công vụ 13:31, "Trong nhiều ngày, Đức Giêsu đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Galilê lên Giêrusalem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân."

Habermas khẳng định, "việc Phục sinh chắc chắn là công bố chính của Giáo Hội tiên khởi ngay từ đầu. Các Kitô hữu tiên khởi không những chỉ tán thành giáo lý của Chúa Giêsu; họ còn được thuyết phục rằng họ đã nhìn thấy Người sống động sau biến cố đóng đinh. Đó là những gì đã thay đổi cuộc sống của họ và khởi đầu Giáo hội. Chắc chắn, vì đây là niềm tin trung tâm của họ, họ sẽ làm cho điều này là sự thật một cách hoàn toàn chắc chắn."

Tất cả các bằng chứng của Tin Mừng và Công vụ - hết biến cố này đến biến cố khác, hết nhân chứng này đến nhân chứng khác, hết chi tiết này đến chi tiết khác, hết chứng thực này đến chứng thực khác chồng lên nhau – cực kỳ gây ấn tượng. Mặc dù đã cố gắng, tôi vẫn không thể nghĩ được bất cứ biến cố nào được chứng thực thấu đáo hơn trong lịch sử cổ thời.

Tuy nhiên, có một câu hỏi khác cần được nêu ra, câu hỏi này liên quan đến Tin Mừng mà hầu hết các học giả tin là trình thuật đầu tiên về Chúa Giêsu đã được viết ra.

Việc thiếu kết luận của Máccô

Khi mới bắt đầu điều tra việc Phục sinh, tôi đã bắt gặp một nhận xét rắc rối ở lề cuốn Kinh thánh của tôi: "các bản chép tay đáng tin cậy sớm nhất và các nhân chứng cổ xưa khác không có đoạn Máccô 16: 9-20." Nói cách khác, hầu hết các học giả tin rằng Tin Mừng Máccô kết thúc ở câu 16: 8, với những người phụ nữ khám phá ra ngôi mộ trống nhưng không nói tới các lần hiện ra của Chúa Giêsu với bất cứ ai. Điều đó dường như gây bối rối.

Tôi hỏi Habermas "Há ông không lấy làm phiền khi Tin Mừng sớm nhất thậm chí không tường trình bất cứ lần hiện ra nào sau Phục sinh?".

Ngược lại, dường như ông không bị làm phiền chút nào. Ông nói, "Tôi không có bất cứ vấn đề gì với nó. Chắc chắn, sẽ rất tốt nếu ngài có bao gồm một danh sách các lần hiện ra, nhưng đây là một số điều để ông nghĩ tới.

Ngay cả nếu Máccô kết thúc ở đó, điều mà không phải ai cũng tin, ông vẫn thấy ngài tường trình rằng ngôi mộ trống, và một chàng trai trẻ tuyên bố, ‘Người đã sống lại!' và nói với các phụ nữ rằng sẽ có những lần hiện ra. Vì vậy, trước tiên, ông có một công bố rằng việc Phục sinh đã xảy ra, và thứ hai, một tiên báo rằng các lần hiện ra sẽ theo sau.

Ông có thể đóng cuốn tiểu thuyết yêu thích của ông và nói, 'Tôi không thể tin rằng tác giả không nói với tôi tình tiết tiếp theo’. Nhưng bạn không thể đóng cuốn sách và nói, 'Nhà văn không tin vào tình tiết tiếp theo.' Máccô chắc chắn tin. Rõ ràng ngài tin rằng sự Phục sinh đã diễn ra. Ngài kết thúc với những người phụ nữ được cho biết Chúa Giêsu sẽ hiện ra ở Galilê, và sau đó những người khác xác nhận rằng ngài đã tin. "

Theo truyền thống Giáo Hội, Máccô là bạn đồng hành của nhân chứng tận mắt Phêrô. Tôi hỏi, "Há không kỳ lạ hay sao khi Máccô không đề cập chi rằng Chúa Giêsu đã hiện ra với Phêrô, nếu quả thực Người có hiện ra?"

Ông nói, "Máccô không đề cập đến bất cứ lần hiện ra nào, thì đâu có gì lạ khi Phêrô không được liệt kê. Tuy nhiên, ông nên lưu ý rằng Máccô không kể riêng Phêrô. Nhưng Máccô 16: 7 viết, ‘Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông’.

“Điều này nhất trí với 1Cr 15: 5, là câu xác nhận rằng Chúa Giêsu đã hiện ra với Phêrô, còn Lc 24:34, một tín điều khá sớm khác, nói, ‘Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn’, hoặc Phêrô.

“Vì vậy, những gì Máccô tiên đoán về Phêrô được tường trình là đã được ứng nghịm, trong hai tín điều khá sớm và rất đáng tin cậy của Giáo hội-cũng như của chính Phêrô trong Công vụ. "

Có bất cứ lối giải thích nào thay thế không?

Không còn hoài nghi gì nữa, số lượng chứng từ và chứng thực về các lần hiện ra sau Phục sinh của Chúa Giêsu là đáng kinh ngạc. Đặt chúng vào viễn cảnh, nếu bạn phải gọi mỗi người trong số các nhân chứng đến một tòa án của pháp luật để bị đối chất chỉ trong mười lăm phút mỗi người, và bạn đã đi suốt ngày đêm mà không nghỉ, nó sẽ đưa bạn từ bữa sáng thứ Hai cho đến bữa tối thứ Sáu để nghe tất cả các nhân chứng này. Sau khi nghe đủ 129 giờ liên tục các lời khai của nhân chứng tận mắt, ai có thể bỏ đi mà không bị thuyết phục?

Đã từng là một nhà báo về các vấn đề pháp lý, người đã tường trình rất nhiều các phiên xử, cả hình sự lẫn dân sự, tôi phải đồng ý với đánh giá của Ngài Edward Clarke, một thẩm phán Tòa án tối cao Anh từng tiến hành một phân tích pháp lý kỹ lưỡng về ngày lễ Phục sinh đầu tiên: "với tôi, bằng chứng có tính kết luận, và rất nhiều lần tại Tòa án tối cao, tôi đã bảo đảm có được bản án dựa vào bằng chứng không có tính thuyết phục gần như vậy. Là một luật sư, tôi không dè dặt chấp nhận các bằng chứng Tin Mừng như là bằng chứng của những con người trung thực đối với những sự thật mà họ có thể chứng minh." (8)

Tuy nhiên, liệu có thể có chăng bất cứ lối thay thế hợp lý nào có thể giải thích những cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu phục sinh? Những trình thuật này có thể là huyền thoại trong bản chất không? Hoặc các nhân chứng có thể trải nghiệm ảo giác chăng? Tôi quyết định nêu ra những vấn đề đó với Habermas để có được câu trả lời của ông.

Khả thể 1: Các lần hiện ra chỉ là huyền thoại

Nếu đúng là phúc âm của Máccô nguyên khởi kết thúc trước bất cứ lần hiện ra nào được tường trình, thì có thể lập luận rằng có sự phát triển có tính biến hóa trong các sách Tin mừng: Máccô không ghi chép bất cứ lần hiện ra nào, Mátthêu có một số, Luca có nhiều hơn, và Gioan có nhiều nhất.

Tôi hỏi, "Há điều đó không chứng minh rằng các lần hiện ra chỉ là những huyền thoại phát triển dần theo thời gian?".

Habermas bảo đảm với tôi "Vì rất nhiều lý do, không, nó không chứng minh. Trước nhất, không phải ai cũng tin rằng Máccô là Tin Mừng sớm nhất. Có những học giả, đành là thuộc về thiểu số, tin rằng Mátthêu được viết đầu tiên.

“Thứ hai, ngay cả khi tôi chấp nhận luận điểm của ông là đúng, nó chỉ chứng minh rằng những huyền thoại lớn lên theo thời gian- nó không thể bác bỏ được niềm tin ban đầu rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Một điều gì đó đã xảy ra khiến các tông đồ đã làm cho việc Phục sinh trở thành công bố trung tâm của Giáo Hội tiên khởi. Truyền thuyết không thể giải thích các trình thuật của nhân chứng tận mắt ban đầu. Nói cách khác, truyền thuyết chỉ có thể cho ông biết một câu chuyện trở nên lớn hơn ra sao; nó không thể cho ông biết nó bắt nguồn ra sao khi những người tham gia đều là nhân chứng tận mắt và tường trình các biến cố rất sớm.

“Thứ ba, ông quên rằng kinh tin kính ở 1Cr 15 có trước bất cứ Tin Mừng nào, và nó đưa ra những tuyên bố lớn về các lần hiện ra. Thực thế, tuyên bố liên quan đến số lượng lớn nhất- cho rằng Người đã được nhìn thấy sống động bởi năm trăm người một lúc- đã phát xuất từ nguồn sớm nhất này! Điều này tạo ra nhiều vấn đề cho thuyết phát triển huyền thoại. Các lý do tốt nhất để bác bỏ thuyết truyền thuyết phát xuất từ các trình thuật về tín điều đầu tiên trong 1Cr 15 và Công vụ, cả hai đều có trước các tài liệu Tin Mừng.

“Và thứ tư, còn ngôi mộ trống thì sao? Nếu việc Phục sinh chỉ là một huyền thoại, ngôi mộ sẽ có người nằm. Tuy nhiên, nó trống rỗng vào buổi sáng lễ Phục sinh. Điều đó đòi hỏi một giả thuyết bổ sung."

Khả thể 2: Các lần hiện ra là ảo giác

Có lẽ các nhân chứng đã chân thành khi tin rằng họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu. Có lẽ họ đã ghi lại chính xác những gì đã diễn ra. Nhưng họ có thể đã nhìn thấy một ảo giác thuyết phục họ là họ đã gặp Chúa Giêsu mà thực sự họ không gặp?

Habermas mỉm cười với câu hỏi, ông hỏi, "Ông có biết Gary Collins không?

Câu hỏi đó khiến tôi ngỡ ngàng. Tôi trả lời, chắc chắn, tôi biết ông ta. Tôi nói, "tôi đã ở trong văn phòng của ông ấy gần đây để phỏng vấn ông ấy cho cùng cuốn sách này”.

Habermas hỏi, “Ông có tin rằng ông ấy đủ điều kiện là một nhà tâm lý học không?"

Tôi trả lời một cách thận trọng, vì tôi có thể nói ông ấy đã xác lập một điều gì đó cho tôi, "Có, một bằng tiến sĩ, một giáo sư trong hai mươi năm, tác giả của hàng chục cuốn sách về các vấn đề tâm lý, Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý gia Toàn quốc, vâng, chắc chắn, tôi coi ông ấy đủ điều kiện."

Habermas đưa cho tôi một mảnh (giấy) và nói với tôi, "Tôi đã hỏi Gary về khả thể những điều này là ảo giác, và đây là ý kiến chuyên nghiệp của ông ấy". Tôi nhìn vào tài liệu.

“Các ảo giác là các biến cố có tính cá nhân. Bởi chính bản chất của chúng, chỉ có một người có thể nhìn thấy một ảo giác nào đó tại một thời điểm. Chắc chắn chúng không phải là thứ có thể nhìn thấy bởi một nhóm người. Cũng không thể có chuyện một người, cách nào đó, có thể gây ra ảo giác nơi người khác. Vì một ảo giác chỉ hiện hữu trong ý nghĩa cá nhân, chủ quan này, điều hiển nhiên là những người khác không thể chứng kiến nó." (9)

Habermas nói, "Điều đó là một vấn nạn lớn đối với thuyết ảo giác, vì có những trình thuật lặp đi lặp lại về việc Chúa Giêsu hiện ra với nhiều người và những người này đã tường trình cùng những điều như nhau.

Ông nói tiếp, và có một số lập luận khác cho thấy tại sao ảo giác không thể giải thích bằng cách bác bỏ các lần hiện ra của Người, "Các môn đệ sợ hãi, nghi ngờ và tuyệt vọng sau biến cố Đóng đinh, trong khi những người có ảo giác thường có một tâm trí kỳ vọng hoặc dự phóng. Phêrô là người cứng đầu...; Giacôbê là người hoài nghi - chắc chắn không phải là các ứng viên cho ảo giác.

“Ngoài ra, các ảo giác tương đối khá hiếm. Chúng thường gây ra bởi ma túy hoặc thiếu thốn về cơ thể. Rất có thể, ông không biết bất cứ ai từng bị ảo giác không do một trong hai điều đó gây ra. Nhưng chúng ta có giả thiết tin rằng trong vòng nhiều tuần, người đủ mọi loại bối cảnh, đủ mọi loại tính khí, ở nhiều nơi khác nhau, tất cả đều có trải nghiệm ảo giác không? Giả thiết như thế là quá đáng, đúng không?

“Bên cạnh đó, nếu chúng ta xác minh các trình thuật Tin Mừng là đáng tin cậy, thì ông giải thích ra sao việc các môn đệ ăn với Chúa Giêsu và chạm vào Người? Làm thế nào Người đi cùng với hai trong số họ trên đường Emmau? Còn ngôi mộ trống nữa thì sao? Nếu mọi người chỉ nghĩ họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu, thì thi thể Người vẫn phải ở trong mộ của Người chứ."

Tôi nghĩ, được, nếu đó không phải là ảo giác, có lẽ nó là một điều gì tinh tế hơn.

Tôi hỏi, "Đây có thể là một thí dụ cho thấy sự suy nghĩ nhóm, trong đó người ta nói chuyện với nhau đến nhìn thấy một điều không hiện hữu chăng? Như Michael Martin từng nhận định, 'một người đầy lòng nhiệt thành tôn giáo có thể thấy những gì anh ấy hoặc cô ấy muốn nhìn thấy, không phải những gì thực sự có đó." (10)

Habermas cười. "Ồ, ông biết đấy, một trong những người vô thần mà tôi đã tranh luận, Antony Flew, nói với tôi rằng anh ta không thích nó khi những người vô thần khác sử dụng lập luận cuối cùng, bởi vì nó ủng hộ cả hai cách. Như Flew đã nói, 'Kitô hữu tin vì họ muốn, nhưng những người vô thần không tin vì họ không muốn!'

“Thực sự, có một số lý do tại sao các môn đệ không thể nói chuyện với nhau để cùng nhau đi vào điều này. Như tâm điểm đức tin của họ, nên nó là một điều rất hệ trọng; họ sẵn sàng đi đến cái chết để bảo vệ nó. Há không có một ai đó trong số họ, vào một ngày nào sau đó, suy nghĩ lại việc suy nghĩ nhóm và rút lui hay chỉ lặng lẽ biến mất hay sao? Còn Giacôbê, người vốn không tin vào Chúa Giêsu, và Phaolô, người vốn là một kẻ bắt bớ Kitô hữu- Làm thế nào họ đã được nói chuyện để nhìn thấy một điều gì đó? Hơn nữa, còn về ngôi mộ trống thì sao?

“Và trên hết, quan điểm này không tính đến sự ngôn từ thẳng thắn của tầm nhìn trong Kinh Tin kính ở 1Cr 15 và những đoạn văn khác. Các nhân chứng tận mắt ít nhất đã tin rằng họ đã thấy Chúa Giêsu còn sống, trong khi việc suy nghĩ nhóm không giải thích được khía cạnh này tốt lắm."

Habermas dừng lại đủ lâu để rút một cuốn sách và hỗ trợ lập luận của ông bằng một trích dẫn từ nhà thần học và nhà sử học nổi tiếng Carl Braaten: "Ngay cả các nhà sử học hoài nghi hơn cũng đồng ý rằng đối với Kitô giáo nguyên thủy... việc phục sinh của Chúa Giêsu từ cõi chết là một sự kiện có thật trong lịch sử, là chính nền tảng của đức tin, chứ không phải là một ý tưởng huyền thoại phát sinh từ trí tưởng tượng sáng tạo của các tín hữu". (11)

Habermas kết luận "Đôi khi, người ta chỉ vơ quàng vơ xiên bất cứ điều gì nhằm cố gắng giải thích các lần hiện ra. Nhưng không có gì phù hợp với tất cả các bằng chứng một cách tốt hơn so với lời giải thích rằng Chúa Giêsu vẫn đang sống."

"Không có nghi ngờ hợp lý"

Chúa Giêsu đã bị giết trên thập giá - Alexander Metherell đã làm điều đó rõ ràng một cách đồ họa. Ngôi mộ của Người trống rỗng vào buổi sáng lễ Phục sinh - Lane Craig không nghi ngờ gì về điều đó. Các môn đệ Người và những người khác đã thấy Người, chạm vào Người, và ăn với Người sau Phục sinh - Habermas đã xây dựng lý lẽ đó với bằng chứng phong phú. Như nhà thần học Anh nổi tiếng, Michael Green, từng nói: "Các lần hiện ra của Chúa Giêsu được chứng thực tốt đẹp như bất cứ điều gì trong thời cổ xưa... không thể có nghi ngờ hợp lý nào là chúng đã diễn ra, và lý do chính tại sao các Kitô hữu trở nên chắc chắn về sự phục sinh trong những ngày đầu tiên chỉ là điều này. Họ có thể nói một cách hoàn toàn chắc chắn, 'Chúng tôi đã thấy Chúa.' Họ biết đó là Người”. (12)

Và tất cả điều trên thậm chí chưa sử dụng hết các chứng cớ. Tôi đã đặt chỗ máy bay cho một chuyến đi đến phía bên kia của đất nước để phỏng vấn thêm một chuyên gia về loại chứng cớ cuối cùng chứng minh rằng sự phục sinh là một sự kiện có thật của lịch sử.

Tuy nhiên, trước khi tôi rời văn phòng của Habermas, tôi có thêm một câu hỏi. Thành thật mà nói, tôi ngần ngại hỏi câu hỏi này, vì nó hơi quá dễ đoán và tôi nghĩ rằng tôi sẽ nhận được một câu trả lời hơi quá nhanh.

Câu hỏi liên quan đến tầm quan trọng của sự phục sinh. Tôi hình dung nếu tôi hỏi Habermas về điều đó, ông sẽ đưa ra câu trả lời tiêu chuẩn rằng nó là trung tâm của tín lý Kitô giáo, chiếc trục mà quanh đó đức tin Kitô giáo xoay vần. Và quả đúng như thế, ông đưa ra một câu trả lời có sẵn như thế. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là ông không chỉ nói có thế. Học giả của những chi tiết cần thiết này, nhà tranh luận vạm vỡ và bắn thẳng này, Người bảo vệ đức tin sẵn sàng chiến đấu này, cho phép tôi nhìn vào Linh hồn của ông khi ông đưa ra câu trả lời phát xuất từ thung lũng sâu nhất của sự tuyệt vọng ông từng đi qua.

Sự phục sinh của Debbie Habermas

Habermas xoa bộ râu màu xám của ông. Nhịp điệu nhanh như lửa và giọng nói của nhà tranh luận nơi ông đã biến mất. Không còn trích dẫn các học giả nữa, không còn trích dẫn Kinh thánh, không còn xây dựng một lý lẽ nữa. Tôi đã hỏi về tầm quan trọng của sự phục sinh và Habermas quyết định chấp nhận rủi ro bằng cách trở lại năm 1995, khi vợ ông, Debbie, từ từ chết vì ung thư dạ dày. Bất ngờ trước cảnh dịu dàng của khoảnh khắc, tôi chỉ còn biết lắng nghe.

Nhìn sang một bên không hẳn vì điều gì, ông bắt đầu, "Tôi đang ngồi trên hiên nhà của chúng tôi". Ông thở dài, rồi nói tiếp "Vợ tôi sắp chết ở trên lầu. Nàng ở nhà suốt, ngoại trừ một vài tuần lễ. Đó là một thời gian khủng khiếp. Đó là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra."

Ông quay lại và nhìn thẳng vào tôi." Nhưng ông có biết điều gì tuyệt vời không? Các sinh viên của tôi gọi tôi - không phải chỉ có một mà là một vài người trong số họ - và nói, 'Vào một thời điểm như thế này, há thầy không vui về biến cố Phục sinh hay sao?' Tỉnh táo như những hoàn cảnh đó, tôi đã phải mỉm cười vì hai lý do. Đầu tiên, sinh viên của tôi đang cố gắng cổ vũ tôi bằng chính lời dạy dỗ của tôi. Và thứ hai, nó có hiệu quả.

"Đang ngồi ở đó, tôi hình dung ra Ông Gióp, người đã trải qua tất cả những chuyện khủng khiếp và hỏi nhiều câu hỏi về Thiên Chúa, nhưng sau đó Thiên Chúa đã đổi bên và hỏi ông một vài câu hỏi.

“Tôi biết nếu Thiên Chúa đến với tôi, tôi chỉ hỏi một câu: 'Lạy Chúa, tại sao Debbie lại liệt giường?' Và tôi nghĩ Thiên Chúa sẽ trả lời bằng cách hỏi nhẹ nhàng, 'Này Gary, có phải Ta đã Làm Con Ta trỗi dậy từ cõi chết?'

Tôi muốn nói, 'Thôi đi, lạy Chúa, con đã viết bảy cuốn sách về đề tài đó! Tất nhiên, Người được trỗi dậy từ cõi chết. Nhưng con muốn biết về Debbie!'

"Tôi nghĩ Người sẽ tiếp tục trở lại cùng một câu hỏi như vậy ‘Có phải Ta đã làm cho Con Ta trỗi dậy từ cõi chết không?' 'Có phải Ta đã làm cho Con Ta trỗi dậy từ cõi chết không?' Cho đến khi tôi hiểu được trọng điểm của Người: Sự phục sinh nói rằng nếu Chúa Giêsu đã được trỗi dậy hai ngàn năm trước, thì sẽ có một câu trả lời cho Cái chết của Debbie năm 1995. Và ông có biết gì không? Nó có hiệu quả đối với tôi ngay khi tôi còn ngồi ở hiên nhà, và nó vẫn còn hiệu quả ngày hôm nay.

“Đó là một thời gian hết sức xúc cảm đối với tôi, nhưng tôi không thể tránh được sự kiện này là sự phục sinh là câu trả lời cho nỗi đau khổ của nàng. Tôi vẫn còn lo lắng; tôi vẫn tự hỏi tôi phải làm gì để một mình nuôi nấng bốn đứa con. Nhưng không có lúc nào sự thật đó không an ủi tôi.

Mất vợ là trải nghiệm đau đớn nhất mà tôi từng phải đối diện, nhưng nếu sự phục sinh có thể giúp tôi vượt qua điều đó, nó có thể giúp tôi vượt qua bất cứ điều gì. Nó đã tốt cho năm 30 CN. nó cũng tốt cho năm 1995, nó tốt cho năm 1998, và nó tốt quá thế nữa."

Habermas nhìn tôi chăm chăm, lặng lẽ nói, "Đây không phải là một bài giảng. Tôi tin điều đó bằng trọn trái tim tôi. Nếu có sự Phục sinh, có một thiên đàng. Nếu Chúa Giêsu đã trỗi dậy, thì Debbie cũng sẽ trỗi dậy. Và cả tôi cũng sẽ trỗi dậy một ngày nào đó. Lúc đó, tôi sẽ gặp cả hai."

Các tài liệu đọc thêm

Ankerberg, John and John Weldon. Ready with an Answer [Sẵn sàng với một câu trả lời]. Eugene, Ore: Harvest House, 1997.

Geivett, R. Douglas and Gary R. Habermas, biên tập. In Defense of Miracles [Bảo vệ các Phép lạ]. Downers Grove, Ill.: Intervarsity Press, 1997.

Habermas, Gary and Antony Flew. Did Jesus Rise from the Dead? The Resurrection Debate [Có phải Chúa Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết? Cuộc tranh luận phục sinh]. San Francisco: Harper & Row, 1987.

Habermas, Gary and J. P. Moreland. Beyond Death: Exploring the Evidence for Immortality [Bên kia cái chết: Khám phá Bằng chứng cho sự bất tử]. Westchester, Ill.: Crossway, 1998.

Morison, Frank. Who Moved the Stone? [Ai đã di chuyển tảng đá?] Grand Rapids: Zondervan, 1987.

Proctor, William. The Resurrection Report [Tường trình Phục sinh]. Nashville: Broadman & Holman, 1998.

Ghi chú

1. "Bomb Victim's Body Not in Grave," [Thi thể nạn nhân bị bom không ở trong mộ] Chicago Tribune (January 14, 1998).

2. Martin, The Case against Christianity [Lý lẽ chống Kitô giáo], 87.

3. Gary Habermas and Antony Flew, Did Jesus Rise from the Dead? The Resurrection Debate [Có phải Chúa Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết? Cuộc tranh luận phục sinh] (San Francisco: Harper & Row, 1987), xiv.

4. Đã dẫn, xv.

5. Martin, The Case against Christianity [Lý lẽ chống Kitô giáo], 90.

6. Craig, The Son Rises [Chúa Con trỗi dậy], 125

7. John Drane, Introducing the New Testament [Dẫn nhập vào Tân Ước] (San Francisco: Harper and Row, 1986), 99.

8. Michael Green, Christ is risen: So what? [Chúa Kitô đã sống lại: vậy thì sao](Kent, England: Sovereign World, 1995), 34.

9. Cũng được trích dẫn trong Gary Habermas and J.P. Morelend, Immortality: The Other Side of Death [Bất tử: phía bên kia sự chết] (Nasville: Nelson, 1992), 60.

10. Martin, The Case against Christianity [Lý lẽ chống Kitô giáo], 75.

11. Carl Braaten, History and Hermeneutics [Lịch sử và Khoa Giải thích], 2 cuốn của New Directions in Theology Today [Các Hướng đii của Thần học Ngày nay] biên tập William Hordern (Philadelphia: Westminster Press, 1966), 78, trích dẫn trong Habermas and Flew, Did Jesus Rise from the Dead? 24.

12. Michael Green, The Empty Cross of Jesus [Thập giá Trống của Chúa Giêsu] Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 1984), 97, trích dẫn trong Ankerberg and Weldon, Knowing the Truth about the Resurrection [Biết sự thật về Phục sinh], 22.
 
VietCatholic TV
Putin tái mặt: Prigozhin kéo 25.000 quân Wagner từ Ukraine về Nga, uy hiếp Rostov, gọi hàng lính Nga
VietCatholic Media
02:44 24/06/2023


1. Thống đốc Nga kêu gọi người dân ở trong nhà khi trùm Wagner Yevgeny Prigozhin tuyên bố đưa quân từ Ukraine về chiếm Rostov

Thống đốc vùng Rostov phía nam nước Nga, Vasily Golubev, đã yêu cầu người dân giữ bình tĩnh và ở trong nhà, Reuters đưa tin.

Prigozhin đã tung ra một tin nhắn khác, trong đó ông ta tuyên bố lực lượng của mình đang tiến vào thành phố Rostov, miền nam nước Nga.

Anh ta nói:

Lúc này chúng tôi đã vượt qua tất cả các điểm biên giới... Bộ đội biên phòng chào đón và ôm các chiến sĩ của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi đang tiến vào Rostov.

Nếu có ai cản đường chúng tôi, chúng tôi sẽ phá hủy mọi thứ... Chúng tôi dang tay với mọi người, nhưng đừng nhổ nước bọt vào đó. Chúng tôi tiến về phía trước, chúng tôi đang đi đến cùng!

Prigozhin nói rằng những người mở vụ án hình sự chống lại anh ta “không có cảm giác” và không hiểu gì ngoài “sự phản bội”.

“Tôi lặp lại yêu cầu: Không ai được chống cự. Tất cả những ai cố gắng chống cự, chúng tôi sẽ coi họ là mối nguy hiểm và tiêu diệt họ ngay lập tức, kể cả bất kỳ trạm kiểm soát nào trên đường đi của chúng tôi. Và bất kỳ máy bay nào mà chúng ta nhìn thấy trên đầu.”

2. Lãnh đạo Wagner tuyên chiến với quân đội Nga sau vụ tấn công ở Rostov

Lãnh đạo Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin hôm thứ Sáu đã cáo buộc quân đội Nga tấn công các vị trí của Wagner ở Ukraine bằng hỏa tiễn và tuyên chiến với Bộ Quốc phòng Nga.

“Chúng tôi có 25.000 người mạnh mẽ và chúng tôi sẽ tìm ra lý do tại sao sự hỗn loạn lại xảy ra ở Nga,” Prigozhin thông báo trong một thông báo được chia sẻ trên Telegram. “Những người khác được tự do tham gia cùng chúng tôi.”

Prigozhin từ lâu đã chỉ trích các nhà lãnh đạo quân sự của Nga và thường xuyên bày tỏ sự thất vọng của mình với họ trên Telegram. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thường là mục tiêu trực tiếp của những lời tố cáo của ông, và Prigozhin hôm thứ Năm đã cáo buộc bộ trưởng quốc phòng nói dối với Tổng thống Nga Vladimir Putin về những thất bại “to lớn” trên chiến trường của Nga.

Theo Prigozhin, căng thẳng đã dẫn đến việc quân đội của ông bị lực lượng quân sự chính thức của Nga tấn công vào thứ Sáu.

Sau vụ tấn công ở Rostov, Prigozhin cho biết anh ta “tuyên chiến với Bộ Quốc phòng Nga.”

“Hội đồng chỉ huy PMC Wagner đã đưa ra quyết định: Tội ác do giới lãnh đạo quân sự của đất nước gây ra phải bị ngăn chặn,” anh ta nói, theo bản dịch từ dự án WarTranslated. “Những kẻ đã hủy diệt ngày hôm nay của chúng ta, những kẻ đã hủy hoại hàng chục, hàng vạn sinh mạng binh lính Nga sẽ bị trừng phạt.

“Tôi đang yêu cầu: Không ai được chống cự. Tất cả những ai cố gắng chống cự, chúng tôi sẽ coi họ là mối nguy hiểm và tiêu diệt họ ngay lập tức, kể cả bất kỳ trạm kiểm soát nào trên đường đi của chúng tôi. Và bất kỳ máy bay nào mà chúng ta nhìn thấy trên đầu.”

Nhà lãnh đạo Wagner cũng hứa sẽ tiếp tục chiến đấu ở Ukraine sau khi cuộc chiến của ông với Bộ Quốc phòng kết thúc.

“Chúng tôi sẽ giải quyết những kẻ tiêu diệt binh lính Nga. Và chúng tôi sẽ trở lại tiền tuyến,” ông nói. “Công lý trong Quân đội sẽ được phục hồi. Và sau đó là công lý cho cả nước Nga.”

Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ tuyên bố của Prigozhin về một cuộc tấn công. Trong một tuyên bố được chia sẻ bởi hãng tin RIA Novosti do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn, Bộ này cho biết, “tất cả các báo cáo và đoạn phim từ Yevgeny Prigozhin lưu hành trên mạng xã hội và được cho là cho thấy 'một cuộc tấn công của Bộ Quốc phòng vào các trại ở hậu cứ của Tập đoàn Wagner' không tương ứng với thực tế và là một hoạt động cờ giả về thông tin.”

RIA Novosti cũng đưa tin rằng phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết ông Putin đã biết về tuyên bố của Prigozhin và nói thêm rằng “tất cả các biện pháp cần thiết đang được thực hiện”.

Igor Girkin, cựu chỉ huy quân đội Nga, người thường xuyên chỉ trích cách Putin tiến hành cuộc chiến ở Ukraine, cho biết “một âm mưu đảo chính đang được tiến hành.”

Girkin viết trên Telegram: “Nếu đây không phải là một hoạt động cờ giả, có thể là như thế lắm, thì cuộc đảo chính quân sự đã bắt đầu. Nhưng nếu đó không phải là tin giả, thì tình hình đối đầu giữa Bộ Quốc phòng Nga và Wagner đã vượt ngoài tầm kiểm soát và cần sự can thiệp ngay lập tức của tổng thống.”

3. Phản ứng của Ukraine đối với trường hợp của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 24 tháng Sáu, khi được hỏi về trường hợp của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết ngắn gọn rằng “Chúng tôi đang theo dõi”.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của chính quyền tổng thống Ukraine, nhận định rằng “Thời kỳ hỗn loạn ở Nga đang đến”. Ông cho biết như trên khi được yêu cầu bình luận về những tuyên bố của lãnh đạo Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin chống lại giới lãnh đạo quân sự của Nga.

4. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình của Nga sau những bình luận của thủ lĩnh Wagner

Tòa Bạch Ốc đang “theo dõi tình hình” ở Nga sau những lời đe dọa từ thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, chống lại giới lãnh đạo quân đội Nga, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết Tổng thống Joe Biden cũng đã được thông báo về tình hình đang phát triển ở Nga.

“Chúng tôi đang theo dõi tình hình và sẽ tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác về những diễn biến này,” Tướng Kirby cho biết trong một tuyên bố.

Các quan chức xem những bình luận mới nhất của Prigozhin - trong đó ông gọi giới lãnh đạo quân sự của Nga là “ác quỷ” và nói rằng họ “phải bị ngăn chặn” - là một điều gì đó khác với lời hùng biện thông thường của ông. Và hoàn toàn không giống như một số tuyên bố trước đây của Prigozhin về sự kém cỏi của Bộ Quốc phòng Nga, là những bình luận thường diễn ra sau một bước đột phá quân sự hay thành công chiến thuật của Ukraine.

Tuy nhiên, ông nói rằng Hoa Kỳ thận trọng không tuyên bố gì thêm cho đến khi họ hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra.

5. Các video xuất hiện cho thấy các phương tiện quân sự của Nga đang tập trung gần Duma Quốc gia

Một số tài khoản mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh các phương tiện quân sự của Nga chạy trên các đường phố chính của Mạc Tư Khoa vào đầu giờ ngày thứ Bảy. Một video từ một trang web địa phương của Nga cho thấy hai chiếc xe đậu gần Duma Quốc gia ở Mạc Tư Khoa.

Riêng tại thành phố Rostov của Nga gần đông nam Ukraine, người ta có thể nhìn thấy tỏ tường các xe quân sự chạy nháo nhác trên đường phố. Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin tuyên bố trước đó rằng “Không ai được chống cự. Tất cả những ai cố gắng chống cự, chúng tôi sẽ coi họ là mối nguy hiểm và tiêu diệt họ ngay lập tức, kể cả bất kỳ trạm kiểm soát nào trên đường đi của chúng tôi. Và bất kỳ máy bay nào mà chúng ta nhìn thấy trên đầu.”

Theo hãng truyền thông nhà nước Nga TASS, các chốt chặn đã được dựng nên vào sáng thứ Bảy tại khu vực trụ sở của Quân khu phía Nam ở Rostov, nơi các quân nhân và sĩ quan thực thi pháp luật đang phòng thủ trước khả năng bị quân Wagner tấn công.

TASS đưa tin, cảnh sát đang tuần tra trên các con phố trung tâm và “ở phía tây của Rostov, người ta nghe thấy tiếng máy bay đang bay”.

6. Kênh truyền hình nhà nước Nga cắt chương trình thời sự để bác bỏ tuyên bố của thủ lĩnh Wagner

Kênh truyền hình tin tức nhà nước Russia 24 đã gián đoạn chương trình phát sóng vào tối thứ Sáu để đọc một thông điệp từ Bộ Quốc phòng Nga, nêu rõ những tuyên bố của thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, “không tương ứng với thực tế”.

Sự gián đoạn xảy ra trong quá trình phát sóng chương trình Toàn cảnh Quốc tế. Xướng ngôn viên đã thông báo như sau:

“Chúng tôi phải gián đoạn chương trình để gửi một thông điệp từ Bộ Quốc phòng Nga: Tất cả các tin nhắn và video lưu hành trên mạng xã hội, được cho là của Yevgeny Prigozhin, liên quan đến các cuộc tấn công bị cáo buộc của Bộ Quốc phòng Nga vào các trại ở hậu cứ của Wagner PMC, không tương ứng với thực tế và nhằm mục đích thông tin sai lệch.”

7. Các Tư lệnh Nga kêu gọi quân Wagner buông súng đầu hàng

Tối thứ Sáu, Sergey Surovikin, người từng là chỉ huy hàng đầu của Nga tại Ukraine, đã kêu gọi các chiến binh đánh thuê Wagner vào tối thứ Sáu “dừng lại” và “tuân theo ý muốn” của Tổng thống Vladimir Putin.

“Tôi đang nói chuyện với ban lãnh đạo, chỉ huy và những chiến binh Wagner. Cùng với các bạn, chúng ta đã đi một chặng đường khó khăn và gian khổ. Chúng ta đã chiến đấu cùng nhau, chấp nhận rủi ro, chịu tổn thất và cùng nhau chiến thắng. Chúng ta cùng huyết thống. Chúng ta là những chiến binh. Tôi kêu gọi các bạn dừng lại, đối phương chỉ chờ tình hình chính trị nội bộ ở đất nước chúng ta trở nên tồi tệ hơn”, Surovikin nói trong một video được phóng viên truyền thông nhà nước Nga đăng lên Telegram.

“Bạn không thể rơi vào tay đối phương trong thời điểm khó khăn này của đất nước. Trong khi vẫn chưa quá muộn, xin vui lòng tuân theo ý chí và mệnh lệnh của tổng thống Liên bang Nga đã được bầu chọn bởi quần chúng”, Tướng Surovikin nói. “Dừng ngay các đoàn xe, đưa chúng trở lại các căn cứ. Giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình dưới sự lãnh đạo của Tổng tư lệnh Liên bang Nga.”

Các quan sát viên tin rằng Sergey Surovikin đưa ra tuyên bố trên để tránh rắc rối cho chính bản thân. Ông ta được cho là có quan hệ thân thiết với trùm Wagner.

Trung tướng Vladimir Alekseev, một quan chức tình báo Nga, cũng đã đăng một video chỉ trích hành động của Wagner vào thứ Sáu, nói rằng “Đây là một cuộc đảo chính.”

“Những gì đang xảy ra bây giờ là một sự thật hiển nhiên của sự điên rồ. Tôi không thể giải thích nó bằng cách nào khác,” Alekseev nói trong video.

Ông nói tiếp rằng: “Đất nước chúng ta hiện đang ở trong tình thế khó khăn nhất. “Khi cả thế giới phương Tây quay lưng lại với chúng tôi. Khi đạn pháo đến từ khắp thế giới. Những thứ như vậy, mà bạn bắt đầu thực hiện ngay bây giờ dưới ý tưởng khiêu khích của ai đó sẽ dẫn đến những tổn thất to lớn. Trước hết là những tổn thất to lớn về chính trị. Hãy tưởng tượng sự nhiệt tình phấn khởi của phương Tây.”

“Chỉ có tổng thống mới có quyền bổ nhiệm lãnh đạo cao nhất của các lực lượng vũ trang, và các bạn đang cố xâm phạm quyền lực của ông ấy. Đây là một cuộc đảo chính,” Alekseev nói và yêu cầu quân Wagner buông súng đầu hàng.

8. Các quan chức và nhà bình luận Nga lên tiếng như thế nào về cuộc binh biến của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin

Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu nhóm quân sự tư nhân Wagner, tuyên bố rằng Bộ Quốc phòng Nga đã lừa dối nhóm này và cáo buộc giới lãnh đạo quân sự của Mạc Tư Khoa đã tấn công một căn cứ quân sự của Wagner, giết chết một “số lượng lớn” lực lượng lính đánh thuê của ông ta. Thủ lĩnh của lực lượng lính đánh thuê thề sẽ trả đũa.

Igor Strelkov, blogger quân sự thân Nga, cựu bộ trưởng quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng nói

“Tôi tuyên bố rằng đất nước đang trên bờ vực của một âm mưu đảo chính quân sự. Ai khởi xướng nó vẫn chưa rõ ràng. Có thể cả hai phe tham chiến của 'đảng quyền lực' đều đang cố gắng đạt được điều đó, với sự trung lập của phe thứ ba là FSB và Hội đồng An Ninh quốc gia.”

Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh cho biết:

“Tổng thống Putin đã được thông báo về tất cả những diễn biến xung quanh Prigozhin. Các biện pháp cần thiết đang được thực hiện.”

Ủy ban chống khủng bố quốc gia Nga cho biết:

“Các cáo buộc lan truyền thay mặt cho Yevgeny Prigozhin là không có cơ sở. Liên quan đến những tuyên bố này, FSB của Nga đã khởi xướng một vụ án hình sự về việc kêu gọi một cuộc nổi dậy vũ trang. Chúng tôi yêu cầu chấm dứt ngay lập tức các hành động bất hợp pháp.”

Anna Dolgareva, phóng viên chiến trường thân Nga nhận xét rằng

“Tuyên bố hoàn toàn khủng khiếp của Prigozhin về một cuộc tấn công hỏa tiễn vào hậu cứ của quân Wagner. Không kém phần khủng khiếp là những âm thanh từ các phương tiện truyền thông về một cuộc đảo chính. Tuy nhiên, tôi cá rằng sẽ không có đảo chính và mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách hòa bình, và vào tháng 8 hay tháng 9, PMC Wagner sẽ trở lại tấn công Kharkiv.”

Christo Grozev, nhà báo điều tra của nhóm điều tra Bellingcat nói:

“Prigozhin nói rằng anh ta có 25 nghìn quân mạnh mẽ và anh ta sẽ nắm quyền và đối phó với 'những kẻ phản bội' trong hàng lãnh đạo trước khi quay trở lại tiền tuyến. Tôi nhớ rằng các 'chuyên gia' Nga đã nói rằng tôi đã nói những điều vô nghĩa khi dự đoán một âm mưu đảo chính của Prigozhin trong năm nay.”

9. Nếu bị bắt trùm Wagner Yevgeny Prigozhin có thể ngồi tù đến 20 năm

Các hành động của Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo Tập đoàn Wagner, “sẽ được đánh giá pháp lý phù hợp trong khuôn khổ của một vụ án hình sự”, Văn phòng Tổng Công tố Liên bang Nga cho biết, theo hãng truyền thông nhà nước RIA Novosti.

Hôm thứ Sáu, Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đã mở một vụ án hình sự chống lại Prigozhin, sau khi ông này thề sẽ trả đũa sau khi cáo buộc giới lãnh đạo quân sự của Mạc Tư Khoa đã giết “một lượng lớn” lính đánh thuê của họ trong một cuộc tấn công vào một căn cứ quân sự của quân Wagner ở Rostov.

Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ tuyên bố của Prigozhin.

Đây là tuyên bố đầy đủ từ văn phòng công tố:

“Vào ngày 23 tháng 6 năm 2023, Cục Điều tra của FSB Nga đã tiến hành tố tụng hình sự một cách hợp pháp và chính đáng đối với Yevgeny Prigozhin theo Điều 279 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga vì tội tổ chức nổi dậy vũ trang.”

“Sẽ có một đánh giá pháp lý phù hợp về hành động của anh ta.

“Tội này có thể bị phạt tù từ 12 đến 20 năm.”

10. Nhà tài phiệt lưu vong cho rằng Putin sẽ không dùng đến vũ khí hạt nhân vì một lý do chính.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã đe dọa “tấn công ngay lập tức vào các trung tâm ra quyết định” ở Ukraine nếu vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp được sử dụng để tấn công Crimea. Nga chiếm giữ bất hợp pháp bán đảo này từ Ukraine vào năm 2014.

Sergei Shoigu nói rằng một cuộc tấn công vào Crimea bằng hỏa tiễn Himars và Storm Shadow sẽ cấu thành một cuộc tấn công “bên ngoài khu vực hoạt động quân sự đặc biệt” và có nghĩa là “sự tham gia đầy đủ của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh vào cuộc xung đột”.

Nhiều người lo ngại rằng Nga sẽ ra đòn hạt nhân để trả đũa. Tuy nhiên, một nhà tài phiệt Nga đang lưu vong nhận định rằng Putin sẽ không dám làm như thế.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Won't Resort to Nuclear Weapons for One Major Reason—Exiled Oligarch”, nghĩa là “Nhà tài phiệt lưu vong cho rằng Putin sẽ không dùng đến vũ khí hạt nhân vì một lý do chính.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Doanh nhân Nga lưu vong và nhà hoạt động đối lập Mikhail Khodorkovsky nói rằng nếu Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân, nỗ lực chiến tranh của ông ta ở Ukraine có thể sụp đổ “trong vài tháng”.

Viễn cảnh Nga chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân để giành lại thế chủ động đã bao trùm cuộc xung đột.

Tuần này, khi trả lời câu hỏi về việc liệu ông có tin rằng Belarus đã được chuyển giao vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo khả năng Putin sẽ sử dụng những vũ khí như vậy là “có thật”.

Tuy nhiên, Khodorkovsky, người đứng đầu công ty năng lượng Yukos trước khi bị bỏ tù 10 năm vì điều mà các nhà phê bình gọi là cáo buộc có động cơ chính trị, tin rằng tổng thống Nga có lý do kinh tế để không sử dụng vũ khí như vậy, ngoài vấn đề tự bảo vệ.

Khodorkovsky cho biết trong một video được tải lên tài khoản Twitter của mình vào thứ Năm: “Putin đang tiến gần đến giới hạn mà việc vượt qua sẽ không có lợi.”

“Việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine có nghĩa là gì? Ông ta ngay lập tức mất khả năng nhập khẩu song song,” Khodorkovsky nói, đề cập đến các sản phẩm được mang từ một quốc gia khác mà không có sự cho phép của chủ sở hữu trí tuệ.

Ông nói thêm: “Nếu không nhập khẩu song song, khả năng sản xuất đạn dược của ông ta sẽ kết thúc trong vòng vài tháng.

Kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Nga đã bị phương Tây trừng phạt nặng nề nhằm cản trở nỗ lực chiến tranh của ông.

Tuy nhiên, như Newsweek đã đưa tin trước đó, Mạc Tư Khoa đang khai thác các lỗ hổng trong kiểm soát xuất khẩu để mua công nghệ phương Tây nhằm hỗ trợ Nga trên chiến trường. Hơn 60% các thành phần quan trọng trong vũ khí mà Nga sử dụng được nhập khẩu từ các công ty Mỹ.

Từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2022, Nga đã nhập khẩu 20,3 tỷ USD linh kiện liên quan đến thiết bị quân sự, theo Viện KSE, một tổ chức tư vấn tại Trường Kinh tế Kyiv. Con số này chỉ ít hơn 15% so với năm trước khi Nga xâm lược Ukraine.

Khodorkovsky nói rằng liên quan đến vũ khí hạt nhân, Putin phải đối mặt với câu hỏi liệu có nên “nhấn nút tự sát” hay không, bởi vì tổng thống “không có ý định tự sát”.

Trong suốt cuộc chiến, các chuyên gia đã gợi ý rằng Putin sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân vì chúng sẽ không mang lại bất kỳ lợi thế chiến lược nào.

Nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra cảnh báo về một mối đe dọa hạt nhân khác, hôm thứ Năm cho biết tình báo Ukraine đã nhận được thông tin rằng Nga đang xem xét “một cuộc tấn công khủng bố vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Địa điểm này là nhà máy hạt nhân lớn nhất Âu Châu và là nơi xảy ra giao tranh trong nhiều tháng, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

“Họ đã chuẩn bị mọi thứ cho việc này,” Zelenskiy nói. “Bức xạ không có biên giới quốc gia.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.

11. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết sẽ có đủ tân binh cho quân dự bị vào cuối tháng

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Nga hy vọng sẽ có đủ tân binh để thành lập đội quân dự bị nhằm củng cố lực lượng vũ trang vào cuối tháng.

“Tính đến sáng nay, 114.000 người đã được tuyển dụng theo hợp đồng và cũng có hơn 50.000 tình nguyện viên,” Shoigu nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các thành viên của hội đồng an ninh quốc gia Nga.

“Chúng tôi đang xây dựng lực lượng dự bị trong các quân đoàn của mình. Hơn nữa, chúng tôi đã bổ sung năm trung đoàn cho quân đoàn xe tăng 1 và 20. Mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch: vào cuối tháng 6, chúng tôi sẽ hoàn thành nỗ lực thành lập một đội quân dự bị và sáng kiến thành lập một quân đoàn cũng sẽ được hoàn thành trong tương lai gần”, ông Shoigu cho biết theo một thông cáo báo chí của điện Cẩm Linh.

Theo Shoigu, mỗi ngày có khoảng 1.336 người “có động lực cao”, là quân số tương đương của một trung đoàn, xin nhập ngũ theo hợp đồng. Ngoài ra, quân đội Nga nhận được 112 thiết bị mỗi ngày. “Điều này áp dụng cho cả thiết bị hiện đại hóa và thiết bị mới, vì vậy ở đây chúng tôi đã đạt được động lực quan trọng và chúng tôi không thấy bất kỳ rủi ro nào làm gián đoạn quá trình hình thành lực lượng dự trữ.”

Đầu ngày thứ Năm, một tuyên bố do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho biết hơn 20 “quân đoàn tình nguyện” Nga đang chiến đấu ở Ukraine đã ký hợp đồng với bộ này.

Diễn biến này xảy ra sau khi Putin ủng hộ một mệnh lệnh được Shoigu ký vào ngày 10 tháng 6, nói rằng các nhóm lính đánh thuê chiến đấu ở Ukraine phải ký hợp đồng với Bộ Quốc Phòng trước đầu tháng Bảy.

KT-Process

12. Ukraine tiến hành sửa chữa hàng loạt lưới điện trước các cuộc tấn công mùa đông có thể xảy ra

Ukraine đang thực hiện “chiến dịch sửa chữa lớn nhất từ trước đến nay” để củng cố hệ thống điện trước mùa đông và các cuộc tấn công tiềm năng của Nga vào cơ sở hạ tầng.

“Các cơ sở sản xuất và phân phối điện đang được khôi phục, và công việc cũng đang được tiến hành để tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống điện trước những thách thức quân sự,” Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko cho biết hôm thứ Năm.

Trong cuộc gặp với các quan chức Mỹ tại hội nghị Phục hồi Ukraine ở London, Halushchenko nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng dự trữ thiết bị và bảo đảm hệ thống điện hoạt động với mức độ linh hoạt cao, theo tuyên bố từ Bộ Năng lượng Ukraine.

Cuối cùng, công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, DTEK, cho biết họ đã ký hợp đồng xây dựng lại mạng lưới năng lượng “bị tàn phá bởi chiến tranh” của Kyiv ở các khu vực xung quanh Thủ đô.

Trong một thông cáo báo chí, DTEK cho biết họ có kế hoạch xây dựng một “lưới điện thông minh có khả năng chống lại các cuộc tấn công quân sự và có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của Ukraine.”

Năm ngoái, các lực lượng Nga đã bắt đầu phóng hàng loạt hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo, hỏa tiễn đất đối không và đạn dược lảng vảng từ máy bay không người lái, gây thiệt hại cho các cơ sở năng lượng và cơ sở hạ tầng khác ở quy mô chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Đó là một bước đột phá đáng kể, thay đổi nghiêm trọng một cuộc chiến vốn đã ghê rợn. Cuộc tấn công không ngừng vào lưới điện đã tước đi điện, nhiệt, nước và các dịch vụ thiết yếu khác của hàng triệu người trên khắp đất nước khi nhiệt độ giảm xuống.

13. Hình ảnh vệ tinh trước và sau cho thấy sự khác biệt rõ rệt về mực nước hồ chứa Kakhovka

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Hồ chứa nước Kakhovka và các khu vực xung quanh ở miền nam Ukraine đang khô cạn sau sự việc vỡ đập Nova Kakhovka hồi đầu tháng này. Các khu vực bao gồm thành phố Enerhodar, nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, và các thành phố Nikopol và Zaporizhzhia.

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Ihor Klymenko cho biết ít nhất 21 người thiệt mạng và 28 người bị thương sau vụ vỡ đập ngày 6/6 ở vùng Kherson.

Các chất ô nhiễm dầu nặng ít nhất 150 tấn đang trôi dọc theo sông Dnipro, theo cố vấn tổng thống Ukraine Andriy Yermak.

Nhiều con cá chết cùng với xác cá heo đã được tìm thấy trên bờ Hắc Hải ở Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm thứ Tư, một chương trình chống mìn bẫy của Liên Hiệp Quốc cho biết các quả mìn bị di dời do lũ lụt cũng có thể nằm trên các bãi biển quanh Hắc Hải.

Yermak cũng cho biết 50.000 hécta rừng Ukraine đã bị ngập lụt. Bộ Y tế Ukraine hôm thứ Hai kêu gọi người dân không bơi lội và câu cá ở vùng biển của các vùng Odesa, Mykolaiv và Kherson.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, cho biết hôm thứ Tư rằng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sẽ sử dụng nhiều nguồn nước khác nhau để làm mát sau vụ vỡ đập, đồng thời lưu ý rằng những nguồn nước đó “có đủ nước trong vài tháng.” Nhà máy đang dựa vào nguồn nước từ một kênh xả cũng như một loạt các ao làm mát.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi nói rằng tình hình an ninh và an toàn hạt nhân tại nhà máy “cực kỳ mong manh”, đồng thời nói thêm rằng việc mất hồ chứa “đã làm tăng thêm những khó khăn nghiêm trọng cho nhà máy điện hạt nhân lớn này”.
 
Đau đớn: Đức Tổng Giám Mục Manipur than thở 249 nhà thờ bị phá hủy trong vòng 36 giờ
VietCatholic Media
05:04 24/06/2023


1. Đức Tổng Giám Mục Manipur than thở 249 nhà thờ bị phá hủy trong vòng 36 giờ

Một tổng giám mục ở bang Manipur, Ấn Độ đang gặp khó khăn, đã nói rằng khoảng 249 nhà thờ thuộc về một nhóm sắc tộc đã bị phá hủy trong 36 giờ đầu tiên của làn sóng bạo lực mới nhất.

Trước Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, Đức Tổng Giám mục Dominic Lumon của Imphal đã đưa ra ước tính như trên trong một báo cáo ngày 15 tháng 6 về các cuộc đụng độ sắc tộc đang diễn ra ở bang nằm ở vùng cực đông bắc Ấn Độ

Đức Tổng Giám Mục Lumon cho biết trong tài liệu dài 11 trang rằng “thật sai lầm khi phân loại” cuộc rối loạn, đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 100 người và khiến hơn 50.000 người phải di dời, là một cuộc xung đột tôn giáo.

Nhưng ngài lưu ý rằng các cuộc đụng độ giữa người Meitei chủ yếu theo Ấn Giáo và người Kuki chủ yếu theo Kitô Giáo bao gồm các cuộc tấn công có động cơ tôn giáo.

Ngài nói: “Mỗi trong số hơn 200 ngôi làng Kuki bị tấn công đều có một hoặc nhiều nhà thờ, tùy thuộc vào số lượng giáo phái Kitô giáo. Khoảng 249 nhà thờ của các Kitô hữu đã bị người Meitei phá hủy. Tất cả những sự hủy diệt này diễn ra với độ chính xác trong vòng 36 giờ kể từ khi bạo lực bắt đầu.”

Mặc dù người Kuki chủ yếu theo các giáo phái Tin lành như Tin Lành Baptist, 10 cơ sở Công giáo cũng được tường trình đã bị đốt phá, bao gồm Giáo xứ Thánh Phaolô, ở Sangaiprou, bị cháy hoàn tòan và Giáo xứ Đấng Cứu Độ Chí Thánh, ở Canchipur, đã bị lục soát, cướp phá và phóng hỏa.

Một đám đông cũng được cho là đã phá hoại cứ điểm truyền giáo Thánh Giá, ở Kakching Khunou. Họ kéo bàn thờ và các bức tượng ra ngoài trời rồi phóng hỏa.

Các linh mục Ấn Độ có liên hệ với bang Manipur nói với The Pillar rằng rất khó để đánh giá tình hình hiện tại trong bối cảnh mất điện, internet và hạn chế báo cáo. Do lệnh giới nghiêm, ngay cả cư dân của bang cũng phải vật lộn để theo dõi diễn biến và có nhiều tin đồn không thể chứng minh được. Nhưng bạo lực được tường trình vẫn đang diễn ra.

Rắc rối đã nổ ra ở Manipur, một trong những bang nhỏ nhất và xa xôi nhất của Ấn Độ, khi hàng nghìn người tập trung vào ngày 3 tháng 5 để biểu tình phản đối các động thái đưa Meitei vào danh mục các Bộ lạc của Ấn Độ.

Những người biểu tình lo sợ rằng việc chỉ định này sẽ mang lại cho người Meitei, những người chiếm hơn một nửa dân số của tiểu bang, khả năng tiếp cận nhiều hơn với đất đai, việc làm và các nguồn lực khác mà các nhóm dân tộc khác phải trả giá.

Cuộc biểu tình ngày 3 tháng 5 được tổ chức bởi Hội sinh viên toàn bộ tộc Manipur, một nhóm có liên hệ với người Kuki. Cuộc tụ họp trở thành bạo lực, mặc dù không rõ điều gì đã châm ngòi cho các cuộc giao tranh.

Trong những ngày tiếp theo, đám đông người Meitei có vũ trang đã tấn công xe hơi, nhà cửa và nhà thờ của người Kuki.

Chính quyền tiểu bang đã cắt internet khi quân đội tiến vào để lập lại trật tự với quyền “bắn hạ tại chỗ”.

Đức Tổng Giám mục Lumon - người đã lãnh đạo tổng giáo phận Imphal, bao gồm toàn bộ bang Manipur, kể từ năm 2006 - đã chỉ trích phản ứng của chính quyền đối với tình trạng hỗn loạn. Ngài cáo buộc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi “im lặng”, Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah “không biết gì” và chính quyền địa phương “thiếu quyết đoán”.

Ngài nói chính phủ Ấn Độ “không thể trốn tránh trách nhiệm và rũ bỏ tội lỗi.”

“Sau 44 ngày kể từ khi tình trạng bất ổn bắt đầu, bạo lực và đốt phá vẫn tiếp tục không suy giảm. Những sinh mạng quý giá đã bị mất đi, nhà cửa làng mạc bị đốt cháy, đồ đạc bị phá hoại và cướp phá, những nơi thờ phượng bị xúc phạm và phóng hỏa. Hơn 50.000 người đã phải di dời và trở thành vô gia cư và đang mòn mỏi trong các trại cứu trợ và nhà của các cá nhân khác nhau.”

“Nhiều người đã rời thủ đô Imphal và tiểu bang đến những nơi an toàn hơn; nhiều người đã đến bang Mizoram lân cận, các bang đông bắc khác, các thành phố đô thị như Delhi, Kolkata, v.v. Bộ máy hiến pháp trong bang đã sụp đổ hoàn toàn,” Đức Cha nói.


Source:Pillar Catholic

2. Thêm một vụ Do thái cực đoan phá hoại chống Công giáo tại Thánh địa

Báo chí Israel, số ra chiều Chúa nhật, ngày 18 tháng Sáu vừa qua, đưa tin: cửa kiếng màu của Nhà Tiệc Ly trên núi Sion, ở Giêrusalem, đã bị một người Do thái cực đoan ném đá làm vỡ. Các nhân viên an ninh hiện diện đã bắt thủ phạm.

Tin từ tòa án ở Giêrusalem cho biết đương sự 30 tuổi, từng được cảnh sát biết đến, đã được trả tự do với điều kiện không được đến gần cổ thành Giêrusalem nữa.

Theo tờ “Giêrusalem điện báo” (Giêrusalem Post), đương sự đã hành động do say rượu. Cho đến nay, các Giáo hội không phản ứng về vụ này.

Nhà Tiệc Ly là nơi Chúa Giêsu đã dùng bữa tối cuối cùng với các môn đệ, trước khi ra đi chịu khổ nạn. Đây cũng là nơi các môn đệ họp nhau và được Chúa Thánh Thần hiện xuống sau khi Chúa phục sinh. Di tích cổ kính nhất có từ thế kỷ thứ V, thời Vương cung thánh đường Hagia Sion bị phá hủy. Phòng hiện nay có thể là một nhà nguyện bên hông nhà thờ Santa Maria ở núi Sion, thời Đạo Binh Thánh Giá. Năm 1333, khu nhà di tích này được ủy thác cho các cha Dòng Phanxicô. Nhưng giữa thế kỷ XVI, người Hồi giáo đã biến phòng này thành một Đền thờ.

Năm 1948, Núi Sion rơi vào tay Israel trong chiến tranh giữa Arập và Israel, từ đó Bộ du lịch và tôn giáo của Israel quản lý nhà này. Về mặt chính thức, nhà này không phải là nhà thờ, cũng chẳng phải là Hội đường Do thái hay Đền thờ Hồi giáo. Tuy du khách có thể viếng thăm không hạn chế, nhưng việc cầu nguyện chỉ được phép trong những trường hợp đặc biệt. Trong quá khứ thường xảy ra những vụ xung đột và phá hoại, vì tại địa điểm này cũng được gọi là mộ vua Đavít ở bên dưới.

Trong thời gian gần đây, các vị lãnh đạo Kitô ở Thánh địa đã tố giác hàng loạt những vụ phá hoại và tấn công các cơ sở Kitô giáo và cả các tín hữu Kitô, nhất là ở Giêrusalem. Các vị coi những vụ này có liên hệ tới sự kiện có những thành phần Do thái cực đoan, cực hữu, tham gia chính phủ mới của Israel, và những thành phần cực đoan cảm thấy được khuyến khích do sự kiện đó.

3. Giám mục Nigeria mô tả cuộc đàn áp và tấn công người Công giáo: 'Điều đó đã trở thành chuyện thường ngày'

Đức giám mục người Nigeria Wilfred Anagbe gần đây đã ngồi lại với CNA ở Washington, DC, để thảo luận về cuộc đàn áp và giết hại người Công giáo đang diễn ra ở đất nước của ngài, vốn đã gia tăng quá nhiều trong những năm gần đây, đến nỗi, ngài nói, “nó đã trở thành chuyện thường ngày.”

Giáo phận Makurdi của Anagbe ở Bang Benue của Nigeria là một trong những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc đàn áp bạo lực ngày càng gia tăng.

Thứ Sáu Tuần Thánh vừa qua, hàng chục người đã thiệt mạng khi các tay súng Hồi giáo đột kích vào một tòa nhà trường tiểu học ở làng Ngban, nơi được dùng làm nơi trú ẩn cho khoảng 100 nông dân Công Giáo và gia đình họ.

Vụ tấn công ngày 7 tháng 4 khiến 43 người thiệt mạng và hơn 40 người bị thương.

Đức Cha Anagbe nói: “Nếu bạn xem video, bạn chỉ còn biết khóc. Họ đến và tàn sát tất cả những người ở đó.”

“Và bất kể tất cả những điều này xảy ra, không có vụ bắt giữ nào. Chính phủ không sẵn sàng hành động về việc này,” ngài nói thêm.

Đức Cha Anagbe giải thích: “Nigeria không giống như Mỹ, nơi bạn có cảnh sát tiểu bang. “Nếu có bất cứ điều gì xảy ra ở Bang Benue… bạn cần một cuộc gọi từ trụ sở chính ở thủ đô để cảnh sát điều tra. Vì vậy, nếu họ không được ra lệnh thì họ sẽ không đi.”

“Vì vậy, trong tình huống này, chúng tôi đã bị nhốt trong lồng, chúng tôi không có gì để làm”, vị giám mục than thở.

Một Giáo Hội bị bao vây

Đức Cha Anagbe là giám mục của Makurdi từ năm 2015. Trong thời gian làm giám mục, Đức Cha Anagbe cho biết ngài đã chứng kiến “sự hiện thực hóa toàn diện chương trình nghị sự của đạo Hồi”.

Mặc dù chính phủ đã đưa ra tuyên bố rằng tình hình đã được cải thiện, nhưng các nhóm như những người chăn gia súc du mục Fulani cực đoan và Nhà nước Hồi giáo Tỉnh Tây Phi, một chi nhánh của ISIS, càng ngày càng gia tăng các cuộc tấn công của họ vào các Kitô hữu.

Fulani ngày càng lấn chiếm lãnh thổ Kitô giáo, thậm chí các khu vực có đa số Kitô giáo cũng không được an toàn.

Theo Đức Cha Anagbe, Bang Benue có dân số khoảng 6 triệu người “99% theo Kitô Giáo”.

“Tôi nói với bạn, không có người Fulani nào là người bản địa của Bang Benue, vì vậy họ đến với tư cách là những kẻ xâm lược hoặc những kẻ gây hấn”

Theo Đức Cha Anagbe, kể từ đầu năm 2022, đã có 140 vụ tấn công nhằm vào các Kitô hữu ở Bang Benue, khiến ít nhất 591 tín hữu bị tàn sát.

Vì những cuộc tấn công này, Đức Cha nói rằng có hơn 1,5 triệu Kitô hữu chỉ riêng ở Bang Benue đã phải rời bỏ nhà cửa và làng mạc của họ.

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, một tổ chức hỗ trợ mục vụ Công giáo quốc tế, đã ghi lại nhiều tình huống trong nỗ lực giúp đỡ của mình. Trong nhiều trường hợp, đàn ông bị giết một cách dã man, phụ nữ và trẻ em bị hãm hiếp và bị giam cầm chỉ vì lý do duy nhất là họ là Kitô Hữu.

Kitô hữu là mục tiêu

Đức Cha Anagbe gọi những tuyên bố rằng bạo lực ở Nigeria là do biến đổi khí hậu gây ra là “tuyên truyền”.

“Họ nói đó là về biến đổi khí hậu; điều này không đúng,” Đức Cha Anagbe nói. “Năm 1989, có Tuyên bố đưa ra tại Abuja rằng Nigeria nên được thành lập như một quốc gia Hồi giáo; đây là những gì chúng ta đang thấy dần dần ngày nay.”

“Chúng tôi phải được phép thờ phượng Chúa. Hiện nay ở một số nơi, bạn thậm chí không thể đi dự Thánh lễ và ở những nơi khác bạn đi dự Thánh lễ với rất nhiều an ninh nghiêm ngặt, ngay trong đất nước của bạn, và điều đó không nên xảy ra.”

Vì bạo lực và các cuộc tấn công liên tục, Bang Benue ngày càng rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Theo Đức Cha Anagbe, nhà cửa, trường học và toàn bộ ngôi làng thường xuyên bị phá hủy.

Bất chấp tình hình dường như là không thể, Đức Cha Anagbe cho biết tín hữu của ngài và giáo phận của ngài tiếp tục tin tưởng vào Chúa và tiếp tục làm việc để xây dựng lại.


Source:Catholic News Agency
 
Wagner chiếm 2 thành phố, bắt 2 Tướng Nga, chiếm Bộ Tư Lệnh miền, tước vũ khí binh lính và cảnh sát
VietCatholic Media
15:57 24/06/2023


1. Quân Wagner bắn rớt máy bay trực thăng Nga. Prigozhin không thể hồi đầu

Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin, cho biết hôm thứ Bảy, các đơn vị của ông đã bị một chiếc trực thăng tấn công vào đường cao tốc và bị đe dọa “phá hủy mọi thứ” trên đường đi của ông.

“Một trong những đội tấn công của chúng tôi đã bị trực thăng bắn trúng. Các đơn vị Wagner còn nguyên vẹn, chiếc trực thăng bị phá hủy và đang bốc cháy trong rừng,” Prigozhin nói.

Prigozhin cáo buộc tư lệnh quân đội Nga ra lệnh bắn từ trên máy bay “vào giữa đoàn xe dân sự”

Yevgeny Prigozhin, cáo buộc tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov đã ra lệnh thực hiện một cuộc tấn công từ trên không “vào giữa những chiếc xe dân sự”.

“Tổng tham mưu trưởng vừa ra lệnh cất cánh các máy bay và nổ súng vào các đoàn xe đang di chuyển giữa các phương tiện dân sự và các xe tải,” Prigozhin nói. “Hắn không quan tâm hắn giết ai. Hắn đã giết thường dân của mình trong một năm rưỡi thay vì chiến đấu với đối phương.”

Prigozhin ca ngợi các phi công Nga vì đã “từ chối thực hiện các mệnh lệnh tội phạm này”.

Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận nào.

Prigozhin cũng cho biết các đơn vị của ông “sẵn sàng liều chết”.

Ông nói: “Bởi vì chúng tôi đang chết vì người dân Nga, nên họ phải được giải phóng khỏi những người đang tấn công dân thường như họ vừa tấn công ở Rostov bằng trực thăng.”

2. Trụ sở Bộ Tư Lệnh Cảnh sát Rostov-on-Don bị bao vây. Quân Wagner lùng bắt chỉ huy pháo binh. Các tướng lãnh Nga ở Rostov-on-Don thương lượng đầu hàng quân Wagner

Các video được đăng trên các kênh Telegram địa phương ở Rostov-on-Don vào đầu ngày thứ Bảy cho thấy những người đàn ông mặc đồng phục có vũ trang đang tập trung tại trụ sở cảnh sát khu vực của thành phố, thuộc Bộ Nội vụ. Reuters đưa tin hiện chưa rõ những người có vũ trang là ai.

Thống đốc khu vực Lipetsk ở miền trung nước Nga cho biết đường cao tốc M-4 nối Mạc Tư Khoa với các khu vực phía nam đã bị cấm lưu thông tại biên giới với khu vực Voronezh, cách thủ đô Nga khoảng 400 km về phía nam, Reuters đưa tin.

Một số blogger quân sự Nga cho rằng thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin, dường như đã gửi một đoàn xe vũ trang gồm các chiến binh đánh thuê của mình trên một chuyến đi dài 1.200 km tới Mạc Tư Khoa, với tuyên bố rằng ông có ý định lật đổ giới lãnh đạo quân sự.

Tuy nhiên, nhiều người khác lại cho rằng trùm Wagner Yevgeny Prigozhin không dại gì làm như thế. Ông ta sẽ bị bắn chết trên đường đi. Các tin tức vào buổi sáng thứ Bẩy cho thấy trùm Wagner đang thảo luận với các tướng lĩnh Nga phụ trách quân sự của Rostov-on-Don để tránh các cuộc giao tranh không cần thiết.

Với quân số 25.000 quân như Prigozhin tuyên bố, các lực lượng Nga ở Rostov-on-Don không phải là đối thủ của ông ta.

Theo một chuyên gia, căng thẳng gia tăng giữa Nga và nhóm Wagner có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc chiến Ukraine vì nó làm rạn nứt quân đội Nga trong bối cảnh Ukraine phản công lại lực lượng Nga.

Jessica Genauer, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Flinders ở Úc, cho biết:

Có rất nhiều điều không chắc chắn vào lúc này khi tình hình vẫn đang phát triển, nhưng trong mọi trường hợp, rõ ràng đây không phải là tin tốt cho Putin và cũng không phải là tin tốt cho quân đội Nga.

Bất kể điều này có tạo ra sự bất ổn trên diện rộng hay không, tôi sẽ coi đây là một phần của bức tranh lớn hơn nhiều rằng có những rạn nứt bắt đầu xuất hiện trong lĩnh vực chính trị ở Nga do thực tế là cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine đã không thành công như Putin mong đợi.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh cũng đã đưa ra một số bối cảnh hữu ích về việc Prigozhin tập trung vào Rostov, nơi đặt trụ sở của Bộ chỉ huy quân khu phía nam Nga – là chìa khóa cho các nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.

Sau khi Wagner rút khỏi Bakhmut, một số lượng lớn lực lượng Wagner có thể vẫn ở lại Donetsk và Luhansk, cũng như một cơ sở huấn luyện của Wagner ở Krasnodar Krai của Nga, tất cả đều gần với tỉnh Rostov.

Điều đó sẽ khiến Rostov trở thành “mục tiêu khả thi nhất của một cuộc nổi dậy vũ trang của Wagner,” tổ chức tư vấn Mỹ cho biết. Và một cuộc tấn công vào giới lãnh đạo quân sự ở đó sẽ có “tác động đáng kể” đến nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.

Tập đoàn quân hỗn hợp số 58 của quân khu miền nam “hiện đang tham gia vào các hoạt động phòng thủ chống lại các cuộc phản công của Ukraine ở miền nam Ukraine”. Khả năng rút Tập Đoàn Quân này về để chống quân Wagner là không có. Nếu quân Wagner muốn chiếm Rostov-on-Don, họ sẽ dễ dàng làm điều đó.

Video trên một kênh ủng hộ Wagner trên Telegram dường như cho thấy Yevgeny Prigozhin nói chuyện với các tướng lĩnh hàng đầu của Nga tại nơi mà kênh này nói là trụ sở quân sự ở Rostov-on-Don.

Prigozhin dường như nói trên video rằng người của ông ta sẽ phong tỏa Rostov-on-Don và tiến về Mạc Tư Khoa trừ khi Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Tướng Valery Gerasimov đến gặp họ.

3. Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin chiếm Rostov On Don dễ dàng, tước vũ khí của binh lính và cảnh sát, mắng chửi các chỉ huy Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Wagner Boss Capturing Rostov Military HQ and Rebuking Commander”, nghĩa là “Video cho thấy trùm Wagner chiếm Bộ Tư Lệnh Quân sự Rostov và mắng chửi chỉ huy Nga.”

Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Tập đoàn Wagner, đã tuyên bố quân đội của ông đã chiếm được hết các địa điểm quân sự ở Rostov-on-Don, khi đoạn phim ấn tượng cho thấy những người đàn ông có vũ trang và xe bọc thép đang bao vây trụ sở của Quân khu phía Nam trong thành phố. Anh ta cũng bắt được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Thượng Tướng Yunus-bek Yevkurov.

Một ngày sau khi tuyên bố “tuyên chiến” với Bộ Quốc phòng Nga, Prigozhin nói trong tin nhắn video từ Rostov hôm thứ Bảy rằng các địa điểm quân sự trong thành phố đã nằm dưới sự kiểm soát của ông.

Prigozhin đã chỉ trích nặng nề giới lãnh đạo quân sự Nga và hành vi của nước này trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, cáo buộc Nga không cung cấp đủ nguồn cung ứng cho lính đánh thuê của mình.

Một đoạn video khác cho thấy Prigozhin mắng mỏ Thượng Tướng Yevkurov và gọi các nhà lãnh đạo quân sự của Mạc Tư Khoa là “những tên hề già yếu”.

Trong video, được quay tại Bộ Tư Lệnh Rostov, nơi đóng vai trò then chốt trong các nỗ lực chiến tranh của Nga, có thể thấy Prigozhin đang mắng mỏ Yevkurov. Prigozhin nói với viên thứ trưởng rằng quân đội Nga đang tấn công vào quân Wagner từ trên không, “họ bắn vào chúng tôi, và chúng tôi bắn hạ họ,” ông nói.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hạ gục chúng nếu ông cứ tiếp tục gửi chúng đến, bởi vì ông đang tấn công thường dân vô tội,” ông nói thêm. Yevkurov thanh minh rằng đó là “lần đầu tiên tôi nghe nói về điều đó.”

Người đứng đầu Wagner yêu cầu được diện kiến người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Nga, Valery Gerasimov, và Bộ trưởng Quốc phòng, Sergei Shoigu, cả hai người mà ông đã nhiều lần lên án trong suốt cuộc chiến vì hành vi của họ.

“Chừng nào mà họ chưa đến đây, chúng tôi sẽ ở lại đây, phong tỏa thành phố Rostov và tiến về Mạc Tư Khoa,” ông nói. Prigozhin sau đó từ chối thả những người lính chính quy của Nga được cho là đang bị giam giữ trong Bộ Tư Lệnh và khẳng định rằng nhóm của ông không làm gián đoạn việc chỉ huy quân đội trong cuộc chiến.

Bác bỏ lời cảnh báo của Thượng Tướng Yevkurov rằng hành động của ông sẽ khiến quân đội Nga phải trả giá bằng mạng sống, Prigozhin nói, “những người đàn ông đang chết vì ông ném họ vào máy xay thịt... mà không có đạn dược, cũng chẳng có suy nghĩ gì cả.”

Diễn biến này xảy ra khi BBC News đưa tin rằng các chiến binh Wagner đã nắm quyền kiểm soát tất cả các cơ sở quân sự ở thành phố Voronezh, nằm cách Mạc Tư Khoa khoảng 350 dặm hay 563km về phía nam và nằm giữa thủ đô và Rostov, mặc dù các quan chức địa phương chưa bình luận về tuyên bố này.

Hôm thứ Bảy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Wagner phản quốc, nói rằng “lợi ích cá nhân đã dẫn đến sự phản bội đất nước của chúng ta và sự nghiệp mà các lực lượng vũ trang của chúng ta đang chiến đấu.”

Nhưng Prigozhin đã đưa ra một phản ứng thách thức trong một tin nhắn video trong đó ông chỉ trích trực tiếp tổng thống Nga, nói rằng Putin đã “sai lầm sâu sắc”.

“Chúng tôi là những người yêu quê hương mình,” Prigozhin nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

4. Chụp cơ hội bằng vàng, quân Ukraine tấn công cướp phá các kho đạn Nga

Khi quân Nga đang bối rối trước cuộc binh biến do trùm Wagner Yevgeny Prigozhin gây ra, quân Ukraine đã mở các cuộc đột kích cướp phá các đơn vị Nga gần các khu vực giới tuyến. Đại Tá Georgi Gleba đã cho biết như trên trong cuộc họp báo của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine vào hôm thứ Bẩy 24 Tháng Sáu.

Biệt kích quân Ukraine đã đốt phá, làm nổ tung các khí tài chiến tranh và các kho đạn pháo trước khi rút lui. Trong 24 giờ qua, 580 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 7 xe tăng, 6 xe thiết giáp, 30 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 4 hệ thống phòng không, một máy bay trực thăng, và 23 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 24 Tháng Sáu, khoảng 223.910 quân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.024 xe tăng 7.804 xe chiến đấu bọc thép, 4.015 hệ thống pháo, 619 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 383 hệ thống tác chiến phòng không, 314 máy bay, 308 trực thăng, 3.460 máy bay không người lái, 1.228 hỏa tiễn hành trình 18 tàu chiến, 6.731 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 548 đơn vị thiết bị đặc biệt.

5. Video xuất hiện cho thấy xe quân sự và máy bay trực thăng ở Rostov

Các video được đăng lên mạng xã hội cho thấy các máy bay trực thăng quân sự bay vần vũ trên thành phố Rostov của Nga và một số xe bọc thép trên đường phố vào sáng thứ Bảy.

Các video đã được CNN định vị địa lý là ở quận Teatralnyy Prospekt, của Rostov.

Hiện chưa rõ những phương tiện này đang chịu sự điều khiển của ai. Thống đốc vùng Rostov Vasily Golubev đã yêu cầu cư dân vào sáng thứ Bảy giữ bình tĩnh và không rời khỏi nhà của họ.

Rostov nằm ở phía nam nước Nga, gần biên giới với đông nam Ukraine và cách Mạc Tư Khoa khoảng 1.000 km (620 dặm).

6. Thống đốc vùng Rostov yêu cầu người dân giữ bình tĩnh

Thống đốc vùng Rostov Vasily Golubev đang yêu cầu cư dân giữ bình tĩnh và không rời khỏi nhà của họ.

“Hỡi đồng bào thân mến! Tình hình hiện tại đòi hỏi sự tập trung tối đa mọi nỗ lực để duy trì trật tự. Các cơ quan thực thi pháp luật đang làm mọi thứ cần thiết để bảo đảm an toàn cho cư dân trong khu vực. Tôi yêu cầu mọi người giữ bình tĩnh và không rời khỏi nhà trừ khi cần thiết,” Golubev cho biết như trên.

Các cảnh báo được đưa ra sau khi người đứng đầu Wagner, Yevgeny Prigozhin, cho biết các chiến binh của ông đang tiến vào khu vực Rostov của Nga, nơi giáp ranh với Ukraine. Prigozhin trước đó thề sẽ trả đũa sau khi cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga giết “một lượng lớn” lính đánh thuê của mình trong một cuộc tấn công vào một trại. Quân Wagner được tin đang lùng bắt chỉ huy trưởng pháo binh đã bắn vào quân Wagner.

Golubev nói trên Telegram rằng giao thông đô thị trong thành phố vẫn hoạt động “nhưng các tuyến đường xung quanh trung tâm thành phố đã bị thay đổi”.

Golubev cũng kêu gọi người dân không đi vào trung tâm thành phố Rostov-on-Don và tránh rời khỏi nhà nếu có thể.

Vasily Golubev cho biết các cơ quan thực thi pháp luật đang làm “mọi thứ cần thiết để bảo đảm an toàn cho cư dân trong khu vực”.

Ông cho biết ông đã đưa ra “những chỉ dẫn cần thiết cho chính quyền thành phố Rostov và các dịch vụ hỗ trợ cuộc sống của Rostov để thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm duy trì hoạt động bình thường của tất cả các hệ thống của thành phố”.

7. Thị trưởng Mạc Tư Khoa cho biết “các biện pháp chống khủng bố” đang được thực hiện trong thành phố

Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergei Sobyanin cho biết hôm thứ Bảy trong một bài đăng trên Telegram rằng “liên quan đến các diễn biến đáng lo ngại đang diễn ra, các biện pháp chống khủng bố đang được thực hiện ở Mạc Tư Khoa nhằm tăng cường các biện pháp an ninh”.

“Kiểm soát bổ sung trên các con đường đã được giới thiệu. Có thể có những hạn chế trong việc tổ chức các sự kiện công cộng,” Sobyanin nói thêm.

Các biện pháp bao gồm “kiểm soát bổ sung trên đường” và “hạn chế tổ chức các sự kiện công cộng”. Vài giờ sau đó, ông ra lệnh hủy bỏ tất cả các sự kiện công cộng được dự trù vào cuối tuần này

8. Tình báo Hoa Kỳ từ lâu đã đánh giá cuộc đấu tranh quyền lực giữa Prigozhin và Putin

Ngay từ Tháng Giêng, các quan chức Hoa Kỳ đã xác định rằng có một cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ đang diễn ra giữa Tập đoàn Wagner đánh thuê và chính phủ Nga, đồng thời đã thu thập và theo dõi chặt chẽ thông tin tình báo về động thái bất ổn kể từ đó.

Khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga bị đình trệ vào đầu năm nay, các quan chức hàng đầu của Mỹ cho biết họ nhận thấy những dấu hiệu căng thẳng giữa Điện Cẩm Linh và người đứng đầu Wagner, Yevgeny Prigozhin. Họ nói rằng họ tin rằng những căng thẳng đó sẽ gia tăng trong những tháng tới.

Các quan chức cho biết những đánh giá của họ về tình hình bắt nguồn từ thông tin tình báo, một dấu hiệu cho thấy Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài coi trọng khả năng xảy ra một cuộc đấu tranh quyền lực và ảnh hưởng của nó đối với cuộc xung đột đang diễn ra.

Vào Tháng Giêng, một quan chức hàng đầu của Tòa Bạch Ốc cho biết Wagner đang trở thành “trung tâm quyền lực đối thủ của quân đội Nga và các quân đội khác của Nga”.

Vào thời điểm đó, các quan chức cho rằng Prigozhin đang làm việc để thúc đẩy lợi ích của chính mình ở Ukraine thay vì các mục tiêu rộng lớn hơn của Nga.

John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết vào Tháng Giêng rằng Tập đoàn Wagner, mà phương Tây tuyên bố đã tuyển dụng các tù nhân tham gia chiến đấu ở Ukraine, đang đưa ra quyết định dựa trên “những gì họ sẽ tạo ra cho Prigozhin, về mặt công khai và tích cực”.

Kể từ đó, Tòa Bạch Ốc và các cố vấn an ninh quốc gia khác của Hoa Kỳ đã rất hài lòng với điều mà một quan chức cho biết là “trận chiến đang diễn ra” giữa Prigozhin và Bộ Quốc phòng Nga.

9. Prigozhin nói: Shoigu nói dối Putin về những thất bại 'khủng khiếp' trên chiến trường

Sáng sớm thứ Năm, Ukraine đã tấn công bằng hỏa tiễn Storm Shadow vào hai cây cầu trọng yếu ở bán đảo Crimea. Nhiều người nghĩ rằng trước hành động vuốt râu cọp này của Kyiv, Putin sẽ nổi cơn lôi đình thịnh nộ, thậm chí tung đòn hạt nhân như Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã cảnh cáo trước đó.

Tuy nhiên, trong cuộc họp Hội Đồng An Ninh quốc gia, sắc mặt, và các chỉ thị được Putin đưa ra cho thấy ông ta có vẻ như không biết gì cả về cuộc tấn công của quân Ukraine, một biến cố nghiêm trọng được đưa lên trên trang nhất của các tờ báo trên thế giới.

Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin cho rằng diễn biến này cho thấy Putin đã bị bưng bít đến mức không biết gì cả.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Shoigu Lying to Putin About 'Colossal' Battlefield Failures, Prigozhin Says”, nghĩa là “Prigozhin nói: Shoigu nói dối Putin về những thất bại 'khủng khiếp' trên chiến trường.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đang nói dối Tổng thống Vladimir Putin về những thất bại “to lớn” trên chiến trường ở Ukraine, Yevgeny Prigozhin, ông chủ của Tập đoàn Wagner, cho biết hôm thứ Năm, đồng thời tăng cường chỉ trích giới lãnh đạo quân sự của đất nước.

Prigozhin đã đưa ra nhận xét trong một tin nhắn âm thanh được đăng qua dịch vụ báo chí của công ty Concord. Ông đang trả lời câu hỏi từ một hãng tin Nga về lý do tại sao những tuyên bố của ông về những bước tiến của Ukraine ở khu vực Zaporizhzhia, như một phần của cuộc phản công, đã không được Bộ Quốc phòng Nga hoặc Điện Cẩm Linh đưa ra.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, mối thù công khai của người đứng đầu Tập đoàn Wagner với các quan chức Nga trong Điện Cẩm Linh đang gần đến thời điểm then chốt, với những lời hùng biện của ông chuyển thành sự thách thức đối với các bộ phận rộng lớn hơn của Bộ Quốc phòng Nga.

Lực lượng bán quân sự khét tiếng của Prigozhin đã đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực của Nga nhằm chiếm thị trấn công nghiệp Bakhmut ở miền đông Ukraine. Ông đã tăng cường chỉ trích công khai giới lãnh đạo quân sự của Nga, bao gồm cả Shoigu, trước khi quân đội của ông rút khỏi Bakhmut trong tháng này. Prigozhin đã cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cố tình tước đoạt đạn dược và sự hỗ trợ cho các chiến binh của ông ta.

“Tôi sẽ giải thích tại sao lời nói của tôi khác với dữ liệu chính thức,” Prigozhin nói.

“Bởi vì họ đang mang toàn bộ những thứ chết tiệt đến bàn của tổng thống, điều đó thật đáng xấu hổ,” ông ta nói. “Khi chúng tôi chiếm Bakhmut, chúng tôi đã cho tất cả các phóng viên quân sự đến đó, bạn nhớ kỹ điều này, để họ thấy tình hình thực tế”.

“Không ai nói về hàng nghìn xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy. Họ không cho bất cứ ai vào đó ở Bakhmut, họ không thể hiện chính xác bất cứ điều gì bởi vì có những vấn đề lớn ở đó.”

“Shoigu và Gerasimov có một đường lối đơn giản: một lời nói dối cần phải quái dị mới được người ta tin. Đây là những gì họ làm,” Prigozhin nói, đề cập đến Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, người đứng đầu chiến dịch của Nga ở Ukraine.

Đòn chỉ trích mới nhất của ông nhằm vào Shoigu diễn ra trong bối cảnh có tranh cãi về lệnh của Bộ Quốc phòng yêu cầu các thành viên của “các đơn vị tình nguyện” như Tập đoàn Wagner ký hợp đồng trực tiếp với Liên bang Nga trước ngày 1 tháng 7.

Sau khi Prigozhin từ chối mệnh lệnh của Shoigu, Putin nói trong cuộc gặp với các blogger ủng hộ chiến tranh rằng sáng kiến của bộ trưởng quốc phòng của ông “phải được thực hiện và nó phải được thực hiện càng nhanh càng tốt”.

Động thái này “phù hợp với lẽ thường, với thông lệ đã được thiết lập và luật pháp,” ông Putin nói.

Bộ Quốc phòng Anh đã nói rằng luận điệu của Prigozhin đang phát triển thành sự thách thức các bộ phận rộng lớn hơn của các định chế Nga và rằng thời hạn để các tình nguyện viên ký hợp đồng có thể là điểm mấu chốt trong mối thù.

Vlad Mykhnenko, một chuyên gia về quá trình chuyển đổi hậu cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ tại Đại học Oxford của Vương quốc Anh, nói với Newsweek rằng Prigozhin đang “nhanh chóng biến thành một cựu chỉ huy Nga Igor Girkin—một người chỉ trích gay gắt những nỗ lực chiến tranh của quân đội Nga, sau khi bị đẩy ra bên lề, và chỉ còn giữ được các kênh truyền thông xã hội và Telegram.”

Mykhnenko nói: “Tôi nghi ngờ rằng chiến lược của ông ta sẽ là không ký hợp đồng, để ông ta không bị gửi trở lại tiền tuyến ở Ukraine—tập hợp lại và bổ sung—và sau đó cố gắng trốn thoát 'trở lại Phi Châu',” Mykhnenko nói.

Ông nói thêm: “Nhưng nếu không tiếp cận được với Putin, không được tiếp cận kho vũ khí, nhân lực và các hợp đồng cung cấp thực phẩm của Bộ Quốc phòng, tôi không chắc ông ấy và Wagner sẽ tồn tại được bao lâu”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để xin bình luận.

10. Nga đã mất '4.000 xe tăng' ở Ukraine như thế nào

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “How Russia Lost '4,000 Tanks' in Ukraine”, nghĩa là “Nga đã mất '4.000 xe tăng' ở Ukraine như thế nào.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Quân đội Kyiv cho biết Nga đã mất hơn 4.000 xe tăng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tổng lực ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Tư 21 tháng Sáu, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết Nga đã mất tổng cộng 4.006 xe tăng kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022. Con số này tăng thêm 9 xe tăng trong 24 giờ qua.

Cuộc chiến đã khiến cả hai bên phải trả giá bằng số lượng lớn thiết bị quân sự và sinh mạng. Nhưng thật khó để xây dựng một bức tranh độc lập, chính xác về số lượng xe tăng mà Nga đã mất trong cuộc xung đột cho đến nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói với Newsweek rằng con số của Ukraine có thể không xa sự thật bao nhiêu, nếu chúng ta cho phép có những sai sót hợp lý; và những con số ấy phản ánh mô hình thất bại của các tiểu đoàn xe tăng Nga kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột vào tháng 2 năm 2022.

Các nhà phân tích cho biết Mạc Tư Khoa đã bị bủa vây bởi những thất bại về tổ chức và kế hoạch, sự rạn nứt trong chuỗi chỉ huy, huấn luyện kém và quân đội không có động lực sau khi những đơn vị tinh nhuệ nhất bị tiêu diệt trong đợt đầu tiên của cuộc chiến, khiến rất ít người có thể đào tạo thế hệ xe tăng tiếp theo.

Một “con số đáng kinh ngạc”

“Đó là một con số rất, rất cao,” Ed Arnold, một nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu Royal United Services Institute có trụ sở tại London, nói với Newsweek. “Đó là một mất mát đáng kể.”

Theo cựu Đại tá quân đội Anh Hamish de Bretton-Gordon, người trước đây chỉ huy lực lượng vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và vũ khí hóa học của Anh và NATO, gọi tắt là CBRN, các số liệu thống kê do Kyiv công bố “có lẽ chính xác hơn” so với các ước tính khác vì người Ukraine thực sự ở trên chiến trường.

De Bretton-Gordon nói với Newsweek: “Tôi không nghĩ rằng nó khác xa sự thật, nhưng đó là một con số đáng kinh ngạc. Ông lập luận rằng ngay cả khi có thể có sai sót, nó vẫn cho thấy rằng “đã có một tổn thất lớn về thiết giáp, chủ yếu là ở phía Nga”.

Frederik Mertens, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, gọi tắt là HCSS, ở Hague, nói với Newsweek rằng thiệt hại về xe tăng khoảng 4.000 về phía Nga là điều hoàn toàn “có thể xảy ra”.

Các ước tính về tổn thất xe tăng của Nga thay đổi theo từng tổ chức đếm. Theo hãng tin nguồn mở Oryx của Hà Lan, chuyên theo dõi các tổn thất quân sự của Ukraine và Nga, Nga đã mất 2.047 xe tăng tính đến thứ Tư. Các chuyên gia cho biết con số từ Oryx — chỉ bao gồm các tổn thất được xác nhận trực quan bằng hình ảnh cụ thể— chỉ là mức tối thiểu và khác xa với sự thật.

Ngược lại, theo các nhà phân tích, số liệu thống kê của Ukraine, gần gấp đôi so với Oryx ghi danh, có khả năng không chỉ bao gồm các xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga bị phá hủy mà còn bao gồm cả các phương tiện vẫn hoạt động được nhưng không còn nằm trong tay Nga.

Dù con số chính xác là bao nhiêu, nó vẫn thể hiện một cú đánh đáng kể vào khả năng bọc thép của Nga. Và các chuyên gia đã nhiều lần chỉ ra những vấn đề tương tự đang gây khó khăn cho lực lượng của Mạc Tư Khoa ngay từ đầu, mà họ cho rằng đang tiếp tục góp phần làm gia tăng tổn thất về xe tăng.

Thất bại rõ ràng ngay từ đầu

“Cuối cùng, đây là một sự thất bại trong việc lập kế hoạch,” Arnold nói. Ông lập luận rằng các lực lượng của Điện Cẩm Linh đã không lường trước được sự kháng cự quyết liệt của Ukraine, đồng thời cho biết thêm rằng Nga do đó đã không sử dụng xe tăng của mình đúng cách khi chúng lần đầu tiên được đưa vào trận chiến.

“Khi bạn không sử dụng chúng đúng cách, chúng rất dễ bị tổn thương,” Arnold nói. “Việc lập kế hoạch kém đã làm phức tạp mọi thứ.”

Các chuyên gia khác đồng ý. Các nhà phân tích chỉ ra những hình ảnh và cảnh quay về xe tăng Nga trong những hàng xe dài trong những ngày và tuần đầu tiên của cuộc chiến, và tần suất xe tăng sẽ được triển khai mà không có sự hỗ trợ của bộ binh. Ông Arnold cho biết lực lượng Ukraine được trang bị tốt để phục kích xe tăng Nga trong môi trường như vậy.

Paul van Hooft, một nhà phân tích tại HCSS, nói với Newsweek rằng đây là những ví dụ về các chiến thuật mà “các chỉ huy có năng lực sẽ tránh bằng mọi giá”. “Nhưng họ vẫn tiếp tục làm điều đó.”

De Bretton-Gordon cho biết, do những sai lầm trong các hoạt động ban đầu, “mọi đội xe tăng ưu tú của Nga đã bị tiêu diệt trong giai đoạn đầu của cuộc chiến”.

“Bởi vì họ đã mất quá nhiều xe tăng trong giai đoạn đầu tiên, nên trong giai đoạn thứ hai của cuộc chiến họ thực sự không thể sử dụng xe tăng như họ đã làm,” Arnold nói.

Với việc nhiều xe tăng tiên tiến đã biến mất và những người điều khiển có kinh nghiệm hơn bị giết, Nga phải chuyển sang tuyển dụng gấp rút những tân binh được đào tạo sơ sài.

Van Hooft nói: “Việc thiếu đào tạo, thiếu kỷ luật và thiếu động lực” đã xuất hiện trong rất nhiều trường hợp đối với Nga. Với việc nhiều binh sĩ tinh nhuệ đã bị thiệt mạng trong 6 tháng đầu tiên, Nga tiếp tục chịu tổn thất càng lúc càng nghiêm trọng hơn với chiến thuật ném con người và máy móc vào các vấn đề”, ông nói thêm.

Các nhà phân tích cho biết một nguyên tắc tương tự đã được áp dụng cho xe tăng. Các thông tin cho rằng Nga đã hồi sinh các loại xe tăng lâu đời, chẳng hạn như T-54 hoặc T-55, để sử dụng ở Ukraine đã lan truyền rộng rãi trong những tháng gần đây.

“Quân đội Nga có thể sẽ phải chịu số lượng thương vong lớn hơn khi triển khai các hệ thống xe tăng cũ này ở Ukraine,” Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho biết hồi tháng Ba.

“Những gì Nga phải làm rất nhanh là thực sự bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào những thứ mà họ có trong kho, tất cả sẽ ở các mức độ sử dụng khác nhau,” Arnold nói.

Ông de Bretton-Gordon cho biết, việc dựa vào các thiết bị cũ hơn, bao gồm cả xe tăng được đưa ra khỏi kho, đã khiến người Nga trở thành “vịt ngồi” cho các đội xe tăng Ukraine giờ đây tiếp cận với xe tăng phương Tây có khả năng chiến đấu vào ban đêm. Van Hooft cho biết có nhiều câu hỏi về việc Mạc Tư Khoa có thể đưa vào hoạt động bao nhiêu chiếc xe tăng trong số những chiếc xe tăng bị đóng băng này, và có bao nhiêu chiếc đã bị ăn thịt để giữ cho những chiếc khác hoạt động.

Nhiều trong số những chiếc xe tăng cũ, được hồi sinh này đã bị phá hủy và có khả năng góp phần vào con số 4.000 chiếc của Bộ Tổng tham mưu Ukraine.

Tiềm ẩn nhiều vấn đề của Nga, và làm trầm trọng thêm những tổn thất này, là sự thiếu cẩn trọng trong việc thu hồi các phương tiện bị hư hỏng. Van Hooft cho biết nhiều xe tăng đã bị mất một cách không cần thiết do Mạc Tư Khoa không thể đưa các phương tiện phục hồi vào hoạt động hoặc lên kế hoạch sửa chữa. Điều này có nghĩa là nhiều xe tăng đã bị bỏ rơi một cách không cần thiết, nghĩa là chúng không thể được sử dụng trong giai đoạn sau của cuộc chiến.

Cuối cùng, con số 4.000 xe tăng bị tổn thất, ngay cả khi ước tính này cao, là do sự kết hợp của việc lập kế hoạch kém, thiếu cơ động, chỉ huy yếu kém, huấn luyện không đầy đủ và chuyển sang công nghệ cũ hơn để lấp đầy những khoảng trống đang nổi lên nhanh chóng.

Những sai lầm này đã khiến Nga phải trả giá đắt, tàn phá đội xe tăng hiện đại của mình. Và Mạc Tư Khoa đã nhận thấy. Khoảng một năm sau khi bắt đầu cuộc chiến tổng lực, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga cần “tăng cường sản xuất các loại vũ khí khác nhau, bao gồm cả xe tăng hiện đại,” để đáp lại sự tài trợ của phương Tây cho Ukraine.

Đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận rằng Nga đã mất 54 xe tăng trong vòng chưa đầy hai tuần sau khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công được mong đợi từ lâu.

Nếu Nga hy vọng xây dựng lại một lực lượng xe tăng hiện đại với khoảng 2.000 xe tăng tối tân, thì “họ sẽ mất rất nhiều thời gian,” de Bretton-Gordon nói.

Arnold nói: “Họ chưa bao giờ thực sự sử dụng xe tăng đúng cách kể từ cuộc xâm lược.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.

Còn tổn thất xe tăng của Ukraine thì sao?

Ukraine cũng đã chịu tổn thất về xe tăng kể từ tháng 2 năm 2022 và rất khó để có được bức tranh chính xác về số lượng xe tăng đã bị phá hủy, hư hỏng hoặc bị bắt giữ.

Vào đầu năm 2023, Ukraine có 953 xe tăng chiến đấu chủ lực, theo The Military Balance. Tuy nhiên, dữ liệu này có trước việc tặng xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây như Abrams do Mỹ sản xuất, Challenger 2 của Anh và nhiều loại xe tăng Leopard do một số quốc gia tài trợ.

Dữ liệu của Oryx cho thấy Ukraine đã mất 539 xe tăng được xác nhận kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, với 340 chiếc được liệt kê là bị phá hủy và 139 chiếc bị bắt giữ.

Con số này bao gồm 2 xe tăng Leopard 2A4 và 3 xe tăng Leopard 2A6 mới tham gia cuộc chiến gần đây.