Ngày 24-06-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Khổ hạnh Kitô Giáo: phá vỡ gọng kìm tai ác của chủ nghĩa tiêu thụ (2)
Thiên Phong
09:19 24/06/2011
KHỔ HẠNH KITÔ GIÁO: PHÁ VỠ GỌNG KÌM TAI ÁC CỦA CHỦ NGHĨA TIÊU THỤ (2)

NHÂN ĐỨC: PHƯƠNG CHỮA TRỊ CHỦ NGHĨA TIÊU THỤ


Giáo Hội phải làm gì trước tình hình như thế? Biết bao người đã nhận Phép Rửa trong cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô, nhưng đang bị dính vào bẫy của “các quyền lực thế gian”, trong khi lẽ ra họ phải đang cảm nếm được sự tự do của con cái Thiên Chúa (x. Gl 4,1-9). Nếu họ nhìn ra và hiểu được nỗi khốn cùng của mình, ắt hẳn họ sẽ bước vào lối bước ân sủng để thoát ra khỏi cơn bế tắc, nhưng lối sống tiêu thụ cuốn chặt họ trong đủ thứ hoạt động và lo toan đến nỗi hầu như không bao giờ họ có thể bất chợt giật mình nghĩ lại và nhận ra Thiên Chúa nữa. Xem ra chẳng có ý nghĩa gì việc khuyên những người ấy dành nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện với Chúa, vì việc gắn thêm “Thiên Chúa” và “cầu nguyện” vào núi công việc của họ thì không đủ để vãn hồi lòng đạo đích thực. Người ta cần ý thức rằng mối hiệp thông cá vị với Thiên Chúa phải là nguồn và là chóp đỉnh của đời sống, chứ không thể giảm trừ nó chỉ còn là việc đầu tiên trong danh sách “các việc phải làm.” Để có thể giúp người ta, Giáo Hội cần một cách thế hữu hiệu để đối đầu với lối sống tiêu thụ, một cách thế khả dĩ đưa được Thiên Chúa trở lại vị trí trung tâm của đời sống người ta.

Để tìm ra một cách thế, chúng ta phải nhìn thẳng vào những gốc rễ luân lý của lối sống tiêu thụ. Chủ nghĩa tiêu thụ vận hành bằng cách khơi lên những khát vọng và làm cho người ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, dẫn người ta tới tâm trạng hụt hẫng và nỗi lo sợ mất mát. Theo một quan điểm nhân học Công Giáo cổ điển (như thấy nơi tư tưởng của Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô), có hai loại khao khát căn bản: khao khát thiêng liêng diễn tả trong ý chí, và khao khát xác thịt diễn tả nơi các bản năng và nơi những hưởng ứng liên quan tới sự khoan khoái (nhục dục) và sự chiến đấu (tính bức xúc). Chủ nghĩa tiêu thụ xúi quẩy người ta ước muốn có nhiều hơn những gì mình đã kiếm được, hưởng thụ một cách vô độ các thứ tiện nghi, phản kháng một cách mù quáng sự an phận đối với điều kiện sống thực tế của mình, và sợ hãi một cách vô lý cái viễn ảnh đánh mất điều kiện sống ấy.

Vì thế, nếu chúng ta muốn giúp giải thoát người ta khỏi chủ nghĩa tiêu thụ, trước hết chúng ta phải giúp họ điều chỉnh lại các khát vọng của họ, sao cho họ có thể cảm thấy hài lòng với một mức tương đối trong đời sống thể chất và tinh thần. Theo nhân học Công Giáo, thì đây là việc rèn luyện các nhân đức, nhất là đức công bình (theo đó người ta mong muốn nơi mình và nơi tha nhân những gì hợp lẽ) và đức tiết độ (theo đó người ta hưởng thụ các tiện nghi vật chất một cách vừa phải). Một người công bình và tiết độ thì không thể bị những trò lừa của chủ nghĩa tiêu thụ làm lung lạc ý chí và các dục vọng của mình.

Tuy nhiên, chỉ hai nhân đức trụ cột ấy vẫn chưa đủ. Thần học Công Giáo dạy rằng xét như là một dữ kiện hiện sinh, duy chỉ bằng sức riêng mình thì không ai thành công trọn vẹn trong việc sống các nhân đức. Chúng ta cần ân sủng. Hơn nữa, một người theo chủ nghĩa tiêu thụ cần được giải độc khỏi nỗi hụt hẫng và nỗi lo sợ của mình, vì người ấy không thể bình an cho tới khi có thể cảm nghiệm được sự hài lòng đúng đắn đối với những phương tiện thực sự cần cho đời sống con người. Người ấy rất cần đức Ái và đức Cậy, để nhận ra sự sung mãn đích thực của con người trong tương quan với tha nhân và để có được niềm tin tưởng hướng vọng tương lai. Nơi con người Đức Kitô, chúng ta gặp nguồn ân sủng để ta kín múc được đức Ái và đức Cậy như thế. Thật là ý nghĩa khi Đức Kitô mạc khải rằng yêu thương là hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân, được thực hiện qua việc trút bỏ mọi sự cách triệt để (kenosis). Ngài không giảng rằng sự viên mãn nằm ở “khẳng định chính mình” hay ở “cuộc sống có đầy đủ mọi thứ”, trái lại, Ngài đã trút bỏ chính Ngài cho chúng ta trên Thập Giá. Chỉ qua sự hiệp thông với cái chết và sự Phục Sinh đầy yêu thương của Đức Kitô chúng ta mới có thể nhận được Thánh Thần và ân sủng để sống một đời sống công bình và tiết độ được làm sống hoạt bởi các nhân đức Tin, Cậy, Mến.

KHỔ HẠNH KITÔ GIÁO: LỐI BƯỚC TỰ DO

Vì thế, để đương đầu một cách hữu hiệu với lối sống tiêu thụ, Giáo Hội phải đào luyện đời sống nhân đức trong sức mạnh của Thánh Thần Đức Kitô. Cái khó khăn trong việc đào luyện nhân đức nằm ở chỗ các nhân đức không thể đơn thuần được dạy bằng các qui định kiểu “cho toa”. Những loại nhân cách khác nhau và những hoàn cảnh đời sống hằng ngày khác nhau không cho phép chúng ta cung cấp một danh mục chi tiết “những cách thức” để sống các nhân đức. Đành rằng người ta có thể mô tả các nhân đức và chỉ ra chúng khác thế nào so với những điều xấu đối ngược với chúng, nhưng người ta cần các mẫu gương và cần thời gian để thực hành và quen dần với các nhân đức. Và trên hết mọi sự, người ta cần ơn Chúa để tấn tới trên con đường luyện nhân đức. Đây là chỗ mà Giáo Hội đóng một vai trò quyết định: qua việc cung cấp sự chỉ dẫn, cung cấp những mẫu gương sự huấn luyện thường xuyên, và cung cấp ân sủng của Chúa Kitô. Kinh nghiệm dạy ta rằng cộng đoàn có thể là một phương tiện rất hữu hiệu để đào luyện nhân đức, và quả thực Đức Kitô đã thiết lập Giáo Hội đâu nhằm mục đích nào khác hơn là làm cho người ta trở thành môn đệ của Ngài.

Truyền thống Kitô giáo cung cấp cho chúng ta những lối sống đặc biệt thúc đẩy đức công bình và tiết độ, vốn cần thiết để vượt qua các khát vọng lệch lạc gây ra bởi chủ nghĩa tiêu thụ, và đồng thời nuôi dưỡng đức Ái và đức Cậy, vốn cần thiết để chữa lành các vết thương của chủ nghĩa này. Những lối sống ấy chính là những kỷ luật thiêng liêng bao gồm sự thực hành khổ hạnh Kitô giáo, với rất nhiều phương thức cụ thể mà qua đó các Kitô hữu trải bao thế kỷ sống đời sống mới của mình trong Đức Kitô. Tôi muốn nêu ra ba thực hành hiệu nghiệm cách riêng trong việc đương đầu với những sự dữ của chủ nghĩa tiêu thụ, đó là: sống đời sám hối, giữ ngày của Chúa, và dâng cúng.

Thực hành sám hối là một phương thế đầy năng lực chuyển hóa, bởi vì đó là cách thể hiện tình yêu mà Chúa ban cho mọi Kitô hữu đã được tái sinh trong cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô. Được kết hiệp với Đức Kitô nhờ tình yêu này và được đầy tràn Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu có thể bước theo Đức Kitô trong tình yêu “hủy mình ra không” đến mức trao hiến mạng sống làm hy lễ cho Thiên Chúa và nên ơn ích cho con người. Theo truyền thống, sự “hủy mình ra không” này của người Kitô hữu được hiểu như một cuộc hoán cải không ngừng (metanoia) bao gồm ba hành động: ăn chay (hay tiết chế), cầu nguyện, và bố thí (làm phúc). Trong đời sống sám hối này, người Kitô hữu muốn đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa bằng cách bắt chước tình yêu “hủy mình ra không” của Đức Kitô trong đời thường của mình. Với thực hành tiết chế, người Kitô hữu xa tránh những khát vọng vô bổ nơi ý chí và xác thịt mình, và sống thuận theo thánh ý Chúa cho cuộc đời mình. Qua việc cầu nguyện, người Kitô hữu tìm kiếm sự hiệp thông sâu xa hơn với Thiên Chúa, và tìm kiếm ân sủng để kiên trung bước đi trên con đường hẹp của tình yêu. Qua việc bố thí, người Kitô hữu không chỉ chia sẻ của cải vật chất với người khác mà còn chia sẻ chính bản thân mình nữa.

Giáo Hội đào tạo các môn đệ Đức Kitô phần lớn bằng việc giảng dạy, nêu gương, bồi dưỡng, và tổ chức đời sống sám hối của cộng đoàn. Một đời sống như vậy tự bản chất sẽ kéo người Kitô hữu ra khỏi việc theo đuổi một “đời sống tiêu chuẩn cao” đầy ích kỷ, để hướng đến một tình yêu vô vụ lợi đối với Thiên Chúa và tha nhân. Bằng cách đề xuất những thực hành đặc biệt qua đó toàn thể cộng đoàn cùng khổ chế, cầu nguyện và làm việc phúc đức, Giáo Hội có thể thúc đẩy một công cuộc thánh thiện đích thực có sức giải phóng các thành viên mình khỏi sự cột trói của chủ nghĩa tiêu thụ. Các Kitô hữu đến lượt mình sẽ làm cho xã hội mà mình sống có tính nhân văn hơn, nhất là qua việc đưa đức Ái và đức Cậy vào một thế giới đã sa ngã. Một Kitô giáo như thế không phải là thuốc phiện cũng chẳng phải là tạo loạn; đó là một chứng tá đầy chất ngôn sứ phát tỏa từ Giáo Hội, có năng lực chuyển hóa chính con cái Giáo Hội và toàn thế giới.

Ta hãy xem xét việc giữ ngày Chúa Nhật. Trong một nền văn hóa vốn nặng tính hoạt động và tiêu thụ, chúng ta dành ngày Chúa Nhật cho Thiên Chúa và cho tha nhân, đó là thời gian để nghỉ ngơi, để sống các mối tương quan liên vị và để thưởng ngoạn các hoa trái của trái đất. Nhịp hoạt động căng thẳng của công việc được ngưng lại để ta có thời gian dành cho bao giá trị khác mà Chúa ban cho đời sống. Việc nghỉ ngày Chúa Nhật có thể là một kinh nghiệm sống động về “kairos” tức “thời gian viên mãn”, thay vì là một “chronos” tức thời gian được đo lường, được tiêu pha, hay được “giết”. Thời gian của ngày Chúa Nhật chỉ đạt được ý nghĩa khi chúng ta chấp nhận trả giá – đó là, chúng ta “cứu độ” thời gian này bằng cách không dùng nó cho việc tranh thủ vật chất, cho lao động cật lực, hay cho những theo đuổi nhiễm nặng tính tiêu thụ. Trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, điều này có nghĩa là toàn bộ tuần lễ phải được tổ chức xung quanh trung tâm là ngày Chúa Nhật. Khi chúng ta điều chỉnh các hoạt động mỗi ngày theo hướng tạo điều kiện để đề cao ngày Chúa Nhật, thì ngày của Chúa sẽ trở thành trung tâm chi phối cách sắp xếp thời gian cho cả tuần lễ. Ngay cả trong trường hợp một Kitô hữu phải làm việc trong ngày Chúa Nhật, người ấy vẫn có thể thể hiện ý thức về ngày của Chúa bằng một hình thức thờ phượng đặc biệt nào đó, và dành một ngày khác trong tuần để thực hành việc nghỉ lễ. Với việc giữ ngày Chúa Nhật, một giới hạn hữu hiệu sẽ được lập ra cho công việc làm ăn, và chúng ta sẽ có cơ hội để chăm lo cho các mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.

Thực hành dâng cúng cũng có một hiệu quả tương tự việc giữ ngày Chúa Nhật. Để dâng cúng 10% cho công việc của Chúa, chúng ta không thể chi tiêu tất cả cho chính mình. Và để có được 10% trong một ngân sách vốn quen đầy ắp những món phải chi tiêu, chúng ta phải thay đổi toàn bộ cách sống. Ngân sách chi tiêu hằng tháng cần phải được hoạch định có tính tới việc dâng cúng. Như vậy, một giới hạn chi tiêu sẽ được thiết lập qua việc ưu tiên trao về Thiên Chúa điều thuộc về Ngài. Thực hành này sẽ tạo điều kiện cho chúng ta học biết rằng thu nhập của mình không phải chỉ dành để chi tiêu cho riêng mình, mà phải cân nhắc việc chi tiêu từng xu trước mặt Chúa.

Trong giáo xứ tôi, các gia đình thực hành hai bước cụ thể là giữ ngày Chúa Nhật và thực hành dâng cúng đã phản hồi rằng hiệu quả cách chung là có sự thay đổi tích cực trong đời sống gia đình của họ cũng như trong cách họ nhận hiểu về thời gian và tiền bạc. Việc dành một ngày trong tuần và dành 10% thu nhập dạy họ rằng toàn bộ thời gian và tiền bạc của họ thuộc về Thiên Chúa. Để có thể giữ ngày Chúa Nhật và thực hành dâng cúng, họ phải không ngừng tự nhắc mình rằng mọi hoạt động và chi tiêu phải được soi sáng bởi điều mà Chúa mời gọi họ trong tuần lễ ấy. Họ học biết rằng có một số việc không nên làm, một số món hàng không nên mua, nhưng vậy là tốt, vì quĩ thời gian và tiền bạc giới hạn phải được sử dụng theo ý Chúa. Nói tóm lại, họ bắt đầu phát triển một cảm thức về Chúa Quan Phòng. Họ kinh nghiệm rằng cuộc sống của họ nằm trong bày tay Thiên Chúa, chứ không phải trong tay của thời vận, và rằng họ không cần phải đạt cho được tất cả những gì mình có thể đạt, mà chỉ cần đạt được điều Chúa muốn thôi. Đây là kinh nghiệm của đức Ái và đức Cậy. Họ học biết cách hài lòng với những gì mình có xuyên qua việc tìm kiếm thánh ý Chúa khi họ kiếm tìm và sử dụng của cải mà Chúa ban cho. Họ có thể hướng nhìn tương lai với ít lo lắng hơn, bởi vì họ đã bắt đầu biết sống trong niềm tín thác vào Chúa Quan Phòng. Điều này tạo ra không chỉ một loại cảm nghiệm hài lòng hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa tiêu thụ, mà còn giúp người ta có được sự ổn định kinh tế tối thiểu mà chủ nghĩa tiêu thụ không thể đem lại cho họ. Hài lòng với số thu nhập ít hơn, điều đó có nghĩa là người ta có khả năng tiết kiệm một phần thu nhập của mình để dự phòng cho tương lai, qua hình thức sở hữu và làm chủ thực sự.

KẾT LUẬN

Tôi từng chứng nghiệm những ích lợi thực sự, về vật chất và thiêng liêng, đạt được bởi các gia đình thực hành con đường khổ hạnh này để giải thoát mình khỏi chủ nghĩa tiêu thụ. Đây là một con đường không dễ bước đi, và trong kinh nghiệm của tôi, người ta chỉ có thể bước đi được nếu họ chấp nhận giữ ngày Chúa Nhật, chấp nhận dâng cúng, và chấp nhận sống đời sám hối. Các gia đình ấy đã dạy tôi rằng bằng cách tạo ra một môi trường khuyến khích thực hành khổ hạnh, Giáo Hội có thể cung ứng rất nhiều sự nâng đỡ cần thiết và cung ứng tầm nhìn cho những ai bị kẹt trong chủ nghĩa tiêu thụ. Rất nhiều anh chị em trong đàn chiên Chúa muốn vượt thoát; chỉ có điều là họ không có khả năng nhận hiểu vấn đề hay xác lập một giải pháp cho chính họ.

Điều kỳ diệu về những thực hành khổ hạnh này, đó là ngay cả dù không hoàn toàn hiểu chúng, người ta vẫn có thể thực hành chúng và nhận được kết quả do chúng mang lại. Giống như những đức tính tốt mà cha mẹ chúng ta giúp chúng ta tập tành thuở nhỏ, chúng hữu ích cho ta ngay cả trước khi ta hoàn toàn nhận hiểu và trân trọng chúng. Những thực hành khổ hạnh sẽ chống lại chủ nghĩa tiêu thụ tận trong gốc rễ của nó, tức chống lại dục vọng và nỗi sợ hãi mà chủ nghĩa tiêu thụ tạo ra. Những thực hành ấy thúc đẩy người ta đánh giá lại mục đích của cuộc sống mình, của việc sử dụng thời gian và tiền bạc. Khi được đảm nhận dù chỉ với một chút thiện chí muốn đáp lại ân sủng Chúa, khổ hạnh sẽ đem lại những hoa quả không ngờ. Cũng giống như việc Đức Kitô hủy mình ra không cho đến cái chết trên Thập Giá, khổ hạnh là một cớ vấp phạm và là sự điên rồ đối với thế gian. Nhưng cho những ai tin, thì đó là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đem lại năng lực biến đổi thế giới này.

THIÊN PHONG

dịch từ “Christian Asceticism: Breaking Consumerism’s Destructive Hold”

của Fr. Timothy V. Vaverek, trong Houston Catholic Worker, Vol. 21, No. 1, January 2001.

THIÊN PHONG
 
Chuyện Phiếm Đạo Đời
Trần Ngọc Mười Hai
19:23 24/06/2011
Chuyện Phiếm Đạo Đời

“Một ngày như mọi ngày, em trả lại đời tôi,”

“một ngày như mọi ngày, ta nhận lời tình cuối.”

“một ngày như mọi ngày, đời nhẹ như mây khói,”

“một ngày như mọi ngqày, mang nặng hồn tả tơi.”

(Trịnh Công Sơn – Một Ngày Như Mọi Ngày)

(Mt 11: 25-27)

Phải thế chăng? Chẳng lẽ ngày nào cũng như ngày nào sao? Nghĩa là, mỗi ngày đều vẫn phải cày? Vẫn cứ “lao động là vinh quang”, để kiếm gạo? Hay, ngày nào cũng như nhau? Cũng thấy “em trả lại đời tôi”? Trong khi, tôi lại cứ “nhận lời tình cuối”, thấy “đời nhẹ như mây khói”, “mang nặng hồn tả tơi”?

Tả tơi hay tơi tả, trả lại đời. Thật buồn cười! Hỏi là hỏi thế, chứ bần đạo chỉ dám trả (một) lời, là: thật chẳng biết! Hoặc: “không dám đâu”! Duy có một điều, mà bần đạo biết rất rõ, là: đời sống nhà Đạo hôm nay lại cứ dẫn đưa ta về với tháng ngày không chỉ là “một ngày như mọi ngày”, mà là: những tháng ngày của “mùa thường niên”, rất loanh quanh. Mùa thường niên, còn là mùa mà nhà chú giải/suy tư tên tuổi rất nổi cộm ở Úc, Lm Richard Leonard, Dòng Tên đã có những lời trần (rất) tình, như sau:



“Có vô thường, bất thường hoặc phi thường cách mấy đi nữa, thì rồi ra ta cũng sẽ lại về với trạng thái rất bình thường bậc trung, của đời sống thường nhật. Sau nhiều tuần chộn rộn với những suy tư về Mùa Chay, Tuần Thánh, Phục Sinh, Hậu Phục Sinh, nay ta lại về với các chủ nhật quanh năm xảy đến rất thông thường, gọi là mùa thường niên.



Giống nhiều người, tôi rất thích những tuần có thánh lễ bình thường, là như thế. Bởi, đây là những khoảnh khắc trầm lặng trong niên lịch phụng vụ của Hội thánh Công giáo. Ở Bắc bán cầu, vào thời gian này, mọi nơi đang rơi vào một mùa có nắng ấm chói chang, là giảm nhịp sống để người người về với đời sống bình lặng, có ánh nắng. Trong khi đó, dân chúng ở Nam bán cầu, lại phải đụng mặt với cơn lạnh căm của mùa Đông mới chớm, đã lặng lẽ đi vào cuộc sống rất thường tình của “một ngày như mọi ngày”, rất hôm nay.



Lý do khiến tôi thích các chủ nhật thường niên là vì vào mùa này, phụng vụ đặt nặng giá trị lên sinh hoạt trầm bình, có nghi lễ rất quen thuộc, dễ đoán trước. Đây là mảng thời gian làm nên cuộc sống người tín hữu rất chuyên chăm với lễ lạy. Thử hỏi, nếu không có các chủ nhật thường niên kéo dài ngày, hơn nửa năm, thì làm sao ta có được các mùa lễ đặc biệt để mừng kính. Bởi, hết lễ trọng thể này lại đến nghi thức đặc biệt khác, thì người tín hữu hẳn sẽ phải lên cơn sốt vì cứ sinh hoạt dài dài, nhộn nhịp suốt.



Nói cách khác, sống đời thường mà ngày nào cũng tổ chức lễ lạy rất khác thường thì người người sẽ trở nên bất bình thường, hoặc rất lạ thường, tựa như người từ hành tinh lạ vừa chợt ghé. Rồi chợt đi, cũng chóng thôi.



Nói tóm lại, đã đến lúc ta nên về với tháng ngày có mùa lễ rất thường niên để mừng kính sự trầm lặng của cuộc sống tuy là thường nhật, những không tầm thường, hoặc khác thường chút nào.” (trích suy niệm Chúa nhật thứ 14 Thường niên, Lm Richard Leonard sj, ở Úc)





Đến đây, hẳn là những bạn có tâm trạng bình thường như bần đạo, chắc rồi sẽ hỏi: có gì trùng hợp hoặc đồng bộ chăng về tư tưởng của nhà Đạo với người đời? Thiết tưởng, thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi này, cũng nên nghe thêm đôi lời ca, câu hát, để thưởng thức:



“Những sông trôi âm thầm,

Đám rong rêu xếp hàng,

Những mặt đường nằm câm,

Những mặt người buồn tênh.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)



Rõ ràng là, đấng bậc nhà Đạo vừa trích dẫn ở trên vẫn chủ trương “về với tháng ngày thường nhật” để “mừng kính sự trầm lặng” trong cuộc sống ngày thường nhưng không tầm thường…” , thì nghệ sĩ ngoài đời lại kể về “những sông trôi âm thầm”, “mặt đường nằm câm”, “mặt người buồn tênh.”…

À thì ra, cái bình thường của những ngày thường, qua đó có “một ngày như mọi ngày”, là nhà Đạo mình vẫn nhận ra được sự khác thường trong cái bình thường hoặc tầm thường của cuộc sống thường nhật, cũng rất thường.

Nghệ sĩ ngoài đời, còn đi xa hơn, khi ông hát:



“Sóng đong đưa linh hồn,

Có mưa quanh chỗ nằm

Mãi một đời về không

Trong chập chùng thác nguồn.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)



Hát thế rồi, người nghệ sĩ còn nhắn nhủ:



“Một ngày như mọi ngày, đi về một mình tôi,

Một ngày như mọi ngày, quanh đời mình chợt tối.

Một ngày như mọi ngày, giọng buồn lên tiếp nối,

Một ngày như mọi ngày, xe ngựa về ngủ say,”

(Trịnh Công Sơn – bđd)



Thật không xong rồi! Nghệ sĩ ngoài đời, dù nổi tiếng một thời, tài năng âm nhạc được nhiều người biết tới, nhưng mà sao ông vẫn cứ hát những là “đi về một mình tôi”, “Đời chợt tối”, “Buồn tiếp nối”? Như thế nghĩa là thế nào? Chắc hẳn, ông không được hạnh phúc cho lắm (?) chỉ vì ông không thuộc những người “tầm thường”, bé mọn mà Kinh Sách nhà Đạo đã trích dẫn ở thánh lễ Chúa Nhật 14 thường niên, hôm nay:



“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha,

vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái

biết những điều này,

nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.

Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”

(Mt 11: 25-26)



Nói thế phải chăng ta bảo rằng: nghệ sĩ buồn là phải, vì nào được mặc khải những điều cao siêu mầu nhiềm về cuộc sống! Chí ít, là cuộc vui có tôi và có bạn. Có tất cả, vẫn về mừng kính sự sống rất chói sáng. Nơi mọi người.

Chói và sáng hơn cả, vẫn là những điều được Đức Chúa bộc lộ/tỏ bày sự thật chỉ cho những người be bé, rất mọn hèn. Chúa mặc khải những sự rất thật, mà kẻ khôn ngoan ở đời có bật đuốc soi đèn, cũng không thấy. Nhưng, sự rất thật mà Chúa bộc lộ là những sự gì mà thật đến thế? Kẻ hèn mọn hôm nay, là những ai? Thánh sử Mátthêu, chỉ mới liệt kê một số người như thế, rất như sau:



“Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan

những điều mắt thấy tai nghe:

Người mù xem thấy,

kẻ què được đi,

người cùi được sạch,

kẻ điếc được nghe,

người chết sống lại,

kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,

và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."

(Mt 11: 4-5)



Nghe biết Tin Mừng, trước tiên là nghe và biết Tình yêu cứu độ của Chúa, đã đổ xuống cho người trần. Ngài đổ xuống, không chỉ cho người khôn ngoan thông thái, kẻ giàu sang chẳng màng Lời của Chúa. Nghe biết Tin Mừng, là nghe và biết về Đức Chúa đã chấp nhập cuộc giáng hạ làm người hèn mọn, rất be bé. Sống “một ngày như mọi ngày”, giống mọi người.

Nghe và biết Tin Mừng, là nghe và nhận biết những điều Chúa nhủ khuyên, thực hiện cuộc sống rất bình thường, giữa mọi người. Với người người. Nghe và biết Tin Mừng là biết được rằng Chúa thương yêu con người đến mức độ dám chấp nhận mọi khổ nhục trong cuộc sống. Cuộc sống rất tầm thường của người bình thường, để rồi sẽ chết nhục trên khổ giá, như tử tội.

Nghe và biết Tin Mừng, còn là và nhất là biết và tin rằng Chúa đã trỗi dậy từ cõi chết, để rồi Ngài sẽ sống mãi với con người. Sống với kẻ nghèo hèn, bé mọn. Để, đỡ nâng họ. Đưa họ về với giá trị\của cuộc sống, rất hạnh phúc.

Nghe và biết Tin Mừng, còn là nghe và chấp nhận bài sai Chúa đưa ra cho mọi người, vào phút cuối. Phút tạ từ ấy, có lời khuyên như sau:



“Vậy anh em hãy ra đi

mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ,

làm phép rửa cho họ

nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,

dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.

Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."

(Mt 28: 19-20)



Nghe và biết Thần Khí của Ngài vẫn ở lại với ta. Thần Khí Chúa, được thể hiện qua sự Bình An, Chúa phú ban. Bình an ấy, được diễn tả trong một bài suy niệm khác, rất như sau:



“Là tín hữu Đức Kitô, có lẽ ta cũng nên cẩn thận về tình trạng cứ thế thi nhau bận rộn. Đành rằng sống ở đời, là phải biết dấn thân với thế giới. Bởi, có làm thế, cũng là nhận lĩnh quà tặng Trên ban xuống, vẫn cho ta. Thế nhưng, đôi lúc cũng nên xét lại xem tình trạng bận rộn của mình. Có thứ bận mà không rộn cho lắm. Hoặc có bận và rộn chăng nữa, cũng chưa hẳn là điều tốt. Có thể, bận rộn như thế chỉ mang ý nghĩa của một chối từ thứ gì đó. Hoặc, né tránh bổn phận này nọ, mà thôi.



Quà tặng Chúa ban cho mọi người, ở cuộc đời, là sự bình an. Thoạt nhìn, có thể có vị cho đó là chuyện không ổn. Và hơi lạ. Lạ ở chỗ, ai mà chẳng muốn bình an với an bình. Khổ nỗi, cuộc đời không cho phép mình được thư thái bình an, đến như thế.



Bình an Chúa ban, là những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống, rất đời thường. Nó là trạng huống tâm linh. Là, thói quen tạo được sau biết bao chọn lựa nhất quán và liên lỉ. Có người, cùng lúc làm rất nhiều việc, nhưng tâm hồn họ vẫn thản nhiên, an bình. Với họ, bình an là vấn để của tâm linh. Trí tuệ. Là, cung cách sống. Là, quyết thực hiện những gì Chúa bảo ban, khuyên nhủ. Nhắc nhở.



Nếu biết rằng: cuộc sống của con người cũng mỏng dòn như bản chất của chính mình, ta sẽ đỡ vất vả hơn khi phải chiến đấu với nó. Và như thế, ta mới đạt tình huống biết thứ tha. Thứ tha, hết mọi người. Đồng thời, biết đón nhận sự tha thứ, từ nơi họ. Tha thứ, cũng là quà tặng quý giá Chúa trao ban, cho mọi người. Muốn có được sự bình an trong cuộc sống rất bình thường, thì phải chấp nhận đương đầu/giáp mặt với những gì mình không muốn thấy. Tức, những mong tránh né. Khước từ.



Nhưng oái oăm thay, những điều ấy thường hay đi theo và kèm theo sự việc xảy ra hằng ngày. Trong quá khứ. Hiện tại. Với tương lai. Những đính kèm trong cuộc đời có thể là hành xử gây tổn thương cho người khác. Bằng cách này hay cách khác. Cũng có thể là kinh nghiệm về một buồn đau mà người khác vẫn đem đến cho ta.



Nói tóm lại, trừ phi ta biết tự tha thứ và tha thứ người khác, nhất là những người làm mình mất đi sự bình an trong tâm hồn, bằng khôn thì tình trạng những bận và rộn với xôn xao, náo động trong cuộc sống, sẽ để lại những dấu ấn, khó quên. Rất miên trường.” (trích suy niệm 12/6/2011 do lm Richard Leonard sj, viết, x. www.giadinhanphong.blogspot.com )



Xem thế thì, hỡi bạn và hỡi tôi, ta dù trải qua biết bao nhiêu là chộn rộn của “một ngày như mọi ngày”, hãy cùng tôi nghe thêm đề nghị cuối của đấng bậc từng trải nghiệm niềm đau tư riêng đến độ viết lời than trong cuốn “Where the Hell is God?” nhưng cũng nói lên một cảm nhận rất thấm thía rằng:



“Mong sao Tiệc thánh âm thầm mùa thường niên luôn nhắc nhớ, rằng: ta vẫn có thể cử hành Phục Sinh đổi mới cuộc đời mình bằng những sinh hoạt trầm bình hằng ngày, nơi cuộc sống quá ư là ồn ào. Bận rộn. Cầu mong sao, cuộc đời thầm lắng trong những ngày thường giúp ta sẵn sàng để cho Tình Yêu Chúa biến đổi con người mình, hầu ta sống “một ngày như mọi ngày”, có thánh lễ thường niên. Quanh năm lặng lẽ nhưng không buồn tẻ. Chán nản.”



Chính đó là lời khuyên tốt đẹp, cho tôi và cho bạn. Suốt đường đời. Ở mọi nơi.



Trần Ngọc Mười Hai

Nay cảm kích

một sự rất thật

cho đời mình.

Suy Niệm Chúa Nhật Thứ 14 Thường Niên Năm A 03.07.11



“Sông Ngân đã im lìm không tiếng sóng,”

“mà lòng anh rào rạt mãi không thôi.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 11: 25-30

Tiếng sóng đây, nào thấy phát từ sông Ngân, vẫn im lìm! Lòng anh đó, rạt rào mãi không thôi, cũng là nhờ tình Chúa đến với ta, như làn sóng!

Trình thuật thánh Mát-thêu nay cũng rạt rào, như sóng vỡ ào. Vỡ ào ào, không chỉ là “tiếng sóng” của mỗi Sông Ngân. Mà, còn là giòng chảy Tân Ước có thánh Mátthêu diễn đạt lịch sử, trọng tâm đặt nặng vào cuộc đời Chúa làm người, mang thân phận con người, rất Do thái.

Là đệ nhất thánh sử viết Tin Mừng rất lớp lang, thánh Mátthêu đã đánh bật điều mình tập trung viết ở 5 bài giảng thuyết -hay chương đoạn- về đời sống cộng đoàn rất Kitô, trong đó có: 1. Giá trị đạo đức. 2. Sứ vụ công khai. 3. Chiều sâu chiêm niệm. 4. Hiến chương tương quan. 5. Nguyện vọng tối hậu.

Chương/đoạn đây, tựa hồ giáo lý bỏ túi về đời sống người tín hữu, không chỉ dành cho mỗi cộng đoàn Mátthêu thôi, mà cho bất cứ cộng đoàn nào khác, vào mọi lúc. Thánh Mátthêu viết, là để tín hữu theo chân Đức Giêsu biết rằng Chúa cũng là người Do thái, rất chính gốc.

Các tuần sắp tới, Hội thánh sẽ chọn những bài lấy từ “Bài Giảng huấn” thứ 3, qua đó tác giả dùng phong cách viết sử của người Do thái, hầu chứng tỏ cho thấy cung cách sống đời nguyện cầu, rất chiêm niệm. Đó là lối sống Chúa từng trải. Là, cách thức nguyện cầu rất sống động. Có lời thơ trữ tình. Có ý nhạc lãng mạn. Có truyển kể dụ ngôn, bài “vãn” rất bi ai. Vãn than, niềm riêng của dân con nay được chọn.

Khác mọi người, khi viết Tin Mừng, thánh sử Mátthêu chú tâm nhiều đến cung cách rất âm nhạc. Cụ thể là, thánh nhân thích nói đến sậy, đến sáo. Đến ống tiêu. Điệu nhảy. Bài hát buồn. Đến cả ca khúc, bản nhạc, nhạc cụ có hơi thở thổi vào, tạo âm thanh. Nói tóm lại, cũng là thể loại na ná giống James Galway! Nghĩa là, vẫn cứ kể cho ta nghe hai loại nhạc, rất đối chọi. Loại thứ nhất, là âm nhạc có thể loại những than cùng thở. Rất buồn nản. Kế đến, là âm nhạc lê thê. Tê tái. Nức nở. Thánh nhân dùng nhạc làm biểu tượng, để ta suy và nghĩ về cuộc sống của riêng ta. Và đời Chúa.

Thông thường thì, nơi Tin Mừng theo thánh Mátthêu, vẫn có cái gì đó tựa như lời thở than ở hậu trường cuộc sống, của mỗi người. Để từ đó, thánh nhân nhấn mạnh thêm rằng: ở nơi Chúa và nơi ta, luôn có những thời khắc lê thê. Rất kể lể. Thời khắc, khúc đoạn cuộc đời, ta trải nghiệm nhiều về sự ra đi tìm đến với nhau. Tìm, sự tử tế. Tìm, chữa lành. Tìm, cách hành xử bén nhạy làm nền, để Chúa đỡ nâng. Hỗ trợ. Hết mọi người.

Rải rác đó đây, là những vãn than ở chương 11 và 12, qua đó thánh sử còn tặng thêm cho ta 4 lời kể về Đức Chúa, như sau:

Lời kể thứ nhất, Chúa nói: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe biết Tin Mừng.” (Mt 11: 4-5) Lời kể đây, là lời mừng sự sống, chốn Galilê, của người Do thái. Lời kể này, là lời về tình thương yêu kẻ nghèo hèn, túng thiếu. Những người luôn cần đến người khác biết đến mà giúp đỡ.

Lời kể thứ hai, Chúa thưa: “Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11: 25-27) Thốt lời này, Chúa mừng cho cuộc sống dồn dập, cứ đập mạnh vào “làn da trống” cốt đề cao kẻ tầm thường, không vai vế. Cũng chẳng có ai đoái hoài, ỏ ê. Chẳng được ai biết đến, hoặc quan tâm. Cuộc đời họ, như cơn gió thoảng. Rất thoáng chốc. Chỉ sống qua loa, chầm chậm cả vào khi bị cấp trên thúc bách làm cực đến chết, vẫn cứ vui sống tử tế, với mọi người. Sống âm thầm. Nhưng rất vui. Vì có Chúa. Có mọi người cùng vui. Dù đời sống rất cực, họ cũng chẳng cần gì thêm.

Lời kể thứ ba, Chúa lại bảo: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.” Xem như thế, Chúa rất cảm thông, quan tâm đến người nào biết dùng khả năng rất hạn chế, dễ dập bể, để dựng xây đời mình cho tử tế. Dù thực tế, là chuỗi ngày dài sống rất qua ngày. Lời kể đây, đích thực là kể lể mang tính cách Do thái. Hệt như các trích đoạn từ sách tiên tri Ysaya, cũng lê thê, kể lể. Khá lễ mễ.

Lời kể thứ 4, Chúa còn phán: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy mới là anh chị em tôi. Là mẹ tôi." (Mt 12: 50) Là, anh chị em và là mẹ Tôi, không chỉ mang ý nghĩa một gần gũi huyết tộc, thôi. Nhưng, còn được quan tâm đưa vào cuộc sống gia đình rất hạnh phúc. Bởi, Chúa Cha chỉ gần cận những người hèn kém, bé nhỏ. Đơn độc. Bởi gần cận, nên Chúa chấp nhận sống giữa phiền toái, bức bách của cuộc sống, vẫn kéo dài cả đời người.

Quả là thế. Tiếng trống vang, vẫn còn thấy nơi hậu trường cuộc đời. Tiếng trống dồn, lại là âm vang cuộc sống của người cùng khổ, đang lẩn khuất ở đâu đó, thúc bách ta đến với họ, để cùng vui. Vui mà sống, cả vào lúc có nhạc buồn nhè nhẹ, ai oán. Trầm lắng. Vui mà sống, cả vào khi có người phê phán lối sống Đạo của riêng ta. Vui mà sống, vì chính Chúa đã dùng thánh Mátthêu để viết lên Tin Mừng theo cung cách của người Do thái mà nói: đời người cũng rất vui và đáng sống. Vui mà sống, vì tất cả mọi bi ai sầu buồn chỉ nằm ở phía sau hậu trường. Chỉ xảy ra trong thoáng chốc. Còn, niềm vui lại luôn ở phiá trước, không bao giờ biến mất.

Trong tiểu thuyết có tựa đề ”Bài hát buồn về nỗi sầu thiên thu”, tác giả Wang Anyi có viết một câu như thế này: “Không biết cơ man nào mà kể về các thế giới nhỏ bé chẳng hề thay đổi, lại được dùng làm bản lề cho những đổi thay diễn ra ở thế giới bên ngoài.” Tác giả đây muốn nói về những “mẩu vụn suy tư xuất từ cuộc đàm thoại nghiêm túc, hệt như lớp lá ngoài quăn tít của mớ cải bẹ xanh hoặc như hạt cát nhỏ trong bị gạo.” Đó, là nỗi buồn của cuộc sống. Đúng vào lúc hạt mưa lác đác rơi nơi cửa sổ viết thành chữ “tình buồn” trên mặt kính. Tình buồn ấy, vẫn gặm nhấm mọi đức tính kiên nhẫn/chịu đựng, để còn bước qua một ngày mới. Một ngày lại có thêm những vãn than, về cuộc đời.

Cùng một lúc, lại thấy có cốt tuỷ độc nhất vô nhị chẳng đổi thay. Không chịu ảnh hưởng bởi lịch sử. Hệt như kinh nghiệm về niềm riêng của ai đó. Có ca từ và lời kể đầy rẫy những trữ tình của sự sống. Thứ trữ tình còn lớn hơn cả lời kể của chính ta.

Ở chương 13, thánh Mátthêu lại đã đưa ra lời ca vang vọng vào với giòng chảy âm nhạc của chính trình thuật Tin Mừng, do mình viết. Lời ca ấy, thánh sử gọi là truyện dụ ngôn, rất kể lể. Và, cả hai -âm nhạc cùng lời kể dụ ngôn- vẫn ăn khớp đi đôi với nhau, thành trình thuật. Thành một Tin Mừng mang tính chất rất Mátthêu. Tính chất ấy, ta còn thấy ở phụng vụ Lời Chúa, vào những tuần kế tiếp.

Trong khi chờ đợi, hãy ngâm lên lời thơ tình kể lể rất lãng mạn của thi nhân vẫn còn ai oán:



“Anh đã gặp hồn em đương chới với,

Bến Mê Hà trên giải nước mênh mang.

Anh đã đón tình em bay phất phới,

Như hương trăng đằm thắm cõi không gian.”

(Hàn Mặc Tử - Sáng láng)



Thơ sáng láng, chuyên chở linh hồn đương chới với, vẫn là lời kể lể, cũng vãn than, ai oán như lời thơ của người Do thái, rất Mátthêu. Lời thơ ấy, nói về cuộc đời của Đức Chúa rất trữ tình, với người đời.



Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá luợc dịch.

 
Bánh hằng sống bởi trời
Giuse Đinh Lập Liễm
19:32 24/06/2011
LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ A
+++
A. DẪN NHẬP

Mặc dầu ngày thứ năm tuần thánh, Giáo hội đã kỷ niệm việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể để làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta, hôm nay Giáo hội tiếp tục cử hành lễ kính Mình Máu thánh Chúa Kitô để giáo dân có nhiều thì giờ suy niệm về phép Thánh Thể, thúc giục giáo dân thêm lòng yêu mến tôn sùng. Qua Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta được hiểu biết tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể này, đồng thời thúc giục chúng ta năng rước lễ để lãnh nhận Chúa Giêsu làm lương thực nuôi linh hồn chúng ta trên bước đường đi về Quê Trời.

Qua các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta thấy Thánh Thể thực sự đã được loan báo từ trước bằng những hình ảnh. Manna mà Thiên Chúa ban cho dân Israel dùng trong sa mạc suốt bốn mươi năm chẳng phải là hình bóng phép Thánh Thể mà Đức Giêsu đã lập sao ? Thánh Phaolô cũng nhắc lại cho tín hữu Corintô tư tưởng trên : dân Israel đã được ăn manna, uống nước từ tảng đá… để nói lên rằng tòan dân Israel đã được thừa hưởng bao hồng ân của Thiên Chúa.

Lời Chúa trong đọan Tin mừng thánh Gioan là những lời Đức Giêsu diễn giảng về Bánh hằng sống, Bánh từ trời, Bánh ban sự sống thần linh. Bánh đó chính là Đức Giêsu Kitô. Thịt máu Ngài đã trở nên cơm bánh, trở thành lương thực, trở thành của ăn của uống giúp con người đi vào thế giới của Thiên Chúa kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Bánh này trổi vượt hơn Manna trong sa mạc mà tổ tiên dân Israel đều đã được ăn. Vì thế ai ăn bánh này sẽ được sống vĩnh cửu trong Vương quốc của Thiên Chúa.

Trung tâm đời sống Kitô hữu là Thánh Thể, mà Thánh Thể là một nhiệm tích tuyệt diệu làm cho Đức Kitô hiện diện thực sự với dân chúng trong mầu nhiệm Vượt qua. Trong bữa ăn sau hết, chính Ngài bị nộp, Ngài đã thiết lập hiến tế tạ ơn bằng Mình và Máu Ngài. Hiến tế của Tình yêu. Hiến tế của hiệp nhất, giây liên kết đức bác ái, bữa tiệc Vượt qua trong Đức Giêsu là của ăn. Xét theo phương diện này, hôm nay ngày lễ kính Mình Máu Chúa Kitô, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm nhiệm tích Thánh Thể là lương thực nuôi linh hồn vì Đức Giêsu đã nói với chúng ta :”Ta là bánh hằng sống từ trời ban xuống”(Ga 6,51).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Đnl 8,2-3.14-16

Thiên Chúa đã cứu dân Israel ra khỏi ách nô lệ của Ai cập, dẫn dắt họ suốt 40 năm trường trong sa mạc để vào đất hứa. Kết thúc cuộc hành trình, trước khi tiến vào Đất Hứa, ông Maisen khuyên bảo dân đừng bao giờ quên những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho. Trong số những ơn lành Chúa đã ban, dân Chúa hãy nhớ lại việc Thiên Chúa đã nuôi sống họ bằng cách ban manna từ trời xuống và cũng làm cho nước từ tảng đá vọt ra để thỏa mãn cơn khát khao.

Nhưng đấy mới chỉ là thức ăn vật chất nuôi phần xác thôi, còn cần phải có một thức ăn thiêng liêng khác là Lời Chúa và Thánh Thể nuôi sống linh hồn loài người nữa.
+ Bài đọc 2 : 1Cr 1o,16-17

Nhận thấy trong cộng đoàn tín hữu ở Côrintô có sự bất hoà, chia rẽ, thánh Phaolô khuyên nhủ họ hãy đoàn kết lại, hiệp nhất trong tình yêu thương. Ngài cho biết : Thánh Thể chính là mối dây tuyệt hảo của sự hiệp nhất. Khi chúng ta hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô, cùng ăn một bánh, cùng uống một chén thì chúng ta cũng phải thể hiện sự hiệp thông ấy ra trong đời sống cộng đoàn bằng cách phải hiệp nhất với nhau. Cũng như chỉ có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều người cũng chỉ là một thân thể.

+ Bài Tin mừng : Ga 6,51-58

Dân chúng say mê nghe Chúa giảng, không nghĩ đến ăn uống. Thấy họ đói, Chúa Giêsu đã nuôi sống họ bằng cách làm cho bánh hoá nhiều. Dân chúng được ăn no nê thừa thãi thứ bánh vật chất mà Ngài vừa làm phép lạ cho có nhiều. Bây giờ Chúa muốn đưa họ đến một thứ lương thực cao qúi hơn. Vì thế, Ngài loan báo cho họ một thứ bánh khác. Bánh đó chính là Mình Máu Ngài, Bánh hằng sống mang lại ơn cứu độ cho thế gian.

Chúa Giêsu đã khẳng định mặc dầu người ta không hiểu cũng như không muốn hiểu :”Ta là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời, và bánh Ta sẽ ban tặng, chính là thịt Ta đây, để cho thế gian được sống... Ai ăn thịt và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại vào ngày sau hết”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Thánh Thể, nguồn sống thiêng liêng

Trong lời mở đầu của thông điệp về Bí tích Thánh Thể “ECCLESIA DE EUCHARISTIA”, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã xác tín “Giáo hội múc nguồn sự sống từ Bí tích Thánh Thể. Sự thật này không đơn thuần diễn tả một kinh nghiệm thường nhật của đức tin, nhưng tóm kết cốt lõi của mầu nhiệm Giáo hội. Trong niềm hân hoan, Giáo hội kinh nghiệm, dưới nhiều hình thức, sự thực hiện liên lỉ lời hứa “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20). Kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần , Giáo hội bắt đầu cuộc hành trình đi về Quê Trời, bí tích thần thiêng tiếp tục ấn dấu trên ngày sống, bằng cách tuôn đổ trên họ niềm hy vọng tin tưởng”.

Công đồng Vatican II tuyên bố cách xác đáng rằng: “Mọi Bí tích đều liên hệ và hướng về Thánh Thể. Vì phép Thánh Thể chứa mọi kho tàng thiêng liêng của Giáo hội, nghĩa là chính mình Chúa Kitô Phục sinh. Phép Thánh Thể là nguồn suối, là chóp đỉnh việc rao giảng Tin mừng” (P.O, số 5).

Thánh Thể đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống Giáo hội và giáo dân, nên Giáo hội lập ra lễ kính Thánh Thể để thúc giục giáo dân gia tăng lòng tôn sùng phép Thánh Thể. Lễ kính này đã manh nha ở thành phố Liège bên Bỉ với những ơn lạ của chị dòng Juliana về phép Thánh Thể từ năm 1208 cho mãi đến năm 1263 với phép lạ máu Chúa chảy loang thấm ướt khăn thánh ở làng Polsena bên Đức. Ngày 8.9.1264, Đức Thánh Cha Urbanô ban sắc lệnh Transiturus lập lễ kính Mình Máu thánh Chúa Kitô trên khắp hoàn cầu.



I . THÁNH THỂ, NGUỒN SỐNG CỦA KITÔ HỮU

Con người có hồn có xác. Cả hai liên kết chặt chẽ với nhau. Muốn sống cần phải có ăn, không ăn thì chết. Nhưng hồn và xác lại có những của ăn khác nhau. Xác cần có của ăn vật chất, hồn lại có của ăn thiêng liêng là chính Mình Máu thánh Chúa Kitô như lời Ngài đã dạy.

1. Của ăn thể xác

Người ta thường nói :”Có thực mới vực được đạo” (Tục ngữ). Nói như thế có nghĩa là phải có của ăn phần xác nuôi sống đã , phải sống đã rồi mới có thể thực hiện việc đạo nghĩa được. Nhiều người nói quả quyết hơn :”Dĩ thực vi tiên” : phải lấy cái ăn làm đầu. Câu tục ngữ trên cũng có nghĩa tương đương với câu ngạn ngữ La tinh :”Manducare priusquam philosophare” : ăn đã rồi hãy nói triết lý , vì không có ăn thì lấy hơi đâu mà nói triết lý ?

Bất kỳ ai cũng phải ăn, không ăn nhiều thì ăn ít. Càng ăn nhiều thức ăn có độ dinh dưỡng cao thì người càng mập , béo , khỏe mạnh. Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng thì người sẽ gầy còm, ốm o.

Trung bình mỗi người lớn một ngày phải được cung cấp 2.600 calories, nhưng trong thực tế, trừ một số nước tiên tiến mỗi ngày được cung cấp tới 3,130 calories, khiến con người họ to cao, bép mập ; còn đa số dân chúng ở các nước kém mở mang chỉ được cung cấp dưới mức trung bình ấy. Một số nước mỗi người chỉ được cung cấp 1.700 calories mỗi ngày, và tệ hơn nữa, một số nước ở Phi châu chỉ được cung cấp 1.200 calories mỗi ngày. Theo tin tức của đài truyền hình cho biết : tính tứ năm 1975 đến nay, chiều cao của trẻ em Việt nam đã tăng thêm được vài centimét.

Trong kinh “Lạy Cha” chúng ta vẫn cầu xin Chúa cho chúng ta có của ăn hằng ngày :”Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Lương thực đây phải hiểu là lương thực của phần xác và phần hồn. Nhưng dù sao chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta có của ăn của để, đừng để chúng ta thiếu thốn quá mà bỏ bê việc đạo.

Người Việt nam chúng ta rất thực tế, không ước ao được giầu sang phú qúi đến mức dư dật, vì như thế có thể làm cho người ta dễ hư hỏng hoặc làm cho người ta thêm lo lắng đêm ngày :

Ăn cơm với thịt bò thì lo ngay ngáy,
Ăn cơm với cáy thì ngáy o o.

Trong thực tế của đời sống hằng ngày, họ chỉ cần hai chữ “bình an”, họ chỉ ao ước được hưởng những hạnh phúc thông thường, như thế họ đã mãn nguyện :

Ăn được ngủ được là tiên,
Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo,
(Ca dao)

2. Của ăn phần hồn

Nếu chúng ta nói : thân xác phải ăn thì mới sống được, chúng ta phải nói thế nào về phần hồn ? Dĩ nhiên, linh hồn cũng phải ăn thì mới sống được, nhưng của ăn nuôi sống linh hồn không phải là của ăn vật chất như cơm bánh hằng ngày ta ăn, mà là của ăn thiêng liêng. Nói khác đi, của ăn đó chính là Mình máu Chúa Kitô.

Trong sa mạc, dân Israel đã được ăn manna hằng ngày để nuôi thể xác. Chúa Giêsu cũng làm phép lạ cho bánh hoá nhiều để nuôi phần xác cho dân chúng khi đói. Ngoài bánh ấy ra, Chúa Giêsu còn hứa sẽ ban cho họ thứ bánh khác, không phải là thứ bánh họ đã ăn, bánh này ăn vào sẽ không bao giờ đói nữa :”Ta là bánh hằng sống, ai đến cùng Ta không khi nào đói, ai tin kính Ta chẳng bao giờ khát “(Ga 6,35). Ngài hứa ban bánh hằng sống, dân chúng ước ao ăn bánh này cho khỏi đói khát nữa. Nhưng Chúa Giêsu còn muốn đưa họ lên cao hơn, Ngài muốn nói về một thứ bánh hằng sống chân thật, đó là chính Thịt Máu Ngài.

Mặc dầu Ngài nói như thế, người ta sẽ không tin, còn làm cớ vấp phạm cho nhiều người đến nỗi có nhiều người bỏ đi vì thấy nó chói tai quá, kể cả môn đệ cũng có một số bỏ đi. Tuy thế, Ngài cứ nói, nói một cách thẳng thừng :”Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi : nếu các ngươi không ăn thịt và uống máu Con người thì các ngươi chẳng được sống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết”(Ga 6,54-55).

Để bảo tồn sự sống, mọi sinh vật phải có thức ăn thích hợp với bản tính riêng. Linh hồn chúng ta đã được thần hóa, nên cũng cần có một thức ăn thích hợp với nếp sống mới đó. Thức ăn này phải là do việc thông hiệp vào thịt máu Chúa Giêsu ban cho :”Ta là bánh hằng sống. Các ngươi hãy cầm lấy mà ăn vì này là mình Ta. Các ngươi hãy lãnh nhận mà uống, vì này là máu Ta. Ai ăn mình và uống máu Ta sẽ được sống. Vì mình Ta thực là của ăn, máu Ta thật là của uống”.

Ai lãnh nhận mình máu Chúa Kitô, người ấy được kết hợp với Chúa, được tan biến trong Chúa để cả hai nên một, để người ấy có thể nói như thánh Phaolô :”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Trong khi rước lễ, chúng ta coi mình như đón nhận Chúa Giêsu , Chúa Giêsu ngự vào lòng tôi. Chúng ta nói về sự hiệp lễ như là ôm ẵm Chúa. Nhưng hiệp lễ cũng có nghĩa là Chúa ôm ẵm chúng ta. Chúa Giêsu đón nhận chúng ta vào lòng Ngài cách đặc biệt. Không chỉ là Chúa Giêsu ngự trong chúng ta, mà chúng ta cũng ở trong Chúa Giêsu. Đó là ý nghĩa của điều Chúa nói với chúng ta trong Tin mừng hôm nay :”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”. Chúng ta có thể nói như thánh Inhaxiô :”Đây là nơi Chúa Giêsu bồng ẵm tôi”.

Thánh Cyrillô thành Alexandria so sánh sự hiệp nhất này với hai miếng sáp ong hoà lẫn với nhau. Thánh Têrêsa thành Lisieux đã diễn tả sự hiệp lễ lần đầu của ngài như là sự tan hòa với Chúa Kitô.

Chúng ta hãy suy nghĩ điều này và bắt đầu nhận thức rằng sự quan trọng không phải là tình yêu, lòng khao khát hay những lời cầu nguyện của chúng ta, mặc dầu tất cả cần phải có. Sự quan trọng nhất là tình yêu vô biên của Chúa Giêsu. Ngài ước mong ôm ẵm chúng ta, chia sẻ chính đời sống Ngài cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta ở lại trong Ngài như chúng ta muốn Ngài ở lại trong chúng ta (GM Arthur Tonne, Bài giảng Tin mừng CN năm A, tr 79).

Mỗi khi rước Chúa ngự vào lòng, chúng ta muốn được hoà tan trong Chúa, muốn được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, muốn được đổi mới con người của mình. Dĩ nhiên, sự đổi mới này chỉ có tính cách thiêng liêng, nghĩa là linh hồn chúng ta được đầy tràn ơn Chúa, được trở nên thánh thiện hơn, làm chiếu toả Chúa ra bằng cách sống hằng ngày, còn thân xác chúng ta thì không có gì thay đổi.
Truyện : Biến đổi trong Chúa.
Một người ngoại giáo hỏi người bạn Công giáo :
- Người Công giáo các bạn ăn Chúa Kitô phải không ?
- Vâng, người Công giáo trả lời.
Người kia hỏi tiếp :
- Vậy sao các bạn không trở nên như Chúa ?
Một lát sau, khi đi ngang qua trại heo, người Công giáo hỏi :
- Bạn có khi nào ăn thịt heo không ?
- Rất nhiều lần. Mà hỏi làm gì vậy ?
- Sao bạn chưa biến đổi thành heo ?
Đó là câu trả lời cứng cỏi nhưng kiến hiệu cho câu hỏi cứng cỏi. Trong thực tế, chúng ta được biến đổi trong Chúa cách thiêng liêng nhờ sự rước lễ.
(GM Arthur Tonne, Góp nhặt, tr 8-9)

II. THÁNH THỂ LÀ MỘT MẦU NHIỆM

Trong Thánh lễ, ngay sau truyền phép Mình thánh, Linh mục đã nhắc nhở cho giáo dân :”Đây là mầu nhiệm đức tin”. Hội thánh muốn nhắc nhở cho giáo dân : Thánh Thể là một mầu nhiệm, không trí khôn nào có thể suy thấu, chỉ dùng con mắt đức tin mà chấp nhận. Với con mắt xác thịt, không ai có thể trông thấy Chúa trong hình bánh hình rượu với cả mình và máu, nhân tính và thần tính của Chúa Giêsu, nhưng không thấy không có nghĩa là không có. Như kinh nghiệm cho chúng ta thấy : ban ngày người mù đâu có thấy ánh sáng, nhưng không thấy ánh sáng thì không thể phủ nhận được sự hiện hữu của mặt trời. Mặt trời vẫn có đó.

Sau khi truyền phép Mình thánh, bánh và rượu đã trở nên mình máu Chúa Kitô. Cả con người của Chúa Giêsu ở trong đó : thịt và máu, nhân tính và thần tính. Chúa Giêsu đang hiện diện trong hình bánh hình rượu.

Chúng ta phải phân biệt hai sự hiện diện :
- Hiện diện tượng trưng (Presentia symbolica)
- Hiện diện thực sự (Presentia realis).

1. Hiện diện tượng trưng :

Là tin rằng Chúa Giêsu hiện diện trong hình bánh, coi như Ngài hiện diện trong đó, nhưng thực sự không có thịt máu Ngài trong đó. Như thế là chối bổ sự biến thể (transsubstantiatio) mà Giáo hội dạy : sau truyền phép thì bánh rượu chỉ còn hình dáng bề ngoài(species), còn bản thể (substantia) đã trở nên mình máu Chúa Kitô rồi. Đối với sự hiện diện tượng trưng này , mọi người dễ hiểu, dễ chấp nhận vì nó phù hợp với sự hiểu biết của lý trí con người, không cần dùng đến con mắt đức tin.

2. Hiện diện thực sự.

Đây là vấn đề gai góc. Hiện diện thực sự là có sự hiện diện thực của Chúa Giêsu với mình và máu, với nhân tính và thần tính của Người. Cả con người của Ngài hiện diện trong đó mặc dầu con mắt xác thịt chúng ta không thấy. Đây thực sự là mầu nhiệm đức tin.

Theo cuộc thăm dò ý kiến của Gallup tường trình cho biết, chỉ có 1/3 giáo dân Công giáo Hoa kỳ tin có sự hiện diện thật của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, số khác chỉ tin Bí tích Thánh Thể là biểu tượng cho sự hiện diện thật của Chúa Kitô.

Phản ứng trước cuộc thăm dò này, các Giám mục Hoa kỳ đã nhắc lại một thông tư trong hội nghị hội đồng Giám mục Hoa kỳ vào tháng 6/2001 “Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể : Những câu hỏi và trả lời căn bản”. Trong bản văn này xác định lại một lần nữa trong Bí tích Thánh Thể “toàn thể con người Đức Kitô thật sự hiện hữu dưới hình thức bánh và rượu, thân xác, máu, linh hồn và thần linh”.

Truyện : Hiện diện thực sự.
Một linh mục và một mục sư Tin lành ở cùng một tỉnh thường nói chuyện với nhau nhiều về đạo. Thời gian trôi qua, mục sư bắt đầu tin những chân lý của đạo Công giáo dần dần. Ông tin hết mọi chân lý, trừ có một – chân lý Chúa ngự thật trong phép Thánh Thể. Chân lý duy nhất này ông không thể nào tin được. Ông vẫn nói :”Nếu tôi có thể tin được rằng tôi rước lấy Chúa thực sự khi chịu lễ, thì chắc là tôi sẽ hạnh phúc nhất trên đời ; nhưng xem chừng tôi không thể tin được”.

Ít lâu sau, vị mục sư đau nặng, Linh mục đến thăm ông, nhưng ông mê man bất tỉnh. Qùi gối bên giường, linh mục cầu xin Chúa ban cho mục sư tỉnh lại và lời cầu nguyện của ngài đã được Chúa nghe. Vị mục sư hấp hối đó mỉm cười và xin được phép ngồi lên, tựa lưng vào gối. Ông có thể tiếp tục nói, nhưng mắt ông nhìn chòng chọc vào cái gì ở chân giường. Ông chỉ tay, nhưng vị linh mục không trông thấy gì cả. Rồi người hấp hối cứ nhìn chòng chọc và bỗng nhiên mặt ông tươi lên như hoa. Ông vừa thở hổn hển vừa phều phào :”Hiện diện thực sự – Nếu tôi được biết kịp thời thì chắc tôi đã giảng cho toàn thế giới chân lý này”. Nói rồi, ông nhắm mắt thở hơi cuối cùng (W.J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 161-162).

Chúng ta may mắn vì được Chúa ban đức tin ngay từ khi mới sinh. Những người khác thường phải chiến đấu lâu ngày lâu tháng mới tin được những điều chúng ta không phải khó lòng gì mà đã tin.

Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu. Dấu chỉ tuyệt diệu nhất của tình yêu Thiên Chúa là sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa , Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta – nơi BÍ TÍCH THÁNH THỂ. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình để những ai tin vào Người thì không bị hư mất, nhưng được sống đời đời”(Ga 3,16).

Thiên Chúa yêu chúng ta nên đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu Kitô ; Chúa Giêsu Kitô yêu chúng ta nên đã “Chấp nhận thân phận tôi đòi”(Phl 2,7), đã chịu nạn, chịu chết và phục sinh vinh hiển để đem lại Sự sống cho chúng ta, Ngài còn “Ở lại cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20) nơi Bí tích Thánh Thể ; tất cả chỉ vì yêu chúng ta.

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:47 24/06/2011
HÒA THƯỢNG VÀ THƯ SINH
N2T

Có một thư sinh đi vào trong chùa, các hòa thượng đều đứng lên, chỉ có một hòa thượng vẫn cứ ngồi bất động, thư sinh hỏi:
- “Tại sao ông vẫn cứ ngồi mà không đứng dậy ?”
Hòa thượng ấy trả lời:
- “”Đứng dậy” là “không đứng dậy”, “không đứng dậy” là “đứng dậy”.
Thư sinh nghe xong thì không nói lời nào, lấy cây thước gõ trên đầu hòa thượng. Hòa thượng xoa xoa đầu, nói:
- “Tại sao ông đánh tôi ?”
Thư sinh trả lời:
- “”Đánh” là “không đánh”, “không đánh” là “đánh”.

Suy tư:
Có bài hát nói” con gái nói có là không, nói không là có, con gái nói yêu là không yêu, nói không yêu là yêu”, là bởi vì con gái sống nghiêng về tình cảm hơn, mà tình cảm khi đang yêu thì e lệ ấp úng, tâm thần bất định nên lộn xộn khi đứng trước đối tượng yêu thương của mình...
Đức tin của người Ki-tô hữu không phải là tình cảm của cô gái mới yêu, nhưng là một quá trình thử thách và chọn lựa yêu Thiên Chúa là Đấng vô hình Đấng mà mình không thấy, nhưng nhưng hữu hình qua Giáo Hội của Ngài và các môn đệ của Ngài mà thôi. Cho nên đức tin ấy cần phải nói có nếu có và nói không nếu không, chứ không thể “nói có là không và nói không là có” được.
Có một vài người Ki-tô hữu vì miếng cơm manh áo, vì chức quyền lợi lộc mà nói mình không có đạo hoặc che giấu niềm tin tôn giáo của mình, mặc dù họ là người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội...
Chúa Giê-su đã dạy chúng ta rằng: có thì nói có, không thì nói không; và trong sách Khải Huyền Ngài cũng dạy chúng ta rằng: “Ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi ! Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” .(Kh 3, 15-16)
--------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 13 A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:51 24/06/2011
CHỦ NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

<b>Tin mừng : Mt 10, 37-42
“Ai không vác thập giá, thì không xứng với Thầy. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy”.

Anh chị em thân mến,
“Bông sen trong hồ rất hâm mộ chim biết ca hát, bươm bướm biết bay, còn mình thì cả ngày bị giam cầm trong hồ nước, lâu ngày không tránh khỏi oán than.
Chúa Tạo Vật thấy vậy, lập tức nói:
- “Bé con, giam cầm con thật ra không phải là hồ nước, mà là cái tâm của con đó”. (1)


Điều kiện tối thiểu để làm môn đệ của Chúa Giê-su là từ bỏ mình và vác thập giá của mình để theo Ngài, đó là điều kiện tiên quyết và là một cái ách nhẹ nhàng cho những ai biết phó mình cho Thiên Chúa, và là cái ách nặng nề cho những ai thích hưởng thụ, mà coi thập giá như là sợi dây thòng lọng trói buộc tự do của mình.

Không từ bỏ mình là tự giam cầm tự do của mình, bởi vì trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều việc phải lo toan và nhiều điều toan tính :
- Có người tính toán chuyện học hành tương lai để được chỉ huy người khác, nên cứ loay hoay tính toán mà quên mất bổn phận phải chu toàn của mình: họ bị giam cầm trong cái bằng cấp địa vị mà họ chưa bao giờ nhìn thấy.
- Có người cứ tưởng mình là Thiên Chúa nên đoán xét tương lai của cộng đoàn là mù mờ không tương lai, nên họ loay hoay tìm cách thoát ly cộng đoàn: họ bị giam cầm trong cái hưởng thụ vô hình, để rồi cộng đoàn chưa đen tối mà họ thì đã tối đen trong hiện tại và cả tương lai.
- Có người thỏa mãn với tài năng của mình, có người tự đắc với thành công của cá nhân, có người bất mãn với cuộc sống hiện tại, có người chán chường vì nhân tình thế thái.v.v...đó chính là những khối đá hoa cương giam hãm tâm hồn của họ trong những cám dỗ của vật chất...

Không từ bỏ những sợi mắc xích trói buộc tâm hồn ấy, thì chúng ta vẫn cứ bị giam cầm trong những loay hoay tính toán, để rồi tâm hồn không được tự do bay bổng lên với Thiên Chúa trong bổn phận hằng ngày, và như thế thập giá chỉ là những chán chường, lo âu, bất an mà thôi.

Thập giá là nguyên nhân của tự do và dâng hiến, bởi vì không một hy sinh nào mà không trở thành của lễ dâng hiến cách tự do lên Thiên Chúa, vì ngài là Đấng đã ban sự tự do cho con người.

Bổn phận và trách nhiệm dù muốn dù không thì chúng ta cũng phải chu toàn, do đó mà có nhiều tiêu cực phát sinh trong khi thi hành bổn phận; nhưng bổn phận sẽ là sự tự do dâng hiến nếu chúng ta coi đó chính là thập giá mà Thiên Chúa đã gởi đến cho mình. Khi đã dâng hiến phụng sự Thiên Chúa với tất cả tự do, thì chính tự do này đã giải thoát chúng ta khỏi giam cầm bởi những lo toan tính toán trong bổn phận của mình, đó cũng là lời mời gọi của Chúa Giê-su: hãy “vác thập giá của mình” mà theo Ngài.

Anh chị em thân mến,
Vác thập giá mà không từ bỏ sân si, thì thập giá trở nên tảng đá nặng nề đè trên cuộc sống của chúng ta.
Vác thập giá mà không có tâm tình tự nguyện, thì thập giá là những vòng xích trói buộc tâm hồn mình.
Vác thập giá mà vẫn cứ nhìn người này để phê bình, ngó người kia để đoán xét, thì thập giá sẽ như nhà tù giam hãm tâm hồn vốn thanh thoát hướng thiện của chúng ta...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

(1) Trích trong “Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay” bản dịch Việt ngữ của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giê-su
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:53 24/06/2011
LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

Tin mừng : Ga 6, 51-58.
“Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”.


Anh chị em thân mến,
Chúa Giê-su đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” . Đây là một lời tuyên bố có tính cách “giao chiến” của Chúa Giê-su, với những người tự nhận mình là kẻ khôn ngoan và thông thái là các kinh sư và nhóm biệt phái, đây cũng là câu nói làm cho những người theo Ngài phải có quyết định dứt khoác: tiếp tục theo làm môn đệ Ngài, hoặc là rút lui để khỏi bị mang tiếng là làm môn đệ của một người “dở hơi” ?

Lời tuyên bố này, ngày hôm nay vẫn cứ còn gây tranh luận cho nhiều người, bởi vì không một ai chấp nhận được việc ăn thịt người là được sống đời đời, nhưng đó là sự thật của những người Ki-tô hữu, là một thực tại đã và đang xảy ra trên mặt đất này: ở đâu có Giáo Hội Công Giáo là ở đó có sự tham dự và lãnh nhận Mình và Máu của Chúa Giê-su, và chính những người tham dự này đã làm cho họ ngày càng trở nên đổi mới mình hơn, biết yêu thương và phục vụ tha nhân hơn...

Bí tích Thánh Thể được Ngài thiết lập sau khi đã rửa chân cho các môn đệ của mình, đây không phải là một sự ngẫu nhiên, nhưng là một sự sắp xếp tế nhị của Chúa Giê-su với ý nghĩa rất sâu xa: chỉ có những ai biết phục vụ tha nhân, hiệp nhất trong yêu thương, mới thật sự là những người xứng đáng tham dự và lãnh nhận Mình Máu Thánh của Ngài cách đầy đủ ý nghĩa của nó.

Mỗi ngày chúng ta đều được mời gọi đến tham dự tiệc Thánh Thể, nhưng mỗi năm một lần, chúng ta long trọng mừng kính lễ Mình và Máu Thánh của Chúa Giêsu, để nhắc nhở đến tính cao yêu thương cao vợi của Thiên Chúa dành cho nhân loại, và để chúng ta không ngừng cảm tạ hồng ân to lớn này, mà Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta đó là trao ban chính thân mình của Ngài làm lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta

Anh chị em thân mến,
Có nhiều người đi rước lễ nhưng ít người đạt được ơn ích thần thiêng bởi trời, bởi vì họ rước lễ với tâm hồn không giống nhau:
- Có người thành tâm và yêu mến Chúa Giê- su khi rước lễ.
- Có người đi rước lễ cho vui kẻo bị người khác nói vô nói ra...
- Có người rước lễ vì mình có đi dự thánh lễ.
- Có người rước lễ để giấu giếm tâm hồn bất an của mình.
- Có người đi rước lễ để khoe cái áo mới mua, cái đầu tóc mô đen của mình...

Còn chúng ta, chúng ta đi rước Chúa Giê-su Thánh Thể với một tâm hồn nào: yêu mến hay thù ghét, kiêu căng hay khiêm tốn, phục vụ hay chỉ trích ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:56 24/06/2011
N2T

12. Sự chết khiến cho quyền trượng và liềm hái hóa bằng nhau.

(Thánh Hilarius)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:57 24/06/2011
GIÁO XỨ MỒ CÔI
Ngài là cha sở của một họ đạo ở miền quê nhưng kiêm luôn chức công tác xã hội, vì thế ngài thường đi suốt, cho nên giáo dân mới đặt tên cho giáo xứ mình là: giáo xứ Mồ Côi.
Nhiều giáo xứ không có cha sở đành chịu mồ côi, đàng này giáo xứ có cha sở cũng được gọi là mồ côi.
Làm mục tử thì không thể bỏ đàn chiên mình để tìm vinh danh và lời ca tụng ở nơi khác.
---------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Chúa Nhật Giáo Lý 2011
Phaolô Phạm Xuân Khôi
09:27 24/06/2011
Hằng năm Giáo Hội Hoa Kỳ dành Chúa Nhật Thứ Ba của Tháng 9 làm Chúa Nhật Giáo Lý. Chúa Nhật Giáo Lý năm nay được mừng vào ngày 18 tháng 9, năm 2011. Văn Phòng Phúc Âm Hóa và Giáo Lý của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ vừa công bố chủ đề của Chúa Nhật năm nay là “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22:19) và các tài liệu được dùng để học về chủ đề này trong suốt niên khóa 2011-2012. Độc giả có thể tải các tài liệu bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha ở đây. Chúng tôi sẽ lần lượt dịch hay soạn lại các tài liệu tiếng Việt trong thời gian sắp đến.

Dưới đây là bản dịch Thư Ngỏ của Đức Cha Richard J. Malone, Giám Mục Giáo Phận Portland, Maine, và là Chủ Tịch Ủy Ban Phúc Âm Hóa và Giáo Lý.

Anh chị em thân mến,

Ủy Ban Phúc Âm Hóa và Giáo Lý hân hạnh phát hành những tài liệu cho ngày Chúa Nhật Giáo Lý 2011 với chủ đề về Bí Tích Thánh Thể. Chúa Nhật Giáo Lý, được cử hành hằng năm vào Chúa Nhật Thứ Ba của Tháng Chín trong các Giáo Xứ trên toàn nước Hoa Kỳ, năm nay rơi vào ngày cuối tuần 18 tháng 9, năm 2011, Chúa Nhật thứ XXV Mùa Thường Niên.

Chủ đề cho Chúa Nhật Giáo Lý năm 2011 là “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22:19). Trong lúc suy niệm về chủ đề này, chúng ta cũng chẩn bị đón nhận Sách Lể Rôma, Xuất Bản Lần Thứ 3. Ủy Ban Phúc Âm Hóa và Giáo Lý hy vọng rằng các tài liệu này sẽ cung cấp dịp không những chỉ để suy niệm về vẻ đẹp của Mầu Nhiệm Thánh Thể, như được tìm thấy trong Thánh Kinh và Thánh Truyền của Hội Thánh, mà còn được đánh động để tham dự việc cử hành Thánh lễ Chúa Nhật một cách nhiệt thành hơn, xứng đáng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, cùng hăng say sống đời nhiệm tích và tham gia sứ vụ của Hội Thánh

Trong nh
ững năm qua, một số tài liệu đã được chuẩn bị để giúp các giáo xứ cử hành Chúa Nhật Giáo Lý, không những chỉ trong Tháng Chín, mà còn suốn niên khóa 2011-2012. Các tài liệu này được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Và cũng như trong những năm qua, HĐGMHK sẽ in các bản kinh, các bản quyết tâm của gia đình, bích chương, và chứng chỉ bằng Tiếng Anh và Tiếng Tây Ban Nha.

Nguyện xin Chúa tiếp tục đổ đầy tình yêu của Ngài trên anh chị em và đưa anh chị em vào cộng đồng đức tin sống động, là Hội Thánh, qua Bí Tích Thánh Thể.

Thân ái trong Đức Kitô

+ĐC Richard J. Malone

Chủ Tịch Ủy Ban Phúc Âm Hóa và Giáo Lý
 
Nghĩa cử cao cả
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:21 24/06/2011
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 10, 37 – 42
Sự hiếu khách là một đức tính cao đẹp của con người. Sự đón tiếp nhã nhặn, nồng hậu của con người nhiều khi dẫn đến nhiều ngạc nhiên và sinh ra những kết quả không ngờ. Chẳng hạn vợ chồng người Shunem, người ngoại giáo, đã nhận ra ngôn sứ Êlisêô là một vị thánh, nên cả hai vợ chồng đã tiếp đón người của Thiên Chúa với tất cả tâm tình, lòng yêu thương quí mến và Chúa đã thương cho người đàn bà Shunem hạ sinh một cậu con trai một năm sau đó, khiến bà hạnh phúc, sung sướng với phần thưởng đó trong một thời gian lâu dài.

Bài đọc thứ nhất hôm nay trong sách các vua đã loan báo trước lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng :” Người nào tiếp đón một ngôn sứ mang danh là ngôn sứ thì nhận phần thưởng của một ngôn sứ “. Phần thưởng của vợ chồng người đàn bà Shunem là một đứa con trai, đứa con do chính máu huyết của bà sinh ra. Chúa Giêsu đã nói với mọi người, đã nói với nhân loại :” Ai tiếp đón một kẻ bé mọn là đón tiếp Thầy “.

Chúa Giêsu đã nói :” Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được “ ( Mt 10, 39 ). Ở đây, Chúa Giêsu nói “ Phải liều mất đi “ để “ tìm thấy lại “. Đây là nghịch lý, một một đảo lộn, ngược dòng mà chính Chúa Giêsu đã làm để nêu gương cho nhân loại, nêu gương cho chúng ta. Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết đau thương trên thập tự để cứu độ nhân loại, rồi sống lại khải hoàn vinh quang, và như thế đồng thời Ngài cũng nói lên nghĩa cử yêu thương con người. “ Ai liều mạng sống vì Thầy “. Chúa Giêsu muốn nói liều mạng sống vì Ngài, cũng có nghĩa là liều mạng sống vì anh em, vì tha nhân. Điều này cho chúng ta thấy một sự xuyên suốt trong các Tin Mừng của Chúa Giêsu. Những kẻ bé mọn là những người ở bên cạnh chúng ta, ở chung quanh chúng ta. Họ là những người ăn xin, những người neo đơn, nghèo hèn, túng khổ. Họ là những người già cả, những trẻ mồ côi, những kẻ lang thang bụi đời, những kẻ không nhà không cửa, những cô gái lỡ lầm, những kẻ nghiện sì ke, ma túy, những người bị mắc HIV, những kẻ bị Siđa vv…Họ là những người bị lãng quên.

Chúa Giêsu còn hứa :” Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì không mất phần thưởng đâu “ ( Mt 10, 42 ). Đúng thật, cho một chén nước lã là một cử chỉ, một hành động nhỏ bé ai cũng có thể làm được dù chỉ là một đứa bé. Đối với Chúa Giêsu dù một chén nước lã vẫn có một giá trị cao vời. Giá trị đó là nghĩa cử ân tình. Dù nó rất nhỏ bé nhưng khi được khoác vào một danh hiệu ân tình, một nghĩa cử yêu thương thì nhĩa cử ấy là nghĩa cử đẹp. Thiên Chúa là Tình Yêu. Do đó, tình yêu chính là trọng tâm, là sức tỏa lan của người Kitô hữu.

Tình yêu vốn là sức mạnh, là liều thuốc trường sinh giúp con người mạnh sống và vươn lên. Tình yêu là sự hy sinh khiến con người dám liều mạng sống vì người khác, vì tha nhân “ Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ). Tình yêu vốn là sức mạnh vô song khiến con người từ bỏ tất cả để đi theo một con người có tên Giêsu. Tình yêu là sức mạnh tuyệt vời khiến thánh Phaolô vượt bao gian lao, thử thách trên đường phục vụ, trên đường loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa :” Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi “ ( 2 Co 5, 14 ).

Lạy Chúa , xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con dám “ từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Chúa “. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Hiếu khách là gì ?
2.Từ bỏ là gì ?
3.Thế nào là vác thập giá ?
4.Thế nào là liều mạng sống vì Thầy ?
5.Tại sao chúng ta lại dám bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu ?


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ tấn phong thêm 40 Giám Mục
Nguyễn Long Thao
10:43 24/06/2011
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ tấn phong thêm 40 Giám Mục

Bắc Kinh 24/06/2011-Ký giả Daniel Blake của tờ Christian Post cho biết Giáo Hội Công Giáo do chính quyền Trung Quốc kiểm soát loan báo sẽ tấn phong thêm 40 Giám Mục để đáp ứng nhu cầu cho những giáo phận thiếu Giám Mục.

Diễn biến này chắc chắn sẽ làm Tòa Thánh bất bình và mối giây ngoại giao giữa giáo hội Công Giáo toàn cầu và Giáo Hội Công Giáo quốc doanh Trung Quốc sẽ ngày càng thêm căng thẳng.

Theo tin của Tân Hoa Xã, trong cuộc họp mới đây Giáo Hội quốc doanh Trung Quốc đã nhất trí phải mau chóng tấn phong giám mục cho những địa phận này.

Ông Lưu Bái Niên, Phó Chủ Tịch Hội Công Giáo Yêu Nước nói với cơ quan thông tấn xã AFP rằng “các Giám Mục hiện tại của Giáo Hội sẽ giúp các điạ phương chọn lựa Giám Mục của mình”

Ông cũng nói thêm “ đó là dịp tốt nhất để loan báo Tin Mừng ở Trung Quốc”

Tưởng cũng nên nhắc lại, mối liên hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bị cắt đứt cách đây 60 năm. Trong thời gian gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc ngày càng có thái độ ngạo mạn hơn qua việc tự động phong chức Giám Mục mà không được sự chấp thuận của Tòa Thánh Vatican.
 
Giới chức Do Thái ngợi khen Vatican về việc giúp đỡ người Do Thái trong Thế Chiến thứ Hai
Bùi Hữu Thư
14:13 24/06/2011
Đại sứ Do Thái nói Giáo Hội luôn luôn giúp đỡ khi có thể

ROME, ngày 23, tháng 6, 2011 (Zenit.org).- Ông Mordechay Lewy, đại sứ Do Thái tại Tòa Thánh nói: Những lời cáo buộc Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng Piô XII đã không giúp đỡ người Do Thái trong Thế Chiến Thứ Hai là sai lầm.

Vị đại sứ đã tuyên bố như vậy hôm nay khi ông vinh danh Cha Gaetano Piccinini, một linh mục Dòng Con Cái Sự Quan Phòng Thiêng Liêng (Sons of Divine Providence) là "Người Công Chính trong mọi Dân Nước" (Righteous Among the Nations) sau khi cha đã qua đời.

Ông Lewy nói: "Nếu nói rằng Giáo Hội Công Giáo, Tòa Thánh và chính Đức Giáo Hoàng đã chống lại các hoạt động để cứu vớt người Do Thái thì là sai lầm. Chắc chắn là điều ngược lại. Họ luôn luôn giúp đỡ khi có thể."

Ông đại sứ nhắc rằng Vatican đã không thể ngăn cản một chuyến xe lửa chở người Do Thái đến các trại diệt chủng sau cuộc tấn công của quân phát xít Đức vào ba ngày 16, 17, và 18 tháng 10. Điều này "đã đóng góp cho việc tăng cường ước muốn của Tòa Thánh là sử dụng chính các cơ sở của mình làm nơi trú ngụ cho người Do Thái.

Ông tiếp: "Chúng ta phải công nhận rằng chuyến xe lửa khởi hành ngày 18 tháng 10 năm 1943 là chuyến xe cuối cùng quân Nazi đã có thể tổ chức tại Rôma để đưa người Do Thái đi Auschwitz."

Ông đại sứ đã ghi nhận rằng sau cuộc tấn công năm 1943, "các tu viện và trại mồ côi do các hội dòng quản trị đã mở cửa cho người Do Thái và chúng tôi có lý do để tin rằng việc này xẩy ra dưới sự điều hành của những giới chức cao cấp nhất của Tòa Thánh, và vì vậy họ đã được biết về những cử chỉ này."

Linh mục Piccinini, thực vậy là một người ủng hộ cho nỗ lực này. Sử dụng hệ thống các nhà do Dòng tu của ngài quản trị, cha đã có thể cứu mạng cho nhiều người Do Thái, kể cả những gia đình đã yêu cầu ngài được vinh danh là "Người Công Chính trong mọi Dân Nước".

Ông Lewy nói người Do Thái tại Rôma "nhìn thấy nơi cá nhân của Đức Giáo Hoàng một người bảo vệ và đã hy vọng ngài sẽ cứu vớt họ và tránh được thảm họa."

Khi được hỏi là điều này có chiếu dõi ánh sáng mới trên con người của Đức Giáo Hoàng Piô XII không, vì ngài thường bị chỉ trích là đã lặng thinh trước những hành động dã man của quân Nazi, ông Lewy nói rằng "Do Thái giáo không phải là một tôn giáo thuần nhất, và đã có nhiều ý kiến khác nhau trong lãnh vực lịch sử."

Ông nói: "Những gì chúng tôi biết không cho phép chúng tôi nói là mọi sự đều chỉ có hai mầu đen và trắng, nhưng những ai đã chối từ việc Vatican, Đức Giáo Hoàng và các tổ chức Công Giáo đã hoạt động để cứu người Do Thái đều đã sai lầm."

Ông Lewy nói đến việc chờ đợi những hồ sơ lưu trữ về thời đại của Đức Giáo Hoàng Piô XII sẽ được mở ra. Ông góp ý: "Nhưng chúng ta cũng không thể mong đợi sẽ có toàn vẹn sự thật, vì trong những thời kỳ khó khăn đó rất nhiều điều xẩy ra có thể đã không được viết xuống. Ý kiến riêng của cá nhân tôi là sự thật về giai đoạn khủng khiếp đó đang bị che dấu và sẽ tiếp tục bị ẩn dấu."
 
Hơn 3.000 giáo phận sẽ tổ chức 60 giờ chầu Thánh Thể
Phạm Kim An
08:43 24/06/2011
Hơn 3.000 giáo phận sẽ tổ chức 60 giờ chầu Thánh Thể

Nhân dịp Ngọc khánh Linh mục của ĐTC Biển Đức XVI

ROMA – 3.100 giáo phận đã được huy động để tổ chức 60 giờ chầu Thánh Thể, do Thánh bộ Giáo sĩ đề nghị, nhân dịp mừng 60 năm ngày ĐTC Biển Đức XVI được truyền chức Linh mục. Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ, đã khẳng định như vậy trong một cuộc phỏng vấn của Đài phát thanh Vatican.

Hồng y giải thích: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã huy động ít nhất 3.100 giáo phận; rồi trong mỗi giáo phận, có nhiều thực thể như các tu viện, trung tâm và nhà cầu nguyện, vốn sẽ nhân lên các giờ chầu này. Chúng tôi ước tính sẽ có khoảng 186.000 giờ chầu Thánh Thể”.

Ngài nói thêm rằng “lẽ tất nhiên, không nên làm các phép tính toán học như thế", nhưng Ngài nhắc là “không có gì quý hơn là cầu nguyện”. Mục đích của sáng kiến này là "để cảm ơn Chúa vì chính chức linh mục Chúa lập ra; cảm ơn vì món quà tặng là chính ĐTC Biển Đức XVI cho Giáo Hội và thế giới", nhưng cũng để "xin sự thánh hóa cho hàng giáo sĩ, vốn là quý trọng trong tâm hồn của ĐTC, và là yếu tố kích thích cho việc truyền giáo mới”. (Zenit 23-6-2011)

Phạm Kim An
 
Indonesia: 200 nhà thờ bị tấn công trong 5 năm qua
Phạm Kim An
08:45 24/06/2011
Indonesia: 200 nhà thờ bị tấn công trong 5 năm qua

ROMA - Từ năm 2006, các nhà thờ là mục tiêu của hơn 200 vụ tấn công ở Indonesia, nhưng chính phủ nước này tự chứng tỏ là "khá miễn cưỡng" trong việc bảo vệ nhóm thiểu số Kitô hữu hiện diện trên đất nước, theo Chủ tịch Diễn đàn Truyền thông Kitô giáo ở Jakarta và Tổng thư ký Uỷ ban các Tôn Giáo vì Hòa bình ở Indonesia, Theophilus Bela, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tổ chức “Trợ giúp cho Giáo hội thiếu thốn” (AED).

Trong cuộc phỏng vấn này, Theophilus Bela nói có 14 cuộc tấn công diễn ra trong 5 tháng đầu năm nay, và 46 vụ tấn công khác trong năm 2010.

Ông cáo buộc chính quyền của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono không hành động đủ mạnh để chống lại nạn bạo lực Hồi giáo chống Kitô giáo. Ông nói: “Tổng thống ngủ ... và nếu tổng thống ngủ, cảnh sát cũng ngủ”.

Kể từ khi ông Yudhoyono lên làm tổng thống vào năm 2004, các nhà thờ đã bị tấn công 286 lần, nhiều hơn bất cứ thời kỳ nào khác, ngoại trừ thời điểm biến động chính trị trong nước vào cuối thập niên 1990.

Theo Theophilus Bela, gần 28,5 triệu Kitô hữu ở Indonesia vẫn là mục tiêu đặc biệt của các vụ bách hại chống tôn giáo tại nước này.

Tại Indonesia, chỉ có 3% dân số là Công giáo, và 6% là Tin lành, so với đại đa số là người Hồi giáo (86%).

Sự xuất hiện của các Kitô hữu từ nông thôn tại các thành phố, để tìm việc làm sau khi chính phủ đầu tư vào các nhà máy và các hoạt động khác, vốn bị người Hồi giáo nhìn nhận không thiện cảm, đã góp phần vào sự gia tăng các vụ tấn công cực đoan. (Zenit 23-6-2011)

Phạm Kim An
 
Croatia: Các Giám mục ủng hộ Croatia gia nhập Liên minh châu Âu
Nguyễn Trọng Đa
08:46 24/06/2011
Croatia: Các Giám mục ủng hộ Croatia gia nhập Liên minh châu Âu

Các Ngài nói cần phải trung thành với di sản Kitô giáo của mình

ROMA - Các giám mục Croatia ủng hộ việc đất nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU), nhưng các Ngài nhắc nhở đến tầm quan trọng của việc người dân nước này vẫn phải trung thành với gốc rễ Kitô giáo của đất nước.

Theo Đài phát thanh Vatican, chỉ còn 10 ngày nữa là kết thúc cuộc đàm phán giữa chính phủ quốc gia Croatia và Ủy ban châu Âu (EC) về việc nước này gia nhập Liên minh châu Âu, các giám mục Croatia đưa ra sự đánh giá đầu tiên.

Đức Tổng Giám mục Zelimir Puljic, Tổng giáo phận Zadar, thành viên của Ủy ban Giám mục Croatia về quan hệ với Liên minh châu Âu, nói: "Các giám mục muốn tham gia tích cực vào lúc này với đất nước, cổ vũ một pháp luật có trách nhiệm".

Các Ngài nhắc lại tầm quan trọng của di sản Kitô giáo của đất nước: "Vào lúc chúng ta gia nhập châu Âu mới, chúng ta phải luôn trung thành với di sản của mình. Ngay từ thuở đầu, Giáo Hội là một lực lượng của toàn cầu hóa, hợp nhất các dân tộc châu Âu, làm cho nó thành một cộng đồng lớn. Vì vậy, chúng ta phải mang theo hành lý này với chúng ta".

Đức Tổng Giám Mục tổng giáo phận Zadar cũng nhắc lại các quan hệ Nhà nước-Giáo hội, và trách nhiệm xã hội và dân sự của người Công giáo: “Một nhà nước thế tục thì được Giáo hội chấp nhận, nhưng một chủ nghĩa thế tục ý thức hệ, mà tước sự tự do của Kitô hữu về tuyên xưng đức tin của mình, thì không thể được chấp nhận. Và trong bối cảnh này, các Kitô hữu được mời gọi nhận trách nhiệm. Không có nhà nước thế tục nào mà không cần có Chúa. Các Kitô hữu tham gia vào chính trị và đời sống công cộng phải chú ý đến mọi điều này".

Ngài kết luận: "Chúng ta ủng hộ việc tách Giáo hội và Nhà nước, nhưng chúng ta không muốn có một chủ nghĩa thế tục loại bỏ Thiên Chúa và tôn giáo ra khỏi xã hội". (Zenit 23-6-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Trong Bí tích Thánh Thể, nhân loại hiệp thông với Chúa Giêsu.
Lã Thụ Nhân
08:48 24/06/2011
Trong Bí tích Thánh Thể, nhân loại hiệp thông với Chúa Giêsu.

Rôma (AsiaNews) - Sự hiệp nhất của gia đình nhân loại luôn là một mục tiêu của Tin Mừng, "sự hiệp nhất không bị áp đặt từ bên trên, hoặc bởi ý thức hệ hay các lợi ích kinh tế, nhưng từ ý thức trách nhiệm lẫn nhau, bởi vì chúng ta nhận ra chính mình là các thành viên của cùng một thân thể, thân thể của Chúa Kitô, vì chúng ta đã học được và tiếp tục học từ Bí Tích Bàn Thờ rằng sẻ chia, tình yêu là con đường của công lý đích thực". Vào ngày Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chỉ ra cách dự phần vào Bí tích Thánh Thể, vốn được "đồng hóa" với Chúa Giêsu, là "hiệp nhất tôi với người bên cạnh tôi, và với người mà tôi có thể thậm chí không có quan hệ tốt, cũng như với anh em, chị em tôi ở nơi xa xôi, trong mọi ngóc ngách của thế giới. Như vậy ý thức sâu sắc về mặt xã hội của Giáo Hội được bắt nguồn từ Thánh Thể".

Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ ở tiền sảnh Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateran ở Rôma, lúc kết thúc nghi lễ, ngài đã dẫn đầu đoàn kiệu Thánh Thể đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, nơi có sự hiện diện của các linh mục, tu sĩ, các hiệp hội, các phong trào và hàng ngàn tín hữu. Những ngọn đuốc và nến đã đồng hành cùng đoàn rước, chiếu sáng cả buổi tối.

Đức Thánh Cha cho hay: "Nhất là trong thời đại của chúng ta, toàn cầu hóa đã làm cho chúng ta ngày càng phụ thuộc vào nhau, Kitô giáo có thể và phải đảm bảo rằng sự hiệp nhất này sẽ không thể xây dựng mà không có Thiên Chúa, không có tình yêu đích thực. Điều này sẽ nhường đường cho sự hỗn loạn và chủ nghĩa cá nhân, sự đàn áp của một số người chống lại những người khác".

Đó là khái niệm đến từ Bữa Tiệc Ly, từ việc thành lập Bí tích Thánh Thể, đó chính "là sự biến đổi những quà tặng của đất này - bánh và rượu - để thay đổi đời sống chúng ta và mở ra cho sự biến đổi thế giới... Sự biến đổi này là có thể, nhờ vào sự hiệp thông mạnh mẽ hơn thay vì chia rẽ, sự hiệp thông của chính Thiên Chúa. Từ ngữ "hiệp thông" mà chúng ta sử dụng để chỉ Bí tích Thánh Thể được kết hợp từ chiều kích ngang và dọc của món quà tặng của Chúa Kitô. Diễn đạt vẻ đẹp và nét hùng hồn "đón nhận sự hiệp thông" là đề cập đến hành động ăn bánh Thánh Thể. Thực tế, khi chúng ta thực hiện hành động này, chúng ta bước vào sự hiệp thông với đời sống của Chúa Giêsu, trong sự năng động của cuộc sống này, vốn được ban cho chúng ta và vì chúng ta. Từ Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, đến chúng ta: một sự hiệp thông duy nhất được thông truyền trong Thánh Thể".

Trong khi "lương thực thuộc về thể xác được đồng hóa bởi thân xác và góp phần nuôi sống nó, thì Thánh Thể là dạng bánh khác: chúng ta không đồng hóa nó, nhưng nó đồng hóa chúng ta, vì thế chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô và các thành viên trong thân thể Ngài, nên một với Ngài. Đây là sự biến chuyển trạng thái dứt khoát. Thật vậy, chính vì đó là Chúa Kitô, trong sự hiệp thông Thánh Thể, biến đổi chúng ta vào trong Ngài, nên cá tính của chúng ta trong cuộc gặp gỡ này được mở ra, được giải thoát khỏi tính ích kỷ và được thay thế bằng Con Người của Chúa Giêsu, Đấng đã được dìm vào sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa. Như vậy, trong khi Thánh Thể liên kết chúng ta với Chúa Kitô, chúng ta mở lòng cho tha nhân, làm cho chúng ta nên với người khác: chúng ta không còn bị phân chia, nên một trong Ngài".

Đức Thánh Cha kết luận: "Qua bánh và rượu được thánh hiến, nơi nà Mình và Máu Người thực sự hiện diện, Chúa Kitô biến đổi chúng ta, đồng hóa chúng ta trong Ngài: Ngài kéo chúng ta vào công cuộc cứu chuộc của Ngài, nhờ ơn Chúa Thánh Thần cho phép chúng ta sống theo cùng một luận lý về quà tặng của Ngài, như hạt lúa miến kết hợp với Ngài và trong Ngài. Do đó sự hiệp nhất và bình an, là mục tiêu mà chúng ta phấn đấu, được gieo và trưởng thành trong những luống cày của lịch sử, theo kế hoạch của Thiên Chúa".

Lã Thụ Nhân
 
Đại Lễ kính Thánh Gioan Tẩy giả thu hút nhiều người đến Nhà thờ San Silvestro, Ý.
Dominic David Trần
15:39 24/06/2011
Roma - Theo tin của liên TTX (CNA/EWTN News) ngày 24 tháng Sáu hàng năm là ngày Lễ trọng kính nhớ sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả. Đó cũng là một ngày rất bận cho LM John Kirkpatrick, Cha Sở Nhà thờ San Silvestro ở thị trấn Capite: tương truyền là nơi lư giữ công khai thủ cấp của thánh Gioan Tẩy giả.

LM John Kirkpatrick là Tu sĩ Dòng Pallotin tuyên bố với TTX Công Giáo CNA; " Bởi vì thánh Gioan Tẩy giả là người đi trước Chuá Giêsu cho nên việc lưu trữ thủ cấp của thánh nhân xét theo quan điểm trình thuật lại cuộc đời của ngài là điều rất quan trọng. Mọi người đến đây tặng hoa, thắp nến nguyện ước và cầu nguyện. Họ đến từ khắp nơi, thậm chí từ những nơi xa xăm như nước Nga hay Rômania và đến từng theo nhóm rất đông để thăm viếng thánh tích. Trong thực tế thật khó mà đến cho được chính xác số khách và tín hữu hành hương đến thăm Nhà thờ San Silvestro."

Tháng Gioan Tẩy Giả là vị Đại Thánh tiên tri cuối cùng đã loan báo Tin Mừng Đức Chúa Giêsu Con Thiên Chúa sẽ Giáng Sinh. Trong cuộc đời thực, Thánh Gioan Tẩy Giả là bà con với Đức Chúa Giêsu - bởi vì thánh Gioan Tẩy Giả là con trai của bà Elizabeth, bà là chị họ của Đức Bà Maria - là Mẹ của Đức Chuá Giêsu KiTô.

Như đã được chép trong Tin Mừng Phúc Âm.theo thánh sử Luca: Đức Trinh Nữ Maria thụ thai Đức Chúa Giêsu bởi quyền năng của Thiên Chúa trong khi bà Elizabeth đã hoài thai được 06 tháng. Vì chính bởi lẽ ấy nên Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ ngày nay kính mừng sinh nhật của Thánh Gioan Tiền hô Tẩy giả vào ngày hôm nay 24 tháng Sáu - đúng 6 tháng trước ngày Đại Lễ Giáng Sinh và cũng là Sinh nhật của Đức Chúa Giêsu KiTô.

LM. Tu sĩ John Kirkpatrick cũng tuyên bố rằng thủ cấp (tức sọ) của Thánh Gioan đã được các tu sĩ người gốc Hy Lạp kính thỉnh về giáo đô vào năm 1169. Các vị tu sĩ này đã xây dựng một ngôi thánh đường để kính nhớ Thánh Sylvester - Đức Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo trong thế kỷ thứ 4 AD và cũng là nơi để trọng kính thủ cấp của Thánh Gioan Tẩy Giả Tiền Hô - Hai việc tôn kính trong cùng một Lễ thánh hiến và phảnảnh trên danh xưng của Nhà thờ-Đền thánh này.

Trong các trình thuật của Tin Mừng Phúc Âm nói về sự anh dũng hy sinh tử vì đạo của Thánh Gioan Tẩy Giả Tiền Hô đã chép lại rằng: " Vua Hêrôđê truyền lệnh tống giam thánh nhân vào ngục bởi vì Thánh Gioan Tiền Hô Tẩy Giả đã mạnh dạn kết án và đứng lên tố cáo vua Hêrôđê đã lấy chị dâu của mình là bà Herôdias (vợ của anh ruột vua Hêrôđê). Sau đó, Salome là con gái của Herodias- theo lời xúi của Herodias- đã lợi dụng lời hứa của Hêrôđê để yêu cầu vua Hêrôđê phải chặt đầu thánh Gioan Tẩy Giả Tiền Hô làm qùa thưởng cho Salome.

Thủ cấp của thánh Gioan Tẩy Giả Tiền Hô ( xem hình kèm theo) hiên nay được đạt trên tấm nhung màu đỏ và đặt trong một hộp nhựa dẻo trong suốt.

Hiện nay có một số đền thờ, địa điểm phụng tự tôn giáo khác trên thế giới cũng tuyên bố rằng đền thờ của họ là nơi lưu trữ và tôn kính di hài của thánh Gioan Tẩy Giả Tiền Hô bao gồm cả Đại giáo đường Umayyad Mosque tại thủ đô Damascus của nước Syria.

Dominic David Trần
 
Thăng trầm quan hệ Vatican - Trung Quốc trong 12 tháng qua
Khương Duy Hải
16:34 24/06/2011
Chúng ta cùng theo dõi tiến trình mối quan hệ này trong 12 tháng qua, từ ngày 24-6- 2010 đến 24-6-2011 (Ucanews.com).

- 24-6-2010: Cha Giuse Han Yingjin được tấn phong làm Giám mục Tam Nguyên. Là giám mục được tấn phong thứ tư ở Trung Quốc trong năm này, ngài nhận được ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng và được chính phủ chấp thuận. Khoảng 3.000 người đến nhà thờ chính tòa Thánh Tâm Chúa Giêsu của giáo phận Tam Nguyên để chứng kiến lễ phong chức, có cả 6 vị giám mục được Trung Quốc lẫn Vatican phê chuẩn tham dự lễ này.

-29-7-2010: Đức Hồng Y Giuse Zen Ze-Kuin (Trần Nhật Quân) - một nhà bình luận thẳng thắn về Giáo Hội tại Trung Quốc, trong một bài viết ngài phê phán rằng Bắc Kinh muốn các vị giám mục có được sự bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng. Ngài nói: "Nếu đây là thực tế được phản ánh thì chúng ta sẽ có lý do để vui mừng... Nhưng nó có thực sự như vậy không? Từ những thông tin mà chúng tôi thu thập ở ngay tại Hồng Kông này, thực tế là ít như thế". Ngài kết thúc cuộc độc thoại của mình rằng: "Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta khỏi tất cả sự dữ".

- 17-11-2010: Các giám mục vị giám mục do Vatican bổ nhiệm (hiệp thông) phải chịu áp lực để đến tham dự vụ tấn phong ở Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc ngày 20-11-2011 cho một giám mục không được Vatican chấp thuận. Các linh mục trong giáo phận Hành Thủy nói rằng quan chức chính quyền địa phương đã thúc ép giám mục của họ tham dự lễ tấn phong đó. Họ cũng lo lắng vì mất liên lạc với một vị giám mục đã tắt máy điện thoại trong nhiều ngày.

-18-10-2010: Xuất hiện nhiều thông tin chi tiết về việc nhiều giám mục hiệp thông với Tòa Thánh bị bị cưỡng ép phải tham dự lễ tấn phong ở Thừa Đức. Người ta nói họ sẽ được hộ tống bởi các quan chức an ninh. Cha phát ngôn viên Vatican nói: "Nếu các báo cáo này là đúng sự thật thì Tòa Thánh sẽ coi các hành động như vậy là vi phạm nghiêm trọng...". Cha nói thêm rằng: "Tòa Thánh mong muốn phát triển quan hệ tích cực với Trung Quốc, và đã liên hệ với chính quyền Trung Quốc để làm cho lập trường này rõ ràng".

-20-11-2010: Lễ tấn phong cho linh mục Giuse Guo Jincai diễn ra theo kế hoạch. Khu vực này được bao vây bởi cảnh sát, máy ảnh bị cấm và các tín hiệu điện thoại bị khóa. Một số nguồn tin nói rằng giáo dân ở Thừa Đức vốn là những người đơn giản đặt niềm tin và lòng kính trọng với Đức Giáo Hoàng, nhưng họ không có lựa chọn nào khác mà phải chấp nhận vị giám mục mới của họ, vì tình hình chính trị. Đây là vụ tấn phong bất hợp thức đầu tiên trong vòng bốn năm qua, và lần là vụ đầu tiên kể từ khi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhắc lại vào năm 2007 rằng: Đức Giáo Hoàng phải có "quyền tinh thần tối cao" trong việc bổ nhiệm các giám mục.

-24-11-2010: Một thông cáo của Vatican cho biết: Đức Thánh Cha "lấy làm tiếc một cách sâu sắc" về vụ tấn phong bất hợp thức này. Ngoài ra Vatican cảnh báo rằng Tòa Thánh sẽ đánh giá sự việc, bao gồm cả giá trị thành sự của lễ tấn phong và khả năng trừng phạt theo giáo luật cho những giám mục nào tham gia, mặc dù điều đó có thể trái với ý muốn của họ.

-24-11-2010: Khoảng 100 chủng sinh ở tỉnh Hà Bắc phản đối việc quan chức chính phủ được bổ nhiệm về làm hiệu phó chủng viện của họ. Một người biểu tình nói rằng "chủng viện đào tạo ra linh mục tương lai, chứ không phải đảng viên".

-2-12-2010: Ông Ren Yanli - quan sát viên kỳ cựu về Giáo Hội Trung Quốc cho rằng vụ tấn phong ở Thừa Đức đã làm mất đi nỗ lực nhiều năm trời. Ông mô tả đó như là điều "không thể hiểu nổi", và cho biết không có vụ tấn phong bất hợp thức nào xảy ra trong bốn năm qua.

-6-12-2010: Cha Jeroom Hendryckx kêu gọi quay trở lại "đối thoại". Cha chỉ ra rằng, khi Cha Guo được chọn làm ứng cử viên giám mục vào năm 2008, Rôma đã không phản đối nhưng yêu cầu hoãn lại, gần đây biên giới giáo phận đã được thay đổi. Bắc Kinh đã khước từ và đã đi trước. Cha Hendryckx mô tả các giám mục, linh mục và giáo dân của Thừa Đức là "nạn nhân thực sự của vụ việc này" và hỏi rằng tại sao một số phương tiện truyền thông lại đổ lỗi cho họ. Cuối cùng, cha Hendryckx cho rằng sự việc này là lời nhắc nhở Giáo Hội tại Trung Quốc phải đánh giá lại chính mình.

-6-12-2010: Đức Hồng Y Joseph Zen Ze-Kuin phản đối bài viết của Cha Hendryckx.

-7 đến 9-12-2010: Đại hội đại biểu Công giáo Quốc gia lần thứ VIII diễn ra ở Bắc Kinh. Có nhiều lời cáo buộc chính phủ đã cưỡng ép các giám mục tham dự và buông những lời hăm dọa nặng nề trước khi sự kiện này diễn ra về những vấn đề của nghi thức và bầu chọn. Cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày cuối cùng với những văn kiện quan trọng, một quan sát viên khẳng định rằng phiếu trắng được tính là phiếu ủng hộ. Một giám mục tấn phong bất hợp thức được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục của Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc, một cơ thể không được Vatican công nhận. Tân giám mục bất hợp thức ở Thừa Đức được đặt làm Tổng thư ký. Tòa Thánh Vatican không công nhận Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, nhưng một giám mục hợp thức (được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm) lại được họ bầu làm Chủ tịch của hội này. Địa điểm được lựa chọn cho sự kiện này có lẽ đáng mỉa mai thay: đó là khách sạn Hữu Nghị.

-17-12-2010: Tòa Thánh lên tiếng mạnh mẽ về vụ việc và bày tỏ "nỗi buồn sâu sắc" về đại hội này. Đối với vấn đề ép buộc các đại biểu tham dự đại hội, Tòa Thánh nói rằng "tham vọng liên tục kiểm soát cuộc sống của công dân và can thiệp vào đời sống nội bộ của Giáo Hội không có lợi gì cho Trung Quốc".

-13-4-2011: Trong bối cảnh của "mùa xuân Ả Rập", Trung Quốc đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền, mở rộng đối tượng đến các Kitô hữu không trực thuộc chính quyền, xử phạt giáo hội "công khai". Ít nhất ba linh mục "hầm trú" trong tỉnh Hà Bắc bị giam giữ và đưa đến địa điểm không rõ ràng; một linh mục bị tra tấn và người ta lo ngại cho sự an toàn của những người khác. Các nhân chứng nói rằng một trong những linh mục ấy đã bị hàng chục cán bộ bắt đi.

-14-4-2011: Sau một cuộc họp của Ủy ban về Giáo Hội tại Trung Quốc, Trung tâm Báo chí Tòa Thánh phát hành một thông cáo mang tên "Cảm động trước đức mến, một thông điệp gửi tới người Công giáo Trung Quốc". Mang văn phong hòa giải, thông cáo nói: "Chúng tôi hy vọng rằng sự chân thành và tôn trọng đối thoại với chính quyền dân sự có thể giúp khắc phục những khó khăn".

-14-4-2011: Các chuyên gia phân tích Giáo Hội tại Trung Quốc cho rằng, thông cáo trên của Vatican được xây dựng để mở cánh cửa cho đối thoại. Một nhà phân tích mô tả đây là một "bất ngờ nhỏ".

-11-5-2011: Giáo phận Sán Đầu ở miền nam tỉnh Quảng Đông tổ chức một cuộc bỏ phiếu để chọn ra một ứng viên giám mục, dưới sự theo dõi của công an. Một linh mục nói rằng "nhiều người mặc thường phục" tích cực "hơn so với các cử tri" và mô tả không khí tại sự kiện này là "nặng nề". Ứng viên duy nhất là linh mục Giuse Huang Bingzhang được chọn. Một số cử tri nói rằng họ đã không hành động theo lương tâm của họ, nhưng là vì sự nghiệp và gia đình của họ.

-16-5-2011: Cuối một buổi tiếp kiến ở Rôma, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đề nghị hãy cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, để họ có thể "ở lại trong Giáo Hội Công Giáo duy nhất" và khắc phục khỏi "sự cám dỗ đi theo một con đường độc lập khỏi Thánh Phêrô". Ngài đề xuất cử hành ngày 24-5 như một ngày đặc biệt để cầu nguyện cho họ, vì đó là ngày lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu - đấng được rất nhiều người Công giáo Trung Quốc tôn kính.

-1-6-2011: Giáo phận Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc (không nên nhầm lẫn với tỉnh Hà Bắc) thông báo sẽ tấn phong một giám mục không được Vatican công nhận. Ngày được ấn định là 9-6. Người ta cho rằng một lần nữa, các giám mục địa phương đang bị thúc ép tham dự lễ tấn phong. Ứng viên là Cha Giuse Shen Guo'an không muốn chấp nhận vị trí này.

-3-6-2011: Mặc dù có tranh cãi về ý định tấn phong ở Vũ Hán, một quan chức của Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc lại kêu gọi Trung Quốc và Vatican cùng giải quyết vấn đề. Ông này nói: "Trước khi các trường hợp tiếp theo lần lượt được xúc tiến, chúng tôi hy vọng Trung Quốc và Vatican có thể tiếp tục đàm phán để giải quyết vấn đề. Thời gian có hạn và quan trọng là nằm trong tay của Vatican". Trong khi đó, bốn vụ tấn phong nữa được công bố sẽ thực hiện ở tỉnh Tứ Xuyên, với một ứng viên không được Vatican công nhận.

-7-6-2011: Lễ tấn phong ở Vũ Hán bị hoãn lại. Ứng viên là Cha Giuse Shen Guo'an nói ngài không biết tại sao, hoặc khi nào nó sẽ diễn ra. Nhưng có ý kiến cho rằng sự phản kháng của ngài đã đóng một phần quan trọng trong việc hoãn lại này. Trong khi một số quan sát viên nói rằng, nó chưa hẳn là sự kết thúc cho việc tấn phong bất hợp thức, số khác lại giải thích rằng đây là một dấu hiệu tích cực cho cả Trung Quốc và Vatican.

-10-6-2011: Đức Tổng Giám Mục Savio Hon Tai Fai (Hàn Đại Huy) - một người Hồng Kông hiện đang làm Tổng thư ký mới của Thánh Bộ Truyền Giáo đã thẳng thắn chỉ trích Bắc Kinh. Ngài cũng khẳng định rằng một tâm trạng đối đầu mới, thay vì dàn xếp, đang được lan tỏa ở Rôma. Ngài giải thích rằng một số giám mục và linh mục bị ép buộc, họ bị trừng phạt nếu họ không làm. Ngài nói: "Họ bị mất trợ cấp ngân sách cho giáo phận của họ, họ gặp phải những trở ngại khi thự thi sứ vụ hàng ngày, họ bị phạt trong sự nghiệp của họ, họ không được cho phép đi nước ngoài hoặc đi du lịch trong Trung Quốc, và họ buộc phải trải qua các khóa học giáo dục cải tạo". Nhưng ngài cũng khuyên rằng "các giám mục và linh mục nào cảm thấy yếu hoặc không thể chống chọi với áp lực đòi hỏi của chính quyền thì hãy can đảm từ chức sứ vụ của mình".

-13-6-2011: Vatican gia tăng mức độ cảnh báo bằng một thông cáo mới nói rằng: những ai tham gia tấn phong bất hợp thức có thể bị vạ tuyệt thông. Thông cáo này nhấn mạnh Giáo Luật điều 1382 nói rằng "giám mục nào tấn phong một người nào đó làm giám mục mà không có ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng, và người đón nhận sự truyền chức này từ giám mục đó, phải chịu vạ tuyệt thông tiền kết".

-14-6-2011: Các quan sát viên Giáo hội cố gắng làm dịu tình hình bằng cách tuyên bố rằng tài liệu đó của Vatican không có ý nhắm vào Trung Quốc. "Đây là một lời nhắc nhở thiện chí để giáo sĩ Công giáo trên toàn thế giới không vi phạm các giáo luật", một người trong số họ nói.

-24-6-2011: Đúng một năm sau, Giáo phận Lạc Sơn ở tỉnh Tứ Xuyên thông báo rằng một giám mục mới sẽ được tấn phong bất hợp thức vào ngày 29-6. Không chỉ là một giám mục mới không được công nhận, các nguồn tin thân cận ở Vatican còn nói rằng, người này không bao giờ có thể được phê duyệt. Lý do chính xác tại sao thì không tiết lộ, nhưng người ta nói rằng đó là việc "rất hệ trọng" mà các linh mục, giám mục địa phương và ngay cả Hội đồng Giám mục của chính phủ cũng biết. Một số người Công giáo ở Lạc Sơn nói rằng họ sẽ phản đối bên ngoài nhà thờ nếu sự kiện này xảy ra.
 
Cuộc gặp gỡ Rimini: Hiện hữu và chắc chắn
Vũ Văn An
20:06 24/06/2011
Thập niên 1970, một số bạn hữu Kitô Giáo vùng Rimini muốn gặp nhau, tìm hiểu nhau và đưa về Rimini mọi điều thiện mỹ của nền văn hóa hiện đại. Đó là nguyên lai của Cuộc Gặp Gỡ Kết Tình Bằng Hữu Giữa Các Dân Tộc, bắt đầu khai sinh năm 1980. Đây là cuộc gặp gỡ giữa những người thuộc các niềm tin và văn hóa khác nhau. Nó là nơi kết tình bằng hữu trong đó hòa bình, việc xã hội hóa giữa các dân tộc được thiết lập.

Từ đó, hàng năm, nhiều chính khách lớn, nhiều quản trị viên, nhiều đại diện các tôn giáo và văn hóa, nhiều trí thức và nghệ sĩ, nhiều thể thao gia và các nhà chủ đạo thế giới đã tham dự cuộc gặp gỡ này trong nhiều hội nghị, nhiều cuộc trưng bày, nhiều màn trình diễn cũng như nhiều biến cố thể thao. Tại đây, văn hóa tự phát biểu về mình như một cảm nghiệm, phát sinh từ ý muốn khám phá ra cái đẹp của thực tại. Tất cả các sự kiện này diễn ra trong 7 ngày. Trong tuần lễ cuối cùng của Tháng Tám này, Rimini trở thành thủ đô quốc tế của văn hóa. Năm ngoái, số người tham dự lên đến 800,000 người đến từ 29 quốc gia, 4 nghìn thiện nguyện viên, tự nguyện trả mọi chi phí di chuyển và ăn ở tới đây giúp việc tổ chức, dàn dựng, quản trị và tháo gỡ cuộc Gặp Gỡ. Họ là Do Thái Giáo, Phật Giáo, vô thần, Chính Thống Giáo, và cả Hồi Giáo nữa… Các chủ đề thay đổi từ kinh tế, qua nghệ thuật, văn chương, chính trị, các vấn đề xã hội, và đủ thứ âm nhạc, được trình bày trong 130 hội nghị với 250 diễn giả, 8 cuộc trưng bày, 35 màn trình diễn, 10 biến cố thể thao, và 1,000 nhà báo chuyên nghiệp. Năm nào Cuộc Gặp Gỡ cũng được đối thoại với nhiều định chế, nhiều sứ bộ ngoại giao, và nhiều đại công ty công và tư. Cuộc gặp gỡ được sự hùn hạp và bảo trợ của hơn 200 cơ quan.

Theo tin Zenit ngày 23 tháng 6, Cuộc Gặp Gỡ Rimini dự trù tổ chức trong các ngày từ 20 tới 27 tháng Tám này đã được giới thiệu tại Lâu Đài Borreomeo vào tuần qua. Chủ đề cuộc gặp gỡ năm nay, đặt dưới sự bảo trợ của Phong Trào Công Giáo Hiệp Thông Và Giải Phóng, là “Và Hiện Hữu Trở Thành Sự Chắc Chắn Mênh Mông”.

Tại cuộc trình bày này, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, là một trong các diễn giả. Các diễn giả khác có Franco Frattini, bộ trưởng ngoại giao Ý; Emilia Guarnieri, chủ tịch Qũy Gặp Gỡ Kết Tình Bằng Hữu Giữa Các Dân Tộc, và Giorgio Vittadini, chủ tịch Qũy Liên Đới.

Đức HY Tauran nói về sự tín thác nơi Thiên Chúa phát sinh từ “niềm xác tín rằng chân lý tối hậu của đời tôi không đến tử chính tôi mà đến từ Một Người Khác; Đấng ấy rọi chiếu đời tôi và cho nó một ý nghĩa”. Ngài cho rằng “đức tin mới chắc chắn, chứ không phải sự an toàn”, vì “đức tin có liên hệ với tôi và sự yếu đuối của tôi”. Theo ngài, “sự chắc chắn vĩ đại mà ta có không phải là một chọn lựa triết học hay một kinh nghiệm huyền nhiệm, hay một kết luận nghiên cứu về chiều kích tôn giáo của con người. Không, sự chắc chắn của ta là một con người có tên là Giêsu Nadarét”.

Nói về cuộc gặp gỡ, Đức HY thổ lộ rằng “đối với tôi… ta phải có khả năng rờ mó được sự kiện này là ta có thể đến với Thiên Chúa qua các thực tại trần gian cũng như các sản phẩm của trí hiểu, văn hóa, kỹ thuật và khoa học của con người”. Theo ngài, “điều đặc thù đối với người giáo dân là phải xác định rõ các nhiệm vụ của họ, đem tới cho các hoạt động thế trần của họ một ý nghĩa tôn giáo… Có thể nói rằng nhiệm vụ của một Kitô hữu đứng trước các cam kết trần gian là thánh hiến chúng”

Chính trị và luân lý

Frattini nói về các liên hệ quốc tế, nhất là vai trò của nước Ý. Theo ông, “Tại Địa Trung Hải, Ý phải khai triển được một vai trò chính trị, nhưng trước hết phải là vai trò luân lý. Trong quá khứ, ta vẫn nghĩ rằng ở Trung Đông, quyền lợi chiến lược của ta là yểm trợ sự ổn định của các chính phủ về phương diện liên quan đến các cột trụ của lịch sử ta, tức nền dân chủ, bình đẳng và thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, điều ấy đã thất bại vì sự ổn định của các chế độ độc tài hết sức mỏng manh. Các chính phủ ấy, bề ngoài xem ra rất ổn định, đã sụp đổ chỉ trong vòng một tuần lễ. Sự kiện ấy đã xẩy ra ở Tunisia và Ai Cập và đang xẩy ra ở Syria. Nó chưa xẩy ra tại Lybia vì bản chất đẫm máu của chế độ Ghaddafi và số lượng tiền bạc khổng lồ của nó”.

Vị bộ trưởng này nói rằng “ta đang làm việc với các quốc gia trên trong giai đoạn chuyển tiếp qua dân chủ, nhưng ta sẽ cố tránh không để cho luồng gió dân chủ tích cực bị cuốn hút bởi những tên cực đoan đang sẵn sàng áp đặt một chủ nghĩa toàn trị mới”.

Có gì chắc chắn không?

Guarnieri bắt đầu bài trình bày bằng cách cho rằng “vào thời buổi không có chi chắc chắn này, chắc chắn quả là một từ ngữ đầy nghịch lý; đây là thời được đặc điểm hóa bởi một tình trạng thực sự không có gì chắc chắn cả trong mọi lãnh vực: chính trị, kinh tế, đời sống xã hội và thân phận con người”. Và các điều không chắc chắn lớn nhất chính là “sự không chắc chắn liên quan tới việc nhận thức về chính mình, một sự không chắc chắn có bản chất nhân học; và sự không chắc chắn về khả thể hiện hữu của chân lý, và tệ hơn cả là sự không chắc chắn về việc con người có thể vươn tới sự thật, nghĩa là không chắc chắn có con đường nào, có diễn trình nào dẫn con người tìm ra sự thật”.

Sự không chắc chắn đó thấy rất rõ nơi giới trẻ. Bà trưng con số thống kê cho thấy hàng triệu người trẻ “không học hành, không làm việc, và không tìm việc làm”. Nhưng, Guarnieri nói tiếp, cũng có những loại tin tức khác, như các bác sĩ liều mình chữa trị bệnh thổ tả cho người Haiti, hay các doanh nhân từ bỏ lợi tức để bảo vệ việc làm cho các công nhân của mình. Nói cách khác, theo bà, vẫn đang có những người “có lý tưởng sẵn sàng hy sinh bản thân, và họ biết đó là sự thật. Đó chính là sự chắc chắn mà tôi tin là cuộc gặp gỡ năm nay nhất thiết sẽ bàn tới”.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giao lưu '' Tiếng Hát Thánh Ca: Ca Vang Tình Chúa '' tại GP Đà Nẵng (1,2,3)
Paul Maria
19:45 24/06/2011
Được sự đồng ý và khích lệ của Đức Giám Mục Giáo phận Đà Nẵng, theo nguyện vọng của Anh Chị Em Ca viên các Ca đoàn thông qua các Ca Trưởng trong " Ngày Hội Ca Trưởng Lần Thứ V - 2011 ", và để tạo điều kiện giao lưu, học hỏi giữa các Ca viên, Ca đoàn, Ban Thánh Nhạc Giáo phận Đà Nẵng, dưới sự điều hành của Cha Trưởng Ban FA Lưu Văn Hoàng, sẽ tổ chức " Ngày Ca Đoàn Lần Thứ I Năm 2011 " dành cho tất cả anh chị em Ca viên thuộc các Ca đoàn của 46 Giáo xứ và Giáo họ trên toàn Giáo phận, dự kiến vào ngày 18 & 19/7/2011 sắp đến.

Xem hình ảnh

Lồng trong " Ngày Ca Đoàn Lần I Năm 2011 " sẽ diễn ra Chương trình " Đêm Hoan Ca " gồm các tiết mục Ca Múa Nhạc của các Ca đoàn, và đặc biệt là buổi Chung kết " Tiếng Hát Thánh Ca Lần I: Ca Vang Tình Chúa " của 12 Thí sinh đã vượt qua vòng loại tại các Giáo Hạt Đà Nẵng & Hội An (05 thí sinh), Giáo Hạt Hòa Vang (03 thí sinh) và Giáo Hạt Tam Kỳ & Trà Kiệu (04 thí sinh).

Mở màn cho Vòng Loại là hai Giáo Hạt Đà Nẵng và Hội An được tổ chức tại Giáo xứ Thanh Đức vào các đêm 19 & 20/6/2011.

30 Anh Chị Em được các Ca đoàn tuyển chọn và giới thiệu tham gia Vòng loại của Hạt.

Sau 2 đêm thi diễn sinh động và hấp dẫn... dưới sự hiện diện đầy ưu ái của Cha Tổng Đại diện Giáo phận FX. Đặng Đình Canh, Cha Quản xứ Thanh Đức FX. Nguyễn Văn Thịnh, Cha Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo phận FA Lưu Văn Hoàng và rất đông bà con Thanh Đức, Ban Giám Khảo đã chấm điểm công khai chọn 05 Thí sinh đạt số điểm cao nhất vào Đêm chung kết. Đó là các anh/chị: Maria Nguyễn Mai Thy (Hội An), FX Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Điện), Anna Nguyễn Thị Kim Cúc (Nội Hà), Philipphe Nguyễn Thiện Khanh (An Hải) và Anna Nguyễn Thị Thanh Nga ( Nội Hà).

Nói như Cha Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo phận, nếu gọi hai đêm Vòng loại đầu tiên diễn ra tại Thanh Đức là " Một bữa tiệc ", thì các Thí sinh đã phục vụ cho mọi người hiện diện những món ăn " cao lương mỹ vị, thật xứng đáng với mỹ từ " Ca Sĩ Vĩnh Hằng " mà tác giả cuốn sách cùng tên đã mạnh dạn đặt cho.

Đối với Giáo xứ Thanh Đức, nằm trong Chương trình Thể Thao - Văn Nghệ - Ẩm Thực... mừng Lễ Thánh Phêrô & Phaolô: Quan Thầy Giáo xứ sắp tới, hai đêm Vòng Loại vừa qua đã làm tăng thêm niềm vui " Thánh thiện " và là đoản nhạc chính của bản trường ca hân hoan và vui sướng chào mừng Ngày Đại Lễ Quan Thầy của mình.

Cảm tạ Ơn Chúa,
Cám ơn Ban Thánh Nhạc Giáo phận,
Tri ân mọi con người đã có những " Tấm lòng ".


Kính chúc " Ngày Ca Đoàn Giáo Phận Đà Nẵng Lần Thứ I " và Chương trình " Giao Lưu Tiếng Hát Thánh Ca Lần I: Ca Vang Tình Chúa " được đẹp lòng Chúa và sinh ích lợi cho tất cả mọi người.

" Hồng ân Thiên Chúa bao la,
Muôn đời con sẽ ngợi ca Danh Người "


Giao lưu " Tiếng Hát Thánh Ca: Ca Vang Tình Chúa " tại Giáo phận Đà Nẵng ( 2 )

Xem hình ảnh

Sau 02 đêm tại Thanh Đức, nơi mà hai Giáo Hạt Đà Nẵng và Hội An mở màn cho Vòng Loại cuộc thi " Tiếng Hát Thánh Ca Lần I: Ca Vang Tình Chúa ", thì hôm nay, 21/6/2011 tại Giáo xứ An Ngãi, lại tiếp tục diễn ra đêm Vòng Loại các giọng ca thuộc Giáo Hạt Hòa Vang Gp Đà Nẵng.

Giáo xứ An Ngãi vốn nổi tiếng với quang cảnh Núi Sọ, nơi mà hằng năm, Giáo phận luôn tổ chức Ngắm Đàng Thánh Giá trọng thể và cử hành Thánh Lễ Thứ Tư Lễ Tro mở đầu Mùa Chay do Đức Giám Mục Giáo phận chủ tế cùng với Linh Mục Đoàn.

Đêm nay, không khí thật an lành và mát mẻ, không như thời tiết nóng bức tại thành phố Đà Nẵng.

Về dự Đêm Vòng Loại thứ hai dành cho các Ca đoàn thuộc Giáo Hạt Hòa Vang có 18 thí sinh. Vì thế Ban Tổ chức quyết định chia thành 2 đêm: 21 & 22/6/2011.

An Ngãi, một Giáo xứ có bề dày truyền thống đạo đức, với danh số Giáo dân gần 5.000 người, thật là nơi lý tưởng để tổ chức các sự kiện như cuộc thi Thánh Ca hôm nay. Bởi thế, số lượng " cổ động viên " có mặt rất đông và ủng hộ cũng rất nhiệt tình.

Hai đêm Vòng Loại tại An Ngãi hân hạnh được đón tiếp Cha Hạt Trưởng Hạt Hòa Vang Gioakim Trần Kim Thượng, Cha Quản xứ An Ngãi Giuse Nguyễn Văn Thú, Cha Quản xứ Hội Yên Phêrô Trần Công Thạnh, Cha Phó Hòa Khánh Phaolô Phạm Thanh Thảo, Cha Phó An Ngãi Anrê Phạm Quang. Và như thường lệ, nhân vật không thể thiếu là Cha Trưởng Ban Thánh Nhạc FA Lưu Văn Hoàng cùng Ban Giám Khảo cuộc thi.

Khi nhiệt tình, khi sâu lắng, khi vang cao và rất tâm tình..., đó là cảm nhận của mọi người tham dự dành cho các thí sinh trình bày các Ca khúc Thánh Ca của hai đêm qua.

Kết quả 03 thí sinh được vào Đêm Chung Kết sắp đến là anh/ chị Anê Lưu Thị Ngọc Quỳnh đến từ Gx Hòa Khánh, Goakim Trần Ngọc Hùng đến từ Ca đoàn An Ngãi, và Têrêxa Huỳnh Thị Tô Châu đến từ Gx Cẩm Lệ.

Xin tạ ơn Chúa trước hết và trên hết. Xin tri ân sự đón tiếp nồng hậu và cách tổ chức thật nhiệt tình, chu đáo của Cha Quản xứ, cha Phó và các Ban Ngành Đoàn Thể thuộc Giáo xứ An Ngãi.

Cám ơn " lực lượng đông đảo " bà con Giáo dân đã đến động viên, cổ vũ thật khách quan và hết mình để hai đêm Vòng Loại tại Hạt Hòa Vang thành công ngoài mong đợi.

Và đặc biệt, xin cám ơn các Thí Sinh đã quảng đại bỏ nhiều thời gian để tập dượt và dự thi với tất cả tâm hồn của mình.

Hẹn gặp lại trong đêm Vòng Loại tiếp theo tại Giáo xứ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, nơi mà các giọng ca vốn nổi tiếng của hai Giáo Hạt Tam Kỳ và Trà Kiệu " trổ tài " phục vụ cho bà con Trà Kiệu và các vùng lân cận.

" Hát là cầu nguyện hai lần ".

Giao lưu " Tiếng Hát Thánh Ca: Ca Vang Tình Chúa " tại Giáo phận Đà Nẵng (3)

Vậy là đêm Vòng Loại cuối cùng của Chương Trình " Giao lưu: Tiếng Hát Thánh Ca: Ca Vang Tình Chúa " dành cho hai Giáo Hạt Tam Kỳ và Trà Kiệu được tiến hành tại Giáo xứ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu vào tối 23/6/2011 đã tới.

Xem hình ảnh

Khi chúng tôi đến Nhà xứ Trà Kiệu thì Cha Hạt trưởng đang dâng Thánh lễ trọng mừng Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả.

Đập vào mắt chúng tôi là sân khấu nho nhỏ đặt ngay cửa chính Nhà thờ " hầm ", nằm gọn gàng giữa hai cầu thang bậc cấp uốn tròn được trang điểm bằng cặp Song Long đang trườn xuống từ Nhà thờ " lầu ". Tiền sảnh Nhà thờ vốn rất đẹp được chọn làm hậu cảnh của sân khấu, nơi các thí sinh sẽ bước lên trình diễn những bài Thánh Ca của đêm Vòng loại cuối cùng nầy.

Về trên Đất Thánh của Mẹ, bao giờ cũng thế, tâm hồn mọi người con đều lâng lâng cảm giác thân thương, gần gủi và an bình khác thường.

Đêm nay,12 anh chị đến từ các Giáo xứ thuộc Hạt Tam Kỳ và Hạt Trà Kiệu sẽ thi diễn để Ban Giám Khảo lựa ra 03 người có số điểm cao nhất, cùng với 8 anh chị đã vượt qua Vòng Loại trước đó từ các Giáo Hạt Đà Nẵng, Hội An, Hòa Vang, tham dự Đêm Chung Kết vào tối 18/7/2011 sắp đến.

Đoàn Thí sinh của Trà Kiệu, là " Sân nhà ", nên có mặt sớm nhất.

Nhưng phải nói Đoàn Thí sinh của Giáo xứ Hoằng Phước, một vùng đất rất nghèo và xa xôi của Giáo phận Đà Nẵng, có mặt sớm thứ hai, làm chúng tôi vừa cảm phục, vừa xúc động, lại làm cho Anh Em Ban Thánh Nhạc Giáo phận lên tinh thần và kỳ vọng đây là đêm Vòng Loại nữa sẽ thành công như mong đợi.

Đoàn Thí sinh từ Giáo xứ Hoằng Phước được chính Cha Quản xứ Antôn Nguyễn Tri Pháp dẫn đầu gồm 11 thành viên, nhưng chỉ có 02 thí sinh thi diễn. Cả Cha và con chở nhau bằng xe máy, vượt quảng đường gân 60 cây số để đến Trà Kiệu dự thi.

Đêm Vòng Loại cuối cùng này được vui mừng chào đón Cha Hạt Trưởng Hạt Trà Kiệu Phaolô Đoàn Quang Dân, Cha Quản xứ Hoằng Phước Antôn Nguyễn Tri Pháp, Cha Quản xứ Xuân Thạnh ( Bà Rén ) JB Hồ Thái Sơn và Cha Phó Trà Kiệu Simon Nguyễn Can Trường, cùng Cha Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo phận và Ban Giám Khảo.

Rất đông bà con Giáo dân đã đến chia sẻ và cổ vũ cho các thí sinh.

Ngồi dưới táng của các cây me già cao lớn, từng đợt gió thật mát thổi qua, ai nấy phấn khởi và vỗ tay tán thưởng thật lớn và dài. Đúng là một ngày hội Thánh Ca thật sự.

Giọng ca nữ, chị Anna Phạm Thị Ái Châu của Ca đoàn Trà Kiệu, trong nhạc phẩm Thánh Ca Vào Đời " Làm Dấu " ( Làm Dấu Thánh Giá. NV ), đã đưa cả một rừng người nghe bên dưới đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác bới chất giọng, sự diễn đạt và xử lý âm tiết cách ngọt ngào và đầy cảm xúc của chị. Tiết mục " rất có hồn " này phải còn in đậm khá lâu trong lòng mọi người hiện diện trong đêm nay.

Sau khi 12 Thí sinh trình bày hết 24 bài Thánh Ca ( mỗi thí sinh 02 bài ), Ban Giám Khảo phải rất vất vả để chỉ được lựa 03 người có số điểm cao nhất, bởi có khá nhiều giọng hát thật hay và thật tâm tình, gây nhiều cảm xúc cho người nghe.

Đó là chị Anna Phạm Thị Ái Châu ( Trà Kiệu ), chị Maria Trần Thị Lệ Thu ( Tam Kỳ ) và anh Phêrô Lê Công Ánh ( Xuân Thạnh ).

Vòng Loại Chương Trình " Giao lưu Tiếng Hát Thánh Ca Lần I: Ca Vang Tình Chúa " đã khép lại với biết bao niềm vui, sự nhiệt thành và lòng quảng đại của nhiều người, từ Đức Cha Giáo phận, Cha Trưởng Ban Thánh Nhạc, Quý Cha Hạt Trưởng, Quý Cha quản xứ - Phó xứ... đến mọi bà con Giáo dân của các Giáo xứ đăng cai.

Tất cả là Hồng Ân.
Đội ơn Trời, Tạ ơn người.

Hẹn gặp lại trong Đêm Hoan Ca - Chung Kết " Tiếng Hát Thánh Ca: Ca Vang Tình Chúa " vào " Ngày Ca Đoàn Lần Thứ I năm 2011 Giáo phận Đà Nẵng " sắp đến.
 
Phỏng vấn sau thánh lễ tấn phong Giám Mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Long
Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng
09:59 24/06/2011
 
Người Lào “Dĩ Hòa Vi Quý”
LM Raphael Trần Xuân Nhàn
19:55 24/06/2011
Viêngchăn- 23/06/2011 Cảm ơn lời cầu nguyện và sự quan tâm của những trái tim đang hướng đến cánh đồng truyền giáo trên đất nước Lào, qua những chút giao động mặt hồ trở lại phẳng lặng, một chút khó khăn thử thách các nhà truyền giáo trên đất nước Vạn Tượng. Khó khăn nào rồi nó cũng qua đi và trả lại bình an cho mọi sinh hoạt xã hội cũng như tôn giáo, khi mọi người biết tìm sự cảm thông và chân lý.

Xem hình ảnh

Nhiều lần tôi đã nói về nước Lào là một đất nước hiền hòa và quyến rũ bởi bầu không khí êm ả bí ẩn của nó, bởi tập quán hiền lành, con người vui vẻ, ân cần và hiếu khách nhưng không hiếu động, không ác cảm, không thù oán. Điều phải học là con người Lào biết chân thành đối thoại. Nước Lào có rất nhiều chùa, các tôn giáo và sự hiện diện của nhà tu hành không thể thiếu, mà còn được tôn trọng. Chỉ riêng thủ đô Vientiane, dân số hơn 550.000 người đã có tới 500 ngôi chùa lớn nhỏ. Chùa ở Lào góp phần quan trọng trong việc giáo dục thuần phong, mỹ tục, nhân bản, đạo lý. Cố Chủ tịch nước Lào Cayxon Phonnevihan cũng đã từng có thời gian đi tu. Không như một số nước, tận dụng chùa để kinh doanh du lịch, chùa ở Lào vào cửa tự do. Chùa thể hiện sự nghiêm túc, linh thiêng, mà mọi người phải tự tôn trọng, là biểu trưng của hòa bình, độ lượng. Mọi xung đột, tranh chấp chỉ có thể diễn ra bên ngoài cổng chùa.

Các tôn giáo tô điểm cho đất nước Lào thêm sự thâm sâu và huyền bí của nó, đạo lý, thuần phong mỹ tục ở Lào gắn với việc gìn giữ vào bảo tồn văn hóa dân tộc. Cúng ta có thể sống ở Lao một vài tháng nhưng không bao giờ tôi nghe được ở nơi công cộng một bài hát tiếng nước ngoài. Ngay trong quán bar dành cho khách du lịch, điệu nhảy chachacha, disco cũng chỉ có nhịp phách, còn âm giai và lời ca thì vẫn là nhạc Lào, tiếng Lào. Song, người Lào cũng ít khi nhảy điệu múa... ngoại. Họ đã có điệu múa truyền thống của họ - Lâm vông. Lâm vông, có thể được coi là... quốc vũ. Buôn làng cũng có một sân nhảy, nơi tụ họp các buổi lễ hội làng, cũng như nơi gặp nhau của các đôi trai gái. Các cuộc sinh hoạt tập thể điệu múa chính là Lâm vông. Ai cũng biết Lâm vông đậm tính cộng đồng lại ăn sâu vào trong máu huyết của một dân tộc, nó nhẹ nhàng và thân thiện đến vậy. Nhịp chân đơn giản, khi múa, tay con trai, con gái không chạm nhau, chỉ theo tiếng nhạc dìu dặt, nhún nhảy nhè nhẹ mà sao bay bổng, thăng hoa, làm say đắm lòng người.

Đoàn chúng tôi đã rời thủ đô Viênchăn đi khoảng 250 km phía Bắc, đến cố đô Luang Prabang. Nằm ở nơi hợp lưu những con sông nhỏ với sông Mê Kông, bao quanh bởi những đồi cây, Luang Prabang vốn là thủ đô của Lan Xang, vương quốc đầu tiên của Lào (1350 - 1545). Là trung tâm truyền thống quan trọng của nghệ thuật và tôn giáo, Luang Prabang có đến 30 ngôi chùa chạm khắc rất đẹp. Luang Prabang có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp và thơ mộng, có những cây cổ thụ già hăng 500 tuổi. Nhìn xuống giòng sông có những chiếc thuyền đưa khách đến hành hương Pak Ou có những hang động đá vôi nằm trên sông, chứa đầy Phật tích.

Một địa chỉ không kém hấp dẫn là Cánh Đồng Chum ở Xiêng Khoảng, một tỉnh ở Đông - Nam Luang Prabang, một vùng bị oanh tạc nặng nề trong chiến tranh. Trên cánh đồng rộng còn đầy hố bom đó, rải rác khá nhiều những cái chum đá lớn mà nguồn gốc còn là điều bí ẩn từ nhiều ngàn năm nay. Các chum đá ấy có thể là những cái quách hoặc thùng chứa rượu, chứa thóc của người xưa. Nay nó là đối tượng thu hút khách du lịch lớn nhất trong vùng. Cũng thu hút khách du lịch không kém là những làng dân tộc thiểu số phía Đông hay Đông - Bắc, về phía Sầm Nưa.

Hiện nay Lào đang ở vào bước ngoặt trong quá trình phát triển, là một thời kỳ mang tính thách thức. Sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp và thương mại đã mang lại nhiều thu nhập ngân sách hơn cho Chính phủ Lào, song phương thức sống nghèo nàn ở nông thôn Lào vẫn chưa có thay đổi gì trong những thập niên qua.

Nước Lào còn nghèo, người Lào hiền lành, thật thà; làng mạc thưa thớt, đất rộng, màu mỡ; đô thị thanh bình, yên ả. Đường phố đô thị ở Lào sạch sẽ, không có chuyện lấn chiếm, buôn bán trên vỉa hè. Vào chợ không sợ bị lường gạt, trộm cắp, hoặc trả giá tự do không mua thì thôi không bị mắng vốn. Sống ở Lào sẽ không bao giờ nghe tiếng chửi tục, chưa ai nghe thấy tiếng rú của động cơ xe máy. Người Lào đi đứng khoan thai, không phóng nhanh vượt ẩu. Lưu thông ở các giao lộ họ biết tôn trọng nhừng cho đường ưu tiên. Rất ít công an giao thông, vì rất ít khi xảy ra tai nạn vì người Lào chấp hành luật giao thông rất nghiêm túc.

Riêng với lĩnh vực rất khó vận động là dùng hàng nội địa thì dân Lào để lại cho chúng ta một bài học thú vị. Mọi sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày, họ đều ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước. Bia Lào bán đắt hơn bia ngoại, họ vẫn uống bia Lào. Ngay đến cái túi ni-lông đựng hàng của Việt Nam, tốt hơn, đẹp hơn, rẻ hơn thì người Lào cũng vẫn dùng túi ni-lông sản xuất ở Lào. Chính vì thế mà người ta bảo: Đến Lào học được ba điều, đó là:

1. Thực hành an toàn giao thông,
2. Tôn trọng và ý thức gìn giữ nền văn hóa dân tộc.
3. Dùng hàng nội địa.

Người Lào rất chân thành dễ đón nhận chân lý, ngay cả khi găp những thử thách họ cũng chịu đựng nhau và chọn con đường “dĩ hòa vi quý” là tốt hơn hết.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phỏng vấn GM Nguyễn Thái Hợp về Biển Đông dậy sóng
Trần Hiếu
16:42 24/06/2011
Biển Đông Dậy Sóng—“Viên Đạn Cần Bắn Là Sự Đoàn Kết Dân Tộc”

LTS. Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P., Giám Mục Giáo Phận Vinh, Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Chủ Nhiệm Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, trong dịp viếng thăm tín hữu và thân hữu tại Hoa Kỳ vào mùa Hè 2011, đã trả lời một số câu hỏi liên quan tranh chấp Biển Đông, một vấn đề thời sự nóng bỏng đối với người Việt trong cũng như ngoài nước. Mời bạn đọc theo dõi bài phỏng vấn do bạn Trần Hiếu thực hiện.

Trần Hiếu: Thưa Đức cha, với cương vị là chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình và hiện là Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức cha đã từng tổ chức các cuộc tọa đàm về nhiều vấn đề. Hiện vấn đề Biển Đông có nguy cơ đối đầu quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc, xin Đức cha cho biết nhận định về tình hình Biển Đông như thế nào?

ĐC Nguyễn Thái Hợp: Biển Đông xưa nay vẫn nổi sóng, nhưng mà chưa bao giờ nổi sóng một cách ghê sợ và đầy nguy cơ như trong thời gian qua. Một lần nữa dân tộc chúng ta đang đối đầu với ý đồ xâm lăng rất rõ rệt và trắng trợn của Trung Quốc. Chúng ta đang ở trong một giai đoạn lịch sử rất nguy hiểm cho tiền đồ tổ quốc nếu chúng ta không biết ứng xử và không vận dụng được sức dân cũng như sức mạnh của quốc tế nhằm giải quyết vấn đề. Càng ngày ý đồ của TQ càng rõ, thành thử đây không phải là thời điểm để cứ lặp đi lặp lại mười sáu chữ vàng trong tương quan giữa TQ với Việt Nam như xưa nay người ta vẫn làm. Và cũng không thể chỉ dừng lại ở đối thoại song phương với TQ.

Hỏi: Đức cha thấy phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam trước hiểm hoạ xâm lăng của TQ đã đúng mức chưa? Nhà nước VN cần phải làm gì hơn để đối phó tình trạng nầy nhằm bảo vệ lãnh thổ của cha ông?

ĐC Nguyễn Thái Hợp: Nhìn lại lịch sử VN thì ta thấy xưa nay tổ tiên khi đối đầu với TQ thì dùng cả cương lẫn nhu, như những trận đánh lớn thời Lý Thường Kiệt, hay thời Quang Trung, sau khi mình thắng mình phải dùng chính trị hoà giải. Dĩ nhiên mỗi chính quyền có sách lược riêng. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, đối diện với những gì nhà nước thực hiện cho đến hôm nay thì chúng ta phải đau lòng mà nói rằng chưa đúng mức. Điều quan trọng lúc nầy là để đối đầu trên Biển Đông với TQ hùng cường và ranh mãnh thì đối thoại song phương không đủ mà cần phải quốc tế hoá vấn đề, cần phải liên kết với các nước khác, không tại Đông Nam Á (ASIAN) mà cả các nước khác trên thế giới, đặc biệt các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, và Nga nữa. Thế giới cần thấy rõ hơn TQ đang muốn gì và TQ sẽ trở thành như thế nào. Phải chăng đó là một nước phát triển nhưng đồng thời cũng là hiểm họa cho tương lai chăng?

Hỏi: Gần đây VN tập trận bắn đạn thật, TQ cũng phô trương sức mạnh quân sự, nhưng trước sự việc VN tập trận họ cho rằng đó là hành vi khiêu khích. Đức cha có nghĩ rằng với một cuộc tranh chấp quân sự, hậu qủa đối với VN sẽ như thế nào?

ĐC Nguyễn Thái Hợp:Việc tranh chấp quân sự giữa VN và TQ hôm nay là một mối lo. Có người cũng nghĩ rằng TQ đang mong VN bắn phát súng đầu tiên để rồi nhân cơ hội đó, đánh chiếm cả vùng Biển Đông. VN tập trận với bắn đạn thật là một cách để phô trương lực lượng. Nhưng tôi nghĩ viên đạn mà chúng ta cần bắn lúc nầy là sự đoàn kết dân tộc. Có lẽ đây là một thời cơ quan trọng để tất cả những người Việt chúng ta, ở trong cũng như ngoài nước, bất phân biệt chính kiến ý thức hệ, đặc biệt nhà cầm quyền, những người có trách nhiệm với tiền đồ dân tộc, cần đoàn kết để giúp dân tộc đối đầu với một người láng giềng xưa nay vẫn âm mưu xâm chiếm đất nước chúng ta. Tôi nghĩ rằng bắn những viên đạn thật để giương oai thì mình làm sao bằng những viên đạn của TQ. Nhưng chúng ta có những viên đạn chính nghĩa khác, đó là những sự kiện lịch sử, là ảnh hưởng quốc tế, là những nước bên cạnh chúng ta, cũng đang đứng trước cái hiểm hoạ xâm lăng của TQ. Ngoài những nước thuộc khối ASIAN ra, các nước như Nhật, Đại Hàn, Mỹ… cũng cảm thấy mình bị liên lụy trước nguy cơ Biển Đông biến thành một cái ao nhà của TQ.

Hỏi: Nói đến vấn đề liên kết giữa những người Việt trong cũng như ngoài nước trước hiểm hoạ nầy, Đức cha nghĩ chúng ta phải làm gì?

ĐC Nguyễn Thái Hợp: Tôi nghĩ người trong cũng như ngoài nước cần phải làm nhiều hơn nữa. Tôi cũng thấy ngạc nhiên là tại sao TQ họ xử dụng xã hội dân sự và cổ võ rộng rãi quan điểm của xã hội dân sự để phê phán quan điểm của VN. Mỗi lần VN khiếu nại các vi phạm lãnh hải, thì họ nói đó là các phản ứng của dân chúng, trong khi đó khi người dân Việt mình muốn bày tỏ quan điểm, một cách ôn hoà thôi, thì dường như nhà nước nửa muốn nửa không. Có lẽ nhà nước lo một cái gì khác ngoài cái lo hiểm hoạ TQ chăng?

Đối với đồng bào của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới, tôi nghĩ rằng, đây là lúc chúng ta cần dịch các tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi trên Internet. Cũng có thể có những cuộc biểu tình trước Sứ Quán TQ tại hải ngoại để nói cho họ biết quan điểm của chúng ta và nhân dân chúng ta sẽ làm và phản ứng ra sao trước cái mưu đồ và kế hoạch xâm lược của TQ.

Khi chúng tôi đã tổ chức cuộc hội thảo chuyên đề về Biển Đông, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và cản trở. Hôm nay người ta thấy cuộc hội thảo đó là hữu ích nhưng vẫn chưa đủ. Chính vì vậy chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc tọa đàm nữa về vấn đề chủ quyền VN trên Biển Đông.

Hỏi: Vào lúc nào, thưa Đức cha? Và để nhắm mục đích gì?

ĐC Nguyễn Thái Hợp:Có thể vào tháng 9. Nhằm để đọc lại lịch sử của TQ. TQ đề cập đến Trường Sa và Hoàng Sa lúc nào? Cổ sử cũng như lịch sử hiện đại của TQ nói đến vấn đề này như thế nào? Nói một cách tóm tắt thì từ năm 1905 TQ mới bắt đầu nói đến (Biển Nam Hải) Trường Sa và Hoàng Sa. Trong khi đó, ngay từ thời Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn chúng ta có nhiều tài liệu lịch sử về các đảo này và cả những đội binh. Ngay cả thời thực dân Pháp họ cũng bảo vệ biển của chúng ta và coi VN có chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ của Taberd gọi Hoàng Sa là đảo Cát Vàng, một danh xưng thuần Nôm. Một thành viên trong Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình chúng tôi còn giữ rất nhiều tài liệu, bản đồ của VN, bản đồ các nhà truyền giáo và bản đồ quốc tế nói về chủ quyền của chúng ta trên Hoàng Sa và Trường Sa.

Hỏi: Về vấn đề đa phương, Đức cha có nghĩ rằng thực sự HK dám dính vào vấn đề một cách sâu rộng không? Vì lợi ích của họ đối với TQ qúa to lớn!

ĐC Nguyễn Thái Hợp:Lịch sử cho chúng ta thấy HK cũng như tất cả các nước đều hành động theo các lợi ích riêng của họ. Những chuyện xảy ra thời Đệ Nhất Cộng Hoà, Đệ Nhị Cộng Hoà cũng như ở Hàn Quốc thời Lý Thừa Vãn, hay Massasay ở Phi luật Tân… đều cho thấy rõ. Tôi không lạc quan nghĩ rằng HK can thiệp một cách quảng đại vì lợi ích của người khác. Tôi vẫn dè đặt trước những đề nghị về sự can thiệp của Hoa Kỳ. Nhưng tôi thiết nghĩ trong cái thế liên hoàn, nếu TQ thực hiện chủ trương cái đường Lưỡi Bò hay còn gọi là đường Chín Khúc, và biến Biển Đông thành ao nhà của mình thì không những VN, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, Indo, Thái Lan và các nước ở Đông Nam Á mà cả Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đại Hàn… cũng đều bị ảnh hưởng vì khi đi qua đó là như đi vào lãnh thổ của TQ. Riêng đối với VN khi ra khỏi ngưỡng cửa của mình là đã như đi vào lãnh thổ của người khác và như vậy chuyện đánh cá, làm ăn cho các thế hệ tương lai sẽ khó khăn. Trong bối cảnh đó, cần có sự can thiệp của HK và các nước khác. Tôi không nghĩ rằng nó sẽ dẫn tới một cuộc thế chiến mà cũng không mong như vậy. Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hoà bình, nhưng chúng ta phải dùng tất cả sức mạnh chính trị, kinh tế cũng như ngoại giao để ngăn chặn cái ý đồ xâm lăng đó. Để được như vậy, việc động viên sức lực của các nước trong khu vực, đặc biệt là của các nước lớn, là điều cần thiết.

Hỏi: Đức cha có điều gì để nói thêm?

ĐC Nguyễn Thái Hợp:Chúng tôi trong nước đã cố gắng làm và tiếp tục làm qua liên kết, hội thảo, xuống đường, nhưng chúng tôi có quá nhiều giới hạn để bày tỏ quan điểm của mình. Nhưng qúi vị ở hải ngoại, quý vị có nhiều tự do và nhiều khả năng để nói lên tiếng nói của dân tộc. Ở đây không những chỉ là vấn đề Biển Đông, mà còn liên hệ đến các vấn đề khác như biên giới, rừng VN. Tại sao lại cho thuê rừng, nhất là khi những người thuê rừng đó lại là TQ. Rồi mỏ quặng nữa. Nhiều đoàn xe Trung Quốc cứ nườm nượp chở quặng của VN về TQ, thì tài sản quốc gia còn gì nữa!

Vì vậy đây là lúc mà chúng ta nên nhìn lại cái tương quan của mình với người láng giềng phương Bắc và nhìn lại những gì họ nói và những gì họ làm. Họ nói một đàng làm một nẻo. TQ cứ nói đến cái công hàm của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng để coi như là VN đã nhường cái chủ quyền đó cho TQ vào cuối thập niên 1950 và cũng coi như nhà cầm quyền VN đã chấp nhận mấy đảo đó là của TQ. Thực ra, thì TQ, HK và các nước khác đều nhìn nhận hiệp định Geneva 1954 và với hiệp định nầy thì các đảo dưới vĩ tuyến 17 đều thuộc quyền chính phủ VNCH, chứ không phải là của Miền Bắc. Chính vì vậy mà quân đội VNCH đã anh dũng bảo vệ HS và TS cho đến gìờ phút cuối cùng vào năm 1974. Do đó công hàm của cựu thủ tướng Phạm Văn Đông nói ở trên không có giá trị pháp lý nào cả. Ngoài ra, yêu sách chủ quyền của TQ theo đường Lưỡi Bò hoàn toàn đi ngược lại Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Tôi tin rằng lúc nầy là một cơ hội tốt để xây dựng tình đoàn kết dân tộc. Ước mong rằng nhà nước sẽ không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này. Cũng ước mong rằng người dân Việt biết vận dụng sức mạnh quần chúng, ảnh hưởng ngoại giao và dư luận quốc tế trong thời toàn cầu hoá này như những vũ khí thích hợp hầu đưa dân tộc ra khỏi nguy cơ bị Bắc phương xâm lược.-
 
Thông Báo
Chúc Mừng Ngân Khánh Lm Giuse Nguyễn Văn Tuấn
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB
19:27 24/06/2011
CHÚC MỪNG NGÂN KHÁNH LINH MỤC
Lm Giuse Nguyễn Văn Tuấn
7/6/1986 – 25/6/2011


Cầu chúc cha nhiều hồng ân và may lành của Thiên Chúa và Mẹ Maria
Kính chúc cha thành công trong sứ vụ linh mục

Kính chúc và hiệp thông
Lm Joseph Nguyễn Thanh Liêm
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng
Lm Vincent Lê Thành Nhân
Và thân hữu từ Hoa Kỳ & Úc Châu
 
Tin Đáng Chú Ý
VN trục xuất bà Trần Khải Thanh Thủy sang Hoa Kỳ
BBC
09:27 24/06/2011
VN trục xuất bà Trần Khải Thanh Thủy sang Hoa Kỳ

Bà Trần Khải Thanh Thủy bị kết án ba năm rưỡi tù giam với tội danh hành hung người khác trong vụ va chạm giao thông hồi năm 2009.

Việt Nam vừa trả tự do cho cây bút bất đồng chính kiến, đồng thời là một nhà hoạt động dân chủ, bà Trần Khải Thanh Thủy.

Trong một tuyên bố ngắn gọn, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: "Trần Khải Thanh Thủy đã được thả và sang Mỹ định cư vì các lý do nhân đạo."

Bà Trần Khải Thanh Thủy ra khỏi tù hôm thứ Tư và được đưa lên máy bay sang Hoa Kỳ, một viên chức giấu tên từ Bộ Công An cho biết.

Được biết đây là lần đầu tiên kể từ nhiều năm qua việc thả người như vậy được thực hiện.

Việc hợp tác trong vấn đề nhân đạo vẫn là một vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương. Chúng tôi tiếp tục thúc giục chính phủ Việt Nam tôn trọng các quyền con người đã được quốc tế công nhận.

Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Beau Miller

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gây áp lực trong việc thả bà Thủy. Nay phát ngôn nhân Beau Miller của Bộ Ngoại giao hoan nghênh việc trả tự do cho bà.

Ông nói: "Việc hợp tác trong vấn đề nhân đạo vẫn là một vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương. Chúng tôi tiếp tục thúc giục chính phủ Việt Nam tôn trọng các quyền con người đã được quốc tế công nhận."

Được biết bà Thủy và con gái đã tới San Francisco.

Vinh danh

Bà Trần Khải Thanh Thủy, 50 tuổi, là một trong số ít các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam cổ súy cho hệ thống đa đảng, vốn không được chính quyền cộng sản chấp nhận.

Bà bị kết án hồi năm ngoái với tội danh tấn công hai người trong vụ cãi cọ vặt về va chạm giao thông ở bên ngoài nhà.

Phiên tòa phúc thẩm đã giữ nguyên mức án ba năm rưỡi tù giam, nhưng các nhóm nhân quyền quốc tế cáo buộc vụ va chạm là do các đối tượng du côn được cảnh sát chìm sử dụng để tấn công bà Thủy, qua đó kiếm cớ bỏ tù nhằm trừng phạt các hoạt động chính trị của bà.

Sau vụ bắt giữ hồi tháng Mười 2009, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội nói họ quan ngại về việc bà "bị đánh đập và bị bắt giữ" và Washington đã gây sức ép để Hà Nội trả tự do cho bà.

Tôi rất vui mừng khi được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã được đoàn tụ an toàn với người con gái của bà tại thành phố San Francisco.

Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez

Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez từ California ngày hôm qua ra thông cáo nói:

"Cùng với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tôi hân hoan chào đón Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy về với tự do.

"Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng sự giam giữ bất công của nhà tranh đấu dân chủ ôn hoà Trần Khải Thanh Thủy trong hai năm vừa qua không nên bao giờ xảy ra, khi bà phải đối đầu với những ngày tháng lao tù không có sự chăm sóc y tế cần thiết.

"Tôi rất vui mừng khi được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã được đoàn tụ an toàn với người con gái của bà tại thành phố San Francisco, California, nơi mà tiếng nói và niềm tin của bà sẽ được tôn trọng."

Hồi năm 2007, bà Thủy cũng từng bị bắt giữ vài tháng.

Bà bắt đầu có hoạt động bất đồng chính kiến kể từ năm 2006, khi bà tổ chức giúp đỡ các công nhân và nông dân bị mất đất.

Bà Thủy, từng làm việc nhiều năm trong hệ thống truyền thông nhà nước, sau đó đã viết bài cho một tờ báo mạng ủng hộ dân chủ, và duy trì một trang blog riêng.

Hồi năm ngoái, tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở tại New York, Human Rights Watch, đã vinh danh bà cùng năm cây bút Việt Nam khác bằng giải thưởng thường niên Hellman/Hammet vì sự dũng cảm trong việc dám đương đầu với sự đàn áp chính trị.

Tổ chức Ân xá Quốc tế, Amnesty International, nói rằng hàng chục nhà chỉ trích chính trị ôn hòa đã bị bỏ tù dài hạn kẻ từ khi Việt Nam tiến hành trấn áp tự do ngôn luận, cuối năm 2009.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thềm Vắng
Lê Trị
21:23 24/06/2011
THỀM VẮNG
Ảnh của Lê Trị
Bóng in thềm vắng lạnh lùng
Ta tìm nhau cõi mông lung vô thường
Trăm chiều vẫn một vấn vương
Trăm năm vẫn một bến tương mơ hồ.
(Trích thơ của Huỳnh Gia)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền