Ngày 23-06-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả 24/6/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
04:09 23/06/2018
BÀI ĐỌC I: Is 49, 1-6

“Đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi”. Và tôi thưa: “Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa, và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa”.

Và bây giờ Chúa là Đấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người và quy tụ Israel chung quanh Người, tôi được vinh hiển trước mặt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh tôi, Người đã phán: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta đã ban cho đến tận bờ cõi trái đất”.

ĐÁP CA: Tv 138, 1-3. 13-14ab. 14c-15

Đáp: Con ca ngợi Chúa, vì con được tạo thành cách lạ lùng (c. 14a).

1) Lạy Chúa, Chúa đã thử con và đã nhận biết con: Chúa nhận biết con khi con ngồi và khi con chỗi dậy. Từ lâu, Chúa đã hiểu biết các tư tưởng của con: Chúa thấu suốt đường lối của con rồi.

2) Tâm can con thuộc quyền sở hữu của Chúa; Chúa đã nhận lãnh con từ khi con còn trong lòng mẹ. Con ca ngợi Chúa vì con được tạo thành cách lạ lùng; các việc Chúa làm thật là kỳ diệu.

3) Chúa đã am tường linh hồn con; các xương con không giấu kín trước mặt Chúa, lúc con được tạo thành cách âm thầm, khi con được dệt trong lòng đất.

BÀI ĐỌC II: Cv 13, 22-26

“Gioan rao giảng việc Chúa Kitô sắp đến”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô nói: “Chúa đã đặt Đavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: Ta đã gặp được Đavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”. Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng mà Gioan đã báo trước, khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.

ALLELUIA: Lc 1, 76

Alleluia, alleluia! – Hỡi con trẻ, con sẽ được gọi là tiên tri của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước mặt Chúa để dọn đường cho Người. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 1, 57-66. 80

“Nó sẽ gọi tên là Gioan”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là

Gioan”. Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ.

Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”. Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Gương Mục Tử Nicaragua: các giám mục liều thân xuống đường để ngăn chặn cuộc tắm máu.
Trần Mạnh Trác
12:06 23/06/2018
Nicaragua (21/6/18): Nhận được tin khoảng 500 tay súng cuả quân đội và cảnh sát đã được điều động từ thủ đô Managua đến Masaya vào lúc 5g sáng và chuần bị cho một cuộc tấn công tàn sát mới tại thành phố ‘nổi loạn’ này, thì thay vì tiếp tục kế hoạch cầu nguyện cho hòa bình đã dự tính vào ngày 21 tháng Sáu tại thủ đô Managua, toàn thể các giám mục cuả tổng giáo phận Managua và 30 linh mục, cùng với đức khâm sứ toà thánh là tổng giám mục Waldemar Sommertag, đã cấp tốc đi Masaya để tìm cách ngăn chận cuộc tắm máu sắp xảy ra.

Trước năm 1979, Masaya, 150 ngàn dân, cách thủ đô 30 dặm về phiá Nam, từng là thành trì của cuộc cách mạng Sandinista do ông Ortega cầm đầu.

Là một du kích cánh tả, ông Ortega đã lãnh đạo đất nước từ năm 1979 cho đến năm 1990 và sau đó đã trở lại làm tổng thống từ năm 2007, ông hiện đang phục vụ nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của mình, với vợ là bà Rosario Murillo làm phó tổng thống.

Nhưng vào ngày 18 tháng 4, Nicaragua bắt đầu rơi vào một cuộc khủng hoảng tàn nhẫn nhất kể từ thập niên 80, bắt đầu bằng các cuộc biểu tình chống lại việc cải cách an sinh xã hội rồi trở thành tiếng kêu của dân chúng đòi hỏi sự thay đổi dân chủ. Các cuộc biểu tình đã bị cảnh sát đàn áp mạnh tay, nhưng vẫn lan truyền nhanh chóng và sự ủng hộ của Ortega và Murillo càng ngày càng suy yếu hơn. Cho đến nay, hơn 200 người đã bị sát hại trong các vụ đụng độ và ám sát, trong đó có một gia đình bị thiêu sống ở Managua.

Thành phố Masaya, một lần nữa đi tiên phong trong cuộc đối lập, vào đầu tuần này tuyên bố là một thành phố nổi dậy chống chế độ Ortega, và lập tức bị tấn công "không cân xứng" bởi các lực lượng cảnh sát và bán quân sự.

Các lực lượng ủng hộ chính phủ sử dụng súng AK47 và Dragunov để bắn tỉa cư dân dân sự của thị trấn, người đứng đầu Hiệp hội Nhân quyền Nicaragua, là Alvaro Leiva cho biết.

"Thật là đau đớn khi phải nhìn thấy anh em chúng tôi chết tất tưởi như thế, " một cư dân địa phương ở khu phố Monimbo nói với thông tấn xã AFP, Monimbo là một khu dân cư bị chọn làm mục tiêu chính của chiến dịch tấn công.

"Nếu chúng tôi có vũ khí thì cuộc diện đã khác, nhưng cuộc tranh đấu này là rất bất bình đẳng. Xin hãy giúp chúng tôi chống lại những kẻ giết người đang lùng giết chúng tôi," ông nói.

Một phóng viên AFP ở Monimbo báo cáo rằng người dân địa phương đã chống lại bằng bom săng tự chế và lực lượng chính phủ đã đốt cháy một số nhà.

Nhiều người đã chạy ra đường, khóc, quỳ xuống đất và vẫy cờ trắng.

Hơn 20 người đã thiệt mạng tại Masaya.

Các giám mục cuả Nicaragua, là cơ chế duy nhất còn được người dân Nicaragua tin tưởng, đã được giao nhiệm vụ vào tháng trước để làm trung gian cho cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa phe đối lập và chính phủ. Hội đồng giám mục Nicaragua đã triệu tập một cuộc đối thoại quốc gia. Vòng đàm phán mới nhất do các giám mục bảo trợ đã sụp đổ hôm thứ Hai. Các giám mục và phe đối lập cáo buộc chính phủ đã không thi hành thoả thuận là cho phép các tổ chức quốc tế đến điều tra bạo lực.

Vào thứ Năm vừa qua, các giám mục Nicaragua cho biết họ đi tới thành trì đối lập Masaya "để ngăn chặn một vụ thảm sát khác" sau khi nơi đó đã bị tấn công bởi các lực lượng trung thành với Tổng thống Daniel Ortega.

“Tôi muốn kêu gọi tới những người đến thành phố này để giết người, tôi muốn kêu gọi những tay súng bắn sẻ… Tôi muốn gọi điện cho Tổng thống Daniel Ortega và (Phó tổng thống và đệ nhất phu nhân) Rosario Murillo, là không nên có thêm một cái chết nào nữa ở Masaya, ” Đức Giám Mục phụ ta Silvio Baez Ortega nói với người dân địa phương bên ngoài nhà thờ St. Sebastian.

"Sự đau đớn ở Nicaragua là rất lớn", GM Baez nói. “Những người không vũ trang đang bị tàn sát. Thành phố đang nằm trong tay những tên cướp. ”

Khi các giám mục tiến vào Masaya, chuông nhà thờ của thành phố đã vang lên mà không dừng lại, không như các lần trước là để cảnh báo về sự xuất hiện của các đội ám sát cuả cảnh sát và quân đội, nhưng lần này là để loan báo một hy vọng. Việc xuất hiện cuả đức khâm sứ và các giám mục trên bãi chiến trường là một việc làm cực kỳ nguy hiểm, nhưng khi nhìn thấy các giám mục diễn hành trên đường, toàn bộ dân chúng đã uà ra khỏi nhà và gia nhập. Tất cả cùng nhau, tiến bước trong im lặng, khiến cảnh sát và quân đội đã phải rút lui ra khỏi thành phố một cách vội vã.

Các giám mục đã rước Thánh Thể qua các đường phố, đi qua các chướng ngại vật và những cảnh hoang tàn cuả những cuộc tấn công trong quá khứ.

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes Solorzano của Managua bước vào đồn cảnh sát và nói chuyện với Ủy viên Ramón Avellán, từng bị cáo buộc đã chỉ đạo các cuộc tấn công vào dân thường. Ngài đưa ra một danh sách các tù nhân mà ngài muốn được thả.

Sau hơn một giờ, Đức Hồng Y đã thông báo cho dân chúng: "Ủy viên Avellán đã cam kết ngăn chặn tất cả bạo lực, tôi nói với ông ta rằng nếu điều này không xảy ra, tôi sẽ gọi cho ông sau".

Còn đức cha Baez, Giám Mục Phụ Tá của Managua, thì nhắc nhở dân chúng rằng "có một điều răn của Thiên Chúa áp dụng cho tất cả mọi người: Bay chớ giết người".

Trong dịp này đức khâm sứ đã nói với mọi người: "Đức Thánh Cha đã được thông báo về những gì đang xảy ra ở Nicaragua". Sau đó, ngài kêu gọi dân chúng ở Masaya không sử dụng bạo lực, thúc giục mọi người tin vào Chúa như một phương tiện để vượt qua bạo lực.

Người dân địa phương đã tuá ra đường, nhiều người quì gối khi đám rước Thánh Thể đi qua.

Theo lời của tờ báo đối lập La Prensa, thì các giám mục “vừa ngăn chặn một vụ thảm sát khác”.
 
Tòa Thánh: Công nghệ kỹ thuật số mới đang được xử dụng để gây bạo lực đối với phụ nữ
Giuse Thẩm Nguyễn
14:51 23/06/2018
(Vatican News) Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovic, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã đưa vấn đề bạo lực đối với phụ nữ trong một cuộc họp của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 20 tháng Sáu.

Tòa Thánh đã đưa ra cảnh báo rằng những phương tiện truyền thông và công nghệ kỹ thuật số mới đang bị lợi dụng để gây bạo lực và ngược đãi đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

ĐTGM Ivan Jurkovic, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã phát biểu rằng “Bạo lực chống lại phụ nữ tiếp tục là một mối quan tâm lớn về nhân quyền trong thời đại của chúng ta.”

“Dù đã có những tiến bộ nhất định, bạo lực đối với phụ nữ và các trẻ gái, trong nhiều hình thức khác nhau và hoàn cảnh khác nhau, vẫn tiếp tục là một tai họa nghiêm trọng trong mọi tầng lớp của xã hội.”

Ngài nhấn mạnh rằng bạo lực thường gây ra những vết thương sâu xa và những hậu quả kéo dài gây xáo trộn sâu rộng trong cuộc đời của những cô gái trẻ, bà vợ, bà mẹ và công nhân.

Xử dụng sai trái công nghệ kỹ thuật số mới

ĐTGM Jurkovic bày tỏ cảnh báo rằng sự ngược đãi phụ nữ càng tăng thêm do việc lợi dụng các phương tiện hiện đại về truyền thông và những công nghệ kỹ thuật mới này vẫn bất lực trong việc bảo vệ chính đáng nhân phẩm phụ nữ cũng như sự riêng tư và quyền tự do bày tỏ của họ.

Ngài nói rằng đây là thời gian cao điểm thuận lợi để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt, qua việc xử dụng hàng ngày các mạng xã hội không được bảo vệ có hiệu quả và các ứng dụng trên mạng khác nhau.

Ngài phàn nàn rằng thay vì đưa ra những dụng cụ quan trọng nhằm xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử cũng như sự bất bình đẳng căn bản và bạo lực đối với phụ nữ, thì kỹ thuật số lại thực sự trở thành một công cụ để gây ra những hình thức mới của bạo lực và lạm dụng đối với phụ nữ.

Giáo dục để tôn trọng người khác

Quan sát viên của Tòa Thánh lưu ý rằng để đạt được sự tôn trọng đầy đủ phẩm giá của phụ nữ thì không chỉ đơn thuần là lên án bạo lực. Nhưng đòi hỏi nhiều nỗ lực mạnh mẽ và giáo dục để biết tôn trọng người khác, để nâng cao nhận thức, đặc biệt trong những thế hệ mới, về giá trị của một cuộc đối thoại đúng đắn, trong đó hiểu được đúng đắn về con người và về phẩm giá của họ là điều kiện tiên quyết dẫn đến cuộc trao đổi thực sư có hiệu quả giữa con người với nhau.


Source: Vatican News Holy See: New digital technology being used to perpetrate violence against women
 
Phi Luật Tân: Các Linh Muc được võ trang súng
Thanh Quảng sdb
18:15 23/06/2018
Phi Luật Tân: Các Linh Muc được võ trang súng

Theo Thông tấn xã Fides từ Manila cho hay đã có hơn 200 linh mục Công Giáo và mục sư của các giáo phái Tin Lành đã nộp đơn xin giấy phép võ trang súng cầm tay ở Phi. Theo lời Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Phi là ông Oscar Albayalde thì số liệu mới được công bố, (bắt đầu từ tháng 6 năm 2017), đã có 188 các linh mục Công Giáo và 58 các mục sư của các Giáo hội Kitô khác đã nộp đơn với Cảnh sát Quốc gia Phi để xin giấy phép được võ trang súng.
Ông Oscar Albayalde nói: “Chúng tôi có thể đáp ứng các yêu cầu này vì các thành viên của giáo sĩ và lãnh đạo các hội thánh được mang vũ khí khi đi mục vụ là những người có đủ điều kiện”.
Yêu cầu cấp giấy phép được võ trang súng trong giới các linh mục đã tăng nhanh sau những vụ sát hại các linh mục đã xảy ra trong mấy tháng qua. Ông Oscar Albayalde cho hay cảnh sát sẵn sàng hỗ trợ các linh mục muốn võ trang vũ khí, "chúng tôi sẵn sang hỗ trợ các bước bổ sung trong việc huấn luyện về võ trang và huấn luyện thiện xạ cho các vị lãnh đạo tôn giáo muốn sở hữu vũ khí". Theo luật sở hữu súng, các linh mục nằm trong số những người được võ trang giống như: các phóng viên báo chí, luật sư và bác sĩ y sĩ vậy.
Trong những ngày gần đây, các giám mục và các nhà lãnh đạo tôn giáo góp ý rằng các linh mục và các vị làm mục vụ không nên mang vũ khí để tự vệ (xem Fides 19/6/2018). Đức Giám Mục Jose Oliveros, của giáo phận Bulacan, nói rằng các linh mục nên là "người của hòa bình chứ không phải là kẻ gây chiến". Chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi là Tổng Giám mục Romulo Valles cũng phát biểu rằng dù các linh mục "luôn phải đối diện với nguy cơ tử vong trong việc thi hành chức vụ mục vụ", nhưng các ngài không nên mang vũ khí, mà hãy "sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống vì Chúa Kitô". (SD) (Agenzia Fides, 22/6/2018)
 
Tòa án Vatican xử cựu nhân viên ngoại giao tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington DC 5 năm tù
Đặng Tự Do
18:51 23/06/2018
Tòa án Vatican hôm thứ Bảy 23 tháng 6 đã kết án một cựu nhân viên ngoại giao Tòa Thánh, với bản án 5 năm tù vì “sở hữu và phân phối nội dung khiêu dâm trẻ em với tình tiết gia trọng về số lượng”. Đây là phiên tòa đầu tiên thuộc loại này trong quốc gia thành Vatican.

Đức Ông Carlo Alberto Capella, từng là một nhân viên ngoại giao tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington, Hoa Kỳ, thừa nhận đã xem những hình ảnh trong thời gian ông gọi là giai đoạn “yếu đuối” và khủng hoảng nội tâm.

Sau một phiên tòa kéo dài hai ngày, Chánh án Giuseppe Dalla Torre đã tuyên đọc bản án theo đó vị linh mục 50 tuổi này bị phạt năm năm tù và phải đóng số tiền phạt là 5,000 euro.

Sau khi tòa tuyên án, Carlo Alberto Capella bị đưa đi giam giữ tại doanh trại hiến binh Vatican, nơi ông bị giam giữ kể từ khi bị bắt vào ngày 7 tháng Tư vừa qua.

Công tố viên Vatican đã đề nghị mức án nặng hơn là 5 năm và 9 tháng tù giam và mức phạt tiền lên đến 10,000 euro, xét vì số lượng tài liệu khiêu dâm trẻ em được phân tán đi là quá lớn.

Phiên tòa của Capella là việc thực thi lần đầu tiên một luật của quốc gia thành Vatican được công bố vào năm 2013 theo đó tội sở hữu và phân phối các nội dung khiêu dâm trẻ em sẽ bị trừng phạt tới 5 năm tù và số tiền phạt lên đến 50,000 Euro.

Vị linh mục bị cáo nói rằng ông nhận ra rằng hành động dâm ô của mình là “không đúng”, và xin lỗi vì nỗi đau đã gây ra cho gia đình, giáo phận của ông và Tòa Thánh vì “sự yếu đuối” và “mỏng giòn” của mình.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sáng thứ Bẩy 7 tháng Tư, theo yêu cầu của viên Chưởng Lý (Promoter of Justice) Vatican, Thẩm phán điều tra của Tòa án quốc gia thành Vatican đã ra một lệnh bắt giữ Đức Ông Carlo Alberto Capella.

Việc bắt giữ xảy ra sau khi viên Chưởng Lý Vatican kết thúc cuộc điều tra về các cáo buộc chống lại Đức Ông Carlo Alberto Capella. Cuộc điều tra tại Vatican đã bắt đầu vào mùa thu năm 2017 sau khi cảnh sát Canada và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cáo buộc Đức Ông Capella tàng trữ và phân phối các phim ảnh khiêu dâm trẻ em được tải xuống trong khi ông ở thăm Canada. Vào thời điểm đó, bị can là một nhà ngoại giao trong Tòa Sứ Thần ở Washington, DC.

Capella được triệu hồi về Vatican vào tháng 9 năm 2017, sau khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo cho Tòa Thánh vào ngày 21 tháng 8 năm ngoái rằng đương sự có thể đã “vi phạm pháp luật Hoa Kỳ liên quan đến hình ảnh khiêu dâm trẻ em”

Kể từ khi được triệu hồi về Tòa Thánh, Capella đã cư trú trong thành Vatican. Tháng Chín năm ngoái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu Vatican bãi bỏ quyền đặc miễn ngoại giao của Capella để đương sự bị truy tố tại Hoa Kỳ. Tòa Thánh đã từ chối yêu cầu này. Vì thế, báo chí thế tục cho rằng Tòa Thánh có ý bao che tội lỗi của Capella. Tuy nhiên, viên Chưởng Lý Vatican đã yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp các thông tin liên quan và nhanh chóng mở cuộc điều tra. Với quyết định bắt giam Đức Ông Carlo Alberto Capella, Tòa Thánh cho thấy quyết tâm giải quyết vấn đề một cách minh bạch.

Capella được thụ phong linh mục ở Milan vào năm 1993 và gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh vào năm 2004. Ông từng là nhà ngoại giao tại Hồng Kông và là liên lạc viên của Tòa Thánh tại Ý.

Capella bị giam giữ theo khoản 3, Điều 10, Luật 8 của quốc gia thành Vatican, áp dụng hình phạt từ một năm đến năm năm tù và phạt tiền 2,500 đến 50,000 euro về tội phổ biến văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em. Luật 8 của quốc gia thành Vatican được áp dụng ngay cả trong trường hợp đương sự phạm tội ở hải ngoại.

Việc sở hữu sách báo khiêu dâm trẻ em cũng được coi là tội phạm về mặt giáo luật, và năm 2010, Đức Bênêđictô XVI đã thêm vào danh sách “những tội nghiêm trọng nhất”, có nghĩa là những tội ác này sẽ do Bộ Giáo Lý Đức Tin trực tiếp thụ lý và có thể dẫn đến việc sa thải khỏi hàng giáo sĩ.
Source: Vatican News - Vatican convicts former Holy See diplomat for child pornography
 
Đức Thánh Cha Phanxicô xác định lại chức danh cơ quan Truyền Thông Tòa Thánh
Đặng Tự Do
20:06 23/06/2018
Ngày 29 tháng Sáu, 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập “Secretaria pro communicatione - Secretariat for Communications” – Quốc Vụ Viện Truyền Thông – có thẩm quyền trên tất cả các cơ quan truyền thông của Tòa Thánh và quốc gia thành Vatican, bao gồm Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Dịch vụ Internet Vatican, Đài phát thanh Vatican, Trung tâm truyền hình Vatican, Báo Quan Sát Viên Rôma, Nhà in Vatican, Dịch vụ chụp ảnh, và Nhà xuất bản Vatican.

Vào thời điểm đó, Vụ Truyền Thông Tòa Thánh là một trong 3 Quốc Vụ Viện của Tòa Thánh là Phủ Quốc Vụ Khanh, Vụ Kinh Tế và Vụ Truyền Thông.

Tờ Quan Sát Viên Rôma hôm thứ Bẩy 23 tháng Sáu cho biết: theo đề nghị của Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn, Đức Thánh Cha đã xác định lại chức danh cơ quan Truyền Thông Tòa Thánh. Từ nay, cơ quan này gọi là “Dicastero per la Comunicazione - Dicastery for Communication” – Bộ Thông Tin Tòa Thánh.

Trong tuyên bố trên tờ Quan Sát Viên Rôma, Đức Hồng Y Tân Cử Angelo Becciu, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết quyết định này đã được thực hiện trong một buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha và có hiệu lực từ ngày thứ Bảy 23 tháng Sáu.

Cơ cấu giáo triều Rôma từ ngày 23 tháng Sáu:

Các Quốc Vụ Viện Tòa Thánh (Secretariats)

1) The Secretariat of State - Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
2) The Secretariat for the Economy - Vụ Kinh Tế Tòa Thánh.

Các Bộ (Congregations) (thường được lãnh đạo bởi một vị Hồng Y Tổng trưởng)

1) The Congregation for the Doctrine of the Faith - Bộ Giáo Lý Đức Tin
2) The Congregation for the Oriental Churches – Bộ Các Giáo Hội Đông phương
3) The Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments – Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích
4) The Congregation for the Causes of Saints – Bộ Tuyên Thánh
5) The Congregation for Bishops – Bộ Giám Mục
6) The Congregation for the Evangelization of Peoples - Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc
7) The Congregation for the Clergy – Bộ Giáo Sĩ
8) The Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life - Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ
9) The Congregation for Catholic Education – Bộ Giáo Dục Công Giáo

Các cơ quan ngang Bộ (Dicasteries):

1) The Dicastery for Communication – Bộ Truyền Thông
2) The Dicastery for the Laity, Family and Life – Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống
3) The Dicastery for Promoting Integral Human Development - Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện

Các Tòa Án (Tribunals):

1) The Apostolic Penitentiary – Tòa Ân Giải Tối Cao
2) The Supreme Tribunal of the Apostolic Signatura – Tối Cao Pháp Viện
3) The Tribunal of the Roman Rota – Tòa Thượng Thẩm Rota

Các Hội Đồng Giáo Hoàng (Pontifical councils)

1) The Pontifical Council for Promoting Christian Unity - Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hiệp Nhất Kitô hữu
2) The Pontifical Council for the Interpretation of Legislative Texts - Hội Đồng Giáo Hoàng Giải Thích Văn Bản Luật
3) The Pontifical Council for Interreligious Dialogue - Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn
4) The Pontifical Council for Culture - Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa
5) The Pontifical Council for Promoting the New Evangelization - Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa

Các Văn Phòng (Offices):

1) The Apostolic Camera – Văn Phòng Quản Lý Tông Tòa
2) The Administration of the Patrimony of the Apostolic See - Văn Phòng Quản Trị Tài Sản Tông Tòa
3) The Prefecture for the Economic Affairs of the Holy See - Văn Phòng Kinh Tế Sự Vụ Tòa Thánh
Source: Vatican News - Pope renames Vatican communications office
 
Tường thuật của Hội Đồng Thế Giới các Giáo Hội về chuyến thăm đại kết tại Genève của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
20:09 23/06/2018
Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội, tiếng Anh viết tắt là WCC, đã nồng hậu dành cho Đức Phanxicô một chỗ danh dự trong diễn đàn chung tại Genève vào ngày 21 tháng 6 nhân dịp ngài tới đó tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập tổ chức đại kết này.



Theo trang mạng của họ, Tổng Thư Ký WCC, Mục Sư Tiến Sĩ Olav Fykse Tveit, nói rằng “Hôm nay là một dấu mốc quan trọng. Chúng ta sẽ không dừng ở đây. Chúng ta sẽ tiếp tục, chúng ta có thể cùng nhau làm nhiều hơn nữa cho những người cần tới chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng khởi đầu cuộc thăm viếng bằng cách tham dự buổi cầu nguyện tại nhà nguyện của Trung Tâm Đại Kết ở Genève sau khi từ Rôma bay tới và sau đó, thăm Viện Đại Kết ở Bossey, một viện đào tạo thần học.

Vào buổi chiều, Đức Giáo Hoàng lại thăm Trung Tâm Đại Kết một lần nữa, nơi phần lớn việc làm của WCC diễn ra. Ở đây, ngài cùng lên tiếng với Tiến Sĩ Tveit và Tiến Sĩ Agnes Abuom, phối trí viên của Ủy Ban Trung Ương, một cơ phận quản trị quan trọng của WCC.

Đức Giáo Hoàng nói rằng “Ở đây, tôi muốn tái khẳng định điều này: Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận tầm quan trọng đặc biệt việc làm của Ủy Ban Đức Tin và Kỷ Luật và mong muốn được tiếp tục đóng góp vào việc làm này qua việc tham dự của các thần học gia có chuyên môn cao”.

“Việc Đức Tin và Kỷ Luật tìm kiếm một viễn kiến chung về giáo hội, cùng với việc làm của nó trong việc nghiên cứu các vấn đề luân lý và đạo đức, liên quan tới các lãnh vực chủ chốt đối với tương lai phong trào đại kết”.

Trang mạng trên tường thuật rằng Đức Giáo Hoàng trưng dẫn sự hiện diện tích cực của Công Giáo trong Ủy Ban Truyền Giáo và Rao Giảng Tin Mừng Thế Giới; sự hợp tác với Văn Phòng Đối Thoại và Hợp Tác Liên Tôn, gần đây nhất về chủ đề giáo dục cho hòa bình rất quan trọng; và việc cùng soạn thảo các bản văn cho Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Việc Hợp Nhất Kitô Giáo.

Viện Đại Kết Bossey

Trang mạng của WCC cũng tường thuất lời phát biểu của Đức Phanxicô về Viện Đại Kết Bossey: “tôi cũng đánh giá cao vai trò thiết yếu của Viện Đại Kết Bossey trong việc huấn luyện các nhà lãnh đạo mục vụ và học thuật tương lai trong nhiều giáo hội và tuyên tín Kitô Giáo khắp thế giới”.



Tiến Sĩ Tveit, trong diễn văn của ông, nói rằng chuyến viếng thăm WCC của Đức Giáo Hoàng chứng minh rằng các chia rẽ, xa cách, và tranh chấp có thể được vượt qua ra sao như một dấu chỉ hy vọng. Theo ông “chúng ta hãy làm cho khả hữu đối với các thế hệ tương lai việc tạo ra các biểu thức mới cho hợp nhất, công lý, và hòa bình, khi chúng ta càng ngày càng chia sẻ với nhau”.

Ông cho rằng chuyến viếng thăm này chứng tỏ “có thể vượt qua các chia rẽ và xa cách, cũng như các tranh chấp sâu xa gây ra bởi các truyền thống và xác tín đức tin khác nhau. Có nhiều cách để từ tranh chấp bước qua hiệp thông. Và dĩ nhiên, chúng ta chưa vượt qua mọi dị biệt và chia rẽ. Do đó, ta cùng nhau cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta và hợp nhất chúng ta trên đường tiến tới của chúng ta”.

50 năm hợp tác

Trang mạng cho rằng chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô cũng đánh dấu 50 năm WCC hợp tác với Giáo Hội Công Giáo trong việc tìm kiếm sự hợp nhất Kitô Giáo.



Chủ đề chuyến viếng thăm là “Hành Hương Đại Kết – Cùng Nhau Bước Đi, Cầu Nguyện và Làm Việc” và cuộc gặp gỡ bắt đầu bằng buổi cầu nguyện tại nhà nguyện Trung Tâm Đại Kết.

Tiến Sĩ Tổng Thư Ký nói rằng “Thưa Đức Thánh Cha, chuyến thăm của ngài là một dấu chỉ niềm hy vọng này của chúng ta. Nó là dấu mốc quan trọng trong các liên hệ giữa các giáo hội. Chúng ta ở đây trong tư cách đại diện cho nhiều giáo hội và truyền thống khác nhau trên khắp thế giới”.

Năm 2017, trang mạng thuật lại, người Công Giáo Rôma và người Thệ Phản Luthêrô đã cùng nhau kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách từng chia rẽ Kitô Giáo khi Martin Luther dẫn đầu cuộc phản kháng chống lại các thực hành của giáo hội. Genève lúc ấy là một thành phố quan trọng của Phong Trào Cải Cách.

Nhưng 500 năm trước đó, cuộc Đại Ly Giáo năm 1054, khi Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp chính thức tách rời Giáo Hội Công Giáo, cũng đã phân ly Kitô Giáo rồi.

Tiến Sĩ Tveit nhận định rằng, “nhờ cùng nhau bước đi, cầu nguyện và làm việc trong suốt 70 năm qua, chúng ta đã học được khá nhiều về việc tình hiệp thông các giáo hội có nghĩa gì. Đó cũng cho thấy mối liên hệ đã phát triển ra sao giữa WCC và Giáo Hội Công Giáo Rôma sau hơn 50 hợp tác”.

Ông giải thích rằng đặc tính việc làm của WCC và nhiều đối tác của họ ngày nay là “Cùng Nhau Hành Hương Công Lý Và Hòa Bình”.

Tiến Sĩ Tveit nói rằng WCC và Giáo Hội Công Giáo đang làm việc với nhau trong nhiều sáng kiến công lý hỗn hợp tại nhiều nơi trên thế giới để giải quyết tình huống người tị nạn song song với các vấn đề công lý kinh tế và xử lý cảnh nghèo.

“Chúng ta làm việc hăng hái với nhau để chống việc thay đổi khí hậu và các đe dọa khác đối với môi trường. Chúng ta phát huy các cuộc đối thoại và sáng kiến liên phái cho hòa bình. Chúng ta cùng nhau cổ động cho Các Mục Tiêu Phát Triển Dài Hạn. Chúng ta soạn thảo các lời cầu nguyện hàng năm cầu cho sự hợp nhất Kitô Giáo”.



Phối Trí Viên Abuom nói đến các thành quả của việc hợp tác với Giáo Hội Công Giáo Rôma trong “nhiều tình thế cụ thể”. Bà cho hay: “Tôi chỉ xin nhấn mạnh tại Nam Sudan, quan trọng xiết bao khi các giáo hội Kitô Giáo coi nhau như một, tại Colombia, hành động chung về công lý và hòa bình chủ yếu xiết bao đối với diễn trình hòa bình tại đó; tại Bán Đảo Triều Tiên, việc cầu nguyện và làm việc với nhau mạnh mẽ biết dường nào đối với diễn trình tái thống nhất; tại Burundi và Cộng Hòa Dân Chủ Congo hành động phối hợp cần thiết biết dường nào”.

Bà nói rằng chuyến viếng thăm của Đức GH Phanxicô tại Trung Tâm Đại Kết ở Genève cho thấy “cam kết hợp nhất của các giáo hội vì toàn thể nhân loại và toàn thể sáng thế của Thiên Chúa hết sức sống động và mạnh mẽ”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bầu Cử Tân Ban Thường Vụ CĐCGVN TGP Sydney Nhiệm Kỳ 2018 – 2021
Diệp Hải Dung
10:56 23/06/2018
Tối thứ Sáu 22/06/2018 tất cả các anh chị em Tân Hội Đồng Mục Vụ khoảng 100 thành viên trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney nhiệm kỳ 2018 – 2021 đã đến hội trường nhà thờ St. Luke thuộc Giáo Đoàn Revesby tham dự cuộc bầu cữ Tân Ban Thường Vụ Cộng Đồng nhiệm kỳ 2018 – 2021.

Xem Hình

Trước khi bầu cử Tân Hội Đồng Mục Vụ hát Kinh Chúa Thánh Thần và Kinh Nguyện Hội Đồng Mục Vụ, sau đó, Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chào mừng tất cả anh chị em Tân Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney nhiệm kỳ 2018 – 2021 và nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các anh chị em. Kế tiếp Cha Paul Văn Chi, Tuyên Úy Đặc Trách Bầu Cử ngỏ lời cám ơn các anh chị em trong Ban Bầu Cử và Ban Mục Vụ các Giáo Đoàn đã sốt sắng bận rộn trong kỳ bầu cử suốt nguyên tháng nay bắt đầu từ ngày 29/04/2018 và Cha giới thiệu quý Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Trần Văn Trợ và Cha Lê Hồng Mạnh Giám sát, Sơ Đinh Thị Hoài Thư Ký Ban Bầu Cử, Ông Nguyễn Văn Thanh Trưởng Ban Bầu Cử và quý thành viên trong Cộng Đồng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, trưởng Ban Bầu Cử đã hướng dẫn Cuộc Bầu Cử với 2 phần, phần thứ nhất là Bầu Chủ Tịch Cộng Đồng, sau đó là bầu các chức vụ trong Ban Thường Vụ. Cha Paul Văn Chi mời Sơ Đinh Thị Hoài tuyên đọc điều lệ Bầu Cử Cộng Đồng trong Quy Chế của CĐCGVN, được Đức Hồng Y Clancy phê chuẩn ngày 31.8.1988, và mọi người cùng Bầu Cử những thành viên mình tín nhiệm. Tổng cộng 100 thành viên trong Cộng Đồng.

Sau thủ tục bầu cử nhiều lần, Tân Hội Đồng Mục Vụ nhiệm kỳ 2018-2021 đã bỏ phiếu tín nhiệm anh Andrew Trần Anh Vũ trong chức vụ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney Nhiệm Kỳ 2018-2021. Anh xin cố gắng hy sinh tiếp tục với sứ vụ mà mọi người đã chọn anh phục vụ cho Cộng Đồng. Sau giờ giải lao là phần bầu bầu các chức vụ trong Ban Thường Vụ gồm Phó Chủ tịch Nội Vụ: anh Đaminh Nguyễn Ngọc Khiêm, Phó Chủ tịch Ngoại Vụ: anh Giuse Mai Phước Thành, Phó Chủ tịch Kế Hoạch: anh Giuse Nguyễn Trường Giang, Tổng Thư Ký: chị Têrêsa Hà Trí Tri và Tổng Thủ Quỹ xin sẽ thông báo sau. Sau đó Cha Paul Văn Chi thông báo ngày tháng Bầu Cử Trưởng Ban Mục Vụ các Giáo Đoàn và Thánh Lễ Tạ Ơn giới thiệu Tân Hội Đồng Mục Vụ.

Trong giờ Chầu Thánh Thể kết thúc buổi Bầu Cử Tân Ban Thường Vụ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney do Cha Nguyễn Văn Tuyết chủ sự, Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Sơn chia sẻ với mọi người cuộc bầu cử Tân Ban Thường Vụ hôm nay. Cha chúc mừng anh Trần Anh Vũ Tân Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney và cám ơn các anh chị đã tích cực trong việc phục vụ mặc dù công việc khó khăn nhưng các anh chị em đã hy sinh và dấn thân phục vụ cho Cộng Đồng.

Sau đó mọi người cùng quỳ trước Thánh Thể Chúa Kitô cầu nguyện xin Thánh Thể Chúa chúc lành cho Cộng Đồng và Tân Hội Đồng Mục Vụ nhiêm kỳ 2018 –2021. Sau cùng Cha Paul Văn Chi thông báo cuối tuần này, trong tất cả các Thánh Lễ Cộng Đồng, sẽ tổ chức thực hiện Bàn Thờ Tổ Quốc với hình ảnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, để tôn vinh các Ngài trong dịp kỷ niệm 30 năm Giáo Hội Hoàn Vũ tôn phong các Ngài lên Hiển Thánh, và đặc biệt cầu nguyện cùng hiệp thông với Quê Hương, Dân Tộc, và Giáo Hội Việt Nam trong hoàn cảnh đau thương do dự luật đặc khu và an ninh mạng trước sự đe dọa xâm lăng của Trung Cộng. Phiên họp Tân Hội Đồng Mục Vụ kết thúc lúc 9.30pm.

Diệp Hải Dung
 
Thánh lễ bế mạc Năm Kim Khánh Giáo phận Ban Mê Thuột
Vũ Đình Bình
20:17 23/06/2018
Sáng ngày 22.6.2018, các tín hữu từ khắp nơi trong Giáo phận quy tụ về Trung tâm Mục vụ (số 01 đường Trần Hưng Đạo, TP.BMT) tham dự Thánh lễ bế mạc Năm Kim Khánh Giáo phận Ban Mê Thuột (22.6.1967 – 22.6.2017).

Đúng 8g00, Đoàn rước bắt đầu di chuyển từ Viện Giáo Lý tiến lên Lễ Đài trong âm vang cồng chiêng Tây Nguyên hòa cùng lời Thánh ca du dương trầm bổng giữa bao la đất trời trong tâm tình tạ ơn và niềm vui Tin Mừng.

Xem Hình

Thánh lễ Bế mạc Năm Kim Khánh do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, chủ tế. Đồng tế với ngài có Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám Mục Giáo phận Đà Lạt; Đức Cha Alôsiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum; Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng; Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Quy Nhơn; Quý Cha TĐD các Giáo phận Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Quy Nhơn; Quý Cha Bề trên, Quý Cha Giám tỉnh các Dòng tu; Quý Cha đồng hương Ban Mê Thuột; và Linh mục đoàn của Giáo phận.

Cùng về tham dự Thánh lễ, cùng chung niềm tạ ơn Chúa trong ngày bế mạc Năm Kim Khánh Giáo phận, có đông đảo Tu sĩ nam nữ, mọi thành phần dân Chúa thuộc cộng đoàn Giáo phận từ 8 Giáo hạt và những người con Ban Mê Thuột ở khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt là 422 nhạc công kèn đồng, hàng ngàn ca viên, diễn viên thánh nhạc tham gia trình diễn trong Đêm Hoan Ca Tạ Ơn tối 21.6.2018.

Khởi đầu Thánh lễ, Đức Cha Vinh Sơn mời gọi cộng đoàn tạ ơn Chúa đã cho Giáo phận Ban Mê Thuột có thời gian sống Năm Thánh rất tốt đẹp. Từng cộng đoàn, từ Giáo xứ, Giáo hạt đến các đoàn thể trong Giáo phận đều có thời gian cử hành và sống tâm tình tri ân cảm tạ. Đồng thời, giúp nhau sống tâm tình tri ân cảm tạ, giúp nhau thực hiện những điều mà Giáo phận đề ra trong ngày Khai mạc Năm Thánh. Ngày bế mạc Năm Thánh 50 năm thành lập Giáo phận lại trùng với thời điểm Giáo hội Việt Nam tổ chức Năm Thánh mừng 30 năm 117 Vị Thánh Tử Đạo Việt Nam được tôn phong lên hàng hiển thánh. Năm Thánh bắt đầu từ ngày 19.6.2018 và kết thúc vào ngày 24.11.2018. Trong Thánh lễ này, chúng ta cùng cử hành chung 2 biến cố quan trọng: vừa khép lại Năm Kim Khánh Giáo phận, vừa mở ra Năm Thánh mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bầu cùng Chúa cho các tín hữu Việt Nam luôn sống đức tin cách tích cực, để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng phát triển, mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người.

Sau bài Tin Mừng, Đức Cha Vinh Sơn chia sẻ: “Thánh Luca kể lại câu chuyện 72 môn đệ trở về sau chuyến hành trình truyền giáo theo lệnh của Chúa Giêsu, các môn đệ hiểu được mình có vượt qua được những khó khăn thử thách, có đạt được những thành quả là nhờ danh Chúa Giêsu, chứ không phải do uy tín của cá nhân mình...”

Ngài cũng chia sẻ nội dung bức thư của Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, gửi cho Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột ngày 20.4.2018. Trong đó, Đức Hồng Y chú trọng đến việc mục vụ cho những người nghèo khó và anh em đồng bào sắc tộc.

Cuối bài chia sẻ, Đức Cha Vinh Sơn mời gọi cộng đoàn sống tâm tình Năm Thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam bằng việc học hỏi gương sống của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, làm chứng cho đời sống đức tin trong đời sống hằng ngày. Ngài chọn 2 điểm hành hương Năm Thánh: Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột và Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Thác Mơ – Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Giáo phận sẽ tổ chức hành hương tại TTHH Đức Mẹ Thác Mơ vào các ngày 13 hàng tháng. Thánh lễ bế mạc Năm Thánh tại TTHH Đức Mẹ Thác Mơ sẽ cử hành vào ngày 13.11.2018 và Thánh lễ bế mạc Năm Thánh tại Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột cử hành vào ngày 23.11.2018.

Đức Cha Vinh Sơn nói: “Cảm tạ Chúa cho chúng ta được vinh dự tiếp nối truyền thống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta cố gắng làm nảy sinh hoa trái mà các ngài đã gieo vãi trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta qua đời sống Yêu Thương – Hiệp Nhất và Chia Sẻ.” (Mời nghe Bài Giảng)

Thánh lễ nối tiếp qua phần Phụng vụ Thánh Thể.

Cuối lễ, Cha Stephanô Nguyễn Văn Đậu, Linh mục Tổng đại diện, dâng lời Tạ Ơn Chúa; ngỏ lời cám ơn Quý Đức Cha, Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý tu sĩ và Quý khách đã mang niềm vui đến cho Giáo phận Ban Mê Thuột.

Tiếp theo là lời chúc mừng của Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đà Lạt. Ngài cầu chúc Giáo phận Ban Mê Thuột luôn có Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đồng hành, giúp sức để mỗi người sẵn sàng từ bỏ chính mình mà thực hiện tốt đời sống Canh Tân - Hiệp Nhất - Chia Sẻ.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hiệp Thông, Cầu Nguyện và Đồng Hành với Quê Hương, Dân Tộc và Giáo Hội Việt Nam
VietCatholic Network
10:52 23/06/2018
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tên của một người.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
11:53 23/06/2018
Có thời ở vùng thôn quê người ta hay gọi thân mật đứa con trai nhỏ là „thằng cu“, cô bé gái là „cái tí“. Cách gọi như thế tuy nói lên sự thân thương, nhưng lại qúa rút gọn người được gọi vào trung tâm giới tính của họ, và cũng nói lên khía cạnh „vô danh“, người được gọi không có tên hay chưa được biết đến tên.

Có phải như vậy không?

Xưa nay ai cũng vậy từ khi mở mắt chào đời đều được cha mẹ đặt cho một tên. Tập tục truyền thống này nói lên không chỉ là ước muốn tốt đẹp của cha mẹ sinh thành ra con mình, nhưng còn diễn tả khía cạnh rất quan trọng: Tên của một người gắn liền với đời sống con người của họ.

Tên của một người để được gọi, chào mừng, tôn trọng, phân biệt với người khác trong mọi lãnh vực đời sống xã hội. Khi một người có tên không lẫn lộn với người nào khác còn nói lên họ là một đặc thù cá thể được Đấng Tạo Hóa tạo dựng một lần, là phiên bản chính không phải là phiên bản sao chép, không thể cắt xén trao đổi với ai được. Và tên của một người cũng còn cụ thể gói ghém nói lên cả giới tính của họ nữa.

Trong đời sống xã hội ngày hôm nay, tên của một người cùng với con số ID của từng người càng trở nên quan trọng trong vấn đề hành chánh giấy tờ thuộc mọi lãnh vực lúc còn sinh sống khoẻ mạnh học hành, làm việc, lúc đau yếu bệnh nạn cũng như lúc qua đời.

Khi sinh ra cha mẹ đặt tên cho con mình như lòng mong muốn yêu thương của cha mẹ. Rồi khi cha mẹ bồng ẵm con mình đến thánh đường để nhận lãnh làn nước Bí tích rửa tội, tên của con em một lần nữa được vị chủ tế hỏi và cha mẹ hãnh diện nói lên cho cộng đoàn hiện diện tham dự biết đến tên em bé con mình.

Thiên Chúa, Đấng sinh thành tạo dựng nên em bé, chúc lành cho em cùng với tên của em, như tiên tri Isaia nói: Thiên Chúa yêu thương và quả quyết Ta gọi con bằng chính tên của con, con là con của Ta. (Isaia 43,1). Và Thiên Chúa đã nhắc đến tên ngay từ trong cung lòng mẹ, lúc chưa sinh ra (Isaia 49,1).

Mỗi con người được tạo dựng sinh ra trên trần gian là một qùa tặng, một ân đức của Trời cao, đồng thời cũng có một bổn phận trách nhiệm trong đời sống, mà Thiên Chúa, đấng Tạo Hóa đã trao đặt cho.

Hằng năm vào giữa năm, ngày 24. Tháng Sáu, ngày mừng sinh nhật Thánh Gioan Tẩy gỉa. Sau khi mở mắt chào đời, họ hàng gia đình cũng hỏi đến tên của em bé, cha em bé, thầy cả Zacharia, viết đặt tên cho em là Gioan. (Lc 1,63).

Ngày mừng sinh nhật Thánh Gioan Tẩy gỉa, theo lịch phụng vụ Công Giáo, là ngày bản lề bắt đầu mùa Hè trong thiên nhiên, ngày này ban ngày dài nhất, đêm ngắn nhất. Và từ sau ngày này, ban ngày có ánh sáng mặt trời ngắn lại dần, và đêm tối dài dần cho tới cao điểm là ngày đầu mùa Đông, ngày 24. Tháng Mười hai, ban ngày có ánh sáng mặt trời ngắn nhất, trái lại đêm dài nhất.

Thánh Gioan có biệt hiệu Tẩy gỉa vì Ông làm phép rửa ờ bờ sông Jordan cho những ai đến tỏ lòng thông hối ăn năn. Chúa Giêsu Kitô khi trưởng thành ra đi rao giảng nước Thiên Chúa cũng đến xin Gioan làm phép rửa cho ở bờ sông Jordan, rất có thể là địa điểm Qasr al-Zahud, (Theo Phúc âm Thánh Gioan 1,28), bên bờ phía Đông của dòng sông gần biển chết.

Thánh Gioan Tẩy gỉa, hay còn gọi Gioan Tiền hô, là người giới thiệu Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Nên hình ảnh tượng ông có một ngón tay chỉ về phía trước, hay chỉ lên trời cao.

Thánh Gioan là vị tiền hô đi trước dọn đường tâm hồn cho Chúa Giêsu đi vào trần gian bằng những lời rao giảng đanh thép kêu gọi con người bỏ đường tội lỗi ăn năn thồng hối trở về với Thiên Chúa.

Danh hiệu tiền hô gắn liền với cung cách nếp sống dọn đường trước, là người có suy nghĩ trước vụ việc. Những suy tư lời rao giảng mang tính cách tiên tri dọn đường có thể mang hiệu qủa tích cực cho người nghe tiếp nhận. Vì họ nhận ra một làn gío mới mang đến thay đổi mới hấp dẫn. Nhưng cũng có thể gây ra sự khó chịu, phản bác hay do dự nơi nhiều người. Vì nó còn mới xa lạ có tính khiêu khích kết án, hay không muốn thay đổi, hay biết đâu nghĩ rằng cũng chỉ như ngọn lửa cháy bùng lên rồi lại lịm tắt đi thôi…

Đó là đời sống xưa nay trong trần gian. Nhưng Thánh Gioan với cung cách nếp sống tiền hô cộng với lời rao giảng đanh thép kết án về tinh thần chỉ ra cho con người gía trị của những tiên báo nói trước.

Những lời đó không là những lời không có ý nghĩa gì. Trái lại mang chiều kích to lớn toàn thể, khi một đời sống tinh thần hướng về Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn mọi sự trong đời sống con người.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả : Ta nhớ mãi ''Tấm Áo Lông Lạc Đà'' ngày đó
Sơn Ca Linh
21:40 23/06/2018
“Anh đã thấy gì vào mùa xuân năm ấy ?
Chị đi xem gì giữa sa mạc hoang vu ?
Một cây sậy trước ngàn gió đong đưa,
Hay một lão nhà giàu với y trang diêm dúa ?

Nào chẳng phải : một tay giang hồ hảo hớn,
mang chút phong trần, chút bạt mạng, hào hoa.
Quấn áo lông lạc đà, lưng buộc thắt dây da,
Sơm tối qua loa chút mật ong rừng, châu chấu…!

Chớ lầm à nghen ! Đây đích thị là ngôn sứ,
Mà nhân thân mang gốc rễ chẳng vừa đâu !
Chưa lọt lòng mẹ đã được Thần Khí xức dầu,
Để vào đời mang sứ mệnh “Tiền Hô Cứu Chúa” ! (Lc 7,24-27)

Gioan, tên cúng cơm, cả một lời đoan hứa,
“Chúa khoan dung, Chúa độ lượng, thi ân…”.
Qua cách biệt rồi, giờ Chúa đã viếng thăm,
Đêm tối lui dần, hừng đông đã dậy…!

Xa kiếp trần ai chọn cuộc đời “hoang dại”,
Để một mình nghiền ngẫm những Lời thiêng.
Một tấm áo lông, một cõi đời riêng,
Nuôi chí lớn làm “tiếng hô trong hoang mạc” !

Gio-đan thôi những ngày buồn hiu xơ xác,
Dòng thác người đô hội trẫy về đây.
Lời của Đấng Tiền hô mạnh mẽ, vơi đầy,
“Rìu sẵn gốc cây…nia kề sân lúa”… (Lc 3,1-18)

Nhưng “Ngài phải vươn lên…tôi đành héo úa” (Ga 3,30),
Ngôn sứ nào mà chẳng chịu đắng cay !
Ném đá, phân thây, thập giá, tù đày…
Đã đến lúc Gioan hoàn tất đoạn đường ngôn sứ.

Giữa ngục tối xin vẫy chào một kiếp đời lữ thứ,
Gói trọn thân mình trong một tấm áo lông.
Tấm áo ngày xưa mẹ chăm chút mấy mùa đông,
Để Gioan giữ ấm qua bao mùa sa mạc.

Gioan bước vào đời như một “vì sao lạc” !
và ngày ra đi đầy u uất đoạn trường.
Một đời Tiền Hô mãi mãi ngát hương,
Ta nhớ mãi “tấm áo lông lạc đà” ngày đó !

Sơn Ca Linh
(Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả 2018)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Một Thoáng Mộng Mơ
Tấn Đạt
07:38 23/06/2018
MỘT THOÁNG MỘNG MƠ
Ảnh của Tấn Đạt
Khi nào mưa nắng hao mòn.
Là lúc tung thả linh hồn bay xa...
Tìm về..một cõi... riêng ta.
(Trích thơ của Tóc Nâu)