Ngày 23-06-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Gioan Tẩy Giả
Trầm Thiên Thu
11:38 23/06/2013
Chúa Giêsu đề cao những con người hèn mọn khi gọi Thánh Gioan Tẩy Giả là người cao trọng nhất: “Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông” (Lc 7:28).

Thánh Gioan sống khổ hạnh trong hoang địa, bắt đầu rao giảng Nước Trời và kêu gọi mọi người canh tân đời sống. Ngài là người dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Ngài nói rằng Phép Rửa của ngài bằng Nước là để ăn năn sám hối, nhưng Đấng đến sau ngài sẽ làm Phép Rửa bằng Lửa và Thánh Thần. Ngài tự nhận mình không đáng cởi quai dép cho Đấng đó. Thái độ của ngài đối với Chúa Giêsu: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3:30).

Thánh Gioan đã thu hút vô số người đến bờ sông Giođan, nhưng ngài luôn làm theo ý Chúa Giêsu, ngay cả việc sai một số những người theo Chúa trở thành các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu.

Khi ở trong tù, ngài đã sai một số môn đệ của ngài đến hỏi xem Chúa Giêsu có phải là Đấng Thiên Sai hay không. Chúa Giêsu trả lời rằng Đấng Thiên Sai là Người Tôi Tớ Đau Khổ trong sách tiên tri Isaia. Và rồi chính Thánh Gioan cũng đã thông phần đau khổ là chịu chém đầu vì nữ tỳ Hêrôđia.

Thánh Gioan là người giảng lưu động và là VIP (Very Important Person – nhân vật quan trọng) được nói tới trong các Phúc Âm và kinh Koran (Qur’an). Phúc Âm theo Thánh Luca diễn tả ngài có họ hàng với Chúa Giêsu và đã làm Phép Rửa cho Ngài tại sông Giođan. Thánh Gioan được coi là Ngôn sứ (Tiên tri) trong Kitô giáo, Hồi giáo, Bahai giáo (Bahá'í Faith, tôn giáo độc thần – monotheistic religion), nhấn mạnh sự kết hợp tâm linh của nhân loại trong Bahá’í và Mandaeism (thuyết nhân tính và thần tính, giáo phái Men-đê ở Irắc).

Thánh Gioan Tẩy Giả sống khiêm nhường, chỉ nhận mình là “tiếng kêu trong hoang địa” (Mt 3:3), đồng thời ngài cũng rất “bụi đời” trong cuộc sống hàng ngày, quần áo “te tua”, ăn uống đạm bạc, đúng là một lãng tử chính hiệu: “Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3:4).

Nhưng ngài cũng rất thẳng thắn, trái tai gai mắt là “phang” liền. Chẳng hạn, khi thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ngài nói thẳng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham’. Tôi nói cho các anh hay: Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham đấy nhá” (Mt 3:7-9). Vừa độc đáo vừa đáo để. Mà cũng phải thế mới được!

Theo Tân ước, Thánh Gioan biết trước Đấng Thiên Sai sẽ cao trọng hơn mình, và Chúa Giêsu đã xuất hiện đúng như Thánh Gioan tiên báo. Thánh Gioan là sứ giả hoặc người tiên phong của Chúa Giêsu, một vai trò quan trọng được Thiên Chúa trao. Thánh Gioan còn được đồng hóa với Ngôn sứ Êlia. Thời sơ khai, một số người theo Chúa Giêsu cũng đã từng là môn đệ của Thánh Gioan. Thậm chí một số học giả còn cho rằng chính Chúa Giêsu cũng là môn đệ của Thánh Gioan một thời gian, nhưng điều này bị bác bỏ.

Tân ước nói về Thánh Gioan trong cương vị sứ giả: “Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1:17), và trong cương vị người tiên phong: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1:76).

Có vài đoạn trong Cựu ước được các Kitô hữu hiểu Thánh Gioan Tẩy Giả trong vai trò Ngôn sứ. Chẳng hạn trong sách Malakhi nói về một Tiên tri dọn đường cho Chúa Giêsu: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến” (Mlk 3:1). Hoặc: “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt” (Mlk 3:23-24).

Trong trình thuật Ga 1:29-30, Thánh sử Gioan cho biết: Khi người Do-thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?”. Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô”. Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?”. Ông nói: “Không phải”. Họ lại hỏi: “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?”. Ông đáp: “Không”. Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?”. Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói”.

Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?”. Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa. Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”.

Trước đó, khi nghe đồn về Chúa Giêsu, các môn đệ báo cho Thánh Gioan Tẩy Giả biết tất cả những việc ấy. Thế rồi chính ngài cũng ngạc nhiên nên liền sai hai đệ tử đến hỏi Chúa: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7:18-19). Họ đến gặp Đức Giêsu và nói: “Ông Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy có thật là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7:20). Lúc ấy, Chúa Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và làm cho nhiều người mù được thấy. Chắc hẳn Ngài cũng lắc đầu và cười, nhưng Ngài không nói thẳng mà chỉ nói: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7:22).

Cả bốn Phúc Âm đều nói về việc Thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng và làm Phép Rửa tại sông Giođan. Thánh Gioan Tẩy Giả nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Phép Rửa đánh dấu khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu. Phúc Âm theo Thánh sử Máccô, Matthêu và Luca (rõ nhất) thuật lại rằng Chúa Giêsu đến từ Galilê đến với Thánh Gioan ở Giuđê và được Thánh Gioan làm Phép Rửa, có Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu và có tiếng nói từ trời nói Ngài là Con Thiên Chúa. Phúc Âm theo Thánh sử Gioan không trực tiếp cho biết về Phép Rửa, nhưng sau đó mới được mô tả (x. Ga 1:32-33). Và Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với các môn đệ của ngài rằng Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1:29-36).

Khi Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực từ chối vì ông đã biết Đấng Thiên Sai là ai: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3:14). Nhưng Chúa Giêsu nói: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3:15).

Chính Chúa Giêsu đã gọi Thánh Gioan Tẩy Giả là “ngọn đèn cháy sáng và muốn vui hưởng ánh sáng ấy trong một thời gian” (Ga 5:35). Sách Công vụ phác họa các môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả là những người theo Chúa Giêsu (x. Cv 18:24–19:6), về trường hợp của Thánh Anrê, anh của Thánh Phêrô, là người đầu tiên được gặp Chúa Giêsu (x. Ga 1:35-42).

Về cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả, vua Hêrôđê đã bỏ tù và xử trảm ngài vì “tội” ngăn cản cuộc hôn nhân loạn luân của vua. Chuyện là Thánh Gioan Tẩy Giả phản đối vua hêrôđê kết hôn với nàng Hêrôđia (vợ của Philip, anh của Hêrôđê, và cũng là cháu của Hêrôđê), tức là vi phạm luật Cựu ước. Sau đó, con gái của Hêrôđia là Salome (vừa là cháu nội của Hêrôđê, vừa là con gái riêng) múa cho Hêrôđê xem. Hêrôđê khoái chí nên hứa thưởng cho bất cứ thứ gì, dù là nửa đất nước. Bó tay! Biết vua mê mẩn mình nên Hêrôđia nói với con gái cố xin cho được cái thủ cấp của Thánh Gioan Tẩy Giả. Hêrôđê buồn lắm, nhưng lỡ hứa rồi, thôi cũng đành cho chém đầu Gioan và đặt lên dĩa làm “quà” cho mẹ con “Tấm Cám” ác độc kia (Mc 6:14-29).

Năm 2010, người ta phát hiện các khúc xương tại một nhà thờ ở Bulgaria. Người ta xét nghiệm DNA và radio carbon thì thấy đó là xương của một đàn ông ở Trung Đông, sống hồi thế kỷ I. Các khoa học gia nói rằng hài cốt này rất có thể là xương của Thánh Gioan Tẩy Giả. Hài cốt này gồm 6 xương: một xương lóng tay phải, một răng, một phần xương sọ, một xương sườn, một xương trụ, và một xương cánh tay.

Về sinh nhật của Thánh Gioan tẩy Giả, cha mẹ ngài là ông Dacaria (tư tế Do Thái) và bà Êlidabet. Hai ông bà không có con cái và đã luống tuổi, ngoài tuổi sinh sản. Đến phiên trực của ông Dacaria trong Đền thờ Giêrusalem, và đến giờ ông dâng hương. Tại bàn thờ ở Nơi Thánh, Tổng lãnh Thiên thần Gabriel đã hiện ra với ông và thông báo rằng vợ chồng ông sẽ sinh con trai, tên nam nhi đó sẽ là Gioan. Ông không tin sứ điệp của Sứ thần Gabriel là sự thật, thế nên ông bị câm cho tới khi Thánh nhi Gioan ra đời (Lc 1:5-25). Lúc đó, mọi người trong gia tộc muốn đặt tên cho con trẻ theo tên cha, nhưng ông Dacaria xin tấm bảng và ghi: “Tên cháu là Gioan” (Lc 1:63). Ai cũng thấy lạ. Rồi ông nói được như trước. Mọi người càng kinh ngạc hơn!

Ông Dacaria liền dâng lời chúc tụng Thiên Chúa bằng Bài ca Chúc tụng (Benedictus), nói về thiên chức tiên tri, sứ giả và tiên phong của con trẻ Gioan (Lc 1:67-79).

Thánh Gioan sinh trước Chúa Giêsu khoảng 6 tháng, nên lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả vào ngày 24-6, trước lễ Giáng sinh đúng 6 tháng. Thánh Gioan Tẩy Giả là một trong số ít các thánh được Giáo Hội mừng sinh nhật, không chỉ vậy, ngài còn được Giáo Hội nhớ giỗ vào ngày 29-8 hàng năm.
 
Lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:37 23/06/2013
LỄ SINH NHẬT GIOAN TẨY GIẢ

Giáo Hội thường mừng lễ các thánh vào ngày các ngài qua đời. Đó là ngày các ngài được về với Thiên Chúa Tình Yêu, ngày sinh nhật trên thiên quốc.

Đối với thánh Gioan Tẩy Giả, Giáo Hội mừng kính cả ngày ngài sinh ra và cả ngày ngài tử đạo. Ngày qua đời mừng ở bậc lễ nhớ. Ngày sinh nhật với bậc lễ trọng.

Trong năm phụng vụ chỉ có 3 lễ mừng sinh nhật. Đó là Giáng Sinh của Đức Giêsu (25.12). Sinh nhật của Đức Maria (8.9) và Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả (24.6). Như vậy trong hàng ngũ các thánh, chỉ có thánh Gioan được vinh dự lớn nhất là được mừng ngày chào đời của mình. Cuộc đời và sứ mạng của Gioan gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu nên Giáo Hội có lý do để sắp đặt lễ mừng Sinh nhật Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế trở thành một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ.

Gioan được sinh ra kỳ diệu và ơn gọi cũng kỳ diệu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Gioan ra đời là niềm hạnh phúc cho cha mẹ, người thân và láng giềng. Một niềm vui quá lớn vì ông bà son sẻ. Mọi người đến chúc mừng người mẹ sinh con lúc tuổi già mà được “mẹ tròn con vuông”. Ai cũng trầm trồ khen bé trai thật dễ thương thật đáng yêu. Ai cũng mỉm cười với bé, đặt nhiều hy vọng vào bé: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em”.

Ông Bà Giacaria mong chờ con trai nối dõi tông đường và sẽ như cha, làm tư tế. Gioan có đủ điều kiện để tiến thân, giàu có, vinh dự thuộc giai cấp thượng lưu. Nhưng Gioan lại nghe tiếng gọi từ trời cao đi làm Ngôn sứ. Gioan vào hoang địa sống một mình. Cuộc sống khắc khổ, đơn sơ, nghèo nàn.

Từ đó, Gioan trở thành Ngôn sứ với đời sống cao đẹp và đã chết hào hùng.

1. Cuộc sống cao đẹp

Gioan sống đẹp trong cương vị sứ giả: “Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17), và là người tiên phong: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Sống đẹp vì Gioan đã từ bỏ đời sống giàu sang uy thế của gia đình, đi vào trong sa mạc hoang vắng sống gắn bó với Thiên Chúa, lắng nghe và thực hiện thánh ý Ngài.

Sống đẹp vì Gioan có một số môn đệ, nhưng khi Chúa Giêsu đến, Gioan đã giới thiệu cho họ (Ga 1, 36) để họ trở thành môn đệ Chúa Giêsu.

Sống đẹp vì Gioan đã thu phục được đám đông, được dân chúng ngưỡng mộ, nhưng Gioan chỉ cho họ biết có Đấng cao cả hơn đang đến, Đấng mà Gioan không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài (Ga 1, 27).

Gioan sống đẹp vì đã luôn tâm niệm rằng: “Chúa Giêsu phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”(Ga 3, 30).

2. Cái chết hào hùng

Cái chết của Gioan đau thương mà rất hào hùng.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương,bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn,dân chúng lầm than,Gioan cũng mang nặng những ưu tư những trăn trở yêu nước thương dân.

Vị vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, lấy vợ của anh mình là Hêrôđiađê. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua,kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế Gioan đã bị vua chém đầu. Người theo Ðạo Hồi giáo Islam rất sùng kính Thánh Gioan ở giáo đường bên Syria. Theo tương truyền, trong ngôi đền thờ Hồi giáo Omajjden có phần mộ chôn đầu của Gioan. Người Hồi giáo Syria gọi ngài bằng tên Yaya Ben Zakariyah. Năm 2001, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến hành hương kính viếng cầu nguyện trước ngôi mộ Thánh nhân tại ngôi đền thờ này với những người Hồi giáo tại đó.

Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ông không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù.Thế nhưng Chúa Giêsu đã nói về ông: “ Trong các con cái người nữ sinh ra,chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả”(Lc 7,28). Như vậy điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.Sứ mạng ngôn sứ thời nào cũng thế.Chúa Giêsu, vị ngôn sứ làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ, bị hành hạ và bị đóng đinh thập giá. Các Thánh Tử Đạo cũng đã làm chứng cho sự thật, tiếp nối con đường Thầy mình đã đi,cũng gánh lấy tù tội và cái chết, bởi lẽ: “Nếu thế gian đã ghét Thầy,thì thế gian sẽ ghét các con vì các con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” ( Ga 15,18 - 19 ).

3. Hồng ân ngày sinh nhật

Được sinh ra và lớn lên trong bàn tay phù hộ của Thiên Chúa, Gioan đã sống vai trò Ngôn sứ, dọn đường cho Chúa Cứu Thế và đã chết vì chân lý.

Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, mỗi người nhớ đến ngày sinh nhật của mình. Ngày đó, cha mẹ, ông bà, thân bằng quyến thuộc mừng vui. Ai cũng cười tươi nhìn trẻ thơ, ai cũng muốn bồng ẵm chúc lành và đặt nhiều hy vọng nơi con trẻ. Rồi mỗi người được cha mẹ đặt tên, được đưa đến Nhà thờ để nhận phép thanh tẩy với một tên Thánh và trở nên con của Thiên Chúa.Mỗi lần mừng sinh nhật của mình, mỗi người nhớ đến bao nhiêu là hồng ân Thiên Chúa ban tặng để tạ ơn và sống xứng đáng hơn.

Ngày nay, nhiều gia đình có truyền thống kỷ niệm và mừng ngày sinh nhật của các thành viên trong gia đình. Đó là một việc làm thật ý nghĩa và nhiều niềm vui. Bởi vì, đã sinh ra trong đời, dù ở cảnh ngộ nào, ai cũng được Đấng Tạo Hóa ban tặng chức phận quý giá, đó là làm người. Qua mạc khải Kinh thánh và dưới ánh sáng đức tin, chúng ta biết rằng, con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu. Như vậy, mỗi người trong nhân loại đều được mời gọi theo một hướng đi nhất định để hoàn tất một định mệnh tươi đẹp và một cuộc sống cao cả.

Là Kitô hữu, chúng ta vui mừng tạ ơn và hy vọng về ơn gọi, định mệnh, hướng đi của mình.Thánh Gioan là một mẫu gương tuyệt vời, sống cao đẹp và chết hào hùng.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:47 23/06/2013
LAI LỊCH CỦA HỒ HÃM
N2T

Nước của Hổ Hãm rất trong veo có thể nhìn tận dưới đáy hồ, đứng bên bờ hồ có thể nhìn thấy mấy căn nhà bị lún xuống dưới hồ đã trăm năm, trong đó có một căn nhà nhỏ rất cũ bị nước phá hư vẫn còn đứng yên, do đó mà ngư dân vẫn thường vào trong thủy vực ấy để tránh sóng to gió lớn.
Truyền thuyết nói rằng, trước đây có một bà già ở trong nhà này rất yêu mến các loài động vật nhỏ, nên đứa con trai nhỏ của long vương hóa thành con rắn nhỏ để thử thách bà già, quả nhiên bà già rất chăm sóc cho con rắn nhỏ, khi con rắn nhỏ cắn chết con ngựa của quan huyện thì bà già bị quan huyện đánh cho đến chết.
Con trai của long vương rất đau lòng, nó hô phong hoán vũ liên tục bốn mươi đêm ngày, khiến cho tất cả huyện thành bị ngập trong nước và biến thành Hồ Hãm, tên quan huyện ấy cũng bị chết chìm.
(Tấn, Can Bảo “Sưu thần ký”)

Suy tư:
Yêu mến các loài động vật là điều rất tốt, nhưng không vì một con chó kiểng của mình bị què chân hay bị giết mà lấy mạng của người khác, hoặc vì các loài mình yêu thích mà làm hại mạng sống con người, nhất là dùng quyền uy của mình mà giết người chỉ vì một con vật nay còn may mất.
Thiên nhiên là kỳ quan mà Thiên Chúa tạo dựng cho con người thưởng thức, làm chủ nó và nhờ thiên nhiên mà con người được sinh tồn trong vũ trụ, phá hoại thiên nhiên là phá hoại công trình tạo dựng của Thiên Chúa.
Tất cả các loại động vật trên mặt đất đều được Thiên Chúa tạo dựng để cho con người tùy nghi sử dụng: ăn thịt, kéo cày, giữ nhà.v.v...tuy có nhiều loại động vật rất có ích cho con người, nhưng nó vẫn chỉ là một con vật chứ không phải con người, sinh mạng nó không thể so sánh với sinh mạng của con người, càng không thể coi nó ngang hàng với con người được, bởi như thế là chúng ta đi ngược lại với trật tự của Thiên Chúa đã an bài trong vũ trụ.
Mạng sống con người rất cao quý vì con người còn có linh hồn, cho nên không thể coi con người ngang hàng với con vật làm kiểng (chó, mèo, rắn, rùa, ngựa, chim.v.v...) của mình.
-------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:49 23/06/2013
N2T

6. Nên đem việc đọc Kinh Thánh làm sự sống của linh hồn.

(Thánh Ambrose)
---------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:51 23/06/2013
LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Lời Chúa: Lc 1, 57-66. 80
“Tên cháu là Gio-an”


Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, một con người đặc biệt mà Đức Chúa Giê-su đã nói: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” . Cao trọng, không phải vì ông Gioan làm nhiều điều vĩ đại, nhưng là vì ông là người được vinh dự làm kẻ dọn đường cho Đấng Mes-si-a đến. Trong tâm tình ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm nổi bật của thánh Gioan Tẩy Giả:

1. Cương trực và công chính.
Trước bạo quyền của vua Hê-rốt, thánh Gioan Tẩy Giả đã không sợ, và dám nói lên sự thật với vua Hê- rô-đê: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài” (Mc 6, 18), và cái giá phải trả chính là bị nhà vua chém đầu.

Thánh Gioan Tẩy Giả không vì nhu nhược an phận để được mọi người tâng bốc khen ngợi, nhưng chính ngài đã nói lên sự thật với vua Hê-rô-đê, vì việc của ông làm là trái với luân thường đạo lý; ngài cũng không vì bạo lực mà khuất phục, nhưng lời dạy của ngài làm cho nhà vua vừa kinh sợ vừa thán phục.

Trước bạo quyền trần thế, thánh Gioan Tẩy Giả thà chấp nhận cái chết hơn là dửng dưng để cho sự ác thống trị, ngài thà như cây cao vươn thẳng đứng lên trời cao và bị gió đánh gãy, hơn là làm một một con người chỉ biết lòn cúi để được an phận.

2. Khiêm tốn tự hạ.
Khi nhìn thấy Đức Chúa Giê-su, thì thánh Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại giới thiệu cho hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”, lời giới thiệu này nói lên một tấm lòng khiêm tốn, ngài không vì sĩ diện để khoe khoang mình và hạ bệ người khác; ngài cũng không vì danh vọng hão huyền mà không nhìn thấy Đấng cứu độ đang đến là Đức Chúa Giê-su, cho nên ngài thà đành “mất” hai môn đệ của mình để họ đi theo làm môn đệ của Đấng là ánh sáng trần gian là Đức Chúa Giê-su, hơn là đi theo ngài chỉ là ánh sáng của con đom đóm trong đêm mà thôi.

Khiêm tốn và tự hạ là đặc tính của người thuộc về Thiên Chúa, và nhìn nhận giá trị đích thực của người khác mà không câu nệ tị hiềm.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói với dân chúng về Đức Chúa Giê-su rằng: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”, câu nói đầy khiêm tốn tự hạ này đã đưa ngài lên tận trời cao với lời xác nhận của chính miệng Đấng Cứu Thế: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11). Khiêm tốn là sức mạnh và là vũ khí của người Ki-tô hữu để chiến thắng ma quỷ và thế gian kiêu ngạo, sự khiêm tốn đã làm cho thánh Gioan Tẩy Giả trở nên mạnh mẻ không sợ hãi trước bạo quyền của vua Hê-rô-đê; sự khiêm tốn cũng đã làm cho ngài trở nên danh giá trước mặt Thiên Chúa và loài người.

Anh chị em thân mến,
Cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả như cây cổ thụ trước phong ba bão táp đầy quyền lực của vua Hê-rô-đê, thà bị gãy chứ không chịu khuất phục, thà bị chém đầu vì công bằng chính nghĩa chứ không đầu hàng trước bạo lực bất công.

Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta có tinh thần của thánh Gioan Tẩy Giả là biết can đảm trước mọi thử thách khó khăn xảy đến cho mình, và biết khiêm nhường định hướng cho cuộc sống với tất cả ân sủng của Chúa ban cho, và nhất là biết luôn trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng trong cuộc sống hôm nay.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-----------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Thánh Gioan Tẩy Giả là người đáng tin cậy
Lm Fx Nguyễn hùng Oánh
19:05 23/06/2013
Thánh Marcô viết về Thánh Gioan Tầy giả: “Nầy Ta sai Thiên sứ Ta đi trước mặt ngươi, kẻ dọn đàng cho ngươi. Tiếng của ngừơi hô trong sa mạc: Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi” (Mc 1,1-3). Còn Thánh Gioan viết: "Xảy ra là có người do Thiên Chúa sai đến. Tên ông là Gioan. Ông đến để làmchứng, để chứng thực về sự sáng, ngõ hầu mọi người nhờ ông mà tin. Và đây là chứng của Gioan, khi ngừoi Do thái từ Giêrusalem sai các Tư tế và Levit đến để hỏi ông: “Ông là ai ?”. Ông tuyên xưng chứ không chối, ộng tuyên xưng rằng: "Tôi không phải là Đức Kytô ... Tôi là tiếng của người hô to trong sa mạc: hãy bạt phẳng đường lối Chúa … ( Gioan I, 6-8, 19-28) (Bàn dịch cùa Cha Nguyễn thế Thuấn)

Ai cũng biết người làm chứng phải có những gì dng tin cậy. Tại Tòa án, người ta không nhận chứng của em bé ; luật sư thường đặt những câu hỏi yêu cầu người làm chứng trả lời, nếu các câu trả lời mâu thuẫn nhau hoặc thiếu thống nhất, luật sư sẽ căn cứ vào đó để bác bỏ.

Thánh Gioan Tẩy giả có gì đáng tin cậy? – Tin Mừng đã trả lời: thứ nhất do Thiên Chúa sai đến để làm chứng, thứ hai là thánh nhân ý thức rõ về vai trò của mình qua câu trả lời cho những kẻ tới hỏi: Tôi là tiếng của người hô trong sa mạc: Hãy bạt phẳng đường lối Chúa như Tiên tri (ngôn sứ) Isaia đã nói. Trả lời như vậy mạnh hơn kiểu so sánh để đi tới kết luận “thế là ứng nghiệm lời Tiên tri Isaia”, vì bộc lộ ý thức vai trò Tiên tri của mình đã được Thiên Chúa định đặt từ trước, kêu gọi từ trước. Trả lời như vậy, tư tưởng của thánh nhân duy nhất với lời khẳng định trước đó: Tôi không phải là Đức Kitô, nhưng mặc nhiên nhìn nhận mình là Tiên tri, thế mà tại sao thánh nhân chối “không phải là Đấng Tiên tri”?? Có lẽ, nếu nhận mình là “Đấng Tiên tri” tức là vị Tiên tri mà Israen mong chờ có thể lẫn lộn với Đức Kitô, hoặc nhận mình là Tiên tri mà ban phép rửa thông thường thế nầy có thể làm cho dân chúng thất vọng. Đối với Thánh nhân, thực chất là con người của mình, là công việc của mình do Chúa trao phó chứ không phải là “tước hiệu”.

Đó là tiếng kêu trong sa mạc nhắc nhở dân chúng phải gặp Chúa trong “sa mạc”, nơi tổ tiên đã sống và đã gặp Chúa trong sa mạc, tức là khuyến khích dân trở về với Chúa, gặp Chúa trong đời sống khó nghèo, khiêm hạ. Đó là làm chứng cho Sự Sáng tức là Đức Kitô. Sự Sáng đối nghịch với tối tăm, sự sáng là sự thật đối nghịch với gian tà. Sự Sáng là thánh thiện đối nghịch với tội lỗi, Sự Sáng là thương yêu đối nghịch với hận thù. Làm chứng bằng cách chỉ cho dân chúng biết ai là Đức Kitô và nhất là dấn thân hy sinh bản thân để làm chứng. Làm chứng và chết vì Đạo là một nghĩa.

Ngài giới thiệu Đức Kitô bằng cách so sánh với mình: Ngài đến sau tôi, nhưng lớn hơn tôi đến nỗi tôi không xứng đáng xách giày tức là làm đầy tớ, làm nô lệ ; tôi rửa bằng nước, còn Ngài rửa trong Thánh Thần tức là làm cho sạch bằng một phán xét hủy diệt tội lỗi đầy uy quyền hoặc theo quan niệm của phái Qumrân thì Thiên Chúa sẽ thanh tẩy khỏi mọi hành vi vô đạo bằng Thần Khí thánh thiện của Ngài và làm nỗi lên Thần Khí sự thật. Hiểu cách nào đi nữa, phép rửa của Chúa Kitô vẫn trổi vượt hơn phép rửa của thánh Gioan.

Ngày nay, chúng ta biết Chúa Kitô là nhờ chứng của thánh Gioan Tẩy giả, của các thánh Tông đồ và c?a Hội Thánh. Chúng ta là kitô hữu tức là người thuộc Chúa Kitô, nhưng khi có ai hỏi ta: Ông là ai? anh là ai? chị là ai? Chúng ta có dám tuyên xưng là kitô hữu, là người Công Giáo không? Trong tiệm ăn, không dám “làm dấu Thánh giá” trươc khi ăn vì sợ ...?

Nếu người đồng đạo hỏi chúng ta: Anh là ai? – Chúng ta có nhận ra được khuyết điểm, tội lỗi của mình để sửa chữa không? Mùa Vọng chúng ta thường nghe nhiều đoạn Tin Mừng về Thánh Gioan tầy giả, nhất là đề tài sám hồi để dọn lòng cho Chúa đến: bạt đường cho bằng phẳng, lấp hố sâu … Như vậy, lúc nào cũng phải mùa Vọng của chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Brazil về tình trạng khẩn trương của đất nước
Đặng Tự Do
01:42 23/06/2013
Nghe tiếng kêu đến từ các đường phố

Chúng tôi, các Giám Mục trong Ủy Ban Thường Trực của Hội Đồng Giám Mục Brazil-CNBB, đã họp tại Brasilia từ 19 đến 21 tháng Sáu, tuyên bố đoàn kết và hậu thuẫn các cuộc biểu tình, trong hòa bình, của các tầng lớp nhân dân thuộc mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người trẻ. Đây là một hiện tượng liên quan chặt chẽ đến người dân Brazil và đánh thức lương tâm quốc gia, đòi hỏi sự chú ý và cái nhìn sâu sắc của những người có thẩm quyền xác định các giá trị và ranh giới, với mục đích xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ mà chúng ta mong muốn.

Phát sinh tự do và tự phát từ các mạng xã hội, những cuộc huy động này đặt ra câu hỏi cho tất cả chúng ta và cho thấy rằng không thể nào sống trong một đất nước có quá nhiều bất bình đẳng. Những cuộc biểu tình kêu gọi sự liêm chính và sự cần thiết phải có những chính sách công bằng cho tất cả mọi người, cũng như kêu gọi chống lại tham nhũng, sự thưởng phạt bất nghiêm và sự thiếu minh bạch trong quản lý hành chính, và tố cáo bạo lực đối với thanh thiếu niên. Đồng thời những cuộc biểu tình này cũng chứng tỏ rằng giải pháp cho những vấn đề xã hội phải có sự tham gia của mọi người dân Brazil. Những cuộc biểu tình rộng lớn này do đó canh tân hy vọng của chúng ta khi người dân kêu gào: "Quốc gia mênh mông này hãy thức giấc!"

Trong một xã hội khi quyền con người được sống theo như nguyện vọng của họ bị từ khước, thì sự hiện diện của người dân trên đường phố là chứng tá cho việc thực hành các giá trị như đoàn kết và phụng sự vô vụ lợi cho mọi người mà chúng ta tìm thấy ý nghĩa nơi sự tồn tại của chúng ta. Sự thờ ơ và khuất phục dẫn dắt con người, đặc biệt là giới trẻ, đến lối sống ích kỷ và không tôn trọng sự sống cũng như phẩm giá con người từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên.Các sự kiện trong những ngày này cho thấy Brazil không mê ngủ trong "huy hoàng".

Quyền dân chủ để biểu tỏ lập trường như thế này luôn luôn phải được nhà nước bảo đảm. Tất cả phải tôn trọng hòa bình và trật tự. Không có gì có thể biện minh cho bạo lực, cho sự phá hủy các tài sản công cộng và tư nhân, cho sự thiếu tôn trọng và lạm dụng của người dân và các tổ chức. Không có gì có thể biện minh cho các hạn chế về tự do đi lại, cho sự bác bỏ kịch liệt những suy nghĩ và hành động khác nhau. Những điều như thế thách thức những giá trị văn hóa và xã hội của đất nước chúng ta và làm lu mờ những giá trị chúng ta muốn đạt được.

Những cuộc biểu tình hiện nay tăng cường sự dấn thân của quảng đại quần chúng trước vận mệnh của đất nước và tiên báo một thời đại mới cho tất cả chúng ta. Tiếng kêu gào của người dân đã được lắng nghe!

Khẩn xin sự cầu bầu của Đức Mẹ Aparecida và muôn ơn lành của Thiên Chúa, là Đấng thánh thiện và công chính.

Brasilia, ngày 21 tháng 6 2013

Đức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis
Tổng Giám Mục Aparecida
Chủ tịch CNBB

Don José Belisario da Silva
Tổng Giám Mục Louis
Phó chủ tịch của CNBB

Don Leonardo Ulrich Steiner
Giám Mục phụ tá của Brasilia
Tổng thư ký CNBB
 
Kinh Truyền Tin: Hãy can đảm đi ngược dòng đời
Nguyễn Minh Triệu sj
09:43 23/06/2013
VATICAN. Hôm qua, ngày 23 tháng 06, dầu trời nắng nóng nhưng rất nhiều tín hữu và khách hành hương đã tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin, diễn giải ý nghĩa của bài Tin Mừng Chúa Nhật XII năm C, Đức Thánh Cha khích lệ các Kitô hữu hãy can đảm đi ngược dòng đời để làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài. Đức Thánh Cha nói:

“Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay vang vọng một lời sâu sắc nhất của Chúa Giêsu: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24).

Đây là một lời tóm kết sứ điệp của Chúa Kitô, và là một lối diễn tả đầy nghịch lý gây ấn tượng sâu sắc, giúp chúng ta hiểu cách nói của Ngài, và gần như giúp chúng ta cảm nhận được giọng nói của Ngài… Nhưng “đánh mất mạng sống vì Đức Kitô” nghĩa là gì? Điều này có thể xảy ra trong hai cách: bằng cách tuyên xưng đức tin một cách minh nhiên, hay ngang qua việc bảo vệ chân lý một cách mặc nhiên. Các vị tử đạo là những mẫu gương tuyệt vời nhất về việc liều mất mạng sống vì Đức Kitô. Trong hai ngàn năm qua, có biết bao nhiêu người nam và nữ đã hy sinh mạng sống vì sự trung tín với Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Và hôm nay, tại nhiều nơi trên thế giới, có rất nhiều, rất nhiều – nhiều hơn những thế kỷ trước – các vị tử đạo, những người trao ban chính mạng sống mình vì Đức Kitô. Họ chấp nhận cái chết để không phải khước từ Đức Kitô. Đây chính là Giáo Hội của chúng ta. Hôm nay, chúng ta có nhiều vị tử đạo hơn những thế kỷ trước.

Thế nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều vị tử đạo trong đời sống thường ngày. Họ không chết nhưng đã “liều mất mạng sống” vì Đức Kitô ngang qua việc vuông tròn những trách vụ với tình yêu, theo luận lý của Đức Giêsu, luận lý của quà tặng và của sự thánh hiến. Chúng ta nghĩ về biết bao nhiêu người cha người mẹ đã thực hành đức tin của mình bằng cách dâng hiến đời sống mình một cách cụ thể vì lợi ích của gia đình trong đời sống thường ngày! Có biết bao nhiêu linh mục, nam nữ tu sĩ đã quảng đại dấn thân cho nước Thiên Chúa trong công việc phục vụ của mình! Có biết bao nhiêu người trẻ dám từ bỏ niềm vui riêng để dâng hiến cho trẻ em, người tàn tật và già cả… Đây cũng là những vị tử đạo, tử đạo trong đời sống thường ngày, tử đạo mỗi ngày.
Và rồi cũng có biết bao nhiêu người, Kitô hữu cũng như không phải Kitô hữu, đã “liều mất mạng sống mình” vì chân lý. Và Đức Kitô đã nói rằng “tôi là chân lý”, vì thế, ai phục vụ chân lý, chính là phục vụ Đức Kitô.”

Ngày mai, 24 tháng 6, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, vì thế Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu về mẫu gương sống động của thánh Gioan Tẩy Giả trong việc dâng hiến mạng sống mình cho Thiên Chúa và Tin mừng của Ngài. Ngài nói:

“Một trong những vị đã trao ban mạng sống mình vì chân lý chính là Gioan Tẩy Giả, vị thánh mà ngày mai, 24 tháng 6, chúng ta sẽ long trọng mừng việc sinh hạ của ngài, thánh lễ lớn nhất của ngài. Thiên Chúa đã chọn thánh Gioan để chuẩn bị con đường cho Đức Kitô và để chỉ cho dân Israel biết Ngài là Đấng Mêsia, là Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian (Ga 1,29). Thánh Gioan đã dâng hiến trọn vẹn chính mình cho Thiên Chúa và cho Đấng được Thiên Chúa sai đến là Đức Giêsu. Nhưng cuối cùng điều gì đã xảy ra? Ngài đã chết vì chân lý, khi tố cáo tội ngoại tình của Hêrôđê và Hêrôđia. Có biết bao nhiêu người đã trả giá đắt vì dám dấn thân cho chân lý! Biết bao nhiêu người công chính muốn đi ngược dòng đời, để không phải khước từ tiếng nói của lương tâm và tiếng nói của chân lý! Những người công chính không sợ đi ngược dòng! Và chúng ta không phải sợ hãi, và giữa các con, là những người trẻ, cha muốn nhắn nhủ rằng: Các con đừng sợ đi ngược dòng đời, khi mà những giá trị được bày ra cho chúng ta là những giá trị xấu, muốn cướp mất hy vọng của chúng ta, những giá trị được ví như những bữa ăn, khi bữa ăn không lành mạnh, nó sẽ làm hại chúng ta; những giá trị này làm hại chúng ta. Nhưng chúng ta phải đi ngược dòng đời! Và các con, các bạn trẻ, các con phải là người đi tiên phong: “hãy đi ngược dòng đời và hãy lấy làm hãnh diện khi đi ngược dòng đời như vậy. Hãy tiến lên, các con hãy can đảm và hãy đi ngược dòng đời. Các con hãy hãnh diện về điều này.
Anh chị em thân mến, chúng ta đón nhận lời này của Chúa Giêsu với niềm vui. Đó là một quy tắc sống dành cho tất cả mọi người. Và Thánh Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta đem lời này ra thực hành. Và trên con đường này, mẹ Maria, Mẹ Rất Thánh, đã đi trước chúng ta, luôn luôn là vậy! Mẹ đã đánh mất mạng sống mình vì Chúa Giêsu đến tận Thập giá, và Mẹ đã lãnh nhận sự sống trong sự trọn vẹn của nó với tất cả ánh sáng và vẻ đẹp của Đấng Phục Sinh. Xin Mẹ giúp chúng ta biết nỗ lực hết mình trong việc sống luận lý của Tin Mừng.”

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha một lần nữa nhắn nhủ mọi người, đặc biệt các bạn trẻ hãy can đảm đi ngược dòng đời.
Anh chị em hãy nhớ kỹ: Đừng sợ hãi khi đi ngược dòng đời! Hãy can đảm! Và như vậy, chúng ta không muốn ăn một thức ăn không tốt, thì chúng ta cũng không muốn mang lấy những giá trị xấu, những giá trị hủy hoại sự sống và đánh cắp niềm hy vọng.” “Hãy tiến lên”!
Cuối cùng, Đức Thánh Cha chào mừng toàn thể các gia đình, các giáo xứ đến, các hội đoàn, trường học và toàn thể mọi người hiện diện.
 
Tình hình các Kitô hữu tại Đất Thánh
Vũ Văn An
22:36 23/06/2013
Tuần vừa qua, có tin cộng đồng Kitô hữu tại Giải Gaza gồm chừng 3,000 người trong tổng số 1 triệu 700 ngàn dân đang gặp một đe dọa mới: chính phủ Hamas vừa ra lệnh cấm các trường hỗn hợp nam nữ. Điều này có nghĩa: năm trường Kitô Giáo tại Giải, trong đó, 2 trường là Công Giáo và 3 trường là Thệ Phản, sẽ bị đóng cửa. Các viên chức nhấn mạnh rằng quyết định này không nhằm chống các Kitô hữu, nhưng trên thực tế các định chế giáo dục của họ là những định chế duy nhất tại đây dạy cả nam sinh lẫn nữ sinh.

Thượng phụ Latinh của Giêrusalem là Fouad Twal dự tính gặp thủ tướng của Gaza để xin duyệt lại động thái này. Cùng với nhiều vấn đề khác, ngài sẽ nhấn mạnh tới sự kiện: các trường Kitô Giáo này phần lớn phục vụ dân chúng Hồi Giáo.

Chính phủ Do Thái vội vàng lên tiếng cho rằng động thái trên rất đáng chú ý. Điều ấy dễ hiểu, vì bất cứ điều gì khiến người ta nghĩ xấu về chính phủ Hamas đều có lợi cho phía Do Thái. Bình tâm mà xét, phía Do Thái cũng đối xử với Kitô Giáo tương tự không kém phía Hamas.

Trong khi đó, nhiều Kitô hữu gốc Ảrập, phụ họa với các thiện cảm viên cấp tiến của họ tại Phương Tây, thường hay nhấn mạnh tới tác động tiêu cực của chính sách an ninh Do Thái và hạ thấp vai trò của phe quá khích Hồi Giáo. Ngược lại, người Do Thái và các đồng minh của họ luôn hô hoán rằng số dân Kitô Giáo tại Do Thái hiện đang gia tăng đáng kể trong khi ấy nhấn mạnh tới những điều họ coi là tội ác của người Palestine.

Thực tế ra, các Kitô hữu gặp nhiều khó khăn từ cả hai phía, và thường vì những lý do rất tương tự nhau. Dù sao, họ cũng là thiểu số trong các xã hội phần lớn được định nghĩa bằng tôn giáo, nơi sự ngờ vực “người khác” được thổi phồng bằng sợ sệt. Nói không sợ ngoa rằng ở cả hai nơi ấy, Kitô hữu đều cảm thấy khá bất an.

Phía Do Thái

Ở Do Thái, Kitô hữu được hưởng nhiều an ninh và tự do hành động hơn phần lớn các nơi khác tại Trung Đông. Thí dụ, vùng phía bắc Galilê hiện là nơi sinh sống rất an toàn cho Kitô hữu. Tại Nadarét, vị thị trưởng ba nhiệm kỳ là một Kitô hữu Chính Thống Hy Lạp, dù đến 2/3 dân chúng trong thành phố theo Hồi Giáo.

Điều cũng đúng là dân số Kitô Giáo tại Do Thái quả có gia tăng. Khoảng 50,000 Kitô hữu mới đã định cư gần đây tại Do Thái từ các lãnh thổ trước đây thuộc Liên Bang Xô Viết. Thêm vào đó, còn có các di dân từ Balkan và từ Á Châu, nhất là Phi Luật Tân. Ấy thế nhưng, nhiều Kitô hữu tại Do Thái, nhất là các tín hữu gốc Ảrập, không mô tả tình huống của họ bằng các hạn từ tươi rói.

Bêlem cho ta lý do tại sao. Năm 1947, Kitô hữu tại đó chiếm từ 70 tới 85 phần trăm dân số, nay thì người ta tin họ chỉ chiếm không hơn 15 phần trăm. Cuộc thăm dò Zogby năm 2006 cho thấy 78 phần trăm Kitô hữu của Bêlem cho hay họ rời cư vì sự chiếm đóng của Do Thái trong khi chỉ có 3.2 phần trăm rời cư vì các phong trào duy Hồi Giáo.

Một khó khăn thường được trích dẫn là việc tới lui các địa điểm thánh. Người Palestine sống tại West Bank và tại Đông Giêrusalem được cấp các thẻ cư trú khác nhau, và họ không được phép di chuyển từ nơi này tới nơi khác nếu không có phép đặc biệt. Thành thử, các Kitô hữu tại Bêlem gần như không thể tới Giêrusalem để thờ phượng tại Nhà Thờ Mộ Thánh. Điều này đúng cho cả dịp Phục Sinh dù được cấp giấy phép, vì Lễ Phục Sinh trùng với Lễ Pesach của Do Thái, lúc lệnh cấm ra vào vì an ninh được áp dụng.

Chính sách cư trú cũng có thể ảnh hưởng tai hại đối với các gia đình. Theo báo cáo, có khoảng 200 gia đình Kitô hữu trong vùng phải sống xa nhau, các thành viên phải chia nhau sống giữa West Bank và Giêrusalem. Một số làng trong vùng sống dưới quyền kiểm soát quân sự, do đó, các thành viên của gia đình cũng khó có thể di chuyển tới lui.

Các khó khăn khác bao gồm việc Kitô hữu mất đất đai cho việc xây dựng các tường ngăn an ninh của Do Thái hay cho việc mở rộng các khu định cư của Do Thái. Năm 2012, chẳng hạn, 3,000 mẫu Anh của các gia đình Kitô hữu ở Beit Jala đã bị trưng thu để tiếp tục mở rộng khu định cư Gilo và các tường phân cách.

Hana Bendcowsky, thuộc Trung Tâm Liên Hệ Kitô Giáo và Do Thái Giáo tại Giêrusalem, cảnh báo về các thái độ cứng rắn của người Do Thái đối với Kitô Giáo. Bà cho hay một cuộc thăm dò vào năm 2009 cho thấy người Do Thái cỡ tuổi từ 18 tới 29 có những quan điểm tiêu cực đối với Kitô hữu hơn các thế hệ đàn anh đàn chị của họ. Họ có khuynh hướng coi các Kitô hữu sống giữa họ như “đa số đe dọa tới hai lần”: lần thuộc thế giới Ảrập lần thuộc thế giới Tây Phương Kitô Giáo.

Riêng đối với người Công Giáo, họ cũng khá thất vọng đối với những cuộc thương thuyết dai dẳng từ năm 1993 về Thoả Hiệp Căn Bản (Fundamental Agreement) giữa Do Thái và Tòa Thánh, chủ yếu nhằm qui định tư cách thuế khóa và luật lệ cho các tài sản của Giáo Hội. Trong khi các cuộc đàm phán vẫn dậm chân tại chỗ, thì phía Do Thái lại đơn phương công bố các địa điểm quan trọng của Kitô Giáo như Núi Tabor và Capernaum là các công viên quốc gia, bất chấp quyền kiểm soát của tôn giáo này.

Bernard Sabellah, một nhà khoa bảng Kitô Giáo và là thành viên của Hội Đồng Lập Pháp Palestine, nhấn mạnh rằng một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 26 phần trăm thanh niên Kitô Giáo tại Do Thái muốn rời cư, một phần trăm y hệt đối với các thanh niên Kitô Giáo tại các lãnh thổ Palestine.

Các nhà thờ Kitô Giáo và các thánh điểm khác cũng đã trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công trả đũa, do các người Do Thái mới định cư và các thiện cảm viên của họ thực hiện chống lại các nhóm bị họ coi là chống đối các khu định cư này. Tháng 12 vừa qua, quân phá hoại đã phun sơn lên Đan Viện Thánh Giá, một nhà thờ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem, với những hàng chữ như “Giêsu là con trai một con điếm” và “Giêsu là một con vượn”.

Một cuộc tấn công tương tự khác vừa xẩy ra ngày 13 tháng 6 vừa qua, khi một nghĩa trang Chính Thống Giáo ở Jaffa đã bị phạm thánh với những từ ngữ như “trả thù” phun sơn lên trên các nấm mồ. Các nhà cổ vũ nhân quyền đã lên tiếng yêu cầu chính phủ phản ứng chống lại các vụ khiêu khích này giống như cách họ phản ứng chống lại các vụ bài Do Thái xưa nay. Nhưng nhà cầm quyền Do Thái chỉ ra thông báo lên án các vụ phạm thánh ấy mà thôi.

Phía Palestine

Việc cấm các trường hỗn hợp nam nữ công bố vào đầu tháng 6 này chỉ là thử thách mới nhất đối với các Kitô hữu tại Giải Gaza. Năm 2007, tiệm sách Kitô Giáo duy nhất tại đây đã bị ném bom và chủ nhân của nó, Rami Ayyad, bị bắt cóc và hạ sát. Trước đó, tiệm sách từng bị ném bom hai lần, vào tháng 2 năm 2006 và tháng 4 năm 2007.

Nhân chứng cho hay Ayyad bị đánh trước khi bị các tên cuồng tín Hồi Giáo giết chết. Họ tố cáo anh âm mưu truyền bá Kitô Giáo. Với tên Tiệm Sách Thầy Giáo, tiệm được Hội Thánh Kinh Palestine, một chi nhánh của Giáo Hội Baptist ở Gaza, thiết lập năm 1998.

Sau cuộc tấn công trên, Sheik Abu Saqer, lãnh tụ nhóm duy Hồi Giáo Jihadia Salafiya, nhóm bị tình nghi chủ mưu vụ ném bom tiệm sách năm 2007, đã chối băng mình không can dự gì vào việc sát hại Ayyad nhưng tố cáo các nhà lãnh đạo Kitô Giáo tại Gaza mưu toan “cải đạo và khuyến dụ người Hồi Giáo trở lại bằng tài khoản của người tin lành Mỹ”. Dù các viên chức Hamas lên án vụ tấn công và thề sẽ bảo vệ các Kitô hữu, tiệm sách không còn là mối quan tâm của họ nữa.

West Bank cũng không thiếu nguy hiểm, bất chấp các cố gắng liên tiếp của chính phủ Fatah nhằm rao hàng thiểu số Kitô Giáo như một bằng chứng của chính sách cởi mở và xứng đáng trở thành một nhà nước của họ.

Năm 2011, nhà báo Ý Francesca Paci tường trình rằng áp lực xã hội đang gia tăng nhanh chóng nhằm chống lại các cuộc hôn nhân hỗn hợp giữa người Hồi Giáo và người Kitô Giáo. Điều này có nghĩa những cặp không kết hôn nhưng có con càng ngày càng có khả thể bỏ rơi những đứa con này. Bà cũng cho biết: chủ nhân các xưởng rượu nho, những người xưa nay vốn sản xuất rượu nho cả hàng mấy thế hệ, đang phải đương đầu với nhiều áp lực gia tăng phải đổi qua việc kinh doanh trồng ôliu, là ngành được chấp nhận hơn về luân lý nhưng ít lợi nhuận hơn nhiều.

Và sau đây là một số điển hình khác:

Năm 2003, một thiếu nữ Kitô Giáo 17 tuổi tên là Rawan William Mansour đã bị hiếp ở West Bank, mà người ta cho rằng bởi hai thành viên của Fatah. Những người này không bao giờ bị truy tố, còn Mansour thì bị buộc phải trốn qua Jordan vì sợ trở thành nạn nhân của một vụ giết người để bảo vệ danh dự.

Năm 2005, hai thiếu nữ Kitô Giáo nữa, vốn là hai chị em ruột, đã bị hiếp và bị giết. Tháng 9 năm 2006, 7 nhà thờ Kitô Giáo bị ném bom nhân những cuộc biểu tình để phản đối các nhận định gây tranh cãi của Đức Bênêđíctô XVI về Hồi Giáo. Năm 2010, viện mồ côi Kitô Giáo duy nhất tại West Bank bị đóng cửa vì áp lực của Bộ Xã Hội Palestine.

Các phúc trình cho hay: áp lực chống Kitô hữu mỗi ngày một gia tăng, nhất là liên quan tới các biến cố chống lại tín hữu Hồi Giáo. Các người trở lại Kitô Giáo luôn luôn bị khối đa số kỳ thị, thậm chí các thành viên của chính gia đình họ cũng bách hại họ nữa, nếu tôn giáo của họ bị bại lộ.

Bất cứ ai công khai tự nhận là Kitô hữu đều gặp nguy hiểm. Tháng 2 năm 2011, một y sĩ giải phẫu Kitô Giáo tên là Maher Ayyad bị tấn công khi xe ông bị ném bom. Dù Ayyad không bị thương, nhưng chiếc xe bị hư hại nặng. Ayyard nói rằng sau vụ tấn công, ông bắt đầu nhận được những tin nhắn cảnh cáo ông phải ngưng không được cải đạo nữa, dù ông chối mình không theo đuổi bất cứ công việc truyền giáo nào.

Majed El Shafie, chủ tịch Một Thế Giới Tự Do Quốc Tế, cho hay: những cuộc tấn công như trên càng ngày càng trở nên thông thường hơn. Ông bảo “Các Kitô hữu ở Palestine đang phải đương đầu với nhiều cuộc bách hại. Nhà cửa, thánh đường của họ bị tấn công hầu như mỗi ngày”.

Nói cách khác, ít nhất trong các hoàn cảnh hiện nay, việc đạt được tư cách nhà nước đi chăng nữa cũng khó có thể chấm dứt được các khó khăn mà các Kitô hữu Palestine hiện đang phải chịu đựng. Ngoại trừ bị áp lực của Phương tây ra, tình thế chỉ càng ngày càng tệ hại hơn.

Tóm lại, cả phía Do Thái lẫn phía Palestine đều cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các nhóm tôn giáo thiều số, nhất là các Kitô hữu. Nhấn mạnh tới thiếu sót của bên này hơn bên kia chỉ là chuyện chính trị, chứ không hề là phân tích nghiêm túc.
 
Top Stories
Pope Angelus: Those who serve the truth serve Christ
Vatican Radio
09:49 23/06/2013
2013-06-23 - On a hot sunny day in Rome, Pope Francis greeted thousands of pilgrims and tourists from the window of the Papal apartments above St Peter’s Square who had come to hear the recitation of the Sunday Angelus.

Reflecting on Sunday’s Gospel the Pope recalled some of the most incisive words that Jesus spoke, “"Whoever would save his life will lose it, but whoever loses his life for my sake will save it" The Holy Father said that this phrase is really a summary of Christ’s message which almost makes us hear his voice.

Explaining the meaning of Jesus’ words Pope Francis said that the martyrs offer the best example of losing one's life for Christ. Both in the past and today, he continued, in many parts of the world, there are martyrs both men and women who are imprisoned, or killed for the sole reason of being Christian. But the Pope also noted that there is also the daily martyrdom, which do not result in death but is also as he put it, a "loss of life" for Christ, people doing their duty with love, according to the logic of Jesus.

These people the Holy Father said are the fathers and mothers who every day put into practice their faith by devoting their lives for the good of the family. Pope Francis also recalled the “many priests, monks, nuns who give generously their service to the kingdom of God”. And the young people who give up their interests to devote their time to children, the disabled, and the elderly.

The Pope then spoke of the Christians and non-Christians who "lose their life" for the truth, adding “those who serve the truth serve Christ.”

Before reciting the Marian prayer the Holy Father focused his attention on one great man who gave his life for the truth, John the Baptist whose feast day is celebrated on June 24th.

He said John was chosen by God to prepare the way before Jesus. John devoted himself entirely to God and his messenger. But it was Jesus who eventually died for the cause of truth.During the Angelus the Pope also stressed ,especially to the young people present, the importance of having the courage to go against the tide of current values that do not conform to the path of Jesus
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều Bên Này Thái Bình Dương
Lê Trị
21:18 23/06/2013
CHIỀU BÊN NÀY THÁI BÌNH DƯƠNG
Ảnh của Lê Trị
Khi ở đây mới chiều
quê hương tôi đã sáng
buổi sáng không tiếng cười
buổi sáng không tiếng khóc
-Khóc than là có tội
anh tưởng tượng được không !
(Trích thơ của Du Tử Lê)