Ngày 23-06-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vị Đại sứ Công giáo Nhật bản anh hùng
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
00:33 23/06/2009
Sáng sớm ngày 27-7-1940, ông Sempo Sugihara, 40 tuổi - đại sứ Nhật tại Kaunas (Cộng Hòa Lituani) - giật mình thức giấc vì tiếng động ồn ào xôn xao, bên ngoài đại sứ quán.

Đến cửa sổ nhìn ra đường, ông Sempo trông thấy một đám đông, gồm mấy ngàn người, đang đứng chờ trước cổng. Có người bồng bế con nhỏ. Có kẻ dắt tay cha mẹ già. Đa số mang theo trọn hành lý. Ông Sempo tần ngần chưa hiểu thực hư thì người giúp việc đến thưa:

- Đó là những người tị nạn Do Thái. Họ đến xin đại sứ cứu sống họ.

Tháng 9 năm trước đó - 1939 - quân Đức xâm chiếm lãnh thổ Ba Lan và cùng lúc, nhà độc tài Adolf Hitler (1889-1945) ra lệnh khủng bố tiêu diệt tất cả người Do thái.

Ông Sempo Sugihara cất tiếng hỏi đám đông, xem họ muốn gì. Một người tên Zorach Warhaftig - năm ấy làm luật sư trong lứa tuổi 30 - thay mặt đồng hương, trình bày số phận thảm thương của dân tộc Do Thái. Riêng ông Warhaftig thì toàn gia đình đã bị quân đức quốc xã giết chết. Để trốn nạn diệt chủng, người Do Thái từ Ba Lan chạy sang Cộng Hòa Lituani. Nhưng nay, chiến tranh cũng lan tới cộng hòa nhỏ bé này, và đoàn người Do Thái bắt buộc phải rời bỏ Lituani.

Lộ trình duy nhất cho cuộc trốn thoát là xuyên qua lãnh thổ Liên Xô. Nhưng người Nga sẽ không để cho đoàn tỵ nạn Do Thái đi qua đất họ, nếu họ không được một nước thứ ba tiếp nhận. Tất cả các đại sứ quán tại Lituani đã đóng cửa, hoặc không muốn giúp đỡ nhóm người Do Thái.

Ông Sempo Sugihara nói với đoàn tị nạn Do Thái:

- Tôi sẵn sàng cứu giúp quý vị. Nhưng tôi phải hỏi ý kiến Tokyo trước.

Nghe đại sứ Nhật nói thế, ông Warhaftig thật sự lo lắng. Vào thời ấy - 1940 - nhiều quốc gia không mấy thiện cảm với dân tộc Do Thái. Trong khi đó Nhật Bản đang có mưu tính liên kết với Đức quốc.

Ông Sempo Sugihara liên lạc ngay với bộ Ngoại Giao Nhật tại Tokyo. Ông viết:

- Tôi xin phép ký các chiếu khán chuyển tiếp ngay tức khắc.

2 ngày sau, ông Sempo nhận bức điện trả lời của Tokyo:

- Ông không được ký chiếu khán chuyển tiếp cho những người không được một quốc gia thứ ba tiếp nhận.

Đêm đó, ông Sempo không tài nào chợp mắt. Trong tâm tình tín hữu Công Giáo, ông nói với hiền thê:

- Anh phải làm một cái gì để cứu giúp những người Do Thái tỵ nạn đáng thương.

Bà Yukiko cũng là tín hữu Công Giáo. Trong tâm tình của bà mẹ trẻ có 3 con, bà Yukiko hoàn toàn hiệp nhất với chồng trong công tác bác ái. Bà nhỏ nhẹ nói với chồng:

- Vâng, chúng ta có bổn phận cứu giúp người Do Thái.

Ông Sempo Sugihara liên lạc với Tokyo thêm hai lần, nhưng lần nào cũng bị Bộ Ngoại Giao Nhật từ chối. Sau lần từ chối thứ ba, ông Sempo nói với vợ:

- Nếu anh bất tuân lệnh chính phủ, thì có nghĩa, con đường sự nghiệp tiêu tan. Tuy nhiên, anh quyết định bất tuân, bởi vì, nếu anh tuân lệnh chính phủ thì cũng có nghĩa anh không tuân phục THIÊN CHÚA. Anh phải nghe theo tiếng nói lương tâm và phải vâng phục THIÊN CHÚA.

Bà Yukiko dịu dàng trả lời chồng:

- Vâng, chúng ta phải cứu sống càng nhiều người Do Thái càng tốt.

Quyết định xong, ông Sempo Sugihara ra trước đại sứ quán và nói:

- Tôi sẽ ký chiếu khán chuyển tiếp cho tất cả những ai xin.

Sau giây phút im lặng ngỡ ngàng, đoàn người Do thái cất tiếng hò reo, vui sướng. Nhiều người vừa lặng lẽ cầu nguyện vừa khóc vì cảm động.

Vào buổi sáng ngày 1-8-1940, ông Sempo Sugihara bắt đầu ký chiếu khán chuyển tiếp qua Nhật, sau đó đoàn người Do Thái sẽ tìm đường sang đảo Curacao. Ông Sempo làm việc bất kể ngày đêm. Trong vòng một tháng, ông ký 3500 chiếu khán. Nhưng có tài liệu cho rằng, ông đã ký ít nhất là 6000 chiếu khán. Những người Do Thái nói với ông:

- Chúng tôi không bao giờ quên ơn ông.

Năm 1967, chính quyền Israel quyết định tưởng thưởng vị anh hùng Nhật Bản, đã cứu sống nhiều người Do Thái trong thế chiến thứ hai 1939-1945. Tại Tel Aviv, trong buổi lễ trao tặng huân chương cũng có mặt một số người Do Thái được ông Sempo cứu sống, trong đó có nhà luật sư Zorach Warhaftig. Năm đó ông Warhaftig làm bộ trưởng bộ tôn giáo. Ngoài ra còn có ông Igo Feldblum, một nhà vật lý học. Ông Igo đã ca tụng nhà đại sứ anh hùng Nhật Bản Sempo Sugihara (1-1-1900 / 1986) như sau:

- Người can đảm là người dám làm điều khó làm. Trong khi vị anh hùng làm điều xem ra không thể làm được. Vị anh hùng hành động ngay cả khi ông biết mình không được bất cứ một lợi lộc nào.

Còn Ông Warhaftig thì nói:

- Ông Sempo Sugihara quả là Vị Đại Sứ của THIÊN CHÚA!

... ”Người công chính sẽ sống muôn đời. Họ sẽ được THIÊN CHÚA ân thưởng và được Đấng Tối Cao hằng quan tâm săn sóc. Quả vậy, họ sẽ lãnh nhận triều thiên vinh quang dành cho bậc vương giả, và ngọc miện rực rỡ chói ngời từ bàn tay THIÊN CHÚA. Và họ sẽ được tay hữu Ngài phù hộ và cánh tay Ngài như khiên thuẫn chở che” (Sách Khôn Ngoan 5,15-16).

(”Reader's Digest”, January/1994, trang 69-74)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:06 23/06/2009
MƯỜI LY CÀ PHÊ

N2T


Người ăn mày nhìn thấy ông giám đốc đi vào văn phòng làm việc trong căn nhà cao tầng, bèn đi đến đưa tay ra nói:

- “Thưa ngài, có lòng tốt cho tôi chút tiền uống ly cà phê.”

Ông giám đốc nhìn thấy tướng anh ta mặc áo lót cũ rách lại không có tinh thần, thì rất thương hại, bèn nói với anh ta:

- “Cầm lấy một đồng, đủ cho anh uống mười ly cà phê.”

Ngày hôm sau người ăn xin đứng đợi nơi cửa văn phòng, giám đốc vừa bước vào, thì anh ta đánh ông ta một quyền:

- “Anh làm gì vậy ?”

- “Ông là người hại tôi, mười ly cà phê ấy hại tôi cả đêm ngủ không được.”


(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Một đồng mua được mười ly cà phê, chứ không phải mua một lần mười ly cà phê và uống hết, đúng là trí óc chậm hiểu, làm người ăn xin cũng đúng thôi.

Ân sủng của Chúa ban cho, chúng ta xài cả đời cũng không hết, nhưng lại có những người Ki-tô hữu tham lam muốn xài hết một lần, cho nên hiệu quả phản tác dụng, mà phản tác dụng lớn nhất và nguy hiểm nhất là kiêu ngạo, cho nên thánh Gregory giáo hoàng đã cảnh cáo: “Con người ta được thánh sủng của Thiên Chúa, nếu không giấu đi ắt có nguy hiểm mất đi thánh sủng, bởi vì nếu lộ diện ra bên ngoài thì sẽ được mọi người tôn kính, và sự kiêu ngạo hợm mình sẽ dễ dàng lợi dụng sơ hở mà nhập vào.”

Khiêm tốn sử dụng ân sủng Chúa ban cho, chính là che mắt quỷ kiêu ngạo và làm cho chúng ta trưởng thành hơn trong đời sống tu đức.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:10 23/06/2009
N2T


20. Ngạo mạn là vượt qua yêu chính mình, lười biếng là khinh mạn Thiên Chúa.

(Thánh Augustinus)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:12 23/06/2009
N2T


153. Muốn cuộc sống được vui vẻ thì cần phải nhiệt tâm yêu cuộc sống.

 
''Năm Linh Mục'', chia sẻ với em: Đức Ái của linh mục Chúa Ki-tô (tiếp theo)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:09 23/06/2009
2. Đức Ái của thánh Gioan Maria Vianney.

Mở ra “Năm linh mục”, Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 mời gọi các linh mục học hỏi và noi gương của thánh Gioan Maria Vianney, một vị thánh mà sức học tầm thường nhưng đạo hạnh thì trổi vượt trên mọi người; kiến thức không xuất sắc nhưng đã làm cho rất nhiều hối nhân trở lại với Chúa là Cha rất nhân từ; làm cha xứ một họ đạo nhỏ -họ Ars- giáo dân khô khan về đạo hạnh, nhưng chỉ năm (5) năm sau, mỗi ngày đã có hàng ngàn người từ khắp nơi tìm đến họ đạo của ngài để xưng tội, để được lòng ăn năn hối cải, điều gì đã làm cho ngài được như thế ? Thưa, đó chính là Đức Ái của ngài trổi vượt trên tất cả mọi việc mà ngài thực hiện.

Chỉ có Đức Ái mới làm được như thế, chỉ có Đức Ái mới khiến cho tâm hồn của con người ta biết khiêm tốn, hy sinh khi phục vụ tha nhân mà thôi.

a. Nhờ Đức Ái được chọn làm linh mục.

Thánh Gioan Maria Vianney được gọi là linh mục “dốt nát”, vì sức học của ngài quá kém và theo lẽ thường thì không được làm linh mục, nhưng cha chính địa phận thay mặt đức giám mục đã hỏi ngài có yêu mến Thiên Chúa không, và được sự xác nhận của các giáo sư là cậu chủng sinh tuy học dở nhưng đạo đức thì trổi vượt mọi sinh viên cùng lớp. Đoạn văn này giúp ta hiểu rõ điều kỳ diệu Chúa làm nơi con người “dốt nát” là Gioan Maria Vianney:

“Bấy giờ đức giám mục đi vắng, cha chính địa phận đại diện đức giám mục khảo hạch khả năng thần học của các thầy. Cha chính đã biết rõ về thầy Gioan qua cha Balley, và vì tin lời cha Balley, cũng như biết cha là người đạo đức thâm trầm nên ngài gọi Gioan đến và khảo hạch riêng trong phòng. Gioan trả lời những câu hỏi của cha chính cũng vừa đủ không đến nỗi kém quá nên ngài bằng lòng cho Gioan chịu chức năm.

Khi các giáo sư dạy thần học trình bày cho cha chính biết trường hợp của Gioan, và muốn biết quyết định của ngài như thế nào, cha chính hỏi:

- Về lòng đạo đức sốt sắng của Gioan thế nào? Có lòng yêu mến Thiên Chúa không?

Các giáo sư đều trả lời:

- Về phần đạo đức sốt sắng, cách ăn ở khiêm nhường cùng các nhân đức khác thì Gioan hơn hẳn anh em bạn học, chỉ mỗi tội là học quá kém thôi.

Nghe thế cha chính trả lời:

- Ta bằng lòng cho thầy Gioan chịu chức năm, thầy có thiếu điều gì thì Chúa sẽ bù đắp cho…”( http://www.nguoitinhuu.com)


Thánh Gioan Maria Vianney đã được Chúa chọn làm linh mục không phải vì tri thức uyên bác, cũng không phải là một người đầy tài năng, nhưng là vì có lòng yêu mến Thiên Chúa, người có lòng yêu mến Thiên Chúa thì chắc chắn cũng sẽ làm những gì thuộc về Thiên Chúa yêu cầu: đó là yêu mến tha nhân như chính mình. Khi yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, thì Thiên Chúa sẽ dùng chính Đức Ái ấy mà thực hiện những kỳ công của Ngài trên họ, cha thánh Gioan Maria Vianney cũng như như thế, Thiên Chúa chọn ngài không vì học thức uyên bác của ngài, nhưng chính sự ngu dốt của ngài mà Thiên Chúa chọn, để làm sáng danh Ngài ở trần gian.

Có một vài linh mục được Chúa ban cho trí thông minh, học hành giỏi giang, nhưng thiếu bóng khiêm tốn và cuộc sống thiếu Đức Ái với ngay cả chính bản thân mình: vì kiêu ngạo nên các ngài thường lấy khả năng trình độ học thức của mình để biện hộ cho hành động thiếu Đức Ái với mình là đúng, như hút thuốc uống rượu, mà một khi đã không yêu bản thân mình thì không thể trở thành gương tốt cho người khác được. Thiên Chúa là Đấng ban phát trí khôn và tài năng cho con người, nhưng Ngài cũng sẽ lấy lại nếu con người vì quá kiêu ngạo phủ nhận mọi tài năng của mình là do bản thân của mình mà có. Và đó chính là điều mà Thiên Chúa đã dùng thánh Gioan Maria Vianney để tình yêu thương của Ngài trên mọi linh hồn được thể hiện, mà cụ thể là giáo dân của họ đạo Ars, một họ đạo khô khan và “ngoại trừ họ đã chịu Phép Rửa Tội ra, thì tất cả đều sống như con vật.”

b. Đức Ái cảm hóa lòng người.

Thánh Gioan Maria Vianney lên đường đến xứ đạo mới –họ Ars- với một cái rương nhỏ đựng một ít đồ dùng cần thiết, ngài không biết đường đến nhà thờ nên phải nhờ em bé mục đồng chỉ đường, ngày dâng lễ đầu tiên ở họ đạo mới chỉ có vài người, nhưng trong lòng ngài đầy ắp cả chương trình làm việc ở họ đạo mới khô khan lòng đạo này. Chương trình đó của ngài chính là đặt Đức Ái lên trên hết mọi công việc mục vụ, mà việc đầu tiên của Đức Ái chính là đi thăm giáo dân của mình, ngài đi thăm từng gia đình một, ngài nắm vững từng tâm hồn của con chiên của ngài, và ngài biết phải làm gì để cảm hóa lòng họ, yêu thương họ và cầu cứu với Thiên Chúa, đó là cầu nguyện.

Khác hẳn với các linh mục hôm nay, khi nhận bài sai đến giáo xứ mới thì chính mình hoặc nhờ người thân tín đến đó trước để dò hỏi tình hình, và có khi “chỉ đạo từ xa” cho giáo dân ở xứ đạo ấy phải làm thế nào đón tiếp mình cho thật long trọng, phòng khách nhà xứ chưa có thì phải làm hoặc sửa sang lại ngay, nhà ở của cha sở chưa có gắn máy lạnh thì phải kêu thợ đến gắn ngay, rồi sau khi mọi chỉ thị từ xa được hoàn thành thì ngài mới đến. Thánh Gioan Maria Vianney không chần chừ khi được bài sai, cũng không nhờ người đi dò hỏi trước giáo xứ mà mình đến, cũng không chỉ thị từ xa cho họ phải làm cái này phải bỏ cái kia, nhưng ngài vội vàng ra đi với một tâm hồn tràn đầy lửa yêu mến Chúa và tha nhân. Linh mục thời nay được chọn với học thức đầy đủ, và chắc chắn không có một giáo xứ nào nhỏ bé mà khô khan cằn cỗi lòng đạo như họ Ars của thánh Gioan Maria Vianney, bởi vậy các linh mục cần phải có tâm hồn tràn đầy Đức Ái như ngài, thì Đức giám mục sẽ vui mừng hân hoan, các giáo dân cũng nhờ đó mà vui mừng tiến bước trong ân sủng của Chúa dưới sự dẫn dắt của cha sở mình.

Không những viếng thăm giáo dân và tìm hiểu đời sống và ước muốn nội tâm của giáo dân, thánh Gioan Maria Vianney còn chuyên chăm cầu nguyện, bởi vì ngài biết rằng, hiểu rõ hoàn cảnh của mỗi giáo dân mà thôi thì cá nhân ngài cũng không thể làm được gì cả, nhưng phải cậy nhờ vào tình yêu của Chúa, thế là ngài chuyên tâm cầu nguyện, cầu nguyện để được biết ý Chúa, cầu nguyện để trở nên gương sáng cho giáo hữu, và sự cầu nguyện của ngài làm cho các giáo dân hồ nghi đây có phải là linh mục đích thực không ? Thế là vì tò mò mà người đến nhà thờ để coi ngài, nhìn ngài cầu nguyện, và rồi sự cầu nguyện đã cảm hóa được tâm hồn nguội lạnh về Thiên Chúa của họ.

Nếu không có Đức Ái thì linh mục cũng chỉ là như một người làm công cho đức giám mục mà thôi, nghĩa là các ngài trước khi đến giáo xứ thì đòi điều kiện với Đức giám mục, đến nơi giáo xứ thì hạch sách giáo dân, chứ không vì đức vâng lời, không vì trách nhiệm và bổn phận mà phục vụ, bởi vì nơi những vị linh mục ấy không có Đức Ái nên không có khiêm tốn, không có đức vâng lời và cũng không có tinh thần phục vụ như lòng Chúa mong muốn nơi các mục tử của đoàn chiên Ngài.

Không một giáo dân nào thờ ơ khi thấy cha sở hoặc linh mục cầu nguyện, và ngay cả chính Thiên Chúa cũng mềm lòng trước lầu cầu xin chính đáng của con người, huống gì là lời cầu nguyện của một linh mục, Thiên Chúa nhất định sẽ yêu mến và chấp nhận lời cầu xin của các ngài, bởi vì các ngài đã dùng Đức Ái để cầu nguyện chứ không dùng sự kiêu ngạo, dùng sự bền chí để cầu xin chứ không cầu xin được hay không cũng được. Nhờ Đức Ái mà thánh Gioan Maria Vianney nhìn thấy những nhu cầu cần thiết của giáo dân trong một họ đạo thiếu vắng linh mục đã lâu, nên ngài biết cầu nguyện liên lĩ và cầu xin liên lĩ, không những cho mình có can đảm để tiếp tục cày bừa trên thửa ruộng họ (đạo Ars) khô cằn sỏi đá được trở bông yêu thương và nhiệt thành, mà còn cầu nguyện cho cả giáo dân của mình được ơn hoán cải và nhiệt thành với nhà Chúa...

c. Đức Ái dẫn đến hy sinh quên mình.

Nhìn “thời khóa biểu” trong một ngày của thánh Gioan Maria Vianney làm cho con người thời nay cảm phục, ngài hy sinh đến quên cả bản thân mình, mỗi ngày ngài ngồi tòa giải tội liên tục từ giờ này đến giờ nọ, ngay cả khi ăn cũng giải tội, thời gian một ngày của ngài là giải tội cho giáo dân của mình và giáo dân từ những nơi xa xôi trong các vùng nước Pháp đến, không có giờ nấu ăn, nên ngài nấu khoai lang để dùng vài ngày ăn cho tiện, ngay cả giờ nghỉ ngơi giải trí cũng không, giờ ngủ thì rất ít, tất cả những hy sinh đó nếu không có lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân thì chắc chắn không thể làm được.

Có một vài linh mục thời nay, sau khi dâng thánh lễ xong thì không thấy ngài đâu nữa, và không ai biết ngài đi đâu, điện thoại di động không mở, không phải ngài đang cầu nguyện trong nhà thờ, cũng không phải ngài đang đóng cửa đọc sách, nhưng ngài đang đóng cửa coi phim, giáo dân có việc tìm ngài thì không gặp, muốn xưng tội với ngài thì phải coi giờ xưng tội nơi cửa nhà thờ, chứ đường đột xin xưng tội thì sẽ không được.

Đức Ái của linh mục không hệ tại đọc sách nhiều và làm việc giỏi (bởi vì có nhiều linh mục năng nổ làm việc đạt nhiều thành quả tốt, nhưng lại không có sự khiêm tốn trong tâm hồn, nên các ngài dễ dàng bị những thành quả ấy đánh gục mình khi vừa được tiếng khen ngợi của người khác), nhưng là nhờ suy gẫm cuộc thương khó của Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại mà chịu khổ hình, để nhờ đó mà các ngài hiểu rõ được sứ mạng cao cả của mình khi phục vụ Chúa trong mọi người.

Sự hy sinh của thánh Gioan Maria Vianney trở thành mẫu gương sáng chói cho các linh mục của Chúa Giê-su, như lời của Đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã nói trong thư gởi các linh mục nhân dịp mở “Năm Linh Mục”: "Vừa đến nơi, ngài đã chọn nhà thờ làm nơi ở của mình…Ngài vào nhà thờ trước bình minh và chỉ ra khỏi đó sau Kinh Truyền Tin buổi chiều. Chính ở đó mà phải tìm kiếm ngài nếu người ta cần đến ngài". Giáo dân không cần đi tìm ngài ở nơi xa xôi, nhưng vào nhà thờ là thấy được ngài đang cầu nguyện trước Chúa Giê-su Thánh Thể, đây là mẫu gương tuyệt vời của sự cầu nguyện của các linh mục. Bởi vì thời nay có một số linh mục rất ít vào nhà thờ ngoài giờ dâng lễ, mặc dù nhà xứ sát bên cạnh nhà thờ; thời nay cũng có những linh mục không tích cực chầu Mình Thánh Chúa, bởi vì các ngài có rất nhiều lý do để biện minh cho mình, mà quên mất rằng Chúa Giê-su Thánh Thể là Đấng thẩm phán trong ngày phán xét chung cuộc của mỗi người, và của cả nhân loại trong ngày tận thế.

Sách Gương Chúa Giê-su đã dạy: “Con người được đức ái thành toàn, thì trong tất cả mọi việc chỉ vì vinh quang của Thiên Chúa mà không cầu lợi ích cho mình.” Thánh Gioan Maria Vianney đã thực hiện đúng như thế, ngài đã để cho Đức Ái chiếm lĩnh hoàn toàn tâm hồn của mình, ngài đã hành động vì lòng yêu mến Chúa qua những giáo dân nguội lạnh lòng đạo đức trong họ đạo của mình; ngài thức khuya dậy sớm, cầu nguyện suốt ngày trong nhà thờ, hy sinh ngồi tòa giải tội bất cứ lúc nào trong ngày, đi thăm viếng từng gia đình trong họ đạo là chỉ vì vinh quang của Thiên Chúa, chứ không phải tìm vinh quang cho mình. Ngài đã để cho ngọn lửa Đức Ái đã đốt cháy tâm hồn để trở thành ngọn đuốc yêu thương tỏa sáng và sưởi ấm lòng lãnh đạm thờ ơ nơi mỗi người tín hữu...

Người ta thường đề cao đức khiêm tốn của các thánh, và đối với thánh Gioan Maria Vianney cũng không ngoại lệ đó, nhưng sẽ không có sự khiêm nhường nếu không có Đức Ái, vì Đức Ái chính là mẹ sản sinh ra những nhân đức khác. Cho nên có thể nói cuộc đời của thánh Gioan Maria Vianney được tóm gọn trong hai chữ Đức Ái, bởi vì không yêu thì sẽ không làm gì cả, dù cho ân sủng của Chúa vẫn luôn sẵn sàng ban xuống cho con người.

LỜI KẾT

Em thân mến,

Đức Ái cần phải là kim chỉ nam cho cuộc đời của các linh mục của Chúa Giê-su Ki-tô, bởi vì nếu không có Đức Ái thì dù các linh mục có làm những chuyện rung chuyển thế giới, thì cũng chỉ là như cái thanh la kêu chũm chọe mà thôi, lại còn làm điếc tai người khác nữa.

Đức thánh cha Biển Đức 16 trong ngày khai mạc “Năm Linh Mục”, ngài đã đi thẳng đến nhà nguyện nơi có xác thánh Gioan Maria Vianney -bổn mạng của các cha sở- và mở đầu lời cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Giêsu, nơi thánh Gioan Maria Vianney, Chúa đã muốn ban cho Giáo Hội một hình ảnh cảm động về đức bác ái mục tử của Chúa, xin ban cho chúng con sống trọn vẹn Năm linh mục này, cùng với thánh nhân và được sự nâng đỡ của Người.” Lời cầu nguyện đơn sơ với tất cả ý van xin nơi vị thánh tràn đầy Đức Ái của Chúa Giê-su, để nhờ ngài cầu bàu cho các linh mục của Giáo Hội Công Giáo được trở nên những mục tử tràn đầy Đức Ái như ngài, để các linh mục thực sự là những chứng nhân hoàn hảo giữa một thế giới đầy dẫy bóng đêm tội lỗi, mà các linh mục phải trở thành những ngọn đuốc sáng soi cho họ.

“Năm Linh Mục” được mở ra trong bối cảnh thế giới đang nhìn vào các linh mục của Giáo Hội, đang xoi bói chế giễu các linh mục của Giáo Hội, và ma quỷ cũng đang vỗ tay ăn mừng chiến thắng vì có các linh mục đã đầu hàng vô điều kiện trong cuộc chiến tâm linh với ma quỷ và tội lỗi, thì với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần mà “Năm Linh Mục” được khai mở cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo, mà đặc biệt là Đức thánh cha đã chọn thánh Gioan Maria Vianney làm mẫu gương sáng đặc biệt cho các linh mục học hỏi và noi theo, không phải noi theo cái “ngu dốt tầm thường” kiến thức của ngài, nhưng noi theo những việc ngài đã làm cho họ Ars, từ một địa phương không ai biết thành một nơi hành hương nổi tiếng của thế giới, từ một họ đạo khô khan lòng đạo của giáo dân trở thành nơi an ủi khuyến khích những tâm hồn tội lỗi trở về với Chúa, tắt mọt lời đó là học theo gương mến Chúa yêu người của thánh nhân, tức là Đức Ái.

“Năm Linh Mục” là để mỗi linh mục nhìn lại cuộc đời tận hiến của mình có phù hợp với tinh thần Phúc Âm không, là nhìn lại căn tính của linh mục không phải chỉ là dâng thánh lễ, cũng không phải là kiến thiết xây dựng, nhưng căn tính của linh mục là Đức Ái, là lời truyền dạy của Chúa Giê-su trong bữa tiệc ly trước khi hy sinh chịu chết vì tội lỗi nhân loại, Chúa Giê-su dạy rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”( Ga 15, 12.) “yêu thương nhau” chính là Đức Ái, là căn tính của các linh mục của Chúa Giê-su Ki-tô.

***

Em thân mến,

“Đức Ái của linh mục Chúa Ki-tô” là những chia sẻ với em về những suy tư của anh trong đời sống linh mục, bởi vì nếu không có Đức Ái thì linh mục không thể cảm động trước nổi bất hạnh của người khác; nếu không có Đức Ái thì linh mục cũng chỉ là một con người đầy tham sân si như những người khác mà thôi, và có khi còn tệ hại hơn nữa, bởi vì nơi bản thân linh mục mọi sự đều có, mà theo người đời nhìn vào thì linh mục là một đại gia có tiền, có danh vọng và có quyền, mà khi một linh mục trở thành đại gia –nghĩa là không có Đức Ái- thì dù ngài có dâng thánh lễ, dạy giáo lý, hoặc làm việc bố thí, thì tất cả những việc làm ấy như thanh la chũm chọe để mọi người khen ngợi mà thôi.

Em đừng ngã lòng khi thấy cha sở em, hay một vài linh mục sống không có Đức Ái, bởi vì các vị ấy chỉ là những thiểu số nhỏ, nhưng hầu hết các linh mục của Chúa Giê-su trên thế giới này đều là những con người đã hy sinh tất cả để được Chúa, các ngài đã vì tận hiến cho Chúa mà trở thành những mục tiêu tấn công của ma quỷ và thế gian, cho nên em hãy luôn cầu nguyện cho các linh mục của Giáo Hội, cầu nguyện thật nhiều bởi vì các linh mục của Chúa Giê-su rất cần lời cầu nguyện của mọi người, trong đó có em và có anh.

Lời nguyện kết thúc bài chia sẻ:

Lạy Chúa Giê-su là linh mục đời đời,

Chúa đã đến thế gian không phải để được phục vụ

dù Chúa rất đáng để được người khác phục vụ,

nhưng Chúa đến thế gian

để phục vụ và hiến mạng sống

cho nhân loại, là đối tượng yêu thương của Chúa.

Xin ban cho con và các linh mục của Chúa,

ngày hôm nay,

đang sống giữa một thế gian

giữa những cám dỗ của ma quỷ và tội lỗi

biết trang bị cho mình tinh thần cầu nguyện,

lòng khiêm tốn và can đảm,

và nhất là đốt cháy lòng chúng con ngọn lửa

của Đức Ái.

Để chúng con cũng như Chúa,

coi họ là những đối tượng yêu mến của chúng con.

Để nhờ sự cầu nguyện

mà chúng con tìm ra thánh ý Chúa,

để nhờ lòng khiêm tốn

mà chúng con phục vụ trong vui vẻ,

để nhờ lòng can đảm

mà chúng con không ngại trước những cám dỗ,

và nhờ Đức Ái

mà chúng con hoàn thành nhiệm vụ

vối tất cả hy sinh quên mình.

Lạy Chúa Giê-su là linh mục đời đời,

Nhờ lời chuyển cầu

của thánh Gioan Maria Vianney,

bổn mạng của các cha sở và các linh mục,

xin cho chúng con biết noi gương

bác ái, khiêm tốn và cầu nguyện của ngài,

để chúng con đi đốt lên ngọn lửa của Đức Ái

nơi những tâm hồn nguội lạnh,

để lòng họ bừng cháy lên lòng yêu mến Chúa,

để họ biết chung tay

thắp lên ngọn lửa Đức Ái ngay trong cuộc sống

của mình và của người khác.

Xin Chúa nhậm lời chúng con cầu xin.

Amen.


-----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Đụng đến áo
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
08:19 23/06/2009
Download the original attachment

CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN, NĂM B

Mc 5, 21 – 43

Trong cuộc đời công khai giới thiệu Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã qui tụ một số môn đệ đi theo Ngài và Ngài đã huấn luyện họ, dạy dỗ họ, làm nhiều phép lạ kèm theo những lời Ngài giảng dạy để chứng tỏ quyền của Ngài. Nhữg phép lạ Chúa Giêsu làm minh chứng Ngài yêu thương nhân loại, yêu thương con người. Chúa Nhật 13 thường niên, năm B, Hội Thánh cho đọc đoạn Tin Mừng của thánh Máccô nói về hai phép lạ: phép lạ cứu chữa con gái ông Gia-ia thoát chết và phép lạ chữa người đàn bà loạn huyết lâu năm được khỏi. Hai phép lạ này đều là kết quảcủa lòng tin…

HAI PHÉP LẠ, HAI LÒNG TIN VỮNG CHẮC: Chúng ta phải để cho Lời Chúa soi dẫn và Chúa Thánh Thần dùng Lời của Chúa để biến đổi chúng ta. Bài đọc I cho thấy Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài cách tốt đẹp, ma quỉ gây ra cái chết vì thù địch với con người, ghen tỵ với con người vì con người được Thiên Chúa ưu đãi, muốn thoát sự kềm tỏa của ma quỉ, con người phải thực hành sự công chính. Bài đọc 2, Đức Kitô đã thí mạng sống để cứu độ con người, do đó, con người phải thí mình vì anh em. Tuy nhiên, bài Tin Mừng hướng chúng ta về lòng nhân hậu và chạnh thương của Chúa khi con người biết chạy tới với Ngài và xin Ngài cứu giúp. Hành động đức tin và gắn bó chặt nơi Chúa sẽ được Chúa cứu vớt.Nơi ông trưởng hội đường, lòng tin được bày tỏ rõ ràng, còn nơi người đàn bà, lòng tin rụt rè, e lệ và kín đáo. Tuy nhiên, dù lòng tin có kín đáo hay rõ ràng, thì chính lòng tin của con người đã giúp cho phép lạ xảy ra. Điều này minh chứng muốn có phép lạ phải có lòng tin vững vàng, lòng tin phải tỏ lộ và minh chứng. Ở đây, hai phép lạ. Hai con người. Hai cách biểu tỏ lòng tin nhờ đó, Chúa sẽ can thiệp và cứu giúp con người. Phải có đức tin mới có phép lạ. Phải có tấm lòng, phải có sự quảng đại cộng tác với nhau, như phải có sự cộng tác của con người với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa đã làm phép lạ. Ông Gia-ia đã biểu lộ lòng tin lặn lội tìm tới Chúa Giêsu cũng như người đàn bà bị loạn huyết chỉ ao ước được đụng chạm tới Chúa Giêsu thì bà sẽ được khỏi. Quả thực, hai con người, hai cách biểu tỏ lòng tin, Chúa Giêsu đều cứu vớt.

ĐỨC TIN LÀ YẾU TỐ RẤT QUAN TRỌNG TRONG ĐỜI SỐNG CHÚNG TA: Đức tin sẽ giúp con người vui sống, phấn khởi và hạnh phúc. Không có đức tin, không có niềm hy vọng, niềm tin, con người sẽ đau khổ, thất vọng, buồn nản, ê chề. Đời của mỗi người là một cuộc hành trình đức tin, là một cuộc phấn đấu không ngừng. Đức tin khác với tình cảm buồn vui. Tình cảm luôn thay đổi còn đức tin luôn bền vững. Chính vì thế, đức tin của mỗi người chúng ta phải vững chắc không được sống tình cảm vui buồn. Bởi vì, tình cảm dễ thay đổi. Vui thì khác. Buồn thì khác.Gương đức tin của ông trưởng hội đường, và người đàn bà bị bệnh loạn huyết trong Tin Mừng sáng nay mời gọi chúng ta kiểm điểm lại thái độ sống của mỗi người chúng ta. Đời sống con người chúng ta có phải lúc vui chúng ta biểu lộ đức tin và ngược lại lúc buồn chúng ta biểu lộ đức tin khác. Chúng ta yếu đức tin hay luôn phó thác nơi Chúa. Chúng ta có cậy dựa vào những mưu kế trần gian để lươn lẹo, luồn lách để sống không ?

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ: Gương đức tin của Abraham, của Môsê, của Isaac, Giacóp và của nhiều người trong Tin Mừng phải là kim chỉ nam cho đời sống của mỗi người. Chúng ta có cậy dựa vào Chúa không ? Bởi Chúa đã nói Ngài là khiên thuẫn chở che chúng ta mà. Ngài nói chúng ta chỉ cần tin. Chúng ta đã tin đủ chưa ? Chúa nói như thế nhưng đó lại là cả một thách đố lớn lao đối với chúng ta. Chúa nói không phải những ai chỉ nói ngoài môi miệng:” Lạy Chúa, lạy Chúa là được rỗi, nhưng là những ai nghe và thực thi Lời Chúa “.

Đức tin quả thật là thách đố lớn lao đối với mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa. Amen.
 
Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Baotixita 24.6
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
15:13 23/06/2009
LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN BAOTIXITA (24.06)

Các sĩ tử Việt Nam mới trải qua một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học niên khoá 2008 – 2009. Đây là kỳ thi được cho là nghiêm túc nhất từ xưa đến nay vì không có những sự cố đáng tiếc xảy ra. Kỳ thi này được xem là khả quan về thánh tích. Với những kỳ thi trước, các em vẫn vô tư bước vào phòng thi, dù rằng không cần chuẩn bị bài vở. Có nhiều em còn mạnh dạn cho rằng: “học tài thi phận” nên chẳng cần miệt mài kinh sử, chỉ cầu may trời ban cho những phao cứu hộ là vượt qua được kỳ thi. Nhưng qua những năm vừa qua, nhờ sự nghiêm túc của ngành giáo dục đã giúp cho các thí sinh hiểu rằng: chữ “phận” hoàn toàn tùy thuộc vào chữ “tài”.

“Học tài thi phận” đó cũng là niềm tin vào thuyết định mệnh đã ăn sâu vào văn hoá Việt Nam. Cho tới ngày hôm nay nhiều người vẫn tin rằng: con người sinh ra đều có số, có mệnh. Có người từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành đều nhàn hạ, mọi việc đều êm xuôi, gọi là số hưởng. Có người lại làm ăn thất bát và lắm hoạn nạn, chua cay gọi là số “con rệp”. Với quan niệm này, dường như định mệnh đã an bài mọi sự, thế nên:

“Con quan thì lại làm quan

Con sãi ở Chùa lại quét lá đa”.

Vì tin vào số mệnh đôi khi người ta cũng buông trôi theo số mệnh an bài. “Nằm chờ sung rụng” và thiếu trách nhiệm với cuộc sống của mình như những em thi rớt phổ thông vẫn tự an ủi mình “học tài thi phận”.

Theo giáo lý kytô giáo dạy rằng: mỗi người sinh ra là do ý muốn đầy yêu thương của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa an bài cho con ngừơi sinh ra trong cuộc đời và đặt định cho con người một sứ mạng để hoàn thành mà ta thường gọi là “ơn gọi”. Ngài không áp đặt con người theo một phận số đã định nhưng để cho con người hoàn thành sứ mạng trong tự do và đầy đủ trách nhiệm.

Hôm nay ngày sinh nhật thánh Joan Baotixita, vị tiền hô của Đấng cứu tinh nhân loại. Có thể nói sứ mạng và cuộc đời của Ngài là nét tiêu biểu cho cuộc đời của mỗi người chúng ta. Thánh JB được sinh ra là do sự can thiệp đầy yêu thương của Thiên Chúa. Bà Elizabet đã mang thai trong lúc tuổi già. Ông Giacaria vì muốn một dấu lạ để ông tin vào chuyện đó nên sứ thần đã để ông bị câm cho tới khi JB chào đời. Ơn gọi làm người của thánh nhân là trở thành ngôn sứ đi trứơc để mở đường cho Đấng cứu tinh. Điều đáng nói là về phần thánh nhân, một khi đã khôn lớn và nhận ra sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó, JB đã sống trọn vẹn cho sứ mạng đó, dù rằng phải trải qua tù đầy và cái chết đẫm máu.

Ngay khi nhận biết sứ mạng của mình là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, JB đã rút lui vào trong hoang địa, sống khắc khổ, xa lánh mọi mời mọc, níu kéo của trần gian để sống trọn vẹn cho Thiên Chúa. Ông dọn đường cho Đấng cứu thế, bằng việc mời gọi mọi người sám hối ăn năn vì thời gian đã hết, Nước Thiên Chúa đã gần. Khi xong phận vụ của mình là kẻ dọn đường để “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi”, JB đã rút lui vào trong bóng tối. Cuối đời, JB cũng lãnh nhận phúc tử đạo như bao phận số đã định cho cuộc đời của các tiên tri.

Mỗi người chúng ta sinh ra trong cuộc đời cũng có một sứ mạng để hoàn thành theo ý định của Thiên Chúa. Cách chung, sứ mạng đó nằm trong ơn gọi làm người của mình. Con người là hình ảnh Thiên Chúa, có khả năng hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa. Con người phải sống theo lương tâm ngay thẳng để sống đúng phẩm giá làm người và hoàn thiện mình mỗi ngày nên tốt hơn. Ngoài ra Thiên Chúa cũng để cho mỗi người một hoàn cảnh, một địa vị, một khả năng như phương thế để con người sống đúng ơn gọi làm người của mình. Như vậy, giá trị của đời người không hệ tại ở địa vị, hoàn cảnh, hay khả năng mà hệ tại ở việc con người biết nỗ lực hoàn thiện cuộc đời mình cho xứng với phẩm giá làm người.

Chính điều đó đã giúp cho thế giới hôm nay vẫn còn đó những con người biết qúy trọng nhân cách, qúy trọng tình người hơn là những danh lợi thú trần gian. Dù rằng, sống giữa một trào lưu hưởng thụ, nhiều người đã can đảm từ khước những đam mê thấp hèn để sống cao thượng theo phẩm giá làm người. Dù rằng, sống giữa một xã hội đầy ích kỷ, luôn đề cao cá nhân, nhiều người vẫn âm thầm lặng lẽ sống hết mình phục vụ tha nhân.

Vâng thế giới hôm nay vẫn còn đẹp, vì vẫn còn đó những tấm lòng biết sống cho tha nhân, biết vì lợi ích của tha nhân mà quên đi những niềm vui bất chính. Thế giới hôm nay vẫn còn đẹp, vì vẫn còn đó những con người không vì tiền mà bán rẻ lương tâm, không vì quyền mà sống luồn cúi, thấp hèn, không vì những ham muốn xác thịt mà bôi nhọ thanh danh. Thế giới hôm nay, vẫn còn đẹp, vì vẫn còn đó những con người biết hoàn thiện mình theo chân thiện mỹ mà Thiên Chúa đã an bài.

Đó cũng chính là sứ mạng tối hậu và khẩn cấp mà Chúa đang chờ đợi chúng ta hoàn thành trong thời đại hôm nay. Là người kytô hữu, chúng ta không thể sống thiếu trách nhiệm về cuộc sống của mình và của tha nhân. Chúng ta không thể vì những danh lợi thú trần gian để đánh mất phẩm giá và lương tri của một con người. Chúng ta càng không thể để cho những khuynh hướng xấu làm mất đi vẻ đẹp của phẩm giá con người “giống hình ảnh Thiên Chúa” nơi chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng phải là những chứng nhân về chân thiện mỹ, về nét đẹp cao qúy của con người, và nhất là về ơn gọi của người kytô hữu là phải quy hướng về Thiên Chúa, sống cho Thiên Chúa và vì Thiên Chúa. Chúng ta phải hô to cho cả thế giới này thấy rằng: ngoài đời sống vật chất con người còn có sự sống thần linh, sự sống tương giao với Thiên Chúa. Con người phải tôn thờ và sống theo lề luật mà Thiên Chúa đã an bài. Sống theo ý định của Thiên Chúa, con người mới tìm được hạnh phúc và an bình đích thực trong cuộc sống hôm nay và đạt được cứu cánh hạnh phúc đời sau. Amen
 
Lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
15:18 23/06/2009
LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
(Bài đọc 1: Is 49, 1-6; Bài đọc 2: Cv 13, 22-26; Tin mừng: Lc 1, 57-66.80)

Trong niên lịch Phụng vụ, nếu không nói đến ngày lễ Giáng Sinh của Con Thiên Chúa, thì chỉ có hai đấng được nhắc đến ngày sinh của mình: một là Mẹ Maria, được mừng sinh nhật vào ngày 8/9, và người thứ hai là thánh Gioan Tiền Hô được toàn thể Giáo Hội mừng trọng thể ngày sinh nhật của ngài vào ngày hôm nay.

Tuy nhiên, không phải chỉ có Mẹ Maria và thánh Gioan mới có ngày sinh nhật, nhưng tất cả mỗi người trong chúng ta đây, ai cũng có một ngày sinh. Chúng ta đã được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và sự quan phòng của Thiên Chúa. Việc chúng ta xuất hiện trên cõi đời này không phải là một sự ngẫu nhiên, nhưng cũng giống như thánh Gioan Tiền Hô, mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa gọi vào đời và giao cho một nhiệm vụ phải chu toàn.

Do đó, nhân ngày lễ Sinh nhật của thánh Gioan Tiền Hô, tôi muốn cùng quý OBACE suy nghĩ về hai điểm: bổn phận của cha mẹ trong việc giáo dục con cái, và ơn gọi của mỗi người kitô hữu.

1. Bổn phận giáo dục con cái của cha mẹ:

Điều đầu tiên mà các bậc làm cha mẹ là giúp cho con cái mình can đảm sống theo hướng dẫn của Lời Chúa, cho dù điều đó có đi ngược lại với thói quen của mình, đòi hỏi chúng ta một sự cố gắng hy sinh. Chúng ta phải can đảm sống đúng với giáo huấn của Chúa trong mọi việc lớn nhỏ.

Các bậc cha mẹ cần giáo dục cho con cái một lương tâm ngay thẳng, để rồi trong bất cứ hoàn cảnh nào, gặp bất cứ điều gì, cho dù là một việc nhỏ và có được sự ủng hộ của nhiều người, nhưng nếu không đúng với Lời Chúa thì chúng ta vẫn không làm.

Tất cả những điều trên, các bậc phụ huynh chỉ có thể làm được không phải bằng lời nói mà bằng chính đời sống gương mẫu của cha mẹ. Chúng ta có thể học được bài học này từ cha mẹ của thánh Gioan Tiền Hô. Tin mừng thuật lại, khi con trẻ đã được tám ngày, bà con đến để chúc mừng và “cắt bì cho con trẻ, và họ đã lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được tên nó là Gioan”. Cả ông Giacaria, dù không nói được, nhưng cũng đã ra hiệu đồng ý như vậy. Cả hai ông bà đã đặt tên con trẻ theo như ý của Thiên Chúa, chứ không phải theo phong tục tập quán hay ý riêng mình.

Sống đúng theo ý Chúa, chu toàn mọi bổn phận của mình, đó chính là lúc chúng ta đang sống trọn vẹn ơn gọi của người kitô hữu.

2. Ơn gọi của người kitô hữu:

Trong nghi thức diễn giải sau khi đã được rửa tội, người đỡ đầu thay mặt cho em nhỏ đã nhận cây nến sáng được thắp lên từ cây nến Phục Sinh của Chúa Kitô, để rồi từ đây, theo dòng thời gian, em nhỏ này phải dùng chính cuộc sống của mình để chiếu tỏa ánh sáng Tin mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người. Trong bài đọc một, trích từ sách ngôn sứ Isaia nhắc lại lời của Giavê Thiên Chúa nói về người tôi tớ của Người rằng: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacob, để dẫn đưa các nười Israel sống sót trở về; nầy đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc”.

Như thế, nhiệm vụ của mỗi người kitô hữu là phải trở nên ánh sáng để dẫn đưa mọi người đến với Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta phải chiếu giãi ánh sáng của yêu thương và tha thứ vào trong thế giới đang đầy dẫy những hận thù, ganh tỵ. Thông thường, chúng ta vẫn thường thích để người khác đến với mình, khen ngợi mình, nhưng đây không phải là mục đích cuối cùng của người kitô hữu. Một người kitô hữu chân chính phải luôn ý thức mình chỉ là người dọn đường để dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa. Chúng ta phải hãm dẹp cái tôi ích kỷ, phải dùng chính cuộc sống tự hạ, khiêm tốn của mình để dẫn đưa mọi người đến gặp gỡ Thiên Chúa. Nhiệm vụ của chúng ta là dẫn đưa con người đến gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa, chứ không phải dừng lại ở nơi chúng ta.

Về điều này, thánh Gioan Tiền Hô mà chúng ta mừng kính hôm nay là một mẫu guơng hết sức sống động cho chúng ta. Lúc ấy, sau khi bắt đầu cuộc rao giảng của mình, toàn dân đã kéo nhau đến với thánh nhân rất đông. Nhiều người trong số họ, kể cả Chúa Giêsu cũng đã bước vào dòng sông Giođan để được ngài thanh tẩy. Danh tiếng của ngài đã vang dội khắp nơi. Mọi người đều coi ngài là một vị ngôn sứ đến từ Thiên Chúa. Thậm chí, họ còn lầm tưởng thánh nhân chính là Đấng Messia mà Thiên Chúa đã báo trước. Lúc đó, thánh nhân chỉ cần im lặng thôi là có thể tận hưởng bao vinh dự dân chúng dành cho ngài. Thế nhưng, thánh nhân đã không làm như vậy. Ngài ý thức rõ vai trò của mình. Mình chỉ là người dọn đường, chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế. Thánh nhân đã can đảm nói lên sự thật: “Tôi không phải là người anh chị em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi, mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.

Đây quả là bài học hữu ích cho mỗi người chúng ta. Trong cuộc sống thường ngày, nhiều khi chỉ vì để chứng tỏ mình, để biện hộ cho mình, chúng ta thường ngụy biện để che đậy lỗi lầm, lôi kéo mọi người về phe mình để chống đối người khác. Và chính những điều đó đã gây ra biết bao hiềm khích, chia rẽ trong cộng đoàn.

Bài học thánh Gioan để lại là mỗi người phải tự xóa mình, để cho Chúa lớn lên. Nhờ đó cộng đoàn được hiệp nhất. Thiên Chúa được tôn vinh. Hay nói theo cách nói của ngôn sứ Isaia trong bài đọc một, nhiệm vụ của người kitô hữu, đó là “đem Giacob về cho Người, và quy tụ Israel chung quanh Người” chứ không phải quy tụ mọi người chung quanh chúng ta. Chính vì sống như vậy, thánh Gioan đã được “vinh hiển trước mặt Chúa” và đã nhận được phần thưởng muôn đời “ở nơi Thiên Chúa”.

Thánh Gioan đã sinh ra trong niềm vui của cha mẹ và mọi người, thánh nhân đã sống trọn vẹn ơn gọi của mình, để rồi lúc ra đi, thánh nhân đã để lại một mẫu gương khiêm nhường, thánh thiện cho muôn đời. Phần mình, mỗi người chúng ta đã có một ngày được sinh ra. Trong ngày đó, chúng ta khóc, còn mọi người cười vui. Vậy thì giờ đây, chúng ta hãy sống thế nào để khi Chúa gọi chúng ta về, chúng ta có thể hân hoan mỉm cười, còn mọi người phải khóc vì thương, vì nhớ chúng ta. Amen.
 
Thánh Gioan Tẩy Giả: con người kì diệu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
15:25 23/06/2009
LỄ SINH NHẬT GIOAN TẨY GIẢ

Trong năm phụng vụ chỉ có 3 lễ mừng sinh nhật. Đó là Giáng Sinh của Đức Giêsu (25.12).Sinh nhật của Đức Maria (8.9) và Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả (24.6).

Cuộc đời và sứ mạng của Gioan gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu nên Giáo hội có lý do để sắp đặt việc mừng Sinh nhật của Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế trở thành một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ.

Gioan được sinh ra kỳ diệu và ơn gọi cũng kỳ diệu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

1. Sinh nhật kỳ diệu

Thánh Luca đã nói tới ngày sinh với những dấu hiệu kỳ diệu của Gioan “Nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời” (Lc 1,14).

a. Dacaria bị câm:
Thân phụ của Gioan bị câm vì nghi ngờ lời Truyền tin của Sứ Thần đang khi ông đang dâng hương trong đền thờ theo phiên của mình (Lc 1,5- 23)

b.Khỏi Tội Nguyên tổ
Bà Isave có thai được 6 tháng, Đức Maria đã đến viếng thăm, vừa nghe lời của Đức Maria chào thì thai nhi Gioan đã nhảy mừng trong dạ mẹ(Lc1,41) và được đầy tràn Thánh Thần (Lc 1,15).Hồng An này được Giáo hội hiểu là Gioan đã khỏi tội nguyên tổ, một ân huệ cao cả mà ngoại trừ Đức Maria cả nhân loại không ai có được.

c.Son sẻ mà có con
Hai ông bà Dacaria và Isave là người công chính trước mặt Thiên Chúa, nhưng họ lại không con, vì Bà Isave là người hiếm hoi, cả hai đều đã cao niên (Lc 1,6- 7).

Vậy mà Bà đã sinh con “Bà sinh hạ một con trai,nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà” (Lc 1,57 – 58).

Trong Cưụ ước cũng có những bà mẹ sinh con kỳ diệu như vậy. Bà Sara mẹ Isaac (St 11,30;21,1- 7).Bà Rebecca mẹ của Esau và Giacop (St 25,21- 26).Bà Rakhel mẹ của Giuse (St 29,21; 30,22- 24).Bà Anna mẹ của Samuel (1Sm 1,2- 20)

d.Tên Gioan và hết câm
Gioan sinh được tám ngày,chịu cắt bì và đặt tên là Dacaria nhưng bà mẹ lên tiếng “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. Một tên gọi thật lạ lùng khiến mọi người kinh ngạc vì trong họ hàng của bà không có ai tên đó cả.Khi Dacaria viết tên Gioan trên tấm bảng, thì miệng lưỡi ông được mở ra,ông hết câm và nói lại được như trước kia (Lc 1,59- 65).

Mọi biến cố đều kỳ diệu từ khi cưu mang cho đến lúc sinh ra của Gioan vì “Quả thật,có bàn tay Chúa phù hộ em” (Lc 1,66). Sinh nhật Gioan kỳ diệu cũng đúng thôi vì Gioan sẽ lãnh nhận một ơn gọi kỳ diệu là làm Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

2. Ơn Gọi kỳ diệu

a Ngôn sứ Isaia loan báo
“Có tiếng hô từ nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa,sửa lối cho thẳng để Ngài đi.Mọi thung lũng phải lấp cho đầy,mọi núi đồi phải bạt cho thấp,khúc quanh co phải uốn cho ngay,đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40,3- 5; Mc 1,3; Lc 3,4-6; Mt 3,3). Isaia đã giới thiệu về Gioan như một vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến.

b. Ngôn sứ Malakia tiên báo
“Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con,người sẽ dọn đường cho con đến để làm lòng cha ông quay về với con cháu” (Ml 3,1- 24; Mt 1,10; Lc 1,17;7,27).Lời Ngôn sứ Malakia nhắc nhở cho người đương thời và hậu thế về ơn gọi của Gioan như vị sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.

c. Sứ Thần Truyền Tin xác nhận
Sứ Thần của Chúa hiện ra với Dacaria,đứng bên phải hương án,xác nhận với ông rằng người con trai của ông sắp chào đời là Gioan Tẩy Giả “Sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc1,17).

d.Thân phụ Dacaria
Dưới tác động của Thánh Thần,Dacaria đã hát lên bài ca chúc tụng ”Benedictus” về ơn gọi của người con trai mình “Hài Nhi hỡi,con sẽ đi trước mặt Chúa,mở lối cho Người,bảo cho dân Chúa biết,Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,76- 77).

e.Gioan khẳng định
Trong một cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và một người Do thái về việc thanh tẩy,tại Enon,gần Salem thuộc miền Giuđê,chính Gioan đã xác nhận ơn gọi của mình: “Chính anh em làm chứng cho Thầy là Thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đấng Kitô mà là kẻ được sai đi trước mặt Ngài” (Ga 3,28).

Qua sinh nhật và ơn gọi kỳ diệu của Gioan,Thiên Chúa đã đặt Gioan làm gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sứ vụ đặc biệt đó là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương,bị đế quốc Roma cai trị hà khắc,nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn, dân chúng lầm than,Gioan cũng mang nặng những ưu tư những trăn trở yêu nước thương dân.

Vị vua Hêrôđê,một hôn quân bạo chúa,sống loạn luân, lấy vợ của anh mình là Hêrôđiađê.Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua,kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế Gioan đã bị vua chém đầu. Trước mặt người đời,Gioan là kẻ thất bại.Sứ mạng của ông không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại,cuối cùng chịu chết chém trong tù.Thế nhưng Đức Giêsu đã nói về ông: “Trong các con cái người nữ sinh ra,chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả” (Lc 7,28).Như vậy điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực,dám nói sự thật bảo vệ công lý,cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.

Sứ mạng ngôn sứ thời nào cũng thế.Đức Giêsu, vị ngôn sứ làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ,bị hành hạ và bị đóng đinh thập giá.Các Thánh Tử Đạo cũng đã làm chứng cho sự thật, tiếp nối con đường Thầy mình đã đi, cũng gánh lấy tù tội và cái chết. Bởi lẽ “Nếu thế gian đã ghét Thầy,thì thế gian sẽ ghét các con vì các con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (Ga 15,18 - 19)

Được sinh ra và lớn lên trong bàn tay phù hộ của Thiên Chúa.Gioan đã sống vai trò ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế và đã chết vì chân lý.

Người Kitô hữu chúng ta không cần phải làm được những chuyện kỳ vĩ như Gioan hay như các Thánh Tử Đạo, nhưng với tư cách ngôn sứ chúng ta có thể làm chứng cho chân lý,cho công lý, cho tình yêu.Với tư cách là Tẩy Giả,chúng ta có thể góp một chút bột giặt tình yêu tha thứ để làm sạch tấm chăn môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi những thứ bụi bẩn rác rưới ích kỷ,vụ lợi, hưởng thụ sa đoa,ghen ghét hận thù, dối trá lọc lừa.Và như thế chính là góp phần mở đường dọn lối cho Chúa đến.

Cuộc đời Gioan Tẩy Giả luôn mãi là tấm gương cho chúng ta.Không chỉ rao giảng bằng lời nói mà bằng cả cụôc sống.Chúng ta được mời gọi sống lý tưởng của Gioan: Ngài phải lớn lên, còn tôi phải lu mờ đi.
 
Sinh Nhật Gioan - Sinh Nhật Đại Hỉ
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
17:03 23/06/2009
Giáo hội thường quen mừng lễ các thánh vào ngày các ngài chết. Vì đó chính là ngày các ngài sinh ra trên trời. Đối với thánh Gioan thì khác hơn, Giáo hội mừng kính cả ngày ngài sinh và cả ngày ngài chết. Nhưng ngày chết chỉ mừng đơn sơ ở bậc lễ nhớ; còn ngày ngài sinh được mừng kính cách đặc biệt, là lễ trọng. Như vậy, ngoại trừ Chúa Giêsu và Đức Mẹ, thì thánh Goan là vị thánh có được niềm vinh dự lớn nhất là được mừng ngày sinh của mình, có thể nói là hơn cả thánh Giuse nữa, vì thánh Giuse đâu có ngày lễ sinh nhật. Là một con người đặc biệt, nên sinh nhật của thánh Gioan cũng là sinh nhật của những niềm vui đặc biệt, sinh nhật đại hỉ.

- Trước hết là niềm vui cho gia đình ông bà Dacaria. Đối với ông bà Dacaria thì đây là một “niềm vui kép”. Vui vì có một người con trong lúc cả hai ông bà đã già nua tuổi tác. Còn niềm vui nào hơn khi một cụ bà son sẻ mắt đã mờ, tóc đã bạc, răng đã long mà vẫn chưa có lấy một mụn con, nay được Thiên Chúa dủ tình cho sinh hạ một người con trai khôi ngô tuấn tú như thiên thần. Niềm vui được nhân lên cho gia đình Dacaria khi ông có thể nói lại được sau “9 tháng 8 ngày” khổ sở vì bị câm.

- Thứ đến là niềm vui cho bà con láng giềng. Không vui sao được khi người chị em của mình là Elisabeth được Thiên Chúa cất khỏi sự tủi nhục của người đàn bà son sẻ. Ngày nay y học có thể can thiệp để giúp cho những người hiếm muộn có con bằng kỹ thuật sinh sản trong ống nghiệm. Còn ngày xưa thì chỉ có bàn tay can thiệp của Thiên Chúa mà thôi. Do đó họ vui hơn nữa khi thấy việc Hài nhi Gioan chào đời là dấu chứng cả họ hàng của họ có bàn tay Thiên Chúa ở cùng.

- Sau nữa là niềm vui cho cả dân tộc Israel. Vui vì sinh nhật của Gioan báo trước sinh nhật của Đấng Cứu thế. Vui vì cả dân tộc Israel được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt. Với sinh nhật của Gioan, lời Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ đã bắt đầu được thực hiện.

- Và sau cùng là niềm vui cho toàn thể nhân loại. Ngày Gioan sinh hạ là ngày mà toàn thể nhân loại vui mừng hân hoan vì sắp được đón mừng kỷ nguyên hồng ân cứu độ, kỷ nguyên mà con người được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi, sự chết, và được đưa vào sự sống trường sinh bất diệt.

Vậy tâm tình sống của chúng ta trong này lễ sinh nhật của thánh Gioan hôm nay là gì ? Không phải là chỉ hát lên khúc hát “Happy Birthday to You” để mừng Ngài là xong. Nhưng là sống ba tâm tình sau đây:

Thứ nhất là tâm tình cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho nhân loại vị tiền hô cao trọng dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Chúng ta cũng tạ ơn Chúa vì ngày chúng ta được sinh vào đời, ngày chúng ta đón nhận hồng ân làm người. Tạ ơn Chúa hơn nữa vì ngày chúng ta được sinh lại trong bí tích Thánh tẩy, ngày chúng ta đón nhận hồng ân làm con cái Thiên Chúa.

Thứ hai là tâm tình tri ân cuộc đời. Tri ân bằng việc nỗ lực đem lại niềm vui cho anh chị em mình, vì Kitô hữu cũng là người của niềm vui, niềm vui có Chúa ở cùng, niềm vui vì đã được Ngài cứu độ.

Thứ ba là tâm tình tạ lỗi cho người. Bởi lẽ ngày nay rất nhiều con trẻ chào đời không phải là niềm vui của cha mẹ và người thân, mà là nỗi buồn, nỗi đau, thậm chí là của nợ, nên nhiều em bị giết hại khi còn trong bào thai, hoặc bị bỏ rơi ngay khi vừa mới lọt lòng mẹ. Vì sao vậy ? Thưa vì chúng không phải là hoa trái của tình yêu giữa cha mẹ chúng, không phải là hoa trái của đời sống cầu nguyện, đời sống đạo hạnh, cũng chẳng phải là qùa tặng của tình yêu Thiên Chúa. Chính vì vậy tạ lỗi là tạ lỗi cho những cha mẹ thiếu trách nhiệm hoặc nhẫn tâm, ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình.

Khi chúng ta sống được 3 tâm tình đó là chúng ta đã sống trọn vẹn ý nghĩa của ngày lễ hôm nay.

Phan Thiết, lễ Sinh Nhật Gioan
 
Thánh Gioan tiền hô và chức Linh mục
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:29 23/06/2009
Trong Giáo Hội Công Giáo có bốn sách Phúc âm ghi chép lại cuộc đời, những lời giảng của Chúa Giêsu, cùng những nhân vật liên quan đến sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu, do bốn Thánh sử viết thuật lại: Mattheo, Marco, Luca và Gioan.

Một trong những khuôn mặt lớn có nhiều liên quan đến sứ vụ của Chúa Giêsu là Thánh Gioan tiền hô.

Cả bốn sách Phúc âm đều viết thuật về Thánh Gioan tiền hô là vị tiên tri dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Nhưng nơi sách Phúc âm của Thánh Marco ngay chương mở đầu, Thánh Gioan tiền hô được diễn tả như tiếng con sư tử gầm thét trong sa mạc giảng tĩnh tâm về lòng ăn năn thống hối, và về Bí Tích rửa tội.

Nói đến người rao giảng, người ban Bí tích tha tội cùng Bí tích rửa tội là muốn nói người đó có chức linh mục. Vậy Ông Gioan tiền hô có phải là người được truyền chức trở thành linh mục không?

1. Tiếng ơn kêu gọi

Không có sách vở chứng tích nào nói thuật lại về điều này. Nhưng Phúc âm theo Thánh sử Luca thuật lại: Gioan đã được Thiên Chúa kêu gọi là tiên tri là linh mục cho Thiên Chúa ngay từ thuở mới thành hình trong cung lòng mẹ ( Lc 1,13-19).

Không dám qủa quyết rằng Thiên Chúa đã đặt để quyết định đời sống mỗi người ngay từ lúc đầu thai trong cung lòng mẹ. Nhưng hầu như ai cũng đều có cảm nhận cùng kinh nghiệm trong đời sống về bậc sống của mình. Tiếng kêu gọi của Thiên Chúa âm thầm khắc ghi vào trong trái tim tâm hồn con người. Tiếng đó không nghe được bằng tai, nhưng vang lên trong tận sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Và chỉ nghe nhận ra được bằng cảm nhận, bằng suy tư lòng cùng yêu mến.

2. Nếp sống đời tu hành

Rồi tiếng Thiên Chúa kêu gọi thúc giục Gioan ra đi vào sống trong sa mạc, rao gỉang làm phép rửa cho mọi người. Đời sống của Ông là một gương sống của một nhà tu hành có lối sống khắc khổ đầy lòng tin tưởng vào bàn tay Thiên Chúa quan phòng. (Mc 1,1-6).

Có lẽ thời buổi lúc Ông Gioan và ngay cả bây giờ, lối sống khắc khổ hy sinh từ bỏ, lối sống không chuộng vẻ bề ngoài hào nhoáng sang trọng, dù là cần thiết và có khi được ca ngợi, vẫn bị đại đa số nhìn với con mắt hoài nghi cho là lập dị bất bình thường.

Vì thế có lẽ vào thời đại nào, số người lắng nghe nhận ra tiếng Chúa kêu gọi vào làm thợ trong khu vườn đức tin cũng ít.

Luật sống độc thân của hàng Linh mục trong Giáo Hội Công giáo xưa nay vẫn luôn là đề tài bàn tán sôi nổi bị cho là không còn hợp thời muốn đề nghị bãi bỏ, nhất là bên xã hội Âu châu, Mỹ Châu cùng cả vùng Phi châu nữa.

Có ý kiến nghĩ như thế này. Một gia đình do công sức của Cha Mẹ làm ăn gầy dựng nên cơ nghiệp khấm khá để lại cho con cháu. Đến đời cháu, họ bán chia nhau phân tán tài sản, lấy lý do có vốn làm ăn. Thế là nếp sống truyền thống gia đình không còn nữa. Đã bán đi rồi, không mua tậu lại được nữa.Và cũng từ đấy, anh chị em con cháu không còn xum họp nhận ra nhau nữa!

Cũng vậy với nếp sống độc thân hàng linh mục. Nếu chạy theo thị hiếu cảm quan thời đại lòng con người mà bãi bỏ hay thả lỏng, sẽ mất đi truyền thống tốt đẹp cao qúi từ hằng nghìn năm nay. Nét đẹp của bậc sống tu hành như linh mục, không phải chỉ nguyên ở lời nói rao giảng, nhưng ở ngay nơi trong đời sống của ông, là nhân chứng cho sự hy sinh, cho sự từ bỏ.

Không phải tất cả những gì cổ xưa đều phải duy trì giữ lại. Nhưng những gì là gía trị tinh thần cao đẹp trong đời sống làm người, nhất là đời sống tu hành, giúp ích rất nhiều cho con người. Và như thế cần phải gìn giữ duy trì.

3. Bí tích Thêm sức

Cha Mẹ chúng ta, từ khi thành lập gia đình với nhau, luôn sống đời sống quảng đại hy sinh xây dựng đời sống con cháu mình, sau quãng thời gian sống trên trần gian, như lòng tin nói cho biết, cũng trở về với nguồn đời sống, nơi đời sống phát sinh.

Với Thánh Gioan tiền hô cũng vậy. Ông đã được Thiên Chúa kêu gọi là vị tu hành ra đi rao giảng sống khắc khổ cho nước công bình của Thiên Chúa trên trần gian bất chấp lời phê phán dị nghị thời lúc đó. Sau cùng cuộc đời Ông chấm dứt với ngục tù và phải đổ máu hy sinh cho nước Thiên Chúa. ( Mc 6, 17-29).

Sự chết của Ông là thánh lễ dâng lên Thiên Chúa. Lúc còn sinh thời Linh mục Gioan tiền hô đã dâng thánh lễ không phải nơi bàn thờ trong đền thờ, nhưng trong sa mạc cuộc đời đã mở lối dọn đường đem Lời Chúa, Bí tích làn nước rửa tội lòng thống hối đến cho con người.

Thánh Gioan Tiền hô không ban Bí tich Thêm sức, ân đức Chúa Thánh Thần, nhưng sự hy sinh đổ máu của Ông làm chứng cho đức tin vào Chúa.

Và như thế Thánh lễ đời Ông dâng là Bí tích Thêm sức, ân đức Chúa Thánh Thần, cho Ông cùng cho mọi người.

Năm Linh Mục 2009-2010
 
Tâm tình trân trọng gửi tặng các Linh mục trong Năm Linh Mục
Tuyết Mai
17:18 23/06/2009
Tâm tình trân trọng gửi tặng các Linh mục
đặc biệt cho "Cho Thằng Bé 'Thôi Nôi' trong Năm Linh Mục


Tôi đã được đọc qua bài viết của Thằng Bé "Thôi Nôi" và qua bài viết ấy đã đánh động trong lòng tôi rất nhiều. Quả thật, trên "Con đường chẳng mấy ai đi" ấy! Chúa tuyển thì thật nhiều nhưng Chúa chọn thì rất ít, không khác gì lưới cá của Người thì thật đầy cá, nhưng vì những con cá muốn được thoát để trở về biển của trần gian, nên đã cố gắng dùng mọi thứ trên mình mà cứa đứt cho được lưới của Người!? Còn lại những con cá còn mắc lại trên Lưới Người, có con thì nhất quyết trao phó mặc mạng sống của mình cho Người Chài Lưới; có con thì vì xu thời nên ai sao mình cũng chịu vậy, tuỳ theo số phận tương lai đưa đẩy, sẽ tính sau; có con thì còn lơ lửng con cá vàng ngơ ngác!?

Vâng thưa Thằng Bé "Thôi Nôi", con đường chẳng mấy ai đi ấy! Ơn gọi của mỗi người sẽ không ai giống ai!? Có những con người được gọi là vị vọng ấy, trong con mắt thịt của thế gian, có phải ai cũng có cùng một nhãn quan hay không!?, là luôn có bản chất rất là tầm thường và rất là con người của sự yếu đuối, còn mang nặng danh lợi thú trần hay không!? Hay chúng ta không muốn nói là có một vài vị rất ít thấy là tuy có cuộc sống tu trì nhưng các ngài cư xử rất là con người. Nhận định của các ngài không khác mấy người thường một tí ti nào!? Nhưng thôi như Thằng Bé "Thôi Nôi" nói, tất cả đều là hồng ân. Mọi thứ Chúa đã, đang, và sẽ an bài tất cả, chẳng phải ở riêng các đấng bậc tu trì, nhưng hồng ân ấy, cũng được Thiên Chúa tuôn đổ trên tất cả các giáo dân nữa!

Thằng bé "Thôi Nôi" của Chúa đã được Ngài tuyển về một nơi xa xôi hẻo lánh; một nơi rất gần với thiên nhiên; một nơi rất gần với những con người đen đủi và đồng áng là công việc hằng ngày những con người này phải đổ mồ hôi hột, mới có được miếng ngô sắn mà bỏ bụng, và thằng bé "Thôi Nôi" đã được Chúa tuyển về đấy! Quả tất cả phải gọi là Hồng Ân, mà con người chúng ta phải có ơn Thiên Chúa, mới gọi được tất cả những kiên nhẫn, hy sinh, can đảm, chịu thiệt thòi, chịu mất tất cả vì Thầy, thì mới nhận ra được mọi sự, mọi việc, mọi điều Chúa gởi đến cho, là Hồng Ân, và thằng bé "Thôi Nôi" chắc chắn một điều là Chúa sẽ luôn trao cho Khí Cụ, để chống đỡ, để chèo lái, để cưu mang, những con người mà Chúa đem đến cho Thằng Bé, bởi Chúa biết Thằng bé rất mạnh mẽ; Thằng Bé rất anh hùng; Thằng Bé rất trung trực; và Thằng Bé hẳn rất đẹp lòng Chúa.

Tu hay không tu, có phải Thiên Chúa có chương trình riêng của Ngài? Tu hay không tu, có phải tất cả đều có những trách nhiệm, bổn phận, để cưu mang? Các đấng bậc tu trì quả cần rất nhiều lời cầu nguyện của giáo dân. Cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần. Cần rất nhiều sự hãm mình, dấn thân, hy sinh, tha thứ, và yêu tất cả như yêu chính mình. Tôi rất thông cảm cho Thằng Bé "Thôi Nôi", bởi chúng tôi rất yêu quý đời sống Linh Mục của quý ngài. Xin quý ngài luôn an tâm, vì ngoài sự hỗ trợ về tinh thần, chúng tôi giáo dân luôn ngày đêm cầu nguyện cho quý ngài, luôn luôn sống trọn vẹn theo lời khấn của mình, là luôn giữ mình trong sạch từ tâm hồn cho đến thể xác, để xứng đáng với Đấng Tình Quân muôn đời của mình đã cưới và đã thề ước. Chúng tôi rất trân quý các ngài mục tử tốt lành đã bước theo tiếng gọi rất thiêng liêng của Chúa Giêsu, để bắt chước vị Mục Tử Giêsu đầy nhân lành và thánh thiện của toàn thể nhân loại. Ngoài sự cầu nguyện âm thầm của các giáo dân, của các sơ, của Hội Thánh, còn có sự chăn dắt vô cùng và cần thiết cho mọi Linh Mục trong giáo hội, đó là lời Cầu Nguyện tối cần của Đức Mẹ Maria Muôn Đời Đồng Trinh nữa! Nên cậu bé "Thôi Nôi" thôi lo nghĩ "vớ vẩn", "vẽ vời", và "vu vơ" … nữa nhé!

Xin chúc cậu bé "Thôi Nôi" cùng tất cả các Linh Mục trên toàn khắp thế giới, một năm Linh Mục được tràn đầy Hồng Ân của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng tối cao. Thiên Chúa đã yêu thương các ngài một cách thật đặc biệt, nên các ngài sẽ luôn luôn được Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria, đặc biệt gìn giữ, chăn dắt, và hướng dẫn, để tất cả giáo dân con Chúa, được đi theo những vị chủ chăn, một cách tin tưởng hơn, thánh thiện hơn. Nguyện xin các ngài luôn là những ngọn hải đăng trên cùng khắp thế giới, để đem về cho Chúa những con người đi sai đường, lạc lối, lỡ lầm, biết tìm về con đường chân chính, mà qua các ngài là những ngọn hải đăng có một sức mạnh cực sáng được Chúa Thánh Thần luôn ban cho các ngài nguồn sức mạnh từ Trên.

Vâng, nguyện xin các ngài luôn là muối là men là ánh sáng, để thế giới chúng con bớt đi đói khổ trên phương diện tinh thần và trong đời sống tâm linh. Chúng con tất cả là những con chiên ngu ngơ khờ khạo, nên Chúa biết và đã tuyển chọn các ngài, trở nên những tông đồ nhiệt thành, thánh thiện, và có lòng quảng đại, để chăn dắt những đàn chiên chưa được hoàn hảo của Chúa. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Benedict XVI vinh danh một chính trị gia
Bùi Hữu Thư
05:15 23/06/2009

Đức Thánh Cha Benedict XVI vinh danh một chính trị gia



Coi ông De Gasperi như một gương sáng

VATICAN, ngày 22, tháng 6, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI mô tả ông Alcide De Gasperi như một chính trị gia đạo đức và có “đức tin vững mạnh” – là một gương mẫu cho các chính trị gia ngày nay.

Ông De Gasperi (1881-1954) là kiến trúc sư của công trình tái thiết Nước Ý sau Thế Chiến Thứ Hai. Là nhà sáng lập Đảng Dân Chủ Công Giáo, ông được coi như một cha đẻ của việc kết hợp các nước Âu Châu, cùng với ông Konrad Adenauer người Đức và ông Robert Schuman người Pháp.

Đức Thánh Cha nói về ông ngày thứ bẩy vừa qua khi ngài tiếp kiến các thành viên của một tổ chức mang danh của ông, do con gái của ông là Maria, và Giulio Andreotti, là một cộng sự viên đắc lực của ông hướng dẫn.

Đức Thánh Cha công nhận “đức tính chính trực về luân lý” và “sự nhậy cảm của ông về tôn giáo.” Ngài nói về sự trung thành tuyệt đối của ông đối với các giá trị nhân bản và Kitô giáo."

Đức Thánh Cha tiếp, "Được đào tạo bởi trường dậy Phúc Âm, ông De Gasperi có thể biến đổi đức tin ông tuyên xưng thành các hành động cụ thể và có ý nghiã. Thực vậy, linh đạo và chính trị là hai chiều kích được quy tụ trong con người của ông và cấu tạo nên lập trường cương quyết của ông về xã hội và linh đạo."

Đức Thánh Cha công nhận là đôi khi “có nhiều khó khăn và có những sự hiểu lầm về thế giới giáo hội, nhưng ông De Gasperi không hề lung lay trong việc trung thành với giáo hội.."

Ngài tiếp, "Ngoan ngoãn và vâng lời Giáo Hội, ông De Gasperi giữ vị trí độc lập và có trách nhiệm trong các quyết định chính trị của ông, không bao giờ dùng Giáo Hội cho mục đíc chính trị của mình và không bao giờ lay chuyển trong cam kết giữ vững một lương tâm ngay thẳng."

Ông De Gasperi rất minh bạch đến mức độ Đức Thánh Cha phải ghi nhận rằng “vào cuối đời, ông có thể nói, ‘Tôi đã làm tất cả những gì có thể trong phạm vi quyền hạn của tôi. Lương tâm của tôi rất bình an.'"
 
Một cái nhìn táo bạo của cựu thượng phụ Giêrusalem
Vũ Văn An
07:13 23/06/2009
Như nhiều người biết, nguyên thượng phụ Latinh của Giêrusalem là Đức Tổng Giám Mục Michel Sabbah mới đây có cho xuất bản một cuốn sách, tựa là “Faithful Witness: On Reconciliation and Peace in the Holy Land” (Chứng Nhân Trung Thành: Về Hoà Giải và Hòa Bình tại Đất Thánh) do nhà xuất bản New City Press ấn hành.

Đức TGM Michel Sabbah là thượng phụ Latinh của Giêrusalem từ 1988 tới 2008. Cuốn sách trên thực ra là một tuyển tập các thư mục vụ, các bài giảng và các diễn văn của ngài, trong đó, ngài cho thấy các cam kết sâu sắc của ngài đối với Phúc Âm. Đồng thời, ngài cũng cho thấy nhiều chứng tá đáng tin cậy đối với các biến cố xẩy ra tại Trung Đông suốt trong hai thập niên qua. Thành thử, tựa đề phụ của sách “hòa giải và hoà bình tại Đất Thánh” quả đã nói lên đầy đủ mục tiêu chính trong các cố gắng của thượng phụ.

Ngài viết cho một cử tọa Kitô Giáo hết sức rộng rãi, khích lệ họ hành hương Đất Thánh, không phải chỉ để thăm thú các nơi thánh, mà còn để gặp gỡ “những viên đá sống động”, đó là các anh chị em trong đức tin, hiện đang sống dưới sự chiếm đóng quân sự, hệt như Chúa Giêsu vào thế kỷ thứ nhất. Các Kitô hữu này, mà con số đang xuống dốc, hiện không được hưởng nhân quyền căn bản trong việc tự do thực hành các xác tín tôn giáo của mình, trong đó, có quyền được lui tới các nơi thánh. Do sự chiếm đóng West Bank đầy gây chiến của Do Thái, các Kitô hữu ở Giêrusalem thường xuyên bị ngăn cản không được lui tới Bêlem dự lễ Giáng Sinh. Mà người dân Bêlem cũng không được tự do lui tới Giêrusalem dự Tuần Thánh, Lễ Phục Sinh hay Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Tác giả cũng đề cập tới các can dự của ngài vào cuộc đối thoại liên tôn với người Do Thái Giáo và người Hồi Giáo, và khích lệ Kitô Hữu khắp thế giới hãy cùng làm như thế. Đàng khác, các quan tâm của ngài không phải chỉ có tính thần học mà còn có tính thực tiễn đời thường nữa. Ngài không úp mở nhưng mô tả huỵch toẹt “việc xiết họng về kinh tế và xã hội” đối với các người Palestine theo Kitô Giáo và theo Hồi Giáo. Lời ngài: “hình phạt tập thể… phong tỏa tổng quát các thị trấn và làng mạc… triệt hạ những con đường có thể tới được… hàng trăm trạm kiểm soát quân sự… giới nghiêm ngăn cấm mọi di chuyển bên trong thị trấn… ám sát các nhà lãnh đạo và tranh đấu Palestine… pháo kích và triệt hạ nhà cửa cùng các cơ sở nông nghiệp”. Nhưng ngài không phải là người cổ vũ có tính phe phái, chỉ biết đòi hỏi chiến thắng cho một bên, mà thua thiệt cho bên kia. Trái lại, ngài bác bỏ mọi việc sử dụng tới sức mạnh khủng bố quân sự, coi chúng như vô luân, bất kể là phi cơ chiến đấu F-16 và trực trực thăng Apache ở Gaza, hay phi tiễn Palestine nhắm vào thường dân ở Siderot và Eshkalon.

Ngài ngỏ lời với mọi con cháu của Abraham khi cực lực lên án việc người Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo lạm dụng tôn giáo biện minh cho các hành vi bạo lực của mình. Ngài bảo: “Thánh chiến là một thuật ngữ mâu thuẫn… Không thể nào Thiên Chúa lại muốn áp bức ai, bất kể đó là cá nhân hay dân tộc, mà Thiên Chúa cũng không thể truyền làm việc ấy. Tình yêu của Người đối với một dân tộc không thể nào trở thành áp bức đối với một dân tộc khác. Cho nên, ngày nay, không ai có quyền nại tới tên vị Thiên Chúa này, Đấng hoàn toàn công chính, và nhân từ, Đấng luôn yêu thương nhân loại, để biện minh cho bạo lực nhân bản của riêng mình, bất kể vì quyền lợi và thiện ích tưởng tượng nào hoặc của tôn giáo hoặc của quốc gia”.

Cuốn “Faithful Witness” này trình bày một sứ điệp quan trọng đối với mọi người, dù là tín hữu tôn giáo hay không, miễn là biết quan tâm tới tính luân lý và tính hợp pháp của việc sử dụng sức mạnh nói chung, hay biết khao khát tìm một giải pháp bất bạo động, dựa trên thương thảo cho cuộc tranh chấp giữa Do Thái và Palestine nói riêng.

Dù được viết trong khoảng hai thập niên qua, nhưng các trước tác của Đức TGM Sabbah vẫn liên hệ đối với tình thế hiện nay vì nhiều lý do, tuy khác nhau nhưng có liên hệ với nhau. Hai thực tế hiện nay đang là nguồn cho cả đau buồn sâu xa lẫn hy vọng tràn trề. Buồn là do sự thảm khốc của đợt bạo động mới đây tại Gaza, từng đưa lại cái chết cho hơn 1,300 người Palestine và 13 người Do Thái, hơn một nghìn người bị thương, cảnh vô gia cư hàng loạt tại một vùng rất đông người do đợt tị nạn trước chiến tranh ồ ạt kéo tới. Đợt bạo động ấy cũng gây thiệt hại trầm trọng cho hạ tầng cơ sở tại một lãnh thổ vốn bị phong tỏa lâu dài và bị khủng hoảng nặng nề về nhân đạo. Chịu khó đọc sứ điệp của Đức TGM Sabbah, người ta sẽ thấy không một tàn phá nào thuộc loại trên là cần thiết hay có thể biện minh được.

Hy vọng là do hừng đông của một ngày mới trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama mới đây đề cử Thượng Nghị Sĩ George Mitchell làm đặc sứ của ông tại Trung Đông. Kinh nghiệm của TNS Mitchell trong các cuộc thương thảo nhằm chấm dứt bạo lực tại Bắc Ái Nhĩ Lan khiến ông rất thích hợp để đạt được một khai thông tương tự như thế tại đây, nơi các cố gắng nửa vời hoặc lầm lẫn từng thất bại trong quá khứ. Giống Thượng Phụ Sabbah, vị TNS này tin rằng đối với cuộc tranh chấp giữa Do Thái và Palestine, quân sự không phải là giải pháp, và “không thể có điều này là không thể giải quyết một cuộc tranh chấp”.

Đức TGM Sabbah minh nhiên tỏ ra thận trọng trong việc không để cho mình lẫn lộn giữa hy vọng và việc cậy trông vào sức mạnh quân sự. Ngài bảo: “Chiến thắng quân sự tự nó không đem lại an ninh. Chỉ có hòa bình, một nền hòa bình xây dựng trên công lý và tôn trọng nhân quyền, mới có thể đem lại an ninh mà thôi”. Do kinh nghiệm đau thương của mình, ngài biết rõ sự khủng khiếp và tính vô dụng của chiến tranh. Sinh tại Nadarét năm 1938, ngài lớn lên dưới quyền chiếm đóng quân sự của người Anh. Ngài bước vào tuổi thiếu niên lúc xẩy ra các biến cố của các năm từ 1947 tới 1949, được người Do Thái mô tả là “Chiến Tranh Độc Lập” còn người Palestine thì mô tả là Nakba (tiếng Ả Rập có nghĩa là thảm họa): tước đoạt và cưỡng bức hơn 750,000 người Palestine rời bỏ nhà cửa, quê cha đất tổ. Ngài là một linh mục trẻ khi cuộc chiến năm 1967 lại một lần nữa tước đoạt người Palestine lần thứ hai. Bởi thế, đối với ngài, vấn đề tị nạn là vấn đề chủ yếu cho bất cứ cuộc thương thảo sau cùng nào.

Ngài cảm thấy mủi lòng đối với cái đau của tình thế hiện nay, nhưng không cho phép mình than vãn như Giêrêmia. Không như Ông Hoàng Verona trong “Romeo và Juliet” của Shakespeare, Đức TGM Sabbah không nhẩy ra công trường để kết án cả hai gia đình thù nghịch tại Đất Thánh hay để cầu xin chúc dữ hoặc “đại dịch giáng xuống cả hai nhà”. Ngài không đem đến lời chúc dữ mà là chúc lành và một thách đố lớn cho cả hai cộng đồng: tha thứ cho nhau vì các lỗi lầm khủng khiếp của quá khứ, và sống với nhau bằng lòng kính trọng hỗ tương như láng giềng, cùng chia sẻ một mảnh đất vốn được cả ba tín ngưỡng lớn coi là thánh thiêng, nhưng từng bị phạm thánh vì những đợt bột phát của bạo lực.

Đức TGM Sabbah nhận diện rõ nguyên nhân tận gốc của bạo lực và nắm vững mối tương quan qua lại giữa các niềm hy vọng sâu sắc của cả hai dân tộc Do Thái và Palestine. Ngài nói: “Muốn chấm dứt bạo lực và khủng bố, ta phải chấm dứt việc chiếm đóng quân sự. Phải trả lại tự do và độc lập cho người Palestine… Chỉ khi ấy, sự an ninh của Do Thái mới đạt được và sợ sệt sẽ biến mất khỏi cuộc sống họ”.

Cả các cuộc thương thảo hòa bình thất bại tại Camp David năm 2000 và sau đó là “các thông số Clinton” (Clinton parameters) cho ta thấy rõ tư thế của Giêrusalem là điều chủ yếu. Tất cả mọi người cần chú ý tới quan điểm của Đức TGM Sabbah về vấn đề này: “Chủ nghĩa loại trừ, bất kể từ bên nào, bất kể là chính trị hay tôn giáo, đều có hại cho bản sắc của Giêrusalem và đe doạ sự hòa hợp giữa mọi người liên hệ, mọi con cái của nó”. Ba phụ lục của sách cho thấy các tài liệu thỏa hiệp có tính đại kết sâu sắc về Giêrusalem giữa các nhà cầm đầu các Giáo Hội Kitô Giáo tại Thành Thánh Hòa Bình này.

Thiển nghĩ, mọi người, bất luận là tôn giáo hay thế tục, Do Thái hay Palestine, Anh hay Pháp, nói chung nhân dân hế giới, tất cả đều hưởng ích nhờ tiếng nói chân thực của Thượng Phụ Sabbah, một người luôn duy trì được tư thế một nhân chứng hùng biện và trung thành cho nhu cầu khẩn thiết đòi hoà giải và hòa bình tại Đất Thánh.

Tưởng cũng nên nhắc lại, cuốn sách của Thượng Phụ Sabbah xuất hiện khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đang ráo riết chuẩn bị cho chuyến tông du qua Đất Thánh của ngài, một chuyến tông du vượt rất nhiều bức tường phân cách đầy chông gai, nhưng được kể là thành công nhất trong các chuyến tông du của ngài. Chắc chắn có phần đóng góp của vị cựu Thượng Phụ Latinh này.
 
Ngỏ lời cùng Đức Mẹ như một trẻ thơ
Pt Huỳnh Mai Trác
15:49 23/06/2009
Khi đi hành hương ở San Giovanni Rotondo, trung tâm Thánh Mẫu của thánh Padre Pio, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhắc đến tình yêu của thánh Piô đối với Đức Mẹ khi nói về những nổi đau đớn của các bệnh nhân, lòng tận tụy hy sinh của những người săn sóc bệnh nhân và tình trạng khốn khổ của những người di dân.

“Trong buổi lể trọng đại này, tôi mời quý vị cùng đọc kinh chung với tôi, cũng như mọi ngày chúa nhật – khi đọc kinh Truyền Tin. Nhưng ở đây, tại trung tâm Thánh Mẫu của thánh Padre Pio Pietrelcina, chúng ta cảm nhận tiếng của ngài, khuyến khích chúng ta ngỏ lời cùng Đức Trinh Nữ Maria như lời của một trẻ thơ: Hãy yêu mến Mẹ Maria và xin Mẹ hãy yêu mến chúng con!”.

“Xin nhắc lại cùng tất cả mọi người, đây là một chứng nhân gương mẫu về lòng sùng kính sâu xa đối với người Mẹ trên Trời trong lời cầu xin cao vời vợi. Thánh Piô được nhận phép rửa tội trong nhà thờ Đức Bà của các Thiên Thần ở Pietrelecina với tên thánh Phanxicô, như thánh Phanxicô Nghèo Khó Assisi, thánh Piô luôn có một tình yêu dịu hiền đối với Đức Nữ Đồng Trinh. Thiên Chúa đã dẫn đưa ngài đến nơi đây, tại San Giovanni Rotondo, kế cận Trung Tâm Thánh Mẫu Santo Maria delle Grazie, ở đây thánh Piô đã sống cho đến hơi thở cuối cùng và thân xác của ngài cũng được chôn cất tại đây”.

“Suốt cuộc đời và công việc tông đồ của ngài đều được thực hành dưới sự chăm nom hiền hậu và lời cầu bàu quyền uy của người Mẹ, là Đức Trinh Maria. Ngài trong nom “Bệnh tình của những kẻ đau ốm" tại “Bệnh Xá Làm Dịu Đau Khổ”, một công trình của Mẹ Maria”.

Bởi vậy, các bạn thân mến, hãy noi theo gương của thánh Padre Piô, ngày hôm nay tôi muốn trao gởi tất cả các bạn dưới sự bao bọc che chở của người Mẹ Thiên Chúa. Tôi đặc biệt cầu nguyện cho Cọng Đồng Phanxicô Nghèo Khó, cho những bệnh nhân của Bệnh Xá và tất các những ai đã giúp đỡ và chăm sóc các bệnh nhân với lòng yêu thương bao la, cùng tất cả các Hội Cầu Nguyện đã phát huy tinh thần của đấng thánh sáng lập, tại nước Ý và trên khắp hoàn cầu. Tôi cũng cầu xin Đức Trinh Nữ Maria cùng thánh Padre Piô Pietreleina bảo trợ Năm Thánh Linh Mục này, mà tôi vừa khai mạc vào ngày thứ sáu vừa qua, ngày lễ trọng kính Trái Tim Rất Thánh Chúa Giêsu Kitô. Ước gì Năm Thánh này sẽ là năm chiếu sáng sứ mệnh cao cả và thánh thiện của các linh mục trong công việc phục vụ Giáo Hội và nhân loại trong Đệ Tam thiên niên kỷ này!

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người tị nạn trong những hoàn cảnh khó khăn, nhiều lúc còn quá sức bi thảm. Liên Hiệp Quốc vừa mới cử hành “NgàyThế Giới Người Tị Nạn”cũng đã nhắc tới. Có nhiều người tìm mọi phương cách trốn tránh đến một xứ khác vì hòan cảnh chiến tranh, bị bách hại hoặc bị bôi nhọ xấu xa, hoàn cảnh của họ thật khó khăn. Chúng ta cần giúp đỡ họ như một bổn phận. Cầu xin Chúa giúp đỡ và với sự đóng góp của mọi người để cùng giải quyết một hiện trạng quá ư bi thảm.

Tôi ưu ái chào các bạn hành hương đã đến đây. Tôi cũng cám ơn chính quyền và những người đã sửa soạn cuộc viếng thăm của tôi nơi đây. Tôi chân thành cám ơn tất cả mọi người! Tôi xin lập lại: Hãy bước theo chân thánh Padre Piô dẫn đường, con đường thánh thiện theo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Đức Trinh Nữ Maria luôn là người đi trước dẫn đường, đôi tay người mẹ dịu hiền sẽ đưa các bạn an bình đến nơi Thiên Quốc. (Nguồn tin VIS).
 
Top Stories
VIETNAM: Le groupe des évêques vietnamiens entame sa visite ad limina à Rome.
Eglises d'Asie
15:05 23/06/2009
Les trois archevêques, dont un cardinal, et les 28 évêques du Vietnam sont arrivés à Rome le 21 juin dernier pour y accomplir leur visite ad limina, entamée dans la matinée du 22 juin et qui s’achèvera le 4 juillet 2009. Ils iront se recueillir sur les tombeaux des apôtres Pierre et Paul, rendront visite au pape Benoît XVI et s’entretiendront avec les responsables des congrégations et commissions romaines.

Les 31 ordinaires du Vietnam viennent des 26 diocèses que comporte aujourd’hui l’Eglise catholique au Vietnam, le dernier à avoir était créé étant celui de Ba Ria. Chacun de ces diocèses s’active aujourd’hui à préparer l’année sainte destinée à commémorer le 50ème anniversaire de l’établissement de la hiérarchie de l’Eglise vietnamienne. Cette année sainte donnera lieu à de nombreuses activités destinées à remémorer l’histoire de la communauté catholique au Vietnam depuis le début de son évangélisation et à tracer les grandes orientations qui la guideront dans le futur. Son point culminant devrait être la grande assemblée du peuple de Dieu, qui se tiendra au mois de novembre 2010. Les évêques en feront certainement mention dans les rapports qu’ils sont censés apporter aux congrégations romaines. Sans doute, feront-ils aussi allusion à certains progrès accomplis dans leurs diocèses depuis leur dernière visite, comme dans le domaine de la formation sacerdotale, l’organisation ecclésiale, la construction de lieux de culte, la reprise – encore discrète – de l’action caritative, etc. Ils évoqueront aussi divers problèmes rencontrés au cours des années récentes, comme celui de la restitution des propriétés de l’Eglise, de l’engagement des chrétiens pour la réforme de la société et le respect des droits de l’homme, des difficultés rencontrées dans l’évangélisation, etc.

Depuis la création de la Conférence épiscopale du Vietnam en 1980, il s’agit de la sixième visite. C’est la première fois que les évêques rencontreront en groupe le pape Benoît XVI.

La première visite des évêques de l’ensemble du pays (à l’exception de Mgr Nguyên Van Thuân, en détention) avait eu lieu le 22 juin 1980. Quelque temps auparavant, la Conférence épiscopale du Vietnam s’était réunie pour la première fois, du 24 avril au 1er mai 1980, et avait rédigé sa première lettre commune pour l’ensemble de l’Eglise du pays. Cet événement n’avait pu avoir lieu que cinq ans après l’unification du Vietnam sous le pouvoir communiste en 1975. La délégation épiscopale vietnamienne comprenait 21 membres et était alors conduite par le cardinal archevêque de Hanoi, Mgr Trinh Van Cân. Exceptionnellement, le pape Jean Paul II s’était déplacé pour rencontrer le groupe des évêques dans leur résidence romaine. Dans l’allocution préparée pour eux, Jean Paul II avait insisté sur la fidélité et la communion à l’évêque de Rome que devaient manifester les évêques vietnamiens.

Lors de la deuxième visite en 1985, la situation entre l’Eglise et l’Etat s’étant durcie, seuls trois évêques eurent la permission du gouvernement vietnamien de se rendre à Rome. En 1990, année de reprise des relations, après les protestations de Hanoi qui avaient suivi la canonisation des 117 martyrs du Vietnam, 21 évêques participèrent à la troisième visite ad limina. Ils n’étaient plus que 14 pour la quatrième visite en décembre 1996 et, lors de son allocution, le pape fit part de son regret de ne pouvoir rencontrer l’ensemble des évêques, soulignant que la possibilité de se rendre à Rome pour une Conférence épiscopale est le reflet de la liberté religieuse dans un pays.

Pour la dernière visite, en janvier 2002, le groupe des évêques vietnamiens était presque au complet (seul deux d’entre eux étaient absents). Lors de la rencontre de l’ensemble des évêques avec le pape, le président de la Conférence épiscopale de l’époque, Mgr Nguyên Van Hoa avait fait remarquer que, malgré l’ouverture à l’économie mondiale dont faisait preuve le Vietnam, l’Eglise ne bénéficiait pas encore de toute la liberté nécessaire. Dans sa réponse, le pape avait encouragé l’Eglise du Vietnam, en l’invitant à « s’engager résolument vers le large » (1).

(1) Un article de Ha Minh Hao dans VietCatholic News du 22 juin 2009 cite de larges extraits de discours du pape lors des différentes visites ad limina des évêques vietnamiens.

(Source: Eglises d'Asie, 23 juin 2009)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đến lượt ban chủ nhiệm đoàn luật sư TP. HCM chà đạp luật pháp
Lê Sáng
14:58 23/06/2009
Chỉ 9 ngày sau khi công an bắt giữ luật sư Lê Công Định hôm 13/6/2009, ban chủ nhiệm luật sư đoàn TP. HCM đã ra văn bản khai trừ luật sư Định ra khỏi đoàn ngày 22/06/2009 (Xem: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=164304&ChannelID=12).

Theo qui định điều 85 - 86 luật luật sư hiện hành, việc ra hình thức kỷ luật này phải thông qua đề nghị của hội đông khen thưởng ký luật luật sư đoàn. Việc đề nghị đương nhiên phải trên cơ sở lập thành hồ sơ. Đối với những người bị khởi tố hình sự thì tạm đình chỉ tư cách của họ, chờ phán quyết là có tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, mới là căn cứ để lập thành hồ sơ đề nghị khai trừ một luật sư phạm tội hình sự. Qui định này có trong tất cả các nền pháp lý trên thế giới, nó còn nhằm bảo đảm người bị khởi tố hình sự có thể khiếu nại quyết định khai trừ mình sau khi qua giai đoạn bị hạn chế vì điều tra…

Ban chủ nhiệm luật sư đoàn TP. HCM căn cứ vào lời nhận tội của luật sư Định được báo chí truyền hình nhà nước trình chiếu… để ra quyết định trên. Nhưng theo qui định tại điều 54 bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thì: “Không được dùng lời nhận tội của bị can bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. Đương nhiên ban chủ nhiệm luật sư đoàn TP. HCM không được tiếp xúc hồ sơ vụ án để có thể xem xét các chứng cứ buộc tội luật sư Định ngoài lời nhận tội được báo chí truyền hình công chiếu… Nhẹ nhất thì việc làm này của ban chủ nhiệm luật sư đoàn TP. HCM là bị ép buộc. Nhưng rõ ràng hành vi của họ là chà đạp pháp luật.

Bí mật về điều tra phải được giữ kín cho đến khi mở phiên toà sơ thẩm. Đây là nguyên tắc điều tra nhằm đảm bảo thông tin điều tra không bị lộ gây khó khăn cho công tác điều tra, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người bị khởi tố hình sự mà chưa phải là người có tội vì còn có trường hợp tại toà họ được tuyên không phạm tội… Bảo vệ quyền lợi của nhân chứng, của người liên quan… Trong vụ án này công an cũng như cơ quan công tố của nhà nước csvn ngang nhiên vi phạm các qui định về không được tiết lộ bí mật điều tra được qui định tại điều 101 BLTTHS: “Điều tra viên, kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật về điều tra thì tuỳ trường hợp phải chịu trách nhiệm theo các điều 263, 264, 286, 287, 327, 328 Bộ luật hình sự” – Ai cũng thấy được rằng, nếu an ninh điều tra không tiết lộ thông tin, cho báo chí, thì không thể có việc trình chiếu lời nhận tội, bản tự khai của Luật sư Định. Để cho an ninh điều tra làm việc này còn có trách nhiệm của viện kiểm sát.

Có một thế lực đứng ngoài luật pháp chỉ đạo những việc làm ngang nhiên vi phạm tố tụng của công an, kiểm sát. Thế lực này ép buộc những việc làm chà đạp pháp luật của ban chủ nhiệm luật sư đoàn TP. HCM (?). Chính nghĩa sáng ngời mà ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hùng hổ tuyên bố rằng người cộng sản Việt Nam có cách đây vài ngày… Chắc chính là cái quyền lực bên ngoài luật pháp này đây.

(Viết cho người em, ls Lê Công Định)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hát Giữa Trời
Bro. Phạm Ngọc Thạch, cmc.
06:47 23/06/2009

HÁT GIỮA TRỜI



Ảnh của Bro. Phạm Ngọc Thạch CMC, Carthage, MO.

Hát hay không bằng hay hát !

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Gabbatha -Gilbertines
Nguyễn Trọng Đa
14:43 23/06/2009
Gabbatha
Gabbatha, Gáp-ba-tha. Tên bằng tiếng Aramaic của một địa điểm gần Jerusalem, nơi tổng trấn Pontius Pilate (Phon-xi-ô Phi-la-tô) có tòa xử án. Thánh Gioan xem đây là nơi Chúa Giêsu đị điệu ra trước Pilate để bị kết án tử hình (Ga 19:13). (Từ nguyên Aramaic gabbeta, nơi cao; tên của nơi này được gọi bằng tiếng Hi Lạp là lithostr_tos, nền đá.)
Gabriel
Gabriel, thiên sứ Gáp-ri-en. Là một trong bảy tổng lãnh thiên thần, thỉnh thỏang được Chúa sai đi như một sứ giả (Đn 8:15-27). Thiên sứ hiện ra với Daniel (Đa-ni-en) và giải thích một thị kiến với ông về các biến cố tương lai, nói với ông “ngươi là người được quý mến" (Đn 9:20-27). Trong Tân Ước, thiên sứ Gabriel hiện ra với Zechariah (Da-ca-ri-a) để loan báo rằng bà Elizabeth (Ê-li-sa-bét), vợ ông, sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên con trẻ là Gioan (Lc 1:11-20). Cũng chính thiên sứ đã hiện ra với thiếu nữ Maria, và nói là Maria sẽ thụ thai và sinh một con trai, đặt tên là Giêsu (Lc 1:26-38).
Gad
Gad, ông Gát. Là con trai cả của Jacob (Gia-cóp) và nữ tỳ Zilpah (Din-pa) của vợ ông (St 30:9-11). Gad trở thành ông tổ của một trong 12 chi tộc Israel, gọi là chi tộc Gad (Ds 2:14). Chi tộc này ủng hộ David chống lại Saul, và sau khi Solomon qua đời, họ ủng hộ cuộc nổi dậy của Jeroboam.
Gaius
Gaius, ông Gai-ô. 1. là bạn đồng hành người Macedonian của thánh Phaolô, có mặt trong vụ náo động ở Ephesus khi nhóm người thợ bạc nổi lên chống lại Phaolô, do ngài miệt thị họ làm các tượng nữ thần Diana (Cv 19:29). Ông này dường như cũng là ông Gaius cùng đi với Phaolô đến châu Á ít lâu sau đó (Cv 20:4); 2. là một người được thánh Phaolô rửa tội tại Corinth (Cô-rin-tô). Đây có lẽ cũng là người đã đàm đạo với Phaolô tại nhà ở Rome (I Cr 1:14). Tên Gaius là một tên phổ biến ở Rome, nên việc xác định chính xác người nào thật là nan giải.
Galatians, Epistle To The
Thư gửi tín hữu Galatians (Ga-lát). Trong thư này, thánh Phaolô cảnh báo họ chống lại người Do Thái, vì những người này muốn Kitô hữu phải chịu cắt bì. Các tín hữu được nghe rằng Phaolô chỉ là một môn đệ, nên ngài bênh vực địa vị tông đồ của ngài là trực tiếp từ Chúa Kitô. Ngài giải thích rằng ơn cứu độ là chỉ qua Chúa Kitô mà thôi, các tín hữu của Chúa không còn dưới ách của Luật Cũ nữa, và họ phải chỉ tìm vinh quang Thiên Chúa và tránh mọi nuông chiều buông thả, và vinh quang thật chỉ có nơi thập giá Chúa Kitô. Thánh Phaolô đích thân viết vài hàng cuối cùng của lá thư. (Từ nguyên Latinh, tên này phái sinh từ chữ Gauls, là những người xâm chiếm Hi Lạp Macedonia, và Tiểu Á vào năm 279 trước Công nguyên).
Galilee
Galilee, miền Ga-li-lê. Là một trong ba tỉnh làm thành Palestine (Galilee, Samaria, Judaea), và Galilee là miền cực bắc. Với diện tích khỏang 15.000 dặm vuông (38.850 km2), Galilee vừa có đồng bằng phì nhiêu vừa có núi non hiểm trở (Lc 4:16). Chúa Giêsu lớn lên tại Galilee, trong một làng nhỏ ở miền nam, và đa số các Tông đồ là người Galilee (Mt 4:18; Cv 1:11). Chúa rao giảng nhiều tại đây và nhiều phép lạ được thực hiện ở Galilee (Mt 4:23). (Từ nguyên Latinh galilaea; từ chữ Hi Lạp galilaia, từ chữ Do Thái cổ galil, khu vực, miền.)
Galileo Case
Vụ Galileo. Là vụ nổi tiếng của Galileo Galilei (1564-1642), nhà vật lý học và nhà thiên văn người Ý, mà sự xung đột của ông với giáo quyền đã trở thành một phần của lịch sử. Năm 1616 ông được đưa ra trước tòa Thẩm với cáo buộc ông không biết các hàm ý của thuyết Copernicus (thuyết nhật tâm), dường như mâu thuẫn với trình thuật Kinh thánh về việc Mặt trời dừng lại trong sách Joshua (Gio-duê). Trong thế kỷ trước đó, một cách có ý nghĩa hơn, nhà thiên văn Ba Lan Copernicus đã tặng cho Đức Giáo hòang Phaolô III năm 1543 thuyết được công bố của ông rằng Mặt trời là trung tâm của một hệ thống lớn, và Trái đất là một hành tinh quay chung quanh Mặt trời. Tuân phục phán quyết của Tòa Thẩm tra, Galileo đã hứa không dạy thuyết của Copernicus, chỉ xem đó như một giả thuyết, trong khi trong thực tế các chứng cớ cho thuyết trên (trong nguyên tắc khoa học hiện đại) là không thuyết phục. Năm 1632, Galileo xin được đến Rome, lần này hình như để hủy một hợp đồng, bởi vì trước đó ông đã xuất bản một tác phẩm châm biếm, mang tên “Đối thọai”, chỉ trích gay gắt các đối thủ của ông. Ông bị giữ 22 ngày trong văn phòng Bộ Thánh Vụ, và ông hứa không xem hệ thống Copernicus như một sự kiện đã được chứng minh. Trước khi ông qua đời tại Florence năm 1642, ông lãnh nhận phúc lành đặc biệt của Đức Giáo hòang Urban VIII. Không có vấn đề ơn bất khả ngộ của Giáo hòang dính dáng vào đây. Trong vụ Galileo, Giáo hội không định tín điều gì và không đưa ra tín lý nào cả. Giáo hội chỉ đưa ra lệnh cấm kỷ luật để bảo vệ tín hữu khỏi ảnh hưởng tác hại của một giả thuyết chưa được chứng minh. Thánh Robert Bellarmine, người có liên quan đến vụ Galileo, viết rằng nếu một chứng minh thật sự được tìm thấy cho rằng Mặt trời là cố định và không quay quanh Trái đất, “thì phải nhìn nhận rằng các trình thuật trong Kinh thánh, vốn dường như trái ngược với sự kiện này, đã được hiểu sai." Gần đây các học giả đã phát hiện rằng tài liệu dẫn đến vụ xử ông Galileo tại Rome (1633) là tài liệu giả mạo. Nó được đưa vào Giáo Triều Rome bởi một giám chức vô liêm sĩ. Văn kiện giả đã cáo buộc Galileo bị cấm 17 năm không dạy hệ thống Copernicus. Do đó vụ án nổi tiếng của Galileo đã dựa vào “văn kiện” này, vốn không hề được nhìn thấy trước đó. Năm 1979, Đức Giáo hòang Gioan Phaolô II đã giải vạ cho Galileo.
Gallicanism
Chủ nghĩa Pháp giáo. Là một nhóm học thuyết, được Giáo hội Pháp ủng hộ, nhằm giới hạn quyền của Đức Giáo hòang trong tương quan với các Giám mục, và đưa quyền của Giáo hội lệ thuộc vào quyền của Nhà Nước. Những người đầu tiên trình bày chủ nghĩa Pháp giáo là môt số tu sĩ Dòng Phanxicô, là William thành Ockham, Gioan thành Jandun, và Marsilius thành Padua trong thế kỷ 14, họ chối bỏ nguồn gốc thiên linh của quyền tối thượng Giáo hòang và đưa quyền giáo hòang lệ thuộc chính quyền. Chủ nghĩa Pháp giáo đã trở thành Công đồng thuyết sau cuộc Đại Ly Khai Tây phương, cho rằng Công đồng chung có quyền trên Giáo hòang, và thuyết này được cổ vũ bởi John Gerson (1363-1429) và Peter d'Ailly (1350-1420). Cuộc Cách mạng Pháp đã lôi kéo các giám mục vào vòng tay của Giáo hòang, và đưa cú thổi chí tử vào chủ nghĩa Pháp giáo, nhưng ý tưởng của nó vẫn còn sống cho đến khi Công đồng chung Vatican I kết án chính thức vào năm 1870.
Gallican Rite
Lễ điển Pháp. Là nghi thức nổi trội từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ tám ở Gaul. Nguồn gốc của nó còn được tranh cãi, nhưng nghi thức được các nhà truyền giáo đầu tiên du nhập vào. Lễ điển này khác với lễ điển Rome trong việc sắp xếp năm phụng vụ, nghi thức dâng bánh rượu, và mọi kinh nguyện Thánh lễ là thay đổi từng ngày. Một số phụng vụ ngày nay ở Milan và Toledo mang nhiểu nét giống với lễ điển Pháp.
Gallio
Gallio, thống đốc Ga-li-on. Là thống đốc tỉnh Achaia (A-khai-a). Người Do Thái đem thánh Phaolô ra trước tòa án của ông, tố cáo ngài vi phạm luật tôn giáo của họ, nhưng thống đốc Gallio từ chối nghe lời khiếu nại của họ (Cv 18:12-17). Ông chủ trương rằng sự bất đồng ý về tôn giáo không chịu sự xét xử pháp lý. Ngay cả khi họ đánh ông trưởng hội đường ngay trước tòa án, ông cũng chẳng bận tâm về điều này.
Gamaliel
Gamaliel, kinh sư Ga-ma-li-ên. Là một người Pharisee (Pha-ri-sêu), một kinh sư, và là một thành viên của Thượng Hội Đồng. Ông chứng tỏ sự ôn hòa trong quan điểm của mình, khi ông thúc giục Thượng hội đồng hãy tỏ ra khoan dung với các Tông đồ, lúc các ngài bị xét xử về rao giảng niềm tin của các ngài. Ông lý luận: “Nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa" (Cv 5:34-41). Ông đã là thầy dạy của Phaolô trước khi Phaolô trở lại đạo, và rất được kính trọng. Việc ông có trở lại đạo hay không đã được bàn luận nhiều; nhưng không có bằng chứng cho thấy là ông đã trở lại đạo.
Garth
Khỏang trống có tu viện bao quanh, sân giữa tu viện. Là một khỏang trống, chung quanh có bốn lối đi hay bốn phía của một tu viện hay một đan viện. Trong một số cộng đòan tu sĩ, các tu sĩ qua đời được an táng tại khỏang đất trống này.
Gate
Cửa, Cửa Thiên Đàng. Là một biểu tượng của Đức Trinh nữ, “janua coeli”, cửa thiên đàng. Qua Đức Mẹ, Chúa Giêsu đến với chúng ta, và qua Đức Mẹ và Con Chí Ái của Ngài, con cái trần gian của Ngài sẽ có ngày về Trời hưởng kiến Thánh Nhan đời đời.
Gaudete Sunday
Chủ nhật Gaudete, chủ nhật Vui Mừng. Là Chủ Nhật Thứ Ba Mùa Vọng, được gọi là chủ nhật Gaudete, bởi vì câu mở đầu của bài ca Nhập lễ có các chữ “Gaudete in Domino semper” (Anh em hãy vui trong Chúa luôn mãi). Ngày chủ nhật này, áo lễ hồng được phép mang trong phụng vụ Thánh Thể. (Từ nguyên Latinh gaudete, hãy vui mừng lên.)
Gaudium Et Spes
Hiến chế Gaudium Et Spes, Hiến chế “Vui mừng Và Hy vọng”. Là hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay của Công đồng chung Vatican II. Đây là văn kiện dài nhất của Công đồng, chia ra làm hai phần chính: 1. giáo huấn của Giáo hội về con người, thế giới họ sống và mối quan hệ với thế giới đó; 2. các mặt đa dạng của cuộc sống ngày nay và xã hội con người, và đặc biệt các vấn đề luân lý khẩn thiết thời nay. Sự xử lý của vai trò Giáo hội trong thề giới ngày nay là hiện thực, công nhận rằng “thuyết vô thần phải được kể là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong thời đại này” (19). Sự xử lý cũng là thực tiễn, khi nhận định rằng cùng với mọi tiến bộ kỹ thuật của phương tiện truyền thông đang họat động hiện nay, “cuộc đối thoại huynh đệ giữa con người được hoàn hảo không phải ở trong những tiến bộ ấy, nhưng một cách sâu xa hơn trong cộng đoàn nhân loại” (23), trong đó cá nhân cùng chia sẻ trong tinh thần. Việc bàn về hôn nhân và gia đình Kitô hữu được mở rộng nhất trong lịch sử công đồng. Lập trường mạnh về chiến tranh và hòa bình phản ảnh ý nghĩ của Giáo hội trong thời đại hạt nhân (Ngày 7-12-1965).
Gehenna (Hinnom)
Gehenna (Hinnom), thung lũng Giết Chóc, thung lũng Ben Hin-nôm. Là một thung lũng ở phía tây nam của Jerusalem, nổi tiếng về sự dữ nơi người Do Thái, do nhiều biến cố man rợ và thờ ngẫu tượng xảy ra ở đó dưới các triều vua Ahaz (A-khát) và Manasseh (Mơ-na-se, II Sb 28:1-4, 33:1-6). Tiên tri Jeremiah (Giê-rê-mi-a) phàn nàn về dị đoan thái quá ở đó và đặt tên lại là Thung lũng Giết Chóc (Gr 7:32). Đức Chúa cảnh báo người dân là nơi đó có thể trở nên một “thành kinh tởm” (Gr 19:8). Trong Tân Ước, tên của nó trong tiếng Do thái cổ có nghĩa là Hỏa ngục. Chúa Giêsu dùng tên này trong nhiều dịp, khi Chúa cảnh cáo người phạm tội là họ có thể bị kết án xuống Hỏa ngục, nếu họ tiếp tục đi theo con đường tội lỗi của mình (Mt 5:22, 5:29; Mc 9:43).
Gelasian Sacramentary
Sách nghi thức của Đức Giáo hòang Gelasius. Là một sách phụng vụ cổ xưa, đuợc viết khỏang giữa thế kỷ sáu và thế kỷ tám, nhưng lại gán tác giả cho Đức Giáo hòang Gelasius I (cai quản từ năm 492 đến năm 496). Đây được xem là Sách lễ Rome xưa nhất với các lễ trọng xếp theo niên lịch Giáo hội, và chắc chắn là nguồn gốc cho lịch tiền-Gregorian. Sách nghi thức này chứa Lễ Quy hiện vẫn còn được sử dụng.
Gen
Gen, Generalis – Tổng, chung, cả, tổng quát, đại cương, toàn thể, phổ thông.
Genazzano
Đền thánh Genazzano. Là Ðền thánh dâng kính Ðức Mẹ Chỉ Bảo Ðàng Lành tại một thị trấn cách Rome khỏang 30 dặm (48 km) về phía đông nam. Nơi đây có bức tranh nổi tiếng Ðức Trinh Nữ và Chúa Con. Lịch sử của đền thánh Genazzano là từ năm 1467. Một phụ nữ góa ở địa phương, mặc dầu không có tài chính, mong ước xây lại một nhà thờ Ðức Mẹ bị bỏ hoang, vốn xây từ thế kỷ thứ năm. Không có phương tiện nào để thực hiện kế họach, bà bị người dân thị trấn nhạo báng cho tới lễ thánh Marcô năm ấy, trong khi cả thị trấn mừng ngày lễ hội chung, cả thị trấn bị che mờ tối cách lạ lùng trong khi bầu trời vẫn sáng trưng. Trước hàng ngàn người chứng kiến, khi ánh sáng trở lại, một bức tranh nhỏ Ðức Trinh Nữ và Chúa Con được tìm thấy trên tường móng nhà thờ chưa được hoàn thành. Chuông thị trấn cũng tự động đánh lên. Trong nỗi sợ hãi và lo lắng, người dân chờ đợi phán quyết của vị giám mục trung lập, người được Đức Giáo hòang Phaolô II sai tới để xác minh sự việc. Phúc trình của ngài nói rằng từ tháng Tư đến giữa tháng 8-1467, ngài đã chứng kiến 171 phép lạ tại Genazzano. Bức tranh được gọi là Ðức Bà Thiên Đàng. Một Ủy ban giáo hòang tìm thấy rằng tranh tượng được vẽ trên một lớp mỏng đồ sứ, mỏng như vỏ trứng, và không hề được vẽ bởi bàn tay con người. Hiện giờ bức tranh được đặt ngay phía trước nhà tạm của bàn thờ trên một rìa tường không có chống đỡ. Một vương cung thánh đường được hòan tất vào cuối thế kỷ 15, và sự tôn sùng Ðức Mẹ Chỉ Bảo Ðàng Lành được phổ biến khắp thế giới. Hàng năm vào ngày kỷ niệm khám phá ra bức tượng, người ta tổ chức rước kiệu trọng thể, và lễ Ðức Mẹ Chỉ Bảo Ðàng Lành được kính trong lịch phụng vụ của Giáo hội. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, thành phố Genazzano bị ném bom, vương cung thánh đường bị trúng bom, vòm nhà thờ hoàn toàn bị hư hại, phía bên trong nhà thờ, gồm bàn thờ, các tranh vẽ, và ảnh tượng, cũng hoàn toàn bị phá hủy. Chỉ có bức tranh quý báu của Ðức Mẹ vẫn còn nguyên vẹn.
Genealogy Of Jesus Christ
Gia phả Chúa Giêsu Kitô, phả hệ Chúa Giêsu Kitô. Các thánh sử Mátthêu và Luca cung cấp hai phả hệ chi tiết của Chúa Giêsu, vốn có khác nhau vài chi tiết, nhưng phần lớn là giống nhau. Thánh Mátthêu khởi đầu phả hệ với tổ phụ Abraham và chia danh sách ra làm ba nhóm với mỗi nhóm có 14 thế hệ (Mt 1:1-17). Còn thánh Luca đi ngược lại, từ Chúa Giêsu lên tới ông Adam (Lc 3:23-38). Giữa tổ phụ Abraham và ông Adam, danh sách của Luca đồng ý phần lớn với phả hệ trong sách Sáng thế và sách I Sử Biên niên (St 4, 5, 10, 11; I Sb 1-9). Một số dị biệt có thể được giải thích bằng sự việc rằng đôi khi trong Cựu Ước các hệ tộc được dựa vào quan hệ con nuôi hoặc con đẻ. Điều thú vị đáng chú ý là cả hai thánh Mátthêu và Luca đều nói rõ ràng rằng thánh Giuse không phải là cha đẻ của Chúa Giêsu (Mt 1:16; Lc 3:23).
General Catechetical Directory
Cẩm nang giáo lý đại cương. Là văn kiện của Thánh Bộ Giáo sĩ, được công bố theo lệnh của Đức Giáo hòang Phaolô VI, “để cung cấp các nguyên tắc cơ bản cho thần học mục vụ -- các nguyên tắc này được rút ra từ Huấn quyền của Giáo hội, và một cách đặc biệt từ Công đồng chung Vatican II – nhờ đó họat động mục vụ trong tác vụ giảng Lời Chúa có thể được hướng dẫn và quản lý một cách thích hợp hơn" (Ngày 11-4-1971).
General Confession
Xưng tội chung, xưng tội tổng quát. Từ ngữ này có hai nghĩa, và cả hai đều liên quan đến Bí tích Xá giải. Một cách tổng quát nhất, xưng tội tổng quát có nghĩa là xưng tội riêng trong đó hối nhân quyết định xưng càng nhiều càng tốt các tội lỗi quá khứ của mình, và không chỉ các tội phạm kể từ lần xưng tội trước. Việc xưng tội như thế được yêu cầu khi một người sắp đi vào một bậc sống mới – linh mục, tu sĩ, hay hôn nhân – và một số hội dòng buộc theo luật Dòng là phải thực hiện một năm một lần. Nhưng ít phổ biến hơn, là việc xưng tội chung có liên quan đến việc giải tội chung. Khi việc giải tội chung có thể được thực hiện cách hợp lệ, điều khỏan về xưng tội chung nói rằng “các hối nhân mong muốn nhận phép giải tội’ được mời gọi “tỏ ra bằng một dấu hiệu nào đó.” Lúc ấy các hối nhân nói một công thức chung về xưng tội, chẳng hạn “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa tối cao.” Tuy nhiên, một trong các điều kiện cần thiết để nhận sự giải tội hợp lệ, khi việc xưng tội chung được thực hiện, đó là hối nhân “quyết định trong thời gian sớm nhất xưng tội lại các tội trọng mà người ấy chưa xưng lúc đó.”
Generation
Sinh sản, phát sinh, đời, thế hệ. Trong thần học Công giáo, là nguồn gốc của một sinh vật từ một sinh vật khác cùng lọai hay cùng lòai. Rất thường được áp dụng cho việc thụ thai của con người. Và trong ý nghĩa chuyển đổi, từ ngữ có nghĩa là việc xuất hiện một bản thể mới hay một hình dạng bản thể, và nhất là sự thay đổi từ không có sự sống qua có sự sống. Về tín lý, từ ngữ này qui chiếu đến nguồn gốc của Chúa Con là từ Chúa Cha. (Từ nguyên Latinh generare, sinh đẻ.)
Generation, Divine
Nhiệm sinh. Là sự nhiệm xuất của Ngôi Hai trong Ba Ngôi từ Ngôi Cha, nghĩa là Chúa Con sinh bởi Chúa Cha. Như Giáo hội giải thích, sự nhiệm sinh này là có từ thuở đời đời, và diễn ra cùng một cách giống như họat động trí tuệ của linh hồn con người. “Cũng như tâm trí chúng ta tự biết nó, tạo ra một hình ảnh về nó, mà các nhà thần học gọi là ‘lời’, thì Thiên Chúa cũng vậy, nếu tới mức nhân linh có thể so sánh với thiên linh, Chúa tự biết Chúa, sinh ra Lời Muôn Thuở” (Giáo lý Roma, III, 9). Như vậy việc Chúa Cha sinh ra Chúa Con phải được quan niệm thuần túy như sự sinh ra trong tâm trí hoặc như một hành vi của Trí tuệ Thiên Linh.
Generationism
Di hồn thuyết, thuyết sinh thực. Là thuyết nói về nguồn gốc của linh hồn con người, cũng như nguồn gốc thể xác, là từ việc cha mẹ sinh con cái. Do đó, cha mẹ là nguồn gốc sinh ra cả thể xác lẫn linh hồn. Một dạng thô của di hồn thuyết, được gọi là thuyết truyền sinh linh hồn, dạy rằng cùng với tinh dịch cơ thể, một phần bản chất linh hồn của cha mẹ (tradux) được truyền sang đứa con. Một dạng thức khác ít thô thiển hơn, có lẽ do thánh Âu Tinh dạy, chủ trương rằng linh hồn là thiêng liêng, nhưng nói rằng linh hồn đứa trẻ phát sinh từ hạt giống thiêng liêng của cha mẹ. Di hồn thuyết thuộc bất cứ hình thái nào cũng không thích hợp với tính giản đơn và tính thiêng liêng của linh hồn, và đã nhiều lần bị Giáo hội Công giáo lên án (Denzinger 1007, 3220).
Genesis
Sách Sáng thế. Là cuốn sách đầu tiên của Kinh thánh, chứa trình thuật về nguồn gốc của thế giới, nguồn gốc loài người và nguồn gốc Dân Chúa chọn. Ba nguồn gốc này được kể lại theo trình tự: sáng tạo thế giới và lịch sử thời đầu của nhân lọai, trong đó có sự Sa ngã, lời hứa ban Đấng Cứu Thế, và lụt Hồng thủy (chương 1-11); lịch sử thời đầu của người Do Thái, trong đó có các tổ phụ Abraham, Isaac, Jacob, và Giuse (chương 12-50). Sứ ngôn của Jacob (chương 49) chứa lời tiên báo nổi tiếng có lợi cho chi tộc Judah, và Đấng Thiên Sai sẽ sinh ra từ chi tộc này.
Geneva Bible
Kinh thánh Geneva. Là bản dịch tiếng Anh cuốn Kinh thánh, do người Tin Lành thực hiện, xuất bản tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 1560. Đây là ấn bản đầu tiên bằng tiếng Anh có phân chia câu, cách dịch đặc biệt của Tin Lành phái Calvin, và thường được gọi là “Kinh thánh Breeches” do câu St 3:7 được dịch là "they. . . made themselves breeches" (‘Họ tự kết quần ống túm cho mình với lá cây’).
Gennesaret
Gennesaret, đồng bằng Ghen-nê-xa-rét. Là một bình nguyên phì nhiêu cạnh bờ tây bắc của Biển Galilee. Đôi khi các tác giả Tin Mừng gọi là Hồ Gennesaret, vì biển này nằm cạnh bình nguyên Gennesaret. Khi Chúa Giêsu từ thuyền ở hồ lên bờ, một đám đông bệnh nhân được đưa đến với Chúa, và Chúa đã chữa lành bệnh cho (Mt 14:34-36; Mc 6:53-56).
Gentiles
Dân ngọai, lương dân. Là những người không phải là người Do Thái. Trong trình thuật Cựu Ước, mối tương quan giữa người Do Thái và người khác là bình thường (Đnl 10:18-19). Thậm chí còn có các cuộc hôn nhân giữa người hai bên nữa. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, giáo huấn của người Do Thái càng lúc càng không tán thánh chuyện này (Er 9:11-12). Có lẽ đó là kết quả của sự bách hại, và sự thù địch gay gắt giữa người Do Thái và người dân ngoại. Khi Chúa Giêsu giảng dạy các môn đệ, trước tiên Ngài bảo họ chỉ làm việc cho dân Do Thái mà thôi: “Đừng đi vào vùng dân ngọai… Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en" (Mt 10:5). Nhưng dần dà Chúa mở rộng việc tông đồ của các vị cho mọi người chấp nhận giáo huấn của Chúa (Ga 1:12-13). Việc truyền giáo được mở rộng đến nỗi trong các chuyến đi truyền đạo của mình, thánh Phaolô đã trở thành nổi tiếng với danh hiệu “Tông đồ Dân Ngoại".
Gentlemen Of His Holiness
Quý Ông của Đức Giáo hòang. Là một tước được Đức Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập năm 1968, như một dấu chỉ tôn vinh những người phục vụ tại Tòa Thánh, chẳng hạn bảo quản các vật dụng ở các phòng ốc và sắp xếp chuyến đi cho nhân viên giáo triều.
Genuflection
Qùy gối, bái gối, bái quỳ. Bái quỳ như một cử chỉ tỏ lòng tôn kính. Bái quỳ là tập tục khi đi qua trước Thánh Thể trong Nhà tạm, khi đi dến chỗ ngồi để làm việc phụng tự và trong một số nghi thức kính Thánh giá. Việc quỳ hai gối là việc thường làm trước Mình Thánh Chúa trưng trong Mặt nhật. Chỉ thị mới từ thời Công đồng chung Vatican II nói rõ: “Người ta phải bái gối trước Mình Thánh Chúa, dù là khi Mình Thánh để trong Nhà tạm, hay khi Chầu Mình Thánh Chúa” (Eucharistiae Sacramentum, 1973, số 84). Người ta cũng bái gối với Đức Giáo hòang, một Hồng y và một Giám mục trong giáo phận của Ngài.
Genus
Giống, phái, lọai. Là các đặc tính chung cho nhiều lòai, rút ra từ các dị biệt nổi bật của chúng. Như thế, một khái niệm tổng quát là hữu thể thông minh có thể áp dụng cho lòai người và thiên thần. Các đặc tính thượng đẳng được gọi là lọai (phạm trù), hoặc lòai đầu tiên (trong triết học của Aristotle và thánh Tôma Aquinas) diễn tả bản thể, và chín đặc tính khác được gọi là đặc tính tùy thể, cụ thể là số lượng, chất lượng, quan hệ, nơi chốn, thời gian, hành động, dục vọng, vị trí và trạng thái. (Từ nguyên Latinh genus, lớp, lọai.)
G.E.R.
Generale Ecclesiae Rationarium – Văn phòng thống kê trung ương của Giáo hội.
Gerasenes
Người dân Gerasenes, người dân Ghê-ra-sa. Là dân cư thị trấn Gerasenes vùng Thập tỉnh “đối diện với miền Galilee (Ga-li-lê)," theo thánh Luca (Lc 8:26-33). Người ta biết rất ít về địa điểm và lịch sử thành này.Vài Thánh sử kể chuyện Chúa Giêsu trừ quỷ cho một người “vùng đất của dân Ghê-ra-sa" (Mt 8:28-34; Mc 5:1-13). Từ này thỉnh thỏang còn được viết là Gergesenes hay Gadarenes.
Gerizim
Gerizim, Núi Ga-ri-dim. Là một ngọn núi ở Samaria (Sa-ma-ri). Khi ngôn sứ Moses (Mô-sê) truyền đạt các chỉ thị mà Đức Chúa đã nói với Ngài cho dân Do Thái, và ngay sau khi họ chiếm vùng Đất Hứa, họ phải nói lời chúc tụng từ núi Gerizim (Đnl 11:29). Trong Tân Ước, chính trên ngọn núi này mà Chúa Giêsu xin người phụ nữ Samaritan cho uống nước (Ga 4). Trong cuộc nói chuyện kéo dài, người phụ nữ nhắc tới việc dân chúng thờ phượng Đức Chúa trên núi Gerizim thay vì ở đền thờ Jerusalem. Cho đến bây giờ, một số người Samaritan mừng lễ Vượt Qua trên núi này với nghi lễ phù hợp.
Gershom
Gershom, ông Ghéc-sôm. Là con trai của Moses (Mô-sê) và cô Zipporah (Xíp-pô-ra), Gershom chào đời trong thời Moses cư ngụ trên vùng đất Midianite (Ma-đi-an) sau khi chạy trốn vua Pharaoh (Pha-ra-ô, Xh 2:21-22). Danh từ Gershom có nghĩa là “lưu đày” hay “ngọai kiều”, vốn là phù hợp bởi vì Moses rầu rĩ nhận xét: “Tôi là ngoại kiều nơi đất khách quê người."
Gesta
Gesta, hành động, sự tích. Nghĩa đen là “sự việc”. Đôi lúc được áp dụng cho tiểu sử và nguyên nhân cái chết của các thánh tử vì đạo. Các sự tích này liên quan đến đời tư các vị tử đạo, nên khác với sách tiểu sử các thánh tử đạo, vốn là sách chính thức ghi tên các thánh tử đạo Kitô giáo.
Gethsemane
Vườn Gethsemane, Vườn Ghết-sê-ma-ni. Là cái vườn bên ngòai Jerusalem trên Núi Cây Dầu, nơi Chúa Giêsu trải qua những giờ cầu nguyện trước khi bị bắt (Mc 14:32-52, Ga 18:1-12). (Từ nguyên Aramaic gat semane, ép dầu; từ ngữ Hi Lạp là geths_manei.)
Ghetto
Khu người Do Thái, xóm Do Thái. Nguyên thủy là đường phố hay một khu thành phố (borghetto, khu phố nhỏ) trong đó người dân Do Thái sinh sống. Các xóm Do Thái đầu tiên là ở Ý trong thế kỷ 11, nhưng đã trở nên phổ biến ở nhiều nước vào cuối thời Trung Cổ. Việc xuất hiện các xóm như thế, một phần là do chính quyền đưa ra luật hạn chế cho người Do Thái, một phần là do sự đòi hỏi lối sống riêng của chính bản thân người Do Thái. Năm 1556, Đức Giáo hòang Phaolô IV thiết lập một ghetto ở Rome, và họ sống ở đây cho đến năm 1870. Người ta biết là trước thời Chúa Giêsu đã có một xóm Do Thái ở Rome, nơi nhiều người Do Thái tự do (cựu nô lệ) đã sống ở quận Trastevere.
Ghost
Ma, hồn ma. Là một linh hồn đã lìa khỏi xác. Kitô giáo tin rằng Chúa có thể cho phép và đôi khi cho phép một linh hồn lìa xác hiện ra dưới dạng hữu hình với người dương thế. Từ ngữ này ám chỉ đến huyền thoại hay ảo ảnh, khi có đủ bằng chứng trung thực, chẳng hạn trong đời sống các thánh, để nói rằng các sự hiện ra như thế xảy ra. Mục đích của việc hiện ra này là nhằm dạy bảo, cảnh báo, hay xin một ân huệ nào của người đang sống.
Giants
Những người khổng lồ. Là những người khổng lồ được nhắc đến trong Kinh thánh. Khi Moses (Mô-sê) phái người do thám vào Canaan (Ca-na-an) để khám phá liệu nơi này có phù hợp cho Vùng Đất Hứa hay không, người do thám sợ hãi trước giống người khổng lồ. “Chúng tôi thấy mình chỉ như châu chấu, và họ cũng coi chúng tôi như vậy" (Ds 13:32-33). Những người cao lớn này gọi là người Nephilim. Có một nhóm người khổng lồ khác là người Rephaim (Ra-pha), sống ở lãnh thổ Moabite (Mô-áp) (Đnl 2:10). Ông Goliath (Go-li-át) chắc chắn là nhân vật khổng lồ nổi tiếng nhất trong Kinh thánh, do cuộc chạm trán nổi danh với chàng trai David (Đavít), nhưng ông là người Philistine (Phi-li-tinh), chứ không thuộc giống người khổng lồ (I Sm 17).
Gideon
Gideon, ông Ghít-ôn. Là một thủ lĩnh tôn giáo và quân đội của người Do Thái, trong thời kỳ khi mà việc thờ thần Baal gây ảnh hưởng ngọai giáo mạnh nơi người Do Thái. Những người dân Midianites (Ma-đi-an) du mục và người Amalekites (A-ma-lếch) đã chiếm đóng Palestine, tiếp tục phá họai mùa màng và súc vật của người dân địa phương (Tl 6:1-6). Ông Gideon, trung thành với Đức Chúa và dân chúng của mình, đã tổ chức một quân đội Do Thái, nhưng đây không phải là một lực lượng hiệu quả. Được Đức Chúa linh hứng, Gideon giảm số lượng binh lính, và thành lập đội quân tinh nhuệ gồm ba trăm người, gặt hái nhiều thành công trong khi tấn công người Midianites. Chiến thắng của ông khuyến khích các cộng đồng Do Thái khác, và quân thù rút lui khỏi đất nước (Tl 7:1-8). Ông Gideon được trao quyền làm vua Israel, nhưng ông từ chối, vì ông thích trở về gia đình và sống đời nông nghiệp hơn (Tl 8:22-23). Cuộc sống dài lâu của ông là nổi bật với lòng tin mạnh mẽ và sự trung thành với các giáo lý và tập tục tôn giáo của người Do Thái. (Từ nguyên Hebrew gide'on, chiến binh, người đốn cây.)
Gift
Quà tặng, ân huệ, ơn. Với danh nghĩa là người sở hữu trong triết học kinh viện, một người tình nguyện chuyển một vật gì sang cho người khác. Quà tặng gồm có hai yếu tố: từ bỏ quyền sở hữu của người cho, và sự chấp nhận quyền sở hữu mới về phía người nhận. Cả hai điều diễn ra cùng một lần và được cả hai người chứng kiến. Tài sản chỉ được chuyển nhượng với điều kiện rằng nó được chấp nhận bởi người được tặng, vì thế nếu tài sản ấy bị từ chối, nó chưa được chuyển nhượng, và những người khác không được đòi quyền sở hữu nó.
Gift Of Fortitude
Ơn sức mạnh, ơn cương nghị. Là một trong bảy ơn Chúa Thánh Thần; nó trao cho một người một sức mạnh đặc biệt của ý chí. Ơn này trao một sự sẵn sàng lạ thường để chịu đựng các gian lao thử thách vì lòng mến Chúa, hoặc chu tòan thánh ý của Chúa; ơn trao một lòng can đảm khác thường để chịu đựng các khó khăn trong nhiều năm; trao sự cương nghị để hòan tất các công tác khó khăn; trao sự bền đỗ để trung thành suốt đời với ơn gọi, cho dù có nhiều thử thách nặng nề hay sự nản chí do Chúa gửi tới; và trao niềm vui lớn để chịu đựng bách hại hoặc sự hạ nhục trong sự kết hiệp với Chúa và vì Danh Chúa.
Gift Of Integrity
Ơn hòan bị. Là ơn miễn hòan tòan khỏi ảnh hưởng của dục vọng, nhờ đó tòan bộ đời sống tình cảm, trí tưởng tượng và toàn bộ họat động của người ấy được lý trí kiểm sóat và điều khiển. Ơn ngọai nhiên này đã có nơi ông Adam và bà Eve trước khi họ Sa ngã. Nó ban cho họ hưởng niềm vui lạc thú của đời sống tình cảm mạnh mẽ hơn chúng ta hiện nay, vì các khả năng tự nhiên của họ, vốn tinh tuyền hơn, là sắc sảo và mãnh liệt hơn.
Gift Of Knowledge
Ơn nhận thức, ơn trí tuệ. Là một trong bảy ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ hoạt động soi sáng của Chúa Thánh Thần, ơn này hoàn thiện nhân đức tin. Nó ban cho một người khả năng nhận xét mọi điều từ quan điểm siêu nhiên. Đối tượng của ơn này là là tòan bộ các lòai thụ tạo để dẫn dưa con người tới Chúa. Nhờ ơn nhận thức, tín hữu có thể nhìn thấy mục đích quan phòng của bất cứ điều gì xảy đến trong đời họ, và họ có thể sử dụng các thụ tạo đúng theo ý Chúa cho họ và cho người khác. Đôi khi được gọi là “Khoa học của các thánh”, ơn này giúp tín hữu biện biệt một cách dễ dàng và công hiệu giữa các xung động của cám dỗ và các cảm hứng của ân sủng.
Gift Of Tongues
Ơn ngôn ngữ, ơn nói tiếng lạ. Là một trong các ơn ngọai nhiên được thánh Luca mô tả. Còn gọi là ơn nói tiếng lạ (glossalalia), đây là ơn nói ngôn ngữ mà ai nghe cũng hiểu được (như đã xảy ra trong ngày lễ Ngũ tuần thời các Tông đồ), và khả năng thích ứng của người nghe để hiểu một người đang nói tiếng nước ngòai. Thánh Phaolô mô tả một ơn khác về nói ngôn ngữ trong thời Giáo hội sơ khai, cụ thể là nói một ngôn ngữ không thể hiểu được, nhưng ngài nhìn nó với sự nghi ngờ khi những người có đòan sủng lại thiếu khả năng giải thích điều họ đang nói (I Cr 14:1-40). Nơi người thuộc phái Ngũ tuần trong phong trào Thánh linh, ơn ngôn ngữ được cho là rất tích cực trong thế giới ngày nay.
Gifts Of The Holy Spirit
Bảy ơn Chúa Thánh Thần. Là bảy hình thức của sáng kiến siêu nhiên được trao cùng với việc lãnh nhận ơn thánh hóa. Các ơn này thuộc bản tính các phản xạ siêu nhiên, hoặc bản năng phản ứng, đáp trả tự phát cho các xung động thiên linh của ân sủng, mà hầu như không suy tư nhưng luôn đồng ý. Bảy ơn này là: ơn khôn ngoan (sapientia), ơn hiểu biết (intellectus), ơn nhận thức (scientia), ơn can trường hay sức mạnh (fortitudo), ơn chỉ bảo (consilium), ơn thánh thiện (pietas), và ơn kính sợ Chúa (timor Domini).
Gift Of Wisdom
Ơn khôn ngoan. Là ơn đầu tiên và cao cả nhất trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Ơn này giúp cho linh hồn con người đáp trả với Chúa trong sự chiêm ngắm các sự thiên linh. Nơi nào đức tin là sự hiểu biết đơn giản về các tín khỏan Kitô giáo, ơn khôn ngoan đi sâu vào chính các chân lý Chúa mặc khải. Được xây dựng trên ơn khôn ngoan là một yếu tố của tình yêu, vốn cảm hứng sự suy tư chiêm niệm về các mầu nhiệm của Chúa, vui mừng ở lại trong các mầu nhiệm ấy, và hướng dẫn tâm trí phán đoán mọi sự theo các nguyên tắc của chúng.
Gilbertines
Tu hội Gilbertines, tu hội thánh Gilbert. Là Dòng tu duy nhất phát xuất từ Anh quốc trong thời Trung cổ, được thánh Gilbert (1083-1189) thành lập vào khỏang năm 1130 tại Sempringham, Anh Quốc, lúc ban đầu có bảy phụ nữ mà thôi. Sau đó các tu viện nam giới cũng được thiết lập, tất cả đều theo luật thánh Âu Tinh. Quyền bính tuyệt đối được trao cho bề trên, gọi là “Prior of All” (Tổng Bề trên). Lúc thánh Gilbert qua đời, đã có 13 tu viện tại Anh. Tu hội Gilbertines được hòang gia Anh ủng hộ, cho đến khi Vua Henry VIII giải tán tu hội, lúc ấy đã có 25 tu viện. Vị Tổng Bề trên cuối cùng là Robert Holgate.