Ngày 15-06-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:38 15/06/2015
GƯƠNG NHÂN NGHIÃ
N2T

Tống Tương công và quân đội nước Sở đang giao chiến ở ven bờ nước sâu, binh lính nước Tống đã xếp hàng trận thế, nhưng quân Sở còn chưa qua sông.
Hữu tư mã hiến kế cho Tống tương công:
- “Quân Sở nhiều mà quân Tống ít, lợi dụng lúc họ qua sông hàng ngũ chưa chỉnh tề thì ta đột nhiên công kích, như thế họ tất bị bại không còn nghi ngờ gì nưã.”
Tống tương công không nói gì, Hữu tư mã nói tiếp:
- “Ngài không yêu qúy nhân dân của đất nước mình, để quốc gia bị tổn hại, lẽ nào thế mới gọi là đạo đức sao?”
Thế là đợi quân Sở qua sông và xếp xong trận thế, bấy giờ Tống tương công mới hạ lệnh đánh trống tiến quân, kết quả binh Tống đại bại. Tương công bị thương nặng ở bắp vế, ba ngày sau thì chết.
(Hàn Phi Tử)

Suy tư:
Làm vua một nước, đã ra trận mà còn đem lòng từ bi của quân tử để nhường nhịn đối phương, tức là đưa quân mình vào chỗ chết; khi lâm trận thì cần giành thế thượng phong, mạnh dùng sức, yếu dùng mưu, đó là căn bản của người cầm quân. Đã muốn nhường đối phương thì chi bằng đem đất nước toàn dân của mình dâng cho địch quân, còn hơn là đem quân ra chiến đấu. Tống tương công đã làm một việc “nhân từ quân tử” nên đã thua trận lại còn mất mạng nữa.
Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, đã chiến đấu thì phải chiến đấu tới cùng không nhân nhượng; với tội lỗi mà nhân nhượng thì chỉ có thua đến thua; xác thịt cũng thế, đừng nhân từ kiểu quân tử: cả mùa chay ăn chay rồi, bây giờ “ăn bù” cho thỏa lòng; tội này không quan trọng chỉ cần đi xưng tội là xong ngay; hy sinh trong lòng có Chúa biết được rồi.v.v...đó chính là những nhân nhượng kiểu quân tử.
Tôi cũng đã nhiều lần nhân nhượng kiểu đó với cám dỗ và với những đam mê tầm thường, khiến cho tôi ngày càng xa Chúa hơn mà không biết.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:40 15/06/2015
N2T

10. Đức Mẹ Ma-ri-a thật là Đấng tràn đầy ân sủng, trong lòng Mẹ có ẩn tàng kho báu thánh sủng.

(Thánh Gregorius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Bão táp cuộc đời mỗi người
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
23:10 15/06/2015
Chúa Nhật XII THƯỜNG NIÊN, năm B
Jb 38, 1.8-11 2 Co 5, 14-17 Mc 4, 35-41

BÃO TÁP CUỘC ĐỜI MỖI NGƯỜI

Đời người là một cuộc hành trình lâu dài và khó khăn, bởi vì cuộc đời con người không phải lúc nào cũng xuôi chảy,có lúc giống như mặt nước êm ả, chảy trôi nhưng có lúc không thiếu giông ba bão táp…Với ngòi bút thật linh động của thánh Marcô, thánh sử mô tả một cơn bão tố trên biển hồ Tibêriat hay gió mênh mông, thổi mạnh vào những buổi chiều trong thung lũng sông Giorđăn. Dân chúng đi theo Chúa, nghe Chúa giảng dạy và khi họ được Chúa làm phép lạ nuôi họ, Ngài giải tán dân chúng và ra lệnh cho các môn đệ qua bờ bên kia để nghỉ ngơi một chút…

Chúa lên thuyền bởi vì mệt mỏi sau một ngày giảng dạy không ngơi nghỉ, Ngài xuống cuối mạn thuyền và nằm ngủ. Các môn đệ vẫn cần mẫn chèo thuyền để qua phía kia biển hồ…Các môn đệ đâu có tưởng được bỗng dưng gió thổi mạnh, sóng dâng cao…nước vào đầy thuyền,các môn đệ vẫn tay chèo, tay tát nước. Thế mà, Chúa vẫn ngủ say như không hề để ý gì đến cơn lốc, cơn bão táp. Thực tế, Chúa Giêsu muốn đưa các môn đệ của Người đi trên biển hồ mênh mông, giữa bão táp, sóng to, gió lớn, là để cho các môn đệ thấy trước những bão tố trong cuộc đời sau này sẽ xẩy đến cho các môn đệ là những thử thách, gian nan như bắt bớ, bách hại, tù đầy, hy sinh cả mạng sống mà các môn đệ sẽ gặp phải trên đường loan báo Tin Mừng. Các môn đệ sẽ phải đối diện với nhiều thử thách trên đường truyền giáo. Họ sẽ lèo lái con thuyền Giáo Hội và Giáo Hội sẽ gặp nhiều thử thách, các môn đệ và các tông đồ phải kiên trì, can đảm, mạnh mẽ chống đỡ.Cái trớ trêu là khi Chúa Giêsu đang có mặt, các môn đệ vẫn lo âu, sợ sệt, phải chăng các ngài chưa tin tưởng vào Chúa ? Chúa Giêsu nói tại sao các con sợ sệt ? Sợ sệt đang lúc Chúa đang có mặt chung trong con thuyền ? Sợ như thế thật vô lý ! Chúa muốn, Chúa đòi hỏi các môn đệ không được sợ, không được khiếp đảm! Chúa Giêsu đã làm biết bao phép lạ trước mặt các môn đệ ! Tại sao các môn đệ lại cuống cuồng lên như thế ? Nếu các ngài có lòng tin, chắc chắn các ngài không sợ sệt như thế ! Các môn đệ chỉ hoàn hồn khi Chúa truyền cho biển im, gió lặng…Đức tin chỉ hình thành khi con người phó thác và hiểu quyền năng của Chúa Giêsu.

Vâng, phép lạ Chúa Giêsu làm cho sóng to, gió lớn, biển động im lặng giúp chúng ta hiểu được rắng Giáo Hội trải qua thời gian trong lịch sử, đã gặp biết bao thử thách, đã gặp biết bao sóng to, gió lớn. Tuy nhiên, con thuyền Giáo Hội, cầm đầu là các Đức Giáo Hoàng, đứng đầu là Phêrô, đã vượt qua
Đối với chúng ta, cuộc đời mỗi người là một cuộc hành trình đầy sóng gió, có lúc đức tin chúng ta vững, nhưng cũng cói lúc đức tin chúng ta yếu, không vững vàng. Có lúc chúng ta như thấy Chúa đang hiện diện với ta, nhưng cũng có lúc xem ra chúng ta không còn thấy Chúa nữa. Những lúc đó đức tin của chúng ta thực yếu, thực mệt mỏi, chúng ta như muốn buông xuôi tất cả. Trong những lúc như thế, chúng ta phải bắt chước các môn đệ, đến với Chúa Giêsu, xin Ngài cứu giúp vì Ngài đã hứa :” Ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế “.

Xin mượn lời Cha Christophe Husson,A.a. để kết luận bài chia sẻ này :” …Con thuyền cũng là Giáo Hội của chúng ta, mà chúng ta là thành phần liên đới.Thuyền lướt êm trên biển lặng và thuyền quay cuồng muốn lật úp dưới sóng gió hung tàn. Chúng ta đều thấy rõ, dù là tín hữu, cuộc đời không nhân nhượng với chúng ta, nhưng giữa những thử thách của niềm tin, chúng ta phải giữ vững mũi tàu trong niềm hy vọng, chỉ đơn giản vì Thiên Chúa đang nắm giữ mũi tàu của chúng ta :” Tại sao các con lại sợ ? “.


Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con vững mạnh, can đảm lướt thắng những thử thách, khó khăn vì tin rằng Chúa đang hiện diện với chúng con. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao Chúa lại nói các môn đệ chèo thuyền qua bên kia biển hồ Tibêriat?
2.Tại sao Chúa lại ngủ ?
3.Trước sóng to gió lớn thái độ của các môn đệ như thế nào ?
4.Các môn đệ có tin vào Chúa đang có mặt trong thuyền với các ngài không?
5.Chúa mắng các môn đệ làm sao ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Pháp: Cháy lớn ở vương cung thánh đường Saint-Donatien
Tiền Hô
20:33 15/06/2015
Hôm thứ Hai (15/05/2015), một đám cháy dữ dội đã bao trùm vương cung thánh đường Saint-Donatien ở thành phố Nantes, miền Tây nước Pháp. Khoảng 40 nhân viên cứu hỏa đã làm việc dập lửa từ 10:30 (giờ địa phương) nhưng phần lớn mái nhà thờ gần như đã bị cháy rụi.

Nhiều thông tin cho rằng ngọn lửa bùng phát sau Thánh Lễ sáng khiến các giáo dân phải sơ tán khỏi nhà thờ. Theo một nguồn tin, cảnh sát xác nhận rằng ngọn lửa vô tình bén cháy khi các công nhân thực hiện hàn để chống thấm trên mái nhà thờ.

Bà Johanna Rolland - thị trưởng thành phố Nantes phát biểu: "Vương cung thánh đường này là một biểu tượng vô cùng quan trọng đối với toàn thể cộng đồng Công Giáo tại Nantes và là một phần di sản chung của tất cả các cư dân Nantes".

Đây là một trong hai nhà thờ được cung hiến năm 1889 tại thành phố này. Nhà thờ còn lại là nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô và Phaolô, cũng bị cháy phần mái tương tự vào năm 1972.

Frederic Leguiller - trưởng sở cứu hỏa Nantes nói rằng: "Chúng tôi đã được thông báo vào giữa buổi sáng khi có lửa nhỏ xuất hiện trong nhà thờ. Công nhân thì đang làm việc trên mái nhà tại thời điểm đó. Họ đã cố gắng dập tắt lửa ngay lập tức nhưng không được. Chúng tôi đã bố trí đội chữa cháy hùng hậu đến để dập lửa trên mái nhà thờ nhưng công việc không dễ dàng vì đó là không gian rất lớn".

Đến chiều ngày Thứ Hai, đám cháy đã được dập và không có ai bị thương vong.
 
Đức Thánh Cha cổ võ hồi sinh Roma về luân lý và tinh thần
Lm. Trần Đức Anh OP
20:35 15/06/2015
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến các tham dự viên hội nghị mục vụ thường niên của giáo phận Roma, ĐTC cổ võ giúp thành này được tái sinh về mặt luân lý và tinh thần.

20 ngàn người gồm các thành viên Hội nghị cùng với đông đảo cha mẹ các em rước lễ lần đầu và chịu phép thêm sức, các linh mục và giáo lý viên đã tham dự buổi gặp gỡ với ĐTC từ lúc 6 giờ chiều Chúa Nhật 14-6-2015 tại Quảng trường thánh Phêrô.

Sau lời chào mừng của ĐHY giám quản, Agostino Vallini, và kinh nguyện mở đầu, ĐTC đã chào thăm và ban huấn dụ cho mọi người. Ngài nói:

”Thành phố của chúng ta phải tái sinh về luân lý và tinh thần, vì dường như tất cả chẳng có gì thay đổi, tất cả là tương đối; người ta đồng ý Tin Mừng là một lịch sử đẹp, đọc thật là tốt, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó”.

ĐTC cổ võ sự dấn thân đặc biệt hơn để giúp các thiếu niên ở Roma đang phải đương đầu với những sự thực dân hóa theo ý thức hệ làm ô nhiễm linh hồn và gia đình. Ngài nói: ”Những sự thực dân hóa ý thức hệ ấy tạo nên bao nhiêu sự ác và phá hủy xã hội, phá hủy đất nước và gia đình, vì thế chúng ta cần một sự tái sinh thực sự về luân lý và tinh thần”.

ĐTC cũng nhắc nhở các bậc cha mẹ yêu thương nhau, chu toàn ơn gọi làm cha làm mẹ, đừng bao giờ sử dụng con cái, coi con cái như con tin, để trả đũa nhau nhất là trong trường hợp ly thân ly dị. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự bổ túc cho nhau giữa người nam và người nữ. Sau cùng ĐTC đề cao vai trò quí giá của các ông bà nội ngoại.. Ở Roma này có hơn 600 ngàn ông bà như vậy.

Chính quyền thành Roma đang bị ”xì căng đan” ăn hối lộ và chiều ngày 13-6-2015, hàng trăm ngàn người do ông thị trưởng Ignađiio Marino dẫn đầu đã biểu tình Gay Pride cổ võ hôn nhân đồng phái.

Công nghị thường niên của giáo phận Roma tiến hành trong 3 ngày tại Đền thờ thánh Gioan Laterano cũng là Nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma:

Lúc 7 giờ chiều thứ hai 15-6-2015: sau kinh nguyện mở đầu, Bà Elisa Manna, đặc trách phân bộ văn hóa của Trung tâm nghiên cứu đầu tư xã hội ở Italia, gọi tắt là Censis, trình bày về đề tài: ”Cha mẹ và việc thông truyền đức tin cho con cái - giới thiệu phúc trình của Trung tâm Censis”. Tiếp đến Đức Ông Andrea Leonardo, Giám đốc Văn phòng huấn giáo của giáo phận Roma, sẽ trình bày về chủ đề: ”Chúng tôi thông truyền điều chúng tôi đã nhận lãnh”. Trách nhiệm của cha mẹ chứng nhân về vẻ đẹp của cuộc sống.

Sau hai bài thuyết trình gợi ý trên đây, chiều ngày hôm nay, thứ ba 16-6-2015, các tham dự viên sẽ tập họp tại Đại học Giáo Hoàng Laterano từ lúc 7 giờ để làm việc trong các nhóm nhỏ, do các chuyên gia hướng dần, để đề ra những đường hướng và đề nghị cho Năm mục vụ 2015-2016.

Sau cùng, vào ngày thứ hai 14-9 tới đây, ban sáng các cha sở và LM Roma sẽ nhóm họp tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano từ 9 giờ rưỡi sáng. Sau đó vào lúc 7 giờ chiều cùng ngày, sẽ có khóa họp của cac giáo lý viên trong đó ĐHY Vallini sẽ trình bày những hướng đi mục vụ được đề ra cho niên khóa mục vụ 2015-2016. Khóa họp sẽ kết thúc vời nghi thức trao bài sai cho các giáo lý viên. (SD 15-6-2015)
 
Đức Thánh Cha gặp cơ quan từ thiện giúp Công Giáo Đông Phương
Lm. Trần Đức Anh OP
20:36 15/06/2015
VATICAN. ĐTC tố giác tình trạng chính quyền nhiều nước quan tâm tới dầu hỏa và võ khí hơn là số phận của bao nhiêu gia đình tị nạn tại Trung Đông.

Ngài đưa ra nhận định trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 15-6-2015, dành cho 100 tham dự viên Đại hội thường niên thứ 88 của Liên hiệp các tổ chức trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, gọi tắt là Roaco, đang tiến hành tại Roma từ ngày 14 đến 17-6-2015, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

ĐTC ca ngợi nỗ lực của 22 tổ chức bác ái Công Giáo quốc tế giúp đỡ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, cũng như bao nhiêu anh chị em tị nạn từ Siria và Irak. Ngài ghi nhận, trên thế giới, trong thời gian gần đây có sự quan tâm nhiều hơn đối với số phận của hàng ngàn gia đình tị nạn, và sự hiện diện ngàn năm của các Kitô hữu ở Trung Đông. Đã có nhiều sáng kiến nhắm gây ý thức và trợ giúp các gia đình ấy cũng như mọi người vô tội khác nạn nhân của bạo lực.

Nhưng ĐTC nhận xét rằng ”vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn để loại trừ những điều bị coi như những thỏa hiệp ngầm, theo đó mạng sống của hàng ngàn ngàn gia đình - nam phụ lão ấu - dường như bị coi nhẹ hơn dầu hỏa và võ khí trên cán cân những lợi lộc; trong khi người ta tuyên bố hòa bình thì lại dung túng những kẻ buôn bán sự chết chóc đang hoạt động tại các lãnh thổ ấy. Vì thế tôi khuyến khích anh chị em, trong khi tiếp tục phục vụ theo tinh thần bác ái Kitô, hãy tố giác những gì chà đạp phẩm giá con người”.

ĐTC đặc biệt nhắc đến tình hình các tín hữu Kitô tại Thánh Địa, và tại Etiopia, Eritrea, Arméni được chọn làm chủ đề cho khóa họp hiện nay.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc diệt chủng Armeni, Đại hội dành một phiên họp để bàn về tình hình Giáo Hội Công Giáo Arméni tại Đông Âu, Arméni, Georgia và Nga.

ĐTC nói: ”Anh chị em có thể trợ giúp các cộng đồng Kitô rất kỳ cựu này cảm thấy mình tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng và cống hiến nhất là cho giới trẻ một chân trời hy vọng và tăng trưởng, chẳng vậy người ta sẽ không chặn đứng được làn sóng xuất cư, bao nhiêu con cái những vùng ấy lên đường, tìm đến các bờ biển Địa Trung Hải để vượt biên, với bao nhiêu rủi ro cho sinh mạng.”

ĐTC cũng khẳng định rằng: ”Arméni là chiếc nôi của quốc gia đầu tiên được rửa tội, và cũng đang bảo tồn một lịch sử phong phú về văn hóa, đức tin và tử đạo. Sự nâng đỡ dành cho Giáo Hội tại miền đất ấy góp phần vào hành trình tiến về sự hiệp nhất hữu hình của mọi tín hữu tin nơi Chúa Kitô” (SD 15-6-2015)
 
Niềm vui sướng lớn lao của Giáo Hội Công Giáo Lào
Linh mục Raphael Trần Xuân Nhàn.
22:25 15/06/2015
Thakhek 15/06/2015. Trong những ngày gần đây mỗi chuyến đi công tác Legio Mariae tại đất nước Lào, chúng tôi lại có dịp chia vui với Giáo Hội Lào nói chung, và anh chị em Legio nói riêng, về việc Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn sắc lệnh của Bộ Phong Thánh liên quan đến việc nhìn nhận cuộc tử đạo của 15 vị tôi tớ Chúa. (Ngày 5-6-2015,)

Giáo Hội Lào đang cật lực chuẩn bị chu đáo để chuẩn bị cho biến cố trọng đại này, văn phòng các tòa giám mục đang thống kê lại dân số Công Giáo, làm niên giám các giáo xứ, danh sách tu sĩ, linh mục, các xứ đạo đang sửa sang chỉnh đốn lại ngôi thánh đường và khuôn viên giáo xứ của mình, nhất là quê hương và những nơi các thánh tử đạo đã từng sống và phục vụ. Thực sự công việc truyền giáo tại Lào có công lớn của các cha thừa sai Paris MEP & O.M.I., Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ (The Missionary Oblates of Mary Immaculate), các ngài đã hiện diện và để lại những dấu tích Đức Tin dũng cảm, không chỉ bằng lời rao giảng, mà dùng máu đào để tô điểm cho giang sơn Lào có nét đẹp như hôm nay.

Ngoài lịch trình công tác, chúng tôi ghé thăm số buôn làng Công Giáo xa xôi nhất là trong những vùng đất mà in dấu chân các thánh tử đạo, Ta Lang, Hủa Phăn, Chăm-pa-xắc,KhămMuộn, Xiêng Khoảng, Chăm-pa-xắc, Đen Đin, bên những giòng sông, nơi những vùng quê hiện đang nghèo nàn hẻo lánh, các vùng núi thường nằm giáp Việt nam, Cambochia, Thái Lan và Myanma đó là những vùng truyền giáo của các vị thừa sai.

Danh sách các vị thánh tử đạo của Giáo Hội Lào, Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn sắc lệnh của Bộ Phong Thánh liên quan đến việc nhìn nhận cuộc tử đạo của 15 vị tôi tớ Chúa:

1. Lm. Giuse Thạo Tiến (người Lào), sinh 5.12.1918 ở Mường Xôi, Hủa Phăn; học tại Hữu Lễ (Thanh Hoá), ĐCV Liễu Giai (Hà Nội), ĐCV Sài Gòn; tử vì đạo tại Ta Lang, Hủa Phăn, 2.6.1954

2. Lm. Gioan-B. Malo Lộc, M.E.P., sinh 1899 tại Pháp, thừa sai tại Trung Quốc, rồi tại Tha-Khék; tử vì đạo trên sông Ngàn Sâu, Hà Tĩnh, 28.3.1954

3. Lm. Rơnê Dubroux Đức, M.E.P., Bản Pa-lay, Chăm-pa-xắc, 1914-1959

4. Lm. Nô-en Tenaud Tấn, M.E.P., Xa-vẳn-nạ-khệt, 1904-1961

5. Lm. Mạc-xen Denis Định, M.E.P., Khăm Muộn, 1919-1961

6. Lm. Luxian Galan Lâm, M.E.P., Pắk Song, Chăm-pa-xắc, 1921-1968

7. Lm. Lu-y Leroy Vương, O.M.I., Bản Pha, Xiêng Khoảng, 1923-1961

8. Lm. Micae Coquelet Liệu, O.M.I., Sốp Xiêng, Xiêng Khoảng, 1931-1961

9. Lm. Vinh Sơn L’Hénoret Lĩnh, O.M.I., Bản Ban, Xiêng Khoảng, 1921-1961

10. Lm. Gioan Wauthier Thiệu, O.M.I., Bản Na, Xiêng Khoảng, 1926-1967

11. Lm. Giuse Boissel Sơn, O.M.I., Hạt Y-ệt, Bô-li-khăm-xay, 1909-1969

12. Giao lí viên Joseph Outhay (người Thái Lan), Xa-vẳn-nạ-khệt, 1933-1961

13. Giao lý viên Luca Sy (người Khơmú Lào), Đen Đin, Viêng Chăn, 1938-1970

14. Cậu Thomas Khampheuuane (giáo dân người Lavên Lào), Pắk Song, Chăm-pa-xắc, 1952-1968

15. Trưởng họ đạo Maisam Pho Inpengf (người. Khơmú Lào), Đen Đin, 1934-1970

Để biết thêm đất nước Lào, xã hội Lào áp dụng một hệ thống hành chính bốn cấp gồm cấp trung ương và ba cấp địa phương. Cấp địa phương cao nhất là tỉnh có 17 đơn vị và thành phố Viêng Chăn. Cấp địa phương cấp hai là các quận, huyện, thị xã. Cấp địa phương thấp nhất là Bản làng (Lào không có đơn vị hành chính cấp xã).

Thủ đô: Viêng Chăn (cố đô Luangprabang):

Các tỉnh: Attapeu – Bokeo – Borikhamxay – Champasack – Huaphanh – Khammuane – Luangnamtha – Luangprabang – Oudomxay – Phongsaly – Saravane – Savannakhet – Viêng Chăn – Xayabury – Sekong – Xiengkhuang

Thành phố: Vientiane(thủ đô), Luangprabang (thành phố)

Thị xã: Attapeu, Ban Houayxay, Bounneua, Hat Dokeo, Luang Namtha, Nam Thane, Napheng, Oudomxay, Paklay, Pakse, Paksong, Phongsali, Phonhong, Phonsavan, Salavan, Savannakhet, Sayaboury, Seno, Thakhek, Thangone, Vang Vieng, Viengsay.

Dân cư: Khoảng 60% dân cư là dân tộc Lào theo nghĩa hẹp, nhóm cư dân thống lĩnh trong chính trị, văn hóa sinh sống ở các khu vực đất thấp. Dân tộc Lào bắt nguồn từ người Thái. 8% dân cư thuộc các sắc tộc khác ở vùng đất thấp cùng với người Lào được gọi chung là Lào Lùm. Ngôn ngữ có thể nói tiếng Thái cùng hiểu được, nhất là miền trung Lào Savannakhet, Thakhek họ sinh hoạt rất gần gũi với người Thái, chỉ cách con sông Mekong, người khá giả thì đi xe qua cầu biên giới, người bình dân thì đi qua phà, quảng 10 phút, buổi sáng họ thường qua Thái đi chợ mua thức và đồ dùng.

Các dân tộc sinh sống ở vùng cao là người H’Mông (Mèo), Dao (Yao hay Miền), Thái đen, Shan và một ít người gốc Tây Tạng-Miến Điện, sống tại các khu vực cô lập của Lào. Các bộ lạc vùng cao với một di sản ngôn ngữ sắc tộc hỗn hợp ở phía bắc của Lào. Một cách tổng quát họ được biết đến như là người Lào Sủng hay người Lào vùng cao.

Các vùng núi ở trung tâm và miền nam là nơi sinh sống của các bộ lạc thuộc sắc tộc Môn-Khmer, được biết đến như là người Lao Thơng. Có một ít người là gốc Việt Nam, chủ yếu ở các thành thị, nhưng nhiều người đã rời khỏi đây sau khi Lào giành độc lập cuối những năm thập niên 1940 và sau 1975.

Tôn giáo chính là Phật giáo Theravada, cùng với những điểm chung của thờ cúng các thần linh trong các bộ lạc miền núi. 3% dân số theo đạo Công Giáo chia đều trong 4 giáo phận:

1. Tòa Giám Mục Luang Prabang - Đức Giám Mục Pierre-Antonio-Jean Bach, M.E.P.

2. Tòa Giám Mục Vientiane - Đức Giám Mục Jean Khamsé Vithavong, O.M.I.

3. Toà Giám Mục Thakhek - Đức Giám Mục Jean-Marie -Vianney Prida INTHIRATH.

4. Tòa Giám Mục Paksé - Đức Giám Mục Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun.

Ngôn ngữ chính thức và chi phối là tiếng Lào, một kiểu phát âm của Nhóm ngôn ngữ Thái. Người Lào vùng trung và cao nguyên nói tiếng của bộ lạc mình. Theo ước tính hiện có khoảng 300.000 người Việt đang làm ăn sinh sống tại Lào tập trung chủ yếu tại Vientiane và các tỉnh như Savannakhek, Thakhek, Champasak.

Nền văn hóa Lào chịu ảnh hưởng nặng của Phật giáo. Sự ảnh hưởng này được phản ánh trong ngôn ngữ và, văn học và nghệ của Lào và đặc biệt trong lối sống an vi của họ. Giao thông Lào được xem tương đối tốt, tại các thành phố lớn, giao thông rất thuận tiện. Người Lào tại vùng thủ đô đều sử dụng xe hơi do giá nhập khẩu rẻ, người làm công chức được cấp xe nên lượng xe 4 bánh tại các thành phố lớn rất nhiều. Xe máy cũng nhiều, xe đạp cũng hiếm thấy ngay tại thủ đô.

Thật là một vui mừng lớn lao cho Giáo Hội Lào và vinh hạnh cho Giáo Hội toàn cầu: Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký sắc lệnh nhìn nhận rằng linh mục Joseph Thao Tien và 14 tu sĩ và giáo dân khác là những vị tử đạo, tất nhiên là còn nhiều điều chưa thể nói ra được trong hoàn cảnh hiện tại rất tế nhị, phải chờ đến khi đến khi lịch sử đất nước sang trang. Nhưng tất cả là hồng ân Thiên Chúa, nhiều giọt mồ hôi, nước mắt và máu đã đổ xuống trên cánh đồng truyền giáo này, nhiều người đã hy sinh mạng sống trong thầm lặng, bị sát hại, bị hành hình hay chết vì kiệt sức. Họ đã chết vì đức tin trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong số này còn có nhiều vị chưa được nhắc đến. vì khi đến thăm các buôn làng còn được những người già làng kể lại những mẫu chuyện hoặc nhắc nhở đến, một thời mà họ phải sống trong rừng thiêng nước độc. Tất cả đã phải trả giá bằng mạng sống vì dấn thân phục vụ Tin Mừng, nhiều chủ chăn quyết định ở lại với đoàn chiên của mình, bất chấp những hiểm nguy.

Giáo Hội Lào muốn thấy trong các vị chân phước tử đạo của mình một nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng và cho đời sống đức tin của mình. Vì vậy chúng ta hãy cầu xin các thánh tử đạo Lào, bầu cử cho đất nước của Lào luôn được Bình An Thịnh Vượng. Hạt giống sẽ âm thầm nẩy mầm và mong có một gặt hái phong nhiêu, Ai gieo trong nước mắt - sẽ về giữa tiếng cười.

Linh mục Raphael Trần Xuân Nhàn.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ tạ ơn mừng 40 năm Linh mục của Cha Paul Văn Chi tại Sydney
Diệp Hải Dung
09:50 15/06/2015
Bài Chia Sẻ Lời Chúa -Thánh Lễ Tạ Ơn 40 năm Linh Mục Phaolô Chu Văn Chi
của Cha Nguyễn Khoa Toàn
tại thánh đường Our Lady of Carmel, Mt Pritchard, Sydney, Chúa Nhật ngày 14.6.2015

Chim Bồ nông là hình ảnh khá quen thuộc ở đồng quê Việt nam. Những con chim với bộ lông trắng tuyền sống sâu trong đất liền gần những hồ nước mặn. Với cá là thức ăn chính, mỗi khikiếm ăn, Bồ nông phải bay tận biển khơi xa. Vào những hôm trời nổi cơn giông và sóng gầmbiển động, Bồ nông không thể nào bay tìm mồi được. Nhìn đàn conháu đói kêu la, Bồ nông mẹ cơ hồ như không cầm được lòng mình. Và loài thú vô tri vô giác kia, tuy hành động chỉ theo bản năng, đã làm một điều mà chỉ những con người có lý trí dũng cảm khôn cùng mới có thể làm được là tự mổ vào ngực mình. Nhìn những bồ nông con sùng sục tranh nhau nuốt từng giòng máu tươi đỏ tuôn ra, Bồ nông mẹ như vui với lòng mình tuy xác thân đau đớn đến khôn cùng.

Hình ảnh

Hình ảnh đậm nét kia cũng chính là hình ảnh của người Mẹ khi đi biển một mình lúcnở nhụy khai hoa. Nỗi đau đến xé ruột xé lòng tan biến ngay khi nhìn khuôn mặt đứa con vừa mở mắt chào đời. Rồi nhìn xa hơn, như một vị Giám Mục đã so sánh, chính là hình ảnh Đức Kitô khi Người tự hiến tế thân mình cho toàn nhân loại. Và đó cũng chính là hình ảnh mà Con Thiên Chúa khaokhát ước ao từ những môn đệ Người...

Nhưng đó cũng chính là hình ảnh cực kỳ họa hiếm! Cực kỳ và họa hiếm vì ngoài Cha Thánh Maximilian Kolbe và Đức Cố Tổng Giám mục Oscar Romero vừa được tôn vinh lên hàng Á Thánh, khó mà hình dung được một mục tử nào đã can đảm ‘mổ ngực’ cho đoàn chiên mình!

Tuy biết chắc Cha Chu Văn Chi không an lòng lắm khi tự phép so sánh Ngài với Thầy Chí Thánh, nhưng tôi đã tự đặt câu hỏi là đêm 13/6/1975 và ngay ngày hôm sau đấy, khi phủ phục trước bàn thờ Nhà Nguyện Đại Chủng Viện Sàigòn, Thầy Phó Tế Chu Văn Chi đã nghĩ gì?Và tự dưng tôi liên tưởng ngay đến hình ảnh Bồ nông kia khi Ngài nhã ý mời tôi chia sẻ Lời Chúa nhân dịp ngân khánh 40 năm Linh Mục hôm nay.

Tuy tuổi linh mục rất non rất kém chỉ bằng hơn phần nửa của Cha ‘Già Cố’ Chu Văn Chi, nhưng ngày được Chúa đoái thương chọn, tôi đã rất ‘hân hoan bước lên bàn thờ Chúa,’ như lời một bài Thánh ca. Hân hoan vì biết mình sẽ có nơi ăn chốn ở; hân hoan vì chắc chắn có công việc. Và cũng có chút chút địa vị, tương lai…

Nhưng có thể nào ‘hân hoan’ không khi cả dân tộc cả đất nước quê hương vừa chìm đắm sau cơn địa chấn kinh hoàng 30/4? Tôi không hiểu Tân Chức Chu Văn Chi đã nghĩ gì khi Thánh Ấn được ghi trên trán trên tay, nhưng chắc chắn không thể nào nghĩ về địa vị và có được tương lai. Làm thể nào có tương lai khi quê hương đang bị dày xéo bởi một chủ nghĩa vô thần với một chính sách vô luân! Hoặc nói một cách triết lý, có thể nào con người thực sự hiện hữu không trong một chế độ guồng máy đã ngang tâm chối bỏ Con Người!?

Nhưng rất có thể không phải là việc cưỡng chiếm nhà thờ, trường học, dòng tu là điều mà Tân Chức Chu Văn Chi đã miên man suy nghĩ!Điều đau đớn nhất, hoặc theo đúng lời Đức Cố Giáo Hoàng Piô X, điều tột cùng “nguy hiểm là sự thiếu hiểu biết về giáo lý.” Có thể nào dạy giáo lý trong một xã hội đã nhuộm đỏ giáo điều!? Không thể nào vì Bồ nông một sáng một chiều trở thành bồ lúa; thậm chí, bồ bịch, bồ tèo! Hàng ngàn linh mục, tu sĩ, giáo dân đã bị những quan chức vô thần theo đám theo thời buộc miệng trói tay. Như nhà văn Hoa Kỳ Gore Vidal đã viết rất tiên tri: “Khi một dân tộc đã quen dần với sự dối trá, phải cần rất nhiều thế hệ để khôi phục lại sự thật.”

Đúng thế! Còn phải mất nhiều thế hệ để Thiên Chúa chỉ là Sự Thật trên dãi đất hình chữ S luôn đậm nét tình tự dân tộc quê hương.Và Tạ Ơn Thiên Chúa rất nhiệm mầu. Thất bại lớn thì thành công lớn! Nỗi đau càng sâu thì hạnh phúc càng đầy. Ngày rất đáng nhớkia, với Tân Chức Chu Văn Chi, chỉ có thể là ngày “con kiên trung bước lên bàn thờ Chúa.” Kiên trung để rồi hôm nayròng rã liên tục 40 năm, vận mệnh và số phận của Ngài gắn liền mình với vận mệnh và số phận của dân tộc, quê hương. Đúng và cụ thể hơn, với Cộng Đồng Công Giáo Sydney.

Và thật trùng hợp ngẫu nhiên làm sao! Hạt cải trong bài Phúc Âm hôm nay chính là thân xác gầy gò Ngài mà một phần bao tử đã bị cắt đi: hậu quả của những ngày quặn mình đau đớn trong những trại tập trung. “Anh bây giờ ‘lom khom’ bước lên bàn thờ Chúa!”Ngài đùa như thế ngay trước khi Thánh Lễ Tạ Ơn 40 năm Linh Mục hôm nay.

Và nếu Thầy Chí Thánh Giêsu chỉ dùng dụ ngôn để loan báo Tin Mừng thì nhạc sĩ họ Chu đã dùng ngôn ngữ riêng rất diệu kỳ của âm nhạc giúp đưa con người bay bổng lên chốn thiên đuờng gần cùng Thiên Chúa. Không còn khoảng cách; chẳng còn dị biệt vì thế giới âm nhạc là thế giới của an bình. Đúng hơn, thế giới âm nhạc là thế giới của Thần Linh Thiên Chúa.Những sáng tác đạo đời đến rất nhanh rất thiên phú trên mỗi chuyến bay xuyên lục địa, sau những lần hành hương, những dịp hội họp, tĩnh tâm v.v… đã trở thành Kinh Nhật Tụng: “Con Đường Chúa Đã Đi Qua”; “Tâm Ca Mai Đệ Liên”; “Trao Cho Nhau Tình Người”; “Con Có Một Tổ Quốc Việt Nam” v.v…

Nhưng chúng ta không thể dừng chân nhìn về quá khứ khi sứ vụ của mỗi một mục tử là chấp nhận hiện tại để chuẩn bị cho những thách đố tương lai.Như lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các linh mục cuối tuần qua tại Rôma là trở thành những sứ giả của lòng Thương Xót. Những mục tử, ngoài sứ vụ rất trọng đại “mang lấy mùi chiên”, còn phải loan báo Tin Mừng bằng Lòng Thương Xót. Nhưng không phải qua những bích chương biểu ngữ; cũng chẳng phải bằng những chứng tích tưởng tượng hoặc thậm chí phép lạ đầy tính chất thương vụ hão huyền, mà là sống cùng sống với đoàn chiên mà Thiên Chúa đã tín thác trao ban. Chỉ qua lòng thương xót của chính mình, tha nhân mới thẩm thấu được Lòng Thương Xót Chúa!

Và tuy Thiên Chúa chọn những người rất tầm thường và rất yếu đuối để kế tục sứ vụ cứu chuộc của Người, bàn tay Linh Mục phải luôn cùng một lúc nắm chặt lấy bàn tay Thiên Chúa và với tha nhân. Buông bàn tayThiên Chúa rasẽ dễ dàng bị tha hóa. Và nếu buông bàn tay còn lại, Linh Mục sẽ dững dưng thờ ơ, lạnh lùng ngoại cuộc với những thống khổ của con người. Những bất hạnh của tha nhân cũng phải là những bất hạnh của một một mục tử chân chính, trung kiên.

Như Nữ Thánh Ân Lê Thị Thành đã sống. Và vị Thánh Nữ đầu tiên tử đạo kia đã ví linh mục như những chiếc cầu nối kết con người với Thiên Chúa. Thực thế, trong binh pháp, cầu chiếm giữ một vị trí chiến lược quan trọng ưu tiên.Giữ được cầu là còn có đường chuyển quân, tiếp viện; phá mất cầu là cắt đứt mọi liên lạc, điều quân. Vinh hạnh thay khi Linh mục là gạch nối Đất Trời, biểu tượng trung gian giữa nhân loại phàm trầnvàĐấng Toàn NăngCao Cả.

Thánh Têrêsa thành Avila đã nói: “Chỉ có một con đường đạt đến sự toàn thiện và đó là lời cầu nguyện.” Chúng ta họp nhau nới đây để hiệp lòng Tạ Ơn Thiên Chúa. Và biểu tỏ lòng biết ơn đến Ông Bà Cô Thân Sinh cùng thân nhân và ân nhân của Cha Chu Văn Chi đã nâng đỡ Ngài kiên trung trong sứ vụ linh mụcsuốt 40 năm qua. Và những ngày tháng tới…

Nhất là chúng ta cầu nguyện để Ngài luôn khiêm cung hướng đến điều toàn thiện. Không phải để cá nhân Ngài tỏa sáng, nhưng qua Ngài, Thiên Chúa được muôn đời tỏa sáng. Và Tin Mừng được loan truyềnđến hết mọi chư dân…


SYDNEY - Sáng thứ Bảy 13/06/2015 rất đông đủ mọi người trong Cộng Đồng đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney hành hương kính Đức Mẹ và tham dự Thánh lễ tạ ơn mừng kỷ niệm 40 năm Linh Mục Ruby Jubilee của Linh Mục Nhạc sĩ Paul Văn Chi.

Hình ảnh

Mọi người cùng tập trung trước tượng đài Đức Mẹ dâng giờ đền tạ. Cha Paul Văn Chi cảm tạ Đức Mẹ và dâng lời nguyện, nguyện xin Đức Mẹ cùng đồng hành và ban cho Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney luôn thăng tiến trong Giáo Hội.

Sau đó mọi người trở về hội trường Trung Tâm tham dự Thánh lễ. Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm thay mặt Ban Tuyên Úy chúc mừng Cha Paul Văn Chi kỷ niệm 40 năm Linh Mục đồng thời Cha cũng giới thiệu hiện diện trong Thánh lễ hôm nay gồm có qúy Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết, Cha Canut Nguyễn Thái Hoạch, Cha Nguyễn Hoàng Dương, Cha Phêrô Hà Ngọc Đoài, Cha Phêrô Bùi Thế Mỹ, Cha Giuse Bùi Công Chính Cha Phêrô Hoàng Minh Tân, Cha Giuse Nguyễn Ngọc Thụ, Cha Trần Quang Thiện, Cha Nguyễn Đình Phán, Phanxicô Nguyển Hoàng Thi và Thầy Phó tế Toma Bùi Thiện Hiến và quý Tu Sĩ Nam Nữ

Trong bài giảng hôm nay Cha Paul Văn Chi đã chia sẻ về quãng đời tận hiến của Cha cho Thiên Chúa và Cha đã hết lòng cám ơn Mẹ Maria La Vang đã luôn phù trì cho Cha suốt đoạn đường 40 năm Linh Mục mà Thiên Chúa đã ban cho Cha. Cha cũng ngỏ lời cám ơn tất cả quý Cha, Ban Thường Vụ, Hội Đồng Mục Vụ và qúy ông bà anh chị em và cũng ngỏ lời xin lỗi tất cả mọi người, xin mọi người thứ tha..

Kê tiếp là nghi thức Xức Dầu Thánh cho những người cao niên già yếu bệnh tật, nguyện xin ơn Chúa chữa lành cho phần hồn cũng như phần xác.

Trước khi Thánh lễ kết thúc. Anh Trần Anh Vủ Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney ngỏ lời chúc mừng 40 năm hồng ân Linh Mục Cha Paul Văn Chi và Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự buổi tiệc lien hoan và thưởng lãm văn nghệ do các anh chị em trong Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh trình diễn rất đặc sắc.
 
Thánh lễ kỷ niệm ngày thụ phong linh mục của Tôi Tớ Chúa Capodanno tại Đà Nẵng
Pt Huỳnh Mai Trác dich
10:22 15/06/2015
Đà Nẵng, Việt Nam

Một Thánh Lễ Đại Trào do Đức Cha Giuse Trí chủ trì vào Chủ Nhật ngày 14 tháng 6, kỷ niệm năm thứ 57 ngày thụ phong linh mục của Cha Vincent R. Capodanno, thuộc Dòng Đức Bà Truyền Giáo. Cùng đồng tế với Đức Cha Trí có Cha Gioan M. Shimotsu, Tuyên úy thuộc Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ. Giáo dân tham dự khoảng trên 700 người.

Cha Capodanno là Cha Trung Úy Tuyên Úy phục vụ tại Tiểu đoàn 3/5 Thủy Quân Lục Chiến, tử trận tại Thung lủng Quế Sơn cách Đà Nẵng 30 dặm vào ngày 4 tháng 9 năm 1967, khi đang ban phép Bí Tích cuối cùng cho một binh sĩ bị thương sắp chết. Cha được Giáo Hội tuyên phong “Tôi Tớ Chúa” vào năm 2006. Đức Cha Trí đã hiến dâng địa phận của ngài dưới sự bảo trợ của Cha Capodanno trong thánh lễ kỷ niêm vào năm 2013.

Trước đó, Cha Tuyên Úy Shimotsu đã đến thăm bải chiến trường ở phía Tây làng Quế Châu và cầu nguyện cho linh hồn Cha Capodanno cùng các linh hồn những người đã chết tại đây. Cha Capodanno được truy thăng Huân Chương Danh Dự vì sự hy sinh cao cả của Ngài. Tên ngài được đặt cho một tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ, một Trường Huấn luyện Tuyên Úy tại Trại Binh Jackson ở South Carolina, tên cho một Thánh Đường tại căn cứ Quantico, Viginia cũng là một trong chín thánh đường mang tên Capodanno.

Nhà thờ Quế Châu nơi Cha Capodanno thường lui tới đã bị chiến tranh tàn phá. Giáo dân ở đây đang vận động xây cất một thánh đường mới.

Vài nét về Tiểu sử của Cha Capodanno

Vincent Robert Capodanno sinh ngày 13 tháng 2 năm 1929, tại Staten Island, New York, là người con thứ mười của một gia đình người Ý di cư, cha là Vincent Robert Capodanno, Sr và mẹ là bà Rachel Basile Capodanno. Noi gương cha mẹ, Vincent Jr. có kinh nghiệm làm việc siêng năng, hãnh diện về gia đình và tinh thần đoàn kết chủng tộc đặc biệt là niềm tin Công Giáo.

Các giá trị truyền thống của gia đình được giữ gìn dù trong thời kỳ Kinh Tế Đại Khủng Hoảng khi Cha Capodanno được 10 tuổi.

Khi thế chiến II bùng nổ gia đình Capodanno lại càng thêm khó khăn vì Ngài có ba ngừời anh trai phải nhập ngũ, điều này giúp Ngài càng thêm lòng yêu nước và vững mạnh trong đức tin. Mỗi ngày Ngài đều tham dự thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ trước khi đến trường học Curtis High School và Ngài tiếp tục giữ thói quen đó khi Ngài lên học Đại Học Fordham University. Trong một cuộc tĩnh tâm Ngài đã thổ lộ cùng người bạn thân về ơn gọi của mình.

Như phần đông các bạn trẻ thời bây giờ, Ngài rất ngưỡng mộ công việc truyền giáo của Dòng Truyền Giáo, Maryknolls, nhờ vào tờ báo của Dòng “Cánh Đồng Xa Xăm” {The Field Afar}. Theo ơn gọi Ngài chia sẻ đức tin với những người cùng chí hướng và được thâu nhận vào Dòng năm 1949.

Sau chín năm chuyên chú hoc tập: thần học và các điều cần thiết về truyền giáo của sứ vụ “Hãy đi và truyền dạy khắp các nước Thiên Hạ”, Vincent hoàn tất chương trình đào tạo chủng viện và được phong chức linh mục vào năm 1958 dưới sự đặt tay của Đức Hồng Y Spellman, Tổng Giám Mục Địa Phận New York. Tuân theo tiếng gọi của đời sống truyền giáo, công viêc thường xuyên hàng năm về ngày ‘Lên Đường”, Cha Capodanno được chỉ định nơi đến: Đài Ioan. Ngài đến đảo Đài loan vào năm 1959. Và bắt đầu học một ngôn ngữ rất khó và tập làm quen với các giáo dân tương lai của Ngài người Hẹ Trung Hoa Hakka Chinese. Trong khi phục vụ cọng đồng, Ngài ban cho giáo dân các phép Bí Tích, dạy giáo lý, phân phát lương thực và thuốc men. Trong khi đó Ngài phải cố gắng tinh thông ngôn ngữ bản xứ và cố gắng thấu hiểu nhu cầu của giáo dân.

Vào mùa thu năm 1960, Ngài được chỉ định làm giám đốc thanh niên Trung Hoa sửa soạn thi tuyển vào Đại Học. Ngoài việc chăm sóc về học lực, Cha Capodanno còn phải lo chăm sóc về tinh thần và tâm lý của sinh viên, một thách đố nặng nề vì có nhiều ganh đua làm cho nhiều thanh niên thất vọng và có thể đưa đến việc tự sát. Ngoài ra Ngài còn được giao phó nhiều những công việc khác tại quê nhà. Sau đó Nhà Dòng gởi Cha Capodanno đến phục vụ tại Hong Kong, môt quyết định theo như thánh ý Chúa.

Hoàn toàn khác biệt với tôn chỉ của Nhà Dòng, Cha Capoanno xin phép được gia nhập Tuyên Úy Đoàn để phục vụ các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đang tham dự cuộc chiến tại Việt Nam. Nhà Dòng Maryknoll đã chấp thuận đơn xin của Ngài và Ngài đã hoàn tất khóa huấn luyện Tuyên Úy vào Tuần Lễ Thánh năm 1966, và Cha Cpodanno được bổ nhiệm đến Tiểu Đoàn 7 TQLC tại Việt Nam. Là Tuyên Úy của Tiểu đoàn, Ngài chú ý giúp đỡ đặc biệt các thanh niên bị động viên. Sau đó Ngài được chỉ định làm việc với đơn vị Y Tế, Cha không chỉ là Cha Tuyên Úy mà còn trực tiếp tham dự các cuộc hành quân.



Ngài luôn sống với các đơn vị chiến đấu, có nếp sống hoàn toàn như các người lính đánh giặc giữa mặt trận. Ngài giúp đỡ những người dân quê Viêt Nam như dạy học, phân phát lương thực, quà bánh, đồ chơi cho trẻ nít dân làng. Ngoài ra Ngài còn phải lo chăm sóc tinh thần cho những người lính trẻ thất vọng, khuyên nhủ, động viên tinh thần, làm lễ, ban các Phép Bí Tích, dạy giáo lý cho các tân tòng, công việc thật nhiêu khê, nhưng luôn khích lệ Ngài và Ngài đã xin ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa, Ngài được thuyên chuyển đến đơn vị 3/5 Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đang chiến đấu ở Viet Nam. Ngày 4 tháng 9 năm 1967, trong một cuộc hành quân đơn vị của Ngài bị Việt Cọng phục kích, Cha Capodanno bị thương nặng, một người lính bị làn súng máy địch bắn bị thương nặng, mặc dù Ngài cũng bị thương nặng nhưng Ngài vẫn cố gắng bò đến giúp đỡ. Mặc dù không mang vũ khí, địch quân đã nhắm bắn Ngài một loạt đạn với 27 vết thương. Ngài đã lìa trần trong cử chỉ anh hùng của người chiến sĩ và người tôi tớ trung thành của Chúa.

Cha Capodanno được truy tặng Huân Chương Danh Dự năm 1969, ân thưởng Anh dũng Bội Tinh Ngôi Sao Đồng của Hải quân Hoa Kỳ và Ngôi Sao Bạc của Việt Nam Cộng Hòa và Chiến Thương Bội Tinh. Sau khi chết, môt thánh đường trên Đồi 51 tại Quế Sơn Thung lủng được mang tên Ngài. Ngài đã đóng góp nhiều trong viêc xây dựng thánh đường này lúc đầu chỉ làm bằng tre và lợp lá dừa làm nơi thờ phượng và cầu nguyện. Vào tháng 2 năm 1968, năm tháng sau ngày Ngài qua đời, môt thánh đường tại Trung Tâm Huấn luyện Tuyên Úy ở Newport, RI được mang tên Capodanno, các thánh đường khác của quân đội như ở Oakland, CA, Camp Pendleton, CA, Wadsworth, NY, Iwakuni, Nhật bãn và Thiankou ở Đài Loan được đặt tên Capodanno.

Một kỷ niệm rất hào hùng là viêc đặt tên Capodanno cho môt chiến hạm với khẩu hiệu “Bổn Phận trong Danh Dự” theo gương sáng của Linh Mục Tuyên Úy Capodanno. Trong 20 năm công tác, chiến hạm này được Đức Giáo Hoàng ban phép lành khi căp bến tại Naples. Các tàu khác mang tên Ngài có tàu Bệnh Viện ỏ Gaeta, Ý; Hôi Trường Hải quânở San Francisco và Trung Tâm Nghiên cứu Hải quân ở Millington,TN. Còn nhiều địa danh khác cùng kỷ niêm danh Ngài như Đại Lộ Capodanno ở Staten Island, NY và đường Capodanno ỏ Newport, RI và Đài Kỷ Niêm các Tuyên Úy ở Arligton Nghỉa Trang Quân Đội. Đài Kỷ niệm Cựu Chiến Binh ở Kokomo, IN và Đài Kỷ Niệm Chiến sĩ trận vong Việt Nam ở Washington DC cũng như Trung Tâm Tạm cư cho người vô gia cư ở Boston, MA.

Hai nghệ nhân được chọn lựa để truy niệm cử chỉ anh hùng cuối cùng của Cha Capodanno: là một bức tranh sơn dầu của Douglas Rosa được treo tại Trường Huấn luyện Tuyên Úy ở Newport, RI và một bức tượng bằng đồng được dựng lên tại Trại Binh Wadsworth, State Island. Bức tranh diễn tả ngừơi linh mục Tuyên Úy đang xức dầu cho người lính đang trút hơi thở cuối cùng giữa mặt trận. Môt bức tượng với nghệ thuật hiện đại được dựng lên một công trường thành phố Ý ở Gaeta với tên Capodanno.Gần đây một nhà điêu khắc tượng ảnh là Lewis Williams tạc một bức ảnh với hình nổi một linh mục mang quân phục tay cầm quyển Thánh Kinh, ca ngợi lòng hy cao cả vì Chúa và Tổ Quốc.

Kể từ năm 1971 Quỷ Học Bổng của Thủy Quân Lục Chiến để giúp đỡ các con em trong các đơn vị. Vào năm 2002, Quỷ này được đặt tên lại là Quỷ Học Bổng Capodanno và được phân phát hàng năm cho các con em của gia đình Thủy Quân Lục Chiến. Trong 12 cuộc họp của Đoàn Hiệp Sĩ Columbus tại Hoa Kỳ, các thành viên đã đồng ý chọn Cha Capodanna làm Đấng Bảo Trợ của Đoàn cũng như các Hội Đoàn Cựu Chiến Binh đã dùng tên Capodanno đặt tên cho nhiều đơn vị.

Lòng yêu mến và sùng kính Cha Capodanno nói lên một cách hùng hồn lòng ngưỡng mộ sâu xa của mọi người về lòng thánh thiện đã tỏa sáng trong cuộc sống và vẫn mãi lưu truyền khi Ngài đã lìa trần.
 
Giáo họ Đồng Xuân, giáo phận Vinh mừng lễ thánh Antôn Padua
Huệ Thiêng
08:36 15/06/2015
Giáo họ Đồng Xuân, giáo phận Vinh mừng lễ thánh Antôn Padua

Thánh sáu về cũng là lúc những người giáo họ Đồng Xuân, con cái cha thánh An tôn bốn phương trên đất việt lòng hân hoan trở về quê hương. Hòa giữa dòng nguời hành hương rất nỗi vui mừng, lời vịnh gia lại vang lên một lần nữa trong tâm khảm chúng ta: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên”. (Tv 84,11).Vâng, thiên duyên của cha thánh Antôn và cộng đoàn giáo họ Đồng Xuân cũng phần nào sánh ví tựa như tín nghĩa và ân tình nay hội ngộ. Thật vậy, dấu ấn khởi đầu hồng ân “duyên” thánh An tôn với người Đồng Xuân, năm 1938 cha già Khang đã nhận ngài làm thánh bổn mạng cho giáo điểm. Hồng ân tiếp nối, sau hai mươi năm, ngày 15.8 năm 1958 cha già Vương Đình Ái, đã chính thức thành lập giáo họ. Cũng trong ngần ấy thời gian dài đến nay là 77 năm, mảnh đất giáo họ đã được tưới gội bởi biết bao ơn lành của Chúa nhân qua bàn tay cha thánh An tôn. Cũng nơi đây, ân tình của cha thánh An tôn cũng đã, đang và sẽ hội ngộ với muôn tâm hồn của anh chị em trong giáo xứ, giáo hạt Văn Hạnh và những ai yêu mến, chạy đến cùng ngài.

Xem Hình

Trong bầu khi trang nghiêm linh thánh, đại lễ mừng kính thánh Antôn Padua đã diễn ra lúc 7h15’, ngày 13.6.2015 tại giáo họ Đồng Xuân, giáo xứ Xuân Tình, giáo hạt Văn Hạnh. Về tham dự thánh lễ có cha quản xứ Phê rô Thân Văn Hùng, quý cha bề trên dòng thánh Antôn Vinh, quý cha đồng tế, quý bề trên, quý tu sĩ năm nữ, quý chủng sinh và cộng đoàn giáo dân và anh chị em tôn giáo bạn, cùng đồng bao chưa tin Chúa. Số người khoảng hơn 8000 người.

Trong bài mở đầu thánh lễ, cha chủ tế hân hoan, loan báo cho cộng đoàn biết thánh An tôn là vị thánh hay làm phép lạ, được sùng kính đặc biệt ở giáo phận Vinh và là điểm tựa tinh thân vững chắc cho con cái giáo phận.

Tiếp đến phần phụng vụ lời Chúa. Bài đọc một sách ngôn sứ Isai a cho biết vẻ đẹp của Người sứ giả loan báo tin mừng: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người đi loan báo Tin Mừng” (Is 47).Bài đọc hai trong thư Roma, thánh Phaolô cho biết đức tin của người Ki tô hữu luôn gặp thử thách, nhưng được kiên vững trong cuộc sống bởi nhờ Đức Ki tô (x Rm 5). Bài tin mừng, thánh Mat thêu trình bày bổn phận của người Ki tô hữu là phải cầu xin Chúa thêm nhiều sứ giả đi loan báo Tin Mưng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt ra gặ lúa về”( Mt 9,36)

Đặt trong bối cảnh cử hành phụng vụ, cha Phượng đã cho công đoàn chiêm nghắm nhân đức của cha thánh An tôn.Thánh An tôn Padua được sinh ra trong một gia đình quyền quí, đạo đức và thánh thiện tại Lisbone thủ đô nước bồ Đào Nha vào năm 1195. Thánh nhân được hấp thụ một nền giáo dục đạo đức và bác ái, nên Ngài sớm nhận ra ơn gọi và đã hiến trọn thời gian và năng lực trọn vẹn cho việc giảng dạy về tình yêu Chúa. Cuộc đời thánh nhân nên gương mẫu tinh thần khiêm nhường và say mê yêu mến Kinh Thánh.Thế nên, thánh An tôn có đời sống nội tâm sâu xa, xây dựng trên nền tảng vững chắc, trái hẳn với thái độ sống cuả người tân thời, khi người ta chỉ thích những gì là hoàng nhoáng, chỉ đặt trên nền tảng tinh thần thế tục trái ngươc với tin mừng. Thái độ sống như thế của con ngươi thời nay đang từng ngày tác động đến suy tư và hành động của các bậc phụ huynh, đễ làm con em họ có cái nhìn tiều cực về cách sống đạo. Bên cạnh đó, tác động của xã hội, phần nào làm người ta dễ lung lạc đức tin, hay sống đạo nữa vời.

Trong khi sứ điệp Tin Mừng luôn vang vọng và gương nhân đức của cha thánh An tôn đánh động. như lời ngôn sứ loan báo: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người đi loan báo Tin Mừng”. Cha thánh An tôn đã trở nên gương mẫu đời sống đức tin cho ta. Về bên cha thánh An tôn, chúng ta được người bầu cử chở che. Nhưng chúng ta cũng có thể dễ dàng cầu xin với ngài thiếu niềm tin và theo ý mình, trong khi đó lời cầu xin đích thực là sống theo thánh ý Thiên Chúa.

Thánh lễ kết thúc, cộng đoàn với bao nỗi vui mừng, bởi mỗi người đã kín múc được ân sủng Chúa nhờ lời chuyển cầu của cha thánh Antôn. Cũng rất đổi mừng vui vì biết rằng trên hành trình đức tin, người Kitô đã có thêm cha thánh An tôn vị thánh hay làm phép lạ để cứu giúp những ai sầu thương đau khổ của cuộc nhân sinh. Với thiên thời là ơn lành Thiên Chúa thương ban qua cha thánh Antôn, cùng vị trí thuận lợi ở gần trung tâm giáo hạt Văn Hạnh, giáo họ Đồng Xuân vẫn là điểm hẹn, nơi dừng chân của những ai yêu mến thánh An tôn và của cộng đoàn dân Chúa trong giáo hạt Văn Hạnh, giáo Phận Vinh, cũng như đồng bào lương dân hơn nửa thế kỷ qua.

Huệ Thiêng
 
Giáo xứ Tam Tổng, Thanh Hóa rước kiệu Thánh Thể
Thanh Minh
08:56 15/06/2015
GIÁO XỨ TAM TỔNG – Gp. THANH HÓA RƯỚC KIỆU THÁNH THỂ

Cứ mỗi độ tháng 6 về, tháng mà Giáo Hội dành để tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, thì cũng là lúc giáo xứ Tam tổng, giáo phận Thanh hóa vinh hạnh được chầu Mình Thánh Chúa thay mặt giáo phận.

Theo truyền thống đã có từ hơn 100 năm nay, kể từ ngày thành lập giáo xứ (1897), trong tuần chầu lượt bao giờ cũng có rước kiệu Thánh Thể mà ngày xưa được gọi là rước kiệu Santi. Đây là tuần lễ trọng mang tính cách biệt loại của giáo xứ. Dù ai đi xa cũng đều nhớ và về thông công tuần chầu Mình Thánh Chúa cùng tham dự cuộc cung nghinh Phép Thánh Thể.

Xem Hình

Trong một năm có rất nhiều cuộc rước kiệu để tôn kính Đức Mẹ và Các Thánh. Nhưng duy chỉ có việc rước kiệu Thánh Thể là một sự cao trọng vào bậc nhất, cao trọng đến nỗi việc rước này duy nhất được đề cập tới trong bộ Luật Hội Thánh. Điều 944 §1,2 khuyến khích các đấng bản quyền tổ chức rước Thánh Thể một cách long trọng qua đường phố nhất là trong ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa.

Hơn nữa, năm nay lại là năm mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chọn làm năm tân phúc âm hóa đời sống cộng đoàn giáo xứ và các cộng đoàn thánh hiến. Trong lá thư mục vụ gửi cộng đoàn Dân Chúa, các Đức Giám Mục đã dạy rằng: “Thật vậy, giáo xứ là gia đình của những người con cái Thiên Chúa, trong đó tất cả là anh chị em với nhau. Gia đình giáo xứ cần được Phúc-Âm-hóa, nghĩa là thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân. Để thực hiện công việc này, chúng ta cùng chiêm ngắm cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên như được mô tả trong sách Công vụ tông đồ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Theo mô hình lý tưởng này, trước hết, giáo xứ phải là cộng đoàn “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”, nghĩa là tham dự Thánh Lễ và cử hành phụng vụ.

Chính vì thế, nhân dịp tuần chầu Mình Thánh Chúa thay mặt giáo phận năm nay, giáo xứ đã tổ chức tuần chầu và tam nhật kiệu Thánh Thể nhằm cổ võ lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể nơi cộng đoàn Dân Chúa. Thánh lễ khai mạc được cử hành vào sáng ngày thứ 4, với sự hiện diện của 19 linh mục trong giáo phận, cùng đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ. Tiếp theo vào các chiều ngày thứ 5, thứ 6 và thứ 7, lần lượt các cộng đoàn Phúc Lạc, Liên Hải, và Tứ Phái về hiệp thông với cộng đoàn khu vực Ba tổng để cử hành thánh lễ, rước kiệu Thánh Thể và chầu Mình Thánh Chúa. Và ngày Chúa Nhật hôm nay 14-06-2015, giáo xứ hân hoan đón mừng Đức Cha giáo phận và hơn 20 linh mục trong và ngoài giáo hạt Nga sơn cùng gần 4,000 giáo dân đến từ các giáo xứ trong và ngoài giáo phận về hiệp thông giờ chầu Mình Thánh Chúa, rước kiệu Thánh thể và thánh lễ tạ ơn bế mạc tuần chầu lượt hồng phúc.

Như để chúc lành cho cộng đoàn dân Chúa tại đây, các buổi chiều của tam nhật kiệu Thánh Thể và nhất là ngày hôm nay, Thiên Chúa đã ban cho thời tiết mát mẻ ngay giữa tháng 6 mùa hè đổ lửa này. Đây không phải là một tình cờ của thiên nhiên, nhưng là một niềm xác tín vào lời cầu nguyện của cộng đoàn tín hữu Tam tổng dâng lên Thiên Chúa Tình Thương. Bởi vì, trước khi diễn ra tuần chầu Mình Thánh Chúa và tam nhật kiệu Thánh Thể, giáo xứ đã tổ chức tuần cửu nhật kính Lòng Thương Xót Chúa.

Trong lời cảm ơn cuối thánh lễ, ông chủ tịch hội đồng giáo xứ đã thưa với Đức Cha và cộng đoàn rằng: “Kính thưa Đức Cha, quý cha và cộng đoàn, Chầu Mình Thánh Chúa thay mặt giáo phận vừa là niềm vinh hạnh vừa là bổn phận của mỗi người trong giáo xứ Tam Tổng chúng con. Bởi vì, trong suốt một năm qua, chúng con đã được hưởng nhờ muôn vàn ân phúc do bởi các giáo xứ anh em luân phiên nhau Chầu Mình Thánh Chúa. Và Chầu Mình Thánh Chúa cũng là dịp để mỗi người chúng con xác tín lại thái độ sống đức tin của mình, nhất là tấm lòng đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Để qua đó, chúng con nhận ra tình thương của Thiên Chúa qua bí tích cực thánh này, đồng thời chúng con cũng nhận ra con người tội lỗi bất xứng của mình đã vô ơn bạc nghĩa với Chúa, ngõ hầu chúng con biết canh tân đời sống và con người của chúng con xứng đáng với tình thương hải hà của Chúa.

Bế mạc tuần chầu lượt hồng phúc, ai ai cũng rạo rực một niềm vui khôn tả, bởi biết bao ân sủng mà Thiên Chúa đã ban tặng. Ơn phần hồn, ơn phần xác. Ơn riêng cho từng người và cả ơn cho toàn thể cộng đoàn nữa. Tự đáy lòng ai ai cũng muốn thốt lên rằng: Đến Muôn Đời Con Tạ Ơn Chúa !

THANH MINH
 
Hành hương viếng mộ thánh tổ dòng Ngôi Lời và họp mặt giáo dân tại Hoà Lan
Trầm Hương Thơ
20:23 15/06/2015
HÀNH HƯƠNG VIẾNG MỘ THÁNH TỔ DÒNG NGÔI LỜI VÀ HỌP MẶT CÁC TU SY VÀ GIÁO DÂN TẠI HÒA LAN

Ngày từ ngày hôm qua thứ sáu 12.06.2015 Gia Đình Lòng Chúa Thương Xót Hòa Lan đã hội về nhà dòng họp mặt tĩnh tâm và bầu lại BĐD nhiệm kỳ mới.

Hôm nay sáng sớm thứ bảy 13.06 2015 từng đoàn người từ Bỉ, Đức, Pháp, Tiệp, Ba Lan, Việt Nam và lẽ dĩ nhiên nước chủ nhà Hòa Lan, mọi người đã nô nức như trẩy hội tìm về nhà dòng Mẹ Truyền Giáo Ngôi Lời Steyl SVD để tham dự thánh lễ đồng tế và một ngày gặp mặt với nhiều ý nghĩa:

Xem Hình

Điểm thứ nhất: là về viếng thăm nơi nhà dòng mẹ "Ngôi Lời SVD." (Steyl) nơi có mộ của thánh tổ Arnold Janssen đấng sáng lập dòng ở xứ sở Vương Quốc Hoa Tulip Hòa Lan.

Điểm thứ hai: một ngày gặp gỡ tất cả những thân nhân cũng như ân nhân của nhà dòng đã và đang giúp đỡ cho các Lm. Tu sỹ Việt Nam thuộc dòng Ngôi Lời SVD. để đi truyền giáo khắp nơi như Phi Châu, Mỹ Châu, Á châu và Úc châu v.v...

Ngày hôm nay khắp muôn phương tìm đến

Đốt nên từng ngọn nến sáng lung linh

Họp nhau đây chia sẻ những ân tình

Tràn hân hoan bình minh ôi! rực rỡ

Đoàn giúp lễ và 9 Lm trang nghiêm tiến lên cung thánh, sau lời chào mừng giới thiệu và của Lm. Giuse Lê Văn Thắng chủ nhà đến khoảng hơn 400 giáo dân từ Đức, Pháp, Bỉ, Hoà Lan, Ba Lan, Tiệp Khắc và Việt Nam v,v... tới hiệp dâng thánh lễ hôm nay. Đặc biệt ngài cũng chào mừng tới 2 Lm. Việt Nam đã dẫn hai phái đoàn từ Tiệp khắc và Việt Nam hôm nay đã về đây.

Trước thánh lễ các em thiếu nhi đến từ tỉnh Mönchengladbach với phần vũ tiến hoa vô cùng dễ thương và cảm động, có những em chắc mới khoảng 4-5 tuổi cùng những chùm hoa tươi thắm rất đẹp, với hình dáng nhỏ nhắn và xinh xắn của các em trong vũ khúc nhịp nhàng dâng kính Đức Mẹ Maria. Vì hôm nay Giáo Hội mừng kính "Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ" (Lc 2,41-51). Hôm nay cũng là ngày 13 tháng sáu đánh dấu lần thứ hai Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, đồng thời hôm nay Giáo Hội cũng kính thánh Antôn Padua.

Nhìn các em bé như những thiên thần chắc chắn sẽ được Đức Mẹ thương yêu các em cách đặc biệt. Hoan hô các em và nhất là những người đã bỏ nhiều công sức để đi đưa đón các em, tập dợt, quần áo và ăn uống. Những nét truyền thống đẹp đẽ trong đạo như vậy chúng ta luôn cố gắng vun trồng ở tất cả mọi nơi trên thế giới.

Thánh lễ bắt đầu vào lúc 11giờ do Đức ông Phêrrô Trần Văn Hòa và 8 Linh mục đồng tế. Lm. Giuse Huỳnh Công Hạnh SVD. chủ tế và Lm Giuse Lê Văn Thắng SVD. chia sẻ Lời Chúa.

Sau hai bài đọc và công bố Tin Mừng cha Giuse chia sẻ đại ý như sau:

Hôm nay Giáo Hội mừng kính "Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ" (Lc 2,41-51) chúng ta làm sao phải cố gắng sống theo gương Mẹ. Một tấm gương đơn sơ chân thành cầu nguyện và rất yêu thương người khác. Mẹ đi viếng bà thánh Elisabét, Mẹ mang Chúa đến cho người khác, Mẹ mang bình an đến cho người khác trong suốt cả cuộc đời Đức Mẹ nơi dương thế này.

Ma-ri-a, mẫu gương cầu nguyện và lắng nghe

Khi Chúa Giêsu con Mẹ đã hy sinh để cứu chuộc thiên hạ các tông đồ run sợ thì Đức Mẹ lại có mặt ở đó để cầu nguyện cùng họ và mang bình an đến cho họ. Khi Chúa Giêsu về trời và Chúa Thánh Thần chưa hiện xuống thì trong thời gian đó có Đức Mẹ hiện diện cùng cầu nguyện chung với các Tông Đồ và họ có được bình an. Chúng ta là con của Đức Mẹ chúng ta cũng bắt chước Mẹ từng ngày hãy cầu nguyện cùng Đức Mẹ và đem bình an đến cho anh chị em và những người thân chúng ta. Đó là một gương lành tuyệt vời mà cả đời Đức Mẹ luôn là tấm gương tuyệt Mỹ cho ta học theo, như vậy thì chắc chắn Chúa cũng hài lòng Ngài và sẽ chúc phúc lành bình an đến cho chúng ta.

-Những lời nguyện giáo dân được dâng lên Thiên Chúa:

- Cầu xin cho tất cả người Kitô hữu biết khôn ngoan và can đảm kiên trung làm chứng Tin Mừng giữa những khó khăn thử thách của xã hội hôm nay.

- Cầu cho Đức Giáo Hoàng ơn khôn ngoan và sức mạnh để hướng dẫn con thuyền của Giáo Hội, để phảm trật Giáo Hội được bình an và thăng tiến.

- Cầu cho Tân Ban Đại Diện Công Đoàn Lòng Chúa Thương Xót tại Hòa Lan.

- Cầu cho 3 bác trong cộng đoàn sinh nhật 70 tuổi.

- Cho các đẳng linh hồn, xin Chúa dủ tình yêu thương ban thưởng cho tất cả những linh hồn tiền nhân chúng con được hưởng ánh vinh quang của Ngài.

Trước khi thánh lễ kết thúc mọi người tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót sau đó chầu Thánh Thể và phép lành trọng thể chấm dứt.

Lm Giuse Lê Văn Thắng chủ nhà cám ơn Đức ông Phêrô Trần Văn Hòa và cha Dr. Phêrô Nguyễn Trọng Qúy và chúc mừng hai cha có mừng thánh Bổn Mạng trong tháng này. Cám ơn tất cả qúy Lm từ Đức Tiệp Khắc Ban Lan và từ xa nhất là Việt Nam, hôm nay cũng có một ông trùm trong giáo xứ của cha từ ở Việt Nam hành hương qua đây.

Cha cũng giới thiệu tân BCH cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót và 5 người bước lên trước bàn thánh và tất cả mọi người hiện diện cùng 9 Lm. giơ cao tay lên cầu nguyện cho tân BCH. được nhiều ơn Chúa Thánh Thần để hoàn thành trách nhiệm trong nhiệm kỳ mới này.

Ca đoàn tổng hợp hôm nay tôi phải trang trọng mà nói lên lời khen và cám ơn, ca đoàn tổng hợp qúa hùng hậu và hát rất hay. Đây cũng phải nói là một ơn gọi đưa lời ca tiếng hát để phục vụ việc tông đồ rất sốt sắng cho tâm hồn mọi người dễ dàng nâng hồn lên Thiên Chúa.

Cuối cùng cha Giuse Lê VănThắng kính mời Đức ông qúy Lm, qúy Tu sỹ và tất cả sang hội trường nhà dòng để dùng bữa trưa do ngài khoản đãi. Sau đó là phần văn nghệ xen kẽ những màn Lôtô chung vui cùng làng nướng Steyl suốt cả ngày hôm nay cho đến tối.

15giờ cha chia làm 3 nhóm đi viếng mộ thánh tổ sáng lập dòng VSD và tham quan 3 nhà dòng

Đầu tiên chúng tôi được cha Giuse Lê Văn Thắng chủ nhà giải thích tổng quát về ngôi thánh đường chính của nhà dòng. Kế đến viếng Mộ thánh tổ Arnold Jansen

Đây là một dịp hiếm có để đông đảo cùng hành hương về đây kính viếng một ngài. bài ca cầu xin cho truyền giáo đã vang lên nơi mộ thánh nhân để cùng xin cho công việc truyền giáo mở mang đạo Chúa ngày một nhân rộng hơn.

Tiếp theo là cha dẫn chúng tôi đi thăm nhà dòng kín

(Các nữ tu chiêm niệm này khoác áo màu hồng) Hôm nay có rất nhiều người lần đầu tiên đến thăm Dòng Kín Chiêm Niệm SSpSAP nên khá nhiều câu hỏi thắc mắc được đặt ra để sr trả lời. Được biết đây có lẽ là dòng Chiêm Niệm duy nhất mặc "áo hồng" mà hôm nay chúng tôi mới chính thức được trò truyện với các sơ và chụp hình.

Trong nhà nguyện của các sr luôn chia nhau ra chầu Thánh Thể 24/24 cứ mỗi chị qùy chiêm niệm trước Thánh Thể Chúa một giờ và thay đổi suốt 24 giờ như thế.

Sau đó phái đoàn sang thăm nhà dòng nữ truyền giáo. Cả một quần thể lớn rộng nhưng nay ơn gọi ngày một ít đi nên nhà dòng đã phải bán bớt đi nhiều chi nhánh. Như Sr hướng dẫn cho biết trước đây nửa thế kỷ thì nơi đây có 400 Sr. nhưng đến ngày nay thì chỉ còn lại 80 Sr, trong 80 Sr này thì có 40 người không còn làm việc được nữa. Nói thế để chúng ta biết rằng ơn gọi tu trì ở Hoa Lan nói riêng cũng như Âu Châu nói chung đã và đang giảm đi đến mức báo động. Sr cũng chiếu cho chúng tôi xem cuộn phim thu gọn lại lịch sử và tiến trình hình thành dòng Ngôi Lời SVD cho đến thời sau này.

Sau khi tham quan cả ba nhà dòng mọi người quay trở lại nhà dòng chính và nướng thịt tiếp tục và vui văn nghệ cho đến tối mới chấm dứt. Chân thành cám ơn ban nhạc Ráp đã đệm đàn rất hay cho cả ngày hôm nay từ trong thánh đường ra đến ngoài sân sinh hoat hầu như liên tục, rất trân trọng.

Xin sơ lược đôi chút về nhà dòng.

Nhà dòng đầu tiên này nằm bên bờ sông được khai mở vào ngày 08.09.1875 ở Steyl, Hòa Lan, từ đó bắt đầu dòng Thừa Sai Ngôi Lời SVD. ra đời. Ngay từ ban đầu hội dòng mới này đã phát triển như là một cộng đồng cho cả linh mục lẫn Sư Huynh. Ngày 02.03. 1879, hai vị thừa sai đầu tiên đã lên đường đi Trung Hoa, một trong hai vị này nay là thánh Joseph Freinademetz.

Cha thánh Arnold Jansen ngài lập lên tới 3 dòng, vì sau khi thành lập dòng tu nam được 14 năm đã phát triển khá nhanh. Một số các chị em cũng phụ giúp nhiều công việc đã trình bày cùng ngài rằng họ cũng muốn phục vụ việc truyền giáo như là các nữ tu để truyền rao lời Chúa. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy cha bề trên sáng lập Arnold Janssen vào ngày Lễ đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 08.12.1889, thành lập ra một hội dòng truyền giáo nữ "Tôi Tớ Thánh Linh", SSpS (Servants of the Holy Spirit). Những Nữ Tu đầu tiên này đã lên đường đến Á Căn Ðình năm 1895. Đặc biệt nay có 2 vị Chân Phước Maria Helena Stollenwerk và.

Năm 1896 cha Arnold đã chọn một số nữ tu của mình để thành lập một dòng kín nữa để các chị chuyên về việc cầu nguyện cho những tu sỹ truyền giáo và chiêm niệm. Và từ đó dòng Tôi Tớ của Thánh Thần ra đời, SSpSAP. Công việc của họ đối với vấn truyền giáo là phải bảo trì việc tôn thờ Bí Tích Thánh Thể, cầu nguyện ngày đêm cho Giáo Hội và đặc biệt cho hai hội dòng truyền giáo.

Cuộc sống của ngài là một cuộc sống liên lỉ tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa, hết lòng trông cậy vào sự quan phòng của Chúa và chuyên cần làm việc.

Công việc của ngài đã được chúc phúc rõ ràng, phát triển rất nhanh với các cộng đồng ngài đã thành lập. Hiện nay vào khoảng 10 ngàn Thừa Sai Ngôi Lời hoạt động ở trên 60 quốc gia. hơn 3800 các Tôi Tớ trung thành của Thánh Linh, và hơn 300 Tỳ Nữ Thánh Linh Thường Trực Chiệm Niệm Tôn Thờ Thánh Thể để cầu nguyện cho việc truyền giáo.

Cha Arnold qua đời ngày 15.01.1909.

Ngày 05 10. 2003 ĐGH. Gioan Phaolô II tôn phong ngài lên hàng hiển thánh.

Trầm Hương Thơ 14.06.2015

Tường thuật và ghi hình
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Mỹ - Việt tại ngưỡng cửa TPP 2
Hà Minh Thảo
20:13 15/06/2015
MỸ VIỆT TẠI NGƯỠNG CỬA TPP 2

(Tiếp theo)

B. Mỹ giúp Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Để hình thành Hiệp định Thương mại song phương Mỹ-Việt, ngay từ ngày 11.03.1998, Tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố miễn áp dụng tu chính án (amendment) Jackson-Vanik đối với Việt Nam. Tu chính án này, do Quốc hội Mỹ biểu quyết năm 1974, cấm dành quy chế tối huệ quốc (MFN, most favoured nation) trong buôn bán với các nước cộng sản và không cho phép các quốc gia này tiếp cận những chương trình hỗ trợ của Chính phủ Mỹ... Nhưng quyết định này chỉ có giá trị trong vòng một năm, nên hàng năm Chính phủ và Quốc hội Mỹ phải bày tỏ thái độ về việc áp dụng tu chính án đối với Việt Nam. Do đó, ngày 14.07.2000, tại Washington D.C., đại diện hai nước mới có thể ký BTA sau nhiều vòng đàm phán. Sau khi lưỡng viện Quốc hội thông qua, ngày 17.10.2001, Tổng thống George W. Bush ký ban hành Hiệp định này. Hoa kỳ cũng giúp đỡ không ít để Việt Nam được thu nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO, World Trade Organization, tiếng Anh và OMC, Organisation mondiale du commerce, tiếng Pháp) từ ngày 11.01.2007, sau khi nộp đơn xin gia nhập từ tháng 01.1995. Một lý do khác không được loan báo, nhưng không thể thiếu, là Việt Nam chỉ được phép gia nhập WTO sau khi Trung cộng đã vào tổ chức này vào ngày 11.12.2001.

Một vấn đề thật quan trọng khác mà Chính phủ và giới Lập pháp Mỹ vẫn lớn tiếng ‘hứa lèo’ với người dân Việt đau khổ, nạn nhân của họ, là các Thương ước ký giữa Hoa kỳ và Việt cộng sẽ được hình thành dựa trên căn bản : Nhân quyền có được Chính phủ Việt cộng tôn trọng như đã hứa hay không. Tin tưởng chính giới Mỹ, ngay từ năm 1999, người Mỹ gốc Việt đã có những cuộc vận động với Chính phủ cũng như các vị dân cử Quốc hội Hoa kỳ hầu có những cải thiện về tình trạng tự do tôn giáo tâi Việt Nam. Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa kỳ (USCIRF – United States Commission on International Religious Freedom), một cơ quan độc lập, hoạt động với ngân quỹ trực tiếp từ Quốc hội, đã yêu cầu Bộ Ngoại giao ghi tên Việt Nam vào danh sách các ‘Quốc Gia Đáng Quan Tâm Đặc Biệt’ (Country of Particular Concern, CPC) nhiều lần và, đến lúc, phải thành công… Năm 2004 là năm có Bầu cử Tổng thống. Ngày 15.09.2004, Ngoại trưởng Colin Powell chính thức chỉ định Việt Nam vào danh sách này bên cạnh các nước khác : Miến điện, Trung cộng, Iran, Bắc hàn, Sudan, Eritrea và Ả Rập Saudi. Ngày 02.11.2004, kết quả Tổng thống George Bush thắng nhiệm kỳ 2 với 50,73% số phiếu hợp lệ so với 48,27% cho Jonh Kerry rõ rệt hơn năm 2000, chỉ thu được 47,87% so với 48,38% cho Al Gore (hơn nhau về số đại cử tri : Bush 271 và Gore 266).

Đến năm 2006, ông Bush (con) cần một quà tặng cho nhà nước Việt Nam khi ông đến Hà nội để dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác (APEC - Asia-Pacific Economic Cooperation) ngày 18 và 19.11.2006. Lúc đầu, ông ta tin chắc là Thượng viện lẫn Viện Dân biểu thông qua dễ dàng Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (Permanent normal trade relations - PNTR) cho Việt Nam cần thiết để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Nhưng cuộc bầu cử bán kỳ ngày 07.11.2006, đảng Dân chủ chiếm đa số tại Viện Dân biểu đã không thông qua dự luật HR. 5602 thiết lập quy chế này. Thất bại vụ PNTR, ông Bush, theo đề nghị của cô Condoleezza Rice, Ngoại trưởng, đã gạch bỏ tên Việt Nam khỏi danh sách các Quốc gia đáng Quan tâm Đặc biệt (CPC) để làm quà biếu cho Việt cộng.

C. Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương.

(TPP, Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement hay Trans-Pacific, tiếng Anh và Accord de partenariat transpacifique, tiếng Pháp) là một thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực Á châu - Thái Bình Dương. Hiệp định, thoạt tiên, được sự đồng thuận giữa các quốc gia : Brunei, Chí lợi (Chile), Tân tây lan (New Zealand) và Tân gia ba (Singapore) ngày 03.06.2005, có hiệu lực từ ngày 28.05.2006. Hiện nay, 8 nước đang đàm phán để gia nhập : Uùc đại lợi (Australia), Mã lai (Malaysia), Mễ tây cơ (Mexico), Peru, Hoa kỳ, Việt Nam, Gia nã đại (Canada) và Nhật bản (Japan). Ngày 14.11.2010, cuối Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế (APEC, Asia-Pacific Economic Cooperation, tiếng Anh và Coopération économique pour l’Asie-Pacifique, tiếng Pháp) tại Nhật bản, lãnh đạo 9 quốc gia (trong đó có Nhật bản) đã tán thành lời đề nghị của Tổng thống Obama về việc thiết lập mục tiêu các cuộc đàm phán tại kỳ Thượng đỉnh APEC năm 2011 tại Hoa kỳ. Từ đó đến nay, đã có 20 vòng đàm phán mà việc hình thành vẫn chưa xong. TPP nhằm mục tiêu giảm bớt các loại thuế xuất nhập cảng giữa các nước thành viên và thỏa thuận toàn diện các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền... Đây là những điều khoản mang tính chuyên môn, đang thương lượng giữa 11 quốc gia áp dụng nền kinh tế thị trường và theo nền dân chủ tam quyền phân lập, trừ Việt Nam khơng cĩ những đặc tính này, Do đĩ, 10 nước khác, hình như, để mặc Hành và Lập pháp Hoa kỳ thảo luận với Nhà nước đảng trị Việt Nam những điều kiện được cho là bảo vệ nhân quyền và quyền lập công đoàn khác với tổ chức lao động tùy thuộc Đảng cho người dân Quê hương này.

Ngày 26.10.2014, ông Tom Malinowski, Trợ lý ngoại trưởng Hoa kỳ phụ trách về vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Mỹ, trong một hội nghị bàn tròn với các giới chức Việt Nam tại Hà nội. Ngày 20.05.2015, sau cuộc gặp gỡ với người Việt ở Washington, đã trả lời phóng viên Hải Ninh (RFA) (xin tóm):

- có nhiều cơ hội tốt trong năm nay về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam vì là năm rất quan trọng giữa Mỹ và Việt Nam, kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ và cần có những quyết định quan trọng đưa ra về TPP, liệu hai bên có thể tiến tới quan hệ đối tác chiến lược hay không. Chúng tôi đã tỏ rõ quan điểm với chính phủ Việt Nam rằng tất cả điều đó phụ thuộc vào những tiến bộ của Việt Nam trong vấn đề nhân quyền. Nếu cả hai đều muốn thu lợi được từ mối quan hệ này thì cả hai phải xích lại gần nhau hơn.

- những thay đổi gì từ Việt Nam khi TPP kết thúc? Tiến trình dài và khó khăn. Đầu tiên, Quốc hội cần thông qua Dự luật TPA (xin xem bên dưới) và thông qua hiệp ước cuối cùng. Điều quan trọng là xuyên suốt tiến trình này chính phủ Việt Nam có những thay đổi về những vấn đề như cải cách luật pháp, thả tù nhân lương tâm, cho phép tự do tôn giáo, v.v... Cuối cùng, nếu được như vậy, tôi nghĩ nó sẽ tốt cho Việt Nam, được giàu có hơn, sẽ có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, và các tổ chức dân sự ở Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn. Những thay đổi trong luật lao động, Việt Nam phải có một công đoàn tự do và độc lập.

- đúng, Việt Nam cần phải thay đổi nhiều, nhưng ngay khi ông đang ở Việt Nam, một nhà hoạt động bị đánh. Sau khi ông về lại Mỹ thì vài người khác bị tấn công, bị tra hỏi và bị cấm xuất cảnh ? Tôi nghĩ họ đang gửi nhiều thông điệp tới chính người dân nước họ : có những người hiểu rằng đất nước sẽ hùng mạnh, thịnh vượng hơn nếu người dân được tự do lên tiếng nói và sống cuộc theo ý. ; những người khác lo bị đe doạ bởi viễn cảnh thay đổi. Vì thế, có những căng thẳng và đấu tranh trong đó. Họ thả tù nhân và cũng có những nhà hoạt động bị đe doạ hay bị đánh. Tôi tin khi hai nước gần gũi nhau càng khiến những người muốn cởi mở, muốn tôn trọng luật và nhân quyền trở nên mạnh mẽ hơn và chúng tôi đang cố gắng giúp nhóm này nhiều hơn.

- Việt Nam luôn nói họ không có tù nhân lương tâm. Không sao, chúng ta cần đạt một kết quả tốt cho hai nước và quan tâm hai bên được giải quyết. Khi ai được thả, tôi vui mừng, không cần biết chính phủ Việt Nam gọi họ là gì. Tất nhiên, về lâu dài, điều quan trọng nhất là cải tổ luật pháp để thay đổi những định nghĩa về các loại tội mà chúng tôi đã ký. Đó là điều chính phủ Việt Nam hứa sẽ làm và khuyến khích họ thực hiện lời hứa đó.

- tù nhân này khi được được đưa sang Mỹ tị nạn. Mỹ là chỗ chứa những người làm trái pháp luật ở VN sao? giúp họ ở lại Việt Nam hoạt động tiếp không?

Điều đó không hay. Chúng tôi nói rõ với họ rằng để thúc đẩy phát triển về nhân quyền, họ cần thả người và cho phép những người đó được tiếp tục sống ở trong nước. Thực ra cũng có một số người được thả và tiếp tục sống ở Việt Nam rồi. Tất nhiên, chúng tôi muốn thấy nhiều sự việc như thế này hơn.

- Việt Nam mang tiếng là nuốt lời hứa. Để TPP được hoàn tất thì họ cần phải có những thay đổi đã. Khi thoả thuận hoàn tất, hai bên sẽ bị ràng buộc về pháp lý, sẽ có nghĩa vụ với nhau về kinh tế, về luật lao động, …Khi có tranh cãi, sẽ có cơ chế để xác định bên nào đúng, bên nào sai.

Mỹ làm gì để giúp các xã hội dân sự ở Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn? So với 10 năm trước thì các tổ chức này đã có nhiều ‘đất’ hơn. Họ không chỉ vận động cho dân chủ mà còn nhiều mặt phát triển nữa cho Việt Nam, như bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, làm rất nhiều điều tốt cho đất nước và tôi nghĩ nhiều người trong chính phủ bắt đầu nhận ra rằng họ nên hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự để đạt được mục tiêu của nhà nước.

Ngày 08.05.2015, khi nói chuyện về TPP tại trụ sở công ty Nike, sản xuất đồ thể thao, ở Portland, tiểu bang Oregon, Tổng thống B. Obama có đưa Việt nam như một ví dụ để chứng minh cho người Mỹ thấy rằng nếu có TPP thì điều kiện làm việc của công nhân ở Việt nam sẽ được cải thiện, và đây là lần đầu tiên một quốc gia như Việt nam sẽ có được tổ chức công đoàn độc lập.

Ngày 21.05.2015, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa kỳ David Saperstein đã gặp và trao đổi với Hội đồng Liên tôn Việt Nam (phi quốc doanh) tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn. Vì các Linh mục Dòng này đang tĩnh tâm nên phái đoàn Công Giáo không tham gia được. Thầy Thích Không Tánh trình bày : ề Sự thật mà nói, không có cái gọi là ‘tự do tôn giáo ở Việt Nam’. Chỉ có các tôn giáo quốc doanh mới được chính quyền tạo điều kiện, các tôn giáo độc lập nói chung và Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng, từ sau 30.04.1975 đến nay đều bị nhà cầm quyền cộng sản đàn áp tịch thu tài sản, đất đai, các cơ sở thờ tự Ừ. (Giáo Hội Công Giáo không quốc danh, nhưng giáo sĩ được nhà nước chấp thuận trước khi được phong chức…). Trưởng phòng chính trị Tổng Lãnh sự Mỹ tại Sài gòn Charles Sellers cho biết rất ngạc nhiên khi nghe các trình bày vì hoàn toàn trái ngược với các văn bản mà chính quyền Việt Nam cung cấp. Những trao đổi hôm nay được ghi nhận. Oâng Saperstein nói : ề Cám ơn quý chức sắc đã dành thời gian cung cấp cho đoàn những thông tin rất quý giá và sẽ đưa vào nội dung cuộc đàm phán TPP với Việt Nam. Hoa kỳ mong muốn Việt Nam sẽ trả tự do cho một số tù nhân lương tâm trong nay mai. TPP có thể đem lại cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam. Nhưng quyền lợi luôn đi đôi với trách nhiệm, chúng tôi muốn thúc đẩy Hà nội phải cải tiến các điều kiện nhân quyền, tự do tôn giáo trong nước Ừ. Gần đây, Dự thảo 4 đã được gởi đến lãnh đạo các tôn giáo toàn văn Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo để góp ý. Ngày 04.05.2015, Hội đồng Giám mục Việt Nam không đồng ý Dự thảo này. Hội đồng Liên tôn Việt Nam cũng có kháng thư về Dự luật ngày ngày 10.05.2015.

Ngày 06.05.2015, Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski gặp và đề nghị các đại diện 14 tổ chức dân sự tại Hà nội đặt mình trong vai trò của 535 dân biểu Mỹ đầu phiếu cho Việt Nam gia nhập TPP. Kết quả có 5/14 phiếu ủng hộ, 1 trắng và 8 chống. Luật sư Nguyễn Văn Đài đã bỏ phiếu ủng hộ và đã giải thích trên Facebook : ề Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa kỳ sẽ đạt những thỏa thuận tốt nhất về nhân quyền cho Nhân dân Việt Nam Ừ.

Về nội bộ Hoa kỳ, ngày 12.05.2015, dự luật ‘Thẩm quyền xúc tiến Mậu dịch’ (TPA, Trade Promotion Authority) đã không được đưa ra tranh luận tại Thượng nghị viện vì không đủ túc số 60 phiếu (52 thuận) đồng ý của các Nghị sĩ. Luật này, nếu được Quốc hội thông qua, sẽ cho phép Tổng thống thương lượng các hiệp định tự do mậu dịch, kể cả TPP. Sau đó, Quốc hội chỉ có quyền chấp thuận hay bác bỏ, chứ không được sửa đổi. Các Nghị sĩ Dân chủ, phe ông Obama, đã chống đối mạnh nhất, trong khi phe Cộng hòa, đa số tại hai Viện, ủng hộ luật này. Nhưng hôm 22.05.2015, các nghị sĩ Mỹ, với 62 phiếu thuận và 37 chống đã thông qua luật cho Tổng thống Obama quyền đàm phán nhanh các hiệp định tự do mậu dịch. Tại Hạ nghị viện, Dân biểu Nancy Pelosi, Trưởng khối Dân chủ thiểu số đã lên tiếng đe dọa sẽ chặn dự luật TPA tại Viện này để có thời gian tu chính. Bà không đồng ý cho Tổng thống quá rộng quyền trong thời gian hiệu lực 6 năm, để có thể dẫn đến lạm quyền.

Ngày 11.06.2015, bà Pelosi và các đồng viện Dân chủ đã biến lời đe dọa đó thành sự thật, dù sáng hôm đó, Tổng thống Obama đã đến Điện Capitol để mời gọi lần cuối các vị này vì họ lo ngại TPP sẽ giúp đem thêm nhiều công việc làm ở Mỹ ra nước ngoài và gây ô nhiễm môi trường. Viện Dân biểu (Hạ viện), bằng 302 phiếu chống và 126 thuận, đã bác dự luật Điều chỉnh Trợ giúp Thương mại (TAA, Trade Adjustment Assistance) do Thượng viện đã thông qua buộc đi kèm với dự luật TPA. TAA ấn định chính sách trợ giúp cho các công nhân Mỹ bị mất việc làm do ảnh hưởng của thương ước. Sự từ chối này làm chính quyền Obama thêm khó khăn trong việc thỏa thuận với 11 nước khác về TPP.

Ngày 13.06.2015, ứng cử viên Tổng thống trong đảng Dân chủ Hillary Clinton, cựu Ngoại trưởng nhiệm kỳ 1 của Tổng thống Obama, khi tiếp xúc với cử tri đang vận động tranh cử ở bang Iowa, đã kêu gọi ông Obama hãy lắng nghe tiếng nói từ các dân cử cùng đảng, để bảo đảm TPP khi thành hình sẽ có lợi cho kinh tế quốc gia và cho công nhân Hoa Kỳ. Nếu những đòi hỏi đó không được đáp ứng, thì cách tốt nhất là đừng ký kết hiệp định.

Kết luận : Có hai câu hỏi :

1.- Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama có kịp thấy TPP thành hình trước khi chấm dứt nhiệm kỷ ngày 20.01.2017 không ?

2.- Trước sức ép của Hoa kỳ về Dân chủ và Nhân quyền (trong quá khứ, chỉ là ‘chiêu bài bài’), đảng Cộng sản Việt Nam có đồng ý cải thiện thật sự không ? Nên nhớ, Đại hội Đảng đã gần kề 2016 và thời điểm 2020 không còn xa đâu. Việt Nam thật sự nếu có TPP thì họ tuyên truyền là Việt Nam có dân chủ và nhân quyền và các nhóm lợi ích thu thêm quyền và tiền. Nếu không có TPP, thì họ được Tàu gia tăng buôn bán không những hàng hóa, dịch dụ mà còn đất biển nữa.

Hà Minh Thảo
 
Văn Hóa
Hiền phụ
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:14 15/06/2015
HIỀN PHỤ

Tình cha núi thái cao vời,
Trao duyên kết nối, ơn trời phú ban.
Tình yêu đắp đổi nồng nàn,
Cha trao mẹ đón, muôn vàn yêu thương.

Đời con có chỗ tựa nương,
Mẹ cha sinh dưỡng, bên giường ấm êm.
Mỏi mòn canh thức từng đêm,
Say mê giấc ngủ, êm đềm bên cha.

Vững chân cột trụ mái nhà
Vòng tay ấm áp, hải hà dấu yêu.
Ơn cha nghĩa mẹ cao siêu,
Một đời chung thủy, thiên triều khắc ghi,

Dù cho gian khó lo chi,
Lao công vất vả, cũng vì đàn con.
Tình cha duyên mẹ sắt son,
Cha nâng mẹ đỡ, vuông tròn thánh gia.

Xứng danh tiếng gọi là cha,
Thiện tâm công đức, ngợi ca rạng ngời.
Mừng ngày Hiền Phụ, cha ơi,
Tạ ơn Thiên Chúa, muôn đời chúc khen.


Ngày Hiền Phụ (Father’s Day), dân nước Hoa Kỳ dành ngày Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu để đặc biệt tôn vinh các người cha.

Thật là sung sướng khi được sống trong tổ ấm gia đình có mẹ có cha. Cha là cột trụ, mẹ là mái che. Mẹ cha, thuận vợ thuận chồng thì con cái được ấp ủ trong yêu thương đùm bọc. Một gia đình lý tưởng gồm ba thành viên: Cha, mẹ và con cái. Con cái là hoa quả của tình yêu. Sự liên kết giữa cha mẹ và con cái tạo nên một thế vững chân kiềng. Tình yêu được thăng hoa, trao đổi và thánh hóa nên hoàn thiện.

Hôm nay chúng ta tôn vinh tất cả những người làm cha. Được gọi là ‘cha’ là một đặc ân tuyệt vời. Tiếng gọi ba ơi, cha ơi, thầy ơi, daddy ơi và tía ơi... nghe thật là thân thương trìu mến. Con cái rất quý mến và tôn trọng cha. Trong đời sống, chúng ta biết có rất nhiều người cha gương mẫu, biết chu toàn bổn phận, chăm lo và gầy dựng cho đời sống gia đình, yêu vợ thương con. Mong là ‘Cha mẹ hiền lành để đức cho con’. Các người cha đôi khi cũng nên tự vấn rằng mình đã sống đúng tư cách của một người cha hay chưa? Vì có rất nhiều người cha đã đang sa đà rơi vào nghiện ngập, bài bạc, hút sách, si tình, bỏ bê vợ con, ăn chơi trác táng và chỉ lo tìm thỏa mãn cuộc sống riêng tư. Con cái sẽ bị nhiễm độc: ‘Đời cha ăn mặn, đời con khát nước’ hay lại ‘cha nào con nấy’.

Hiện hữu trên đời, ai cũng có một người cha ruột thịt. Chúng ta biết rằng không phải tất cả mọi người cha đều tốt và hoàn thành trách nhiệm của mình. Kinh nghiệm cuộc sống xã hội hôm nay cho chúng ta thấy đang có quá nhiều đổi thay trong quan niệm sống. Ảnh hưởng của cá nhân chủ nghĩa và tục hóa hưởng thụ, đã có biết bao gia đình đang phải sống trong cảnh đổ vỡ chia xa. Đời sống hôn nhân gia đình bị rơi vào sự bế tắc và khủng hoảng. Có rất nhiều gia đình, mẹ đóng hai vai và không cần bóng dáng đàn ông. Dần dần, chỗ đứng của người cha trong gia đình không còn là trụ và là nóc nữa. Người ta thường nói: ‘Con có cha như nhà có nóc’. Có nguy cơ lỗi thời!

Tiếng ‘CHA, DADDY’ rất là cao đẹp. Cha là thần tượng của con cái. Cuộc sống dài hay ngắn không quan trọng. Mỗi người cha hãy cố gắng sống với danh hiệu ‘cha’ của mình. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều có cơ hội nên tốt, làm tốt và sống tốt hơn. Không có khi nào trễ, nếu chúng ta biết bắt lại từ đầu. Quay đầu là bờ. Tôi xin chia sẻ một câu truyện nhỏ. Con cái của chúng ta tuy nhỏ bé nhưng luôn ngưỡng mộ những người cha biết lo cho gia đình. Vai trò người của cha trong đời sống gia đình quan trọng hơn bao giờ hết. Nó đòi hỏi một sự hy sinh, nhiệt tình và hướng thiện.

Truyện kể: Cô bé đứng bên một đám đông, trong khi ba của cô trình bày về một sự thật việc Chúa Giêsu đã đánh động thay đổi đời sống của ông. Ông đang minh chứng làm thế nào mà Chúa đã cứu và giải thoát ông khỏi lối sống cũ như một tay nghiện ngập. Hôm đó, có một người hay chỉ trích cũng đứng trong đám đông. Ông ta không thể chịu nổi khi nghe những chứng cứ về tôn giáo vô nghĩa này. Nên ông la to:“Tại sao ông già dịch không câm miệng và ngồi xuống. Ông chỉ đang mơ màng”.

Bất chợt, ông đa nghi này cảm thấy có cái gì đang níu kéo tay áo của ông. Ông ta nhìn xuống và thấy một cô bé. Cô bé nhìn ông ngạc nhiên trong khóe mắt và nói: “Thưa ông, đó là ba của cháu mà ông đang nói tới đó. Ông đã nói rằng ba cháu là người mơ mộng phải không? Để cháu kể về ba của cháu. Ba của cháu là một tay nghiện và mỗi đêm khi trở về nhà, ba đã đánh đập mẹ của cháu. Mẹ khóc suốt đêm. Và thưa ông, chúng cháu thường không có quần áo tốt để mặc, vì ba cháu tiêu xài và trả tiền rượu whiskey hểt rồi. Đôi khi, cháu không có giầy để mang khi đến trường. Nhưng bác nhìn nè, đây là giầy mới và quần áo mới! Bây giờ ba cháu đã có công việc tốt”. Cô bé chỉ qua phía bên kia và nói: “Bác có thấy người đàn bà đang mỉm cười kia không? Mẹ của cháu đó! Mẹ không còn khóc qua đêm nữa. Bây giờ mẹ vui lắm! Rồi cô bé nắm tay xác tín. Cô bé nói: Chúa Giêsu đã làm thay đổi đời ba cháu. Chúa Giêsu đã đổi thay gia đình của cháu. Thưa ông, nếu ba của cháu đang mơ mộng, xin ông đừng đánh thức ba cháu dậy.”

Những người cha như là những mắt xích nối kết truyền gieo sự sống đời này qua đời khác. Cha là dụng cụ Thiên Chúa đã quan phòng sắp đặt để sự sống được nối dài. Cha đã cộng tác vào công trình sáng tạo và hoàn thành sứ mệnh. Một sứ vụ cao cả và nhiệm mầu. Cám ơn cha đã truyền cho con sự sống.

Chúng con cũng biết ơn và tôn vinh tất cả những ai mang danh hiệu là cha, cha tinh thần, cha đỡ đầu, cha linh hướng và cha nuôi… Xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Cầu xin cho các người Cha được chu toàn bổn phận, trách nhiệm và nêu gương sáng cho lũ cháu đàn con. Xin Thánh Cả Giuse là mẫu gương của sự khiêm nhường, nhịn nhục và đơn sơ thánh thiện phù trợ và bảo vệ. Xin Thiên Chúa gìn giữ và chúc phúc lành cho tất cả các người cha đang hiện diện với chúng con đây.

Chúng con cũng nài xin lòng nhân lành Chúa đón nhận tất cả các linh hồn những người cha đã qua đời, được vào nơi hằng sống hưởng phúc trường sinh. Amen.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sống Khoẻ
Lê Trị
21:40 15/06/2015
SỐNG KHOẺ
Ảnh của Lê Trị
Thể thao là thuốc bổ không mất tiền mua.
(DN)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 09/06 – 15/06/2015: Các Giám Mục Úc nói: Đừng lẫn lộn với hôn nhân
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:35 15/06/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Các Giám Mục Úc nói: “Đừng lẫn lộn với hôn nhân”

84.7% trong tổng số 4,832,800 người Ái Nhĩ Lan là người Công Giáo nhưng trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 22 tháng Năm vừa qua 1,201,607 phiếu trong tổng số 1,949,725 phiếu bầu, tức là 62.07% đã đồng ý sửa đổi hiến pháp công nhận “hôn nhân đồng tính”. Biến cố này đang tác động mạnh đến Úc Đại Lợi với một trào lưu mới nhằm hô hào công nhận cái gọi là “hôn nhân đồng tính”.

Trước biến chuyển này, các giám mục Úc đã phát hành tài liệu “Do not Mess with Marriage” , nghĩa là “Đừng lẫn lộn với hôn nhân”, là một lá thư mục vụ về các cuộc tranh luận hôn nhân đồng tính.

“Thật là không công bằng, bất công nghiêm trọng, khi hợp pháp hóa sự khẳng định sai lầm rằng không có gì khác biệt giữa một người nam và một người nữ, giữa một người cha và một người mẹ; và bỏ qua các giá trị đặc biệt mà cuộc hôn nhân thực sự đem lại; bỏ qua tầm quan trọng đối với trẻ em của việc có một người mẹ và một người cha trong gia đình, là những người lo lắng cho các em và cho nhau trong một đoạn đường dài”. Đức Tổng Giám mục Anthony Fisher của tổng giáo phận Sydney nói.

Ngài nói thêm:

“Nếu pháp luật dân sự không còn định nghĩa hôn nhân như cách hiểu truyền thống, nó sẽ là một sự bất công nghiêm trọng và làm suy yếu thiện ích chung là cơ sở phát sinh ra pháp luật dân sự hiện nay. Chắc chắn có những cách khác để tôn vinh tình bạn của những bị thu hút bởi những người cùng phái mà không nhất thiết phải hủy hoại cấu trúc hôn nhân và gia đình.”

“Một quả lê không phải là một quả táo,” Đức Cha Gregory O'Kelly của giáo phận Port Pirie nói trong lá thư mục vụ của mình. “Hôn nhân đồng tính không thể coi tương tự như một cuộc hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Các ý kiến của các nhân vật có quyền có thế, hoặc các chính trị gia, hoặc một cuộc bỏ phiếu của quốc hội có thể làm tất cả những gì họ muốn, nhưng dù họ có nói thế nào đi nữa, một quả lê vẫn là một quả lê và không thể biến thành một quả táo.”

2. Tình hình ở Nigeria vẫn còn nhiều khó khăn

Đức Cha Oliver Doehme là giám mục giáo phận Maiduguri cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ biết là từ đầu tháng Sáu đến nay khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã lại mở những cuộc tấn công vào Maiduguri như muốn bác bỏ những tuyên bố thắng lợi trên mặt trận quân sự của Liên Minh 4 nước gồm Nigeria, Cameroon, Chad và Niger.

Trong một video tuyên truyền mới nhất được tung lên YouTube. một đại diện của bọn khủng bố nói:

“Ở đây, tại Sambisa này, bạn có thể di chuyển 4-5 giờ thoải mái bằng xe hơi hay xe gắn máy dưới lá cờ đen của Hồi giáo”

“Chúng tôi có cơ man các chiến binh trong rừng Sambisa. Chúng tôi có hàng ngàn chiến binh thánh chiến ở đây.”

Trong video mới này không thấy xuất hiện kẻ lãnh đạo nhóm lãnh đạo là Abubakar Shekau. Đồng thời, đoạn video này mang một logo trong đó ghi: “ Nhà nước Hồi giáo ở Tây Phi” thay vì Boko Haram như vẫn thường thấy.

3. Đông đảo người hành hương kéo đến Medjugorje nhân chuyến thăm Sarajevo của Đức Thánh Cha

Trong số 70 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại thủ đô Sarajevo của Bosnia-Herzegovina sáng ngày thứ Bẩy 6 tháng Sáu, có nhiều người đến từ rất xa như Ukraine hay Trung quốc. Phần lớn các tín hữu hành hương từ hải ngoại này đã đến thăm Medjugorje trước hoặc sau chuyến viếng thăm Sarajevo của Đức Thánh Cha.

Medjugorje nằm trong khu vực Herzegovina ở phía Tây của nước Bosnia và Herzegovina, cách thị trấn Mostar 25km về phiá Tây Nam và gần với biên giới Crotia. Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981. Từ đó dòng người lũ lượt đến hành hương địa điểm này để cầu nguyện với Đức Mẹ dưới hai tước hiệu là “Đức Mẹ Medjugorje” hay “Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình”.

Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate” – tính chất không siêu nhiên được chứng thực – nói dễ hiểu là do người ta bày vẽ ra, không phải là thật.

Ngày thứ Bẩy 18 tháng Giêng năm ngoái 2014, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh là cha Federico Lombardi, cho biết ủy ban quốc tế điều tra các sự kiện tại Medjugorje đã tổ chức cuộc họp cuối cùng một ngày trước. Ủy ban đã được Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin hình thành vào ngày 17 tháng Ba năm 2010 và do Đức Hồng Y Camillo Ruini lãnh đạo.

Tòa Thánh chưa chính thức công bố kết luận nhưng ngày 21 Tháng 10 năm 2013, Sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ, thay mặt cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cho biết là dưới ánh sáng của tuyên bố do các Đức Giám Mục Nam Tư đưa ra năm 1991 tại Zadar về các sự kiện tại Medjugorje, người Công Giáo, cho dù giáo sĩ hay giáo dân, “không được phép tham gia các cuộc họp, hội nghị, lễ kỷ niệm công cộng có thể bị lợi dụng để tăng sự khả tín cho ‘những cuộc hiện ra’ như thế”

Trong một diễn biến mới nhất, buổi nói chuyện của một “nhân chứng” Medjugorje tại một giáo xứ ở St. Louis, Hoa Kỳ được dự kiến diễn ra hôm 18 tháng Ba đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Một ngày trước khi Đức Thánh Cha thăm Sarajevo, cha Marinko Sakota, linh mục chánh xứ Medjugorje cho thông tín viên AFP biết cảm nghĩ của ngài như sau:

“Điều quan trọng đối với tôi là một cộng đoàn sống động. Chúng tôi đang thực sự rất năng động ở đây. Việc nơi đây có được công nhận hay không chẳng phụ thuộc vào chúng tôi, đó không phải là nhiệm vụ của chúng tôi”.

Theo cha Marinko Sakota:

“Nếu hiện tượng Medjugorje là do hành động của Thiên Chúa thì không ai có thể phá hủy nó. Nếu đó là công việc của con người, nó sẽ tự sụp đổ. Ở đây, chúng tôi cảm thấy rằng đó là công việc của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa muốn”.

Kata Papalovic một tín hữu người Croatia cho biết

“Tôi đang bị bệnh rất nặng, tôi đã phẫu thuật nhiều lần và phải nằm ở nhà, tôi dành phần lớn thời gian nằm nghỉ. Em gái tôi khuyến khích tôi đến đây. Hôm nay, tôi cố leo lên một phần của một ngọn đồi, tôi đi trên địa hình núi đá này mà không cảm thấy khó khăn nào. Tôi rất phấn chấn với những gì tôi đã đạt được. Tôi không mệt chút nào “.

4. Gặp gỡ người thợ điêu khắc Hồi Giáo đã trạm trổ chiếc ghế cho Đức Giáo Hoàng trong cuộc tông du Sarajevo

Một thợ trạm trỗ đồ gỗ người Hồi Giáo, 33 tuổi, là anh Edin Hajderovac đã được chọn để khắc trên chiếc ghế gỗ Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng trong chuyến tông du Sarajevo hôm thứ Bẩy 6 tháng 6. Edin Hajderovac đã trạm trỗ rất tinh vi, bỏ nhiều tâm tư vào công việc và anh đã không lấy tiền.

Edin Hajderovac cho biết như sau:

“Chúng tôi rất hạnh phúc. Chúng tôi đã làm việc với rất lòng yêu mến công việc này ngay từ đầu. Và chúng tôi thực sự hạnh phúc đã được chọn để làm công việc này. Ở đây có nhiều người tay nghề còn cao hơn tôi nữa đó”

Là một chuyên gia về các dụng cụ tôn giáo và các đồ trang trí, Hajderovac cho biết ngay sau khi nghe tin về chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, anh đã đi với cha là ông Salem, cũng là một nhà điêu khắc đến nói chuyện với linh mục địa phương, là cha Miro Beslic, về ước muốn đóng góp chút gì cho cuộc viếng thăm này.

Vị linh mục nhìn thấy ngay lập tức nơi chuyện này một tiềm năng hòa giải giữa các tôn giáo ở một đất nước bị tan nát bởi một cuộc xung đột đẫm máu giữa người Hồi giáo, người Croatia và Serbia trong cuộc chiến tranh Bosnia 1992-1995.

Cha Miro Beslic, linh mục chính xứ Zavidovici

“Tôi nghĩ ngay là dự án này sẽ tốt cho Zavidovici vì nó sẽ tạo ra tình đoàn kết giữa người Hồi giáo và chúng ta, những người Công Giáo. Chúng tôi không chia rẽ nhiều đâu nhưng cũng có một ít căng thẳng.”

Edin Hajderovac cho biết thêm:

“Mong muốn lớn nhất của tôi là được thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô mang chiếc ghế này về Vatican với ngài. Đó là ước mơ lớn nhất của tôi.”

5. Burundi dời lại cuộc bầu cử quốc hội lập pháp

Theo dự trù ban đầu, cuộc bầu cử quốc hội lập pháp lẽ ra đã diễn ra vào ngày 05 Tháng Sáu. Tiếp đó, Quốc Hội mới sẽ được yêu cầu thông qua việc tu chính hiến pháp để Tổng thống Burundi là ông Pierre Nkurunziza có thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 26 tháng Sáu.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử quốc hội lập pháp đã bị dời lại 45 ngày. Quyết định tẩy chay cuộc bầu cử của Giáo Hội Công Giáo, nơi người Công Giáo chiếm hơn 65% dân số trong tổng số 10.3 triệu dân, chắc chắn đã là động lực cho sự trì hoãn này.

Đức Cha Évariste Ngoyagoye là Tổng Giám mục thủ đô Bujumbura, của Burundi đã suýt bị ám sát hôm 31 tháng Năm.

Theo những tin tức sơ khởi, vụ ám sát dự trù diễn ra trong cuộc rước kiệu kính Mẹ Maria trong ngày cuối cùng của tháng Năm là tháng kính Đức Mẹ.

Các thanh niên trong ban an ninh của cuộc rước đã khống chế được một kẻ muốn bắn chết Đức Tổng Giám Mục.

Vụ tấn công xảy ra chỉ vài ngày sau khi các giám mục Công Giáo Burundi ra thông báo yêu cầu tất cả các linh mục phải rút khỏi các ủy ban bầu cử, vì trong tình hình hiện nay một cuộc bầu cử công bằng là không thể thực hiện được. Hội Đồng Giám Mục Burundi đã công bố như trên trong một động thái được xem là quyết liệt tẩy chay cuộc bầu cử vào thượng tuần tháng Sáu.

“Chúng ta không thể làm người bảo lãnh cho các cuộc bầu cử đầy những trò ma giáo”, Đức Cha Gervais Bashimiyubusa của giáo phận Ngozi, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục nói.

Claudine một phụ nữ sống ở thủ đô Bujumbura nói:

“Việc trì hoãn này là một điều tốt vì nó sẽ cho tổng thống có thời gian để suy ngẫm và từ bỏ mong muốn của mình muốn làm thêm một nhiệm kỳ thứ ba.”

Yves, cư dân thủ đô Bujumbura:

“Tôi thấy cuối cùng sẽ không thay đổi nhiều đâu bởi vì Tổng thống Nkurunziza quá gắn bó với quyền lực của mình, ông sẽ cố đấm ăn xôi làm thêm một nhiệm kỳ thứ ba bất chấp sự chống đối của chúng ta. Vì vậy, tôi không thấy rằng 45 ngày này sẽ giúp ông ta thay đổi quyết định của mình. “

Charles Nditije, đối thủ chính trị, lãnh đạo của Liên minh để Thăng Tiến Đất Nước nói:

“Đây là một tin khá tốt và cho chúng ta đã thấy rằng chưa đủ các các điều kiện cho việc tổ chức các cuộc bầu cử đáng tin cậy, minh bạch, toàn diện và bình tĩnh.”

6. Các tín hữu Colombia cung nghinh thánh tích Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Hàng ngàn tín hữu bao gồm nhiều nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang ở Colombia đã cung nghinh thánh tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như một phần trong chiến dịch cầu nguyện cho một chuyến thăm trong tương lai, thậm chí chưa biết ngày nào, của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hôm thứ Tư 3 tháng Sáu, trong một buổi lễ được Đức Hồng Y Ruben Salazar chủ sự ở một giáo xứ tại Marinilla cách Medellin khoảng 50 km, giữa những tràng pháo tay và những tiếng hoan hô, 10,000 người đã tụ tập cung nghinh thánh tích là một cuốn sách có chứa một giọt máu của Đức Thánh Cha Karol Wojtyla, đã qua đời vào năm 2005 và được phong thánh năm 2014.

Thánh tích này đã thăm Colombia lần thứ hai trong ba năm qua. Thánh tích đã được đưa đến một giáo xứ đang được xây dựng tại Marinilla mang tên Gioan Phaolô II, trước khi được đưa đến thủ đô Bogota vào ngày thứ Năm.

Mục đích của cuộc du hành thánh tích này là nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm được dự kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Colombia với mục đích “mang đến một thông điệp hòa bình, và kêu gọi mọi người trong cả nước trợ giúp các nạn nhân của tất cả các hình thức bạo lực,” Hội Đồng Giám Mục Colombia đã cho biết như trên trong một tuyên bố đưa ra hôm 1 tháng Sáu.

Ít nhất 220.000 người chết và 6 triệu người phải di dời trong cuộc xung đột vũ trang tại Colombia, là cuộc chiến kéo dài nhất ở châu Mỹ Latinh cho đến nay.

7. Án tử hình dành cho Mohamed Morsi sẽ được quyết định vào ngày 16 tháng 6

Hôm thứ Bẩy 16 tháng Năm, tòa án tối cao Ai Cập đã tuyên án tử hình tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi trong một phiên tòa diễn ra dưới sự bảo vệ nghiêm nhặt của cảnh sát và quân đội. Mohamed Morsi được đưa ra tòa trong một cũi sắt kiên cố để đề phòng mọi bất trắc.

Thẩm phán Shabaan El-Shamy đã tuyên án tử hình cựu tổng thống Mohamed Morsi và 100 người khác. Tuy nhiên, theo hiến pháp Ai Cập án tử hình phải được quyết định bởi Đại Giáo Trưởng Hồi Giáo Ai Cập là người chịu trách nhiệm giải thích luật Hồi giáo, cố vấn cho chính phủ và đưa ra một phán quyết chung thẩm cho những án tử hình.

Theo dự trù, ngày 6 tháng Sáu là thời gian vị Đại Giáo Trưởng này cho biết ý kiến. Tuy nhiên, thẩm phán Shabaan El-Shamy cho biết hôm 2 tháng 6 rằng:

“Tòa án đã nhận được sáng nay các quan điểm hợp pháp của Đại Giáo Trưởng, và đây là lý do tại sao tòa án đã quyết định hoãn phán quyết cuối cùng của mình đến ngày 16 tháng 6 năm 2015 để mọi cân nhắc có thể được hoàn thành.”

Án tử hình Mohamed Morsi, người đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho các tín hữu Kitô Ai Cập, không làm cho họ vui mừng nhưng lại dìm cộng đoàn Kitô hữu nước này vào những mối âu lo cho an ninh của họ vì lo sợ bị người Hồi Giáo báo thù.

8. Hàng chục ngàn người biểu tình tại Honduras kêu gọi tổng thống từ chức

Hàng ngàn người đã biểu tình diễu hành qua thủ đô Honduras từ hôm thứ Sáu 5 tháng Sáu để đòi Tổng thống Juan Orlando Hernandez từ chức sau những tai tiếng về một vụ tham nhũng trầm trọng.

Một lớn đám đông ồn ào ước chừng 20,000 người đã tổ chức diễu hành một nửa cây số trong mưa phùn từ một bệnh viện ở phía đông của thủ đô Tegucigalpa đến tòa nhà Liên Hợp Quốc.

Đầu tuần này Hernandez thừa nhận rằng Đảng Quốc Gia có khuynh hướng bảo thủ của ông đã nhận số tiền bị chiếm dụng từ các quỹ an sinh xã hội và tuyên bố mình cảm thấy bị “xúc phạm”, và cam kết rằng các nhà điều tra sẽ “điều tra tới cùng về vụ này.”

Phe đối lập nói rằng tổng thống đã nhận được khoảng 90 triệu Mỹ Kim trong tổng số hơn 300 triệu Mỹ Kim đánh cắp từ hệ thống y tế công cộng cho những người nghèo trong chiến dịch tranh cử năm 2013 của ông.

Hàng chục những cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra vào tuần trước tại hàng chục thành phố trên toàn quốc đòi tổng thống từ chức ngay lập tức.

9. Một nhà lãnh đạo Công Giáo Iraq kêu gọi có thêm những hành động quân sự để loại trừ tai ương Nhà nước Hồi giáo

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Canđê tại Erbil, thủ phủ của vùng bán tự trị Kurdistan của Iraq, kêu gọi có thêm những hành động quân sự để ngăn chặn “ung thư” Nhà nước Hồi giáo.

“Hành động quân sự là cần thiết để ngăn chặn IS. Nó là một loại ung thư cần phải được dừng lại, giống như căn bệnh này”, Đức Tổng Giám mục Basha Warda nói: “Viện trợ nhân đạo cũng cần được tiếp tục để đối phó với số lượng ngày càng tăng của người tị nạn đang đến Kurdistan”.

“Tôi biết nhiều người sẽ lấy làm lạ khi một giám mục kêu gọi sự can thiệp quân sự, nhưng các biện pháp đôi khi không may cần phải được thực hiện, như trong trường hợp này, bởi vì chúng ta đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư. IS là một mối đe dọa không chỉ cho các Kitô hữu trong khu vực mà còn cho cả người Hồi Giáo Sunni, Shiite, Yazidis, và cho toàn thế giới.”

10. Việc tha các tội bị dứt phép thông công trong Năm Thánh Từ Bi (không có video chỉ nói xuông)

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong Tông Chiếu Ấn Định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha viết trong đoạn thứ 18 như sau:

“Trong Mùa Chay của Năm Thánh này, tôi có ý định sai đi các Thừa Sai của Lòng Thương Xót. Họ sẽ là một dấu chỉ của sự lo lắng từ mẫu của Giáo Hội đối với dân Chúa, để dân Chúa có thể bước vào sự phong phú sâu xa của mầu nhiệm rất cơ bản này của đức tin. Sẽ có những linh mục mà tôi sẽ ban cấp quyền tha thứ cả những tội lỗi chỉ dành quyền giải cho Tòa Thánh, như thế quyền của các vị như những cha giải tội rộng đến mức nào sẽ được rõ ràng hơn nữa.”

Trong bài phỏng vấn sau, cha Arturro Cattaneo thần học gia và chuyên viên giáo luật, giáo sư Phân khoa thần học Lugano, bắc Italia giải thích thêm về thẩm quyền của các vị Thừa Sai của Lòng Thương Xót.

Hỏi: Thưa cha, các tội dành cho quyền của Toà Thánh là các tội nào, có phải là các tội trọng mà chỉ có Ðức Gíáo Hoàng mới có quyền tha hay không?

Đáp: Các tội dành cho quyền của Toà Thánh là các tội mà Giáo Hội cho là các tội đặc biệt nặng, bởi vì chúng gây thiệt hại cho các thiện ích quan trọng mà Giáo Hội cho là phải che chở một cách đặc biệt. Vì thế Giáo Hội không chỉ coi đó là các tội trọng mà là các “tội phạm” đích thật, và vì thế thấy trước một hình phạt giáo luật. Thật vậy, những ai phạm các tội này, trong một vài trường hợp, thì một cách tự động, rơi vào một hình phạt giáo luật, hình phạt nặng nhất là bị dứt phép thông công. Vài tội phạm này được dành riêng cho Tòa Thánh, trong nghĩa chỉ có Ðức Giáo Hoàng mới có quyền tha các hình phạt tương đương mà thôi.

Hỏi: Thế đâu là các tội mà chỉ có Tòa Thánh mới có quyền tha các hình phạt tương đương?

Đáp: Hiện nay theo Giáo Luật hiện hành có 5 tội phạm, nhưng Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã thêm vào tội thứ sáu liên quan tới “vi phạm bí mật của Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng”. Năm tội phạm đã được Giáo Luật kể ra là: thứ nhất, xúc phạm đến Mình Máu Thánh Chúa; thứ hai dùng bạo lực thể lý chống lại Ðức Giáo Hoàng; thứ ba, truyền chức Giám Mục không có sự uỷ quyền của Ðức Giáo Hoàng: thí dụ điển hình là vụ Ðức Tổng Giám Mục Lefebvre phong chức Giám Mục mà không có phép của Ðức Giáo Hoàng; thứ tư, ban phép giải tội cho tòng phạm trong tội dâm dục tức điều răn thứ sáu; thứ năm trực tiếp vi phạm Ấn bí tích, nghĩa là vi phạm bí mật tòa giải tội.

Hỏi: Tất cả các tội kể trên đều có hình phạt là bị vạ tuyệt thông tự động, và chỉ có Ðức Giáo Hoàng mới có thể tha, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Vâng, trong cả 6 trường hợp kể trên việc tha vạ tuyệt thông được dành cho Tòa Thánh. Thật thế, đây là hình phạt tuyệt thông gọi là “latae sententiae”, ai phạm một trong các tội này thì tự động và tức khắc bị dứt phép thông công, mà không cần phải có lời tuyên bố hay đưa ra hình phạt “dứt phép thông công” từ Ðức Giáo Hoàng, hay từ Giám Mục, hoặc một tòa án của Giáo Hội. Vạ dứt phép thông công cũng có thể được tuyên bố cho rõ ràng hơn như đã xảy ra cho trường hợp của Ðức Tổng Giám Mục Lefebvre chẳng hạn, cả khi nó không cần thiết cho các mục đích giáo luật.

Bình thường Ðức Giáo Hoàng ban phép cho vị Chánh Án Toà Ân Giải Tối Cao, hiện nay là Ðức Hồng Y Mauro Piacenza, quyền tha các hình phạt này. Tuy nhiên, có các tội trọng khác mà Giáo Hội coi là các “tội phạm”, và bao gồm hình phạt vạ tuyệt thông nhưng không dành cho Tòa Thánh, mà dành cho Giám Mục giáo phận. Trong mỗi giáo phận có một vị Chánh Án tối cao có quyền tha các hình phạt ấy. Cả các linh mục tuyên úy các nhà tù và các nhà thương cũng có quyền đó.

Hỏi: Thưa cha, thế còn trường hỏp phá thai thì sao?

Đáp: Trường hợp phá thai là trường hợp được biết nhiều nhất bao gồm hình phạt vạ tuyệt thông, nhưng việc giải vạ không được dành cho Tòa Thánh. Phá thai là một trường hợp đặc biệt tự động bị vạ tuyệt thông, không phải chỉ cho người mẹ đã phá thai, mà cả cho người chồng hay các người bà con đã khiến cho người mẹ phá thai, và nhân viên y tế tức các bác sĩ và y tá cộng tác tích cực vào việc phá thai.

Hỏi: Các thừa sai của Lòng Thương Xót có các quyền này không thưa cha?

Đáp: Các Thừa Sai của Lòng Thương Xót sẽ được ban cho quyền tha bất cứ hình phạt nào theo giáo luật. Từ vạ tuyệt thông dành cho Tòa Thánh, cho tới các vạ tuyệt thông khác nữa, mà thường chỉ có Giám Mục giáo phận hay Kinh Sĩ Chánh Án của giáo phận mới có quyền tha.

Hỏi: Thế nội dung của vạ tuyệt thông bao gồm những gì thưa cha?

Đáp: Hậu qủa chính của vạ tuyệt thông là cấm lãnh nhận các bí tích, bao gồm cả bí tích Hòa Giải, tức bí tích Giải Tội. Vì thế, một người bị vạ tuyệt thông không thể lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nếu trước đó đã không được giải vạ tuyệt thông. Bình thường cha giải tội không có quyền tha vạ tuyệt thông. Vì vậy khi linh mục giải tội tiếp nhận một hối nhân và nhận thấy họ bị vạ tuyệt thông, thì không thể ban phép giải tha tội cho họ, mà phải gửi họ, tùy theo trường hợp, tới với vị Chánh Án Tòa Ân Giải Tối Cao thay thế Ðức Giáo Hoàng, hay tới linh mục Chánh Án giáo phận, để họ có thể được tha vạ tuyệt thông trước khi nhận việc xá giải bí tích. Ở đây gương mặt của các Thừa Sai Lòng Thương Xót nổi bật, vì các vị có quyền trực tiếp tha vạ tuyệt thông, rồi ban phép giải tội để khiến cho việc hòa giải của các tín hữu được dễ dàng hơn.

Hỏi: Cha nghĩ gì về sáng kiến này của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Năm Thánh Lòng Thương Xót?

Đáp: Việc tạo ra hình ảnh này của vị Thừa Sai Lòng Thương Xót là một ý tưởng rất hay đẹp của Ðức Thánh Cha. Một mặt nó khiến cho tín hữu suy tư về sự trầm trọng của vài tội. Nhất là tôi nghĩ tới tội phá thai, là một trong các tội phạm bị vạ tuyệt thông, là một tội chắc chắn rất thường xảy ra. Nhưng đồng thời Ðức Thánh Cha cũng đi gặp gỡ các tín hữu qua cử chỉ này, bằng cách khiến cho họ có thể tiếp nhận lòng thương xót của Thiên Chúa một cách dễ dàng hơn, được tỏ hiện qua Giáo Hội.

Hỏi: Ðây cũng là một kiểu giúp tái khám phá ra việc xưng tội hay lãnh bí tích Hòa Giải, có đúng vậy không thưa cha?

Đáp: Vâng, đúng thế. Tôi tin tưởng rằng Năm Thánh ngoại thường này có thể giúp nhiều tín hữu tái khám phá ra vẻ đẹp của bí tích của Lòng Thương Xót, là bí tích Giải Tội. Những trường hợp mà chúng ta đã kể ra trên đây là những trường hợp đặc biệt, nhưng có biết bao tín hữu đã đánh mất đi giá trị của bí tích này, là bí tích có thể sinh ích lợi lớn lao và trợ giúp biết bao người. Vì thế, ngay từ đầu triều đại của ngài Ðức Thánh Cha Phanxicô đã dấn thân mời gọi tín hữu hòa giải với Thiên Chúa, và không mệt mỏi xin ơn tha thứ. Tôi cầu mong rằng một trong các hoa trái của Năm Thánh này là chính việc đưa biết bao người tới gần vẻ đẹp và niềm vui của sự Hoà Giải.