Ngày 08-06-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:50 08/06/2014
TO NHỎ CỦA TÂM HỒN
N2T

Mây nói:
- “Tôi có toàn bộ bầu trời để cho tôi lang thang.”
Chim nói:
- “Tôi có toàn bộ núi non, để cho tôi bay lượn.”
Chúng nó cùng mở miệng cười nhạo hoa sen chỉ có một nhúm đất sét dưới chân để đứng được mà thôi, thế là sen rầu rĩ ủ ê không ngớt oán than.
Đấng tạo hóa thấy vậy an ủi nó:
- “Tại sao con không đem bầu trời, đám mây, núi non, chim sẻ mà thu vào trong lòng con?”
- “Lòng của con thu được rất nhiều thứ đó sao?”

- “Thằng bé ngốc”- Đấng tạo hóa cười nói tiếp: “Trên đời chỉ có tâm hồn là có thể lớn và có thể nhỏ. To lớn thì có thể chứa đựng cả trời đất vạn vật trong đó, và cũng có thể nhỏ đến nỗi ngay cả cái kim chen vào cũng không được!”
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.
Lòng mẹ rộng lớn bao la, đó là điều tự nhiên ai cũng biết, nhưng rộng lớn bao la này thì chỉ đối với con cái của họ mà thôi, còn đối với những đứa trẻ không phải là con họ, họ có bao la như biển Thái Bình không?
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình là lẽ tự nhiên trong trời đất, nhưng nếu nói mỗi người chúng ta có một tấm lòng bao la như biển Thái Bình, thì e rằng có người cười chết.
Vậy mà có người có tấm lòng bao la hơn cả biển Thái Bình, cao hơn trời, ngút ngàn cả vũ trụ: đó là Đức Chúa Giê-su.
Nếu chúng ta có tâm hồn yêu thương dung thứ bao la của Đức Chúa Giê-su thì chúng ta sẽ không còn oán trách, phân bì anh chị em của mình nữa.
Nếu chúng ta có tâm hồn quảng đại khiêm tốn bao la của Đức Chúa Giê-su thì chúng ta sẽ đem tất cả cái hay, cái dở của mọi người cất giấu trong tâm hồn và dâng lên cho Thiên Chúa.
Tâm hồn có thể rất to lớn và có thể nhỏ bé tí, tất cả đều tùy thuộc vào tâm hồn chúng ta có yêu mến Thiên Chúa nhiều hay ít mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:52 08/06/2014
N2T

23. Chúng ta hãy đem tất cả ý nguyện của hy vọng ký thác vào Thiên Chúa và hoàn toàn tín nhiệm Ngài.

(Thánh Camillus de Lellis)
---------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sau cái chết thảm khốc của Farzana, trò “giết con vì danh dự gia đình” lại tái diễn tại Pakistan
Nguyễn Việt Nam
01:16 08/06/2014
Saba Maqsood trước khi bị bắn
Nạn nhân sau khi bị cha, và chú mình bắn
Radio Vatican cho biết một phụ nữ Pakistan sống sót sau một cuộc tấn công của những người thân trong gia đình nói với Reuters hôm thứ Sáu mùng 6 tháng Sáu rằng cô lo sợ cho cuộc sống của mình và kêu gọi chính quyền Pakistan bảo vệ.

Saba Maqsood, 19 tuổi, đã sống sót sau khi bị cha, chú, anh trai và dì cô bắn nhiều phát súng và sau đó bị ném vào một con kênh hôm thứ Ba mùng 3 tháng Sáu. Vụ này xảy ra chỉ một tuần sau cái chết bi thảm của cô Farzana Parveen, người đã bị cha, anh em trai, và người được gia đình hứa gả đánh đập và ném đá cho tới chết hôm 27 tháng 5 ngay trước tiền đình toà án tối cao Pakistan tại Lahore. Nơi cô Maqsood bị bắn cũng chỉ cách chỗ cô Farzana bị giết chỉ có 70km!

Cũng giống như cô Farzana, Maqsood đã làm gia đình tức giận khi kết hôn với người đàn ông mà mình yêu thương cách đó vài ngày ở thành phố Gujranwala trong bang Punjab. Trong xã hội Hồi Giáo Pakistan, hành động này được xem là thách thức những thành phần bảo thủ của Pakistan, nơi phụ nữ được dự kiến phải đồng ý với những cuộc hôn nhân được dàn xếp trước.

Những phát súng do cha và chú cô bắn đã làm nát bên má trái cô và làm cánh tay phải của cô bị thương nặng. Sau đó, cha, chú, anh trai và dì cô đã ném cô xuống con kênh của thành phố Hafizabad trước khi bỏ đi.

Sau ít phút bị ngâm trong nước Maqsood tỉnh lại và cố bơi vào bờ. Hai người qua đường đã giúp đưa cô đến nhà thương.

Saba Maqsood kể lại tại nhà thương với các ký giả như sau:

“Sau khi đưa tôi đến đó, họ bắn tôi. Phát súng đầu tiên trúng vào má tôi. Phát tiếp theo trúng tay. Họ nghĩ rằng tôi đã chết, nhưng tôi đã không chết. Tôi bị ngất đi, nhưng còn sống. Họ bỏ tôi vào bao bố, cột miệng bao lại, và ném tôi ở trong bao bố xuống con kênh. Họ nghĩ rằng tôi đã chết, nhưng tôi chưa chết”.

Vụ giết người vì danh dự gia đình trước đó đã thu hút sự lên án mạnh mẽ của quốc tế. Ngay cả Liên Hiệp Quốc cũng lên án vụ này vì nó quá dã man, lại xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật và giữa chốn thị tứ đông người. Chính vì thế, nhà cầm quyền Pakistan đã điều động cảnh sát đến nhà thương bảo vệ mạng sống cho cô Maqsood.

Luật Umdat al- Salik của Hồi Giáo chương 1, triệt 1 và triệt 2, quy định “người cha hay người mẹ có quyền giết chết con cái hay cháu chắt mình vì danh dự gia đình”. Ủy ban Nhân quyền của Pakistan, cho biết là trong năm 2013 đã có 869 phụ nữ bị giết vì danh dự gia đình. Thông thường, những người phụ nữ phạm tội ngoại tình, hay có thai trước hôn nhân, hay không theo những hôn ước đã được dàn xếp bị xem là làm mất mặt gia đình và bị buộc uống thuốc độc chết.
 
Thái độ Israel và thái độ Palestine đối với sáng kiến cầu nguyện chung
Vũ Văn An
01:12 08/06/2014
Tổng thống Israel Shimon Peres và chủ tịch Palestine Mahmud Abbas có những lý do riêng để tôn trọng ý của Đức Giáo Hoàng muốn giữ cho biến cố cuối tuần này không có bất cứ một tranh cãi nào có thể có. Thực vậy, trong buổi cầu nguyện ngày 8 tháng 6 này, chính trị sẽ là điều vắng bóng.

Ngay khi đưa ra lời mời, Đức Phanxicô đã nói rõ: “buỗi gặp gỡ để cầu nguyện này sẽ không phải để làm trung gian hay nhằm tìm ra giải pháp. Chúng tôi sẽ chỉ gặp nhau để cầu nguyện. Rồi sau đó, ai về nhà nấy”.

Tổng thống Peres và chủ tịch Abbas vốn biết nhau từ lâu và từng trực diện thương thuyết với nhau. Nhưng trong hệ thống chính trị của Israel, vai trò của ông Peres chỉ có tính nghi lễ. Quyền lực thực sự nằm trong tay thủ tướng diều hâu Benjamin Netanyahu.

Netanyahu có cho phép ông Peres mở những cuộc thương thuyết mật ở hậu trường với ông Abbas năm 2011. Hai người đã thực hiện tất cả 4 cuộc thương thuyết, trong đó, ông Peres cho hay họ đã hoàn thành được một dự thảo thỏa hiệp, nhưng sau đó, bị thủ tướng diều hâu bác bỏ.

Thúc đẩy mới về hòa bình do Mỹ đưa ra hồi tháng 7 năm ngoái đã tan vỡ vào đầu năm nay khiến Peres rất thất vọng, vì ông là người đã lãnh giải Nobel hòa bình năm 1994 nhờ góp công vào việc phát động diễn trình thương thảo hòa bình cả hàng chục năm trước đây.

Nay đã 90 tuổi và sắp sửa mãn nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 7 tới, ông không thể làm gì khác hơn là lên tiếng hy vọng các cuộc thương thảo sẽ được mở lại một ngày gần đây.

Văn phòng của ông cho hay: tại Vường Vatican vào hôm Chúa Nhật, ông, ông Abbas và Đức Phanxicô sẽ “đưa ra lời kêu gọi chung cho hòa bình với nhân dân khắp thế giới. Tổng thống sẽ nhấn mạnh đặc biệt tới tầm quan trọng của cuộc đối thoại liên tôn”.

Cam kết với lời yêu cầu của Đức Giáo Hoàng

Người Palestine cũng rất mong muốn cho buổi cầu nguyện chung được tiến hành, bất chấp việc ông Netanyahu quyết định tẩy chay chính phủ hợp nhất mới của Palestine sẽ tuyên thệ vào hôm thứ Hai, 9 tháng 6, với sự hỗ trợ của Hamas, kẻ thù không đội trời chung của Israel.

Ngoại trưởng Riyad al-Malki của Palestine tuyên bố rằng “Chúng tôi cam kết với lời yêu cầu của Đức Giáo Hoàng. Không điều gì mới xẩy ra có thể thay đổi được sự cam kết này”.

Dù một số người Palestine tỏ ý bất mãn đối với việc Đức Phanxicô, trong cuộc tông du vừa qua, đã không minh nhiên kết án các chương trình xây dựng các khu định cư của người Do Thái tại khu vực West Bank, ông Abbas vẫn chào đón cuộc viếng thăm có tính lịch sử của Đức Giáo Hoàng.

Và lời cầu nguyện âm thầm mà Đức Phanxicô thực hiện tại bức tường phân cách ở Bêlem, thuộc West Bank, được người Palestine coi như một cú đảo chính có tính tâm lý.

Thương thuyết gia Saeb Erakat của Palestine nói với hãng tin AFP rằng “Đức Giáo Hoàng tận mắt thấy cuộc chiếm đóng, ngài thấy bức tường tại Palestine”.

Những người duy quốc gia cánh hữu tại Israel cũng nhìn vấn đề như thế. Bình luận gia của tờ Jerusalem Post là Caroline Glick cho cuộc viếng thăm của Đức Phanxicô là “không thân thiện” và tố cáo ngài “đã dẫn Giáo Hội Công Giáo theo hướng bài Do Thái một cách đáng lo ngại. Tiếc thay, thời hoàng kim trong các liên hệ Công Giáo – Do Thái xem như đã tới hồi kết thúc trong lúc Đức Phanxicô tới viếng thăm Đất Thánh”

Ông Peres cũng rất vất vả trong việc xoa dịu các nhậy cảm tôn giáo của người Do Thái liên quan tới buổi cầu nguyện chung mà ông sẽ tham dự tại Vatican. Văn phòng của ông phải lên tiếng cho rằng “Biến cố này sẽ diễn ra tại một địa điểm ở trong vườn, không có bất cứ biểu tượng tôn giáo nào, và nó cũng không phải là nơi để cầu nguyện, như thế là phù hợp với truyền thống Do Thái”.

Trước khi lên đường, ông Peres cũng đã nói chuyện với Giáo Trưởng Yitzhak Yosef, người đã ca ngợi các cố gắng phục vụ hòa bình của ông và chúc ông lên đường may mắn.
 
Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe hội kiến với ĐGH Phanxicô
Nguyễn Long Thao
09:55 08/06/2014

Vatican 6/6/2014.- Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe tại Tòa Thánh Vatican vào ngày thứ Sáu 6/6/2014. Sau đó Thủ Tướng đã được Đức TGM Dominique Mamberti, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, tháp tùng đến hội kiến Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Pietro Parolin.

Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết nội dung cuộc hội kiến giữa Thủ Tướng Nhật và ĐHY Parolin đã đề cập đến việc hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa Tòa Thánh và Nhật Bản trong các vấn đề giáo dục, y tế và an sinh xã hội.

Cuộc hội kiến cũng đề cập đến hiện tình chính trị tại khu vực Á Châu và quốc tế. Hai bên đều đề cao sáng kiến thăng tiến hòa bình và ổn định tại Á Châu. Về Phi Châu, Nhật Bản cam kết hợp tác và phát triển lục điạ này và chú trọng tới môi trường và giải trừ vũ khí nguyên tử.
 
Tường trình báo chí về buổi cầu nguyện chung
Vũ Văn An
20:27 08/06/2014
Bloomberg đăng hình Đức Phanxicô cùng ngồi tại Vườn Vatican với hai nguyên thủ quốc gia Israel và Palestine. Ba vị có ba thế thân khác nhau: Đức Phanxicô chỉnh tề trên ghế chăm chú theo dõi bản văn nghi lễ; bên phải ngài, ông Peres cũng chỉnh tề nhưng không nhìn vào bản văn, trái lại nhìn thẳng về phía trước; bên trái ngài, ông Abbas ngồi tựa khủyu tay vào tay ghế, mắt chăm chú nhìn vào sách nghi lễ.

Andrew Frye và Alessandra Migliaccio của Bloomberg cho hay ba vị gặp nhau “để cầu nguyện theo nhóm và thương thảo tư riêng về hòa bình”. Đức Phanxicô thì cho biến cố này một chiều kích thật rộng lớn. Ngài nói: sự hiện diện của hai ông Peres và Abbas là “một biểu tượng lớn của tình anh em”. Theo ngài, người đang sống có trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai và những ai từng mất mạng sống trong việc mưu tìm hòa bình.

Ngài cầu nguyện: “Nhiều lần, nhiều năm, chúng con đã cố gắng giải quyết các xung đột của chúng con bằng sức mạnh và vũ khí với không biết bao thời khắc thù nghịch và đen tối, biết bao máu đào đổ ra, biết bao cuộc đời tan nát, biết bao niềm hy vọng bị chôn vùi. Nhưng các cố gắng của chúng con chẳng đi tới đâu. Giờ đây, lạy Chúa, xin chính Chúa ban hòa bình cho chúng con”.

Tờ New York Times thì đăng hình Abbas đang ôm Peres, lưng quay vào ống kính; Peres nhìn thẳng phía trước mỉm cười, trong khi Đức Phanxicô mỉm cười đứng nhìn. Jim Yardley và Jodi Rudoren của tờ này đặt tựa đề cho tường trình của họ là “Tại Vatican, Ngày Cầu Nguyện Tập Chú vào Đoàn Kết”.

Hai ký giả này cho hay đây là một buổi nghi lễ cực kỳ có tính biểu tượng, một “thượng đỉnh cầu nguyện” được đạo diễn cẩn trọng tại Vườn Vatican. Câu hai ký giả này lưu tâm nhất là câu nói của Đức Phanxicô: “Tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ hôm nay sẽ đánh dấu buổi khởi đầu của một hành trình mới để ta tìm kiếm những gì đoàn kết, ngõ hầu vượt qua được những gì chia rẽ”.

Chính vì thế, trong suốt buổi lễ, ông Peres và ông Abbas đã tránh mọi tuyên truyền chính trị quen thuộc. Không ai nhắc tới cuộc chiến năm 1967 hay các biện pháp an ninh hiện thời. Ông Abbas không sử dụng chữ “chiếm đóng” cũng chẳng sử dụng chữ Israel, tuy có nhắc tới người Do Thái.

Tuy thế, vẫn có những ám chỉ khá khiêu khích. Ông Abbas gọi Giêrusalem, vốn được hai bên coi như thủ đô của mình, là “Thành Thánh của chúng tôi” và nói tới “Đất Thánh Palestine”. Còn ông Peres thì mô tả Giêrusalem là “trái tim sinh động của nhân dân Do Thái” và là “chiếc nôi của ba tôn giáo độc thần”.

Ông Abbas cũng cầu nguyện cho một “quốc gia có chủ quyền và độc lập” và nói rằng người Palestine “khao khát một nền hòa bình công chính, một lối sống xứng đáng và được tự do” ngụ ý rằng họ đang bị tước các quyền này dưới sự chiếm đóng của Israel.

Ông Peres không nhắc tới các vụ tấn công bằng hỏa tiễn từ Giải Gaza, nhưng có gián tiếp nói tới chúng bằng cách trích dẫn Thánh Kinh rằng: “Dân tộc này không dùng gươm giáo chống lại dân tộc kia, họ cũng không huấn luyện về chiến tranh nữa”.

Trước buổi lễ tại Vườn Vatican, ba vị cỡi xe búyt nhỏ tới, cùng với Thượng Phụ Barthôlômêô của Constantinople, nhà lãnh đạo tinh thần thế giới Chính Thống Giáo. Có những lúc, họ cùng phá lên cười với nhau.

Reuters đăng tới ba tấm hình. Tấm thứ nhất cho thấy Đức Phanxicô đang đọc diễn văn (chắc là bằng tiếng Ý?). Trong khi ấy, ông Peres chăm chú dán mắt vào một tờ giấy khổ A4 mở rộng (có thể là 1 bản dịch sang tiếng Do Thái) còn ông Abbas thì tay cũng cầm tờ giấy cùng khổ nhưng mắt lại hướng về Đức Phanxicô. Bức thứ hai chụp ông Abbas đang nắm tay Đức Phanxicô nhưng hai vị không nhìn nhau, trong khi ông Peres đứng xa mỉm cười nhìn, không thẳng lắm. Bức thứ ba chụp Đức Phanxicô ôm vai ông Peres, hai người nhìn thẳng vào mặt nhau, trong khi ông Abbas đứng khá xa, nghiêm chỉnh nhìn tới chỗ hai vị kia.

Philip Pullella của hãng tin này đặt tựa đề cho bài tường trình của mình là “Đức Giáo Hoàng nói: người Do Thái và người Palestine phải tìm kiếm hòa bình 'một cách dũng cảm trong đối thoại'”.

Ngài nói với hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine rằng họ nên đáp ứng khát vọng hòa bình của nhân dân hai nước. Ngài nói: “kiến tạo hòa bình đòi phải có can đảm, nhiều hơn là gây chiến. Nó đòi ta can đảm để nói có với gặp gỡ và nói không với tranh chấp; nói có với đối thoại và nói không với bạo lực; nói có với thương thuyết và nói không với thù nghịch”.

Trong dịp này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: việc các trẻ em trở thành nạn nhân vô tội của chiến tranh và tranh chấp khiến việc tìm kiếm hòa bình trở thành một mệnh lệnh. Ngài bảo: “ký ức về các trẻ em này truyền dẫn trong ta lòng can đảm của hòa bình, sức mạnh để ta trì chí một cách dũng cảm trong đối thoại”.

Ông Peres, nay đã 90 tuổi và sắp rời bỏ chức vụ vào tháng 7 này, thì cho hay: ông là một ông già từng “chứng kiến chiến tranh” và “nếm thử hòa bình”; theo ông, mọi nhà lãnh đạo có nghĩa vụ phải đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái họ.

Ông Abbas thì cầu xin Thiên Chúa “đem hoà bình toàn diện và công chính lại cho nước và vùng chúng con để nhân dân chúng con và nhân dân Trung Đông cũng như nhân dân khắp thế giới được hưởng thành quả của hòa bình, ổn định và chung sống”.

Đức Giáo Hoàng, hai nhà lãnh đạo chính trị và Thượng Phụ Barthôlômêô đã cùng trồng một cây Ôliu, còn các phái đoàn thì bắt tay nhau trong khi nhạc được trổ lên. Bốn vị sau đó đã nói chuyện riêng với nhau trong 20 phút trước khi hai ông Peres và Abbas rời Vatican.

Cần nhắc lại rằng các giới chức Vatican luôn dè dặt đối với các hy vọng cho rằng cuộc gặp gỡ này sẽ dẫn tới việc khai thông tức khắc các bế tắc thương thuyết hiện nay giữa Israel và Palestine. Vatican nói rõ mình không muốn pha mình vào các vấn đề của vùng và cũng không muốn dính líu vào các chi tiết của thương thuyết.

Thủ tường Israel, ông Benjamin Netanyahu, người quyết định chính của Israel, không tham dự buổi cầu nguyện này và cũng từ khước không chịu liên lạc với chính phủ đoàn kết của Palestine. Ông cũng không đưa ra lời nhận định trực tiếp nào về buổi cầu nguyện chung này. Tuy nhiên, trong một nhận xét vào hôm Chúa Nhật vừa qua tại căn cứ cảnh sát bán quân sự, ông có gợi ý rằng: cầu nguyện không thay thế được cho an ninh. Ông nói với cảnh sát: “Hàng ngàn năm nay, nhân dân Israel đã ngày ngày cầu nguyện cho hòa bình. Nhưng cho tới khi hòa bình xuất hiện, chúng tôi vẫn phải tiếp tục tăng cường các bạn để các bạn có thể tiếp tục bảo vệ Quốc Gia Israel. Xét đến cùng, đó là điều bảo đảm tương lai của chúng ta và cũng sẽ đem lại được hòa bình”.

Tờ Haaretz tại Giêrusalem thì đăng lại tấm hình như của Bloomberg trên đây, nhưng trong hình này có thêm một vị giáo sĩ Do Thái đang đứng ở bục nghi lễ. Tờ này chỉ đăng lại các tường trình của Reuters và AP và cho hay đây là “buổi gặp gỡ cầu nguyện chưa có tiền lệ”.

Hai tường trình này thuật lại cảnh tượng tại Nhà Thánh Mácta nơi ông Peres và ông Abbas ôm hôn nhau, “đùa dỡn với nhau”.

Về chính cuộc gặp gỡ, tuy giới chức Vatican không nhấn mạnh tới chiều kích chính trị, nhưng linh mục Thomas Reese, một nhà phân tích kỳ cựu về Vatican trên tờ National Catholic Reporter, cho hay “Ở Trung Đông, các cử chỉ và những bước thay đổi nhỏ có tính biểu tượng là điều rất quan trọng. .. Vả lại ai biết được phía sau cánh cửa kín mít tại Vatican đang xẩy ra những cuộc thảo luận nào”.

Chính quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, cũng nói rằng không nên coi thường sức mạnh của cầu nguyện trong việc thay đổi thực tại. Ngài nói: “Cầu nguyện có sức mạnh chính trị mà ta có thể không nhận ra… Cầu nguyện có thể biến đổi các tâm hồn và do đó biến đổi lịch sử”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thăm gia đình một nạn nhân thuộc giáo xứ Quan Lãng chết ở Thái Lan
Phạm Anh
18:32 08/06/2014
VINH - Hiệp thông với lời kêu gọi của Đức Giám Mục giáo phận về tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn trong vụ tai nạn tại kinh hoàng tại Thái Lan và Chia sẻ với những nỗi đau thương mất mát của gia đình các nạn nhân, sáng nay, Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, cha Quản hạt Antôn Hoàng Đức Luyến cùng với giáo xứ Bột Đà đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn và các gia đình nạn nhân trong vụ tại nạn vừa qua. Trong thánh lễ này, hưởng ứng lời kêu gọi của cha quản hạt, HĐMV giáo xứ bà con giáo dân mỗi người một ít tùy lòng hảo tâm đã góp một lời cầu nguyện, một nén hương và phần quà để giúp đỡ động viên gia đình chị Anna Trần Thị Ngọc ở giáo xứ Quan Lãng.

Sau thánh lễ, Cha quản hạt, đại diện quý thầy chủng sinh ở giáo xứ Bột Đà, quý thầy cộng đoàn Antôn, đại diện HĐMV giáo xứ, giáo họ Bột Đà, ban Caritas của giáo xứ, và đại diện bà con giáo dân giáo xứ Bột Đà đã đến thắp hương cầu nguyện và chia sẻ nỗi đau cùng gia đình chị Anna.

Khi đến giáo xứ Quan Lãng, cha và đoàn đã cùng với cha quản xứ Quan Lãng Giuse Ngô Văn Hậu và ông đại diện HĐMV giáo xứ Quan Lãng đến và thắp hương trước di ảnh của chị Trần Thị Ngọc. Đứng trước di ảnh, quý cha và mọi người đã phó thác linh hồn người con thân yêu của giáo xứ giáo hạt cho lòng thương xót Chúa. Nguyện xin Chúa đoái thương mở lượng hải hà tha thứ những lỗi lầm của chị khi còn sống để chị được hưởng cuộc sống trường sinh trên Thiên Đàng.

Quý cha và mọi người cũng đã thăm hỏi, động viên và chia sẻ nỗi đau về sự ra đi đột ngột của chị Anna đối với anh Trần Văn Đông là chồng của chị và toàn thể tang quyến.

Khi hỏi thăm về chị Anna qua người chồng của chị. Anh cho biết, mặc dù là một người phụ nữ trẻ tuổi lại phải lo làm ăn kiếm tiền về xây dựng cuộc sống gia đình, nhưng chị là một người rất năng nổ và nhiệt tình trong các công tác từ thiện và truyền giáo ở Thái Lan. Có nhiều chuyến công tác phải đi đến hai ba ngày, nhưng chị vẫn thu xếp công việc và tham gia cùng quý cha và đoàn từ thiện.

Khi hỏi về gia cảnh của chị chúng tôi được biết chị sinh năm 1991, và đã lấy chồng được 5 năm và có một cháu gái, hiện đang sống chung với bố mẹ chồng tại giáo họ Hội Phước, giáo xứ Quan Lãng. Con gái của chị tên là Trần khánh Linh, gần 4 tuổi. Sau khi kết hôn, do cuộc sống mưu sinh ở quê nhà khó khăn nên hai anh chị đã tìm đường sang Thái Lan làm việc để hi vọng kiếm được đủ tiền về xây dựng một ngôi nhà và tạo lập cuộc sống cho gia đình và con cái sau này. Ngôi nhà cả hai vợ chồng chị cùng chung sức xây dựng đang còn dở dang và có lẽ chưa biết khi nào hoàn thành.

Giờ đây, chị phải bỏ lại phía sau bao dự định, bao ước mơ. Bỏ lại đứa con thơ và căn nhà đang xây dở dang cho người chồng, để chị ra đi theo tiếng gọi của Chúa. Chị đã ra đi trong niềm thương tiếc của bao nhiều người. Bao nhiêu dọt nước mắt đã rơi để thương cảm cho số phận mong manh của một kiếp người.

Lạy Chúa, con như người thợ dệt
Đang mải dệt đời mình
Bỗng nhiên bị tay Chúa
Cắt đứt ngay hàng chỉ.
(Tc Is 38,12)

Xin Chúa thứ tha những lỗi lầm mà chị đã sai phạm và thương dẫn đưa linh hồn chị vào cõi trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho những người trông cậy Chúa.
 
Giáo phận Vinh: Thăm viếng gia đình các nạn nhân bị tai nạn tại Thái Lan
GP Vinh
17:00 08/06/2014
GPVO - Khi nghe tin vụ tai nạn kinh hoàng trên tỉnh lộ 201 Chaiyaphum - Phae, thuộc tỉnh Chaiyaphum ở Đông Bắc Thái Lan, khiến 13 người chết, hầu hết là con cái giáo phận Vinh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp - Giám mục giáo phận rất đau buồn. Hiệp thông, chia sẻ bằng lời cầu nguyện, sự thăm hỏi động viên người thân trong gia đình các nạn nhân đã được thực hiện ngay sau khi Đức Cha Phaolô trở về Tòa giám mục, kết thúc chuyến thăm tại Hoa Kỳ.

Xem Hình

Sáng ngày 5.6.2014, cha Bênađô Trần Xuân Thùy, Quản lý Tòa giám mục; cha Phêrô Nguyễn Đoài, Phó giám đốc Tiền chủng viện Xã Đoài; cha Antôn Lê Công Lượng, Phó ban Caritas và xơ Maria Nguyễn Thị Mùi, ban Caritas giáo phận, đã đến thắp hương cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân, đồng thời thăm hỏi động viên thân nhân của họ thuộc giáo xứ Phú Linh, Quan Lãng, Yên Lạc (Nghệ An) và Đông Cường (Hà Tĩnh).

Trước di ảnh của những người quá cố, quý cha đã thắp nén hương và dâng lời nguyện cầu: Nhờ lượng từ bi và nhân hậu của Chúa, xin đoái thương tha thứ mọi lỗi lầm mà anh chị em chúng con đã phạm vì sự yếu đuối của kiếp người, và xin Chúa thương dẫn đưa linh hồn anh chị em chúng con vào cõi trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho những người trông cậy Chúa.

Toàn giáo phận đang sống trong những ngày tang thương. Cảnh tử biệt sinh ly, cha mẹ mất con, chồng mất vợ, con mất mẹ... thật thảm thiết đau buồn cho các gia đình nạn nhân và mọi người trong giáo phận Vinh.

Ai về vùng đất Nghệ An - Hà Tĩnh vào những ngày hè như năm nay, mới thấy hết cái nắng gay gắt như đổ lửa trên mảnh đất gió Lào và cát trắng này. Hết mùa nắng nóng nực lại sang mùa mưa bão, cứ thế thiên tai “đến hẹn lại về” trên dải đất miền Trung, vì thế "đây là vùng đất nhiều người ít của và chậm phát triển, thiếu hụt trầm trọng công ăn việc làm". Đã thế, mảnh đất này còn hứng chịu nhiều nhân tai, hậu quả của một cơ chế "nặng tính giáo điều và ít sáng tạo"... Vì thế "đại đa số giáo dân giáo phận Vinh sinh sống ở miền quê, thất học và ít cơ hội thăng tiến, vì vậy là thành phần nghèo và thiệt thòi nhất trong xã hội. Thêm vào đó, vì niềm tin Kitô giáo, vô hình trung họ phải gánh chịu thêm một số thiệt thòi và phân biệt đối xử khác". Người dân phải bỏ quê hương xứ sở ra đi để tìm kiếm công ăn việc làm là hệ quả tất yếu của những điều kiện hà khắc đó. Các nạn nhân là những người tuổi đời còn trẻ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì cuộc mưu sinh mà phải "tha phương cầu thực".

Chúng tôi đến giáo xứ Phú Linh, điểm thăm viếng đầu tiên trong chuyến mục vụ bác ái, thắp hương cầu nguyện cho linh hồn em Phêrô Trần Xuân Quyền. Sinh năm 1998, sau khi tốt nghiệp THCS vào năm 2013, Quyền không thi vào được trường cấp III như mình mong muốn. Học trường dân lập thì không đủ học phí, em đã quyết định nghỉ học để đi làm. Nói chuyện với chúng tôi trong nghẹn ngào nước mắt, mẹ của em Quyền cho biết: "Cũng vì thương bố mẹ nghèo, không đủ kinh phí cho ăn học, cháu quyết định đi Thái Lan với anh làm vài tháng, kiếm tiền về đi học tiếp... Nhưng không ngờ cháu đi rồi đi luôn".

Đúng 10 giờ trưa, chúng tôi đến giáo xứ Quan Lãng thăm gia đình chị Anna Trần Thị Ngọc, thấy một bé gái độ 4 tuổi đang ngồi thu mình bên bờ tường, lối dẫn vào nhà cha mẹ chồng, đó là cháu Trần Khánh Linh, con của chị. "Linh có nhớ mẹ không? Mẹ đi đâu con biết không?..." Linh không nói gì, cháu nhìn xa... không hiểu chuyện gì đang xẩy ra, bởi cái cảm giác thiếu vắng mẹ là chuyện bình thường với Linh, nhưng trong ánh mắt hồn nhiên thơ ngây ấy khiến người lớn chúng ta buồn thật nhiều: Sẽ không còn được gọi tiếng mẹ ơi, sẽ cô đơn, lạc lõng trong những bước đi chập chững vào đời. Can đảm lên con nhé! "Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa/thì hãy còn có Chúa đón nhận con" (Tv 27,10) - Tôi thầm động viên cháu. Sinh năm 1991, chị Anna Trần Thị Ngọc đã lấy chồng được 5 năm và có một cháu gái, hiện đang sống chung với bố mẹ chồng tại giáo họ Hội Phước, giáo xứ Quan Lãng. Ngôi nhà đang xây dở còn phải chờ vào những đồng tiền lao công của chị ở xứ người cùng anh Trần Minh Đông - chồng chị - chung tay góp sức để hoàn thiện.

Cùng có hoàn cảnh tương tự, chị Maria Bùi Thị Hồng Minh, sinh năm 1989, quê ở giáo xứ Kẻ Tùng lấy chồng và sinh sống tại giáo xứ Đông Cường. Gửi 2 con thơ dại cho ông bà nội chăm sóc, chị cùng chồng sang Thái Lan làm việc từ tháng 9 năm 2013. Tai nạn thương tâm đã cướp đi người mẹ của 2 cháu: đứa đầu 4 tuổi, đứa thứ hai 2 tuổi. Ngồi trong lòng tay bà ngoại, 2 đứa trẻ hầu như không biết chuyện gì. Ánh mắt trong sáng hồn nhiên của chúng lúc này phản ảnh một sự bình an như không hề có chuyện gì xẩy ra. Một mai, khi lớn lên, những đứa trẻ thiếu nguồn sữa tình thương của mẹ hẳn sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi. Mãi mãi không có những kỷ niệm về mẹ, vì "hầu như 2 cháu chỉ sống với ông bà, còn mẹ nó, vì cuộc sống khó khăn phải bươn chải khắp nơi để kiếm tiền nuôi sống gia đình nên ít khi ở nhà. Đứa thứ hai chỉ quen gọi bà mà thôi" - bà nội của 2 cháu nói chuyện với chúng tôi.

Nhìn những cánh đồng trơ trọi với những luống đất nứt nẻ phơi mình dưới cái nắng hè rực lửa như thiêu đốt, mới thấy hết cái thảm thương của người dân miền Trung. Cuộc sống cơ cực là thế nhưng họ vẫn không nỡ khoanh tay ngồi nhìn hay than vãn trước thời cuộc. Đi để hy vọng đổi đời, để tìm một lối thoát cho cảnh nghèo đói là ước vọng của bao người dân nơi đây. Ở một vùng quê như thế (giáo xứ Yên Lạc), mất cha từ năm 2003, Trung - người anh cả trong gia đình có 5 anh chị em - đã phải ra đi tìm kiếm việc làm có tiền giúp đỡ mẹ lo cho các em ăn học. Năm nay anh tròn 25 tuổi, 7 năm sống và làm việc ở Thái Lan, mỗi năm anh chỉ về nhà vào dịp Tết hay lễ quan thầy Antôn. Bỏ lại phía sau bao đau thương nuối tiếc của mẹ và đàn em, gửi lại bạn bè cùng trang lứa những kỷ niệm của tuổi trẻ, chào xứ sở và người thân, Trung đã vĩnh viễn ra đi, nằm sâu trong lòng đất lạnh. Xin Chúa thứ tha cho anh những lỗi lầm mà tuổi xuân trót dại đã sai phạm để anh được nghỉ giấc ngàn thu.

Cỏ cây và cảnh vật hình như cũng khoác lấy một màu ảm đạm, thê lương, tiêu điều, xơ xác, khiến chúng ta nhớ đến câu thơ của Cung oán: "Phong trần đến cả sơn khê/Tang thương đến cả cây kia cỏ này". Trong nỗi đau tử biệt sinh ly, sự chia sẻ của Đức Cha Phaolô, của Ban Caritas giáo phận đã phần nào làm vơi đi nỗi buồn của người thân các nạn nhân. "Vui với người vui, khóc với người khóc", sống di ngôn của Thánh Phaolô tông đồ thật ý nghĩa trong hoàn cảnh đau thương này. Và đó cũng là cách sống theo lời dạy của Công đồng Vatican II trong Hiến chế Gaudium et Spes: "Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ".

Địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có Cha Giuse Trần Đức Mai, Ban Cariatas giáo phận cùng nhóm tình nguyện viên Caritas hoạt động trong công việc bảo vệ sự sống, thuộc các nhóm Giêrado Hà Tĩnh, Mẹ hằng cứu giúp Nghĩa Yên, Faustina Vinh tới thắp hương cầu nguyện, thăm hỏi và chia buồn với gia đình các nạn nhân. Mọi người cảm thông sâu sắc với các gia đình nạn nhân đang ngày đêm trông ngóng đợi chờ tin tức, nhất là gia đình có hai em còn may mắn sống sót. Đó là gia đình em Phêrô Nguyễn Văn Anh ở giáo xứ Lộc Thủy và gia đình em Thắng ở giáo xứ Trại Lê.

Sáng ngày 07.06.2014, sau khi dâng lễ tại Nhà nguyện Phòng khám đa khoa Tòa giám mục Xã Đoài, Đức Cha Phaolô đã tới thăm anh Nguyễn Hữu Nghị 26 tuổi, thuộc giáo xứ Lưu Mỹ, nạn nhân sống sót trong chuyến xe định mệnh hôm 2/6 tại Thái Lan. Theo bác sĩ cho biết, anh Minh bị thương nặng, nay chưa tự tiểu tiện được, đôi chân quấn chặt bằng băng chun vì cả hai chân gãy thành nhiều khúc, 2 răng cửa bị gãy và nhiều vết xây xước trên cơ thể. Đức Cha cũng thăm hỏi về tình hình hiện nay đối với những anh chị em đã tử thương.

Qua thực tế chúng tôi được biết, hầu hết các nạn nhân và gia đình của họ có hoàn cảnh rất khó khăn, đặc biệt như gia đình ông Đặng Văn Tuấn, bố của nạn nhân Maria Đặng Thị Hương (giáo xứ Phương Mỹ thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), là trường hợp đặc biệt khó khăn. Được biết, Hương là con thứ ba trong gia đình có 7 anh chị em nhưng có 3 người (chị cả và 2 em trai) bị dị tật từ nhỏ lại hay đau ốm liên miên. Thế nên mọi chi phí trong nhà, tiền thuốc thang, tiền học hành đều phụ thuộc vào số tiền ít ỏi mà Hương gửi về.

Trước tình cảnh đó chúng tôi thiết tha kêu gọi sự hỗ trợ giúp đỡ của mọi người.

Mọi sự đóng góp xin gửi về:

Tòa Giám mục Xã Đoài theo chương mục sau:
Vietcombank Vinh branch, 20 Quang Trung, Tp Vinh
Swift: BFTVVNVX 010
Số tài khoản:
- 0101001025009 (VNĐ)
- 0101371024985 (USD)
Chủ tài khoản: Nguyễn Thái Hợp
 
CĐ Mẹ La Vang Las Vegas mừng kỷ niệm Linh Mục hai cha Nguyễn Đức Trọng và Đồng Minh Quang
Phan Văn Sỹ
16:40 08/06/2014
CỘNG ĐOÀN MẸ LA VANG TỔ CHỨC MỪNG KỶ NIỆM 68 NĂM

“Thiên Chức Linh Mục hai cha Giuse Nguyễn Đức Trọng & Giuse Đồng Minh Quang”

1-Ngày Chúa Nhật 1-6-2014 tại Đền Thánh Mẹ La Vang Las Vegas như một ngày hội lớn: Giáo dân đổ về quây quần cùng nhau tham dự thánh lễ, văn nghệ, tiệc vui mừng ngày kỷ niệm 68 năm Thiên Chức Linh Mục của hai cha: 23 năm Thiên Chức Linh Mục cha Giám Đốc Giuse Đồng Minh Quang”24-5”, 45 năm Thiên Chức Linh Mục cha Sáng Lập Giuse Nguyễn Đức Trọng “1-6” như để tri ân người có công Sáng Lập Đền Thánh Mẹ La Vang. Cha Quang đã ưu ái , kinh vị tiền nhiệm nên dời lại tổ chức cùng ngày với cha Trọng cho thêm tình mặn nồng người trồng kẻ vun tưới Cộng Đoàn Mẹ La Vang được tươi tốt như ngày hôm nay.

2-(a)-Trong phần chia sẻ sau Phúc Âm thanh lễ ban sáng, cha Trọng kể câu chuyện “Cây Tre”: Ngài được nghe khi còn là chủng sinh để ví von đời linh mục phải hy sinh, sả thân để mang lại nhiều hoa trái: “Trong vườn thượng uyển, nhà vua trồng nhiều cây cối , có chỗ xanh tươi tốt, nhưng cũng có những khu cây cối còn èo uột, khô cằn vì thiếu nước, vị vua tiến đến ngắm một cây tre xanh tươi, cao to, ông có vẻ mãn nguyện với cây tre này, và cây tre cũng cảm thấy hãnh diện, ông vỗ vào cây tre và nói: “Ước chi mọi cây cối trong vườn này đều được xanh tưoi tốt như cây tre này, muốn vậy con phải hy sinh, ta sẽ đốn con xuống”. Nghe vậy cây tre sa sầm nét mặt, ông nói tiếp, không những vậy, ta còn chặt tay chân của con đi, bổ con ra làm hai…cây tre nghe thêm càng tái tê trong lòng, ông lại tiếp, ta còn cho người ta móc ruột con ra. Niềm vui của cây tre buổi ban đầu được khen và được vua ưu ái thì vui lắm nhưng khi nghe phải bị đốn xuống, chặt chân, chặt tay, móc ruột… thì xìu hẳn xuống, buồn lắm. Cuối cùng cây tre được dùng làm máng dẫn nước từ nguồn chảy về tưới cho vườn thượng uyển của nhà vua, làm cho các cây cối èo ọt, khô héo được xanh tươi tốt. Cây tre lúc đó nghĩ đến ý thiện hảo của nhà vua là dùng mình làm khí cụ đem lợi ích cho các bạn đồng lứa trong vườn và cây tre vui mừng vì cảm nghiệm sự hy sinh của mình thật ích lợi. Cha Trọng kết luận: “Sống đời tận hiến là tận hiến tận cùng đời linh mục, 68 năm chúng tôi cố gắng trong cuộc sống, luôn dâng thanh lễ tạ ơn trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

(b)-Trong thanh lễ 6:30 pm. chiều Chúa Nhật 1-6-2014: Với bốn linh mục đồng tế: Cha Trọng, cha quang, cha Thiệu và cha Trí. Trong tâm tình thanh lễ Tạ Ơn 68 năm Thiên Chức Linh Mục, phần chia sẻ sau Lời Chúa, cha Quang mời mọi người cùng ca đoàn hát bài: “Hồng Ân Thiên Chúa” của nhạc sĩ Nguyễn Khắc Tuần: “Hồng Ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người, qua bao nhiêu dòng đời dưới thế, qua bao nhiêu thế hệ dương gian, tung hô chân lý cao quang, miệng con theo với cung đàn hoan ca” rồi cha Quang tiếp: “Anh em linh mục chúng tôi luôn dâng thánh lễ hằng ngày để Tạ Ơn bao Hồng Ân Thiên Chúa trao ban, tạ ơn tất cả những gì mình có được và nhận được qua Chúa và tha nhân và dù sống trong hoàn cảnh nào, trách nhiệm nào, bổn phận nào cũng cố gắng trở nên dấu chỉ của Thiên Chúa trong đức tin, trong ơn gọi và luôn thốt lên lời Tạ Ơn – Cám Ơn và cùng giúp lẫn nhau xây dựng Cộng Đoàn Dân Chúa. Rồi ngài kể về những sinh hoạt về hưu của cha Trọng, cha Trọng, ngài vui với cuộc sống lấy câu nói vui là đã gia nhập Hội ACCC “Ăn Chơi Chờ Chết” nhưng vẫn sống trọn vẹn trong ơn gọi của những ngày cuối đời, ngài kể nhiều khi dâng thanh lễ một mình không có giáo dân, nên mình tự xướng, tự đáp, nhưng vẫn làm trọn vẹn sự cao quí của thanh lễ để tận hiến hầu chia sẻ ơn thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn hay những ơn cần thiết cho Giáo Hội, đất nước, thế giới, cho người thân, cho Cộng Đồng dân Chúa nơi nơi…

Kết hai thánh lễ Ca Đoàn Đức Mẹ La Vang đã chọn bài hát thật ý nghĩa nói lên sự hy sinh tận hiến của đời linh mục tuyệt vời đáng trân quí: “Từ Rất Xa khơi” của nhạc sĩ Đỗ Vy Hạ: “Từ rất xa khơi, Người đã gọi tôi đi giữa lòng đời rao truyền tin mới, từ rất xa khơi Người đã chọn tôi đi vào thế giới rắc gieo tình người…Xin cho đôi chân tôi miệt mài để từ nay bước đi hoài ngọt lời rao tin mới…và vòng tay ôm trùng khơi!”

(c)-Sau thanh lễ chiều, giáo dân Cộng Đoàn Mẹ La Vang và khách mời cùng thân hữu qui tụ đông đảo: Để tham dự Tiệc Mừng Kỷ Niệm 68 Năm Thiên Chức Linh Mục của hai cha. Mở đầu bữa tiệc vui, anh Trần Xuân Huân, Đại Diện Cộng Đoàn lên ngỏ đôi lời cám ơn hai cha Sáng Lập Giuse Nguyễn Đức Trọng và cha Giám Đốc Giuse Đồng Minh Quang, anh nói: “Trong niềm hân hoan của ngày vui trọng đại mừng kỷ niệm 68 năm Thiên Chúc Linh Mục của hai cha Chánh Xứ Giuse Đồng Minh Quang và cha Sáng Lập Giuse Nguyễn Đức Trọng, thay mặt HĐMV. và Cộng Đoàn Mẹ La Vang, chúng con chân thành chúc mừng: Cha Quang : 23 Năm Thiên Chúc Linh Mục, cha Trọng 45 Năm Thiên Chức Linh Mục. Xin Chúa qua Mẹ La Vang ban xuống quí cha nhiều sức khỏe và tràn đầy Hồng Ân, hầu tiếp nối dìu dắt Cộng Đoàn ngày một phát triển. Chúng con luôn ghi nhớ công ơn quí cha đã hy sinh hết tâm huyết để gầy dựng và phát triển Cộng Đoàn và Đền Thánh để chúng con lớn mạnh như ngày nay. Người trồng, kẻ vun tưới. Sau đó anh Huân đọc bài thơ: “Nợ Tình” của cha Sáng Lập Giuse Nguyễn Đức Trọng để lại trong 5 năm qua như gửi gấm, giãi bày tâm sự đời linh mục của ngài khi về hưu:

“Nợ tình trả Chúa “Con Đây”,

“Keo sơn, gắn bó đong đầy Hiến Dâng.

“Bên Thầy Chí Thánh Xin Vâng,

“Chân nai nhón gót, Tin Mừng gặt, gieo.

“Nắng, mưa, ấm, lạnh cuốn theo,

“Bụi đường đau rát, nhăn nheo tình người.

“Xôn xao ngoài ngõ Chúa ơi,

“Trăm người, trăm ý, ngàn lời biện minh.

“Tạ ơn Thiên Chúa chuyện mình,

“Sáu mươi Tám Năm DuyênTình Thánh Ân.

“Ngàn năm thề hứa một lần,

“Con đây Thượng Tế, trao thân, gửi đời.”

(d)-Dứt lời, anh Đại diện Trần Xuân Huân mời hai cha lên làm phép của ăn: Hai cha Guise Nguyễn Đức Trọng và Giuse Đồng Minh Quang bước lên sân khấu, cha Trọng mời mọi người cùng đứng lên hát bài: “Tâm Tình Hiến Dâng “ của nhạc sĩ Oanh Sông Lam: “biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi báo đền, Hồng Ân Chúa cao vời, Chúa đã làm cho con…”Cha Trọng vừa hát vừa làm cử điệu diễn tả ca dâng ngợi khen, tạ ơn Thiên Chúa để mọi người cùng làm theo, nhìn và hát rất sốt sáng, rất cảm động như hòa chung niềm vui tri ân cùng hai cha.

(e)-Dứt bài hát hai cha làm phép của ăn xong, MC. Anh Nguyễn Văn Khánh cùng chị Liêu Trinh: Tiến lên sân khấu điều khiển chương trình. Chương trình phụ diễn văn nghệ cho tiệc vui có nhiều màn rất vui, hấp dẫn: Đơn ca, song ca, múa, hợp ca…Có những ca khúc rất súc tích nói lên tâm tình và thiên chức linh mục như bài: “Đời Linh Mục” hay “Ngài Có Đó” của nhạc sĩ Kim Long. Đặc sắc nhất là hai cha và Hội Thánh Giuse đồng ca và quí soeur Dòng Mến Thánh Giá vừa ca vừa vũ thật tuyệt vời bài : “Xin Tin Yêu Vào Nơi Đức Kitô” của nhạc sĩ Ngọc Huân. Về phần ẩm thực kỳ này được anh em trong Hội Thánh Giuse, các Bà Mẹ Công Giáo, Quán La Vang cùng hỗ trợ để khoản đãi hai cha và Cộng Đoàn với nhiều món ngon vật lạ như: Cua hấp loại thượng hạng (VIP), Steak house có một không hai, cơm chiên Dương Châu, gỏi thập cảm, rau sào Núi Ngự, chè thạch Đông Ba, rượu chát Mai quế Lộ… Trang trí sân khấu và phòng tiệc được sự góp mặt của các soeurr Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp nên có những lọ hoa tuyệt vời, bên cạnh lọ hoa là cây đèn cầy loại gió thổi không tắt, hoa được đặt trên khúc gỗ được cưa đem về từ trên rừng U Minh Hạ do các anh Hội thanh Giuse cất mang về trang trí. Bữa tiệc đại yến này linh đình và sang trọng chưa từng thấy, thật là kỳ công và tuyệt mỹ.

3-Tóm Kết Qua văn nghệ, qua tiệc vui: Người ta nhìn thấy sự thương mến đong đầy của Cộng Đoàn đã biểu lộ qua tâm tình buổi văn nghệ, buổi tiệc mừng và qua trang trí thật tươi mát, thật diêm dúa và thật nghệ thuật khung cảnh phòng tiệc cho cả ngàn người tham dự. Đây chính là niềm vui như những phần thưởng tuy nhỏ những mang đậm nét yêu thương, trìu mến, biết ơn mà Cộng Đoàn đã dành nghĩ đến sự hy sinh của hai cha như nói lên lời cảm tạ công ơn hai ngài và như để sưởi ấm những vất vả, nhọc nhằn, gian khổ, giãi dầu mưa gió hầu bù đắp chút gì mà vô tình áng thơ thoáng nhẹ ngâm ngấm trong tâm hồn của hai cha mà cha Trọng đã tâm sự gửi nhẹ qua áng thơ tuyệt vời của ngài, vô tình thẩm thấu, con cái ngài biết được: “Nắng, mưa, ấm, lạnh cuốn theo”, “Bụi đường đau rát, nhăn nheo tình người!”./.

Kỷ niện ngày mừng Thiên Chức Linh Mục hai cha

Las Vegas ngày 01-06-2014

Phan Văn Sỹ

 
Phúc Âm hóa Đời sống gia đình
Lm Giuse Hà Văn Định
21:07 08/06/2014
Bài Thuyết Trình: PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
cho Hội Đồng Mục Vụ Gíao xứ Giáo phận Phan Thiết


Giáo xứ Chính Tòa, ngày 08 tháng 6 năm 2014

Dẫn nhập

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã biết định hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam năm 2014 là : “Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng” [1].

Và cũng có thể nói, định hướng mục vụ này đã được phổ biến cách rộng rãi cho mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam :

- Nhiều Giáo xứ trong hầu hết các Giáo Phận treo khẩu hiệu “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” ở những vị trí trang trọng, để khi bước vào khuôn viên Giáo xứ hay vào trong nhà thờ, ai ai cũng có thể nhìn thấy. Cụ thể nhà thờ Chính Tòa của Giáo phận Phan Thiết chúng ta đây cũng đặt khẩu hiệu và logo của năm Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình trên balcon tiền sảnh nhà thờ, một vị trí ai ai cũng có thể thấy.

- Các Đức Giám Mục, các Linh mục, trong các Thánh Lễ, các giờ giáo lý hay những buổi gặp gỡ giáo dân đều tận dụng những dịp này để thúc đẩy giáo dân thực thi việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”. Cụ thể, tại Giáo phận Phan Thiết, Đức Giám Mục Giáo Phận, trong Thư Mục Vụ dịp đầu năm 2014, đã đề nghị những việc làm cụ thể để Phúc âm hóa đời sống gia đình : Ba không, ba chăm và ba sống. (1) Ba không : không vi phạm đặc tính “một vợ một chồng, bất khả phân ly” của hôn nhân; không lơ là bổn phận tôn trọng sự sống và trách nhiệm giáo dục con cái; không bạo lực gia đình. (2) Ba chăm : chăm học giáo lý về hôn nhân; chăm lo chu toàn bổn phận và đọc kinh tối trong gia đình; chăm chỉ sinh hoạt các hội đoàn. (3) Ba sống : sống theo gương Thánh Gia; sống gương sáng; sống liên đới và thăm viếng [2]…

- Có thể nói, nếu mỗi người, mỗi gia đình chúng ta thực thi những lời dạy của Đức Giám Mục Giáo Phận, thì định hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam sẽ thành công mỹ mãn ở Giáo Phận Phan Thiết này.

Vậy nên, trong buổi gặp gỡ Quý Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận Phan Thiết hôm nay, con không có tham vọng trình bày những điều mới mẻ hay đưa ra những đề nghị cá nhân nào cho công việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”, nhưng con chỉ muốn cùng với Quý vị đọc lại những hướng dẫn của Hội Thánh, cũng như những chỉ dẫn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, của Đức Cha Giáo Phận để chúng ta ý thức và sống tốt hơn định hướng mục vụ : “Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình”.

1. Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình

Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2014 đã xác định : “Mục tiêu của Phúc Âm hóa là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm” [3].

Như vậy, công việc Phúc Âm hóa hệ tại hai điều này : (1) Gặp gỡ Chúa (2) và được biến đổi. Nói cách khác, công việc chính yếu của công cuộc Phúc Âm hóa đòi mỗi người chúng ta phải nỗ lực tìm gặp Chúa để được Ngài biến đổi.

Hiểu như vậy thì chúng ta cũng có thể khẳng định rằng “Phúc Âm hóa Đời Sống Gia Đình” là một hành trình nỗ lực tìm gặp Chúa trong chính môi trường gia đình của mình, để Ngài biến đổi gia đình chúng ta. Nói khác đi, Phúc Âm hóa đời sống gia đình là đem tinh thần Phúc Âm vào trong cuộc sống từng ngày của chúng ta trong môi trường gia đình, nghĩa là chúng ta phải liệu sao cho các sinh hoạt thường nhật của gia đình mình diễn tả cách sống động Phúc Âm của Chúa. Nhờ đó, chúng ta sẽ gặp Chúa trong chính cuộc sống của gia đình của mình và vì thế mọi thành viên trong gia đình sẽ được biến đổi và đương nhiên gia đình cũng được biến đổi.

Trong thực hành, để có thể đem tinh thần Phúc Âm của Chúa vào trong gia đình, mỗi thành viên trong các gia đình phải năng suy gẫm và cầu nguyện với Phúc Âm : Suy gẫm để lòng trí mình được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm; cầu nguyện để xin Chúa giúp chúng ta sống tinh thần Phúc Âm.

Xin lấy một ví dụ để minh họa cho việc Phúc Âm hóa đời sống gia đình.

§ Trong Phúc Âm theo thánh Luca [4], Thiên Chúa được trình bày là một người cha vô cùng nhân hậu.

§ Một người cha có hai con trai. Người con thứ nói với Cha rằng : “Thưa cha, xin cho con phần gia tài con được hưởng”. Sau khi đã nhận gia tài, người con thứ đi đến một miền đất xa xôi, ăn xài phung phí. Rơi vào cảnh khốn đốn, anh phải đi chăn heo cho người ta để kiếm cơm qua ngày. Cuộc sống cùng cực khiến anh muốn quay về nhà. Anh quay về nhà không phải vì hối hận về những điều làm phiền lòng cha, nhưng chỉ vì anh muốn có một cuộc sống an nhàn, một cuộc sống yên thân, một cuộc sống đầy đủ tiện nghi vật chất.

§ Về phía người cha, ông hoàn toàn tôn trọng tự do của các con. Ông đã chia gia tài cho các con và để chúng tự định liệu. Ông không ép người con thứ ở nhà. Ông không tìm cách kéo nó trở về. Bằng một tình yêu của người cha, ông từng ngày mong con quay trở về. Vậy nên, khi thấy người con thứ từ đàng xa, ông vội vã chạy ra đón và cuống quýt thúc giục đầy tớ mở hội ăn mừng.

§ Về phía người con cả, tuy không bao giờ trái lệnh cha, nhưng trong thâm tâm, anh không đồng cảm với niềm vui mừng của cha. Anh bực tức vì cách cha tiếp đón “người con phung phá” trở về. Tuy vậy, ông vẫn ôn tồn nói với người con : “Mọi sự của cha đều là của con” [5].

§ Qua đó, dụ ngôn “Người cha nhân hậu” cho chúng ta thấy : Thiên Chúa thương yêu hết mọi người và từng người chúng ta. Tình yêu của Ngài không chỉ dành cho người tội lỗi biết ăn năn hoán cải, mà tình yêu ấy còn dành cho cả những người không hiểu và đón nhận tình thương của Ngài. Ngài yêu chúng ta vô điều kiện [6]. Ngài yêu chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân [7].

§ Như vậy, để có thể Phúc Âm hóa đời sống gia đình, người cha phải năng suy gẫm về lòng nhân hậu của Thiên Chúa và xin Chúa ban cho mình luôn nhẫn nại yêu thương con cái, kể cả những đứa con ngỗ nghịch, bất hiếu hay thiếu cảm thông với mình. Chính nhờ tình thương vô điều kiện của người cha, những đứa con trong gia đình được cảm hóa, được thay đổi và gia đình sẽ trở thành một cộng đoàn thấm nhuần tinh thần Phúc Âm.

2. Tại sao phải Phúc Âm hóa đời sống gia đình

Nhìn vào thực tế các gia đình Việt Nam hôm nay, người ta nhận thấy bên cạnh những “ánh sáng”, không ít những “bóng tối” đang ngày càng bao phủ và đè nặng trên các gia đình.

2.1. Những “ánh sáng” nơi các gia đình

Thư Chung 2014 của HĐGMVN khẳng định : “Là người Việt Nam, chúng ta tự hào về một truyền thống gia đình trên thuận dưới hòa, trong đó lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với gia đình và xã hội. Có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài” [8].

a) Gia đình, mái ấm yêu thương, trên thuận dưới hòa

Trong bài hát “Ba ngọn nến lung linh” của nhạc sĩ Ngọc Lễ, tác giả đã chia sẻ một cảm nhận rất thiêng liêng và sâu sắc về mái ấm gia đình : “Gia đình, gia đình, ôm ấp ta những ngày thơ, cho ta bao nhiêu niềm thương mến. Gia đình, gia đình, vương vấn bước chân ra đi, ấm áp trái tim quay về”.

Thật vậy, cứ nhìn vào cách chăm sóc của những ông bố, bà mẹ dành cho những người con, từ khi sinh ra cho đến khi khôn lớn, ta sẽ hiểu được lý do tại sao gia đình luôn là nơi mà ai đi xa cũng bịn rịn, nhớ mong; là nơi mà ai đi xa cũng luôn mong qua trở về vì đó là nơi luôn đầy ắp niềm vui, tiếng cười.

Con có một kỷ niệm rất đẹp về tuổi thơ, mà đến bây giờ con vẫn nhớ như in. Đó là vào những năm 1978-1990, vựa lúa của đồng bằng Sông Cửu Long mất mùa, nhà nào cũng đói, phải ăn củ sắn, củ khoai thay cơm. Cũng như bao gia đình khác, mẹ con cũng phải chạy gạo từng bữa, trong nhà không hề có hột gạo để qua đêm. Đến bữa ăn, mẹ con lúc nào cũng ngồi cạnh nồi cơm. Thú thật, gọi là nồi cơm, nhưng thực tình đó là nồi khoai, nồi mì mới đúng; vì mang tiếng là nồi cơm, nhưng một hạt cơm cõng 10 lát khoai, 20 lát mì. Lớn lên một chút con mới hiểu mẹ ngồi cạnh nồi cơm là để lựa từng muỗng cơm bỏ vào chén cho tụi con, còn chén của mẹ, những khoai là khoai, những mì là mì. Vậy mà mẹ vẫn vui vẻ múc cơm cho từng đứa con, vẫn nói cười trong suốt bữa cơm đam bạc.

Con không muốn nói về mình hay gia đình mình, bởi vì “không có gì tồi tệ hơn là nói về chính mình”, nhưng con muốn chia sẻ với Quý Hội Đồng Mục Vụ cảm nghiệm của chính mình, với tư cách là người trong cuộc, bởi vì đó những kinh nghiệm con đã sống và đã cảm nghiệm. Những trải nghiệm này làm cho con luôn tự hào và hạnh phúc, vì mình thật sự đã có một gia đình “trên thuận dưới hòa”.

Rồi lớn lên một chút nữa, anh em con lần lượt vào đại học. Vẫn biết rằng vào năm 1988 và những năm sau đó, bước chân vào đại học là ước mơ của biết bao người. Vậy mà trước mấy ngày nhập học, suốt đêm con cứ trằn trọc và không sao ngủ được, ví như người sắp mất đi một điều gì đó vô cùng thiêng liêng, đó chính là mái ấm gia đình. Và rồi khi đã vào đại học, mỗi lần có dịp, con lại đạp chiếc xe đạp lọc cọc để về thăm nhà. Mệt là vậy nhưng mỗi lần về đến nhà tâm hồn thật bình an và sảng khoái. Quả thực mái ấm gia đình đã làm vương vấn bao bước chân ra đi, và sưởi ấm bao trái tim khi có dịp quay về.

Rồi trước mấy ngày em trai con vào đại học, anh con cũng hì hục suốt mấy ngày trời, nhặt từng miếng ván vụn, đóng cho em con một chiếc rương nhỏ, để vào ký túc xá có cái mà đựng áo quần.

Đó chỉ là vài ví dụ điển hình, bởi vì trong cuộc sống thực tế ngày hôm nay, vẫn còn đó những bà mẹ bán vé số nuôi con đi học đại học, như bà Nguyễn Thị Tẩu ở Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng [9]; hoặc báo chí mới đây có dịp tôn vinh một người cha đơn thân hằng ngày xin sữa nuôi con ròng rã suốt 18 tháng trời [10]; hoặc một bé trai 10 tuổi hằng ngày cõng em bị liệt vượt núi đến trường [11]… Đó là những hình ảnh vẫn diễn ra hằng ngày trong cuộc sống người Việt chúng ta, điều mà không phải ở đâu cũng có.

Do đó, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống gia đình trên thuận dưới hòa, gia đình tổ ấm yêu thương của người Việt Nam chúng ta.

b) Lòng hiếu kính ông bà tổ tiên

Lòng hiếu kính ông bà tổ tiên cũng là một trong những giá trị tinh thần của gia đình Việt Nam chúng ta.

“Sống tết, chết giỗ” đó là đạo làm con, đạo làm người, là đạo hiếu mà ai ai trong chúng ta dù có nghèo đến đâu đi chăng nữa, thì đến ngày tết, cũng kiếm chút lỡi mừng tuổi ông bà cha mẹ, đến ngày giỗ, cũng gắng xin một thánh lễ, đọc một giờ kinh.

Lòng hiếu kính ông bà tổ tiên là yếu tố không thể thiếu trong gia đình người Việt Nam, và vì thế lòng hiếu kính là một trong những yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài [12].

2.2. Những “bóng tối” nơi các gia đình

Tuy nhiên, truyền thống tốt đẹp đó đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một. “Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì tổ ấm yêu thương. Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người” 13]. Thêm vào đó, “quan niệm về tình yêu hôn nhân, về đời sống gia đình cũng bị biến dạng” [14], nạn “sống thử, sống chung không hôn nhân, ngừa thai, phá thai, ly thân, ly dị ngày càng nhiều và trở thành hiện tượng phổ biến” [15]. Đó là những “bóng tối” đang đè nặng trên đời sống các gia đình.

Tại sao “bóng tối” lại ập xuống đời sống gia đình nhanh đến như vậy? Tại sao những gia đình trên thuận dưới hòa ngày càng giảm? Tại sao những giá trị tinh thần, những giá trị thiêng liêng của đời sống hôn nhân, gia đình đang ngày càng bị xói mòn và mai một? Tại sao ngày nay các đôi vợ chồng khi bất hòa thường đưa nhau ra tòa đời ly dị? Tại sao các đôi vợ chồng không chung thủy với nhau?

Người ta nói đến nhiều nguyên nhân dẫn đến tai họa này : vấn đề toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, tình trạng di dân, việc giao lưu giữa các nền văn hóa, một nền giáo dục còn nhiều khiếm khuyết [16], sự tác động của các phương tiện truyền thông xã hội, sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết sai lạc về những giá trị đích thực của hôn nhân gia đình [17]…

Tất cả những yếu tố này đang chi phối và tác động cách tiêu cực trên các gia đình. Tuy nhiên, yếu tố thiết yếu gây nên sự khủng hoảng trầm trọng nơi các gia đình đó là sự thiếu ý thức về Thiên Chúa; nghĩa là người ta không còn dành cho Chúa một vị trí ưu tiên trong đời sống gia đình. Hay nói khác đi, người ta đang sống xa rời đức tin, xa rời giáo huấn của Chúa, xa rời Tin Mừng, không còn lấy Chúa làm lý tưởng, làm cùng đích đời mình. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”. Đó là lý do đòi buộc chúng ta phải đem tinh thần Phúc Âm vào trong từng suy nghĩ, từng chọn lựa, trong cung cách ứng xử, trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta…

3. Những việc làm cụ thể trong việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”

Đức Giám Mục Giáo Phận trong Thư Mục Vụ đầu năm 2014 đã mời gọi chúng ta lưu tâm đến việc thực hành ba không, ba chăm và ba sống. Và như đã thưa với Quý Hội Đồng Mục Vụ, con không dám nói điều gì ngoài những định hướng của Đức Cha Giáo Phận.

Do đó, trong định hướng chung của ngài, con xin đề nghị một số những việc làm cụ thể.

3.1. Duy trì các bữa ăn trong gia đình

Trong cái “ba sống” của Đức Cha Giáo Phận, ngài mời gọi chúng ta sống tình liên đới. Để có thể tạo tình liên đới, sự thân thiện gần gũi và cảm thông giữa các thành viên trong gia đình cần phải có sự gặp gỡ, chuyện trò, thăm hỏi, quan tâm…

Vậy để cụ thể hóa việc sống tình liên đới trong gia đình, con xin đề nghị Quý Hội Đồng Mục Vụ việc đầu tiên cần thực hiện trong năm “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” là duy trì bữa ăn trong gia đình của mình.

Bữa cơm gia đình không chỉ là nét đẹp văn hóa rất độc đáo của người Việt Nam so với các nước Phương Tây, nhưng còn là “nơi” gặp gỡ lý tưởng để kiến tạo và duy trì tình thân trong gia đình. Thật ấm cúng biết bao khi các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên mâm cơm sau một ngày làm việc, cùng chia sẻ cho nhau niềm vui nỗi buồn của một ngày sống. Từ bữa ăn gia đình, người ta có thể học được rất nhiều bài học nhân bản như sự lễ phép, kính trên nhường dưới, sự quan tâm đến nhau… Do đó, có thể nói, bữa cơm gia đình cũng được ví như sợi giây vô hình gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Bữa cơm gia đình không chỉ làm ấm thêm tình thân trong gia đình, nhưng còn là “dưỡng chất” duy trì sự sống còn và sự hạnh phúc của gia đình.

Tiếc thay nhiều gia đình đã bỏ qua cơ hội quý báu này. Mải chạy theo nhịp sống công nghiệp, nhịp sống hiện đại, bữa cơm gia đình đã không còn diễn ra đều đặn. Hậu quả là có khi cả ngày cha mẹ không có thời giờ nói chuyện với con; con cái không có cơ hội chia sẻ với cha mẹ những khó khăn ở trường, ở công sở và trong cuộc sống.

Vậy nên, trong năm “Phúc Âm hóa đời sống gia đình, xin Quý Hội Đồng Mục Vụ quan tâm đặc biệt đến các bữa ăn trong gia đình của mình. Phải liệu sao cho những người chồng sau một ngày làm việc vất vả, chỉ muốn chạy ngay về nhà để ăn tối với vợ con. Hãy tổ chức thế nào để những người vợ cảm thấy vui và hạnh phúc bên mâm cơm, vì có sự hiện diện của chồng. Và hãy liệu sao để những người con, dù có đi dự tiệc tùng, vẫn không quên được những bữa cơm gia đình, tuy đơn giản, nhưng chất chứa đầy tình thương yêu của mẹ…

Nhiều người viện lý do ngày nay thật khó để có mặt đông đủ các thành viên trong gia đình vào các bữa ăn. Điều này khó, nhưng không phải là không làm được. Hãy bắt đầu từ điều tối thiểu, nghĩa là ngay cả khi thiếu một vài thành viên trong gia đình, chúng ta cũng vẫn duy trì các bữa ăn cách đều đặn. Đặc biệt, cũng cần lưu tâm đến những buổi họp mặt, những bữa ăn chung của gia đình vào những ngày đáng nhớ : ngày giỗ ông bà, ngày kỷ niệm thành hôn của cha mẹ, ngày sinh nhật của con…

Bữa cơm gia đình, một việc tưởng chừng rất đơn giản, nhưng lại có một giá trị tinh thần rất lớn. Đó là “nơi” lý tưởng để cùng nhau sống tình nghĩa gia đình và nhất là cùng giúp nhau sống tinh thần Phúc Âm. Do đó, nếu trong gia đình của Quý Hội Đồng Mục Vụ chưa coi trọng các bữa ăn chung, xin hãy gây ý thức và lưu tâm hơn đến các bữa ăn chung và gieo vào trong bữa ăn gia đình một tinh thần siêu nhiên, nghĩa là cùng giúp nhau Phúc Âm hóa bữa ăn, qua đó Phúc âm hóa đời sống gia đình.

3.2. Tổ chức giờ kinh tối trong gia đình

Đây là việc mà Đức Cha Giáo Phận chúng ta cũng như nhiều nơi, nhiều Giáo phận đang tha thiết mời gọi các gia đình thực hiện. Về việc này, con xin chia sẻ một kinh nghiệm.

Trong một buổi gặp gỡ các linh mục dịp đầu năm Phúc Âm Hóa Gia Đình 2014 vừa qua của một Giáo phận nọ, khi bàn về vấn đề phải tổ chức giờ kinh tối trong gia đình như thế nào, để mọi thành viên có thể tham dự. Một số cha phàn nàn rằng trong giáo xứ của các ngài không thể tổ chức giờ kinh tối trong các gia đình, vì buổi tối thường mỗi người mỗi việc : người đi làm tăng ca, người đi học chưa về, người mải mê theo dõi những bộ phim hay vào “giờ vàng”. Cũng có cha than phiền rằng một số gia đình có đọc kinh chung, nhưng bầu khí rời rạc, uể oải. Một số cha còn đề nghị cả một diễn tiến giờ kinh tối, cần phải đọc kinh này kinh nọ, cần phải đọc Lời Chúa và suy niệm Lời Chúa trong giờ kinh tối, nếu không đọc được buổi tối, thì đọc buổi sáng sau khi vừa thức dậy… Tất cả những điều này nếu thực hiện được thì rất tốt, nhưng thử hỏi có phù hợp với hoàn cảnh thực tế của các gia đình không?

Do đó, để có thể tổ chức giờ kinh tối trong gia đình, trước hết xin Quý Gia Đình hãy bắt đầu từ điều tối thiểu, để ai cũng có thể làm được. Tại sao đa phần các bạn trẻ không thích đọc kinh chung với gia đình? Lý do là bởi vì nhiều ông bố bà mẹ tham lam quá, đọc hết kinh này đến kinh nọ hoặc bắt con cái đọc kinh vào những “giờ vàng”, khi chúng còn đang muốn theo dõi một bộ phim, một chương trình ca nhạc, một trận đấu bóng đá.

Như vậy, đọc kinh gì trong giờ kinh tối hay đọc vào lúc nào không quan trọng bằng việc phải làm sao để mọi người cùng hiện diện. Đôi khi một vài người trong gia đình có thể ngăn trở việc này, việc nọ, thì những người còn lại cũng hãy đọc kinh chung với nhau, đừng đợi phải có đông đủ các thành viên trong gia đình mới bắt đầu đọc, thì chắc sẽ không bao giờ tổ chức được giờ kinh chung trong gia đình. Tắt một lời, xin Quý Gia Đình hãy tổ chức giờ kinh chung vào thời gian thuận tiện nhất của gia đình với những lời kinh đơn giản và ngắn gọn. Khi đã tạo được nếp đọc kinh tối trong gia đình, lúc đó chúng ta quan tâm đến “chất lượng” giờ kinh vẫn chưa muộn.

3.3. Đời sống gương sáng của cha mẹ

Một yếu tố không thể thiếu để có thể “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” là đời sống gương sáng : “Con người thời nay cần những chứng nhân hơn những thầy dậy” [18]; “cha mẹ mẫu mực, con cái thảo hiền qua nhiều gương sáng” [19]; “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.

Do đó, công việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” phải khởi đi từ những người cha, người mẹ trong gia đình. Những lời giáo huấn, chỉ dạy của bậc phụ huynh là cần thiết, nhưng đời sống gương sáng mới thực sự có sức cảm hóa và thay đổi con cái.

Hôm rồi, khi có dịp đến dâng lễ ở một giáo xứ bề thế trong Giáo phận nọ, vào giờ lễ sáng, con không thấy một bóng thiếu nhi nam nào đến nhà thờ. Đếm đi đếm lại, con thấy trong nhà thờ chỉ có vỏn vẹn 05 ông bố đi dâng lễ. Bố không đi lễ thì làm sao bảo con cái đi lễ được. Bố không sống đạo, thì làm sao có thể Phúc Âm hóa gia đình của mình.

Tắt một lời, để có thể Phúc Âm hóa đời sống gia đình, cha mẹ phải là người thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, đem Phúc Âm vào trong cuộc sống hằng ngày của mình bằng một đời sống gương sáng. Nhờ đó, con cái và cả gia đình được Phúc Âm hóa.

3.4. Sống tình liên đới trong khu xóm

Một nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam chúng ta là tình làng nghĩa xóm : “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”; bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Tiếc thay, do ảnh hưởng của nhịp sống “vội vã”, nhiều người đã không còn ý thức về tình làng nghĩa xóm : “Đèn nhà ai nấy sáng”. Do đó, chúng ta không chỉ lưu tâm thực hiện “Phúc Âm hóa” trong gia đình của mình, nhưng còn phải mở ra và hướng tới các gia đình khác. Đây là việc cần phải làm nhưng cũng rất nhiều khó khăn.

Khi còn làm việc tại giáo xứ, con thường khuyến khích bà con giáo dân sống tình liên đới với nhau, nhất là quan tâm đến những gia đình neo đơn, gia đình khó khăn, gia đình bất hòa hoặc có nguy cơ đổ vỡ… Con dặn các ông trùm, ông trương và những người thiện chí đặc biệt lưu tâm đến nạn bạo hành trong các gia đình. Rồi một ông trùm báo tin cho con trong xóm đạo của ông có một ông “chuyên gia đánh vợ”. Con dặn mấy ông, hễ khi nào thấy gia đình đó bất hòa, điện thoại cho con. Rồi con nhận được điện thoại, vội bỏ mọi việc chạy ra nhà ông. Khi đến nơi, con thấy mọi chuyện chẳng có gì bất thường cả, vì ông chồng vẫn vui vẻ mời chào và còn gọi bà vợ lên chào cha, anh anh em em ngọt sớt. Hóa ra, ông chỉ đóng kịch khi cha và Hội Đồng Mục Vụ tới. Đánh vợ nhiều đến độ hàm răng của bà không còn cái nào.

Như thế, việc quan tâm đến những gia đình bất hòa, những gia đình có nguy cơ đổ vỡ không phải là chuyện dễ, vì tâm lý người Việt Nam thường “xấu che, tốt khoe”. Vậy nên, chúng ta cần phải tế nhị, khéo léo và kín đáo, tránh làm tổn thương đến thanh danh người khác khi quan tâm và giúp đỡ họ.

Về việc này, chúng ta cũng hãy bắt đầu từ những điều tối thiểu và ai cũng có thể làm được : Hiện diện trong những biến cố vui buồn của hàng xóm láng giềng, thăm hỏi lẫn nhau khi có người ốm đau hay gặp khó khăn hoạn nạn… Những cuộc tiếp xúc và thăm viếng này sẽ là những cơ hội rất tốt để sống tình làng nghĩa xóm.

Kết luận

Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” và đưa ra một vài đề nghị cụ thể như những gợi ý để mỗi gia đình cùng thực hiện trong năm 2014 này.

Việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” là sự nỗ lực không chỉ của từng người hay từng gia đình, nhưng công việc này phải mở ra với Giáo xứ, Giáo phận. Định hướng mục vụ “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” sẽ khép lại khi năm 2014 kết thúc, nhưng việc Phúc âm hóa đời sống gia đình phải được thực hiện trong suốt hành trình của các gia đình. “Tương lai Hội Thánh đi ngang qua các gia đình” [20]. Giáo Hội sẽ không được Phúc âm hóa, nếu mỗi gia đình không thấm nhuần tinh thần Phúc Âm.

Là những người phục vụ cộng đoàn Giáo xứ, Quý Hội Đồng Mục Vụ cần phải thực hiện công việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” không những trong phạm vi gia đình mình, nhưng còn được mời gọi dấn thân phục vụ các gia đình trong Giáo xứ, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bất hòa hoặc có nguy cơ đổ vỡ.

Công việc phục vụ các gia đình là một công việc rất khó khăn, cần tế nhị, cần thời gian và đôi khi phải hy sinh thời giờ, sức khỏe, tiền bạc... Con tin chắc rằng với ơn Chúa và sự nỗ lực của từng người, từng gia đình, công cuộc Phúc Âm hóa đời sống gia đình tại Giáo Hội Việt Nam nói chung, cách riêng tại Giáo phận Phan Thiết này chắc chắn sẽ thành công.

Xin cám ơn Quý Hội Đồng Mục Vụ. Kính chúc mọi người, mọi gia đình trong Giáo Phận Phan Thiết chúng ta sẽ là những trang Phúc Âm sống động được mở ra trong cuộc sống hằng ngày của mình, để giới thiệu Chúa cho anh chị em lương dân.

Chú thích:
[1]Thư Chung HĐGMVN năm 2014, số 5.
[2] x. Thư Mục Vụ Dịp Đầu Năm 2014 : “Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình” của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, số 4.
[3]Thư Chung HĐGMVN năm 2014, số 3.
[4]Lc 15, 11-31.
[5]Lc 15, 11-32
[6]Vũ Phan Long, Các bài Tin Mừng Luca dùng trong Phụng vụ, Nxb. Tôn Giáo, 2012, các trang 315-316.
[7]x. Rm 5,
[8]Thư Chung HĐGMVN năm 2014, số 7.
[9] http://www.tinmoi.vn/me-ban-ve-so-dao-nuoi-4-con-vao-dai-hoc-01906190.html
[10]http://tinngan.vn/xem.aspx?id=469714&pid=312&cid=0
[11] http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/hoc-tro-10-tuoi-cong-em-vuot-nui-toi-lop-2877197.html
[12] Thư Chung HĐGMVN năm 2008, số 10.
[13] Thư Chung HĐGMVN năm 2008, số 10.
[14] Sđd.
[15] Nguyễn Anh Tuấn, Đại hội Woomb lần thứ 2, Trung tâm Mục vụ Gp. Ban Mê Thuột, trang 6.
[16] x. Thư Chung HĐGMVN năm 2008, số 11.
[17] Nguyễn Anh Tuấn, Đại hội Woomb lần thứ 2, Trung tâm Mục vụ Gp. Ban Mê Thuột, trang 8.
[18] ĐGH. Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, số 40.
[19] Thư Mục Vụ Dịp Đầu Năm 2014 : “Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình” của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, số 4.
[20] ĐGH. Gioan Phaolô II, Thư gửi các Gia đình, năm 1994.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đều hèn - hèn đều!
lykhách
16:59 08/06/2014
Quái lạ ở đây không phải tất cả đều hèn nhưng là hèn đều
Cùng nhất trí hèn một kiểu
Hơn chín mươi tám phần trăm quý ông bà đại biểu
Cùng thống nhất mấy trăm lá phiếu đồng thuận hèn vượt chỉ tiêu!

Điều lạ ở đây là cả nước đều biết Tổng Trọng siêu…lú
Nhưng tại sao phải nhất trí với lãnh đạo khi thấy rõ kẻ dốt - việc ngu?
Chữ “bầy đàn” thường chỉ dùng cho loài cầm thú
Đi đứng, ăn uống, nghỉ ngơi hệt nhau mà không cần suy tư!

Những đứa ngu khi độc quyền thường sinh sự ác
Như kẻ nhiều tiền thường hay hợm mình cao trên người khác
Mọi thứ độc quyền thường sinh ra thao túng, bệ rạc
Cứ thế, khỉ bầy đàn bắt chước nhau ca tụng đảng và Bác!

Giống thế, Bác-Đảng giống như chuyện cổ tích gã vua ở truồng
Nhưng bầy nịnh thần cứ tấm tắc hùa khen “áo” vua mặc nổi bậc nhất đế vương
Cộng sản dù nơi đâu, đứa nào cũng đặc trưng tính chủ quan tự sướng
Chỉ còn những kẻ ngu siêu lâu, mới không thấy cộng sản bất lương!

Quái lạ ở đây là có hàng trăm đám báo đài “lề phải”
Nhưng như ngựa kéo xe bị bịt mắt, chỉ nhìn thẳng, chẳng cần biết ngang-dọc, phải-trái…
Tư tưởng dép lốp cao su bước ngông nghênh, huyênh hoang đòi dắt tầm thời đại
Chỉ có chế độ cộng sản mới sản sinh và dung dưỡng kiểu bầy đàn trí thức thiếu sỉ quái thai!

Ôi vận nước bây giờ lệ thuộc Tàu như thế đấy
Mà lũ cầm quyền cứ mãi hèn đều, đều hèn như thế nầy!
Đối với giặc Tàu thì khúm núm hạ mình sợ hãi
Đối với dân mình thì vẫn xử kiểu trịch thượng, du côn thẳng tay!

Tàu đểu, Tàu điên, Tàu đâm tàu
Đại tướng bảo: “ hữu nghị vẫn tốt, ví như anh em xung đột với nhau!”
Giặc tới tận thềm nhà giết ngư dân, cướp biển, chiếm đảo
Đảng vẫn điềm nhiên đội Hán(g) quan hệ “Mười-Sáu-Chữ-Vàng cùng Bốn-Tốt” làm đầu!

Xưa họa ngoại xâm chỉ vì một Lê-Chiêu-Thống
Rước giặc Tàu về giày mồ mã cha ông
Thời thế này nguyên một bầy đàn lợi ích riêng, cầm quyền phản động
Hỡi trời ơi! rồi sẽ ra sao vận nước với Biển Đông?!

Chúng chống Tàu hay chúng theo Tàu?
Chúng chống? mà cứ hành hung, bỏ tù, bịt miệng dân… nghĩa là sao?
Đảng phải bám Tàu vì chúng sợ mất độc quyền lãnh đạo
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” cộng sản xảo trá, gian ác, thủ đoạn như nhau!

Khi giở giọng nhân nghĩa chính là lúc cộng sản đang thất thế
Khi cộng sản tự mãn anh hùng là thời cái ác đang thắng thế sự lành
Nhưng buổi hướng thiện đứng lên đồng lòng, dân tộc sẽ tự giải thoát những điều tưởng chừng không bao giờ có thể
Sẽ giải phóng nỗi khiếp sợ đến đều hèn, hèn đều, hèn vượt chỉ tiêu… dưới chế độ độc đảng lưu manh!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Vũ Khúc Ao Hè
Nguyễn Bá Khanh
22:09 08/06/2014
VŨ KHÚC AO HÈ
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Chớm hè ao mát nước trong
Cá vàng vũ khúc thong dong ao nhà.
(nđc)