Ngày 08-06-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Lời Ngài đọc trong tuần thứ 10 Thường niên năm C 09.6.2013
Mai Tá
01:46 08/06/2013
Suy niệm Lời Ngài đọc trong tuần thứ 10 Thường niên năm C 09.6.2013



“Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ,”

Dâng cao lên, cao tột tới trên trời!”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Lc 7: 11-17

Sóng lòng ta, vẫn dâng trào như biển cả, ngoài xứ lạ. Dâng lên mãi, hầu trỗi dậy với Thánh Thần. Trình thuật thánh Luca, nay cũng diễn tả một trỗi dậy từ cõi chết để dâng cao với Thần Khí Chúa sống trong đời. Người trai trẻ thành Na-im nay đã cùng Chúa trỗi dậy, dâng cao mãi chồn miền có Chúa, có ta, có cả mọi người.

Chết rồi trỗi dậy, là đề tài được viết nhiều trong Kinh thánh, cả 4 Tin Mừng. Tin Mừng thánh Máccô đặc biệt chương 5 nói về con của Yai-rô; và, chương 9 lại cũng có nói đến trẻ bé bị ma quỷ hãm hại đến ‘kinh phong’. Nhiều người lại biện luận: trường hợp như thế, không hẳn đã chết thật, mà chỉ là ngủ như xác chết, thôi. Chuyện hôm nay, về người trai đã thực sự chết gọn trong quan tài đem đi chôn.

Nay, cũng nên suy thêm về từ-vựng “chết” hoặc “nằm chết gọn” nói ở trình thuật. Sự việc Chúa nói hoặc vực dậy người chết cho trỗi dậy, nghe cũng lạ. Đôi lúc, chỉ có nghĩa: ‘hãy ở sạch’, hoặc: ‘hãy đứng dậy đi’, là từ-vựng mang tính ảo thuật bên tiếng Aram tương đương với từ “Ephata” tiếng Hy Lạp khi Chúa chữa lành cho người điếc nặng. Từ-vựng này đi kèm dấu chỉ, lời thầm thì, rên rỉ hay sao đó, có người gọi đó là lời cầu không công thức. Là, âm thanh có đính kèm một sờ chạm, đụng người. Với người điếc nặng, Chúa dùng nước miếng để sờ chạm và Ngài đưa ngón tay vào tai người điếc là tác- động cụ thể để nên việc. Tất cả, chỉ để gợi lên cung cách hành nghề của pháp-sư và phù thủy thời trước khi các vị này cũng có “quyền-năng cái-thế” hay sao đó với thần hồn người chết.

Phần đông dân thường thời trước, vẫn tin là: người có “quyền-năng cái-thế” vẫn mang trong mình thần-linh nào đó và nhờ thần linh này, họ có uy có quyền vực dậy thần hồn của người khác, đặc biệt là người chết. Chính vì thế, họ có khả năng vực người chết trỗi dậy để đưa về lại với cuộc sống bằng cách ra lệnh cho thần-hồn người ấy ra khỏi cõi chết, tạo sinh khí cho xác-thể trở về y như cũ. Và, dân thường thời ấy định danh cho sự kiện này là “gọi hồn” hoặc “thần-thiêng-hoá” xác chết.

Thông thường, thần linh thần hồn như thế, có thể làm được chuyện sống lại. Có ảo-thuật-gia còn sử dụng người chết cho mục đích đó. Văn chương thời cổ ngoài kinh thánh, đặc biệt là nghệ thuật Đạo Chúa thời tiên khởi, cũng diễn tả việc Chúa làm phép lạ cho người chết trỗi dậy bằng cây gậy mà ảo-thuật-gia khi xưa vẫn làm. Chuyện này, có ý bảo: người chết yểu hoặc chết tức tưởi vẫn muốn hoạt động ở thế trần, như khi trước.

Người “quyền-năng cái-thế”, hay dùng gậy để sờ-chạm vào bệnh-nhân hoặc kẻ chết khiến họ lành lặn mà trỗi dậy. Nghệ thuật Đạo vào thế kỷ thứ 3 và 4, cứ vẽ Chúa dùng gậy để chữa lành cho người bệnh hoặc khiến người chết sống lại. Các hình trên mộ-cổ La-Mã cho thấy: gậy đây, không là gậy để đi, hoặc hộ mạng khi bị công kích. Gậy đây, không là khí-cụ mạnh mà chỉ là cành nhỏ bẻ gập. Có hình còn cho thấy Chúa đã khiến cho ông Lazarô sống lại cũng bằng cây gậy thần-kỳ này. Sách Công vụ kể thánh Phêrô là ảo-thuật-gia vĩ-đại cũng từng dùng “cây gậy” đập cho đá văng khỏi vách, hệt như Môsê khiến cho biển cả tách làm hai cột nước. Tóm lại, nhiều đoạn-văn tả việc sờ-chạm vào người bệnh cũng hệt thế.

Thời Chúa sống, khi Hêrôđê giết chết Gioan Tiền-Hô, nghe nói thánh-nhân đã trỗi dậy nhưng thay vì sống như người thường, thánh-nhân lại “nằm gọn” trong Đức Giêsu, tức ở với Chúa và trong Chúa. Nói thế, không có ý bảo: Chúa bị thần-tính của thánh Gioan Tẩy Giả ám ảnh, mà là: Chúa sử dụng thần-hồn của thánh-nhân ‘phụ lực’ Ngài khi có yêu cầu, cả vào khi Ngài làm phép lạ, nữa. Sức mạnh bên ngoài đã vực thánh-nhân trỗi dậy ra khỏi sự chết và trao thần-tính của thánh-nhân cho Chúa sở-hữu vẫn mời gọi thánh-nhân làm phụ tá cho Ngài. Chúa có thể vận-dụng thánh Gioan Tẩy Giả sau khi ông chết đế có tác-dụng như một phép lạ, thôi. Có vị lại nghĩ về giả thuyết bảo rằng: Chúa có làm thế cũng để kết-nối tác-tạo với thần-khí Êlya.

Thành thử, vấn đề đặt ra, là: Chúa có là ảo-thuật-gia hay nhà phù-thủy không?

Trường hợp của Chúa, có vấn-nạn bảo rằng: quyền-uy Ngài xua đuổi tà-thần, chữa lành người bệnh và vực dậy người đã chết. Không quyền-uy nào như thế được trình bày như thể độc-quyền chỉ mình Chúa mới có. Quyền đó không là kết quả thần linh “bắt quyết” Ngài theo cách sao đó. Nhưng thật sự, Chúa có thể sử dụng quyền năng như Ngài muốn, chứ không vâng nghe theo lệnh của bất cứ thần-linh nào hết. Chính Ngài tự định-đoạt sự việc lúc nào thì sử dụng và sử dụng ra sao quyền-bính của Ngài, chỉ mỗi thế.

Là Chúa, Ngài trao đổi lời thề-nguyền, rời bỏ quyền-uy khuynh-loát, chỉ sử dụng nó với mục đích nào do Ngài định đoạt. Ngài trao ban quyền-bính cho nhóm người được Ngài tuyển chọn. Ngài còn thổi Thần Khí vào con người họ, lúc còn sống. Theo tư duy Do thái, thần-hồn và hơi thở cũng giống nhau. Người xứ Địa-Trung-Hải thời đó, cũng nghĩ rằng: “thổi hơi” là việc của ảo-thuật-gia vẫn từng làm. Thông thường, Chúa trông giống ảo-thuật-gia tối cao vẫn trao quyền cho người vừa mới gia nhập cộng đoàn.

Còn, pháp sư là người có được quyền bính từ những quan-hệ trao-đổi với thế giới thần-bí. Ông ta làm việc này, bằng các động-tác linh-thiêng đặc biệt trong đó có chuyện gọi mời, lên cơn hoặc đối tác với thần linh bí-ẩn. Gọi mời, có thể là việc chân-truyền nhưng thường thì không thế. Việc đó, thường do quyền-năng ở cấp độ cao hơn đã tuyển chọn mình và người được chọn tuy cũng có quyền-uy như thế, lại không được phép khống-chế quyền-bính ở cấp độ cao hơn mình.

Việc “lên cơn nhập hồn” bao gồm chuyện cách ly, để thực thi một số động tác tự hủy như: ăn chay, sống độc thân thanh khiết, liên-lỉ cầu nguyện và tôi-luyện thần-trí. Trao đổi với thần khí, thường ngang qua động tác co giựt, hôn mê, nhập-hồn lúc hồn tạm thời rời khỏi xác trong chốc lát. Vào trường hợp tương-tự như trường hợp độc đáo của pháp sư. Bởi, pháp sư là người duy trì trí nhớ và xui khiến thần tính thâm nhập xác thể một cách linh động, mà người ấy không sợ bị thần-bí kềm-chế. Pháp sư đầy kinh nghiệm, còn có thể là người tương-tác trực-tiếp với thần linh độ-lượng nên có thể hành xử như người chữa lành, trừ quỷ và hành nghề đồng bóng.

Vậy hỏi rằng: Đức Giêsu có là pháp sư như thế không?

Thật ra thì, việc pháp sư “gọi hồn” và “lên cơn” với việc Chúa lĩnh chịu thanh tẩy cũng như chấp nhận để ma quỷ cám dỗ có nét song hành, na ná. Thế nhưng, Tin Mừng không thấy nói đến chuyện Chúa bị “nhập hồn” mê mẩn và cũng chẳng thấy Chúa có hành vi nào dựa vào uy-lực ngoại-vi làm đặc điểm con người của Ngài. Và, Chúa thực-hành việc tự-huỷ để trở thành hư không/trống rỗng mà không muốn có lợi cho Ngài. Đằng khác, Ngài luôn cương quyết san sẻ quyền năng của Ngài cho người khác.

Vả lại, nơi Ngài luôn có sự hiện-diện của “Thần Khí Thánh Ái” ở với Ngài. Thần Khí Ngài làm được tất cả, từ thổi hơi sống động cho mọi người được sống linh-hoạt, lẫn vực người chết trở về với lối sống thân thương, đổi mới, thành con người mới không tồi tệ. Như Tin Mừng nhấn mạnh, việc Chúa làm đã khiến mọi người kinh-hãi và tôn-vinh Thiên Chúa bằng những câu: “Một ngôn sứ cao cả đã chỗi dậy giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài.” (Lc 7: 16)

Chắc chắn một điều, là: hành-tung của pháp-sư chỉ để đối-đầu với thần-linh khuynh-loát, để rồi tự đặt mình dưới uy lực tà-thần luôn đè-bẹp mình vào cõi chết. Còn, Đức Chúa của ta chỉ vực dậy kẻ đã chết về tâm hồn lẫn xác thể, để họ biết mà sống sao cho Thiên-Chúa-là-Cha được tôn-vinh, cao cả. Đấng Cao Cả ở trên cao, nay bằng lòng giáng-hạ để sống chung và cùng sống với kẻ nghèo hèn đến nỗi chết, ngõ hầu cho họ được trỗi dậy mà sống cuộc đời cao cả làm dân con Chúa, với muôn người.

Cảm nghiệm tôn vinh Chúa là Đấng luôn vực dậy kẻ yếu hèn, ta hãy hát lên lời thơ vang rằng:



“Máu tim ta tuôn ra làm bể cả,

Mà sóng lòng rồn rập như mây trôi.

Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ,

Dâng cao lên, cao tột tới trên trời.”

(Hàn Mặc Tử - Biển Hồn Ta)



Biển hồn ta, nay có Chúa vực lên chốn cao cả có sóng lòng rồn rập, mây trôi. Sóng lòng ấy, nay vẫn dâng cao, dâng cao tột để người người quyết tôn-vinh Chúa, Đấng Cao Cả đã hạ giáng viếng thăm dân con Người mãi không thôi, chẳng chấm dứt.



Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch


 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:44 08/06/2013
ĐẠI VŨ (1) SINH RA
N2T

Cổn, bởi vì trị nước lũ để cứu dân mà ăn cắp “mẹ đất”, thế mà tại sao lại lại bị thần hỏa bắn cho chết chứ, do đó mà Cổn chết không nhắm mắt ! Xác của ông ta bị quăng vào dưới khe núi Ủy Vũ, ba năm rồi mà không thối rữa. Cự thần Chúc Long trên núi Ủy Vũ lấy làm lạ bèn đi xuống núi để coi như thế nào, có một con quạ bay phía sau Chúc Long. Con quạ đến gần xác chết của Cổn, vừa thấy xác thì vồ lấy kêu lên:
- “Bụng của ông ta to lớn giống như người phụ nữ mang thai đã mười tháng.”
Cự thần Chúc Long nói:
- “Banh bụng ra coi thế nào.”
Bụng của Cổn sau khi banh ra thì có một người khỏe mạnh từ trong bụng nhảy ra, đó chính là Đại Vũ.
Thi thể của Cổn trong nháy mắt hóa thành một con rồng vàng, mở miệng nói:
- “Đại Vũ, con trai của ta, con nhất định phải thành công khi trị nước lũ.”
Nói xong thì rồng vàng lặn xuống giòng sông, Đại Vũ âm thầm khóc nhớ thương.
(Tần Hán, “Sơn Hải kinh”)

Suy tư:
Theo truyền thuyết: Cổn là quan đại thần được nhà vua giao trách nhiệm là trị nước lũ để cứu dân, nhưng trách nhiệm chưa xong thì bị giết, con là Đại Vũ được sinh ra cách không bình thường sẽ tiếp tục thay cha mình để trị nước lũ cứu giúp dân...
Các thánh là những người con ưu tú của Chúa, qua mỗi thời đại khi mà trong Giáo Hội có những người làm gương mù gương xấu ảnh hưởng đến nhiều người, và làm cho nhân loại không nhận ra Giáo Hội là khuôn mặt thánh thiện của Đức Chúa Giê-su, thì từ trong Giáo Hội có những người được sinh ra, trở thành mẫu gương sáng cho Giáo Hội và cho nhân loại: thánh Phan-xi-cô Át-xi-xi đã sống khó nghèo và trở thành mẫu mực của Giáo Hội; thánh Đa-minh được sinh ra để giảng thuyết về tình yêu của Thiên Chúa và trở thành mẫu gương sáng yêu mến Đức Mẹ Ma-ri-a cho Giáo Hội; thánh Biển Đức đã trở thành tổ phụ của các cộng đoàn chiêm niệm trong Giáo Hội và là mẫu gương cầu nguyện của Giáo Hội; thánh Tê-rê-xa Hài Đồng đã khai mở con đường thơ ấu cho người thời hiện đại đi đến với Thiên Chúa, và còn rất nhiều vị thánh nam nữ tiếp tục con đường cứu độ của Thiên Chúa và trở thành mẫu gương cho chúng ta...
Mỗi người Ki-tô hữu là một bản sao của Tin Mừng yêu thương, tiếp tục công trình cứu độ của Đức Chúa Giê-su ngày trong cuộc sống của mình.
-------------------
http://jmtaiby.blogspot.com.tw
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:48 08/06/2013
Chúa Nhật 10 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Lc 7, 11-17.
“Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy”.


Bạn thân mến,
Bạn có mũi lòng khi thấy đám ma không, bạn có xúc động khi đi dự lễ an táng mà nghĩ đến người thân của mình đã qua đời không ? Tôi tin rằng chắc chắn là có, đó là điều an ủi bạn và người thân đã qua đời của bạn. Đức Chúa Giê-su cũng như bạn và tôi vậy, Ngài cũng rất xúc động khi nhìn thấy nổi buồn mất con của bà mẹ góa thành Na-in, và Ngài đã làm phép lạ khiến người thanh niên được sống lại.

Có những bà mẹ đang đau khổ vì con mình đang đi bụi không có ngày về; có những bà mẹ nước mắt đã cạn vì con mình đã vuột khỏi tầm tay của mình để lao vào những cám dỗ của thế gian; có những bà mẹ thân hình tiều tụy còm cõi ngày đêm tựa cửa ngóng trông bòng dáng con mình trở về.v.v...những hình ảnh ấy bạn đã thấy chưa, chính những lời cầu nguyện đau khổ và tin tưởng của những bà mẹ ấy, mà Thiên Chúa đã làm cho những người con của họ “đã chết” mà “sống lại” và có ích cho nhiều người, chẳng hạn như bà thánh Mô-ni-ca và con là thánh Au-gút-ti-nô...

Khi phạm tội trọng là linh hồn chúng ta đã chết, tức là chúng ta đã tách lìa khỏi Thiên Chúa như cành đứt lìa khỏi thân cây, và sẽ không thể đón nhận ân sủng của Thiên Chúa nữa, bởi vì linh hồn đã chết, bây giờ thì không chỉ cha mẹ buồn tủi, mà ngay các thánh nam nữ trên trời cũng khóc cho chúng ta nữa.

Trong đời sống của người Ki-tô hữu, chúng ta không cô đơn khi cầu nguyện, cũng không cô đơn khi bị cám dỗ, nhưng chúng ta có rất nhiều người anh chị em khác đang cầu nguyện cho chúng ta và đồng hành với chúng ta. Có nhiều người đang cầu nguyện cho chúng ta, có nhiều người đang buồn vì chúng ta đang sống trong tội, và chính nhờ những giọt nước mắt ấy của họ mà Đức Chúa Giê-su đã làm cho linh hồn chúng ta sống lại, nghĩa là làm cho chúng ta biết thống hối ăn năn.

Nhưng quan trọng nhất là chính chúng ta phải biết quyết tâm đứng dậy, biết can đảm xa alnh1 những nơi cám dỗ làm cho linh hồn chúng ta phải chết, để được Đức Chúa Giê-su nói: “Này con, Ta bảo con: hãy chỗi dậy”, lúc đó thì không còn hạnh phúc nào bằng phải không bạn ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:50 08/06/2013
N2T

12. Đọc Kinh Thánh là vì để tìm chân lý; còn như sách do ai viết, văn học, tu dưỡng hoặc sâu hoặc nông của họ, thì con không nên để ý. Tóm lại, lời của ai nói, con không cần phải hỏi; nhưng ý nghĩa của lời nói thì con nên cẩn thận chú ý.

(sách Gương Chúa Giê-su)
-----------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:52 08/06/2013
NỖI LÒNG
Cha sở tâm sự:
“Giáo dân nói mình sống vô tư, không biết buồn, không lo lắng gì cả, nhưng họ đâu biết rằng mình lo nghĩ làm sao để giáo dân biết sống đoàn kết yêu thương; có những đêm mình không ngủ được vì thấy Chúa trao cho mình không phải một trăm giáo dân mà là cả ngàn giáo dân, vì nếu không chu toàn trách nhiệm thì phải trả lẻ trước mặt Chúa; mình đang tìm cách để các thanh niên trong giáo xứ bớt rượu chè cờ bạc; tìm cách để phụ huynh cho cho em mình tham gia các sinh hoạt của nhà thờ vì họ nghèo quá...”
------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH Phanxicô không đi nghỉ hè như các vị tiền nhiệm.
Nguyễn Long Thao
11:53 08/06/2013
ĐGH Phanxicô không đi nghỉ hè như các vị tiền nhiệm.

VATICAN CITY, 6/6/2013.- Tin của thông tấn Reuters cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không đi nghỉ hè tại Castel Gandolfo như các vị tiền nhiệm, thay vào đó Ngài sẽ ở lại Vatican trong chung cư Domus Santa Marta là nơi Ngài đã ở từ khi đến Roma để bầu Giáo Hoàng.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, cho hãng thông tấn Reuters biết ĐGH sẽ ở lại Vatican cho dù thời tiết mùa hè ở đây rất ơi bức.

Theo thống kê chính thức của Ý trong năm 2012, được ký giả của Reuters trích dẫn, thì cứ hai người Ý, chỉ có một người đủ khả năng tài chánh đi nghỉ hè một tuần, còn lại họ phải ở tại nhà. Ký giả Reuters nêu ra sự kiện trên với ngụ ý ĐGH Phanxicô muốn chia sẻ hoàn cảnh khó khăn với mọi người.

Ngay từ thời còn là Hồng Y tại Á Căn Đình, ĐGH Phanxicô luôn kêu gọi tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới hãy quan tâm giúp đỡ người nghèo và hãy sống khó khăn với chính mình

ĐGH không đến Castel Gandolfo để nghỉ nhưng ngày 14 tháng 7 Ngài sẽ đến đó cử hành thánh lễ và sau đó Ngài lên đường đi Ba Tây tham dự ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Đây là chuyến du hành đầu tiên ra khỏi Ý của Đức Thánh Cha Phanxicô.
 
Tổng thống Italia viếng thăm chính thức Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Lm Trần Đức Anh OP
13:56 08/06/2013
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến Tổng thống Giorgio Napolitano của Italia sáng 8-6-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh nghĩa vụ bênh vực tự do tôn giáo, và kêu gọi giữ vững hy vọng trong nỗ lực vượt thắng các cuộc khủng hoảng hiện nay.

Đây là cuộc viếng thăm chính thức của Tổng thống Napolitano sau lần gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuối buổi lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ngài. Tháp tùng ông có phu nhân và đoàn tùy tùng gồm 13 người.

Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh Cha ca ngợi quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Italia cũng như sự cộng tác chặt chẽ giữa hai bên. Ngài nhắc đến sự kiện năm nay là dịp kỷ niệm 1.700 năm, sắc chỉ Milano được Hoàng đế Constantino ban hành năm 313 để tha bách hại Kitô giáo. Nhiều người coi đây là biểu tượng sự khẳng định đầu tiên về nguyên tắc tự do tôn giáo.

Đức Thánh Cha nói: ”Trong thế giới ngày nay, tự do tôn giáo thường được khẳng định hơn là được thực hiện. Thực vậy, tự do tôn giáo phải chịu nhiều loại đe dọa và nhiều khi bị vi phạm. Những vụ chà đạp trầm trọng quyền tự do cơ bản này là nguồn mạch gây ra lo âu và phải được các nước trên thế giới đồng thuận phản ứng, tái khẳng định phẩm giá bất khả nhượng của con người, chống lại mọi vi phạm. Mọi người đều có nghĩa vụ bảo vệ tự do tôn giáo và thăng tiến tự do này cho mọi người. Trong việc cùng nhau bảo vệ thiện ích luân lý ấy, có một sự bảo đảm cho việc tăng trưởng và phát triển toàn thể cộng đồng”.

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những cuộc khủng hoảng hiện nay tại Italia cũng như nhiều nước trên thế giới, làm cho các vấn đề kinh tế và xã hội thêm trầm trọng, đè nặng đặc biệt trên các thành phần yếu thế nhất trong xã hội. Nhất là có những hiện tượng đáng lo âu như gia đình và các liên hệ xã hội bị suy yếu, dân số giảm sút, lợi lộc được coi trọng hơn lao công, sự lưu tâm không đủ đối với các thế hệ trẻ và việc huấn luyện cho họ để có một tương lai thanh thản và chắc chắn hơn”.

Đức Thánh Cha nói: ”Trong thời điểm khủng hoảng như hiện nay, một điều cấp thiết là, trong các nỗ lực chính trị, cần có sự quan tâm nhiều hơn đối với người trẻ, và các tín hữu cũng như những người không tí ngưỡng càn cộng tác với nhau để thăng tiến một xã hội trong đó bất công được khắc phục và mỗi người được đón nhận, cũng như có thẻ góp phần vào công ích theo phẩm giá của mình”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi đừng đánh mất hy vọng và nói rằng: ”Bao nhiêu tấm gương trong chiều hướng này đã được các ông bà chúng ta nêu lên, khi đương đầu với những thử thách cam go trong thời đại các ngài, với lòng can đảm và tinh thần hy sinh. Nhiều lần ĐGH Biển Đức 16 đã lập lại rằng cuộc khủng hoảng hiện nay phải là cơ hội để canh tân các quan hệ nhân bản trong tình huynh đệ. Cả dân tộc Italia, kín múc từ truyền thống Kitô rất phong phú của mình trong tinh thần tín thác và sáng tạo, cũng như từ tấm gương của các vị thánh bổn mạng Phanxicô Assisi và Catarina Siena và nhiều nhân vật đạo đời, từ chứng tá âm thầm của bao nhiêu người nam nữ, Italia có thể và phải khắc phục mọi chia rẽ và tăng trưởng trong công lý và hòa bình, nhờ đó tiếp tục giữ vai trò đặc thù trong bối cảnh Âu Châu và trong gia đình các dân nước”.

Sau khi gặp Đức Thánh Cha, Tổng thống Napolitano và đoàn tùy tùng đã gặp ĐHY Bertone Quốc vụ khanh, và ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh (SD 8-6-2013)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Mẫu Tâm Sàigòn bế mạc năm thánh
Anmai, CSsR
18:18 08/06/2013
GIÁO XỨ MẪU TÂM DÂNG LỄ TẠ ƠN BẾ MẠC NĂM THÁNH

Khép lại năm Thánh đã mở để kỷ niệm 50 năm thành lập, hôm nay - Trái Tim Mẹ Vô Nhiễm - cũng là lễ bổn mạng giáo xứ, Giáo xứ dâng Thánh Lễ tạ ơn vì muôn ơn lành cho giáo xứ suốt 50 năm và đặc biệt trong năm Thánh vừa qua. Thánh Lễ tạ ơn hôm nay cộng đoàn cùng hân hoan đón nhận những hoa trái mới của công cuộc Loan báo Tin Mừng qua việc 33 em lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.

Xem Hình

Từ sáng sớm, cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Mẫu Tâm và những vùng phụ cận đã trở về ngôi thánh đường nhỏ bé thân thương. Cờ hoa đã làm cho bầu khí Lễ hôm nay thêm phận rạo rực. Kèm theo đó là các em thiếu nhi đã làm hàng rào danh dự để đón quý khách, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn.

8 g 20 phút, hồi trống mừng vang lên đón Đức Cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm đến chủ tế Thánh Lễ hôm nay.

8 g 30 phút, Đức Cha Phêrô cùng quý cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn quy tụ trong ngôi Thánh Đường khang trang ấm cúng để bắt đầu chương trình Lễ hôm nay.

Khởi đầu cho buổi Lễ mừng và Thánh Lễ tạ ơn là phần video clip giới thiệu sinh hoạt của giáo xứ trong thời gian qua.

Video kết thúc, đến phần nghi thức Đóng cửa Năm Thánh. Đức Cha Phêrô cử hành nghi thức này.

Đóng cửa Năm Thánh là thời gian lãnh nhận phép lành của Đức Thánh Cha cùng với Ơn Toàn Xá đã kết thúc, một đặc ân quý báu mà Đức Thánh Cha ban phép trong dịp kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển giáo xứ. Mọi ơn lành của Chúa ban xuống đầy tràn trong Năm Thánh vừa qua không có nghĩa đóng lại cho riêng mỗi người nhưng thực chất là mở ra một con đường sáng tươi đầy hy vọng, nhiệt thành phục vụ để ra khơi loan báo Tin Mừng.

Sau nghi thức đóng cửa Năm Thánh là những hồi trống hoành tráng do nhóm Đệ Tử Dòng Mân Côi thực hiện. Hồi trống vang lên hòa nhịp cùng muôn tâm hôn các tín hữu đang hiện diện trong ngôi thánh đường này hiệp ý tâm tình tạ ơn Thiên Chúa.

Kế tiếp theo đó là bài múa "Khung Trời Ước Mơ" do nhóm múa Thiếu Nhi Giáo Xứ thể hiện.

Bài múa khép lại cũng là lúc cộng đoàn tĩnh lặng để bước vào Thánh Lễ tạ ơn và thêm sức hôm nay.

Đức Cha Phêrô cùng đoàn đồng tế bước vào Cung Thánh với lời ca vang nhập lễ cùng cộng đoàn dân Chúa.

Đức Cha Phêrô mời gọi cộng đoàn cùng tạ ơn Chúa vì muôn ơn lành suốt 50 năm qua cùng với hoa trái là 33 em được nhận Bí Tích Thêm Sức hôm nay. Để Thánh Lễ thêm phần sốt sắng, Đức Cha mời cộng đoàn cùng sám hối.

Trong bài chia sẻ, Đức Cha Phêrô mời gọi cộng đoàn nhìn lại một chút về khái niệm Thánh. Đức Cha nói là thường người ta hiểu và định nghĩa Thánh theo kiểu luân lý và đạo đức. Đúng chứ không sai ! Nhưng hôm nay Đức Cha gợi đến "thánh" có nghĩa là những người được Thiên Chúa chọn riêng như Đavít, như Phêrô, dân Do Thái. Những người, dân đó vẫn mang trong mình yếu đuối tội lỗi nhưng được Thiên Chúa chọn làm dân Thánh của Ngài. Năm Thánh của giáo xứ mở ra và Thiên Chúa yêu thương ban muôn ơn lành cho giáo xứ. .. Đức Cha cũng nhắc nhở các em nhận Bí Tích Thêm Sức hôm nay nghĩa là nhận thêm ơn Chúa Thánh Thần để có sức mạnh để sống Thánh như Chúa đã chọn. ..

Sau phần chia sẻ là trao ban Bí Tích Thêm Sức.

Người dẫn mời gọi cộng đoàn cùng hiệp thông với Đức Cha trong Bí Tích Thêm Sức: "Bí tích Thêm Sức cùng với bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể hợp thành một thể thống nhất gồm “ba bí tích khai tâm Ki-tô giáo”. Do đó, người tín hữu cần thiết phải lãnh nhận bí tích Thêm Sức để hoàn tất ân sủng Thánh Tẩy. Nhờ ơn bí tích Thêm Sức, các tín hữu gắn bó với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Từ đó họ có bổn phận loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm, như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô.

Nghi thức bí tích Thêm Sức sẽ được bắt đầu bằng việc lặp lại lời hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và tuyên xưng đức tin của người sắp lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Điều này nhấn mạnh bí tích Thêm Sức đi liền với bí tích Thánh Tẩy.

Giám mục sẽ đặt tay trên toàn thể những người lãnh nhận bí tích Thêm Sức để cầu khẩn Thiên Chúa ban Thánh Thần. Việc đặt tay là cử chỉ có từ thời các tông đồ diễn tả việc ban ơn Thánh Thần. Sau cùng, cũng chính là phần chính yếu của nghi thức bí tích Thêm Sức, đó là việc xức dầu thánh trên trán người lãnh nhận bí tích. Nghi thức sẽ được kết thúc bằng việc chúc bình an. Điều này biểu lộ sự hiệp thông trong Hội Thánh giữa vị Giám mục và toàn thể tín hữu".

Trong khi trao ban Bí Tích Thêm Sức, cộng đoàn cùng lắng nghe ý nghĩa của việc xức dầu: "Theo ngôn ngữ và biểu tượng của Thánh Kinh, xức dầu có nhiều ý nghĩa: dầu là dấu chỉ của sự sung mãn và niềm vui; dầu dùng để thanh tẩy; dầu làm cho dẻo dai; dầu là dấu chỉ chữa bệnh; dầu làm nổi bật vẻ đẹp, sức khỏe và thể lực. Chúng ta sẽ gặp lại tất cả những ý nghĩa này trong đời sống Bí tích. Xức dầu khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức là dấu chỉ Thánh hiến. Nghi thức chính yếu của bí tích Thêm Sức là việc xức dầu trên trán, đồng thời với việc đặt tay và đọc lời này: “ Hãy nhận lấy ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”. Bí tích Thêm Sức chỉ được lãnh nhận một lần mà thôi, vì qua việc xức dầu, bí tích Thêm Sức ghi vào linh hồn một dấu ấn thiêng liêng không thể xóa được: Chúa Ki-tô đóng ấn tín của Thần Khí Người trên người Ki tô hữu để củng cố họ bằng sức mạnh thần linh và biến họ thành chứng nhân cho Người".

Trước khi nhận phép lành Toàn Xá, Đức Cha Phêrô trao ban Phép Lành Tòa Thánh cho 12 vị đại diện của 12 xóm giáo như là chứng nhận ân ban của Thiên Chúa cho cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Mẫu Tâm.

Kế đến là lời cảm ơn của vị đại diện Hồi Đồng Giáo Xứ.

Vị Đại diện cảm ơn Đức Cha cùng quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn đã thương đến giáo xứ Mẫu Tâm.

Đặc biệt, vị đại diện cảm ơn Cha chánh xứ G.B. Bùi Bá Tam Quan. Từ năm 2007 được gửi về đây, Cha G.B. đã nổ lực xây dựng ngôi Thánh Đường Mẫu Tâm khang trang. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng ngôi Thánh Đường vật chất mà Cha G.B. hết sức chú trọng về phần tâm hồn và thiêng liêng. Cha G.B. đã yêu thương và đã hồn hết tâm huyết để lo cho giáo xứ Mẫu Tâm này.

Hai lẵng hoa tươi thắm được gửi đến Đức Cha Phêrô và Cha Giuse M. Đoàn Văn Thịnh (chánh xứ Xóm Chiếu - phó hạt Xóm Chiếu).

Trong phần đáp từ, Đức Cha Phêrô dí dỏm với cộng đoàn:

"Năm Thánh đến với giáo xứ và giáo xứ đã thanh toán được nợ nần trong việc xây dựng ngôi Thánh Đường. Không biết là vừa đủ hay còn thừa. Nếu còn thừa xin gửi cho tôi để tôi lo việc xây Đại Chủng Viện. Nếu xây Đại Chủng Viện mà còn thiếu, chắc tôi cũng bắt chước Cha Xứ Mẫu Tâm để mở Năm Thánh để được xóa nợ. ..

Tôi đến đây hôm kia để dâng Lễ an táng cho bà cố của cha Sở. Sự ra đi của bà cố là mất mát lớn của cha Sở Gioan Baotixita. Bên cạnh sự mất mát đó, Chúa bẫn ban muôn ơn lành cho giáo xứ.

Tôi ghi nhận sự nổ lực rất lớn của anh chị em. Năm Thánh vừa qua, giáo xứ đã có thêm 3 xóm giáo nữa để đủ 12 xóm giáo lành thành 12 cột trụ giữ vững ngôi nhà giáo xứ. Năm Thánh vừa qua giáo xứ cũng đã thành lập Giới Trẻ và Giới Gia Trưởng cùng nhiều hoạt động khác. .. Xin anh chị em cùng cộng tác với cha Sở để xây dựng giáo xứ Mẫu Tâm này ngày càng tốt đẹp hơn".

Sau khi nhận phép lành toàn xá, các em lãnh Bí Tích Thêm Sức hôm nay cùng chụp chung với Đức Cha và quý cha đồng tế những tấm hình ghi dấu ngày hồng phúc của các em.

Hồng ân nối tiếp hồng ân. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót qua lời chuyển cầu của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ ban cho giáo xứ Mẫu Tâm muôn ơn lành hồn xác để giáo xứ sống chứng nhân của Chúa giữa lòng xã hội.

Mẫu Tâm, Lễ Trái Tim Mẹ Vô Nhiễm

Muối Cho Đời
 
Ngày họp mặt dự tu Thanh Hóa
Têrêxa Phương Thu
10:19 08/06/2013
NGÀY GẶP MẶT DỰ TU GIÁO PHẬN THANH HÓA LẦN THỨ III

Ngày 06.06.2013, Tại Tòa Giám Mục Thanh Hóa đã diễn ra Ngày họp mặt dự tu giáo phận lần 3. Ngôi nhà chung giáo phận như mang một màu tươi mới, rộn ràng hơn bởi sức trẻ, bởi màu áo trắng tinh khôi, bởi tiếng cười nói thân tình. Trước đó, các giáo hạt Chính Tòa - Ba Làng - Mỹ Điện - Nga Sơn - Sông Chu - Sông Mã cũng đã lần lượt tổ chức thành công ngày họp mặt dự tu cấp giáo hạt. Trở về ngôi nhà chung giáo phận hôm nay các bạn nam nữ dự tu được một lần nữa đánh giá lại sự lựa chọn của mình, tìm một hướng đi đúng đắn cho cuộc đời và tự trả lời cho những vướng mắc bấy lâu “Lạy Chúa con phải làm gì ?”. Đây cũng là chủ đề của Ngày họp mặt dự tu năm nay.

Xem Hình

Diễn ra vào đúng thời điểm nắng chói chang, oi ả nhất trong năm, ấy thế nhưng, điều đó chẳng thể làm trùn bước những bạn trẻ có ý hướng tiến thân theo lý tưởng ơn gọi dâng hiến. 715 dự tu là con số của ngày hôm nay. Trong đó, giáo hạt Sông Mã tham dự đông đảo nhất với 174 bạn: 21 bạn đang theo học tại các trường đại học cao đẳng và cả những bạn trẻ tuổi đời chỉ mới 12 -13 cũng muốn về tìm hiểu ơn gọi.

Tỉnh Thanh Hóa có số dân đông thứ 3 cả nước với 3.412.600 người (theo thống kê năm 2011) nhưng trong đó con số người Công Giáo chỉ hạn chế ở mức 136.707 người (chiếm 4%). Cánh đồng truyền giáo xứ Thanh còn mênh mông. Nhiều nơi, nhiều người chưa biết đến Chúa, chưa được tiếp nhận Chân lý sự sống. Giáo phận cần lắm những tay thợ gặt lành nghề mà chính những người dự tu hôm nay là người được mời gọi thi hành sứ vụ cao cả ấy, là những người giữ trong tay chìa khóa mở cánh cổng tương lai của giáo phận nhà.

Nắm bắt và nhận thức sâu sắc được điều đó, xuất phát từ sáng kiến của Đức Cha đương nhiệm Giuse Nguyễn Chí Linh, kể từ năm 2011 đến nay, đã thành thông lệ, cứ mỗi năm một lần, Uỷ ban Ơn gọi lại tổ chức “ Ngày gặp mặt dự tu giáo phận”.

Hiện diện trong buổi gặp gỡ hôm nay có Đức Cha giáo phận Giuse Nguyễn Chí Linh, Cha chủ tịch Ủy ban Ơn gọi Giuse Vũ Thanh Long, quý cha Tòa giám Mục, quý cha trong giáo phận, quý thầy, quý sơ, quý chú Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh và sự góp mặt đặc biệt của đại diện 8 hội dòng trong cả nước.

Khi đối diện với một xã hội đầy phức tạp: tiền tài, danh vọng là cơ sở để đánh giá một con người; bậc thang giá trị Tin Mừng dường như bị đảo lộn, bất công và tệ nạn ngày càng lan rộng…cảm nghiệm được rằng để sống cho lý tưởng và Thánh ý là một cuộc chiến đầy cam go bắt con người phải lựa chọn, trả giá thì lạy Chúa con phải làm gì? Câu hỏi của thánh Phaolô khi xưa cũng chính là điều các bạn trẻ hôm nay băn khoăn, lo nghĩ. Và ngày gặp mặt này sẽ giúp các bạn tìm ra lời giải đáp toàn vẹn nhất - Cha chủ tịch Ủy ban Ơn gọi Giuse Vũ Thanh Long nhấn mạnh.

Giáo Hội hoàn cầu luôn dành một sự quan tâm đặc biệt đến những mầm non ơn gọi. Trong sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân ngày cầu cho ơn gọi 2013, ngài đã mời gọi các bạn trẻ cách tha thiết: “Các bạn trẻ thân mến, dẫu các con đang phải đối diện với biết bao nhiêu lựa chọn hời hợt và chóng qua, cha hy vọng các con vẫn có thể nuôi dưỡng khao khát về điều gì có giá trị đích thực với những mục đích cao cả, những lựa chọn triệt để trong việc phục vụ tha nhân và bắt chước Đức Kitô…”.

Những tiết mục văn nghệ góp vui của quý chú Tiểu chủng viện, đệ tự dòng MTG Thanh Hóa, đệ tử Saint Paul làm cho không khí thêm phần hưng phấn.

Đến với ngày hội ngộ hôm nay, tất thảy đều mang trong mình một niềm vui nhưng có lẽ người vui nhất là vị chủ chăn kính yêu. Người đã cười thật nhiều, ánh mắt rạng ngời toát lên niềm hạnh phúc và tràn đầy hi vọng, cha như thấy tương lai giáo phận trước mắt mình.

Trong lời ban huấn từ, Đức Cha nhắc lại mục đích của ngày gặp mặt dự tu là nhằm giới thiệu về các dòng tu đến những bạn trẻ có ý hướng dâng mình cho Chúa trong ơn gọi tu trì. Mỗi dòng mang một màu sắc, một đặc sủng khác nhau, hiểu và tiếp thu được những tiêu chí sẽ giúp cho sự lựa chọn dễ dàng, phù hợp với ước nguyện, tâm tính của mỗi người. Đức Cha cũng mong muốn “những gương mặt hiện diện nơi đây mai này sẽ có mặt trên mọi miền đất nước, để phục vụ, để loan báo, khai mở những vùng đất mới chưa biết đến Chúa…và làm nên sự phong phú cho vườn hoa Giáo Hội tại giáo phận Thanh Hóa”.

Ngay sau đó là lời giới thiệu của 8 hội dòng hiện diện. Các bạn nam nữ dự tu cũng được dành thời gian để trao đổi, tìm hiểu trực tiếp về dòng mình lựa chọn thông qua vị đại diện.

Bữa cơm gia đình thân mật đầy ắp tình cha - con, huynh - đệ càng làm cho ngày hội ngộ thêm ý nghĩa.

Chương trình buổi chiều tiếp tục với giờ xám hối cộng đồng – lắng đọng tâm hồn để đón nhận tiếng Chúa. Mỗi người nghe tiếng gọi mời theo mỗi cách riêng không nhất thiết phải trở nên tu sĩ và con đường Chúa dẫn dắt từng người lại càng đặc biệt hơn nữa. Nhưng trong Thiên Chúa con đường nào của Ngài cũng đều tuyệt hảo.

Giờ phút của thánh lễ là cao điểm ngày họp mặt. Đúng 15h30, thánh lễ tạ ơn được cử hành do Đức Cha Giuse chủ sự với ý nguyện chung cầu nguyện cho tất cả những người con được Chúa mời gọi.

Trong bài chia sẻ, Đức Cha đã nói thật nhiều về tình yêu: Tình giữa con người với nhau rất bấp bênh có khi không kết thúc bằng cái chết nhưng cũng không mấy tốt đẹp. Lời Chúa dạy như một chân lý: hãy yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình. Đó mới là tình yêu vĩnh cửu. Cây thánh giá là biểu tượng đẹp nhất trong nhân loại, là biểu tượng của một tình yêu lớn lao “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” – lý tưởng đó đã làm say mê biết bao người…”. Tìm hiểu ơn gọi cũng chính là đến tìm hiểu sự sâu xa của tình yêu Chúa. Chúa cho mỗi người nhiều con đường dẫn tìm đến hạnh phúc nhưng nếu chọn đời tu sẽ hạnh phúc hơn. “Đời tu sống trong hội dòng, được bề trên cử đi khắp nơi vì vậy cái tình của nhà tu phóng thoáng, quảng đại hơn; biết yêu thương quan tâm hơn, phục vụ rộng rãi hơn, yêu Chúa nhiều hơn…”.

Cuối thánh lễ, bài hát “Kinh hòa bình” vang lên như một lời ước nguyện của đoàn con gửi dâng với hy vọng được đón nhận chương trình huyền diệu của tình yêu Thiên Chúa. Ngay sau đó, ơn toàn xá được trao ban qua bàn tay Đức Cha.

Ngày vui khép lại – một ngày vẹn tròn ý nghĩa. Hi vọng rằng với những điều các bạn đón nhận được hôm nay tự bản thân mỗi người đã có lời giải đáp hoàn chỉnh nhất cho tất cả những vướng mắc, băn khoan. Ơn gọi thật tuyệt vời và cao trọng mà chỉ có một con đường duy nhất dẫn đến - con đường mang tên Tình Yêu.

Têrêxa Phương Thu
 
Đã có một ngày “khơi lại ngàn xưa”
Trần Tuy Hòa
12:06 08/06/2013
Đã có một ngày “khơi lại ngàn xưa”

(Một chút cảm nhận nhân kỷ niệm 50 và 72 năm xây dựng nhà thờ Quảng Ngãi)

Có ai về đánh thức hồn non nước
Khơi lại ngàn xưa : đẹp trăng lên ?...
(Trần thoại Nguyên)


Trang Quảng Ngãi điện tử mấy ngày đầu tháng 6 cho tôi những tin tức vui buồn thế sự : nào là ngôi trường Ba Xa thuộc huyện miền núi Ba Tơ trống trước hở sau ; nào là những nhà vệ sinh của các trường phổ thông trong tỉnh có giá xây dựng trên 600, 700 triệu cho một diện tích vài chục mét vuông…; nào là Trạm cứu hộ Lý Sơn đi vào hoạt động nhằm hạn chế nỗi đau mất mát của người dân vùng biển đảo xa xôi hay chuyện khai quật tàu chứa cổ vật tại vùng biển Châu Thuận - Bình Sơn làm sáng thêm nền văn hóa Sa huỳnh …

Không biết có được bao nhiêu người may mắn như tôi, không chỉ đọc được những thông tin trên báo mà còn tận mắt chứng kiến những tin vui : Tôi thấy những thanh thiếu niên từ Lý Sơn mang hương tỏi Đức Tin, vượt trùng khơi về đây đón nhận ơn thánh ; tôi thấy người thiếu nữ trong bộ áo dài trắng với vóc dáng và gương mặt dễ thương, người đang giữ tủ thuốc cho hội trại Hồng Ân đứng vòng tay từ xa tham dự một thánh lễ dài hơn thường lệ trong chăm chú và sốt sắng như muốn tận hưởng những giây phút thánh thiêng chưa từng thấy trong đời. Nghe nói “người ấy” đến tận Bình Châu…; tôi thấy mấy em nhỏ chỉ chỏ vào tấm bản đồ lớn bên phải nhà thờ bảo nhau rằng : Nhà thờ mình nằm ở chỗ này, nằm ở chỗ kia với nét mặt tươi vui như tìm lại được ngõ về sau thời gian dài lưu lạc…Tôi không thấy nhưng nghe được, chắc là không sai, có những khách sạn, nhà nghỉ của anh em lương dân cho chúng tôi trú ngụ trong đêm 6/6/2013 miễn phí, nhiều gia đình trong giáo xứ đón tiếp chúng tôi đầy tình huynh đệ…Tôi còn thấy nơi trang cuối của tập giấy phổ biến chương trình tổng quát mừng 72 và 50 năm xây dựng nhà thờ Quảng Ngãi có trang hướng dẫn một số địa điểm dịch vụ mà đọc qua tưởng chừng chỉ là trang hướng dẫn bình thường như giúp khách thuận tiện liên hệ khi cần. Nhưng không chỉ có vậy. Dẫu chưa biết Chúa nhưng họ muốn có mặt trong giáo xứ qua trang cuối của tập giấy này như một chia xẻ nhiệm vụ phục vụ của minh. Dường như họ hiểu rằng : Nhà thờ đâu chỉ của người Công Giáo mà là của những người thiện chí và hảo tâm. Tôi còn thấy nụ cười, cái nắm tay thật chặt của quý chức thuộc ban chức việc trong không khí rộn ràng, cấp tập trước sự đông đảo đột xuất này ; có lẽ giống như các Tông đồ của 2000 năm trước, họ được Chúa nhắc nhở : “Chính anh em hãy cho họ ăn” ( Lc 9/13). Đặc biệt, tôi nhìn thấy người chủ chăn nhỏ con, sống trọn vẹn tâm tình phó thác và luôn lạc quan nhìn về phía trước khi ngài nói với tôi : “Thấy có bầu khí lắm”.

Nếu việc qui tập những cổ vật ở vùng biển Bình Châu là cần thiết cho việc xác nhận sự có mặt của một nền văn hóa thì đêm hoan ca diễn nguyện lại cần thiết hơn nhiều để chúng tôi xác nhận lại sự có mặt của Tin Mừng Cứu Độ qua hình ảnh của các địa danh An Chỉ, Bầu Gốc, Phú Hòa, Cù Và, Trung Tín…và xa hơn là Nước Mặn, Gò Thị, Mằng Lăng…

Trong bài thơ : Thương về núi Ấn sông Trà, thi sĩ Trần Thọai Nguyên có viết :

… Bồ xe nước con sông Trà chết giấc
Thiên Ấn buồn nhìn Thiên Bút hết thiêng !
Có ai về đánh thức hồn non nước
Khơi lại ngàn xưa : Đẹp trăng lên ?...


Thưa nhà thơ, có rồi đó. Họ về từ vùng núi xa xôi Ba tơ; Trà Bồng, từ Lý Sơn sóng gió, từ Trà Câu, Gia Hựu, Châu Ổ, Châu Me…từ nhiều vùng đất xa xôi heo hút khác là hậu quả của một thời ly loạn, xiêu tán, từ những mảnh đời khốn khó, lẻ loi… để quỳ gối chung nhau trong một băng quỳ, cuối đầu trước bàn thờ, lòng bồi hồi thổn thức như đôi tân hôn ngày cưới đón nhận sự chúc lành của Chúa.

Trăng đã lên, đẹp lắm. Quì trong ngôi giáo đường đã 50 năm xây dựng tưởng chừng như rệu rã theo thời gian nhưng hôm nay mặc chiếc áo cưới thanh khiết, trắng ngần, tôi thấy giáo đường bẽn lẽn như cô thanh nữ lớn tuổi lần đầu trao nhẫn khi phận duyên đến chậm lúc chứng kiến những chiếc cột cao vút được xức dầu thánh hiến.

Nếu Chúa chưa thực hiện quyền năng của Ngài nơi anh Nick, người không tay không chân, khi chậm trao cho anh đôi chân cụ thể để được mang giày thì Chúa đã làm phép lạ nơi ngôi thánh đường rộng lớn mà 50 năm qua chưa một lần qui tụ được số người đông đảo chật kín từ trong ra ngoài như thế. Khi thấy đông đảo tín hữu tuôn về, tôi tin rằng Chúa đã chia sẻ ưu tư, bức xúc của Giám mục Giáo phận khi trong thư gởi giáo hạt Quảng Ngãi nhân ngày cử hành năm đức tin trước đó, ngài viết … “Giáo hạt Quảng Ngãi chỉ có 7 giáo xứ với tổng số giáo dân là 9.473 người, một con số quá khiêm tốn gây bức xúc cho mọi thành phần Dân Chúa”.

“Chuyện tình 50 năm Quảng Ngãi” đã là chuyện thời sự nổi bật, là chuyện HOT mấy hôm nay.

Có những cái NÓNG (hot) như những bản tin thời sự, đọc xong hết nóng hoặc như đường dây nóng sẽ đứt khúc khi hai đầu dây không muốn nhìn nhau ; có những cái nóng của nam thanh nữ tú (hotboy – hotgirl) sẽ không còn nóng khi thời gian đi qua ; có những cái nóng như cái nóng của thời tiết, sẽ hết nóng khi Thu đến, Đông về nhưng có cái nóng không bao giờ hết nóng, cái nóng của Thánh Tâm, cái nóng của Lòng thương xót Chúa vì cái nóng này nuôi dưỡng tình yêu, lòng khoan dung tha thứ và liên kết vững bền. Chúng ta tin rằng cái NÓNG của nhà thờ Quảng Ngài sẽ khơi lại được ngàn xưa để ánh trăng đức tin không chỉ sáng đêm rằm nhưng sáng mãi nhiều đêm trong tháng, vì nơi đây có nhiều tâm hồn đang chờ ngóng trăng lên.
 
Ngày Thánh Thể IV đã diễn ra tưng bừng tại Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm
Trần Mạnh Trác
12:26 08/06/2013
Đại Hội 'Ngày Thành Thể' lần thứ 4 đã khai mạc tại Đan Viện Biển đức Thiên Tâm, Kerens, Texas vào chiều thứ Năm 6-6-2013 với lễ truyền chức Phó Tế và có sự hiện diện cuả ĐGM sở tại là Đức Cha Kevin Farrell, Giám Mục Địa Phận Dallas và 1 vị giám mục khách từ VN tới là Đức Cha Tri Bửu Thiên, Giám Mục Địa Phận Cần Thơ.

Đức Cha Tri Bửu Thiên, với giọng nói nhỏ thẹ và khoan thai cuả người Niềm Nam hiền hoà, sẽ lưu lại đan viện để chủ sự 4 ngày đại hội kéo dài cho đến Chuá Nhật 9-6-2013.

Ngoài Đức Cha Tri Bửu Thiên, các buổi hội thảo còn được hướng dẫn bởi một 'gương mặt nặng ký' là Lm. tiến sĩ Nguyễn Khắc Hy, tu hội Xuân Bích, giáo sư Thần Học tại các đại chủng viện Hoa Kỳ.

Trong danh sách thuyết giảng còn có những vị tên tuổi như Lm. Đoàn Đình Bảng, Lm. Nguyễn Thiện Lãm, C.S.Sp., Phó Tế Hoàng Thương.

MC cho các chương trình bao gồm nhiều quí chức từ Houston, Dallas, Austin, Arlington và ông Cao Tấn Tĩnh.

Những hình ảnh ghi nhận vào ngày Thứ Sáu vừa qua cho thấy con số tham dự gia tăng nhiều so với những năm trước. Người ta đã dành trọn hội trường cho những buổi hội thảo thay vì chỉ dùng có một nửa và các buổi lễ đại trào đã phải tổ chức tại lễ đài mới cạnh bờ hồ để có đủ chỗ chứa.

Nhờ có vài cơn mưa các ngày trước, không khí rất là mát mẻ dễ chịu giống như muà Xuân.

Nếu so sánh với năm trước thì con số tham dự buổi lễ tối Thứ Sáu đã tăng lên gần gấp đôi, khoảng 1200 người. Như vậy người ta phỏng đóan rằng ngày Thứ Bảy con số giáo dân hành hương tới tham dự sẽ có thể lên tới 4 ngàn.

Với đà tăng trưởng như thế, đại hội 'Ngày Thánh Thể' đang trở thành một truyền thống mới cho các sinh hoạt mục vụ cuả người Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại tại miền Tây Nam (South West) Hoa Kỳ.

Xem hình ảnh
 
Lễ Khấn tại Hội Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc
Trầm Thiên Thu
13:54 08/06/2013
GP Xuân Lộc – Tháng Sáu kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Nguồn Cứu Độ. Mạch ân sủng thương xót tuôn chảy hai dòng Nước và Máu từ Thánh Tâm Ngài khi Ngài bị treo trên Thâp giá. Tháng Sáu cũng là Mùa Dâng Hiến, khắp nơi trên thế giới có những Thánh lễ Truyền chức và Khấn dòng.

Với truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội Công Giáo, sáng ngày 8-6-2013, Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, Hội Dòng Mến Thánh Giá (MTG) Xuân Lộc đã có niềm vui của 8 Nữ tu Vĩnh Khấn: chị Têrêsa Trần Thị Quyên, Maria Nguyễn Thị Dinh, Catarina Trần Thị Diễm Thúy, Têrêsa Phạm Thị Thanh Nhàn, Maria Nguyễn Thị Thanh Lan, Maria Nguyễn Thị Bích Liên, Maria Nguyễn Thị Thùy Chi, và Maria Bùi Thị Kim Phượng và 4 Nữ tu mừng Ngân Khánh Khấn Dòng chị Catarina Vũ Thị Kim Tuyết, Maria Bùi Thị Mai, Anna Vũ Thị Hoa, và Maria Lại Thị Tho.

Đúng 08 giờ 30 sáng, Thánh lễ Tạ ơn bắt đầu, chủ tế là ĐGM Đa-minh Nguyễn Chu Trinh, Giáo phận Xuân Lộc, đồng tế có 15 linh mục.

Đời tu là sống theo lời khuyên Phúc Âm, và là khúc cảm tạ. Nữ tu là những người sống âm thầm cầu nguyện, trở nên nhỏ bé giữa Giáo Hội và xã hội, nhưng giá trị lại rất cao, vì Đức Kitô luôn đề cao việc cầu nguyện. Trong cầu nguyện luôn bao hàm tình mến. Thánh nữ Margaret Mary Alacoque, người được Chúa Giêsu mặc khải Thánh Tâm, khuyên nhủ: “Hãy yêu mến Chúa bằng cả sức lực, hãy luôn nghĩ về Ngài, hãy để Ngài hành động trong bạn, với bạn và cho bạn, theo ý Ngài muốn, đừng lo lắng về điều gì khác”.

Vĩnh khấn là lời hứa tận hiến trọn vẹn cuộc đời cho Đức Kitô, là giao ước với Ngài vì lý tưởng Phúc Âm và vì Nước Trời, với biểu tượng là Chiếc Nhẫn. Vĩnh Khấn cũng là Lễ Cưới Huyền Nhiệm với Chúa Giêsu, vì Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu (1 Ga 4:8 & 16). Đó là Hồng Ân, là niềm hạnh phúc, như Thánh Phaolô nói: “Tôi có là gì thì cũng là nhờ Hồng Ân Thiên Chúa” (1 Cr 15:10). Vì thế, “trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha (Ep 5:20).

Tuy nhiên, các nữ tu Dòng MTG nói chung, Dòng MTG Xuân Lộc nói riêng, hẳn là phải có tình yêu “khác” người, vì dám yêu mến Thánh Giá chứ không yêu mến cái gì khác, tức là yêu mến gian nan, vất vả, cực nhọc,... Chính Thầy Chí Thánh Giêsu đã xác định: “Tôi đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45). Cần phải thực sự quyết tâm và can đảm!

Thập giá là sự điên rồ đối với người Do Thái, là cớ vấp phạm đối với người Hy Lạp, nhưng đó lại là sự từ bỏ chính mình theo lời mời gọi của Chúa-Giêsu-Chịu-Đau-Khổ dành cho mọi Kitô hữu, đặc biệt là với những người sống đời dâng hiến: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Thậm chí Ngài còn nhấn mạnh: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy” (Mt 10:38). Các nữ tu Dòng MTG phải “chết” trong từng giây phút, “chết” từ trong ý nghĩ tới mọi động thái, “chết” cho chính mình và tha nhân.

Với các nữ tu mừng Ngân Khánh Khấn Dòng, đó là khoảng thời gian hai mươi lăm năm đã qua trong hành trình dâng hiến, khoảng thời gian không dài cũng chẳng ngắn, nhưng là một mốc thời gian để xét lại mình và quyết tâm dấn thân hơn.

Hai mươi lăm năm có biết bao thăng trầm, vui buồn,… hòa quyện với Hy tế Tạ ơn là chính Đức Kitô. Niềm vui bao giờ cũng ngắn ngủi, nhưng nỗi buồn luôn dài lê thê. Nụ cười hôm nay là chuẩn bị cho nước mắt những tháng ngày nối tiếp. Nghe chừng bi quan, nhưng không phải vậy. Đời vẫn luôn như thế!

Con người yếu đuối và mỏng dòn, cũng có những lúc chân chồn, gối mỏi, tình nhạt, nản chí,... tưởng như muốn buông tay! Nhưng Hồng Ân Chúa vẫn dạt dào, như Chúa đã nói với Thánh Phaolô: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12:9).

Đức Mẹ không một ngày ở trong tu viện, không hề khoác chiếc áo dòng, nhưng Mẹ vẫn trọn đời “xin vâng”. Hôm nay vừa là Thứ Bảy, vừa là lễ Mẫu Tâm Vô Nhiễm (Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ), một sự trùng hợp để các nữ tu hướng về Đức Mẹ và noi gương Đức Mẹ.
 
Giáo xứ Quảng Ngãi mừng 72 năm xây dựng nhà thờ
Giáo xứ Quảng Ngãi
21:32 08/06/2013
ĐẠI LỄ THÁNH TÂM MỪNG KỶ NIỆM 72 NĂM XÂY DỰNG NHÀ THỜ CŨ (1941-2013)

50 NĂM XÂY DỰNG NHÀ THỜ MỚI (1963-2013)

GIÁO XỨ QUẢNG NGÃI

CUNG HIẾN NHÀ THỜ MỚI QUẢNG NGÃI

Từ cuối tháng 11 năm 2012, trong cuộc Đại Hội giáo dân lần thứ nhất, cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Quảng Ngãi đã quyết định mở lễ mừng kỷ niệm 72 năm xây dựng nhà thờ cũ (1941-2013) và 50 năm xây dựng nhà thờ mới Quảng Ngãi (1963-2013).

Khoảng 3 tháng trước ngày đại lễ, cả giáo xứ đã bắt đầu tuần “Cửu thập nhật - 90 ngày”, để cầu nguyện và sửa dọn tâm hồn. Hàng ngày, sau mỗi thánh lễ, giáo xứ cùng dâng kinh nguyện lên Chúa Ba Ngôi để cầu nguyện hướng về đại lễ 50 năm và 72 năm xây dựng hai ngôi thánh đường.

Song song với công cuộc mục vụ hướng nội, cơ sở hạ tầng và các hạng mục phục vụ cho sinh hoạt cộng đoàn cũng được trùng tu, nâng cấp hay xây mới.

Tuy nhiên, phải đợi đến giữa tháng 4/2013, chương trình chuẩn bị cho đại lễ nầy mới bắt đầu khởi động.

Và rồi, sau gần 2 tháng thi công, các hạng mục trùng tu nhà thờ đã hoàn tất như : sơn nước nội thất, óp đã granite các cột, thay ô gió cửa sổ xi măng bằng cửa số song sắt, thiết đặt đèn chùm và hệ thống âm thanh, chỉnh trang khu nhà tạm, đóng mới bàn thờ chính bằng phiến gỗ nguyên, đóng các bệ đặt Thánh Giuse-Đức Mẹ, các tòa giải tội, bệ nhà tạm lưu Mình Thánh Chúa…

Cùng với với các hạng mục trên, một hội trường mới với diện tích sử dụng là 400 m2 cũng được hoàn tất với khu vệ sinh nam nữ khang trang. Bên cạnh đó, nhà xứ cũng được chỉnh trang, phối trí để tăng cường công năng sử dụng : một phòng truyền thống, một nhà bếp mới và 2 nhà kho cùng với các tượng đài Phêrô-Phaolô và lễ đài Ba Thánh Tử đạo của giáo phận Qui Nhơn cũng được hoàn tất.

Như vậy, mọi sự đã sẵn sàng để tiếp đón các anh chị em giáo dân khắp nơi về mừng đại lễ.

Nếu trọng tâm ý nghĩa của ngày đại lễ chính là Thánh Tâm Chúa Giêsu, Bổn mạng của cả hai nhà thờ cũ và mới Quảng Ngãi, thì ý nghĩa “văn hóa mục vụ” lại nhắm tới cuộc kỷ niệm với 2 thời điểm lịch sử liên quan tới hai ngôi thánh đường nầy : 72 năm xây dựng nhà thờ cũ (1941-2013) và 50 năm xây dựng nhà thờ mới (1963-2013).

Tất cả những ý nghĩa đặc biệt trên lại được củng cố và làm tăng chiều kích long trọng khi cũng chính trong thời điểm “Năm Đức Tin” nầy, ngày lễ Thánh Tâm lại được ĐGM giáo phận chọn làm ngày “Lễ Trạm” của giáo hạt Quảng Ngãi trong cuộc hành hương Năm Đức Tin của dân Chúa trong giáo phận Qui Nhơn. Chính vì thế, ngày lễ Thánh Tâm nầy hứa hẹn sẽ có cuộc tập họp đông vui của nhiều thành phần dân Chúa từ khắp nơi tuốn về, như lời dự báo của sứ ngôn Isaia về cuộc tập họp ở Giêrusalem từ 27 thế kỷ trước, mà ý nghĩa biểu trưng đã được chọn làm chủ đề cho ngày Hội Trại Hồng Ân : BỪNG SÁNG TIN YÊU (Is 60,1).

Để đong đầy tất cả những ý nghĩa trên và kín múc từ đó những hoa quả của hồng ân đức tin chương trình mừng đại lễ được thực hiện với các nội dung :

-Ngày thứ nhất (5/6) : dành riêng tôn vinh Mẹ Maria và tạ ơn 72 năm nhà thờ cũ. Thánh lễ tôn kính Mẹ được cử hành tại chính nơi mà 72 năm trước ngôi nhà thờ đầu tiên của Quảng Ngãi được xây dựng. Kết thúc thánh lễ nầy chính là phần diễn nguyện tôn kính Mẹ Maria với chủ đề Mẹ Maria, Đấng đồng hành với Dân Chúa được thể hiện qua hoạt cảnh Tin Mừng “Tiệc cưới Cana”.

-Ngày thứ hai, cũng là ngày áp lễ : Khai mạc Hội trại Hồng ân. Đây là cuộc tập họp của toàn giáo phận với các đơn vị giáo xứ từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi cùng với đại diện của hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn mà cội nguồn xuất phát là vùng đất An Chỉ thuộc Quảng Ngãi. Cao điểm của ngày nầy chính là thánh lễ Tạ Ơn 50 xây dựng nhà thờ mới Quảng Ngãi (1963-2013) và cầu nguyện cho các tiền nhân và ân nhân của giáo xứ. Tiếp nối thánh lễ đặc biệt nầy chính là chương trình Hoan Ca Diễn Nguyện với 3 phần :

Trong đó, phần đầu tiên chính là mời gọi chúng ta cùng lên đường tìm lại cội nguồn đức tin qua những cột mốc đã hằn sâu trong lịch sử truyền giáo của giáo phận Qui Nhơn như : chứng tích truyền giáo Nước Mặn, Người chứng thứ nhất ; Á Thánh Anrê Phú Yên, An Chỉ, cội nguồi của dòng Mến Thánh Giá, Thánh Giám Mục Stêphanô, nhà truyền giáo vĩ đại và Anrê Kim Thông, chứng nhân thầm lặng.

Kết thúc cho phần nầy chính là tâm tình tri ân cảm tạ dâng lên các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các thánh tử đạo giáo phận Qui Nhơn và đặc biệt, các vị tử đạo trên mảnh đất Quảng Ngãi thân yêu nầy cùng với bao nhiêu hy sinh, đóng góp, nỗ lực của những giáo dân suốt bao nhiêu năm qua đã vun xới cho cánh đồng truyền giáo Quảng Ngãi được phong phú.

Phần thứ hai cũng là phần chung kết của chương trình chính là tiếng gọi mời tất cả chúng ta cùng nắm tay lên đường ra đi làm muối men ánh sáng cho cuộc đời, chứng nhân cho Tin Mừng cứu độ ; và cùng với Mẹ Maria hân hoan bước vào cánh cửa đức tin để xây dựng giáo phận Qui Nhơn và quê hương Quảng Ngãi càng ngày càng thêm mở màu phong phú.

Mặc dầu chưa có cơ hội để phối hợp và tổng dợt các tiết mục của các đơn vị ở cách xa nhau hàng mấy trăm cây số dọc dài theo 3 tỉnh Quảng Ngãi-Bình Định-Phú Yên, nhưng các đơn vị với các chủ đề được đầu tư và chuẩn bị thật tốt để khi thể hiện mọi sự đều ăn khớp hài hòa. Kết quả tốt đẹp này một phần cũng nhờ hệ thống âm thanh, ánh sáng, sân khấu và ban diều hợp chương trình của giáo xứ Quảng Ngãi đã chuẩn bị trong điều kiện khá hoàn hảo cho một sự kiện lớn.

Qua đêm diễn nguyện hoan ca đặc sắc nầy, cộng đoàn dân Chúa Quảng Ngãi và nhiều nơi trong giáo phận có mặt, đã thực sự được trở về nguồn cội đức tin để cảm nhận công ơn trời biển của cha ông tiên tổ.

Và ngày cuối cùng cũng là đỉnh cao và trọng tâm của chương trình đại lễ, ngày cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêssu, Bổn mạng của nhà thờ Quảng Ngãi mà sau 50 xây dựng, hôm nay được chính thức Cung Hiến bởi vị Chủ chăn của giáo phận trong nghi thức Phụng Vụ long trọng của Hội Thánh Công Giáo. Thánh lễ đã diển ra trong bầu khí trang trọng khác thường với một cộng đoàn Phụng Vụ đông chưa từng có tại Quảng Ngãi. Sức chứa của ngôi nhà thờ vào hạng rộng nhất miền Trung đã không còn chỗ trống. Có nhiều anh chị em đã phải ngồi ngoài hành lang để cùng hiệp thông thánh lễ mà câu ca tiếng hát đã hòa trộn vang lên như một cuộc đại hòa tấu có một không hai trên vùng đất vốn hoang vu, cằn cỗi nầy.

Và cuối cùng, từ bàn tiệc Thánh Thể linh thiêng và nhiệm mầu, dân Chúa lại được đoàn tụ với nhau và bên nhau trong một bàn tiệc huynh đệ thân thương trìu mến mà những câu chuyện hàn huyên của sẻ chia và trao đổi, của tay bắt mặt mừng vẫn như cứ muốn còn mãi, đọng lại trong ánh mắt bờ môi.

Ngày Thánh Tâm Quảng Ngãi, ngày Cung Hiến nhà thờ Quảng Ngãi, ngày Kỷ Niệm 72 & 50 năm xây dựng thánh đường Quảng ngãi, ngày Hội trại Hồng ân Quảng Ngãi, ngày Lễ Trạm trong Năm Đức Tin của giáo hạt Quảng Ngãi…phải chăng là một ngày “Hiện Xuống Mới” để một lần nữa Chúa Thánh Thần nối kết, thánh hóa, ban tặng tràn trào niềm vui và đốc thúc Giáo Hội địa phương cùng hăng say dấn bước lên đường để mang tình yêu Thiên Chúa, Thánh Tâm Chúa Giêsu và Tin Mừng cứu độ của Ngài gieo rắc trên mọi nẻo đường.
 
Văn Hóa
Thánh Phêrô Tông Đồ
LM. Hồng Phúc
08:18 08/06/2013
THÁNH PHÊRÔ TÔNG ĐỒ

Thánh Phêrô một người cương quyết

Thuộc dân chài Pa-lét-ti-na

Lớn lên tại Bét-sai-đa

Ở đầu công lịch chúng ta bây giờ.

**

Thời kỳ đó dân thờ mê tín

Các tượng thần chiếm kín Rô-ma

Chỉ trừ Pa-lét-ti-na

Thuỷ chung thờ Chúa là Cha muôn loài

Nên được Chúa đoái hoài thương tới

Chọn làm con cùng với phúc lành

Thưởng công họ đã trung thành

Tôn thờ một Chúa trọn lành cao siêu.

Và để trọn những điều đã hứa

Chúa còn cho Con Chúa diệu huyền

Cứu dân thoát khỏi tội truyền

Bằng đời Cứu Thế tại miền Ca-na.

Chúa giảng đạo lúc ba mươi tuổi

Lấy tình thương xua đuổi ác thần

Loan tin Nước Chúa đã gần

Giảng khuyên dân chúng ân cần ăn năn.

Thời kỳ đó Simon ngư phủ

Cùng Anrê em thứ của mình

Chuyên lo đời sống gia đình

Sớm chiều kéo lưới dập dình trên sông.

Rồi một hôm Chúa trông thấy họ

Cũng như Người thấy rõ cuộc đời

Sau đây họ sẽ nên người

Sứ đồ rao giảng Nước Trời cho dân.

Người liền tiến lại gần mà nói:

“Các con mau bỏ lưới theo Thầy

Từ nay cho đến hết đời

Cùng Thầy thả lưới bắt người thế gian”

Ngay lúc đó ngập tràn cảm xúc

Hai anh em không chút ngập ngừng

Bỏ nghề chài lưới vui mừng

Đi theo tiếng Chúa đã bừng trong tim.

Simon được ơn trên trợ sức

Cùng với lòng rất mực trung kiên

Thành tâm mến Chúa ngày đêm

Nhiệt thành rao giảng niềm tin Nước Trời.

Ông thâm tín những lời của Chúa

Bằng lòng tin muôn thuở chẳng mờ

Và đây cũng đã đến giờ

Chúa trao sứ mệnh vô bờ cho ông.

Người đã đổi Si-mong tên cũ

Thành Phêrô bất hủ nhiệt thành

Rồi đây đời sống trọn lành

Đôi thay đời sống khuyết hành của ông.

Một ngày kia hồng đông mới rạng

Trên núi cao Chúa chọn Tông đồ

Người mang tên gọi Phêrô

Đứng đầu danh sách Tông đồ mười hai.

Thế là một dân chài kéo lưới

Được trở nên người mới hoàn toàn

Từ nay thiên chức rõ ràng

Sứ đồ tiên khởi Chúa ban nơi Người.

Kể từ đó Nước Trời rộng mở

Vị Tông đồ hăm hở lên đường

Theo Thầy rao giảng Tin Mừng

Khuyên người tội lỗi bỏ đường bất minh.

Rồi năm tháng ân tình rộng mở

Thầy và trò sớm nở tình thương

Phêrô mến Chúa lạ thường

Cùng tin trao phó ở đường Chúa đi.

Nhưng cũng có những khi sa ngã

Vì tính ông thật quá thực thà,

Nhiều khi cũng nói được là

Tính ông nông nổi tỏ ra nhất thời.

Nhưng ông cũng tràn đầy tin tưởng

Suốt đời luôn thẳng hướng về Thầy

Niềm tin phát triển tuyệt vời

Tin Thầy là Đức Chúa Trời giáng sinh.

Lại được Chúa Thánh Linh trợ giúp

Ban lòng tin rất mực phi thường.

Lần kia đang lúc đi đường

Chúa Giêsu lấy tình thương hỏi rằng:

“Các con có hay chăng thì nói

Vậy Con Người họ gọi là ai?”

Theo dư luận đáp đều sai

Chúa liền hỏi thử xem ai vững lòng:

“Phần các con Thầy mong được biết

Hiểu về Thầy chi tiết thế nào?”

Phêrô lên tiếng đáp vào

Bằng niềm tin tưởng tự hào đơn sơ:

”Thầy là Đức Kitô hằng sống”

Chúa tỏ lòng xúc động vô biên:

“Phêrô con có ơn thiêng

Việc này chẳng phải chỉ nguyên xác phàm

Cha Ta đã thương ban điều đó

Vậy Thầy đây nói tỏ cùng con:

Con là Đá tảng vững vàng

Thầy xây Hội Thánh bình an trên này,

Cửa Hoả Ngục không lay được nó

Thầy trao con chìa khoá Nước Trời

Sự gì đóng mở trên đời

Cũng đều đóng mở trên trời như con”.

Sáu ngày sau Chúa còn ưu đãi

Gọi ông lên một dải núi cao

Cho ông được thấy phần nào

Vinh quang của Chúa Trời cao nhân từ.

Phêrô thấy tựa như ngất trí

Vì những điều quá lý tự nhiên

Và ông sung sướng kêu lên:

”Lạy Thầy, con muốn ở trên núi này”

Phêrô đã tỏ bày trung thực

Lòng tín trung rất mực vào Thầy

Không nguyên những việc trên này

Mà trong đời sống hàng ngày của ông.

Đi theo Chúa ông không nề quản

Dạ thành trung can đảm hơn người

Nhưng khi nghe giảng Nước Trời

Nhiều lần lại chẳng hiểu lời Chúa khuyên.

Ông cũng đã thưa lên cùng Chúa:

“Đây chúng con bỏ của đời này

Ngày đêm vững bước theo thầy

Vậy công được hưởng sau này ra sao?”

Và lần ấy Chúa trao phần thưởng:

“Ngày tái lâm được hưởng Thiên Toà.

Những ai đã bỏ cửa nhà,

Anh em, cha mẹ, rồi ra theo Thầy,

Sẽ được sống đời đời viên mãn

Và đời này lợi lãi gấp trăm”

Phêrô nghe nói thoả lòng

Càng thêm mạnh sức gắng công theo Thầy.

Ông đã được tràn đầy ơn Chúa,

Ngày càng thêm hiểu rõ Nước Trời

Hiểu thêm sự sống đời đời

Qua nguồn mạc khải từ Lời Chúa ban.

Vì Chúa giảng rõ ràng, êm ái

Nhiều tín điều vĩ đại vô cùng

Muôn dân được đón Tin Mừng

Tông đồ hưởng mối tình nồng Cha con.

Phêrô được sớm hôm gần Chúa

Ngày càng thêm chan chứa tình yêu

Đời ông đã biến đổi nhiều

Từ người dốt nát sớm chiều trên sông

Nay đã được khai thông Lời Chúa

Là kho tàng muôn thuở chẳng mờ

Từ khi theo Chúa đến giờ

Những lời Chúa nói tựa hồ suối thiêng

Đã tràn đến trái tim hèn yếu

Thấm nhuần trong mạch máu của ông

Đời ông như đoá hoa hồng

Sớm chiều bên Chúa nở bông ái tình.

Nhưng rồi ánh bình minh sán lạn

Đã đến giờ mây ám che đi

Phêrô nào có biết gì

Bởi vì giờ Chúa ra đi đã gần.

Đêm Tiệc ly ân cần xúc động

Thầy và trò mở rộng tình yêu.

Những lời tâm huyết cao siêu

Chúa ban môn đệ đượm nhiều tình thương.

Mình Máu Thánh yêu đương khôn tả

Chúa lập nên cao cả khôn lường

Tình yêu xúc động phi thường

Trào dâng lai láng bước đường biệt ly.

Chúa cũng nói tiên tri thành thánh

Sau sẽ nên một cảnh hoang tàn,

Phêrô chối Chúa ba lần

Những điềm kinh khủng lúc gần thế chung...

Phêrô tưởng anh hùng vững chí

Thề cùng Thầy một ý sắt son

Thế nhưng số phận đáng buồn

Trong dinh thượng tế ba lần chối gian.

Phêrô đã ăn năn thảm thiết

Lệ tuôn ròng nhận biết tội khiên

Suốt đời thống hối tội liên

Trách mình nhu nhược, nhát hèn, vong ân.

Lời truyền khẩu trong dân còn kể

Ông đớn đau như thế suốt đời

Mỗi khi gà gáy sáng trời

Lòng ông thổn thức lệ rơi ròng ròng.

Nhưng Chúa đã tha ông khỏi tội

Vì rõ lòng thống hối của ông

Sau này ông đã lập công

Anh hùng xưng Đạo đền lòng chối xưa.

Ngày thứ nhất Chúa vừa sống lại

Chính Phêrô hớt hải đến mồ

Lòng Người mến Chúa vô bờ

Còn ghi sâu đậm những giờ tình thương.

Trên bờ biển mờ sương hôm ấy

Chúa hiện bên lửa cháy than hồng,

Bánh thơm, cá nướng lót lòng

Tông đồ sung sướng thoả mong thấy người.

Khi dùng bữa xong rồi Chúa nói

Với simon tên gọi Phêrô:

“Simon con của Giona

Ở đây con có mến Ta hơn người?”

Phêrô đáp : “Thưa Thầy con có

Thầy biết con quá rõ mến Thầy”

Chúa liền trao phó ơn này:

”Đây đoàn chiên nhỏ của Thầy trao con”

Rồi sau đó Chúa còn hỏi tiếp

Cũng một điều như trước không sai

Phêrô thưa Chúa lần hai

”Thưa Thầy con mến chẳng phai tấm lòng”

Chúa đã tiếp trao ông sứ mệnh:

“ Đây chiên Ta hãy nhận mà chăn”

Phêrô nghĩ thế là xong

Ai ngờ Chúa lại hỏi lần thứ ba.

Ông buồn tủi tỏ ra nét mặt

Tại sao Thầy căn vặn ba lần?

Và ông lấy hết tinh thần:

”Thưa Thầy, Thầy biết mọi phần về con

Thầy đã rõ con luôn yêu mến”

Và lần này Chúa tiến xa hơn:

“Phêrô con hãy luôn luôn

Chăn đoàn chiên mẹ sớm hôm cho Thầy”.

Chúa đã hỏi điều này ba lượt

Để thay vì yếu nhược của ông

Khi xưa trong lúc đêm đông

Ba lần ông đã chối không biết Thầy.

Chúa cũng nói ông hay sự chết

“Thật Thầy cho con biết điều này

Khi con còn trẻ hàng ngày

Thắt lưng, đi, đứng, làm hay không tuỳ

Nhưng cho đến một khi già cả

Cánh tay con lại phải dang ra

Người ta sẽ thắt lưng và

Dẫn con đến chốn thật là không ưa”.

Chúa ám chỉ Phêrô sẽ chết

Bằng cách nào mưu ích danh Cha

Rồi khi đã tỏ cách xa

Chúa truyền ông đến: “Hãy ra theo Thầy”.

Chúa thăng hiển hôm nay về trước

Để Phêrô sau được về theo

Từ đây nguy hiểm cheo leo

Gian lao, vất vả, hiểm nghèo chờ ông.

Phêrô đã gắng công nhiệt huyết

Trưởng Tông đồ giảng thuyết khôn ngoan

Năm lần bắt giữ, tù giam

Lòng tin son sắt, kiên gan, vững vàng.

Đứng trách nhiệm Giáo Hoàng tiên khởi

Lập Công đồng Đại hội Sa-lem

Khôn ngoan dẫn dắt đoàn chiên

Xứng người thủ lĩnh trung kiên sáng ngời.

Ngài sau đó còn rời Thành thánh

Vượt ra ngoài địa lãnh Giu-dêu

Đến Rôma lập Giáo triều

Lưu hành muôn thuở ánh thiều quang vinh.

Cuối đời Ngài Thánh Linh trợ sức

Sống những năm rất mực phi thường

Khôn ngoan, đại đảm, can trường

Dẫn đầu Giáo Hội thẳng đường tiến lên.

Thời kỳ bách hại Nê-rông đến

Theo Thánh truyền kể chuyện ngày kia

Thấy rằng trách nhiệm phải lo

Đứng đầu Giáo Hội mới sơ khởi này

Nên tạm tránh những ngày sát hại

Nhưng đang đi Ngài lại gặp Thầy

Bấy giờ Chúa nói với Ngài:

”Ta về để chịu lần hai khổ hình”

Ngài hiểu ý quyết tình quay lại

Về Rôma khẳng khái can tràng

Thế rồi Ngài bị bắt giam

Vào năm sáu bẩy dưới hầm Tu-li

Ngài bình tĩnh kiên trì cảm hoá

Làm hai người lính đã Tẩy thanh

Rồi sau khi được Đạo lành

Họ đều tử đạo hiển danh Chúa Trời.

Còn phần Ngài đúng lời Chúa phán

Về khổ hình tử nạn trước đây

“Phần con sẽ có những ngày

Họ đưa đên chốn đắng cay tội tình”

Ngài đã chịu khổ hình Thập giá

Trùng với ngày thánh cả Phaolô

Nhìn cây Thánh Giá bấy giờ

Nghĩ về Thầy đáng kính thờ năm xưa

Phêrô đã khiêm nhu yêu sách

Được đóng đinh bằng cách ngược hình

Để đem dòng máu của mình

Chứng minh Con Chúa Phục sinh khải hoàn.

Ngày nay chốn huy hoàng muôn thuở

Vatican ghi nhớ muôn đời

Chính nơi tuẫn giáo của Người

Phêrô Thánh cả sáng ngời Niềm tin.

***

Lạy ơn Thánh cả Phêrô

Chúng con thành kính tung hô danh Người

Giờ đang vinh hiển trên trời

Trần gian Giáo Hội muôn đời nhớ ghi.

Toà nhà Giáo Hội lâm nguy

Có nền Đá thánh sợ gì phong ba

Xin cho Giáo Hội gần xa

An bình sống đạo, hài hoà yêu thương

Vươn lên thành một Thánh đường

Có nền Đá tảng can trường Phêrô

Nóc là chính Đức Kitô

Kết liên thành bởi mạch hồ yêu thương.

Xin cho Giáo Hội can trường

Cho Kitô hữu khang cường vững tâm.

Trọn đời theo bước thánh nhân

Lòng tin son sắt tinh thần hăng say

Hết lòng mến Chúa mỗi ngày

Cùng Ngài hưởng Chúa đời này, đời sau./.