Ngày 01-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nhân loại vẫn cần
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:58 01/05/2020


Lễ Chúa Chiên Lành

Ngày ấy, lớp chúng tôi có gần một nửa lớp chịu chức linh mục, linh mục Nguyễn Duy, (lúc đó đang là chủng sinh, dù đàn anh, nhưng được phân bổ vào lớp chúng tôi để hợp thức hóa và bổ túc chương trình học), đã cảm tác bài hát “Nhân loại vẫn cần” để tặng cả lớp.

Bài hát ấy, tôi vẫn nhớ, vẫn hát. Ngày ấy chúng tôi trẻ trung, nhiều nhiệt huyết, nhiều ước vọng... Đã 22 năm rồi còn gì! Tóc trên đầu đã nhuộm màu mây, bước chân có phần chậm lại, khuôn mặt khắc nhiều vết thời gian, dấu chân chim in sâu trong khóe mắt, nhưng mái trường ấy, tôi chưa một lần quên. Đã nhớ thì phải cất tiếng hát.

Đại Chủng viện. Một cái tên khác mọi cái tên trong cuộc đời này. Vì chỉ xuất thân từ đó, chúng tôi mới trở thành những nhân tố không thể thiếu được của Hội Thánh. Chỉ ở đó, Hội Thánh Công Giáo sẽ tiếp tục có những con người trở thành "cha", không phải như những kẻ trịch thượng, xấc xược mà là mang hơi thở tình yêu của Mục Tử Giêsu cho những phận người. Chỉ nhớ về một cái tên cũng đủ để ngêu ngao hát.

22 năm, Những người thầy đã lần lượt hoàn thành trách nhiệm huấn giáo. Trong đó, nhiều người đã trở về Nhà Cha. Bạn bè cũng đã có vài người sớm giả từ Thánh chức, theo chân bao nhiêu vị thầy trở thành người thiên cổ... Và hát không chỉ cho nỗi nhớ của chính mình mà còn là lời cầu nguyện cho người nằm xuống.

Hoặc mệt mỏi vì rong ruổi suốt dọc dài con đường phục vụ, tôi đã nhiều lần hát đi hát lại, để cầu nguyện cho mình, cho thầy, cho anh em, cho sứ vụ của từng người trong lớp chúng tôi, cho cả những gương mặt thân yêu của cộng đoàn mà hôm nay mình đang sống và làm việc cùng, vừa tìm cách củng cố sức lực do năm tháng đã không ít hao mòn.

Làm người mà! Ai cũng có cả một miền ký ức. Tôi chẳng hề khác. Được sống phút hiện tại, người ta hay nhớ về quá khứ. Miền ký ức của đời người bao giờ cũng đẹp, cũng gây luyến tiếc, nhớ thương...

Là người phải sống giữa muôn người. Dễ có lúc chạnh lòng. Một thân giữa muôn thiên hạ, làm sao không trầy xướt, thương đau, nhuốm máu...

Mỗi lúc ruột gan như có ai bóp nát, trái tim như đang nhói, ngoài việc cầu nguyện với Đấng đã tin tưởng chọn và gọi mình, tôi vẫn thường nhớ thầy, nhớ trường, nhớ bạn... Vừa để cầu nguyện cho bất cứ ai, bất cứ sự gì đã đi qua đời mình, vừa ôn lại hình ảnh của những con người, của những sự việc, dù quá khứ, vẫn sống động đến hôm nay, để tự củng cố cho mình sức mạnh, sức bật mà bước tiếp hành trình, mà chạy đến đích như thánh Phalô: "Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững đức tin" (2Tm 4, 7).

Tôi vẫn sẽ hát. Hát cho tình yêu trong tim không bao giờ nhạt phai. Hát cho cõi lòng, dẫu có thế nào vẫn thắp tia hy vọng. Hát để gởi mình vào tay Đấng Toàn Năng. Hát để nếu có lần nào phải chết, thì nụ cười vẫn không tắt trên thân xác cứng đờ. Và nếu sống là để chết thì hát để từng ngày hóa thân mình vào bụi tro, hồn mình sẽ vươn tới chốn miên viễn nơi Đấng Cứu Chuộc chờ đợi mình.

Với riêng tôi, tiếng hát gợi lại cả khung trời kỷ niệm. Cất tiếng hát để lấp đi nhiều thứ cần phải lấp mà hiên ngang nhìn về phía trước, thực hiện chính sứ mạng của Chúa Kitô, được Chúa Kitô trao cho mình…

Cứ thế, mà tôi hát: “Nhân loại vẫn cần người biết sống ơn gọi của Chúa. Nhân loại vẫn cần người làm chứng tình Chúa yêu thương. Nhân loại vẫn cần người mục tử dẫn đường chỉ lối, cùng đoàn chiên đêm ngày đi tới, về nhà Cha mến yêu muôn đời…

Nhân loại vẫn cần người đi tiếp con đường của Chúa. Nhân loại vẫn cần người dám sống cuộc sống Giêsu. Nhân loại vẫn cần người nhiệt tâm trong đời ngôn sứ, chỉ truyền rao những lời của Chúa để trần gian sống trong sự thật…

Nên Chúa đã sai từng người chúng con, những linh mục bước đến cùng thế giới. Để đáp ứng những khát vọng khắp nơi. Để tô thắm những ước mơ con người. Nghe tiếng Chúa nay từng người chúng con quyết lên đường loan Tin Mừng Cứu Rỗi. Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng con được nên thánh trong cuộc đời chứng nhân…”.

Vì sao mà nhân loại vẫn cần?

Không chỉ cần, nhưng là cần lắm những linh mục của Chúa?

Đơn giản: Vì linh mục là mục tử thay mặt Mục Tử Giêsu chăn dắt đoàn chiên của Người.

Rất nhiều lần, và ngay chính lúc này, tôi cảm nhận rõ ràng, Thánh chức linh mục mà Chúa ban cho mình quý giá vô cùng. Bởi nó là danh dự, là sự điểm tô lộng lẫy cho chính người linh mục. Nhưng quan trọng và có ý nghĩa thiêng liêng hơn, nó chính là sự cần thiết của đời sống tâm linh con người.

Chức linh mục vẽ thêm vào cuộc đời, vốn vàng thau lẫn lộn, những nét tươi mới của tin yêu, của niềm an ủi, của hy vọng. Bởi không có bất cứ ai giống linh mục, và chỉ có linh mục, gắn bó với từng anh chị em mà Hội Thánh trao cho mình, gắn bó suốt đời để phục vụ, để hiến thân.

Thời nay nhiều người làm nghề tư vấn tân lý. Không biết anh chị em đến gặp họ xin tư vấn, anh chị em có kể cho họ nghe mọi thầm kín của lòng mình?

Nhưng chắc chắn, chỉ có linh mục, nhất là nơi tòa giải tội, sẽ biết rõ, biết nhiều, biết hết sự thật, biết tất cả tâm tư con người. Và như thế, hình như chỉ linh mục mới có thể giải tỏa nhiều chông chênh, ngang trái mà anh chị em gặp phải trong một lòng thương mến thật, thông cảm thật.

Cả ngoài đời thường, không biết bao nhiêu lần người linh mục chia sẻ những bức xúc, những bí mật rất thật, chưa chắc vợ hay chồng, cha hay mẹ của anh chị em được biết.

Anh chị em đến với linh mục bằng một niềm tin tưởng thật, vì thế họ cũng sẽ nhận được từ người linh mục một trái tim rung cảm thật, nhằm tiếp thêm ngọn lửa của sức mạnh chịu đựng, tiếp thêm sức nóng xóa tan băng giá của cả một đời đầy giông bão.

Vì cả cuộc đời của những người mang lấy đức tin, là cả cuộc đời mang dấu ấn của thánh chức linh mục. Bởi không ai khác, nhưng là chính bàn tay linh mục, trong bí tích rửa tội, đã đưa một con người từ thưở bé thơ vào cộng đoàn Hội Thánh để làm Con Thiên Chúa.

Dù trong anh chị em, có người không nhìn nhận, thậm chí chống đối cá nhân linh mục này, linh mục khác, thì anh chị em cũng không thể chối từ ảnh hưởng của thánh chức linh mục trên cuộc đời mình. Chỉ nhờ linh mục, anh chị em được lãnh nhận ân sủng từ kho tàng bí tích mà Chúa trao cho Hội Thánh.

Những khi anh chị em muốn tìm lại bình an nội tâm sau những lần ngã quỵ vì cám dỗ, vì tội lỗi, cũng chính linh mục nhân danh Chúa ban ơn Thánh Thần tha thứ cho anh chị em.

Đến tuổi trưởng thành, cũng nhờ chính bàn tay linh mục, mà mỗi một người chính thức bước vào đời sống gia đình cách hợp pháp. Có thể nói, trong bí tích hôn phối, người linh mục đã liên tục sinh ra các gia đình mới cho Hội Thánh.

Hay suốt cả một đời làm Kitô hữu của mình, từng anh chi em đã không thể đếm hết bao nhiêu lần đã cậy nhờ thánh chức linh mục, và chính bản thân người linh mục mà lãnh nhận hết hồng ân này đến hồng ân khác, hết hy tế thánh lễ này đến hy tế thánh lễ khác, hết lời giảng dạy này đến lời giảng dạy khác…

Và giây phút quan trọng nhất, nhưng cũng kinh hoàng nhất, đáng sợ nhất của đời người là giây phút sắp lìa đời, thì sự hiện diện lần cuối cùng của linh mục lại ấm áp, thiêng liêng, ý nghĩa vô cùng. Nó mang lại niềm an ủi, mang lại sự xoa dịu nỗi sợ hãi, xoa dịu cơn đau đớn không thể tả để anh chị em thanh thản lìa đời.

Và cuối cùng, cũng chính bàn tay linh mục đưa lên ban phép lành lần cuối thay lời từ biệt trao gởi anh chị em về với Đấng Hằng Hữu, Đấng mà từ đó, đã làm phát sinh sự sống của không biết bao nhiêu sinh linh trong cõi đời này.

Đúng là nhân loại vẫn cần, mãi mãi cần những mục tử của Chúa, những mục tử thay thế Chúa săn sóc đoàn chiên Chúa. Nhân loại vẫn cần những con người dám hiến thân vì người khác giữa cuộc đời mênh mông và biến động.

Nhân loại cần lắm những bàn tay nâng đỡ lòng người, cần lắm những con người luôn luôn thao thức vì hạnh phúc của loài người, cần lắm những bóng mát làm dịu cơn khát tình yêu, xua đi nỗi buồn chán, lấp đầy những khoảng trống cô đơn của con người.

Nhân loại vẫn cần vô cùng những tấm lòng từ ái, những con người của ơn hòa bình, những dấu chỉ của niềm hy vọng, những hiện thân của hạnh phúc trường cửu, mà chính người mục tử ghi dấu, để mỗi anh chị em luôn cảm nhận tình yêu, luôn tìm ra một chỗ dựa mỗi khi cần, luôn thấy mình được an ủi vỗ về khi đau đớn…

Nhân loại vẫn cần, cần lắm những linh mục thánh thiện, những linh mục nhân lành. Bởi họ chính là những mục tử như lòng mong ước…
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:15 01/05/2020

12. Tất cả các loại ân đức đều ở trên Thánh Giá, và cũng hoàn toàn chết trên Thánh Giá.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:19 01/05/2020
8. OÁN TRÁCH THẦY TƯỚNG SỐ

Có một người gặp thầy thuốc thì hỏi ông ta làm ăn như thế nào?

Thầy thuốc nói:

- “Đừng nói nữa, tất cả đều bị ông thầy tướng số nói tầm bậy, ông ta dặn dò tôi: nhà có người bệnh ông đừng có đến.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 8:

Thời xưa cũng như thời nay đều có những vị “lương y như mẹ ghẻ” chứ không “như mẹ hiền”, bởi vì có nhiều bệnh nhân bị các “lương y như mẹ hiền” đối xử như dì ghẻ con chồng vì bệnh nhân nghèo không có tiền; thời nay cũng có những vị lương y hành nghề không vì lương tâm của một lương y, nhưng là vì họ coi đồng tiền lớn hơn mạng sống của bệnh nhân, các thầy thuốc này phải trả lẽ công bằng cho bệnh nhân trước tòa phán xét của Thiên Chúa.

Hình như các bệnh nhân thường tin tưởng người thầy thuốc công giáo nhiều hơn, vì họ -bất kể là ai- đều tin rằng người thầy thuốc công giáo có tâm hồn yêu thương bệnh nhân và tận tụy với công việc nhiều hơn các vị thầy thuốc khác, đó chính là vì người thầy thuốc Ki-tô hữu biết nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi người bệnh nhân đau khổ...

Thầy bói nói thầy thuốc đừng tiếp xúc với người bệnh là vì ông thầy bói có một kinh nghiệm thực tế: có nhiều thầy thuốc bất cần người bệnh và coi thường người bệnh, cho nên “phán” một câu cho “bỏ ghét”. Nhưng người thầy thuốc Ki-tô hữu thì sẽ không bao giờ nghe lời “phán” của thầy bói, mà là nghe lời dạy dỗ của Đức Chúa Giê-su khi họ thi hành sứ mạng quan trọng “cứu người” của mình, đó là một vị “lương y như từ mẫu” vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 4 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:21 01/05/2020
Chúa Nhật 4 PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 10, 1-10

“Tôi là cửa cho chiên ra vào”.


Anh chị em thân mến,

Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh, theo truyền thống của Giáo Hội hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu, tức là ơn gọi làm linh mục và tu sĩ nam nữ, để họ đem chính đời sống tận hiến của mình để giới thiệu Chúa cho mọi người, và cầu xin cho có nhiều vị mục tử tốt lành để dẫn dắt đoàn chiên của Ngài, tôi xin chia sẻ vắn tắt với anh chị em về điểm này.

Mục tử tốt lành là ai?

Đó chính là Đức Chúa Giê-su, Ngài là vị mục tử tối cao không phải vì Ngài làm nhiều phép lạ, nhưng Ngài chính là Thiên Chúa; Ngài là mục tử vĩ đại không phải vì Ngài làm được nhiều phép lạ, nhưng là vì Ngài dám hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên; Ngài cũng là một vị mục tử duy nhất đã tuyên bố mình chính là cửa chuồng chiên, ai không qua cửa mà vào thì là kẻ trộm...

Đức Chúa Giê-su đã trở thành vị mục tử tốt lành và nhân từ khi Ngài dám hy sinh mạng sống của mình vì đàn chiên, đó chính là những hành động cơ bản cho những mục tử nối tiếp của Ngài trong Giáo Hội Công Giáo:

- Ngài đi tìm chiên lạc chứ không để chiên lạc tìm Ngài.

- Ngài chữa lành chiên con bị đau yếu chứ không đến để chiên chữa mình.

- Ngài biết lắng nghe tiếng chiên đau khổ kêu cứu, chứ không nghe lời những con chiên ỷ mạnh phân bua.

- Ngài biết hòa giải giữa những con chiên bất hòa với nhau, chứ không đến để bênh chiên này bỏ chiên khác.


Và cuối cùng Ngài đã vì đàn chiên mà hy sinh tính mạng để đàn chiên được sống, và sống trong tình yêu của Ngài.

Các tín hữu cũng mong muốn các mục tử của Đức Chúa Giê-su ở trần gian này là các giám mục và linh mục biết sống và noi gương Ngài.

Cộng tác và cầu nguyện cho ơn thiên triệu.

Chúng ta cầu nguyện cho ơn thiên triệu, cầu nguyện cho có nhiều người đi tu dâng mình làm tôi Chúa trong chức vụ linh mục và tu sĩ; cầu nguyện cho có nhiều người biết từ bỏ con đường của thế tục, để hoàn toàn làm việc cho Thiên Chúa trong một hội dòng hay trong chủng viện.

Chúng ta cầu nguyện cho người này có ơn gọi, cầu nguyện cho người kia được bền đỗ đến cùng trong ơn gọi mà họ đã chọn, và có khi dâng cúng tài sản để bảo trợ cho ơn gọi, đó chính là những việc làm tốt của người Ki-tô hữu. Nhưng còn một thiếu sót của chúng ta là chỉ cầu nguyện cho có nhiều người làm linh mục, nhiều người làm tu sĩ nam nữ, nhưng có mấy ai cầu nguyện cho các linh mục sống đời đạo đức, thánh thiện như Đức Chúa Giê-su? Có mấy ai tiếp tục cầu nguyện cho người đã làm linh mục và tu sĩ được sống xứng đáng với ơn gọi của mình?!

Anh chị em thân mến,

Đức Chúa Giê-su là mục tử nhân lành, chính Ngài sẽ chọn người tiếp tục sứ mạng mục tử của mình chứ không phải chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta cộng tác và cầu nguyện cho các mục tử biết sống như Ngài đã sống, tức là hết mình vì đàn chiên chứ không phải là kẻ làm thuê làm mướn...

Thời nay có nhiều mục tử quên mất mình là ai, thời nay có những mục tử quên mất mình là người mục tử của đàn chiên chứ không phải là những kẻ làm thuê, nên họ sống phóng túng, bon chen và tự do trong cách ăn ở như những người làm thuê....

Gợi ý chia sẻ:

- Bạn nghĩ gì khi bạn biết một mục tử sống không như là mục tử? Cầu nguyện cho họ hay khinh thường họ?

- Bạn có cầu nguyện cho các linh mục và các tu sĩ không?

- Bạn có muốn làm linh mục tu sĩ không?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ tại Santa Marta 1/5/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho không ai thiếu việc làm với phẩm giá và lương bổng công bằng
Đặng Tự Do
01:08 01/05/2020
Lúc 7 sáng thứ Sáu 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Nhà nguyện Santa Marta được dành cho Chúa Thánh Thần, nhưng hôm nay được trang hoàng thêm với bức tượng “Thánh Giuse người thợ thủ công”, được Hiệp hội Công nhân Ý mang đến. Trong thánh lễ hôm nay, Đức Thánh Cha hướng chú ý đến thế giới lao động.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, là ngày lễ thánh Giuse thợ, cũng là Ngày Lao Động, chúng ta cầu nguyện cho tất cả các công nhân. Cho tất cả mọi người. Xin cho đừng ai bị mất công ăn việc làm và mọi người đều được trả lương xứng đáng và có thể tận hưởng phẩm giá của công việc và vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhận xét về Bài Đọc Một trong ngày trích từ sách Sáng thế ký (St 1:26 – 2:3) mô tả việc Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh Ngài và giống Ngài.

Bài Ðọc I: St 1: 26 – 2: 3

“Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa. Người tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống thị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”.

Thiên Chúa phán: “Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất, và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu. Thế là trời đất và mọi vật trang điểm của chúng đã hoàn thành.

Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Người chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó Người nghỉ việc tạo thành.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Thiên Chúa đã tạo thành trời đất. Ngài tạo ra thế giới, tạo ra con người và giao sứ mệnh cho nhân loại: quản lý, làm việc, tiếp tục sáng tạo. Và từ “công việc” là những gì Kinh thánh dùng để mô tả hoạt động này của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi”, và đưa hoạt động này cho con người, như thể Ngài đang nói điều này “Các ngươi phải làm điều này, giữ gìn cái này, cái kia, ngươi phải làm việc để sáng tạo cùng với Ta để thế giới này được tiếp tục”. Lao động của con người chỉ là sự tiếp nối công việc của Chúa: Lao động của con người là ơn gọi mà con người nhận được từ Thiên Chúa cho mục đích hình thành nên vũ trụ.

Và lao động là điều khiến con người giống với Thiên Chúa, bởi vì với lao động, con người là người sáng tạo, anh ta có thể tạo ra nhiều thứ, thậm chí là tạo ra một gia đình để tiến về phía trước. Con người là một chủ thể sáng tạo và thăng tiến với công việc. Đây là một ơn gọi. Và Kinh thánh nói rằng “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp”. Như thế, lao động có sự tốt đẹp bên trong nó và tạo ra sự hài hòa của mọi thứ - vẻ đẹp, sự tốt lành - và liên quan đến con người trong mọi thứ: trong suy nghĩ, trong hành động, mọi thứ. Con người tham gia làm việc. Lao động là ơn gọi đầu tiên của con người. Và điều này mang lại phẩm giá cho con người. Nhân phẩm làm cho con người trông giống như Thiên Chúa. Đó là phẩm giá của lao động.

Một lần, ở một văn phòng Caritas, với một người đàn ông không có việc làm và đến Caritas để tìm kiếm thứ gì đó cho gia đình, một nhân viên của Caritas nói: “Ít nhất anh có thể mang bánh mì về nhà” - “Nhưng điều này không đủ cho tôi”. “Nó không đủ cho tôi” là câu trả lời: “Tôi muốn tự mình kiếm bánh mì để mang về nhà”. Cái anh ta thiếu là phẩm giá, phẩm giá “làm” ra được của ăn bằng công việc của mình, và mang nó về nhà. Thật đáng tiếc, phẩm giá của lao công bị chà đạp quá thậm tệ, thật là không may. Trong lịch sử chúng ta đã đọc được bao nhiêu những sự tàn bạo mà loài người đã làm với những người nô lệ: người ta đã mang họ từ Phi Châu đến Mỹ Châu - tôi nghĩ về câu chuyện đó mà sửng gai ốc - “thật là quá sức man rợ”. Nhưng ngay cả ngày nay cũng có nhiều người nô lệ, nhiều người nam nữ không được tự do làm việc: họ bị buộc phải làm việc, để tồn tại, ngoài ra không còn gì nữa. Họ là những nô lệ: lao động cưỡng bức... họ bị cưỡng bức lao động, đối xử bất công, bị trả lương thấp và điều đó dẫn con người đến cuộc sống trong đó nhân phẩm bị chà đạp. Có rất nhiều, rất nhiều trên thế giới. Nhiều. Trên các tờ báo vài tháng trước chúng ta đã đọc, ở một đất nước Á Châu đó, một quý ông kia đã đánh nhừ tử một nhân viên kiếm được chưa đến nửa đô la một ngày vì anh ta đã làm sai điều gì đó. Chế độ nô lệ ngày nay phải là “sự phẫn nộ” của chúng ta bởi vì nó tước mất phẩm giá của những người nam nữ và tất cả chúng ta. Hãy nghĩ về những người lao động, những người làm việc ngày qua ngày, anh chị em cho họ công ăn việc làm nhưng với một mức lương quá thấp và không phải tám, mà là mười hai, mười bốn giờ một ngày: Điều này xảy ra hôm nay, ở đây. Trên toàn thế giới, nhưng ở đây cũng có. Hãy nghĩ về những người giúp việc không có tiền lương công bằng, những người không có hỗ trợ an sinh xã hội, những người không có khả năng nghỉ hưu: điều này không xảy ra ở Á châu. Ở ngay đây.

Mọi sự đối xử bất công đối với một người lao động đều chà đạp lên phẩm giá con người, thậm chí cả phẩm giá của những người tạo ra bất công đó: nó hạ thấp con người họ và kết thúc trong sự căng thẳng của tương quan độc tài - nô lệ. Ngược lại, ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho chúng ta rất đẹp: sáng tạo, tái tạo, làm việc. Nhưng điều này chỉ có thể được thực hiện khi các điều kiện đúng đắn và nhân phẩm của con người được tôn trọng.

Hôm nay chúng ta cùng với nhiều người nam nữ, những người tin và những người không tin, kỷ niệm Ngày của Người Lao động, để vinh danh những người đấu tranh cho công lý, và cả những doanh nhân giỏi, là những người tiếp tục công việc trong công lý, ngay cả khi họ thua lỗ. Hai tháng trước, tôi nghe một doanh nhân ở Ý nói qua điện thoại xin tôi cầu nguyện cho anh ta vì anh ta không muốn sa thải bất cứ ai và anh ta nói: “Bởi vì sa thải một ai trong số họ là sa thải chính con”. Nhận thức này của nhiều doanh nhân giỏi, những người giữ bằng được các công nhân như thể họ là bằng hữu hay con em mình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Và chúng ta hãy xin Thánh Giuse - với hình ảnh đang mang các công cụ làm việc trong tay rất đẹp này - giúp chúng ta đấu tranh cho phẩm giá của lao động, cho mọi người có công ăn việc làm, và là một công việc xứng đáng. Cầu xin cho không còn cảnh nô lệ có thể là lời cầu nguyện ngày hôm nay trên thế giới.


Source:Vatican News
 
Lịch sử bức tượng Thánh Giuse Thợ của Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý
Đặng Tự Do
03:33 01/05/2020
Sáng thứ Sáu 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Thánh Giuse Thợ tại nhà nguyện Santa Marta. Nhà nguyện hôm nay có thêm một bức tượng là Thánh Giuse Thợ của Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý.

Lịch sử của bức tượng này như sau.

Ngày 1 tháng Năm, 1955, Đức Thánh Cha Piô thứ 12 thiết định việc cử hành Lễ Thánh Giuse Thợ vào ngày 1 tháng Năm hàng năm trong toàn thể Giáo Hội.

Nhà điêu khắc người Ý Enrico Nell Breuning đã thực hiện ngay một bức tượng bằng đồng mạ vàng theo yêu cầu của Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý. Tượng cao 1.5m. Bức tượng đã được hoàn thành sau gần một năm.

Sáng ngày 1 tháng 5, 1956, Đức Hồng Y Giovanni Battista Montini, sau này là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, lúc ấy là Tổng Giám Mục Milan đã làm phép bức tượng này trong thánh lễ Thánh Giuse Thợ tại nhà thờ chính tòa Sinh Nhật Đức Mẹ của thành phố.

Sau thánh lễ tượng được cung nghinh ra phi trường quân sự của thành phố và máy bay trực thăng chở bức tượng này vượt 570km để đưa về Rôma cho kịp buổi triều yết chung thứ tư hàng tuần, trong đó Đức Thánh Cha Piô thứ 12 dành cho Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý một buổi tiếp kiến sau đó. Trong buổi tiếp kiến này, Đức Thánh Cha Piô thứ 12 đã làm phép bức tượng thêm một lần nữa.

Trước tình hình đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, chiều thứ Năm 30 tháng Tư vừa qua, Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý đã cung nghinh bức tượng đến nhà nguyện Santa Marta với ý hướng xin Thánh Cả Giuse ban ơn cho các công nhân tìm lại được công ăn việc làm sau trận đại dịch kinh hoàng này.


Source:Vatican News
 
Tượng thánh Giuse, một bức tượng kết nối Đức Phanxicô và Đức Piô XII
Thanh Quảng sdb
04:26 01/05/2020
Tượng thánh Giuse, một bức tượng kết nối Đức Phanxicô và Đức Piô XII

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ ngày 1/5 tại nguyện đường thánh nữ Marta trước tượng Thánh Giuse thợ, bức tượng mà Đức Giáo Hoàng Piô XII đã dùng vào năm 1956, để công bố một năm thánh dâng kính thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria.

(Tin Vatican - Alessandro De Carolis)

Trong khung cảnh của cơn đại dịch Covid-19 ngày nay tương tự như thảm cảnh đã xảy ra vào 64 năm trước. Thánh Giuse, quan thầy bảo trợ của người công nhân luôn hiện diện để chở che cầu bầu cho thế giới, đặc biệt nước Ý trong thời hậu thế chiến...

Bức tượng được rước từ Milan về Rome

Ngoài những khác biệt về lịch sử, rất nhiều điểm tương đồng về bức tượng Thánh Giuse này được rước về Vatican vào tối thứ Năm vừa qua. Tượng được đặt trong nhà nguyện thánh Marta, trước Thánh lễ sáng thứ Sáu, thánh lễ dâng kính thánh Giuse Thợ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành.

Vào năm 1956, trong một quang cảnh tương tự - đó là vào ngày 1 tháng 5 Đức Tổng Giám Mục Milan lúc đó là Hồng Y Giovanni Battista Montini – đã dùng máy bay trực thăng để đem tượng thánh Giuse về Roma ngày 2/5 để được Đức Giáo Hoàng Piô XII làm phép cho (ACLI) Liên đoàn Công nhân Kitô giáo của Ý cung kính... và sau 12 tháng, thánh tượng được chu du khắp nước Ý và trở về Roma và Đức Piô XII đã dâng lễ kính Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria và là Cha nuôi của Chúa Giêsu.

Cuộc rước

Lúc đó cũng như bây giờ, các thành viên của Liên đoàn Công nhân (ACLI) chủ động trong việc rước tượng... Trong ý định, họ muốn đưa đến cho Đức Thánh Cha Phanxicô một bức tượng đồng được mạ vàng của nhà điêu khắc Enrico Nell Breuning. Bức tượng cao 150 cm thường được đặt tại trụ sở của Hiệp hội tại Rome.

Trước đây, bức tượng này cũng đã được rước theo đoàn hành hương và đặt gần Đức Thánh Cha Phanxicô trong Hội trường thánh Phaolô vào ngày 23/5/2015.

Công việc tự nguyện và liên đới

Những kết lối quá khứ với hiện tại như đang quyện lẫn quanh bức tượng huyền nhiệm này. Ông Roberto Rossi, chủ tịch của Phong trào Công nhân quốc gia Ý (ACLI) cho hay những ký ức xưa của những người đi trước chúng tôi, đã soi dẫn chúng tôi thực hiện điều này, chứ Đức Thánh Cha không có ngỏ ý mong muốn việc này được thực hiện…
 
Trung Quốc đình chỉ mọi hoạt động của Giáo Hội và các cuộc hành hương kính Đức Mẹ
Lm. Phạm Văn Trung
09:28 01/05/2020
Tất cả các hoạt động công khai của giáo hội ở Trung Quốc, bao gồm các cuộc hành hương kính Đức Mẹ, đã bị đình chỉ trong một tháng, hai cơ quan điều hành Giáo Hội Công Giáo do nhà nước kiểm soát tại quốc gia cộng sản này đã tuyên bố như vậy.

Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc và diễn đàn của các giám mục, Hội đồng Giám mục của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc, cùng tuyên bố trì hoãn thêm các hoạt động nhằm mục đích tránh các cuộc tụ họp như là một phần của các biện pháp kiểm tra đại dịch Covid-19, họ nói.

Thông báo được ban hành vào ngày 26 tháng 4 đã đình chỉ tất cả các hoạt động của giáo hội và các cuộc hành hương truyền thống kính Đức Mẹ trong suốt tháng Năm.

Thông báo cũng trì hoãn việc mở các chủng viện và các tu viện đào tạo nhân lực cho giáo hội.

Một số người Công Giáo nghi ngờ chế độ cộng sản đang sử dụng đại dịch như một vỏ bọc để đàn áp tôn giáo khi động thái này diễn ra trong bối cảnh chính quyền tuyên bố đã triệt tiêu được Covid-19.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo lưu ý, các thành phố và thị trấn Trung Quốc báo cáo cuộc sống bình thường đã trở lại và Trung Quốc đã mở lại hầu hết các doanh nghiệp, bao gồm các chợ và địa điểm du lịch thu hút hàng ngàn người, như Vạn Lý Trường Thành, đã đóng cửa trong hai tháng.

Trung Quốc đã cấm tất cả các cuộc tụ họp công cộng, bao gồm cả việc thờ phụng công khai, kể từ tháng 1 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng.

Tuy nhiên, thông báo của giáo hội do nhà nước kiểm soát nói rằng mặc dù đại dịch đã được kiểm soát hiệu quả ở Trung Quốc, nó vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng ở một số quốc gia khác. Giáo hội đó nói, các cuộc hành hương có thể làm tăng đáng kể nguy cơ nhập khẩu virus.

“Ngày theo lịch không quan trọng”

Thông báo yêu cầu tất cả các giáo phận và giáo xứ đình chỉ tất cả các chương trình hành hương. Thông báo cũng khuyên các giáo sĩ giải thích và tư vấn cho người Công Giáo về sự cần thiết phải đình chỉ các cuộc hành hương kính Đức Mẹ.

Theo truyền thống, Giáo hội coi tháng Năm là tháng dành riêng cho Mẹ Maria. Người Công Giáo trên khắp Trung Quốc tiến hành các cuộc hành hương đến các trung tâm Thánh Mẫu lớn nhỏ trong hơn 130 giáo phận, bao gồm cả những trung tâm được nhà nước thành lập.

Giáo hội nhà nước yêu cầu người Công Giáo cử hành "tháng kính Đức Trinh Nữ Maria Đầy Ơn phúc" bằng cách cầu nguyện cá nhân.

Trước thông báo này, các giáo phận Thượng Hải, Bắc Kinh và Chu Châu đã ra thông báo riêng hủy bỏ các cuộc hành hương kính Đức Mẹ của rất nhiều người đến Xà Sơn, Đường Thị, Bình Ngân Hành và Giang San.

Những thông báo này cũng cho biết sẽ không có người hành hương hay du khách nào được đón nhận và không có Thánh lễ và buổi cầu nguyện nào được tổ chức tại các trung tâm hành hương nổi tiếng dành kính Đức Maria.

Giu-se Vu, một giáo dân của Giáo phận Thượng Hải, cho biết việc hủy bỏ các cuộc hành hương là quyết định đúng đắn bởi vì tại một thành phố quốc tế như Thượng Hải, sự lây lan của virus có thể gây ra thảm họa.

Ông cho biết hầu hết những người đến Trung Quốc đều vào Thượng Hải, gây áp lực lớn cho cộng đồng địa phương ngăn chặn căn bệnh này.

Tuy nhiên, ông nói, nếu như không có mối đe dọa từ đại dịch, hẳn ông đã thực hiện cuộc hành hương đến Xà Sơn như mọi năm.

Phản ứng lẫn lộn

Cha Phê-rô, một linh mục trong một giáo phận gần Thượng Hải, giải thích với giáo dân của mình rằng hành hương theo ngày trong lịch không phải là điều nhất thiết phải làm. “Cuộc hành hương cũng vẫn quan trọng như thế dù vào những thời điểm khác, miễn là chúng ta làm điều đó với đức tin."

Cha Phê-rô cho biết các trường học Thượng Hải đang chuẩn bị bắt đầu năm học sớm. "Các địa điểm và học viện tôn giáo nên dần dần mở cửa ngay khi các sinh viên bắt đầu đi học," ông nói.

Một giám mục của một giáo phận phía bắc nói rằng chính phủ không nên bị đổ lỗi vì đặt ra các hạn chế vì "đó là một đại dịch nghiêm trọng. Người ta thực sự không thể làm ngơ được."

Tuy nhiên, một giáo dân ở giáo phận Bắc Kinh tên Lý Tuyết đã đặt câu hỏi về quyết định hủy bỏ các cuộc hành hương. Cô lưu ý rằng một số địa điểm du lịch đã không chỉ mở cửa trở lại mà còn tham gia vào các chương trình khuyến mãi khác nhau.

"Những địa điểm du lịch này rõ ràng là đông đúc và tập trung nhiểu người hơn so với các trung tâm hành hương," cô nói. "Chính phủ kiểm soát tôn giáo hơi quá nhiều. Chính quyền đang sử dụng dịch bệnh như một cái cớ để giảm thiểu tự do tôn giáo, và đó là phần đáng sợ."

Cha Đồng của Hà Bắc lặp lại những tâm tình đó. "Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn thù địch với tôn giáo. Họ đang tìm kiếm cơ hội để đàn áp Giáo hội."

https://www.ucanews.com/news/china-suspends-all-church-activities-marian-pilgrimages/87866

Phạm Văn Trung dịch.
 
Tin vui: Các nhà thờ Công Giáo miền Bắc Texas ở Dallas-Fort Worth mở cửa lại.
Trần Mạnh Trác
10:20 01/05/2020
Theo tin cuả hãng Fox ngày 1 tháng 5 thì hai giáo phận Công Giáo Dallas và Fort Worth ở miền Bắc Texas sẽ bắt đầu cho phép mở cửa các nhà thờ từ tuần này, nhưng tuy ở kề cận nhau mà hoàn cảnh thì khác nhau cho nên hai giáo phận sẽ áp dung 2 phương thức khác nhau.

Các Giáo Phận sẽ đánh giá lại các kế hoạch của họ trong hai tuần, khi tiểu bang Texas giảm bớt các hạn chế.

Giáo phận Dallas

Các nhà thờ cuả Dallas đa phần nằm trong các thành phố đông dân cư, do đó Giáo phận Dallas sẽ mở cửa các nhà thờ qua bốn giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu tiên, Thánh Lễ cho 1,3 triệu giáo dân sẽ vẫn bị đình chỉ cho đến ít nhất là ngày 18 tháng Năm.

Tuy nhiên, người Công Giáo được phép đến nhà thờ để xưng tội theo lịch trình, chầu Thánh Thể và tham dự các nghi lễ tôn giáo như đám cưới, rửa tội, rước lễ lần đầu và đám tang.

Tất cả các cuộc tụ họp trong nhà thờ sẽ bị giới hạn ở mức tối đa là 25% sức chứa cuả ngôi thánh đường và các gia đình sẽ phải ngồi cách nhau ít nhất 6 feet để tuân thủ các nguyên tắc cách xa xã hội.

Việc xưng tội riêng tư sẽ được thực hiện ở một khu vực mở và thoáng trong nhà thờ hoặc có thể là ở bên ngoài (ngoài trời).

Các lễ rửa tội, đám tang và đám cưới phải bị hạn chế số người tham dự là một nhóm nhỏ mà thôi.

Trong giai đoạn 2, Thánh Lễ hàng ngày (không phải là Thánh Lễ Chuá Nhật) có thể sẽ bắt đầu, cũng với những giới hạn trên là số người không quá 25% sức chứa cuả nhà thờ và các gia đình phải ngồi cách nhau 6 feet.

Thánh Lễ Chúa Nhật được sẽ được thực hiện ở Giai đoạn 3, vẫn áp dụng những hạn chế về số người và sự cách xa xã hội.

Giai đoạn 4, tức là giai đoạn sinh hoạt bình thường, sẽ được công bố sau khi chính quyền bãi bỏ các giới hạn xã hội.

77 nhà thờ của Giáo phận Dallas sẽ được khử trùng cẩn thận và tuân thủ mọi mệnh lệnh cuả chính quyền địa phương về việc đeo khẩu trang.

Giáo phận Fort Worth

So với Giáo phận Dallas, nhiều nhà thờ trong Giáo phận Fort Worth nằm ở khu vực nông thôn, do đó thễ thức mở cửa sẽ nới rộng hơn. Nhưng những gì diễn ra ở Fort Worth thì được các nhà lãnh đạo Công Giáo ở Dallas theo dõi chặt chẽ để rút tiả kinh nghiệm cho các giai đoạn tới cuả họ.

Ngay từ cuối tuần này, Giáo Phận Ft Worth sẽ tái lập mọi Thánh Lễ, với những hạn chế về sức khỏe và an toàn cho 1,1 triệu giáo dân.

Mọi người tham dự sẽ phải đeo khẩu trang và sẽ phải sát trùng (tay). Bất cứ ai bị bệnh thì không nên đi tới nhà thờ.

Số người tham dự trong một nhà thờ sẽ ở mức giới hạn 25% (sức chứa) và các gia đình sẽ phải ngồi cách nhau ít nhất 6 feet. Các ghế ngồi sẽ được lau chùi với chất khử trùng sau khi dùng và mọi người sẽ không bắt tay nhau, không chuyền giỏ thu tiền từ người này qua người nọ và không rước lễ bằng lưỡi.

Đức Giám Mục Michael Olson khuyên một cách mạnh mẽ rằng những người trên 60 tuổi nên ở nhà hoặc tham dự thánh lễ đặc biệt dành cho người cao niên nếu giáo xứ tổ chức cho họ. Các Thánh lễ sẽ vẫn tiếp tục được phát sóng trực tiếp.

“Với tình trạng hiện tại cuả đại dịch thì các tín hữu vẫn được tha nghĩa vụ phải tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật,” Đức Giám Mục Olson nói.

"Giáo phận Fort Worth luôn luôn đặt sức khỏe thể chất và tinh thần cuả đàn chiên lên trên tất cả các quyết định của mình."
 
Tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về việc đóng lại cuộc điều tra liên quan đến các bộ xương tại nghĩa trang Teutonic
Đặng Tự Do
15:05 01/05/2020
Hôm 30 tháng Tư, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã ra một thông báo toàn văn như sau:

Thủ tục điều tra liệu hài cốt được chôn cất tại nghĩa trang Teutonic ở Vatican có liên quan đến Emanuela Orlandi hay không đã được đóng lại theo phán quyết từ một thẩm phán của quốc gia Thành Vatican, là người đã hoàn toàn chấp nhận yêu cầu này của Văn phòng Chưởng lý.

Hồ sơ đã được mở vào mùa hè năm ngoái, sau khi Chưởng lý Gian Piero Milano, và phụ tá của ông, là Alessandro Diddi, đồng ý cho các thành viên gia đình của người thiếu nữ trẻ, đã mất tích năm 1983, được quyền truy cập vào hai ngôi mộ nằm bên trong nghĩa trang Teutonic. Cuộc khai quật sau đó cho thấy hai ngôi mộ này trống rỗng.

Trong bối cảnh điều tra đó, một cuộc điều tra tiếp theo do Chánh án ra lệnh đã dẫn đến việc phát hiện ra, trong một căn phòng dưới lòng đất trong khu nghĩa trang, hàng ngàn mảnh xương thuộc các thời kỳ và nguồn gốc khác nhau.

Việc kiểm tra những phát hiện này, được thực hiện bởi Giáo sư Giovanni Arcudi, Chuyên gia Pháp y, với sự có mặt của các chuyên gia tư vấn từ gia đình Orlandi, dẫn đến kết luận rằng những mảnh xương được tìm thấy có niên đại trước khi Emanuela mất tích rất lâu: ít nhất là một trăm năm trước đó.

Do đó, có yêu cầu đóng lại cuộc điều tra, khép lại một trong những chương của một câu chuyện buồn, trong đó chính quyền Vatican đã đưa ra, ngay từ đầu, sự hợp tác rộng rãi nhất.

Tinh thần hợp tác này cũng dự liệu cho gia đình Orlandi có thể thực hiện, một cách riêng tư, bất kỳ cuộc điều tra nào khác trên các mảnh xương đã được tìm thấy và lưu giữ, trong các thùng được niêm phong, tại Hiến binh Vatican.

Tưởng cũng nên nhắc lại, ba mươi bẩy năm trước, cô con gái tuổi 15 của một nhân viên làm việc tại quốc gia Thành Vatican đã biến mất trên đường phố Rôma khi đang trên đường về nhà sau một buổi học, bắt đầu một trong những bí ẩn lâu dài nhất của Ý: Trong nhiều năm, các báo cáo đã liên kết số phận của cô với bọn Mafia ở Sicilia, mạng lưới tình báo K.G.B của Nga và âm mưu ám sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Mong muốn tìm ra số phận của cô đã đưa gia đình Orlandi đến nhiều khúc quanh bất ngờ, các thư nặc danh và các báo cáo cho rằng đã nhìn thấy cô ở chỗ này chỗ nọ.

Con đường dẫn đến các ngôi mộ được khai quật tháng 7 năm ngoái đã bắt đầu vào cuối năm 2017, khi anh trai của Emanuela, là ông Pietro Orlandi nhận được thư nặc danh cho rằng Emanuela có thể đã được chôn cất tại nghĩa trang Teutonic, là nơi an nghỉ cuối cùng trong nhiều thế kỷ qua cho người gốc Đức. Đây là một bước ngoặt kỳ lạ khác đối với một gia đình đã phải chịu những chỉ dẫn sai lầm, và sự chú ý của giới truyền thông kể từ khi cô gái, Emanuela Orlandi, biến mất vào ngày 22 tháng 6 năm 1983.

Các nguồn tin bảo ông hãy tìm kiếm nơi mà một thiên thần đang chỉ xuống trong nghĩa trang.

Điều đó đã dẫn ông Orlandi đến ngôi mộ của Công chúa Sophie thành Hohenlohe, qua đời năm 1836; và ngôi mộ của Công chúa Charlotte Federica thành Mecklemburg, qua đời năm 1840.

Thông qua luật sư của gia đình, tháng Hai năm 2019, ông Orlandi đã chính thức yêu cầu Vatican mở lăng mộ của hai Công chúa. Gia đình đã nhận được sự chấp thuận của Tòa Thánh vào tháng Sáu năm ngoái.

Giovanni Arcudi, giáo sư pháp y tại Đại học Rome Tor Vergata, đã lãnh đạo nhóm khai quật các ngôi mộ vào hôm 11 tháng 7, 2019. Tuy nhiên, cuộc khai quật cho thấy các ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng.

Trước phát hiện này, ông Orlandi nói với chi nhánh Sky News của Ý, rằng ông cảm thấy nhẹ nhõm vì Emanuela không ở đó và biết ơn Tòa Thánh đã nhanh chóng nhận lời thỉnh cầu của gia đình.

Tuy Ông Pietro Orlandi đã hài lòng rồi, để mọi sự được minh bạch, Chánh Án quốc gia thành Vatican truyền cho đào xung quanh vào ngày 20 tháng 7, 2019.

Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết:

“Cuộc khai quật mới này, cùng với cuộc khai quật ngày 11 tháng Bẩy, là một bằng chứng khác về sự cởi mở của Tòa Thánh đối với gia đình Orlandi. Ngay từ đầu, Tòa Thánh đã cho thấy sự cởi mở và thiện chí của mình trong việc chấp nhận yêu cầu khai quật tại Nghĩa trang Teutonic, dù chỉ trên cơ sở của một thư nặc danh.”

Trong một tuyên bố sau đó vào ngày thứ Bảy, cũng là tuyên bố sau cùng của Ông Alessandro Gisotti, trong vai trò Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ông nói rằng cuộc khai quật sáng thứ Bẩy 20 tháng Bẩy, đã kết thúc và các hài cốt đã được đưa lên để khảo sát pháp y.

“Các nghiên cứu sâu hơn sẽ được thực hiện vào ngày 27 tháng Bẩy,” ông nói.

Các nghiên cứu sâu hơn này, được thực hiện bởi Giáo sư Giovanni Arcudi, Chuyên gia Pháp y, với sự có mặt của các chuyên gia tư vấn từ gia đình Orlandi, dẫn đến kết luận rằng những mảnh xương được tìm thấy có niên đại trước khi Emanuela mất tích rất lâu: ít nhất là một trăm năm trước đó.

Như thế, chúng ta có thể thấy Tòa Thánh hết sức minh bạch trong vụ này.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn nhấn mạnh là tinh thần minh bạch này, như trong thông báo của Tòa Thánh, cũng dự liệu cho gia đình Orlandi có thể thực hiện, một cách riêng tư, bất kỳ cuộc điều tra nào khác trên các mảnh xương đã được tìm thấy và lưu giữ, trong các thùng được niêm phong, tại Hiến binh Vatican.


Source:Holy See Press Office
 
Đức Thánh Cha nâng hai Hồng Y lên hàng Hồng Y Giám Mục
Đặng Tự Do
15:38 01/05/2020
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định nâng hai vị Hồng Y Beniamino Stella và Luis Tagle lên hàng Hồng Y Giám Mục.

Đức Hồng Y Stella là tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ. Đức Hồng Y Tagle là tổng trưởng mới được bổ nhiệm của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Việc hai vị được nâng lên hàng Hồng Y Giám Mục khẳng định vị thế của các ngài trong số các nhân vật hàng đầu của Vatican.

Trong thông báo công bố hôm 1 tháng 5, Vatican cũng cho biết Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Ilson de Jesus Montanari, thư ký của Bộ Giám Mục, làm Phó Nhiếp Chính. Trong vai trò đó, ngài sẽ hỗ trợ cho Đức Hồng Y Kevin Farrell, hiện là Nhiếp Chính của Tòa Thánh, nghĩa người có nhiệm vụ giám sát việc chăm sóc tài sản của Vatican trong giai đoạn sau cái chết, hoặc quyết định từ chức của Đức Giáo Hoàng, cho đến khi một vị Giáo Hoàng mới kế vị.

Các Hồng Y được chia làm ba đẳng: Hồng Y Phó Tế, Hồng Y Linh Mục và Hồng Y Giám Mục. Thông thường, các vị đang coi sóc các giáo phận và tổng giáo phận khi được tấn phong Hồng Y thì thuộc đẳng Hồng Y Linh Mục. Nói thí dụ, trong một công nghị tấn phong Hồng Y sắp tới, khi Đức Thánh Cha quyết định phong Hồng Y cho các Đức Tổng Giám Mục ở Hà Nội, Huế hay Sàigòn thì ngài thuộc đẳng Hồng Y Linh Mục. Trong khi các vị đang làm việc tại giáo triều Rôma thì thuộc đẳng Phó Tế, sau đó một vài năm mới lên Hồng Y Linh Mục và Hồng Y Giám Mục. Mặc dù sự phân biệt chủ yếu có tính nghi lễ, các Hồng Y Giám Mục là những vị tham gia Niên trưởng Hồng Y Đoàn, là người sẽ chủ trì Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng.

Trước đó, vào năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã quyết định rằng một Thượng Phụ của một Giáo Hội Công Giáo Đông phương, khi được nâng lên hàng Hồng Y, thì lập tức thuộc đẳng Hồng Y Giám Mục. Ba Đức Thượng Phụ Đông phương hiện là Hồng Y Giám Mục là Đức Hồng Y Antonios Naguib (Coptic), Bechara Rai (Maronite) và Louis Raphael Sako (Chanđê).

Theo truyền thống, Giáo Hội Latinh chỉ có sáu Hồng Y Giám Mục, mỗi vị được chỉ định vào một nhà thờ hiệu toà của một trong những giáo phận ngoại ô cổ đại bên ngoài Rôma. Nhưng vào năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã vượt qua tiền lệ đó và nâng lên hàng Hồng Y Giám Mục bốn vị khác là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; Fernando Filoni, lúc đó là tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc; Marc Ouellet, bộ trưởng Bộ Giám Mục; và Leonardo Sandri, bộ trưởng bộ Các Giáo hội Đông phương.

Quyết định mới nhất của Đức Giáo Hoàng về việc nâng lên hàng Hồng Y Giám Mục có lẽ được thúc đẩy bởi tình trạng cao niên của các vị Hồng Y Giám Mục hiện nay. Năm trong số sáu Hồng Y Giám Mục đã ngoài 85 tuổi: Đức Hồng Y Re (86), Sodano (92), Arinze (87), Bertone (85) và Saraiva Martins (88).

Đức Hồng Y Stella, với tư cách là Hồng Y Giám Mục, sẽ nhận nhà thờ hiệu tòa là nhà thờ Porto-Santa Rufina, một trong những nhà thờ ngoại ô truyền thống của Rôma, đã bị bỏ trống sau cái chết của Đức Hồng Y Roger Etchegary vào tháng 9 năm ngoái. Đức Hồng Y Tagle vẫn giữ nguyên nhà thờ hiệu tòa của ngài là nhà thờ San Felice da Cantalice a Centocelle, chưa từng trao cho một Hồng Y Giám Mục nào.


Source:Holy See Press Office

 
Kết thúc vụ phạm thánh nghiêm trọng tại Senegal, Phi Châu
Đặng Tự Do
15:58 01/05/2020

Một thanh niên ở lứa tuổi ba mươi đã bị cảnh sát bắt giữ vào hôm Chúa Nhật 26 tháng Tư trong khi anh ta đang cố gắng bán một bình đựng Mình Thánh Chúa và một hộp đựng Mình Thánh Chúa được dùng chung với một Mặt Nhật trong các buổi Chầu Thánh Thể. Cả hai thứ đều bị lấy đi sau khi anh ta phá tung nhà tạm của nhà thờ Saint Germaine ở Marsassoum.

Vụ phạm thánh đã diễn ra vào hôm 21 tháng Tư.

Marsassoum là một thị trấn nhỏ cách thủ phủ của tỉnh Ziguinchor 33km về hướng Tây, với dân số chỉ có 6,400 người.

Nghi phạm bị bắt giữ tại đồn cảnh sát Marsassoum sau khi các trẻ em Công Giáo thấy y đem bán hai thứ đánh cắp trên với giá 1,500 francs. Các em lập tức báo cho Cha Sở là Cha Lambert Manga, và gọi cảnh sát đến bắt y.

Nghi phạm là một người Hồi Giáo nhưng có lẽ hành động của anh ta xuất phát từ tình trạng đói kém gây ra bởi đại dịch coronavirus kinh hoàng hơn là lòng thù hận đức tin.

Cha Lambert Manga cho biết ngài quan tâm đến việc anh ta đã đổ các bánh thánh đã được thánh hiến đi đâu hơn là việc trừng phạt hay giam cầm anh ta.

Tính cho đến thứ Sáu 1 tháng 5, Senegal có 933 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, và 9 trường hợp tử vong. Senegal đã ban hành tình trạng khẩn cấp từ hôm 23 tháng Ba. Giới nghiêm được áp đặt từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.

Ngoài tổng giáo phận thủ đô Dakar, Senegal còn có 6 giáo phận. Trong tổng số 13.6 triệu dân, 96.1% là người Hồi Giáo. Người Công Giáo chỉ có 3.6% dân số.


Source:Tele Dakar
 
Linh mục Trung Quốc: Bất cứ khi nào thánh giá bị triệt hạ bạn được yêu cầu bình tĩnh và mỉm cười
Đặng Tự Do
19:35 01/05/2020
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, vừa công bố bài viết sau đây của một linh mục Trung Quốc về tình trạng của Giáo Hội tại Hoa Lục trong những ngày này. Tác giả của bài viết là linh mục Sơn Nhân (Shanren-山人). Bài viết của ngài có tựa đề “Than có màu trắng” - 煤球是白的.

Để hiểu được những vấn đề do Cha Sơn Nhân đề cập đến chúng tôi muốn lưu ý quý vị và anh chị em một số diễn biến hiện nay rất bất lợi cho Giáo Hội tại Hoa Lục.

Trong cố gắng dấu diếm những thất bại và các tổn thất kinh hoàng trong đại dịch coronavirus kinh hoàng tại Hồ Bắc, Khoa Giáo Trung ương của bọn cầm quyền Trung Quốc cho rằng coronavirus là do quân đội Mỹ gây ra. Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đã đưa ra các biện pháp thông minh và sáng tạo không những cứu được Trung Quốc mà còn cả thế giới.

Các phương tiện truyền thông tại Trung Quốc ca ngợi bọn cầm quyền cộng sản đi xa đến mức coi bọn lãnh đạo cộng sản như các vị thần minh thật sự, là những “đấng” cứu tinh của loài người. Đó là bối cảnh của làn sóng triệt hạ thánh giá kinh hoàng đang diễn ra tại Trung Quốc.

Bản tiếng Hoa có thể xem tại đây, và đây là bản tiếng Anh. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


煤球是白的 - Than có màu trắng

Bất cứ khi nào tôi muốn viết một bài báo, trước hết tôi luôn nghĩ về tựa đề của bài báo. Tôi chắc chắn không phải là người dựa vào tiêu đề để thu hút sự chú ý của độc giả và tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ làm điều đó, tuy nhiên, tôi luôn dành nhiều thời gian cho việc này. Tiêu đề “Than có màu trắng” này xuất hiện trong đầu tôi ngày hôm qua, nhưng tôi không có đủ thời gian để viết dài hơn. Một lý do khác là bây giờ không có nhiều điều để viết: cuộc sống dường như bế tắc như vậy, không còn gì có thể thay đổi. Chẳng phải những gì chúng ta thấy ngày nay thật quá vô lý đó sao?

Vào ngày 12 tháng Tư, Chúa Nhật Phục Sinh, một tín hữu đã gửi cho tôi một bức ảnh cho thấy thánh giá phía trên một nhà thờ trong giáo phận Tân Hương (Xinxiang -新乡) thuộc tỉnh Hà Nam (Henan -河南), đã bị triệt hạ vào đúng ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Thánh giá đó và nhà thờ đó có lịch sử gần 100 năm. Các tín hữu yêu cầu tôi viết một điều đó về chuyện này! Những gì tôi nghĩ: thực sự không có gì để viết! Không phải là tôi không cảm thấy tức giận nữa. Vấn đề là nhiều người có thể nói: tức giận mà làm gì? Hơn nữa, nếu bạn tức giận về điều đó, bạn cũng bị coi là phạm tội hình sự!

Bây giờ khi một thập tự giá bị triệt hạ, tất cả các Kitô hữu phải bình tĩnh và mỉm cười. Trên thực tế, chỉ vài ngày trước, thánh giá của một nhà thờ cổ đại tại giáo phận An Huy (Anhui – 安徽) đã bị triệt hạ, và không một ai dám nhắc đến điều đó!

“公教文明”与被拆的十字架 - Tờ Văn Minh Kitô và việc triệt hạ thánh giá

Một ngày, Tờ Văn Minh Kitô ( Civiltà Cattolica - 公教文明)xuất bản một bài báo được viết bởi Cha Lombardi về “Lịch sử của mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc”. Tôi chỉ đủ thời gian để đọc qua một lần thì bài viết đã bị xóa khỏi internet. Đó thực sự là một mối ân hận rất lớn cho tôi khi không kịp chép lại bài đó. Về kết luận của bài báo đó, tôi đã đưa ra một số bình luận nhỏ được trích dẫn trong bài viết của mình: [kết luận về bài viết của Cha Lombardi là] này “Nếu ý nghĩa và tinh thần của Hiệp định ký ngày 22 tháng Chín năm 2018 được hiểu một cách chính xác và tích cực, sự ủng hộ và hiệp thông của các tín hữu Công Giáo Trung Quốc và tất cả Dân Chúa với Đức Giáo Hoàng có thể cung cấp một sự đóng góp quý báu để tiếp tục một cuộc hành trình đã bắt đầu, sinh hoa kết quả ngày càng vững chắc”. Nhận xét cá nhân của tôi có một kết thúc buồn, nếu bạn đào sâu ý nghĩa của những gì được viết. Để có một giải thích chính xác và tích cực về ý nghĩa và tinh thần của Thỏa thuận tạm thời này, chúng ta phải hỗ trợ lẫn nhau và phải thống nhất. Chỉ bằng cách này, người ta mới có thể đóng góp vào tiến trình của Thỏa thuận và từ đây có được một hoa trái ngày càng vững chắc. Do đó, việc xem xét và chấp nhận hành động triệt hạ thánh giá như một sự kiện hàng ngày, vì thế, dường như là đóng góp lớn duy nhất mà tín hữu Công Giáo Trung Quốc và tất cả Dân Chúa có thể thực hiện để tiếp tục Hiệp định!

祈求宽恕 - Cầu xin tha thứ

Tôi vô tình nghe bài giảng của Cha Phí Kế Sinh (Fei Jisheng - 费继生) với một nhóm các linh mục. Bài giảng có tựa đề “Suy tư trong một giai đoạn khó khăn”. Ý kiến của các tín hữu Trung Quốc với bài giảng này rất tích cực. Cha Phí Kế Sinh là một diễn giả hùng hồn, ngài cũng biết cách trích dẫn Kinh Thánh một cách đúng lúc, vì vậy các tín hữu rất trân trọng bài giảng của ngài. Sau khi nghe bài suy niệm của Cha Phí Kế Sinh, tôi quyết định viết bài này và tiêu đề “Cầu xin tha thứ” (“祈求宽恕”) nổi lên gần như ngay lập tức. Suy tư của ngài nói chính xác về tâm tình mà chúng ta, trong tư cách là các Kitô hữu, phải có đối với việc triệt hạ thánh giá của các cơ quan chính phủ. Lý luận của ngài rất đơn giản: trước hết, mọi việc xảy ra đều do Chúa muốn; thứ hai, thông qua điều này, Thiên Chúa dạy các tín hữu của mình nhận ra tội lỗi của họ; bởi vì, cuối cùng, chính những tội lỗi của Giáo hội đã gây ra những sự kiện này. Kết luận là người ta không nên phàn nàn, mà nên ăn năn! Đây là bản tóm tắt hời hợt của tôi về suy tư sâu sắc của Cha Phí Kế Sinh. Tôi không biết liệu có ai có một tình cảm tương tự như tôi hay không khi nghe bài giảng này, nhưng theo tôi, những lời này có khả năng gây hiểu lầm rất tai hại.

Trong nhận thức chung, than là màu đen, nhưng bây giờ mọi người đang được giáo dục để nói rằng nó là màu trắng. Để làm cho mọi người tin rằng than là màu trắng, chúng ta tiến hành với nhiều diễn đạt, qua lời nói và qua các bích chương. Những lý do được đưa ra bởi các cơ quan chính phủ để triệt hạ thánh giá luôn luôn rất đa dạng, nhưng các Kitô hữu có thực sự cần phải tìm lý do tại sao thánh giá bị triệt hạ hay không? Bởi vì liệu họ còn có thể tiếp tục tuyên bố rằng than vốn có màu đen?

Trong bí tích xưng tội, liệu tôi có phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của người khác không, và liệu tôi có còn trách nhiệm phải phán xét và đưa ra sự thật về bản chất của tội ác không?

方方日记 - Nhật ký của Phương Phương (Fang Fang -方方)

Các giá trị của xã hội Trung Quốc hoàn toàn hỗn loạn, và điều này có thể thấy từ những lời chỉ trích cay nghiệt đối với nhật ký của Phương Phương. Một số người nhỏ mọn bắt đầu tìm kiếm các bài phát biểu cũ của Giáo sư Lương Diên Bình (Liang Yanping - 梁延平) của Đại học Hồ Bắc, tố cáo giáo sư này và đòi trường đại học của cô phải có biện pháp nghiêm khắc chống lại cô. Và điều này, chỉ bởi vì cô ấy đã ủng hộ bài báo của Phương Phương. Ấn tượng người ta cố gây cho mọi người là Phương Phương và Giáo sư Lương là hai kẻ đồng lõa với nhau. Họ đồng ý với nhau, chỉ vì họ ủng hộ công lý và tình nhân loại.

Từ khi nào công lý và nhân loại trở nên ít quan trọng hơn chế độ? Thánh giá tượng trưng cho đức tin Kitô giáo bị triệt hạ, và các Kitô hữu không những không thể ngăn chặn hành động này, mà thậm chí họ còn không thể chống lại nó. Chấp nhận chuyện đó bây giờ dường như là điều duy nhất được cho phép!

Than có mầu trắng là một lời nói dối và một trò đùa. Theo một số người nói: “ Không có lời nói dối nào mà bạn không dám nói; không có giới hạn nào mà bạn không dám vượt qua, và không ai biết có bao nhiêu người vẫn chưa bị hy sinh”. Thành ra, đây là một trò đùa rất buồn!


Source:Asia News
 
Các giám mục Phi sẽ cùng dâng hiến đất nước Phi cho Mẹ Maria
Thanh Quảng sdb
19:47 01/05/2020
Các giám mục Phi sẽ cùng dâng hiến đất nước Phi cho Mẹ Maria

Trong ngày lễ kính Đức Mẹ Fatima 13/5 tới, tất cả các Giám mục Phi sẽ cùng dâng hiến đất nước Phi cho Đức Maria ngay tại các Nhà thờ chính tòa của từng Giáo phận.

(Tin Vatican - Sr Bernadette Mary Reis, fsp)

Trước cơn dịch coronavirus, tất cả các Giám mục Phi sẽ đồng loạt dâng hiến dâng đất nước cho Trái Tim Vô nhiễm Đức Mẹ trong ngày lễ kính Đức Mẹ Fatima vào ngày 13 tháng Năm 2020 tới.

Việt thánh hiến này đã được ĐTGM, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi (CBCP) công bố trong một lá thư gửi đến tất cả các giáo phận vào ngày 27 tháng Tư vừa qua. Trong đó, Đức Tổng Giám Mục Romulo Valles nói đây là một sáng kiến tuyệt vời.

Sự thánh hiến này gợi nhớ cho chúng ta những lần dâng hiến đất nước cho Mẹ trước đây. Trong Năm Đức tin, Hội đồng Giám mục Phi (CBCP) đã thánh hiến nước Phi cho Trái tim Vô nhiễm Đức Maria...

Chi tiết về sự thánh hiến này tại Manila

Đới vối Tổng Giáo Phận Manila, việc thánh hiến này sẽ được bắt đầu bằng Tam nhật thánh với việc sám hối và lần Chuỗi Mân côi từ ngày 10 tháng Năm dẫn đến cao điểm là ngày 13 tháng 5, với nghi thức thánh hiến chung.

Đức cha Broderick Pabillo, sẽ chủ sự nghi lễ thánh hiến trong Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, cũng là một tiểu Vương cung thánh đường. Đức cha Pabillo là một trong các Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận. Ngài hiện đang cai quản giáo phận với tư cách là Giám Quản Tông tòa kể từ khi Đức Hồng Y Tagle được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo muôn Dân vào đầu năm nay. Các ngài Thị trưởng của năm thành phố lân cận sẽ cùng tham gia nghi thức thánh hiến này.

Khẩn cầu Mẹ Maria phù giúp

Ông Nott Clausillo cho hay hành vi thánh hiến này là một việc làm tuyệt diệu, khi thấy mọi người đồng tâm nhất trí với nhau và Giáo hội Phi thực hiện điều này để khẩn cầu Mẹ bảo vệ chở che dân tộc đất nước Phi trong thời điểm khó khăn của cơn đại dịch này.

Cơn đại dịch Covid-19 tại Phi

Tính đến thứ Sáu 1/5/2020 thì ở Phi có 8,488 trường hợp nhiễm coronavirus; 568 người chết, và 1.043 người được phục hồi. Taị Phi, ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận vào ngày 5 tháng 3 và đây là cái chết đầu tiên bên ngoài Trung Quốc, vì một người Trung quốc đã tới Phi vào đầu tháng Hai và lây vi khuẩn này ra cho người khác...
 
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông đã có bằng chứng coronavirus xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán
Đặng Tự Do
20:16 01/05/2020
Trong cuộc họp báo vào hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp đặt thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc khi ông đẩy mạnh các cuộc tấn công Bắc Kinh liên quan đến cuộc khủng hoảng coronavirus. Ông khẳng định đã thấy những bằng chứng liên kết một phòng thí nghiệm Vũ Hán với căn bệnh truyền nhiễm chết người này.

Những lời công kích từ vị tổng thống đương nhiệm của đảng Cộng hòa xuất hiện khi các dữ liệu cho thấy Hoa Kỳ đã mất hơn 30 triệu công ăn việc làm trong sáu tuần qua, khi các biện pháp cô lập được áp đặt trên toàn quốc.

Sự ảm đạm trong nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng được thể hiện song song bên bờ Đại Tây Dương, nơi các chuyên gia cảnh báo về một thảm họa tài chính chưa từng có ở Âu châu.

Cho đến ngày thứ Bẩy 2 tháng 5, tử vong toàn thế giới đã lên đến 239,586 người, trong số 3,400,607 trường hợp nhiễm coronavirus. Hơn một nửa nhân loại đang phải sống dưới một tình trạng cô lập, làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.

Thoạt đầu Trung Quốc cho rằng virus này xuất hiện từ cuối năm ngoái tại một chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc nơi chuyên bán các động vật hoang dã. Tuy nhiên, ngay cả ở Trung Quốc, nhiều khoa học gia cả quyết nó đã xuất phát từ một phòng thí nghiệm tuyệt mật.

Khi được hỏi liệu ông có nhìn thấy bất cứ bằng chứng gì mang lại cho ông niềm tin cao độ rằng Viện Virus học Vũ Hán là nguồn gốc của sự bùng phát này không, tổng thống Trump trả lời: “Có, tôi đã thấy”.

Tuy nhiên, tổng thống từ chối đưa ra thêm các chi tiết khác. Ông nói: “Tôi chưa thể nói chi tiết với các bạn”.

Khi được hỏi về các báo cáo rằng ông có thể hủy bỏ số nợ Mỹ phải trả cho Trung Quốc, tổng thống Trump nói rằng ông có thể thực hiện điều đó nhưng như thế cũng chưa đủ. Trung Quốc còn phải bồi thường nhiều hơn thế rất nhiều.

“Tôi có thể làm điều tương tự nhưng thậm chí còn kiếm được nhiều tiền hơn, chỉ cần dựa vào thuế quan,” ông nói.

Mặc dù một thỏa thuận đã đạt được vào tháng Giêng, theo đó, Hoa Kỳ không tăng thuế quan trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng trong tình hình này tổng thống cho thấy ông sẵn sàng xem xét lại vấn đề. Hiện nay, thuế quan đang được áp dụng đối với hai phần ba trao đổi thương mại giữa hai cường quốc kinh tế.

“Chúng tôi đã thực hiện các cuộc điều tra rất nghiêm túc,” ông Trump nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.

“Chúng tôi không hài lòng với tình huống hiện nay, bởi vì chúng tôi tin rằng nó có thể đã bị chặn đứng ngay từ đầu, nó có thể bị dừng lại nhanh chóng nhưng nó đã lan rộng ra khắp thế giới,” ông Trump nói.

“Hiện nay nó có mặt ở 184 quốc gia. Lẽ ra nó phải dừng lại ở điểm xuất phát, là Trung Quốc.”

“Họ đã cấm các chuyến bay bên trong nội địa Trung Quốc, nhưng không cấm các chuyến bay ra nước ngoài. Tại sao?”


Source:News 24

 
Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin và các Bí Tích
Vũ Văn An
22:31 01/05/2020
Trong bối cảnh duy tục của xã hội ngày nay, nhiều người Công Giáo, tuy được rửa tội từ hồi tấm bé, nhưng lớn lên không còn nghĩ gì tới Đạo, ngoại trừ xuân thu nhị kỳ vào dịp Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh, đi nhà thờ, tham dự Thánh lễ, chịu lễ mà không hề xưng tội. Thậm chí xin lãnh nhận bí tích hôn phối hay xin rửa tội cho con nhưng không hiểu biết chi về các bí tích cũng như ý hướng của Giáo Hội trong các bí tích này. Đó là lý do Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã có công nghiên cứu vấn đề và soi sáng khía cạnh tế nhị và cấp bách này, và cho công bố Văn Kiện "Tính Hỗ Tương giữa Đức Tin và Các Bí Tích". Nhận thấy tính thời sự của bản văn, chúng tôi xin phóng chuyển tài liệu sang Việt Ngữ:

ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ: TÍNH HỖ TƯƠNG GIỮA ĐỨC TIN VÀ CÁC BÍ TÍCH

TRONG NHIỆM CỤC BÍ TÍCH


Ghi Chú Sơ Khởi

Trong ngũ niên thứ chín của mình, một ngũ niên được ngoại lệ kéo dài thêm 1 năm do việc cử hành 50 năm sáng lập, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã có thể đào sâu việc mình nghiên cứu mối tương quan giữa đức tin Công Giáo và các bí tích. Việc nghiên cứu này đã được điều hướng bởi một tiểu ban chuyên biệt, do Linh mục Gabino Uribarri Bilbao, Dòng Tên, đứng đầu và bao gồm các thành viên sau đây: Đức Ông Lajos Dolhai, Cha Peter Dubovský, Dòng Tên, Đức Ông Krzysztof Góźdź, Cha Thomas Kollamparampil, C.M.I., Giáo Sư Marianne Schlosser, Linh mục Oswaldo Martínez Mendoza, Linh mục Karl-Heinz Menke, Linh mục Terwase Henry Akaabiam, và Cha Thomas G. Weinandy, O.F.M. Cap. Các cuộc thảo luận về đề tài đang bàn mà dựa vào đó tài liệu này đã được soạn thảo, đã diễn ra cả trong các buổi họp khác nhau của Tiểu Ban lẫn trong các buổi họp toàn thể của cả Ủy Ban, giữa các năm 2014-2019. Tài liệu này, tựa là Tính Hỗ Tương giữa Đức Tin và Các Bí Tích trong Nhiệm Cục Bí Tích, đã được đặc biệt chấp thuận bởi đa số thành viên của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế trong Phiên Họp Toàn Thể năm 2019 bằng cuộc bỏ phiếu viết. Tài liệu sau đó đã được đệ trình để được chấp thuận bởi vị Chủ Tịch của nó, là Đức Hồng Y Luis F. Ladaria, Dòng Tên, Bộ Trưởng Giáo lý Đức tin; vị này, sau khi nhận được ý kiến thuận lợi của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 19 tháng 12 năm 2019, đã cho phép công bố.

1. ĐỨC TIN VÀ CÁC BÍ TÍCH: TÍNH LIÊN HỆ VÀ TÍNH THỜI SỰ

1.1. Đề nghị cứu rỗi của Thiên Chúa dựa vào mối tương quan qua lại giữa Đức tin và các Bí tích

1. [Khởi từ Thánh Kinh]. “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5:34). Giữa đám đông chen lấn Người (Mc 5:24; 31), người đàn bà băng huyết đụng vào Chúa Giêsu một cách đầy tin tưởng và được chữa lành, như một biểu tượng cho ơn cứu rỗi được Chúa Giêsu đem đến cho nhân loại (1). Trường hợp người đàn bà băng huyết cho thấy đức tin phát khởi ra sao từ “cuộc gặp gỡ một biến cố, một Con Người, và cuộc gặp gỡ này đã đem lại cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát” (2). Đức tin được định vị trong phạm vi các tương quan bản thân. Nhiều người bệnh cố gắng chạm vào Chúa Giêsu (xem Mc 3:10; 6:56), vì “có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (Lc 6:19). Tuy nhiên, ở Nadarét, Người không làm nhiều phép lạ “vì họ thiếu lòng tin” (Mt 13:58); Người cũng không thỏa mãn lòng tò mò của Hêrốt (Lc 23:8). Nhân tính của Chúa Giêsu Kitô là máng hữu hiệu chuyển ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tính hữu hiệu này không có đặc tính tự động; nó đòi một tiếp xúc thỏa đáng với nó: khiêm nhường, khẩn nài, cởi mở với ơn phúc (3). Tất cả các thái độ này dẫn tới đức tin, như các phương thế thích đáng để tiếp nhận đề nghị cứu rỗi. “Đức tin, trước nhất, là việc con người đích thân gắn bó với Thiên Chúa” (4) vốn tự mặc khải trong Chúa Giêsu Kitô. Các bí tích của Giáo Hội kéo dài trong thời gian các việc làm của Chúa Kitô lúc còn trên dương thế. Trong chúng có sự thể hiện năng lực chữa lành vốn phát xuất từ nhiệm thể Chúa Kitô, tức Giáo Hội, để chữa lành vết thương tội lỗi và ban sự sống mới trong Chúa Kitô.

2. [Và từ Thánh Truyền]. Trong nhiệm cục cứu rỗi của Ba Ngôi có sự đan xen phong phú giữa đức tin và các bí tích: Tuy nhiên, đức tin và bí tích rửa tội là hai phương thức cứu rỗi vốn cố hữu trong nhau và không thể tách rời nhau, vì đức tin thực sự được hoàn thiện nhờ bí tích rửa tội, và, về phần nó, bí tích rửa tội được xây dựng qua đức tin, và cả hai đều đạt được sự viên mãn của chúng nhờ cùng các thánh danh. Vì như chúng ta tin vào Chúa Cha, vào Chúa Con và vào Chúa Thánh Thần thế nào, thì chúng ta cũng được rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như vậy. Và chắc chắn việc tuyên xưng đức tin đi trước, một việc dẫn chúng ta vào ơn cứu rỗi, nhưng phép rửa tiến theo sau, để niêm ấn sự đồng ý của chúng ta [5].

Mối tương quan bản thân với Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện nhờ đức tin và các bí tích. Giữa đức tin và các bí tích có một sự sắp xếp và lưu chuyển hỗ tương, tóm một lời: có một sự hỗ tương yếu tính. Tuy nhiên, như Thánh Basilêô chứng thực trong bản văn trên đây, việc tuyên xưng đức tin đi trước việc cử hành bí tích, trong khi việc cử hành bí tích bảo đảm, niêm ấn, củng cố và làm phong phú đức tin. Tuy nhiên, ngày nay, trong thực hành mục vụ, sự tương tác này thường bị mờ nhạt đi hoặc thậm chí bị làm ngơ.

1.2. Khủng hoảng hiện thời về tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích

a) Đức tin và các bí tích: Một tính hỗ tương trong khủng hoảng

3. [Phát hiện]. Vào năm 1977, Ủy ban Thần học Quốc tế, khi đề cập đến bí tích hôn nhân, đã cảnh báo về sự hiện hữu của những người “đã chịu phép rửa nhưng không còn tin nữa”, xin được lãnh nhận bí tích hôn phối. Sự kiện này, theo Ủy Ban, đặt ra “nhiều câu hỏi mới” rất sâu xa [6]. Kể từ đó, thực tại này không ngừng phát triển và tạo ra sự khó chịu trong việc cử hành các bí tích. Hơn nữa, vấn đề không chỉ giới hạn trong bí tích hôn phối, mà còn bao trùm toàn bộ nhiệm cục bí tích. Đặc biệt, trong các bí tích khai tâm Kitô giáo, nơi, do chính bản chất của nó, tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích cần được niêm ấn, mối lo lắng và sự không thoải mái thường được phát hiện.

4. [Các gốc rễ thần - triết học]. Mặc dù sự phân ly giữa đức tin và các bí tích là do các nhân tố khác nhau, nhưng theo các bối cảnh xã hội và văn hóa, một cái nhìn nếu không muốn ở mãi mức độ hời hợt phải tự hỏi về gốc rễ cuối cùng của sự đổ vỡ này. Trước hết, ngoài những thiếu sót có thể có trong việc dạy giáo lý và chủ nghĩa đơn phương văn hóa nào đó chống lại tư duy bí tích, có một nhân tố triết học sâu xa phá hủy luận lý học bí tích. Một luồng tư tưởng mở rộng, bắt đầu từ thời Trung cổ (chủ nghĩa duy danh) và kéo dài đến thời Hiện đại, có đặc điểm ở thuyết nhị nguyên phản siêu hình vốn tách tư duy ra khỏi hiện hữu và tuyệt đối loại bỏ mọi loại tư tưởng biểu tượng (representative thought), như trường hợp ngày nay trong thời hậu hiện đại. Viễn tượng này bác bỏ dấu ấn của Đấng Tạo Hóa trong sáng thế, nghĩa là, tạo thế là một tấm gương (hình ảnh bí tích) phản ảnh tư tưởng của Đấng Tạo Hóa. Theo cách này, thế giới không còn xuất hiện như một thực tại được Thiên Chúa sắp xếp một cách minh nhiên, mà chỉ là một sự hỗn mang các sự kiện, mà con người, với các khái niệm của họ, phải sắp xếp. Bây giờ, nếu các khái niệm của con người không còn là một điều giống như “các bí tích” của Logos Thiên Chúa, mà chỉ là các cấu trúc của con người, thì có một sự phân ly hơn nữa giữa hành vi đức tin bản thân (fides qua) và bất cứ biểu tượng khái niệm chung nào về nội dung của nó (fides quae). Nói tóm lại, và như một khía cạnh dứt khoát, khi năng lực của lý trí để biết sự thật của hiện hữu (siêu hình học) bị bác bỏ, thì việc không thể biết sự thật của Thiên Chúa đã được hàm ngụ [7].

5. Thứ hai, kiến thức khoa học và kỹ thuật, rất có uy tín ngày nay, có xu hướng tự áp đặt mình thành mô hình duy nhất trong mọi lĩnh vực kiến thức và đối với mọi loại đối tượng. Xu hướng triệt để của nó hướng tới sự chắc chắn thuộc loại hình thực nghiệm và duy tự nhiên không những tương phản với kiến thức siêu hình, mà cả với kiến thức có bản chất biểu tượng nữa. Mặc dù kiến thức khoa học nhấn mạnh đến khả năng của lý trí con người, nhưng nó không làm cạn kiệt mọi chiều kích của lý trí hoặc kiến thức, cũng không bao trùm mọi nhu cầu nhận thức muốn có cuộc sống nhân bản trọn vẹn. Tư duy biểu tượng, với sự phong phú và tính mềm dẻo của nó, một mặt, thu thập và khai triển về phương diện suy nghĩ các chiều kích đạo đức và xúc cảm của kinh nghiệm; và, mặt khác, đụng đến và biến đổi cấu trúc tinh thần và nhận thức của chủ thể. Vì lý do này, cùng với mọi truyền thống tôn giáo của nhân loại, việc thông chuyển mặc khải, với nội dung nhận thức đi kèm của nó, được định vị trong phạm vi biểu tượng, không phải trong phạm vi kinh nghiệm và duy tự nhiên. Thực tại bí tích của việc tham gia vào mầu nhiệm ơn thánh chỉ có thể hiểu được trong sự hiệp nhất của chiều kích kép này của kinh nghiệm biểu tượng: nhận thức và thực hiện. Nơi nào mô hình khoa học thống trị, một mô hình vốn mù quáng đối với tư duy biểu tượng, tư tưởng bí tích đều gặp trở ngại [8].

6. Thứ ba, chúng ta vẫn phải nhấn mạnh một sự thay đổi văn hóa quan trọng, riêng của nền văn minh mới về hình ảnh, một điều đang nêu ra vấn đề mới để thần học làm sáng tỏ đức tin bí tích. Mặc dù đúng là thời hiện đại duy lý đã giảm thiểu giá trị nhận thức của biểu tượng, tuy nhiên, thời hậu hiện đại hiện nay vẫn hết sức đề cao sức mạnh biểu hiện của hình ảnh. Do đó, cần phải vượt qua định kiến duy lý (hiện đại) chống lại giá trị nhận thức của những điều biểu tượng, mà không rơi vào tình trạng quá đáng đối nghịch (hậu hiện đại), một điều đang làm giảm hiệu năng của biểu tượng hướng tới sức mạnh cảm xúc của việc biểu tượng, làm mất hết tính cách tham chiếu. Nói cách khác, trí hiểu Kitô giáo phải bảo tồn tính độc đáo của bí tích Kitô giáo khỏi nguy cơ bị làm trống rỗng gấp đôi. Một mặt, có nguy cơ giản lược bí tích biểu tượng xuống hàng dấu hiệu nhận thức đơn thuần, một dấu hiệu chỉ dễ dàng thu thập các ý nghĩa tín lý của đức tin, mà không vận hành được bất cứ sự biến đổi nào (loại bỏ chiều kích biểu hiện của bí tích biểu tượng). Mặt khác, có nguy cơ giản lược bí tích biểu tượng thành gợi ý thẩm mỹ thuần túy được thực hiện nhờ các dàn dựng nghi thức, theo luận lý học tượng trưng đơn thuần nhằm thay thế việc nội tâm gắn bó với thực tại mầu nhiệm được biểu tượng ( dẹp bỏ chiều kích nhận thức).

7. [Hiểu méo mó về đức tin]. Trong các xã hội ngày nay, có những hiện tượng khác khiến người ta khó tin theo đề xuất của đức tin Công Giáo. Thuyết vô thần và việc tương đối hóa giá trị của mọi tôn giáo đang được đẩy mạnh ở nhiều nơi trên hành tinh chúng ta. Chủ nghĩa duy thế tục làm xói mòn đức tin, và gieo rắc sự hoài nghi, thay vì khơi dậy sự hân hoan của niềm tin. Việc xuất hiện mô hình kỹ trị [9] đã lồng vào một luận lý học trái với đức tin, vốn là một mối tương quan bản thân. Sự giảm thiểu cảm xúc đối với đức tin tạo ra một niềm tin chủ quan, một niềm tin vì do chính chủ thể điều chỉnh, nên đã di chuyển khỏi luận lý học khách quan vốn được đánh dấu bởi nội dung của đức tin Kitô giáo. Nền Văn hóa duy khoa học này, như đã nhắc trên đây, có xu hướng phủ nhận khả thể tương quan bản thân với Thiên Chúa và khả năng của Người có thể can thiệp vào cuộc sống và lịch sử bản thân của người ta. Tính khách quan của Kinh Tin Kính và việc quy định các điều kiện cho việc cử hành các bí tích được hiểu, theo sự nhạy cảm văn hóa ngày càng gia tăng, như một sự cưỡng bách tự do được tin theo lương tâm của mình, bằng cách duy trì một quan niệm không đầy đủ về quyền tự do mà người ta dự tính bảo vệ. Từ loại tiền đề này, có một loại niềm tin hoặc cách tin không phù hợp với quan niệm Kitô giáo hoặc có tương quan qua lại với việc thực hành bí tích mà Giáo hội vốn đề xuất.

8. [Các sai sót mục vụ]. Trong thời kỳ hậu Vatican II, cũng đã có một số thái độ phổ biến giữa các tín hữu và mục tử thực sự làm suy yếu tính hỗ tương lành mạnh giữa đức tin và các bí tích. Do đó, phương thức mục vụ trong việc truyền giảng Tin Mừng đôi khi được hiểu như thể nó không bao gồm việc chăm sóc mục vụ bí tích, do đó làm mất đi sự cân bằng giữa Lời Chúa, việc truyền giảng Tin Mừng và các bí tích. Nhiều phương thức khác đã không nắm bắt được điều này: tính ưu việt của đức ái trong đời sống Kitô hữu không ngụ ý phải khinh miệt các bí tích. Một số mục tử đã chỉ tập chú mục vụ của họ vào việc xây dựng cộng đồng, bỏ qua vị trí có tính quyết định của các bí tích dành cho mục đích đó trong nỗ lực này. Ở một số nơi, đã thiếu sự đánh giá thần học và việc đồng hành mục vụ trong lòng đạo bình dân Công Giáo nhằm giúp nó phát triển trong đức tin và do đó đạt được việc khai tâm Kitô giáo đầy đủ và việc tham gia bí tích thường xuyên. Cuối cùng, nhiều người Công Giáo đã nẩy ra ý nghĩ cho rằng bản thể của đức tin hệ ở việc sống Tin Mừng, coi thường nghi thức, coi nó như xa lạ với tâm điểm Tin Mừng và do đó, bỏ qua việc các bí tích thúc đẩy và tăng cường việc sống mãnh liệt chính Tin Mừng. Do đó, phải nhấn mạnh đến nhu cầu cần có sự phối hợp thỏa đáng giữa martyria, leitourgia, diakonia và koinonia (làm chứng, phụng vụ, phục vụ và hiệp thông).

9. [Hậu quả]. Các tác nhân mục vụ thường nhận được lời yêu cầu xin lãnh nhận các bí tích với nhiều nghi ngờ lớn lao về ý định đức tin của những người yêu cầu chúng. Nhiều người khác tin rằng họ có thể sống đức tin của họ một cách trọn vẹn mà không cần thực hành bí tích, điều mà họ cho là tùy ý chọn và có đó một cách tự do. Với những âm sắc khác nhau nhưng phổ biến, ta thấy có một mối nguy hiểm nào đó: hoặc là chủ nghĩa duy nghi thức không có đức tin vì thiếu nội tâm tính hoặc chỉ theo phong tục và truyền thống xã hội; hoặc là nguy cơ của việc tư riêng hóa đức tin, giản lược nó vào không gian bên trong của lương tâm và cảm quan riêng của chính người ta. Trong cả hai trường hợp, tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích đều bị tổn hại.

b) Mục đích của tài liệu

10. [Mục đích của tài liệu]. Chúng ta dự tính làm nổi bật tính hỗ tương thiết yếu giữa đức tin và các bí tích, cho thấy hệ lụy hỗ tương giữa đức tin và các bí tích trong nhiệm cục thần thiêng. Theo cách này, chúng ta hy vọng góp phần vào việc khắc phục sự phân cách giữa đức tin và các bí tích ở bất cứ nơi nào nó xảy ra, trong khía cạnh kép của nó: bất kể đó là một đức tin không nhận thức được tính bí tích thiết yếu của nó; hoặc đó là một triết lý thực hành bí tích được thực hiện mà không có đức tin hay cứ nằng nặc nêu ra nhiều nghi vấn nghiêm trọng liên quan đến đức tin và ý định phù hợp với đức tin mà việc thực hành các bí tích vốn đòi hỏi. Trong cả hai trường hợp, việc thực hành và luận lý học bí tích, vốn nằm ở trái tim Giáo hội, phải chịu một tổn thương nghiêm trọng và đáng lo ngại.

11. [Cấu trúc]. Chúng ta lấy làm khởi điểm bản chất bí tích của nhiệm cục thần thiêng [10] trong đó cả đức tin lẫn các bí tích được lồng vào (chương 2). Chúng ta khai triển chi tiết một cách hiểu nhiệm cục như cùng một lúc bao gồm: nhiệm cục thần thiêng đúng nghĩa trong diễn biến Ba Ngôi, Kitô, Thần khí, giáo hội và đối thoại (đức tin) của nó; vị trí trong đó, được hiểu như thế, của đức tin và của các bí tích; và tính hỗ tương hiện hành giữa đức tin và các bí tích bắt nguồn từ đó. Sự hiểu biết này tạo nền tảng thần học nhờ đó vấn đề chuyên biệt của mối tương quan qua lại giữa đức tin và các bí tích được đề cập trong mỗi bí tích sẽ được xử lý sau này. Chương này minh họa điều này: việc cử hành bí tích mà không có đức tin là điều vô nghĩa, bởi vì nó mâu thuẫn với luận lý học bí tích vốn là nền tảng cho nhiệm cục thần thiêng, vốn có tính đối thoại một cách thiết yếu.

12. Điều trên sẽ được tiếp theo bởi phạm vi tác động của tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích trên một số bí tích bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng của tính hỗ tương này, hoặc trong cách hiểu hoặc trong thực hành chúng, như các bí tích khai tâm Kitô giáo (chương 3). Để làm sáng tỏ về tín lý vai trò chuyên biệt của đức tin đối với tính thành sự và tính hữu hiệu của mỗi bí tích, chúng ta sẽ đưa ra các tiêu chuẩn để làm sáng tỏ đức tin nào cần thiết cho việc cử hành mỗi bí tích khai tâm. Trong bước kế tiếp (chương 4), chúng ta đề cập đến mối tương quan qua lại giữa đức tin và các bí tích trong trường hợp hôn phối. Do bản chất của nó, chúng ta dừng lại lâu ở 1 vấn đề mà tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích không thể làm ngơ: đó là việc phải hiểu rõ xem liệu sự kết hợp hôn nhân giữa “những người đã rửa tội nhưng không tin nữa” có được coi là một bí tích hay không. Đây là một trường hợp đặc thù, trong đó việc kết nối tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích trong nhiệm cục thực sự được thử nghiệm, như chương thứ hai vẫn cho như thế. Nó kết thúc bằng một kết luận ngắn gọn (chương 5), trong đó, ở một bình diện tổng quát hơn, tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích trong nhiệm cục bí tích được nêu lên một lần nữa.

13. [Đặc tính tín lý]. Mục đích của tài liệu này rõ ràng có tính tín lý. Chắc chắn nó dựa trên vấn đề mục vụ, được dị biệt hóa cho từng bí tích được bàn tới. Tuy nhiên, nó không có ý định cung cấp các đường nét mục vụ chuyên biệt hoặc có cơ sở cho từng bí tích. Chúng ta muốn nhấn mạnh tới vị trí nền tảng của đức tin trong việc cử hành mỗi bí tích, mà không bỏ qua sự chính xác tín lý cần phải có đức tin mới có sự thành hiệu. Từ điều này, một số tiêu chuẩn tổng quát cho hành động mục vụ có thể được rút ra, như chúng ta đã làm ở cuối việc bàn tới từng bí tích, nhưng không đi sâu vào các chi tiết, càng ít đi sâu vào khoa giải nghi học, hay bù trừ cho việc biện phân cần thiết mỗi trường hợp đ̣ăc thù.

14. [Lựa chọn]. Chúng ta biết rằng tình thế mục vụ xung quanh các bí tích khác, như xưng tội và xức dầu bệnh nhân, cũng chịu nhiều thiếu sót nghiêm trọng. Việc tham gia đầy đủ vào Bí tích Thánh Thể rất thường được tìm kiếm mà không có bất cứ ý thức nào về sự cần thiết phải hòa giải trước với Thiên Chúa và cộng đồng Giáo hội, mà chúng ta vốn bị ngăn cách bởi tội lỗi của chúng ta và chúng ta đã làm hư hại thực tại của nó như là Thân thể hữu hình của Chúa Kitô. Có sự phân ly giữa sự sống Thánh Thể và thực hành hòa giải từ phía nhiều tín hữu và thậm chí từ phía một số thừa tác viên thụ phong, trong việc thực hành đức tin Kitô giáo của họ, đã làm ngơ tính hợp nhất hài hòa của toàn bộ cơ cấu bí tích của Giáo hội, nơi không thể lựa chọn một cách chủ quan bí tích nào cần “tiêu thụ” và bí ích nào có thể bỏ qua. Phép xức dầu bệnh nhân cũng thường được trải nghiệm như đầy các yếu tố ma thuật, như thể đây là một loại bùa mê để cầu khẩn sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa hoặc của Thần khí Thiên Chúa, chứ không có mối tương quan bản thân nào với Chúa Kitô, Đấng cứu độ người ta, cả thân xác lẫn linh hồn của họ. Các giới hạn về không gian buộc chúng ta phải tập trung vào các bí tích tạo nên việc khai tâm và hôn nhân Kitô giáo, tất cả đều có tầm quan trọng ngoại thường trong việc xây dựng và củng cố Nhiệm Thể Chúa Kitô. Phương cách trong đó các bí tích này được tiếp cận, cũng như những ám chỉ đây đó tới các bí tích còn lại và khuôn khổ thần học nói chung được đưa ra sẽ giúp chúng ta rút ra những hậu quả cho các bí tích mà chúng ta không thể xem xét một cách chuyên khảo.

Kỳ tới: 2. BẢN CHẤT ĐỐI THOẠI CỦA NHIỆM CỤC BÍ TÍCH CỨU RỖI
 
Các nghi thức tái thánh hiến diễn ra trên toàn cõi Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 5
Đặng Tự Do
23:30 01/05/2020
Hôm 1 tháng 5, các giám mục trên khắp Hoa Kỳ đã tái thánh hiến đất nước cho Đức Maria khi quốc gia đang phải tiếp tục vật lộn với đại dịch coronavirus. Các giám mục ở Canada cũng đã tái thánh hiến đất nước cho Đức Mẹ trong cùng ngày.

Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã chủ sự một buổi lễ tái Thánh hiến Hoa Kỳ cho Đức Trinh Nữ Maria ngày 1 tháng Năm. Buổi lễ dài 37 phút tại nhà thờ chính tòa Nữ Vương Các Thánh Thiên thần ở Los Angeles đã được phát trực tiếp trên Facebook, YouTube và trên trang web của Tổng giáo phận Los Angeles và Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Xen kẽ giữa tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói: “Trong thời điểm khó khăn này, chúng ta chạy đến cùng Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội và là Nữ Vương Hòa Bình, để xin Mẹ cầu thay nguyện giúp trước Con Mẹ cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch này. Khi chúng ta tái thánh hiến đất nước và chính mình cho Mẹ Thiên Chúa, chúng ta cầu xin sự chăm sóc từ mẫu của Mẹ cho con cái của mình.”

Đức Tổng Giám Mục Gomez đặc biệt lưu ý lịch sử lòng sùng kính Đức Maria tại Hoa Kỳ. Những nhà truyền giáo đầu tiên đã đến đất nước này dưới sự bảo vệ của Đức Mẹ Guadalupe. Sau đó, các Giám Mục đã tận hiến đất nước cho Mẹ như là Quan Thầy của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Đức Trinh Nữ Đức Maria đã đồng hành cùng quốc gia vĩ đại này kể từ lúc đầu. Bây giờ trong giờ phút khó khăn này, chúng ta canh tân lại việc thánh hiến cho Đức Mẹ.

Tính đến ngày thứ Bẩy 2 tháng 5, tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 65,776 người, với một con số kinh hoàng 1,131,452 trường hợp nhiễm coronavirus. Hoa Kỳ đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn bất kỳ quốc gia nào khác cả về các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, lẫn các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Một số người Mỹ đã lớn tiếng càu nhàu về tốc độ chậm chạp của việc mở lại các hoạt động du lịch và thương mại, trong khi các quan chức y tế lo ngại một đợt lây lan thứ hai.

Khi tái thánh hiến Hoa Kỳ cho Đức Mẹ, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói:

“Lạy Đức Trinh Nữ Maria Cực Thánh, Mẹ của Giáo Hội, Mẹ là hoa trái tốt nhất từ tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa; Mẹ hát lên lòng thương xót của Chúa Cha và đồng hành cùng chúng con với tình yêu từ mẫu của một người mẹ. Trong thời điểm đại dịch này, chúng con chạy đến với Mẹ, là dấu chỉ chắc chắn cho hy vọng và niềm ủi an của của chúng con.

Hôm nay chúng con lặp lại hành vi thánh hiến và phó thác này đã được thực hiện bởi những người đi trước chúng con.”

Kết thúc buổi lễ, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói: “Đức Thánh Cha Phanxicô, đang khuyến khích chúng ta khám phá lại vẻ đẹp của việc đọc kinh Mân Côi tại nhà vào tháng Năm. Chúng ta vẫn đang trong tình trạng cách ly tại nhà”. Ngài lưu ý rằng, một trong số nhiều vị thánh từng cư ngụ tại Los Angeles là đấng Đáng Kính Patrick Peyton, là một linh mục suốt đời rao giảng việc đọc kinh Mân Côi trong gia đình và nói rằng “Gia đình cầu nguyện cùng nhau sẽ gắn bó bên nhau”.

“Cầu xin chúng ta có thể cung hiến chính mình bằng cách tìm thời gian để đến với nhau như một gia đình và đọc kinh Mân Côi trong nhà chúng ta.”

Một nghi thức tận hiến tương tự đã diễn ra tại Đền thánh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở thủ đô Washington ngày 1 tháng 5, do Đức Tổng Giám Mục Wilton D. Gregory của Washington, chủ sự.

Trong lời cầu nguyện, Đức Tổng Giám Mục nói:

“Trong lúc xảy ra đại dịch kinh hoàng này, chúng con chạy đến với Mẹ, dấu chỉ của niềm hy vọng chắc chắn và ơn an ủi của chúng con. Hôm nay chúng con lặp lại hành vi tận hiến và phó dâng đã được thực hiện bởi những người đi trước chúng con.”

Do các chỉ thị tự cô lập xã hội ở địa phương và liên bang trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan COVID-19, phụng vụ tái thánh hiến tại Đền thánh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội không mở cửa cho công chúng, nhưng được phát trực tiếp trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Năm 1792, Đức Cha John Carroll, giám mục đầu tiên của Hoa Kỳ, đã thánh hiến quốc gia cho Đức Maria dưới danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, và năm 1846, các giám mục đã đồng thanh chọn Đức Maria dưới danh hiệu đó là Quan Thầy của quốc gia.

Năm 1959, Đức Hồng Y Patrick O'Boyle của Washington một lần nữa thánh hiến Hoa Kỳ cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Đây là năm mà việc xây dựng Đền thánh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Washington được hoàn thành. Đền thờ quốc gia đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng lên thành tiểu Vương Cung Thánh Đường vào ngày 12 tháng 10 năm 1990.

Đức Tổng Giám Mục Gregory cũng cầu nguyện xin Đức Maria cầu bầu cho các nhu cầu của đất nước, xin cho mọi mong ước tốt lành có thể được chúc phúc và củng cố, đức tin có thể được hồi sinh và nuôi dưỡng, hy vọng được duy trì và thắp sáng, lòng bác ái được thức tỉnh và linh hoạt. Và xin Đức Mẹ hướng dẫn chúng con dọc theo con đường thánh thiện.


Source:Catholic News Service
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thư gủi các bạn trẻ Việt Nam
Bảo Giang
09:37 01/05/2020
Thư gủi các bạn trẻ Việt Nam

Lời người viết:. Tôi viết bài này nhân đọc một bài của bạn trẻ tên Quân Nguyên do jimmy n Reed giới thiệu trên Net. đề ngày 29-4-2020. Bảo Giang

Các bạn trẻ Việt Nam qúy mến.

Tôi vừa đọc một bài viết cởi mở, trọn ý nghĩa, của một bạn trẻ Việt Nam với tựa đề. Ðâu Là Sự Thật? trong đó có đoạn: “Tại sao hồi còn chiến tranh Việt Nam (trước 30/4/1975), mỗi khi có giao tranh giữa quân đội miền Nam (VNCH) và bộ đội “giải phóng” thì dân chúng đều chạy về phía có lính miền Nam trú đóng, chứ không chạy về phía bộ đội “giải phóng”? Nếu dân miền Nam bị “Mỹ, Ngụy kìm kẹp”, cần phải được “giải phóng”, thì lẽ ra họ phải hồ hởi mà chạy về phía các “đồng chí bộ đội”, tay bắt mặt mừng và cám ơn “được giải phóng”, chứ sao lại bồng bế nhau mà chạy trối chết để xa lánh các “đồng chí” ấy? Ðua nhau chạy vế phía có lính miền Nam để tiếp tục bị “kìm kẹp”, không lẽ họ ngu đần đến nỗi chỉ thích bị “Mỹ, Ngụy kìm kẹp” chứ không muốn được “giải phóng” à?

Bạn thân mến.

Bây giờ là 11 giờ đêm ngày 30-4-2020, ngày mà cách đây 45 năm về trước, Việt cộng với xe tang đại pháo của Nga – Tàu, trước đã mở ra chiến trường tại miền nam Việt Nam, rồi hôm nay, cái xe mang nhãn hiệu Liên Sô ấy đã ủi xập cánh cổng của dinh Độc Lập tại Sài Gòn vào lúc 10 giờ 15 ngày 30-4-1975. Đây là giờ mà người ta ghi vào sử liệu là chấm dứt cuộc chiến tranh Nam - Bắc (1954 -1975)

Lúc ấy, thời gian và không gian như ngừng hẳn lại, Ngừng lại không phải để chào đón một cái gì mới mẻ, nhưng là chờ đợi một biển máu hay chờ… một cuộc trả thù đầy man rợ, đầy thú tính như nó đã từng diễn ra ở Huế vào tết Mậu Thân 1968. Kết qủa, chuyện súng nổ trực diện vào thân người không xảy ra ở Sài Gòn, nhưng sợi dây lòi tói từ đây đã bung ra trên toàn cõi của miền nam Việt Nam. Khi bung ra, nó không hề bỏ xót bất cứ một cá nhân nào, một nhà nào, một làng xóm hay một khu phố và thành phố nào tại miền nam Việt Nam lúc nó gom lại.

Quả thật vào lúc ấy, không một ai hay biết chuyện gì sẽ đến. Nhưng hiện trường chỉ có những đôi mắt, một bên thì bàng hoàng run sợ, một bên khác thì gườm gườm bước đi trong lúc đôi tay ôm chặt lấy cây súng với đạn đã lên nòng. Chuyện xe lạnh chỉ có thế, đôi bên hầu như không nhìn vào nhau, không có lấy vài nụ cười. Tôi đứng trên bao lơn của một căn nhà gần ngã tư Hàng Xanh cũng không có ngoại lệ.

Bạn ạ, vào lúc ấy, đường phố này diễn ra những hình ảnh trái chiều nhau. Người chiến thắng không vênh vang hò hét, nhưng bước đi trong dáng cúi mặt. Trong khi đó, kẻ thua cuộc lặng lẽ nuốt lấy những hờn tủi theo bước chân nặng. Và như thế, cuộc chiến tranh gọi là Quốc - Cộng kéo dài trong suốt hai mươi năm được coi là chấm dứt từ giây phút ấy. Mà ngược đời làm sao chứ. Cái thắng lại trao cho bên Cộng để người Quốc Gia vương thêm dòng lệ thảm, và cho người dân đất bắc chết thêm nửa cuộc đời còn lại. Sao lạ vậy?

I. Theo bước chân của người thắng cuộc.

Bạn biết không, khi nghe bản tin là binh đoàn của ta đã vào đến dinh Độc Lập của Ngụy và 2 tên TT và TT nguỵ là Dương văn Minh và Vũ văn Mẫu ra đầu hàng, mọi người đều ngỡ ngàng. Chỉ sau khi nghe lại đôi ba lần nữa, phía ta, từ cấp lãnh đạo đến thứ dân mới tin là thật. Họ mừng rỡ. Họ bỏ nồi, quăng niêu, bỏ xoong, bỏ chảo trên bếp, chạy ào ra trước cửa nhà, ùa ra đường vẫy tay chào, và reo mừng chiến thắng theo cái loa cuốn tròn trước mồm các cán bộ thông tin đang hò hét dọc làng, cuối phố. Cùng với những reo vui hò hét ấy, nhiều người cũng chạy ùa ra, họ rơi dòng lệ thảm, miệng gào, lòng đau như cắt vì niềm hy vọng có ngày được Tự Do như trong nam đã chấm hết.

Rõ ràng, cả hai thái cực cùng lúc đã dày xéo người dân đất bắc. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, niềm vui chấm dứt chiến tranh là rất lớn cho cả hai. Bởi vì, chiến tranh kết thuc, có nghĩa là con cháu của họ, có ngưòi đã vào cuộc chiến này từ 10 đến 20 năm trước. Hoặc gỉa là 5, 7 năm gần đây, hay mới vài ba năm sau này, nhưng đến nay vẫn chưa một bản tin về nhà. Theo đó, bản tin thắng trận phải là một bản tin lớn sẽ báo cho họ tin tức về người con yêu ra đi năm nào.

Họ vui mừng là phải, vì từ nay không còn phải nghe đến chuyện đào hầm tránh bom đạn nữa. Hơn thế, niềm vui sẽ lớn lên khi không còn phải nghe đi, nhai lại những khẩu hiệu sáo rỗng khắc phục, đạt chỉ tiêu từ nhà nước. Hoặc gỉa, không còn phải buộc bụng, không còn phải nghe những hò hét đến long trời lở đất theo câu chuyện hột gạo cắn làm tư. Một phần ta để lại ăn, một phần chi viện cho hai nước anh em Lào, Cămpuchia và hai phần chi viện cho đoàn quân kháng chiến và đồng bào ruột thịt nghèo đói ở trong nam…

Những chuyện ấy, suốt hai mươi năm qua, họ đã cắn răng để nghe với không một cảm súc. Tuy nhiên, hôm nay là khác biệt, dù đón ngưòi về bằng nước mắt reo vui hay là dòng lệ thảm thì bản tin chiến thắng ở miền nam cũng đủ làm cho toàn miền bắc thay đổi, hồi sinh. Thay đổi vì không phải nhận thêm bom đạn. Hồi sinh vì có hòa bình để họ đưọc ngày đầy hai chén cơm với manh áo mới.

II. Bản trường ca đứt ruột!

Trong khi đó tại miền nam và trực tiếp từ Sài Gòn này, vào những giờ phút ấy, xem ra họ chẳng còn giờ để nhìn nhau, chuyện trò. Thay vào đó là những hình bóng lặng lẽ đứng sau khung cửa ghé mắt ra đường. Họ dòm chừng những bóng người đi qua và như chờ đợi từng loạt đạn qua khe cửa nhà mình. Ít người đủ can đãm bước hẳn ra đường để nhìn bộ dạng của những người mới tới xem nó như thế nào. Tuy nhiên, tất cả đều hoang mang lo lắng rồi bàng hoàng đến há hốc cả miệng ra mà nhìn đoàn quân anh hùng như ốm đói, gói ghém thân hình gầy gò trong bộ quần áo màu cứt ngựa mới, rộng thùng thình, còn nguyên nếp gấp đang theo nhau vào thành phố của họ.

Đến khi nhìn lại một lần nữa, người đứng nhìn thật sự run rẩy vì họ chỉ thấy những khuôn mặt đang bước vào lòng phố của họ kia lặng lẽ như bóng ma, không nói không cười. Trên đó có đủ một đôi mắt trắng, mở thao láo. Kế đến là cái u gò má cao qúa khổ để che cho thân má hóp. Tuy thế, nó không phủ lấp được cái hàm răng bừa lởm chởm với đôi môi thâm xì đưa ra qúa khổ. Đã thế, hầu như không tìm ra được niềm vui lên ánh mắt, trên khuôn mặt của những con người lần đầu tiên được bước vào thành phố của địch trong vai người chiến thắng. Tại sao nhỉ?

Trước cảnh ngộ này, nhiều người miền nam quên lặng lẽ, thay vào đó là những tiếng gọi người quen, hỏi kẻ không biết mặt, nhìn sang hàng xóm hoặc nói với ngưòi trên đường bằng một câu hỏi nghẹn lòng:

- Nhìn kia, hình dạng của người… chiến thắng sao lại tang thương, buồn nản đến như thế?

Ai sẽ trả lời được câu hỏi này! Bất chợt một tiếng nổ kinh hoàng xé tan, hay làm hoảng hốt thêm cho phía người thua cuộc có mặt trong khu vực. Theo tiếng nổ, chiếc xe tăng M48 của miền nam, không còn người điều khiển đứng phía đầu cầu Thị Nghè ngang khu sở thú nhận đạn trực diện. Khói lửa ngụt ngụt bốc lên cao, thấy vậy, ngưòi dân trong vùng thêm một lần hoảng hốt, réo gọi nhau chạy trốn.

Rồi bất chợt sau tiếng pháo kinh hoàng và tiếng người gọi nhau ơi ới ấy, chẳng ai chờ ai, chẳng ai bảo ai, nhiều nhà mở toang cánh cửa ra. Họ vội kéo lấy cái áo, cái quần. chạy ào ra đường. Họ trao tay hay quấn lên thân mình của những kẻ chiến bại không súng đạn, không quần áo màu hoa rừng… không cả giày dép, đang thất thểu lê gót vào thành phố thân yêu xưa. Nhưng nay, ngày xa lạ.

- Vào đây, vào đây đi, má kiếm quần áo cho con thay… ăn uống nghỉ ngơi cho khỏe rồi hãy về…

- Anh ở đâu, nhà có xa lắm không? Vào trong nhà em … mai mốt yên rồi hãy đi...

Nghe thế đôi mắt người chiến binh thất trận thêm ước đẫm.

III. Chuyện đổi đời.

Bạn ạ, hình ảnh của đôi ba ngày đầu trong ngỡ ngàng, trong lo lắng dần qua, thành phố hôm nay như được mặc manh áo mới. Đây là những hình ảnh mà bất cứ ai có mặt ở thành phố vào trong những ngày ấy, suốt đời họ không thể quên được. Bởi lẽ, hình ảnh của chàng bộ đội dắt heo, tải rau muống trên chiếc xe đạp thồ vào thành phố hôm nào, nay đã bỏ lại sau lưng.

Thay vào đó là cảnh anh cán bộ với quần ống thấp ống cao, rồi lăn tay áo lên để chạy vòng quanh các khu chợ trời mới mọc lên ở hầu như mọi góc phố, mọi con đường ở thành phố. Họ đua nhau đi tìm… thiên đường giữa Sài Gòn để kiếm điện, đài, đá, đổng, đạp… Mới đầu, người miền nam nghe mà chẳng hiểu họ muốn nói gì về cái đạp, cái đổng có hai cửa sổ. Nhưng lạ rồi cũng nên quen. Cùng với những hình ảnh ấy, chẳng bao lâu sau, những sách lược lớn của nhà nước Việt cộng đã mở ra tại miền nam:

A. Vào vơ vét về.

Chẳng bao lâu sau ngày anh cán bộ, người chiến binh săn quần lên chạy dọc các chợ trời ở miền nam để kiếm các mặt hàng đá, đổng, đạp, đến cảnh từng đoàn xe môlôtôva hôm nào lặng lẽ đưa ngườì từ bắc vào nam, nay tràn khí thế với trăm, ngàn món hàng trên lưng, nối đuôi nhau, kéo còi inh ỏi trên đường về quê bắc ơi! Nào ai đó ra đây nhận hàng.

Dĩ nhiên, trên chuyến xe về quê bắc ấy không thiếu bất cứ một thứ gì. Từ gạo trắng, gạo nếp thơm đến những mặt hàng trưởng gỉa như bàn ghế xa long, tủ lạnh, tủ thờ, tủ quần áo, giường gỗ cẩm, đến chiếu hoa, nệm gấm. Thậm chí có cả những cánh của sổ, cánh cửa ra vào, bàn ghế hay những tấm tôn được hàng ngũ cán bộ ta hỉ hả tháo gỡ ở trường học, trụ sở, hay nhà người dân đã bỏ đi trong những ngày qua, nay họ hân hoan chuyển về quê nhà làm vốn sau chiến chinh. Dĩ nhiên, những chuyến hàng này có cả mặt hàng của những con buôn đưa về bắc với gía cả ngất trời. Lý do, dân ta chưa một lần nhìn thấy những món hàng ấy ở trên đời. Cái gì nom cũng lạ, cũng đẹp, cũng nhất.

Sau những chuyến xe ấy, miền bắc đổi đời, ngưòi người mở to đôi mắt ra để nhìn các lãnh đạo Việt cộng lúc trưóc tuyên truyền là miền nam đói khổ, dân ta phải nhịn ăn viện trợ cho miền nam. Nhưng nay, xe chở hàng về cho cán suốt ngày đêm, trên ấy không còn thiếu một thứ gì. Nhiều đến nỗi, họ chuyền tai nhau, truyền đến từng ngõ ngách trong làng quê, đường phố là trong ấy chẳng thiếu một thứ gì trên đời. Ti vi, tủ lạnh, cà rem… chạy đầy đường.

Nhắc đến gạo, nếp, có lẽ không một ai quên được câu chuyện người ta truyền tai nhau từ đường phố lên tới tận đèo cao rừng gìa là: Một sáng khi ra chợ sau ngày gọi là “giải phóng miền nam”, bạn chợ, bạn hàng cùng ngưòi đi chợ ở ngoài bắc nhìn nhau, nhìn đến nổ đom đóm mắt khi thấy những thúng gạo, thúng nếp trắng tinh đang bày bán giữa chợ. Thấy lạ, không một ngưòi nào không ghé qua đôi mắt. Hơn thế, muốn biết sự tình ra sao?

- Ở đâu ra mà bà có gạo trắng để bán thế này?

- Từ nam tải ra đấy.

- Thật thế à?

- Thật với gỉa gì, qúy hóa gì? Ba cái thứ này ở trong nam họ nấu cho lợn ăn còn không hết.

Nghe thế, bà mẹ mang danh hiệu mẹ chiến sỹ anh hùng nóng mắt, đứng tung váy lên chửi sau khi hỏi lại câu chuyện:

- Tổ cha nhà chúng nó chứ. Chuyện thật như thế mà chúng nó dám lừa bà mấy chục năm nay rằng trong ấy đói khổ, hạt gạo ta phải cắn làm bốn mà viện trợ cho nam. Chủi xong, bà gọi giời: Hỡi Giời ơi là giời! Giời về đây mà xem, cả nước tôi đã bị chúng nó lừa.

- Lạy bà, khẽ chứ kẻo họa lại vào thân!

- Còn khoan với khẽ gì nửa. Tôi là mẹ chiến sỹ, tôi không tung váy lên chủi chúng nó, chủi những thằng lãnh đạo ở đây thì chủi ai? Chửi chị à?

- Con lạy bà nói nhỏ thôi. Tiếng bà gìa càng vang xa:

- Đây, tôi đây, người mẹ chiến sỹ kiên cường đây. Chúng không thích nghe chủi thì cứ đem tôi ra mà đấu tố…

B. Đổi tiền, độc kế hốt bạc.

Ít lâu sau, khi những chuyến hàng vừa giảm, cán cộng lại mở trò chơi mới. Tuy nhiên, không một trò chơi nào của chúng mà không đem đến sự khốn nạn cho người dân trên cả hai miền. Trò chơi trong chiến tranh bắt đầu từ câu tuyên bố lẫy lừng của Lê Duẩn: “ ta đánh miền nam là đánh cho Liên Sô đánh cho Trung Quốc”. Nay đến chuyện trong hòa bình, Y cao giọng: “Tiền, sao lại sợ thiếu tiền? Thiếu thì in ra. Nước ta là nước xã hội chủ nghĩa làm sao lại có thể bị lạm phạt như bọn tư bản được. In, in ra…”.

Kết qủa xã hội chủ nghĩa do Y lãnh đạo trước sau kinh qua ba cuộc đổi tiền.

1. Lần thứ nhất:

Lúc 2 giờ ngày 22.09.1975, đài VC loan tin về quy định đổi tiền. Tệ hơn, nó chỉ bắt đầu vào lúc 11 cho đến 23 giờ cùng ngày. Theo đó, nó chỉ có vỏn vẹn 12 giờ để hoàn thành việc thu và đổi tiền. Việc đổi tính theo thể thức và hối xuất như sau:

500 đồng Việt Nam Cộng Hòa = 1 đồng Cộng hòa Miền Nam (giải phóng). Tương đương $0,75 UD Dollas.- Mỗi gia đình chỉ được đổi 100.000 đồng cũ ra thành 200 đồng mới để tiêu dùng. Phần còn lại, gủi nhà nước giữ … dùm!

2. Đổi tiền ngày 03/5/1978

Sau khi tự gõ trống gọi là thống nhất đất nước vào năm 1976, Việt cộng quyết định cho xã hội chủ nghĩa tiến lên. Kỳ đổi tiền 1978 được quyết định bởi sắc lệnh số 88 CP ngày 25.04.1978 và khai triển ngày 03.05.1978. Lần này tiền được quy định như sau: Ở miền Bắc, một đồng mới trị giá bằng một đồng cũ, (loại tiền được phát hành từ năm 1958). Riêng ở trong Nam, 1 đồng tiền phát hành năm 1975 đổi đươc $0.80 tiền mới.

Dân sống ở thành phố và phụ cận được đổi tối đa 100 đồng cho mỗi hộ 1 người; 200 đồng cho mỗi hộ 2 người. Hộ trên 2 người thì từ người thứ 3 trở đi được đổi 50 đồng/người. Mức tối đa cho một hộ ở thành phố bất kể số người là 500 đồng…. Tối đa cho mỗi hộ ở vùng quê, bất kể số người, là 300 đồng. Số tiền có trên mức tối đa phải khai nộp và ký thác vào ngân hàng. Khi cần dùng có lý do chính đáng thì có thể làm đơn xin rút.

3. Đổi tiền lần thứ ba ngày 14.9.1985

Ngày 12-9-1985, báo Tuổi Trẻ vênh váo trên trang nhất: ‘Bẻ gãy thủ đoạn tung tin đổi tiền của gian thương’. Chuyện chưa khỏi 24 giờ, sáng 14.09.1985, hệ thống loa đường phố loan tin đổi tiền. Chính Phan Văn Khải, sau đó biện giải là: “Đổi tiền là vì lợi ích của nhân dân lao động”. Và tỷ gía tiền được quy định như sau:

- 1 đồng mới ăn 10 đồng cũ.

- Mỗi gia đình chỉ được đổi 20.000 đồng cũ lấy 2.000 đồng mới

- Hộ độc thân chỉ được đổi 15.000 đồng cũ lấy 1.500 đồng mới

- Hộ kinh doanh công thương nghiệp thì được đổi 50.000 đồng cũ lấy 5.000 đồng mới.

Nếu có tiền nhiều hơn mức ấn định thì người đổi vẫn phải nộp số tiền thặng dư và chỉ được nhận lại giấy biên nhận. Khoản tiền quá lượng nhà nước sẽ giữ lại và sẽ được xét khi có đơn xin… Và nay, tin về cuộc cướp lần thừ bốn đang thập thò. Hỏi xem, khi nào đây? Nếu không có, hẳn nhiên là bà con ta đang chờ ngày vất tiền Hồ vào thùng rác chăng?

Như thế từ sau 30-4-1974, đồng tiền tại Việt Nam trải qua những thăng trầm sau: Vào khoảng tháng 10/ 1975 một đồng “giải phong” bằng $0.75 US Dollars. Và nay khoảng 24.000 tiền Hồ bằng 1US Dollars.

IV. Phản ứng của người miền nam sau 30-4-1975?

Bạn ạ, không có điều kiện cho kẻ chiến bại đâu. Nó như một quy luật của chiến tranh, nên ngay khi thấy con em mình thất trận trở về, người miền nam đã chờ một cuộc đổi đời từ sống biến thành chết. Họ chờ vì đã biết rất rõ mức độ bạo tạn của Việt cộng trong mùa đấu tố đồng bào miền bắc từ 1953-56 với hơn 172000 ngàn chủ gia đình bị giết chết và tất cả các gia đình này đều tan nát sau đó. Riêng tài sản của họ thì rơi vào tay Hồ chí Minh. Theo đó, vào lúc này người ở miền nam tự biết và đang nhìn đời bằng đôi mắt trắng, sinh mạng của họ có thể bị ngắt đi vào bất cứ lúc nào.

Kết cục, họ đã qua từng đêm trắng mắt. Sau khi mở vòng tay ra ôm lại đứa con, người chồng vừa trở về sau ngày tàn cuộc chiến. Họ lại run rẩy, nấu cho chồng bát cơm, đưa cho con manh áo đem theo khi nghe cái lệnh tập trung cải tạo của nhà nước VC vừa ban ra. Dĩ nhiên, chuyện chưa chấm dứt với chuyến đi cải tạo được gọi là năm bẩy ngày lương thực ăn đường ấy. Bởi vì, sau khi họ ôm gói lên đường, vợ con của họ cũng được lệnh bao, túi lên vai đi vùng kinh tế mới… Trời ơi, tha cắt cổ, chúng mổ bụng. Đến nay, xem ra là chẳng còn một nghiệt ngã nào mà không theo chữ gỉải phong đổ xuống trên tấm thân của người miền nam. Tiếng súng, tiếng pháo trong chiến tranh hôm nào nghe đã buốt tim. Nay cái lệnh phải đi kinh tế mới còn kinh hoàng hơn thế trăm lần. Hỏi xem, người dân nam làm gì để sống dưới cái ách cộng sản của Hồ chí Minh đây?

Lao ra biển! Phải, họ kéo nhau lao ra biển, bước qua cõi chết mà tìm cái sống hoặc là ngồi tù. Lúc ấy ai cũng mơ đến cái khoảng thời gian 300 ngày của hiệp định Genève xưa. Phải chi hôm nay chỉ có được một trăm ngày thôi thì Duyên Anh có cơ là một… tiên tri lớn với câu nói: “ đến cái cột đèn nếu biết đi nó cũng không ở lại với Việt cộng, chứ nói chi đến vài con chó!

Trong gian khổ là thế, người miền nam đã quyết chi ra đi. Nhà tù rồi cũng quen, nếu trời còn thương, hết tù ta lại đi. Cùng với trào lưu ra biển, ngoài bắc cũng có ngưòi nhanh chân, nhanh trí tìm đường ra đi từ Hải Phòng Tuyên Quang… Nay nhìn lại, tất cả những chuyến đi này đều bắt nguồn từ chuyến đi tìm Tự Do của người miền bắc vào 1954. Nó đã đưa con người vào sống trong một khung cảnh nên người với những con người.

Rồi trong lúc người miền nam tìm mọi cách để ra khơi, thì cái hàm răng bừa của Phạm văn Đồng lại có dịp nhô cao lên: “ đó chỉ là bọn đĩ điếm theo chân đế quốc.”. Nghe thế, có người bảo, khéo lại phải nhờ đến bà bắc kỳ năm xưa kéo quần lên mà cho nó một trận no. Bởi vì, chỉ sau đó mấy năm, sau khi tắm rửa nhận cái chức thủ tướng của nhà nước Việt cộng, Võ văn Kiệt đã biết lẽ hay, điều phải khi đặt bàn hương án lên khấn vái, cầu trời đất phù hộ và mong mỏi những “Việt kiều yêu nước” là những người Việt Nam bỏ nước ra đi năm nào, nay xin hãy trở về thăm quê hương và góp bàn tay vào kiến tạo lại đất nước. Hỏi xem, khi nói thế là Y thành thật hay gỉa dối. Và hỏi xem, nếu họ là người Việt Nam yêu nước Nam thì đảng cộng sản, Hồ chí Minh, Phạm văn Đồng là người yêu… cái gì, yêu nước nào khi chúng tàn sát dân Việt Nam?

V. Thay lời tâm sự

Bạn than mến,

Trên đây chỉ là đôi ba nét nét chấm, phẩy về bức tranh của một Việt Nam trong 45 năm qua đã phải chịu, phải vác vì cái tai ách cộng sản đè xuống trên đất nước này mà thôi. Hỏi xem, ai là người có thể tháo gỡ được cái ách này cho dân Việt Nam đây? Hẳn nhiên trách nhiệm này là ở trong tay bạn, trong tay tất cả chúng ta, những người cùng một gốc Việt mà sinh ra, nên ta phải bằng mọi gía bảo vệ lấy cơ nghiêp của tìền nhân.

Hơn thế, hôm nay các bạn đã trưởng thành rồi, các bạn đã biết lẽ hay, điều phải. Các bạn đã hiểu và biết ý nghĩa của chữ Tự Do, Công Lý và Độc Lập nó cần thiết trong cuộc sống của dân tộc mình ra sao. Từ đó, tôi tin rằng, các bạn đã nhận thức được đúng sai, biết lẽ hay điều phải thì chính các bạn phải là những người mạnh tiến trên bước đường tương lai vì tổ quốc, vì dân tộc Việt Nam để người khác cùng nối gót theo.

Và cách riêng nơi đây, tôi thành thật thưa với các bạn rằng : Đừng bao giờ, không bao giờ bước đi theo lối mòn bán nước giết dân Việt như Hồ chí Minh và tập đoàn cộng sản của Y. Thay vào đó, các bạn hãy nhìn đến công lao dựng nước và cứu nước của các tiền nhân ta như hai bà Trưng, của Hưng Đạo Vương, của Lê Lợi, của Quang Trung mà tiến bước. Hoặc gỉa, “thà làm qủy nước Nam còn hơn làm vương đất bắc” như Trần bình Trọng. Và nếu chuyện lớn ta chưa đủ thời cơ, đừng bao giờ phí hoài tuổi sanh và tri thức của bạn để theo bước chân giặc Hồ. Đã tủi cho nhà, còn nhục cho nước nữa.

Thân ái.

Bảo Giang

 
Từ Trách Vụ Chống Cộng
Hà Minh Thảo
16:18 01/05/2020


Bài này tiếp nối bài ‘Từ Trách Vụ Chống Cộng…’, đăng trên

VietCatholic News, ngày 21.02.2020.


I.- SỰ THẬT BỊ VỨT BỎ, DÃ MAN LÊN NGÔI

A./ Sự Thật cần phải xác tín : Sự thãm sát ông Ngô Ðình Diệm đưa đến sự cáo chung của Việt Nam Cộng hòa ngày 30.04.1975. Niềm xác tín của chúng tôi đặt nền tảng trên sự nể sợ của ông Hồ Chí Minh nơi ông Ngô Ðình Diệm :

- Nể vì ông Diệm, theo lời ông Hồ nhiều lần, là một người yêu nước theo cách của ông ấy, tức yêu nước, bảo vệ Tổ quốc bằng phương sách Chống Cộng. Khi ông Diệm nằm trong tay họ Hồ, ông Diệm đã khẳng khái từ chối sự mời tham dự chính phủ cộng sản. Mời xem lại ‘Từ Trách Vụ Chống Cộng…’ nơi III.C.1. Do đó, chiều ngày 02.11.1963, khi nhận được điện tín báo sự chết của ông Diệm, ông Hồ hét to ‘Bác cháu sẽ thắng’. Sự kiện này đã là động lực thúc đẩy việt cộng tiếp tay bọn ‘phản loạn’ đập bỏ Ấp Chiến lược, tăng cuờng khủng bố dân lành và đẩy mạnh sự xâm nhập của bộ đội vào Miền Nam đưa đến ngày 30.04.1975;

- Sợ. Thoạt tiên, chúng ta nghĩ rằng Hồng Y Ðáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bị tù gần chết vì bị chúng ghép Ðức cha vào mưu đồ thỏa hiệp giữa đế quốc Mỹ và Vatican. Nhưng thật sự tội mà Ngài đã bị gắn cho, chứ không bị xử, là ‘cháu ông Diệm’ (ai không có đỉnh cao trí tuệ, không hiểu tội này).

1.- Ngày 15.08.1975, Ủy ban Quân quản Thành Hồ buộc Đức Tổng Giám Mục Nguyễn văn Bình đưa Ðức cha Nguyển Văn Thuận, Phó Tổng Giám mục với quyền kế vị (thâm ý chúng rêu rao là ‘Ðức cha Bình nộp Ðức cha Thuận cho chúng’. Ðồng thời, khoảng 350 giáo sĩ, tu sĩ được buộc nghe tố cáo tội Ðức cha Thuận tại Nhà hát Thành phố. Tại Dinh, Ðức cha Bình đi trước, Ðức cha Thuận đi sau. Bất ngờ, một công an chận Ðức cha Thuận lại và nói: ‘Anh đi lối này’ và lôi Người đi mất. Khoảng 30 phút sau, do chỉ thấy tướng Trà nói chuyện vu vơ, Ðức cha Bình hỏi :

- Thưa Thượng tướng, còn chuyện gì cần nữa không?

- Thôi! Cụ ra về được rồi. Tướng Trà trả lời.

- Ðức cha phó của tôi đâu mời Ngài cùng về.

- Như cụ thấy, chế độ này là chế độ Cộng sản. Tên Thuận là dòng dõi Ngô Ðình Diệm, chúng nó chống Cách mạng từ trong trứng chống ra, nên không thể để nó ở đây được.

2.- Năm 1993, nhân việc bổ nhiệm Ðức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi làm Giám quản Sài Gòn, ngày 22.09.1993, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Trương Tấn Sang gửi thư cho Ðức cha Nguyễn Văn Bình có nhắc lại việc bổ nhiệm Ðức cha như sau: « … Như cụ đã biết, năm 1975 Chính phủ ta đã không chấp nhận ông Nguyễn Văn Thuận về Giáo phận thành phố và dứt khóat sẽ không bao giờ chấp nhận, vì ông Nguyễn Văn Thuận đã từng gắn bó với một gia đình có nhiều nợ máu với nhân dân và bản thân ông Nguyễn Văn Thuận cũng có một quá trình lâu dài và tinh vi chống phá sự nghiệp giành độc lập và bảo vệ độc lập dân tộc… ».

3.- Ngày 05.07.2013, tiến trình phong Thánh cho Ðức Hồng Y Thuận đã hoàn tất ở Tổng Giáo phận Rôma. Nhân dịp này, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Ðức, được Hội đồng Giáo Hoàng Công lý và Hòa bình mời tham dự lễ ‘Bế mạc phần điều tra tại Giáo phận’, đã bị công an sân bay Nội Bài, Hà nội chặn lại không cho xuất cảnh sang Bangkok (Thái lan) trên đường đi Rôma (Ý đại lợi). Ông Ðức kể : « Khi làm ở Phòng Tôn giáo Bộ Công an, người ta có ‘đối sách’ về Ðức cha vì một tội rất to là cháu của Ngô Ðình Diệm và sự về Sài gòn làm Phó Tổng Giám mục là để lót ổ lên Tổng Giám mục nên Người bị chuyển ra Bắc ».

Sau 13 năm tù dã man, chúng còn quản thúc Ðức cha tại Hà nội cho tới khi Người xuất ngoại hội kiến Ðức Gioan Phaolô II tại Vatican và kính thăm song thân tại Uùc Ðại Lợi, bị cấm trở lại Quê Hương. Khi đó, nhà nước mới hết sợ.

B./ Sự Dã Man và Vô Liêm Sĩ.

1.- Để hoàn thành việc xóa bỏ Ðệ I Việt Nam Cộng hòa, Tổng thống John F. Kennedy (đảng Dân chủ) đã phải dùng ‘hung thần’ Henry C. Lodge làm Đại sứ tại Sài gòn. Ngày 27.08.1963, khi trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Ngô đình Diệm, hắn đã lên tiếng thăm dò:

1.- Việt Nam nhường hải cảng Cam Ranh cho Hoa kỳ 99 năm;

2.- Việt Nam chấp thuận để Hoa kỳ đưa 200.000 quân vào lãnh thổ mình;

3.- Tổng thống Ngô đình Diệm đặt Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa dưới quyền chỉ huy của các Tướng lãnh Quân đội Hoa kỳ;

4.- Tổng thống Diệm phải đưa ông cố vấn Ngô đình Nhu ra ngoại quốc.

Trước những đòi hỏi không khôn ngoan này, Tổng thống Ngô đình Diệm, đạo đức và vì sự độc lập cùng sự toàn vẹn lảnh thổ đất nước, đã lờ đi toàn bộ. Dĩ nhiên, sau ngày 02.11.1963, chúng tung hoành thực hiện những đòi hỏi này.

Ðúng ngày đảo chính 01.11.1963, Lodge, tháp tùng Ðô đốc Harry Felt, Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Hoa kỳ, gặp Tổng thống Diệm vào buổi sáng (Phải chăng mưu độc của chúng là để giữ ông Diệm ở lại Dinh?). Sau cuộc gặp, hắn đánh điện về Tòa Bạch ốc để trình: « Khi tôi đứng lên để ra đi, ông ấy bảo: Xin nói với Tổng thống Kennedy rằng tôi là một đồng minh tốt và trung thực ». Bức điện về đến Bộ Ngoại giao Mỹ lúc 9 giờ 18 giờ Washington, và đến Bạch ốc lúc 9 giờ 37. Khi đó, các phản tướng đảo chính tại Sài Gòn đã nổ súng tạo phản.

Sáng ngày 02.11.1963, giờ Washington, khi Tổng thống Kennedy và các cố vấn họp, đã nhận tin từ CIA rằng phe các tướng Việt Nam thông báo hai anh em Diệm - Nhu đã ‘tự sát’. Sự thật, hai người đã bị quân đảo chính giết. Các tờ báo khi đó đăng hình thi thể, hai tay bị trói và nói họ tự sát. Thật là dối trá.

2.- Dương Văn Minh.

Vì tham tiền và ham quyền, hắn cùng các phản tướng đã nhận bạc thực dân Mỹ để biến thành tên đao phủ giết ba anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn rồi, sau đó, bị chúng hạ từng công tác cho tới khi phải đầu hàng bắc việt xâm lược ngày 30.04.1975.

1.- Giết Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu. Biết ‘Big’ Minh bất mãn ông Diệm nên các sát nhân Mỹ (chánh trị gia tại bộ Ngoại giao cùng Lodge) thuê ông ta đảo chánh, lật đổ ông Diệm. Hắn đồng ý ngay. Thật ra, tuy đứng đầu cuộc đảo chánh. Nhưng đúng ra CIA (Central Intelligence Agency, Cơ quan Trung ương Tình báo) chỉ giao cho ông một nhiệm vụ duy nhất là giết gia đình ông Diệm. Còn việc lập kế hoạch và điều khiển cuộc đảo chánh, CIA trao cho nhân viên của chúng là Trần Thiện Khiêm, có thể chính tên này ra lịnh hạ sát hai ông. Khi tiến hành cuộc phản loạn, tướng Minh đã ra lệnh hạ sát Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lịnh Hải Quân, Đại tá Lê Quang Tung, Tư lịnh Lực lượng Đặc biệt, và em là Thiếu tá Lê Quang Triệu, Tham mưu trưởng Lực lượng Đặc biệt.

Hoàn toàn trái ngược và thật đáng kính, lối 18 ngày 01.11.1963, Thiếu tá Phạm Văn Phú, Chỉ huy phó Sở Liên lạc, nhờ Thiếu úy Hòa, sĩ quan cận vệ ông, đến Dinh Gia Long gặp Thiếu tá Phạm Văn Hưởng để nói: ‘Thưa chú, Thiếu tá Phú cho cháu lên thưa với chú: « Lữ đoàn đưa Thiết giáp và 2 Đại đội Bộ binh lên phối hợp với Lực lượng Đặc biệt đánh thẳng vào tòa nhà chính nơi các tướng lãnh đang họp. Bộ Tổng Tham Mưu hiện chỉ có tân binh Quang Trung canh gác. Lữ đoàn yểm trợ hỏa lực và Lực lượng Đặc biệt đánh mìn 3 cầu thang. Thắng lợi chắc chắn 100% ». Sĩ quan này trình Thiếu tá Duệ, Tham Mưu Trưởng để cùng thảo luận. Sau cùng, Thiếu tá Duệ trình Tổng thống và Tổng thống ban lệnh: « Không được. Hãy dành lực lượng và võ khí để đánh Cộng sản. Người nhà không nên tàn sát lẫn nhau ».

[Phạm Văn Phú (1928 - 1975) là một Thiếu tướng gốc Nhảy dù Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ông xuất thân từ trường Võ bị Liên quân Quốc gia Việt Nam khi Quân đội Quốc gia còn là thành phần trong Quân đội Liên hiệp Pháp. Ra trường, ông gia nhập vào Binh chủng Nhảy dù, từng có mặt tại Ðiện Biên ¨Phủ và bị cộng quân bắt và cầm tù. Về sau ông chuyển sang Chỉ huy Lực lượng Đặc biệt và Tư lệnh Quân đoàn II và Vùng chiến thuật. Cuối trận chiến, Thiếu tướng Phú là một trong năm Tướng lãnh đã tự sát và gởi thân xác trong lòng Ðất Mẹ.]

Lối 4 giờ 30 ngày 02.11.1963, Thiếu tá Lạc nhận điện thoại và chuyển nguyên văn lời Tổng thống cho toàn thể cộng sự viên tại Dinh Gia Long: « Tổng thống và ông cố vấn được bình an. Tổng thống cám ơn chúng con. Các con hãy ra đầu hàng để khỏi bị tàn sát ».

Khi được ông Diệm báo tin đang ở nhà thờ Cha Tam, ông Minh đã cho lập ‘toán hành quyết’ đi đón và giết hai ông Diệm và Nhu, do tướng Mai Hữu Xuân cầm đầu, với Đại úy Nguyễn Văn Nhung, cận vệ của mình, đi theo làm sát thủ. Khi xác ông Diệm đưa về Tổng Tham Mưu, một Quân cảnh cho biết chính mắt ông ta thấy tướng Minh đã mở quần ông Diệm ra xem có ‘chim’ không. Mục đích cuộc cách mạng thật cao thượng như vậy sao!

Tướng Trần Văn Đôn cho biết khi hay tin hai ông đã chết, ông rất xúc động và đến hỏi Minh: – Tại sao hai ông ấy chết? Ông Minh có vẽ khó chịu, trả lời bằng tiếng Pháp: Ils sont morts! Ils sont morts! (Các ông ấy chết rồi, chết rồi).

2.- Tại sao Dương Văn Minh thù ghét Tổng thống Diệm?

a. Biển thủ một thùng vàng.

Thừa lịnh Thủ tướng Ngô Ðình Diệm, Đại tá Nguyễn Văn Y, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia kiêm Đặc ủy trưởng Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo đã tường thuật: Lúc đó ông là Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Chợ Lớn, chỉ huy Tiểu đoàn 184. Khoảng tháng 5/1955, sau khi đánh đuổi quân Bình Xuyên chạy vào Rừng Sát, ông đã thả các nhân viên Phòng 2 đi thăm dò ven rừng. Các nhân viên này thấy một người đang ngồi câu cá trên một chiếc xuồng ở một khu vắng, dáng điệu rất khả nghi, nên bắt về thẩm vấn. Sau nhiều cuộc tra hỏi, người này thú nhận anh ta là một cận vệ của Bảy Viễn (Lê Văn Viễn, lãnh tụ Bình Xuyên) được phái ở lại giữ hai thùng phuy vàng và bạc đã phải nhận chìm xuống nước trước khi chạy trốn. Ông đã cho thợ lặn xuống tìm nhưng không thấy. Nhân viên Phòng 2 tiếp tục phỏng vấn, người này quả quyết nơi anh ta làm dấu đúng là nơi đã nhận 2 thùng phuy xuống. Thấy thái độ quả quyết của anh này, ông cho thợ lặn xuống mò một lần nữa, nhưng trong một phạm vi rộng hơn. Ðúng vậy, thợ lặn đã vớt được hai thùng này cách xa nơi đánh dấu khoảng 100 thước, vì bị nước cuốn trôi đi. Đây là thứ thùng phuy đựng dầu xăng loại 200 lít. Công cuộc kiểm tra cho thấy một thùng đựng bạc giấy, còn một thùng đựng vàng. Bạc giấy toàn là loại 500 đồng, được gói trong những bao nylon nhỏ, có nhiều bao bị nước thấm nước. Ông bảo nhân viên đem số bạc ướt phơi khô rồi đưa tất cả đi nạp vào Ngân khố. Còn thùng vàng được chở đến giao cho Đại tá Dương Văn Minh, Quân trấn trưởng Sài Gòn. Trung tá Nguyễn Khánh, Chỉ huy phó cho biết số vàng này khi giao nạp đã được bỏ vào trong hai cái rương, nhưng rồi sau đó không còn nghe ông Minh nói gì về số vàng này.

Ông Diệm đã ra lệnh cho Thẩm phán Lâm Lễ Trinh, Biện lý Tòa Sơ thẩm Sài Gòn, và Thiếu tá Mai Hữu Xuân, Giám đốc An ninh Quân đội, mở cuộc điều tra vụ này. Khi bị hỏi về số vàng này, ông Minh đã sừng sộ và giận dữ, cho rằng ông Diệm là người bội bạc, ông đã giúp ông Diệm đánh dẹp Bình Xuyên mà còn hỏi cái gì. Trong bản báo, ông Xuân chỉ xác nhận số vàng Tiểu khu Chợ Lớn tịch thu được đã giao cho ông Minh cất giữ và đề nghị nên đem ra chia nhau. Ông Diệm đã nói với ông Nhu: «Thôi, cho nó số vàng đó đi cho yên!».

b. Chứa chấp gián điệp việt cộng.

Ðầu năm 1960, nhân viên Đoàn Công tác Đặc biệt thấy một người thường tới nhà Dương Văn Minh ở Sài Gòn, và mỗi lần đi ra, đều nhìn trước sau rất kỹ, thấy không có gì khả nghi mới bước ra. Một hôm, đợi anh ta ra khỏi nhà này này một khoảng xa, nhân viên hữu trách tình báo bắt anh ta lên xe và đem về thẩm vấn. Lúc đầu hắn nói hắn chỉ là người đến dạy học cho các con ông Minh. Tuy nhiên, sau nhiều lần thẩm vấn khéo léo, hắn nhìn nhận là một ủy viên của Huyện ủy Thủ Đức, được phái đến gặp Minh để lấy tin tức. Hắn đã bị giam, nhưng ông Minh không biết.

Đoàn Công tác và Tổng Nha Cảnh sát đã bố trí thường trực tại nhà Minh, theo dõi từng bước đi của những người ra vào nhà ông. Tháng 3/1960, một người có mặt rất giốùng ông Minh, đã đến ở luôn nhà này. Sưu tra hồ sơ, nhân viên an ninh biết đó là Dương Văn Nhựt, em của Minh, bí danh Mười Tỵ, Thiếu tá bộ đội. Vợ hắn cũng đang sống tại Sài Gòn. Theo dõi sát, nhân viên tình báo biết được hắn đang đi vận động Phật Giáo và sinh viên chống ông Diệm.

Khi vợ Nhựt có bầu gần sinh, hắn đưa vợ tới ở nhà Trung tá Dương Văn Sơn, em của Minh. Lúc đó Sơn đang làm trưởng phòng truyền tin Biệt khu Thủ đô. Minh thường đến nhà Sơn để nói chuyện với Nhựt. Vì thế, nhà Sơn cũng bị theo dõi.

Một hôm, Tổng thống Diệm gọi Đại tá Nguyễn Văn Y vào Dinh với hồ sơ vụ này. Có lẽ Đoàn Công tác đã trình nội vụ cho ông Diệm biết rồi. Khi ông Y đem hồ sơ vào, Tổng thống hỏi: « Dương Văn Minh có theo Cộng sản không? » và tiếp: «Võ Nguyên Giáp có nhiều công trạng như rứa mà nay Cộng sản chỉ mới cho lên Trung tướng. Dương Văn Minh công trạng có bao nhiêu đâu mà nay đã lên Trung tướng rồi, còn muốn gì nữa?». Đại tá Y vốn là đàn em và là người quen biết với Tướng Minh nên chưa biết phải trả lời như thế nào. Tổng thống liền đưa cho ông cái hộp quẹt và bảo đem tất cả hồ sơ ra đốt đi. Tổng thống nói: « Mỹ mà nó biết được Trung tướng của mình theo Việt cộng thì xấu hổ lắm. Đốt hết đi! Từ rày tôi không muốn nhắc tới cái vụ này nữa ». Nhưng đốt hồ sơ rồi cũng chưa xong, nhân viên tình báo còn phải bắt Nhựt và dẫn hắn ra chiến khu để ông ta đi qua Cambodia và trở về lại miền Bắc, với lời cảnh cáo: ‘Nếu trở lại sẽ bị thanh toán’. Câu chuyện này có lẽ Tổng cục Phản gián của Hà Nội không hề hay biết.

Sau đó, ông Diệm đã bảo Đại tướng Lê Văn Tỵ, Tổng tham mưu trưởng, thông báo cho Tướng Minh biết từ nay ông ta chỉ có thể xử dụng các đơn vị cấp đại đội trở xuống mà thôi. Tướng Minh biết lý do tại sao, nhưng các cố vấn Mỹ không biết chuyện gì đã xẩy ra, nên rất thắc mắc. Họ nghĩ rằng ông Diệm sợ Tướng Minh làm đảo chánh nên mới hạn chế như vậy.

c. Ngày 13.10.1963, khi đang kinh lý Đà Lạt, Tổng thống Ngô Ðình Diệm đến thăm trạm phát tuyến Phát Chi cách đó hơn 20 km. Đại úy Nguyễn Văn Lung, Đại đội trưởng Truyền tin Lữ đoàn trình Tổng thống một mật thư từ Bangkok gửi cho Tướng Minh, nói ra phi trường nhận. Tướng Tôn Thất Đính trình Tổng thống xin cho chận đường Tướng Minh lúc về, tịch thu bức thư để khai thác. Tổng thống bảo: ‘Không được’. Người tôn trọng luật pháp. Trong đêm 20.08.1963, khi chỉ Quân đội và Cảnh sát khám các chùa, Tướng Đính cũng đã điện trình Tổng thống cho xông vào USAID (Cơ quan Viện trợ Mỹ) để bắt ‘thượng tọa’ Thích Trí Quang. Tổng thống trả lời ‘không được’.

Đề đáp lại sự đối đãi đó của ông Diệm, ông Minh đã hành động như sau, theo những dòng chữ viết bởi Đại tá Phạm Bá Hoa trong ‘Hồi Ký chính trị 1963-1975’, xin được tóm gọn :

Lúc 17 giờ, Ðại úy Bằng, sĩ quan tùy viên Tổng thống, gọi điện thoại vào Bộ Tổng tham mưu, nơi các tướng tá đảo chính đang họp để tìm gặp tướng Khiêm và đã gặp Ðại úy Phạm Bá Hoa, chánh văn phòng tướng Khiêm, bắt máy :

‘Đại Úy Hoa tôi nghe’.

‘Chào anh Hoa. Tôi là Đại úy Bằng đây. Anh mời Thiếu tướng Khiêm tiếp chuyện với Tổng thống’.

Ðiện thoại được mang vào phòng họp và bị Minh đoạt máy, nên chỉ nghe hắn trả lời :

- ‘Chúng tôi chỉ chấp nhận cho ông đi ngoại quốc như một người bình thường’.

- ‘.......................’ (lời ông Diệm)

- ‘Không’.

Tiếp đó, Minh nói với các vị có mặt trong phòng họp, sau khi dằn ống nói xuống vị trí:

- ‘Ổng đòi đi như một Tổng thống, tôi không đồng ý’.

Lúc đó trong phòng im hoàn toàn, chừng như cách giải quyết của Minh tạo niềm suy nghĩ cho họ qua thái độ.

Điện thoại lại reo và vẫn là Đại úy Bằng với cùng lý do. Lần này, Minh cướp ống nói và nói : ‘Không cần nói chuyện với ổng’.

Tôi trở ra phòng và trả lời Đại úy Bằng: ‘Rất tiếc là Trung tướng Minh cắt đường giây rồi. Chào anh’.

Cuối cùng, đêm 29.4.1975, tướng Minh vào ngũ trong Dinh Độc lập vì sợ pháo kích. Lúc đó, ông chỉ còn hy vọng ‘Thượng tọa’ Thích Trí Quang vì ông này hứa sẽ đưa người ‘phía bên kia’ đến thương lượng để thành lập chính phủ liên hiệp. Ðến 4 giờ 35 ngày 30.04.1975, Thích Trí Quang nói với ông Minh qua điện thoại: « Thưa Tổng thống, cũng như Tổng thống là tôi vẫn chờ đến giờ nầy và theo tôi nghĩ có lẽ với tình thế hiện tại, trong sứ mạng của tôi, người đứng trung gian bắt nhịp cầu của thế cờ chính trị, có thể nói là chấm dứt. Với trọng trách là Tổng thống, hơn nữa là một Đại tướng, tôi nghĩ công việc phải nhờ vào tài quân sự của Đại tướng, chứ giải pháp chính trị của tôi coi như chấm dứt, và từ giờ phút này nếu có chuyện gì xẩy đến thì mọi trách nhiệm đều do Tổng thống, à quên Đại tướng quyết định với giải pháp quân sự, mà trong lãnh vực này Đại tướng rất rành và giỏi hơn tôi. Xin chào Tổng thống ». Ông Minh chỉ trả lời gọn một câu: « Thầy giết tôi rồi! » và cúp điện thoại.

Trông chờ sự được trọng dụng của cộng quân, phản tướng Minh đã kêu gọi quân nhân Cộng hòa buông súng. Nhưng, sự thật không được như vậy. Từ đó, vị Tổng thống 40 giờ chờ ngày rời Quê hương, được tha học tập cải tạo như bao nhiêu quân, cán, chính khác. Nhưng thua tẩu tướng Khiêm được Mỹ mang về mẫu quốc trước tiên. Thật bí mật, nhất là đối với cái chết của hai anh em ông Diệm?

C. Bất hạnh cho Người Việt không cộng sản.

Sáng ngày 07.04.2020, một tin mà tôi phải đọc lại lần nữa ‘Tối cao Pháp viện Úc Đại Lợi đã tuyên ‘Trắng Án’ sau khi hủy bỏ bản án cái gọi là lạm dụng tình dục trẻ em, tuyên bởi Tòa sơ thẩm Melbourne và xử y án bởi Tòa Thượng thẩm Tiểu bang Victoria. Lập tức Tòa Tối cao truyền ‘Trả tự do tức khắc cho Đức Hồng Y George Pell. Tạ ơn Chúa : Sự Thật đã được tôn trọng, dù Người đã phải bị giam và cấm cử hành Thánh Lễ trong hơn 400 ngày.

Chúc mừng Ðức Hồng Y được thoát nạn ‘toà án phi công lý’, nhưng bổng nhiên, chúng tôi thấy mắt cay muốn khóc khi nhớ đến Tổng thống Ngô Ðình Diệm bị bạo quyền Mỹ thuê đám phản tướng giết Người, không được xét xử, khiến, cuối cùng, Graham Martin, đại sứ Mỹ ở Sài Gòn và các tướng Việt phải tháo chạy, bỏ Ðất Nước, Ðồng Bào vào tay việt cộng độc tài và độc đảng.

Chiều ngày 01.11.1963, lần lượt các tướng tạo phản tự xứng danh sau bản buộc tội Tổng thống dân cử, không bằng chứng hay như biến cố lục soát các chùa để tìm các sư sải và ni cô giả hay tay sai cộng đêm 20.08.1963 và trong suốt thời gian thiết quân luật đã hoàn thành được, nhờ có sự tuân hành tuyệt đối các quân lịnh từ Tư lịnh Tối cao bởi các tướng Ðôn, Khiêm và, nhất là Ðính. Chúng tôi còn nhớ, nhiều lần trong những ngày đầu, phải nghe các thông cáo ký tên : Thiếu tướng Tôn Thất Ðính, Tư lịnh Quân đoàn III kiêm Vùng 3 Chiến thuật, Tổng trấn Sài Gòn, Gia Ðịnh. Thật oai vệ ! Ðặc biệt lịnh đóng cửa các Trường Tiểu, Trung và Ðại học.

Một trong những tội mà chúng buộc cho ông Diệm là ‘tham quyền cố vị’. Sự thật ra sao? Do có tiếng là mẫn cán và công chính, theo chủ nghĩa dân tộc, đang là Tỉnh trưởng Bình Thuận, ngày 08.04.1933, ông Diệm đáp lời đề cử của Vua Bảo Ðại vào chức Thượïng thư Bộ Lại (Nội vụ ngày nay), đứng đầu Nội các và trẻ nhất ở tuổi 32. Ðược bầu làm Tổng thư ký, đứng đầu Ủy ban cải cách hành chánh. Ông đề nghị tu chỉnh chính quyền bảo hộ và canh tân lối cai trị. Pháp từ chối, ông từ chức. Sau đó, Pháp đe doạ bắt và lưu đày ông, nhưng may, ông không bị thuê giết cùng hai người em năm 1963 và 1964.

Tháng 3/1945, ông Diệm từ chối đảm nhiệm chức Thủ tướng, Bảo Ðại cử ông Trần trọng Kim thành lập Chánh phủ.Năm 1948, sau khi vua Bảo Ðại ký với Pháp Hiệp định ở Hạ Long châp nhận cho Việt Nam một nền độc lập hạn chế, lần nữa, ông Diệm từ chối lời mời làm Thủ tướng Quốc gia của Vua.

Xin mời xem lại bài ‘TỪ TRÁCH VỤ CHỐNG CỘNG…’ đoạn I.D)

Sau cùng, ngày 18.06.1954, vua Bảo Ðại mời ông Diệm đến thảo luận về việc nhà vua muốn cử ông Diệm làm Thủ tướng toàn quyền trong một thời gian gần như tuyệt vọng khi Quân đội Pháp muốn tháo chạy, sau khi thất trận tại Ðiện Biên Phủ ngày 07.05.1954, với nhiều lính tàu cộng tham chiến, khó ai phân biệt giữa những người Việt và Tàu, và Hội nghị Geneva sắp chấm dứt với hậu quả chia đôi Ðất Nước. Bảo Ðại cũng kể những Tài và Ðức mà ông Diệm đã thể hiện trong thời gian là Thượng thư Bộ Lại, nhất là khi ông Diệm quyết định Việc Nước, khó ai có thể lay chuyển.

Hôm đó, thoạt tiên, ông Diệm từ chối với lý do Ði Tu, nhưng nhà vua, biết tôn trọng ‘tự do tôn giáo’*, đã nhân danh ‘lòng ái quốc’ và ‘trách nhiệm về sự tồn vong của Việt Nam’ để nhắc ông Diệm không từ chối điều hành Quốc Sự. Kết quả thật đẹp, ông Diệm đáp : ‘trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó’.

[* Hoàng hậu Nam Phương, vợ vua Bảo Đại, nhủ danh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan (Công Giáo) có 5 con (2 nam, 3 nữ)].

Sau đó, nhà vua kéo ông Diệm sang phòng bên cạnh, nơi có Thánh Giá và nói ‘Đây Chúa của ông, ông hãy thề trước Ngài là giữ vững Ðất Nước đã được trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó để chống lại bọn Cộng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa’. Ông Diệm đứng yên lặng cầu nguyện một lúc lâu, rồi nhìn ông Bảo Ðại, lại nhìn Thánh Gia và nói với giọng nghẹn ngào ‘Tôi xin thề’. Một cuộc đề cử độc nhất vô nhị trong lịch sử Việt Nam.

Tổng thống Ngô Ðình Diệm đã tạm gát qua bên ước nguyện Ði Tu, mà nhiều Kitô hữu khác có thể đáp ứng Ơn Gọi phục vụ, để nhận ‘trách nhiệm về sự tồn vong của Việt Nam’ mà Nhà Vua giao phó, với ngụ ý, chỉ còn mình. Tuy biết trước, nhưng khi về nước, ông Diệm chỉ nhận được Dinh Gia Long và Tiểu đội Cảnh sát bảo vệ Dinh. Sau khi nhậm chức và trình Chính phủ với Quốc dân ngày 07.07.1954, chỉ hai tháng sau, Thủ tướng Ngô Ðình Diệm tiếp thu Dinh Nodorom, nơi làm việc của Toàn quyền Pháp, thay mặt Tổng thống Pháp để cai quản Việt Nam, từ tay Thống tướng Paul Ely. Lập tức, Thủ tướng đổi tên thành Dinh Ðộc Lập, biểu hiệu Việt Nam độc lập từ nay từ tay Chính phủ Pháp để, từ đây, Quốc gia Việt Nam sẽ thương thuyết với họ để tiếp thu các chủ quyền về kinh tế, tài chính, giáo dục… của một quốc gia có chủ quyền. Có Ðộc lập, người Việt mới có Tự do, Dân chủ và quyền Bầu cử để trao quyền cho Giới Cầm Quyền điều hành Quốc Sự.

Hiến pháp 1956 Ðệ Nhất Cộng hòa dành cho Tổng thống hai nhiệm kỳ 4 năm. Như vậy, ông Diệm sẽ hoàn tất nhiệm vụ năm 1964. Chuẩn bị cho tương lai, ông tâm sự sẽ phụng dưỡng mẹ và, sau đó, ông sẽ đi tu, hình như Dòng Chúa Cứu Thế và ước ao được chăm sóc các cô nhi tử sĩ (con các chiến sĩ đã đền nợ Nước).

Xin đừng ‘chụp mũ‘ chúng tôi là ví ông Diệm với Đức Kitô khi so sánh đảo chính giết ông Diệm với biến cố Chúa Giêsu chết để chuộc tội nhân loại. Thật vậy, quần chúng mừng ‘cách mạng thành công’ vì ham vui và chạy theo đám đông, bị lường gạt bởi các Thượng tọa, Đại đức, và thiểu số tu sĩ Công Giáo nhân danh ‘thương người bị đàn áp’, trong khi Bản Điều trần của Ủy ban Điều tra Liên hiệp quốc xác nhận không có đàn áp Phật giáo có hệ thống chưa kịp công bố và, sau đảo chính, bị Mỹ không cho phổ biến. Còn đám chánh trị gia salon kết tội ‘ông Diệm độc tài’, giống như đám Pharisêu hô hào ‘giết Chúa Giêsu’, nhưng khi cờ đến tay thì không biết phất. Lãnh đạo các nước toàn cầu, bắt chước Philatô rữa tay để khỏi lên án Mỹ vi phạm nguyên tắc ‘Dân tộc Tự quyết’ để cho rằng đó là ‘Sự tranh quyền và thanh toán lẫn nhau.

II.- ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA.

Sau khi thực dân Mỹ thuê các tướng phản loạn giết chết Tổng thống Ngô Ðình Diệm, Việt Nam Cộng hòa mất Ðộc Lập vì, dần dần, chúng thi hành những đòi hỏi mà ‘hung thần’ Henry C. Lodge đã đề nghị ông Diệm ngày 27.08.1963. Lần hồi và tuy kín đáo, hắn trở thành Toàn quyền Mỹ và biến các tướng thành những con rối hành động làm Quốc gia rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị (mất chính nghĩa chiến đấu chống cộng, mất chủ quyền vào tay Mỹ và Phật giáo Ấn Quang, đảo chính và thanh toán nhau thường trực ‘thắng làm vua, thua làm đại sứ’, khủng hoảng xã hội (‘me Mỹ’, nhờ đô la xanh và đỏ, đã lên ngôi) và khủng hoảng kinh tế (hàng hóa PX, chợ giá rẻ dành cho công chức và lính Mỹ được biếu hay mua các bạn gái Việt làm phát triển ‘chợ trời’ khiến ngân quỹ quốc gia thất thu thuế và phải nhập cảng gạo, vì chiến tranh, sản xuất thiếu so với thời Đệ Nhất Cộng hòa). Những điều này ông Diệm đã tiên đoán. Ông cũng đã ti ên đo án ‘việc Mỹ đưa quân tác chiến vào Miền Nam. Khi chúng thua chạy, dân Việt sẽ chạy theo chúng’.

Ngày 02.11.1963, sau khi Dinh Gia Long bị chiếm, bọn hôi của đã tràn vào, tranh nhau cướp mọi thứ, nhất là những hiện vật của bà Nhu mà chúng hoang tưởng là ‘đồ đặc biệt và bí mật’. Thật khôi hài và bị ‘cách mạng’ gạt khi chúng không tìm thấy gì như tuyên truyền xuyên tạc.

Chuyện đầu tiên của tướng Đính tự xưng ‘cách mạng’ đã tuyên bố ‘cho phép tự do nhảy đầm’. Lập tức hằng đêm, với đồng chí Trần Văn Đôn cùng đàn em nam nữ sinh viên và học sinh nhảy nhót. Sáng tinh sương ngày 30.01..1964, trong khi đang an giấc, tân tướng 3 sao Trần Thiện Khiêm, thừa lịnh ‘quan toàn quyền’, đem lính đến bắt bốn tướng đã cùng phản loạn với Khiêm trong biến cố mệnh danh ‘Chỉnh Lý’ tuyệt đẹp, không đổ máu. Chỉ có tân Thiếu tá Nguyễn Văn Nhung, bị cho là đã giết hai anh em ông Diệm. Sau khi viết tờ khai tướng Thu đã hạ sát cả hai (trong Quân đội, lúc đó, không có ai là tướng Thu). Sau đó, dùng dây giày, Nhung đã tự sát. Bí mật vẫn chưa ‘bật mí’. Phần các tướng, họ bị buộc tội ‘thân Pháp, mưu toan trung lập hóa Việt Nam Cộng hòa và bị quản thúc ở Đà Lạt. Tướng Minh an phận ‘bù nhìn’.

Sau khi đảo chính, Hiến pháp 1956 bị thay thế bởi Hiến ước tạm thời dự trù chức vụ Thủ tướng. Do quen thân với Big Minh và được OK bởi Lodge, ông Nguyễn Ngọc Thơ, Phó Tổng thống thời ông Diệm, được chỉ định vào chức vụ này. Do đó, nhiều chính trị gia ồn ào phản đối, nhất là Bùi Diễm, đảng viên Đại Việt, trước đó, đã viết nhiều bài báo bằng tiếng Anh để đặt điều nói xấu ông Diệm hầu làm vui lòng thực dân Mỹ. Họ cho đây là ‘Chính phủ Diệm không có Diệm’. Cuộc tranh quyền giữa những người kém tài, dưới sự dẫn dắt của thực dân Mỹ, tiêu tiền dân Mỹ đóng thuế và sinh mạng chiến sĩ Mỹ, Việt Nam Cộng hòa đã bị rơi vào tay cộng sản để đồng bào bị đàn áp nhân quyền và bị cướp nhà đất.

Xin mời đọc ‘Cuộc chiến thắng bị bỏ lỡ’ (Stephen B. Young, Nguyễn Vạn Hùng chuyển ngữ) trang 36 và 37 về m ột bi ến c ố c ư ời ta n ư ớc m ắt trong c ùng ng ày 30.01.1964:

- Khi tướng Nguyễn Khánh được mời về Bộ Tham mưu của phe đảo chánh bằng chiếc thiết vận xa* đã khiến ông ta hãi sợ. Vừa đến nơi những người phe đảo chánh đang họp, ông ta cúi người quì trên sàn nhà và xin mọi người tha tội. Người sĩ quan trẻ đã tiến cử ông lúc trước vội kéo ông đứng dậy : « Ðừng làm thế ! Chúng tôi muốn đưa ông lên làm nguyên thủ quốc gia mà».

Dựa trên liên hệ qua đảng phái** mà tướng Nguyễn Khánh khi trở thành Chủ tịch nước chỉ loay hoay trong đảng của mình, bỏ mặc miền Nam Việt Nam chìm đắm trong những hỗn loạn chánh trị. Quân đội miền Nam trước đó vốn đã hùng mạnh, trở nên suy sụp, mất tinh thần chiến đấu. Ðể chận đứng đà leo thang chiến tranh của Việt cộng, Hoa Kỳ không còn con đường nào khác hơn là phải đưa quân chiến đấu của mình vào miền Nam Việt Nam***.

[Ghi chú :

* ông hoảng sợ khi nhớ lại hai ông Diệm và Nhu đã bị giết chết trong loại xe này;

** đảng Ðại Việt;

*** rõ ràng nhà nước Mỹ đã đưa Nguyễn Khánh cầm quyền để làm ‘suy sụp, mất tinh thần chiến đấu’]

(Còn tiếp)

45 năm ngày 30.04.1975

Hà Minh Thảo

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tại sao Thánh Giuse đặc biệt là người bảo trợ của chúng ta khi chúng ta làm việc tại nhà
David G. Bonagura, Jr./LM Phạm Văn Trung dịch
21:15 01/05/2020
Đại dịch đã mang đến những thách thức mới cho cuộc sống nghề nghiệp của chúng ta. Đây là thời điểm tốt nhất để kêu cầu Thánh Giuse.

Năm nay, ngày lễ thánh Giuse Thợ vang lên một lần nữa cho hàng triệu người Công Giáo đang bị buộc phải làm việc, không phải ở nơi làm việc thông thường của họ, mà là trong nhà của họ.

Đối với hầu hết chúng ta, sự sắp đặt mới mẻ này đã đem đến những thách thức không lường trước được và vượt lên trên các nhu cầu làm việc đặc thù: xử lý công nghệ mới, thay thế các thiết bị không dùng được còn lại tại nơi làm việc, tìm một nơi thích hợp trong nhà để làm việc, hoàn thành trách vụ lao tác trong khi vẫn phải chăm sóc con cái và việc học hành của chúng cùng một lúc, cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc đột ngột bị trồng chéo của chúng ta.

Khi chúng ta chèo chống với trải nghiệm mới này, chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ qua việc cầu bầu và mẫu gương của Thánh Giuse. Cả việc cầu bầu và mẫu gương này đều là vô cùng vô tận, và do đó, hoàn toàn có thể áp dụng trong thời điểm duy nhất này.

Đầu tiên, Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Thánh Giuse là một người công chính, một người, như Thánh vịnh 1 nói với chúng ta, “vui thích trong luật Chúa”. Vui thích trong luật Chúa là chấp nhận thánh ý của Ngài một cách đầy yêu thương, thay vì bực bội.

Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta, những người làm việc tại nhà, là chấp nhận với một trái tim sẵn sàng, thay vì một trái tim phẫn nộ, một tình huống làm việc mới mà coronavirus đã ép buộc lên chúng ta. Nhờ đức tin chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã gửi cho chúng ta những thử thách mới này như một phương tiện thánh hóa chúng ta. Thánh Giuse cũng vậy, phải chấp nhận từ Thiên Chúa những hoàn cảnh hoàn toàn không lường trước: việc mang thai của Đức Maria, cơn thịnh nộ của Hê-rô-đê, chạy trốn sang Ai Cập. Thánh Giuse đã thực hiện ý Chúa một cách trung thành, bất chấp những khó khăn, những hoang mang và những nỗi sợ hãi. Bằng cách bắt chước sự tín thác trong cầu nguyện của Ngài, chúng ta cũng có thể làm giống như vậy ngày hôm nay.

Thứ hai, là một bác thợ mộc với phương tiện khiêm tốn, xưởng thợ của Giuse chắc là ở ngay trong nhà. Người đàn ông gần gũi với Đức Giê-su Ki-tô hơn bất kỳ ai khác phải làm việc bên vợ và con của mình - như chúng ta đang làm hôm nay.

Trong những ngày đó, người cha ấy dạy con trai mình cái nghề tay chân của mình, vì vậy, khi lớn lên người con trai ấy có thể đi theo bước chân của mình. Giống như một đứa trẻ, trẻ Giê-su học cách làm việc từ cha mình, chúng ta có một cơ hội duy nhất để dạy bảo con cái mình khi chúng nhìn xem chúng ta làm việc, và có lẽ đây là lần đầu tiên như thế. Chắc chắn chỉ cho trẻ em cách làm ra một thứ gì đó thì dễ hơn là bảo chúng tham gia vào một cuộc gọi Zoom, nhưng chúng ta có thể lấy tính ngay thẳng của Thánh Giuse làm gương mẫu cho con cái mình bằng cách hoàn thành đúng trách vụ lao động của chúng ta. Mặc quần áo làm nghề (ít nhất là từ thắt lưng trở lên) ngay cả khi ở nhà chúng ta vẫn có thể dạy cho con cái tầm quan trọng của việc làm và nỗ lực hết mình hàng ngày.

Thứ ba, chúng ta nhớ lại Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII đã thiết lập lễ này vào năm 1955 để nhắc nhở chúng ta rằng lao động là phương tiện của Chúa để làm cho chúng ta nên thánh, chúng ta có thể kết hợp tinh thần làm việc tại nhà của mình với một thực tại mới khác: biến đổi nhà của chúng ta, khi không có thánh lễ công khai, thành ngôi nhà thờ tại gia nơi đó chúng ta thờ phượng Thiên Chúa. Thay vì chỉ lo làm mỗi việc riêng ở nhà, chúng ta có thể kết hợp công việc vào thánh lễ như là cách thức cặp đôi, nhờ đó ngay bây giờ, Thiên Chúa thánh hóa chúng ta.

Khi Thánh Giuse dạy trẻ Giê-su trong xưởng thợ của mình xong, thì ngài dạy kinh Torah và các Thánh vịnh cho trẻ Giê-su cũng trong nếp nhà ấy. Những thách thức của công việc - mệt mỏi, hỏng việc, thất bại – chắc chắn ảnh hưởng đến sự sốt sắng khi đọc kinh Torah và các Thánh vịnh như thế nào, cũng giống như công việc vẫn thường có thể ảnh hưởng đến lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta xem cả công việc và lời cầu nguyện của mình là những con đường bổ sung cho nhau hướng đến sự thánh thiện, chúng ta có thể bắt đầu thấy kế hoạch riêng Chúa dành cho chúng ta, không bị ràng buộc bởi nơi chốn hay nhiệm vụ.

Những thách thức khi làm việc tại nhà có vẻ không thể vượt qua, nhưng cùng với Thánh Giu-se, người dẫn lối cho chúng ta, điều không thể vượt qua trở thành điều nên thánh. Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện cùng với Giáo hội khi chúng ta cử hành ngày lễ xưa cũ này và làm cho nó trở nên mới mẻ cho chúng ta hôm nay:

Lạy Chúa, Đấng tạo dựng mọi sự, người đã đặt ra cho con người luật phải lao động, xin ân cần ban ơn cho chúng con, qua gương sáng của Thánh Giuse và dưới sự bảo trợ của Ngài, để chúng con có thể hoàn thành công việc Chúa đặt ra cho chúngcon và đạt được phần thưởng Chúa hứa.

David G. Bonagura, Jr. là tác giả của Steadfast in Faith: Công Giáo và những thách thức của chủ nghĩa thế tục.

Phạm Văn Trung dịch.

https://aleteia.org/2020/04/30/why-st-joseph-is-especially-our-patron-when-were-working-from-home/
 
Thông Báo
Thông báo Cuộc thi Phim tài liệu Giáo Xứ Quê Tôi
BTT Giáo phận Phát Diệm
18:04 01/05/2020
GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM
THÔNG BÁO CUỘC THI PHIM TÀI LIỆU “GIÁO XỨ QUÊ TÔI”


Hưởng ứng tinh thần Hướng Tới Năm Thánh Giáo phận (tri ân quá khứ, chấn hưng hiện tại - xây dựng tương lai), kỷ niệm 125 năm thành lập giáo phận Phát Diệm (1901-2026) và 400 năm
Tin Mừng đến Phát Diệm (1627-2027), đồng thời đáp lại lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:
“Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện” trong năm 2020, với sự cho phép của Đấng bản quyền, Ban Truyền thông Giáo phận Phát Diệm tổ chức:

THI PHIM TÀI LIỆU: “GIÁO XỨ QUÊ TÔI”

1. Thể loại:
Phim tài liệu

2. Chủ đề:
Tri ân quá khứ, Củng cố Đức Tin theo chương trình mục vụ của giáo phận;
“Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện” theo định hướng mục vụ của Hội Đồng Giám mục Việt Nam.

3. Đối tượng tham gia:
Tất cả các cá nhân hoặc nhóm ở trong hoặc ngoài Giáo phận Phát Diệm đều có thể tham gia; các bạn trẻ tại các xứ trong giáo phận được khích lệ cách đặc biệt.

4. Thời gian nhận phim dự thi:
Từ ngày 31.05.2020 – 01.05.2021.

5. Yêu cầu về nội dung:
Giới thiệu về lịch sử hình thành, đời sống Đức tin hoặc các hoạt động theo các chủ đề nói trên, liên quan đến một trong các giáo xứ thuộc giáo phận Phát Diệm.
Đúng thể loại phim tài liệu: Thông tin, hình ảnh chân thực, không hư cấu, nghĩa là thông qua sự kiện, hiện tượng, con người có thực để nói lên tư tưởng chủ đề.
Kịch bản có cấu trúc chặt chẽ, mạch lạc, thống nhất.
Hình ảnh, lời bình, lời thoại và nội dung cần mang nét thẩm mỹ nghệ thuật, tinh thần đối thoại tôn giáo, ứng xử văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục...vv.
Phù hợp tinh thần Tin Mừng và Giáo lý của Giáo hội, với định hướng loan báo Tin Mừng cho đồng bào Việt Nam.

6. Yêu cầu về kỹ thuật:
Thời lượng phim: tối thiểu 5 phút; tối đa 20 phút.
Định dạng: MP4, kích thước tối thiểu HD 720P (1280 pixel x 720 pixel).
Ngôn ngữ: Tiếng Việt (âm thanh, giọng đọc rõ ràng)
Phim có thể quay bằng máy quay phim, flycam, điện thoại, máy chụp ảnh…vv.
Nguồn âm nhạc/tư liệu sử dụng: chỉ sử dụng tư liệu miễn phí hoặc chính mình sáng tác.

7. Yêu cầu khác:
Phim dự thi phải là tác phẩm mới, chưa được đăng tải trên internet hoặc tham gia bất kì một cuộc thi nào khác.
Mỗi thí sinh/nhóm được quyền gửi nhiều bài dự thi liên quan đến các giáo xứ thuộc giáo phận Phát Diệm.
BTC không chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến quyền tác giả và quyền phim.
BTC được toàn quyền sử dụng phim, hình ảnh liên quan đến phim dự thi.

8. Giải thưởng:
1 giải nhất : 12 triệu VNĐ
2 giải nhì : 7 triệu VNĐ/giải
3 giải ba : 3 triệu VNĐ/giải
3 giải tiêu biểu : 2 triệu VNĐ/giải (Kịch bản và lời bình hay nhất; hình ảnh đẹp nhất; được nhiều người bình chọn nhất)
9 giải khuyến khích cho 9 giáo hạt: 1 triệu VNĐ/giải
Phim đầu tiên của mỗi giáo xứ được công chiếu trên kênh Youtube Giáo phận Phát Diệm sẽ nhận được quà tặng của BTC.

9. Tiêu chí chấm phim:
Đúng thể loại phim tài liệu: 1 điểm
Kịch bản- cấu trúc chặt chẽ, mạch lạc, thống nhất: 2 điểm
Nội dung đúng chủ đề, ý tưởng hay: 2 điểm
Âm thanh, hình ảnh tốt: 2 điểm
Thẩm mỹ nghệ thuật: 1 điểm
Mức độ được yêu thích trên mạng xã hội: 1 điểm
Không phạm quy: 1 điểm

10. Cách gửi phim dự thi:
Tải phim lên các trang lưu trữ (vd: drive) rồi gửi đường link đồng thời về 2 email: bbt@phatdiem.org và bttphatdiem@gmail.com với tiêu đề:
“Bài dự thi phim tài liệu GIÁO XỨ QUÊ TÔI– Tên nhóm/cá nhân – Số điện thoại, địa chỉ liên hệ”.
Hoặc, thí sinh có thể gửi trực tiếp bằng Usb cho Ban truyền thông với các thông tin liên quan như trên về địa chỉ:
Văn phòng Tòa Giám mục Phát Diệm
75 Phát Diệm Đông, Kim Sơn, Ninh Bình.

11. Giới thiệu phim:
Các phim qua vòng loại sẽ được công chiếu trên kênh Youtube Giáo phận Phát Diệm https://www.youtube.com/user/gpphatdiem
và Fanpage https://www.facebook.com/phatdiem.org.

Các phim đạt tiêu chuẩn sẽ được đưa vào mục giới thiệu các giáo xứ trên trang www.phatdiem.org

12. Trao giải:
- Ngày trao giải : sẽ thông báo sau.

Phát Diệm, 01.05.2020

T/M Ban tổ chức
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiện
Trưởng Ban Truyền Thông Phát Diệm
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Chuyện Các Bà Mẹ Vợ
Trà Lũ
09:45 01/05/2020
Canada đã bước vào mùa xuân hơn tháng nay, cỏ cây đã bừng sống dậy. Mấy rặng cây Anh đào ngoài công viên High Park gần nhà tôi đã nở rộ hoa, đẹp và thơ mộng quá sức. Mọi năm giờ này khách ngắm hoa đông nghẹt không có chỗ chen chân, năm nay thì vắng tanh. Nào ai ngờ cơn dịch Cô Vít độc dữ và nguy hiểm như vậy. Bị cách ly phải ở nhà, suốt ngày làm bạn với máy vi tính và điện thoại, buồn cách gì. Mở đài thì toàn tin Cô Vít, tin anh Tàu Cộng gian ác và dối trá, tin anh giám đốc WHO ăn tiền của Tàu, bây giờ nhiều báo chí còn kéo Bill Gates vào nữa. Cụ Chánh tiên chỉ làng An Lạc của tôi rất tức giận với việc buộc tội Bil Gates theo Tàu để làm tiền. Cụ Chánh thường bảo cả làng, hiện nay cụ khâm phục 2 người : vợ chồng ông Bill Gates, và LM Nguyễn Hữu Tâm ở Houston. Tỷ phú Bill Gates thì ai cũng thấy rõ ràng ông yêu người nghèo khổ và bệnh tật khắp thế giới, ông ta đâu thèm nghĩ tới việc làm thêm tiền! Còn ông Cha Tâm ở Houston, vừa là linh mục vừa là bác sĩ nên ngài tình nguyện bỏ xứ đạo an toàn ở Texas mà lên New York xin vào tổ bệnh dịch để phục vụ. Ngài làm việc chung với các bác sĩ và các y tá ở khu các bệnh nhân sắp chết. Nguyên việc làm này đã đủ làm chúng ta cảm phục, nhưng ngài còn làm thêm một việc khiến chúng ta kính phục hơn nữa, đó là ngài giúp các bệnh nhân sắp chết được trăn trối với các thân nhân ruột thịt đang bị cách ly. Ngài vừa cho xem hình vừa cho hai bên nghe những lời cuối cùng của nhau. Chỉ có ông bác sĩ-linh mục này mới làm được việc đó. Còn Anh John thì rất khâm phục những ông bà VN đã và đang nấu ăn miễn phí tặng cho các bác sĩ và các nhân viên đang phục vục tại các bệnh viện, đây là những chiến sĩ ở đầu mặt trận. Làng tôi xin bái phục và biết ơn những chiến sĩ tiền tuyến can đảm này.

Tôi vừa đọc được bài thơ rất hay ‘Vinh danh thiên thần áo trắng’ của thi sĩ Trần Quốc Bảo. Vì không đủ giấy cho cả bài thơ, tôi xin trích đoạn đầu và đoạn cuối :

‘ Tôi xúc động viết bài thơ ca tụng
Những ‘Thiên Thần Áo Trắng’, những lương y
Giờ này đây đang hoạt động cứu nguy
Xả thân săn sóc những người bệnh dịch

...

Cuộc chiến đấu này chúng ta phải thắng
Quyết dẹp tan loài quỷ Virus China
‘Vương Miện Tạ Ơn’ kết những vòng hoa
Xin vinh hạnh trao Thiên Thần Áo Trắng’


Ông H.O. nghe tới bữa ăn thì liền kể rằng theo tin báo chí bên Anh Quốc thì ở Việt nam và Campuchia hiện nay số người ăn thịt chó tăng lên rất nhiều vì họ tin rằng thịt chó vì có dương tính nên trừ được dịch viêm phổi. Các cụ nghĩ sao cơ?

Ông ODP trong làng xin góp ý : Thôi, không nói chuyện ‘Dịch Tàu’ này nữa vì nó đã chiếm hết đầu óc mọi người, xin nói chuyện khác, chuyện nào vui hơn. Mấy cô Huế trong làng bèn xin ông bắt đầu kể những chuyện khác. Ông ODP liền cười hà hà, rồi bảo : Chuyện này đang xảy ra với các bạn bên Hoa Kỳ, đó là tin ông Joe Biden chắc sẽ được Đảng Dân Chủ chọn làm ứng viên tranh cử chức tổng thống vào cuối năm nay. Đây là quyền tự do chọn lựa của người dân, nhưng tôi muốn lưu ý các công dân Hoa Kỳ gốc Việt Nam là ông Joe Biden đã không tốt đẹp tử tế gì với VNCH của chúng ta. Năm 1972 khi trở thành thượng nghị sĩ cuả tiểu bang Delaware, ông đã cùng Geoge McGorven vận động quốc hội cắt bỏ quân viện cho VNCH, đang từ 1 tỷ xuống còn 300 triệu cho năm 1974, và chấm dứt hoàn toàn vào năm 1975. Sau 30/4/1975 ông còn chống ngân sách giúp người Việt di tản. Sau 1975, ông cùng McGorven còn chủ trương không giúp đỡ và nhận người Việt di tản vào Hoa Kỳ. Xin các cụ bên Hoa Kỳ lưu ý việc này nha.

Nghe đến đây thì cụ già B.95 lên tiếng. Cụ xin đừng nói về bệnh dịch, đừng nói chuyện Đảng Cộng Hoà và Dân Chủ tranh cử nữa. Cụ bảo : Tháng đầu mùa xuân này đang làm lão nhớ tới rừng trái cây ngày xưa, nó như đang trước mặt : kià trái dứa vàng ươm, trái dâu đỏ ánh, này trái mận tím hồng, trái nho chín mọng, này nhãn Hưng Yên ngọt hơn đường, này vải Lạng Sơn cùi to hạt nhỏ đậm hơn mật, này là nếp mới, cốm xanh, hồng mọng, này là trái kỳ đà, chanh Yên, phật thủ... Ôi quê ơi, bao giờ hết giặc Cộng để lão trở về!

Anh John lên tiếng tiếp theo: Tháng mùa xuân này, thế giới cũng đang bàn về vai trò phụ nữ. Báo vừa nhắc tới công của bà Jamila. Năm 2003, đại diện cho 300 hội phụ nữ xứ A Phú Hãn, bà đã được mời phát biểu tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở New York, bà nói như sau : Trong mấy chục năm qua, nhóm cai trị đất nước chúng tôi toàn là đàn ông. Họ đã mang bất hạnh và đau khổ đến cho mọi người, xin LHQ giúp cho phụ nữ chúng tôi có vai trò chủ động trong việc xây dựng lại A Phú Hãn...

Cả nhóm nghe xong lời bà Jamila đều vỗ tay khen. Ông ODP xin góp thêm ý : Theo lịch sử nhân loại thì ban đầu thuở con người còn ở trong hang và ăn thịt sống thì đàn bà lãnh đạo, từ gia đình cho tới bộ lạc. Con cái mang tên họ mẹ vì là thời mẫu hệ. Đàn ông chỉ có nhiệm vụ đi săn bắn và truyền sinh. Đó là thời hoàng kim, nơi nơi thái bình. Rồi bỗng nhiên bọn đàn ông bảo nhau làm loạn, cướp chính quyền. Mẫu hệ chuyển sang phụ hệ, thế giới bắt đầu hỗn loạn từ đó. Mãi về sau Bà Hồ Xuân Hương là người đầu tiên trên thế giới đã hô hào phụ nữ vùng lên...

Ông H.O. bàn tiếp : Nói thế cho vui chứ sự thực thì ngoài xã hội tuy phe đàn ông lãnh đạo, nhưng trong xã hội thì tôi vẫn thấy phe đàn bà cầm quyền. Ở Canada này phe đàn ông vẫn gọi vợ mình là ‘cái phần ưu việt của tôi / my better half. Còn các nhà quân tử Việt Nam thì khi người đàn ông được mời mua hàng thì trăm anh như một, ai cũng trả lời : Để tôi về hỏi ý vợ tôi đã ! Thấy chưa, vợ có cho mua thì chồng mới được phép mua ! Ở VN khi xưa có lời hát nhái bài ‘ Một Ngàn Năm Nô Lệ Giặc Tàu’ của Trịnh Công Sơn rất hay, ai cũng thích, lời nhái như thế này :

Một ngàn năm nô lệ vợ mình, Một trăm năm nô lệ đàn con, Hai mươi năm rửa chén giặt đồ, Gia tài của vợ để lại cho ta, Gia tài của vợ là khối việc nhà...

Một ngàn năm ta sợ đàn bà, Một trăm năm ta sợ vợ ta, Hai mươi năm làm hết việc nhà, Ôi còn là gì một đời trai tơ, Chỉ còn lại là một kiếp dại khờ...

Anh John nghe xong bài hát nhái này thì thích quá, bèn xin ông H.O. chép lại bài này cho anh. Chị Ba Biên Hòa liền giơ ngón tay dứ dứ như đe dọa : Về nhà mà anh hát bài này là anh chết với tui nghe. Không biết anh John có bị chết thật không, việc này tôi chưa rõ.

Theo lịch sử thì Canada ngày xưa cũng coi rẻ đàn bà. Chứng cớ là liền bà Canada mới được quyền đi bầu từ năm 1916, bắt đầu từ bang Manitoba.

Ông bồ chữ ODP cũng góp thêm ý : Theo kinh nghiệm dân gian thì những anh chồng nào hay kêu ca bị vợ bắt nạt thì thường là những anh có gia đình hạnh phúc. Ngoài ra còn có thêm ý này : anh chồng phải già hơn vợ thì gia đình mới hạnh phúc, vì có thơ rằng :

Chồng già vợ trẻ là tiên

Vợ già chồng trẻ là duyên con bú dù

Nghe đến đây thì ông H.O. giơ tay xin nói : Nếu chồng già vợ trẻ là tiên thì tại sao Bác Hồ Chí Minh lúc 65 tuổi mới lấy vợ là Nông Thị Xuân, Bác sinh năm 1890, cô Xuân sinh năm 1945, cách nhau những 55 tuổi. Cô Xuân không hề là tiên vì Cô đã bị xe ôtô của Đảng Bác cán chết...

Ông ODP xin gạt chuyện này đi, ông bảo chuyện này Đảng đang cố sức giấu kỹ, ta bàn sang chuyện tên Bác được đặt thay tên Saigon vui hơn. Sau 1975, dân chúng không được nhắc tới tên Saigon nữa mà phải thay bằng tên Hồ Chí Minh, bởi vậy mới sinh ra mấy chuyện rắc rối và buồn cười. Dân miền Nam ưa nói những câu hằng ngày như :

Nó lấy vợ Saigon...Nó mua chim Saigon... Coi chừng nha, Chó Saigon dữ lắm đó... Thịt Saigon ngon dễ sợ... Saigon nóng chỉ muốn cởi hết quần áo...

Bây giờ theo lệnh Đảng mà thay chữ Saigon bằng tên Bác vào các câu trên thì ta thấy buồn cười qúa : Nó lấy vợ Hồ Chí Minh...Nó mua chim Hồ Chí Minh... Coi chừng nha, chó Hồ Chí Minh dữ lắm đó... Thịt Hồ Chí Minh ngon dễ sợ... Hồ Chí Minh nóng chỉ muốn cởi hết quần áo...

Để cho dân làng cười và bình luận một hồi rồi ông ODP mới bàn tiếp : Tôi nghĩ cái tên Hồ Chí Minh này rồi cũng sẽ mất đi, sẽ giống y như chuyện bên Nga. Rằng trước kia ở Nga có thành phố lớn mang tên St.Pereburg. Năm 1924 khi đảng CS Nga lên cầm quyền thì CS Nga đổi tên thành phố này ra Leningrad. Năm 1991 khi đảng CS Nga sụp đổ thì thành phố này lại trở về tên cũ St.Peterburg, là tên Thánh cả Phêrô của Thiên Chúa Giáo. CSVN rồi sẽ sụp nay mai, Saigon sẽ lấy lại tên mình y như thế.

Ông H.O. nghe tới tên bác Hồ thì cái máu tếu nổi lên. Ông bảo tên thành phố thì quên được nhưng tên trong ca dao thì nó bền vững lâu dài. Ai ở ngoài Bắc vẫn còn nhớ thời Đảng CS bần cùng hóa nhân dân có câu ca dao để đời :

Một năm hai thước vải thô

Lấy gì che kín Cụ Hồ em ơi !

Dân gian giận Bác quá nên đã gọi cây súng của liền ông là cụ Hồ. Phe các bà cười rũ ra, rồi có bà lên tiếng hỏi : vậy nếu liền bà mua được 2 thước vải thô mà không có súng thì che cái gì. Ông H.O, trả lời ngay :

Một năm hai thước vải thô

Lấy gì che kín Bác Mao hỡi chàng !

Phe các bà lại cười bò ra. Không ngờ dân gian giỏi thật, của liền ông thì gọi Bác Hồ, của liền bà thị gọi là miệng Bác Mao.

Cụ Chánh lên tiếng : Thôi, hãy bỏ qua chuyện dân gian hỗn láo này. Lão xin bàn sang chuyện khác vui hơn : Lão nhớ thời Tổng Bí Thư Gorbachev, ông ta đề ra chương trình Glasnost và Perestroika / mở cửa đổi mới và tái cấu trúc, vì ông thấy con đường tiến lên XHCN hoang tưởng và viển vông. Bên VN mình liền có 2 cán bộ lớn là Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch hết lòng ca ngợi Gorbachev và muốn VN theo con đường ấy, nhưng 2 vị này đã bị Đảng CSVN triệt hạ. Lão không biết bây giờ hai ông Bách và Thạch còn sống không. Ước gì hai ông còn sống thì đây là đúng lúc để hai ông lớn tiếng hô hào xóa bỏ XHCN. Xin con cháu hai ông chung sức thổi lửa cho lửa bùng lớn lên ngay nha.

Lâu nay CSVN hô hào xóa bỏ hận thù hoà hợp hoà giải mà chỉ hô hào suông, không đưa ra được giải pháp hữu lý và khả thi nào. Theo tôi nghĩ : cứ xoá bỏ xã hội chủ nghĩa, cứ dẹp bỏ Đảng đi là xong ngay, cứ theo gương Gorbachev là được ngay. Gorbachev là tấm gương cho CSVN. Gorbachev là cựu Tổng bí thư Đảng CS Nga, người thấm nhuần chất CS nhiều nhất, thế mà ông đã phải nói rằng chủ nghĩa CS không thể sửa chữa, phải liệng nó đi mà thôi. Và ông đã làm như vậy. Ông đã cứu được nước Nga. Cầu mong tổ tiên cho ta sớm có một Gorbachev VN xuất hiện.

Nhưng mà thôi, không bàn chuyện Virus China, chuyện Tàu Cộng, chuyện VC nữa, mệt và ngấy quá rồi, xin trở về với đề tài tôn kính phái nữ trong tháng này. Cụ Chánh lên tiếng hỏi anh John về đề tài này trong văn hóa da trắng Canada. Anh trả lời ngay rằng đề tài này rộng lớn lắm, anh xin thu hẹp lại trong mấy chuyện cười điển hình của Canada. Nói rồi anh vừa cười vừa đố mọi người :

Đố bạn biết ai là người chồng sung sướng nhất trên trái đất từ xưa tới nay?

Ông ODP phát biểu ngay : Câu hỏi bao la qúa, phải người thông kim bác cổ thì may ra mới biết được. Anh John cười hà hà rồi đáp : Ở Canada ai cũng biết chuyện này mà. Dễ quá mà. Thưa, đó là ông Adam. Ông Adam thuỷ tổ loài người là người chồng sung sướng nhất. Lý do : vì ông có vợ mà không có mẹ vợ ! Vợ ông là Eva. Chúa tạo ra nàng Eva từ xương sườn của ông rồi trao cho ông mà.

Ông ODP nói ngay : À, tôi hiểu ý của anh rồi. Anh kể chuyện này là có ý nói về nếp sống văn hóa, ở Canada người ta không lấy đề tài mẹ chồng ra làm chuyện cười như ở VN mà lại lấy đề tài mẹ vợ.

Anh John gật gật cái đầu rồi kể chuyện thứ hai : Rằng trong giờ ăn trưa, hai cô thư ký Anny và Betty rất thân với nhau vừa ăn vừa nói chuyện. Cô Anny mới hỏi cô Betty : Khi mày giận chồng thì mày thường đe dọa chồng mày như thế nào? Betty đáp : Tao bảo nếu anh còn xử tệ với tôi như vậy thì tôi sẽ dọn ra khỏi nhà này mà về sống với mẹ tôi ngay. Anny nghe xong bèn cười và vỗ vai Betty rồi bảo : Mày nói như thế là mày thua ông ấy rồi. Ổng sẽ không sợ mày. Phải tay tao thì tao sẽ chỉ tay vào mặt ổng rồi đe : anh mà còn xử tệ với tôi như vậy nữa thì tôi sẽ mời mẹ tôi về đây ở chung với tôi ngay tức thì!

Và đây là câu chuyện thứ ba : Anh Paul vợ chết được 2 năm thì anh lấy vợ khác. Cô này chính là cô em ruột của bà vợ trước. Mấy bạn thân mới hỏi Paul : xứ này thiếu gì con gái vừa đẹp vừa học giỏi, sao mày lại lấy cô em vợ, vừa xấu vừa học dốt? Paul đáp ngay : Vì tao không muốn có một bà mẹ vợ thứ hai ! Một bà đã đủ làm tao sợ quá rồi !

Rồi anh xin kể tiếp chuyện này : Anh Mike đi cắm trại ở bìa rừng, ngày tan trại thì anh hái được một mớ nấm rừng rất tươi đem về nhà. Chiều hôm đó Mike xào 1 chảo nấm lớn với thịt gà đãi cả nhà. Cả nhà ăn không hết nên anh ta dồn vào một cái hộp và cất trong tủ lạnh. Ngày hôm sau Mike đem hộp nấm này cho người bạn thân. Anh bạn tỏ vẻ ngần ngại rồi nói : Mày cẩn thận nha, nhiều nấm rừng trông thì ngon nhưng là nấm độc, ăn vào là chết ngay đó nha. Mike trả lời liền : mày hãy an tâm, tối qua tao nấu và mẹ vợ tao ăn rất nhiều, khen rối rít và hiện giờ bả còn sống nhăn.

Anh John kể xong 4 chuyện về mẹ vợ, định kể tiếp nữa, nhưng Chị Ba Biên Hoà ngăn lại, bảo đủ rồi, xin dành thời gian cho người khác nói. Rồi Chị xin Ông ODP. Ông cười gật gù khen mấy chuyện của anh John rất tiêu biểu văn hóa Canada. Ông bảo ông thì có chuyện khác, khác chủ đề của Anh John, là người VN rất tôn trọng người vợ. Ở VN, ví dụ chồng là bác sĩ còn bà vợ thì chả có bằng cấp gì, ấy thế mà khi gặp bà vợ này thì ai cũng ‘Chào bà Bác sĩ !’. Ngon chưa ! Trái lại nếu vợ là bác sĩ còn ông chồng chả có bằng cấp gì thì không ai chào ông là ‘Chào ông bác sĩ’ cả. Như vậy đúng hay sai hở các cụ?

Viết đến đây thì ông bưu điện tới. Ông đưa cho tôi một xấp thư trong đó có thư một nguời bạn thân từ Mỹ gửi qua. Anh tên là Hoàng Giáo Đức. Hà hà, cái anh bạn này buồn cười lắm. Có lần anh nói chuyện tếu với tôi. Rằng khi mới sang Mỹ, giấy tờ phải viết theo lối Mỹ, trong đó có việc viết tên. Anh bảo lần đầu anh đã run sợ vì thấy tên mình ở VN là Hoàng Giáo Đức, sang đây được đổi ra Đức Giáo Hoàng !

Sợ như vậy là đúng hay sai, thưa các cụ?

Xin hẹn thư sau.

TRÀ LŨ
 
VietCatholic TV
Tuyên bố mới nhất của Tòa Thánh kết thúc các lời đồn li kỳ quanh vụ khai quật ở nghĩa trang Teutonic
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:46 01/05/2020


1. Tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về việc đóng lại cuộc điều tra liên quan đến các bộ xương tại nghĩa trang Teutonic

Hôm 30 tháng Tư, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã ra một thông báo toàn văn như sau:

Thủ tục điều tra liệu hài cốt được chôn cất tại nghĩa trang Teutonic ở Vatican có liên quan đến Emanuela Orlandi hay không đã được đóng lại theo phán quyết từ một thẩm phán của quốc gia Thành Vatican, là người đã hoàn toàn chấp nhận yêu cầu này của Văn phòng Chưởng lý.

Hồ sơ đã được mở vào mùa hè năm ngoái, sau khi Chưởng lý Gian Piero Milano, và phụ tá của ông, là Alessandro Diddi, đồng ý cho các thành viên gia đình của người thiếu nữ trẻ, đã mất tích năm 1983, được quyền truy cập vào hai ngôi mộ nằm bên trong nghĩa trang Teutonic. Cuộc khai quật sau đó cho thấy hai ngôi mộ này trống rỗng.

Trong bối cảnh điều tra đó, một cuộc điều tra tiếp theo do Chánh án ra lệnh đã dẫn đến việc phát hiện ra, trong một căn phòng dưới lòng đất trong khu nghĩa trang, hàng ngàn mảnh xương thuộc các thời kỳ và nguồn gốc khác nhau.

Việc kiểm tra những phát hiện này, được thực hiện bởi Giáo sư Giovanni Arcudi, Chuyên gia Pháp y, với sự có mặt của các chuyên gia tư vấn từ gia đình Orlandi, dẫn đến kết luận rằng những mảnh xương được tìm thấy có niên đại trước khi Emanuela mất tích rất lâu: ít nhất là một trăm năm trước đó.

Do đó, có yêu cầu đóng lại cuộc điều tra, khép lại một trong những chương của một câu chuyện buồn, trong đó chính quyền Vatican đã đưa ra, ngay từ đầu, sự hợp tác rộng rãi nhất.

Tinh thần hợp tác này cũng dự liệu cho gia đình Orlandi có thể thực hiện, một cách riêng tư, bất kỳ cuộc điều tra nào khác trên các mảnh xương đã được tìm thấy và lưu giữ, trong các thùng được niêm phong, tại Hiến binh Vatican.

Tưởng cũng nên nhắc lại, ba mươi bẩy năm trước, cô con gái tuổi 15 của một nhân viên làm việc tại quốc gia Thành Vatican đã biến mất trên đường phố Rôma khi đang trên đường về nhà sau một buổi học, bắt đầu một trong những bí ẩn lâu dài nhất của Ý: Trong nhiều năm, các báo cáo đã liên kết số phận của cô với bọn Mafia ở Sicilia, mạng lưới tình báo K.G.B của Nga và âm mưu ám sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Mong muốn tìm ra số phận của cô đã đưa gia đình Orlandi đến nhiều khúc quanh bất ngờ, các thư nặc danh và các báo cáo cho rằng đã nhìn thấy cô ở chỗ này chỗ nọ.

Con đường dẫn đến các ngôi mộ được khai quật tháng 7 năm ngoái đã bắt đầu vào cuối năm 2017, khi anh trai của Emanuela, là ông Pietro Orlandi nhận được thư nặc danh cho rằng Emanuela có thể đã được chôn cất tại nghĩa trang Teutonic, là nơi an nghỉ cuối cùng trong nhiều thế kỷ qua cho người gốc Đức. Đây là một bước ngoặt kỳ lạ khác đối với một gia đình đã phải chịu những chỉ dẫn sai lầm, và sự chú ý của giới truyền thông kể từ khi cô gái, Emanuela Orlandi, biến mất vào ngày 22 tháng 6 năm 1983.

Các nguồn tin bảo ông hãy tìm kiếm nơi mà một thiên thần đang chỉ xuống trong nghĩa trang.

Điều đó đã dẫn ông Orlandi đến ngôi mộ của Công chúa Sophie thành Hohenlohe, qua đời năm 1836; và ngôi mộ của Công chúa Charlotte Federica thành Mecklemburg, qua đời năm 1840.

Thông qua luật sư của gia đình, tháng Hai năm 2019, ông Orlandi đã chính thức yêu cầu Vatican mở lăng mộ của hai Công chúa. Gia đình đã nhận được sự chấp thuận của Tòa Thánh vào tháng Sáu năm ngoái.

Giovanni Arcudi, giáo sư pháp y tại Đại học Rome Tor Vergata, đã lãnh đạo nhóm khai quật các ngôi mộ vào hôm 11 tháng 7, 2019. Tuy nhiên, cuộc khai quật cho thấy các ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng.

Trước phát hiện này, ông Orlandi nói với chi nhánh Sky News của Ý, rằng ông cảm thấy nhẹ nhõm vì Emanuela không ở đó và biết ơn Tòa Thánh đã nhanh chóng nhận lời thỉnh cầu của gia đình.

Tuy Ông Pietro Orlandi đã hài lòng rồi, để mọi sự được minh bạch, Chánh Án quốc gia thành Vatican truyền cho đào xung quanh vào ngày 20 tháng 7, 2019.

Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết:

“Cuộc khai quật mới này, cùng với cuộc khai quật ngày 11 tháng Bẩy, là một bằng chứng khác về sự cởi mở của Tòa Thánh đối với gia đình Orlandi. Ngay từ đầu, Tòa Thánh đã cho thấy sự cởi mở và thiện chí của mình trong việc chấp nhận yêu cầu khai quật tại Nghĩa trang Teutonic, dù chỉ trên cơ sở của một thư nặc danh.”

Trong một tuyên bố sau đó vào ngày thứ Bảy, cũng là tuyên bố sau cùng của Ông Alessandro Gisotti, trong vai trò Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ông nói rằng cuộc khai quật sáng thứ Bẩy 20 tháng Bẩy, đã kết thúc và các hài cốt đã được đưa lên để khảo sát pháp y.

“Các nghiên cứu sâu hơn sẽ được thực hiện vào ngày 27 tháng Bẩy,” ông nói.

Các nghiên cứu sâu hơn này, được thực hiện bởi Giáo sư Giovanni Arcudi, Chuyên gia Pháp y, với sự có mặt của các chuyên gia tư vấn từ gia đình Orlandi, dẫn đến kết luận rằng những mảnh xương được tìm thấy có niên đại trước khi Emanuela mất tích rất lâu: ít nhất là một trăm năm trước đó.

Như thế, chúng ta có thể thấy Tòa Thánh hết sức minh bạch trong vụ này.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn nhấn mạnh là tinh thần minh bạch này, như trong thông báo của Tòa Thánh, cũng dự liệu cho gia đình Orlandi có thể thực hiện, một cách riêng tư, bất kỳ cuộc điều tra nào khác trên các mảnh xương đã được tìm thấy và lưu giữ, trong các thùng được niêm phong, tại Hiến binh Vatican.



2. Lịch sử của bức tượng Thánh Giuse Thợ của Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý..

Sáng thứ Sáu 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Thánh Giuse Thợ tại nhà nguyện Santa Marta. Nhà nguyện hôm nay có thêm một bức tượng là Thánh Giuse Thợ của Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý.

Lịch sử của bức tượng này như sau.

Ngày 1 tháng Năm, 1955, Đức Thánh Cha Piô thứ 12 thiết định việc cử hành Lễ Thánh Giuse Thợ vào ngày 1 tháng Năm hàng năm trong toàn thể Giáo Hội.

Nhà điêu khắc người Ý Enrico Nell Breuning đã thực hiện ngay một bức tượng bằng đồng mạ vàng theo yêu cầu của Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý. Tượng cao 1.5m. Bức tượng đã được hoàn thành sau gần một năm.

Sáng ngày 1 tháng 5, 1956, Đức Hồng Y Giovanni Battista Montini, sau này là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, lúc ấy là Tổng Giám Mục Milan đã làm phép bức tượng này trong thánh lễ Thánh Giuse Thợ tại nhà thờ chính tòa Sinh Nhật Đức Mẹ của thành phố.

Sau thánh lễ tượng được cung nghinh ra phi trường quân sự của thành phố và máy bay trực thăng chở bức tượng này vượt 570km để đưa về Rôma cho kịp buổi triều yết chung thứ tư hàng tuần, trong đó Đức Thánh Cha Piô thứ 12 dành cho Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý một buổi tiếp kiến sau đó. Trong buổi tiếp kiến này, Đức Thánh Cha Piô thứ 12 đã làm phép bức tượng thêm một lần nữa.

Trước tình hình đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, chiều thứ Năm 30 tháng Tư vừa qua, Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý đã cung nghinh bức tượng đến nhà nguyện Santa Marta với ý hướng xin Thánh Cả Giuse ban ơn cho các công nhân tìm lại được công ăn việc làm sau trận đại dịch kinh hoàng này.



Thánh lễ tại Santa Marta 1/5/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho không ai thiếu việc làm với phẩm giá và lương bổng công bằng

Lúc 7 sáng thứ Sáu 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Nhà nguyện Santa Marta được dành cho Chúa Thánh Thần, nhưng hôm nay được trang hoàng thêm với bức tượng “Thánh Giuse người thợ thủ công”, được Hiệp hội Công nhân Ý mang đến. Trong thánh lễ hôm nay, Đức Thánh Cha hướng chú ý đến thế giới lao động.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, là ngày lễ thánh Giuse thợ, cũng là Ngày Lao Động, chúng ta cầu nguyện cho tất cả các công nhân. Cho tất cả mọi người. Xin cho đừng ai bị mất công ăn việc làm và mọi người đều được trả lương xứng đáng và có thể tận hưởng phẩm giá của công việc và vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhận xét về Bài Đọc Một trong ngày trích từ sách Sáng thế ký (St 1:26 – 2:3) mô tả việc Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh Ngài và giống Ngài.

Bài Ðọc I: St 1: 26 – 2: 3

“Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa. Người tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống thị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”.

Thiên Chúa phán: “Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất, và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu. Thế là trời đất và mọi vật trang điểm của chúng đã hoàn thành.

Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Người chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó Người nghỉ việc tạo thành.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Thiên Chúa đã tạo thành trời đất. Ngài tạo ra thế giới, tạo ra con người và giao sứ mệnh cho nhân loại: quản lý, làm việc, tiếp tục sáng tạo. Và từ “công việc” là những gì Kinh thánh dùng để mô tả hoạt động này của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi”, và đưa hoạt động này cho con người, như thể Ngài đang nói điều này “Các ngươi phải làm điều này, giữ gìn cái này, cái kia, ngươi phải làm việc để sáng tạo cùng với Ta để thế giới này được tiếp tục”. Lao động của con người chỉ là sự tiếp nối công việc của Chúa: Lao động của con người là ơn gọi mà con người nhận được từ Thiên Chúa cho mục đích hình thành nên vũ trụ.

Và lao động là điều khiến con người giống với Thiên Chúa, bởi vì với lao động, con người là người sáng tạo, anh ta có thể tạo ra nhiều thứ, thậm chí là tạo ra một gia đình để tiến về phía trước. Con người là một chủ thể sáng tạo và thăng tiến với công việc. Đây là một ơn gọi. Và Kinh thánh nói rằng “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp”. Như thế, lao động có sự tốt đẹp bên trong nó và tạo ra sự hài hòa của mọi thứ - vẻ đẹp, sự tốt lành - và liên quan đến con người trong mọi thứ: trong suy nghĩ, trong hành động, mọi thứ. Con người tham gia làm việc. Lao động là ơn gọi đầu tiên của con người. Và điều này mang lại phẩm giá cho con người. Nhân phẩm làm cho con người trông giống như Thiên Chúa. Đó là phẩm giá của lao động.

Một lần, ở một văn phòng Caritas, với một người đàn ông không có việc làm và đến Caritas để tìm kiếm thứ gì đó cho gia đình, một nhân viên của Caritas nói: “Ít nhất anh có thể mang bánh mì về nhà” - “Nhưng điều này không đủ cho tôi”. “Nó không đủ cho tôi” là câu trả lời: “Tôi muốn tự mình kiếm bánh mì để mang về nhà”. Cái anh ta thiếu là phẩm giá, phẩm giá “làm” ra được của ăn bằng công việc của mình, và mang nó về nhà. Thật đáng tiếc, phẩm giá của lao công bị chà đạp quá thậm tệ, thật là không may. Trong lịch sử chúng ta đã đọc được bao nhiêu những sự tàn bạo mà loài người đã làm với những người nô lệ: người ta đã mang họ từ Phi Châu đến Mỹ Châu - tôi nghĩ về câu chuyện đó mà sửng gai ốc - “thật là quá sức man rợ”. Nhưng ngay cả ngày nay cũng có nhiều người nô lệ, nhiều người nam nữ không được tự do làm việc: họ bị buộc phải làm việc, để tồn tại, ngoài ra không còn gì nữa. Họ là những nô lệ: lao động cưỡng bức... họ bị cưỡng bức lao động, đối xử bất công, bị trả lương thấp và điều đó dẫn con người đến cuộc sống trong đó nhân phẩm bị chà đạp. Có rất nhiều, rất nhiều trên thế giới. Nhiều. Trên các tờ báo vài tháng trước chúng ta đã đọc, ở một đất nước Á Châu đó, một quý ông kia đã đánh nhừ tử một nhân viên kiếm được chưa đến nửa đô la một ngày vì anh ta đã làm sai điều gì đó. Chế độ nô lệ ngày nay phải là “sự phẫn nộ” của chúng ta bởi vì nó tước mất phẩm giá của những người nam nữ và tất cả chúng ta. Hãy nghĩ về những người lao động, những người làm việc ngày qua ngày, anh chị em cho họ công ăn việc làm nhưng với một mức lương quá thấp và không phải tám, mà là mười hai, mười bốn giờ một ngày: Điều này xảy ra hôm nay, ở đây. Trên toàn thế giới, nhưng ở đây cũng có. Hãy nghĩ về những người giúp việc không có tiền lương công bằng, những người không có hỗ trợ an sinh xã hội, những người không có khả năng nghỉ hưu: điều này không xảy ra ở Á châu. Ở ngay đây.

Mọi sự đối xử bất công đối với một người lao động đều chà đạp lên phẩm giá con người, thậm chí cả phẩm giá của những người tạo ra bất công đó: nó hạ thấp con người họ và kết thúc trong sự căng thẳng của tương quan độc tài - nô lệ. Ngược lại, ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho chúng ta rất đẹp: sáng tạo, tái tạo, làm việc. Nhưng điều này chỉ có thể được thực hiện khi các điều kiện đúng đắn và nhân phẩm của con người được tôn trọng.

Hôm nay chúng ta cùng với nhiều người nam nữ, những người tin và những người không tin, kỷ niệm Ngày của Người Lao động, để vinh danh những người đấu tranh cho công lý, và cả những doanh nhân giỏi, là những người tiếp tục công việc trong công lý, ngay cả khi họ thua lỗ. Hai tháng trước, tôi nghe một doanh nhân ở Ý nói qua điện thoại xin tôi cầu nguyện cho anh ta vì anh ta không muốn sa thải bất cứ ai và anh ta nói: “Bởi vì sa thải một ai trong số họ là sa thải chính con”. Nhận thức này của nhiều doanh nhân giỏi, những người giữ bằng được các công nhân như thể họ là bằng hữu hay con em mình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Và chúng ta hãy xin Thánh Giuse - với hình ảnh đang mang các công cụ làm việc trong tay rất đẹp này - giúp chúng ta đấu tranh cho phẩm giá của lao động, cho mọi người có công ăn việc làm, và là một công việc xứng đáng. Cầu xin cho không còn cảnh nô lệ có thể là lời cầu nguyện ngày hôm nay trên thế giới.

 
Dịch bệnh vừa lắng xuống, Tập Cận Bình hung hăng mở lại ngay chiến dịch triệt hạ thánh giá
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:56 01/05/2020

1. UCANews: Các linh mục Trung Quốc phải chấp nhận triệt hạ thánh giá để cứu các nhà thờ

UCANews vừa có một bản tường trình chi tiết về một làn sóng bách hại mới tại Trung Quốc. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Dưới áp lực ít hơn từ Covid-19, các quan chức Trung Quốc đang loại bỏ các biểu tượng tôn giáo khỏi những nơi công cộng.

Bọn cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu một làn sóng triệt hạ thánh giá khác khi đại dịch coronavirus được báo cáo đã lắng xuống tại Hoa Lục.

Trong hai tuần qua, bọn cầm quyền địa phương đã loại bỏ các thánh giá khỏi đỉnh của hai nhà thờ, các nguồn tin nói với UCANews vào ngày 27 tháng Tư. Họ sợ nhiều hành động như vậy sẽ diễn ra trong những ngày tới.

Việc triệt hạ thánh giá bắt đầu khi bọn cầm quyền báo cáo bệnh nhân Covid-19 cuối cùng đã xuất viện ở Vũ Hán, thành phố trung tâm của Trung Quốc nơi coronavirus được báo cáo lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết cả nước chỉ báo cáo ba trường hợp Covid-19 vào ngày 26 tháng Tư. Hai người là người Trung Quốc trở về từ nước ngoài, trong khi một người nhiễm bệnh thông qua sự lây lan ở địa phương.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo địa phương cho biết các cuộc triệt hạ thánh giá bắt đầu khi bọn cầm quyền cảm thấy tương đối ít chịu áp lực từ đại dịch COVID-19.

Bọn cầm quyền địa phương đã gỡ bỏ thánh giá của Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi tại Giáo phận An Huy (Anhui – 安徽) vào ngày 18 tháng Tư, một nguồn tin trong giáo phận nói với UCANews.

Nguồn tin nói rằng nhà thờ này là một phần của Giáo Hội công khai được nhà nước công nhận nhưng không có linh mục hay nữ tu để lãnh đạo các hoạt động tôn giáo. Giáo dân tự quản lý các chương trình tôn giáo.

Năm ngày trước khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo giáo xứ đã có cuộc gặp gỡ với chính quyền địa phương để thỉnh cầu họ cho phép sửa chữa nhà thờ. Nhưng các quan chức cộng sản cho biết kế hoạch của họ là phải triệt hạ thánh giá của cả hai nhà thờ Công Giáo và Tin lành trong khu vực trước rồi mới tính sau.

Một quan chức chính quyền địa phương, được gọi là giám đốc cộng đồng, vào ngày 16 tháng Tư đã yêu cầu giáo dân trao cho hắn các chìa khóa của nhà thờ. “Họ muốn vào nhà thờ và triệt hạ thánh giá bên trong nhà thờ”.

Giáo dân đã báo cáo tình hình cho Đức cha Lưu Tân Hồng (Liu Xinhong - 刘新红) của giáo phận An Huy. Lưu Tân Hồng từng bị vạ tuyệt thông và chỉ mới được giải vạ sau thoả hiệp của Tòa Thánh với Bắc Kinh hồi tháng 9 năm 2018. Ông ta chỉ đạo anh chị em giáo dân đến văn phòng địa phương của Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc mà khiếu nại. Nhưng các quan chức địa phương của Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc phủ nhận không có chuyện đó.

Giám đốc cộng đồng nói với giáo dân vào ngày 17 tháng Tư rằng các quan chức đang hành động theo chỉ đạo của cấp trên. Tuy nhiên, hắn không đưa ra tài liệu nào để chứng minh cho tuyên bố này.

Vào ngày 18 tháng Tư, giám đốc cộng đồng đã dẫn đầu một nhóm thanh niên đến triệt hạ thánh giá.

Trong một biến cố khác cũng tại Giáo phận An Huy vào ngày 19 tháng Tư, một cây thánh giá đã bị triệt hạ khỏi một nhà thờ ở quận Vĩnh Kiều (Yongqiao, 永桥) của thành phố Tô Châu (Suzhou - 苏州) vào khoảng 4 giờ sáng, có lẽ để tránh người Công Giáo tụ tập phản đối. Ban đầu, bọn cầm quyền địa phương dự trù triệt hạ thánh giá vào buổi chiều.

Các hoạt động từ mờ sáng được thực hiện dưới sự bảo vệ của cảnh sát. Bọn cảnh sát không cho ai vào nhà thờ, cũng không cho tụ tập bên ngoài hoặc chụp ảnh. Một chiếc điện thoại di động đã bị tịch thu khi ai đó cố gắng chụp ảnh.

Trong vụ việc mới nhất vào ngày 27 tháng Tư, bọn cầm quyền cố gắng triệt hạ thánh giá của một nhà thờ Tin Lành ở đường Tô Châu, thuộc thành phố Hợp Phì (Hefei - 合肥).

Một linh mục, được biết với tên là Cha Trần (Chen -陈), nói với thông tấn xã UCANews rằng chiến dịch triệt hạ thánh giá với chiến thuật tương tự được sử dụng trên khắp Trung Quốc, chứ không phải riêng tại một giáo phận hoặc một tỉnh cụ thể nào. “Nó đang diễn ra trên khắp đại lục, nhưng Giáo hội đại lục lại im lặng”.

Ngài tin rằng An Huy sẽ phải đối mặt với việc triệt hạ thánh giá nhiều hơn. “Nếu các thành phần trong Giáo Hội không đoàn kết chống lại, nhiều cây thánh giá sẽ bị triệt hạ,” ngài nói.

Giáo phận Hàm Đan (Handan - 邯郸) ở tỉnh Hà Bắc cũng đang phải đối mặt với việc triệt hạ thánh giá thậm chí là phá hủy toàn bộ các nhà thờ.

Một thành viên cao cấp của hàng giáo sĩ, người không muốn được nêu tên, cho biết giáo phận gần đây đã nhận được thông báo từ bọn cầm quyền cộng sản yêu cầu loại bỏ thánh giá bên ngoài bốn nhà thờ ở thành phố Phi Tường (Feixiang -飞翔).

Vị linh mục cao cấp nói với UCA News rằng từ năm 2019, người Công Giáo và các tôn giáo khác đã bị buộc phải thực hiện các thay đổi trong các nhà thờ bị bọn cầm quyền cho là “bất hợp pháp” để làm cho các nhà thờ này trở thành hợp pháp theo các yêu cầu của pháp luật.

Đó chỉ là một quả lừa. “Sau khi các biểu tượng tôn giáo bị xóa bỏ, các nhà thờ này bị biến thành một trung tâm sinh hoạt, một viện dưỡng lão hoặc một cái gì đó tương tự. Nó không còn là một nhà thờ nữa,” ngài nói.

Kể từ tháng 10 năm 2018, hàng trăm thánh giá trên khắp Trung Quốc đã bị triệt hạ. Các giáo phận ở các tỉnh Chiết Giang, Hà Nam, Hà Bắc và Quý Châu đã chứng kiến một số thánh giá bị triệt hạ, vì bị cáo buộc vi phạm luật quy hoạch.

Vào tháng 10 năm 2019, một nhà thờ ở huyện Quan Đào (Guantao - 关涛), Hà Bắc đã bị phá hủy vì bị buộc tội chiếm giữ trái phép đất canh tác. Chỉ riêng trong năm nay, thánh giá của hai nhà thờ ở huyện A Khâu (Qiu - 阿丘) ở Hà Bắc đã bị triệt hạ.

Các linh mục cho biết các giáo phận thường sẽ hợp tác trong việc triệt hạ thánh giá với hy vọng cứu được nhà thờ.

Cha Trần cho biết các cuộc đàn áp Giáo hội đã gia tăng kể từ khi Vatican ký thỏa thuận với Trung Quốc vào tháng 9 năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục. Ngài nói rằng bọn cầm quyền không từ bỏ các cuộc đàn áp ngay cả khi Covid-19 đang hoành hành ở Trung Quốc. Ngài kêu gọi người Công Giáo trên toàn cầu cùng tham gia và lên tiếng để khôi phục quyền của Kitô hữu ở Trung Quốc.



2. Báo cáo của Quốc Hội Hoa Kỳ: Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, khuyến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định Ấn Độ vào danh sách các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt, gọi tắt là CPC, cùng với các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo triền miên như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Ả Rập Saudi.

Trong năm 2019, Ấn Độ đã có một bước thụt lùi mạnh mẽ. Đó là nhận định trong báo cáo thường niên của USCIRF, năm 2020, vừa được công bố hôm 29 tháng Tư. Chính phủ quốc gia, của Thủ tướng Narendra Modi thuộc đảng Bharatiya Janata, gọi tắt là BJP, đã sử dụng đa số tại Quốc Hội để đưa ra các chính sách vi phạm tự do tôn giáo trên khắp Ấn Độ, đặc biệt là đối với người Hồi giáo.

Đáng chú ý nhất là nó đã ban hành Đạo luật Công dân, quy định cấp nhanh chóng quyền công dân Ấn Độ cho những người di cư không theo đạo Hồi từ Afghanistan, Bangladesh và Pakistan đang cư trú ở Ấn Độ. Theo các quan chức chính phủ, luật này nhằm bảo vệ các cộng đồng tôn giáo không theo đạo Hồi. Nhưng trong thực tế, nó dùng để chống lại việc cấp quyền công dân cho người Hồi giáo và kết quả là giam giữ, trục xuất và hàng chục triệu người rơi vào tình cảnh không quốc tịch.

USCIRF lưu ý rằng chính phủ quốc gia Ấn Độ và nhiều chính phủ tiểu bang khác cũng cho phép các chiến dịch quấy rối và bạo lực trên toàn quốc đối với các nhóm tôn giáo thiểu số. Ủy ban cho biết các cấp chính quyền và cả cảnh sát cũng tham gia và dung túng cho lời nói căm thù và kích động bạo lực chống lại các nhóm thiểu số tôn giáo.

Mặt khác, USCIRF đã khen ngợi hai quốc gia vì những tiến bộ mà họ đã đạt được và lưu ý rằng các quốc gia này đã hợp tác chặt chẽ với ủy ban để cải thiện hồ sơ của họ.

“Chúng tôi được khuyến khích bởi những bước tích cực mà một số chính phủ đã thực hiện trong năm 2019 - đặc biệt là hai chính phủ có liên quan chặt chẽ với USCIRF - để thiết lập một môi trường an toàn hơn cho tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng,” Chủ tịch USCIRF, Tony Perkins, cho biết trong một tuyên bố. Tại Sudan, hàng lãnh đạo mới với ý chí cải cách đã có thể nhanh chóng mang lại những cải tiến rõ rệt. Uzbekistan cũng đã đạt được tiến bộ quan trọng trong năm 2019 đối với việc thực hiện các cam kết mà họ đã thực hiện để cho phép các nhóm tôn giáo thiểu số tự do hơn.

Ngoài Ấn Độ, USCIRF khuyến nghị 13 quốc gia khác được chỉ định vào danh sách CPC vì chính phủ của họ tham gia hoặc dung túng cho các vi phạm có hệ thống, liên tục, nghiêm trọng. Chúng bao gồm chín quốc gia mà Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ định là CPC vào tháng 12 năm 2019 – bao gồm Trung Quốc, Eritrea, Iran, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Ả Rập Saudi, Tajikistan và Turkmenistan - cũng như bốn quốc gia khác là Nigeria, Nga, Syria và Việt Nam.

Tình hình tại Trung Quốc là đặc biệt nghiêm trọng. Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ hàng triệu người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Đối với Kitô Giáo, song song với chiến dịch triệt hạ Thánh Giá, chúng ra lệnh phải gỡ xuống hay đục bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và thay bằng các lời dạy của “Bác Tập”.

Các quan chức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Công Giáo Yêu Nước đang yêu sách các nhà thờ phải treo ảnh Tập Cận Bình trang trọng hơn ảnh Chúa và Đức Mẹ nếu muốn được mở cửa trở lại.

Ngay sau lệnh dỡ bỏ cô lập tại Vũ Hán, thông tấn xã UCANews, và Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết chiến dịch loại bỏ thánh giá vừa được tái tục tại Hoa Lục.



3. 10 tiểu bang tại Hoa Kỳ ngăn chặn mọi cuộc tụ họp thờ phượng, 15 tiểu bang lại cho phép không giới hạn số tín hữu tham dự

Trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của coronavirus, mọi tiểu bang ở Hoa Kỳ đã ban hành các hướng dẫn hoặc các lệnh hạn chế tương tác xã hội. Nhưng những quy tắc này không phải lúc nào cũng được áp dụng đồng đều khi nói đến các cử hành thờ phượng trực tiếp và các cuộc tụ họp tôn giáo khác.

Theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew về các quy định gần đây của nhà nước, trên thực tế, chỉ có 10 tiểu bang ngăn chặn các cuộc tụ họp tôn giáo trực tiếp dưới bất kỳ hình thức nào. Danh sách này bao gồm California, nơi một nhóm các giáo hội đang kiện Thống Đốc Gavin Newsom tại tòa án liên bang cáo buộc ông vi phạm quyền tự do tín ngưỡng được ghi trong Tu Chính Án thứ nhất của Hoa Kỳ. Một thẩm phán liên bang tuần trước đã từ chối yêu cầu của những người khiếu nại muốn tổ chức các buổi cử hành trực tiếp, nghĩa là có tín hữu tham dự.

Tuy việc kiện tụng của nhóm các giáo hội tại California không đi đến đâu, những lo sợ bị kiện tụng như vậy đã khiến hầu hết các tiểu bang khác đưa ra các miễn trừ cho các cuộc tụ họp tôn giáo trong các lệnh cách ly và các chỉ thị khác, trong nỗ lực cân bằng các mối quan tâm về tự do tôn giáo với các thực hành khoảng cách an toàn xã hội. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, gọi tắt là CDC, tiếp tục khuyến nghị rằng các cuộc tụ họp hơn 10 người phải bị đình chỉ, và trong khi trong các cuộc tụ tập diễn ra, mọi người nên đứng cách nhau ít nhất 6 feet, tức là khoảng 1.8m, ở mọi thời điểm.

Một số tiểu bang xem các sinh hoạt tôn giáo là thiết yếu và gộp vào cùng cùng loại với việc mua sắm thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. Những tiểu bang này bao gồm Florida, Nam Carolina và Tennessee, và một số tiểu bang khác nữa.

15 tiểu bang, tức là khoảng một phần ba các tiểu bang tại Hoa Kỳ đang cho phép các cuộc tụ họp tôn giáo được tiếp tục diễn ra mà không có bất kỳ giới hạn nào về số người tham dự.

22 tiểu bang và thủ đô Washington quy định rằng các cuộc tụ họp tôn giáo có thể diễn ra, nhưng giới hạn từ 10 người trở xuống. Tại Rhode Island, các cuộc tụ họp bị giới hạn không quá năm người. Hai tiểu bang Connecticut và Oregon giới hạn các cuộc tụ họp tôn giáo tương ứng là 50 và 25 người. Trong khi đó, Kentucky đang cấm các cuộc tụ tập đông người - kể cả các cuộc tụ họp tôn giáo - nhưng không nêu rõ có bao nhiêu người tạo thành một cuộc tụ họp đông người.

Trong một số trường hợp, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã chống lại lệnh của nhà nước, tổ chức các cử hành bất chấp cảnh báo từ các quan chức. Nhưng nhiều vị khác đã đình chỉ các cử hành trong một nỗ lực để tuân thủ các hướng dẫn của CDC, mặc dù các miễn trừ ở cấp tiểu bang có thể cho phép họ tiếp tục thờ phượng chung.

Một số giáo hội đã sáng tạo, không chỉ với các dịch vụ phát trực tuyến hoặc trên truyền hình mà bằng cách tổ chức các cử hành tôn giáo theo kiểu drive-in, trong đó mọi người có thể tham gia các cử hành trong khi vẫn ngồi trong những chiếc xe hơi cách nhau 6 feet, thay vì trong nhà thờ. Đến nay, bảy tiểu bang rõ ràng cho phép loại hình cử hành này được diễn ra, trong khi nhiều tiểu bang khác khuyến khích các tổ chức tôn giáo tổ chức các dịch vụ trực tuyến mà thôi.



4. Kết thúc vụ phạm thánh nghiêm trọng tại Senegal, Phi Châu

Một thanh niên ở lứa tuổi ba mươi đã bị cảnh sát bắt giữ vào hôm Chúa Nhật 26 tháng Tư trong khi anh ta đang cố gắng bán một bình đựng Mình Thánh Chúa và một hộp đựng Mình Thánh Chúa được dùng chung với một Mặt Nhật trong các buổi Chầu Thánh Thể. Cả hai thứ đều bị lấy đi sau khi anh ta phá tung nhà tạm của nhà thờ Saint Germaine ở Marsassoum.

Vụ phạm thánh đã diễn ra vào hôm 21 tháng Tư.

Marsassoum là một thị trấn nhỏ cách thủ phủ của tỉnh Ziguinchor 33km về hướng Tây, với dân số chỉ có 6,400 người.

Nghi phạm bị bắt giữ tại đồn cảnh sát Marsassoum sau khi các trẻ em Công Giáo thấy y đem bán hai thứ đánh cắp trên với giá 1,500 francs. Các em lập tức báo cho Cha Sở là Cha Lambert Manga, và gọi cảnh sát đến bắt y.

Nghi phạm là một người Hồi Giáo nhưng có lẽ hành động của anh ta xuất phát từ tình trạng đói kém gây ra bởi đại dịch coronavirus kinh hoàng hơn là lòng thù hận đức tin.

Cha Lambert Manga cho biết ngài quan tâm đến việc anh ta đã đổ các bánh thánh đã được thánh hiến đi đâu hơn là việc trừng phạt hay giam cầm anh ta.

Tính cho đến thứ Sáu 1 tháng 5, Senegal có 933 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, và 9 trường hợp tử vong. Senegal đã ban hành tình trạng khẩn cấp từ hôm 23 tháng Ba. Giới nghiêm được áp đặt từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.

Ngoài tổng giáo phận thủ đô Dakar, Senegal còn có 6 giáo phận. Trong tổng số 13.6 triệu dân, 96.1% là người Hồi Giáo. Người Công Giáo chỉ có 3.6% dân số.


Source:Tele Dakar
 
Nghi thức long trọng tái thánh hiến Hoa Kỳ cho Trái Tim Đức Mẹ
Giáo Hội Năm Châu
22:37 01/05/2020


Khi thế giới tiếp tục phải đối diện với những ảnh hưởng đang diễn ra của đại dịch coronavirus toàn cầu, Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã cùng với Hội Đồng Giám Mục Canada tái Thánh hiến cả hai quốc gia cho sự cầu bầu Đức Mẹ vào ngày 1 tháng 5.

Sự thánh hiến hoặc phó thác tập thể một quốc gia cho Đức Maria có ý nghĩa như một lời nhắc nhở cho các tín hữu về chứng tá Tin Mừng của Đức Mẹ và cầu khẩn sự can thiệp hiệu quả của Mẹ trước Con Mẹ. Đức Cha John Carroll của giáo phận Baltimore, là giám mục đầu tiên của Hoa Kỳ, đã đề cao lòng sùng kính đối với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và đặt Hoa Kỳ dưới sự bảo vệ của Mẹ trong một lá thư mục vụ vào năm 1792. Hai mươi mốt giám mục tham dự khóa họp khoáng đại lần thứ sáu của Công đồng Miền Baltimore vào năm 1846 đã quyết định chọn Đức Trinh Nữ Maria, dưới danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, làm Quan Thầy của Hoa Kỳ, và Đức Giáo Hoàng Piô IX đã phê chuẩn quyết định này vào năm sau đó. Gần đây, lễ cung hiến Đền thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Washington, D.C. vào năm 1959 là cơ hội khác để các giám mục một lần nữa thánh hiến quốc gia cho Đức Mẹ. Một số vị Giáo Hoàng cũng đã dâng hiến thế giới cho Đức Maria trong những dịp khác nhau.

Lễ thánh hiến vào ngày 1 tháng Năm diễn ra sau một hành động tương tự của Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ Latinh và Caribê, gọi tắt là CELAM. Các Giám Mục thuộc CELAM đã hiến dâng các quốc gia của mình cho Đức Mẹ Guadalupe vào hôm Chúa Nhật Phục sinh. Việc tái thánh hiến được dự trù ở quốc gia chúng ta vào ngày 1 tháng Năm không làm thay đổi sự chỉ định Đức Maria là Quan Thầy của Hoa Kỳ dưới danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Trái lại, lễ thánh hiến này tái khẳng định và canh tân sự phó thác cho Đức Maria trước đây, và liên kết chúng ta trong tình liên đới với Đức Thánh Cha. Gần đây, ngài đã thành lập Đài tưởng niệm Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội, như một nguồn mạch bảo vệ chúng ta và ban sức mạnh cho chúng ta.

Trong một lá thư gửi đến các giám mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Gomez nhấn mạnh rằng:

“Lễ thánh hiến này sẽ mang đến cho Giáo Hội cơ hội cầu nguyện với Đức Mẹ, xin Mẹ tiếp tục bảo vệ những người yếu thế, chữa lành những người đau yếu và ban ơn khôn ngoan cho những người đang hoạt động để chữa trị loại virus khủng khiếp này. Mỗi năm, Giáo Hội đều tìm kiếm sự cầu thay nguyện giúp đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa trong tháng Năm. Năm nay, chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Mẹ một cách nhiệt thành sốt sắng hơn nữa khi chúng ta cùng nhau đối diện với những ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu này.”

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã chủ sự một phụng vụ ngắn gọn với lời cầu nguyện thánh hiến vào ngày Thứ Sáu mùng 1 tháng Năm lúc 3g chiều giờ Miền Đông Hoa Kỳ.