Ngày 28-05-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:10 28/05/2009
NGƯỜI THÂN GIÚP ĐỠ

N2T


- “Anh yêu”, bà vợ nói với chồng: “Em cảm thấy những này tháng của chúng ta qua đi thật là xấu hổ. Ba thuê nhà cho chúng ta, anh trai thì đem thức ăn đến và tiền mua áo quần, ông chú thì giúp chúng ta điện nước, ngay cả vé coi phim thì bạn bè cũng tặng cho. Em thì không phàn nàn gì cả, chỉ là cảm thấy chúng ta có thể sống như thế này thì rất đạt.”

Chồng trả lời:

- “Đương nhiên là có thể, gần đây anh cũng đã nghĩ đến vấn đề ấy, em còn có một anh trai và hai ông cậu đều chưa cho chúng ta một xu nào cả.”

Suy tư:

Vợ chồng khi mới cưới thì cha mẹ, anh chị em, bà con bạn bè đều có quà mừng đôi tân hôn, đó là một “phong tục” tốt lành mà hầu như quốc gia dân tộc nào cũng có.

Tuy nhiên, chỉ sống dựa vào sự giúp đỡ của người khác mà không làm gì cả thì thật là một chuyện không nên, bởi vì hạnh phúc chính là hưởng thụ những gì mà do mình lao động làm ra thì mới cảm thấy sung sướng và có giá trị, và hạnh phúc đó mới là chính đáng, bằng không thì chỉ sống hưởng thụ như con chim nhốt trong lồng, đúng giờ thì chủ cho ăn mà không phải tung cánh bay nhảy trên bầu trời rộng bao la...

Thời nay, có những cặp vợ chồng trẻ cứ ỷ lại vào tiền bạc của cha mẹ mà không phải đi làm gì, chồng thì đàn đúm rượu chè với bạn bè, vợ thì cả ngày trang điểm cho đẹp để làm kiểng với hàng xóm, như thế hạnh phúc sẽ có ngày đội nón ra đi mà không báo trước, bởi vì nó cảm thấy đó không phải là nơi ở chân chính của nó.

Của cải do mình làm ra cách chính đáng thì hưởng thụ cảm thấy hạnh phúc khi hưởng thụ...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:11 28/05/2009
N2T


28. Nếu chị muốn trở thành thánh nữ thì không khó đâu, chỉ cần có Chúa Giê-su ở trong ý hướng của chị là đủ rồi.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:12 28/05/2009
N2T


128. Việc khó khăn nhất trong cuộc sống chính là hiểu được bản thân mình.

 
Dước tác động của Chúa Thánh Thần
LM Giuse Nguyễn Hữu An
00:57 28/05/2009
LỄ HIỆN XUỐNG (Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)

Suốt các Chúa Nhật Phục Sinh, các bài đọc 1 được trích trong sách Công Vụ Tông Đồ. Một nhà chú giải Thánh Kinh đã gợi hứng đổi Công Vụ Tông Đồ thành Công Vụ của Chúa Thánh Thần. Bốn sách Tin Mừng là Phúc Âm của Chúa Giê-su, còn Công Vụ Tông Đồ chính là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần.

Sách Công Vụ Tông Đồ là một trong những tài liệu lịch sử quý giá nhất của Thánh Kinh. Đó là lịch sử hiện hữu duy nhất của Ki-tô giáo được viết ra trước thế kỷ thứ III. Nhờ đó chúng ta biết rõ sự lớn dậy của Ki-tô giáo ở Palestina hay về công cuộc Truyền Giáo tại Syria, Tiểu Á, Hy-lạp và Rô-ma. Bình minh của một kỷ nguyên mới bắt đầu ló dạng.

Giáo Hội đã sống tuổi thanh xuân của mình giữa lòng Đế quốc Rô-ma, phải đối diện với ba thách đố lớn là Do-thái giáo, chính trị Rô-ma và triết học Hy-lạp. Giáo Hội phải bung ra khỏi Do-thái giáo, hội nhập vào triết học Hy-lạp để lan rộng trên toàn đế quốc Rô-ma. Chỉ với những người dân chài Ga-li-lê ít học, chỉ với một Phao-lô nhiệt thành, thế mà Giáo Hội lớn mạnh không ngừng trước bao thử thách thời đại.

Chính Chúa Thánh Thần đã không ngừng dẫn dắt Giáo Hội. Đúng như lời Thánh I-rê-nê đã nói: “Ở đâu có Thánh Linh của Đức Ki-tô ở đó có Hội Thánh. Ở đâu có Hội Thánh ở đó có Thánh linh và ân sủng”

Sách Công Vụ Tông Đồ trình bày lịch sử dưới ánh sáng đức tin. Sau khi Phó tế Stê-pha-nô bị ném đá thì khởi đầu cuộc bắt bớ rộng lớn chống Giáo Hội ở Giê-ru-sa-lem. Cộng đoàn Ki-tô hữu ở đây bị phân tán, nhiều tín hữu thoát khỏi đô thị đi tìm nơi ẩn náu. Họ đi tới đâu là rao giảng Tin Mừng tại đó. Chính đây là lúc câu nói thời danh của văn hào Tertuliano được ứng nghiệm “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống làm nảy sinh các Ki-tô hữu”.

Các cộng đoàn Diaspora được thành lập. Họ hội nhập vào văn hoá địa phương để rao giảng Tin Mừng. Đoạn sách Công Vụ Tông Đồ của Chúa Nhật hôm nay kể lại vị sứ giả đầu tiên đã mang Tin Mừng đến cho người ngoại giáo, đó là người Do-thái nói tiếng Hy-lạp, phó tế Phi-lip-phê. Ngài tới thủ đô Sa-ma-ri rao giảng làm phép lạ, chữa lành nhiều bệnh tật. Người ta vui mừng đón nhận và xin theo Đạo ( Cv 8, 5 - 8 ). Sau khi xứ Sa-ma-ri được đón nhận Tin Mừng, các Tông Đồ đã cử Phê-rô và Gio-an đến cũng cố Niềm Tin cho các tân tòng ( Cv 8, 14 - 24 ).

Kinh nghiệm sống đức tin của cộng đoàn tín hữu sơ khai là bài học quý giá cho chúng ta. Họ bị nhận chìm trong gian truân thử thách, nhưng chính lúc ấy họ cảm nhận sự hiện diện và hoạt động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần. Như ngọn gió cuốn bay những hạt giống để rồi hạt giống lại gieo mầm sống mới ở nơi khác, ngọn gió Chúa Thánh Thần qua những cơn bách hại cũng mang lại những hiệu qủa lạ lùng. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội, càng bị bách hại Giáo Hội càng lớn mạnh không ngừng.

Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, sau sắc dụ cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, các cuộc bắt đạo gay gắt khiến cho những người tín hữu ở các vùng Quảng Trị, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa chạy vào rừng núi La Vang để trốn tránh. Đức Mẹ đã hiện ra an ủi, trợ giúp. La Vang đã trở thành trung tâm hành hương của Giáo Hội Việt Nam. Các chỉ dụ cấm đạo dưới thời vua Minh Mạng, Tự Đức đã phân tán các cộng đoàn Ki-tô hữu. Họ xuôi vào Nam trốn tránh, đến vùng đất mới, rừng thiêng nước độc, họ khai khẩn điền địa và lập nên những cộng đoàn mới. Nhờ đó, khi các vị Thừa Sai đến Truyền Giáo, hạt giống Đức Tin được nảy mầm và phát triển nhanh chóng.

Như hạt giống gieo xuống đất và chờ đợi, những cơn mưa đầu mùa tuôn đổ, hạt giống âm thầm đón nhận sức sống, nảy mầm, bén rễ, lớn nhanh, những cộng đoàn tín hữu đang sống đức tin thầm lặng đã gặp được các chủ chăn nên lớn mạnh và nhiều giáo xứ đã được thành lập. Chỉ trong nhãn giới đức tin, chúng ta mới nhận ra sức tác động mãnh liệt Chúa Thánh Thần, trong mọi thử thách Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần nâng đỡ, trong mọi biến cố đau thương luôn có Chúa Thánh Thần an ủi dẫn dắt. Mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời đều là lời mời gọi, lời nhắn nhũ, lời cảnh báo. Đi tìm Thánh Ý Chúa, con người cần biết giải mã các biến cố ấy trong ánh sáng đức tin.

Ngày nay, có lẽ không còn những cơn bắt bớ và bách hại như xưa, thế nhưng những gian nan, những thử thách vẫn không thiếu trong đời sống đức tin. Thời đại hôm nay là thời đại xẻ núi lấp sông, vượt trùng dương, chinh phục không gian, bùng nổ thông tin, toàn cầu hoá... Nhưng xã hội hôm nay đang bị tục hoá với muôn ngàn cám dỗ ngọt ngào tinh vi của ma quỹ, xã hội đang đánh mất chiều kích siêu hình, không còn cảm thức về tội lỗi. Giáo Hội phải đối diện với một xã hội mà như triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre đã nói: “Thiên Chúa phải chết để cho con người được tự do”.

Người ta đang xây dựng một xã hội không có Thiên Chúa, tôn giáo bị tách ra khỏi xã hội. Con người mãi mê chạy theo lối sống hưởng thụ thực dụng, cá nhân chủ nghĩa. Như thế người Ki-tô hữu phải sống và diễn tả niềm tin của mình như thế nào đây ? Bài Phúc Âm chiếu ánh sáng soi đường. Chúa Giê-su đã loan báo: “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” ( Ga 14, 26 ).

Khi người tín hữu chúng ta được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trong đời, chúng ta sẽ yêu mến Chúa, được Chúa Cha và Chúa Giê-su ngự đến trong tâm hồn ( Ga 14, 21 ), được Chúa ban sự bình an tuyệt vời, bình an không như thế gian ban tặng ( Ga, 14, 27 ). Chúa Thánh Thần chính là chìa khoá mở ra cuộc sống mới trong Đức Ki-tô. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, người tín hữu làm được mọi sự trong ân sủng Đức Ki-tô. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống Tin Mừng, vượt qua các thách đố thời đại như cộng đoàn tín hữu sơ khai đã vượt qua mọi trở ngại để loan báo và mở rộng Nước Chúa.

Ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống, Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gio-an Tẩy Giả “nhảy mừng trong lòng mẹ” Đức Ma-ri-a hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bê-lem. CácTông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Và chúng ta cũng được trở nên con cái Thiên Chúa, sống chứng nhân cho tình yêu, can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.

Tìm hiểu: Trong Kinh Thánh, Chúa Thánh Thần được mô tả qua những biểu tượng rất phong phú, rất cụ thể và thật là gần gũi với đời sống của chúng ta:

NƯỚC: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5).

LỬA: “Họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 3-4).

HƠI THỞ: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).

CHIM BỒ CÂU: “Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu” (Lc 3,22).

ĐỀN THỜ: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1Cor 6,19)

Trong tất cả mọi sứ mạng của Giáo Hội và trong đời sống của mọi Kitô Hữu, Chúa Thánh Thần đóng một vai trò hết sức quan trọng và rất cần thiết cho đời sống đức tin bởi vì:“Không ai có thể kêu Đức Giêsu là Chúa nếu không là trong Chúa Thánh Thần” (1 Cor 12,3b)

“Để tiếp xúc với Đức Kitô, trước hết phải được Chúa Thánh Thần đánh động. Chính Chúa Thánh Thần đến đón chúng ta và khơi dậy niềm tin trong chúng ta…Sự sống có nguồn mạch nơi Chúa Cha và được ban tặng cho chúng ta trong Chúa Con, đã được thông ban cho chúng ta bởi Chúa Thánh Thần cách thâm sâu…” (Giáo Lý Công Giáo số 683).

Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, gìn giữ và làm cho mọi Kitô hữu thăng tiến về mọi khía cạnh là vì Ngài chính là:

NGUỒN SỐNG: "Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận” (Ga 7,38-39).

NGUỒN SỨC MẠNH & CAN ĐẢM: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,19-20).

NGUỒN GỐC SỰ KHÔN NGOAN THÔNG THÁI: “Khi ông Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri” (Cv 19,6).

ĐẤNG BẢO TRỢ, CỐ VẤN KỲ DIỆU: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Thánh Thần là ai? Dựa vào đâu bạn biết Thánh Thần là Thiên Chúa?
2. Thánh Thần hiện đang ở đâu? Nhiệm vụ, sứ mạng của Thánh Thần là gì?
3. Làm sao nhận ra tác động của Thánh Thần? Thế nào là sống theo Thần Khí?
 
Thư của thánh Phaolô gửi ông Phi-lê-mon
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
05:08 28/05/2009
Trong các thư của thánh Phao-lô, thư gửi ông Phi-lê-môn ngắn hơn cả. Đó là một bức thư theo đúng nghĩa, vì tác giả đã áp dụng dủ mọi công thức thư từ của thời bấy giờ. Đó còn là một bức thư thân tình hơn hết, bởi vì chính tay thánh Phao-lô đã viết từ đầu đên cuối. Nhưng không phải bởi thế mà thư này chỉ là một thư riêng, vì thánh Phao-lô cũng nói với cả giáo đoàn họp tại nhà ông Phi-lê-mon nữa. Lý do sâu xa của sự kiện này chẳng phải là vì ở trong thân thể mầu nhiệm Đức Ki-tô, việc tư không còn phải là việc riêng nữa hay sao ?

Ngay từ đầu, người ta đã để ý đến những tình cảm tế nhị được bày tỏ trong thư. Chẳng bao giờ thấy thánh Phao-lô tìm cách tránh né dùng quyền hành đối với các môn đệ như thế. Vì vậy, Maurice Goguel thật có lý, khi gọi thư này là kiệt tác về sự khéo léo trong cung cách đối xử.

Chắc thánh Phao-lô đã viết thư này ở Roma hoặc Kai-sa-ri-a đồng thời với thư Cô-lô-xê. Khi đó thánh Phao-lô đang bị tù (1 Cr 4,3.10.18; Plm 9.10.13.18) và có một số bạn hữu đồng hành đang ở gần bên cạnh ( 1 Cr 4, 7-14; Plm 23.24). Người ta không biết gì nhiều về người nhận thư. Hình như ông là một nhân vật quan trọng trong giáo đoàn Cô-lô-xê, người đã đem của cải và dùng ảnh hưởng của mình để giúp đỡ giáo đoàn (cậu 5-7). Chính thánh Phao-lô đã đưa ông vào đạo. Ngài đã nhắc khéo ông về điều này và thương mến ông, đến nỗi đã gọi ông là người cộng sự yêu quí.

1. Hoàn cảnh

Hoàn cảnh xui khiến cho có bức thư này không được rõ lắm. Tuy nhiên, dựa vào mấy câu ám chỉ trong thư, người ta có thể sắp xếp được như sau và có lẽ khá đúng.

Ông Phi-lê-mon có một người nô lệ tên là O-nê-si-mô. Chắc vì một câu chuyện không hay nào đó, anh này đã bỏ trốn đi. Không rõ hoàn cảnh nào đã khiến anh gặp được thánh Phao-lô. Anh bám ngay lấy ngài và xin theo đạo. Thánh Phao-lô cũng quí anh và chọn anh làm người cộng sự. Trong thư gửi giáo đoàn Cô-lô-xê, ngài gọi anh là người anh em trung tín và thân mến. nên cố giữ anh ở lại với mình. Nhưng không thể kéo dài mãi như vậy, vì như thế tình trạng sẽ trở nên phức tạp. Ông Phi-lê-mon có thể nghi ngờ cho rằng ngài không tế nhị, khi dùng tên nô lệ tẩu thoát ấy mà không hỏi ý kiến ông và được ông đồng ý. Hơn nữa, theo luật lệ thời bấy giờ, làm như vậy là xâm phâm quyền sở hữu của ông. O-nê-si-mô có thể bị truy nã, bỏ tù rồi giải về cho chủ cũ để bị trừng phạt nặng nề. Do đó, thật dễ hiểu khi thấy thánh Phao-lô tính trả lại O-nê-si-mô cho chủ cũ. Nhưng ngài không muốn chỉ trả lại mà còn gửi thêm bức thư này nữa, để xin ông Phi-lê-môn không những chỉ đón nhận O-nê-si-mô như một người anh em thân mến mà còn như chính ngài. Ngài không xin cho O-nê-si-mô được giải phóng mà thôi, nhung tin chắc là ông O-nê-si-mô sẽ còn làm hơn cả điều ngài xin. Ngài để cho ông Phi-lê-mon hiểu lấy chữ “hơn” đó. Thánh Phaolô đã ngỏ ý rõ rệt muốn thấy O-nê-si-mô trở lại giúp ngài trong công việc truyền đạo, bất kể có được “giải phóng” hay không.

2. Giáo thuyết

Có người ngạc nhiên, khi thấy một bức thư riêng như thế này, chẳng có chất tín lý bao nhiêu mà lại được xếp vào hàng thư quy. Nhưng Hội thánh đã muốn như vậy, vì trong thư này có chủ trương của Ki-tô giáo bênh vực người nô lệ. Giả thuyết này có thể chấp nhận được. Tất nhiên không nên giải thích thư này như một thiên khảo luận của Tin Mừng về vấn đề người nô lệ. Ở đây thánh Phao-lô chỉ nói đến một trường hợp cụ thể, nhưng có lẽ chính vì là một trường hợp cụ thể, nên nó nói cho ta về tương quan giữa chủ và nô lệ hơn các thư nặng phần giáo huấn khác.

Nhiều đoạn trong các thư của thánh Phao-lô xem ra rụt rè, khi bàn về tương quan giữa chủ và nô lệ 1 Cr 7,20-24; Ep 6,5-9; Cl 3,22-4,1). Đọc những câu trong các chương này, người nô lệ thời xưa có thể sửng sốt vì thấy mình được công nhận là người. Nhưng thánh Phaolô vẫn không triệt để lên án chế độ nô lệ. Người mạnh dạn tuyên bố: “.Trong Đức Ki-tô không còn ngăn cách nào nữa, không còn nô lệ hay tự do.” (Gl 3,28). Ngài đã viết cho giáo đoàn Rô-ma gồm cả chủ lẫn nô lệ rằng: “Mọi người phải thương yêu nhau như anh em” ( Rm, 12, 10). Tuy nhiên, đang khi khẳng định rằng “Trước mặt Chúa”, “trong Đức Ki-tô”, ở giữa cộng đoàn anh em và nhất là trong công đoàn phụng vụ, mọi tín hữu đều bình đẳng và là anh em. Hình như ngài vẫn không rút ra kết luận đó trong đời sống pháp lý bên ngoài, tức là trong đời sống công dân.

Chắc hẳn thánh Phao-lô vẫn phân biệt hai bình diện: trước mặt Chúa và trước mặt người đời. Nhưng thư Phi-lê-mon không cho ta được phép giải thích theo lối nhị nguyên. Thật vậy, tuy không chủ trương bãi bỏ ngay chế độ nô lệ đang thịnh hành thời đó, nhưng cũng đừng ai nghĩ rằng ngài muốn nói người nô lệ hãy cứ là nô lệ, cứ phải ở mãi trong tình trạng ấy, như thể là “Trời” đã định rồi. Theo Théo Preiss, thánh Phao-lô không đặt cả hai vấn đề trên cùng một bình diện đâu ! Đối với ngài, tình huynh đệ, sự hợp nhất trong Đức Ki-tô, phải nhìn lại mối tương quan giữa chủ và nô lệ, vứt bỏ nó đi và thực hiện trên một bình diện khác. Không những ông Phi-lê-mon nên coi O-nê-si-mô như một người bình đẳng với mình và như một phần tử trong Hội thánh giống như mình mà còn phải kể anh ta như một người trong gia đình và như một người anh em của mình. Vì thế, không còn ai đuợc phép có thái độ kẻ cả nữa mà phải hoàn toàn coi nhau như anh em. Bởi vậy, ông O-ne-si-mô nên lấy tình huynh đệ đón nhận O-nê-si-mô như một người và hơn thế nữa, như một Ki-tô hữu.

Vì thế, có thể kết luận như Théo Preiss rằng: “Tân Ước không làm cách mạng theo nghĩa hiện nay của danh từ này, lại càng ít bảo thủ hơn; mọi trật tự xã hội rồi sẽ bị tháo gỡ và qua đi cùng với cơ cấu của vũ trụ này.”

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 Cerf-Paris trang 2911-2913)
 
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến
Lm. Jude Siciliano, OP
14:13 28/05/2009
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN (B)

Cv 2: 1-11, 20a; I Corintô 12: 3b-7, 12-13 (Galat5: 16-25) Ga 15: 26-27; 16: 12-15

Anh chị em thân mến,

Một người bạn kể tôi nghe chuyện một người được tin mình bị ung thư và sắp đến cuối đời. Sau khi biết tin này, ông buồn rầu, và quyết định thay đổi một số thói quen của mình. Những việc từ trước đến nay hay làm ông bận tâm, bây giờ không còn làm ông quan tâm nữa. Ông có 2 con trai dưới tuổi 20, và ông muốn dành thì giờ để nói chuyện với 2 người con đó. Ông không muốn khi ra đi mà vẫn còn để lại những chuyện chưa nói với hai con. Ông muốn nói với chúng là ông thương yêu chúng lắm, và ông rất hãnh diện về chúng. Ông cũng đã nhất định nói với vợ là ông yêu quý và khâm phục bà rất nhiều. Đã nhiều năm ông không nói chuyện với người em trai, nay ông gọi người em đến và nói chuyện rất lâu trong bữa ăn, và hai người đã làm hòa với nhau.

Bác sĩ của ông đã nghỉ hưu, nên ông tìm một bác sĩ khác. Và người này công nhận ông bị ung thư, nhưng lại nói là có thể chữa trị được. Ông đã khóc, không phải vì ông cảm thấy nhẹ người do bệnh có thể chữa trị được, nhưng ông sợ sẽ trở lại với những thói quen cũ. Đó là những điều trong thời gian qua, ông đã bỏ và đã quen với những thay đổi rất có ích cho ông và cả gia đình rồi. Ông cảm thấy sợ là sẽ mềm lòng trước những thói quen cũ, và sẽ làm cho ông mất đi lối sống mới mà ông đã tập làm được.

Đối với chúng ta, chúng ta có nỗi lo sợ là có một quyền lực ngăn cản chúng ta cố gắng thay đổi lối sống, đó là mỗi khi chúng ta ngại bỏ những thói quen và những tập quán chúng ta đã hấp thụ, để tập những lối sống mới mà chúng ta chưa quen biết. Các Môn đệ trong phòng họp, cửa đã đóng kín mà vẫn lo sợ. Sợ là những điều đã xảy ra cho Chúa Giêsu nay sẽ xảy đến cho họ. Họ cùng hội họp trong sự thất bại và vô vọng. Trong khi mọi sự dường như xấu đi, thì Chúa Giêsu hiện ra giữa các ông. Có người trong chúng ta cũng đã trải qua kinh nghiệm gặp được Chúa Giêsu trong những lúc đời mình đến ngõ cụt. Đó là khi bị thất bại, không ai giúp đỡ, và không thấy hy vọng gì ở tương lai.

Chúa Giêsu xuất hiện: Ngài là Đấng đã bị thất bại, bị trấn áp, chịu chết và bị ném ra ngoài. Rõ ràng là Ngài có vẻ như không có tương lai. Và cũng chính Ngài đã "từ cõi chết sống lại". Làm tất cả mọi suy tính điều sai lầm. Chúa Giêsu xuất hiện giữa các Môn đệ là những kẻ đã bỏ Ngài trong lúc Ngài cần đến họ; đã chối Ngài khi người ta hỏi đến; không tin bà Maria Madalena nói là Ngài đã sống lại. Đấy, họ là những kẻ nhát sợ đến như vậy, lúc họp nhau, thì ở trong phòng đóng kín cửa lại.

Chúa Giêsu hiện ra giữa những Môn đệ bị thua thiệt và nhát sợ. Nhưng thay vì dùng lời quở trách vì sự yếu hèn trong nỗi thua thiệt đó, thì Ngài lại vạch ra một tương lai mới cho họ. Lời nói đầu tiên từ miệng Ngài là "Bình An". Nghĩa là không có vấn đề gì giữa Ngài và các ông cả. Lời nói này đã đánh tan quá khứ, và mở ra một tương lai cho các ông. "Mừng quá!", chắc các ông nghĩ vậy, và cảm thấy nhẹ người. Điều này giống như khi chúng ta tranh biện với ai, và làm họ phiền lòng, để rồi nghe người ấy nói "Thôi quên đi! không sao cả, tôi tha thứ cho bạn". Và lúc đó, chúng ta cảm thấy nhẹ cả người như các Môn đệ đã cảm nhận được khi Chúa Giêsu chào họ. "Bây giờ chúng ta khởi sự lại từ đầu. Hãy quên quá khứ đi. Và bây giờ sự liên hệ giữa Chúa Giêsu và chúng ta có một tương lai". Đó là ý nghĩa của lời chúc "Bình An " của Chúa Giêsu cho các Môn đệ.

Rồi một lần nữa, Chúa Giêsu lại nói "Bình An cho các con". Lần này không nhắc gì đến quá khứ cả. Và đây là thời khắc của tương lai. Được Bình An, các ông phải tháo khóa, mở cửa ra và đi khắp cùng thế gian, nơi đã làm cho các ông sợ hãi. Nơi đã gây khổ ải cho Chúa Giêsu, thì cũng sẽ gây khó khăn cho các ông vì các ông đã tin vào Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã gởi các ông đi như Ngài đã gởi chúng ta ra đi ngày lễ Hiện Xuống năm nay. Chúng ta ra đi không phải để trả thù những khó khăn, mà đem sự tha thứ đến với một thế gian đầy hận thù mà chúng ta đang sống. Ngay cả Chúa Giêsu cũng đã gởi các Môn đệ Ngài ra đi để tha thứ.

Nếu mọi người biết các Môn đệ có lòng tha thứ, thì sẽ có nhiều người theo họ, vì mọi nơi trên thế giới, trong các quốc gia, ngay cả trong các bạn bè và các gia đình mà chúng ta đang sống, it khi nghe đến hai chữ tha thứ. Nếu chúng ta biết tha thứ, chúng ta sẽ lôi kéo được người khác theo Chúa Giêsu, và vào với cộng đoàn chúng ta, hoặc sẽ gây nên sự chống đối, chế nhạo và ruồng bỏ, như Chúa Giêsu đã chịu.

Chúa Giêsu không bảo các Môn đệ tự bảo vệ mình hay tự bào chữa. Ngài không muốn họ trở nên như những đồ vật chưng trong viện bảo tàng. Ngài không muốn Giáo hội Ngài khóa cửa lại, không đón nhận những phần tử mới, những người từ các nền văn hóa khác, những tư tưởng mới. Chúa Giêsu không muốn một cộng đoàn chỉ gồm những người quen biết nhau họp lại, hợp ý nhau, cầu nguyện với nhau và che chở cho nhau hầu mong chờ ngày Ngài trở lại.

Trái lai, Chúa Giêsu mời gọi các ông dấn thân vào trong thế gian đầy âu lo trắc trở, để sống và thực hành theo lời Ngài dạy: bắt đầu với sự tha thứ; đón chào tha nhân; quan tâm đến những người bị bỏ rơi khinh miệt; bênh vực kẻ bị bất công; và lên tiếng nâng đỡ những kẻ hoạn nạn. Tại sao các Môn đệ làm được, trong khi các ngài cũng là người phàm như chúng ta? Tại sao các Môn đệ và chúng ta sống được đời sống của Chúa Giêsu giữa một thế giới đã ruồng rẩy Ngài và sẽ ruồng rẩy chúng ta? Chỉ với Thánh Linh của Ngài sao!

Chúa Giêsu đã cho các Môn đệ và cho cả chúng ta nữa, Thánh Linh của Ngài: đó là nguồn sống, là năng lực; nguồn lực thúc đẩy Ngài làm những điều Ngài đã nói. Ngài thổi hơi Thánh Linh của Ngài trên các Môn đệ. Ngài cùng thổi hơi Thánh Linh Ngài trên chúng ta, hôm nay và mọi ngày. Mỗi khi chúng ta cần nói, cần can đảm, cần sức mạnh để quyết định sống đức tin trong thế gian này. Ngài sẽ nói "bình an" và thổi hơi Thánh Linh Ngài trên chúng ta trong bữa Tiệc Thánh này. Và chúng ta đáp lại "Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến trong lòng chúng con, là kẻ tin cậy Người, xin hãy đốt lên trong lòng chúng con ngọn lửa yêu mến."

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Chúa Thánh Linh: Chân dung và Nhiệm vụ
Nguyễn Trung Tây, SVD
15:25 28/05/2009

Chúa Thánh Linh: Chân dung và Nhiệm vụ

Chúa Thánh Linh, Ảnh Nguyễn Trung Tây

Hồi nhỏ tôi khờ trâng, cho nên hay bị Sơ Giáo Lý dạy Rước Lễ Lần Đầu phạt quỳ vì tội không phân biệt được sự khác nhau giữa hai danh từ: Chúa Thánh Thần và Thiên Thần. Có lẽ bởi chữ “thần” xuất hiện trong cả hai danh từ vừa được nhắc tới, đối với cái đầu óc bé tí ti của tuổi lên tám, ăn chưa no, lo chưa tới, Chúa Thánh Thần, đối với tôi chỉ là những Thiên Thần tóc bạch kim, môi đỏ hồng, đẹp như tây, có cánh bay bay chung quanh hang đá vào mùa Giáng Sinh.

Lớn lên một chút, vào cái thời kỳ tham gia sinh hoạt trong Ban Giáo Lý của xứ đạo, lúc đó tôi mới “đủ sức đủ trí khôn” để mà phân biệt được sự khác nhau giữa Ngôi Ba Thiên Chúa Chúa Thánh Thần và Thiên Thần. Dạy Giáo Lý cho những học sinh trung học, cho những tân tòng RCIA, và ngay cả trong những lần sơ đàm với một số người quen biết, lúc đó tôi mới nhận ra trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh là Đấng bị lãng quên nhiều nhất trong đời sống đức tin của người tín hữu. Bởi Ngài hay bị lãng quên trong dòng đời ngược xuôi, chân dung và nhiệm vụ của Ngôi Ba Thiên Chúa thông thường là hai khái niệm khá sương mờ đối với một số người tín hữu Công Giáo Việt Nam. Trong tinh thần học hỏi về niềm tin Công Giáo, qua bài tham luận ngắn ngủi này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về Ngôi Ba Thiên Chúa dưới hai lăng kiếng: Chân dung và Nhiệm vụ.

Luận bàn về chân dung của Chúa Thánh Linh, trong khi Thiên Chúa Ngôi Cha thường được minh họa qua nhân dạng của một cụ già Tây Phương, với râu dài, tóc bạc trắng như cước—Sách Sấm Truyền Cũ là một thí dụ điển hình, Thiên Chúa Ngôi Con thì khác. Bởi Đức Kitô là một nhân vật lịch sử, nhân dạng của Ngài, do đó, là diện mạo của một người đàn ông Do Thái vào thế kỷ thứ Nhất Tây Lịch. Nhưng Thiên Chúa Ngôi Ba, Chúa Thánh Linh thì hoàn toàn khác. Ngài không được nhân họa bởi họa sĩ như Thiên Chúa Cha, hoặc xuất hiện trong nhân dạng như Thiên Chúa Con, nhưng Chúa Thánh Linh xuất hiện qua hai hình ảnh: Chim Bồ Câu và Lưỡi Lửa.

Thật ra, cả hai hình ảnh tượng trưng cho Chúa Thánh Linh đều không bắt nguồn tự sự tưởng tượng của bất cứ một người họa sĩ nào, nhưng bắt nguồn từ trong Kinh Thánh. Theo như thánh sử Máccô, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giôđan, trời xanh tự nhiên mở ra, và Thần Khí tương tự như hình bồ câu ngự xuống trên Ngài (Máccô 1:9). Hình ảnh của Lưỡi Lửa bắt nguồn sách Tông Đồ Công Vụ. Theo như Tông Đồ Công Vụ 2:1-4, vào ngày Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, trong khi các môn đệ của Đức Giêsu đang quây quần hội họp trong căn phòng kín, bỗng nhiên từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào căn nhà. Và Chúa Thánh Linh xuất hiện trong hình dạng của những lưỡi lửa ngự xuống trên người của các người môn đệ.

Bên cạnh chim bồ câu và lưỡi lửa, Chúa Thánh Linh cũng được ví như cơn gió, Ngài thổi từ hướng nào và thổi về đâu, không ai hay, chẳng ai biết. Tương tự như lưỡi lửa, hình ảnh gió cũng bắt nguồn từ Tông Đồ Công Vụ 2:1-4.

Dòng lịch sử ơn cứu độ được phân chia ra làm ba giai đoạn khác nhau với ba diện mạo của một Thiên Chúa:

(1). Giai đoạn thứ nhất thuộc về dòng lịch sử Cựu Ước với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Cha, một vị Thiên Chúa của công bằng, từ bi, và vị tha.

(2). Giai đoạn thứ hai thuộc về dòng lịch sử Tân Ước với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Con, một vị Thiên Chúa của yêu thương, nhân hậu, và tha thứ.

(3). Giai đoạn thứ ba bắt đầu từ ngày Lễ Hiện Xuống cho tới ngày cánh chung, với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh, một vị Thiên Chúa của hướng dẫn, an ủi, và đổi mới.

Luận bàn về nhiệm vụ của Chúa Thánh Linh, Giáo Hội tin rằng con thuyền Hội Thánh đang được chính bàn tay của thuyền trưởng Chúa Thánh Linh lèo lái và hướng dẫn. Bởi thế, Giáo Hội tin rằng Chúa Thánh Linh chính là tác giả bốn bản Phúc Âm được viết bởi bốn thánh sử: Máccô, Mátthêu, Luca, và Gioan. Bởi thế, khi Hồng Y Đoàn vô phòng kín cầu nguyện, hội họp để bầu cử ra một vị Giáo Hoàng mới, Giáo Hội tin rằng các vị Hồng Y đã được chính Chúa Thánh Linh soi sáng và hướng dẫn để bầu ra vị tân giáo hoàng.

Ngoài công việc hướng dẫn, Chúa Thánh Linh còn là Đấng An Ủi những người tín hữu trên hành trình đức tin. Bởi Ngài là Đấng Ủi An, Chúa Thánh Linh ủi an anh hùng tử đạo khi các ngài gông cùm xiềng xích nặng nề mang vác trên vai như thánh Dũng Lạc, hoặc khi các ngài bị giam cầm bỏ đói lãng quên trong ngục tù lạnh lẽo như nữ thánh Đê. Một cách tương tự, những khi đang lao đao với đời sống chứng nhân tin mừng (tử đạo) của chính mình, chúng ta tin rằng mình không cô độc một mình một bóng với gian nan thử thách. Vào những giây phút của tứ bề thọ địch hoặc ba đào sóng dữ, chúng ta tin rằng Đấng An Ủi sẽ xuất hiện, để ủi an vỗ về và ân cần nâng đỡ chúng ta can trường tiếp tục bước qua những đoạn đường nhọc nhằn và gian truân.

Ngoài hướng dẫn và an ủi, Chúa Thánh Linh cũng còn chính là Đấng “vẩy đũa thần” làm mới bộ mặt của quả địa cầu và tâm hồn của người tín hữu. Ngày hôm nay, với trình độ tiến bộ vượt bực của khoa học, người ta có những cây đũa thần có khả năng thay đổi bộ mặt thua kém biến sang mặn mà, bình thường hóa thành sắc sảo. Đối với những người có lớp da bị thời gian tàn phá, ngành thẩm mỹ có thể lột bỏ, thay thế làn da cằn cỗi bằng những tế bào hồng hào, mịn màng, và tươi sáng. Nhưng, bên cạnh làn da thể xác, người tín hữu cũng còn có một làn da khác, đó là làn da linh hồn. Theo dòng thời gian trôi nổi bập bềnh, làn da của cả thể xác và của linh hồn đều sẽ trở nên cằn cỗi hoặc đôi khi biến dạng khiến nhiều người không còn khả năng nhận ra nhân dạng của chính mình.

Khi thể xác mệt mỏi hoặc muốn giữ gìn sức khỏe, nhiều người đi tập thể dục, người trẻ ghi tên tham gia vào những trung tâm thể dục thẩm mỹ, người lớn tuổi sáng sáng gặp gỡ nhau nơi công cộng tập Tài Chi. Những khi khám phá ra làn da thể xác không còn hồng hào, căng mịn, người ta tới gặp bác sĩ thẩm mỹ để được giúp đỡ. Một cách tương tự, những khi tâm hồn mệt mỏi, tinh thần kiệt quệ khiến làn da của linh hồn không được nghỉ ngơi, từ từ trở nên cằn cỗi, người tín hữu sẽ làm chi để khuôn mặt linh hồn của chúng ta thôi không còn cằn cỗi?

Suy Niệm
Vào những giây phút chúng ta khám phá ra khuôn mặt và làn da của linh hồn đang trở nên lốm đốm tàn nhang, chúng ta cần đến sự can thiệp của một vị bác sĩ thẫm mỹ lừng danh khét tiếng: Bác Sĩ Thẩm Mỹ Chúa Thánh Linh, bởi Ngài chính là Đấng đã và đang đổi mới bộ mặt của quả địa cầu và của trần gian.

Ngày xưa, trước khi có Chúa Thánh Linh ngự xuống trên người qua hình dạng lưỡi lửa, Phêrô cũng như tất cả những người môn đệ của Đức Giêsu, đêm cũng như ngày, chỉ dám thập thò đi ra đi vào trong căn phòng đóng kín cửa. Nhưng khi Gió của Chúa Thánh Linh thổi ngập tràn căn phòng và Lửa của Ngài ngự xuống trên người, làn da linh hồn của những người môn đệ của Đức Giêsu đã được đổi mới. Khi Chúa Thánh Linh xuất hiện, làn da cằn cỗi lấm chấm đồi mồi của nhát sợ, bối rối, và phiền muộn của Phêrô và của những người môn đệ đã được thay đổi, biến sang làn da linh hồn của hai mươi tuổi căng tràn nhựa sống. Khi làn da linh hồn được đổi mới, Phêrô thôi, không còn nhát sợ nữa, nhưng hiên ngang đứng dậy, mở tung cánh cửa căn phòng, hùng hồn cất lời rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh giữa ban ngày, khiến nhiều người Do Thái tưởng rằng người cựu ngư phủ Biển Hồ đang say rượu. Thực sự ra, Phêrô không say, nhưng bởi Chúa Thánh Linh đã đụng “đũa thần” vào khuôn mặt và tâm hồn của Phêrô, cho nên nhiều người ngỡ ngàng không còn nhận ra được đó chính là Phêrô của một thời già lão, nhát sợ, chối bỏ Thầy ba lần trên sân Tòa Án Công Nghị của người Do Thái.

Một cách tương tự, vào những lúc khám phá ra làn da linh hồn đang dần dần trở nên cằn cỗi, hoặc linh hồn đang mệt mỏi, xao xuyến, trằn trọc, và băn khoăn với những muộn phiền do trần thế mang lại, mời bạn, chúng ta cùng nhau hướng về Ngôi Ba Thiên Chúa, mở miệng cầu xin với Ngài,

Lời Nguyện
Lạy Chúa Thánh Linh, xin hãy đốt cháy ngọn lửa của Ngài, để lòng chúng con không còn nguội lạnh, nhưng bừng lên ánh lửa nhiệt thành của sống chứng nhân Tin Mừng. Lạy Ngôi Ba Thiên Chúa, xin hãy đến nâng đỡ, ủi an những khi chúng con cô độc, muộn phiền, và thất vọng với đời sống niềm tin. Xin hãy đến vỗ về, băng bó chữa lành những vết thương đang mưng mủ, đang tấy sưng trong tâm hồn của chúng con. Lạy Chúa Thánh Linh, xin Ngài hãy đến, ngự xuống, đổi mới làn da nhân loại và bộ mặt địa cầu.

www.nguyentrungtay.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nguyên thủ tướng Anh quốc bà Margaret Thatcher có cuộc gặp gỡ với ĐGH Benedictô XVI
Đồng Nhân
00:04 28/05/2009
VATICAN CITY (AFP) - Nguyên thủ tướng Anh quốc, bà Margaret Thatcher hôm nay 27.4.2009 đã có cuộc nói chuyện trao đổi với ĐGH Benedictô XVI sau khi Ngài có cuộc gặp gỡ vào ngày thứ Tư hằng tuần với khách thập phương tại Vatican.

Đức giáo hoàng bắt tay và có cuộc đàm đạo ngắn với cựu nữ thủ tướng Anh đầu tiên và thường gọi thế giới gọi là Iron Lady (Bà sắt đá). Bà Thatcher năm nay 83 tuổi, là một tín đồ Tin Lành, bà mặc áo mầu đen và trên đầu cũng che khăn đen khi gặp Đức Giáo Hoàng.
 
Học sinh tiểu học già nhất thế giới vừa được chịu phép Thánh Tẩy.
Nguyễn Long Thao
03:14 28/05/2009
NAIROBI, Kenya, 2705/09. - Tập san Guiness chuyên ghi tên các người phá kỷ lục thế giới về mọi lãnh vực vừa vinh danh cụ ông Kimani Ng'ang'a Maruge là người già nhất thế giới theo học bậc tiểu học. Cụ ông Maruge là người Kenya bắt đầu đi học đánh vần vào lúc cụ 84 tuổi. Sau 6 năm theo học, năm nay cụ 90 tuổi đã đọc được chữ. Cụ dùng sách Phúc Âm để tập đọc nhờ đó cụ hiểu đạo Chúa và cụ đã lãnh nhận bí tích rửa tội gia nhập đạo Công Giáo.

Theo tin của tờ Hiệp Thông Quốc Tế, Chúa Nhật tuần qua tại nhà thờ Chúa Ba Ngôi ở Kaiobangi, phía đông thủ đô Nairobi, cụ đã chịu phép Thánh Tẩy và nhận tên thánh là Stêphanô.

Cụ nói với phóng viên tờ Hiệp Thông Quốc Tế rằng cụ chọn tên thánh Stêphanô vì cụ nhất quyết theo Chúa đến hơi thở cuối cùng.

Cụ tâm sự: “ Sau khi đọc được Kinh Thánh tôi quyết định xin chịu phép Thánh Tẩy”

Hiện nay cụ đang phải ngồi xe lăn vì bị bệnh ung thư dạ dầy. Cụ cho biết thêm: “ Nhờ đọc Kinh Thánh tôi biết được tên Stêphanô. Tên này thích hợp với những ai đang trải qua giai đoạn nghiệt ngã của cuộc đời như tôi.”

Linh Mục Paulino Mondo, cha sở giáo xứ Chúa Ba Ngôi xác nhận nhờ biết đọc biết viết, cụ đã hiểu Phúc Âm và thi đậu các bài thi giáo lý.

Theo tin của hãng thông tấn Zenit của Tòa Thánh, câu chuyện hiếu học của cụ Maruge đang được giới điện ảnh ở Hollywood làm thành phim có tựa đề: “The First Grader” (Học Sinh Cấp Một).
 
Vatican tham gia Năm Thiên Văn
Vũ Văn An
04:15 28/05/2009
Tin Zenit ngày 26 tháng Năm cho hay Đức Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Florence, Ý, là Đức Cha Giuseppe Betori nhận định rằng hiện đang có một cuộc đối thoại căn bản giữa đức tin và lý trí, và ta có thể dùng một hội nghị quốc tế về Galileo để chứng minh điều vừa nói.

Đức Cha Betori phát biểu điều trên khi lên tiếng trước một hội nghị đang diễn ra tại Florence với chủ đề: “Vụ Galileo: Một Tái Xét có tính Lịch Sử, Triết Học và Thần Học”. Cuộc hôị nghị này được khai mạc vào ngày 26 tháng Năm tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Giá, nơi Galileo được chôn cất. Hội nghị này do sáng kiến của Qũy Niels Stensen của Dòng Tên, và là một phần trong các cử hành nhân Năm Quốc Tế Thiên Văn do UNESCO bảo trợ.

Tổng thống Ý là ông Giorgio Napolitano cũng hiện diện trong lễ khai mạc nói trên. Tại Hội Nghị này, 33 diễn giảng sẽ góp tiếng, với sự tham dự của 18 định chế quan trọng, trong đó có Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học, và Đài Quan Sát Vatican.

Theo tường trình của tờ L’Osservatore Romano, Đức TGM Betori lên tiếng về Galileo và Giáo Hội. Ngài quả quyết rằng vụ án của ông cả hàng mấy thế kỷ qua vẫn được người ta coi như “một hiểu lầm bi thảm và hỗ tương”. Ngài cho hay ngài muốn Năm Thiên Văn “tái lập và tái trình bày một cách sáng tạo cuộc đối thoại căn bản vốn hiện hữu giữa đức tin và lý trí, xét từ viễn ảnh hợp tác thường xuyên giữa Giáo Hội và các định chế nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế và thăng tiến xã hội”.

Theo ngài, “Đức tin không lớn lên bằng việc bác bỏ lý tính, mà đúng hơn tự tích nhập mình vào một chân trời rộng lớn hơn của lý tính”. Khi lý trí tách rời khỏi đức tin, thì nguy cơ sẽ xẩy tới là nó sẽ “bị rút gọn lại chỉ còn là tính toán và duy nhất ước đoán lợi ích mâu thuẫn” mà thôi. Trong trường hợp này, lý trí “thường không ý thức hay để cho mình ra mù lòa, không nhìn ra các vấn đề sinh tử, các giá trị căn bản và tình huống nhân bản quan yếu”.

Đức TGM Betori cũng cho rằng hội nghị về Galileo “không những có giá trị cao về văn hóa và biểu tượng, mà nó còn cho thấy hiện vẫn có những điều kiện để ta chia sẻ một cách xây dựng các trách nhiệm, trong khi vẫn ý thức được các vai trò và trách vụ của nhau”. Cuộc hội nghị này sẽ chấm dứt vào ngày 30 tháng Năm này.

Ý niệm phát sinh

Tư liệu của ban tổ chức hội nghị thuật lại món quà gửi cho hoàng thân Flanders là Maurice thành Nassau vào năm 1609 với hàng chữ ghi chú “một chiếc kính thám thính chế tạo cách khéo léo đến độ làm cho những vật ở một khoảng cách rất xa cũng có thể nhìn thấy thật gần”. Trong thư gửi cho người em rể ấy, Galileo đã dùng mấy lời trên để mô tả món đồ chơi đang làm ông hết sức chú tâm. Chỉ sau đó không lâu, món đồ chơi ấy đã trở thành một dụng cụ cách mạng thay đổi căn để ý niệm về thế giới vật lý, sản sinh ra một cái nhìn vũ trụ hết sức mới mẻ.

Galileo là người đầu hết đã trực giác được cách sử dụng “bất thích hợp” món đồ chơi trên. Ông đã hướng nó lên bầu trời để quan sát những vì tinh tú xa xăm, và từ đó đã kích thích trí tưởng tượng và óc tò mò của không biết bao nhiêu con người sau ông.

Sau khi hiểu rõ cơ phận vận hành của món đồ chơi ấy, Galileo bèn tái sản xuất nó, áp dụng hai lăng kính vào hai đầu một chiếc ống, một lăng kính với một mặt phẳng còn mặt kia cong lõm (concave) đặt gần mắt quan sát, lăng kính kia với một mặt phẳng mặt kia cong lồi (convex) đặt ở phía đối diện.

Dụng cụ được chính Galileo chế tạo đó cho phép khuếch đại sự vật quan sát lên tới 8 lần, do đó tự chứng tỏ là tốt hơn bất cứ “kính thám thính” nào của Miền Xứ Thấp (Hòa Lan). Vào ngày 21 tháng Tám năm 1609, Galileo đem dụng cụ mới biến chế tới Venice để gây ấn tượng đối với một nhóm qúy tộc; ông tổ chức một buổi trình diễn trên đỉnh tháp chuông Nhà Thờ Thánh Marco và ba ngày sau, dâng nó cho Pháp Quan (Doge) làm quà, nhấn mạnh tới giá trị lớn của nó về phương diện quân sự, cả cho hải quân lẫn lục quân. Theo ông, trong trường hợp bị quân ngoại quốc tấn công, chỉ cần nhìn vào dụng cụ này cũng có thể thấy trước đường tiến quân của địch cả mấy giờ đồng hồ và nhờ thế tổ chức được tuyến phòng thủ và phản công kịp thời. Để tưởng thưởng cho thành công khoa học này, chính phủ của Cộng Hòa Venice đã ban tặng ông một chức vụ suốt đời tại Đại Học Padua, với lương một nghìn Florins một năm.

Để khai triển hơn nữa dụng cụ này và để tạo ra một dụng cụ có thể giúp ông khuếch đại sự vật ở xa lên 30 lần, Galileo muốn có những lăng kính mà không nhà tạo kính nào lúc đó có thể thực hiện được. Do đó, được khuyến khích nhờ đã thành công chế ra các dụng cụ khác (La bàn hình học và quân sự, một nhiệt kính [thermoscope], nam châm “quân sự”), ông bắt tay chế tạo một “viễn vọng kính” (telescope) để quan sát bầu trời.

Nhờ viễn vọng kính này, trong khoảng từ 1609 tới 1610, Galileo đã khám phá được một loạt các chi tiết, được dần dần và sâu sắc đem ra thảo luận chung quanh ý niệm hiện hành về vũ trụ của trường phái Aristốt và Ptôlêmê.

Galileo quan sát Mặt Trăng, Dải Ngân Hà, Sao Mộc (Jupiter), Sao Thổ [Saturn] “ba thân”, các giai đoạn của Sao Kim (Venus) cũng như những đốm mặt trời. Tháng Ba năm 1610, tại Venice, cuốn Sidereus Nuncius (Sứ Giả Tinh Cầu) được xuất bản, trong đó, Galileo công bố với toàn thế giới những khám phá phi thường đầu tiên do ông thực hiện được nhờ dùng viễn vọng kính; quan trọng hơn nữa, tác phẩm này còn là một điển hình trong vấn đề truyền thông khoa học hiện đại.

Truyền thống Aristốt và Ptôlêmê, theo đó, vũ trụ được phân chia thành hai lãnh vực với hai bản chất khác nhau (một lãnh vực bên dưới Mặt Trăng, trong đó, các yếu tố liên tục thay đổi, và lãnh vực kia ở trên Mặt Trăng, trong đó, mọi vật đều bất biến và trường cửu) đã hết khả năng, không giải thích được các hiện tượng do viễn vọng kính của Galileo tìm ra. Không nói, thì biến đổi này đã mang họa lại cho bản thân Galileo.

Đề tài

Sự thật về vụ đó như thế nào sẽ là chủ đích của cuộc hội nghị này, với những đề tài thật sôi động. Ngay ngày đầu tiên, người ta đã được nghe các đề tài ‘nóng bỏng’ rồi: Kiểm duyệt của Giáo Hội và triết học tự nhiên thời Galileo do Vittorio Fraiese trình bày; chủ thuyết Copernic và thần học, do Mauro Pesce trình bày; các thiên thể mới và bản văn thánh, do Maurice Clavelin trình bày; Dòng Tên: Người Chuyển Giao Khoa Học Galileo, do Rivka Feldhay trình bày; Thiên nhiên và Sách Thánh, do Pietro Redondi trình bày; Vụ xử năm 1633, do Annibale Fantoli trình bày; cơ phận kiểm soát xã hội và hệ thống bảo hộ: Gia đình Farnese và Galileo, do Federica Favino trình bày; Galileo và luận điểm của Đức Urbanô VIII, do Luca Bianchi trình bày.

Các đề tài ngày thứ hai không kém nóng bỏng: Vụ Galileo trong Văn Hóa Ý thế kỷ 17, do Franco Motta trình bày; Vụ Galileo trong Văn Hóa Anh thế kỷ 17, do Franco Giudice, trình bày; Các hậu quả đầu tiên của vụ Galileo nơi các nhà phóng túng và triết gia Pháp, do Isabelle Pantin trình bày; Vụ Galileo và suy tư thần học, do Jean-Robert Armogathe trình bày; Hoạt động khoa học theo cái nhìn của các nhà kiểm duyệt của Giáo Hội, từ “Licet ab initio” (1542) tới “Sollicita ac provida” (1753), do Ugo Baldini trình bày; phong trào Ánh Sáng và vụ Galileo do Vincenzo Ferrone trình bày; Vụ Galileo và Văn Phòng Thánh (Bộ Tín Lý ngày nay) 1820-1822: Chấm dứt Cuộc Tranh Cãi?, do Francesco Beretta rình bày.

Ngày thứ ba, 29 tháng Năm, ngày thảo luận cuối cùng, cũng vẫn những đề tài nóng bỏng: Galileo và Bruno “các tử đạo vì Tự Do Tư Tưởng”, do Michele Ciliberto trình bày; Galileo và cuộc thống nạn của Resorgimento, do Massimo Bucciantini trình bày; Vụ Galileo và trường phái tân Tôma của thập niên 1800, do Luciano Malusa, trình bày; Vụ Galileo và vấn đề Thánh Kinh, do Claus Arnold trình bày; việc diễn tả Galileo trong lối vẽ tranh thế kỷ 19, do François de Vergnette trình bày; Galileo và Bellarmino giữa Duhem và Feyerabend, do Jean-François Stoffel trình bày; Galileo thời Quốc Xã, do Volker R. Remmert trình bày; Công đồng Vatican II, Paschini và Galileo, do Alberto Melloni trình bày; và cuối cùng: Galileo bị phán đoán: từ Urbano VIII tới Gioan Phaolô II, do George Coyne trình bày.

Diễn giả

Tất cả 33 diễn giả đều có tiểu sử trong tài liệu của ban tổ chức. Họ đều là các chuyên gia thuộc nhiều lãnh vực khác nhau. Như diễn giả sau cùng vừa kể trên đây, linh mục George Coyne, Dòng Tên. Ngài vốn tốt nghiệp ĐH Fordham năm 1958, với văn bằng về toán học và triết học. Sau đó, ngài còn tốt nghiệp thiên văn học tại ĐH Georgetown vào năm1962. Năm 1976, được đề cử làm Chuyên Viên Nghiên Cứu Cao Cấp tại viện Thí Nghiệm Mặt Trăng Và Hành Tinh (Lunar and Planetary Laboratory) của Trường Đại Arizona. Sau đó, ngài được đề cử vào chức vụ Giám Đốc Đài Quan Sát Catalina của ĐH Arizona, và Phó Giám Đốc của Viện Thí Nghiệm Mặt Trăng và Hành Tinh. Trong hai năm 1979-1980, ngài xử lý thường vụ chúc Giám Đốc Đài Quan sát Steward của Đại Học Arizona kiêm giáo sư tại phân khoa Thiên Văn của ĐH này. Từ 1978 tới năm 2006, ngài là Giám Đốc của viện Specola Vaticana, và hiện là Giám Đốc về hưu của nó. Các tác phẩm mới xuất bản gần đây của ngài bao gồm: Đức Tin và Nhận Thức Hướng Tới Cuộc Hội Ngộ Mới giữa Khoa Học và Thần Học (2007) và với E.Boncinelli, L'Universo e il Senso della Vita. Un Ateo e un Credente: Due Uomini di Scienza a Confronto (2008).

Theo cha Coyne, vào ngày 31 tháng Mười năm 1992, Đức GH Gioan Phaolô II, trong một bài diễn văn, có nói với Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học rằng: “Từ vụ Galileo, có thể rút ra một bài học áp dụng cho thời đại ta ngày nay, xét vì các tình huống tương tự đang xẩy ra bây giờ và sẽ xẩy ra trong tương lai”. Đúng 350 năm về trước, Đức GH Urbanô VIII công bố rằng Galileo đã làm cho mình phạm tội vì “một ý kiến rất sai lạc và rất lầm lỗi và đã đem lại gương xấu cho toàn thể thế giới Kitô Giáo”.

Cha cho hay: Sự tương phản giữa hai phán đoán chính thức của Giáo Hội ấy đối với Galileo, cách nhau 350 năm, quả là lớn lao. Vấn đề là: nó báo hiệu điều gì cho 350 năm sắp đến? Bởi thế bài tham khảo của Cha Coyne không hẳn có tính khoa bảng, nhưng nó nhằm trình bày một phán đoán đối với dĩ vãng và hiện tại hướng tới một tương lai.

Diễn giả trình bày đề tài “Vụ Galileo và suy tự thần học” vào ngày thứ hai cũng là một linh mục, cha Jean-Robert Armogathe, thuộc Tổng Giáo Phận Paris. Hiện nay, cha là Giám Đốc Nghiên Cứu Lịch Sử Các Ý Niệm Tôn Giáo và Khoa Học ở Âu Châu Hiện Đại của Trường Thực Tế Cao Học tại Paris và cũng là thành viên của Hàn Lâm Viện Quốc Tế về Lịch Sử và Triết Lý Khoa Học, chủ nhiệm tập san “Communio». Tại Ý, Cha là thành viên của Úy Ban Khoa Học tại Trung Tâm Nghiên Cứu Descartes và Triết Học về Sáu Trăm Năm tại ĐH Lecce và Ủy Ban Tiến Sĩ tại Phân Khoa Nghệ Thuật và Triết Học tại ĐH “La Sapienza” ở Rôma. Trong các công việc của mình, cha tra cứu sự phát nguyên và khai triển của tư tưởng triết học và thần học thời hiện đại, nhất là về chủ nghĩa Descartes. Trong các công trình gần đây của cha, phải kể: Thế giới Trung Cổ và Xã Hội Chartres (Paris, 1997); Lý Lẽ của Giáo Hội (Paris, 2001); Ba Ngôi Thiên Chúa (Paris, 2001); Thư Mục Descartes (1960-1996) (Lecce 2003); Kitô giả thời Cổ Điển: Khoa Chú Giải và Chính Trị (Paris 2004).

Diễn giả trình bày đề tài: “Galileo thời Quốc Xã” là Volker R. Remmert. Diễn giả này là một nhà toán học kiêm sử gia. Ông hiện dạy lịch sử toán học và khoa học tại ĐH Mainz. Sở thích của ông là nghiên cứu lịch sử khoa học, nghệ thuật và văn hóa tại Âu Châu thời tiền cận đại và lịch sử toán học tại Đức trong các thế kỷ 19 và 20. Các trước tác mới đây của ông bao gồm: Cổ thời, Qúy Tộc và Tiện Ích: Tưởng Nghĩ Các Khoa Toán Học Vào Đầu Thời Cận Đại đăng trong Thủ Bản Oxford về Lịch Sử Toán Học (Oxford 2009); Tự Nhiên và Sách Thánh trong các Tôn Giáo Abraham (Boston 2009)…

Remmert nhận định rằng: trọng tâm bài trình bày của ông là số phận có tính sử và địa dư của Galileo Galilei tại nước Đức thời Quốc Xã. Galileo đóng một vai trò đáng lưu ý đối với việc tuyên truyền của Quốc Xã cũng như việc họ hợp pháp hóa các mục iêu chính trị của họ. Tại Đệ Tam Reich, điển hình lên án Galileo của Giáo Hội Công Giáo vào năm 1633 đã trở thành một biểu tượng cho việc Giáo Hội này chống lại các kết quả “khoa học” mới, tức lý thuyết Quốc Xã về chủng tộc. Sau khi người Công Giáo lên cao điểm trong việc chống lại chủ thuyết chủng tộc của Quốc Xã vào năm 1937, thì vụ án Galileo đã được bộ máy tuyên truyền của Quốc Xã triệt để khai thác nhằm chống lại Giáo Hội Công Giáo.
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân giám mục cho giáo phận Allentown, Hoa Kỳ
Peter Nguyễn Minh Trung
15:11 28/05/2009
ALLENTOWN, PENNSYLVANIA (CNA) - Một Linh mục gốc Delaware được rửa tội năm 1960 bởi Đức cha Fulton Sheen vừa được chỉ định làm tân Giám mục Giáo phận Allentown, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Hôm qua 27-05-2009, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã bổ nhiệm Đức ông John Oliver Barres, cố vấn giáo phận thuộc Linh mục đoàn giáo phận Wilmington, Hoa Kỳ làm Giám mục Giáo phận Allentown (diện tích 7,183m2, dân số 1,184,000 người, trong đó có 276,662 giáo dân, 279 linh mục, 105 phó tế vĩnh viễn). Vị Tân Giám mục được chỉ định sinh tại Port Chester năm 1960 và được thụ phong Linh mục năm 1989. Ngài sẽ kế vị Đức cha Edward P. Cullen vừa đệ đơn xin từ chức ở tuổi 75 theo Giáo luật và được Đức Thánh Cha chấp thuận.

Đức cha W. Francis Maloody, Giám mục đương nhiệm Giáo phận Wilmington trước đây của Đức Tân Giám mục nói với cộng đoàn Dân Chúa ở Allentown rằng họ sẽ có một vị Giám mục với "tinh thần truyền giáo giống Thánh Phaolô Tông Đồ dân ngoại."

Đức cha Maloody nói tiếp: "Đức Tân Giám mục luôn mong chờ mình có thể mời gọi mọi người cảm nghiệm sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Các bạn sẽ nhanh chóng khám phá được tại sao, trong suốt 20 năm Linh mục của mình, vị Tân Giám mục luôn là một trong những người được yêu mến và kính trọng nhất trong hàng ngũ các Linh mục của Giáo phận chúng tôi. Chúng tôi rất buồn khi Đức Tân Giám mục theo lệnh Tòa Thánh lên đường nhận nhiệm sở mới."

Sinh ra ở Port Chester, New York năm 1960, Đức ông Barres được rửa tội cùng năm bởi Đức cha Fulton J. Sheen. Cha mẹ của Đức ông Barres đã quyết định cải đạo sang Công giáo chỉ năm năm sau khi trải qua quá trình đào tạo để trở thành Mục sư Tin Lành.

Sau khi nhận bằng cử nhân quản trị kinh doanh tại Đại học danh giá Princeton và Đại học New York, Barres theo học Thần học tại Đại học Công giáo America rồi sau đó là Đại học Giáo hoàng Thánh Giá ở Rome.

Barres được thụ phong Linh mục năm 1989 và phục vụ ở Rome trước khi hoàn thành các chương trình học của mình tại đây. Sau khi trở về lại Hoa Kỳ, Cha Barres được bổ nhiệm làm cố vấn Giáo phận Wilmington.

Đức Hồng Y Justin Rigali của TGP Philadelphia cũng ra một thông báo sau khi Tòa Thánh bổ nhiệm Đức ông Barres, đoạn viết như sau: "Tôi nồng nhiệt chào mừng Đức Tân Giám mục Barres tới Philadelphia để nhận một Giáo phận thuộc tiểu bang Pennsylvania này. Tôi tin tưởng rằng vị Tân Giám mục cũng sẽ được toàn thể các giáo sĩ và giáo dân ở Allentown chào đón như vậy, trở thành vị mục tử mới của họ."

Đức ông Barres sẽ được tấn phong tại Nhà thờ Chánh tòa Giáo phận Allentown, Pennsylvania vào ngày 30 tháng 06 sắp tới. Ngài sẽ là chủ chăn của gần 300,000 giáo dân và 279 linh mục.
 
Đức Thánh Cha khai mạc Hội nghị Giáo phận Rôma
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
15:12 28/05/2009
Vatican (VIS) – Tối hôm 26/05, tại Vương Cung Thánh Đường John Lateran, Nhà thờ Chánh tòa của Giáo phận Rôma, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khai mạc Hội nghị giáo phận Rôma. Hội nghị này kéo dài đến ngày 29 tháng Năm với chủ đề: "Các thành viên Giáo Hội và đồng trách nhiệm mục vụ".

Tiếp đón Đức Thánh Cha đến với Hội nghị có Đức Hồng y Agostino Vallini, Tổng Đại diện Giáo Hoàng tại Giáo phận Rôma. Trong huấn từ, Đức Thánh Cha nhắc lại những thời khắc làm việc hoà điệu với Giáo phận, bằng "một cảm giác thật sự thuộc về Giáo Hội", và nhấn mạnh đến sự cần thiết dấn thân gấp bội về phần giáo dân, những người được kêu gọi "không chỉ là các cộng tác viên của giáo sĩ" mà còn là người gánh vác những trách nhiệm cụ thể trong đời sống của Giáo Hội.

Sau đó, ngài nhấn mạnh đến những khuynh hướng sai lầm dẫn đến nhận dạng Giáo Hội chỉ bằng giáo triều mà quên rằng mọi người đều là thành phần của Giáo Hội "từ Giáo Hoàng cho đến người mới nhất được rửa tội", hoặc quan niệm Dân Chúa theo những điều kiện về xã hội và chính trị, trong khi lại bỏ qua tính mới mẻ nơi Giáo Hội.

Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói về những thành quả tốt đẹp của Công Đồng Vatican II, và bác bỏ những hình thức giải thích rằng Công đồng như là một cuộc tấn công vào sự tiếp diễn của truyền thống của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha mời gọi những người trẻ "trải nghiệm vẻ đẹp của Giáo Hội" trong một thế giới mà chủ nghĩa cá nhân chế ngự và cảm giác hệ thuộc đang bị mất dần. Ngài cũng đề xuất việc tạo ra các nhóm truyền giáo tại nơi làm việc, nơi mà nhiều người tiêu tốn hầu hết thời gian ở đó, và nêu bật sự cần thiết "chăm sóc mục vụ thích đáng về các vấn đề môi trường".

Sau đó, ngài nhắc lại có biết bao nhiêu người được rửa tội không cảm thấy họ thuộc về thành phần của cộng đoàn Giáo Hội và ít là giáo dân, mặc dù họ cho mình là người Công Giáo, sẵn sàng làm việc trong các lĩnh vực hoạt động mục vụ, Đức Thánh Cha khuyến khích các vị mục tử giúp tạo bầu khí thiêng liêng và tông đồ nơi đàn chiên của họ và cả nơi người dân Rôma.
 
ĐHY Sandoval kêu gọi tìm kiếm sự thật về cuộc ám sát vị tiền nhiệm
Peter Nguyễn Minh Trung
15:15 28/05/2009
GUADALAJARA, MEXICO (CNA) - Nhân dịp tưởng niệm 16 năm ngày Đức Hồng Y Juan Jesus Posadas Ocampo của Guadalajara bị ám sát (24-05-1993), vị kế nhiệm ngài là ĐHY Juan Sandoval Iniguez kêu gọi tìm kiếm sự thật để làm sáng tỏ sự kiện trên. ĐHY Sandoval nói: "Chúng ta không được từ bỏ quyết tâm tìm kiếm sự thật."

ĐHY Juan Jesus Posadas Ocampo
Trong một tường trình chi tiết được xuất bản bởi tờ báo của TGP Guadalajara "Seminario", ĐHY Sandoval nói nỗ lực của ngài là tìm kiếm công lý nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết của ĐHY Juan J. P. Ocampo, điều này thật không dễ dàng. ĐHY Sandoval cũng cho biết ngài không nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền bang Jalisco.

ĐHY Sandoval nói: "Thật khó bởi vì tôi đang phải đối mặt với sự bách hại, đôi lúc là công khai, nhiều khi là lén lút từ những người có liên quan đến vụ việc 16 năm về trước." ĐHY cũng nêu rõ cộng đồng ở Jalisco đã và đang "im lặng" một cách đáng sợ về nguyên nhân vụ việc. ĐHY nói tiếp: "Một số người cũng lên tiếng trên truyền thanh, nhưng đối với công chúng thì họ lại làm như thể chẳng có gì xảy ra."

ĐHY Juan Sandoval
Liên quan đến vụ ám sát ĐHY Posadas, ĐHY Sandoval cho rằng ngài và các cộng sự viên có nhiệm vụ truy tìm sự thật, "bởi vì chính quyền không còn muốn giải quyết vụ việc này nữa, tôi không biết là họ không muốn giải quyết do sợ gặp phải phiền toái, ảnh hưởng chính trị hay điều gì đó khác."

Bản tường trình cũng nêu ra rằng "mười sáu năm sau vụ mưu sát ĐHY Posadas, trường hợp này vẫn chưa bị khép lại, và hy vọng rằng vẫn còn có cơ hội giải quyết nếu như chính quyền liên bang mở phiên tòa tìm kiếm các nhân chứng, mấu chốt của vụ mưu sát nhằm tháo gỡ những điều dối trá và truy tìm những kẻ đồng phạm."

Bản tường trình chỉ ra phạm nhân Alberto Gallardo Robles, kẻ đang bị giam cầm tại Hoa Kỳ, và vị cựu tổng thống Carlos Salinas là những nhân vật then chốt trong cuộc mưu sát. Fernando Guzman, tổng thư ký tiểu bang Jalisco và một trong những vị luật sư của ông này cũng nằm trong số đó. Chứng cứ từ tổng thống Salinas là quan trọng vì "ông ta là người nắm rõ nhất tình hình lúc bấy giờ và ông ta có thể cung cấp những yếu tố quan trọng để làm sáng tỏ vấn đề."

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong một cố gắng nhằm chạy tội, cựu tổng thống Mễ Tây Cơ Carlos Salinas de Gortari đã thỉnh cầu nhà chức trách nước này và Giáo Hội Công Giáo miễn truy tố ông về trách nhiệm liên quan đến cái chết của Đức Hồng Y Juan Jesus Posadas Ocampo vào năm 1993.

Tháng 10-2006, chỉ ít lâu sau khi được bổ nhiệm làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ĐHY Tarcisio Bertone đã gặp ĐHY Sandoval và cả hai vị luật sư để bàn thảo về vấn đề này.

Ngày 24-05-1993, tại phi trường Guadalajara, ĐHY Juan Posadas Ocampo, trong phẩm phục Hồng Y của ngài, đã bị bắn chết cùng với người tài xế và 5 người khác. Chính quyền Mexico lúc bấy giờ đã đổ lỗi cho hai băng nhóm buôn bán ma tuý bắn nhau trong phi trường và tình cờ gây ra cái chết của Đức Hồng Y. Không mấy ai tin vào giải thích chính thức này của chính quyền Mexico lúc ấy...Vụ ám sát đã được mở ra và khép lại nhiều lần, tuy nhiên chưa có ai bị bắt.

Tờ Excelsior, trong số ra ngày 24-05-2007, nhân kỷ niệm 14 năm cái chết oan khuất và đau thương của ĐHY Juan, đã tường thuật là một số báo cáo đề ngày 16-10-2006 và vào tháng 05-2007 đã cho thấy Giáo Hội Công Giáo có ý muốn điều tra sâu rộng và làm rõ trách nhiệm của những ai có liên quan đến cái chết của ĐHY Posadas. Những báo cáo này được luân lưu trong các giới chức cao cấp của Giáo Hội Công Giáo tại Mexico và trong số những báo đó có một báo cáo gởi cho ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Báo cáo gởi cho phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho thấy Tòa Thánh bất bình trước cái chết mờ ám của ĐHY Juan và đang gây sức ép lên chính quyền Mexico để điều tra về cái chết của Đức Hồng Y.

Sau cái chết của ĐHY Juan, Tòa Thánh không ngừng đặt câu hỏi với các chính quyền liên tiếp của Mexico về hoàn cảnh qua đời của ngài. Giáo Hội Công Giáo đã theo đuổi vụ án này trong nhiều năm và cử một luật sư là ông Jose Ortega Sanchez nhằm theo đuổi vụ kiện này.

Hôm 25-05-2007, luật sư Jose Ortega Sanchez xác nhận các báo cáo do tờ Excelsior đưa ra là có thật và cho biết thêm cựu tổng thống có liên quan Carlos Salinas de Gortari đã tìm người giúp làm trung gian để có thể triều yết Đức Thánh Cha Benedict XVI.

Trong cuộc điều trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ hôm 06-04-2006, ĐHY Theodore E. McCarrick nguyên TGM của TGP thủ đô Washington phàn nàn rằng giải thích của chính quyền Mexico về cái chết của ĐHY Juan Posadas Ocampo là "một sự chế nhạo công lý". Theo Đức Hồng Y McCarrick, "vụ ám sát ĐHY Juan Posadas Ocampo quá hiển nhiên là có dính đến ma tuý."

"Ngài được cả nước biết đến như một người chỉ trích không chút sợ hãi trước dịch buôn bán ma tuý, không những chỉ trích những kẻ buôn lậu ma tuý, ngài còn mạnh dạn chỉ trích chính quyền nhắm mắt làm ngơ hay tệ hơn nữa là tiếp tay cho bọn chúng."

Luật sư Jose Ortega, của tổng giáo phận Guadalajara, người đã theo đuổi vụ án trong 10 năm cho biết khám nghiệm pháp y chứng thực Đức Hồng Y đã bị bắn đến 14 phát đạn trong tầm bắn gần. Điều này loại bỏ hoàn toàn giả thuyết cho rằng Đức Hồng Y đã chết vì bị đạn lạc.

Trong cuộc điều trần tại Hạ viện, thay mặt cho Đức Hồng Y quá cố, luật sư Jose Ortega, nhận định rằng: "Chúng ta đang chứng kiến một tội ác bởi chính quyền một nước nơi ô dù che chở, những khiếm khuyết nghiêm trọng trong điều tra và tình trạng vô nguyên tắc đã được để tự do thao túng trong tiến trình xét án."
 
Cướp có vũ trang tấn công nữ tu và một phụ nữ tại tu viện ở Tanzania
Peter Nguyễn Minh Trung
15:17 28/05/2009
SUTTON (CNA) - Một băng nhóm cướp vụ trang đã đột kích vào một tu viện ở Tanzania, tấn công một nữ tu, các nhân công đang làm việc và bốn phụ nữ lớn tuổi đang được các nữ tu chăm sóc. Bản tin về vụ tấn công này được truyền đi nhanh chóng bởi Tổ chức Từ thiện Công giáo Quốc tế nhằm quyên góp những đóng góp để giúp các nữ tu sửa chữa tu viện và khắc phục thiệt hại.

Một nhóm khoảng 25 kẻ lạ mặt đã đột nhập vào Tu viện Dòng Thánh nữ Clara Khó nghèo ở Mwanza. Chúng đánh Sơ Mary Noel vào đầu bằng con dao rựa và liên tục đập cho đến khi Sơ gục ngã. Trong khi tấn công, chúng đã cướp hết tiền bạc và điện thoại di động của mọi người. Nữ viện trưởng là Sơ Mary Assumpta, người dẫn dắt 45 nữ tu, đã mô tả lại cuộc tấn công trong một lá thư gửi Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội nghèo (ACN).

Sơ Mary Assumpta viết: "Khi những kẻ tấn công đến, Sơ Noel không hề sợ hãi, Sơ ấy đã nói với chúng tôi rằng: 'Chúa ban ơn can đảm cho chúng ta'."

Lúc ấy, sau khi chúng tấn công Sơ Noel, các nữ tu khác chạy đến và "khẩn cầu ơn trợ giúp từ Thiên Chúa."

Trong vòng hai ngày sau cuộc tấn công, 12 người đã bị bắt giữ vì liên quan đến vụ việc. Cảnh sát đang điều tra rõ hơn.

Ít nhất chúng đã phá và làm hư hại tám cánh cổng, bỏ lại các nữ tu bị thương tích. Sơ Mary Assumpta mong ước được ACN trợ giúp để thay thế những cánh cửa bị hư hại vì các Sơ sống rất khó nghèo không đủ kinh phí để thay cổng mới.

ACN lập tức trợ giúp khẩn cấp 2,200 Mỹ kim cho các Sơ. Nữ viện trưởng bề trên Tu viện đã cảm kích và gọi sự hỗ trợ là một "khích lệ" cho sứ vụ tông đồ mà các Sơ đang đảm nhiệm và "một cách đặc biệt cùng nhau vượt qua những ngày khó khăn này."

Vụ cướp trùng khớp với sự kiện ACN vừa mới giúp đỡ các Sơ 8,400 Mỹ kim để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho Tu viện.

ACN cho biết tình trạng hiện nay của Sơ Mary Noel vẫn còn nghiêm trọng và chưa kết luận được. Các nữ tu khác bị tấn công nhẹ hơn thì đang dần hồi phục.
 
Tổng thống Obama bổ nhiệm nhà thần học giải phóng gốc Cuba làm tân Đại sứ Mỹ tại Tòa Thánh
Peter Nguyễn Minh Trung
15:21 28/05/2009
WASHINGTON D.C, (CNA) - Trong một động thái gây ngạc nhiên, tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố vào chiều hôm qua 27-05 bổ nhiệm tiến sĩ Miguel H. Diaz, 45 tuổi, là một thần học gia giải phóng sinh tại Havana (Cuba) trở thành tân Đại sứ Mỹ tại Tòa Thánh.

Miguel H Diaz
Là giáo sư thần học tại Đại học Thánh Gioan và Cao đẳng Thánh Beneđictô, Miguel Diaz có lập trường ủng hộ mạnh mẽ cho Obama. Ông là cha của bốn người con, đã đạt bằng cử nhân từ Đại học Thánh Tôma ở Miami, Florida. Ông cũng nhận học vị tiến sĩ thần học từ Đại học Notre Dame.

Trước đây Diaz đã từng dạy học tại Đại học Barry ở Miami Shores, Florida; dạy tại Chủng viện Thánh Vincent de Paul ở Boynton Beach, Florida; Đại học Dayton ở Dayton bang Ohio và dạy ở Đại học Notre Dame. Ông cũng đã từng đảm nhiệm chức vụ chủ nhiệm khoa học ở Chủng viện Thánh Vincent de Paul. Miguel Diaz nói thuần thục tiếng Italia, Tây Ban Nha và Pháp.

Diaz làm việc cho ủy ban của Hiệp hội Thần học Công giáo Hoa Kỳ và là cựu chủ tịch Viện nghiên cứu Thần học Công giáo Hispanic Hoa Kỳ, cựu thành viên của ủy ban điều hành Hiệp hội Karl Rahner.

Ông từng là chuyên viên cố vấn thần học cho Hiệp hội các Giáo viên và các nhà Thuyết giáo Công giáo, ông cũng được chỉ định đảm nhiệm chức vụ duyệt xét các quan điểm thần học cho Hiệp hội các Trường Thần học.

Diaz là tác giả của những quyển sách: "On Being Human: U.S. Hispanic and Rahnerian Perspectives" (NXB Orbis Books, 2001); đồng biên tập quyển "From the Heart of Our People: Explorations in Catholic Systematic Theology" (NXB Orbis Books, 1999;) và ông còn là tác giả của hàng loạt các bài báo và chương sách được khởi hứng từ đề tài thần học giải phóng Mỹ Latinh, trong số đó có tác phẩm “The Life-Giving Reality of God from Black, Latin-American, and U.S. Hispanic Theological Perspectives,” “Otherness in Black Catholic and Latino/a Catholic Theologies and the Otherness of God,” và “Outside the Survival of Community there is no Salvation, in Building Bridges, Doing Justice: Constructing a Latino/a Ecumenical Theology” (NXB Orbis Press, 2009.)

Diaz hiện đang viết hai đầu sách: "Cuban-American Catholics" (NXB Paulist Press) và “Migrating Across Theological Borders: The Essentials of Theology from U.S. Hispanic Theological Perspectives" (NXB Orbis Books.)

Sự bổ nhiệm này của tổng thống Obama dường như là đáp trả đầu tiên của chính quyền Obama cho những người Công giáo ủng hộ không điều kiện các chính sách của ông. Thực ra, Diaz nằm trong danh sách thành viên của Liên hiệp Công giáo Phục vụ Công ích, dù rằng ông giải thích rằng mối liên hệ của ông với nhóm ủng hộ Obama (được sáng lập bởi Alexia Kelly, người theo Đảng Dân Chủ) chỉ là "một phản hồi về đề nghị trở thành cố vấn thần học" của nhóm này.

Trong một phát biểu ngắn, Diaz nói: "Tôi mong muốn được làm chiếc cầu nối ngoại giao giữa quốc gia chúng ta và Tòa Thánh, và nếu được Thượng viện thông qua, tôi sẽ tiếp tục công việc như những vị tiền nhiệm 25 năm nay của mình là xây dựng mối quan hệ tuyệt hảo với Tòa Thánh."

Miguel Diaz phục vụ trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Obama với người Công giáo vào năm 2008. Ông cũng đóng góp 1,000 USD cho Quỹ Chiến Thắng Obama.

Mặc dù ông luôn thừa nhận rằng mình là một "chiến binh canh giữ sự sống trên tất cả các mặt trận", thế nhưng Diaz lại là một trong số 26 học giả Công giáo ký tên trong một tuyên bố ủng hộ việc bổ nhiệm của tổng thống Obama đối với nữ thống đốc người Công giáo phò phá thai cách mạnh mẽ Kathleen Sebelius vào chức vụ Bộ trưởng Y Tế.

Bà Mary Ann Baenninger, Chủ tịch Trường Cao đẳng Thánh Beneđictô cho biết: "Trường chúng tôi tự hào việc Miguel được tổng thống bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng này. Miguel thực sự là một học giả thần học được kính trọng, một thầy giáo tuyệt vời. Và quan trọng hơn hết, ông đã có những đóng góp sâu sắc cho công công lý xã hội và Giáo hội Công giáo. Miguel đã sống thực một đời sống tràn đầy đức tin. Ông là ứng cử viên lý tưởng cho chức vụ Đại sứ tại Tòa Thánh."

Ông và vợ ông, tiến sĩ Marian K. Diaz là hai nhà sáng lập Hiệp hội Những Người Bạn Đồng Hành tại Cao đẳng Thánh Beneđictô, một tổ chức với mục đích phát triển và thăng tiến đời sống cộng đồng, các hoạt động công lý, xã hội cho các bạn trẻ Công giáo.
 
ĐTC Benedict XVI bổ nhiệm tân Giám mục phụ tá cho TGP Saint Paul & Minneapolis, Hoa Kỳ
Peter Nguyễn Minh Trung
16:44 28/05/2009
ST. PAUL, MINNESOTA (CNA) - Giáo dân Tổng Giáo phận St. Paul & Minneapolis vừa được nhận một món quà từ Đức Giáo Hoàng Benedict XVI vào hôm qua 27-05-2009 khi Vatican thông báo việc bổ nhiệm Linh mục Lee Piché làm Giám mục phụ tá cho hơn 850,000 người Công giáo ở TGP St. Paul & Minneapolis thuộc bang Minnesota.

Vị Tân Giám mục được bổ nhiệm sẽ thay thế cho chiếc ghế trống từ lúc Đức cha Richard E. Pates trước đó vào tháng 05-2008 đã được Tòa Thánh chỉ định làm Giám mục Giáo phận Des Moines. Vị Tân Giám mục sẽ được tấn phong vào ngày 29 tháng 06 tới đây nhân dịp Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ tại Vương Cung Thánh Đường St. Paul.

Sau khi nhận được tin bổ nhiệm, cha Piché nói: "Tôi thật vinh dự và thấp hèn khi được Đức Thánh Cha tin tưởng nơi tôi, đặt tôi làm Giám mục phụ tá nơi này. Đây quả là một Tổng giáo phận tuyệt vời với nhiều những cá nhân kiệt xuất, thánh thiện, với những giáo xứ và đoàn hội, đặc biệt là với những thử thách mục vụ quan trọng. Tôi cảm tạ Chúa đã chọn tôi phục vụ trên con đường này. Từ lúc nhận được tin bổ nhiệm từ Tòa Thánh, trong lòng tôi không ngớt cầu nguyện xin Chúa tăng sức cho tôi, để tôi có thể vững tin phục vụ ở cương vị Giám mục."

"Tôi xin gửi lời cảm ơn cách đặc biệt đến Đức Tổng Giám mục Nienstedt, người mà tôi hằng luôn ngưỡng mộ và kính trọng trong suốt thời gian tôi làm Cha Tổng đại diện của Giáo phận. Đức cha Nienstedt làm việc không mệt mỏi, luôn luôn là một người rõ ràng và giao tế tốt. Bạn luôn biết rằng bạn ở vị trí nào trong lòng của Đức cha. Đức cha Nienstedt sẽ luôn là thầy, là cố vấn của tôi."

Đức TGM John Nienstedt ca ngợi sự bổ nhiệm cha Piché của Đức Thánh Cha, ngài nói: "Tôi cầu nguyện mỗi ngày, nhiều lúc là nhiều lần một ngày, để được một vị phụ tá tốt và thánh thiện, và lời nguyện xin của tôi đã được Chúa thương chấp nhận. Đức Tân Giám mục Piché là một trong những Linh mục được kính trong nhất trong Tổng giáo phận của tôi. Cha Piché là vị mục tử rất thành công ở các giáo xứ lớn, đã phục vụ dưới nhiều cương vị khác nhau như điều hành viên của giáo phận và làm linh mục tổng đại diện. Tôi hy vọng sớm được cộng tác với vị Tân Giám mục trong việc điều hành và xử lý các nhu cầu mục vụ của Tổng Giáo phận lớn đầy sức sống này."

Cha Piché nói: "Tôi hằng luôn theo dõi những công việc mà Đức Tổng Giám mục Nienstedt đảm nhiệm, những nhiệm vụ hết sức khó khăn và nặng nề đã trải qua dưới 3 thời Giám mục trước đây với sự hăng say không ngừng - và nhiều người trong chúng tôi ngày đêm cầu nguyện để Đức cha sớm có một vị phụ tá mới nhằm bớt đi những gánh nặng của Đức cha. Tôi chỉ không thể hình dung được rằng những lời cầu nguyện ấy được Thiên Chúa đáp trả chính xác bằng cách này, Chúa đã chọn tôi."

Là con dân gốc Minneapolis, Piché đã gia nhập Chủng viện Saint Paul và được thụ phong Linh mục năm 1984 tại Vương Cung Thánh Đường St. Paul.

Cha Piché nhận bằng Cử nhân Thần học tại Chủng viện Saint Paul và bằng Cử nhân Triết học tại Đại học Columbia, New York.

Piché là con cả trong số 7 người con của ông LeRoy và bà Cecilia Piché, ở New Brighton, Minnesota. Ba trong số bốn anh và hai chị của Piché sống ở Twin Cities, một người anh khác ở Fresno, California. Cha Piché còn là chú của 16 đứa cháu trai và 5 cô cháu gái.

Đức Tân Giám mục sẽ phục vụ 852.000 tín hữu, 484 linh mục, 217 phó tế vĩnh viễn và 1,142 tu sĩ.
 
Top Stories
INDE: Le gouvernement fédéral compte trois ministres chrétiens, dont une catholique de 28 ans
Eglises d'Asie
16:40 28/05/2009
Fort de la victoire sans appel du Parti du Congrès lors des récentes élections législatives (1), le Premier ministre Manmohan Singh, reconduit dans ses fonctions le 22 mai dernier, a formé son nouveau gouvernement. Fruit d’équilibres subtils entre les appartenances partisanes, régionales, religieuses et de castes, sa composition a été rendue publique le 28 mai; on y compte trois ministres chrétiens, dont une catholique, Agatha Sangma, qui, à l’âge de 28 ans, est la benjamine d’une équipe comptant au total 79 membres.

Dès le 22 mai, le Premier ministre et 19 ministres issus du cabinet sortant avaient prêté serment devant le président de l’Union indienne, Patribha Devising Patel. Il était prévu que le reste de la nouvelle équipe gouvernementale soit formée le 26 mai, mais des négociations de dernière minute entre le Parti du Congrès et ses alliés politiques au Lok Sabha, le parlement fédéral, ont entraîné des retards. Finalement, c’est le 28 mai que 59 autres ministres ont prêté serment, en présence de Sonia Gandhi.

Parmi les minorités religieuses, les musulmans, qui forment 13 % de la population du pays, sont légèrement moins bien représentés dans le nouveau gouvernement que dans le sortant: de six, le nombre des ministres de religion musulmane passe à cinq. Les chrétiens, qui représentent 2,3 % de la population de l’Inde, sont eux plutôt bien représentés, avec trois ministres. L’un d’eux est un chrétien orthodoxe: K. V. Thomas, 63 ans, élu dans la circonscription d’Ernakulam, au Kerala, un des bastions chrétiens de l’Inde. Un autre est protestant: Vincent Pala, 41 ans, élu pour la première fois au Lok Sabha au titre d’une circonscription du Meghalaya, Etat du Nord-Est de l’Inde où les chrétiens forment 70 % de la population. Le troisième est donc une jeune femme catholique, Agatha Sangma.

Juriste de formation, avocate de profession, engagée sous les couleurs du Congrès, Agatha Sangma a été élue dans la circonscription de Tura, au Meghalaya. Elle est spécialiste des questions environnementales. Aborigène, elle est membre de la tribu des Garo et est entrée en politique sur les pas de son père, Purno A. Sangma, un ancien speaker (président) du Lok Sabha. Issue d’une fratrie de cinq enfants, elle compte deux de ses frères en politique. A 28 ans, elle est célibataire, ce qui a vite amené la presse indienne à écrire qu’elle était le plus beau parti politique du gouvernement. Toutefois, sa jeunesse n’a pas constitué un obstacle à sa nomination, au contraire, car le Premier ministre a déclaré avoir sciemment attribué un tiers des portefeuilles ministériels à de jeunes politiciens afin d’encourager les jeunes générations à s’engager en politique.

A ce jour, l’attribution des portefeuilles aux nouveaux ministres n’est pas connue, à l’exception de six d’entre eux – les principaux, à savoir les Finances, l’Agriculture, la Défense, l’Intérieur, les Chemins de fer et les Affaires étrangères. Le titulaire de la Défense est A. K. Antony, un homme politique issu du Kerala, né dans une famille chrétienne et qui se déclare aujourd’hui athée. Lui et cinq autres ministres ont refusé de prêter serment « au nom de Dieu », comme l’usage le commande à New Delhi.

(1) Voir EDA 508

(Source: Eglises d'Asie, 28 mai 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kết thúc Khóa gặp gỡ lần thứ XIII của các Cộng Đoàn CGVN tại Pháp
Trần Văn Cảnh
04:13 28/05/2009
MỤC VỤ GIỚI TRƯỞNG THÀNH

Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp Khóa gặp gỡ XIII từ 21 đến 24/05/2008 tại Orsay

NGÀY SAI ĐI, 24/05/2008

Xem hình ảnh

Orsay, 24.05.2005 - Ngày thứ tư và cũng là ngày cuối cùng của Đại Hội Mục Vụ Giới Trưởng Thành của Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Pháp, khóa 13, họp tại trung tâm Ánh Quang Thiên Chúa, Orsay, ngoại ô Nam Paris, từ 21 đến 24.05.2009. Các đại biểu đã cùng nhau tham dự thánh lễ chủ nhật và dâng lời cầu nguyện chung. Sau Thánh Lễ, hai linh mục hiện diện là cha Tổng Tuyên Úy Hà Quang Minh và Đức Ông Mai Đức Vinh trao cho mỗi đại biểu một ngọn nến, như sai họ đi về môi trường của họ, mang ánh quang Đức Kitô đi khắp nơi, làm chứng cho Đức Ái của Ngài đối với nhân loại. Họ đã ngồi lại làm tổng kết, rút ưu và nhất là khuyết điểm, để cải tiến mãi, đồng thời đề nghị chương trình hoạt động năm tới. Một tấm hình chung mới đã được chụp trong nhà nguyện Trung Tâm Ánh Quang Thiên Chúa (Le centre Clarté-Dieu)



1. Thánh lễ bế mạc

Lời Chúa trong chủ nhật VII sau Phục Sinh năm B hôm nay, 24.05.2009, như một lời nhắc lại chủ đề hội thảo về Đức Ái và về sứ mệnh truyền giáo. Bài đọc một, trích sách Tông Đồ Công Vụ Cv 1, 15-17. 20. 20-26, kể chuyện rút thăm trúng ông Mát-thi-a: ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ. Bài đọc hai trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông Đồ 1 Gioan 4, 11-16, nhấn mạnh đến « Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy ». Phúc Âm Ga 17, 11-19 kể lại lời cầu của Chúa Giêsu cho các môn đệ rằng: « Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến ».

Chia sẻ Lời Chúa Trong thánh lễ bế mạc này, cha Tổng Tuyên Úy đã bày tỏ một nhận định xúc tích và một nhiệt tình cảm động. Ngài nói:

Kính thưa Đức ông, qúy sơ, qúy thầy,

Kính thưa qúy vị đại diện cộng đoàn,

Sau ba ngày xum họp, hôm nay chúng ta lên đường. Mỗi người trở về cộng đoàn cuả mình. Chia tay, ai lại chẳng bùi ngùi xúc động ? Nhưng lên đường là việc chúng ta phải làm. Là sứ mệnh cuả người Kitô hữu. Lên đường chính là lý do căn bản thúc đẩy chúng ta đến tham dự khoá Gặp Gỡ này. Lên đường để chia sẻ với người ở nhà tất cả những gì chúng ta đã sống với nhau trong ba ngày qua.

Đêm hôm qua, khi ra khỏi phòng hội tôi tự hỏi: Phải nghĩ gì ? Nói gì với đại hội trong giây phút bế mạc ngày mai ? Và tôi đã tìm được câu trả lời trong bài phúc âm sáng nay. Tin mừng theo thánh Gioan ghi lại lời nguyện cuả Chúa. Chuá Giêsu đã cầu nguyện với Chuá Cha để Ngài giữ gìn các môn đệ luôn sống với nhau NÊN MỘT ( Gioan 17, 11b). Nên một trong sự hiệp nhất với Chuá Ba Ngôi, qua tình yêu cuả Chuá Kitô và sự lãnh đạo cuả Chuá Thánh Thần. Nên một như cành nho gắn liền với cây nho để mang lại hoa trái ( Gioan 15, 5).

Đối với chúng ta ngày hôm nay, lời cầu Nên Một thể hiện trong sự hiệp thông với giáo hội mà cụ thể là cộng đoàn nơi chúng ta đang sống. Tôi muốn nói đến các cộng đoàn công giáo Việt nam tại Pháp mà Tuyên Úy đoàn, từ năm 1977, có trách nhiệm hướng dấn, đồng hành, phát động các chương trình huấn luyện, các cuộc hành hương toàn quốc...

Chúng ta cần Nên Một, cần hiệp thông với nhau ít ra là vì ba lý do. Lý do thứ nhất là bản chất người Kitô hữu. Thánh Gioan đã tóm gọn bản chất này khi Ngài viết « Thiên Chuá là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu là ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chuá ở lại trong người ấy » ( 1Gioan 4, 16). Qúy anh chị em có thể quên hết những gì chúng tôi nói với anh chị em trong ba ngày qua. Nhưng đừng bao giờ quên « Thiên Chuá là tình yêu ». Con người là hình ảnh Thiên Chuá ( Sáng Thế Ký 1, 27).Vậy thì con người chúng ta được dựng nên vì tình yêu và cho tình yêu. Căn tình người Kitô hữu tùy thuộc vào tình yêu cuả Thiên Chuá, một tình yêu vô vụ lợi, một tình yêu sáng tạo. Trong các công tác mục vụ tại cộng đoàn, qúy vị đừng bắt chước chúng tôi, mà hãy sáng tạo. Đem tâm tình vào sứ mệnh. Đem sự thật vào phục vụ. Đem yêu thương vào liên hệ con người.

Lý do thứ hai để chúng ta sống tinh thần Nên Một là sự phân tán cuả cộng đồng người Việt trước những thách đố cuả xã hội hiện nay dưới nhiều hình thức, trong nhiều phạm vị tôn giáo, văn hoá, kinh tế, chính trị khác nhau. Chúng ta không thể sống biệt lập, « đèn nhà ai người ấy sáng ». Đoàn kết thêm sức mạnh. Chỉ có những người đã một lần phải xa quê hương, đã một lần cảm nhận được thế nào là thân phận người ngoại quốc... mới có thể hiểu nhau, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi. Không phải vô tình mà tên khoá họp này được đặt là Khoá Gặp Gỡ. Có gặp gỡ mới thông cảm nhau. Có gặp gỡ mới cùng nhau, vai sánh vai bước đi trên con đường truyền giáo.

Lý do thứ ba là sự nghiệp hiệp thông và truyền giáo cuả cha anh chúng ta để lại từ hơn 60 năm qua, từ khi người công giáo việt nam hiện diện trên đất Pháp. Hai câu tục ngữ « Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu » mà chúng ta đã hát trong buổi văn nghệ tối hôm qua, nhắc nhở chúng ta phải tiếp tục làm sống động các cộng đoàn công giáo Việt nam hiện nay. Trung tâm La Clarté- Dieu, điạ điểm họp mặt kỳ này quả là một biểu tượng sống động. Nó đưa chúng ta hồi tưởng lại những bước đầu cuả Tuyên Úy đoàn. Làm sao có thể quên được công trình lớn lao cuả các Tuyên Úy đầu tiên khởi công thành lập các cộng đoàn trước sự e dè, nghi kỵ cuả người điạ phương ? Một số trong các vị đó đã ra đi về nước trời. Chác hẳc các ngài sẽ cầu bầu cho chúng ta.

Trên đây là những điều tôi đã cảm nhận được trong ba ngày qua. Xin cùng với Đại Hội nói lên lời cảm tạ Thiên Chuá đấng yêu thương bất diệt và lời cảm ơn chân thành gởi đến những vị tiền bối đã dầy công sáng lập lên Tuyên Úy đoàn. Cảm tạ, ngợi khen vì TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN. Kính chúc Đại Hội lên đường trong hân hoan, tin tưởng và hy vọng tràn đầy ».


Lời của thơ và Phúc Âm theo thánh Gioan và lời chia sẻ Tin Mừng của cha Tổng Tuyên Úy làm nhiều đại biểu cảm động. Sau thánh lễ, tôi hỏi 6 anh chị xem họ sẽ dâng lời nguyện nào ? Sáu anh chị cho tôi những lời nguyện sau đây:

Lậy Chúa Giê su,

Chúa dậy chúng con hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn và yêu thương anh em như chính mình. Xin Chúa ban Thánh Thần Chúa trợ giúp sự yếu hèn của chúng con, để chúng con biết cởi mở đón nhận những ý kiến, tư tưởng khác biệt của các anh em.

« Tất cả các tín hữu họp lại với nhau, để mọi sự làm của chung ». Nguyện xin Chúa cho Giáo Hội hoàn vũ và các quốc gia luôn hợp nhất với nhau, qua các hoạt động bác ái, để xây dựnggia đình của Chúa, gia đình của đức tin.

« Tìm thấy tình Bác Ái là nhìn thấy Thiên Chúa Ba Ngôi ». Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con luôn tìm thấy và thực hiện tình Bác Ái trong gia đình, trong Cộng đoàn, và nh-t là trong môi trường làm việc mỗi ngày.

Lậy Chúa Giêsu, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, ngài đã nhập thể và nhập cuộc với chúng con trong hành trình thời gian, gánh chịu mọi tội lỗi của thế gian, chết trên thập giá, để đưa chúng con vào ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa. Xin cho chúng con được hiểu ra điều ấy.

Chúng con cầu xin cho Đức Ái mà chúng con đã chia sẻ trong những ngày qua, được triển nở trong niềm hy vọng, yêu thương và tha thứ.

Lậy Chúa là Thiên Chúa của tình yêu, Chúa đã mời gọi chúng con từ khắp các nẻo đường đất Pháp, về hội họp nơi nhà Chúa. Xin cho chúng con được thật tình vui sống trong Tình Yêu Bác Ái. Để mai đây ra đi, chúng con sẽ là những nhân chứng cho Tình Yêu của Chúa.

2. Nghi thức sai đi

Sau thánh lễ, cha Hà Quang Minh mời mọi người đứng dậy, tiến lên bàn thánh nhận lấy nến sáng do linh mục trao cho, rồi theo nhau đứng vòng quanh bàn thờ.

Khi đã trao nến sáng cho hết mọi người rồi, cha Tổng Tuyên Úy mời các đại biểu cùng nghe bài sai của Chúa, bài sai mà Chúa đã nhắn nhủ các Tông Ðồ khi xưa, trước khi về trời: « Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mathêu, 28,17-20).

Rồi, Cha Tổng Ðại Diện ban phép lành cho hết mọi người.

Nghi thức đơn sơ, nhưng ý nghĩa và cảm động.

3. Tổng kết khóa gặp mặt XIII và chuẩn bị cho năm tới, 2010

Như chương trình đã dự liệu, tất cả các đại biểu đều đã được mời vào trong phòng họp. Sư Huynh Trần Công Lao trao máy vi âm cho chủ tọa ngày hôm nay là anh Phạm Văn Phước, Bordeaux. Anh chủ tọa mời mọi người cho ý kiến cải tiến. Điều này có nghĩa là xin đặc biệt nêu lên những thiếu sót cần sửa đổi cho các khóa sau.

Đại cương sau đây là những đề nghị cho các khóa sau:

1. Nên rút vắn ngày họp, để mọi người có thể tham dự hết chương trình, mà không phải bỏ về vì bổn phận. Thứ bảy và chủ nhật, thì các cha phải về địa sở của mình, để làm lễ.

2. Bốn ngày mà chỉ có một ban thơ ký thì nặng quá. Những người này không còn giờ để sống khóa hội thảo. Rồi về nhà, lại phải ghi chép lại cho xong, mất rất nhiều giờ. Đề nghị nên bầu thơ ký cho mỗi ngày.

3. Nên cử hành thánh lễ vào buổi sáng, tinh thần thanh thảng dễ hướng về Chúa hơn. Buổi chiều nên cho hội thảo, hay trao đổi nhiều hơn. Nên để giờ, để anh em làm quen nhau.

4. Những giờ họp nhóm hơi vắn. Đề nghị cho dài hơn. Và các diễn giả, trước khi kết thúc bài thuyết trình, nên đọc các câu hỏi gợi ý, cắt nghĩa sơ qua, và chỉ dẫn hướng trả lời.

5. Cũng xin ra nhiều câu hỏi, để mỗi nhóm thảo luận một đề tài. Như vậy giờ tổng kết phong phú và hữu ích hơn.

6. Nên để một lúc nào đó dành cho trao đổi về những thắc mắc cụ thể hàng ngày về luân lý, giáo luật, mục vụ, tổ chức, thủ tục hội đoàn, đời sống hằng ngày,…

Dẫu anh chủ tọa đã giới hạn nhận xét vào khíá cạnh khiếm khuyết, nhưng một số ý kiến cũng đã nêu lên những điểm tích cực: Tổ chức chu đáo. Thuyết trình công phu và rõ ràng. Học hỏi được nhiều. Đã có dịp làm quen với những người làm mục vụ của các địa phương khác.

Sang phần chuẩn bị cho những năm sau. Hai ý kiến đã được nêu ra:

1. Xin nói về làm sao để giữ hạnh phúc gia đình.

2. Xin làm một việc gì hướng về Nam Thánh 2010 do Giáo hội Việt Nam tổ chức.

Cha Tổng Tuyên Úy Hà Quang Minh đã cho biết một số thông tin:

• Năm nay, 2009, Ban Đại Diện Tuyên Úy sẽ mãn nhiệm kỳ. Sẽ có một Ban Tuyên Úy mới, với cha Đại diện mới, với Ban Mục Vụ Trưởng Thành mới, Ban Mục Vụ Giới trẻ mới.

• Năm tới 2010, để mừng Năm Thánh với Giáo Hội Việt Nam, chúng ta sẽ tổ chức một Đại Hội Toàn Quốc Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp.

o Thời gian dự trù: từ 02 đến 05 tháng 07 năm 2010

o Địa Điểm: Paris

o Đề tài tổng quát « Sống Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Việt Nam »

o Chương trình chi tiết sẽ thông báo sau

o Những người tham dự sẽ được hưởng ơn toàn xá, trong những điều kiện thông thường.

Cha Tổng Tuyên Úy cám ơn tất cả các đại biểu đã về họp mặt, đặc biệt các tuyên Úy; cám ơn Ban Mục Vụ Trưởng Thành đã chu đáo tổ chức khóa họp mặt; Cám ơn các giảng viên đã tận tình nghiên cứu và hướng dẫn thảo luận; Cám ơn các nghệ sĩ đã giúp vui; Cám ơn hết mọi người.

Paris, ngày 26 tháng 05 năm 2009
 
Chủng sinh ĐCV Hà Nội tĩnh tâm cuối năm học
Trần Quang
18:14 28/05/2009
HÀ NỘI - Trong các ngày, từ 25 đến 28 tháng 05 năm 2009, anh em chủng sinh khoa Triết, Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội đã có những ngày tĩnh tâm cuối năm học thật sốt sắng và ích lợi.

Hòa chung tâm tình của Giáo hội chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống và chuẩn bị cho anh em chủng sinh về nghỉ hè, các đề tài của đợt tĩnh tâm đều xoay quanh việc học hỏi về Chúa Thánh Thần. Theo đó, các đề tài lần lượt là “Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ”; “Chúa Thánh Thần và đời sống tín hữu”; “Cuộc đời Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần”; “Giáo hội tiến bước nhờ Chúa Thánh Thần”; “Cầu nguyện thế nào để được tràn đầy Chúa Thánh Thần”; “Người tín hữu hoạt động dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” và đề tài cuối cùng của kỳ tĩnh tâm cũng là những thức tập dành cho anh em chủng sinh, đó là “Nhận định trong Chúa Thánh Thần”.

Các đề tài lần lượt được chia sẻ bởi cha linh hướng và quý cha giáo trong Đại chủng viện. Mỗi ngày, anh em chủng sinh được nghe gợi ý hai đề tài và có bốn giờ để anh em cầu nguyện riêng. Ngoài ra, anh em chủng sinh cũng được gợi ý để nhìn lại những ưu và khuyết điểm trong suốt năm học vừa qua, đặc biệt là sự “quên lãng Chúa Thánh Thần trong đời sống” hàng ngày. Qua việc, nhìn lại cuộc sống như thế, anh em sẽ rút ra những bài học bổ ích và định ra kế hoạch cho những năm tới, đặc biệt cho đợt nghỉ hè này.

Kỳ tĩnh tâm kết thúc với thánh lễ chung của cả gia đình Đại chủng viện. Với thánh lễ bế mạc, cả gia đình Đại chủng viện cùng tạ ơn Chúa về tất cả những hồng ân mà Ngài đã ban trong suốt năm qua. Cộng đoàn phụng vụ cũng cầu nguyện cho Quý Bề trên giáo phận, Quý Cha giáo, các ân, thân nhân xa gần của Đại chủng viện. Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho các ngài.
 
Lễ đặt viên đá nhà thờ Long Hương - Phan Thiết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
18:31 28/05/2009
PHAN THIẾT - Long Hương, xứ đạo miền biển, nằm phía cực bắc của Giáo Phận Phan thiết, giáp ranh Cà Ná, Phan rang. Địa bàn Giáo Xứ trải rộng từ Thị Trấn Liên Hương đến các xã lân cận như Bình Thạnh, Phước Thể, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, Phong Phú, Phan Dũng. Sau 70 năm hình thành và phát triển, nay khởi sự đặt viên đá xây dựng nhà thờ lầu.

Ngày 28.5.2009, ĐGM Phan Thiết, Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức Ông JB Lê Xuân Hoa,Tổng đại diện và 36 linh mục đến dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà Thờ Long Hương. Các chủng sinh, các Nữ tu thuộc các hội dòng Khiết tâm Nha trang, MTG Nha trang, MTG Phan thiết, Tu hội Ánh sáng Phúc âm, Tu đoàn Bác ái xã hội, các nhà sư Phật giáo, các chức sắc đạo Cao đài, đạo Chăm phái Bà ni và chính quyền địa phương cùng 3.000 khách mời đã hiệp thông cầu nguyện. Từ quốc lộ I rẽ vào thị trấn 3km, xứ đạo thanh bình bên bờ biển xanh hiền hoà.

Năm 1939 khoảng 30 gia đình Công giáo từ Quảng Bình đến Long Hương định cư lập nghiệp. Lúc bấy giờ đời sống còn quá khó khăn và sinh hoạt tôn giáo cũng trắc trở đủ điều. Mãi đến năm 1954, sau Hiệp định Genever, có thêm một số gia đình Công giáo gốc Quảng Bình và Hà Tỉnh thuộc địa phận Vinh theo làn sóng di dân vào Nam tìm kế sinh nhai. Vùng đất Long Hương “gió thổi cát bay” nhưng biển lại lắm tôm nhiều cá. Bà con quyết định ở lại mảnh đất đầy gió cát nầy để định cư lập nghiệp. Tất cả mọi nhà đều làm nghề truyền thống của cha ông là đánh bắt cá biển. Đến thời điểm này số giáo dân gia tăng lên khoảng hơn 1.500 người. Lúc này, Giáo xứ Long Hương có tên gọi là Giáo xứ Hòa bình được chính thức thành lập. Cha Quản xứ tiên khởi là Lm Giuse Hoàng Quang Tuyên. Giáo xứ nhận Thánh Phêrô làm Quan Thầy.

Sau 2 năm quản xứ, từ 1954-1956, Cha Giuse xây dựng một ngôi nhà thờ nhỏ nối liền với nhà Xứ, rộng 200m2, tường xây, mái lợp ngói, nhà tạm thôi vì điều kiện kinh tế thấp và đời sống giáo dân quá khó khăn.

Năm 1956-1959, cha Giuse Maria Trần Quang Chiểu về nhận xứ, Ngài sửa sang và cơi nới nhà thờ khang trang hơn một chút, rộng thêm 100m2, tường xây lợp tôn.

Năm 1959-1961, cha JB Nguyễn Quang Dung về làm Chính xứ, cha Phêrô Nguyễn Đăng Khoa Phó xứ.

Năm 1961-1969, cha Phêrô Nguyễn Đăng Khoa làm Chính xứ, ngài xây một trường tiểu học gồm 4 phòng.

Năm 1969-1975, cha Bênêđictô Nguyễn Văn Mầu về Quản xứ (lần thứ nhất). Ngài đặc biệt lưu tâm đến đời sống tinh thần của Giáo dân trong giai đoạn khó khăn của cả đất nước. Đời sống đức tin được cũng cố và nâng đỡ.

Sau biến cố năm 1975, bà con miền biển “vượt biên” tìm tự do nên xứ đạo chỉ còn lại độ 600 giáo dân. Chính quyền địa phương mượn trường, mượn đất nhà thờ, rồi họ nới rộng thêm 3 phòng làm trường tiểu học Liên Hương, nay họ chuyển sang cơ sở 2 của trường Liên Hương, vẫn chưa trả lại cho Giáo xứ. Diện tích khuôn viên nhà thờ hiện nay chỉ còn 4310m2 so với lúc đầu là 8000m2. Hy vọng một ngày đẹp trời Giáo xứ sẽ lấy lại đất đai của mình.

Ngày 10/7/1975, cha Phêrô Nguyễn Văn Tiến về Quản Xứ, với tên gọi là Giáo Xứ Long Hương, thay cho Giáo Xứ Hòa bình, nhưng chỉ được 2 tháng, ngài bị chính quyền bắt và đưa đi tù. Nhà thờ đóng cửa. Giáo xứ vắng chủ chăn suốt 10 năm dài.

Năm 1988-1992, cha Bênêđictô Nguyễn Văn Mầu về Quản xứ lần thứ 2. Ngài tạm thời trùng tu lại nhà thờ một lần nữa, vì nhà thờ xuống cấp, nhưng với đồng tiền ít ỏi, việc trùng tu cũng sơ sài mang tính đối phó tình thế. Ngài cho xây hang đá và dựng tháp chuông.

Năm 1992-2002, cha Phaolô Hoàng Kim Tốt về làm Quản Xứ. Cảm thông với người dân biển sống tạm qua ngày theo từng mùa cá. Giáo xứ không đủ khả năng xây nhà thờ đã quá xuồng cấp. Ngài cho xây nhà hội, phòng giáo lý, nhà các Nữ tu, sửa sang nhà thờ và xây thêm nhà xứ, chuẩn bị xa cho công trình Nhà thờ mới.

Năm 2002-2007, cha Antôn Nguyễn Kiến Tú về Quản xứ trong giai đoạn kinh tế chung đang suy thoái. Ngài cũng cố các hội đoàn, củng cố các điểm truyền giáo, và ổn định danh bộ Giáo xứ.

Ngày 11/9/2007, cha Phêrô Nguyễn Xuân Anh được bổ nhiệm về Quản Xứ. Số giáo dân lên đến 2.500 người, với 500 gia đình. Đa số bà con sống vùng ven biển, lương giáo lẫn lộn. Trong số đó, có 10% giáo dân ở xã Vĩnh Hảo và một số khác phân tán trong các làng xã lân cận. Việc trước tiên của Ngài là củng cố ban thường vụ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, ban điều hành 4 giáo họ. Tiếp theo, Ngài lưu tâm đặc biệt đến sinh hoạt thường xuyên của 4 giới Gia Trưởng, Bà Mẹ Công Giáo, Giới trẻ và Thiếu Nhi. Với chuyên môn tổ chức đoàn thể, Ngài đã ổn định lại kỷ cương trong sinh hoạt các giới và các sinh hoạt thêm phần khởi sắc. Ngài cho tập huấn và đào tạo các đoàn thể Legiô, Têrêxa, Ca đoàn và đặc biệt là đội ngũ Giáo Lý Viên. Gần đây, Ngài cho thành lập Hội Bác ái, Hội Lao Động biển và hội Hiếu. Các Nữ tu thuộc Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang cũng được Ngài điều động phục vụ trong tinh thần cộng tác tốt cả với cha sở và với cộng đoàn dân Chúa.

Giáo Xứ miền biển nên giới trẻ lo đi làm ăn kiếm sống, ít học hành lên cao. Tuy nhiên, với nỗ lực của các linh mục quản xứ, Long hương nay đã thay đổi nhiều. Rất nhiều em đang học Trung học và Đại học. Giáo xứ đã đóng góp khiêm tốn cho Giáo phận hai nữ tu thuộc Hội dòng Mến Thánh Giá và nay có một số em nam nữ dự tu.

Sau 70 năm, nhà thờ cũ đã nhiều lần sữa chữa vẫn xuống cấp trầm trọng. Giáo dân ngày càng đông mà Nhà thờ thì nhỏ bé, đất thì chật, nên cần phải xây mới Nhà thờ lầu xứng đáng, khang trang.

Lễ đặt viên đá là khởi đầu cho một công trình xây dựng. Long hương có 2.500 giáo dân và bà con Việt Kiều nhiệt thành lo toan mọi công việc Nhà Chúa.

Tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Cậy trông nơi Thánh Phêrô, bổn mạng Giáo xứ. Nhờ tình thương của quý ân nhân xa gần, hy vọng ngôi Nhà thờ mới sẽ sớm hoàn thành để mọi người sẽ cùng lại đến chung vui ngày lễ Cung Hiến.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Khai thác bô-xít nhôm: Bản báo cáo rủi ro?
Vũ Minh Hoàng
00:54 28/05/2009
Đọc bản báo cáo toàn diện về dự án khai thác bô-xít nhôm của chính phủ gửi quốc hội tôi thấy có nhiều thông tin mang tính chất cảm giác và thiếu hẳn tính khoa học. Tỉ dụ như về giá thành của nhôm trong vòng 20-30 năm tới theo chính phủ dự báo là sẽ tăng. Điều này hoàn toàn không có dẫn chứng.

Chỉ làm một cái phản biện nho nhỏ có thể thấy được sự rủi ro: hiện giờ công nghiệp tái chế biến rác thải đang trở thành một giải pháp được các nước công nghiệp phát triển ưa thích. Tại các nước này, rác thải được phân loại và tái chế biến một cách tối đa, từ vỏ chai nhựa thủy tinh, tới lon nhôm, kim loại đều được tận dụng triệt để.

Nền công nghiệp xanh đang được phát triển và áp dụng nhanh chóng nhằm hạn chế sự bóc lột môi trường thái quá, nhất là giảm thiểu sự lệ thuộc vào tài nguyên không tái tạo. Giá nhôm trên thị trường thấp tới mức ngạc nhiên như hiện nay là một dấu hiệu cho thấy sự bão hòa nhu cầu loại nguyên liệu này.

Hơn nữa việc lấy tuổi đời của các công trình khai thác nhôm 50 năm để làm bảo đảm rằng giá nhôm sau 50 năm nữa sẽ tăng là hoàn toàn thiếu cơ sở. Năm mươi năm là một thời gian rất dài, đặt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phát triển thay đổi từng ngày với biết bao nhiêu biến động thì ai cũng thấy rõ là không có gì đảm bảo rằng giá nhôm sẽ luôn tăng trên thị trường. Các nhà lãnh đạo quên mất một điều rằng nhôm khác với dầu thô. Nếu như giá dầu thô luôn có xu hướng tăng vì là nguyên liệu không thể tái sử dụng, thì nhôm lại là một loại nguyên liệu có thể tái sử dụng với hiệu năng rất cao gần như có thể trên 90%.

Cũng thế, trong vòng năm mươi năm có thể nhân loại đã chứng kiến sự ra đời của các loại công nghệ xanh rất thân thiện với môi trường. Công nghệ giấy, công nghệ nhựa, công nghệ gỗ đã và đang phát triển cả về kĩ thuật cũng như phạm vi áp dụng vì những công nghệ này đều thuộc loại công nghệ tái sử dụng.

Một trong những công nghệ tái sử dụng vĩ đại nhất, bền vững nhất và tuyệt vời nhất là công nghệ du lịch và đây lại chính là điểm mạnh của Tây Nguyên mà các nhà hoạch định quốc gia lãng quên. Tây Nguyên nổi tiếng với rừng ngàn, thác bạc, với “cái nắng cái gió không mang tên” vì rất là độc đáo không nơi nào có.

Tây Nguyên còn nổi tiếng với nền văn hóa Tơ-rưng, nền văn hóa buôn bản rất sâu sắc và gắn quyện với thiên nhiên. Chỉ cần nghe tiếng đàn Tơ-rưng cũng cảm thấy được tiếng suối trong trẻo ngân nga, chỉ cần nghe tiếng cồng chiêng cũng đã cảm nghiệm được hồn thiêng rừng núi âm vang. Đây chính là thế mạnh cần khai thác của Tây Nguyên chứ không phải là những dự án bóc đi da thịt và bóc đi tâm hồn của Tây Nguyên.

Đại dự án khai thác nhôm Tây Nguyên tiểm ẩn một nguy cơ lớn, vì những núi tiền đổ vào dự án này sẽ phá vỡ những liên hệ giữa quy luật tự nhiên và xã hội đã gắn kết với nhau từ lâu trên vùng đất này.

Sự bấp bênh của giá nhôm thành phẩm, vốn đầu tư hạ tầng khổng lồ, giá trị văn hóa bị “nhôm hóa,” giá trị du lịch bị lãng quên…tất cả tạo nên nguy cơ rủi ro lớn. Chỉ hình dung một cách đơn giản, một khi tuyến đường sắt vắt ngang những sườn núi Tây Nguyên chạy xuống vùng duyên hải được khởi công, nó sẽ kéo theo sự mất mát của các dải rừng nguyên sinh. Các khu vực dân sinh mọc lên dọc theo tuyến đường sắt cũng báo trước những khó khăn về bảo vệ rừng đầu nguồn. Liệu thành phố Hồ Chí Minh có bền vững trong mùa lũ khi mà rừng đầu nguồn mất đi? Liệu các lưu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có bị nhiễm kiềm khi các mạch nước đầu nguồn từ Tây Nguyên được dùng để rửa nhôm?

Thêm vào đó việc bảo dưỡng cho một tuyến đường sắt leo đỉnh núi là một trang trải khổng lồ. Liệu giá thành nhôm có bù nổi?

Núi tiền khổng lồ mà chính phủ đầu tư vào Tây Nguyên sẽ chắc chắn mang lại lợi ích thiết thực và bền vững nếu như được đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, phát triển văn hóa và quảng bá du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nơi vùng đất có một không hai này. Những dự án này bền vững hơn nhiều, lợi ích thì nhãn tiền và mang lại hiệu quả nhanh chóng trong khoảng một thập kỉ, không cần phải đợi tới năm mươi năm sau mới kết luận lỗ hay lãi. Đây mới chính là những dự án đặt con người làm trọng tâm, thay vì dự án khai thác bauxite lấy con người phục vụ cho các lợi ích kinh tế.
 
ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn: ''Vì môi trường là tài nguyên dành cho mọi người, nên không thể... huỷ hoại môi trường"
Lá thư Mục tử
15:04 28/05/2009
Lá Thư Mục Tử

Kính gửi Anh em linh mục, anh chị em tu sĩ, giáo dân trong gia đình giáo phận

1. Những thông tin trong thời gian gần đây nhắc nhớ cho tôi bổn phận giáo dục kitô giáo là giúp mọi thành viên trong gia đình ý thức trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của mình và cũng là của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

Ghi nhận sự kiện

2. Cách đây ít tháng, người dân Thành phố xôn xao khi báo chí phanh phui vụ việc nhà máy sản xuất của công ty Vedan đã gây ô nhiễm nặng cho dòng sông Thị Vải, tác động đến đời sống và sinh hoạt của hàng trăm gia đình sinh sống trong vùng. Mới đây, nhiều nhân sĩ trí thức trong cũng như ngoài nước, lại lên tiếng cảnh báo về việc khai thác bôxít tại Tây Nguyên có thể gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như an sinh xã hội. Mối quan ngại này rất đáng quan tâm và Quốc Hội đã quyết định đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự trong lần họp nầy.

3. Bên cạnh những vụ việc lớn như Vedan và khai thác bôxít, khi thăm viếng mục vụ tại các giáo xứ trong Thành phố cũng như khi thăm nhiều tỉnh thành trong nước, tôi đều thấy tình trạng ô nhiễm môi trường tác hại đến sức khoẻ của cộng đồng, huỷ diệt môi sinh, gây hậu quả nghiêm trọng làm cho nhiều người phá sản, thâm chí có nhiều người, nhiều khu xóm đã trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội. Những hậu quả đó cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động. Vì thế tôi muốn nhắc nhở anh chị em những nguyên tắc hướng dẫn trong giáo huấn của Giáo Hội về môi trường, nhằm giúp anh chị em trong đời sống xã hội, có những phán đoán và hành động đúng đắn trong nhiệm vụ gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Nguyên tắc hướng dẫn

4. Môi trường thiên nhiên là quà tặng của Đấng Tạo Hoá và là tài nguyên dành cho hết mọi người. Không ai trong chúng ta tạo dựng nên môi trường thiên nhiên. Khi ta sinh ra, môi trường đó đã có rồi. Và đời sống con người gắn liền với thiên nhiên, nhờ đó ta sống và lớn lên. Quà tặng và tài nguyên này được dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành riêng cho một ai hoặc một thiểu số nào, cũng không chỉ dành riêng cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả thế hệ tương lai. Do đó, mọi người đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của mình và cũng là của mọi người trong cộng đồng dân tộc cùng thế giới hôm nay.

5. Vì môi trường là tài nguyên dành cho mọi người, nên không thể nhân danh phát triển kinh tế và tích luỹ lợi nhuận cho một thiểu số mà huỷ hoại môi trường của đại đa số, nhất là của người nghèo, không có phương tiện tự vệ. Những sự kiện xảy ra gần đây cho thấy các nhà đầu tư chỉ tính toán lợi nhuận mà không quan tâm đủ đến tác động của việc sản xuất trên môi trường sống của con người. Phát triển kinh tế theo chiều hướng đó không thể bền vững, và cũng không vì công ích của xã hội, không vì tương lai của đất nước.

6. Vì môi trường là tài nguyên dành cho hết mọi người, nên trong phát triển kinh tế, phải quan tâm đến sự toàn vẹn và chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên. Các tài nguyên thiên nhiên không phải là nguồn nguyên liệu vô hạn, thậm chí có một số tài nguyên không thể tái tạo được. Do đó, không thể khai thác thiên nhiên một cách ích kỷ, làm phương hại trầm trọng đến nguồn dự trữ tài nguyên cho thế hệ hiện tại cũng như tương lai. Thực tế trong những năm gần đây cho thấy tình trạng phá rừng và gây ô nhiễm nguồn nước đã để lại những hậu quả nghiêm trọng như thế nào cho đời sống của người dân.

7. Vì môi trường là tài nguyên dành cho hết mọi người, nên trong tiến trình phát triển kinh tế, cần phải quan tâm đến quyền lợi của người dân bản địa. Cuộc sống và cả văn hoá của dân bản địa gắn liền với đất đai và môi trường khai sinh ra họ. Do đó, những dự án phát triển kinh tế cần phải quan tâm đến quyền lợi của dân bản địa. Nếu không, sẽ có thể tạo ra xáo trộn, bất ổn, xung đột trong xã hội.

Những gợi ý hành động cụ thể

8. Trước hết, bổn phận của người kitô hữu là cầu nguyện cho nhà cầm quyền cũng như giới hữu trách được khôn ngoan sáng suốt trong việc đưa ra những quyết định có ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân và rủi ro của môi trường thiên nhiên. Giáo Hội Công giáo đề nghị rằng trong những trạng huống mà các dữ kiện khoa học mâu thuẫn nhau hoặc dữ kiện thu thập được chưa đủ, giới hữu trách nên hành động theo nguyên lý dự phòng, nghĩa là chỉ đưa ra những quyết định tạm thời, có thể sửa đổi dựa trên những dữ liệu khoa học sau này mới biết được.

9. Bổn phận người kitô hữu còn là tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường. Nếu anh chị em là những người đầu tư vào công việc sản xuất, anh chị em cần quan tâm đến tác động của việc sản xuất đối với môi trường. Dù không phải là nhà sản xuất, mỗi người đều phải biết bảo vệ và gìn giữ môi trường sống của mình và của mọi người, bằng những hành động cụ thể trong đời sống thường ngày, như không xả rác nơi công cộng, không làm mất vệ sinh trong khu xóm...

10. Trong những sự kiện như vụ việc Vedan và khai thác bôxít ở Tây Nguyên, đã có nhiều tiếng nói được gióng lên trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác. Đây là dấu chỉ lành mạnh của một xã hội dân chủ, trong đó người dân ý thức trách nhiệm tham gia vào tiến trình quyết định về những vấn đề liên quan đến đời sống của họ và của đất nước. Là người công giáo, chúng ta ý thức rằng việc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh là trách nhiệm gắn liền với niềm tin kitô giáo của mình. Vì thế, thông qua các cơ quan dân cử và các phương tiện truyền thông, anh chị em hãy chân thành và thẳng thắn góp ý với giới hữu trách biết yêu dân yêu nước, biết lấy dân làm gốc, đặc biệt trong những vấn đề có tầm quan trọng đối với vận mệnh của đất nước và phúc lợi của nhân dân. Đó là cách thể hiện niềm tin của chúng ta, niềm tin dấn thân xây dựng xã hội thành một cộng đồng nhân loại mới sống trong tình yêu và sự thật, trong công lý và an bình.

Kết luận

11. Thánh Kinh kể lại rằng khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã trao cho con người trách nhiệm chăm sóc, trông coi công trình tạo dựng của Ngài (x. ST 1,28). Vì thế, đối với các kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội, mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cảo cả, vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng. Chúng ta hãy tích cực góp phần vào công trình đó để tất cả nên lời tôn vinh Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá và là Cha yêu thương hết mọi người.

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, 31. 5. 2009

Hồng Y Tổng Giám mục
 
Tác dụng Đoàn Kết Toàn Dân chung quanh vụ Bauxite Tây Nguyên
Đỗ Hữu Nghiêm
18:45 28/05/2009
Càng ngày người ta càng chứng kiến con đường tiến tới đốn mạt cho chế độ CSVN và những tác dụng có thể là bất ngờ đối với ít nhất ba thanh phần cơ bản trong cộng đồng Việt Nam.

1. Quân Đội Quốc Gia Chỉ Phục Vụ Đất Nước Và Nhân Dân

Lời kêu gọi ba lần yêu cầu CSVN ngưng mọi hình thức khai thác bauxite Tây Nuyên của Đại Tường Võ Nguyên Giáp: Một sứ mệnh nghiêm chỉnh duy nhất của quân đội là phục vụ đất nước

Không đợi mà gặp. Lời kêu gọi khẩn thiết đến lẩn thứ ba, yêu cầu CSVN ngưng cuộc khai thác bauxite Tây nguyên hiện tại đã biều thị cho ý chí của quân đội Việt Nam. Quân đội đó là quân đội phục vụ lợi ích quốc gia, chứ không thể trung với Đảng mà quên phận sự bảo vệ đất nước. Tuyên bố của Đại Tường Võ Nguyên Giáp đã thức tỉnh quân đội Việt Nam đi theo những gì là chính đáng cho quyền lợi dân tộc quốc gia, chứ không theo quyết định của một số người lãnh đạo thiển cận, chỉ biết nhận tiền đút lót và ban bố một số quyền lợi cá nhân mà quên nghĩa lớn của Tây Nguyên.

2. Quốc Hội Đòi Thực Thi Quyền Đại Diện Nhân Dân

Tranh luận ngày càng thẳng thắn của quốc hội: Nhân dân phải thi hành quyền làm chủ thực sự, không phải làm đầy tớ cho Đáng, Viên chức và Bộ đội mãi.

Vụ bauxit Tây Nguyên ngày càng làm cho những đại biểu quốc hội thấy rõ hơn vai trò bù nhìn của mình từ trước đến nay. Đại biểu quốc hội phân tích những cách tiến hành quyết định có sai trái, khuất tất mờ ám của Bộ Chính Trị Đảng CSVN, và nhân đó cho thấy rất nhiều chuyện đã được quyết định man trá ích kỷ, nhân danh “bí mật quốc phòng hay quốc gia. Đại biểu quốc hội can đảm vạch trần những âm mưu đen tối của Đảng CSVN và điều đó khiến cho cử tri, là những người dân thường, không có gì phải sợ Đảng CSVN, vì Đảng ấy nói dối và lừa gạt nhân dân, chứ không phải do dân, vì dân và cho dân. Từ nay Quốc Hội phải là một thứ Đại Hội Diên Hồng trước nguy cơ mất nước, trước đe dọa hiển nhiên từ Biển Đông và Tây Nguyên của Trung quốc.

Nhân dân đến nay mới thực sự đòi quyền làm chủ của mình, còn Đảng, Quân đội, Công an vẫn chỉ đòi làm cha mẹ nhân dân, và ăn trên ngồi trước nhân dân.

3. Bauxit Tây Nguyên: Mẫu Số Chung Đoàn Kết Toàn Dân

Bauxit Tây Nguyên nâng cao tình đoàn kết của nhân dân rộng lớn hơn bao giờ hết: Nguy cơ dẫn đến sụp đổ chế độ CSVN ngày càng hiển nhiên.

Chưa bao giờ, bauxit Tây Nguyên lại là một mẫu số đoàn kết toàn dân trong và ngoài nước lớn lao như hiện nay. Hiện tượng ấy chỉ báo hiệu ngày tàn của chế độ CSVN, như Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan dẫn khối CSLX và ĐA đến sụp đổ.

Bauxit Tây Nguyên chứng tỏ sự ngoan cố của CSVN trước công luận từ nhiều tầng lớp dân chúng trong nước và trên thế giới. Ngoan cố ấy giống như thái độ hống hách ương ngạnh của Eric Honecker của Đông Đức ngay trước khi chế độ ĐĐ sụp đổ.

Nếu Việt Nam có một tập thể lãnh đạo có uy tín, thì lãnh đạo đó có thể nhân cơ hội này, qui tụ toàn dân vào một mặt trận, xô đẩy chế độ CSVN phải té ngã, như toàn khối Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ cách đây 20 năm.

Khi đã đến lúc sụp đổ, dù CSVN có biết và cố ngăn ngừa, nhất là sợ hãi phong trào “Diễn Biến Hòa Bình”, thì điều gì phải đến sẽ đến, mà CSVN không chống đỡ nổi.

Nếu đã có sự tan rã của VNCH vào biến cố 30/4/1975, thì nhân dân Việt Nam cũng sẽ chứng kiến một biến cố tương tự xảy đến cho nước CHXHCNVN tham ô tràn lan như hiện nay.

Oakland, CA Thu, May 28, 2009
 
Thông Báo
Thư mời dự Thánh Lễ cầu hồn cho Cựu Thủ Tướng Việt Nam Công Hòa
Vũ Văn An
01:17 28/05/2009
THƠ MỜI:

Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh NSW Úc Châu

Trân trọng kính mời:

§ Ban Chấp Hành Cộng Đồng NVTD/NSW

§ Quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo

§ Quý hội đoàn, đoàn thể và các cơ quan truyền thông

§ Quý vị thân hào nhân sĩ

§ Quý tín hữu và quý đồng hương

Xin vui lòng bớt chút thì giờ quý báu đến tham dự:

THÁNH LỄ CẦU HỒN

cho cựu Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hoà

Phêrô NGUYỄN BÁ CẨN

được tổ chức tại:

Thánh đường Saint Felix Bankstown

số 550 Chapel Road Bankstown NSW 2200

(góc đường Hume Highway và Chapel Road)

Thời gian: Hồi 7 giờ chiều thứ sáu ngày 29 tháng 5 năm 2009.

Sự hiện diện của quý vị nói lên lòng quý mến và trân trọng đối với sự dấn thân của cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn để phục vụ cho quốc gia Việt Nam Cộng Hoà cũng như cộng đồng Người Việt Tự Do tại hải ngoại.

Trân trọng kính mời

TM. BCH Hội CSV QGHC NSW Úc Châu

Chủ Tịch

TRẦN VĂN PHAN
 
Văn Hóa
Của lễ hằng sống
Jos. Tú Nạc
18:41 28/05/2009
Ngày lại ngày trên năm tháng đời tôi,
Tự bản thân tôi tìm nơi thánh thiện -
Hạt nắng sớm hân hoan phơi hàng giậu
Gợi cảm êm đềm lặng lẽ tôn nghiêm.
Chỉ một hạt mầm nhỏ nhoi, mỏng mảnh,
Mà giờ đây trong mầu nhiệm xanh tươi.
Chú chích chòe trên sum sê cành táo,
Hát líu lo một ca khúc vinh danh.
Tôi nghe đâu đây niềm vui tinh khiết
Của tiếng cười từ cậu bé tinh nhanh;
Tôi cúi đầu trước niềm tin vững chắc
Và đức tin của người sống khổ đau;
Tôi ngắm cánh bằng trời cao nhẹ lướt
Kỳ diệu loài người trước việc cao siêu;
Tôi trông xa một cánh đồng lúa miến
Và tạ ơn Thiên Chúa phát của ăn;
Tôi ngắm mưa rơi lời kinh trước bữa
Hoa lá gục đầu ngũ cốc băn khoăn.
Người bạn ghé thăm, người bên réo gọi,
Những ánh đèn chong, êm ả đêm về;
Vầng kim ô chia tay chào mãn nguyện
Xong một ngày bao vất vả lê thê.
Ở nơi đó bao bàn thờ nhỏ bé,
Bao gọi mời mộc mạc tiếng cầu kinh,
Muôn suy lý để tạ ơn thành kính –
Phép Thánh thể là của lễ trường sinh.

Ý Thơ “Sacraments of Daily Living” – Helen Lowrie Marshall
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News