Ngày 27-05-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên 28/5/2017 dành cho người đau yếu
VietCatholic Network
08:12 27/05/2017
Ngày 28/5/17 LỄ THĂNG THIÊN - NĂM A

Bài đọc 1: Cv 1,1-11

Đức Giê-su được cất lên ngay trước mắt các ông.

Khởi đầu sách Công Vụ Tông Đồ.

Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.”

Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”

Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.” Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì kìa hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”

Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 46,2-3.6-7.8-9

Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo, Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.

Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi!

Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo!

Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả úy,

là Vua Cả thống trị khắp địa cầu. Đ.

Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,

Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.

Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa,

đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta! Đ.

Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu,

hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.

Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân,

Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả. Đ.

Bài đọc 2: Ep 1,17-23

Thiên Chúa đã đặt Đức Ki-tô ngự bên hữu Người trên trời.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Thưa anh em, tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng các thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô chỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.

Đó là lời Chúa.

Tung hô Tin Mừng Mt 28,19a.20b

Allêluia. Allêluia. Chúa nói: “Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Allêluia.

Tin Mừng Mc 16,16-20

Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.

Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi tới mineenf Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thanh môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dư luận Công Giáo về chuyến viếng thăm của tổng thống Hoa Kỳ tại Vatican và Arab Saudi
Đặng Tự Do
05:09 27/05/2017
Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ Melania Trump đã để đầu trần trong cuộc viếng thăm hoàng gia Ả Rập, nhưng bà và cô con gái đã đội khăn rất đúng phép trong cuộc gặp gỡ Đức Giáo Hoàng tại Vatican. Tại Riyadh, tổng thống Donald Trump nói rất mạnh về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cuộc bách hại người Do Thái và các Kitô hữu. Ông thẳng thừng khuyên các nhà lãnh đạo Hồi Giáo “đối diện một cách trung thực với cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và các hình thái khủng bố Hồi giáo”, “chặn đứng việc áp bức phụ nữ, đàn áp người Do Thái, và tàn sát các Kitô hữu.” Ông Trump nói rất hùng hồn rằng “Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải hoàn toàn rõ ràng về điều này – sự man rợ sẽ chẳng mang lại cho các bạn chút vinh quang nào”.

Đối với cuộc bách hại liên tục các Kitô hữu ở Trung Đông, ông Trump đã nói được đôi điều:

“Trong nhiều thế kỷ qua, Trung Đông là quê hương của các Kitô hữu, người Hồi giáo và người Do Thái. Họ sống bên nhau. Chúng ta phải thực hiện khoan dung và tôn trọng lẫn nhau để một lần nữa làm cho khu vực này trở thành một nơi mà mọi người nam nữ, bất kể đức tin hay sắc tộc, đều có thể hưởng một cuộc sống đúng phẩm giá và tràn trề hy vọng.”

Điều rất có ý nghĩa là những lời này được thốt ra ở thủ đô của một đất nước mà việc thực hành đức tin Kitô giáo đến nay vẫn là bất hợp pháp.

Tổng thống Donald Trump xem ra đã thực hiện được điều đã hứa trong cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ, là sẽ có một cách tiếp cận mới không chỉ với vấn đề chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan mà còn với chính bản thân Hồi giáo. Không giống như đối thủ của ông, và không giống như Tổng thống Obama, ông dường như đã sẵn sàng để gọi một ngọn giáo là một ngọn giáo, và sẵn sàng để thực hiện những hành động cụ thể chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Trong cuộc tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào ngày 10 tháng 7 năm 2009, tổng thống Obama đến trễ 30 phút. Lần tiếp kiến thứ hai tại Vatican hôm 27 tháng Ba năm 2014 với Đức Thánh Cha Phanxicô, ông thậm chí còn đi trễ hơn nữa, tới 45 phút.

Hôm 24 tháng 5 vừa qua, đài truyền hình trung ương Vatican cẩn thận ghi lại hình ảnh chiếc đồng hồ chỉ 8h25’ khi xe của tổng thống vào đến Vatican. Trong cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha, người ta cũng ghi nhận ông Trump tỏ ra nghiêm trang, chân thành chứ không thoải mái đùa cợt với Giáo Hoàng như ông Obama.

Nhiều người Công Giáo tỏ ra hài lòng với những điều này. Tuy nhiên, cũng như sắc lệnh về tự do tôn giáo được ông Trump ký vào ngày 4 tháng Năm vừa qua; đường lối của tổng thống Trump vẫn chưa tách ra được khỏi những chính sách hiện hành của Hoa Kỳ.

Thứ nhất, Mỹ và Arab Saudi đã ký kết một thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỷ Mỹ Kim, và đây chỉ là một phần của một thỏa thuận thương mại trị giá 400 tỷ Mỹ Kim. Hoàn toàn không có gì thay đổi trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Arab Saudi là đồng minh vì Arab Saudi mua vũ khí của Mỹ. Và không có một gợi ý nhỏ nào trong bài phát biểu của ông Trump cho thấy người Mỹ có chút băn khoăn nào về cách thức Arab Saudi sẽ sử dụng vũ khí của họ.

Thứ hai, khi đề cập đến quốc vương Arab Saudis, và vương quốc “tráng lệ” Arab Saudi, như “những người bạn vĩ đại”, ông Trump lờ đi chuyện Arab Saudi là một kẻ vi phạm hàng loạt các quyền con người trong nhiều khía cạnh khác nhau. Không nơi nào trong bài phát biểu ông Trump, người ta có thể tìm được chút hơi thở của những lời chỉ trích. Giữa những lời ca ngợi các nhà lãnh đạo Ả rập của ông, tổng thống xem ra miễn nhiễm với sự tàn bạo khủng khiếp mà những kẻ khủng bố Hồi giáo đã gây ra bằng tiền và vũ khí được Arab Saudi tài trợ.

Những lời chỉ trích gay cấn trong bài phát biểu đã được nhắm vào Iran, như một nhà xuất cảng chủ nghĩa khủng bố. Lời buộc tội tương tự lẽ ra cũng phải được thực hiện đối với Saudi Arabia. Thật là thú vị khi thấy rằng Iran bị đổ lỗi cho chiến tranh ở Yemen chứ không phải Saudi Arabia.

Bài phát biểu của ông Trump tại Saudi Arabia có thể được thực hiện bởi bất kỳ vị tổng thống Mỹ nào trong vài thập kỷ qua. Nó không đại diện cho một khởi đầu mới. Nói theo kiểu Mỹ “business as usual”.
 
Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump là một người Công Giáo
Đặng Tự Do
08:19 27/05/2017
Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump là một người Công Giáo thực hành đạo, người phát ngôn của bà đã khẳng định như trên.

Sau những suy đoán về niềm tin của bà Trump trong chuyến thăm viếng Vatican vào hôm thứ Tư, 24 tháng 5, nữ phát ngôn viên Stephanie Grisham đã xác nhận với giới báo chí rằng Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ thực sự là người Công Giáo.

Bà Trump đã viếng thăm và cầu nguyện tại nhà thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem. Trong chuyến viếng thăm Vatican, bà cũng đã đặt hoa tại chân bức tượng Đức Trinh Nữ Maria và dành thời gian cầu nguyện tại Bệnh viện Bambino Gesù của Vatican. Bà cũng nhờ Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép một tràng hạt Mân Côi của bà.

Người ta không rõ Melania Trump, sinh ngày 26/4/1970, đã trở thành người Công Giáo vào lúc nào. Cô đã lớn lên trong một gia đình cộng sản ở Slovenia và không được rửa tội khi còn nhỏ. Cô kết hôn với Donald Trump, một người theo Tin Lành Trưởng Lão từ nhỏ, vào năm 2005 tại một nhà thờ Tin Lành ở Palm Beach, Florida.

Mặc dù chồng bà đã dọn vào tòa Bạch Ốc khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng Giêng vừa qua, bà chưa dọn vào tòa Bạch Ốc và vẫn sống bên ngoài cho đến mùa hè năm nay. Khi chính thức dọn vào tòa Bạch Ốc, bà sẽ là người Công Giáo đầu tiên sống tại số 1600 đại lộ Pennsylvania kể từ sau khi tổng thống John F Kennedy và phu nhân Jackie sống ở đó vào đầu thập niên 1960.
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ 3.500 công nhân tại Genova
LM. Trần Đức Anh OP
09:55 27/05/2017
GENOVA. Trong cuộc gặp gỡ giới công nhân tại Genova, tây bắc Italia, sáng ngày 27-5-2017, ĐTC phác họa hình ảnh lý tưởng của người chủ xí nghiệp, quan tâm tới các công nhân và hết sức tránh việc sa thải.

ĐTC đã dành trọn ngày thứ bẩy 27-5, từ sáng đến chiều để viếng thăm giáo phận Genova, ở miền tây bắc Italia, cách Roma 400 cây số đường chim bay, và gần 490 cây số nếu đi đường bộ.

Genova là một thành phố cảng có hơn 580 ngàn dân và nếu tính cả vùng phụ cận thì dân số lên tới một triệu rưỡi. Đây là cảng lớn nhất của Italia và đứng thứ hai ở vùng Địa Trung Hải. Về mặt tôn giáo Tổng giáo phận Genova có hơn 670 ngàn tín hữu Công Giáo do ĐHY Angelo Bagnasco coi sóc. Ngài vừa mãn nhiệm 10 năm làm Chủ tịch HĐGM Italia nhưng vẫn tiếp tục làm Chủ tịch Liên HĐGM Âu Châu trong 4 năm nữa.

Chương trình viếng thăm của ĐTC tại đây khá dầy đặc. Ngài từ Roma đến phi trường Cristoforo Colombo của Genova lúc 8 giờ 15 phút sáng, rồi gặp 3.500 công nhân tại hãng luyện thép Ilva di Cornigliano, đại diện cho giới lao động. Tiếp đến ĐTC đến nhà thờ chính tòa thánh Lorenzo để gặp 1.800 đại diện của hàng giáo sĩ vào lúc 10 giờ, trước khi đến Đền Thánh Đức Mẹ canh giữ ở trên núi cao 1 ngàn mét để gặp 2.600 bạn trẻ, rồi dùng bữa trưa với 135 người nghèo, người vô gia cư, người tị nạn và tù nhân cùng với những người cùng đi. Sau bữa ăn trưa, vào lúc 3 giờ 45, ĐTC viếng thăm bệnh viện nhi đồng Gaslini, và sau cùng là thánh lễ lúc 5 giờ rưỡi, trước khi rời Genova lúc 7 giờ rưỡi để trở về Roma.

Gặp các công nhân

Khi đến phi trường thành phố Genova, lúc 8 giờ 15, ĐTC đã được ĐHY Bagnasco, TGM sở tại, cùng với Ông thị trưởng Marco Doria và các quan chức khác tiếp đón và hướng dẫn tới hãng luyện thép Ilva nơi có 3.500 công nhân viên thuộc nhiều công xưởng ở miền Liguria đang chờ đợi ngài.

Nói chung ở đây cũng như nhiều nơi khác ở Italia có vấn đề người trẻ thất nghiệp. Tuy nhiên cũng có một số dấu hiệu tích cực, ví dụ hãng Ansaldo Energia chế tạo các máy móc cung cấp điện lực sản xuất tốt, công xưởng đóng tàu cũng hoạt động tốt đẹp, còn hãng luyện thép Ilva, có chi nhánh ở Taranto nam Italia, đã trải qua những năm rất khó khăn và dĩ nhiên có ảnh hưởng đến toàn bộ hãng ở các nơi.

Trong lời chào mừng ĐTC, ĐHY Bagnasco nhận xét rằng ”Tình trạng công ăn việc làm tiếp tục ở mức độ nghiêm trọng: nhiều người trẻ tiếp tục bị cản ngăn không thực hiện được một dự án trong cuộc sống của họ vì không tìm được việc làm, và cả những người lớn có gia đình cũng bị đe dọa”.

ĐHY cũng nói đến sự dấn thân của Giáo Hội địa phương trong việc quan tâm, mục vụ và hỗ trợ giúp công nhân. Giáo Hội luôn nỗ lực bênh vực việc bảo tồn các hoạt động của hải cảng, công nghệ và các xí nghiệp các loại. Sự gần gũi ấy cũng được thể hiện qua công việc của các vị tuyên úy công nhân: ngoài các công tác mục vụ, các vị còn hiện diện tại các nơi làm việc đã được chỉ định, các vị được các công nhân đón nhận trong sự tin tưởng và thân tình vì biết rằng các vị tuyên úy ấy chỉ muốn thiện ích cho tất cả mọi người”.

Về phần ĐTC, ngay trong những lời đầu tiên, ngài cảm động nói với giới công nhân rằng: ”Đây là lần đầu tiên tôi đến Genova, rất gần hải cảng làm cho tôi nhớ đến nơi mà ba tôi đã khởi hành [để di cư sang Argentina].. điều này làm cho tôi rất xúc động. Cám ơn sự tiếp đón của anh chị em.”

Trả lời các câu hỏi

Trong cuộc đối thoại tiếp đó với các công nhân, ĐTC đã lần lượt trả lời những câu hỏi do 4 đại diện các giới nêu lên, bắt đầu là một chủ xí nghiệp, Ông Ferdinando Garré, thuộc phân bộ sửa chữa tàu, tiếp đến là bà Micaela, một đại diện công đoàn, thứ ba là ông Sergio một công nhân đang theo tiến trình huấn luyện do các vị tuyên úy cổ võ, và sau cùng và bà Vittoria, một người thất nghiệp.

ĐTC đã nói đến những đức tính và cách cư xử của những chủ xí nghiệp tốt. Ngài nói: ”Các chủ xí nghiệp lương thiện là những người gần gũi các công nhân, biết rõ những điều kiện làm việc của họ như trong một gia đình, tôn trọng phẩm giá của các công nhân. Chúng ta đừng quên rằng chủ xí nghiệp trước tiên là một công nhân. Nếu không có kinh nghiệm về phẩm giá của lao công, thì sẽ không phải là doanh nhân tốt..

ĐTC khẳng định rằng: ”Chủ xí nghiệp phải hết sức tránh biện pháp sa thải các công nhân viên... Các chủ xí nghiệp liêm chính và các công nhân hãy quan tâm cảnh giác đối với những người đầu tư, và tránh trở thành những người chỉ quan tâm kiếm lợi, lợi dụng các công nhân viên và hãng xưởng để làm giàu.. Không có nền kinh tế tốt, nếu không có những chủ xí nghiệp tốt, có trách nhiệm đối với con người và môi trường.. Ai chỉ nghĩ đến việc giải quyết các vấn đề của xí nghiệp bằng cách sa thải công nhân viên, thì không phải là chủ xí nghiệp tốt. Ngày hôm nay họ bán phẩm giá các công nhân viên của mình và ngày mai đến lượt chính phẩm giá của họ. Mỗi chủ xí nghiệp đau khổ khi phải sa thải và từ sự đau khổ này thường nảy sinh những ý tưởng tốt để giới hạn việc sa thải”.

- Ngài cũng nhận xét rằng một căn bệnh của kinh tế là dần dần biến các chủ xí nghiệp, các doanh nhân thành những người đầu cơ. Người đầu cơ giống như người chăn thuê mà Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm, đối nghịch với người Mục Tử nhân lành. Người đầu cơ không yêu hãng xưởng của mình, không yêu mến công nhân, nhưng coi hãng xưởng và công nhân như phương thế để kiếm lợi. Họ sa thải, đóng cửa, di chuyển hãng đi nơi khác và không coi đó là vấn đề, vì người đầu cơ lợi dụng, ăn người và các phương thế cho mục tiêu của mình”.

ĐTC xác tín rằng ”Đối tượng cần đạt tới không phải là lợi tức cho tất cả mọi người, nhưng là công ăn việc làm cho mọi người. Người ta về hưu ở tuổi thích hợp, không phải chỉ cho họ một ngân phiếu của nhà nước, cho công nhân có phương tiện sinh sống, nhưng không mang lại cho họ phẩm giá.. một ngân phiếu nhà nước hàng tháng giúp bạn nuôi sống gia đình, nhưng không giải quyết vấn đề.. không có việc làm, người ta có thể sống còn, nhưng nếu không có công ăn việc làm thì không có phẩm giá. Sự chọn lựa ở đây là giữa sự sống con và sống, và cần phải có công việc cho tất cả”.

Những câu trả lời của ĐTC bị ngắt quãng 12 lần những tràng pháo vỗ tay hưởng ứng của các công nhân.

Giã từ các công nhân viên tại hãng luyện thép Ilva sau hơn 1 tiếng gặp gỡ, ĐTC đã tiến về nhà thờ chính tòa thánh Lorenzo của tổng giáo phận Genova.
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ các giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh ở Genova
LM. Trần Đức Anh OP
09:56 27/05/2017
GENOVA. Trong cuộc gặp gỡ 1.800 LM, nữ tu và chủng sinh tại nhà thờ thánh Lorenzo của giáo phận Genova, sáng ngày 27-5-2017, ĐTC cảnh giác chống nạn nói hành nói xấu, và nạn nhập khẩu ơn gọi từ nước nghèo để giải quyết nạn thiếu ơn gọi ở các nước Âu Mỹ.

Hiện diện trong thánh đường cũng có các Giám Mục thuộc 7 giáo phận ở miền Liguria, không kể hàng ngàn tín hữu khác chào đón ngài ở quảng trường bên ngoài.

Trong cuộc gặp gỡ và đối thoại, sau lời chào mừng của ĐHY TGM Genova, 3 LM và 1 nữ tu đã nêu lên 4 câu hỏi với ĐTC. Cha Phó Andrea Carcasole hỏi ĐTC về những tiêu chuẩn để sống đời sống thiêng liêng khẩn trưởng trong sứ vụ giữa đời sống văn minh phức tạp hiện nay, và giữa bao công việc, kể cả về hành chánh, làm cho LM có cuộc sống dễ bị phân tán.

Cha sở Pasquale Revello xin ĐTC vài chỉ dẫn để sống tình huynh đệ linh mục tốt đẹp hơn mà ĐHY TGM giáo phận vẫn cổ võ, và thăng tiến với các cuộc gặp gỡ giáo phận, giáo hạt, hành hương, tĩnh tâm..

Mẹ Rosangel Salá, Chủ tịch Hiệp hội các nữ Bề trên cấp cao các dòng nữ miền Liguria, xin ĐTC những chỉ dẫn để sống đời thánh hiiến ngày càng nồng nhiệt, trung thành với đoàn sủng, với việc tông đồ và với giáo phận.

Sau cùng, cha Andrea Caruso, dòng Capuchino, nêu câu hỏi: Làm sao sống và đương đầu với sự sa sút ơn gọi linh mục và tu trì ngày nay?

Trước khi trả lời các câu hỏi được nêu lên, ĐTC mời gọi mọi người cùng cầu nguyện cho các tín hữu Chính Thống Copte Ai Cập bị khủng bố giết chết trên đường đi hành hương tại Đan viện thánh Samuele, vì họ không muốn từ bỏ đức tin. Ngài nhắc lại rằng chúng ta hãy nhớ: các tín hữu Kitô ngày nay nhiều hơn thời xưa”.

Trả lời của ĐTC

Trong phần trả lời, ĐTC mời gọi các linh mục phát triển tình huynh đệ với nhau, đó là một sự phong phú vì nó mở rộng tâm hồn. Thái độ này là một công việc mỗi ngày. Nhưng nhiều khi nó không đi sâu vào tâm hồn của LM, và khi thiếu như vậy thì đó là một sự phản bội: người ta bán anh em, lột da anh em, theo hình ảnh ma quỉ. ĐTC cảnh giác những điều vi phạm tình huynh đệ linh mục: sự ghen tương, cạnh tranh, đưa tới sự nói xấu, vu khống hoặc những nhận xét hạ giá. Ngài nhắc đến sự kiện nhiều khi trong các cuộc thăm dò về ứng viên giám mục, đương sự bị những người khác nói xấu, vu khống, hoặc có những lời hạ giá người anh em. ĐTC cũng cảnh giác cần phải loại trừ những người hay nói hành nói xấu ra khỏi chủng viện, vì họ sẽ làm hại hàng giáo sĩ.

Ngài nói: ”Chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta phải giúp đỡ nhau... cả khi xảy ra những tranh luận, nhưng không nên sợ những cuộc thảo luận, vì nó chứng tỏ có tự do, tình thương và huynh đệ”.

Ngài cũng nói nói rằng: ”Chúng ta có một nguy cơ mà nhiều khi chúng ta không nhận thấy, đó là nguy cơ tạo nên một hình ảnh linh mục biết mọi sự, không cần đến những người khác, linh mục ”gogle-wikipedia” thông biết tất cả. Sự tự mãn như thế là một thực tại gây hại nhiều cho đời sống linh mục”.

Sau cùng trả lời câu hỏi về khủng hoảng ơn gọi, ĐTC nhận xét cuộc khủng hoảng này liên hệ tới mọi ơn gọi, kể cả ơn gọi hôn nhân, vì thế cần phải suy nghĩ để tìm giải pháp, không rơi vào những giải pháp có sức thu hút. Ngài mạnh mẽ lên án nạn ”buôn tập sinh”: có những dòng để đối phó với sự giảm sút ơn gọi, đã sai người đến các nước thế giới thứ ba để tuyển mộ cả những người trẻ không có ơn gọi”.

Giã từ các LM và tu sĩ, lúc giữa trưa, ĐTC tiến lên Đền thánh Đức Mẹ Canh Giữ, từ hơn 500 năm nay, Đức Mẹ canh giữ thành Genova. Tại đây ngài gặp gỡ 2.600 bạn trẻ.
 
ĐC Anders Arborelius vị Hồng Y đầu tiên của vùng Scandinavia
Hồng Thủy
10:02 27/05/2017
Stockholm – Trưa Chúa Nhật 21/05 vừa qua, Đức Giáo Hoàng đã xướng tên 5 vị sẽ được bổ nhiệm làm Hồng Y trong Công nghị Hồng Y vào ngày 28/06 tới đây. Trong số 5 vị được xướng danh, có Đức Cha Anders Arborelius, Giám mục Thụy điển. Đây là vị Hồng Y đầu tiên của vùng Scandinavia.

Tại giáo xứ của các cha dòng Tên ở Uppsala, tin tức bổ nhiệm được truyền đến vào cuối Thánh lễ Chúa Nhật. Ngạc nhiên, vui mừng, khó tin là những cảm nghĩ đầu tiên. Rồi đến các cuộc điện thoại liên tục. Radio và truyền hình cũng truyền tin vì đây thực sự là một biến cố đối với Thụy điển. Một lúc sau đó, đài phát thanh quốc gia truyền trực tiếp. Thụy điển bắt đầu tìm hiểu xem Hồng Y nghĩa là gì.

Đức Cha Arborelius được biết đến với đời sống thiêng liêng vững mạnh. Với 27 năm trong đan viện dòng Cát minh nhặt phép ngài đã trở thành một trong những tác giả có tiếng về phương diện này và được chú ý nhiều ở nước Thụy điển.

Năm 1998, cha Arborelius được bổ làm Giám mục và trở thành Giám mục đầu tiên của Thụy điển từ thời cải cách. Đối với các tín hữu, việc sắc phong Hồng Y cho Đức Cha Arborelius là sự quan tâm của Đức Thánh Cha đối với cộng đồng bé nhỏ. Còn đối với chính Đức Cha Arborelius, nhận tin bổ nhiệm khi đang ở Malmo, miền nam Thụy điển, ngài cảm thấy hơi lo sợ dù một cách tự nhiên, tin bổ nhiệm Hồng Y là một niềm vui.

Người ta biết đến Đức Hồng Y tân cử Arborelius khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Thụy điển để cử hành 500 năm phong trào cải cách của Luther. Đức Cha đơn sơ trong chiếc áo dòng nâu của dòng Cát minh, với hàm râu rậm và nụ cười thật cởi mở. Đức Cha đã phải rất cương quyết mạnh mẽ khi xin Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo. Ban đầu Đức Giáo Hoàng không muốn, vì có thể làm mất đi ý nghĩa của chuyến viếng thăm đại kết. Nhưng Đức Cha Thụy điển như một vị mục tử tốt lành, biết rằng các tín hữu Công Giáo, một cộng đồng thiểu số trong một đất nước tục hóa, cần được củng cố trong đức tin.

Đức Cha Arborelius sinh năm 1949, trong một gia đình Thụy điển. Hành trình đức tin của ngài chỉ bắt đầu khi ngài 15 tuổi. Ngài là Giám mục duy nhất của Thụy điển. Hiện nay ngài là thành viên của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Ngài đã dấn thân rất nhiều cho giáo dân, đặc biệt là giới trẻ. Ngài luôn đồng hành với người trẻ trong các kỳ đại hội giới trẻ diễn ra ở các miền khác nhau trên thế giới. (ACI22/05/2017)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Ngộ Truyền Thông Giáo Tỉnh Huế Tại Giáo Phận Đà Nẵng
Toma Trương Văn Ân
09:28 27/05/2017
Hội Ngộ Truyền Thông Giáo Tỉnh Huế Tại Giáo Phận Đà Nẵng 2017- WCD

Nhân Lễ Chúa Thăng Thiên, Giáo Hội cầu nguyện cho việc truyền thông xã hội, ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 51.

Ngày 25 / 5 / 2017, Ban Mục Vụ Truyền Thông (MVTT) Giáo Phận Đà Nẵng tổ chức gặp gỡ các Ủy viên, nhân sự liên quan đến lãnh vực truyền thông trong Giáo Tỉnh Huế tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Đà Nẵng ( Phường Phước Mỹ , Quận Sơn Trà , Tp Đà Nẵng) .

Xem Hình

Với Chủ đề của Ngày hội : “Đừng sợ ! Truyền thông Niềm Hy vọng và sự tin tưởng trong thời đại của chúng ta” huấn từ của Đức Thánh Cha trong Sứ điệp Ngày Truyền thông thế giới lần thứ 51 ( 2017)

Có 4 Đoàn của các Giáo phận : Kon-Tum , Ban –Mê-Thuộc, Huế và Đà Nẵng tham dự:

Cha Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn- Trưởng Ban MVTT Giáo phận Kontum -Trưởng Đoàn Giáo phận Kon-Tum
Cha Phê-rô Nguyễn Vũ – Phó Ban MVTT Giáo phận Huế-Trưởng Đoàn Giáo phận Huế
Cha An-tôn Vũ Thanh Lịch-Trưởng Ban MVTT Giáo phận Ban-mê-thuộc-Trưởng Đoàn Giáo phận Ban-Mê-Thuộc.
Cha Phê-rô Hoàng Gia Thành-Trưởng Ban MVTT Giáo phận Đà Nẵng-Trưởng Đoàn Giáo phận Đà Nẵng.
Và gần 50 Thành viên là Quý Cha liên hệ với Ban MVTT, Quý Sơ và Quý Ủy viên Truyền thông của 4 Giáo phận tham dự ngày hội.

Sau phần khởi động của anh Toma Trương Văn Ân – Thông tín viên Giáo phận Đà Nẵng và nghi thức khai mạc của Cha Phê-rô Hoàng Gia Thành – Trưởng Ban mục vụ Truyền Thông Giáo phận Đà Nẵng ( Quản xứ Tam Tòa- Đà Nẵng) .

Cha Stephano Trần Ngọc Nhơn đã thuyết trình gợi mở huấn từ và ý tưởng Sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế Giới 2017 của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, bằng những hình ảnh máy chiếu minh họa sinh động ( slide Powerpoint), để Tham dự viên học hỏi, cầu nguyện và thảo luận .

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có đoạn viết : “….Nhờ những tiến bộ về công nghệ, việc tiếp cận các phương tiện truyền thông giúp cho biết bao người có thể chia sẻ thông tin tức thời và phổ biến rộng rãi. Những tin tức ấy có thể tốt hay xấu, đúng hay sai. Các Kitô hữu đầu tiên đã ví tâm trí con người như chiếc cối xay liên tục; cối xay ấy phải xác định sẽ xay cái gì: lúa tốt hay cỏ lùng. Tâm trí chúng ta luôn phải “xay”, nhưng nhiệm vụ của chúng ta là lựa chọn cái gì để xay (x. Thánh Gioan Cassian, Thư gửi Leontius), “ Tôi muốn khuyến khích mọi người tham gia vào các loại hình truyền thông mang tính xây dựng, loại bỏ định kiến với người khác và cổ võ nền văn hóa gặp gỡ, giúp mọi người chúng ta nhìn thế giới xung quanh một cách thực tế và đầy tin tưởng” .

Tiếp đó có nhiều ý kiến thảo luận quan trọng và cấp thiết cho việc Mục vụ truyền thông của Giáo Tỉnh Huế:
“….xin Hội đồng Giám mục Việt Nam quan tâm chăm sóc, bồi dưỡng người làm truyền thông, vì yếu tố con người rất quan trọng…” Cha An-tôn Vũ Thanh Lịch nói tiếp : “ …khuyến khích làm truyền thông trong sự liên đới , trao đổi phương thức để loan báo Tin Mừng với sự nhạy bén nhanh chóng trong Giáo Hội và xã hội hôm nay”

Giờ thảo luận đang tới hồi sôi động, đột nhiên yên lặng ,và lại thay thế những tràng pháo tay vui mừng đón Đức Cha Giu-se Đặng Đức Ngân – Giám mục Đà Nẵng đến thăm, chúc mừng Ngày hội ngộ. Đức Cha huấn từ về những thách đố khó khăn mà người làm truyền thông Tin Mừng phải vượt qua. Ngài dùng Sứ Điệp Truyền thông của ĐTC mời gọi Thành viên, truyền thông Tin vui , là Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô con Thiên Chúa. “Chúng ta không đơn côi vì có Người Cha là Thiên Chúa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế , đó là niềm vui và niềm hy vọng. Mỗi người đặt niềm tin vào Vương quốc Chúa Giê-su, như Chúa Giê-su đã dùng dụ ngôn, hạt lúa mục nát trong lòng đất để sinh hoa kết nhiều bông hạt. …và truyền thông trong Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn…truyền thông tôn trọng chân lý. Bác ái và sự thật” Đức Cha Giu-se.

Đức Cha khuyến khích ứng dụng những kỷ thuật và phương pháp tiên tiến của công nghệ và mạng Internet. Để Truyền thông, giúp thông tin chuyển tải Tin Mừng , các Giáo huấn của Giáo Hội và mọi hoạt động mục vụ Dân Chúa một cách nhanh chóng , chính xác đến với mọi người , giúp mọi người tiến đến Thiên Chúa và xích lại gần nhau hơn.

Đại diện các Đức Giám Mục Giáo Tỉnh , Đức Cha Giuse cám ơn những cố gắng hy sinh của Người làm mục vụ truyền thông, đã đang góp Ơn Ki-tô hữu, trách vụ là Ngôn sứ- Tiên tri khi nhận Bí Tích Thanh Tẩy, loan Tin Vui Lời Chúa là chính Chúa Giê-su. Đức Cha đã chúc lành cho Tham dự viên, để mỗi thành viên truyền thông trình bày nét đẹp nhất là truyền thông mục vụ và Loan Báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay.


Lúc 11 giờ , các Tham dự viên cùng hiệp dâng Thánh lễ Chúa Thăng Thiên, cầu nguyện cho việc truyền thông của Giáo Hội, tại Nhà nguyện Trung Tâm Mục Vụ, do Đức Cha chủ sự.

Sau giờ nghĩ trưa, chương trình được tiếp tục với phần giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm Mục vụ truyền thông của các Ủy viên , tại các Giáo phận. Các ưu tư về thông tin và sản phẩm thông tin, về việc Bản quyền thông tin, về việc cập nhật trao đổi thông tin giữa các Giáo phận ….khi đưa tin lên trang mạng chính thức của các giáo phận. Những nhu cầu về đào tạo nhân sự chuyên môn cho từng lãnh vực truyền thông…. Thực hiện sách điện tử ( ebook) của nhiều nguồn tư liệu khác nhau, của các giáo xứ và Giáo phận trong Giáo Tỉnh. Truyền thông mang tính thời sự trong hiện tại nhưng là lịch sử trong tương lai.

Cuối Ngày hội ngộ, các Tham dự viên cùng nhau hành hương Đức Mẹ Trà Kiệu. Xin Đức Mẹ phù hộ che chở mỗi người trên hành trình tiến về Nhà Cha trên trời , luôn ý thức trách nhiệm bổn phận của Người Ki-tô hữu là Ngôn Sứ - Tiên tri và Vương đế, trong khả năng mà những Ơn đã nhận được từ Thiên Chúa , để Loan báo Tin Mừng Thiên Chúa đến với mọi người cách nhanh chóng hữu hiệu.

Trước lúc chia tay, các Thành viên dạo quanh tham quan phố cổ Hội An, để cảm nhận được nét đẹp và một dạng thức thông tin tuyệt vời qua kiến trúc , lễ hội văn hóa , ẩm thực , di tích….. mà một thời Cha Ông để lại.

Toma Trương Văn Ân

 
Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney Mừng Kính Bổn Mạng Kỷ Niệm 30 Năm
Diệp Hải Dung
19:42 27/05/2017
Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney Mừng Kính Bổn Mạng Kỷ Niệm 30 Năm

Sáng thứ Bảy 27/05/2017 mọi người trong Cộng Đồng đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham dự Lễ mừng kính Đức Mẹ Thăm Viếng là Bổn Mạng Phong Trào Tôn Nữ Vương Tổng Giáo Phận Sydney Kỷ Niệm 30 Năm hồng ân.

Xem Hình

Mọi người cùng tập trung trước đài Đức Mẹ. Cha Linh hướng Paul Văn Chi làm phép 1000 Chuỗi Mân Côi và phân phát cho tất cả mọi người để cùng hưởng ứng dâng lên Mẹ triệu kinh Mân Côi từ bây giờ cho đến 13 tháng 10 năm 2017. Mọi người cùng giơ cao chuỗi kinh Mân Côi như ngàn Hoa Mân Côi trước kiệu Thánh tượng Mẹ Fatima và sốt sắng dâng giờ đền tạ cầu nguyện cho Gia Đình, Cộng Đồng và Giáo Hội đặc biệt cầu nguyện cho quê hương Việt Nam qua sự hướng dẫn của Cha Paul Văn Chi. Kế tiếp Cha Phan Quốc Trực xông hương kiệu Thánh tượng Đức Mẹ và 3 hồi chiêng trống bắt đầu cung nghinh kiệu Thánh tượng Đức Mẹ Fatima rước về hội trường Trung Tâm. Cuộc kiệu rất trang nghiêm và long trọng, mọi người dâng lên lên Mẹ chuỗi kinh Mân Côi Mùa Vui để mừng kính Mẹ.

Khi kiệu Thánh tượng Đức Mẹ Fatima an vị trên bàn thờ, mọi người cùng nghe sơ lược về sự sinh hoạt của Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney được thành lập từ năm 1987 cho đến nay 2017 đúng 30 năm hồng ân mà Thiên Chúa và Mẹ Maria đã ban. Sau đó Cha Paul Văn Chi ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Phong Trào Tôn Nữ Vương và Cha cùng với Phan Quốc Trực hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn.

Trong bài giảng Cha Chi nói về sự mầu nhiệm của kinh Mân Côi và nhắc nhở lại Mẹ không những thăm viếng bà Isave cách đây hơn 2000 năm mà Mẹ còn thăm viếng nhân loại chúng ta qua những lần hiện ra ở Lộ Đức, Fatima, Loretto, Banneux, Beauriang, Guadalupe, Roma, La Salette, Rue Du Bac Paris, Knock, La Vang v..v..Mệnh lệnh của Mẹ Fatima truyền cho nhân loại rất giản dị: Hãy ăn năn cải thiện đời sống. Siêng năng lần hạt Mân Côi, và Tôn sùng mẫu tâm Mẹ….

Sau khi chấm dứt bài giảng, các anh chị em Ban Điều Hợp Phong Trào và Liên Nhóm Trưởng thuộc các Giáo Đoàn lên trước bàn thờ với nghi thức tuyên hứa tận hiến dâng mình cho Đức Mẹ và dâng Lời Nguyện lên Thiên Chúa.

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Ông Nguyễn Ngọc Thảnh, Trưởng Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách, Ban Mục Vụ Trung Tâm Bringelly và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Phong Trào . Sau đó Thánh lễ kết thúc và mọi người ở lại qua bên hội trường nhà thờ tham dự buổi tiệc liên hoan mừng kính Quan Thầy

Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney kỷ niệm 30 Năm và mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Diệp Hải Dung
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sùng kính Đức Mẹ Maria
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
13:30 27/05/2017
Sùng kính Đức Mẹ Maria


Một linh mục người Đức có nhận xét:„ Tôi thấy người Công Giáo Việt Nam các Ông có lòng sùng kính Đức mẹ Maria rất sốt sắng tuyệt vời. Nhưng nhiều khi đưa đến cảm tưởng hơi nhiều, và qua đó có vẻ như đặt Đức mẹ cao hơn thập giá Chúa Giêsu!“.

Nhận xét riêng tư này gợi suy nghĩ.

Vì lẽ gì chúng ta có cung cách lòng sùng kính Đức Mẹ cách sốt sắng trọng thể sâu xa đến nỗi gợi nên ấn tượng nhận xét như thế?

Chúng ta có cung cách sống lòng sùng kính Đức mẹ Maria, nhưng vẫn hằng tâm niệm: qua Đức mẹ đến với Chúa Giêsu.

Và tin tưởng rằng: Đức mẹ Maria đã trao tặng chúng ta món qùa mang đến sự an vui cho tâm hồn đời sống là Chúa Giêsu Kitô.

Qua sự đau khổ, sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có được ơn cứu độ. Chúa Giêsu ban tặng con người ân phúc và niềm vui ơn cứu độ, cùng được làm con Thiên Chúa, Đấng là Cha con người.

Đức mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, người mẹ săn sóc đến sự an vui con mình, hằng chú ý sao cho những người con mình được sống trong gìn giữ che chở yêu thương.

Người mẹ nào cũng vậy không chỉ sinh thành ra con mình, nhưng lúc nào cũng hằng nuôi dưỡng giúp con mình lớn lên khoẻ mạnh trưởng thành về thân xác lẫn tinh thần trí khôn.

Người mẹ làm công việc này với cả tấm lòng trách nhiệm chan chứa tình yêu thương.

Người mẹ làm công việc này giúp con mình không chỉ lớn lên về thân xác, nhưng còn uốn nắn hướng dẫn đời sống tinh thần con mình sống theo lý tưởng cao đẹp trở nên người tốt hữu ích, biết phân biệt lựa chọn sự tốt lành, xa từ bỏ sự dữ điều xấu, sống có trách nhiệm cho chính bản thân và cho gia đình xã hội cùng Cộng đoàn Giáo Hội.

Người mẹ làm công việc này với cả tấm lòng chan chứa niềm vui hạnh phúc, dẫn dắt con mình biết phấn đấu vượt qua khó khăn đến thành công từ lúc còn nhỏ tuổi, cùng mong sao cho đời sống con mình có niềm vui hạnh phúc.

Chúa Giêsu khi còn thơ ấu sống ở nhà với Đức mẹ ở quê nhà làng Nazareth cho đến khi trưởng thành đi vào trường đời, như Kinh Thánh viết thuật lại:“ Còn Hài Nhi Giêsu ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.“ ( Lc 2,40).

Đức mẹ Maria, người mẹ thiêng liêng trên trời của con người cũng quan tâm săn sóc chúng ta như vậy, khi con người với lòng tin tưởng chạy đến kêu khấn cùng người xin ơn phù giúp.

Lòng sùng kính Đức Mẹ, người mẹ thiêng liêng trên trời, cho dù nhiều khi cung cách bên ngoài đưa đến cảm tưởng trọng thể rực rỡ. Nhưng không vì thế mà quên Thiên Chúa, bỏ Thánh giá Chúa Giêsu sang một bên hay cho thấp bé hơn, để Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là hơi thở sự sống bị rơi vào quên lãng.

Trái lại, đó là tâm tình lòng biết ơn mẹ Thiên Chúa, cùng xin Đức mẹ cầu thay nguyện giúp cho trước tòa Thiên Chúa, Đấng là nguồn mọi ân đức chúc phúc lành.

Tháng hoa kính Đức mẹ Maria
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

























 
Giải đáp phụng vụ: Giáo dân được phép bắt chước cử chỉ của chủ tế trong Kinh nguyện Thánh Thể không?
Nguyễn Trọng Đa
22:53 27/05/2017
Giải đáp phụng vụ: Giáo dân được phép bắt chước cử chỉ của chủ tế trong Kinh nguyện Thánh Thể không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con thích tham gia với một số cử chỉ, mà linh mục làm, trong Kinh nguyện Thánh Thể. Thí dụ, trong Kinh nguyện Thánh Thể 1, con cúi mình với những lời "Lạy Chúa toàn năng, chúng con nài xin Chúa sai Sứ thần dâng lễ vật này lên bàn thờ cao sang, trước tôn nhan uy linh Chúa"; và con đấm ngực con với những lời "Xin cũng cho chúng con là tôi tớ tội lỗi"; và con làm dấu thánh giá trên mình với những lời "chúng con được + đầy tràn ơn phúc bởi trời”. Con cảm thấy năng động hơn trong sự tham gia của mình bằng cách làm như thế, nhưng con không chắc liệu các cử chỉ của con có là phù hợp không. Thưa cha, liệu các cử chỉ này chỉ dành cho linh mục hay chủ tế mà thôi sao? - P. H., London, Vương Quốc Anh.


Đáp: Nguyên tắc chung liên quan đến những cử chỉ đi kèm các lời nguyện, là chúng chỉ được thực hiện bởi các người thực sự nói các lời ấy.

Như vậy, thí dụ, toàn thể cộng đoàn cúi mình khi đọc thánh danh Chúa Giêsu trong kinh Vinh danh (Gloria), và cúi mình, (hoặc quỳ gối vào lễ Chúa Giáng sinh), trong khi tưởng nhớ mầu nhiệm Nhập Thể trong kinh Tin Kính (Credo).

Trong một Thánh lễ đồng tế, thủ tục thông thường là rằng chỉ có vị chủ tế thực hiện một số cử chỉ, khi ngài một mình đọc kinh nguyện. Vì vậy, chỉ có ngài dang tay của mình khi đọc lời nguyện chủ sự, hoặc đọc Kinh Tiền Tụng.

Các linh mục khác tham gia hầu hết các cử chỉ trong các lời nguyện chung, chẳng hạn các lời nguyện được bạn đọc của chúng ta nhắc đến cho Kinh nguyện Thánh Thể 1 (Lễ Qui Rôma), vì chúng thường được đọc bởi mọi vị đồng tế.

Nhưng có một số trường hợp ngoại lệ cho điều này. Thí dụ, trong các Kinh nguyện Thánh Thể khác, tất cả các linh mục cùng nhau đọc bản văn, kể từ lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần cho đến lời tưởng niệm sau khi truyền phép, nhưng chỉ có vị chủ tế làm dấu thánh giá trên chén thánh.

Tương tự như vậy, tất cả các linh mục đều đấm ngực với lời "Xin cũng cho chúng con là tôi tớ tội lỗi", mặc dù thường chỉ có một vị đọc lời nguyện này.

Lý do cho điều này là rằng văn bản Latinh kết nối từ ngữ "famulis" (tôi tớ) với "peccatoribus" (kẻ tội lỗi) theo một cách thức, vốn hoàn toàn bị mất trong bản dịch tiếng Anh hiện tại. Trong truyền thống phụng vụ của Lễ Qui Rôma, từ ngữ "famulis" chủ yếu nói đến các giáo sĩ đang đồng tế, chứ không chú ý nhiều đến các tín hữu (mà không ngụ ý rằng các người tội lỗi duy nhất trong cộng đoàn là các linh mục).

Thời Trung cổ, các giáo sĩ thường tự gọi mình là các tôi tớ tội lỗi, và đôi khi họ thêm vào chữ ký của mình từ ngữ "Sinner" (kẻ tội lỗi). Theo dòng thời gian, từ ngữ này đã được thay thế bằng một ký hiệu có cùng ý nghĩa.

Tập tục của các Giám mục có dấu thánh giá + trước chữ ký của các vị, có lẽ là một dấu tích của biểu tượng cũ cho thấy vị đó tự nhận là một tôi tớ tội lỗi.

Do đó, thật là không đúng về mặt phụng vụ, khi bạn đọc của chúng ta làm theo các cử chỉ, mà linh mục thực hiện trong Kinh nguyện Thánh Thể, trên hết bởi vì các cử chỉ này thường ngụ ý việc đọc đồng thời lời nguyện nữa.

Sau khi chúng tôi trả lời như trên đây, một bạn đọc hỏi: "Câu trả lời của cha chủ yếu dành cho các vị đọc lời nguyện ở một số thời điểm nhất định của Thánh lễ, như vậy liệu là đúng chăng ngay trước bài Tin Mừng, linh mục làm dấu Thánh giá kép trên trán, miệng và ngực? Con đã luôn nghĩ rằng việc làm dấu kép này là chỉ dành cho vị đọc bài Tin Mừng, nhưng hình như toàn bộ cộng đoàn làm dấu kép nữa".

Câu trả lời trên đây của tôi đề cập đến một ‘quy tắc ngón tay cái’ (phương pháp thô sơ để dánh giá hay đo lường một cái gì đó, dựa trên kinh nghiệm, chứ không dựa vào sự chính xác) tổng quát chứ không tuyệt đối, cho việc chủ tế đọc các lời nguyện. Thí dụ, mà bạn đọc của chúng tôi nêu ra, thực sự không phải là lời cầu nguyện của chủ tế, mà là một lời mời gọi do phó tế hoặc linh mục đọc Tin Mừng thực hiện.

Chữ đỏ đã tiên liệu rằng toàn thể cộng đoàn làm dấu kép, cùng với phó tế hay linh mục trước bài Tin Mừng. (Zenit.org 25-12-2007 và 8-1-2008)

Nguyễn Trọng Đa