Ngày 27-05-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Từ phù thủy đến đạo Công giáo
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
18:18 27/05/2008
TỪ PHÙ THỦY ĐẾN ĐẠO CÔNG GIÁO

Cách đây đúng một năm, ngày 27-5-2007, Cha Yves Bertrais (1921-2007) êm ái trút hơi thở cuối cùng tại Paris, thủ đô nước Pháp, hưởng thọ 86 tuổi.

Cha Yves Bertrais là Linh Mục Thừa Sai người Pháp, thuộc dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI), truyền giáo giữa những người Hmong tại Lào. Lúc sinh thời, Cha kể lại lộ trình theo Đạo Công Giáo của một ông phù thủy Lào như sau.

Ngày 15-8-1953, ba năm rưỡi kể từ ngày tôi đặt chân lên đất Lào, ông phù thủy Ya-Ja-No cùng với vợ và Cha Mẹ lãnh nhận bí tích Rửa Tội, gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Lý do nào thúc đẩy ông Ya-Ja-No theo Đạo, chỉ duy nhất THIÊN CHÚA biết rõ. Tôi chỉ xin ghi lại vài dữ kiện.

Trước đó - vào tháng 6 năm 1952 - một ngày tôi đi qua cánh đồng nơi hai vợ chồng ông Ja-No đang nhổ cỏ trong ruộng lúa. Tôi chưa kịp nói gì thì ông Ja-No đi thẳng vào đề:

- Thưa Cha, con biết Cha đang đợi chúng con nhận Đức Chúa GIÊSU KITÔ của Cha làm THIÊN CHÚA của chúng con. Nhưng đó là điều không thể được!!! Đối với người Pháp thì tốt lắm. Nhưng đối với người Hmong, chúng con đã có các thần linh do Cha Ông truyền lại. Các thần linh của chúng con cũng giống như Đức Chúa GIÊSU KITÔ của Cha vậy. Cha ở với chúng con đã hơn hai năm. Hẳn Cha cảm thấy buồn vì phải cầu nguyện một mình với THIÊN CHÚA của Cha. Nhưng nếu Cha chờ đợi chúng con thay đổi thần linh, quả là Cha lầm to! Chúng con sẽ không bao giờ tôn thờ THIÊN CHÚA của Cha cùng lúc với Cha được! Tuy nhiên, nếu Cha rời bỏ chúng con, chúng ta vẫn là bạn hữu với nhau. Trường hợp Cha quyết định ở lại, Cha cứ ở bao lâu tùy ý Cha!

Ông Ja-No là người bạn tốt. Chính ông rước tôi vào trọ nơi nhà ông, khi tôi vừa đặt chân lên đất Lào, trong khi chờ đợi tìm ra chỗ ở. Có lẽ ông thầm đoán tôi cô đơn trong việc đọc kinh một mình với THIÊN CHÚA của tôi. Nhưng không rõ ông còn tưởng tượng điều gì hơn thế nữa, khiến ông phải nói tuốc-luốc tuộc-luộc một hơi dài chuyện ấy, ngay giữa một cuộc gặp gỡ ở ngoài đồng?

Khi đã có chỗ trú ngụ riêng, thỉnh thoảng tôi đến dùng bữa tối nơi gia đình ông Ja-No. Tôi học hỏi nơi ông nhiều điều: ngôn ngữ, phong tục và tín ngưỡng của người Hmong. Tôi hỏi ông về ý nghĩa những câu phù chú, ông đọc hàng giờ mỗi khi có các buổi lên đồng. Ông Ja-No kiên nhẫn trả lời từng điều một. Ông đắn đo dùng những từ ngữ Hmong dễ hiểu, hầu tôi có thể lĩnh hội được. Đối lại, ông Ja-No cũng nêu thắc mắc về Đức Chúa GIÊSU KITÔ, về những Ảnh Thánh tôi treo trong nhà. Phần tôi, tôi không bao giờ hỏi:

- Sao ông không cầu nguyện cùng Đức Chúa GIÊSU???

Hơn một năm rưỡi sau ngày đến Lào, sống giữa người Hmong, tôi vẫn chưa công khai rao truyền đạo thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Một ngày trong năm 1951, tôi tự nhủ:

- Vào dịp lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mình phải loan báo cho tất cả các vị trưởng lão trong làng biết, lý do nào đưa đẩy mình đến đây!

Vài ngày trước Lễ, tôi mời các gia trưởng đến nhà tôi. Có khoảng gần 30 người đáp lời. Lúc bấy giờ tôi chưa thông thạo tiếng Lào. Tôi chỉ mới bập-bẹ thôi. Nhưng tôi cũng gắng sức hô hào họ hãy từ bỏ việc tôn thờ các thần linh, đừng chạy theo các khoa đồng-bóng phù-thủy, nhưng hãy tôn thờ Đấng dựng nên trời đất và Con Ngài là Đức Chúa GIÊSU KITÔ!

Bài giảng đạo đầu tiên của tôi không mang lại kết quả nào. Chả có ai thèm đến nói với tôi rằng họ ước muốn tôn thờ Đức Chúa GIÊSU KITÔ của tôi. Riêng ông bạn phù thủy Ja-No dõng dạc tuyên bố:

- Người Hmong chúng con không thể nào cùng quí ngài tôn thờ Đức Chúa GIÊSU KITÔ của quí ngài được!

Tháng 10 năm 1952, tôi đi vắng ba tuần lễ. Lúc trở về, ông Ja-No đang nằm trước nhà đợi tôi, mặt mũi xanh xao vàng vọt. Vừa trông thấy tôi, ông tức tưởi nói:

- Cha ơi, con sắp chết rồi. Từ ba tuần nay con không muốn ăn uống gì hết. Con nhờ mấy người phù thủy trong làng và trên núi đến chữa bệnh cho con. Họ đọc phù-chú cũng như giết heo cúng rồi cho con ăn. Nhưng càng ăn thịt heo càng ngày con càng yếu hơn và con sắp chết rồi!

Nét vàng vọt của ông Ja-No thật ra là vì ăn quá nhiều thịt heo vào các buổi lên đồng! Do đó, chỉ sau hai tuần được tôi chăm sóc, ông Ja-No trở lại trạng thái bình thường, khỏe mạnh như trước. Rồi vào một ngày đẹp trời, ông thổ lộ với tôi:

- Cha biết không, hồi bị bệnh, mỗi ngày con cầu nguyện cùng Đức Chúa GIÊSU KITÔ của Cha ba lần.

Tôi chỉ biết nói cụt ngủn:

- Cứ tiếp tục!

Lễ Giáng Sinh năm đó đến gần. Một hôm tôi nói với ông Ja-No:

- Vào nửa đêm ngày 24-12, tôi sẽ đọc kinh để cử hành lễ Giáng Sinh của Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Thế là vào lúc 11 giờ rưỡi tối hôm đó, ông Ja-No đến gõ cửa nhà tôi. Ông nói:

- Hôm nọ Cha nói với con là Cha sẽ cầu nguyện để cử hành lễ Sinh Nhật Đức Chúa GIÊSU. Ngài chính là Đấng đã chữa con lành bệnh. Con muốn tạ ơn Ngài.

Vào thời kỳ ấy - tức trước Công Đồng Chung Vatican II - mỗi Linh Mục cử hành liên tiếp ba Thánh Lễ bằng tiếng la tinh. Suốt trong thời gian này, ông Ja-No quì yên trên đất ẩm.

Đêm Giáng Sinh năm đó, trước khi cáo từ, ông nói với tôi:

- Bây giờ con về nhà. Con thật sung sướng. Con đã tạ ơn Đức Chúa GIÊSU KITÔ của Cha rồi!

Tôi tưởng rằng câu chuyện sẽ chấm dứt nơi đây. Nào ngờ, 5 ngày sau, ông trở lại và xin tôi dạy ông học đọc và học viết, để có thể tin theo Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Tôi dạy giáo lý cho ông và hơn một năm rưỡi sau, ngày 15-8-1953, lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời, ông cùng toàn gia đình: Cha Mẹ, vợ con lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chính thức gia nhập Giáo Hội Công Giáo, duy nhất, thánh thiện và tông truyền.

... Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Galilêa, đến ngọn núi Đức Chúa GIÊSU KITÔ đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Chúa GIÊSU đến gần, nói với các ông: ”Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Matthêu 28,16-20).

(”Missions Étrangères de Paris”, n.345, Janvier/2000, trang 21-25)
 
Chọn vật liệu xây dựng
Trần Tiến
18:22 27/05/2008
CHÚA NHẬT THỨ IX THƯỜNG NIÊN

CHỌN VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Vậy ai nghe lời Thầy nói đây mà đeư ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.” (Mt 7,24)

Suy niệm: Trong trận động đất ở Tứ Xuyên hồi tháng Năm vừa qua, khoảng 900 học sinh bị chôn vùi trong đống đổ nát của trường trung học Juyuan trong khi những toà nhà chung quanh còn nguyên. Lý do thật đơn giản: lòng tham. Vật liệu xây dựng thiếu chất lượng đã khiến ngôi trường không thể đứng vững trước cơn địa chấn. Đức Giêsu cũng dùng hình tượng vật liệu xây dựng để so sánh căn nhà cuộc đời của người tín hữu. Căn nhà cuộc đời được xây trên đá khi lấy Lời Chúa là chuẩn mực cho lối sống của bản thân, khuôn vàng thước ngọc cho cách ứng xử với đồng loại. Trái lại, căn nhà ấy được xây trên cát khi Lời Chúa chỉ được ghi nhớ trong nhà thờ, khi cách sống, lối ứng xử hoàn toàn dựa theo thói đời, sự khôn ngoan thế gian, và theo bản tính tự nhiên của con người.

Mời Bạn: “Con đường dẫn đến hoả ngục được lát bằng những ý hướng tốt” (ngạn ngữ Anh). Ý hướng tốt có thể làm bạn ảo tưởng, nếu bạn không đem ra thực hiện trong cuộc sống. Cầu nguyện và thực hành điều mình cầu nguyện, chiêm niệm và hoạt động phải luôn sát cánh trong con đường dẫn bạn đến Nước Trời.

Chia sẻ: Những khó khăn của bạn khi thực hành Lời Chúa?

Sống Lời Chúa: Ghi nhớ một câu Lời Chúa và tìm cách thực hiện trong ngày hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay, vì chúng con chỉ thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. Amen.

(theo Rabbouni)
 
Tri hành đồng nhất
LM Giuse Đinh lập Liễm
18:29 27/05/2008
CHÚA NHẬT 9 THƯỜNG NIÊN A

TRI HÀNH ĐỒNG NHẤT

A. DẪN NHẬP

Người đời thường chê những người chỉ biết nói mà không làm bằng câu tục ngữ: ”Mồm miệng đỡ chân tay” hay câu khác: ”Nói thì có, mó thì không”, nghĩa là lười biếng mà khôn ranh, chỉ dẻo mồm để trốn việc. Người ta đánh giá cao người biết làm cho “tri hành đồng nhất’ cũng như “ngôn hành đồng nhất”. Chính Đức Giêsu cũng nghĩ như vậy, nên Ngài đã chỉ trích lối hành xử của những người biệt phái và luật sĩ, họ chỉ nói mà không làm, họ đặt những gánh nặng trên vai người dân mà họ không thèm mó tay vào.

Khi kết thúc Bài giảng trên núi, Đức Giêsu cũng nhắc nhở và khuyến cáo các thính giả đã nghe Ngài giảng: chỉ nghe mà thôi thì chưa đủ, còn phải đem những lời Ngài dạy ra thực hiện trong đời sống hằng ngày: ”Phúc cho những ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành”(Lc 11,28). Muốn vào Nước Trời điều kiện phải có là phải làm chứ không phải là nói:”Không phải chỉ kêu: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời, nhưng chỉ kẻ thực thi ý Cha ở trên trời mới được vào”(Mt 7,21).

Chúng ta được nghe lời Chúa hằng ngày, có khi còn vui thích nghe lời Chúa là đàng khác, nhưng ít khi đem lời Chúa áp dụng vào đời sống thực tế. Giá trị của mỗi người là ở chỗ làm cho “tri hành đồng nhất” cũng như “ngôn hành đồng nhất”. Biết nhiều, có nhiều tư tưởng hay, có nhiều dự án tốt đẹp mà không đem ra thực hiện được thì cũng chẳng có giá trị gì. Chúng ta hãy nỗ lực trở nên người khôn ngoan biết xây dựng đời sống mình trên lời Chúa để lời Chúa được sinh hoa kết quả trong đời sống chúng ta.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Đnl 11,18,26-28: Trước khi chết, và lúc dân Israel sắp vượt qua sông Giorđan vào Đất Hứa, ông Maisen căn dặn dân hơi mang tính cách trưng cầu ý kiến. Ông nhắc lại Lời Thiên Chúa phán: nếu các ngươi vâng lời Ta, Ta sẽ chúc lành cho, nghĩa là Ta sẽ ban hạnh phúc và thịnh vượng; ngược lại, nếu các ngươi không vâng lời, các ngươi sẽ bị chúc dữ và sẽ nên cảnh hoang tàn.

Ông Maisen coi việc thi hành lệnh Chúa truyền là con đường sống cho dân nên căn dặn dân phải cố gắng thi hành những điều Thiên Chúa đã truyền cho họ. Dĩ nhiên, đây là một sự lựa chọn tự do, dân có thể tuân theo hay không, nhưng hậu quả tốt hay xấu hòan tòan lệ thuộc sự tự do lựa chọn của họ. Cánh cửa hạnh phúc đã được mở ra để chờ đón họ.

+ Bài đọc 2: Rm 3,21-25a.28: Thánh Phaolô viết thư cho tín hữu Rôma nói về một đề tài rất quan trọng, đó là sự công chính. Sự “công chính” của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô và thực hiện bởi sự “cứu chuộc” trên thập giá. Còn con người được “công chính hóa” là nhờ sự công chính của Thiên Chúa, nghĩa là con người được trở nên công chính không phải nhờ những việc làm, mà nhờ tin vào Thiên Chúa.

Về vấn đề này, chúng ta thấy có sự khác biệt giữa quan niệm của người biệt phái và Đức Giêsu:

- Người biệt phái cho rằng con người được trở nên công chính do việc lành mình làm. Càng làm nhiều việc lành càng được công chính.

- Còn quan niệm của Đức Giêsu thì cho rằng con người được công chính hóa không do việc lành mình làm mà do lòng nhân từ Thiên Chúa ban. Vì thế, con người phải biết đón nhận ơn công chính với tinh thần khiêm tốn trước mặt Chúa.

+ Bài Tin mừng: Mt 7,21-27: Đọan Tin mừng này là phần kết của Bài giảng trên núi. Đức Giêsu đã dạy dỗ nhiều điều, người ta đã vui lòng lắng nghe, nhưng Ngài kêu gọi họ phải thực hành Thánh Ý của Thiên Chúa như là trọng tâm trên hết của các điều Ngài truyền dạy. Đức Giêsu nói tới ba điều:

- Điều quan trọng là không phải nghe và ghi nhớ mọi điều giảng dạy mà phải đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày.

- Ngài đưa ra một so sánh: kẻ nào nghe mà không đem ra thực hành thì giống như người ngu xây nhà trên cát; mà người nghe mà còn đưa ra thực hành thì giống như người khôn xây nhà trên đá, trên nền tảng vững chắc.

- Có những người đã từng đi rao giảng nhân danh Chúa, làm cả phép lạ nữa, nhưng họ cũng không được vào Nước Trời vì tuy họ làm nhiều nhưng lại không thi hành thánh ý Chúa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Phải đem ra thi hành.

I. KẾT THÚC BÀI GIẢNG TRÊN NÚI.

Đọan Tin mừng hôm nay là phần kết thúc Bài giảng trên núi. Đức Giêsu kêu gọi mọi người phải thực thi thánh ý của Thiên Chúa như là trọng tâm của những điều Ngài đã giảng dạy. Đọan Tin mừng chia làm hai phần:

+ Phần một: Trong phần này, Đức Giêsu nhắc nhở thính giả phải tránh cái ảo tưởng của kẻ nói mà không làm. Ai muốn đẹp lòng Chúa thì phải thi hành những lời Chúa dạy, chứ chỉ nghe để tin mà không thực hành thì không có giá trị. Làm đã đủ mà không cần nói.

Trong Tân ước, biết bao lần Đức Giêsu đã nói đến tư tưởng này mà chúng ta có thể tóm gọn trong một câu nổi bật: ”Phúc cho ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành”(Lc 11,28). Thánh Phaolô cũng nói: ”Nước Thiên Chúa không cốt nơi ngôn ngữ song cốt chỗ họat động mạnh” (1Cr 4,20; x.Gc 11,28).

+ Phần hai, Đức Giêsu báo trước số phận khác nhau giữa người nghe và thực hành với người nghe mà không thực hành điều mình tin, bởi vì “Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Ngài ví người không thực hành Lời Chúa giống như người xây nhà trên cát, mưa sa gió lớn nhà sẽ bị sụp đổ.

Đức Giêsu nhấn mạnh việc thi hành Lời Chúa vì chính Ngài cũng là con người đến chỉ vì mục đích ấy: ”Lúc vào trần gian, Ngài nói, hy sinh cùng lễ vật, Người đã chẳng màng, nhưng Người đã nắn nên thân xác con. Các lễ tòan thiêu cùng tạ tội, Người đã chẳng đóai. Bây giờ con nói: Này con đây, con đến để thi hành ý muốn Người, lạy Thiên Chúa”(Dt 10,5-7) Ngài vẫn nói với các môn đệ: ”Ta không tìm ý muốn của Ta, nhưng là ý muốn của Đấng đã sai Ta”(Ga 5,30). Và cho đến cảnh vườn Giệtsimani, cho đến hình ảnh thập giá Ngài vẫn nói: ”Lạy Cha, không phải theo ý Con mà theo ý Cha”(Mt 26.39). Đấy là tất cả đời sống của Đức Giêsu: đến để thi hành thánh ý Chúa Cha. Chính vì sự hy sinh, vâng lời của Ngài mà nhân lọai được ơn cứu chuộc.

Do đó, Đức Giêsu nhắn nhủ và khuyến cáo người nghe: ”Không phải chỉ kêu: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời, nhưng chỉ kẻ thực thi ý Cha ở trên trời mới được vào”(Mt 7,21).

Đúng vậy, muốn thi hành thánh ý Cha trên trời đòi buộc chúng ta phải hy sinh rất nhiều, phải từ bỏ ý riêng mình, phải từ bỏ tất cả như Đức Giêsu đã làm.

Truyện: dụ ngôn cây tre.

Có một cây tre được trồng trong một khu vườn rộng lớn. Đó là niềm vui của ông chủ. Năm tháng trôi nhanh, cây tre mọc lên xanh tốt. Ngày kia, chủ vườn nói với cây tre:

- Này cây tre yêu dấu, ta cần đến ngươi.
- Tôi sẵng sàng theo ý ông.
- Nhưng để sử dụng ngươi, ta sẽ phải đốn ngươi !
- Tôi van ông, ông có thể sử dụng tôi cách nào tùy ý, nhưng xin đừng đốn tôi.
- Nếu ta không đốn ngươi, ta không thể sử dụng được ngươi.

Khu vườn bỗng lặng như tờ, chim thôi hót và gió cũng ngừng thổi, cây tre từ từ gục đầu khẽ nói:

- Thưa ông, nếu không còn cách nào khác, xin ông hãy đốn tôi đi.
- Không phải chỉ đốn thân ngươi, mà ta còn phải chặt ngọn tỉa lá ngươi nữa.
- Xin ông đừng phá hủy hòan tòan vẻ đẹp của tôi, xin giữ lá và ngọn trên thân tôi.
- Rất tiếc đó là phương thế duy nhất để ta có thể sử dụng ngươi.

Vầng kim ô như ẩn mặt sau lùm cây, một con bướm vội tung cánh bay xa, cây tre như bị rúng động cả tâm can, nhưng cố thì thầm trả lời:
- Thưa ông, xin cứ đốn và chặt ngọn tỉa lá.

Thinh lặng trong giây lát, ông chủ tiếp tục thông báo:
- Không chỉ có thế, ta còn phải chẻ đôi, và móc cả tim ngươi ra, có như thế, ta mới sử dụng ngươi theo ý muốn ta.

Cây tre nghiêng đầu sát đất thưa:
- Thưa ông, hãy đốn, hãy chặt tỉa, hãy chẻ đôi, hãy mổ tim tôi.

Ông chủ vườn làm theo lời cây tre. Rồi vác cây tre đã được chẻ đôi và đục các mắt tre. Ra đến đồng ruộng, ông tìm cách nối hai nửa cây tre lại để làm một chiếc máng xối chuyển nước từ một con suối vào tưới cánh đồng khô cằn, làm bừng lên niềm hy vọng cho một mùa lúa bội thu (Thiên Phúc).

II. TRI VÀ HÀNH PHẢI ĐỒNG NHẤT.

1. Người khôn và người dại xây nhà.

Qua địa dư với nhiều khe suối và đất lồi lõm của vùng Palestine, Đức Giêsu đưa ra hai hình ảnh đối nghịch nhau về việc xây nhà: hình ảnh xây nhà trên đá cứng và xây nhà trên cát.

- Người khôn xây nhà trên đá cứng, nghĩa là người đồ đệ chân chính không những chỉ nghe lời Chúa mà còn đem ra thực hành trong đời sống. Họ coi lời Chúa là đèn sáng soi dẫn đường, là lương thực thần thiêng nuôi linh hồn, là bảo đảm phúc trường sinh, dù có bị gian nan khốn khó, có bị chết cũng không rời xa lời Chúa.

Người Việt nam chúng ta có ý tưởng giống như Chúa nói về việc xây nhà vững chắc trên nền cứng để ngôi nhà khỏi bị sụp đổ:

Người có chí ắt phải nên,
Nhà có nền ắt phải vững.
(Tục ngữ)

“Chí” tức là ý chí, cái quyết tâm làm kỳ được một việc gì.

“Nên” tức là thành sự, là nên việc, là thành công, là thu được kết quả theo ý muốn.

“Nền” tức là khỏang đất đắp cao để làm nhà cửa lên trốc. Nhà không có nền, là nhà làm ngay lên trên mặt đất tự nhiên, mặt đất không được đắp cao lên thành nền nhà.

Làm nhà không có nền thì không vững, vì mặt đất tự nhiên thường thấp ngang với mặt đường, mặt vườn, mặt ruộng, những khi trời mưa to tất nước chảy qua nhà hoặc đọng lại trong nhà, nhà bị ẩm ướt, như vậy không mấy chốc mà đổ sập. Nền ở đây lại hàm ý là nền móng khi đắp nền nhà người ta thường vẽ móng nhà và nện móng, nhà kỹ hơn là nền nhà; móng là chỗ xây tường lên trên, phải nện kỹ, vì sợ đất lún, tường sẽ xiêu đổ (Văn Hòe, Tục ngữ lược giải, tr. 56).

Trái lại, người ta nghe lời Chúa mà không đem ra thực hành là người thiếu khôn ngoan, là người “xây nhà trên cát”. Ai lại xây nhà trên bãi cát, chỉ cần một cơn gió lốc, một trận mưa lũ thì nhà sẽ sập, trở nên một đống hoamg tàn.

Chúa nói thế có lẽ chúng ta ngạc nhiên vì ta thấy người ta vẫn xây nhà trên bãi biển có sao đâu ? Nhưng nếu chúng ta nhìn vào địa thế lồi lõm của vùng Palestine thì ta mới thấy Đức Giêsu là một con người rất thực tiễn. Ngài biết dùng những hình ảnh trước mắt để nói lên những ý tưởng trừu tượng, cao sâu.

Đây là câu chuyện thường xẩy ra ở quê hương của Đức Giêsu. Ở Palestine, muốn xây cất phải suy tính trước vì có nhiều con lạch, đường nước cạn, mùa hè là một bãi cát trống nhưng đến mùa đông thì trở thành một dòng thác lũ. Đi tìm một chỗ xây nhà thì có lẽ lòng lạch là một quang cảnh đẹp mắt phẳng phiu, nhưng nếu một người thiển cận xây nhà trên bãi cát đó thì khi mùa đông đến, nước lũ sẽ càn cuốn đi hết. Người ta thường bị cám dỗ cất nhà trên một thửa đất bằng phẳng, không bận tâm đào móng sâu xuống lớp đã bên dưới. Nhưng như vậy là giang tay chờ đón tai họa. Chỉ ngôi nhà có nền móng vững chắc mới chịu nổi phong ba và chỉ cuộc sống có nền tảng mới chịu được thử thách.

2. Người Kitô hữu phải xây nhà trên đá.

Phải xây nhà trên đá là phải xây trên Lời Chúa. Ngày nay một trong những khó khăn lớn phải đương đầu là có người không biết điều Chúa phán hay là điều Hội thánh rao truyền. Thực tế, có khi còn tệ hơn vì có người không những không biết mà còn hiểu lầm những điều Chúa dạy. Ngòai ra, người ta không dựa vào lời Chúa mà lại dựa vào học thuyết này, học thuyết nọ để bác bỏ lời Chúa hoặc cắt nghĩa sai lời Chúa để phục vụ cho ý đồ đen tối của họ. Thật ra, không có một hệ thống tư tưởng nào hay một học thuyết nào có thể trường tồn trong thời gian, chỉ có lời Chúa là vững bền, không bao giờ bị phai lạt: ”Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”(Mt 24,35; Mc 13,31; Lc 21,33) vì “ Lời Thầy nói là Thần Khí và là sử sống”(Ga 6,63)

Người Việt chúng ta rất trân trọng chữ nghĩa của thánh hiền. Lời của thánh hiền được coi như trân châu bảo ngọc, phải giữ lấy và coi như kim chỉ nam cho cuộc sống con người:

“Một chữ thánh, một gánh vàng” (Tục ngữ)

“Chữ thánh” là chữ của ông thánh, đây là chữ của đức thánh Khổng, tổ sư đạo Nho. “Gánh vàng” là quí giá như một gánh vàng.

Một chữ thánh, một gánh vàng là một lời của ông thánh quí giá bằng cả một gánh vàng; hoặc phải tốn kém đến một gánh vàng mới học được một chữ của ông thánh (Văn Hòe, Tục ngữ lược giải, tr 143).

3. Tin chưa đủ, còn phải thực hành.

Đã là người Kitô hữu, ai cũng có đức tin như chúngta đã đọc trong kinh Tin Kính ngày Chúa nhật. Cái nền đá vững chắc mà Đức Giêsu nói không phải là “tin suông” mà là một “đức tin thể hiện ra bằng việc làm” vì “Đức tin không có việc làm là một đức tin chết’ một đức tin èo uột, một đức tin trống rỗng (x. Gc 1,22).

Dân chúng nghe bài giảng trên núi vô cùng cảm kích. Nhưng Đức Giêsu đã nói với họ rằng họ chỉ nghe lời Ngài thôi chưa đủ, họ còn phải làm theo lời Ngài nếu họ muốn có được ơn ích từ những lời nói ấy.

Đức Giêsu nói với các môn đệ của Ngài, họ không bị phán xét theo lời nói nhưng theo việc họ làm. Cách thức duy nhất để một người có thể chứng tỏ sự thành thật của mình chính là bằng việc thực hành những lời của Chúa. Những lời hay ý đẹp có thể không bao giờ có chỗ trong việc làm, khổ nỗi có những người tuyên xưng Thiên Chúa bằng môi miệng, nhưng lại chối từ Ngài bằng đời sống của họ.

Vì thế trong đời sống có những người nói lên lời Chúa rất hay, rất hấp dẫn. Họ có sức hô hào cho người khác làm theo lời Chúa, họ có sức kích thích người khác hy sinh mạng sống mình cho Chúa, nhưng nơi con người họ không có một chút nào lòng mến Chúa, họ chỉ tuyên xưng Chúa bằng môi miệng, đúng như lời tiên tri Isaia đã nói: ”Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, mà lòng nó thì xa Ta”.

Truyện: Anh chàng Aristogiton.

Aristogiton hồi ấy lúc thanh bình, là một nhà ái quốc thượng thặng. Thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi hòan cảnh để cổ võ những đức tính anh dũng kiêu hùng của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, thính giả có ấn tượng như chàng đang tuyên chiến với tất cả các cường quốc trên thế giới.

Nhưng đến khi phải thi hành lệnh quân dịch, người ta thấy chàng đột nhiên bước đi khấp khểnh, tay chống gậy, chân thì băng bó, trông thảm não vô cùng.

Biết rõ những bí ẩn của chàng, ông Photion trợn mắt nói: ”Aristogiton đã làm anh què, lại còn hèn nhát”.

Phải rồi. Khi tính mạng, tài sản chưa bị trực tiếp đe dọa, người đời còn có thể lừng khừng hay giả tốt, còn có thể che đậy mặt trái của mình được. Nhưng khi một cơn tai biến kinh hòang xẩy tới dưới con mắt, tính mạng bị trực tiếp lâm nguy, mặt thật con người ta sẽ nổi bật lên(Vũ minh Nghiễm, Vươn, 1966, tr 181).

Người ta thường chê trách những người “ngôn hành bất nhất”, chỉ có cái vẻ bên ngòai, còn lòng họ thì chẳng ra cái gì, chỉ là giả dối như khi người ta nói:

Tôi yêu anh vạn, tôi mến anh nghìn,
Anh có ăn thuốc, đưa tiền tôi mua.
(Ca dao)

4. Thực hành lời Chúa trong cuộc sống.

Nghe lời Chúa thì dễ, còn đem lời Chúa ra thi hành thì khó, nhưng đó là điều kiện để đi vào Nước Trời, vì Chúa phán: ”Không phải những ai nói với Ta: lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời nhưng chỉ người nào thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào”. Và kẻ thực hành lời Chúa là kẻ khôn ngoan biết xây nhà mình trên đá.

Là người Kitô hữu, không phải chỉ là người tin Chúa. Ma qủi còn tin Chúa hơn ta nữa, nhưng ma quỉ đâu có được vào Nước Trời. Là Kitô hữu không phải là được bảo hiểm mọi khó khăn gian khổ, có khi còn gặp khó khăn gian khổ hơn nhiều người khác nữa.Nhưng Chúa hứa sẽ cho đứng vững trước những gian khổ ấy, nếu họ sống thực hiện ý Chúa.

Muốn thực hành lời Chúa, chúng ta hãy làm hai bước trong việc chuyển đổi lời Chúa thành hành động.

- Trước hết, chúng ta phải ghi tạc lời ấy vào lòng rồi suy niệm và quyết định cách thức áp dụng lời ấy cho mình và cho cuộc sống của mình.

- Thứ đến, chúng ta phải thực hành những bước cụ thể để chu tòan việc áp dụng trong cuộc sống mình. Chúng ta phải biến đổi quyết định ấy thành hành động cụ thể tức khắc.

Tóm lại, việc nghe và thực hành lời Chúa được tóm gọn trong hai chữ “Vâng lời”. Vâng lời chính là tuân theo thánh ý Chúa trong mọi sự. Chính Đức Giêsu đã thực hiện trước, khi Ngài nói:”Này con xin đến để thi hành thánh ý Cha”(Dt 10,7). Chính nhờ sự vâng lời này mà Đức Kitô đã đem ơn cứu chuộc đến cho mọi người.

Truyện: “Xuống tức khắc”!

Cách đây ít lâu có một báo cáo về trường hợp một thủy thủ thuộc hải quân hòang gia Anh bị nghiêm phạt vì vi phạm kỷ luật. Hình phạt quá nặng đến độ bên ngành dân chính cho rằng qúa khắt khe. Nhưng một người đã từng phục vụ nhiều năm trong hải quân đã trả lời rằng theo quan điểm của ông ta, đó không phải là hình phạt quá nặng. Ông cho rằng kỷ luật là biện pháp tối cần thiết, vì mục đích của kỷ luật là khiến con người tự động vâng phục không thắc mắc, và sự sống tùy thuộc sự vâng lời này.

Ông kể lại một kinh nghiệm riêng, trong một hải vụ, tầu của ông phải câu một chiếc tầu rất nặng đang khi biển động. Chiếc tầu hư được cặp vào tầu của ông bằng một sợi cáp. Thình lình giữa cơn gió bão có lệnh của thuyền trưởng “xuống”. Tức khắc tòan thể thủy thủ phóng xuống hầm tầu. Ngay lúc đó, sợi dây cáp cột tầu bị đứt, quất xuống như một con rắn thép điên cuồng, trúng người nào thì chắc chắn người ấy chết tại chỗ, nhưng thủy thủ đòan đã vâng lệnh nên tất cả đã thóat hiểm. Nếu có ai dừng lại tranh luận hay hỏi lý do, chắc chắn người ấy đã chết. Sự vâng lời cứu mạng người.

Đó là vâng lời Đức Giêsu đòi hỏi, Ngài tuyên bố lời Ngài là nền đá vững chắc duy nhất cho đời sống. Ngài cũng hứa rằng cuộc sống vâng phục sẽ an tòan dù phong ba bão tố đến đâu.

Để kết thúc, chúng ta hãy suy niệm lời của ông Maisen trong bài đọc 1 hôm nay: ”Các ngươi hãy nhớ những huấn lệnh này và hãy quí chuộng chúng. Hãy cột chúng vào tay các ngươi, và mang chúng trên trán các ngươi để mà nhắc nhớ…”

“Hôm nay ta cho các ngươi sự lựa chọn giữa việc chúc phúc và sự nguyền rủa. Ta cho các ngươi được lựa chọn giữa sự sống và sự chết. Các ngươi hãy chọn lựa sự sống”.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:18 27/05/2008
CON VOI NHÒ BIẾN THÀNH CON HEO

N2T


Con voi nhỏ rất hoạt bát dễ thương, nhưng có một tật xấu, đó là thích ăn nhưng lười lao động.

Một hôm, con voi nhỏ đi chơi ở thôn trang bên cạnh, nó nhìn thấy một gia đình nọ có nuôi một con heo nhỏ, suốt ngày ngoài việc chỉ ăn thì là ngủ, nên nó rất khoái. Con voi nhỏ nghĩ rằng: mình chỉ nhiều hơn con heo cái mũi dài mà thôi, nếu không có cái mũi dài này thì mình cũng có thể sống như con heo chứ ?

Nghĩ đến đó, nó vội chạy đi tìm bác sĩ là hưu cao cổ, đem suy nghĩ của mình nói ra, bác sĩ hưu cao cổ chậm rải rạch ròi nói: “Thủ thuật thì không có vấn đề, nhưng mấu chốt là có thích hợp cuộc sống như con heo kia không, cháu thử sống như con heo hai ngày xem sao đã ?”

Voi nhỏ nghĩ thầm: như thế cũng tốt. Thế là nó băng băng nhắm hướng chuồng heo mà chạy, trước khi vào cổng nó lấy bùn trét trên thân mình đông một cục tây một cục, trà trộn thành công vào chuồng heo.

Mới bắt đầu, nó rất thỏa mãn với cuộc sống của mình, bởi vì mỗi ngày không làm việc gì cả, nhắm mắt lại là ngủ, mở mắt ra là ăn. Nhưng thời gian quá dài, nên nó phát hiện bầy heo rất bẩn, từ trước đến nay không tắm rửa, trên mình nó cũng bắt đầu tán phát ra mùi hôi.

Ngày hôm ấy, chủ nhân chỉ một con heo, nói: “Nó lớn đã đủ rồi, ngày mai đem nó giết làm thịt, chắc chắn là bán rất có giá.” Nghe đến đó, con voi nhỏ sợ khiếp vía, đêm đến chờ cho chủ nhân ngủ, cất cẳng chạy ra khỏi nhà.

Voi bố voi mẹ đang cuống cuồng vì không thấy tung tích của voi con, khi chúng nó nhìn thấy voi con toàn thân đầy bùn chạy lại, thì vội vàng hỏi nó: “Con của mẹ, mấy ngày nay con đi đâu vậy ?” Voi con khóc òa lên, nó nghẹn ngào đem những việc đã qua kể cho voi mẹ nghe. Sau cùng, nó hứa với voi mẹ, từ này về sau sẽ trở thành một đứa con cần cù siêng năng, và sẽ không còn làm biếng nữa.

Gợi ý:

Các em thân mến,

Nếu không trả bằng sự lao động, mà chỉ biết thích hưởng thụ, thì cuối cùng cũng sẽ giống như con heo rơi vào một kết cục là bị người ta sát hại. Nếu muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa, thì phải cần cù cần mẫn học tập lao động mới được.

Các em nhỏ cũng giống như con voi con, ham chơi không thích học tập, không thích nghe lời cha mẹ hay người lớn chỉ dạy, mà chỉ thích bắt chước các bạn xấu suốt ngày đi chơi game, ngồi trong các tiệm internet để “chát” với người khác; lại có em không muốn về nhà sau giờ học mà chỉ muốn đi chơi với bạn bè... Voi con vì muốn như con heo ăn rồi thì ngủ, ngủ rồi lại ăn, nhưng cuối cùng cũng phải khóc lóc mà trốn về nhà...

Nếu bây giờ các em biết nghe lời cha mẹ, biết cố gắng học hành, thì sau này các em sẽ là những người có ích cho gia đình, cho Giáo Hội và cho xã hội.

Không thích học hành mà chỉ muốn ăn và rồi đi chơi, thì các em chỉ làm khổ cha mẹ, và dĩ nhiên là Chúa Giê-su rất buồn vì Ngài rất yêu mến trẻ em...

Các em thực hành:

- Tập lao động phụ việc nhà cho cha mẹ, như: rãnh rỗi thì giúp mẻ bán hàng, hoặc giữ nhà cho cha mẹ đi làm.

- Tập tắm rửa và chuẩn bị cơm cho em của mình khi mẹ vắng nhà, bận vệc.

- Giúp mẹ nấu cơm, giúp ba rửa xe là những việc mà các em có thể làm được.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:20 27/05/2008
Chương 14:

SUY NIỆM



“Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc trong lòng. Anh em phải lập lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường…” (Đnl 6, 6-7)


N2T

1. Trầm tĩnh suy niệm một điều thiện thì giống như dòng nước ngọt chảy trong linh hồn, để nó sinh trưởng hoa quả của đức hạnh.

(Thánh Guthlac)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trẻ chưa sinh cũng biết đau
Vũ Văn An
02:23 27/05/2008
Trẻ Chưa Sinh Cũng Biết Đau

Rome, 25 Tháng 5, 2008 (Zenit.org).- Một chủ đề hiện đang làm nhiều người chú ý trong cuộc tranh luận về phá thai là câu hỏi liệu thai nhi có đau đớn, có cảm thấy đau hay không. Một cuốn sách mới xuất bản gần đây đã tổng kết rất nhiều bằng chứng của các nhà chuyên môn về vấn đề này. Cuốn sách ấy tựa là “Đau Đớn Trước Khi Sinh Ra: Sự Đau Khổ, Đau Đớn và Nguy Cơ Hư Hại Não Bộ Nơi Bào Thai và Trẻ Chưa Sinh” do Giuseppe Buonocore và Carlo Bellieni chủ biên. Cả hai đều là giáo sư tại phân khoa nhi học và sản học thuộc Trường Đại Học Siena. Rất nhiều các nhà chuyên môn đã góp phần vào cuốn sách này. Theo họ: bào thai đã cảm nhận đau đớn trước khi được sinh hạ. Trong lời giới thiệu, hai nhà chủ biên xác nhận rằng: “Nhìn nhận phẩm giá nhân vị và cái đau nhân bản của sự sống trong tử cung là một nghĩa vụ thuộc lâm sàng nhằm phục vụ việc chữa trị tốt hơn”.

Đáp Ứng Kích Thích

Trong số các người đóng góp, có nhóm chín chuyên gia cùng nhau nghiên cứu, tìm ra bằng chứng từ các kỹ thuật siêu âm. Nhờ sử dụng kỹ thuật siêu âm ba và bốn chiều, nhóm này đã có thể khảo sát bào thai một cách chi tiết hơn trước nhiều, nhờ thế, họ đã có thể quan sát cách bào thai phản ứng đối với một kích thích đặc thù nào đó. Tử cung là một môi trường được bảo vệ nhưng không bị cô lập, nên xúc giác là giác quan đầu tiên được khai triển nơi bào thai. Đến tuần thứ mười, người ta đã thấy thai nhi có thể nâng tay lên đầu, há và ngậm miệng lại, và nuốt.

Các thử nghiệm gần đây cũng cho thấy các trẻ sơ sinh đã có một ký ức theo chức năng, mà các em đã bắt đầu phát triển được trước khi sinh ra đời. Thực vậy, theo các tác giả này, các trẻ sơ sinh đã có thể nhớ được mùi vị các em cảm nhận lúc còn ở trong tử cung và những cảm nhận ấy sẽ ảnh hưởng tới các sở thích sau này. Âm thanh cũng được các trẻ chưa sinh ghi nhận, trong đó có giọng nói của mẹ. Người ta còn chứng tỏ các trẻ sơ sinh biết nhận ra thứ âm nhạc mẹ các em đã từng nghe lúc thai nghén.

Người Chủ Trì

Một nhóm chuyên gia khác nghiên cứu việc bào thai cảm thấy đau. Nhóm chuyên gia y khoa này nhận định rằng đứa trẻ chưa sinh đã đóng vai trò chủ trì ngay khi còn trong lòng mẹ trong việc thúc đẩy sự di chuyển tế bào (cellular traffic) với mẹ, và do đó phải coi bào thai như một bệnh nhân mà phúc lợi cần được các bác sĩ lưu ý. Theo quan sát của nhóm chuyên gia này, họ thấy có đủ bằng cớ cho thấy những cơn đau cấp tính hay kinh niên, hoặc ngay cả những căng thẳng kéo dài, có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, nhất là khi những yếu tố ấy xẩy ra trong lúc bào thai đang phát triển não bộ. Các hậu quả tiêu cực có thể bao gồm từ mức thấp về cảm giác đau tới việc gia tăng mất trí nhớ lúc có tuổi.

Dựa trên các thí nghiệm đối với các loài thượng đẳng, bài nghiên cứu trên đưa ra giả thuyết cho rằng sự đau đớn nơi bào thai còn có thể gây hại cho việc vận hành của hệ thống miễn dịch nơi cơ thể, với các biến chứng dài hạn gây ra các chứng nhiễm trùng và bệnh tự nhiễm (autoimmune).

Về căng tâm (stress), các tác giả trích dẫn một cuộc nghiên cứu các bà mẹ có tâm trạng căng thẳng, trong đó đã có chứng cớ cho thấy trẻ sơ sinh được các bà mẹ này sinh hạ thường nhẹ ký hơn, chu vi của đầu nhỏ hơn và sinh non hơn so với các trẻ do các bà mẹ bình thường sinh ra.

Các tác giả trên cho hay một số các nhà chuyên môn y khoa không nhìn nhận bào thai có thể cảm nhận được đau đớn vì bào thai vốn không có ý thức và thường thường lúc nào cũng thiếp ngủ trong bụng mẹ. Để trả lời cho quan điểm ấy, cuốn sách do hai ông Buonocore và Bellieni chủ biên, cho rằng có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy bào thai cảm nhận được các cảm giác lúc còn ở trong tử cung: âm thanh, các thay đổi về ánh sáng, xúc giác và áp lực, và thay đổi về thăng bằng. Đàng khác, dù bào thai không nhận thức đau đớn một cách hữu thức như chúng ta, nhưng đau đớn ấy vẫn là một cảm nghiệm không thích thú chút nào đối với các em.

Hậu Qủa Của Căng Tâm

Một chương khác của cuốn sách xem sét các hậu quả khác của căng tâm đối với bào thai. Hai thành viên của Viện Sinh Sản và Sinh Học Phát Triển thuộc Trường Hoàng Gia London là Kieran O’Donnell và Vivette Glover, giải thích rằng tâm trạng căng thẳng nơi người mẹ có liên can rất nhiều tới việc phát triển nơi bào thai. Đàng khác, trong trường hợp y khoa can thiệp vào bào thai, người ta còn có bằng chứng cho thấy phản ứng của các em, lúc đã được 16 tuần, đối với kích thích xâm nhập ấy. Ngay cả lúc mới được 12 tuần, một bào thai đã biết dịch chỗ nếu bị đụng vào. Tuy nhiên, O’Donnell và Glover nhìn nhận rằng ta chưa biết chắc chắn khi nào một bào thai có thể cảm thấy đau hay lúc nào các em có y thức.

Trong chương kết thúc, Marina Enrichi thúc giục độc giả hãy trân qúy sự sống trước khi được sinh hạ. Một hiểu biết tốt hơn về các điều kiện tiền sinh và việc phát triển của bào thai sẽ giúp ta nhận thức được rằng sự sống trước khi sinh hạ kia thật vô cùng qúy giá, khiến ta kính trọng hơn cái thai nhi đang phát triển ấy và người đàn bà đang ủ ấp nó. Enrichi cho rằng một hậu quả nữa là tất cả chúng ta, và chính cả xã hội nữa, sẽ bắt đầu cảm thấy ý muốn tạo ra một môi trường nhiều bảo đảm hơn đối với các trẻ chưa sinh và các bà mẹ của các em.

Hệ Thống Thần Kinh

Các nhà chuyên môn y khoa của Ý không phải là những người duy nhất xác tín về nhu cầu phải chú tâm nhiều hơn đến cái đau của các trẻ chưa sinh. Ngày 10 tháng Hai vừa qua, tờ New York Times cho phổ biến một bài báo lớn, tường thuật lại các tìm tòi của nhiều bác sĩ khác về chủ đề này.

Bài báo này khởi sự bằng cách trưng dẫn kinh nhgiệm của Kanwaljeet Anand, khi còn là một thường trú y khoa tại một bệnh viện Anh, đã thấy những tai hại trầm trọng gây ra cho các trẻ sơ sinh thiếu tháng khi chúng được giải phẫu mà không có thuốc mê. Lúc ấy, cách nay đã 25 năm rồi, các bác sĩ vẫn cho rằng hệ thống thần kinh nơi các trẻ sơ sinh quá kém phát triển đến độ không cảm nhận được đau đớn.

Nhờ những cuộc thử nghiệm của mình, Anand thấy rõ điều trên không đúng chút nào, bởi một khi trẻ sơ sinh được gây mê, tử xuất giảm từ 25% xuống chỉ còn 10%. Theo bài báo, việc giảm đau cho các trẻ sơ sinh thiếu tháng sau đó đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn. Anand tiếp tục quan sát trong lãnh vực này và ghi nhận rằng các trẻ sơ sinh lúc mới được 22 tuần trong bụng mẹ đã phản ứng lại đau đớn dù chỉ được chích một mũi kim.

Hậu quả việc quan sát trên khiến người ta phải xem sét khả thể bào thai rất có thể cảm nhận được đau đớn. Điều ấy càng trở nên quan trọng với việc phát triển ngành mổ xẻ bào thai, bởi việc liệu đứa trẻ sơ sinh có đau đớn hay không vốn là một xem sét quan trọng của nhà giải phẫu.

Anand, hiện là giáo sư Viện Đại Học Arkansas về Y Khoa và là một bác sĩ nhi khoa tại Bệnh Viện Nhi Đồng Arkansa ở Little Rock, nói với tờ New York Time rằng ông tin các bào thai, đến tuần thứ 20 trong bụng mẹ, đã thấy đau đớn rồi, và rất có thể còn sớm hơn thế.

Bài báo trên cũng trích dẫn Nicholas Fisk, một chuyên viên về y khoa bào thai và là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Lâm Sàng của Đại Học Queensland, Úc Châu. Fisk đã tiến hành cuộc nghiên cứu cho thấy các bào thai khi được 18 tuần đã phản ứng đối với các thủ tục dẫn khởi từ bên ngoài bằng một đầu nhọn đụng vào các hoóc-môn gây căng thẳng và việc chuyển hướng dòng máu chẩy vào não bộ. Cùng một phản ứng như thế đã xẩy ra đối với trẻ sơ sinh và người trưởng thành, nhằm che chở các cơ phận quan yếu khỏi bị đe dọa.

Nhân Vị Tính

Bài báo của tờ New York Times nhìn nhận rằng câu hỏi liệu bào thai có cảm nhận đau đớn hay không đã có nhiều ngụ ý hiển nhiên đối với cuộc tranh luận về phá thai. Thực thế, y khoa đã chứng tỏ rằng các bào thai có cảm nhận được đau đớn và với thời gian, các nhà nghiên cứu càng ngày càng thu nhỏ dần tuổi ước tính của họ trong đó bào thai cảm thấy đau đớn.

Tuy nhiên, quả rất khó cho những người ủng hộ phá thai nhìn nhận việc một bào thai biết cảm nhận đau đớn, vì đó là một bằng chứng nữa cho thấy họ sai lầm xiết bao trong chủ trương khước từ trẻ sơ sinh cơ may để các em sống sót.

Điều 2274 trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: “Vì người ta bắt buộc phải coi nó là một con người từ lúc mới tượng thai, nên bào thai phải được bảo vệ trong toàn vẹn tính của nó, được chăm sóc, được chữa trị bao nhiêu có thể, giống như bất cứ con người nào khác”. Nhìn nhận rằng bào thai thực sự có cảm nhận đau đớn là bước đầu trong diễn trình công nhận nhân vị tính của em.

Theo Cha John Flynn, LC.
 
Đức Giáo Hoàng nói Thánh Thể mời gọi nỗ lực chấm dứt nạn đói trên thế giới
Bùi Hữu Thư
07:57 27/05/2008

Đức Giáo Hoàng nói Thánh Thể mời gọi nỗ lực chấm dứt nạn đói trên thế giới



Đây là trường dạy Bác Ái và Hợp Quần

VATICAN: 25 tháng 5, 2008
– Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nói Lễ Mình Máu Thánh Chúa là một sự mời gọi các kitô hữu làm việc để tiêu trừ nạn đói trên thế giới.

Đức Giáo Hoàng khẳng định như vậy ngày 25/5/08 khi ngài nói với hàng ngàn người tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô để đọc kinh Truyền Tin.

Đức Giáo Hoàng nói, "Tuần vừa qua chúng ta bị thu hút bởi mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, hôm nay chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm Mình Thánh Chúa: Đây cũng là một Chúa! Đây cũng là một tình yêu! Đây là sự toàn thiện của chân lý Kitô giáo: Đấng Sáng Tạo và Chúa của muôn loài đã trở nên ‘một hạt lúa miến’ để được gieo trên đất đai, trên luống cầy của lịch sử nhân loại; Người đã trở nên bánh để bị bẻ ra, bị chia sớt và bị ăn; Người trở nên của ăn để ban cho chúng ta sự sống, để ban cho chúng ta chính đời sống thần linh của Người.”

"Người sanh ra tại Bê Lem, tiếng Do Thái có nghĩa là ‘Nhà Bánh’ và khi Người bắt đầu rao giảng cho dân chúng, Người đã bầy tỏ rằng Chúa Cha sai Người xuống thế gian như ‘bánh hằng sống từ trời xuống.’”

Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng Thánh Thể là “trường dạy bác ái và hợp quần."

Ngài tiếp, "Những ai được ăn Bánh Chúa Kitô không thể nào dửng dưng trước những kẻ thiếu ăn ngày nay, trong thời đại của chúng ta. Nhiều phụ huynh không thể tự nuôi sống chính họ và con cái của họ. Đây là một vấn đề nghiêm trọng và ngày càng gia tăng mà cộng đồng thế giới khó giải quyết.”

"Giáo Hội không những chỉ cầu xin ‘cho chúng con hằng ngày dùng đủ,’ nhưng theo gương Chúa Kitô, phải làm việc đủ mọi cách bằng những nỗ lực bác ái và chia sẻ vô biên để ‘biến năm tấm bánh và hai con cá thành muôn vàn’ và để không còn một ai bị thiếu thốn những gì cần thiết nhất cho đời sống của họ.”

Thành Rôma sẽ chủ trương một Hội Nghị Quốc tế vào đầu tháng 6 để thảo luận về nạn khủng hoảng thiếu hụt thức ăn trên thế giới. Một sự gia tăng vượt bực về giá thức ăn, gây ra bởi nhiều lý do khác nhau, kể cả sự tiêu thụ càng ngày càng nhiều nhiên liệu lấy từ thực vật, khiến cho các quốc gia nghèo khó phải vất vả để trả giá cho sự sống còn.

Đức Giáo Hoàng khuyến khích, "Các anh chị em thân mến, chớ gì Lễ Mình Thánh Chúa là một cơ hội để chúng ta chú trọng hơn đến những người anh em của chúng ta, nhất là những người nghèo khó. Xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng ta có được ân sủng này.”

"Xin Mẹ Maria, đấng cưu mang Chúa Giêsu trong lòng, là nhà tạm sống động của Thánh Thể, chuyển tiếp cho chúng ta đức tin của Mẹ vào mầu nhiệm Mình và Máu của Con Mẹ, để cho Chúa Giêsu thật sự trở thành trọng tâm của đời sống chúng ta.”
 
Đức Thánh Cha kêu gọi tình liên đới với các nạn nhân động đất và các Kitô hữu Trung Quốc.
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:18 27/05/2008
Vatican (AsiaNews) - Hôm 25/05/2008, một lần nữa Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới của ngài đối với các nạn nhân của cơn động đất ở Trung Quốc. Một lần nữa ngài lại đề cập đến Ngày cầu nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa được cử hành hôm 24/05 và kêu cầu Đức Nữ Trinh của Xa Sơn (Sheshan) hộ phù cho những dấn thân và trung kiên đối với ngai Phêrô của người Công Giáo Trung Quốc.

Những cha mẹ mất con...
Trong số 40.000 người hiện diện một cách lạ thường ở Quảng trường Thánh Phêrô để đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, có rất nhiều tín hữu Trung Hoa giơ cao biểu ngữ. Hầu hết họ đã đến Rôma vào hôm 24/5 từ khắp nước Ý để tham dự Ngày Cầu nguyện ở Nhà thờ Đức Bà Cả, nơi hàng trăm linh mục Trung Quốc cử hành Thánh Lễ với Đức Hồng Y Ivan Dias, người đứng đầu Thánh Bộ Truyền giáo.

Quay sang họ, sau khi đọc kinh cầu Đức Maria, đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắc đến các nạn nhân của cơn động đất kể từ ngày 14/5: “Cha trao phó trong tình yêu khoan dung của Thiên Chúa tất cả đồng bào của anh chị em, những người đã qua đời trong những ngày gần đây do hậu quả của cơn động đất đã đánh đổ một vùng rộng lớn nơi đất nước anh em”. Ngài nói trực tiếp với nhóm người Trung Quốc: “Cha lặp lại sự gần gũi của cá nhân cha đối với những ai đang phải trải qua khời khắc lo lắng và đau khổ”. “Cùng với anh chị em, cha kêu cầu Đức Maria, Đấng Hộ Phù các Kitô hữu, Đức Mẹ của Xa Sơn, gìn giữ tất cả những ai ở Trung Quốc hằng ngày đang phải chịu cảnh gian truân, tiếp tục tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Cầu mong họ không bao giờ phải sợ nói về Chúa Giêsu cho thế giới biết và nói về thế giới của Chúa Giêsu” và “luôn là chứng nhân đáng tin cậy của tình yêu này, trung thành hơn bao giờ hết vào phiến đá Phêrô mà Giáo Hội được dựng nên”.

Trước đó, Đức Thánh Cha đã đề cập đến việc nhiều nơi ở Âu Châu đang cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô: “Thánh Thể là trường học về lòng khoan dung và tình liên đới”, “Những người được nuôi dưỡng bằng Bánh của Chúa Kitô không thể vẫn còn lãnh đạm trước những người vẫn không có của ăn hằng ngày ngay trong thời đại ngày nay. Nhiều bậc cha mẹ rất nghèo nàn trong việc nuôi sống bản thân họ và con cái họ. Vấn đề ở chỗ là cộng đồng quốc tế phải ra sức giải quyết. Giáo Hội không chỉ cầu nguyện ‘Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày’ mà phải còn theo gương Chúa bằng cách dấn thân bằng mọi cách để ‘nhân lên năm chiếc bánh và hai con cá’ bằng vô số những sáng kiến của con người nhằm thúc đẩy và sẻ chia để không một ai phải thiếu thốn những thứ thiết yếu để sinh sống”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Rước Lễ Vỡ Lòng tại Giáo Xứ Chúa Kitô Vua – Fort Worth - Texas
Clara Nguyễn Diễm Trang
01:48 27/05/2008
Thánh Lễ Rước Lễ Vỡ Lòng 25-05-2008 tại Giáo Xứ Chúa Kitô Vua – Fort Worth - Texas

Trong ánh nắng ban mai rực rỡ và tiếng hát du dương của ca đoàn thiếu nhi cất lên: “… Xin vâng, vâng con về theo tiếng Ngài gọi, vào tình thương chứa chan muôn đời…”, cha chánh xứ Louis Phạm Hữu Độ, cha phó Micae Phạm Ngọc Trác, đoàn giúp Lễ, cùng với 33 em Rước Chúa lần đầu của giáo xứ Chúa Kitô Vua từ từ tiến lên cung thánh trong niềm hân hoan chung Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Mình Máu Chúa vào chúa nhật 25/05/2008.

Thánh Lễ của các em, cho các em, và do các em đọc sách, đọc lời nguyện, dâng của lễ … diễn ra thật sốt sắng và trang nghiêm theo tâm tình của Cha chủ tế dẫn nhập Lễ: “Thánh Thể là trung tâm của đời sống đức tin và mọi hoạt động Kitô giáo”. Tâm tình xuyên suốt Thánh lễ là lòng sùng kính và yêu mến Thánh Thể, cũng như tâm tình biết ơn Chúa vì thương yêu nhân loại đã xuống thế làm người và trao ban chính Mình Máu Người để làm lương thực nuôi sống chúng con trong cuộc lữ hành trần thế.

Được sự chăm sóc tận tình của hai cô Nguyễn Thanh Thủy và cô Nguyễn Thị Mỹ Duyên trong suốt năm học lớp 3 vừa qua, các em như những bông hoa tươi thắm kính dâng lên Chúa Giêsu Thánh Thể. Các em được học biết và yêu mến Chúa, đồng thời cũng được chỉ bảo phải sống sao nên người con ngoan của Chúa và giữ tâm hồn các em luôn xứng đáng là đền thờ cho Chúa ngự trị: “Ở là ở cùng con, xin Chúa ở là ở cùng con…”.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể - nguồn mạch sự sống, xin cho giây phút kỳ diệu Chúa tan biến trong các em lần đầu tiên này, luôn là một kỷ niệm đẹp khó phai, để mai sau dù có vấp ngã trên đường đời, các em sẽ nhớ lại giây phút gặp gỡ đầu tiên khó quên này, để rồi biết chỗi dậy xin Ngài tha thứ và tiếp tục cuộc hành trình đức tin cho đến ngày gặp lại Đức Giêsu Kitô, Đấng mà các em yêu mến và tôn thờ.
 
Ngày Thánh Mẫu Hoa Lòng dâng Mẹ tại Sydney
Những Ca
04:50 27/05/2008
SYDNEY - “Mưa bão bên này và nắng ấm bên kia” lời một thi nhân nào đó môt phần nào diễn tả thời tiết khá bất thường Chúa Nhật 15/05 vừa qua.

Buổi sáng mùa Thu Sydney nắng hanh hanh dìu dịu mang hơi ấm và hy vọng cho Ban Tổ Chức Ngày Thánh Mẫu kết thúc Tháng Hoa –Tháng của Mẹ. Nhưng gần trưa, đột nhiên mây mù giăng đan và mưa bắt đầu rơi khá nặng hạt ở Bankstown, ở Lakemba và ngay cả thủ phủ Cabramatta. “Thôi chết rồi!” lòng tự nhủ khi bắt đầu vào xa lộ M5.

“Có mưa trên đấy không nhỉ?” tôi thầm tự hỏi. Nhưng hỏi làm gì cơ chứ khi xe càng lao về hướng Tây Bắc Sydney thì mặt trời càng gần lộ nguyên hình vẹn. Có cách gì báo tin cho mọi người là Bringelly đang vô cùng nắng ấm không, nỗi âu lo lại miên man canh cánh trong lòng.

Đến Bringelly rồi thì mới biết nỗi lo kia thật vô cớ hão huyền. Mà không vô cớ hão huyền sao đuợc khi nhìn từng đoàn người đã tề tựu chuẩn bị “Hoa Lòng Dâng Mẹ”. Không thấy ô, dù cũng chẳng thấy mũ, nón, áo mưa nhưng là một rừng những tà áo muôn màu muôn sắc phất phới tung bay trên những khuôn mặt rạng rỡ tuơi cuời như đang vui một ngày hội lớn.

Đúng 2 giờ trưa, Cha Nguyễn Văn Tuyết cung kính rước kiệu Thánh Thể đến Đài Đức Mẹ và Cha Chu Văn Chi đã chủ sự Nghi Thức Đền Tạ Dâng Hiến hai quê huơng Úc-Việt cho Mẹ. Truyền thống của Cộng Đồng đấy! Có làm gì ở đâu, Ngày Thánh Mẫu cũng phải về đây với Mẹ hiền: Tạ Ơn, Cầu Khấn xin Mẹ dủ thương ban bình an công lý xuống cho quê hương xưa yêu dấu và mưa hồng ân cho quê huơng mới luôn nhân ái bao dung.

Ngày Thánh Mẫu năm nay, may mắn sao, lại đuợc trùng vào Lễ Mình Máu Chúa Kitô. Hương trầm nghi ngút tỏa bay quyện cùng ngàn cánh hoa tuơi đuợc Đoàn Dâng Hoa Giáo Đoàn Fatima Miller tung dâng truớc Thánh Thể Chúa. Cảm động đến ngần nào khi Mình Thánh Chúa đuợc dâng cao rồi nhìn các cụ ông cụ bà run rẫy qùy gối bên cạnh đàn cháu mắt nai ngơ ngác ngây thơ cầu xin được luôn có lương thực tinh thần để cân bằng một đời sống vật chất đôi lúc đã rất dư giả đến xa hoa.

Khi kiệu Thánh Thể và Mẹ Fatima đến lễ đài, mọi người một lần nữa “kính tin sấp mình thờ lạy Chúa.” Và cùng với Ca Đoàn Bankstown Simon Phan Khắc Hòa, “dâng tiến niềm yêu mến trung thành.” Rồi tự hứa “ từ nay quyết sống tình yêu Chúa ở nơi thế gian và trên chốn Thiên Đàng.”

Và Thánh Lễ đồng tế trọng thể bắt đầu với Qúi Cha Nguyễn Thái Hoạch và Mai Đào Hiền. Trong bài giảng thuyết, Cha Nguyễn Khoa Toàn đã nêu bật sự quan hệ mất thiết giữa Thánh Thể và Mẹ Maria. Mẹ là ngôi nhà tạm đầu tiên của Giáo Hội và Mẹ tha thiết mời gọi những người con yêu của Mẹ cũng trở thành những nhà tạm thiệng liêng cho Con của Mẹ. Cha cũng nhân dịp này nhắc nhở mọi nguời biểu lộ cụ thể lòng tôn kính Thánh Thể mỗi khi lên ruớc lễ và đặc biệt các bậc phụ huynh nên thúc giục và tạo điều kiện để con em mình gia nhập Thiếu Nhi Thánh Thể mới vừa kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tuần qua.

Ngày Thánh Mẫu tại Bringelly đã dần trở thành truyền thống của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney. Nhưng phải cần luôn nhiều công sức và sự hợp tác chân thành của tất cả các phong trào hội đoàn cũng như mọi thành viên Cộng Đồng, từ Ban Tuyên Úy đến những em bé chim non, để truyền thống kia không bị mai một theo cùng năm tháng thời gian.

Nhưng khi nhìn thấy những cảnh sát viên phải vất vả làm việc thay cho đèn giao thông để thông suốt một rừng xe cộ, lòng thầm nghĩ truyền thống rất tốt đẹp đáng yêu kia khó có thể một sớm một chiều mờ nhạt phai nhòa…

Thánh Lễ kết thúc vào lúc 4giờ chiều cùng ngày.
 
Hân hạnh giới thiệu tập sách ''Cầu Nguyện'' của ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
LM Trần Công Nghị
11:17 27/05/2008
Hân hạnh giới thiệu tập sách "Cầu Nguyện" của ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn

Chúng tôi mới nhận được tập sách "Cầu Nguyện" do ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn biên soạn và Ngài có nhã ý tặng cho tất anh chị em tín hữu với lời mong ước là mọi người "thường xuyên sử dụng giúp cộng đoàn tín hữu càng trở nên ngôi trường giáo dục đức tin cho con cháu, trở nên thửa đất màu mỡ tiếp nhận nhiều hạt giống hồng ân cứu độ, đồng thời cũng trở nên thành trì bảo vệ mùa màng hoa trái ơn cứu độ khỏi sự tàn phá của nạn sâu rầy bệnh dịch trong xã hội ngày nay".

Tập "Cầu Nguyện" ngắn gọn này giới thiệu ba thể thức cầu nguyện:
  • Thể thức Chúa Giêsu dạy: Kinh Lạy Cha.
  • Thể thức tâm niệm Lời Chúa qua Tràng Hạt Mân Côi với các Mầu Nhiệm
  • Thể thức thông thường với Bảy lời cầu của người tín hữu.
Tập cầu nguyện này có có nhiều hình ảnh với sắc thái Việt nam giúp cho suy niệm các mầu nhiệm và là một chia sẻ những tâm tư và ước nguyện chân tình của ĐHY Tổng giám mục Saigòn đến với mọi thành phần giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân trong cộng đồng dân Chúa.

Qúi vị có thể download trọn Tập sách Cầu Nguyện dưới dưới dạng Acrobat PDF: Nhấn vào đây để download free sách Cầu Nguyện

* Chú thích: Để đọc được dạng PDF, qúi vị cần có Acrobat Reader, download Acrobat reader free ơ đây , sau đó install vào trong máy của qúi vị

Nội dung tập sách như sau:

Lời mở Cầu nguyện

A. Kinh Lạy Cha

Diễn giải lời kinh Chúa dạy

B. Chiêm ngắm Tình Yêu nơi Trái Tim Chúa làm người

Chiêm ngắm Tình Yêu giáng thế (Năm Sự Vui)
Chiêm ngắm Tình Yêu vào đời (Năm Sự Sáng)
Chiêm ngắm Tình Yêu hiến tế (Năm Sự Thương)
Chiêm ngắm Tình Yêu bất tử (Năm Sự Mừng)


C. Bảy lời cầu của người tín hữu

Chúa nhật -Lời cầu cho các chứng nhân Tin Mừng
Thứ Hai -Lời cầu cho gia đình
Thứ Ba -Lời cầu cho đời thánh hiến
Thứ Tư -Lời cầu cho các mục tử
ThứNăm -Lời cầu cho mọi người anh em
Thứ Sáu -Lời cầu cho bệnh nhân
Thứ Bảy -Lời cầu cho các tín hữu


Trong tập sách này cũng có rất nhiều bức tranh do các họa sĩ Việt nam thời danh vẽ, thí dụ như:
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nguồn gốc loài người và thuyết tiến hóa
Linh Tiến Khải
18:13 27/05/2008
Nguồn gốc loài người và thuyết tiến hóa

Phỏng vấn giáo sư Yves Coppens, chuyên viên cổ nhân chủng học về nguồn gốc loài người và thuyết tiến hóa

Hồi năm 1974 các nhà khảo cổ và nhân chủng học đã khám phá ra các xương của một phụ nữ tại miền nam Etiopia và đặt tên cho bà là Lucia.

Trong số các chuyên viên cổ nhân chủng học thuộc nhóm khám phá hồi đó có giáo sư Yves Coppens. Bà Lucia được xếp loại là ”Australopitecus afarensis”, sống cách đây 3 triệu năm. Cho tới thời đó đây đã là vết tích cổ xưa nhất của con người trên Trái Đất.

20 năm sau cũng trong vùng này, người ta tìm thấy bộ xương của một người đàn ông đầy đủ hơn bộ xương của bà Lucia, và các nhà khảo cổ và nhân chủng học gọi là ”Chồng bà Lucia”. Người đàn ông này sống cách đây khoảng 3,5 triệu năm.

Mùa hè năm 2003 người ta còn tìm thấy các xương người cổ xưa hơn nữa tại nước Ciad bên Phi châu, sống cách đây khoảng 5-7 triệu năm. Cho tới nay đây đã là các mẫu người cổ xưa nhất mà khoa học biết được.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhân định của giáo sư Yves Coppens, chuyên viên cổ nhân chủng học (paleoantropologia) về nguồn gốc loài người và thuyết tiến hóa.

Giáo sư Coppens hiện là một trong những nhà cổ nhân chủng học quan trọng nhất thế giới. Bài phỏng vấn được ông Carlo Dignola thực hiện cho số mới của nguyệt san ”Sự sống và tư tưởng” của Dại Học Công Giáo Milano, xuất bản năm hai lần. Giáo sư Coppens dậy môn cổ nhân chủng học và tiền sử tại Collège de France và khoa nhân chủng học tại Viện bảo tàng quốc gia Lịch sử thiên nhiên Pháp. Giáo sư là thành viên của Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp.

Trong các năm làm việc bên Etiopia giáo sư đã đưa ra ánh sáng 7 người tiền sử trong đó có bà Lucia năm 1974, và năm 2000 một mẫu người khác là ”Australopitecuc Orrorin tugenensis”, là móc xích định đoạt của dây xích nhân chủng này. Giáo sư Coppens thiết định rằng con người có nguồn gốc cổ xưa hơn điều người ta tưởng nghĩ rất nhiều và đã có lịch sử dài 3, 4 triệu năm. Nó đã biến mất khỏi rừng tranh Phi châu nhiệt đới, vì khí hậu thay đổi và trở thành khó sống, chứ không phải bên Trung Hoa như có người giả thuyết. Từ đó nó di cư đi khắp mọi nơi, nhưng bắt nguồn từ một giống duy nhất. Ngoài ra con người không phát xuất từ ”khỉ” như nhiều người vẫn còn tin ngày nay.

Hỏi: Thưa giáo sư Coppens, giáo sư khước từ viễn tượng ”Chương trình thông minh” cho rằng có một bàn tay vô hình hướng dẫn việc tiến hóa. Nhưng đồng thời giáo sư cũng giả thuyết rằng sự lựa chọn tự nhiên dấu ẩn một cơ cấu mà chúng ta không biết được. Giáo sư nghĩ tới điều gì vậy? Một ”con đường thứ ba” hay sao?

Đáp: Vâng, một cái gì tương tự như thế. Tôi đã làm việc bên Etiopia, nhất là tại miền nam Etiopia, nơi chúng tôi đã tìm thấy bộ xương của bà Lucia, giáp giới với hai nước Sudan và Kenya. Giữa các năm 1967 và 1976 năm nào tôi cũng sống nhiều tháng tại vùng này, và trong các cuộc tìm kiếm tôi đã đứng trước một loạt các lớp di tích khảo cổ tuyệt vời cách đây từ hơn 3 triệu năm cho tới 1 triệu năm. Trong các vùng đất này tôi đã thấy khí hậu ẩm ướt ngày càng trở thành khô ráo và tôi quan sát một vài thú vật bị tuyệt nòi: điều này chứng minh cho thấy một cách hiển nhiên là hệ thống thích ứng của chúng đã không hoạt động. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều thú vật di cư đi nơi khác tìm đất sống; nhưng trái lại cũng có một số đông các loài vật khác đã thích ứng với các điều kiện khí hậu mới. Trong số các sinh vật ấy có con người.

Khi tôi quan sát thấy biết bao nhiêu loài vật ghi nhận ”một sự thay đổi ích lợi” chính lúc chúng cần đến, thì khó mà có thể nói đó là chuyện tình cờ được. Đàng khác khi chúng ta nói chuyện với các chuyên viên di truyền học và sinh học phân tử, thì họ nói: ”Tôi bảo đảm với qúy vị, sự thay đổi là một tiến trình tuyệt đối tình cờ”. Như thế phải tin cái gì bây giờ? Khi các đồng nghiệp nói với tôi rằng: ”Ông phải lắng nghe chúng tôi”, thì dĩ nhiên là tôi đồng ý với họ. Nhưng mà khi tôi là người có 50 năm kinh nghiệm trong lãnh vực này đưa ra các nhận xét, thì họ cũng phải lắng nghe tôi chứ.

Có một giải pháp có thể, đó là các thay đổi là các biến cố tình cờ, nhưng có lẽ có một ”kho chứa”: chúng được chất chứa ở trong tế bào một cách thụ động, và có thể là khi khí hậu thay đổi và sự lựa chọn tự nhiên, thì trong một chuỗi các thay đổi tình cờ đã được tích trữ đó, nó chọn cái đúng đắn. Tôi chưa biết cái gì đã thực sự xảy ra, nhưng chắc chắn là khi tôi thấy các thú vật như: voi, heo, hươu, ngựa thay đổi tất cả các đặc thái vật lý của chúng trong chiều hướng đúng và vào đúng lúc, thì tôi tự hỏi: lẽ nào tất cả chúng được hướng dẫn bởi sự tình cờ sao? Người ta có cảm tưởng là có một bí quyết nào đó.

Hỏi: Phải tìm các ”kho chứa” mà giáo sư giả thuyết đó ở đâu? Bên trong các yếu tố di truyền hay thế nào?

Đáp: Vâng, có lẽ đúng vậy. Tôi nghĩ giải pháp nằm bên trong phân tử. Ngoài ra như là chuyên viên cổ nhân chủng học tôi không thể trả lời câu hỏi này. Chính các nhà sinh học nắm trong tay phương pháp giúp lượng định xem một điều như thế có được kiểm chứng hay không, hay phải tìm các giải pháp khác. Nhưng chắc chắn là chúng ta chưa nhận được cơ cấu của sự tiến hóa. Chúng ta tất cả đều đồng ý nói rằng nó không phải là một lý thuyết nữa, mà là một dữ kiện, nhưng trên thực tế chúng ta chưa biết nó tiến triển như thế nào.

Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư cho rằng con người đã phát triển tại miền tây Rift Valley, là vùng cách đây 10 triệu năm đã chia Phi châu thành hai. Nếu không có sự thay đổi môi trường đó, thì con người đã không bao giờ xuất hiện. Ngày nay, theo vài học giả thì đang xảy ra một sự đảo lộn khí hậu: nó có gây ra hậu qủa tai hại đối với cuộc sống của loài người hay có làm nảy sinh ra một tiến hóa mới hay không thưa giáo sư?

Đáp: Trước hết cần phải nói rằng các thay đổi khí hậu là một sự kiện tuyệt đối bình thường: nó thường xuyên xảy ra trong bậc thang phát triển của con người trên Trái Đất này. Nếu nó đã không xảy ra, thì đã không có một sự tiến hóa nào, để cho các sinh vật trong một môi trường nhất định nào đó được quân bình. Và khi thế quân bình đó bị bẻ gẫy, thì một vài cá nhân tìm một thế quân bình mới, bằng cách thích ứng với các điều kiện đã thay đổi. Như thế chủng loại tiến hóa. Các con người đầu tiên diễn tả câu trả lời cho việc thích ứng với một môi trường trở thành khô ráo hơn: khí hậu thay đổi đã xác định một khúc rẽ trong lịch sử các con người đầu tiên. Thề rồi khi con người có ý thức hơn, với việc suy tư nó đã phát triển nền văn hóa, và văn hóa từ từ đã khiến cho con người có khả năng không chịu đựng môi trường một cách thụ động nữa, mà sử dụng môi trường và lợi dụng nó.

Hỏi: Thưa giáo sư chúng ta có bị đảo lộn vì mực nước biển dâng cao hay không?

Đáp: Từ mười ngàn năm nay các đá băng đang tan chảy và nước dâng cao: mực nước Địa Trung Hải đã dâng cao hơn 100 mét. Gần thành phố Marseille ở miền nam nước Pháp, có một cái hang gọi là ”Hang bờ biển”, mà ngày nay nó nằm ở 40 mét sâu dưới mực nước biển. Các bức tường của hang có các hình vẽ. Như thế mực nước biển đã dâng khá cao. Sự kiện khí hậu từ chỗ thật lạnh trở thành dịu hơn đã khiến cho nhiều loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch và lúa miến phát triển và mọc tốt hơn nhiều, và nó cũng tạo ra vùng đất phì nhiêu mà chúng ta gọi là “Nửa vành trăng phì nhiêu” trong vùng Cận Đông, bao gồm từ Ai Cập cho tới vùng Medopotamia, là vùng Lưỡng Hà, tức Iran Irak ngày nay. Trái lại nhờ có văn hóa, thay vì chịu đựng khí hậu thay đổi, con người lại sử dụng chính sự thay đổi của khí hậu. Đây đã là giai đoạn định đoạt thứ hai trong tiến trình phát triển của loài người. Giai đoạn thứ ba đã chỉ bắt đầu cách đây 200 năm, với hiện tượng dân số gia tăng mau lẹ: vào năm 1815 trên thế giới chỉ có khoảng 1 tỷ người, nhưng chưa đầy 200 năm sau trái đất đã có hơn 6 tỷ người. Cùng với sự phát triển các kỹ thuật và việc sản xuất hàng loạt, khí hậu cũng lại có các thay đổi mới, một phần là tự nhiên, nhưng một phần do chính con người gây ra. Ngày nay các thay đổi khí hậu này khiến cho chúng ta lo âu, vì chúng ta không thể chế ngự được sự tiến triển của khí hậu. Nhưng chúng ta phải có khả năng điều hòa việc thải các thán khí như nidrad carbon và metano vào trong khí quyển.

Hỏi: Giáo sư đã đưa ra giả thuyết liên hệ giữa sự phát triển nông nghiệp và việc nảy sinh ra chiến tranh. Tương quan đó như thế nào thưa giáo sư?

Đáp: Vào thời du mục chúng ta đã không tìm thấy các dấu vết chấn thương tập thể. Trái lại từ khi người ta bắt đầu có tư sản là đất đai, thu hoạch, hạt giống và súc vật, thì cũng có dấu vết của nhiều cuộc tấn kích hơn. Các mồ chôn tập thể cũng bắt đầu với việc khám phá ra kim loại. Nếu đã không có đủ các mỏ thiếc và mỏ đồng để làm hài lòng mọi người, thì khi khám phá ra một quặng mỏ, cần phải tuyệt đối bảo vệ nó, để các dân tộc lân cận không chiếm hữu được nó. Và cũng từ lúc đó, tức cách đây khoảng 5-6 ngàn năm, chúng ta tìm thấy các hố đầy xác người. Khi nghiên cứu lịch sử cổ xưa, thì người ta hiểu lịch sử ngày nay: vấn đề dầu lửa bên Irak cũng y như thế.

Hỏi: Khi nghiên cứu lịch sử cổ xưa của loài người, giáo sư cũng đã cung cấp các yếu tố giúp hiểu biết hướng phát triển của loài người trong tương lai, có đúng thế không?

Đáp: Điều mà tôi nhận thấy sau 3 triệu năm loài người xuất hiện trên Trái Đất này: đó là trong lịch sử của loài người đã có một sự tiến triển trên tất cả mọi bình diện. Con người đã tiến triển trong việc đẽo đá, trong các kỹ thuật, nhưng cũng tiến triển trong cung cách hành xử ngày càng thanh nhã và văn minh hơn. Nhất là có sự tiến triển trong ”chương trình” tức trong việc dự kiến: con người có khả năng thấy trước. Chẳng hạn cách đây 2 triệu năm, ”Homo abilis”, con người khéo tay đẽo đá; rồi đến ”Homo erectus” con người đứng thẳng biết sáng chế vật dụng có hai mặt, theo hình thể song song với nhau: nó tỏ ra chuyên môn hơn, sẵn sàng sử dụng vật dụng đó một cách cẩn thận hơn, trong một thời gian lâu hơn chừng vài tuần. Nghĩa là viễn tượng thời gian của nó kéo dài hơn. Những người đã trang hoàng các hang đá Lascaux ở miền Tây nam nước Pháp đã sử dụng một loại bùn trộn lẫn với máu của loài bò rừng bison: họa sĩ đã có trong đầu óc mục đích vẽ các hình trên vách đá để chúng có thể kéo dài với thời gian. Ông ta sống trong hy vọng tác phẩm của mình kéo dài vài năm, hay cả sau cuộc sống của ông nữa. Tác phẩm của một người luôn luôn kéo dài viễn tượng của nó trong thời gian.

Có một sợi dây nối liền tất cả các lịch sử này: đó là sự tiến bộ không thể chối cãi được. Khi nhìn qúa khứ tôi thấy một niềm hy vọng cho tương lai. Con người sẽ còn tiến bộ trong cung cách hành xử. Điều này đã luôn luôn xảy ra, và tôi tin tưởng rằng nó sẽ tiếp tục trong tương lai. 15 tỷ năm lịch sử đã dậy cho chúng ta biết rằng thể chất không ngừng trở thành phức tạp hơn và tự tổ chức: điều này giúp hé mở cho chúng ta trông thấy một số cơ phận của loài người còn phức tạp hơn và có tổ chức hơn nữa. Ngày mai của nhân loại phải là ngày mai của một thể chất suy tư hơn, hay siêu suy tư. Hay có lẽ tốt hơn phải nói một cách đơn sơ như thế này: đó là ngày mai của thể chất suy tư. Thiên tài của con người chưa hết gây ngạc nhiên cho chúng ta.

(Avvenire 15-1-2008)
 
Thông Báo
Phân Ưu: Bà cố của hai cha Camille Phúc và cha Alexis Hải đã qua đời tại Xuân Lộc
TGM Nha Trang
12:31 27/05/2008

PHÂN ƯU



Toà Giám Mục Nha Trang được tin:

Bà cố Cêcilia Nguyễn Thị Kỷ


thân mẫu Cha Camile Trần văn Phúc (OFM), Cộng đoàn Phanxicô Thanh Hải
và Cha Alexis Trần Đức Hải (OFM), cựu Giám tỉnh Dòng Anh em Hèn mọn, VN.

Bà Cố Cêcilia vừa qua đời lúc 3g45 ngày 26/5/2008
tại Trà Cổ, Xuân Lộc, hưởng thọ 91 tuổi.

Bà cố Cêcilia Nguyễn Thị Kỷ, sinh năm 1917 tại Phủ Cam, Huế.
Gia đình Ông bà cố là công chức lâu đời tại Huế.
Sau năm 1975, gia đình vào ở giáo xứ Trà Cổ, giáo phận Xuân Lộc

Nghi thức tẩm liệm vào chiều ngày 26/5/2008.
Thánh lễ an táng Bà cố Cêcilia Nguyễn Thị Kỷ sẽ được cử hành lúc 8 giờ ngày 28/5/2008
tại nhà thờ Giáo xứ Trà Cổ, giáo phận Xuân Lộc,
sau đó được an táng tại nghĩa trang của giáo xứ.

Giáo phận Nha Trang xin phân ưu cùng quý cha Camille Phúc và Alexis Hải và tang quyến.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh đón nhận linh hồn Bà cố Cêcilia vào Nước Trời.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tổ Ấm
Lm. Vũ Đình Huyến
00:27 27/05/2008

TỔ ẤM



Ảnh của Lm. Vũ Đình Huyến

Chim có tổ, người có tông.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền