Ngày 24-05-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngang qua Thánh giá, Thiên Chúa hiến mình
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
00:38 24/05/2024
NGANG QUA THÁNH GIÁ, THIÊN CHÚA HIẾN MÌNH
LỄ CHÚA BA NGÔI

Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Thiên Chúa duy nhất ấy không đơn độc trong một ngôi, nhưng Ngài có Ba Ngôi và là chính Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. mỗi ngôi vị đều bằng nhau về thần tính và ưu phẩm, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa. Thiên Chúa là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau, hướng về nhau.

Ba Ngôi là mầu nhiệm thuộc đời sống thâm sâu của Thiên Chúa, vượt mọi khả năng hiểu biết và suy luận của trí khôn con người.
Nơi Thiên Chúa, dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất, nhưng mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình.
Đặc biệt, nơi thánh giá Chúa Kitô, Thiên Chúa thể hiện cách hoàn bị hết sức và mãnh liệt tình yêu cứu độ của Ngài.
Nơi thánh giá, Chúa Kitô chấp nhận chịu đau khổ, chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến hoàn toàn, yêu mến tuyệt đối đối với Cha.

Chúa Kitô dùng chính thân xác mình, dòng máu mình, con người mình để thiết lập trật tự mới, đó là đưa nhân loại về lại trong tình nghĩa với Chúa Cha. Chính ngài, nơi cái chết và phục sinh của mình, thiết lập giao ước mới và vĩnh cửu với Hội Thánh, dân riêng mới của Thiên Chúa Cha.

Nhìn lên thánh giá, suy nghĩ nông cạn và non nớt của loài người dễ cho rằng, đó là một thất bại to lớn.
Thực ra, đối với Kitô hữu, Thánh giá chính là hiện thân, là sự thành công lớn lao của một tình yêu tận cùng, một tình yêu vượt hết mọi rào cản, vượt thắng tất cả sự tàn nhẫn và tội ác của con người.
Đó là một tình yêu hạ mình, một tình yêu mà Thiên Chúa là Chúa trời đất đã hiến dâng chính mình để cứu lấy con người.

Thánh Gioan ghi nhận lời của Chúa Giêsu, cũng chính là ghi nhận lời của Tình Yêu không cùng ấy: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin ở Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).

“Yêu… đến nỗi đã ban”, cụm từ tuy đơn giản nhưng khắc họa sự lớn lao hết sức của tình yêu, đủ nói lên tất cả sức mạnh, tất cả sự tha thiết, tất cả sự mãnh liệt của một tấm lòng yêu thương.

Còn hơn cả một lòng yêu thương, bởi tình yêu của Đấng đã “Yêu… đến nỗi đã ban” ấy không phải như tình yêu con người dành cho nhau, nhưng là tình yêu của Đấng Tạo Thành dành cho thụ tạo của mình. Đó là Tình Yêu của Thiên Chúa hiến dâng cho loài người.

Và tình yêu mà Thiên Chúa đã ban, không phải một cái gì bên ngoài Thiên Chúa, nhưng là chính bản thân Thiên Chúa, là chính Đấng phát xuất từ giữa cung lòng Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, là hiện thân khôn tả của tình yêu vô cùng mà Thiên Chúa dành cho loài người.

Vì thế, khuôn mặt thánh giá của Chúa Kitô là bằng chứng hùng hồn, là tiếng nói mạnh mẽ, là nét bút tuyệt vời, là vết khắc sâu sắc... về một tình yêu bền vững có một không hai trong lịch sử nhân loại, tình yêu của Thiên Chúa từ trời cao dành cho người trần thế.

Bởi vậy, cái chết của Con Người chịu đóng đinh kia, cho thấy chiến thắng của tình yêu siêu phàm. Cái chết uy hùng kia biểu dương một tình yêu mạnh hơn sự chết, có sức tiêu diệt hận thù và làm phát sinh từ trong cái chết của tội lỗi loài người một nguồn sống vô tận cho cả loài người.

Về phía Thiên Chúa, một khi trao dâng Con của mình, tức là Thiên Chúa trao tặng chính mình, trao tặng chính sự hy sinh lớn lao của bản thân để cứu độ chúng ta.

Vì thế, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đến vô cùng, hãy cảm tạ Thiên Chúa không phải bằng lời, nhưng bằng cả cõi lòng mình.
Hãy ý thức thật sâu lắng và mạnh mẽ: Chúa yêu thương ta đến nỗi không còn kể mình nữa, miễn là ta được sống.
Hãy ý thức thật nhiều, để niềm ý thức ấy trở nên nung đốt tâm tình cảm tạ trong ta thật mãnh liệt, thật dồi dào, thật trào tràn.

Một lần nữa, từng người hãy nhìn lên thánh giá, hãy chiêm ngắm thánh giá Chúa Giêsu, hãy tỏ lòng trung thành tôn thờ Đấng chịu nạn, hãy mang hết tâm hồn đặt dưới chân Chúa để cảm tạ Chúa, để đoan hứa với Chúa trong tình yêu của chính mình về một quyết tâm chỉ chọn một mình Chúa làm đích điểm của kọi hoạt động, mọi thể hiện sống, mộ nỗ lực xây dựng sự sống của mình và của đồng loại...
 
Ngày 25/05: Mặc lấy tâm hồn trẻ thơ để được vào nước Trời – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
02:19 24/05/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy họ. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:56 24/05/2024

17. Suy niệm buổi sáng sớm thì giống như bài tập thể dục buổi sáng, chính là thời gian “hít thở sâu” cho đời sống tu đức của chúng ta, phải để cho Thánh Thần hết sức thấm nhập vào tất cả các phương diện trong đời sống tinh thần của chúng ta.

(Rev. Vincent Lebbe)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:02 24/05/2024
64. CHÓ HẠI MẮT BỊ BỆNH

Mắt của Vu công bị bệnh nên đi đến thầy thuốc chữa bệnh, lúc ra khỏi cửa thì giẫm phải con chó đang nằm dưới bực thềm, con chó giựt mình cắn áo của ông ta thủng một lổ.

Khi khám bệnh, ông ta đem chuyện này nói với thầy thuốc, thầy thuốc nói:

- “Nhất định là con chó này làm mắt ông bị bệnh.”

Vu công về đến nhà thì nghĩ rằng con mắt mình bị bệnh là chuyện nhỏ, mắt chó mà bệnh thì đêm tối làm sao giữ nhà được. Thế là ông ta sắc thuốc và đem trị cho chó trước, thuốc còn dư thì mới trị cho mình !!

(Nhã Ngược)

Suy tư 64:

Con mắt là cửa sổ của tâm hồn, nó cũng còn là đèn sáng của thân thể, mắt bị mù thì hoàn toàn sống trong màu đen tối, mắt bị mù thì không biết thưởng thức cái đẹp tự nhiên của vũ trụ, do đó mà con mắt rất cần thiết và quan trọng đối với con người.

Dù cho con mắt của con chó có đẹp và quý như ngọc thì cũng không thể bằng con mắt của con người, dù cho con mắt của con chó nhìn ban đêm sáng hơn đèn điện tử, thì cũng không thể quý bằng con mắt của con người, đó là sự thật. Nhưng đối với những người chỉ biết vật chất là cứu cánh của mình, thì con mắt của con chó rất là quan trọng đối với họ, bởi vì mắt con chó bị đui mù thì không thể giữ nhà được, tức là giữ của cải cho họ !!

Con mắt là cửa sổ của tâm hồn, nếu cửa sổ bị hư thì lo mà sửa trước, bằng không thì nhà cửa (là thân thể) sẽ bị bệnh; con mắt là đèn soi thân thể, cho nên khi đèn mù mờ thì lập tức phải sửa chữa và thêm dầu cho nó sáng, nếu không thì cả thân thể sẽ bị tối mù vị tội lỗi. Có những người Ki-tô hữu có mắt tâm hồn bị mù, nhưng vẫn cứ thích sống trong đêm tối mà không muốn đi bác sĩ (bí tích Giải Tội) để chữa lành, bởi vì họ nghĩ rằng con mắt xác thịt mới là quan trọng, nên họ tích cực đi bác sĩ chuyên khoa mắt để chữa trị mắt khi mắt của họ có vấn đề, dù tiền bạc tốn bao nhiêu cũng được; họ rất lo buồn vì con mắt xác thịt của họ bị nhiễm trùng, bị sưng đỏ không thể nhìn thấy được...

Con mắt thân thể hay con mắt tâm hồn đều quan trọng đối với người Ki-tô hữu, nhưng vì để nhìn thấy ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa mà họ sẵn sàng hy sinh con mắt xác thịt của mình, đó là người khôn ngoan vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Chúa Ba Ngôi trời đất nhà mình
Lm. Nguyễn Xuân Trường
03:10 24/05/2024
CHÚA BA NGÔI TRỜI ĐẤT NHÀ MÌNH

Hằng ngày người Công Giáo tuyên xưng Chúa Ba Ngôi bằng cả lời nói và cử chỉ khi làm dấu thánh giá trên chính thân thể mình: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Chúa Ba Ngôi là Chúa trời đất và là Cha của chúng ta.

1. Chúa trời đất. Trong bài đọc 1, Môi-sê công bố: “Trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em. Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người để được hạnh phúc.” Trong bài Phúc Âm Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” Như thế Chúa là Chúa cả trời đất, Chúa của muôn loài. Chúa Cha như mây ở trên trời. Chúa Con nhập thể như nước dưới đất. Chúa Thánh Thần kết nối Cha-Con như hơi ẩm trong không khí. Cha, Con, Thánh Thần đều là Chúa như mây, nước, hơi ẩm đều là H2O. Nước như hình ảnh diễn tả Chúa đem sự sống cho vũ trụ này.

2. Cha chúng ta. Bài đọc 2, thánh Phaolô cho thấy: “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi!” Chúng ta là con cái Thiên Chúa.” Thật là hạnh phúc khi có Chúa trời đất là cha của mình, gần gũi tình Cha con gắn bó. Liên hệ tình nghĩa gia đình cha-mẹ-con là hình bóng liên hệ Chúa Ba Ngôi chan chứa yêu thương quấn quýt như lời ca: “Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống ba. Cả nhà ta cùng thương yêu nhau. Xa là nhớ gần nhau là là cười.” Hãy làm cho gia đình mình chiếu sáng hình ảnh Chúa Ba Ngôi chan chứa yêu thương gắn bó nên một.

Xin cho mỗi người, mỗi gia đình và đại gia đình nhân loại được sống an vui hạnh phúc trong trời đất đầy tình yêu Chúa Ba Ngôi. Yêu thương làm nên liên hệ tình nghĩa Chúa yêu con, con yêu Chúa, và mọi người yêu thương nhau như anh em cùng một mái nhà có Chúa là Cha. Amen.
 
Hồn nhiên
Lm. Minh Anh
15:39 24/05/2024
HỒN NHIÊN
“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào!”.

“Hầu hết những gì thực sự cần biết về cách sống, tôi đã học được ở nhà trẻ. Trí tuệ không nằm trên đỉnh núi của các trường cao học, mà ở trong mấy hộp cát của trường mẫu giáo. Hồn nhiên và lành mạnh biết bao!” - Robert Fulghum.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Fulghum được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Thật thú vị, Chúa Giêsu lấy trẻ em để lưu ý người lớn! Ngài chỉ ra cách thức đón nhận Nước Thiên Chúa như tính cách của trẻ em: không dè giữ, ngờ vực nhưng cởi mở, vui tươi và ‘hồn nhiên’.

Thế giới ngày càng ‘vong bản’ vì những ham muốn sai lầm của con người. Thèm muốn nhục dục có xu hướng chiếm hữu và thống trị nền văn hoá của chúng ta theo cách gần như bình thường, khi con người coi người khác là đối tượng của ham muốn. Tội lỗi do dục vọng tràn lan, ảnh hưởng đến con người tới mức ràng buộc, đến nỗi nạn nhân không thể thoát ra. Kết quả đáng buồn là con người như đã mất đi những tình cảm trong sáng đối với tha nhân. Trong một nền văn hoá ‘vẩn đục’ như thế, bạn và tôi có thể dễ dàng nhìn thấy mọi thứ qua lăng kính vọng tưởng và vọng động.

Với Chúa Giêsu thì không! Ngài hồn nhiên với mọi người. “Cứ để trẻ em đến với Thầy”; “Rồi Ngài ôm lấy các trẻ, đặt tay chúc lành cho chúng”. Không chỉ các trẻ, một phụ nữ ngoại tình đã ‘bám lấy’ chân Ngài; một phụ nữ tiếng tăm khác “lấy nước mắt tưới ướt chân, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm đổ lên”; và Gioan tông đồ, người đã “tựa đầu vào lòng” Ngài trong Bữa Tiệc Ly. Dẫu thế, tất cả vẫn lành mạnh và ‘hồn nhiên’. Bằng cách ấy, Tin Mừng tiết lộ sự thánh thiện của Chúa Giêsu vốn không chỉ dành cho trẻ em mà còn cho tất cả mọi hạng người.

Với Ngài, tình cảm phải được ‘thanh tẩy và cứu chuộc’ theo cách nó hiến dâng mà không một động cơ ích kỷ nào có thể len vào; và dĩ nhiên, không có những ham muốn rối loạn! Một khi điều này được thực hiện, thì cái ôm của cha mẹ, của một người bạn với một người bạn, của vợ hoặc chồng với người phối ngẫu… là một biểu hiện thánh thiện của một tình yêu trong sáng. Để có sự thánh thiện này, Giacôbê nhắc nhở chúng ta phải cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, cho mình và cho người khác - bài đọc một. Chỉ trong cầu nguyện, bạn mới có thể ‘hồn nhiên’. “Ước chi lời con nguyện, như hương trầm bay toả trước thánh nhan!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào!”. Đức Phanxicô nói, “Đây là điều mới mẻ: người môn đệ không chỉ phục vụ những kẻ bé mọn mà còn phải nhìn nhận mình là kẻ bé mọn. Đó là bước đầu tiên để chúng ta mở lòng với Chúa. Trong thịnh vượng, sung túc, chúng ta ảo tưởng rằng, mình tự cung tự cấp, rằng chúng ta không cần đến Chúa. Đây là sự lừa dối, bởi vì mỗi chúng ta là một kẻ bé mọn đang cần giúp đỡ. Phải ‘hồn nhiên’ tìm kiếm sự nhỏ bé của chính mình và nhận ra nó; ở đó, chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lây nhiễm văn hoá thế tục; thay vào đó, cho con thể hiện một tình yêu thánh khiết với bất cứ ai, nó sẽ vị tha và ‘hồn nhiên’ như Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:03 24/05/2024
CHÚA NHẬT

LỄ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI


Tin Mừng : Mt 28, 16-20

“Anh em hãy làm Phép Rửa cho muôn dân, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.


Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúa nhật lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm lớn nhất trong đạo của chúng ta, là mầu nhiệm mà thánh Phao-lô đã dạy: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người.” Đây là mầu nhiệm –có thể nói- lột tả được tất cả bản tính của Thiên Chúa, đó là Tình Yêu.

1. Tình yêu liên kết.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần để làm phép Rửa cho người tin vào Đức Chúa Giê-su để họ được trở nên môn đệ của Ngài, là một dấu ấn không phai mờ của tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, và nói lên một ý nghĩa cũng vô cùng quan trọng, đó chính là từ đây họ được liên kết chặt chẽ với Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc sống của họ.

Từ một loài thụ tạo thấp hèn được nâng lên làm con Thiên Chúa qua sự chết và sống lại của Đức Chúa Giê-su, người Ki-tô hữu đã thực sự là sợi dây liên kết giữa con người với nhau, khi họ nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi để phục vụ và yêu thương người thân cận trong chính bổn phận của mình, họ liên kết với nhau vì “chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin và một Phép Rửa...”

2. Tình yêu chia sẻ.

Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, không ai lớn hơn ai, nhưng là bằng nhau, như nhau và chia sẻ với nhau về cái “có” của mình: có vô cùng, có yêu thương, có quyền năng, có sáng tạo, có hiện hữu, có thánh, có chân, có thiện, có mỹ...

Một sự chia sẻ hài hoà trong một Thiên Chúa Ba Ngôi, mà chính chúng ta –những người Ki-tô hữu- đã được diễm phúc hiệp thông và đón nhận như là một hồng ân của lời hứa ban sự sống vĩnh cữu trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội là nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Tình yêu được chia sẻ là tình yêu trưởng thành ở trần gian và viên mãn ở trên thiên đàng.

Do đó, hết thảy chúng ta đều cảm thấy vui sướng và hạnh phúc khi đem tình yêu này chia sẻ cho anh em, cho tha nhân mà không cần phải biết họ là ai, bởi vì nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta đem tình yêu của Ngài cho mọi người, bởi vì khi hiến thân là khi được nhận lãnh (Th. Phanxicô khó nghèo).

Đức Chúa Giê-su đã vì yêu mà chia sẻ thân phận con người như chúng ta, và đã hiến dâng thân mình làm của lễ để đền tội thay cho chúng ta, đó chính là tình yêu hiến mạng sống vì người mình yêu.

3. Tình yêu đón nhận.

Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần trở nên một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi vị, duy nhất nhưng không làm mờ mỗi ngôi vị của nhau, trái lại trở nên nguồn mạch tình yêu của mọi loài trên trời dưới đất.

Bí tích Rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi đã làm cho người Ki-tô hữu biết đón nhận nhau trong cuộc sống, bởi vì nơi họ, tình yêu của Thiên Chúa tỏa lan ra trong hành vi ngôn ngữ của họ, bởi vì nơi họ, mà anh em nhận ra mình là anh em chị em của nhau trong cùng một Cha trên trời.

Đức Chúa Giê-su vì yêu mà đón nhận tất cả chúng ta là những tội nhân vào trong trái tim của Ngài.

Anh chị em thân mến,

Ngày lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi hôm nay nhắc nhở chúng ta biết đâu là cội nguồn của hạnh phúc, đó chính là tình yêu, nhưng tình yêu này phải được bắt nguồn từ sự kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tình yêu chân chính giúp chúng ta nhận ra được giá trị của mỗi người nơi anh em chị em; tình yêu chân chính cũng làm cho chúng ta biết đón nhận những khuyết điểm của tha nhân mà thông cảm; tình yêu chân chính giúp chúng ta biết chia sẻ những bất hạnh của người nghèo, những đau khổ của người bị bỏ rơi, và tình yêu chân chính làm cho mỗi người trong chúng ta trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Kitô ở trần gian này.

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Vâng lời của Đức Chúa Giê-su dạy, chúng ta ra đi để làm cho người khác trở thành môn đệ Chúa, nhưng nếu chúng ta chưa trở thành môn đệ của Chúa trước, thì ai mà tin vào lời nói của chúng ta chứ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chính sách ngoại giao không ngoại giao của Đức Hồng Y Parolin đối với Giáo hội Trung Quốc
Vũ Văn An
15:11 24/05/2024

Ed. Condon của tạp chí The Pillar, ngày 23 tháng 5 năm 2024 tường trình việc Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Vatican Pietro Parolin cho biết trong bài phát biểu hôm thứ Ba tại một hội nghị ở Rome rằng người Công Giáo Trung Quốc có thể trở thành những công dân tốt nhất của đất nước họ.



Đức Hồng Y Parolin, ngoại trưởng của Tòa thánh và là người thiết kế thỏa thuận gây tranh cãi giữa Vatican-Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục, đã sử dụng ví dụ về một phái viên của Giáo hoàng ở thế kỷ 19 tại Trung Quốc để vạch ra tầm nhìn về mối quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước và hội nhập văn hóa cho Giáo hội địa phương.

Theo Đức Hồng Y Parolin, chìa khóa cho một Giáo hội hưng thịnh ở Trung Quốc là làm cho Giáo hội địa phương trở thành “truyền giáo” nhưng không phải là người nước ngoài, và rút gọn sự tham gia của Tòa thánh với chính phủ ở bình diện các vấn đề giáo hội mà thôi.

Trong khi chỉ ra rằng thỏa thuận Vatican-Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ được gia hạn vào cuối năm nay, Đức Hồng Y cũng nhắc lại tham vọng của Tòa Thánh về sự hiện diện thường trực trên đất liền, với một phái viên tận tâm của Vatican tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh, đặc phái viên đó sẽ phải hiện diện thuần túy mục vụ, loại bỏ vai trò ngoại giao của các sứ giả hoàn cầu của Vatican.

Bài phát biểu của Đức Hồng Y, đưa ra vào ngày 21 tháng 5 tại một hội nghị do Giáo hoàng Đại học Urbano ở Rome tổ chức với tựa đề “100 năm kể từ Công đồng Trung Hoa [Concilium Sinense]: Giữa Quá khứ và Hiện tại” đã đưa ra một cái nhìn đáng lưu ý về lộ trình mà Vatican đang theo đuổi ở Trung Quốc.

Nhưng nó cũng đặt ra những câu hỏi về bản sắc của Trung Quốc với tư cách là một quốc gia, và vị trí của người Công Giáo Trung Quốc cả trong Giáo hội lẫn quê hương của họ.

Liệu nỗ lực ngoại giao “không ngoại giao” với Trung Quốc của Parolin có hiệu quả hay nó là một tuyên ngôn cho một giáo hội làm ăn với Cộng sản?

ĐHY Parolin cho biết, Costantini đã có “một cái nhìn sâu sắc khác thường” về tình hình và những thách thức của Giáo hội ở Trung Quốc, từ đó định hình “chiến lược, cả truyền giáo lẫn ngoại giao” của ngài, dẫn tới Công đồng đầu tiên của Giáo hội ở Trung Quốc vào năm 1924.

Theo ĐHY Parolin, một vấn đề quan trọng được đại biểu của Đức Giáo Hoàng nhận diện, đó là Giáo hội “ở Trung Quốc” chứ không phải Trung Quốc, với “sự phụ thuộc dai dẳng và sau đó quá mức vào thành phần nước ngoài của sứ mệnh truyền giáo”, “được biểu lộ cả bằng sự hiện diện gần như độc quyền của các giáo sĩ nước ngoài lẫn bởi sự ưa thích nào đó của một số nhóm truyền giáo đối với sự bảo trợ do các cường quốc phương Tây thiết lập và các phương pháp mục vụ bắt nguồn từ đó.”

“Chúng ta đã ở Trung Quốc hơn ba thế kỷ. Toàn bộ phẩm trật giáo hội vẫn còn là điều xa lạ. Đây có phải là Giáo Hội mà Chúa Kitô mong muốn không?” Parolin dẫn lời viết của nhà ngoại giao. “Giáo hội phải được nhập tịch: nó không thể mãi mãi bao gồm những vị khách”.

Parolin cũng nêu lên mối lo ngại của Costantini rằng “viện trợ nhân bản” từ các thế lực nước ngoài có thể đã bảo vệ và ủng hộ việc mở rộng truyền giáo trong một thời gian, nhưng nó “cũng có sức nặng đạo đức thụ động trong nhiệm cục truyền giáo”.

Đức Hồng Y Parolin nói: “Niềm tin này đi kèm với nhận thức rằng, để khôi phục sức sống cho công cuộc truyền giáo trong nước, Giáo Hội Công Giáo sẽ phải tự giải thoát khỏi các sự kiện chính trị và lợi ích thuộc địa, đứng bên ngoài và ở trên chúng”.

Để thấy được sự chuyển đổi cần thiết của Giáo hội ở Trung Quốc từ “các sứ mệnh nước ngoài” sang một Giáo hội “hội nhập văn hóa đích thực” ở Trung Quốc, Đức Hồng Y Parolin nói, phải có cuộc đối thoại trực tiếp giữa Giáo hội và chính quyền nhà nước.

ĐHY Parolin kể lại việc Costantini cố tình tách mình ra khỏi cộng đồng ngoại giao nói chung ở Trung Quốc vào thời điểm đó và thiết lập nơi cư trú của mình “cách xa khu vực lân cận các tòa công sứ quốc tế, để tránh bất cứ sự hiểu lầm nào có thể xảy ra về bản chất sứ mệnh của nó”.

Đức Hồng Y tiếp nối bài phát biểu của mình bằng những bình luận với các phóng viên, nói với họ rằng: “từ lâu chúng tôi vốn hy vọng có được sự hiện diện ổn định ở Trung Quốc”.

Ngài thừa nhận, sự hiện diện đó “ban đầu có thể không mang hình thức đại diện giáo hoàng của một sứ thần tòa thánh”, nhưng một số phiên bản khác của một đại diện mục vụ thuần túy có thể đạt được mục tiêu trước mắt hơn.

Nhưng cả Costantini lẫn Parolin đều đồng ý rằng cuộc đối thoại phải được hỗ trợ bởi nền giáo hội học thực sự, với việc Quốc vụ khanh nói rằng việc hội nhập văn hóa của đức tin Công Giáo đi kèm với “một yêu cầu cơ bản, hay đúng hơn một điều kiện cần thiết và tiềm ẩn, hỗ trợ toàn bộ cấu trúc của nó: mối liên kết với Người kế vị Thánh Phêrô.”

“Trong suốt các bài viết của mình, đại biểu tông tòa đã nhiều lần quay lại chủ đề hiệp nhất giữa Đức Giáo Hoàng và tất cả người Công Giáo rải rác trên khắp thế giới, bất kể họ thuộc quốc gia nào, đồng thời nhấn mạnh rằng sự hiệp thông này chính là sự bảo đảm tốt nhất cho một đức tin xa rời các lợi ích chính trị bên ngoài, và gắn chặt vào văn hóa và xã hội địa phương,” Đức Hồng Y Parolin nói.

Ngài tiếp tục trích dẫn Costantini: “Giáo hoàng là nhà lãnh đạo tinh thần của tất cả người Công Giáo trên thế giới, cho dù họ thuộc quốc gia nào; nhưng sự vâng phục giáo hoàng này không những không làm tổn hại đến tình yêu mà mỗi người mắc nợ đất nước của mình, mà còn thanh lọc và hồi sinh nó”.

Dựa trên những điều kiện riêng của nó, bài phát biểu của ĐHY Parolin đã đưa ra một bài học bề ngoài đơn giản từ lịch sử về cách ứng xử của Giáo hội với Trung Quốc: một Giáo hội địa phương, do các giám mục Trung Quốc hợp tác với giáo hoàng lãnh đạo, được hỗ trợ bởi cuộc đối thoại trực tiếp giữa Rôma và Bắc Kinh, giới hạn trong các vấn đề giáo hội, là một kế hoạch thành công.

Tuy nhiên, như bất cứ ai quen thuộc với mối quan hệ Vatican-Trung Quốc trong sáu năm qua đều biết, tình hình không hề đơn giản. Và, trong con mắt của nhiều người quan sát, ĐHY Parolin đang vạch ra một con đường không dẫn đến đâu cả.

Đức Hồng Y Parolin mở đầu bài phát biểu của mình bằng lời chào đặc biệt dành cho Đức Giám Mục Joseph Shen Bin của Giáo phận Thượng Hải, người cũng đã có bài phát biểu tại hội nghị.

Trong khi Đức Hồng Y đưa ra lời chào đón “đặc biệt thân mật” đối với vị giám mục Trung Quốc, thì nhận xét của ngài đã làm sáng tỏ cách Đức Giám Mục Shen bản vị hóa một kiểu phê phán được bản vị hóa về kế hoạch can dự với Trung Quốc của Đức Hồng Y Parolin.

Đức Cha Shen được bổ nhiệm làm Giám mục Thượng Hải chỉ hơn một năm trước, một sự kiện được công bố và phê chuẩn với sự cộng tác của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, chứ không phải Tòa thánh. Vào thời điểm đó, Shen là lần bổ nhiệm thứ ba liên tiếp trong đó một giám mục giáo phận Trung Quốc đại lục được bổ nhiệm tới giáo phận mới mà không có sự cho phép trước của Vatican.

Vào thời điểm đó, chính phủ quốc vụ khanh của ĐHY Parolin thừa nhận rằng lần đầu tiên họ biết đến việc sắp đặt này là khi đọc về nó trên báo chí.

Kể từ năm 2012, vị giám mục này cũng giữ chức chủ tịch Hội đồng Giám mục của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc, một cơ quan được tổ chức dưới sự bảo trợ của Đảng Cộng sản nhưng không được Vatican chính thức công nhận và chịu trách nhiệm bổ nhiệm các giám mục dưới luật lệ của Đảng Cộng sản, một luật lệ vốn không công nhận vai trò của Vatican trong quá trình bổ nhiệm giám mục.

Nói tóm lại, Đức Giám Mục Shen là hiện thân của cả sự thiếu hiệp thông giữa các giám mục Trung Quốc được nhà nước phê chuẩn và Tòa thánh cũng như sự rối loạn của thỏa thuận hiện tại giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục – sẽ được gia hạn vào tháng 10 năm nay.

Thỏa thuận đó, như Đức Hồng Y Parolin đã nhiều lần nói trước đây, không đại diện cho một cam kết “ngoại giao” giữa hai cường quốc có chủ quyền, mà là một thỏa thuận mục vụ giữa Giáo hội và chính quyền địa phương.

Việc ưu tiên tham gia “chỉ trong nội bộ Giáo hội” đã dẫn đến sự chỉ trích nghiêm trọng đối với Vatican vì đã giữ im lặng trước các bằng chứng về vi phạm nhân quyền, bao gồm cả tội diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ.

Do đó, việc ĐHY Parolin chào đón ĐC Shen giống như một kiểu xác nhận công khai về hiện trạng mà nhiều người, bao gồm cả những người thân cận với bộ phận của ngài và các nhân vật cấp cao trong Giáo hội Trung Quốc đại lục, coi là rõ ràng đã bị phá vỡ.

Bản thân ĐC Shen đã ca ngợi sự tiến bộ của Giáo hội ở Trung Quốc, đồng thời ca ngợi chương trình “Hán hóa” đang diễn ra vừa có kết quả vừa đồng nghĩa với hội nhập văn hóa.

ĐC Shen Bin nói: Ngày nay, người dân Trung Quốc đang thực hiện “sự tái sinh vĩ đại của quốc gia Trung Quốc theo cách hoàn cầu với sự hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, và Giáo Hội Công Giáo “phải đi theo cùng một hướng, theo con đường Hán hóa phù hợp với xã hội và văn hóa Trung Quốc ngày nay.”

Một nguồn tin cấp cao thân cận với Quốc vụ khanh đặt vấn đề cách khác với The Pillar.

Họ nói: “Các nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican biết rằng [kiểu hòa nhập văn hóa này] là bất khả, nhưng ở đây ĐC Shen đang nói điều đó một cách hụych toẹt.”

Chính sách của chính phủ Trung Quốc về Hán hóa đòi hỏi Giáo hội, bao gồm các giám mục và linh mục, phải công nhận và chấp nhận quyền tối cao của chính quyền nhà nước và giáo điều của Đảng Cộng sản đối với phẩm trật và giáo huấn của Giáo hội.

“Hán hóa không có nghĩa là hòa nhập văn hóa,” một giáo sĩ cấp cao ở Trung Quốc đại lục nói với The Pillar. “Nó có nghĩa là Giáo hội ở Trung Quốc phải phục tùng Đảng.”

Ngài nói, bài phát biểu của ĐHY Parolin “chỉ cho thấy Vatican cảm thấy mình thiên vị như thế nào trong mối quan hệ này – đây là người đã tự sắp xếp việc chuyển đến Thượng Hải một cách hiệu quả với chính phủ Trung Quốc”.

“Tòa thánh đã gần như công nhận [Shen] trong tư cách người đứng đầu trên thực tế của hội đồng giám mục trên thực tế và đang đặt mọi thứ phía sau để ông ta có thể đạt được một số thỏa thuận nào đó với Tập Cẩn Bình”.

Đối với các nguồn tin cả ngoại giao lẫn giáo sĩ cấp cao, ở Rome và Trung Quốc, vấn đề trong việc can dự của Parolin với Trung Quốc như được mô tả trong bài phát biểu của ngài hôm thứ Ba là nó chấp nhận tiền đề của ĐCSTQ rằng văn hóa và con người Trung Quốc không thể phân biệt được với Đảng Cộng sản, và do đó, việc khuất phục Giáo hội với đảng là một đặc tính cần thiết của quá trình hội nhập văn hóa đích thực.

Nhưng khi xác nhận tầm nhìn được chia sẻ bởi ĐC Shen và Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng như chấp nhận vị giám mục này như người lãnh đạo trên thực tế của Giáo hội ở Trung Quốc, Vatican dường như đã phải chấp nhận sự vi phạm trong sự hiệp thông thực tế của giáo hội giữa giám mục do nhà nước bổ nhiệm và giám mục Rôma. - mặc dù ĐHY Parolin mô tả đây là một “yêu cầu cơ bản” và “điều kiện ngầm”.

Việc loại trừ lẫn nhau trong tiêu chuẩn song sinh của Đức Hồng Y Parolin về một tương lai hữu hiệu cho Giáo hội ở Trung Quốc cũng đòi hỏi một chính sách vụng về và hiển nhiên hơn bao giờ hết lên các giám mục ở Trung Hoa vốn bác bỏ thẩm quyền Cộng sản đối với các công việc của giáo hội.

Nhiều linh mục hầm trú và một số giám mục đã từ chối đăng ký với Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa, vì việc này đòi họ phải thừa nhận quyền lực của Đảng Cộng sản đối với Giáo hội và các giáo huấn của Giáo hội.

Các giám mục và linh mục từ chối đăng ký đã bị sách nhiễu, bắt giữ và giam giữ một cách có hệ thống. Đức Giám Mục Peter Shao Zhumin của Ôn Châu đã bị bắt vào đầu năm nay.

Phủ Quốc vụ khanh Vatican đã ban hành hướng dẫn không ký tên vào năm 2019, nói rằng “Tòa Thánh hiểu và tôn trọng sự lựa chọn của những người, theo lương tâm, quyết định rằng họ không thể đăng ký theo các điều kiện hiện tại”, nhưng không đưa ra phản đối công khai nào đối với việc quấy rối và bắt giữ các giám mục và linh mục của nhà nước.

Đối với nhiều người, kể cả nhiều người Công Giáo Trung Quốc, các giám mục và linh mục này - là người Trung Quốc, không phải nhà truyền giáo nước ngoài - là bộ mặt thực sự của đạo Công Giáo Trung Quốc được hòa nhập văn hóa đích thực, cam kết với mục vụ của họ, với người dân của họ, hiệp thông với Rôma và bác bỏ sự can thiệp của Cộng sản vào vấn đề đức tin.

Một vấn đề khác đối với chương trình can dự với Trung Quốc của ĐHY Parolin là, bất kể bài học nào ngài hy vọng rút ra được từ lịch sử, Vatican dường như không thể tạo dựng bất cứ mối quan hệ có ý nghĩa nào với Trung Quốc hoàn toàn tách biệt khỏi các vấn đề ngoại giao.

Bắc Kinh từ lâu đã thừa nhận và từ lâu đã làm thất vọng giấc mơ của Tòa Thánh về một đại diện thường trực tại lục địa Trung Quốc. Trong khi đó, Vatican là một trong số ít các cường quốc có chủ quyền vẫn công nhận và duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với Đài Loan, chính thức là Trung Hoa Dân Quốc nhưng đối với Bắc Kinh là một tỉnh nổi loạn.

Vatican đã cố gắng cân bằng về mặt ngoại giao giữa cam kết của mình với Đài Loan với việc không gây phản cảm với Bắc Kinh, giữ cho sứ thần Đài Bắc luôn hoạt động nhưng không có sứ thần nào được bổ nhiệm trong nhiều thập niên.

Sau bài phát biểu của Đức Hồng Y Parolin hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố nói rằng “Chúng tôi hiểu rằng Tòa Thánh hy vọng thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng và quyền của người Công Giáo Trung Quốc, và đã công khai bày tỏ mong muốn cử đại diện đến Trung Quốc nhiều lần”.

Đài Bắc cũng chỉ ra rằng họ ủng hộ mọi nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn “sự vi phạm quyền tự do tôn giáo và các quyền cơ bản của con người” của Trung Quốc.

Trong khi Đức Hồng Y Parolin có thể nói một cách nồng nhiệt về việc loại bỏ các vấn đề ngoại giao ra khỏi chính sách ngoại giao Trung Quốc, thì thực tế là Trung Quốc có chính sách rõ ràng về việc yêu cầu hủy công nhận Đài Loan như một điều kiện để tiến tới quan hệ với Bắc Kinh.

Mặc dù chưa bên nào sẵn sàng nói thẳng như vậy, nhưng không có nhà quan sát nghiêm túc nào mong đợi Đức Hồng Y Parolin sẽ thấy việc mở bất cứ loại phái bộ truyền giáo nào của Vatican trên đất liền bao lâu vẫn có đại sứ quán của Đức Giáo Hoàng ở Đài Bắc.

Ý nghĩa trong bài phát biểu hôm thứ Ba của Đức Hồng Y Parolin là Vatican muốn kín đáo thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc, tổ chức các cuộc đàm phán về tương lai của Giáo hội ở đó tách biệt với bất cứ vấn đề hoặc cân nhắc nào khác, và xử lý các vấn đề cũng như các vấn đề khó xử hoàn toàn theo cách riêng của họ.

Thật không may cho Vatican, ngoại giao không thể được thực hiện trong chân không, và ngày càng rõ ràng rằng các trao đổi ngoại giao của nó với Trung Quốc là một trò chơi có tổng số bằng không.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Parolin có thể chào đón Đức Giám Mục Shen một cách thân tình và việc đổi mới Vatican-Trung Quốc thêm hai năm nữa, những năm đó có thể sẽ phải trả giá – trong sự hiệp thông của các giám mục địa phương như Shen với Đức Giáo Hoàng, sự đau khổ đối với các giám mục luôn giữ niềm tin với Rome hơn Đảng Cộng Sản Trung Quốc và ủng hộ các đồng minh ngoại giao của Vatican như Đài Loan.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hành hương Kính Viếng Đức Mẹ
Đinh văn Tiến Hùng
06:42 24/05/2024
*Hành hương Kính Viếng Đức Mẹ*
( Những địa điểm nổi tiếng trên thế giới )

Mùa hè là mùa du lịch. Con cháu nghỉ học dài ngày, nên gia đình thường tổ chức những chuyến du lịch chung, đi thăm thắng cảnh, di tích lịch sử hay thánh tích tôn giáo nổi tiếng thế giới. Xin giới thiệu cùng Quí vị tổng quát một số địa điểm hành hương Kính Đức Mẹ.


*Đức Mẹ FATIMA.
Thứ Sáu Tuần VII Thường Niên: https://s.net.vn/52dH
- Địa điểm :
Đền thờ kính Đức Trinh Nữ Maria ở vùng trung bộ Bồ đào Nha, gần Cova d’Iria, cách thủ đô Lisbon 120 cây số, nơi Đức Mẹ hiện ra với 3 em nhỏ năm 1917.

-Sự tích:
Từ ngày 13/5 đến ngày 13/10/1917, Đức Mẹ đã hiện ra 6 lần với 3em : Lucia Santos 10 tuổi, Jacinta Marto 7 tuổi, Francisco 9 tuổi, và trao cho các em lời cảnh báo nhân loại phải ăn năn để tránh Chúa trừng phạt. Trong những lần hiện ra Ngài đều xưng mình là Đức Mẹ Mân Côi và thông báo những biến cố sẽ xảy ra :
-Thời điểm chấm dứt Thế chiến thứ I và khởi đầu Thế chiến thứ II.
-Sự xuất hiện của chế độ Cộng Sản trên thế giới.
-Đức Thánh Cha sẽ bị mưu sát và sự trở lại của nước Nga.
Mẹ đã trao cho các em Sứ điệp hay cũng gọi là Mệnh lệnh Fatima nhân loại phải thi hành để tránh bị trừng phạt:

-Tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.
-Ăn năn thống hối.
-Siêng năng lần hạt Mân cội.

Lần Đức Mẹ hiện ra tháng 10/1917, bảy ngàn người đã được chứng kiến cảnh mặt trời nhảy múa.
Năm 1930 Hội Đồng Giám Mục Bồ đào Nha đã công nhận những lần Đức Mẹ hiện ra là thật.
Năm 1967 Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục cử hành thánh lễ tại đền thờ kính Đức Mẹ kỷ niệm 50 Mẹ hiện ra.
Ngày 13/5 hàng năm, Thánh Lễ Đại Trào tại Fatima kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra, thu hút cả nửa triệu khách hành hương, bệnh nhân đến kính viếng cầu nguyện xin ơn lành, nhiều người đã được toại nguyện.

-Sứ điệp FATIMA,
Mẹ cảnh báo chúng ta,
Hãy ăn năn thống hối,
Cầu xin Chúa thứ tha!
Tình yêu Chúa bao la,
Hồng ân xuống chan hòa,
Hòa bình sẽ mau đến,
Nhân loại sống hoan ca.


*Đức Mẹ HẰNG CỨU GIÚP.

-Địa điểm:
Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hiện nay đặt tại nhà thờ Thánh Alfonso di Liguouri Shrine- Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế- trên đồi Esquilino, trung tâm thủ đô Roma, Ý.

-Sự tích:
Vào thế kỷ 15, một người lái buôn tên Anrê đánh cắp ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại đảo Creta, Hy Lạp, đem về Roma. Trên đường về ông giấu ảnh Đức Mẹ trong hành lý. Một ngày kia giông bão nổi dậy bất ngờ, tàu không kịp vô bờ. Những mọi người vững niềm tin cầu nguyện Chúa và Đức Mẹ cứu giúp. Bỗng chốc sóng biển êm lặng, mọi người tin là phép lạ, chỉ riêng ông Anrê tin là ĐMHCG đã ban hồng phúc, nhưng không nói cho ai biết.

Sau một thời gian, việc buôn bán đã xong, ông định trở về Creta nhưng bị bệnh nặng. Trước khi qua đời ông nhờ người bạn là Alessandro mang ảnh tới một nhà thờ tại Roma để tôn kính Đức Mẹ nơi công cộng. Nhưng bà vợ người bạn lại muốn giữ ảnh cho riêng mình. Đức Mẹ đã hiện ra 3 lần cảnh cáo ông không giữ lời hứa với bạn, nên lần thư 4 Đức Mẹ đã nghiêm khắc nói với ông:”Mẹ đã nhắc con 3 lần nhưng vô ích. Vậy cách tốt nhất Mẹ có thể ra khỏi nhà con, là chính con phải ra trước!” Đúng như lời Đức Mẹ, ông đã qua đời sau vài ngày ngã bệnh. Cái chết của chồng vẫn không lay chuyển được bà Anna, Đức Mẹ lại hiện ra với con bà và nói ý Mẹ muốn được tôn kính tại một Thánh đường. Bà tin lời con trẻ, chuẩn bị đem ảnh đi, nhưng bà hàng xóm ngăn cản nói đừng tin lời trẻ con. Bà này bị Đức Mẹ phạt động kinh, sau ăn năn hối lỗi chạm vào ảnh Mẹ nên được khỏi bệnh.

Bà Anna đang phân vân không biết đặt ảnh ở đâu trong 300 nhà thờ tại Roma.

Lần nữa Đức Mẹ lại hiện ra với con bà và truyền dạy:”Mẹ muốn được đặt giữa nhà thờ- Đức Bà Cả- và nhà thờ Gioan Laterano, con yêu quí của Mẹ.”

Địa điểm Đức Mẹ chọn nằm trên đồi Esquilino, là nhà thờ Thánh Mathêu tông đồ,tại trung tâm thủ đô Roma.

Ngày 27/3/1499, cuộc rước ảnh Mẹ HCG qua các đường phố Roma trước khi đặt tại bàn thờ chính trong Thánh đường Mathêu. Từ ngày đó tín hữu nô nức đến kính viếng và Đức Mẹ đã làm nhiều phép lạ.

Năm 1789 Cách Mạng Pháp xâm chiếm Roma, có ý định biến nhà thờ thành cứ điểm quân sự, nên các tu sĩ Dòng Augustino chạy loạn mang theo ảnh Mẹ và âm thầm đặt trong tu viện.

Tháng 6/1854, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế xây trên nền cũ nhà thờ Thánh Matheu đã bị phá hủy, một Thánh đường mới dâng kính Thánh Alfonso, tổ phụ lập Dòng Chúa Cứu Thế và đặt ảnh ĐMHCG tại đây.

Ngày 26/4/1866, nhân lễ kính Thánh Giáo Hoàng Cletô Vị thành lập nhà thờ Thánh Mathêu, một cuộc rước trọng thể ảnh ĐMHCG qua các đường phố trưng bày hoa đèn rực rỡ với tam nhật Kính Đức Mẹ do các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục thay phiên dâng Thánh Lễ trước bàn thờ Đức Mẹ.

Từ đó đến năm 1916, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã phổ biến hơn 4000 bản sao ảnh Mẹ trên khắp thế giới.
Đức Chân Phước Giáo Hoàng Piô 9 công bố ngày 27/6 hàng năm kính trọng thể ĐMHCG.

Tại Việt Nam, lòng tôn kính ĐMHCG được các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế truyền bá rộng rãi nên Mẹ đã trở nên thân thương với tín hữu Công Giáo toàn quốc.

-Nơi cuộc sống trần gian,
Bị lôi cuốn muôn vàn,
Đam mê trong dục vọng,
Ngụp lặn với gian tham.
Nếu con gặp nguy nan,
Hãy cậy trông vững vàng,
Vào Mẹ Hằng Cứu Giúp,
Ơn lành sẽ được ban.


*Đức Mẹ LỘ ĐỨC.

-Địa điểm:
Lộ Đức (Lourdes) là một làng nhỏ có dòng sông Pau chảy ngang qua, bên thành phố Pyrenean, nằm về phía tây nước Pháp giáp biên giới Tây ban Nha.

-Sự tích:
Ngày 11/2/1858, Đức Mẹ hiện ra với em Bernadette 14 tuổi lần đầu tiên và 17 lần tiếp theo. Trong các lần hiện ra Đức Mẹ xưng là Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm. Ý Mẹ muốn có một nguyện đường và các cuộc rước kiệu tại đây. Đức Mẹ khuyên hãy uống và tắm trong dòng suối sẽ được an lành.
Mẹ đã trao cho Bernadette một Sứ điệp với nội dung :

-Hãy cầu nguyện cho các linh hồn.
-Hãy ăn năn thống hối.
-Xây nguyện đường và rước kiệu tôn kính Mẹ.

Tại đây có 3 Thánh đường nối tiếp trên 3 tầng:
(1)Năm 1866, Thánh đường Crypt đầu tiên xây trên hang động Massabelle nơi Đức Mẹ hiện ra.
(2)Năm 1871, Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm xây trên Thánh đường Crypt.
(3)Năm 1889, Thánh đường Đức Mẹ Mân Côi xây dưới Thánh đường Crypt.
Sau cùng là Đại Giáo Đường Basilica of St Pius X hoàn thành năm 1958 với sức chứa 20 ngàn người.

Ngày 13/5/1992,Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố lấy ngày 11/2 là ngày ‘Bệnh Nhân Thế Giới’ :
“Nơi miền đồi núi này, Đức Mẹ đã muốn bày tỏ tình yêu Từ Mẫu của mình, nhất là đối với thành phần khổ đau và bệnh tật’.
Mỗi năm Lộ Đức thu hút từ 5 đến 6 triệu khách hành hương đến kính viếng cầu nguyện và nhiều bệnh nhân đã được khỏi bệnh nhờ nước suối nơi đây.
Lễ kính trọng thể Đức Mẹ Lộ Đức hàng năm vào ngày 11/2 và cũng là ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

-Lộ Đức Mẹ hiện ra,
Trao Sứ điệp cho ta:
Hãy ăn năn xám hối,
Cùng cầu nguyện thiết tha.
Bằng chuỗi hạt Mân Côi,
Mẹ sẽ ưng nhận lời,
Cứu linh hồn luyện ngục,
Sớm được hưởng Nước Trời.


*Đức Mẹ GUADALUPE.

-Địa điểm:
Đền thờ kính Đức Trinh Nữ Maria tại Guadalupe, ở trung bộ nước Mêhicô (Mễ tây Cơ), ngoại ô thủ đô. Đây là một trong những Thánh đường chính của Kitô Giáo.

-Sự tích:
Vào tháng 12/1531,Đức Mẹ hiện ra với một nông dân người Axtec bản xứ, tên là Juan Diego 51 tuổi, vợ chồng ông mới theo Công Giáo. Đức Mẹ hiện ra trên một sườn đồi gần đền thờ Tepevac của thổ dân và nói với ông Mẹ muốn có một đền thờ nơi đây. Ông đã trình sự việc với Đức Giám Mục Zumarraga, nhưng Ngài đòi một dấu chỉ để chứng minh. Đức Mẹ dạy ông Juan hái một số nụ hoa hồng giấu trong áo choàng. Khi tới tòa Giám Mục ông mở ra thì thấy trên áo choàng của mình hiện lên hình vẽ chân dung Mẹ Thiên Chúa với những bông hồng đã nở đẹp. Ngày nay chiếc áo choàng là báu vật đặt tại đền thờ Guadalupe.
Đức Mẹ hiện ra với ông Juan 5 lần và trao cho ông Sứ điệp sau :

-Ta là Trinh Nữ đời đời.
-Ta là Mẹ Chí Thánh của Thiên Chúa.
-Nhờ Người Đấng Sáng Tạo và Chúa Tể trời đất mà ta được sống.

Năm 1709 ngôi Nhà thờ đầu tiên được cung hiến.
Năm 1976 Vương cung Thánh đường được thánh hiến.
Năm 1910 Thánh Giáo Hoàng Piô X đặt Đức Mẹ là Đấng Bảo Trợ Châu Mỹ La Tinh.
Năm 1945 Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố Đức Mẹ bảo trợ cho toàn châu Mỹ.
Ngày 27/1/79, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khai mạc đại hội Giám Mục châu Mỹ La tinh kỳ 3 tại đây.
Lễ kính trọng thể Đức Mẹ Guadalupe hàng năm vào ngày 12/12 và là Lễ Buộc ở Mêhicô.

-Mẹ là Trinh Nữ đời đời,
Mẹ là Chí Thánh Chúa Trời ban trao,
Vương quyền tuyệt diệu biết bao,
Sống nương nhờ Mẹ dâng trào tin yêu.
Đời con đau khổ đã nhiều,
Tựa bên lòng Mẹ sớm chiều ủi an,
Biển trần sóng gió nguy nan,
Thuyền con Mẹ cứu bình an đến bờ.


*Đức Mẹ ĐEN.

-Địa điểm:
Đức Mẹ Đen (The Black Madona), cũng gọi là Đức Bà Jasna Gora, tên đền thờ kính Đức Mẹ tại làng Czestochowa, tọa lạc trên núi Larus Mons, Ba lan.

-Sự tích:
Theo truyền thuyết cho rằng ảnh Đức Mẹ và Chúa Giêsu trưng bày trong đền thờ do Thánh Lucas vẽ trên mặt chiếc bàn do chính Chúa đóng, khi tập nghề mộc với Thánh Giuse. Thời kỳ bách hại bàn đước cất giấu, sau đó Thánh Helena đem về Constantinopoli khoảng từ năm 255-330. Vào thế kỷ 8 đầy nhiễu nhương lại được đem về cánh rừng phía đông Ba lan, rồi chuyển về Czestochowa.
Năm 1430, một Thánh đường vĩ đại theo kiểu gotic được xây dựng.
Trong thời chiến tranh với giáo phái Hus, tranh bị đánh cắp, nhưng ngựa không chịu chở thùng hàng đi, nên người ta ném xuống đường chiếc bàn bị vỡ. Trong vòng 300 năm sau đó, dân Ba lan sống bình an và người ta tin rằng nhờ bức ảnh linh thiêng này.
Từ năm 1624-1696, khi quân Thổ nhĩ Kỳ kéo đến Vienna, vua Ba lan dâng quân đội cho Đức Mẹ nên thoát nạn.
Ba lan giành được độc lập năm 1919, nhưng không được bao lâu lại bị Nga xâm chiếm. Ngày 14/9/1920, quân Nga đến bờ sông Vistula, chuẩn bị bao vây thủ đô Warsaw. Dân chúng cầu nguyện Đức Mẹ cứu giúp. Hôm sau-đúng ngày Lễ Đức Mẹ Đau thương, Đức Mẹ đã hiện ra trên bầu trời thủ đô và quân xâm lược sợ hãi bỏ chạy.
Năm 1717, Đức Giáo Hoàng Clement X công bố xác nhận bản chất hay làm phép lạ của bức ảnh.
Năm 1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI tái xác nhận Đức Mẹ Đen với tước hiệu Nữ Vương Ba lan và thiết lập Lễ kính hằng năm ngày 3/5.
Từ năm 1889- 1945, dưới thời Adolf Hitler dân chúng lén lút về hành hương kính Đức Mẹ.
Năm 1945 Thế chiến thứ 2 chấm dứt, 500 ngàn người đã đến cảm tạ Đức Mẹ vì Ba-lan đã được giải phóng.
Năm 1947 một triệu năm trăm ngàn người kéo về xin Đức Mẹ cứu thoát khỏi chủ nghĩa Cộng Sản vô thần.
Dân chúng Ba lan đã nhận Đức Mẹ Đen là Đấng Bảo Trợ quốc gia.
Mỗi năm khoảng 5 triệu khách hành hương tới kính viếng và cầu xin ơn lành.

-Ba lan Đức Mẹ chở che,
Vững tin vào Mẹ lời thề sắt son,
Chiến tranh nay đã không còn,
Cộng Sản thất bại đoàn con yên hàn,
Thanh bình trở lại giang san,
Các con dâng Mẹ muôn vàn tin yêu,
Dân nước thỏa nguyện một điều,
Nhận Mẹ Bảo Trợ sớm chiều chở che.

*Đức Mẹ LA SALETTE

-Địa điểm:
La Salette là một làng nhỏ hẻo lánh, nằm trên triền núi Alps gần thị trấn Near Corps, phía nam Paris (Ba lê) thủ đô Pháp quốc.

-Sự tích:
Chiều ngày 15/5/1846, Đức Mẹ hiện ra với 2 em Melanie Matheu 14 tuổi và em Maximin Giraud 11 tuổi. Đức Mẹ ngồi bưng mặt khóc, mặc áo trắng bạc long lánh, cổ đeo giấy chuyền có tượng Chúa Chịu nạn.
Đức Mẹ đã truyền cho các em nhiều điều tóm lược nội dung như sau;
-Mẹ xin các con cầu nguyện thật nhiều để cứu thế giới.
-Ít nhất mỗi buổi sáng đọc 1 kinh Kính Mừng và 1 kinh Lạy Cha.
-Nhân loại đang sống theo chủ thuyết duy vật và kiêu ngạo.
Nhưng quan trọng là Sứ điệp Mẹ truyền dạy nhân loại qua 2 em :

-Về sức mạnh chuỗi Mân côi.
-Quyền năng Thiên Chúa vượt trên mọi quyền năng và không có sức mạnh nào chống nổi quyền năng của Ngài.
-Ân sủng nhận được qua chiến dịch cầu nguyện sẽ giảm bớt đau khổ cho nhân loại phải gánh chịu.

Ngày 16/11/1851, Tòa Thánh đã công nhận phép lạ tại La Salette.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố Tông thư nhân dịp kỷ niệm 150 Đức Mẹ hiện ra :
“La Salette là Sứ điệp của Hy vọng, niềm hy vọng của chúng ta đã được nuôi dưỡng với sự can thiệp của Mẹ nhân loại”.
Đức Mẹ La Salette cũng mang danh hiệu là Đức Mẹ Sầu Bi.
Tại bang Massachusett có trung tâm hành hương kính Đức Mẹ La Salette. Các Cộng đòan Công Giáo VN Miền Đông Bắc Hoa Kỳ hàng năm tổ chức Đại hội Kính Đức Mẹ thu hút nhiều ngàn tín hữu tham dự.

-Salette lệ Mẹ tuôn rơi,
Các con ghi nhớ lời,
Để được ơn tha thứ,
Siêng lần hạt Mân Côi.
Thiên Chúa đầy quyền năng,
Ma quỉ còn lộng hành,
Chỉ một lời Ngài phán,
Về hỏa ngục tối tăm.


*Đức Mẹ CÁT MINH.

-Địa điểm:
Vào cuối thế kỷ 12, các tu sĩ Ki-tô giáo sống trên núi Cát Minh(Camêlô) tại Thánh địa, Do Thái (Irael), xây một nguyện đường kính Đức Trinh Nữ Maria bảo trợ dòng. Tương truyền cho rằng đây là nơi tiên tri Êlia cầu nguyện để bảo vệ đức tin trong cơn bách hại.

-Sự tích:
Thế kỷ 12, Thánh Địa bị người Hồi giáo chiếm giữ, dòng Cát Minh phải di chuyển sang Cambridge, Anh quốc. Thánh Simon Stock tu viện trưởng cầu xin Đức Mẹ cứu giúp. Ngày 16/7/1251, Đức Mẹ đã hiện ra ban cho ngài áo dòng và truyền một Sứ điệp cứu rỗi :

“Hãy nhận lấy áo dòng này Mẹ ban cho như dấu chỉ ưu ái và sự săn sóc Mẹ giành cho các con. Đây là dấu hiệu cứu rỗi, giải thoát mọi nguy hiểm. Ai chết mà mang biểu hiệu bình an này, sẽ khỏi bị lửa thiêu đốt đời đời và Mẹ sẽ cứu họ khỏi lửa luyện tội vào ngày thứ bảy sau khi họ qua đời.”

Năm 1674, Lễ mừng kính Đức Mẹ lan rộng trong vương quốc các vua Công Giáo.
Năm 1725, các quốc gia thuộc quyền Giáo Hoàng đều mừng lễ này.
Ngày 24/9/1726, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIII ban Sắc lệnh phổ biến Lễ kính trong toàn giáo Hội.
Ngày 15/5/1892, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ban Đại xá cho ai viếng nhà thờ trong ngày lễ này.
Dòng Cát Minh do Thánh Berthold sáng lập năm 1154 tại Palestine và Đức Mẹ Cát Minh còn được tôn kính với tước hiệu ‘Đấng Cứu Rỗi Các Linh Hồn Luyện ngục’.
Một ‘Đặc Ân Ngày Thứ Bảy’ cho những ai đeo ảnh Đức Mẹ :
-Đức GH Piô VIII ban phép đeo ảnh thay áo và Thánh bộ công bố ai đeo ảnh được hưởng mọi Ân xá và Đặc xá ngày
Thứ bảy sau khi qua đời.
-Khi qua đời đang mang áo hay đeo ảnh được ơn nghĩa cùng Chúa.
-Hàng ngày lần một chuỗi Mân Côi hay đọc 7 kinh Lạy Cha, 7 kinh Kính mừng và 7 kinh Sáng danh.
-Giữ đức khiết tịnh theo đấng bậc mình.
Lễ kính Đức Mẹ Cát Minh hàng năm vào ngày 16/7.

-Viếng thăm tu viện Cát Minh,
Nhận ơn Đức Mẹ Đồng Trinh uy quyền.
Tuân giữ lời Mẹ ban truyền,
Đặc ân thứ bảy ơn thiêng được nhờ.
Ơn lành đổ xuống từng giờ,
Dắt dìu đưa tới bến bờ yêu thương,
Dù con sa ngã lầm đường,
Cậy trông vào Mẹ hết vương vấn sầu.

+ Ngoài những địa điểm nêu trên, còn có nhiều nơi hành hương kính Đức Mẹ tại nhiều nước, nhưng chưa được biết đến nhiều hay chưa được Giáo Hội chính thức lên tiếng xác nhận. Nhưng vì lòng yêu mến Đức Mẹ hàng năm những nơi này cũng thu hút nhiều ngàn khách hành hương đến kính viếng cầu nguyện xin ơn lành như

-Đức Mẹ Mễ Du ( Medjugorji ) thuộc Hercegovina & Bosnia.
-Đức Mẹ Naju, cách thủ đô Seoul,Hàn quốc 300km
-Đức Mẹ Knock, ở Mayo, Ai-len.
-Đức Mẹ Banneux, thành phố Liege Bỉ ( Belgium )
-Đức Mẹ Beauring, cách thủ đô Bruxelles, Bỉ 60 dặm.
-Đức Mẹ Laus, tại St Etient le Laus, Pháp.
-Đức Mẹ Akita,tại Yuzawadai, Nhật bản.
-Đức Mẹ Pontmain, thị trấn Laval, Pháp.
-Đức Mẹ Vladimir, Nga.
-Đức Mẹ Trụ Cột, tai Zaragoza,Tây ban Nha (Đức Mẹ hiện ra trên đỉnh 1 cột trụ ).
………………………
‘Hè về du lịch hành hương,
Đoàn con nô nức muôn phương đổ về,
Kính yêu trông cậy tràn trề,
Tìm về bên Mẹ thỏa thuê tấm lòng,
Riêng con vẫn ngóng đợi trông,
Được gần bên Mẹ chờ mong đêm ngày.’

Đây chỉ là đôi dòng giới thiệu sơ lược, mong thông cảm những điều còn thiếu sót.
Kính chúc Quí Vị Mùa Hè có những chuyến Hành hương Kính Đức Mẹ tràn đầy niềm vui và ơn lành.
 
VietCatholic TV
Putin lần ra, Trung Tướng Tổng Tham mưu phó quân đội Nga bị bắt. 8 ngày, Kyiv hạ gục 6 chiến đấu cơ
VietCatholic Media
00:11 24/05/2024


1. Putin đánh hơi được âm mưu lật đổ, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga bị bắt giữ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Military Purge Ramps Up as General Gerasimov's Top Deputy Arrested”, nghĩa là “Cuộc thanh trừng quân sự của Putin tăng tốc khi cấp phó hàng đầu của Tướng Gerasimov bị bắt”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Sáng Thứ Năm, 23 Tháng Năm, truyền thông Nga đưa tin Tướng Vadim Shamarin, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, đã bị bắt giữ vào tối Thứ Tư, 22 Tháng Năm, đánh dấu vụ bắt giữ mới nhất một quan chức quân sự cao cấp của Nga trong những tuần gần đây.

Diễn biến này đã được các tờ báo Nga Kommersant và Izvestia đưa tin, trích dẫn các nguồn hiểu biết về vấn đề này. Kommersant đưa tin rằng anh ta đã bị giam giữ vào tối thứ Tư “liên quan đến một cáo buộc lừa đảo”.

Nhà của Shamarin đã bị khám xét và sau đó anh ta bị đưa đi thẩm vấn tại Tổng cục Điều tra Quân sự của Ủy ban Điều tra Nga.

Shamarin được cho là trợ lý hàng đầu của tướng hàng đầu của Nga, Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov.

Tất cả những quan chức cao cấp của Nga khi bị bắt đều bị cáo buộc cùng một tội danh là “lừa đảo”. Đó là một cụm từ mơ hồ, tạm dùng trước khi một cáo buộc chính thức được đưa ra.

Mikhail Khodorkovsky, một nhân vật đối lập chống Putin, nhận định rằng việc bắt hàng loạt các tướng lãnh cao cấp ở nhiều bộ phận khác nhau chỉ ra rằng những người này không dính líu vào tội tham ô, nhận hối lộ, là tội rất phổ biến ở Nga.

Ông cho rằng Putin có lẽ đã đánh hơi được âm mưu lật đổ. Diễn biến này xảy ra sau khi Thiếu tướng Ivan Popov, nguyên Tư Lệnh Quân đoàn 58 của Nga, đã “bị bắt vì nghi ngờ gian lận”, hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin, dẫn lời Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga.

Tuy nhiên, theo kênh Rybar, tướng Popov bị bắt vì gần đây ông nói trên Telegram rằng quân đội Nga không thể chiến thắng tại Ukraine trước làn sóng các khí tài chiến tranh đang được đổ vào Ukraine, và rằng cuộc chiến tại Ukraine càng kéo dài Liên Bang Nga càng kiệt quệ. Putin có lẽ đang trở nên hoài nghi và lo sợ hơn sau cái chết bi thảm của Tổng thống Iran, Ebrahim Raisi. Putin tin rằng đó là một âm mưu hơn là một tai nạn.

Tưởng cũng nên biết thêm: Mikhail Khodorkovsky sinh ngày 26 Tháng Sáu, 1963, từng là người giàu nhất nước Nga trước khi lên tiếng chống lại Vladimir Putin và thành lập nhóm Open Russia, nghĩa là nước Nga cởi mở, với chủ trương thân phương Tây. Ông bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù từ năm 2003 cho đến khi được Putin ân xá vào này 20 Tháng Mười Hai, 2013, sau một thập niên tù tội. Ông hiện đang sống lưu vong ở Luân Đôn và thành lập Trung tâm Dossier nhằm điều tra các nguồn tài sản của Putin, không do Putin trực tiếp đứng tên nhưng do các tình nhân của ông ta đứng tên.

2. Ukraine hạ gục 6 chiến đấu cơ của Nga trong 8 ngày khi vừa có thêm một chiếc Su-25 bị bắn rơi

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Took Out Six Russian Combat Jets in Eight Days as Su-25 Downed”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Ukraine đã phá hủy tới 6 máy bay phản lực của Nga trong vòng chỉ hơn một tuần. Báo cáo từ lực lượng vũ trang Ukraine, các cơ quan truyền thông trong nước, phương tiện truyền thông độc lập của Nga và hình ảnh vệ tinh xác nhận điều đó.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Năm, 23 Tháng Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết kể từ ngày 14 Tháng Năm, Ukraine có thể đã phá hủy ít nhất 6 máy bay Nga thuộc nhiều loại khác nhau, bao gồm cả máy bay MiG-31 và Su-25.

Cuối ngày thứ Tư, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết các chiến binh của họ đã tiêu diệt một máy bay phản lực Su-25 của Nga trong cuộc giao tranh gần thành phố Pokrovsk của Donetsk. Ukraine và các nguồn tin phương Tây cho biết giao tranh ở tiền tuyến phía đông, bao gồm cả phía đông tới Pokrovsk, vẫn tiếp diễn bất chấp cuộc tấn công của Nga vào khu vực Kharkiv phía đông bắc Ukraine. Pokrovsk nằm ở phía tây thành trì Avdiivka trước đây của Ukraine, bị Nga chiếm vào tháng 2 và là điểm nóng của các cuộc đụng độ.

Cuối ngày Thứ Năm, 23 Tháng Năm, lại có báo cáo về một chiếc Su-25 của Nga bị bắn rơi trong khu vực mặt trận phía Đông.

Cuối tuần qua, cơ quan an ninh SBU của Ukraine đã làm hư hại một máy bay phản lực Su-27 của Nga trong cuộc tấn công vào căn cứ không quân Kushchyovskaya của Nga, hãng tin độc lập Astra của Nga đưa tin. Kushchyovskaya nằm ở vùng Krasnodar của Nga và là nơi tiếp đón nhiều loại máy bay phản lực khác nhau của Nga được sử dụng để tấn công Ukraine.

Trong một diễn biến khác, hôm thứ Bảy, Lữ đoàn cơ giới độc lập số 110 của Ukraine, đang chiến đấu ở mặt trận phía đông, cho biết các chiến binh của họ đã bắn hạ một chiếc Su-25 của Nga.

Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công liên tiếp vào căn cứ không quân của Nga gần thành phố cảng Sevastopol của Crimea trong khoảng thời gian từ đêm 14 đến sáng 16 Tháng Năm.

Hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ vũ trụ Maxar của Mỹ công bố cho thấy hai máy bay phản lực MiG-31 và một Su-27 đã bị phá hủy tại phi trường Belbek. Nhà báo Christiaan Triebert của The New York Times cho biết, đồng thời chia sẻ những hình ảnh này lên mạng xã hội, một chiếc máy bay khác là MiG-29 cũng bị hư hại.

Công bố số liệu thống kê cập nhật chiều hôm thứ Năm, quân đội Ukraine cho biết Nga đã mất tổng cộng 355 máy bay kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện vào tháng 2/2022. Trong 24 giờ qua, 1330 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 11 xe tăng, 27 xe thiết giáp, 40 hệ thống pháo, 1 hệ thống phòng không, 45 máy bay điều khiển từ xa, 71 xe chuyển quân và nhiên liệu và 4 thiết bị đặc biệt.

Kyiv đã tăng cường các cuộc tấn công vào Crimea, bán đảo ở phía nam đất liền Ukraine mà Mạc Tư Khoa đã kiểm soát trong một thập niên. Kyiv tuyên bố sẽ đòi lại lãnh thổ và thường xuyên tấn công vào các cơ sở quân sự như căn cứ không quân Belbek.

3. Tờ New York Times cho biết Blinken ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí của Mỹ

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “New York Times: Blinken favors lifting ban on Ukrainian strikes inside Russia with US arms”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Sau “chuyến thăm trầm lặng” tới Kyiv, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken muốn Tòa Bạch Ốc cho phép Ukraine tấn công bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp, tờ New York Time đưa tin hôm 22 Tháng Năm, dẫn các nguồn tin chính thức giấu tên.

Lệnh cấm đã ngăn cản Kyiv tấn công các lực lượng Nga bằng các loại vũ khí tiên tiến của Mỹ như hỏa tiễn ATACMS. Quân Nga đang tập trung gần Kharkiv nhằm thực hiện cuộc tấn công được phát động hồi đầu tháng 5,.

Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu một “cuộc tranh luận gay gắt” trong nội bộ chính quyền của Tổng thống Joe Biden về chính sách này sau chuyến thăm kéo dài hai ngày của Blinken tới thủ đô Ukraine, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga phát động cuộc tấn công mới. Tờ New York Times viết rằng chính tình hình ở Kharkiv đã thay đổi quan điểm của Blinken.

Hãng tin này lưu ý rằng đề xuất này vẫn “trong giai đoạn hình thành” và không rõ có bao nhiêu quan chức cao cấp khác trong nhóm của Tổng thống Biden sẽ ủng hộ nó.

Kế hoạch này sẽ bao gồm việc cho phép tấn công các cơ sở quân sự của Nga nhưng có lẽ không bao gồm các nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng khác mà Ukraine đã tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa do họ tự chế.

Ý tưởng này được cho là vẫn chưa được đề xuất chính thức với Tổng thống Mỹ, người cho đến nay vẫn kiên quyết bảo vệ lệnh cấm vì lo ngại khả năng leo thang với Nga.

Ngũ Giác Đài cũng đã nhắc lại quan điểm này, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin gần đây ám chỉ rằng các quy tắc có thể khác đối với các mục tiêu trên không.

“Động lực trên không hơi khác một chút,” Austin nói trong cuộc họp báo vào ngày 20 tháng 5 nhưng tránh nói rõ ràng liệu các cuộc tấn công nhằm vào máy bay Nga bằng vũ khí của Mỹ có bị giới hạn hay không.

Không giống như Washington, Anh cho biết họ không phản đối Ukraine sử dụng vũ khí do Anh cung cấp - bao gồm hỏa tiễn Storm Shadow - để tấn công đất Nga, gây ra mối đe dọa từ Mạc Tư Khoa.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova, tuyên bố “Đại sứ Anh tại Mạc Tư Khoa Nigel Casey đã được cảnh báo rằng để đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí của Anh, bất kỳ cơ sở và thiết bị quân sự nào của Anh trên lãnh thổ Ukraine và nước ngoài đều có thể trở thành mục tiêu”.

4. Chiến tranh thế giới thứ ba sắp xảy ra nếu không có Ukraine, nhà sử học dự đoán

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “World War III Is Imminent Without Ukraine, Historian Predicts”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nhà sử học nổi tiếng đã nói rằng thế giới nên biết ơn người Ukraine vì khi người Ukraine chiến đấu với Nga, họ đang chống lại một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Ông đưa ra lập trường trên khi so sanh năm thứ ba của cuộc chiến toàn diện ở Ukraine với giai đoạn ngay trước Thế chiến thứ hai.

So sánh năm 2024 với năm 1938, Timothy Snyder, giáo sư lịch sử chuyên về Đông Âu và Liên Xô của Đại học Yale cho rằng Ukraine có thể so sánh với một Tiệp Khắc “đã chọn chiến đấu”.

Năm 1939, Đức Quốc xã dưới sự lãnh đạo của Adolf Hitler tiến vào Tiệp Khắc và tịch thu các tài sản của Tiệp để trang bị cho lực lượng vũ trang Đức. Anh và Pháp đề nghị bảo đảm an ninh cho Ba Lan nhưng bất chấp điều này, lực lượng của Hitler đã xâm chiếm Ba Lan vào tháng 9 năm 1939. Luân Đôn và Paris sau đó tuyên chiến với Đức, bắt đầu Thế chiến thứ hai.

“Nếu người Ukraine buông xuôi, hoặc nếu chúng ta từ bỏ Ukraine, thì đó nước Nga sẽ đóng vai trò của Đức Quốc Xã đang gây chiến,” Snyder nói trong một hội nghị ở thủ đô Tallinn của Estonia.

Ông nói thêm: “Đó là một cuộc chiến của Nga chống lại công nghệ Ukraine, binh lính Ukraine, từ một vị trí địa lý khác”. “Vậy thì chúng ta đang ở năm 1939. Bây giờ chúng ta đang ở năm 1938. Trên thực tế, những gì người Ukraine mang lại cho chúng ta là họ cho phép chúng ta kéo dài năm 1938. Họ đang giúp chúng ta tránh xa năm 1939.”

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người cho rằng hơn hai năm xung đột toàn diện ở Ukraine đã làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba; Snyder cho rằng nó làm giảm nguy cơ đó, vì Ukraine đã cầm chân một nước Nga Quốc Xã ở Ukraine.

Ông cũng chỉ ra rằng, các nước NATO đã nói rõ rằng họ không phải là một bên trong cuộc chiến ở Ukraine, mong muốn giảm thiểu khả năng bạo lực lan rộng ra ngoài biên giới nước này.

Kyiv đã cảnh báo rằng, nếu Ukraine rơi vào tay lực lượng Nga, các quốc gia khác ở Âu Châu sẽ nằm trong danh sách bị Nga tấn công.

“Tôi muốn các bạn xuống đường và ủng hộ Ukraine, ủng hộ những nỗ lực của chúng tôi và ủng hộ cuộc chiến của chúng tôi vì nếu Ukraine không đứng vững thì Âu Châu cũng sẽ không đứng vững”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói ngay sau khi quân đội Mạc Tư Khoa đổ vào Ukraine vào tháng 2/2022. “Nếu chúng tôi ngã gục, các bạn sẽ ngã gục.”

Đầu năm nay, Putin cho biết “mọi chuyện đều có thể xảy ra” khi thảo luận về việc liệu một cuộc chiến tranh quy mô rộng hơn có thể nổ ra giữa Nga và các nước phương Tây ủng hộ Ukraine hay không.

Putin nói vào giữa tháng 3 rằng thế giới “chỉ còn một bước nữa là đến Thế chiến III toàn diện”.

“Tôi nghĩ hiếm ai quan tâm đến điều này,” ông ta nói thêm trong một cuộc phỏng vấn.

Tháng trước, lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko – một trong những đồng minh kiên định nhất của Putin – đã cảnh báo rằng thế giới “một lần nữa lại đi đến bờ vực thẳm”.

Ông nói thêm: “Có cơ sở để lo ngại” về một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Tuy nhiên, Snyder khẳng định rằng một khi Ukraine vẫn còn có khả năng cầm chân được quân Nga, cả Putin lẫn Tập Cận Bình phải đắn đo một ngàn lần trước khi lao vào một cuộc chiến khác. “Chúng ta phải có lòng biết ơn người Ukraine, và hãy trợ giúp họ, vì họ đang chiến đấu thay cho chúng ta,” ông kết luận.

5. Ngoại trưởng Đức nói Ukraine 'khẩn cấp' cần tăng cường phòng không

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine ‘urgently’ needs more air defenses, says German foreign minister”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm thứ Tư cảnh báo rằng Ukraine “khẩn trương” cần có thêm hệ thống phòng không để tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công của Nga.

Baerbock cho biết: “Khủng bố hỏa tiễn của Nga, cảnh báo trên không liên tục, mất điện vĩnh viễn, hầu như không có nước: Tình hình ở Ukraine một lần nữa leo thang đáng kể với các cuộc không kích quy mô lớn của Nga vào cơ sở hạ tầng dân sự và cuộc tấn công tàn bạo của Nga ở khu vực Kharkiv”. Cô cho biết như trên sau chuyến đi tới Kyiv.

“Để bảo vệ Ukraine khỏi làn mưa hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga, nước này cần được khẩn trương tăng cường phòng không. Đó là lý do tại sao, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius, tôi đã đưa ra một sáng kiến toàn cầu nhằm tăng cường phòng không”

Cô giải thích: Cho đến nay, số tiền này lên tới 1 tỷ euro bổ sung để hỗ trợ việc bảo vệ trên không của Ukraine.

Hôm thứ Hai, quân đội Nga của Vladimir Putin đã tấn công một khu nghỉ dưỡng ven hồ ở khu vực Kharkiv, giết chết ít nhất 11 người và làm bị thương nhiều người khác trong một cuộc tấn công mới nguy hiểm ở phía đông bắc Ukraine. Điều này đang khiến tình hình của Kyiv trở nên tồi tệ hơn, vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu quân số và thiếu đạn dược.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói về Kharkiv: “Hiện nay tình hình đã được kiểm soát. Một tuần trước mọi chuyện còn khó khăn hơn.” Ông nói thêm: “Chúng tôi đang đàm phán với các đối tác để có thể sử dụng vũ khí của họ chống lại việc Nga tích tụ thiết bị ở biên giới và thậm chí tấn công ngay trên lãnh thổ của họ”.

Baerbock cho biết: “Sự ủng hộ của chúng tôi bắt nguồn từ niềm tin sâu sắc rằng Ukraine sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này. Putin suy đoán rằng cuối cùng chúng ta sẽ hết không khí, nhưng chúng ta vẫn còn sức lực. Đức, cùng với nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới, đứng vững về phía Ukraine.”

6. Nhà tuyên truyền Putin bị lừa vì trò đùa 'Đặc vụ Mossad Eli Kopter' trên truyền hình trực tiếp

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Propagandist Falls for 'Mossad Agent Eli Kopter' Joke on Live TV”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một đồng minh của Putin đã bị lừa bởi một trò đùa trên truyền hình trực tiếp sau cái chết của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Một chiếc trực thăng Bell 212 chở Raisi, 63 tuổi và Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian, 60 tuổi, đã bị rơi trong điều kiện sương mù dày đặc trên vùng núi ở tỉnh Đông Azerbaijan của Iran hôm Chúa Nhật. Hãng thông tấn nhà nước IRNA cho biết tất cả 8 hành khách trên chiếc trực thăng đều thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Iran vẫn chưa đưa ra nguyên nhân vụ tai nạn nhưng cũng không nói rằng việc phá hoại đã khiến máy bay rơi.

Không lâu sau khi báo cáo xuất hiện, một phóng viên của đài truyền hình Pháp đã đưa tin nhầm sau khi bị lừa bởi một trò đùa trên Telegram và trên X, rằng trực thăng của Raisi đã được lái bởi một đặc vụ Mossad tên là “Eli Kopter”. Chữ “Eli Kopter” được cố ý viết sai từ chữ “helicopter”, nghĩa là “máy bay trực thăng”.

Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Vladimir Solovyov, một trong những nhân vật nổi bật nhất trong giới truyền thông được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn, cũng đã mắc phải trò đùa này trong buổi phát sóng trực tiếp trên kênh Russia-1. Julia Davis của tờ Daily Beast đã chia sẻ một đoạn phim vào hôm thứ Tư trên X.

Davis nói trong chú thích kèm theo video: “Trong lúc sốt sắng đổ lỗi cho Mỹ và Israel về vụ tai nạn trực thăng của tổng thống Iran, người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Vladimir Solovyov đã hoàn toàn mắc bẫy khi đổ lỗi cho đặc vụ Mossad 'Eli Copter'“.

Solovyov nói: “Chúng ta đã nói về bi kịch ngày hôm qua. Hôm nay, đột nhiên, một kênh truyền hình Pháp sản xuất ra nội dung sau”, và sau đó chiếu đoạn clip phát sóng trò đùa không biết rằng đó là một sai lầm tai hại.

Solovyov nhấn mạnh rằng: “Đó là nhà phân tích chính trị, Daniel Haik, trên kênh 24 News của Pháp”.

Nga và Iran đã tăng cường mối quan hệ kể từ khi Putin bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Tehran đã cung cấp cho lực lượng Mạc Tư Khoa các máy bay điều khiển từ xa Shahed trong suốt cuộc xung đột; và khoảng 400 hỏa tiễn đạn đạo mà phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết rất khó đánh chặn.

Putin đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với đại sứ Iran Kazem Jalali vào tối Chúa Nhật sau khi có báo cáo về vụ tai nạn máy bay trực thăng gây tử vong của Raisi và Tổng thống Nga thề sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết để tìm ra thủ phạm”.

Điện Cẩm Linh hôm thứ Hai đã công bố một tuyên bố của Putin bày tỏ “lời chia buồn sâu sắc nhất” tới Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.

Putin cho biết Raisi đã có “đóng góp cá nhân vô giá vào việc phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các nước chúng ta và đã có những nỗ lực to lớn để đưa hai nước lên cấp độ đối tác chiến lược”.

Putin nói thêm: “Tôi đã có cơ hội gặp Seyed Ebrahim Raisi vài lần và tôi sẽ mãi mãi giữ lại những kỷ niệm đẹp nhất về người đàn ông tuyệt vời này”.

7. Su-57 của Nga: So sánh máy bay tàng hình với F-16 sắp tới của Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Su-57: How Stealth Jet Compares to Ukraine's Incoming F-16s”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine đang háo hức chờ đợi những lô hàng chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon từ các đồng minh phương Tây, là những thiết bị rất cần thiết mà Kyiv hy vọng sẽ giúp nước này chống lại lợi thế trên không của Nga sau hơn hai năm chiến tranh mệt mỏi.

Sau nhiều tháng áp lực ngoại giao, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cuối cùng đã có được chiếc máy bay được chờ đợi từ lâu từ các đồng minh NATO là Đan Mạch, Hà Lan và Bỉ, tất cả đều đã tặng phi đội của họ cho Không quân Ukraine. Kể từ đầu tháng 4, Mỹ và các đồng minh đã huấn luyện phi công Ukraine trên các máy bay phản lực do Mỹ sản xuất, dự kiến sẽ được giao đại trà trong vòng vài tuần tới. Zelenskiy cho biết ông cần 120 đến 130 chiến đấu cơ để đạt được tình trạng “ngang bằng” với Mạc Tư Khoa.

Ukraine hy vọng những chiếc F-16 này sẽ giúp quân đội của họ sánh ngang với khả năng trên không của phi đội máy bay phản lực Su-57 của Nga, vốn đã được triển khai kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột.

Nhưng trong khi F-16 mang lại độ tin cậy và tính linh hoạt đã được chứng minh cho hệ thống phòng thủ Ukraine thì khả năng tàng hình tiên tiến của Su-57 lại đặt ra một thách thức ghê gớm - mặc dù số lượng sản xuất còn thấp và chương trình gặp phải nhiều trở ngại, nghĩa là không chắc liệu nó có hoạt động ở hiệu suất cao hay không trong các khu vực bị đe dọa ở Ukraine.

Chiến đấu cơ thế hệ thứ năm của Nga tự hào có công nghệ tàng hình tiên tiến, động cơ vectơ lực đẩy 3D và một loạt vũ khí đa dạng.

Theo các tài liệu quân sự của Nga, Su-57 có khả năng bay với tốc độ “hơn gấp đôi tốc độ âm thanh” ở độ cao gần 18.300 mét và tầm bắn hơn 2.900km.

Vũ khí của Su-57 bao gồm hỏa tiễn không đối không dẫn đường bằng radar hoặc dẫn đường hồng ngoại hay “tầm nhiệt”, hỏa tiễn không đối đất không điều khiển, bom thông thường, bom chùm và súng bắn đạn 30 ly.

Chiến đấu cơ tàng hình hai động cơ, được hãng quốc phòng khổng lồ Sukhoi của Nga phát triển vào đầu những năm 2000, có nguồn gốc từ thời Chiến tranh Lạnh. Trong thời kỳ đó, Liên Xô xác định sự cần thiết của chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo để kế thừa phi đội Su-27 và MiG-29 của họ trong các hoạt động chiến thuật tiền tuyến.

Tuy nhiên, Su-57 phải đối mặt với sự chậm trễ trong sản xuất và các vấn đề về hiệu suất, đặc biệt là về động cơ và tính năng tàng hình. Một số chuyên gia hàng không quân sự cho rằng vòi phun động cơ tròn có thể nhìn thấy của chiến đấu cơ làm tăng khả năng bị radar phát hiện, làm suy yếu khả năng tàng hình của nó.

Bất chấp những nhược điểm đó, Su-57 hay còn gọi là “Felon” vẫn có một số lợi thế so với F-16 Fighting Falcon. Tạp chí chuyên ngành quốc phòng National Interest đưa tin rằng Felon thế hệ thứ năm có thể đồng bộ hóa với radar mặt đất, mang lại lợi thế khi phóng lần đầu so với mẫu thế hệ thứ tư.

F-16: Tính linh hoạt và cơ động

F-16 Fighting Falcon có thành tích lâu dài về thành công trong chiến đấu. Được biết đến với tính linh hoạt và khả năng cơ động, nó đã trở thành vũ khí chủ lực của nhiều lực lượng không quân kể từ cuối những năm 1970.

Ban đầu được thiết kế như một chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không hạng nhẹ, máy bay phản lực này đã phát triển thành một máy bay đa chức năng thành công trong mọi thời tiết. Tính linh hoạt của F-16, kết hợp với nhiều nâng cấp trong nhiều năm, bao gồm hệ thống radar, hệ thống điện tử hàng không và vũ khí tiên tiến, khiến nó trở thành một chiến đấu cơ mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu chiến đấu trên không hiện đại.

F-16 có thể bay với tốc độ trên Mach 2, tức là khoảng 2.400 km/giờ và hoạt động ở độ cao lên tới 15km, thấp hơn một chút so với Su-57. Nó có bán kính chiến đấu khoảng 550km với nhiên liệu bên trong và tầm hoạt động vượt quá 3200km với bồn nhiên liệu bên ngoài.

Các máy bay phản lực của Mỹ cũng được trang bị hệ thống radar nâng cấp như AN/APG-66, có thể theo dõi mục tiêu cả trên không và trên mặt đất trong phạm vi hơn 60 dặm. Chúng có thể mang theo nhiều loại vũ khí lớn hơn và đa dạng hơn so với MiG-29 hoặc Su-57 của Liên Xô, bao gồm hỏa tiễn, bom và vũ khí chống radar.

Các chiến đấu cơ này sẽ thay thế phi đội MiG-29, Su-24 và Su-25 đang căng thẳng và mỏng manh của Ukraine - những máy bay phản lực ra đời ở đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh và khả năng của chúng hiện đã được người Nga biết đến nhiều.

Tuy nhiên, một báo cáo của Văn phòng Kế toán Tổng hợp Mỹ năm ngoái đã xếp F-16 là một trong những máy bay khó bảo trì nhất của Không quân. Thực tế đó, theo Mark Cancian, Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu và cố vấn cao cấp của Trung tâm Chương trình An ninh Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế, có thể là thách thức đối với người Ukraine.

Cancian nói với Newsweek: “Để F-16 hoạt động hiệu quả, Ukraine cần thiết lập và duy trì cơ sở hạ tầng hậu cần và hỗ trợ rộng rãi”. “Điều này bao gồm việc đào tạo phi công, kéo dài khoảng 9 tháng và thiết lập các hệ thống bảo trì, tiếp nhiên liệu và cung cấp đạn dược.”

Ông nói thêm: “Nó sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi ngay lập tức.”

8. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh ngày 22 Tháng Năm

Trong bản tin tình báo hôm 22 Tháng Năm,, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến khả năng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Vào tháng 4 năm 2024, Ukraine đã xuất khẩu khối lượng ngũ cốc và hạt có dầu cao nhất kể từ khi chiến tranh bùng nổ, đạt 6,6 triệu tấn. Điều này thể hiện khả năng đơn phương xuất khẩu của Ukraine thông qua hành lang vận tải ở Hắc Hải. Sản lượng tại các cảng Hắc Hải gần như chắc chắn đã đạt khối lượng xuất khẩu hàng tháng cao hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong cuộc xung đột, bao gồm cả sản lượng đạt được theo Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải, gọi tắt là BSGI. Khoảng 5,2 triệu tấn trong tổng xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu vào tháng 4 năm 2024 đã khởi hành từ các cảng Hắc Hải của Ukraine, so với mức cao nhất là 4,2 triệu tấn theo BSGI vào tháng 10 năm 2022.

Hành lang hàng hải của Ukraine đã cho phép khoảng 1.600 lượt tàu quá cảnh và xuất khẩu tổng cộng 45 triệu tấn hàng hóa kể từ khi ra mắt vào tháng 8 năm 2023. Phần lớn trong số này bao gồm xuất khẩu nông sản, bao gồm hơn 30 triệu tấn trong 9- khoảng thời gian tháng. Phần còn lại chủ yếu là quặng sắt và các sản phẩm thép, trước đây không thể xuất khẩu bằng đường biển trong thời kỳ BSGI. Nhìn chung, điều này sẽ hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của Ukraine vào năm 2024.

Vận chuyển từ Ukraine rất có thể rất quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu, với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine có thể chiếm khoảng 9,7% xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2023 đến tháng 6 năm 2024. Trong khi xuất khẩu nông sản gần như chắc chắn phụ thuộc vào các cảng Hắc Hải, chiếm khoảng 78% về khối lượng, các tuyến khác vẫn được sử dụng. Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu qua sông Danube với khối lượng khoảng 15%, hỏa xa khoảng 6% theo khối lượng và đường bộ ở mức dưới 1% theo khối lượng.

9. Na Uy tiếp tục hạn chế nhập cảnh đối với khách du lịch Nga

Chính phủ Na Uy vào ngày 23 tháng 5 đã đưa ra thêm các hạn chế đối với việc nhập cảnh của công dân Nga vào nước này do cuộc chiến toàn diện của Mạc Tư Khoa chống lại Ukraine sẽ có hiệu lực vào tuần tới.

Oslo đã thắt chặt các hoạt động cấp thị thực vào mùa xuân năm 2022, sau đó thị thực du lịch cho người Nga phần lớn không được cấp. Nước này cũng hạn chế nhập khẩu xe hơi Nga vào tháng 9/2023.

Chính phủ cho biết công dân Nga đến Na Uy để du lịch và “các chuyến du lịch không cần thiết khác” sẽ bị từ chối nhập cảnh qua biên giới bắt đầu từ ngày 29 tháng 5. Lệnh cấm áp dụng cho cả những người Nga đã xin được thị thực du lịch Na Uy và thị thực do các nước Schengen khác cấp. Schengen là nhóm 29 quốc gia Âu Châu đã chính thức xóa bỏ đường biên giới.

Các trường hợp ngoại lệ sẽ được cấp cho người Nga đi thăm cha mẹ, vợ/chồng hoặc con cái sống ở Na Uy, cũng như những người sẽ làm việc hoặc học tập ở Na Uy hoặc các quốc gia Schengen khác.

Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Emilie Enger Mehl cho biết: “Quyết định thắt chặt các quy định nhập cảnh phù hợp với đường lối của Na Uy là sát cánh cùng các đồng minh và đối tác trong các phản ứng chống lại cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga nhằm vào Ukraine”.

Một số nước Âu Châu, bao gồm Ba Lan và các nước vùng Baltic, đã áp đặt hạn chế thị thực đối với công dân Nga vào năm 2022.

Na Uy tuy không phải là thành viên Liên Hiệp Âu Châu nhưng là thành viên của NATO và đã tham gia nhiều lệnh trừng phạt do các nước Âu Á Châup đặt đối với Mạc Tư Khoa. Na Uy và Nga có chung đường biên giới dài gần 200 km ở Bắc Cực.

10. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh ngày 21 Tháng Năm

Trong bản tin tình báo hôm 21 Tháng Năm, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến các mặt trận đang diễn ra ở Ukraine.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Mặc dù Nga đã mở một trục mới ở tỉnh Kharkiv, đông bắc Ukraine, nhưng các cuộc tấn công của Nga vẫn ở mức cao ở miền đông Ukraine.

Lực lượng Nga tiếp tục tập trung hoạt động vào trục phía tây bắc Avdiivka với các cuộc tấn công trên mặt trận rộng lớn ở hai bên đường cao tốc E50. Các lực lượng Nga có thể đã đạt được một loạt thành tựu chiến thuật nhỏ trong 72 giờ qua, mặc dù có thể phải trả giá đắt.

Đường cao tốc E50 là tuyến liên lạc chính giữa Donetsk do Nga nắm giữ và thị trấn Pokrovsk do Ukraine nắm giữ, cách vị trí tiền tuyến hiện tại khoảng 30 km nhưng có thể là mục tiêu hoạt động của Nga. Các cuộc tấn công của Nga theo hướng này có thể nhằm tạo ra một mũi nhọn và chia cắt lực lượng Ukraine ở Donetsk.

Ở phía bắc Bakhmut, vùng lân cận thị trấn Siversk, lực lượng Ukraine báo cáo có đụng độ nặng nề với lực lượng Nga vào ngày 18 và 19 tháng 5 năm 2024 với các cuộc tấn công nhằm vào các vị trí của Ukraine ở Bilohorivka, Verknokianske và Rozdolivka. Lợi ích của Nga trong khu vực này vẫn còn rất hạn chế.
 
Crimea bị đe dọa trước vũ khí mới của Ukraine. Căng thẳng NATO-Nga khi Moscow thăm dò đối thủ
VietCatholic Media
03:57 24/05/2024


1. Phải chăng Nga đang tiến hành cuộc chiến chống lại NATO

Trong những tháng gần đây, những lập luận và mối đe dọa từ Nga đối với các đồng minh NATO đã tăng vọt - đạt đến mức độ hạt nhân.

Chỉ vài tuần trước, Putin đã ra lệnh thử nghiệm vũ khí hạt nhân chiến thuật khi Nga trực tiếp cảnh báo phương Tây lùi bước sau khi ông tức giận trước một số tuyên bố của NATO.

Điện Cẩm Linh cảnh báo các quan chức phương Tây nếu tiếp tục ủng hộ Ukraine thì “thảm họa toàn cầu” sẽ nổ ra dưới bàn tay vũ khí hạt nhân của Nga.

Pháp cũng hứa sẽ triển khai quân tới Ukraine nếu Nga đột phá tiền tuyến khi Ngoại trưởng Anh David Cameron tuyên bố Ukraine có quyền tấn công Mạc Tư Khoa để trả đũa.

Lời bàn tán về một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự gia tăng sau khi NATO và Nga đều bắt đầu di chuyển kho vũ khí hạt nhân của họ khắp Âu Châu.

Ba Lan tuyên bố sẽ sẵn sàng lưu trữ vũ khí hạt nhân ở biên giới NATO với Nga.

Tổng thống Andrzej Duda cho biết đất nước của ông sẽ tàng trữ vũ khí hạt nhân nếu được NATO yêu cầu khi họ tìm kiếm nơi nào đó để triển khai vũ khí và ứng phó với những mối đe dọa lạnh lùng mới nhất của Putin.

Ba Lan nằm ở vị trí quan trọng trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine khi quốc gia NATO này có chung đường biên giới với Belarus và sân chơi quân sự Kaliningrad của Nga.

Ukraine luôn được bảo đảm rằng họ nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của Ba Lan nếu cần thiết do vị thế của họ.

Gần đây, tên bạo chúa và những người bạn thân ở Điện Cẩm Linh đã bắt đầu củng cố kho vũ khí của họ ở Belarus và Kaliningrad, tích trữ cho cuộc chiến đáng lo ngại của họ.

Nó xuất hiện khi một cựu đại sứ Mỹ nói với The Sun rằng Putin cực kỳ nghiêm chỉnh trong việc “đối đầu với phương Tây” - và không nên loại trừ việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tướng Ben Hodges, đã chỉ trích Putin và mô tả tên bạo chúa Nga là “cực kỳ liều lĩnh”.

Gần đây, góa phụ đau buồn của Alexei Navalny, đối phương số một của Putin, tuyên bố Putin “không thể đoán trước” đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Các chuyên gia quân sự cũng cảnh báo bạo chúa Nga sẽ “hy sinh tất cả”, thậm chí có thể phóng vũ khí hạt nhân lên quỹ đạo nếu cảm thấy tính mệnh của mình bị đe dọa.

2. Phát ngôn nhân của Putin nói Nga phải hành động trước cuộc đối đầu ở Baltic

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Spokesman Says Russia Must Act Over Baltic Confrontation”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hôm Thứ Ba, 21 Tháng Năm, Bộ Quốc Phòng Nga đã công bố một bản đồ lãnh hải mới. Diễn biến này gây xôn xao cho các quốc gia Bắc Âu. Những nhà phê bình người Nga đã kịch liệt chỉ trích tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov vì rõ ràng biến cố này chẳng mang lại lợi ích trước mắt nào cho Nga, nhưng lại khiến cho nhiều nước lo sợ trước tham vọng bá quyền của Nga, và nồng nhiệt ủng hộ Ukraine.

Hôm Thứ Năm, trong bối cảnh báo động và không chắc chắn về kế hoạch của Mạc Tư Khoa nhằm thay đổi biên giới trên biển với Lithuania và Phần Lan, Điện Cẩm Linh đã lên tiếng ủng hộ Belousov và tuyên bố rằng Nga phải thực hiện các bước để bảo đảm an ninh trước “cuộc đối đầu ở vùng Baltic”

Trong bản tóm tắt cuộc họp báo hôm thứ Năm, Tass đưa tin rằng phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã được hỏi về biên giới quốc gia ở vùng Baltic.

Theo hãng thông tấn nhà nước Tass, Peskov cho biết: “Mức độ đối đầu ở khu vực Baltic đòi hỏi Nga phải thực hiện các bước để bảo đảm an ninh của mình”. “Tình hình thế giới đòi hỏi phải đối thoại sâu sắc để tìm cách thoát khỏi căng thẳng, nhưng tập thể phương Tây lại bác bỏ điều đó”.

Việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh NATO gần đây do cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine đã truyền cảm hứng cho thuật ngữ “hồ NATO” để chỉ Biển Baltic, nơi hoàn toàn được bao quanh bởi các thành viên liên minh, ngoại trừ Nga.

Vùng biển này là tâm điểm của những căng thẳng trong khu vực, bao gồm việc gây nhiễu GPS mà Nga bị đổ lỗi, một cuộc khủng hoảng nhập cư mà Phần Lan cho rằng do Mạc Tư Khoa kích động và các nhà lãnh đạo quốc tế cảnh báo rằng Vladimir Putin có thể tấn công một thành viên NATO.

Đã có sự phản đối kịch liệt đối với dự thảo sắc lệnh trên trang web của chính phủ Nga đề xuất điều chỉnh biên giới xung quanh các đảo của Nga ở phía đông Vịnh Phần Lan và xung quanh vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga.

Bộ Ngoại giao Lithuania gọi đây là “một hành động khiêu khích leo thang có chủ đích, rõ ràng là nhằm đe dọa các nước láng giềng”.

Dự thảo sắc lệnh đã được công bố trực tuyến vào thứ Ba nhưng đến thứ Tư thì nó bị lấy xuống, mặc dù vẫn có thể xem được phiên bản lưu trữ của nó.

Một nguồn tin quân sự-ngoại giao giấu tên của Nga nói với Tass rằng Mạc Tư Khoa “không có ý định sửa đổi chiều rộng của lãnh hải, vùng kinh tế, thềm lục địa ngoài khơi bờ biển đất liền và đường biên giới quốc gia của Liên bang Nga ở vùng Baltic”.

Dự thảo sắc lệnh nêu rõ các tọa độ địa lý trước đây được ghi dựa trên các bản đồ dẫn đường hàng hải tỷ lệ nhỏ theo trên nghiên cứu của thế kỷ 20 và không phản ánh biên giới biển thực tế của khu vực.

Khi được yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao Phần Lan nói với Newsweek rằng họ đang “xem xét vấn đề” và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển bao gồm các điều khoản xác định vùng biển của các quốc gia ven biển.

Tuyên bố nói thêm: “Liên bang Nga là một bên tham gia công ước của Liên Hiệp Quốc và rõ ràng là mọi bên tham gia công ước này đều hành động tuân theo công ước đó”.

Charly Salonius-Pasternak, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan, gọi tắt là FIIA, nói với Newsweek rằng nếu Nga đang tìm cách thay đổi biên giới trên biển thì NATO và Liên Hiệp Âu Châu sẽ cần phải tham gia vào mọi phản ứng cần thiết.

Ông nói: “NATO với tư cách là một liên minh phòng thủ tập thể rõ ràng nên tham gia. “Sẽ chỉ có ý nghĩa nếu Phần Lan quốc tế hóa vấn đề này và không cố gắng coi nó như một vấn đề ngoại giao song phương với Nga.

“Sẽ là một sai lầm nếu đánh giá thấp điều này vì khán giả không chỉ là Nga hay người dân Phần Lan, khán giả sẽ là những đồng minh, những người sẽ xem Phần Lan phản ứng thế nào với điều này — không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động.”

Trong một tuyên bố với Newsweek, Bộ Ngoại giao Lithuania cho biết dự thảo sắc lệnh của Mạc Tư Khoa là bằng chứng nữa cho thấy “chính sách theo chủ nghĩa xét lại và hung hăng của Nga là mối đe dọa đối với an ninh của các nước láng giềng và Âu Châu”.

Newsweek đã liên hệ với NATO và Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

3. Đồng minh NATO phản ứng trước động thái 'điều chỉnh' biên giới biển Baltic của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO Ally Responds to Russia's Move to 'Adjust' Baltic Sea Border”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Liên minh Âu Châu và thành viên NATO Lithuania, Nga đã phát động một “chiến dịch hỗn hợp” mới ở Biển Baltic, sau khi một tài liệu của Bộ Quốc phòng Nga đề xuất điều chỉnh các yêu sách hàng hải của nước này trong khu vực.

Dự thảo sắc lệnh ngày 21 Tháng Năm cho thấy Mạc Tư Khoa muốn tuyên bố một phần vùng biển ở phía đông Vịnh Phần Lan và khu vực gần các thị trấn Baltiysk và Zelenogradsk của Kaliningrad là nội thủy.

“Biên giới quốc gia của Liên bang Nga trên biển sẽ thay đổi”, bản tóm tắt dự thảo sắc lệnh được Reuters trích dẫn cho biết. Nếu được thông qua, sắc lệnh này sẽ có hiệu lực vào Tháng Giêng năm 2025.

Đường biên giới được vẽ lại có thể ảnh hưởng đến các vùng biển của cả Lithuania và Phần Lan. Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Lithuania nói với Newsweek rằng hành động của Mạc Tư Khoa “được coi là hành động khiêu khích leo thang có chủ ý, có mục tiêu nhằm đe dọa các nước láng giềng và xã hội của họ”.

Phát ngôn nhân nói thêm: “Đây là bằng chứng nữa cho thấy chính sách hung hăng và theo chủ nghĩa xét lại của Nga là mối đe dọa đối với an ninh của các nước láng giềng và toàn bộ Âu Châu”. “Lithuania hôm nay triệu tập đại diện Liên bang Nga để giải thích đầy đủ. Chúng tôi cũng đang điều phối phản ứng của mình với các đối tác.”

Trong khi đó, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết “Một hoạt động hỗn hợp khác của Nga đang được tiến hành, lần này nhằm mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi, sự không chắc chắn và nghi ngờ về ý định của họ ở Biển Baltic. Đây là một sự leo thang rõ ràng chống lại NATO và Liên Hiệp Âu Châu, và phải được đáp ứng bằng một phản ứng cứng rắn thích hợp.”

Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cũng đề xuất rằng Mạc Tư Khoa có thể đang cố gắng gieo rắc sự nhầm lẫn và báo động ở khu vực Baltic.

Cô nói: “Điều đáng ghi nhớ là việc gây ra sự nhầm lẫn cũng là một cuộc tấn công hỗn hợp khác. Phần Lan không hề bối rối.”

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cho biết Helsinki đang phân tích các báo cáo và nói thêm: “Nga chưa liên lạc với Phần Lan về vấn đề này. Phần Lan luôn hành động: bình tĩnh và dựa trên thực tế.”

Các quan chức hàng đầu ở Mạc Tư Khoa đã nhiều lần đe dọa Phần Lan, Thụy Điển và các quốc gia vùng Baltic như Lithuania, Latvia và Estonia kể từ khi nước này tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Những mối đe dọa như vậy đi đôi với các hoạt động kết hợp đáng ngờ, bao gồm cả can thiệp GPS và vũ khí hóa dòng người di cư qua biên giới Liên Hiệp Âu Châu và NATO.

Zygimantas Pavilionis, một thành viên quốc hội Lithuania và cựu đại sứ nước này tại Mỹ, nói với Newsweek hôm thứ Tư rằng “sự khiêu khích” trong vùng Baltic và các hành động khác của Nga sẽ gây ra phản ứng tập thể mạnh mẽ của phương Tây.

Pavilionis nói: “Chúng tôi có trách nhiệm ngăn chặn Nga vi phạm luật pháp quốc tế và tất cả các hiệp ước khác, nếu không hành động kiên quyết như thế chúng tôi thực sự đang mời họ xâm lược chúng tôi”. “Vấn đề luôn là về phía chúng ta, không phải về phía Nga, bởi vì Nga luôn bành trướng, luôn xâm lược và luôn giết chóc”.

Nhà lập pháp Lithuania đã phát biểu trong chuyến thăm Washington, DC, nhằm thuyết phục các đồng nghiệp Mỹ ủng hộ lời mời gia nhập NATO cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7 sắp tới. Hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm 2023 chứng kiến Kyiv bị từ chối một kế hoạch gia nhập cụ thể, khiến các nhà lãnh đạo Ukraine thất vọng.

“Nếu bây giờ - khi chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử Washington NATO - chúng ta sẵn sàng cứ mãi tiếp tục thể hiện sự xoa dịu này một lần nữa vào thời điểm lịch sử như vậy, thì hãy ngồi giữ vững trên ghế của mình và chờ đợi những điều tồi tệ và bất ngờ mà không chỉ Nga mà tất cả các quốc gia 'Trục Ma quỷ' khác sẽ làm với các nền dân chủ yêu tự do trên toàn cầu,” Pavilionis nói thêm.

4. Thủ tướng Sunak tuyên bố tổng tuyển cử ở Anh

Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 22 Tháng Năm thông báo nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 4 Tháng Bẩy.

Thông báo của thủ tướng dẫn đến việc giải tán quốc hội và bắt đầu chiến dịch kéo dài sáu tuần nhằm bảo đảm đa số tức là 326 ghế trong số 650 khu vực bầu cử của Vương quốc Anh. Luật yêu cầu Sunak phải tổ chức bầu cử trước Tháng Giêng năm 2025.

Đối thủ của Sunak, Nghị sĩ Đảng Lao động Keir Starmer, hiện đang dẫn đầu cuộc thăm dò với 20 điểm và được nhiều người dự đoán sẽ giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tháng Bảy.

Trong một bài phát biểu dưới mưa tại Phố Downing, Sunak đã bảo vệ thành tích lãnh đạo của mình, mặc dù đang bị dẫn trước trong các cuộc thăm dò.

Sunak nói: “Trong 5 năm qua, đất nước chúng ta đã phải trải qua thời kỳ thử thách nhất kể từ Thế chiến thứ hai”, đồng thời trích dẫn đại dịch Covid-19 và cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Sunak tự cho mình là một lựa chọn an toàn trong thời điểm không chắc chắn và liên tục chỉ ra sự xâm lược của Nga là nguồn gốc nguy hiểm.

“Nước Nga của Putin đang tiến hành một cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine và sẽ không dừng lại ở đó nếu ông ấy thành công. Cuộc chiến đó cũng cho thấy rõ ràng nguy cơ đối với an ninh năng lượng của chúng ta”, ông nói.

Kết quả của cuộc bầu cử không có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến chính sách của Anh đối với Ukraine.

Starmer cam kết hỗ trợ Ukraine trong chuyến thăm vào tháng 2 năm 2023. Lãnh đạo phe đối lập đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, thăm các thị trấn tiền tuyến và hứa rằng Vương quốc Anh sẽ vẫn đoàn kết trong cam kết liên tục đối với việc bảo vệ Ukraine.

Starmer nói: “Nếu có một cuộc bầu cử vào năm tới và sự thay đổi chính phủ, quan điểm về Ukraine sẽ không thay đổi”.

5. Putin mở rộng biên giới Nga lấn chiếm vùng biển NATO

Tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “PUTIN THE PIRATE Putin ‘expands Russian borders’ encroaching on Nato waters in latest brazen power move amid chilling nuclear”, nghĩa là “PUTIN Hải tặc Putin 'mở rộng biên giới Nga' lấn chiếm vùng biển NATO trong động thái quyền lực trơ trẽn mới nhất trong bối cảnh hạt nhân lạnh giá”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Putin khao khát SỨC MẠNH đã thực hiện một nhiệm vụ tàn nhẫn khác khi ông ta tìm cách mở rộng biên giới Nga bằng cách xâm phạm vùng biển của NATO.

Nga đã chế nhạo phương Tây bằng các hoạt động biển trơ tráo mới nhất ở Biển Baltic khi mối lo ngại ngày càng tăng về vụ thử hạt nhân của Điện Cẩm Linh tiếp tục gia tăng.

Cảnh báo hạt nhân mới nhất của Putin được đưa ra khi bạo chúa tiến hành các cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật bổ sung gần Ukraine trong khi Điện Cẩm Linh nói rằng họ sẽ buộc phải sử dụng vũ khí nếu NATO tiếp tục can thiệp.

Những bức ảnh ấn tượng cho thấy hỏa tiễn Iskander và Kinzhal siêu thanh được di chuyển khắp các khu vực trước khi chúng được bắn lên bầu trời.

Động thái này nhằm kiểm tra “sự sẵn sàng ứng phó của các đơn vị chiến đấu và bảo đảm vô điều kiện sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhà nước Nga”.

Nhưng mối lo ngại mới nhất của Nga xoay quanh việc Bộ Quốc phòng của Putin tuyên bố một nỗ lực gây sốc nhằm thay đổi biên giới trên biển của Nga với Phần Lan và Lithuania.

Nga đang tìm cách một lần nữa tạo ra phiên bản lịch sử của riêng mình bằng cách vẽ lại vùng lãnh hải của mình.

Tương tự như cách Putin xâm chiếm Crimea và Ukraine khi ông coi các miền đất này là các lãnh thổ của Nga chứ không phải của một quốc gia độc lập nào khác, Nga hiện sẵn sàng mở rộng vùng biển của họ bằng bất cứ giá nào cần thiết.

Mạc Tư Khoa được cho là đang chuẩn bị đánh cắp vùng biển nội địa ở phía đông Vịnh Phần Lan cũng như gần các thành phố Baltiysk và Zelenodradsk ở vùng Kaliningrad.

Nga có ý định chiếm đất của Sommers, Jahi, Rodsher, Malyi Tyuters, Vigrund và Gogland.

Cũng như mũi phía bắc của sông Narva gần biên giới bang với Phần Lan.

Với việc Putin cũng có ý định đơn phương thiết kế lại bản đồ biển toàn cầu gần Curonian Spit - giữa Lithuania và Nga - và Vistula Spit - giữa Ba Lan và Nga.

Mũi Taran được cho là khu vực cuối cùng mà Nga muốn chiếm giữ mà không chịu bất cứ hậu quả nào.

Hàng chục hành động chiếm đoạt tàn nhẫn có thể nhanh chóng dẫn đến sự leo thang thảm khốc trong xung đột với NATO về các chủ quyền lãnh hải đang tranh chấp.

Nga có thể chuẩn bị chiếm đoạt các khu vực này để triển khai lực lượng hải quân nhằm huấn luyện họ mặc dù các nước NATO đã triển khai lực lượng trên vùng biển này.

Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra những tuyên bố giật gân cho rằng bản đồ hàng hải hiện tại được mọi người sử dụng là lỗi thời và không chính xác.

Họ cho biết nó dựa trên tọa độ địa lý được lập vào năm 1985 và hiện tại “không hoàn toàn tương ứng với tình hình địa lý hiện tại” do sự tan rã của Liên Xô.

Mạc Tư Khoa hiện được cho là đang gọi các biên giới trên biển là “không hợp lệ” bất chấp thỏa thuận kéo dài hàng thập niên của Hội Đồng Bộ Trưởng Liên Xô, là cơ quan quản lý các biên giới ở khu vực Biển Baltic.

Nhận xét của Mạc Tư Khoa được công bố như một phần của báo cáo sáng 22 Tháng Năm, nhưng sau đó đã bị xóa do sự hoảng loạn đang lan rộng khắp Âu Châu.

Phần Lan - một trong những mục tiêu chính của cuộc cách mạng mới nhất ở Nga - đã được coi là một thành phố phải có của Điện Cẩm Linh trong một thời gian vì lo ngại cửa khẩu Biên phòng Phần Lan có thể trở thành điểm nóng nếu Putin điên cuồng chiến tranh tấn công phương Tây.

Với vị trí địa lý của nó và thực tế là các lực lượng từ liên minh phương Tây có thể đóng quân tại cửa khẩu bất cứ lúc nào - Các căn cứ ở Bắc Cực có thể trở thành mục tiêu của Điện Cẩm Linh.

Bộ Ngoại giao Lithuania nói với tờ BILD rằng hành động của Nga là “sự khiêu khích leo thang, có mục tiêu và có chủ ý nhằm đe dọa các nước láng giềng”.

Thụy Điển cũng mạnh mẽ phản đối kế hoạch của Putin với tư cách là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Thụy Điển, Micael Byden cho biết: “Mục tiêu của Putin là giành quyền kiểm soát Biển Baltic.

“Nếu Nga nắm quyền kiểm soát và phong tỏa Biển Baltic, điều đó sẽ có tác động to lớn đến cuộc sống của chúng tôi – ở Thụy Điển và tất cả các quốc gia Biển Baltic khác.

“Chúng tôi không thể cho phép điều đó.”

Ông nói tiếp về khu vực Gotland nằm ngay ngoài khơi Thụy Điển và nói rằng đây được cho là khu vực tiếp theo trong danh sách tấn công của Putin nếu ông làm theo ý mình.

Byden tuyên bố Gotland được coi là một hòn đảo chiến lược phải có vì bất cứ ai sở hữu nó đều “kiểm soát Biển Baltic”.

Nó nằm ở vị trí đắc địa giữa các đồng minh NATO của Âu Châu và vùng đất Kaliningrad của Nga và mang lại những lợi thế to lớn trong việc triển khai và kiểm soát giao thông hàng không và đường biển ở Biển Baltic.

Phần Lan và NATO đều chưa có phản ứng gì trước động thái của Nga.

Đầu năm nay, Putin được cho là đang chuẩn bị thực hiện một vụ chiếm đất khác ở khu vực ly khai của Moldova.

Vùng đất Transnistria do Nga kiểm soát, có chung biên giới với Ukraine đã cầu xin Mạc Tư Khoa giúp đỡ chống lại “áp lực” từ Chișinău.

6. Quan chức cho biết Ba Lan cân nhắc bắn hạ hỏa tiễn Nga gần biên giới

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Official: Poland weighs shooting down Russian missiles near border”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Ba Lan đang xem xét liệu có nên huy động lực lượng phòng không của mình bắn hạ hỏa tiễn Nga trên lãnh thổ Ukraine hay không, Bộ Trưởng Ngoại Giao Ba Lan Radosław Sikorski nói với Ukrinform hôm 22 Tháng Năm.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 20 Tháng Năm rằng các đồng minh phương Tây, trong đó có Ba Lan, có thể can thiệp trực tiếp hơn vào hệ thống phòng thủ của Ukraine bằng cách bắn hạ hỏa tiễn Nga.

Sikorski đáp lại tuyên bố của Zelenskiy trong bình luận với Ukrinform, nói rằng chính phủ Ba Lan đang thảo luận về các khía cạnh kỹ thuật và pháp lý của một động thái như vậy.

Ông cho biết: “Vấn đề này đang được xem xét từ góc độ pháp lý và kỹ thuật, nhưng chưa có quyết định nào về vấn đề này”.

Sikorski cho biết Ukraine đã tiếp cận Ba Lan để đề xuất sáng kiến phòng không.

Một hỏa tiễn của Nga đã bay vào không phận Ba Lan trong một cuộc tấn công trên không quy mô lớn nhằm vào Ukraine vào ngày 24 tháng 3. Hỏa tiễn này ở trên không phận Ba Lan trong 39 giây. Theo Wronski, chính phủ Ba Lan đã thảo luận về hậu quả pháp lý của việc bắn hạ hỏa tiễn Nga kể từ vụ việc này.

Sikorski làm rõ rằng Ba Lan không xem xét chuyển bất kỳ đơn vị phòng không nào của mình sang Ukraine.

“Không có cuộc thảo luận nào về vấn đề này ở Ba Lan cả. Không có khả năng hệ thống phòng không của Ba Lan nằm ngoài biên giới đất nước”, ông nói.

7. Crimea bị đe dọa khi người Nga lo ngại về 'hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt mới trôi nổi trên mặt nước’ của Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Under Threat As Russians Fret Over Ukraine's New 'Floating MLRS'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các blogger quân sự Nga đã bày tỏ lo ngại về việc các thuyền điều khiển từ xa có thể tái sử dụng của Ukraine được trang bị hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Loại vũ khí mới này được một nhà phân tích hàng đầu ca ngợi là có khả năng định hình lại chiến tranh hải quân.

Đoạn phim do hãng thông tấn nhà nước Nga Tass công bố hồi đầu tháng này cho thấy một máy bay trực thăng Ka-29 của Nga bắn vào một thuyền điều khiển từ xa của hải quân do GUR, cơ quan tình báo quân sự Ukraine điều khiển, dường như được trang bị súng phòng không R-73 ở Hắc Hải. Hôm thứ Tư, 22 Tháng Năm, một nguồn tin của SBU, là cơ quan an ninh nhà nước Ukraine, nói với Newsweek rằng họ đã triển khai thuyền điều khiển từ xa Sea Baby đã được sửa đổi để chống lại lực lượng Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến.

Ukraine đã nhiều lần sử dụng thuyền điều khiển từ xa tấn công trên biển để nhắm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga như một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm đòi lại bán đảo Hắc Hải, đã bị Putin sáp nhập vào năm 2014.

Các blogger quân sự ủng hộ chiến tranh nổi tiếng ủng hộ Điện Cẩm Linh đã lên Telegram để cân nhắc về những chiếc thuyền điều khiển từ xa mới được sửa đổi, trong đó có một người nói rằng Nga phải “tìm cách chống lại nó (và đưa ra các loại vũ khí tương tự) ngay bây giờ”.

“Tất nhiên, độ chính xác của những thứ này là rất khập khiễng, giống như trong trường hợp hỏa tiễn phòng không, nhưng giờ đây nó không còn chỉ là thuyền điều khiển từ xa cảm tử nữa mà là một đơn vị hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu có khả năng tạo ra một số loại vấn đề trong bối cảnh hiện tại. Hắc Hải gặp khó khăn”, kênh Rybar cho biết.

“Bạn có thể nói rất nhiều 'vâng, chúng vô dụng, độ chính xác là vô dụng, không có lợi ích gì', nhưng điều quan trọng là sự phát triển của lĩnh vực này đang có những bước nhảy vọt. Và công nghệ sẽ tiếp tục được cải thiện, như thế chúng ta cần tìm cách chống lại nó và đưa ra các loại vũ khí tương tự ngay bây giờ”, blogger quân sự này viết.

Kênh Telegram Military Informant đã chia sẻ đoạn phim cho thấy Ukraine sử dụng thuyền điều khiển từ xa hải quân đã được tái sử dụng, gọi chúng là “hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt trôi nổi”.

Blogger quân sự ủng hộ chiến tranh Poddubny cho biết việc trang bị loại vũ khí này cho thuyền điều khiển từ xa “sẽ cho phép đối phương không đến gần mục tiêu đã định mà có thể tấn công từ một khoảng cách nhất định”.

HI Sutton, một nhà phân tích an ninh hàng hải nguồn mở, cho biết trong một phân tích cho Naval News, một cơ quan truyền thông chuyên môn tập trung vào các vấn đề hàng hải, rằng thuyền điều khiển từ xa của hải quân Ukraine về cơ bản không có khả năng tự vệ trước các trực thăng được trang bị súng máy của Nga. Ông nói: “Bây giờ, một phiên bản được trang bị hai hỏa tiễn không đối không được tái sử dụng có thể thay đổi tình thế một lần nữa”.

Nhà phân tích hải quân cho rằng các thuyền điều khiển từ xa được tái sử dụng đánh dấu “một bước thực sự quan trọng trong quá trình phát triển thuyền điều khiển từ xa của hải quân”.

“Ukraine đầu tiên đặt hỏa tiễn phòng không vào chúng, tấn công trực thăng Nga ở Hắc Hải. Ý tưởng này khả thi và có khả năng sẽ định hình lại chiến tranh hải quân”, ông nói hôm thứ Tư.

Sutton cho biết, trên thực tế, đây là thuyền điều khiển từ xa hải quân phòng không đầu tiên trên thế giới.

“Các nhà sản xuất của các quốc gia khác đang tìm cách trang bị cho thuyền điều khiển từ xa một số hình thức phòng không. Nhưng hệ thống này là hệ thống đầu tiên được triển khai thực tế và thực sự là hệ thống đầu tiên trong chiến đấu”, ông nói.

Sutton cho biết, việc sửa đổi “mở ra khả năng sử dụng chúng để phục kích máy bay Nga khi chúng cất cánh hoặc hạ cánh trên các căn cứ không quân ở Crimea”.

“Các thuyền điều khiển từ xa có thể đậu ngoài khơi bờ biển Crimea và hạ gục máy bay khi chúng tiếp cận mà không hề hay biết. Ít nhất có bằng chứng gián tiếp cho thấy điều này có thể đã được thực hiện”, ông nói thêm.

8. Tổng thống Rumani nêu điều kiện gửi hệ thống Patriot cho Ukraine

Tổng thống Rumani Klaus Iohannis tuyên bố rằng việc cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine phải được Hội đồng Quốc phòng Tối cao chấp thuận và không được làm tổn hại đến khả năng phòng không của Rumani.

Ông nhấn mạnh vấn đề này sẽ không được thảo luận công khai mà thay vào đó sẽ thảo luận riêng với các chuyên gia quân sự và Hội đồng tối cao, kênh tin tức Rumani Digi24 đưa tin ngày 22 Tháng Năm.

Iohannis cho biết việc cung cấp hệ thống Patriot đi kèm với nhiều vấn đề phức tạp về hậu cần và pháp lý.

“Ngay cả khi Rumani cuối cùng cũng nhượng bộ một số thì họ cũng phải nhận được điều gì đó. Nếu không thì sẽ không có chuyện gì xảy ra”, Iohannis nói.

Thủ tướng Rumani Marcel Ciolacu sau đó lưu ý rằng bất chấp những thách thức trong việc cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine, điều đó vẫn có thể thực hiện được.

Rumani đã ký một thỏa thuận vào năm 2017 để mua các hệ thống Patriot nhưng cho đến nay chỉ có một hệ thống đang hoạt động.

Theo Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, Ukraine cần 25 chiếc Patriot để bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công của Nga, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba cho biết ông hiện đang tập trung vào việc bảo đảm 7 chiếc để bảo vệ các thành phố lớn nhất Ukraine.

9. Latvia phân bổ gần 6,5 triệu Mỹ Kim để phát triển cơ sở hạ tầng của Ukraine

Latvia sẽ phân bổ sáu triệu euro tức là gần 6,5 triệu Mỹ Kim vào năm 2024 để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở Ukraine, chính phủ Ukraine cho biết như trên vào ngày 22 tháng 5.

Phái đoàn Latvia do Bộ trưởng Kinh tế Viktors Valainis dẫn đầu đã gặp đại diện Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine để thảo luận về việc tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Đặc biệt, các đại biểu đã thảo luận về việc phát triển các tuyến hậu cần, tăng cường vận tải qua các cảng Baltic, tăng xuất khẩu sản phẩm của Ukraine và cải thiện vận tải hỏa xa và đường bộ.

Quyền Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Vasyl Shkurakov cho biết: “Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của Cộng hòa Latvia dành cho Ukraine kể từ những ngày đầu tiên của cuộc xâm lược quy mô lớn”.

“Chúng tôi đã có một số bước phát triển chung trong hợp tác vận tải, điều này không chỉ làm tăng tiềm năng xuất khẩu của bang mà còn kích thích sự phát triển kinh tế của cả hai nước. Chúng ta đang nói về các tuyến đường vận chuyển, cơ sở hạ tầng hỏa xa và đường bộ, cũng như triển vọng hợp tác trong lĩnh vực giao thông hàng không.”

Latvia đã cam kết sáu triệu euro để phát triển cơ sở hạ tầng của Ukraine trong năm nay và dự kiến sẽ cung cấp một lượng viện trợ kinh tế tương tự vào năm 2025.

Theo Bộ, phái đoàn Latvia đang tìm cách thay thế xuất khẩu nông sản từ Nga và phát triển các tuyến xuất khẩu. Riga hy vọng sẽ triển khai giải pháp hậu cần kết hợp cho các nhà xuất khẩu Ukraine và các đối tác Latvia, bao gồm vận tải bằng đường bộ và đường biển.

Các đại biểu đã thảo luận về việc mở rộng hợp tác Ukraine-Latvia trong lĩnh vực vận chuyển hỏa xa và dịch vụ eCherha, công cụ đặt chỗ trực tuyến của Ukraine cho các cửa khẩu biên giới.

Phía Latvia cũng cho biết hãng hàng không airBaltic đã sẵn sàng bắt đầu hoạt động tại Ukraine một khi giao thông hàng không được khôi phục.

Các đại biểu đồng thanh thành lập một nhóm làm việc để xác định các giải pháp giao thông vận tải giữa hai nước và ở cấp độ Liên minh Âu Châu.
 
Tướng Syrskyi: Quân Nga thảm bại ở Vovchansk. Ukraine đánh lớn ở Crimea. Putin muốn đánh đảo Gotland
VietCatholic Media
15:52 24/05/2024


1. Tư lệnh Thụy Điển: Putin đặt mục tiêu kiểm soát biển Baltic, để mắt tới đảo Gotland

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Swedish commander: Putin aims to control Baltic Sea, has his eye on Gotland Island”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Putin có thể đang tìm kiếm sự thống trị trên biển Baltic và để mắt đến đảo Gotland của Thụy Điển, Micael Byden, tư lệnh tối cao của Lực lượng vũ trang Thụy Điển, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với mạng truyền thông RND của Đức công bố ngày 22 Tháng Năm.

Trước đó một ngày, Nga tiết lộ kế hoạch đơn phương thay đổi biên giới trên biển với Lithuania và Phần Lan ở biển Baltic. Theo một sắc lệnh do Bộ Quốc phòng Nga chuẩn bị, Mạc Tư Khoa có ý định chiếm đoạt vùng biển nội địa ở phía đông Vịnh Phần Lan và gần các thành phố Baltiysk và Zelenogradsk ở tỉnh Kaliningrad.

“Tôi tin tưởng rằng Putin thậm chí còn để mắt tới Gotland. Mục tiêu của Putin là giành quyền kiểm soát biển Baltic”, Byden nói.

“Ai kiểm soát Gotland sẽ kiểm soát biển Baltic.”

Gotland, hòn đảo lớn nhất của Thụy Điển, nằm cách Kaliningrad, nơi đặt trụ sở của Hạm đội Baltic của Nga, khoảng 330 km về phía bắc và có tầm quan trọng chiến lược đối với việc phòng thủ khu vực Biển Baltic.

Theo Byden, nếu Nga nắm quyền kiểm soát hòn đảo này, nước này có thể đe dọa các nước NATO từ biển.

Nhà lãnh đạo quân đội Thụy Điển cho biết: “Điều này sẽ biểu thị sự kết thúc của hòa bình và ổn định ở khu vực Bắc Âu và Baltic”. “Biển Baltic không nên biến thành sân chơi của Putin, nơi ông ta đe dọa các thành viên NATO.”

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Thụy Điển đã tăng cường quân thường trực cho Gotland và các lực lượng bổ sung có thể được triển khai tạm thời nếu mức độ rủi ro leo thang.

Thụy Điển chính thức gia nhập NATO vào ngày 7 tháng 3, gần hai năm sau khi nước này nộp đơn xin gia nhập liên minh này nhằm phản ứng trực tiếp trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine và đảo ngược 200 năm trung lập quân sự chính thức.

2. Chiến tranh Ukraine mới nhất: Syrskyi nói Nga 'hoàn toàn sa lầy' trong giao tranh trên đường phố Vovchansk

Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi ngày 23 Tháng Năm cho biết quân đội Nga “hoàn toàn sa lầy” trong các trận chiến trên đường phố nhằm giành thị trấn Vovchansk ở tỉnh Kharkiv và phải chịu “tổn thất rất nặng nề”.

Nga phát động một cuộc tấn công mới vào ngày 10 tháng 5 ở phía bắc tỉnh Kharkiv. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm 16 Tháng Năm rằng lực lượng Mạc Tư Khoa đã cố gắng tiến xa tới 10 km vào khu vực nhưng đã bị chặn lại bởi tuyến phòng thủ đầu tiên.

Syrskyi cho biết, quân đội Nga hiện đang triển khai lực lượng dự bị từ nhiều khu vực khác nhau nhưng không hỗ trợ các hoạt động tấn công tích cực trong khu vực.

Tướng Nga cũng chuyển sang phòng thủ tích cực gần làng Lyptsi, nơi lực lượng của họ đang rà phá khu vực xung quanh và tấn công vào các vị trí của binh lính Ukraine, tướng Syrskyi này cho biết.

Giao tranh được cho là cũng đang diễn ra tại khu vực rừng phía bắc thành phố Kupiansk ở tỉnh Kharkiv.

Syrskyi nói: “Tình hình rất khó khăn ở khu vực Kyslivka, nơi đối phương đang cố gắng xuyên thủng hàng phòng ngự của chúng tôi và tiến tới sông Oskil”.

Vị tướng mô tả giao tranh ở khu vực Pokrovsk và Kurakhove là “dữ dội và ác liệt nhất”.

Quân đội Nga được cho là đang cố gắng xuyên thủng hàng phòng ngự của quân đội Ukraine trên một khu vực hẹp của mặt trận giữa các khu định cư Staromykhailivka và Berdychi.

Syrskyi cho biết, giao tranh dữ dội cũng đang diễn ra gần làng Ivanivske và thị trấn Chasiv Yar ở tỉnh Donetsk. Ông nói thêm, các lực lượng Nga đang cố gắng “bám chặt thị trấn bằng mọi giá” bằng cách sử dụng trang thiết bị hiện đại.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết, cuộc tấn công của Nga ở tỉnh Kharkiv vào giữa tháng 5 có thể là đợt đầu tiên trong một số đợt tấn công và các lực lượng Nga có thể tấn công vào thủ đô khu vực Kharkiv.

3. Zelenskiy dự định tham gia các sự kiện D-Day và G7

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelenskyy planning to join D-Day and G7 events”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hai người quen thuộc với kế hoạch này cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy dự định sẽ tham dự lễ kỷ niệm D-Day vào tháng tới tại Pháp, sau đó là cuộc họp G7 ở Ý.

Kế hoạch của Zelenskiy đặc biệt đáng chú ý vì gần đây ông đã hủy các chuyến du lịch nước ngoài sau khi Nga phát động một cuộc tấn công lớn vào thành phố Kharkiv. Nhưng Ukraine cũng đang rất cần sự hỗ trợ liên tục và sự quan tâm toàn cầu, và chuyến đi sẽ giúp ông có thời gian với các nhà lãnh đạo thế giới - bao gồm cả Tổng thống Joe Biden - để đưa ra các yêu cầu cho quốc gia mình.

Cả hai người đều nhấn mạnh, lịch trình của tổng thống Ukraine luôn có thể thay đổi. Nhưng nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, Zelenskiy dự kiến sẽ sử dụng chuyến đi này để kêu gọi, như ông đã nói trong các cuộc phỏng vấn gần đây, thêm sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây và yêu cầu NATO bắn hạ hỏa tiễn của Nga như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã làm khi Iran tấn công Israel. Zelenskiy cũng sẽ yêu cầu Mỹ và các nước Âu Châu tịch thu tài sản của Nga để giúp tài trợ cho quốc phòng và tái thiết Ukraine.

Sự hiện diện của nhà lãnh đạo Ukraine tại Pháp sẽ có tiếng vang mang tính biểu tượng to lớn. Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tập trung tại bờ biển Normandy, nơi 80 năm trước gần 133.000 quân từ Mỹ, Anh và các quốc gia đồng minh đã đổ bộ lên lục địa Âu Châu để đánh bại Đức Quốc xã - cuộc xâm lược đổ bộ lớn nhất trong lịch sử quân sự. Sự kiện này sẽ kỷ niệm sự hy sinh để ngăn chặn cuộc tấn công của Adolf Hitler khi lực lượng của ông ta nuốt chửng lục địa trước khi vấp phải sự phản kháng gay gắt từ các nền dân chủ và Liên Xô.

Tại một nghĩa trang của Mỹ, Zelenskiy sẽ cùng với Tổng thống Biden, các nhà lãnh đạo phương Tây với tư cách là nhà lãnh đạo một quốc gia đang có nguy cơ bị xóa sổ khỏi bản đồ. Tổng thống Biden, người sẽ tận dụng thời điểm này để đưa ra lập luận đầy nhiệt huyết về việc bảo vệ nền dân chủ trên toàn thế giới, chắc chắn sẽ đề cao cách ông tập hợp các đồng minh ủng hộ chính nghĩa của Ukraine sau khi Vladimir Putin của Nga ra lệnh xâm lược tổng lực.

Zelenskiy sau đó có kế hoạch tới gót chân nước Ý để dự G7. Trong nhiều tháng, các thành viên nhóm đã tranh luận về sự khôn ngoan của việc sử dụng hàng trăm tỷ tài sản bị tịch thu của Nga để tăng cường quốc phòng và kinh tế của Ukraine, với lý do những câu hỏi hóc búa về mặt pháp lý và lo ngại rằng Mạc Tư Khoa có thể làm điều tương tự với các nước phương Tây. Mỹ và Anh đã ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng này trong khi một số thành viên Âu Châu, cụ thể là Đức, tỏ ra hoài nghi hơn.

Vấn đề này đã làm dấy lên cuộc họp trước đó của các bộ trưởng tài chính G7, nơi Giám đốc Ngân hàng Trung ương Âu Châu Christine Lagarde đã lập luận mạnh mẽ chống lại việc tịch thu toàn bộ tài sản của Nga để cho Ukraine vay.

Zelenskiy có thể sẽ tận dụng cơ hội gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia và chính phủ để cố gắng thuyết phục những người nghi ngờ. “Nếu thế giới có 300 tỷ Mỹ Kim - tại sao không sử dụng nó?” ông nói vào tháng Giêng.

4. Truyền hình Nhà nước Nga kêu gọi 'hãy dạy cho Thụy Điển một bài học'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian State TV Calls To 'Teach Sweden a Lesson'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nhà tuyên truyền hàng đầu của Điện Cẩm Linh đã kêu gọi Nga “dạy cho Thụy Điển một bài học” trong một lần xuất hiện trên truyền hình nhà nước.

Margarita Simonyan, tổng biên tập của tổ chức truyền thông nhà nước RT, đưa ra nhận xét này trong buổi phát sóng trực tiếp trên kênh Russia-1. Một đoạn trích được đăng trên X,, bởi Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine.

“Chú ý, Thụy Điển! Nhà tuyên truyền người Nga Simonyan muốn “dạy cho Thụy Điển một bài học” và có vẻ như muốn thôn tính nước này. Những lời ca ngợi Putin và Bộ trưởng Quốc phòng mới Andrei Belousov cũng được bao gồm,” Gerashchenko viết hôm thứ Tư trong một bài đăng cùng với video.

Những lời đe dọa thường xuyên nhằm vào các thành viên của liên minh quân sự NATO trên truyền hình nhà nước. Các nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh đã đưa ra khả năng Nga sẽ tấn công các quốc gia thành viên NATO vì viện trợ và vũ khí cung cấp cho Kyiv trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra. Thụy Điển gia nhập liên minh vào tháng 3 để đáp trả cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Simonyan bắt đầu bằng việc ca ngợi Belousov mới được bổ nhiệm, người từng giữ chức Bộ trưởng Kinh tế Nga từ năm 2012 đến năm 2013 và là trợ lý của Putin từ năm 2013 đến năm 2022.

“Cảm ơn, Belousov sẽ mang lại trật tự về tài chính trong quân đội, cho chính phủ mới, sẽ mang lại trật tự cho sự công bằng về doanh thu, trước hết cho chúng ta, Tổng thống, người sẽ không bao giờ từ bỏ những mục tiêu đó, người sẽ không bao giờ từ bỏ người Nga ở những khu vực đó”, bà ta nói.

“Và tất nhiên, trước hết, xin gửi lời cảm ơn đến người dân của chúng ta, những người đã đoàn kết như đã lâu không gặp. Có lẽ chưa có sự đoàn kết như vậy kể từ Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại”, Simonyan nói, sử dụng thuật ngữ được sử dụng ở Nga để mô tả Thế chiến thứ hai.

Bà ta nói thêm: “Chúng ta phải tận dụng thời điểm này để dạy cho Thụy Điển một bài học, để 200 năm sau họ vẫn sẽ nói chung: 'Cảm ơn rất nhiều, chúng tôi sẽ không đi đâu khác'“.

Simonyan nói thêm: “Hãy để họ uống bia Tuborg, chiên thịt viên, những món mà họ cũng được Quốc vương Karl Thổ Nhĩ Kỳ dạy chiên. Họ sẽ ngồi yên lặng, thanh thản và lo việc riêng của mình. Chẳng phải điều đó sẽ tuyệt vời sao?”

Vào tháng 3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho rằng quốc gia Bắc Âu này đã được bảo vệ khỏi “cái ác” của Putin bằng cách trở thành thành viên NATO.

“Điều quan trọng cần lưu ý là thêm một quốc gia ở Âu Châu đã nhận được sự bảo vệ tốt hơn trước cái ác của Nga”, Tổng thống Zelenskiy nói. “Khi an ninh của một quốc gia được bảo đảm và khi quốc gia đó có thể thực sự tăng cường an ninh chung thì mọi người đều thắng. Quy tắc này đã có hiệu quả nhất quán trong suốt quá trình tồn tại của NATO. Và tôi tin nó sẽ thành công trong tương lai. “

Ông nói thêm: “Ukraine luôn ủng hộ Thụy Điển trong việc theo đuổi tư cách thành viên NATO và tôi cảm ơn Thụy Điển vì đã ủng hộ đất nước chúng tôi - sẽ có một ngày Thụy Điển có thể chúc mừng Ukraine đã gia nhập liên minh này”. “Cùng nhau, chúng ta luôn mạnh mẽ hơn.”

5. Các nhóm du kích cho biết: Cuộc tấn công vào Crimea bị tạm chiếm làm hư hỏng thiết bị liên lạc, gây ra thương vong

Một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào một trung tâm liên lạc của Nga ở thành phố Alushta ở Crimea bị tạm chiếm đã gây ra “thiệt hại đáng kể cho thiết bị”, với nhiều thương vong được báo cáo, nhóm đảng phái thân Ukraine Atesh đưa tin hôm 24 Tháng Năm.

Kênh Telegram Crimea Wind đưa tin thêm rằng một ăng-ten quân sự lớn đã bị tấn công ở cộng đồng Semydvir'ya, chỉ cách Alushta 3 km về phía đông. Ăng-ten này trước đây đã được quân đội Ukraine sử dụng trước khi Nga xâm lược Crimea vào năm 2014.

Atesh cũng báo cáo rằng trung tâm chỉ huy của trung tâm liên lạc có thể đã bị phá hủy trong cuộc tấn công, mặc dù hiện tại không có thông tin nào về tình trạng của cơ sở quân sự.

Lực lượng vũ trang Ukraine vẫn chưa nhận trách nhiệm về vụ tấn công và cũng chưa đưa ra bình luận gì.

Trước đó vào ngày 23 Tháng Năm, Sergey Aksenov, nhà lãnh đạo cơ quan xâm lược của Nga ở Crimea, cáo buộc rằng do vụ tấn công hỏa tiễn vào khu vực Simferopol, hai người qua đường đã thiệt mạng.

Aksenov còn tuyên bố thêm rằng cuộc tấn công đã gây ra thiệt hại cho tài sản thương mại “trống” cũng được ghi nhận ở khu vực Alushta.

Theo Suspilne Crimea, khi bắt đầu cuộc tấn công, âm thanh của vụ nổ đã được báo cáo ở Sevastopol, Yevpatoriia và Alushta ở Crimea bị tạm chiếm vào cuối ngày 23 tháng 5.

Vào khoảng 22h18 giờ địa phương, Suspilne cho biết đã nghe thấy tiếng nổ ở Yevpatoriia. Đến 22h30, hoạt động vận tải hành khách ở Sevastopol đã bị đình chỉ. Một đoạn video sau đó xuất hiện trên mạng có lẽ mô tả một vụ nổ ở quận Alushta trên bờ biển phía nam Crimea. Ít nhất 5 vụ nổ đã được báo cáo ở Alushta.

Trong vòng một giờ, kênh Telegram Krym Realii thông báo rằng người dân đã nghe thấy ba vụ nổ gần lãnh thổ phi trường Belbek ở Sevastopol, cũng như hoạt động phòng không từ Novofedorivka. Tổng cộng có 8 vụ nổ được cho là đã được nghe thấy.

Kênh Telegram Crimea Wind đưa tin vào khoảng 12h26 sáng Thứ Sáu, 24 Tháng Năm, rằng một đám cháy đã bùng phát tại một địa điểm quân sự ở cộng đồng Semydvir'ya, cách Alushta khoảng 4 km về phía đông. Lực lượng cấp cứu hiện đang có mặt tại hiện trường.

Theo Crimea Wind, người dân Sevastopol đã báo cáo thêm những âm thanh về vụ nổ vào khoảng 3 giờ sáng.

Lực lượng Ukraine đã tiến hành một số cuộc tấn công nhằm vào phi trường quân sự Belbek của Nga ở Crimea trong những tuần gần đây.

Kênh Crimea Wind Telegram đưa tin phi trường bị tấn công vào cuối ngày 15 Tháng Năm và một kho nhiên liệu bốc cháy, trong khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố 5 hỏa tiễn ATACMS do Mỹ cung cấp đã bị “hệ thống phòng không đang làm nhiệm vụ” đánh chặn trong đêm.

Các cuộc tấn công nhằm vào phi trường Belbek cũng được báo cáo vào đêm hôm trước, được cho là đã dẫn đến hỏa hoạn gần cơ sở quân sự.

6. Chủ tịch Hạ Viện Johnson nói người Ukraine nên được phép chiến đấu theo cách 'họ thấy phù hợp'

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Speaker Johnson says Ukrainians should be allowed to fight war as 'they see fit'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tán thành việc cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp vào ngày 22 Tháng Năm.

Trả lời câu hỏi của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ về chính sách hiện tại của Mỹ hạn chế việc sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ trên đất Nga, Johnson nói rằng Hoa Kỳ nên “cho phép Ukraine tiến hành cuộc chiến theo cách mà họ thấy phù hợp”.

“Ukraine cần có khả năng chống trả. Và tôi nghĩ rằng không phải là một chính sách tốt cho chúng ta nếu chúng ta cứ khăng khăng cố gắng quản lý từng chi tiết trong nỗ lực đó,” ông nói thêm.

Bình luận của Johnson được đưa ra hai ngày sau khi một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng kêu gọi Ngũ Giác Đài thay đổi hạn chế, nói rằng điều đó đã ngăn cản người Ukraine có thể “tự vệ”.

Quan điểm này gần đây đã được lặp lại bởi Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis, người nói rằng việc Mỹ hạn chế sử dụng hỏa tiễn ATACMS tầm xa bên trong lãnh thổ Nga là một “sai lầm”.

Giới chức Mỹ nhiều lần tuyên bố không ủng hộ hay khuyến khích các cuộc tấn công của Kyiv bằng vũ khí Mỹ vào sâu trong lãnh thổ Nga, trong khi giới chức Ukraine được cho là đang cố gắng thuyết phục Washington dỡ bỏ lệnh cấm này.

Ukraine gần đây nói rằng lệnh cấm của Washington có nghĩa là Ukraine không thể tấn công lực lượng Nga khi họ đang củng cố lực lượng trước khi vượt biên giới vào tỉnh Kharkiv trong cuộc tấn công mới của Nga bắt đầu từ đầu tháng 5.

7. Báo cáo độc quyền: Lằn ranh đỏ dầu Nga của Ngũ Giác Đài bị đặt nghi vấn

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Exclusive: Pentagon's Russian Oil Red Line Questioned”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Lằn ranh đỏ của Ngũ Giác Đài đối với các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga đang được xem xét kỹ lưỡng sau khi một cuộc điều tra phát hiện ra rằng một số nhà máy lọc dầu bị tấn công đã cung cấp nhiên liệu cho quân đội của Vladimir Putin trong cuộc chiến đang diễn ra.

Gần hai năm sau cuộc chiến, Kyiv bắt đầu chiến dịch tấn công bằng các thiết bị điều khiển từ xa tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga vào đầu tháng Giêng, cản trở việc sản xuất xăng ở Nga và cắt giảm doanh thu xuất khẩu của Mạc Tư Khoa, vốn là trung tâm của nền kinh tế chiến tranh của đất nước.

Theo Ukraine, cho đến nay, ít nhất 13 cuộc tấn công thành công đã được thực hiện nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Nga trong cuộc xung đột, nhắm vào một số cơ sở lớn nhất trong nước và các cơ sở nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Cơ quan tình báo Ngũ Giác Đài cho biết trong tháng này rằng các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa đã làm gián đoạn ít nhất 14% công suất lọc dầu của Nga.

Olha Stefanishyna, phó thủ tướng Ukraine, cho biết vào tháng 3 rằng các nhà máy lọc dầu của Nga là mục tiêu quân sự hợp pháp trong cuộc chiến, mặc dù các cuộc tấn công thường không được Kyiv trực tiếp tuyên bố bởi Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, và Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine, gọi tắt là GUR.

Tờ báo Financial Times của Anh dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên trong cùng tháng đưa tin rằng Washington muốn Ukraine dừng các cuộc tấn công vì lo ngại rằng việc tấn công vào các cơ sở năng lượng như vậy có thể gây ra sự trả đũa và đẩy giá dầu toàn cầu lên cao.

Những cảnh báo này được đưa ra trước cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm nay, trong đó sẽ chứng kiến Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với nỗ lực tái tranh cử đầy khó khăn. Giá xăng thường là một chủ đề nhạy cảm trong các chiến dịch bầu cử tổng thống.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hồi đầu tháng 4 đã cảnh báo rằng các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga có thể gây ra “hiệu ứng dây chuyền về tình hình năng lượng toàn cầu”.

Ông nói với ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng Ukraine “được phục vụ tốt hơn trong việc truy lùng các mục tiêu chiến thuật và tác chiến có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc chiến hiện tại”.

Nhưng tổ chức phi chính phủ Global Witness cho biết trong phân tích mới được chia sẻ độc quyền với Newsweek rằng một số cơ sở bị tấn công này đã đóng một vai trò trong khả năng tiến hành chiến tranh ở Ukraine của Putin và chính quyền Tổng thống Biden “ưu tiên dòng dầu của Nga”.

Trích dẫn dữ liệu về hỏa xa và các hợp đồng mua sắm quân sự của Nga cũng được Newsweek xem xét, nhóm phi lợi nhuận này cho biết cuộc điều tra của họ chứng minh rằng các nhà máy lọc dầu này đã cung cấp cho quân đội Nga ở Ukraine và rõ ràng cấu thành các mục tiêu quân sự hợp pháp.

Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Hoa Kỳ hôm thứ Hai cũng đã viết một lá thư cho Austin, kêu gọi Ngũ Giác Đài cho phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công “các mục tiêu chiến lược” trong lãnh thổ Nga “trong một số trường hợp nhất định”.

Khi được tiếp cận với những phát hiện này, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài nói với Newsweek rằng Mỹ “đã nói rất rõ ràng rằng chúng tôi không ủng hộ hoặc cho phép các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga”.

“Hỗ trợ an ninh mà chúng tôi cung cấp cho họ là để sử dụng ở Ukraine (bao gồm cả Crimea). Và chính phủ Ukraine hiểu quan điểm của chúng tôi. Có một điều, việc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga có thể tác động tiêu cực đến an ninh và ổn định toàn cầu. Nhưng cuối cùng Ukraine phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình, nên tôi sẽ để họ tự nói. “

Các tài liệu tòa án mà Global Witness thu được cho thấy hai cơ sở bị Ukraine tấn công vào tháng 2, tháng 3 và tháng 5—là nhà máy lọc dầu Volgograd của gã khổng lồ dầu mỏ LUKOIL của Nga, lớn nhất ở miền nam nước Nga, và NORSI, nhà máy lọc dầu lớn thứ tư của Nga—đã giành được hợp đồng với các tổ chức quân sự Nga trước khi xảy ra chiến tranh.

Cả hai cơ sở đều cung cấp nhiên liệu cho Bộ Quốc phòng Nga và cơ quan tình báo Nga, Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, vào năm 2018 và 2020.

Dữ liệu do Tổ chức phi chính phủ gọi là Tập hợp dữ liệu chống tham nhũng, gọi tắt là ACDC, cung cấp, cho thấy các cơ sở này đã tiếp tục cung cấp một lượng đáng kể dầu diesel hoặc nhiên liệu máy bay cho các quân khu phía Tây và phía Nam của Nga trong chiến tranh.

“Các sư đoàn quân đội này bao gồm các đơn vị đã hoạt động ở Ukraine kể từ khi Điện Cẩm Linh ra lệnh tấn công vào tháng 2 năm 2022,” Global Witness cho biết, đồng thời lưu ý rằng quân khu phía nam có thể đã tham gia vào cuộc bao vây Mariupol từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2022, trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2022, nơi ít nhất 8.000 thường dân được cho là đã thiệt mạng.

Global Witness cho biết có “tiền lệ rõ ràng” về các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga.

“Nhưng chính trị, chứ không phải tiền lệ, là nguyên tắc thúc đẩy lập trường của Mỹ”, nhóm phi lợi nhuận cho biết và nói thêm rằng lập trường của chính quyền Tổng thống Biden dường như là một phần trong mục tiêu rộng lớn hơn là không làm xáo trộn dòng dầu của Nga, vì sợ làm gián đoạn nguồn dầu cung cấp cho thị trường toàn cầu.

Logic đó là “thiếu sót”, Global Witness cho biết, đồng thời lưu ý rằng Mỹ không trực tiếp mua bất kỳ nhiên liệu nào từ Nga và giá dầu tăng phần lớn là do căng thẳng hiện nay ở Trung Đông, theo báo cáo thị trường dầu mỏ gần đây nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế..

Global Witness cho biết Mỹ đã liên tục ưu tiên dòng dầu của Nga trong suốt cuộc chiến.

“Đường lối dựa vào dầu mỏ này hoàn toàn khác với những luận điệu mà Tổng thống Biden đã triển khai trong những ngày sau cuộc xâm lược khi ông tuyên bố lệnh cấm vận của Mỹ đối với dầu thô của Nga, đồng thời nói với thế giới rằng Mỹ 'sẽ không tham gia trợ cấp cho cuộc chiến của Putin'“

Global Witness nói thêm: “Tranh chấp về các cuộc tấn công làm nổi bật sự biến dạng của nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch, theo đó Mỹ đang tuyệt vọng bảo vệ việc xuất khẩu dầu của một đối thủ, gây thiệt hại cho một đồng minh đang bị tấn công”. “Thật không may cho Ukraine, dầu mỏ đang được ưu tiên hơn”.

8. Các nước vùng Baltic thúc đẩy chi tiêu quốc phòng tối thiểu 2,5% GDP trong hội nghị thượng đỉnh NATO

Bộ trưởng quốc phòng của Lithuania, Latvia và Estonia đã gặp nhau tại thị trấn Palanga của Lithuania vào ngày 22 tháng 5 và đồng thanh về các mục tiêu chính của họ trước hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới, bao gồm cam kết đầu tư ít nhất 2,5% GDP vào quốc phòng.

Các nước đồng minh đã tăng cường chi tiêu quốc phòng sau khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga chống lại Ukraine bùng nổ, với 18 thành viên NATO dự kiến sẽ đạt mốc 2% hiện tại vào năm 2024.

Hanno Pevkur của Estonia, Laurynas Kasciunas của Lithuania và Andris Spruds của Latvia cũng nhấn mạnh việc họ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga và xác nhận cam kết phân bổ ít nhất 0,25% ngân sách hàng năm để hỗ trợ Kyiv.

Ba nước vùng Baltic là những nước ủng hộ trung thành nhất của Ukraine kể từ khi cuộc chiến tổng lực bùng nổ và liên tục kêu gọi NATO có những bước đi quyết đoán hơn trước sự xâm lược của Nga.

Trong hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Washington vào tháng 7, ba nước cũng thúc đẩy các đồng minh NATO tăng cường các năng lực quan trọng, phát triển các kế hoạch phòng thủ khu vực của NATO và thảo luận về việc triển khai thực tế mô hình luân chuyển phòng không.

Kasciunas nói: “Chúng ta cần nỗ lực phối hợp nhiều hơn để cam kết với các đồng minh tập trung vào các năng lực quan trọng còn thiếu trong thời gian ngắn”.

Các bộ trưởng cũng đồng thanh tăng cường hợp tác trên các tuyến phòng thủ ở Baltic, từ đó tăng cường khả năng phòng thủ tiền phương của NATO. Tất cả ba quốc gia này đều giáp với Nga, còn Latvia và Lithuania giáp với đồng minh quan trọng trong khu vực của Mạc Tư Khoa là Belarus.

Với vị trí địa lý của mình, các nước vùng Baltic lo ngại rằng họ có thể là mục tiêu đầu tiên trong trường hợp xảy ra xung đột toàn diện giữa NATO và Nga.

Kasciunas nhận xét: “Nga sẽ vẫn là mối đe dọa lâu dài đối với an ninh Âu Châu-Đại Tây Dương và đặc biệt là đối với các nước vùng Baltic, vì vậy sự đoàn kết giữa các nước chúng ta phải quan trọng hơn bao giờ hết”.

9. Chiến tranh Ukraine mới nhất: Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói tình báo có bằng chứng về viện trợ sát thương của Trung Quốc cho Nga

Mỹ và Anh có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang cung cấp hoặc sắp cung cấp viện trợ sát thương cho Nga, Reuters đưa tin hôm 22 Tháng Năm, dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps.

Phát biểu tại Hội nghị Quốc phòng Luân Đôn, Shapps cho biết ông đang giải mật thông tin tình báo mới tiết lộ sự phát triển “khá quan trọng” và kêu gọi thế giới “thức tỉnh” trước mối đe dọa mà nó gây ra.

Trung Quốc chính thức tuyên bố mình là một bên trung lập trong cuộc chiến toàn diện của Nga ở Ukraine và phủ nhận việc cung cấp viện trợ sát thương, nhưng Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa tiếp tục phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn, gần đây nhất là việc Putin đến thăm chủ tịch Tập Cận Bình vào tuần trước.

Các quan chức Mỹ trước đây đã cảnh báo Trung Quốc không cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Nga và kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Mạc Tư Khoa để giúp chấm dứt chiến tranh. Những bình luận mới nhất của Shapp cho thấy những cảnh báo đó đang bị Trung Quốc bỏ ngoài tai.

Tình báo quốc phòng của Mỹ và Anh hiện cho thấy rằng “viện trợ sát thương hiện đang hoặc sẽ chảy từ Trung Quốc sang Nga và vào Ukraine”, Shapps cho biết trong bình luận được Reuters đưa tin.

Shapps cho biết, theo báo cáo của Hiệp hội Báo chí, “Mức tăng thương mại 64% mà chúng tôi thấy giữa hai nước cho thấy rằng thực sự có một mối quan hệ sâu sắc hơn nhiều ở đó”.

Shapps không nói rõ chi tiết cụ thể về loại viện trợ gây chết người mà ông đang đề cập đến. Ông nói rằng các quốc gia dân chủ có trách nhiệm phải đưa ra một ý chí “đấu tranh toàn diện” cho một trật tự quốc tế dựa trên các giá trị của phương Tây, vốn đòi hỏi “nhiều đồng minh và đối tác hơn” trên toàn thế giới.

“Đã đến lúc thế giới phải thức tỉnh. Và điều đó có nghĩa là chuyển thời điểm này thành những kế hoạch và khả năng cụ thể. Và điều đó bắt đầu bằng việc đặt nền móng cho việc tăng chi tiêu trên toàn liên minh cho hoạt động răn đe chung của chúng ta,” ông nói.

Trung Quốc khẳng định rằng họ không hỗ trợ vũ khí cho Ukraine hoặc Nga trong suốt cuộc chiến toàn diện.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Sky News vào đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói lập trường của phương Tây về cuộc chiến Ukraine 'hoàn toàn vô nghĩa' khi ngăn cản Ukraine tấn công trên đất Nga.

10. Trung Quốc bác bỏ tuyên bố của Anh về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân phủ nhận việc Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Ông ta đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp báo vào ngày 23 Tháng Năm, bác bỏ tuyên bố của Ngoại trưởng Anh Grant Shapps ngày hôm trước.

Phát biểu tại Hội nghị Quốc phòng Luân Đôn, Shapps cho biết hôm 22 Tháng Năm rằng ông đang giải mật thông tin tình báo mới để tiết lộ diễn biến “khá quan trọng” rằng Anh và Mỹ đã có báo cáo rằng “viện trợ sát thương hiện đang hoặc sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Nga và vào Ukraine.”

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan sau đó, nói rằng Hoa Kỳ không thấy bằng chứng nào về điều đó trong quá khứ hoặc “cho đến nay”.

Vương Văn Bân nói: “Chúng tôi lên án sự phỉ báng vô căn cứ và vô trách nhiệm của chính trị gia Anh đối với Trung Quốc”.

“Chúng tôi ghi nhận thực tế là những nhận xét đó từ phía Anh thậm chí còn không được tán thành bởi đồng minh thân cận của chính phủ Anh, ông nói thêm, đề cập đến nhận xét của Sullivan.

“ Có thông tin cho rằng hai năm trước, khi Nga và Ukraine gần đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột, chính Vương quốc Anh, cùng với các nước khác, đã nhảy vào ngăn chặn thoả thuận và xung đột vẫn tiếp tục kể từ đó,” Wenbin nói..

Phát ngôn nhân có thể đang đề cập đến một giả thuyết của Nga cho rằng cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phá hoại cuộc đàm phán.

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đã công bố một video hồi đầu tháng 5 bác bỏ câu chuyện đó, nói rằng đó là “một trong những lời nói dối được Nga ưa chuộng”.

Trung Quốc chính thức tuyên bố mình là một bên trung lập trong cuộc chiến toàn diện của Nga ở Ukraine và phủ nhận việc cung cấp viện trợ sát thương, nhưng Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa tiếp tục phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn, gần đây nhất là với việc Putin đến thăm Tập Cận Bình hồi đầu tháng 5.

Các quan chức Mỹ trước đây đã cảnh báo Trung Quốc không cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Nga và kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Mạc Tư Khoa để giúp chấm dứt chiến tranh.

Mặc dù Sullivan từ chối xác nhận khẳng định của Shapps, nhưng ông nói rằng Trung Quốc rõ ràng đang cung cấp các phụ tùng vũ khí cho Nga, điều mà Mỹ đã “có hành động để đối phó”.

=========================NewsUKEve25May2024 ===================

[04-PT]

11. Người đàn ông Anh bị bắt vì tình nghi giúp đỡ tình báo Nga

Howard Michael Phillips, 64 tuổi, người Luân Đôn, bị cơ quan thực thi pháp luật Anh bắt giữ hôm 23 Tháng Năm với cáo buộc hỗ trợ tình báo Nga hoạt động ở Anh.

Các vụ gián điệp liên quan đến Nga trên khắp Âu Châu đã gia tăng trong những tháng gần đây, với những nghi ngờ là gián điệp hoặc kẻ phá hoại bị bắt ở Anh, Ba Lan, Đức, Hy Lạp, Áo, Latvia, Ý, Estonia và các quốc gia khác.

Chính quyền Anh không làm rõ chi tiết cụ thể về các hoạt động gián điệp bị cáo buộc của Phillips nhưng nói rằng khó có khả năng gây ra mối đe dọa cho công chúng.

Phillips bị buộc tội theo quyền hạn của Đạo luật An ninh Quốc gia mới của Vương quốc Anh, được thông qua vào năm 2023 và cho phép cảnh sát giam giữ những kẻ tình nghi mà không cần lệnh nếu họ “có lý do” tin rằng kẻ tinh nghi đang tham gia vào “hoạt động đe dọa thế lực nước ngoài”.

Một người đàn ông Anh bị cáo buộc có quan hệ với nhóm lính đánh thuê Wagner đã bị bắt vào tháng 4 vì bị cáo buộc cố gắng tổ chức một âm mưu đốt phá sau khi được cho là được tuyển dụng làm điệp viên Nga.

Nghi phạm, Dylan Earl, 20 tuổi, cũng bị buộc tội theo quyền lực của Đạo luật An ninh Quốc gia.

[07-PT]

12. Nga tấn công Kharkiv, 7 người chết, 21 người bị thương

Các lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào tỉnh Kharkiv vào ngày 23 tháng 5, giết chết ít nhất 7 người ở Kharkiv và làm bị thương ít nhất 21 người, cũng như ít nhất 11 người ở nơi khác trong tỉnh, theo báo cáo của các quan chức địa phương và một phóng viên của Kyiv Independent.

Kharkiv và các khu định cư khác trong khu vực đã phải hứng chịu các cuộc tấn công ngày càng dữ dội kể từ khi Nga phát động một cuộc tấn công mới ở tỉnh này vào ngày 10 tháng 5.

Nhà báo Kyiv Independent đưa tin về một số vụ nổ ở Kharkiv lúc 10h30 sáng giờ địa phương. Thống đốc Oleh Syniehubov và Thị trưởng Ihor Terekhov cho biết có thể nghe thấy khoảng 10 vụ nổ trong thành phố.

Thị trưởng cho biết các cuộc tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng giao thông ở quận Kholodnohirskyi và tòa nhà của một công ty dịch vụ xã.

Thống đốc cho biết một xưởng in ở quận Osnovianskyi của Kharkiv đã bị trúng đạn trực tiếp, dẫn đến hỏa hoạn và cho biết thêm rằng hơn 50 nhân viên đã có mặt bên trong khi vụ tấn công xảy ra. Cửa hàng được cho là thuộc về nhà in Faktor Druk.

Syniehubov cho biết trên Telegram rằng 7 người thiệt mạng là nhân viên của cửa hàng, trong đó có 5 phụ nữ và 1 nam giới, đồng thời cho biết thêm thông tin về nạn nhân thứ 7 vẫn đang được làm rõ.

Syniehubov nói với các phóng viên trong một cuộc họp ngắn có sự tham dự của nhà báo Kyiv Independent rằng họ đang “ở ngay tâm điểm” của cuộc tấn công đó.

Phát ngôn nhân văn phòng công tố khu vực Dmytro Chubenko nói với Suspilne rằng lực lượng Nga đã thực hiện 15 cuộc tấn công nhằm vào Kharkiv và quận Kharkiv, có thể bằng hỏa tiễn S-300.

Oleksandr Filchkov, nhà lãnh đạo văn phòng công tố khu vực, xác nhận với Kyiv Independent rằng Nga đã tấn công thành phố bằng hỏa tiễn S-300.

Theo các quan chức, ít nhất hai người bị thương ở Zolochiv, một thị trấn cách Kharkiv khoảng 35 km về phía bắc, và ít nhất bảy người khác ở Liubotyn, một thị trấn cách trung tâm khu vực khoảng 15 km về phía tây.

Tại Liubotyn, hỏa tiễn S-300 đã bắn trúng khu vực nhà ga, Chubenko cho biết. Theo Văn phòng Tổng công tố, một công viên, xe hơi và các cửa hàng cũng bị hư hại.

Syniehubov đưa tin Zolochiv đã bị trúng bom dẫn đường trên không, gây thiệt hại cho một trường mẫu giáo địa phương.

Hỏa xa Ukraine báo cáo rằng sáu công nhân của họ đã bị thương trong các cuộc tấn công vào tỉnh Kharkiv, và một số cơ sở của họ đã bị tấn công ở cả Kharkiv và những nơi khác.

Khoảng 4 giờ sau cuộc tấn công đầu tiên, Nga đã thực hiện hai cuộc không kích bằng bom KAB nhằm vào Kharkiv và thị trấn Derhachi gần đó, Syniehubov đưa tin.

Chính quyền địa phương cho biết hai người - một nam và một nữ - bị thương ở Derhachi và phải vào bệnh viện. Bốn người khác bị sốc.

[06-PT]

13. Tình báo quân sự Ukraine xác nhận cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào Cộng hòa Tatarstan của Nga

Cơ quan tình báo quân sự Ukraine xác nhận với Kyiv Independent rằng họ đứng sau vụ tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga tại Cộng hòa Tatarstan của Nga vào ngày 23 Tháng Năm.

Nguồn tin từ cơ quan này cho biết máy bay điều khiển từ xa đã tới các thành phố Nizhnekamsk và Kazan, nhưng không nêu rõ mức độ thiệt hại gây ra.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó tuyên bố lực lượng phòng không đã bắn hạ một máy bay điều khiển từ xa của Ukraine trong khu vực.

Kênh Telegram của Nga đã chia sẻ video cho thấy một chiếc máy bay giống máy bay điều khiển từ xa phía trên Nizhnekamsk và khói bốc lên.

Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga cho biết các hạn chế đã được áp dụng đối với việc khởi hành và đến của các máy bay tại các phi trường Nizhnekamsk và Kazan vào khoảng thời gian đó.

Rustem Nuriev, thị trưởng thị trấn Yelabuga, tuyên bố rằng một máy bay điều khiển từ xa đã bị bắn rơi ở quận Yelabuga. Yelabuga nằm cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 1.200 km. Không có thương vong hoặc thiệt hại nào được báo cáo.

Cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, đưa tin lực lượng Ukraine đã tấn công các cơ sở sản xuất ở Yelabuga và Nizhnekamsk của Tatarstan lần đầu tiên vào ngày 2 Tháng Tư. Các mục tiêu là một nhà máy lọc dầu và một cơ sở sản xuất máy bay điều khiển từ xa tấn công loại Shahed mà Nga thường sử dụng trong các cuộc tấn công chống lại Ukraine.

Ngay sau đó, vào ngày 17 Tháng Tư, một nhà máy ở Tatarstan sản xuất máy bay ném bom cho quân đội Nga cũng bị máy bay điều khiển từ xa của Ukraine tấn công, nguồn tin tình báo quân sự Ukrain nói với Kyiv Independent.

[08-PT]

14. Putin ký sắc lệnh tịch thu tài sản của công ty, cá nhân Mỹ để trả đũa

Putin ngày 23 Tháng Năm ký sắc lệnh cho phép tịch thu tài sản của công dân và công ty Mỹ để bồi thường cho tài sản của Nga bị Mỹ tịch thu

Quốc hội Mỹ gần đây đã thông qua Đạo luật REPO cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden tịch thu tài sản của Nga được giữ tại các ngân hàng Mỹ và chuyển chúng sang Ukraine.

Các nước phương Tây và các đối tác khác của Kyiv đã tịch thu khoảng 300 tỷ Mỹ Kim tài sản của Nga để đối phó với cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, trong đó có khoảng 5 tỷ Mỹ Kim được giữ ở Mỹ.

Sắc lệnh sẽ cho phép công dân, công ty và ngân hàng trung ương Nga kháng cáo lên tòa án rằng việc tịch thu tài sản của họ là không chính đáng. Đổi lại, chính phủ Nga có thể cung cấp tài sản của Mỹ ở Nga để bồi thường.

Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, trước đó đã đe dọa sẽ có các biện pháp trả đũa nếu Mỹ tịch thu tài sản của Nga.

Vào tháng 3, Ủy ban Âu Châu đã đệ trình đề xuất sử dụng 90% số tiền thu được để mua vũ khí cho Ukraine và phân bổ 10% còn lại vào ngân sách Liên Hiệp Âu Châu để hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Sau nhiều tuần tranh luận, các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu đã đạt được thỏa thuận chính trị về đề xuất này vào ngày 8 Tháng Năm.

Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu đã hoàn tất thỏa thuận vào ngày 21 tháng 5, theo đó sẽ cung cấp cho Ukraine từ 2,5 tỷ đến 3 tỷ euro (2,7-3,26 tỷ Mỹ Kim) hàng năm, trong đó phần lớn được phân bổ cho nhu cầu quân sự của Kyiv.

Ủy ban Âu Châu sau đó đã thông báo sau đó trong ngày rằng “các nguồn lực sẽ có sẵn để hỗ trợ Ukraine bắt đầu từ tháng 7 năm 2024, với các khoản thanh toán hai năm một lần”.

[01-PT]

15. Estonia cung cấp 650.000 euro viện trợ nhân đạo cho Ukraine

Bộ Ngoại giao Estonia sẽ phân bổ hơn 650.000 euro viện trợ nhân đạo cho Ukraine, chủ yếu để hỗ trợ hệ thống giáo dục ở các khu vực tiền tuyến và hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Một phần viện trợ sẽ được phân phối thông qua tổ chức phi lợi nhuận Eesti Pagulasabi của Estonia, nơi tập trung vào việc cải thiện điều kiện sống ở các khu vực dễ bị tổn thương và hỗ trợ người tị nạn Ukraine ở Georgia.

Ngoài ra, tổ chức phi lợi nhuận Mondo sẽ sử dụng một phần quỹ để tổ chức trại hè và hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho trẻ em ở Zaporizhzhia.

Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna nhấn mạnh cam kết của Estonia hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh các cuộc tấn công đang diễn ra của Nga, gây thương vong và di dời dân thường đáng kể.

“Các cuộc tấn công hàng ngày, bao gồm cả ở Kharkiv trong những tuần gần đây, đã dẫn đến cái chết của dân thường, sự phá hủy các tòa nhà và buộc hàng ngàn người dễ bị tổn thương phải di dời khỏi nhà của họ. Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ họ bằng mọi cách có thể”, cô nói.

Estonia là một trong những nước ủng hộ trung thành nhất của Kyiv kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, cung cấp hỗ trợ nhân đạo, phát triển và quân sự. Vào tháng Giêng, Estonia đã phân bổ 14 triệu euro (15,2 triệu Mỹ Kim) viện trợ phát triển cho Ukraine để giải ngân hàng năm.

Đóng góp quốc phòng của Estonia cho Ukraine đã lên tới khoảng 500 triệu euro (550 triệu Mỹ Kim) kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện, chiếm khoảng 1,4% GDP của đất nước.

[06-KT2]

16. Thụy Điển có kế hoạch phân bổ 7 tỷ Mỹ Kim viện trợ quân sự cho Ukraine trong giai đoạn 2024-2026

Chính phủ Thụy Điển đã đồng ý tạo ra một khuôn khổ hỗ trợ cho Ukraine, theo đó sẽ phân bổ 75 tỷ krona Thụy Điển hay 7 tỷ Mỹ Kim, để hỗ trợ quân sự từ năm 2024 đến năm 2026, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho biết hôm 22 Tháng Năm.

Với đề xuất này, viện trợ dân sự và quân sự của Stockholm cho Ukraine kể từ khi chiến tranh toàn diện bùng nổ sẽ lên tới hơn 100 tỷ krona Thụy Điển (hơn 9 tỷ Mỹ Kim).

“Cuộc chiến của Ukraine chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vẫn tiếp tục và Thụy Điển sẽ hỗ trợ cuộc chiến của Ukraine chừng nào còn cần thiết”, ông nói.

Tuyên bố cho biết: “Thụy Điển sẽ tăng cường hỗ trợ cho khuôn khổ lên tới 75 tỷ krona Thụy Điển để hỗ trợ quân sự trong những năm 2024–2026, tức là 25 tỷ krona Thụy Điển hay 2,3 tỷ Mỹ Kim mỗi năm”.

Khuôn khổ này có thể bao gồm việc quyên góp thiết bị trong tương lai, đóng góp tài chính và hỗ trợ tài chính cho việc mua sắm thiết bị quốc phòng.

Chính phủ Thụy Điển đã đạt được thỏa thuận về khuôn khổ với đảng Dân chủ Thụy Điển cánh hữu, mang lại niềm tin và sự ủng hộ cho các đảng cầm quyền trong quốc hội.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg đăng ngày 21 Tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho biết nước này đang tăng cường năng lực để tăng cường viện trợ cho Ukraine, nhưng quá trình này có thể mất tới hai năm.

Bộ trưởng nói: “Nga đã đứng vững trở lại nhanh hơn cộng đồng Euro-Atlantic… Tôi hy vọng chúng tôi sẽ bắt kịp, nhưng tôi nghĩ sẽ mất một hoặc hai năm trước khi chúng tôi thấy được hiệu quả đầy đủ”.

[08-KT2]

17. Thủ tướng Estonia Kallas: Nga đang tiến hành 'cuộc chiến bóng tối' với phương Tây

Nga đang tiến hành một “cuộc chiến tranh bóng tối” với phương Tây nên phương Tây phải có phản ứng phối hợp, hãng tin AP viết hôm 22 Tháng Năm, dẫn bình luận của Thủ tướng Estonia Kaja Kallas.

Kallas cho biết cô lo ngại rằng một số nhà lãnh đạo Âu Châu khác không coi sự gia tăng các vụ phá hoại và bắt giữ các nghi phạm gián điệp trên khắp Liên Hiệp Âu Châu có liên quan đến nhau.

Cô nói rằng phương Tây cần có một “cuộc thảo luận nghiêm chỉnh về đường lối phối hợp” để chống lại mối đe dọa từ Nga.

“Chúng ta để chúng đi bao xa trên đất của chúng ta?”

Chỉ riêng ở Estonia đã có một số tình tiết liên quan đến các cơ quan an ninh của Nga vào năm 2024, chẳng hạn như việc Nga liên tục gây nhiễu tín hiệu GPS trên các chuyến bay thương mại qua khu vực Baltic.

Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết vào tháng 4 rằng việc gây nhiễu GPS là “quá nguy hiểm đến mức không thể bỏ qua”.

Kallas nói rằng cô ấy có ba yêu cầu đối với các đồng minh Âu Châu của mình: “sự thừa nhận rằng đây không phải là những sự kiện riêng lẻ, thứ hai, chúng ta chia sẻ thông tin về vấn đề này với nhau, và thứ ba, phải công khai các vấn đề nhiều nhất và nhanh nhất có thể.”

Kallas cho biết, khi nhiều sự việc như vậy bị phát hiện, Nga đã thay đổi chiến thuật và đang sử dụng các điệp viên đóng giả nhà ngoại giao.

Cô nói mục đích của Nga là “gieo rắc nỗi sợ hãi” ở Âu Châu và cản trở sự hỗ trợ cho Ukraine.

Estonia là một trong những nhà tài trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine xét về tỷ trọng trong GDP kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tổng lực vào năm 2022. Kallas và các chính trị gia Estonia khác cũng đặc biệt thẳng thắn về mối đe dọa mà Nga đặt ra cho Âu Châu.

[09-KT2]

18. Nga xóa dự thảo sắc lệnh thay đổi biên giới biển Baltic

Dự thảo sắc lệnh đề nghị thay đổi biên giới của Nga ở Biển Baltic đã bị xóa khỏi trang web của Chính phủ Nga vào ngày 22 Tháng Năm sau khi bị một số thành viên NATO nhanh chóng lên án.

Trong dự thảo sắc lệnh được công bố lần đầu vào ngày 21 tháng 5, chính phủ Nga cho biết họ muốn sửa đổi đường biên giới hiện tại vì nó đã được lập ra vào năm 1985 bằng cách sử dụng hải đồ hiện đã lỗi thời.

Dự thảo đề xuất đã bị xóa vào ngày 22 tháng 5 và trang web của sắc lệnh hiện có nội dung: “Dự thảo đã bị xóa”. Không có lời giải thích công khai nào về lý do tại sao nó bị gỡ xuống.

Lãnh đạo các nước thành viên NATO xung quanh đã phản ứng gay gắt với sắc lệnh này.

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis gọi động thái này của Nga là “một hoạt động hỗn hợp khác”, nhằm mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi, sự bất ổn và nghi ngờ về ý định của họ ở Biển Baltic.

Landsbergis cho biết: “Đây là một sự leo thang rõ ràng chống lại NATO và Liên Hiệp Âu Châu và phải nhận được phản ứng cứng rắn thích hợp”.

Micael Byden, chỉ huy tối cao của Lực lượng vũ trang Thụy Điển, cho biết Putin có thể đang tìm kiếm sự thống trị trên biển Baltic và để mắt tới đảo Gotland của Thụy Điển.

“Tôi tin tưởng rằng Putin thậm chí còn để mắt tới Gotland. Mục tiêu của Putin là giành quyền kiểm soát biển Baltic”, Byden nói.

Ngược lại, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cho biết Mạc Tư Khoa chưa tham khảo ý kiến của Helsinki.

“Phần Lan hành động như mọi khi: bình tĩnh và dựa trên sự thật,” Stubb viết.

[04-KT2]

19. Anh nói các nước trung lập nên gia nhập NATO nếu muốn được bảo vệ

Bộ trưởng Quốc phòng Anh hôm thứ Tư cho biết các quốc gia trung lập không phải là thành viên NATO nhưng được hưởng “chiếc ô bảo vệ” của tổ chức này sẽ phải gia nhập liên minh quân sự này.

Trong một bài phát biểu tại Luân Đôn, Grant Shapps đã không chỉ thẳng vào các quốc gia Âu Châu không thuộc NATO như Ái Nhĩ Lan, Malta, Áo và Thụy Sĩ, những quốc gia từ lâu đã đánh giá cao tính trung lập. Tuy nhiên, ông nói rõ rằng Anh sẽ vận động hành lang để có thêm nhiều nước gia nhập khối.

Ông nói: “Tôi sẽ đề nghị NATO đưa tất cả những người được hưởng lợi từ chiếc ô bảo vệ của liên minh vào tổ chức”.

Shapps nói thêm: “Một số quốc gia Âu Châu được hưởng lợi một cách hiệu quả từ sự bao phủ của NATO, họ được hưởng những lợi ích của tự do và thịnh vượng, nhưng lại không tham gia vào sự răn đe chung của lục địa này,” Shapps nói thêm, chỉ ra mối đe dọa từ Nga. “Tuy nhiên, khi con sói ở cửa sau của an ninh Âu Châu thì sẽ không có chỗ cho sự trung lập.”

Cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga đã làm dấy lên cuộc tranh luận ở một số thủ đô trung lập ở Âu Châu về việc có nên suy nghĩ lại chính sách lâu đời và gia nhập liên minh quân sự hay không. Phần Lan và Thụy Điển đều đã gia nhập NATO trong hai năm qua.

Bình luận của Shapps được đưa ra khi ông kêu gọi các thành viên NATO hiện tại tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP. Mục tiêu hiện tại của liên minh là chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng – được khoảng 2 Tháng Ba trong số 32 thành viên NATO đáp ứng.

Gần đây Anh đã đưa ra lời hứa sẽ đạt mức 2,5% vào cuối thập niên này và Shapps đã cam kết sẽ nhấn mạnh vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO ở Washington vào tháng 7.
 
Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, Thượng Hải nơi Giang Thanh đặt bom nhiều lần không nổ
VietCatholic Media
17:55 24/05/2024