Ngày 24-05-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Trao quyền
Lm Vũđình Tường
03:19 24/05/2017
Sau khi hoàn tất mọi sự trên trần thế Đức Kitô về trời, đoàn tụ cùng Chúa Cha. Truớc khi về trời Đức Kitô trao toàn quyền cho các môn đệ, thánh sử Mathew 28,16-20 tóm gọn những lời nhắn nhủ trên trong năm câu cuối cùng trong phúc âm của ngài. Lời nhắn nhủ cuối cùng trở thành nguồn sống cho các tông đồ và những ai đặt niềm tin vào Đức Kitô. Giáo Hội coi lời nhắn nhủ trên là sứ mạng của các Kitô hữu, sống, tin và loan truyền niềm vui Phục Sinh cho toàn thể nhân loại. Kitô hữu được mời gọi trở thành tông đồ hoạt động và hướng dẫn, giúp những người chưa biết Đức Kitô trở thành tông đồ hoạt động để họ tiếp tục công việc loan báo Tin Mừng cho muôn thế hệ. Họ sống niềm vui Phục Sinh và yêu thương nhau để qua đó người ta nhận biết khuôn mặt Đức Kitô trần thế qua các môn đệ Ngài.

Thầy đã được trao toàn quyền trên trời, dưới đất. vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Mt 28,18

Lời nhắn nhủ đầu tiên thật rõ ràng khi Đức Kitô loan báo cho các tông đồ là Ngài có toàn quyền trên trời, dưới đất và sai các tông đồ ra đi huấn luyện những người tin theo thành tông đồ. Sứ mạng này không dành riêng cho một dân tộc nào, và cũng không có giới hạn thời gian. Sứ mạng loan báo cho toàn thể nhân loại và chấm dứt vào ngày tận cùng của vũ trụ. Ngày lễ Đức Kitô về trời được coi như ngày ra trường của các tông đồ. Các ông được chính Đức Kitô giáo huấn, chỉ bảo và nay Ngài về trời các ông chính thức đảm nhiệm công việc loan báo Đức Kitô Phục Sinh. Nguồn vui chung cho cả nhân loại. Đức Kitô về trời nhưng Ngài không để các ông mồ côi, Ngài sai Thánh Thần Chúa xuống hướng dẫn, chỉ bảo thêm cho các ông trong cánh đồng truyền giáo.

Kitô hữu được mời gọi giúp các người có lòng chân thành trở thành tông đồ Chúa. Để làm được công việc đó họ được chia sẻ quyền năng Chúa ban. Khi thực thi quyền năng Chúa ban họ không được tự í muốn làm gì thì làm nhưng phỏng theo cách Đức Kitô thực hiện quyền năng của Ngài. Không còn cách nào tốt hơn để tỏ lòng trung thành, quí mến Đức Kitô bằng cách thực hiện việc xử dụng quyền năng Chúa ban theo cùng cách Đức Kitô thực hiện khi Ngài sống nơi trần thế. Để làm được điều trên Kitô hữu cần liên kết mật thiết với Đức Kitô bởi Ngài là nguồn sống, là sự sống của Kitô hữu. Liên kết với Đức Kitô để sống theo Ngài và giúp người khác nhận biết Ngài. Nguồn sống Đức Kitô trao ban không phải tự mình Ngài mà chính là nguồn sống của Ba Ngôi Thiên Chúa và đây cũng là công thức thanh tẩy của Kitô hữu khi em bé lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy em được thanh tẩy trong một Thiên Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Đây là công thức thanh tầy hoàn vũ của các Kitô hữu. Lãnh nhận bí tích trên chúng ta trở thành con cái trong đại gia đình Chúa, trở thành anh chị em trong Đức Kitô.

Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dậy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em c.19

Mặc dù về cùng Chúa Cha Đức Kitô không để các Kitô hữu mồ côi, Ngài sai Thánh Thần Chúa xuống hướng dẫn, chỉ bảo các Kitô hữu trong cánh đồng truyền giáo và trong cuộc sống hàng ngày của các tín hữu. Lời hứa ở cùng các Kitô hữu được tiên tri Isaiah loan báo hàng ngàn năm trước về việc Đức Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai với tên là Emmanuel có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đức Kitô nhắc lại lời tiên tri loan báo xưa Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel Is 7,14

Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế Mt 28.20


Mừng lễ Đức Kitô về trời là mừng mầu nhiệm Thiên Chúa cùng lúc ngự bên hữu Chúa Cha, đồng thời cũng luôn đồng hành với các Kitô hữu trong cuộc sống của mỗi người.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Hội Lào ngỡ ngàng mình được ĐTC Phanxicô tuyển chọn một tân Hồng Y
Thanh Quảng sdb
06:27 24/05/2017
Giáo Hội Lào ngỡ ngàng mình được ĐTC Phanxicô tuyển chọn một tân Hồng Y

Đức Tân Hồng Y Ling
Vatican, ngày 24 tháng 5 2017 theo tin của Salesian Don Bosco thì chưa đầy sáu tháng, sau khi tôn phong chân phước đầu tiên cho các Thánh Tử Đạo Lào (tháng 12 năm 2016), Đức Thánh Cha Phanxicô nay lại vinh danh Giám Mục Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, Ðại Diện Tông Tòa Giáo phận Pakse, lên hàng Hồng Y, vị Hồng Y tiên khởi của Giáo Hội Lào, một quốc gia mà số người Công Giáo chỉ là một thiểu số rất nhỏ.
Ba trong số năm Hồng Y mới được tiến chức đến từ các nước có số người Công Giáo rất ít như Mali, Thụy Điển và Lào – những nơi mà Giáo Hội Công Giáo được coi là "thiểu số". Nghi lễ tấn phong 5 tân Hồng Y sẽ diễn ra vào ngày 28 tháng 6, nhằm vào đại lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.
Người Kitô hữu tại Lào chưa đầy 1 phần trăm trong tổng số 7 triệu người, chiếm khoảng 45.000 người mà thôi.
17 Chân Phước Tử Đạo Lào
ĐGM Ling, 73 tuổi, một người thuộc dân tộc thiểu số Khamu, một bộ lạc sống trên các vùng đồi núi bắc Lào, cận miền nam Trung Quốc. Năm 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã đặt ngài làm Ðại Diện Tông Tòa cho Giáo phận Pakse ở miền nam Lào. Đức Hồng Y Ling sinh ngày 05 Tháng Tư năm 1944, tại làng Baan Samkorn tỉnh Xiêng Khoảng, Bắc Lào. Ngài được thụ phong linh mục năm 1972.
Trước khi được bổ nhiệm làm Giám mục Tông tòa, ngài làm việc tại Pakxan, với chức vụ là đại diện cho Tông tòa Thủ đô Vientiane.
ĐGM Ling nổi tiếng là chuyên cần và xả thân cho Giáo Hội địa phương, lo các vấn đề sinh thái, chống lại nạn phá rừng là mối đe dọa chính cho cuộc sống dân quê của các dân tộc thiểu số.
Vị tân Hồng Y cũng là một trong những người tiên phong lo cho việc đào tạo các linh mục.
Một trong các điều tích cực khác là Ngài đào tạo các tín hữu có gia đình thành các giáo lý viên như các nhà truyền giáo đích thực, sống trong những làng mạc để trở thành hạt giống cho việc truyền giáo. Họ được sai đi, sống chứng tá, và xây dựng tình liên đới...
Ngài nói: Chúng tôi cung cấp những kinh nghiệm này cho các chủng sinh. Các thày được trao dồi học vấn trong ba năm, sau đó các thày được gửi đi ít là một đến ba năm, đi làm mục vụ hầu cho quyết định làm linh mục được chín mùi. Các thày sẽ học được các kinh nghiệm mục vụ như những giáo lý viên: chữa bệnh, cầu nguyện, sống trà trộn với bà con dân tộc, thích nghi nếp sống với dân chúng tại các muôn làng...
Hiện tại Giáo Hội Lào có tám thày đại chủng sinh, các thày dấn thân nhiệt thành cho dân chúng và cho các gia đình. Nhưng điều quan yếu Giáo Hội Lào nhân mạnh tới việc vun trồng tối quan trọng là niềm tin...
Giám quản Tông tòa Pakse gồm các tỉnh Champasak, Saravan, Xeguang và Attapu với dân số 1,3 triệu, trong đó chỉ có 15,120 người Công Giáo, sống tại hai tỉnh Champasak và Saravan. Giáo phận Pakse có sáu linh mục triều, một linh mục dòng, 9 nam tu sĩ và 16 nữ tu.
Pakse là thành phố đông dân thứ hai ở Lào, sau thủ đô Vientiane, nằm ở phía Nam gần tiếp giáp với Campuchia và Việt Nam. Giáo phận Pakse là một trong bốn giáo phận tại Lào. Các giáo phận khác là Thakhek-Savannakhet ở miền trung Lào, Vientiane và Luang Prabang ở phía bắc.
Gia đình Salesian nhỏ bé tại Lào (chỉ có một cộng đoàn Salesian nam và một nữ cùng với các học sinh), chúng con xin chúc mừng và cầu nguyện cho Đức tân Hồng Y tiên khởi của Lào quốc.
 
Phóng sự đặc biệt về cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Tổng thống Hoa Kỳ
VietCatholic Network
09:17 24/05/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo trên thế giới được xem là có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với lịch sử nhân loại.

Sáng thứ Tư 24 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump một buổi tiếp kiến riêng vào lúc 8h30 tại Điện Tông Tòa của Tòa Thánh.

Cuộc gặp gỡ được tổ chức sớm như vậy vì theo thường lệ, lúc 10h sáng, Đức Thánh Cha sẽ có buổi tiếp kiến chung dành cho các tín hữu và du khách hành hương trong chương trình các buổi giáo lý ngày thứ Tư hàng tuần.

Một điểm khác biệt với tổng thống Obama đã được các ký giả ghi nhận là tổng thống Trump đến rất đúng giờ. Khi xe của tổng thống Hoa Kỳ tiến vào trong sân Damaso của Vatican, đồng hồ chỉ 8h25’.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein đang chào đón tổng thống Hoa Kỳ và phu nhân khi họ vừa xuống xe.

Sau các nghi thức chụp hình chung giữa hai vị, Đức Thánh Cha đã mời ông Trump vào phòng làm việc của ngài. Các ký giả dưới sự hướng dẫn của ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã có vài phút để chụp hình hai vị,

Sau đó, Đức Thánh Cha và tổng thống Hoa Kỳ đã dành nửa giờ trò chuyện đằng sau cánh cửa đóng kín của điện tông toà.

Trên các phương tiện truyền thông, một cách đại thể, người ta cho rằng Đức Phanxicô và Ông Trump đại diện cho hai thái cực đối kháng nhau trong cuộc tranh luận về di dân. Đức Giáo Hoàng được coi như nhà lãnh đạo thân thiện nhất với di dân trên thế giới, trong khi Ông Trump bị coi như người thù nghịch nhất đối với các đối tượng này.

Tuy nhiên, nếu đi vào chi tiết, từ sau khi kết thúc cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, đã có nhiều phát triển ở cả hai phía.

Về phía Đức Giáo Hoàng, tuy khẩn khoản xin người ta bắc cầu chứ không xây tường, ngài vẫn cho rằng các quốc gia có quyền bảo vệ biên giới của họ. Chẳng hạn như trong cuộc họp báo sau cuộc tông du Thụy Điển hồi tháng Mười năm ngoái, 2016, Đức Thánh Cha nói:

“Các nhà cai trị cũng phải thực thi sự khôn ngoan. Họ nên cơỉ mở nhiều hơn đối với việc tiếp nhận những người di dân và tỵ nạn, nhưng họ cũng nên tính tóan đến phương cách định cư những người này, vì người tỵ nạn không những phải được nghinh đón mà còn phải được hội nhập nữa. Thí dụ, nếu một nước chỉ có khả năng hội nhập 20 người, thì họ chỉ nên nhận bằng ấy thôi. Nếu một nước khác có khả năng hơn, họ hãy nhận nhiều hơn”.

Về phía ông Trump, ông tiếp tục nhấn mạnh tới kế hoạch xây bức tường dọc biên giới Mỹ Mễ của ông, nhưng hiện nay, không có ngân khoản cho việc này trong dự luật ngân sách 2017. Đảng Dân Chủ thề sẽ ngăn chặn nó, thậm chí một số dân biểu Cộng Hòa cũng tỏ ra hoài nghi đối với nó. Vả lại, ông Trump muốn Mễ Tây Cơ phải đóng góp vào đề án này, một việc mà Mễ Tây Cơ có lẽ sẽ không bao giờ đồng ý.

Do đó, ông Trump đến gặp Đức Giáo Hoàng hôm thứ Tư này không phải là người quyết liệt muốn xây bức tường, trong khi Đức Giáo Hoàng thì đưa ra một lập trường phần nào đã được thực tiễn hóa.

Trong khi có những hòa dịu về mặt đối kháng này, hai vị càng ngày càng có nhiều điểm chung hơn. Nổi bật nhất là vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố, tình trạng bách hại các tín hữu Kitô tại Trung Đông; và việc mưu tìm hòa bình tại Thánh Địa.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo Ả Rập diễn ra tại Riyadh, tổng thống Donald Trump nói về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cuộc bách hại người Do Thái và các Kitô hữu.

Ông nói:

“Đây không phải là một trận chiến giữa các tôn giáo khác nhau, các giáo phái khác nhau, hoặc các nền văn minh khác nhau. Đây là một trận chiến chống lại những tên tội phạm dã man là những kẻ tìm cách tiêu diệt đời sống con người, nhân danh tôn giáo.”

“Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. Điều đó có nghĩa là đối diện một cách trung thực với cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và các hình thái khủng bố Hồi giáo. Chúng ta phải dừng lại những gì họ đang làm để kích động, vì họ không linh hứng điều gì khác hơn là giết người.”

Tổng thống Trump nói thêm:

“Và nó có nghĩa là đứng chung với nhau chống lại việc giết những người Hồi giáo vô tội, áp bức phụ nữ, đàn áp người Do Thái, và tàn sát các Kitô hữu. Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải hoàn toàn rõ ràng về điều này – sự man rợ sẽ chẳng mang lại cho các bạn chút vinh quang nào”.

Trong chuyến viếng thăm tại Israel và Palestine, ông Trump đã đến thăm nhà thờ Mộ Thánh nơi Chúa Giêsu đã được táng xác và đã phục sinh. Ông cũng đi thăm bức tường than khóc. Nói chuyện với thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu và tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông cam kết sẽ giúp Israel và Palestine đạt được hòa bình.

Khi ra khỏi phòng họp đóng kín, tổng thống nói với Đức Thánh Cha, trước các ký giả:

“Cảm ơn ngài. Tôi sẽ không quên những gì ngài nói”

Trong một tuyên bố, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết là hai vị đã thảo luận về “việc thúc đẩy hòa bình trên thế giới thông qua thương lượng chính trị và đối thoại liên tôn” và đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các Kitô hữu ở Trung Đông.

Trong cuộc họp với Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni, ông Trump nhận xét rằng “Chúng tôi đã có một cuộc họp tuyệt vời. Tôi rất thích Italia, và thật là một vinh dự cho tôi khi được nói chuyện với Đức Giáo Hoàng.”

Khác với trước khi họp riêng, có chút dè dặt giữa hai vị, sau cuộc họp Đức Giáo Hoàng và tổng thống Trump tỏ ra thân thiện hơn rất nhiều.

Đức Giáo Hoàng cũng đã gặp Đệ nhất phu nhân Melania Trump và con gái của Tổng thống Mỹ Ivanka Trump ở phần cuối của một buổi triều yết riêng tại Vatican.

Đức Thánh Cha đã làm phép một chuỗi Mân Côi cho vị đệ nhất phu nhân và nói đùa với bà, một người gốc Slovenia, nổi tiếng với những món ăn ngon, rằng thường ngày bà nấu món gì cho tổng thống.

Khi trao đổi quà tặng, Đức Giáo Hoàng mỉm cười thật tươi.

Ông Trump nói với Đức Giáo Hoàng:

“Đây là một món quà dành cho ngài. Đó là những cuốn sách của Martin Luther King. Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha sẽ thích những cuốn sách này".

Ông Trump để nhắc lại diễn từ của Đức Giáo Hoàng tại Lưỡng Viện Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2015 trong đó ngài đã trích dẫn Martin Luther King.

Món quà của Đức Giáo Hoàng cho thấy hậu ý rõ rệt của ngài đối với ông Trump. Đó là một cây ô liu được chế tác bởi một nghệ nhân Rôma tượng trưng cho hòa bình.

“Chúng ta có thể được hưởng hòa bình”, ông Trump đáp lời Đức Giáo Hoàng.

“Tôi đã đích thân ký tặng tổng thống," Đức Giáo Hoàng nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tặng cho tổng thống Trump một bản sao có chữ ký của chính ngài thông điệp hòa bình 2017 với chủ đề “Bất bạo động - Kiểu Chính trị vì Hòa bình”, và một bản sao thông điệp Laudato Sí của ngài về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường chống lại những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

“Vâng, tôi sẽ đọc những tài liệu này”, ông Trump nói khi nhận các ấn bản.

Thông cáo báo chí của Tòa Thánh cho biết nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sau đó đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cùng với Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh.

Cùng đi với ông Trump, còn có phu nhân Melania, con gái và con rể. Đây là chặng dừng chân thứ ba trong chuyến du lịch chín ngày của tổng thống đến Saudi Arabia, Israel và Palestine.

Sau cuộc gặp gỡ tại Điện Tông Tòa của Vatican, tổng thống đã được đưa đi thăm Đền Thờ Thánh Phêrô và nhà nguyện Sistina, trước khi đến cung điện Quirinale ở Rome để họp với Tổng thống Ý Sergio Mattarella.

Trong khi đó thì bà Melania Trump, đến thăm Bệnh viện Bambino Gesù của Tòa Thánh. Cô con gái của ông Trump là Ivanka, đã có cuộc gặp gỡ với các nạn nhân của nạn buôn bán người đang được cộng đồng thánh Egidio chăm sóc.
 
Đức Phanxicô tiếp kiến Tổng Thống Trump
Vũ Văn An
22:56 24/05/2017
Căn cứ vào nét mặt của Đức Phanxicô lúc đầu và lúc cuối trong cuộc gặp gỡ với Tổng Thống Trump, đi từ căng thẳng tới mỉm cười thoải mái, ai cũng hiểu là ngài đã qua cánh cửa hé mở nào đó của ông Trump để lẻn vào nói chuyện rồi bước ra “hài lòng”.

Tường trình chính thức

Thấy Ông Trump đi bằng cửa sau để vào tông điện, dùng thang máy “chật cứng” để lên lầu rồi từ đó băng qua khá nhiều chiếc cửa để vào thư phòng của Đức Phanxicô; chưa hết, đến cửa thư phòng, Ông còn được ra dấu ngừng lại, để Đức Tổng Giám Mục Ganswein soát xem bên trong đã sẵn sàng chưa, rồi mới mời Ông Trump tiến vào, ai cũng cho rằng hội kiến riêng với vị chủ chăn của hơn một tỷ người Công Giáo không phải là chuyện dễ dàng.

Ông Trump bằng lòng như thế và coi đây là một vinh dự. Ông nói thế với cả Đức Phanxicô lẫn Tổng Thống Ý và những ai theo dõi chương mục Twitter của ông. Như thế, ta có thể kết luận, cả ông cũng lẻn được vào cánh cửa hé mở nào đó của Đức Phanxicô để nói chuyện rồi bước ra hài lòng. Vì trên đường tới thư phòng của Đức Phanxicô, ông khá căng thẳng, chỉ nghe Đức Tổng Giám Mục Ganswein nói mà không nói gì, nhưng lúc từ thư phòng Đức Phanxicô đi ra, ông còn dừng lại nói chuyện “vui vẻ” với hai vị giáo phẩm dường như cấp không cao, ít nhất không cao bằng Đức Tổng Giám Mục Ganswein.

Không ai biết hai vị đã nói với nhau những gì mà “vui vẻ” thế, vì ngoài hai thông dịch viên ra, không ai khác nghe lỏm được câu chuyện của hai vị.

Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh là cơ quan chính thức trám được cái trống vắng ấy phần nào qua tuyên bố sau đây:

“Sáng nay, Thứ Tư ngày 24 tháng Năm năm 2017, Ngài Donald Trump, Tổng Thống Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến riêng và sau đó hội kiến với Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, người được tháp tùng bởi Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ Trưởng Liên Lạc Các Quốc Gia.

“Trong cuộc thảo luận thân ái, sự hài lòng đã được phát biểu đối với các mối liên hệ song phương tốt đẹp hiện nay giữa Tòa Thánh và Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu, cũng như cam kết chung ủng hộ sự sống, cùng tự do thờ phượng và tự do lương tâm. Hy vọng rằng sẽ có sự hợp tác thanh thản giữa Nhà Nước và Giáo Hội Công Giáo tại Hiệp Chúng Quốc, dấn thân phục vụ người ta trong các lãnh vực chăm sóc y tế, giáo dục và trợ giúp di dân.

“Các cuộc thảo luận sau đó đã giúp trao đổi quan điểm về nhiều thể tài khác nhau liên quan tới quốc tế sự vụ và việc cổ vũ hòa bình trên thế giới qua thương lượng chính trị và đối thoại liên tôn, đặc biệt lưu ý tới tình hình ở Trung Đông và việc bảo vệ các cộng đồng Kitô Giáo”.

Tường trình không chính thức

Phòng Báo Chí Tòa Thánh chỉ vỏn vẹn có thế. Mà chắc chỉ có thế. Vì cuộc hội kiến chỉ kéo dài chưa đầy nửa tiếng đồng hồ. Nhưng đối với truyền thông có thể là quá dài, vì trong lúc đó, họ không biết phải làm gì, đành chiếu hình các bức bích họa trong Tông Điện và thỉnh thoảng cho thấy các chức sắc của Vatican đứng trò truyện với các viên chức chính phủ Hoa Kỳ, nổi bật nhất có ngoại trưởng Tillerson và vợ chồng Kushner, con rể của Ông Trump.

Nói thế thôi, chứ truyền thông làm sao im lặng được, không có chuyện, họ còn bịa ra chuyện nữa là. Ít nhất họ cũng đem chuyện cũ ra để nói hoặc ghi nhận những chuyện bên lề hay bình luận. Daniel Burke của CNN, chẳng hạn, cho rằng chặng dừng chân tại Vatican là một phần trong cuộc viếng thăm các tôn giáo thế giới (tour of world religions) của ông Trump. Và đây là “cuộc gặp gỡ mà hàng triệu người đang chờ đợi, một cuộc gặp gỡ giữa hai nhân cách gợi tò mò và phức tạp nhất trên thế giới: người thánh thiện mặc áo trắng giảng tin mừng cho người nghèo và doanh gia táo tợn mặc bộ đồ đen hiện thân cho sự hoang phí của Hoa Kỳ”.

Nói thế rồi, Burke chỉ còn biết nhắc lại câu chuyện năm xưa về bức tường, nhưng lần này, theo Burke, Cha Antonio Spadaro quả quyết “sẽ là một cuộc gặp gỡ không có bức tường”. Và chính Burke cũng cho rằng: “cả hai người xem ra không còn tha thiết chi trong việc tiếp tục cuộc va chạm nữa”. Quả thế, trước khi gặp Ông Trump, Đức Phanxicô cho rằng ngài sẽ cố tìm ra cánh cửa hé mở, bước vào “đàm đạo về những sự việc chung”, để tìm đồng thuận, dĩ nhiên! Còn Ông Trump, thì thứ Sáu vừa rồi cho hay ông mong được “vinh dự” gặp Đức Giáo Hoàng để thảo luận việc “các giáo huấn Kitô Giáo có thể đặt thế giới vào con đường công lý, tự do và hòa bình ra sao”.

Burke trích dẫn Massimo Faggioli, một giáo sư về lịch sử Đạo Công Giáo của Đại Học Villanova. Ông này nghĩ rằng giữa Ông Trump và Đức Phanxicô có nhiều điểm chung, nhất là việc hai người lên cầm quyền. Trump từng khánh kiệt sau mới ngoi lên. Đức Phanxicô từng bị “cộng đồng Dòng Tên đày biệt xứ” trước khi được đề cử làm giám mục. Trump là người Mỹ đầu tiên không có kinh nghiệm chính trị hay quân sự nào nhưng lại đã chiếm được Tòa Bạch Ốc. Đức Phanxicô là người Châu Mỹ La Tinh đầu tiên làm giáo hoàng. Chính Ông Trump, năm 2013, khi nghe tin ngài được bầu làm giáo hoàng, đã hót rằng: “Tân giáo hoàng là một người khiêm hạ, rất giống tôi, điều này có lẽ giải thích được lý do tại sao tôi mến ngài!”.

Khiêm hạ hay không, nhưng cũng như Đức Phanxicô, Trump tự trình bầy mình như tiếng nói của người không có tiếng nói, một kẻ thù của chủ nghĩa ưu tuyển (elitism) và là nhà tranh đấu cho những người bị chủ nghĩa hoàn cầu bỏ quên. Và nhất là: cả hai vị đều thích nói buông, gây khốn khổ cho các thuộc hạ!

Còn về đồ đoán, Burke căn cứ vào cố vấn an ninh H.R. McMaster để cho rằng hai vị bàn tới tự do tôn giáo, hợp tác với Giáo Hội Công Giáo trong các sứ mệnh nhân đạo và chống bách hại tôn giáo và việc buôn người.

Stephanie Kirchgaessner của tờ The Guardian thì cho rằng theo ngoại trưởng Rex Tillerson, Ông Trump và Đức Phanxicô có một cuộc mạn đàm khá rộng dài về các đe dọa khủng bố và việc cực đoan hóa người trẻ. Ngoại trưởng Tillerson cũng cho hay, khi nói chuyện trong 1 tiếng đồng hồ với Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh, ông Trump thảo luận nhiều về việc thay đổi khí hậu.

Còn theo Mark Lander và Jason Horowitz của New York Times, thì song song với việc Đức Phanxicô tặng ông Trump bản thông điệp Laudato Si’ về môi trường của ngài, Đức Hồng Y Parolin khẩn khoản yêu cầu Tổng Thống Trump đừng kéo Hiệp Chúng Quốc ra khỏi hiệp ước Paris về thay đổi khí hậu.

Cũng theo nguồn tin trên, Ông Trump nói với các vị chủ nhà ở Vatican rằng ông sẽ không có quyết định sau cùng trước khi trở lại Hoa Kỳ, dù một số người mong ông sẽ tuyên bố một quyết định gì đó tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G7.

Theo hai ký giả trên, ngoại trưởng Tillerson nói với các nhà báo về cuộc trao đổi ở Vatican: “chúng tôi có cuộc trao đổi tốt đẹp về nỗi khó khăn phải cân bằng giữa vấn đề giải quyết việc thay đổi khí hậu, và vấn đề bảo đảm bạn vẫn có một nền kinh tế phồn thịnh và vẫn cung cấp công ăn việc làm cho người ta để họ có thể nuôi sống gia đình họ”.

Dĩ nhiên, hai vị nói tới các cố gắng vãn hồi hòa bình trên thế giới. Điều này thấy rõ qua việc Đức Phanxicô tặng ông Trump bản Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2017 do chính ngài ký tên và ở món quà ngài tặng Ông: huy chương với hình cây ôliu. Còn ông Trump, sau này, trên Twitter, ông sẽ viết: “Rời Vatican, tôi quyết tâm hơn bao giờ hết theo đuổi hỏa bình trong thế giới của chúng ta”.

Cũng theo hai ký giả trên, điều đáng lưu ý là trong phái đoàn của Ông Trump tới Vatican không có Stephen K. Bannon, trưởng chiến thuật gia của Ông Trump. Ông rời phái đoàn này trước khi họ tới Rôma. Dù là người Công Giáo, Ông Bannon vốn chỉ trích Đức Phanxicô theo xã hội chủ nghĩa, duy ưu tuyển (elitist) về hoàn cầu và cổ vũ việc di dân Hồi Giáo vào Âu Châu. Ông cũng ủng hộ việc rút chân ra khỏi hiệp ước Paris về thay đổi khí hậu.

Các ký giả Karen DeYoung, Philip Rucker và Anthony Faiola của Washington Post thì cho rằng theo Tòa Bạch Ốc, Ông Trump và Đức Phanxicô nói đến việc làm thế nào các cộng đồng tôn giáo có thể chống lại việc phải chịu đau khổ tại “các vùng gặp khủng hoảng” như Syria, Libya và các lãnh thổ do ISIS kiểm soát. Ông Trump nói với Đức Giáo Hoàng rằng hai quốc gia của họ có chung “khá nhiều giá trị nền tảng” như cổ vũ nhân quyền, chống nghèo đói hoàn cầu và bảo vệ tự do tôn giáo.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khánh thành nhà thờ Bình Điền TGP Huế
Trương Trí
08:00 24/05/2017
KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ VÀ CUNG HIẾN BÀN THỜ GIÁO XỨ BÌNH ĐIỀN TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

Sau một thời gian công tác mục vụ trong cương vị Chủ tịch HĐGM Việt Nam và Giám Quản Giáo phận Thanh Hóa. Trở về lại Tổng Giáo phận Huế với trọng trách Tổng Giám mục, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã đi mục vụ ban Bí tích Thêm sức tại một số Giáo xứ và chủ sự Thánh lễ truyền chức Linh mục. Hôm nay, 24 tháng 5, Ngài lại lên Giáo xứ Bình Điền để chủ tế Thánh lễ và chủ sự Nghi thức Khánh thành Nhà thờ và Cung hiến Bàn thờ.

Xem Hình

Giáo xứ Bình Điền là một vùng rừng núi hoang vu sau ngày thống nhất đất nước. Một số người dân từ vùng nội thành Thành phố Huế được di dân lên lập vùng Kinh tế mới. Trong số đó có một số gia đình Công Giáo ở rải rác khắp vùng hiện nay thuộc 4 xã Bình Điền, Bình Thành, Hương Bình thuộc Thị xã Hương Trà và xã Hồng Tiến thuộc huyện A Lưới.

Là một Giáo xứ ở thượng nguồn sông Hương, cách tòa Tổng Giám mục chừng 30 km. Nơi đây, ngày xưa là một chiến trường ngày bom đạn. Vì vậy, sau này người dân đi rừng đốn củi và canh tác nương rẩy thường gặp phải đạn bom và mìn còn sót lại, khiến nhiều gia đình tang thương.

Thương đàn con từ thành phố lên với bao cơ cực của cuộc sống, lại thiếu thốn kinh nguyện. Năm 1976, Đức Cố Tổng Giám mục Philipphe Nguyễn Kim Điền quyết định thành lập Giáo xứ Bình Điền. Lúc đầu chỉ với khoảng 35 hộ gia đình với chừng 100 giáo dân. Không có Nhà thờ, không có Cha sở, thỉnh thoảng tập trung lại ở nhà một giáo dân để đọc kinh cầu nguyện. Trong những dịp lễ trọng mới có các Cha Batolomeo Nguyễn Quang Anh, Cha Phaolo Nguyễn Trọng, Cha Cố Phero Phan Xuân Thanh, Cha Anre Nguyễn Văn Phúc thay nhau lên dâng Thánh lễ, khi thì tại nhà này khi nhà khác.

Từ năm 1984 – 1994, tòa Tổng Giám mục giao cho Cha sở Đá Hàn kiêm luôn Giáo xứ Bình Điền, vào các thời cha G.B. Phạm Ngọc Hiệp, cha Cố Giuse Đặng Thanh Minh. Vào thời kỳ này, giáo dân phải về Đá Hàn tham dự Thánh lễ Chúa Nhật và lễ trọng.

Năm 1994, Đức Tổng Giám mục Stephano Nguyễn Như Thể, nguyên Tổng Giám mục Huế đã giao trong trách cho dòng Thánh Tâm Huế, với sự cộng tác của Hội dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm lo công việc mục vụ. Cha Cố Micae Hy Nguyễn Văn Châu, lúc đó là Bề trên Tổng quyền kiêm luôn Quản xứ Bình Điền. Ngài bươn chải khắp nơi để tìm cách xin đất và xây dựng Nhà thờ, năm 1998, ngôi nhà thờ đầu tiên được Đức Tổng Giám mục Stephano làm phép và khánh thành.

Từ đó, Bình Điền ngày càng đổi thay, giáo dân ngày càng đông đúc, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng khởi sắc. Ngôi nhà thờ củ trở nên chật hẹp và xuống cấp, nhất là những lúc trời mưa, giáo dân không có chỗ trú. Băn khoăn và trăn trở của dòng Thánh Tâm Huế, sự động viên của quí Đức Tổng, ngày 1 tháng 5 năm 2015, cha Quản xứ Phero Nguyễn Thái Công khởi công tái thiết lại ngôi nhà thờ. Được sự quan tâm đặc biệt của cha Bề trên Tổng quyền dòng Thánh Tâm, sự yêu thương của quí ân nhân xa gần, và nhất là công sức của cộng đoàn giáo xứ. Ngôi Nhà thờ mới đã hoàn thành, và hôm nay cộng đoàn Giáo xứ hân hoan đón chào Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh lên dâng Thánh lễ tạ ơn Khánh thành và làm phép Nhà thờ, Cung hiến Bàn thờ.

Đoàn rước đoàn đồng tế hết sức long trọng từ nhà cha xứ tiến về Nhà thờ, dẫn đầu là Thánh giá, đèn hầu, các bậc cao niên trong màu áo quốc phục là những người góp công sức đầu tiên cho giáo xứ hình thành, các hội đoàn và đoàn đồng tế bước đi trong tiếng kèn của đội Kèn giáo xứ Chính tòa Phủ Cam vang lên chào mừng.

Trước Tiền đường nhà thờ, Đức Tổng dâng lời nguyện và cùng quí Cha cắt băng khánh thành nhà thờ, Ngài cũng thả chùm bong bóng mang biểu tượng của ngày khánh thành nhà thờ. Tiếp đó Đức Tổng Giám mục nhận chìa khóa nhà thờ từ một vị đại diện rồi trao cho Cha Phero Nguyễn Thái Công, biểu tỏ việc trao quyền làm chủ nhà thờ và coi sóc đàn chiên.

Cha Phero Nguyễn Thái Công tiến đến mở cửa nhà thờ và mời Đức Tổng Giám mục cùng đoàn đồng tế và cộng đoàn tiến vào nhà thờ.

Cha Quản xứ thay mặt giáo xứ nói lời chào mừng và sơ lược về giáo xứ từ khi hình thành đến nay. Ngài dâng lời cảm tạ và tri ân quí Cha tiền nhiệm, đặc biệt tưởng nhớ quí Cha đã qua đời, xin Chúa thương đón nhận các Cha về hưởng Nhan Thánh Chúa. Tri ân các ân nhân đã đóng góp công của trong việc xây dựng nhà thờ, đặc biệt là dòng Thánh Tâm Huế đã hết lòng quan tâm lo lắng cho việc hoàn thành ngôi nhà thờ.

Mở đầu nghi thức làm phép nhà thờ, Đức Tổng Giám mục làm phép nước và rảy trên cộng đoàn và khắp nhà thờ. Tiếp đến là phần phụng vụ Lời Chúa, đại diện Giáo xứ dâng lên Đức Tổng Sách Tin mừng và Ngài trao lại để tiến về Thư đài công bố Lời Chúa.

Nghi thức Cung hiến Bàn thờ được diễn ra long trọng và thánh thiêng, Đức Tổng Giám mục dâng lời nguyện thánh hiến và xức dầu Thánh lên bàn thờ, Ngài xông hương bàn thờ. Đây là dấu chỉ bàn thờ là nơi hiệp thông trong bình an của Đức Kitô, để những ai được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Thánh của Ngài được thắm ơn Thánh Thần của Người mà lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa, bàn thờ cũng là trung tâm của biết bao lời ngợi ca tôn vinh Thiên Chúa của dân Người.

Hòm xương Thánh Micae Hồ Đình Hy được rước một cách trang trọng lên trước bàn thờ, Cha Quản xứ dâng lên Đức Tổng để Ngài đặt vào hòm bia xương Thánh dưới bàn thờ.

Sau khi Cung hiến bàn thờ, Đức Tổng làm phép lửa và thắp sáng bàn thờ, hoa đèn được bừng sáng lên trong niềm vui của Cộng đoàn. Đoàn dâng lễ vật hân hoan tiến lên dâng lễ vật hy tế lên Thiên Chúa.

Sau Thánh lễ, đại diện HĐGX nói lời cảm ơn Đức Tổng Giám mục và quí Cha đồng tế, đặc biệt hôm nay cũng là vui của cả Hội Dòng Thánh Tâm Huế, vì Chúa đã thương tuyển chọn thêm 7 tân Linh mục vào hôm qua cũng lên đây cùng đồng tế để hiệp thông niềm vui với giáo xứ. Cảm ơn các HĐGX bạn và quí Hội Dòng, đồng thời cũng nói lời cảm ơn quí vị đại diện chính quyền các cấp tỉnh Thừa Thiên Huế, Thị xã Hương Trà, các xã Bình Điền, Bình Thành, Hương Bình và Hồng Tiến đã đến chung chia niềm vui và tặng hoa chúc mừng. Cảm ơn các vị ân nhân xa gần, các kỷ sư, kiến trúc sư và thợ thầy đã lao khổ trong suốt thời gian xây dựng nhà thờ.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục ban phép lành cho cộng đoàn và đoàn đồng tế tiến ra trước tiền đường chụp hình lưu niệm với giáo xứ.

Trương Trí
 
Liên Tôn VNHK tổ chức Thắp nến tưởng niệm các Chiến sĩ vị quốc vong thân và cầu nguyện cho Việt Nam
Hội Đồng Liên Tôn VN tại Hoa Kỳ
12:13 24/05/2017
LỄ THẮP NẾN TƯỞNG NIỆM CÁC CHIẾN SĨ VỊ QUỐC VONG THÂN
và CẦU NGUYỆN CHO VIỆT NAM VÀ HOA KỲ

Lúc 6g tối, thứ bảy ngày 27 tháng 5 năm 2017
tại tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ ở Westminster, California


CHƯƠNG TRÌNH
6:00 pm: Văn nghệ ((BTC Xuân Điềm, CLB-Tình Nghệ Sĩ và TTĐH-TTCS-MTN)
6:30 pm: Nghi thức khai mạc - Khởi đầu bằng 3 hồi chiêng
Đội hầu kỳ tiến lên lễ đài - Quốc ca VNCH-Hoa Kỳ & Phút mặc niệm
6:45 pm: Chào mừng quan khách và tuyên bố lý do
7:00 pm: Tế lễ cổ truyền
7:15 pm: Nghi thức thắp nến -- Hát Kinh Hòa Bình trong lúc thắp nến
Dâng Hương và Cầu Nguyện
7:45 pm: Lời Cảm Tạ của Ban Tổ Chức
7:50 pm: Đồng ca nhạc bản Việt Nam, Việt Nam.

Do Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức
và được sự cộng tác của các đoàn thể và tổ chức cho buổi lễ gồm có:


- Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà
- Trung Tâm Điều Hợp Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà
- Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali
- Ban Tù Ca Xuân Điềm
- Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ
- Ca Đoàn Tin Lành Thanh Lễ
- Đại Đạo Thanh Niên Hội Cao Đài
- Đoàn Hiệp Sĩ Columbus Các Thánh Tữ Đạo Việt Nam
- Đoàn Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hoà
- Hội Đền Hùng
- Hội Cao Niên Công Giáo Quận Cam
- Nhạc Sĩ Nguyễn Ngọc Cang và Ban Nhạc Moon Flowers
- Hệ thống VietCatholic Network
- Đài phát thanh Radio Bolsa, Đài truyền hình VNA-TV, Viet Bao Daily News, Vien Đông Daily News và cùng với nhiều cơ quan truyền thông và báo chí Việt Nam khác đã giúp phổ biến và quảng bá buổi lễ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Trọn bài diễn văn tại Saudi Arabia của Tổng Thống Donald Trump
Vũ Văn An
03:05 24/05/2017
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, hôm Chúa Nhật, đã đọc một bài diễn văn trước các nhà lãnh đạo của hơn 50 nước đa số theo Hồi Giáo. Bài diễn văn này hé cho thấy đường lối ngoại giao của Chính Phủ Trump. Và ngoại trừ việc buôn bán vũ khí ra, những điều ông nói, nhất là trong tương quan với Hồi Giáo và cuộc chiến chống việc sử dụng Thiên Chúa vào mục tiêu giết người, rất tương đồng với các nhận định quen thuộc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người ông sẽ gặp hôm nay tại Vatican.

Chúng tôi dựa vào ghi chép của CNN để phóng dịch nguyên văn bài diễn văn trên:


Tôi muốn cám ơn Đức Vua Salman về những lời phi thường của ngài, và Vương Quốc diệu kỳ Saudi Arabia đã đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh hôm nay. Tôi rất hân hạnh được tiếp đón bởi các vị chủ nhà hết sức lịch thiệp này. Tôi vốn luôn nghe nói về sự tráng lệ của đất nước qúy vị và lòng tốt của người dân qúy vị, nhưng lời nói không thấm gì so với sự hùng vĩ của địa danh nổi tiếng này và lòng hiếu khách vượt quá tưởng tượng mà qúy vị đã dành cho chúng tôi ngay từ lúc mới đến.

Quý vị cũng đã đón tiếp tôi tại căn nhà trân qúy của Đức Vua Abdulaziz, vị sáng lập của Vương Quốc, người đã thống nhất dân tộc vĩ đại của qúy vị. Làm việc song song với một nhà lãnh đạo qúy yêu khác, Tổng Thống Franklin Roosevelt của Hoa Kỳ, Đức Vua Abdulaziz đã khởi đầu một cuộc hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia chúng ta. Thưa Đức Vua Salman, thân phụ của Đức Vua hẳn phải rất hãnh diện khi thấy Đức Vua tiếp nối di sản của ngài, và như ngài đã khai mở chương thứ nhất trong sự hợp tác của chúng ta thế nào, hôm nay, chúng ta cũng bắt đầu một chương mới như thế nhằm đem lại các lợi ích lâu dài cho các công dân của chúng ta.

Xin ngài cũng cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu xa và tận đáy lòng tôi đối với từng vị và mọi vị nguyên thủ đáng kính của các quốc gia đã đến đây hôm nay. Qúy vị đã dành cho chúng tôi một vinh dự lớn lao bằng chính sự hiện diện của qúy vị, và tôi xin gửi lời hỏi thăm nồng nàn nhất của xứ sở chúng tôi tới xứ sở của qúy vị. Tôi biết rằng thì giờ ở bên nhau của chúng ta sẽ đem lại nhiều phúc lộc cho cả nhân dân của qúy vị lẫn nhân dân của tôi.

Tôi đứng trước qúy vị như một đại diện của Nhân Dân Hoa Kỳ, để trao đến qúy vị một sứ điệp thân hữu và hy vọng. Đây là lý do khiến tôi quyết định thực hiện chuyến viếng thăm ngoại quốc đầu tiên của tôi tới trung tâm của thế giới Hồi Giáo, tới một quốc gia vốn là người gìn giữ hai địa điểm thánh thiêng nhất của Đức Tin Hồi Giáo.

Trong bài diễn văn nhậm chức của tôi với Nhân Dân Hoa Kỳ, tôi đoan hứa sẽ củng cố các tình thân hữu lâu đời nhất của Hoa Kỳ, và xây dựng các liên hệ hợp tác mới để theo đuổi hòa bình. Tôi cũng đã hứa hẹn rằng Hoa Kỳ không tìm cách áp đặt lối sống của mình lên các nước khác, nhưng sẽ chìa bàn tay của mình ra trong tinh thần hợp tác và tin tưởng lẫn nhau.

Viễn kiến của chúng tôi là viễn kiến hoà bình, an ninh, và thịnh vượng, tại vùng này và trên khắp thế giới.

Mục tiêu của chúng tôi là liên minh các quốc gia có cùng một mục đích loại bỏ chủ nghĩa cực đoan và cung cấp cho con cháu chúng ta một tương lai đầy hy vọng biết tôn kính Thiên Chúa.

Và do đó, cuộc tụ tập các nhà lãnh đạo có tính lịch sử và vô tiền khoáng hậu này, hết sức độc đáo trong lịch sử các quốc gia, là một biểu tượng cho thế giới thấy quyết tâm chung và lòng tôn trọng hỗ tương của chúng ta. Với các nhà lãnh đạo và công dân mọi quốc gia đang tụ họp ở đây hôm nay, tôi muốn qúy vị biết rằng Hiệp Chúng Quốc tha thiết muốn tạo lập các mối liên kết thân hữu, an ninh, văn hóa và thương mãi mật thiết hơn.

Đối với người Hoa Kỳ, đây là một thời điểm phấn khởi. Một tinh thần lạc quan mới đang thổi trên khắp đất nước chúng tôi: chỉ trong vòng mấy tháng, chúng tôi đã gần như tạo nên cả triệu việc làm mới, cộng thêm hơn 3 ngàn triệu dollars giá trị mới, bãi bỏ nhiều gánh nặng cho nền kỹ nghệ Hoa Kỳ, và thực hiện nhiều đầu tư có tính kỷ lục trong nền quân sự của chúng tôi để nó bảo vệ an ninh cho nhân dân chúng tôi và thăng tiến an ninh cho các bằng hữu và đồng minh kỳ diệu của chúng tôi, mà nhiều người đang có mặt ở đây hôm nay.

Giờ đây, còn một tin tốt lành hơn nữa tôi muốn được chia sẻ với qúy vị. Các cuộc hội kiến của tôi với Đức Vua Salman, với Đông Cung Thái Tử, và với Phó Đông Cung Thái Tử, đã diễn ra đầy nồng hậu, thiện chí, và hợp tác tuyệt diệu. Hôm qua, chúng tôi đã ký các thoả ước lịch sử với Vương Quốc nhằm đầu tư gần 400 tỷ dollars tại hai quốc gia của chúng tôi và tạo ra hàng ngàn việc làm tại Hoa Kỳ và Saudi Arabia.

Thỏa hiệp có tính dấu mốc trên bao gồm việc công bố Saudi đặt mua 110 tỷ dollars khí cụ quốc phòng, và chúng tôi bảo đảm sẽ giúp các bằng hữu Saudi của chúng tôi nhận được các thương lượng tốt nơi các công ty quốc phòng vĩ đại của chúng tôi. Thỏa hiệp này sẽ giúp nền quân sự của Saudi đảm nhiệm một vai trò lớn hơn trong các cuộc hành quan gìn giữ an ninh của họ.

Chúng tôi cũng đã bắt đầu các cuộc thảo luận với nhiều quốc gia có mặt hôm nay nhằm tăng cường các cuộc hợp tác, và thiết lập các cuộc hợp tác mới, thăng tiến an ninh và ổn định khắp và ngoài Trung Đông.

Chiều nay, chúng tôi sẽ tạo lịch sử một lần nữa bằng việc khai mạc một định chế mới, đó là Trung Tâm Hoàn Cầu Chống Ý Thức Hệ Cực Đoan, đặt ngay tại đây, tại tâm điểm của Thế Giới Hồi Giáo. Trung Tâm mới có tính đột phá này nói lên lời tuyên bố rõ ràng rằng: các quốc gia đa số theo Hồi Giáo phải dẫn đầu trong việc chống lại chủ trương cực đoan hóa, và tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Đức Vua Salman vì ngài đã tỏ rõ tài lãnh đạo của của ngài (trong phạm vi này).

Tôi đã từng hân hoan được đón tiếp một số nhà lãnh đạo đang có mặt hôm nay đến thăm Tòa Bạch Ốc, và tôi mong được làm việc với mọi vị trong qúy vị.

Hoa Kỳ là một quốc gia có chủ quyền và ưu tiên thứ nhất của chúng tôi luôn là sự an tòan và an ninh của các công dân chúng tôi. Chúng tôi ở đây không phải để giảng bài, chúng tôi không ở đây để nói với dân tộc khác phải sống ra sao, làm những gì, trở thành ai hay thờ phượng như thế nào. Đúng hơn, chúng tôi ở đây để đề nghị sự hợp tác, dựa trên các quyền lợi và giá trị chung, nhằm theo đuổi một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người chúng ta.

Ở đây, tại hội nghị thượng đỉnh này, chúng ta sẽ thảo luận nhiều lợi ích mà chúng ta vốn có chung với nhau. Nhưng trên hết, chúng ta phải đoàn kết trong việc theo đuổi một mục tiêu vốn vượt lên trên mọi xem xét khác. Mục tiêu đó là đối đầu với cơn thử thách lớn lao của lịch sử, chiến thắng chủ nghĩa cực đoan và triệt hạ các lực lượng khủng bố.

Các thiếu niên Hồi Giáo nam nữ nên có khả năng được lớn lên thoát khỏi mọi sợ hãi, an toàn khỏi mọi bạo lực, và không nhuốm mầu hận thù. Và các người trẻ Hồi Giáo nam nữ nên có cơ hội được xây dựng một thời đại mới thịnh vượng cho chính họ và nhân dân họ.

Với sự phù trợ của Thiên Chúa, hội nghị thượng đỉnh này sẽ đánh dấu việc bắt đầu kết liễu đối với những kẻ thực hành khủng bố và truyền bá niềm tin xấu xa của họ. Đồng thời, chúng ta cầu nguyện để một ngày kia cuộc tụ tập đặc biệt này sẽ được ghi nhớ như ngày khởi đầu của hòa bình tại Trung Đông, và có lẽ tại khắp mọi nơi trên thế giới.

Nhưng tương lai trên chỉ có thể đạt được qua việc đánh bại chủ nghĩa khủng bố và ý thức hệ thúc đẩy nó.

Ít có quốc gia nào tránh được tầm tay bạo lực của nó.

Hoa Kỳ từng đã chịu nhiều cuộc tấn công dã man được lặp đi lặp của nó, từ những tàn khốc của ngày 11 tháng Chín cho tới cuộc tàn phá do vụ đặt bom ở Boston, những vụ giết người khủng khiếp ở San Bernardino và Orlando.

Các quốc gia ở Âu Châu cũng đã chịu nhiều điều hãi hùng không thể tả nổi. Cả các quốc gia Châu Phi và Nam Mỹ cũng thế. Ấn Độ, Nga, Trung Hoa và Úc thẩy đều là các nước nạn nhân.

Nhưng, nếu chỉ kể về con số, thì thiệt hại gây chết chóc nhiều hơn cả đã giáng xuống trên người dân vô tội của các quốc gia Ả Rập, Hồi Giáo và Trung Đông. Họ đã gánh sức nặng chính của các vụ chém giết và những tàn phá tồi tệ nhất trong đợt bạo lực cuồng tín này.

Một số người ước lượng rằng hơn 95% các nạn nhân của khủng bố là người Hồi Giáo.

Hiện nay, chúng ta đang đối diện với một thảm họa nhân đạo và an ninh ở vùng này, một thảm họa đang lan truyền ra khắp hành tinh. Đây là một thảm kịch có tầm cỡ sử ca. Không bút nào tả hết nỗi đau khổ và tàn hại của nó được.

Sự thiệt hại thực sự do ISIS, al Qaeda, Hezbollah, Hamas, và nhiều tổ chức khác gây ra phải được tính không chỉ bằng con số những người đã chết. Nó còn phải được tính bằng nhiều thế hệ tan tành giấc mơ.

Trung Đông phong phú với vẻ đẹp tự nhiên, với các nền văn hóa sinh động, và với số lượng khổng lồ các gia sản lịch sử của nó. Nó phải càng ngày càng trở nên một trong các trung tâm thương mãi và cơ may vĩ đại của hoàn cầu.

Vùng này không nên là nơi người tỵ nạn trốn thoát, mà là nơi người mới đến đổ xô vào.

Saudi Arabia là nhà của các địa điểm thánh thiêng nhất của một trong các ín ngưỡng vĩ đại của thế giới. Mỗi năm, hàng triệu người Hồi Giáo từ khắp thế giới tuôn tới Saudi Arabia để dự Lễ Hajj. Ngoài các kỳ quan xưa, đất nước này còn là nhà của nhiều kỳ quan mới, trong đó, có những thành tựu cao vút của kiến trúc.

Ai Cập từng là trung tâm học thuật và thành tựu phồn thịnh cả ngàn năm trước các nơi khác trên thế giới. Các kỳ quan ở Giza, ở Luxor và ở Alexandria là những chứng tích đáng hãnh diện của gia tài cổ xưa này.

Khắp thế giới, người người mơ được bước qua các phế tích của Petra ở Jordan. Iraq là cái nôi của văn minh và là lãnh thổ của nét đẹp tự nhiên. Và Các Tiểu Quốc Ả Rập Thống Nhất đã đạt tới các đỉnh cao khôn tả với kính và thép, và đã biến đất và nước trở thành những công trình nghệ thuật diệu kỳ.

Toàn vùng nằm ở tâm điểm các lộ trình hàng hải chủ chốt: Kinh Đào Suez, Biển Đỏ, và Eo Biển Hormuz. Tiềm năng của vùng này chưa bao giờ lớn lao hơn. 65 phần trăm dân số của nó dưới tuổi 30. Giống mọi thanh niên nam nữ khác, họ đi tìm những tương lai vĩ đại để xây dựng, những dự án quốc gia lớn để tham gia, và một nơi cho gia đình họ gọi là nhà.

Nhưng tiềm năng chưa khai thác này, nguyên nhân lạc quan to lớn này, đang bị việc đổ máu và khủng bố cầm chân. Không thể nào có sự chung sống với thứ bạo lực này. Ta không thể nào dung thứ nó, chấp nhận nó, tha thứ cho nó, và làm ngơ nó.

Mỗi lần một tên khủng bố sát hại một người vô tội, và sai lầm kêu tên Thiên Chúa, thì điều này phải là một nhục mạ đối với bất cứ ai có đức tin.

Các tên khủng bố không hề thờ phượng Thiên Chúa, chúng thờ phượng tử thần.

Nếu chúng ta không hành động chống thứ khủng bố có tổ chức này, thì chúng ta biết điều gì sẽ xẩy ra. Sự tàn phá sự sống của chủ nghĩa khủng bố sẽ tiếp tục lan tràn. Các xã hội bình an sẽ chìm ngập trong bạo lực. Và tương lai của nhiều thế hệ sẽ bị phí phạm một cách đáng buồn.

Nếu chúng ta không sát cánh trong một kết án nhất tề đối với việc chém giết này, thì không những chúng ta bị nhân dân của chúng ta phán xử, không những chúng ta bị lịch sử phán xử, mà còn bị Thiên Chúa phán xử nữa.

Đây không phải là trận chiến giữa các tín ngưỡng, giáo phái hay văn minh khác nhau.

Đây là trận chiến giữa các tên tội phạm man rợ chuyên tìm cách tiêu hủy sự sống con người, và những người tử tế thuộc mọi tôn giáo đang tìm cách bảo vệ nó.

Đây là trận chiến giữa Thiện và Ác.

Khi thấy các cảnh tượng tàn phá sau một vụ khủng bố, ta không thấy dấu chỉ nào cho thấy những người bị sát hại theo Do Thái Giáo hay theo Kitô Giáo, theo Shia hay theo Sunni. Khi nhìn thấy những dòng máu vô tội ướt đẫm lãnh thổ xưa, ta không thể nhìn ra đức tin hay giáo phái hay bộ lạc của các nạn nhân, ta chỉ nhìn ra họ là Con Cái của Thiên Chúa mà cái chết là điều nhục nhã đối với những gì là thánh thiêng.

Nhưng chúng ta chỉ có thể thắng vượt cái ác trên nếu các sức mạnh của sự thiện đoàn kết với nhau và mạnh mẽ, và nếu mọi người trong hội trường này góp phần đáng kể của mình và hoàn tất phần của mình vào việc mang gánh nặng này.

Chủ nghĩa khủng bố đang lan tràn ra khắp thế giới. Nhưng con đường hòa bình bắt đầu ngay từ nơi đây, trên mảnh đất cổ xưa này, trên lãnh thổ thánh thiêng này.

Hoa Kỳ sẵn sàng cùng đứng với qúy vị, để theo đuổi các lợi ích và an ninh chung.

Nhưng các quốc gia Trung Đông không thể đứng chờ để sức mạnh Hoa Kỳ đè bẹp kẻ thù trên thay cho họ. Các quốc gia Trung Đông sẽ phải quyết định loại tương lai nào họ muốn cho chính họ, cho đất nước họ và cho con cháu họ.

Đó là một chọn lựa giữa hai tương lai, và đó là một lựa chọn mà Hoa Kỳ KHÔNG THỂ làm cho qúy vị.

Một tương lai tốt đẹp hơn chỉ khả hữu nếu quốc gia của qúy vị dẹp tan được các tên khủng bố và cực đoan. Hãy Dẹp. Tan. Chúng.

HÃY DẸP TAN CHÚNG khỏi các nơi thờ phượng của qúy vị.

HÃY DẸP TAN CHÚNG khỏi các cộng đồng của qúy vị.

HÃY DẠP TAN CHÚNG khỏi đất thánh của qúy vị. Và

HÃY DẸP TAN CHÚNG KHỎI MẶT ĐẤT NÀY.

Về phần chúng tôi, Hoa Kỳ cam kết điều chỉnh các chiến lược của chúng tôi để đáp ứng các đe dọa đang diễn biến và các sự kiện mới mẻ. Chúng tôi sẽ vứt bỏ các chiến lược không hữu hiệu, và sẽ áp dụng các phương thức mới được kinh nghiệm và phán đoán dạy bảo. Chúng tôi đang chấp nhận Chủ Trương Thực Tiễn Có Nguyên Tắc (Principled Realism), bắt nguồn từ các giá trị và lợi ích chung.

Các bằng hữu của chúng tôi sẽ không bao giờ phải nghi vấn sự trợ giúp của chúng tôi, và các kẻ thù của chúng tôi sẽ không bao giờ hoài nghi quyết tâm của chúng tôi. Các cuộc hợp tác của chúng tôi sẽ đẩy mạnh an ninh nhờ ổn định, chứ không nhờ xâu xé triệt để. Chúng tôi sẽ đưa ra các quyết định dựa vào các thành quả đời thực, chứ không dựa vào các ý thức hệ cứng ngắc. Chúng tôi sẽ để cho các bài học kinh nghiệm hướng dẫn chúng tôi, chứ không phải các gò bó của tư duy cứng ngắc. Và, bất cứ khi nào có thể, chúng tôi sẽ tìm tòi các cải tổ tiệm tiến, chứ không tìm các can thiệp đột ngột.

Chúng tôi phải tìm kiếm các người hợp tác, chứ không phải sự hoàn hảo, và biến thành đồng minh tất cả những ai chia sẻ các mục tiêu của chúng tôi.

Trên hết, Hoa Kỳ tìm kiếm hòa bình, chứ không tìm kiếm chiến tranh.

Các quốc gia Hồi Giáo phải sẵn lòng nhận lấy gánh nặng, nếu chúng ta muốn đánh bại chủ nghĩa khủng bố và đẩy ý thức hệ ác độc của nó vào quên lãng.

Nhiệm vụ đầu tiên trong cố gắng chung này là các quốc gia của qúy vị phải bác bỏ bất cứ lãnh thổ nào đối với lính đánh bộ của sự ác. Mọi quốc gia trong vùng có nghĩa vụ tuyệt đối phải bảo đảm điều này: không một tên khủng bố nào tìm được nơi trú ẩn trên lãnh thổ của họ.

Nhiều quốc gia đã và đang thực hiện được nhiều đóng góp đáng kể cho an ninh trong vùng: các phi công Jordan là những người đồng tác chủ yếu chống lại ISIS ở Syria và Iraq. Saudi Arabia và liên minh trong vùng đã có hành động mạnh mẽ chống các chiến binh Houthi ở Yemen. Lục Quân Libăng đang săn lùng các tên hoạt động cho ISIS, là những kẻ đang tìm cách xâm nhập lãnh thổ của họ. Các binh sĩ Emirates đang hỗ trợ các đối tác Afghan. Ở Mosul, các binh sĩ Hoa Kỳ đang hỗ trợ người Kurds, người Sunnis và người Shia cùng chiến đấu cho quê hương của họ. Qatar, nơi là chủ nhà của Bộ Tư Lệnh Trung Ương Hoa Kỳ, là đồng minh chiến lược có tính chủ chốt. Sự hợp tác lâu dài của chúng tôi với Kuwait và Bahrain tiếp tục gia tăng an ninh trong vùng. Và các binh sĩ Afghan can trường đang thực hiện nhiều hy sinh lớn lao trong cuộc chiến đấu chống bọn Taliban, và nhiều nhóm khác, trong cuộc chiến đấu gìn giữ xứ sở họ.

Khi từ chối không để cho các tổ chức khủng bố kiểm soát lãnh thổ và người dân, chúng ta cũng phải ngăn cản để chúng không có các nguồn tài trợ. Chúng ta phải cắt đứt các máng tài chánh chuyên để cho ISIS bán dầu hỏa, chuyên để cho các tên cực đoan trả lương cho các kẻ chiến đấu cho chúng, và giúp các tên khủng bố nhập lậu các lực lượng bổ sung của chúng.

Tôi tự hào công bố điều này: các quốc gia ở đây hôm nay sẽ ký một thỏa hiệp ngăn cản việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố; thỏa hiệp này có tên là Trung Tâm Nhằm Chống Việc Tài Trợ Khủng Bố (Terrorist Financing Targeting Center) với đồng chủ tịch là Hiệp Chúng Quốc và Saudi Arabia, và được sự tham gia của mọi thành viên của Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council). Đây là một biện pháp có tính lịch sử trong một ngày sẽ được ghi nhớ lâu dài.

Tôi cũng hoan nghinh Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh vì đã ngăn cản các tay tài trợ trong việc họ dùng xứ sở họ làm căn cứ tài chánh cho khủng bố, và năm ngoái, đã liệt kê Hezbollah là một tổ chức khủng bố. Tuần này, Saudi Arabia cũng đã cùng chúng tôi cấm vận một trong các lãnh tụ cao cấp nhất của Hezbollah.

Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Điều ấy có nghĩa ta phải trung thực đối đầu với cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cực đoan duy Hồi Giáo và các nhóm khủng bố duy Hồi Giáo do nó xúi bẩy. Và điều ấy cũng có nghĩa là phải sát cánh chống lại việc sát hại các người Hồi Giáo vô tội, việc đàn áp phụ nữ, việc bách hại người Do Thái, và sát hại các Kitô hữu.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải làm cho điều này tuyệt đối rõ ràng: chủ nghĩa man rợ sẽ không đem lại cho qúy vị bất cứ vinh quang nào, lòng sùng kính sự ác sẽ không đem lại cho qúy vị bất cứ phẩm giá nào. Nếu qúy vị chọn con đường khủng bố, đời qúy vị sẽ trống rỗng, đời qúy vị sẽ vắn vỏi, và LINH HỒN CỦA QÚY VỊ SẼ BỊ KẾT ÁN.

Còn các nhà lãnh đạo chính trị, qúy vị phải lớn tiếng khẳng định cùng một ý nghĩ: anh hùng không sát hại người vô tội; họ cứu những người này. Nhiều quốc gia ở đây hôm nay đã đưa ra nhiều biện pháp quan trọng để nêu cao sứ điệp ấy. Viễn Kiến của Saudi Arabia cho Năm 2030 là một tuyên ngôn quan trọng và đầy khích lệ về lòng khoan dung, sự tôn trọng, tăng quyền cho phụ nữ, và phát triển kinh tế.
Các Tiểu Quốc Ả Rập Thống Nhất (The United Arab Emirates) cũng đã dấn thân vào cuộc chiến đấu giành trái tim và linh hồn, và với Hiệp Chúng Quốc, đã phát động một trung tâm chống việc truyền bá hận thù trên liên mạng. Cả Bahrain cũng đang cố gắng triệt hạ việc tuyển dụng và cực đoan hóa.

Tôi cũng hoan nghinh Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Li Băng vì vai trò của họ trong việc tiếp đón người tỵ nạn. Việc gia tăng con số di dân và tỵ nạn rời bỏ Trung Đông đã làm cạn kiệt nguồn vốn nhân bản cần thiết để xây dựng các xã hội và nền kinh tế ổn định. Thay vì làm cạn kiệt tiềm năng nhân bản như thế của vùng này, các quốc gia Trung Đông có thể đem lại cho người trẻ niềm hy vọng đối với một tương lai tươi sáng hơn ngay tại các quốc gia và vùng quê hương của họ.

Điều ấy có nghĩa phải cổ vũ các khát vọng và giấc mơ của mọi công dân đang đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, trong đó có phụ nữ, trẻ em, và tín hữu của mọi tín ngưỡng. Nhiều học giả Ả Rập và Hồi Giáo đã hùng hồn lý luận rằng việc bảo vệ quyền bình đẳng sẽ củng cố các cộng đồng Ả Rập và Hồi Giáo.

Trong nhiều thế kỷ, Trung Đông vốn là nhà của các Kitô hữu, người Hồi Giáo và Do Thái Giáo vốn sống bên cạnh nhau. Một lần nữa, chúng ta phải thực hành lòng khoan dung và sự tôn trọng lẫn nhau, và biến vùng này thành nơi mọi người nam nữ, bất luận thuộc tín ngưỡng hay sắc dân nào, đều hưởng được một cuộc sống có phẩm giá và hy vọng.

Trong tinh thần trên, sau khi kết thúc cuộc viếng thăm Ryyadh của tôi, tôi sẽ tới Giêrusalem và Bêlem, và rồi tới Vatican, thăm những nơi thánh thiêng nhất trong ba Tín Ngưỡng phát sinh từ Ápraham. Nếu ba tín ngưỡng này có thể nối vòng tay lớn với nhau trong hợp tác, thì hoà bình trên thế giới này là điều có thể, kể cả nền hòa bình giữa người Do Thái và người Palestine. Tôi sẽ hội kiến với cả Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu và Chủ Tịch Palestine Mahmoud Abbas.

Tước các tên khủng bố khỏi các lãnh thổ của chúng, khỏi việc tài trợ của chúng, và sức lôi cuốn giả tạo trong ý thức hệ hèn nhát của chúng sẽ là nền tảng để đánh bại chúng.

Nhưng không cuộc thảo luận nào về việc đánh tan cơn đe dọa này sẽ hoàn hảo nếu không nhắc đến chính phủ vốn dành cho các tên khủng bố cả ba điều: nơi dung thân an tòan, hỗ trợ tài chánh, và tư thế xã hội cần thiết cho việc tuyển người. Đây là một chế độ phải chịu trách nhiệm đối với quá nhiều bất ổn ở trong vùng. Dĩ nhiên, tôi đang nói tới Iran.

Từ Li Băng tới Iraq, tới Yemen, Iran đã tài trợ, cấp vũ khí, và huấn luyện các tên khủng bố, các dân quân chiến đấu và các nhóm khủng bố khác để chúng gieo rắc phá hoại và hỗn loạn khắp vùng. Hàng thập niên qua, Iran đã đổ dầu vào các đám cháy do tranh chấp và khủng bố phe phái gây ra.

Nó là một chính phủ công khai nói tới việc sát hại hàng loạt, thề sẽ tàn phá Do Thái, giết chết Hoa Kỳ, và làm tiêu tan nhiều nhà lãnh đạo và quốc gia có mặt tại hội trường này.

Trong số các can thiệp bi thảm và gây bất ổn nhất của Iran, chúng ta có Syria. Được Iran bênh vực, Assad đã phạm nhiều tội ác không thể nào tả được, và Hiệp Chúng Quốc đã cương quyết đáp trả việc Chế Độ Assad sử dụng các vũ khí hóa học bị ngăn cấm, bằng cách phóng 59 hoả tiễn tomahawk vào căn cứ không quân Syria nơi họ đã dùng để mở cuộc tấn công giết người.

Các quốc gia có trách nhiệm phải cùng làm việc với nhau để kết thúc cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria, diệt tận gốc ISIS, và phục hồi ổn định trong vùng. Các nạn nhân lâu đời nhất của chế độ Iran là chính nhân dân của nó. Iran có một lịch sử và một nền văn hóa phong phú, nhưng nhân dân Iran từng phải chịu gian khổ và thất vọng dưới việc đeo đuổi tranh chấp và khủng bố khinh suất của các lãnh tụ của họ.

Cho tới khi chế độ Iran sẵn lòng trở thành người hợp tác cho hoà bình, mọi quốc gia có lương tâm phải cùng nhau làm việc để cô lập Iran, từ khước không để nó tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, và cầu xin cho tới ngày nhân dân Iran có được một chính phủ chính đáng và chính trực mà họ vốn xứng đáng được hưởng.

Quyết định của chúng ta sẽ ảnh hưởng tới muôn vàn cuộc sống.

Kính thưa Đức Vua Salman, tôi xin cám ơn ngài đã tạo nên thời khắc vĩ đại này trong lịch sử, và đã thực hiện nhiều cuộc đầu tư khổng lồ vào Hoa Kỳ, vào nền kỹ nghệ và việc làm của nó. Tôi cũng xin cám ơn ngài đã đầu tư vào tương lai của vùng này trên thế giới.

Vùng phì nhiêu này có mọi thành tố để thành công vượt bực: một lịch sử và một nền văn hóa phong phú, một nhân dân trẻ trung và sinh động, một tinh thần tháo vát phong phú. Nhưng qúy vị chỉ có thể mở khóa cho tương lai này nếu công dân của Trung Đông thoát khỏi chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và bạo lực.

Chúng ta tại hội trường này là các nhà lãnh đạo của nhân dân chúng ta. Họ đang nhìn chúng ta để có câu trả lời, và để hành động. Và khi chúng ta nhìn lại khuôn mặt họ, sau mỗi cặp mắt là một linh hồn đang khao khát công lý.

Hôm nay, hàng tỷ khuôn mặt đang nhìn chúng ta, chờ đợi chúng ta hành động trước câu hỏi lớn của thời ta.

Chúng ta có sẽ dửng dưng trước sự ác không? Chúng ta có sẽ bảo vệ các công dân của chúng ta khỏi ý thức hệ bạo lực của nó không? Chúng ta có sẽ để nọc độc của nó tràn lan khắp các xã hội của chúng ta không? Chúng ta có sẽ để nó tiêu diệt các nơi thánh thiêng nhất của ta trên trái đất không? Nếu chúng ta không đối đầu với cuộc khủng bố chết người này, chúng ta biết tương lai sẽ đem đến những gì: nhiều đau khổ và thất vọng hơn. Nhưng nếu chúng ta hành động, nếu chúng ta rời hội trường tráng lệ này mà đoàn kết và quyết tâm làm những gì cần thiết để tận diệt cuộc khủng bố đang đe dọa thế giới, thì chẳng còn giới hạn nào đối với tương lai vĩ đại của các công dân chúng ta.

Nơi sinh của văn minh đang đợi chúng ta khởi đầu một phục hưng mới. Qúy vị hãy tưởng tượng ngày mai sẽ đem đến những gì.

Các kỳ quan đầy vinh quang của khoa học, nghệ thuật, y khoa và thương mại gây cảm hứng cho nhân loại. Các thành phố vĩ đại xây dựng trên các hoang tàn của các thị trấn tả tơi. Các việc làm và kỹ nghệ mới sẽ nâng cao hàng triệu người. Các phụ huynh không còn phải lo lắng về con cái, các gia đình không còn phải than khóc các người thân yêu, và các tín hữu cuối cùng được thờ phượng không cần sợ hãi.
Đó là các phúc lộc của thịnh vượng và hòa bình. Đó là các ước nguyện đang bùng cháy bằng ngọn lửa chính trực trong mỗi trái tim con người. Và tất cả đều là các đòi hỏi chính đáng của nhân dân qúy yêu của chúng ta.

Xin qúy vị hãy cùng tôi, cùng với nhau, làm việc chung, và cùng ĐẤU TRANH với nhau, VÌ ĐOÀN KẾT, CHÚNG TA SẼ KHÔNG THẤT BẠI.

Xin cám ơn qúy vị. Xin Thiên Chúa chúc phúc cho qúy vị. Xin Thiên Chúa chúc lành cho quốc gia qúy vị. Và Xin Thiên Chúa chúc lành cho Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu.
 
Đối thoại với ai - Đối thoại cái gì ?
Phạm Trần
20:46 24/05/2017
ĐỐI THỌAI VỚI AI - ĐỐI THỌAI CÁI GÌ ?

Một cuộc bàn luận mới vừa bung ra giữa người Việt trong và ngoài nước quanh đề xướng đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam đang nghiên cứu mở ra đối thọai “với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”

Tác gỉa của tuyên bố này là ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị-Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Người cầm đầu ngành tuyên truyền đã tiết lộ tin mới tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, sáng 18-5-2017 tại Hà Nội.

Hai câu nói gây ấn tượng của ông Thưởng chung quanh vấn đề này là:

"Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”

- “Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”

BÁO LỀ ĐẢNG – ĐỐI THỌAI VỚI AI ?

Tuy nhiên, nếu coi những gì ông Thưởng nói là sự thay đổi tư duy rất mới của lãnh đạo Cộng sản ở Việt Nam đối với thành phần chống đảng thì ý tưởng này lại bị báo chí “lề đảng” hạ xuống mặt đất.

Bằng chứng là lời tuyên bố của ông Thưởng, đứng hàng thứ 17 trong Bộ Chính trị, tuy quan trọng nhưng chỉ được tường thuật trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh Online (PLO). Tuyệt nhiên không thấy xuất hiện trên các báo chính thống như Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân, Sàì Gòn Giải phóng, hệ thống các báo điện tử của Bộ Thông tin-Truyền thông hay Thông tấn Xã Việt Nam, Đài Phát thanh Quốc gia (VOV, Voice of Việt Nam) hoặc Đài truyền hình quốc gia (VTV).

Ngay cả báo của Ban Tuyên giáo, Tạp chí Cộng sản, Xây Dựng Đảng và Quốc phòng Tòan dân cũng không đưa tin.

Như vậy, hoặc là Bộ Thông tin-Truyền thông đã kiểm duyệt ý kiến của ông Thưởng hay vì Ban Bí thư vẫn còn thao luận nên không muốn thông tin để tránh bị Bộ Chính trị khiển trách ?

Nhưng không chừng ông Thưởng đã tung bong bóng cho mọi người vồ nên đã có nhiều người hiểu sai lời nói của ông để biến con kiến thành con voi.

Bằng chứng như báo PLO đã trích lời ông Võ Văn Thưởng nói rằng :”Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý.”

Ông Thưởng nói văn hoa như thế vì ông có bằng Thạc sĩ Triết học, nhưng đằng sau câu nói là sự thật gỉa vờ như PLO đã tiết lộ” Ông Thưởng cũng cho rằng cần có quy định rõ ràng để từng cấp từng ngành từng cơ sở từng đơn vị xác định rõ trách nhiệm của mình và phương pháp trong trao đổi, đối thoại. Ông Thưởng nói đang cố gắng để Ban Bí thư thông qua vấn đề này trong thời gian tới.”

Nhưng nếu đối thọai với đảng mà lan tận xuống lớp cán bộ của ngành, cơ sở và đơn vị thì cái ý đối thọai của ông Thưởng chỉ co cụm vào giải quyết những tranh chấp giữa người dân với chính quyền địa phương chứ không can dự gì đến vị trí chính trị cầm quyền của đảng.

Bởi vì vai trò lãnh đạo của đảng CSVN đã được “đóng đinh” vào khỏan 1 của Điều 4 Hiến pháp 2013, theo đó:” Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Như vậy, nếu cái ý đối thọai của ông Thưởng công bố ngày 18/05/2017 có hàm ý tìm một lối thoát cho ngõ bí đòan kết và hoà giải, hòa hợp dân tộc sau 42 năm không nhúc nhích thì vị trí cầm quyên của đảng tất phải thay đổi.

Nhưng vào lúc này, căn cứ vào những gì đảng nói và đảng làm thì thật khó mà tin rằng đảng CSVN đã sẵn sàng thay đổi, nếu không phải là mỗi ngày một lạc hậu, bảo thủ, chai lì và chỉ biết bám vào Trung Hoa để tồn tại.

TẤM GƯƠNG QÚA KHỨ

Lý do dễ hiểu vì trong qúa khứ, đảng CSVN đã chứng minh họ chỉ biết nắm quyền để hành dân phục vụ cho quyền lợi của thiếu số lãnh đạo.

Cho nên dù đối thọai cách gì và ở cấp nào đi nữa thì cũng cần phải lấy những việc đã xẩy ra trong qúa khứ để làm gương cho các cuộc nói chuyện tương lai, nếu xẩy ra.

Trong số này, đứng đầu là vấn đề khiếu kiện của dân đòi bồi thường cưỡng chiếm đất đai; đền bù không công bằng khi bị giải phóng mặt bằng; ô nhiễm môi trường do các Công ty nước ngoài gây ra cho sông ngỏi, mạch nước và trên đất liền ở khắp 3 vùng đất nước Bắc-Trung-Nam.

Vụ người dân Đồng Tâm gần Hà Nội , chống cưỡng chế đất nông nghiệp, kết thúc ngày 23/4/2017, sau 8 ngày căng thẳng giữa dân và chính quyền là bài học lịch sử không riêng cho nhà cầm quyền ở Thủ đô Hà Nội mà cho cả đảng CSVN.

Vậy phải chăng từ kết qủa ở Đồng Tâm, khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, đích thân đến tận thôn xã nói chuyện và dàn xếp với dân thì mọi việc được giải quyết nên bây giờ Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng mới bổ sung cho công tác đối thọai với dân bằng một quyết định của Ban Bí thư chăng ?

Nếu mục đích chỉ nhỏ nhoi như thế thì cần gì phải đợi ý kiến của Ban Bí thư rồi cả Bộ Chính trị, cơ chế thật sự nắm quyền ở Việt Nam, nhẩy vào làm quan trọng hoá vấn đề để tuyên truyền cho chính sách mị dân của đảng.

Nhưng có thể đây chỉ là chuyện con kiến mà ông Thưởng đã tô vẽ thành con voi khiến nhiều người lầm tưởng là chuyện đại sự mà tưởng tượng ra một thứ Hội nghị Diên hồng để đối thọai với đảng.

Ngoài các vụ khiếu kiện đòi công bằng và công lý của dân, chắc chưa ai quên nhà nước CSVN đã từ chối đối thoại với trên 3,000 nhân sỹ, trí thức, những đảng viên nghỉ hưu gọi là lão thành cách mạng và văn nghệ sỹ khi họ yêu cầu đình chỉ dự án khai thác Bauxite trên Tây Nguyên vì đảng đã để cho Trung Quốc nhảy vào vùng đất chiến luợc này từ năm 2001 và vì viễn ảnh nguy cơ bị thảm họa bùn đỏ độc hại phá họai sinh thái và mạng sống của hàng triệu người dân, nếu các hồ chứa bị vỡ.

Cũng đáng nói là trong số những người ký tên vào kiến nghị có cả Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Địa phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Gần đây nhất là kiến nghị và các cuộc biểu tình đòi đền bù và đòi đóng cửa Formosa Hà Tĩnh của hàng ngàn người dân miền Trung cũng đã bị nhà nước đáp trả bằng đàn áp đẫm máu.

Nhà máy gang thép này, gốc từ Đài Loan nhưng có Trung Quốc đứng sau chống lưng, đã thải chất độc ra biển ngày 6/4/2016 làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường và gây chết cho hàng chục ngàn tấn cá và các sinh vật biển khác.

Bây giờ, sau hơn 1 năm, thảm trạng ô nhiễm vẫn chưa được bảo đảm không còn; sinh vật biển phục hồi chậm; người dân không dám xâm mình ăn hải sản đánh bắt được ở tầng trên như nhà nước tuyên truyền đã an tòan ; và nạn thất nghiệp, tương lai mờ mịt của hàng triệu người dân, nạn nhân của 4 tỉnh bị nhiễm độc gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Qủang Trị và Thừa Thiên-Huế vẫn còn quằn quại trong kinh hòang.

Trong khi đó thì đảng và nhà nước lại tìm mọi cách để chống chế cho những quyết định phản khoa học, không hội đủ các tiêu chuẩn an tòan và vệ sinh của Thế giới để đánh lừa dân. Quan trọng hơn cả là chuyện chính phủ Việt Nam đã từ chối mọi giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và các nước tân tiến trên thế giới muốn giúp khảo nghiệm và tìm phương pháp giúp làm sạch mức nguy hại môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Vì vậy, thay vì nghiêm chính đối thọai với dân để giải quyết những khó khăn trong hiện tại và trong tương lai của hàng triệu con người thì đảng và nhà nước CSVN lại bênh vực cho quyền lợi của Công ty Formosa và cho phép công ty này tiếp tục họat động.

Như vậy thì chuyện gọi là “đối thọai” của ông Võ Văn Thưởng đưa ra ngày 18/05/2017 nhằm mục đích gì, nếu không phải để đánh lạc hướng dư luận hãy còn lo âu về thảm họa Formosa và tung hỏa mù để tuyên truyền ? -/-

Phạm Trần

(05/017)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Phát Triển Các Dân Tộc Và Dân Tộc Việt Nam
Hà Minh Thảo
15:57 24/05/2017
Phát Triển Các Dân Tộc Và Dân Tộc Việt Nam

50 năm đã trôi qua từ ngày 26.03.1967, khi Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI công bố Thông điệp ‘Populorum progressio – Phát triển các dân tộc’, đề ra những đường hướng mới cho xã hội, trong đó tình liên đới là dụng cụ cai trị người dân các nước. Trong nửa thế kỷ qua, dân tộc Việt Nam đã phát triển thế nào so với chính mình và với các dân tộc láng giềng. Ngày 27.04.2017, Ðức cha Hoàng Đức Oanh đã, với một vọng thật buồn, nói ‘Thảm họa Formosa là thật nghiêm trọng, là đại họa không chỉ cho đồng bào 4 tỉnh miền Trung mà còn cho cả đất nước Việt Nam, đại họa này không chỉ bây giờ mà còn lâu dài nữa, không chỉ có đại họa Formosa chỉ là một trong những đại họa của Việt Nam mà còn nhiều đại họa khác trên lảnh thổ Việt Nam’… ‘Việt Nam ngày nay không chỉ bị ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đủ mọi thứ và luôn lương tâm con người cũng bị ô nhiễm. Cuối cùng, mạnh ai lo sống, thành ra cái đó là cái thảm hơn nữa’.

I.- THÔNG ÐIỆP ‘PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC’.

Sau khi khẳng định rằng ‘vấn đề xã hội là vấn đề luân lý’, mục đích Thông điệp ‘POPULORUM PROGRESSIO’ là thăng tiến sự phát triển toàn diện cho con người, khắp nơi trên thế giới. Nó giải thích tại sao lại cần phải phát triển con người toàn diện. Tiếp đến là tương quan giữa Giáo Hội và sự phát triển, và công tác cần thực hiện trong các lãnh vực cụ thể của cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Từ Công đồng chung Vatican II, Giáo Hội ý thức rõ hơn về các đòi buộc của Tin Mừng trong việc phục vụ con người, đặc biệt các dân tộc từ bao lâu nay đang phải sống dưới gánh nặng của nghèo đói, bần cùng, tật bệnh và dốt nát mà không được hưởng các hoa trái của nền văn minh nhân loại. Vấn đề xã hội có chiều kích luân lý sâu rộng, và các dân tộc nghèo đói gọi hỏi các dân tộc giàu cáo. Ðó là lý do để Tòa Thánh thành lập Hội đồng Công Lý và Hòa bình để thăng tiến sự phát triển của các dân tộc nghèo. Dưới ánh sáng Tin Mừng, Giáo Hội đề xướng một sự phát triển toàn diện cho mọi người tại khắp thế giới. Thật vậy, họ khát khao có được một cuộc sống bảo đảm, có công ăn việc làm ổn định, được giáo dục, được săn sóc sức khỏe, có các quyền tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng, được góp phần tràn đầy vào các trách nhiệm lo cho Công ích, thoát khỏi cảnh bần cùng, bị áp bức bất công và có được các điều kiện sống xứng đáng với con người hơn. Một số các tình trạng này đã có thể là hậu quả của các chế độ thực dân, hay của các cơ cấu xã hội thối nát.

Phải chăng đó cũng là những ước muốn chính đáng mà người dân nước Việt bị trị đang đòi nhà cầm quyền độc tài cộng sản phải thực thi để mọi người có được một cuộc sống bảo đảm như Thông điệp đã đề cập trên. Thực tế, chỉ trừ những đảng viên cộng sản, mọi người đều đồng ý điều đó. Nhưng để đạt được ước muốn chính đáng đó, mọi người Việt trong nước cần phải dấn thân đồng loạt đòi hỏi đảng cộng sản phải thực những điều Chân phước Phaolô VI đã dạy trong Thông điệp này. Bất hạnh thay, đại đa số công dân Việt nhân danh ‘không làm chính trị’ để mặc ai muốn biểu tình tranh đấu với Việt cộng thì cứ làm và họ chỉ chờ để hưởng… Thật bất công.

II. DÂN TỘC VIỆT NAM 50 NĂM QUA.

A. Trước ngày 30.04.1975.

1. Thời Pháp thuộc.

Ngày 20.07.1954, Pháp và Cộng sản Việt ký Hiệp định Geneva chấm dứt chiến tranh Ðông dương (Indochina gồm Việt Miên Lào) và chia đôi Việt Nam. Miền Bắc Quê hương bị nhuộm đỏ bởi Cộng sản. Trước đó, qua cuộc Cách mạng tháng Tám ‘cướp chính quyền’, ngày 02.09.1945, Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam. Nhưng khi Pháp trở lại, lúc Nhật thất trận, họ phải thành lập các bưng biền để chống Pháp.

Cho đến ngày 20.07.1954, Quốc gia Việt Nam, tên gọi trước khi chúng chia cắt Quê hương, thuộc quyền cai trị của Pháp. Vấn đề này được Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI đề cập đến tại số 7 Thông điệp này (xin tóm tắt) : ‘Ðể thực hiện sự cai trị này, tuy chúng có các hậu quả xấu xa, nhưng nhiều cơ cấu các chế độ thực dân để lại cũng hữu ích cho các dân tộc địa phương, đặc biệt là việc chống lại mù chữ dốt nát, bệnh tật, thiết lập giao thông thuận lợi và cải tiến các điều kiện sống. Do giáo dục mở mang, người dân thấm nhuần ý niệm độc lập quốc gia gợi cho họ muốn sống kinh nghiệm các quyền Tự do cá nhân, chính trị, xã hội và kinh tế’.

Xin phép được kể về bản thân chúng tôi lúc đó, những năm đầu của thập niên 1950, khi trận chiến Ðông dương đến hồi quyết liệt. Về giáo dục, chúng tôi, các trẻ trai Việt sống tại Chợ lớn (một tỉnh cận Sài gòn) dều được đi học hoàn toàn miễn phí tại trường tiểu học Ðỗ Hữu Phương (thời Việt Nam Cộng hòa, trường được đổi tên là Hùng Vương). Trường khang trang và lớp rộng rãi dành cho khoảng 40 học sinh. Với chủ trương ‘Tiên học lễ, hậu học văn’, thầy cô không phải dạy thêm để lấy tiền cha mẹ, nên rất được học sinh rất kính trọng. Xin lỗi phải dài dòng như vậy để cho chúng ta thấy ‘thời thực dân khá hơn nhiều xã hội chủ nghĩa’ về giáo dục vì họ cần có công, tư chức có học để làm việc cho họ.

2. Thời gian Quê hương bị chia đôi.

Hậu quả đau thương đó là do thỏa thuận giữa thực dân Pháp và cộng sản Việt ngày 20.07.1954. Trước đó, toàn cỏi Việt Nam, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, được đặt dưới vương quyền của Quốc trưởng Bảo Ðại. Vị này trao toàn quyền dân và quân sự cho Thủ tướng Ngô Ðình Diệm nhậm chức ngày 07.07.1954. Trọng trách hàng đầu của tân Chánh phủ là tổ chức cuộc tiếp đón trên 800 ngàn đồng bào từ chối sống với cộng sản, tìm Tự do tại Miền Nam. Ðặc biệt, các sinh viên Hà nội được ông Diệm cho phi cơ đưa ngay vào Sài Gòn để kịp nhập học vào tháng 09/1954. Bên cạnh các phát triển về kinh tế và xã hội, ông Diệm đã chú trọng cách riêng đến việc giáo dục vì, nhờ đó, con người mới được phát triển toàn diện. Ðồng bào di cư được Chánh phủ giúp an cư và lạc nghiệp bằng giúp khai phá đất đai thành các khu trù mật và được hưởng quyền sở hữu.

Từ khởi đầu, Giáo Hội đã luôn lưu tâm tới việc phát triển toàn diện cho con người, noi gương Ðức Kitô, là Đấng đến để phục vụ. Vì thế, Giáo Hội đem Tin Mừng đến đâu thì cũng cố gắng giúp phát triển con người dân tộc ở đó. Các thừa sai của Giáo Hội trong lúc xây dựng Thánh đường, cũng lo xây dựng dưỡng đường, bệnh viện, và trường học đủ các cấp. Họ dạy cho người bản xứ phương thức khai thác một cách đầy đủ những tài nguyên thiên nhiên của họ, và còn bảo vệ họ khỏi lòng tham của ngoại nhân (Thông điệp số 12).

Nhờ đó, sau khi học hết Tiểu học, bản thân tôi có cơ hội để tiếp tục bậc Trung học tại trường Taberd, do các Sư huynh Dòng Lasan giáo dục bao thế hệ nam sinh từ năm 1866. Nhờ kỷ luật nghiêm minh, kết quả thi cử đạt mức cao và cung cấp rất nhiều nhân tài cho việc Phát triển Quê hương và Dân tộc Việt. Tại nguyện đường trường này, tôi đã nhận Bí tích Thánh Tẩy, lúc vừa trưởng thành.

Dù đạo và đời là hai lãnh vực khác nhau, nhưng Giáo Hội ước mong trợ giúp con người và mọi dân tộc đáp ứng các khát vọng chính đáng của họ bằng cách cống hiến cho các dân tộc một quan niệm toàn cầu về nhân loại. Bởi thế, sự phát triển phải bao gồm mọi chiều kích cuộc sống con người, chứ không phải chỉ trên bình diện kinh tế. Thiên Chúa tạo dựng con người có trí thông minh và sự tự do. Do đó, họ có trách nhiệm đối với sự phát triển cũng như ơn cứu rỗi và sự thành công hay thất bại của chính mình. Họ có bổn phận phát triển mọi tài năng và khả thể của mình để là người hơn theo ý định của Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên, cộng đoàn xã hội và nhân loại trong đó con người sống cũng có bổn phận tạo mọi thuận tiện cho sự phát triển này với các cơ cấu cần thiết thích hợp.

Trong khi tại Miền Bắc cộng sản, sinh hoạt Giáo Hội bị giới hạn hay bị cấm đoán như các Ðức cha không được phép đến Rôma để tham dự Công đồng chung Vatican II. Tại Miền Nam tự do, dù trong thời gian chiến tranh xâm lược do cái gọi là ‘chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên xô, cho Trung quốc’ (lời Lê Duẫn), sinh hoạt các tôn giáo được tự do.

3. Sinh viên Công Giáo Hội thảo về Thông điệp.

Năm 1968 là một năm thật đẫm máu cho dân tộc Việt Nam hai miền, tức đi ngược với sự Phát triển Dân tộc mà Ðức Phaolô VI đề nghị:

a. Lợi dụng thời gian hưu chiến mà chính Việt cộng đã cam kết tôn trọng, ngay những giờ phút thiêng liêng của ngày Tết Mậu Thân, chúng tấn công vào các thành phố ở Miền Nam. Hàng ngàn trẻ em xâm mình ‘SBTN’ (sinh Bắc tử Nam) được bị bọn chỉ huy khát máu buộc bắn giết người khác. Sợ quá, chúng khóc và bị bắt. Tại nơi bị giam giữ, các em được Ðức cha Angelo Palmas, Khâm sứ Tòa thánh đến thăm và ủy lạo. Theo soạn giả Matthew White ghi lại trong sách ‘Tàn khốc: 100 sự kiện tử vong cực cao trong lịch sử nhân loại’ thì vụ thảm sát ở Huế năm 1968 được ông trích dẫn từ các nguồn khác nhau cho rằng ‘đã có 2.800 người bị giết và 3.000 người mất tích do Việt cộng thực hiện’. Phần đông, các nạn nhân bị chôn trong những ngôi mộ tập thể, sau khi bị đập đầu.

b. Ðầu tháng Năm, Việt cộng tấn công lần nữa với quy mô nhỏ hơn.

c. Ngày 13.05.1968, Hội nghị Paris về Việt Nam giữa 2 bên (Hoa kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) khai mạc. Ngày 18.01.1969, các phiên họp được dời về trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris. Ngày 25.01.1969, khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị bốn bên (thêm Việt Nam Cộng hòa và Cộng hoà miền Nam Việt Nam) về Việt Nam ở Paris. Hội nghị này chấm dứt với Hiệp định Paris ngày 27.01.1973.

Song song với ba biến cố đó, Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Sài gòn đã chuẩn bị cho cuộc Hội thảo về Thông điệp ‘Phát triển các dân tộc’ nào phải tìm tài trợ cho cuộc họp mặt, ấn loát Thông điệp, tìm phương tiện di chuyển rẻ cho ba Ðoàn (Sài gòn, Huế và Cần thơ) đến Ðà Lạt để cùng với Ðoàn ở thành phố này để sinh hoạt, ăn ở tại Viện Ðại học Công Giáo Ðà Lạt, nhân dịp Nghỉ Hè 1968. Năm Linh mục Tuyên úy và khoảng 60 sinh viên nam nữ tham dự. Do tự do suy nghĩ, các cuộc góp ý về việc phát triển dân tộc Việt thật dồi dào và sôi nổi. Làm sao để thoát khỏi cuộc nội chiến tương tàn thì mới có thể phát triển được…

Sau đó, vào tháng Tám, chúng tôi có dịp trở lại Ðà Lạt, ngụ tại Biệt thự Thánh Tâm, với Hiệp hội Thánh Mẫu Sinh viên Việt Nam để vừa tĩnh tâm vừa làm công tác xã hội phụ giúp đồng bào. Hàng ngày, sau Thánh Lễ và nghe Cha Giám đốc Gagnon (Nhân, Dòng Chúa Cứu thế) giảng, Người cùng chúng tôi dùng điểm tâm. Một hôm, Cha có kể một câu chuyện : Lúc cộng sản đánh chiếm Ðà Lạt, một toán bộ đội đi vào Biệt thự Thánh Tâm. Cha ra chào họ và thấy trong túi xách của ông trung úy có một quyển ‘Bóng Thánh giá trên là sóng đỏ’ do chính Cha viết, nhưng đề tên Tố Tâm. Trong đó, Cha viết sự thật về Mặt trận Giải phóng Miền Nam chỉ là con đẻ của cộng sản Hà nội và bị sai vào để khủng bố và giết hại dân lành. Người ngoại quốc và nhiều người Việt không chịu tìm hiểu sự thật đó mà cứ tin đó là một tổ chức chính trị nhằm chống Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Nếu các giáo sĩ phụ trách hồ sơ Việt Nam tại Vatican biết điều đó thì chắc Ðức Phaolô VI không tiếp Xuân Thủy năm 1972.

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo

 
Thông Báo
Mời tham dự Thắp Nến tưởng niệm các Chiến sĩ vị quốc vong thân và Cầu nguyện cho Việt Nam
Hội Đồng Liên Tôn VNKH tổ chức
12:08 24/05/2017
LỄ THẮP NẾN TƯỞNG NIỆM CÁC CHIẾN SĨ VỊ QUỐC VONG THÂN
và CẦU NGUYỆN CHO VIỆT NAM VÀ HOA KỲ

Lúc 6g tối, thứ bảy ngày 27 tháng 5 năm 2017
tại tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ ở Westminster, California


CHƯƠNG TRÌNH
6:00 pm: Văn nghệ ((BTC Xuân Điềm, CLB-Tình Nghệ Sĩ và TTĐH-TTCS-MTN)
6:30 pm: Nghi thức khai mạc - Khởi đầu bằng 3 hồi chiêng
Đội hầu kỳ tiến lên lễ đài - Quốc ca VNCH-Hoa Kỳ & Phút mặc niệm
6:45 pm: Chào mừng quan khách và tuyên bố lý do
7:00 pm: Tế lễ cổ truyền
7:15 pm: Nghi thức thắp nến -- Hát Kinh Hòa Bình trong lúc thắp nến
Dâng Hương và Cầu Nguyện
7:45 pm: Lời Cảm Tạ của Ban Tổ Chức
7:50 pm: Đồng ca nhạc bản Việt Nam, Việt Nam.

Do Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức
và được sự cộng tác của các đoàn thể và tổ chức cho buổi lễ gồm có:


- Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà
- Trung Tâm Điều Hợp Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà
- Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali
- Ban Tù Ca Xuân Điềm
- Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ
- Ca Đoàn Tin Lành Thanh Lễ
- Đại Đạo Thanh Niên Hội Cao Đài
- Đoàn Hiệp Sĩ Columbus Các Thánh Tữ Đạo Việt Nam
- Đoàn Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hoà
- Hội Đền Hùng
- Hội Cao Niên Công Giáo Quận Cam
- Nhạc Sĩ Nguyễn Ngọc Cang và Ban Nhạc Moon Flowers
- Hệ thống VietCatholic Network
- Đài phát thanh Radio Bolsa, Đài truyền hình VNA-TV, Viet Bao Daily News, Vien Đông Daily News và cùng với nhiều cơ quan truyền thông và báo chí Việt Nam khác đã giúp phổ biến và quảng bá buổi lễ.
 
Văn Hóa
Bàn Tay Chúa Chạm Đến Hồn Con
Văn Duy Tùng
16:06 24/05/2017
Bàn Tay Chúa Chạm Đến Hồn Con


Chúc mừng 12 Phó Tế thuộc Tổng Giáo Phận Huế vừa được truyền chức Linh Mục hôm nay.
Mừng Tổng Giáo Phận Huế có thêm 12 Thợ Gặt trên cánh đồng truyền giáo.
Mừng Thân Nhân Ông Bà Cha Mẹ của 12 Tân Linh Mục suốt một đời vất vả, nuôi nấng, dạy dỗ và cuối cùng dâng con của mình vào “Đền Thánh”.

Thành kính CHÚC MỪNG !

Lạy Chúa,
Giữa bao tiếng gọi mời, con đã quyết dâng đời mình cho Chúa, con muốn được sống trọn vẹn Giao Ứớc Tình Yêu qua đời sống Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục.
Con vẫn muốn sống như Ngài đã sống, vẫn muốn theo con đường Ngài đã đi qua.
Ôi lạy Chúa, xin giúp con vững bước, vì chỉ có mình Ngài là bạn đồng hành sớm hôm : vỗ về, đỡ nâng và úi an, chỉ có Ngài là Chúa của đời con

Tạ ơn Chúa đã cho con một trái tim rất con người để con hiểu tình yêu là gì, để hiểu được ý nghĩa hai chữ “dâng hiến”, con khám phá ra Thiên Chúa là Tình Yêu, và con học để sống đời mình mỗi ngày như là tình yêu của Thiên Chúa cho con người.

Xin giữ gìn con luôn sống thật gần Chúa, xin đong đầy trái tim con bằng tình yêu của Chúa để con vượt thắng những cám dỗ trong đời.
Xin là cầu nối để hàn gắn và chữa lành, xin cho con biết từ bỏ những đam mê trần tục, cho con biết giữ quả tim trong sạch để con luôn thuộc trọn về Chúa.

Tiếng xin vâng nhẹ nhàng hôm nay là MỘT GIAO ƯỚC giữa Chúa và con, sẽ dẫn con qua suốt quãng đường dài, sẽ đưa con đến những chân trời mới. Bởi hứa chỉ một lời, nhưng sống cả một đời. Con không hối hận đâu, nếu phải chọn lại, con vẫn theo Ngài, vẫn đáp lại : “Xin Vâng” dẫu người đời khinh chê dè bĩu, và đường con đi còn lắm những gian truân.

Ngài đưa con vào cuộc hiện diện không ngơi của Thiên Chúa Ba Ngôi, tình yêu tuyệt mỹ. Nhưng trên hết, Ngài thích căn phòng nhỏ trong trái tim con, nơi đấy Ngài vẫn chờ vẫn đợi để cùng con nốt kết phút tâm giao, cho con biết Chúa và tìm lại chính mình.

Con vẫn đáp lời : lạy Chúa con đây ! rồi bước tới, bước mãi trong trong giao ước tình yêu. Con tin Chúa sẽ đong đầy và hoàn tất nơi con những gì Chúa đã khởi sự.
Trước sứ vụ ngày mai đang đón đợi, con như ánh đèn dự hội hoa đăng, dẫu sóng gió cuốn xô, dẫu phận con mỏng mảnh, với trọn niềm tin yêu và phó thác, con xin đáp lời : lạy Chúa, con đây !

Sau cùng, lạy Chúa,
Xin cho con luôn ý thức và yêu đức khó nghèo như yêu một người mẹ, để con sống mỗi ngày rất thật về chính cuộc đời con.
Xin cho những yếu đuối và nghèo hèn của kiếp người, không tước đi khỏi con niềm vui thiêng liêng của một người đã luôn có Chúa là gia nghiệp.

Xin dạy con cảm nghiệm sâu xa ý nghĩa và niềm vui của việc từ bỏ, để con luôn được tự do sống cho mình và cho Chúa, không còn ham muốn nào trói buộc được lòng con, không còn hấp dẫn nào khiến con phải dính bén lệ thuộc, và không có mất mác nào làm con phải quay quắt, đớn đau.

Xin dạy con biết sống từ bỏ mỗi ngày, để con thấy cuộc đời mình luôn giàu có, không phải nhờ những vơ giữ phù du bằng đôi tay bé nhỏ và hữu hạn, bằng cái khôn ngoan vặt vãnh thấp hèn của con người, nhưng nhờ liên tục được lấp đầy, bởi ân sủng và tình yêu vô hạn của Chúa.

Và hôm nay :

Bàn tay Chúa chạm đến hồn con
và nâng con lên, lên hàng vinh phúc
Bàn tay Chúa dẫn dắt con đi, đi trong hồng ân
Ngài gọi con giữa muôn muôn người
Ngài tháp cho con đôi cánh tình yêu
Ngài mặc cho con phúc ân nhiệm mầu
Ngài đặt trong con trái tim nở hoa

Hồng ân Chúa phủ xuống đời con
và ban ân thiêng trên đường dương thế
Tình yêu Chúa ủ ấp con say, mãi không đổi thay
Bảo toàn con, Chúa nơi nương tựa
Nguồn sống trong con hiến lễ Tình Yêu
Lời Ngài chiếu sáng, trí tâm thấp hèn
Tình Ngài khoan nhân, thắm tươi hồng ân

Ôi ! Ngày Hồng Phúc bao la, con xin cất tiếng ca : cám tạ ơn Cha
Từ nay con sẽ là chứng nhân, đem Ánh Sáng Tin Mừng
đem Yêu Thương và Sự Thật giữa lòng nhân thế

Ôi ! MỘT GIAO ƯỚC Cha trao
Con ngước mắt lên cao, với trái tim dâng trào
Xin ơn Chúa Thánh Linh, nâng đỡ con vẹn toàn
Trong Thánh Ý nhiệm mầu.

Văn Duy Tùng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đóa Hồng Mới
Thérésa Nguyễn
18:39 24/05/2017
ĐÓA HỒNG MỚI
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Muốn hồng hoa đẹp hoa thơm
Mình đừng ngắt lá, bẻ cành bạn ơi.
(KD)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19-25/05/2017: Những phát triển mới chung quanh biến cố Medjugorje
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:09 24/05/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Phản ứng của Tòa Thánh về vụ đánh bom khủng bố tại Manchester

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện bày tỏ lời chia buồn tới các nạn nhân của vụ đánh bom đêm thứ hai tại buổi hòa nhạc ở Manchester, Anh quốc, và lên án cuộc tấn công, trong đó ít nhất 22 người thiệt mạng và 59 người khác bị thương.

Toàn văn bức điện như sau:

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vô cùng đau buồn khi được biết về những thương vong bi thảm gây ra bởi cuộc tấn công dã man ở Manchester, và ngài bày tỏ tình liên đới chân thành với tất cả những ai chịu ảnh hưởng bởi hành động bạo lực vô nghĩa này. Ngài ca ngợi các nỗ lực quảng đại của các nhân viên cấp cứu, an ninh và bảo đảm những lời cầu nguyện của ngài dành cho những người bị thương, và cho tất cả người đã chết. Đức Thánh Cha lưu tâm đặc biệt đến những trẻ em và thanh thiếu niên đã bị thiệt mạng, và các gia đình đang đau buồn của các em, ngài cầu xin Chúa ban cho quốc gia này ân sủng của hòa bình, ơn chữa lành và sức mạnh.”

Vụ nổ đã xảy ra lúc 22h30 ngày thứ Hai 22 tháng 5, sau khi buổi hòa nhạc do nữ ca sĩ người Mỹ Ariana Grande biểu diễn đã kết thúc; đèn đã bật sáng; và các nhân viên an ninh đã bắt đầu mất cảnh giác sau nhiều giờ làm việc mệt mỏi.

Bọn khủng bố Hồi giáo IS đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này trong đó đa số các nạn nhân là các thanh thiếu niên. Đây là cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất tại Anh chỉ sau vụ nổ bom ở hệ thống xe điện ở Luân đôn vào tháng 7 năm 2005, giết hại 52 người.

2. Tuyên bố của các Giám Mục Venezuela về tình trạng khẩn trương của đất nước

Sau một phiên khoáng đại bất thường ở Caracas, hôm 17 tháng 5, các giám mục Venezuela đã ra một tuyên bố về tình trạng khẩn trương của đất nước trong đó ghi nhận rằng cuộc khủng hoảng tại quốc gia này ngày tồi tệ hơn bao giờ.

Cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô và sứ thần Tòa Thánh vì sự ân cần của các ngài, các vị giám mục đã nói về nạn đói ngày càng gia tăng và sự thất vọng đang lan rộng và nhắc nhở người Công Giáo tại quốc gia này rằng các ngài đã kêu gọi tất cả các giáo xứ cử hành ngày Chúa Nhật 21 tháng 5 là một ngày cầu nguyện, ăn chay và liên đới với các nạn nhân của một chế độ độc tài tàn bạo.

Trong tuyên bố của họ, ký ngày 17 tháng 5 và được công bố vào ngày hôm sau, các giám mục đã khuyến khích nhân dân Venezuela “tiếp tục thể hiện quan điểm một cách ôn hòa. Yêu cầu hợp pháp và chính đáng của các công dân không nên bị hoen ố bởi những hành vi bạo lực.”

Các giám mục cũng kêu gọi chế độ Maduro chú ý đến các điểm đã được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đưa ra vào năm 2016 - bao gồm việc mở một hành lang nhân đạo, thả tù nhân chính trị, và công nhận Quốc hội, do phe đối lập chiếm đa số nhưng đã bị giải thể bởi Maduro.

Phát biểu với cảnh sát và quân đội, các vị giám mục tố cáo “nhiều cái chết của các công dân Venezuela do việc lạm dụng thẩm quyền trong các hành động đàn áp. Trách nhiệm đạo đức đối với các hành vi dẫn đến bạo lực, thương tích và những cái chết của dân chúng thuộc về những người thi hành pháp luật, cũng như những người ra lệnh hoặc cho phép họ làm như thế.”

Các giám mục sau đó đã trích dẫn những lời nổi tiếng của Đức Tổng Giám Mục Óscar Romero của El Salvador:

“Trước lệnh giết người do ai đó ban ra, luật pháp của Thiên Chúa theo đó ‘Ngươi chớ giết người!’ phải thắng thế. Không một người lính nào có nghĩa vụ phải tuân theo một lệnh lạc chống lại luật pháp của Thiên Chúa... nhân danh dân tộc đau khổ này, dân tộc mà tiếng kêu than của họ bay tới trời cao càng ngày càng thống thiết hơn, chúng tôi van xin anh em, chúng tôi khẩn cầu anh em, và chúng tôi ra lệnh cho anh em nhân danh Thiên Chúa, ngưng ngay tức khắc sự đàn áp này”.

3. Vatican Insider: Bẩy cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Medjugorje là chân thật!

Đến nay Tòa Thánh chưa công bố chính thức kết luận của ủy ban điều tra do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thành lập để nghiên cứu các cuộc hiện ra của Đức Maria tại Medjugorje, Bosnia-Herzegovina. Tuy nhiên, căn cứ vào câu trả lời các ký giả trong chuyến bay trở về từ Sarajevo hôm 6 tháng Sáu, 2015, nhiều người tin rằng Tòa Thánh sẽ không công nhận biến cố Medjugorje.

Hôm 16 tháng 5, 2017, tờ Vatican Insider, một tờ báo được coi là thạo các tin nội bộ của Tòa Thánh đã gây sửng sốt cho nhiều người khi tường thuật rằng Ủy ban do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thành lập để nghiên cứu các cuộc hiện ra của Đức Maria tại Medjugorje, Bosnia-Herzegovina, đã bỏ phiếu đồng thuận rằng bẩy cuộc hiện ra của Đức Mẹ trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1981 là chân thật.

Tuy nhiên, các thành viên trong ủy ban điều tra tỏ ra nghi ngờ về hàng ngàn những thị kiến được cho là đã xảy ra kể từ sau ngày 4 tháng 7 năm 1981, và được cho là vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Hai trong số 17 thành viên của ủy ban cho rằng những thị kiến được cho là đã xảy ra sau ngày 4 tháng 7 năm 1981 không phải là siêu nhiên, trong khi 15 thành viên khác nói rằng họ không thể đưa ra các phán quyết.

Ủy ban nhận định rằng sáu người nói đã được nhìn thấy Đức Mẹ và một người thứ bảy, là người tuyên bố rằng mình bắt đầu nhận được những sứ điệp của Đức Mẹ kể từ tháng 12 năm 1982 đến nay, đã không được hỗ trợ đầy đủ về phương diện mục vụ.

Vatican Insider đã công bố báo cáo trên vào ngày 16 tháng 5, ba ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói về một số chi tiết trong bản báo cáo này với các nhà báo tháp tùng ngài trên chuyến bay từ Fatima, Bồ Đào Nha, về lại Rôma.

Trong cuộc họp báo ngày 17 tháng 5, phòng báo chí Tòa Thánh đã từ chối bình luận về bài tường thuật này của tờ Vatican Insider.

Trên chuyến máy bay từ Bồ Đào Nha trở lại Vatican hôm 13 tháng 5, Đức Phanxicô đã dành cho các nhà báo một cuộc phỏng vấn về đủ mọi vấn đề thời sự. Khi được hỏi về việc Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorje, ngài nói rằng những cuộc hiện ra lúc ban đầu cách nay hơn 3 thập niên thì đáng được nghiên cứu thêm, nhưng những thị kiến sau đó thì rất đáng hồ nghi. Theo ngài, căn cứ vào bản tường trình của ủy ban điều tra do Đức Bênêđíctô XVI thiết lập, được đệ nạp cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, thì ta cần phân biệt hai loại hiện ra.

“Đối với các cuộc hiện ra thứ nhất, với các trẻ em, bản tường trình ít nhiều cho rằng loại này cần được tiếp tục nghiên cứu” nhưng còn đối với “những cuộc hiện ra được giả định là vẫn đang tiếp diễn, thì bản tường trình tỏ ý hồ nghi”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng: “bản thân tôi còn hồ nghi hơn thế, tôi thích coi Đức Mẹ là Mẹ, Mẹ của chúng ta, hơn là một phụ nữ đứng đầu một văn phòng ngày nào cũng gửi đi một tin nhắn vào một giờ nhất định. Đó không phải là Mẹ Chúa Giêsu. Những cuộc hiện ra như thế vô giá trị”.

Ngài minh xác rằng đây chỉ là “ý kiến riêng” của ngài, nhưng nói thêm rằng Đức Bà không hề hành động bằng cách nói rằng “ngày mai vào giờ này, con hãy đến và ta sẽ trao tin nhắn cho những người ấy”.

Theo Vatican Insider, 13 trong số 14 thành viên ủy ban có mặt tại một cuộc họp đã bỏ phiếu đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm của Vatican đối với các cuộc hành hương chính thức của các giáo phận và giáo xứ tới Medjugorje.

Ủy ban cũng đề nghị việc biến nhà thờ giáo xứ Thánh Giacôbê Tông Đồ thành một nhà thờ giáo hoàng với sự giám sát của Vatican. Động thái này không phải là thừa nhận những cuộc hiện ra, nhưng là thừa nhận những nhu cầu vê đức tin và mục vụ của những người hành hương; đồng thời bảo đảm những hiến tặng tài chính của những người hành hương được kế toán phù hợp.

Vai trò của Ủy ban là đưa ra các khuyến nghị đối với Đức Giáo Hoàng; báo cáo của ủy ban không phải là một phán đoán chính thức của Giáo Hội về những cuộc hiện ra. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phóng viên vào ngày 13 tháng Năm rằng “cuối cùng, một cái gì đó sẽ được tuyên bố,” nhưng ngài không đưa ra một thời biểu cụ thể.

4. Đức Thánh Cha tuyên bố triệu tập Công Nghị Tấn Phong Hồng Y vào ngày 28 tháng 6, 2017

Trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 21 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố với các tín hữu rằng ngài sẽ triệu tập Công Nghị Tấn Phong Hồng Y vào ngày 28 tháng 6 để tấn phong 5 vị tân Hồng Y.

Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến, tôi muốn thông báo với anh chị em rằng vào ngày Thứ Tư, 28 Tháng Sáu, tôi sẽ triệu tập một Công Nghị để tấn phong 5 Hồng Y mới”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng “xuất xứ của các vị là từ những nơi khác nhau trên thế giới thể hiện tính Công Giáo của Giáo Hội, lan rộng trên khắp trái đất “.

Một ngày sau ngày đó, vào ngày 29 tháng 6 Lễ Trọng Kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, các tân Hồng Y sẽ đồng tế Thánh Lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với các vị tổng giám mục được bổ nhiệm trong vòng một năm qua, là những vị được nhận dây pallium từ Đức Thánh Cha trong buổi lễ đó.

Năm vị tân Hồng Y là: Đức Tổng Giám Mục Jean Zerbo, của tổng giáo phận Bamako, Mali; Đức Tổng Giám mục Juan José Omella của Barcelona, Tây Ban Nha; Đức Giám Mục Anders Arborelius của Stockholm, Thụy Điển; Đức Giám Mục José Gregorio Rosa Chávez, là giám mục phụ tá của San Salvador, El Salvador và Đức Giám Mục Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, Đại Diện Tông Tòa của Pakse, Lào và Giám Quản Tông Tòa của Viêng Chăn.

Trong danh sách các vị được tấn phong, điều đáng kinh ngạc là ngài đã chọn Đức Cha José Gregorio Rosa Chávez (75 tuổi), là giám mục phụ tá của tổng giáo phận San Salvador thay vì chọn Đức Tổng Giám Mục Jose Luis Escobar Alas (58 tuổi). Tổng giáo phận San Salvador đã được Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero chăn dắt cho đến khi ngài bị bắn chết vào ngày 24 tháng Ba năm 1980, khi đang cử hành thánh lễ. Đức Cha José Gregorio Rosa Chávez, lúc ấy là một linh mục, được xem là một cộng sự viên đắc lực của Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero.

5. Đức Thánh Cha bất ngờ thăm viếng các cư dân tại Ostia

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục dự án “Ngày Thứ Sáu Lòng Thương Xót” vào ngày 19 tháng 5 vừa qua với một chuyến viếng thăm một dự án nhà ở công cộng ở Ostia, bên bờ biển Địa Trung Hải bên ngoài Rôma, gần sân bay Leonardo da Vinci.

Đức Thánh Cha đã đến thăm các giáo dân ở giáo xứ Stella Maris của Ostia. Cư dân tại đây kinh ngạc khi thấy Đức Thánh Cha gõ cửa nhà mình. Ngài vào thăm và ban phép lành cho nhà cửa của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi xướng các chuyến viếng thăm “Ngày Thứ Sáu Lòng Thương Xót” của ngài như là một phần trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, trong đó ngài thực hiện một trong những hoạt động bác ái cả phần hồn và phần xác.

6. Đức Bênêđíctô thứ 16 ca ngợi Đức Hồng Y Robert Sarah trong cuốn sách mới

“Với Đức Hồng Y Sarah, một bậc thầy về im lặng và cầu nguyện nội tâm, Phụng Vụ được chăm sóc tốt”, Đức Bênêđíctô thứ 16 đã viết như trên trong lời tựa một cuốn sách mới của vị Hồng Y Phi Châu. Cuốn sách mới của Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích có tựa đề là “The Power of Silence” – nghĩa là “Sức Mạnh của Sự Yên Lặng”, sẽ được xuất bản trong tương lai gần. Tuy nhiên, ngay bây giờ, người ta có thể đọc bản tóm tắt trên First Things.

Đức Bênêđíctô thứ 16 viết tiếp:

“Bất cứ ai ngày hôm nay đọc những lời bình luận dài dòng tới đâu đi nữa về Phúc Âm thì cuối cùng vẫn thất vọng”.

Theo Đức Bênêđíctô thứ 16, để hiểu Lời Chúa, ta phải bắt chước gương của Chúa Giêsu. Ngài luôn cầu nguyện trong im lặng trước khi lên tiếng giảng dạy.

Đức Bênêđíctô thứ 16 giải thích như sau:

“Chúng ta biết rằng diễn từ của Chúa, những lời nói của Ngài, luôn xuất phát từ sự im lặng và chỉ có thể trưởng thành ở đó. Vì vậy, Lời Ngài chỉ có thể được hiểu một cách chính xác nếu cả chúng ta nữa, cũng tháp nhập vào sự im lặng của Người, và học cách nghe Lời Chúa từ sự im lặng của Ngài.”

Đức Bênêđíctô thứ 16 đã gần như giữ sự im lặng hoàn toàn kể từ khi ngài thoái vị hôm 11 tháng Hai năm 2013. Vì vậy, lời tựa của ngài viết cho cuốn sách này, và sự ủng hộ của ngài dành cho Đức Hồng Y Sarah, là đặc biệt đáng chú ý.

Cuối cùng, Đức Bênêđíctô thứ 16 viết:

“Chúng ta nên biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì đã bổ nhiệm một vị thầy tâm linh như thế làm người đứng đầu của bộ chịu trách nhiệm về việc cử hành phụng vụ trong Giáo Hội”

7. Cuộc rước Corpus Christi tại Rôma bị dời lại vào ngày Chúa Nhật thay vì ngày thứ Năm theo truyền thống

Hôm thứ Năm 18 tháng 5, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết cuộc rước truyền thống Corpus Christi – Mình Máu Thánh Chúa tại Rôma trong năm nay được dời từ Thứ Năm 15 tháng Sáu sang Chúa Nhật 18 tháng Sáu.

Ở nhiều nước trên thế giới, lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành vào ngày Thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia khác vì hoàn cảnh cụ thể, lễ Mình Máu Thánh Chúa có thể được cử hành vào ngày Chúa Nhật sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Ý nghĩa của lễ Mình Máu Thánh Chúa là sự thể hiện niềm tin của người tín hữu rằng Chúa thực sự hiện diện trong bí tích Thánh Thể.

Trong ngày lễ Corpus Christi, theo truyền thống, Đức Giáo Hoàng dẫn đầu một cuộc rước trọng thể qua các đường phố Rôma, từ Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateranô đến Đền Thờ Đức Bà Cả. Mình Thánh Chúa được đặt trong một Mặt Nhật và được rước qua các đường phố.

Hôm thứ Năm 18 tháng 5, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết “Đức Thánh Cha đã quyết định dời lễ Mình Máu Thánh Chúa, từ Thứ Năm 15 Tháng Sáu đến Chúa Nhật 18 Tháng Sáu.”

Ông giải thích rằng quyết định này là “để Dân Chúa, bao gồm các linh mục và các tín hữu của Giáo Hội ở Rôma có thể tham gia tốt đẹp hơn.” Ông nói thêm, “Có một lý do thứ hai: Thứ Năm là một ngày trong tuần” việc dời qua Chúa Nhật “sẽ ít phiền phức hơn cho cư dân Rôma.”

8. Đức Hồng Y Trần Nhật Quân bày tỏ sự hài lòng là thỏa thuận về việc bổ nhiệm Giám Mục với Trung Quốc đã không xảy ra

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên giám mục Hương Cảng, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng “có vẻ như thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về việc lựa chọn các giám mục đã bất thành. Thật là tốt.”

Ngài nói với Catholic Herald rằng: “Tôi đoán rằng thỏa thuận về việc lựa chọn các giám mục đã sẵn sàng nhưng chưa được ký kết. Tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền Trung Quốc muốn Tòa Thánh nhượng bộ mọi thứ. Không chỉ chuyện lựa chọn các giám mục thôi nhưng còn nhiều thứ khác nữa để họ có thể kiểm soát Giáo Hội”.

“Nhưng những thứ khác thì không thể. Cho nên, nhà cầm quyền Trung Quốc từ chối không chịu ký. Đối với tôi như thế là tốt.”

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đã lặp lại lời chỉ trích các viên chức Tòa thánh Vatican về việc mưu tìm một thỏa thuận “bằng bất cứ giá nào” và không lắng nghe các nhà lãnh đạo Giáo Hội Trung Quốc.

“Làm sao họ có thể tin rằng họ nắm rõ tình hình tốt hơn tôi? Tốt hơn là Đức Tổng Giám mục Savio Hàn Đại Huy, là nhân vật thứ hai trong Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc? Chúng tôi là người Trung Quốc! Chúng tôi đã ở Trung Quốc rất nhiều năm, giảng dạy trong các chủng viện, dành sáu tháng một năm ở Hoa Lục và nhìn thấy những gì đang xảy ra với chính đôi mắt của chúng tôi. Nhưng họ không tin chúng tôi. Họ không lắng nghe chúng tôi. Thật là khủng khiếp.”

9. Một thẩm phán tại El Salvador mở lại vụ án giết Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero

Thẩm phán, Ricardo Chicas, của El Salvador, đã yêu cầu các công tố viên lên tiếng buộc tội Alvaro Rafael Saravia, nghi can chính trong vụ án giết Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero. Năm 1993, những cáo buộc đối với Saravia đã bị bỏ theo luật ân xá của nước này. Tuy nhiên, luật đó đã bị lật nhào trong tuần qua.

Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero đã bị giết ngay tại Vương Cung Thánh Đường San Salvador trong khi ngài đang cử hành thánh lễ hôm 24/3/1980.

Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero là chứng nhân can đảm đã tố cáo các tội ác dã man của giới quân nhân nước này trong thời gian nội chiến. Cuộc chiến tại El Salvador đã kết thúc với hiệp định ngưng bắn vào năm 1992 chấm dứt 12 năm nội chiến. Tuy nhiên, mãi cho đến nay, xã hội El Salvador vẫn còn nhiều chia rẽ và bạo lực vì bao nhiêu oan khiên không được giải tỏa. Cái chết của Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero là tiêu biểu cho thế giới thấy các thủ đoạn tàn bạo của Biệt Đội Tử Thần do nhóm quân nhân El Salvador dựng lên.

Thiếu tá Alvaro Rafael Saravia, người trực tiếp nhúng tay vào vụ sát hại Đức Tổng Giám Mục Romero đã di cư sang Mỹ vào giữa thập niên 1980 để chạy tội nhưng y bị bắt và bị đưa ra tòa. Trước tòa án tại California, Alvaro Rafael Saravia không nói một lời nào nhằm bác bỏ hay công nhận trách nhiệm của mình trước cáo buộc đã giết hại Đức Cha Romero. Y cũng không thèm mướn luật sư cãi lại. Tòa án tại California đã trưng ra những bằng cớ không thể phủ nhận được về vai trò trực tiếp giết hại Đức Cha Romero của ông Saravia, vai trò ông này trong Biệt Đội Tử Thần El Salvador cũng như liên hệ giữa ông này và cố đại tá Roberto D'Aubuisson, người đã thành lập đảng ARENA. Tòa đã truyền cho ông Saravia phải đền cho thân nhân Đức Cha Romero 10 triệu Mỹ Kim.

Hai nghi can khác là Đại Tá Roberto D'Aubuisson và một sĩ quan cảnh sát tên là Oscar Perez Linares, người được cho là đã ra lệnh cho Thiếu tá Alvaro Rafael Saravia giết chết Đức Tổng Giám Mục Romero. Tuy nhiên, Đại Tá D'Aubuisson đã qua đời ngày 20 tháng Hai năm 1992, lúc mới 48 tuổi vì bệnh ung thư. Tờ Guardian của Anh, hôm 24 tháng Ba năm 2000, cáo buộc CIA đã giết Linares để phi tang.

Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero đã được tuyên phong Chân Phước tử đạo ngày 23 tháng 5, năm 2015.

10. Đức Thượng Phụ Kirill xin Đức Giáo Hoàng can thiệp ngăn chặn dự luật tôn giáo mới tại Ukraine

Đức Thượng Phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác trên thế giới gây ảnh hưởng để ngăn chặn Quốc Hội Ukraine thông qua một dự luật về tôn giáo. Luật này, nếu được thông qua, sẽ đặt ra ngoài vòng pháp luật tất cả các tôn giáo đang chịu ảnh hưởng bởi một “nhà nước xâm lược”.

Ukraine hiện đang định nghĩa Nga là một nước xâm lược, do đó, Đức Thượng Phụ bày tỏ lo ngại rằng, luật mới này sẽ “đe doạ các quyền hiến định của hàng triệu tín đồ Ukraine.”

Trong tổng số 44,220,000 dân của Ukraine, 65.4% là các tín hữu Chính Thống Giáo; trong đó 25% thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev, 15% thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, số còn lại là các tín hữu Chính Thống Giáo Tự Trị.

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa chia Ukraine thành 53 giáo phận với 12,334 nhà thờ.

Đức Thượng Phụ Kirill cảnh báo rằng luật mới này, nếu được thông qua, có thể dẫn tới “một làn sóng bạo lực và những vụ tranh chấp các nhà thờ ở Ukraine.”

Một số lớn các nhà thờ thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương tại Ukraine đã bị cộng sản tịch thu và giao cho Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa quản lý. Sau khi cộng sản sụp đổ, Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương tại Ukraine đã đòi lại được một số nhà thờ. Tuy nhiên, một số rất lớn các nhà thờ vẫn còn nằm trong tay Giáo Hội Chính Thống Mạc Tư Khoa. Một trong những lý do thực tế dẫn đến thực trạng này là vì cộng sản chủ trương thủ tiêu người Công Giáo. Trong nhiều vùng rộng lớn, người Công Giáo không còn bao nhiêu nên vấn đề đòi lại tài sản không được đặt ra. Theo thống kê vào tháng 11 năm 2016, các tín hữu Công Giáo nghi lễ La Tinh chỉ chiếm 0.8% dân số (353,000 người), các tín hữu Công Giáo nghi lễ Đông phương chiếm 8.2% dân số (3,630,000 người).

11. Ðức Thánh Cha chống kỳ thị và cô lập các bệnh nhân Huntington.

Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu noi gương Chúa Giêsu, phá đổ những bức tường kỳ thị và cô lập các bệnh nhân, đặc biệt là những người bị bệnh Huntington.

Ngài đưa ra lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 18 tháng 5 dành cho 1,500 người tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế các chuyên gia, các thân nhân và bệnh nhân Huntington đến từ nhiều nước trên thế giới.

Huntington là bệnh thoái hóa tiến triển, có tính chất di truyền, nguyên nhân là do tế bào thần kinh trong não bị mất đi. Kết quả có thể là sự chuyển động của bệnh nhân không kiểm soát được, rối loạn cảm xúc và suy sụp tinh thần. Trên thế giới có khoảng 1 triệu người bị bệnh này. Nhiều bệnh nhân buộc lòng phải giấu kín bệnh của mình vì sợ dư luận quần chúng và các thái độ kỳ thị. Bệnh Huntington thường xảy ra trong các gia đình ở Nam Mỹ với mức độ 500 hoặc 1 ngàn lần nhiều hơn so các vùng khác trên thế giới.

Cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh Cha thuộc sáng kiến gọi là “Không giấu kín nữa” - Hidden No More - liên kết những người ủng hộ và đại diện của các bệnh nhân bị Huntington.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Ðức Thánh Cha nhiệt liệt tuyên bố hỗ trợ sáng kiến “không giấu kín nữa” và ngài nói:

“Ðây không phải chỉ là một khẩu hiệu, nhưng là một sự quyết tâm trong đó mọi người phải giữ vai chính. Sức mạnh và xác tín khi chúng ta nói lên những lời này xuất phát từ những điều mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Trong sứ vụ của Ngài, Chúa Giêsu đã gặp bao nhiêu bệnh nhân, đảm trách những đau khổ của họ, Ngài đã phá đổ những bức tường lên án và gạt ra ngoài lề, ngăn cản bao nhiêu bệnh nhân không cho họ cảm thấy được tôn trọng và yêu mến. Ðối với Chúa Giêsu, bệnh tật không bao giờ là chướng ngại cản trở gặp gỡ con người, trái lại là đàng khác. Chúa đã dạy chúng ta rằng nhân vị con người luôn luôn là điều quí giá, luôn có một phẩm giá mà không điều gì và không một ai có thể xóa bỏ, dù là bệnh tật.”

Ðức Thánh Cha đã khích lệ các bác sĩ và nhân viên y tế, những người thiện nguyện chăm sóc các bệnh nhân Huntington, trong số này có các chuyên gia thuộc Bệnh Viện Nhà thoa dịu đau khổ ở miền nam Italia đã được cha thánh Piô thành lập và tặng cho Tòa Thánh.

Ðức Thánh Cha đặc biệt khích lệ các nhà di truyền học và khoa học gia từ lâu nay đã tận tụy nghiên cứu và tìm kiếm phương pháp chữa trị bệnh Huntingon. Ngài nói: “Hy vọng có thể tìm được con đường chữa trị hoàn toàn bệnh này tùy thuộc những cố gắng của anh chị em, cả việc cải tiến điều kiện sống của các anh chị em chúng ta bị bệnh này cũng vậy. Xin Chúa chúc lành cho sự dấn thân của anh chị em.”

12. Sau 60 năm, Cuba có nhà thờ Công Giáo đầu tiên được xây dựng.

Một nhà thờ Công Giáo mới đang được xây dựng tại Cuba, nhờ sự tài trợ của một giáo xứ ở Floria. Ðây là nhà thờ đầu tiên được xây dựng tại quốc gia này sau 60 năm.

Giáo xứ thánh Lôrenxô ở Tampa, Florida đã tặng 95 ngàn đô la để xây nhà thờ ở Sandino, ở miền cực tây Cuba. Cha xứ của giáo xứ thánh Lôrenxô, cha Ramon Hernandez, cho biết cha và các giáo dân vui khi thấy sự quyên góp của họ tài trợ cho dự án này và cha mong đến lễ khánh thành vào đầu năm tới.

Cha Hernandez là một linh mục gốc Cuba. Cha đã từng cử hành Thánh lễ “chui” tại nhà của các gia đình tín hữu. Năm 1980, cha rời Cuba.

Nhà thờ mới sẽ được gọi là giáo xứ Lòng Thương xót ở Sandino và sẽ do cha Cirilo Castro hướng dẫn. Nhà thờ có sức chứa 200 người.

Dự án giúp xây nhà thờ nhen nhóm từ năm 2010 do cha cựu chánh xứ giáo xứ thánh Lôrenxô, người muốn có sự liên kết tinh thần giữa Cuba và Tampa.

Tháng 4 năm 2017, cha Cirilo cho biết là mái của công trình sắp được lợp vào cuối tháng 6 năm 2017. Các ghế ngồi và bàn thờ sẽ được đặt trong những tháng tới để chuẩn bị cho Thánh lễ đầu tiên vào tháng Giêng hay tháng 2 năm 2018.

13. Đức Thánh Cha tiếp kiến 6 tân đại sứ cạnh Tòa Thánh

Sáng 18 tháng 5, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 6 tân đại sứ các nước cạnh Tòa Thánh và ngài kêu gọi loại trừ những nguyên nhân làm đen tối tình hình thế giới hiện nay.

Các vị đại sứ mới đến từ 6 nước là Kazakhstan, Mauritanie, Népal, Niger, Sudan, Trinidad và Togago. Đây là những vị không thường trú ở Roma nên được Đức Thánh Cha tiếp kiến chung.

Trong lời chào mừng các tân đại sứ, Đức Thánh Cha nhận xét rằng tình hình quốc tế hiện nay rất phức tạp và đang trải qua những đám mây dầy đặc, đòi phải ý thức hơn về những thái độ và những hoạt động cần thiết để giảm bớt căng thẳng.

Trong số các nhân tố làm cho các vấn đề trầm trọng hơn, có nền kinh tế tài chánh, thay vì phục vụ con người cụ thể, thì chỉ được bố trí để phục vụ bản thân và tránh sự kiểm soát của công quyền: các chính quyền này tuy có trách nhiệm về công ích, nhưng lại thiếu những đòn bẩy cần thiết để giảm bớt sự tham lam của một thiểu số người.

Đức Thánh Cha cũng tố giác xu hướng dùng võ lực, không phải như phương thế cuối cùng, nhưng như một phương tiện như bất kỳ phương tiện nào khác, sẵn sàng sử dụng mà không thẩm định kỹ lưỡng các hậu quả.

Ngoài ra, còn có nạn cực đoan, lạm dụng tôn giáo để biện minh cho sự khao khát quyền lực, lạm dụng thánh danh Thiên Chúa để đẩy mạnh mưu đồ bá quyền của mình bằng bất kỳ phương tiện nào.

Đức Thánh Cha kêu gọi chống lại những nguy cơ trên đây đối với nền hòa bình thế giới bằng cách kiến tạo một nền kinh tế và tài chánh có trách nhiệm đối với số phận con người và cộng đoàn liên hệ. Con người chứ không phải tiền bạc là mục đích của kinh tế.. . Cần cô lập hóa bất kỳ người nào tìm cách biến sự thuộc về và căn tính tôn giáo thành lý do để oán ghét tất cả những người khác.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng “cần hiệp sức chống lại những kẻ làm hoen ố hình ảnh Thiên Chúa và chứng tỏ rằng ai tôn vinh Danh Thiên Chúa, thì cứu vớt sinh mạng con người chứ không giết hại, mang lại hòa giải và hòa bình chứ không phải tạo nên chia rẽ và chiến tranh, thực hiện lòng thương xót và cảm thương chứ không phải sự dửng dưng và tàn bạo.

14. Trước khi sang gặp Đức Thánh Cha, Tổng thống Donald Trump chính thức đề cử bà Callista Gingrich làm đại sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh

Khi chuẩn bị sang gặp Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã chính thức đề cử bà Callista Gingrich, phu nhân của cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, làm tân đại sứ Mỹ tại Toà Thánh.

Theo hiến pháp Hoa Kỳ, tổng thống có quyền chỉ định nhưng có từ 1,200 đến 1,400 chức vụ cao cấp trong chính quyền phải được Thượng Viện Mỹ xác nhận. Chức vụ đại sứ tại hải ngoại là một trong những chức vụ cần phải được Thượng Viện thông qua.

Tòa Bạch Ốc đã công bố việc đề cử này vào cuối ngày thứ Sáu 19 tháng 5, trong khi ông Trump sửa soạn chuyến tông du nước ngoài đầu tiên của mình. Trong chuyến đi này ông sẽ có cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 24 tháng Năm tại Vatican.

Việc bổ nhiệm bà Gingrich, 51 tuổi, cựu trợ lý của Quốc hội, đã được đồn đại trong nhiều tháng qua. Nếu được xác nhận bởi Thượng viện, bà sẽ thay thế cho Đại sứ Ken Hackett, người đã về hưu vào tháng Giêng. Bà sẽ là phụ nữ thứ ba làm đại sứ Mỹ tại Tòa thánh sau Lindy Boggs, người giữ chức vụ này từ năm 1997 đến 2001 và Mary Ann Glendon, người phục vụ trong 2 năm 2008 và 2009.

Việc bổ nhiệm bà làm tân đại sứ Mỹ tại Toà Thánh được nhiều người ca ngợi. Bà Gingrich là chủ tịch của hãng phim Gingrich Productions, chuyên sản xuất phim tài liệu. Năm 2010, hãng phim này đã thực hiện bộ phim “Nine Days That Changed the World”, nghĩa là “Chín Ngày Thay Đổi Thế Giới”, nói về chuyến hành hương kéo dài 9 ngày của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Ba Lan vào năm 1979 và chuyến tông du này đã đóng góp vào sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Âu như thế nào. Bà Gingrich là một người nổi tiếng hát hay và là ca viên lâu năm của dàn hợp xướng tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Washington.

Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói chỉ trích không kém phần ác liệt. Bà Gingrich đã từng thừa nhận có quan hệ tình cảm với ông Newt Gingrich trong nhiều năm liền trong khi ông ta đang sống với người vợ thứ hai. Sau khi ông ly dị vào năm 1999, hai người kết hôn một năm sau đó. Ông Newt Gingrich sau đó trở thành người Công Giáo vào năm 2009 và hai cuộc hôn nhân đầu đã được tiêu hôn hợp lệ.

15. Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Anh hoan nghênh quyết tâm của Đảng Bảo thủ Anh xóa bỏ bất công đối với hệ thống giáo dục Công Giáo

Tại Anh, một trong những bất công đối với hệ thống giáo dục Công Giáo kéo dài hàng mấy trăm năm qua là việc các trường Công Giáo chỉ được phép nhận tối đa là 50% học sinh Công Giáo. 50% học sinh còn lại thuộc về các tôn giáo khác.

Con số các trường Công Giáo từ mẫu giáo đến Đại Học của Giáo Hội ở Anh và xứ Wales vào năm 2000 là 2,230 trường. Con số này vẫn cứ là 2,230 trường vào năm 2017. Không một trường học nào được xây dựng thêm. Các trường Công Giáo được xem là nơi đào tạo đức tin cho thế hệ trẻ. Cho nên, chủ trương của các trường Công Giáo là ưu tiên cho các học sinh Công Giáo. Chủ trương này khó lòng thực hiện được vì luật 50% này. Trong thực tế, không một giáo xứ nào thiết tha với việc xây dựng trường học mà chỉ có thể sử dụng được tối đa 50%.

Tháng Chín vừa qua, Đảng Bảo Thủ của bà Theresa Mary May hứa hẹn sẽ bãi bỏ luật 50% này. Nay thì họ thực hiện cam kết đó với điều kiện là các trường Công Giáo phải mở rộng cửa cho các học sinh thuộc các niềm tin khác ở một mức độ hợp lý theo tình hình cụ thể tại địa phương.

Ủy ban Giáo dục Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Anh hoan nghênh diễn biến tích cực này.
 
Thánh Ca
Lời Mẹ Nhắn Nhủ - Trình bày: Đình Trinh
Br. Đạt Phùng
10:53 24/05/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây