Ngày 22-05-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mầu nhiệm ẩn khuất
LM. Nguyễn Ngọc Long
09:59 22/05/2008
Mầu nhiệm ẩn khuất

Từ ngày xưng tội rước lễ lần đầu chúng ta hầu như hằng ngày, hay hằng tuần đón nhận Tấm Bánh Thánh Thể Chúa Giêsu.

Tấm bánh đó không làm cho no đủ đầy bao tử, nhưng cho tâm hồn đức tin được no thỏa.

Tấm Bánh đó cũng không làm tăng sức lực cho bắp thịt gân cốt, nhưng mang đến hiệu qủa sức mạnh tinh thần thêm an tâm vững chí.

Tấm Bánh đó cũng không hóa giải mọi lo âu trong cuộc sống cơm áo hằng ngày trong đời sống, nhưng mang đến niềm an ủi cho tâm hồn trong những khi gặp lo âu sầu khổ trong đời làm người.

Vậy có thể dùng hình ảnh gì diễn tả mầu nhiệm sự ẩn chứa trong Tấm Bánh Thánh Thể Chúa Giêsu?

Có thể dùng nhiều hình ảnh, những ví dụ khác nhau trong thiên nhiên làm việc này. Nhưng hình ảnh bông hoa hồng có lẽ gần gũi, cùng cụ thể sống động hơn cho việc diễn tả mầu nhiệm này. Vì đâu đâu cũng có hoa hồng: một biểu hiểu nói về tình yêu.

Chúa Giêsu, khi cầm tấm bánh biến thành thân xác mình như lương thực của ăn để lại cho những người tin theo Chúa, muốn trối lại tình yêu của Người cụ thể trong tấm bánh Thánh Thể, trước khi hy sinh chịu khổ hình chết trên thánh gía. Ngài đã hy sinh vì tình yêu cho con người.

Cây hoa hồng nào cũng có gai nhọn, không ý tứ đụng chạm vào nó có thể bị thương chảy máu nơi tay hay chân. Với tình yêu cũng thế, đẹp, nhưng cũng dễ bị gây thương tổn, bị làm cho thất vọng. Chúa Giêsu đã chứng tỏ tình yêu của Người bằng gía máu hy sinh chịu chết.

Cánh hoa hồng nào cũng có chiếc năm lá bao bọc xung quanh. Mầu xanh lá cây là mầu biểu hiệu của niềm hy vọng. Chúng ta, vì thế luôn có niềm hy vọng: tình yêu mạnh hơn sự đau khổ, hơn sự cay đắng thất vọng. Một nụ cười thân yêu, một lời nói thân thiện tình người, lời khuyến khích cổ vũ tinh thần mang đến cho nhau sự phấn khởi mới vươn lên.

Từ cánh hoa hồng phát tỏa hương thơm dịu mát tỏa lan trong một không gian. Tấm bánh Thánh Thể Chúa Giêsu chiếu tỏa hương niềm an ủi cho không gian tâm hồn đức tin người đón nhận.

Một vị Thừa Sai bên Ấn độ hỏi Thánh Gandhi, làm thế nào để truyền giáo có hiệu qủa tốt. Thánh Gandhi trả lời: „ Các bạn hãy nghĩ đến mầu nhiệm bí ẩn của cánh hoa hồng. Tất cả mọi người yêu thích hoa hồng, bởi vì hoa hồng tỏa hương thơm dịu mát. Cũng thế, các Bạn hãy nỗ lực chiếu tỏa hương thơm của mình ra đi!“

Bên dưới mỗi cánh hoa hồng có năm cánh lá bao bọc kết lại như hình một chiếc chén hứng đựng những cánh hoa. Năm cánh lá này nâng đỡ hoa hồng từ khi bông hoa nhú nở cho tới khi hoa tàn úa khô héo, dù trời nắng hay mưa hay gía lạnh tuyết rơi. Hình ảnh này nói lên sự trung thành. Nơi con người chúng ta, một tình yêu chân thành luôn gắn bó với nhau, cho dù có phải trải qua sóng gío khó khăn, khủng hoảng.

Thiên Chúa hằng trung thành với con người cùng yêu mến họ, cho dù con người có khi quên Ngài, hay quay lưng lại với Ngài.

Khi cánh hoa tàn héo, không còn tươi nở, cũng không phải lúc là hết chấm dứt đâu. Trái lại, hạt giống hoa rơi xuống khỏi cánh hoa. Từ hạt giống đó nẩy sinh sức sống mới.

Sự chết, ai cũng hãi hùng lo sợ, nhưng không phải là hết, là tiếng nói sau cùng. Trong Tấm Bánh Thánh Thể Chúa Giêsu chúng ta tiếp nhận có sức sống tình yêu của Ngài. Sức sống ơn tha thứ củng cố tâm hồn đức tin. Sức sống đó tựa như hạt mầm cho sự sống mới nảy sinh.

Trong “Chuyện cậu hoàng tử nhỏ “ kể lại: khi Cậu Hòang tử trở lại gặp chú chó Sói, cậu ta nói với chó Sói: Đơn giản thôi. Đây là điều bí ẩn của tôi. Người ta chỉ có thể nhìn bằng trái tim tâm hồn tốt rõ ràng hơn, những gì căn bản thâm sâu ẩn khuất với đôi con mắt thường!“

Cũng vậy với mầu nhiệm Tấm Bánh Thánh Thể Chúa Giêsu: Trí khôn hiểu biết con người chúng ta không bao giờ hiểu thấu đáo tình yêu Chúa đã trở nên thật bé nhỏ thu gọn trong một tấm bánh to bằng đồng tiếc cắc hay to như đầu ngòn tay cái của ta. Không kính hiển vi nào có thể phóng to nhìn phân tích được tình yêu Chúa Giêsu ẩn chứa trong tấm bánh đó.

Điều căn bản thâm sâu ẩn khuất với con mắt thường của con người, chúng ta nhìn quan sát bằng con mắt trái tim tâm hồn niềm tin Tấm bánh Thánh Thể. Và từ đó có ý niệm về tình yêu Thiên Chúa.

„Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.“ ( Thánh Tomasô, bài Tantum ergo.).

Lễ Mình Máu Thánh Chúa 2008.
 
Để thực sự là sống
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
18:07 22/05/2008
Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô năm

ĐỂ THỰC SỰ LÀ SỐNG

“ Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” ( Ga 6, 53 ). Khi Chúa Giêsu đã dùng kiểu nói trịnh trọng theo văn phong thời bấy giờ “ thật, Tôi bảo thật.. ( Amen…Amen…)” thì không chỉ nói lên tầm quan trọng của nội dung lời tuyên bố mà còn nói lên tính tất yếu và thiết yếu của chân lý đối với thính giả bấy giờ và nhân loại mọi thời. Căn cứ vào những lời Chúa Giêsu tuyên phán ở trên, chúng ta thử hỏi rằng những thính giả lúc bấy giờ, thực sự có sự sống nơi họ không. Hay nói cách khác, cần phải đặt vấn đề: sống là gì ?

SỐNG LÀ GÌ ?

Một câu hỏi không dễ trả lời. Câu trả lời khá phổ thông: sống là động. Trạng thái động đối lập với trạng thái tỉnh ( bất động ). Trạng thái này có thể là di động, chuyển động, cử động hay hành động. Nếu mô tả tình trạng sống là trạng thái động, thì vừa thái quá lại vừa bất cập. Các khoáng sản như đất đá hay lớn hơn như quả địa cầu, các tinh tú…chúng hằng di động và đang chuyển động. Vậy chúng đang sống ư ? Với sinh vật bậc cao là con người, nếu ở trong tình trạng hôn mê, không còn hành động cũng chẳng cử động thì đã chết chưa ?

Dưới cái nhìn sinh hóa thì sống là một quá trình tổng hợp và trao đổi các hợp chất hữu cơ. Các học giả trình bày khái niệm: sống là tồn tại có trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có sinh đẻ, lớn lên và chết. Một số triết gia vừa thực tế vừa phũ phàng cho ta thấy sống là một quá trình tích lũy năng lực: sức khỏe, tiền bạc, địa vị…để tiến dần về nấm mộ ( cái chết ).

Quả thật nếu quan niệm sống như là một tình trạng đối lập với chết thì cuộc sống của con người trên bình diện thể lý tự nhiên đúng là nghịch lý và phi lý. Và rồi người ta dễ dàng đồng quan niệm với anh em Phật tử rằng cuộc sống ( đời ) là bể khổ với cái vòng lẫn quẩn thành - trụ - hoại – không; sinh - lão - bệnh - tử.

Dưới nhãn quan Kitô giáo theo ánh sáng Lời mạc khải thì sống là một trạng thái, đúng hơn là một động thái ở cùng, ở với và ở trong Đấng là nguồn sống, là Đấng Sáng tạo, là căn nguyên và cùng đích của mọi hiện hữu, đặc biệt của loài người. Con người khi tự ý cắt lìa, xa rời Thiên Chúa là đi vào cõi chết hay là đã chết, cho dù cơ thể còn sinh động, còn tổng hợp các chất hữu cơ…

Sách Sáng Thế ký diễn tả chân lý này khi cho thấy loài bụi đất chỉ thực sự là sống khi được Giavê thổi sinh khí vào ( x. St 2,7 ). Đến đây chúng ta mới hiểu được ý nghĩa lời Chúa trong sách Đệ Nhị Luật khi Giavê thử thách dân Người trong hoang mạc, khi để họ phải chịu đói cùng cực rồi ban Manna từ trời nuôi sống họ để họ ý thức, đúng hơn là đẻ họ tin nhận rằng: “người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” ( Đnl 8,3 ).

“ Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống” ( Ga 6,51 ). Một lời tuyên bố công khai gây nhiều tranh cãi cho thính giả bấy giờ. Quả là chối tai ! Nhưng đó là sự thật, một sự thật nền tảng và thiết yếu cho con người đến nỗi Chúa Giêsu trình bày một cách thẳng thừng tới mức “sống sượng”, không chút rào đón xa gần. Người còn tái khẳng định chân lý ấy ở dạng thức đối nghịch: “ Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” ( Ga 6,53 ). Chúng ta nhận ra tính tất yếu và khẩn thiết của chân lý này qua thái độ của Chúa Kitô là sẵn sàng chấp nhận người ta, kể cả các môn đệ rời bỏ Người, ngoại trừ nhóm Mười hai ( x.Ga 6,60-71 ).

ĐỂ THỰC SỰ LÀ SỐNG CẦN PHẢI ĐÓN NHẬN NGUỒN SỐNG TỪ THIÊN CHÚA VÀ HÀNH XỬ THEO SỰ SỐNG THIÊN LINH.

Thiên Chúa có thể ban cho nhân loại sự sống của Người dưới nhiều dạng thức khác nhau. Mình Máu Chúa Kitô chính là một trong những phương thế đặc biệt Chúa ban sự sống của Người cho nhân loại chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta dễ dàng tin nhận chân lý này hơn người Do Thái xưa, vì chúng ta tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là chúng ta có biết sống, cư xử, hành động theo nguyên lý hoạt động của sự sống Thiên Chúa không.

Sự sống của Thiên Chúa chính là tình yêu giữa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tình yêu ấy được tỏ bày qua dòng lich sử, qua lịch sử ơn cứu độ và được tỏ bày cách trọn vẹn, hoàn hảo cho nhân loại nơi Đức Kitô, Ngôi Hai nhập thể làm người. Dựa vào lời mạc khải và qua lời dạy của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng ta cùng xem xét một vài sắc thái của tình yêu Thiên Chúa:

Một tình yêu thể hiện qua tình bạn ( Filia ): Ngay từ thưở đầu công trình sáng tạo, Giavê đã ngày ngày dạo chơi với con người và con người ở trước nhan Giavê cách thân tình như bạn hữu. Sau khi phạm tội thì con người mới lánh mặt Giavê (x. St 3,8 ). Khi đã biết đến giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Cha, Chúa Giêsu đã tỏ bày cho các môn đệ: “ Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy đã gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” ( Ga 15,15 ).

Đã là bạn hữu chân thành thì luôn tín nhiệm nhau. Sự tín nhiệm được thể hiện không chỉ qua việc tỏ bày cho nhau cả những sự sâu kín của mình mà còn sẵn sàng trao phó trách nhiệm, cả trong những việc lớn lao, cao cả lẫn hệ trọng. “ Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy bá chủ cá biển, chim trời…” St 1,28 ). Ngay từ đầu Giavê đã trao phó nhiệm vụ làm chủ vũ trụ thiên nhiên cho con người. Đến thời viên mãn Chúa Kitô lại trao phó việc rao giảng Tin Mừng cứu độ cho các môn đệ ( x. Mt 28,16-20 ).

Một tình yêu thể hiện qua việc đón nhận và trao ban ( Eros và Agapê ): Khi tạo dựng con người Giavê Thiên Chúa đã sáng tạo loài tạo vật hữu hình cao cả nhất là loài người giống hình ảnh và họa ảnh của mình ( x. St 1,26-27 ). Có thể nói đây là một sự đón nhận toàn vẹn. Xem ai như chính mình là một sự đón nhận hết cả tấm lòng. Trên thập giá, đôi tay của Chúa Kitô giang ra, Trái Tim cực thánh của Người mở tung, là hành vi tình yêu đón nhận cách hoàn hảo và trọn vẹn. Người đón nhận cả những lời hoan hô Người khi Người vào thành thành Giêrusalem lẫn cả những lời nhục mạ khinh khi của nhiều người Do Thái bấy giờ. Người đón nhận lời tuyên tín của Phêrô thay mặt nhóm Mười Hai: “ Bỏ Thầy chúng con biết theo ai…” ( Ga 6,68 ) và đón nhận cả sự phản bội, sự hèn nhát của các ngài khi bỏ Thầy chạy cứu lấy thân mình. Người đón nhận nhiều vị lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ vốn ghen tức tìm mọi cách loại trừ Người và đón nhận cả sự mê lầm của họ ( x. Lc 23,34 ).

Khi đón nhận con người như là hình ảnh của mình, Giavê Thiên Chúa đã trao ban chính công trình sáng tạo của mình, một công trình như mới khởi đầu. Và Chúa Kitô khi đón nhận các môn sinh làm bạn hữu thì Người đã trao ban công trình cứu độ mà Người vừa khai mở. Khi đón nhận bản tính nhân loại vào Ngôi vị Thiên Chúa thì Ngôi Hai đã thực sự trao ban chức vị làm con Thiên Chúa cùng với gia sản thừa kế cho loài người.

Chính khi đón nhận là lúc trao ban. Chính lúc trao ban là lúc đón nhận. Cả hai động thái trao ban và đón nhận luôn quyện lẫn vào nhau trong một tình yêu đích thực. Và tình yêu ấy bắt nguồn từ Đấng là Tình Yêu ( x.1Ga 4,8 ). Hôm nay chúng ta cùng tôn thờ mầu nhiệm Chúa Kitô trao ban cho chúng ta chính Máu Thịt của Người qua Bí Tích Thánh Thể. Hiện diện trong Thánh Thể là trọn vẹn Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa với thiên tình và nhân tính của Người. Trao ban cho ta Thân Mình Người là Chúa Kitô đón nhận chúng ta nên một với Người. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định chân lý này: “ Thưa anh em, khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Chúa Kitô ư ? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao ?” ( 1 Cor 10,16 ).

Được dự phần vào Mình và Máu Thánh Chúa Kitô là để được sống. Và sự sống đích thực này phải được thể hiện bằng tình yêu. Đó là tình yêu sẵn sàng đón nhận tha nhân, cả ưu điểm lẫn khuyết điểm, cả mặt nổi trội lẫn khía cạnh hạn chế… Đó là tình yêu sẵn sàng trao ban những gì tốt nhất, đẹp nhất của ta cho tha nhân và trao ban cả con người của ta, sự sống của ta. Và đó phải là tình yêu luôn tìm cách nâng nhau lên hàng bạn hữu. Nếu như được vậy, thì một điều chắc chắn là chúng ta đang sống thực sự và thực sự đang sống cách dồi dào.
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
18:10 22/05/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (36)

351. Thái độ vô cùng quyết liệt của Chúa Giêsu khi mặc khải Mầu Nhiệm Thánh Thể

Sau bài giảng về Phép Thánh Thể, mặc dầu biết toàn thể dân chúng đang xầm xì phản đối, cho là điều chói tai, không thể nào chấp nhận được, Chúa Giêsu vẫn cương quyết tiếp tục khẳng định điều mầu nhiệm nầy. Ngài không rút lui lời Ngài vừa tuyên bố về Mầu Nhiệm Thánh Thể, trái lại, còn nhấn mạnh rõ thêm về Mầu Nhiệm nầy.

Sau khi dân chúng bỏ Ngài mà đi hết, Chúa Giêsu không mất tinh thần. Đứng trước 12 môn đệ còn lại, chưa bỏ đi theo dân chúng, Chúa Giêsu bắt họ chọn lựa dứt khoát: một là không tin vào Mầu Nhiệm Thánh Thể mà Ngài vừa mặc khải, thì hãy bỏ Ngài mà đi theo dân chúng, hai là muốn ở lại với Ngài thì phải tin vào Mầu Nhiệm Thánh Thể. Lúc đó, được Chúa Thánh Thần soi sáng, Phêrô nói lời thay mặt Nhóm Mười Hai: “Bò Thầy, chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng: Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).

352. Gương một nữ tu sống đời Thánh Thể

Mẹ bề trên Gertrude chú trọng tất cả đời sống bên trong của mình vào Chúa Giêsu Thánh Thể. Bà viết:

- “Bây giờ, tôi sống đời Thánh Thể, một đời sống thật sống động, do Chúa Giêsu luôn luôn làm cho tôi trở nên trọn lành, còn tôi thì hoàn toàn kết chặt với Ngài, biến tan tronầiNgì bằng tình yêu… như thế là tôi luôn sống trong sự cầu nguyện, luôn sống trước mặt Chúa. Đạt đến đời sống nầy cũng khá dễ dàng. Đó chính là sự thánh thiện.”.

353. Tìm cách gặp Chúa Giêsu Thánh Thể hai mươi lần

Một chị kia sống đời tội lỗi nhưng sau đó, trở lại và đi tu.

Mỗi ngày, chị tìm cách gặp Chúa Giêsu Thánh Thể hai mươi lần.

Khi tay chân nhớp, khi đang mắc làm việc, chị kính trọng Chúa Giêsu, không dám vào nhà thờ, nhưng chỉ nhìn qua ổ khoá và nói: “Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa rõ ràng, con yêu mến Chúa!”

354. Chúa Giêsu Thánh Thể làm cho đời sống tông đồ của ta đắc lực

Các linh mục và các tu sĩ già yếu, về hưu, không hoạt động gì được, nhưng các vị chầu Mình Thánh Chúa, sống trước Mình Thánh Chúa. Ai dám bảo những năm âm thầm bên cạnh Chúa Giêsu Thánh Thể nầy lại có ít kết quả hơn những năm các ngài hoạt động bên ngoài?

Một linh mục quản xứ trẻ kia điều khiển ba giáo xứ, mà giáo xứ nào cũng khô đạo, không đếm xỉa gì đến những lời cha sở giảng dạy.

Trong nhà thờ vắng lặng, một mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, vị linh mục quản xứ trẻ nầy đọc tất cả những giờ của Kinh Nhật Tụng. Ngài nói: “Đây là những giây phút đẹp nhất trong ngày của đời tôi.”

355. Người yêu của họ, chính là Chúa Giêsu Thánh Thể

Khi trái tim ta yêu ai, thì lòng ta luôn nghỉ đến người đó, trí ta luôn nhớ đến người đó. Bà thánh Têrêxa Avila nhận xét: “Kẻ nào yêu thật thì nơi nào cũng yêu và người yêu của họ, họ luôn luôn nhớ trước mặt.”

Người yêu của các linh hồn đạo đức, chính là Chúa Giêsu Thánh Thể.

Bà thánh Catarina Siêna luôn rạng rỡ và vui vẻ giống như một vị hôn thê hạnh phúc.Khi thì bà cầu nguyện, khi thì bà ca hát. Trong quả tim và trên môi miệng mình, bà chỉ có Chúa Giêsu. Khi đi đường, bà tin rằng bà đang đi bên cạnh Chúa Giêsu. Đôi mắt bà chỉ tìm Chúa Giêsu. Bà chỉ để ý đến những gì có thể đưa bà đến với Chúa Giêsu mà thôi.

Thật đúng như lời Sách Gương Phước dạy: “Sống và chết, bạn hãy luôn ở gần Chúa Giêsu.”

356. Các thánh đều tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể

Những lúc được ở bên Chúa Giêsu Thánh Thể, các thánh cho là quá ít, quá ngắn ngủi.

Các ngài đến với Chúa Giêsu để thờ phượng, chúc tụng, cầu nguyện như Mađalêna ngồi dưới chân Chúa, nhìn ngắm Chúa vô tận, yêu mến Chúa vô vàn.

Vua thánh Wenceslas viếng Chúa Giêsu Thánh Thể vào ban đêm.

Thánh Louis Gonzague cầu nguyện hằng giờ trước Thánh Thể.

Thánh Foulcauld, trong vùng sâu hút của sa mạc Sahara, thức những đêm dài để thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể.

Thánh Gérard Majella, vì luật nhà dòng nên phải thôi chầu Chúa Giêsu Thánh Thể, vì thế, khi ra về, cứ ngoái lui nhìn Nhà Tạm.

Nữ tu Marie Eustelle, biệt danh “Thiên Thần của Phép Thánh Thể”, lúc nào rãnh được đôi chút thì đi viếng Chúa Giêsu Thánh Thể.

Nữ tu Aimée de Jésus, thuộc Dòng Kín Paris, thổ lộ: “Khi nào có thể được, tôi đều làm các việc thiêng liêng trước Mình Thánh Chúa.”

Khi còn là sinh viên, đi gặp nhà thờ nào, Đức Hồng Y Bellarmin cũng vào viếng Chúa Giêsu Thánh Thể. Hỏi thì ngài đáp: “Đi ngang qua nhà Bạn Hữu mà không vào chào hỏi sao?”

357. Trong số hai trăm ngàn em mồ côi, có sáu trăm em làm linh mục

Thánh Bosco, trong thế kỷ thứ mười chín, điều khiển hai trăm ngàn em mồ côi. Phương pháp giáo dục quan trọng nhất của ngài là đem các em đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài luôn luôn thúc giục các em lên rước Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhờ vậy, ngài đã làm cho các em trở thành những người đạo đức chẵc chắn.

Trong số hai trăm ngàn em mồ côi nầy, do thánh Bosco giáo dục, có sáu trăm em sau nầy trở thành linh mục.

358. Cần thiết của sự Rước Chúa Giêsu Thánh Thể

Thánh Bônaventura khuyến khích:

- “Anh em rước lễ khô khan sao? Anh em hãy cứ rước lễ mà tin tưởng ở lòng thương xót của Chúa. Càng đau yếu, càng cần thầy thuốc.”

Thánh Phanxicô Salêsiô cũng thúc giục:

- “Có hai hạng người phải năng rước lễ: hạng trọn lành và hạng không trọn lành. Hạng trọn lành thì để giữ đức trọn lành, hạng không trọn lành thì để tiến đến bậc trọn lành, chỉ buộc một điều là hết lòng mong ước tiến tới trên đường kính mến Chúa.”

Tại một nhà thờ ở Tôrinô, Italia, sớm mai nào cũng có một ông đi dự lễ.

Ông là một người thợ. Ông đến dự lễ và rước lễ trước khi đi làm.

- “Nếu tôi không đi rước Chúa - lời ông nói – thì tôi cứ say rượu hoài. Đó là tính xấu tôi mắc từ lâu. Nó làm cho tôi tàn rụi sức khoẻ, sạch hết tiền của và gia đình bất hoà. Cách đây sáu tháng, tôi nghe một linh mục giảng rằng muốn từ bỏ tính xấu, phải năng đi rước Chúa. Tôi đã thực hành điều đó và giờ đây, tôi đã thấy mình khác hẳn. Lòng tôi được bằng an và gia đình tôi hiện nay là một gia đình nhỏ. Tôi đã kinh nghiệm rồi: nếu hôm qua tôi không hứa mai nay đi rước Chúa thì chắc chắn hôm nay, tôi sẽ say sưa lại. Và nếu hôm nay, tôi không quyết ngày mai đi rước Chúa lại, thì chiều nay, chắc chắn tôi sẽ lại say sưa.”

359. Giá trị vô song của sự Rước Chúa Giêsu Thánh Thể

Công Đồng Triđentinô dạy: “Rước lễ là một phương thế rất hiệu nghiệm để chữa ta khỏi các tội nhẹ, và giữ ta khỏi phạm tội trọng.”

Thánh Vixentê Ferrier nói: “Một lần rước lễ thì ích lợi cho linh hồn hơn một tuần lễ ăn chay chỉ bằng cơm với nước lã.”

360. Chúa Giêsu có thật trong Phép Thánh Thể

Một mục sư kia có một con gái nhỏ.

Thấy Nhà Thờ Tin Lành của mình chỉ có ngày Chúa Nhật là có kẻ đến nghe giảng, còn bên Nhà Thờ Công Giáo thì ngày nào cũng có người đến, nên thiếu nữ nầy lấy làm lạ. Cô hỏi cha thì mục sự cứ nói lảng đi chuyện khác, hoặc chỉ trả lời cho qua chuyện mà thôi.

Chiều ngày Chúa Nhựt nọ, hai cha con đi dạo ngang qua một nhà thờ công giáo đang có buổi Chầu Phép lành. Đứa con gái níu tay cha lại:

- “Cha, vào xem họ đang làm gì?”

Mục sự không bằng lòng, cứ tiếp tục đi. Nhưng cô gái cứ nói to lên:

- “Cha, vào xem họ đang làm gì?”

Sau cùng, mục sự cực chẳng đã phải đem con vào nhà thờ.

Vào nhà thờ, cô gái cứ hỏi cha mãi:

- “Cha, cái gì trắng ở giữa cái hộp vàng mà họ đang lạy kia?”

Mục sư miễn cưỡng trả lời:

- “Họ cho đó là Chúa Giêsu. Xác Chúa Giêsu thật đang ở đó. Nhưng không phải vậy đâu, con ạ.”

Trên đường về, cô gái vẫn luôn thắc mắc:

- “Có phải thật vậy không cha? Chúa không có thật ở trong ấy sao?”

Và ở trong nhà, cô con gái, mỗi lần gặp cha mình, cứ đưa ra câu hỏi thắc mắc đó mãi.

Mục sư thấy lòng mình khó chịu, nữa chắc, nữa không.

Ông nghiên cứu lại sâu xa Phúc Âm và ông đã hiểu rõ: Chúa Giêsu có thật trong Phép Thánh Thể vì những lời trong Phúc Âm nói về Phép Thánh Thể thì quá rõ ràng, không thể nào chối cãi được.
 
Bí tích Thánh Thể: Nguồn Mạch và Tột Đỉnh của Đời Sống Kitô hữu
Phaolô Phạm Xuân Khôi
18:13 22/05/2008
Bí tích Thánh Thể: Nguồn Mạch và Tột Đỉnh của Đời Sống Kitô hữu

Thánh Công Đồng Vaticanô II gọi “Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (Lumen Gentium, #11, GLCG #1324), nhưng phải đau lòng mà hỏi có bao nhiêu linh mục và tín hữu thật sự nhận ra vai trò này của Bí Tích Thánh Thể trong khi cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể và sống Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày trong đời mình?

Nếu tất cả các linh mục đều xác tín điều này và cử hành Thánh Lễ với một niềm tin vững chắc vào Đức Kitô Phục Sinh ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể, cùng sống cuộc đời mình như một Thánh Lễ nối dài thì đã không có những gương mù, gương xấu, đã không có những linh mục coi tiền tài danh vọng, ngay cả xác thịt, cao trọng hơn sứ vụ chính của mình là rao giảng Lời Chúa và ban phát các Bí Tích cùng ân sủng cho giáo dân qua chính đời sống đức tin và kết hợp với Đức Kitô Thánh Thể của mình.

Nếu các tín hữu thật sự hiểu được điều này thì họ đã không đi Lễ trễ và ra về sớm, họ đã không coi việc tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật là một nhiệm vụ thay vì là một hồng ân, họ đã không than phiền là Thánh Lễ quá dài…, và nhất là họ đã cố gắng thay đổi để mỗi ngày một nên giống Chúa Giêsu nhiều hơn.

Mục đích của bài này là tóm tắt những giáo huấn của Hội Thánh về tầm mức quan trọng của Bí Tích Thánh Thể trong đời sống Kitô hữu.

Xem Lễ, Dự Lễ hay Dâng Lễ?

Hầu hết người Công Giáo Việt Nam chúng ta “đi Lễ” ngày Chúa Nhật chỉ vì nhiệm vụ bắt buộc hay vì thói quen, hoặc vì sợ phạm tội trọng nếu mất Lễ. Họ đi “xem Lễ” như đi xem “xi-nê”, mà chưa chắc đã mê “xem Lễ” bằng xem “phim chưởng.” Nhiều lắm là họ đi “dự Lễ” cách thụ động như đi “dự tiệc cưới.” Chỉ có một số ít người hiểu rằng mình đi “dâng Lễ” cùng với Đức Kitô. Sở dĩ có tình trạng này vì:

1) Nhiều giáo dân, nhất là người lớn, không được đào luyện kỹ càng về Giáo Lý và sống Đức Tin.

2) Rất ít người hiểu rằng Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu (ĐTC Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, #1), là quà tặng của Đức Chúa Cha (Ga 13:1) và của chính Đức Giêsu Kitô tự hiến chính Mình Người mà dâng lên Đức Chúa Cha để mang ơn cứu độ đến cho chúng ta.

3) Những lạm dụng trong việc cử hành phụng vụ,và thái độ thiếu cung kính của một số Linh Mục khi cử hành Thánh Lễ, làm cho nhiều tín hữu nghi ngờ sự hiện diện thật của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể.

Hội Thánh dạy rằng Bí Tích Thánh Thể là trọng tâm và cùng đích của các Bí Tích Khác. Bí Tích Thánh Thể thật sự là nguồn mạch ân sủng cho mọi tín hữu và là tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, vì trong Bí Tích Thánh Thể chúng ta gặp chính Đức Kitô, là Thiên Chúa, là Tình Yêu, và là nguồn mạch mọi ân phúc. Bí Tích Thánh Thể ban cho chúng ta ân sủng để sống đời Kitô hữu giữa trăm ngàn khó khăn và cám dỗ.

“Nguồn mạch và tột đỉnh” có nghĩa là gì?

Khi nói rằng Bí Tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh” của đời sống Kitô hữu có nghĩa là toàn thể đời sống tâm linh của Kitô hữu được bắt nguồn từ Bí Tích Thánh Thể. Đồng thời đời sống Kitô hữu chỉ đạt được mục đích nơi Bí Tích Thánh Thể, vì mục đích của đời sống Kitô hữu là trở nên giống Đ1ưc Kitô mỗi ngày một hơn. Không có gì quan trọng và cần thiết hơn để giúp người tín hữu đạt được mục đích này là kết hợp mật thiết với Đức Kitô Thánh Thể và sống Thánh Thể trong đời sống hằng ngày. Như thế là Bí Tích Thánh Thể là điểm quy chiếu của tất cả mọi tư tưởng và hành động của người Kitô hữu.

Đời sống tâm linh của chúng ta phải là con đường hai chiều. Con đường này bắt đầu từ Bí Tích Thánh Thể. Nó dẫn đưa chúng ta từ Bí Tích Thánh Thể vào đời sống thường nhật, rồi lại đưa chúng ta trở về với Thiên Chúa trong Bí Tích Thánh Thể sau khi chúng ta đã đi một quãng đường đời.

Bí Tích Thánh Thể vừa là “nguồn mạch” vừa là “tột đỉnh” của đời sống Kitô hữu vì chính Đức Kitô hiện diện thật nơi Bí Tích Thánh Thể để đem Thiên Chúa và con người lại với nhau trong một cuộc trao đổi yêu thương, có giá trí cứu độ, một liên hệ hai chiều, vừa cho đi vừa nhận lại.

Hai diện của Bí Tích Thánh Thể, vừa là “nguồn mạch”, vừa là “tột đỉnh” của đời sống Kitô hữu tỏ lộ cho chúng ta thấy rằng Bí Tích Thánh Thể đưa con người lại gần Thiên Chúa như thế nào trong một cuộc đối thoại có giá trị cứu độ. Vỉ Bí Tích Thánh Thể chính là Đức Kitô, Người kết hợp với Thiên Chúa Cha vì Người là Thiên Chúa, đồng thời kết hợp với chúng ta vì Người là người thật, con Đức Mẹ Maria. Đức Kitô trở thành nhịp cầu thông cảm giữa Thiên Chúa và chúng ta. Người là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (x. 1 Tim 2:5; GLCG #480, 618). Người hoà giải chúng ta với Chúa Cha, và cho chúng ta được phép thành nghĩa tử của Ngài. Khi tiếp nhận Đức Kitô Thánh Thể cách xứng đáng, chúng ta cũng trở thành một phần của nhịp cầu này, được làm anh em với Đức Kitô, và được gọi Đức Chúa Cha là “Cha ơ!” (Rom 8:15). Chính nhịp cầu thông cảm ấy đã đưa con người lại gần Thiên Chúa Tình Yêu, để rồi hai trái tim cùng chung một nhịp đập. Liên hệ giữa Thiên Chúa và con người trở thành một liên hệ hỗ tương giữa Cha và con, vừa lãnh nhận từ Cha, vừa dâng lại cho Cha. Chúng ta đón nhận Bí Tích Thánh Thể như một hồng ân Chúa Cha ban cho, là Chính Ngài trong Đức Kitô, và kết hợp với Đức Kitô, là Lễ Vật Cực Trọng trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta dâng lại cho Đức Chúa Cha chính mình và tất cả mọi sự của chúng ta, linh hồn, thân xác, tư tưởng, lời nói, việc làm và cả đời sống, như một của lễ sống động, đẹp lòng Ngài. Không những thế, trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng kết hợp với toàn thể Hội Thánh, là Nhiệm Thể Đức Kitô. Để rồi nhờ hồng ân Bí Tích Thánh Thể, chúng ta thương yêu tha nhân như chính mình vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa.

Là “nguồn mạch” của đời sống Kitô hữu, Bí Tích Thánh Thể giúp chúng ta nhận ra rằng mình được cứu độ trước hết nhờ hồng ân Thiên Chúa chứ không phải nhờ sức riêng mình. Thiên Chúa đã ban Chính Ngài cho chúng ta trong Đức Kitô trước. Đồng thời vì là “tột đỉnh” của đời sống Kitô hữu, Bí Tích Thánh Thể là Của Lễ Cao Trọng, đầy ân sủng, mà qua đó con người có thể dâng mình lại cho Thiên Chúa qua Đức Kitô, Vị Thượng Tế cao cả, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Như thế Bí Tích Thánh Thể là sự kết hợp mật thiết nhất giữa Thiên Chúa và chúng ta.

Sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể đem lại ân sủng giúp chúng ta sống ba nhân đức đối thần là Tin, Cậy, Mến. Bởi vì các Bí Tích là phương tiện Thiên Chúa dùng để ban ân sủng giúp chúng ta sống các nhân đức này, nhờ đó chúng ta có thể sống “cách sống nhiệm tích” (ĐTC Gioan Phaolô II, Dominicae Cenae, #7). Cách sống nhiệm tích là phát triển đời sống tâm linh nhờ ân sủng nhận được từ các Bí Tích, đồng thời sống Đức Ái trong nhiệm vụ hằng ngày, là trở thành dấu chỉ của Tình Yêu Thiên Chúa giữa thế gian.

Kết Luận

Nhiều người thắc mắc rằng người Công Giáo đi Lễ hằng tuần mà đời sống tâm linh chẳng hơn gì những người không đi Lễ. Chúng ta phải nhận rằng đây là một thảm trạng mà chỉ có Thiên Chúa mới thay đổi được. Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho những vị có nhiệm vụ giáo dục giáo dân để các ngài chu toàn sứ vụ Ngôn Sứ mà Chúa đã trao phó cho các ngài. Đồng thời chính mỗi người chúng ta cần kết hợp mật thiết với Đức Kitô Thánh Thể mỗi ngày, và cố gắng sống “cách sống nhiệm tích” để mọi người thấy việc chúng ta làm mà ngợi khen Cha Trên Trời (x. Mt 5:16).
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:09 22/05/2008
GẤU NHỎ THAM ĂN

N2T


Tất cả các loại động vật ở trong rừng, thì gấu nhỏ được coi là tham ăn nhất.

Có một lần, nó đi vào trong rừng sâu tìm thức ăn, đột nhiên bay nhẹ qua mũi nó một mùi vị ngọt ngào, gấu nhỏ liền nhìn quanh bốn phía, vội vàng đi tìm nơi phát ra mùi vị ngọt ấy. A ! té ra trên cây cổ thụ có một cái lỗ, ở đó có một tổ ong mật ! Gấu nhỏ lập tức trèo lên cây cổ thụ đưa tay vào trong tổ ong mật. Như thế có thể nói là chọc giận đám ong mật, chúng nó bay ra bao vây gấu nhỏ, đốt cho gấu nhỏ suýt toi mạng, nó nhảy xuống khỏi cây và chạy thục mạng, chạy cho đến khi bầy ong đuổi không kịp mới thôi.

Mặc dù bị ong đốt nhưng gấu nhỏ vẫn không rút ra được bài học. Một hôm, nó lại ngửi được mùi thơm ngọt của ong mật, bèn đi khắp nơi để tìm, cuối cùng thì cũng phát hiện được trong đám cỏ có một cái hộp, nó lập tức phóng đên dùng miệng cắn, cắn không được bèn dùng tay cào, cào không được bèn dùng hết sức quăng cái hộp xuất đất, cuối cùng mới ăn được mật ong.

Nhưng, vừa ăn mật xong thì gấu nhỏ bị chóng mặt hoa mắt, mơ mơ màng màng ngủ mất tiêu. Khi nó tỉnh dậy thì thấy mình bị dây thừng cột thật chặt, không thể nhúc nhích được. Té ra người thợ săn lợi dụng tính tham ăn của gấu nhỏ mà bắt nó.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Tham ăn là một loại tật xấu, gấu nhỏ không hiểu là phải nhớ cho kỷ bài học ấy, nếu không cấp thời sửa chữa loại tật xấu này, thì cuối cùng mới biết tai nạn do mình mang đến thì không thể xoay chuyển được.

Có các em nhỏ thích ăn vặt, có em thích ăn thật no, bụng no rồi mà cứ thích ăn nữa, như vậy là không tốt cho sức khỏe, ăn no rồi thôi, đừng ăn gắng, dù cho thức ăn hôm ấy mẹ nấu rất ngon.

Có em hể đi học về là chạy vào bếp lục thức ăn, dù trong bụng không đói, đó là thói quen thích ăn, thói quen này cần phải sửa lại; có em thì quá tham ăn như gấu nhỏ, hết giành của em rồi lại giành của mẹ để ăn, lấy phần ăn rất nhiều để rồi ăn không hết thì quăng cho chó ăn, như thế là phí của, là lãng phí và có tội đấy, bởi vì chung quanh các em có rất nhiều trẻ em khác không có gì ăn cả, vì gia đình họ nghèo...

Các em thực hành:

- Không ăn gắng khi đã ăn no.

- Không giành phần ăn nhiều rồi ăn không hết.

- Tập chia sẻ với các bạn nghèo những gì mình có thể giúp được.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:13 22/05/2008
N2T


31. Tư dục thích an ủi bên ngoài, cảm khoái ngũ quan; ân sủng chỉ có tìm an ủi trước tòa Thiên Chúa, chỉ vui vẻ nơi Thiên Chúa chí thiện mà thôi.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Thánh Giê-ro-ni-mô, Tổ phụ dịch giả Kinh Thánh
L.m. An-rê Ðỗ Xuân Quế, OP
20:31 22/05/2008
Thánh Giê-ro-ni-mô, Tổ phụ dịch giả Kinh Thánh

Thánh Giê-ro-ni-mô được coi là tổ phụ các dịch giải Kinh Thánh. Kinh Thánh là một cuốn sách rất quan trọng và cần thiết cho Dân Thiên Chúa, nhất là từ sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Vậy ngài là ai, cuộc đời của ngài thế nào và ngài đã để lại những gì cho hậu thế.

1. Thánh Giê-ro-ni-mô là ai ?

Thánh nhân là một trong bốn vị đại tiến sĩ Hội thánh vào sáu thế kỷ đầu, sau thánh Am-ro-xi-ô thành Mi-la-nô, trước thánh Ghê-go-ri-ô Cả (thế kỷ VI) và đồng thời với thánh Au-tinh. Ngài không phải là giám mục, cũng không phải là giáo hoàng mà chỉ là linh mục. Theo truyền khẩu và các hình tượng còn để lại, ngài là một học giả uyên thâm, một nhà tu hành khổ hạnh, một con người rất chính trực. Bản Kinh thánh gọi là Phổ thông (Vulgata) là do ngài dịch từ tiếng híp ri sang tiếng la tinh. Bản dịch này là một công trình độc đáo, được sử dụng khắp Au châu từ thế kỷ VI và làm cho ngài tr? nên lừng lẫy.

Ngài sinh năm 347 (cũng có người cho là năm 333) ở vùng phụ cận Đan-ma-xi (Dalmatie) ngày nay là nước Nam tư (cũ) trong một gia đình khá giả theo Ki-tô giáo. Khi lớn lên, ngài sang Rô-ma học với một giáo sư nổi tiếng tên là Đô-nát (Donate), sau đó sang Tri-ơ (Trier) bên Đức, tính tìm một công việc trong cung đình. Nhưng chẳng bao lâu, ngài lại trở về Bắc Ý. Tại đây cũng như ở Tri-ơ, người ta còn hay nhắc đến thánh A-tha-na-xi-ô, người bị đi đầy vì kịch liệt chống lại bè rối A-ri-ô. Thánh A-tha-na-xi-ô là tác giả cuốn sách về thánh An-tôn tu hành. Có lẽ thánh Giê-ro-ni-mô đã đọc cuốn sách này. Vốn sẵn có ý thích sống đời tu hành trong sa mạc như thánh An-tôn, ngài hướng về Ai cập là cái nôi đời sống tu hành lúc bấy giờ. Vì thế, năm 372 ngài tìm sang phương Đông. Đến An-ti-ô-khi-a, ngai bi dau, d?nh vào sa mạc gần Can-xít (Chalcis), ở với các thày khổ tu. Nhưng chẳng bao lâu, ngài bỏ ý định này, vì thấy mình thích sách vở, muốn học tiếng híp ri, lại thấy các thày khỗ tu ở đây ít học, không đồng tình với nhau, nên ngài lại trở về các thành phố.

Ở An-ti-ô-khi-a (Antiokhia) rồi Công-tăng-ti-n?p, (Constantinople), ngài học xong khoa chú giải với thánh Ghê-go-ri-ô thành Na-di-ăng (Grégoire de Naziance), dịch các bài giảng của O-ri-giên (Origène) từ tiếng hy lạp sang tiếng la tinh. Năm 382 có Công đồng nhóm họp tại Rô-ma. Ngài tháp tùng các giám mục An-ti-ô-khi-a. Chính tại An-ti-ô-khi-a, ngài đã được thụ phong linh mục. Nhờ thông thạo phiên dịch, lại được tiếng là người thông minh xuất chúng, ngài đươc chọn làm thư ký cho ĐGH Đa-ma-xô (Damasus). Được đón nhận vào hàng quí tộc, ngài trở thành người hướng dẫn đường thiêng liêng cho các mệnh phụ như bà Mác-sen-la (Marcella), bà Pao-la. Ngài thuyết trình nhiều bài chú giải Kinh thánh và những bài giảng về việc hy sinh hãm mình cho ĐGH và các bà này. Ngoài ra, ngài còn dịch sách các Giáo phụ, đặc biệt O-ri-giên và Đi-đy-mô (Didymus), duyệt lại bản dịch la tinh các sách Tin Mừng và Thánh vịnh. Tại Rô-ma, thánh nhân nhìn thấy nhiều điều cần phải chấn chỉnh, nên đưa ra những nhận xét. Những nhận xét đó không làm vui lòng một số người. Vì thế, khi ĐGH Đa-ma-xô qua đời, có những người lấy làm khó chịu vì những nhận xét thẳng thắn của ngài, nên tìm cách loại trừ ảnh hưởng và uy tín của ngài, đưa ra những lời ong tiếng ve về các mối liên lạc của ngài với các mệnh phụ, lại phê bình tính mới mẻ độc đáo trong công trình chú giải, phiên dịch Kinh thánh của ngài, nên đã kiện ngài ở tòa đạo. Ngài bị thất sủng và mùa hè năm 385 phải ra đi, xuống tầu về lại phương Đông.

2. Thời kỳ ở Be-lem

Dời Rô-ma, thánh Giê-rô-ni-mô đi Sýp (Chypre) và An-ti-ô-khi-a. Tại đây, ngài nối lại liên lạc với các giám mục mà khi trước vào năm 382, ngài đã tháp tùng đi Rô-ma. Rồi cũng từ đây ngài đi Giê-ru-sa-lem, gặp lại Ruy-phanh A-ki-lê (Rufin d’Aquilée), đan sĩ đồng môn và bạn thân cũ. Vị này đã lập hai tu viện theo nghi thức la tinh tại Giê-ru-sa-lem và cùng với bà Mê-la-ni (Mélanie), người Rô-ma điều khiển hai tu viện đó. Thánh Giê-rô-ni-mô cùng với bà Pao-la (Paola) cũng lập tu viện nhưng ở Be-lem. Ngoài việc huấn luyện các tu sĩ, quản trị một lữ quán cho khách hành hương, dạy dỗ các thiếu niên trong một ngôi trường giống như đệ tử viện, ngài còn theo đuổi nghề viết văn như không biết mệt mỏi, theo lời yêu cầu và sự hỗ trợ của các bạn bè ở Ý. Ngài tiếp tục trao đổi thư từ rất rộng rãi. Người ta còn giữ được gần 120 bức thư của ngài, từ những mẩu giấy nhỏ cho đến những bài khảo luận dài. Theo kiểu học giả Xuy-ê-tôn (Suétone), ngài cũng viết một cuốn sách đề là Những con người nổi tiếng (De viris illustribus), gốm 135 bài tiểu sử. Trong tập sách này, ngài liệt kê lịch sử bốn thế kỷ văn chương Ki-tô giáo. Riêng phần các tác giả hy lạp, ngài dựa theo giám mục Eu-xê-bi-ô (Eusebius). Nhiều bài giảng của giáo phụ O-ri-giên cũng được ngài dịch sang tiếng la tinh. O-ri-gin cũng như nhiều giáo phụ hy lạp khác, đã là điểm tựa cho ngài phỏng theo để chú giải các thư thánh Phao-lô, sách Giảng viên, các Ngôn sứ và thánh Mát-thêu. Ngài cũng đối chiếu bản dịch Kinh Thánh hy lạp để duyệt lại bản dịch la tinh. Cuốn Sách Sáu Cột (Hexaples), liệt kê bản dịch Cưu Ước thành sáu cột của giáo phụ O-ri-giên mà ngài đã có dịp nghiên cứu tại thư viện rất phong phú và nổi tiếng ở Xê-da-rê (Césarée) lại càng làm cho ngài yêu thích tiếng híp-ri, và nẩy ra ý tưởng táo bạo là dịch lại bản la tinh cho sát với bản híp ri. Khi muốn dịch lại theo bản híp ri, ngài không có ý làm giảm giá bản Phổ thông (Vulgata), nhưng chính là nhằm tạo ra những bằng chứng cho các Ki-tô hữu dựa vào để bảo vệ danh hiệu Mê-si-a của Đức Ki-tô (điều này người Do thái không chấp nhận). Trong mười lăm năm trời ròng rã, công việc l?n lao này đã gặp phải sự hoài nghi chống đối của nhiều người, kể cả những nhân vật nổi tiếng như thánh Au-tinh và cựu đồng môn Ruy-phanh. Những vị này cho đây là một sự nhượng bộ người Do thái, môt sự nhượng bộ nguy hiểm, vì người Do thái nghĩ rằng chỉ có họ mới nắm được tính xác thực của bản văn. Ngoài ra, những người hoài nghi và chống đối lại còn cho đây là một sự canh tân quá khích, mang tính khuấy động, có thể làm giảm giá bản dịch chính thức.

Về mặt này, thánh Giê-ro-ni-mô bị coi là cấp tiến, nhưng về nhiều mặt khác lại bị mang tiếng là bảo thủ, như năm 383 phi bác Hen-vi-di-ô (Helvidius), kẻ phủ nhận Đức Mẹ trọn đời đồng trinh, rồi mười năm sau, phản đồi Gio-vi-niêng (Jovinien), người giảm giá bậc độc thân và giá trị của việc chay tịnh. Ngài viết hai cuốn sách, trích dẫn các tác giả đời cũng như đạo để bênh vực đức đồng trinh của Đức Mẹ và giá trị của bậc độc thân cũng như việc chay tịnh. Ở đây, ngòi bút sắc bén của thanh nhân đã cho người ta thấy tài biện giáo và khả năng châm biếm của ngài.

Sau đó, Vi-gi-lăng-xơ (Vigilance) cũng chỉ trích việc sùng kính các thánh tử đạo và những lề thói trong bậc đan tu. Ông đã bị thánh Giê-ro-ni-mô phi bác mạnh mẽ và phản đối thẳng thừng. Ngài còn tỏ ra “dữ dội” hơn trong cuộc tranh luận dai dẳng về giáo phụ O-ri-giên từ năm 393-402, giữa ngài với hai đối thủ là Gio-an và Ruy-phanh. Từ lâu, ngài vốn khâm phục và mộ mến O-ri-giên. Không phải chỉ có ngài mà còn có Vích-to-ranh (Victorin), thánh Hi-la-ri-ô và thánh Am-ro-si-ô; các vị này cũng thường hay trưng dẫn và phỏng theo O-ri-giên. Ở An-ti-ô-khi-a, Công-tăng-ti-nốp và Rô-ma, không những ngài chỉ dịch mà còn hết lời ca ngợi O-ri-giên nữa. Các công trình phiên dịch chú giải Kinh thánh của ngài đều chịu ảnh hưởng và mô phỏng O-ri-giên.

Thánh Giê-ro-ni-mô cũng kết thân với Đức Cha Ê-pi-phan (Epiphane), giám mục Xa-ma-min (thuộc đảo Sýp), một người cuồng nhiệt chống đối O-ri-giên. Năm 393, Đức Cha Ê-pi-phan phát động một chiến dịch nghiêm trọng ở Pa-lét-tin tố cáo Đức Cha Gio-an, giám mục Giê-ru-sa-lem và linh mục Ruy-phanh. Thánh Giê-ro-ni-mô được yêu cầu phát biểu ý kiến. Vốn là người theo đường lối chính thống, rất ngưỡng một O-ri-giên, lại không muốn bị nghi ngờ là ngả theo đường lối rối đạo của A-ri-ô như Đức Cha Ê-pi-phan, thánh nhân buộc lòng phải dứt khoát với cả đôi bên mà đành chia tay. Ngài bị Đức Cha Gio-an rút phép thông công, suýt nữa bị trục xuất, nhưng may mắn sau đó lại có cuộc hoà giải vào năm 397. Dù vậy, ngài vẫn gủi về Rô-ma một bản văn châm biếm Đức Cha Gio-an.

Trở về Ý, linh mục Ruy-phanh dịch sách Bàn về các nguyên tắc của O-ri-giên, giả bộ như tiếp nối con đường của thánh Giê-ro-ni-mô. Thánh Giê-ro-ni-mô được thông báo là ngài bị liên luỵ nên ngài dịch lại thiên khảo luận này cho chính xác, vì bản dịch Ruy-phanh cho người ta nhìn thấy ở đó những điểm rối đạo. Thế là thánh Giê-ro-ni-mô đoạn tuyệt với Ruy-phanh; đôi bên trở nên địch thủ và gửi cho nhau những lời biện hộ gay g?t.

Tuy vậy hai bên vẫn không ngừng tiếp tục nghiên cứu O-ri-giên, người thì với tư cách nhà chú giải, người thì với tư cách dịch giả. Cũng trong thời gian đó, thánh Giê-ro-ni-mô bênh vực thượng phụ A-lê-xan-ri-a, đối thủ của các đan sĩ Ai-cập. Các đan sĩ này chống đối O-ri-giên, bằng cách dịch sang tiếng la tinh những điểm mà họ cho là rối đạo.

Qua giai đoạn cam go này, thánh Giê-ro-ni-mô đóng vai trò một chiến binh m? nh?t, bị kẹt cứng giữa hai làn đạn. Những năm cuối đời của ngài khá đen tối: tranh luận với Vi-gi-lăng-xơ năm 404-406, đương đầu vời bè rối Pê-la-gi-ô (Pelagius) rồi chung cuộc cùng với thánh Au-tinh tấn công chủ trương tin cậy quá đáng vào tự do và tính bản thiện của con người, do bè rối này chủ trương. Tiếp đến là những cái tang dồn dập của môn sinh và người thân. Về già, ngài thường làm các bài điếu văn tiễn biệt người thân về bên kia thế giới (đặc biệt thư số 107 năm 404, lúc bà Pao-la qua đời). Tiếp đến là nguy cơ quân man-di, khiến người tỵ nạn đổ về Giê-ru-sa-lem, rồi các đan viện bị đốt. Tuy vậy, cho đến mãn đời, thánh nhân vẫn tiếp tục các công trình nghiên cứu dịch thuật và trao đổi thư từ với người ở khắp nơi gửi về.

3. Danh tiếng, các cuộc tranh luận

Một người đương thời với thánh nhân là Pót-tu-mi-a-nút (Postumianus) có những lời tán dương rất nồng nhiệt do Xuyn pít-xo Xê-ve-rơ (Sulpice Sévère) trích dẫn lại như sau: “Được cả thế giới đọc, vô địch trong mọi khoa, đắm chìm trong sách vở, ngày đêm chẳng nghỉ ngơi.” Nhưng một số người khác như Pa-lát-đơ (Pallade) lại không khen như vậy. Ông cho ngài là người có óc chê bai châm biếm. Điều đó cũng dễ hiểu vì ngài là con người chính thống, rất nhạy cảm với vẻ đẹp của văn chương. Ba ngôn ngữ ngài thủ đắc là la tinh, hy lạp và híp ri làm cho ngài đòi hỏi về tính chính xac c?a ngôn ngữ. Một người thấm nhuần văn chương hoa mỹ của Xi-xê-rông (Cicéron) không thể chịu được một thứ văn chương kém cỏi trong các bản dịch đương thời. Vì vậy, ngài hay có những cuộc tranh luận nhiều khi nảy lửa. Ngài tự cho mình là một thứ “chó săn” để tố giác những sai lầm và bảo vệ sự chính thống của đức tin. Vì lòng nhiệt thành mến yêu Hội thánh, ngài coi kẻ thù của Hội thánh cũng là kẻ thù của chính mình. Gần đây, một ky gi? đã gọi ngài là nhà “ẩn tu nổi đoá” (ermite en couroux) do tính hướng chiều về bút chiến của ngài. Ngoai ra, cũng do khuynh hướng chống lại bản tính tự nhiên của con người và lòng say mê văn hóa, khiến cho thánh nhân trở thành một nhà khổ hạnh và nhà trí thức thuợng đẳng.. Khổ hạnh và trí thức dễ khiến cho con người trở thành đòi hỏi và nhiều khi bất khoan nhượng.

Điều đáng nói nơi thánh Giê-ro-ni-mô là khả năng và sự say mê tìm tòi nghiên cứu trong phạm vi trước tác, nghiên cứu, phiên dịch Kinh thánh, cũng như đời sống khổ hạnh của một nhà trí thức miệt mài trong 35 năm trời cho sinh họat tinh thần. Nhờ vậy, ngài dã để lại cho đời bản dịch Vulgata và nhiều tác phẩm khác. Xin tôn vinh và ghi ân sâu sắc công ơn ngài.
 
Thánh Thể bảo chứng của Tình Yêu
Lm Thomas Trần Ngọc Túy, OP
08:23 22/05/2008
CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊSU - A

Đệ nhị luật 8:2-3,14a-16b;Tv 147;1Cor 10:16-17;Ga 6: 51-58

Kính thưa quý vị,

Một vị khách lạ đến thăm một gia đình nhà quê nghèo khổ. Ngôi nhà lụp xụp và chỉ có một em bé ở nhà, cha mẹ đi làm ruộng hết. Vị khách bước vào nhà, hỏi em bé: “Con có muốn đến ở với ta không? Nhà ta rộng rãi lắm, lâu đài, dinh thự, sân to, vườn rộng, em tha hồ chạy nhảy, chơi đùa?”. “Thưa ông, con không muốn. Con ở nhà với cha mẹ thích hơn. Lâu đài dinh thự đâu có to”. “Thế con bảo cái gì to?”. “Thưa, vua ạ”. “Vậy ta là vua đây, ta bí mật đi thăm dân chúng”. Em bé bất ngờ reo lên: “Thì ra nhà con to nhất nước rồi. Vui quá”. Đó là ý nghĩ của ngày lễ hôm nay, Hội thánh kính Mình Máu Chúa Kitô mà tín hữu rước lấy hằng ngày. Vua cả trên hết các vua. Chúa trọng trên hết các Chúa chắc chắn sẽ biến đổi tín hữu to lớn nhất vũ trụ. To hơn cái lều của cha mẹ em bé, có vua ngồi trong.

Ngày 28 tháng 09 năm 1884, bà thánh Marie Eugenie, sáng lập dòng Đức Mẹ lên trời huấn giáo cho các chị em về sự hiện diện của Thiên Chúa. Theo bà có ba cách Chúa hiện diện: thứ nhất bằng quyền năng. Quyền năng Ngài thẩm thấu hết mọi tạo vật giống như nước đại dương thẩm thấu miếng bọt biển tới từng thớ sợi. Ngay cả quỷ sứ và tội nhân cũng không tránh thoát. Thứ hai, bằng ơn thánh và tình yêu qua bí tích rửa tội và các bí tích khác. Thứ ba, bằng Thánh Thể. Thiên Chúa hiện diện trong hình bánh hình rượu chân thật và sống động y như thuở xưa trước dân Do Thái khi Ngài sinh ra, dâng mình, lớn lên, rao giảng, khổ nạn và chết trên thập tự. Bà cho đây là sự hiện diện ngọt ngào và an ủi nhất. Chúng ta không có lý do để ghen tỵ với người Do Thái xưa ở đất Palestine.

Một chị em hỏi: nhưng chúng con có thấy Chúa nói gì đâu? Ngài hoàn toàn im lặng khi chúng con quỳ cầu nguyện trước Thánh Thể. Bà thánh trả lời: thì các mục đồng, các đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Hài Nhi ở Bêlem có thấy Chúa mở miệng đâu? Đơn giản vì Ngài chưa biết nói. Bây giờ trong Thánh Thể cũng vậy, Ngài giấu kín nhân tính và thần tính. Nhưng Ngài biết hết, trông thấy hết, cảm nghiệm mọi sự. Chị em không tin ư? Thế thì chị em tin thế nào được các màu nhiệm khác?

Thánh Thomas Aquinas cũng có lòng tin sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể, cho nên đã sáng tác ra những lời kinh rất sốt sáng và giầu tưởng tượng như chúng ta vừa trích một hai câu ở trên. Thánh nhân thường chiêm ngắm Thánh Thể với những biết ơn cảm tạ: “Ôi yến tiệc mình và máu thánh Chúa Kitô … Ôi Giêsu, Ngài thương yêu con dường ấy …”. Bí tích Thánh Thể là trường siêu đẳng đào tạo các thánh, các anh hùng, các vĩ nhân, các nhà rao giảng thời danh.

Để ngắm bắt ý nghĩa của ngày lễ, chúng ta hãy rảo qua các bài đọc. Bài đọc một trích sách Đệ Nhị Luật: “Khi ấy, ông Môisê nói với dân Israel rằng: anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã dẫn anh em đi suốt 40 năm nay trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực. Như vậy Ngài thử thách lòng dạ anh em … Rồi đã cho anh em ăn manna … Ngõ hầu cho anh em biết rằng người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra”. Đáng ngạc nhiên là tác giả Đệ Nhị Luật gợi nhớ các kinh nghiệm đáng lý phải ghê sợ và cố quên đi. Vì 40 năm trong sa mạc là 40 năm đói khát, kiệt sức, thất vọng, bại trận, rắn rết, tiêu hao chết chóc đến độ nhiều lần dân chúng nổi loạn kêu ca Thượng Đế và chống lại ông Môisê. Dân Do Thái ngỡ ngàng tại sao Chúa hứa giải phóng, tự do lại phải đi con đường nhọc nhằn này? Nhiều người muốn trở lại Ai Cập, an phận làm nô lệ còn hơn.

Nhưng tác giả Đệ Nhị Luật chỉ coi đó là “thử thách”. Xem họ có vâng lời Thiên Chúa không? Đây cũng là bài học lớn cho tín hữu ngày nay. Con đường đi tới tự do của ơn thánh không phải là dễ. Muốn từ bỏ Satan, thế gian, tội lỗi nhất định phải trả giá. Giải phóng mình khỏi ích kỷ, tham lam, dâm dục, phù phiếm không phải là một lúc một ngày và dễ dàng như ăn một chiếc bánh ngọt. Nó đòi hỏi cố gắng và kiên trì, hy sinh và khước từ càm dỗ. Hô hào khơi khơi thì dễ lắm, nhưng thực hành quả là cam go. Nhiều linh hồn đã thất bại.

Một hình thức thử thách sa mạc khác có lẽ phổ thông hơn mà đa phần chúng ta phải trải qua. Đó là những khó khăn, thất bại hàng ngày: con cái hư hỏng, gia đình bất hoà, đau yếu liên miên, nợ nần, thất nghiệp, rượu chè, nghiện ngập. Giáo hội gặp nhiều khó khăn khi phải lội ngược dòng với cái ác của xã hội tân thời: ngừa thai, phá thai, tế bào gốc, chết êm dịu. Toàn là rắn rết, bọ cạp, đất cháy, cỏ khô.

Nhưng xin nhớ Đệ Nhị Luật không chỉ liệt kê những hãi hùng, mà còn nhấn mạnh sự hiện diện của Thiên Chúa, qua manna, nước mát từ tảng đá chảy ra. Đức Chúa luôn ở bên dân Do Thái, giúp đỡ tuyển dân vượt qua khó khăn để trở về đất hứa, tới bến tự do chảy sữa và mật ong. Họ không được phép thất vọng và cũng không được phép tham lam.

Ngày nào thu lượm manna đủ cho ngày ấy. Ngày nào họ cũng phải cậy dựa vào Thiên Chúa để có lương thực. Đây là bài học quý giá cho tín hữu, nhất là các tu sĩ, linh mục, trong tình hình hiện nay. Hình như người ta muốn tước quyền Thiên Chúa, chẳng cậy dựa vào ai. Kinh tế thị trường toàn cầu, sản xuất, tiêu dùng quá mức làm cạn kiệt tài nguyên địa cầu. Nhưng chúng ta không được phép thất vọng dù tội lỗi đến đâu. Thiên Chúa vẫn luôn sẵn sàng cứu giúp. Người có lý do để thất vọng nhiều nhất, là Đức Giêsu Kitô, trước thế lực to lớn của thờ, một mình cô thân cô thế với nhóm hèn nhát, vô học, đương đầu với cái chết cầm chắc do xã hội và tôn giáo lúc ấy áp đặt, nhưng chẳng ai đầy lòng trông phó thác bằng Chúa Giêsu. Noi gương ấy, các thánh tử đạo sau này can trường không kém.

Vậy thì không ai được phép thất vọng. Chúng ta còn phải sống bằng lời Thiên Chúa nữa. Lời Thiên Chúa không có từ “tuyệt vọng” vì Ngài cứu giúp và ước ao mọi người được sống hạnh phúc. Câu mở đầu bài Tin Mừng hôm nay viết: “Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời”. Câu Phúc Aâm này ở trung tâm bài diễn từ về Bánh Hằng Sống. Trước đó Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi năm ngàn người ăn (6, 1-14). Ngài nhân nhiều bánh để chứng tỏ sự thật hiển nhiên. Vào thời Chúa Giêsu, văn hoá coi “thịt máu” là toàn bộ ngôi vị một người. Vậy thì ăn bánh bởi trời chính là “thịt tôi đây cho thế gian được sống” nghĩa là lãnh nhận lấy toàn bộ ngôi vị của Ngài. Những “tri thức ” khiếm khuyết đức tin nói câu văn chỉ có nghĩa bóng mà thôi. Truyền thống phổ thông cũng tin như vậy. Hậu quả là không được tiến bộ về đàng thiêng liêng, họ rước lễ, vào trước Mình Thánh, coi như vào nơi không người, vô tình và nguội lạnh.

Không phải như vậy. Chúa nói tiếp: “Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”. Manna biểu tượng bánh Chúa Giêsu ban. Hình bóng manna mà còn thực đến độ nuôi sống con người, thì bánh Chúa Giêsu ban là thịt máu Ngài lại chỉ là “hình bóng” thì quả thật là vô lý. Làm thế nào “hình bóng” có khả năng ban cho người ta tham dự vào sự sống muôn đời. Liệu “hình bóng” có thể dẫn đưa người ta vào sự sống Thiên Chúa và Thiên Chúa cư ngụ trong linh hồn?

Nhưng nhiều người không hiểu, bỏ đi nói: “Lời này chói tai quá, ai mà nghe nổi?”. Nhiều môn đệ cũng bỏ đi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu bảo lưu lời nói của Ngài, và thay vì nói với đám đông: quý vị hiểu sai ý nghĩa của tôi, Ngài quay ra hỏi các tông đồ: “Chúng con có muốn bỏ đi không?”. Chắc chắn các tông đồ cũng ngỡ ngàng, nhưng Phêrô đứng ra nói thay cho các bạn: “Bỏ thầy, chúng con biết theo ai, thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Chúng ta biết rằng sau này trong bữa tiệc ly, các môn đệ không còn bỡ ngỡ, mà tin thật vào lời Chúa khi Ngài phán: Anh em hãy cầm lấy mà ăn, mà uống, này là thịt máu thầy. Từ đấy Hội Thánh nối tiếp đức tin của các tông đồ. Thánh Phaolô, trong bài đọc hai viết: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ bánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?”. Dĩ nhiên là thánh nhân tin thật Chúa Giêsu ngự trong bánh rượu sau khi truyền phép mà nơi khác chính thánh nhân dạy lời lẽ: Này là Mình Thầy, ngày là Máu Thầy. Cho tới hôm nay, Hội Thánh vẫn sử dụng công thức đó. Nhiều trăm năm sau, thanh Gioan Kim Khẩu viết: “Khi bạn ngắm nhìn hào quang đặt trên bàn thờ, bạn có thể nói: Nhờ Thân Thể này, tôi không còn là bụi tro nữa, bởi tôi không còn là tù nhân nữa, nhưng là người tự do… Thân Thể này được ban cho chúng ta để lưu giữ và ăn uống, làm dấu chứng tình yêu tha thiết của Ngài”. Chứng cứ rõ ràng nhưng vẫn không tránh khỏi vật lộn với lòng trí không tin. Rất sớm, các Giáo Hội đông phương đã dùng từ “thay đổi hữu thể” (metaousias) để diễn tả mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa. Thế kỷ 13, công đồng Tridentinô ấn định từ “biến đổi bản thể” (transubtanto) tức thay đổi từ bản thể bánh rượu sang bản thể Chúa Kitô. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI xác định lại ý nghĩa khi nói rằng: “Sự hiện diện của Chúa Kitô trong hình bánh rượu ở ý nghĩa trọn vẹn nhất của từ ngữ đó”.

Vậy đức tin vào bí tích Thánh Thể của Giáo hội y nguyên từ thời tông đồ đến nay. Và chúng ta không nên hiểu theo nghĩa biểu tượng mà thôi. Đó là một sự hiện diện đích thực cả về nghĩa tinh thần lẫn vật chất: “Ai ăn thịt và uống máu tôi sẽ không còn đói khát nữa, nhưng sẽ được sống muôn đời”. Thế giới có nhiều hình thức đói khát lắm. Đói tình yêu, đói hoà bình, đói công lý, đói đoàn kết, đói hạnh phúc, đói ý nghĩa cuộc đời. Và chẳng thứ bánh nước nào thoả mãn trọn vẹn con người cả. Duy chỉ có bánh từ trời mới đủ khả năng ấy. Bánh có thể nuôi sống tâm trí, trái tim, ước muốn thiên hạ đến độ sung mãn. Trong một số Giáo hội đông phương tiên khởi có truyền thống mời lên bàn tiệc thánh. Sau khi nghe lời Chúa, tín hữu được mời gọi lên bàn thờ để “lãnh nhận Đức Giêsu Kitô vào đời sống mình”. Mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta cũng được kêu mời như vậy. Đức Kitô ngự trong mỗi linh hồn không những như vị khách sang trọng, giầu có, nhưng còn như nhà đào tạo chúng ta nên to lớn nhất vũ trụ, tức nên giống Ngài, như em bé bất ngờ kêu lên: Nhà con to nhất nước.

Chúa Nhật tới, chúng ta mừng lễ trái tim Chúa Giêsu. Hai lễ này nối kết với nhau một cách tự nhiên để ban cho Hội Thánh niềm vui và hạnh phúc sau mùa Phục Sinh. Chúa Giêsu trao ban thân mình trọn vẹn trong bí tích Thánh Thể, thì lẽ đương nhiên Ngài cũng ban trọn vẹn trái tim Ngài nữa. Vậy lễ mừng hôm nay là bảo chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ngài chẳng giữ chi cho mình, kể cả cuộc sống vĩnh cửu trong Nước của Cha Ngài. Ôi màu nhiệm lạ lùng của Tình Yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Amen.

Tổng hợp theo: Jude Sicilianô
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC nói với giới trẻ: Hãy vin trồng đời sống tâm linh và đào luyện tâm hồn
Phaolô Phạm Xuân Khôi
11:44 22/05/2008
VATICAN -- Sáng ngày 18 tháng 5, năm 2008, Đức Thánh Cha đã gặp một nhóm trẻ ở thành phố Piazza Matteotti, và Ngài đã nhắn nhủ:

“Các con là giới trẻ ở Genoa! Giới trẻ, giới trẻ thật sự không phải là vấn đề tuổi tác và sức cường tráng của thể xác…. Tiếc rằng có nhiều người còn trẻ tuổi mà tâm hồn đã già nua…. Trẻ có nghĩa là khám phá ra những gì không chóng qua theo dòng thời gian. Nếu người trẻ khám phá ra những giá trị cao đẹp, thì họ sẽ không bao giờ già, mặc dù thân xác phải đi theo định luật riêng của nó”.

Ngài nói: “Chỉ có những người tốt và đại lượng mới thật sự là trẻ. Cha hy vọng rằng các con trẻ mãi; trẻ không có nghĩa là hợp thời trang, vì thời trang sẽ biến đi trong chớp mắt, nó chỉ rầm rộ trong một nghề sôi nổi. Ngược lại, tuổi trẻ là tuổi trẻ của sự tốt lành sẽ tồn tại mãi mãi. Quả thật, nó sẽ được trở nên hoàn hảo và lộng lẫy trên Thiên Đàng với Thiên Chúa.”

“Người trẻ vẫn còn tất cả tương lai trước mặt…. Tương lai đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, đối với nhiều người, tương lai hôm nay cũng đầy đe dọa, nhất là đe dọa của một chân không vĩ đại. Chính vì thế mà nhiều người muốn giữ lại thời gian vì sợ sự trống rỗng của tương lai.” Khi phải đương đầu với hoàn cảnh ấy, “điều cần thiết là phải chọn những lời hứa chân thành có thể mở ra cho tương lai, dù phải hy sinh…. Và chọn lựa căn bản đầu tiên phải là Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ “vun trồng đời sống tâm linh…” Ngài giải thích, “Sự sống của linh hồn là việc gặp gỡ với Đấng, là Khuôn Mặt thật sự của Thiên Chúa, là cầu nguyện trong thinh lặng và kiên trì, là đời sống nhiệm tích, là suy niệm Tin Mừng, là bổ sung tâm linh, là trở thành phần tử thuận hảo của Hội Thánh và của cộng đoàn giáo hội của các con.”

Ngài nói thêm, “Nhưng làm thế nào mà một người có thể yêu điều mình không biết?.... Cho nên cần phải đào sâu vào Mầu Nhiệm của Đức Kitô, chân lý trong tư tưởng của Người được vang vọng trong Tin Mừng và Huấn Quyền Hội Thánh.” Ngài tiếp, “không có một sự đào luyện thì làm sao có thể giải thích được Đức Tin cho bạn bè các con, là những người có quá nhiều thắc mắc về đời sống, về chính mình, về Đức Tin Kitô giáo, và về Hội Thánh?”

Đức Thánh Cha khuyến khích các người trẻ rao giảng Tin Mừng, “trong các lãnh vực khác nhau của đời sống, trong giáo xứ của các con, trong những hàng xóm khó khăn nhất, trên đường phố. Hãy công bố Đức Kitô là Chúa, là hy vọng của thế gian. Con người càng tự xa lìa Thiên Chúa (Đấng là Cội Nguồn của họ), thì họ lại càng đánh mất chính mình, làm cho việc sống chung của nhân loại trở nên khó khăn và xã hội bị xụp đổ. Các con hãy tiếp tục hợp nhất với nhau, giúp đỡ lẫn nhau sống cùng lớn lên trong Đức Tin và trong đời Kitô hữu, để trở thành những nhân chứng dũng cảm cho Chúa.”

Ngài kết luận, “Nếu các con tiếp tục kết hợp với Đức Kitô và Hội Thánh, thì các con sẽ làm được những việc cả thể. Đây là niềm hy vọng cha gửi các con. Tạm biệt và hẹn gặp các con ở Sydney!”
 
Chuyến Viếng Thăm của Đức Thánh Cha làm khuấy lên nhiều Ơn Gọi vào Thiên Chức Linh Mục
Anthony Lê
15:32 22/05/2008
Chuyến Viếng Thăm của Đức Thánh Cha làm khuấy lên nhiều Ơn Gọi vào Thiên Chức Linh Mục

Nguyên bản tiếng Anh bài viết của tác giả Gary Stern cho tờ Journal News

Đẹp Thay Những Bước Chân Đi Tìm Công Lý. ..
NEW YORK.- Các sân trong Chủng Viện Thánh Giuse, vốn ba tuần trước đây tràn ngập hơn 25,000 bạn trẻ với niềm tin háo hức trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, giờ đây lại yên vắng, trần trụi và tĩnh lặng, chỉ toàn là cỏ và đất bụi.

Thậm chí ngay cả các chủng sinh, dẫu rằng trong những năm qua có sự thụt giảm, giờ cũng đang chuẩn bị nghỉ hè trước khi về giúp xứ. Mặc dầu thế, một vài người trong số ít ỏi, theo một nghĩa nào đó, vẫn còn cảm nghiệm được dư âm của chuyến viếng thăm mục vụ vừa qua của Đức Thánh Cha, đó là Cha Luke Sweeney - Giám Đốc đặc trách về Ơn Gọi của Tổng Giáo Phận New York.

Thông thường thì mỗi tuần Cha chỉ nhận được một hay hai sự tò mò tìm hiểu về ơn gọi Linh Mục nơi các bạn thanh niên trẻ tuổi mà thôi. Thế nhưng trong suốt ba tuần vừa qua, con số đó đã tăng lên tới 12, 13 lần. Một số trong các em, đã hỏi thăm rất nghiêm túc vì các em cho biết chính chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã giúp các em mạnh dạn thực hiện bước tìm hiểu kế tiếp mà các em đã cố trình tránh né.

Một bạn sinh viên 20 tuổi, năm cuối ở Đại Học đã viết cho Cha Sweeney như thế này:

"Con đã cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện để Chúa cho con thêm sự can đảm hòng thực hiện theo đúng ý định của Ngài và con sẽ chấp nhận bất kỳ ơn gọi nào mà Ngài đã tiền định cho con. Con phải nói rằng việc có cơ hội gặp gỡ Đức Thánh Cha trực tiếp nhân Ngài đến viếng thăm mục vụ Hoa Kỳ là điều quá diệu kỳ và những lời nói của Ngài đã có một ảnh hưởng rất mạnh nơi con."

Một bạn trẻ khác đã viết như sau sau khi xem Đức Thánh Cha đến viếng thăm New York: "Con không thể nào cầm nổi dòng nước mắt sung sướng với một ý nghĩ hết sức đơn giản là trở thành một vị Linh Mục."

Thì đó chính là niềm hy vọng.

Tổng Giáo Phận New York đang phải diện đối với tình trạng thiếu Linh Mục trầm trọng nhất và đang rất cần có thêm nhiều chủng sinh. Cả Tổng Giáo Phận giờ đây chỉ có khoảng 470 Linh Mục triều còn hoạt động, so với 1,200 vị 4 năm về trước - và trong số đó đã có tới khoảng 40% vị thuộc vào lứa tuổi từ 65 đến 75 rồi.

Đức Hồng Y Edward Egan vừa mới phong chức cho 6 vị Linh Mục triều tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Patrick. Vào mùa Thu tới này, Chủng Viện chính Thánh Giuse chỉ đào tạo chưa tới 20 chủng sinh.

Cha Sweeney - người vẫn thường nói về chức Linh Mục cho các em ở tuổi trung học, đại học và tại các giáo xứ- nói:

"Tôi dám chắc và quả quyết rằng có rất nhiều em hiện đang suy nghĩ về ơn gọi. Ý tưởng trở thành Linh Mục đã ẩn hiện lên trong đầu óc của các em từ rất lâu rồi - thế nhưng vì bất kỳ lý do nào đó, có thể là vì công việc, vì sự sợ hãi nên các em chỉ đơn giản xóa tan ý nghĩ đó ra khỏi đầu óc của các em - và do đó khiến cho các em không thể tiến thêm bước nữa. Hy vọng của tôi đó là qua chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha, các em sẽ mạnh dạn hơn và đến gặp chúng tôi, và dường như điều đó đang xảy ra."

Dẫu hào hứng, thế nhưng Cha Sweeney vẫn rất cẩn trọng.

Trong số những thanh niên đã tiếp xúc với Cha, một số vẫn còn run sợ. Số khác thì cần hoàn thành xong Đại Học, hay phải mất thêm ít năm nữa mới nghĩ đến ơn gọi của các em, hay mạnh dạn tiến tới. Còn một số khác thì không mấy thích hợp cho lắm vào chức Linh Mục.

Cha nói: "Chúng tôi muốn tránh đi tình trạng bùng nổ trong lúc đang còn huấn luyện. Chúng tôi thật sự theo dõi các đơn xin gia nhập chủng viện, và tôi muốn nói chuyện với các em càng sớm càng tốt để tìm hiểu thêm về ý nghĩa của ơn gọi nơi các em, và xem xét liệu các em có phải là những ứng viên đầy hứa hẹn hay không."

Cha Sweeney tin rằng ít ra là có nhiều bạn thanh niên trẻ đang sẳn sàng để gia nhập vào tiểu Chủng Viện Thánh Giuse vào mùa Thu tới này, là nơi mà các em sẽ học về triết học và các môn cần thiết khác trước khi các em gia nhập vào chủng viện chính để học hỏi về thần học.

Cha Sweeney nói: "Mặc dầu vậy, thế nhưng ảnh hưởng thật sự của chuyến viếng thăm vừa qua của Đức Thánh Cha tại Hoa Kỳ - sẽ không thể nào được biết đến trong vòng nhiều năm nữa."

Hy vọng đó chính là sẽ có thêm nhiều thanh niên nữa gia nhập vào chủng viện, để từ đó có thể quay nhìn trở lại chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha hòng từ đó đánh giá sự ảnh hưởng trung thực trước sự khủng hoảng về việc lạm dụng tính dục vốn đã có một sức nặng nào đó nơi tâm trí của những người thanh niên trẻ tuổi Công Giáo trong những năm vừa qua.

Cha Sweeney nói:

"Tôi hy vọng rằng trong những năm sắp đến, các em này sẽ nói rằng: 'Lần đầu tiên mà các em nghĩ về chức Linh Mục chính là lần mà Đức Thánh Cha tới viếng thăm New York'"

Những dấu chỉ sơ khởi rất là khích lệ vì trong trang Web mới của Cha Sweeney - www.nypriest.com - đã có tới 8,000 người viếng thăm trong suốt và ngay sau chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha.

Cha cũng còn cho biết là sẽ nói chuyện với Đức Hồng Y Egan về việc tung ra một chiến dịch quảng cáo mới với khẩu hiệu: "Thế Giới Cần Đến Những Vị Anh Hùng" (The World Needs Heros).

Vào lúc này, Cha vẫn thường hay nhận được email giống như kiểu sau đây:

"Sau khi trải qua một ngày tụ tập với các bạn trẻ khác tại sân chủng viện và nhìn thấy được Đức Thánh Cha, và thậm chí việc rất quan trọng như nhìn và biết được thêm rất nhiều bạn trẻ khác trong chủng viện, thì tất cả những nổi sợ hãi và những mối quan ngại về việc gia nhập vào chủng viện giờ đây đã tan biến nơi con và con không thể nào có thể cảm nghiệm được còn niềm vui nào sướng hơn là ý tưởng trở thành một vị Linh Mục."
 
Văn Thư Năm 2005 Về Vấn Đề Đồng Tính Luyến Ái Áp Dụng Cho Tất Cả Các Chủng Viện
Bùi Hữu Thư
23:18 22/05/2008

Văn Thư Năm 2005 Về Vấn Đề Đồng Tính Luyến Ái Áp Dụng Cho Tất Cả Các Chủng Viện



VATICAN 22, tháng 5, 2008 – Quốc Vụ Khanh của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI giải thích rằng một văn kiện của Vatican năm 2005 nói rằng các thanh niên đồng tính luyến ái không được thâu nhận vào các chủng viện, cũng được áp dụng cho các dòng tu và các giáo hội Đông Phương.

Báo L'Osservatore Romano có đăng lời giải thích ngắn gọn của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, và nói rằng Đức Giáo Hoàng đã chấp thuận cho công bố tin này ngày 8 tháng 4.

Lời giải thích của Đức Hồng Y cho hay các hướng dẫn được trình bầy trong lá thư năm 2005 của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo áp dụng cho “tất cả mọi trường đào tạo linh mục, kể cả các trường đặt dưới quyền điều khiển của các Giáo Hội Đông Phương, cho việc Phúc Âm hoá các Dân Tộc, và cho các Học Viện Đời Sống Tận Hiến và các Hội Dòng Đời Sống Tông Đồ.”

Văn kiện này có tiêu đề “Các Tiêu Chuẩn Hướng Dẫn Việc Nhận Định Ơn Gọi về Phương Diện những Người có Khuynh Hướng Đồng Tính Luyến Ái, để Thâu Nhận vào Chủng Viện và Chức Thánh."

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI chấp thuận hướng dẫn này và cho phép ấn hành ngày 31 tháng 8, năm 2005.
 
Phật tử và Kitô hữu tăng tiến trong sự hiểu biết lẫn nhau
Phụng Nghi
09:36 22/05/2008
Rocco di Papa (Ý) – Zenit – Phật tử và người Kitô hữu có thể tìm ra một điểm hợp nhất và thông cảm, đó là quan niệm từ bi nơi Phật giáo và đức bác ái ở Kitô giáo. Đó là kết luận của các chuyên viên tham dự cuộc họp về đối thoại liên tôn giáo.

Dự phiên họp từ ngày 26 đến 30 tháng 4 tại Rocca di Papa gần Roma do Phong trào giáo dân Focolare tổ chức, các đại diện Phật giáo và Kitô giáo đã xem xét những yếu tố nối kết nơi các truyền thống tôn giáo của mình.

Cha Cinto Busquet thuộc Phong trào Focolare nói với chúng tôi về tầm quan trọng của cuộc họp: “Lòng chân thành và cởi mở đối với cảm nghiệm tôn giáo của người khác, đặt căn bản trên niềm yêu thương và lòng từ bi sống động giữa chúng tôi, đã cho phép chúng tôi chia sẻ cùng nhau kinh nghiệm về Thượng đế, đấng đã soi sáng cả chúng tôi là người Kitô hữu và các anh em bên Phật giáo.”

Cha Busquet đã làm việc suốt 17 năm tại Nhật bản; ngài nói rằng các đại biểu tham dự đã được tự do nói lên các các nghiệm đức tin của mình.

Cha nói: “Theo đúng truyền thống, chắc các bạn Phật tử chúng tôi không nói về Chúa, nhưng nói về Phật Thích ca hoặc Niết bàn, nhưng cả họ và chúng tôi đều có thể tự do nói về các cảm nghiệm đức tin của mình, cảm thấy được hoan nghênh và hiểu biết nhau sâu xa về huyền nhiệm vô biên của Thượng đế.”

Ryoko Nishioka, đến từ Nhật bản, cho biết cuộc họp như thế này là lần thứ ba. Ông nói buổi họp “có một ý nghĩa đặc biệt, bởi vì Phật tử và Kitô hữu chúng tôi đã hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của từ bi Phật giáo và bác ái Công giáo. Tôi tin rằng nhờ thực thi lòng bác ái và cảm thông này chúng ta có thể tìm thấy được chiều sâu của mỗi tôn giáo.”
 
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ thăm Đền Thánh Mary MacKillop của Úc châu
Bùi Hữu Thư
09:45 22/05/2008

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ thăm Đền Thánh Mary MacKillop của Úc châu



SYDNEY, Úc, 21 tháng 5, 2008 – Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ viếng thăm đền thánh Á Thánh Mary MacKillop của nước Úc trong chuyến viếng thăm Sydney vào tháng 7.

Á Thánh Mary MacKillop


Cuộc thăm viếng này đã được giới chức của Tòa Thánh xác định tại Sydney tuần này trong khi kiểm tra việc thiết kế và chuẩn bị cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008.

Đức Giám Mục Phụ Tá Anthony Fisher, phối trí viên của đại hội nói, "Ngày hôm nay chúng tôi có thể xác định là Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm ngôi mộ của Á Thánh Mary MacKillop, một trong 10 vị thánh quan thầy của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008. Câu chuyện của Mary MacKillop phục vụ cho người nghèo khổ và thất học là nguồn hứng khởi cho tất cả mọi người dân Úc Châu, và chúng tôi hy vọng là bà thánh cũng khuyến khích được tất cả mọi giới trẻ trên thế giới."

Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Lazzarotto, khâm sứ Toà Thánh tại Úc cũng xác nhận là Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện tại ngôi mộ của bà MacKillop tại phía bắc Sydney trong thời gian ngài đến đây.

Đức Tổng Giám Mục Lazzarotto nói, "Đức Thánh Cha sẽ là một trong muôn ngàn người hành hương đến thăm viếng đền thánh trong tháng 7. Ngài sẽ cầu nguyện cho nước Úc và những người trẻ hành hương của thế giới để họ có thể được tràn đầy Thánh Thần và làm nhân chứng cho Đức Kitô."

Đức Giám Mục thành Rôma sẽ ở Úc tám ngày, kể cả ba ngày nghỉ ngơi và suy niệm tại miền bắc nước Úc trước khi đến Hải Cảng Sydney ngày 17 tháng 7.

Thành phố Sydney sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23 từ ngày 15 đến 20 tháng 7, 2008.

Đền Thánh Mary MacKillop
 
Top Stories
Selon une large enquête commanditée par l’archidiocèse de Singapour, les catholiques à Singapour sont très pratiquants mais assez peu engagés
Eglises d'Asie
11:38 22/05/2008
Selon une large enquête commanditée par l’archidiocèse de Singapour, les catholiques à Singapour sont très pratiquants mais assez peu engagés

S’il fallait résumer d’un trait la vaste enquête commanditée par l’archidiocèse de Singapour au sujet de la communauté catholique de Singapour, on pourrait dire que le catholique singapourien est une personne fort pratiquante mais relativement peu engagée dans l’Eglise. Telle la principale conclusion tirée par le Catholic Research Centre of Singapore d’une étude conduite sur deux week-ends du mois d’août 2007 auprès de 94 447 catholiques, y compris des non-Singapouriens, âgés de 12 ans et plus. L’étude présente un caractère relativement exhaustif étant donné que, selon les statistiques 2007 du diocèse de Singapour, la cité-Etat compte 174 109 catholiques (4 % des 4 483 000 habitants de Singapour).

La pratique religieuse, définie comme la participation à la messe dominicale, est très forte parmi les catholiques de Singapour: huit sur dix d’entre eux disent aller à la messe chaque week-end. Toutefois, cette pratique ne se traduit que par un relativement faible engagement dans l’Eglise: l’étude définit l’engagement comme la participation à une activité d’Eglise et cinq catholiques sur dix déclarent qu’aller à la messe est l’unique point de contact qu’ils ont avec la vie de l’Eglise. Sur un plan plus personnel et spirituel, sept catholiques sur dix disent n’avoir jamais fait partie d’un groupe de prière ou d’une petite communauté fraternelle. L’attente en ce domaine existe cependant car 30 % des membres de ce groupe affirment qu’ils aimeraient bien appartenir à de telles communautés.

Un autre point saillant de l’étude est que les jeunes, les adolescents notamment, sont proportionnellement plus actifs et engagés dans l’Eglise que leurs aînés. La tranche des 12-14 ans est pratiquante à hauteur de 89 %; celle des 15-19 ans à hauteur de 85 %. Plus que leurs aînés, ces jeunes se montrent particulièrement attachés à leur paroisse et aux activités qui s’y déroulent. Selon Stella Quah, sociologue et coordinatrice de l’enquête, ce fait reflète le travail mené depuis plusieurs années dans le domaine du catéchisme, même si les jeunes catholiques de Singapour fréquentent en masse les églises avant tout parce que ce sont leurs parents, accaparés par ailleurs par leur vie professionnelle, qui les y envoient, sachant qu’ils trouveront là un cadre jugé propice.

Une autre conclusion intéressante de l’étude concerne la prière familiale. Dans une société où le primat est donné aux études et à l’engagement dans la vie professionnelle, les parents, bien souvent, n’ont pas beaucoup de temps à accorder à leurs enfants, au sein de familles à la taille en général très réduite. Seule une famille catholique sur trois pratique la prière familiale. Toutefois, c’est bien dans la famille que la foi se transmet: six catholiques sur dix viennent de familles dont tous les membres sont catholiques; parmi les catholiques vivant en couple, 83,5 % des personnes interrogées sont mariées à un conjoint catholique. De plus, plus la pratique dominicale est menée dans le cadre de la famille, plus cette pratique est forte: dans le groupe des 64,6 % de catholiques qui disent aller à la messe en compagnie d’un ou plusieurs membres de leur famille, le taux de pratique atteint les 86 %. A l’opposé, le nombre des personnes qui se rendent seule à la messe est assez fort: un catholique sur cinq, et cette tendance va croissant à mesure que l’âge des paroissiens s’élève; il est de près de 30 % chez les catholiques âgés.

Les questions d’appartenance linguistique ne sont pas absentes de l’étude. Un catholique sur cinq ne parle pas l’anglais, langue utilisée dans les églises, et ne parle qu’une langue asiatique à la maison. Selon Catholic Research Centre of Singapore, il y a là un appel à développer les services et les ministères en d’autres langues que l’anglais.

En conclusion, les auteurs de l’étude indiquent que l’enquête montre qu’il existe des points sensibles dans l’Eglise de Singapour, tels que la nécessité d’amener les catholiques à s’engager au-delà de la messe dominicale, celle de développer des petites communautés chrétiennes, ou bien encore celle de favoriser la prière en famille. Parallèlement, de nouvelles tendances émergent, telles que le nombre grandissant de paroissiens âgés qui vont seuls à la messe ou la présence croissante des étrangers dans l’Eglise (venus des Philippines bien sûr, mais aussi de Malaisie, d’Indonésie, d’Inde, du Pakistan ou encore du Bangladesh). L’Eglise se doit de se pencher sur les besoins pastoraux de ces groupes de population.

En 2004, dans une interview publiée par Eglises d’Asie (1), Mgr Nicholas Chia, archevêque de Singapour, s’interrogeait déjà sur le fait que les catholiques à Singapour étaient très généreux de leurs dons financiers mais beaucoup moins de leur temps. Les catholiques sont pratiquants, mais sont-ils pleinement catholiques ?, s’interrogeait-il.

(1) Voir EDA 399.

(Source: Eglises d'Asie - 22 mai 2008)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo dân Huế tôn vinh Mẹ Thiên Chúa trong Tháng Hoa kính Đức Mẹ
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
11:35 22/05/2008
HUẾ -- Tháng năm, người công giáo quen gọi là tháng hoa vì nắng Hè kích thích nhiều loài hoa thi nhau nở, từ vẻ đẹp rực rỡ màuhoa phượng đỏ đến những hồ sen trắng toả ngát hương thơm trong thành nội Huế, dịu dàng hoa loa kèn trắng tinh, thanh khiết, đơn sơ được các gia đình và tu sĩ mua về dâng kính Mẹ với tấm lòng cung kính.

Giáo xứ Dương Sơn kiệu Mẹ quanh làng
Giáo Hội dành tháng năm để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa, đồng thời thúc đẩy người tín hữu thực hiện các nhân đức của Mẹ bằng các việc thăm viếng, chia sẻ, cảm thông và phục vụ mọi người.

‘’ Hãy nên giống Chúa Kitô để trao ban, chia sẻ Tin Mừng cho những người cần đến chúng ta’’ Đức cha phụ tá Huế Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng đã chia sẻ trong, đêm lửa thiêng 18.05.2008 dành cho 70 cử nhân ra trường và bế giảng của 900 sinh viên công giáo đang theo học tại các trường Đại Học và Cao Đẳng ở Huế do dòng Thánh Tâm Huế tổ chức.

Ngoài ra, trong tháng 5 này nhiều hoạt động với ý mừng lễ Đức Mẹ Đi Thăm Bà Êlizabet,các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế đã chọn các gia đình nghèo ở vạn đò sông hương Huế để thăm viếng, chia sẻ niềm vui với anh chị em Phật tử trong ngày lễ Phật đản phật lịch 2552 tại Niệm phật đường Phú Hậu, chia nhóm đi thăm người khuyết tật không phân biệt lương giáo tại các giáo xứ.

Đặc biệt sáng 21.05.2008, 6 nữ tu cộng đoàn Con Đức Mẹ Đi Viếng Kim Đôi cùng một số giáo dân đã đến bệnh viện Huế để thăm, tặng quà cho những bệnh nhân nghèo bị ung thư mắt, viêm phổi, những bệnh nhân bại liệt lớn tuổi, đặc biệt những người sau khi mỗ tim cần rất nhiều sức bồi dưỡng.

Các Nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Kim Đôi thăm bệnh nhân
‘’Chúng tôi thực hiện tấm lòng vì tình yêu Chúa như góp những cánh hoa lòng dâng về Mẹ trong mỗi tháng 5’’, nữ tu Anna Lê Thị Huệ đặc trách cộng đoàn Kim Đôi tâm sự.

Riêng chiều ngày 21.05.2008 tại phòng khám Kim Long Huế, 30 anh chị em tình nguyên viên công giáo cùng các nữ tu dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế đã tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân AIDS đã qua đời, các nạn nhân bão Nargis ở Miến Điện và động đất ở Trung Quốc

Theo số thống kê tính đến ngày 19.05.2008, bão Nargis ở Miến Điện đã làm khoảng 78 nghìn người chết, 56 người mất tích và trận động đất mạnh 7,8 Richter ở Trung Quốc đã làm hơn 40 nghìn người chết, 247 nghìn người bị thương và 32 nghìn người bị mất tích.

Linh mục Giuse Hồ Thứ 49 tuổi cha xứ Kim Long, nói trong Thánh lễ:’’ những việc bác ái chúng ta thực hiện cho những anh chị em bằng cảm thông, chia sẻ, phục vụ dù rất nhỏ nhưng vẫn luôn có giá trị trước mặt Chúa vì Chúa đã nói rằng khi chúng ta làm cho một người bé nhỏ là làm cho chính Chúa’’.

Tuy nhiên, việc truyền rao lòng sùng kính Đức Mẹ trong tháng năm cũng được giáo dân từ thành phố đến các miền quê thực hiện mỗi đêm, qua những cuộc kiệu tượng Đức mẹ La Vang đi quanh xóm làng của giáo xứ Dương Sơn huyện Hương Trà, kiệu tượng Mẹ Hằng Cứu Giúp ở giáo xứ Điền Lộc, Phong Điền, tôn vinh Mẹ Vô Nhiễm ở giáo xứ Phú Ngạn, Quãng Điền hoặc rước tượng Mẹ Maria về các gia đình để lần chuỗi Mân Côi ở giáo xứ Gia Hội, thành phố Huế.
 
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường giáo họ Đồng Bàu (xứ Đá Nện, Quảng Bình)
GP. Vinh
22:49 22/05/2008
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường giáo họ Đồng Bàu (xứ Đá Nện, QB)

Hồi 9h ngày 20.05.2008, mặc cho trời mưa gió, đường sá lầy lội, trơn trượt, thánh lễ khởi công xây dựng thánh đường giáo họ Đồng Bàu vẫn diễn ra một cách long trọng và tốt đẹp. Tham dự nghi thức làm phép viên đá đầu tiên và thánh lễ tạ ơn do Đức cha Phaolô Maria chủ sự, có 9 linh mục trong và ngoài giáo hạt Minh Cầm, các khách mời và hơn 1.000 tín hữu.

Giáo họ Đồng Bàu được thành lập năm 1934 và hiện có 876 nhân danh trên 160 hộ. Do dân chúng sống tập trung trong khu vực đất bằng giữa các ngọn núi miền Tây Bắc Quảng Bình nên lúc đầu người ta đã đặt tên cho thôn của mình là Xóm Đồng, hay còn có một tên khác là Cụp Đá do nhà nguyện của xóm đạo này nằm ở dưới chân một ngọn núi nhỏ.

Ngay khi có tên trong sổ bộ Giáo Hội, giáo họ ở cực Tây Bắc đất Quảng này đã làm cho mình một ngôi nhà nguyện bằng tre lá. Nhưng năm 1945, nước lũ tràn qua nơi đây đã làm cho ngôi nhà nguyện bị xiêu vẹo, rách nát; tiếp sau đó bom đạn chiến tranh cũng nhắm những miến ván, cây cột còn lại mà oanh tạc, khiến ngôi nhà nguyện thành mây khói bay lên bầu trời hay quyện vờn trên các ngọn núi của xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa.

Không còn nhà nguyện, các vị chủ chăn vùng Quảng Bình lại rất ít; thêm vào đó là giai đoạn gặp nhiều khó khăn từ phía khách quan, nên họ đạo Cụp Đá kể như bị cụp luôn.

Năm 1994, khi cha Antôn Hoàng Tiến Diễn được cứ về quản xứ Kim Lũ và kiêm nhiệm xứ Đá Nện, ngài mới bắt đầu trao đổi với chính quyền để xin phục hồi giáo họ Xóm Đồng. Dẫu cha rất kiên trì suốt 8 năm trời, nhưng cuối cùng ước nguyện của vị mục tử cho đoàn chiên bé nhỏ nơi đây chưa thành hiện thực.

Sau những năm tháng đó, một lần nữa người ta cho rằng họ đạo Xóm Đồng đã thực sự xanh cỏ. Nhưng họ đâu biết rằng, niềm tin của các tín hữu Xóm Đồng như hòn than nằm dưới đống tro tàn. Nhìn trên bề mặt thì chẳng còn thấy gì, nhưng dưới lớp tro nguội đó là cả một sự bừng đỏ, ran nóng. Chính vì thế, các tín hữu nơi đây đã tổ chức đọc kinh cầu nguyện, sinh hoạt tại các tư gia, bất chấp nhiều lần những người đứng đầu cộng đoàn bị mời đến công đường để nghe nhắc nhở, cảnh báo.

Năm 2002, cha Phaolô Trần Ngọc Du được bổ nhiệm về làm quản xứ Đá Nện. Tiếp tục tinh thần đấu tranh cho quyền căn bản của con người như vị linh mục tiền nhiệm, cha đã nhiều lần đến cơ quan nhà nước để đối thoại, ngỏ lời. Sự kiên trì của cha Phaolô và các tín hữu nơi đây trong suốt 3 năm đã đưa niềm mơ ước hơn 6 thập niên của cộng đoàn Xóm Đồng trở lại hiện thực. Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Bình đã ký quyết định cho phục hồi giáo họ Cụp Đá với tên gọi là giáo họ Đồng Bàu. (Tên gọi mới này ra đời có lẽ do trong vùng dân chúng tập trung không chỉ là vùng đất bằng mà còn có sông bàu xung quanh).

Không những cho phục hồi, tháng 06.2007, chính quyền tỉnh Quảng Bình còn cấp cho gần 2.000 m2 đất trên một ngọn đồi cách nên nhà thờ cũ 300 mét về phía Tây Bắc cho họ Đồng Bàu xây dựng thánh đường.

Nhận được giấy phép xây dựng vào đầu năm nay, dầu kinh phí chưa cho phép sẵn sàng, nhưng các tín hữu nơi vùng thung lũng cách toà giám mục Xã Đoài khoảng 120 km về phía Tây Nam này đã nô nức, ồ ạt kéo nhau lên đỉnh đồi. Người cuốc, người cào, người bao, người xẻng… họ đã san bằng ngọn núi khiến cha Phaolô đã phải vội vàng tổ chức lễ đặt viên đá kẻo niềm trông mong của họ bị tổn thương.

Thấy đỉnh núi được san thấp xuống, thấy từng đoàn người nô nức tiến lên núi cao để tham dự nghi thức khởi công và thánh lễ, Đức cha Phaolô Maria đã sánh ví cộng đoàn nơi đây như dân Israen và thánh vương Đavid xưa. Và ngài cầu chúc cho niềm hăng say đó được thể hiện trong suốt thời gian thi công thánh đường. Tuy nhiên, vị mục tử giáo phận biết điều gì là cần thiết hơn, nên ngài đã nhắc nhở hết mọi người cần ý thức về ngôi đền thánh tâm hồn: “Khi không có Chúa ngự trong tâm hồn, thì ngôi thánh đường có nguy nga như thế nào cũng vô ích. Và thật là uổng phí nếu người ta bỏ ra bao nhiêu công sức để xây dựng ngôi đền thờ vật chất mà lại sử dụng không hết, không đúng chức năng của nó”.

Sau Thánh lễ, người ta thấy những hình ảnh thật ngộ nghĩnh, mộc mạc, nhưng nó đã diễn tả tất cả niềm vui sướng của giáo họ Đồng Bàu trong sự kiện quan trọng này. Các tín hữu nơi đây: người gánh, người đội trên đầu, người khiêng, người vác từng mâm tiệc, ca bia, bình rượu từ dưới thôn xóm lên đỉnh đồi, nơi nền nhà thờ, để liên hoan với nhau.

Cầu chúc cho giáo họ Đồng Bàu sớm hoàn thành ngôi thánh đường, để lúc đó, các tín hữu nơi đây có được niềm vui lớn hơn nữa, bù đắp cho bao nhiêu năm trời sống trong sự thua thiệt, u buồn của họ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phỏng vấn Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương về viễn tượng Ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam (phần 2)
LM Stephanô Bùi Thượng Lưu
01:41 22/05/2008
 
Phái đoàn Tòa Thánh thăm Việt Nam - những mục tiêu và vấn đề Tòa Khâm Sứ? (phần 1)
LM Stephanô Bùi Thượng Lưu
01:47 22/05/2008
 
Phỏng vấn Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương về mục tiêu và nghị trình Phái đoàn Vatican tới Việt Nam
LM Stephanô Bùi Thượng Lưu
10:52 22/05/2008
Phỏng vấn Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương về mục tiêu và nghị trình Phái đoàn Vatican tới Việt Nam

(Đức ông Phương thuộc Bộ Truyền Giáo và là thành phần Phái Đoàn Vatican, sẽ thăm viếng Việt Nam vào tháng 6 năm 2008)

LM Bùi thượng Lưu
LM Stephanô Bùi Thượng Lưu: Đây là một dịp rất là tốt, Đức Ông đã đến với cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức đây là lần thứ hai và con biết Đức Ông trong trách vụ rất là nặng nề, trọng trách làm trưởng Vụ của mục vụ Á Châu trong Thánh Bộ Văn hóa và Bộ Ngoại giao trước, thành ra trong trách nhiệm đó, Đức Ông đã dành cho cộng đoàn chúng con ngày hôm nay, trong Đại hội một cuộc thuyết trình, nhất là chủ đề vào hôm qua. Bây giờ, con xin được mở một cái ngoặc lớn hơn về vấn đề Giáo Hội, thực sự ra, cái đề tài của chúng con không có xa khỏi Giáo Hội tức là nó luôn là một nhịp cầu rất tốt cho Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức, tiếp tục cầu nguyện, tiếp tục hiệp thông với Giáo Hội ở nhà, giống như những người con xa quê hương. Chúng con biết là Đức Ông sắp sửa cùng với phái đoàn Tòa Thánh để sang Việt Nam lần thứ 15, thì con xin Đức Ông cho quý khán thính giả được biết chương trình, gồm tóm lại những chương trình chính trong phái đoàn Tòa Thánh sắp tới.

Nghị trình mà Phái đoàn Vatican sẽ bàn tới:

Đức ông Nguyễn Văn Phương
Đ.Ô. Barnabê Nguyễn Văn Phương:: Cám ơn Cha, chúng ta sống trong Giáo Hội hiệp thông, chúng ta mặc dầu là ở hải ngoại, chúng ta rất quan tâm đến Giáo Hội Việt Nam của chúng ta và con xin cám ơn Cha cũng đã quan tâm đến phái đoàn Tòa Thánh. Phái đoàn Tòa Thánh đi lần thứ 15, lần này là lần thứ 15, là để làm sao, là để đối thoại với chính quyền Việt Nam hiện nay, đối thoại là để tìm những cái gì để mà có thể cùng nhau xây dựng: xây dựng đất nước, xây dựng Giáo Hội và đối thoại để giúp cho Giáo Hội Việt Nam được chính quyền nhìn nhận hiểu biết hơn là một Giáo Hội muốn xây dựng, muốn kiến tạo, chứ không phải là một Giáo Hội mà có phải là một lực lượng nào đương đầu, nên là con thấy kết quả từ 15 lần đến đây thì thấy rằng là lần lần có sự hiểu biết, có sự thông cảm, có sự chia sẻ một cách nào đó cái mối ưu tư của sự đóng góp của Giáo Hội, mặc dầu là như chúng ta mong muốn, như phái đoàn mong muốn thì chưa được. Rồi cái chương trình của chúng con là, trước hết là như vừa nói là đối thoại với chính phủ Việt Nam những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Cái điều thứ hai là muốn đi thăm Giáo phận Huế, ở trong đó có Thánh Địa La Vang của chúng ta, mà chúng ta biết thì những thời gian gần đây đã có vấn đề là yêu cầu chính quyền trao trả đất La Vang lại cho Giáo phận Huế, đó là Thánh Địa La Vang, có sự mong mỏi của phái đoàn Tòa Thánh đến La Vang để mà kính viếng Đức Mẹ. Chúng ta mừng kỷ niệm Đức Mẹ La Vang, thì đến đó cầu nguyện với Đức Mẹ La Vang để chứng tỏ mối quan tâm của Tòa Thánh đứng về phía Giáo Hội, đứng về phía Giáo Hội Việt Nam để ủng hộ sự yêu sách chính đáng của Giáo Hội Việt Nam, của Giáo phận Huế trực tiếp. Trả lại đất La Vang để là nơi Trung tâm Hành hương của Giáo Hội Việt Nam, để những người con cái đến đó một cách thoải mái, tự do và cầu nguyện với Đức Mẹ. Về cái chương trình nữa là chúng con cũng ước muốn đi thăm Giáo phận Đà Lạt, Giáo phận Đà Lạt thì Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn vừa mới lên làm Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam, đi thăm vị Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam của phái đoàn Tòa Thánh là một chuyện hết sức là phải lẽ. Đi thăm vị chủ tịch để cho thấy rằng Giáo Hội Việt Nam, đại diện Giáo Hội Việt Nam là Hội đồng Giám Mục, mà Hội đồng Giám Mục Việt Nam có vị chủ tịch thì Tòa Thánh đến thăm, chứng tỏ rằng là cái quyền, quyền bính của Giáo Hội Việt Nam, chính thức là Hội đồng Giám Mục Việt Nam, không có cơ quan nào khác, rồi đại diện cho Hội đồng Giám Mục là Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám Mục. Ở Đà Lạt cũng có Giáo hoàng Học viện, thì từ lâu các Đức Giám Mục cũng muốn chính quyền trao trả lại để mà làm những công tác của Giáo Hội phục vụ để mà học hỏi hay bất cứ cái gì, để làm một nơi để mà phục vụ cho những người tín hữu. Vì thế mà, mối quan tâm của Tòa Thánh là như vậy. Đối thoại chính quyền, thăm Đức Mẹ la Vang và thăm Chủ tịch Hội đồng Giám Mục, trong đó có những vấn đề liên quan mà Tòa Thánh rất quan tâm.

Hỏi: Như vậy là chỉ có Huế và ở Đà Lạt mà Hà Nội không có.

Đáp: Hà Nội là đương nhiên, bởi vì đến là luôn luôn đến giáo đô, thủ đô chứ, xin lỗi đến thủ đô, thì Hà Nội là đương nhiên rồi, phải có.

Hỏi: Tiện thể con nhắc đến Tòa Khâm Sứ. Tòa Khâm Sứ, chắc Đức Ông cũng chứng kiến, và chứng kiến những biến cố lớn trong cuối năm 2007, từ ngày 15/12 khi Đức Tổng Giám Mục Kiệt đã ra tông thư để mời gọi giáo dân Hà Nội cầu nguyện để xin trao trả lại Tòa Khâm Sứ vì nhu cầu của Giáo Hội, đồng thời trong chiến dịch cầu nguyện đó, Giáo Hội cũng mời gọi giáo dân ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại hợp ý cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Bây giờ, tiện thể Đức Ông nhắc đến Hà Nội, đến chuyến viếng thăm Hà Nội, thì trong phái đoàn Tòa Thánh kỳ này có đặt vấn đề đó với chính phủ không?

Đáp: Chắc chắn là có, bởi vì vấn đề nó không những là riêng tư, kín đáo giữa Hà Nội, với chính quyền ở tại Hà Nội nhưng mà chúng ta biết là nó đã lớn lên trên bình diện thế giới. Báo chí thế giới, không chỉ là báo chí Việt Nam, các trang Net, các nguồn tin bằng tiếng Việt, nhưng mà cả những tin tức, những hãng thông tấn lớn bằng tiếng ngoại quốc, họ cũng quan tâm. Thì vấn đề đó là vấn đề kể như là lớn, không có thể không đá động đến, công việc nó sẽ như thế nào thì sẽ do sự đối thoại, sự hiểu biết, sự thông cảm, sự nhân nhượng giữa hai bên, cái vấn đề yêu cầu trao trả lại cho Giáo Hội là nhu cầu chính đáng của Giáo Hội. Cho nên rằng là phải đặt ra thì cũng là rất đúng, Giáo Hội rất quan tâm và có lẽ, chắc chứ không phải là có lẽ, một trong những đề tài mà phái đoàn Tòa Thánh đặt ra là vấn đề Tòa Khâm Sứ, đất đai, những cái chính, những cái lớn, còn những đất đai nói chung thì không có đặt ra.

Hỏi: Vâng, xin cám ơn Đức Ông đã cho khán thính giả biết những điểm căn bản. Con còn hai câu hỏi nhỏ với Đức Ông: câu hỏi thứ nhất là khi Đức Ông giao tiếp, ngoài những mục đích chính mà Đức Ông vừa đặt ra thì mỗi lần phái đoàn Tòa Thánh về, có một số Giám Mục mới, con thấy Giáo Hội Việt Nam vẫn còn trống một số Tòa trống như Thái Bình, Thanh Hóa, Phát Diệm rồi Ban Mê Thuộc, chẳng hạn, như vậy, thì kỳ này phái đoàn Tòa Thánh có đặt vấn đề đó với Giáo Hội Việt Nam và với chính phủ?

Đáp: Vấn đề đặt thì có đặt trước rồi, bình thường thì như Cha biết, những người Công Giáo Việt Nam chúng ta ở hải ngoại biết, là muốn bổ nhiệm một giám mục thì nhà nước yêu cầu một cách gọi rằng là yêu cầu đòi buộc là Tòa Thánh phải hỏi ý kiến của nhà nước, chính phủ Việt Nam, thì nếu mà đã hỏi ý kiến vị này, vị kia thì hy vọng lần này qua bên đó được chính phủ trả lời, đúng là có hy vọng, còn được bao nhiêu thì cũng là chưa biết, nhưng mà có hy vọng được chút gì chăng?!!

Viễn tượng về liên hệ ngoại giao:

Hỏi:... Chúng con rất vui mừng tại vì trong lần này chúng con kỷ niệm hai mươi năm phong Thánh và nhất là nhìn lại về quê hương, chúng con cũng muốn cùng với Giáo Hội để kỷ niệm 210 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang và 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức thì chủ đề của Đại Hội của chúng con là “Đức Maria Nữ Vương các Thánh Tử Đạo Việt Nam”. Giờ đây, con biết là có nhiều khán thính giả qua Internet và qua VietCatholic cũng như qua diễn đàn của chúng con ở Âu Châu này chắn chắn không có được dịp trực tiếp nghe Đức Ông, thì bây giờ con xin Đức Ông trả lời: Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sang gặp Đức Thánh Cha vào đầu năm 2007, đó là khởi điểm cho những hy vọng mới, thì trong thời điểm đó, Việt Nam cũng đã gia nhập vào WTO, thành thử ra khi nhìn vào phái đoàn Tòa Thánh trong tiến trình thiết lập ngoại giao giữa Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam, Đức Ông thấy lần này phái đoàn Tòa Thánh sẽ đạt được kết quả nào không? hay có hy vọng gì không? Tiến trình đó nó đi đến đâu?

Đáp: Hy vọng thì con có ý là người ta nói bằng tiếng Ý là "L'esperenza è ultima la morire", nghĩa là hy vọng là cái đích cuối cùng, cứ hy vọng hoài, không biết nó sẽ đi đến lúc nào, hy vọng là không để cho mất, chúng ta hy vọng, hy vọng, hy vọng, về tiến trình liên hệ ngoại giao thì chúng ta vẫn hy vọng và chúng ta tin chắc rằng là liên hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh với chính phủ Việt Nam là một điều tích cực không phải riêng cho Tòa Thánh mà cho cả đất nước Việt Nam nữa. Bởi vì, Tòa Thánh, nếu mà những ai có thiện tâm thì nhìn nhận Tòa Thánh là tiếng nói tinh thần, Tòa Thánh không có đem lại vấn đề kinh tế, không có kỹ nghệ gì cả, nhưng mà thế giới nhìn nhận Tòa Thánh, đặt liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh trên 170 quốc gia, là làm sao, là nhìn nhận tiếng nói tinh thần của Tòa Thánh có giá trị, mà tiếng nói đó không phải đứng về một phía nào, đứng về bên tay mặt, đứng về bên tay trái, nhưng mà là tiếng nói chung, tiếng nói của con người, tiếng nói của nhân bản, tiếng nói của lương tâm, tiếng nói của yêu thương, tiếng nói của công bình, tiếng nói của chân lý. Với điều đó, thì con tin tưởng rằng, những người thiện tâm, những chính phủ thiện tâm thấy cái đó, và một khi thấy thì chấp nhận một cách tích cực, tự nguyện và vui vẻ.

Những mong ước của Giáo hội Việt Nam:

Hỏi: Theo như Đức Ông ở gần Đức Thánh Cha Bênêđictô, thì có lần nào Đức Ông đã nghe Đức Thánh Cha Bênêđictô ngỏ ý được sang thăm viếng Việt Nam không? Nếu quan hệ ngoại giao sẽ được (thiết lập).

Đáp: Con chưa được biết lần nào Đức Thánh Cha ngỏ ý trực tiếp, nhưng mà gián tiếp thì Đức Thánh Cha muốn thăm tất cả các nước, ở trong đó có con cái người tín hữu, Việt Nam là một Giáo Hội quan trọng ở Á Châu của chúng ta, chúng ta phải nhìn nhận điều đó. Và một Giáo Hội quan trọng ở Á Châu như vậy thì việc mà Đức Thánh Cha ước muốn đến thăm là một điều hết sức là bình thường, phải lẽ và chúng ta tin chắc rằng Đức Thánh Cha này rất là muốn đi thăm Việt Nam.

Hỏi: Câu hỏi quan trọng nhất mà con muốn nói là Giáo Hội Việt Nam được mời Đức Ông sang đã là 15 năm, 15 lần thăm viếng Giáo Hội Việt Nam, con xin Đức Ông cho khán thính giả chúng con, cho tất cả các cộng đoàn Viêt Nam hải ngoại biết là Giáo Hội Việt Nam mong muốn được góp phần trong vấn đề xã hội cũng như vấn đề văn hóa, thì con thấy Giáo Hội đòi hỏi cho mình được cái quyền phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước, điều đó nó tiến hành như thế nào và trong những đòi hỏi đó Giáo Hội đang cố gắng để đạt tới dần dần?

Đáp: Vấn đề rất là lớn, Giáo Hội Việt Nam luôn luôn yêu cầu được góp phần vào một cách tích cực xây dựng đất nước, xây dựng dân tộc, xây dựng quê hương, đào tạo những lớp người trẻ, tương lai của đất nước, tương lai của quê hương. Giáo Hội yêu cầu, mong muốn tích cực tham gia đào tạo xây dựng đất nước, xây dựng đào tạo người trẻ bằng cách nào? Là giáo dục, tới bây giờ thì Giáo Hội chưa được quyền giáo dục trẻ. Cha biết, các nữ tu chỉ được quyền mở lớp mẫu giáo, mầm non chứ không phải mẫu giáo nữa, từ zero tuổi cho đến năm tuổi, từ năm tuổi trở lên thì không được. Xét cho cùng, không phải là giáo dục, giữ trẻ mầm non vậy thôi, cho nó qua. Giáo dục phải từ tiểu học trở lên, thì Giáo Hội mong muốn xây dựng đất nước, đâu phải riêng gì cho Giáo Hội nhưng mà cho đất nước, dân tộc Việt Nam, cái đó là chưa được. Một cái ý muốn thứ hai nữa là góp phần xây dựng vào công tác xã hội, thì cho tới bây giờ nhà nước yêu cầu để cho Giáo Hội lo cho những người bị bệnh HIV (AIDS) tới giai đoạn cuối cùng, hay là những bệnh cùi mà nhà nước thấy rằng không có thiết tha làm những chuyện đó thì để cho Giáo Hội làm. Giáo Hội vui mừng làm công chuyện đó bởi vì là công việc bác ái, cái nền tảng của Giáo Hội, nền tảng của Giáo lý Phúc Âm. Nhưng mà, Giáo Hội muốn làm hơn nữa, phục vụ hơn nữa nhưng mà chưa được, thì chúng ta cầu mong lần lần những người có trách nhiệm thấy rằng là Giáo Hội mong muốn phục vụ và sự phục vụ đó không phải cho Giáo Hội nhưng mà cho đất nước, cho dân tộc.

Hỏi: Con xin Đức Ông cho chúng con những cảm tưởng quý mến của Đức Ông đối với Đại Hội trong những ngày vừa qua.

Đáp: Con xin hết lòng cảm ơn Cha, con đến đây với Đại hội, con thấy là niềm vui rất lớn, thấy một số đông những người anh em hay đồng bào Công Giáo Việt Nam của chúng ta đi từ xa. Hồi sáng này, có gặp một số anh em từ bên Tiệp Khắc, đến nữa là họ rất lấy làm vui mừng tham dự Đại hội và con thấy trong bầu khí hết sức tốt đẹp, sốt sắng nhất là Thánh Lễ đại trào ngày hôm nay mà chúng ta mừng lễ và sau đó thấy một đoàn thiếu nhi rất là đông, cái niềm vui lớn tương lai của Giáo Hội, tương lai của xã hội và chúng ta hy vọng tin tưởng chắc chắn rằng là nguồn gốc người Việt Nam luôn luôn được hướng về, hướng tâm hồn và hướng cả công việc làm để giúp ích cho đất nước Việt Nam, Giáo Hội Việt Nam là một niềm sung sướng và giúp được, thì Giáo Hội ở Đức này các cha tuyên úy đã từ nhiều năm nay thực hiện Đại hội như thế này năm nay là lần thứ 32, ở Âu Châu là nhất, đó là công trình lớn lao của các cha tuyên úy. Con xin chân thành chúc mừng, cám ơn các cha tuyên úy về công tác hết sức là tích cực lo đồng bào của chúng ta. Đó là niềm hạnh phúc, niềm vui mà con thấy được.

Hỏi: Con chân thành cám ơn Đức Ông đã dành cho chúng con một buổi nói chuyện hết sức là hữu ích. Phần riêng Đức Ông, và đặc biệt là chúc Đức Ông chiều hôm nay về Rôma bằng an, rồi lên đường đến Việt Nam với nhiều thành quả rất là tốt đẹp cho Giáo Hội, cho cộng đoàn Công Giáo Việt Nam hải ngoại và chúng con hợp ý hiệp thông cầu nguyện cho phái đoàn Tòa Thánh không những được bằng an mà còn đem lại rất nhiều hoa trái cho quê hương, cho Giáo Hội.

Đáp: Con xin cám ơn cha và qua cha con xin gởi lời chào tất cả cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam tại Đức cũng như trên thế giới.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Vai trò trung gian của triết học giữa thần học và khoa học tự nhiên
Lm Nguyễn Hữu Thy
08:10 22/05/2008
Vai trò trung gian của triết học giữa thần học và khoa học tự nhiên

Ngày nay những cuộc tranh luận sôi nổi về sự mâu thuẫn giữa thuyết tiến hóa và công trình sáng tạo vũ trụ, của một bên là các nhà khoa học tự nhiên và một bên khác là các nhà thần học. Những nhà khoa học tự nhiên cho rằng sự hình thành của vũ trụ là thuần tuý do khả năng tiến hóa nội tại của vật chất, chứ không do một quyền lực ngoại tại, tức họ chối bỏ thuyết sáng tạo. Ngược lại, các nhà thần học lại bênh vực thuyết sáng tạo một cách đầy xác tín. Trong khi đó, triết học hoàn toàn giữ thái dộ im lặng.

Sự sáng tạo dưới con mắt danh họa Michelangelo
Chắc hẳn không ai còn quá ngạc nhiên về điều đó, vì ở đây đề cập đến một vấn đề hết sức thực tiễn, nhưng các chiều hướng thuộc lãnh vực triết học thời đại ngày nay, như: Hiện tượng học, Nhân vị chủ nghĩa, Hiện sinh chủ nghĩa, Triết học phân tích, v.v… lại không còn sử dụng đường lối duy thực nữa. Trong khi đó, ngược lại, triết học tự nhiên và siêu hình học truyền thống, đặc biệt nhất là triết học theo khuynh hướng Aristote-Tôma, lại chứng minh cho thấy vai trò rất cần thiết và rất thích hợp của chúng trong việc can thiệp vào những cuộc tranh cãi hiện nay. Việc triết học tự nhiên và siêu hình học truyền thống có thể làm trung gian cho những cuộc tranh cãi đối kháng như thế, chúng ta có thể nêu lên những điểm sau đây:

Thứ nhất: Trước hết cần phải xác định rõ ràng rằng thuyết tiến hóa và khoa thần học hành động trên rất nhiều lãnh vực không hề mâu thẫn đối kháng nhau. Thật vậy, thuyết tiến hóa giả thiết rằng khởi đầu vũ trụ là vật chất nguyên sơ, và từ vật chất nguyên sơ đó sản sinh ra tất cả các loại sinh vật, mà ngày nay chúng ta tìm gặp được trong các cây cối, súc vật và người, nghĩa là vật chất nguyên sơ đó tự «biến hóa» từ từ thành các sinh vật. Còn thuyết sáng tạo cũng đề cập đến chính vật chất nguyên sơ đó và thế giới, tức cosmos, vũ trụ, một vũ trụ bao gồm tất cả mọi sinh vật, chứ không hề đối nghịch hay mâu thuẫn với bất cứ cái gì.

Nhưng chỉ khác ở chỗ: Thuyết sáng tạo của thần học khẳng định rằng vật chất nguyên sơ sản sinh ra các loại sinh vật và các loại sinh vật đó luôn phát triển không ngừng một cách tự nhiên theo một định luật đã được ấn định cho giới loại của mình. Tuy nhiên, sự sản sinh đó không do sức mạnh nội tại tự nhiên của vật chất xét như là vật chất - như thuyết tiến hóa chủ trương - nhưng là do sức mạnh ngoại tại tác động; nói rõ hơn, vật chất nguyên sơ sản sinh ra các động-thực vật cũng như sự phát triển của chúng là do quyền năng của Đấng Tạo Hóa, Đấng đã dựng nên chính vật chất nguyên sơ và thiết đặt định luật sản sinh và phát triển «tự nhiên» đó trong vật chất.

Thứ hai: Kể từ Aristote, truyền thống phân biệt giữa sự sản sinh hay sự nẩy sinh ra (tiếng Hy-lạp: Genesis, tiếng La-tinh: generatio) của những sự vật trong vũ trụ vật chất, tức những sự vật luôn được sản sinh ra từ vật chất đã tiền hữu – cũng như nơi những hữu thể sống động qua những nguyên tắc sự sống, nghĩa là nguyên nhân mô thể hay nguyên nhân mục đích – và sự «bước-vào-cõi-hữu» (das Ins-Sein-treten) của vật chất, hay của những nguyên tắc sự sống vừa nói trên, và cuối cùng là của toàn diện thiên nhiên, của thế giới, của chính cosmos. Aristote dạy rằng chính nguyên nhân bản thể của sự vật thiên nhiên, cũng như toàn thể thiên nhiên thì «vô sinh» (ageneton); nghĩa là nó bắt đầu hiện hữu và ngừng hiện hữu «mà không có sự sản sinh và sự tiêu tan đi». Phù hợp với sự bước-vào-cõi-hữu «vô sinh» này, là ý niệm về «sự sáng tạo» (tiếng Hy-lạp: ktisis; tiếng La-tinh: creatio) trong thần học về hạn từ «cha», một sự sáng tạo phát xuất từ «hư không», mà thánh Augustinô gọi là «creatio ex nihilo», tức một sự sáng tạo không bắt đầu từ vật chất tiền hữu, nghĩa là vật chất đã có sẵn. Vì thế, trong khi khoa học tự nhiên, cùng với thuyết tiến hóa, dựa vào diễn tiến sự sản sinh của vũ trụ hay của thiên nhiên, thì khoa thần học, cùng với sự trình thuật của Kinh Thánh, lại dựa vào sự sáng tạo vũ trụ - bao gồm toàn thể thiên nhiên – từ hư không.

Thứ ba: Hai môn khoa học đó thực sự mâu thuẫn đối kháng nhau, nếu như chúng vượt lên trên giới hạn của mình, như ngày nay đã xảy ra trong những cuộc tranh luận. Đó là: Với lý thuyết tiến hóa, khoa học tự nhiên coi vật chất như là một thực tại tiền hữu, tự tại và hội đủ mọi năng lực trong mình, bao gồm cả việc sản sinh ra sự sống; Nói cách khác, vật chất tự hữu, tức đời đời đã có vật chất và vật chất chứa đựng trong mình tất cả mọi năng lực đối kháng một cách nội tại, và chính những năng lực đối kháng đó làm sản sinh ra không ngừng mọi sinh vật. Còn về phía khuynh hướng thần học ngày nay cho rằng ý niệm tạo dựng cũng dựa theo tiến trình sự sản sinh trong vũ trụ từ vật chất như thuyết tiến hóa. Nhưng thần học lại chủ trương rằng tiến trình sản sinh đó qua kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa Tạo Hóa, một điều mà khoa học tự nhiên luôn bác bỏ. Nói cách khác, theo thuyết sáng tạo của thần học thì sự hiện hữu của vật chất chịu tác động bởi phạm trù thời gian, tức: tự bản chất, vật chất không tự hữu và cũng không hiện hữu bất tận, nhưng đã được bắt đầu và sẽ phải chấm tận, nghĩa là hữu hạn. Nhưng cái chi hữu hạn, tức đã được bắt đầu và phải chấm tận, thì tùy thuộc vào cái vô hạn, hay nguyên lý đệ nhất, và thần học gọi là Đấng Tạo Hóa hay Thiên Chúa.

Thứ bốn: Ở đây người ta có thể tóm tắt quan điểm của triết học tự nhiên như sau: Trong sự sử dụng ý niệm về vật chất như đã được đề cập đến ở trên, hoa học tự nhiên không còn ý thức được nguồn gốc thuộc triết học tự nhiên của ý niệm đó. Nói cách khác, vật chất không thể đơn thuần được coi như là một thiên nhiên tiền hữu, tự hữu và là nguyên nhân hiện hữu đúng nghĩa, nhưng là một nguyên nhân theo kiểu loại suy, được tiềm ẩn trong những sự vật thiên nhiên, hay nói đúng hơn là một «điểm xuất phát» (theo Aristote và Tôma Aquinô: vật chất được biểu tượng bằng hình ảnh «mẹ đất») của những sự vật sản sinh, và từ nguyên nhân đó các sự vật thiên nhiên tự phát triển. Điều đó muốn khẳng định rằng giữa những cái xác định hiện hữu cái bất khả xác định. Như thế, đã quá rõ là tiến trình sự tạo hình của những sự vật tự phát triển phải được qui ghép cho những nguyên nhân mô thể, nguyên nhân tác động hay nguyên nhân mục đích, là những nguyên nhân phân biệt nhau bởi chất thể. Những nguyên nhân đó biểu hiện nơi các sinh vật sản sinh như những năng lực sự sống hay nguyên tắc sự sống, là những năng lực không thể qui định hay gán ghép cho vật chất được. Nếu thế, thuyết tiến hóa – mà phẩm chất và giá trị của nó vốn hoàn toàn tuỳ thuộc vào tiến trình hay diễn biến thuộc phạm vi vật chất (vật lý và hoá học) – phải nhường chỗ cho suy tư triết học tự nhiên vốn vượt lên trên những năng lực sự sống hay nguyên tắc sự sống thuộc phạm vi vật chất trong các sự kiện của thiên nhiên.

Thứ năm: Cả khoa thần học cũng xem ra vượt khỏi lãnh vực mang tính cách thần học của mình (tức lãnh vực liên quan tới sự cứu rỗi nhân loại qua Đức Giêsu Kitô), nếu thần học qui ghép những tiến trình phát triển đều đặn nhịp nhàng của thiên nhiên, tức những tiến trình có thể lý giải được nhờ vào những năng lực sự sống nội tại của thiên nhiên hay các nguyên nhân – mô thể, tác động và mục đích - cho một «kế hoạch khôn ngoan» của Thiên Chúa và như thế có thể nói là thần học thay thế những nguyên nhân đó bằng một sự tác động trực tiếp của Thiên Chúa. Hơn nữa, người ta sẽ khó lòng tránh khỏi thuyết phiếm thần (Pantheismus). Khoa triết học tự nhiên truyền thống và siêu hình học đã phân biệt rõ ràng giữa nguyên nhân mục đích đệ nhất thuộc về Thiên Chúa và nguyên nhân mục đích đệ nhị thuộc nội tại thiên nhiên. Người ta có thể đọc được dẫn chứng thứ năm về Thiên Chúa nơi thánh Tôma như sau:

Ông theo dõi sự hữu dụng trong những sự vật thiên nhiên - khả tri đối với trí năng con người – trước hết trên những nguyên nhân mục đích nội tại. Nhưng vì những nguyên nhân mục đích đó vượt ra khỏi phạm trù nhận thức của trí năng và lý trí con người (sine ratione), nên tất nhiên phải kết luận rằng đó chính là nguyên nhân mục đích đệ nhất và siêu việt. Nơi sự kết thúc này, những nguyên nhân mục đích nội tại thứ hai, những nguyên tắc sự sống, không bị thay đổi thành những sự vật thiên nhiên. Aristote (De generatione animanlium) so sánh cách khéo léo chính thiên nhiên với một «kỹ thuật gia», nghĩa là một người thiết kế các chương trình và kế hoạch, nhưng dĩ nhiên chỉ một cách loại suy hay tương tự mà thôi, bởi vì thiên nhiên «dàn dựng kế hoạch» theo định luật nội tại trong chúng một cách «bản năng», chứ không sử dụng tới trí năng như con người. Trái lại, khi so sánh Thiên Chúa với một kỹ thuật gia nhân loại trong các kế hoạch thì mang nhiều tính chất tương tự, vì cả Thiên Chúa lẫn con người đều hành động theo trí năng.

Thứ sáu: Nhìn về phương diện siêu hình học, người ta thấy rằng sự tiến hóa và sự tạo dựng không mâu thuẫn nhau, vì thiên nhiên luôn vẫn tự phát triển không ngừng một cách tuần tự và đều đặn theo từng giai đoạn trong các thực tại của mình. Ở đây, những sự chuyển biến xảy ra từ sự bất định của chất thể, mà những năng lực mô thể của chúng đưa tới những kiểu thay đổi mới khác.

Nhìn theo lịch sử trái đất, những năng lực mô thể như thế trong những khoảnh khắc nhất định đã xảy ra một cách gián đoạn nơi các sinh vật: cây cối, động vật và người. Sự xuất hiện của chúng chỉ có thể được lý giải nhờ vào sự tạo dựng bởi một nguyên nhân siêu việt, và tôn giáo gọi nguyên nhân siêu việt đó là Thiên Chúa.

Nơi con người, sự tạo dựng đó vẫn tiếp tục xảy ra cho tới hôm nay; nói rõ hơn, trong mỗi bào thai con người đều có nguyên tắc thiêng liêng của sự sống. Chính Aristote đã dạy - điều mà sau đó Tôma Aquinô đã tiếp thu - là trí năng và hồn thiêng con người được «phú bẩm từ bên ngoài» vào trong bào thai.

Nói tóm lại, tự bản chất, vật chất vốn chứa đựng trong mình tính chất bị bào mòn và hư hoại, tức chịu ảnh hưởng tác động của phạm trù thời gian chi phối. Nếu vậy, vật chất không thể tự hữu và có khả năng trường cửu được, nhưng nó phải được bắt nguồn và thành hình bởi một quyền lực vô biên ngoại tại khác. Quyền lực vô biên đó thần học gọi là Thiên Chúa Tạo Hóa. Dĩ nhiên Thiên Chúa không trực tiếp dựng nên các sự vật thiên nhiên; nói cách khác, Thiên Chúa không trồng các cây cối như một thợ làm vườn, Người cũng không trực tiếp dựng nên các thứ súc vật trên mặt đất như một thợ gốm. Nhưng Thiên Chúa chỉ thiết đặt các nguyên lý trong vật chất thiên nhiên mà Người đã dựng nên và Người để cho các nguyên lý đó phát triển nhịp nhàng theo những định luật nội tại của chúng.

Đó cũng chính là nội dung ý nghĩa của Kinh Thánh khi tường thuật về công cuộc tạo dựng vũ trụ vật chất và muôn loài trong đó. Nói cách khác, qua sự tường thuật về công cuộc sáng tạo vũ trụ, Kinh Thánh chỉ muốn khẳng định một điều duy nhất là tất cả mọi thụ tạo – vũ trụ, con người và các sinh vật khác – đều do Thiên Chúa Tạo Hóa dựng nên và tất cả luôn nằm dưới sự cai quản và bảo vệ đầy uy quyền vô biên của Người.

_________________

Sách tham khảo:

Horst Seidl: “Evolution und Naturfinalität“. Olms-Verlag
 
Văn Hóa
Gởi Ông SỞ Bà NGÀNH thành phố Bác (thơ)
Tư Hiến
11:40 22/05/2008
Gởi Ông SỞ Bà NGÀNH thành phố Bác

Trường học hai tiếng thân thương,
Mà sao lại hóa vũ trường, hỡi ai ?
Còn đâu tiếng trẻ ôn bài,
“Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời” !
Vũ trường, tiêu-khiển, vui – chơi,
Kinh doanh một vốn bốn lời chia nhau.
Quên đi lời hứa ban đầu,
Mặt bằng đã mượn từ lâu, chưa hoàn !
Dùng sai mục đích làm ngang,
Ông Ngành, ông Sở nào gan vậy trời ?!
Vài lời nhắn gởi ông ơi !
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: An Bình Trên Trái Đất Bắt Đầu Từ Tâm
Lm. Trần Cao Tường
21:27 22/05/2008

An Bình Trên Trái Đất Bắt Đầu Từ Tâm



Ảnh của Cao Tường

an bình trên trái đất - xin bắt đầu từ tâm

bắt đầu giây phút này - với từng nhịp chân bước.

Let there be peace on earth - and let it begin with me

let this be the moment now - with ev'ry step I take

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền