Ngày 20-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh thần tác động và sai đi loan báo Tin Mừng
Lm. Đan Vinh
01:22 20/05/2021
CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG ABC
Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG VÀ SAI ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 20,19-23

(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”.(22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

2. Ý CHÍNH:

Chúa Giê-su Phục Sinh hiện đến mang lại cho các môn đệ sự bình an (c.19) và niềm vui (c.20). Sau đó Người sai các ông đi (c.21a), như chính Chúa Cha đã sai Người (c.21b). Cuối cùng, để giúp các ông chu toàn sứ mạng, Người đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông (c.22), nhờ đó các ông có quyền tha thứ hay cầm giữ tội của người ta tùy theo họ tin hay không tin vào lời rao giảng của các ông (c.23).

3. CHÚ THÍCH:

- C 19-20: + Vào chiều ngày ấy, ngày thứ Nhất trong tuần: Theo sách Sáng Thế, ngày thứ Nhất là ngày sau ngày Sa-bát. Từ nay, ngày thứ Nhất được gọi là Chúa Nhật nghĩa là Ngày của Chúa để kỷ niệm mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và các Ki-tô hữu có bổn phận hội họp nhau lại cử hành nghi thức Bẻ Bánh. + Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái: Lý do cửa đóng then cài, là vì các ông đang hoang mang giao động. Các ông sợ người Do thái sẽ đến bắt bớ các ông như họ đã làm đối với Thầy các ông.+ Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông: Điều này cho thấy thân xác Chúa Phục Sinh không còn bị không gian và thời gian giới hạn như lúc Người còn sống. +“Bình an cho anh em !”: Trong bữa Tiệc ly trước khi nộp mình chịu chết, Đức Giê-su đã hứa ban bình an cho môn đệ (x. Ga 14,27), và động viên các ông can đảm đương đầu với những thử thách sắp đến (x. Ga 16,33). Giờ đây sau khi sống lại, Người đã thực hiện lời hứa ấy bằng việc hai lần chúc bình an cho các ông (x. Ga 20,19.21). +Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Chúa Giê-su cho môn đệ xem các dấu đinh bị đóng nơi hai bàn tay (x. Ga 19,23) và vết thương bị lưỡi đòng đâm thâu ở cạnh sườn (x. Ga 19,34). Điều này chứng tỏ thân xác Chúa Phục Sinh cũng chính là thân xác Người đã từng chịu khổ nạn trước đó.
-C 21-23: +Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em: Việc hiện ra và sai các môn đệ ngay sau khi sống lại, cho thấy mầu nhiệm Phục Sinh là nền tảng của ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin mừng của Hội thánh. Như Chúa Giê-su đã được Chúa Cha sai xuống trần gian, thì giờ đây, sau khi phục sinh và được siêu tôn làm “Chúa” (x. Pl 2,11), được trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28,18), Người lại sai các môn đệ ra đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người (x. Mt 28,19), và làm chứng nhân cho Người (x. Cv 1,8). + Người thở hơi vào các ông và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần: Xưa khi sáng tạo lòai người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào hình nhân bằng đất sét, để hắn trở thành một người sống động là A-dam (x. St 2,7). Thì nay, Chúa Phục Sinh cũng thổi Thần Khí để biến đổi các môn đệ nên người mới, đầy ân sủng của Thánh Thần. Tuy nhiên vào lúc này các ông chưa đón nhận được ơn Thánh Thần, vì còn thiếu đức tin. Vì thế Chúa Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần và đã dùng nhiều cách để tăng cường đức tin cho các ông. Đến ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đã phát huy tác động trên các ông (x. Cv 2,1-4). + Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ: Đức Giê-su đã được Gio-an Tẩy giả giới thiệu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Sứ mạng của Người là tẩy xóa tội lỗi loài người bằng việc tha thứ cho những tội nhân thực lòng sám hối và đặt trọn niềm tin nơi Người (x. Lc 23,40-43). Giờ đây các môn đệ cũng được Người trao quyền tha tội nhờ quyền năng Thánh Thần.

4. CÂU HỎI:
1) Tại sao Chúa Giê-su cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn Người sau khi sống lại?
2) Người dã sai các ông đi rao giảng Tin mừng khi nào?
3) Đức Giê-su đã làm gì để ban Thánh Thần cho các môn đệ?
4)Các ông đã nhận được ơn Thánh Thần từ khi nào? Nhưng chỉ được Thánh Thần tác động vào lúc nào? Tại sao?
5) Chúa Phục Sinh đã ban quyền tha tội và cầm buộc cho các môn đệ qua câu nói nào?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:

“Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ tội ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).

2. CÂU CHUYỆN:

1) THẾ NÀO LÀ SỰ BÌNH AN NỘI TÂM THỰC SỰ:

Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua đã ngắm tất cả các bức tranh nhưng cuối cùng ông chỉ thích hai bức mà ông sẽ phải chọn một.
Bức tranh thứ nhất vẽ cảnh một hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng bay lơ lửng. Mọi người hiện diện đều đánh giá đây là bức tranh diễn tả sự an bình thật sự.
Bức tranh thứ hai cũng có những ngọn núi cao nhưng không cây cối và lởm chởm đầy những tảng đá xám xịt. Bầu trời trên cao đang giận dữ đổ mưa lớn kèm theo sấm chớp sáng lòe. Bên vách núi có một dòng thác đổ nước mưa xuống nổi bọt trắng xóa. Bức tranh xem ra chẳng chút bình an. Nhưng khi đến gần quan sát kỹ, nhà vua nhìn thấy phía sau dòng thác có một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang giang rộng đôi cánh ủ ấp mấy chú chim con. Dù giữa dòng thác đang trút nước ầm ầm mà chim mẹ vẫn ấp ủ bảo về lũ con của mình. Điều này đã diễn tả sự an bình nội tâm thực sự.
Nhà vua đã tuyên bố : “Ta chấm bức tranh này! Vì sự bình an không phải là nơi không có tiếng ồn ào, không gặp khó khăn cực khổ. Bình an tâm hồn chính là : dù đang sống giữa phong ba bão táp, mà người ta vẫn giữ được sự an bình nội tâm.

2) THÁNH THẦN THÚC ĐẨY NGƯỜI TA LÀM VIỆC TỐT:

Tại một giáo xứ ở miền Sicilia, thuộc miền Nam nước Ý, có một tập tục khá ngộ nghĩnh và lý thú. Mỗi năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau bài Tin Mừng, cha xứ ra lệnh thả ra trong nhà thờ một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Khi con chim câu nầy đậu xuống trên vai hay đầu ai thì người ấy không được tránh né hoặc đuổi đi, nhưng phải quyết tâm thực hiện một công tác cụ thể, to hoặc nhỏ tùy theo khả năng của mình, để chứng tỏ rằng mình làm công việc ấy là do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
Lịch sử giáo xứ ấy có ghi lại một số sự kiện điển hình như sau:
- Một lần chim câu đã đậu xuống trên vai ông hiệu trưởng. Kết quả là ông đã quyết tâm thực hiện một cuốn sách giáo khoa rất có giá trị.
- Lần khác, chim câu đáp xuống trên đầu một công tước vùng ấy, khiến ông ta phải ra tay nghĩa hiệp, bỏ tiền xây một hệ thống dẫn nước được đặt tên là “hệ thống dẫn nước Chúa Thánh Thần”.
- Có một linh mục trẻ được chỉ định đến thay thế cho cha xứ già đã đến tuổi hưu. Dù không tán thành nhưng cũng chưa dứt khoát bỏ đi tập tục đã thành truyền thống kia. Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đầu tiên của ngài ở xứ mới, vị linh mục trẻ vẫn cho giữ thông lệ thả chim câu, nhưng ra lệnh mở hết tất cả các cửa chính và cửa sổ với hy vọng là chú chim câu sẽ bay ra ngoài để tung cánh trong bầu trời cao rộng. Trớ trêu thay, sau khi bay lượn vài vòng từ đầu này đến đầu kia của nhà thờ, chim câu đã đáp xuống vai phải của cha xứ mới trong tiếng vỗ tay vang dội của giáo dân. Phải hứa làm gì cụ thể bây giờ đây? Cha xứ mới chỉ tuyên bố là ngài sẽ đầu tư mọi khả năng và thời giờ để phục vụ tốt cộng đoàn giáo xứ. Và ngài đã giữ lời hứa.

3) THÁNH THẦN BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI MẸ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA:

Trên một toa tàu chợ phát xuất từ thành phố Can-quýt-ta Ấn Độ, giữa đám hành khách nghèo khổ đang ngồi la liệt trên sàn tàu, có một phụ nữ tay cầm tràng hạt, mắt nhắm lại và miệng lẩm bẩm đọc kinh. Người phụ nữ đó không ai khác hơn là bà Tê-rê-sa. Về sau người đời đã gọi bà bằng một cái tên thân thương: “Mẹ Tê-rê-sa thành Can-quýt-ta”. Bà là người đã sáng lập dòng Thừa sai Bác ái, với nhiệm vụ chuyên lo tìm kiếm những bệnh nhân nghèo khổ đang hấp hối gần chết và bị bỏ rơi trên các hè phố thành Can-quýt-ta. Họ thuộc giai cấp cùng đinh trong xã hội nước Ấn. Sứ mệnh của chị em nữ tu này là mang những người đó về tu viện chăm sóc và giúp họ được chết trong bình an. Về sau mẹ Tê-rê-sa đã kể lại ơn gọi ấy như sau: “Khi nhìn thấy đám người nghèo khổ kia đang nằm ngồi ngổn ngang trên sàn tàu, đột nhiên có một sức mạnh đã đổ ập xuống trên tôi, làm cho tôi tự nhiên cảm thấy họ chính là những Chúa Giê-su đang bị bỏ rơi. Tôi sẽ phải làm gì để giúp đỡ họ đây?”. Sau đó bà đã quyết định lập một dòng nữ với sứ mệnh chuyên lo phục vụ cho những người nghèo khổ này. Rồi bà bắt tay vào việc đầu tiên là tìm mướn một căn nhà để làm nơi phục vụ cho họ, đang khi trong túi bà chỉ còn đúng ba đồng bạc Ấn ! Nhưng nhờ ơn Chúa giúp mà ngày nay dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã lan truyền đi khắp các nước trên thế giới. Quả thực, điều này cho thấy Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và họat động nơi mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh.

4) THÁNH THẦN HỖ TRỢ CHO CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG:

Tại một tỉnh thuộc miền Trung Ấn Độ, một tín hữu Ki-tô có tên là Sacdu-Sundasi tự nguyện tham gia công tác truyền giáo bằng cách phổ biến sách Tin Mừng. Ngày kia, trên một chuyến xe lửa, anh can đảm lấy ra một số sách Tin Mừng của thánh Gio-an đựng trong cặp và trao cho hành khách không phải là Ki-tô hữu cùng đi trên xe. Một hành khách, thay vì chỉ từ chối không nhận, lại còn giận dữ chộp lấy một quyển Tin Mừng xé nát ra và quăng những mảnh giấy vụn qua cửa sổ. Thiện chí truyền giáo của Sacdu tưởng chừng như tan biến theo gió. Nhưng cũng vào lúc ấy, có một người tình cờ đi dọc theo đường ray, anh ta tò mò cúi xuống nhặt mảnh giấy bị gió cuốn trước mặt, và anh đọc được hàng chữ "Bánh Hằng Sống" được in bằng tiếng địa phương. Tuy không hiểu rõ những chữ trên có ý nghĩa gì nhưng anh cứ giữ lấy mảnh giấy để dò hỏi các bạn quen biết. Một trong bọn họ bảo: Đây là mảnh giấy trong sách đạo Ki-tô, anh không nên đọc nó nếu không muốn bị ô uế.
Suy nghĩ trong khoảnh khắc, người đã nhặt được mảnh giấy, nói:
- Tôi không sợ bị ô uế, ngược lại, tôi muốn đọc trọn quyển sách mang dòng chữ tuyệt vời này.
Sau đó, anh tìm mua một quyển Tân Ước và được chỉ chỗ của câu trong mảnh giấy lời Đức Giê-su tuyên bố: "Ta là Bánh Hằng Sống". Anh say mê đọc và thấy con tim được chiếu sáng. Rồi sau khi lãnh nhận phép thanh tẩy, chính anh đã trở nên một giáo lý viên.
Người đã ghi lại câu chuyện trên ghi chú: qua Chúa Thánh Thần, mảnh giấy nhỏ đã thực sự trở nên Bánh Hằng Sống cho anh.

3. SUY NIỆM:

Lễ Hiện Xuống hôm nay trùng hợp với lễ Ngũ Tuần của Cựu Ước, nhằm kết thúc thời kỳ mừng đại lễ Vượt Qua của dân Do Thái. Đây cũng là ngày để dân Do thái cùng tạ ơn Chúa đã cho mùa màng tốt đẹp, và kỷ niệm việc Chúa đã ban Lề Luật trên núi Si-nai.
Lễ Hiện Xuống hôm nay cũng là ngày khai sinh Hội Thánh, nhắc nhớ lại biến cố Thánh Thần Chúa đã được đổ xuống trên cộng đoàn môn đệ tại nhà Tiệc Ly để liên kết, hướng dẫn và đồng hành với các ông trong sứ vụ loan báo Tin Mừng đi khắp thế gian.
Vậy Thánh Thần đã tác động thế nào trong cuộc đời Đức Giê-su, trong lịch sử Hội Thánh và nơi mỗi người tín hữu chúng ta hôm nay?

1) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC GIÊ-SU:

Về việc đầu thai của Đức Giê-su, trong kinh Tin kính có câu: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (x. Lc 1,35). Chính nhờ quyền năng Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã thụ thai Hài Nhi Giê-su mà vẫn còn trinh khiết vẹn toàn. Rồi khi Đức Giê-su bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin mừng, Người đã đến xin chịu phép Rửa của Gio-an tại sông Gio-đan. Vừa chịu phép Rửa xong, Thánh Thần như chim bồ câu từ trời ngự xuống và lưu lại trên Người (x. Mt 3,16b). Sau đó, Thánh Thần đã hướng dẫn Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện và chịu thử thách cám dỗ. Chính nhờ sức mạnh của Thánh Thần mà Đức Giê-su đã chiến thắng ba cơn cám dỗ của ma quỷ (x. Mt 4,1-10). Rồi trong quyền năng của Thánh Thần, Người đi rao giảng Tin mừng Nước Trời bắt đầu từ Ga-li-lê (x. Lc 4,14-15). Cũng nhờ Thánh Thần mà Người đã xua trừ ma quỷ (x. Mt 12,28) và chữa lành các bệnh họan tật nguyền trong dân (x. Mt 4,23). Khi được Thánh Thần tác động, Ngừơi đã vui mừng thốt lên lời ngợi khen Chúa Cha (x. Lc 10,21). Rồi sau khi phục sinh và được đầy Thánh Thần, Người đã hiện ra chúc bình an rồi sai các ông đi rao giảng Tin mừng tiếp tục sứ mạng của Ngừơi (x. Ga 20,21). Người cũng thổi hơi ban Thánh Thần để giúp các ông chu toàn sứ mạng ấy. Cuối cùng, Người còn ban cho các ông được quyền tha hay cầm giữ tội của người ta nữa (x. Ga 20,22-23).

2) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG TRONG LỊCH SỬ HỘI THÁNH:

- Thánh Thần đã tác động để biến đổi các Tông đồ: Sau khi được ơn Thánh Thần, các tông đồ đã được biến đổi từ thái độ nhút nhát sợ hãi trở nên can đảm làm chứng cho Chúa Giê-su trước mặt đám đông (x. Cv 2,14-36); Từ tình trạng kém hiểu biết Lời Chúa, trở nên khôn ngoan, hiểu thấu mọi điều Chúa đã truyền dạy trước đó (x. Ga 16,12-13); Từ tình trạng buồn chán thất vọng và muốn thoái lui, trở nên nhiệt thành yêu mến Chúa, tràn đầy niềm vui và hy vọng (x. Lc 24,32-35).
- Thánh Thần liên kết muôn người nên một: Lúc đó tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các Tông đồ nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (Cv 2, 5-8). Trái với nhân loại thời Tổ phụ Nô-e, do kiêu ngạo muốn thách thức Thiên Chúa đã hè nhau xây tháp Ba-ben, và đã chia rẽ thành nhiều dân tộc nói các thứ tiếng khác nhau (x St 11,1-9), thì hôm nay chính Thánh Thần đã hiệp nhất các dân tộc để cùng tuyên xưng một đức tin (Cv 2,5-11).
- Thánh Thần thúc đẩy sự hiệp nhất trong Hội Thánh: Cũng nhờ ơn Thánh Thần mà Cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem đã luôn sống hiệp nhất với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng. Nhờ sự hiệp thông này mà số người xin gia nhập Hội thánh ngày một gia tăng (x. Cv 2,42-47).
- Thánh Thần giúp Hội thánh chu toàn sứ vụ loan Tin Mừng cho muôn dân: Sau bài giảng đầu tiên của Tông đồ Phê-rô, nhờ Thánh Thần tác động, đã có 3 000 người tin vào Chúa. Họ ăn năn sám hối tội lỗi và xin chịu phép rửa gia nhập đạo (x. Cv 2,41). Ngày nay Thánh thần tiếp tục đổ ơn cho Hội Thánh, để giúp các vị Chủ chăn thi hành ba chức vụ của Chúa Giê-su: Là Ngôn sứ để công bố Lời Chúa. Là Tư tế để thánh hóa các tín hữu bằng các bí tích. Là Vương đế để chăn dắt phục vụ đoàn chiên Hội Thánh.

3) THÁNH THẦN GIÚP CÁC TÍN HỮU LÀM CHỨNG CHO CHÚA:

Linh mục NATARINÔ ROCHKY, một thừa sai người Italia làm việc truyền giáo lâu năm ở Nhật Bản, đặc biệt là Ngài làm Cha sở họ đạo Elsaye. Cách thủ đô Tôkyô khoảng 100 km. Ngài kể lại câu chuyện sau đây:
"Có một giáo sư đại học trẻ tuổi người Nhật xin gặp tôi mỗi tuần 2 buổi tối để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và Phúc Âm, mặc dù ông chưa phải là tín hữu Công Giáo. Những cuộc thảo luận như vậy kéo dài hơn một năm trời. Vị giáo sư này trình bày cho tôi những nghi ngờ, thắc mắc về đạo, đồng thời ông cũng xin tôi giải thích thêm về Phúc Âm, về Giáo hội và về luân lý của đạo Công Giáo.
Sau hơn một năm, tôi cảm thấy vị giáo sư thông minh đó có vẻ đã sẵn sàng đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy, nên tôi hỏi ông có muốn được rửa tội và gia nhập vào Hội thánh Công Giáo hay không. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông từ chối cách lịch sự. Và từ đó, tôi không thấy không lui tới với tôi nữa... Bẵng đi hơn 10 tháng, khi tôi hầu như đã quên đi vị giáo sư đó, thì một hôm. Ông trở lại gặp tôi và nói:
- Thưa Cha, Cha đã thuyết phục được con. Bây giờ con sẵn sàng đón nhận Bí Tích Rửa tội và con cũng đã chuẩn bị cho vợ con cũng như hai đứa con của con.
Nghe đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hỏi ông điều gì đã khiến ông thay đổi ý kiến như thế. Ông ta đáp:
Trong những tháng qua, con đã âm thầm quan sát xem Cha đã sống như thế nào. Cha đã từng nói với con rằng Cha thường dâng thánh lễ một mình trong nhà thờ mỗi ngày lúc 7 giờ sáng. Đó cũng là giờ con ra ga xe lửa để đến Tôkyô dạy học, vì thế con vẫn có dịp đi qua Nhà thờ của Cha. Con dừng lại một lát nhìn Cha qua cửa sổ, xem Cha làm gì trong đó. Bao giờ con cũng thấy Cha trong Nhà thờ và cầu nguyện thật sốt sắng. Ngoài ra, con cũng dò hỏi nhiều người về cách sống của Cha. Qua các cuộc điều tra đó, con thấy quả thật Cha đã tin và đã sống những điều Cha đã chia sẻ cho con về đạo. Xét về mặt kiến thức thì con đã xác tín về sự thật Phúc Âm, nhưng con muốn xem Cha có sống Phúc Âm thực sự hay không". Câu chuyện trên cho thấy Cha Rochky không những đã truyền giảng bằng lời nói, bằng việc giảng dạy giáo lý, nhưng còn bằng chính cuộc sống chứng nhân giữa đời thường nữa!
Chính nhờ ơn Thánh Thần tác động mà các tín hữu hôm nay sẽ được đổi mới đời sống và có thể góp phần chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng đã được Chúa Giê-su trao cho Hội Thánh trước khi lên trời: ”Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,18-20).

4. THẢO LUẬN:
Mỗi tín hữu chúng ta hôm nay phải làm gì để nhận được ơn Chúa Thánh Thần giống như các Tông đồ trong lễ Ngũ Tuần khi xưa?

5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH, xin ban Thánh Thần như cơn gió mạnh, thổi đi mọi nỗi âu lo sợ hãi cùng những rụt rè khép kín trong tâm hồn chúng con. Xin thắp sáng ngọn lửa tin yêu trong lòng chúng con, để chúng con có thể chu toàn sứ mệnh được sai đi, với một trái tim bừng cháy lửa mến yêu. Xin ban cho chúng con sự sống của Thánh Thần để chúng con luôn mến Chúa và yêu tha nhân. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ trở thành khí cụ bình an của Chúa và tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin mừng cứu độ trần gian.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.


 
Ngước mắt lên và chìm sâu vào trong
Lm. Minh Anh
01:38 20/05/2021
NGƯỚC MẮT LÊN VÀ CHÌM SÂU VÀO TRONG
“Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng…”.

Cha Pedro Arrupe truyền giáo tại Nhật Bản, một đất nước khủng hoảng toàn diện sau thế chiến thứ hai. Ngài kể, “Một thiếu nữ trẻ có thói quen cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể; cô thường lướt nhẹ đôi chân trần đến cung thánh. Với lòng kính tôn, cô quỳ bất động, ngước mắt lên, đăm đăm nhìn nhà chầu. Ngày nọ, khi cô vừa ra khỏi thánh đường, tôi gặp cô. Một cách dè dặt, tôi hướng cô về Bí tích Thánh Thể. Tôi hỏi, “Con xin gì với Chúa?”; cô đáp, “Con có xin gì đâu!”, rồi cô lặng thinh. Tôi xấu hổ vì câu hỏi khá tò mò đã khiến cô bối rối. Sau một hồi, cô đáp, “Con chỉ muốn chìm sâu trong Chúa!””.

Kính thưa Anh Chị em,

Một người trần còn chỉ muốn một điều, là chìm sâu trong Chúa, phương chi Con Thiên Chúa làm người. Thật ý nghĩa! Tin Mừng những ngày qua và cả hôm nay mở đầu, “Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng…”. Chúa Giêsu ‘ngước mắt lên và chìm sâu vào trong’ ‘mầu nhiệm Chúa Cha’ để nguyện cầu với Cha trước khi rời cõi thế. Thánh Gioan thật ý tứ khi dùng cụm từ này, và Hội Thánh đã lấy lại để mở đầu cho các bài Tin Mừng được đọc trong những ngày qua.

Hành động ngước mắt lên trời của Chúa Giêsu khi thân thưa với Cha cho thấy tính cách siêu việt của Ngôi Cha. ‘Siêu việt’ có nghĩa là Chúa Cha trên hết và vượt trên tất cả; thế giới không thể chứa đựng được Ngài. Bắt đầu với cử chỉ này, Chúa Giêsu thừa nhận tính ‘cao vời khôn ví’ của Cha. Thế nhưng, ở đây, chúng ta cần lưu ý đến tính đời đời bền bỉ trong mối quan hệ Cha - Con này; đó là sự Nên Một của Hai Ngôi, “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”, một quan hệ tạo nên sự duy nhất sâu sắc trong bản tính Thiên Chúa; nghĩa là Cha và Con hoàn toàn hiệp nhất nên một với nhau. Vì thế, khi cầu nguyện, Chúa Giêsu chìm sâu trong mối quan hệ này; hơn thế nữa, Ngài còn ước mong các môn đệ và tất cả những ai nhờ họ mà tin vào Ngài cũng được gắn kết vào mối quan hệ đời đời ấy.

Mặc dù ‘siêu việt’ hay ‘cao vời khôn ví’ có thể không phải là một phần trong vốn từ vựng hàng ngày của chúng ta; thế nhưng, các khái niệm này đáng để chúng ta thấu hiểu và suy gẫm. Hãy làm quen với ý nghĩa của chúng và đặc biệt hơn, làm quen với việc ‘ngước mắt lên và chìm sâu vào trong’ tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha - Con và Thánh Thần mỗi khi cầu nguyện.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu giúp chúng ta tin rằng, mỗi khi cầu nguyện, chúng ta nhân danh Ngài; và chính lúc ấy, chúng ta thông phần vào sự hiệp nhất của Cha và Con; chúng ta thông chia sự sống và tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là, khi cầu nguyện, chúng ta cũng bắt đầu bằng cách nhận thức tính siêu việt của Thiên Chúa; chúng ta ‘ngước mắt lên và chìm sâu vào trong’ Chúa Giêsu để nhìn thấy sự huy hoàng, vinh quang, vĩ đại, quyền năng và uy nghi của Thiên Chúa, Đấng ở trên tất cả và vượt qua tất cả. Thật đáng kinh ngạc! Vì khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu, thì chính Thiên Chúa, Đấng vinh hiển và siêu việt ấy, giờ đây, lại ngự xuống trong linh hồn chúng ta, hoà quyện với chúng ta, yêu thương chúng ta; Ngài thiết lập một mối quan hệ cá nhân sâu sắc với chúng ta. Hai chiều kích ‘lên xuống’ này không cưỡng chống nhau; ngược lại, kết hợp và có tác dụng thu hút chúng ta vào mối quan hệ mật thiết với Đấng sáng tạo và duy trì vạn vật, dẫu chúng ta là loài hay chết. Bấy giờ, mỗi người chúng ta sẽ nghe được tiếng của Ngài, tiếng mà Ngài đã nói với Chúa Giêsu sau phép rửa của Gioan, “Con là Con rất yêu dấu của Ta!”.

Thánh Phaolô trong câu chuyện của sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay hẳn cũng đã ‘ngước mắt lên và chìm sâu vào trong’ Chúa Giêsu, Đấng sai ngài, cũng là Đấng đang ở cùng ngài giữa bách hại và giam cầm; nhờ đó, ngay trong đồn bót, giữa đêm khuya, Phaolô đã nghe được những lời đầy ủi an, “Hãy can đảm lên! Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy!”. Phải chăng đó là đáp từ của Chúa Giêsu cho lời khẩn nguyện của Phaolô mà Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thổ lộ, “Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Ngài!”.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu đã ‘ngước mắt lên và chìm sâu vào trong’ Chúa Cha, trong cõi tâm hồn mình; ở đó, Ngài không những đã gặp được Cha mà còn gặp các môn đệ và tất cả những ai tin vào Ngài. Khi chúng ta đứng trước nhan Thiên Chúa, hoặc khi rước lấy Thánh Thể Ngài, thì đó là sự ngước nhìn và chìm sâu thăm thẳm của con người trong Đấng Tối Cao. Nhưng ở đây, thật tuyệt vời! Chính lúc ấy, Chúa Giêsu lại ngắm nhìn chúng ta khi chúng ta đến với Ngài; và tuyệt vời hơn, khi chúng ta rước lấy Thịt Máu Ngài, để Ngài chìm sâu trong chúng ta; cũng thế, cả khi chúng ta nghe và đọc Lời Ngài! Như vậy, đón nhận Ngài, chúng ta đón nhận sự sống Thiên Chúa đang tuôn chảy vào thân xác, linh hồn và con tim của mình. Được nên một với Chúa, con người trần nơi chúng ta không còn là tầm thường, nhưng mỗi người bấy giờ, trở nên con của Thiên Chúa, con của Thần. Ôi huyền nhiệm! Ôi cao cả!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã cho con biết rằng, sự sống trong con là chính sự sống của Chúa. Xin cho con trong ngày, thỉnh thoảng biết ngừng lại vài giây để ‘ngước nhìn lên và chìm sâu vào trong’; ở đó, Ba Ngôi Thiên Chúa đang sống với con, hầu con biết thờ lạy và yêu mến Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Sáu 21/5: Hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
04:10 20/05/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 20-May-2021 theo giờ Việt Nam

PHÚC ÂM: Ga 21, 15-19

“Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.

Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy” Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.

Đó là lời Chúa.
 
Ngôi Ba Thiên Chúa
Lm Vũđình Tường
06:03 20/05/2021
Một Thiên Chúa có Ba Ngôi. Mỗi Ngôi vị đảm nhiệm một sứ vụ. Ngôi Thứ Nhất, Chúa Cha, sứ vụ của Ngài là lập trình sáng tạo. Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Kitô, đảm nhiệm công trình xuống thế cứu chuộc. Ngôi Ba Thiên Chúa, Thánh Thần Chúa. Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng kính. Thánh Thần Chúa giữ trọng trách mặc khải, hướng dẫn, giải thích, chỉ bảo. Dù đảm nhiệm sứ vụ riêng biệt nhưng Ba Ngôi luôn liên kết trên mọi phương diện. Liên kết mật thiết này được chính Ngôi Hai Thiên Chúa mặc khải giữa Chúa Cha và Chúa Con:

'Tất cả những gì của Con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của Con' Gn 17,10.

Đức Kitô mặc khải liên kết mật thiết giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần:

'Khi nào Thần Khí sự thật đến...Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy'. Gn 16:13-15.

Trình thuật Sáng Thế Kí (STK 1,27) cho biết Thiên Chúa tạo dựng con người và Ngài ban cho sự sống bằng chính Thần Khí Chúa. Thiên Chúa ban cho con người quyền tự do lựa chọn. Con người từ chối sống theo í Thiên Chúa nhưng chọn sống theo í riêng mình. Sai lầm này dẫn đến sa ngã phạm tội. Thiên Chúa không để công trình Ngài sáng tạo bị hủy diệt, nhưng sai Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Kitô xuống thế hoàn thành nhiệm vụ cứu chuộc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu chuộc, Đức Kitô, về cùng Chúa Cha. Đức Kitô hứa không để nhân loại 'mồ côi', Ngài sai Thánh Thần Chúa, Ngôi Ba Thiên Chúa, xuống thế hướng dẫn nhân loại. Thánh Thần mang sứ vụ mặc khải, hướng dẫn, chỉ bảo nhân loại. Đức Kitô ban Thần Khí Ngài cho các môn đệ. Ngài thổi hơi vào các ông phán bảo:

Hãy nhận lấy Thánh Thần' Gn 20,22.

Môn đệ Đức Kitô nhận Thánh thần bằng hai cách. Thứ nhất, mỗi cá nhân, nhận Thánh Thần. Thứ hai, toàn thể cộng đoàn nhận Thánh Thần. Nhận sức mạnh Chúa Thánh Thần môn đệ Đức Kitô khởi đầu một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên của rao giảng Tin Mừng. Chúng ta, thế hệ những người tin theo sau cũng nhận cùng Thánh Thần, cùng nhiệm vụ rao giảng. Đức Kitô nói với các môn đệ:

'Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em'. Gn 20,21

Đức Kitô ban Thánh Thần cho các tông đồ. Các ngài lãnh nhận và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Thánh Thần trở thành nguồn sống, sức mạnh, mấu chốt tất cả các công việc liên quan đến đức tin Kitô, bởi chính Thánh Thần Chúa làm cho công việc rao giảng, chứng nhân Tin Mừng sống động, linh hoạt và tồn tại.

Qua bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức, Kitô hữu đón nhận Thánh Thần. Đức Kitô hướng dẫn môn đệ liên kết trong Ngài, gắn bó mật thiết với Thánh Thần để nhận sự sống, mặc khải, hướng dẫn, và được sống trong tình yêu Ngài.

Yếu đuối, và biếng nhác trong cầu nguyện là nguyên nhân của lạc đường, sai lối. Dù ở thế kỉ nào đi nữa, dù khoa học tiến bộ đến mức nào đi nữa, bản tính con người từ khởi thuỷ cho đến nay vẫn thế. Con người thích chọn sống theo í riêng, từ đó đi lạc đường lối Chúa. Thánh Thần Chúa không bỏ mặc con người sống trong lầm lỗi, nhưng luôn nhắc nhở, sẵn sàng ban ơn, chỉ bảo, hướng dẫn, kiên nhẫn đợi chờ con người quay về đường ngay, nẻo chính.

Có nhiều cách trở về làm hoà cùng Thiên Chúa. Đơn giản nhất là cầu nguyện, bởi cầu nguyện giúp nhận ra yếu đuối và quay về làm hoà qua bí tích Hoà Giải. Cá nhân cầu nguyện, cộng đoàn cầu nguyện, cùng giúp nhau trở về. Thứ hai là toàn thể cộng đoàn cầu nguyện, xin ơn soi sáng để đạt nguyện vọng chung của cả cộng đoàn. Nguyện vọng đó thể hiện qua tình bác ái, cùng cộng tác chung tay làm việc bác ái, thiện nguyện, sinh hoạt trong hội đoàn, đoàn thể. Mục đích chính là xây dựng Giáo Hội Chúa nơi trần gian. Bất cứ điều gì làm vì Danh Đức Kitô, làm cho Danh Đức Kitô vinh hiển, Thánh Thần Chúa đều mặc khải giúp liên kết cá nhân đó, đoàn thể đó với tình yêu Đức Kitô. Môn đệ Đức Kitô được mời gọi trở thành tay, thành chân, dùng ngôn ngữ Đức Kitô rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Thánh Thần Chúa đến với các tông đồ như những lưỡi lửa làm trong sáng cuộc sống, soi sáng hành động và lối sống nơi các môn đệ. Qua bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức, mỗi chúng ta nhận cùng Thánh Thần, cùng trách vụ rao giảng.

TiengChuong.org

The Third Party

In the Holy Trinity, One God in three Persons, each Person of God takes charge a mission. The first Person of God, the Father, does the planning; the second Person of God, Jesus, executes the plan, and the third Person of God, the Holy Spirit, perfects the plan. This week we celebrate the third Person of God, the new era of the Holy Spirit. Each person takes charge of a mission and all three Persons of God work together. The unity between Jesus and the Father is that: 'All I have is yours and all you have is mine' John 17,10. And the unity between Jesus and the Spirit is that, 'When the Spirit of truth comes he will lead you to the complete truth... since all he tells you will be taken from what is mine' John 16,14.

The account of creation stated that, at the beginning God created human beings. God breathed on them, and they had life (Genesis 1,27). By free will people chose to follow their own will and were lost. God didn't abandon His creation. The second Person of God, Jesus, came to show us the way to return to the Father. Having completed His saving mission, Jesus returned to the Father. He gave the third Person of God, the Spirit, to His apostles. He breathed on them, saying: 'Receive the Holy Spirit' Jn.20:22. Each apostle as an individual received the Spirit. The Spirit of a community comes from communal prayers. Empowered with the Spirit the apostles received a new life. It was the beginning of the new era. All Jesus' apostles would embark on the spreading of the Good News. We, the later generations, all are included in this sending: 'As the Father sent me, so am I sending you' Jn 20,21.

Jesus had promised to send His special gift, the Spirit, to all His disciples. The Spirit will guide them on their journey of faith. The Spirit brings with her the new era, the era of the world wide evangelization by all Jesus' disciples. The era's task is that Jesus' disciples were energized to bring the Good News to everyone, and the Gentiles are included. When the Spirit is the focal point of our activities, all daily activities are worthwhile, and meaningful, because the Spirit breathes life into our work.

Through the Sacraments of Baptism and Confirmation we receive the Holy Spirit. Jesus told us to abide in Him, connect to Him, to stay focussed on the Spirit, to receive life from Him, and guidance from the Spirit. Human weakness and lack of prayer on our part separate us from God's love. Separated from God's love we certainly will do not God's will, but prefer to follow our own will. The Spirit will not abandon us but keeps calling us to come back to God.

There are ways of restoring the gift of the Spirit. The simple way is praying, and that leads to reconciliation with God. Each individual can listen to the voice of the Spirit in private prayers, and devotions, and other sacraments of the Church. For each individual, the Sacrament of Reconciliation opens the door for him/her to return to God. The other way is through communal prayers. The community listens to the voice of the Spirit to work together in works of charity, and to build up God's Church on earth. Anything done in the Name of Jesus, The Spirit uses to help us restore our relationship to Jesus. Several accounts in the Acts of the Apostles tell us, that Jesus wants us to be His hands and feet to take care of others. The Holy Spirit descended on the apostles as tongues of fire, and that empowered them to go out to the whole world proclaiming the Risen Christ to everyone. At Baptism and Confirmation we receive the same Spirit, the same mission, and that is our call.
 
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống : Ơn Bảy Nguồn
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:22 20/05/2021
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống : Ơn Bảy Nguồn

(Cv 2, 1-11; 1Cr 12, 3b-7. 12-13; Ga 20, 19-23).

Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội Công Giáo kết thúc Mùa Phục Sinh trong niên lịch phụng vụ. Chữ Pentecost trong tiếng Hy Lạp nghĩa là ngày thứ năm mươi nên còn được gọi là Lễ Ngũ Tuần. Lễ Ngũ Tuần bắt nguồn từ lễ Năm Mươi của người Do-thái khi xưa tại Sinai. Trong cuộc lữ hành nơi hoang địa cũng như khi đã vào miền đất hứa, dân Do-thái luôn nhớ tưởng niệm ngày Thiên Chúa ban lề luật cho dân Do-thái trên núi Sinai. Đây là ngày thứ năm mươi sau ngày Lễ Vượt Qua và năm mươi ngày sau lễ Chúa Kitô Phục Sinh.

Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, thánh Luca đã diễn tả biến cố này như là một Giao Ước Sinai mới. Giáo Ước với dân chúng qua ân sủng của Chúa Thánh Thần. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ và những người thân hữu họp nhau cầu nguyện không ngừng. Khi mọi người đang họp nhau trong phòng Tiệc ly, nơi Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể, bỗng có làn gió thổi mạnh và xuất hiện các hình lưỡi lửa trên đầu các Tông đồ để ban các ơn sủng: Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một (Cv 2,3). Các ngài đã lãnh nhận tràn đầy hồng ân của Chúa Thánh Thần, nhất là ơn ngôn ngữ. Các Tông đồ đã can đảm xuất hiện trước dân chúng để loan báo tin vui Phục Sinh. Các ngài nói tiếng bản xứ của mình, nhưng mọi người từ khắp vùng lân cận đã tụ họp lắng nghe và hiểu rõ lời giảng của các ngài: Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2,4).

Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ đã ghi chú những nhóm người đã nghe lời giảng của các Tông đồ đến từ nhiều miền khác nhau như: dân Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pontô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Libya, Cyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Do-thái và tòng giáo; nào là người đảo Crêta hay người Ảrập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!(Cv 2, 9-11). Đây là sự kiện lạ tiên khởi bởi ơn ngôn ngữ qua biểu tượng của lưỡi lửa. Mọi người đã nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Các Tông đồ nói một thứ tiếng nhưng các người được nghe, đều hiểu theo ngôn ngữ của mình. Như vậy, ơn Chúa Thánh Thần đã tác động trong từng tâm hồn để họ đón nhận Tin Mừng. Họ là những chứng nhân tiên khởi đã tản mát về khắp nơi đem Tin Mừng cứu độ đến cho nhiều người tại quê hương của họ.

Trong thơ của thánh Phaolô tông đồ gởi cho tín hữu Côrintô, ngài xác tín “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7). Mỗi người lãnh nhận ơn sủng và chức vụ riêng, nhưng chỉ có một Chúa Thánh Thần. Có người được ơn khôn ngoan, có kẻ được ơn hiểu biết, có người được ơn làm phép lạ, có vị được ơn chữa bệnh, ơn nói tiên tri, có kẻ được ơn nói tiếng lạ và giải thích tiếng lạ. Tất cả mọi người đều được thanh tẩy để làm nên một Nhiệm Thể Chúa Kitô trong cùng một Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần có những danh hiệu như Đấng Bảo Trợ, Đấng Bào Chữa, Đấng An Ủi, Thần Chân Lý, Chúa Thánh Linh và Ngôi Ba Thiên Chúa. Những hình ảnh biểu tượng về Chúa Thánh Thần như Nước, Gió, Lửa, Xức dầu, Áng mây, Ánh sáng, Ấn tín, Đặt tay và Chim bồ câu... Có bảy ơn Chúa Thánh Thần, gọi là ơn Bảy Nguồn: Ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức và ơn kính sợ. Các ơn sủng của Chúa Thánh Thần giúp chúng hiểu biết sâu xa hơn về chân lý đức tin và can đảm quyết tâm thi hành sống đạo. Không phải chúng ta chỉ ngồi ca hát, khẩn cầu, van xin và ước mong, mà phải vận dụng tất cả các khả năng Chúa ban để sinh lợi trong đời sống hằng ngày. Chúa không ban ơn sủng để chúng ta cất dấu hay làm lợi cho riêng mình, nhưng là mang lại lợi ích chung cho mọi người. Ai lãnh nhận nhiều thì phải cho lại nhiều. Cái gì chúng ta nhận lãnh nhưng không cũng hãy cho nhưng không vì “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”(Mt 10,8).

Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta hãy cầu xin Ơn Bảy Nguồn. Để mở lòng đón nhận ơn Chúa Thánh Linh, chúng ta hãy sửa đổi những thói hư tật xấu. Chấm dứt những bê tha mê lầm. Buông bỏ những tị hiềm, ghen ghét và thù oán. Quay trở về với con đường chính thật. Mặc lấy ân sủng tình yêu của Chúa Thánh Thần. Giống như các Tông đồ xưa, chúng ta mạnh dạn bước ra khỏi phòng và ra đi làm nhân chứng. Chúng ta sẽ vui thỏa trong bình an và hoan lạc. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
 
Thánh Thần, Linh Hồn Của Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
09:24 20/05/2021
Thánh Thần, Linh Hồn Của Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng

(Giảng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống)

Tại một giáo xứ ở miền Sicilia, thuộc miền Nam nước Ý, có một tập tục khá ngộ nghĩnh và lý thú. Mỗi năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau bài Tin Mừng, cha xứ ra lệnh thả ra trong nhà thờ một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Khi con chim câu nầy đậu xuống trên vai hay đầu ai thì người ấy không được tránh né hoặc đuổi đi, nhưng phải quyết tâm thực hiện một công tác cụ thể, to hoặc nhỏ tùy theo khả năng của mình, để chứng tỏ rằng mình làm công việc ấy là do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

Lịch sử giáo xứ ấy có ghi lại một số sự kiện điển hình như sau:

- Một lần chim câu đã đậu xuống trên vai ông hiệu trưởng. Kết quả là ông đã quyết tâm thực hiện một cuốn sách giáo khoa rất có giá trị.

- Lần khác, chim câu đáp xuống trên đầu một công tước vùng ấy, khiến ông ta phải ra tay nghĩa hiệp, bỏ tiền xây một hệ thống dẫn nước được đặt tên là “hệ thống dẫn nước Chúa Thánh Thần”.

- Có một linh mục trẻ được chỉ định đến thay thế cho cha xứ già đã đến tuổi hưu. Dù không tán thành nhưng cũng chưa dứt khoát bỏ đi tập tục đã thành truyền thống kia. Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đầu tiên của ngài ở xứ mới, vị linh mục trẻ vẫn cho giữ thông lệ thả chim câu, nhưng ra lệnh mở hết tất cả các cửa chính và cửa sổ với hy vọng là chú chim câu sẽ bay ra ngoài để tung cánh trong bầu trời cao rộng. Trớ trêu thay, sau khi bay lượn vài vòng từ đầu này đến đầu kia của nhà thờ, chim câu đã đáp xuống vai phải của cha xứ mới trong tiếng vỗ tay vang dội của giáo dân. Phải hứa làm gì cụ thể bây giờ đây? Cha xứ mới chỉ tuyên bố là ngài sẽ đầu tư mọi khả năng và thời giờ để phục vụ tốt cộng đoàn giáo xứ. Và ngài đã giữ lời hứa.

Để Chúa Thánh Thần là linh hồn trong sứ vụ loan báo Tin mừng, thiết tưởng chúng ta phải có Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mỗi người. Nhưng làm sao để có Chúa Thánh Thần đây? Đọc Tin mừng (Ga 2-, 19-23) của ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay chúng ta nhận ra rằng chính Đức Giê-su Ki-tô Phục sinh đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ nói riêng và cho mỗi chúng ta nói chung. Như chúng ta biết, sau khi Đức Giê-su đã chịu chết cách đau thương trên thập giá, các môn đệ đã phân tán, buồn rầu và hoang mang lo sợ đủ điều. Họ đã tìm cách chạy trốn và trở về với nghề cũ của mình như hình ảnh hai môn đệ trên đường Em-mau. Họ buồn bã và sợ hãi đến nỗi khép kín các cửa phòng. Nói chung, không có nỗi buồn nào diễn tả được khi trò mất thầy, khi tương lai đang tươi sáng với những tia hy vọng nay bị chìm tắt vì cái chết tức tưởi của Thầy Giê-su. Thế nhưng, trong cái thất vọng thì có niềm hy vọng, trong cái buồn phiền lại nở rộ niềm vui sướng khi Thầy Giê-su đã bị giết nay đã sống lại và hiện ra với các ông để trấn an, chúc lành và ban Thánh Thần cho họ. “Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại.” Niềm vui đã làm tan đi sự buồn bã và thất vọng nơi các môn đệ.

Niềm vui lớn nhất là từ nay dẫu Đức Giê-su Ki-tô không hiện diện bằng thể xác nữa, nhưng Ngài sẽ hiện diện bằng cách thức mới vượt thời gian và không gian qua việc ban Thánh Thần của Ngài cho các môn đệ. Từ nay Thánh Thần của Đức Ki-tô sẽ là Đấng Bào Chữa và An Ủi các ông trong mọi nơi và mọi lúc. Lời hứa “Thầy sẽ không để các con mồ côi” nay đã được hiện thực hoá là có Thánh Thần của Đức Ki-tô ở cùng và luôn hiện diện với các ông để giúp các ông can đảm thay vì sợ hãi, bình an thay vì bất an, vui mừng thay vì buồn phiền, mạnh mẽ dấn thân thay vì âu sầu khép kín nhằm Tin mừng Đức Ki-tô được loan báo. Nhờ vậy các Tông đồ đã trở nên khí cụ đắc lực cho công cuộc rao giảng Tin mừng mà không còn hoang mang hay nghi ngại nữa. Chúng ta hiểu rõ điều đó trong ngày lễ Ngũ Tuần mà bài đọc I hôm nay trình thuật.

Quả thật, đọc lại sách Công vụ Tông đồ, chúng ta có lẽ đồng ý với nhau rằng chính Chúa Thánh Thần là tác nhân trọng yếu cho sứ vụ loan báo Tin mừng nơi các Tông đồ. Từ những người nhút nhát, sợ hãi và trốn tránh sau khi Chúa Giê-su chịu chết, nay các Tông đồ đã mạnh dạn và can đảm làm chứng cho Chúa Giê-su chịu chết và Phục sinh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Hình ảnh gió, lửa và nói tiếng lạ nơi các Tông đồ là dấu chỉ có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Không chỉ hiện xuống nơi các Tông đồ mà thôi, Chúa Thánh Thần cũng đã hiện xuống nơi những ‘khán giả’ đến từ nhiều vùng miền khác nhau để giúp họ hiểu tiếng nói của các Tông đồ. Quả thật, Thánh Thần mang một vai trò hết sức cao cả trong sứ vụ truyền giáo. Ngài không chỉ khai sáng, mở trí, mở miệng, mở con tim cho những ngôn sứ, các Tông đồ và những chứng nhân để việc loan báo Tin mừng được triển nở và lan rộng. Ngài còn trở nên tác nhân hữu hiệu giúp cho những ‘khán thỉnh giả’ nghe, hiểu, cảm nghiệm và tin theo sau khi lĩnh hội các bài giảng của các ngôn sứ hay các Tông đồ. Như vậy, Chúa Thánh Thần nắm vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc loan báo Tin mừng khi Ngài vừa là tác nhân cho người giảng và vừa cho người nghe.

Mặt khác, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu biết về Chúa Giê-su cách toàn vẹn. Chính Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ về điều đó: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16, 13-15). Như vậy, để hiểu về Chúa Giê-su cách thâm sâu và rõ ràng, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần với con người là điều hết sức cần thiết. Vì chỉ trong Ngài và với Ngài, con người mới thẩu hiểu được mọi sự. Không có Ngài, chúng ta chẳng hiểu biết gì cũng như không làm được gì. Do đó, sau khi Chúa Giê-su lên trời, người ta mới nói rằng thời đại này là thời đại của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội sống trong sự hướng dẫn và bảo trợ của Chúa Thánh Thần.

Hơn nữa, Chúa Thánh Thần là mối dây nối kết giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau. “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12, 13). Như vậy, Thánh Thần có sứ mạng nối kết, liên đới và hiệp nhất mọi người trong cùng một đức tin, một phép rửa và một tình yêu. Nơi đâu có hiệp nhất nơi đó có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Nơi đâu có tình yêu thương, nơi đó Chúa Thánh Thần ngự trị và chúc lành. Nơi đâu có Chúa Thánh Thần, nơi đó có sự bình an, hạnh phúc và gắn bó với nhau. Thật vậy, khi chúng ta sống trong sự hiệp nhất và yêu thương là chúng ta đang lan toả Giê-su, lan toả đạo yêu thương cho tha nhân nơi môi trường sống. Hiểu được như thế, mỗi chúng ta cố gắng gắn kết với Chúa Thánh Thần, lắng nghe Ngài và xin Ngài ở cùng, thôi thức và thánh hoá toàn thể con người để trở nên khí cụ hữu ích trong công việc loan báo Tin mừng cho muôn dân.

Ngoài ra, Chúa Thánh Thần là tác nhân ‘lôi kéo’ hoặc ‘hướng dẫn’ cho chúng ta dấn thân, thực hành sứ điệp Lời Chúa nơi vùng miền mà Ngài thấy là phù hợp và dễ đón nhận. Hay nói cách khác, trong sứ vụ loan báo Tin mừng hoặc gặp gỡ những người chưa cùng niềm tin, chính Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn dắt, hướng dẫn và thúc đẩy chúng ta lên đường. Điều này được trình bày nơi (x.Cv 8, 26-40; 10, 3-33) khi Ông Phi-lip-phê được Thánh Thần thôi thúc đi gặp gỡ viên thái giám E-thi-op và rửa tội cho ông này; khi Ông Co-nê-li-ô được Thánh Thần mời gọi ông gặp cho được Ông Phê-rô để chịu phép rửa tội. Không chỉ như vậy, mà trong suốt hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần cũng đã luôn đồng hành và hướng dẫn cho ngài để ngài biết làm chứng mà không sợ hãi. Trong Giáo hội cũng vậy, Chúa Thánh Thần như là ‘vị ân nhân’, ‘vị linh hướng’ và là ‘bạn đồng hành’ để giúp đỡ, bảo trợ và hướng dẫn Giáo hội Chúa Ki-tô tiếp tục lớn mạnh dẫu phải trải qua nhiều sóng gió nặng nề. Tin mừng vẫn luôn được loan đi bởi biết bao người can đảm, nhiệt thành và hăng say nhờ vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Tóm lại, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng ban sức mạnh và là nguồn mạch tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ Người và trong Người, Giáo hội của Chúa Ki-tô vẫn luôn tồn tại và lớn mạnh dần dần mặc dầu phải đối diện với biết bao địch thù. Tin mừng chỉ thật sự được loan báo trong mọi nơi mọi lúc cho mọi người khi có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Khi Chúa Thánh Thần hiện diện là có Chúa Cha và Chúa Giê-su hiện diện. Ba Ngôi Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta để gìn giữ, chở che và ban sức mạnh để chúng ta luôn luôn là chứng nhân của Tình Yêu cho thời đại đầy nhiễu nhương này.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Dẫn Nhập Vào Thánh Lễ & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Năm B. 23.5.2021
Lm Francis Lý văn Ca
14:40 20/05/2021
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Hiệp với Giáo Hội Hoàn Vũ, hôm nay, chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: "Ngày Lễ Sinh Nhật của Giáo Hội". Các bài đọc hôm nay - đặc biệt là Sách Tông Đồ Công Vụ - đã làm nổi bậc đặc tính hiệp nhất do Thánh Linh mang xuống. Thánh Linh Chúa hoạt động nơi thánh Phêrô cách tỏ tường đã làm cho nhiều người ngoại quốc đến từ các miền có ngôn ngữ khác nhau nhưng vẫn hiểu được. Câu chuyện của Ngày Lễ Hiện Xuống trái ngược hẳn với câu chuyện tháp Babel với lòng tự cao tự đại đã trở nên lộn xộn, chia rẽ.

Xin Chúa Giêsu Sống Lại: thổi vào tâm hồn chúng ta một luồng sinh khí mới, để chúng ta có tinh thần mới của Thánh Linh Thiên Chúa qua việc rao giảng Tin Mừng Chúa Sống Lại

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Chúa Thánh Thần đã làm một việc cả thể: Thay đổi các tông đồ từ nhát đảm trở thành những nhà hùng biện đại tài, rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, đã chết và sống lại. Tất cả mọi việc Thiên Chúa có thể can thiệp, điều khiển, sửa đổi theo chương trình quan phòng của Ngài.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô khuyên dân thành Galasê - cũng là lời khuyên chúng ta - hãy để Chúa Thánh Thần điều khiển, hướng dẫn mọi hành vi và ước muốn của chúng ta.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Thánh Gioan thuật lại những lời tâm huyết của Đức Kitô trước khi giã từ các môn đệ để vào sự thương khó. Thiên Chúa đã sai Thánh Thần đến để nâng đỡ và hướng dẫn mọi việc chúng ta làm đều sáng danh Chúa.



Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta cầu xin Thiên Chúa Cha sai Thánh Thần đến để canh tân bộ mặt trái đất:

1. Xin Thánh Thần đến: ban cho Đức Thánh Cha Phanxicô, được đầy ơn Thánh Thần, để Ngài hướng dẫn con thuyền Giáo Hội đến bến bờ bình an. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

2. Xin Thánh Thần đến: ban cho Đức Tổng Giám Mục… hàng Giáo Phẩm… để Các Ngài đầy khôn ngoan chu toàn trách vụ những Đấng Chủ Chăn trong hoàn cảnh khó khăn của thế giới hiện nay. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

3. Với ơn Chúa Thánh Thần giúp sức: chúng ta sẽ canh tân cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn xứ đạo để mỗi ngày thêm vui tươi và đầy tràn tình huynh đệ. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

4. Với ơn Thánh Linh thúc giục, xin cho mỗi người tín hữu chúng ta biết hăng say trong các công tác tông đồ. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

5. Chúng ta cầu nguyên cho thân bằng quyến thuộc đã qua đời, những linh hồn mồ côi, những nạn nhấn của Covid-19… không còn ai để nguyện cầu. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

Linh mục:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, ban cho chúng con niềm tin vững mạnh để làm chứng nhân cho Chúa giữa xã hội và môi trường chúng con đang sống. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống B
Lm. Jude Siciliano, OP
15:47 20/05/2021
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống -B-
Cv 2: 1-11; Tvịnh. 103; I Côrintô 12: 3b-7, 12-13; Gioan 20: 19-23

Hôm nay chúng ta mừng lễ Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống cho cộng đoàn non trẻ của Chúa Giêsu, và cho cả chúng ta. Đây không phải là lần đầu tiên sách Kinh Thánh nói về Chúa Thánh Thần. Theo từ ngữ trong tiếng Do thái có nghĩa là Thần Sứ ("ruah"), đã có trên 300 lần nêu lên trong Kinh Thánh Do thái. Ngay từ chương thứ nhất trong sách Sáng Thế "ruah" có nghĩa là "hơi thở". Bắt đầu sách Sáng Thế nói "Thần khí Thiên Chúa quét qua vùng nước hổn loạn đầy bóng tối âm u, Thiên Chúa tạo dựng con người đầu tiên bởi đất và bụi và thổi ban sự sống vào đó và con người bắt đầu thở. Sau đó trong Kinh Thánh nói về sự khôn ngoan "ruah" là đồng nghĩa với khôn ngoan và được nhân cách hoá như là một phụ nữ (Phụ nữ khôn ngoan). Phụ nữ khôn ngoan là nguồn gốc của thị kiến mới và hướng dẫn để đánh giá sự thật. Khôn ngoan làm thay đổi những người tiếp nhận được nó.

Vì là lễ Hiện Xuống, 3 bài đọc và lời đáp ca trích trong Thánh Vịnh nhấn mạnh các hoạt động và biểu tượng khác nhau của Chúa Thánh Thần. Bài phúc âm hôm nay của thánh Gioan nhắc lại lời mở đầu trong phúc âm của ông, loan báo một điều gì mới sẽ xãy ra, "Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời..." Thánh Gioan nhắc cho chúng ta nhớ lời đầu tiên trong sách Sáng Thế, "Lúc khởi đầu..." Khi Thần Khí của Thiên Chúa bay lượn trên bóng tối hổn độn và Thiên Chúa nói, “Phải có ánh sáng..." và tức thì có ngay ánh sáng. Thần Khí của Thiên Chúa ở với cộng đoàn Israel đang chiến đấu ngay từ đầu để giử đức tin của họ. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu là ngày mới đầu tiên, khi Ngôi Lời của Thiên Chúa thổi vào loài người sa ngả để nâng họ lên thành một tạo vật mới.

Sách Công Vụ Tông Đồ diển tả hồng ân của Chúa Thánh Thần bằng hình ảnh của luồng gió và lưỡi lửa, đó là diển tả một quyền năng và đời sống mới. Thánh Gioan cho chúng ta thấy một khía cạnh khác của Chúa Thánh Thần, như một hơi thở nhẹ nhàng, một cách diển tả về sự tạo dựng. Với hơi thở sáng tạo của mình, Chúa Giêsu Phục sinh thổi hơi trên các môn đệ để tạo dựng cho các ông một đời sống mới vì các ông còn nhút nhát. Hơi thở của Chúa Giêsu đả thay đổi các môn đệ, Ngài khiến họ là những người đang lo sợ trở nên một cộng đoàn hợp nhất và can đảm mạnh dạng ra đi rao giảng về sự tha thứ và hòa hợp với Thiên Chúa và với mọi dân tộc. Lễ Hiện Xuống không phải chỉ là một lần mừng vui, nhưng là sự mừng vui liên tục của Thần Khí Thiên Chúa, vẫn luôn luôn ở giữa chúng ta, không cách xa các tín hữu.

Chúa Giêsu thổi hơi ban Thần Khí trên các môn đệ Ngài, và ban bình an cho họ, không chỉ riêng cho bản thân họ, nhưng có một ý nghĩa rất lớn là làm cho có hòa bình cho tất cả những người tội lỗi đã rời xa Thiên Chúa. Thánh Gioan hôm nay cam đoan với chúng ta là Chúa Thánh Thần luôn luôn ở với các môn đệ Chúa Giêsu, Ngài hiện diện trong hơi thở của họ. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có thể làm điều mà Chúa Giêsu đã hứa "Thật Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa” (Ga 14:12)

Kinh Thánh giúp cho chúng ta thấy rõ nội dung về những hoạt động của Chúa Thánh Thần. Đó là những hoạt động nhẹ nhàng như hơi thở, vì trong vài hoàn cảnh, chúng ta cần được dừng lại và lấy hơi thở của Chúa Thánh Thần - rồi mới đến hành động. Trong những hoàn cảnh khác, như việc xây dựng hòa bình, tha thứ, liên tục làm việc không mệt mỏi cho người nghèo, và tính công lý đòi hỏi hành động liên lỉ mà theo sách Công Vụ nói với chúng ta về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta như "một luồng gió mạnh" Ngài ban tặng cho chúng ta nói và hiểu được nhiều thứ tiếng – Đúng như những tín hữu cần thời gian dài kiên trì trong Giáo hội và thế gian đôi khi có tranh chấp.

Lửa, một dấu chỉ khác của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nên sinh động và hăng say đam mê trong sứ vụ của chúng ta, dồn mọi nổ lực cho sứ mệnh rao giảng trong thế giới. Ngọn lửa của Chúa Thánh Thần làm cho sáng tỏ mọi điều tối tăm, nó khiến chúng ta có thể khiến chúng ta hoàn thiện những việc lớn lao nhân danh Thiên Chúa - như kho hàng thực phẩm mà chúng ta có trong giáo phận của chúng ta đã nhận được rất nhiều vật phẩm đóng góp từ các cửa hàng và các cá nhân. Ngọn lửa của Chúa Thánh Thấn thúc đẩy các người tình nguyện dấn thân trong lúc có cơn dịch bệnh, đến giúp sắp xếp các kho hàng thực phẩm và ân cần hướng dẫn những người có khó khăn trong việc lựa chọn thực phẩm cho gia đình họ. Lửa Chúa Thánh Thần giúp chúng ta làm được những việc mà Chúa Giêsu đã làm vì lòng cảm thương của Ngài dành cho những người bé mọn. Bạn có thể thấy dấu chỉ về sự hoạt bát của người tín hữu rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đã thổi vào các tín hữu. Những người với ánh sáng chủa Chúa Thánh Thần biết những gì cần phải làm và hăng say làm việc đó.

Chúa Giêsu vừa sống lại từ cỏi chết, Ngài không khiển trách các môn đệ của Ngài. Thay vào đó là lời chúc bình an rất ngắn gọn, nhờ đó làm tác nhân cho sự hòa hợp giữa họ với Ngài. Rồi Ngài nói "Công việc đã sẳn" và Ngài bảo họ: Anh em hãy ra đi và làm như vậy, hãy nên như những sứ đồ của ơn tha thứ do ngọn gió của Chúa Thánh Thần thúc đẩy.

Năm nay là một năm rất khó khăn đối với biết bao nhiêu người. Tâm hồn chúng ta cần được Thần Khí của Chúa Thánh Thần tác động vào chúng ta một phong cách mới. Để không những chỉ để tồn tại, nhưng phải sống và phát triển trong đức tin. Là những cá nhân hay là một cộng đoàn tín hữu, chúng ta khao khát một cảm nhận mới về tình yêu của một Thiên Chúa đầy nhân từ và yêu thương nâng đở chúng ta. Chúng ta cần được bảo đảm là Thiên Chúa không hề bỏ qua sự chăm sóc chúng ta. Đó là công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng đã thúc đẩy chúng ta tự tin vươn đến những ơn cần thiết để giúp đở chúng ta vượt qua những ngày khó khăn này. Khi chúng ta trở về đời sống bình thường, liệu đức tin của chúng ta có thể bị khô héo đi trong những chuyến lữ hành qua sa mạc trong năm nay hay không? Hay tâm hồn chúng ta sẽ lớn mạnh hơn qua những thử thách mà chúng ta đã gặp. Lớn mạnh vì chúng ta đã mong đợi để được mở lòng ra nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần luôn luôn mới vào lòng chúng ta điều mà thánh Phaolô gọi là "những ơn khác nhau của Chúa Thánh Thần... Những việc phục vụ khác nhau… Tuy công việc có khác nhau nhưng điều do bởi một Thiên Chúa" mà thôi? Thánh Phaolô cũng đoan chắc với chúng ta: “Mỗi cá nhân biểu lộ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần vì lợi ích nào đó.

Trong khi chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta có thể theo sự chỉ dẩn của thánh Phaolô và hỏi: "Tôi đã nhận được những biểu hiện gì của Chúa Thánh Thần trong những tháng ngày vừa qua?" Vì Chúa Thánh Thần không chỉ ban những ơn cần thiết cho những điều chúng ta cần, chúng ta có thể theo lời thánh Phaolô hôm nay và hỏi: "Tôi làm thế nào tôi có thể dùng các ơn của Chúa Thánh Thần để giúp ích cho những người khác, trong cộng đoàn phụng vụ của tôi và cho thế giới rộng lớn hơn?"

Như một người quan sát: Có câu hỏi về các con số. Theo các tranh vẽ truyền thống về sự kiện lễ Hiện Xuống, cho thấy lưỡi lửa của Chúa Thánh Thần đáp xuống trên Đức Mẹ Maria và một số nhỏ của các môn đệ. Những bức tranh đó trông rất đẹp, nhưng chỉ ra một góc nhìn hạn chế. Theo thánh Luca nói: "Khi đến lúc Chúa Thánh Thần xuống đế được thực hiện trên tất cả các môn đệ ở cùng nhau trong một chổ. Ai là tất cả?” Trong các bản văn trước đó trích trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Luca nói đến 120 người nam và nữ môn đệ họp nhau cầu nguyện (Cv: 1:14-15) Đó có phải là một gợi ý là Chúa Thánh Thần không chỉ xuống trên một số ít người, nhưng là cho một cộng đoàn lớn hơn, mà qua ơn Chúa Thánh Thần, được gởi đi rao giảng Phúc âm cho thế giới phải không? Các chương tiếp theo trích trong sách Công Vụ Tông Đồ sẽ cho thấy cộng đoàn được ơn của Chúa Thánh Thần đã vượt khỏi nguồn gốc Do thái truyền thống của họ; để biểu lộ và chia sẻ với thế giới, hoa quả mà họ đã được lãnh nhận vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP

PENTECOST -B-
Acts 2: 1-11; Ps. 104; I Cor 12: 3b-7, 12-13; John 20: 19-23

Today we celebrate God’s gift of the Holy Spirit to Jesus’ fledgling community – and to us. This is not the first mention of the Spirit in the Scriptures. The Hebrew word for spirit ("ruah") occurs over 300 times in the Hebrew Scriptures, from the very first chapter of Genesis. "Ruah" means "breath." The beginning of Genesis tells us, God’s Spirit was "sweeping over the waters of chaos and darkness. God forms the first human from the soil and breathes life into it and the human begins to breathe. Later, in the Bible’s Wisdom Literature, "ruah" is identified with wisdom and usually personified as a woman ("Lady Wisdom"). Lady Wisdom is the source of new vision and guidance for judging reality. Wisdom transforms those who receive it.

Since it is Pentecost our three readings and Responsorial Psalm highlight the diverse activities and manifestations of the Spirit. Today’s gospel passage from John recalls the opening words of his gospel, which announced something new is about to happen, "In the beginning was the Word...." John echoes and reminds us of the first words of Genesis, "In the beginning...", when the Spirit of God hovered over the dark and chaos and God spoke, "Let there be light..." and it happened. God’s Spirit was with the struggling Israelite community from its beginning, sustaining their faith. Jesus’ resurrection is a new first day, when the Word of God is breathing into a fallen humanity to raise them up to a new creation.

The Acts of the Apostles describes the gift of the Spirit with dramatic images of wind and fiery tongues, manifestations of power and new life. John shows another side of the Spirit, as a quiet and gentle breath; a another allusion to the Creation account. With his creative breath the resurrected Jesus breathes over and creates new life in his timid disciples. His breath transforms the disciples huddled in fear to become a unified and courageous community sent forth to preach forgiveness and reconciliation between God and among all peoples. Pentecost is not a once-for-all feast, but an ongoing celebration of the gift of God’s Spirit, who is always with us, inseparable from believers.

Jesus breathed the Spirit in his disciples and offered them peace, not just for themselves, but for a very concrete purpose, to make peace among those who have sinned and are alienated from God. John assures us today that the Spirit will always be with disciples – as present as their own breath. The Spirit enables us to do what Jesus promised: "I solemnly assure you the one who has faith in me will do the works I do and greater far then these" (14:12).

The Scriptures give us insights into the activities of the Spirit. It is as gentle as breath, because some situations require us to pause and take a breath – as a reminder of the ever-present breath of the Spirit – then to speak and act. Other situations, like peacemaking, forgiving, working tirelessly for the poor and the work of justice, require what Acts also tells us about the Spirit: it is with us like a "driving wind," and gifts us with language – just what we Christians need for the long haul in a sometimes-resistant church and world.

Fire, another sign of the Spirit’s presence, animates and helps us be energetic, passionate and consumed by our mission to the world. The Spirit’s fire enables us to see by shedding light on dark and abandoned places. It helps us accomplish big tasks in God’s name – like the food pantries we have in our diocese that receives large donations from individuals and stores. The Spirit’s fire motivates the volunteers who come out during the pandemic to stack shelves at the pantry and respectfully guide the needy in their choice of food for their families. The fiery Spirit helps us do what Jesus did by his compassion for the least. You can see the obvious signs of the Spirit’s presence in animated, wind-driven Christians who, with the Spirit’s light, see what needs to be done and are on fire to do it.

Jesus, just risen from the dead, does not reprimand his disciples. Instead, by his simple gift of peace, reconciles them with himself. Then, he addresses the "business at hand," telling them: you go and do likewise, be apostles of forgiveness driven by the wind of the Spirit.

This has been a stressing year for so many. Our spirits need a refreshing touch by the Spirit of God, not just to survive, but thrive in faith. As individuals and a believing community, we long for a renewed sense of God’s tender and comforting love for us. We also need to be assured of God’s unfailing care. That is the work of the Spirit, who urges us to reach out in confidence for the gifts we need to guide us through these extra-difficult days. When we return to a regular routine, will our faith have withered during this year’s desert journey? Or, will our spirits have grown under the tests we have encountered; grown because we have yearned for and been open to receive the ever-new influx of the Spirit, who bears what Paul calls, "Different kinds of spiritual gifts… Different forms of service… Different workings, but the same Lord"? He also assures us, "To each individual the manifestation of the Spirit is given for some benefit."

As we celebrate this Pentecost we can follow Paul’s pointing and ask: "What manifestations of the Spirit have I received over these months?" Since the Spirit has not only given gifts for our individual needs, we might also take Paul’s lead today and ask, "How can I use the gifts of the Spirit for the benefit of others in my worshiping community and the broader world beyond?

As an aside: there is a question of the numbers. Traditional artistic renderings of the Pentecost event show the descent of the Spirit’s tongues of fire on the Blessed Mother and a small group of the apostles. Those paintings are lovely, but do take a limited perspective. Luke tells us, "When the time for Pentecost was fulfilled they were all in one place together." Who were the "all"? Earlier in Acts he estimates 120 men and women disciples gathered in prayer (1:14-15). Is that a suggestion that the Spirit wasn’t limited to a few, but to a larger community who, through the Spirit, is sent out to the world to proclaim the gospel? Subsequent chapters in Acts will show how the Spirit-gifted community went out beyond their traditional Jewish roots to manifest and share with the world the fruits of the Spirit they received on Pentecost.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:23 20/05/2021

35. Cuộc sống là một cuộc thi đi bộ, nơi cuộc thi đi bộ này của chúng ta, mục đích là được mũ triều thiên ở đời sau.

(Thánh Hieronymus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:30 20/05/2021
51. TRÒ CHƠI PHẠT RƯỢU

Có một người đi tham dự tiệc sinh nhật của bạn bè, trên bàn tiệc, mọi người đều lấy chữ “thọ” để ra trò chơi phạt rượu.

Một người nói:

- “Thọ như Bành Tổ.”

Một người nói:

- “Thọ tỉ nam sơn.”

Một người nói:

- “Được phúc như được tội.”

Khách trong bàn nói:

- “Câu này không những không có lợi, mà chữ “được 受” (1) không phải là chữ “thọ 壽” (1a) , cho nên phải bị phạt ba ly rượu, và phải nói vài câu khác nghe sao cho được.”

Người ấy uống xong rượu phạt thì liều lỉnh nói:

- “Thọ yểu không thọ mệnh.”

Mọi người trách anh ta:

- “Đi ăn mừng sinh nhật, sao lại nói những lời bất lợi ấy?”

Người ấy hối hận vội vàng nói:

- “Đáng chết, đáng chết.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 51:

Con người ta kỵ nhất là nói những lời xui xẻo trong dịp tết, dịp cưới hỏi, dịp sinh nhật, dịp thượng thọ.v.v…bởi vì người ta tin rằng những lời xui xẻo ấy là điềm gở, điềm xấu, điềm thất bại, trong số những người này cũng có những người mang danh là Ki-tô hữu…

Những lời nói “xui xẻo” chưa chắc là xui xẻo, nhưng có những lời nói nghe hay mà lại xui xẻo, đó là:

- Nói nịnh và tâng bốc nhau là xui xẻo, vì người được tâng bốc sẽ “chết” trong lời tâng bốc nịnh bợ.

- Nói lời hay ho mà lòng không thật là xui xẻo, vì người nói lời hay như là chất ma túy làm chết lần chết mòn người ta.

- Lời nói dối trơn tru như mỡ heo là xui xẻo, vì nó thể hiện một tâm hồn xảo quyệt của ma quỷ.

- Miệng nói yêu thương thân ái mà lòng thù hận là xui xẻo, vì nó là ngọn gió độc làm nghẹt thở trái tim yêu thương của người khác.

Nhưng phúc cho ai biết nói thẳng nói thật với lòng khiêm tốn, vì họ chính là sứ giả của Tin Mừng.

Tất cả mọi lời nói -dù hay ho thuyết phục- nhưng không phát xuất từ lòng thiện chí và yêu mến thì đều là xui xẻo, bởi vì những lời nói ấy không có gốc rể trong Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su.

(1, 1a): Chữ 受được”và chữ “壽 thọ” đều phát âm là “shou” như nhau, đồng âm khác nghĩa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thế vận hội Mùa đông Olympic 2022 đã được quảng cáo tại Trung tâm Bơi lội Quốc gia ở Bắc Kinh ngày 1 tháng 4 năm 2021.
Thanh Quảng sdb
04:20 20/05/2021
Thế vận hội Mùa đông Olympic 2022 đã được quảng cáo tại Trung tâm Bơi lội Quốc gia ở Bắc Kinh ngày 1 tháng 4 năm 2021.

Chủ tịch Hạ viện, Bà Nancy Pelosi cho biết tại phiên điều trần ngày 18/5 rằng Hoa Kỳ và các quốc gia khác nên tẩy chay Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, vì quốc gia này đã từng vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Bà và một số nghị sĩ vận động các quốc gia chỉ nên gửi vận động viên tới tham dự - nhưng không có sai phái đoàn ngoại giao nào đi cả vì nếu có phái đoàn ngoại giao đi theo là chấp nhận tính hợp pháp của Thế vận hội. (CNS - Tingshu Wang, Reuters.)

Washington - Một ủy ban quốc hội, trong phiên điều trần ngày 18 tháng 5, đã cân nhắc có nên tẩy chay mặt ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh để kêu gọi sự chú ý đến tình trạng vi phạm nhân quyền lâu nay của Trung Quốc hay không!

Một chiến thuật khác được thảo luận là tìm một địa danh khác thay thế cho Thế vận hội mùa đông. Các trang mạng nổi tiếng bao gồm các Thành phố Salt Lake; Vancouver, British Columbia; và Hồ Placid, New York – các địa danh đã tổ chức Thế vận hội mùa đông 2002, 2010 và 1980 đã lên tiếng...

Dân biểu Jim McGovern, Đồng chủ tịch của Tổ chức Nhân quyền Tom Lantos cho biết Ủy ban, đã tài trợ cho phiên điều trần cùng với Ủy ban chuyên biệt của Quốc hội lo về Trung Quốc cho hay: “Nếu chúng ta có thể trì hoãn Thế vận hội lại một năm, vì đại dịch, thì chúng ta cũng có thể trì hoãn Thế vận hội Mùa Dông lại một năm, vì nạn diệt chủng!”

Cả chính quyền Trump và Biden đều coi việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là một tội ác diệt chủng.

Reggie Littlejohn, chủ tịch của tổ chức Nữ Quyền Không Biên Giới (Women’s Rights Without Frontiers) và là một nhân chứng điều trần cho biết: “Sẽ có một hiệu ứng domino rất lớn” nếu một thành phố Bắc Mỹ đề nghị đăng cai Thế vận hội Mùa đông… "Buổi điều trần này có thể trở nên tâm điểm cho điều đó."

Trong phiên điều trần, không có ủy viên tham luận hoặc thành viên nào của Quốc hội đề nghị cấm các vận động viên tham dự tranh tài, nhưng các quốc gia tham gia chỉ cử vận động viên đi - chứ không có cử phái đoàn ngoại giao nào tới, để làm cho Thế vận hội đó không chính danh và hợp pháp.

Nghị viên Chris Smith của hạ viện và nghị viên Lantos, Đồng chủ tịch của ủy ban cho hay: “Các doanh nghiệp lớn muốn kiếm tiền và không quan tâm tới sự tàn ác - thậm chí tội diệt chủng - mà quốc gia chủ nhà gây ra”, họ sẽ mời các nhà tài trợ Thế vận hội Mùa đông có trụ sở tại Hoa Kỳ đến điều trần trong một phiên họp trong tương lai. Các nhà tài trợ của Hoa Kỳ cho đến nay là Snickers, Airbnb, Coca-Cola, Dow, General Electric, Intel, Procter & Gamble và Visa.

Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, cho biết bà sẽ "không còn ngây thơ" mà tin rằng Trung Quốc sẽ đáp ứng những kỳ vọng cải thiện nhân quyền, kể từ cuộc đàm phán vào năm 1993 khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Bà Pelosi cũng là người đầu tiên trong số những diễn giả đã hỗ trợ cho Trung Quốc và Đông Đức được đăng khai tổ chức Thế vận hội vào năm 1936 ở Berlin và Bắc Kinh sau này. Bà cho hay Adolf Hitler, người hùng Đức quốc xã đã bị truy tố về cách đối xử với người Do Thái, nhưng thử hỏi đã có ai lên tiếng tố giác tội diệt chủng người Armenia chưa?"

Chỉ có 33 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Canada và Vatican, đã kết án vụ giết người hàng loạt và kỳ thị chủng tộc người Armenia còn nhiều quốc gia phải đợi đến gần trăm năm, mới nhìn nhận vào năm 2015.

Bà Pelosi nói: “Chúng tôi không thể trao cho Bắc Kinh một tấm séc trắng với hy vọng rằng họ sẽ thay đổi chính sách!”
Thượng nghị sĩ Jeff Merkley, Chủ tịch Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc, cho biết ủy ban đã “ghi nhận một cách cẩn thận các vi phạm của Trung Quốc đối với các quyền cơ bản con người, đối với các Phật tử Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo Tân Cương, và gần đây nhất là các vụ hành hung ở Hồng Kông, cũng như “ngày càng ép buộc bất kỳ ai hoặc nước nào dám thách thức và chỉ trích đường lối đảng Cộng sản của chính phủ Trung Quốc”.

Merkley tố cáo việc Ủy ban Olympic Quốc tế trao quyền đăng khai Thế vận hội Mùa đông 2022 cho Trung Quốc là một quyết định “đáng hổ thẹn”. “Một sự kiện được thể hiện để cổ súy tình người thì lại được “giao phó cho một quốc gia đang vi phạm và đè bẹp tinh thần con người”.

Nghị viên Tom Suozzi cho hay: “Khi TT Nixon đến Trung Quốc, chúng tôi tưởng mọi sự sẽ tốt hơn!?!”

Ông Yang Jianli, người sáng lập và chủ tịch Tổ chức Sáng kiến Quyền lực Công dân cho người Trung Hoa, cho biết: “Trung Quốc đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong thời gian chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa hè 2008 tại Bắc Kinh. Vào năm 2015, IOC đã nhận được những lời cam kết đảm bảo nhân quyền, nên mới trao quyền tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 cho Bắc Kinh.

Nhưng Ông Yang cho hay: “Vào năm 2008, thực tế hoàn cảnh còn tệ hơn nhiều! Diệt chủng trở nên chủ đề cho sự phát triển..."

Bắc Kinh là thành phố đầu tiên trong lịch sử Olympic được chọn đăng cai cả Thế vận hội Mùa hè (2008) và Mùa đông. Thế vận hội Olympic mùa đông và Thế vận hội Paralympic mùa đông năm tới dự kiến diễn ra lần lượt vào ngày 2-20 tháng 2 và ngày 4-13 tháng 3 năm 2022.

Bà Susan V. Lawrence, một chuyên gia của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội về các vấn đề châu Á, cho biết: Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc coi “việc đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa đông là mục đích quốc gia” nên ông đang “đích thân điều hành” nỗ lực này.

Vào năm 2016, “Trung Quốc đã tuyên bố sẽ làm một cuộc thanh lọc nhân dân với chính dân tộc của họ là người Duy Ngô Nhĩ,” bao gồm cả anh trai của bà là Rayhan Asat, một luật sư và nhà vận động nhân quyền. Bà Asat nói anh trai của bà là Ekpar, không có tội gì ngoài việc là một người Duy Ngô Nhĩ "xuất sắc."

Ekpar Asat bị bắt vào năm 2016 khi anh từ Hoa Kỳ về Trung Quốc để tham dự một chương trình du khách quốc tế do Bộ Ngoại giao tài trợ. “Anh tôi đã bị tra tấn và tiếp tục bị tra tấn,” Rayhan Asat nói “có lẽ vì do em của anh là tôi (Asat) đã luôn chủ trương nhất quán tranh đấu trong những năm qua và sẽ “kiên cường tranh đấu chống nạn diệt chủng”.

Một nhân chứng khác là ông Samuel Chu, giám đốc điều hành Hội đồng Dân chủ Hồng Kông, cho hay khi còn là một cậu bé, anh đã mơ ước được trở thành một thành viên của đội bóng bàn Olympic Trung Quốc. Ông nói thêm rằng ông rất biết ơn khi Hồng Kông giành được huy chương vàng Olympic đầu tiên và duy nhất ở môn đua thuyền tại Thế vận hội mùa hè ở Atlanta vào năm 1996, một năm trước khi Hồng Kông được Vương quốc Anh trao trả lại cho Trung Quốc.

Ông Chu nói: “Sự sụp đổ của Hồng Kông diễn ra nhanh chóng. Bây giờ, ông nói thêm, "hệ thống lập pháp Hồng Kông được xếp chồng chéo lên nhau bởi những người trung thành với Bắc Kinh." Hai năm trước, Ông Chu cho hay: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đón nhận và lắng nghe một phái đoàn các nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ Hồng Kông”. Ngày nay, ông nói, mỗi thành viên của phái đoàn đó đang bị cầm tù hoặc bị lưu đày.


Ông Chu nói tiếp: “Tất cả những điều này đã diễn ra và đang diễn ra rõ ràng như ban ngày. “Không ai có thể quả quyết là họ không biết những vi phạm nhân quyền này, trước khi họ đặt chân đến tham dự Thế Vận Hội Mùa Dông vào năm tới”.
 
Yêu là vui hay yêu là khổ: Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit
J.B. Đặng Minh An dịch
06:37 20/05/2021


Lễ Chúa Lên Trời hay còn được gọi là Lễ Thăng Thiên đánh dấu ngày Chúa Giêsu lên trời sau khi ngài chịu đóng đinh và phục sinh. Đó là ngày thứ 40 trong Mùa Phục sinh và diễn ra mười ngày trước Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Pháp là một trong số ít quốc gia cử hành Lễ Thăng Thiên, người Pháp gọi là L’Ascension, vào đúng ngày thứ Năm chứ không dời sang Chúa Nhật. Hơn thế nữa, L’Ascension là một ngày lễ nghỉ quốc gia tại Pháp. Các trường học và hầu hết các cơ sở kinh doanh đều đóng cửa.

Các Kitô hữu ở Pháp có thể tham dự các buổi lễ tại các nhà thờ đặc biệt để mừng Chúa Giêsu, như là niềm hy vọng và đích điểm của đời sống Kitô. L’Ascension cũng là cơ hội để dành thời gian cho gia đình và bạn bè hoặc tận hưởng tiết trời mùa xuân. L’Ascension rơi vào Thứ Năm nên nhiều người xin nghỉ luôn ngày Thứ Sáu và do đó, tận hưởng bốn ngày cuối tuần.

Chính vì thế, hôm Chúa Nhật 16 tháng 5, Đức Giám Mục Michel Aupetit của Paris đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật thứ 7 mùa Phục sinh, chứ không phải là lễ Thăng Thiên như ở nhiều nơi khác.

Mở đầu bài giảng tại nhà thờ Saint-Germain l’Auxerrois, Đức Tổng Giám Mục nói:

Hôm nay tôi muốn tập trung vào câu hỏi cốt yếu về niềm vui. Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã nghe Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy nói với các con điều này để niềm vui của Thầy ở trong các con và niềm vui của các con được trọn vẹn” (Ga 15:11). Ngay cả ngày hôm nay, khi ngỏ lời với Cha của Người, Chúa Giêsu khẳng định: “Con nói như thế để họ có được niềm vui của con trong họ và tràn đầy niềm vui ấy”. Do đó, có một yếu tố rất quan trọng ở đây đối với cuộc sống của chúng ta như các tín hữu Kitô.

Điều gì mang lại cho chúng ta niềm vui? Dường như đó là tình yêu vì, tình yêu là mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các con” (Ga 13:34). Hôm nay chúng ta nghe trong lá thư thứ nhất của Thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu: ai sống trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy”.

Tình yêu và niềm vui được liên kết sâu sắc trong Kitô Giáo của chúng ta. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle từng nói: “Yêu là vui”. Nhưng nhà thơ Aragon đã trả lời: “Yêu là chết trong lòng”. Vậy chúng ta tin ai đây? Theo tôi, chúng ta nên tin triết gia Bergson, là người đã viết: “Tình yêu là chỉ dấu cho thấy cuộc sống đã thành công”.

Chúa Giêsu đang nói về điều gì khi ngài cầu nguyện với Cha về việc truyền đạt niềm vui của Ngài? Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu nói: “Phần con, con đến cùng Cha”. Điều mang lại niềm vui là đến với Chúa Cha, là nói tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa. Trong nhân tính của mình, Chúa Giêsu hiến mình cho Cha ngài vì tình yêu đối với thế gian. Đây là niềm vui của Người. Vào Lễ Truyền Tin, Đức Trinh Nữ nói xin vâng với Thiên Chúa và Mẹ tôn vinh Người trong kinh Magnificat của Mẹ. Niềm vui thực sự không phụ thuộc vào các sự kiện bên ngoài như vượt qua các kỳ thi hoặc đạt được một thành tích. Chắc chắn, điều này khiến chúng ta vui mừng trong một thời gian, nhưng chỉ trong một thời gian bởi vì, nếu sau đó là những trắc trở trên đường đời, niềm vui ấy sẽ biến mất.

Niềm vui mà Chúa Giêsu đề cập đến là một ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để đáp lại việc chúng ta chấp nhận tình yêu của Ngài bằng sự phó thác cả cuộc đời chúng ta. Niềm vui này ăn sâu vào chúng ta đến mức, ngay cả trong những thăng trầm lớn nhất, chúng ta vẫn giữ niềm vui này sâu xa trong mình.

Cá nhân tôi, tôi nhớ mình đã nhận được ân sủng ấy, khi tôi khuỵu gối xuống trong phòng ăn của mình sau một thời gian dài đấu tranh chống lại lời kêu gọi của Chúa. Ngày hôm đó tôi đã nói với tất cả bản thể của mình: “Ý muốn của Chúa sẽ được thực hiện” khi biết rằng cuộc sống của tôi không còn là của tôi nữa. Thật không thể hiểu nổi đối với tôi, trước đó, sự từ bỏ chính mình này khiến tôi cảm thấy đau đớn như mất đi tất cả, nhưng khi nó xảy đến tôi đã tràn ngập niềm vui siêu nhiên, một niềm vui chưa bao giờ rời bỏ tôi kể từ đó. Đó là niềm vui của những ai bước vào một tình yêu vượt quá cảm xúc của con người vì nó tương ứng với một hành động của ý chí đáp ứng điều răn lớn của tình yêu.

Niềm vui này mang tính giao tiếp, nó được tăng lên nhờ sự chia sẻ. Đó là lý do tại sao anh chị em không thể giữ nó cho riêng mình. Niềm vui này đến từ Chúa và dành cho tất cả mọi người. Đây là cách mà động lực truyền giáo được sinh ra. Tình yêu chỉ tồn tại để trao ban chính mình, vì “không có tình yêu nào cao cả hơn là hiến mạng sống cho người mình yêu”, cũng thế niềm vui sinh ra từ tình yêu là điều không thể cưỡng lại được, còn hơn cả Covid. Và đó là một cơ hội phi thường cho chúng ta vì không có vắc xin nào chống lại nổi niềm vui Kitô.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa Giêsu, Đấng cầu nguyện với Cha Người trong lời cầu nguyện tuyệt vời và đẹp đẽ này mà chúng ta gọi là lời cầu nguyện “tư tế” vì đó là của lễ của Người, để chúng ta có được niềm vui của Người trong chúng ta.


Source:L’Église Catholique À Paris
 
Thánh giá tại một nhà thờ ở New York bị phá phách
Đặng Tự Do
16:12 20/05/2021


Một thánh giá tại một nhà thờ ở giáo phận Brooklyn đã bị phá hoại vào tuần trước trong một hành động mà các nhà điều tra cho là một tội ác vì thù hận đức tin.

“Đây thực sự là một hành động thù hận và hôm nay là ngày buồn nhất trong hai mươi năm của tôi tại giáo xứ này”, Đức ông David Cassato, cha sở của giáo xứ Thánh Athanasiô ở Brooklyn, New York, cho biết trong một thông cáo báo chí của giáo phận ngày 14 tháng Năm. Vụ phá hoại xảy ra tại nhà thờ Thánh Athanasiô, nằm trong khu Bensonhurst của Brooklyn.

Theo giáo phận, một cây thánh giá được lắp đặt bên ngoài nhà thờ vào năm 2010 đã bị lật đổ và nằm úp mặt xuống đất. Đức Ông Cassato phát hiện ra vụ phá hoại vào sáng ngày 14 tháng 5. Cây thánh giá này đã được lắp đặt để tưởng nhớ mẹ ngài.

Theo giáo xứ, một lá cờ Mỹ bên ngoài nhà xứ cũng bị đốt cháy.

“Tôi đã đến và nói chuyện với các học sinh trong trường về những gì đã xảy ra, và nói với họ rằng thù hận không bao giờ thắng”. Cha Cassato nói trong thông cáo báo chí. “Chúng ta đang và phải là một cộng đồng tiếp tục chia sẻ thông điệp của Lễ Phục sinh, đó là tình yêu, hy vọng và sự tha thứ”.

Giáo xứ có kế hoạch sửa chữa và lắp đặt lại cây thánh giá.

Giáo xứ St. Athanasius đã gửi một thông điệp công khai đến thủ phạm trên trang Facebook của họ: “Chúng tôi tha thứ cho bạn và chúng tôi đang cầu nguyện cho bạn!” Giáo xứ đã tổ chức một buổi cầu nguyện vào ngày 15 tháng 5 để phản ứng với vụ việc, hàng trăm người đã tham dự. Giáo phận đã yêu cầu bất kỳ ai có thông tin về vụ việc gọi cho Crime Stopper tại số (800) 577-TIPS (8477).
Source:Catholic News Agency
 
Sau khi Tòa án Tối cao thụ lý vụ kiện phá thai, Tòa Bạch Ốc ra ngay tuyên bố ủng hộ phán quyết phá thai Roe chống Wade
Đặng Tự Do
16:14 20/05/2021


Hôm thứ Hai, Tòa Bạch Ốc đã đưa ra tuyên bố ủng hộ việc phá thai hợp pháp và Đạo luật Bình đẳng.

Trước đó, vào sáng thứ Hai, Tòa án Tối cao đã đồng ý xem xét một thách thức đối với lệnh cấm của Mississippi đối với hầu hết các trường hợp phá thai sau khi thai được 15 tuần tuổi. Khi được hỏi về quyết định của tòa án đối với việc thụ lý vụ việc, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã không bình luận cụ thể về quyết định này, nhưng đưa ra một lời bảo vệ chung về việc phá thai hợp pháp.

“Trong bốn năm qua, các quyền quan trọng - như quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được lựa chọn - đã bị tàn phá và bị tấn công cực đoan, bao gồm cả việc thông qua luật pháp hà khắc của nhà nước”, Psaki nói trong cuộc họp báo hôm thứ Hai tại Tòa Bạch Ốc.

Bà nói, Tổng thống Biden “cam kết luật hóa phán quyết Roe”, năm 1973 của Tòa án Tối cao, đã hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc. Trong khi vận động tranh cử tổng thống vào năm 2020, Biden - một người luôn tự xưng mình là người Công Giáo - đã ủng hộ việc luật hóa phán quyết Roe và kêu gọi tài trợ phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân.

“Tổng thống và phó tổng thống cam kết bảo đảm rằng mọi người Mỹ đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả chăm sóc sức khỏe sinh sản, bất kể thu nhập, mã vùng, chủng tộc, tình trạng bảo hiểm y tế hay tình trạng nhập cư của họ”, Psaki nói.

Tòa Bạch Ốc cũng kêu gọi Quốc hội thông qua Đạo luật Bình đẳng. Các chuyên gia pháp lý đã cảnh báo rằng đạo luật này có thể cản trở tự do tôn giáo trên một số khía cạnh - ví dụ như việc bắt buộc các chủ doanh nghiệp phải phục vụ lễ cưới đồng giới trái với niềm tin tôn giáo của họ. Theo luật, những nơi tạm trú dành cho phụ nữ dựa trên tín ngưỡng có thể buộc phải tiếp những người là đàn ông về mặt sinh học nhưng lại tự xác định mình là phụ nữ. Hội trường nhà thờ có thể bị buộc phải tổ chức các sự kiện với những thông điệp trái ngược với những lời dạy về đức tin của họ.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ ngoại trưởng Iran, nói chuyện với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ về người Palestine
Đặng Tự Do
16:15 20/05/2021


Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với Ngoại trưởng Iran và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdo trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra nhằm chấm dứt bạo lực trong cuộc xung đột Israel-Gaza.

Đức Giáo Hoàng đã tiếp Mohammad Javad Zarif, nhà ngoại giao hàng đầu của Iran kể từ năm 2013, trong một buổi tiếp kiến riêng vào ngày 17 tháng 5 tại Điện Tông Tòa của Vatican.

Trong một bài đăng trên Twitter, Zarif nói rằng ông và Đức Giáo Hoàng đã “trao đổi quan điểm” về Palestine, đối thoại liên tôn và các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Phái đoàn chính phủ Iran cũng đã gặp gỡ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Dân nước.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan vào sáng ngày 17 tháng 5.

Theo một tuyên bố từ văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng “người Palestine sẽ tiếp tục bị tàn sát nếu cộng đồng quốc tế không trừng phạt Israel - quốc gia đang phạm tội chống lại loài người”.

Vatican không bình luận về nội dung của các cuộc thảo luận trong cuộc điện đàm với Erdogan hay cuộc gặp gỡ với Zarif.

Đại sứ Israel tại Ý đã đáp lại chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran tới Rôma bằng một bức thư ngỏ gửi Zarif cáo buộc Iran tài trợ và hỗ trợ cho quân Hamas.

“Tại sao bạn không công nhận quyền tồn tại của Israel? Hãy ngừng gieo rắc hận thù”, Đại sứ Dror Eydar viết.

“Câu hỏi đặt ra là: đến bao giờ phương Tây mới nhận ra rằng đằng sau những bộ vest lịch lãm, cà vạt và nụ cười là một hệ tư tưởng sát nhân tìm cách xóa sổ tất cả nền văn minh phương Tây? Cần phải thức tỉnh”, đại sứ Israel nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chấm dứt bạo lực trong xung đột Israel-Gaza vào cuối bài phát biểu tại buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của ngài vào ngày 16 tháng 5.

Tôi đang theo dõi với sự quan tâm rất lớn về những gì đang xảy ra ở Thánh Địa. Trong những ngày này, các cuộc đụng độ vũ trang bạo lực giữa Dải Gaza và Israel đã chiếm ưu thế, có nguy cơ biến thành vòng xoáy chết chóc và hủy diệt. Nhiều người đã bị thương và nhiều người vô tội đã chết. Trong số đó có cả trẻ em, và điều này thật khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Cái chết của họ là một dấu chỉ cho thấy nhiều người không muốn xây dựng tương lai, nhưng muốn phá hủy nó.

Hơn nữa, sự thù hận và bạo lực ngày càng gia tăng liên quan đến các thành phố khác nhau ở Israel là một vết thương nghiêm trọng cho tình huynh đệ và sự chung sống hòa bình giữa các công dân, sẽ khó chữa lành nếu chúng ta không mở lòng ra đối thoại ngay lập tức. Tôi tự hỏi: hận thù và báo thù sẽ dẫn đến đâu? Chúng ta có thực sự nghĩ rằng chúng ta có thể xây dựng hòa bình bằng cách phá hủy bên kia không? “Nhân danh Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra tất cả mọi người bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và là Đấng đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em” (xem Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại), tôi kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và, đối với những ai phải chịu trách nhiệm về việc đó, tôi kêu gọi hãy dẹp bỏ vũ khí và đi theo con đường hòa bình, dù cho phải nhờ đến sự giúp đỡ của Cộng đồng quốc tế.

Chúng ta hãy liên tục cầu nguyện để người Israel và người Palestine có thể tìm thấy con đường đối thoại và tha thứ, trở thành những người kiên nhẫn xây dựng hòa bình và công lý, mở ra từng bước cho một hy vọng chung, cho sự chung sống giữa các anh chị em với nhau.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân, đặc biệt là cho trẻ em; chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình cùng với Nữ Vương Hòa Bình.
Source:Catholic News Agency
 
Các trường Công Giáo đang mất học sinh với tỷ lệ kỷ lục, và hàng trăm trường phải đóng cửa
Đặng Tự Do
16:15 20/05/2021


Các trường học Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ đang phải vật lộn để tồn tại, sau một năm đại dịch khiến nhiều gia đình không thể trả học phí và Giáo Hội không có thêm ngân quỹ để trang trải các khoản chênh lệch.

Theo Hiệp hội Giáo dục Công Giáo Quốc gia, ít nhất 209 trong số gần 6,000 trường học Công Giáo đã phải đóng cửa trong năm qua. Dự kiến sẽ có nhiều trường đóng cửa hơn vào mùa hè này và một số trường đã sử dụng GoFundMe trong nỗ lực duy trì hoạt động.

Trên toàn quốc, tỷ lệ nhập học tại các trường Công Giáo đã giảm 6,4% vào đầu năm học này, mức giảm lớn nhất trong một năm kể từ khi NCEA bắt đầu theo dõi dữ liệu như vậy vào những năm 1970.

Các giáo phận thành thị đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng: Việc ghi danh vào các trường do Tổng giáo phận Công Giáo Los Angeles điều hành đã giảm 12% vào đầu năm học này. Tại Tổng giáo phận New York, tỷ lệ ghi danh đã giảm 11%.

Các nhà lãnh đạo giáo dục Công Giáo cho biết trong khi việc ghi danh đã giảm trong nhiều thập kỷ, đại dịch đã làm tăng thêm những thách thức mà các trường đang phải đối mặt. Phần trăm dân số xác định là Công Giáo đã giảm xuống, đặc biệt là ở vùng Đông Bắc và Trung Tây. Các trường bán công và mạng lưới giáo dục tại nhà hiện thu hút những học sinh có thể đã từng đi học tại các trường Công Giáo. Học phí của các trường Công Giáo, mặc dù vẫn rẻ hơn hầu hết các trường tư, đã tăng lên mức trung bình khoảng $ 4,800 cho bậc tiểu học và $10,000 cho bậc trung học.
Source:Wall Street Journal
 
Nhân lễ Mình Thánh Chúa ngày 6 tháng 6, phải hiểu ra sao ý niệm Nhất quán Thánh Thể
Vũ Văn An
19:19 20/05/2021

Nhân cuộc tranh luận về việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai Hoa Kỳ, một thuật ngữ được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần là “Eucharist Coherence”, một thuật ngữ hơi lạ tai, khiến nhiều độc giả ngỡ ngàng.



Bởi thế, Michael Warsaw, hiện Chủ tọa Hội đồng Quản trị và là Giám đốc điều hành của Mạng Lưới Công Giáo Hoàn Cầu EWTN đồng thời là người xuất bản tờ National Catholic Register, gần đây có bài chuyên nói về ý niệm này.

Theo Warsaw, nói đến Thánh Thể, chủ yếu đây không hẳn là vấn đề liệu Joe Biden hay Nancy Pelosi hoặc bất cứ chính trị gia nào có nên tiến lên rước lễ hay không. Đúng hơn, đây là vấn đề sự thật và lòng trung tín mà mỗi người và mọi người cần tự đặt cho chính mình, mỗi lần và mọi lần tiến lên lãnh nhận Mình Thánh Chúa.

Mẹ Angelica, nhà sáng lập ra hệ thống EWTN, từng nói rằng “tôi sống là nhờ Thánh Thể” để nói lên tầm quan trọng của Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô trở thành hiện diện cho chúng ta trong Thánh Lễ.

Bề sâu của sự phụ thuộc trên vào sự Hiện diện Thực sự là điều mà mọi người Công Giáo nên suy gẫm một cách có hiệu quả, khi chúng ta sắp tiến tới lễ Mình Thánh Chúa vào ngày 6 tháng 6 tới. Cũng như mọi năm, lễ trọng này sẽ là dịp để làm chứng công khai cho sự kiện này là Chúa Kitô hiện diện, cả Mình và Máu, cả Linh hồn và Thần tính, trong Bí tích Thánh Thể. Nhưng Lễ Mình Thánh sẽ có thêm một chiều kích hân hoan cho năm 2021 tại Hoa Kỳ, vì nó xẩy đến vào đúng thời điểm mà ở nhiều nơi, các hạn chế về đại dịch đang được dỡ bỏ và các giáo phận đang khôi phục nghĩa vụ Chúa Nhật nhằm kêu gọi tín hữu trở lại tham dự Thánh lễ.

Đó chính là cách tăng cường mà chúng ta cần trong thời điểm chủ chốt này. Trước khi các sắc lệnh của chính phủ buộc các nhà thờ của chúng ta hạn chế quyền tiếp cận các bí tích để đối phó với đại dịch, căn cứ vào các số liệu thống kê, các vụ đóng cửa giáo xứ và quan sát chung chung, rõ ràng là niềm tin và thực hành Công Giáo đang xuống dốc. Và có những dấu hiệu đáng buồn khi một tỷ lệ phần trăm đáng kể người Công Giáo không thấy cần phải trở lại tham dự Thánh lễ dù các hạn chế COVID-19 đang được nới lỏng; Vào tháng Ba, Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York đã kêu gọi đoàn chiên của mình quay trở lại do sự kiện số người tham dự vào thời điểm đó đã giảm 50% trong tổng giáo phận của ngài.

Sự bất ổn trong niềm tin và thực hành cũng được xác nhận bởi cuộc thăm dò dư luận gần đây. Một cuộc thăm dò của EWTN / RealClear Opinion Research năm 2019 cho thấy chỉ 49% người Công Giáo tin vào Sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew cùng năm đã đặt con số này thậm chí còn thấp hơn, cho hay rằng “chỉ một phần ba người Công Giáo Hoa Kỳ (31%) nói rằng họ tin 'trong Thánh lễ Công Giáo, bánh và rượu thực sự trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu'”.
Có lẽ còn đáng lo ngại hơn nữa, 43% người Công Giáo được Pew thăm dò tin rằng chủ trương của chính Giáo hội là bánh và rượu mà các tín hữu lãnh nhận khi Rước lễ chỉ mang tính biểu tượng.

Sự hiểu lầm phổ biến trên về bản chất của bí tích trung tâm của Công Giáo có thể khiến hành động của các chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai nhưng vẫn tự tiến lên rước lễ, phần nào dễ hiểu hơn, nếu không muốn nói là ít gây phiền toái hơn. Dù sao, một người Công Giáo nghĩ rằng bí tích không hơn gì một biểu tượng, chứ không phải chính Chúa Giêsu, có nhiều xác suất không quan tâm đến việc rước lễ trong khi vi phạm các giáo huấn của Giáo hội về các chuyện xấu luân lý như phá thai. Tuy nhiên, bất kể mức độ không tin có thể tác động ra sao, nó vẫn nói lên một tai tiếng bất cứ khi nào một tín hữu sẵn lòng rước lễ mặc dù biết mình vi phạm giáo huấn của Giáo hội về một vấn đề có ý nghĩa căn bản.

Sự kết hợp giữa niềm tin vào Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu với tư tưởng và hành động nhất quán phù hợp với giáo huấn Giáo Hội được gọi là “sự nhất quán Thánh Thể”. Và việc áp dụng ý niệm này vào các chính trị gia đã được trình bày một cách hùng hồn nhất trong văn kiện Aparecida năm 2007 của các giám mục Mỹ Latinh.

Văn kiện trên quả quyết, “Chúng ta phải gắn bó với 'tính nhất quán Thánh Thể', nghĩa là, ý thức rằng họ [tức là, các nhà lập pháp, các người đứng đầu chính phủ và các chuyên gia y tế] không thể rước lễ mà đồng thời có những hành động hoặc lời nói chống lại các điều răn, nhất là khi phá thai, an tử, và những tội ác nghiêm trọng khác chống lại sự sống và gia đình được khuyến khích”.

Những người nghĩ rằng tuyên bố thẳng thắn trên - rằng các chính trị gia bất đồng không thể rước lễ - không cùng đường hướng với suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, quả là sai lầm. Thực thế, ngài đang phục vụ với tư cách là chủ tịch hội đồng giám mục Mỹ Latinh lúc văn kiện Aparecida được soạn thảo và chấp thuận. Người ta còn tin rằng chính ngài góp công lớn trpng việc soạn thảo văn kiện này.

Nhưng mọi người Công Giáo nên nhớ rằng tính nhất quán Thánh Thể không chỉ áp dụng vào trường hợp phá thai, mặc dù nó đặc biệt nổi bật trong bối cảnh các vấn đề đạo đức hàng đầu của thời đại chúng ta. Tính nhất quán của Thánh Thể chủ yếu không phải là vấn đề liệu Joe Biden hay Nancy Pelosi hay bất cứ chính trị gia nào khác có nên Rước Lễ hay không. Nó đặt ra câu hỏi về sự thật và lòng trung tín mà mỗi người và mọi người đều cần tự đặt cho chính mình, mỗi lần và mọi lần tiến lên lãnh nhận Mình Thánh Chúa.

Trong một lá thư vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 2021 gửi cho các giáo dân trong giáo phận của ngài, Đức Cha Thomas Olmsted của giáo phận Phoenix viết rằng, “Tính nhất quán Thánh Thể có nghĩa là tiếng 'Amen' của chúng ta thưa khi Rước Lễ không chỉ bao gồm việc công nhận Sự Hiện Diện Thực Sự mà còn là sự hiệp thông gắn bó với nhau bằng cách đón nhận và sống toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô được truyền lại cho chúng ta qua Giáo Hội".

Bức thư của Đức Giám Mục Olmsted là một trong số các thông điệp gửi đến các tín hữu gần đây đã thúc giục sự nhất quán Thánh Thể nhiều hơn, nhất là đối với các người Công Giáo trong đời sống công cộng. Các vị khác đã viết về chủ đề này bao gồm Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco và Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver.

Các vị giám mục khác đã nhận ra sự cần thiết phải truyền giảng Tin Mừng và dạy giáo lý cứng cáp hơn cho các tín hữu bằng cách khởi diễn Năm Thánh Thể, bắt đầu một cách thích hợp vào Lễ Trọng kính Mình Thánh Chúa. Allentown, Pennsylvania; Baltimore; Boston; New Orleans; Seattle; và Spokane, Washington, là một trong số các giáo phận tham gia một năm như vậy. Ý hướng là khuyến khích niềm tin vào sự Hiện diện Thực sự và cổ vũ sự hiểu biết tốt hơn này là khi Rước lễ, Chúa Giêsu tự hiến mình để cung cấp cho chúng ta ơn thánh ra đi chấp nhận các thách đố của thế giới và trở thành ánh sáng trong bóng tối, cũng như tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu nhờ sự hy sinh cứu độ của Người trên thập giá.

Các giám mục Hoa Kỳ dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề xứng đáng được rước lễ trong Đại hội đồng mùa xuân sắp tới. Đức Hồng Y Luis Ladaria, người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin, đã thúc giục các giám mục tìm kiếm sự hợp nhất khi các ngài “đối đầu với nhiệm vụ khó khăn là phân định cách tốt nhất để Giáo hội tại Hoa Kỳ làm chứng cho trách nhiệm luân lý nghiêm trọng phải bảo vệ sự sống con người trong tất cả các giai đoạn của các viên chức công cộng Công Giáo”. Ngài cũng yêu cầu rằng bất cứ văn kiện nào đề cập đến “bối cảnh rộng rãi của việc xứng đáng để được rước lễ về phần mọi tín hữu, chứ không chỉ một nhóm người Công Giáo nào đó mà thôi”.

Sự nhất trí của mọi giám mục đối với một chính sách quốc gia về các chính trị gia Công Giáo và việc rước lễ dường như là một dự án không thể nào vượt qua, xét vì các chia rẽ đã được trưng bày. Tuy nhiên, mọi giám mục phải có thể đồng ý rằng mỗi người trong số các ngài có trách nhiệm làm việc để củng cố niềm tin vào sự Hiện diện Thực sự nơi các tín hữu. Không có cách nào để người Công Giáo có thể làm men muối cho thế giới mà lại thiếu một đức tin như vậy.

Mẹ Angelica thường cầu nguyện vào lúc kết thúc buổi suy niệm về Thánh Thể như sau: “Lạy Chúa, nếu con thực sự đánh giá cao sự khiêm nhường uy nghi của Thánh Thể, nếu con hoàn toàn nắm được cơ hội tham dự vào chính bản tính của Ngài, thì điều này hẳn sẽ thay đổi đời sống con mãi mãi”.

“Xin Chúa Tăng cường tình yêu và lòng biết ơn của con đối với hồng phúc tuyệt vời này. Xin ban cho con đức tin để hiểu rằng Thánh Thể làm cho mọi sự trở nên khả hữu”.

Đó là loại đức tin phát sinh sự nhất quán Thánh Thể đích thực và đó là loại đức tin mà việc cử hành lễ Mình Thánh Chúa nên khuyến khích trong mọi người chúng ta – nhất là năm nay khi chúng ta thoát được đại dịch.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhớ về Đại Hội Công Giáo Việt Nam nước Đức.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:26 20/05/2021
Hằng năm, từ hơn 40 năm nay, vào dịp lễ mừng kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, người tín hữu Công Giáo Việt Nam bên nước Đức, có tập tục đạo đức tổ chức Đại Hội Công Giáo ba ngày liền, vừa mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống chung, và vừa là dịp mọi người giáo dân ở rải rác khắp nước Đức có dịp gặp gỡ nhau, cùng nhau sống đức tin vào Chúa trong tình liên đới.

Nhưng năm vừa qua ngày 31.05. 2020 và cả năm nay ngày 23.05. 2021 nữa, vì bệnh đại dịch do vi trùng vô hình Corana lây lan truyền nhiễm tàn phá đe doạ sức khoẻ đời sống con người trên toàn thế giới, nên không thể tổ chức Đại Hội như những năm trước được.

Hai năm không có Đại Hội càng gợi lại cho mọi người nhớ bầu không khí hình ảnh những lần Đại Hội của những năm trước đây.

Ban Chấp hành Liên đoàn Công Giáo, những qúi vị Đại Biểu các vùng hằng năm dành hai ngày cuối tuần lễ đầu tháng Mười Một họp bàn thảo lên phương án phân công tổ chức Đại Hội năm sau lế tiếp.

Nhưng nay ngưng đình trệ không có buổi họp chuẩn bị cuối tuần như thế nữa.

Rồi một ngày trước Đại hội, vào chiều ngày thứ Sáu, Ban chấp hành và các Ban Bệ đã tụ tập về khu trường học huấn nghệ ở Aschaffenburg, tích cực khẩn trương thu dọn sắp xếp trang trí khuôn viên trường học cùng hội trường mừng lễ, địa điểm các phòng ốc nơi ăn chốn nghỉ, cùng công việc cho ba ngày Đại Hội.

Nhưng nay cũng không có ngày giờ sửa soạn bận rộn như thế nữa.

Từ trưa ngày thứ bảy lễ vọng mừng kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, mọi người từ khắp các cộng đoàn trên khắp nước Đức với những chuyến xe búyt, xe cá nhân như đoàn hành hương trẩy về tham dự Đại hội trong tâm tình vui mừng vừa đạo đức và vừa sâu đậm tình con người với nhau. Không khí vùng khu trường học Aschaffenburg lẽ ra yên tĩnh vắng lặng ngày lễ nghỉ dài cuối tuần, bỗng lại trở nên nhộn nhịp rộn rã tiếng nói cười cùng mầu sắc do dòng người kéo đến tham dự Đại hội.

Nhưng hai năm liền 2020 và 2021 không khí rộn ràng tưng bừng đó không có nữa.

Vào buổi chiều ngày khai mạc Đại hội chính thức diễn ra với Thánh lễ vọng do giới trẻ phụ trách đón mừng ngày lễ trọng kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Rồi sau thánh lễ là giờ sinh hoạt tâm linh cho và với các Bạn trẻ, giờ dâng hoa kính Đức Mẹ, giờ Chầu Thánh Thể cho mọi người lớn, giờ cùng ăn uống chung thanh đạm kiểu dã chiến đứng ngồi tùy ý chọn chỗ trống, những tiếng vui cười rộn rã gặp lại nhau…

Tất cả còn là những kỷ niệm nhớ nhung về một thời Đại Hội ngày xưa. Hai năm nay không còn cảnh như thế nữa.

Ngày Chúa nhật, ngày lễ chính mừng kính trọng thể Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, là ngày đông đảo các tham dự viên đến đông nhất, có năm lên tới hàng hơn ba ngàn người, buổi sáng với giờ giảng thuyết, rồi thánh lễ trọng thể mừng lễ lúc 11.00 giờ, cơ hội giờ lãnh nhận Bí tích giải tội. Sau bữa ăn trưa là giờ sinh hoạt cho các trẻ em bạn trẻ, và buổi chiều tối có chương trình văn nghệ do chính các bạn trẻ trình diễn.

Những hình ảnh không khí đó từ hai năm nay không có diễn xảy ra, mà chỉ còn là dư âm in dấu vết trong tâm trí như những kỷ niệm thánh đức tốt đẹp của ngày xưa đã qua.

Ngày thứ Hai là ngày kết thúc Đại Hội với cuộc cung nghinh rước kiệu Đức Mẹ Lavang theo con đường bên cạnh bờ sông trong vùng khuôn viên trường học. Đức Mẹ Lavang là bổn mạng của Liên đoàn Công Giáo Việt Nam nước Đức, và sau đó là thánh lễ có dâng hoa mừng kính Đức Mẹ kết thúc ba ngày Đại Hội.

Bây giờ hai năm liền ngưng đình trệ không có biến cố cảnh sinh hoạt như thế nữa.

Quang cảnh truyền thống đạo đức văn hóa tưng bừng đó từ hai năm nay là những hình ảnh kỷ niệm thánh đức tốt đẹp còn in sâu đậm trong ký ức những người đã sống tham dự trải qua, và trong lịch sử Đại Hội.

Không chối cãi nơi các xứ đạo địa phương, nơi các Cộng đaòn Công Giáo Việt Nam nơi đây suốt năm phụng vụ đều có những sinh hoạt mục vụ đạo đức, tình yêu Thiên Chúa ở khắp mọi nơi vào mọi thời gian cho mọi con người trần gian. Nhưng những sinh hoạt mục vụ đạo đức ở ba ngày Đại hội có bầu khí đặc biệt khác thường.

Phải, nó mang đến cho người tham dự dấu vết kỷ niệm sống động sâu đậm. Vì họ được cùng sống trải qua chung với nhau trong một khuôn viên gần như một „ xứ đạo“ thuần túy Việt Nam thu gọn, gần như một „ gia đình“ về lối sống sinh hoạt ăn uống ngủ nghỉ, gặp gỡ giúp đỡ nhau, cùng về lề lối sống giữ đức tin chung hợp với nhau theo cung cách tình tự văn hóa Việt Nam, mà nơi địa phương sinh sống thiếu hoặc không có.

Nhiều Cộng đòan nhỏ nơi xa xôi vùng hẻo lánh không có thánh lễ bằng tiếng Việt Nam, không có giờ Chầu Thánh Thể, không có buổi rước kiệu dâng hoa…Nên những cung cách nề nếp sống đạo đức này là những kỷ niệm của ngày xưa bên xứ đạo quê nhà Việt Nam được khơi sống động lại trong ba ngày Đại Hội nơi tâm trí nhiều người.

Nhiều đôi vợ chồng trẻ đã không ngần ngại nói lên kỷ niệm gia đình của họ thành hình như ngày hôm nay là do họ đi tham dự Đại Hội xưa kia. Nơi đây họ có cơ hội gặp nhau. Và từ cơ hội gặp gỡ làm quen nhau, tình yêu đã nẩy nở cùng đi đến hôn nhân thành lập gia đình với nhau. Nhiều người đã nôm na hay thi vị cho vui gọi là „ mối tình Đại Hội!“.

Rồi cũng có nhiều người từ hằng chục năm trời mất liên lạc với nhau, tình cờ đi tham dự Đại Hội gặp lại nhau trong tâm trạng cảm động bất ngờ, nhưng rất vui mừng hạnh phúc. Và từ đó mối dây liên lạc tương quan được nối lại.

Rồi còn nhiều những trải nghiệm, những thông tin tốt đẹp, những cơ may cho nhiều người nữa không thể đếm kể sao cho hết được.

Những bậc ông bà cha mẹ, những người có trách nhiệm về việc đào tạo giáo dục cho tương lai con em bạn trẻ rất hạnh phúc vui mừng về Đại Hội. Vì đây là cơ hội tốt cho con em bạn trẻ có dịp biết làm quen cùng học hỏi sống góp nhặt làm giầu thêm kinh nghiệm về cung cách sống đạo theo nề nếp văn hóa nguồn gốc Việt Nam. Và họ cũng có mong ước Đại Hội sau này nên chú ý nhiều hơn đến giới trẻ, nhất là đời sống cùng tâm lý của người trẻ ngày hôm nay và mai sau. Các bạn trẻ yêu chuộng những gì cụ thể ngắn gọn dễ hiểu hợp với tâm thức thời đại gợi hứng cho có niềm vui phấn khởi, nhất là cho nếp sống tâm linh đạo đức.

Xin ca ngợi cùng cám ơn Ban Chấp hành Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam nước Đức, từ hằng hơn bốn thập niên qua đã cùng với qúi vị Đại Biểu các Vùng đã dấn thân hy sinh đứng ra chịu trách nhiệm lo lắng sắp xếp mua đặt những phần thực phẩm ăn uống, thuê mướn phòng ốc, thu dọn khu vệ sinh, phòng sinh hoạt, cùng lo việc tài chánh thu chi cho những ngày Đại Hội được diễn ra tốt đẹp thành công trong những lần Đại hội thời qúa khứ.

Họ là những vị có trách nhiệm về mọi khía cạnh tổ chức Đại Hội. Họ đến Đại Hội sớm trước nhất một ngày đề sửa soạn sắp xếp. Và họ là những người sau cùng trở về nhà sau khi Đại hội kết thúc. Vì họ phải thu dọn mọi sự cho sạch sẽ trật tự trao trả lại cho trường học, cho thành phố, như nguyên trạng lúc trước Đại Hội.

Gần hai năm nay cơn khủng hoảng đại dịch Corona lây lan truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ đời sống con người gây ra tình trạng khủng hoảng làm đình trệ mọi sinh hoạt đời sống xã hội cũng như tinh thần đạo gíao phải thu hẹp giới hạn hoặc hủy bỏ ngưng lại.

Và cơn khủng hỏang đại dịch gây ra bệnh nạn cho con người cùng cướp đi sự sống của hàng triệu người trên thế giới.

Trong những người mắc bệnh đại dịch Corona chắc rằng cũng có những người đã có lần cùng tham dự Đại Hội ở những năm trước.

Nhớ đến họ trong tâm tình nguyện cầu tình liên đới. Xin cho họ ơn trợ giúp an ủi bình phục chữa lành bằng an khoẻ mạnh của Thiên Chúa, Đấng là nguồn ơn chữa lành thể xác cùng tinh thần con người.

Cùng trong những người đã ra đi về đời sau trở thành người thiên cổ, vì bị vi trùng đại dịch Corona đe dọa tàn phá sự sống, chắc rằng cũng có những người trong qúa khứ đã có một hay nhiều lần cùng hành hương tham dự Đại Hội.

Xin thắp nén hương lòng cùng với lời kinh Vực Sâu tưởng nhớ cầu nguyện cho linh hồn họ được Thiên Thần Chúa dẫn đưa vào cửa nước sự sống lại trên nước Chúa.

Họ và chúng ta không còn gặp lại nhau trong những dịp Đại Hội ở trần gian nữa. Nhưng họ đợi gặp lại chúng ta vào kỳ Đại Hội mai sau trên nước Chúa!

Không có Đại Hội như những năm trước, nhưng chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội, như Đức Thánh Cha Phanxico kêu mời trong tháng Năm này cùng cầu nguyện xin Thiên Chúa nhờ lời bầu cửa của Đức Mẹ ban cho trần gian mau thoát khỏi bệnh đại dịch vị trùng Corona đang đe doạ tàn phá sức khoẻ đời sống con người.

Các trẻ em bạn trẻ trong các gia đình trong hoàn cảnh khủng hoảng đại dịch lúc này là những người thiệt thòi nhất. Có thể nói đời sống thể xác cùng tâm tính tinh thần của chúng chịu nhiều thua thiệt không chỉ ngày hôm nay, mà còn có ảnh hưởng không tích cực tốt đẹp sâu rộng cho con đường đời sống tương lai phát triển tuổi trẻ của chúng.

Nhớ nghĩ về chúng với tâm tình lòng thương cảm lo âu. Vì thế hệ của chúng đang trong giai đoạn thời kỳ phát triển lớn lên cả về thân xác cũng như tinh thần, mà từ những tháng ngày qua đời sống học hành sinh hoạt bị đe doạ chìm lặn trong giới hạn đình trệ thành dở dang tê liệt.

Cầu xin Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sức sống tuổi xuân xanh, ban ân đức cứu giúp tương lai tuổi trẻ có được bằng an mạnh khoẻ thể xác lẫn tinh thần, con đường học hành phát triển mau thoát ra khỏi cơn khủng hoảng khó khăn lúc này.

Trong tâm tình cầu nguyện cùng Đức Chúa Thánh Thần, nguồn ân đức sức mạnh và đổi mới, xin che chở gìn giữ Hội Thánh Chúa Giêsu ở trần gian và các gia đình chúng ta, những khi gặp bước đường khó khăn chao đảo bị thử thách vững tâm tin tưởng sống vượt qua bình an.

Hy vọng trong tương lai, khi cơn khủng hoảng đại dịch Corona qua đi, khi điều kiện y tế an ninh đời sống trở lại bình thường, chắc sẽ cùng nhau khởi động tổ chức lại truyền thống tập tục đạo đức tốt đẹp này.

Và như thế những hình ảnh kỷ niệm của những lần Đại hội những năm trước đây sống động cụ thể trở lại, như lời kinh thánh diễn tả: „ Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA! „( Tv 122,1).

Mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống 2021.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Giới thiệu tác phẩm Quán Nước Đầu Làng niềm tin Việt Nam
Lm. Nguyễn Trung Tây
11:33 20/05/2021
 
VietCatholic TV
Bi ai: Giáo Hội tại Ấn chới với, hàng trăm linh mục chết trong tháng qua. Nhà thờ không ai coi sóc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:36 20/05/2021


1. Tổn thất trong hàng giáo sĩ Công Giáo Ấn Độ trong một tháng qua vì coronavirus

Ít nhất 120 linh mục Công Giáo Ấn Ðộ đã chết vì Covid-19 trong tháng qua, bình quân bốn linh mục mỗi ngày, giữa lúc đại dịch đang làm cho 4,000 người thiệt mạng mỗi ngày trên toàn nước Ấn.

Cha Suresh Matthew, dòng Capuchino, chủ nhiệm tạp chí Công Giáo “Indian Currents” đã liệt kê danh tánh, giáo phận và dòng tu của 117 linh mục chết vì Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 10 tháng 4 đến 14 tháng 5 năm 2021, tại Ấn Ðộ. Cha nói với hãng tin Công Giáo Ucan, hôm 15 tháng 5 năm 2021 rằng: “Danh sách đó chưa đầy đủ. Chắc chắn là số người chết cao hơn, vì chúng tôi không có đầy đủ chi tiết về những linh mục tử vong trong đợt dịch thứ hai này”.

117 linh mục có tên trong danh sách thuộc cả ba nghi lễ: Latinh, Syro Malabar và Syro Malankara. Trong số đó, 48 vị thuộc các dòng tu, đứng đầu là dòng Tên với 19 linh mục. Con số linh mục tử vong sẽ tăng lên, khi có thêm thông tin từ 174 giáo phận tại Ấn Ðộ. Cha Matthew cũng nhận xét rằng: “Dầu sao danh sách sơ khởi này cũng rất đáng báo động, vì tuy đó chỉ là một số trong khoảng 30,000 linh mục tại Ấn, nhưng nếu mỗi ngày có bốn linh mục chết, thì đó là điều rất đáng lo đối với chúng tôi”.

Đức Cha Gerald Almeida, Giám mục giáo phận Jabalpur, bang Madhya Pradesh cho biết: “Nhiều linh mục chết vì không được săn sóc y tế kịp thời. Ðó thực là một tình trạng kinh khủng. Tôi cảm thấy bị sốc khi biết có nhiều linh mục tử vong như thế, khi mà các linh mục và ơn gọi linh mục rất khan hiếm tại đất nước này. Tôi sợ rằng số người chết rất cao trong số các linh mục và nữ tu và vì thế, tôi muốn nói với họ rằng họ không lẻ loi và chúng tôi đứng về phía họ. Chúng tôi phải làm sao để sức khỏe tinh thần của các linh mục và nữ tu được bảo vệ và cố gắng vượt thắng tai ương này”.

Đức Cha Almeida cho biết đã thành lập một trung tâm cách ly đặc biệt dành cho các linh mục và nữ tu để săn sóc họ và để kiến tạo sự tin tưởng nơi họ. Hiện nay có 26 nữ tu và 14 linh mục đang được săn sóc, chữa trị tại trung tâm cách ly này. Một bác sĩ đến khám bệnh cho họ mỗi ngày”.

Từ giữa tháng Tư đến nay, ở Ấn Ðộ mỗi ngày có hơn 300,000 ca nhiễm Coronavirus. Các nhà thương thiếu giường, thiếu dưỡng khí và các thuốc sinh tử cho các bệnh nhân.
Source:UCANews

2. Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit về yếu tính của niềm vui

Lễ Chúa Lên Trời hay còn được gọi là Lễ Thăng Thiên đánh dấu ngày Chúa Giêsu lên trời sau khi ngài chịu đóng đinh và phục sinh. Đó là ngày thứ 40 trong Mùa Phục sinh và diễn ra mười ngày trước Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Pháp là một trong số ít quốc gia cử hành Lễ Thăng Thiên, người Pháp gọi là L’Ascension, vào đúng ngày thứ Năm chứ không dời sang Chúa Nhật. Hơn thế nữa, L’Ascension là một ngày lễ nghỉ quốc gia tại Pháp. Các trường học và hầu hết các cơ sở kinh doanh đều đóng cửa.

Các Kitô hữu ở Pháp có thể tham dự các buổi lễ tại các nhà thờ đặc biệt để mừng Chúa Giêsu, như là niềm hy vọng và đích điểm của đời sống Kitô. L’Ascension cũng là cơ hội để dành thời gian cho gia đình và bạn bè hoặc tận hưởng tiết trời mùa xuân. L’Ascension rơi vào Thứ Năm nên nhiều người xin nghỉ luôn ngày Thứ Sáu và do đó, tận hưởng bốn ngày cuối tuần.

Chính vì thế, hôm Chúa Nhật 16 tháng 5, Đức Giám Mục Michel Aupetit của Paris đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật thứ 7 mùa Phục sinh, chứ không phải là lễ Thăng Thiên như ở nhiều nơi khác.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn bài giảng của ngài qua phần trình bày của Anh Chi.

Mở đầu bài giảng tại nhà thờ Saint-Germain l’Auxerrois, Đức Tổng Giám Mục nói:

Hôm nay tôi muốn tập trung vào câu hỏi cốt yếu về niềm vui. Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã nghe Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy nói với các con điều này để niềm vui của Thầy ở trong các con và niềm vui của các con được trọn vẹn” (Ga 15:11). Ngay cả ngày hôm nay, khi ngỏ lời với Cha của Người, Chúa Giêsu khẳng định: “Con nói như thế để họ có được niềm vui của con trong họ và tràn đầy niềm vui ấy”. Do đó, có một yếu tố rất quan trọng ở đây đối với cuộc sống của chúng ta như các tín hữu Kitô.

Điều gì mang lại cho chúng ta niềm vui? Dường như đó là tình yêu vì, tình yêu là mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các con” (Ga 13:34). Hôm nay chúng ta nghe trong lá thư thứ nhất của Thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu: ai sống trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy”.

Tình yêu và niềm vui được liên kết sâu sắc trong Kitô Giáo của chúng ta. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle từng nói: “Yêu là vui”. Nhưng nhà thơ Aragon đã trả lời: “Yêu là chết trong lòng”. Vậy chúng ta tin ai đây? Theo tôi, chúng ta nên tin triết gia Bergson, là người đã viết: “Tình yêu là chỉ dấu cho thấy cuộc sống đã thành công”.

Chúa Giêsu đang nói về điều gì khi ngài cầu nguyện với Cha về việc truyền đạt niềm vui của Ngài? Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu nói: “Phần con, con đến cùng Cha”. Điều mang lại niềm vui là đến với Chúa Cha, là nói tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa. Trong nhân tính của mình, Chúa Giêsu hiến mình cho Cha ngài vì tình yêu đối với thế gian. Đây là niềm vui của Người. Vào Lễ Truyền Tin, Đức Trinh Nữ nói xin vâng với Thiên Chúa và Mẹ tôn vinh Người trong kinh Magnificat của Mẹ. Niềm vui thực sự không phụ thuộc vào các sự kiện bên ngoài như vượt qua các kỳ thi hoặc đạt được một thành tích. Chắc chắn, điều này khiến chúng ta vui mừng trong một thời gian, nhưng chỉ trong một thời gian bởi vì, nếu sau đó là những trắc trở trên đường đời, niềm vui ấy sẽ biến mất.

Niềm vui mà Chúa Giêsu đề cập đến là một ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để đáp lại việc chúng ta chấp nhận tình yêu của Ngài bằng sự phó thác cả cuộc đời chúng ta. Niềm vui này ăn sâu vào chúng ta đến mức, ngay cả trong những thăng trầm lớn nhất, chúng ta vẫn giữ niềm vui này sâu xa trong mình.

Cá nhân tôi, tôi nhớ mình đã nhận được ân sủng ấy, khi tôi khuỵu gối xuống trong phòng ăn của mình sau một thời gian dài đấu tranh chống lại lời kêu gọi của Chúa. Ngày hôm đó tôi đã nói với tất cả bản thể của mình: “Ý muốn của Chúa sẽ được thực hiện” khi biết rằng cuộc sống của tôi không còn là của tôi nữa. Thật không thể hiểu nổi đối với tôi, trước đó, sự từ bỏ chính mình này khiến tôi cảm thấy đau đớn như mất đi tất cả, nhưng khi nó xảy đến tôi đã tràn ngập niềm vui siêu nhiên, một niềm vui chưa bao giờ rời bỏ tôi kể từ đó. Đó là niềm vui của những ai bước vào một tình yêu vượt quá cảm xúc của con người vì nó tương ứng với một hành động của ý chí đáp ứng điều răn lớn của tình yêu.

Niềm vui này mang tính giao tiếp, nó được tăng lên nhờ sự chia sẻ. Đó là lý do tại sao anh chị em không thể giữ nó cho riêng mình. Niềm vui này đến từ Chúa và dành cho tất cả mọi người. Đây là cách mà động lực truyền giáo được sinh ra. Tình yêu chỉ tồn tại để trao ban chính mình, vì “không có tình yêu nào cao cả hơn là hiến mạng sống cho người mình yêu”, cũng thế niềm vui sinh ra từ tình yêu là điều không thể cưỡng lại được, còn hơn cả Covid. Và đó là một cơ hội phi thường cho chúng ta vì không có vắc xin nào chống lại nổi niềm vui Kitô.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa Giêsu, Đấng cầu nguyện với Cha Người trong lời cầu nguyện tuyệt vời và đẹp đẽ này mà chúng ta gọi là lời cầu nguyện “tư tế” vì đó là của lễ của Người, để chúng ta có được niềm vui của Người trong chúng ta.

Source:L’Église Catholique À Paris
 
Đau đớn: Thánh giá tưởng niệm người mẹ quá cố của một linh mục ở New York bị xúc phạm nặng nề
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:11 20/05/2021


1. Thánh giá tại một nhà thờ ở New York bị phá phách

Một thánh giá tại một nhà thờ ở giáo phận Brooklyn đã bị phá hoại vào tuần trước trong một hành động mà các nhà điều tra cho là một tội ác vì thù hận đức tin.

“Đây thực sự là một hành động thù hận và hôm nay là ngày buồn nhất trong hai mươi năm của tôi tại giáo xứ này”, Đức ông David Cassato, cha sở của giáo xứ Thánh Athanasiô ở Brooklyn, New York, cho biết trong một thông cáo báo chí của giáo phận ngày 14 tháng Năm. Vụ phá hoại xảy ra tại nhà thờ Thánh Athanasiô, nằm trong khu Bensonhurst của Brooklyn.

Theo giáo phận, một cây thánh giá được lắp đặt bên ngoài nhà thờ vào năm 2010 đã bị lật đổ và nằm úp mặt xuống đất. Đức Ông Cassato phát hiện ra vụ phá hoại vào sáng ngày 14 tháng 5. Cây thánh giá này đã được lắp đặt để tưởng nhớ mẹ ngài.

Theo giáo xứ, một lá cờ Mỹ bên ngoài nhà xứ cũng bị đốt cháy.

“Tôi đã đến và nói chuyện với các học sinh trong trường về những gì đã xảy ra, và nói với họ rằng thù hận không bao giờ thắng”. Cha Cassato nói trong thông cáo báo chí. “Chúng ta đang và phải là một cộng đồng tiếp tục chia sẻ thông điệp của Lễ Phục sinh, đó là tình yêu, hy vọng và sự tha thứ”.

Giáo xứ có kế hoạch sửa chữa và lắp đặt lại cây thánh giá.

Giáo xứ St. Athanasius đã gửi một thông điệp công khai đến thủ phạm trên trang Facebook của họ: “Chúng tôi tha thứ cho bạn và chúng tôi đang cầu nguyện cho bạn!” Giáo xứ đã tổ chức một buổi cầu nguyện vào ngày 15 tháng 5 để phản ứng với vụ việc, hàng trăm người đã tham dự. Giáo phận đã yêu cầu bất kỳ ai có thông tin về vụ việc gọi cho Crime Stopper tại số (800) 577-TIPS (8477).
Source:Catholic News Agency

2. Sau khi Tòa án Tối cao thụ lý vụ kiện phá thai, Tòa Bạch Ốc tuyên bố ủng hộ phán quyết Roe chống Wade

Hôm thứ Hai, Tòa Bạch Ốc đã đưa ra tuyên bố ủng hộ việc phá thai hợp pháp và Đạo luật Bình đẳng.

Trước đó, vào sáng thứ Hai, Tòa án Tối cao đã đồng ý xem xét một thách thức đối với lệnh cấm của Mississippi đối với hầu hết các trường hợp phá thai sau khi thai được 15 tuần tuổi. Khi được hỏi về quyết định của tòa án đối với việc thụ lý vụ việc, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã không bình luận cụ thể về quyết định này, nhưng đưa ra một lời bảo vệ chung về việc phá thai hợp pháp.

“Trong bốn năm qua, các quyền quan trọng - như quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được lựa chọn - đã bị tàn phá và bị tấn công cực đoan, bao gồm cả việc thông qua luật pháp hà khắc của nhà nước”, Psaki nói trong cuộc họp báo hôm thứ Hai tại Tòa Bạch Ốc.

Bà nói, Tổng thống Biden “cam kết luật hóa phán quyết Roe”, năm 1973 của Tòa án Tối cao, đã hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc. Trong khi vận động tranh cử tổng thống vào năm 2020, Biden - một người luôn tự xưng mình là người Công Giáo - đã ủng hộ việc luật hóa phán quyết Roe và kêu gọi tài trợ phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân.

“Tổng thống và phó tổng thống cam kết bảo đảm rằng mọi người Mỹ đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả chăm sóc sức khỏe sinh sản, bất kể thu nhập, mã vùng, chủng tộc, tình trạng bảo hiểm y tế hay tình trạng nhập cư của họ”, Psaki nói.

Tòa Bạch Ốc cũng kêu gọi Quốc hội thông qua Đạo luật Bình đẳng. Các chuyên gia pháp lý đã cảnh báo rằng đạo luật này có thể cản trở tự do tôn giáo trên một số khía cạnh - ví dụ như việc bắt buộc các chủ doanh nghiệp phải phục vụ lễ cưới đồng giới trái với niềm tin tôn giáo của họ. Theo luật, những nơi tạm trú dành cho phụ nữ dựa trên tín ngưỡng có thể buộc phải tiếp những người là đàn ông về mặt sinh học nhưng lại tự xác định mình là phụ nữ. Hội trường nhà thờ có thể bị buộc phải tổ chức các sự kiện với những thông điệp trái ngược với những lời dạy về đức tin của họ.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ ngoại trưởng Iran, nói chuyện với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ về người Palestine

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với Ngoại trưởng Iran và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdo trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra nhằm chấm dứt bạo lực trong cuộc xung đột Israel-Gaza.

Đức Giáo Hoàng đã tiếp Mohammad Javad Zarif, nhà ngoại giao hàng đầu của Iran kể từ năm 2013, trong một buổi tiếp kiến riêng vào ngày 17 tháng 5 tại Điện Tông Tòa của Vatican.

Trong một bài đăng trên Twitter, Zarif nói rằng ông và Đức Giáo Hoàng đã “trao đổi quan điểm” về Palestine, đối thoại liên tôn và các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Phái đoàn chính phủ Iran cũng đã gặp gỡ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Dân nước.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan vào sáng ngày 17 tháng 5.

Theo một tuyên bố từ văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng “người Palestine sẽ tiếp tục bị tàn sát nếu cộng đồng quốc tế không trừng phạt Israel - quốc gia đang phạm tội chống lại loài người”.

Vatican không bình luận về nội dung của các cuộc thảo luận trong cuộc điện đàm với Erdogan hay cuộc gặp gỡ với Zarif.

Đại sứ Israel tại Ý đã đáp lại chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran tới Rôma bằng một bức thư ngỏ gửi Zarif cáo buộc Iran tài trợ và hỗ trợ cho quân Hamas.

“Tại sao bạn không công nhận quyền tồn tại của Israel? Hãy ngừng gieo rắc hận thù”, Đại sứ Dror Eydar viết.

“Câu hỏi đặt ra là: đến bao giờ phương Tây mới nhận ra rằng đằng sau những bộ vest lịch lãm, cà vạt và nụ cười là một hệ tư tưởng sát nhân tìm cách xóa sổ tất cả nền văn minh phương Tây? Cần phải thức tỉnh”, đại sứ Israel nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chấm dứt bạo lực trong xung đột Israel-Gaza vào cuối bài phát biểu tại buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của ngài vào ngày 16 tháng 5.

Tôi đang theo dõi với sự quan tâm rất lớn về những gì đang xảy ra ở Thánh Địa. Trong những ngày này, các cuộc đụng độ vũ trang bạo lực giữa Dải Gaza và Israel đã chiếm ưu thế, có nguy cơ biến thành vòng xoáy chết chóc và hủy diệt. Nhiều người đã bị thương và nhiều người vô tội đã chết. Trong số đó có cả trẻ em, và điều này thật khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Cái chết của họ là một dấu chỉ cho thấy nhiều người không muốn xây dựng tương lai, nhưng muốn phá hủy nó.

Hơn nữa, sự thù hận và bạo lực ngày càng gia tăng liên quan đến các thành phố khác nhau ở Israel là một vết thương nghiêm trọng cho tình huynh đệ và sự chung sống hòa bình giữa các công dân, sẽ khó chữa lành nếu chúng ta không mở lòng ra đối thoại ngay lập tức. Tôi tự hỏi: hận thù và báo thù sẽ dẫn đến đâu? Chúng ta có thực sự nghĩ rằng chúng ta có thể xây dựng hòa bình bằng cách phá hủy bên kia không? “Nhân danh Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra tất cả mọi người bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và là Đấng đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em” (xem Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại), tôi kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và, đối với những ai phải chịu trách nhiệm về việc đó, tôi kêu gọi hãy dẹp bỏ vũ khí và đi theo con đường hòa bình, dù cho phải nhờ đến sự giúp đỡ của Cộng đồng quốc tế.

Chúng ta hãy liên tục cầu nguyện để người Israel và người Palestine có thể tìm thấy con đường đối thoại và tha thứ, trở thành những người kiên nhẫn xây dựng hòa bình và công lý, mở ra từng bước cho một hy vọng chung, cho sự chung sống giữa các anh chị em với nhau.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân, đặc biệt là cho trẻ em; chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình cùng với Nữ Vương Hòa Bình.
Source:Catholic News Agency

4. Các trường Công Giáo đang mất học sinh với tỷ lệ kỷ lục, và hàng trăm trường phải đóng cửa

Các trường học Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ đang phải vật lộn để tồn tại, sau một năm đại dịch khiến nhiều gia đình không thể trả học phí và Giáo Hội không có thêm ngân quỹ để trang trải các khoản chênh lệch.

Theo Hiệp hội Giáo dục Công Giáo Quốc gia, ít nhất 209 trong số gần 6,000 trường học Công Giáo đã phải đóng cửa trong năm qua. Dự kiến sẽ có nhiều trường đóng cửa hơn vào mùa hè này và một số trường đã sử dụng GoFundMe trong nỗ lực duy trì hoạt động.

Trên toàn quốc, tỷ lệ nhập học tại các trường Công Giáo đã giảm 6,4% vào đầu năm học này, mức giảm lớn nhất trong một năm kể từ khi NCEA bắt đầu theo dõi dữ liệu như vậy vào những năm 1970.

Các giáo phận thành thị đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng: Việc ghi danh vào các trường do Tổng giáo phận Công Giáo Los Angeles điều hành đã giảm 12% vào đầu năm học này. Tại Tổng giáo phận New York, tỷ lệ ghi danh đã giảm 11%.

Các nhà lãnh đạo giáo dục Công Giáo cho biết trong khi việc ghi danh đã giảm trong nhiều thập kỷ, đại dịch đã làm tăng thêm những thách thức mà các trường đang phải đối mặt. Phần trăm dân số xác định là Công Giáo đã giảm xuống, đặc biệt là ở vùng Đông Bắc và Trung Tây. Các trường bán công và mạng lưới giáo dục tại nhà hiện thu hút những học sinh có thể đã từng đi học tại các trường Công Giáo. Học phí của các trường Công Giáo, mặc dù vẫn rẻ hơn hầu hết các trường tư, đã tăng lên mức trung bình khoảng $ 4,800 cho bậc tiểu học và $10,000 cho bậc trung học.
Source:Wall Street Journal